Người biểu tình Hong Kong tại quận Tsuen Wan, ngày 25/8/2019. Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images.
“Vì ít nhất tôi phải chiến đấu, ít nhất tôi không bỏ cuộc. Tôi phải chiến đấu, chiến đấu đến giây phút cuối cùng.”
Y Chan - Luật Khoa tạp chí
Tính đến ngày thứ Hai, 26/8 vừa rồi, cuộc vận động phản kháng chống lại Dự luật Dẫn độ của người dân Hong Kong đã đạt đến cột mốc 79 ngày của Phong trào Dù vàng năm 2014.
“Dù vàng” bị khép lại sau 79 ngày đấu tranh ôn hòa mà, theo suy nghĩ của đa số những người tham gia, đã không đạt được kết quả thực tế gì.
Có lẽ một phần vì vậy mà phong trào phản kháng lần này của người Hong Kong đã “nâng cấp” rõ rệt, từ số lượng, các thành phần tham gia đến phương thức đấu tranh, và vẫn chưa cho thấy có điểm dừng.
Giống như mọi phong trào tự phát khác, người Hong Kong cũng “vừa làm vừa học”.
Những bài học đó, có hay có dở, không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân các cư dân của thành phố này. Nó đồng thời là kinh nghiệm vô giá cho những người đấu tranh vì tự do ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những người Việt Nam.
1. Không chia rẽ – không đổ lỗi
Trong mắt nhiều người, thời điểm ngày 12/6, khi cảnh sát lần đầu tiên dùng đạn hơi cay để giải tán người biểu tình tập trung trước tòa nhà Quốc hội, là cột mốc đánh dấu sự xuất hiện của xung đột bạo lực.
Hơn hai tháng sau, cột mốc này đã bị lu mờ với vô số những sự kiện xung đột tiếp theo.
Đạn hơi cay đã trở thành chuyện thường nhật, đến mức khi toàn thành phố trải qua gần một tuần không hơi cay tính từ ngày 18/8, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm. Việc cảnh sát nhắm thẳng súng bắn đạn cao su vào người biểu tình đã trở thành quen thuộc, và nó chỉ trở thành tin tức khi cảnh sát thay đó bằng súng lục với đạn thật vào ngày 25/8 vừa qua. Việc những nhóm người biểu tình bao vây các đồn cảnh sát, chửi bới lăng mạ, ném đồ vật vào cũng không còn gì lạ, chỉ đáng được nhắc đến khi có sự xuất hiện của bom xăng tự chế.
Khi vòng tròn bạo lực ngày càng xoáy sâu, bất kỳ ai thuộc phe nào cũng dễ dàng tìm ra cái sai của người khác để chỉ trích.
Người biểu tình đột nhập vào toà nhà lập pháp Hong Kong, ngày 1/7. Ảnh: The New York Times.
Không chỉ có cảnh sát bị lên án vì những hành vi sử dụng vũ lực lạm quyền của mình, những nhóm người biểu tình cực đoan, thường được gọi là “phái dũng vũ” hoặc “tiền tuyến”, cũng nhận nhiều sự chỉ trích.
Những người đi tuyến đầu này bị cho là đã phá hoại hình ảnh ôn hòa của phong trào phản kháng, ảnh hưởng tiêu cực đến những người vô can, và tạo cớ để chính quyền Hong Kong lẫn Bắc Kinh tăng cường sự đàn áp lẫn đánh tráo chụp mũ phong trào.
Đã có ý kiến cho rằng người dân Hong Kong cần phải tẩy chay nhóm “dũng vũ” để tự cứu lấy phong trào.
Nhưng đa phần người dân Hong Kong đã không chọn cách vắt chanh bỏ vỏ đó.
Họ vẫn đồng lòng biển người tuần hành vào những ngày cuối tuần. Người dân vẫn bảo vệ những thanh niên thuộc “tiền tuyến” bằng nhiều cách khác nhau, chuẩn bị sẵn quần áo để họ thay đổi trang phục, để sẵn vé đi tàu điện ngầm để họ dùng, tránh quẹt thẻ có thể lộ danh tính. Người dân vẫn phản đối cảnh sát truy đuổi người biểu tình, ngược lại hùa nhau đòi đuổi cảnh sát ra khỏi khu dân cư.
Vì sao vậy?
Đơn giản vì người Hong Kong biết đặt mình vào vị trí của những người “dũng vũ”. Họ hiểu sự phẫn nộ, tuyệt vọng và khát vọng đấu tranh của những con người trẻ tuổi này.
