Hiệu quả của nỗ lực Trung Quốc thao túng truyền thông ở Việt Nam ra sao?

Hình minh hoạ: Một người ủng hộ chính phủ Trung Quốc phát báo trước là cờ Trung Quốc ở Hong Kong hôm 1/7/2020. Trường Sơn| Cùng với sự tăng trưởng về sức mạnh kinh tế và quân sự, ảnh hưởng của Trung Quốc lên phần còn lại của thế giới cũng tăng theo, và nước này đang ngày càng chú trọng đến việc sử dụng truyền thông để gieo rắc, tuyên truyền nhằm củng cố ảnh hưởng cũng như chống lại những gì mà Trung Quốc cho là bất lợi. Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc và có hệ thống chính trị tương đồng, song song đó có những tranh chấp gay gắt về mặt chủ quyền, và đang kẹt ở giữa cuộc tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường. Do đó, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức độc nhất trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực truyền thông. Ngày 23 tháng 7, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở ở Singapore tổ chức cuộc hội đàm về nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo ra ảnh hưởng đến lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam. Cuộc toạ đàm được thực hiện bởi hai diễn giả, bao gồm ông Drew Thompson từ trường Chính sách công Lý Quang Diệu, và ông Lương Nguyễn An Điền từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Chính quyền Trung Quốc, theo ông Drew Thompson, đã chi hàng tỉ đô la Mỹ trong những năm vừa qua cho chiến lược tuyên truyền ở nước ngoài của họ. Cụ thể, nước này thành lập hàng loạt các hãng thông tấn và đài phát thanh, trong số đó phải kể đến Tân Hoa Xã (Xinhua) và Đài phát thanh Quốc tế Tiếng Trung (China International Radio). Những cơ quan truyền thông này được nhà nước rót kinh phí để mở hàng loạt trụ sở ở nước ngoài, và hoạt động dưới sự chỉ đạo của cơ quan tuyên giáo Trung Quốc, với mục đích đảm bảo lợi ích của nước này ở quảng bá chính sách cũng như hình ảnh cá nhân của Tập Cập Bình. Ngoài truyền thông dòng chính, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ vào nỗ lực tạo ảnh hưởng trên truyền thông mạng xã hội, các trang tin như Hoàn cầu Thời báo (Global Time) hay Trung Hoa Nhật báo (China Daily) là những trang tin của chính phủ Trung Quốc hoạt động tích cực trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Twitter, dù cho các mạng xã hội này bị cấm ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng tích cực đầu tư vào các dự án làm phim ở Hollywood, thông qua đó quảng bá các thông điệp mà chính phủ nước này muốn đến toàn thế giới. Khi nói đến ảnh hưởng của Trung Quốc lên môi trường thông tin ở Việt Nam, ông Drew Thompson nhấn mạnh, là trước tiên cần phải hiểu bản chất của môi trường truyền thông ở Việt Nam. “Internet bị kiểm duyệt, truyền thông thì bị kiểm soát ngặt nghèo, và giới hạn việc sở hữu, đã ngăn chặn những luồng tư tưởng mà Đảng Cộng Sản Việt Nam coi là mối hoạ”.Ông Drew Thompson nói. Việt Nam vốn được biết là quốc gia có môi trường báo chí bị kiểm soát ngặt nghèo bởi Nhà nước, hầu như tất cả các cơ quan truyền thông ở trong nước đều thuộc sự chi phối của các cơ quan Đảng và Chính phủ, như Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông. Về cơ bản thì giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng rất lớn về cách quản lý báo chí và truyền thông. Hình minh hoạ: Một sạp báo trên đường phố Hà Nội. Hình: Reuters Chính vì môi trường báo chí bị kiểm duyệt ngặt nghèo, nên ông Drew Thompson cho rằng các nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo ảnh hưởng lên hệ thống truyền thông ở Việt Nam là rất hạn chế, bởi Nhà nước Việt Nam không cho phép bất cứ sự đầu tư hay can thiệp nào từ nước ngoài vào hệ sinh thái truyền thông ở Việt Nam. Ngoài nguyên do cơ chế, Trung Quốc còn gặp phải một lực cản khác khi cố gắng thao túng truyền thông ở Việt Nam, và theo ông Lương Nguyễn An Điền thì đó chính là tâm lý chống Trung Quốc của người dân Việt Nam. Quả vậy, xã hội Việt Nam từ trước đến nay vẫn duy trì thái độ dè dặt, thậm chí là bài bác gay gắt những gì liên quan đến Trung Quốc. Điều này, ông Lương Nguyễn An Điền nói, đã tạo ra sự kháng cự trước những ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong nội bộ đội ngũ báo chí ở Việt Nam, và đóng vai trò răn đe đối với bất cứ nỗ lực tuyên truyền có lợi nào cho nước láng giềng phía Bắc, bởi điều đó chắc chắn sẽ đón nhận làn sóng phẫn nộ của dân chúng. Gặp trở trại trong việc tác động đến truyền thông dòng chính ở Việt Nam, chính quyền Trung Quốc, thông qua cơ quan ngoại giao của mình, đã chuyển hướng và nhắm vào các công cụ mạng xã hội để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền. Theo đánh giá của ông Drew Thompson thì chính vì Việt Nam và Trung Quốc có hệ thống chính trị tương đồng nhau, đều là các quốc gia Cộng Sản, nên giữa hai quốc gia có sự liên hệ không giống so với các nước khác, ở đây là sự liên hệ giữa hai đảng Cộng Sản. Chính quyền Trung Quốc rất nỗ lực trong việc tạo ảnh hưởng thông qua gây áp lực lên các cơ quan Đảng và chính quyền ở Việt Nam. Do vậy, chiến lược tuyên truyền của họ trên mạng xã hội ở Việt Nam, có mục đích rất riêng. Theo quan sát của ông Lương Nguyễn An Điền, thì các nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc ở Việt Nam chủ yếu là thông qua cơ quan ngoại giao của nước này, trong đó có Đại sứ quán của họ tại Hà Nội, và lãnh sự quán ở TP. Hồ Chí Minh. Cả hai cơ quan ngoại giao này của Trung Quốc đều xuất hiện trên Facebook, mạng xã hội được hầu hết người Việt Nam sử dụng. Và thông điệp mà họ tích cực truyền đi nhất, đó là các luận điệu chống Mỹ. “Nội dung trên trang Facebook của cơ quan ngoại giao Trung Quốc hàm chứa thông điệp đả kích nhằm phục vụ hai mục đích, một là để bảo vệ chính sách của Trung Quốc, và hai là để chỉ trích Hoa Kỳ”.Ông Lương Nguyễn An Điền phát biểu. Hình minh hoạ. So sánh hai trang Fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Hồ Chí Minh vào 8 giờ tối giờ Việt Nam (ngày 24/11/2020) Việt Nam đang ở trong tình huống bị kẹt ở giữa cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, rõ ràng Trung Quốc không muốn Việt Nam ngả theo Mỹ, nhưng nước này cũng ý thức được là người dân Việt Nam bài bác họ. Thế nên các thông điệp mà các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc đưa ra hầu hết tập trung vào việc chỉ trích Hoa Kỳ và tránh động đến các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Dù vậy, theo đánh giá của ông Lương Nguyễn An Điền thì Trung Quốc hầu như không gặt hái được thành công nào trong việc tạo ảnh hưởng đến truyền thông và người dân Việt Nam thông qua mạng xã hội. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, những nỗ lực của cơ quan ngoại giao Trung Quốc đã tạo ra làn sóng phản đối của người dân Việt Nam. Đơn cử như hồi tháng 7 năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đăng tải bài báo được viết bởi Tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo, trong đó cảnh báo Việt Nam không không được ngả theo Mỹ. Bài đăng này sau đó đã nhận phải làn sóng công kích của dân mạng ở Việt Nam. Kể từ đó, theo quan sát của ông Điền thì các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam đã hạn chế đăng tải phát ngôn trên mạng xã hội. Bằng chứng là hồi tháng 6 năm 2021, đại sứ quán Trung Quốc đã đăng tuyên bố phản đối việc phân bổ vắc-xin do Trung Quốc tặng của chính quyền Việt Nam trên mạng xã hội Weibo, vốn chỉ được người Trung Quốc sử dụng, chứ không đăng tải trên Facebook. Theo kết luận của hai chuyên gia, Drew Thompson và Lương Nguyễn An Điền, thì dù cố gắng nhưng cho đến nay các nỗ lực của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng lên truyền thông và mạng xã hội ở Việt Nam được cho là đã gặp phải thất bại. Trường Sơn Nguồn:https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-does-china-try-to-influence-vn-media-lanscape-07262021141649.html      
......

Trung Quốc sốt ruột vì những đòn bao vây của Hoa Kỳ

Trung Điền - Web Việt Tân| Sau khi viếng thăm và trao đổi về tình hình Á Châu với ba ngoại trưởng Nhật Bản, Nam Hàn và Mông Cổ, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Wendy Sherman đã bay đến thành phố Thiên Tân để gặp Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị, và sau đó có cuộc họp riêng với Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Tạ Phong trong cùng ngày 26 tháng Bảy vừa qua. Theo đánh giá chung của các nhà quan sát quốc tế thì không khí cuộc gặp rất căng thẳng và đã không có điều gì mới kể từ sau cuộc gặp đầy sóng gió ở Alaska vào trung tuần tháng Ba năm nay. Điểm đáng nói là tại hội nghị này, hai phía đã không thảo luận gì về cuộc họp cấp cao giữa Tổng Thống Biden với Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình khi tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 vào cuối tháng Mười tại Rome, Italy. Theo bà Wendy Sherman thì tuy hội nghị không mang lại sự đồng thuận gì mới vì hai phía vẫn còn nhiều khác biệt, nhưng có một điểm “đáng khích lệ” là cả hai đều muốn duy trì sự đối thoại. XEM THÊM: Vì sao Hoa Kỳ “khai chiến” với Trung Quốc ở Alaska Trong lần gặp gỡ này, phía Trung Quốc đã trao cho bà Wendy Sherman hai tài liệu. Tài liệu thứ nhất liên quan đến những điều mà Bắc Kinh cho là Hoa Thịnh Đốn phải giải quyết để “khắc phục” hậu quả, bao gồm dỡ bỏ các ngăn chặn việc cấp chiếu khán vào Mỹ đối  với những đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc, thân nhân và những du học sinh; dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với những nhà lãnh đạo, quan chức và cơ quan chính quyền; dỡ bỏ các hạn chế đối với Viện Khổng Tử và các công ty của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh còn yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt việc ngăn chặn các đặc phái viên nước ngoài của Trung Quốc được tác nghiệp ở Hoa Kỳ, và nhất là hủy bỏ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vạn Châu (Meng Wan Zhou), giám đốc tài chánh của Tập đoàn Huawei từ Canada. Tài liệu thứ hai liên quan đến những vấn đề mà Bắc Kinh muốn Hoa Kỳ “quan tâm,” bao gồm giải quyết những đối xử bất công với công dân Trung Quốc tại Hoa Kỳ, chấm dứt quấy rối các lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc, ngăn chặn làn sóng kỳ thị người Á Châu tại Hoa Kỳ. Tuy không để trong tài liệu thứ hai, nhưng Thứ Trưởng Tạ Phong nói với bà Wendy Sherman là Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ cách tiếp cận của chính quyền Biden khi Tòa Bạch Ốc vừa duy trì sức ép lên Trung Quốc, vừa tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh trong những vấn đề về biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên. Tuy bề ngoài chỉ trích Hoa Kỳ nào là đã có những hành vi “đạp lên lằn ranh đỏ,” “chơi trò khiêu khích,” “núp dưới chiêu bài giá trị chung để tìm cách cô lập Trung Quốc,” nhưng bên trong hội nghị thì Trung Quốc mong muốn Hoa Kỳ chấm dứt các chính sách thù địch, cùng hợp tác cho những lợi ích chung giữa hai nước. Sự kiện Trung Quốc trao cho Hoa Kỳ hai tài liệu với những “yêu sách” cần Hoa Kỳ phải giải quyết cho thấy là Bắc Kinh thật sự “bối rối” về các đòn trừng phạt của Hoa Thịnh Đốn ít nhất là từ năm 2018 cho đến nay. Thứ nhất, việc Hoa Kỳ trừng phạt một số cán bộ lãnh đạo Trung Quốc và Hong Kong liên quan đến vụ đàn áp người Uyghur ở Tân Cương, đàn áp phong trào dân chủ tại Hong Kong; đồng thời cấm cửa đối với một số đảng viên cộng sản, thân nhân và sinh viên Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã khiến cho “giấc mơ Mỹ Quốc” của hàng triệu thanh niên Trung Quốc bị sụp đổ. Lý do là sự “cấm cửa” này làm ảnh hưởng lớn đến con đường tiến thân của nhiều con em trong các gia đình trung lưu ở Trung Quốc ngày nay muốn tìm một đời sống mới tại nước Mỹ. Nhưng quan trọng hơn, hệ quả của sự “cấm cửa” này đã khiến cho  nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc lùng bùng khi có rất đông đảng viên bày tỏ sự bất mãn về việc lãnh đạo Bắc Kinh đã không nghe lời khuyên của Đặng Tiểu Bình, vội vã để lộ tham vọng khống chế thế giới, khiến Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ và cả thế giới tự do cô lập. Thứ hai, việc Hoa Kỳ ra lệnh cấm vận gần 100 đại công ty của Trung Quốc không được đầu tư và giao thương với các công ty Hoa Kỳ đã không chỉ gây khó khăn cho các hoạt động thương mại của những công ty này, mà còn làm cho chiến lược Made In China 2025 của họ Tập nhằm nuôi dưỡng những công ty công nghệ cao để qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2025 bị khựng lại, và phải triển hạn chiến lược này đến năm 2035. Sự cấm vận này còn khiến cho 44% doanh nghiệp khác của Trung Quốc đã phải chuyển hướng các đầu tư và thương mại sang khu vực Châu Á và Châu Âu nhằm tránh những trừng phạt từ Hoa Kỳ. Trong khi bà Wendy Sherman rời Thiên Tân bay về Hoa Thịnh Đốn, thì Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken lại bay sang New Delhi để gặp Thủ Tướng Narendra Modi và Bộ Trưởng Ngoại Giao Ấn Độ là Tiến Sĩ Jaishankar vào Thứ Ba ngày 27 tháng Bảy, cho thấy là chính quyền Tổng Thống Biden đang ngày càng coi trọng quan hệ với Ấn Độ, trong khi quan hệ với Bắc Kinh đang đi vào bế tắc, nhất là Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị một báo cáo về căn nguyên của đại dịch coronavirus vào cuối tháng Tám năm nay. Nói tóm lại, Trung Quốc thật sự không muốn thấy quan hệ với Mỹ ngày một xấu đi hơn nữa vì lo ngại làn sóng thất vọng đang dâng cao trong đảng Cộng Sản khiến các hoạt động kinh doanh và cơ hội cho con cái của họ sang Mỹ học tập bị trở ngại. Nhưng vốn kiêu ngạo và coi mình là một hoàng đế, Tập Cận Bình lại dùng những xung đột với Hoa Kỳ để kích lên làn sóng “ái quốc” nhằm triệt hạ những phe nhóm muốn thách đố quyền lực của họ Tập. Tình hình này cho thấy là nội tình của Trung Quốc không mấy sáng sủa, và việc họ Tập có thể tiếp tục cầm quyền thêm nhiệm kỳ thứ 3, sau đại hội toàn đảng kỳ thứ XX vào tháng Mười, năm 2022 còn là một dấu hỏi lớn. Trung Điền XEM THÊM: Trung Quốc có thể tiếp tục đà trỗi dậy hay không? Thế giới nên coi chừng đảng Cộng Sản Trung Quốc Ý nghĩa việc Hoa Kỳ trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông  
......

Một chỉ thị quái đản!

“Hà Nội khuyến khích mua online nhưng lại cấm shipper” không phải là một câu chuyện hài trong mùa Covid-19, nhưng là một chuyện có thật mới xảy ra ngay tại thủ đô Hà Nội. Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân| Đây cũng là nhan đề bài báo trên báo Lao Động ngày 23 tháng Bảy mà khi đọc qua, dù là người bình tĩnh hay không nóng vội cũng không khỏi lắc đầu ngán ngẩm về chủ trương nói trên. Câu chuyện bắt đầu khi tình trạng lây lan của biến chủng Delta tăng cao trên toàn quốc, chính quyền thành phố Hà Nội ra lệnh “giản cách xã hội” mà người dân hiểu là phong tỏa theo Chỉ Thị 16, kể từ ngày 24 tháng Bảy. Sau đó Sở Công Thương Hà Nội đưa ra một thông báo về việc bảo đảm cung cấp hàng hóa cho thủ đô, nhấn mạnh đến việc khuyến khích “mua bán trực tuyến” như một biện pháp giúp thực hiện lưu thông nhu yếu phẩm cần thiết. Nhưng trong cùng ngày, cũng nhanh nhạy không kém, Sở Giao Thông Vận Tải lại có văn bản yêu cầu các ứng dụng như Grab, Be, Gojek ngừng cung cấp dịch vụ gọi xe và giao hàng cho đến khi có lệnh mới. Đúng là chuyện ông nói gà bà nói vịt của các lãnh đạo Hà Nội, vì một mặt sở này kêu gọi dân mua bán qua trực tuyến thì sở nọ ra lệnh dừng dịch vụ shipper. Cho dù vì bất cứ lý do gì, ai cũng hiểu khi mua hàng online thì hàng sẽ gởi qua bưu điện hay nhờ vào dịch vụ của các công ty vận chuyển. Như vậy những shipper như Now, Grab, BaeMin, GoFood… cũng chỉ là hình thức của hãng dịch vụ giúp chuyên chở hàng và giao hàng cho người dân các loại thực phẩm, đồ gia dụng cần thiết. Và họ đã làm tốt công việc này từ lâu, phục vụ dân chúng một cách khá hữu hiệu. Trong những ngày phong tỏa chặt chẽ như hiện nay, người dân tuân thủ lệnh của nhà chức trách không thể ra ngoài và phải ở nhà. Muốn đi ra ngoài phải có giấy phép hay lý do mà tìm được tờ giấy phép hay lý do chính đáng trong chế độ toàn trị này thì vô cùng khó khăn với nhiều bi hài kịch cười ra nước mắt như câu chuyện ở Nha Trang, “bánh mì không phải là thực phẩm.” Khi nhà nước ban hành và áp dụng Chỉ Thị 16 để chống dịch, người dân phải sống trong tình trạng nội bất xuất ngoại bất nhập thì chỉ có nhờ qua dịch vụ shipper mới sống nổi qua ngày. Nay shipper cũng cấm, chính chế độ đã làm cho đời sống người dân khó khăn hơn, sinh hoạt xã hội đi tới chỗ tan rã vì những chỉ thị, quyết định quá nặng mùi chính trị. Tình trạng tiền hậu bất nhất của hai Sở Công Thương và Giao Thông Vận Tải một lần nữa làm nổi bật tính cách quan liêu, xa rời thực tế của những cán bộ  có quyền ban ra lệnh này lệnh nọ bất chấp thiệt hại về phía người dân. Một hệ thống cầm quyền chỉ thống nhất trên sự đàn áp mà rời rạc trong nhiệm vụ hành chánh an dân, rốt cuộc chỉ đưa tình hình chống dịch đến chỗ thất bại. Bởi lẽ: Thứ nhất, khi chấp nhận cho mua hàng qua hình thức online tức là cũng gián tiếp chấp nhận cho đưa hàng hóa thực phẩm cần thiết đến nhà và ngược lại. Vậy sợ những nhân viên của công ty shipper giao hàng làm lây lan Covid-19 thì rõ ràng là mâu thuẫn khi muốn đời sống người dân vẫn bình thường. Thứ hai, cấm người dân ra đường nhưng lại cho mở các cửa hàng bán nhu yếu phẩm. Khi họ không đến cửa hàng được thì dĩ nhiên phải nhờ các shipper đi mua và chuyển hàng. Điều đó quá tự nhiên và bình thường, tại sao lại cấm? Hiện nay chính quyền đã ra lệnh giới nghiêm trên một số thành phố lớn – không loại trừ tiến tới giới nghiêm toàn quốc. Những lệnh lạc kiểu nói trên của những người cầm quyền ở trung ương cũng như của thành phố Hà Nội chỉ làm cho tình hình chống dịch thêm rối ren lên mà thôi. Phạm Nhật Bình  
......

Giới nghiêm, nhưng không phải giới nghiêm, mà là...giới nghiêm?

Thao Ngoc Ngày 25/6/2021, thành Hồ ra lệnh người dân không ra đường sau 18h hằng ngày, bắt đầu từ 26-7. Hình như bị lúng túng cho quyết định của mình, nên ông chủ tịch giải thích:"Việc đó không đồng nghĩa là giới nghiêm". Ông nói và lưu ý người dân không nên hiểu nhầm quy định này. (https://tuoitre.vn/nguoi-dan-tp-hcm-khong-ra-duong-sau...) Vậy giới nghiêm là gì mà ông chủ tịch thành Hồ sợ đến thế? Luật Quốc phòng 2018 định nghĩa: “Giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định”. Vậy thì cái văn bản chỉ đạo số 2490 này của thành Hồ có gì khác theo định nghĩa trên? Hơn nữa Văn bản này được ban hành “xét theo đề nghị của Công an Thành phố”. Nên biết rằng, con virus cúm Tàu này không những nó đi lang thang vào ban đêm, mà nó có thể đi mọi lúc mọi nơi, đi xuyên biên giới quốc gia dễ dàng. Vậy thì cấm người đi lại ban đêm có tác dụng gì. Dư luận cho rằng, đây là cách lách luật. Vì theo Luật Quốc phòng :“Thủ tướng ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp tỉnh; UBND cấp tỉnh ban bố lệnh giới nghiêm tại một hoặc một số địa phương cấp huyện…”. Vậy nếu thành Hồ ban bố lệnh giới nghiêm cho toàn thành phố là sai luật? Hơn nữa VN từ khi dịch bùng phát đến nay, luôn ngạo nghễ tự cho minh là chống dịch giỏi. Ngày 28/1/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu quyết tâm dập dịch trong 10 ngày. Đến ngày 10/07/2021, ông Đam còn tuyên bố: “Chiến lược chống dịch của TPHCM chuyển từ “đánh chặn” sang “2 mũi giáp công, trong đánh ra, ngoài đánh vào”… Do đó nếu tuyên bố giới nghiêm tại thành Hồ thì chẳng phải là đã thừa nhận kiểu chống dịch bằng chỉ thị, nghị quyết và hô khẩu hiệu đao to búa lớn là thất bại sao?Vì con virus cúm Tàu nó không hiểu tiếng Việt, nên dù có hù dọa thì nó cũng không sợ. Dư luận băn khoăn viêc thu tiền người dân và doanh nghiệp để mua vắc xin, nhưng lại gửi ngân hàng lấy lãi. Vắc xin hiện đang tiêm cho dân đều do viện trợ, và những “ông ngoại, ông anh”chỉ 1 cú điện thoại là người nhà được tiêm vắc xin loại xịn mà không thuộc diện ưu tiên và không cần đăng ký, vậy có công bằng không? Trả lời phóng vấn đài VOA ngày 20/7 vừa qua, bác sĩ Đinh Đức Long(từ Sài Gòn)cho rằng,chính quyền có vẻ lúng túng trong việc chống dịch. Họ đã chủ quan, khi để cho đông người tụ tập trong dịp 30/4 và 01/4, đã vi phạm chính sách do mình đề ra về giãn cách xã hội. Họ coi F0, F1 là bệnh, rồi cách ly tập trung dẫn đến quá tải. Ở các nước họ cho F0, F1 cách ly tại nhà. Ai có biểu hiện bệnh nặng mới đi viện… Có địa phương còn ra chỉ tiêu phạt mỗi ngày bao nhiêu vụ, như chủ tịch phường 6 quận Gò Vấp, chứng tỏ chỉ tiêu phạt là có chủ trương.Họ phạt người ra đường không có lý do chính đáng. Nhưng thế nào là lý do chính đáng và mặt hàng thiết yếu thì họ không giải thích được, hoặc mỗi nơi áp dụng mỗi cách. Rất may là có vị lãnh đạo đã “thấu hiểu lòng dân”. Ngày 25/7 vừa qua, “Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên xin nhân dân lượng thứ cho những lúng túng của TP.HCM trong thời gian qua”. Trở lại câu chuyện giới nghiêm: Chính báo chí cũng dùng từ giới nghiêm, như bài của báo SaoDayli sáng nay(27/7) với tựa đề:“Cảm động trước người cha bất chấp lệnh giới nghiêm vẫn lao ra đường chở bình oxy về cứu con”. Dư luận cho rằng, lệnh giới nghiêm để triệt để chống dịch là việc tốt, nhưng với 3 điều sau: người dân vẫn làm việc được tại nhà (online), hoặc nếu không tiếp tục làm việc mưu sinh được thì phải được hỗ trợ kinh tế để dân có thể tồn tại; hàng hóa thực phẩm vẫn đáp ứng đầy đủ, không thiếu thốn; ngoài việc được phép ra đường đi siêu thị mua thức ăn, đi mua thuốc, người dân vẫn có thể ra đường ít nhất ngày một lần để đi dạo, chạy bộ, hít thở khí trời để bớt căng thẳng, bớt trầm cảm. Dân gian có câu đố vui: “Mồm bò, không phải mồm bò, mà lại mồm bò”,thì chỉ là cách chơi chữ với trẻ con mà thôi. Với người lớn thì nên nói trắng ra là giới nghiêm cho dễ hiểu và khỏi phải giải thích vòng vo tam quốc làm gì thêm rắc rối. Thao Ngoc 27/7
......

Ổ nhóm các đồng chí lang băm trục lợi và con cừu thế mạng

Thuan Van Bui Trong thành phần chuyên gia tư vấn cho Bộ Y tế sử dụng thuốc "cổ truyền hỗ trợ điều trị cúm Tàu", có mặt một số đối tượng sau: -TS-BS Phạm Bá Tuyển, Giám Đốc Bệnh viện YHCT Bộ Công an. -TS-BS Nguyễn Thị Huệ, Trưởng khoa điều trị cao cấp Bệnh viện YHCT Bộ Công an. -PGS-TS-BS Phạm Xuân Phong, Giám đốc Viện YHCT Bộ Quốc phòng. -TS-BS Nguyễn Đình Nhân, Phó giám đốc Viện YHCT Bộ Quốc phòng. -PGS-TS-BS Vũ Nam, Giám đốc Bệnh viện YHCT Trung ương Và thật kỳ diệu, trong 12 loại thuốc, thực phẩm chức năng tào lao trong văn bản áp đặt, gài bệnh viện, bệnh nhân sử dụng có: +4 sản phẩm của Bệnh viện YHCT Bộ Công an. +2 sản phẩm của Viện YHCT Bộ Quốc phòng. +1 sản phẩm của Bệnh viện YHCT Trung ương. Thằng cha già và con bò tin rằng, các doanh nghiệp chuyên lang băm của quân đội và công an hoàn toàn "vô tư" khi tư vấn. Thằng cha già và con bò vẫn một niềm tin "son sắt" là Bộ Y tế cũng vô tư trong sáng, vì dân vì nước khi phê duyệt mấy thứ tào lao của đám lang băm thuộc Bộ công an và Bộ Quốc phòng! Trong một diễn biến khác, các loại thuốc cổ truyền kiêm thực phẩm chức năng trong danh sách đã bị thổi giá lên 6,7 lần so với trước khi có văn bản áp đặt của BYT, trước khi có màn PR trơ trẽn và lộ liễu của truyền hình VTV. Cái loại cỏ dại mang tên xuyên tâm liên cũng bị thổi giá lên chóng mặt khi rao bán trên mạng. Nếu bây giờ, các GS, TS, BS ở mấy cái lò lang băm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tư vấn cho Bộ Y tế, suỵt truyền hình vua tin vịt VTV cùng nhau tuyên truyền- khẳng định lá ngón chữa trị dứt điểm cúm Tàu, ưu tiên cho cán bộ- đảng viên từ trung ương đến địa phương dùng trước thì hay biết mấy! Trong một diễn biến khác, người ký văn bản "12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị cúm Tàu" là thứ trưởng BYT Nguyễn Trường Sơn. Ông Sơn từ một bác sĩ có chuyên môn giỏi, bước vào đàn lãnh đạo quốc gia, đã bị những đồng đảng- đồng chí xúi bậy, gài bẫy và đâm lút cán. Thực tế, trong chuyện "xuyên tâm liên thần thánh và 12 loại thuốc" này, tay Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng bọn chóp bu bên trên có cổ phần trong các doanh nghiệp sản xuất thuốc dạng lang băm mới là kẻ trục lợi và chủ mưu. Nguyễn Thanh Long nhảy từ ban tuyên giáo sang làm Bộ trưởng BYT. Hãy tìm kiếm và đọc lại các bài định hướng dư luận, PR một cách khéo lẽo từ cách đây hơn cả tháng về tác dụng của "xuyên tâm liên" trong điều trị cúm Tàu. Hay khi Bộ Y tế mới ra văn bản, VTV đã có ngay chương trình PR hoành tráng, đầy đủ. Bóng dáng của tuyên láo nằm ở chỗ này! Ông Nguyễn Trường Sơn, từ một bác sĩ giỏi bị đồng đảng- đồng chí gài bẫy xúi dại, lại không biết hết các mánh khóe, các trò lưu manh của đồng chí, thành ra bị chửi khắp nơi sau văn bản thảm họa này!
......

Nhìn đâu cũng thấy những quằn quại

Ảnh: AP Hồ Chí Minh chính thức thiết quân luật, giới nghiêm sau 18h. Trước đó, giới cai trị cầm đầu Hồ Chí Minh đã áp chỉ thị 16+ cho toàn thành phố. (Thực tế, đây là đóng cửa toàn bộ, lockdown hoàn toàn, chứ 16+ cái gì nữa. Việc phải thiết quân luật, giới nghiêm toàn thành, chứng tỏ tình hình nguy cấp hơn những gì báo chí và truyền thông lề đảng đưa tin).  Phạm Minh Vũ Nạn đói khốc liệt đã đến và có thật ngay tại thành phố HCM, chứ không chỉ là những hình ảnh ở đất Châu Phi xa xôi nào đó. Tôi đã thấy cảnh người Dân tranh giành nhau khi hàng tiếp tế do các tổ chức cộng đoàn Tôn giáo hỗ trợ vừa đổ xuống. Tôi đã thấy những người nghèo đổ ra đường ngồi ăn xin. Họ là những người thường ngày sống nhờ bán đôi ba tờ vé số, đào bới trong thùng rác tìm kiếm ve chai còn xót lại. Họ chỉ có thể mưu sinh theo từng ngày. Tôi đã thấy từng nhóm người thất thểu đi bộ từ TP/HCM về quê mãi tận miền Trung. Con đường dài hàng ngàn cây số không lương thực, không cả nước uống. Họ không còn lối nào thoát và đành chấp nhận: đi tới đâu xin tới đó. Tôi đã nghe tiếng trẻ em khóc khan giọng giữa đêm trường trong nhiều khu phố bị cách ly. Chúng khát sữa, khát cháo, khát cả hơi ấm của mẹ trong những vụ gia đình bị đưa đi cách ly. Những người hàng xóm tốt bụng nhận giữ các cháu nhưng không biết kiếm đâu ra sữa thay cho sữa mẹ. Tôi nhìn đâu cũng thấy những quằn quại ! Tôi cũng hiểu khắp thế giới, đặc biệt ở các nước trong vùng quanh ta, đều đang hoặc vừa trải qua những ngày tháng đen tối này. Tuy chính phủ của họ có các chương trình trợ giúp dân chúng và chữa trị khá hơn ta rất nhiều, nhưng cảnh khổ chắc cũng vẫn tràn lan. Người dân tại các nước đó đã làm gì để giúp nhau đi qua cơn đại dịch? Dân Malaysia có một cách rất hay. Để các gia đình thiếu thốn đỡ mắc cỡ và để các gia đình muốn san sẻ có thể đưa đến đúng chỗ, mọi người theo 1 qui ước chung. Đó là gia đình nào hết lương thực thì giương 1 cây cờ trắng hoặc gắn miếng vải trắng trước cửa nhà mình. Ai muốn san sẻ thì cứ đưa thực phẩm đến để trước cửa giờ nào cũng được. Người cho và người được cho không cần gặp nhau để tránh lây lan. Tình hình nghiêm trọng tại nước ta đã đủ để áp dụng phương cách này. Nhà nào, đặc biệt trong các khu bị phong tỏa, hết lương thực, hãy treo 1 mảnh vải trắng lớn trước cửa để xóm giềng và các đoàn cứu trợ biết mà giúp đỡ. Quan trọng là chúng ta phải đồng ý về cùng một màu thì phương cách này mới hữu hiệu. Vải trắng là thứ dễ tìm, nhà nào cũng có. Chỉ cần 1 mảnh áo trắng cũ là đủ. Xin nhớ đừng dùng cờ đỏ hay vải đỏ vì vừa làm rối ý nghĩa (nhà này đang cần giúp hay đang mừng lễ ?) vừa có thể bị gán tội "bêu rếu đảng và nhà nước". Đặc biệt những gia đình có trẻ em sơ sinh đang cần sữa nghiêm trọng, hãy treo ngay 1 mảnh vải xanh lớn trước nhà. Đây cũng là loại màu dễ kiếm trong mớ quần áo, chăn mền cũ. Xin các mạnh thường quân, các đoàn cứu trợ đặc biệt quan tâm đến màu xanh. Chúng ta thật sự chỉ còn có thể trông cậy vào nhau để sống còn trong trận cuồng phong Covid này. KHÔNG CÒN AI KHÁC! Xin hãy bắt đầu ngay bằng cố gắng xoa dịu nỗi quằn quại gần bạn nhất.  
......

Hãy đừng ngoan cố

Xuân Sơn Võ Hôm nay, ngồi đọc một số comment trong một số bài viết của tôi về dịch viêm phổi Vũ Hán thời gian qua, mới nhận ra, có lẽ một số bạn hiểu lầm, cũng có thể một số người cố ý, khi cho rằng tôi mâu thuẫn trong ý kiến về phương pháp chống dịch. Và từ đó phủ nhận các ý kiến của tôi. Đề xuất của tôi mang tính nới lỏng kiểm soát, nới lỏng phong tỏa, nới lỏng cách ly, không có nghĩa là thả nổi cho dịch tự do lây lan. Trên thực tế, chúng ta đang phong tỏa bừa bãi, cách ly bừa bãi. Một F0 (Positiv) ghé vô một cửa hàng, mắc mớ gì mà cách ly toàn bộ những người lui tới cái cửa hàng đó trong khung giờ F0 ghé qua. Đã thế còn cách ly cả những người tiếp xúc với người có mặt trong khung giờ và địa điểm nơi F0 ghé qua, gọi là F2. Phong tỏa cũng vậy. Cứ có một F0 là phong tỏa cả con hẻm, cả tòa nhà. Phong tỏa như vậy là dựa trên cơ sở nào? Đó là cách ly bừa bãi, đó là phong tỏa bừa bãi. Vấn đề thứ hai là dân sinh. Mỗi lần cách ly, phong tỏa, là người dân mất việc làm, doanh nghiệp mất nhân công, dẫn đến người dân không có thu nhập, doanh nghiệp bị thiệt hại. Nhà nước không tính đến các thiệt hại đó. Nhà nước chỉ làm một việc, là cấm, cấm, và cấm, với hy vọng không bị lây lan. Một số bạn nói vì cấm nên bây giờ mới lây lan mức độ ít như vậy, chứ không cấm thì bây giờ lây nhiễm nhiều hơn nhiều rồi. Tôi cho là ngụy biện. Rõ ràng là chính quyền tưởng rằng cấm sẽ có hiệu quả, nên mới cấm trong 15 ngày, rồi 15 ngày tiếp, rồi thi đua giảm F0, đưa F0 về 0. Nhưng càng cấm thì số nhiễm càng tăng. Và, đã bao giờ nhà nước này, chính quyền này dự kiến là con số nhiễm đã như bây giờ chưa? Nếu đã tính đến rồi, thì sao bây giờ lại thiếu đủ thứ, tại sao lại để bao nhiêu người chết khi chưa đến được các bệnh viện? Ngoài ra, nếu phong tỏa, cách ly như cách mà chúng ta đang làm mà hiệu quả thật sự, thì chính quyền phải dự đoán được con số nhiễm sẽ tăng như bây giờ. Vậy tại sao chính quyền không cho nhân viên y tế tư nhân chích vaccine. Như bản thân tôi, đề nghị được chích vaccine thì gạt tên tôi ra (cả điều dưỡng trưởng của tôi cũng bị gạt ra nữa), để đến mức tôi phải đưa cả nhà chạy lên Đà Lạt trốn dịch. Nếu nhà nước tính được là sẽ đến lúc con số lây nhiễm tăng lên như bây giờ, đến mức phải kêu gọi người về hưu, kêu gọi y tế tư nhân tham gia chống dịch, thì đã phải lo cho họ chích vaccine như họ tuyên bố ưu tiên rồi chứ. Thực ra là các vị nghĩ rằng, các vị sẽ không cần đến bọn chúng tôi, nên mới không quan tâm đến đội ngũ ấy. Tức là các vị tưởng rằng, cách chống dịch của các vị sẽ không bao giờ để dịch lây lan mạnh. Tôi đề xuất truy vết F1, F2, nhưng chỉ để tập trung xét nghiệm tìm F0. Và chỉ cách li F0. Như vậy không có nghĩa là thả nổi. Tôi vẫn đề nghị thực hiện giữ khoảng cách, rửa tay, mang khẩu trang và không tụ tập đông người. Bằng chứng là tôi phản đối các lễ hội, tập trung bầu cử, tập trung thi… Tôi cho rằng, điều đó quan trọng hơn nhiều so với phong tỏa, cách ỳ. Mặc dù nhà nước này không bao giờ công nhận việc tổ chức bầu cử là một trong các lý do gây bùng phát dịch, nhưng theo tôi, đó chắc chắn là một lý do quan trọng. Tôi đề xuất để F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà. Như vậy không có nghĩa là tôi đề nghị bỏ mặc họ. Có người lý luận, việc để F0 tại nhà gây ra cảnh người ta trở nặng không kịp cứu, để chết tại nhà. Có thể những người nói như vậy không hiểu hoặc cố tình ngụy biện. Tất cả những người chết tại nhà cho đến giờ, đều là do không có bệnh viện cho người ta vô khi trở nặng. Nếu để F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, họ đâu có bị thiếu bệnh viện để khi trở nặng là được đưa ngay vô bệnh viện. Thật buồn là trong những ngày qua, số người chết tại nhà không hề ít. Nếu F0 nào để ở nhà cũng có một bác sĩ ở địa phương tư vấn, và bệnh viện luôn sẵn sàng đón nhận khi họ trở nặng, thì số chết sẽ ít hơn bây giờ. Điều đó là chắc chắn. Tôi không biết con số F0 đang ở trong các bệnh viện bây giờ là bao nhiêu. Có lần tôi đọc được bài báo, TPHCM có hơn 33.000 người F0 trong các bệnh viện, mặc dù lúc ấy, tổng con số nhiễm của TPHCM từ đó đến giờ mới chưa đến 30.000 người. Nhưng cứ cho là hiện TPHCM có 50.000 người nhiễm, thì số cần nằm viện thực sự sẽ chỉ có khoảng 20.000 người (tính với tỉ lệ trở nặng cao nhất trên thế giới, thực tế tỉ lệ trở nặng của Việt nam thấp hơn). Với 50.000 giường dành cho người nhiễm, sẽ có nhiều chỗ cho người trở nặng mà không cần đôn đáo gọi, thậm chí mang xe chở tới bệnh viện, mà không có ai chịu nhận. Để khi các bác sĩ tư vấn tìm được oxy cho thở tại nhà thì chết mất rồi. Tôi được xem những đoạn clip thật đau lòng, khi những người F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong các bệnh viện kêu gọi đừng nhập viện. Niềm tin của họ đã bị mất, và họ bất cần. Tôi cũng đã xem một đoạn video một cô gái trẻ khỏa thân tỉnh bơ, mà người xem nghĩ ngay đến việc cô ấy đã bị stress quá nặng, đến mức bất cần gì về hình ảnh của mình trước ống kính cũng như nhân viên y tế và người khác. Việc tôi đề xuất để F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, là để phù hợp với khả năng của chúng ta, hạn chế tối đa thiệt hại. Trong một môi trường quá tải, người bị F0 không được tư vấn, điều kiện chăm sóc về vật chất thiếu thốn, ngay cả khi không thiếu thốn, thì môi trường lạ, không phù hợp, cũng gây tác động tiêu cực nặng nề lên tinh thần, từ đó làm cho sức đề kháng của con người ta kém đi, và dễ trở nặng hơn, có nhiều người chết hơn. Đã vậy, việc gom tất cả người nhiễm vào một chỗ, làm mật độ virus trong môi trường dày đặc, từ đó, độc tính gia tăng, người bị nhiễm cũng dễ bị trở nặng hơn, và nhiều người chết hơn. Nếu chính quyền này không nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi cho phù hợp với năng lực, để hạn chế thiệt hại, thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.
......

Có tiền, có thể sai khiến được đảng

Le Anh Lại có vụ mượn vaccine để chích trước nữa sao? Như vậy những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân góp phần cho quỹ hỗ trợ phòng chống vaccine đều có thể "mượn" để chích trước? Ở xứ độc tài, có tiền có thể sai khiến được các quan chức, kể cả các ông bà lãnh đạo Đảng trên thượng tầng. Sự bất bình đẳng đâu phải chỉ xảy ra trong vụ vaccine mà xảy ra trong tất cả các lãnh vực sinh hoạt của xã hội Việt Nam khi những con người hám danh, bất tài, tham lam đang cầm quyền. Họ chỉ biết trục lợi, ăn không chừa một thứ gì, bất chấp những tai hại cho người dân, xã hội và đất nước. Lê Ánh ===================================== VINGROUP ĐƯỢC ƯU ÁI ‘MƯỢN’ 5.000 LIỀU MODERNA Người viết từ Sài Gòn Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, so với cô hoa khôi khoe được chích Pfizer nhờ “ông ngoại”, vụ Vingroup được ưu ái cho mượn 5.000 liều Moderna nghiêm trọng hơn nhiều và là minh chứng cho sự bất bình đẳng vaccine đang xảy ra tại Việt Nam. Hôm 23/7/2021, một văn bản lan truyền cho thấy tập đoàn Vingroup dù không thuộc nhóm ưu tiên chích vaccine ngừa COVID-19 nhưng được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP.HCM ưu ái cho mượn 5.000 liều Moderna để tiêm cho nhân viên tập đoàn này. Công luận ngờ rằng phải chăng 5.000 liều Moderna được mượn từ lô 2 triệu liều vaccine Moderna đầu tiên do chính phủ Mỹ viện trợ, đã về đến Việt Nam vào giữa tháng 7/2021. Facebook Vương Liễu Hằng bình luận: “Giờ thì chuyện “tranh thủ đêm vaccine” không dừng ở con số 2 liều dư ra và người giành lấy không chỉ là “ông ngoại”, mà là cả một tập đoàn. Cứ tưởng trước giờ, việc phân phối vaccine ở nơi quang vinh muôn năm của chúng ta dựa trên ngành nghề và tuổi tác? Làm gì có chuyện liên quan đến công ty? Nếu không, các đại gia khác bên điện thoại, siêu thị, môi trường, địa ốc… cùng học tập theo gương Vingroup và đều nườm nượp mượn thì dân tình sẽ ra sao? Chúng ta đều bình đẳng, nhưng vẫn có một số ngài dư dả và thế lực hưởng quyền bình đẳng hơn? Người giàu có thể cũng khóc, nhưng trước khi ấy, đứa nghèo đã khản cổ và cạn nước mắt rồi.” Bà Phạm Thị Hương Giang, tự Jang Kều, người khởi xướng dự án “Nhà chống lũ” bình luận: “Tự nhiên có tập đoàn được “mượn” hơn 5.000 liều vaccine Moderna của TP.HCM đợt này để tiêm rồi sẽ “hoàn trả” lại sau? Thật sự không biết nói gì luôn! Tôi được biết có một số doanh nghiệp bỏ tiền ra để nhập hàng triệu liều về thông qua thành phố, nhân viên họ sẽ được tiêm ưu tiên trước khi vaccine thương mại về. Nhưng họ cũng phải đợi! Vậy mà 5.012 liều từ vaccine viện trợ ưu tiên cho người già, người có bệnh nền, người tham gia chống dịch… lại được mang cho tập đoàn này “mượn”. Họ là ai thì cả nước này đều đoán ra. Tôi chỉ lo cho các cơ quan ban ngành đã quá bận rộn và vất vả cho việc chống dịch rồi, mà xong sự “cho mượn” này sẽ có nhiều sự “cho mượn” khác. Rất là mệt! Thật sự thương quá nhiều người làm các công tác y tế, hỗ trợ chống dịch, tình nguyện viên vẫn chưa được tiêm! Họ có công mà cũng không dám làm đơn xin “mượn”! “Mỹ tiếp tục viện trợ vaccine nữa hay không?” Cùng thời điểm, Facebooker Thượng Tùng nhận định: “Theo nội dung văn bản của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP.HCM thì có một cái công văn mật của Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Hỏi rằng cơ sở nào để đóng dấu mật vào công văn. Có hợp pháp không? Nếu không hợp pháp thì cái công văn mật ấy phải thu hồi, dẫn đến Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP.HCM không được phép thực hiện việc cho mượn. Nếu không thì phải giải trình tại sao đóng dấu mật? Hỏi rằng vaccine Mordena này được Hoa Kỳ viện trợ cho Chính phủ Việt Nam và được phân bổ cho TP.HCM để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, vậy thì Ủy ban Nhân dân TP.HCM và cấp dưới là Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP.HCM có thẩm quyền cho mượn vaccine hay không? Việc cho mượn này có nằm trong kế hoạch thực hiện chiến dịch tiêm chủng hay không? Hỏi rằng việc Vingroup được mượn vaccine tiêm thì sẽ thành tiền lệ, cũng sẽ có những tập đoàn khác đặt vấn đề mượn vaccine. Trong ràng buộc thiếu vaccine, thế thì những người già trên 65 tuổi sẽ không còn cơ hội tiếp cận vaccine kịp thời, tức là sẽ có người bị bỏ lại phía sau đại dịch. Hỏi rằng nếu như những nhà viện trợ biết có việc cho mượn như thế này, liệu họ có sẵn lòng tiếp tục viện trợ nữa hay không?” Ông Trương Quý Hoàng Phương, chuyên gia tập đoàn BMW ở Đức, cho biết: “Doanh nghiệp cỡ Vingroup mà cũng không thể tiếp cận nguồn vaccine, dù đã đầu tư chuẩn bị bán xe điện sang Âu Mỹ, thì làm sao các doanh nghiệp khác tại Việt Nam có thể tự lo được nguồn Pfizer hay Moderna? AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm, Abdala … thì may ra. Vì sao không mượn vaccine các loại khác chích cho nhân viên Vingroup, nếu quả thật các loại vắc xin đều như nhau, đừng nên phân biệt? Trả lời: Vì Vingroup đã đặt mua Moderna nhưng lô hàng chưa về, nên mượn Moderna để mai mốt trả lại cho đúng? Mượn 5.000 liều chích cho nhân viên Vingroup TP.HCM và phía Nam? Còn ngoài Hà Nội mượn thêm bao nhiêu để chích cho nhân viên ngoài Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc thì chưa rõ!” Một số Facebooker khác thì cảm thán: “Vingroup quá tài giỏi trong việc lobby làm bay cái Tân Cảng ở Sài Gòn cũng như nhiều vụ biến đất vàng thành khu chung cư cao cấp thì vụ đi đêm vaccine là chuyện nhỏ”. Định Tường Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn
......

