Cuồng tin giả!

Nhiều người trên mạng xã hội gọi chiến thắng của ứng cử viên Joe Biden là “fake news.”
(Hình minh họa: Chandan Khanna/AFP via Getty Images)

Mạnh Kim

Tình trạng bùng nổ tin giả mỗi lúc mỗi nghiêm trọng. Từng nở rộ suốt bốn năm qua nhưng tin giả ngày càng lan rộng với đủ biến thái méo mó bệnh hoạn từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

“Barack Obama bị bắt,” “George Soros bị thộp,” “Joe Biden sa lưới pháp luật,”… Những tin tức như thế tràn lan như nước lũ vỡ bờ. Mức độ phát tán tin giả dữ dội hơn khi tin giả được háo hức chia sẻ từ những facebooker có lượng người theo dõi đông. Mặt trái của mạng xã hội mỗi lúc mỗi thấy rõ khi Twitter lẫn Facebook bất lực để tin giả thao túng và tàn phá niềm tin vào sự thật.

Dưới đây là vài tin giả phổ biến những ngày qua…

Facebook không gỡ “chức danh” “Tổng Thống Đắc Cử” của Joe Biden

Những người ủng hộ Tổng Thống Donald Trump đã háo hức và khoái trá chia sẻ nguồn tin rằng Facebook gỡ cụm từ “Tổng Thống Đắc Cử” khỏi trang Facebook của ông Joe Biden; và thay bằng “thượng nghị sĩ, phó tổng thống, ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ 2020, chồng của Jill.” “Bản tin” này đến từ đâu? Nó bắt nguồn từ một tweet của Chuck Callesto, người tranh cử thất bại ghế Hạ Viện ở Florida. “Tin nóng hổi: Facebook đã gỡ danh xưng Tổng Thống Đắc Cử khỏi trang Facebook của Joe Biden và chỉ xem Biden là chính trị gia,” Chuck Callesto tweet.

Tuy nhiên, bộ phận kiểm tin của tờ USA Today cùng một số hãng tin lớn như Reuters, AP, AFP đã kiểm tra và khẳng định việc này chưa từng xảy ra. Thư viện kỹ thuật số Internet Archives Wayback Machine cho thấy, ngày 7 Tháng Năm, 2020, không lâu sau khi Joe Biden tuyên bố tranh cử, trang Facebook của ông ghi ông là “chính trị gia.” Và danh xưng này vẫn giữ như vậy cho đến ngày 7 Tháng Mười Một, 2020, khi các hãng tin dự phóng Biden là Tổng Thống Đắc Cử. Đến ngày 27 Tháng Mười Một, 2020, trang Facebook của Joe Biden vẫn ghi ông là “chính trị gia” (thời điểm hiện tại không ghi bất kỳ danh xưng gì). Phát ngôn viên Facebook trả lời USA Today rằng việc ghi danh xưng thuộc về người quản trị trang chứ không phải Facebook.

Cùng thời điểm “Facebook gỡ danh xưng Tổng Thống Đắc Cử của Joe Biden,” còn xuất hiện một trang của “Nhóm Pháp Lý,” loan rằng (ngày 15 Tháng Mười Một, 2020): “Quốc Hội Hoa Kỳ đã ra thông báo chính thức rằng không có tổng thống đắc cử nào tính đến thời điểm này. Điều này có nghĩa rằng, Joe Biden đã sai khi xưng là Tổng Thống Đắc Cử…”. Chẳng có “Quốc Hội Mỹ” nào tuyên bố như thế. Không chỉ Joe Biden. Ngay cả ông Trump cũng bị “chơi.” Có tin rằng Facebook đã gỡ danh xưng “Tổng Thống” của ông Trump và thay bằng “ứng cử viên chính trị” (“Political Candidate”). Dĩ nhiên tin này cũng thuộc loại “tin vịt cồ.”

Trát bắt Joe Biden

Giữa Tháng Mười Một, 2020, nhiều tài khoản Facebook và Instagram đã post ảnh chụp màn hình một “chứng cứ pháp lý” được tin là trát bắt Tổng Thống Tân Cử Joe Biden. “Trát truy nã” cho thấy, một “tòa án” Mỹ đã quyết định vào ngày 25 Tháng Tám, 2014, truy bắt Joe Biden và giam ở nhà tù Guantanamo để thẩm vấn việc ông liên quan đến cái chết của John F. Kennedy Jr., cùng hàng loạt tội danh khác như “phản quốc, gian lận, buôn người, ấu dâm và các tội ác chống nhân loại.” “Tài liệu” này xuất hiện đầu tiên trên YouTube ngày 13 Tháng Mười Một trong một video mà người trong clip, Cindy K. Currier, nói rằng mình có trong tay trát của tòa “Court of Ages.” USA Today và Reuters đã phải bỏ công đi “tìm” cái tòa “Court of Ages” và kết luận rằng nước Mỹ lẫn thế giới chẳng có cái tòa nào như thế.

