Vũ Ngọc Yên - VNTB
Trong 30 năm qua, vai trò của Đức trên thế giới đã trải qua một sự biến đổi đáng kể. Sau khi thống nhất trong hòa bình năm 1990, Đức đã trên đà trở thành quốc gia hùng cường nhất châu Âu. Đức cống hiến nhiều nỗ lực đem đến giải pháp hòa bình cho nhiều cuộc xung đột trên toàn cầu: Tiêu biểu nhất là ở Iran và ở Ukraine, ngoài ra còn ở Colombia, Iraq, Libya, Mali, Syria, và các nước Balkan. Đức có được uy tín là một cường quốc kinh tế và hoà bình của Âu châu là nhờ coi trọng trách nhiệm của mình đối với sự ổn định của châu Âu và thế giới.
Các định hướng chính trong chính sách đối ngoại của Đức
Một châu Âu có chủ quyền, quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, cam kết vì hòa bình và an ninh, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, và cam kết với chủ nghĩa đa phương – đó là những hướng chủ đạo của chính sách đối ngoại Đức.
Chỉ với một Liên minh châu Âu mạnh và chỉ cùng với các đối tác châu Âu của mình, Đức mới có thể duy trì khả năng hành động khi đối mặt với những thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu. Đó là lý do tại sao Chính phủ Liên bang ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ hơn của châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực chính sách an ninh và đối ngoại chung của Liên minh châu Âu, cũng như an ninh chung của các biên giới bên ngoài châu Âu, an ninh nội bộ và chính sách kinh tế. Sự hợp tác đặc biệt chặt chẽ giữa Pháp – Đức nhằm đóng vai trò là động cơ hội nhập châu Âu.
Ngoài hội nhập châu Âu, quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương tiếp tục là trụ cột trung tâm trong chính sách đối ngoại của Đức. Mỹ là đồng minh thân cận nhất của Đức bên ngoài châu Âu. Chính sách đối ngoại của Đức luôn ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ, dựa trên quan hệ đối tác và đối thoại cởi mở với Hoa Kỳ, đặc biệt khi có những quan điểm hoặc ý kiến khác nhau.
Đức định hình chính sách hòa bình và an ninh của mình chủ yếu theo hướng đa phương, tức là trong khuôn khổ các thể chế và cấu trúc quốc tế như Liên minh châu Âu, NATO, Liên Hiệp quốc, OSCE, G7 và G20. Chính sách hòa bình trước hết có nghĩa là các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm ra các giải pháp chính trị cho các cuộc khủng hoảng và xung đột như ở Ukraine, Syria hay Libya. Tuy nhiên, Đức cũng nhận trách nhiệm về an ninh và tham gia quân sự khi không thể tránh khỏi, ví dụ như trong cuộc chiến chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) hoặc trong việc ổn định Afghanistan và Mali.
Một thành phần quan trọng trong chính sách hòa bình của Đức cũng là cam kết giải trừ quân bị, kiểm soát vũ khí. Ngoài việc kiểm soát vũ khí thông thường, một thế giới không có vũ khí hạt nhân vẫn là mục tiêu dài hạn trong chính sách đối ngoại của Đức.
Hiện nay, Đức là một trong những nhà tài trợ viện trợ nhân đạo lớn nhất trên toàn thế giới và là nước tiên phong trong việc ngăn chặn và ổn định cuộc khủng hoảng dân sự.
Chính sách đối ngoại của Đức cam kết tăng cường dân chủ, pháp quyền và nhân quyền trên toàn thế giới. Việc thúc đẩy các nguyên tắc này cũng nằm trong lợi ích chính sách đối ngoại của Đức. Hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững chỉ có thể tồn tại lâu dài khi các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền được áp dụng và quyền con người được tôn trọng. Do đó, lòng tự tin đề cao dân chủ, pháp quyền và nhân quyền là một phần quan trọng trong chính sách hòa bình và an ninh của Đức.