Búa liềm - một loại hung khí dễ sợ

Đỗ Ngà Lá cờ đảng có biểu tượng là búa - liềm. Biểu tượng này được ĐCS giải thích rằng, búa là đại diện cho tầng lớp công nhân, liềm là đại diện cho tầng lớp nông dân. Và thế là họ tự vỗ ngực tự xưng là họ “đại diện cho giai cấp Công – Nông”. Cố tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu thì nói rằng “Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn những gì CS làm”, và cho đến nay thực tế đã chứng minh câu nói ấy chưa bao giờ sai. Vậy thì thực chất biểu tượng búa liềm nói lên bản chất gì? Muốn xem nó nói lên bản chất gì thì “hãy xem CS làm”. Thực ra tầng lớp công nhân và nông dân là tầng lớp dễ bị lừa nhất. Trước đây, 2 tầng lớp đó thuộc loại ít học dễ dụ mà lực lượng lại đông nên rất dễ bị xúi dục làm bậy. Cụ Phan Châu Trinh nhìn thấy dân ít học quá đông thì ông muốn khai dân trí cho họ, còn Hồ Chí Minh thì chỉ muốn lợi dụng sự ngu dốt của họ thôi. Chính quyền CS trên khắp thế giới thành công là nhờ thủ đoạn sách động tầng lớp ít học với lời hứa hẹn có cánh rồi sau đó nuốt lời. Đến khi “cách mạng thành công” thì họ tìm cách dìm nhân dân trong bể ngu dốt để ĐCS dễ bề cai trị. Trong một rừng dân mê muội ấy, hễ ai thoát ra và tố cáo cái gian manh của ĐCS, thì CS ra tay trừng trị. Lúc này búa liềm của CS nó là biểu tượng cho một thứ hung khí, loại hung khí chuyên tấn công vào người công chính. Biểu tượng búa liềm của ĐCS chưa bao giờ đại diện cho Công và Nông. Trước đây thì người ta còn mơ hồ về hình ảnh búa liềm nhưng ngày nay thì mọi thứ đã rõ ràng. Búa là nắm đấm sắt của ĐCS, liềm công cụ dùng để gặt hái túi tiền dân. Sưu cao thuế nặng, thuế phí nặng nề một loại lưỡi liềm của ĐCS. Hiện nay vaccine rất ít, thiếu thốn trăm bề, nhiều người trong tuyến đầu còn thiếu vaccine để giúp họ hoạt động. Ấy vậy mà đảng ưu tiên cho bọn lắm quyền ở Ba Đình và bọn lắm tiền Vingroup. Búa vẽ ra giấy xét nghiệm Covid âm tính 3 ngày để bóp chết đường sống nhân dân, rồi liềm nâng giá gặt hết tiền trong túi dân. Búa liềm thực chất đang đại diện cho thành phần đó quyền – tiền chứ đại diện gì cho tầng lớp công – nông đâu? Tầng lớp công – nông trong mắt ĐCS chỉ là cây lúa cây ngô cho đảng gặt hái, không hơn không kém. Bàn tay của ĐCS không phải là bàn tay lao động mà là bàn tay gây tội ác. Không như tầng lớp công-nông dùng búa liềm làm công cụ lao động, búa và liềm trong tay CS nó trở thành một loại hung khí đáng sợ. Hung khí đó luôn chực chờ để bổ vào hàng triệu người dân thấp cổ bé họng./. -Đỗ Ngà-
......

Olympic Tokyo 2021 - vì sao Trung Quốc giận dữ?

Việt Tân Vào ngày 24 Tháng Bảy 2021 lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè tại Tokyo, Nhật Bản diễn ra rất long trọng mặc dầu trong sân vận động không có khán giả vì đại dịch coronavirus. Buổi lễ được phát sóng trực tiếp đển khán giả khắp nơi trên thế giới. Phái đoàn của Trung Quốc tham dự luôn hùng hậu, với 429 vận động viên đến Tokyo lần này. Họ diễn hành qua khán đài trong bộ đồng phục, áo đỏ, quần trắng và cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng, biểu dương sự hùng mạnh đang vươn lên của cường quốc thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, sự phấn khởi, vui tươi của phái đoàn Trung Quốc khi tham gia hầu mang nhiều huy chương về cho đất nước bỗng tan biến và chuyển thành sự bất bình và phẫn nộ vì những sự kiện như sau: Sự kiện 1: Giữa lúc Olympic khai mạc, khi phái đoàn Trung Quốc diễn hành qua khán đài, bản đồ Trung Quốc được chiếu trên màn hình, hình thức giới thiệu về đất nước tham dự Olympic. Tuy nhiên phái đoàn Trung Quốc không ngờ là bản đồ được chiếu lên không có đường lưỡi bò và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do truyền hình trực tiếp nên hình ảnh không những đến với tất cả người theo dõi ở Trung Quốc mà trên cả thế giới. Trung Quốc tức giận nhưng Nhật chỉ chiếu theo luật quốc tế, phán quyết PCA rằng những yêu sách về lãnh thổ, lãnh hải của Trung quốc đối với Nhật và thế giới là vô căn cứ. Đây là lợi thế của các nước đang bị đẩy vào vòng tranh chấp trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Sự Kiện 2: Khi đưa tin về Olympic Tokyo kênh truyền hình Mỹ NBC đã sử dụng một bản đồ Trung Quốc không có Đài Loan. Giới ngoại giao Trung Quốc giận dữ và tố cáo, cho đó là hành vi xấu xa của NBC vi phạm tinh thần của Hiến Chương Olympic cũng như yêu cầu các phương tiện truyền thông “sửa sai“. Sự kiện 3: Tencent, hãng truyền thông phụ trách phát sóng Thế Vận Hội ở Trung Quốc, đã ngừng ngay lập tức chương trình phát sóng trực tiếp sau khi người phát thanh viên giới thiệu phái đoàn Đài Loan dưới tên là Đài Loan chứ không phải là “Đài Bắc Trung Hoa". Tuy được xem là cường quốc số 2 nhưng Trung Quốc dưới mắt nhiều nước là quốc gia hung hãn, không tôn trọng luật pháp quốc tế , chỉ dùng sức mạnh của mình để chèn ép các nước yếu kém. Khi nhiều nước xem Trung Quốc là nguyên nhân có thể gây bất ổn trên thế giới thì cuộc đấu tranh đòi lại biển đảo VN đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm vẫn còn nhiều hy vọng. Bước đầu tiên là người Việt cần phải tạo áp lực buộc nhà cầm quyền phải kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế như Philippines đã làm để khẳng định chủ quyền của VN trên những vùng biển, hải đảo đã mất. ĐCSVN có muốn đòi lại biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa hay không mà vẫn nhất quyết không đệ đơn kiện Trung Quốc? Tại sao không? Ngọc Thu #ViệtTân #Olympic #Tokyo
......

Vụ ‘bánh mì’: Vừa xin lỗi, vừa săn người tố cáo

Một cán bộ phường ở Tp.Nha Trang phạt một công nhân vì ra đường mua bánh mì, nước uống, 18/7/2021. Trân Văn Ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, mới tìm đến công trường xây dựng Dự án Vega City để xin lỗi anh Trần Văn Em - người từng bị ông lúc còn là Trưởng Ban phòng, chống dịch của phường, chặn lại vì dám ra ngoài mua bánh mì dù… bánh mì không phải là lương thực, thực phẩm (1). Tuy vẫn là một nhưng ông Thọ hôm 22 tháng 7 khác xa ông Thọ hôm 18 tháng 7. ông Thọ hôm 22 tháng 7 công khai tự kiểm, chân thành tạ lỗi với người thanh niên lam lũ mà trước đó bốn ngày bị ông nạt nộ, dạy bảo về cách nhận biết… lương thực, thực phẩm thiết yếu cả ở ngoài đường, lẫn ở trụ sở chính quyền phường. Lần này, ông Thọ còn mang nước yến đến tặng cho anh Em chứ không tạm giữ xe, không yêu cầu nơi anh Em làm việc đuổi anh ra đường vì… dám tranh cãi với ông thế nào là… lương thực, thực phẩm! Trước khi ông Thọ đến xin lỗi, tặng quà cho anh Em, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo Thành ủy, UBND thành phố Nha Trang kiểm điểm và xử lý nghiêm sai phạm của ông Thọ (2). UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nhập cuộc, Chủ tịch Khánh Hòa cho biết đã chỉ đạo Thành ủy, UBND thành phố Nha Trang kiểm điểm, xử lý nghiêm sai phạm của ông Thọ. Chủ tịch Nha Trang tuân lệnh, viết thư xin lỗi anh Em, xin anh Em nói riêng và nhân dân nói chung thông cảm, chia sẻ (3)… *** Sở dĩ cả hệ thống chính trị (Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thành ủy Nha Trang), lẫn hệ thống công quyền (UBND tỉnh khánh Hòa, UBND thành phố Nha Trang) đồng thanh nhìn nhận sai phạm của đảng viên, viên chức thuộc quyền, rồi chỉ đạo kiểm điểm, viết thư xin lỗi, hứa hẹn xử lý và trên thực tế đã cách chức… Trưởng Ban phòng chống dịch phường Vĩnh Hòa của ông Thọ là vì các video clip do ông Thọ… tự thực hiện (4), đột nhiên xuất hiện, lan truyền trên mạng xã hội khiến công chúng nổi giận. Xét về bản chất, việc công bố - chia sẻ những video clip liên quan tới scandal “bánh mì” chính là một hình thức tố cáo những phát ngôn, hành vi sai trái của công chức, viên chức dân cử, không những được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khuyến khích mà còn cam kết bảo vệ người tố cáo bằng nhiều qui định pháp luật khác nhau. Tuy nhiên song song với việc thực hiện hàng loạt những động tác để dân chúng hạ hỏa, các hệ thống này đang hỗ trợ ông Thọ… truy tìm người đã đưa những video clip ấy lên Internet. Tin mới nhất cho biết: Ông Thọ đang làm việc với công an để xác định ai đăng tải các video clip trên mạng xã hội. Những video clip do ông Thọ tự thực hiện được xác định là chỉ gửi cho lãnh đạo công ty tại công trường Vega City ở phía Bắc thành phố Nha Trang nhằm xử lý anh Trần Văn Em với lỗi ra đường không cần thiết theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Ông Thọ và lãnh đạo công ty đã được gửi video clip cùng khẳng định họ không phải là người đưa các video clip lên Internet nên công an đang tiếp tục điều tra (5)! Thi nhau lên tiếng thừa nhận sai phạm của đảng viên, viên chức thuộc quyền, thi nhau chỉ đạo kiểm điểm, viết thư xin lỗi, hứa hẹn xử lý nghiêm túc, cùng lúc với việc điều động công an ráo riết điều tra xem ai đưa các video clip do ông Thọ tự quay lên Internet, gây ra scandal “bánh mì”, có khác gì vừa xin lỗi, vừa… rút dao ra để tìm - trị người tố cáo? *** Sau khi xin anh Em nói riêng và nhân dân nói chung thông cảm, chia sẻ, rồi cách chức Trưởng Ban phòng – chống dịch phường Vĩnh Hòa của ông Thọ, vừa nhác thấy nhiều người trong số nhân dân hởi lòng, hởi dạ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Khánh Hòa không chỉ tăng tốc truy lùng người tố cáo mà còn đổi giọng. Bão dư luận vừa lắng, ông Trần Văn Đông, Bí thư phường Vĩnh Hòa đã nêu nhận định thế này về “đồng chí” Thọ với báo giới: Ông Thọ chưa bao giờ có biểu hiện lớn tiếng hay hống hách với ai, làm việc năng nổ và tốt. Có những khuyết điểm của phường tồn tại gần hai năm, trải qua bốn nhiệm kỳ không khắc phục được nhưng anh Thọ về là giải quyết được… Trong công tác phòng chống dịch của phường Vĩnh Hòa, ông Thọ là cán bộ đóng góp rất quan trọng, giữ cho phường không có thêm ca nhiễm COVID-19. Phải thấy những ưu điểm, những điều mà anh ấy đã đóng góp cho công tác phòng chống dịch. Đêm hôm khuya khoắt bám trụ ngoài đường, vỉa hè, tuần tra kiểm soát người ra đường không cần thiết, chống dịch bệnh lây lan. Mấy tháng nay có nhiều ngày anh Thọ ra phường ở nhằm có thời gian thực hiện công tác chống dịch. Con cái, cha mẹ ở nhà ốm đau đều giao cho vợ lo toan, gắng sức cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ được giao… Làm cả ngàn việc tốt thì ít ai nhớ chứ sai lầm một lần là tai tiếng ngay… Ngoài hai video clip liên quan đến việc nạt nộ, dạy dỗ anh Em, thậm chí chưa hả giận vì anh Em vì dám cãi, không chấp nhận… bánh mì không phải lương thực, thực phẩm (6) nên gửi video clip gây áp lực để chủ doanh nghiệp đuổi anh Em (6), đã có ai đó đưa lên Internet những video clip, trong đó có clip ghi lại cảnh ông Thọ dẫn một… “Tổ công tác” đến lập biên bản, tạm giữgiấy phép kinh doanh của một lò bánh mì ở phường Vĩnh Hòa vì dám… bán bánh mì cho người khác mua, mang về nhà (7)! Trong một video clip khác, người ta thấy ông Thọ và… “Tổ công tác” của ông xông vào một căn nhà đang ăn cơm, tra xét: “Ai là chủ quán”? Khi các thành viên trong nhà phản ứng vì làm như thế là xâm nhập bất hợp pháp, “Tổ công tác” cật vấn: “Tại sao không mang khẩu trang”? Bị nhiều người trong nhà chửi như tát nước: Ai có thể mang khẩu trang khi ăn cơm? Tại sao lại tự tiện xông vào nhà tìm… chủ quán, tự tiện quay phim, chụp ảnh, bắt lỗi không mang khẩu trang?.. “Tổ công tác” đuối lý nên rút êm (8)… *** Ít nhất, ông Trần Văn Đông, Bí thư phường Vĩnh Hòa cũng đúng ở hai điểm khi lên tiếng bảo vệ “đồng chí, đồng đội” của ông. Thứ nhất có những việc nhiều người giải quyết không được trong nhiều năm phải có những người như ông Thọ mới giải quyết được. Người tâm tánh, hiểu biết ở mức bình thường làm sao làm được những việc như ông Thọ! Thứ hai, ông Thọ đã làm được… cả ngàn việc tốt, chỉ… sai lầm một lần. Dường như Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thành ủy Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND thành phố Nha Trang cũng… nhất trí. Sai lầm không nằm ở nhận thức, hành vi của ông Thọ mà ở chỗ để các video clip ông Thọ tự ghi như một cách lưu lại… chiến công, xuất hiện trên Internet. Cũng vì vậy cả hệ thống mới vừa xin lỗi, vừa săn tìm người tố cáo. Cứ ngẫm mà xem, đâu chỉ có Khánh Hòa nhìn và hành xử như thế! Đó mới là điều thật sự đáng sợ! Chú thích (1) https://nld.com.vn/thoi-su/pho-chu-tich-phuong-tran-le-huu-tho-xin-loi-cong-nhan-mua-banh-mi-20210722190430469.htm (2) https://tuoitre.vn/vu-banh-mi-khong-phai-la-luong-thuc-tinh-uy-khanh-hoa-yeu-cau-xu-ly-nghiem-2021072011281755.htm (3) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/chu-tich-thanh-pho-xin-loi-vi-chuyen-banh-mi-cua-pho-chu-tich-phuong-932425.ldo (4) https://www.youtube.com/watch?v=D0Z5_pl1MZM&ab_channel=NhaTrangTrongTôi (5) https://www.phunuonline.com.vn/cong-an-dang-xac-minh-nguoi-dang-clip-banh-mi-khong-phai-hang-thiet-yeu-a1440739.html (6) https://www.youtube.com/watch?v=cDYGrjJ9wCw&ab_channel=RFATiếngViệt (7) https://www.youtube.com/watch?v=vPFDisp8N6Y&ab_channel=NhaTrangTrongTôi (8) https://www.facebook.com/tieuvudlc/posts/4486538188031031  
......

Mỹ thuyết phục Việt Nam thế nào để đưa tàu sân bay vào Đà Nẵng: Tiết lộ của ĐS Ted Osius

Một thuỷ thủ canh gác trên tàu sân bay USS Carl Vinson sau khi cập cảng Đà Nẵng ngày 5/3/2018. Đây là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ cập cảng Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Linh Ðan - VOA| Cuốn sách sắp ra mắt của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, về ‘hậu trường’ ngoại giao giữa hai cựu thù tiết lộ nhiều điều chưa được biết đến, trong đó có việc Mỹ đã làm gì để Việt Nam đồng ý cho chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay kể từ khi chiến tranh kết thúc Sau cuộc chiến tranh kéo dài hai thập kỷ với gần 60.000 binh lính Mỹ và khoảng 3 triệu người Việt Nam thiệt mạng, Việt Nam và Mỹ giờ đây là những đối tác quốc tế quan trọng của nhau. Nhưng để hai cựu thù đi đến được một mối quan hệ đối tác toàn diện và ngày càng mạnh mẽ như ngày nay là cả một quá trình ngoại giao giúp làm tan căng thẳng và khắc phục những tổn thương cho cả hai phía trong hơn một phần tư thế kỷ qua, theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, người từng là một trong những nhà ngoại giao đầu tiên của Sứ quán Mỹ tại Hà Nội ngay sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1995. Một yếu tố quan trọng trong việc hoà giải thành công mối quan hệ giữa hai cựu thù Mỹ-Việt là sự tôn trọng lẫn nhau, theo Đại sứ Osius cho biết trong buổi thảo luận gần đây về cuốn sách mà ông sắp cho ra mắt có tên “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (Không gì là bất khả thi: Quá trình hoà giải của Mỹ với Việt Nam). Người từng là đại sứ thứ 6 của Mỹ tại Hà Nội nói rằng sự tôn trọng mà Mỹ bày tỏ đối với Việt Nam đã giúp xây dựng được lòng tin và hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước. Một trong những ví dụ minh hoạ cho điều này được ông Osius, người làm đại sứ tại Hà Nội từ 2014-2017, kể trong cuốn hồi ký dự kiến ra mắt vào tháng 10 năm nay. Tiết lộ trước về những gì được viết trong cuốn hồi ký, ĐS Osius, người bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình ở Việt Nam vào năm 1996 khi là một quan chức quân sự chính trị cho tuỳ viên quốc phòng đầu tiên của Mỹ tại Hà Nội, nói rằng ông đã làm theo lời khuyên của một đại tá người Mỹ gốc Việt làm việc tại văn phòng ĐSQ Mỹ ở Hà Nội, mà theo ông, sau này đã dẫn tới sự tin tưởng của phía Việt Nam để cho phép Mỹ đưa tàu sân bay vào Đà Nẵng. “Vào thời gian cuối nhiệm kỳ của mình, tôi may mắn được đón Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift, và chúng tôi đã theo lời khuyên của một người sau này là tuỳ viên quân sự, Đại tá Tôn Thất Tuấn – ông khuyên chúng tôi tới thăm Bạch Đằng Giang, gần Hải Phòng,” ĐS Osius, hiện đang là phó chủ tịch phụ phụ trách các vấn đề chính phủ và chính sách công ở châu Á Thái Bình Dương của Google, nói tại buổi thảo luận được Asia Foundation tổ chức trực tuyến hôm 15/7 để giới thiệu cuốn hồi ký của ông. Truyền thông trong nước lúc đó đăng tin và các hình ảnh Tư lệnh Swift và Đại sứ Osius tới thăm di tích lịch sử Bạch Đằng Giang với bãi cọc Bạch Đằng vào sáng ngày 6/10/2017. Trong gần 2 giờ, người đứng đầu hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cùng ĐS Osius đã thăm và thắp hương tại các tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc của Việt Nam, gồm vua Lê Đại Hành, Đức thánh Trần Hưng Đạo, vua Ngô Quyền, cùng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tại sao tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương lại đi thăm Bạch Đằng Giang? Ý tưởng là để bày tỏ sự tôn trọng. Chúng tôi tôn trọng lịch sử quân sự của Việt Nam,” ĐS Osius, người đã từ chức đại sứ trước khi mãn nhiệm để phản đối việc Tổng thống Donald Trump trục xuất người tị nạn Chiến tranh Việt Nam được bảo vệ theo hiệp ước đã ký giữa Washington và Hà Nội. ĐS Osius cho biết ông đã đọc bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”, được coi là ‘Tuyên ngôn độc lập’ đầu tiên của nước Việt, khi đi thăm sông Bạch Đằng, nơi 3 lần chứng kiến quân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của các vi tướng sau này trở thành vua và đức thánh trần được tôn thờ ngày nay, đánh bại quân xâm lượng từ phương Bắc bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông. “Tại sao một bài thơ của thế kỷ 11, được viết để ủng hộ binh sỹ Việt Nam khi chiến đấu chống quân xâm lược từ phương Bắc, vẫn phù hợp với ngày hôm nay? Vì tôi cho rằng nó cho thấy người Mỹ tôn trọng những gì mà người Việt Nam đã phải đối mặt trong suốt lịch sử của họ,” ĐS Osius nói và cho biết cùng thời gian đó ông đang thúc đẩy cho một chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam. Trước đó nhiều tháng, theo ĐS Osius, ông đã đưa ra đề xuất này với Chủ tịch lúc đó Trần Đại Quang và sau đó Tổng thống Trump cũng đã nêu lên ý tưởng này khi gặp Thủ tướng lúc đó Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017. Tư lệnh Swift, khi được phóng viên trong nước hỏi lúc tới thăm Bạch Đằng Giang hồi tháng 10/2017, đã nói rằng “tàu sân bay của Mỹ sẽ đến Việt Nam trong một thời điểm phù hợp,” theo Tuổi Trẻ, nhưng không xác nhận khi nào. “Một tháng sau khi Tư lệnh Swift và tôi tới thăm Bạch Đằng Giang thì phía Việt Nam nói với phía Mỹ rằng ‘Chúng tôi đã sẵn sàng cho chuyến thăm của một tàu sân bay’,” ĐS Osius, cũng là một thành viên quản trị của Asia Foundation, nói. Tàu USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng 3/2018 và trở thành tàu sân bay đầu tiên của Mỹ tới thăm Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc hơn 4 thập kỷ. Truyền thông quốc tế lúc đó nhận định rằng chuyến thăm lịch sử này cho thấy mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ được tăng cường mạnh mẽ trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt trên Biển Đông. Hai năm sau đó, tàu Theodore Roosevelt trở thành hàng không mẫu hạm thứ hai của Mỹ cập cảng Việt Nam. “Những chuyến thăm của tàu sân bay (Mỹ) không chỉ mang tính biểu tượng mà nó còn là thông điệp gửi đến mọi người rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã có một mối quan hệ mới về an ninh,” ĐS Osius nói và cho biết mỗi lần tàu sân bay cập cảng thì có 5.000 lính hải quân Mỹ lên bờ và vào năm 2018 đó là số lượng quân nhân Mỹ lớn nhất vào đất liền Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Vị cựu đại sứ Mỹ nói ông tin rằng “bày tỏ sự tôn trọng là chìa khoá” để đưa mối quan hệ giữa hai nước “tiến lên phía trước.” Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người mà ĐS Osius kể trong cuốn sách của ông là một trong những nhân vật quan trọng nhất giúp hoà giải và hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, từng phát biểu tại Hà Nội trong chuyến thăm vào năm 2015 rằng Hoa Kỳ “tôn trọng thể chế chính trị” của Việt Nam và điều này cũng được chính Tổng thống Barack Obama nói với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng trong cùng năm đó. Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ tiếp tục cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và thể chế chính trị của Việt Nam. Điều này, theo ĐS Osius, cho thấy Mỹ muốn đưa ra một thông điệp rằng Hoa Kỳ “sẽ không tìm cách lật đổ chế độ” của Đảng Cộng sản và rằng hai nước sẽ cùng làm việc với nhau như những đối tác để cùng nhau tìm ra những giải pháp. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi năm ngoái nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam là các đáng tin cậy với một nền tảng là tình hữu nghị dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam lúc đó Phạm Bình Minh vào năm ngoái khẳng định với người đồng cấp phía Mỹ, Mike Pompeo, rằng Hà Nội coi trọng Quan hệ đối tác toàn diện với Washington. Trong lời bình cho cuốn sách sắp ra mắt của ĐS Osius, cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright viết rằng “sự hoà giải của Mỹ với Việt Nam là một trong những câu chuyện ngoại giao tiêu biểu nhất trong 3 thập niên qua” và cho rằng cuốn hồi ký “Không gì là bất khả thi” đưa người đọc đến “hậu trường của sáng kiến (hoà giải), giúp họ hiểu được hai cựu thù đã hàn gắn như thế nào để có một tương lai tốt đẹp hơn cho những người dân của họ.”  
......

Một cú đấm đẹp!

  Phạm Minh Vũ Những ngày qua, xem cách hành xử của quan quân và đám sai nha viện cớ ngườ thi hành nhiệm vụ kiểm soát dịch để trấn lột Dân đủ mọi biện pháp, có một người tin yêu vào đảng cũng phải thét lên rằng: bọn quân khuyển của đảng. Tôi xem video một nhóm mặc áo BVDP đánh hội đồng anh grab chỉ vì anh này không đỗ xe đúng nơi quy định cũng không kìm nén sự tức giận. ‘quân khuyển của đảng’’ được thốt ra từ lời một đảng viên ưu tú tin yêu vào đảng đó là một lời thú tội hay là nhận thức đã thay đổi? Thật sự, những ngày qua, xem đám sai nha nỗi lên khắp nơi từ Bắc chí Nam chúng nhân danh chống dịch để cướp bóc thật không ai có lương tri mà chấp nhận được. Chúng có thế xộc vào nhà một người Dân để kéo xềnh xệch một phụ nữ trung niên lên phường, còn tấn công bằng chất cồn. Họ có thể chặn xe để lên mặt với một cậu bé gầy nhom và ép Dân hiểu rằng ‘’bánh mì không phải là một loại lương thực’’, sự ngu dốt tận cùng ấy dường như được đám quan quân muốn rằng toàn dân hãy ngu như họ. Thậm chí một Chú gần 70 tuổi giữa rừng hoang vắng cao su, đào mãi không ra một bóng người mà chúng cũng chui vào phạt 2 triệu, giam xe Chú, mà phạt tới 2 lần như thế. Rõ ràng, những hành xử côn đồ đó bị dư luận lên án và chỉ trích gay gắt, và chính họ cũng phải thừa nhận là đã sai, họ cũng xin lỗi. Bởi thế tay pct Phường phải xuống công ty để xin lỗi và mong nhận sự tha thứ của Cậu E, bởi thế mấy tay BVDP đánh hội đồng thanh niên grab cũng phải xin lỗi. Nhưng phạm pháp mà xin lỗi thì Lê Văn Luyện đâu phải đi tù? Các ông đánh đập, trấn lột nó thể hiện sự vô học, ngu dốt và tàn bạo của những đám sai nha, mà chế độ thích trọng dụng, với mục đích đàn áp Dân. Các ông xin lỗi khi phạm pháp thì 2 anh em nghèo khổ ở Hậu Giang lên bán rau củ mưu sinh bên Bình Tân, bị các ông ép vào đường cùng rồi đẩy họ vào tù, sao lời xin lỗi của họ các ông không chấp nhận và thả họ ra đi mà phải bỏ tù bằng được? Nhờ có cú đấm ‘’đẹp’’ như thế tôi mới hiểu, Luật pháp ở Việt Nam không khác tờ giấy lộn là mấy, vì quan sai chỉ xin lỗi là xong. Còn Dân bị ép tới đường cùng họ làm điều sai thì lại nhốt tù họ lại, đâu là công bằng, đâu là công lý? Đây không phải một cú đấm vào mặt thanh niên kia dưới dạng tác động vật lý đơn thuần, mà nó đấm thẳng vào mặt của chế độ luôn miệng ra rả tất cả Do Dân, Vì Nhân Dân. Những kẻ luôn bảo rằng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân. Không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích Nhân dân mà hở ra là bỏ tù, là đàn áp là cướp sao? Tất cả những lời hoa mỹ ấy đều chỉ nằm trên khẩu hiệu được treo trên đường phố chứ làm gì có thật. Lời xin lỗi thật dễ nói ra, nhưng nó tồn tại ở một quốc gia  không có luật pháp, và công bằng thì thành vô nghĩa. Tôi mong các ông lãnh đạo có chọn cán bộ thì hãy chọn con người vào các vị trí này. Đừng đem ác quỷ vào lúc nào thấy Dân cũng như kẻ thù lao vào cấu xé. Sự chịu đựng con người luôn có giới hạn, đừng để sự oán thán cứ kéo dài, cháy âm ĩ trong Dân, như vậy, một miếng lửa nhỏ cũng có thể trở thành đám cháy không thể dập tắt được. Cứ thế, có ngày giọt nước cũng tràn ly. Phạm Minh Vũ
......

VE CHÓ!

Ngô Trường An Đành rằng dịch bệnh kéo dài gây suy kiệt kinh tế cho toàn xã hội. Nhưng, trong đó cũng có các ngành nghề phát đạt nhờ có dịch. Có các ngành nghề không ảnh hưởng gì, và cũng có các ngành nghề chỉ bị tác động nhẹ không đáng kể. Chẳng hiểu nghề nhà văn, nhà thơ bị thiệt hại cái gì mà ban chấp hành hội kêu gọi nhà nước, nhân dân đóng góp ủng hộ cho các nhà văn, nhà thơ? Đúng ra, dịch bệnh kéo dài như thế này, và nhiều tỉnh thành bị giản cách, phong tỏa thì hội nhà văn phải bán được nhiều sách hơn chớ, thu nhập phải nhiều hơn chớ. Bởi, người dân họ nằm khểnh cả ngày, không đọc sách thì làm gì cho hết thời gian? Nghề của các vị là nghề sáng tác. Dịch bệnh hoành hành cả năm trời thì có biết bao tựa đề phong phú để sáng tác! Những mảnh đời bất hạnh. Những người bế tắc nhảy cầu tự tử. Những công ty phá sản vì nợ nần. Những cô cave ngáp dài vì không có khách. Những gia đình ly tán vì túng thiếu v.v... Đấy, viết đi. Sản phẩm đấy! Tiền đấy! Tuy tất cả nó nằm trong đầu. Vốn liếng nó nằm trong đầu. Và mọi thu nhập cũng từ trong đầu mà ra. (Nhà văn mà) Vậy, dịch cúm vuhan nó ảnh hưởng gì đến cái đầu quý vị, mà các vị kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân giúp đỡ? Xã hội đang bế tắc. Nhiều ngành nghề bị phá sản. Các hội, nhóm thiện nguyện họ chỉ tập trung cứu kẻ nghèo khổ, kẻ thất nghiệp, ốm đau, tật nguyền và cố gắng hỗ trợ dụng cụ, tư trang cho nhân viên y tế xông pha cứu chữa nạn nhân bị nhiễm. Các vị nghĩ mình là ai mà trong thời điểm mọi người đang gồng mình chống dịch, thì quý vị đòi họ phải chiếu cố đến mình? Buồn cười! Dù sao, quý vị cũng thuộc tầng lớp thượng lưu, có học, chữ nghĩa đầy mình. Đúng ra, quý vị phải kêu gọi đồng nghiệp đóng góp, giúp đỡ tầng lớp bần cùng trong xã hội mới đúng. Đằng này, đã không giúp gì, lại hè nhau giành giật phần cứu trợ với những người nghèo khổ ấy?! Hành động lâu nay sống bám vào ngân sách nhà nước, nay muốn dựa dẫm vào lòng thương xót của nhân dân. Hội này không xứng đáng là hội nhà văn đâu quý vị. Hội nhà Ve mới chính xác. Là Ve Chó đấy ạ!
......

Chuyên gia Mỹ: Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc là viển vông

VOA tiếng Trung - Lê Thị Thanh Loan dịch/ Nghiên Cứu Quốc Tế|  Trong 20 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không ngừng tăng cường đàn áp nội bộ và những hành động gây thù chuốc oán với bên ngoài của họ thường khiến nhiều nhà quan sát bối rối. Một mặt, họ cho rằng việc ĐCSTQ tăng cường đàn áp là biểu hiện của sự bất an. Mặt khác, việc thực hiện ngoại giao chiến lang để gây thù chuốc oán với mọi phía dường như cũng cho thấy Bắc Kinh có đủ tự tin vào sức mạnh của mình, điều đó khiến nước này không thể không thực hiện một bước nhảy vọt để thách thức trật tự quốc tế hiện thời. Tuy nhiên, ông Michael Beckley, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Tufts – Mỹ, sau nhiều năm nghiên cứu về sức mạnh quốc gia và quân sự của nước này đã đưa ra kết luận rằng, sự kiểm soát, đàn áp bên trong và các hành động khiêu khích bên ngoài của ĐCSTQ đều là sự phản ánh một cảm giác bất an về một tương lai không còn dài của chính họ. Tập Cận Bình và thuyết “Đông thịnh Tây suy” Trong 20 năm qua, biểu hiện của Trung Quốc trên trường quốc tế mang một diện mạo hoàn toàn khác so với trước đây, đến mức Kurt Campbell, điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, người thường được coi là có cung cách nói chuyện vô cùng thận trọng và chừng mực, cũng không thể kìm nén nổi sự ngạc nhiên. Theo hãng tin Reuters, trong một cuộc hội thảo tại Hiệp hội Nghiên cứu châu Á vào ngày 6 tháng 7 vừa qua, Campbell đã tuyên bố, “Bắc Kinh gần đây ngày càng trở nên hung hăng và gây thù chuốc oán với nhiều nước. Chiến lược này rất khác so với chiến lược của Bắc Kinh trong những năm 1990.” Hiện nay, nhiều nhà quan sát Trung Quốc và nước ngoài tin rằng, việc chính quyền ĐCSTQ có thể thực hiện toàn bộ các cuộc đàn áp ở Trung Quốc, từ việc áp chế các tín đồ tôn giáo, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ và người Tây Tạng, các luật sư nhân quyền, các nhà hoạt động vì quyền lao động và quyền phụ nữ, những người chủ trương đòi quyền lợi cho các nhóm thiểu số tính dục, cho đến việc gây hấn khắp nơi thông qua chính sách ngoại giao chiến lang, chủ yếu là do ĐCSTQ cho rằng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc, sức mạnh tài chính của nước này đã tăng lên nhiều đến mức họ có đủ vốn liếng để làm bất cứ điều gì mình muốn. Trong khi các nhà chức trách của ĐCSTQ đang gây hấn cả trong nước lẫn quốc tế, lãnh đạo ĐCSTQ và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, người có quyền lực tuyệt đối với lời nói nặng tựa ngàn cân, thậm chí còn khẳng định xu thế chung của thế giới hiện nay là “Đông thịnh Tây suy.” Các nhà quan sát thường coi “Đông” mà Tập Cận Bình ám chỉ là Trung Quốc dưới sự kiểm soát của nhà lãnh đạo này, còn “Tây” để chỉ các nước dân chủ có nền công nghiệp hóa phát triển do Mỹ đứng đầu. Ngoài ra, các nhà quan sát cả trong và ngoài Trung Quốc nói chung đều tin rằng, chính sách ngoại giao chiến lang gây hấn khắp nơi của Trung Quốc trong những năm gần đây có liên quan mật thiết đến Tập Cận Bình, người đã sớm thể hiện tinh thần dân tộc chủ nghĩa hết sức mãnh liệt từ trước khi lên nắm quyền. Tuy nhiên, theo quan điểm của Beckley, mặc dù kể từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã để lại những dấu ấn rất đậm nét trong việc trấn áp nội bộ cũng như gây hấn với bên ngoài, nhưng sự hung hăng của ĐCSTQ ở cả trong và ngoài nước trong những năm gần đây phần lớn không đến từ hành vi cá nhân của ông Tập, mà là kết quả của quá trình ĐCSTQ nhận thức được nước này đang bị đặt trong một tình thế khó khăn, đồng thời cố gắng vẫy vùng để thoát khỏi cục diện này. Beckley cũng chỉ ra rằng, việc ĐCSTQ đồng thời tạo thù trong lẫn giặc ngoài không phải chỉ mới xuất hiện kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền mà đã tồn tại từ trước đó, và nó xuất hiện cùng lúc với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Vì sao thuyết “Đông thịnh Tây suy” không đáng tin cậy Theo quan điểm của Beckley, việc Tập Cận Bình cho rằng cục diện thế giới lúc này đang theo chiều hướng “Đông thịnh Tây suy” là hoàn toàn vô lý và thiếu cơ sở, ngay cả khi có một vài người ở Trung Quốc hay thậm chí ở Mỹ và các nước phương Tây tin rằng tuyên bố này của ông Tập có căn cứ ở một mức độ nào đó. Tiến sĩ Beckley, người đã nghiên cứu về sự cạnh tranh giữa các cường quốc, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm qua, trước đây từng làm việc trong Bộ Quốc phòng Mỹ, cũng như các tổ chức tư vấn như RAND Corporation và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Trong khi đảm nhận công việc giảng dạy, ông tiếp tục làm công tác tư vấn cho giới tình báo Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ. Beckley đã xuất bản các bài báo trên tạp chí Foreign Policy, Foreign Affairs và các tạp chí khác trong những năm gần đây, đồng thời xuất bản tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao có tên “Không thể thay thế: Tại sao Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường duy nhất trên thế giới” (Unrivaled: Why America Will Remain the World’s Sole Superpower), để trình bày các nghiên cứu về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và những điểm yếu của nước này trước công chúng và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Ví dụ, ông đã viết trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 12 năm 2020 như sau: “Với tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc đã bước vào thời kỳ đặc biệt nguy hiểm – nước này có khả năng phá vỡ trật tự hiện có, nhưng cánh cửa hành động của họ đang bị thu hẹp…” “Kể từ năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa và năng suất lao động giảm 10%. Đồng thời, nợ công đã tăng gấp 8 lần, đạt mức 335% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2020. Trung Quốc không có nhiều hy vọng sẽ đảo ngược được những xu hướng này, vì trong 30 năm tới, nước này sẽ mất đi 200 triệu người trong độ tuổi lao động và có thêm 300 triệu người già. Khi tăng trưởng kinh tế giảm, nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị sẽ gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ vấn đề này, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng sự tan rã theo kiểu Liên Xô có thể xảy ra, trong khi giới thượng lưu Trung Quốc đang chuyển tiền và gia đình của họ ra nước ngoài.” Trong cuốn sách “Không thể thay thế,” khi so sánh sức mạnh tổng hợp quốc gia và xu hướng phát triển của Mỹ, Trung Quốc và Nga, Beckley đã nêu ra những viễn cảnh nghiệt ngã mà Trung Quốc phải đối mặt theo cách này: “Đến năm 2050, Trung Quốc sẽ đánh mất 1/3 lực lượng lao động và tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh hơn bất kỳ xã hội nào trong lịch sử. Tỷ lệ người lao động và người về hưu là 8:1 hiện nay sẽ đạt mức 2:1, các cơ quan chính phủ của nước này không ngừng tham nhũng, kìm hãm sự đổi mới và cản trở cải cách sau những sai sót về chính sách, đồng thời tài nguyên thiên nhiên cũng bị suy giảm do khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường.” Beckley chỉ ra rằng, song song với việc ĐCSTQ phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước, môi trường bên ngoài nước này cũng đang xấu đi, “tinh thần phản Trung Quốc trên toàn cầu dâng lên mạnh mẽ và đang ở cấp độ cao nhất kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, khi chính quyền ĐCSTQ điều động quân đội đàn áp những người biểu tình vì dân chủ và chống tham nhũng, Trung Quốc gây mâu thuẫn với Ấn Độ và nhiều nước láng giềng khác, thái độ bức ép của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ dẫn đến sự phản đối của các nước láng giềng, mà còn dẫn đến sự phản ứng từ các nước châu Âu như Anh, Đức và Pháp.” Khi so sánh sức mạnh tổng hợp quốc gia của các cường quốc trên thế giới, Beckley kết luận từ nghiên cứu của mình rằng, các tài liệu nghiên cứu liên quan cho đến nay đã đo lường không chính xác sức mạnh tổng hợp quốc gia. “Hầu hết các nghiên cứu sử dụng một số chỉ số kinh tế rộng và nguồn lực quân sự để đánh giá sức mạnh quốc gia của các nước. Ví dụ như sử dụng tổng sản phẩm quốc nội và chi tiêu quân sự để đánh giá. Các chỉ số này đem các nguồn lực có liên quan của các quốc gia cộng lại với nhau, nhưng không trừ đi chi phí mà các quốc gia đó phải trả để kiểm soát, bảo vệ và cung cấp dịch vụ cho người dân của họ. Do đó, các chỉ số đo lường thông thường này sẽ phóng đại sức mạnh quốc gia của các nước nghèo và đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước này có năng lực sản xuất lớn và lực lượng quân đội đông đảo, nhưng họ cũng phải chịu gánh nặng an ninh và phúc lợi khổng lồ mà sẽ làm tiêu tốn nhân lực và vật lực của họ.” So với Trung Quốc, “Mỹ giàu hơn Trung Quốc nhiều lần và khoảng cách tuyệt đối giữa hai bên vẫn đang gia tăng hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm. Nền kinh tế Trung Quốc tuy lớn nhưng không hiệu quả. Trung Quốc thu được sản lượng cao với chi phí cao. Các công ty Trung Quốc có chi phí sản xuất cao trong suốt cả năm và 1,4 tỷ dân của Trung Quốc tạo thành gánh nặng an ninh và phúc lợi khổng lồ. Nói một cách tương đối, nền kinh tế Mỹ lớn mạnh và hiệu quả, đồng thời đạt được sản lượng cao với chi phí tương đối thấp. Năng suất bình quân của người lao động và các doanh nghiệp Mỹ gấp bảy lần Trung Quốc, nhưng dân số Mỹ chỉ bằng 1/4 Trung Quốc, do đó chi phí phúc lợi và an ninh ở Mỹ thấp hơn nhiều. GDP và các tiêu chuẩn đo lường thông thường khác đã tạo ra những ấn tượng khiến người ta lầm tưởng rằng Trung Quốc đang đuổi kịp Mỹ về mặt kinh tế.” Ảo tưởng về sự gia tăng quân sự của Trung Quốc Beckley cho rằng, ngay cả trong lĩnh vực sức mạnh quân sự mà nhà cầm quyền ĐCSTQ đầu tư nhiều nhất, cái gọi là sức mạnh Bắc Kinh chỉ là ảo tưởng khi so với Mỹ. Ông đã viết trong cuốn sách “Không thể thay thế” như sau: “Hệ thống vũ khí của Trung Quốc chỉ có năng lực bằng khoảng một nửa so với mức trung bình của Mỹ. Số lượng binh lính, phi công và thủy thủ hải quân đã qua đào tạo của Trung Quốc chưa bằng một nửa so với Mỹ, họ có kinh nghiệm hoạt động hạn chế và thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Chi phí cho quân nhân Trung Quốc cao hơn Mỹ ít nhất 25%; các hoạt động bảo vệ lãnh thổ và an ninh tiêu tốn ít nhất 35% ngân sách quân sự và chiếm dụng một nửa lực lượng vũ trang đang hoạt động của Trung Quốc. Trong khi đó, quân đội Mỹ chuyển giao các vấn đề và chi phí đó đến các cơ quan dân sự.” Beckley chỉ ra, vị thế của một cường quốc không cao cũng chẳng thấp sẽ khiến Trung Quốc trở nên đặc biệt nguy hiểm trong vài năm tới và Mỹ sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc duy trì hòa bình. Ông viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy: “Trong lịch sử, những hành động liều lĩnh để tranh giành vị thế quốc gia hùng mạnh thường đến từ những nước lớn đang trỗi dậy nhưng cảm thấy rằng họ không có nhiều thời gian.” Ông đã liệt kê nhiều ví dụ trong lịch sử, bao gồm Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất và Nhật Bản đã kích động Chiến tranh Thái Bình Dương bằng cách tấn công Trân Châu Cảng ở Hawaii vào năm 1941. Mặc dù trong các bài báo và tác phẩm của mình, Beckley cho rằng Mỹ vẫn có lợi thế rõ ràng so với Trung Quốc về sức mạnh quốc gia và quân sự, hơn nữa lợi thế này không hề giảm đi mà ngày càng được nới rộng, nhưng ông cũng chỉ ra, những lợi thế của Mỹ không phải là bất di bất dịch và trường tồn mãi mãi, mà vô số những vấn đề không thể coi nhẹ trong chính trị và xã hội Mỹ có thể khiến Mỹ đánh mất chúng. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với VOA, Beckley nói rằng về lâu dài và về mặt lịch sử, là một quốc gia dân chủ, việc Mỹ kiên quyết đi theo những chính sách sai lầm không thể sửa chữa giống như những quốc gia theo chế độ chuyên chế là điều rất khó có thể xảy ra. Sau đây là phần hỏi đáp trong cuộc phỏng vấn của Beckley với VOA. Những điều Beckley bày tỏ là quan điểm cá nhân của ông. Lợi thế từ sự chuyên quyền độc tài của đảng Cộng sản Trung Quốc Hỏi: Trong cuốn sách “Không thể thay thế: Tại sao Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường duy nhất trên thế giới,” cũng như trong các bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy và Foreign Affairs, ông đã liệt kê hàng loạt điểm yếu về kinh tế, ngoại giao, chính trị, dân số, môi trường, cung cấp lương thực, năng lượng, an ninh nội địa mà Trung Quốc phải đối mặt trong sự so sánh với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ vốn không biết kiêng nể, ĐCSTQ có thể dễ dàng và thuận tiện huy động hoặc chiếm đoạt đủ nhân lực và vật lực để làm xói mòn hoặc phá hủy nền hòa bình dưới sự thống trị của Mỹ (Pax Americana). Ông muốn nói gì về tình huống này? Beckley trả lời: Tôi nghĩ là đúng, chế độ chuyên chế có một lợi thế, nó có thể nhanh chóng huy động nhân lực và vật lực để xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, vận động kinh phí, buộc nông dân phải dời đi và dựng lên những thị trấn ma mà các cơ quan quản lý xây dựng muốn xây dựng. Điều này cũng đúng trong quân đội. Ý tôi là Tập Cận Bình có thể ra lệnh bắt các công ty công nghệ phục vụ cho quân đội và các cơ quan an ninh của Trung Quốc. Nhưng tổng thống Mỹ không thể buộc Google cung cấp công nghệ mới nhất cho quân đội Mỹ. Rõ ràng chính phủ chuyên chế có một số lợi thế rõ ràng, nhưng những lợi thế này chỉ tồn tại ở một số lĩnh vực biệt lập và chỉ mang tính ngắn hạn. Tuy nhiên, xét về xu hướng dài hạn, về mặt tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững trong khoảng thời gian hàng thập kỷ, về mặt ngoại giao và đối nội, tạo ra các chính sách ổn định hơn, thiết lập một thế cục quân sự bền vững hơn, hay nói thẳng ra là không mắc những sai lầm thảm khốc, thì các nền dân chủ hoạt động tốt hơn. Lý do rất đơn giản. Bởi vì các chế độ dân chủ có tính cạnh tranh, nên luôn có những đảng đối lập cố gắng chỉ trích và tìm ra cách làm tốt hơn đảng cầm quyền. Dân chủ có thể tránh được tình trạng hôn quân hay bạo chúa, tức là cục diện kẻ mạnh hy sinh cả đất nước vì lợi ích của riêng mình. Theo tôi, nền kinh tế Liên Xô sụp đổ vì một số lý do. Đó là vì nền kinh tế do chính phủ lãnh đạo không làm tốt trong công tác đổi mới và khởi nghiệp. Tôi cho rằng trong một số lĩnh vực, dân chủ có ưu điểm là sức mạnh quốc gia được tích lũy lâu dài, còn nhược điểm của nó nằm ở tốc độ huy động nhân lực và vật lực. Đây chính là tình hình của Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc có sự kết hợp quân – dân, là chế độ toàn dân, toàn xã hội. Trong khi đó, Mỹ có chế độ phân quyền và buộc phải tập hợp sức mạnh của tất cả các bên để hoàn thành công việc. Có phải Trung Quốc đã phá vỡ hòa bình dưới sự lãnh đạo của Mỹ ở Biển Đông? Hỏi: Một số người nói rằng Trung Quốc đã thực sự làm xói mòn và phá hủy nền hòa bình dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Ví dụ, ở Biển Đông, Trung Quốc trực tiếp xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa và tuyên bố chúng là lãnh thổ của Trung Quốc. Các tàu chiến và máy bay của Mỹ giờ đây chỉ có thể nhìn chúng từ xa mà không thể can thiệp. Ông nghĩ thế nào về việc Trung Quốc đang biến Biển Đông thành của riêng mình, và cái giá phải trả là sự tín nhiệm của Mỹ và hòa bình dưới sự lãnh đạo của Mỹ? Đáp: Tôi nghĩ việc Trung Quốc có thể biến Biển Đông thành của riêng mình vẫn còn xa xôi lắm. Trung Quốc đã quân sự hóa một số đảo nhân tạo, nhưng Mỹ đã cố tình cho tàu chiến đi qua các đảo nhân tạo đó ở cự ly gần, tuyên bố rằng đây không phải lãnh thổ của Trung Quốc mà là đường biển quốc tế. Điều này được thiết lập bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye cũng tuyên bố rằng tất cả các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông đều vô hiệu. Mặc dù việc Trung Quốc biến Biển Đông thành của riêng mình vẫn còn xa, nhưng các chiến lược được Trung Quốc sử dụng mà bạn vừa chỉ ra là một cách để Trung Quốc cố gắng tạo thành một “việc đã rồi.” Trung Quốc sử dụng “chiến thuật vùng xám” (Chú thích: Chiến thuật tránh đối đầu quân sự nhưng có thể buộc bên kia nhượng bộ) để thách thức quyền sử dụng tuyến đường biển đó của các nước khác. Đây là một vấn đề lớn. Hơn nữa, điều này cũng có thể mang lại cho Trung Quốc một số lợi ích ban đầu trong các cuộc xung đột có thể xảy ra. Trung Quốc triển khai và phóng các thiết bị cảm biến trên các đảo nhân tạo đó và đang trong trạng thái chuẩn bị tác chiến. Khi chiến tranh ở Biển Đông nổ ra, họ có thể hành động nhanh hơn. Nhưng tôi nghĩ, đầu tiên, Trung Quốc không hề củng cố quyền kiểm soát đối với Biển Đông, vì tôi cho rằng đây là điều không thể thực hiện được trong thực tế, vì diện tích của Biển Đông quá lớn, mà Trung Quốc chỉ mới chiếm được 7 đảo nhỏ trong số đó. Trung Quốc chỉ có một số lượng tàu chiến hạn chế và không thể củng cố quyền kiểm soát của mình ở đó. Ở một khía cạnh quan trọng hơn, dù Trung Quốc đạt được lợi ích trong ngắn hạn nhưng đã khiến không chỉ các nước xung quanh Biển Đông, các nước ở những khu vực khác, mà cả các nước Châu Âu cử tàu chiến đến Biển Đông cũng phải tuyên bố với Trung Quốc rằng, hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều công nhận đó là đường biển quốc tế. Nếu Trung Quốc muốn dùng vũ lực để củng cố quyền kiểm soát thì sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, và có thể phải đối mặt với sự phản đối của hơn chục quốc gia hùng mạnh do Mỹ đứng đầu. Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây là con dao hai lưỡi Hỏi: Trung Quốc chắc chắn đang trỗi dậy và đó có thể không phải một sự trỗi dậy hòa bình. Cũng không nghi ngờ rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc về cơ bản hoặc hoàn toàn phụ thuộc vào vốn, công nghệ và thị trường phương Tây. Trong quá trình này, Trung Quốc đang trở thành một con quái vật mà phương Tây khó đối phó. Nói cách khác, Trung Quốc một mặt thu được lợi ích từ phương Tây, mặt khác ngày càng trở nên thù địch với phương Tây, và mức thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Ông nghĩ phương Tây sẽ thoát khỏi cái bẫy sinh tồn này như thế nào và khi nào? Đáp: Rõ ràng, sự tiếp xúc của phương Tây với Trung Quốc trong 30 hoặc 40 năm qua là lý do chính cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không có thị trường phương Tây, công nghệ phương Tây và vốn phương Tây, Trung Quốc không thể vươn lên. Trung Quốc đã chơi rất hay trong trò chơi này, một mặt Trung Quốc duy trì quan hệ với phương Tây để có được tất cả những điều trên, mặt khác lại xây dựng sức mạnh quốc gia, xoay chuyển và bắt đầu tiến lên đưa ra những đòi hỏi của riêng mình, buộc phương Tây phải chấp nhận hoặc thay đổi mối quan hệ ban đầu giữa hai bên. Nếu Mỹ và Trung Quốc tách rời hoàn toàn về kinh tế, rõ ràng cả hai bên đều sẽ thiệt hại rất nhiều. Tuy nhiên, cần phải xem bên nào phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường của bên kia. Quy mô thị trường Mỹ gấp ba lần thị trường nội địa Trung Quốc. Mức tiêu dùng của Trung Quốc đã trì trệ ở mức 35% GDP, đây là mức rất thấp. Vì vậy, Trung Quốc cần xuất khẩu sang các nước giàu có trên thế giới. Ai là người phụ thuộc vào ai nhiều hơn? Nếu Trung Quốc không có chip máy tính từ phương Tây hoặc thiết bị bán dẫn từ các nhà sản xuất phương Tây, máy tính của Trung Quốc sẽ không hoạt động được. Về những khía cạnh này, Mỹ và các đồng minh có lợi thế tuyệt đối. Mỹ và các quốc gia khác đã đánh bại các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei bằng cách ngăn cản họ có được những công nghệ quan trọng, đặc biệt là công nghệ bán dẫn. Trung Quốc cũng ngày càng phụ thuộc vào các quốc gia khác về dầu mỏ và thực phẩm. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc luôn biết rằng ngoại thương là con dao hai lưỡi, ngoại thương một mặt đem lại những lợi ích như thị trường, công nghệ; mặt khác lại khiến quốc gia bộc lộ những điểm yếu và làm bản thân nó chịu phải phụ thuộc vào những nước khác. Tôi nghĩ Trung Quốc hiện cũng thấy mình đang đối mặt với phản ứng dữ dội từ chủ nghĩa bảo hộ ở khắp nơi trên thế giới. Chính quyền Biden của Mỹ tiếp tục duy trì các mức thuế trừng phạt mà chính quyền Trump đã áp đặt lên Trung Quốc trước đây, và giờ đây các mức thuế như vậy đã trở thành hiện trạng. Ngay cả Liên minh châu Âu cũng đặt câu hỏi về mối quan hệ kinh tế giữa họ với Trung Quốc. Một số quốc gia trả tiền cho các công ty của nước mình để họ chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc. Tôi không nghĩ rằng các quốc gia trên thế giới sẽ tách biệt hoàn toàn khỏi Trung Quốc, nhưng chắc chắn quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước khác sẽ giảm đi. Kết quả là tất cả các nước sẽ bị thiệt hại ở một mức độ nào đó, nhưng Trung Quốc sẽ bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Bởi vì dù cho Trung Quốc đang cố gắng cải thiện khả năng công nghệ của mình, nhưng nhìn vào các ngành công nghiệp khác nhau của nước này, chẳng hạn như công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ và bất kỳ ngành nào liên quan đến máy tính, họ vẫn phải dựa vào công nghệ của phương Tây. Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nước ngoài để kiếm dầu, thực phẩm và thị trường. Sự phụ thuộc vào bên ngoài của Trung Quốc là rất nghiêm trọng, điều đó khiến nước này lâm vào tình thế khó khăn. Cách nhìn nhận vấn đề liên minh Trung – Nga Hỏi: Trong cục diện giữa Mỹ và Trung Quốc, ông nghĩ thế nào đến yếu tố ĐCSTQ và Nga sẽ đoàn kết lại để đối phó với Mỹ? Đáp: Đây là một câu hỏi rất quan trọng, ngay cả khi hai nước này sẽ không trở thành đồng minh. Nhân tiện, tôi không nghĩ họ là đồng minh của nhau. Như chúng ta đã biết, đồng minh có nghĩa là bạn sẵn sàng hy sinh một số lợi ích trước mắt của mình cho một quốc gia khác. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga về cơ bản giống như một cuộc liên hôn được xây dựng trên cơ sở vì sự thuận tiện lâu dài. Sự hợp tác của họ là để cung cấp lợi ích cho nhau, nhưng họ cũng cạnh tranh với nhau. Ví dụ, ở Trung Á, ở Viễn Đông, và về vấn đề bên nào nên là người lãnh đạo chế độ chuyên chế toàn cầu. Tuy nhiên, tôi vẫn rất lo lắng. Ngay cả khi họ không hỗ trợ lẫn nhau như những đồng minh thực sự, nhưng nếu họ làm những điều tương tự cùng một lúc, điều đó sẽ phóng đại các mối đe dọa mà Mỹ và các đồng minh phải đối mặt. Ví dụ, sẽ có một kịch bản ác mộng như vậy, Trung Quốc tấn công Đài Loan ở châu Á, trong khi cùng lúc đó, Nga cũng có hành động tương tự ở Đông Âu. Điều này sẽ khiến Mỹ và đồng minh khó có đủ sức mạnh để đối phó với họ trên cả hai chiến trường. Các ví dụ khác bao gồm việc Trung Quốc và Nga cùng phổ biến các phương thức và công nghệ “chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số.” Cả hai quốc gia này dường như đang mài dũa và thử nghiệm các phương pháp và công nghệ như vậy ở quốc gia mình, đồng thời cũng đang tiến hành các hoạt động như vậy ở hàng chục quốc gia khác trên thế giới. Rõ ràng trong một số tổ chức quốc tế, một số chính thể phi tự do do Trung Quốc và Nga lãnh đạo làm méo mó các yếu tố cơ bản của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Khuôn khổ tự do mà các tổ chức này thiết lập lúc đầu không còn chiếm được ưu thế nữa. Các tổ chức này không còn khả năng hoạt động hiệu quả, và bất kỳ nghị quyết nào được đề xuất tại Liên Hợp Quốc nhằm lên án và xử phạt các hành vi vi phạm nhân quyền đều sẽ bị chặn lại. Một số quốc gia chống lại tự do chiếm các vị trí chính thức quan trọng trong các tổ chức này. Sự bắt tay giữa Trung Quốc và Nga khiến hiện tượng này càng dễ xảy ra hơn. Cuối cùng, tôi muốn nói về việc chia sẻ thông tin tình báo và mua bán vũ khí giữa Trung Quốc và Nga, họ có thể nâng cao ảnh hưởng quốc tế của nhau. Vì vậy, tôi muốn nói rằng tôi rất lo lắng. Nhưng tôi sẽ không đồng ý nếu ai đó nói rằng Trung Quốc và Nga sẽ thành lập một liên minh, bởi vì Trung Quốc và Nga chưa bao giờ thành lập một liên minh. Tôi nghĩ Trung Quốc và Nga có rất nhiều xung đột lợi ích. Hơn nữa, giữa hai quốc gia này cũng có sự cạnh tranh tự nhiên, vì họ là hai nước lớn cùng bị đặt vào một chỗ. Nhưng khi hai nước thông đồng với nhau, đó là một vấn đề đối với Mỹ và các đồng minh. Các đồng nghiệp Trung Quốc nhìn nhận điểm yếu của Trung Quốc như thế nào Hỏi: Các đồng nghiệp của ông ở Trung Quốc (học giả/nhà phân tích Trung Quốc) có nhận xét gì về hàng loạt điểm yếu của Trung Quốc được thể hiện trong cuốn sách của ông? Đáp: Khi tôi thu thập tư liệu để viết cuốn sách này, vào đầu năm 2010, tôi sống ở Trung Quốc. Lúc đó, tôi viết báo cáo học thuật ở Trung Quốc, nói về các vấn đề dân số và những điểm yếu khác nhau của nền kinh tế Trung Quốc. Những báo cáo này nhận được nhiều sự quan tâm ở Trung Quốc hơn là ở Mỹ. Vào thời điểm đó, nhiều người ở Mỹ nói rằng Trung Quốc đã trở thành một người khổng lồ cao 10 thước và rằng Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường tiếp theo. Điều này chứng tỏ, bạn có thể nhìn thấy vấn đề của đất nước mình rõ ràng hơn vấn đề của nước khác. Đối với người Trung Quốc, phản ứng của họ khi nghe tôi nói về những vấn đề này là, chúng tôi cũng biết những vấn đề này; rõ ràng là chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức này. Tôi nghĩ họ nhận thức được những vấn đề này, vì vậy họ hoan nghênh các bài giảng của tôi hơn. Nhưng hiện nay theo như tôi quan sát, các đồng nghiệp Trung Quốc của tôi đang ngày càng rập khuôn theo các quan điểm của đảng. Một số người trong số họ đang lặp lại các tuyên bố của Bắc Kinh, ngoài ra cũng có sự kiểm duyệt nữa (khiến họ không thể hoặc không dám nói ra sự thật). Tuy nhiên, vẫn có nhiều người cảm thấy rằng Trung Quốc đang bị cô lập, khi mà tinh thần chống Trung Quốc đã tăng lên đến đỉnh điểm kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Một số ý kiến ​​chống Trung Quốc xuất phát từ đại dịch COVID-19 và một số đến từ những thứ khác. Nhưng họ cảm thấy rằng, cộng đồng quốc tế đã thay đổi thái độ đối với Trung Quốc và e ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tôi nghĩ, họ cảm nhận được rằng Trung Quốc đang bị cô lập, điều này dẫn đến tâm lý phòng thủ hơn ở họ. Họ trở nên miễn cưỡng khi nghe mọi người nói về những điểm yếu của Trung Quốc, và họ không muốn nghe mọi người nói về việc người dân Trung Quốc thiếu ý chí chính trị khi tin tưởng chính phủ Trung Quốc hay ĐCSTQ. Trong vài năm qua, tôi đã thực sự nhận thấy sự thay đổi trong thái độ của họ. Thật không may, điều này nghĩa là sẽ có ít hơn những cuộc đối thoại và trò chuyện trung thực giữa hai bên, và đôi bên sẽ không thể tuyên bố lập trường của mình để tìm ra các thỏa hiệp. Chúng ta đang thực sự bước vào kỷ nguyên cạnh tranh. Lê Thị Thanh Loan dịch từ nguồn tiếng Trung trên VOA Chinese. Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế   XEM THÊM: Trung Quốc có thể tiếp tục đà trỗi dậy hay không? Thế giới nên coi chừng đảng Cộng Sản Trung Quốc    
......