Cùng với tin trên, còn có tin ông Joe Biden bị truy nã ở Ukraine. Video này xuất hiện trên Facebook ngày 18 Tháng Mười Một, 2020. Clip trên đã xuất hiện trên kênh YouTube của hãng truyền thông cực hữu OAN (One America News Network) vào ngày 21 Tháng Năm, 2020, với tựa “Joe Biden nằm trong danh sách nghi phạm hình sự tại tòa án Ukraine.”

Barack Obama bị bắt; George Soros bị “tóm”…

Tin tỉ phú George Soros bị bắt thoạt đầu được đăng ngày 23 Tháng Mười Một, 2020, trên website Conservative Beaver, nơi tự xưng với slogan nghe rất kêu, rằng “đăng tải những câu chuyện vì lợi ích của những người Canada kiêu hãnh.”

“Bài báo” viết rằng tỉ phú George Soros đã bị bắt ở Philadelphia với tội dính dáng gian lận bầu cử Mỹ. Cùng thời gian, nhiều “hành vi mờ ám” của George Soros cũng bị “lôi ra ánh sáng sự thật,” chẳng hạn chuyện ông có quan hệ với Moderna (hãng dược bào chế vaccine coronavirus) hoặc chuyện ông “tài trợ và hỗ trợ phương tiện giao thông” cho các cuộc biểu tình Black Lives Matter. Bản tin Soros bị bắt đã được nhiều facebooker Việt Nam chia sẻ. Thật ra “bằng chứng” kết tội Soros là cáo trạng dành cho sáu tin tặc Nga mà Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ công bố ngày 19 Tháng Mười, 2020. Tên của sáu bị cáo đã được photoshop và thay bằng “Schwartz Gyorgy aka George Soros.”

Cũng chính trang Conservative Beaver đã đăng tin cựu Tổng Thống Barack Obama bị bắt ngày 28 Tháng Mười Một, 2020, bởi tội làm gián điệp! Đính kèm một thông cáo báo chí của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, “bài báo” viết: “Barack Obama, cựu tổng thống Mỹ, đã bị bắt ngày 28 Tháng Mười Một, 2020, với cáo buộc âm mưu với một đối tác làm ăn vốn là cựu viên chức CIA nhằm chia sẻ thông tin mật ở cấp Tối Mật cho giới chức tình báo Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.” Vụ bắt Obama được tuyên bố bởi giới chức Mỹ, trong đó có trợ lý Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ John C. Demers! Hóa ra cái thông cáo báo chí trên là thông cáo báo chí về vụ cựu viên chức CIA Alexander Yuk Ching Ma, bị bắt ngày 14 Tháng Tám, 2020. 

Thống Đốc New York Andrew Cuomo tự tăng lương giữa mùa đại dịch

Ngay ở thời điểm căng thẳng, thất nghiệp tràn lan, dân đói đầy đường, Thống Đốc New York Andrew Cuomo lại tự tăng lương cho mình. Thử hỏi thiên hạ nào không “bức xúc.” Cái status này, post ngày 20 Tháng Mười Một, 2020 trên trang của một tài khoản có tên Elizabeth Johnston, đã nhận được hơn 7,100 phản ứng, 770 comment và khoảng 1,800 lượt chia sẻ. Thông tin này, trước đó, ngày 18 Tháng Mười Một, 2020, được đăng trên tweet của nhà truyền thông cực hữu Charlie Kirk (sau khi USA Today liên lạc, Charlie Kirk đã gỡ mẩu tweet trên). Trong thực tế, việc tăng lương Andrew Cuomo nằm trong kế hoạch tăng lương thường niên (annual pay increase) mà Quốc Hội tiểu bang đã chuẩn y từ năm 2019, chứ không phải cá nhân ông thống đốc tự tăng. Hơn nữa, Cuomo đã tuyên bố không nhận mức tăng $25,000 và vẫn giữ nguyên lương cũ là $225,000.’

Những người ủng hộ Tổng Thống Trump đòi bỏ phiếu lại.
(Hình: Olivier Douliery/AFP via Getty Images)

Donald Trump khóc vì thất cử

Một nhà báo nổi tiếng ở Việt Nam viết trên Facebook cá nhân rằng mình đã rơi nước mắt khi thấy ảnh ông Trump khóc vì thất cử. Ông nhà báo này viết (ngày 15 Tháng Mười Một): “Sáng nay gã hai lần bật khóc. Lần một, khi coi clip cả triệu dân Mỹ hừng hực xuống đường ủng hộ Trump… Lần hai, nhìn hình ảnh người đàn ông ấy mắt hoen đỏ khi chứng kiến người dân xuống đường từ muôn nơi ủng hộ mình… Nước Mỹ sẽ chỉ vĩ đại khi hiểu ra không phải tự dưng hơn 72 triệu đồng bào mình đứng đằng sau con người đang lau nước mắt ấy.”

