2019

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

  Chu Vĩnh Hải Tổng thống Hoa Kỳ, ông D. Trump theo ghi nhận của báo chí Hoa Kỳ và theo chính lời tự bạch của chính ông là " người đàn ông chưa bao giờ lùi bước" trước các thách thức và các giới hạn. Có lẽ, đặc tính này của ông mới đủ sức công phá sự tinh thông và mưu ma chước quỷ của những kẻ lục lâm thảo khấu đang ngự trị ở Trung Nam Hải. Chưa đầy 24 giờ sau khi Washington chính thức tăng thuế với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại ra lệnh tăng thuế tiếp với tất cả số hàng còn lại nhập từ Trung Hãng tin AFP dẫn thông báo của ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, cho biết: "Tổng thống cũng đã lệnh cho chúng tôi bắt đầu quá trình tăng thuế về cơ bản với tất cả số hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, số hàng này ước tính có tổng giá trị khoảng 300 tỉ USD". Đây là ngã rẽ bất ngờ thứ hai của thương chiến Mỹ- Trung. Cách đây hơn một tháng, ông D. Trump đã tạo nên ngã rẽ thứ nhất cực kỳ hấp dẫn nhưng ít ai chú ý. NGÃ RẼ BẤT NGỜ THỨ NHẤT Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc giờ đây không còn ý nghĩa thuần túy kinh tế nữa, mà đã chuyển sang hình thái chiến tranh kinh tế chính trị. Đầu tháng 4-2019, báo chí Mỹ và Châu Âu cho biết, phái đoàn đàm phán của Mỹ tại Trung Quốc đã thẳng thắn yêu cầu phía Trung Quốc thay đổi, nới lỏng Luật An ninh mạng nếu muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ. Đây là yêu cầu mới và bất ngờ từ phía Mỹ. Phái đoàn đàm phán của Mỹ cho rằng, Luật An ninh mạng của Trung Quốc đang là một thách thức đáng kể đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại nước này, bởi luật này yêu cầu doanh nghiệp Mỹ và các quốc gia khác phải lưu trữ dữ liệu nhạy cảm ở Trung Quốc và ưu tiên sử dụng thiết bị mạng của Trung Quốc hơn các thiết bị nước ngoài, đồng thời kiểm duyệt nghiêm ngặt thông tin. Để đáp trả sự kiểm duyệt mạnh mẽ của Trung Quốc, vào năm 2010, Apple đã rời bỏ thị trường bao la Trung Quốc, nhưng vào cuối năm 2017, không thể từ chối một thị trường hấp dẫn, Apple đã quay lại thị trường này với khá nhiều nhượng bộ. Apple tuân thủ luật pháp Trung Quốc, tuyên bố rằng họ sẽ lưu trữ dữ liệu của dịch vụ iCloud Trung Quốc tại một trung tâm dữ liệu do chính phủ tài trợ có tên Gu Fuzhou-Cloud Big Data. Trong khi đó, hai hãng khác của Mỹ là Skype và WhatsApp từ chối lưu trữ dữ liệu của họ tại máy chủ địa phương và chấp nhận bị cấm hoạt động ở Trung Quốc. Ngày càng nhiều các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc, đặc biệt là các công ty công nghệ, ngân hàng hoặc công ty năng lượng lo ngại việc tiếp tục cung cấp dịch vụ và đầu tư tại Trung Quốc sẽ làm lộ bí mật kinh doanh, thông tin lưu trữ tuyệt mật của các công ty và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Họ đã và đang xem xét việc rút lui khỏi Trung Quốc, tìm kiếm thị trường khác. Theo báo chí nước ngoài, việc Mỹ đòi hỏi Trung Quốc thay đổi và nới lỏng Luật an ninh mạng là một bước đi kinh tế chính trị khôn ngoan và mạnh mẽ. Đòi hỏi này làm cho phía Trung Quốc ớn lạnh. Nếu chấp nhận đòi hỏi của Mỹ, không gian tự do sẽ phần nào được mở ra ở Trung Quốc, mà Tự Do là kẻ thù lớn nhất của Trung Quốc cộng sản. Nếu Trung Quốc không chấp nhận đòi hỏi của Mỹ, nền kinh tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ lao dốc, và chính quyền Bắc Kinh