Khi “lãnh đạo” …toàn là những “con lợn đội mũ phớt”

Tân Phong - Web Việt Tân| Ngôn ngữ tuổi teen có nhiều cách gieo vần và hình ảnh so sánh ngộ nghĩnh đến tức cười. Hôm trước, người viết có chat với đứa cháu ở Long An về cách chống dịch ở nơi đang sống. Cháu tôi bảo “bọn chính phủ Việt Nam toàn lợn đội mũ phớt, cậu ạ.” Nói nặng hơn là toàn “lũ ngu mà tỏ ra nguy hiểm.” Nhưng người viết thì nghĩ rằng “chúng nó” không ngu, chúng chỉ không còn là con người nữa mà thôi. Xét cho cùng thì chỉ có dân mình ngu, nhược quá mà thôi. Dân tình khắp nơi bức xúc với kiểu chống dịch cực đoan, ngu dốt, cách hành xử quá mức vô lương tâm của đám sai nha chỉ chực đi rình bắt người dân để phạt cho đủ chỉ tiêu. Chỉ thị mỗi phường, xã phải tìm bắt, hốt cho đủ người, phạt cho đủ chỉ tiêu. Không biết làm sao, đám quan chức CSVN có thể nghĩ ra những qui định quái đản vô lương đến thế mà làm được. Trước nay, chuyện bắt phạt giao thông, bắt phạt hành chính, án ma túy, hình sự… đều có chỉ tiêu theo doanh số theo từng tháng trong ngành công an thì ai cũng biết cả. Nhưng giờ mà có cả chỉ tiêu bắt phạt dân trong mùa dịch bệnh như thế này thì đúng là không tưởng tượng nổi sự khốn nạn, vô lương của đám viên chức CSVN. Dân sinh thì khổ sở muôn trùng, đói khát cùng cực, ốm đau, chửa đẻ cũng không biết xoay xở ra làm sao. Xóm trọ nghèo có lúc chia nhau nửa gói mì còn không có. Giá cả ngoài siêu thị thì cao ngất trời, cái bắp cải bé xíu cả tiền trăm, trứng gà công nghiệp 50 – 80 ngàn Hồ tệ. Tiền thì cả phòng không ai còn một cắc. Xin gia đình ngoài Bắc bố mẹ già gửi cho ít tiền ăn cầm cự, đi ra cây ATM rút tiền mua đồ ăn thì bị đè nghiến ra cướp trắng nửa số tiền ăn của cả nhà. Uất muốn trào máu mắt! Khốn nạn quá chừng. Nhưng hóa ra, việc bắt hốt, nhốt, phạt, cướp bóc đó đều có chỉ tiêu của từng phường, xã, phố xóm… từng ngóc ngách không chừa một chỗ nào. Tức là việc ăn cướp từng đồng tiền cuối cùng của dân cũng là đều là “ý đảng” cả. Ở xứ này, việc gì mà chẳng đều “quyền đảng, ý đảng” cả? Đảng lãnh đạo toàn diện xã hội mà. Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến của những vị bác sĩ, chuyên gia lâu năm tâm huyết với nghề đã phải đăng đàn nêu những bất cập, những rủi ro, những sai lầm trong cách phòng chống dịch cực đoan, ngu dốt của đám viên chức ngồi phòng lạnh, có lọc khử khuẩn, cách ly mọi nguồn bệnh, đọc báo cáo và ra chỉ thị trên trời khiến cho dân tình khổ sở. Thế mà, bao nhiêu ý kiến tốt, hay chẳng mảy may động tâm đến đám viên chức đó. Nói như các bạn trẻ: “bọn họ là lợn đội mũ phớt” thì đúng rồi. Nhưng người viết lại thấy mấy “bạn lợn” mà những đứa trẻ ở nhà hay xem cartoon dễ thương chứ đâu có khốn nạn như lũ ngợm đầu trâu mặt ngựa CSVN đâu. XEM THÊM: Bác sĩ Phan Xuân Trung phát động một chiến dịch bất tuân dân sự Sinh phẩm, kit thử xét nghiệm, vaccine, vật tư y tế thì toàn đi xin “đế quốc, thực dân” viện trợ. Quĩ vaccine cũng “vận động” đi xin, đi cướp của dân từng đồng, khấu trừ thẳng vào lương của công nhân viên chức – “beg public for vaccine fund donation” – như báo chí thế giới phải bêu riếu, ngán ngẩm. Nhưng người dân, doanh nghiệp muốn tiêm thuốc Mỹ, thuốc Châu Âu thì phải đóng 1 – 2 triệu/người, muốn có một cái giấy xét nghiệm nhanh cũng mất từ 300 ngàn Hồ tệ tới 2 triệu tùy loại xét nghiệm. Xem ra, Bộ Y Tế đang là ngành “ăn nên làm ra” nhất thời buổi Covid-19! Mấy ngày nay, báo chí “lề phải” cũng đã phải kêu toáng lên về “khả năng sụp đổ của hệ thống y tế TP. HCM” khi mà cái gì cũng thiếu. Từ máy thở, bác sĩ hồi sức, sinh phẩm, kit xét nghiệm… cái gì cũng thiếu. Dich bệnh suốt gần hai năm, chính phủ Việt Nam đã làm gì để chuẩn bị những tình huống ngày hôm nay? Trong khi đó, có lẽ không biết bao nhiêu chiến dịch, nghị quyết chính trị, bao nhiêu chương trình tuyên bố đao to búa lớn là Việt Nam sẽ sản xuất kit thử, xuất khẩu kit thử. Nghe nói Vingroup cũng đã chuyển đổi những dây chuyền sản xuất để sản xuất máy thở và tặng cho chính quyền CSVN hàng ngàn máy thở từ năm ngoái. Thế mà số ca diễn biến nặng mới vài trăm ca mà cả hệ thống đã la làng là “nguy cơ sụp đổ.” Rõ ràng là những gì mà các Bộ, Sở Ngành tuyên bố đủ khả năng chống dịch chỉ là khoát lác. Khi dịch bệnh mới chỉ ở bên kia biên giới, người viết đã cảnh báo về năng lực của hệ thống y tế Việt Nam dù có đội ngũ bác sĩ có tay nghề nhưng hạ tầng cơ sở y tế rất yếu, số giường bệnh thậm chí chỉ tương đương 15% Vũ Hán. Cả nước chỉ có gần 1000 máy thở phục vụ cho tất cả các loại bệnh cần hỗ trợ hồi sức tích cực. Ngay cả không có dịch thì cũng không đủ máy để phục vụ. Nếu chỉ cần 1000 ca nặng thì hệ thống y tế Việt Nam sẽ sụp đổ. XEM THÊM: Chính trị vô lương và cái giá phải trả Trong khi đó, những báo chí “lề đảng” thì cố uốn ngòi bút theo luận điệu tuyên truyền khỏa lấp của chế độ và tấn công Việt Tân là phản động. Nhưng ngày từ lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, bài viết phân tích đầu tiên về dịch Covid-19 đăng trên web Việt Tân vào ngày 14/2/2020, đã gọi đây là “thảm họa toàn cầu” trước cả WHO lên tiếng chính thức về cơn ôn dịch bắt nguồn từ người bạn vàng 4 Tốt Trung Quốc này. Tất cả những cảnh báo về rủi ro lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, bệnh viện, các trung tâm xét nghiệm CDC, sai lầm trong chính sách bắt nhốt hàng chục ngàn người F1 vào những trại tù giam lỏng, cũng như các biện pháp giãn cách xã hội kiểu “lấy thúng úp corona,” các phương thức thức lây nhiễm của chủng virus này và mức độ tác động mọi khía cạnh kinh tế xã hội của cơn ôn dịch này tới xã hội Việt Nam. Giá như hơn 800 tờ báo đảng có thể dự đoán và phân tích chính xác được một phần “tụi phản động” nói thì có lẽ Việt Nam giờ không “toang” đến thế đâu. XEM THÊM: Báo động đỏ: Rủi ro lây nhiễm Covid-19 cho đội ngũ nhân viên các trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC Việt Nam Hậu quả dẫn đến tình trạng tồi tệ hiện nay chính là lề thói lãnh đạo theo kiểu “dân chủ tập trung” của đám lãnh đạo “lợn đội mũ phớt.” Giờ đây, hàng triệu người trên mạng xã hội đang nguyền rủa “những tên lãnh đạo bất lực, tham quyền cố vị” không chịu thay đổi, không chịu cởi bỏ xiềng xích cho dân, không làm những việc thiết thực cho dân thì họ đúng là đám lợn xấu xí đội mũ phớt mà thôi. Tân Phong  
......

Một nước Việt buồn...

Đi làm thuê sau nhiều tháng không có việc làm vì dịch, hết sạch tiền, không nơi nương tựa, đã phải đi bộ về quê. Phạm Minh Vũ Người Dân Việt Nam vốn dĩ cái đói cái nghèo cứ vây lấy quanh năm, có khi bám đến suốt đời. Cái ăn cái mặc vẫn chưa lo tới làm sao biết cái chữ. Bởi thế cán bộ có bằng cao cấp lý luận chính trị làm tới phó chủ tịch phường dốt tới nổi không biết bánh mì là lương thực. Bình thương Dân nghèo quá khốn khổ vì sự điều hành chính phủ yếu kém, không trọng dụng người tài nên quan chức vô học cứ thế ra làm quan. Kẻ nắm vận mệnh đất nước thì thi hành chánh sách có lợi cho một nhóm gồm 18 tên trùm và hơn 200 tên cướp. Chính sách bóc lột Dân bằng thuế bằng phí đã là một gánh nặng Dân khốn cùng. Tới khi chính sách bóc lột được thực thi, thì những kẻ mang màu áo công quyền thi hành công vụ hành động xem Dân như kẻ thù cứ thế mà sát phạt Dân vô tội vạ. Dân hé cửa cũng phạt, dân đi mua bánh mì cũng phạt thật vô đạo đức. Từ trên xuống dưới cả hệ thống ai cũng nghĩ cái lợi cho bản thân nên trăm sự đổ đầu Dân. Cái nghèo cứ thế mà vây lấy cuộc đời họ. Trong vòng xoáy đại dịch Vũ Hán thì cái nghèo mới trở nên là điều đáng sợ. Hôm nay, Quốc hội người ta vẫn họp, vẫn chém gió và kiên định mục tiêu tiến lên XHCN. Ngày mai họ sẽ có buổi đại yến tiệc để mừng kỳ họp đầu tiên khoá mới thành công, toàn nhân sự “mới”. Họ sẽ nói gì khi trà dư tửu hậu? Chắc hỏi mày đã mua quốc tịch Síp chưa chứ biết nói gì? Vì trên tivi họ nói Quốc hội họp cãi nhau chí choé vậy thôi, chứ đảng lãnh đạo toàn diện đảng quyết cả rồi. Đại biểu gặp nhau chỉ đẹp đội hình hợp thức hoá cho có cái gọi là Dân chủ thôi. Trong khi họ đốt tiền Dân vô tội vạ giữa đại dịch ấy. Thì nay, 30 người dân đã đi bộ hàng chục km, đêm ngủ ven đường, đến khi gặp chốt kiểm soát dịch ngưng lại ngấu nghiến sống từng gói mì vì đói quá. Họ là những người dân của huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đi làm mướn ở Bình Định, sau nhiều tháng không có việc làm vì dịch, hết sạch tiền, không nơi nương tựa, đã quyết định đi bộ về quê . Họ đi từ huyện Hoài Nhơn (Bình Định) lúc 2 giờ chiều ngày 20/7 đến trưa hôm sau 21/7 thì đến trạm kiểm soát dịch đèo Bình Đê (giáp ranh Bình Định), ngủ đường ngủ bụi. Sẽ có người hỏi sao không ở lại mà phải đi khổ như vậy? Ở lại thì tiền trọ đâu? Ăn bằng gì? Đâu phải bí thư đảng ủy Phạm Văn Sáng vơ sạch tiếng Dân để rồi hạ cánh bên Mỹ? Vay mượn bây giờ ai cũng khó khăn như ai, chỉ có quan tích luỹ mới dư được nhiều, Dân thì điêu đứng như nhau cả. Sẽ có người trả lời sao không xin gói hỗ trợ 26.000 tỷ chính phủ cho? Xin thì bao giờ tới? Hay là tổ trưởng Dân phố đem chia cả giòng họ rồi? Mà nếu chính phủ có cho thật, thì tới lúc nhận được có lẽ đặt trên di ảnh của họ chăng? Một đất nước mà quan chức con cháu lúc sống tranh nhau từng miếng đất, từng liều vac-xin với Dân, lúc ốm thì tranh nằm viện ưu tiên cho cán bộ cho lãnh đạo cao cấp hưởng những đặc quyền không khác gì vua chúa phong kiến, lúc chết thì lại tranh đất hàng ngàn m2 để xây nghĩa trang to bự. Quan chức sống vô đạo đức vô liêm sỉ như thế thì Dân còn con đường sống nào? Nhìn dòng người nối đuôi đi giữa trưa nắng Miền Trung, lòng bỗng quặn thắt, tim chợt đau nhói. Vì đâu một nước Việt buồn đến vậy?
......

Thấy gì từ hành vi của một Phó chủ tịch Phường?

Mạc Van Trang Sau khi xem ba cái clip ông Trần Lê Hữu Thọ phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang hành dân (clip 1: Ông và tổ công tác bắt anh Trần Văn Em (25 tuổi, trú xã Diên Hòa, H.Diên Khánh, Khánh Hòa) ở ngoài đường vì đi mua bánh mì “vi phạm vào chỉ thị 16”; Clip 2: Ông Thọ căn vặn anh EM là “bánh mì không phải lương thực thực phẩm”; clip 3: Ông Thọ và tổ công tác đến “kiểm tra lò bánh mì” lập biên bản, thu giấy phép, mời lên phường làm việc) thì thấy gì? 1. Ông Thọ mượn cớ chỉ thị 16 để hành dân, không một chút tình người. Chỉ thị 16 yêu cầu giãn cách xã hội, người ra đường không có lý do chính đáng thì bị phạt. Anh Trần Văn Em buổi trưa đi mua bánh mì và nước để ăn uống. Anh đã trình bày là công nhân đang làm tại công trường, có đủ giấy tờ hợp pháp. Anh đã năn nỉ hết lời xin được thông cảm, “tha" cho em… Nhưng ông Thọ và tay chân nhất định không tha."Đồ này không phải đồ thiết yếu, anh mua đồ ăn mà thiết yếu gì?”... Ông ta còn nói “mày từ trên núi xuống à"...; Còn đe dọa “đuổi việc" anh Em ... Sự thật ông ta và đám tay chân chỉ mượn cớ chỉ thị 16 để hành dân, phạt dân càng nhiều, càng thích. Đáng lẽ trường hợp như thế này chỉ cần nhắc nhở rồi cho người dân đi, nhưng ông ta nhất định bắt anh Em về đồn lập biên bản, thu giữ xe máy, không một chút tình thương, cảm thông với người dân. 2. Phó chủ tịch phường quá ngu dốt, vô văn hóa. Bắt anh Em về đồn, ông ta ra oai, nói lấy được, bắt dân phải nghe những điều ngu ngốc: “Bánh mì không phải là lương thực, thực thực phẩm hiểu chưa”? Sau vụ hành hạ anh Em, ông ta và tổ công tác đến hành chủ lò bánh mì cũng với thái độ hống hách, vô minh như vậy. Ông ta coi mình như cha mẹ dân, quát nạt, “dạy bảo” dân bằng những lời ngu ngốc, đe doạ dân với thái độ cực kỳ vô văn hoá. 3. Ông ta ngu đến mức không biết mình ngu, ác, khốn nạn, tự quay clip hành hạ dân rồi post lên mạng. Hành vi này cho thấy tột cùng của sự hợm hĩnh, tự phụ, khinh dân, coi thường tất cả, chỉ cốt thể hiện oai quyền kiểu xã hội đen của mình để hăm dọa dân. Hành vi này chẳng khác gì hành động bản năng vô ý thức của một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ, vô giáo dục. 4. Cả một tổ công tác cùng u mê tăm tối? Tổ công tác khoảng 4-5 người, nhưng tất cả đều hành động răm rắp như robot theo lệnh phó chủ tịch Thọ, không một ai “có ý kiến khác", không ai tỏ chút thương cảm người dân! “Sự u minh tập thể", cái ác tập thể thật đáng sợ. Khi những nhân viên dưới quyền một kẻ ngu, ác thì tất cả dường như biến thành công cụ cho kẻ ngu ác cầm đầu. Thật nguy hiểm cho người dân. 5. Thân phận người dân thật khốn khổ. Xem 3 cái clip này và cái clip anh chồng quỳ lạy “tổ công tác" lập biên bản xử phạt người vợ anh vừa mở cửa ra, càng thấy thân phận người dân chả khác gì anh Pha, anh Dậu ngày xưa! Anh chồng quỳ lạy “tổ công tác" đã nói hết lời: Vợ tôi đang có bầu, tôi mất việc, khổ lắm rồi, không có tiền nộp phạt, các ông có bắt đi tù thì bắt đi… Một tổ viên tổ công tác vẫn bình thản giải thích: lập biên bản phạt là để bảo vệ an toàn cho vợ anh, gia đình anh… Đây chỉ là mấy cái clip vô tình lộ ra, cho thấy bộ máy công quyền ở cơ sở hãi hùng biết chừng nào! Sự thật ở cơ sở đã lợi dụng chỉ thị 16 để xử phạt người dân, có quận còn khoán chỉ tiêu phạt; Phó giám đốc sở TTTT TP HCM còn “báo cáo thành tích”: Trong 5 ngày đầu đã phạt 2052 người, thu số tiền 4,9 tỷ đồng…. Các vị trên cao luôn mồm: Chính quyền của dân, do dân, vì dân; chính quyền phục vụ người dân, lấy dân làm gốc; không để người dân nào đói ăn, thiếu mặc; không để người dân nào tụt lại phía sau… vân vân và vân vân. Nhưng hãy xem chính quyền cấp phường xã hành dân ra sao mới rõ. Người dân chỉ biết cam chịu, van vỉ, đút lót, quỳ lạy thôi! Người nào phản ứng mạnh mẽ là bị quy tội “chống người thi hành công vụ”, bị còng tay bắt đi, rồi hoặc là bị hành hạ và nộp phạt; hoặc “tự chết" trong đồn; hoặc phải ra tòa với bản án bỏ túi. 21/7/2021
......

Truy nã Phạm Văn Sáng giám đốc sở KH-CN Đồng Nai

Phạm Minh Vũ| Vào một sáng giữa tháng 7 năm 2018, cả giới kinh doanh tài chính Việt Nam xôn xao bàn tán vì Lê Minh Tâm, tổng giám đốc Sky Mining (hay còn gọi là Hợp tác xả  Bầu trời công nghệ, mạng lưới đầu tư máy đào tiền kỹ thuật số cực lớn tại Việt Nam), lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã chạy thoát sang Mỹ, Y đã mua nhà ở San Jose (California) và đang sống tại Atlanta (Georgia). Bỏ lại gần một ngàn người vì tin và đem tiền đầu tư vào Tâm, cũng bởi lời hứa “sẽ không ai bị bỏ lại phía sau“, người ta đã mù quáng bằng những lời mê hoặc có cánh ấy, để nhận lại sự uất ức và chới với vô cùng. Trong đó, có một số người không những không bị lừa mà đã hợp tác cùng Tâm để giúp Tâm chạy thoát sang Mỹ thành công, và nhờ Tâm chuẩn bị một nơi để chờ ngày hạ cánh sẽ sang đó cùng. Ngày hôm qua, công an Đồng Nai phát hiện và khẳng định rằng Phạm Văn Sáng đã đào thoát qua Mỹ với số tiền Sáng vơ vét được khi làm giám đốc sở Khoa học - công nghệ  (KH-CN) Đồng Nai. Họ còn ngơ ngác không hiểu làm sao Sáng lại qua tới đó? Và tiền đem theo cách nào? Sáng sống cuộc sống xa xỉ với số tài sản hàng trăm triệu đô la trước sự ngỡ ngàng của An ninh kinh tế Việt Nam lẫn tình báo. Tiền tẩu tán qua trước mắt an ninh kinh tế mà họ gần như không biết, không làm gì được. Trước khi ra đi, Sáng đã mua hàng ngàn Bitcoin để tẩu tán tài sản bằng cách móc nối với Tâm, và nhờ Tâm chuẩn bị nơi hạ cánh cho Y và gia đình. Lúc đó mua bit giá chỉ mới 3000 đô, hôm nay giá bit gần 50.000 đô, tính ra Sáng cũng biết cách đầu tư đó chứ? Lúc đó, khó ai hiểu rằng Sáng bỏ ra một số tiền hàng triệu đô la để mua bit là tiền đâu ra? Lương chỉ chục triệu là cùng? Tiền đâu ra? Không hỏi chắc ai cũng biết, mà cũng chẳng cần câu trả lời. Chỉ biết rằng, sự trơ trẽn của một đảng viên cao cấp, với bằng cấp lý luận chính trị, hàng thùng Caton giấy khen cống hiến cho đảng, một bí thư luôn kiên định lý tưởng XHCN, để rồi, như những kẻ khác, nói là một chuyện tay thì đã lên kế hoạch sẵn mua quốc tịch đế quốc Mỹ rồi. Bỏ lại cho đất nước đống nợ công cho Dân đen sống lây lất cơm không đủ ăn phải gánh, tài nguyên cạn kiệt, Giang sơn thì bị xâu xé bởi những lý luận kiên định Xhcn ấy. Câu hỏi cần câu trả lời là còn bao kẻ như Sáng? Chắc khó mà biết. Lý tưởng, luận cương cách mạng hay nghị quyết đảng, tất cả với Sáng bây giờ không hơn tờ giấy lộn là mấy. Vậy mà mở tivi hay radio ra rả hàng ngày đều có kẻ vẫn đòi kiên định tiến lên Xhcn, thế mới... Trớ trêu!
......

Não trạng “ngăn sông cấm chợ” vẫn chưa thay đổi!

Ba Kiem Mai Tôi không hiểu tại sao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Cúm Vũ Hán của TpHCM và Sở Công thương không phác họa vài kich bản về tiếp liệu và cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất đến hộ gia đinh khi toàn TP phải phong tỏa? Có phải các siêu thị và cửa hàng tiện ích là sân sau của Sở Công thương mà Sở cứ ngang nhiên đóng cửa các chợ đầu mối đến các chợ truyền thống, mà không sợ rằng nó đã cắt đứt 70% lượng hàng hóa cung ứng cho TP hàng ngày? Sở cứ nói hệ thống siêu thị bảo đảm cung ứng đủ hàng, tức là hệ thống phải tăng công suất bán hàng gấp 300% ngày thường (để bán thay 70% lượng hàng hóa ở chợ truyền thống). Khốn nạn hơn là cấm các tiệm tạp hóa mở cửa, trong khi đoạn đường đi lại của dân bị bị thu ngắn bởi các phường bị phỏng tỏa 100%, làm sao họ đi đường dài đến các siêu thị được? Phường xã, công an và dân phòng lâu nay quen bị dân chửi khi tiến hành cưỡng chế giải tỏa thu hồi đất, dẹp lòng lề đường, nên họ nóng giận đá đổ hàng của người mua gánh, bán bưng, nay thực hiện chỉ thị phong tỏa, phường 6 Gò Vấp còn bày chỉ tiêu phạt người dân không chấp hành chỉ thị 16, họ quá hăng máu! Họ phạt rất nặng người dân ra đường tập thể dục, phạt tiệm bách hóa, quán ăn, cà phê, xe bánh mì… lén bán cho người mang về. Thành ra, cuộc chống dịch Cúm Vũ Hán biến thành cuộc “ngăn sông cấm chợ” triệt để hơn thời bao cấp! Việc dân chen lấn, gom hàng ở các siêu thị suốt tuần qua, chủ tịch Nguyễn Thành Phong cảnh báo “có nguy cơ lây dịch”. Bộ Công thương kêu gọi bán hàng lưu động trong khu dân cư để giảm chen lấn, Sở không làm! Cư dân mạng (rồi báo chí ăn theo) lấy hình ảnh chợ giãn cách trên đường phố ở Myanma, đến nay chủ tịch Phong mới nói “có thể áp dụng”. Nhớ lại 46 năm trước, khi Sài Gòn trong cơn hấp hối, dòng người từ miền Trung đi tàu vào Vũng Tàu và đường bộ đến Sài Gòn đông vô số kể, nhưng đã không xảy ra tình trạng thiếu hàng nhu yếu phẩm. Dù rằng, Sài Gòn bị bên thắng cuộc bao vây bằng quân sự lẫn kinh tế. Quốc lộ 4 (nối SG và miền Tây) và Quốc lộ 1 (SG – miền Trung) thường xuyên bị giật mìn hư đường, sập cầu, đắp mô. Năm 1974, miền Nam sản xuất 6,2 triệu tấn lúa, Sài Gòn phải nhập cảng thêm 350.000 tấn gạo. Lương thực dự trữ cho mấy triệu dân Sài Gòn ăn trong 6 tháng. Do tình thế bị bao vây quân sự và kinh tế, bên thua cuộc vừa phòng thủ vừa yểm trợ các thương thuyền và xe tải tiếp liệu lương thực cho SG. Nếu không SG chết đói! Em cô cậu tôi đi lính Hải quân Giang đoàn 74 thủy bộ, Lực lượng đặc nhiệm vùng 4 kể lại, ngoài nhiệm vụ yểm trợ các tiền đồn ven sông, họ phải yểm trợ các đoàn ghe chài chở gạo về SG, nếu để bên thắng cuộc bắn B.40 chìm, thì Giang đoàn “lãnh củ” (phạt trọng cấm) Giang đoàn 74 cử một chiếc tàu HQ đi sau đoàn ghe chài 5 chiếc từ Chành gạo ở Cầu quay Bạc Liêu qua Vàm Lẽo, Cổ Cò (huyện Hòa Tú) đến Bảy Sào, Sóc Trăng bàn giao cho Hải quân Vĩnh Long. Cứ qua mỗi tỉnh là bàn giao cho tàu HQ khác, đến khi về kho gạo Bến Bình Đông. Sau khi mất Ban Mê Thuột, ông Thiệu lệnh triệt thoái quân về Nha Trang. Sau đó Quân đoàn 1 cũng triệt thoái về Đà Nẵng, thì dân chúng di tản theo đông quá, các Phòng Xã hội (mỗi trung đoàn bộ binh, dù, thủy quân lục chiến có một Phòng Xã hội gồm toàn nữ quân nhân để chăm sóc vợ con lính) báo cáo không đủ thuốc men và lương thực cấp cho dân di tản. Thủ tướng Trần Thiện Khiêm liền xuất ngân sách cho phòng xã hội và hội Hồng Thập tự cấp cho dân tỵ nạn (không có trong kịch bản triệt thoái quân của ông Thiệu). Chiến sĩ giải phóng miền Nam được dân gói bánh tét, khô cho, còn được dân phụ vận chuyển lương thực từ “vùng địch tạm chiếm” vào chiến khu. Các anh không phải bận bịu lo miếng ăn cho dân, an tâm chiến đấu, nên thắng cuộc là phải. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống dịch Cúm Vũ Hán mà quý tư lệnh dùng thuật ngữ chiến tranh “ba mũi giáp công”, “trong đánh ra, ngoài đánh vào” nghe ớn chè đậu! Virus chưa đầu hàng, mà người dân đã đói, vì không việc làm, mà giá cả tăng vọt! Mai Bá Kiếm  
......

Liệu trong nhiệm kỳ 3 này ông Trọng có cho dân “một ngày vui”

Đỗ Ngà Rất có thể ông Nguyễn Phú Trọng sẽ sinh nghề tử nghiệp chăng? Khi ông Trọng cố dùng nắm hơi tàn để nặn ra cái gọi là “suất đặc biệt” để ông được ngồi lại thì có thể thấy rằng, chính tính tham quyền cố vị ấy có thể giết ông bất cứ lúc nào. Già rồi, sức khoẻ suy kiệt lắm rồi mà cố quá không khéo thì lại thành… quá cố mất. Từ sau ngày đi Kiên Giang định mệnh, sức khỏe còn sót lại trong cơ thể của ông Trọng không là không nhiều. Cũng nhờ bác sĩ giỏi nhất Việt Nam đã giành lại một ít sức khỏe cho ông chứ nếu không thì ông đã đi chầu Diêm Vương ngay trong ngày định mệnh đấy rồi. Bản thân ông Trọng hiện giờ đi đứng không vững, mỗi khi ông nhấc chân bước đi thì luôn có vệ sĩ bám sát hễ thấy không ổn là xốc nách ông dìu đi. Với chút sức tàn như thế thì ông khó mà kham nổi chức tổng bí thư thêm 5 năm nữa chứ nói gì đến việc tham gia trận chiến đốt lò? Ngày 15/7 trên tờ Tiền Phong có bài viết “Bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Thường trực Ban Bí thư”, trong đó có cho biết “Trách nhiệm, quyền hạn của Tổng Bí thư cũng có bổ sung quy định mới, đó là khi cần thiết, Tổng Bí thư ủy quyền cho một Ủy viên Bộ Chính trị chủ trì các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương.” Điều này có nghĩa là ông Trọng đã chuẩn bị về mặt đảng luật để ông có quyền chỉ định người thay mặt ông chủ trì các cuộc họp của trung ương đảng vào của Bộ Chính Trị. Việc làm này cho thấy rằng, sức khỏe của ông Trọng đang có vấn đề. Có khả năng ông Trọng sẽ vắng mặt trong nhiều cuộc họp mà đòi hỏi phải có ông. Ngày xưa có ông vua nằm trên giường điều hành triều chính, đó chính là Lê Long Đĩnh (hay còn gọi là “Lê Ngọa Triều”). Rất có thể việc bổ sung quy định này để ông Nguyễn Phú Trọng muốn chuẩn bị tình huống ông điều hành triều chính ngay trong lúc nằm trên giường chăng? Có thể lắm. Nếu ông Trọng gặp vấn đề sức khỏe thực sự thì có thể nói triều đình CS sẽ nổi lên nhiều trò đấu đá ly kỳ ở hậu trường. Chiếc ghế của ông Trọng hiện nay có ít nhất 4 nhân vật nhòm ngó. Với sức khỏe hiện tại như vậy, với việc chuẩn bị quy định đảng luật như vậy, có lẽ là ông Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất của ông. Với sức khỏe như thế này rất có thể cái lò mà ông Trọng nhóm lên bao lâu nay chưa đốt được đối thủ lớn nhất đời thì nó cũng sẽ tắt ngủm theo cuộc đời của ông luôn. Quốc tang của người có mông đang dính ghế bao giờ cũng vui hơn là quốc tang của một ông già đã về hưu. Có lẽ trong 5 năm nhiệm kỳ 3 này, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ cho dân chúng một ngày vui chăng? Có thể lắm. Chúc toàn dân may mắn có được một ngày vui đúng nghĩa. “Chào thân ái và quyết thắng”! -Đỗ Ngà-  
......