Chính sách đối ngoại của Đức cam kết làm cho toàn cầu hóa trở nên công bằng và bền vững. Công lý toàn cầu là tiền đề quan trọng cho hòa bình và an ninh quốc tế. Đây là lý do tại sao chính sách đối ngoại của Đức cũng tập trung vào các vấn đề như bảo vệ khí hậu, hay di dân, tị nạn…
Đối mặt với các thách thức
Trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức vào tháng chín qua, các ứng cử viên đã không tranh cãi nhiều về địa chính trị và vai trò của Đức trên thế giới. Nhưng thời gian tới, Tân chính quyền sẽ phải trực diện trước những vấn đề đang định hình nền chính trị quốc tế; chẳng hạn sự tranh chấp giữa các siêu cường, các cuộc xung đột khu vực, sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa châu Âu và Nga, xu hướng dân túy độc đoán ngày càng mạnh mẽ từ Brazil đến Ấn Độ và ở một số quốc gia Đông Âu. Thêm vào đó, đại dịch Corona, biến đổi khí hậu và cấu trúc kinh tế thay đổi vì số hoá và tự động hoá. Tất cả đang tác động sâu sắc vào nền chính trị toàn cầu và ảnh hưởng mạnh đến an ninh và phát triển của Đức. Tân chính quyền sẽ phải định hướng chiến lược đối ngoại mới phù hợp với năng lực của đất nước và những thách thức mới phải đối mặt.
Một thế giới bị phân hoá
Bốn năm dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và sự cai trị ngày càng độc đoán của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã phân hoá thế giới. Hai siêu cường đang đẩy mạnh cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng mà hậu quả có thể đưa tới xung đột quân sự. Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác đồng minh trong các khu vực tranh chấp và Trung Quốc với sáng kiến Con đường Tơ lụa, một chiến lược mở rộng các tuyến thương mại trải dài từ châu Á sang châu Phi và châu Âu.
Sự đối đầu này đã gây ảnh hưởng nặng nề cho Đức, đồng minh thân cận của Mỹ và cũng là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Cả hai bên đều tìm cách dồn ép Đức thiên vị cho mình, đặc biệt trong lãnh vực kinh tế, thương mại và công nghệ. Đức là thành viên trung thành trong Liên minh Bắc Đại Tây dương (NATO) nên ngả về Trung Cộng, một Quốc gia độc tài không thể là một lựa chọn chính trị thay thế. Tuy nhiên lợi ích của Washington và Berlin ở Trung Quốc không đồng nhất với nhau. Đức không có lợi ích điạ chính trị ở Thái Bình Dương, nhưng phụ thuộc phần lớn vào thương mại.
Cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Cộng đã tác động đến sự đoàn kết của Liên minh Âu châu (EU). Trong khi Lithuania biểu lộ không thiện cảm với Trung Quốc thì Hungary lại tỏ vẻ thân thiện với Trung Quốc. Các quốc gia vùng Baltic nhiệt thành hỗ trợ NATO trong khi Pháp hoài nghi mục tiêu NATO dưới sự thống lĩnh của Mỹ.
Trong bối cảnh mâu thuẫn lợi ích giữa các nước có khả năng đưa tới xung đột trong những năm tới, Đức một mặt tranh thủ sự cảm thông của hai siêu cường cho lập trường của mình, mặt khác Đức phải nỗ lực gìn giữ sự thống nhất trong EU, một EU thống nhất tự chủ là điểm tựa cho vai trò của Đức trên thế giới.
Đức chỉ có thể quân bình áp lực của hai siêu cường thông qua sự phối hợp các lợi ích của Đức với Trung Quốc và Mỹ vào một chính sách đối ngoại chung của châu Âu. Đây là một thách thức cho tân chính quyền, phải tìm được nước cờ mới cho bàn cờ ba chiều.
Mỹ – Một đồng minh luôn bị hoài nghi
Đối xử với bạn bè đôi khi có thể mệt mỏi hơn đối phó kẻ thù. Trong hơn bốn năm qua, quan hệ Mỹ – Đức đối mặt không ít sóng gió. Những bất đồng liên quan vấn đề chi tiêu quốc phòng, quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Trump về rút quân đồn trú khỏi Đức, mối đe dọa thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Đức, cùng việc Mỹ đơn phương rút khỏi các hiệp định, cơ chế quốc tế… đã khiến quan hệ giữa hai nước thường xuyên ở trong tình trạng không mấy tốt đẹp.