sẽ dần mất tính chính danh. Báo chí thế giới và nhiều Facebookers nổi tiếng ở Việt Nam cùng có nhận định rằng, trong thương chiến Mỹ- Trung, Mỹ đang làm chủ cuộc chơi và đang dồn dần Trung Quốc về một góc của võ đài.Một Facebooker bình luận hài hước: “ Cowboy bắn súng có uy lực hơn mấy kẻ lục lâm thảo khấu luôn làm oai bằng những miếng võ Tàu vờn vẽ”. ÔNG D. TRUMP “CHƯA BAO GIỜ LÙI BƯỚC”. Tại Việt Nam, có một số ít người tỏ ý lo ngại rằng, tổng thống Hoa Kỳ, ông D. Trump sẽ không cương quyết và mạnh mẽ đến cùng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc vì ông ta phải vật lộn với cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra chưa đầy hai năm nữa. Lo ngại này có lẽ không phù hợp với tính cách của D. Trump, người chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu đã đặt ra. Trước khi đắc cử tổng thống, ông D. Trump đã có nhận thức thấu đáo về một nước Trung Quốc cộng sản với nhiều thói hư tật xấu. D. Trump là tác giả của cuốn sách Crippled America: How To Make America Great Again( (Nước Mỹ nhìn từ bên trong: Làm thế nào để nước Mỹ què quặt hùng mạnh trở lại) được xuất bản vào năm 2015, và nhiều nội dung trong cuốn sách này đã trở thành cương lĩnh tranh cử của ông. Trong cuốn sách này, ông D. Trump nhìn nhận về Trung Quốc: "Ngày hôm nay, thế giới phải đối đầu với hai phiên bản Trung Quốc. Trung Quốc "tốt" là Trung Quốc đã xây dựng những thành phố vĩ đại và cung cấp nhà ở lẫn giáo dục cho hàng triệu người. Trung Quốc " tốt" cho phép công dân họ du lịch khắp thế giới để học tập và giúp tạo ra một tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Trung Quốc " xấu" là Trung Quốc gần như bị che kín với người bên ngoài. Đó là chính quyền kiểm soát quyền tiếp cận Internet của người dân, áp chế bất đồng chính trị, bất đồng chính kiến, hạn chế quyền tự do, phát động tin tặc tấn công trên mạng, và sử dụng sức ảnh hưởng của họ trên khắp thế giới để thao túng các nền kinh tế. Và đồng thời trong suốt thời gian đó, họ đang củng cố sức mạnh quân sự của mình. Không còn nghi ngờ rằng, việc giải quyết Trung Quốc, cùng với việc giải quyết nước Nga, sẽ tiếp tục là thách thức dài hạn lớn nhất của chúng ta". Rõ ràng, ông D. Trump đã nhận thức được mặt thật giả dối và xấu xa của Trung Hoa đỏ, và ông sẽ kiên nhẫn và cương quyết đi trọn con đường "giải quyết Trung Quốc". Nếu lòng tốt của D. Trump là vô giới hạn thì sự cương quyết và khéo léo của ông cũng vô giới hạn. Cũng trong cuốn sách này, ông D. Trump viết: "Hẳn sẽ có người mong tôi không nhắc đến Trung Quốc như kẻ thù của chúng ta. Song họ chính xác là như thế. Họ đã hủy diệt toàn bộ những ngành công nghiệp bằng việc tận dụng lao động giá rẻ, khiến chúng ta mất hàng chục ngàn việc làm, do thám các doanh nghiệp của chúng ta, đánh cắp công nghệ của chúng ta, thao túng và hạ giá đồng tiền của họ, khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa của chúng ta bị tốn kém hơn và đôi khi là bất khả thi. ...Vậy chúng ta cần làm gì đây? Chúng ta sẽ sử dụng đòn bẩy đang có để thay đổi tình hình sao cho có lợi cho đất nước và người dân Mỹ. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc trở nên cứng rắn với người Trung Quốc. Họ là những người tinh thông nhưng tôi chưa bao giờ lùi bước". Đó là những tâm huyết của D. Trump vào 4 năm trước. Còn giờ đây, trong thương chiến Mỹ- Trung, ông D. Trump không những không lùi bước mà còn tiến bước mạnh mẽ. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề từ thương chiến thì nền kinh tế Mỹ chỉ bị sụt sịt đôi chút, nghĩa là, vẫn khỏe re như bò kéo xe. Không chỉ đòi hỏi các điều kiện về thương mại công bằng và bình đẳng, vào cuối tuần qua, phái đoàn đàm phán của Mỹ đã mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc thay đổi và nới lỏng Luật An ninh mạng của Trung Quốc được ban hành để tiêu diệt tự do. Rõ ràng, trong thương chiến Mỹ- Trung Quốc, giờ đây, ông D. Trump đang chủ động và quyết liệt chơi con bài kinh tế chính trị. Nếu nước Mỹ trở nên vĩ đại nhờ tự do thì Trung Quốc tồn tại và tăng trưởng nhờ cấm đoán. Ông D. Trump hiểu rõ điều đó và đang nỗ lực phá đi sự cấm đoán đó của Trung Quốc, đồng nghĩa đang nỗ lực mang một ít tự do cho người dân Trung Quốc. Có thể chiến thắng của D. Trump không dễ dàng và nhanh chóng nhưng vẫn là chiến thắng. Ai nghĩ ông D. Trump không kiên nhẫn? Người Trung Hoa tuy tinh thông nhưng ông D. Trump chưa bao giờ lùi bước.
......

Lenin một tay đại xảo trá bịp bợm

Đỗ Văn Ngà| “Centralism is the concentration of power and control in the central authority of an organization (such as a political or educational system)”. Tạm dịch centralism là một thứ chủ chủ nghĩa mà ở đó quyền lực và sự kiểm soát được tập trung về một cơ quan đầu não của một tổ chức nào đấy (chẳng hạn như là một tổ chức chính trị hay tổ chức giáo dục). Tiếng Anh họ định nghĩa thế. Nói cho dễ hiểu thì nó là một thứ chủ nghĩa mà trong đó một nhóm người gom hết quyền lực và nắm quyền điều khiển mọi thứ, hết. Trong nền chính trị độc tài toàn trị của Công Sản, thì nhóm gom hết mọi thứ quyền hành và chiếm trọn quyền điều khiển đất nước đó là Bộ Chính Trị, nhóm này là nhóm nắm siêu quyền lực và dân hoàn toàn không có chút quyền lực gì cả. Chỉ có Cộng Sản mới có kiểu gom hết quyền lực như thế, vì chủ nghĩa này được bịa ra bởi Lenin. Democratic là có tính dân chủ. Thực ra khi dùng từ centralism là thứ chủ nghĩa gom quyền lực nghe nó không khác gì bản chất của một hoàng đế chuyên quyền, nên Lenin đã rất gian xảo khi dùng từ Democratic để thêm vào nhằm làm giảm nhẹ nghĩa tập quyền của nó. Thực chất của rừ Democratic Centralism nó vẫn là một thứ chủ nghĩa tập quyền, và hoàn toàn nó không mang nghĩa dân chủ nào cả. Đã dân chủ thì tiếng nói mọi người phải có giá trị, phải được lắng nghe, nghĩa là để có dân chủ thì phải tản quyền chứ không thể là tập quyền. Bản chất của từ Democratic centralism là thế nhưng CSVN dịch tào lao là “tập trung dân chủ”. Nói ra có vẻ như nó dân chủ lắm, nhưng kỳ thực đó hoàn toàn không phải thế vì từ “tập trung dân chủ” về ngữ nghĩa tiếng Việt nó rất tối nghĩa, khi nói ra chẳng ai hiểu nó là cái thứ mô tê gì cả. Trong Tiếng Việt, CSVN định nghĩa “tập trung dân chủ” như sau: “Tự do thảo luận nhưng, thống nhất hành động”. Đây là một cách định nghĩa mang tính lừa gạt nhân dân. Câu hỏi đặt ta là “tự do thảo luận” thì ai có quyền thảo luận? Nhân dân có quyền không? Không hề. Cấp ở dưới cơ sở có quyền thảo luận không? Không hề. Chỉ duy nhất nhóm rất nhỏ trên cao là có quyền thảo luận và quyết rồi áp đặt xuống tất cả phải thi hành theo. Nói thẳng ra “tập trung dân chủ” là một thứ độc tài đến cực đoan và áo bên ngoài một tự mỹ miều “Democratic – có tính dân chủ”. Lenin, một tay đại xảo trá bịp bợm, CSVN là một nhóm lừa gạt. Chính xác là thế./.