Covid-19 và phép thử cho các mô hình xã hội

Tân Phong - Web Việt Tân| Covid-19 và những biến chủng chết người chắc chắn được ghi lại trong lịch sử những đại dịch tồi tệ nhất của nhân loại, cùng với bệnh dịch hạch, đậu mùa, dịch tả và cúm Tây Ban Nha. Cơn ác mộng này vẫn chưa có hồi kết và đang diễn biến phức tạp ở các quốc gia chậm phát triển, nơi nền y tế và tiềm lực xã hội hạn chế. Hậu quả của nó không chỉ cướp đi hàng triệu sinh mạng, làm chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, suy thoái kinh tế kéo dài mà thậm chí làm sụp đổ hệ thống xã hội ở một số quốc gia. Đó là thảm họa nhân đạo ở Ấn Độ, các quốc gia Phi Châu, sự hỗn loạn ở Nam Phi và mới đây nhất là Cuba. Bất bình với cách phòng chống dịch kém cỏi, hệ thống an sinh không đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho đa số cư dân nghèo đô thị đang là nạn nhân bởi dịch bệnh và những đợt phong tỏa dài ngày mà không có lương thực, thuốc men… hàng ngàn người ở thủ đô La Habana đã đổ xuống đường hô vang khẩu hiệu “đả đảo độc tài.” Cơn dịch bệnh là “giọt nước tràn ly” mà người dân Cuba đã không còn chịu đựng thêm được nữa. Chế độ cộng sản ở quốc đảo này đã đã biến một mảnh “địa đàng cõi thế” trở thành một vùng đất nghèo khó và lạc hậu. Mặc dù được ghi nhận là có nền y tế công rất tốt nhưng điều đó không đủ để chống lại cơn ôn dịch tai ác khi nền kinh tế suy kiệt. Rõ ràng, Covid-19 còn là một phép thử cho các mô hình xã hội. Nó làm bộc lộ những yếu kém trong hệ thống các mô hình quản trị ở các quốc gia khác nhau. Một hệ thống quản trị quốc gia có hiệu quả hay không được phản ánh rất rõ qua việc xã hội đó có thích ứng hoặc khắc phục được những ảnh hưởng tiêu cực của môi sinh môi trường, quản lý tốt nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh, áp lực từ việc tăng dân số, khả năng tự vệ trước kẻ thù hay không? Trong lịch sử nhân loại, nhiều quốc gia, nền văn minh đều phải đứng trước những thử thách này và khi không thể vượt qua, các xã hội sẽ tàn lụi và diệt vong. Không một ai có thể mô tả quá trình suy vong của các xã hội, các nền văn minh trước những thách thức đó chi tiết và sống động hơn Jared Diamond. Giờ đây, Covid-19 đang cho chúng ta một ví dụ thực tế, trên qui mô toàn cầu, ảnh hưởng khốc liệt của cơn ôn dịch tới các mô hình xã hội khác nhau. Tất nhiên, thời đại toàn cầu hóa, các quốc gia đều có mối quan hệ cũng như lợi ích ràng buộc nhau và do đó các nước phát triển cũng phải có những động tác hỗ trợ và giúp đỡ các nước nghèo hơn trong hoạn nạn. Những tiến bộ về y khoa vượt bậc ở thời đại ngày nay cho phép con người có thể vượt qua những thách thức về dịch bệnh tốt hơn nhiều so với tổ tiên của mình trong quá khứ. Song, dịch bệnh vẫn luôn là thách thức sinh tồn to lớn đối với mọi quốc gia, chủng tộc trong tiến trình lịch sử. Hãy bắt đầu từ Trung Quốc, quốc gia hơn 1 tỷ dân này vừa mới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng cộng sản với tất cả những màn phô trương sức mạnh hoành tráng nhất. Họ chứng tỏ với thế giới sự trỗi dậy mạnh mẽ và khép lại “thế kỷ ô nhục” khi họ thất bại trước sức mạnh Tây Phương trong quá khứ. Tất nhiên, họ cũng chứng tỏ việc đã hoàn toàn khống chế được cơn dịch cúm chết người – thứ dịch bệnh mà họ cho là xuất phát từ một con dơi nào đó mà cho tới giờ vẫn chưa thể tìm được ra. Còn nhớ, khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ở Vũ Hán và lời cảnh báo của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenlian) về một thứ gì đó bất thường “giống SARS” đã bị chính quyền bưng bít, khiến cho mầm bệnh có thời gian lây lan trong cộng đồng và trở thành đại dịch. Khi mọi thứ đã vượt tầm kiểm soát và khả năng của hệ thống y tế địa phương, nhà cầm quyền đã phong tỏa nghiêm ngặt hàng chục triệu người trong thành phố, xây dựng các khu cách ly tập trung khổng lồ và sử dụng quyền lực không hạn chế của một nhà nước toàn trị để kiểm soát người dân. Rất khó có thể biết được hiệu quả thực sự của những phương thức chống dịch này ra sao. Mọi thông tin ở xứ cộng sản đều bị bóp méo, bị cấm đoán và người ta chỉ có thể nhìn thấy những hình ảnh tuyên truyền cho những hành động “tích cực, kịp thời, hiệu quả” của hệ thống chính trị. Trái ngược hoàn toàn với những lời kêu cầu thảm thiết, những thước phim rò rỉ về những lò thiêu xác đầy ngập những bao đựng thi thể y tế trên mạng xã hội đã nhanh chóng bị xóa bỏ bởi hệ thống kiểm duyệt khổng lồ… Mặc dù vậy, với nền tảng y tế công đã được cải thiện nhiều kể từ 2010, Trung Quốc vẫn có thể nghiên cứu và sản xuất vaccine SinoVac để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tuy rằng, tính an toàn và hiệu quả của vaccine nội địa vẫn còn là điều tranh cãi xong ít nhất nó cũng góp phần tích cực, trên qui mô hàng tỷ dân, trong việc chặn bước dịch bệnh và thậm chí trở thành một thứ vũ khí ngoại giao để gây ảnh hưởng chính trị với các quốc gia không thể tự mình sản xuất vaccine. Rất nhanh chóng, họ viết lại lịch sử của dịch bệnh, cũng giống như những gì họ đang làm là viết lại lịch sử của đảng Cộng Sản Trung Quốc với tất cả những huyền thoại tốt đẹp nhất mà những khối óc hoang tưởng nhất có thể nghĩ ra. Câu chuyện này, chẳng phải George Orwell đã miêu tả đầy ám ảnh trong “1984″ rồi sao? Giờ nó không còn trong tác phẩm giả tưởng nữa. Nó là hiện thực của năm 2021 và có lẽ sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi địa lý của đất nước “đèn lồng đỏ treo cao” này nữa. Còn đối với Phương Tây, thế giới tự do dân chủ nơi quyền cá nhân được tôn trọng cho thấy một bức tranh hỗn loạn hơn rất nhiều. Dịch bệnh tràn lan nhưng việc phong tỏa các thành phố ở các quốc gia Tây phương rất khó khăn và thậm chí gây nhiều tranh cãi kịch liệt vì “vi phạm nhân quyền.” Con số tử vong được ghi nhận là hàng triệu người nhưng xem ra chẳng mấy tác động tới ý thức của người dân và một ông tổng thống Hoa Kỳ coi thường sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng. Đó là những gì mà truyền thông dòng chính Tây Phương đã miêu tả. Dù vậy, các quốc gia Tây Phương sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề về nhân mạng và kinh tế vẫn từng bước vững chắc vượt qua dịch bệnh bằng việc nhanh chóng nghiên cứu và chủ động nguồn vaccine với tốc độ chưa từng có trong lịch sử y học thế giới. Điều đó cho thấy nguồn lực xã hội to lớn và tiến bộ khoa học vượt bực của xã hội Tây Phương. Những xáo trộn về xã hội chỉ là nhất thời. Giống như một hệ sinh thái đã đạt được ngưỡng cân bằng và đa dạng sinh học cao có khả năng phục hồi và tự điều chỉnh rất tốt trước những biến động môi trường. Còn đối với một hệ sinh thái nghèo nàn, ít đa dạng, những biến động có thể gây ra những ảnh hưởng kéo dài, nặng nề hơn, thậm chí là hủy diệt. Với các quốc gia đang phát triển có trình độ y tế và nguồn lực xã hội hạn chế hơn, thì cơn cúm chết người Covid-19 thực sự đã gây ra những thảm kịch tồi tệ. Những gì đang diễn ra ở các nước Châu Mỹ Latin như Brazil, Venezuela…, ở Ấn Độ, ở Châu Phi là những ác mộng địa ngục. Sự hỗn loạn đang diễn ra ở Việt Nam mới chỉ là bước dạo đầu của một cuộc khủng hoảng dân sinh thê thảm. XEM THÊM: Việt Nam: Cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu Trước nay, các quốc gia độc tài thường luôn tự ca ngợi bản thân là mô hình xã hội và thể chế chính trị ưu việt. Nhưng sự “ưu việt” đó chỉ thể hiện ở khả năng đàn áp và bóc lột tàn tệ đám dân đen, nhưng thiểu năng, bất lực trước những vấn nạn xã hội, những thảm họa môi sinh, môi trường, dịch bệnh và xây dựng những hệ thống an sinh xã hội… Tất cả những điều này sẽ được thử thách ghê gớm. Nếu như hơn 90 triệu dân Việt Nam vẫn tiếp tục “ngủ” và chịu đựng một hệ thống cai trị tàn hại thì đảng Cộng Sản Việt Nam có thể viết lại lịch sử đảng và tiếp tục “muôn năm.” Còn nếu vào một ngày đẹp trời, 9 triệu dân Saigon tái hiện lại khung cảnh “cướp kho thóc” ở những lâu đài của đám “đày tớ nhân dân” thì dân tộc này sẽ có một ngả rẽ mới. Tất cả, sẽ được quyết định bởi diễn biến sau cơn ôn dịch thảm khốc này như một qui luật muôn đời “cùng tắc biến.” Tân Phong  
......

Con virus không gây ra bệnh lộng quyền, nó chỉ làm lộ rõ bản chất của các “đầy tớ”

Minh họa: Sheyda Sabetian/ Transparency International Có một đại dịch khác nguy hại gấp nhiều lần.  Y Chan - Luật Khoa tạp chí| Cách đây đúng 60 năm, vào tháng 7/1961, nhà tâm lý học người Mỹ Stanley Milgram thực hiện một thí nghiệm đặc biệt. [1] Ông cho các tình nguyện viên tham gia vào một cuộc trắc nghiệm trí nhớ theo cặp. Một người đóng vai giáo viên, một đóng vai học viên. Họ được xếp vào hai căn phòng riêng biệt, chỉ nghe tiếng nhưng không nhìn thấy nhau. Giáo viên đọc một loạt các cụm từ, sau đó kiểm tra xem học viên nhớ đến đâu. Nếu học viên trả lời sai, giáo viên sẽ nhấn nút để truyền dòng điện khiến học viên bị điện giật. Thêm một câu sai, cường độ dòng điện sẽ được tăng lên 15 volt, cứ như vậy đến ngưỡng cao nhất là 450 volt. Cuộc thí nghiệm được sắp đặt cẩn thận. Trong các cặp luôn có một tình nguyện viên thật sự, còn người kia là diễn viên được chuẩn bị trước. Việc rút thăm phân vai cũng bị làm giả, sao cho tình nguyện viên luôn đóng vai giáo viên, còn diễn viên luôn là học trò. Học viên/ diễn viên được dặn trước sẽ phản ứng theo kịch bản với mỗi mức điện giật, dù trên thực tế không có dòng điện nào. Giáo viên/ tình nguyện viên thì sẽ nghe các tiếng la hét, đau đớn, van xin của học viên. Trong trường hợp giáo viên ngần ngại khi nghe tiếng học viên “bị điện giật” kêu la đau đớn, một người trong nhóm tổ chức đứng bên cạnh sẽ yêu cầu họ tiếp tục thực hiện thí nghiệm, với lý lẽ rằng đây là quy trình cần thiết và tuy dòng điện gây đau đớn nhưng sẽ không có tổn hại lâu dài nào. Milgram cùng các cộng sự muốn biết sẽ có bao nhiêu người nhắm mắt làm theo chỉ đạo khi họ biết việc mình làm khiến người khác đau đớn. Kết quả khiến ông bị sốc: Trong 40 tình nguyện viên, có 26 người, tức 65% số người tham gia, liên tục nhấn nút trừng phạt học viên cho tới mức độ cao nhất của dòng điện, kể cả sau khi học viên đã la hét, van xin, và cuối cùng ngất xỉu (theo kịch bản). Vì lý do đạo đức, những thí nghiệm tương tự như của Milgram sau này không còn được thực hiện. Tuy nhiên, câu hỏi về việc mù quáng tuân theo mệnh lệnh (obedience to authority) vẫn luôn mang tính thời sự. *** Tại các tỉnh, thành phía Nam, chỉ sau vài ngày phong tỏa, người dân đã được chứng kiến không ít tình huống minh họa cho điều này. Ở Long An, hai bạn trẻ đưa mèo đi chữa bệnh bị công an chặn lại, cho là không có lý do chính đáng. [2] Người công an tự ý quay clip và tung lên mạng để chia sẻ với cộng đồng, có lẽ mong chờ được ngợi khen là tấm gương tốt. Đến khi nhận được nhiều phản ứng dữ dội, anh mới đăng đàn để tâm sự, [3] cùng với giải thích rằng “tôi có thể chết nhưng tôi muốn cộng đồng khỏe mạnh.” Một bạn trẻ ở TP. HCM thì kể lại trên trang cá nhân việc bị các lực lượng chức năng chặn lại khi đi rút tiền. [4] Theo câu chuyện, lúc đầu, những người làm nhiệm vụ cho rằng rút tiền không phải là lý do chính đáng vì người dân “phải chuẩn bị (tiền mặt) trước.” Sau đó họ nghi ngờ bạn này ra ngoài tập thể dục vì đi xe đạp. Đến khi bạn mở di động chứng minh được mình vừa rút tiền thì họ vẫn cương quyết mời về phường để “làm việc.” Cuối cùng bạn phải chịu đóng phạt hai triệu để được về. Điều lạ lùng là, theo phản ánh của nhân vật, ngay sau khi chịu đóng tiền, thái độ của lực lượng chức năng lập tức thay đổi, trở nên “vui vẻ ân cần dịu dàng,” không còn những màn “hạch sách,” “la hét,” “định tội đanh thép” trước đó. Hay như sự việc đang gây nhiều chú ý tại phường Tam Bình, Thủ Đức, khi các camera quay lại cảnh một nhóm công an và dân phòng ập vào nhà một gia đình đang bán rau trước cửa nhà. [5] Cho rằng họ vi phạm lệnh giãn cách, nhóm cán bộ tịch thu toàn bộ số thực phẩm, đi thẳng vào trong xô đẩy, sau đó kéo lê người trong nhà về phường. Sau khi các đoạn clip lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, báo Công an Nhân dân ngày 14/7/2021 đã có bài viết tố cáo ngược lại, cho rằng những thông tin và hình ảnh trong clip là “xuyên tạc,” “cắt ghép sai sự thật.” [6] Lực lượng chức năng phường Tam Bình, Quận Thủ Đức cứng nhắc, vô cảm trong việc thực hiện quyết định giãn cách, kéo người phụ nữ lên xe về phường. Ảnh chụp lại từ video/ Báo Thanh Niên Có rất nhiều phản ánh tương tự xảy ra trong vài ngày qua được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội. Ngoài việc chỉ trích lực lượng chức năng cứng nhắc, vô cảm trong việc thực hiện quyết định giãn cách, nhiều người còn chỉ ra vấn đề khác của hiện tượng này: Lộng quyền. Các câu chuyện trên và nhiều sự việc tương tự những ngày qua cho thấy lực lượng cán bộ đang cùng lúc thể hiện cả hai đặc tính: Mù quáng tuân theo chỉ đạo và lạm dụng quyền lực được giao. Đây mới là thứ bệnh dịch nguy hiểm nhất của đất nước, khi nó đã hoành hành suốt hàng chục năm qua mà không có dấu hiệu dừng lại. *** Đúng 10 năm sau thí nghiệm gây tranh cãi của Stanley Milgram, vào năm 1971, một nhà tâm lý học người Mỹ khác có tên Philip Zimbardo tiến hành một nghiên cứu cũng nổi tiếng không kém. [7] Nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford của ông tuyển chọn một số sinh viên nam tham gia vào một cuộc thử nghiệm mô phỏng lại sinh hoạt trong nhà tù. Những tình nguyện viên được chia làm hai nhóm, một đóng vai tù nhân và một đóng vai quản giáo. Mục đích của nghiên cứu là để xem một người bình thường sẽ hành xử ra sao khi có quyền lực trong tay. Zimbardo phải chấm dứt cuộc thí nghiệm sớm hơn dự kiến, khi nhóm nghiên cứu của ông nhận ra những tình nguyện viên đóng vai quản giáo ngày càng trở nên tàn bạo: Họ ngược đãi các tình nguyện viên trong vai tù nhân không kém gì những tình huống ngoài đời thật. Nghiên cứu của nhóm Zimbardo, được biết đến với tên gọi “Stanford Prison Experiment” (Thử nghiệm Nhà tù Stanford), sau này luôn được nhắc đến trong các sách giáo khoa tâm lý học. Nó được xem là minh chứng cho thấy quyền lực có thể khiến người bình thường trở nên tàn ác. Gần đây, đã có nhiều nghi vấn được nêu ra về tính chính xác của nghiên cứu này. [8] Các điều tra cho thấy những tình nguyện viên có thể đã diễn theo ý muốn của nhóm nghiên cứu, và nghiên cứu được thiết kế theo hướng đưa đến kết luận đặt sẵn ban đầu. Thực tế cũng cho thấy một bức tranh khác biệt so với những gì nghiên cứu Stanford vẽ ra: Không phải ai được trao quyền lực cũng trở nên thú tính. Nhiều người cho rằng quyền lực giống như chiếc kính phóng đại, hay ampli phóng to. [9] Nó chỉ khuếch đại những thứ có sẵn trong mình. Một người chính trực khi có quyền lực sẽ vẫn tiếp tục làm một người ngay thẳng. Còn ai chỉ cần có một ít máu gian trá, ác độc hay hèn nhát thì khi có quyền lực, những đặc tính đó sẽ càng có cơ hội được bộc lộ. Vấn đề ở chỗ, hầu như ai cũng có ít nhiều những phẩm chất tiêu cực trong người. Nếu trao cho họ quyền lực tuyệt đối, ngay cả người tốt nhất cũng có thể bị tha hóa, trở thành một con nghiện quyền lực. Đó là lý do quyền lực luôn phải được kiểm soát. Và đó là điều người dân sống ở thể chế hiện tại của Việt Nam không thể tìm thấy. *** Tất nhiên, hiện tượng lạm quyền kết hợp với việc mù quáng tuân lệnh cấp trên không phải là vấn đề chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Nhiều quốc gia khác cũng gặp phải tình trạng tương tự, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh. [10] Nhưng trong khi người dân ở các nước khác còn có quyền tự do ngôn luận để lên tiếng, có báo chí độc lập để giám sát, có quyền tự do tụ tập để biểu tình phản kháng, và còn có tòa án độc lập để xét xử bất kỳ quan chức nào, thì ở Việt Nam, mọi thứ quyền công dân đều nằm dưới quyền lực độc tôn của một nhóm người. Tình trạng lộng quyền của quân đội, công an và quan chức cán bộ đã được phản ánh từ lâu qua cách chính quyền dùng bạo lực đàn áp những người bất đồng chính kiến hay qua những cái chết bất minh đầy nghi vấn. [11] [12] Dịch bệnh lần này, với các chính sách chống dịch cứng nhắc, quan liêu và đầy mâu thuẫn, chỉ càng làm lộ rõ bản chất của lực lượng công quyền. [13] Những gì trước đây chỉ có một số ít người phải chịu đựng, giờ đây đang có ngày càng nhiều người trở thành nạn nhân hay nhân chứng trực tiếp. Ngay cả khi bị “bắt quả tang,” cán bộ cũng không phải chịu trách nhiệm gì. Điển hình như văn bản lan truyền trên mạng của một phường tại quận Gò Vấp, với nội dung giao chỉ tiêu cho cấp dưới đi phạt người dân thời dịch bệnh. Khi được hỏi, người ra văn bản chỉ việc phủ nhận chính nội dung đã ghi trong đó. [14] Việc này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, nếu người ta nhớ lại rằng từ lâu cảnh sát giao thông cũng được công khai giao chỉ tiêu phạt cho đủ số, bất chấp lo ngại của người dân về tình trạng cảnh sát cố tình bắt lỗi. [15] Dịch Covid-19 vì vậy không tạo ra vấn đề nào mới trong quan hệ giữa dân với chính quyền. Nó chỉ khuếch tán một đại dịch khác đã tồn tại xưa nay. Để chữa nó, không có thứ vaccine nào tốt hơn Sự Thật. Càng để sự thật lan tỏa, càng để bản chất của những “đầy tớ” được bộc lộ, căn bệnh mãn tính này mới có hy vọng sớm được chữa lành. Y Chan Nguồn: Luật Khoa tạp chí — Chú thích: 1.  French, C. (2018, July 25). How Would People Behave in Milgram’s Experiment Today? Behavioral Scientist. https://behavioralscientist.org/how-would-people-behave-in-milgrams-experiment-today/ 2.  Facebook. (2021). https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1351405341927418&id=100011738966174 3.  Xuân, P. (2021, July 14). Tâm sự của anh CSGT sau vụ ‘tuýt còi’ phạt cô gái đưa mèo đi chữa bệnh. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/gioi-tre/tam-su-cua-anh-csgt-sau-vu-tuyt-coi-phat-co-gai-dua-meo-di-chua-benh-1413998.html 4.  Facebook. (2021). https://www.facebook.com/baohalovely/posts/4437197312966310 5.  Facebook. (2021). https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=893082054884278&id=100025474742676 6.  Vi phạm Chỉ thị 16 còn đăng clip “tố” sai về tổ công tác lên Facebook. Báo Công an nhân dân điện tử. (2021, July 14.). http://cand.com.vn/Ban-tin-113/Vi-pham-Chi-thi-16-con-dang-clip-to-to-cong-tac-danh-nguoi-xit-hoi-cay-649985/ 7.  Bekiempis, V. (2016, April 11). What Philip Zimbardo and the Stanford Prison Experiment Tell Us About Abuse of Power. Newsweek. https://www.newsweek.com/stanford-prison-experiment-age-justice-reform-359247 8.  Resnick, B. (2018, June 13). Stanford Prison Experiment: why famous psychology studies are now being torn apart. Vox. https://www.vox.com/2018/6/13/17449118/stanford-prison-experiment-fraud-psychology-replication 9.  Grant, A. (2019, February 22). Power doesn’t corrupt. It just exposes who leaders really are. Washington Post. https://www.washingtonpost.com/business/economy/power-doesnt-corrupt-it-just-exposes-who-leaders-really-are/2019/02/22/f5680116-3600-11e9-854a-7a14d7fec96a_story.html 10.  A pandemic is no excuse for police violence. (2020, December 17). Amnesty International. https://www.amnesty.org/en/latest/news/2020/12/governments-and-police-must-stop-using-pandemic-as-pretext-for-abuse/ 11.  Trúc, T. P. V. R. (2020, October 11). Ai hành hung những người bất đồng chính kiến? Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/activist-dissident-under-continuing-violence-by-plainclothed-police-tt-02142017104805.html 12.  Chính, Y. K. (2021, July 1). Vụ quân nhân tử vong: Mô típ hành xử quen thuộc của chính quyền với những cái chết bất minh. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/07/vu-quan-nhan-tu-vong-mo-tip-hanh-xu-quen-thuoc-cua-chinh-quyen-voi-nhung-cai-chet-bat-minh/ 13.  Chính, Y. K. (2021b, July 8). 5 câu hỏi trong quyết định phong tỏa thành phố Hồ Chí Minh. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/07/5-cau-hoi-trong-quyet-dinh-phong-toa-thanh-pho-ho-chi-minh/ 14.  Online T. T. (2021, July 13). UBND phường 6, quận Gò Vấp phản hồi văn bản xử phạt theo chỉ tiêu thành tích. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/ubnd-phuong-6-quan-go-vap-phan-hoi-van-ban-xu-phat-theo-chi-tieu-thanh-tich-20210713134250451.htm 15.  VnExpress. (2010, April 27). Giao chỉ tiêu xử phạt cho từng đội cảnh sát giao thông. vnexpress.net. https://vnexpress.net/giao-chi-tieu-xu-phat-cho-tung-doi-canh-sat-giao-thong-2161207.html    
......

Lạc quan Cộng sản và cây cột điện

VietTuSaiGon - RFA| Lẽ ra lúc này tôi không nên bông phèng hay khôi hài dù bất cứ dưới dạng nào. Nhưng thú thực, càng chua chát vì Sài Gòn bao nhiêu, tôi lại nhớ đến câu nói của ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu Thủ tướng bấy nhiêu: “Nếu cột điện ở Mỹ mà biết đi, nó sẽ về Việt Nam!”. Sau câu nói này chưa đầy nửa năm, mọi chuyện lại trở nên bi thảm, và mức độ bi thảm có thể chạm ngưỡng thảm kịch trong thời gian sắp tới. Bởi từ hai phía, cả nhân dân và nhà cầm quyền. Vì sao? Bởi: Có hai thứ tâm lý mà bất kì người Việt Nam nào từng trải dưới thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa đều mắc phải, đó là tính lạc quan cộng sản và sự tổn thất lương tri. Lạc quan Cộng sản được thể hiện dưới hình thái luôn tin vào những điều hết sức mơ hồ và hoang tưởng, thiếu thực tế và sẵn sàng đạp nát những phản biện trước sự lạc quan này. Bởi đây là thứ lạc quan có phần bệnh hoạn và bao trùm, nó được ký gửi trong chiến dịch tuyên truyền và đồng nhất giữa tuyên truyền với giác quan xã hội của người dân. Lộ trình của sự lạc quan này chính ở chỗ tung hê và vẽ ra thiên đường, lần đầu nói người ta không tin thì nói nhiều lần, nói cho đến bao giờ nó nhiễm vào máu người dân là xem như có thành tựu. Và đồng hành với việc tuyên truyền lạc quan Cộng sản, người Cộng sản cũng đưa ra những chương trình hành động phù hợp với nó. Ví như việc bắt bớ, đánh đập, hành hung những ai hoài nghi chủ nghĩa, hoài nghi sự lạc quan và bỏ tù những nhà phản biện để răn đe… Tất cả đều nằm trong lộ trình nhanh chóng biến đám đông nhân dân trở thành trại súc vật. Và giữa một cái trại súc vật, miếng ăn luôn được đặt làm chân lý, bởi không có gì tốt hơn cho chuồng trại là miếng ăn. Miếng ăn được điều phối, dứ trước miệng nhân dân từ thời kinh tế tập trung bao cấp cho đến bây giờ. Và, thảm cảnh xếp hàng rồng rắn, chen lấn để tranh lương thực vốn dĩ chưa bao giờ thiếu trong nhân dân, nó là thứ bệnh hoạn sâu kín trong đại bộ phận nhân dân khi cái ăn, cái mặc đầy đủ và nó càng bùng phát mạnh hơn khi có biến cố. Nghĩa là từ cái không khí chen lấn, mánh lới, đi cửa sau để có lát thịt heo, có ký gạo ở thành phố Sài Gòn sau 1975 đến 1986, những tưởng khi miếng ăn đầy đủ thì căn bệnh ấy đã được điều trị dứt điểm. Nhưng không, căn bệnh này được gieo rắc bởi tư tưởng Cộng sản xã hội chủ nghĩa, nó là thứ phần mềm chiếm ưu thế nhưng chưa được dùng tới. Bởi chủ nghĩa vật chất được tôn sùng, tôn giáo và tín ngưỡng bị hất ra khỏi lề xã hội bằng cách chính trị hóa hoặc mê tín hóa, đời sống, qui ước xã hội được phân tầng theo cơ chế vật dục… Thì làm sao con người không coi trọng miếng ăn?! Phong tỏa Lúc no, sự coi trọng này không thể hiện ở sự tranh giành mà biểu hiện ở sự kèn cựa hơn thua từ chỗ ‘miếng của tao ăn phải ngon hơn miếng của mày, nhà tao ở phải cao hơn nhà mày, xây nhiều tiền hơn nhà mày, xài đồ đắt tiền hơn nhà mày cho đến con tao học trường phải có học phí cao hơn con mày, xe tao đi phải sang cảnh hơn xe mày, áo quần tao mặc phải đắt đỏ, hàng hiệu so với áo quần mày mặc, nhà hàng tao ngồi phải nhiều sao, trả tiền cao hơn chỗ mày ngồi…’ Tất cả những kiểu kèn cựa này, nếu nhìn từ bên ngoài, người ta dễ nhầm tưởng rằng đây là một sự nỗ lực của bàn thân để vượt qua quá khứ nghèo khổ, vượt qua ngày hôm qua, nhưng kỳ thực, đây là sự kèn cựa, đố kị đã được hiện thực hóa bằng vật dục. Những kiểu đồng nhất vật dục với đẳng cấp xã hội có được do cốt lõi trọng vật chất đã nhanh chóng đẩy tâm thức con người trở thành một con thú đói và bản năng bầy đàn ngày càng tích tụ nhưng nó bị che mờ bởi đủ ăn, đủ mặc. Cho đến khi có sự cố, người ta cần đến miếng ăn thì bản năng này sẽ trỗi dậy. Và sự trỗi dậy của nó càng mãnh liệt hơn khi người ta bị đe dọa bởi cái đói và cái chết. Đừng hỏi vì sao (không riêng Sài Gòn) người ta tìm cách trốn khu cách ly và đòi hỏi chuyện ăn uống trong quá trình cách ly. Đừng hỏi vì sao người ta sẵn sàng cắt xén, ăn bòn từng lát thịt heo trong khẩu phần bệnh nhân. Đừng hỏi vì sao người ta có thể nghĩ ra chuyện kiếm tiền bằng cách bán rau củ quả giá cắt cổ cho đồng bào của mình trong vùng dịch. Đừng hỏi vì sao người ta có thể ung dung kiếm tiền trên từng lọ vaccine, trên từng lít xăng và trên từng tờ giấy thông hành có con dấu miễn phòng dịch. Đừng hỏi vì sao người ta xô đẩy, chen chúc nhau để mua thức ăn, bất chấp bệnh dịch và tính mạng. Bởi đã quá lâu, tâm thức của chúng ta đã nhiễm đầy sự kèn cựa, tiếng gọi vật dục và cả sự tranh ăn tranh thua trên máu đồng tộc, đồng bào. Bởi chúng ta đã được và bị giáo dục, nhồi sọ như thế trong lớp áo mỹ miều thiên đường xã hội chủ nghĩa. Và ngay bây giờ, giả sử hỏi cho chính xác rằng Cộng sản đã gieo rắc vào chúng ta những gì? Thì chúng ta cũng vô phương cứu chữa bởi chúng ta đã quen với đời sống chuồng trại, quen với cây gậy và miếng ăn. Và chúng ta luôn gáy te te về những gì chúng ta nghĩ rằng đó là thành tựu to lớn, đó là tài năng, đó là kỳ vĩ. Kỳ thực, ông Nguyễn Xuân Phúc không hoàn toàn có lỗi trong lời gáy của ông trước đây rằng “Nếu cột điện ở Mỹ mà biết đi, nó sẽ về Việt Nam!”. Bởi bản thân ông cũng là người bày tỏ cảm xúc của một người lạc quan Cộng sản, bản thân ông cũng là người được đào tạo và bị nhồi sọ về lạc quan Cộng sản từ nhỏ. Và đương nhiên, bản thân ông cũng sẽ tin rằng trong lúc thế giới rên xiết vì bệnh dịch và có nhiều nơi kêu gào đói ăn mà Việt Nam vẫn có ba bữa đầy đủ thì đây đích thị là thiên đường xã hội chủ nghĩa và thiên đường xã hội chủ nghĩa là có thật. Chính vì vậy, ông đã nói rất thật lòng và tràn cảm xúc chứ không nói điêu. Nhưng cái sự thật lòng của ông, cũng như sự thật lòng của rất nhiều người trẻ lạc quan về thiên đường xã hội chủ nghĩa, về đẳng cấp vật dục của mình sẽ là vết đau lâu dài, là vết thương khó bề tránh thọ tử của dân tộc. Bởi một dân tộc, đâu chỉ cần ăn, mặc, ở. Mà điều cần nhất, cốt lõi của một dân tộc chính là bề dày văn hóa, là sự tôn nghiêm của lịch sử dân tộc và sự đường bệ của đời sống xã hội dân tộc đó. Nó phải khiến người ta ngỡ ngàng, ngưỡng mộ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Rất tiếc, dường như dân tộc Việt Nam đã đánh mất điều này một cách thụ động và di căn gần hết cơ thể quốc gia kể từ khi chủ nghĩa Cộng sản thắng thế. Cho đến lúc này, rất khó để tin rằng người Sài Gòn đủ bình tĩnh ứng phó với bệnh dịch nếu như nhà cầm quyền không có một chiến lược, chiến dịch thực sự vì dân, điều tiết, điều hướng giãn tĩnh và tinh thần, miếng ăn cho người dân một cách phù hợp và bỏ gấp không khí hồng vệ binh thì may ra còn kịp cứu vãn. Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh là câu chuyện của cái đập đã vỡ. Cứu đập, cứu mạng như thế nào là chuyện mang tinh thần trách nhiệm, xả thân, hi sinh và lương tri nhà cầm quyền. Đừng bao giờ hô hào và nghĩ rằng sự hô hào là thuốc đặc trị! VietTuSaiGon's blog  
......

“Biến đổi khí hậu chỉ là tuyên truyền của thế lực ngầm”?

Nguyễn Thọ Nước Đức vừa trải qua một đợt thiên tai nặng nề. Mưa kéo dài với lượng nước xấp xỉ 200l/m² đã khiến nhiều vùng bị ngập lụt nặng nề. Các con sông con suối bổng trở thành các thác nước càn quét các làng mạc đô thị chúng chảy qua. Hiện nay đã xác định được 133 người chết, đa số bị nước cuốn và đất vùi. Con số này sẽ còn tăng vì còn có hàng trăm người mất tích. Nước Đức cũng từng ô nhiễm nặng nề trong thời kỳ phát triển công nghiêp những năm 1950-1970. Ngày đó không con cá nào sống nổi trong sông Rhein. Rồi toàn cầu hóa xuất hiện, công nghiệp xả khói và thải nước độc dần rời khỏi nước Đức. Sông Rhein lại trong vắt, đầy cá. Người ta hạnh phúc sống trong cảnh quan thiên nhiên đẹp như mơ. Nhưng các nguồn ô nhiễm đó không biến mất, chúng chỉ chạy sang các nước nghèo hơn và tiếp tục tàn phá thiên nhiên ở đó. Các sản phẩm rẻ như bùn được làm ra ở các nhà máy không tốn tiền cho bảo vệ môi trường đã giúp các cô, các bà đứng trước những tủ quần áo và giầy dép giá 10 Euro, không biết nên dùng cái gì hôm nay. Các ông chồng lắp trong mỗi phòng 1 cái TV LED và các hệ thống HIFI giá chỉ bằng 1/10 tháng lương. Mỗi khi xài những thứ đó, người ta chặc lưỡi: Dù sao thì dân nghèo ở các khu ổ chuột kia cũng nhờ bán sức lao động rẻ tiền cho mình mà sống sót. Giờ đây người ta mới thấy, khi thiên nhiên trừng phạt thì sống ở các xứ giàu có như Đức hay Mỹ cũng không hơn gì ở Bangladesh. Biến đổi khí hậu không có biên giới. Bệnh dịch cũng vậy. Chẳng có ích gì khi các nước giàu tiêm chủng tới 80% dân chúng, nhưng lại bị vây quanh bởi các nước nghèo đang ngập trong virus. Những đại dịch toàn cầu cũng là hậu quả của con người vô trách nhiệm, không Corona thì sẽ là dịch khác. Vậy mà vẫn còn có người tin rằng: Corona chỉ là hoax (trò nhảm), rằng “Biến đổi khí hậu chỉ là tuyên truyền của thế lực ngầm”./.
......

Sáng kiến mới: tịch thu phương tiện mua dâm

Thao Ngoc| Hiện nay, Bộ CA đang cho lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định để thay thế Nghị định 167/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hộị; phòng, chống tệ nạn xã hội… (https://plo.vn/.../de-xuat-tich-thu-phuong-tien-mua-dam...) Có một số nội dung trong dự thảo này đáng chú ý như sau: 1.Mua dâm từ 2 người trở lên cùng lúc thì phạt 2-5 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” đối với hành vi mua dâm. Câu hỏi đặt ra là: Thế nào là “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” đối với hành vi mua dâm. Vậy phương tiện mua dâm là gì? Theo định nghĩa thông thường: “Phương tiện là công cụ được sử dụng, để phục vụ một mục đích nào đó”. Ai cũng biết rằng cái được gọi là “phương tiện” đó chính là cái “của quý” của người mua dâm. Nhưng tịch thu bằng cách nào thì dự thảo không nói đến. Có phải là …“cắt”nó không?Ôi nếu vậy thì chắc là đau lắm. Điều nữa là, nếu là dân thường thì dễ. Nhưng là cán bộ, đảng viên nếu vi phạm có bị “tịch thu” không? Vì những kẻ “no cơm ấm cật dâm dật mọi nơi”. ÔngTrần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội có nói rằng có nhiều người mua dâm mấy chục ngàn USD/lần, nhưng ông không dẫn chứng những kẻ đó là ai. Năm 2004, Lương Quốc Dũng,Phó Chủ nhiệm UB TDTT bị phạt tù 8 năm về tội hiếp dâm trẻ em. Nhưng thực ra đây là vụ mua trinh, do đấu đá nội bộ bị khui ra, chứ không phải hiếp dâm. Đầu năm 2020, Đinh Lâm Xướng, chánh án TAND huyện Minh Hóa(Quảng Bình), đã “chịch” kế toán ngay tại phòng làm việc, được chuyển đi làm thẩm phán nơi khác.v.v.. Nếu như nghị định này ra đời sớm hơn thì những người đó có bị “tịch thu tang vật mua dâm” không? Trong lịch sử nhân loại, chưa có một quốc gia nào có hình phạt cắt “của quý” của người đàn ông khi phạm tội ngoại tình hay mua dâm. LS Trương Thanh Đức cho rằng, “tang vật không loại trừ cả bao cao su”. Nhưng là bao cao su chưa sử dụng hay “đã qua sử dụng”thì LS không giải thích. Điều này rất quan trọng. Vì năm 2010, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ lúc bị bắt tại khách sạn vì bị phát hiên có “2 bao cao su đã qua sử dụng” trong thùng rác. Nhưng sau đó tội danh này đã được “nâng lên một tầm cao mới”, thành tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, và ông Vũ bị tuyên phạt 7 năm tù. Thứ 2 là “khắc phục hậu quả” là gì?Câu này nghe quá mơ hồ và dễ suy diễn lung tung. Vì đã “làm” rồi thì khắc phục hậu quả bằng cách nào? Thứ 3 là thế nào là mua dâm từ 2 người trở lên cùng lúc? Làm sao “một sợi chỉ có thể cùng đâm 1 lúc vào nhiều lỗ kim”? Làm sao để biết họ mua dân cùng lúc từ 2 người trở lên mà không phải kẻ trước người sau? Phải lắp camera tại các nhà nghỉ khách sạn, hay phải bố trí người canh gác để ghi sổ? Bốn là:Tại sao không tịch thu phương tiện người bán dâm mà chỉ tịch thu phương tiện người mua dâm? Vì nếu tịch thu phương tiện người bán dâm, và có cách “bảo quản” cho tốt thì sẽ sử dụng được lâu dài cho nhiều người. Nghề mại dâm đã có gân 3 ngàn năm trong lịch sử loài người. Một số quốc gia công nhận hoạt động này và quy hoạch thành những khu riêng biệt, gọi là “khu đèn đỏ”. Các cơ sở này được cấp phép, nhân viên đi khám sức khỏe định kỳ, và nhà nước thu thuế. Còn tại VN, tuy chưa được công nhận là một nghề, nhưng nó vẫn luôn tồn tại và ngày càng phát triển trên khắp mọi miền đất nước,nhất lại tại các thành phố du lịch và các tụ điểm ăn chơi giải trí, nó được nấp dưới nhiều hình thức khác nhau. Có điều là muốn tồn tại thì phải có kẻ bảo kê. Dư luận cho rằng, dù có tăng mức phạt cũng không thể giảm tình trạng này, vì đó là dấu ấn của lịch sử và “nhu cầu của xã hội”. Nhưng tăng mức phí bảo kê thì quá rõ. Vì khi hoạt động càng khó khăn thì muốn an toàn phải tăng mức bảo kê. Vậy những đồng tiền này sẽ chảy vào túi ai, và ai là kẻ được hưởng lợi từ những quy định mới này? Thao Ngoc 16/7        
......

Mức độ chuẩn mực của báo chí là chỉ dấu mức độ văn minh của một xã hội

Chau Doan Ở post này tôi sẽ không nhắc lại sự việc này nữa mà tôi muốn nói tới mức độ cẩu thả của tờ VietnamNet, tờ CAND khi nói tới sự việc này. Nội dung hai tờ này gần như nhau, các lỗi y như nhau như đưa tin một chiều, chỉ lấy ý kiến của cán bộ phường, trong ấy nói các clip là cắt ghép, là sai sự thật, không có chuyện xịt hơi cay (thực chất là xịt cồn) vào mặt người dân, không có chuyện lấy đồ trong nhà mang đi (nhìn trong clip rất rõ và con chủ nhà xác nhận việc này) cho là họ lấn chiếm lòng đường (trong clip nhìn rất rõ là hàng của họ để sâu vào trong, còn thụt vào rất nhiều so với mấy chậu cây cảnh to trước nhà, và cho rằng con trai của chủ nhà chính là Phạm Minh Vũ, trong khi ấy Phạm Minh Vũ là một Fbker hay viết phản biện, chẳng liên quan gì tới gia đình này. Một tờ báo tử tế thì trước khi lên bài, biên tập viên sẽ tự kiểm tra thông tin, hay đưa ra câu hỏi với phóng viên để phóng viên kiểm tra lại nguồn tin hay trường hợp quan trọng thì tự mình liên lạc với nguồn tin, nhưng ở trường hợp này, sự sao chép cẩu thả, vô trách nhiệm đã thể hiện rõ ràng. Bài báo của hai tờ này vẫn giữ nguyên thông tin sau khi có phản hồi từ con trai chủ nhà. Điều này càng thể hiện sự cẩu thả, vô trách nhiệm trong tác nghiệp báo chí. Hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ đưa tin sau và họ đã phỏng vấn cả hai bên, phía chính quyền và phía người dân trong cuộc và không có những lỗi đưa tin một chiều như hai tờ trước. Các bạn làm báo cần thay đổi quan niệm về nghề nghiệp này nếu muốn báo của mình chiếm được lòng tin của người đọc, cũng như thị phần. Báo chí ngày càng khó kiếm sống, quảng cáo khó bán, lại bị chia sẻ bạn đọc với mạng xã hội, do vậy việc giữ uy tín là cần thiết để tồn tại. Qua sự việc này tôi thấy chất lượng tác nghiệp của hai tờ VietnamNet và CAND là rất kém. Người làm báo cần phải nhanh nhạy để đưa tin nhanh nhưng cần phải có nghiệp vụ để xác định đâu là sự thật. Sự việc này so với mặt bằng thông tin chung thì không phải câu chuyện gì quá lớn ở Việt Nam nên tôi tin là không có áp lực nào khiến các bạn bắt buộc phải đưa tin nhanh và sai sót quá nhiều như vậy. Trong một xã hội văn minh thì quyền lực bao giờ cũng được kiểm soát bởi báo chí. Bởi quyền lực mà không được kiểm soát thì bao giờ cũng dẫn đến lạm quyền. Báo chí có chức năng soi ra những sai sót của quyền lực để đảm bảo sự công bằng cho xã hội, và như vậy báo chí thường phải để ý và bênh vực quyền lợi của người dân. Tiếc thay, ở Việt Nam tồn tại một quan niệm rất sai lầm là báo chí là cơ quan tuyên truyền của nhà nước, mà đã mang cái chức năng ấy thì không còn giữ được tính liêm chính và uy tín của báo chí. Điều báo chí chưa làm được thì mạng xã hội đã làm được một phần. Báo chí đừng để thua mạng xã hội về khía cạnh này. Tôi biết, nhiều bạn sẽ cười điều tôi viết ở đây nhưng tôi vẫn tin là báo chí ở Việt Nam có thể thay đổi được và những người lãnh đạo về lĩnh vực này cũng sẽ thay đổi quan niệm về quản lý báo chí. Hãy trả lại tên đích thực cho báo chí! Báo chí cần phụng sự Sự Thật chứ không phải quyền lực. Làm được thế chúng ta sẽ thấy tốc độ tiến bộ của xã hội được đẩy nhanh hơn rất nhiều. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thong-tin-cong-an-xong-vao-nha-tan-cong-hai-me-con-buon-ban-la-cat-cup-nguy-tao-755739.html?fbclid=IwAR18j7wq_f7OrEj8o5RMMo1C7Cf2qWkIbZ8EELWWK9qqx13uWpE97xXwDTU
......

Tập trung dân chủ la dân chủ chết

Phạm Trần - SBTN| Tự nhiên dàn loa tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam đồng loạt tăng năng xuất tranh cãi về chủ trương “tập trung dân chủ” , thay vì “dân chủ tập trung” vào lúc bị chỉ trích đã tước bỏ vai trò ông chủ đất  nước của dân. Theo tài liệu đảng, ông Hồ Chí Minh đã viết vào ngày 23/09/1948 rằng:”Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung." Câu này cho thấy ông Hồ đã đặt tiêu chuẩn “dân chủ” trước “tập trung”, có nghĩa việc gì cũng phải được thảo luận có dân chủ và đồng ý bởi tập thể trước rồi mới giao quyết định đã thống nhất cho một người hay một nhóm chịu trách nhiêm thi hành. Vậy mà bấy lâu nay, trong các văn kiện và lời nói đảng đã đặt “tập trung” trước “dân chủ” với chủ ý áp đặt ý muốn, quan điểm và chủ trương của đảng trên quyền được thảo luận dân chủ của cá nhân. Như vậy, phải chăng đám con cháu “Bác” đã tự tung tự tác không làm theo lời dậy của ông, hay đảng đã nhập nhằng trắng đen để độc tài lãnh đạo ? Vấn đề “tập trung dân chủ” hay “ dân chủ tập trung” cũng chỉ để áp dụng trong nội bộ đảng với bằng chứng:”Mọi đảng viên có quyền được nêu ý kiến của mình, nhưng khi quyết định thì thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, toàn Đảng phải phục tùng Ban chấp hành Trung ương và cao nhất là đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.” Hay:” Mở rộng dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải thực hiện nhiệm vụ chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng. Không có biểu hiện nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác.”  (Tạp chí Xây dựng Đảng, ngày24/8/2020) Ông Hồ Chí Minh cũng gọi tập trung dân chủ là: ”Nguyên tắc tổ chức của Đảng, là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng Cộng sản thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, vừa phát huy sức mạnh của tập thể phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng đã đề ra” (Báo của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch HCM, ngày 14/01/2016) Như vậy, những ai trong đảng CSVN đang hô hoán rằng “thực hành tập trung dân chủ trong đảng để lan tỏa ra toàn xã hội” là hoang tưởng, mị dân. Hãy lấy bằng chứng vài việc để xem dân đã có dân chủ chưa, như: Quyền tự do Tín ngưỡng và hoạt động Tôn giáo bi kiểm soát; Tự do tư tưởng, ngôn luận và báo chí bị phủ nhận; Người dân không có quyền ra báo. Quyền lập hội, đảng chính trị đối lập bị nghiêm cấm; và Quyền biểu tình, tuy Hiến pháp công nhận nhưng chưa được luật hóa. Mọi quyền lợi của dân đều bị “chủ nghĩa Xin-Cho” tùy tiện  theo ý đảng từ Trung ương xuống cơ sở. Ông Hồ, người thành lập đảng CSVN cũng từng nói: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ." Nhưng ông lại lờ đi chuyện “nhân dân của ông” chỉ là những hình nộm để cho đảng sử dụng chơi trò “đèn kéo quân” chẳng có quyền gì cả. Những người được gọi là “đại biểu” của dân chẳng qua cũng  là “cán bộ của đảng” đưa ra để nhờ dân hợp thức hóa bằng là phiếu vô trí vô giác, không phải bằng ý chí và ý nguyện thật lòng của cử tri. Người dân cũng không dám từ chối đi bầu vì không ai muốn bị treo nồi cơm hay bị Công an khu vực làm khó dễ. Như vậy “người dân của ông Hồ” vừa phải đi bầu trực tiếp (bỏ phiếu) và gián tiếp (bầu ra Đại biểu cho mình sau khi họ đã được đảng chọn), theo yêu cầu của đảng, hay tổ chức nơi cư ngụ vì họ không có lựa chọn nào khác. Cử tri không có quyền được tẩy chay bầu cử ở cả hai cấp Hội đồng Nhân dân và Quốc Hội. Đã biết sợ Nhưng it lâu nay trên báo chính thống của đảng như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân (QĐND) và các Tạp chí Cộng sản, Tuyên Giáo, Xây Dựng Đảng và Công an Nhân dân đã xuất hiện nhiều bài viết lên án những chỉ trích đảng CSVN chỉ biết “tập trung dân chủ” cho mình, nhưng chống dân chủ cho dân. Vì vậy, báo chí đảng đã lộ ra lý do đảng đang sợ bị mất quyền “tập trung dân chủ” ví nếu mất, quyền cai trị độc tài của đảng sẽ bị tiêu diệt như đã xẩy ra cho nước Nga và hệ thống các nước Xã hội Chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Âu từ 1989 đến 1991. Việc này đã phản ảnh bởi báo QĐND trong bài viết ngày 08/07/2021: “Mô hình chủ nghĩa xã hội đã bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm chậm được sửa chữa. Điều đó dẫn tới khủng hoảng và sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô (1989-1991).” Báo này giải thích lý do sụp đổ của khối Liên bang Xô viết: “Nguyên nhân khách quan là chủ nghĩa đế quốc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Nguyên nhân chủ quan là các đảng cộng sản cầm quyền đã rời bỏ nền tảng tư tưởng, lý luận và Chủ nghĩa Mác-Lênin, đã hạ vũ khí trên mặt trận tư tưởng trước sự tiến công hiểm độc của kẻ thù. Các đảng cộng sản đã không kiên định và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, để cho những quan điểm sai trái về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, công khai hóa, dân chủ hóa lộng hành dẫn tới sự rối loạn trong Đảng và xã hội, Đảng không kiểm soát được tình hình và mất vai trò lãnh đạo, cầm quyền.” Vì vậy, cái loa của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cao rao: “Dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật, pháp luật, với ý thức trách nhiệm công dân. Dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo để phát huy dân chủ đúng hướng; mặt khác lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ trên cơ sở phát huy dân chủ. Dân chủ với nhân dân nhưng phải nghiêm trị những kẻ phá hoại thành quả cách mạng, an ninh trật tự và an toàn xã hội.” Thù địch ở đâu? Luận điệu tuyên truyền này của QĐND chẳng đánh lừa được ai vì nhân dân Việt Nam sống trong chế độ độc tài, độc đảng Cộng sản từ thời Hồ Chí Minh đến nay chưa hề được sống trong dân chủ và tự do. Những ai đòi đảng phải tôn trọng và thực thi dân chủ và các quyền tự do thì liền bị mạ lỵ và vu khống là “thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị” nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của ngoại bang. Khoảng trên 100 người đã bị bắt và phạt tù vì đấu tranh cho nhân quyền, đòi dân chủ ở Việt Nam. QĐND cũng rêu rao:”Các thế lực thù địch đang ra sức phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ với luận điệu ở Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo, không có dân chủ và Đảng độc đoán, chuyên quyền. Đó là sự xuyên tạc, nhắm mắt trước sự thật, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, Đảng phải không ngừng hoàn thiện và thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, tiếp tục xử lý đúng đắn quan hệ giữa lãnh đạo tập trung và phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc đó không chỉ cần thiết của Đảng cầm quyền mà còn trở thành nguyên tắc quản lý của một xã hội văn minh, hiện đại.” Nhưng đảng đã phát huy dân chủ ở đâu và kiểu gì trong xã hội ? Công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng” để “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” , như tuyên truyền của Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng từ khóa đảng XI (2011), vẫn còn ngổn ngang ra đấy. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn tiếp tục “còn nghiêm trọng, phức tạp và tinh vi”, trong khi phong trào đảng viên “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” muốn cách ly với đảng, phủ nhận Chủ nghĩa Cộng sản và đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ, đã lan sang cả Quân đội và Công an. Do đó, vấn đề “tập trung dân chủ” trong đảng đang là mối quan tâm hàng đầu của những người đứng đầu. Phản ảnh cho lo âu này, một bài viết trên Tạp chí Cộng sản (TCCS), cơ quan lý luận hàng đầu của đảng CSVN đã cảnh giác: “Nếu cho phép đảng viên trong Đảng không phải chấp hành nghị quyết của Đảng, đảng viên được tự do truyền bá ý kiến cá nhân trái với quan điểm của Đảng thì tình hình sẽ ra sao? Chắc chắn sẽ bắt đầu một thời kỳ rối loạn và sụp đổ bi thảm. Nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ tạo cho Đảng kỷ luật thống nhất, nghiêm minh, mà còn tạo cơ chế hữu hiệu nhất để phát huy mọi sáng kiến, sáng tạo, khai thác mọi trí tuệ của đảng viên, của cơ sở. Do vậy, trong điều kiện nào cũng phải phát huy cao độ dân chủ và đồng thời, phải có sự tập trung thống nhất. Không thể có việc Đảng chỉ cần tổ chức chặt chẽ, lãnh đạo thống nhất trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, còn trong thời kỳ lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội thì tổ chức, hoạt động lại lỏng lẻo… Dân chủ tách rời tập trung sẽ thành vô chính phủ” (TCCS, ngày 31-01-2020) Nhưng lý luận cù nhầy này chẳng qua chỉ để che đậy cho tham vọng độc tài, độc tôn và độc trị của đảng. Nhân dân, 85 triệu người đã người sinh ra và nuôi ăn 5 triệu đảng viên, chẳng được lợi ích gì với chủ trương “tập trung” vì nó chỉ bảo vệ vị trí lãnh đạo và thao túng quyến lực cho đảng. Nhân dân còn là ông chủ của đất nước nhưng lại là nạn nhân của những đầy tớ bất trung này. Do đó “tập trung dân chủ” sẽ tiếp tục là dân chủ chết chừng nào đảng CSVN còn cai trị Việt Nam. (07/021)  
......