Trên hết, họ hiểu rằng những người Hong Kong yêu tự do, cho dù là “phái dũng vũ” hay “hòa lý phi” (hòa bình, lý trí, phi bạo lực), cho dù phân ra là “tiền tuyến” hay “hậu phương”, tất cả đều là một.
Những người đi đầu mạo hiểm đánh đổi sự an toàn lẫn tính mạng của bản thân là đại diện cho những người phía sau âm thầm ủng hộ bảo vệ họ. Ngược lại, những hậu phương đông đảo lại chính là đại diện cho mục đích đấu tranh của những người ở tiền tuyến.
Tất cả đều hiểu rằng, sở dĩ có những người “dũng vũ”, là vì vẫn còn những người Hong Kong khác chưa chịu đứng ra bảo vệ lấy tự do của chính mình. Nếu tất cả mọi người đều đồng lòng phản kháng bạo quyền, sẽ không có lý do gì cần phải có những người đi đầu mạo hiểm bản thân.
Một khi vẫn còn bạo quyền, sẽ vẫn luôn có những người, vốn dĩ là “hòa lý phi”, buộc phải vùng dậy biến mình thành “dũng vũ”.
Không chia rẽ – không đổ lỗi vì vậy là một bài học lớn mà người Hong Kong thấm nhuần qua phong trào lần này.
2. Biết sửa sai
Không đổ lỗi khác với việc không biết lỗi.
Khi các cuộc biểu tình tọa kháng ban đầu tại sân bay Hong Kong, từ ôn hòa biến thành xung đột bạo lực, ảnh hưởng tiêu cực đến những người vô can, những người biểu tình đã tự nhìn lại mình.
Các cuộc thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn giúp họ nhìn ra được mình đã làm sai ở đâu.
Ngày hôm sau, nhiều người trẻ tuổi đã xuất hiện tại sân bay với những biểu ngữ xin lỗi.
Người biểu tình xin lỗi tại sân bay vào ngày 14/8. Sân bay hoạt động bình thường sau ngày này. Ảnh: Reuters.
Họ nhận lỗi ngay cả khi những hành động quá khích không phải do chính mình làm ra. Họ hiểu một điều rằng tất cả đều đi chung một chiếc thuyền. Khi một người của “phe ta” làm sai, họ cũng có phần trong cái sai đó. Một khi đã chung thuyền, không ai có quyền tự đặt mình ra ngoài cuộc, chỉ muốn nhận thành quả mà không chịu chấp nhận hậu quả.
Những cư dân mạng Hong Kong cũng tranh luận sôi nổi về những hoạt động phản kháng tiếp theo, làm thế nào để tránh tối đa việc gây ảnh hưởng xấu đến những người khác, tranh thủ được nhiều nhất sự ủng hộ của dư luận trong lẫn ngoài nước.
Cùng với nhau, những người dũng vũ lẫn hòa lý phi đều cố gắng chứng minh cho thế giới thấy mình là những con người có lý trí, biết đúng biết sai, không phải những kẻ “bạo loạn” chỉ biết phá hoại mọi thứ như cách chính quyền cộng sản cố gắng chụp mũ.
3. Đoàn kết
Mỗi khi nhắc đến phong trào biểu tình ở Hong Kong, hình ảnh thường được bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh vẽ ra rất nhất quán: đây chỉ là hành vi của những thanh niên trẻ tuổi bất mãn với chế độ, không yêu nước, không được đáp ứng nhu cầu vật chất (thiếu nhà ở), thiếu hiểu biết pháp luật, bị thế lực nước ngoài xỏ mũi, tự đạp đổ nồi cơm của chính mình.
Không chỉ nhiều người Trung Quốc đại lục, vốn bị nhốt trong chiếc lồng khổng lồ bưng bít toàn bộ thông tin bên ngoài, nhìn theo bức tranh một màu này của chính quyền. Rất nhiều người dân ở nơi khác, đặc biệt kể cả những “trí thức” của Việt Nam, đều có chung suy nghĩ như vậy.
Họ góp nhặt được vài mảnh ghép rời rạc và tự hào cho là mình đã có bức tranh đầy đủ.
Sự thật lớn hơn nồi cơm lẫn trí tưởng tượng của rất nhiều người như vậy.