Nhiều người hy vọng mối quan hệ sẽ được cải thiện ở Tổng thống kế nhiệm Joe Biden vì ông nhiều lần tuyên bố sẽ hợp tác với Đức và châu Âu trên tinh thần tin cậy. Nhưng thiện chí này đã bị lu mờ bởi hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng: Mỹ rút quân khỏi Afghanistan mà không hiệp thương và phối hợp với các đồng minh NATO; Mỹ cùng Anh ký một thỏa thuận tàu ngầm trị giá hàng tỷ đô la với Australia nhằm hủy bỏ hợp đồng mà Canberra đã ký trước đó với Pháp, một thành viên quan trọng trong NATO.
Về mặt đối ngoại, Washington tập trung vào cuộc xung đột với Trung Quốc nên chỉ muốn châu Âu giữ vai trò thứ yếu trong vấn đề này. Biden đã nhiều lần chỉ trích gay gắt Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng nay lại biểu lộ chưa muốn hồi sinh nó.
Ở Washington, cuộc khủng hoảng do đại dịch coronavirus gây ra và hậu quả kinh tế của nó là ưu tiên giải quyết hàng đầu của chính quyền Biden. Lệnh cấm nhập cảnh từ thời Trump mà chính quyền Biden vẫn duy trì đã gây căng thẳng cho quan hệ với châu Âu. Trong hơn một năm rưỡi, các cuộc hội họp thương mại giữa các công ty Đức và Mỹ đã giảm xuống mức tối thiểu. Washington mới đây thông báo sẽ cho phép những du khách đã chích ngừa từ châu Âu được nhập cảnh trở lại bắt đầu từ tháng 11.
Trái ngược với người tiền nhiệm của mình, Biden tuyên bố sẽ không ngăn cản việc hoàn thành và vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2, cũng như không áp thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu xe hơi của Đức.
Dù vẫn còn khác biệt trong nhiều vấn đề, song Mỹ vẫn là đối tác ngoài châu Âu quan trọng nhất và gần gũi nhất của Đức. Chiến thắng trong cuộc bầu cử của Joe Biden và Kamala Harris phải được Berlin ghi nhận là cơ hội hàn gắn quan hệ đồng minh và khởi động lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương bất chấp tất cả các khoản thế chấp nặng nề và biến động xã hội mà Trump đã để lại.
Cơ may cho một Âu châu tự chủ
Các hành động đơn phương của Washington ở Afghanistan và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã làm gia tăng các các cuộc tranh luận ở Brussels về Âu châu tự chủ chiến lược – “năng lực chính trị toàn cầu” của châu Âu.
Nhiều nhà quan sát ngoài châu Âu từ lâu đã kinh ngạc về nguyên tắc nhất trí của EU, theo đó bất kỳ chính sách đối ngoại chung nào chỉ có thể được công bố nếu tất cả các quốc gia thành viên biểu quyết đồng ý. Về mặt kinh tế, EU là một cường quốc thế giới có các nguồn lực mà nó có thể tạo ra áp lực cho cả Trung Quốc và Mỹ và các nước láng giềng mạnh như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Đức, các chính đảng ủng hộ việc bãi bỏ nguyên tắc nhất trí trong các vấn đề đối ngoại và thay thế bằng nguyên tắc đa số đơn giản.
Anh rút khỏi liên minh EU, đã làm suy yếu châu Âu, nhưng trong EU, cán cân quyền lực đã chuyển dịch theo hướng có lợi cho Đức và Pháp. Nếu Berlin và Paris không sử dụng ưu thế đó để cải tổ EU, thì tham vọng chính trị toàn cầu của châu Âu sẽ bất lực.
