30/4 - 44 Năm Nhìn Lại - Sự đa dạng của Cộng đồng người Việt hải ngoại

Đặc trưng của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại các nước Tây phương là chống chế độ CSVN, yêu chuộng tự do dân chủ, luôn hỗ trợ công cuộc tranh đấu dân chủ của đồng bào ở quê nhà. Từ trái theo chiều kim đồng hồ: Các Cộng đồng Úc, Hoa Kỳ, Anh và Canada.

 

Trong lúc chiến cuộc tại miền Nam Việt Nam đang hấp hối, có khoảng 200.000 người Việt đã di tản khỏi đất nước, đi tỵ nạn cộng sản. Đa số những người này đã đến tỵ nạn tại Hoa Kỳ, một số rất ít sang Pháp. Nói chung đây là lực lượng nòng cốt đầu tiên đã cùng với một số du học sinh Viên Nam đi du học từ miền Nam trước năm 1975, tạo dựng ra Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại hải ngoại.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhiều người dân miền Nam còn ở lại hy vọng rằng, những người cộng sản thắng cuộc còn chút lương tâm sẽ sáng suốt hòa giải dân tộc và họ sẵn sàng bắt tay với chế độ CSVN để cùng xây dựng lại một đất nước trong hòa bình, thống nhất. Nhưng dần dần người ta vỡ mộng vì sự cai trị độc tài tàn bạo cùng với chính sách trả thù của chế độ, nên hàng triệu người buộc phải bỏ nước ra đi tỵ nạn bằng mọi cách. Cao điểm của làn sóng tỵ nạn trải dài từ những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước và cũng từ đó trong tự điển thế giới có thêm 2 chữ “boat people“.

Người Việt tỵ nạn cộng sản hầu hết được đón nhận định cư và sinh sống tại Hoa Kỳ, Úc Châu, Canada, Tây Âu Châu và Nhật Bản… Với tính hợp quần và có cùng một mẫu số chung là tỵ nạn cộng sản, nên người Việt di tản, vượt biên, vượt biển tại những nơi đây thường có khuynh hướng tập họp với nhau và dần dần mở rộng việc tạo dựng Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn CS, với nền tảng chung là ái hữu và chống cộng sản. Theo năm tháng Cộng Đồng ngày càng phát triển vì đón nhận thêm những đợt người Việt ra đi theo diện H.O. hoặc đoàn tụ gia đình, thân nhân O.D.P.

Cuối thập niên 80 thế kỷ 20 khi Liên Xô và khối cộng sản các nước Đông Âu như Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Bulgary,… có dấu hiệu lung lay trước khi sụp đổ, thì tại đây một số trong tổng số khoảng 300.000 người Việt – phần lớn là thành phần du học sinh và xuất khẩu lao động do nhà nước CSVN gởi đi sau năm 1975 đã quyết định vượt sang các nước Tây Âu xin tỵ nạn cộng sản. Số còn lại không trở về Việt Nam mà quyết bám trụ ở lại các nước Đông Âu.

Họ liên tục chứng kiến những đổi thay trên đất nước sở tại khi các nước này chuyển mình từ độc tài cộng sản sang tự do dân chủ. Họ cũng đã chịu không ít khó khăn cho cuộc sống từ sự chuyển mình lịch sử này của các nước Đông Âu. Tuy nhiên dù sao đối với họ thì các nước Đông Âu thời gian đó vẫn có cuộc sống tốt hơn là Việt Nam nhiều lần và nhiều mặt.

Không như những người Việt tỵ nạn cộng sản định cư tại các nước Tây phương, người Việt tại Đông Âu ngoài các vất vả về mưu sinh cuộc sống, họ còn phải lo âu về tình trạng cư trú và chịu nhiều lệ thuộc gánh nặng hành chính do chính các Tòa Đại Sứ CSVN gây ra. Tuy ít nhiều nhận thức được bộ mặt thật độc tài đảng trị của chế độ CSVN nhưng vì còn bị nhiều ràng buộc với quê nhà nên họ không như những người Việt tại phía Tây mà chỉ chú tâm làm kinh tế.

Với tính hợp quần và có mẫu số chung là chỉ làm kinh tế nên dần dần những người Việt tại đây cũng đã tạo nên một chỗ đứng cho mình với những đặc thù của một xã hội Việt Nam thu nhỏ. Đây có thể xem như bước đầu hình thành Cộng Đồng Người Việt Đông Âu.

