Dân Biểu Canada lên tiếng cho ông Châu Văn Khảm trước phiên xử 11/11

Dân Biểu Canada Judy A. Sgro| Dân Biểu Canada, Bà Judy A. Sgro hôm 7 tháng Mười Một lên tiếng ủng hộ việc trả tự do cho ông Châu Văn Khảm vì ông vào Việt Nam mà không có hành vi nào nhằm phá hoại hay lật đổ. Bà dân biểu kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội cùng chính phủ Úc giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng sự việc. trái Dân Biểu Judy A. Sgro - Thủ Tướng Canada  Justin Trudeau. By Ryan Malonay Dưới đây là thư gởi Đại Sứ Quán Canda tại Việt Nam của Dân Biểu Judy A. Sgro. — 7 tháng Mười Một, 2019 Đại Sứ Quán Canada tại Việt Nam 31 Hùng Vương, Hà Nội, Việt Nam V/v Ông Châu Văn Khảm bị giam giữ và nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho ông Tôi vừa có cuộc gặp gỡ với phái đoàn Việt Tân Canada về việc ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc bị giam giữ tại Việt Nam. Ông Khảm bị bắt giữ vào tháng Giêng 2019 về tội danh nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, và bị giam giữ từ đó đến nay với lý do “quan ngại về an ninh quốc gia” viện dẫn bởi nhà cầm quyền Việt Nam. Thông tin do phái đoàn Việt Tân cung cấp cho biết là ông Khảm vào Việt Nam từ Campuchia để điều nghiên về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Trước khi bị bắt giữ, ông Khảm có gặp ông Nguyễn Văn Viễn, một nhà hoạt động xã hội dân sự và thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức hướng dẫn và huấn luyện người dân về các quyền căn bản. Ông Khảm bị bắt giữ lúc đó và bị nhà nước Việt Nam cáo buộc tội “lật đổ chính quyền”. Cùng lúc đó nhà nước Việt Nam cũng cáo buộc Việt Tân, một tổ chức chủ trương ôn hòa và bất bạo động, là một “tổ chức khủng bố trong nước”. Ông Khảm không phải là thành viên Việt Tân đầu tiên bị bắt giữ về những tội danh cáo buộc tương tự trong quá khứ, tuy nhiên việc giam giữ ông đến nay kéo dài lâu nhất. Vào tháng Mười 2010, một nhà hoạt động từ Melbourne, Úc Châu, Võ Hồng bị bắt giữ 10 ngày và bị thẩm vấn hàng ngày cho đến khi được trả tự do. Là cựu thành viên của Ủy Ban về Công Lý, Nhân Quyền, An Toàn Công Cộng và Chuẩn Bị Khẩn Cấp của Canada, tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam, chính quyền Úc, và các bên khác giải quyết việc này một cách thỏa đáng và nhanh chóng. Tôi được biết là ông Khảm vào Việt Nam và không có hành vi nào nhằm ngăn cản, phá hoại hay lật đổ các tiến trình chính trị hiện đang diễn ra. Ông Khảm dự kiến sẽ ra tòa vào ngày 11 tháng Mười Một, 2019. Theo văn phòng của chúng tôi được biết, ông Khảm không được tiếp cận với luật sư biện hộ vì giới chức cho rằng tiếp cận với luật sư sẽ làm lộ mật của vụ xử án. Do đó, lá thư này là để hỗ trợ cho việc trả tự do cho ông Châu Văn Khảm đang bị giam giữ trái phép tại Việt Nam vì các hoạt động nhân quyền của ông. Xin liên lạc với văn phòng chúng tôi nếu quý vị có câu hỏi hoặc mối quan tâm. Kính thư, Dân Biểu Judy A. Sgro Humber River-Back Creek Toronto, Ontario Canada Nguồn: https://viettan.org/dan-bieu-canada-len-tieng-cho-ong-chau-van-kham-truoc-phien-xu-11-11/  
......

Đôi lời về ông Châu Văn Khảm

Mai Huynh - Sydney, Úc Châu| “NEVER GIVE UP” là cụm từ tôi dành riêng cho ông ngay lúc này với ý nghĩa là dù có xảy ra bất cứ chuyện gì thì lòng ta vẫn trung kiên với đất nước và dân tộc mình, không bao giờ lùi bước.  Tên ông đầy đủ là Châu Văn Khảm – một cái tên rất giản dị và đúng với con người ông. Tuy gần 70 tuổi nhưng trí óc và tinh thần yêu nước của ông không hề già chút nào qua cách nói chuyện và làm việc khi tiếp xúc mọi người. Ông là một người hiền lành, chất phác và nhất là có trái tim nhân hậu dành trọn cho quê hương Viêt Nam. Khi tiếp xúc và trò chuyện với ông, tôi mới hiểu được trái tim ông luôn hướng về quê cha đất tổ và luôn tâm niệm rằng mình là con dân Việt nên phải có trách nhiệm bảo vệ non sông và dân tộc này. Ông luôn trăn trở và tìm mọi cách để giúp quê hương mình sớm được bình yên, tự do và hạnh phúc. Ông kêu gọi mọi người hãy cùng ông lên tiếng phản đối về những việc làm sai trái của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Ông không ngừng chia sẻ những bất công của xã hội và những kinh nghiệm của mình cho mọi người biết để cùng ông yêu quê hương mình hơn. Và chính những điều đó đã chạm vào trái tim tôi, khiến tôi lay chuyển, đồng cảm với ông. Chính điều đó đã khơi dậy trong tôi ngọn lửa yêu nước. Tôi luôn thầm cảm ơn và kính phục ông rất nhiều. Từ phương xa nhìn về quê hương, ông thấy đất nước mình hoang tàn, không có tự do, dân chủ và nhân quyền. Một điều nguy hiểm hơn là giặc phương Bắc đang rình rập chờ thời cơ cướp nước Việt Nam, nên ông không kiềm được lòng mình, đã tham gia đấu tranh đòi tự do dân chủ và nhân quyền cho người dân trong nước. Ông không ngại sức khỏe mình đang ngày một yếu đi mà chỉ lo lòng yêu nước của mình sẽ giảm sút, nên ông đã đánh liều với sức khỏe của mình mà trở về Việt Nam vào đầu tháng Giêng năm 2019 để tìm hiểu thực trạng đất nước. Thế nhưng, thật không may trên đường về quê nhà, ông bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắt giữ và gán ghép tội “khủng bố” chống phá nhà nước Việt Nam. Ông sẽ bị xét xử trong tháng 11 này. CSVN vu khống ông tội “khủng bố”, thế khiến mọi người bất bình nên cùng đồng lòng lên tiếng phản đối việc gán ghép tội danh. Tất cả chúng ta hãy lên tiếng đòi nhà cầm quyền CSVN thả ông Châu Văn Khảm vô điều kiện vì ông vô tội. Tội lớn nhất của ông là “yêu nước” – một “tội danh” được cả thế giới kính phục và yêu mến. CSVN PHẢI THẢ ÔNG CHÂU VĂN KHẢM VÔ ĐIỀU KIỆN VÌ ÔNG VÔ TỘI. Sydney, Úc Châu Mai Huynh Nguồn: FB Friends of Chau Van Kham Thông cáo báo chí của Đảng Việt Tân Never Stand Still: Châu Văn Khảm, Tổ quốc gọi tên anh Luật Sư Nguyễn Văn Đài: ông Châu Văn Khảm không phải khủng bố  
......

