Hội Bác Ái Vinh Sơn (Đức Quốc) Hành Hương Năm Thánh 2025

14.05.2025
Vương Nhi DK
Thành Đô ROMA – VATICAN – ITALY
Theo truyền thống Công Giáo về năm thánh đầu tiên được khai mở vào năm 1300 thời Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Bonifacio VIII ban hành ngày 22/02/1300. Cứ mỗi 100 năm mới có một năm thánh. Đến năm 1475 để giúp mỗi thế hệ đều được hưởng Năm Thánh nên mỗi 25 năm được cử hành một lần, trừ khi có sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, ĐGH có thể công bố năm thánh đặc biêt, như năm thánh LCTX 2016.
Năm thánh bắt đầu với việc mở cửa thánh vào ngày 24/12/2024 và kết thúc vào ngày 06/01/2026, được khai mở bằng việc mở cửa thánh tại bốn Đại Vương Cung Thánh Đường (VCTĐ): đền thờ Thánh Phêrô, đền thờ Laterano, đền thờ Thánh Phaolo ngoại thành, đền thờ Đức Bà Cả; Nghi thức mở cửa thánh biểu trưng ý nghĩa trong năm thánh, là thời gian để các tín hữu trải nghiệm sâu sắc ân sủng và niềm hy vọng qua sự xám hối, đổi mới đời sống thiêng liêng, đựơc ban cho một con đường đặc biệt để hưởng ơn cứu rỗi. Đây là thời gian cầu nguyện, suy ngẫm và hiệp thông—một cách để gặp gỡ Thiên Chúa sâu sắc hơn bằng cách tạm gác lại những thói quen hàng ngày.
Một chuyến hành hương vào cuối tháng tư 28/4 đến 5/5 2025 do hội Bác Ái Vinh Sơn Đức Quốc tổ chức, quy tụ nguời Viêt khắp nơi từ Bỉ quốc, Mỹ quốc, Hoà Lan, Danmark cùng nhập đoàn. Trưởng đoàn là ông Nguyễn văn Rị, Linh mục linh hướng cho đoàn là linh mục Phêrô Nguyễn văn Khải, chuyên gia lịch sử Roma và lịch sử Giáo Hội. Ngài không chỉ lo lịch trình tham quan, dâng lễ, nghi thức bước qua cửa thánh, mà Ngài còn lo cả phương tiện di chuyển cho đoàn, tận dụng thời gian hữu hiệu nhất có thể, để cho chuyến hành hương gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp nhất…
Từ phi trường về khách sạn, tiện đường đoàn ghé Vương Cung Thánh Đường thánh Phaolo ngoaị thành; là một trong bốn vương cung thánh đường của Roma. VCTĐ được thành lập bởi Hoàng Đế La Mã Constantine I vào khoảng năm 370 tại nơi có phần mộ của thánh Phaolo tử đạo. Tên gọi VCTĐ Thánh Phaolo ngoại thành là vì nằm bên ngoài tường thành Roma (bức tường dài 19 km bao bọc thành Roma), là đền thờ rộng lớn và nguy nga thứ hai ở Roma, Chính giữa sân là tượng thánh Phaolo cầm gươm biểu tượng cho lời Chúa. Cửa thánh phía bên trái có tạc cảnh trong cuộc đời thánh Phero bị đóng đinh ngược đầu và cảnh thánh Phaolo bị chặt đầu. Nơi đây đoàn được bước qua của thánh thứ nhất .
Ngày thứ hai (29/4/2025), đoàn được ghé thăm VCTĐ Thánh Phero, VCTĐ Đức Bà Cả, VCTĐ Gioan Laterano, đền thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và đền thờ Thánh Giá Gierusalem cùng viếng các Thánh Tích.
Toạ lạc giữa lòng thành phố Roma cổ kính tại Thành Quốc Vatican, VCTĐ Thánh Phero không chỉ là một kiến trúc vĩ đại mà còn là trung tâm đức tin của toàn thể Giáo Hội Công Giáo; là trái tim của Giáo Hội Công Giáo, là nơi an nghỉ của vị Giáo Hoàng tiên khởi (Thánh Phero) và nhiều vị Giáo Hoàng trong suốt hơn 2000 năm qua. Tâm điểm của VCTD là bàn thờ chính, nơi chỉ có ĐGH được phép cử hành Thánh Lễ. Ngay phía trên bàn thờ là Ngai toà Thánh Phero, thể hiện quyền kế vị của các Giáo Hoàng từ Thánh Phero (vị Giáo Hoàng tiên khởi, người đã được chính Chúa Giesu trao chìa khoá nước Trời và giao phó sứ mạng chăn dắt đoàn chiên Chúa) .