Những người trẻ tuổi, hoặc xung phong đi đầu, hoặc năng nổ tổ chức theo sau, không phải là thành phần duy nhất phản kháng.
Người ta nhìn thấy các luật sư tổ chức tuần hành trong im lặng để phản đối chính quyền chà đạp lên hệ thống luật pháp luôn đề cao tính công bằng, chính trực, liêm minh của Hong Kong.
Người ta cũng thấy những nhân viên công vụ, bất chấp lời đe dọa của chính quyền, đồng lòng ra đường thể hiện sự ủng hộ với phong trào, yêu cầu những cấp trên của mình phải đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Người ta lại thấy sự ủng hộ tham gia của các nhân viên hàng không, bất chấp nguy cơ bị đuổi việc, sự xuất hiện của hàng ngàn kế toán, bất chấp sự nài nỉ lẫn cảnh cáo từ các chủ doanh nghiệp, những người về phần mình lại chịu sự dọa nạt bắt chẹt từ phía chính quyền Bắc Kinh.
Trong các cuộc biểu tình tuần hành thu hút hàng triệu người, luôn có các gia đình người lớn trẻ nhỏ dắt tay nhau cùng đi, có những người đầu bạc lớn tuổi, thậm chí khuyết tật ngồi xe lăn cũng xuất hiện cầm biểu ngữ.
Thậm chí các thân nhân, gia đình của cảnh sát cũng tuần hành để yêu cầu chính phủ nhận trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Hong Kong từ năm 1997, đồng thời ủng hộ yêu cầu thành lập ủy ban điều tra độc lập.
Những người lớn tuổi tuần hành ngày 17/7. Dòng người kéo đi những tấm băng rôn ghi khẩu hiệu: “Hãy ủng hộ những người trẻ tuổi. Hãy bảo vệ Hong Kong”. Ảnh: Winson Wong/SCMP.
Không chỉ có đa số các tầng lớp nhân dân trong thành phố cùng lên tiếng theo những cách thức riêng của mình, người Hong Kong ở nước ngoài cũng sát cánh bên cạnh các đồng bào. Họ liên tục tổ chức tuần hành, biểu tình ở các trường đại học, ngoài đường phố tại Mỹ, Úc, New Zealand, Anh, Đức, Pháp … bất chấp áp lực và sự hung hăng từ những người Trung Quốc đại lục với lá bài tinh thần dân tộc nồng nàn được phát ra rả từ chính quyền Bắc Kinh.
Người Hong Kong không chỉ biết đoàn kết cùng nhau. Họ còn biết tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
Các nghị sĩ trẻ của phe dân chủ thân chinh đến Mỹ, giải thích trực tiếp tình hình, động cơ cũng như mong muốn của những người biểu tình, vận động hành lang để Mỹ và quốc tế thông qua các đạo luật ủng hộ quyền tự quyết của người dân Hong Kong.
Các chiến dịch gây quỹ từ cộng đồng (crowdfunding) nhận được hàng chục triệu đô-la Hong Kong để đặt các thông điệp quảng cáo trên những tờ báo quốc tế lớn, đưa phong trào vận động vượt ra khỏi khuôn khổ của thành phố nhỏ, góp phần biến cuộc đấu tranh của người Hong Kong trở thành cuộc đấu tranh chung của những người dân tiến bộ trên thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng chính nhờ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế mà chính quyền Bắc Kinh đã không dùng đến quân đội trấn áp biểu tình, tái lập thảm kịch Thiên An Môn thứ hai.
Cũng chính các nỗ lực chủ động chìa tay với thế giới bên ngoài này của Hong Kong đã phần nào khiến các chiến dịch tung tin giả, đưa tin một chiều của Bắc Kinh chỉ bị giới hạn trong chiếc lồng đại lục, nơi họ nắm quyền sinh sát tuyệt đối.
Ở bên ngoài chiếc lồng, các quân cờ của chính quyền độc tài cộng sản lần lượt bị chỉ mặt điểm tên, khi lần lượt những tài khoản Facebook, Twitter và Youtube bị cáo buộc có dính líu đến các hoạt động bôi nhọ người biểu tình Hong Kong bị gỡ bỏ.
Người Hong Kong hiểu rõ mình đang đấu tranh vì điều gì, và đang chống lại thế lực hùng mạnh đến cỡ nào.
Cho dù cơ hội thành công là rất mong manh, họ vẫn đoàn kết một lòng, tận dụng hết những nguồn lực có thể để làm điều nên làm.
