Kết quả xét nghiệm virus Corona có đáng tin hay không?

Các kỹ thuật viên xét nghiệm COVID-19 tại một phòng thí nghiệm ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc hôm 12 Tháng Hai, 2020. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

HỒ BẮC, Trung Quốc (Reuters) – Sau khi tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm virus Corona tăng vọt hôm Thứ Tư, 12 Tháng Hai, người ta càng thêm lo ngại về tính chính xác của các xét nghiệm.

Reuters cho hay, nhiều câu chuyện ở một số nước cho thấy có người nhận đến sáu kết quả âm tính, nhưng cuối cùng lại được chẩn đoán mắc bệnh.

Trong khi đó, các giới chức ở Hồ Bắc, tâm điểm của dịch COVID-19, đã bắt đầu đếm số bệnh nhân bằng cách nhìn vô triệu chứng chứ không dùng xét nghiệm để xác nhận.

Kết quả là gần 15,000 ca nhiễm mới được phát hiện chỉ trong một ngày – chiếm một phần tư tổng số ca nhiễm hiện tại trên toàn thế giới.

Những xét nghiệm này là như thế nào? 

Làm xét nghiệm chủ yếu là tìm ra mã di truyền của virus.

Người ta lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Sau đó, trong phòng thí nghiệm, mã di truyền của virus (nếu có), được tách ra rồi nhân lên nhiều lần, làm tăng số lượng để dễ phát hiện.

Kiểu xét nghiệm này gọi là “RT-PCR,” thường được dùng trong y khoa để chẩn đoán những loại virus như HIV và cảm cúm.

“Nhìn chung, kiểu xét nghiệm này rất đáng tin cậy, tỷ lệ sai sót về dương tính lẫn âm tính đều rất thấp,” Tiến Sĩ Nathalie MacDermott thuộc King’s College London cho biết. 

Nhưng tình hình hiện nay có vấn đề gì không?

Theo kết quả nghiên cứu trên tạp chí Radiology (X-Quang), trong số 167 bệnh nhân, có năm người xét nghiệm âm tính với virus Corona mặc dù kết quả chụp hình phổi cho thấy họ mắc bệnh. Rồi vào một ngày khác sau đó, họ lại xét nghiệm dương tính.

Và có nhiều trường hợp tương tự như vậy, như trường hợp của bác sĩ người Trung Quốc Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về virus Corona và cuối cùng thiệt mạng vì nó.

Bác Sĩ Lượng từng cho biết, anh đã làm xét nghiệm nhiều lần mà lần nào cũng cho kết quả âm tính, nhưng cuối cùng anh lại được chẩn đoán mắc bệnh.

Các ký giả Trung Quốc đã tìm ra được nhiều trường hợp khác, trong đó có người xét nghiệm âm tính sáu lần, nhưng đến lần thứ bảy thì được xác nhận là mắc bệnh.

Những trường hợp như vậy cũng xảy ra ở các nước bị nhiễm dịch COVID-19 như Singapore và Thái Lan.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Tiến Sĩ Nancy Messionnier của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC, thừa nhận một số xét nghiệm của CDC đang cho kết quả “không xác định.”

Vậy thì chuyện gì đang xảy ra?

Có thể kết quả xét nghiệm là chính xác và bệnh nhân không nhiễm virus Corona vào thời điểm làm xét nghiệm.

Cũng cần nhớ rằng bây giờ là mùa cảm cúm ở Trung Quốc nên bệnh nhân có thể lẫn lộn những bệnh này với bệnh COVID-19.

“Những dấu hiệu ban đầu khi bị nhiễm virus Corona cũng rất giống với những loại virus về hô hấp khác,” Tiến Sĩ MacDermott giải thích. “Có thể lúc đầu xét nghiệm, họ chưa bị nhiễm. Nhưng qua thời gian, họ bắt đầu nhiễm bệnh và sau đó xét nghiệm dương tính với virus Corona.”

Một khả năng khác là bệnh nhân thực sự nhiễm virus Corona nhưng vì còn ở giai đoạn quá sớm nên chưa đủ để phát hiện.

Thậm chí xét nghiệm RT-PCR giúp tăng số lượng vật liệu di truyền rất nhiều, tuy nhiên, cũng cần có thời gian.

“Nhưng xét nghiệm đến sáu lần mà cũng sai thì không hiểu nổi,” Tiến Sĩ MacDermott nói.

“Thời dịch Ebola, sau mỗi kết quả âm tính, chúng tôi luôn phải chờ 72 tiếng đồng hồ để cho virus thời gian.”

Một giả thuyết khác, có thể cách làm xét nghiệm hiện tại đang có vấn đề.

Các bác sĩ thường lấy tăm bông y tế quẹt vô cổ họng bệnh nhân.

“Họ chỉ quẹt sơ hay quẹt kỹ?” Tiến Sĩ MacDermott thắc mắc.

Và nếu các mẫu bệnh phẩm này không được cất giữ và xử lý đúng cách, thì xét nghiệm có thể không hiệu quả.

Ngoài ra, thời gian qua, người ta cũng bàn tán về việc liệu cổ họng có phải là nơi kiểm tra chính xác hay không.

Đây là bệnh viêm phổi sâu, chứ không phải viêm mũi hay cổ họng.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân ho, thì có lẽ cũng có vài con virus văng lên đến đó nên có thể phát hiện được.

Một giả thuyết cuối cùng, xét nghiệm RT-PCR tìm virus Corona hiện nay dựa trên cách làm khoa học sai.

Muốn làm ra phương pháp xét nghiệm, trước tiên, các nhà nghiên cứu phải chọn một vùng nào đó trong mã di truyền của virus.

Vùng này được gọi là “primer.” Nó sẽ kết hợp với mã di truyền tương ứng của virus rồi giúp làm tăng số lượng. Các nhà khoa học cố chọn vùng nào trong mã di truyền của virus mà họ cho rằng sẽ không biến thể.

Nhưng nếu giữa primer và con virus trong bệnh nhân không tương đồng nhiều với nhau, thì bệnh nhân có thể nhận kết quả âm tính dù nhiễm bệnh.

Theo Tiến Sĩ MacDermottVào lúc này, không thể biết chính xác nguyên nhân là gì nên chưa thể rút ra kinh nghiệm.

“Nhưng vấn đề này cho chúng ta thấy rõ là nếu bệnh nhân tiếp tục phát triệu chứng, thì cần phải xét nghiệm lại.”