Never Stand Still: Châu Văn Khảm, Tổ quốc gọi tên anh

Minh Đoàn - FB Nhóm Bạn Hữu Châu Văn Khảm| Quý nhau và xưng hô “anh em” thân thiết, nhưng tuổi anh còn hơn cả cha tôi, tuy nhiên anh bảo “tứ hải giai huynh đệ, anh em trên con đường đấu tranh không câu nệ tuổi tác, nhiều chuyện anh còn phải học từ Minh mà…” Anh nói vậy, chứ tôi lại là người học được vô số thứ từ anh… Ngược dòng thời gian vài năm trước, tôi may mắn có duyên gặp gỡ và đồng hành cùng anh Châu Văn Khảm từ dịp Tưởng niệm 26 năm Các Anh Hùng Đông Tiến Vị Quốc Vong Thân vào tháng Tám, 2013. Khi đó, nhìn thấy cảnh anh cẩn thận kiểm tra kỹ lưỡng từng cái bóng đèn, kê lại bàn ghế, sắp lại các lễ vật cúng tế… tôi thoáng nghĩ “ông này chắc khó tính lắm đây.” Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, tôi nhìn ra anh không hề “khó” mà chỉ là người rất có trách nhiệm, luôn cẩn thận trong bất kỳ mọi việc, làm sao tránh sai sót nhất, đạt hiệu quả nhất, và giảm thiểu chi phí nhất. Được làm việc nhiều với anh, tôi cảm nhận rõ trong từng câu nói, từng hành động của anh luôn toát ra tình yêu đất nước-dân tộc và nhiệt huyết làm gì đó để góp phần mang lại điều tốt hơn cho quê hương Việt Nam. Minh Đoàn, Sydney (trái) và ông Châu Văn Khảm. Ảnh: Tác giả cung cấp. Trên con đường tranh đấu, anh luôn tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ mọi người, không những vậy anh còn luôn xông pha đi đầu với câu truyền lửa “Never Stand Still” (Đừng dậm chân tại chỗ – Đừng tự mãn bản thân). Ngược lại, khi có được những phút xả hơi thư giãn cùng anh em, anh lại luôn hòa đồng hết mình với mọi người, chứ không hề khắt khe với kiểu cách ứng xử của một bậc cao tuổi… Xuôi theo cung bậc hỉ nộ ái ố thường nhật, tôi có dịp nhiều lần cùng anh hàn huyên về thế sự, về quá khứ, về cuộc sống, về tình người… và về cả những kinh nghiệm trải đời. Tôi nhớ nhất cảnh một đêm Xuân, dưới gốc dương liễu có 2 cây đuốc lập lòe ánh lửa giữa làn gió lành lạnh trong góc vườn rộng lớn, bên chén rượu nồng anh tâm sự: “… Hãy luôn hãnh diện khi anh em mình được Tổ Quốc gọi tên…” Tâm can đó của anh tạo thêm cho tôi động lực dấn thân, vượt qua những trở ngại tưởng rằng rất lớn… Và rồi vào một ngày đầu năm 2019, anh gọi tôi đến nhà cùng dùng bữa tối chia tay mấy anh em Darwin quay về vùng lãnh thổ Northern Territory. Sau đó anh tặng cho tôi một chai rượu vang cùng vài lời trao đổi về những công tác sắp tới… Nào ngờ, mấy hôm sau tôi nhận được những nguồn tin từ quốc nội Việt Nam về một thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt khi gặp gỡ một người ở Úc… tôi chợt có linh tính… và đến khi mọi thông tin đã rõ, tôi dần dần hiểu ra ẩn ý trong lần hội ngộ trước đó. Anh vẫn cẩn thận như thường lệ, đã ngầm “dặn dò” tôi nối tiếp các công tác trong trường hợp bất trắc… Kể từ thời điểm đó đến nay, tâm trí tôi luôn in sâu và day dứt hình ảnh cụ bà gần 95 tuổi rớt nước mắt nắm chặt tay tôi thì thào mỗi lần đến thăm bà: “Chú ơi, thương Khảm lắm…” Và giờ đây, khi anh đang phải đối diện với bao hiểm nguy trong lao tù cộng sản, tôi muốn nhờ làn gió nhắn với anh rằng: Chúng tôi – những chiến hữu đồng hành với anh – luôn hãnh diện về anh, về con đường mà anh và chúng tôi đang vững bước… Sydney, Úc Châu Minh Đoàn  Nguồn: FB Friends of Chau Van Kham Ông Châu Văn Khảm có phạm tội khủng bố không? Cộng đồng người Việt tại Úc tranh đấu đòi tự do cho ông Châu Văn Khảm Dân Biểu Chris Hayes phát biểu trước Quốc Hội Úc: Chính phủ Úc có bổn phận bảo vệ ông Châu Văn Khảm  
......

Ông Châu Văn Khảm có phạm tội khủng bố không?