Cửa Thánh tại đây chỉ được mở bốn lần trong một thế kỷ (100 năm) vào mỗi Năm Thánh. Trong Năm Thánh 2025 VCTD Thánh Phero là nơi cử hành nghi thức mở Cửa Thánh. Khi bước qua Cửa Thánh, mỗi người được mời gọi bỏ lại sau lưng những lỗi lầm, canh tân đời sống và tiến vào ánh sáng của Thiên Chúa. Tại đây đoàn cũng được Cha linh hướng (Phero Khải) hướng dẫn cặn kẽ và chuẩn bị sẳn sàng bước qua Cửa Thánh (thứ hai).
Tiếp theo đoàn di chuyển sang VCTĐ Đức Bà Cả. Là một trong bốn VCTĐ lớn ở Roma, Được ủy thác bởi ĐGH Sixto III vào thế kỷ thứ V, và là đền thờ lâu đời nhất ở Roma dâng kính Đức Trinh Nữ Maria.
Tại đây ĐGH Phanxico mong muốn được an nghỉ, Ý định ở lại Roma cho đến cuối đời của ĐGH Phanxico không phải là mới, Ngài đã từng tâm sự trong một cuộc phỏng vấn rằng Ngài sẽ không trở lại Argentina, quê hương của Ngài, ngay cả khi Ngài từ bỏ triều đại Giáo Hoàng. Ngài muốn chết tại Roma dù Ngài đang tại chức hay danh dự. Tại đây đoàn cũng được viếng mộ ĐGH Phanxico và chiêm nghiệm nhưng tuyệt tác và thánh tích và bước qua Cửa Thánh (thứ ba).
Kế đến là VCTĐ Tông Toà Giáo Hoàng Gioan Laterano: Tổng Lành VCTĐ – Nhà thờ Chính Tòa Chúa Cứu Thế Cực Thánh và Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Sử Gioan tại Laterano, là nhà thờ MẸ của các nhà thờ và là nơi đặt Ngai Tòa cuả ĐGH. Vì là nhà thờ Chính Tòa của Giáo Hoàng, nên có cấp bậc đứng trên tất cả các nhà thờ khác thuộc Giáo Hội Công Giáo, kể cả VCTĐ Thánh Phero tại Vatican. Tại đây đoàn lại được hướng dẫn bước qua Cửa Thánh (thứ tư).
Đền thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: Nơi Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (nguyên tác) được mang từ Hy Lạp đến Roma vào cuối thế kỷ XV và được thánh hiến vào năm 1499 tại nhà thờ Thánh Matheu tọa lạc tại đường Merulana. Linh ảnh được bảo vệ kỹ lưỡng bởi hệ thống báo động đặc biệt để phòng đánh cắp. Đoàn được hướng dẫn đến viếng trong sự tôn kính và được dâng thánh lễ cùng 3 Cha VN đồng tế cùng với Cha linh hướng cho đoàn. Hiệp ý cầu nguyện cho cố ĐGH Phanxico cùng Cha cố Giuse Nguyễn văn Tịnh. Cha cố Giuse Tịnh có công rất lớn trong việc thành lập hai tổ chức quan trọng mà hiện nay vẫn còn hoạt động hiệu quả. Đó là Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu sĩ VN & Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó Ngài cũng đã để lại di sản 20 năm thành lập Hội Bác Ái Vincent de Phau Đức Quốc.
Đền thờ Thánh Giá Gierusalem:
Hoàng thái Hậu Helena (thời Hoàng Đế Constantino lên ngôi năm 306), sau khi hành hương Jerusalem, lên tàu trở về Roma mang theo nhiều thánh tích: gỗ thánh giá , đất thánh ở đồi Calve và vài cái gai… Thang Thánh là môt trong những thánh tích, theo lưu truyền, là thang mà Chúa Giesu đã phải leo lên leo xuống 3 lần trong dinh quan tổng trấn Philato. Thánh Nữ Helena (mẹ của Hoàng Đế Contantino, đã mang từ Gierusalem về Roma từ năm 326. Các tín hữu thường quỳ và lên 28 bậc thang Thánh được bọc gỗ (cho khỏi mòn). Trên tường là những bích họa những cảnh tượng tuần thánh với cảnh bữa tiệc ly, cảnh Chúa rửa chân cho các môn đệ. Trên đầu thang là cảnh chúa chịu đóng đanh.Trên đầu thang có nhà nguyện Sancta Sanctorum, nơi cực thánh chứa đựng các thánh tích vô giá mang từ thánh địa về và một số hài cốt của các vị tử đạo ở Roma thời Giáo Hội tiên khởi.
