2014

MLBVN tiếp xúc với đại diện 6 Đại Sứ Quán tại Hà Nội

Vào sáng ngày 03.12.2014 tại Hà Nội, Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) đã có cuộc tiếp xúc, làm việc trong 2 giờ với đại diện 6 Đại sứ quán Hoa Kỳ, Thụy Điển, Úc, Phần Lan, Na Uy, Đức tại Đại sứ quán Thụy Điển để tiếp tục thúc đẩy chiến dịch “Chúng tôi muốn biết” và vận động xóa bỏ Điều luật 258. Tham gia cuộc họp sáng nay, về phía đại diện các Đại sứ quán có bà Elenore Kanter - Tham tán chính trị, Phó đại sứ, Trưởng ban Chính trị và Thương mại Đại sứ quán Thụy Điển; bà Rose McConnell - Bí thư Thứ Hai Chính trị/Kinh tế Đại sứ quán Úc; bà Annina Barbosa - Phó đại sứ Phần Lan; bà Jenifer Neidhart de Ortiz - Viên chức chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ; ông Tone Wroldsen - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Na Uy; và ông Felix Schwarz - Lãnh sự và Tham tán chính trị Đại sứ quán Đức, cùng với thực tập sinh Ban chính trị & Thương mại Đại sứ quán Thụy Điển là ông Carl Bradshaw Thorell. Đại diện MLBVN là Blogger Trịnh Kim Tiến (Hà Nội), blogger Trịnh Anh Tuấn (Hà Nội), blogger Nguyễn Tiến Nam (Hà Nội), và blogger Nguyễn Hoàng Vi (Sài Gòn). Buổi tiếp xúc này là tiếp nối những nỗ lực của MLBVN sau khi gặp gỡ với ông Kees van Baar - đại sứ Nhân quyền của Hòa Lan và bà Nienke Trooster - tân đại sứ Hòa Lan vào ngày 20.11.2014 (1); tiếp xúc với ông Sigmar Gabriel, Phó thủ tướng Đức - Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vào ngày 21.11.2014 (2); và gặp ông Charles Sellers - trưởng phòng chính trị, ông Garrett Harkins, bà Betsy Allens của Lãnh sự quán Hoa Kỳ vào ngày 21.11.2014 (3) Việc vận động của MLBVN để làm việc với cùng một lúc đại diện 6 Đại sứ quán cũng xuất phát từ nhu cầu lên tiếng cho trường hợp của Đinh Nguyên Kha sau khi Mẹ của anh là bà Nguyễn Thị Kim Liên thông báo về tình trạng sức khỏe có nguy cơ đe dọa tính mạng của anh trong trại tù K3 Xuyên Mộc, cũng như việc an ninh sử dụng Điều 258 để bắt giữ blogger Người Lót Gạch (4). Các đại diện của MLBVN đã trình bày với đại diện các sứ quán về tình trạng gia tăng bắt bớ, bỏ tù người viết blog, người bất đồng chính kiến cũng như dân oan bằng Điều luật 258 trong thời gian gần đây, điển hình là việc bắt giam anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh và blogger Người Lót Gạch - Hồng Lê Thọ. Liên quan đến Điều 258, MLBVN cũng nhắc lại việc trao Tuyên bố 258 của MLBVN đến những cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các Đại sứ quán ở Việt Nam vào cuối năm 2013 đã mang lại kết quả khá tốt trong phiên tòa xử Đinh Nhật Uy, tạo được nhiều quan tâm của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ tại Geneve cũng như nhiều quốc gia thành viên về Điều luật 258. Nhân dịp này, MLBVN cũng đã gửi lời cảm ơn các Đại sứ quán trong những nỗ lực vận động ngoại giao với nhà nước Việt Nam cho vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, MLBVN cũng khẳng định rằng việc trả tự do cho vài cá nhân để đáp ứng những thỏa thuận ngoại giao của nhà nước Việt Nam không phải là mục tiêu đấu tranh duy nhất của MLBVN. Quan trọng hơn và cần thiết hơn là MLBVN muốn tranh đấu để xóa bỏ những điều luật mơ hồ mà nhà cầm quyền dùng nó để bỏ tù công dân Việt Nam, điển hình là Điều 258. Trong việc tranh đấu cho Quyền Được Biết và tiếp tục chiến dịch Chúng Tôi Muốn Biết, đại diện MLBVN đã trình bày tổng quát về chiến dịch này và gửi đến đại diện các Đại sứ quán bản Yêu cầu Bạch hóa Hội nghị Thành Đô 1990 (5) sau khi những nỗ lực trao thư yêu cầu cho văn phòng Quốc hội ở Hà Nội và Sài Gòn bị từ chối, thậm chí những người tham gia trao thư bị đánh đập, bắt bớ và cướp đoạt tài sản. Những thông tin về việc các thành viên chủ chốt của MLBVN bị ngăn cản từ nhà, những người đến được Văn phòng Quốc hội thì không được tiếp đón và nhóm dân oan bị đánh đập, bắt bớ và cướp tài sản đã được các đại diện sứ quán ghi nhận và quan tâm. Đặc biệt một đại diện sứ quán sau khi nghe MLBVN trình bày đã hỏi rằng ngoài việc MLBVN yêu cầu chính phủ VN bạch hóa thông tin về những thỏa thuận giữa VN & TQ trong một hội nghị cách đây đã khá lâu, tại sao MLBVN không mở thêm những yêu cầu để đòi hỏi chính phủ Việt Nam bạch hóa những thông tin về những trao đổi gần đây giữa 2 quốc gia như việc Trung cộng khai thác dầu ở Biển Đông. Các đại diện sứ quán chia sẻ rằng họ ủng hộ chiến dịch “Chúng Tôi Muốn Biết” của MLBVN để thúc đẩy “Quyền được biết” của người dân Việt Nam. Đại diện phía Hoa Kỳ qua những trình bày của MLBVN về vấn đề Hội nghị Thành Đô đã đặc biệt quan tâm đến quan hệ ngoại giao Việt-Trung. Đại diện sứ quán Đức nhấn mạnh sự quan tâm của họ đến Quyền Được Biết của người dân VN. Riêng đại diện sứ quán Thụy Điển thì chia sẻ và ghi nhận những nỗ lực hoạt động thúc đẩy nhân quyền của MLBVN trong thời gian qua và đã gửi lời chúc mừng sớm đến MLBVN nhân kỷ niệm 1 năm ngày thành lập MLBVN (10/12/2014). Các đại sứ quán cũng rất quan tâm đến những hoạt động của MLBVN trong ngày Quốc tế nhân quyền sắp tới. MLBVN hy vọng bằng con đường ngoại giao, các chính phủ trên sẽ chuyển bản yêu cầu Bạch hóa Hội nghị Thành Đô đến nhà nước Việt Nam cũng như yêu cầu nhà cầm quyền phải tôn trọng và đáp ứng Quyền Được Biết của người dân. Thông điệp cuối cùng của các Đại sứ quán gửi đến các đại diện MLBVN là họ luôn đặt vấn đề Nhân quyền với phía chính phủ Việt Nam trong các cuộc họp song phương, đa phương hay các kiến nghị cụ thể trong các kỳ kiểm định nhân quyền UPR và họ sẽ quan tâm nhiều hơn về những vụ việc người dân Việt Nam đã và đang bị bắt bớ vì điều luật 258.   Chú thích: (1) http://mangluoiblogger.blogspot.com/2014/11/ai-dien-mlbvn-tiep-xuc-voi-a... (2) http://mangluoiblogger.blogspot.com/2014/11/pho-thu-tuong-uc-gap-go-cac-... (3) http://mangluoiblogger.blogspot.com/2014/11/ai-dien-mang-luoi-blogger-vi... (4) http://mangluoiblogger.blogspot.com/2014/12/ban-len-tieng-cua-mlbvn-ve-t... (5) http://mangluoiblogger.blogspot.com/2014/10/loi-keu-goi-thuc-thi-quyen-u...  
......

Nguyên nhân và hậu quả của việc giá dầu thế giới giảm mạnh

(VNC) Trong vài tuần lễ vừa qua, giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm gần 25%, tạo ra những chấn động lớn trên toàn thế giới và đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế và chiến lược. Kể từ tháng Sáu vừa qua, giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã giảm từ $115/thùng xuống còn $85 vào cuối tháng 10. Giá dầu tiếp tục giảm xuống còn gần $82/thùng vào ngày bầu cử của Hoa Kỳ 4-11, giá thấp nhất trong vòng 4 năm qua, sau khi Saudi Arabia hạ giá dầu xuất cảng qua Mỹ theo hãng tin Reuters. Những lý do nào khiến giá dầu thế giới giảm mạnh? Có nhiều lý do khiến giá dầu giảm mạnh. Những lý do bất ngờ và ngắn hạn bao gồm việc Lybia vào tháng 9 tăng sản xuất 40% so với một tháng trước. Saudi Arabia cũng gia tăng sản xuất dầu (0,5%) để bảo vệ thị phần (market share) đặc biệt tại Ấn Độ và Trung Quốc, chèn ép những nhà sản xuất dầu đá phiến và việc khai thác dầu ở Bắc Cực. Iraq và Iran theo gương Saudi Arabia cũng gia tăng sản xuất dầu. Ngoài ra vào đầu tháng 10, Saudi Arabia giảm giá dầu bán cho những nước tiêu thụ chính ở Á châu. Thêm vào đó, những tổ chức đầu cơ dầu trước đây đã tích trữ một số dầu để chờ giá dầu tăng kiếm lời. Nay họ bán tống bán tháo số dầu này ra để tránh lỗ thêm.   Việc giá dầu giảm mạnh có những lý do căn bản. Thứ nhất nhu cầu về dầu giảm vì kinh tế phát triển bị chậm lại ở nhiều nơi như Âu châu, Trung Quốc, Brazil, và Nam Dương. Thứ nhì là tiết kiệm nhiên liệu ngày càng hiệu quả hơn vì giá dầu gia tăng trước đây và luật bảo vệ môi trường. Trung bình xe hơi ngày nay tiêu thụ săng 25% cho mỗi dặm (mile) ít hơn 10 năm trước đây. Thứ ba là số xe hơi tại các quốc gia giầu có đã đạt tới mức cao nhất. Thứ tư là ảnh hưởng của việc sản xuất dầu và hơi đốt từ đá phiến tại Hoa Kỳ. Đây là lý do quan trọng nhất và chúng ta đang bắt đầu thấy hiệu quả của cuộc cách mạng kỹ thuật khai thác dầu này. Hoa Kỳ đang tiến sâu vào kế hoạch tự lập về năng lượng trong vòng 15-20 năm tới. Hoa Kỳ đã gia tăng sản xuất dầu từ 3 triệu thùng mỗi ngày từ đầu năm 2010 lên đến 8.5 triệu thùng mỗi ngày hiện nay. Từ 2009 đến nay, Hoa Kỳ tiếp tục đều đặn giảm nhập cảng dầu và hơi đốt. Tiến trình này đang phát triển tương tự tại Canada. Việc cải tổ cấu trúc của khu vực năng lượng của Mễ Tây Cơ cũng sẽ giúp gia tăng khả năng sản xuất. Theo nhận định vừa rồi, chúng ta có thể tóm tắt rằng một mặt mức tiêu thụ dầu chậm lại. Mặt khác sản xuất gia tăng. Luật cung cầu tạo áp lực cho giá dầu đi xuống. Công nghiệp dầu đá phiến và năng lượng tái tạo (còn gọi là năng lượng xanh) bị ảnh hưởng ra sao? Như ở phần trên chúng ta đã nói đến, Saudi Arabia hỗ trợ giá dầu hạ để cản trở việc khai thác dầu đá phiến và cả năng lượng tái tạo dùng sức gió, sức nước và ánh sáng mặt trời. Sản xuất dầu đá phiến từ những giếng dầu nhỏ khá tốn kém. Nếu giá dầu xuống dưới $US 80/thùng, 1/3 số giếng dầu đá phiến sẽ lỗ. Kỹ nghệ dầu đòi hỏi một kế hoạch đầu tư lâu dài. Tới một thời điểm nào đó, những nhà đầu tư không thể đóng cửa nhà máy sản xuất dễ dàng. Trong trường hợp giá dầu xuống thấp hơn, việc sản xuất dầu đá phiến sẽ điều chỉnh và sẽ vẫn tiếp tục kiếm lời như kinh nghiệm cho thấy những trường hợp giá dầu xuống thấp trước đây. Trong những bốn năm qua, kỹ nghệ dầu đá phiến đã tăng năng suất của các giếng dầu 300%. Kỹ thuật khai thác dầu đá phiến tiếp tục cải thiện. Giá dầu giảm sẽ không đình chỉ việc sản xuất dầu đá phiến.   Trên thị trường tự do, khi giá đi xuống, người bán sẽ bị thiệt và người mua sẽ được lợi. Trong trường hợp giá dầu giảm mạnh, những nước nào bị thiệt hại và những nước nào được lợi? Những nước sẽ chịu nhiều hậu quả nhất là Venezuela, Iran, và Nga. Venezuela là nước sẽ bị rạn nứt trước tiên. Ngân sách của Venezuela dựa vào dầu ở giá $120/thùng. Ngay cả trước khi giá dầu giảm, Venezuela đã gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ. Khối ngoại tệ dự trữ bớt dần. Mức lạm phát gia tăng. BBC trong tháng 9 vừa qua báo cáo rằng mức lạm phát của một năm qua là 63,4%. Venezuela đang bị khan hiếm về hàng hóa tiêu thụ hàng ngày như bột mì và giấy vệ sinh. Quốc gia này đang ở ven bờ phá sản. Iran cũng đang gặp khó khăn. Nước này cần giá dầu ở mức $140/thùng để cân bằng ngân sách phung phí với những chi tiêu quá mức. Thêm vào đó, nạn cấm vận chống lại chương trình nguyên tử của Iran làm cho quốc gia này chịu nhiều rủi ro. Iran chủ yếu dùng lợi tức dầu xuất cảng vào những chương trình bao cấp để duy trì ổn định xã hội. Nguồn tài chánh này giảm mạnh vì giá dầu giảm mạnh sẽ tạo ra nguy cơ hỗn loạn. Nga đang ở ven bờ suy thoái kinh tế. Hơn 50% ngân sách của nước này lấy từ lợi tức xuất cảng dầu và nền kinh tế của Nga rất nhậy cảm với giá dầu thay đổi. Dầu và khí đốt chiếm 70% lợi tức xuất cảng. Tuy nhiên Nga có thể chịu đựng giá dầu thấp trong một thời gian dài hơn từ 18 tháng cho đến hai năm, nhưng tiền dự trữ cũng sẽ hết. Cấm vận của Tây Phương làm kinh tế Nga khốn đốn và làm cho nước này không thể vay nợ dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tách đồng ý rằng hậu quả của giá dầu giảm mạnh còn tệ hại hơn nhiều. Theo tờ báo Vzglad của Nga, khi giá dầu giảm $1/thùng, ngân sách của Nga sẽ bị thiệt hại $2 tỉ. Mặc dù Ngân Hàng Trung Ương Nga đã bán ra US$7 tỉ trong tháng 10, 2014 để trợ giá đồng Rúp (Rouble) của Nga nhưng gía tri của Rúp vẫn xuống thấp còn 43 Rúp/US$ so với 35 Rúp/US$ vào tháng 5 vừa qua một phần vì giá dầu giảm. Chương trình hiện đại hóa quân đội chiếm 20% ngân sách của khu vực công. Ngân sách quốc gia thiếu hụt ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến ngân sách quốc phòng. GS Konstantin Sonin của Trường Cao Học Kinh Tế tại Moscow nói rằng “Giá dầu giảm xuống sẽ khiến chi tiêu giảm. Đó là những hồi chuông báo động cho các doanh gia.” Bank of America tiên đoán Nga sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và giảm 1,5% vào năm 2015. Những nước sản xuất dầu bị thiệt hại về giá dầu xuống thấp chỉ là thiểu số. Những nước có lạm phát cao như Thổ Nhĩ Kỳ và những nước tiêu thụ dầu chiếm đa số, đặc biệt là những nước tiêu thụ nhiều dầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Indonesia là những nước được hưởng lợi ích của giá dầu thấp. Trong trường hợp giá dầu giảm như hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ lời hay lỗ? Việt Nam là một nước xuất cảng dầu thô nhưng nhập cảng xăng dầu và nhiều sản phẩm chế biến từ dâu thô như phân hóa học, thuốc diệt trừ sâu bọ, tơ sợi nhân tạo, đồ nhựa. Theo sự phân tách của TS Lê Đăng Doanh, dầu thô xuất cảng chiếm 20-25% tổng số lợi tức xuất cảng hàng hóa của Việt Nam. Khi giá dầu giảm 25%, lợi tức thu về cũng giảm theo. Việt Nam trợ giá xăng là 300-500 đồng/lít. Theo Cơ Quan Quản Trị Số Liệu Năng Lượng của Hoa Kỳ (U.S. Energy Information Administration), Việt Nam là một nước nhập siêu về dầu. Tính trung bình cho năm 2013, số dầu nhập siêu là 59.326 thùng/ngày. Như vậy mặc dù Việt Nam sẽ thất thu 25% lợi tức về dầu xuất cảng, nhưng cộng chung với số dầu nhập cảng, Việt Nam là nước hưởng lợi từ giá dầu giảm. Trong thời gian gần đây gía xăng ở Việt Nam đã giảm 8 lần tính đến ngày 4.11.2014 với mức giảm tổng cộng là 3.300 đồng/lít xuống còn khoảng 23.000 đồng/lít. Mức lạm phát tiếp tục giảm theo. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (Consumer price index) tính từ đầu năm chỉ tăng tổng cộng 2,36%, cách khá xa so với lạm phát tiêu chuẩn đặt ra cho năm 2014 ra là 6%. Hoa Kỳ là một trong những nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới và cũng là một nước nhập siêu về dầu. Do đó Hoa Kỳ là một nước chính hưởng lợi nhiều từ việc gía dầu giảm mạnh. Trong năm 2013, Hoa Kỳ đã nhập cảng 3,6 tỉ thùng dầu thô và sản phẩm dầu. Nhiều nhất từ Canada, Mexico, Saudi Arabia, Venezuela, Kuwait, Iraq và Nga. Theo một ước tính của Moody, giá xăng giảm 1% trong một năm sẽ giúp những người tiêu thụ xăng ở Mỹ tiết kiệm được $1,2 tỉ.   Vì lý do chiến lược, luật của Hoa Kỳ hiện nay không cho phép các công ty sản xuất dầu xuất cảng dầu thô. Nhưng trong tương lai, Hoa Kỳ có thể bãi bỏ việc cấm xuất cảng dầu thô, nếu việc khai thác dầu đá phiến trong nước giúp Hoa Kỳ thặng dư dầu thô đáng kể. Giá dầu giảm năm nay có những ảnh hưởng nào về phương diện kinh tế và chánh trị? Giá dầu giảm đã làm cho kinh tế thế giới phát triển sau Thế Chiến Thứ Hai và trong thập niên 1990. Trái lại giá dầu cao trong thập niên 1970 đã làm cho kinh tế thế giới trì trệ. Những nước chịu hậu quả khốc liệt của giá dầu giảm mạnh hiện nay sẽ phải đối phó với những bất an xã hội và chính trị. Giá dầu xuống thấp giúp giảm lạm phát và sẽ kích thích phát triển kinh tế trên toàn cầu, ngoại trừ một số nước xuất cảng dầu. Theo tờ báo The Economist của Anh, Liên Bang Sô Viết xụp đổ vào năm 1991, một phần vì giá dầu giảm 2/3 trong khoảng thời gian từ 1980-1986. Mặt khác, giá dầu tăng gấp ba đã giúp củng cố chính quyền của Tổng Thống Vladimir Putin trong thời gian 14 năm. Dầu là hàng xuất cảng chính của Nga trước đây và hiện nay. Giá dầu xuống cũng sẽ gây bất mãn trong quần chúng Nga và khó khăn cho chính quyền Putin. Giá dầu giảm làm tình hình chính trị căng thẳng giữa một số nước. Sự đối nghịch giữa Shia Iran và Sunni Saudi Arabia sẽ gia tăng thêm, vì hai nước cùng là thành viên của OPEC nhưng Iran muốn giảm sản xuất dầu để giữ giá, trong khi Saudi Arabia lại muốn tăng sản xuất. Một số người nhận định rằng Saudi Arabia liên kết với Hoa Kỳ để thao túng chính trị và làm hại Iran. Ô. Masoud Mirkazemi, một đại biểu của Nghị Viện Iran, nguyên là bộ trưởng dầu hỏa, nói rằng “Saudi Arabia, có ý muốn kiềm chế OPEC, phục vụ quyền lợi của G20.” Tổng Thống Nicholas Maduro của Venezuela đổ lỗi cho Hoa Kỳ làm hạ giá dầu để làm suy yếu Nga và những nước sản xuất dầu. Một lý thuyết cho rằng gía dầu giảm sẽ buộc Nga phải có một giải pháp hòa dịu đối với Ukraine và Iran phải tìm cách thỏa hiệp về chương trình hạt nhân. Chuyện gì sẽ xẩy ra trong năm 2015?   Dầu hỏa là nguồn năng lượng chính vô cùng quan trọng trong đời sống của chúng ta và trong mọi ngành công nghiệp sản xuất. Nó cũng là một võ khi chiến lược vô cùng lợi hại. Như đã được tiên đoán trước đây, tổ chức những quốc gia xuất cảng dầu (Organization of Oil Exporting Countries – OPEC) đã nhóm họp vào ngày 27.11.2014 ở Vienna để tìm giải pháp đối phó với giá dầu giảm. Một trong những biện pháp OPEC đã thảo luận là giảm mức sản xuất dầu. OPEC đã quyết định tiếp tục giữ nguyên mức sản xuất hiện nay là 30 triệu thùng dầu mổi ngày áp dụng kể từ tháng 12. 2011. Sau khi quyết định của OPEC được công bố, giá dầu thô (Brent) giảm xuống còn US$72/thùng. Ô. Igor Sechin, Tổng Giám Đốc của tập đoàn quốc doanh dầu khí Nga Rosneft, dự đoán dầu sẽ xuống tới dưới $60 một thùng trong nửa đầu năm 2015. Hầu hết những quốc gia xuất cảng dầu, kể cả Nga lẫn Việt Nam, đều phải tiếp tục sản xuất và bán dầu dù ở bất cứ giá nào, vì áp lực của ngân sách. Kỹ nghệ dầu đá phiến của Hoa Kỳ cũng ở trong tình trạng này, dù chưa được phép xuất cảng. Trong khi đó nhu cầu về dầu tiếp tục ở mức độ thấp. Do đó thị trường dầu hỏa sẽ có thể tiếp tục chứng kiến giá dầu thấp trong nhiều tháng tới.
......

Tôi đang mơ giấc mộng dài

Đã 40 năm bài hát Imagine của John Lennon, bài hát ao ước đầy thơ mộng của con người về thế giới không hận thù và sẻ chia lại có dịp nhìn thấy chính mình qua sự kiện xung đột giữa dân chúng và cảnh sát ở Portland, Oregon, Mỹ. Tấm ảnh của John Nguyễn Cuộc biểu tình đòi công bằng cho một thanh niên da đen Michael Brown tại Ferguson, sau khi anh này bị một cảnh sát viên da trắng Darren Wilson bắn chết và được miễn truy tố đã khiến bùng nở hàng loạt các cuộc tuần hành, thậm chí đã xảy ra nhiều cuộc xung đột. Tuy nhiên, vấn đề không phải là vụ án về công bằng cho một người da đen, mà chỉ là vết thương về chủng tộc chưa bao lành vẫn âm ỉ và rách toạc. Nhiều cuộc bạo động đã xảy ra, cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay và bắt bớ hàng loạt để mong đem lại bình ổn trong thành phố. Ngày 25/11, trong cuộc biểu tình ở Portland, Oregon, những người tuần hành cũng mang trong mình đủ mọi cảm giác: hận thù, tức giận, chia rẻ, sợ hãi và liều lĩnh… để xuống đường Một cậu bé da đen ôm tấm bảng Free Hugs với dòng nước mắt chảy dài sợ hãi khi thấy đám đông chung quanh mình cũng như những cảnh sát chống bạo động đã trở nên quá căng thẳng. Bất ngờ, một viên cảnh sát chống bạo động khi nhìn thấy hình ảnh đó, đã tiến tới gần và hỏi vì sao em khóc, và sau đó cả hai đứng ôm nhau giữa đám đông. Mọi thứ như bị ngừng lại, xao động trong tất cả mọi người, Khoảng khắc mà sự tức giận hay điên cuồng vụt mất, thay vào đó một cảm giác ấm áp và tự vấn lương tâm. Câu bé da đen Devonte Hart, 12 tuổi và viên trung sĩ cảnh sát Bret Barnum đã làm nên sự kiện độc đáo của ngày hôm đó. Cuộc biểu tình đã dừng lại. Bức ảnh được nhà nhiếp ảnh trẻ người Việt, Johnny Nguyen, 20 tuổi, chụp được khoảng khắc ấy và gửi đến cho tờ The Oregonian, tờ báo được nhiều người quan tâm nhất của bang. Chỉ vài giờ sau khi bài viết tường thuật và bức ảnh của John Nguyễn xuất hiện, đã có hơn 150.000 lượt chia sẻ. Mọi giới truyền thông ở Mỹ đều đưa lại bản tin này như một sự thức tỉnh bất ngờ. Elwood P. Suggins, một cư dân của Oregon nói rằng ông ta tiếc rằng mình không ở trong bang chấm giải Pulitzers để trao giải thưởng của năm cho John Nguyễn và nói rằng mọi người hãy đọc câu chuyện này mà đừng quên cầm sẳn khăn giấy, vì bạn có thể rơi nước mắt sau đó. Chuyện kể rằng khi viên trung sĩ cảnh sát Bret Barnum tiến tới và hỏi Devonte Hart tại sao lại khóc, câu bé nói rằng cậu ta đang sợ hãi trước khung cảnh bạo lực đang diễn ra, và cậu nói rằng mình sợ cảnh sát sẽ dùng bạo lực với những đứa trẻ da đen đang tuần hàng như mình. Viên trung sĩ thở dài và nói “Phải rồi, chú hiểu, chú xin lỗi cháu”. Sau đó Bret Barnum hỏi rằng ông ta có thể ôm thật chặt Devonte Hart không. Johnny Nguyễn kể rằng ngay hình ảnh đó diễn ra, một luồng cảm xúc kỳ lạ dâng lên trong đám đông. Anh nói rằng còn nhìn thấy một thiếu niên khác đang cầm tấm bảng Free Hugs tương tự như Devonte Hart, đứng từ xa nhìn lại với giòng nước mắt lăn dài trên mặt. Câu chuyện này làm chấn động nước Mỹ, cũng như rất nhiều người đã có tuổi trẻ của mình đi qua cuộc chiến Việt Nam, thời kỳ hippy phản chiến. Giữa lúc súng đạn đi tìm con người, một thế hệ hippy đã chọn cách đi tìm sự hoang dại trẻ thơ để rũ bỏ hiện thực quá khắc nghiệt của mình. Và 40 năm trước, có lẽ một niềm tin trẻ thơ pha trộn tuyệt vọng của mình, John Lennon đã viết bài hát bất hủ Imagine, để lại một ước nguyện cho thế giới mai sau. “Nothing to kill or die for And no religion too Imagine all the people living life in peace…” Bài hát 40 tuổi lại được dịp ngân vang trong lòng mọi người. Nó nhắc rằng sẽ một ngày nào đó, sẽ không có ai vì nhân danh một lý tưởng, một nền chính trị nào đó để giết hại đồng loại của mình. Nó rằng cái cuối cùng mà con người tìm kiếm, vượt ra ngoài quyền lực, vượt ra ngoài chiếm đoạt và dối trá, chỉ là sự bình yên trong cuộc sống này. John Lennon không sống đủ dài để thấy giấc mơ của mình ra sao. Nhưng ông đang trao giấc mơ đó cho rất nhiều người còn lại. Giấc mơ về lòng nhân ái sẽ còn dẫn đường cho con người đến tương lai, giấc mơ đó, có tôi và các bạn. ______________ (*) Free Hugs xuất phát từ ngày International Free Hugs Day, theo Wikipedia diễn giải, là một ngày hội được lập bởi nhiều tình nguyện viên tại hơn 80 quốc gia trên thế giới, vào ngày chủ nhật trong tuần thứ 3 của tháng 7. Đây là một dịp để mọi người nhận được những cái ôm thân tình từ những người khác nhằm gửi gắm thông điệp yêu thương, thân thiện giữa mọi người với nhau. (*) tựa đề mượn ý từ một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy   —————– * Thử nghe lại bài Imagien với phần trình bày thật ngắn của nữa nghệ sĩ Ấn Độ Priyanka Chopra?http://www.indiatimes.com/entertainment/celebs/priyanka-chopra-sings-ima... Theo blog nhacsituankhanh.wordpress.com
......

Bài diễn văn của ĐGH Francis tại Nghị Viện và Hội Đồng Âu Châu gây tiếng vang tốt đẹp

(VNC) ĐGH Francis đã dành ngày 25.11.2014 để viếng thăm Nghị Viện và Hội Đồng Âu Châu tại thành phố Strasbourg ở Pháp. Đây là cơ quan lập pháp của Liên hiệp 28 nước Âu Châu với 508 triệu dân cư. Trong diễn văn, ĐTC nhắc lại sự kiện cách đây 26 năm, vào ngày 11.10.1988, ĐGH Gioan Phaolô 2 đã viếng thăm nghị viện Âu Châu, và nói về tình trạng và vai trò của Liên hiệp Âu Châu ngày nay. Bài diễn văn khá dài, chúng tôi xin ghi lại những điểm chính: ĐGH nói: “Ngày nay sự thăng tiến các quyền con người chiếm một vai trò trung tâm và đáng ngưỡng mộ trong sự dấn thân của Liên hiệp Âu Châu. Nhưng vẫn còn có quá nhiều tình trạng trong đó con người bị đối xử như đồ vật, và người ta có thể xếp đặt chương trình khi nào thụ thai, hình thành, lợi ích của con người, và rồi con người có thể bị vứt bỏ đi khi không còn hữu ích nữa, vì họ trở nên yếu nhược, bệnh tật hoặc già nua. Vẫn còn có những tình trạng trong đó con người không được tự do bày tỏ tư tưởng của mình, tuyên xưng niềm tin tôn giáo mà không bị cưỡng bách và giới hạn, khi thiếu khuôn khổ pháp lý rõ ràng hạn chế sự thống trị của võ lực và nêu cao luật pháp trên sự độc đoán của quyền lực, trên sự kỳ thị con người. ĐGH đặt câu hỏi: “Thứ phẩm giá nào con ngừơi có thể tìm được khi mà họ không có lương thực hay điều tối thiểu để sống, và tệ hơn nữa khi họ không có công ăn việc làm xứng với phẩm giá con người?”. Vậy làm sao mang lại hy vọng cho tương lai, mang lại tín thác để tiếp tục theo đuổi lý tưởng cao cả một Âu Châu hiệp nhất và an bình, đầy tính sáng tạo và biến báo, tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ của mình? ĐGH nhấn mạnh: “Một Âu Châu không còn khả năng cởi mở đối với chiều kích siêu việt của sự sống là một Âu Châu dần dần bị nguy cơ đánh mất tinh thần nhân bản, mất đi vị trí trung tâm của con người. Kitô giáo không những cung cấp một gia sản cơ bản trong việc huấn luyện xã hội văn hóa của đại lục này, nhưng còn nhắm mang lại ngày nay và tương lai một đóng góp cho sự phát triển của Âu Châu. Sự đóng góp này không phải là một nguy hiểm cho đặc tính thế tục của các quốc gia và cho sự độc lập của các tổ chức của Liên hiệp Âu Châu trái lại, làm cho những tổ chức này được thêm phong phú phù hợp với nguyên tắc phụ đới và liên đới với nhau, một thuyết nhân bản qui trọng tâm vào sự tôn trọng phẩm giá con ngừơi.” Ngài nhận xét rằng: “Khẩu hiệu của Liên hiệp Âu Châu 'hiệp nhất trong sự khác biệt', không có nghĩa là đồng nhất về chính trị, kinh tế, văn hóa hay tư tưởng, nhưng chỉ rõ một gia đình các dân tộc, với những tổ chức của Liên Hiệp, biết liên kết lý tưởng hiệp nhất với sự khác biệt của mỗi người, đề cao giá trị của mỗi truyền thống, sự phong phú của các lịch sử và căn cội, giải thoát mình khỏi bao nhiêu lèo lái và ghét bỏ. Đặt con người ở trung tâm trước tiên có nghĩa là để cho con người tự do biểu lộ khuôn mặt và óc sáng tạo của mình trên bình diện cá nhân và dân tộc. Các nguyên tắc liên đới và phụ đới, hiện diện trong việc hình thành Âu Châu giúp chúng ta trong chiều hướng này”. ĐGH cũng nói về vấn đề di dân: “Không thể chấp nhận để cho Địa Trung Hải trở thành một nghĩa trang lớn, vì thế cần phải trình bày rõ ràng căn tính văn hóa của mình và đề ra những luật lệ thích hợp, biết bảo vệ các quyền của công dân Âu Châu và bảo đảm sự tiếp đón người di dân; nhưng cũng cần chấp nhận những chính sách cụ thể giúp các nước xuất cư trong việc phát triển xã hội kinh tế và vượt thắng những xung đột nội bộ, trái lại những chính sách lợi lộc giá tăng và nuôi dưỡng các xung đột.” ĐGH kết luận: “Một lịch sử hai ngàn năm liên kết Âu Châu với Kitô giáo, nhưng lịch sử này phần lớn vẫn còn phải viết lên, để cùng nhau xây dựng một Âu Châu không xoay quanh kinh tế, nhưng quanh sự thánh thiêng của con người, các giá trị bất khả nhượng. Đã đến giờ xây dựng Âu Châu can đảm ấp ủ quá khứ của mình và tin tưởng nhìn về tương lai của mình để sống trọn vẹn và sống hiện tại trong hy vọng. Đã đến lúc từ bỏ ý tưởng một Âu Châu sợ hãi và co cụm vào mình để khơi dậy một Âu Châu nắm vai chính, mang khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, các giá trị nhân bản và cả đức tin. Âu Châu nhìn, bảo vệ, bênh đỡ con người; Âu Châu tiến bước trên trái đất chắc chắn và vững chãi, là điểm tham chiếu quí giá cho toàn thể nhân loại”. Bài diễn văn của ĐGH bị ngắt quãng nhiều lần vì các tràng pháo tay hưởng ứng của các đại biểu và khi ngài vừa dứt lời, mọi người đã đứng lên nồng nhiệt vỗ tay cám ơn. Ông chủ tịch Martin Schulz đã đại diện mọi người cám ơn ĐGH vì bài diễn văn “chỉ đường” của ngài và ông gọi đó cũng là hướng đi trong tương lai của Liên hiệp Âu Châu này.
......

Hải quân Trung Cộng mạnh tới đâu?

Ngân sách quốc phòng nước Mỹ sẽ tăng, vì sang năm Đảng Cộng Hòa sẽ kiểm soát  cả hai viện Quốc Hội. Các công ty sản xuất vũ khí ở Mỹ đang vui mừng. Mừng hơn nữa, một bản báo cáo 600 trang mới nộp Quốc Hội Mỹ đã báo động về khả năng quân sự gia tăng của Trung Quốc, kết luận rằng, “Trong tình trạng Trung Quốc hiện đại hóa quân sự toàn diện và nhanh chóng, cán cân lực lượng so với Hoa Kỳ và đồng minh đang nghiêng về phía Trung Quốc.”   Hàng không mẫu hạm hiện đại nhất thế giới của Mỹ   Bản báo cáo của một ủy ban gồm những cựu nhân viên ngoại giao, tình báo, và các đại diện các doanh nghiệp, cho biết đến năm 2020 nước Mỹ sẽ đưa tới vùng Á Châu Thái Bình Dương 67 chiến thuyền và tàu ngầm, thật nhỏ so với con số 351 của Trung Quốc. Trong năm nay, Trung Quốc đã hai lần thử các hỏa tiễn WU-14, với tốc độ 8,000 dặm (12,800 km) một giờ. Thứ tên lửa này sẽ khiến cho các giàn phòng thủ chống hỏa tiễn của Mỹ kém hiệu năng, có thể vô dụng. Ngoài ra, tham vọng của Bắc Kinh trong không gian ngoài khí quyển sẽ đe dọa các vệ tinh an ninh và tình báo của Mỹ trong năm đến mười năm tới. Bộ Quốc Phòng Mỹ chỉ công bố vào năm 2006 Trung Quốc có 100 bom hạch tâm; nhưng hiện nay con số đó chắc đã tăng hàng chục lần. Từ năm 2010 đến giờ Ngũ Giác Đài cũng không báo cáo thêm về số hỏa tiễn của Trung Quốc. Nhân dịp này, nhật báo Wall Street Journal đã viết bài xã luận khuyến cáo chính phủ Mỹ phải lo đối phó với tình trạng trên. Nhưng tờ báo vốn có khuynh hướng bảo thủ này cũng công nhận bản báo cáo còn thiếu sót; và nhắc nhở rằng các phi cơ, tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc phẩm chất kém xa tàu Mỹ. Quân đội của họ được huấn luyện ít và thiếu kinh nghiệm chiến trường. Về hải quân, Trung Quốc chỉ có một hàng không mẫu hạm trong khi Mỹ đang có 11 chiếc. Chiếc mẫu hạm Liêu Ninh (Liaoning) dài 300 mét, trọng tải 50,000 tấn của Trung Quốc mua lại của Ukraine vẫn còn đang chạy thử, phải nhiều năm nữa mới thật sự dùng được, đã cho chạy một chuyến đi xa đầu tiên, gặp nhiều trục trặc và thấy còn phải tu bổ thêm nhiều. Bắc Kinh trù tính sẽ chế tạo ba mẫu hạm. Nhưng một mẫu hạm chỉ có hiệu lực khi được điều động trong một hạm đội với các loại tàu chiến khác. Liêu Ninh chưa bao giờ được tập trận trong một hạm đội đầy đủ như khi lâm trận. Trung Quốc đang chế những máy bay chiến đấu theo mẫu Su-33 của Nga, ngang sức với loại F-15 và F-18 của Mỹ. Máy bay J-31 của Trung Quốc sẽ có khả năng “tàng hình,” cũng như Nga cũng đang thử loại PAK-FA tàng hình. Còn chiếc F-35 của Mỹ đã là loại phi cơ tàng hình thế hệ thứ tư. Các nước Á Đông khác phải chạy đua vũ trang đối phó với hải quân Trung Cộng. Các nhà sản xuất vũ khí trên thế giới, nhất là ở Mỹ sẽ còn nhận được nhiều đơn đặt hàng. Việt Nam mua tàu ngầm của Nga và đã được chính quyền Mỹ chấp thuận cung cấp vũ khí có khả năng chiến đấu. Nhật Bản đang cung cấp tàu tuần tiễu duyên hải cho Việt Nam và Philippines. Hai nước Indonesia và Nam Hàn đang hợp tác chế tạo tàu ngầm. Nhưng hai quốc gia phản ứng mạnh nhất là Nhật Bản và Australia. Từ năm 2011, Nhật Bản đã bắt đầu sản xuất loại tàu chiến Izumo, chi phí 1.5 tỷ đô la Mỹ. Trên lý thuyết Izumo chỉ dùng cho trực thăng trong công tác cứu cấp, vì hiến pháp hòa bình của Nhật cấm vũ khí tấn công. Nhưng chiếc Izumo dài 248 mét, trọng tải 27,000 tấn, tuy gọi là chiến hạm (destroyer) nhưng khi cần sẽ được trang bị thêm, nhanh chóng biến thành hàng không mẫu hạm; cho các loại F-35A và F-35B lên xuống. Quân đội Mỹ đang đóng ở Nhật cũng được phép cho F-35 của họ dùng chung. Chiếc Izumo đầu đã hạ thủy năm ngoái, chiếc thứ hai đang tiến hành. Nhật Bản cũng đang mua các máy bay V-22 Ospreys của Boeing, có thể lên xuống trên các tàu thủy này; cùng các máy bay không người lái Global Hawk và hệ thống báo động từ xa. Australia là quốc gia Á Đông thứ hai tăng cường vũ trang trên mặt biển, và đang hợp tác với Nhật Bản phát triển kỹ thuật tàu ngầm mới nhất. Mẫu hạm HMAS Canberra cũng được mô tả cốt dùng cho trực thăng cứu cấp. Vì Australia từng hợp tác với Mỹ trong việc sản xuất F-35 cho nên nếu cần sẽ trang bị thêm để dùng cho F-35 lên xuống. Trước cảnh toàn vùng Đông Á chạy đua vũ trang, chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh sẽ phải dè dặt trước khi tỏ thái độ hung hăng hiếu chiến. Nếu Trung Cộng cứ tiếp tục xâm lấn các nước láng giềng, cuộc chạy đua vũ trang sẽ tăng cường độ và tốc độ trong cả vùng Đông Á Châu, lúc đó khả năng kinh tế của Trung Quốc không cho phép Bắc Kinh theo kịp. Mối đe dọa lớn nhất của hải quân Trung Cộng là đội tàu ngầm nguyên tử của Mỹ. Nhiều người trên thế giới không nhìn thấy sức mạnh này, vì chính dân Mỹ cũng không để ý. Tàu ngầm nguyên tử của Mỹ chưa bao giờ lâm chiến. Không chính phủ Mỹ nào tính đến chuyện đổ quân đánh vào nước Tàu, cho nên không cần so sánh lực lượng trên bộ. Trong một cuộc đối đầu trên mặt biển, tàu ngầm của Mỹ sẽ chiếm thế thượng phong. Chúng có khả năng tiêu diệt các chiến hạm cũng như các thương thuyền của Trung Cộng, nếu có chiến tranh giữa hai nước. Mỹ có 74 chiếc tàu ngầm, 60 chiếc được trang bị tấn công bằng hỏa tiễn để đánh chìm tàu địch hoặc bắn lên đất liền, 33 tàu ngầm trang bị đầu đạn nguyên tử. Chỉ cần mỗi chiếc tàu ngầm nguyên tử phóng ra ba thủy lôi, và chỉ cần một nửa số thủy lôi đó bắn trúng đích, tất cả các tàu chiến của Trung Cộng sẽ bị loại. Tầu ngầm có khả năng chạy im lặng dưới mặt biển, bất ngờ tấn công bằng thủy lôi hoặc hỏa tiễn, kể cả hỏa tiễn nguyên tử và hỏa tiễn bay là là ngang mặt đất. Năm 1982, chiếc tàu ngầm Conqueror của hải quân Anh đã đánh đắm chiến hạm General Belgrano, làm tê liệt hạm đội Argentina. Hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương có 33 tàu ngầm, đặt căn cứ ở Tiểu bang Washington, California, Hawaii, và Guam, thường ghé bến ở Nhật Bản và Nam Hàn và lâu lâu đi lên vùng Bắc Cực. Mỗi ngày có 17 chiếc đang hoạt động ngoài biển, trong đó 8 chiếc sẵn sàng ứng chiến ở những vùng có thể giao tranh, tức là gần hải phận Trung Quốc. Loại tàu ngầm Virginia-class đang dần dần thay thế loại tàu cũ Los Angeles-class, được trang bị khả năng tàng hình (stealth) và các máy thăm dò mới. Năm 2012 Quốc Hội Mỹ đã chuẩn y ngân sách cho mỗi năm sản xuất hai tàu ngầm loại này, giá 2.5 tỷ Mỹ kim mỗi chiếc. Loại tàu bí mật nhất gọi tên là Seawolfs, lớn, nhanh và trang bị vũ khí mạnh hơn, hiện có ba chiếc và cả ba đều hoạt động ở Thái Bình Dương. Loại Ohio-class trang bị mỗi chiếc 154 hỏa tiễn có thể bắn ngang. Lực lượng tàu ngầm mới của Mỹ vượt trên tất cả các nước, kể cả Anh quốc (bảy chiếc), Nga (12), mà Trung Cộng thì không thể so sánh được. Với lực lượng hải quân, nhất là tàu ngầm của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương, trong 20 năm tới chính quyền Trung Cộng sẽ không thể nghĩ đến chuyện gây hấn với Mỹ. Sau 20 năm thì lúc đó chính nước Trung Hoa cũng sẽ thay đổi. Khả năng kinh tế của Trung Quốc đang chạm tới đỉnh cao nhất, nếu không thay đổi toàn bộ hệ thống tài chánh, xí nghiệp và ngân hàng. Tới năm 2030, Trung Quốc sẽ là nước có tỉ số dân trên 65 tuổi cao nhất thế giới, ngân sách nuôi dưỡng người già sẽ chiếm ưu tiên thay vì ngân sách quân sự. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên nếu chính quyền Bắc Kinh phải chọn thái độ hòa hoãn đối với Mỹ cũng như với các đồng minh của Mỹ. Có thể chắc chắn là trong 20 năm tới Bắc Kinh không thể tính đến chuyện gây chiến với Nhật, Philippines; sẽ không dám xâm lăng Đài Loan mà họ chắc đã vẽ sẵn kế hoạch. Cả ba nước này đều được chiếc dù Mỹ che chở. Chỉ có Việt Nam thì không, trừ khi có biến chuyển ngoại giao mới.   Theo nguoi-viet.com
......

Tất cả chúng ta đều đang bị đầu độc

Đầu độc từ nguồn thực phẩm Không có gì để bàn cãi ở khía cạnh này, chúng ta đang ăn chất độc, uống chất độc mỗi ngày: rau cỏ phun thuốc dư lượng, thịt động vật bị bơm thuốc tăng trọng, hóa chất bảo quản, thực phẩm biến đổi Gien, trái cây ngâm thuốc nhanh chín, tươi lâu, cafe hóa chất, đồ ăn lề đường cũng hóa chất. Vâng, mọi thứ chúng ta ăn uống mỗi ngày đều có hóa chất độc hại cả, dù to dù nhỏ, dù nhiều hay ít. Và tệ hơn, mọi đồ vật chúng ta sử dụng cũng luôn có chứa một loại hóa chất nào đấy, chất làm mềm, chất tạo hương thơm, chất giữ màu… Gần như không có một loại vật dụng nào được làm ra mà không có ít nhất một vài loại hóa chất. Chúng ta có thể kiểm soát từng chất là vô hại đối với cơ thể khi sử dụng nhưng chúng ta không thể kiếm soát được nếu chúng kết hợp hay phản ứng với nhau tạo ra những chất mới. (xem thêm video Story of Stuff để biết thêm điều này). Không sao, phần lớn mọi người đều quen với điều này và nghĩ không ảnh hưởng gì to lớn lắm đến họ nên không sao cả. Dù cho đó là lý do ngày nay tỷ lệ bệnh nhân mắc các loại ung thư cao đến kỷ lục nhưng cứ không phải mình bị thì chưa sao, chưa bận tâm. Nhưng nếu như đầu độc cơ thể chỉ mang lại tác hại một phần thì có những loại chất độc khác ảnh hưởng bội phần tới chúng ta, tới cuộc sống mỗi người, tới sự phát triển của đất nước và xã hội. Một loại đầu độc cực kỳ nguy hiểm và nhất định phải bị lên án, bị tẩy chay. Đó là sự đầu độc về tâm trí Đầu độc kiến thức   Giáo dục là một trong những việc tối quan trọng của mọi quốc gia, giáo dục giúp tạo nên những thế hệ tuổi trẻ hiểu biết và sáng tạo để xây dựng đất nước, đóng góp cho đời. Chính vì thế kiến thức trong giáo dục như là dưỡng chất quan trọng nhất để nuôi dưỡng những mầm cây. Nhưng nhìn lại nền giáo dục của chúng ta, nhìn lại những kiến thức mà ta đã dạy thì hình như nó không ý nghĩa gì với sự phát triển của mầm cây bao nhiêu cả, nếu không muốn nói là độc hại khôn lường. Kiến thức lỗi thời là một sự thiệt thòi nhưng kiến thức sai lệch lại hoàn toàn là thứ vô cùng nguy hại. Hãy nhìn lại truyện Tấm Cám – câu chuyện cổ tích được chúng ta lan truyền qua bao thế hệ, dạy cho bao lớp trẻ em ngây thơ trong trắng. Trên thế giới này có câu chuyện nào ly kỳ, hấp dẫn và kinh dị đến thế không? Chúng ta được dạy rằng Cám là đứa ác độc còn Tấm thì thật đáng thương, thật dịu hiền và ai cũng mong con cái mình được trở thành cô Tấm: xinh đẹp – hiền lành – chịu thương chịu khó – nhẫn nhục. Ôi trời, Tấm hiền lành ư? Tấm dịu dàng thật sao? Hãy nhìn lại đi. Cô Tấm trong câu chuyện của chúng ta là hiện thân của cái ác, của sự tàn độc, thù hằn và tàn nhẫn mới đúng. Đó là một câu chuyện bi thương đẫm máu, ca ngợi hận thù, ghen ghét, đố kỵ, đầy những tình tiết man rợ và ác độc vô cùng. Có câu chuyện cổ tích nào trên thế giới mà nhân vật nữ chính hiền lành nhu mì lại hết lần này đến lần khác muốn trả thù, muốn hại người bằng những phương pháp thâm độc đến mức ghê rợn như thế: “Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra.” Đỉnh điểm là xui Cám tắm bằng nước sôi để được trắng da như mình, rồi khi Cám chết thì lấy xác chặt ra ướp làm mắm gửi cho mẹ nó ăn, vâng là chặt ra làm mắm. Đó chẳng phải chính là đỉnh cao của sự man rợ và tàn nhẫn sao? Tại sao lại có kiểu người ác độc như vậy được đưa vào truyện cổ tích truyền cho muôn thế hệ mà vẫn tự hào và mong mỏi? Nếu như những hành động của Cám là ác một phần thì rõ ràng Tấm còn ác gấp nhiều lần hơn thế. Vậy mà chúng ta vẫn ca tụng cô ấy ư? Trẻ con có nhất thiết phải học về sự ghen tỵ, đố kỵ, hận thù như thế? Có đáng không?   Rồi một kênh truyền hình lớn như VTV mới đây trong chương trình “Đấu trường sinh tử” sao lại có thể tuyên truyền với đại chúng kiến thức rằng con đỉa khi đốt cháy và nghiền nát thành cám rồi vẫn có thể hồi sinh? Trong khi điều này không phải là sự thật, là phản khoa học, chỉ là một tin rác được lan truyền trên mạng xã hội. Rồi thì những loại kiến thức như đất nước ta rừng vàng biển bạc, nhân dân ta chăm chỉ cần cù, chúng ta luôn xuất khẩu gạo hàng đầu, tiêu điều hạng hai, cafe hạng ba vân vân. Những thông tin kiến thức này đã quá thể lạc hậu, lỗi thời và thậm chí quá cách xa sự thật mà sao vẫn cứ dùng để dạy hoài. Tại sao người ta không dạy những kiến thức hiện đại, rằng Việt Nam là một trong những nước nghèo nàn lạc hậu sống mãi ở thế kỷ 19, rằng tài nguyên của chúng ta đã cạn kiệt rồi, rằng điều quan trọng không phải là xuất khẩu được bao nhiêu nhưng là người dân có đủ gạo để ăn chưa? Rằng thực trạng chúng ta bị tồn dư thạc sĩ tiến sĩ nhiều nhất thế giới, những người cầm bằng xanh đỏ không thể làm được con ốc con vít cho đời. Tại sao cứ chỉ bắt bao lớp trẻ học và tự hào về những ánh hào quang mốc meo của quá khứ, ép chúng phải tư duy giống nhau, phải có cùng một người bà, một người cô, một kiểu sinh hoạt gia đình trong các bài làm văn. Bắt chúng phải sợ lỗi sai, bắt chúng tin rằng bản thân chúng được đánh giá bằng những con số? Đó chính là một sự đầu độc, và đầu độc bằng giáo dục có lẽ là loại đầu độc tệ hại, gây hậu quả ngiêm trọng và tàn ác nhất. Đầu độc thông tin Xã hội hiện tại, chúng ta không chỉ tiêu thụ cơm nước mỗi ngày mà thật ra chúng ta tiêu thụ thông tin còn nhiều hơn. Thông tin chính là loại lương thực nuôi dưỡng trí óc và tâm trí mỗi người nhiều nhất. Thông tin đến từ mọi nguồn, từ ngoài đời thực vào mạng ảo, từ người lạ tới người quen, và kênh quan trọng nhất, kênh truyền thông là kênh mang lại nhiều thông tin nhất cho mọi người. Nhưng hãy nhìn lại cách truyền thông đang làm với thông tin, chúng ta sẽ nhận thấy mình đang bị đầu độc nhiều đến thế nào. Những thông tin sai lệch không được kiểm chứng, những tin rác, tin giật gân, tin sốc, tin động trời, tin hé lộ, tin bật mí…. Mọi loại tin truyền thông mang lại, đều đầu độc chúng ta theo cách nào đó. Nó khiến chúng ta quên đi những mối nguy to lớn quan trọng trước mắt mà tập trung vào những gì chúng muốn: hàng hóa, sản phẩm, trào lưu, ngoại hình, người nổi tiếng, phim ảnh… Những thứ này không hề mang lại điều bổ ích gì cho cuộc sống của chúng ta cả. Vậy mà chúng ta vẫn quan tâm. Truyền thông thật tài giỏi, nó tài giỏi dựa vào sự dễ dãi của độc giả, sự ngu ngốc và háu đói tin tức giật gân của mọi người.   Mới đây tôi đã làm một sự thống kê nhỏ xem tuổi trẻ của chúng ta hiện nay đang quan tâm tới vấn đề gì trong cuộc sống bằng cách liệt kê các tin đăng trên một website nổi tiếng dành cho giới trẻ. Và đây là kết quả:* Ngày 24/11 – bao nhiêu tiền lì xì bưng tráp cho cô dâu nổi tiếng – sao kia mặc hở đẹp hay xấu – 2 chàng trai TQ giảm cân thành hotboy – 1 cậu bé có cái tên lạ – bóc mác những bộ cánh lộng lẫy – thảm đỏ đầy sao hàn sao thổ – chuyện cái thảm chùi chân kết bằng hoa của đám cưới một ng nổi tiếng – chuyện ai đó phớt lờ sự quan tâm của ai đó (tên Hàn không đọc được) ….* Ngày 25/11 – loạt ảnh của cô bé 6 tuổi – “giật mình” 10x xưng hô vợ chồng, kể chuyện yêu nhau trên fb – mỹ nhân Việt người thon gọn, kẻ phát phì – Thật hư câu chuyện trả tiền bê tráp bèo bọt – Nong poy giữa sao hàn – Victoria’s Secret ngày xưa – áo dài Miss World nhái Burberry – Hari Won bất ngờ lôi cuốn vs vẻ gợi cảm – Hari Won (lại HW) những bí mật riêng tư khó tin – những loại mụn k nên nặn – Elsa sẽ yêu vệ thần Rise? – Một bảo mẫu ở Uganda nào đó bạo hành trẻ – tâm thư H.H gửi cho con … * Ngày 27/11 ·                     5 cựu hot-girl làm mẹ vẫn xinh ngất ngây ·                     Cô dâu Y.P xinh đẹp bên chú rể L.T ·                     Mỹ nhân nào sẽ tiếp quản danh hiệu ngọc nữ ·                     Khi cậu ấm cô chiêu làm mẫu thời trang Thôi copy mục tin hot trong ngày luôn cho nhanh ·                     Nghi vấn Chanyeol lộ ảnh mặc áo chíp của phụ nữ ·                     Top phim Hàn lãng mạn nhất mọi thời đại ·                     9 nhan sắc truyền kỳ nổi tiếng của các trường đại học Trung Hoa ·                     5 cách mix-match cực xinh với denim ·                     Thực hư việc uống nước đun sôi để nguội ·                     Nhận biết 4 căn bệnh ung thư phổ biến ·                     Park Shin Hye nào vừa khóc vừa tỏ tình với bác nuôi …. Xin lỗi vì nói ra điều này nhưng thật đáng thất vọng quá, đó là tất cả những gì tuổi trẻ – lứa tuổi tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và thời gian – quan tâm sao? Tất nhiên không phải là tất cả, rằng ngoài kia còn biết bao người đang đọc sách, đang nghiên cứu khoa học, công nông nghiệp, đang cố trồng cây hoa nuôi con cá, đang làm những công tác từ thiện, nhưng hình như số đó không nhiều. Phần còn lại của giới trẻ quan tâm những điều này nhất sao? Đâu rồi những kế hoạch cho cuộc đời, những giá trị của thời gian, những ý tưởng sáng tạo, những thành tựu của tuổi trẻ, những góc nhìn, chính sự? Đâu rồi những kiến thức bổ ích, những thông tin quan trọng về đất nước, về thế giới, về con người? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng bạn đã thấy chưa, cái cách mà truyền thông lái mọi người theo những thứ tầm thường, những tin tức vớ vẩn. Trong khi tuổi trẻ thế giới sục sôi với những phong trào chính trị, với những phát kiến phát minh, với những chuyến đi trải nghiệm khắp thế giới thì tuổi trẻ Việt Nam lại đang bị ru trong những giai điệu bài hát ngọt ngào nước bạn, những bộ phim ướt át hay những trò game thú vị quên ngày tháng, bị cuốn vào những bộ cánh đẹp đẽ, những phát ngôn gây sốc, những con người nổi tiếng… Nếu như truyền thông làm việc mà nó cần phải làm, phải có trách nhiệm, đó là lan truyền thông tin, là những tin tức giá trị, những kiến thức về cuộc sống thì nhất định thế hệ trẻ nghiện tin tức của chúng ta sẽ thật đáng tự hào. Sẽ không còn những thống kê “nhói đau” kiểu này nữa: 1.                  Có 45/45 em đi học bằng xe đạp. Trong đó: Có 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp. Và không có em nào biết sửa xe. 2.                  Có 41/45 em, thường đi qua sông suối. Trong đó, chỉ có 4 em biết bơi, kiểu bơi “chó ngoi nước lụt”. Số còn lại, chỉ biết lặn, kiểu lặn “xuống nước, ba ngày sau mới nổi”. 3.                  Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ có 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng có rửa bát. 4.                  Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên. Trong đó, chỉ có 4 em là nhớ ngày sinh của bố mẹ mình. 5.                  Có 45/45 em đọc sách, (nhưng là đọc các sách giáo khoa). Trong đó có 5 em có đọc sách truyện, nhưng lại bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đã đăng kí mượn sách thường xuyên tại tủ sách miễn phí của thầy Trợ, nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi. 6.                  Có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào ĐH và 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ nhà nước.” Vâng, rõ ràng chúng tôi không muốn có một thế hệ cán bộ nhà nước như các em, những người không bao giờ đọc sách, không biết giúp đỡ gia đình, không trải nghiệm, chỉ biết ngồi ăn sẵn như những con thú cưng nuôi trong lồng kiếng như thế. Và tất nhiên, không trách các em được, có trách thì nên trách nền giáo dục đầu độc và một mạng lười truyền thông khổng lồ đã đầu độc các em, như đã đầu độc bao lớp người Việt. Đầu độc tư tưởng Chúng ta còn bị đầu độc bằng những tin vui khủng khiếp, rằng là nước hạnh phúc thứ ba thế giới, mặc cho mọi khía cạnh về đời sống, kinh tế, xã hội, hạ tầng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế đều gần như thuộc top những nước tồi tệ nhất. Chúng ta bị đầu độc rằng truyền thống ngàn năm văn hiến thật tốt đẹp, những nét văn hóa chợ cóc, văn hóa xe máy, văn hóa lúa nước, văn hóa làng xã… những thứ này đều là văn hóa và đã là văn hóa thì thật tốt đẹp, cần phải bảo tồn. Chúng ta được đầu độc rằng kinh tế đang phát triển, GDP vẫn tăng đều mặc cho nợ công sắp vỡ tới nơi, mặc cho cách tính GDP chẳng giống một ai trên thế giới cả. Ai đó đã nói, cách tính GDP của chúng ta là lấy tổng chia cho đầu người để ra con số, kiểu như một người chỉ ăn rau, môt người được ăn con gà, nhưng khi chia đều thì ai cũng được ăn cả rau và gà cả, thật tốt đẹp làm sao. Chúng ta được đầu độc rằng chi tiêu và mua sắm là việc tối quan trọng, rằng ngoại hình và vật phẩm xa sỉ là thứ sẽ làm nên con người chúng ta. Chúng ta được đầu độc rằng mối quan hệ Việt Nam và thế giới thật tốt đẹp, chúng ta luôn được yêu thương, luôn được tôn trọng và ai khi nghe đến tên Việt Nam cũng vỡ òa kính nể. Sự thật thì bạn hãy hỏi những người hay đi ra nước ngoài sẽ rõ. Chúng ta được đầu độc rằng Việt Nam giàu có với cơ sở hạ tầng đang được cải thiện chóng mặt, những công trình ngìn tỉ mọc như nấm, nhà văn hóa trăm tỉ, trụ sở phường xã tỉnh lị ủy ban nghìn tỉ, đến cầu cống thậm chí cái nhà vệ sinh cũng phải vài tỉ thì biết Việt Nam mình đang phát triển khủng khiếp thế nào. Đến ông tổng thanh tra luôn than nghèo kể khổ còn có vài ba cái biệt thự bỏ hoang không ai thèm ở, mà dám nói Việt Nam nghèo sao?   Vâng, tất cả chúng ta, ít hay nhiều, đều đang bị đầu độc… Câu hỏi đặt ra là, chúng ta chấp nhận để bản thân mình chịu cảnh này tới khi nào? Phi Tuyết   Nguồn: triethocduongpho.com
......