Nguyễn Văn Đài | Ngày 9 tháng 10 năm 2019, Viện KS Tối cao đã ra bản cáo trạng để truy tố ông Châu Văn Khảm phạm tội khủng bố theo khoản 2 điều 113 Bộ luật hình sự. Để làm rõ việc ông Châu Văn Khảm phạm tội khủng bố hay không? Tôi sẽ phân tích dựa trên chính điều 113 Bộ luật hình sự Việt Nam 2015 để quí vị thấy bản chất thực sự của của vụ án. Trước hết chúng ta hãy xem định nghĩa về “Tội khủng bố là gì? Và thế nào là tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố? Tội khủng bố là gì? Theo điều 113, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể con người; đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc hành vi khác uy hiếp tinh thần người khác; thành lập, tham gia tổ chức khủng, bố, tổ chức tài trợ khủng bố; cưỡng ép, lôi kéo tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng lổ nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của Việt Nam. Thế nào là tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố theo điều 113 Bộ luật hình sự 2015? Tổ chức khủng bố nói trong Điều 113 Bộ luật hình sự là tổ chức được lập ra với mục đích là tiến hành các hoạt động khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Tổ chức tài trợ khủng bố nói trong điều luật là tổ chức có các hoạt động huy động, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khủng bố nói trên. Thành lập tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố là hành vi lập nên các tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố. Người thành lập tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố có thể trực tiếp điều hành hoặc giao cho người khác điều hành hoạt động của các tổ chức đã lập. Tiếp theo, đối chiếu với hai định nghĩa trên, chúng ta xem đảng Việt Tân có phải là một tổ chức khủng bố không? Cương lĩnh của đảng Việt Tân: “Chấm dứt độc tài là một cuộc đấu tranh để giành tự do cho mọi người dân, giải phóng dân tộc khỏi ách cai trị độc tài, và xây dựng một chế độ dân chủ đích thực. Đảng Việt Tân xác định kẻ thù của dân tộc Việt Nam là tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Thiểu số này đang là giai cấp duy nhất độc quyền phung phí tài nguyên và kềm hãm sự phát triển của đất nước. Đảng Việt Tân tiến hành phương thức đấu tranh bất bạo động, dựa trên nền tảng lấy sức mạnh dân tộc làm chính để vận dụng toàn dân, đồng thời kết hợp với việc tranh thủ những hợp tác quốc tế, để tạo áp lực tối đa ở mọi mặt lên chế độ Hà Nội nhằm thay đổi nguyên trạng, tạo ra bối cảnh sinh hoạt chính trị đa nguyên tại Việt Nam.” Phân tích: Theo định nghĩa về tội khủng bố, tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố để đối chiếu với Cương lĩnh chính trị của đảng Việt Tân thì chúng ta thất rất rõ đảng Việt Tân là một tổ chức chính trị giống như hàng trăm ngàn các đảng chính trị ở các quốc gia trên thế giới. Đảng Việt Tân tiến hành phương thức đấu tranh chính trị ôn hòa, bất bạo động. Đảng Việt Tân không sử dụng vũ trang, bạo lực trong các hoạt động của mình. Như vậy đảng Việt Tân không phải là một tổ chức khủng bố, không phải là tổ chức tài trợ khủng bố! Vậy cộng đồng quốc tế có coi đảng Việt Tân và các thành viên của họ như thế nào? Đảng Việt Tân và các thành viên của họ có mặt và hoạt động công khai ở khắp nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật, Thái Lan, Camphuchia, Pháp, Đức, Anh, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Na Uy,... Đảng Việt Tân là đối tác của nhiều tổ chức quốc tê hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền và tự do báo chí như: Reporters Sans Frontieres, Lawyers For Lawyers, Article 19,... Đảng Việt Tân có các cuộc gặp và làm việc hàng năm với chính phủ và quốc hội của nhiều quốc gia trên thế giới như: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Anh, Thụy Sĩ, Na Uy, Singapore, Philippines, Nhật Bản,... Như vậy đối với chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế thì đảng Việt Tân là một đảng chính trị và cũng có những hoạt động bảo vệ các quyền con người. Các chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế coi đảng Việt Tân là đối tác trong các hoạt động bảo vệ các quyền con người. Các đảng viên của đảng Việt Tân tự do, công khai sinh sống và đi lại tới tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các cộng sản như Trung quốc, Cuba, Lào, cựu cộng sản Camphuchia mà không hề bị cáo buộc là khủng bố. Căn cứ nào mà cơ quan an ninh điều tra Bộ công an và Viện kiểm sát tối cao dùng để cáo buộc ông Châu Văn Khảm phạm tội tham gia tổ chức khủng bố, tài trợ khủng bố. Theo Luật hình sự Việt Nam thì có 4 yếu tố cấu thành tội phạm, chỉ cần có 1 trong 4 yếu tố không thỏa mãn thì coi như không có tội phạm xảy ra: Chủ thể, khách thể, hành vi khác quan và yếu tố chủ quan. Tôi sẽ phân tích 2 yếu tố cơ bản là những hành vi khách quan và yếu tố chủ quan của ông Châu Văn Khảm: Những hoạt động hay hành vi khách quan của ông Châu Văn Khảm mà cơ quan an ninh điều tra Bộ công an đã xác định trong bản kết luận điều tra: “Năm 1982, ông Châu Văn Khảm cùng gia đình vượt biên sang Malaysia, sau đó định cư tại Úc. Tháng 6 năm 2010, ông Châu Văn Khảm tham gia tổ chức Việt Tân tại Úc. Từ năm 2014 đến 2015, ông Khảm sử dụng Facebook “Khảm Châu” trên mạng xã hội giải đáp những câu hỏi liên quan đến tổ chức Việt Tân trên trang Facebook Việt Tân; làm Chi bộ trưởng Chi bộ 1. Từ năm 2016 đến nay, ông Khảm làm đại diện Đảng bộ Sydney, kiêm bí thư Đảng bộ Úc châu của Việt Tân để tập hợp lực lượng cho Việt Tân tại Châu Đại Dương.” “Ngày 11 tháng 1 năm 2019, ông Đỗ Hoàng Điềm chỉ đạo ông Châu Văn Khảm, bí thư Đảng bộ Úc Châu của Việt Tân về Việt Nam với nhiệm vụ khảo sát tuyến xâm nhập đường bộ dọc biên giới Camphuchia – Việt Nam và kiểm tra tư cách, huấn luyện “đảng viên” mới ở Việt Nam. Sáng ngày 12 tháng 1 năm 2019, ông Châu Văn Khảm đã huấn luyện cho Nguyễn Văn Viễn phương thức hoạt động của Việt Tân, nhận định, đánh giá một số vấn đề quốc tế và quan điểm của Việt Tân đối với Việt Nam và chính thức kết nạp ông Viễn vào tổ chức Việt Tân. Sau đó ông Khảm đưa cho Viễn 400 đô la Mỹ của tổ chức Việt Tân. Chiều cùng ngày thì cả hai ông bị an ninh Việt Nam bắt giữ.” Như vậy, tất cả các hành vi khách quan của ông Châu Văn Khảm mà cơ quan an ninh điều tra đã xác định được đều là các hoạt động ôn hòa, bất bạo động. Những hành vi khách quan này không thỏa mãn với các dấu hiệu khách quan của tội khủng bố theo điều 113 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015. Yếu tố chủ quan của ông Châu Văn Khảm. Theo qui định của điều 113 Bộ luật hình sự Việt Nam thì người bị coi là tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố phải thỏa mãn điều kiện về mặt chủ quan: “Người tham gia tổ chức khủng bố, tài trợ khủng bố phải là người nhận thức rõ mục đích hoạt động của tổ chức là khủng bố, tài trợ khủng bố mà vẫn chấp nhận là thành viên và thực hiện các hoạt động cụ thể theo sự chỉ đạo của tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố.” Khi tham gia đảng Việt Tân, các ông Châu Văn Khảm đã tìm hiểu về cương lĩnh và đường lối đấu tranh của đảng Việt Tân. Ông Châu Văn Khảm đã nhận thức được Việt Tân là một đảng chính trị, có phương pháp đấu tranh ôn hòa bất bạo động. Ông Châu Văn Khảm đã được huấn luyện phương pháp và cách thức đấu tranh ôn hòa, bất bạo động. Sau đó ông cũng huấn luyện lại cho các đảng viên mới như vậy. Ông Châu Văn Khảm được ông Đỗ Hoàng Điềm chỉ đạo về Việt Nam để tìm hiểu và nắm tình hình về tình trạng nhân quyền. Đó là hoạt động ôn hòa, bất bạo động. Trong suốt quá trình tham gia và hoạt động trong đảng Việt Tân từ tháng 6 năm 2010 cho đến khi bị bắt tháng 1 năm 2019, ông Châu Văn Khảm đã nhận thức và luôn khẳng định đảng Việt Tân là một đảng chính trị. Và ông Khảm luôn hoạt động tuân thủ cương lĩnh và đường lối đấu tranh của đảng Việt Tân là ôn hòa, bất bạo động. Kết luận: Từ nhận thức (yếu tố chủ quan) cho tới hành động (yếu tố khách quan) của ông Châu Văn Khảm về đảng Việt Tân là một tổ chức chính trị, có cương lĩnh đấu tranh ôn hòa, bất bạo động. Bởi vậy 2 yếu tố hành vi khách quan và yếu tố chủ quan trong 4 yếu tố cấu thành tội danh khủng bố theo điều 113 Bộ luật hình sự Việt Nam 2015 đều không thỏa mãn. Như vậy, ông Châu Văn Khảm cùng với hai người khác trong vụ án là ông Nguyễn Văn Viễn, ông Trần Văn Quyền không phạm tội tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố theo cáo buộc của cơ quan an ninh Bộ công an và Viện kiểm sát tối cáo theo khoản 2 điều 113 Bộ luật hình sự Việt Nam 2015./.  
......