Ngày thứ ba: (30/4/2025)
Theo dự kiến mỗi thứ tư tập trung tại quảng trường Thánh Phero để tiếp kiến DGH. Nhưng DGH Phanxico vừa về với Chúa và chưa có người kế vị, nên Cha linh hướng thay đổi chương trình đi tham quan Fontaine de Trevi (Đài phun nước Trevi/Hồ Trinh Nữ) tráng lệ, cao 25,9m và rộng 19,8m. Nước của đài phát xuất từ aqueduct Aqua Virgo. Trevi= 3 con đường hội tụ về. Trung tâm của đài phun nước được ngự trị bởi một bức tượng của 2 vị thần Neptune và Ocean. Là miệng của máng dẫn nước thời La Mã cổ đại, là nguồn nước tinh khiết cung cấp nước cho khắp thành phố. Năm 1720 Đức Giáo Hoàng Clement XII tổ chức cuộc thi vẽ kiểu để xây dựng đài phun nước. Công việc nâng cấp bắt đầu vào năm 1732 và hoàn thành vào năm 1762 …Không biết từ khi nào có tục lệ ném đồng tiền cắc vào hồ nước để tin rằng sẽ có ngày trở lại Roma… Mỗi ngày các đồng tiền được ném xuống ước lượng khoảng 3 – 4000 eur; Caritas Roma đảm nhận số tiền này cho việc bảo quản & bác ái…
Vì là ngày 30/4, ngày tang thương của dân tộc, khi vừa lên xe là Cha đã nói Ngày tưởng niệm 50 năm ngày quê hương bị nhuộm đỏ bởi CS, ngày hằng triệu người phải bỏ nước ra đi, ngày mà biết bao gia đình tan nát thê lương , con xa cha, vợ xa chồng… kinh tế mới, trại cải tạo… miệt mài khổ ải đoạ đày với tương lai vô định… Đoàn cũng được dâng lễ cùng với Cha linh hướng cầu nguyện cho tất cả các linh hồn đã hy sinh vì lý tưởng tự do, cũng như bao trăm ngàn người bỏ mình dưới lòng đại dương hay trong rừng thiêng nước độc qua những chuyến vượt biên thập tử nhất sinh.
Viếng Đền Thờ Đức Mẹ Scala hiệu toà của ĐHY Phanxico Savier Nguyễn Văn Thuận. Một đền thờ tôn nghiêm, nằm giữa phố thị cổ nhỏ nhắn đông dân cư. Là nơi mà ĐHY Nguyễn Văn Thuận được an nghỉ. Ngài đã được nâng lên đấng bậc đáng kính. Đoàn đứng trước mộ Ngài và dâng lời cầu nguyện cho tổ quốc và dân tộc Việt Nam được sớm thoát ách cộng sản vô thần, bất nhân và vô lương. Tưởng cũng nên nhắc lại, khi còn sinh thời Ngài đã từng bị tù khổ sai 13 năm trong nhà tù cộng sản, và đến ngày nay cộng sản vẫn cực lực phản đối và gây áp lực toà thánh trong quá trình phong thánh cho Ngài. Nên hồ sơ của Ngài bị hoài đóng băng không được tiếp tục giải quyết.