Blogger Người Lót Gạch cũng lại bị bắt theo điều 258

Cổng thông tin điện tử Bộ công an đưa tin ngày Chủ nhật, 30/11/2014 Giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót Gạch, một trí thức kiều bào về nước, vừa bị bắt giam vào khuya ngày 29 tháng 11 theo điều 258 Bộ Luật hình sự Việt Nam. Đây là trường hợp mới nhất tại Việt Nam bị bắt theo điều luật mà lâu nay bị lên án là mơ hồ nhằm trấn áp các tiếng nói phản biện trong nước. Người ‘thoát Trung’ mạnh mẽ Tin tức về việc ‘bắt quả tang’, rồi ‘khám xét nhà khẩn cấp’ và ‘bắt giam’ giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót Gạch được blog nguyentandung loan đi sớm nhất. Cổng thông tin của Bộ Công An có thông tin tương tự như trên trang blog nguyentandung. Theo đó cơ quan an ninh điều tra TP. HCM theo tin tố cáo của quần chúng đã tiến hành biện pháp nghiệp vụ của họ đối với ông Hồng Lê Thọ, sinh năm 1949, hiện ngụ tại số 32 Cửu Long, phường 15, quận 10, TP. HCM.   Cơ quan điều tra cho rằng ông Hồng Lê Thọ cho đăng trên mạng các bài viết với nội dung mà cơ quan này cho là ‘có nội dung xấu, thông tin sai lệch, làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân với cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân theo điều 258 Bộ luật hình sự’. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, một người biết rõ về giáo sư Hồng Lê Thọ, cho biết những nhận xét của bản thân đối với người vừa bị bắt như sau: Tôi đã quen biết anh Thọ nhiều năm nay và tôi rất có tình cảm với anh Thọ. Tôi cho đó là một người trí thức có tinh thần dân tộc cao, một trong những người đưa ra đường lối ‘thoát Trung’ mạnh mẽ nhất, tách bạch và có chiều sâu nhất. Anh Thọ là một Việt Kiều Nhật, anh rành cả tiếng Pháp và tiếng Anh, trang Người Lót Gạch của anh có thể nói gần như là trang duy nhất ở Việt Nam điểm tin bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, cung cấp lượng thông tin bổ ích cho độc giả. Anh cũng là người có kiến thức sâu trong khá nhiều lĩnh vực và có quan hệ với nhóm Việt Studies ở Hoa Kỳ và một số nước Phương Tây. Theo tôi tựu trung lại anh là người có quan điểm rất ôn hòa về chính trị. Không bao giờ có chuyện nói anh vi phạm điều 258, chuyện lợi dụng cái này, lợi dụng cái kia hay vấn đề dân chủ để lật đổ chế độ hay tuyên truyền chống phá chế độ. Thậm chí khi nói chuyện với tôi anh phê phán thẳng một số quan điểm cực đoan; nhưng tôi không biết Nhà nước này bắt anh để làm gì?Nếu không vì một lý do gì đặc biệt và ẩn giấu, người ta phải công khai tất cả mọi chuyện, minh bạch hóa, không thể bắt giữ công dân một cách tùy tiện, mà đặc biệt vẫn sử dụng điều luật 258 mà quốc tế lên án. Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng có ý kiến về việc bắt giữ giáo sư Hồng Lê Thọ mà được nói là do những bài viết đăng trên Internet có nội dung xấu, thông tin sai lệch như cơ quan an ninh điều tra nêu ra: Theo tôi khó có thể đánh giá qua những bài viết, những bài đăng lại trên trang Người Lót Gạch để qui ra tội chống phá chính quyền. Thực sự tôi không đọc khá thường xuyên trang Người Lót Gạch vì bận quá nhiều việc; nhưng chúng tôi gặp nhau thường xuyên nói chuyện. Trước khi anh Thọ bị bắt khoảng hai tuần, chúng tôi có gặp nhau uống cà phê, và tôi thấy anh Thọ vẫn ổn, ôn hòa và anh nói về những bài viết, bài đăng lại trên trang Người Lót Gạch thì không có vấn đề gì cả. Đó là theo anh ta nhận định, và tôi cũng nghĩ rằng nếu Nhà nước muốn bắt những người bị coi là bất đồng chính kiến vào thời điểm này thì Nhà nước Việt Nam phải rất cân nhắc về chuyện làm sao họ có đủ lý do, đủ cơ sở, không thể đưa ra những lý do tùy tiện như trước đây, đặc biệt đối với những người như anh Hồng Lê Thọ. Tôi biết trong nhóm trí thức Việt Kiều, nhất là nhóm luôn có mong ngóng, mong đợi đóng góp những ý kiến phản biện để xây dựng kinh tế, xã hội, kể cả góp ý về một số vấn đề chính trị đối với Nhà nước Việt Nam, anh Thọ là người có uy tín và anh luôn đưa ra những gợi ý, những đóng góp mà tôi cho có giá trị. Anh cũng là người mà ở trong nước không phải ít người biết đâu, khá nhiều người biết anh, đặc biệt trong giới dân chủ- nhân quyền. Thành thử uy tín xã hội và năng lực cá nhân của anh Hồng Lê Thọ là vấn đề mà tôi cho rằng khi muốn bắt giữ anh, Nhà nước phải cân nhắc, phải thận trọng nếu không sẽ gặp phản ứng rắc rối và lớn chuyện từ phía Hoa Kỳ và Phương Tây.   Bắt theo tố giác Việc tiến hành khám xét và bắt giữ giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót Gạch, còn được nói là theo tin tố giác của quần chúng. Nhà báo Phạm Chí Dũng có ý kiến về điều này:   Về mặt tố giác của quần chúng, đó là một cụm từ chung trong pháp luật và điều tra xét hỏi bên ngành công an, điều đó không có gì sai vì tố giác của quần chúng là một cơ sở để có thể dẫn đến bắt giữ, bắt giam một nhân vật, một đối tượng hình sự nào đó. Tuy nhiên so với những nhân vật bất đồng chính kiến khác trước đây, lần này cơ quan an ninh điều tra lại dựa vào tố giác của quần chúng, đó là một hiện tượng khá bất thường, một cụm từ khá lạ được ứng vào trường hợp này. Tôi biết trong thực tế điều tra, xét hỏi ở Việt Nam, thường người ta áp dụng cơ sở tố giác của quần chúng đối với tội phạm là những trường hợp đối tượng hình sự; chứ không phải những đối tượng hoạt động chính trị, những nhân vật bất đồng chính kiến, hoặc dân chủ, đấu tranh cho nhân quyền. Trường hợp này áp dụng với anh Hồng Lê Thọ, tôi cho là khá lạ. Điều đó cho tôi một chút hy vọng là anh Thọ có thể sẽ không bị bắt lâu. Có thể qua một quá trình điều tra nào đó ngắn hạn, cơ quan Nhà nước: các cơ quan công an, chính quyền cũng sẽ phải thả anh ra.   Vào chiều ngày 27 tháng 11 vừa qua, một nhóm sinh viên tại Hà Nội cũng bị lực lượng chức năng ập vào nhà khám xét, bắt đưa về đồn Công an cũng như tịch thu một số tài liệu về dân chủ, nhân quyền của những sinh viên này. Việc làm đó cũng được nói là do có tố cáo của người dân những sinh viên này tàng trữ chất cháy, chất nổ. Facebooker Lý Quang Sơn phản bác về cơ sở có tố cáo để đột nhập vào phòng trọ của các bạn như sau: Họ viện cớ dùng đơn tố cáo để xâm nhập vào nhà chúng tôi. Tôi nói tôi hoàn toàn có thể dùng đơn tố cáo bất kỳ một quan tham nhũng nào, và ngay ngày mai tôi yêu cầu họ phải xông vào nhà quan tham nhũng đó để điều tra. Tôi thách đố họ làm điều đó, nhưng họ không thể làm được, họ không nói gì. Điều 258 vô lý Việc khám nhà và bắt giữ giáo sư Hồng Lê Thọ, chủ nhân trang blog Người Lót gạch, là trường hợp mới nhất bị bắt giữ theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Điều luật này lâu nay bị nhiều người quan tâm cho rằng mơ hồ và Nhà nước lập ra để dễ bề trấn áp những tiếng nói đối lập, phản biện. Hiện nay có hai trường hợp cũng đang bị truy tố và giam giữ với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân’ theo điều 258 là blogger Anh Basam Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn thị Minh Thúy. Nguồn: vietnamese/in_depth/1-mr-blog-258-11302014050249.html
......

Trung Quốc không là nước siêu cường

Trung Quốc không là siêu cường quốc và cũng không phải là nước có khả năng thống trị trong vùng. Ngay sau khi các hội nghị Asian ở Bắc Kinh và G20 ở Bisbane (Úc) vào trung tuần tháng 10 vừa chấm dứt, viện nghiên cứu Kokoda Foundation của Úc công bố một bản báo cáo cho rằng Trung Quốc có thể là một cường quốc kinh tế, nhưng nước này sẽ không trở thành một cường quốc bao trùm trong vùng. Khi xem xét các yếu tố trong hướng phát triển của Trung Quốc để có thể trở thành một siêu cường có khả năng chi phối và can thiệp hữu hiệu trên toàn cầu để đạt được các mục tiêu của họ, thì người ta cũng thấy rằng các dự đoán về một nước Trung Hoa có khả năng thống trị châu Á sẽ là quá sớm, nếu không nói là không thực tế. Các tác giả của bản báo cáo vừa kể nhận định về lập luận cho rằng, với sự tăng trưởng kinh tế và khả năng quân sự (hiện nay) Trung Quốc vốn dĩ đã là một cường quốc rồi, là không đứng vững. Những giới hạn của nền kinh tế Trung Quốc, sự thiếu vắng các mối quan hệ song phương chặt chẽ và sự yếu kém về khả năng quân sự, khiến Trung Quốc không trở thành quốc gia tiên tiến (về chính trị và kinh tế) có ảnh hưởng bao trùm trong vùng sớm sủa được. Với mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay khoảng 7%, thấp nhất từ 5 năm qua, tuy là mức tăng trưởng mà nhiều nước phải ghen tị, nhưng theo các chuyên gia thì chính sự sụt giảm năng xuất kinh tế này là dấu hiệu rõ nhất cho thấy Trung Quốc không thể tiếp tục giữ được mức tăng trưởng như đã thấy. Bản báo cáo của viện nghiên cứu Kokoda cũng cho biết, hiệu năng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2012 được ước đoán vào khoảng 1/5.5, tức là nếu đầu tư 5.5 đồng thì chỉ cho ra thành phẩm có giá trị 1 đồng. Những diễn tiến và thực tế trong kinh nghiệm phát triển kinh tế của nhiều nước Đông Á trong những năm qua cho thấy, tỷ xuất hiệu năng đó chỉ phản ánh sự phung phí lớn lao cũng như không hiệu quả trong đầu tư kinh tế. Điều này không thể kéo dài mãi được. Kinh tế gia Xiaolu Wang và Yixiao Zhou, đồng tác giả của luận án “’Deepening Reform for China’s Long-term Growth and Development (’Cải Cách Sâu Rộng cho Con Đường Tăng Trưởng và Phát Triển Dài Hạn ở Trung Quốc’) cũng đồng ý với nhận định vừa kể và cho rằng: đối với nền kinh tế trung bình như của Trung Quốc thì hiệu suất đầu tư bị sụt giảm quá nhiều, như đã diễn ra trong 10 năm qua, phản ánh tình trạng kém hiệu năng trên con đường phát triển của Trung Quốc. Hơn thế nữa, Trung Quốc không thể tạo ra được một bước nhảy vọt để từ một nước có thu nhập trung bình lên hàng những quốc gia có thu nhập cao. Gia tăng tiêu chuẩn mức sống của người dân là một đòi hỏi cần thiết để được xếp hạng trong danh sách các quốc gia có ảnh hưởng. Làm như vậy đòi hỏi Trung Quốc phải gia tăng rất lớn cho ngân sách an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp cũng như y tế đại chúng. Hiện nay ngân sách an sinh xã hội chỉ chiếm khoảng 10.5% và cho y tế 6.1% trong ngân sách của Trung Quốc. Mặc dù quốc phòng chiếm đến 15% ngân sách của Trung Quốc, nhưng theo bản báo cáo của Kokoda Foundation thì Trung Quốc cũng không thể trở thành một siêu cường quân sự cho đến khi nào nước này có khả năng hành động mang tính quyết định trên phạm vi toàn cầu. Thực tế cho thấy hải quân Trung Quốc hiện nay chỉ là hải quân của vùng nước xanh lá cây (tức vùng duyên hải của Trung Quốc và vùng phía bắc biển Đông của Việt Nam), chứ chưa phải là hải quân nước xanh lam, tức viễn dương, để có khả năng hoạt động toàn cầu. Vụ tìm kiếm xác chiếc máy bay MH370 của Mã Lai (bị mất tích vào đầu tháng ba năm 2014) dưới đáy biển phía tây nước Úc và nam Ấn Độ Dương, đã cho thấy khả năng rất giới hạn về khoa học kỹ thuật và đặc biệt là giới hạn về khả năng của hải quân Trung Quốc. Trung Quốc phải mượn cảng Albani (Tây Úc) để làm căn cứ tạm cho tàu bè và máy bay của họ. Nếu so sánh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thì sự cách biệt về các khả năng nêu trên là “một trời một vực”. Không tính lực lượng hàng không mẫu hạm, thì từ sau thế chiến thứ hai Hoa Kỳ đã thiết lập những căn cứ hải và không quân, cũng như có những thoả thuận với các quốc gia thân hữu để sử dụng những phương tiện đó, rải rác trên khắp thế giới. Trong khi Trung Quốc không có một căn cứ nào như vậy bên ngoài lãnh thổ của họ, ngoại trừ các căn cứ nhỏ trên 3 hòn đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa mà họ lấn chiếm của Việt Nam. Nếu biết rằng tàu bè và máy bay đều chỉ có tầm hoạt động giới hạn, thì mới thấy những căn cứ sửa chữa và tiếp liệu như Hoa Kỳ đã có quan trọng dường nào (nếu không nói là mang tính quyết định). Ngay cả 3 căn cứ của Trung Quốc trên biển Đông vừa nêu, tuy hiển nhiên là sự đe doạ sống còn đối với Việt Nam, nhưng đối với Hoa Kỳ thì lại rất dễ dàng bị vô hiệu hoá bằng một cuộc tấn công từ xa mà Trung Quốc không thể nào chống đỡ được. Dù rằng Trung Quốc đã phát triển những vũ khí có thể gây nguy hiểm cho lực lượng quân sự Mỹ khi tiến gần đến (lãnh thổ) Trung Quốc, nhưng thực tế đã cho thấy Trung Quốc không có khả năng dùng toàn lực để phong toả Đài Loan hoặc để thực hiện được một cuộc tấn công toàn lực đổ bộ xâm chiếm đảo quốc này.   Hệ quả của các cuộc tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản và mấy nước lân cận đã khiến Trung Quốc trở thành quốc gia không có bạn bè. Cuộc khảo sát của viện nghiên cứu PEW vào đầu năm nay cho biết, trong số 8 quốc gia Á Châu được khảo sát thì có đến 5 nước ác cảm đối với Trung Quốc. Sự thiếu thiện cảm này làm giảm sút ảnh hưởng của Bắc Kinh cũng như gây trở ngại cho khả năng chi phối các vấn đề trong vùng mà Trung Quốc mong muốn. Ông Varathan, một kinh tế gia cao cấp của ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cũng đồng ý rằng, tuy Trung Quốc vẫn đang cố gắng đổ tiền đầu tư hầu tìm kiếm bạn bè ở trong vùng, nhưng họ không có được uy tín của quyền lực mềm mà một nước có ảnh hưởng cần phải có. - - -   Tài liệu tham khảo: 1. Why China won’t be Asia’s dominant power (https://ca.finance.yahoo.com/news/why-china-wont-asias-dominant-power-05...) 2. Search For Missing Malaysia Jet Reveals China’s Navy Vulnerability (http://www.businessinsider.com/r-search-for-mh370-reveals-a-military-vul...) 3. World Wide Aircraft Carriers (http://www.globalsecurity.org/military/world/carriers.htm) 4. Trung Quốc có đáng sợ hay không? (http://nguoiviettv.com/?p=20088)   Theo Viettan.org
......

Trận chiến ngoại tệ sắp tới

Trong khi đồng Mỹ Kim cứ lên giá liên tục so với các ngoại tệ chính yếu khác thì đồng Yen của nền kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới là Nhật Bản lại sụt giá mạnh và còn có thể sụt nữa. Vì sao lại như vậy và hậu quả cho các nền kinh tế khác trên thế giới sẽ là gì? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu nguyên do và ảnh hưởng của sự chuyển động ấy qua phần phân tích cùa chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin quý thính giả theo dõi cách Việt Long nêu vấn đề như sau đây. Thế giới sẽ gặp biến động về ngoại hối Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Cách đây một tháng, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra một dự báo bi quan về tình hình kinh tế toàn cầu, thì trên diễn đàn này ông nói đến việc Mỹ Kim lên giá so với các ngoại tệ khác và nhấn mạnh là thế giới sẽ gặp nhiều biến động về ngoại hối. Từ mấy ngày qua, người ta lại thấy đồng Yen của Nhật sụt giá mạnh so với tiền Mỹ và nhiều loại ngoại tệ khác. Nhật Bản có sản lượng kinh tế đứng hàng thứ ba của thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc và là một quốc gia xuất cảng rất mạnh. Khi tiền Nhật sụt giá như vậy thì ảnh hưởng sẽ ra sao cho các nền kinh tế khác? Chúng tôi nêu vấn đề trong mục đích tìm hiểu về những biến động ngoại hối mà ông đã nhắc đến từ tháng trước.   Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng hôm Thứ Ba 17 vừa qua, Thủ tướng Nhật là ông Shinzo Abe loan báo quyết định giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm vào ngày 14 tháng tới. Việc ấy xảy ra sau khi có thống kê xác nhận kinh tế Nhật lại bị suy trầm nữa trong Quý Ba vừa kết thúc vào Tháng Chín. Trước đó, vào ngày 31 Tháng 10, Ngân hàng Trung ương Nhật cũng quyết định sẽ lại bơm thêm tiền theo phương pháp gọi là "gia tăng mức lưu hoạt có hạn định" hay "quantitative easing" gọi tắt là QE với số lượng cực lớn, dự trù là tương đương với hơn 700 tỷ đô la mỗi năm, cho đến khi kinh tế ra khỏi suy trầm hoặc lạm phát lên tới 2% thì mới ngưng. Khi đồng Yen mất giá thì hàng hóa của Nhật lại trở thành rẻ hơn, tức là dễ xuất khẩu hơn, nên sẽ gây sức ép cho các nền kinh tế sống nhờ xuất khẩu, thí dụ như kinh tế Đức và Trung Quốc. -Nguyễn-Xuân Nghĩa Những biến cố dồn dập ấy giải thích vì sao tiền Nhật mất giá so với các ngoại tệ khác như Mỹ Kim hay đồng Euro của Âu Châu. Nếu nhìn trong dài hạn thì việc đồng Yen mất giá là sự chuyển động dễ hiểu với hậu quả có thể là một trận chiến về ngoại tệ giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới khiến nhiều quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, sẽ lâm vào khó khăn trong các năm tới.   Việt Long: Chúng ta lần lượt tìm hiểu hiện tượng này để phần nào thấy trước được biến động ấy. Trước hết, xin ông nói về kinh tế Nhật và những lý do khiến tiền Nhật sẽ còn mất giá nữa. Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nhật Bản có vấn đề trường kỳ là nạn dân số sút giảm với tỷ trọng rất lớn của người cao niên lớn tuổi – mà người ta gọi là nạn lão hóa dân số. Lý do sâu xa này khiến mức tiêu thụ sút giảm và hàng họ mất giá. Trong khi đó, vì mở ra làm ăn với toàn cầu, kinh tế Nhật vẫn có ưu điểm là nơi đầu tư ổn định khiến thiên hạ trút tiền mua đồng Yen để tìm cơ hội kiếm lời trên thị trường Nhật. Kết hợp hai chuyện 1) dân số và tiêu thụ giảm khiến kinh tế bị nạn giảm phát – disinflation – và 2) nội tệ lên giá dẫn tới hiện tượng giá cả trong nước sụt đều làm người dân càng tiết kiệm và đình hoãn chi tiêu để chờ khi giá hạ hơn nữa. Hoàn cảnh éo le ấy khiến các doanh nghiệp Nhật bị điêu đứng. Đầu tư giảm vì mức lời sụt dẫn tới việc cắt lương và mở ra vòng xoáy lẩn quẩn: lương hạ càng đánh sụt mức tiêu thụ và làm kinh tế đình trệ. Sự chuyền động lớn này giải thích vì sao kinh tế Nhật bị suy trầm liên tục từ hai thập niên đã qua. Thế rồi, chiếm đa số áp đảo sau cuộc bầu cử vào cuối năm 2012, Chính quyền của Thủ tướng Abe mới áp dụng chánh sách cải cách táo bạo, được gọi là Abemomics, nhắm vào ba hướng gọi là "ba mũi tên". Thứ nhất là cố tình gây lạm phát qua biện pháp tăng chi để bơm tiền vào kinh tế theo cái ý khuyến khích dân chúng hãy mua ngay đi kẻo mai này hàng lên giá. Thứ hai là cải tiến môi trường kinh doanh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bằng cách giảm thuế doanh nghiệp, khi đó thuộc loại cao nhất địa cầu. Thứ ba là cải tổ toàn bộ cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị Nhật để tìm sức bật mới.... Việc tăng chi chưa có kết quả thì Ngân hàng Trung ương Nhật áp dụng biện pháp tăng mức lưu hoạt, tức là bơm thêm tiền vào kinh tế, với một số lượng tương đối cao gấp đôi Hoa Kỳ. Vì thế mà tiền Nhật mới mất giá. Khi đồng Yen mất giá thì hàng hóa của Nhật lại trở thành rẻ hơn, tức là dễ xuất khẩu hơn, nên sẽ gây sức ép cho các nền kinh tế sống nhờ xuất khẩu, thí dụ như kinh tế Đức và Trung Quốc.   Việt Long: Xin được hỏi ông một câu là vì biện pháp tăng chi ngân sách, Nhật Bản hiện mắc nợ nhiều nhất, có thể lên tới 250% tổng sản lượng kinh tế. Thưa ông, đấy không là một vấn đề sao?   Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đấy là một vấn đề, nhất là khi ta nhớ đến khoản tiền lời phải thanh toán, có khi chiếm một tỷ trọng lớn của các khoản chi ngân sách như nếu phân lời đi vay mà lên tới 2% thì tiền lời sẽ lên tới 80% của số tổng thu về thuế khóa. Nhưng, có một thực tế văn hóa và tâm lý mà mình nên chú ý. Khoản công trái rất cao của Nhật có hai đặc tính. Thứ nhất, tuyệt đại đa số là "nội trái", được yết giá bằng đồng Yen, tức là "Nhật nợ Nhật" chứ không nợ ngoại quốc. Thứ hai, chủ nợ của đa số các khoản nợ ấy lại là Ngân hàng Trung ương Nhật, nghĩa là chủ nợ cũng là chủ nhà in giấy bạc và nhờ vậy có quyền quyết định về phân lời cao thấp khi bơm tiền ra. Vì thế, thị trường tài chánh Nhật vẫn ổn định và không bị giao động nặng - trong khi dân Nhật bấm bụng bảo nhau cho nhà nước vay tiền trong tinh thần liên đới gọi là "rau cháo có nhau". Khi Trung Quốc càng tỏ vẻ hung hăng đe dọa quyền lợi của Nhật thì người dân Nhật lại càng chịu đựng và hậu thuẫn chính quyền để cố gắng vượt khó khăn kinh tế. Bây giờ ta mới nói đến chuyện ngoại hối là hối suất đồng Yen....   Nguy cơ suy sụp Việt Long: Như ông vừa trình bày thì có phải chăng là việc tiền Nhật mất giá là một hiện tượng có những lý do sâu xa và lâu dài hay không? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là câu chuyện còn rắc rối hơn vậy nếu ta nhìn trong trường kỳ. Khoảng 40 năm trước, có lúc tiền Nhật quả thật là quá rẻ mà nhiều người đã quên mất rồi vì phải hơn 300 đồng Yen mới ăn một Mỹ Kim. Khi kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm vào các năm 2008-2009 và tiền Mỹ mất giá thì là lúc đồng Yen lên giá, một đô la chưa ăn được 80 Yen vào năm 2011. Nó chỉ bắt đầu sụt vào cuối năm 2012, rồi dập dình cả năm 2013 qua tới 2014 ở mức trăm đồng ăn một Mỹ Kim. Bây giờ mới sụt mạnh và còn sụt nữa, có thể tới 150 hay thậm chí 200 đồng vào một hai năm tới. Nhưng so với cái giá 300 hay 350 vào những năm 1970-1975 thì vẫn chỉ bằng phân nửa mà thôi.   Việt Long: Thưa về lâu dài thì ý nghĩa sẽ ra sao? Nhìn trong lâu dài thì điều ấy có nghĩa là gì? Là trong khoảng 40 năm, có lúc tiền Nhật tăng giá gấp bốn so với đô la và doanh nghiệp Nhật bị thất thế khi cạnh tranh với doanh nghiệp Hoa Kỳ hay với thiên hạ. Họ phải tìm lợi thế bằng cách khác, chứ không nhờ tiền rẻ mà dễ bán hàng hơn. Một cách chậm rãi, thế giới đang gặp nguy cơ suy sụp nặng một cách cứ tưởng như bất ngờ và ngoài khối công nghiệp hóa. -Nguyễn-Xuân Nghĩa Việt Long: Bây giờ ta mới nhìn qua xứ khác. Thưa ông, đồng Yen mà mất giá như vậy thì hậu quả sẽ là thế nào với các nước khác? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin lấy một thí dụ nổi bật nhất là nền kinh tế đứng sau nước Nhật và cũng lệ thuộc mạnh vào xuất khẩu, đó là kinh tế Đức. Sau đó mới tới Nam Hàn và Trung Quốc. Trong giai đoạn khó khăn sau vụ Tổng suy trầm thì doanh nghiệp Nhật bị mất sức cạnh tranh so với doanh nghiệp Đức, coí thể là mất tới hơn một phần ba trong các năm 2010 đến 2012. Thí dụ như tại Mỹ này thì ta thấy xe hơi của Đức bán chạy hơn xe Nhật. Ngoài lợi thế từ chuyện tiền Nhật lên giá, ta  không quên rằng khi đó Trung Quốc dốc sức đầu tư vào khu vực nội địa là xây dựng hạ tầng cơ sở như cầu đường và gia cư địa ốc hơn là xuất khẩu. Nhờ vậy mà Đức trở thành đầu máy cứu vãn cả khối Euro. Bây giờ, cả hai lợi thế ấy của kinh tế Đức đều hết vì tiền Nhật mất giá và kinh tế Trung Quốc co cụm, mất khả năng nhập khẩu. Khi kinh tế Đức cũng suy trầm như người ta bắt đầu thấy từ tháng trước thì cả Âu Châu sẽ lâm nạn, nhất là khi các nước phải chấp hành chính sách cải tổ hệ thống ngân hàng theo yêu cầu của Hội đồng Ổn định Tài chính. Việt Long: Phải chăng vì vậy mà hồi nãy ông mới nói đến một trận chiến ngoại tệ giữa các quốc gia khi tiền Nhật sụt giá? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật là Ngân hàng trung ương của Âu Châu có phản ứng bơm thêm tiền khiến đồng Euro sẽ mất giá. Nam Hàn cũng vừa có động thái hạ lãi suất, y như trường hợp của Trung Quốc. Ít ai nói ra cái chữ dễ sợ là một trận chiến về ngoại tệ nhưng sự thật thì xứ nào cũng kích thích kinh tế qua các biện pháp tiền tệ hay tín dụng với hậu quả là làm giảm tỷ giá đồng bạc so với các ngoại tệ khác. Các nước Á châu hiện lâm vào hoàn cảnh đó. Khốn nỗi, người ta không thể xuất khẩu lên cung trăng để phục hồi kinh tế mà phải bán hàng cho nhau. Khi kinh tế trì trệ thì các nước nhập khẩu ít hơn và xứ nào sống nhờ xuất khẩu sẽ bị hại nhất vì dù có làm giảm giá đồng bạc thì cũng chưa thoát hiểm mà còn phải trả hóa đơn cao hơn khi mua hàng xứ khác với đồng tiền mất giá. Đấy cũng là bài toán nan giải cho ngân hàng trung ương của Việt Nam. Một cách chậm rãi, thế giới đang gặp nguy cơ suy sụp nặng một cách cứ tưởng như bất ngờ và ngoài khối công nghiệp hóa, có chín nền kinh tế lớn bị nhiều bất trắc nhất, đó là Trung Quốc, Liên bang Nga, Brazil, Chile, Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Turkey và Nam Phi. Ngoại lệ duy nhất vẫn là Hoa Kỳ dù tiền Mỹ lên giá, và hôm qua Thứ Ba 25, bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều chỉnh đà tăng trưởng theo hướng cao hơn. Việt Long: Ông vừa nói đến sự kiện là "một cách chậm rãi, thế giới đang gặp nguy cơ suy sụp nặng một cách bất ngờ". Cách đây hơn một năm, trong dịp phân tích Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ bảy tại Hà Nội, ông có nói đến hiện tượng mà các nhà vật lý gọi là "cát truồi", nghĩa là một cách chậm rãi người ta cứ lặng lẽ tích lũy thêm những yếu tố thất quân bình cho tới khi có sự sụp đổ bất ngờ. Phải chăng, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng đó khi các nước đều cố hạ giá đồng bạc để thoát hiểm mà rốt cuộc lại kéo nhau vào khủng hoảng? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng cái gọi là trật tự kinh tế chính trị của các nước là điều gì đó vô cùng phức tạp vì là kết quả của nhiều động thái khác nhau. Về trường hợp Việt Nam thì tờ World Affairs vừa có bài bút ký khá dài của nhà báo Michael Totten với đề tựa rất lạ, đó là "Phải chăng đã đến ngày tàn của đảng Cộng sản Việt Nam"? Ra khỏi chuyện Việt Nam thì ta nhớ tới kế hoạch Nga bán năng lượng cho Tầu. Họ tưởng khôn khi nhận tiền bằng đồng Nguyên của Tầu thay vì đô la Mỹ. Nào ngờ dầu thô sụt giá và đồng Nguyên sẽ còn mất giá nữa trong trận chiến ngoại hối sắp tới trong khi đô la lên giá. Kết quả là Nga thu về đồng bạc mất giá trong khi vẫn phải trang trải các khoản nhập khẩu khác bằng tiền Mỹ. Tức là Tổng thống Vladimir Putin có thể hoành hành tại Ukraine và cùng Trung Quốc thì coi thường Hoa Kỳ chứ đang bị thiệt cả hai đầu. Những chuyện như vậy đang chậm rãi xảy ra trước mắt chúng ta mà ít ai chịu để ý! Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về lời cảnh báo này. Theo rfa.org/vietnamese
......

"Tự do báo chí ở Việt Nam tệ hơn rất nhiều"!

Giám đốc Mạng lưới báo chí điều tra toàn cầu: “Tự do báo chí ở Việt Nam tệ hơn rất nhiều”Tâm Don- Alex Truong thực hiện   “Mảng báo chí điều tra chỉ có thể phát triển trong một nền báo chí tự do. Hay nói một cách khác, tự do báo chí nuôi dưỡng mảng báo chí điều tra. Không có tự do báo chí sẽ không có báo chí điều tra. Báo chí điều tra là sự thể hiện sinh động sức sống của một nền báo chí có chất lượng”, ông David E. Kaplan- Giám đốc Mạng lưới báo chí điều tra toàn cầu (Global Investigative Journalism Network) đã nói như vậy trong lần gặp gỡ với Việt Nam Thời Báo (VNTB) tại Manila- Philippines. Ông David E. Kaplan Hiểu một cách đơn giản, tự do báo chí đối với ông có nghĩa là gì? Ông David E. Kaplan: Tự do báo chí là việc bạn có thể nói, đăng tải và phát sóng bất cứ gì bạn muốn. Trong một xã hội tự do, mọi người đều có quyền tranh luận với nhiều ý tưởng khác nhau. Tương tự thị trường hàng hóa và dịch vụ, bạn cũng cần một thị trường của những ý tưởng. Theo ông, quốc gia nào có chỉ số tự do báo chí cao nhất? Ông David E. Kaplan: Câu hỏi này tôi không phải là chuyên gia để trả lời, một số tổ chức chuyên theo dõi vấn đề này sẽ biết rõ hơn tôi. Tuy nhiên, theo tôi thấy, thông thường những thứ hạng cao nhất thuộc về các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan. Hoa Kỳ và Canada cũng có thứ hạng khá cao. Kể từ khi chủ nghĩa cộng sản chấm dứt ở Liên Xô và Đông Âu, tự do báo chí đã lan rộng trên thế giới. Giờ đây hầu hết các nước đều có tự do báo chí nên nhà báo và những người làm nghề viết khác có thể đăng tải mọi điều họ muốn. Nhưng thật sự thì vẫn còn một số ít quốc gia cho rằng việc kiểm duyệt dư luận là cần thiết. Trong một thế giới đã toàn cầu hóa, để cạnh tranh với các nước khác, bạn cần phải có dòng chảy tự do của thông tin. Nơi nào vẫn chưa gỡ bỏ gọng kìm kiểm soát truyền thông và tự do tư tưởng thì nơi đó sẽ bị tụt lại phía sau. Đó không chỉ là vấn đề nhân quyền mà nó còn là trở ngại cho phát triển kinh tế. Nhận thấy được điều đó nên Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận tự do ngôn luận và tự do báo chí là những quyền phổ quát.   Vì sao các tổ chức quốc tế như Phóng Viên Không Biên Giới và Freedom House luôn xếp hạng những quốc gia có thể chế độc tài như Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Việt Nam có chỉ số tự do báo chí thấp nhất?   Ông David E. Kaplan: Do tư duy lạc hậu của những người lãnh đạo vẫn còn sống trong quá khứ. Việt Nam vốn có tiềm năng vô cùng to lớn. Các bạn là những người rất chăm chỉ, các bạn còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên trù phú và một lớp người trẻ muốn hướng đến tương lai. Nhưng các bạn không thể hướng đến tương lai nếu không có tự do thông tin. Chủ trương kiểm soát mọi mặt thông tin trong xã hội đang ngày càng trở nên lỗi thời. Làm thế nào có thể giữ kín mọi bí mật trên Internet? Bạn không thể áp đặt sự kiểm soát lên thông tin khi mà ngày nay nó không còn bị ngăn trở bởi biên giới nữa. Vì vậy, điều quan trọng là bạn đưa được tiếng nói của mình đến với nhiều người. Tất nhiên, chính quyền Việt Nam có quyền trình bày quan điểm của họ, nhưng họ phải biết sống chung với các chỉ trích. Chính quyền cần học cách tiếp nhận các phê phán và chỉ trích như Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Brazil hay Tổng thống của Indonesia ngày nay.   Việt Nam rồi sẽ thay đổi, đó không phải là câu hỏi “có hay không” mà là “khi nào” mà thôi. Kiểm soát thông tin chỉ hiệu quả trong thế kỷ 20. Bây giờ là thế kỷ 21, thời đại mà trên Internet thông tin có mọi cách để tìm đến mọi người. Vì vậy, với các nước như trên, khi nào họ mới tính đến viễn cảnh tương lai, bây giờ hay khi đã trễ?   Trong tương lai gần và tương lai xa, chỉ số tự do ở các nước vừa nói trên liệu có được cải thiện không và mức độ cải thiện đến đâu? Ông David E. Kaplan: Từ những bài học lịch sử gần đây, chúng ta thấy mọi chuyện sẽ thay đổi rất nhanh một khi thông tin gần như không thể bị ngăn chặn được nữa. Thanh niên ngày nay lớn lên trong sự tiếp nhận một lượng lớn thông tin từ Internet. Và bạn thử nhìn xem, chính quyền không còn có thể kiểm soát mọi thứ. Từ những thông tin ở cấp lãnh đạo chóp bu cho đến những vấn đề thời sự hằng ngày như y tế, thuốc men, giáo dục, hay tính hiệu quả của chính quyền địa phương. Ở những nước trải qua quá trình hiện đại hóa – Việt Nam đang bắt đầu quá trình này – sẽ xuất hiện một tầng lớp trung lưu. Những người từ tầng lớp này sẽ có những câu hỏi yêu cầu sự trả lời. Họ có quyền đặt câu hỏi. Bạn biết đấy, chẳng hạn như, ‘Vì sao dịch vụ hành khách công cộng lại không hoạt động hiệu quả?’, ‘Vì sao tuyến đường này vẫn chưa được sửa?’, hay ‘Vì sao ngày càng có nhiều công an nhận hối lộ?’. Không thể kìm nén những thắc mắc đó mãi được. Cuối cùng cả hệ thống sẽ thay đổi. Công việc của nhà báo đơn giản là đại diện cho tiếng nói của công chúng. Chúng ta là những người giám sát với nhiệm vụ phản ánh tâm tư và thắc mắc từ xã hội. Vì vậy khi tư duy và tiếng nói của xã hội ngày càng độc lập và mạnh mẽ hơn, báo chí cũng sẽ theo đó phát triển. Thưa ông, ông có quan tâm đến báo chí Việt Nam hay không? Theo ông, Việt Nam có tự do báo chí hay không và Việt Nam cần phải làm gì để có tự do báo chí?   Ông David E. Kaplan: Tôi nghĩ các bạn sẽ là người quyết định phải nên làm gì. Các bạn luôn phải đối mặt với nguy cơ tù tội, sách nhiễu và đàn áp vì những điều các bạn viết ra. Đó là việc rất khó để tôi có thể hiểu được, và tôi không muốn các bạn phải gặp bất kì nguy hiểm nào. Truyền thông chỉ là một phần của xã hội, và xã hội của các bạn đang thay đổi. Vì vậy bên cạnh các nhà báo, có những người khác cũng đang nỗ lực cho cải cách. Đó là thanh niên, sinh viên, giới chuyên môn, tầng lớp trung lưu, những người làm ăn kinh doanh cần sự minh bạch thông tin; đó còn là các quan chức cấp tiến trong chính phủ các bạn. Áp lực thay đổi sẽ đến từ nhiều nơi khi xã hội dần hiện đại hóa. Chúng ta biết rằng để quá trình hiện đại hóa diễn ra thành công, cần hội đủ các điều kiện gồm chính sách thương mại tốt, một nền kinh tế lành mạnh, dịch vụ y tế và giáo dục có chất lượng. Và chúng ta cũng cần có truyền thông độc lập với vai trò là người giám sát – một phần không thể thiếu. Một số quốc gia đang phát triển nhanh chóng là vì họ đã khôn ngoan nhìn thấy rõ điều này. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì tự do báo chí ở Việt Nam tốt hơn hay tồi tệ hơn? Ông David E. Kaplan: Phải nói là tệ hơn rất nhiều. Việt Nam hiện đang bị đẩy ra rìa, đất nước tách biệt so với các quốc gia còn lại. Myanmar đã bắt đầu hiện đại hóa và dỡ bỏ kiểm duyệt. Indonesia và Philippines giờ là những nước tự do. Thailand đang có dấu hiệu thụt lùi nhưng so với Việt Nam vẫn có sự tự do hơn. Bạn biết không, khi chúng tôi đang trong quá trình chuẩn bị hội thảo này (Hội thảo báo chí điều tra Châu Á lần thứ nhất), một nhà báo Việt Nam vì quá sợ nên đã từ chối có tên trong danh sách diễn giả. Đó là kiểu luật pháp gì khi mà làm một diễn giả trong một hội thảo cũng bị cho là phạm tội? Thật điên rồ.   Việt Nam đang cầm tù rất nhiều nhà báo, blogger do họ có chính kiến khác với nhà cầm quyền. Ông đánh giá như thế nào về hành xử của chính quyền Việt Nam đối với sự bắt giữ này?   Ông David E. Kaplan: Trong ngắn hạn, những hành động này khiến những người cầm quyền cảm thấy an tâm, nhưng về lâu dài đó là sự lãng phí thời gian và phản tác dụng đối với xã hội. Cần có môi trường tự do trao đổi ý tưởng, cần có sự chấp nhận những khác biệt để tranh luận công bằng. Đó là cách một xã hội tiến lên. Thoạt nhìn đó là một không gian hỗn độn nhiều chiều nhưng cuối cùng lại rất hữu ích. Bởi nếu tồn tại tham nhũng, yếu kém, thiếu năng lực hay lãng phí trong quản lý, những vấn đề này sẽ được công khai trước ánh sáng. Và điều đó tốt cho tất cả mọi người từ trên cao xuống thấp. Tóm lại, điều tôi muốn nói là truyền thông tự do và độc lập không chỉ đơn thuần là một quyền con người, nó còn là phần không thể thiếu của quá trình phát triển. Vì vậy, để Việt Nam tiến lên phía trước, song song với kinh tế, đất nước các bạn cũng cần mang lại tự do cho truyền thông báo chí. Nguồn: fvpoc.org
......

Cộng đoàn công giáo Đức tại Neustadt-Geinsheim kêu gọi cầu nguyện cho Tù Nhân Lương Tâm Franz-Xaver Đặng-Xuân-Diệu

Neustadt-Geinsheim, 28.11.2014. Để hiệp nhất với các tín hữu tại Việt Nam cầu xin cho tù nhân lương tâm Franz-Xaver Đặng Xuân Diệu và cũng để đáp ứng lời kêu gọi cầu nguyện của Ủy Ban Trung Ương Người Công Giáo Đức (Zentralkomitee der deutschen Katholiken: (http://www.zdk.de/veroeffentlichungen/erklaerungen/detail/Aufruf-zur-Sol...) cho những người Ki-tô-giáo đang bị bách hại, Liên Cộng Đoàn Công Giáo tại Neustadt-Geinsheim gồm các giáo xứ St. Remigius, St. Michael, St. Peter + Paul, St. Jakobus, Heilig Kreuz và St. Pius đã ghi trong lá thư mục vụ tháng 12 Mùa Vọng lời giới thiệu sau đây về anh Đặng Xuân Diệu cũng như lời nguyện xin bình an: Wir beten für die verfolgten Christen weltweit. Besonders für: Franz-Xaver Dang-Xuan-Dieu, 34 Jahre alt, ist Bauingenieur und Katholik der Gemeinde Xuan-My im Bezirk Nhan-Hoa der Diözese Vinh in Mittelvietnam. Er war einer der Gruppenleiter der Johannes-Paul-II-Lebensschutzgruppe. und nahm am Marsch für das Projekt "Pro-Life" teil. Auch beteiligte er sich an den Rettungsmaßnahmen während der Flutkatastrophe in Nghe-An und Ha-Tinh. Er vermittelte Rollstühle an Menschen mit Behinderung sowie Stipendien an arme Studenten. Aufgrund seines vielfältigen sozialen Einsatzes und seiner zunehmenden Beliebtheit in der Provinz fiel er den kommunistischen Machthabern jedoch negativ auf. Man warf ihm „Verschwörung zum Umsturz der Regierung“ vor. Am 30. Juli 2011 wurde er in Sai-Gon festgenommen. Am 09.01.2013 wurde Franz Xaver Dang-Xuan-Dieu zu 13 Jahren Haft und 5 Jahren Hausarrest verurteilt.
......

Huyền thoại đu dây

Khi người ta nói Việt Nam đang đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thì sự ví von ấy hàm ý liều lĩnh, bắt cá hai tay, muốn chơi với cả hai bên mà lại không thật lòng với bên nào. Có nghĩa là cà chớn. Và như thế thì rốt cuộc chẳng được gì. Sẽ trơ trọi, sẽ đơn độc. Và trò “đu dây” ấy sẽ rất nguy hiểm. Nhưng trên thực tế Việt Nam có đu dây không? Người đu dây là một người tự tin, dũng cảm, mạnh mẽ và tài năng. Nhưng đứng trước Trung Quốc và Mỹ thì chính quyền Việt Nam không hề có các tố chất ấy.         -Không tự tin vì mặc cảm nước nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu. Trước đây Việt Nam huênh hoang là “đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ”. Nay thì tự ti đến nỗi một ông bộ trưởng Tàu sang Việt Nam để “kêu gọi đứa con hoang trở về” mà chính quyền cứ im thin thít. -Không dũng cảm vì nó giết ngư dân mình mà mình còn sợ phạm huý, chỉ dám gọi nó là “tàu lạ”. Nó đổ quân chiếm đảo của mình mà mình lại ra lệnh không được kháng cự để đến nỗi bị nó bắn tan xác 65 chiến sĩ hải quân ở Gạc Ma chỉ trong vòng mấy phút. -Không mạnh mẽ vì vũ khí thời chiến tranh để lại thì đã rỉ sét, vũ khí mới mua thì lèo tèo vài ba cái làm kiểng, và nạn tham nhũng tràn lan, quanh năm lo vơ vét ăn chặn, cắt xén, rút rỉa ngân sách, còn chí khí đâu mà đánh giặc? Thử hỏi một kẻ nhu nhược, tự ti mặc cảm và nghèo rớt mồng tơi như Việt Nam thì nhìn thẳng vào mặt người ta còn không dám, nói chi tới chuyện đu dây. Vì đu dây là “giỡn mặt tử thần”. Việt Nam có bản lãnh gì mà dám đu dây? Và điều quan trọng nhất là từ khi ông Hồ tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp đã khẳng định chỗ đứng của mình là trong vòng tay Trung Quốc rồi. Thắng trận Điện Biên Phủ cũng là nhờ vũ khí Trung Quốc, thắng Mỹ cũng nhờ vũ khí Trung Quốc.   Cho nên miệng thì nói “không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng trong lòng thì đã quyết “đổi độc lập tự do đề nắm cho được chính quyền”. Từ chọn lựa đó mới đẻ ra “Cải Cách Ruộng Đất”. Trong chiến dịch này nhà cầm quyền Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc đến nỗi vì muốn lấy lòng họ mà phải bắn bỏ nhiều nhân sĩ yêu nước từng đem cả tài sản mình ra giúp đỡ kháng chiến.   Năm 1990 ông Linh cùng các đồng chí của ông tại hội nghị Thành Đô đã làm một việc mà bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gọi là: “Bắt đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm”. Năm 2010 liên tiếp nhiều phái đoàn quân sự cấp cao của Việt Nam sang học tập ở Trung Quốc, dấn thêm những bước quan trọng vào sự lệ thuộc quân sự. Rõ ràng là ngay từ những ngày đầu thành lập chế độ, thì Việt Nam đã hành xử như một tỉnh lẻ của Trung Quốc -trừ một giai đoạn ngắn từ năm 1975 đến 1979 có ý muốn thoát Trung và lập tức bị TQ “cho một bài học” bằng cuộc chiến tranh biên giới 1979 –  còn lại, từ trước 1945 đến nay, chính quyền Việt Nam đã một lòng theo Trung Quốc, đã chọn Trung Quốc làm ông chủ, đã nguyện nâng khăn sửa túi cho Trung Quốc, đã khép nép làm “con nuôi” của các vị cha già dân tộc: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và ngày nay là Tập Cận Bình.   Với một “thân phận” như vậy, liệu Việt Nam có tư cách để “đu dây” qua phía Mỹ không? * Chuyện Việt Nam đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ xem ra chỉ là bịa đặt. Nhưng sao lại có chuyện các vị lãnh đạo cao cấp Việt Nam thăm viếng Hoa Kỳ? Tôi cho rằng các cuộc thăm viếng ấy cũng nằm trong kịch bản của Trung Quốc. Việt Nam muốn vào TPP, muốn mua vũ khí của Mỹ. Cả hai việc ấy cũng chỉ có lợi cho Trung Quốc. Xưa nay phần lớn các hàng xuất khẩu của “Việt Nam” sang Mỹ chỉ là trên giấy tờ, chỉ là nói cho oai, thực ra đó là hàng của Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu – tiếng là của Việt Nam – thực ra cũng là kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Việt Nam mua của Nga 2 tàu ngầm Kilo, nhưng Trung Quốc đã mua 20 tàu ngầm kilo giống như vậy. Liệu 2 chiếc có gãi ngứa được 20 chiếc nếu xảy ra chiến tranh không? Nếu câu trả lới là KHÔNG thì mua tàu ngầm để làm gì? Đối với một kẻ nhu nhược, mặc cảm và run rẩy thì có con dao trên tay hay không, cũng giống hệt nhau. Bởi vì vấn đề là anh có dám đâm hay không. Nếu anh không dám đâm thì cầm dao để làm gì? Mua dao để làm gì? * Vậy thì những dư luận cho rằng: -Việt Nam đang đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ. -Mỹ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam vì vấn đề nhân quyền -Việt Nam mua vũ khi của Nga và Mỹ để đương đầu với Trung Quốc… tất cả đều xạo, vì: 1/ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam luôn khẳng định mối quan hệ trước sau như một với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc; thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển theo phương châm “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt”. 2/ Mớ vũ khí Việt Nam mua được quá ít ỏi (tiền đâu mua nhiều?), đối với Trung Quốc chỉ là những đồ chơi. Chưa kể việc Trung Quốc đã xây xong một sân bay quân sự trên đảo Hoàng Sa rồi. Cái sân bay ấy còn lợi hại hơn cả một hàng không mẫu hạm vì nó “đậu” sát bờ biển Việt Nam (chỉ cách Đà Nẵng hơn 300 km) và không thể bị đánh chìm!   3/ Mỹ cũng rất muốn bán vũ khí cho Việt Nam (chế tạo vũ khí là một trong những nền công nghiệp quan trọng của Mỹ). Mỹ đưa vấn đề “nhân quyền” ra để mặc cả với Việt Nam cũng chỉ là màu mè, ra vẻ ta đây quan tâm tới nhân quyền, còn phía Việt Nam thì giữ thể diện cho Mỹ bằng cách thả tượng trưng vài người nổi tiếng. Trên thực tế nếu Việt Nam đếch thả người nào thì Mỹ vẫn bán vũ khí như thường (ngu sao không bán?) 4/ Việt Nam mua vũ khí của Nga, của Mỹ nhưng không xài (vì có dám đánh nhau với Trung Quốc đâu mà xài?). Vậy mua để làm gì? Câu hỏi này làm người ta nghĩ ngay tới vụ Vinashin mua cái “ụ nổi”. Và vô số vụ “mua về đắp mền” khác nữa.   * Chúng ta đang sống trong một thời đại XẠO HẾT CHỖ NÓI. Nga cũng xạo, Mỹ cũng xạo, Trung Cộng cũng xạo và Việt Nam cũng… rứa. “Mười Sáu Chữ Vàng”, “Bốn Tốt” cũng xạo, Mỹ “quan ngại sâu sắc” cũng xạo, Mỹ “bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí” cũng xạo, mà “đu dây” cũng xạo nốt. ĐÀO HIẾU   Nguồn: daohieu.wordpress.com
......