Khi tình trạng kinh tế tại Việt Nam ngày càng tồi tệ mặc dù chế độ đã chấp nhận, “đổi mới” và áp dụng nền kinh tế thị trường nhưng vẫn gắn thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa thì số lượng người Việt tìm mọi cách đến các nước Đông Âu để mong được đổi đời ngày càng đông đảo mà phần lớn bằng con đường bất hợp pháp.

Cho đến năm 2000, khi nói đến Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại thì người ta thấy có hai hình thái cộng đồng khác nhau, thứ nhất là Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở các quốc gia Tây Âu, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản và thứ hai là Cộng Đồng Người Việt ở Đông Âu.

Với một lực lượng hàng triệu người của Cộng Đồng NVTNCS tại Tây Âu và Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu có tiềm lực dồi dào về kinh tế, chính trị, kiến thức, kinh nghiệm, và ý chí chống cộng mạnh mẽ như vậy, thì đương nhiên CSVN tìm cách xâm nhập để chiêu dụ và lũng đoạn là chuyện họ phải làm.

Và để nâng lên thành một chính sách nên vào ngày 26 tháng 3 năm 2004, Bộ Chính Trị CSVN đã ban hành Nghị Quyết số 36 gọi là “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” một mặt nhằm chiêu dụ người Việt hải ngoại đem tiền bạc, chất xám về để “xây dựng đất nước” dưới sự lãnh đạo của CSVN, mặt khác là xâm nhập, lũng đoạn, phá hoại các đoàn thể, tổ chức, các cơ quan truyền thông có uy tín trong khối người tỵ nạn đang sống ở hầu hết các quốc gia Hoa Kỳ, Úc Châu, Canada và Tây Âu… để triệt tiêu sức đề kháng cộng sản của Cộng Đồng.

Tuy nhiên cho tới hôm nay có thể nói Nghị quyết 36 hoàn toàn thất bại vì 2 yếu tố chính đó là vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam và lá cờ vàng 3 sọc đỏ biểu tượng tự do của người Việt hải ngoại. Đó cũng là mẫu số chung của người Việt hải ngoại mà CS dù có dùng nhiều tiền bạc để mua chuộc, lũng đoạn… nhưng cũng không thể vượt qua được.

Trước xu thế toàn cầu hóa ngày càng thúc bách đòi hỏi chế độ CSVN buộc phải mở cửa hội nhập với thế giới để sống còn. Điều này đã tạo cơ hội cho người Việt đi ra bên ngoài dưới nhiều dạng thức khác nhau mà không còn thuần tuý tỵ nạn cộng sản như những người ra đi vào những năm cuối thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.

Ngày hôm nay (2019) Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại bao gồm nhiều thành phần như tỵ nạn cộng sản, lao động hợp tác, du học sinh, di dân theo diện đầu tư kinh tế, thân nhân của cán bộ bỏ trốn ra nước ngoài… mà con số theo ước tính có thể lên đến khoảng 3 triệu người và đang sinh sống ở gần 90 nước trên thế giới.

Sự chan hòa người Việt hải ngoại với nhiều sắc thái và khuynh hướng khác nhau nhưng tựu chung có thể:

– Không hài lòng về tình hình Việt Nam với những thảm kịch xã hội xuống cấp;

– Không hài lòng sự lệ thuộc của chế độ vào Trung Cộng khiến nguy cơ mất nước gần kề;

– Mong muốn đất nước thay đổi với thể chế tự do dân chủ.

Mặc dù âm mưu tìm cách xâm nhập, chiêu dụ, lũng đoạn Cộng Đồng trước và sau cái gọi là Nghị Quyết 36 của CSVN thất bại, nhưng đến nay họ vẫn chưa chịu từ bỏ. Nhưng với ý chí tranh đấu cho tự do và hỗ trợ phong trào dân chủ còn rất mạnh mẽ của khối người Việt yêu chuộng tự do dân chủ nên cho đến hôm nay thành phần cộng sản và cờ đỏ sao vàng chưa dám xuất hiện công khai trong Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Hải Ngoại.

Đây là điểm son của người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại sau 44 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư.

Nguyễn Thanh Văn
https://viettan.org/su-da-dang-cua-cong-dong-nguoi-viet-hai-ngoai/