Cộng đồng mạng kêu gọi quyên góp giúp Blogger Phạm Đoan Trang chữa bệnh

T.K. - Người Việt Hôm 10 Tháng Mười, nhiều Facebooker đồng loạt chia sẻ link https://www.Gofundme.com kêu gọi quyên tiền giúp nhà báo tự do, blogger Phạm Đoan Trang chữa bệnh. Bà Phạm Đoan Trang, tác giả cuốn “Chính Trị Bình Dân”, mới đây vừa được Tổ Chức Phi Chính Phủ Reporters Sans Frontières (Phóng Viên Không Biên Giới) trao giải “Tự Do Báo Chí 2019″ trong hạng mục “Người có tác động.” Bà quyết định không đi nhận giải trong một buổi lễ tổ chức ở Berlin, Đức hồi giữa Tháng Chín, 2019, vì “không muốn phải thỏa hiệp với công an về các phát ngôn khi nhận giải.” Facebooker Ngoc Anh Rolland, người khởi xướng lời kêu gọi, viết: “Từ nhiều tháng nay, Đoan Trang phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn và tình hình sức khỏe vô cùng xuống dốc. Xuất phát từ sự thấu cảm trước những gì Đoan Trang đã và đang làm, cũng như đã và đang chịu đựng, hãy chung tay giúp đỡ Trang về tinh thần và vật chất để bạn mau lành bệnh.” “Chương trình kêu gọi từ hôm nay đến 7 Tháng Mười Một, 2019, để nhận sự đóng góp của các bạn. Toàn bộ số tiền nhận được sẽ được chuyển đến tận tay Đoan Trang để trợ giúp phần nào những chi phí điều trị và cải thiện phần nào điều kiện sống của bạn,” theo trang gây quỹ nêu trên. Tính đến chiều 10 Tháng Mười, đã có khoảng hơn 40 người đóng góp khoảng 2.400 Euro trong mục tiêu gây quỹ 5.000 Euro. Trước đó, trong một post đề ngày 8 Tháng Mười, 2019, bà Đoan Trang chia sẻ: “Tôi bị đau nhức hai đầu gối từ Tháng Tư, 2015, và hai bàn tay từ giữa năm 2018 đến nay, ở cả cổ tay lẫn ngón tay. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, đó là viêm hoạt mạc khớp hai gối và viêm bao gân hai tay, là kết quả của các chấn thương do những lực tác động rất mạnh. Tôi cũng có dấu hiệu bị chấn thương ở đốt sống, dẫn đến tủy bị chèn ép và ảnh hưởng cả đến hai chân, hai tay. Một lần nữa, xin cảm ơn tất cả các bạn – những người đã ủng hộ, giúp đỡ tôi về mọi mặt, những người đã lo lắng, đã gửi tin nhắn thăm hỏi, kêu gọi trợ giúp tôi. Cũng mong các bạn thông cảm vì thời gian này, tôi không thể tham gia bất cứ việc gì trong các hoạt động của cộng đồng, dù chỉ là lên tiếng trên Facebook.” Bà Đoan Trang là tác giả có nhiều tác phẩm được Nhà Xuất Bản Tự Do in ấn và phát hành mà không qua kiểm duyệt của nhà nước CSVN. Ngoài cuốn “Chính Trị Bình Dân,” bà còn cho in các tác phẩm được cho là có nội dung “nhạy cảm” như: “Cẩm Nang Nuôi Tù,” “Phản Kháng Phi Bạo Lực”… Vì nguyên do này mà thời gian qua, bà Đoan Trang được cho là phải thường xuyên thay đổi chỗ trọ trong sự truy lùng ráo riết của công an và an ninh viên. T.K. - Người Việt Chính Trị Bình Dân – Bản mới – PDF Blogger Phạm Đoan Trang bị câu lưu vì sách “Chính trị bình dân”  
......

