Cháy nhà ra mặt chuột
24.07.2019
NhanHoa’s blog – RFA
NhanHoa’s blog – RFA|
Ngày 20/7/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức lên tiếng trước các tường thuật rộ lên từ thượng tuần tháng 7 đến nay về việc Trung Quốc can thiệp một cách vô luân vô pháp vào hoạt động dầu khí của Việt Nam tại Bỉển Đông, bao gồm cả các hoạt động thăm dò, khai thác mà Việt Nam đã tiến hành từ lâu nay.
“Rats desert a falling house” có lẽ chưa hẳn là cách chuyển ngữ chuẩn nhất theo nghĩa bóng đối với thành ngữ “cháy nhà ra mặt chuột”. Nhưng ở đây không bàn về câu chuyện diễn ngôn (discourse), status này chỉ đề cập đến Tuyên bố chắc nịch của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cuối tuần qua, khi Mỹ đòi Trung Quốc phải dừng ngay thái độ bắt nạt nước khác trên Biển Đông.
Gián tiếp ủng hộ vấn đề chủ quyền của Việt Nam, Washington phê phán Bắc Kinh: “Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào hoạt động dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đang đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực, đồng thời làm suy yếu thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Tuyên bố kịp thời của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng việc Trung Quốc gia tăng áp lực lên các nước ASEAN nhằm hạn chế quyền của các nước này đối với việc hợp tác với các bên thứ ba, cho thấy Bắc Kinh đang muốn xác quyết quyền kiểm soát của mình đối với hầu hết các nguồn trữ liệu dầu khí tại Biển Đông.
Với Tuyên bố đầu tiên và cho đến nay là duy nhất từ The State Department, Hoa Kỳ đã phê phán những chiều kích chống lại pháp lý và luật quốc tế, đồng thời vạch rõ các hoạt động che giấu dã tâm bành trướng của Bắc Kinh.
Bởi vì, “đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”. Chính bà Thu Hằng, phát ngôn viên của Hà Nội cuối cùng cũng buộc phải công khai cái lập trường tù mù, sau khi “vòng vo tam quốc” trong một tuyên bố “thừa lời mà thiếu ý chí” trước đấy mấy ngày.
Theo phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế, phụ lục VII của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Toà đã khẳng định Trung Quốc không có quyền lịch sử tại Biển Đông và quan trọng nhất, các thực thể tại quần đảo Trường Sa không thể có các vùng biển rộng hơn 12 hải lý xung quanh, hay thậm chí không có việc cả quần đảo Trường Sa tạo ra một vùng biển rộng lớn xung quanh nó.
Vị trí Trung Quốc cho tàu có vũ trang hạng nặng quần thảo với các tàu cảnh sát biển của Việt Nam lâu nay quyết không thể là vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc chồng lấn lên của Việt Nam.
Do đó, nếu Trung Quốc cho rằng khu vực này nằm trong vùng thuộc quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán của Trung Quốc từ các thực thể tại Trường Sa, thì đây là một lập luận hoàn toàn không có cơ sở trong luật quốc tế.
Thế mà hôm 17/7, giữa thanh thiên bạch nhật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trâng tráo đe doạ Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam thực sự tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại các vùng biển có liên quan và không có những hành động làm phức tạp tình hình,” ông Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo định kỳ ở Bắc Kinh.
Tương tự, trước đây mấy năm, vào tháng 7/2017, một dự án dầu khí quan trọng khác của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó công ty Repsol (từ Tây Ban Nha) là đối tác, buộc phải ngưng bỏ. Tin thời ấy cho hay, giới lãnh đạo Repsol khi đó được Hà Nội thông báo, Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò.
Còn vừa rồi thì sao? Mãi cho tới hôm 19/7/2019, chính quyền Việt Nam mới chính thức cáo buộc tàu thăm dò khảo sát của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống đã vi phạm chủ quyền với việc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa ở phía nam Biển Đông.
Giả sử không có Tuyên bố ngang ngược của Bắc Kinh, liệu Hà Nội đã dám công khai kêu cứu, sau khi, theo nếp truyền thống “bị bóng đè” từ xưa tới nay, thực hiện chính sách “hèn với giặc, ác với dân”. Quỵ luỵ, chửi đổng Bắc Kinh, nhưng tuyệt đối không cho dân mở miệng, với một lý sự cùn, “đã có đảng và nhà nước lo”.
Một ngày sau khi Hà Nội cầu cứu, Washington lập tức lên tiếng. Ở đây chưa hẳn đã là “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Bộ Ngoại giao Mỹ “giữa đường thấy sự bất bình mà tha” hẳn phải là vì “Nước Mỹ trước tiên” (lời của Trump). Nhưng rõ ràng sự cộng hưởng lợi ích hiện nay giữa cuộc đấu “bất cân xứng” Hà Nội – Bắc Kinh với tầm nhìn Indo-Pacific của Washington là một cơ hội kim cương cho Việt Nam.
Nhưng “thời gian và thuỷ triều lại không chờ đợi ai”. Liệu Việt Nam còn “lửng lờ con cá vàng” đến bao giờ, theo kiểu của tướng Vịnh. “Chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ môi trường hòa bình và lợi ích chung của Biển Đông với cộng đồng quốc tế”. Than ôi, “cỏ nào đến miệng voi”, cộng đồng quốc tế nào đến với Việt Nam mà ông tướng ba hoa này “há miệng chờ sung” hoài vậy?
Người Việt từ xa xưa đã mượn hình ảnh con chuột và sự cố hoả hoạn để nói về những kẻ xấu xa trong cộng đồng thường ẩn mình không lộ diện. Chỉ khi gặp nguy nan chúng ta mới biết được, thứ nhất, bộ mặt thật của những những kẻ hiểm ác và thứ hai, ai là người vì mình đã “mang ô đến khi trời mưa” (Friend in deed is a friend in need). Chân lý giản dị này khi nào mới được giới lãnh đạo Hà Nội “ngộ” ra?
NhanHoa’s blog
......
⤑