Tiếp tục lên đường, điạ điểm kế tiếp là viếng hầm mộ Calisto (hang toại đạo), đoàn được may mắn có Cha VN hướng dẫn rất tận tường. Khi thăm viếng hầm mộ Calisto, là cũng được nhận lãnh ơn Toàn xá, vì là hầm mộ quan trọng nhất trong khoảng 50 hầm mộ tại Roma, vì là Vatican đầu tiên của Roma, nghĩa trang chính thức và đầu tiên của Giáo Hội, vì có 16 Đức Giáo Hoàng chôn tại đây và hơn 70 thánh tử đạo chôn tại đây, và đặc biệt có phầnmộ thánh nữ Cecilia đồng trinh tử đạo, khi bị hành quyết Thánh Nữ không nói được vì bị cắt cổ, nhưng vẫn giơ tay lên 3 ngón biểu tượng thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi. Là nghĩa trang rộng nhất với số người lớn nhất được chôn tại đây từ thế kỷ thứ hai đến thế kỷ thứ tư đấu thế kỷ thứ năm đã có hơn nữa triệu kito hữu chôn tại đây. với diện tích 2 km2 trên mặt đất, và 20 km2 dưới lòng đất cùng bốn tầng. Hang được khởi sự vào khoảng năm 170 – 180 do một số gia đình kito hữu, sau đó khoảng năm 200 được hiến tặng cho giáo hội. Giáo Hoàng Zeferino trao cho thầy phó tế Calisto. Thầy Calisto làm việc tại đây khoảng 20 năm và được bầu làm Giáo Hoàng và tử đạo… nên hầm mộ mang tên Calisto.
Trên đường gần đó là nhà thờ Quo Vadis, một cụm từ tiếng latin, có nghĩa: Thầy đi đâu đó. Cụm từ này để chỉ một câu chuyện được lưu truyền, liên quan đến hành động của Thánh Phero khi chạy trốn khỏi thành để không bị bắt, kết án và đóng đinh ở Roma, Phero đã gặp Chúa Giesu và hỏi ”Quo va dis domin ? (Lạy Chúa Chúa đang đi đâu) Chúa Giesu trả lời: Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa. Ngụ ý nhắc nhở Phero phải can đảm sứ vụ của mình; Cuối cùng Phero đã quay trở lại thành Roma để chịu kết án và chịu đóng đinh tử đạo. Ngôi nhà thờ nhỏ được dựng tại nơi Phero gặp Chúa Giesu khi ông chạy trốn khỏi thành. Nơi ghi dấu chân của Thánh Phero cùng những xiềng xích chân Thánh Phero và những thánh tích.
Một số hình ảnh của đoàn trong chuyến hành hương
Ngày thứ tư: (01/5/2025): từ khách sạn khởi hành đi hành hương kính Thánh Phanxico Assisi. Vì ngày lễ Quốc Tế Lao Động nên văn phòng đóng cửa nhưng may mắn được Cha Hoài ở tại đấy hướng dẫn và giải thích tường tận…
Địa điểm tiếp theo là viếng thánh đường Spogliazione ở Assisi, thành phố của Thánh Phanxico, nơi Carlo và gia đình thường đi nghỉ hè và cũng là nơi Carlo Acutis được phong chân phước năm 2020 và sẽ được phong thánh vào tháng 5 2025; hiện di thể của Carlo Acustis được giữ ở đây. Đoàn viếng Thánh Acustic, trên đường viếng Thánh Phanxico Assisi, và viếng Thánh Clara, thánh Cristina…
Ngày thứ năm (02/5/2025) đoàn được viếng nhà thờ cổ nơi xảy ra phép lạ Thánh Thể, khi truyền phép thì khăn thánh rướm máu đỏ chảy ra và nhỏ xuống đất; viếng nhà thờ nơi có thánh tích và mộ thánh Christina ; viếng các nhà thờ cổ… nơi có mô thánh Cecilia…
Ngày thứ sáu (03/5/2025)
Đoàn được viếng VCTD xiềng thánh Phero, nơi có những thánh tích của Thánh Phero (cái xiềng chân thánh Phero).
Tiếp theo là ghé thăm Coloseum (đấu trường La Mã), được xây dựng khoảng n ăm 70-80 sau Công Nguyên. Tường ngoài có chu vi 545m, cần phải dùng 100 000m3 đá travertine được giữ với nhau bằng 300 tấn vòng kẹp sắt. Công suất chứa từ 50 000 – 80 000 khán giả. Là nơi xảy ra những trận đấu của võ sĩ, tập trận… Cũng là nơi gắn liền với lịch sử Giáo Hội Công Giáo vì biết bao nhiêu người đã đổ máu đào tử đạo tại đây, làm mồi cho thú dữ dày xéo, hổ báo ăn thịt, bị nhốt bị giết . Từ thê kỷ 17 Các DGH đã cho tu sửa và biến thành nơi kính Các Thánh Tử Đạo, mỗi thứ sáu hằng tuần thì mọi người đi đàng thánh giá trọng thể tại đây, Những hạt giống tử đạo đó đã sinh hoa kết trái một cách lạ kỳ, đến ngày nay đã ướp đẫm cả kinh thành nguy nga tráng lệ Roma và trở thành Giáo Đô của Giáo Hôi Công Giáo.