Báo The Guardian: Ông Châu Văn Khảm bị nhà cầm quyền CSVN không cho gặp luật sư biện hộ

Van Kham Chau was arrested in Ho Chi Minh City in January for allegedly trying to overthrow the state and for entering the country on false documents. Photograph Hannah Ellis-Petersen - The Guardian - The Guardian Ông Châu Văn Khảm đã bị giam giữ 6 tháng qua và bị từ chối không cho gặp luật sư để biện hộ. Phát ngôn nhân của Hội Ân Xá Quốc Tế cho biết “Trường hợp của ông Khảm cho thấy sự vô lý của hệ thống pháp luật của Việt Nam, khi bị cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia thì ngay cả việc được luật sự biện hộ cũng không được có. Bất cứ ai cũng có quyền được xét xử công bằng và được quyền biện hộ thoả đáng.” Sau đây là bản dịch Việt ngữ của bài báo từ The Guardian *** QUAN NGẠI CHO SỐ PHẬN CỦA CÔNG DÂN ÚC BỊ GIAM CẦM KHÔNG XÉT XỬ Ở VIỆT NAM Ông Châu Văn Khảm, 70 tuổi, bị cáo buộc tội làm phản, đã bị giam giữ 6 tháng và không được phép có luật sư biện hộ. Bài viết của Hannah Ellis-Petersen, The Guardian Các tổ chức nhân quyền và thân nhân ông Khảm đã bày tỏ sự quan ngại về tình trạng của ông, một công dân Úc tuổi 70, đã bị giam giữ 6 tháng nay tại Việt Nam dù chưa bị buộc tội danh nào. Ông Khảm, vượt biên từ Việt Nam đến Sydney vào thập niên 1980, bị bắt giữ tại TP.HCM vào tháng Giêng, bị cáo buộc dùng giấy tờ giả để vào Việt Nam để “âm mưu lật đổ chính quyền.” Gia đình ông Khảm và Hội Ân Xá Quốc Tế xác nhận là ông đã bị từ chối không được có luật sư biện hộ trong tiến trình điều tra, vì vậy thông tin về hoàn cảnh của ông rất giới hạn. Tuy nhiên, cáo buộc tội làm phản mà ông đang bị điều tra có thể dẫn đến án tù 20 năm, thậm chí tử hình. Ông Khảm là một đảng viên đảng Việt Tân, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ bị nhà nước Việt Nam gán cho nhãn hiệu khủng bố, và các thành viên thường bị bắt giữ khi đặt chân đến Việt Nam (nếu bị phát hiện). “Trường hợp của ông Khảm cho thấy sự vô lý của hệ thống pháp luật của Việt Nam, khi bị cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia thì ngay cả việc được luật sự biện hộ cũng không được có,” một phát ngôn viên của Hội Ân Xá Quốc Tế cho biết. “Bất cứ ai cũng có quyền được xét xử công bằng và được quyền biện hộ thoả đáng.” Theo vợ ông là bà Trang, và con trai Daniel, ông Khảm đã bị bắt khi đang tiếp xúc với một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ khác, tại TP Hồ Chí Minh và bị tống giam. Họ chưa được phép thăm viếng ông Khảm trong tù, thay vào đó chỉ được chuyển thư từ qua ngả lãnh sự quán Úc tại Việt Nam. Theo đài ABC cho hay, trong một lá thư từ nhà tù vào tháng Năm vừa qua, ông Khảm cho biết “sức khoẻ tốt, nhưng tinh thần tôi có sa sút.” Con trai ông Khảm nói những lời buộc tội ông Khảm là “lố bịch.” “Ông là người yêu nước nồng nàn, chỉ mong ước những điều tốt đẹp nhất cho đồng bào trong nước,” anh Daniel nói với ABC. Ông Khảm bị bắt giữ trong bối cảnh một cuộc trấn áp rộng lớn bởi nhà nước Việt Nam đối với những người chỉ trích chế độ. Theo Hội Ân Xá Quốc Tế, số tù nhân lương tâm bị giam giữ sai trái trên khắp Việt Nam đã tăng lên 1 phần 3 tới con số 129 người. Tháng Sáu vừa qua, Nguyễn Ngọc Anh, một nhà hoạt động môi trường, đã bị kết án 6 năm tù vì đã viết bài chỉ trích nhà nước trên Facebook. Công dân nước ngoài cũng là mục tiêu. Cũng trong Tháng Sáu, ông Michael Nguyễn Minh Phương, một công dân Hoa Kỳ, đã bị kết án 12 năm tù vì bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền. Tháng Tám năm ngoái, 2 người Mỹ đã bị án tù 14 năm với cáo buộc tội âm mưu lật đổ. Cả hai là thành viên của tổ chức Chính Phủ Lâm Thời Quốc Gia Việt Nam, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ đặt cơ sở tại California. Nguồn: The Guardian  
......