NỢ CÔNG CỦA VIỆT NAM - QUẢ BOM NỔ CHẬM

Đây là phần cuối bài viết của TS kinh tế Trần Diệu Chân viết về hiện tượng nợ công đang đè nặng lên nền kinh tế Việt Nam vốn dĩ sống được nhờ bán tài nguyên (dầu, than đá, gạo, gỗ, ...) và sức lao động rẻ mạt của công nhân - giai cấp lãnh đạo đất nước (sic). Phần này nói về "hệ lụy do vỡ nợ" và đề nghị giải pháp cho vấn đề này. BBT   Định nghĩa “nợ công” Nợ chính phủ, còn gọi là Nợ Công hoặc Nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay từ người dân hay ngoại quốc để tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách hằng năm. Tuy nhiên, cách tính nợ công của Việt Nam … “không giống ai” khiến tình trạng trầm trọng của nợ công và nguy cơ vỡ nợ của quốc gia không được thẩm định đúng mức. Nợ công của Việt Nam chỉ nói đến nợ của Chính phủ và bộ máy công quyền, chứ không hề tính tới nợ của doanh nghiệp nhà nước, các xí nghiệp công ích và bảo hiểm xã hội mà nhà nước phải chịu trách nhiệm. Do trong định nghĩa nợ công không có các khoản này nên Năm ngoái (2013),   Việt Nam báo cáo nợ công chiếm 54% GDP (Tổng sản lượng Quốc gia), nhưng nếu tính thêm các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước thì lên tới 106% GDP . Còn năm nay, con số đó có thể cao hơn nhiều. Con số 64% của nhà nước chỉ phản ánh một nửa thực tế. Xét về thực chất, nợ công VN đang ở mức “rất nguy hiểm” nếu theo tiêu chuẩn quốc tế.   Khả năng trả nợ của Việt Nam Khả năng trả nợ không chỉ đánh giá bằng tổng số nợ hay tỷ lệ nợ so với GDP mà còn do tiềm lực trả nợ của quốc gia. Nếu so sánh tỷ lệ Nợ Công/GDP , Nhật nợ tới 200%, Mỹ nợ 100% mà không có vấn đề gì. Trong khi đó, Argentina vỡ nợ khi nợ công mới ở mức 54% GDP. Do đó, khi Việt Nam đưa ra tỷ lệ an toàn để khỏi vỡ nợ là 65% của GDP thì đây là điều không thực tế. Điều quan trọng là phải xem tốc độ gia tăng nợ nhanh hay chậm so với tốc độ tăng trưởng của GDP và triển vọng phát triển của nền kinh tế. Nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản thì nợ công của Việt Nam đã vượt trần. (theo báo cáo Quốc hội hoàn thành ngày 28/10/2014) . Nhiều đại biểu QH bày tỏ sự lo lắng trước tình hình nợ công lớn, xu hướng tăng nhanh, rủi ro lớn, và đang ở mức báo động; áp lực trả nợ rất lớn trong khi khả năng trả nợ của nhà nước không cao. Tính trong nhiệm kỳ (2011-2015), chính phủ phải vay và phát hành trái phiếu chính phủ lên tới tổng số 60 tỉ USD. Đặc biệt, năm 2014 Việt Nam đã phải vay trên 3 tỉ Mỹ kim để đảo nợ. Năm 2015, sẽ phải vay hơn 6 tỉ MK để đảo nợ.   Trong dài hạn một khoản nợ chính phủ lớn (tỷ lệ của nó so với GDP cao) làm cho sự tăng trưởng GDP chậm lại và nguy cơ lạm phát khi phát hành trái phiếu để đảo nợ. Hệ lụy do vỡ nợ Chuyện vỡ nợ công của Việt Nam đang là một đe dọa hiển nhiên theo sự nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế. Nếu quốc gia vỡ nợ, tình trạng kinh tế sẽ khủng hoảng như sau: 1) Thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và điểm tín dụng xuống cấp thê thảm. 2) Mọi cơ chế tài chánh sẽ phải đóng cửa. Tiền mất giá, lạm phát leo thang, trái phiếu và đồng nội tệ sẽ chỉ còn là mớ giấy lộn. Tiền gởi trong ngân hàng sẽ “bốc hơi” vì mất giá trị. 3) Mọi chương trình do chính phủ tài trợ đều ngưng hoạt động (y tế, cảnh sát, an ninh, quốc phòng, giáo dục, cầu, đường, năng lượng v...v...). Quỹ hưu trí tan vỡ, nhà thương, trường học ngưng hoạt động. 4) Các thương vụ đóng cửa và nạn thất nghiệp tràn lan. Mọi mặt hàng khan hiếm kể cả nhu yếu phẩm. Giá cả tăng vọt. Đời sống của người dân sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. 5) Nội loạn sẽ xảy ra và không có người để duy trì trật tự công cộng. Nạn đói và cướp bóc sẽ xảy ra. Hiện tượng vô kỷ luật, vô trật tự, vô tổ chức sẽ hoành hành   6) Kẻ giàu có sẽ cuỗm tiền bạc quốc gia và trốn ra ngoại quốc Đó là trong ngắn hạn. Còn dài hạn thì con cháu chúng ta sẽ phải trả nợ - có thể suốt đời. Tiền trả các món nợ đó sẽ cướp đi cơ hội đầu tư để phát triển đất nước. Việt Nam tiếp tục đi giật lùi so với đà phát triển của thế giới, và có thể tiếp tục bị chi phối, khai thác, thao túng bởi những thành phần xấu trong cộng đồng dân tộc cũng như ngoại bang.   Giải pháp cứu cấp Việt Nam Theo Ts Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế trong nước, thì « Việc giải quyết vấn đề nợ công của Việt Nam đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách trước mắt và những biện pháp tái cơ cấu lâu dài, những điều đó đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải trải qua một cuộc cải cách hết sức mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn cả kỳ đổi mới cách đây 30 năm » (RFA). Tác giả bài viết này xin đưa ra một số giải pháp cấp thiết và cải cách lâu dài, bao gồm: 1. Thành lập một Ủy Ban Cấp Cứu Nợ Công (UBCCNC) với các chuyên gia yêu nước để nghiên cứu các giải pháp thực tiễn, không phân biệt trong nước hay hải ngoại. UBCCNC hoạt động độc lập với Đảng và Nhà nước, và có toàn quyền giám sát, quyết định và đề nghị giải pháp. 2. Song song, thực hiện 3 yếu tố căn bản cần thiết cho một nền kinh tế lành mạnh, đó là a/thiết lập hệ thống thanh tra độc lập/chuyên nghiệp, và nền tự do truyền thông để bảo đảm « kiểm tra và cân bằng » (check and balances) hầu bài trừ tham nhũng và những hoạt động khuất tất, bảo đảm minh bạch/công khai sổ sách chi thu và các chính sách kinh tế ; b/thiết lập một nền luật pháp nghiêm minh ; c/thiết lập nền chính trị « tam quyền phân lập » để tránh tình trạng « mâu thuẫn lợi ích » (conflict of interest), xóa bỏ chính sách ưu đãi và đặc quyền/đặc lợi. 3. Ngay lập tức, yêu cầu mọi cấp chính quyền « thắt lưng buộc bụng », xong cần nghiên cứu để các khoản chi cho công ích xã hội không bị giảm làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đã quá khó khăn của người dân hiện nay. Hữu hiệu hóa các chi tiêu và đầu tư cho đúng người, đúng việc.   4. Cắt giảm tối đa hệ thống công an, cảnh sát, dư luận viên hiện nay đang được xử dụng dư thừa và vô ích để theo dõi và hành hung các nhà yêu nước. 5. Cải thiện guồng máy quan liêu, cồng kềnh, kém hiệu năng hiện nay. 6. Thay đổi tư duy về một nền « kinh tế thị trường dưới định hướng xã hội chủ nghĩa». Dẹp bỏ các công ty quốc doanh và tư hữu hóa các hoạt động kinh tế. Cần phải cải tổ nền kinh tế theo nguyên tắc kinh tế thị trường đúng nghĩa, không thể tiếp tục cấu trúc quái thai « KTTT dưới định hướng XHCN » 7. Hợp tác chân thành với các quốc gia dân chủ khắp nơi để thoát khỏi sự khuynh loát/lấn lướt cả về kinh tế lẫn chính trị của Trung Cộng. Để thực hiện được những điều này, lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam cần cởi bỏ tư duy « thù nghịch » và « nghi ngờ » với bất cứ ai khác chính kiến hoặc cổ võ cho tự do/dân chủ ; cần có tư duy cấp tiến của thế kỷ 21 - cởi mở, chấp nhận mọi khuynh hướng, tôn trọng quyền làm chủ đất nước của người dân, hợp tác để cùng tiến (win-win situation) thay vì lối suy nghĩ lạc hậu « ta-địch, thắng-thua » của thế kỷ trước.   Trần Diệu Chân Tiến sĩ kinh tế Tổng hợp từ nhiều nguồn 22 tháng 11, 2014 ------------- Nguồn tham khảo:   1. http://boxitvn.blogspot.com/…/ba-thang-mat-mot-ti-ola-bao-g… 2. http://www.ijavn.org/…/nguoi-dan-viet-nam-se-ra-sao-khi-nha… 3. http://rfa.org/…/vn-public-debt-quick-outpaced-101520141515… 4. http://tuoitre.vn/…/cu-moi-ba-thang-viet-nam-tra-no-1-ti-usd) 5. http://vietbao.vn/…/That-lung-buoc-bung-de-gi…/196026602/87/ 6. http://vietbao.vn/…/No-cong-cua-Viet-Nam-da-v…/196042780/87/ 7. http://vi.wikipedia.org/w…/N%E1%BB%A3_ch%C3%ADnh_ph%E1%BB%A7
......

Con voi trong phòng

"Việt nam có đầy đủ tiềm năng nhưng tại sao   tụt hậu ngày càng xa sau các nước khác?" - câu trả lời rành rành đó rồi... Đọc trên danluan thấy có đăng lại những thông tin thú vị về đất nước và con người Việt Nam (1). Ở phần cuối bày, tác giả (Kỳ Duyên) đặt câu hỏi "Việt nam có đầy đủ tiềm năng nhưng tại sao tụt hậu ngày càng xa sau các nước khác?" Người phương Tây có thành ngữ "an elephant in the room" (một con voi nó đang ở trong phòng), có nghĩa là có một vấn đề / tình huống / giải pháp / nguyên nhân rất hiển nhiên mà không ai muốn nói về nó. Tôi nghĩ câu "một con voi nó đang ở trong phòng" chính là trả lời cho câu hỏi của nhà báo Kỳ Duyên. Thôi thì cứ nói thẳng ra: "Con voi" đó chính là cái chủ nghĩa làm nền tảng thế chế mà VN đang theo đuổi. Xin trích ra đây những con số chính về dân số và tài nguyên thiên nhiên: (a) Dân số: 93 triệu, đứng hạng 13/243. (b) Diện tích: 331,210 km^2, hạng 61/189. (c) Bờ biển: 3444 km, hạng 33/154. (d) Rừng: 123,000 km^2, hạng 45/192. (e) Đất canh tác: 30,000 km^2, hạng 32/236. Còn về thành quả kinh tế - xã hội – khoa học thì sao? (a) Giáo dục: chỉ số phát triển con người đứng hạng 121/187. (b) Bằng sáng chế: không đáng kể, gần như 0. (c) Ô nhiễm môi trường: đứng hạng 102/124. (d) Thu nhập bình quân đầu người: đứng hạng 123/182. (e) Tham nhũng: hạng 116/177. (f) Phát triển xã hội: hạng 72/76. (g) Tự do ngôn luận: 174/180. (h) Y tế: hạng 160/190. Với những con số về tài nguyên thiên nhiên và dân số chúng ta nghĩ rằng VN đáng lẽ phải là nước giàu có. Chả thế mà ông Lý Quang Diệu chẳng từng nói rằng VN đáng lẽ phải là một "ngôi sao" ở Á châu. Nhưng trong thực tế thì các số liệu trên cho thấy VN là một trong những nước nghèo nhất thế giới, ô nhiễm nặng nề, thiếu tính sáng tạo, tham nhũng vào hàng cao trên thế giới, và thiếu tự do ngôn luận. Có thể nói không ngoa rằng VN là một nước thất bại. Nhưng tại sao thất bại? Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng có một vài câu trả lời. Trước đây, tôi thường hay nghĩ rằng sự thành bại của một quốc gia là do thời cơ, điều kiện tự nhiên, và con người. Những nước như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore thành công vì hội đủ 3 điều kiện đó. Nhưng mới đọc cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” của Daron Acemoglu và James Robinson (2), trong đó tác giả chứng minh rằng thể chế có ảnh hưởng rất lớn đến thành bại của một quốc gia. Họ lí giải rằng sở dĩ các nước nghèo và lạc hậu là do thể chế chiếm đoạt về chính trị và kinh tế. Tôi nghĩ minh hoạ cho ý này sinh động nhất là trường hợp Bắc Hàn và Nam Hàn. Cũng có thể so sánh Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam trước 1975 thì rất dễ thấy "con voi trong phòng". Đối chiếu lại ở Việt Nam, chúng ta thấy đại đa số người Việt cũng bị tước đoạt như thế. Ngay cả đất đai tưởng là của dân, nhưng thật ra là thuộc "sở hữu của toàn dân"! Các tập đoàn kinh tế chỉ tập trung vào một thiểu số có quyền thế gọi một cách mĩ miều là “nhóm lợi ích”. Đại đa số người Việt không có quyền quyết định chính trị. Do đó, theo lí giải của Acemoglu & Robinson, chúng ta có thể giải thích tại sao Việt Nam cho đến nay vẫn còn nghèo: vấn đề thể chế. Đó chính là "an elephant in the room" mà không ai -- kể cả nhà báo Kỳ Duyên -- muốn nói đến nó . ------------------------ (1) http://www.danluan.org/…/nhung-thong-ke-the-gioi-ve-viet-nam   (2) http://nxbtre.com.vn/tai-sao-cac-quoc-gia-that-bai.12340.49…. Ai chưa đọc cuốn này, nên tìm đọc vì rất hay. Nó giải thích tại sao những nước như VN vẫn còn nghèo và lạc hậu.   Theo facebook.com/drtuannguyen/
......

Quan niệm về ăn chay của các danh nhân thế giới

"Tôi khẳng định rằng thịt không phải là thức ăn thích hợp với con người. Chúng ta không nên sai lầm chạy theo lối sống của các loài cầm thú, nếu chúng ta tự coi mình cao thượng hơn các loài cầm thú đó". 01. Peter Burwash Một hôm nọ, nhà vô địch quần vợt Peter Burwash đến viếng một lò sát sanh. Khi ra về ông đã bất nhẫn mà viết những cảm nghĩ của mình trong một quyển sách nhan đề là A Vegetarian Primer (Sách dạy ăn chay). Có đoạn ông viết: "Tôi không nỡ bóp nát một cánh hoa mong manh. Tôi đã chơi hockey với hết sức bình sanh của mình. Tôi cũng đã từng vùng vẫy và dọc ngang trên các sân quần vợt trong những trận thư hùng. Tôi không phải là loại người yếu đuối. Nhưng trước cảnh tượng mà tôi đã chứng kiến tại lò sát sanh, tôi thấy mình kinh khiếp và lòng mình mềm yếu vì thương hại". "Khi tôi rời khỏi lò sát sanh, sự tội nghiệp đã dày vò lương tâm tôi. Tôi thầm nhủ sẽ không bao giờ có đủ can đảm đi sát hại một con vật dù lớn dù nhỏ. Tôi hiểu rằng có những nhân vật lỗi lạc trên thế giới họp nhau để bàn cãi về các vấn đề vật lý, kinh tế và môi sinh. Cũng có một số người có quan điểm tán đồng với chủ thuyết ăn chay. Song điều làm cho tôi chọn lấy con đường chay lạt không phải chạy theo chủ thuyết này hay chủ thuyết nọ mà chính vì những cảnh dã man mà con người đã đối xử một cách tồi tệ với các loài vật không phương tự vệ mà tôi đã tận mắt chứng kiến". Trong thời kỳ cổ Hy Lạp và cổ La Mã, lòng từ bi và những quan niệm về sự đối xử đạo đức luôn luôn là những nguyên động lực chủ yếu khiến một số danh nhân khép minh trong việc thọ trì trai giới. 02. Pythagore Ông Pythagore, nhà toán học lừng danh trên thế giới đã từng khuyên nhủ: "Này bạn, xin đừng làm nhơ nhớp thân thể của mình bằng những thức ăn tội lỗi. Chúng ta đã có bắp, bôm, lê, rau trái thừa thải, sữa và mật ong ngọt lịm. Quả đất này đã cung ứng cho chúng ta những thức ăn vô tội một cách dồi dào, đã khoản đãi chúng ta bằng những bữa tiệc không can dự vào máu. Chỉ có loài thú này mới ăn thịt loài thú khác vì bản năng tự nhiên và vì đói. Nhưng không phải tất cả loài thú nào cũng vậy. Bởi vì trong số đó cũng có các loài như bò, ngựa và trừu... đều ăn cỏ". Sử học gia Diogenes kể rằng, ông Pythagore dùng điểm tâm buổi sáng bằng bánh mì và mật ong và dùng bữa ăn chiều với nhiều loại rau quả. Ngài cũng đã thể hiện lòng từ bi bác ái qua những hành động thực tiễn bằng cách nhiều lần trả tiền cho một số ngư phủ để phóng sanh những con cá mà họ đã bắt được trở về lòng biển cả. Ông Plutarch, triết gia người Hy Lạp nhận xét về ông Pythagore như sau: "Theo tôi sự từ tâm là lý do chính khiến ông Pythagore kiêng thịt. Ông không nỡ nhìn cảnh dẫy dụa và kêu rống thất thanh của những con vật khi bị người ta phanh thây xẻ thịt. Người ta giết những con vật đó không phải vì lý do chúng là thú dữ có khả năng nhiễu hại loài người, mà chính vì mục đích để thỏa mãn khẩu vị của họ mà thôi. Người ta bức tử những con vật ngây thơ không móng vuốt để tự vệ mà đáng lý ra theo luật Tạo Hóa, chúng cũng có quyền sinh tồn, bình đẳng và hiện diện để làm đẹp quả địa cầu này như tất cả mọi loài". Ông còn nhấn mạnh: "Nếu bảo rằng bản tính tự nhiên của loài người là ăn thịt các loài thú, thì thử hỏi chỉ với hai bàn tay trắng do Tạo Hóa sinh ra, mà không cần đến sự trợ lực của dao, mác, hèo, gậy, con người đã làm được gì các loài thú đó?" 03. Leonard Da Vinci   Ông Léonard Da Vinci (1452 - 1519), nhà danh họa và điêu khắc gia người Ý, đồng thời cũng là một thi sĩ nổi tiếng trên thế giới quan niệm ăn chay là đạo đức của con người. Sự ăn chay sẽ tránh được những tội ác về sát sinh. Ông còn nhấn mạnh rằng những ai không biết quý trọng sự sống của những sinh vật khác là những kẻ không đáng sống. Cơ thể của những người ăn mặn không khác gì những bãi tha ma để chôn vùi xác chết các thú vật mà họ đã ăn vào. Trong các quyển vỡ nhật ký, ông thường viết đầy những câu danh ngôn về lòng từ bi bác ái và luôn luôn có những hành động quý thương các loài sinh vật khác. 04. Jean Jacques Rousseau Ông Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778), triết gia và là một văn hào người Pháp đã có những tác phẩm giá trị về mặt tư tưởng đã ảnh hưởng sâu xa đến nền văn học và cuộc cách mạng lịch sử tại quốc gia này. Ông là người chủ trương bênh vực sự hiện hữu của thiên nhiên và cổ xúy sự ăn chay. Ông nhận xét rằng phần đông những loài thú ăn thịt có bản tính hung tợn hơn những loài thú ăn cỏ. Và dĩ nhiên những người ăn chay trường sẽ hiền từ hơn những người ăn mặn. Ông còn đề nghị những người hành nghề đồ tể không được mời vào làm bồi thẩm đoàn tại các tòa án. 05. Adam Smith Kinh tế gia Adam Smith (1723 - 1790), trong quyển The Wealth of Nations xuất bản vào năm 1776 đã khuyến khích loài người ăn chay và đã thuyết minh về sự lợi ích của việc thọ trì trai giới. Ông bảo rằng việc ăn mặn xét ra không cần thiết cho nhu cầu dinh dưỡng của con người. Chúng ta đã có ngũ cốc, rau quả, phó mát, dưa và dầu thực vật. Đó là những thức ăn cung cấp cho chúng ta những chất dinh dưỡng dồi dào. Thịt đối với chúng ta sẽ không nghĩa lý gì nếu chúng ta ăn chay đầy đủ và đúng cách. 06. Benjamin Franklin Cùng một quan niệm trên, ông Benjamin Franklin (1706 - 1790), một khoa học gia và là một chính trị gia nổi tiếng của Hoa Kỳ, người đã bắt đầu ăn chay từ năm 16 tuổi đã bảo rằng nhờ ăn chay mà cơ thể của ông được trong sạch, tinh thần của ông được minh mẫn, trí óc của ông được tiến bộ và sự hiểu biết của ông được nhanh chóng hơn. Trong một bài tự thuật, ông có bình phẩm những người ăn mặn là những kẻ cố sát. 07. Percy Bysshe Selley Thi sĩ Percy Bysshe Shelley (1792 - 1822) cũng là người ăn chay trường. Ông chủ trương chống báng việc sát hại súc vật để cung cấp thịt cho dân chúng tiêu thụ. Ông đã có lòng vị tha và bắt đầu ăn chay trường từ hồi còn là một sinh viên tại trường Đại học Oxford. Sau này ông thành hôn với bà Harriet. Cả hai vợ chồng đều chấp nhận một cuộc sống chay lạt thanh khiết. Trong một bức thư đề ngày 14-3-1812, bà Harriet đã tâm sự với một người bạn: "Vợ chồng chúng tôi đã kiêng thịt và ăn chay trường như ông Pythagore vậy". Một số thi phẩm của ông Shelley thường mang tính chất vị tha bác ái, khuyên nhủ mọi người tránh việc sát sanh, nên ăn chay và sống một cuộc đời thanh cao tốt đẹp. 08. Leon Tolstoi Văn hào nước Nga Léon Tolstoi (1828 - 1910) đã thọ trường chay từ năm 1885. Ông chống đối thú săn bắn của một số giai cấp quý tộc và trưởng giả. Ông cũng chủ trương không sát sanh, chủ trương chủ thuyết hòa bình và ăn chay, tôn trọng sự sống của các loài sinh vật khác kể cả con ong và loài kiến. Ông tiên đoán những bạo động xảy ra triền miên trên thế giới chỉ vì loài người không biết tự chế tham vọng của mình. Sự kiện càng ngày càng tệ hại hơn và có thể xảy ra những cuộc chiến tranh khốc liệt làm xáo trộn cuộc sống an bình của nhân loại. Trong bài tham luận The First Step (Bước đầu tiên), Léon Tolstoi bảo rằng những người ăn thịt là những kẻ phản đạo đức và "phạm tội sát sinh". Ông nói thêm: "Sự sát sinh đã làm cho những người vốn có một tâm hồn cao thượng, có lòng vị tha đối với mọi người như đối với chính bản thân mình, trở thành những kẻ hung bạo". 09. Richard Wagner Nhà soạn nhạc Richard Wagner tin tưởng mạnh mẽ rằng sự sống của mọi loài đều có tính cách bất khả xâm phạm. Ông bảo: "ăn chay là một sự dinh dưỡng thuần hợp với bản chất thiên nhiên, cứu vớt con người xa lánh những tâm địa và hành động tội lỗi, đồng thời ông cũng mong ước sau này sẽ được hóa sinh về nơi an lạc đời đời". 10. Henry David Thoeau Ông Henry David Thoreau (1817 - 1862), văn hào Hoa Kỳ có khuynh hướng chống áp bức nô lệ, chủ trương một cuộc sống thanh bình và thuận lý thiên nhiên. Ông là người ăn chay định kỳ từ thuở nhỏ, đã bảo rằng: "Chúng ta không có trách cứ những người ăn mặn. Thực ra vì sự sinh tồn, loài người có thể sát sinh trên một bình diện nào đó. Nhưng đây là một biện pháp bất khả kháng và rất đáng thương tâm. Những người ăn mặn cần phải được hướng dẫn để cải thiện dần đường lối mưu sinh của mình, để họ tự ý thức và tự chọn lựa cho mình những thức ăn chay thanh đạm và cao khiết hơn. Theo sự suy nghiệm của bản thân tôi thì những sự kiện đó can dự một cách quan trọng vào vấn đề vận số của con người. Tôi tin rằng điều kiện ăn uống có thể cải thiện được. Xuyên qua tiến trình lịch sử của nhân loại, chúng ta há chẳng thấy những bộ lạc ăn thịt người từ thuở xa xưa, ngày nay họ không còn ăn thịt lẫn nhau vì đời sống càng ngày càng văn minh hơn và con người trong những bộ lạc đó đã có ý thức hơn". 11. Mohanda Gandhi Trong lịch sử Ấn Độ vào thập niên 1940 và 50, nhà cách mạng bất bạo động Mohanda Gandhi đã dành lại chủ quyền cho đất nước từ trong tay thực dân Anh Quốc. Ông đã từng vào tù ra khám và được nhân dân nước Ấn tôn thờ là bậc Thánh nhân, cũng là người đã ăn chay từ thuở nhỏ. Thân sinh của ngài vốn theo đạo Hindus nên gia đình của ngài là một gia đình đạo đức và tất cả đều ăn chay theo giáo lý tốt lành của tôn giáo đó. Song dưới sự cai trị của Anh Quốc, những tư tưởng tân tiến Tây phương đã ảnh hưởng mạnh mẽ và dần dần đánh bạt một số phong tục cổ truyền của nước Ấn. Một số thanh niên thời bấy giờ đã chê bai việc ăn chay trường và thờ đạo bản xứ là hủ lậu nên họ học đòi theo lối sống Tây phương trong đó có việc ăn thịt được họ hăm hở chấp nhận hơn cả. Số người này còn khuyến dụ ông Gandhi theo trào lưu mới như bọn họ, nhưng đã bị ông từ chối. Do đó ông đã trở thành nạn nhân của sự chê bai gièm xiễm. Họ bảo rằng ăn thịt sẽ tăng cường sức khỏe, nghị lực và lòng can đảm. Nhưng ông Gandhi vẫn khăng khăng giữ vững lập trường của mình không hề xao xuyến. Không những thế ông còn viết tất cả 5 quyển sách chuyên về đề tài ăn chay và khuyên mọi người trì giới. Ông bảo: "Đã đến lúc chúng ta cần phải sửa sai một số tư tưởng lầm lẫn cho rằng ăn chay sẽ làm cho tinh thần chúng ta bị bạc nhược, thụ động và nhụt chí phấn đấu. Dù trong tình huống nào, tôi vẫn không xem việc ăn thịt là cần thiết". Hàng ngày ông Gandhi thường dùng giá lúa mạch, bột hạnh nhân, rau xanh, chanh và mật ong trong những bữa ăn thanh đạm. Chính ngài bảo đã tìm thấy những nguyên lý và giá trị đạo đức của sự ăn chay qua các tác phẩm của nhà văn Tolstoi. Trong quyển Moral Basis of Vegetarianism (Căn bản đạo đức của chủ thuyết ăn chay), ngài viết: "Tôi khẳng định rằng thịt không phải là thức ăn thích hợp với con người. Chúng ta không nên sai lầm chạy theo lối sống của các loài cầm thú, nếu chúng ta tự coi mình cao thượng hơn các loài cầm thú đó". Ngài cũng bảo chính lòng từ bi là nguyên động lực khiến người ta ăn chay và tránh sát sinh hơn là vì lý do sức khỏe Ngài bảo sự tiến bộ về tâm linh đến một mức nào đó, con người sẽ tự ý thức và thương hại mà không giết chóc những sinh vật bạn bè của chúng ta để thỏa mãn nhu cầu của khẩu vị. 12. Bernard Shaw Kịch tác gia nổi tiếng Bernard Shaw (1856 - 1950) đã được giải thưởng về văn học nghệ thuật Nobel năm 1925. Ông cũng ăn chay trường từ năm 25 tuổi. Ông bảo chính những thi phẩm của Shelley đã làm cho ông thức tĩnh và thấy được sự đạo đức trong vấn đề chay lạt. Ông bảo có lần ông bị bịnh. Bác sĩ khuyến cáo ông hãy bỏ "cái tật xấu ăn chay" đó đi. Nếu không ông sẽ toi mạng vì kiệt sức. Nhưng ông vẫn bất chấp. Ông cũng mặc kệ trước những mỉa mai của bàng dân thiên hạ, vô công rổi nghề. Ông bảo chúng ta không nên quan tâm về sự dèm pha của số người chuyên ăn các thây ma của thú vật ấy. Ông thường trước tác những kịch bản và những văn phẩm liên hệ tới hành vi đạo đức của con người, tới sự sát sanh và những bạo động trên thế giới. 13. Albert Einstein Albert Einstein (1879 - 1955), nhà bác học nổi danh của thế kỷ thứ 20. Người đã phát minh ra thuyết tương đối và được tặng giải Nobel về vật lý học năm 1921 cũng là một người ăn chay trường. Tuy ông chánh thức không theo tín ngưỡng nào nhưng là một người rất sùng đạo. Ông tin có Thượng Đế và vũ trụ này được điều khiển bởi một cơ Trời huyền diệu. Nếu không thì mọi sự vận hành trong vũ trụ sẽ loạn lên và không theo một quy luật nhất định. Ông là một người yêu chuộng hòa bình, tôn trọng sự sống của muôn loài và đã từng phát biểu: "Không gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay". 14. Isaac Bashivis Văn hào Isaac Bashivis Singer (sinh năm 1904), từng đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật Nobel năm 1978 đã thọ chay trường từ năm 1962. Lúc đó ông vừa đúng 58 tuổi. Ông bảo ông rất lấy làm hối tiếc vì đã kéo dài thời gian ăn mặn quá lâu. Nhưng thà muộn còn hơn chẳng bao giờ ăn chay cả. Ông nghĩ rằng thuyết ăn chay để tránh sát sanh cũng cũng cùng hòa hợp với sự uyển chuyển huyền vi của Do Thái giáo. Ông bảo: "Chúng ta đều là con cái của Thượng Đế. Trong khi chúng ta cầu xin Thượng Đế tha tội cho chúng ta, thì ngược lại chúng ta cứ tiếp tục phạm tội sát hại sinh mạng của những động vật khác". Đề cập tới tình trạng sức khỏe có thể bị ảnh hưởng bởi sự ăn chay, ông bảo rằng dó là hoàn toàn dựa trên ý thức của loài người. Ông cương quyết bảo: "Ngay cả việc ăn mặn có tốt cho cơ thể như thế nào chăng nữa, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận. Rất nhiều triết gia và các nhà truyền giáo trên thế giới đã rao giảng với tín đồ của họ rằng loài thú chẳng qua chỉ là những cái máy không linh hồn và không cảm giác. Những lời rao giảng như vậy là một sự nói láo, là sáng kiến và chủ trương của bọn ma vương và tà đạo mà thôi".  
......

Vũ khí chiến lược dầu hỏa

(VNC) Trong vòng ba năm nay, những tính toán về thế chiến lược địa dư toàn cầu đã bị một vũ khí chiến lược mới của Hoa Kỳ làm thay đổi hẳn cục diện. Đó là vũ khí dầu hỏa, một thứ vũ khí trước giờ làm Hoa Kỳ khốn đốn và bị lệ thuộc vào những quốc gia không mấy gì thân thiện với Hoa Kỳ nắm giữ như những xứ vùng Trung Đông, Venezuela và Nga. Nhưng thế cờ hiện nay đã bị lật ngược và Hoa Kỳ đã nắm thượng phong để có thể dùng dầu hỏa như một vũ khí chiến lược cho những tính toán mới cho chính trị địa dư toàn cầu.   Điều này xảy ra được hoàn toàn nhờ vào một kỹ thuật mới về đào dầu. Đây là phương cách tân tiến nhất dùng vệ tinh satellite để điều khiển mũi khoan dầu, đào sâu xuống nhiều dặm dưới lòng đất rồi tùy theo vị trí có thể quay ngang và đào bên cạnh gọi là horizontal drilling, tiến tới mục tiêu chính xác có thể chỉ nhỏ như một chiếc bánh xe! Trước kia việc đào dầu thường chỉ dùng những dữ kiện do địa chấn đem lại để tìm mỏ dầu và đào thử hàng chục lần mới được một lần trúng. Những lần đào hụt gọi là dry holes, tốn tiền nhiều và mất nhiều thời giờ để đào trúng mỏ dầu. Với những dữ kiện về địa chất do satellite technology và cách đào ngang horizontal drilling, việc đào hụt gặp dry holes không xảy ra nữa!   Nhưng việc sản xuất dầu hiện nay tại Hoa Kỳ thay đổi nhiều hơn cả là do việc lấy dầu từ đá gọi là shale oil. Dưới đáy của những mỏ dầu đã bơm ra gần cạn từ đầu thế kỷ 20 đến giờ, là những mỏ đá shale oil chứa dầu nằm lẫn trong đá. Dầu hỏa nằm trong đá này trước giờ không lấy ra được vì không chảy và không bơm lên được, gọi là dầu chặt, tight oils. Dung lượng của những mỏ dầu nằm trong shale oil còn nhiều hơn những mỏ dầu bơm lên dễ dàng trước kia, nhưng nay đã bơm cạn. Kỹ thuật mới hiện tại là dùng cách đào như diễn tả trong đoạn trước và đào ngang horizontal drilling để tiến sâu vào những mỏ đá shale oil. Sau đó hàng ngàn gallons nước được bơm thẳng vào những vết nứt của mỏ đá shale oil này với áp suất cực mạnh. Dầu và khí đốt nằm trong đá được hút ra sau khi được nước bơm vào giải tỏa và được bơm thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật này gọi là hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking và hiện đang được áp dụng tại ba vùng có mỏ dầu shale oil lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại tiểu bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía Nam Texas. Nhờ vào số lượng dầu bơm từ ba vùng này với kỹ thuật mới, mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ đã tăng vọt từ 5 năm trở lại, nhưng tăng nhiều nhất là ba năm nay. Trong thập niên 60’s mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ lên đến mức cao nhất và sau đó đi xuống dần. Năm 1970 là mức tột đỉnh với sản xuất dầu nội địa là 9.6 triệu thùng dầu một ngày. Sau đó các mỏ dầu nhất là tại vùng Texas cạn dần, cho đến năm 2008 chỉ còn sản xuất được 5 triệu thùng dầu một ngày. Nhưng từ năm 2011 đến 2014, mức sản xuất dầu hỏa nhờ vào kỹ thuật fracking đã làm tăng lên được 46%, chưa bao giờ tăng nhanh lên được như vậy kể từ giai đoạn 1921-1924, đúng 90 năm trước, lúc mới bắt đầu việc đào dầu tại Hoa Kỳ tạo ra các nhà tỷ phú như Rockefeller thời đó! Năm 2013 mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ là 7.5 triệu thùng dầu một ngày, với ước tính cho năm 2014 sẽ là 8.3 triệu thùng dầu sản xuất mỗi ngày. Với đà sản xuất này, theo cơ quan năng lượng quốc tế International Energy Agency, đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ qua mặt Saudi Arabia để sản xuất lên đến mức 11.6 triệu thùng dầu một ngày! Như vậy điều rõ ràng nhất là Hoa Kỳ sẽ không cần đến Saudi Arabia như trước nữa! Xứ này từ trước đến nay nắm giữ quyền lực về dầu hỏa vì được coi là swing producer, tức có khả năng để ấn định giá cả cho dầu hỏa. Với mức bơm dầu nhiều nhất thế giới, Saudi Arabia chỉ việc bơm nhiều hơn hay ít hơn để xác định giá cả cho dầu hỏa và Hoa Kỳ lệ thuộc vào xứ này trên phương diện chiến lược. Như việc phải bảo vệ cho Saudi Arabia với các căn cứ quân sự tại đây cũng như đặt Đệ Ngũ hạm đội tại vùng Bahrain và tuần tiễu trên vùng Vịnh để giữ cho đường thủy chở dầu được lưu thông. Trong chiến lược ngăn chặn Iran không cho quốc gia này chế tạo bom nguyên tử, ngoài việc bảo vệ Do Thái, Hoa Kỳ còn bị áp lực của Saudi Arabia. Lý do là hai xứ Iran và Saudi Arabia là hai kẻ thù không đội trời chung. Iran được coi như cầm đầu các xứ theo Shiite, trong khi Saudi Arabia là quán quân cho phe Sunni của Hồi Giáo. Thế chiến lược địa dư hiện nay tại vùng Trung Đông có thể coi như một cuộc tranh chấp đẫm máu giữa hai giáo phái Sunni và Shiite của Hồi Giáo. Hiện nay cuộc nội chiến tại Syria đã biến thể để thành chiến tranh giữa Shiite với phe của Assad và Iran ủng hộ, với phe Sunni của đa số dân Syria được Saudi Arabia và các vương quốc vùng Vịnh yểm trợ. Đây chính là lý do Saudi Arabia đã bất mãn đến cùng cực khi Tổng Thống Obama chùn chân không chịu cho tấn công Assad năm ngoái sau vụ thảm sát dân lành bằng vũ khí hóa học. Quốc Vương Abdullah của Saudi Arabia đã coi đây là một sự phản thùng của Obama, không chịu tiến tới trong việc yểm trợ phe Sunni để lật đổ Assad như Saudi Arabia đã mong muốn.   Tuy nhiên việc Obama trở mặt vào phút chót đối với Saudi Arabia đã cho thấy một điều rõ ràng. Là ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với Hoa Kỳ đã không còn được như trước. Obama đã tính toán là vùng Trung Đông không còn giữ vai trò quan trọng như khi Hoa Kỳ bị lệ thuộc vào Saudi Arabia về dầu hỏa và cần phải giữ cho Saudi Arabia hài lòng bằng mọi giá, kể cả việc gây ra thêm một cuộc chiến tranh khác như tại Syria. Với mức dầu hỏa sản xuất tại Hoa Kỳ chỉ trong thời gian ngắn sắp đến sẽ làm Hoa Kỳ độc lập về dầu hỏa, Saudi Arabia đã mất đi thế đòn bẩy để áp lực Hoa Kỳ bằng dầu. Nên việc Obama trở mặt với vua Abdullah của Saudi Arabia trong vụ Syria vừa qua có thể coi như bước đầu trong thề chiến lược thay đổi của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông, khi Hoa Kỳ đã nắm được thế thượng phong với vũ khí chiến lược dầu hỏa. Cũng thế, lý do để Iran phải chịu vào bàn thương thuyết với Hoa Kỳ về việc tinh luyện nhiên liệu uranium cho bom nguyên tử, cũng do Hoa Kỳ đã trên chân về vũ khí dầu hỏa. Iran trước giờ đe dọa sẽ cho phong tỏa eo biển Hormuz để chặn đường biển chở dầu hỏa từ các xứ vùng Vịnh, kể cả Saudi Arabia. Nhưng vớiHoa Kỳ gia tăng mức sản xuất dầu do fracking, thế đòn bẫy này của Iran không còn nữa. Hoa Kỳ trong những năm của thời George Bush hay Clinton đã không thể dùng những biện pháp chế tài kinh tế khắt khe với Iran chỉ vì sợ Iran làm thật để phong tỏa eo biển Hormuz và làm rối loạn kinh tế toàn cầu khi giá dầu lên vài trăm Mỹ Kim một thùng. Nhưng khi áp lực đòn bẫy này của Iran không còn nữa, Obama đã có thể cho áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế khắt khe nhất mà không sợ Iran phản ứng lại. Điều làm cho Iran phải qui hàng và chịu vào bàn thương thuyết chính là đòn cô lập Iran về ngân hàng và tín dụng. Các ngân hàng trên toàn cầu không thể giao dịch với Iran nên xứ này bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, không thể bán dầu lấy dollar được, chỉ có thể trao đổi hàng hóa với Trung Hoa, Ấn Độ….. nên đã bị thiệt hại nặng và sụp đổ kinh tế. Như thế một khi Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong trong vũ khí chiến lược dầu hỏa, các bài tính chiến lược của vùng Trung Đông đã phải thay đổi hết và đem lại những giải quyết cho vấn đề Iran nhức đầu choHoa Kỳ hàng bao nhiêu năm nay.   Trong cuộc khủng hoảng mới nhất hiện nay tại Ukraine, vũ khí chiến lược dầu hỏa và khí đốt cũng đã trở thành thế lực mạnh nhất cho các tính toán của Putin và Obama trong việc đối chọi giữa Nga và thế giới Tây Phương hiện nay. Hoa Kỳ và Âu Châu gần như đã chấp nhận cho Putin chiếm Crimea, nhưng muốn ngăn chặn những tham vọng kế tiếp của Putin là chiếm luôn miền phía Đông và Nam Ukraine, phân chia xứ này ra làm hai, nửa theo Nga, nửa theo Tây Âu. Putin có thế đòn bẫy là cung cấp khí đốt cho Âu Châu bằng các ống dẫn khí đốt này chạy ngang qua lãnh thổ Ukraine. Nếu Hoa Kỳ và Tây Âu làm dữ, nhất định trừng phạt Nga nặng nề hơn bằng các biện pháp kinh tế và loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, Putin có thể phản ứng lại bằng cách cho khóa các ống dẫn khí đốt này và 60% nhà cửa của Tây Âu sẽ lạnh cóng vì thiếu hơi đốt!   Ngoài ra Nga cũng là xứ sản xuất dầu và cung cấp cho Âu Châu nên ngoài khí đốt, dầu hỏa sẽ bị khan hiếm với giá tăng vọt cho dân chúng Âu Châu. Hoa Kỳ có thể cho xuất cảng hơi đốt sang Âu Châu bằng cách cho đông lạnh liquefied natural gas và dùng tầu tanker chở băng ngang qua Đại Tây Dương cung cấp cho khí đốt cho Âu Châu. Nhưng những cơ sở để làm đông lạnh hơi đốt tại Hoa Kỳ và các cơ cấu hạ tầng chưa có sẵn tại Hoa Kỳ và sẽ mất hai ba năm để có thể thay thế toàn bộ lượng khí đốt Âu Châu nhập cảng từ Nga. Cũng thế tuy Hoa Kỳ trong tương lai có thể dư thừa dầu hỏa để xuất cảng sang Âu Châu. Nhưng hiện nayHoa Kỳ vẫn còn lệnh cấm xuất cảng dầu do Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật này từ đầu thập niên 70’s khi dân chúng Hoa Kỳ phải xếp hàng để mua xăng! Muốn xuất cảng dầu, Hoa Kỳ phải bỏ luật cấm này. Nhưng hiện vẫn còn bị kỹ nghệ lọc dầu chống đối và chưa ra luật được! Lý do là các nhà máy lọc dầu hưởng lợi do việc mua dầu sản xuất tại Hoa Kỳ giá rẻ, cho lọc dầu và bán với giá của thị trường toàn cầu cao hơn nhiều. Nếu bỏ luật cấm xuất cảng dầu, các nhà máy lọc dầu sẽ phải mua dầu sản xuất nội địa với giá cao hơn nên không còn lời nữa! Vì sự chống đối của các kỹ nghệ lọc dầu, đạo luật cấm xuất cảng dầu vẫn chưa bỏ được!   Tuy nhiên nếu tình hình tại Ukraine trở thành tồi tệ hơn và Putin cho chiếm thêm đất xứ này, dĩ nhiên Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ phải bỏ luật cấm xuất cảng làm lợi cho thiểu số lọc dầu để bảo vệ cho chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ chống lại Nga! Tuy vậy chỉ cần đe dọa là Hoa Kỳ sẽ thực hiện việc cung cấp khí đốt đông lạnh cho Âu Châu và sẽ cho xuất cảng dầu hỏa sang, dù phải mất hai ba năm nữa, cũng đủ để cho Putin phải chùn chân và tính toán lại nếu không muốn thấy kinh tế Nga đi vào chỗ sụp đổ như Iran hiện nay. Đây là thế đòn bẫy quan trọng vì Nga hiện nay có thể được coi như một thứ Saudi Arabia thứ hai, gần như hoàn toàn chỉ sống bằng việc xuất cảng dầu hỏa và khí đốt. Kinh tế của Nga được coi là lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi thiên nhiên. Putin có mua chuộc được giới quân sự và được nhiều nhóm dân chúng ủng hộ, thực ra cũng nhờ vào các nguồn lợi do xuất cảng năng lượng này. Nên khi Hoa Kỳ có lợi thế hơn về vũ khí chiến lược dầu hỏa, thế đòn bẫy này của Nga đã giảm đi nhiều hiệu quả. Và trong sự tính toán của Putin hiện nay, liệu việc chiếm thêm đất của Ukraine sẽ phải trả giá quá đắt do việc Hoa Kỳ và Âu Châu loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, cũng như trong hai ba năm đến sẽ ngưng mua dầu hỏa và khí đốt từ Nga. Lúc đó chắc chắn kinh tế Nga sẽ xuống dốc không phanh và sụp đổ dễ dàng. Putin dĩ nhiên sẽ tính toán lợi hại với các giả sử và bài tính khác nhau để chọn con đường đi tới trong vài tháng sắp đến. Việc Putin gọi điện thoại thẳng nói chuyện với Obama trong hai tiếng đồng hồ và cho ngoại trưởng Lavrov gặp ngoại trưởng John Kerry tuần qua là dấu hiệu Putin có thể cũng đã chùn chân và lạnh cẳng trước những đe dọa của Hoa Kỳ về năng lượng và phải tính lại hết các bài tính chiến lược mới! Như vậy chỉ với một tiến bộ kỹ thuật mới về đào dầu, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn cục diện cho các thế chiến lược và chính trị địa dư của toàn cầu. Chỉ trong vòng ba năm, Hoa Kỳ đã chiếm thế thượng phong đối với vũ khí chiến lược dầu hỏa và nhờ đó thay đổi hẳn các tính toán cho vùng Trung Đông cũng như cho Âu Châu hiện tại. Kẻ thù tương lai và nguy hiểm nhất cho Hoa Kỳ hiện nay là Trung Hoa cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì ưu thế mới này của Hoa Kỳ đối với vấn đề năng lượng.   Điều đầu tiên là những kỹ nghệ sản xuất về solar panels, chế các tấm bảng đổi ánh sáng mặt trời ra điện của Trung Hoa hiện nay đã bắt đầu bị phá sản. Trong mấy năm trước, Trung Hoa đã chiếm đến 80% thị trường về kỹ nghệ này. Nhưng với giá dầu đi xuống, mức sản xuất dầu nội địa Hoa Kỳ đi lên, các kỹ nghệ về năng lượng mặt trời đều bị phá sản hết! Và Trung Hoa đầu tư nặng về các ngành này sẽ bị ảnh hưởng nặng! Đây chỉ là một điểm nhỏ trong những chiều hướng thay đổi lớn trên toàn cầu do các tiến bộ về kỹ thuật đem lại. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của Trung Hoa trong vài thập niên qua, thực sự chỉ do Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật sai lầm đầu tư quá trớn vào Trung Hoa và thiếu suy nghĩ cho các hậu quả tương lai. NhưngTrung Hoa không thể so sánh với Hoa Kỳ về phương diện tiến bộ kỹ thuật, chỉ biết học lén, ăn cắp và lường gạt các nhà đầu tư ngoại quốc. Nên hiện nay kinh tế Trung Hoa đã chậm lại và nhiều phần sẽ đi vào suy thoái nặng trong tương lai. Tóm lại Hoa Kỳ vẫn là quốc gia hàng đầu của thế giới với những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới mẻ. Chỉ với một phương cách đào dầu tân tiến, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn những thế tính toán chiến lược địa dư trên toàn cầu. Tất cả nhờ vào vũ khí dầu hỏa nay đã trở thành ưu thế chiến lược cho Hoa Kỳ để chống lại với các kẻ thù cũ như Iran, Nga. Cũng như đối với kẻ thù mới trong tương lai chính là Trung Hoa vậy! Nguồn: Baomaiblog
......

Phó thủ tướng Đức gặp gỡ giới hoạt động nhân quyền VN tại Sài Gòn

(VNTB) - Lúc 8g tối ngày 21/11/2014 phái đoàn của Phó thủ tướng Sigmar Gabriel đã gặp trao đổi với 6 người bảo vệ nhân quyền VN, gồm Huỳnh Thục Vy, Mẹ Nấm, Lê Quốc Quyết, Nguyễn Trí Dũng, Huỳnh Trọng Hiếu và tôi (Phạm Bá Hải), tại khách sạn Sheraton Saigon. Tháp tùng cùng phái đoàn Đức còn có nhiều quan chức cao cấp chính phủ và Bộ ngoại giao của Đức. Hội nghị thứ 14 doanh nghiệp Đức khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (The 14th Asia-Pacific Conference of German Business (APK)) diễn ra tại Sheraton Saigon trong hai ngày 20-21/11. Đức là đối tác lớn nhất của Âu châu đối với VN chiếm 20% tổng thương mại EU-VN. Kim ngạch hai chiều của hai nước đạt gần 8 tỷ đô la Mỹ. Trong vài lời đầu với nhóm hoạt động nhân quyền VN, ông Sigmar nói rằng “Mối bang giao thương mại VN-Đức đang mở rộng, nhưng không thể chỉ nói chuyện với VN bằng kinh tế mà còn có mối quan tâm khác, về nhân quyền”. Với tư cách là Điều phối viên Hội Cựu tù nhân lương tâm (CTNLT), tôi sơ lược tình hình phát triển các tổ chức XHDS độc lập. Hội CTNLT chủ xướng các cuộc họp mặt hằng tháng đã bị ngăn cản quyết liệt suốt mấy tháng qua và tháng rồi đã không thể tổ chức. Bên trong các TNLT bị ngược đãi, kỹ luật, còn đối với những ai đã mãn án thì gặp muôn vàn khó khăn quấy nhiễu, đe dọa, cô lập. Đặc biệt là tình trạng CA AN hành hung tấn công công khai. Toàn bộ tình hành hiện tại vi pham nhân quyền VN đã được ông Tham tán chính trị Nhân quyền ĐSQ Đức Felix Schwawz xác nhận đã nhận được các báo cáo mà tôi đã gửi. Các vụ bạo hành tra tấn nhắm vào người bất đồng chính kiến và giới bảo vệ nhân quyền phải chấm dứt tại VN. Hội CTNLT đã đề xuất thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: 1. Tiếp tục đề xuất chính quyền VN lưu tâm tình trạng nguy kịch của các TNLT, kêu gọi thả các trương hợp cụ thể, như ông Sigmar cũng đã nói là ông đã kêu gọi thả TNLT Mai Thị Dung, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. 2. Cần áp lực VN xóa bỏ Điều 79, 88 và 258. Đây là căn nguồn của các vụ bắt bớ vi phạm nhân quyền. Mở rộng không gian cho người bảo vệ nhân quyền. Nếu Đức không có các biện pháp áp lực thì các vụ kêu gọi thả sẽ chỉ là các vụ đổi chác mà chính quyền VN đã chủ ý để đổi lấy các hiệp ước kinh tế với Đức. 3. Ủng hộ các tổ chức XHDS độc lập VN bằng các phương tiện thích hợp, bao gồm cả việc vận động, huấn luyện, học bổng… Nội dung cuộc gặp gỡ được ông Sigmar đồng ý công bố với tư cách ông là Chủ tịch Đảng dân chủ xã hội Liên bang Đức. Phạm Bá Hải Điều phối viên Hội CTNLT. http://www.ijavn.org/2014/11/pho-thu-tuong-uc-gap-go-gioi-hoat-ong.html  
......

Gabriel trifft vietnamesische Menschenrechtler

Gabriel trifft vietnamesische Menschenrechtler In Vietnam gibt es keine freie Presse. In dem kommunistischen Land gibt es auch keine Opposition - zumindest offiziell. Vizekanzler Gabriel trifft sich dennoch mit Andersdenkenden. Ho-Chi-Minh-Stadt (dpa) - Vizekanzler Sigmar Gabriel hat sich während seiner Vietnam-Reise mit prominenten Menschenrechtsaktivisten getroffen, die in dem kommunistischen Land unter harten Repressalien leiden. Zu einem im Vorfeld geheim gehaltenen Treffen in der Wirtschaftsmetropole Ho-Chi-Minh-Stadt (früher Saigon) kamen nach Informationen der Deutschen Presse-Agentur vom Samstag mehrere bekannte Blogger mit dem SPD-Vorsitzenden und Bundeswirtschaftsminister zusammen. Dazu zählte eine populäre Bloggerin, die unter dem Namen «Mother Mushroom» in sozialen Netzwerken aktiv ist und für Bürgerrechte und Meinungsfreiheit in dem 90-Millionen-Einwohner-Land kämpft. Ihr Pass wurde von den Behörden eingezogen. Gabriel lernte auch einen Bruder des Anwalts Le Quoc Quan kennen, der als bekanntester inhaftierter politischer Gefangener Vietnams gilt. Seine katholische Familie wird wegen ihres Einsatzes für Menschenrechte und Religionsfreiheit seit Jahren schikaniert. Ein anderer Blogger wurde im Oktober direkt aus dem Gefängnis in die USA abgeschoben. An dem zweistündigen Gespräch über die Menschrechtslage in dem südostasiatischen Land - wo es keine Opposition und freie Presse gibt - nahm auch der Staatssekretär im Auswärtigen Amt, Stephan Steinlein, die frühere Bundesjustizministerin Brigitte Zypries (SPD) und die grüne Bundestagsabgeordnete Tabea Rößner teil. Rößner sagte anschließend, die Aktivisten riskierten ihre Existenz und die Sicherheit ihrer Familien, um sich für Demokratie und Meinungsfreiheit in Vietnam einzusetzen. Nach Einschätzung der Vereinten Nationen sitzen mindestens 30 Mitglieder der vietnamesischen Zivilgesellschaft zu Unrecht im Gefängnis. Die Europäische Union geht sogar von wesentlich mehr Betroffenen aus. http://www.asienzeitung.com/component/flexicontent/10-aktuelle-nachricht... ************************************* German Deputy Chancellor met human right activists in Vietnam Yesterday (21/11/2014), Deputy Chancellor Sigma Garbriel (also the Minister for Economy & Energy and the President of the Social Democratic Party - SPD) met with the human right activists in Vietnam. Mr. Garbriel is in Saigon for the 14th Conference of German Enterprises in Asia-Pacific (APK). Also attending this meeting were Ms. Brigitte Zypries (Secretary, Economy & Energy Ministry) and Mr. Stephan Steinlein (Federal Secretary, Foreign Affairs Ministry), Ms. Tabea Roessner and a number of German diplomatic officials. Representing Vietnam’s human rights activists were blogger Mẹ Nấm, businessman Lê Quốc Quyết (Lawyer Lê Quốc Quân’s younger brother), Mr. Nguyễn Trí Dũng (blogger Điếu Cày’s son), Mr. Phạm Bá Hải, blogger Huỳnh Thục Vy and her younger brother Huỳnh Trọng Hiếu. Mr. Garbriel says improved human rights together with economic gains are needed for the growth of a country. He expressed concerns regarding blogger Mẹ Nấm being harrassed and detained for expressing her views on Internet. Also discussed was how to make the people not fearful when expressing their views as part of the normal daily life. This is particularly important for business people who are concerned with human rights and want to see improvements in this area as the much needed change for Vietnam. We also talked about prisoners of conscience who are ill but not allowed to receive medical treatments like Ms. Mai Thị Dung whose case had been included in the agenda for the meeting with Prime Minister Nguyễn Tấn Dũng to discuss economic co-operation and human rights. Regarding many reports on the human rights situation in Vietnam, blogger Mẹ Nấm explained that in wanting to promote Vietnam as a stable, beautiful and happy country with strong growth the Vietnamese Government has been trying to hide human right violations. The bloggers described some real-life cases to illustrate the ugly reality: the activists want to express themselves peacefully but are cruelly suppressed to make others fearful. Meetings like this one are an effective way to let the Government of Vietnam know that other countries want to see human rights promoted together with economic interests, and the human right activists’ efforts are recognised. The meeting concluded with Mr. Garbriele saying: “Please continue using the social networks to achieve the changes for the better that you like to see for Vietnam”. Translated by Hanh Trần
......