4. Không ngừng học hỏi sáng tạo
Sinh ra và lớn lên trong một thể chế tôn trọng nhân quyền, tôn trọng các quyền tự do cơ bản của con người, những người Hong Kong, đặc biệt là những người trẻ tuổi, không ngừng học hỏi sáng tạo ra những cách thức đấu tranh mới.
Phong trào Dù vàng năm 2014, nơi mà những chiếc dù bình thường bỗng dưng trở thành biểu tượng của đấu tranh cho tự do là một minh chứng. Cũng từ phong trào trên, bức tường Lennon đầu tiên của Hong Kong đã xuất hiện.
Với những ai còn xa lạ, “bức tường Lennon” (Lennon Wall) xuất hiện lần đầu tiên tại Prague, Tiệp Khắc vào thập niên 1980. Ban đầu nó là một bức tường bình thường như bao nơi khác, nhưng sau được tô lên các hình ảnh, ghi chú, lời nói nhằm tưởng niệm John Lennon, huyền thoại của ban nhạc The Beatles. Những bài hát của John Lennon, đặc biệt là ca khúc bất hủ “Imagine”, là cảm hứng cho các thông điệp yêu mến tự do, hòa bình trên thế giới.
Bức tường Lennon về sau trở thành một biểu tượng của những con người yêu tự do dân chủ, đấu tranh cho khát vọng hòa bình.
Tại Hong Kong, các bức tường Lennon được trang trí dày đặc những ghi chú, hình vẽ, biểu ngữ, thông điệp của mỗi một người dân. Nó là biểu tượng của tự do, nơi mỗi người được quyền thể hiện bất kỳ thông điệp nào của mình.
Không có gì ngạc nhiên khi kể từ lúc xuất hiện cho đến nay, các biểu tượng tự do này chưa bao giờ được lòng những chính quyền độc tài và những fan hâm mộ của họ. Chính quyền Tiệp Khắc ngày trước quy chụp những thanh niên trang trí trên bức tường Lennon là “điệp viên của tư bản phương Tây” và có “đầu óc bệnh hoạn”. Ngày nay, những bức tường của người Hong Kong được dựng nên khắp lãnh thổ và cả ở nước ngoài lại thường xuyên bị lén lút phá hoại, các mẩu thông điệp (post-it notes) bị xé bỏ.
Bất chấp những sự đe dọa đàn áp, các bức tường tự do càng lúc càng xuất hiện ở nhiều nơi hơn, với càng nhiều người tham gia hơn.
Vào tối thứ Sáu 23/8 vừa rồi, sự sáng tạo của người Hong Kong lại được thể hiện qua một hình thức khác: họ tạo ra “con đường Hong Kong” (Hong Kong Way) bằng những dòng người nối dài nắm tay nhau trên khắp lãnh thổ.
Ước tính đã có hơn 200.000 người tham gia tạo thành vòng tay nối dài này, từ những con đường đô thị nhộn nhịp, đến các khu ngoại ô, và lên đến tận đỉnh núi Sư Tử Sơn (Lion Rock) nổi tiếng.
Con đường Hong Kong này được hình thành đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm của “Con đường Baltic”, khi hàng triệu người Estonia, Latvia và Lithuania đã nắm tay nhau tạo thành dòng người gần 700km nhằm thể hiện khát khao tự do, độc lập của người dân nơi đây, phản đối sự thống trị kiểm soát của Liên bang Xô Viết.
Trong số những người kết thành 50km “Con đường Hong Kong” hôm thứ Sáu vừa qua, rất nhiều bạn trẻ vẫn chưa ra đời khi “Con đường Baltic” được tạo thành 30 năm trước đó. Những người Hong Kong đề xuất ra ý tưởng trên có lẽ cũng chưa quá 30 tuổi, khi ý tưởng được thành hình trên LIHKG, mạng xã hội dành cho những người trẻ tại đây.
Đối với những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết của Hong Kong, đó không phải là điều bất lợi.
Không chấp nhận ràng buộc xiềng xích của những thế lực bạo quyền, họ bù đắp cho sự non trẻ thiếu kinh nghiệm của mình bằng một tình yêu tự do thuần khiết, thổi vào đó ngọn lửa học hỏi và sáng tạo không ngừng.