Năm năm sau phán quyết bác bỏ đường “lưỡi bò” của Tòa Trọng Tài - tác động gì đối với tình hình Biển Đông?

Hình ảnh vệ tinh chụp hôm 21/4/2017: một bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Trường Sơn| Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Toà Trọng tài vụ việc, được thành lập bởi Toà Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye, ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Động. Đây được coi là một chiến thắng pháp lý quan trọng cho Philippines, nước thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trước toà. Sau năm năm, phán quyết trên đã có ảnh hưởng thế nào đến tình hình thực tế trên Biển Đông? Nhưng trước hết cần phải hiểu đúng bản chất của phán quyết do toà trọng tài đưa ra vào năm 2016. Ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, chuyên gia về lĩnh vực Công pháp Quốc tế, cho RFA biết qua email về lĩnh vực này.  “Cần thẳng thắn nhìn nhận một sự thật rằng trật tự công pháp quốc tế không cho phép chúng ta thực thi các phán quyết tương tự như phán quyết của Tòa Trọng tài (Aribitral Tribunal) bằng các công cụ cưỡng chế tư pháp như pháp luật nội địa. Chúng ta khó có thể tưởng tượng ra cảnh hệ thống pháp luật quốc tế sẽ cử một đoàn cưỡng chế với xe ủi và cảnh sát… để tháo dỡ các công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông.”  Thay vào đó, theo ông Nguyễn Quốc Tấn Trung thì các bên chỉ có thể dùng các công cụ chế tài phi tư pháp dành cho quốc gia không chấp hành (như trừng phạt về văn hóa, kinh tế hay chính trị); hoặc phải chờ vào sự tự giác thực thi của các quốc gia có liên quan. Do không có hiệu lực cưỡng chế mà chỉ dựa vào sự tự giác của các quốc gia liên quan, nên tác động của phán quyết do Toà Trọng tài đưa ra có rất ít ảnh hưởng đến tình hình thực tế ở Biển Đông. Hình chụp hôm 27/4/2021: Tuần duyên Philippines theo dõi các tàu Trung Quốc ở bãi Sabina ở Biển Đông. AFP Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cho RFA biết nhận định của ông: “Nếu hỏi câu hỏi liệu phán quyết có ảnh hưởng gì tới tình hình Biển Đông trên thực tế thì câu trả lời là gần như là không có. Trên thực tế ở Biển Đông, năm năm sau phán quyết thì hầu hết những hành động căng thẳng của Trung Quốc không hề dừng lại, mà còn được tiếp nối ở mức cao hơn.” Cụ thể, Thạc sĩ Hoàng Việt chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng và quân sự hoá các thực thể ở quần đảo Trường Sa và thậm chí đã xây dựng pháo đài ở đây. Kể cả với trường hợp bãi cạn Scaborough vốn đã được Toà Trọng tài tuyên là thuộc chủ quyền của Philippines nhưng Trung Quốc đến nay vẫn đang chiếm đóng. Ngoài ra, theo ông Hoàng Việt, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động xâm phạm vào các vùng biển của các quốc gia khác, ngăn chặn, đe doạ việc khai thác tài nguyên trên vùng thềm lục địa của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Gần đây nhất thì Trung Quốc cho các đội tàu dân quân dưới vỏ bọc là tàu cá neo đậu tại bãi Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa, gây lo ngại về việc nước này sẽ chiếm thực thể này. Mặc dù không có hiệu lực cưỡng chế, do vậy không thể buộc Trung Quốc ngưng các hành động khiêu khích và trái pháp luật trên Biển Đông, nhưng liệu phán quyết do Toà Trọng tài đưa ra có phải là vô tác dụng không? Ông Nguyễn Quốc Tấn Trung cho biết, phán quyết trên không phải là “con hổ giấy”, ông viết: “Cần khẳng định lại rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là một phán quyết đặc biệt quan trọng trong các thảo luận pháp lý liên quan đến các yêu sách của Trung Quốc nói riêng và biển Đông nói chung. Giá trị tư pháp và giá trị tham chiếu của phán quyết là không thể bàn cãi.” "Trong môi trường công pháp quốc tế, tìm ra được một cơ quan tài phán có thẩm quyền xét xử tranh chấp của mình - và thật sự thắng kiện, đã là một thành công rất lớn.” Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, thạc sĩ Hoàng Việt chia sẻ: “Tác động của phán quyết này, thứ nhất là nó mang lại tính chính đáng cho Philippines, bởi vì trước đấy, cả Philippines lẫn Trung Quốc đều có những giải thích khác nhau và ai cũng cho là mình đúng. Trong trường hợp này thì Philippines đã tìm việc giải quyết vấn đề này trước toà, và toà đã ra phán quyết cho thấy một loạt các tính chính đáng của Philippines”. Phán quyết của Toà Trong tài cũng có những ảnh hưởng đối với Trung Quốc, thạc sĩ Hoàng Việt nói thêm: “Điều này cũng có những ảnh hướng đối với Trung Quốc, đặc biệt là đối với sức mạnh mềm của Trung Quốc, trong đó có danh tiếng của nước này. Trung Quốc đã phải vất vả cử các nhà khoa học và bỏ tiền ra để truyền thông chống lại phán quyết, cũng như thể hiện vai trò của họ trong khu vực cũng như trên thế giới”. Thạc sĩ Hoàng Việt cũng quan sát thấy một thay đổi khác ở phía Trung Quốc đó là gần đây nước này đã không còn nhắc đến “đường lưỡi bò” trong các tuyên bố của họ. Đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông. AFP Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào về việc sẽ sử dụng Toà Trọng tài để phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Bình luận về vấn đề này thạc sĩ Hoàng Việt cho biết vấn đề không nằm ở luật pháp, mà nằm ở ý chí chính trị của Chính phủ Việt Nam.  “Cái việc mà phía Việt Nam có mang Trung Quốc ra Toà Trọng tài giống như Philippines đã làm hay không, về mặt luật thì hoàn toàn có thể, nó chỉ còn lại một cái vấn đề quan trọng duy nhất đó là Việt Nam có đủ ý chí chính trị để quyết tâm làm việc này hay không?” Ông Hoàng Việt cho biết thêm rằng Chính phủ Việt Nam có lẽ lo ngại về khả năng Trung Quốc trả đũa về mặt quân sự, ngoại giao, và kinh tế một khi xảy ra vụ kiện, cho nên đến nay vẫn chưa có động thái đưa Trung Quốc ra toà. Chuyên gia về lĩnh vực công pháp quốc tế, Nguyễn Quốc Tấn Trung, thì cho rằng Việt Nam có những tranh cãi rất riêng và rất đặc thù với Trung Quốc, từ Hoàng Sa cho đến Trường Sa. Từ bỏ việc thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt ở các kênh tư pháp, là rất thiếu khôn ngoan. Trường Sơn Nguồn: rfa.org/vietnamese/in_depth/5-years-after-pca-rullings-what-happens-in-scs
......

Trấn lột thành phần thấp cổ bé họng luôn dễ dàng

Đỗ Ngà Thời đại 4.0, trên tay mỗi người đều có smartphone. Người ra có thể lên mạng bất cứ nơi đâu và bất kể thời gian nào, còn truyền hình thì mỗi ngày về đến nhà phải tắm rửa và khi ăn uống xong người ta mới xem tivi. Chính vì vậy mạng xã hội đã hút quảng cáo về nó. Còn quảng cáo truyền hình thì sao? Nó ngày một bị doanh nghiệp lánh xa vì nó không hiệu quả bằng mạng xã hội mà chi phí quá cao. Đó là quy luật tất yếu. Cộng sản độc quyền báo chí và tất nhiên nó cũng độc quyền luôn cả truyền hình, vì truyền hình cũng là báo chí mà?! Cấm báo chí tư nhân nó mang hai ý nghĩa: Nếu nhìn ở góc độ chính trị là CS muốn nhồi sọ toàn dân; Nếu nhìn ở góc độ kinh tế thì CS muốn giật lấy miếng bánh quảng cáo khỏi miệng dân để ăn một mình. Vì nếu cho truyền hình tư nhân tồn tại thì tất miếng bánh quảng cáo ấy dân cũng được dự phần. Khi mạng xã hội xuất hiện, theo lẽ tự nhiên nó sẽ hút quảng cáo truyền hình về nó. Đó là điều tất yếu. Càng về sau, miếng bánh quảng cáo trên mạng xã hội ngày một phình to còn miếng bánh quảng cáo truyền hình thì cứ teo tóp lại. Vì thế, dù có độc quyền truyền hình thì nhà nước CS cũng thấy rằng họ không thể nào duy trì được miếng bánh quảng cáo truyền hình được như xưa nữa. Với lòng tham không đáy, ĐCS khó mà chấp nhận sự mất mát này. Vậy câu hỏi đặt ra là ai đã “cướp” miếng bánh quảng cáo truyền hình của CS? Đó không ai khác là hai gã khổng lồ của “đế quốc Mỹ” – Facebook và Youtube. Trước xu thế này, chính quyền CS đã cố tìm mọi cách để giật lại phần bánh đã mất. Chính vì thế mà năm 2019, chính quyền CS đã cho ra đời mạng xã hội Lotus với kinh phí đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng. Ban đầu họ rất khoác lác, họ tính sau vài năm mạng này sẽ “soán ngôi” facebook tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, mạng này đã chìm nghỉm. Xem như chiến lược giành lại miếng bánh quáng cáo theo cách này đã thất bại hoàn toàn. Ngày 10/7 trên báo Vnexpress có bài viết “Đề xuất siết hoạt động livestream, kiếm tiền trên Youtube, Facebook”. Bài báo cho biết, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền Thông đang cho soạn nội dung bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Mục đích là CS muốn ngồi không ăn phần tiền mà các Youtuber và các Facebooker đã bỏ công bỏ sức làm ra. Khi bạn mua hàng ở siêu thị thì bạn đã bị siêu thị lấy 10% thuế VAT bằng cách cộng nó vào giá bán sản phẩm. Khi đó, siêu thị sẽ có trách nhiệm đóng thuế cho bạn chứ nhà nước không có quyền bắt bạn phải đóng thêm một đồng thuế nào nữa cho sản phẩm đó. Tương tự như vậy, khi các Youtuber kiếm tiền, họ đã đóng một phần trong khoản thu nhập ấy cho công ty Youtube. Như vậy nhiệm vụ của nhà nước CS là phải làm việc với công ty Youtube để buộc họ chia lại phần lợi tức ấy chứ không thể đè cổ các Youtuber ra trấn lột được. Công ty Youtube và công ty Facebook kiếm tiền ở thị trường Việt Nam thì nhà nước CS Việt Nam bắt họ phải đóng thuế như các FDI khác chứ? Thực tế thì nhà nước CS Việt Nam không đủ khả năng buộc hai ông lớn công nghệ kia chia lợi nhuận. Vì thế họ đành đè cổ các Youtuber và các Facebooker ra trấn lột. CS là vậy, họ luôn chọn cách nào dễ dàng để làm chứ không bao giờ họ chọn làm cách đúng vì thường cách làm đúng bao giờ cũng khó. Thằng đại gia nó đang trốn thuế nhưng không có cách nào bắt nó nhả tiền đành quay sang trấn những kẻ thấp cổ bé họng. Trong cách hành xử ấy nó vừa chứa sự vô năng và cả sự khốn nạn./. -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://soha.vn/…/mang-xa-hoi-lotus-cua-nguoi-viet-sap… https://nhadautu.vn/duoc-dau-tu-1200-ty-dong-mang-xa-hoi… https://plo.vn/…/cach-de-youtuber-kiem-tien-khung-phai… https://vnexpress.net/de-xuat-siet-hoat-dong-livestream…  
......

Thị trường chứng khoán Việt Nam sụp đổ, có gì lạ đâu?

Thi trường chứng khoán Việt Nam bị xem là sắp sụp đổ. Ảnh: truclamyentu.info Tân Phong – Việt Tân Paul Krugman có một câu nói trứ danh “Thứ nhất, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ hai, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ ba, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế.” Điều đó có nghĩa là, mối quan hệ giữa hiệu suất đầu tư cổ phiếu – chủ yếu được thúc đẩy bởi sự dao động giữa lòng tham và sự sợ hãi – và tăng trưởng kinh tế luôn nằm ở đâu đó giữa sự lỏng lẻo và không tồn tại. Nhà kinh tế học vĩ đại Paul Samuelson đã châm biếm rằng thị trường chứng khoán đã dự đoán chính xác 5 cuộc suy thoái gần nhất vì mỗi khi nó bùng nổ là báo hiệu cho những cuộc suy thoái thê thảm tiếp theo của nền kinh tế. Những gì điên rồ nhất, vượt qua mọi lý giải của kinh tế học, đã được chứng kiến ở thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua, trên qui mô toàn cầu. Sự bùng nổ của các cổ phiếu công nghệ, cổ phiếu meme (cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng lại có giá trị cao ngất), tiền kỹ thuật số và xu hướng gia tăng “quyền lực của những kẻ không quyền lực” là những Redditors (các nhà đầu tư cá nhân sử dụng mạng xã hội Reddit). Nhưng tất cả những mâu thuẫn điên rồ nhất trên thế giới có lẽ chỉ là “muỗi” nếu so với Việt Nam. “Nền kinh tế rỗng” tăng trưởng nhờ xuất cảng của khối doanh nghiệp FDI, đầu tư nước ngoài và kiều hối đang đối diện với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi cơn ôn dịch Covid-19 càn quét và “thảm sát” lực lượng doanh nghiệp tư nhân. Năm 2020, 110.000 doanh nghiệp Việt Nam đã phá sản và rời khỏi thị trường. Sáu tháng đầu năm 2021, con số này đã tăng thêm trung bình 20%, toàn thị trường ghi nhận mỗi tháng hơn 13.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Như vậy, tính từ năm 2020 tới thời điểm hiện tại, 1/3 trong số đội quân hơn 700.000 doanh nghiệp tư nhân đã “tử thương” vào theo con số thống kê mới nhất mà Tổng Cục Thống Kê thừa nhận gần 13 triệu lao động thất nghiệp và “bị ảnh hưởng tiêu cực.” Con số doanh nghiệp đăng ký mới thực sự không có nhiều ý nghĩa. Chẳng bộ ngành nào giám sát xem có mấy phần trăm trong số hàng chục ngàn doanh nghiệp đăng ký mới có hoạt động thực và phát sinh nghiệp vụ kế toán. Có lẽ đó là đặc thù của nền kinh tế “đậm đà bản sắc dân tộc.” Mặc dù vậy, tăng trưởng GDP vẫn “ngạo nghễ” cao nhất thế giới, thị trường chứng khoán đã “lên đồng” liên tục 6 tháng vừa qua, cùng với cơn “ngáo giá” của thị trường bất động sản khắp mọi miền đất nước hình chữ S. Tất cả những mâu thuẫn phi lý này chỉ chịu dừng lại khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Riêng đối với thị trường chứng khoán còn kéo dài đà tăng cho tới hết tuần đầu của tháng Bảy. Cuối cùng thì chuyện gì đến đã đến. Sau cơn phê pha bởi những đợt tăng giá kéo dài tưởng vô tận bởi nguồn tiền thừa thãi chẳng biết đổ vào đâu của đám “cá mập,” kéo theo hàng triệu những nhà đầu tư Newbie non trẻ ôm giấc mộng phù hoa, tranh thủ nguồn tiền giá rẻ để lướt sóng. Nhưng giấc mơ đẹp đang nhanh chóng trở thành cơn ác mộng khi vốn hóa thị trường chứng khoán đã bốc hơi mất khoảng 26 tỷ USD. Chỉ số VN-Index sau khi đã lập một kỷ lục mới là 1.423,05 điểm đã quay đầu lao dốc không phanh mất 9,1% giá trị sau 10 ngày và mất ngưỡng tâm lý 1300 điểm. Một cú giảm sốc khiến cho những nhà đầu tư Newbie choáng váng. Ai đó sẽ nói rằng “mọi chuyện sẽ ổn thôi, tiền in được mà” và khối ngân hàng sẽ tiếp tục đốt tiền để …tạo sóng cho thị trường. Vâng, đó là kịch bản quen thuộc của những chính khách cộng sản làm kinh tế theo nghị quyết và theo đuổi các chỉ tiêu kinh tế – một “di chứng bệnh hoạn” của nền kinh tế tập trung từ thời bao cấp. VN-Index đã trở thành một trong những phong biểu kế của nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa.” Tức là nó phải tăng khi chính phủ muốn nó tăng và giảm khi …lạm phát đã vượt tầm kiểm soát và chính phủ không dám in thêm tiền. Thị trường chứng khoán Việt Nam tuy đã có mức vốn hóa xấp xỉ GDP nhưng là một thị trường nghèo nàn với sự thống trị của vài chục mã chứng khoán của các “cá mập” là những ngân hàng, một vài tập đoàn nhà nước và “ông lớn” như VinGroup, SunGroup, VietJet Air… không có bất cứ mã cổ phiếu của tập đoàn cộng nghệ tư nhân nào theo đúng nghĩa. Thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện rõ nét đúng bản chất “kinh tế thị trường định hướng XHCN” khi không thể kiếm đâu ra một báo cáo tài chính đảm bảo tính minh bạch theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Thậm chí, giới chức phụ trách kỹ thuật và an ninh của sàn giao dịch chứng khoán có thể “tắt cầu giao điện” khi thấy đà giảm và tùy tiện báo lỗi “nghẽn mạng” để đi …đánh golf. Thế nhưng, tiền vẫn đổ vào chứng khoán như “nước sông Đà.” Những tập đoàn, doanh nghiệp làm ăn bê bết nhưng vẫn có thể kiếm bộn tiền từ việc phát hành cổ phiếu 3 Không. Năm 2020, số tiền bơm vào thị trường khoảng 900.000 tỷ đồng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, 450.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường thông qua các ngân hàng thương mại. Nhưng thay vì những “núi tiền” này cần phải “tiếp máu” cho các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ đang kiệt quệ vì dịch bệnh thì nó được “vãi ra như trấu” cho các quĩ tài chính mua lại những mã cổ phiếu mà quĩ ngoại bán ròng hàng tỷ Mỹ Kim, cũng như cho vay tiêu dùng cá nhân – thực chất là cho các nhà đầu tư vay để chơi chứng khoán và bất động sản, thậm chí là tiêu dùng cá nhân với tài sản đảm bảo được hình thành từ vốn vay ngân hàng và tài sản thế chấp phần lớn là đất. Vậy là ngân hàng vừa thu hàng trăm ngàn tỷ từ việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu “3 Không.” Ngân hàng “khuyến khích” cho các nhà đầu tư vay “giá rẻ” để đầu tư mua chứng khoán, mua xe, mua nhà… với tài sản thế chấp bằng tài sản hình thành. Nếu nhà đầu tư không trả được lãi thì ngân hàng thu lại trắng tài sản của mình và khoản lãi đã thu được trước đó… Nói chung là nhà đầu tư kiểu gì cũng chỉ là làm thuê không công cho đám “cá mập” ngân hàng mà thôi. Nếu sơ xảy thì mất trắng, thiệt đơn, thiệt kép. Những ngân hàng thương mại ở Việt Nam về bản chất không khác gì những tiệm cầm đồ. Cái họ quan tâm hơn cả là tài sản đảm bảo cho khoản vay chứ không quan tâm đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đám “cá mập” này càng không có nhu cầu quan tâm đến sức khỏe nền kinh tế. Mọi việc thì có vẻ vẫn ổn nếu như kinh tế tăng trưởng đều. Các giám đốc ngân hàng được đào tạo bài bản từ các trường kinh doanh, quản trị danh tiếng ở nước ngoài thường dựa trên những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô do Tổng Cục Thống Kê (GSO) công bố để cân đối các khoản cho vay và đầu tư. Tuy nhiên, sẽ là khôi hài khi ai đó còn tin rằng “một nửa sự thực là sự thực.” Khi cơn ôn dịch tàn phá nền kinh tế, thì những “tổ kiến nhỏ sụp toang đê vỡ” xuất hiện khắp mọi nơi trong hệ thống. Hẳn nhiều người còn nhớ “cơn hồng thủy” thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2008? Sau khi đạt đỉnh 1000 điểm, VN-Index đã rơi tự do xuống đáy 370 điểm. Phải mất tới 9 năm, thị trường chứng khoán mới leo tới ngưỡng hơn 700 điểm vào năm 2017 và “thăng hoa” tới 1200 điểm sau khi thị trường được “bơm” tới 1,2 triệu tỷ đồng. Kịch bản này đã được lặp đi lại từ thời Nguyễn Tấn Dũng, rồi đến thời kỳ Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng và bây giờ là ông Phạm Minh Chính. Cứ sau mỗi đợt bơm tiền ồ ạt để thị trường chứng khoán bùng nổ, lại là một lần những “cá mập” no nê và giàu có hơn bao giờ hết. Đúng theo một định luật bảo tồn “Tiền không tự sinh ra và tự mất đi, nó chỉ chuyển từ túi của hàng triệu người dân vào túi một vài người mà thôi.” Nhưng có vẻ như, mọi việc sẽ tồi tệ hơn nhiều so với những gì đã xảy ra năm 2008 và năm 2018. Năm 2021, sẽ là năm “Trạng chết, Chúa cũng băng hà” khi hàng triệu các nhà đầu tư phá sản cùng đám “cá mập” ngân hàng bội thực với núi “xác chết doanh nghiệp” và khối tài sản không thể tiêu hóa nổi. Vẫn biết rằng “Thứ nhất, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ hai, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ ba, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế.” Nhưng hậu quả của sự sụp đổ thị trường chứng khoán hôm nay sẽ khó lường hơn nhiều so với những lần sụp đổ trước đó. Thực sự, chỉ có Chúa mới biết được cơn ác mộng này sẽ đi về đâu. Tân Phong  
......

Dưới họng súng bạo quyền

Phạm Minh Vũ| Trong khi dòng người chen chúc, xô lấn nhau để chen chân trước cửa hàng Bách Hoá Xanh đợi đến lượt mình để có thể mua lương thực, thì cũng tại thành phố ấy, một thai phụ mở cửa khi có ai đó gọi, ngay lập tức một lực lượng đông đảo đủ mọi sắc phục ập tới, mặt lạnh như tiền dán cho chị ta vi phạm chỉ thị 16. Anh chồng thấy quá bất công, quỳ xuống chắp tay lạy xin hãy tha cho gia đình anh ta. Tiếng van nài, cầu xin chẳng thể làm lay động lương tâm của những kẻ thi hành công vụ kia. Mặc cho họ khẳng định chỉ mới mở cửa nên không biết là vi phạm, trong tiếng nài xin rên xiết họ khẳng định gia đình đã không còn một đồng nào. Dịch bệnh đã dẫn đưa họ vào bước đường cùng, khổ cực. Một đất nước, người ta có thể cảm thông nhau với việc từng hàng người chen chúc nhau trong BHX, trong siêu thị, hay thậm chí cả ngàn người đông ngẹt ở các chốt chặn kiểm soát. Nhưng, lại đồng thuận và cho rằng việc phạt tiền người đi rút tiền ở ATM là đúng, bắt bà bán rau củ trong nhà là hợp lý. Thậm chí, người ta chỉ mới hé cửa ra cũng lao vào phạt, cả hệ thống chính trị cho rằng như thế là tốt lắm. Mà chẳng ai thắc mắc rằng việc ra chỉ thị 16 đã đúng chưa? Việc áp dụng nó như thế nào vừa hiệu quả lại vừa trấn an được lòng Dân, trong lúc chênh vênh giữa đại dịch. Giữa cuộc đời còn lắm bão giông. Nếu ta cảm thông cho hành động của lực lượng công quyền trong việc dùng họng súng để áp bức Nhân dân, dưới danh nghĩa là chống dịch thì ta chẳng khác nào đồng loã với tội ác. Chống dịch gì mà dân chỉ mới hé cửa mà đòi lập biên bản trong khi Bách hoá xanh còn lắm người chen chúc? Chống dịch gì mà xộc vào nhà Dân và tấn công cồn cay bưng hết đồ trong nhà người ta đi, bắt người ta lên đồn chống dịch gì đó? Sẽ có người hỏi rằng chính phủ Việt Nam tại sao không hỗ trợ tiền cho Dân như các quốc gia khác và tiêm Vac.cine để nhanh chống ổn định tình hình? Chẳng phải năm ngoái tiền được hỗ trợ rồi sao? Các gói 62 và 90 ngàn tỷ tung ra đó thôi, nhưng có thật sự tới tay người Dân không mới là vấn đề, hay nó sẽ chảy vào nhà quan như cách nó từng chảy, và không những nhà quan mà cả họ nhà quan. Sẽ có người nói: đất nước ta còn nghèo nên cố gắng tự bươn chải qua mùa dịch. Tại sao không hỏi vì sao đất nước ta nghèo? Nghèo nhưng nhà quan chức ai cũng vài ba cái biệt phủ. Quan xã mà nắm hàng tá đất công sản. Nghèo mà quan chức ai cũng ở dinh thự, có quốc tịch Sip, quốc tịch Pháp. Nghèo mà quan lý luận có thẻ Golf 3 tỷ? Nghèo mà quan chức nào cũng có sân sau trị giá ngàn tỷ ư? Người đàn ông này quỳ lạy đám sai nha không phải họ xin sự buông tha, mà anh ta đang ở dưới thế nằm gọn trong họng súng của bạo quyền. Việc thích bắt ai thì bắt, thích hành hạ dân đủ muôn ngàn kiểu đã thể hiện luật pháp nằm dưới họng súng của những kẻ được gọi là thi hành công vụ. Hãy đoái nhìn về người nghèo trong xã hội, hãy thương vì họ đã quá khốn cùng. Đất nước ta, Nhân dân ta đều nằm dưới họng súng mà nó sẵn sàng giương lên để đè bẹp ý chí những ai muốn thoát khỏi gọng kìm chuyên quyền độc đoán. Nơi, không hề có lý lẽ và luật pháp. Nhân dân đều bị tước đoạt hoàn toàn quyền tự do quyền được sống, nơi chân lý lòng tự tôn đều nằm gọn dưới họng súng của...bạo quyền!
......

Đánh thức người lính

Đỗ Ngà Từ sau hội nghị Thành Đô năm 1990 thì chính sách ngoại giao của ĐCS đã thay đổi. Quân đội có sức chiến đấu mạnh mẽ dưới thời Lê Duẩn bị thay thế bởi chính sách “quỳ gối cầu hòa” do bộ tứ Nguyễn Văn Linh – Đỗ Mười – Phạm Văn Đồng – Lê Đức Anh chủ trương. Điều đáng nói là nhân vật Lê Đức Anh, con người này khi cầm quân đánh vào đồng bào mình thì rất hăng nhưng khi đối đầu với giặc Phương Bắc thì ông ta lại có chủ trương “quỳ gối”. Ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ giữ đảo Gạc Ma – Trường Sa bị buộc không nổ súng để làm bia tập bắn cho quân Trung Quốc được cho là bởi mệnh lệnh của Lê Đức Anh – Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng lúc đó. Quân đội CS Việt Nam đang trên đà rệu rã và ĐCS hiện nay không có khả năng tạo dựng lại một quân đội hùng mạnh như trước đây được. Thời nay đã khác xưa rất nhiều. Quân đội bây giờ chỉ còn khả năng chống dân chứ và họ đã hoàn toàn mất khả năng chống giặc rồi. Để đối phó với kẻ thù phương Bắc thì đảng đã có đường lối, đó là “nhịn” và “nhường”. Nếu Trung Quốc gây sự thì nhịn, nếu Trung Quốc lấn tới là nhường. Đường lối này đảng giao cho Bộ Ngoại Giao thực hiện, hết. Như vậy, quân đội hiện nay chỉ còn nhiệm vụ chống dân là chủ yếu. Mà chống dân thì chỉ cần ác là đủ chứ không cần hùng mạnh. Từ tiêu chí đó mà đến nay, quân đội Việt Nam đang ngày một trở nên rệu rã. Có 3 yếu tố để khẳng định sự rệu rã của quân đội, đó là: Thứ nhất, cho quân đội làm kinh tế. Không dùng quân đội cho chiến đấu thì dùng quân đội để kiếm tiền. Từ chỗ chủ trương quân đội làm kinh tế mà nó kích thích lòng tham sĩ quan các cấp. Việc thăng quân hàm thường kèm theo tăng quyền, mà tăng quyền thì cơ hội kiếm tiền lớn hơn. Quy tắc quyền đẻ ra tiền, rồi dùng tiền mua quyền ngày một trở nên mốt thịnh hành trong ĐCS. Chính vì vậy, phong trào đút lót để lên lon lên chức xảy ra phổ biến. Từ đó quân đội CS Việt Nam ngày một lạm phát tướng tá. Rất nhiều trong đó là những tướng tá thiếu năng lực tác chiến nhưng thừa năng lực chạy chọt đút lót. Thứ nhì là tình trạng tham nhũng trong quân đội rất nghiêm trọng. Năm 2015, tổng thống Mỹ Barack Obama bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Với ngân sách quốc phòng mỗi năm lên đến trên 5 tỷ đô la, nên năm 2017 phía Việt Nam đàm phán mua vũ khí hiện đại của Mỹ. Tuy nhiên phía Việt Nam cũng đặt điều kiện với phía Mỹ là bên bán phải nâng khống giá trị hợp đồng sau đó lại quả 25% cho quan chức. Nhận thấy quan chức quốc phòng CS muốn mua vũ khí để rút ruột ngân sách chứ không vì an ninh quốc gia nên phía Mỹ không làm ăn với phía Việt Nam và hợp đồng đổ vỡ. Thông tin này được trang chuyên về quốc phòng của Anh Quốc – Shephard Media đưa tin. Nếu không có thông tin này thì cái mục đích dùng ngân sách quốc phòng trục lợi xưa nay vẫn chỉ là nghi ngờ chứ khó mà khẳng định. Bị Mỹ từ chối, quan chức quốc phòng Việt Nam đành quay lại đặt vấn đề mua vũ khí với Nga và tàu thôi. Nga và Tàu sẵn sàng chấp nhận luật chơi này thì với hơn 5 tỷ đô la mỗi năm, quan chức CS sẽ kiếm tiền khẳm. Vả lại nếu mua vũ khí Nga thì Trung Cộng cũng mua được và thậm chí Trung Cộng còn có thể mua vũ khí còn tối tân hơn, lúc đó sức mạnh vũ khí Việt Nam Trung Quốc nắm trong lòng bàn tay. Thứ ba là kỷ luật quân đội bị xem thường. Như trường hợp quân nhân Trần Đức Đô bị giết vì nạn đại bàng trại giam cho thấy, kỷ luật quân đội đã bị “cùn” nên tội phạm băng đảng nổi lên dày đặc trong quân đội. Điều đáng buồn là mới đây, Bộ Quốc Phòng công khai bảo vệ cái thối nát của quân đội bằng kết luận quân nhân Trần Đức Đô chết do “treo cổ”. Đây là bằng chứng cho thấy, cái thối nát được duy trì, cái ác được bảo vệ. Cho quân đội kinh tế kích thích lòng tham sĩ quan, liệu quân đội còn mạnh không? Để tham nhũng trong quân đội thành đại dịch, liệu quân đội có hùng mạnh không? Để tình trạng kỷ luật quân đội bị mất tác dụng, liệu quân đội còn mạnh không? Có thể nói quân đội hiện nay không có khả năng bảo vệ tổ quốc, vậy thì những chàng trai đầy nhiệt huyết có cần phải vì tầng lớp tham lam và ích kỷ này không, hay cần phải chỉa súng vào đầu bọn họ nếu có cơ hội? Trong Quân đội, nếu sĩ quan vì tổ quốc, lính vì tổ quốc thì giữa chỉ huy và lính có sự gần gũi như người một nhà vì cùng chung một lý tưởng cao cả. Tuy nhiên nếu chỉ huy vì lợi ích cá nhân thì họ chỉ xem người lính là công cụ, miệng thì gọi “đồng chí” nhưng trong lòng thì họ xem lính chẳng khác nào “con chó”, họ đánh chết và đem chôn mà không cần phải đòi công lý cho “những mạng chó” rẻ rúng đó. Trần Đức Đô là một bài học cho những người lính. Trường hợp bị giết như Trần Đức Đô không ít, vậy nên nó không phải là “tai nạn” mà là bản chất của quân đội Việt Nam hiện nay nó thế. Phải nói rằng anh Trần Đức Đô đã xung phong nhập ngũ, nghĩa là trong suy nghĩ của anh là anh sẽ “cống hiến cho tổ quốc”, nhưng không, anh đã sai lầm. Sai lầm vì ngây thơ tin vào tuyên truyền đối trá của tuyên giáo. Giờ Trần Đức Độ đã khuất, không chỉ linh hồn anh ôm hận mà cha mẹ anh cũng phải ôm hận mãi mãi. Ngày 12/7 ông Phan Văn Giang được thăng quân hàm đại tướng, và cũng ngày này, quân đội đã khẳng định cái chết của quân nhân Trần Đức Đô là do “tự treo cổ”. Ông Phan Văn Giang đã chỉ đạo bộ máy chỉ huy trong Bộ Quốc Phòng bảo vệ cái thối nát cho chế độ là quá rõ ràng. Cả một bộ máy bao che cho cái ác, bao che cho sự thối nát trong quân đội thì có thể nói bọn họ xứng đáng để các bạn quay nòng súng. Ắt hẳn trong quân đội CS có những sĩ quan có tâm với đất nước thật. Tôi không tin mọi sĩ quan quân đội CS đều là ác quỷ. Tôi tin còn đó những con người bất bình với hành động bao che cái ác của Bộ Quốc Phòng. Trong quân đội, những người lính, những sĩ quan có tâm với đất nước cần phải sẵn sàng. Thời cơ đến là các anh cần phải giúp dân thay thì giúp những kẻ gian ác kia. Những người lính có trái tim là những người mà đất nước này rất cần. Hậu CS, những người như thế vẫn sẽ là trụ cột cho đất nước. Hãy nhìn sang Cuba xem dân tộc ấy ra sao? Thưa các quân nhân, dân tộc ấy đã nhận ra bộ mặt thật của bọn tham lam ích kỷ ở thượng tầng và người dân Cuba đang muốn đuổi cổ bọn nó ra khỏi ghế quyền lực. Bọn cầm quyền đã làm hại dân hại nước quá nhiều rồi. Người dân Cuba làm được thì tại sao người Việt lại không? -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://www.rfa.org/…/who-order-no-fire-at-jonhson-reef… https://www.voatiengviet.com/…/quan-chuc…/3961735.html https://vnexpress.net/quan-nhan-tran-duc-do-tu-vong-do-tu… https://vnexpress.net/bo-truong-quoc-phong-duoc-thang…  
......

Gửi các nhà lãnh đạo Cuba

Mạc Van Trang|   Kính gửi Ngài Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Miguel Díaz-Canel và các nhà lãnh đạo Cuba Nhờ có mạng internet toàn cầu mà tôi được thấy những hình ảnh nhân dân Cuba xuống đường biểu tình với những khẩu hiệu đòi “FREE CUBA", đòi “ANTI COMUNIST", diễn ra vào ngày 11/7/2021 ở thủ đô La Habana và nhiều thành phố khác. Nhiều người Việt Nam vô cùng yêu mến nhân dân Cuba, yêu mến Fidel Castro. Việt Nam và Cuba dù rất xa cách nhau về địa lý, nhưng rất gần gũi nhau về tình anh em trong sáng và sự đồng cảm sâu sắc. Vì thế tôi muốn nhắn gửi mấy điều đến các nhà lãnh đạo Cuba anh em. 1. Fidel Castro và những nhà lãnh đạo Cuba đã làm cuộc Cách mạng 1959 đem lại tự do cho nhân dân và khát khao muốn đưa đất nước Cuba thành thiên đường cộng sản chủ nghĩa, cho nhân dân được tự do, hạnh phúc, cho các nước Mỹ La tinh noi theo… Nhưng cuộc thí nghiệm chưa từng có tiền lệ đó đã diễn ra hơn 60 năm, được đa số người dân hết lòng ủng hộ, mà nó hoàn toàn thất bại so với những mong ước ban đầu. Cuộc thí nghiệm vĩ đại và trường diễn đó chứng tỏ mô hình lý thuyết XHCN mà Fidel đã chọn đã thất bại, cũng như Liên xô và nhiều nước khác đã mắc phải. Nó thất bại vì lý thuyết XHCN ấy đã huỷ diệt bản chất con người là “đi tìm lạc thú", môi trường sống tự do sáng tạo… (S. Freud); là “quyền tư hữu", tự do làm giàu của cá nhân (Adam Smith) ... 2. Về thực tiễn, nếu Cuba không theo con đường xã hội chủ nghĩa, thù địch với Mỹ và các nước tư bản thì đất nước Cuba bây giờ đã phát triển như thế nào và đời sống của nhân dân Cuba chắc hẳn vào loại cao trên thế giới. Còn thực tế đời sống của nhân dân Cuba hiện nay vào loại nghèo: đói ăn, thiếu mặc, thiếu điện, nhiên liệu, thiếu thuốc phòng chống Coronavirus Vũ Hán… Nhưng cái thiếu nhất là thiếu TỰ DO, DÂN CHỦ, thiếu NIỀM TIN vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mù mờ, lạc lối… Cho dù Fidel, Raul Castro ... đem hết tâm và tài, hy sinh cả cuộc đời phấn đấu xây dựng CNXH suốt 60 năm, nhưng mô hình đã sai thì không làm sao đưa Cuba phát triển xứng với tiềm năng của đất nước và sự mong đợi nhân dân. 3. Nhân dân Cuba đã chịu đựng hy sinh hơn 60 năm cho cuộc đại thí nghiệm là quá đủ rồi. Hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi. Nay những người dân trung thành cũng không chịu được nữa đòi hỏi phải thay đổi thì hãy lắng nghe lòng dân, theo ý nguyện của nhân dân và cũng là xu thế tất yếu của nhân loại: thoát khỏi chế độ cộng sản độc tài toàn trị, đem lại tự do, dân chủ cho nhân dân! 4. Đừng có nghe Trung cộng, tuyệt đối không làm theo Trung cộng giết hại nhân dân mình để giữ quyền thống trị. Chủ nghĩa nào, chế độ nào thì cũng “quan nhất thời, dân vạn đại”. Chỉ có đất nước và nhân dân là trường tồn. Fidel đã chết, rồi Raul cũng chết, nhân dân thì vẫn còn! Làm theo Trung cộng đàn áp dân thì tội ác ấy muôn đời còn ghi vào sử sách, không gì tẩy rửa được điều ô nhục ấy. 5. Con đường thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản, theo ý nguyện tự do của nhân dân như đã diễn ra ở Đông Âu, có hai phương cách. Một là ngoan cố để nhân dân phải xử lý như đối với vợ chồng Nicolae Ceaușescu ở Romania, năm 1989; hai là chuyển đổi trong hòa bình như Ba Lan, Séc- Slovakia, Hungary, cộng hòa Dân chủ Đức… 6. Khi đất nước phát triển theo mô hình dân chủ, đa nguyên, đa đảng thì đảng Cộng sản vẫn còn, dành cho những người trung thành với lý tưởng cộng sản tiếp tục hoạt động, cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật của một quốc gia dân chủ, văn minh…Những người của chế độ cũ vẫn tranh cử để nhân dân bầu chọn vào các cấp lãnh đạo quốc gia, như nhiều nhân vật ở các nước đã chuyển đổi. Điển hình là bà Engela Merkel vốn là cán bộ Đoàn Thanh niên của CHDC Đức, đã được bầu làm Thủ tướng của nước Đức thống nhất liên tiếp 4 nhiệm kỳ… Khi chuyển đổi sang chế độ mới, như các nước ở Đông Âu, không những các thành tựu về Y tế, Giáo dục … dưới thời XHCN được bảo toàn mà còn phát triển với chất lượng mới, vì được dân chủ hoá và kinh phí đầu tư dồi dào hơn, lương giáo viên, bác sĩ tăng cao, do kinh tế phát triển tốt… Khi chuyển đổi chế độ, những người đối lập không còn là “thế lực thù địch", đem lại hoà hợp dân tộc, những người con ưu tú của nhân dân phải tù đày, chạy trốn sẽ cùng góp sức xây dựng đất nước; sức người, sức của của các kiều dân Cuba ở Mỹ và nước ngoài sẽ đổ về nước, Cuba sẽ phát triển mạnh mẽ… May mắn nhất của Cuba là gần Mỹ chứ không gần Trung cộng như Việt Nam. Hãy tận dụng lợi thế đó để phát triển đất nước. Vì vậy tôi chân thành khuyên các ngài lãnh đạo Cuba hãy dũng cảm từ bỏ cái mô hình đã mục ruỗng, nhân dân quá chán ghét rồi; đừng lừa bịp và khủng bố nhân dân nữa; hãy thể theo ý nguyện của nhân dân, chuyển sang chế độ dân chủ, kết bạn với Mỹ và các nước tư bản để đất nước phát triển, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Như thế các ngài cũng sửa được lỗi lầm, để lại tiếng thơm cho hậu thế. Xin gửi đến các Ngài lời chào trân trọng. Sài Gòn, ngày 14/7/2021 Mạc Văn Trang
......

Nhân dân Cuba đứng lên vì tự do

Trần Trung Đạo   Hôm nay, hầu hết các hãng tin quốc tế đồng loạt đưa tin tức, hình ảnh và phim về các cuộc biểu tình tại nhiều nơi của nhân dân Cuba chống chế độ CS vì tự do. Những khẩu hiệu “Đả Đảo Độc Tài”, “Đả Đảo Cộng Sản”, “Tự Do!” được hô vang trên đường phố Havana và các thành phố lớn. Cuba là một trong năm nước CS còn sót lại của thời Chiến Tranh Lạnh và chịu đựng dưới chế độ độc tài suốt 62 năm từ khi Fidel Castro và Che Guevara chiếm Cuba vào tháng Giêng, 1959. Các nước CS tàn dư khác là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Hàn. Nhắc lại lịch sử. Phong trào nổi dậy chống chế độ tham nhũng Fulgencio Batista đầu tiên là Phong Trào 26 Tháng Bảy (Movimiento 26 de Julio) 1953. Thoạt đầu phong trào thu hút được một số đông nông dân bất mãn với các chính sách sản xuất và thu mua mía, sản phẩm chính của nông nghiệp Cuba, và chính quyền vi hiến của Batista. Fulgencio Batista bị lật đổ và trốn sang Mỹ. Ông ta qua đời 26 tháng 8, 1973 tại Guadalmina, Spain. Nhưng sau khi lật đổ Fulgencio Batista, Fidel Castro và Che Guevara thay vì tiến hành các cải cách kinh tế và mở rộng tự do chính trị như đã hứa, lại rập theo mô hình chính trị chuyên chế và kinh tế tập trung của các nước CS thuộc khối Đông Âu. Fidel Castro quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế trong đó 40% đường mía, 90% nguyên liệu là vốn đầu tư của các công ty Mỹ. Đảng CS Cuba chính thức ra đời ngày 3 tháng 10, 1965 và là nước CS đầu tiên tại Châu Mỹ. Ngày 19 tháng 10, 1960, TT Dwight D. Eisenhower trừng phạt Cuba bằng cách ra lệnh cấm vận các hàng hóa Mỹ xuất cảng sang Cuba ngoại trừ y tế. Tháng 2, 1962, TT John F. Kennedy ra lịnh cấm vận các sản phẩm Cuba nhập vào Mỹ. Qua các thời kỳ tổng thống Mỹ từ Eisenhower đến nay, quan hệ giữa Mỹ và Cuba có khi nóng khi lạnh, khi nới lỏng khi siết chặt, nhưng các điểm trọng tâm trong chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba vẫn không thay đổi. Chính sách cấm vận đối với Cuba chi phối bởi nhiều đạo luật như Trading with the Enemy Act 1917, Foreign Assistance Act nên muốn hủy bỏ phải được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn và cho đến nay Quốc Hội chưa thông qua một đạo luật nào nhằm hủy bỏ cấm vận đối với Cuba. "Cuba Archive", một đề án phi lợi nhuận phục vụ nhân quyền tai Cuba đã tổng kết được danh sách của 8,200 người bị mất tích dưới chế độ Castro và đề án này hiện đang tiếp tục được tổng kết. Tiến sĩ Lago, thuộc đại học Havard, dựa theo các báo cáo của lực lượng tuần dương Mỹ đã ước lượng số người dân Cuba chết trên đường vượt biển là 77 ngàn. Sách Đen về Chủ Nghĩa Cộng Sản (The Black Book of Communism) ước lượng khoảng 15,000 đến 17,000 người Cuba bị xử tử dưới chế độ CS. Nhiều người chết trên đường vượt biển, không nằm trong danh sách đó, là do trực thăng của công an Cuba thả bao cát đánh chìm bè, bắn thẳng xuống bè, ra lịnh tàu hải quân Cuba tông vào những chiếc bè mong manh. Trường hợp tàn sát "The Canimar River” hay “Tugboat massacre of 1994” trong đó nhiều trẻ em bị giết được ghi nhận nhưng vô số trường hợp khác vẫn chưa được biết đến, ít nhất cho đến ngày chế độ CS Cuba sụp đổ. Nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Hôm qua, nhiều ngàn dân của thành phố San Antonio de los Baños đã xuống đường biểu tình chống chế độ CS. Dân chúng thủ đô Havana hưởng ứng và cũng đã xuống đường. Theo hãng tin Reuters, đây là cuộc biểu tình chống chế độ lớn nhất kể từ khi Fidel Castro cướp chính quyền năm 1959 tới nay. Các phương pháp sai lầm và chậm chạp mà chế độ CS áp dụng để giải quyết nạn dịch là giọt nước tràn ly dẫn tới cuộc bùng nổ hiện nay. Riêng ngày Chủ Nhật 11 tháng 7, đã có 6,923 người bị dương tính Covid-19 và 47 người, gấp đôi tuần trước, bị chết. Đời sống của những người thuộc giới tiểu thương, những người làm ngày nào ăn ngày đó, các nghề nghiệp phụ thuộc vào sinh hoạt đường phố, chợ búa đều không có một lối thoát nào cho số phận vốn nghèo nàn của họ. Trả lời phóng viên hãng Reuters, bà Miranda Lazara, 53 tuổi, một giáo viên, cho biết “Chúng tôi đang trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn. Hệ thống cần phải được thay đổi.” Dù họ Castro từng gắn liền với chế độ độc tài CS Cuba không còn nhưng bộ máy vẫn còn nguyên như thời Fidel Castro và sau đó Raul Castro nắm quyền cai trị. Miguel Díaz-Canel, chủ tịch Cuba kiêm Bí thư Thứ Nhất đảng CS Cuba từ 2019, trong diễn văn ngày hôm qua Chủ Nhật 11 tháng 7, vẫn với giọng điệu tuyên truyền cố hữu, đổ lỗi những khó khăn và bất ổn cho Mỹ. Theo lãnh tụ CS này, một một số không nhỏ trong những người đang xuống đường là do Mỹ “xúi giục”. Nhiều người biểu tình đã bị an ninh thường phục bắt và hiện chưa ai biết số phận họ ra sao. Theo tin của hãng AP, cảnh sát đã xịt hơi cay vào đoàn người kể cả các phóng viên ngoại quốc đang theo dõi cuộc biểu tình. Tương tự như các cuộc biểu tình Mùa Xuân Á Rập (Arab Spring) năm 2011 hay các cuộc biểu tình đòi đẩy bật Ali Khamenei tại Iran 2018, những người tổ chức đã vận dụng tối đa các phương tiện tin học. Các tín hiệu, hình ảnh được gởi đi qua các mạng xã hội. Các “lãnh tụ không chân dung” xuất hiện. Một phong trào không người lãnh đạo được hình thành. Ý chí tập thể trở thành nguyên tắc sinh hoạt và thay đổi hệ thống cai trị là mục tiêu chung mà đại đa số trong 11 triệu dân của đảo quốc Cuba đang tiến hành. Díaz-Canel, chủ tịch Cuba, kêu gọi các đảng viên CS và các thành phần ủng hộ giới cai trị CS, xuống đường để “bảo vệ cách mạng” đúng ra là “bảo vệ quyền lợi” của giới cán bộ, đảng viên có đặc quyền trong xã hội. Tuy nhiên Díaz-Canel quên rằng Nicolae Ceaușescu cũng đã từng làm vậy khi tổ chức cuộc mít-tinh ủng hộ mình ngày 21 tháng 12, 1989 và kết quả là hai vợ chồng bị chính các đồng chí từng thề thốt trung thành xử bắn bốn ngày sau đó. Bài học các cuộc cách mạng dân chủ đã diễn ra tại Mông Cổ hay Hungary cho thấy đây là thời điểm của chọn lựa, không chỉ chọn lựa của người dân đang xuống đường mà còn là chọn lựa của những người lính, những người đang do dự và cả những người nằm trong giới cầm quyền. Nếu thành phần yêu tự do hay nghiêng về phía tự do tạo nên áp lực đủ mạnh, đất nước Cuba sẽ thay đổi. Phong trào dân chủ Cuba hiện nay không phải tự nhiên bộc phát mà ngọn lửa tự do đã âm ỉ cháy từ nhiều năm trước. Các tổ chức như Ladies in White được giải nhân quyền Sakharov 2005, Đề án Varela (Varela Project) thu thập hơn 10 ngàn chữ ký đòi hỏi tự do nhân quyền, xương máu của rất nhiều người Cuba chết trong ngục tù CS là những viên gạch lót đường cho nền dân chủ Cuba sau này. Không có sự hy sinh nào cho tương lai con cháu là hy sinh oan uổng. Thời gian ngắn tới đây sẽ là thời gian thử thách cho dân tộc Cuba và tương lai đất nước này. Nhưng dù kết quả ra sao, các cuộc biểu tình hôm qua và sắp tới nhắc cho giới cai trị CS một chân lý ngàn đời rằng mọi chế độ độc tài đi ngược với quyền sống của con người sớm hay muộn đều phải sụp đổ. Trần Trung Đạo
......