Theo ban kiểm tin AFP, bức ảnh “Trump khóc” được đăng trên một tài khoản Twitter ngày 14 Tháng Mười Một, với chú thích tiếng Hoa, có nghĩa: “Hẳn phải rất khó khăn đối với ông ấy khi ông ấy khóc nơi thanh thiên bạch nhật. Tôi hy vọng tất cả chúng ta không để ông ấy thất vọng. Chúa ở cùng chúng ta. Amen!” Trong số ý kiến bình luận dưới tweet trên, có người viết: “Trump là người cứng rắn. Ông ấy không khóc vì bị cáo buộc sai trái. Những giọt nước mắt của ông ấy thể hiện con tim của ông ấy đối với người dân. Ông ấy cuối cùng cũng đã được hiểu và nhận được sự ủng hộ từ người dân của mình.”

Một lần nữa, “giọt nước mắt” của ông Trump là “giọt photoshop.” Bức ảnh gốc được phóng viên ảnh AFP Nicholas Kamm chụp ngày 15 Tháng Bảy, 2020, với chú thích: “Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu với giới báo chí tại Phòng Bầu Dục ở Tòa Bạch Ốc sau khi nhận được báo cáo từ các viên chức thuộc cơ quan pháp luật về hoạt động chống lại nhóm MS-13 ở Washington DC, ngày 15 Tháng Bảy, 2020 (MS-13, còn gọi là Mara Salvatrucha, là băng đảng tội phạm quốc tế).

Cuộc biểu tình ủng hộ Trump treo cờ phát xít

Xuất hiện trên Twitter với chú thích được chụp ngày 14 Tháng Mười Một, 2020, trong cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump, bức ảnh cho thấy một người đàn ông đứng cạnh chiếc xe có treo lá cờ phát xít Đức. Thật ra bức ảnh, như ban kiểm tin AFP kiểm chứng, được chụp từ nhiều tháng trước tại một chợ trời ở Pennsylvania.

Lần đầu tiên nó xuất hiện trên mạng là từ một tweet của tài khoản Sam Vinograd ngày 5 Tháng Chín, 2020, với chú thích: “Những bức ảnh này làm tôi phát bệnh. Tại một chợ trời do Braddock Inn tổ chức ở Farmington, PA, một người bán hàng đang bán những con tem Nazi và có cả một biểu tượng swastika to trưng bày.” Sam Vinograd là nhà phân tích an ninh quốc gia của CNN.

***

Có rất nhiều trang kiểm tin của những cơ quan truyền thông lớn, chẳng hạn:usatoday.com/news/factcheck/apnews.com/hub/ap-fact-checkfactcheck.afp.com/washingtonpost.com/news/fact-checker/nytimes.com/spotlight/fact-checks…, giúp cung cấp đâu là sự thật, đâu là tin nhảm. Vấn đề ở chỗ cơn sốt tin giả bây giờ xuất phát chủ yếu từ hiện tượng rằng người ta ngày càng không tin vào sự thật khi mà sự thật đã bị dán nhãn “fake news” bởi chính những người dùng lối chụp mũ fake news để lảng tránh sự thật hoặc bôi nhọ sự thật. Tin giả đang tạo ra hiện trạng “cuồng tin giả” một cách điên loạn. Người ta chia sẻ tin giả một cách vô tội vạ. Người ta thích thú với những tin mang lại cho họ… “niềm tin.” Người ta thưởng thức tin giả như những người “liêm chính” bày tỏ thái độ với cái gọi là “fake news” (khi ám chỉ tin tức từ hệ thống truyền thông dòng chính).

Tin giả, trong thực tế, với nhiều trường hợp, đã trở thành một “liệu pháp tâm lý” tự trấn an.

Trong số những người miệt mài và háo hức chia sẻ tin giả, có không ít nhà báo và những người làm truyền thông nói chung. Họ vừa chia sẻ tin giả, vừa “khinh bỉ” những người chống lại tin giả. Sau mỗi lần bị hố khi loan tin giả, họ tiếp tục chia sẻ những thông tin không kiểm chứng khác, như thể tin giả nhất thiết phải tồn tại cùng với “niềm tin” của họ, bất luận diễn biến sự việc cho thấy “niềm tin” mà họ cố áp vào tư duy mình lẫn người khác chỉ là mớ bọt xà phòng.

Vấn đề ở chỗ tin giả không biến mất như bọt xà phòng. Nó gieo rắc những mầm độc cho nhận thức và nó thậm chí đang trở thành những đám rừng dày đặc ngăn cản những tia sáng phát triển xã hội.

Mạnh Kim

Nguồn: nguoi-viet.com/dien-dan/cuong-tin-gia/