Hội Bác Ái Vinh Sơn trao 3.170€ tiền lạc quyên cho Caritas để giúp cho các nạn nhân chiến tranh

Hội Vincent đã đưa cho cơ quan từ thiện Caritas một ngân phiếu trị giá 3.170 Euro để giúp cho các nạn nhân chiến tranh Trích trong báo „Mönchengladbacher Zeitung“, ngày 11. November 2014 Người viết: Harald Wendler Ông Nguyễn Văn Rị đã lạc quyên được 3.170 Euro để giúp cho các nạn nhân chiến tranh tại Irak và Syrien. Vị chủ tịch của Hội Bác Ái Vinh Sơn Phao Lô đã cùng với Lm. Johannes van der Vorst (giáo xứ Heilig Geist) trao ngân phiếu này cho người quản lý cơ quan từ thiện Caritas thuôc thành phố Mönchengladbach ông Frank Polixa. Số tiền này sẽ được chuyển tiếp cho cơ quan Caritas quốc tế. Trong một thánh lễ do Hội Bác Ái Vinh Sơn Phao lô tổ chức cách đây vài tuần tại nhà thờ giáo xứ Heilig Geist ông Nguyễn Văn Rị đã kêu gọi đồng hương góp tiền để giúp cho các nạn nhân của những cuộc nội chiến tại Irak và Syrien. Cả triệu người ở hai nước này đã và đang chạy trốn. Từ kinh nghiệm bản thân ông Rị hiểu thế nào là „chạy trốn.“ Năm 1981 ông cùng vợ và 4 con trong đêm tối đã chạy trốn chế độ cộng sản Việt Nam. Cô con gái nhỏ nhất Kim Ngân lúc đó là bé sơ sinh được 10 ngày. Cùng với 95 thuyền nhân khác gia đình ông Rị đã lênh đênh trên biển 6 ngày trời trên một chiếc ghe chỉ dài 12,50 mét và rộng 2,5 mét. Những „Boat People“ này đã được tàu Cap Anamur cứu khi mà lương thực gần như cạn hẳn. Gia đình ông Rị sinh sống tại Mönchengladbach. Ông Rị đã học nghề thợ máy. Cho tới nay ông làm việc gần 30 năm tại hãng Voith Fabrics (xưa tên là Krieger). Để bày tỏ lòng biết ơn ông Rị, hiện nay có tất cả 8 người con, đã và đang làm rất nhiều công việc tự nguyện: ông là chủ tịch hội người Việt tỵ nạn tại Mönchengladbach, phó chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức, Thủ quỹ  Liên Hội Người Việt tỵ nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức; ngoài ra ông còn giúp đỡ các tổ chức và chương trình thiện nguyện. Ông đã nhiều lần quyên góp tiền cho những người gặp nạn, gần nhất là cách đây 1 năm rưỡi ông đã lạc quyên được 5.100 Euro cho các nạn nhân lụt lội ở Nam và Đông nước Đức. Để công nhận những đóng góp lớn cho xã hội nên vào năm 2005 ông Rị là người Việt thuyền nhân đầu tiên nhận được huân chương bội tinh của Cộng Hòa Liên Bang Đức. Ông Frank Polixa, quản lý cơ quan từ thiện Caritas đã hết lời cám ơn: „ Thật là một đóng góp quý báu để giúp cho hoàn cảnh sống của những người ở Irak và Syrien khá hơn. Hội Bác Ái Vinh Sơn Phaolô thường hay giúp đỡ cho các người nghèo, bịnh hoạn, tù tội, các nạn nhân chiến tranh và những người bị xua đuổi.  
......

Hà Lan: Luật sư Trần Quốc Hiền gia nhập Hội CTNLT

Chào mừng hội viên Hội CTNLT tại Hà Lan TRẦN QUỐC HIỀN LTS: Anh Trần Quốc Hiền bị bắt ngày 11/1/2007. Trước khi bị bắt anh là giám đốc Công ty Tư vấn luật Sài Gòn. Ngày 15 tháng 5 năm 2007, anh bị đưa ra xét xử ở tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và bị xử phạt 5 năm tù và hai năm quản chế tại địa phương. Dưới đây là bức thư cảm nhận của anh. * Ls Trần Quốc Hiền Trước hiện tình đất nước không có tự do, dân chủ, nhân quyền bị chà đạp, bất công xã hội thì lan tràn, còn công lý thì nằm trong tay kẻ cầm quyền… Chính vì vậy đã có những con người đã dám dấn thân bất chấp hiểm nguy đứng lên để tranh đấu cho một Việt Nam có tự do,dân chủ, quyền làm người được tôn trọng, công bằng xã hội được thực thi… Dưới một chế độ độc tài đảng trị, tất nhiên không có chỗ cho sự đối kháng, phản biện cho dù đó là những hành vi ôn hòa bất bạo động. Chính vì vậy những con người xả thân tranh đấu cho quê hương, đồng loại luôn được chào đón đằng sau những song sắt nhà tù khắc nghiệt, với những bản án nặng nề cướp đi của họ tuổi tác, sự tự do và đôi khi là cướp đi cả mạng sống. Sự tàn nhẫn và độc ác như thế vẫn là chưa đủ thỏa mãn với nhà cầm quyền cộng sản, bởi sau khi ra tù những nhà bất đồng chính kiến, những tù nhân lương tâm lại tiếp tục bị truy đuổi “giết cùng, diệt tận”, người thân của họ bị xách nhiễu khủng bố tinh thần và triệt đường sống bằng cách bao vây kinh tế… Chẳng còn cách nào khác tốt hơn là những nhà tranh đấu, những tù nhân lương tâm đã mãn hạn tù phải cùng gắn kết, tương trợ và bảo vệ lẫn nhau, kể cả những người còn đang trong chốn lao tù,,, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm đã xuất hiện để gánh vác trọng trách này. Trong thể chế và xã hội cộng sản, một cá nhân hay tổ chức hoạt động bình thường, chân chính đã là khó khăn, huống hồ một tổ chức được thành lập để bảo vệ những tiếng nói đối lập, phản kháng chế độ hay đơn thuần chỉ là những hành động xuất phát từ sự thôi thúc của lương tâm con người. Hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, bị theo dõi, giám sát và bị vây bọc bởi những hành động bạo lực, côn đồ từ nhà cầm quyền, nhưng như một cái cây đứng trước giông bão và thời tiết khắc nghiệt vẫn kịp nảy nở những hoa trái đầu mùa, dù chỉ là khiêm tốn. Những gì mà Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm đã làm được cho những hội viên của mình thời gian qua, là một điều khích lệ và rất đáng biểu dương khí phách dũng cảm và tinh thần tương thân tương ái. “Một cây làm chẳng nên non” hay “nhiều cây chụm lại mới nên rừng”, ban điều hành Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm ý thức được rằng, muốn hội đứng vững để tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình thì cần phải thu hút được nhiều nguồn lực và kết nạp nhiều hội viên hơn nữa, không chỉ ở trong nước mà cả những cựu tù nhân lương tâm đang ở hải ngoại. Trên tinh thần đó Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm đã thay đổi điều lệ, để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay khi giang cánh tay kết nối với những anh em cựu tù ở hải ngoại. Nhân cơ hội này tôi và một số anh em cựu tù nhân lương tâm ở hải ngoại có thể gia nhập hội trong tinh thần tương thân tương ái, hầu góp phần lên tiếng tranh đấu đòi tự do cho những anh em còn đang bị giam cầm, tù đày, cũng như quan tâm bảo vệ những cựu tù nhân đang sống trong vòng xoáy bạo lực của CSVN, bằng cách trưng bằng chứng và tố cáo những hành động tàn ác mà chính thể Hà Nội đang áp dụng trên những tù nhân lương tâm với các chính phủ dân chủ và cộng đồng quốc tế… Tôi xin gởi đến quý vị trong ban điều hành Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm nhiều sức khỏe, lòng kiên định, sự can trường để dấn thân cho công việc bảo vệ những tù nhân và cựu tù nhân lương tâm trong tinh thần trách nhiệm, nhân bản và đoàn kết. Riêng tôi cũng xin góp một bàn tay nhỏ bé trong khả năng có thể của mình, để cùng đồng hành cùng quý hội trong tương lai. Hà Lan, ngày 19/11/2014. Trần Quốc Hiền. Cựu tù nhân lương tâm. (5 năm tù giam, 2 năm quản chế, 2007) nguồn: fvpoc.org
......

GHI NHANH CUỘC “KHÁCH THĂM” NHÀ CỤ NGUYỄN TRỌNG VĨNH

Chiều 19/11/2014 Hà Nội đã vào cuối thu, lạnh. Tôi tranh thủ đến thăm sức khỏe lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Tôi quen biết cụ đã gần 40 năm nay và rất kính trọng và khâm phục cụ về nhân cách, đạo đức cũng như tấm lòng của cụ đối với dân và đất nước. Dù năm nay đã 99 tuổi song cụ vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh và minh mẫn! Mặc dù hơn tôi 26 tuổi song cụ vẫn coi tôi là một người bạn vong niên thân thiết. Tiếp tôi, ngoài cụ còn có con gái cụ là nhà văn Nguyên Bình và chồng chị là anh Trịnh Văn Trà, một đại tá quân đội đã nghỉ hưu.   Tôi đứng lên chào và xin phép cụ ra về vì đã tâm tình và trò chuyện với cụ hơn một tiếng đồng hồ thì cụ bảo tôi cố nán lại ít phút để dự buổi cụ tiếp đoàn khách của Thành ủy Hà Nội đến thăm cụ.    Năm phút sau khách đến. Dẫn đầu là Ủy viên Thường vụ Thành ủy kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cùng 5 quan chức của Đảng, gồm: Một chuyên viên của UBKT Thành ủy; ông Phó bí thư Quận ủy Đống Đa; ông Chủ nhiệm UBKT Quận ủy Đống Đa; bà Bí thư Đảng ủy phường Kim Liên và ông Bí thư chi bộ nơi cụ sinh hoạt Đảng. Đoàn khách đi luôn vào nội dung cuộc viếng thăm: Hỏi cụ có phải là người ký vào Thư ngỏ 61 (toàn văn xem tại đây) không và ai là người chấp bút, thảo ra thư đó? Họ thuyết phục cụ tuyên bố rút tên khỏi danh sách 61 đảng viên ký Thư ngỏ đó vì đã vi phạm vào quy định của Đảng, đặc biệt là "19 điều cấm" mà Đảng không cho đảng viên làm.  Cụ khẳng đinh chính cụ là người ký vào Thư ngỏ 61 đó, và vì cụ nhiều tuổi đảng nhất, 75 năm tuổi đảng, nên anh em xếp cụ lên danh sách đầu tiên. Còn ai là người soạn thảo thư đó thì cụ nói là mọi người ngồi trao đổi với nhau, đều nhất tri và đồng tình những nội dung cấp thiết phải kiến nghị với Lãnh đạo Đảng như nội dung Thư ngỏ đã nêu rõ, còn ai là người chấp bút khởi thảo thì không quan trọng, cụ không đáp ứng câu hỏi này vì cụ cho rằng mọi người ký vào Thư ngỏ thì đều có trách nhiệm như nhau và sẵn sàng đối thoại, tranh luận công khai và dân chủ với lãnh đạo Đảng về những vấn đề mà Thư ngỏ 61 đã nêu lên. Liệu Đảng có đồng ý đối thoại và tranh luận công khai với nhóm 61 đảng viên ký vào Thư ngỏ này không ? Còn về yêu cầu cụ tuyên bố rút tên khỏi danh sách những người ký tên Thư ngỏ này thì cụ nói không, dứt khoát không bao giờ tôi rút theo yêu cầu của các anh!  Còn việc đoàn “đến thăm” kết luận rằng cụ cùng 61 đảng viên ký tên tập thể vào Thư ngỏ là vi phạm qui định của Đảng và "19 điều cấm" không cho đảng viên làm  thì cụ hoàn toàn bác bỏ, cụ nói chính những qui định đó đã triệt tiêu tinh thần dân chủ trong đảng và ngay "19 điều cấm" cũng vi phạm Điều lệ Đảng ! Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy trách cụ là tại sao cụ không trực tiếp góp ý kiến với Đảng theo con đường mà Đảng đã qui định mà lại tán phát những quan điểm sai trái, làm cho đảng viên và người dân hoang mang, dao động? Cụ trả lời là cụ rất thất vọng vì trong suốt gần 10 năm qua cụ đã kiên trì và chân tình góp ý, đã không dưới 10 lần viết thư tay gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban CHTW Đảng và cả Tổng Bí thư nhưng không lần nào cụ được hồi âm, trả lời! Cụ nói: Đến như cụ 16 năm là Ủy viên Trung ương Đảng (Khoá III), là lão thành cách mạng, có 75 năm tuổi đảng, mà các anh ấy trốn tránh, không thèm trả lời thì thử hỏi những góp ý, kiến nghị của các đảng viên khác các anh ấy coi ra gì? Lãnh đạo Đảng ngày nay chỉ thích nghe những ý kiến xu nịnh, thuận tai của bọn cơ hội, giáo điều, nhưng ngược lại họ coi các ý kiến phản biện và những đóng góp chân tình, xây dựng, tâm huyết và khoa học của rất nhiều nhân sỹ trí thưc và đảng viên là những ý kiến có “động cơ xấu”, thậm chí còn bị chụp mũ là “suy thoái, biến chất” hoặc “bị các thế lực thù địch xúi giục”! Đấy chính là một trong các lý do cụ ký tên vào Thư ngỏ 61 và công khai thư đó cho nhân dân biết sau khi thư đó đã gửi chuyển phát nhanh cho TBT, BCT, BBT và  tất cả gần 200 UVTW Đảng. Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy trách là việc tán phát Thư ngỏ đó trên mạng là sai trái, làm cho các đảng viên hoang mang, dao đông, không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng. Nghe đến đây tôi phải xin phép cụ Vĩnh để có đôi lời với ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy. Tôi nói: “Vâng, thưa đồng chí Chủ nhiệm UBKT, tôi nguyên là cán bộ Bộ Công an, đã về nghỉ hưu 11 năm nay và là một trong 61 đảng viên ký tên vào Thư ngỏ 61. Ý kiến đồng chí vừa nói rất đúng. Nếu có ai hoang mang, dao động và không tin vào sự lãnh của Đảng thì người đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Phú Trọng nói "Đến hết thế kỷ này không biết là đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?"  Đồng chí TBT không phải nói ở chỗ riêng tư mà phát biểu chính thức trong một buổi thảo luận Tổ đại biểu ở Quốc Hội khóa XIII để góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 tháng10 năm ngoái và đã được VTV, VOA và TTXVN loan tải rộng rãi!  Chính phát biểu bi quan đó của đồng chí TBT làm tôi thực sự dao động, hoang mang và không còn tin vào sự lãnh đạo hiện nay của Đảng nữa, và đây cũng chính là một trong các lý do khiến tôi ký vào Thư ngỏ 61. Lúc nãy tôi  có hỏi về di chúc của Chủ tịch HCM và đồng chi trả lời là di chúc của Bác Hồ rất đúng và tuyệt đối đúng! Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với đồng chí. Di chúc của Bác không căn dặn Đảng ta xây dựng CNXH mà chỉ  dặn Đảng xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, giàu mạnh và xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ văn minh thôi, và trong di chúc không có một từ nào Bác đề cập đến chủ thuyết Marx-Lenine và căn dặn nhân dân và đảng ta phải kiên định con đường này! Vậy tại sao Đảng ta không làm theo di chúc của Bác? Ông Chủ nhiệm UBKT Thành ủy không trả lời trực tiếp mà chuyển sang việc đề cập đến thành tựu lãnh đạo cách mạng của Đảng. Ông gợi lại chuyện 75 năm trước (1939) khi cụ vào Đảng và thoát ly tham gia cách mạng thì đất nước ta còn nghèo lắm, dân ta còn khổ lắm nhưng nhờ sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng nên ngày nay nước ta đã hết nghèo, dân ta đã hết khổ, nay thì nhà nào cũng có ít nhất một xe máy thì làm sao cụ lại nói đường lối của Đảng là sai lầm, cần phải từ bỏ con đường xây dựng CNXH theo mô hình Xô-viết ? Ông ta còn nói rằng Đảng đã và đang kiên định con đường XHCN, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, xã hội ta không có người bóc lột người, Đảng không cho phép bọn tư bản bóc lột giá trị thặng dư nhân dân lao động VN, hiện nay nhân dân làm theo sức và hưởng theo lao động, mai này khi tiến lên xây dựng CNCS thì người dân sẽ làm tùy sức và sẽ hưởng thụ theo nhu cầu!  Về đối ngoại, Đảng ta cũng có chính sách khôn khéo và cương quyết với TQ, buộc họ phải rút giàn khoan HD981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của ta trước thời han. Đây rõ ràng là thắng lợi của ta...(!?). Cụ Vĩnh nói: “Nó rút chủ yếu là do sức ép quốc tế. TBT Nguyễn Phú Trọng không hề có một lời nào lên án TQ. Hội nghị TW9 đang họp, cũng không hề có một tuyên bố nào. Rồi đến Quốc Hội họp cũng không ra tuyên bố hoặc nghị quyết lên án TQ, Chính phủ cũng vậy! Sao nay lại tự nhận là do ta đấu tranh kiên quyết , mạnh mẽ nên buộc nó phải rút? TQ không bao giờ từ bỏ dã tâm bành trướng, xâm lược nước ta.Đảng phải hết sức cảnh giác và phải thực sự dựa vào nhân dân và phải đặt lợi ích của đất nước,của dân tộc lên trên lợi ích của Đảng thì mới có thể thắng lợi kể cả trong xây dựng đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc, và đừng có quá nhẹ dạ tin vào 16 chữ vàng và 4 tốt , kẻo sẽ bị lừa và dễ mất nước”! Đại tá Trà dù đã rất kiên nhẫn ngồi nghe từ đầu, song đến đây ông không kìm được, ông nói: “Nghe các đồng chi lập luận, tôi không thể thông! Đồng chí khẳng định VN chỉ có thể chọn mô hình XHCN để xây dựng đất nước, ngoài ra không có con đường nào khác. Thế thì đồng chí giải thích tại sao lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đi hết nước tư bản này đến nước tư bản kia để van nài họ công nhận nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường? Phải chăng điều đó chứng tỏ chính Đảng không tin vào CNXH và thú nhận học thuyết Marx-Lenine là bế tắc?”. Không thấy vị Chủ nhịêm UBKT Thành ủy và các vị khách trả lời, tôi nói: “Cho đến lúc này, ngay cả Hội đồng lý luận Trung ương cũng như các nhà nhà lý luận của Đảng cũng không có ai đưa ra được một định nghĩa có sức thuyết phục thế nào là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Kinh tế thị trường và Chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại và giao thoa cùng nhau được! Có cái này thì không có cái kia và ngược lại”. Cụ Vĩnh nghe vị Chủ nhiệm UBKT Thành ủy thuyết giảng, chắc cảm thấy rất mệt, song cụ vẫn vui vẻ nói: “Lúc nãy nghe đồng chí Chủ nhiệm UBKT Thành ủy nói thời tôi vào Đảng và tham gia hoạt động CM đã cách đây 75 năm rồi. Vâng, đồng chí nói đúng. Hồi đó tôi vào đảng là Đảng Cộng sản Đông Dương sau này đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam, và tôi thấy Đảng tôi chọn lúc đó đều rất trong sáng và thực sự vì dân tộc và đất nước, và nó khác xa  ĐCSVN hiện nay. Mong các đồng chỉ về và phản ảnh trung thực, đầy đủ các ý kiến ta trao đổi hôm nay, và kiểm tra giúp các đơn thư mà tôi đã gửi lãnh đạo Đảng trong hơn 9 năm qua và nhắc họ cố gắng đọc và nghiên cứu. Nếu bố trí gặp trực tiếp tôi thì tốt, nếu không thì cố gắng hồi âm các thư tôi đã gửi. Đoàn “khách” cũng cảm thấy khó có gì để nói thêm nên đứng dậy xin phép ra về. Ông Trưởng đoàn kính chúc cụ mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng Đảng theo đúng quy định để Đảng thực sự trong sạch và vững mạnh. Tôi về đến nhà  là  đã gần 6 giờ chiều, tuy khá mệt song cố gắng ghi lại trung thực nhưng chắc không đầy đủ nội dung cuộc gặp này,kẻo để lâu lại quên. Tôi nghĩ chắc đây chưa phải là cuộc thăm viếng và trao đổi cuối cùng. Và cũng không riêng với cụ Vĩnh, với những khác biệt giữa nhận thức và thực tiễn, giữa quyền hành và dân chủ như thế này, tôi nghĩ rằng những đoàn “khách” như thế này còn “hỏi thăm sức khỏe” nhiều người khác nữa, cho dù có góp ý với lãnh đạo đảng, nhà nước những ý kiến chân thành, xây dựng, nhưng “khác chủ trương, khác ý lãnh đạo”! NĐQ Tác giả gửi BVB lúc 05:05, ngày 20-11-2014 ____________   *Tễu:Cuộc gặp ngày 19.11 là cuộc gặp thứ 2 đối với Tướng Vĩnh trong thời gian 1 tháng trở lại đây. Lần trước, người đến viếng thăm chỉ ở cấp Quận, gồm: Phó Bí thư Quận ủy Đống Đa dẫn đầu và tùy tòng là các cán bộ đảng của Phường Kim Liên, quận Đống Đa. Lần này, nâng cấp lên cấp Thành phố: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hà Nội Trần Trọng Dực và tùy tòng. Lần sau, chắc là Bí thư Thành ủy và tùy tòng. *Cụ Vĩnh đã 75 năm tuổi đảng. Nhưng đảng đang cân nhắc, dỗ cụ không ý kiến ý cò gì nữa thì sẽ phát huy hiệu 75 năm tuổi đảng. Cụ bảo: Chẳng phát thì tôi cũng 75 năm tuổi đảng, phát hay không là tùy các anh! Theo Blog Bùi Văn Bồng  
......

Bài Phát biểu của Chủ Tịch Đảng Việt Tân tại buổi Tường Trình QH Canada 19-11

Phát biểu của ông Đỗ Hoàng Điềm Chủ Tịch Đảng Việt Tân Tại Buổi Tường Trình Quốc hội Canada ngày 19 Tháng 11 Năm 2014 về "Triển vọng Dân Chủ và Nhân Quyền Tại Việt Nam"     Kính thưa: Ông Wayne Marston, Quí Thành viên Quốc Hội, Toàn thể Quí vị.   Trước hết, tôi xin gởi lời cám ơn Ông Marston đã đứng ra tổ chức và cho tôi cơ hội được thuyết trình tại buổi tường trình quan trọng này. Vào cuối cuộc chiến tranh Việt Nam, Canada đã nhân từ tiếp nhận nhiều người tị nạn Việt Nam và cho họ một quê hương mới. Đáp lại lòng nhân từ và rộng lượng này, tôi xin được bày tỏ những lời tri ân chân thành nhất. Hôm nay, gần 40 năm sau, nhiều người vẫn còn tự hỏi tại sao vấn đề dân chủ và nhân quyền tại những nơi như Việt Nam vẫn còn được đề cập đến. Tôi xin được trình bày về câu hỏi này trước khi thảo luận về những gì có thể xảy ra tại Việt Nam trong vòng năm, mười năm tới.   Với dân số gần 90 triệu người, Việt Nam là một nước cỡ trung bình với tài nguyên thiên nhiên dồi dào và tiềm năng kinh tế rất lớn. Hơn phân nửa dân số sinh sau năm 1975 và tỉ lệ biết chữ cao. Vì vậy, Việt Nam là một chọn lựa hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam chiếm một vị trí chính trị địa dư quan trọng với 2200 kí lô mét bờ biển kề bên Biển Đông (cũng được gọi là Biển Nam Hải), hiện đang trong tình trạng tranh chấp nóng bỏng. Vùng biển này là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, rất quan trọng trong thương mại quốc tế với 75% giao thông trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam có một quân đội tương đối tiên tiến và được huấn luyện tốt, hoàn toàn có thể giữ một vai trò then chốt trong việc gia tăng an ninh khu vực. Vì những lý do trên, việc chuyển tiếp Việt Nam thành một nước tự do dân chủ, nhân quyền được tôn trọng và pháp quyền là chuẩn mực, là rất quan trọng. Sự chuyển tiếp này sẽ đặt Việt Nam ở một vị trí tốt hơn trong việc phát triển kinh tế và xã hội một cách bền vững, trở thành một đối tác giao thương tốt hơn, có được sự hỗ trợ tối đa trong nước đối với các chính sách quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và sự ổn định trong khu vực. Tóm lại, một nước Việt Nam tự do và dân chủ có thể là một lực lượng ổn định quan trọng tại Đông Nam Á và giữ vững một ASEAN thịnh vượng hơn. Thật không may, Việt Nam là một trong năm nước cộng sản độc tài còn lại trên thế giới. Không cần phải nói, hồ sơ nhân quyền tại Việt Nam rất tồi tệ trong 60 năm qua, kể từ khi đảng cộng sản nắm quyền miền Bắc Việt Nam vào năm 1954. Tình hình nhân quyền lại càng xấu hơn sau khi họ chiếm được Miền Nam Việt Nam vào năm 1975. Tôi sẽ không làm phiền quí vị với những chi tiết mà quí vị có thể tìm thấy dễ dàng qua những tổ chức quốc tế như tổ chức Quan Sát Nhân Quyền, Phóng Viên Không Biên Giới, và Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Vấn đề chính mà tôi muốn trình bày ngày hôm nay là điều gì sẽ xảy ra về khía cạnh chính trị trong vòng năm, mười năm tới tại Việt Nam. Hay nói một cách khác, triển vọng nào cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam vào cuối thập niên này. Để trả lời câu hỏi này, truớc hết chúng ta phải nhìn vào tình hình hiện nay tại Việt Nam. Trong một thời gian dài, chế độ cộng sản dường như nắm quyền kiểm soát chặt chẽ, cai trị với bàn tay sắt, không có bất đồng chính kiến hay đối lập. Tuy nhiên, tất cả bắt đầu thay đổi trong thập niên 1990. Khởi đầu thì rất chậm, nhưng, từ năm 2006, nhịp độ đã gia tăng đáng kể. Trong vòng tám năm qua, mức độ kiểm soát xã hội của chế độ đã bị soi mòn liên tục với nhiều lực lượng thách thức chế độ độc đảng của họ. Hiện tại, chế độ cộng sản tại Việt Nam đang phải đối mặt với năm thách thức lớn:      Hiện đang có một cuộc đấu đá nội bộ quyết liệt và tranh chấp quyền hành dữ dội giữa hai phe nhóm chính - Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dúng một bên, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phe bên kia. Cuộc xung đột nội bộ này rất nghiêm trọng và không còn là một bí mật đối với dân chúng. Kết quả là làm tê liệt giới lãnh đạo thượng tầng, làm tổn hại đến hệ thống chỉ huy, làm tăng thêm sự bất bình của người dân cũng như mọi giới đảng viên. Với Đại Hội Đảng Lần thứ 12 sắp tới đầu năm 2016, cuộc tranh giành quyền lực chỉ càng tăng mãnh liệt và gây tác động xấu hơn vào sự đoàn kết trong đảng cũng như uy quyền của đảng.     Chế độ đang bị nhiều giới trong quần chúng và đảng viên cho là quá nhu nhược và không có ý chí chống lại sự xâm lược liên tục của Trung Cộng trên Biển Đông. Thêm vào đó, mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh và những nỗ lực để biện hộ cho mối quan hệ với đảng cộng sản Trung Quốc bị xem như là phản quốc dưới con mắt của người dân. Tinh thần bài Trung và chống chính phủ là động cơ chung để tập hợp mọi người chống lại chế độ.     Do sự đấu đá nội bộ, tình trạng khó xử về vấn đề Trung Quốc, bản chất cực kỳ tham nhũng của lãnh đạo đương thời, nhiều cựu quan chức cộng sản cấp cao, nhiều nhà trí thức trong đảng cũng như các đảng viên, đã tham gia phong trào dân chủ để đòi hỏi có nhiều tự do chính trị và nhân quyền hơn. Một số người còn tự thành lập những tổ chức riêng để thách thức chế độ độc đảng. Trong khi đó, tinh thần bên trong đảng bị suy sụp nhiều. Con số những đảng viên thầm lặng bỏ đảng hoặc ngưng sinh hoạt đảng đạt mức kỷ lục, bắt buộc giới lãnh đạo phải đi tìm giải pháp.     Bất chấp một đợt đàn áp lớn bắt đầu năm 2007, phong trào dân chủ non trẻ đã chứng tỏ được sự dẻo dai và ngày càng phát triển mạnh. Internet được chứng tỏ là một phương tiện hữu ích và mạnh mẽ. Với con số gần 40 triệu người sử dụng internet và khoảng 25 triệu có tài khoản Facebook, cả hai internet và môi trường truyền thông xã hội đã cho phép người dân và các nhà hoạt động vượt qua được sự thiếu tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp trong đời sống. Hơn nữa, những phản đối của người dân chống lại sự tham nhũng trong chính phủ, sự bạo hành của công an, và những vấn đề xã hội khác, đã tăng cường sức mạnh và tạo nên nền tảng sức mạnh của phong trào ủng hộ dân chủ.     Nền kinh tế đang gặp khó khăn vì quản lý yếu kém và tham nhũng trong nhiều năm mà không có giải pháp nào trước mắt. Mức gia tăng tổng sản lượng quốc gia (GDP) hiện đang ở mức 5,4%, thấp nhất kể từ năm 2005. Cùng lúc đó, lạm phát tiếp tục ở mức 7% trong khi nợ công là 90% GDP, cao chưa từng thấy. Thêm vào đó, lãnh vực tài chánh cần phải được cải tổ hoàn toàn, do cách làm việc yếu kém, lạm dụng, và tham nhũng. Quan trọng hơn cả, giới lãnh đạo không muốn lấy những biện pháp khắc phục những vấn đề trên vì những khắc phục đó có tiềm năng ảnh hưởng lên túi tiền của họ và cũng do áp lực của những nhóm lợi ích rất mạnh chung quanh họ.  Những thách thức trên là những thách thức lớn nhất mà chế độ Hà Nội phải đương đầu kể từ khi Liên Xô bị sụp đổ. Nhìn về phía trước trong vài năm tới, ba kịch bản có khả năng xảy ra:     Chế độ thành công trong việc giải quyết những thách thức và giữ vững được quyền lực.     Chế độ sẽ yếu hơn và bắt buộc phải chấp nhận cởi mở chính trị ở mức nào đó.     Chế độ mất quyền kiểm soát và bị thay thế bởi một chính quyền mới.   Tất nhiên là họ mong muốn kịch bản thứ nhất. Nhưng để việc đó xảy ra, it nhất họ phải hoàn thành ba việc trong vài năm tới. Thứ nhất, họ phải hóa giải những dị biệt và làm lành giữa các phe nhóm. Thứ hai, họ phải xoa dịu sự bất bình của người dân và đảng viên. Và thứ ba, họ phải vượt qua khủng hoảng kinh tế và cải tổ lãnh vực tài chánh bị thối nát. Riêng cá nhân tôi, tôi không nghĩ là họ có thể thực hiện được những việc trên, dựa trên bản chất của chính chế độ và quy mô của những thách thức. Đối với những kịch bản còn lại, có nhiều khả năng là chế độ sẽ tiếp tục yếu đi tới mức họ phải thỏa hiệp và mở rộng chính trị. Tuy nhiên, việc đó sẽ không xảy ra một cách tự nhiên. Chúng ta phải có nhiều nỗ lực để khiến nó xảy ra. Để thúc đẩy chế độ chuyển tiếp ôn hòa qua một nền chính trị mở rộng và theo chế độ dân chủ, chúng ta phải huy động và phối hợp giữa bốn áp lực sau đây:       Tạo áp lực chính trị để có nhiều tự do hơn, một hệ thống đa đảng và cuối cùng là thể chế dân chủ. Việc này phải đến từ phong trào dân chủ tại Việt Nam.     Tạo áp lực xã hội để guồng máy nhà nước điều hành tốt hơn, pháp quyền và cải cách xã hội. Việc này phải đến từ toàn dân Việt Nam.     Tạo áp lực thay đổi để thỏa hiệp và cải tổ chính trị. Việc này phải đến từ trong nội bộ đảng và chế độ.    Tạo áp lực quốc tế để mở rộng chính trị và tôn trọng nhân quyền. Việc này phải đến từ cộng đồng quốc tế.   May mắn thay, tất cả bốn áp lực trên đang hiện hữu tại Việt Nam. Đối với những nhà hoạt động hỗ trợ dân chủ tại Việt Nam, công việc chính hiện nay là tiếp tục thúc đẩy những chiến dịch bất bạo động để gia tăng và phối hợp những áp lực chính trị, xã hội, và thay đổi bên trong Việt Nam. Với cộng đồng quốc tế, chúng tôi yêu cầu sự giúp đỡ của các bạn với bốn mục hành động như sau:       Kêu gọi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho nhưng người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ và xã hội hiện đang bị giam cầm.     Tiếp cận với xã hội dân sự bằng cách hỗ trợ những tổ chức dân sự chân chính, đặc biệt là những tổ chức ủng hộ cải cách xã hội, cải tổ luật pháp, dân chủ và nhân quyền. Ngoài ra, việc gặp gỡ và ủng hộ những người bất đồng chính kiến và những người bảo vệ nhân quyền là rất quan trọng.     Tăng cường tập trung vào cải tổ tư pháp bằng cách kiên trì đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải hủy bỏ những đạo luật hà khắc như các Điều 79, 88, và 258 của Bộ Luật Hình Sự, và đòi hỏi họ phải thông qua những đạo luật nhằm bảo vệ quyền biểu tình ôn hòa, quyền tự do hội họp, quyền tự do ngôn luận, quyền thành lập những tổ chức xã hội và chính trị.     Gộp vấn đề nhân quyền vào việc trao đổi song phương gồm có giao thương, giáo dục, ngoại giao và an ninh. Ngày hôm nay, khi nhìn lại quá khứ, đó là một chặng đường đầy gian khổ mà nhiều người đã phải hy sinh. Tôi tham gia đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho quê hương khi tôi còn là một sinh viên cách đây 30 năm. Đôi khi, có vẻ như là chúng tôi đang ở trong một đường hầm tối không có lối ra. Nhưng hôm nay, sau 30 năm, tôi đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Tôi tin chắc rằng không một chế độ độc tài nào có thể hoặc sẽ tồn tại mãi mãi. Triển vọng cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam đã ở trong tầm nhìn. Nhưng không có gì phải nghi ngờ, con đường đi tới ánh sáng đó còn đầy những thách thức và khó khăn. Trong nhiều năm, cộng đồng thế giới, đặc biệt là chính phủ và người dân Canada đã ủng hộ cho nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi xin tri ân những gì quý vị đã làm. Chúng tôi biết rằng, hơn bất cứ điều gì khác, đây là cuộc đấu tranh của chúng tôi cho tự do của chúng tôi và một tương lai sáng lạn hơn cho những thế hệ tương lai. Tuy nhiên, một nước Việt Nam tự do, dân chủ và ổn định cũng có lợi nhất cho vùng Á Châu Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Chúng tôi vẫn cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để cuộc đấu tranh này kết thúc nhanh chóng trong hoà bình, để Việt Nam có thể trở thành một đối tác vững chắc và đáng tin cậy cho một Đông Nam Á thịnh vượng và an toàn.  Một lần nữa, xin cám ơn quí vị đã cho phép tôi có mặt ngày hôm nay và mong được làm việc cùng với quý vị trong tương lai.
......

Buổi tường trình của ông Đỗ Hoàng Điềm

20/11/2014 THÔNG CÁO BÁO CHÍ Dân biểu Wayne Marston, Hamilton East - Stoney Creek BUỔI TƯỜNG TRÌNH QUỐC HỘI VỀ TRIỂN VỌNG DÂN CHỦ VÀ NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM   Ottawa - Các thành viên Quốc hội, các thượng nghị sĩ, các lãnh tụ công đoàn, và đại diện nhiều tổ chức xã hội dân sự đã tham dự buổi tường trình tại Quốc Hội Canada về triển vọng dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Diễn giả chính của buổi tường trình là ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch Đảng Việt Tân, một mạng lưới có thành viên tại Việt Nam và trên toàn thế giới, có mục tiêu là thiết lập dân chủ và canh tân Việt Nam bằng những phương tiện chính trị và ôn hòa. Luật gia nổi tiếng, đồng thời là nhà bình luận về quan hệ Việt Nam - Canada, ông Vũ Đức Khanh, cũng có mặt để cung cấp một cái nhìn sâu sắc về những gì Canada có thể làm để đẩy mạnh nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.   Chủ tọa buổi họp là ông Wayne Marston, thành viên đối lập chính thức về nhân quyền. "Chế độ cộng sản Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có," theo lời ông Đỗ Hoàng Điềm. "Đây là thời điểm để thúc đẩy chuyển tiếp sang một thể chế dân chủ tại Việt Nam. Một nước Việt Nam tự do, dân chủ, và ổn định là có lợi nhất cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương và xa hơn nữa." "Tôi rất hãnh diện được chủ tọa một buổi tường trình có nhiều diễn giả đặc biệt, và tôi có một hy vọng nho nhỏ là cuộc đối thoại hôm nay sẽ thúc đẩy triển vọng dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam đến gần với sự thật hơn", ông Marston nói.  Để thêm thông tin xin liên lạc: Tom Allen, VP DB Wayne Marston, 613-219-0076wayne.marston.a1@parl.gc.ca
......

4 Dân biểu Hoa Kỳ can thiệp tự do cho blogger Ba Sàm và Minh Thúy

Thư của 4 dân biểu Hoa Kỳ đồng gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng HẠ VIỆN HOA KỲ Washington, DC 20515 Ngày 19 tháng 11 năm 2014 Kính gửi: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Đồng kính gửi: Đại sứ quán Việt Nam 1233 20th Street NW, Suite 400, Washington, DC 20036 Thủ tướng Dũng thân mến, Chúng tôi viết thư này để yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho hai blogger đang bị cầm tù, là Nguyễn Hữu Vinh (còn được gọi là Ba Sàm) và Nguyễn Thị Minh Thúy. Chúng tôi biết rằng ông Vinh và cô Thúy đã bị bắt vào tháng 5 theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”. Chúng tôi lo ngại về sự tăng cường sử dụng các biện pháp mơ hồ và hà khắc như Điều 258 để bắt giam blogger và các nhà hoạt động ôn hòa khác. Trong khi Việt Nam đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, chúng tôi khuyên chính quyền Việt Nam nên xem xét lại việc sử dụng Điều 258 và các đạo luật tương tự nhằm hạn chế tự do ngôn luận và dập tắt những tiếng nói khác biệt với hệ thống truyền thông quốc doanh. Chúng tôi tiếp tục yêu cầu Việt Nam giữ đúng các cam kết quốc tế của họ về nhân quyền, và, cùng với điều đó, chúng tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy. Thân kính, (ký tên) Zoe Lofgren, dân biểu Loretta Sanchez, dân biểu Chris Smith, dân biểu Alan Lowenthal, dân biểu—- Bản tiếng Anh: https://anhbasam.files.wordpress.com/2014/11/letter-to-pm-re-ba-sam-nov-...
......

Ls. Lê Công Định: Thư ngỏ gửi “người khuất mặt khuất mày”,

Hôm nay một vài bạn hữu gửi đến tôi đường dẫn bài viết công kích cá nhân tôi trên báo Nhân Dân. Tác giả tên Vũ Hợp Lân, có lẽ là bút danh của một người không dám lộ diện công khai. Vậy tôi xin mạn phép trò chuyện với “người khuất mặt khuất mày” ở đây. Nội dung chính của bài viết nhằm chỉ trích việc tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với các chính khách và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, cụ thể là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Quả thật, tôi vô cùng kính trọng hai nhân vật lịch sử anh hùng đã ngã xuống vì quốc gia ấy. Nếu so sánh họ với các nguyên thủ và tướng lĩnh ngày nay trước mối đe dọa và hành vi xâm lấn của ngoại bang đối với lãnh thổ mà tổ tiên chúng ta để lại, thì lời ca ngợi của tôi dành cho hai vị e rằng chưa diễn đạt hết niềm cảm phục pha lẫn tiếc thương của tôi. Sự đời vẫn vậy, những người đáng sống thì lại chẳng may qua đời quá sớm! Tướng Nguyễn Khoa Nam lúc quyết định tuẫn tiết, do không làm tròn bổn phận của một quân nhân, ắt hẳn đã không đến nỗi quá “tâm tư” vì không được thăng cấp bậc Trung Tướng trước khi xả thân bảo vệ lãnh thổ mà mình mang trọng trách. Một vị danh tướng không màng đến địa vị và bổng lộc, đã chọn cái chết oai hùng, không đáng để nhiều người trong đó có tôi kính trọng sao? Việc tôi “đứng về phía nào” chẳng lẽ cũng phải xin phép ai? Yêu ghét một con người, một nhân vật lịch sử, lẽ nào cũng phải theo “định hướng”? Luật pháp nào quy định thế? Thưa ông Vũ Hợp Lân, xã hội này có thể còn thiếu tự do, nhưng tôi không cho phép mình mất tự do trong tư tưởng của chính mình, vì tôi là Con Người! Ông có quyền trung thành với ai đó, nên dù vẫn tôn trọng ông, tôi không nhất thiết phải giống ông. Tôi khác. Bày tỏ lòng kính trọng đối với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không có nghĩa là muốn tái lập trong tương lai một thể chế của quá khứ. Cũng tương tự, ngưỡng mộ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và chiến công vĩ đại của ngài, không đồng nghĩa với ý định thiết lập một vương triều quân chủ đời nhà Trần vào Việt Nam ở thế kỷ 21 này. Và nếu tôi tôn trọng cụ Hồ trong tư cách một nhân vật lịch sử, như tôi vẫn luôn bày tỏ bất kể ai phiền muộn, thì trừ phi tôi bị tâm thần mới có ý mong muốn chế độ mà cụ Hồ thiết lập từ năm 1945 mãi trường tồn cùng với bao vấn nạn tham nhũng và vi phạm nhân quyền thế này! Viết như vậy đã dễ hiểu chưa ông Vũ Hợp Lân? Suy nghĩ theo cách ấy liệu sẽ bị suy diễn là có ý đồ chống và lật đổ chế độ chăng? Thú thật, nếu ông cố tình suy diễn theo hướng đó, thì không việc gì tôi phải e ngại hay sợ ông cả. Dù sao cũng phải cám ơn ông Vũ Hợp Lân đã trích đăng công khai những câu chính trong các bài viết của tôi, vì điều đó vô hình chung quảng bá suy nghĩ của tôi đến một số độc giả mà tôi không có dịp tiếp cận. Chỉ tiếc là tờ báo ông dùng để đăng ít người đọc quá! Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, hồi ở tù tôi rất thường đọc báo Nhân Dân, vì không một tờ báo nào khác được phép phổ biến trong khuôn khổ các trại giam ở Việt Nam dù là Thanh Niên hay Tuổi Trẻ của chính nhà nước này. Đọc để mỉm cười vui vẻ, thay vì xem hài kịch vốn không thể có trong tù. Tôi chưa bao giờ tự xưng am tường sử học, vì đó là một lĩnh vực sâu rộng đòi hỏi nhiều năng lực và thời gian nghiên cứu, mà tôi thì chỉ dừng lại ở sự say mê học hỏi từ lịch sử cho riêng mình thôi. Tuy nhiên, có hồ đồ lắm không khi một “người khuất mặt khuất mày” viết vài ba dòng “vỗ mông ngựa” (mượn chữ của tác giả Kim Dung trong tác phẩm “Lộc Đỉnh Ký”) trên một tờ báo chuyên về tuyên truyền, chứ không chuyên ngành sử học, lại nhận định tôi “kém hiểu biết lịch sử” hoặc “xuyên tạc lịch sử”? Để tránh tình trạng chụp mũ bừa bãi vô ích, tôi đề nghị ông Vũ Hợp Lân sớm tổ chức một mục đàm luận công khai và dân chủ với tôi về các vấn đề lịch sử Việt Nam hiện đại trên chính tờ báo Nhân Dân để độc giả rộng đường nhận định. Đây không phải là lời thách thức, mà là việc làm cần thiết để tránh tiếng “cả vú lấp miệng em” vốn thường dành cho những tay bồi bút, và cũng giúp tờ báo của ông nâng lên một tầm cao mới, thu hút thêm nhiều độc giả có đầu óc hơn. Ông đồng ý nhé? Trân trọng, Lê Công Định   nguồn: FB Luật sư Lê Công Định
......

Phải quì rạp cả đoàn cho chúng xem

Trong vài ngày qua, Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5, đã công khai phản đối kịch liệt việc giao đèo Hải Vân, một trọng điểm quân sự, cho doanh nghiệp Trung Quốc - để họ lại viện cớ dựng khu biệt lập mới cho "công nhân" từ Tàu kéo sang ở luôn. Đọc tin này, người ta vừa mừng vừa lo! Mừng là trong hàng ngũ tướng lãnh quân đội vẫn còn những người như tướng Lê Chiêm . Nhưng lo vì không biết ông còn giữ chức đó được bao lâu để báo động công luận, trước khi những kẻ muốn bán khu vực này cho Tàu sẽ loại trừ ông và vẫn âm thầm tiến hành kế hoạch, như đã thấy quá nhiều lần tại Nóc nhà Đông Dương, tại các khu vực dọc theo bờ biển miền Trung kể cả khu Cam Ranh, tại các khu vực dọc theo biên giới phía Bắc, và rải khắp các khu vực sâu trong đất nước Việt Nam. Thật vậy, chỉ cần nhìn phái đoàn 13 tướng kéo nhau sau chầu Bắc Kinh mới mấy tuần trước, người ta đủ thấy những người đang tại chức như tướng Lê Chiêm hiếm quí tới đâu. Ngay sau chuyến đi Tàu của Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và là đặc sứ của TBT Nguyễn Phú Trọng, để xin Bắc Kinh "cùng khai thác chung Biển Đông", vào cuối tháng 10.2014, một đoàn tướng lãnh quân đội nhân dân Việt Nam hùng hậu chưa từng có nối đuôi nhau qua Tàu. Đoàn này do chính Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn đầu. Giới phân tích không sao giải thích được lý do tại sao, nhất là ngay sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 được nối tiếp bằng các lời đe doạ lẫn phỉ báng liên tục từ Bắc Kinh, mà Bộ Chính Trị đảng CSVN lại sai Phùng đại tướng kéo một lượt 12 tướng lãnh cao cấp của quân đội từ tham mưu, đến chính trị, biên phòng, hải, lục, không quân lục tục sang Bắc Kinh. Có người đặt câu hỏi có phải để được Tàu huấn luyện gì đó không? Quả đúng là từ năm 2009, mỗi năm, Bộ Quốc phòng Việt Nam có cử hàng trăm cán bộ quân sự qua Tàu gọi là để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quân sự nhưng thực chất là các buổi sinh hoạt tư tưởng để tô đậm "quân Việt Nam phải luôn nhớ ơn quân Trung Quốc”. Tuy nhiên, các khóa đó đều kéo dài ít là nửa tháng và thường diễn ra tại Học viện Chính trị Tây An của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Vì vậy huấn luyện không phải là mục đích của phái đoàn Phùng Quang Thanh, vốn chỉ diễn ra 2 ngày 16 đến 18.10.2014 và chỉ quanh quẩn tại Bắc Kinh. Cũng có người đặt giả thiết phải chăng vì phải trao đổi rất nhiều chi tiết quân sự nên phải kéo theo người trách nhiệm của từng ban ngành quân đội? Cụ thể như tuyên bố của tướng Phùng Quang Thanh với báo chí về mục đích chuyến đi là để "Tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội của hai nước cũng như giữa hai Đảng, nhà nước và nhân dân hai nước. Giữ gìn môi trường ổn định, hoà bình và kiểm soát cho được hoạt động của lực lượng vũ trang hai nước trên biển, không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và để xảy ra xung đột vũ trang ở trên biển”. Nhưng chính giải thích của tướng Thanh lại làm vấn đề khó hiểu hơn nhiều: - Nếu theo đúng tuyên bố trên thì rõ ràng đây là chuyến đi mang tính ngoại giao, chính trị để xây đắp quan hệ thì tại sao lại cần đến một phái đoàn quân sự, mà lại quân sự hùng hậu tới mức đó? - Nếu chỉ để tránh "xung đột vũ trang ở trên biển" thì tại sao lại cần đến các tướng tư lệnh quân khu 1, 2, 3 vốn chẳng liên hệ gì đến khu vực có xung đột trên biển Đông? Đặc biệt quân khu 1 và 2 không hề có tới 1 mét bờ biển? Đó là chưa kể tại sao lại kéo theo các tướng lo về thông tin, không quân, và chính trị? - Nếu vì lý do phải trao đổi nhiều chi tiết quân sự thì trong thời đại điện toán ngày nay loại việc đó phải do các sĩ quan cấp dưới thực hiện trong một thời gian dài, chứ làm sao các tướng có thể cầm khối dữ kiện theo để tuông ra trong vòng 2 ngày? Các tướng lãnh chỉ có thể đồng ý về các nguyên tắc. Và vì vậy, như trong vô số các cuộc trao đổi quân sự hệ trọng trên thế giới, mỗi bên chỉ cần bộ trưởng quốc phòng và một vài phụ tá là quá đủ. Chẳng ai kéo theo các tướng với trách nhiệm điều hành nội bộ theo cả. Vì vậy, lý do duy nhất của phái đoàn Phùng Quang Thanh và 12 tướng đi Tàu là để đáp ứng đòi hỏi của Bắc Kinh muốn biểu diễn cho toàn dân thiên hạ nói chung và dân chúng Trung Quốc nói riêng thấy rõ sự thần phục của Việt Nam. Rõ ràng Bắc Kinh không đòi 13 lãnh tụ đảng CSVN, hay 13 quan chức thuộc Bộ Ngoại giao sang bái lạy. Nhưng họ đòi buộc phải đúng 13 tướng lãnh ở hàng cao nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam xếp hàng xụp lạy vì như thế mới đủ thuyết phục dân chúng Trung Quốc rằng Tập Cận Bình đã hoàn toàn làm chủ Biển Đông; và có như thế họ mới hy vọng bóp chết hẳn được những tư tưởng "chống Tàu xâm lược" còn sót lại trong quân đội Việt Nam. Điều đó cũng giải thích được tại sao lãnh đạo Bắc Kinh liền cho báo chí Trung Cộng đăng hàng loạt và gọi đây là "chuyến đi cầu hòa" của Việt Nam. Điều đáng nói là chắc chắn giới lãnh đạo đảng, đặc biệt là các tướng lãnh quân đội Việt Nam, đều biết rõ trò cố tình sỉ nhục của Bắc Kinh từ trước ngày lên đường sang Tàu. Nhưng họ đều cúi đầu chấp nhận. Và khi cả giàn lãnh đạo đều đã mang tâm thức chấp nhận như thế thì các trò tuyên bố "đang chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc", hay đang mua vũ khí từ nước này nước nọ, hay đang thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản,... đều là những màn kịch cực kỳ mắc tiền, dành riêng cho dân tộc Việt Nam. Điều lạ sau cùng trong sự việc này là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người vẫn được xem là sứ thần của Bắc Kinh, và Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng, đều không có mặt trong đoàn. Họ đủ tinh ranh để biết thoái thác cái sứ mạng đi công khai bái lạy Bắc Kinh. Họ tránh né được chuyến đi ô nhục, bôi bẩn tên tuổi dòng họ nhiều đời. Thật vậy, lịch sử dân tộc mai sau chắc chắn sẽ ghi lại đoàn tướng đi Tàu ngày 16.10.2014 với đầy đủ tên họ của từng thành viên: -                      Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng; -                      Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó tổng Tham mưu trưởng; -                      Trung tướng Lương Cường, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; -                      Trung tướng Dương Đức Hòa, Tư lệnh Quân khu 2; -                      Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân; -                      Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; -                      Trung tướng Phạm Hồng Hương, Tư lệnh Quân khu 3; -                      Chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân; -                      Thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó tư lệnh Quân khu 1; -                      Trung tướng Vũ Văn Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng; -                      Thiếu tướng Vũ Anh Văn, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc; -                      Thiếu tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng và -                      Thiếu tướng Ngô Quang Liên, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng.
......

Trung Quốc trấn đèo Hải Vân: Trách nhiệm Thủ tướng

Thừa Thiên-Huế đẩy quả bóng trách nhiệm cho Thủ tướng về việc cho phép nhà đầu tư Trung Quốc khai thác 200 ha đất ở vị trí chiến lược trên đèo Hải Vân.   Nhà phản biện độc lập TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cho rằng, cho dù Thủ tướng chịu trách nhiệm vì đã phê duyệt qui hoạch, thì nay cũng là lúc phải thu hồi ngay lập tức giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc, trao quyền cho họ thực hiện dự án nghỉ dưỡng nằm ở vị trí chiến lược, có thể khống chế vịnh Đà Nẵng và chia cắt đất nước.   Từ Hà Nội TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh: “Chắc chắn phải như vậy nếu ông ấy đã ký thì phải có trách nhiệm, về việc không nhìn ra thì có thể có nhiều lý do, một lý do là do sơ xuất vì sơ xuất là chuyện con người. Nếu mà là sơ xuất thì có thể bỏ qua mà chỉ có thể đánh giá là năng lực hơi kém. Còn nếu không phải là sơ xuất mà biết mà vẫn làm như thế thì trách nhiệm càng nặng hơn.”   Phát biểu gay gắt của TS Nguyễn Quang A được ghi nhận tiếp sau thông tin: ngày 14/11/2014 ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định với VnExpress rằng Thừa Thiên-Huế làm đúng qui định của Nhà nước. Suốt hai tuần qua trên báo chí, Thừa Thiên-Huế đã lập luận rằng, dự án 200 ha ở mũi cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân vươn xa nhất ra biển Đà Nẵng là nằm trong Qui hoạch chung về xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đến hết năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771 ngày 5/12/2008.   Chính quyền Thừa Thiên - Huế không trả lời dư luận về việc Dự án mũi Cửa Khẻm giao cho nhà đầu tư Trung Quốc nằm ở vị trí chiến lược khống chế vùng trời, vùng núi, vùng biển Đà Nẵng và nếu xảy ra chiến tranh sẽ chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 16. Chính quyền Thừa Thiên-Huế chỉ biện giải về khu vực tranh chấp địa giới giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Theo các chuyên gia địa phương nào quản lý mũi Cửa Khẻm không phải là điều quan trọng, cốt lõi ở đây Thừa Thiên-Huế đã bỏ qua vấn đề an ninh quốc phòng trao quyền khai thác 200 ha cho nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 50 năm, mà cụ thể là doanh nghiệp Trung Quốc. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc hiện nghỉ hưu ở Hà Nội đã phản ứng mạnh mẽ về điều ông là góp phần làm tăng nguy cơ mất nước. Ông nói:   “Những chỗ tốt đẹp có vị trí chiến lược lại cứ bán cứ để cho Trung Quốc làm dự án trong khi mình có thể làm được, như thế là các anh ấy không suy nghĩ và chỉ thấy có tiền thôi. Tôi cho là chỉ thấy có tiền, nhiều tỉnh cũng thế thôi nghĩa là chỉ thấy có tiền mà không thấy cái nguy hiểm cho đất nước.”   Từ đầu tháng 11, chính quyền Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng rút giấy phép đầu tư mà Thừa Thiên-Huế cấp cho Công ty Thế Diệu của Trung Quốc từ năm 2013 để xây dựng một quần thể nghỉ dưỡng du lịch chiếm 200 ha ở mũi Cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân vươn ra xa nhất trên biển Đà Nẵng. Hai lý do Đà Nẵng đưa ra là vị trí chiến lược ảnh hưởng an ninh quốc phòng và dự án nằm trên vùng tranh chấp địa giới giữa hai địa phương. Ngày 17/11/2014, Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 được VnExpress trích lời khẳng định đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm quân sự  cấp độ 1 được Chính phủ quy định. Đất tại khu vực này muốn  làm bất cứ việc gì phải báo cáo và được sự nhất trí của Bộ Quốc Phòng để xin ý kiến của Thủ tướng. Tướng Chiêm nhấn mạnh, Thừa Thiên - Huế tự động cho doanh nghiệp nước ngoài vào xây dựng khu nghỉ dưỡng là “dứt khoát không được”. Chuyện thu hồi giấy phép Đáp câu hỏi của chúng tôi là chính quyền Việt Nam có vẻ không chú ý tới yếu tố an ninh quốc phòng khi kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế và để đến khi dư luận lên tiếng lúc đó mới tính chuyện sửa sai. Nhà phản biện TS Nguyễn Quang A nhận định:   “Tôi nghĩ cũng không hẳn hoàn toàn như vậy. Nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề an ninh quốc gia, người ta có những qui trình rất chặt chẽ về những chuyện như vậy. Nhưng thực tế người ta có thể lách những qui trình ấy một cách rất ngoạn mục, hoàn toàn do ý định của người ta mà thôi. Ngay cả việc hủy một dự án, bất kỳ dự án nào cũng có hàng trăm điều kiện mà tôi tin là không có nhà đầu tư nào không vi phạm đến khoảng 30% các điều kiện qui định trong giấy phép. Nếu người ta muốn thì có thể dẫn chiếu bất kể một cái lỗi nào đấy của nhà đầu tư và người ta có thể hủy cái giấy phép ấy mà chẳng cần phải đền bù gì cả, bởi vì ông đã vi phạm qui định.”   Việt Nam có chính sách trải thảm đỏ mời gọi đầu tư để phát triển kinh tế, người Trung Quốc chọn được nhiều vị trí mà dư luận cho là nhạy cảm về an ninh quốc phòng là vì nhờ các mánh lới đặc biệt. Làm thế nào để giảm bớt tình trạng nguy hiểm này. TS Nguyễn Quang A trả lời câu hỏi này: “Nếu chúng ta kỳ vọng vào những người cánh hẩu với Trung Quốc để người ta bớt đi thì không bao giờ cả, số người như thế ở Việt Nam không phải là ít. Chỉ có mỗi một cách như vừa rồi là dư luận của công chúng, của các giới khác nhau, kể cả những người đương quyền mà còn thực sự lo lắng cho vận mệnh đất nước. Những người ấy, các thế lực ấy phải lên tiếng và chỉ có như thế mới có thể chặn được những sự móc ngoặc với những thế lực nước ngoài mà để làm tổn hại đến đất nước mà thôi.”  Được biết, Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao 200 ha đất ở mũi Cửa Khẻm cho Công ty Trung Quốc Thế Diệu từ tháng 10/2013 với thời hạn 50 năm. Thế Diệu đã giải ngân 80 tỷ để khởi sự thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng du lịch có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Tại Cửa Khẻm nơi núi Hải Vân vươn ra biển xa nhất, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ xây dựng khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao với 450 phòng, một trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu nhà nghỉ dưỡng năm tầng với 220 căn hộ cao cấp, 350 biệt thự và khu du lịch, nhà hàng bãi tắm. Dự án này được triển khai theo ba giai đoạn từ 2013 đến 2023, Thế Diệu đã xây dựng trụ sở điều hành dự án tại khu vực Cửa Khẻm. Còn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đã chi 50 tỷ đồng mở con đường 5 km vào Cửa Khẻm. Cho tới ngày 17/11/2014 chưa có thông tin về việc thu hồi giấy phép dự án đầu tư trên núi Hải Vân của doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng báo chí phản ứng dư luận hết sức gay gắt đòi dừng ngay dự án vì ảnh hưởng an ninh quốc phòng, đặc biệt có yếu tố Trung Quốc. Theo ý kiến chuyên gia một quyết định hợp lòng dân là điều Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải tính tới trong giai đoạn này. Nguồn: rfa.org/vietnamese
......