Nhật ký phong thành (số 3): Sài Gòn bao nhớ

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Tuấn Khanh's Blog| Buối sáng thứ 3 của ngày Sài Gòn phong thành (11-7), nghe tin công an giao thông và công an chốt chặn thông báo ghi phiếu phạt những người đi đường không chứng minh được tính “chính đáng” và “cần thiết”, tổng số một ngày lên đến gần 900 triệu tiền phạt mà…ham. Trung bình một người bị phạt là 2 triệu (gần 100 đôla Mỹ). Người đi đường và nhân viên chính quyền cãi nhau ỏm tỏi được quay video, kể lại đầy trên các trang mạng xã hội. Có vẻ, khái niệm mơ hồ “chính đáng” và “cần thiết” ở trong điều luật, cũng làm nhức đầu không ít với giới thi hành nhiệm vụ. Chuyện phong thành, không ai được gặp ai ở Sài Gòn, hoàn toàn khác hẳn với các quốc gia hay được nghe kể chuyện ở như Anh, Pháp, Mỹ, Úc…  Ở mấy xứ đó, người ta chỉ cần ở yên trong nhà, chính phủ sẽ yểm trợ nhiều thứ, bao gồm luôn cả gửi tiền ăn, miễn phí tiền thuốc… Còn ở Sài Gòn nói riêng, Việt Nam nói chung, phong thành đem lại biết bao nỗi lo của dân thường. Đặc biệt còn là nỗi lo của những người làm thiện nguyện, của những tổ chức phi chính phủ đang giúp người nghèo chạy bữa ăn. Nỗi lo dễ thương đến mức “nếu không phát cơm được, những người đó sẽ sống sao?”. Những lời than thở như vậy xuất hiện khắp nơi, thậm chí họ gọi cả chủ tịch phường, chủ tịch quận để chất vấn như gây gỗ. Sợ từng phần cơm không đến được người nhận, mà lo vậy đó. Chuyện ở quán cơm từ thiện Nụ Cười 1 (Trần Hưng Đạo, Q.5, Sài Gòn) là một ví dụ. Mấy anh em đây nghĩ rằng giãn cách thì giãn cách, nhưng chuyện phần ăn của người nghèo thì vẫn phải lo. Anh Tập Nguyễn, một trong những người tham gia công việc này, kể rằng tuy vẫn xắn tay áo làm, cứ phập phồng lo khó khăn sẽ sớm xảy ra. Nhưng rồi cứ nghĩ tới chuỗi ba quán cơm Nụ Cười như vậy, mỗi ngày chu cấp cho 1500-1800 người nghèo, nay đột ngột ngừng, họ sống sao? Dân nghèo Sài Gòn có đủ dạng. Từ người lao động nghèo, đến người già, đau yếu không khả năng tự nuôi mình, đến người bệnh không có tiền đóng tiền cơm tháng ở bệnh viện… Không chỉ quán Nụ Cười, mà hàng hàng lớp lớp những nhóm, những quán, những người tự nguyện… vẫn chia sẻ miếng ăn hàng ngày với đời khốn khó. Không có ai thống kê, nhưng không biết bao nhiêu là con người Bắc-Trung-Nam vẫn âm thầm cùng tựa vào nhau để đi, trên đất Sài Gòn này. Có người sống đến hết đời vẫn khổ. Nhưng có người may mắn thoát lên, họ lại nối tiếp, trả ơn cho đời bằng chính khả năng của mình. Có người bạn nhạc sĩ từ Hà Nội vào, hắn viết trên facebook kể rằng đường đi dạy về nhà, lúc nào cũng phải qua 2 cây cầu. Thoạt đầu hắn ngạc nhiên vì không hiểu sao luôn có nhiều người ngồi ở hai bên thành cầu từ chiều tối. Cho đến một ngày, hắn nhìn thấy lúc sẫm tối, những thanh niên, những nhóm xe chở thực phẩm ghé vào đưa cho từng người, thì sửng sốt. Hóa ra, đó là giao ước đô thị không lời: Người nghèo cứ ở những nơi dễ tìm nhất, họ sẽ được ai đó giúp thức ăn, nước uống. Thậm chí nửa đêm mưa đổ, vẫn có những nhóm thiện nguyện chia nhau chạy đi, phát quần áo cũ, áo mưa cá nhân và bánh mì. Bất kể là ai, dù đó là một người ăn mày, một người, lang thang bụi đời hay một gã xì ke ma túy nào đó, cũng được nhận khi cần. “Tôi là người sống ở Hà Nội, nhưng ít khi nào nhìn thấy điều cảm động như vậy. Tuyệt vời Sài Gòn ơi”, anh ta kể. Quay lại chuyện quán cơm từ thiện Nụ Cười 1. Y như rằng, sáng sớm lúc 6g30, lúc anh khoe rằng mọi người đang chuẩn bị hàng trăm phần cơm, làm thịt kho tiêu thiệt ngon cho bà con, thì điện thoại từ Ủy ban Phường gọi tới, nói dẹp liền tay. Anh nấy buông tay, bàng hoàng. Điều đầu tiên họ nghĩ tới, là chuyện thất hứa với hàng trăm con người không quen. Hàng trăm con người đó sẽ không biết bấu víu vào đâu hôm nay, ngày phong thành mọi nơi vắng ngắt. Anh Tập kể, khi quán thông báo phải nghỉ bán-cho cơm, người tìm đến như không muốn tin, vẫn nấn ná đứng lại chờ. Không ai đành lòng nhìn cảnh ấy, quán đành phải kéo cửa xuống. Ấy vậy mà họ vẫn đứng ngoài nói vọng vào năn nỉ: “Tụi tui đâu có chen lấn, đâu có xúm lại đâu. Cho tụi tui lấy cơm đi!” 3 ngày đầu giãn cách ở Sài Gòn vậy đó. Lệnh trên ban xuống phong thành, thì cứ bắt buộc thi hành, không cần biết – hay không chịu tìm hiểu cặn kẽ – để tìm một giải pháp thích nghi cho một đô thị lớn, muôn mặt phức tạp nhất trên đất nước này. Nhiều nơi làm từ thiện phải vào hoạt động du kích: Đóng cửa làm việc, cho người lén lút đi phát, hoặc thông báo riêng cho những khách khó khăn quen thuộc, ghé qua, nhìn quanh, lấy phần rồi lẩn đi. “Tại sao người có tiền xếp hàng mua thực phẩm ở siêu thị trong những ngày này được coi là “lý do chính đáng được ra đường” trong khi người nghèo cùng kiệt xếp hàng trật tự chờ những phần cơm từ thiện thì bị coi là nguy cơ lây lan dịch bệnh?”, anh Tập Nguyễn đặt câu hỏi. Nhưng những người làm từ thiện như anh Tập Nguyễn không chịu bó tay, dễ dàng chấp nhận các chỉ thị lạnh lùng ấy. Những cuộc gọi, nhắn tin, vận động, thuyết phục… diễn ra liên tục. Cuối cùng thì tới chủ tịch Quận 5 cũng mềm lòng, cho phép tuần thứ hai giãn cách, quán Nụ Cười sẽ bắt đầu lại, nhưng chỉ cho mang cơm đến các khu cách ly. Dù chỉ mới là giúp cho các khu cách ly thôi – cũng đã là một bước tiến đáng mừng nên họ đành chấp nhận trước cánh cửa hẹp đó. Ở Việt Nam, cứ cố, và có còn hơn không. Nhưng còn những người nghèo khác thì sao, những người cần miếng ăn ngoài khu cách ly? Tôi không thể kể ở đây được với các bạn. Vì chắc chắn những nơi như quán Nụ Cười sẽ không bỏ cuộc, dù có bị xem là hành động “bất hợp pháp” trong những ngày quay quắt tình đồng bào. Cũng trong ngày 11/7, chuyện một anh làm truyền thông ở điểm từ thiện trong Sài Gòn, phát cơm từ thiện nhưng nhận xét khắc nghiệt quá, khiến dân chúng khắp nơi giận dữ. Anh này có giọng lạnh lùng phê phán cách ăn mặc của người đi nhận cơm, hoặc kết án là lợi dụng bữa cơm từ thiện, qua video, khiến nhiều người khó chịu. “Cho người ta cơm, mà nói trên đầu người ta thì còn ý nghĩa gì?”, một người lên Tiktok, làm hẳn một video dài để phản ứng. Một người khác thì nói trên facebook “Giọng này không là người Sài Gòn. Kiểu cho cũng không là Sài Gòn, vậy thì đừng làm ô danh tấm lòng Sài Gòn”. Sài Gòn vậy đó, cho cũng phải nhẹ nhàng, vui vẻ. Có cho cũng mang theo tình thương chứ không là của mạt thí bỏ đi. Dân chúng nói quá, đến mức chịu không nổi, đến chiều tối, anh ấy phải tự quay video xin lỗi mọi người. Diễn biến nhanh, bùng lên dữ dội, có kết quả trong chỉ có một ngày. Mau mắn y như cách người Sài Gòn vừa nghe lệnh phong tỏa, đã ngồi xuống bàn với nhau, ngày mai dù có “bất hợp pháp”, ta cũng sẽ phát cơm từ thiện như thế nào để đến được với người nghèo. Ai đi xa Sài gòn rồi sẽ nhớ lắm, những câu chuyện như vậy. Nhớ ơi là nhớ. Nhớ những thứ vụn vặt không thành lời nhưng lại chính là linh hồn đô thị. Nhớ đến bật cười, mà có khi quay mặt vào, nước mắt lại chảy quanh. Nhạc sĩ Tuấn Khanh    
......

Những gì tốt đẹp sẽ không chết!

Phụ nữ Afghanistan dự một sự kiện nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ tại Kabul, Afghanistan. Ngô Nhân Dụng - VOA| Quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan vào tháng Chín, sau khi đánh đuổi chính quyền Taliban ra khỏi thủ đô Kabul cuối năm 2001. Các chính phủ Mỹ giúp xây dựng chế độ dân chủ ở Afghanistan. Nhưng quân Taliban không tan rã mà ngày càng mạnh hơn. Quân Mỹ sắp rút đi, nước Afghanistan chưa biết số phận sẽ ra sao. Nhưng trong gần 20 năm qua, xã hội Afghanistan thay đổi. Thành phố Kabul đã lên tới 6 triệu dân, với các cao ốc, những khu thương mại, các quán cà phê, rạp chiếu bóng và nhà tập thể thao. Điện ảnh, âm nhạc, truyền hình đã bùng phát. Thanh niên sống lối mới, khác hẳn chủ trương Hồi Giáo cực đoan thời Taliban. Nhiều phụ nữ đã bỏ khăn che kín mặt, khi ra đường không cần đàn ông đi kèm; con gái cũng được đi học. Họ dùng Facebook và Instagram, coi các phim ảnh, chương trình văn nghệ, nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng mới như thanh niên khắp thế giới. Các đại học công và tư nở rộ ở thủ đô Kabul, hàng trăm ngàn sinh viên đã tốt nghiệp. Đại học American University of Afghanistan mở lớp đầu năm 2006 với 51 sinh viên, trong đó chỉ có một cô gái. Quân Taliban đặt bom phá đại học này năm 2016. Năm 2021, nữ sinh viên chiếm 40% trong số 250 người tốt nghiệp. Quân Taliban sẽ chấm dứt lối sống “mới” này. Người dân Kabul có tiền đang lo mua chiếu khán, visa, qua các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, U.A.E., Uzbekistan và Tajikistan. Nhật báo The Wall Street Journal kể chuyện một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng 24 tuổi đang đi Australia thăm người chị nghe bà mẹ van nài “Con đừng về!” Một nữ nhạc sĩ 26 tuổi đã từng đi trình diễn 10 lần ở các nước Nam Hàn, Đức và Trung Quốc, đang không biết số phận mình sẽ ra sao. Vì trong chế độ Taliban con gái không được học đàn, không được dậy đàn. Chúng ta có thể tin rằng những người Afghanistan lớn lên trong cuộc sống tự do sẽ không thể nào quên được! Họ sẽ nhớ những kỷ niệm của quãng đời 20 năm ngắn ngủi mãi mãi. Cũng giống các công dân Việt Nam Cộng Hòa sau năm 1975 nuối tiếc cuộc sống cũ! Khi bị cường quyền áp chế, người ta mới biết quý hai chữ “Tự Do” dù tự do giới hạn! Nhưng không phải chỉ những người Việt ở miền Nam mới tiếc nuối nếp sống trước khi bị “giải phóng,” mà nhiều đồng bào miền Bắc cũng tiếc giùm! Việt Nam khác Afghanistan ở điểm này! Đám quân Taliban sẽ không thích, không chấp nhận đám thanh niên lớn lên trong tự do dân chủ. Ở Việt Nam thì khác. Ngay sau năm 1975, nhiều người dân miền Bắc vào trong Nam, ngoài những ngạc nhiên về tiến bộ kinh tế, họ còn nhận thấy cuộc sống tương đối dân chủ, tự do tạo nên những kết quả tốt đẹp trong văn hóa, trong đạo đức mà họ không thấy dưới chế độ cộng sản. Các nhà văn từ Dương Thu Hương tới Trần Đĩnh đã làm chứng điều này. Vào Sài Gòn, Trần Đĩnh có lúc sững người khi thấy cảnh đám tang đi qua mà có người đi đường đã dừng lại, bỏ mũ, cúi đầu ! Phép lễ độ bình thường đó đã biến mất ở miền Bắc không biết từ bao giờ! Cho tới 45 năm sau, vẫn còn có nhà văn suy nghĩ về cung cách ứng xử của một thi sĩ miền Nam, để nhìn nhận rằng những công dân Việt Nam Cộng Hòa “Chính họ là niềm hy vọng của dân tộc chúng ta.” Ông Vương Trí Nhàn đã thổ lộ điều này khi đọc bài thơ “Ta Về” của Tô Thùy Yên mà ông biết rất nhiều người thú nhận đã đọc lên rồi thì không ngưng được. Ông viết bài “Từng Có Một Nơi Hoàn Cảnh Không Thể Làm Hỏng Con Người” ngày 6 tháng 6, 2020, một năm sau khi nhà thơ qua đời ở Texas, nước Mỹ. Năm 1975, nhà thơ Tô Thùy Yên bị đi “tù cải tạo” như mọi sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa khác. Được ra tù năm 1985, nhà thơ kể lể tâm sự trong bài thơ dài “Ta Về.” Vương Trí Nhàn thấy bài thơ “nó cho ta thấy cái cao thượng của những con người bị rơi vào hoàn cảnh bên thua cuộc và sau đó là tù đày cực khổ mà vẫn giữ được lòng mình trầm tĩnh,… Chắc Vương Trí Nhàn nhớ đến những câu thơ trầm tĩnh, khiêm cung như: “Ta về cúi mái đầu sương điểm Nghe nặng từ tâm lượng đất trời Cám ơn hoa đã vì ta nở Thế giới vui từ mỗi lẻ loi” Vương Trí Nhàn cảm phục thi sĩ, “… con người trong cảnh khốn cùng tuyệt đối không thấy bộc lộ ra một chút nào gọi là oán thù căm giận trách móc. Thay vào đó là sự tin yêu trầm lắng mà lại dai dẳng ...” Con người đó là một tù binh đã chịu 10 năm đầy đọa, Mười năm mặt xạm soi khe nước Ta hóa thân thành vượn cổ sơ Nhưng vẫn giữ được lòng tin yêu hồn hậu “Ta về như lá rơi về cội Bếp lửa nhân quần ấm tối nay” Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống Giải oan cho cuộc biển dâu này” Vương Trí Nhàn thổ lộ, “…trong những năm chiến tranh, nhiều người ở miền bắc chúng tôi thường tự nhủ rằng mình đã đi đến tận cùng của sự đau khổ; và tự hào là những hoàn cảnh khó khăn không làm gì được mình, trước sau mình vẫn nguyên vẹn. Hóa ra chúng tôi nhầm..” Đọc bài thơ “Ta Về,” Vương Trí Nhàn nhớ lại nhiều cuộc tiếp xúc với con người ở miền nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng như đọc những sách nghiên cứu khoa học xã hội xuất bản tại Sài Gòn, ông nhận ra rằng những người sống ở miền Nam không bị hoàn cảnh chiến tranh làm cho tâm hồn tê cứng, không sống liều lĩnh bất chấp hậu quả trên người khác. “Tôi hiểu rằng ở xã hội đó, văn hóa vẫn còn... Cái sức mạnh tinh thần của Tô Thùy Yên... là kết quả của một nền giáo dục nhân bản và giữ vững chuẩn mực.” Từ nhận xét về một bài thơ Tô Thùy Yên, Vương Trí Nhàn so sánh nền nếp sống của hai miền Nam, Bắc. Ông thấy trong khi ở miền Bắc “Một cái gì đó rất tốt đẹp đã chết đi trong chúng tôi” thì tại miền Nam “…có những con người được giáo dục theo kiểu khác, có những niềm tin khác, bị những quy luật khác chi phối, và nay nhiều người vẫn đứng vững trước mọi biến động để làm ăn sinh sống rất tử tế.” Ông nêu lên niềm hy vọng, “…trong tình thế ngổn ngang của cả nước hôm nay những người còn được cái căn bản của con người ấy mới chính là cái tương lai là niềm hi vọng của cả xã hội.” Ông nói thêm: “Mà điều đó không phải là ngẫu nhiên vì nó đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống hai mươi năm 1955-1975.” Tại sao người dân miền Nam đã “còn được cái căn bản của con người” khác hẳn các đồng bào miền Bắc như vậy? Năm 1975 một người bạn tôi từ Sài Gòn về thăm làng cũ ở miền Bắc. Trở về, anh Nguyễn Văn Lan nhận xét: Hình như không ai còn suy nghĩ bằng các khái niệm thiện hay ác nữa. Khi làm việc gì, mối quan tâm duy nhất của họ là có sợ bị công an bắt hay không. Dân miền Nam may mắn không phải chịu đựng chế độ cộng sản trong 20 năm. Họ vẫn sống theo nền nếp giáo dục, đạo lý tổ tiên để lại. Nhờ thế họ vẫn giữ được “cái căn bản của con người” khiến Vương Trí Nhàn cảm động. Dân Afghanistan chỉ được nếm mùi sống tự do dân chủ trong 20 năm. Chính phủ Mỹ hứa sẽ giúp những thông dịch viên đã cộng tác với họ di tản, sang nước Mỹ. Không biết trong số đó có bao nhiêu thi sĩ? Một nhà báo, ông Hamid Haidari đứng đầu ban Tin Tức đài 1TV đang tự hỏi: Khi quân Taliban chiếm lại Kabul thì chúng tôi sẽ sống thế nào? Có nên bỏ chạy không? Đi đâu? Làm cách nào đi được? Tháng Giêng năm nay ông bị đe dọa ám sát, đã chạy qua Ấn Độ, sau ba tháng lại trở về; trong khi các nhân viên đài truyền hình từ các tỉnh đang chạy về thủ đô lánh nạn. Haidari còn nhớ năm lên bảy tuổi, 1996, đã chứng kiến cảnh quân Taliban vào chiếm thủ đô. Chúng đi gõ cửa từng nhà, bắt người, đem ra đường hành quyết. Chủ nhân đài, ông Fahim Hashimy, đang chuẩn bị đem máy móc qua một nước khác, Thổ Nhĩ Kỳ hay Uzbekistan. Ông tính sẽ làm một đài truyền hình “bỏ túi” và “lưu động” để tiếp tục gửi tin tức về trong nước. Sẽ có ngày dân Afghanistan được coi các chương trình truyền hình đó. Và sẽ có người nhớ lại cuộc sống cũ, cũng ngậm ngùi như Vương Trí Nhàn, nhận ra “một cái gì đó rất tốt đẹp đã chết đi trong chúng tôi!” Không đâu. Những cái gì tốt đẹp sẽ không chết!  
......

Góp ý cùng ông Bộ trưởng Bộ Y Tế.

Phạm Ngọc Thắng| Thưa ông, hôm nay tôi thôi... sẽ không mắng ông như mắng đàn em hay mắng học trò nữa. Tôi sẽ góp ý với ông như hai bác sỹ, hai nhà đầu tư y tế, hai nhà quản lý y tế nói chuyện với nhau. 1- Khẩn trương thành lập bệnh viện dã chiến hơn 16.000 giường ở TP.HCM là thế nào đây!? Số lượng 16.000 giường ở đây cần rõ ràng ra, giường là giường bệnh hay chỉ đơn thuần là giường để cho người nằm. Hai khái niệm này khác nhau hoàn toàn, ông nhé. Nếu chỉ là giường nằm để nhốt các loại F, thì vô nghĩa. Các trại tập trung ở Tp.HCM đã tỏ ra bất cập đến mức thế nào, chắc ông biết rồi; các trại tập trung ở Bắc Giang hiệu quả thế nào-ông biết rồi; dân Bình Thuận phá tường bệnh viện trốn chạy thế nào-ông biết rồi; hậu quả lây nhiễm chéo trong trại tập trung-ông biết rồi... tôi không nói nữa. Còn nếu là 16.000 giường bệnh thì hỡi ơi, ông ơi, có thể hiểu nó là thế nào không, ông ơi. Để tôi nói cho mà nghe. Một bệnh viện 1000 giường, tiền xây dựng nó vào khoảng 7000-8000 tỷ đồng; tiền trang bị cũng bằng thế nữa; tiền đào tạo, tái đào tạo và vận hành cho đến khi hiệu quả cũng bằng từng ấy nữa. Vị chi, một tỷ đô la Mỹ cho một bệnh viện 1000 giường. Các ông nói khơi khơi cho sướng mồm, cho tăng thành tích thôi; chứ 16.000 giường bệnh là tương đương 16 cái Bệnh viện Bạch Mai, 16 cái Bệnh viện Chợ Rẫy, 16 cái Bệnh viện trung ương quân đội 108... là 16.000.000.000,0 đô la Mỹ ( Mười sáu tỷ đô la Mỹ viết bằng chữ!). Nói thêm: Bất cứ cái bệnh viện nào trong mấy bệnh viện nêu trên kia bán 1,5 tỷ đô la, tôi và anh em cũng bằng mọi giá kiếm tiền mua ngay chứ không để cho Singapore mua như đã thôn tính Vinmec Hà Nội đâu!. Thêm, nhân lực lấy đâu ra!? Một bệnh viện 500 giường bệnh, cần 200-300 bác sỹ; 500-700 điều dưỡng và tưng ấy người phục vụ không chuyên môn y tế. Với 16.000 giường bệnh thì không thể nhân lên 32 lần đơn thuần con số cứng kia được, nó khác đấy. Chỉ có tăng lên không giảm đi được đâu nhé. Còn nữa, kể cả dùng quyền lực huy động 10.000 nhân viên y tế cho Tp.HCM đi nữa, thì với số lượng nhân viên tưởng tượng kia, trong số đó lấy đâu ra Giáo sư tiến sỹ để chỉ đạo dậy dỗ; lấy đâu ra đủ số bác sỹ cao cấp, bác sỹ chính để làm giám đốc-phó giám đốc; làm chủ nhiệm- phó chủ nhiệm khoa; lấy đâu ra số bác sỹ, điều dưỡng có đủ chứng chỉ hành nghề để ký sổ, ký bệnh án hay ký biên bản hoạt động của máy móc trang bị. Lấy đâu ra một lúc từng đấy tiền, lấy đâu ra từng ấy chuyên viên, nhân viên y tế cho 16.000 giường bệnh. Còn chỉ là 16.000 giường để giam giữ F0, thì cũng hoàn toàn bất hợp lý. Theo Báo cáo ngày 4/7 của Bộ Y tế Việt Nam công bố, số người nhiễm covid-19 là 19,933 case được xác nhận trong phòng thí nghiệm từ 58/63 tỉnh thành. trong đó có 86 case tử vong từ tháng 1/2020; số hồi phục là 39,4%; có 8.337 bệnh nhân đang nằm viện tại 115 bệnh viện ở 47 tỉnh thành. Còn lại 96.6% không có triệu chứng bệnh hay chỉ có dấu hiệu bệnh lý nhẹ không cần chăm sóc bệnh viện. Không cần tới 16.000 giường giam nhốt. Số giường bệnh khẩn cấp chỉ nên tạm tính trong Chiến lược dự phòng thảm họa; còn việc triển khai tùy theo diễn biến của bệnh phải căn cứ vào thực tế. Ông bộ trưởng đã bỏ qua thực tế của hiện trạng y tế thành phố Hồ Chí Minh; bỏ qua lực lượng nhân viên Y tế và đồng bào Thành phố đang ngày đêm cùng nhau tận lực miệt mài chiến đấu vì sức khỏe con người. Ông Long ơi, thôi hô khẩu hiệu, thôi chạy theo thành tích, thôi "Nói cho vui tai, nổ cho sướng mồm" đi được rồi đấy. 2- Việc sử dụng những khái niệm, những định nghĩa sai trái xuất phát từ ông bộ trưởng, người đứng đầu hệ thống y tế Việt Nam đã làm loạn xã hội. Cộng thêm những việc làm chưa minh bạch càng làm rối, làm lãng phí thêm nữa. Đơn cử: - Ông học trường nào ra mà đẻ ra một thể bệnh mới: Thể bệnh không có triệu chứng lâm sàng!? - Người thầy nào dậy ông: Chỉ cần người có kết quả dương tính với mầm bệnh là ông gọi họ là bệnh nhân và truy xét, giam nhốt cách ly như tội phạm!? - Việc coi là chữa khỏi bệnh cho người nhiễm covid-19 sau ba lần xét nghiệm âm tính đã đúng chưa khi chỉ dùng thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, uống sinh tố, bổ sung dịch điện giải... là những việc hoàn toàn có thể hướng dẫn cho bất cứ người dân nào trên 15 tuổi để họ tự chăm sóc bản thân tại gia. Chúng tôi cần Minh bạch về khoản kinh phí khổng lồ đã chi trong chiến dịch này. - Mập mờ giữa việc Chăm sóc bệnh viện thông thường với việc Chăm sóc tăng cường đã dẫn tới ngầm hiểu: Đã vào viện có nghĩa là chuẩn bị thở máy, chuẩn bị ECMO, chuẩn bị lọc máu, chuẩn bị chết... những việc hết sức nặng nề, gây hoảng loạn xã hội. 3- Xin góp ý với ông, buộc phải cần phân loại rõ: Đâu là nhóm High-risk Factor với phơi nhiễm; nhóm Phơi nhiễm expose; nhóm dễ nhiễm; nhóm dễ phát bệnh; nhóm dễ biến chứng nặng; nhóm cần điều trị tăng cường, nhóm cần can thiêp y tế chuyên khoa sâu; nhóm đe doa tử vong; nhóm tối khẩn cấp. Từ đó, đặt ra Chiến lược xử trí chuẩn, đồng bộ. Gồm: - Nhóm High-risk factor, dễ phơi nhiễm: Giáo dục kiến thức y khoa cơ bản, tăng cường bổ sung sinh tố, vi lượng, thực phẩm chức năng nâng đỡ cơ thể tại nhà, từng người. Nhắc nhở và yêu cầu liên hệ với nhân viên y tế cơ sở gần nhất. - Nhóm đã nhiễm mầm bệnh: Đăng ký theo dõi trực tiếp hay bằng các ứng dụng Công nghệ thông tin chung. Phân loại và nhắc nhở nếu có triệu chứng phát bệnh buộc liên hệ với Cơ sở chữa bệnh gần nhất để được theo dõi và luôn luôn được cân nhắc: Cần/chưa cần nhập viện để được chăm sóc bệnh viện. - Nhóm phát bệnh điển hình: Nhập các khoa bệnh truyền nhiễm để được theo dõi và điều trị. - Nhóm biến chứng: Chuyển khu Điều trị tăng cường trong các khoa bệnh để có thể cấp cứu ban đầu và chuyển tới khoa ICU càng sớm càng tốt. - Các Khoa ICU cần được trang bị tốt hơn nữa về Nhân lực, vật lực và tài lực: Tăng cường số bác sỹ đủ năng lực chỉ huy, điều khiển Thở máy, lọc máu, ECMO... Tăng cường trang thiết bị, tăng cường chế độ bồi dưỡng đặc biệt cao để không mất người trong chiến dịch. Tạm vậy thôi. Chú thích các ảnh khác trong bài, tôi sẽ viết cụ thể trong từng bức hình. Kính chúc ông bộ trưởng Bộ Y tế mạnh khỏe, minh mẫn, bình tĩnh hơn nữa để hoàn thành sứ mệnh hét sức nạng nề của mình./. Bác sỹ Phạm Ngọc Thắng.
......

Việt Nam: Cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu

Tân Phong - Web Việt Tân| Sụp đổ về hệ thống y tế và những thảm họa nhân đạo chực chờ Việt Nam đã ghi nhận số ca lây nhiễm Covid-19 vượt mức 1000 ca/ngày kể từ hôm 5 tháng Bảy. Không có dấu hiệu gì cho thấy cơn ôn dịch được kiểm soát sau những khẩu hiệu “đao to búa lớn” của giới chức CSVN. Thành Hồ sau tuyên bố không áp dụng Chỉ Thị 16 trên hệ thống truyền thông ngày 6 tháng Bảy thì tới ngày mồng 9 đã đột ngột phong tỏa thành phố. Mỗi ngày, số F0 được phát hiện mới lại phá kỷ lục của hôm trước đó. Sự hỗn loạn trong tất cả các khâu điều hành phòng chống dịch, từ phong tỏa giãn cách, thực hiện nguyên tắc 5K đến xét nghiệm tầm soát, tiêm phòng vaccine đều để xảy ra những bất cập, khiến cho toàn bộ TP.HCM và các tỉnh thành lân cận khu vực phía Nam đã ở trạng thái ngoài tầm kiểm soát. Diễn biến nghiêm trọng mới đây là việc lây nhiễm trong các trại giam Chí Hòa và Bố Lá. Sở Y Tế thành Hồ cho biết một phạm nhân 26 tuổi đã tử vong vì “viêm phổi, suy đa tạng và sốc nhiễm trùng,” 36 phạm nhân và 44 cán bộ quản giáo trại giam Chí Hòa bị nhiễm Covid-19. Dường như đã có một “cuộc nổi loạn” ở khám Chí Hòa khi người ta nghe thấy nhiều tiếng súng nổ. Tờ Tuổi Trẻ hôm 7 tháng Bảy đưa tin này, sau đó đã rút bài. Việc bưng bít các thông tin nhạy cảm liên quan tới an ninh trật tự xã hội ở Việt Nam là “chuyện thường ngày ở huyện.” Nhưng vấn đề là giới chức CSVN sẽ có biện pháp gì trước nguy cơ hiện hữu một thảm họa nhân đạo sẽ xảy ra trong vòng 10 ngày tới ở những trại giam luôn chật cứng người và điều kiện vệ sinh tồi tệ này? Một số tờ báo khác như VnExpress, Pháp Luật TP.HCM, Thanh Niên vẫn còn truy cập được cho biết, ổ dịch Khám Chí Hòa ghi nhận ca đầu tiên dương tính vào ngày 27 tháng Sáu khi có cán bộ trại giam đi khám tầm soát tại Bệnh viện quận Bình Thạnh. Như vậy, nguồn lây nhiễm từ cán bộ quản giáo và câu hỏi là trong tình trạng dịch bệnh phức tạp diễn ra suốt gần 2 tháng qua, không có qui trình kiểm soát nguồn lây cũng như các qui định phòng chống dịch bệnh được áp dụng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của trại giam? Ai sẽ chịu trách nhiệm sức khỏe và tính mạng cho hàng ngàn phạm nhân trong hai trại tù này? Ngay khi phát hiện ca F0 đầu tiên ở khám Chí Hòa hôm 27 tháng Sáu, trại giam nầy đã tiến hành xét nghiệm và phát hiện 81 ca F0 vào ngày 28 tháng Sáu. Nhưng trên thực tế, luôn luôn có những F0 không có biểu hiện và cho kết quả test nhanh âm tính. Việc bố trí không gian và điều kiện cách ly các F1 ở các trại giam xứ “thiên đường CSVN” là một điều bất khả thi. Khả năng tách và điều chuyển các phạm nhân bị nhiễm bệnh về cơ sở y tế hoặc cách ly bên ngoài cũng không thể vì sẽ kéo theo hàng loạt các biện pháp an ninh tốn kém khác. Chưa kể tới việc các cơ sở cách ly và điều trị Covid-19 hiện đang ở tình trạng quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo nghiêm trọng và không có vaccine cũng như thuốc điều trị cho phạm nhân. Như vậy, gần như chắc chắn, sẽ có một thảm họa nhân đạo xảy ra ở những trại giam đã để lọt mầm bệnh Covid-19. Giới cầm quyền vô nhân tính sẽ làm một việc duy nhất là xiết chặt an ninh, đàn áp, giấu diếm thông tin và …đếm xác tù trong thời gian tới. Hệ thống chính trị và y tế vẫn kiên định theo chiến lược phòng chống dịch cũ và ngày càng mang đậm nét một cuộc tuyên truyền “chống dịch như chống giặc.” Những cuộc lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, phong tỏa mở rộng, qui mô hàng chục ngàn người. Hàng sư đoàn sinh viên y tế vào thành Hồ, tham gia lấy mẫu, quay phim chụp ảnh, post hình tràn ngập trên các mạng xã hội và truyền thông báo chí tập trung đăng tải những hình ảnh xúc động, những comment rất hot trend, rất yêu nước, rất đoàn kết. Phải công nhận là tuyên giáo chống dịch có khác. Tuy nhiên, kết quả thực tế thì đi ngược với những nỗ lực của chính quyền. Đám “giặc Covid-19” chẳng coi nỗ lực “chuyển từ phòng thủ sang tấn công” của hệ thống chính trị và y tế Việt Nam là cái đinh gì. Số ca nhiễm F0 đang tăng theo cấp số lần chỉ sau trung bình 7 ngày và số tử vong không được thống kê đầy đủ đã vượt con số 105. Thực ra, hệ thống y tế Việt Nam thất thủ ngay thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4 bùng phát khi hàng loạt các bệnh viện tuyến trung ương phát hiện lây nhiễm Covid-19. Biện pháp phong tỏa và dồn bệnh nhân sang các bệnh viện khác đã làm tệ hại thêm tình hình, gia tăng áp lực và rủi ro cho các bệnh viện chưa bị Covid-19 tấn công. Việc điều hành và tổ chức kém cỏi ở TP.HCM tới mức khó hiểu khi liên tục để tình trạng tắc nghẽn, dồn ứ hàng ngàn người ở những điểm xét nghiệm, chủng ngừa vaccine, tăng thêm rủi ro siêu lây nhiễm trong cộng đồng. Có vô số những sai lỗi kỹ thuật diễn ra phổ biến ở hầu hết những điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Lấy một ví dụ điển hình nhất là mỗi kỹ thuật viên có thể tiếp xúc với hàng ngàn người trong một ca làm việc mà chỉ thay 2-3 đôi găng tay. Chỉ riêng một thao tác này đủ khiến mầm bệnh lây nhiễm không tưởng tượng nổi, chưa kể việc quá tải và tắc nghẽn thường trực, kéo dài ở các điểm lấy mẫu và tiêm chủng đã góp phần khiến số F0 tăng cao với tốc độ chóng mặt. Ngay cả khi được tăng cường nhân lực y tế từ các trường y của các tỉnh miền Bắc, tình hình không được vãn hồi và việc điều hành vẫn như “gà mắc tóc,” để xảy ra nhiều tai tiếng. Vấn đề ở chỗ là hệ thống y tế ở TP.HCM đã quá tải về hạ tầng y tế trong khi hệ thống chính trị chỉ làm được công việc “bắt hốt, ngăn sông cấm chợ.” Sự can thiệp quá mức của các mệnh lệnh chính trị và các khẩu hiệu sáo rỗng, dốt nát đã biến nỗ lực chống dịch thành một cuộc trình diễn chính trị hoang phí và một cuộc tự sát tập thể. “Công lớn” này phải được ghi cho cựu Phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương Nguyễn Thanh Long. Khác với các quốc gia khác, hệ thống chính trị và an sinh xã hội ở Việt Nam không có khả năng cung ứng các nhu cầu tối thiểu về lương thực thực phẩm cho các thành phố lớn bị phong tỏa. Việc phong tỏa hoàn toàn những thành phố như HCM, Đồng Nai, Tân An… sẽ khiến hàng chục triệu dân nghèo tuyệt đường sinh nhai, không thể tồn tại. Sự ngu dốt và vô nhân tính này của chính quyền CSVN sẽ dẫn tới hậu quả là một cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ xảy ra trong thời gian 1 tháng tới đây. Sẽ có hàng chục ngàn thương vong vì đói khát, vì bệnh tật không được cứu chữa kịp thời và dịch bệnh bùng phát dữ dội trong các trại tù, bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung không đủ trang thiết bị, vật tư y tế và nhân lực. Sụp đổ về hệ thống an sinh xã hội Ngày 6 tháng Bảy vừa qua, Tổng Cục Thống Kê (GSO) công bố báo cáo tình hình lao động việc làm Quý II và 6 tháng đầu năm 2021. “Theo đó, trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Trong quý II, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. So với quý trước, dịch đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557.000 người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.” Có lẽ đây là “một nửa sự thực” có phần khả tín nhất trong các con số thống kê ma của GSO. Tuy vậy, nó cũng đã nói lên phần nào bức tranh bi thảm của “nền kinh tế rỗng” vẫn đang ngạo nghễ với những con số tăng trưởng GDP đầy ma mị. Con số 12,8 triệu lao động bị “tác động tiêu cực” này dựa trên số lao động có hợp đồng và có thể thống kê được, nhưng con số lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, lao động tự do chiếm khoảng 55% tổng số lực lượng lao động thì không thể thống kê được. Những con số của GSO đã gần với con số 17 triệu người thất nghiệp hay mất 50% thu nhập như người viết đã nhận định từ tháng Chín, 2020. Tuy vậy, con số thực tế hiện nay đã vượt qua dự đoán bi đát này từ lâu. Chỉ xét một ví dụ đơn lẻ ngành du lịch với khoảng 2,4 triệu lao động, có tới 1,8 triệu lao động đã thất nghiệp hoàn toàn. Chưa kể các ngành vận tải, hàng không, đường sắt, bất động sản,… tất cả đều trong tình trạng tương tự, ít nhất 50% lao động đã chịu tình trạng thất nghiệp nhiều tháng qua. Dân sinh đã quá mức kiệt quệ nhưng giá xăng, giá điện, nước… đều được các tập đoàn nhà nước đua nhau tăng giá phi mã. Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam ra qui định mới về việc rút tiền BHXH trước thời hạn sẽ chỉ được thanh toán 50% số tiền tiết kiệm được. Đây thực sự là một cuộc cướp bóc trắng trợn tiền mồ hôi xương máu của người lao động. Những thứ “siêu giấy phép con” là những tờ khám xét nghiệm âm tính Covid-19 có hiệu lực chỉ vài ngày tùy theo phương pháp thử có giá vài trăm ngàn tới vài triệu đồng, những liều vaccine dịch vụ trở thành công cụ kiếm tiền mới của bầy “kền kền Đỏ.” Phải công nhận là không có một chế độ chính trị nào có thể đốn mạt hơn CSVN. Chiều hôm trước khi thành phố bị phong tỏa, tôi thấy những khuôn mặt u ám thất thần của những đồng bào tôi trên phố phường Sài Gòn, một cụ bà bán vé số đứng ở ngã tư, mắt rưng rưng đỏ hoe, giọng run run khàn đặc, khẩn cầu “mua giúp ngoại, con ơi, sắp phong tỏa rồi, ngoại không còn gì để ăn.” Có bao nhiêu kiếp người như thế ở mảnh đất này? Nhiều lắm, thành phố này đã cưu mang họ bao năm tháng. Saigon chưa bao giờ phụ người tha hương. Nhưng giờ đây, Sài Gòn cũng đã kiệt quệ, đã chết dần và những lớp người tha phương ấy nhìn thấy kết cục thê thảm của họ ngày mai. Cảm giác nước mắt ầng ậc chực trào ra, niềm uất hận trào lên mặn chát vị máu. Những ngày tới, thực sự là rất thê thảm và cơn ác mộng mới chỉ bắt đầu. Tân Phong XEM THÊM: Vụ đưa 300 sinh viên y khoa Hải Dương vào “giải phóng” dịch Covid-19 tại Thành Hồ  
......

Nguyên nhân ì ạch của một bộ máy

Đỗ Ngà Cứ mỗi 5 năm ĐCS có một kỳ đại hội chia chác quyền lực, nó được gọi là đại hội đảng. Ngoài mục đích chia chác quyền lực thì trong đó họ còn lập ra kế hoạch điều hành đất nước trong 5 năm, họ gọi nó là “kế hoạch 5 năm”. Đây là cách làm vô cùng máy móc mà hiện nay ĐCS Việt Nam vẫn làm, cách làm này dựa trên những gì mà Lenin đã áp dụng trước đây hàng trăm năm. Cái kế hoạch 5 năm này được ghi vào nghị quyết đảng và sau đó chính phủ và các chính quyền địa phương cứ theo đó mà làm. Thực tế, công việc điều hành của chính phủ và điều hành chính quyền địa phương thường gặp nhiều vấn đề phát sinh mới mà trung ương đảng không thể tiên liệu được. Tuy nhiên, nếu bộ trưởng nào hay chủ tịch tỉnh nào dám làm khác để ứng phó tình huống thì người đó sẽ rất dễ bị rơi vào bẫy. Đó là bẫy gì? Bẫy “Nguyên tắc tập trung dân chủ”. Vậy cái gọi là “Nguyên tắc tập trung dân chủ” là gì? Theo CS giải thích thì đó “tự do trong thảo luận nhưng thống nhất trong hành động”. Để có cái gọi là “tập trung dân chủ” thì quá trình thực hiện phải trải qua 3 bước: Bước thứ nhất là đưa vấn đề ra trung ương đảng bàn bạc; Bước thứ nhì là chốt vấn đề và ghi thành nghị quyết đảng; Bước thứ ba là áp nghị quyết đảng vào chính phủ hoặc chính quyền địa phương triển khai. Nếu ai làm sai nghị quyết thì người đó “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ” Nguyên tắc tập trung dân chủ nghe có vẻ “dân chủ” nhưng thực chất nó rất phi dân chủ. Nó phi dân chủ ngay trong bước thứ nhất. Khi bàn bạc ở trung ương đảng thì ý kiến người thấp cổ bé họng sẽ bị phớt lờ, vì thế nội dung nghị quyết cuối cùng cũng là “ý của lãnh đạo” mà thôi. Chính vì vậy mà để hiểu đúng về “tập trung dân chủ” thì phải hiểu là “Lãnh đạo mượn quyết định tập thể để triển khai ý đồ riêng” mà thôi. Trên trang Merriam-Webster, người ta đã định nghĩa “tập trung dân chủ” như sau: “Tập trung dân chủ là một nguyên tắc của tổ chức đảng cộng sản, trong đó các thành viên tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách và bầu cử ở tất cả các cấp nhưng phải tuân theo các quyết định của cấp trên”, hết. “Kế hoạch 5 năm”, “Nghị quyết đảng” và “Nguyên tắc tập trung dân chủ” là một bộ ba đã biến mọi địa phương, mọi ban ngành của chính phủ đều bị chết kẹt trong bộ khung 3 chân trụ quái ác đó. Cho nên dù cho ngành nào, dù cho địa phương nào có muốn cải cách đến mấy thì họ vẫn không thoát khỏi cái khung trì trệ này. Rất nhiều lãnh đạo đầu ngành không dám quyết bất kỳ một vấn đề nào vì sợ lưỡi đao “Nguyên tắc tập trung dân chủ” bập vào cổ thì xem như sự nghiệp chính trị tiêu tan. Thực tế, cái gọi là “Nguyên tắc tập trung dân chủ” ấy đã biến rất nhiều đối tượng thành củi nằm trong lò của ông Nguyễn Phú Trọng. Hiện nay, các ban ngành và các địa phương đều không dám làm gì đột phá, hầu hết là họ né trách nhiệm. Cách chống dịch cực đoan của ĐCS đang gặp nhiều bất cập. Những yếu điểm ấy bắt đầu xuất hiện và nếu dịch bùng phát mạnh hơn rất có thể nó sẽ làm cho xã hội hoảng loạn, dân hoang mang một cách không đáng có, và đặc biệt nó làm cho nhà nước hao phí sức lực và tiền bạc vào những công việc vô ích. Tuy nhiên, những người chỉ đạo công tác chống dịch từ trung ương đến địa phương đều không dám thay đổi. Bởi đơn giản, họ sợ thay đổi mà thất bại thì họ sẽ bị cái gọi là “Nguyên tắc tập trung dân chủ” trảm đi sự nghiệp của họ. Thể chế chính trị lỗi thời thì nó không thể chứa được nhưng cơ chế hợp thời được. Cách vận hành bộ máy nhà nước CS luôn luôn như vậy, nó cứ luẩn quẩn quanh những sai lầm cũ mà không hề có bất kỳ sự đột phá táo bạo nào cả. Mọi con người, dù giỏi đến đâu mà bị đặt vào cái guồng máy này cũng phải quay theo nó. Nếu không theo, sẽ bị nó loại bỏ./. -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://www.merriam-webster.com/…/democratic%20centralism  
......