Đài truyền hình ABC-Úc phát tin về ông Châu Văn Khảm

ĐÀI TRUYỀN HÌNH ABC: CÔNG DÂN ÚC, ÔNG CHÂU VĂN KHẢM ĐÃ BỊ GIAM GIỮ 6 THÁNG TẠI VIỆT NAM MÀ KHÔNG CÓ LUẬT SƯ BÀO CHỮA Việt Tân FB Gia đình của người công dân Úc, đang mỏi mòn trong lao tù CSVN 6 tháng qua mà không được luật sư biện hộ, cho biết việc ông Khảm bị cáo buộc tội danh khủng bố là “lố bịch”. (Bài của Enrin Handley, Mazoe Ford và Angelique Lu) Ông Châu Văn Khảm, 70 tuổi, bị bắt giữ tại TP HCM vào Tháng Giêng năm nay khi tiếp xúc với một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức bị nhà nước CSVN cấm hoạt động. Ông Khảm đang bị điều tra về tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” theo luật hình sự của Việt Nam vì đã nhập cảnh quốc gia này với giấy tờ giả. Ông Khảm, một công dân Úc đã về hưu, là đảng viên Đảng Việt Tân, một tổ chức vận động dân chủ bị Chính Phủ Việt Nam gán nhãn là “khủng bố”. Đài ABC đã được tham khảo các thông tin của toà lãnh sự (Úc tại Sài Gòn) khi thăm viếng ông Khảm, qua đó cho biết ông Khảm được phép nhận thuốc men, thực phẩm và ngay cả thiệp chúc sinh nhật từ gia đình, nhưng ông Khảm sẽ chỉ được phép gặp luật sư biện hộ khi nào việc điều tra kết thúc vì lý do “bảo mật”. “Sức khoẻ tôi tốt, nhưng tinh thần tôi sa sút”, ông Khảm viết cho gia đình từ nhà tù vào Tháng Năm vừa qua. “Tôi chờ ngày được trở về nhà.” Nhà cầm quyền Việt Nam đã kéo dài thời gian điều tra tới Tháng 9 và có thể gia hạn thêm nữa – nghi phạm có thể bị giam giữ 16 tháng không truy tố hay xét xử đối với những vi phạm trầm trọng, và tới 20 tháng nếu liên quan đến an ninh quốc gia. Ông Khảm hiện đang bị điều tra về tội danh có thể bị án tù từ 12 tháng tới 20 năm, thậm chí tối đa là án tử hình. Dennis, con trai trẻ nhất của ông Khảm, đã nhắn tin vào nhà tù cho cha như sau: “Đừng để họ áp đảo tinh thần ba.“ Qua những cuộc thăm viếng của nhân viên lãnh sự, ông Khảm cũng gửi lời cảm ơn và tình thương yêu tới gia đình, nhắn nhủ việc gửi thuốc men và thực phẩm, và nhắc nhở vợ nhớ chăm sóc những cây đậu bắp trong vườn nhà ở Sydney. “Chúng tôi không biết kết quả sẽ ra sao. Thật khổ tâm,” con trai lớn của ông Khảm nói với ABC. Anh Daniel nói cáo buộc gán cho cha anh rất “lố bịch”. “Cha tôi tuổi đã 70. Ông có quyết tâm nhưng với ông thì không thể nào là bạo động,” anh nói. Gia đình sợ rằng ông Khảm không được phép phát biểu một cách tự do với nhân viên lãnh sự khi họ thăm viếng vì có sự hiện diện của các quản giáo và bị thu hình. Daniel nói anh đã vật vã vì tức giận và buồn bã, và tác động của việc cha Anh bị giam giữ trên mẹ anh vẫn còn nóng. “Ông rất yêu nước và chỉ mong ước điều tốt đẹp nhất cho đồng bào Việt Nam,” Daniel nói. Những bài hát và lời cầu nguyện ông Khảm sớm về với gia đình. Trong khi việc các công dân Úc bị bắt giữ tại các nước cộng sản được truyền thông quốc tế làm ầm ĩ, như vụ Yang Hengjun ở Trung Quốc và Alek Sigley ở Bắc Hàn, thì trường hợp ông Khảm lại tương đối im lặng. Nhưng hiện nay các thành viên cộng đồng người Việt đã phát động lời kêu gọi mạnh mẽ với Chính Phủ Úc để đưa ông Khảm vế với gia đình. Trong một buổi thắp nến cho ông Khảm vào cuối tuần qua, các thành viên trong cộng đồng người Việt tại Úc đã cầu nguyện cho ông Khảm và cất lên những bài hát khi xếp những ngọn nến thành hình nước Việt Nam. Ông Khảm không phải là đảng viên Việt Tân đầu tiên bị bắt giữ vì hoạt động dân chủ tại Việt Nam. Vào Tháng 10, 2010, bà Võ Hồng, một nhân viên xã hội có 2 con, đã bị bắt giữ tại phi trường khi tham gia một cuộc phản đối ôn hoà liên quan đến biển đảo ở Biển Đông. Bà Hồng được trả tự do sau 10 ngày giam giữ. Trong thời gian bị giam bà ngủ trên chiếu trải dưới đất, có màn chống muỗi, trong phòng giam nhỏ cùng với một đồng tù khác mà bà cho là người chỉ điểm cho công an. Bà Hồng nói bà bị thẩm vấn tới 10 giờ mỗi ngày. Bà nói bà chịu đựng được sự “tẩy não” và “uy hiếp”, nhưng giọng nói của bà xúc động khi nhắc tới hai đứa con trai ở nhà tại Úc. “Làm sao chúng chịu nổi khi ‘mẹ bị tù’ ?”, bà nói. Bà Võ Hồng nhìn lại bức hình chụp khi con trai út đón mẹ trở về tại phi trường Melbourne Bà Hồng đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc Đảng Việt Tân là tổ chức “khủng bố”, và nói là Việt Tân chỉ hoạt động ôn hoà, tương tự như nhận định của người chiến hữu của bà, ông Nguyễn Hiền. Ông Hiền đến từ Perth để hỗ trợ ông Khảm, người mà ông Hiền mô tả là một cá nhân “ân cần và đầy lòng thương người.” “Ông ta đã bị giam giữ rất lâu mà không có cáo buộc, là điều không chấp nhận được cho bất cứ ai trên thế giới,” ông Hiền nói. Carl Thyer, Giáo sư tại Học Viện Quốc Phòng UNSW, ngày hôm nay cho biết là những nhà hoạt động của Đảng Việt Tân bao gồm cả các bác sĩ và luật sư, tại Hoa Kỳ và Úc Châu. Trong khi có những thành viên của chính thể miền Nam Việt Nam chủ trương giải phóng đất nước bằng quân đội, ông Thyer nói, nhưng điều đó đã rất khác với những hoạt động ôn hoà của Đảng Việt Tân ngày hôm nay. “Lật đổ” (chính quyền) không phải bằng mìn hay những chất nổ tự chế (IED) hay súng đạn, mà là những lời phát biểu, ông Thyer nói. Ông Thyer chia sẻ việc “thường xuyên trấn áp” (người dân) đã trở nên một sự việc rất đỗi “bình thường” dựa trên những điều luật mơ hồ trong bộ luật hình sự của Việt Nam. “Rất chính trị – mơ hồ và quá chung chung đủ để kết tội bất cứ ai,” ông nói. Ông Nguyễn Văn Bon, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu, nói rằng việc vi phạm di trú của ông Khảm phải được giải quyết nhanh chóng và ông Khảm không thể bị trừng phạt theo luật an ninh quốc gia vì những sinh hoạt nhân quyền. “Tôi đã yêu cầu Chính Phủ Úc nhanh chóng giải quyết sự việc và đưa ông Khảm về Úc vì ông ta đã không làm điều gì sai,” ông Bon nói. Việt Nam “dập tắt mọi hình thức chỉ trích” Ảnh: Công dân Mỹ Michael Nguyen bị kết án tù 12 năm vì “âm mưu lật đổ chính quyền” (AFP: Vietnam News Agency, File) Việc giam giữ ông Khảm chỉ là một trong nhiều trường hợp mà các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền mô tả là tình trạng đàn áp ngày càng tồi tệ với những người đối kháng tại Việt Nam. Mới tháng trước đây, một công dân Mỹ, ông Michael Nguyen, đã bị kết án 12 năm tù giam ví tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền.” Vào Tháng 5 năm nay, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế cho biết có ít nhất 128 tù nhân lương tâm bị giam giữ trên toàn quốc – một sự gia tăng đột ngột so năm ngoái chỉ có 97 người. Theo nhóm “The 88 project” vận động cho quyền tự do phát biểu thì có tới 266 nhà hoạt động đã bị giam giữ. Cô Nikita White nói Chính Quyền Việt Nam “chủ trương dập tắt mọi hình thức chỉ trích”. “Chúng tôi nghe những trường hợp như của ông Khảm rất thường xuyên – những nhà hoạt động bị bỏ tù vì cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia trong khi họ chỉ hoạt động ôn hoà” Những người bị giam giữ thường bị những phạm nhân khác đánh đập do sự điều động và đồng loã của các cai tù. Cô Nikita nói nước Úc cần phải áp lực Việt Nam để ông Khảm được xét xử công bằng và không phải đối đầu với án tử hình. “Thực tế là Chính Phủ Việt Nam đã bịt miệng ông Khảm khi từ chối không cho phép luật sư bảo vệ”, cô Nikita nói. “Ông Khảm đã bị từ chối việc xét xử công bằng và căn bản là ông ta đã bị từ chối nhân quyền.” Thủ Tướng Úc Scott Morrison dự trù thăm Việt Nam vào Tháng 8, tuy nhiên văn phòng của ông từ chối không cho biết là trường hợp của ông Khảm sẽ được nêu lên trong chuyến viếng thăm này hay không. Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc, bà Marise Payne, đã thăm Việt Nam vào Tháng 6 nhưng không cho biết là có thảo luận về trường hợp ông Khảm hay không. Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã không phản hồi các yêu cầu lên tiếng cho phóng sự này./.
......