Điều này không chỉ hiệu lực cho các hoạt động quân sự chung – mà còn cho các dự án hướng tới tương lai, chẳng hạn như sáng kiến thương mại Cửa ngõ Ấn Độ – Thái Bình Dương của châu Âu (Indo-Pacific Gateway), một chiến lược cạnh tranh của Brussels đối với Con đường Tơ lụa Mới của Trung Quốc. Những chương trình này chưa được xác định rõ ràng, nhưng lại có tầm quan trọng chiến lược rất lớn. Châu Âu và Đức sẽ có lợi ích lớn là Châu Phi được khai khẩn phát triển, Trung Đông không bị sụp đổ về kinh tế và EU tìm được các đối tác mạnh ở Đông Nam Á. Trong khi mối quan hệ của EU với Nga, Berlin và Brussels còn gặp nhiều khó khăn.
Việc kết thúc sứ mệnh châu Âu tại Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rút lui đột ngột cũng đặt ra những câu hỏi liên quan đến chính sách can dự quân sự của EU ở nước ngoài trong tương lai. Chương trình nghị sự cho hợp tác Pháp – Đức trong tương lai bao gồm các chính sách quốc phòng, khí hậu và kỹ thuật số sẽ được phối hợp tốt hơn cũng như cải cách Hiệp ước ổn định châu Âu, một vấn đề quan trọng đối với các quốc gia Nam Âu.
Nếu Macron tái đắc cử trong vòng bỏ phiếu thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4.2022, thì chính sách đối ngoại tích cực cho một châu Âu tự chủ đứng vững trước mọi áp lực của Mỹ và Trung Quốc sẽ thành hình.
Nga: Một đối tác không dễ bị cô lập
Nga chưa bao giờ là một đối tác dễ dàng đối với các chính phủ Đức.
Từ nhiều năm, mối quan hệ của Đức và châu Âu với Nga đã xuống thấp vì Nga sáp nhập bất hợp pháp Crimea, ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine, tấn công mạng vào Quốc hội Đức và sử dụng chất độc hóa học để loại bỏ các đối thủ chính trị trong nước.Những hành vi phạm luật pháp quốc tế này phải bị kết án và trừng phạt. Tuy nhiên Liên minh EU cũng ý thức rõ là nên Hoà bình lâu dàì ở Âu châu chỉ có thể duy trì được qua con đường tiếp xúc và đối thoại với Nga chứ không phải cô lập chống Nga. Hơn nữa Nga vẫn là một thế lực mạnh về quân sự của thế giới dù nền kinh tế đang chịu nhiều o ép và cấm vận của Mỹ và phương Tây. Moscow có khả năng liên minh với Trung Quốc để chống lại EU và Mỹ.
Dựa trên các giá trị và nguyên tắc của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE), một chính sách hướng Đông mới của châu Âu cần được triển khai. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để giảm căng thẳng là Nga sẵn sàng tham gia đối thoại mang tính xây dựng. Con đường dẫn đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine và việc chấm dứt các lệnh trừng phạt của EU sẽ phụ thuộc vào việc Nga thực hiện thỏa thuận Minsk. Mối quan hệ kinh tế và các dự án như Nordstream 2 cũng là yếu tố của cuộc đối thoại này.
Định dạng Normandy, một nhóm liên lạc được thành lập vào năm 2014, trong đó Kiev, Moscow, Berlin và Paris tranh luận về cuộc xung đột Ukraine, đang gặp trở ngại vì Nga không coi mình là một bên trong cuộc xung đột. Đồng thời, Nga đang thay đổi thực tế ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine bằng cách cấp hộ chiếu Nga ở đó.
Chừng nào không có giải pháp lâu dài, lựa chọn duy nhất cho Berlin là cố gắng tìm cách cải thiện điều kiện sống của người dân cư trú tại Donbas bị chia cắt. Berlin và EU hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và chấm dứt tình trạng cô lập kinh tế của các khu vực ly khai. Điều này đòi hỏi chính quyền Kiev phải chấp nhận làm việc với các cấu trúc mà nước này không công nhận. Có rất ít cơ hội để đạt được tiến bộ trong quan hệ Đức – Nga trong trung hạn. Đối với chính phủ mới của Đức, duy trì đối thoại là sự lưạ chọn khôn ngoan nhất.