Ngày thứ bảy (04/05/2025)
Điểm tham quan đầu ngày là Quảng trường Thiên Thần, tiếp đến tiến vào VCTĐ Thánh Phero, và viếng đền thờ kính thánh Cecilia, viếng mộ thánh nữ Cecilia. Xe lăn bánh trên khắp nẻo đường Roma, qua những con đường và khu phố cổ kính cũng như hiện đại, toà nhà Quốc Hội, dinh tổng thống, nhà tù, bệnh viện (nơi ĐGH Phanxico nằm những ngày cuối đời… ) Đi đến đâu Cha đều giải thích rất tường tận và cặn kẽ.
Một tuần trôi qua nhanh chóng đến không ngờ vì quá hay, vì quá thú vị làm quên mất thời gian. Ngày nào cũng được tham quan 3 – 4 nơi. Chương trình hành hương cũng đã kết thúc, hoàn tất chặng đường và điều kiện nhận lãnh ơn toàn xá. Trong bữa ăn cuối cùng thật vui nhộn xen lẫn bùi ngùi vì sắp phải chia tay. Mọi người cũng được nhận lãnh chứng chỉ bước qua cửa thánh và nhận lãnh ơn Toàn Xá khi đã tham dự bước qua cửa thánh được chỉ định của Giáo Hội và theo thánh ý Đức Thánh Cha. Chuyến hành hương kết thúc bằng thánh lễ tạ ơn tại nhà nguyện khách sạn Phát Diệm.Thường mỗi sáng tại nhà nguyện khách sạn có thánh lễ sáng 05.30. Điều bất ngờ là có các tổng giám mục từ Việt Nam sang lại ở cùng khách sạn, nên mỗi sáng các Ngài cùng dâng lễ đồng tế cùng với Cha giám đốc khách sạn.
Hành hương Năm Thánh2025 là một cơ hội đặc biệt để mỗi tín hữu đắm mình trong bầu khí thiêng liêng, lãnh nhận hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa, là một hành trình tâm linh, nơi mỗi bước chân tìm v ê đều mang theo niềm tin, lòng xám hối và khát khao được đổi mới trong ân sủng Chúa.
Một lời cám ơn cũng bằng thừa, ngàn lời cũng chưa đủ để bày tỏ lòng tri ân đến với tất cả những ân nhân đã tạo cơ duyên cho chuyến hành hương thành công tốt đẹp. Điểm nhấn trong chuyến đi là đoàn may mắn có được Cha Phero Nguyễn văn Khải, chuyên gia về lịch sử Roma và lịch sử Giáo Hội, kết hợp với biệt tài uyên bác và hoạt náo của Ngài,làm mọi ngừời nhớ mãi, sự trợ giúp của các Cha Hoài, Cha Đạt, Cha Tuấn và các Cha đã dâng lễ đồng tế cho đoàn, trưởng đoàn Bác ái Vinh Sơn, ông Nguyễn Văn Rị đã chuẩn bị chu đáo từ chi tiết nhỏ (in khăn quàng và nón cũng như những tập bài hát…). Cám ơn các seur đã ân cần chu đáo phục vụ từng bữa ăn ngon cho đoàn. Cám ơn toàn thể tham dự viên đã cho nhau sự hoà nhã, ôn nhu và thân thiện…
Chuyến hành hương Năm Thánh đã chấm dứt, nhưng bước chân lữ hành hy vọng vẫn tiếp tục bước trên chuyến hành hương trần thế cho đến ngày Chúa quang lâm. Trong lưu luyến chia tay nhưng không quên nhớ nhau trong lời kinh nguyện. Mỗi người về lại quốc gia sở tại. Mỗi cuộc đời là một chuyến đi dài, nhưng tất cả đều có chung một đích đến là Thiên Quốc. Cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng con một tuần lễ hành hương về Thánh Đô Roma tràn đầy hồng ân./.
VUONG NHI DK
......
⤑