Việt Nam công lý giống như anh hề?

Bìa cuốn sách luật vừa phát hành có in biểu tượng hình một người đàn ông mặc… "quần nhỏ" đứng trên quả cầu lửa, hai tay cầm hai cán cân "công lý", với khuôn mặt cắt ghép giống hệt diễn viên hài (anh hề) Công Lý. Mặc dầu phản ảnh đúng xã hội hiện nay, nhưng vẫn bị thu hồi theo lệnh vừa ban ra sáng nay 17-11-2014, Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản,  thú nhận "để xảy ra sự cố dở khóc dở cười này của NXB Lao Động- Xã Hội như thế này thể hiện sự yếu kém của công tác biên tập." Ông cho biết, trong ngày mai, 18/11 phía Cục Xuất bản sẽ ra văn bản kết luận xử lý về vụ việc này.! Theo FB Chau Kelley, mặc là sự cố nhưng phản ảnh đúng "TỰ DO" CẦM CÁN CÂN CÔNG LÝ dưới chế độ XHCN hiện nay. Trong khi " ...ở xứ "tư bản giãy chết" Mỹ thì người ta dùng biểu tượng của nữ thần công lý thời La Mã bịt hai mắt lại bằng khăn quàng để chỉ sự công bình dựa trên lý lẽ để xử lý chứ không mở mắt nhìn xem ai là tội nhân để thiên vị, với 1 tay bà cầm thanh kiếm biểu tượng cho việc thi hành công lý dựa theo cán cân pháp luật đã phán xét một cách công bình trong tay còn lại... thì ở xứ "thiên đàng xhcn" cộng sản dùng một thằng...  ... hai con mắt mở thao láo để nhìn xem hàng hối lộ là thứ gì hầu biết tay nào nghiêng về bên đâu... đó là biểu tượng "công lý và luật pháp" của đảng CSVN…". Cũng theo FB Chau Kelly, "Màn 'bôi nhọ đảng và chính quyền' này chắc chắn là không phải do 'bè lũ phản động' làm ra..?! hình tượng cái thằng "đĩ đực' đại diện cho biểu tượng 'công lý và pháp luật' trên bìa của quyển sách 'BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH 2014' của nhà nước CHXNCHVN, 'Độc Lập - Tự Do - Tự Sướng' sản xuất ra là do chính Nhà Xuất Bản Lao Động - Xã Hội mới vừa in ấn đàng hoàng...     Chỉ tội cho anh diễn viên hài Công Lý. Cá nhân anh cho biết, việc tự ý dùng hình ảnh anh để như vậy là có phần "phản cảm".
......

Múa Đôi Hoa Mỹ

Tại Thượng đỉnh APEC vừa qua ở Bắc Kinh, lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt một thỏa thuận được các con vẹt Dân Chủ và bọn "ôm cây", các nhóm bảo vệ môi sinh, đánh giá là mang ý nghĩa thời đại: hai bên đồng ý về nhu cầu tiết giảm khí thải để bảo vệ địa cầu khỏi nạn nhiệt hoá trong thế kỷ này. Giới bình luận đểu cáng thì nói rằng "vào chi tiết mới ra chuyện độc", nhưng ít ra Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có dịp cười toe trước ống kính về một thành quả biểu kiến. Còn lại là sự trống vắng.   Bài này bàn về chuyện lấp đầy khoảng trống đó. Ngay từ nhiệm kỳ đầu, vào đầu Tháng Giêng 2009, Chính quyền Obama đã đánh giá sai quan hệ Mỹ-Hoa, khi Ngoại trưởng tân nhậm Hillary Clinton tới Bắc Kinh khẳng định rằng không để chuyện nhân quyền chi phối việc làm ăn giữa hai nước. Nhân đó bà kêu gọi các đấng con trời tiếp tục mua trái phiếu Mỹ, tức là tiếp tục cho Mỹ vay tiền. Clinton chẳng hiểu rằng Bắc Kinh có tiền mà không gửi qua Mỹ thì làm gì cho đồng tiền khỏi mất giá? Hai năm sau, cũng qua ngòi bút Clinton và ý kiến của ban tham mưu trong Bộ Ngoại giao, Chính quyền Obama nói đến việc "chuyển trục" về Đông Á, làm các nước Á Châu nức lòng tin tưởng. Nhưng Chú Cuội chỉ múa với Chị Hằng được một con trăng, màn chuyển trục hay "pivot" được sửa thành "tái quân bình". Rồi để đó từ năm 2012. Không, trước đà bành trướng của Bắc Kinh khiến các nước Á Châu lo ngại, năm 2012, Chính quyền Obama còn mời Trung Quốc tham dự cuộc thao dượt quân sự RIMPAC với 22 quốc gia trong vành cung Á châu Thái bình dương, lần đầu tiên kể từ năm 1971. Cũng hợp lý thôi: không mời em vào chơi để phơi của quý thì làm sao biết của quý của em nó quý đến cỡ nào! Hãy nói về chuyện sinh tử hơn vậy. Từ hai chục năm nay, qua bốn nhiệm kỳ của hai Tổng thống cả Dân Chủ lẫn Cộng Hoà, lãnh đạo Hoa Kỳ đều theo đuổi một chánh sách có tính chất lưỡng đảng - và hai mặt. Mặt tích cực là nên kết ước với Trung Quốc, cứ hợp tác làm ăn để cường quốc mới nổi này trở thành đối tác biết điều và cùng Hoa Kỳ gánh vác thiên hạ sự từ hai bờ biển Thái bình. Nhưng đồng thời cũng phải có ý phòng thủ nếu Bắc Kinh lại chẳng biết điều mà chơi bạo. Đó là mặt kia. Chánh sách đó từ thời Bill Clinton mới cho Trung Quốc quy chế "tối huệ quốc" rồi được Quốc hội Cộng Hoà nâng cấp thành "quan hệ mậu dịch bình thường và thường trực" để mở đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ cuối năm 2001 và vươn lên thành một thế lực kinh tế trong vùng. Nhưng cũng Chính quyền Clinton vào Tháng Ba năm 1996 đã gửi hai hàng không mẫu hạm vào Eo biển Đài Loan khi Bắc Kinh bắn hỏa tiễn qua đầu đảo quốc này trong lúc dân chúng lần đầu tiên đi bầu Tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Xin nhắc lại: lần đầu tiên trong lịch sử mấy ngàn năm mà dân Tầu trực tiếp đi bầu lãnh tụ nhưng Bắc Kinh lại không ưa một tiền lệ nguy hiểm như vậy và tìm cách phá bĩnh nên mới phóng hỏa tiễn qua không phận Đài Loan để hăm dọa. Cho tới khi Mỹ gửi chiến hạm vào làm nguội cái hỏa khí trên đầu Thiên tử đỏ! Ngay từ đây rồi, một viên tướng của Bắc Kinh đã giở giọng hỗn khi hỏi một nhà ngoại giao Mỹ: quý quốc có thể hy sinh Los Angeles hay San Francisco để bảo vệ Đài Loan không? Lối suy nghĩ ấy cho thấy rằng hai chục năm sau là ngày nay, Hoa Kỳ cần duyệt lại chánh sách hai mặt kết ước và phòng thủ với Trung Quốc. Vì phần kết ước thì có lợi cho Trung Quốc, khía cạnh phòng thủ có tính chất dương cương thì chưa có tác dụng thuyết phục. Hai chục năm sau, lãnh đạo Bắc Kinh không biết điều hơn. Bên trong còn tập trung quyền lực và gia tăng chà đạp nhân quyền. Với bên ngoài thì uy hiếp lân bang, trong khi không che giấu tham vọng quân sự là kiểm soát vùng Tây Thái bình dương được gọi là "quyền lợi cốt lõi" Lý luận ngoại giao thì đầy chất mị dân: "Á châu là của người Á" - không phải của Mỹ. Mà người Á ở đây là "thiên hạ" ngàn đời dưới sự lãnh đạo của Thiên triều. Về mặt quân sự đang tiến hành thì đó là chiến lược ngăn cản chiến hạm  Hoa Kỳ đi vào vùng biển mà Trung Quốc gọi là của mình. Sự thật này đã càng tỏ lộ trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống George W. Bush, khi Mỹ lún sâu vào trận chiến chống khủng bố toàn cầu và bận rộn với hai chiến trường nóng là Afghanistan và Iraq. Vì vậy, người ta chờ đợi là qua triều đại Obama, từ đầu năm 2009, lãnh đạo Hoa Kỳ phải có chánh sách mới. Quả nhiên là mới - và lạ. Hoa Kỳ tiếp tục kết ước và còn ra sức hòa dịu với Bắc Kinh để Tổng thống rộng tay cải tạo nước Mỹ ở bên trong. Khi Trung Quốc tỏ vẻ hung hăng thì Obama nói đến việc chuyển trục cho bảnh, rồi cho cái trục xoay trong chân không. Khi Ngoại trưởng Cliton tới Bắc Kinh mời chào trái phiếu của Mỹ thì cũng là lúc ngân sách Hoa Kỳ bị bội chi tới đáy. Vài năm sau, khi Hoa Kỳ hăm dọa sẽ đưa 60% phương tiện hải quân vào biển Thái bình thì cũng là lúc ngân sách quốc phòng bị cắt. Chẳng ai ngạc nhiên là Bắc Kinh nhân dịp mở rộng khu vực kiểm soát phòng không ADIZ, thè cái lưỡi bò đòi liếm lung tung và tung phương tiện vào không gian điện toán để xục xạo bí mật an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ. Sáu năm vừa qua đã thấy quan hệ Mỹ-Hoa trở nên tồi tệ hơn và nước Mỹ mất dần sự khả tín. Đồng minh không tin mà đối thủ cũng chẳng sợ. Nhưng may là Hoa Kỳ có nền dân chủ và sau khi mua hớ những lời hứa nhảm thì dân Mỹ cũng có thể sửa sai bằng lá phiếu. Trong cuộc bầu cử tuần qua, họ mạnh tay trao lại quyền kiểm soát cho đảng Cộng Hoà tại Quốc hội. Và trong hai năm tới, Hành pháp Obama rơi vào cảnh "vịt què".... Hiến pháp Hoa Kỳ giới hạn quyền Tổng thống bằng các định chế bên trong như Quốc hội hay Tối cao Pháp viện. Khi lâm vào thế yếu và muốn để lại danh tiếng cho đời thì một Tổng thống Mỹ vịt què chỉ có thể tìm kiếm thành quả về đối ngoại - qua một bản hiệp định về khí hậu chẳng hạn! Nhưng với đảng Cộng Hoà đa số tại Thượng viện, quyền phê chuẩn hay nhượng bộ cũng lọt khỏi tay đảng Dân Chủ. Và sau cuộc bầu cử 2014, dân Mỹ còn có tổng tuyển cử vào năm 2016. Trong hai năm tới, phe Cộng Hoà sẽ rà soát và xiết lại những nhượng bộ đã qua và vì viễn ảnh bầu cử Tổng thống năm 2016, phải vạch ra một đối sách khác với Trung Quốc. Hai năm đó cũng là giai đoạn khó khăn cho lãnh tụ Tập Cận Bình khi phải cải cách kinh tế ở nhà, với đà tăng trưởng giảm sút chưa từng thấy từ mấy chục năm nay, trong khi đồng Mỹ kim cứ vùn vụt lên giá. Bối cảnh đó khiến chúng ta lần lượt xét lại việc Trung Quốc và Hoa Kỳ tái lập cái thế quân bình trên vùng biển Thái bình dương trước sự thẩm xét của các nước Á châu. Và chỉ nên coi dự án cải thiện khí hậu như một điệu vũ cho vui. Một cảnh múa đôi huê dạng. Theo blog dainamax tribune
......

Lực lượng nào sẽ làm thay đổi Việt Nam?

Rất nhiều người có chung một nỗi băn khoăn: Bao giờ thì Việt Nam được dân chủ hoá? Để trả lời câu hỏi ấy, hầu như ai cũng biết một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam chỉ có thể xảy ra với một trong hai tình huống: Một, từ trên xuống; và hai, từ dưới lên. Dân chủ hoá từ trên xuống là một cuộc cách mạng lý tưởng nhất bởi nó nhanh nhất và ít bị trả giá nhất: Đó là các cuộc cách mạng đã diễn ra tại Liên Xô và Đông Âu vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, khi giới lãnh đạo ý thức là không thể kéo dài nguyên trạng và chấp nhận thay đổi chế độ ngay cả khi biết với sự thay đổi ấy họ sẽ mất tất cả quyền lực. Theo tôi, một cuộc cách mạng loại này rất khó xảy ra ở Việt Nam. Có hai lý do chính. Thứ nhất, ở Việt Nam không có, và sẽ không có một nhà lãnh đạo nào, dù sáng suốt đến đâu, có quyền lực để tự mình quyết định những sự thay đổi lớn lao liên quan đến số phận của cả chế độ. Kết cấu quyền lực ở Việt Nam khác hẳn ở các quốc gia cộng sản khác trước đây cũng như hiện nay: Ở các nước ấy, chủ tịch đảng cũng đồng thời là chủ tịch nước. Khi nắm trong tay cả hai chức vụ ấy, người ta dễ dàng trở thành kẻ quyết định cuối cùng. Ở Việt Nam, ngược lại, người lãnh đạo đảng và người lãnh đạo nhà nước và chính phủ khác nhau, do đó, không ai thực sự có quyền quyết định những vấn đề lớn cả. Tất cả đều phải thông qua ý kiến tập thể, ít nhất của Bộ Chính trị. Để cả tập thể ấy thống nhất với nhau về việc thay đổi chế độ để dân chủ hoá là một không tưởng. Thứ hai, chắc chắn Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận Việt Nam được dân chủ hoá trước. Khi thấy Việt Nam có dấu hiệu rục rịch từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, chắc chắn Trung Quốc sẽ can thiệp ngay. Trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc trong rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế đến chính trị, những sự can thiệp ấy rất dễ thực hiện. Bởi vậy, triển vọng lớn nhất của xu hướng dân chủ hoá ở Việt Nam là từ dưới lên. Tuy nhiên, ở đây lại có một vấn đề lớn: Lực lượng nào sẽ đảm nhiệm công việc thay đổi theo chiều hướng dân chủ ấy? Để trả lời câu hỏi ấy, các nhà bình luận chính trị và xã hội có thói quen nhìn vấn đề từ góc độ kinh tế - xã hội với những thành phần giai cấp khác nhau. Trước hết, đông đảo nhất ở Việt Nam là các nông dân. Trong nhiều năm qua, những kẻ bị áp bức và bóc lột nhiều nhất ở Việt Nam cũng là các nông dân. Những cuộc biểu tình đông đảo và gây chú ý trong dư luận nhất cũng gắn liền với nông dân. Lý do dễ hiểu: một trong những yếu tố quan trọng nhất bị giới lãnh đạo Việt Nam khai thác để làm giàu và phân phối lợi nhuận để mua chuộc sự trung thành của các đảng viên chính là đất đai. Việc cướp đất ấy dẫn đến sự bất mãn của nông dân ở nhiều địa phương khác nhau. Lâu nay, rải rác đây đó, có các cuộc biểu tình của nông dân nhằm chống lại lệnh cưỡng chế của chính quyền. Nhưng những sự bất mãn và các cuộc biểu tình ấy có thể dẫn đến việc làm thay đổi chế độ hay không? Câu trả lời hầu như chắc chắn: Không. Lý do đầu tiên là hầu hết nông dân thường chỉ nghĩ đến những cái lợi cụ thể trước mắt: khi chính quyền cướp đất của mình thì mình vùng lên tranh đấu, nhưng khi chính quyền cướp đất của người khác thì người ta dễ khoanh tay đứng ngó, hoặc, khi tình hình căng thẳng quá, chính quyền chỉ cần nhân nhượng một tí, họ cũng dễ dàng thoả mãn và từ bỏ mọi toan tính chống đối. Lý do thứ hai là tuy nông dân chiếm một phần lớn dân số nhưng họ bị cô lập về phương diện địa lý: làng này xuống đường tranh đấu, làng khách chưa chắc đã biết. Từ việc cô lập về địa lý dẫn đến sự cô lập về truyền thông và hậu quả là không có nhiều người biết. Điều này dẫn đến hai hậu quả khác: Một, ít người ủng hộ; và hai, khó phát triển thành những cuộc xuống đường rầm rộ để có thể uy hiếp được chính quyền. Còn lực lượng công nhân? Ở Việt Nam, giai cấp công nhân càng ngày càng lớn và đời sống kinh tế của họ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự bất mãn của họ, nếu có, thường nhắm vào chủ nhân của xí nghiệp hơn là vào chính quyền. Chủ nhân của các công ty lớn lại thường gắn liền với người ngoại quốc, do đó, thù hận của họ cũng hướng ra bên ngoài. Đó là lý do tại sao cho đến nay, hầu hết các cuộc đình công hay biểu tình thường diễn ra trong các xí nghiệp và công ty do người ngoại quốc làm chủ. Giới thanh niên và trí thức Việt Nam hiện nay có thể được xem là thành phần “tiến bộ” nhất: Nhiều người trong họ thấy được những sự bất lực và bế tắc của nhà cầm quyền cũng như có khát vọng được tự do. Tuy nhiên, “nhiều” không có nghĩa là đa số. Khác với ở Ai Cập và các quốc gia Trung Đông trong cách mạng mùa xuân đầu năm 2011, nơi tỉ lệ thanh niên, dù đã tốt nghiệp đại học, thất nghiệp rất cao, ở Việt Nam, về phương diện kinh tế, thanh niên không đến nổi quá khó khăn, do đó, rất khó hy vọng họ sẽ kết tập lại thành một trận chung để đấu tranh cho dân chủ. Một thành phần khác có khả năng đương đầu với chính quyền là các tôn giáo. Ở tôn giáo nào cũng có những người phản kháng, nổi bật nhất là Cao Đài, Hoà Hảo, Phật giáo và Công giáo. Hai tôn giáo đầu chỉ giới hạn ở các tỉnh phía Nam; Phật giáo thì bị quá phân tán; chỉ có Công giáo là tương đối thống nhất, và do đó, khá mạnh, nhưng dù mạnh đến mấy thì, một mặt, Công giáo cũng chỉ chiếm khoảng 10 phần trăm dân số; mặt khác, do chỉ là một thiểu số, họ khó trở thành những nhà lãnh đạo cho phong trào dân chủ trong cả nước. Nói tóm lại, từ góc độ kinh tế và xã hội, sẽ không có lực lượng nào đủ sức để chống lại chính quyền, thậm chí, gây sức ép để chính quyền phải thay đổi chế độ. Một vấn đề có thể được đặt ra: Tại sao tất cả các thành phần trên không thể kết hợp lại với nhau để thành một lực lượng duy nhất và mạnh mẽ? Dĩ nhiên, điều đó có thể xảy ra, và trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, đó là niềm hy vọng duy nhất để có dân chủ. Có điều: khi nào, và với điều kiện nào, tất cả các thành phần trên có thể đứng lại được với nhau? Câu trả lời: Tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa quốc gia (nationalism). Người Việt Nam, bất kể thành phần kinh tế, xã hội và tôn giáo, sẽ đoàn kết lại khi đất nước bị uy hiếp và khi chính quyền bất lực, thậm chí, đầu hàng trước những sự uy hiếp ấy. Tất cả những sự uy hiếp ấy chỉ đến từ một nguồn: Trung Quốc. Nói cách khác, theo tôi, lực lượng đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam chỉ đoàn kết và trở thành mạnh mẽ khi Trung Quốc gia tăng mức độ lấn chiếm biển đảo và khi chính quyền Việt Nam càng lộ rõ bản chất nhu nhược của họ trong thế trận đối đầu với tham vọng bành trướng ấy. Nguồn: voatiengviet.com
......

Hội luận "Triển vọng Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam"

Kính mời quý vị và các bạn tham gia 2 buổi sinh hoạt với sinh viên, giới nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á và chính giới Canada qua chủ đề "Triển vọng Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam" vào 2 ngày: 1. Thứ Ba ngày 18 tháng 11 từ 13:30 đến 15:00: Hội luận với giới nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á, và các sinh viên/nghiên cứu sinh Việt Nam tại trường Đại Học Toronto. Qua chủ đề "Triển vọng cho dân chủ ở Việt Nam và tác động đối với các nước Đông Nam Á". 2. Thứ Tư ngày 19 tháng 11 từ 19:30 đến 21:30: Tại Quốc Hội Canada cùng với các chính giới của Canada. Qua chủ đề "Triển vọng Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam". Phần diễn giả gồm có: - Ông dân biểu Wayne Marston (Phó Chủ tịch Hạ viện Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế). - Ông Đỗ Hoàng Điềm (Chủ tịch Đảng Việt Tân) - Ông Vũ Đức Khanh (Luật sư và giáo sư tại Đại học Ottawa).   Chương trình được trực tiếp truyền hình, các Bạn theo dõi qua đường link sau: http://bit.ly/vndemocracy *****   Quý vị và các bạn thân mến,   Việt Tân rất cần sự quan tâm và hỗ trợ của các bạn liên quan đến 2 buổi sinh hoạt tại Canada với chủ đề "Triển vọng Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam". Một số bạn trong và ngoài nước không có điều kiện để tham dự 2 buổi sinh hoạt trên, xin các bạn gửi các câu hỏi đến FB Việt Tân liên quan đến chủ đề nêu trên. Chúng tôi bắt đầu nhận câu hỏi trên trang Facebook Việt Tân từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 11. Các câu hỏi xin các bạn hãy gửi vào Inbox của trang nhà.1) Buổi Seminar ở Trường Đại Học Toronto vào ngày 18 tháng 11, 2014 2) Buổi Parliamentary Briefing ở Quốc Hội Canada vào ngày 19 tháng 11, 2014   Phần diễn giả gồm có: - Ông dân biểu Wayne Marston (Phó Chủ tịch Hạ viện Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế). - Ông Đỗ Hoàng Điềm (Chủ tịch Đảng Việt Tân) - Ông Vũ Đức Khanh (Luật sư và giáo sư tại Đại học Ottawa). Chương trình được trực tiếp truyền hình, các Bạn theo dõi qua đường link sau: http://bit.ly/vndemocracy   - Về phần trả lời câu hỏi thì chúng tôi sẽ ƯU TIÊN trả lời những câu hỏi trong phòng hội nghị trước và SEN KẺ chúng tôi sẽ nêu câu hỏi của quý vị cho diễn giả. Trong trường họp diễn giả không đủ thời gian để trả lời câu hỏi của quý vị thì chúng tôi sẽ nhờ diễn giả trả lời sau và sẽ chuyển câu trả lời đến quý vị trên trang Facebook Việt Tân. - Chúng tôi chỉ nhận và trả lời những câu hỏi LIÊN QUAN TRỰC TIẾP đến chủ đề của 2 buổi sinh hoạt, do đó mong quý vị thông cảm nếu vì lý do gì đó mà câu hỏi của quý vị chưa sát với chủ đề thì chúng tôi sẽ KHÔNG nêu lên với diễn giả.   Mọi thắc mắc liên quan đến việc đặt và trả lời câu hỏi, xin quý vị vui lòng thông báo cho Admin của trang Facebook của Việt Tân biết và chúng tôi sẽ cố gắng hồi thư lại cho quý vị sớm nhất. Thân mến, Viet Tan Facebook Admin - https://www.facebook.com/viettan?pnref=story
......

Vẫn nghĩ chỉ mình biết đi dây

Nói về chuyện đi dây tôi nhớ đến nỗi trăn trở của thi sĩ Phùng Quán “người làm xiếc đi dây rất khó/nhưng không khó bằng nhà văn/đi trọn đời trên con đường chân thật”. Để đối diện với chính mình Phùng Quán đã phải trăn trở nhiều như thế, trong khi đó cầm chịch một đất nước, trước con mắt của 90 triệu dân và thế giới, lãnh đạo VN cứ thản nhiên tự hào: chỉ mình biết đi dây! Thử nhìn vào màn xiệc mới cùng các hiện tượng xoay chiều trái ngược một cách khó hiểu của nhiều quan chức Việt Nam gần đây: Đầu tiên là ông thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh, trước giờ ông vẫn là cái “loa” cho Trung Quốc, từ các chính sách quyết giữ toàn vẹn lãnh thổ bằng tình hữu nghị 16 chữ vàng, 4 tốt, giữ nước bằng chính sách ba không cho đến những tuyên bố kiểu như: “Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng…”. Vậy mà, ông Trung Tướng thân Tàu, kẻ vẫn giữ nhiệm vụ lãnh chỉ thị trực tiếp từ Bắc Kinh đem về cho Trung ương Đảng CSVN thi hành trong nhiều năm qua, bỗng dưng, đùng một cái ông chuyển sang vai liên lạc, giao dịch với Hàn Quốc và Hoa Kỳ.     Trong khi đó, Tướng Phùng Quang Thanh sau nhiều năm giữ vai "tướng dữ" đi mua sắm vũ khí chống Tàu khắp nơi, nay lại chuyển qua vai "tướng hiền", với câu tuyên bố thắm thiết nghĩa tình tại Sangri-La rằng các biến động tại Biển Đông chỉ là chuyện nhỏ trong gia đình; rồi gần đây ông kéo nguyên một giàn 12 tướng lãnh cực kỳ hoành tráng sang Tàu xụp lạy. Điều nhức nhối là trong lúc tướng Thanh đang xum xoe một điều bạn, hai điều bạn, và rằng sang thăm được “bạn” đón tiếp rất nhiệt tình, trọng thị, thì báo chí “bạn” lại vẫn giữ nguyên cái giọng điệu xấc láo khinh thường lãnh đạo VN như mọi khi. Tội nghiệp, báo chí công cụ nhà nước ta vừa phải nhận lệnh thổi tối đa tin tức 13 tướng lãnh sang thăm Tàu cũng cố “tình hữu nghị”, vừa phải hằn học chửi rủa báo chí Trung Quốc là “xuyên tạc” khi dám gọi chuyến đi này là "chuyến đi cầu hòa". Cũng cần nói thêm là trước chuyến đi làm lễ “phụng bái” của phái đoàn tướng lãnh này, ông Lê Hồng Anh, nhân vật quyền lực thứ 5 trong Bộ Chính Trị cũng đã chính thức sang Bắc Kinh để bày tỏ niềm mong ước xin được “cùng khai thác Biển Đông”. Rồi mới đây nhất là tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ công an đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của bộ sang bái kiến Trung Quốc. Như thế là đề huề, hai tướng lĩnh đứng đầu hai lực lượng vũ trang trụ cột của nước nhà đã liên tiếp sang viếng thăm Trung Quốc chỉ trong vòng một tháng. Riêng ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, sau bao nhiêu năm ông hãnh diện ra mặt là người được Ban Tuyên Giáo Trung Ương đảng CSTQ đào tạo, và theo sát mọi kế sách của Bắc kinh như kiểu "Kinh Tế Thị Trường theo định hướng XHCH", thì nay ông lại lu loa tuyên bố rằng ta đã chiến thắng Bắc Kinh tại biển Đông. Nhưng dĩ nhiên chỉ nói nho nhỏ với một nhóm cử tri nho nhỏ ở Hà Nội. Lạ lùng hơn nữa là cả làng báo lề phải cũng được lệnh đăng rình rang các tuyên bố của tướng Đỗ Bá Tỵ, Ông Tỵ cảnh báo rằng dù đã rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa VN, nhưng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ mộng xâm lấn Biển Đông. Các bài báo công cụ trên còn liệt kê tràn lan các bằng chứng về ý đồ thâm hiểm của Bắc Kinh qua các việc cho xây phi trường, trại lính trên các đảo; cử các quan chức lớn của họ ra tham quang; cho di dân Trung Quốc ra sinh sống dài hạn tại đây; tổ chức các đoàn du lịch; v.v… Với bằng ấy các động thái, làm sao hiểu được căn nguyên của 2 hiện tượng trái chiều này? Không lẽ Bộ Chính Trị đã nứt làm hai? Quân Đội đã rời thành 2 mảng không còn ai bảo ai được? hay Ban Tuyên Giáo đã bó tay, không còn ra lệnh được cho làng báo công cụ, và để xảy ra tình trạng ai muốn đăng gì thì đăng? Phân tích đi phân tích lại, rốt cuộc chỉ có câu trả lời hợp lý nhất là: giới lãnh đạo đảng vẫn nghĩ chỉ mình là khôn; chỉ có mình mới biết thủ thuật đi dây; chơi với cả 2 phía và bịt mắt cả 2 phía; hay lấy phía này để bẩy hay mặc cả với phía kia; ... như thời chiến tranh. Nhưng cũng thật khó hiểu tại sao lãnh đạo Hà Nội vẫn tin họ bịt mắt được Bắc Kinh khi trọn vẹn ý định đi dây đó đã được viết ra rành rọt trên các trang mạng chính thức lẫn bán chính thức của Bắc Kinh, đặc biệt là tờ Bưu Điện Nam Hoa, kèm theo với các lời cảnh cáo thẳng thừng về hệ quả. Các trang mạng này còn vạch ra luôn cả các ý định di dây với Ấn Độ rất gần đây của Hà Nội.   Và cũng thật khó hiểu, tại sao lãnh đạo Hà Nội tin rằng họ vẫn có thể tiếp tục bịt mắt dân tộc Việt Nam với những động tác: quì lạy lí nhí ở Bắc Kinh rồi về đứng phán nẩy lửa ở Hà Nội. Dù người có trí nhớ yếu cũng không quên được các màn xảo trá gần đây như: theo sau các bản tin mua tàu ngầm, tên lửa là các tuyên bố thề hứa không bao giờ dùng quân sự với Bắc Kinh, các thề hứa không bao giờ tham gia các liên minh chống lại Bắc Kinh. Cũng vậy, theo sau các thông báo "Đang chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc về Biển Đông" là các bản tin Quốc Hội nhất định không ra thông báo chính thức nào để phản đối Bắc Kinh đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam; rồi sau đó là các bản tin đăng chuyến đi của đại diện Bộ Chính Trị CSVN Lê Hồng Anh sang Tàu xin được cùng "khai thác chung tại Biển Đông" và các chuyến triều kiến của quân đội và công an VN như đã nêu trên. Và vô số các sự việc tương tự. Rõ ràng trong thời đại thông tin với tốc độ ánh sáng ngày nay, giới lãnh đạo Hà Nội vẫn chỉ biết và chỉ muốn dùng lại các thủ thuật của 50 năm trước. Họ đang nhắm mắt mà lại tưởng nhân dân và thế giới đều đang bị bịt mắt. Rõ ràng cảnh đi dây ngày nay là trò xiếc chưa diễn đã nhàm. Bằng chứng lớn nhất là chẳng có ai thèm xem, dù đó là người Tàu, người Tây, hay người Việt.
......

ĐỂ LẠI MỘT CHÂN DUNG

Có những người đi qua cuộc đời ta, chẳng để lại một mảy may bóng dáng. Có họ hay không thì cuộc đời vẫn thế, nhưng có người đi qua ta dù lặng lẽ… họ vẫn lưu lại trong ta một chân dung. Sáng nay ra phố ghé lại bên đường, để lại vài đồng trong chiếc nón lá xác xơ của người hành khất… Ta lưu lại một tấm lòng. Một nhóm bạn vào trại trẻ mồ côi, chẳng có gì trong tay, chỉ có những trò chơi góp vui cho bọn trẻ… Họ để lại nụ cười rạng rỡ và tình thương yêu cùng san sẻ với các em. Trong một căn gác bé nhà trọ, một người bạn cần cù, cặm cụi gò lưng ngồi giải toán giữa chật chội, giữa lo toan thiếu thốn sách vở, đói ăn. Rồi một ngày kia bạn mang vinh quang về cho đất nước… Bạn để lại một tấm gương cho đời.   Một người lính nằm xuống trong trận đánh. Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc ra đi… Chỉ mong để lại cho Việt Nam một dáng hình toàn vẹn. Mỗi ngày trôi qua ta đang tự khắc họa chân dung của chính mình bằng những việc làm góp nhặt, để những điều tốt đẹp được nảy sinh... Có những chân dung rực rỡ, có những chân dung nhạt nhòa nhưng chân dung này là hiện hữu đi cùng năm, cùng tháng. Vậy bạn đã làm gì để khắc họa chân dung của chính mình trong những tháng ngày qua chưa?   Nguyễn Phương Uyên
......

Á Châu trước hai viễn kiến Đông Tây

Trong thượng đỉnh APEC của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương năm nay các nước Á Châu thấy hai cường quốc ở hai bờ Thái Bình Dương đề nghị hai viễn kiến có vẻ tương đồng mà lại đối nghịch. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những lợi hại của hai đề nghị này cho các nước Á Châu. Xin quý vị theo dõi cách Vũ Hoàng đặt câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10 tháng 11 năm 2014.AFP PHOTO Kinh tế hay an ninh, chính trị? Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, đằng sau ngôn từ ngoại giao của lãnh đạo 21 quốc gia trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương khi họ gặp nhau tại Hội nghị cấp cao là Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, mọi người đều thấy các nước Á Châu đang được hai cường quốc ở hai bờ Đông Tây của Thái Bình Dương là Hoa Kỳ và Trung Quốc mời chào vào hai dự án hội nhập kinh tế. Kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho hai đề nghị có vẻ là kinh tế đó mà thực chất vẫn liên hệ đến cả lĩnh vực an ninh và chính trị của các nước trong khu vực. Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng về bối cảnh sâu xa thì ta cần nhớ lại vài sự kiện trước khi đi vào hai viễn kiến Mỹ-Tầu được Hoa Kỳ và Trung Quốc chiêu dụ các nước châu Á. Trước hết, các nước đều có thể đồng ý với nhau rằng tự do thương mại theo quy luật thị trường là có lợi cho đôi bên trong việc giao dịch mua bán và đầu tư với nhau. Tuy nhiên, đi vào áp dụng thì từng nước phải đồng ý về quy tắc tự do đồng đều qua tiến trình đàm phán. Lý tưởng tự do mậu dịch toàn cầu dẫn tới sự hình thành của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà về sau cả Trung Quốc và Việt Nam đều gia nhập. Nhưng thực tế của thương thảo về quyền lợi và tương nhượng chung khiến vòng đàm phán gọi là Doha của WTO, được đề xướng từ Tháng 10 năm 2001, vẫn bế tắc sau 13 năm. Vì thế, các nước mới tìm qua ngả thương thuyết tay đôi hay giữa từng nhóm quốc gia trong từng khu vực với nhau rồi mở dần cho các nước khác tham dự. Vũ Hoàng: Thưa ông có phải đấy là bối cảnh của sự ra đời của sáng kiến TPP không? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa từ 10 năm trước, vào năm 2005, một nhóm nhỏ các nước có vị trí địa dư nằm trong vành cung Á Châu Thái Bình Dương đồng ý quy tắc tự do buôn bán theo chủ trương giảm thuế suất nhập nội và hạn ngạch xuất nhập khẩu đến tối đa để có một khu vực tự do mậu dịch. Sau đó, từ năm 2008, Hoa Kỳ là quốc gia có thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới mới tham dự và mở rộng sáng kiến này. Về nội dung thì có tính chất hội nhập cao hơn để các thành viên trở thành đối tác về kinh tế lẫn chiến lược. Về phạm vi thì mời nhiều nước khác cùng tham gia, quan trọng nhất chính là Nhật Bản, mà quan trọng hơn nữa là không mời Trung Quốc. Tinh thần hợp tác ở đây là ngần ấy thành viên lớn nhỏ phải cùng đồng ý với một quyết định thì mới có giá trị. Sau mấy chục vòng đàm phán, Hiệp định TPP chưa thành hình như Chính quyền Barack Obama đã yêu cầu từ hai năm trước. Một phần cũng do phản ứng bảo hộ mậu dịch ngay trong nội bộ nước Mỹ, xuất phát từ cánh tả của đảng Dân Chủ. Phần kia là phản ứng bảo vệ của Nhật, khi họ cân nhắc sự lợi hại của việc mua bán xe hơi với nhập khẩu nông sản và lương thực chẳng hạn. Thực tế thì các nước, và nhất là nhiều thành phần tại Mỹ, cứ chú ý đến chuyện áo cơm mắm muối mà quên hẳn khía cạnh chiến lược kia là sự bành trướng của Trung Quốc. Vũ Hoàng: Trong khi đó, Trung Quốc chẳng ngồi yên mà cũng đã có nỗ lực mở rộng hợp tác với các nước nên ngày nay lãnh đạo Bắc Kinh mới đề nghị một lộ trình hội nhập để thành lập một khu vực tự do mậu dịch trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Thưa ông, diễn tiến việc đó là như thế nào? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được nhắc lại rằng khi ba bốn nước sơ khởi, là Chile, Singapore và New Zealand rồi Brunei, đàm phán việc hợp tác và dẫn tới sự hình thành của sáng kiến TPP thì từ năm 2004, Nhật cũng có đề nghị tương tự là lập ra một khu vực tự do mậu dịch cấp vùng. Nhưng chính Trung Quốc mới thúc đẩy sáng kiến đó với 10 nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN để tiến tới sự hình thành của diễn đàn ASEAN + 3 là thêm Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Tiếp theo thì họ mở ra diễn đàn ASEAN + 6 là mời thêm Ấn Độ, Úc và New Zealand. Sáng kiến ASEAN + 6 là nền tảng của đề nghị gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực, gọi tắt là RCEP, được đưa ra lần đầu vào năm 2012 tại Thượng đỉnh của các nước ASEAN ở Cambodia, với triển vọng thành hình vào năm 2015. Sáng kiến RCEP do Trung Quốc đưa ra mới là nguyên ủy của dự án đàm phán về Hiệp định FTAAP gọi là Thương mại Tự do Á Châu Thái Bình Dương mà Chủ tịch Tập Cận Bình vừa nhắc lại và vẽ ra lộ trình sẽ cùng các nước hoàn tất vào năm 2025, là 10 năm sau tiêu chí của Hiệp định Đối tác Toàn diện RCEP... Vũ Hoàng: Khi ông nhắc đến hội nghị cấp cao của ASEAN tại Phnom Penh vào năm 2012 đó thì thính giả của chúng ta cũng nhớ đến việc quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị này vào năm đó là xứ Cam Bốt đã bác bỏ việc các nước Đông Nam Á đề cập tới hồ sơ an ninh tại Biển Đông để khỏi gây mâu thuẫn với Trung Quốc. Có phải như vậy không? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông nhớ sự kiện đó là chí lý vì mọi đồng tiền đều có hai mặt. Mọi dự án hợp tác hay hội nhập kinh tế đều bao gồm cả khía cạnh an ninh vì các thành viên buôn bán với nhau đều có xu hướng là đối tác kinh tế sẽ dễ là đồng minh về an ninh và chiến lược. Nếu Hoa Kỳ mở ra sáng kiến TPP mà không có Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng có sáng kiến FTAAP giữa 16 quốc gia sản xuất ra 40% sản lượng của thế giới mà không có Hoa Kỳ. Mục tiêu của Mỹ và TQ? Vũ Hoàng: Nhìn cách khác và chúng ta trở lại chủ điểm của chương trình, phải chăng các nước Á Châu được Hoa Kỳ và Trung Quốc mời vào hai kế hoạch hợp tác kinh tế khác biệt và thậm chí đối nghịch nữa? Hai cường quốc này nhắm vào những mục tiêu gì và các nước Á Châu nên cân nhắc ra sao trước sự mời chào của Hoa Kỳ và Trung Quốc? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi nhắc lại diễn tiến từ chục năm trước thì ta thấy ra hai viễn kiến gần như hai cực đối nghịch của Mỹ và Tầu ở hai đầu Thái Bình Dương. Các nước Á Châu phải cân nhắc nhiều mặt lợi hại về kinh tế lẫn an ninh trong viễn ảnh năm mười năm tới chứ không thể chỉ nghĩ đến chuyện mua bán với ai thì có lợi! Nói về mục tiêu của từng cường quốc Mỹ Hoa khi chiêu dụ các nước Á Châu, tôi nghĩ rằng ta nên thấy ra vài khác biệt sau đây . Hoa Kỳ tôn trọng quy tắc tự do kinh tế và coi trọng quy luật thị trường, với hệ thống luật lệ rõ ràng và là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới dù kinh tế không lệ thuộc vào ngoại thương như Trung Quốc. Đấy là một ưu thế khách quan. Trung Quốc có dân số cao nhất và lần đầu tiên trong lịch sử xứ này, lệ thuộc rất nhiều vào việc trao đổi buôn bán với thiên hạ để phát triển xứ sở. Nhờ vậy, các nước có thể tìm ra mối lợi khi làm ăn với thị trường Hoa Lục mà không thể quên chủ ý "phân công lao động" của Bắc Kinh, đó là bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu cho một xứ đói ăn, khát dầu và đang cần tiếp nhận hoặc thậm chí ăn cắp công nghệ cao của thế giới.   Vũ Hoàng: Ông có thể nào nêu vài thí dụ về chú ý này của Bắc Kinh không? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lãnh đạo Bắc Kinh ve vãn một quốc gia có nhiều tài nguyên khoáng sản như Úc, thậm chí đã từng gây sức ép với doanh nghiệp Úc như vụ Rio Tinto năm kia, để bảo đảm nguồn cung cấp lâu dài với giá rẻ. Trong khi đó họ cũng ráo riết tìm cách ký kết hiệp định tự do mậu dịch với Nam Hàn, là xứ không có tài nguyên mà đầy chất xám và sản phẩm công nghệ cao. Mục tiêu kinh tế là để tranh thủ hai quốc gia có các sản phẩm và dịch vụ mà Bắc Kinh rất cần. Nhưng mục tiêu an ninh thì cũng để trấn an nước Úc khỏi lo sợ và hợp tác quân sự với Hoa Kỳ hoặc tham gia bảo vệ an toàn trên vùng biển Đông Nam Á là cửa ngõ thông thương của nước Úc. Với Nam Hàn thì mục tiêu an ninh cũng là kéo Nam Hàn về phía mình hầu giảm thiểu ảnh hưởng của một cường quốc kinh tế và quân sự mà họ e ngại nhất tại Đông Á là Nhật Bản. Vũ Hoàng: Vì thời lượng có hạn, chúng ta phải đi vào đoạn kết. Ông nghĩ sao về sự chọn lựa của các nước Á Châu trước hai viễn kiến hay dụng ý đó của Hoa Kỳ và Trung Quốc? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đầu tiên, tôi xin nhắc lại rằng các nước Châu Á cần cái nhìn dài hạn và toàn diện về quyền lợi và sự an toàn trước sức hút của hai cực ở hai bờ Thái Bình Dương. Thứ hai, Trung Quốc có rất nhiều nhược điểm nội tại về kinh tế và xã hội cho nên nay mai có thể bị khủng hoảng và đấy là vấn đề cho Đông Á. Thứ ba, Trung Quốc ít tôn trọng cam kết và luật lệ mà cũng chẳng che giấu mục tiêu chiến lược về quân sự trên vùng biển từ Thái Bình Dương qua tới Ấn Độ dương. Trong khi đó, Hoa Kỳ là siêu cường ở xa, chẳng có tham vọng thôn tính mấy xứ Đông Nam hay Đông Bắc Á, nhưng có khả năng bảo vệ quân sự trên vùng biển và trong vài chục năm tới vẫn là lực đối trọng trước đà bành trướng của Trung Quốc tại Đông Á. Sau cùng, Hoa Kỳ là một xứ dân chủ, lãnh đạo phải quan tâm đến dư luận và có thể bị thay thế qua bầu cử công khai minh bạch nên khó thi hành loại âm mưu mờ ám và cứ phải công khai hóa tiến trình quyết định của mình, thí dụ như qua từng đợt đàm phán về Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương. Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, khi nhắc đến chuyện bầu cử tại Mỹ vừa qua, các nước Á Châu nên kết luận ra sao và so sánh thế nào với Trung Quốc? Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đảng Cộng Hoà thắng lớn tại Quốc hội sẽ giải tỏa cản trở của xu hướng bảo hộ mậu dịch trong đảng Dân Chủ nên tạo cơ hội cho ông Obama khai thông nhiều chướng ngại mậu dịch, nhất là với Nhật Bản trong dự án TPP. Vì vậy, Hiệp định TPP sớm có hy vọng thành hình trước Hiệp định FTAAP của Tầu. Thứ hai, đảng Cộng Hòa có xu hướng nghi ngờ Trung Quốc về an ninh nên sẽ gây sức ép với Chính quyền Obama để có những quyết định chuyển trục thật về Đông Á thay vì cứ nói vu vơ mà chẳng làm gì kể từ ba năm qua. Sau cùng, nếu so sánh thì lãnh đạo mới của Trung Quốc cứ nói tới giấc mộng Trung Hoa mà thực tế vẫn củng cố quyền lực và bành trướng ảnh hưởng ra ngoài. Kế hoạch mà ông Tập Cận Bình gọi là xây dựng lại "Con Đường Tơ Lụa" mở rộng trên đại lục và đại dương, từ Indonesia qua Ấn Độ vào Trung Á, có hàm ý quân sự để xác định lại sức mạnh của Trung Quốc tại Đông Á. Vì thế viễn kiến của Bắc Kinh có thể là ác mộng Châu Á. Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này. Nguồn: rfa.org/vietnamese
......

Thấy Gì Ở Hội Nghị APEC Bắc Kinh 2014

Theo thứ tự, năm 2014 đến phiên Trung quốc tổ chức Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Lúc đầu chính quyền Trung quốc dự định sẽ tổ chức hội nghị này tại Hồng Kông, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay công cuộc đấu tranh đòi bầu cử tự do của người dân Hồng Kông ngày càng mạnh nên nhà cầm quyền Trung quốc quyết định dời địa điểm tổ chức sang Bắc Kinh vì không muốn cho các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị thấy cảnh người dân Hồng Kông biểu tình.   Chọn Bắc Kinh để tổ chức cũng gặp phải một trở ngại vì không khí ở đó đang bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi PM2.5, thế nhưng đành phải chịu vì không một thành phố lớn nào ở Hoa lục có được bầu không khí trong lành. Để cho bầu không khí giảm thiểu ô nhiễm, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã phải ra lịnh hạn chế lượng xe ô tô lưu thông trong thành phố bằng cách áp dụng biện pháp xe mang bảng số chẵn không được lưu thông vào ngày chẵn và ngược lại. Họ cũng ra lịnh cấm không cho 375 công xưởng quá cũ nằm trong thủ đô hoạt động. Hơn 2.390 hãng xưởng ở những vùng phụ cận Bắc Kinh cũng cùng chung số phận, và khoảng 2.450 công trình xây dựng phải tạm ngưng thi công. Tất cả sẽ được hoạt động trở lại sau khi hội nghị APEC kết thúc. Hiển nhiên các chủ hãng xưởng, chủ các công trình xây cất cũng như nhân viên bất mãn ra mặt vì bị thiệt hại quá lớn mà chẳng được bồi thường gì. Tại Trung quốc, người ra lịnh không có trách nhiệm và cũng không cần biết đến các thiệt hại do lịnh gây ra cho dân chúng. Những hội nghị lớn thường là nơi để lãnh đạo các quốc gia đến gặp nhau bàn về một đường lối chung hay để điều chỉnh một số trục trặc hơn là bàn về chi tiết vì phần này sẽ có các cấp dưới lo. Việc các lãnh đạo gặp nhau bắt tay cũng là phần rất quan trọng của các hội nghị lớn vì qua đó người ta sẽ thấy sự thân thiện hay đang có vấn đề căng thẳng giữa quốc gia này và quốc gia khác. Ngay cả cách thức bắt tay cũng thường cho thấy chỉ dấu về quan hệ giữa 2 nước. Kế đến, việc sắp xếp chổ đứng để chụp hình cũng rất quan trọng. Qua đó người ta thấy nước chủ nhà trọng vọng nguyên thủ quốc gia nào. Ai cũng biết Hoa Kỳ là cường quốc số một của thế giới thế mà chổ đứng chụp hình của Tổng thống Obama ở rìa phải, cạnh nữ Tổng thống Hàn quốc, trong khi Tổng thống Nga, ông Pitin đứng giữa cạnh ông Tập Cận Bình. Điều này cho thấy rõ Trung quốc và Hoa Kỳ có vấn đề cho dù ông Tập và ông Obama vẫn tươi cười bắt tay nhau. Truyền thông quốc tế, đặc biệt Trung quốc và Nhật Bản, chú mục nhiều vào cái bắt tay giữa Chủ tịch Trung quốc và Thủ tướng Nhật.Trong khi ông Abe bắt tay với một nụ cười ngoại giao thì ông Tập lại lạnh lùng nhìn chổ khác không muốn nhìn mặt. Truyền thông Trung quốc khi đưa hình ảnh này lên báo đài đều thòng thêm một câu bình luận rằng vì ở vị thế chủ nhà nên Chủ tịch Tập Cận Bình buộc phải bắt tay chứ chẳng thích thú gì, ngày nào mà Tokyo còn tuyên bố quần đảo Điếu Ngư thuộc chủ quyền của Nhật là ngày đó không thể nói chuyện được với họ. Truyền thông Nhật thì cho rằng chuyện hội đàm song phương giữa Nhật Bản và Trung quốc là lợì ích chung cho cả hai quốc gia chứ đâu phải riêng gì cho Nhật nên đâu cần phải nhượng bộ, mà nhượng bộ sao được khi mà quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Nhật Bản. Thái độ lạnh lùng của ông Tập Cận Bình được giới bình luận Nhật xem là thiếu hiểu biết về ngoại giao. Với các chỉ dấu đó, rõ ràng tình hình ngoại giao căng thẳng giữa Nhật và Trung quốc đang tăng chứ không giảm. Thêm một vấn đề khác, một ngày trước khi hội nghị APEC diễn ra, các phái đoàn của 12 quốc gia đứng đầu là Mỹ-Úc-Nhật gặp nhau ở Bắc Kinh để bàn về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP), điều này đã làm cho Bắc Kinh khó chịu đến nổi phải cho phát ngôn viên Hồng Lỗi họp báo nói rằng: "Hiệp định TPP cũng quan trọng, nhưng quý phái đoàn đến đây nên chú tâm vào hội nghị APEC, chứ không phải đến đây để bàn về TPP". Theo các nguồn từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì Tổng thống Obama đã đặt vấn đề nhân quyền và chuyện biểu tình đòi tự do bầu cử của người dân Hồng Kông trong cuộc hội đàm song phương với Trung quốc. Ngược lại, các nguồn từ Trung Quốc cho biết ông Obama đã nêu các chuyện đó, nhưng ông Tập Cận Bình trả lời đó là chuyện nội bộ của Trung quốc, Hoa Kỳ không nên nhúng tay vào. Ngoài ra ông Tập còn cho rằng chiến lược xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng cho thấy Washington muốn xen vào chuyện nội bộ của các nước trong vùng. Giới bình luận tại Nhật đánh giá cao việc Tổng thống Obama đặt vấn đề nhân quyền trong cuộc hội đàm tay đôi với ông Tập Cận Bình, nhưng mong mỏi phía Hoa Kỳ cũng có hành động đi kèm, đặc biệt trong 2 năm cuối trong nhiệm kỳ của ông Obama.
......

Bệnh Dãn Tĩnh Mạch Chân

Dãn tĩnh mạch chân và bàn chân là bệnh thường xảy ra và bất cứ một tĩnh mạch nào cũng bị dãn, đặc biệt là tĩnh mạch nổi dưới chân và bàn chân. Lý do là con người thường xuyên đi đứng, đôi khi ngồi lâu, cho nên có áp lực lên dòng máu từ tĩnh mạch chảy ngược lên phần trên của cơ thể. Bình thường, dãn tĩnh mạch rất nhỏ, nom như cái màng nhện trên da nhưng cũng có trường hợp tĩnh mạch dãn quá lớn, nom giống như những con giun ngoằn ngoèo bám vào chân. Nguyên nhân       Người tuổi cao thường hay bị dãn tĩnh mạch vì tĩnh mạch giảm tính đàn hồi, dãn ra thêm vào đó các van tĩnh mạch yếu, không đóng kín cho nên máu dội ngược xuống phần dưới làm cho tĩnh mạch ứ nhiều máu. Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng hay bị bệnh này, vì thai lớn ép vào thành bụng, gây trở ngại cho máu từ chân lên phía trên cơ thể, do đó máu cũng tụ lại dưới chân. Tương tự, người mập quá ký cũng hay bị bệnh. Nữ giới thường bị bệnh hơn nam giới. Biến chứng       Vì máu tụ lại phía chân, lâu ngày đưa tới tổn thương tế bào khiến cho da chân hay bị loét. Đồng thời máu giảm lưu thông cũng tạo ra các huyết cục trong tĩnh mạch. Điều trị       May mắn là bệnh Dãn tĩnh mạch hạ chi cũng dễ dàng điều trị tại phòng mạch và bệnh nhân cũng có thể tự mình giảm thiểu rủi ro gây ra bệnh này.       Về phía bệnh nhân: Năng vận động cơ thể, giảm cân, không mặc quần áo quá chặt ở vùng bụng trở xuống dưới; khi ngồi năng nâng chân cao nhất là tránh đừng đứng hoặc đi lại quá nhiều. Bệnh nhân cũng có thể mang tất đàn hồi ôm chặt chân, tránh máu ứ đọng làm căng tĩnh mạch. Về phía bác sĩ Có nhiều cách để chữa bệnh này, như là: 1-Chích thuốc làm teo mạch máu bị dãn; 2.Dùng tia laser đốt tĩnh mạch bị dãn; 3-Cắt bỏ tĩnh mạch dãn nổi ở chân; 4.Với tĩnh mạch dãn lớn, bác sĩ có thể đưa một dụng cụ vào tĩnh mạch, dùng nhiệt để đốt chỗ dãn quá lớn.       Thêm vào đó, phụ nữ không nên mang dày guốc với gót quá cao và không nên ngồi chéo chân để máu lưu thông dễ dàng. Xin để ý là trong bệnh dãn tĩnh mạch, các tĩnh mạch nằm sâu dưới da chân vẫn làm việc như thường lệ: các van tĩnh mạch vẫn khép kín, chặn không cho máu dội ngược xuống phía dưới. Làm siêu âm là để coi xem các van tĩnh mạch có hoạt động tốt hơn cũng như để coi xem có cục máu nằm trong đó. Siêu âm không gây đau và được thực hiện dễ dàng bởi một người chuyên về xét nghiệm này.
......

