NHỮNG ÁNH ĐÈN NHẤP NHÁY

Có ba vấn đề khá lớn mà mỗi chúng ta cần phải chú ý trong tình cảnh hiện tại.

Thứ nhất là, ngân sách đang ngày càng cạn kiệt, mà nợ công ngày càng cao, trong khi mỗi ngày phải trả nợ cho các khoản vay của chính phủ là khoảng gần 800 tỷ đồng, mỗi năm là khoảng 23.000 tỷ đồng. Riêng dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, mặc dù đã thấy rõ sự thất bại của dự án trọng điểm quốc gia mà số vốn lên tới gần 1 tỷ USD, nhưng tính ra, mỗi năm, Việt Nam phải trả cho phía (nhà thầu) Trung Quốc khoảng 30 triệu đô-la, tương đương khoảng hơn 650 tỷ đồng.

Thứ hai là, đang có một đề xuất dự án lên tới 1.400 tỷ đồng (tức khoảng 65 triệu Mỹ kim) để xây dựng nghĩa trang dành cho cán bộ cấp cao được an nghỉ khi trở về cõi chết. Ai cũng biết rằng, cọp chết để da, người chết để tiếng. Nên chuyện xây dựng “mái nhà nơi nghĩa địa” khi đã lìa đời về với cát bụi hư vô là một điều đi ngược lại những giá trị cơ bản và cốt lõi của con người văn minh, của xã hội trọng và hiểu đạo. Ngay cả những kẻ đứng trên đỉnh cao quyền lực, khi cai trị xã hội bằng quyền lực độc tài và hung bạo, luôn bắt người dân phải thần phục và hô vang vạn tuế hay muôn đời vinh quang, khắp nơi bắt xây và dựng tượng mình làm biểu tượng trường tồn trong xã hội, nhưng khi chết đi, những bức tượng đất sét, bằng đá hay đúc đồng, đều bị nhân dân phẫn nộ đập bỏ và phỉ nhổ đến muôn đời sau. Nhà triết học Aristoles đã nói, giá trị thực sự của một đời người là ở năng lực suy nghĩ và giác ngộ chứ không phải ở việc sinh tồn. Nhà toán học lừng danh Euclide thì nói, nhân nghĩa làm cao con người, tiền tài danh vọng làm nhục con người. Nhà văn Kafka cũng dặn dò, bất kỳ thứ gì muốn có một giá trị thực sự và vĩnh hằng đều phải được phát sinh từ nội tại của nó. Và Henri Bergson nhấn mạnh thêm rằng, lòng hư vinh khó có thể coi là một hành động xấu xa, nhưng tất cả các hành động xấu xa đều bắt nguồn từ lòng hư vinh. Nên càng cố bấu víu vào những thứ vật chất và hư vinh, không chỉ khi sống mà ngay cả sau khi chết đè lên xương cốt dưới đất, thì dòng sông lịch sử sẽ nhấn chìm những thứ ấy xuống dưới đáy sâu.

 
 

 

Thứ ba là, chỉ trong năm 2017 đã có tới 1.141 người được phong học hàm giáo sư, phó giáo sư. Như vậy, với gói đề án đào tạo 9.000 tiến sỹ bằng một số tiền khổng lồ lên tới 12.000 tỷ đồng, cho thấy mục tiêu đạt được con số này là hết sức khả quan nếu đối chiếu với tỷ lệ 1 năm có tới 1.200 giáo sư, phó giáo sư được bình xét. Tức chỉ sau 7.5 năm là chúng ta sẽ hoàn thành được dự án đào tạo số tiến sỹ mà Bộ Giáo dục đã vừa đưa ra và đang gấp rút thực hiện. Bằng cấp đã trở nên là một vấn nạn thực sự báo động cho cả nền giáo dục và kéo theo nhận thức xã hội ngày càng trầm trọng về căn bệnh háo danh này. Giáo dục là cuộc sống, là nơi không chỉ để có những tấm bằng ghi danh, mà nó là nơi để tìm kiếm những con người khai phá được những tri thức mới, và hữu ích đối với con người và xã hội. Trong khi đó, quốc gia chúng ta về chỉ số đóng góp cho nhân loại là gần như bằng không, là đất nước có nền giáo dục tụt hậu nhất khối Asean, và lực lượng lao động có năng suất thấp nhất Đông Nam Á và châu Á, nhưng ngược lại, Việt Nam lại là một trong số những nước có số lượng tiến sỹ, giáo sư nhiều nhất trong khu vực cũng như châu lục. Một năm trung bình cứ 5 tiến sỹ mới có 1 bài báo (đề tài) được công bố trên tạp chí quốc tế. Và nghịch lý hơn nữa đó là số lượng người có bằng tiến sỹ, học hàm giáo sư, phó giáo sư làm việc trong khu vực nhà nước (là cán bộ, công chức, tức không dành cho công tác nghiên cứu khoa học hay hoạt động chuyên môn) chiếm tới gần 60%. Chúng ta đang thực sự rơi vào khủng hoảng đối với toàn bộ một nền giáo dục, không chỉ ở các cấp học cơ sở mà cấp học bậc cao, không chỉ trong một vài mặt mà ở gần như tất thảy, không chỉ ở một vài lĩnh vực mà hầu hết đều suy thoái và tha hoá.

Quốc gia thực sự đang rơi vào những cùng cực và bế tắc dường như khó thể nào cứu vãn nổi. Nếu không kịp thay đổi, chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường mà không sớm thì muộn rồi chúng sẽ xảy ra nếu không có một phương án nào khả dĩ.

FB Luân Lê