Tù nhân lương tâm ở trại Ba Sao: Tù trong tù

Ảnh: Hội Bầu bí tương thân và Quĩ 50k đồng hành với gia đình TNLT Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa. Đấy là nhận xét của TNLT Phạm Văn Trội nói về anh và những người TNLT trong trại giam Ba Sao (Hà Nam) khi gia đình đến thăm nuôi. Hiện nay, ở trại này đang giam giữ những TNLT mà nhiều người biết đến như Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa, Lê Thanh Tùng, Vũ Quang Thuận, Phan Kim Khánh... Tính mạng tù nhân lương tâm Hồ Đức Hoà đang nguy hiểm do bệnh trong tù không được chữa trị. https://www.sbtn.tv/tinh-mang-tu-nhan-luong-tam-ho-duc-hoa-dang-nguy-hiem-do-benh-trong-tu/   Hôm 9/12 vừa qua, Hội Bầu bí tương thân đồng hành cùng hai gia đình Phạm Văn Trội và Hồ Đức Hòa đến thăm các anh. Với gia đình Hòa, chúng tôi hẹn nhau tại cổng trại, còn với gia đình Trội, chúng tôi đưa đón vợ và con anh đi thăm chồng, thăm cha. Tất nhiên chúng tôi phải ngồi ngoài cổng trại trong thời gian gia đình các anh vào thăm. Cô Nguyễn Huyền Trang vợ Phạm Văn Trội kể, khi em nói anh và các anh chị đang ngồi ngoài cổng, anh vui lắm, biết anh chị em ở ngoài không bao giờ quên những TNLT đang phải chịu đựng nhiều gian khổ trong trại giam.   AFP Phiên tòa xử các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ ở Hà Nội hôm 5/4/2018 Trong câu chuyện với Trang trên đường về, có thể hình dung ra việc Trội và những anh em TNLT trong trại này đang gặp phải sự đối xử khắc nghiệt. Trang nói, mỗi lần gặp, gia đình được nói chuyện khoảng 1 giờ. Câu chuyện thì nhiều lắm, em có ghi lại cho khỏi quên thì sau đó trại giam bắt hủy nên kể lại không đầy đủ đâu. Theo lời Trang kể thì những TNLT ở trại này đều bị cô lập, không được tiếp xúc với những tù thường phạm khác vì họ sợ tinh thần của TNLT ảnh hưởng đến toàn trại. Các anh không được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Giờ giấc lao động cưỡng bức cũng rất căng, đúng 8 giờ 1 ngày. Hàng ngày đi làm sớm nên các anh phải dậy từ rất sớm để còn tập thể dục, vệ sinh cá nhân. Công việc là làm đồ mây tre đan. Việc này tuy không vất vả nhưng rất độc hại vì nguyên liệu được ngâm tẩm chất hóa học. Nguyên liệu lại chất đầy trước buồng giam nên không chỉ lúc làm mà suốt ngày các anh hít phải hơi độc. Phòng giam ẩm thấp, bẩn thỉu và thiếu ánh sáng trầm trọng, vì nơi các anh đang ở bây giờ chính là khu biệt giam trước đây Về sinh hoạt rất vất vả. Mùa đông trại không cho nhận chăn, quần áo rét người nhà gửi vào. Mỗi người chỉ được dùng 1 áo ấm. Đồ ăn cũng không được nhận của gia đình gửi vào mà phải mua của trại rất đắt, gấp nhiều so với giá thị trường. Đã phải mua đắt nhưng lại không ngon, chất lượng thế nào thì chịu thế. Anh em rất bức xúc về qui định vô lý của trại nên đã viết đơn gửi ban giám thị yêu cầu giải quyết nhưng 2 tháng tình hình vẫn thế và trại vẫn không có ý kiến gì về lá đơn ấy cả. Trang nhận xét: “Trại này rất có kinh nghiệm quản lý TNLT anh ạ. Nó hành hạ về tinh thần là chủ yếu. Họ kiểm soát ý nghĩ con người rất gắt gao, từng ly từng tí”. Tôi hỏi sao họ kiểm soát được và kiểm soát như thế nào? Cô kể tiếp: Khi nói chuyện với anh Trội, anh luôn bị ngắt lời khi kể về tình hình sinh hoạt trong tù như thế nào. Anh Trội tỏ thái độ phản đối rất gay gắt. Anh bảo: “Tôi sẵn sàng hủy cuộc gặp hôm nay, tôi không cần gặp gia đình nữa nếu không cho tôi nói”. Lúc ấy tay cán bộ đi kèm có nhiệm vụ canh chừng mới hạ giọng và cuộc nói chuyện mới tiếp tục. Trang kể tiếp: “Khi nói chuyện, em có ghi chép lại những gì anh ấy nói vì em sợ không nhớ hết. Sau cuộc gặp, họ bắt em phải lên văn phòng gặp phó giám thị về việc em sử dụng giấy bút ghi chép trong khi thăm gặp, buộc em phải đưa cho họ xem nội dung ghi những gì và họ hủy trước khi em rời trại. Em phản đối và nói không có quy định nào cấm ghi chép khi gia đình thăm gặp tù nhân, các anh làm như thế là bất chấp mọi qui định. Thực ra giấy ấy chỉ ghi lại những gì anh Trội nói rất bình thường thôi nhưng họ làm rất gay gắt. Em ghi được nhiều nhưng chỉ nhớ được mấy ý thôi. Em nghĩ là họ sợ tất cả thông tin này bị mang ra ngoài”. Thì ra, lý do chúng tôi chờ mẹ con Trang rất lâu, từ 9 giờ 20’ tới gần 12 giờ mới thấy mẹ con cô ra là vì thế. Như vậy, việc thông tin giữa tù nhân và gia đình phải chịu 2 lần kiểm soát, một là can thiệp ngay nếu tù nhân nói ngoài ý muốn của họ, hai là không cho người nhà ghi chép lại để những chuyện trong trại giam không lọt ra ngoài. “Em nghĩ những người TNLT như anh Trội không chỉ là trong cảnh tù đầy đâu mà tù trong tù luôn ấy anh ạ. Cho nên về mặt tinh thần của các anh ấy rất mệt mỏi. Anh Trội muốn nhấn mạnh là các anh bị họ cô lập, không cho tiếp xúc với tù thường phạm” - Trang nói. * Trại giam Ba Sao nằm ở một vùng núi đá thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam nên thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng hơn những vùng bình thường khác, gọi là lam sơn chướng khí. Nơi đây đã từng giam hàng nghìn tù chính trị và quân cán binh Việt Nam cộng hòa. Những câu chuyện bi thương về số phận những người tù, Phạm Thanh Nghiên đã viết trong “Ba Sao chi mộ” và Thanh Trúc với bài “Những vong linh tù cải tạo trại Ba Sao” đăng ở RFA. Tuy không nên chỉ căn cứ vào “truyền thống” ấy để suy xét về những TNLT đang bị giam ở trại giam này, nhưng những gì mà Phạm Văn Trội thông tin cho thấy có nhiều điều rất đáng lo ngại cho các anh. Tôi đã tìm hiểu cuộc sống của TNLT ở nhiều trại giam thông qua câu chuyện với gia đình họ, hoặc chính TNLT khi ra tù kể. Mỗi trại giam có những khắc nghiệt khác nhau. Ở trại giam này, có những khắc nghiệt và vô lý riêng của nó. Lối hành xử không theo những qui định chung mà lại làm theo những gì họ muốn. Các nhà ngoại giao ở Hà Nội ngồi xem màn hình buổi xét xử nhà hoạt động Phạm Văn Trội hôm 8/10/2009 AFP Mỗi bản án, trước đoạn tuyên án đều có câu cần phải cách ly phạm nhân ra khỏi xã hội. Nếu chỉ hiểu theo như thế thì trong tù, quyền con người vẫn được đảm bảo. Thế nhưng, trên thực tế, ngoài việc bị cầm tù, họ còn bị tước nhiều quyền khác và bị hành xử cực kỳ vô lý mà không biết kêu ai, trừ kêu với chính những kẻ đã hành hạ họ. Với trại giam Ba Sao, cơ sở nào mà họ ngăn cách TNLT với tù thường phạm? Họ có quyền gì mà không cho tù nhân nhận đồ ăn từ gia đình để buộc phải mua hàng căn tin của trại, dùng căn tin làm công cụ bóc lột tù nhân, tùy ý định giá và chất lượng sản phẩm? Lương tâm họ để đâu mà không cho tù nhân nhận quần áo chống rét từ gia đình? Nếu trại giam Ba Sao làm việc đàng hoàng, tại sao phải cấm tù nhân kể thật về mọi việc diễn ra trong trại?. Phải chăng, chuyện đày ải tù nhân là một bí mật quốc gia? Mới rõ hơn rằng, các anh chị em TNLT không chỉ bị tách ra khỏi xã hội mà còn bị trừng phạt, đày ải. Trong những ngày mưa phùn gió bấc với cái lạnh thấu xương như mấy hôm nay, nghĩ về các anh trong trại giam Ba Sao không đủ đồ chống rét mà rùng mình, thương các anh vô kể và cũng căm giận vô cùng những kẻ đang đày đọa các anh. Việc hành hạ những tù nhân nói chung và TNLT nói riêng mà ở đây là trại giam Ba Sao là những việc làm độc ác, cần phải có nhiều hơn sự lên tiếng của lương tâm tất cả mọi người. Nguyễn Tường Thụy nguyentuongthuy's blog
......