Những cái chết từ “quan hệ”

Chắc chắn, những người đi tìm việc ở Việt Nam ai cũng thuộc nằm lòng câu nói: “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ, chót bét là trí tuệ.” Nhưng tôi nghĩ, câu nói ấy không chỉ đúng với những người đi xin việc, những cử nhân vừa mới tốt nghiệp mà còn đúng với rất nhiều mặt khác trong xã hội Việt Nam chúng ta. Đặc biệt là ở “mặt trận” kinh tế, nơi mà mối quan hệ được xem như chiếc “chìa khóa vạn năng” có thể mở được nhiều kho báu trù phú và màu mỡ. Nhưng đôi lúc nó cũng chính là mồ chôn của những chủ nhân chiếc chìa khoá ấy. Qua những “con hổ” lớn vừa bị xẻo thịt và đưa lên lò nướng, chúng ta đã thấy rằng, những kẻ đi lên bằng “quan hệ” cuối cùng cũng sụp đổ vì chính nó, thậm chí còn bị nó bóp chết và giết thịt.   Sau một thời gian dài được nuôi dưỡng, chăm sóc và vỗ béo. Gần đây, nhiều Đại gia lớn đã lần lượt được đưa lên bàn mổ và xẻo thịt. Có thể nói, đây là cuộc thanh trừng ác liệt nhất trong lịch sử nền kinh thương của Việt Nam. Nó có thể gây ra sự đổ vỡ không gì có thể ngăn cản nỗi. Bầu Kiên Ba tháng trước, thị trường chứng khoán đã được một phen chao đảo khi Đại gia Bầu Kiên bị kê đầu vào máy chém. Cách đây vài tuần, một ông lớn sở hữu hàng ngàn tỷ là Minh Châu Bắc Ninh cũng vừa bị làm thịt. Tuần trước, báo giới đã tốn khá nhiều giấy mực khi Đại gia Hà Văn Thắm bất ngờ bị “úp sọt”. Mới đây nhất là nguyên giám đốc sổ số miền Nam. Và trước đó là Dương Chí Dũng, Bình Vinashin…toàn những con Hổ đầu đàn của nền kinh tế. Theo tin mới nhất tôi vừa được biết từ một tờ báo giáo dục là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông chủ của Vincom, Royal City, Time City… cũng chuẩn bị được “nhận nhiệm vụ”. Đó là tiếng chuông cảnh báo cho người đàn ông giàu nhất Việt Nam hãy tắm rửa sẵn sàng để “lên bàn mổ”, đó là lý do gần đây Vingroup đang bán đỗ, bán tháo nhiều dự án trọng điểm. Tiến sĩ Alan Phan đã từng nói, lý do các nhà thầu và doanh nghiệp Trung Quốc thường trúng “quả lớn” ở Việt Nam là vì họ có “vốn quan hệ” rất lớn, là những bậc thầy về “kỹ năng” luồn lách cửa sau. Trong một cơ chế XIN CHO ở xứ sở này thì những doanh nhân có “năng khiếu” như người Trung Quốc cũng sẽ luôn thắng lớn trên nhiều mặt trận. Điều khiến dân tình tò mò và khó hiểu là tại sao các vị “nô bộc” của dân lại để cho nhiều doanh nghiệp tư nhân mở chui sàn vàng cho kinh doanh 3-4 năm sau mới bắt? Vì sao để Hà Văn Thắm thâu tóm hàng loạt tài sản quốc gia từ kem Tràng Tiền, ngân hàng Bảo Việt, Ocean bank…rồi mới bắt? Vì sao Bình Vinashin đến thời “cuốn chiếu” rồi mà ba Dũng vẫn bơm thêm 750 triệu đô la vay của nước ngoài để “ném vào” mặc cho các chuyên gia và nhà cố vấn ra sức can ngăn? Nguyên nhân là ngân khố quốc gia đang trong tình trạng thủng đáy. Phải đi vay về để ăn và đảo nợ. Khi nợ đã quá cao (gần 50% GDP) lâm vào bí bách đành quay lại “giết thịt” những con Hổ béo để lấy tiền nuôi bộ máy đang bần cùng, túng quẩn, nuôi đội ngũ công chức đang ngày một phềnh to. Chẳng có dân nào nuôi nỗi bộ máy cồng kềnh,  tham nhũng, lãng phí, ăn hại như vậy cả. Quản lý  90 triệu dân, tài sản GDP mỗi năm hơn 200 tỷ USD mà cần đến 2,8 triệu công chức, nhân viên. Trong khi đó, nước Mỹ với 310 triệu dân, GDP 17.500 tỷ USD, có mặt ở mọi điểm nóng trên toàn thế giới, chỉ cần 2,1 triệu người làm quản lý. Túng quẩn, bí bách. Thịt, thịt và thịt, thịt từ cao xuống thấp, từ “con” to đến “con” nhỏ. Đầu tiên là các đại gia ngân hàng, tiếp theo là bất động sản, rồi đến tập đoàn nhà nước – những kẻ ăn hại và phá phách, sau cùng là những “con” gầy hơn, là sân sau của các đại gia và những ông quan lớn. Tất tần tật, những kẻ được “nuôi” bằng quan hệ giờ cũng sẽ bị thịt bằng “quan hệ”. Đó là sự trớ trêu và nghiệt ngã mà chẳng bên nào mong muốn. Chẳng ai ngờ rằng, khi “kết nối” được với “kho báu”, khi đã đào sâu vét đầy thì bất ngờ bị “sập hầm” và vùi chôn luôn dưới ấy. Những cái chết nhục nhã bị dân tình phỉ nhổ, nguyền rủa và xâu xé. Chưa rõ hệ quả của cuộc thanh trừng này là gì. Nền kinh thương của đất nước có lật sang được trang mới hay không. Nhưng với một cuộc truy quét sâu rộng như vậy thì “lợi phẩm” thu về phải tính bằng con số chục tỷ đô. Một khoản đủ lớn để trám vào lỗ thủng sâu hoáy của cái đảy ngân sách. Và thị trường chứng khoán cũng khó tránh khỏi một phen nghiêng ngã và chao đảo. Người Việt có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ.” Chính vì suy nghĩ ấy nên “văn hoá” quan hệ luôn được “lên ngôi” cao nhất. Bên cạnh mỗi ông quan luôn tấp nập nhiều thành phần ký sinh đang bám chặt như bầy đĩa đói. Điều chua xót nhất ở xứ sở chúng ta là những người tạo dựng tài sản thực sự cho quốc gia lại thường bị trù dập, hạch sách và hãm hại, thường thua thiệt trước những kẻ ăn không ngồi rồi, những kẻ dối láo, chụp giật, manh mún, thủ đoạn, bòn vét… Nhưng ở đời nhân quả là bất biến, có mấy ai dám khẳng định rằng, chơi với “voi” thì không bị voi dẫm chết. Nguyễn Văn Thương Theo triethocduongpho.com
......

VOICE tặng trường học cho Philippines từ đóng góp của người Việt hải ngoại

‘Cho tôi che chở bạn như bạn từng che chở tôi lúc gian nguy’ CORON, Philippines (NV) - Ngày mai sẽ là một ngày đặc biệt trong đời đi dạy của cô giáo Norilyn Gacayan. Ngày mai, cô giáo Gacayan, 38 tuổi, của vùng quê nghèo Coron phía Bắc tỉnh Palawan, Philippines, sẽ bắt đầu một mùa dạy 20 học trò lớp Một của mình, giữa những chiếc ghế gỗ mới toanh, thơm phức mùi sơn, giữa những bức tường trắng vừa quét vôi xong; ngay bên trong còn có hai phòng vệ sinh, một cho con trai, một cho con gái; ngay kế bên là bồn rửa tay. Cô giáo lớp Một, Norilyn Gacayan, cùng con gái, Deborah Gacayan, 6 tuổi, trong phòng học mới. Deborah là một trong 20 học sinh của mẹ. (Hình: Thiện Giao/Người Việt) “Tôi chưa bao giờ được đứng trong một phòng học đẹp như thế này,” cô Gacayan, giáo viên lớp Một tại trường tiểu học Guadalupe Elementary School, Coron, hào hứng thổ lộ trong buổi khánh thành bốn phòng học mới do tổ chức VOICE cùng các tổ chức phi chính phủ tại địa phương hỗ trợ xây dựng. Chỉ mới một năm trước, cũng vào những ngày này, cô đã bật khóc khi nhìn cảnh tan hoang của ngôi trường mình dạy. Cơn bão Yolanda - theo cách gọi của người Philippines; hay Haiyan theo quy ước quốc tế - đập vào Philippines, quét qua sáu tỉnh duyên hải, nhấn chìm hàng chục ngàn căn nhà, cướp đi mạng sống của hơn 6,000 người, vào lúc 9 giờ tối ngày 8 Tháng Mười Một, 2013. Coron, 8 Tháng Mười Một, 2013 “Cơn bão ập vào lúc 9 giờ tối,” cô Gacayan hồi tưởng. “Nước ngập vào nhà. Tường và mái nhà hư nặng.” Cả gia đình Gacayan, gồm hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ, loay hoay cả đêm, cố vớt lại những vật dụng vốn đã ít ỏi, đang trôi theo dòng nước lụt. Đến 6 giờ sáng, cô kể tiếp, “Tôi đến trường, cách nhà chỉ 100 thước.” Học sinh tại trường tiểu học Guadalupe Elementary School, Coron, trong ngày khai trương các phòng học mới, 9 Tháng Mười Một. (Hình: Thiện Giao/Người Việt) Chỉ 100 thước, con đường mà cô giáo Gacayan vẫn đi về mỗi ngày trong nhiều năm qua, nay không còn nhận diện được nữa. “Nước ngập khắp nơi. Bùn, rác, thân cây đổ, đã che hết lối.” Nhưng cô xác quyết “phải đến trường, vì đó là công việc của tôi.” Đứng từ căn phòng ngoài cùng nhìn vào bên trong trường, cô bật khóc. Sáu trong số tám phòng học sập đổ hoàn toàn. Nước khắp nơi, nước ngập cả vào phòng học liệu. Cô ngẩn người, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Định thần, cô lấy chiếc điện thoại, chụp hình khung cảnh hoang tàn, rồi bắt đầu vớt các thiết bị và học liệu dành cho việc giảng dạy. Cô vớt bất cứ thứ gì cô nghĩ còn có thể sử dụng được. Cô vớt bất cứ thứ gì nằm trong tầm tay, đưa lên nơi cao, phơi khô. Cô làm thật nhanh, vì “còn phải về nhà cứu lấy đồ đạc trong nhà.” Cô bắt đầu như thế, với sự lúng túng, “Thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu.” Cùng thời điểm ấy, cách xa nơi cô giáo Gacayan đang đứng đúng nửa vòng trái đất, một người Việt Nam đang sinh sống tại tiểu bang South Carolina, Hoa Kỳ, có cùng tâm trạng: “Phải làm một cái gì.” “Một cái gì” mà chính ông cũng chưa biết phải bắt đầu ra sao! South Carolina, 8 Tháng Mười Một, 2013 “Nơi tôi làm việc có cái TV lớn, hay mở đài CNN. Ngày 8 Tháng Mười Một, 2013, CNN đưa tin siêu bão đánh vào Philippines,” ông Lê Bảo Thiên, 60 tuổi, nhớ lại. Là người tị nạn từng trải qua 10 năm tại Palawan và Manila trước khi đến Hoa Kỳ năm 1999, ông Thiên biết chắc rằng ông, và cả những ai từng trải qua đời tị nạn tại Philippines, phải làm một điều gì để giúp đỡ người dân của quốc gia từng “mở rộng vòng tay suốt nhiều thập niên đón nhận không những một mà hai, ba thế hệ người Việt chúng ta đến nương náu.” Trước khi có các phòng học mới, kể từ lúc cơn bão đánh vào Coron, các em học sinh phải học dưới các lều dã chiến như thế này. (Hình: Thiện Giao/Người Việt) Ông Thiên nhớ ngay đến một luật sư trẻ, người, vào năm 1997, ông mang về giới thiệu lần đầu tiên với cộng đồng gốc Việt tị nạn tại Palawan: Luật Sư Trịnh Hội. Ông gởi tin nhắn đến Trịnh Hội, hỏi anh đang ở đâu và có biết cơn bão đang hoành hành Philippines. Hội cho biết đang có mặt tại đây. Hai người gọi điện thoại cho nhau. Trịnh Hội nhờ Lê Bảo Thiên khởi sự trước. Ông Thiên viết ngay một bản tin ngắn, cho lên Facebook. Bản tin có đoạn: “Thưa các bạn, Khi chúng ta còn ở trong các trại tị nạn Phi Luật Tân, đặc biệt là những người đã “bị” ở lại một thời gian dài, dài đến nỗi mà tương lai mịt mờ, tuyệt vọng, khốn khổ, khổ hơn chữ “khổ.” Tôi nhớ không nhầm lúc ở trong trại, hầu như mọi người đều thường nói, hay ít nhất cũng thường nghe câu, “Chúng ta không phải là 'lá lành đùm lá rách' mà chính chúng ta là 'lá rách đùm lá nát'”.... nghe thương quá phải không các bạn? Giờ đây ít nhiều mỗi chúng ta cũng có được cuộc sống khá ổn định, chí ít cũng “chăn ấm nệm êm,” thôi thì bây giờ chúng ta làm “lá lành đùm lá rách” được không? Thế là công việc vận động gây quỷ bắt đầu. Trong một thời gian ngắn, VOICE, tổ chức bất vụ lợi do Luật Sư Trịnh Hội khởi xướng, cùng sự hỗ trợ của nhiều cơ quan khác, quyên được tổng cộng hơn nửa triệu đô la. VOICE VOICE cẩn trọng hoạch định chương trình trợ giúp nạn nhân bão Yolanda. Họ làm việc cùng các tổ chức phi chính phủ tại Philippines, gởi người đến các địa phương bị bão tàn phá, xem xét, ước tính, và cuối cùng chọn ra hai nơi để giúp đỡ: Thị trấn Ormoc ở phía Đông và thị trấn Coron, đảo phía Bắc tỉnh Palawan. “Ormoc chịu thiệt hại nặng thứ nhì, chỉ kém Tacloban, nhưng không được các tổ chức quốc tế trợ giúp tương xứng,” Luật Sư Trịnh Hội giải thích. “Lý do là vì Ormoc không chịu thiệt hại nhân mạng, trong khi Tacloban có đến hơn 6,000 người chết.” Đây là một trong những lý do VOICE quyết định đến với Ormoc. Tấm bảng tại trường tiểu học Sto. Nino Elementary School, Ormoc, có dòng chữ, “Cho tôi che chở bạn như bạn từng che chở tôi lúc gian nguy.” (Hình: Thiện Giao/Người Việt) Về phần Coron, theo lời Luật Sư Trịnh Hội, đơn giản là vì “đã có quá nhiều người tị nạn gốc Việt tấp vào đây trong hơn ba thập niên qua.” Phần lớn người Việt Nam vượt biên trong các thập niên cuối 1970 đến đầu 1990 đều “tấp vào Palawan, trong đó đông nhất là Coron.” Cho đến khi chấm dứt phong trào vượt biên, đã có hơn 400,000 người gốc Việt từ Palawan đến định cư tại các nước thứ ba. Chương trình hỗ trợ của VOICE dành cho Ormoc và Coron chia làm nhiều đợt. Đợt đầu là cứu trợ khẩn cấp, mang thực phẩm đến cho người bị nạn. Đợt thứ nhì là giúp nông dân và người nghèo phương kế sinh nhai. Đợt cuối là giúp xây trường học “cho tương lai lâu dài,” Luật Sư Trịnh Hội cho biết. Trong tổng số tiền hơn nửa triệu đô la quyên được, VOICE dành cho hai thị trấn Ormoc và Coron vào khoảng 11 triệu peso, tiền tệ Philippines, tương đương $250,000. Tại Ormoc, ngân sách xây ba phòng học, một phòng y tế cùng một số xây dựng nhỏ khác là 3.1 triệu peso. Bên cạnh đó, chương trình “Livelyhood” - hỗ trợ nông dân - phối hợp cùng tổ chức CONCERN chi khoảng một triệu peso, giúp nông dân tại 15 nông trang mua phân, lúa giống, bắp giống, mía giống, thuốc trừ sâu, và nông cụ. Một số gia đình phụ nữ độc thân còn được hỗ trợ - thông qua đề nghị của tổ chức CONCERN - mua heo về nuôi để bán sinh lời. Tại Coron, ngân sách xây mới bốn phòng học vào khoảng 3.7 triệu peso. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ cộng đồng cũng cho đào giếng và làm hệ thống dẫn nước vào các phòng học, ngân sách 750,000 peso, với sự hỗ trợ từ chùa Hoa Nghiêm, Vancouver, Canada, của Hòa Thượng Thích Nguyên Thảo. Bà Christina Heidi Garcellano, người chịu trách nhiệm trông coi 21 trường trong tỉnh Palawan, đồng thời là hiệu trưởng tiểu học Guadalupe, rất hài lòng về “trường điểm” của mình. Bà cho biết, các lớp học mới xây tại trường “đẹp và hiện đại nhất tỉnh Palawan.” Ngoài ra, giếng nước trong trường không chỉ dùng cho học sinh mà còn để phục vụ người dân địa phương. Đào giếng chính là ý kiến của tổ chức phi chính phủ SAFPMC, “partner” của VOICE tại Coron. “Nước là vấn đề lớn tại Coron. Nếu không có giếng, vào mùa khô, người ta phải đi nửa dặm để múc nước về sử dụng,” bà hiệu trưởng cho biết. Ngoài ra, bốn phòng học mới được xây dựng kiên cố “có thể trở thành nơi trú ẩn cho cư dân địa phương mỗi khi bão đến.” Xin cho tôi che chở bạn Ngày khánh thành các phòng học mới tại Ormoc và Coron, 8 và 9 Tháng Mười Một, là ngày hội của người dân địa phương. Học trò thị trấn nghèo vui mừng có lớp học mới. Các thầy, cô giáo vui mừng vì từ nay học sinh “không còn phải học ngoài trời.” Dãy phòng học mới do VOICE cùng các tổ chức hợp tác xây dựng tại Guadalupe Elementary School, Coron. (Hình: Thiện Giao/Người Việt) Trong một năm qua, các trường học tại đây phải dựng tạm lều bên ngoài để học sinh ngồi học. Coron chẳng hạn, người ta vẫn còn nhìn thấy bốn cái lều dã chiến bằng vải và một căn nhà không vách, chỉ có mái tôn, dùng làm lớp học. “Những ngày đầu sau bão thật khó khăn,” cô giáo Gacayan kể lại. “Trường có các lớp từ Một đến Sáu. Không có phòng học, học sinh phải học dưới bóng cây.” Mà bóng cây thì thay đổi vị trí liên tục tùy...mặt trời. Bóng cây tỏa đến đâu, cô giáo và học trò lại di chuyển đến đó, theo vòng tròn xung quanh gốc cây. “Di chuyển một hồi, học trò các lớp lẫn lộn với nhau, không biết làm sao mà dạy,” cô Gacayan kể và bật cười nhớ lại năm học vừa qua. Một năm học ngoài trời, giữa cái nắng nóng của thị trấn lam lũ Coron, “Sức khỏe của nhiều học trò và giáo viên sa sút thấy rõ.” Im lặng một hồi, kìm cơn xúc động, cô nói, “Học trò ở đây nghèo lắm, rất nghèo.” Trong lớp học của mình, cô giáo Gacayan để ba chiếc thùng nhỏ nơi góc phòng. Bên trên cô dán ba mảnh giấy nhỏ, ghi “reduce-reuse-recycle.” Cô giải thích, “Học trò nghèo. Nhiều em đi học mà không có giấy, viết, phải xin cô giáo. Tôi khuyến khích các em tiết kiệm giấy để đủ dùng cho mọi người. Tôi cũng khuyến khích các gia đình khá giả hơn nên mua tập vở cho con em, để dành giấy trắng cho các em nghèo.” Tương tự, tại Ormoc, vào ngày khánh thành ba phòng học và trung tâm y tế, khoảng mươi em học sinh chơi bóng chuyền dưới trời nắng gắt. Đến trưa, các em được một cô giáo gọi vào cho ăn trưa. Cô giáo nói, “Chúng nó chơi từ sáng đến giờ, chưa ăn trưa. Mà có nhiều em trong số này không có gì để ăn cả.” Ormoc là một thị trấn nghèo, với đa số người dân làm nông, trồng lúa, mía, bắp hoặc chăn nuôi. Buổi khánh thành các lớp học tại tiểu học Sto. Nino Elementary School, Ormoc, ngoài đại diện giáo viên, Hội Phụ Huynh, đại diện tổ chức CONCERN, còn có đại diện Hội Nông Dân và Phụ Nữ địa phương. Phụ nữ vùng quê nghèo, có lẽ đã “diện” bộ quần áo đẹp nhất trong ngày vui, vẫn thấy rõ nét lam lũ. Họ hát một bài dân ca bằng thổ ngữ Visayas của Ormoc, mừng tặng khách và ân nhân. Cô hiệu trưởng Leah Quibido cho biết tình hình của trường sau một năm đã “có tiến bộ,” nhưng chẳng thấm vào đâu. Bộ Giáo Dục Philippines cho biết chỉ mới có 5% số phòng học bị hư hại được tu bổ, tính đến thời điểm hiện nay. Cả Ormoc và Coron, và có lẽ ở bất cứ địa phương nào từng bị cơn bão quét qua, các giáo viên đều nói, “Không thể trông chờ chính phủ!” Không trông chờ chính phủ, họ gởi niềm tin vào các tổ chức thiện nguyện quốc tế. Trong lời mở đầu chương trình nhận phòng học mới, cô giáo dạy lớp Sáu tại trường, dẫn lời một danh nhân: “Lúc nguy khốn, người cơ nhỡ có quyền được kêu gọi sự giúp đỡ từ đồng loại; những người có phương tiện giúp đỡ không thể ngoảnh mặt đi mà không cảm thấy tội lỗi.” Luật Sư Trịnh Hội (giữa) và bà hiệu trưởng Christina Heidi Garcellano của trường tiểu học Guadalupe trong ngày khai trương các phòng học mới. (Hình: Thiện Giao/Người Việt) Em Jennylyn Aying, lớp Bốn, đại diện 400 học sinh của trường, kể lại những ngày bão tố cách đây một năm. Em nói vẫn “nhớ như in ngày này năm ngoái. Bão đến, quét sạch tất cả. Cả nhà không có gì ăn, phải ăn dừa trong nhiều ngày liền.” “Em vẫn cứ tưởng như ngày hôm qua,” Aying vừa nói vừa khóc. Đứng dưới ánh nắng gắt của Ormoc, Hòa Thượng Thích Nguyên Thảo, một trong những ân nhân đóng góp cho các kêu gọi của VOICE, cũng là người hiến tặng số tiền đào giếng nước tại Coron, nói sự giúp đỡ của người Việt Nam chính là để bày tỏ lòng biết ơn người dân Philippines. Hòa Thượng cũng ủng hộ sáng kiến giúp tu bổ trường học, xây phòng học, vì có thể “để lại cái gì đó lâu dài.” “Mở rộng vòng tay trong lãnh vực giáo dục là có ý nghĩa nhất, là cho các em cơ hội lớn lên trở thành người con ngoan trong gia đình, học trò giỏi trong trường học và công dân tốt của quốc gia,” hòa thượng chia sẻ. “Chỉ mong Yolanda đừng bao giờ trở lại.” Luật Sư Trịnh Hội, đại diện VOICE cùng “tất cả các ân nhân khác,” có mặt tại hai buổi khánh thành trường học tại Ormoc và Coron, nói, “Đây chỉ là món quà khiêm tốn, là cơ hội để tỏ lòng tri ân đến những giúp đỡ của đất nước Philippines cho người Việt Nam tị nạn trong ba thập niên qua.” Hai tấm bảng được dựng tại hai trường học mới, có dòng chữ, “Cho tôi che chở bạn như bạn từng che chở tôi lúc gian nguy.” Bên dưới là dòng chữ viết bằng Anh ngữ: “Lòng tri ân từ những người Việt Nam yêu chuộng tự do trên khắp thế giới.” *** Đứng nơi bục giảng của phòng học mới, rộng thênh thang, cô giáo Gacayan hào hứng giới thiệu đồ chơi mới, do các ân nhân tặng cho học trò cô. “Đây là toàn bộ đồ chơi cho học sinh. À, mà chắc chắn là tôi cũng sẽ chia bớt cho các giáo viên khác, cho các lớp Hai, lớp Ba,” cô vừa nói, như vừa tính làm sao để học trò của cô được thật nhiều đồ chơi, và các em lớp lớn hơn cũng được dự phần. Ngày mai, cô giáo Gacayan sẽ đứng trong phòng học mới - “đẹp nhất từ trước đến nay” trong đời đi dạy của cô - để dạy 20 học sinh lớp Một thị trấn đảo Coron. Cũng từ ngày mai, cô được dành toàn thời gian chỉ để dạy các em lớp Một, từ 7 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày. Đây cũng là điều đặc biệt của mùa học này. Trường tiểu học Guadalupe, với 124 học sinh, trước nay chỉ có ba giáo viên và một hiệu trưởng, các thầy cô giáo phải luân phiên dạy nhiều lớp khác nhau. Năm nay, có thêm giáo viên mới về đây, trường có tổng cộng bảy giáo viên, kể cả hiệu trưởng. Trong số 20 học sinh lớp học ngày mai, có một em có ý nghĩa đặc biệt với cô giáo Gacayan. Em sẽ tròn 6 tuổi, sẽ bước vào ngày đầu tiên đi học lớp Một. Em tên là Deborah Gacayan. Em là con gái đầu của cô giáo Gacayan. Những chữ viết đầu tiên trong đời, Deborah sẽ được học từ chính người mẹ của mình.
......

Bàn về dân trí

Từ đầu thế kỷ trước, Phan Chu Trinh đã nói đến công cuộc “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” cho Việt Nam. Đến hôm nay và có thể là một thời gian dài sau này, riêng chuyện dân trí chắc sẽ còn tốn nhiều thời gian và giấy mực của chúng ta. Không ít lần, bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản rêu rao rằng: Việt Nam dân trí chưa cao để có thể có dân chủ; vì vậy, Đảng và Nhà nước cộng sản cần cai trị thêm, chờ khi nào dân trí đủ cao thì họ sẽ tự động thay đổi hệ thống chính trị và dân chủ hóa. Thời gian chờ đợi này có thể là năm mươi năm hoặc  một trăm năm? Đây chắc chắn không phải chỉ  là lời chống chế cho sự cầm quyền bất xứng, không chính đáng và dai dẳng của Đảng cộng sản lên hơn chín chục triệu dân Việt Nam; mà nó có thể còn là suy nghĩ chân thành và thiện chí của nhiều người có học Việt Nam. Chưa có dân trí cao thì chưa thể có dân chủ?!   Và với nền giáo dục ngăn cản tự do, sáng tạo và đang ngày càng lụn bại như tại Việt Nam thì còn lâu trình độ tri thức của người dân Việt Nam mới có thể sánh kịp các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí là Thái Lan…Vậy thì Đảng cộng sản sẽ tiếp tục ở đây, ngay trên đầu chúng ta trong một vòng định mệnh luẩn quẩn: độc tài -> dân trí thấp, dân trí thấp -> độc tài?! Tất nhiên, tri thức là điều kiện không thể thiếu để phát triển đất nước một cách toàn diện và vững chắc. Chính tri thức cũng là yếu tố củng cố nền dân chủ. Tri thức giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, am hiểu luật pháp và có những phản ứng hữu hiệu cho các chính sách quốc gia hoặc những thực hành chính trị của nhà cầm quyền. Tri thức và sự sáng tạo cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế, sự hòa nhập của quốc gia vào cộng đồng quốc tế trong mọi lĩnh vực để người dân được sống ngày một thịnh vượng và có uy tín trên trường quốc tế hơn. Không ai có thể phủ nhận vai trò của trình độ tri thức đối với tiền đồ một quốc gia. Nhưng chúng ta đang nói đến dân trí. Dân trí phải chăng đơn giản chỉ là trình độ tri thức của người dân, là chỉ số có thể đo lường được thông qua con số người có bằng cấp cao, tốt nghiệp những đại học danh tiếng? Chúng ta hãy cùng nhau dành thời gian để suy nghĩ về mệnh đề: “Dân thấp thấp thì chưa thể có Dân chủ”. Ấn Độ năm 1947 khi giành được độc lập, dân trí có cao hơn Việt Nam bây giờ không? Miến Điện hay Cambodia đã bắt đầu con đường dân chủ hóa có dân trí cao hơn Việt Nam không? Nếu các bạn lưỡng lự, thì chúng ta có thể cần nhiều thời gian hơn nữa trước khi đưa ra bất cứ khẳng định một cách khoa học nào về chuyện Dân trí - Dân chủ. Theo thiển ý của người viết bài này, dân trí không chết cứng trong cái nội hàm “tri thức”. Dân trí là một tập hợp những điều kiện thuộc về não trạng và văn hóa nhiều hơn là tri thức. Dân trí cao không phải là tỷ lệ cao những người có học và có bằng cấp cao mà là các yếu tố thuộc về nhận thức (chứ không phải tri thức) có thể chi phối hành động và phản ứng của người dân trong mối quan hệ của họ với nhau và của họ với chính quyền. Ví dụ, những người có học hành nhiều chưa chắc là những người có hành xử văn hóa. Trong cách dùng thông dụng do những người cộng sản hiện nay áp đặt, người có bằng cấp cao thì được gọi là người có trình độ văn hóa cao. Nhưng thực tế, những hành xử văn hóa không phụ thuộc nhiều vào việc người ta có học nhiều hay không, mà phụ thuộc vào nền tảng đạo đức từ môi trường gia đình - xã hội, những quy tắc hành xử phổ biến trong xã hội và nhận thức của chính người đó về các giá trị công bằng, bác ái, tự do và công lý;  để rồi từ đó có nhận thức đạo đức cơ bản và hành xử luân lý tương ứng. Một người đàn anh đáng kính của tôi từng chia sẻ: Dân trí là chỉ số để đo (và luôn tỷ lệ nghịch với)  mức độ thờ phụng quyền lực các loại. Người dân thờ phượng quyền lực chính trị, trí thức thờ phượng một trí thức tên tuổi khác… Người viết tạm thời đưa ra vài đặc điểm dưới dây mà tôi xem như là biểu hiện của một nền dân trí cao:   - Người dân và đặc biệt là giới trí thức không/ ít sợ hãi và tôn sùng quyền lực, dù đó là quyền lực chính trị, kinh tế, học thuật hay tôn giáo. Người dân không xem những người cầm quyền chính trị là những người có vị thế ưu thắng tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Đối với họ, các vị trí lãnh đạo quốc gia là có thể thay đổi được, dựa trên ý chí của chính người dân; và các vấn đề to lớn của quốc gia không phải là sân chơi riêng của những người ở “tầng lớp trên”. - Giới trí thức không/ ít khao khát quyền lực chính trị. Họ không xem việc nắm quyền chính trị hoặc hưởng lợi nhờ quyền lực chính trị là mục tiêu hoặc là biểu hiện thành công của sự nghiệp mình. Tất nhiên tham chính và lãnh đạo quốc gia không phải là điều xấu nhưng đó không phải là cách duy nhất khiến một người có được vinh quang, sự khen ngợi và công ích xứng đáng. Trí thức đặt mình vào một vị thế còn quan trọng hơn, đó là giám sát chính trị, đề nghị chính sách quốc gia và phục vụ người dân. - Người dân có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày và các mối quan hệ với cộng đồng thông qua các hoạt động tự lập và tự quản, không viện đến sự xử lý của chính quyền nếu chưa cần thiết. Những sự phụ thuộc nhỏ lẻ vào chính quyền cho thấy ở họ tâm lý lệ thuộc thực chất còn lớn hơn nhiều. - Người dân có xu hướng tôn trọng hạnh phúc và tự do của từng cá nhân con người; đề cao tự do và phẩm giá con người với tư cách từng cá nhân cụ thể; dù trân quý những hy sinh của cá nhân cho cộng đồng nhưng không coi sự hy sinh của cá nhân cho tập thể là giá trị luân lý bắt buộc. - Người dân có xu hướng giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình và tinh thần khoan dung, không đề cao vũ lực và không/ít bị kích động bởi khuynh hướng bạo lực. Và họ có khả năng đề kháng tương đối đối với những hô hào mị dân về chủ nghĩ dân tộc cực đoan. - Người dân có ý thức về lợi ích của sự hợp tác và có khả năng xây dựng đồng thuận một cách lành mạnh và tuân thủ luật pháp để hợp tác với nhau trong việc giải quyết các vấn đề cộng đồng và quốc gia. Nếu mệnh lệnh tùy tiện và độc đoán là đặc trưng của những xã hội bán khai  từ thời xa xưa của nhân loại thì khả năng tạo đồng thuận và hợp tác là kỹ thuật đặc biệt của những cộng đồng văn minh của thế giới hôm nay. - Người dân giữ được sự bình tĩnh tương đối, khả năng hành động tương hỗ và sự thượng tôn luật pháp khi cộng đồng hoặc quốc gia lâm vào những tình huống khẩn cấp như thiên tai, chiến tranh, tội phạm. Họ có khả năng ứng phó một cách khoa học, lý tính trong những trượng hợp đó. - Người dân có khả năng tư duy và phán đoán độc lập, không/ ít tôn sùng biểu tượng, không đeo bám cứng nhắc những giáo điều hay chủ thuyết nhất định. Bởi theo logic tâm lý, khi người dân quá tôn sùng biểu tượng thì  trong tâm lý của họ không có điều gì khác hơn ngoài việc người ta cũng muốn trở thành biểu tượng nếu có cơ hội. Tâm lý tôn sùng biểu tượng càng mạnh thì sự hãnh tiến khi nắm được địa vị ưu thắng càng lớn. Đây cũng có thể được xem là một khía cạnh của sự thờ phượng quyền lực. Sau khi xem xét xong những điều trên đây, chúng ta gần như có thể trả lời được câu hỏi: Vì sao ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài nhưng hầu như có rất ít người trong số những con người bằng cấp đầy mình ấy có đủ can đảm để dấn thân cho dân chủ và đóng góp cho cộng đồng xã hội.Những người kiến thức sâu rộng ấy cũng vô cùng sợ hãi và thiếu trách nhiệm giống như bao người thất học khác, vì kiến thức không giúp họ trở nên can đảm, bớt lệ thuộc quyền lực và sốt sắng nhận lãnh trách nhiệm cộng đồng. Bởi vậy nhiều con cái các gia đình cán bộ cộng sản cấp địa phương cũng như cấp quốc gia du học và trở về, nhưng cái họ đang và sẽ trở thành không phải là điều gì khác hơn ngoài những “ông bà độc tài con”. Vấn đề là ở chỗ nhận thức về chính trị - xã hội và kỹ thuật tổ chức cuộc sống chung trong một cộng đồng văn minh chứ không phải là việc có nhiều bằng cấp hay không. Như tôi đã từng chia sẻ, giải thể một chế độ độc tài để bắt đầu con đường dân chủ hóa tuy khó nhưng còn dễ hơn rất nhiều so với công cuộc xây dựng dân chủ hậu độc tài. Và tri thức, khi đó sẽ đóng vài trò rất quan trọng; nhưng  nếu chúng ta không thể bắt đầu ngay bây giờ thì ngày mai chẳng có gì xảy ra cả. Ngay chính trình độ tri thức của người dân cũng ngày càng thoái hóa dưới chế độ độc tài chứ chưa nói là nó có cơ hội để đóng góp xây dựng dân chủ hay không. Bởi vì chính dân chủ và sự tự do hiến định trong một nền dân chủ xứng đáng cũng góp phần quyết định nâng cao trình độ tri thức của người dân. Trong một buổi nói chuyện dành riêng cho Hội PNNQVN, ông Ngô Nhân Dụng đã chia sẻ: Bạn không thể nói tôi không biết bơi vì vậy tôi không dám xuống nước. Vì nếu bạn không xuống nước, bạn sẽ không bao giờ biết bơi cả. Và cũng xin dùng lời hữu lý trên để kết thúc bài viết này trong tâm tình mong muốn tiếp thu nhiều chia sẻ hữu ích hơn từ các bạn trẻ Việt Nam. Buôn Hồ, 7/11/2014 H.T.V Theo FB HuynhThucVy
......

Những thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho Franz Xaver Đặng Xuân Diệu

Thành phố Neustadt an der Weinstrasse, 07. + 09.11.2014. Tu viện Trái Tim Đức Chúa Giêsu Nhân dịp lễ kính Trái Tim Đức Chúa Giêsu vào ngày thứ sáu, 07.11.2014 các tu sĩ thuộc Herz-Jesu-Kloster đã đồng tế dâng lời cầu nguyện đặc biệt cho Franz Xaver Đặng Xuân Diệu. Linh mục chủ lễ Hans-Ulrich đã giới thiệu cho giáo dân sơ về tiểu sử của người tù nhân lương tâm này, chỉ vì hăng say trong những công việc thiện nguyện cho những người khốn khó mà bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế. Đến phần lời nguyện giáo dân các tu sĩ cùng mọi tín hữu đã dâng lời cầu xin Ơn Trên ban bình an và thêm sức cho anh.   Xứ đạo Sankt Pius Vào ngày lễ tưởng niệm 25 năm Bức Tường Ô Nhục tại Berlin sụp đổ (09.11.1989 – 09.11.2014) các giáo dân cùng linh mục Anton Böckel tại xứ đạo Sankt Pius thuộc thành phố Neustadt an der Weinstrasse đã dâng thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho anh Franz Xaver Đặng Xuân Diệu.     Trong bài giảng LM Anton đã nhắc lại ba sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Đức vào những ngày 09. tháng 11 liên quan đến vận mệnh của quốc gia:   09. tháng 11 năm 1924: Cuộc nổi dậy của tổ chức „Chủ nghĩa quốc xã“ (Aufstand des Nationalsozialismus), còn được gọi là „Marsch der Feldherrhalle“, bị đánh tan bởi „lực lượng bảo vệ lãnh thổ“ (Reichwehr), song rất tiếc không diệt được tận gốc nên đã dẫn đến sự thành hình của Đảng Đức Quốc Xã dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler. 09. tháng 11 năm 1938: Đảng Đức Quốc Xã của Adolf Hitler đốt các nhà nguyện, các cơ sở thương buôn và tư gia của giáo dân Do-Thái trên toàn nước Đức. Đêm kinh hoàng này có tên là „Reichkristallnacht“. 09. tháng 11 năm 1989: Bức tường Ô Nhục tại Berlin bị sụp đổ.( „Der Mauerfall“)   Sau thánh lễ một số tín hữu đã ân cần hỏi thêm chi tiết về tình hình hiện nay của anh ĐXDiệu. Minh Hoài ***** Pinneberg: Hội thảo về tra tấn và TNLT Đặng Xuân Diệu Ngày thứ bảy 08/11/14 vào lúc 14 giờ tại Pinneberg có buổi tổ chức hội thảo về tra tấn hành hạ tù nhân các trại giam. Nhóm Bạn Đặng Xuân Diệu đã có một bàn thông tin về TNLT Đặng Xuân Diệu và phổ biến postcard gửi về trại giam. Nhiều người tham dự đã hưởng ứng; một Postcard đã được viết và chụp hình trước khi gửi đi, để xem có đến tay Đặng Xuân Diệu. Nguồn: FB Hạnh Vũ  
......

Chính giới Thụy Sĩ tranh đấu cho Đặng Xuân Diệu (Schweizer Politiker engagieren für Blogger Dang Xuan Dieu)

Sáng ngày 10 tháng 11, 2014, một phái đoàn gồm dân biểu và chính giới Thụy Sĩ đã đến tòa lãnh sự Việt Nam tại Genève/Thuy Sĩ để trao cho bà lãnh sự Đỗ Hà Thảo một Thỉnh Nguyện Thư gửi Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng về trường hợp tù nhân lương tâm (TNLT) Đặng Xuân Diệu bị cầm tù trong hoàn cảnh khắc nghiệt với tình trạng sức khỏe của anh đang gặp nguy cơ.Am 10. November 2014 „besuchte“ eine Delegation Schweizer Politiker das Konsulat von Vietnam in Genf / Schweiz. Die Politiker überreichten dem Konsul Do Ha Thao eine Petition, gerichtet an Premierminister Nguyen Tan Dung, zugunsten des Gefangenen des Gewissens Dang Xuan Dieu, der unter widrigsten Umständen eingesperrt ist und sich in erster Lebensgefahr befindet. Từ trái sang phải: Ông Michel Rossetti, cựu thành viên Hội đồng quản trị, cựu thị trưởng thành phố Genève; bà Anne-Marie von Arx-Vernon, Dân biểu Quốc Hội tiểu bang Genève; ông Rolin Wavre, nghị viên thị xã Pregny-Chambesy tiểu bang Genève; ông Jean-Marc Comte, thành viên Hội đồng quản trị và đương kim thị trưởng thành phố Grand-Saconnex tiểu bang Genève. Die Schweizerdelegation: von links nach rechts, Herr Michel Rosseti, Frau Anne-Marie von Arx-Vernon, Herr Rolin Wavre (mit dem Foto von Dang Xuan Dieu) und Herr Jean-Marc Comte. Phái đoàn được dẫn đầu bởi bà Anne-Marie von Arx-Vernon, Dân biểu Quốc Hội tiểu bang Genève; ông Michel Rossetti, cựu thành viên Hội đồng quản trị và cựu thị trưởng thành phố Genève; ông Jean-Marc Comte, thành viên Hội đồng quản trị và đương kim thị trưởng thành phố Grand-Saconnex, tiểu bang Genève; và ông Rolin Wavre, nghị viên thị xã Pregny-Chambesy, tiểu bang Genève.Die Delegation wurde von Frau Anne-Marie von Arx-Vernon, der Abgeordneten das Kantons Genf, Herrn Michel Rossetti, einem ehemaligen Mitglied des Verwaltungsrates und ehemaligen Bürgermeister von Genf, Herrn Jean-Marc Comte, Chef des Verwaltungsrates und amtierendem Bürgermeister von Grand-Saconnex, Kanton Genf und Herrn Rolin Wavre, Genfer Stadtrat und Frau Pregny-Chambésy, Genfer Stadträtin. Thỉnh Nguyện Thư yêu cầu ông Nguyễn Tấn Dũng quan tâm đến điều kiện giam giữ khắc nghiệt của anh Đặng Xuân Diệu và yêu cầu ông can thiệp để anh được khám bệnh và được chữa trị như mọi tù nhân.Die Unterzeichner der Petition beklagten ganz besonders über die unmenschlichen Haftbedingungen, unter denen der Blogger Dang Xuan Dieu leidet. Sie baten Premier Nguyen Tan Dung um Hafterleichterung sowie die Gewährung der notwendigen, medizinischen Untersuchungen für Herrn Dang Xuan Dieu. Theo bà Anne-Marie von Arx Vernon, trường hợp TNLT Đặng Xuân Diệu là một trường hợp nhân đạo nên bà xin ông Nguyễn Tấn Dũng cho phép một phái đoàn Thuy Sĩ đến viếng thăm anh trong trại giam. Bà cũng yêu cầu trường hợp anh Đặng Xuân Diệu được duyệt xét lại dựa theo Hiệp ước quốc tế và các quyên dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký.Laut Anne-Marie von Arx-Vernon ist die Behandlung des Gefangenen des Gewissens Dang Xuan Dieu ein scherwiegender Verstoß gegen internationale Verpflichtungen Vietnams gemäß den von Vietnam unterzeichneten Abkommen über bürgerliche und politische Rechte. Die Mitglieder der Delegation wollen Herrn Dang Xuan Dieu im Gefängnis besuchen und fragen nach einem Visum. Bà Anne-Marie von Arx-Vernon cho biết là bà lãnh sự Đỗ Hà Thảo có hứa sẽ chuyển Thỉnh Nguyện Thư đến ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Michel Rossetti chia sẻ là ông luôn sát cánh cùng người Việt đấu tranh cho một nền tự do dân chủ tại Việt Nam. Ông Jean-Marc Comte nói ông hân hạnh tham gia ký tên Thỉnh Nguyện Thư và mong anh Đặng Xuân Diệu sớm được nhà cầm quyền thả. Ông Rolin Wavre yêu cầu Việt Nam cần phải tôn trọng nhiều hơn các công ước quốc tế mà Viet Nam đã ký kết.Frau Anne-Marie von Arx-Vernon verpflichtete den Konsul Do Ha Thao, die Petition an Vietnams Premier weiterzuleiten. Herr Michel Rossetti teilte mit, dass er immer Seite auf der Seite der Kämpfer für demokratische Freiheiten in Vietnam steht. Herr Jean-Marc Comte sagte, er sei geehrt, die Petition unterzeichnen zu dürfen und wünscht sich die baldige Freilassung von Herrn Dang Xuan Dieu. Herr Rolin Wavre ermahnte Vietnam zu mehr Respekt gegenüber  internationalen Verträgen, die Vietnam selbst unterzeichnet hatte. Als Mitglied des Menschenrechtsrates der UNO steht Vietnam in der besonderen Verpflichtung zur Einhaltung der Menschenrechte gegenüber seinen kritischen Bürgern. Trước đây vài năm, bà Anne-Marie von Arx Vernon cũng đã có 2 lần viết thư đến tòa lãnh sự Việt Nam để can thiệp cho trường hợp nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa (nhưng toà lãnh sự không có hồi âm).In den letzten Jahren hatte Frau Anne-Marie von Arx Vernon schon zweimal an das Konsulat Vietnams in Genf geschrieben, um Hafterleichterung für den Schriftsteller Nguyen Xuan Nghia zu ersuchen. Vom Konsulat erhielt sie keine Antwort. Được biết bà Anne-Marie von Arx Vernon và ông Rolin Wavre đã có lần đến Việt Nam thăm gia đình các nhà dân chủ bị cầm tù.Frau Anne-Marie Arx-Vernon und Herr Rolin Wavre hatten Familien von inhaftierten Dissidenten besucht. Übersetzung aus dem Vietnamesischen von Dr. Thanh Nguyen-BremQuelle: http://diendanctm.blogspot.de/2014/11/chinh-gioi-thuy-si-tranh-au-cho-an... (Text in Vietnamsisch)    
......

Nước Đức, 25 năm sau ngày bức tường Berlin sụp đổ

Bức tường Bá Linh được dựng lại bằng hàng ngàn những chiếc đèn lồng trắng , là một phần của dự án "Lichtgrenze 2014" để kỷ niệm 25 năm sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh ngày 09 Tháng 11 năm 2014 - AFP Bức tường Bá Linh Đêm 13 tháng 8 năm 1961, tại Bá Linh, một bức tường dài 156 km được dựng lên chia đôi 2 miền ý thức hệ. Bức tường đã giam cầm sự tự do của hơn 3 triệu người dân ròng rã 28 năm. Mảng tối của hàng triệu cư dân Đông Đức chỉ thực sự được phơi bày sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989. 25 năm trôi qua, sau ¼ thế kỷ thống nhất, nước Đức còn, mất những gì, người dân của xứ sở Karl Marx và Einstein này thua thắng ra sao ở buổi chung cuộc? Mặc dầu trong một sớm một chiều, 40 triệu người dân Tây Đức đã phải cưu mang thêm 18 triệu người dân Đông Đức, thế nhưng, tinh thần dân tộc đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn ban đầu để vực dậy nền kinh tế và đưa nước Đức thành một quốc gia cường thịnh như hôm nay. Ông Lê Nam Sơn, ngụ tại thành phố Hannover nói :“Trước đó, cuộc sống bên Tây Đức rất là dễ dàng, thoải mái. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, toàn nước Đức thống nhất thì nói chung cuộc sống không khá như trước. Nhưng để bù lại, cả một nước Tây Đức họ đã vực dậy phần còn lại bên Đông Đức và sánh ngang hàng với các nước Châu Âu. Nhưng người lãnh đạo của nước Đức có cái viễn kiến và họ đã đưa nước Đức lên ngang hàng với các nước Tây Âu, chuyện đó không phải là dễ.” Theo chị Thục Quyên ở Munchen, đa số người dân Đức hài lòng với cuộc thống nhất đất nước. Họ đặt tinh thần dân tộc lên trên mọi khác biệt để xây dựng đất nước. Chị Thục Quyên nói :“Có khoảng 70% dân chúng đánh giá là cuộc thống nhất của đất nước họ từ tốt đến rất tốt. Phần lớn dân chúng rất là bằng lòng với tình hình chính trị và xã hội của đất nước họ. Điểm son của dân tộc Đức là tuy họ đã sống dưới 2 thể chế chính trị đối ngược với nhau trong hơn 40 năm trời nhưng người dân Đức vẫn có lòng tin tưởng ở tình anh em, tình dân tộc của họ. Và cái rất là hay là họ rất là sáng suốt, họ đã tách cái đảng Cộng sản của Đông Đức ra, là cái chính quyền phải chịu trách nhiệm. Người dân Tây Đức Tự do và người dân Đông Đức đã dẹp bỏ được những nghi kỵ với nhau, và vì vậy họ mới bắt được tay với nhau và làm việc.” Thực vậy, dưới sự điều hành của Thủ tướng Merkel và Tổng thống Gauck, cả 2 đều xuất thân từ Đông Đức, nước Đức đã trở thành một nền kinh tế đứng thứ tư trên thế giới và là đầu tàu của nền kinh tế Âu châu. Từ Hannover, ông Lâm Đăng Châu nói :“Đa số người dân 2 miền Đông Tây sống hoà thuận. Chính trị Đức ổn định, kinh tế Đức cho đến bây giờ rất ổn định, coi như là vững mạnh nhất ở Âu châu bây giờ.” Bức tường đổ và sự hãnh diện của người Đức Nhìn vào sự cư xử của người dân Đức, theo ông Nguyễn Đình Tâm ở Bá Linh thì người ta có cảm tưởng hình như chưa hề có một bức tường nào ngăn cách giữa người dân Đông và Tây Bá Linh trước và sau năm 1961. Ông nói :“Hồi đó, bức tường chưa sập nhưng vẫn có những người bên Đông Đức sang bên này để gặp bà con. Chính quyền Tây Đức còn tặng cho những người dân Đông Đức 100 Đức Mã. Rồi đến khi bức tường sập, thì người dân Tây Đức mở rộng vòng tay họ đón tiếp (người dân Đông Đức) như người thân thiết của họ.” Cho tới nay, người dân Đức đã phải đóng góp hàng ngàn tỷ Đức Mã để cưu mang thêm một nền kinh tế trì trệ sau gần 30 năm dưới chế độ Cộng sản. Từ Bá Linh, ông Hoàng Kim Thiên nói :“Kinh tế của Đông Đức trước 1989 thì không phát triển gì nhiều. Nhưng sau khi bức tường đổ, Tây Đức đã phải bỏ ra rất nhiều tiền. Ở Tây Đức, mỗi người dân đi làm phải đóng 7% thuế để xây dựng Đông Đức. Sau 25 năm thống nhất, kinh tế nước Đức vẫn giữ rất là vững. Thì đó là sự hãnh diện của người Đức.” Sự khác biệt về mặt vật chất đã được san bằng, còn về con người thì sao ? Theo chị Anh Đào ở Bá Linh, thì đâu đó vẫn còn sự khác biệt về tư tưởng giữa những con người của thế giới tự do và những người đã sống một thời gian dài dưới chế độ cộng sản. Chị Anh Đào nói :“Nói chung sau 25 năm, sự thống nhất của nước Đức rất là hoàn hảo. Mặc dù còn một số ít những người dân Đông Đức vẫn còn những tư tưởng của chế độ cũ, nhưng từ từ họ vẫn hoà mình với phía bên Tây Đức này.” Sự khác biệt này, theo ông Hoàng Kim Thiên dần dần cũng đã được san bằng:“Trước đây khoảng 10 năm. Thí dụ như trong hãng, xưởng, thí dụ như người Tây Đức có vẻ phóng khoáng hơn, tức là họ nghĩ gì thì họ nói đó. Còn người Đông Đức họ hơi dè dặt một chút xíu. Nhưng bây giờ, sau 25 năm qua, tôi thấy cái tinh thần đó không còn nữa.” Một điều ngoạn mục là sau một thời gian đầu tư để lấp đầy khoảng trống giữa Tây và Đông Đức. Giờ phía bên Đông Đức lại hình như vượt trội cả Tây Đức về mặt hạ tầng cơ sở cũng như chất xám. Ông Lâm Đăng Châu nói :“Trước đây người dân Đông Đức qua Tây Đức để tìm công ăn việc lắm để sinh sống. Nhưng từ năm 2013 thì ngược lại : Những người dân Tây Đức đã bắt đầu qua Đông Đức để bắt đầu xây dựng sinh sống làm ăn. Đấy là những sự phát triển rất là ngoạn mục. Nước Đức họ vui mừng thấy đó là một trong những tiến bộ.” Từ Bá Linh, chị Mỹ Lâm cũng ghi nhận những thành quả thực tế mà Tây Đức đã đóng góp cho Đông Đức:“Phải nhìn nhận rằng sự giúp đỡ của Tây Đức cho Đông Đức rất là lớn và những thành quả đó cũng thấy được, bằng chứng là ở Berlin có nhiều những bệnh viện được xây ở Đông Đức còn tối tân gấp mấy lần những bệnh viện đã có sẵn ở Tây Berlin. Hạ tầng cơ sở, đường xá, bệnh viện, trường học, nhà cửa được xây dựng lại rất là mới.” Với hàng chục ngàn người Việt đang lao động tại Đông Đức trước 1989, sự hội nhập tuy quả là không dễ dàng sau khi cánh cửa tự do mở ra, nhưng sau 25 năm , ông Nguyễn Thành Lương ở Frankfurt cũng đã ghi nhận những thành công đáng kể của họ:“Người Việt sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ chạy qua bên này (Tây Đức) thì không được hưởng những ưu đãi (như người Tây Đức lúc đó) nhưng dần dần người mình cũng chịu khó làm ăn và hội nhập. Mấy năm trở lại đây thấy họ cũng bắt đầu làm ăn đàng hoàng, không còn lối làm ăn chụp giựt trước đây nữa. Đó cũng là một thành công! Và nhất là một trong những thành công mà báo chí Đức mấy năm gần đây nói rất nhiều về sự học hành của con em người Việt mình ở bên Đông.” Được sống trong một không khí hoàn toàn tự do, từ Berlin, ông Nguyễn Duy Tân, một cựu đảng viên Cộng sản phát biểu :“Cảm nghĩ của tôi thực sự là bình an. Mọi người đều có sự công bằng trước pháp luật và trước cơ quan công quyền nhà nước. Ai cũng được quyền tự do tham gia vào việc của nhà nước. Đó là giá trị mà tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc được sống trong một nền Tự do.” Đó cũng là sự may mắn của ông Nguyễn Thành Lương, một thuyền nhận tị nạn ở Tây Đức khi gặp được người phối ngẫu là chị Mai, một công nhân xuất khẩu lao động ở Đông Đức. 25 năm bức tường sụp đổ là gần 25 năm mà ông Nguyễn Thanh Lương sống chung dưới một mái nhà:“Từ sự may mắn của tôi, tôi cũng chia sự may mắn đó cho nhà tôi sớm được hội nhập.” Từ sự thống nhất của một quốc gia, đến sự thống nhất của hai tâm hồm. Đây có phải là một thí dụ tuyệt vời về sự hoà giải ? Chị Mai vui cười nói :“Đấy mới là thống nhất nhỉ ???” Bên cạnh những hào quang của một nước Đức thống nhất. Đâu đó vẫn còn chập chờn những mảng xám. Sau những niềm vui hội ngộ là những sự thật trần trụi mà người dân hai miền Đông Tây của nước Đức phải đối diện và giải quyết. Xin mời quý vị xem tiếp trong phần hai. * Chiếc huy chương nào cũng có những mặt phải và mặt trái của nó. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989, niềm vui thống nhất của người dân hai miền Đông Tây chưa trọn vẹn thì họ đã phải đối diện với những khó khăn về vật chất khi mà 40 triệu người dân Tây Đức đã phải gánh thêm trên vai cuộc sống của hơn 18 triệu dân Đông Đức với tất cả những hệ luỵ còn sót lại của 28 năm dưới chế độ Cộng sản và cả những di sản trước đó do chiến tranh để lại. Người Việt từ Đông Đức Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, gần 60 ngàn người Việt đang học tập và lao động ở Đông Đức đứng trước sự chọn lựa: tiếp tục tương lai trên nước Đức tự do nhưng mới mẻ và đầy thách thức hay trở về với chủ nghĩa Cộng sản quen thuộc tại Việt Nam với số tiền trợ giúp của chính quyền mới ? Khoảng 40.000 người Việt đã chọn con đường hồi hương với 3000 Đức Mã. Anh Nguyễn văn Mài, là một công nhân hợp tác lao động ở Đông Đức vào thập niên 80, nay cư ngụ tại Hannover kể lại:“Khi bức tường Bá Linh đổ, ai có điều kiện thì chạy sang Tây Bá Linh, tôi còn nhớ lúc đó ai qua Tây Bá Linh thì chính quyền mới cho 100 Đức Mã. Một trăm đô Mác lúc đó đối với anh em mình là to lắm. Thế là lúc đó nước Đức đổi tiền theo tiêu chuẩn 1 ăn 1, người Việt mình nói chung lúc đó là vui vẻ. Sau đó nước Đức người ta thấy hoàn cảnh công ăn việc làm khó khăn quá cho nên người ta động viên người Việt nhà mình, nếu ai muốn hồi hương thì người ta sẽ bồi thường 3000 đô Mác cho mỗi người và thế là đại đa số người Việt mình hồi hương.” Đông Đức tan rã kéo theo nhiều nhà máy phải đóng cửa, người dân Đông Đức thất nghiệp. Người dân Tây Đức đi làm phải đóng thuế vào “Quỹ Quốc Gia” để xây dựng lại một Đông Đức đầy bất trắc. Người Việt từ Đông Bá Linh chạy sang Tây Bá Linh, đa số sống chủ yếu bằng những nghề buôn bán nhỏ, bán thuốc lá lậu, cuộc sống bấp bênh, tỷ lệ tội phạm cao trong thời kỳ giao thoa này. Chị Mai, cũng hợp tác lao động ở Đông Đức, nay sống tại Frankfurt cho biết:“ Ở lại thì lúc đầu thì cũng khó khăn lắm, người ta đi kiếm việc làm, lúc đầu thì bán quần áo, sau này có phong trào bán thuốc lá lậu. Sau đó thì từ từ họ được định cư lại thì họ làm ăn cũng ổn định” Chưa đầy 3 năm sau ngày nước Đức thống nhất, người ta đã thấy manh nha những tư tưởng bài người ngoại quốc mà nạn nhân đầu tiên bị nhắm đến là những người lao động nhập cư. Điển hình là sự kiện ném bom xăng vào khu nhà ở của người ngoại quốc ở thành phố Lichtenhagen, Rostock đã gây chấn động chính trường Đức và thu hút sự quan tâm của thế giới. Anh Mài tiếp:“Khi mà bức tường Bá Linh đổ, khi mà chế độ bắt đầu thay đổi thì trong một số người Đức bắt đầu xuất hiện những tư tưởng bài xích người ngoại quốc. Những người mang tư tưởng kỳ thị họ ở bên Đông Đức, đại đa số là thanh niên. Bởi vì khi bức tường Bá Linh đổ thì không những người Việt nhà mình thất nghiệp mà ngay cả người Đức cũng bị thất nghiệp, vì vậy họ cho rằng là do những người lao động ở Đông Đức là nguyên nhân khiến cho họ không có việc làm.” Những khác biệt về tư tưởng Đông và Tây Sau 25 năm xây dựng và phát triển, sự cách biệt giàu nghèo giữa Đông và Tây Đức hầu như đã không còn. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn một khoảng trống chưa thể lấp đầy, đó là sự khác biệt về tư duy, về cách hành xử của người dân Tây Đức, quen sống thoải mái tự do và người dân Đông Đức, hình như vẫn chưa thoát ra được cái bóng của chế độ Cộng sản vẫn còn đeo đuổi. Chị Anh Đào ở Bá Linh nhận xét:“Hai tư tưởng khác nhau, mặc dù ở xứ tự do này, nhưng những người bên Đông Đức vẫn còn lập trường bị gò bó. Còn bên Tây Đức mỗi người đều có 1 tư tưởng, thành ra mình rất là thoải mái khi mình nói chuyện, nhưng khi mình nói chuyện với anh chị em bên Đông Đức; ngay cả tới bây giờ cũng vậy, họ nói cái gì cũng rất là dè dặt.” Hàng chục năm sống dưới chế độ bao cấp, anh Mài cho biết không khỏi bỡ ngỡ khi phải hội nhập vào xã hội tư bản, nơi mà ai cũng phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Anh chia sẻ:“Làm việc ở các nhà máy bên Đông Đức, tuy nó có định mức nhưng làm việc cũng nhẹ nhàng thôi. Thế nhưng khi mà làm việc bên Tây Đức thì cường độ nó cao hơn, nhưng tất nhiên là thu nhập cũng cao hơn. Và cái tâm lý lo lắng mất việc làm thì nó thường trực trong đầu của người Việt mình hơn. Bên Đông Đức thì không có như thế, công ăn việc làm không phải lo gì cả.” Khi nước Đức thống nhất, chị Anh Đào có dịp làm quen với một cộng đồng người Việt mới đến từ bên kia bức tường Bá Linh. Chị nhận xét:“Giữa người Việt Đông Đức và Tây Đức thì riêng em, em có nhận xét là từ sinh viên du học cho đến những người tị nạn hầu như ai cũng có một kết quả rất tốt. Họ không có nhiều criminel (tội phạm) nhiều như sau khi mở bức tường. Sau khi mở bức tường, bên Đông Đức thì có những gia đình sống mực thước, nhưng cũng có những người bên Đông Đức hợp tác lao động muốn tiến thật xa cho nên họ làm tất cả những cái gì mà họ có thể làm. Những hành động của họ, những việc làm của họ, họ không sợ hậu quả xấu cho cộng đồng hoặc là đối với người Đức.” Sau thời gian cần thiết để ổn định cuộc sống mới, vẫn như câu tục ngữ ngàn đời của Việt Nam “phi thương bất phú”: người Việt, đa số từ Đông Đức đã lập nên khu thương mại nổi tiếng Đồng Xuân với hơn 250 gian hàng, khu buôn bán sầm uất của hơn 4000 người Việt sống hợp pháp và bất hợp pháp. Anh Mài nói:“Khi mà bức tường đổ thì chúng tôi đại đa số đều thất nghiệp hết. Mạnh ai thì người ấy lo cho bản thân. người Việt mình chủ yếu là lo buôn bán để kiếm tiền, bởi vì buôn bán đối với người Việt mình dễ dàng hơn. Và người Việt mình chịu khó đi len lỏi khắp nơi để mà kiếm tiền.” Với hơn 120.000 người Việt đang sống tại Đức, trong đó có khoảng 88.000 người có giấy tờ hợp pháp và phần còn lại sống bất hợp pháp. Cộng đồng Việt Nam tại Đức có thể được chia ra thành 4 nhóm: 1 nhóm rất ít là sinh viên du học trước 1975, nhóm thứ hai gồm khoảng 40.000 người là thuyền nhân tị nạn Cộng sản. Nhóm thứ ba gồm khoảng 20.000 người ở lại sau khi bức tường bá Linh sụp đổ và nhóm thứ tư cũng khoảng 40.000 người đến Đức bằng đủ mọi ngõ ngách khác nhau, đa số là sống bất hợp pháp. Nhóm thứ nhất và thứ nhì đã hoàn toàn ổn định ở xã hội Đức, đa số thành công và là mẫu mực của sự hội nhập. Nhóm thứ ba và thứ tư sống co cụm như là một xã hội Việt Nam thu nhỏ ở phần phía Đông của nước Đức. Nói chung, người Việt Tây Đức sống rải rác và hoà nhập vào xã hội Đức, trong khi đó người Việt ở Đông Đức sống gần như tập trung trong một xã hội riêng của họ. Sinh hoạt của họ cũng mang ít nhiều mô hình của chế độ Cộng sản. Chị Mai nói:“ Vẫn như hồi xưa…!!! Trong nước ra như thế nào thì trong nước vẫn như thế. Nói chung là cái mô hình họ mang từ Việt Nam sang. Tức là họ vẫn có công đoàn, vẫn có hội phụ nữ, vẫn có chi bộ, rồi vẫn có đoàn thanh niên, phụ nữ…. Tất cả đều phải áp dụng trong đội quản lý người lao động. Trước đấy, đi lao động thì hộ chiếu của bọn mình thì do sứ quán giữ, mình không được giữ. Sau này người ta vẫn hội họp, vẫn sinh hoạt kiểu như thế!” Dù nước Đức đã ăn mừng 20 năm, rồi 25 năm thống nhất và phát triển, cộng đồng người Việt tại Đông Đức này vẫn hầu như đi bên lề sự hội nhập ấy, dù họ cũng có những phát triển theo cách riêng của họ. Theo chị Anh Đào, một sự hoà hợp là khó có thể. “Không thể hoà hợp được, là vì theo em thấy, những anh chị em sống bên Đông Đức hình như họ vẫn còn dưới một sự control (kiểm soát) của toà đại sứ Việt Nam. Có thể họ có những cái không đồng ý nhưng vì gia đình họ vẫn còn ở Việt Nam hoặc là một cái lợi riêng gì của họ cho nên họ không thể hoà đồng hoặc là nói lên những gì họ muốn nói.” Bức tường Bá Linh đã được san bằng, nhưng những khác biệt về tư tưởng sau 30 năm chia lìa vẫn còn đó. 25 năm tuy dài nhưng vẫn chưa đủ cho một cuộc thống nhất trong tư duy nếu không có sự nỗ lực từ hai phía. Bức tường Bá Linh đã đổ, nhưng đâu đó vẫn còn một bức tường Bá Linh trong lòng mọi người.
......