......

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng bị cưỡng bức điều trị tâm thần

Bà Trần Thị Niệm và nhà báo Nguyễn Vũ Bình vào thăm nhà hoạt động Lê Anh Hùng.  Nguyễn Vũ Bình  - RFA Nhà hoạt động Lê Anh Hùng hiện đang bị đưa vào Bệnh viên Tâm Thần Trung Ương I tại Hà Nội. Thân nhân của nhà hoạt động Lê Anh Hùng gồm mẹ là bà Trần Thị Niêm, em trai, được cho thăm gặp và thông báo cho các bạn bè của nhà hoạt động này. Theo đó thì ông Lê Anh Hùng trông rất phờ phạc, yếu đi. Gia đình cho biết ông Lê Anh Hùng bị cưỡng bức tiêm thuốc điều trị tâm thần. Bản thân ông này ý thức được biện pháp đó và nhờ thân nhân chuyển lời kêu cứu đến các nhà hoạt động khác đang ở bên ngoài lên tiếng giúp đỡ. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình tại Hà Nội và cũng là người cùng gia đình đến thăm nhà hoạt động Lê Anh Hùng cho chúng tôi biết thêm thông tin: “Bây giờ thì đang ở trong bệnh viện tâm thần nhưng ở đó nó có một khu vực riêng mà chỗ đó không được ra vào tự do, phải có tên thăm nuôi nó gần như là trại tù đó  nó không khắt khe bằng thôi vào thăm cũng phải có danh sách ấy không phải ai muốn vào cũng được. Hiện nay Hùng đang ở với ba người nữa và một phòng bệnh có 4 người và mấy người này cũng không kích động lắm vì họ ở bệnh lâu năm rồi nên cũng không gây khó khăn gì nhiều.” Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Vũ Bình còn cho hay vì đã có kết luận giám định tâm thần nên vụ án xét xử nhà hoạt động Lê Anh Hùng đã được tạm đình chỉ. Đài Á Châu Tự Do không thể liên lạc được với Bệnh viện và trại giam để xác định thông tin được phía gia đình và người thân ông Lê Anh Hùng cho biết. Nhà hoạt động Lê Anh Hùng từng có đơn gửi đến nhiều cấp và cả đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc để tố cáo một lãnh đạo cao cấp hiện còn đương chức. Đơn thư của ông Lê Anh Hùng không hề được giải quyết. Ông Lê Anh Hùng cũng tham gia nhiều hoạt động gồm phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, bảo vệ môi trường, cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Ông từng bị cưỡng bức đi khám tâm thần lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2018. Lần thứ hai là vào tháng tư vừa qua. ***** Nguyễn Vũ Bình THÔNG TIN VỀ TNLT LÊ ANH HÙNG Nhận được thông báo của công an về việc Lê Anh Hùng đã có kết luận giám định bị tâm thần (tạm đình chỉ vụ án), nay đã chuyển tới bệnh viên Tâm thần Trung ương I, Thường Tín để điều trị, chúng tôi đã đi cùng với mẹ Lê Anh Hùng là bác Niêm tới bệnh viện để thăm gặp. Mặc dù là bệnh viện điều trị, nhưng chỉ có mẹ và em trai Lê Anh Hùng được thăm gặp. Sau thời gian thăm gặp khoảng hơn nửa tiếng, bác Niêm đã cho chúng tôi biết về tình trạng của Lê Anh Hùng như sau: Lê Anh Hùng gầy, yếu, dáng phờ phạc. Hùng nói, lần đầu bị cưỡng bức đi khám tâm thần tháng 10/2018, Hùng đã tuyệt thực để phản đổi. Nhưng họ đã cho người đè ra, truyền thức ăn qua đường mũi, miệng đến chảy cả máu. Nên việc tuyệt thực phản đối của Hùng