Anh Trần Huỳnh Duy Thức bị đầu độc

Chiều nay, 24/11/2018, gia đình anh Thức đến trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, thăm anh theo định kỳ hàng tháng. Sau khi đọc bài hát viết tặng cha mình, anh Thức nói ngay rằng cách đây 4 ngày (tức thứ Ba vừa rồi), lúc 5h15 khi thức dậy vào sáng sớm hàng ngày, anh thấy chóng mặt chao đảo, đo huyết áp thì kết quả rất cao (150/110), mồ hôi tuôn ra rất nhiều, nước uống vào bị ộc ra, có lẫn một vài sợi máu tươi. Khi anh nằm nghỉ một chút thì bỗng rất nhiều mật vàng, mật xanh trong người trào ta, khiến quay cuồng đầu óc. Nhân viên y tế của trại giam khám, nói anh bị "tuần hoàn não" và cho uống 2 viên thuốc, nhưng ngay lập tức lại trào ra hết. Đến 7h sáng, huyết áp trở lại bình thường và có thể ăn sáng, ăn trưa bình thường, nhưng cả ngày hôm đó anh rất mệt. Sang hôm sau thì sức khoẻ anh trở lại bình thường cho đến hôm nay. Tuy nhiên, từ hôm đó anh không dám dùng thức ăn mà trại cung cấp, vì không còn an toàn nữa. Thấy anh dùng mì gói, trại giam lại dùng thủ đoạn đê tiện là không phát nước sôi cho anh như từ trước đến nay vẫn làm. Anh Thức cho biết giờ đây Ban giám thị trại giam chỉ thị gây khó khăn cho anh rất nhiều, trái ngược hẳn trước đây. Cán bộ quản giáo chỉ đơn giản bảo "lãnh đạo quyết định, không cần căn cứ gì hết" để trả lời các phản đối và yêu cầu viện dẫn luật của anh Thức. Họ hạn chế và không cho anh Thức nhận thư nữa, cũng không cho gửi thư bằng phát chuyển nhanh. Họ còn thông báo rằng sắp tới sẽ xem xét cấm hẳn dùng nước sôi, đèn pin, máy đo huyết áp và máy đo đường huyết. Anh Thức hỏi căn cứ pháp lý thì họ không trả lời. "Những gì cơ bản cho sinh hoạt tối thiểu trong tù như trước đây đã mất hết rồi, không còn gì nữa", anh Thức cho biết vậy. Cuối buổi gặp anh Thức đề nghị toàn thể nhân dân, bạn bè quốc tế và các luật sư can thiệp khẩn cấp giúp chấm dứt tình trạng nguy hiểm, trong đó có khả năng bị đầu độc, mà anh đang đương đầu. Thông tin này hoàn toàn phù hợp với điều mà một nhà ngoại giao nước ngoài cho tôi hay vào tuần trước, rằng nhà cầm quyền Việt Nam đang sử dụng hình thức tra tấn tinh thần anh Trần Huỳnh Duy Thức, buộc anh nhận tội để được trả tự do trong nước, vì anh hoàn toàn từ chối đi nước ngoài. FB Lê Công Định
......

Pages