Di sản Đông Đức 25 năm sau ngày thống nhất

Hai mươi lăm năm sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức Thống Nhất, cùng với ngân khoản khổng lồ để tái thiết những vùng trước kia ở bên kia bức màn sắt của nước Đức lên tới một ngàn năm trăm tỷ Euros, khoảng 2000 tỷ mỹ kim, hai miền của nước Đức nay vẫn còn nhiều khác biệt từ kinh tế đến con người. Một bản tin của AFP vào cuối tháng 10 vừa qua (1) cho biết như vậy. Ngân khoản to lớn vừa kể (ước tính cho đến nay) là khoản tiền thuế phụ trội 5.5% có tên gọi là thuế “đoàn kết” (solidarity tax) mà người dân Tây Đức phải đóng thêm từ năm 1991 cho đến năm 2019 để tái thiết lại Đông Đức sống dở chết dở sau bao nhiêu kế hoạch ngũ niên của nhà nước cộng sản Đông Đức.   Một bản tin khác của AFP tháng trước đó (2) thuật lại một số chi tiết trong bản báo cáo hàng năm, đánh giá về việc tái thiết Đông Đức để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 25 năm nước Đức thống nhất năm nay, tuy có đưa ra hình ảnh tích cực hơn của Đông Đức sau 25 năm nước Đức thống nhất, nhưng vẫn cho thấy những nét ảm đạm của “di sản Đông Đức”. Bản báo cáo vừa kể của bà Iris Gleicke, đại diện của những tiểu bang “mới” cho biết, mặc dù việc tái thiết 5 tiểu bang thuộc Đông Đức cũ đã đạt được nhiều tiến triển và hài lòng về “bức tranh tổng thể”, cũng như đã thành công phần lớn trong việc hội nhập của người dân Đông Đức, nhưng vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa hai miền trong lãnh vực kinh tế và công ăn việc làm. Mặc dù lợi tức bình quân đầu người của người dân Đông Đức nay đã tăng gấp đôi so với lúc bức tường Bá Linh vừa sụp đổ vào năm 1990, nhưng lợi tức này nay vẫn chỉ bằng khoảng 2/3 lợi tức bình quân của người dân Tây Đức, trong khi đó thì sự thịnh vượng của Tây Đức gần gấp đôi Đông Đức. Bản báo cáo này còn cho biết, từ năm 1995 đến năm 2013 nền kinh tế ở Đông Đức tăng trưởng 20%, cùng thời gian đó kinh tế Tây Đức Tăng trưởng 27%. Theo bản báo cáo thì con số ít ỏi các công ty lớn di chuyển sang Đông Đức là yếu tố quan trọng làm cho năng suất lao động của người dân vùng này thấp kém, điều này cũng khiến sự hội nhập của người dân Đông Đức trong mấy năm vừa qua chậm lại. Mặt khác, nền công kỹ nghệ ở Đông Đức sau năm 1990 chỉ gồm những công ty loại trung bình và nhỏ. Không có một công ty nào có tên niêm yết trên thị trường chứng khoán DAX của Đức đặt trụ sở của họ ở phía Đông Đức. Các công ty đa quốc gia đặt trụ sở ở phía Tây Đức vì điều kiện làm việc tốt hơn, họ cũng trả lương cao hơn, và nhờ thế họ mới giữ được lực lượng lao động có tay nghề và năng suất cao.   Theo các con số chính thức thì tỷ lệ thất nghiệp ở phần đất Đông Đức là 10.3%, dù rằng trong năm 2013 Đông Đức đã hạ được tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ khi nước Đức thống nhất đến nay; trong khi tỷ lệ đó ở Tây Đức chỉ khoảng 6%. Mười năm trước đây tỷ lệ thất nghiệp ở Đông Đức lên đến 18.4%, gấp đôi ở Tây Đức. Một báo cáo khác của viện nghiên cứu kinh tế Ifo công bố gần đây cũng cho thấy một hình ảnh tương tự. Theo một cuộc thăm dò vào cuối tháng 9 thì có đến 75% “Ossis”, tức những người ở Đông Đức cũ như ở Đức vẫn gọi họ, thấy nước Đức thống nhất là sự kiện tích cực, trong khi đó chỉ có 48% "Wessis" (người ở phía Tây Đức) cảm nhận tương tự. Nhiều người dân Đông Đức thuộc thế hệ già cả vẫn nuối tiếc hệ thống y tế và giáo dục “bao cấp” thời cộng sản. Nhìn chung thì ai cũng phải thừa nhận những nguyên nhân, sự khác biệt và yếu kém của nền kinh tế Đông Đức cũ dưới chế độ cộng sản. Nó để lại một di sản nặng nề và tồi tàn cho nước Đức sau khi thống nhất. “Việc tái thiết (Đông Đức) vẫn chưa xong, rõ ràng là như vậy. Tuy nhiên đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”. Ông Michael Burda, kinh tế gia ở đại học Humboldt, Berlin, đã nhận xét như vậy khi nhìn lại chặng đường 1/4 thế kỷ bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất.   --- (1) Theo ước đoán của giáo sư Thomas Lenk, đại học tài chánh công Leipzig (public finance at Leipzig University), 25 years on, Germany's east-west divide still palpable (http://news.yahoo.com/25-years-germanys-east-west-divide-still-palpable-...) (2) Eastern Germany still lags 25 years after Berlin Wall's fall, (http://news.yahoo.com/eastern-germany-still-lags-25-years-berlin-walls-2...)   Theo FB CTM
......

Dân biểu Liên bang Đức Martin Patzelt nhận đỡ đầu cho Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh

Trong Thư tin ngày 07/11/2014, dân biểu liên bang Đức Martin Patzel loan báo việc ông nhận đỡ đầu cho ông Nguyễn Hữu Vinh tức Blogger Anh Ba Sàm sau khi tiếp xúc với vợ ông Vinh, bà Lê Thị Minh Hà tại Quốc hội Liên bang Đức ngày 04/11/2014 vừa qua. Ông là người có nhiều sáng kiến trong việc vận động đòi trả tự do cho nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh trước đây. Sinh trưởng ở Đông Đức, ông Martin Patzelt từng làm việc nhiều năm trong lãnh vực giáo dục, sư phạm giảng pháp thanh thiếu niên và đã làm thị trưởng thành phố Frankfurt/Oder từ 2002 đến 2010. Dân biểu Patzelt thuộc Khối Liên minh hai đảng anh em Dân chủ Thiên chúa giáo / Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) và hiện là thành viên của Uỷ Ban Nhân quyền Quốc hội liên bang Đức. Sau đây là toàn văn bản tin về việc đỡ đầu cho Blogger Ba Sàm đăng trên trang 4 Thư tin số 25 nêu trên của dân biểu Patzelt, bản dịch tiếng Việt của VETO!: Nhận đỡ đầu cho nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Hữu Vinh ở Việt Nam Nhân phẩm và nhân quyền trên thế giới thường xuyên bị xâm phạm và do đó cần phải được bảo vệ. Chương trình „Dân biểu bảo vệ cho dân biểu“ (PsP) của Uỷ Ban Nhân quyền Quốc hội Đức cũng cần bảo vệ cho cả những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Hiện nay tôi đang nhận bảo trợ cho nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Vinh. Ông Vinh hiện bị tạm giam và có thể bị đưa ra xử nhiều năm tù. Vào thứ Ba vừa qua tôi đã gặp vợ ông là bà Lê Thị Minh Hà và chủ tịch của tổ chức nhân quyền VETO, là tổ chức đang bảo vệ trường hợp nổi tiếng này. Tôi hứa sẽ hỗ trợ cho bà Hà và VETO. Nguồn: Diễn Đàn Việt Nam 21
......

Bước Nhảy Tự Do

Chỉ có niềm khao khát mãnh liệt mới thôi thúc con người vượt lên trên chính họ, vượt qua nỗi sợ hãi, để bằng một hành động dũng cảm tự giải thoát chính mình. Người lính biên phòng Đông Đức, anh Conrad Schumann, khi ấy mới 19 tuổi. Conrad Schumann đã phóng qua hàng rào kẽm gai ngày 15/8/1961 để tìm tự do ở Tây Đức trong lúc bức tường Bá Linh mới bắt đầu được xây dựng. Người thanh niên can đảm này có thể bị bắn chết như khoảng 200 người khác trước và sau anh. Nhưng may mắn anh đã thoát được. Sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, trong ngày lễ kỷ niệm hai mươi năm, nước Đức đã dựng tượng đài của anh để diễn đạt nỗi khao khát tự do của con người.   Rất nhiều năm sau ngày đất nước đã thống nhất, người dân Đông Đức vẫn giữ trong trí nhớ mình cảm giác sợ hãi của những ngày tháng sống dưới sự kiểm soát của công an và mạng lưới mật vụ Stasi. Hồi tưởng mức độ căng thẳng tinh thần trong những năm tháng đó, Thủ tướng Đức, bà Agela Merkel đã bày tỏ: “Cần phải giữ làm sao để họ không buộc mình phát điên”. Một phụ nữ từng sống ở Đông Đức đã nói với cô con gái của chị rằng: suốt trong khoảng 10 năm, chị vẫn nằm mơ từng đêm thấy mình trở về Đông Đức, sinh sống tại đó. Nhưng may mắn thay, đó chỉ là một cơn ác mộng mà thôi!   Nhân kỷ niệm 25 năm ngày bức tuờng Bá Linh sụp đổ, nhiều người Việt cũng không khỏi bùi ngùi nhớ lại biến cố 30/4/75 trên đất nước mình. Nước Đức thống nhất không mất một giọt máu, chỉ có tiếng cười và nỗi hân hoan của người dân cả hai miền. Đêm 9/11/1989 dân Đức đua nhau trèo lên bức tường đã ngăn chia tổ quốc của họ suốt 28 năm. Họ đứng, họ ngồi, họ ca hát, họ vui đùa như những đứa trẻ, thỉnh thoảng người ta nghe thấy những tiếng thét to “Wir sind ein Volk!”, “Wir sind ein Volk!” (chúng ta cùng một dân tộc!). Cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội -- cơ hội hàn gắn dân tộc sau bao nhiêu năm chiến tranh để cùng nhau nỗ lực xây dựng lại đất nước. Ở hoàn cảnh hiện nay, có lẽ nhiều người Việt cả trong lẫn ngoài nước đều ước ao giá mà tình trạng hiện nay chỉ là một cơn ác mộng. Không ai có thể ngờ. Cả những người buộc phải bỏ nước ra đi và những người miền Bắc chiến thắng, đều không thể tưởng tượng được sau cái niềm vui thống nhất ngắn ngủi phù du đó, đất nước đã phải trả những cái giá quá đắt. Biển đảo và nhiều phần đất xương thịt của tổ quốc dọc theo biên giới đã mất đi chẳng biết bao giờ mới lấy lại được. Trong khi đó đất nước ngày càng kiệt quệ, gần như phụ thuộc hẳn vào người bạn láng giềng thâm độc và nham hiểm.   Nhưng điều đáng lo sợ hơn cả là dường như sống quá lâu dưới chế độ cộng sản, nỗi sợ hãi làm con người tê dại! Người ta trở nên ích kỷ, người ta gần như thờ ơ với tất cả mọi vấn đề của đất nước, gần như vô cảm trước mọi tai ương của dân tộc. Nhìn những cố gắng, những nỗ lực hết sức của các nhà dân chủ, của những người quan tâm hiện nay, phải đau lòng mà nói họ vẫn còn là thiểu số trong một đại đa số thụ động. Có nỗi kinh sợ nào bằng khi tổ quốc đi dần đến tình trạng diệt vong như Tân Cương, Tây Tạng mà dân tộc vẫn an vui từng ngày với số phận? Hôm nay khu kinh tế Formosa, Vũng Áng, Hà Tĩnh đã bắt đầu đòi tự trị. Đến hôm nào thì những khu vực nhạy cảm, những vùng đất chiến lược để bảo vệ tổ quốc cũng sẽ xếp hàng đòi tách riêng vì khác biệt văn hóa - đa số dân cư trong vùng nói tiếng Hoa? Để giúp nhau vượt qua cơn ác mộng này, mỗi người Việt Nam phải góp mặt cho ước muốn của chính mình, góp mặt hiền hoà như dòng người Đông Đức 25 năm về trước. Đêm 9/11/1989 lính biên phòng Đông Đức đã tự động buông súng xuống để cho người dân vượt qua các cửa ngõ biên giới. Thành phố Berlin từ 9 giờ tối cho đến 2 giờ sáng đã chào đón khoảng 20.000 người vượt qua bức tường Bá Linh để tìm đến với tự do. Nước Đức đã có một đêm không ngủ, đây là một cuộc bỏ phiếu bằng chân lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Dòng người từ Đông Bá Linh như một khối nham thạch tuôn chảy, họ đi bộ thâu đêm suốt sáng, hàng hàng lớp lớp nối đuôi nhau tưởng chừng như không bao giờ dứt. Nhưng Đông Đức một ngày trước đó không hề bình yên, suýt chút nữa đã xảy ra một cuộc tắm máu. Chính quyền đã huy động hơn 8.000 binh lính gồm cả cảnh sát và mật vụ Stasi trong tư thế chuẩn bị cho một trận đàn áp. Nhưng cuối cùng, cuộc đàn áp đã không xảy ra như dự định, ước muốn mãnh liệt của người dân đã buộc chính quyền phải thay đổi. Ước muốn ấy đã xô đổ bức tường Bá Linh và làm cho quân đội Đông Đức phải buông súng. Nó cũng là nguyên nhân làm sụp đổ khối thành trì cộng sản kiên cố ở Đông Âu. Tưởng cũng nên nhắc lại bối cảnh lúc đó: sau khi Công Đoàn Đoàn Kết thắng lớn tại BaLan, Hungary là quốc gia tiếp nối từ bỏ chế độ cộng sản. Quyết định mở cửa biên giới của Hungary đã giúp hơn 30.000 người Đông Đức di cư sang Tây Đức qua ngã biên giới của quốc gia này. Để ngăn chận làn sóng di cư, chính quyền Đông Đức liền ngưng ngay việc cấp giấy phép du lịch đến Hungary. Tiệp Khắc bỗng nhiên trở thành một nước láng giềng duy nhất mà người dân Đông Đức có thể thoát ra ngoài qua ngã du lịch. Dân Đông Đức đã không từ bỏ ước muốn được vượt biên đến Tây Đức, họ tìm mọi cách để xin trú ngụ ở các cơ sở ngoại giao của các thủ đô Đông Âu khác. Đặc biệt tại Đại sứ quán Prague, đã có hàng ngàn người Đông Đức đã cắm trại trong vườn toà Đại Sứ suốt từ tháng 8 cho đến tháng 11. Khi chính quyền Đông Đức ra lịnh đóng cửa biên giới với Tiệp Khắc, cửa ngõ cuối cùng để vượt thoát ra ngoài đã bị đóng lại, lúc này người dân Đông Đức bắt đầu cuộc biểu tình của mình. Cuộc biểu tình ôn hoà tại thành phố Leipzig được tổ chức vào mỗi thứ hai, ban đầu chỉ có hơn 100 người tham dự, nhưng chỉ trong vòng một tháng con số đã lên đến gần 1 triệu người. Lực lượng cảnh sát gần như bó tay trước số lượng người biểu tình cứ tăng dần lên. Cuối cùng, chính quyền Đông Đức đã phải đầu hàng trước áp lực của công chúng, bằng cách cho phép các công dân Đông Đức được vào Tây Bá Linh và Tây Đức trực tiếp, thông qua các trạm biên giới. Một năm sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức chính thức tuyên bố thống nhất tính từ ngày 3/10/1990. Với ước muốn được sống tự do, mỗi người dân Đông Đức đã vươn bàn tay nhỏ bé của mình đồng loạt góp sức xô đổ bức tường ô nhục để xây dựng lại đất nước của họ.   Tuy thống nhất về mặt địa lý và con người, gánh nặng của một nửa quốc gia suy sụp sau gần nửa thế kỷ theo đuổi mô hình kinh tế XHCN không hề nhỏ. Khi sáp nhập vào Tây Đức, GDP của Đông Đức chỉ góp được 7% của cả nước Đức so với 93% của Tây Đức dù cho họ chiếm khoảng 1/3 dân số cả nước. Người dân Tây Đức đã phải đóng góp rất nhiều để có một nước Đức cường thịnh và phát triển như ngày hôm nay. Mỗi người dân Tây Đức, đi làm phải đóng 7% tiền lương của mình vào một quỹ gọi là “quỹ xây dựng lại Đông Đức”. Về mặt tinh thần “quỹ xây dựng lại Đông Đức” mang tính dân tộc rất cao, nó thể hiện sự đùm bọc và chữa lành những vết thương chia cắt. Mặc dù phải cưu mang thêm 18 triệu người Đông Đức, hầu hết người dân Tây Đức đều hài lòng với các chính sách của chính phủ và cùng chia sẻ niềm hãnh diện vì một nước Đức thống nhất. Không có một đất nước nào có thể đi lên dưới bóng chủ nghĩa và nhà nước mô hình Marx-Lênin. Sau 25 năm bức tường Bá Linh sụp đổ, với sự nỗ lực tái thiết và cưu mang của người dân Tây Đức, đến nay nền kinh tế của Đông Đức vẫn còn phải dựa vào Tây Đức. Nhìn như thế mới thấy mức bất hạnh lớn cỡ nào cho những quốc gia còn quằn quại trong tụt hậu dưới gót giày cộng sản. Miến Điện cũng đã từng độc tài và từng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, nhưng những cải tổ chính trị đột ngột vào năm 2011 đã mở ra một tương lai mới cho nhân dân Miến Điện. Dân tộc Việt Nam cần một bước nhảy vọt như dân tộc Miến Điện ra khỏi vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh. Hãy dám phóng tới như bước nhảy tự do của Conrad Schumann ... trước khi quá trễ. Chúng ta mong ước thiết tha cái ngày người Việt trên toàn thế giới cùng chia sẻ nỗi ấm áp và hân hoan tuyệt vời khi thành lập quỹ hỗ trợ tái thiết lại đất nước Việt Nam hậu độc tài. Bao giờ ngày đó đến, bao giờ đất nước sẽ hồi sinh?
......

Tại sao khó có thể tự hào là người Việt Nam?

Đề tài này có thể rất tế nhị. Nếu là người Việt mà nói “tôi không tự hào là người Việt” thì chắc chắn sẽ bị “ném đá” như Hồi giáo ném đá những người ngoại tình. Một cuốn sách có tựa đề là “Tôi tự hào là người Việt Nam” mới xuất bản và đã bán hết 10000 cuốn đủ để nói đề tài này làm ấm lòng rất nhiều người như thế nào. Tôi chưa đọc quyển sách đó, nhưng đọc phần nhận xét của báo chí thì thấy hình như hàm lượng tri thức không cao (1). Đọc qua bài tường thuật một hội thảo cùng chủ đề cũng chỉ thấy những phát biểu chung chung. Vậy chúng ta có lí do gì để tự hào là người Việt Nam? Tôi nghĩ thành thật mà nói, chúng ta không có nhiều lí do. Khi tôi hỏi về câu này, nhiều người có học và suy nghĩ nói thẳng rằng họ không tự hào là người Việt Nam. Ở đây, tôi thử đóng vai một “devil advocate” về đề tài này. Điều gì làm cho người ta tự hào là thành viên của một cộng đồng dân tộc? Nói đến tự hào dân tộc, có lẽ người Nhật có lòng tự hào cao nhất nhì thế giới. Năm 2008, kết quả điều tra xã hội ở Nhật cho thấy 93% người Nhật tự hào là người Nhật (2), và tỉ lệ này cao hơn Mĩ (85%). Con số này ở Nhật năm 1986 là 91%. Khi được hỏi điều gì làm cho họ tự hào là người Nhật thì 72% trả lời là yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hoá, 43% trả lời là phong cảnh thiên nhiên. Ngoài ra, 28% chọn sự ổn định xã hội và an toàn, và 28% khác chọn đặc tính dân tộc làm cho họ tự hào. Người Nhật quá tự hào đến nỗi họ không nhận trợ giúp trong cơn bão Fukushima. Riêng tôi muốn bổ sung những yếu tố trên và nghĩ đến 6 yếu tố sau đây: truyền thống và văn hoá, kinh tế, giáo dục & khoa học, xã hội ổn định, phong cảnh thiên nhiên, và trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Phải nói ngay rằng xét đến 6 yếu tố này thì chúng ta rất khó mà tự hào là người Việt. Truyền thống và văn hoá nghèo nàn & thiếu bản sắc tích cực Thật khó chỉ ra một nét văn hoá đặc thù nào mang tính Việt Nam. Hỏi một người Việt Nam bình thường chỉ ra một nét văn hoá định hình Việt Nam, chắc chắn người đó sẽ lúng túng. Điều này dễ hiểu vì chúng ta khởi đầu từ một nền văn minh nông nghiệp (lúa nước) nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi văn hoá Tàu cả ngàn năm. Hệ quả của sự ảnh hưởng đó để lại cho VN những đặc điểm mà chúng ta đều có thể nhận ra như tính vọng ngoại, chuộng bạo lực, tính vị kỉ, tính khoa trương bề ngoài và thiếu thực chất bên trong, v.v. Một nhà văn hoá xuất sắc là Đào Duy Anh từng nhận xét về người Việt Nam (trong “Việt Nam văn hoá sử cương”) như sau: “Về trí tuệ thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay ít thấy có người trí tuệ lỗi lạc phi thường; sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, thích văn chương phù hoa hơn là thực học; Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hòa hoãn bớt cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm; Sức làm việc khó nhọc, nhất là người ở miền Bắc, thì ít dân tộc bì kịp; Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn cực khổ và hay nhẫn nhục; Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng; Hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa thích hư danh; Thích chơi bời cờ bạc; Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài; Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo“. Nói tóm lại những đặc tính về người Việt trên đây chẳng làm cho chúng ta tự hào. Những nét văn hoá đó càng lộ ra khi người Việt bắt đầu hội nhập quốc tế hay định cư ở nước ngoài. Chúng ta đã từng đọc và nghe những câu chuyện người Việt ăn cắp trong các siêu thị ở Nhật, Singapore, Úc, v.v. Chúng ta cũng từng nghe biết người Việt hám ăn và phung phí ra sao. Nhiều người biện minh rằng đó chỉ là số ít và chỉ tập trung vào một nhóm người ít học. Nhưng biện minh đó không thuyết phục, khi chúng ta biết rằng những người Việt ăn cắp ở nước ngoài là những người có học, là quan chức đang làm việc trong cơ quan công quyền, thậm chí đang hành nghề giảng dạy về đạo đức sống! Chúng ta cũng biết rằng sự hám ăn của người Việt nổi tiếng đến nỗi nhà hàng Thái Lan và Nhật phải để những tấm biển viết bằng tiếng Việt cảnh cáo. Phải nhìn nhận những thực tế đó, chứ không nên trốn tránh. Ngay cả người Việt định cư ở nước ngoài cả vài chục năm vẫn giữ những bản sắc chẳng có gì đáng tự hào. Ở Úc, người Việt là một sắc dân có nhiều thanh thiếu niên ngồi tù. Cộng đồng người Việt ở Mĩ được xem là khá thành công, nhưng thực tế vẫn cho thấy đó là một cộng đồng nghèo và họ thường sống co cụm với nhau và thiếu khả năng hội nhập như cộng đồng người Nhật, Phi Luật Tân hay Hàn Quốc. Vì sống co cụm với nhau nên chúng ta dễ thấy bản sắc văn hoá của người Việt được duy trì như thế nào. Hãy đến những khu thương mại của người Việt ở Sydney, Orange county, San Jose, chúng ta dễ dàng thấy đó là những khu tấp nập buôn bán, nhưng nhìn kĩ thì sẽ thấy sự dơ bẩn, ồn ào, mất trật tự, và chen chúc chật hẹp. Nhìn kĩ hơn, chúng ta sẽ thấy hàng quán người Việt chỉ là ăn uống chứ không có những sinh hoạt mang tính văn hoá nào cả. Về chính trị, VN cũng chẳng có gì đáng tự hào. Nền tảng chính trị VN trước đây (ở miền Bắc) và sau này (cả nước) lệ thuộc vào Tàu và Liên Xô. VN vẫn theo một chủ nghĩa lỗi thời và đã hết sức sống, một chủ nghĩa mà nơi khai sinh ra nó đã khai tử nó hơn 20 năm trước đây. Người Việt chẳng phát kiến được một chủ thuyết chính trị nào, mà chỉ rập khuôn theo chủ nghĩa Mao – Stalin. Không thể nào tự hào khi mà chính quyền ra rả mỗi ngày bảo người dân phải làm gì và giảng giải rằng yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội! Người Úc tự hào vì họ có nền chính trị dân chủ, mà trong đó người dân có tự do thực hiện hoài bảo của mình, và chính phủ không lên lớp dạy bảo người dân phải làm gì hay làm ra sao. Người Mĩ tự hào vì họ có một nền dân chủ ổn định và hào hiệp giúp đỡ nhiều nước khác trên thế giới. Người Việt chúng ta khó mà tự hào như người Úc hay người Mĩ về tiêu chí chính trị. Nhiều người Việt Nam rất tự hào rằng VN đã đánh thắng các đế quốc sừng sỏ nhất như Tàu, Pháp, và Mĩ. Chiến tranh là giải pháp của người thích cơ bắp chứ đâu phải là biện pháp của người thông minh. Vả lại, chiến tranh nhân danh chủ nghĩa và đánh thuê hay đánh dùm cho kẻ khác thì càng chẳng có gì để tự hào. Nhưng để thắng Pháp, thắng Mĩ, thì hàng triệu người Việt phải hi sinh, và đất nước nghèo mạt cho đến ngày hôm nay. Đằng sau những cái vinh quang chiến thắng là biết bao sai lầm và tội ác đã bị che dấu. Người Thái Lan tự hào vì họ tránh được chiến tranh và giữ được hoà bình. Người Nhật chấp nhận đầu hàng trong cuộc chiến quân sự nhưng lại thắng trên trận chiến kinh tế, và họ tự hào điều đó. Tôi nghĩ nếu VN tránh được chiến tranh mới là điều đáng tự hào, chứ chiến tranh –- bất kể thắng hay thua –- thì chẳng có gì đáng tự hào. Làm người hùng vài phút để sau này mang tật suốt đời và rách nát thì rất khó xem đó là niềm tự hào. Thất bại về kinh tế Cho đến nay, dù chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm, VN vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. VN không có bất cứ một tập đoàn kinh tế nào làm ăn thành công; tất cả những “VINA” hoặc là đã thất bại thê thảm, hoặc đang trong tình trạng thoi thóp. Nói đến Hàn Quốc người ta nghĩ đến Samsung, Kia, Hyundai; nói đến Nhật người ta nghĩ đến Toyota, Honda, Mazda, Sony, Panasonic, Toshiba và vô số các thương hiệu khác; còn nói đến VN chúng ta không có bất cứ một thương hiệu nào trên thế giới. Đến một cây kim, vít ốc, VN vẫn chưa sản xuất đạt chất lượng. Trước 1975 ở miền Bắc cuộc Cải cách ruộng đất đã để lại nhiều “di sản” tiêu cực cho nền kinh tế nông nghiệp. Trước 1975, có thể nói kinh tế miền Bắc không đáng kể, trong khi kinh tế miền Nam phát triển khá, tuy chưa bằng Hàn Quốc nhưng cũng tương đương hay xấp xỉ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng sau 1975, với chính sách cải tạo công thương và hợp tác xã nông nghiệp đã dẫn đến tình trạng suy sụp kinh tế, sản lượng nông nghiệp suy giảm thê thảm, và đời sống người dân vô cùng khốn khó một thời gian dài. Gần đây, một loạt tập đoàn kinh tế bị sụp đỗ đã gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế nước nhà. Ngay cả hiện nay, mỗi năm có gần 50 ngàn doanh nghiệp đóng cửa. Có thể nói không ngoa rằng trong suốt 70 năm qua, kinh tế VN đi từ thất bại này đến thất bại khác. Bất cứ so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng cần phải nhắc lại yếu tố thời gian rằng nước Nhật chỉ cần 20 năm là đạt được trình độ phát triển của các nước Âu Mĩ, Hàn Quốc cũng chỉ mất 20 năm để vươn mình thành một quốc gia tiên tiến, và gần nhất là Singapore cũng chỉ mất khoảng thời gian đó đến đưa thu nhập bình quân đầu người lên con số 55182 USD. Còn ở VN, thu nhập đầu người đến nay vẫn chưa đạt con số 2000 USD. VN cơ bản vẫn là một nước nghèo. Theo World Bank, tỉ lệ nghèo ở VN tuy có cản tiến, nhưng vẫn ở mức ~21%. Ấy thế mà chính quyền VN thì tuyên bố rằng tỉ lệ nghèo chỉ 7%! Cái nghèo ở VN phải nói thật là thê thảm. Báo chí hôm qua mới đưa tin một em bé học sinh vì quá đói nên đã chết trên đường từ trường về nhà. Trước đó, một bà mẹ và 3 con đã vào rừng treo cổ tự tử vì nghèo đói. Ở miền Tây Nam bộ, một bà mẹ tự tử chết để người đi phúng điếu và lấy tiền đó nuôi con ăn học. Chưa bao giờ trong lịch sử VN có những trường hợp thương tâm như thế. Trong khi đó, có những đại gia bỏ ra hàng tỉ đồng để xây nhà cho chó mèo ở, có những người “đày tớ của nhân dân” sẵn tay vung tiền xây lâu đài, biệt thự cá nhân. Người Việt nào có thể nào tự hào khi đất nước có quá nhiều người nghèo như thế? Giáo dục và khoa học làng nhàng Những con số thống kê cho thấy người Việt Nam thiếu tính sáng tạo. Số bằng sáng chế đăng kí mỗi năm chỉ đếm đầu ngón tay và cũng chủ yếu do các công ti nước ngoài làm. Có năm VN chẳng có bằng sáng chế nào được đăng kí với nước ngoài. Số bài báo khoa học của VN trên các tập san ISI hiện nay chỉ khoảng 2000, chưa bằng số bài báo của một đại học lớn ở Singapore, Mã Lai, Thái Lan. Phần lớn (~80%) những bài báo khoa học của VN là do các nhà khoa học nước ngoài chủ trì hay giúp đỡ. Người VN thường hay tự hào rằng VN có những người thợ khéo tay. Nhưng trong thực tế thì không phải vậy. Sự tinh xảo của người Việt chúng ta rất kém. Một người Pháp tên là Henri Oger (3) từng nhận xét về người Việt vào đầu thế kỉ 20 như sau: “Thợ thủ công An Nam cũng bị nhận xét là kĩ thuật sơ sài, không được giảng dạy đầy đủ về nghề nghiệp, thiếu sáng tạo, không có những phẩm chất đã khiến cho người thợ ở châu Âu trở thành nghệ sĩ.” Làm ẩu. Kĩ thuật sơ sài. Thiếu huấn luyện. Thiếu sáng tạo. Tất cả những nhận xét đó đều đúng. Không khó khăn gì để có thể đi tìm những bằng chứng thực tế làm cơ sở cho những nhận xét đó. Gần đây khi công ti thời trang Hermes muốn làm một cái cổng cho cửa hàng ở Hà Nội mà hết 5 đợt thợ VN làm đều không đạt, và cuối cùng họ phải nhờ đến một nhóm thợ từ Pháp sang để làm. Tôi đi qua cây cầu Nhơn Hội nhìn từ xa rất hoành tráng ở Qui Nhơn, nhưng đi trên cầu mới thấy họ làm rất ẩu, thô, và có khi nguy hiểm. Ngay cả cây cầu Rạch Miễu mới rầm rộ khánh thành cũng có nhiều vấn đề kĩ thuật, và cũng rất thô. Nhìn gần những tấm hình kí giả chụp trên cầu Rạch Miễu mới thấy cách làm của ta rất … hỡi ôi. Hình như người mình không có thói quen xem xét đến chi tiết, mà chỉ làm chung chung hay làm cho có mà thôi. Nhiều công trình của Việt Nam chỉ làm hình như nhằm mục tiêu khoe là “ta làm được”, rồi dừng ở đó, chứ không đi xa hơn. Thật ra, ngay cả “ta làm được” cũng không hẳn là làm được. Điều này rất tương phản với người Tây phương, những người mà khi làm cái gì họ cũng tính toán cẩn thận, xem xét từng chi tiết nhỏ, đánh giá lợi và hại một cách khách quan, v.v., cho nên khi công trình hoàn tất nó thường có chất lượng cao và lâu bền. Việt Nam ta nổi tiếng làm gia công quần áo cho các công ti Tây phương. Quần áo họ gia công đẹp, và khi ra ngoài này, thường bán với giá rất cao. Nhưng còn hàng trong nước cũng do những công ti gia công đó làm với nhãn hiệu “chất lượng cao” thì sao? Nói ngắn gọn là chất lượng thấp thì đúng hơn. Họ cũng bắt chước may những cái cáo sơ mi hiệu Polo, Nautica, Tommy Hilfiger, v.v., nhưng nhìn kĩ thì họ bắt chước rất kém. Chỉ nhìn qua đường chỉ là thấy họ làm ẩu. Nhìn qua cách họ làm logo cũng dễ dàng thấy đây là đồ dỏm, bắt chước. Người Tàu cũng làm hàng nhái, nhưng họ nhái giỏi hơn người Việt. Hàng nhái của Tàu lợi hại đến nổi chúng ta khó nhận ra thật và giả. Còn hàng nhái của Việt Nam thì còn quá kém. Làm hàng nhái mà còn làm không xong thì chúng ta khó mà nói đến chuyện lớn được. Do đó, có thể nói rằng người Việt thiếu tính sáng tạo, không tinh xảo và không khéo tay. Chẳng có gì đáng tự hào về giáo dục và khoa học. Có người lấy những tấm huy chương Olympic ra để tự hào rằng người Việt cũng thông minh chẳng kém ai, nhưng họ quên rằng đó chỉ là những con “gà chọi” chứ không hề đại diện cho đám đông dân số VN. Lại có người thấy người Việt thành công ở nước ngoài và nhận bừa đó là minh chứng cho sự thông minh của người Việt, nhưng họ quên rằng những người đó do nước ngoài đào tạo, chứ chẳng dính dáng gì đến VN. Kiểu “thấy người sang bắt quàng làm họ” như thế và kiểu lấy những tấm huy chương đó để tự hào là một sự ấu trĩ. Xã hội bất an Sẽ không quá đáng nếu nói rằng VN ngày nay là một xã hội bất an.  Ở trên, tôi có nói người Việt chuộng bạo lực, và sự “ưa chuộng” đó thể hiện rất rõ trong thời bình. Tôi không rõ thống kê về tội phạm ở VN so với các nước khác ra sao (vì VN không công bố tỉ lệ này), nhưng vài số liệu gần đây cho thấy tình hình tội phạm càng ngày càng gia tăng. Trong thời gian 1992-1994, mỗi năm trung bình có 26344 vụ án hình sự được đưa ra xét xử ở toà; đến năm 2006-2008 thì con số này là 65761 vụ (4), một tỉ lệ tăng gần 2.5 lần! Đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm giết người. Mỗi năm số vụ tội phạm giết người là hơn 1000 vụ và đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Chưa nơi nào có những vụ giết người vô cớ như ở VN: chỉ một cái nhìn cũng có thể dẫn đến cái chết! Vẫn theo thống kê, trong các vụ án giết người, giết người do nguyên nhân xã hội chiếm 90%, phần còn lại là chiếm đoạt tài sản (10%). Một trong những tội phạm đang kinh tởm nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ em, và VN đứng khá cao trong loại tội phạm này. Số liệu thống kê từ năm 1998 đến 2006 cho thấy lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 5000 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán!  Chưa hết, tội phạm cưỡng hiếp phụ nữ ở Việt Nam cũng có hạng trên thế giới. Theo một thống kê gần đây, VN ở hạng thứ 9 về tỉ lệ tội phạm và nạn nhân bị cưỡng hiếp thấp (5). Singapore đứng đầu bảng về an toàn cho phụ nữ. Việt Nam là nước tìm kiếm “sex” trên Google nhiều nhất thế giới (6). Thử hỏi, chúng ta có thể tự hào với thứ hạng như thế? Đó là chưa kể một loại buôn bán phụ nữ khác được quảng cáo ở các nước như Tàu, Đài Loan, Singapore và Đại Hàn. Chưa bao giờ người Việt Nam chịu nhục khi con gái VN được cho đứng trong lồng kiếng như là những món hàng để người ta qua lại ngắm nghía và trả giá!  Thử hỏi, có người Việt Nam nào tự hào được khi đồng hương mình bị đem ra rao bán như thế. Xin đừng nói đó là những trường hợp cá biệt; đó là tín hiệu cho thấy một đất nước đang bị suy đồi về đạo đức xã hội. Ở VN, bước ra đường là chấp nhận rủi ro tai nạn, thậm chí chết vì sự hỗn loạn của hệ thống giao thông. Thật vậy, tai nạn giao thông ở VN đã và đang trở thành nỗi kinh hoàng của không chỉ người dân địa phương mà còn ở du khách. Năm 2013 cả nước xảy ra 31,266 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9805 người và bị thương 32,266 người (7). Con số này tăng hàng năm. Số tử vong vì tai nạn giao thông thậm chí còn cao hơn số tử vong trong thời chiến! Phong cảnh thiên nhiên và môi trường xuống cấp trầm trọng Một trong những yếu tố làm cho người Nhật tự hào và người Úc cảm thấy may mắn là đất nước của họ có môi trường sạch sẽ và cảnh quang thiên nhiên xinh đẹp. Còn Việt Nam, khách quan mà nói không có những cảnh quang thiên nhiên hùng vĩ như Mĩ hay Úc, không có một môi trường xanh tươi và vệ sinh như Nhật. Ngoài ra, điều kiện khí hậu nhiệt đới rất khắc nghiệt, làm cho con người dễ bị uể oải và ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Việt Nam là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới. Với sức ép của sự tăng trưởng dân số, môi sinh đang bị đe doạ nghiêm trọng. Nếu chỉ tính những con sông dài hơn 10 km, VN có gần 2400 con sống, và đó là một tài sản quốc gia, một nguồn tài nguyên rất lớn. Nhưng hiện nay, phần lớn những con sông đó đang chết. Hầu hết những con sông chảy qua thành thị đều bị ô nhiễm nặng nề. Còn những con sông nhỏ ở vùng quê đang trở thành những thùng rác khổng lồ. Tất cả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và sinh hoạt của người dân. Việt Nam cũng không có những đền đài lịch sử hoành tráng hay tinh tế như China, Ấn Độ, Nhật Bản, Kampuchea. Nhiều đền đài, chùa chiềng, bia miếu ở ngoài Bắc đã bị tiêu huỷ trong thời “Cải cách ruộng đất”, và sau này là chiến tranh. Ngay cả những đền đài còn “sống sót” cũng không được trùng tu và bảo trì nên càng ngày càng xuống cấp thê thảm. Người Kampuchea qua bao năm chiến tranh vẫn còn đền Angkor Thom, Angkor Wat để lấy đó làm niềm tự hào. Nhưng Việt Nam nói chung không có những công trình kiến trúc tinh tế và càng không có công trình hoành tráng để người dân có thể lấy đó làm tự hào. Bủn xỉn với cộng đồng thế quốc tế Một nhóm nghiên cứu ở Âu châu gần đây công bố bảng xếp hạng gọi là “Good Country Index” (GCI) đã cho thấy VN đội sổ trong số các nước tử tế trên thế giới. Bảng xếp hạng này cho thấy VN đứng hạng 103 (trong số 124 nước) về đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới. Còn về đóng góp vào các quĩ từ thiện và cung cấp nơi nương tựa cho người tị nạn thì VN đứng hạng 123, tức áp chót! VN không tham gia kí vào các công ước của Liên Hiệp Quốc; tuy nhiên kiểm soát được sự tăng trưởng của dân số. Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125). Điều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục là thứ hạng tử tế của VN chỉ đứng chung bảng với mấy nước “đầu trâu mặt ngựa” như Lybia, Iraq, Zimbabwe, Yemen (8). Làm sao người Việt Nam có thể tự hào khi đứng chung với những nước đó? Sự bủn xỉn của VN thể hiện rõ nhất qua đóng góp vào quĩ dành cho nạn nhân sóng thần ở Nhật vào năm 2011. Trong đợt đó, VN đóng góp 200,000 USD. Chỉ hai trăm ngàn USD! Chúng ta có thể lí giải rằng VN còn nghèo nên đóng góp như thế là hợp lí. Nhưng lí giải đó có lẽ không thuyết phục. Thái Lan đã giúp nạn nhân sóng thần Nhật 65 triệu USD và 15 ngàn tấn gạo (9). So với tỉ trọng GDP, đóng góp của Thái Lan hơn VN 100 lần. Chúng ta có thể nào tự hào với mức độ đóng góp chỉ có thể mô tả bằng hai chữ “bủn xỉn” đó? Nói tóm lại, đánh giá trên 6 tiêu chí (truyền thống và văn hoá, kinh tế, khoa học-giáo dục, xã hội, phong cảnh thiên nhiên, và sống tử tế với cộng đồng thế giới), VN đều không có gì để lấy làm tự hào. Truyền thống không có gì nổi bậc, văn hoá không có nét gì nổi trội và đáng chú ý, kinh tế thất bại và người dân sống trong nghèo nàn và lạc hậu, không có thành tích gì đáng kể trong khoa học và công nghệ, xã hội bất an, môi trường bị xuống cấp trầm trọng, và cư xử không đẹp với cộng đồng quốc tế. Ngược lại, VN đã và đang là một gánh nặng cho thế giới. Sau 1975, hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi và các nước phương Tây đã cung cấp nơi định cư (nhưng VN thì chẳng nhận người tị nạn từ Duy Ngô Nhĩ). VN cũng là nước chuyên xin xỏ: suốt năm này sang năm khác, quan chức VN ngửa tay xin viện trợ từ rất nhiều nước trên thế giới. Xin nhiều đến nỗi có quan chức nước ngoài phàn nàn nói “Sao chúng mày nói là chúng mày rất thông minh và cần cù mà cứ đi xin hoài vậy. Dân xứ tao phải làm lụng vất vã mới có tiền cho chúng mày”. Thật là nhục. Xin người ta thì nhiều mà khi người ta gặp  nạn thì VN chẳng đóng góp bao nhiêu. Nếu không xin thì cũng đi vay. VN bây giờ là một con nợ quốc tế. Nợ ngân hàng thế giới, nợ ngân hàng ADP, nợ đủ thứ ngân hàng và nợ đủ các nước. Chính phủ thì nói nợ công của VN là 54% (10), nhưng các chuyên gia độc lập thì nói con số cao hơn nhiều và ở mức báo động đỏ (tức là sắp vỡ nợ?) (11). Con số có lẽ quá lớn để cảm nhận, các nhà kinh tế học ước tính dùm cho chúng ta: mỗi một đứa trẻ mới ra đời ở VN hiện nay phải gánh một món nợ công 1000 USD. Có người biện minh rằng nợ như thế vẫn kém Mĩ, nước được xem là mắc nợ nhiều. Nhưng xin thưa rằng người giàu sản xuất ra máy bay (như Mĩ) mắc nợ rất khác với người nghèo không làm nổi cây kim và con ốc (như VN) mắc nợ. Đã ăn xin và đi vay mà lại còn tham nhũng và hối lộ. Tham nhũng đã đến mức độ mà những người đứng đầu đảng và Nhà nước xem là “quốc nạn”, là đe doạ đến sự tồn vong của chế độ. Tham nhũng hiện diện ở mọi cấp trong chính quyền. Hầu như đụng đến các cơ quan công quyền, không hối lộ là không làm được việc. Ngay cả quan chức cao cấp (bộ trưởng, thứ trưởng) khi cần làm việc nhà vẫn phải hối lộ. Bổ nhiệm vào các vị trí trong trường học, bệnh viện, cơ quan Nhà nước, v.v. tất cả đều phải hối lộ, phải “chạy”. Nói trắng ra là mua chức quyền. Hối lộ trở thành một văn hoá sống và làm việc ở VN. Tham nhũng đã trở thành một nguồn sống của quan chức và những kẻ có quyền. Không ngạc nhiên khi VN bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng tham nhũng hàng 116 trên 177 nước trên thế giới (12). Còn trong quan hệ quốc tế thì nhiều quan chức nước ngoài nhận xét rằng các quan chức VN nói một đường làm một nẻo và có tính lươn lẹo. Điển hình gần đây nhất là vụ đặc phái viên Liên hiệp quốc về tôn giáo đã nói thẳng VN thiếu thành thật. Do đó, không ngạc nhiên khi người VN cầm hộ chiếu VN ra nước ngoài không được chào đón thân thiện như người Nhật, Singapore, Hàn, Thái, Mã Lai, v.v. Một bản tin mới đây cho biết VN đứng hạng 81 về hộ chiếu được chấp nhận trên thế giới, tức miễn visa (13), và thứ hạng này còn thấp hơn cả Lào (80) và Campuchea (79). Tất cả những yếu tố đó cho thấy VN đang ở thế bất lợi trên trường quốc tế và không được cộng đồng quốc tế kính trọng. Nhìn chung, Việt Nam như là một ông già nông dân nghèo khó nhưng thích trang hoàng bề ngoài, đầy sỉ diện nên thích làm anh hùng rơm, thiếu tính sáng tạo và tinh xảo nhưng lại hay khoa trương, và cư xử bủn xỉn hay quen nói láo với hàng xóm. Nếu phải tự hào là người Việt thì có lẽ đó là chuyện của tương lai. Theo FB Nguyễn Văn Tuấn
......