Tuy vậy, không phải tất cả mọi bất lợi đều có thể được bù đắp chỉ bằng nhiệt huyết. Cho đến nay, phong trào vận động phản kháng của người dân Hong Kong cũng bộc lộ nhiều vấn đề mà bản thân những người trong cuộc vẫn chưa biết đâu sẽ là hướng giải quyết.
5. Đặt ra giới hạn
Khác với những lần phản kháng trước kia, phong trào lần này có một đặc điểm nổi trội là “không có lãnh đạo” (leaderless).
Các cuộc biểu tình đều mang tính tự phát, từ học sinh sinh viên đến những nghiệp đoàn, tất cả đều tự tổ chức lên kế hoạch cho các hoạt động của mình. Đến cả “Mặt trận Dân chủ” (United Front), nơi tổ chức các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ tháng Sáu đến nay, cũng là tập hợp của những hội nhóm khác nhau, không phải là đầu mối lãnh đạo đúng nghĩa.
Đặc điểm này có lợi thế là rất khó bị chính quyền đàn áp, dập tắt bằng cách “đập đầu rắn”. Nhưng nó đồng thời cũng dẫn đến hai vấn đề.
Một là không có cách nào kiểm soát, giới hạn hành động của những người biểu tình, đặc biệt là những nhóm “tiền tuyến”, “dũng vũ” vốn không ngần ngại ăn miếng trả miếng cùng cảnh sát.
Không đặt ra giới hạn cho việc “máu trả bằng máu” này, vòng xoáy bạo lực sẽ ngày càng leo thang. Leo đến một nấc thang nào đó, sẽ không còn đường xuống. Mọi lời xin lỗi sẽ không còn mấy ý nghĩa.
Liệu có đến lúc người biểu tình được khuyến khích dùng dao tấn công cảnh sát, thay vì chủ yếu dùng gạch đá ném như hiện tại? Hay bom xăng sẽ được ném thẳng vào cảnh sát thay vì ném vào không gian trống như vừa qua?
Vào trước cuộc biểu tình lớn vào ngày 18/8, đã có rất nhiều tin đồn về việc Bắc Kinh sẽ dùng quân đội trấn áp. Một trong những kịch bản là việc họ sẽ dùng những nhóm người từ đại lục trà trộn vào đoàn người biểu tình, dùng bom xăng giết hại cảnh sát. Quân đội lúc này sẽ có cớ để danh chính ngôn thuận nhảy vào bảo vệ trị an, chống lại “khủng bố”.
Trên thực tế, một ngày trước cuộc biểu tình vào 18/8, cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ các nghi can, trong đó có người từ đại lục, khi phát hiện chiếc xe của họ chứa bảy quả bom xăng.
Cuộc đụng độ ngày 14/7 tại New Town Plaza, nơi tập trung nhiều du khách Trung Quốc. Khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông, người biểu tình ném dù và chai nước vào họ. Hơn 40 người bị bắt. Ảnh: Bloomberg.
Mặc dù tất cả vẫn chỉ là tin đồn, nhưng đây rõ ràng là một vấn đề nghiêm trọng với phong trào phản kháng, chừng nào họ vẫn chưa thống nhất được đâu là lằn ranh đỏ không thể vượt qua.
Nó còn chỉ ra vấn đề thứ hai đối với phong trào phi-lãnh-đạo: làm thế nào để xác nhận ai là phe ta, ai là trà trộn để kích động hoặc vu oan giá họa?
Cảnh sát Hong Kong đã thừa nhận chiến thuật cho người trà trộn vào đoàn người biểu tình, theo dõi và bắt giữ các “nghi phạm”. Nhưng làm thế nào biết được liệu có phải chính các “trộn nhân” này là tác giả của những hành vi bạo lực, nhằm kích động đổ vấy người khác? Không ai trả lời được nghi vấn này.
Vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn đối với phong trào biểu tình một khi các trộn nhân bao gồm cả các đối tượng giang hồ, xã hội đen và “lực lượng an ninh” của chính quyền cộng sản – vốn dĩ xưa nay khét tiếng với những hành động bất chấp thủ đoạn, hèn hạ không có điểm dừng của mình.
Bất kỳ một hành động nào của các trộn nhân đều sẽ là cái cớ không chỉ để chính quyền tăng cường đàn áp, mà còn là thức ăn bổ dưỡng để bộ máy tuyên truyền khổng lồ xào nấu ra những câu chuyện hư hư thực thực theo ý đồ của nhà cầm quyền.