Trung Quốc độc tài không thể là đối tác lựa chọn
Trong thập niên qua, Trung quốc rất hài lòng với chính sách đối ngoại của Đức. Berlin là đối tác được Bắc Kinh ưu đãi: Nước Đức mạnh về kinh tế và hướng đến xuất khẩu, là một thị trường rộng lớn và sẵn sàng đầu tư vào Trung Quốc bất chấp các điều kiện bất bình đẳng. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là Đức ít nhiều không có tham vọng địa chính trị.
Nhà sử học Trung Quốc và chuyên gia về châu Âu Xiang Lanxin nói rằng, ông có “sự tôn trọng cao nhất” đối với thủ tướng Merkel sắp mãn nhiệm. Ông nói rằng bất cứ ai kế nhiệm bà sẽ được khuyên nên noi theo tấm gương của bà là “xây dựng một cầu nối giữa phương Đông và phương Tây“. Xiang cũng khen ngợi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ông nói rằng, một châu Âu “tự chủ về mặt chiến lược” sẽ hoàn toàn nằm trong lợi ích của Bắc Kinh và trên cơ sở đó, “không gian sẽ rộng mở” cho sự hợp tác phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó chỉ là lời khen ngợi không rõ ràng và chính phủ mới của Đức nên suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện đề xuất của Xiang. Bởi vì có ít nhất hai điều có khả năng thay đổi giữa Đức và Trung Quốc trong những năm tới: Quan điểm kinh tế của Berlin về Trung Quốc và chính sách khí hậu.
Tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc kéo theo vô số thách thức nhưng cũng có vô số cơ hội. Cùng với các đối tác xuyên Đại Tây Dương, Đức chủ trương đối thoại với Trung quốc. Nếu không có đối thoại với Trung Quốc, khó có thể hình dung những thách thức về kinh tế, sinh thái, xã hội và chính trị của thời đại sẽ được định hình như thế nào. Ý muốn của Trung Quốc trong việc định hình trật tự quốc tế sẽ mở ra khả năng hợp tác sâu rộng hơn nhằm thúc đẩy các lợi ích chung trên bình diện toàn cầu. Điều này cũng bao gồm các nỗ lực giải trừ quân bị, trong đó Trung Quốc nên tham gia nhiều hơn.
Đồng thời, xung đột lợi ích và giá trị ngày càng gia tăng. Có hai mô hình khác nhau trong cạnh tranh: Mô hình phương Tây về một nhà nước dân chủ lập hiến với nền kinh tế thị trường tự do và xã hội, và mô hình của chủ nghĩa tư bản nhà nước chuyên chế của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc không chỉ là đối tác hợp tác, mà còn là đối thủ kinh tế đồng thời là đối thủ về ý thức hệ.
Xung đột giá trị tồn tại chủ yếu trong các lĩnh vực tự do, nhân quyền, dân chủ và pháp quyền. Cuối cùng, cạnh tranh hệ thống xác định mức độ mà quan hệ đối tác với Trung Quốc có thể được thiết kế cụ thể và qua đó sẽ ảnh hưởng đến bản chất của cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc.
Vào đầu năm 2019, Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI) đã đưa ra một bài báo có ảnh hưởng gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh có hệ thống” – không chỉ là một quốc gia dễ mắc phải một số hoạt động kinh tế không công bằng mà là một quốc gia muốn thay thế các đối thủ cạnh tranh của mình. Hai tháng sau, một bài báo của Liên minh châu Âu phản ánh phần lớn tuyên bố của BDI, phân tích Trung Quốc là một đối tác tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, một đối thủ kinh tế và một đối nghịch hệ thống.
Trong bối cảnh mới, tân Chính quyền Berlin sẽ thay thế chính sách “chuyển đổi thông qua thương mai“ (Wandel durch Handel) mà Thủ tướng Merkel đã áp dụng đối với Trung Cộng hơn một thập niên qua nhằm hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, bằng chính sách “chuyển hoá thông qua tiếp cận“. (Wandel durch Annäherung) đường lối này là “sự kết hợp sáng tạo giữa khuyến khích và áp lực, kinh tế và đạo đức, giá trị và lợi ích”.
https://vietnamthoibao.org/vntb-nhu%cc%83ng-thach-thuc-toan-cau-doi-voi-tan-chinh-quyen-duc/