Nếu EVFTA phải đàm phán lại?

Đó sẽ là nỗi thất vọng và hụt hẫng đến mức khó thốt nên lời của giới chóp bu Việt Nam - lần thứ hai sau cái lần đầu tiên xảy ra vào đầu năm 2017 khi Trump quyết định Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP mà trong đó Việt Nam được xem là đối tác hưởng lợi nhiều nhất (với điều kiện có sự tham gia của Mỹ).
 
Cũng khá tương đồng với hoàn cảnh TPP khi đã phải đàm phán lại sau khi không còn nước Mỹ, chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam đang rơi vào một giai đoạn đàm phán khác và mới về EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam).
 
Thật ‘đáng tiếc’ cho Nguyễn Phú Trọng và những đồng đảng của ông ta, triển vọng EVFTA phải đàm phán lại đang hiện ra khá rõ, nhưng không phải chỉ là đàm phán về những vấn đề thương mại và kỹ thuật như khi TPP chuyển sang CPTPP, mà EVFTA sắp tới sẽ phải bàn và nhấn mạnh một chủ đề mà Bộ Chính trị Việt Nam hết sức căm thù lẫn ngao ngán: nhân quyền.
 
Thực thế: “Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam có thể sẽ phải đàm phán trở lại. Chúng tôi cũng thúc đẩy cho việc kết thúc nhanh chóng các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam” - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói với báo chí sau cuộc gặp với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Berlin vào ngày 20/2/2019.
 
Đức, với tư cách là đầu tàu kinh tế và chính trị ở châu Âu, cũng như có quyền quyết định lớn nhất trong việc có thông qua EVFTA hay không, không còn nghi ngờ gì nữa, đang quyết định lộ trình cần phải có của hiệp định này cũng những điều kiện then chốt mà chính quyền Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ. Thông điệp của Đức cũng là thông điệp của EU.
 
Đây là thông tin về lộ trình mới nhất cho EVFTA hiện ra sau khi hiệp định này bị Hội đồng châu Âu quyết định hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 và khiến cho hy vọng của giới chóp bu Việt Nam về một ‘EVFTA sắp được ký kết, phê chuẩn và thông qua’ mòn mỏi theo ngày tháng.
 
Theo lịch trình trước đây của EU, nếu EVFTA được Hội đồng châu Âu phê chuẩn và nhận dược sự ủng hộ của Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu (một cơ quan tham mưu rất quan trọng của Nghị viện châu Âu về các hiệp định thương mại), EVFTA sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu để xem xét bỏ phiếu thông qua vào tháng 5 năm 2019. Tuy nhiên, giớp chóp bu Việt Nam chỉ muốn ăn sẵn và ăn ngay đã bị một cú sốc thình lình khi nhân quyền - yếu tố mà trước đây chỉ là một điều kiện không ưu tiên trong EVFTA và bị chính quyền Việt Nam xem thường, đã trở nên chính yếu và tạo ra cú knock-out hoãn EVFTA ngày vào lúc Hà Nội sắp mở tiệc ăn mừng ‘thoát nạn’.
 
Từ trước và sau cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền tại Brusells vào tháng 10 năm 2019, chính quyền Việt Nam đã và vẫn chưa có bất kỳ cải thiện nhân quyền nào dù chỉ mang tính tượng trưng hay mang tính đối phó. Thậm chí chính quyền này vẫn tiếp tục bắt bớ những người bất đồng chính kiến và đàn áp các cuộc biểu thị lòng yêu nước của người dân phản đối Trung Quốc.
 
Thông báo của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas về khả năng ‘đàm phán lại’ EVFTA cũng có nghĩa là sẽ chẳng có cuộc họp nào của Hội đồng châu Âu vào tháng 3 năm 2019 để phê chuẩn hiệp định này, và càng không có cuộc họp chuyên biệt nào của Nghị viện châu Âu vào tháng 5 năm 2019 để bỏ phiếu thông qua EVFTA.
 
Mà phía Việt Nam sẽ phải quay lại gần như điểm xuất phát của nó: ngồi vào bàn đàm phán với EU, nhưng trước hết là với một số nước quan trọng trong khối EU, để chỉ nói về… nhân quyền.
 
Trong trường hợp khả quan nhất, nghĩa là chính quyền Việt Nam chịu thỏa mãn nhanh chóng những điều kiện nhân quyền của châu Âu, mới có thể diễn ra việc ký kết EVFTA và có thể cả phê chuẩn hiệp định này trước khi diễn ra bầu cử quốc hội châu Âu. Tuy nhiên do vấn đề thời gian đã quá gấp gáp với Nghị viện châu Âu nên sẽ quá khó để nghị viện này tổ chức thông qua EVFTA, mà phải chờ nghị viện mới quyết định. Khi đó, thời điểm bỏ phiếu thông qua EVFTA (nếu có bỏ phiếu) sớm nhất cũng phải vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.