Không đặt ra được giới hạn cho những hành động phản kháng, lẫn giới hạn để phân biệt đâu là người đàng hoàng, đâu là “trộn nhân” giả dạng, phong trào vận động của người Hong Kong sẽ còn gặp rất nhiều những bất lợi.
6. Chiến lược dài hạn
Thiếu một lực lượng đủ sức đóng vai trò đại diện cũng khiến cho phong trào khó hình thành nên một chiến lược dài hạn rõ ràng được số đông chấp thuận.
Các cuộc biểu tình liên tục, cùng những hoạt động phản kháng khiêu khích/ đáp trả bạo lực diễn ra nhiều khiến bản thân những người biểu tình cũng khó tránh khỏi hoang mang.
Họ lo lắng phong trào kéo dài sẽ hụt hơi, khi chính quyền đặc khu lẫn Bắc Kinh có nguồn lực gần như vô tận để tiêu hao, “cù nhây” với người dân.
Họ cũng lo ngại việc những hành động quá khích sẽ khiến phong trào dần mất đi sự ủng hộ từ những người trung lập, đặc biệt khi công ăn việc làm của rất nhiều người đã bị thiệt hại nặng nề trong nhiều tháng qua, vượt xa ảnh hưởng từ Phong trào Dù vàng 5 năm trước.
Ngày 16/6, theo ban tổ chức, gần hai triệu người mặc áo đen đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ và yêu cầu bà Carrie Lam từ chức. Ảnh: AP.
Stephen Shiu, một nhân vật kỳ cựu trong giới truyền thông của Hong Kong, đã đề xuất việc đưa ra hạn chót là 30/9 cho chính quyền đặc khu để đáp ứng yêu cầu người dân. Từ giờ đến thời điểm đó, các hoạt động lớn của phong trào sẽ dừng lại, nhường chỗ cho việc đàm phán đối thoại cùng chính quyền. Việc đàm phán sẽ được thực hiện thông qua một ủy ban, với đại diện cho tất cả những thành phần của người biểu tình, từ học sinh sinh viên đến đại diện các nghiệp đoàn, từ “tiền tuyến” đến “hòa lý phi”.
Nếu trước ngày 30/9, chính quyền vẫn chưa chịu đáp ứng, toàn thành phố sẽ tổ chức biểu tình quy mô lớn vào ngày trên.
Khi đó, vào hôm sau, ngày 1/10, ngày quốc khánh của Trung Quốc, truyền thông thế giới sẽ dành trang nhất nói về cuộc biểu tình ở Hong Kong, làm lu mờ các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm hoành tráng của Bắc Kinh nhân dịp 70 năm lịch sử.
Đối với một chính quyền độc tài luôn cố gắng tạo ra tính chính danh cho mình, sự kiện này sẽ tạo ra áp lực không hề nhỏ cho Bắc Kinh lẫn chính quyền đặc khu.
Nhưng với phong trào phi-lãnh-đạo của Hong Kong, việc thuyết phục tất cả đồng thuận làm theo một chiến lược dài hơi (cho dù chỉ là hơn một tháng) như vậy có lẽ khó thành hiện thực.
7. Thỏa hiệp
Không có một lực lượng đại diện đúng nghĩa còn khiến cho quá trình thương lượng với chính quyền gặp nhiều khó khăn.
Một trong những khẩu hiệu được nhiều người biểu tình đồng thanh là “năm yêu cầu lớn – thiếu một cũng không chấp nhận”. Nhưng rất nhiều người đều có cùng nhận định, chính quyền Hong Kong cho dù muốn cũng không thể cùng lúc đáp ứng năm yêu cầu trên.
Yêu cầu thực tế nhất là hủy bỏ hoàn toàn Dự luật Dẫn độ và thành lập ủy ban điều tra độc lập toàn bộ sự việc.
Đây cũng là hai yêu cầu nhận được đông đảo sự đồng tình nhất từ đa số người dân Hong Kong, kể cả những người thuộc phe “bảo hoàng”, thân chính quyền.
Họ cho rằng một khi ủy ban điều tra độc lập được thành lập, mọi sự thật sẽ được làm sáng tỏ, từ việc nguồn cơn dẫn đến “sáng kiến dẫn độ”, cho đến các hành vi lạm quyền của cảnh sát, lẫn những hành động bạo lực của người biểu tình.
Nhưng trong trường hợp chính quyền chấp nhận thành lập ủy ban độc lập, liệu tất cả người biểu tình có chấp nhận tạm ngưng?