Câu chuyện chống dịch và sự khốn nạn tột cùng đằng sau nó

Đỗ Ngà Chuyện kể rằng, thằng Bờm muốn trồng lúa, tuy nhiên trong lúa lại có cỏ dại. Để nhổ cỏ, thay vì lựa cỏ nhổ đi chừa lúa lại thì Bờm lại chọn cách “thà nhổ lầm hơn bỏ sót”, Bờm nhổ sạch cả lúa lẫn cỏ với lý luận rằng: “sẽ không một cây cỏ nào còn sót lại”. Quả thật không còn cây cỏ nào sót lại thật, nhưng hậu quả là cả lúa cũng bị tàn phá. Đến mùa thu hoạch, hàng xóm thì lúa thóc đầy nhà còn Bờm thì phải đội nón đi ăn mày. Vâng! Cách chống dịch kiểu phát hiện con sâu đổ nguyên nồi canh của CS cho đến nay đã làm cho xã hội thấm đòn. Cách chống dịch kiểu như vậy tựa như chuyện ngụ ngôn “Thằng Bờm” như trên thôi. Có lẽ phải có được cái “đỉnh cao trí tuệ” của CS mới làm cách cực đoan như vậy. Cách làm vậy là phá. Trong bàn nhậu 5 người, sau đó 3 ngày một người đi test và cho kết quả dương tính Covid-19 và người này được đưa đi cách ly. Tuy nhiên, 4 người còn lại thì vẫn được ở tại nhà và tuân thủ những quy định giãn cách mà nhà nước quy định. Sau 21 ngày theo dõi không ai trong 4 người đó có triệu chứng gì. Đây là thực tế tôi đã chứng kiến. Đấy là cách xử lý của nước “không CS”. Tuy nhiên tại Việt Nam thì khác, họ sẽ “hốt trọn ổ” tống vào trại tập trung. Nếu ở Việt Nam thì rất có thể 4 người không nhiễm này lại trở thành nhiễm mất. Cách làm “hốt trọn ổ” của CS nó dẫn đến điều gì? Họ đã ngăn 4 người khỏe mạnh kia không được lao động để nuôi người dương tính. Họ đã biến những người khỏe mạnh có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn và biến luôn những người này thành kẻ ăn bám xã hội. Thực tế người nghi nhiễm rất nhiều, nhưng người nhiễm rất ít. Nhân lực và tiền bạc của nhà nước nên tập trung lo cho thành phần nhiễm thật đừng lãng phí tiền tài và sức lực vào việc cấm người không nhiễm không được hoạt động sản xuất. Cách làm của CS thực chất đã triệt hạ một đòn rất nặng vào kinh tế gia đình của từng nhà người dân. Đừng tin những có số tăng trưởng, hãy cảm nhận cái khó khăn của từng gia đình đang phải gánh thì mới thấu hiểu hết. Không có cái ngu nào không bị trả giá, cái ngu của ĐCS nó đã buộc toàn dân phải trả giá nặng nề. Người lành mạnh mà bị cấm hoạt động kinh tế thì lấy gì nuôi cả xã hội này? Nếu cấm cả người lành mạnh hoạt động kinh tế, nó sẽ gây ra tình trạng khan hiếm không đáng có và từ đó bọn gian thương, bọn gian quan nổi lên như nấm và chúng thừa cơ hội này để ăn cướp người dân bằng nhiều cách. Mà ăn cướp dân trong lúc ngặt là một sự tột cùng khốn nạn. Bạn tôi (anh ta yêu cầu giấu tên) vừa là chủ xe tải vừa là tài xế phân phối hàng. Anh ta cần một kết quả xét nghiệm như là giấy thông hành để được giao hàng. Các bạn có biết không? Anh ta đã phải bỏ ra 1,5 triệu đồng cho một kết quả xét nhiệm có giá trị trong 3 ngày, tuy nhiên anh ta phải mất nguyên 1 ngày để chờ. Nghĩa là mất 1,5 triệu để được đi lại trong 2 ngày thôi. Có bọn nào ăn cướp dã man như thế không? Ban hành quy định phải có giấy xét nghiệm như là giấy thông hành là âm mưu của bọn gian quan, bọn nâng khống giá xét nghiệm để hưởng lợi chính là bọn gian thương. Cả hai phối hợp nhịp nhàng để hút máu dân lúc mà dân không còn con đường lựa chọn nào khác. Vừa trục lợi trên đầu dân trong lúc ngặt, vừa xem dân như thứ “rác rưởi” muốn vứt đi cho thật xa để khỏi liên lụy thì chỉ có CS mới làm được. Hôm nay ngày 8/7 trên báo có cho biết, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế không tiếp nhận 26 công dân của tỉnh này trở về từ TP. HCM mà họ đẩy những người này ra tận Quảng Trị. Sao tiền trong túi dân thì tìm mọi cách móc lấy mà khi người dân cần dang rộng vòng tay đón nhận thì chính quyền lại hắt hủi họ? Không thể lý giải nổi. Trái tim ác quỷ mới làm thế. Đấy! Thế mới thấy cái “tột cùng của sự khốn nạn” nó như thế nào?! Chỉ có CS mới làm được chuyện đó, đơn giản vì bọn họ không hề có trái tim./. -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://laodong.vn/…/ach-tac-o-dak-nong-do-thieu-giay… https://plo.vn/…/26-nguoi-o-thua-thien-hue-khong-the…
......

100 năm quái vật thành tinh

Nguyen Ngoc Chu I.MƯỢN BÓNG NHÂN DÂN Theo tin được xác minh về sau, thì Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc (TQ) diễn ra từ 23 – 31/ 7/ 1921. Nhưng không biết từ đâu, lại lấy ngày 1/7/1921 làm ngày thành lập? Như vua chúa TQ thời xưa bịa ra thần thoại xuất hiện rồng rắn báo hiệu sự lên ngôi, ở mặt khác như thừa nhận của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Gorbachev lúc đương nhiệm – “Cả đời các bạn chỉ được nghe những điều giả dối” – thì có quyền hoài nghi cả 2 cột mốc về sự ra đời của ĐCSTQ. Nhưng cần gì thời điểm chính xác. Sau 100 năm, hay xấp xỉ 100 năm thì các loài vật đều “thành tinh”. Đứng xếp hàng rồng rắn cách nhau 1 m, thì ĐCSTQ với 95 triệu đảng viên sẽ là “con rắn khổng lồ dài 95.000 km”, 15 lần dài hơn Vạn lý trường thành (6.259 km). Đứng đầu “con rắn khổng lồ dài 95.000 km” là ông Tập Cận Bình. Ngày 1/7/2021 ông Tập đã có bài phát biểu tại Thiên An Môn về sự “thượng thọ” 100 năm của ĐCS TQ. Trong đó có 4 điểm cần để ý: 1.Xây dựng Quân đội Trung Quốc hùng mạnh. Minh chứng là cuộc trình diễn khai mạc với các phi cơ bay theo hình con số 100. Ông Tập khẳng định quyết tâm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quốc phòng và các lực lượng vũ trang. Ngân sách quốc phòng TQ năm 2020 đạt 252 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ (772 tỷ USD) vượt xa ngân sách quốc phòng Nga (61,2 tỷ USD), và sẽ tăng đến 6,8% trong năm 2021. Trung Quốc đang xây hàng trăm hầm ngầm chứa tên lửa đạn đạo ở Tân Cương. Số lượng đầu đạn hạt nhân của TQ (350) đã vượt qua Pháp (290) lên vị trí thứ 3 thế giới. TQ đặt mục tiêu rút ngắn khoảng cách với Nga (6.500) và Mỹ (6.185). Riêng về số lượng tàu chiến (777) và tàu ngầm (79) thì Trung Quốc đã vượt qua Mỹ (490, 69) và Nga (605,64). Quân đội TQ về thực lực đang xếp vị trí thứ 3 thế giới. Về số lượng quân số và binh khí thông thường – đang chiếm ngôi số 1 thế giới. Một trong các mục tiêu lớn của Trung Quốc trong thời gian tới là hiện đại hoá lực lượng hải quân. Trung Quốc đang gấp rút đóng các tàu sân bay cỡ lớn ngang Mỹ với lượng dãn nước từ 90.000-100.000 tấn cùng các tàu ngầm hạt nhân. Mục tiêu không chối cãi là thống trị biển, trước hết là biển Đông. 2. Duy trì chính sách 1 quốc gia 2 chế độ. Đây là sách lược trấn an dân chúng sau những bạo lực đẫm máu căng thẳng ở Hongkong trong các năm gần đây. 3. Thống nhất Đài loan. Về điểm này, cần khẳng định là chưa thể xẩy ra, mà chỉ là môn võ mồm của ông Tập. Cũng giống như các lãnh đạo TQ tiền nhiệm. 4. Không cho phép thế lực nước ngoài bắt nạt. Là cách nói ngoại giao của ông Tập. Phải hiểu câu nói của ông Tập là chỉ có TQ đi bắt nạt nước khác, chứ không có nước nào có thể bắt nạt được TQ. Để né tránh sự cô lập của thế giới đối với ĐCS TQ, ông Tập đã mượn bóng nhân dân TQ che cho chính quyền của ông Tập, rằng “Người dân TQ sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục” (http://congan.com.vn/…/dien-van-cua-ong-tap-can-binh-ky…). Các chính khách Hoa Kỳ và châu Âu gần đây gọi đích danh ĐCSTQ thay vì TQ – để tách biệt với nhân dân TQ. Nên ông Tập khéo léo mượn bóng người dân. II. MỘT SỐ ĐĂC TRƯNG CỦA LÃNH ĐẠO ĐCS TRUNG QUỐC SAU 100 NĂM Không thể khắc hoạ được lãnh đạo ĐCSTQ qua vài trang. Nhưng nhân “100 năm thượng thọ” của ĐCSTQ, xin tạm nêu 3 đặc trưng nổi trội dưới đây từ chính lịch sử của ĐCSTQ: 1.Tranh giành quyền lực tàn khốc và đàn áp đẫm máu mọi phản kháng. Các Đại hội I (1921), II (1922), III (1923), IV (1925), V (1927) của ĐCS TQ đều đậm đặc những tranh đấu với sự ra đi của TBT Trần Độc Tú vào tháng 7/1927. Sau đó là sự đổi ngôi từ Đại hội VI (1928) của Lý Lập Tam, Cù Thu Bạch, Vương Minh, Trương Văn Thiên để cuối cùng Mao Trạch Đông soán ngôi độc tôn bắt đầu từ hội nghị Tuân Nghĩa tháng 1/1935. Tháng 3/1943 tại Diên An, Mao trở thành chủ tịch ĐCS TQ cho đến cuối đời ngày 9/9/1976, trải qua các Đại hội VII (1945), VIII (1956), IX 1969), X (1974). Thời kỳ của Mao là thời kỳ tàn sát đẫm máu các đối thủ chính trị với đỉnh cao là hàng triệu sinh mạng trong Cách mạng Văn hoá cùng với cái chết của Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu và nhiều đối thủ chính trị và quân sự cao cấp. Sau cái chết của Mao là cuộc tranh giành quyền lực giữ Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình, với phần thắng thuộc về Đặng. Giai đoạn Đại hội XI (1977), XII (1982), XII (1987) là thời kỳ cai trị của Đặng. Trong giai đoạn này, lịch sử không bao giờ quên tội ác của Đặng vào ngày 04/6/1989 khi lệnh cho 20 vạn quân với hàng trăm xe tăng tiến vào quảng trường Thiên An Môn – đang có hàng chục vạn thanh niên sinh viên ngồi biểu tình, rồi thảm sát cả hàng chục ngàn sinh mạng. Giống như vụ chính quyền Stalin thảm sát 22.000 người Ba Lan tại Katyn năm 1940, lại đổ tội cho Đức Quốc xã, nhưng cuối cùng đã phải thừa nhận sự thật (1990 Gorbachev, 2010 Putin), thì sự kiện Thiên An Môn chắc chắn sẽ bị phanh phui dù phải chờ thêm nhiều năm nữa, trong khi vẫn phải tiếp tục “cả đời nghe nói dối” từ chính quyền Bắc Kinh. Tiếp đến là thanh trừng các TBT Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương để cuối cùng Giang Trạch Dân lên cầm quyền với sự tàn sát đẫm máu nhiều vạn nhân mạng người Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công. Qua thời Hồ Cẩm Đào cho đến Tập Cận Bình, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng tiếp tục bị truy sát và giam cầm. Các chiến dịch thanh trừng nội bộ để củng cố quyền lực độc tôn thời Tập Cận Bình lên đến cao độ dưới vỏ bọc chống tham nhũng. Lịch sử 100 năm ĐCSTQ là lịch sử của chuỗi dài các cuộc thanh trừng và đàn áp đẫm máu mà toàn bộ sự thật chỉ có thể được bạch hoá sau sự cáo chung của ĐCSTQ. 2.Mưu toan vĩnh cửu hoá tư tưởng cá nhân Lên cầm quyền, Mao Trạch Đông đưa “Tư tưởng Mao Trạch Đông” vào Điều lệ ĐCS TQ. Đến thời Đặng thì Đặng đưa “Lý thuyết Đặng Tiểu Bình” vào Điều lệ ĐCS TQ. Đến thời Giang Trạch Dân (1992-2002) thì Giang đưa “Ba đại diện” của Giang vào Điều lệ ĐCS TQ. Đến khi Hồ Cẩm Đào lên cầm quyền (2002-2012) thì Hồ đưa “Quan điểm phát triển khoa học” của Hồ vào hệ thống lý luận của ĐCSTQ. Và đến thời Tập Cận Bình thì Tập đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” vào Điều lệ ĐCSTQ. Tóm lại, các lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ xem Điều lệ ĐCSTQ như là cái thùng rác cá nhân của họ, để họ bỏ vào đó những điều tuỳ ý. Và họ toan “vĩnh cửu hoá” tư tưởng của họ qua Điều lệ ĐCSTQ. Dẫu tất cả họ đã biết trước, rằng đến một ngày hậu thế sẽ vứt tất cả vào thùng rác. 3.Sùng bái cá nhân và kéo dài quyền lực Thể chế CHND Trung hoa là một biến thể của nhà nước phong kiến. Sùng bái cá nhân là thuộc tính. Kéo dài quyền lực là thuộc tính. Lịch sử thể chế CHND Trung hoa từ Mao Trạch Đông cho đến Tập Cận Bình chứng minh các khẳng định đó. Tập Cận Bình đang tìm cách phá bỏ quy định 2 nhiệm kỳ để ngồi trên ghế quyền lực cho đến lúc chết. Sùng bái cá nhân và kéo dài quyền lực là thuộc tính của dòng họ các thể chế độc tài. Nhà nước phong kiến thuộc vào dòng họ các thể chế độc tài. III. QUÁI VẬT ĐỘI LỐT MINH CHỦ Thảm hoạ Covid – 19 xuất phát từ Vũ Hán đang mang đến cho loài người những mất mát vô cùng to lớn. Cả thế giới bị cách ly trong suốt gần 2 năm qua kể thừ tháng 1/2020 và chưa biết đến khi nào được trở lại cuộc sống bình thường. Cho đến thời điểm hiện tại, trên toàn thế giới có hơn 185 triệu người mắc bệnh và hơn 4 triệu người chết vì Covid -19. Tổn thất kinh tế trên toàn thế giới ước tính lên đến hàng chục ngàn tỷ USD mà chưa có hồi kết. Đây là thảm hoạ dịch bệnh mang lại tổn thất lớn nhất về tài chính trong lịch sử nhân loại. Các nhà khoa học thế giới đang đòi hỏi tìm rõ nguồn gốc xuất phát của Covid – 19 từ thiên nhiên hay từ phòng thí nghiệm để có biện pháp đối phó thích hợp. Đã có một số dữ liệu dẫn đến dấu hỏi nghi ngờ về khả năng dò rỉ Covid – 19 từ phòng thí nghiệm. Sự thật cuối cùng sẽ được làm sáng tỏ dù phải đợi chờ nhiều năm. Điều trớ trêu, trong bối cảnh thảm hoạ Covid -19 chặn hết mọi đường đi của loài người, từ ngõ nhà ra ngõ xóm, cho đến mọi nẻo đường làng, xã, huyện, thị, tỉnh, thành, quốc gia, châu lục, thì hôm 06/6/2021, ông Tập Cận Bình bằng tiền bạc và ảnh hưởng mời chào cho được khoảng 500 đảng phái từ khắp các châu lục tham dự qua internet: “Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới”. Ông Tập Cận Bình làm như thảm hoạ Covid -19 xuất hiện từ Nam Cực hay một nơi nào đó, chứ không phải từ Vũ Hán. TQ bằng sức mạnh tiền bạc và thực lực quân sự đã mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc được nhiều thế lực. Ông Tập tin tưởng rằng ông sẽ buộc mọi người phải im lặng mà đi theo Trung Quốc. Cũng như cả 1,4 tỷ người dân Trung Quốc từng phải im lặng trước tù tội của một triệu người Duy Ngô Nhĩ, cũng như 800 triệu người dân Trung Quốc im lặng trong sự kiện Thiên An Môn ngày 04/6/1989, hay như 600 trăm triệu người dân TQ thời Mao Trạch Đông luôn miệng hô Mao Chủ tịch muôn năm – dù người thân và gia đình bị tang thương trong Cách mạng Văn hoá, bị cơ cực đói rách trong “Đại nhảy vọt”. ĐCS TQ đã tranh giành vị trí dẫn đầu Phong trào cộng sản thế giới với ĐCS Liên xô ngay từ sau khi Stalin chết. Sau khi ĐCS Liên xô tan rã năm 1991, lãnh đạo ĐCS TQ vẫn không ngừng mơ về vị trí dẫn đầu duy nhất. Và ở thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, khi TQ vươn lên thành quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, thì ĐCS TQ càng thêm duy ý chí vào vị trí dẫn đầu Phong trào cộng sản quốc tế. Trừ vài quốc gia đếm không hết ngón tay trên một bàn tay, gần 500 đảng phái có đại diện họp trực tuyến hôm 06/6/2021 với lãnh đạo ĐCSTQ – hầu hết là những đảng phái thất thế ở quốc gia của họ. ĐCSTQ làm bạn với bất cứ nhóm, phái, băng đảng nào, dù chỉ vài chục người, để khoác cho họ vị trí một đảng chính trị – tập hợp dưới ngọn cờ của ĐCSTQ, miễn là có lợi cho ĐCSTQ. Sau 100 năm, ĐCSTQ đã diễn biến xa lạ với mục đích ban đầu. Không còn “giai cấp vô sản đoàn kết lại”, không còn chung lý tưởng, không còn tình đồng chí… Như việc làm của Mao Trạch Đông: đánh nhau với Liên Xô, chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Như lời nói của Đặng Tiểu Bình: “mèo trắng hay đen, miễn là bắt được chuột”. Lãnh đạo ĐCSTQ có một mục đích duy nhất là cai trị TQ và thống trị thế giới. Mọi hành động của lãnh đạo ĐCSTQ trong bang giao quốc tế chỉ vì mục đích thống trị thế giới trong “một vành đai, một con đường”. Không có ai có thể đồng chí hướng với lãnh đạo ĐCSTQ. Thật ngây thơ khi có ý định đi cùng đường với lãnh đạo ĐCSTQ. Vì sẽ bị con quái vật đội lốt “minh chủ” nuốt gọn. Về con quái vật ĐCSTQ, không có cuốn sách nào viết tốt hơn cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” – một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố ngày 4 tháng 10 năm 1979. Chẳng có động vật hay tổ chức nào sống muôn năm. ĐCSTQ dù có “thượng thọ 100 năm” cũng sẽ đến ngày hết số. Bất kể diễn văn gào thét muôn năm./.
......

Đừng để dân chờ gói cứu trợ 26 ngàn tỷ trên TV nữa

Phạm Nhật Bình – Việttân| Trong khi tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu trên cả nước, ngày 1 tháng Bảy vừa qua, chính phủ của ông Phạm Minh Chính đã quyết định chi gói cứu trợ đợt hai trị giá 26 ngàn tỷ đồng cho thành phần lao động nghèo được quy định chi tiết trong 12 nhóm chính sách. Trước hết, phải nói đây là một tin mừng cho bà con lao động nghèo, những người đang bị dịch bệnh tác động đến đời sống nặng nề nhất và trực tiếp nhất trong xã hội. Mừng vì nghe tin vui, ít ra cũng được chính quyền tỏ ra quan tâm, chứ không bị bỏ rơi trong đợt dịch thứ tư đang nhấn chìm cả nước. Nhưng tin vui và nỗi mừng chỉ thoáng qua và tan như bọt nước khi nhớ lại vụ chi gói cứu trợ 62 ngàn tỷ từ tháng Năm, 2020. Được biết cho tới hiện nay, 62 ngàn tỷ đồng ấy chỉ mới giải ngân khoảng một nửa, tức còn dư lại gần 32 ngàn tỷ đồng chưa phát ra. Vì lý do đó nên trong tháng Tư, 2021, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã lên tiếng đề nghị chính phủ dùng số tiền này trợ giúp một lần cho người lao động nghèo. Vì vậy mà trong thực tế, gói cứu trợ đợt II chỉ là tiếp tục chi ra từ số tiền của đợt trước còn tồn đọng do thủ tục quá rườm rà. Lần này, sự hỗ trợ bao gồm trong 12 nhóm chính sách, với tổng số tiền 26 ngàn tỷ, thủ tục được nói là giảm 2/3 so với lần trước mà bà con lao động nghèo ngồi chờ dài cổ trên TV. Nói cách khác, đợt cứu trợ 26 ngàn tỷ lần này thực chất chỉ là số tiền chưa tháo khoán hết của đợt I mà thôi. Vậy ông Chính có chi thêm gì mới đâu mà chỉ nói mập mờ để lấy tiếng thơm cho chính phủ, biết lo cho dân nghèo. Nhưng thôi cũng tạm vui đi, vì số tiền 26 ngàn tỷ ấy đã không bị chính phủ coi là “tiền nhàn rỗi” mang bỏ vào ngân hàng để kiếm lời như gần 8.000 tỷ đồng vận động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp mua vaccine để được chích ngừa miễn phí. Với đảng CSVN và chính phủ, người dân Việt Nam lâu nay vẫn quen tạm vui với những trò tráo trở như thế. Theo dõi 12 “đối tượng chính sách” được hưởng tiền trợ cấp lần này, phải nói là khá đầy đủ chi tiết và bao trùm mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trường hợp, nhưng người ta thấy hình như nó ẩn chứa nhiều rắc rối. Thứ nhất, càng phân chia nhiều đối tượng, sự duyệt xét tưởng là công bằng nhưng lại vô cùng phức tạp, đòi hỏi nhiều thứ giấy tờ phải nộp. Điều này không làm cho nghị quyết 68 của ông Phạm Minh Chính được thực hiện tốt đẹp trong mục tiêu đề ra “hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch…,” mà chỉ tạo điều kiện cho cán bộ hoạnh họe, đòi hỏi người đi xin trợ giúp. Chính sự quy định quá nhiều đối tượng càng làm nảy sinh nhiều thủ tục phê duyệt, cuối cùng người được hưởng trợ cấp chỉ nghe trên TV nói. Thực tế đây cũng là vấn đề nằm trong “cơ chế xin-cho” của chế độ mà không thành phần thụ hưởng nào thoát khỏi. Thứ hai, vấn đề hỗ trợ cho dân nghèo hiện nay ở Việt Nam không chỉ có người lao động thất nghiệp, công nhân bị giảm việc làm, mà trên thực tế còn có các gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, những người lái xe ôm, bán vé số, những người bán hàng rong hay những người già neo đơn đang sống thiếu thốn, điêu đứng nhất là ở Thành Hồ. Chính phủ cần phải lên ngay một chương trình cứu trợ đặc biệt cho những thành phần này và phải có chỗ công khai phát tiền hay thực phẩm cần thiết cho họ sống. Thứ ba, thiết tưởng chính phủ nếu thực tâm vì dân, nên có một chính sách xã hội hóa vấn đề giúp đỡ những thành phần đang bị nghèo đói, kiệt quệ thực sự do dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Tức là ngoài hành động cụ thể của chính quyền, phải để các tổ chức, đoàn thể xã hội dân sự tham gia trong hoạt động giúp đỡ người nghèo bằng công tác từ thiện trong khả năng của họ. Với tình hình hiện nay, dịch bệnh còn có thể kéo dài đến hết năm 2021 do Việt Nam chưa có đủ vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng tương đối, thì sự tham gia chống dịch của các đoàn thể bên ngoài càng trở nên cần thiết. Mọi sự thù nghịch với xã hội dân sự cần phải dẹp bỏ để các tổ chức này có thể làm cầu nối giữa chính quyền và dân chúng, trong tình trạng người dân bị cách ly với môi trường sống chưa biết đến khi nào. Thủ tướng Phạm Minh Chính hãy hành động mau lẹ và cụ thể, đừng để người dân chờ gói cứu trợ 26 ngàn tỷ trên TV như lần trước nữa!
......

Thế giới nên coi chừng đảng Cộng Sản Trung Quốc

Hiếu Chân - Người Việt| Bài diễn văn mà Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh sáng 1 Tháng Bảy vừa qua hé lộ rất nhiều điều về đường lối của chính phủ Trung Quốc trong những thập niên sắp tới và báo hiệu nhiều thách thức lớn cho cộng đồng thế giới. Bài diễn văn dài 65 phút mà ông Tập đọc trước 70.000 người và được truyền hình trực tiếp ra toàn thế giới thật ra không có điểm nào nổi bật, không có điều gì mới mẻ so với thủ thuật tuyên truyền truyền thống của các đảng Cộng Sản. Tựu trung, ông ca ngợi thành tích của đảng CSTQ đã đưa đất nước ra khỏi tình trạng nửa thuộc địa, nửa phong kiến nghèo đói tối tăm và “nhục nhã” hồi đầu thế kỷ 20, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay. Từ đó ông khẳng định “nếu không có đảng CSTQ sẽ không có nước Trung Quốc mới và không có cuộc trẻ hóa của quốc gia” và “sự cai trị của đảng CSTQ là điều cần thiết để bảo đảm Trung Quốc tiếp tục trở thành một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và vĩ đại về mọi phương diện.” Ông kêu gọi 1,4 tỷ dân Trung Quốc trung thành tuyệt đối với đảng CSTQ, một lòng một dạ đi theo đảng để thực hiện “cuộc trẻ hóa vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”… “Sự thành lập đảng Cộng Sản ở Trung Quốc là một biến cố tạo dựng thời đại, làm thay đổi sâu sắc tiến trình lịch sử Trung Quốc hiện đại, chuyển hóa tương lai của đất nước và dân tộc Trung Quốc, thay đổi cảnh quan sự phát triển của thế giới,” ông Tập nói. Vào các dịp kỷ niệm, lãnh tụ nào của đảng Cộng Sản cũng phát biểu những lời khoa trương như vậy, không có gì khác. Nhưng đáng chú ý là những điều ông Tập không nói tới. Trong khi hết lời ca ngợi những thành tích vinh quang của đảng CSTQ, ông không hề nhắc tới những tội ác khủng khiếp mà đảng này đã gây ra cho dân tộc Trung Hoa, từ chương trình Đại Nhảy Vọt (Great Leap Forward) do Mao Trạch Đông phát động năm 1958 với mưu toan bắt kịp sự phát triển của Anh mà hậu quả chỉ là làm cho 40 triệu người Trung Quốc bị chết đói, đất nước tan nát, điêu tàn; cuộc Cách Mạng Văn Hóa năm 1966 kéo dài tới khi Mao chết 10 năm sau đó đã phá tan nền văn hóa và đạo đức của đất nước Trung Quốc; rồi cuộc thảm sát hàng ngàn sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn ngày 4 Tháng Sáu, 1989, dưới thời Đặng Tiểu Bình… Trái với sự thật lịch sử, ông Tập trâng tráo khẳng định: “Người Trung Quốc chưa bao giờ bắt nạt, áp bức hay nô dịch các dân tộc khác, không phải trong quá khứ, không phải bây giờ và cả trong tương lai.” Nghe những lời xảo ngôn như vậy, người ngoại quốc không khỏi giật mình cám cảnh cho số phận các dân tộc bị Trung Quốc cưỡng chiếm và đày đọa ở Tân Cương (nước Cộng Hòa Đông Turkistan cũ), Tây Tạng, và mới nhất là bảy triệu dân Hong Kong bị tước đoạt tự do và quyền tự trị. Hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược mà Cộng Sản Trung Quốc tiến hành và chuốc lấy thảm bại với Nga, Ấn Độ, Việt Nam cũng không hề được nhắc tới trong bài phát biểu của ông Tập. Một mặt ca tụng người Trung Quốc như một dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý và sự hòa hợp, mặt khác ông Tập không ngừng khích lệ chủ nghĩa dân tộc trong 1,4 tỷ người Trung Hoa và vẽ ra trước mặt họ mới đe dọa của các “thế lực thù địch” để kêu gọi người dân trung thành với đảng CSTQ. “Người Trung Quốc chúng ta nêu cao công lý và không bị chùn bước trước các mối đe dọa bạo lực… Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực ngoại quốc nào bắt nạt, đàn áp hoặc nô dịch hóa chúng ta. Bất kỳ kẻ nào nuôi dưỡng ảo tưởng làm điều đó sẽ sứt đầu mẻ trán và đổ máu trên cái Trường Thành bằng thép được xây dựng từ máu thịt của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc,” ông Tập nói. *** Để thực hiện khát vọng “trẻ hóa” đất nước Trung Quốc, ông Tập khẳng định Trung Quốc phải đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin và thực hiện “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc.” Trong bài diễn văn, ông Tập nhắc tới Marx-Lenin 14 lần trong khi chỉ bốn lần đề cập tới Mao Trạch Đông và ba lần nhắc tới Đặng Tiểu Bình. “Chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc” là cụm từ yêu thích của Tập, xuất hiện trong hầu hết các bài diễn văn của ông ta. Nó mô tả một hệ thống cai trị độc tài toàn trị đặt căn bản trên học thuyết Cộng Sản của Marx, phương thức kiểm soát toàn diện xã hội bằng guồng máy công an trị của Lenin, kết hợp với nền kinh tế theo thị trường tự do dưới sự điều tiết của đảng, gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống này không theo nguyên tắc công hữu hóa tư liệu sản xuất của chủ nghĩa Cộng Sản và cổ xúy đấu tranh xóa bỏ giai cấp nhưng duy trì sự độc quyền chính trị của đảng Cộng Sản, tước bỏ quyền tham gia chính trị và các quyền tự do căn bản của người dân, biến họ thành những “con vật kinh tế” chỉ biết lao động, làm giàu và thỏa mãn những nhu cầu vật chất của bản thân và gia đình. Một hệ thống cai trị như vậy biến người dân thành những cá thể rời rạc, đèn nhà ai nhà nấy rạng, không quan tâm và sẵn sàng lợi dụng cộng đồng xã hội để thủ lợi cho riêng mình. “Chúng ta phải tiếp tục vận dụng chủ nghĩa Marx vào bối cảnh Trung Quốc. Chủ nghĩa Marx là hệ tư tưởng nền tảng và dẫn dắt, trên đó đảng và đất nước ta được thành lập; đó chính là linh hồn của đảng ta, là ngọn cờ mà đảng phấn đấu…,” ông Tập nói. Khác với những người tiền nhiệm của ông ta như các ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào – những người đã từng thực hiện những bước cải cách chính trị hạn chế, giảm bớt vai trò kiểm soát của đảng CSTQ và để cho các lực lượng thị trường được vận động tự do hơn – ông Tập Cận Bình đưa Trung Quốc trở lại với chế độ chuyên chế thời Mao, khôi phục vị thế “thống soái” của đảng CSTQ trong mọi khía cạnh đời sống Trung Quốc. Không chỉ các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp nhà nước mà cả các công ty tư nhân cũng phải có các chi bộ đảng CSTQ và các chi bộ này tham gia trực tiếp vào việc điều hành hoạt động kinh doanh, bổ nhiệm nhân sự và các công việc khác. Bài diễn văn của ông Tập liên tục đề cao thành tích của đảng CSTQ và nhấn mạnh vai trò của đảng là yếu tố không thể tách rời khỏi con đường vận động của xã hội Trung Quốc. Khác với Mao, Tập xây dựng chế độ đảng trị của mình trên một nền công nghệ tiên tiến – cái mà Karl Marx và Lenin không biết tới nhưng nhà văn George Orwell đã hình dung ra từ giữa thế kỷ trước trong tác phẩm “1984”… Những tiến bộ về công nghệ thông tin, video theo dõi trực tuyến, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện khuôn mặt và công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) giúp cho ông Tập và đảng CSTQ giám sát nhất cử nhất động của 1,4 tỷ dân Trung Quốc, đi sâu vào suy nghĩ và tình cảm của từng người và mạng lưới quan hệ xã hội của họ để nhanh chóng phát hiện những ý tưởng phản kháng của dân chúng. Xã hội dân sự, thành phần bất đồng chính kiến của Trung Quốc gần như đã bị quét sạch trong tám năm cầm quyền vừa qua của ông Tập Cận Bình. Nói một cách ngắn gọn, chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc mà ông Tập cổ xúy là sự phối hợp giữa chủ nghĩa Mao + công nghệ thông tin + chủ nghĩa tư bản thị trường hoang dã; trong đó con người bị tha hóa thành một đơn vị sức lao động, không tôn giáo, không gia đình, lạc loài và vô vọng. Một đặc điểm của chế độ toàn trị mà ông Tập giành một phần quan trọng của bài diễn văn để nhấn mạnh là “quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với các lực lượng vũ trang nhân dân.” “Chúng ta sẽ thực hiện các biện pháp toàn diện để nâng cao lòng trung thành của các lực lượng vũ trang…” Nếu như ông Mao Trạch Đông nổi tiếng với câu nói “Chính quyền sinh ra từ nòng súng” thì hôm nay ông Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định “Đảng đã nhận ra sự thật không thể tranh cãi là đảng phải chỉ huy súng và xây dựng quân đội nhân dân của riêng mình.” Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với học thuyết chiến tranh hiện đại, theo đó quân đội độc lập với chính trị, chỉ lo bảo vệ đất nước mà không chịu sự chi phối của các đảng phái. Những yêu cầu mà ông Tập đặt ra cho quân đội Trung Quốc không thể không làm cho nhiều người phải giật mình: “Chúng ta phải tiến hành cuộc đấu tranh vĩ đại với nhiều đặc tính hiện đại. Có can đảm chiến đấu và sự ngoan cường đi tới chiến thắng là những gì đã làm cho đảng ta trở nên bất bại,” ông Tập nói. Có một sự trùng hợp nào đó mà ngay trong ngày kỷ niệm 100 năm đảng CSTQ, các vệ tinh quân sự đã phát hiện Trung Quốc đang xây dựng sâu trong sa mạc phía Tây nước này hơn 100 si-lô (silo) chứa hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn nguyên tử, có thể bắn tới lục địa Hoa Kỳ. Bài diễn văn nặng tính dân tộc chủ nghĩa và có phần hiếu chiến của ông Tập làm cho mọi người không thể không hoài nghi những lời đường mật của ông ta chỉ cách đây vài tuần, trong đó ông Tập bày tỏ mong muốn một Trung Quốc “đáng yêu, đáng tin và đáng kính” như một cách giải tỏa ác cảm của thế giới đối với chính sách “Ngoại Giao Chiến Binh Sói” mà Bắc Kinh đang thực hiện. *** Trung Quốc sẽ đi về đâu giữa thế giới này? Bài diễn văn của ông Tập Cận Bình hé lộ một “giấc mộng Trung Hoa,” trong đó Trung Quốc – với nền kinh tế phát triển mạnh, với đội quân hùng hậu nhất – sẽ thay thế Hoa Kỳ làm bá chủ thế giới – hệ thống toàn trị độc đảng sẽ thay thế cho chế độ dân chủ tự do hiện được coi là hình thái kinh tế xã hội tốt nhất mà nhân loại đạt được, dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Một số học giả Trung Quốc, tất nhiên, đang ra sức quảng bá cho tư tưởng Tập Cận Bình. Trên tạp chí uy tín Foreign Affairs số đặc biệt về Trung Quốc (Tháng Bảy và Tám, 2021) Giáo Sư Nghiêm Học Đồng (Yan Xuetong), viện trưởng Viện Quan Hệ Quốc Tế của Đại Học Thanh Hoa – đại học hàng đầu Trung Quốc, cho rằng hệ thống dân chủ tự do của phương Tây không có tính phổ quát, không phù hợp với Trung Quốc, là nơi chính quyền coi trọng sự an toàn xã hội và thịnh vượng kinh tế hơn là các quyền tự do phù phiếm. “Washington sẽ phải chấp nhận sự khác biệt về quan niệm hơn là cố gắng áp đặt quan điểm của mình lên người khác,” ông Nghiêm viết. XEM THÊM: Trung Quốc có thể tiếp tục đà trỗi dậy hay không? Có thật vậy không? Hãy xem trường hợp Đài Loan – vùng đất mà ông Tập đã và đang nỗ lực thu phục về Hoa Lục. Bài diễn văn của ông Tập dành hẳn một đoạn dài để nói về Đài Loan. “Giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện sự thống nhất hoàn toàn Trung Quốc là sứ mệnh lịch sử, là cam kết không lay chuyển của đảng CSTQ,” ông Tập nói. Nhưng ông ta quên rằng, đảng CSTQ chưa bao giờ chiếm được Đài Loan, chưa bao giờ đặt được sự cai trị của họ ở đó và hòn đảo vẫn là một lãnh thổ độc lập, tự trị, theo một thể chế chính trị hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc lục địa. “Chúng ta phải hành động cương quyết để đánh bại hoàn toàn mọi cố gắng ‘Đài Loan độc lập’… Không ai được coi thường quyết tâm, ý chí và năng lực của nhân dân Trung Quốc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ,” ông đe dọa. Đáp lại những tuyên bố đó, Hội Đồng Các Vấn Đề Lục Địa của Đài Loan khẳng định dân chủ tự do, nhân quyền và pháp quyền là các giá trị cốt lõi mà người dân Đài Loan bảo vệ, khác xa chế độ chuyên chế ở bờ bên kia của eo biển. “Bản chất của quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan phải đặt trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Hai mươi ba triệu người Đài Loan đã bác bỏ chính sách ‘Một Trung Quốc’ do đảng CSTQ đơn phương đề ra. Chính phủ Đài Loan sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, nền dân chủ và tự do của Đài Loan,” hội đồng tuyên bố trong thông cáo báo chí gửi tới truyền thông ngay sau bài diễn văn của ông Tập. Đi xa hơn, Đài Loan tố cáo Trung Quốc đang nhân danh “trẻ hóa dân tộc” để thực hiện chế độ chuyên chế, can thiệp vào trật tự quốc tế và bộc lộ tham vọng trở thành thế lực thống trị khu vực và toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng hệ thống tự do dân chủ thế giới.” Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden nhận định thế giới đang trong cuộc đấu tranh, không chỉ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà “giữa những lợi ích của các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế trong thế kỷ 21.” Trong cuộc đấu tranh đó, cả Washington và Bắc Kinh đều đang nỗ lực quy tụ các nước đồng minh và đối tác để ngăn chặn ảnh hưởng của nhau; đứng về phía Trung Quốc có Nga, Bắc Hàn, Iran và một số chế độ độc tài khác, đối đầu với phe dân chủ tự do do Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu dẫn dắt. XEM THÊM: Từ ‘Con Đường Tơ Lụa Mới’ của Trung Cộng… tới đề án Tái Thiết Một Thế Giới Tốt Hơn của Nhóm G7 *** Chưa rõ mô hình “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” của ông Tập Cận Bình có được thế giới chấp nhận như giấc mơ của ông ta hay không nhưng các cuộc thăm dò ý kiến dân chúng toàn cầu cho thấy, dưới quyền của ông Tập, Trung Quốc ngày càng trôi dạt ra xa cộng đồng nhân loại. Khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew Research thực hiện tại 17 quốc gia Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ từ ngày 1 Tháng Hai đến 26 Tháng Năm và được công bố ngày 30 Tháng Sáu, so sánh thái độ và tình cảm của người dân đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc cho thấy có 61% người được hỏi có thiện cảm với Hoa Kỳ trong khi số ủng hộ Trung Quốc chỉ là 27%; nước ủng hộ Trung Quốc nhiều nhất là Singapore (đa số là người gốc Hoa) với 64% và nước ghét Trung Quốc nhất là Nhật, chỉ có 10% có thiện cảm. Tương tự như vậy, trong những vấn đề quốc tế, lòng tin của thế giới vào ông Tập Cận Bình cũng ở mức thấp như từ trước đến nay, trong khi niềm tin vào ông Joe Biden đang tăng lên rất nhanh sau khi ông nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Người dân Thụy Điển chẳng hạn, có 85% tin vào ông Biden trong khi chỉ có 12% tin vào ông Tập và ngay tại Mỹ, có 60% tin tưởng ông Biden và chỉ có 15% tin lời ông Tập. Nếu phải lựa chọn một cường quốc làm đối tác kinh tế thì trong tất cả các nước được khảo sát thì hơn một nửa cho rằng, có quan hệ kinh tế mạnh với Hoa Kỳ thì tốt hơn với Trung Quốc; cụ thể 64% muốn làm đối tác với Hoa Kỳ và chỉ 21% muốn làm ăn với Trung Quốc. Không ai ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, thành một đất nước giàu mạnh và một “cổ đông có trách nhiệm” của cộng đồng thế giới. Nhưng con đường trỗi dậy của Trung Quốc dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản là con đường hủy diệt tự do và nhân phẩm mà ngay đến người gốc Hoa ở Đài Loan, những người yêu chuộng tự do ở Hoa Lục cũng không chấp nhận được. Đảng CSTQ là “những cương thi (zombie) chính trị,” là nhận định của bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư trường Đảng Trung Ương Trung Quốc, hiện lưu vong tại Hoa Kỳ. Đem một thứ chủ nghĩa tôn sùng bạo lực, phi tự do đã bị phần lớn nhân loại vứt bỏ ra làm “nền tảng,” làm “linh hồn” để chinh phục thế giới, ông Tập Cận Bình và đảng CSTQ đã đặt thế giới trước những thử thách không hề nhỏ. Và nhân loại cần phải cảnh giác. Hiếu Chân Nguồn: Người Việt
......

