Hy Lạp: Đồng minh mới của Mỹ ở Địa trung hải

Trong một thời gian dài, Mỹ đã dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy các lợi ích của mình trong khu vực. Nhưng vì chính sách khôn lường của Erdogan, Washington đang tìm kiếm các giải pháp thay thế và đang chuyển hướng sang Hy Lạp. Điều đó có thể gây ra hậu quả cho toàn bộ khu vực Địa Trung Hải.

USS Eisenhower là một tàu chiến quan trọng của Mỹ. Chính nhờ con tầu này mà máy bay phản lực của Mỹ đã cất cánh trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố IS, nó đã hoạt động trong cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh và hỗ trợ nhiệm vụ tác chiến ở Afghanistan. Tháng 3 vừa qua, con tầu này đi vào Địa Trung Hải và lên đường đến đảo Creta của Hy Lạp.

Ở đó USS Eisenhower đã tiếp đón một vị khách nổi tiếng: Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis của Hy Lạp. Ông tuyên bố: “Liên minh giữa hai nước chúng ta đang chặt chẽ hơn bao giờ hết. Đại sứ Hoa Kỳ Geoffrey Pyatt trả lời: “Tôi xin thay mặt Tổng thống Biden (…) xin khẳng định chúng tôi quyết định đưa mối quan hệ giữa hai nước chúng ta lên một tầm cao hơn nữa.”

Là điểm kết nối giữa châu Âu, Trung Đông và châu Phi, Địa Trung Hải có tầm quan trọng chiến lược, không chỉ với các nước láng giềng, mà còn với cả các cường quốc là đối thủ cạnh tranh trên thế giới. Trong một thời gian dài Mỹ đã dựa vào đối tác NATO là Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy các lợi ích của mình tại đây. Nhưng kể từ khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan liên tục có những hành động đi ngược lại các lợi ích của phương Tây, Ankara bị coi là một ứng cử viên thiếu vững chắc.

Trong khi đó, Hy Lạp đang cố gắng hết sức để thể hiện bản thân là một giải pháp thay thế đáng tin cậy. Thổ Nhĩ Kỳ không hề hài lòng về điều này. “Cả nước Hy Lạp đã trở thành căn cứ của Mỹ”, ông Erdogan phàn nàn hồi giữa tháng 11. Washington đã “chọn nhầm đối tác”.

Thật vậy, mối quan tâm của Mỹ đối với khu vực này đang thay đổi. Hồi tháng 10, Washington và Athen đã gia hạn hợp đồng sử dụng căn cứ hải quân và không quân tại Souda trên đảo Creta trong 5 năm, nơi Mitsotakis đã đến thăm chiến hạm USS Eisenhower. Cho đến lúc đó, hiệp định này đã phải đàm phán lại hàng năm.

Hoa Kỳ cũng có thể được sử dụng một số căn cứ mới trong tương lai, như các sân bay ở miền trung Hy Lạp và cảng Alexandroupolis có tầm quan trọng chiến lược gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó, các hoạt động quân sự ở Balkan, Đông Âu và Đông Địa Trung Hải sẽ được hỗ trợ về mặt hậu cần.

Endy Zemenides, giám đốc điều hành của Hội đồng Lãnh đạo Mỹ - Hy Lạp (HALC), cho biết: “Theo quan điểm chung hiện nay, Hy Lạp là quốc gia tuyến đầu bảo vệ các lợi ích an ninh của phương Tây và Mỹ”. Ông nói về sự tái tổ chức ở khu vực Địa Trung Hải, nơi Hy Lạp, Síp và Israel là trung tâm. Các quốc gia muốn hợp tác trong lĩnh vực khí đốt thiên nhiên đang hình thành xung quanh ba quốc gia này, Ai Cập và Jordan nằm trong số đó; EU và Mỹ có tư cách là quan sát viên.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở bên ngoài, đó là lý do tại sao Ankara nhìn tổ chức này với con mắt ngờ vực. Từ lâu, điều này không chỉ có ý nghĩa về lợi ích kinh tế. Zemenides nói: “Nếu bạn bắt đầu thể chế hóa sự hợp tác trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên, thì ắt sẽ dẫn đến một sự hợp tác liên quan đến an ninh và chính trị. Ngay từ bây giờ chúng ta đã nhận thức được điều đó.”

Nhờ vị trí địa lý của mình, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một bên đóng vai trò quan trọng trong NATO ở khu vực Địa Trung Hải, Biển Đen và Caucasia. Nước này có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dòng người di cư, qua đó đã giúp EU thoát một lộ trình đầy khó khăn. Tuy nhiên, việc Erdogan hợp tác với Nga chống lại lợi ích của Mỹ đã khiến cho quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng và bị ảnh hưởng lâu dài.

Ankara phần lớn bị cô lập về chính sách đối ngoại, trong khi Athen đã thành công trong việc tạo dựng các liên minh. Chiến lược của Hy Lạp là nhằm “thu hẹp khoảng cách và tận dụng căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều nước khác”, cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ömer Önhon cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Karar. Trong trường hợp của Hy Lạp, không có căng thẳng nào gây gánh nặng cho mối quan hệ với Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thậm chí còn gọi Hy Lạp là “nhà lãnh đạo khu vực và trụ cột của sự ổn định”.

Một số nhà quan sát coi Athens là đối tác tốt hơn và kêu gọi nên có sự chuyển dịch nhất quán hơn nữa từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp. Một báo cáo gần đây của Viện Do Thái về An ninh Quốc gia của Mỹ (JINSA), đã đề cập Vịnh Souda ở Creta như một sự thay thế cho căn cứ không quân Incirlik của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại có thể gây nguy hại cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đó.

Zemenides cho biết, mặc dù có thể thay thế Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò đối tác an ninh, nhưng đây không phải là mục tiêu của Mỹ, Hy Lạp, Síp hay Israel. Với tư cách là một “nhà nước pháp quyền và một đồng minh đáng tin cậy”, Ankara vẫn có nhiều giá trị ở trong khu vực. Mối quan hệ đối tác chặt chẽ của Mỹ với Hy Lạp nên được hiểu như một thông điệp: người ta đã có các giải pháp thay thế . Zemenides nói: “Chúng tôi cố gắng bắn ra tín hiệu: Hãy chú ý, con tầu sắp rời bến mà vẫn chưa thấy bạn. Hiện chúng tôi vẫn chờ đợi xem liệu thông điệp này có đến được Ankara hay không.”
----
* Nguồn tiếng Anh: “Griechenland: Der neue US-Verbündete im Mittelmeer”, WELT, 13/12/2021. Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
* Nguồn tiếng Việt: http://nghiencuuquocte.org/.../hy-lap-dong-minh-moi-cua.../