Không ai đủ sức thay mặt đại diện cho tất cả người biểu tình để đảm bảo việc đó.
Có nhiều ý kiến còn đề xuất, để hóa giải xung đột sâu sắc giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát, ủy ban điều tra độc lập còn phải được phép đặc xá, không chỉ cho những người biểu tình bị bắt giữ, mà còn cho cả những cảnh sát phải chấp hành mệnh lệnh.
Cảnh sát bắn đạn hơi cay vào người biểu tình tại Sham Shui Po ngày 14/8. Ảnh: Quartz.
Stephen Shiu, một trong những người đề xuất ý kiến trên, đã giải thích rằng nếu chỉ “xóa tội” một bên (người biểu tình) mà bắt tội cảnh sát, đặc biệt là những người phải thừa hành mệnh lệnh, mâu thuẫn giữa người dân và cảnh sát sẽ càng ngày càng bùng nổ.
Xã hội không thể ổn định và yên bình nếu cảnh sát và dân xem nhau là kẻ thù.
Ông đưa ra ví dụ về trường hợp của ICAC (Independent Commission Against Corruption – Ủy ban Độc lập Phòng chống Tham nhũng).
Thành lập vào năm 1974, ICAC được xem là một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp biến Hong Kong trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới ngày nay. Sự ra đời của cơ quan này đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Hong Kong.
Trong bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng của 175 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào năm 2018, Hong Kong được xếp ở vị trí 14, thuộc top 20 quốc gia “trong sạch” nhất toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Ít ai biết được vào thời điểm ICAC ra đời, Hong Kong là thiên đường của hối lộ và tham nhũng. Người dân phải trả “tiền trà nước” cho mọi thứ trên đời, từ việc lắp đặt điện thoại cho đến gọi cứu hỏa khi có cháy. Cảnh sát mọi cấp bậc từ trên xuống dưới đều nhận hối lộ. Chính một vụ án hối lộ tham nhũng lớn dính đến sếp tổng lực lượng cảnh sát vào thời điểm trên là lý do ICAC được gấp rút thành lập để tiến hành điều tra.
Thời gian đầu, không khó hiểu khi ICAC gặp rất nhiều sự chống đối từ mọi lực lượng, đặc biệt là cảnh sát.
Cho đến năm 1977, thống đốc Hong Kong vào thời điểm trên đã ra một quyết định gây sốc: ban hành chính sách ân xá một phần (partial amnesty), tha bổng tất cả những ca hối lộ tham nhũng xảy ra vào trước năm 1977. Chỉ những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mới tiếp tục bị điều tra truy tố.
Quyết định “xé nháp” làm lại từ đầu này đã giúp ICAC có được sự ủng hộ của nhiều thành phần trong xã hội, từ đó tạo nên một văn hóa trong sạch mới cho Hong Kong.
Stephen Shiu dẫn chứng trường hợp của ICAC để thuyết phục các bên chấp nhận việc đặc xá không chỉ cho lực lượng biểu tình và còn cả những cảnh sát phải làm theo mệnh lệnh. Sau khi “xé nháp”, quan hệ giữa hai bên sẽ được xây dựng lại từ đầu, trên tinh thần thượng tôn luật pháp và tôn trọng lẫn nhau.
Đây có lẽ là một trong những giải pháp khả thi nhất để hòa giải lẫn hóa giải hận thù không đáng có trong xã hội, nhưng thật khó biết được nó sẽ được bao nhiêu người, đặc biệt là phe biểu tình vốn dĩ không có (và cũng không chấp nhận ai) lãnh đạo, gật đầu chấp nhận.
***
Mùa hè không yên ả của người Hong Kong đã bước sang tuần thứ 13 và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Những bài học mà người dân Hong Kong rút ra, cùng những vấn đề mà họ vẫn đang phải tìm cách giải quyết, sẽ quyết định nỗ lực của họ đi tới đâu.
Dù thành hay bại, có một điều chắc chắn, họ sẽ không bao giờ dừng lại.
Như câu trả lời của người thanh niên trẻ xuống đường tuần hành trong những ngày đầu tiên, trả lời việc vì sao biết việc mình làm không mang lại kết quả gì mà vẫn làm,
“Vì ít nhất tôi phải chiến đấu, ít nhất tôi không bỏ cuộc. Tôi phải chiến đấu, chiến đấu đến giây phút cuối cùng.”