Một Thế Giới Tốt Hơn của Nhóm G7

Trùng Dương| Kết thúc ba ngày hội thảo từ 11 đến 13 tháng 6 vừa qua tại Cornwall thuộc miền nam Anh Quốc, Nhóm G7 – một tổ chức gồm bảy nước dân chủ có nền kinh tế phát triển lớn nhất là Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Anh và Gia Nã Đại – cùng đồng ý tham gia vào một đề xướng đầy tham vọng, đó là hỗ trợ dự án giúp các quốc gia nghèo có nhu cầu phát triển xây dựng hạ tầng cơ sở trên toàn thế giới. Tên tiếng Anh của dự án đồ sộ trị giá hàng chục ngàn tỉ Mỹ Kim này là New Global Infrastructure Initiative (NGII). Đề án này được coi như là một đối thủ của Đề xướng Con Đường Tơ Lụa Mới, hay Belt and Road Initiative (BRI), cũng đầy tham vọng của Trung Cộng. Đề xướng BRI, còn có tên lãng mạn là Con Đường Tơ Lụa Mới (The New Silk Road), ra đời cách đây đã tám năm song, theo nhiều nhà phân tích, đang gặp nhiều trở ngại và khốn đốn cho một số quốc gia thành viên, và có dấu hiệu Trung Cộng đang thu hẹp tầm hoạt động đối với các công trình ít quan trọng. Các nhà lãnh đạo trong Nhóm G7 tại Carbis Bay, Cornwall, Anh Quốc. Kết thúc ba ngày hội thảo tháng Sáu vừa qua, G7 ra một thông cáo chung nhằm đối phó với đại dịch Covid, nạn khí hậu thay đổi và những vấn đề khác của thế giới, trong đó có dự kiến giúp các quốc gia đang phát triển tái thiết cơ sở hạ tầng tập trung vào phúc lợi của nhân loại. Ảnh: Jonny Weeks/ The Guardian Trong bài này người viết sẽ bàn sơ qua về đề án phát triển hạ tầng cơ sở toàn cầu của nhóm G7 – sơ qua vì đây mới chỉ là dự kiến chứ chưa có gì là cụ thể. Tiếp theo là phần tường thuật chi tiết hơn về công trình BRI của Trung Cộng, một đề xướng đang được thực hiện tại khoảng trên 70 quốc gia, những thành công cũng như trở ngại. Đề án xây dựng hạ tầng cơ sở toàn cầu của G7 Đề án này, còn gọi là Tái Thiết Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn – Build Back Better World, tắt là B3W –  rút ra từ bản thông báo chung của Nhóm G7 phổ biến sau khi kết thúc cuộc họp ba ngày ở Conway, và được khai triển thêm qua thông báo tại Web site của Tòa Bạch Ốc. Đây là một đề nghị hợp tác nhằm tiếp sức xây dựng lại cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển vốn cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Một dự án ước tính tốn khoảng trên 40 ngàn tỉ Mỹ Kim sẽ do đóng góp của các quốc gia đã phát triển và đầu tư của các cơ chế tài chính quốc tế. Người ta không khỏi nghĩ tới các công trình đề ra và thực hiện sau khi hầu hết toàn thế giới bị tàn phá bởi cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai. “Qua B3W, Nhóm G7 và các đối tác cùng khuynh hướng sẽ phối hợp và vận động tư bản đầu tư vào bốn khu vực chính  – khí hậu, y tế và sự an toàn y tế, kỹ thuật vi tính, và sự bình đẳng giới tính và quyền lợi – với các đầu tư khởi động của các cơ sở tài chính cho việc phát triển,” theo trang Web của Tòa Bạch Ốc. “B3W sẽ bao gồm toàn cầu, từ Châu Mỹ La tinh và vùng Caribbean tới Phi châu và vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Mỗi thành viên của G7 sẽ có thể chuyên về khu vực địa lý riêng, tuy nhiên mục tiêu chung của đề án là nhắm vào các quốc gia có lợi tức thấp hoặc trung bình trên toàn cầu.” Với tư cách là một thành viên dẫn đầu trong đề án B3W, Hoa Kỳ cho biết sẽ tìm cách vận động những cơ chế tài chính phát triển sẵn có, như Development Finance Corporation, USAID, EXIM, và nhiều cơ quan phụ thuộc khác. Làm như vậy, chính phủ của Tổng thống Joe Biden cũng đồng thời, theo Web site của Toà Bạch Ốc, bổ túc cho các đầu tư vào hạ tầng cơ sở nhằm tạo công ăn việc làm trong nước và cơ hội biểu dương khả năng cạnh tranh của Mỹ ở hải ngoại. “Ngoài hàng tỉ Mỹ Kim Hoa Kỳ sẽ vận động qua các cơ chế tài chính quốc tế chuyên tài trợ các chương trình phát triển hạ tầng” theo Web site của Toà Bạch Ốc, chính phủ Biden “sẽ làm việc với Quốc Hội để tăng thêm tài trợ cho các cơ chế tài chính phát triển hiện hữu trong niềm hy vọng là cùng với giới tư nhân, giới đầu tư Mỹ và các thành viên G7, B3W sẽ cùng huy động hàng trăm tỉ Mỹ Kim đầu tư vào các công trình phát triển hạ tầng cơ sở cho các quốc gia có lợi tức thấp tới trung bình trong những năm tới.” Đề án B3W sẽ được khai triển dựa trên các nguyên tắc nhân bản nhằm phục vụ nhân sinh. Truớc hết, công cuộc phát triển hạ tầng cơ sở phải công khai và bền vững, về tài chính, môi trường và xã hội, nhằm mang lại thành quả tốt và lâu dài cho các quốc gia và cộng đồng trong khu vực, đối nghịch lại với lề lối làm việc bị chỉ trích là khuất tất, không thành thật về nguồn ngọn tài chính của giới trách nhiệm về các đồ án BRI của Trung Hoa. Các đồ án đề ra cũng phải phù hợp và đáp ứng được với tình trạng khí hậu thay đổi, nhằm tái thiết kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân, và cần phải có sự tham khảo với và đóng góp của đối tác từ các quốc gia thành viên, bên cạnh việc đóng góp kiến thức và kinh nghiệm của các cơ chế tài chính và phát triển quốc tế. Khác với BRI, nguồn tài trợ phải đến từ nhiều nơi, đặc biệt từ các nguồn tư bản tư, chứ không chỉ từ các cơ chế tài chánh do quốc gia đề xướng thiết lập và kiểm soát. Tóm lại, như đã nói ở trên, B3W mới chỉ là dự kiến, chưa có gì cụ thể rõ rệt. Những ai lâu nay theo dõi và lo ngại về sự bành trướng của Trung Cộng qua công trình BRI, mệnh danh là Đường Tơ Lụa Mới, nhằm tạo một hệ thống đường bộ xuyên lục địa từ Á sang Âu, và đường thủy (qua một hệ thống hải cảng do TC tài trợ tái thiết hoặc thiết lập và kiểm soát) nối với Trung Đông và Phi Châu (xin xem bản đồ bên dưới trong phần viết về công trình BRI), thì đề án B3W là điều họ mong đợi. Mong đợi, với sự dè dặt, đã hẳn, khi nhìn vào hiện tình chính trị của nước Mỹ. Dù vậy, không có nghĩa là ta không có quyền vui mừng lúc này. Được biết, bản dự thảo chi tiết sẽ được ban hành vào mùa thu năm nay. Hai ngày sau khi nhóm G7 công bố dự kiến về B3W như, ngoài mục đích giúp các nước đang phát triển kể trên, một “cạnh tranh chiến lược” đối với Trung Cộng, cơ quan Center for Strategic & International Studies có một bài phân tích tính cách thiết thực của B3W và đề nghị một số việc cần lưu ý ban soạn thảo chương trình. (CSIS, tổng hành dinh tại Washington, DC, là một tổ chức nhị đảng, vô vị lợi, chuyên nghiên cứu các chính sách có tính thiết thực và các thử thách quan trọng của thế giới.) Theo CSIS, sự ra đời của B3W mặc dù trễ nhưng cần thiết, nhằm giải quyết hai vấn đề chính: tạo điều kiện cho các quốc gia kém mở mang phát triển và tái thiết sau đại dịch Covid-19 làm tê liệt các hoạt động kinh tế; và hoá giải các quan tâm bấy lâu về công trình BRI của Bắc Kinh. Những quan tâm này gồm việc Bắc Kinh đã dễ dãi và thiếu sự trong sáng trong việc cho các quốc gia thành viên của BRI vay tiền, khiến có công trình đã rơi vào cảnh vỡ nợ phải nhượng quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng tại quốc gia của mình cho chủ nợ; tình trạng tham nhũng; ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường và xã hội. Ngoài ra, có những công trình xây cất được nhìn như có triển vọng được sử dụng vào mục tiêu quân sự. Nếu thành hình, B3W tất nhiên không thay thế BRI, nhưng ít ra tạo cho các nước đang phát triển một cơ hội so sánh và chọn lựa. BRI: Mô hình xây dựng hạ tầng cơ sở kiểu Bắc Kinh Trong khi Hoa Kỳ bận rộn đối phó với chính trị nội bộ, đáng kể nhất là mấy năm qua với chủ trương “America First” tự cô lập hoá khỏi và giải giới vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các sinh hoạt thế giới, thì Trung Quốc đã nhân cơ hội bành trướng khắp nơi với một vận tốc chóng mặt. Trừ các cơ sở truyền thông chuyên đề, giới truyền thông Mỹ thường chỉ tường trình lẻ tẻ các tiến triển của công cuộc bành chướng này cho khối độc giả vốn bị lôi cuốn hầu như 24/7 theo dõi các biến cố nội bộ Mỹ, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Do đấy ít người, kể cả người viết bài này, có được cái nhìn bao gồm về tham vọng của Trung Cộng với các công trình BRI và ảnh hưởng của chúng. Vào năm 2013 tại một trường đại học ở quốc gia Kazakhstan – nằm trong lục địa Trung Á, nguyên xưa thuộc Liên bang Sô viết, ở giữa Nga về phía tây bắc và Trung Hoa ở phía đông nam — chủ tịch kiêm tổng thống Trung Cộng Tập Cận Bình chính thức khởi động đề xướng Belt and Road Initiative, tắt là BRI. Mục đích của đồ án BRI là nhằm xây dựng hai hệ thống giao thông: đường bộ (belt) xuyên lục địa từ Trung Hoa ở phía đông, vòng qua Nga tới Âu châu ở phía tây, và đường thủy (road) gồm những hải cảng tại những vị trí có tính cách chiến lược thọc xuống biển Nam Hải (với những hòn đảo nhân tạo trong khu vực Hoàng Sa-Trường Sa), xuyên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bọc bán đảo Ả Rập ngược lên Kênh Suez trong vùng Trung Đông vào tới Địa Trung Hải, với một cánh vươn xuống các nuớc Phi châu. BRI, hay Con Đường Tơ Lụa Mới (*), nhằm nối khoảng 70 quốc gia dọc theo hệ thống đường bộ gồm vừa xa lộ và đường hoả xa xuyên lục địa từ Trung Hoa qua Âu châu; trong khi hệ thống đường thủy nhằm nối các hải cảng cho tầu vận tải hàng hoá. Ngoài 70 quốc gia nằm dọc theo hệ thống đường bộ còn có nhiều quốc gia không nằm dọc theo BRI nhưng ký tên hợp tác, hoặc đã tham gia hoặc còn chờ nghiên cứu và tài trợ để phát triển hạ tầng cơ sở của mình, trong đó có nhiều quốc gia ở Phi Châu và cả ở Trung và Nam Mỹ. Theo chủ tịch Tập, trong bài diễn văn tại đại hội đảng Cộng sản vào cuối năm 2017, thì “Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế qua đề xướng Belt and Road Initiative. Làm như vậy chúng ta hy vọng hoàn tất chính sách phát triển hạ tầng, giao thương, tài chánh, và nối kết nhân loại và do đấy xây dựng nên một diễn đàn cho việc hợp tác quốc tế cho các công cuộc phát triển.” Bản đồ ‘Con Đường Tơ Lụa Mới’ gồm hai hệ thống đường bộ và đường thủy, mục đích là xây dựng sáu “hành lang kinh tế.” Tuy nhiên, nhiều quan sát viên quốc tế e ngại Bắc Kinh còn mưu tính một tham vọng chính trị. Ảnh: OECD Tính tới tháng Giêng năm nay, Trung Quốc đã ký kết với 171 thành viên gồm các quốc gia và các cơ quan quốc tế, theo Wikipedia (dựa vào tuyên bố của New China TV). Tại Phi châu thì có sự tham dự của Djibouti, Egypt, Ethiopia, Kenya, Nigeria, Sudan và Uganda. Ở Âu châu thì có Poland, Greece, Portugal, Italy, Austria, Luxembourg, và cả Switzerland. Vùng Caucasus (nằm giữa Black Sea và Caspian Sea, giữa Russia, Turkey và Iran) gồm Armenia, Azerbaijan và Georgia. Hiệp hội Kinh tế Nga và vùng Âu Á (Russia and the Aurasian Economic Union). Đông đảo các quốc gia tham dự “Con Đường Tơ Lụa Mới” là trong Á châu, gồm 10 nước: Trung Á, Hong Kong, Indonesia, Laos, Maldives, Malaysia, Pakistan, Sri Lanka, Thailand và Turkey. (Không thấy Việt Nam trong danh sách này?) Trong khi đó, từ Nam Mỹ, năm nước ký kết với BRI là Panama,  Argentina, Barbados, Jamaica và Venezuela. Bắc Kinh dự trù đầu tư 1,000 tỉ Mỹ Kim vào công trình BRI, tài trợ bởi các cơ chế tài chính của Trung Hoa, kể cả một số quỹ hưu trí được đem đầu tư kiếm lời; và một số cơ chế quốc tế mà TH có chân, như The World Bank Group, Asian Development Bank và Asian Infrastructure Investment Bank. Tính tới nay, Trung Quốc đã đổ vào các công trình BRI khoảng 700 tỉ Mỹ Kim. Bắc Kinh hy vọng các công trình BRI sẽ tạo nên sáu hành lang mậu dịch (trade corridors) gồm các hệ thống đường rầy xe hoả, xa lộ, ống dẫn dầu, hải cảng, cơ sở khai thác nng lượn, và hệ thống giây cáp fiber optic để thiết lập liên mạng broadband. Kể từ khi thành lập cách đây tám năm, một số đồ án giao thông đã thành hình và đã bắt đầu hoạt động, đã giúp nâng tổng sản lượng mậu dịch giữa TH và các nước trong BRI một cách đáng kể, và giảm bớt thời gian vận chuyển hàng hoá, mang lại nhiều lợi ích kinh tế TH cũng như một số quốc gia thành viên. Song các công trình BRI cũng đã mang lại không ít những hậu quả tiêu cực về mặt xã hội cũng như môi trường. Một số quốc gia thành viên, do nhu cầu phát triển kinh tế, hoặc thiếu hiểu biết và cái nhìn tổng thể, hoặc bị các áp lực chính trị xã hội, tham nhũng, thấy vay nợ dễ dàng, nên đã xẩy ra tình cảnh “vỡ nợ” nên phải “đợ con.” Một trong những vụ điển hình nhất là khi chính phủ Sri Lanka, vào năm 2018, vì không trả nổi nợ đã phải nhượng quyền kiểm soát hải cảng Hambantota cho Bắc Kinh qua một giao kèo 99 năm. (Ta nghe quen quen, phải không? Vì đã xẩy ra nhiều vụ giao kèo dài hàng gần thế kỷ như thế giữa nhà nước Việt Nam và các hãng thầu TH.) Và hẳn cũng nghe quen quen việc TH bị chỉ trích về việc nhiều nhà thầu các đồ án xây cất BRI là người Trung Hoa, mang theo lề lối làm việc không minh bạch, hống hách và cả tính tham nhũng cố hữu. Cũng vậy là hiện tượng đa số nhân công được gửi đến từ Hoa lục, thay vì là khai thác nguồn lao động địa phương, nhất là trong các đồ án do BRI tài trợ ở Phi Châu. Gần đây Pakistan, sau khi đã dấn thân vào một công trình đại quy mô để thiết lập một số hệ thống hạ tầng cơ sở CPEC (China-Pakistan Economic Corridor) tốn nhiều chục tỉ Mỹ Kim trong khuôn khổ BRI, cũng đang có vấn đề. Một trong những đồ án xây cất là hệ thống xa lộ 685 miles (1,100 km) chạy dài theo bản đồ Pakistan, cho phép TH mở đường xuống thẳng Biển Arabia qua cảng Gwadar. Đại dịch Covid đã khiến các công trình BRI tại Pakistan bị ngưng đọng, nợ nần chồng chất, có triển vọng Pakistan không trả nợ nổi. Nhiều quan sát viên coi CPEC như một thứ “con ngựa thành Troy” của Pakistan vì nó đã biến Pakistan thành lệ thuộc gần như hoàn toàn vào TH. Đây cũng là chương trình BRI quan trọng hàng đầu (flagship) của TH. Bên cạnh đó, việc Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan (nằm suốt dọc biên giới phía tây của Pakistan) cũng khiến Bắc Kinh lo ngại về tình trạng an ninh trong vùng đối với các đồ án CPEC. Ba đại đồ án phát triển hạ tầng cơ sở trong hợp đồng CPEC giữa Trung Hoa và Pakistan: trái, hệ thống xa lộ; giữa, hệ thống fiber optic; và phải, hệ thống đường hoả xa. Coi như là công trình quan trọng hàng đầu (flagship) trong đề xướng Belt and Road Initiative, tính tới 2020, Trung Hoa đã đổ vào CPEC 62 tỉ Mỹ Kim. Đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt kinh tế Pakistan, đe dọa khả năng trả nợ của nước này, bên cạnh mối đe dọa về an ninh từ láng giềng Afghanistan sau khi Hoa Kỳ và đồng minh NATO hoàn tất cuộc rút quân vào ngày 11/9/2021. Nguồn bản đồ: https://thecpec.org/cpec-maps/ Nhận thấy vì sự thiếu hiểu biết và nhu cầu cần tiền đầu tư từ nước ngoài của nhiều quốc gia đang mở mang, cơ quan World Bank đã ký kết với TH để có chân trong BRI. Làm như vậy WB có danh chính ngôn thuận đứng ra cố vấn và cung cấp dữ kiện cần thiết cho quốc gia nào muốn tham dự vào chương trình BRI. Bắc Kinh vốn, như ai cũng đã biết, làm việc thiếu minh bạch, trong sáng, nếu không nói là khuất tất, luôn coi việc chỉ trích phê bình từ bên ngoài là xen vào chuyện nội bộ TH, mặc dù BRI nay đã là chuyện quốc tế. World Bank khẳng định là không tài trợ cho đồ án nào của BRI, mà chỉ giúp thành viên cần tham khảo và cố vấn. Song song, WB cũng phát hành một bản nghiên cứu dài 159 trang về đề xướng BRI, trong đó WB nêu lên những điều các quốc gia thành viên cần quan tâm khi ký kết một đồ án với BRI. “Đề xướng BRI đem lại những bất trắc thông thường như trong bất cứ đồ án xây dựng hạ tầng cơ sở nào khác,” WB viết trong bản những câu hỏi thông thường về bản tường trình chính. “Những bất trắc này lại càng trở nên phóng đại vì hạn chế công khai và cởi mở của đề xướng [BRI] và hậu quả của nền kinh tế và quản trị yếu ớt của các nước thành viên.” Trong tài liệu tóm tắt này, WB liệt kê bốn phạm vi cần quan tâm cải thiện. Thứ nhất là những bất trắc về khả năng trả nợ: Trong số 43 nền kinh tế dọc theo hành lang BRI mà thông tin có sẵn, 12 – phần lớn đã phải đối diện với mức nợ nần gia tăng – có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ. Thứ hai là những bất trắc trong việc quản trị: Cần áp dụng tiêu chuẩn hành xử quốc tế, như cởi mở và công khai lề lối làm việc sẽ giúp các đồ án BRI được giao đúng hãng có khả năng thực thi. Thứ ba là những bất trắc về môi trường: Hệ thống vận tải của BRI được ước tính là đã gia tăng 0.3% khí độc carbon dioxide toàn cầu, song tới 7% tại vài nước vì kỹ nghệ sản xuất ô nhiễm. Và cuối cùng là các bất trắc xã hội: Với lũ lượt công nhân [đa phần là thanh niên Tầu – chú thích của người viết] cần cho các công trình xây cất hạ tầng đổ vào các quốc gia thành viên, sự kiện này có thể gây ra bạo hành giới tính, bệnh hoa liễu, và các căng thẳng xã hội. Lời kết Lợi dụng lúc Hoa Kỳ yếu thế vì phải đối phó với nhiều vấn đề nội bộ, đặc biệt trong bốn năm qua với chủ trương “America First” và “Make America Great Again” dẫn tới chỗ tự cô lập hoá, Trung Hoa phát động một chiến dịch bành trướng kinh tế, đánh vào khát vọng tìm kiếm vốn đầu tư từ nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển kinh tế tại các quốc gia đang phát triển. Đề xướng Belt and Road Initiative BRI của chủ tịch kiêm tổng thống Tập Cận Bình ra đời, lôi cuốn nhiều quốc gia tham gia ký kết, vay tiền dễ dàng, xây cất đường xá, ống dẫn dầu, hải cảng, cơ sở sản xuất năng lượng, hệ thống fiber optic, với một vận tốc chóng mặt. Song vì quen thói làm ăn thiếu công minh, không theo tiêu chuẩn quốc tế trong việc cho vay tiền, thiên vị các hãng thầu Trung Quốc, BRI đã đẩy nhiều quốc gia thành viên rơi vào cảnh công nợ chồng chất, trong khi kinh tế bản xứ không phát triển. Đấy là chưa kể những ảnh hưởng tiêu cực trên xã hội và môi trường. Nhiều thôn làng bị rời chuyển, san bằng để lấy chỗ xây đường, lập hãng xưởng; người dân không những đã không được tham khảo, lại chẳng được đền bù xứng đáng. Thêm vào đó, đại dịch Covid từ trên một năm nay khiến kinh tế toàn cầu bị tê liệt chỉ làm tình trạng nợ nần, lệ thuộc của các quốc gia trong BRI thêm điêu đứng. Một số quốc gia đã rút ra khỏi BRI vì không chấp nhận lề lối làm việc thiếu ngay thẳng và bất chấp các ảnh hưởng trên xã hội và môi trường này của Bắc Kinh. Đáng kể nhất là việc gần đây Úc hủy bỏ giao ước hợp tác và rút ra khỏi BRI, cho rằng không phù hợp với lợi ích của quốc gia lục địa này. Bắc Kinh kỳ vọng là vào năm 2050 thì sẽ hoàn tất công trình BRI “nối vòng tay lớn” thế giới để mọi ngả đường trên toàn cầu sẽ đều dẫn tới (thay vì Rome thì là) Bắc Kinh, của một Trung Quốc lại sáng ngời. Đồng thời đây cũng sẽ là dịp để ăn mừng nước Cộng sản Trung Quốc lên 100 tuổi kể từ ngày 1 tháng 10, 1949 khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Liệu ngày đó sẽ có xẩy ra? Trong khi chờ đợi, bừng thức sau bốn năm hầu như bất động trong hoang mang, nhóm G7 gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Anh và Gia Nã Đại đã đề đạt một viễn kiến mong mang thế giới ra khỏi cơn khủng hoảng do đại dịch, đó là đề án Tái Thiết Thế Giới Tốt Hơn (Build Back Better World). Dựa trên các nguyên tắc nhân bản nhằm phục vụ nhân sinh, các công cuộc phát triển hạ tầng cơ sở này phải công khai và bền vững, về tài chính, môi trường và xã hội, nhằm mang lại thành quả tốt và lâu dài cho các quốc gia và cộng đồng trong khu vực, đối nghịch lại với lề lối làm việc khuất tất, không thành thật về nguồn tài chính và mục tiêu của các đồ án BRI. Các đồ án đề ra cũng phải phù hợp và đáp ứng được với tình trạng khí hậu thay đổi, nhằm tái thiết kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân, và cần phải có sự tham khảo với và đóng góp của đối tác từ các quốc gia thành viên, bên cạnh việc đóng góp kiến thức và kinh nghiệm của các cơ chế tài chính và phát triển quốc tế. Người ta hy vọng sẽ được thấy bản dự thảo chi tiết với các biện pháp cụ thể, khả thi, vào mùa thu tới. Trùng Dương — Chú thích: (*) Đường Tơ Lụa xưa nguyên là một hệ thống đường mòn nối Trung Quốc và vùng viễn đông với vùng Trung Đông và Âu châu. Thiết lập vào đời nhà Hán khi Trung Quốc chính thức mở mối giao thương với Tây phương vào năm 130 trước Tây lịch, Đương Tơ Lụa tiếp tục hoạt động tới năm 1453 sau Tây lịch khi Đế quốc Ottoman tẩy chay giao thương với Trung Quốc và đã đóng đường. Dù vậy, Đường Tơ Lụa vẫn tồn tại trong trí tưởng của nhiều người như một hình ảnh lãng mạn, một lời mời gọi viễn xứ. Đề xướng Belt and Road Intitiative đầy tham vọng của đảng Cộng sản Trung Hoa đã phần nào khơi gợi tình tự ấy. Song trên thực tế, sau tám năm hoạt động, BRI đang gặp nhiều vấn đề, gây bất mãn, và cả chống đối vì lối làm ăn thiếu công khai, minh bạch, bao che tham nhũng của Bắc Kinh. Một số Web links trong bài: G7 Communique, https://www.consilium.europa.eu/media/50361/carbis-bay-g7-summit-communique.pdf FACT SHEET: President Biden and G7 Leaders Launch Build Back Better World (B3W) Partnership, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/06/12/fact-sheet-president-biden-and-g7-leaders-launch-build-back-better-world-b3w-partnership/ Destruction and Reconstruction (1945-1958), https://www.imf.org/external/np/exr/center/mm/eng/mm_dr_01.htm The G7’s New Global Infrastructure Initiative, https://www.csis.org/analysis/g7s-new-global-infrastructure-initiative Organisation for Economic Co-operation and Development, https://www.oecd.org/finance/Chinas-Belt-and-Road-Initiative-in-the-global-trade-investment-and-finance-landscape.pdf List of projects of the Belt and Road Initiative, https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_projects_of_the_Belt_and_Road_Initiative CNA BRI/New Silk Road series, https://www.channelnewsasia.com/news/video-on-demand/new-silk-road Financing and funding of the belt and road initiative, https://www.ottawalife.com/article/financing-and-funding-for-the-belt-and-road-initiative?c=1 RAND Working Paper: Demystifying the Belt and Road Initiative – A Clarification of its Key Features, Objectives and Impacts, https://www.rand.org/pubs/working_papers/WR1338.html How China Got Sri Lanka to Cough Up a Port, https://www.nytimes.com/2018/06/25/world/asia/china-sri-lanka-port.html China-Pakistan Economic Corridor (CPEC), https://en.wikipedia.org/wiki/China%E2%80%93Pakistan_Economic_Corridor The Backlash to Belt and Road: A South Asian Battle Over Chinese Economic Power, https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2018-02-16/backlash-belt-and-road China’s Belt and Road Initiative criticised for poor standards and ‘wasteful’ spending, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3014214/chinas-belt-and-road-initiative-criticised-poor-standards-and Australia scrapped the controversial Belt & Road (BRI) pact with China claiming that the deal was contrary to the national interest. Will more countries follow? https://www.republicworld.com/world-news/china/australia-pulls-out-of-bri-pact-with-china-move-seen-as-loss-of-face-for-xi-jinping.html World Bank Group: Frequently Asked Questions: Belt and Road Initiative https://thedocs.worldbank.org/en/doc/664251560539547566-0090022019/original/BRIFAQ.pdf Belt and Road Economics: Opportunities and Risks of Transport Corridors, https://www.worldbank.org/en/topic/regional-integration/publication/belt-and-road-economics-opportunities-and-risks-of-transport-corridors    
......

Vụ đưa 300 sinh viên y khoa Hải Dương vào “giải phóng” dịch Covid-19 tại Thành Hồ

Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân| Trước hết, việc 300 sinh viên y khoa từ Hải Dương tình nguyện vào Sài Gòn giúp “diệt dịch Covid-19” là một nghĩa cử đáng ca ngợi. Đây là hành động cần được đề cao và kêu gọi nhiều địa phương khác nên bắt chước khi mà hơn 10 triệu người dân Sài Gòn đang điêu đứng vì phải trải qua 36 ngày sống trong cách ly, phong tỏa kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 27 tháng Tư, 2021. Tính đến nay, dịch đã lây lan tại 306/312 phường, xã và thị trấn trong Thành Hồ, với gần 9.000 ca nhiễm trong vòng 1 tháng, đặt người dân TP.HCM rơi vào tình thế bất an hơn bao giờ hết. Sự bất an này đến từ nhiều lý do: Bao giờ trở lại cuộc sống bình thường; bao giờ được chích vaccine phòng ngừa; bao giờ được gói cứu trợ từ chính quyền theo như lời hứa; bao giờ không còn nghe những tuyên truyền giả dối, phóng đại “về cơ bản, dịch đã được khống chế!” Chính trong tâm trạng bất an đó, đáng lý ra người dân Sài Gòn phải coi sự kiện một đoàn y tế tình nguyện từ tỉnh Hải Dương vào giúp sức chống Covid-19 là chuyện bình thường; nhưng nhiều người đã có phản ứng bực bội và khó chịu. Lý do là người ta đã khám phá một liên minh giữa 3 đại gia: Vingroup, Air Vietnam và Saigon Tourist Group đã dùng công tác cứu giúp này như một đòn PR. Dưới sự điều động của Bộ Y Tế và cán bộ tuyên giáo, đoàn người này được một số trang mạng xã hội và báo chí quốc doanh huênh hoang mô tả là đi vào Miền Nam qua “đường mòn HCM trên không” để giúp “giải phóng” thành Hồ thoát địa ngục Covid – 19. Thậm chí lễ xuất quân còn kèm theo những khẩu hiệu nổ vang dội mô tả đây là cuộc chi viện cho chiến trường Miền Nam hay những phát ngôn gây ấn tượng “giải phóng Miền Nam lần 2.” Từ đó làm bùng nổ một cuộc tranh cãi khá gay cấn trên mạng xã hội. Được biết Vietnam Airlines đã dùng phi cơ Boeing 787-9 Dreamliner là loại phi cơ lớn nhất, còn Saigon Tourist Group (Tổng công ty Du Lịch Sài Gòn) thì cung cấp 5 khách sạn loại 5 sao đang trong tình trạng ế ẩm như Continental, Royal (Kim Đô), Oscar, Đệ Nhất và Thiên Hương có sức chứa tới trên 1000 người. Đoàn y tế Hải Dương gồm 300 sinh viên, giảng viên, nhân viên nhà trường và cán bộ đi theo hỗ trợ. Với một đoàn người đông đảo như thế thì chi phí không phải là nhỏ. Nhưng chẳng biết ai là người bỏ tiền ra lo và đoàn y tế sẽ giúp được bao lâu, cũng như hiệu quả đạt được có tương xứng với công sức và tiền của bỏ ra hay không. Dư luận hiện có hai luồng: Bênh và chống. Phe bênh là những người đứng trên quan điểm tuyên truyền của nhà nước “chống dịch như chống giặc” mà đa số là dư luận viên của Ban Tuyên Giáo. Họ cho đây là một hành động nghĩa cử, hào hiệp của Vingroup, Air Vietnam, Saigon Tourist Group và của Đại Học Kỹ Thuật Y Tế Hải Dương, một nghĩa cử chỉ tìm thấy qua sự “ưu việt” của những người cộng sản. Phe chống là đa số dư luận người dân trên mạng xã hội, kể cả người dân ở Sài Gòn. Lý do chống thì nhiều nhưng tựu trung có thể nhằm vào 3 điểm chính: 1/ Buổi lễ gọi là tiễn đưa được tổ chức rình rang để chỉ PR cho nhóm đại gia đứng ra tổ chức, cung cấp phương tiện và trường Đại Học Y Tế Hải Dương hầu thu hút dư luận hơn là chống dịch. Phải chăng nhóm tổ chức cố ý đưa người vào Thành Hồ, một thành phố lớn nhất nước, sẽ dễ dàng cho việc tô son điểm phấn bộ mặt đang ế ẩm của họ trong mùa dịch? 2/ Báo chí có dịp thổi phồng tin tức 300 sinh viên vào trợ giúp, cho thấy là thành phố Sài Gòn quá bết bát không khống chế nổi Covid-19. Trong khi đó đây là một thành phố giàu có, kinh tế hùng mạnh đứng đầu cả nước. 3/ Trong khi những bác sĩ, y tá của Sài Gòn vì nhiệm vụ chống dịch phải sống khổ cực trong các khu vực cách ly thì sinh viên và đoàn cán bộ Hải Dương ở khách sạn 5 sao, tạo ra cái nhìn rất phản cảm về sự phân chia giai cấp. Từ sự kiện này, ta thấy: – Bản chất tuyên truyền đã dính trong máu của chế độ cộng sản, nên làm bất cứ chuyện gì cũng lấy tuyên truyền đi đầu. Điều này từ lâu đã khiến cho dư luận khó chịu và biếm nhẽ rất nhiều. Tại sao việc Hải Dương đưa người vào Sài Gòn giúp diệt dịch không âm thầm tiến hành mà phải phô trương rầm rộ với những khẩu hiệu quá nổ trong thời chiến tranh? – Nếu lấy lý do Thành Hồ ở trong tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh mà đưa 300 người từ Hải Dương vào trợ giúp thì chính điều này khiến người dân thành phố này thấy chủ trương của chính phủ là hoàn toàn tùy tiện, bạ đâu đánh đó. Ngoài ra những khẩu hiệu, hình ảnh và những bài báo được mô tả là “nhạy cảm” của đoàn người từ Hải Dương cũng gợi lại biết bao sự đau lòng cho nhiều người. Một đàng thì kêu gọi người dân thành phố sẵn sàng sống chung với dịch, một đàng thì tốn công, tốn của đưa người từ xa vào diệt dịch, trong khi tình hình không đến nỗi nào. Vậy thử hỏi ai là người hưởng lợi qua sự kiện rình rang này? – Gây thêm làn sóng bất mãn trong dân vì ông Phạm Minh Chính chỉ nói suông ở cửa miệng, trong khi thực tế chính phủ của ông ta đang loay hoay không giải quyết được gì, từ vụ diệt dịch đến vụ mua vaccine. Vì thế, sự kiện đưa 300 sinh viên y tế vào Thành Hồ chống dịch là giọt nước làm tràn sự bất mãn đã ngấm ngầm từ lâu trong dân. Phạm Nhật Bình  
......

Chưa chết vì Covid-19 thì đã chết vì chi tiền xét nghiệm âm tính

Le Anh| Theo phản ảnh của một số doanh nghiệp, đặc biệt là thành phố Dĩ An tại Bình Dương cho biết, tất cả những người lao động nào từ Tp HCM và Đồng Nai muốn vào thành phố này phải có giấy xét nghiệm Covid âm tính mới được vào. Điều mà gây bức xúc nhất là cứ mỗi 3 ngày thì xét nghiệm 1 lần. Mỗi lần xét nghiệm phải trả chi phí 300.000/người. Chủ nhân của một doanh nghiệp tại Bình Dương than trời rằng, doanh nghiệp của ông có vài trăm công nhân. Công ty phải trả cho mỗi công nhân 300.000 đồng. Cứ mỗi đợt xét nghiệm thì phải đóng gần 100 triệu đồng. Và cứ 3 ngày xét nghiệm một lần. Đây là chi phí không có doanh nghiệp và công nhân nào có thể có thể chịu nổi, trong khi tình hình kinh tế ngày càng khó khăn như giai đoạn hiện nay. Trong trường hợp những doanh nghiệp không có khả năng chi trả thì công nhân phải trả, cứ thử hỏi làm sao công nhân có khả năng chi trả cứ 300.000 đồng/lần/3 ngày. Ngoài ra, tại chợ Bình Điền, ông Trần Thanh Tùng - chủ tịch UBND Q.8 - cho biết việc yêu cầu thương nhân, người vô chợ phải trình giấy tờ chứng nhận có xét nghiệm âm tính. Đây là quyết định của ban quản lý chợ. Quận 8 kể từ ngày 5/7/2021. Ông còn cho rằng, quyết định này rất cần thiết và phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình hiện nay.. Cuối cùng nếu doanh nghiệp không có khả năng chi trả tiền xét nghiệp covid cho công nhân thì đóng cửa, khai phá sản. Trong trường hợp công nhân muốn đi làm thì phải tự trả, nếu không có khả năng trả thì thất nghiệp. Những người không thể vào chợ buôn bán thì ở nhà ngóng trên Tivi chờ nhà nước “cứu đói”? Nhiều người rất bức xúc khi nhà nước CSVN đã quyên ít nhất là trên 7000 tỷ đồng với mục đích để trang trải cho việc phòng chống Covid và mua Vaccine. Tại sao không dùng số tiền này để trang trải chi phí xét nghiệm âm tính cho doanh nghiệp, công nhân và người dân. Khi thực hiện công việc này cũng là cách kích hoạt lại nền kinh tế và giúp đỡ cho doanh nghiệp, công nhân cũng như người dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Có người quá phẫn nộ trước việc làm của chính quyền địa phương phải buộc miệng nói, chưa có chính quyền nào khốn nạn và vô nhân đạo như chính quyền này! Còn có người nói, dân chưa chết vì covid thì đã chết vì bị chính quyền bóc lột. Lê Ánh
......

Ông Sáu Mù

STTD Tưởng Năng Tiến Cứ tưởng rằng giữ thể diện (sợ mất mặt – save face) là tâm lý chung của đám đông. Trong giao tiếp hằng ngày, thiên hạ có khuynh hướng tự nâng (trình độ học vấn, lương bổng, gia cảnh, gia thế, tài sản …) mình cao hơn lên chút xíu là chuyện khá bình thường, và cũng chả gây thiệt hại hay phiền phức gì cho bất cứ ai cả. Nổ chơi (cho đã miệng) chút xíu thôi mà. Tuy nhiên, sau khi xem lại cách đặt vấn đề của Trần Kiều Ngọc và Viet Beat về hai hiện tượng tâm lý tương phản (thượng dẫn) thì nhận thức của tôi có hơi đổi khác. Một cá nhân hợm mình, tự cao, tự đại, ba hoa, khoác lác, nói thánh, nói tướng …  thường  chỉ có thể làm cho một số ít người sống gần khó chịu và tìm cách tránh xa thôi. Còn một tập thể mắc chứng hợm hĩnh, huyênh hoang, ngạo mạn (như thiên hạ hay nói đến bệnh kiêu ngạo cộng sản, chả hạn) mà lại đang nắm vai trò điều hành cả một quốc gia thì e là đại họa. Hãy thử nghe dăm bẩy câu nói của giới lãnh đạo Việt Nam để thấy sự ngông cuồng và điên loạn của đám người này : - Vũ Đức Đam: “Tất cả cuộc sống người Việt Nam ta hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước.” - Nguyễn Mạnh Hùng: “Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0. - Lê Minh Hưng: “Toàn cầu bất ổn nhưng Việt Nam rất ổn.” - Nguyễn Xuân Phúc: “Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này.” - Nguyễn Phú Trọng: “Không có một lực lượng nào khác ngoài ĐCSVN có đủ bản lĩnh, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn.” - Võ Văn Thưởng: “Nhiều nước coi Việt Nam là mô hình phát triển để học tập.” - Nguyễn Chí Vịnh: “Bộ đội ta có những kỹ năng đặc biệt khiến Liên Hợp Quốc khâm phục.” - Phan Quốc Việt: “Có 20 quốc gia đang đàm phán mua bộ sinh phẩm kít xét nghiệm virus corona chủng mới của Việt Nam.” Mức độ tự huyễn của những lời phát ngôn dẫn thượng khiến tôi nhớ đến lời than phiền, nghe được từ hồi cuối thế kỷ trước, của ông Hà Sỹ Phu: “Đảng cộng sản Việt Nam như người đi đường không biết dùng bản đồ. Thỉnh thoảng lại sa xuống hố. Lóp ngóp bò lên được thì hô vang thắng lợi. Cứ thế, Ðảng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.” Với thời gian thì cái tần suất “sa xuống hố” mỗi lúc một thêm đều đặn (và toàn là hố thẳm: Vinashin, Vinalines, Bauxit, Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải, Formosa, rồi đến những Khu Tự Trị …) cứ như thể là cả Đảng đã bị đui hết trơn rồi vậy. Sự tăm tối của giới cầm quyền ở Việt Nam hiện nay cũng khiến tôi nhớ đến ông Sáu Mù, ở xóm chài Lâm Quang Ky, với hơi nhiều nuối tiếc. 7/2021 Tưởng Năng Tiến  
......

Vac-xin và chiến lược duy trì ảnh hưởng của Nhật Bản với Việt Nam

Ảnh tư liệu : Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (P) tiếp đón đồng nhiệm Nhật Yoshihide Suga (T) tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 19/10/2020. AP - Minh Hoang Thu Hằng - RFI| Đến đầu tháng 07/2021, Tokyo tặng Việt Nam 2 triệu liều vac-xin AstraZeneca được sản xuất tại Nhật Bản : 1 triệu liều đầu tiên được giao ngày 16/06 và 1 triệu liều tiếp theo được giao thành hai đợt, vào ngày 01 và 08/07. Món quà này có ý nghĩa rất lớn, “góp phần giúp Việt Nam ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Việt Nam”, theo bộ Y Tế ngày 29/06, trong bối cảnh Việt Nam đang đôn đáo tìm mọi nguồn cung ứng vac-xin. Phải nói rằng số 2 triệu liều được Tokyo viện trợ cho Hà Nội, chiếm gần một nửa số vac-xin mà Việt Nam nhận được từ mọi nguồn (kể cả chương trình COVAX), sắp tới là 5,3 triệu liều, trong đó 4,3 triệu liều đã nhận được đến ngày 29/06. Việt Nam là một trong những nước trong khu vực (Đài Loan, Indonesia, nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương…) được Nhật Bản viện trợ vac-xin trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng “ngoại giao vac-xin” trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Tặng vac-xin ngừa Covid-19 cho Hà Nội cũng nằm trong chiến lược duy trì ảnh hưởng của Tokyo. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Nhật Bản, được thủ tướng Yoshihide Suga đánh giá “là đối tác quý báu”. Đối với Tokyo, Việt Nam “đóng vai trò quan trọng để thực hiện “Tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do” của Nhật Bản nhằm làm đối trọng với tham vọng mở rộng ảnh hưởng và quảng bá mô hình Trung Hoa của Bắc Kinh. Điều này được thể hiện rất rõ qua chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào tháng 10/2020 của ông Yoshihide Suga trong cương vị thủ tướng, kế nhiệm ông Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe. Ông Suga cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Hà Nội đón tiếp kể từ khi đóng cửa chống dịch Covid-19. Báo The Diplopmat ngày 11/09/2020 từng nhận định “dù người kế nhiệm ông Shinzo Abe là ai, hai nước có rất nhiều lý do để mở rộng và thắt chặt hợp tác trong nhiều lĩnh vực”.  Trả lời RFI Tiếng Việt qua thư điện tử ngày 03/07/2021, nhà nghiên cứu N. T., chuyên về chính sách đối ngoại của Việt Nam, phân tích một số lĩnh vực được Nhật Bản và Việt Nam tăng cường hợp tác trong thời gian gần đây.   ***** RFI : Để giúp Việt Nam chống dịch Covid-19, Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam hai triệu liều vac-xin ngừa Covid-19, cũng như cho một số nước khác trong khu vực. Đây có phải là chiến lược đối trọng của Tokyo trước việc Bắc Kinh liên tục tặng và bán vac-xin Trung Quốc cho các nước trong vùng ? Nhà nghiên cứu N. T. : Bản thân tôi cho rằng việc Nhật Bản gần đây gửi tặng hàng triệu liều vac-xin AstraZeneca cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, không hoàn toàn là nhằm đối trọng với “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc, do nhu cầu vac-xin của khu vực Đông Nam Á là rất lớn và một quốc gia không thể một mình cung ứng. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn muốn duy trì ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á, nhất là tại các quốc gia mà Tokyo có quan hệ chiến lược như Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Indonesia. Ngoài ra, Nhật Bản có lẽ cũng nhận thấy rằng dù Trung Quốc đã tặng và bán hàng trăm triệu liều vac-xin cho khu vực, nhưng các quốc gia Đông Nam Á không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vac-xin của Trung Quốc mà muốn đa dạng hóa các nhà cung cấp. Do đó, việc Nhật Bản cung cấp vac-xin đem lại cho các quốc gia Đông Nam Á thêm lựa chọn, qua đó tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản và giảm bớt phần nào ảnh hưởng mà Trung Quốc có được qua hoạt động ngoại giao vac-xin. Ngoài ra, Nhật Bản tặng trực tiếp số vac-xin này thay vì thông qua Quỹ COVAX, có lẽ vì muốn đảm bảo số vac-xin đến được các nước mà Nhật Bản muốn thắt chặt quan hệ. RFI : Sau khi nhậm chức, thủ tướng Yoshihide Suga đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến thăm Việt Nam, sau đó là Indonesia. Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Nhật Bản ? N. T. : Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhật Bản gồm 3 trụ cột : (1) Thúc đẩy pháp trị, tự do hàng hải, thương mại tự do ; (2) Thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng và củng cố quan hệ kinh tế và (3) Thúc đẩy hòa bình và ổn định thông qua tăng cường năng lực cho các quốc gia (an ninh hàng hải, phát triển nhân lực). Việt Nam có lợi ích và hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong cả 3 trụ cột trên. Hai nước đều phải đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán hơn trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nên đều ủng hộ một trật tự khu vực dựa trên quy tắc, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Hợp tác kinh tế song phương sẽ còn được thúc đẩy hơn nữa khi Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của hai hiệp định kinh tế lớn trong khu vực là CPTPP và RCEP, và Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng. Và trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn, Nhật Bản cũng tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải, như xây dựng năng lực nhận thức biển (maritime domain awareness) và thực thi pháp luật trên biển. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước, bao gồm chuyển giao tàu tuần tra, diễn tập chung, huấn luyện và đào tạo là vì mục tiêu này. Nhật Bản hiểu rằng một khi Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông, nước này sẽ dồn lực gây sức ép với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Do đó, những năm gần đây Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, nhằm giúp các nước này xây dựng năng lực đối phó với sức ép từ Trung Quốc. RFI : Nhật Bản đã tạo được uy tín tại Việt Nam về hợp tác kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng và cũng có tranh chấp với Trung Quốc về biển đảo. Liệu đây có thể là cơ sở giúp Tokyo và Hà Nội tạo niềm tin và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, trước một Trung Quốc không ngừng đòi hỏi chủ quyền trong khu vực ? N. T. : Theo tôi, hợp tác kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn toàn là cơ sở tốt để hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Trong các năm gần đây, Nhật Bản luôn nằm trong nhóm 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ đặt chuỗi cung ứng tại Việt Nam mà còn thâm nhập vào thị trường tiêu dùng. Nhật Bản cũng là nhà cung cấp vốn ODA hàng đầu cho nhiều lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, quản trị nhà nước, cải cách pháp luật… Do đó, chính phủ Việt Nam có sự tin cậy chính trị rất cao đối với Nhật Bản. Niềm tin chính trị cao sẽ giúp thúc đẩy hợp tác quốc phòng Một mặt, Nhật Bản hỗ trợ chuyển giao tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, đồng thời mời chào Việt Nam mua máy bay tuần tra trên biển của Nhật Bản. Mặt khác, hai nước còn hợp tác trong huấn luyện và đào tạo, an ninh phi truyền thống, đối thoại chính sách. Trong chuyến thăm Hà Nội mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Suga, hai nước đã nhất trí về một thỏa thuận cho phép Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam. Đây là bước tiến lớn để hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại nhất định. Bất chấp những thay đổi gần đây về chính sách đối ngoại dưới thời cựu thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản nhìn chung vẫn bị ràng buộc bởi bản Hiến Pháp hòa bình của nước này, nên hợp tác quốc phòng Nhật-Việt hiện nay vẫn sẽ chỉ dừng ở các lĩnh vực ít gây tranh cãi như an ninh phi truyền thống, đào tạo huấn luyện, tìm kiếm cứu nạn. Trong chuyển giao, mua bán thiết bị quốc phòng cho Việt Nam, Nhật Bản sẽ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ Nga và Ấn Độ, vốn là những đối tác quốc phòng lâu đời của Việt Nam và thiết bị của các nước này thường có giá thành dễ chịu hơn so với thiết bị của Nhật Bản. RFI : Đại dịch Covid-19 buộc nhiều nước phải đổi chính sách, đa dạng hóa các đối tác và nguồn cung cấp. Có thể coi đây là cơ hội để Việt Nam và Nhật Bản thắt chặt hợp tác để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế ? N. T. : Việt Nam đã có chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại từ trước và Nhật Bản là một trong các đối tác Việt Nam mong muốn thắt chặt quan hệ. Hai nước cũng đều muốn giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc do nhận thấy những rủi ro từ sự phụ thuộc đó đối với an ninh quốc gia và trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Bản thân Nhật Bản cũng từng là nạn nhân của hành vi cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc hồi năm 2010, khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, một nguyên liệu quan trọng đối với ngành chế tạo công nghệ cao của Nhật Bản, sau khi quan hệ song phương trở nên xấu đi liên quan tới tranh chấp quần đảo Senkaku. Tôi cho rằng hai nước sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa sau đại dịch trên một loạt lĩnh vực. Ngoài các lĩnh vực nổi bật như xây dựng cơ sở hạ tầng, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm chế tạo tại khu vực Đông Nam Á. Bản thân Nhật Bản cũng có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp nước này chuyển chuỗi sản xuất và cung ứng về Nhật hoặc sang các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam là điểm đến được lựa chọn nhiều nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, sẽ rất khó để hai nước giảm hoàn toàn phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, nhất là trong chuỗi cung ứng, vì nước này vẫn sở hữu một số lợi thế lớn như nhân công tay nghề cao, cơ sở hạ tầng tốt, nhà cung ứng đa dạng và thị trường tiêu dùng lớn. Ngoài ra, quy mô sản xuất tại Việt Nam còn quá nhỏ so với Trung Quốc, trình độ lao động còn chưa cao và cơ sở hạ tầng còn kém. RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu N. T., chuyên về chính sách đối ngoại của Việt Nam.  
......

Cứng họng chưa mày!

Việt Nam vượt trội qua mặt thế giới trong tất cả các lãnh vực từ Kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp cho đến khoa học... qua báo Đảng. Không tin thì theo dõi báo đảng thì biết. Ngô Trường An  Cô em họ mình di tản qua Pháp năm 1975 và lấy chồng người Pháp. Hôm nay hắn gọi điện về cho mình kể rằng, lão chồng hắn xem Euro, thấy cờ đỏ sao vàng treo tùm lum trên khán đài. Lão kêu hắn lại hỏi: "Việt Nam mày có gì nổi bật mà đem cờ qua tận sân vận động châu Âu treo nham nhở, gây ô nhiễm thị giác người hâm mộ thế hả"? Em quê quá nhưng không biết nói sao cả. Anh, anh xem VN mình có mặt nào nổi bật, anh thông tin giúp em, để em lên mặt cho lão ấy khỏi xem thường đất nước mình. Tui trả lời: - Mày nói với lão ấy rằng, VN của tui không nổi bật thì nước nào mới nổi? Ông muốn biết lĩnh vực nào? Khoa học kỹ thuật, kinh tế, công nghiệp, hay hàng không vũ trụ??? Lĩnh vực nào cũng ngang tầm thế giới cả! Nó mừng rỡ: - Ồ, tuyệt quá! Anh nói cụ thể em nghe đi anh! - Được rồi! Về công nghiệp thì VN đã là nước công nghiệp hiện đại năm 2020 rồi nha. Và ngành đường sắt VN đã đuổi kịp công nghệ đường sắt Nhật Bản cách đây 11 năm rồi (năm 2010) kia lận. - Ủa, ủa!!! Sao vừa rồi em nghe nói ngành đường sắt sắp phá sản? Công nhân bị nợ lương cả năm trời kia mà! - Ồn ào quá! Anh mày nói có sách, mách có chứng. Mày khỏi lo đi! Rồi, tiếp đến là lĩnh vực KHKT. Lĩnh vực này nổi bật nhất là, VN đã làm được mưa nhân tạo từ năm 2010 lận nha. - Ơ! Thế sao năm ngoái đồng bằng SCL bị khô hạn, đất nức nẻ, lúa chết, nhiễm mặn tùm lum mà nhà nước không cho mưa nhân tạo? - Mệt mày quá! Vặn vẹo quài nà! Về lĩnh vực hàng không vũ trụ thì phi thuyền VN đã đưa người lên không gian vào cuối năm 2017, cách đây 4 năm rồi. Về kinh tế thì sang năm (2022) tp Hà Nội sẽ đuổi kịp Singapore và Hongkong nè. Về.... - Thôi, thôi đi anh ơi! Làm sao mà lão chồng em lại tin được những điều này chứ! Giải thích bằng cách nào đây? - Cần gì giải thích! Mày cop hết link báo nhà nước mà tao vừa kể đó. Cop xong, ấn nút dịch qua tiếng Tây rồi quăng vào mặt lão. Lão sẽ cứng họng ngay thôi! Đừng xem thường đất nước tao nhá! Ngô Trường An
......

Pages