Nội tình cuộc gặp lãnh đạo Trung – Việt tại Thành Đô

Bài sau đây có nguồn gốc từ một trang mạng bán chính thức của Trung Quốc và mang giọng điệu gián tiếp đe dọa sẽ bật mí tất cả trong thời gian tới. Điều này cho thấy nếu Hà Nội không sớm công bố các ký kết bí mật tại Hội Nghị Thành Đô thì Bắc Kinh sẽ ra tay trước và theo hướng có lợi cho họ. Không những thế, Bắc Kinh còn có thể thêm bớt vào các ký kết để thủ lợi tối đa vì không ai ngoài các thủ lãnh CSVN và CSTQ biết bản nào thật, bản nào giả. (BBT-TTĐQ). *****************   Tháng 11 năm 1991, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức thăm Trung Quốc, lãnh đạo hai nước ra Thông cáo chung, tuyên bố thực hiện bình thường hóa mối quan hệ Trung –Việt, từ đó kết thúc trạng thái đối lập trong mối quan hệ giữa hai nước kéo dài tới 13 năm. Cần nói rằng để đạt được mục tiêu ấy, cả hai bên đều đã có những cố gắng lớn, trong đó cuộc gặp Thành Đô tháng 9-1990 giữa người lãnh đạo hai nước có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Nó đánh dấu điểm ngoặt trong mối quan hệ Trung-Việt, không những san bằng con đường bình thường hóa mối quan hệ này mà còn có ảnh hưởng sâu sắc lâu dài tới sự tiếp tục phát triển mối quan hệ hai nước.   Thay đổi chính quyền, quan hệ Trung -Việt xuất hiện tia sáng ban mai   Năm 1975 sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam kết thúc, những người lãnh đạo Việt Nam hồi đó đã không kịp thời hàn gắn các vết thương do chiến tranh mang lại, mà triệt để xa rời đường lối Hồ Chí Minh, đối nội cưỡng chế thi hành cải tạo XHCN quá “tả”, đối ngoại dựa vào sự ủng hộ của Liên Xô, ra sức đẩy mạnh chủ nghĩa bá quyền khu vực, điên cuồng chắp nối lắp ghép “Liên bang Đông Dương”. Dưới sự dẫn dắt của đường lối sai lầm đó, Việt Nam một mặt công khai chống Trung Quốc, một mặt ra sức khống chế Lào, thậm chí phát động xâm lược vũ trang Campuchia. Những việc làm của họ đã đưa nền kinh tế Việt Nam tiến gần tới miệng hố sụp đổ, hoàn cảnh quốc tế bị cô lập chưa từng thấy.   Tháng 7-1986, Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Duẩn ốm chết. Tháng 12 cùng năm, tại Đại hội VI ĐCSVN, Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Đảng. Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ những năm 60, Nguyễn Văn Linh là thành viên ban lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam ĐCSVN, từng nhiều lần bí mật thăm Trung Quốc, có thái độ thành khẩn hữu hảo đối với Trung Quốc, rất được Mao Chủ tịch và Thủ tướng Chu Ân Lai đánh giá cao, cho rằng ông là người lãnh đạo kế tục rất có hy vọng của Việt Nam. Nhưng sau khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc, Nguyễn Văn Linh không tán thành chính sách đối nội đối ngoại sai lầm của người lãnh đạo đương thời, vì thế ông từng mấy lần bị gạt bỏ. Sau khi lên làm Tổng Bí thư ĐCSVN, Nguyễn Văn Linh khẩn trương uốn nắn toàn bộ cách làm sai lầm của người tiền nhiệm, đề xuất khẩu hiệu Việt Nam cần phải “làm bạn với tất cả các nước”. Ông cho rằng lúc đó Việt Nam có hai nhiệm vụ khẩn thiết nhất là rút quân khỏi Campuchia và cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Thế nhưng Bộ Ngoại giao do Nguyễn Cơ Thạch, – một thân tín của Tổng Bí thư tiền nhiệm, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nắm giữ – vẫn tiếp tục hành sự theo tư duy của Lê Duẩn, tìm đủ mọi cách can nhiễu và ngăn cản sự bố trí chiến lược của Nguyễn Văn Linh. Là người lãnh đạo mới lên nắm quyền, Nguyễn Văn Linh chưa có cơ sở vững chắc trong tầng lớp quyết sách ở trung ương; một số ý tưởng của ông cũng chưa được nhiều người lãnh đạo hiểu biết và ủng hộ. Trong tình hình đó, làm thế nào mới có thể thực hiện được mục tiêu nói trên là một vấn đề hóc búa và đau đầu nhưng lại tất phải giải quyết. Cay-xỏn Phôm-vi-hản thăm Trung Quốc ba lần xin gặp Đặng Tiểu Bình thổ lộ điều bí mật Tháng 10-1989, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản thăm Trung Quốc. Hồi ấy tôi là Trưởng phòng Đông Dương, Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao có tham gia công tác tiếp đón. Theo kế hoạch đón tiếp được Trung ương duyệt thì Thủ tướng Lý Bằng sẽ chủ trị hội đàm, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân hội kiến và mở tiệc chiêu đãi loại thường (nguyên văn tiện yến). Nhưng phía Lào tha thiết mong muốn đồng chí Đặng Tiểu Bình có thể hội kiến Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Phía Trung Quốc tỏ ý Đặng Tiểu Bình tuổi đã cao, không thể gặp bất cứ khách nước ngoài nào, xin thông cảm. Dù vậy, Cay-xỏn Phôm-vi-hản vẫn kiên trì yêu cầu gặp Đặng Tiểu Bình, tôi nhớ là họ trước sau ba lần đề ra vấn đề này. Trong tình hình đó, qua nhiều lần nghiên cứu, bàn bạc, cuối cùng thỏa thuận mời Đặng Tiểu Bình gặp ngắn gọn có tính nghi lễ. Vì vậy Bộ Ngoại giao cũng không chuẩn bị đề cương chi tiết các điểm chính để tham khảo khi trò chuyện.   Không ngờ hai vị lãnh đạo nói chuyện lâu tới 40 phút, hơn nữa đều nói về những vấn đề có tính thực chất rất quan trọng. Cay-xỏn Phôm-vi-hản thành khẩn thừa nhận trong 10 năm qua mối quan hệ Lào với Trung Quốc ở vào trạng thái không bình thường là do chịu “ảnh hưởng từ bên ngoài”, chuyến thăm Trung Quốc lần này sẽ đánh dấu việc hoàn toàn bình thường hóa quan hệ hai nước. Đồng thời Cay-xỏn Phôm-vi-hản còn chuyển lời hỏi thăm thân thiết của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh tới Đặng Tiểu Bình, nói Việt Nam đã có nhận thức mới đối với tình hình Trung Quốc, thái độ đối với Trung Quốc cũng có thay đổi, còn nói Nguyễn Văn Linh hy vọng Trung Quốc có thể mời ông thăm Trung Quốc.   Đặng Tiểu Bình cũng mời Cay-xỏn Phôm-vi-hản chuyển hộ lời hỏi thăm Nguyễn Văn Linh và nói: Tôi quen đồng chí Nguyễn Văn Linh từ lâu, tôi biết đồng chí ấy tư duy linh hoạt, rất có lý trí, công tác rất đắc lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đồng chí ấy. Tôi mong muốn đồng chí Nguyễn Văn Linh quả quyết giải quyết dứt điểm vấn đề Campuchia. Hiện nay tôi đã già, sắp nghỉ hưu, tôi hy vọng trước khi nghỉ hưu hoặc không lâu sau khi tôi nghỉ hưu, vấn đề Campuchia sẽ có thể được giải quyết, mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam  khôi phục bình thường, như vậy một nỗi băn khoăn (nguyên văn tâm sự) của tôi sẽ được dẹp bỏ. Đặng Tiểu Bình đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam phải rút sạch sành sanh quân đội ra khỏi Campuchia. Ông nhờ Cay-xỏn Phôm-vi-hản chuyển những ý kiến đó tới Nguyễn Văn Linh. Ngoài ra Đặng Tiểu Bình còn nói một câu ý vị sâu sắc : “Nguyễn Cơ Thạch, cái người này thích hoạt động lén lút.” Lúc ấy tôi làm công tác ghi chép tại chỗ, cảm thấy câu này dường như buột miệng nói ra, nhưng trọng lượng rất nặng. Theo tôi hiểu, câu nói ấy muốn bảo Nguyễn Văn Linh rằng Trung Quốc đã mất niềm tin với Nguyễn Cơ Thạch, cho dù là giải quyết vấn đề Campuchia hay thực hiện bình thường hóa mối quan hệ Trung – Việt đều không thể hy vọng và dựa vào Nguyễn Cơ Thạch. Nguyễn Văn Linh tiếp Đại sứ Trung Quốc để tỏ ý hữu hảo Cay-xỏn Phôm-vi-hản trên đường về nước có dừng lại ngắn ngày ở Việt Nam, ông đã kịp thời và toàn diện chuyển tới Nguyễn Văn Linh lời nhắn của Đặng Tiểu Bình. Nghe xong, Nguyễn Văn Linh rất coi trọng, càng có hiểu biết thiết thân về “hoạt động lén lút” của Nguyễn Cơ Thạch. Ông hiểu rằng muốn cải thiện quan hệ Việt –Trung trước hết phải giải quyết vấn đề Campuchia, mà giải quyết vấn đề Campuchia như thế nào thì phải bàn với Trung Quốc. Ông còn ý thức được rằng Đặng Tiểu Bình tuy đã gửi lời nhắn nhưng lại không đưa ra lời mời mình thăm Trung Quốc. Trong tình hình đó làm cách nào để thực hiện thăm Trung Quốc là vấn đề ông cần gấp rút giải quyết. Ngày 5-6-1990, qua sự nỗ lực của nhiều bên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã hội kiến Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam Trương Đức Duy tại Nhà khách Trung ương ĐCSVN. Trước tiên Nguyễn Văn Linh nhờ Đại sứ Trương chuyển lời hỏi thăm của ông tới các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Lý Bằng. Nguyễn Văn Linh nói, trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, ông từng nhiều lần đi Trung Quốc, đã gặp Mao Chủ tịch, Thủ tướng Chu Ân Lai, các đồng chí Đặng Tiểu Bình v.v… Mao Chủ tịch, Thủ tướng Chu Ân Lai, đồng chí Đặng Tiểu Bình là người cùng thế hệ với Hồ Chủ tịch; Nguyễn Văn Linh là học trò của họ. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến cũng như trong nhà tù của kẻ địch, ông luôn luôn học tập và nghiên cứu các trước tác của Mao Chủ tịch bàn về cách mạng dân tộc dân chủ, được lợi không ít. Trong thời kỳ Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ, Trung Quốc đã viện trợ to lớn cho Việt Nam về mọi mặt, cả đến gạo, bánh quy nén, dưa chua, đều do Trung Quốc giúp. Hơn nữa Trung Quốc cũng giúp Việt Nam rất nhiều về chiến lược và tư tưởng chỉ đạo, thí dụ Việt Nam làm chiến tranh nhân dân là học tư tưởng chiến tranh nhân dân của Mao Chủ tịch rồi vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Có thể nói nếu không có sự viện trợ của Trung Quốc thì Việt Nam không thể đánh bại đế quốc Mỹ. Nguyễn Văn Linh nói, sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, toàn quốc thống nhất, Việt Nam lẽ ra nên tập trung lực lượng xây dựng kinh tế, nhưng đã xuất hiện tình hình khó khăn và phức tạp không ngờ tới, mười mấy năm nay Việt Nam càng gian khổ hơn thời kỳ chống Mỹ, đời sống ngày càng khó khăn, đặc biệt là mối quan hệ Việt –Trung xuất hiện khó khăn. Ông nói rằng Việt Nam đã làm một số việc không tốt với Trung Quốc. Ông luôn chủ trương làm sai thì phải sửa. Mong các đồng chí Trung Quốc thông cảm và bỏ qua những chuyện về mặt này, chuyện đã qua rồi thì để nó qua đi thôi. Việc quan trọng hơn trước mắt là làm tốt mối quan hệ giữa hai nước hiện nay và sau này. Nguyễn Văn Linh nói tình hình quốc tế đang thay đổi mạnh, tình thế ở Đông Âu diễn biến rất phức tạp, tình thế Liên Xô cũng rất nghiêm trọng. Bọn đế quốc dốc sức can thiệp, ra sức làm diễn biến hòa bình, mơ tưởng một lần tiêu diệt chủ nghĩa xã hội. Trước kia mọi người nói Liên Xô là thành trì của hòa bình thế giới, nhưng hiện nay thành trì này đang lung lay. Trung Quốc là một nước lớn, Đảng Trung Quốc là một đảng lớn, lại kiên định đi con đường XHCN. Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc có địa vị và tác dụng đặc biệt quan trọng. Chúng tôi cần Trung Quốc giơ ngọn cờ XHCN. Hai nước Việt Nam – Trung Quốc là láng giềng XHCN. Việt Nam là nước nhỏ, Đảng Việt Nam là đảng nhỏ, rất cần có sự ủng hộ và giúp đỡ của một nước lớn, đảng lớn như Trung Quốc. Nguyễn Văn Linh nói đây là lời thực lòng của ông. Nguyễn Văn Linh nói, vấn đề Campuchia dù thế nào cũng phải giải quyết một cách hòa bình, Campuchia trong tương lai không nên thân phương Tây, cũng không được để phương Tây và Liên Hợp Quốc can thiệp quá sâu. Bởi vậy hai phía Việt Nam – Trung Quốc có thể hợp tác với nhau, từ bên trong thúc đẩy Pol Pot, Ieng Sary hòa giải với Heng Samrin, Hun Sen, đối ngoại vẫn có thể theo con đường thương lượng giữa các bên hiện nay. Ý tưởng gạt bỏ Khmer Đỏ là không thực tế. Nguyễn Văn Linh tỏ ý ông rất muốn gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc cao nhất để trao đổi ý kiến một cách thấu triệt, như anh em với nhau, có thể không câu nệ nghi lễ ngoại giao. Ông nói, kinh nghiệm lịch sử cho thấy người lãnh đạo cao nhất hai nước trực tiếp nói chuyện với nhau thì dễ hiểu biết thông cảm lẫn nhau và đạt được nhất trí, cũng có thể giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng. Nguyễn Văn Linh còn nói, ông đã nhiều tuổi, muốn trước khi nghỉ hưu có thể bàn bạc cùng với người lãnh đạo Trung Quốc giải quyết xong dứt điểm vấn đề Campuchia và khôi phục quan hệ Việt –Trung.   Khi hội kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng có mặt, nhưng nội dung nói chuyện hoàn toàn khác với luận điệu cũ rích chống Trung Quốc của Nguyễn Cơ Thạch. [Tôi] đoán rằng việc bố trí Nguyễn Cơ Thạch dự hội kiến rất có thể có dụng ý là để ông ta mặt đối mặt nghe xem rốt cuộc Tổng Bí thư nói gì, cũng có thể lúc ấy [Tổng Bí thư] còn có chút hy vọng với ông ta, dành cho ông ta cơ hội thay đổi cách làm việc. Dĩ nhiên cũng chính là do Nguyễn Cơ Thạch có mặt nên Nguyễn Văn Linh chưa nói sâu sắc, thấu triệt hơn.   Sau khi kết thúc cuộc hội kiến, Đại sứ Trương lập tức báo cáo cho bên nhà biết chi tiết nội dung cuộc nói chuyện của Nguyễn Văn Linh và thỉnh thị trong nước có chỉ thị gì. Bên nhà nghiên cứu kỹ rồi nhanh chóng trả lời rằng hãy cứ yêu cầu Việt Nam rút nhanh quân đội ra khỏi Campuchia và giải quyết ổn thỏa vấn đề liên hợp hai bên đối lập ở Campuchia sau khi rút quân, tức chính quyền Phnom Penh với ba phái lực lượng chống đối, sau đó sẽ từng bước thu xếp suôn sẻ cuộc gặp cấp cao giữa nhà lãnh đạo hai nước. Trong tình hình đó, làm cách nào để phá vỡ thế bí, thực hiện cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc là vấn đề đòi hỏi Nguyễn Văn Linh suy nghĩ rất lung. Một nhân vật bí ẩn xuất hiện ở Sứ quán cho xem mật thư Sáng ngày 16-8-1990, một cán bộ họ Hoàng của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đến trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc. Ông nói với nhân viên tiếp đón của Sứ quán là có việc cần gặp Đại sứ Trương. Đại sứ đã tiếp ông này tại phòng khách Sứ quán. Vì Đại sứ Trương thạo tiếng Việt nên hai người nói chuyện không cần phiên dịch. Hoàng nói nhà ông ở gần nhà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tối ngày 13/8 Tổng Bí thư cho xe đón ông đến nhà nói chuyện một giờ đồng hồ. Tổng Bí thư nói ông vốn dĩ muốn một lần nữa hẹn gặp Đại sứ Trương nhưng Bộ Ngoại giao ngăn cản, nói là không cần thiết. Vì vậy Tổng Bí thư nhờ Hoàng nhắn miệng tới Đại sứ Trương.   Nói đoạn, Hoàng lấy từ túi áo ra một mảnh giấy viết thư gập lại rất nhỏ và giải thích đây là những điều ông ghi lại lời của Tổng Bí thư, đã được Tổng Bí thư soát lại không có gì sai. Trong đó có đoạn nói : “Tháng 10 năm ngoái, đồng chí Cay-xỏn chuyển tới tôi lời hỏi thăm của đồng chí Đặng Tiểu Bình và lời nhắn miệng nói đồng chí hy vọng trong những năm còn sống được thấy quan hệ Trung Quốc – Việt Nam bình thường hóa, tôi rất hoan nghênh những điều đó. Cũng vậy, tôi tha thiết mong muốn trong nhiệm kỳ tôi chủ trì Trung ương ĐCSVN khóa VI có thể khôi phục quan hệ Việt Nam – Trung Quốc để từ Đại hội VII sắp họp sẽ bắt đầu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước. Làm được việc này tôi mới xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân Việt Nam và đảng viên ĐCSVN dành cho tôi.” “Sở dĩ vấn đề Campuchia – trở ngại ấy cãi nhau mãi chưa thể giải quyết là do Nguyễn Cơ Thạch luôn luôn làm chệch hướng việc này. Tôi cho rằng hiện nay người lãnh đạo hai nước cần phải bàn bạc trực tiếp và đi sâu, nhằm thanh toán hết mọi hiểu lầm và loại bỏ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tôi tin rằng những người cộng sản chân chính của hai nước đều xuất phát từ hy vọng tha thiết bảo vệ CNXH và khôi phục tình hữu nghị trong sáng chân thành giữa hai nước để tiến hành gặp gỡ, vấn đề Campuchia nhất định có thể nhanh chóng được giải quyết. Nếu các đồng chí Trung Quốc cũng có quan điểm như vậy thì đề nghị gửi lời mời nội bộ, tôi sẽ lập tức bí mật đi Trung Quốc.” “Để việc thảo luận tiến hành được chắc chắn tin cậy, để sau khi về nước tôi có thể thuyết phục có hiệu quả tập thể Ban Chấp hành trung ương và Bộ Chính trị ĐCSVN, tốt nhất nên có hai đồng chí Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng cùng tôi đi Trung Quốc.” “Điểm xuất phát tôi yêu cầu đi thăm Trung Quốc nội bộ là để đích thân thâm nhập nghe ý kiến của các đồng chí Giang Trạch Dân, Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, cũng là để các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đích thân thâm nhập hiểu rõ cá nhân tôi. Hai bên cùng nhau thành khẩn tìm ra phương án giải quyết tốt nhất một loạt vấn đề, trước hết là vấn đề Campuchia. Trước mắt tôi có khó khăn nhất định nhưng tôi có niềm tin.” “Nếu được các đồng chí Trung Quốc ủng hộ và giúp đỡ, tôi sẽ đi theo đường lối của Hồ Chủ tịch, thuận lợi tiến chắc tới mục tiêu trên phương diện xây dựng tình hữu nghị Việt-Trung tốt đẹp, bảo vệ CNXH và lợi ích cách mạng chung.”   Đỗ Mười mà Nguyễn Văn Linh nhắc tới là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Việt Nam, Phạm Văn Đồng là cựu Thủ tướng Việt Nam, bấy giờ làm Cố vấn Trung ương Đảng. Hoàng giải thích, ông hiểu ý của Tổng Bí thư là: do Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngấm ngầm gây bế tắc, tiến trình Việt Nam – Trung Quốc giải quyết vấn đề Campuchia và khôi phục quan hệ hai nước bị cản trở, bởi thế Tổng Bí thư muốn đi vòng qua Nguyễn Cơ Thạch và Bộ Ngoại giao do ông ấy nắm, lãnh đạo cao nhất hai nước trực tiếp gặp nhau, sau khi bàn bạc quyết định vấn đề rồi có thể ra lệnh cho Bộ Ngoại giao quán triệt chấp hành. Tiễn đưa Hoàng xong, việc đầu tiên Đại sứ Trương vội làm là lập tức báo cáo trong nước biết các ý kiến Nguyễn Văn Linh nhờ Hoàng chuyển giúp. Nhưng đồng thời [Đại sứ] cần xem xét một vấn đề là Đại Sứ quán có nên đề xuất với trong nước quan điểm và kiến nghị của mình hay không. Chỗ khó là bên nhà vừa mới trả lời rõ ràng yêu cầu đi thăm nội bộ Trung Quốc do Nguyễn Văn Linh đề ra hôm mồng 5 tháng 6, tức đòi phía Việt Nam trước tiên phải giải quyết vấn đề rút quân khỏi Campuchia và xúc tiến việc thành lập sự liên hợp hai bên đối lập ở Campuchia, rồi mới thu xếp cuộc gặp người lãnh đạo hai nước. Trong tình hình này, nếu lặp lại ý kiến của bên nhà thì coi như không nêu ra kiến nghị nữa; nhưng nếu đưa ra kiến nghị khác với ý kiến bên nhà thì liệu có bị hiểu nhầm là chủ trương ngược lại với trong nước chăng? Vì việc đó, chiều hôm ấy khi vừa bắt đầu giờ làm việc, Đại sứ Trương gọi tôi và hai Bí thư thứ nhất cùng bàn bạc. Qua thảo luận, Đại sứ Trương và chúng tôi nhất trí cho rằng chức trách của Đại Sứ quán là đứng gác cho trong nước, làm tốt nhiệm vụ tham mưu. Phúc đáp lần trước của trong nước rõ ràng là đúng, nhưng hiện giờ xuất hiện tình hình mới, Nguyễn Văn Linh quyết kế đi vòng qua Nguyễn Cơ Thạch để tiến hành bàn bạc chân thành có tính thực chất với người lãnh đạo nước ta; vì vậy Đại Sứ quán nên căn cứ tình hình mới, mạnh dạn nêu ra kiến nghị mới. Thế là Sứ quán trịnh trọng kiến nghị bên nhà tích cực xem xét việc Nguyễn Văn Linh một lần nữa nêu yêu cầu thăm Trung Quốc nội bộ. Đại sứ Trương thi hành diệu kế đến thăm Bộ Quốc phòng Đêm 19 tháng 8, Sứ quán nhận được trả lời của trong nước. Bên nhà chỉ thị Đại sứ Trương tìm cách tránh Bộ Ngoại giao Việt Nam, gặp người tin cậy ở bên cạnh Nguyễn Văn Linh đề xuất Đại sứ muốn sớm gặp riêng Tổng Bí thư để trực diện tìm hiểu ý đồ thật sự của Tổng Bí thư; có kết quả gì lập tức báo cáo trong nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, đối với Đại sứ, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và vượt trên tất cả mọi nhiệm vụ khác, nhưng chẳng nói cũng rõ mức độ khó khăn của công việc này. 8 giờ sáng ngày 20, Đại sứ Trương triệu tập cuộc họp mở rộng Đảng ủy Sứ quán nghiên cứu cách thực hiện chỉ thị của trong nước, nhưng chẳng ai đề ra được kế sách hay nào. Mọi người đều rõ, trong suốt những năm 80, Việt Nam luôn luôn coi Trung Quốc là “kẻ địch trực tiếp nhất, nguy hiểm nhất”, các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh truyền hình đều phát đi những nội dung chống Trung Quốc; trong các buổi chiêu đãi và mọi nghi thức ngoại giao, bất cứ quan chức Việt Nam nào cũng không dám nói chuyện với quan chức ngoại giao Trung Quốc. Trong tình hình như vậy, chưa nói việc chẳng có cách nào tìm gặp được người tin cậy ở bên Nguyễn Văn Linh mà ngay cả chuyện ai là người tin cậy ở bên Tổng Bí thư, cũng không ai biết. Trong tình hình tìm không ra manh mối nào, mọi người không hẹn mà cùng nhớ tới một chuyện. Đó là ngày 6 tháng 6, tức sau hôm Nguyễn Văn Linh gặp Đại sứ Trương, Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam có gặp riêng và mời cơm Đại sứ Trương. Ngoài việc giải thích thêm tinh thần câu chuyện Nguyễn Văn Linh nói hôm mồng 5 ra, Lê Đức Anh còn nói không ít những lời hữu nghị với Trung Quốc. Thế là Đại sứ Trương quyết định thử dùng kênh thông qua Bộ Quốc phòng và Lê Đức Anh xem sao; ông chỉ thị Tùy viên quân sự Sứ quán là Thượng tá Triệu Nhuệ lập tức hành động.   Quả nhiên Đại tướng Lê Đức Anh rất vui lòng gặp Đại sứ Trương. Tám giờ sáng ngày 21, Đại sứ Trương đi một chiếc xe con không cắm quốc kỳ đến Bộ Quốc phòng Việt Nam. Lê Đức Anh thân mật bắt tay, ôm vai Đại sứ Trương và nói Đại sứ muốn gặp ông lúc nào ông đều hoan nghênh cả. Đại sứ Trương đi thẳng ngay vào vấn đề, tóm tắt kể lại một lượt việc hôm trước Hoàng Nhật Tân chuyển tới Đại sứ những lời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ngỏ ý bản thân Đại sứ rất muốn trực diện nghe ý kiến của Tổng Bí thư, hy vọng Lê Đức Anh liên hệ giúp. Lê tỏ ý sẽ lập tức làm ngay việc này. Chiều hôm ấy Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam Vũ Xuân Vinh khẩn cấp hẹn gặp Tùy viên quân sự Sứ quán Trung Quốc Triệu Nhuệ và báo cho biết: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ hội kiến Đại sứ Trương vào 7 giờ 30 tối ngày 22 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, hai bên đều không mang theo phiên dịch viên, kiến nghị Đại sứ Trương đi xe khác, không cắm quốc kỳ. Vũ còn nói việc này chỉ có ông và Trưởng phòng Vũ Tần của Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam biết, những người khác đều không biết. Sau khi về Sứ quán, Tùy viên Triệu lập tức báo cáo Đại sứ Trương. Có những sự việc không hẹn mà gặp nhau. Vợ chồng Đại sứ Trương vốn dĩ đã ấn định 6 giờ 30 tối ngày 22 mời cơm vợ chồng Đại sứ Malaysia, trước đó đã gửi thiếp mời. Để không thất lễ mà lại có thể bảo đảm đúng giờ đi gặp Nguyễn Văn Linh, Đại sứ quyết định giả vờ ốm, để tôi và phu nhân Đại sứ tiếp khách dùng cơm. Tối hôm ấy vợ chồng Đại sứ Malaysia đúng giờ đến Đại Sứ quán. Sau khi vào phòng khách, họ thấy Đại sứ Trương vẻ thiểu não đang ngồi trên ghế được người phiên dịch và nhân viên tiếp tân dìu đứng dậy, mệt nhọc nói : “Xin chào Đại sứ và phu nhân. Rất xin lỗi các ngài là cái bệnh Meniere[2] của tôi lại tái phát, làm cho tôi bị nhức đầu buồn nôn, vì thế tôi chỉ có thể tiếp các ngài được một lúc thôi ạ. Ông Lý, Tham tán Chính trị của Đại Sứ quán và phu nhân của tôi sẽ tiếp ngài Đại sứ và phu nhân dùng cơm.” Nghe nói vậy, Đại sứ Malaysia rất cảm động, ông nói : “Ngài Đại sứ đang đau ốm mà vẫn ra đón khách, chúng tôi thật không phải với ngài. Xin mời Đại sứ về nghỉ ngơi, chúc ngài sớm bình phục.” Nói đoạn, ông thân chinh dìu Đại sứ Trương đứng dậy, hai người bắt tay tạm biệt. Vừa ra khỏi phòng khách, Đại sứ Trương rảo bước đi tới chiếc xe đang chờ sẵn trong sân. Chiếc Toyota màu đen phóng ngay tới Bộ Quốc phòng Việt Nam. Nguyễn Văn Linh bí mật gặp Đại sứ Trương   Khi gặp Đại sứ Trương, trước tiên Nguyễn Văn Linh khẳng định ông đã nhờ Hoàng Nhật Tân là con trai Hoàng Văn Hoan chuyển lời nhắn tới Đại sứ Trương, nội dung cũng chính xác không có gì sai cả. Nguyễn Văn Linh nói bản thân ông trước nay đều cho rằng Việt Nam nên giữ quan hệ tốt với Trung Quốc. Năm 1976, tại Đại hội IV ĐCSVN, vì không đồng ý với một số biện pháp làm xấu mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc của chính quyền hồi ấy mà ông bị lên án là “hữu khuynh”. Năm 1982 tại Đại hội V ĐCSVN lại vì ông chủ trương trong giai đoạn hiện nay Việt Nam nên cho phép đồng thời tồn tại nhiều thành phần kinh tế và không đồng ý với chính sách chống Trung Quốc mà bị chèn ép ra khỏi Bộ Chính trị. Hồi ấy ông rất khó hiểu tại sao lại áp dụng thái độ như vậy với Trung Quốc. Nếu Bác Hồ còn thì nhất định sẽ không xuất hiện những chuyện kỳ quặc như thế. Nguyễn Văn Linh còn nói, chính sách của Việt Nam đối với Hoa kiều và người Hoa cũng sai lầm. Hoa kiều và người Hoa có đóng góp quý giá cho cách mạng Việt Nam, sau khi chiến thắng, Việt Nam lại kỳ thị họ, xua đuổi họ, thật là không có tình có lý. Nguyễn Văn Linh nói, năm 1986, sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư ĐCSVN ông quyết tâm vượt qua mọi sức cản, từng bước uốn nắn các sai lầm trước đây, khôi phục mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Trước hết là thuyết phục Trung ương ĐCSVN kiến nghị Quốc hội xóa bỏ các nội dung có liên quan chống Trung Quốc viết trong Hiến pháp. Tiếp đó lại làm các công việc trên nhiều mặt, cuối cùng ra được quyết định rút quân khỏi Campuchia. Nguyễn Văn Linh nói, trong tình hình quốc tế hiện nay, đối với Việt Nam, việc xây dựng, phát triển tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác với Trung Quốc, trung tâm XHCN kiên cường này, rõ ràng là một nhiệm vụ càng quan trọng và bức thiết. Bởi vậy, ông có một nguyện vọng lớn nhất là thực hiện được việc bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc vào trước Đại hội VII ĐCSVN năm 1991. Đây sẽ là một việc lớn làm phấn chấn lòng người đối với toàn đảng và toàn dân Việt Nam.   Về vấn đề Campuchia, Nguyễn Văn Linh nói ông hiểu rõ tính chất quan trọng và bức thiết của việc giải quyết vấn đề này. Lẽ ra hai bên Việt Nam và Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao để bàn bạc giải quyết vấn đề này là tốt nhất và suôn sẻ nhất. Nhưng do Nguyễn Cơ Thạch và Bộ Ngoại giao do ông ta nắm có ý đồ gây rối, hiện nay con đường này rất khó đi. Vì vậy ông nghĩ bản thân ông phải đi Bắc Kinh trực tiếp hội đàm với Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng, cùng bàn bạc phương án giải quyết tốt nhất. Nguyễn Văn Linh nói, trên vấn đề Campuchia, Nguyễn Cơ Thạch có quan điểm không nhất trí với phần lớn các Ủy viên Bộ Chính trị, ông ta luôn luôn làm sai lệch công việc. Nguyễn Văn Linh còn nói, những cuộc gặp cá nhân như cuộc gặp Đại sứ Trương hôm nay không nên quá nhiều. Nếu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng mời ông và Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi Trung Quốc thì đề nghị Đại sứ Trương trực tiếp đề xuất với Bộ Ngoại giao Việt Nam ý định đồng thời gặp Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, và Chủ tịch Nhà nước Võ Chí Công, trực diện chuyển ý kiến của người lãnh đạo Trung Quốc, làm như vậy sẽ ổn thỏa hơn. Đại sứ Trương cảm ơn Nguyễn Văn Linh đã tiếp và tỏ ý sẽ lập tức báo cáo trong nước biết nội dung cuộc nói chuyện của ông.   Gặp gỡ bí mật Thành Đô   Chiều 28 tháng 8 năm 1990, Sứ quán nhận được chỉ thị của trong nước, đề nghị Đại sứ Trương chuyển lời tới Nguyễn Văn Linh: Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng hoan nghênh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười tiến hành thăm nội bộ Trung Quốc từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 9, cũng hoan nghênh Cố vấn Trung ương ĐCSVN Phạm Văn Đồng đồng thời cùng đi. Hiện nay thời cơ giải quyết chính trị vấn đề Campuchia đã chín muồi, hai phía Trung Quốc – Việt Nam cần cùng nhau cố gắng xúc tiến giải quyết thật nhanh vấn đề này và sớm thực hiện bình thường hóa quan hệ Trung – Việt. Do Á Vận Hội sắp sửa tiến hành tại Bắc Kinh, vì để tiện giữ bí mật, địa điểm hội đàm sẽ thu xếp tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Lãnh đạo Trung cộng & Việt cộng tại Thành Đô Lý Bằng & Giang Trạch Dân nâng ly chúc mừng Hội nghị thành công Đại sứ Trương Đức Duy lập tức họp hội nghị mở rộng Đảng ủy Sứ quán nghiên cứu tìm cách nhanh chóng nhất chuyển thông tin quan trọng của trong nước tới Nguyễn Văn Linh. Nhờ đã có kinh nghiệm lần trước nên lần này mọi người ít nhiều đã có chút vững tâm, quyết định vẫn cứ để Tùy viên quân sự Triệu Nhuệ liên hệ với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Thế là 8 giờ sáng ngày 29, một lần nữa Đại sứ Trương gặp Lê Đức Anh, đề nghị ông giúp đỡ thu xếp để Đại sứ Trương trực tiếp báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh biết thông tin quan trọng đến từ Bắc Kinh. Một tiếng đồng hồ sau, Trưởng phòng Vũ Tần thuộc Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam hẹn gặp Tùy viên quân sự Triệu Nhuệ, chuyển đạt lời nhắn miệng của Lê Đức Anh nói Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ấn định 4 giờ chiều hôm ấy sẽ cùng Chủ tịch Đỗ Mười tiếp Đại sứ Trương. Để thể hiện cuộc hội kiến này được liên hệ qua kênh chính thức, Tổng Bí thư kiến nghị Đại sứ quán Trung Quốc chính thức nêu yêu cầu với Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN, nói rằng Đại sứ Trương có việc khẩn cấp hy vọng được hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các đồng chí lãnh đạo Việt Nam khác trong cùng ngày. Căn cứ theo sự gợi ý của Nguyễn Văn Linh, 1 giờ chiều hôm đó Đại sứ Trương đến gặp Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN Trịnh Ngọc Thái nêu ra yêu cầu nói trên. Qua sự bố trí của Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN, 4 giờ chiều Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười hội kiến Đại sứ Trương tại Phòng khách Trung ương ĐCSVN. Đại sứ Trương chuyển tới Nguyễn và Đỗ ý kiến của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời hai đồng chí thăm Trung Quốc nội bộ. Nguyễn và Đỗ đều rất vui mừng nhận lời mời, đồng ý với thời gian và địa điểm cuộc gặp do phía Trung Quốc đề xuất và nói sẽ lập tức báo cáo Bộ Chính trị Trung ương ĐCSVN, nhanh chóng xác định danh sách nhân viên đi theo và bắt tay làm công tác chuẩn bị. Nguyễn Văn Linh còn nói, nếu tình hình sức khỏe cho phép thì đồng chí Phạm Văn Đồng cũng sẽ nhất định nhận lời mời cùng đi. Sau khi về Sứ quán, Đại sứ Trương lập tức báo cáo trong nước biết tình hình cuộc gặp chiều nay. Ngày 30, trong nước thông báo cho Sứ quán biết thu xếp lịch trình đại thể của lần gặp gỡ này, đó là: sáng ngày 3 tháng 9, chuyên cơ Việt Nam rời Hà Nội, 1 giờ trưa đến Thành Đô, buổi chiều lãnh đạo hai bên hội đàm, buổi tối phía Trung Quốc mở tiệc chiêu đãi. Sáng ngày 4 tháng 9 tiếp tục hội đàm, buổi chiều chuyên cơ Việt Nam rời Thành Đô về nước. Sau khi thỉnh thị và được trong nước đồng ý, Đại sứ Trương sẽ cùng đáp chuyến chuyên cơ Việt Nam đi Thành Đô và tham gia hội đàm. Sáng ngày 3, tôi đi xe của Đại sứ Trương đến sân bay quốc tế Nội Bài Hà Nội, vừa để tiễn Đại sứ Trương vừa cũng là để tiễn đoàn Nguyễn Văn Linh. Phía Việt Nam tất cả có 15 người đi chuyến này, ngoài Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng ra, các nhân viên chủ yếu cùng đi còn có Chánh Văn phòng Trung ương ĐCSVN Hồng Hà (Ủy viên Trung ương Đảng), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương ĐCSVN Hoàng Bích Sơn (Uỷ viên Trung ương Đảng), Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm (Uỷ viên Trung ương Đảng), còn lại là các nhân viên công tác. Khi xe của Đại sứ Trương tới gần sân bay thì thấy một xe con kiểu bình thường màu đen chạy sau xe chúng tôi, ngoảnh lại nhìn, vì xe không treo màn cửa nên có thể thấy rõ người ngồi bên trong là Nguyễn Văn Linh, bên cạnh người lái xe có một cán bộ bảo vệ. Có thể thấy Nguyễn Văn Linh vẫn giữ tác phong giản dị như thế của Hồ Chí Minh. Xe chúng tôi lập tức chạy chậm lại nhường đường cho xe Nguyễn Văn Linh. Tại sân bay không làm bất kỳ nghi lễ tiễn đưa nào, đoàn Nguyễn Văn Linh và Đại sứ Trương lên máy bay xong, chuyên cơ liền cất cánh. Sau khi từ Thành Đô trở về, Đại sứ Trương cho chúng tôi biết cuộc gặp lãnh đạo hai nước chủ yếu thảo luận cách giải quyết chính trị vấn đề Campuchia và khôi phục quan hệ bình thường Trung Quốc – Việt Nam. Về vấn đề Campuchia, hai bên chú trọng bàn về thành viên Ủy ban Tối cao cơ quan quyền lực lâm thời Campuchia [SNC], tức phương án phân phối quyền lực sau khi Việt Nam rút quân. Phía Trung Quốc đề xuất Ủy ban này gồm 13 thành viên, ngoài Sihanouk làm Chủ tịch ra, chính quyền Phnompenh cử 6 đại biểu, phía lực lượng chống đối gồm ba phái Campuchia Dân chủ (tức Khmer Đỏ), Ranaridh và Son Sann mỗi phái 2 đại biểu, tổng cộng 6 đại biểu. Nguyễn Văn Linh tỏ ý có thể tiếp thu phương án này của phía Trung Quốc; Đỗ Mười cho rằng bản thân Sihanouk cũng thuộc lực lượng chống đối, như vậy tỷ lệ hai bên là 6 so với 7, phía lực lượng chống đối nhiều hơn 1 ghế, dự đoán phía chính quyền Phnom Penh khó tiếp thu phương án này; Phạm Văn Đồng thì nói phương án của phía Trung Quốc đã không công bằng lại cũng không hợp lý. Cuối cùng phía Việt Nam đồng ý dựa vào phương án của phía Trung Quốc để làm công tác thuyết phục phía Phnom Penh. Về mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, hai bên đều có thái độ nhìn về phía trước, không rà lại các món nợ cũ. Lãnh đạo hai nước đều đồng ý dựa theo tinh thần “Kết thúc quá khứ, mở ra tương lai” viết một chương mới trong mối quan hệ Trung – Việt. Khi kết thúc cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã ký kết “Biên bản Hội đàm”. Tổng Bí thư Giang Trạch Dân còn ý vị sâu xa trích dẫn hai câu thơ của Giang Vĩnh, nhà thơ đời Thanh: “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, tương kiến nhất tiếu mẫn ân cừu [tạm dịch : Qua kiếp nạn, anh em còn đó. Gặp nhau cười, hết sạch ơn thù]”. Tối hôm ấy Nguyễn Văn Linh xúc động viết bốn câu thơ: “Huynh đệ chi giao số đại truyền, oán hận khoảnh khắc hóa vân yên, tái tương phùng thời tiếu nhan khai, thiên tải tình nghị hựu trùng kiến.”[3] Để bảo đảm cuộc gặp thành công, Tỉnh ủy Tứ Xuyên và Văn phòng Đối ngoại đã làm rất nhiều công việc tổ chức và chuẩn bị. Nghe nói họ đã phải đưa đi nơi khác tất cả các khách trọ ở nhà khách Kim Ngưu, để dành nơi này đón các vị khách Việt Nam ở trong hai ngày hội đàm. Đồng thời hai bên Trung Quốc – Việt Nam thương lượng giữ bí mật về cuộc hội đàm này, không phát bất cứ tin tức nào ra bên ngoài.   16 chữ vàng của mối quan hệ Trung Quốc -Việt Nam Một năm sau cuộc gặp Thành Đô, tháng 11 năm 1991, tân Tổng Bí thư ĐCSVN Đỗ Mười và tân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm Trung Quốc. Lãnh đạo hai nước ra Thông cáo chung, tuyên bố thực hiện bình thường hóa quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Tháng 2-1999 lãnh đạo Trung Quốc – Việt Nam ra “Tuyên bố chung” xác định bộ khung phát triển mối quan hệ hai nước trong thế kỷ mới, nói tóm tắt là 16 chữ “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”. Các quan chức và học giả Việt Nam nói đây là “16 chữ vàng”. Tháng 7 và tháng 11 năm 2005, lãnh đạo cấp cao hai nước Trung Quốc – Việt Nam đi thăm lẫn nhau, làm phong phú hơn nữa nội hàm của “16 chữ”, không ngừng nâng cao mối quan hệ láng giềng hữu hảo và hợp tác toàn diện lên mức độ mới, khiến cho hai quốc gia và nhân dân hai nước mãi mãi làm láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đánh dấu mối quan hệ ngoại giao hữu hảo Trung Quốc – Việt Nam được đẩy lên một chặng đường mới. Nguồn: Tạp chí Trung Quốc 《党史纵横》(Đảng sử tung hoành)[4] bản điện tử ngày 26-8-2014. Một bản của bài viết có đăng trên mạng China.com. ————— [1] Tác giả bài viết này có lẽ là Lý Gia Trung, từng 4 lần làm việc ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, lần cuối cùng làm Đại sứ. Lý học tiếng Pháp tại Trung Quốc, tiếng Việt tại ĐH Tổng hợp Hà Nội, là tác giả sách Hồ Chí Minh, một cuộc đời huyền thoại xuất bản năm 2011 ở Trung Quốc (ND). [2] Bệnh Meniere là một rối loạn ở tai trong, gây ra chóng mặt và ù tai (ND). [3] Chúng tôi đoán ông Nguyễn Văn Linh viết 4 câu này bằng tiếng Việt, đây chỉ là lời dịch của phía Trung Quốc “兄弟之交数代传,怨恨顷刻化云烟,再相逢时笑颜开,千载情谊又重建”. Dịch ngược lại tất nhiên không đúng với nguyên văn tiếng Việt. Tạm dịch ý: Tình anh em truyền bao đời, trong khoảnh khắc mọi oán hận tan thành mây khói, khi gặp nhau nở nụ cười, xây đắp lại tình hữu nghị muôn đời (ND). [4] Tạp chí “Đảng sử tung hoành” ra đời năm 1988, do Phòng Nghiên cứu lịch sử đảng của Tỉnh ủy Liêu Ninh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Liêu Ninh, Cục Lão cán bộ Tỉnh ủy Liêu Ninh phụ trách; tạp chí ra hàng tháng, có tính chất tổng hợp và thông tục, được phát hành công khai cho bạn đọc trong và ngoài Trung Quốc. (ND) Nguồn: http://nghiencuuquocte.net/2014/11/07/noi-tinh-cuoc-gap-lanh-dao-trung-viet-tai-thanh-do/
......

Đức Ông ‘Xí Tà tà’ ra tay

Đầu tháng 10 vừa qua trên Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh đăng một bài báo rất đặc biệt ca ngợi ý chí dấn thân cho Giấc Mộng Trung Hoa -  Trung Hoa Mộng, của lãnh tụ số 1 hiện nay là ông Tập Cận Bình, đương kim Tổng bí thư đảng CS Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Điều nổi bật là bài báo gọi ông Tập Cận Bình là ‘ Xi Ta ta ‘, phát âm là Xí Tà tà, chữ Hán là  ‘Tập  Đại đại’, một cách gọi vừa cung kính vừa thân mật, lâu nay rất ít dùng trong xã hội và trên sách báo Trung quốc.   Trước đây dưới thời Mãn Thanh,‘Ta ta – Đại đại ‘ chỉ dùng cho những ông Hoàng được quý trọng nhất trong Triều đình, sát với ngôi Hoàng Đế. Các nhà dịch thuật Việt nam từng dịch Đại đại là ‘Đức Ông’. ‘Xí Ta ta - Tập Đại đại‘ có thể dịch là Đức Ông họ Tập. Trong bài báo nói trên, tên gọi ‘Đức Ông Tập’ được lắp đi lắp lại đến 23 lần. Bài báo ca ngợi ông là nhà lãnh đạo có tư duy chính trị tiên tiến, thấu hiểu nguyện vọng của nhân dân, nhận rõ sự hư hỏng của đảng CS, quyết sắn tay áo dọn dẹp cho đảng sạch sẽ, khôi phục niềm tin của nhân dân, đề cao uy lực của pháp luật và của các cơ quan thi hành luật pháp nghiêm minh, như Ủy ban chính pháp, Ban kỷ luật và thanh tra trung ương, hệ thống Tòa án và Kiểm sát, quyết kiên trì các chiến dịch quét tham nhũng, ‘đả hổ diệt ruồi’, ‘săn sói tháo chạy’, dù cho hàng ngũ đảng có bị chấn động, thu hồi tiền phi pháp trở về cho công quỹ…Ông là người dám hành động, ngay thẳng, kiên cường. Đi cùng với bài của Nhân dân Nhật báo là những bài báo trên báo Xây dựng đảng, Quân Giải phóng nói về cung cách tuyển mộ cán bộ dưới thời Tập Cận Bình (TCB) là hoàn toàn mới mẻ, phải có đức thanh liêm làm đầu,  rồi đến thực tài phải ngang tầm thời đại và thế giới. Không gì tệ hại hơn là chọn những kẻ ham tiền và mê gái như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lý Đông Sinh, Tưởng Khiết Mẫn … vào cơ quan lãnh đạo. Các bài báo nhắc đến tướng Lưu Nguyên con trai Lưu Thiếu Kỳ như một mẫu mực, là chính ủy Tổng cục Hậu cần mà vẫn ở nhà công cộng, không nhận dinh thự riêng, đi công tác xuống dưới bằng xe ô tô bình dân, không đi xe sang, mang theo xuất ăn riêng, không dự tiệc tùng sang trọng, thường không báo trước, phát biểu luôn gọn, rõ ý, có kiến thức rộng, yêu cầu cao, kỷ luật nghiêm. Tướng Lưu Nguyên vừa được cử là phó bí thư Quân ủy trung ương, nhân vật số 2 cùng TCB thống lĩnh quân đội.   Sau cuộc họp thứ 4 khóa XIII, công khai hạ bệ một nhóm do Chu Vĩnh Khang - vốn được coi là nhân vật bất khả xâm phạm, từng là trùm dầu khí rồi trùm Công an,  cầm đẩu,  nay TCB lại dấn thêm những bước mới, theo hướng mở rộng từng bước chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi,săn sói tháo chạy’ một cách vững chắc. Những bước mới này đã chặt thêm vây cánh của ông Giang Trạch Dân, đồng thời hạ uy tín của ông Giang một cách thê thảm. Đầu tháng 11, báo mạng Weiboscope từ Hông kông phát đi một tin rất nóng, ông Tăng Khánh Hồng, từng là ủy viên thường vụ bộ chính trị đảng CS khóa XVI, phó Chủ tịch nước, anh em kết nghĩa với Chu Vĩnh Khang, cùng con trai là Tăng Vĩ đã bị cấm di chuyển, giam lỏng để điều tra về tội tham nhũng nghiêm trọng tài sản công. Tiền tham nhũng rút ra từ việc cưỡng bức mua lại công ty Lỗ Năng khai thác và kinh doanh than ở Sơn Đông theo kiểu ép giá, giá trị thực là 110 tỷ nhân dân tệ, nhưng chỉ phải trả có 3,3 tỷ. Với số tiền tham nhũng, Tăng Vĩ và vợ là Tưởng Mai đã tậu một biệt thự cực sang ở Sydney – Úc trị giá 250 triệu US$ vào tháng 3 năm 2008. Hiện ngôi nhà này đã bị chính quyền Úc phong tỏa theo đề nghị của phía Trung Quốc. Báo chí Úc cũng xác nhận việc này. Báo chí Hồng Kông cho biết theo tin từ lục địa Trung Quốc, năm 2008 đã có 18 ngàn quan chức Trung quốc mang ra nước ngoài 800 tỷ US$, chủ yếu là ở Hoa Kỳ, Úc, Canada và Liên Âu. Đài VOA cũng đưa tin là trong cuộc họp 21 nước khu vực châu Á Thái bình Dương APEC sắp diễn ra ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình sẽ yêu cầu các nước giúp chiến dịch ‘ Đả hổ diệt ruồi săn sói tháo chạy’ để bắt giữ, phong tỏa và chuyển giao cho phía Trung Quốc những kẻ phạm tội tham nhũng cùng các loại tài sản phi pháp của chúng.   Một tin động trời hơn nữa cũng vừa phát xuất từ Hông Kông, Mạng Weiboscope  có nguồn tin đáng tin cậy từ Hoa Lục cho biết Bắc Kinh đã bắt đầu phổ biến miệng, kiểu nửa công khai, trong nội bộ đảng CS TQ một số tin tuyệt mật về Giang Trạch Dân. Đó là Giang là con đẻ của một tên Hán gian từng là viên chức cao cấp trong chính quyền Uông Tinh Vệ, tay sai cho phát xít Nhật. Ông nội của Giang Trạch Dân là Giang Thạch Khê thày thuốc Đông y, có 7 người con, 2 chết sớm. Bố đẻ của Giang Trạch Dân là Giang Thế Tuấn, mẹ là Ngô Nguyệt Khang. Giang Thế Tuấn từng làm việc cho chính quyền Uông Tinh Vệ ở Nam Kinh, cộng tác chặt chẽ với Quán Thiên là thứ trưởng bộ tuyên truyền, làm việc dưới trướng của Hồ Lan Thành và Cao Tác Nhân, 2 tên đại Hán gian trong ngành truyền thông thời đó. Con thứ 6 của Giang Thạch Khê là Giang Thế Hầu, còn có tên là Giang Thượng Thanh lại là đảng viên đảng CS Trung quốc từ năm 1928, chết năm 1938 khi 28 tuổi, được coi là liệt sỹ thời chống Nhật. Giang Trạch Dân sinh năm 1925 chỉ kém chú ruột có 15 tuổi. Để tránh tiếng xấu là con tên Hán gian, Giang Trạch Dân khai lý lịch là con của chú ruột là Giang Thượng Thanh, không bao giờ nhắc đến tên bố đẻ là Giang Thế Tuấn. Chuyện khai gian này bị lộ tẩy khi một số nhà sử học và nhà báo muốn viết tiểu sử thật đầy đủ và chân thực của Giang Trạch Dân, đã tiếp cận những người trong họ hàng, bạn bè, đồng hương, đồng học, như bà chị ruột ông là Giang Trạch Phân, em gái ông là Giang Trạch Nam (còn là Trạch Lan), thím ruột ông là Vương Giả Lan (vợ ông Giang Thượng Thanh mà Giang Trạch Dân nhận là bố nuôi), 2 con bà Vương Giả Lan là Giang Trạch Linh và Giang Trạch Tuệ, thì biết bao nhiêu điều phi lý, giả dối hiện ra. Có vẻ như chuyện làm con nuôi của người chú ruột là không có thật vì lúc đó người chú quá trẻ, quá nghèo, không thể nhận ông làm con nuôi, và các trường sang trọng ông theo học không chứnh minh cho điều ấy. Vẫn chưa hết, các bản tin ở Hồng Kông còn đưa tin về con trai Giang Trạch Dân là Giang Miên Khang đã bị khám nhà ngày 20 tháng 8 vừa qua và Giang Miên Khang đã lợi dụng chức quyền của bố để lũng đọan tòan bộ ngành bất động sản Thượng Hải, tập trung trong tay 6 doanh nghiệp quốc doanh nhà đất để kiếm lợi khủng, không giới hạn. Trong khi đó lại có tin hồ sơ điều tra một cuộc đảo chính hụt (đầu năm 2012) nhằm hạ bệ nhóm Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo - Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường để đưa nhóm Bạc Hy Lai  lên tiếm quyền, được Chu Vĩnh Khang, Giang Trạch Dân, tướng Từ Tài Hậu tận lực hỗ trợ, có thể đã hoàn tất, một tòa án binh đặc biệt có thể mở ra, nhằm chứng minh cho một thời kỳ mới, cai trị quốc gia theo đúng luật pháp, ‘Y pháp trị quốc’. Có người bảo Bắc Kinh mưa thì Bộ chính trị Hà Nội vội vàng che ô. Công sản Bắc Kinh sổ mũi thì Bộ chính trị Hà Nội hắt hơi. Hà Nội hay làm theo ông anh Hai nay đã thành anh Cả trong đại gia đình CS lớn, nay chỉ còn thưa thớt vài mống lẻ loi. Đế chế tư bản đỏ Chu Vĩnh Khang và Hoàng đế CS Giang Trạch Dân tưởng như bất khả xâm phạm đang lâm đại nạn. Thì ở Việt Nam hàng lọat đại gia tài chính – ngân hàng cũng đã và đang lâm nạn. Một tướng số 2 ngành công an chịu chết để khỏi vào tù một cách nhục nhã. Đế chế tài chính – ngân hàng họ Nguyễn Sinh đang được trình diện, với tài sản khổng lồ vài trăm nghìn tỷ đồng, lớn dần lên theo đà  người cháu trực hệ của bác Hồ này được giao làm Cục trưởng kho bạc, rồi Vụ trưởng ngân sách, rồi lên Thứ trưởng tài chính, rồi Bộ trưởng tài chính, rồi phó Thủ tướng thường trực và nay đang cầm đầu ngành lập pháp. Vụ tài sản khủng này sẽ giải quyết ra sao ? ai giải quyết ? ai giải trình cái tài sản vài trăm nghìn tỷ đồng ấy từ đâu mà ra, từ lao động lương thiện ư ? Và ‘vụ đại án Thành Đô’ đang thành hồ sơ tội phạm bán nước cho ngọai bang.  Danh sách nhóm tội phạm đang hiện ra ngày càng rõ ràng. Có kẻ đã chết, kẻ còn sống. Nhân chứng còn nhiều. Mở ra, không thể đóng lại, ý chí của tìan dân phải được biểu lộ. Trong khi ở TQ họ chống tham nhũng mạnh mẽ đến thế, ngành công an trong sạch hóa để chống tham nhũng, Ban kỷ luật – thanh tra trung ương đảng năng động là thế mà Ban nội chính của đảng CS VN đang tê liệt, Ban kiểm tra trung ương càng liệt hẳn, các thanh tra chính phủ chỉ lo bán chúc tước ăn tiền. Hãy biết giật mình. Người dân nhìn sang TQ, tuy đó không phải là mẫu mực gí hay ho, nhưng ít nhất họ cũng đã dám làm những việc theo hướng tiến lên. Còn ở ta sao lại tệ đến thế ? Bùi Tín
......

Ls. Lê Công Định: Buổi làm việc định kỳ với CA ngày 6-11-2014

Sáng hôm qua tôi đến phường trình diện định kỳ hàng tháng theo luật về quản chế. Có đến 8 người cùng làm việc với tôi, trong đó 6 người là sĩ quan công an. Buổi làm việc tập trung vào các bài viết đăng trên trang FB của tôi. Đầu tiên, tôi được yêu cầu ký tên vào các bản in sẵn, nhưng tất nhiên tôi từ chối với lý do rằng FB là một trang công khai để mọi người bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc, ai thích vẫn có quyền đọc và bình luận, và đó không phải là một tài liệu phạm pháp để có thể bị áp dụng những biện pháp có tính cách tố tụng hình sự. Một câu hỏi được nêu ra thường xuyên đối với mỗi bài viết của tôi là: “Anh viết bài này với mục đích gì, nhằm truyền đạt điều gì?” Tôi trả lời rằng, "suy nghĩ là suy nghĩ, cảm xúc là cảm xúc, chẳng có mục đích gì, trừ phi các anh suy diễn một mục đích nào đó cho nó, nhưng đó là sự suy diễn của các anh, chứ không phải của tôi." Đến bài viết về cố Tổng thống Ngô Đình Diệm đăng ngày 1/11 vừa qua, một sĩ quan công an nói rằng, “thằng Diệm đã lê máy chém khắp miền Nam để tàn sát đồng bào mà anh ca ngợi nó, lịch sử phải khách quan chứ!” Tôi đáp, “khi tôi viết nền giáo dục ở VN dạy học sinh gọi ông Diệm là thằng, thì có nhiều dư luận viên phản bác, nay anh gọi thế là đủ chứng minh lời tôi rồi. Việc vu cáo ông Diệm lê máy chém chỉ là luận điệu tuyên truyền của nhà nước này.” Một sĩ quan khác nói lại, “vậy cái máy chém đặt ở Nhà trưng bày tội ác chiến tranh là gì?” Tôi đáp, “đó chỉ là công cụ tuyên truyền của các anh, ai làm chẳng được!” Anh ấy lập lại, “khi viết về lịch sử anh phải khách quan.” Tôi gật đầu, “đúng vậy, lịch sử phải khách quan, chứ không phải lịch sử bị tuyên truyền!” Một anh khác hỏi, “tại sao anh viết bài đó, nhằm mục đích gì?” Tôi trả lời, “tôi ngưỡng mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm nên kể lại một câu chuyện có thật của tôi trong quá khứ, anh nghĩ tôi có mục đích gì?” Cuộc đối đáp về bài viết nêu trên của tôi dừng lại tại đó. Chuyển sang đề tài khác, nhân tạp chí luatkhoa.org ra đời mà tôi đã chia sẻ với nhiều bạn đọc, một anh sĩ quan hỏi tôi, “anh có định lập đại học luật online như có người đề nghị hay không?” Tôi đáp, “tôi vẫn suy nghĩ về điều đó vì đấy là ước mơ của tôi từ rất lâu.” Quả thật, tôi có thích làm chính trị đâu, từ thuở niên thiếu tôi đã muốn trở thành một giáo sư đại học để nghiên cứu và giảng dạy những đề tài học thuật mình yêu thích mà thôi. Chính biến cố bắt giam tôi ngày 13/6/2009 đã đẩy tôi vào con đường chính trị một cách bất đắc dĩ. Âu cũng là định mệnh! Nhìn chung, buổi làm việc vui vẻ dù hơi dài dòng, các anh nhân viên công quyền đều hành xử tử tế và đàng hoàng đối với tôi như mọi khi. Chúng tôi trao đổi thẳng thắn với nhau nhiều vấn đề. Tôi luôn tôn trọng chức trách mà các anh đảm nhận, ngoại trừ những đòi hỏi vượt khỏi nguyên tắc của tôi. Mỗi tháng tôi đều phải gặp các anh như những “người thân”, mà thân ai người đó lo! Theo FB Lê Công Định
......

Pages