không thành công. Lần thứ hai, Viện Kiểm sát yêu cầu giám định lại, từ 01/4 đến 22/4 và sau đó đã đưa trở lại bệnh viện để cưỡng bức điều trị tâm thần vào ngày 07/4 vừa qua. Hiện nay, Lê Anh Hùng bị cưỡng bức tiêm thuốc điều trị tâm thần. Lê Anh Hùng nhờ mẹ (bác Niêm) nói với tất cả anh chị em tranh đấu giúp để chấm dứt tình trạng cưỡng bức điều trị tâm thần. Vì người bình thường bị bắt tiêm thuốc và uống thuốc tâm thần sẽ bị hủy hoại sức khỏe và sự minh mẫn. Lê Anh Hùng cũng cảm ơn tất cả các tổ chức, hội nhóm, đoàn thể và các anh chị em đã quan tâm lên tiếng, giúp đỡ Lê Anh Hùng và gia đình trong suốt thời gian Hùng ở tù đến nay. Lê Anh Hùng vẫn kiên định và vững vàng trong cuộc đấu tranh của mình. Vậy xin trân trọng thông báo tình hình của Lê Anh Hùng tới quý vị, kính mong sự quan tâm của tất cả anh chị em và dư luận. Fb Nguyễn Vũ Bình  
......

Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2019 sẽ không phải là số 0?

Phạm Chí Dũng -  VOA Số 0 từng là kết quả tại Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt năm 2017 tại Hà Nội và năm 2018 tại Washington. Năm 2019, Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt thường niên một lần nữa được tổ chức tại thủ phủ của chính thể độc đảng, vào khoảng trung tuần tháng Năm. Một phái đoàn của Vụ Dân chủ, Lao động và Nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ tham vấn ý kiến giới hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam trước khi bước vào cuộc đối thoại đó. Số 0 trơn tuột Hai năm trước, sau khi cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt kết thúc, phái đoàn của bà Virginia Bennett – Trợ lý bộ trưởng ngoại giao về dân chủ, nhân quyền và lao động – đã vào Sài Gòn và gặp gỡ một số nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam tại nhà riêng của Tổng lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka. Hào hứng và hy vọng, Virginia Bennett đã thông báo với các thành viên xã hội dân sự Việt Nam về kết quả đáng khích lệ của cuộc đàm phán nhân quyền vừa diễn ra. Đúng vào lúc đó, một khách mời chủ chốt của cuộc gặp này là bác sĩ Nguyễn Đan Quế – người sáng lập phong trào đấu tranh dân chủ Cao trào Nhân bản, từng phải nằm tù cộng sản đến hai chục năm, đã bị hai chục công an thô bạo vây kín nhà để ông không thể đến gặp phái đoàn của bà Virginia Bennett. Khi đó, dù Virginia Bennett là một chính khách mới trong chính quyền Donald Trump và có lẽ chưa có mấy kinh nghiệm về các thủ thuật trả treo nhân quyền của giới lãnh đạo Việt Nam, sự thật là cái kết quả mà bà Bennett nhận được bằng những lời hứa hẹn chung chung và xảo ngôn của trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Việt Nam – một quan chức chỉ ở cấp vụ trưởng Bộ Ngoại giao và năm nào cũng có nhiệm vụ thông báo những lời hứa hẹn không hề được bảo chứng như thế – là sau cuộc đối thoại này đã không có gì được cải thiện. Thậm chí sau khi Thủ tướng Phúc kết thúc cuộc gặp với Tổng thống Trump ở Mỹ vào tháng 5 năm 2019 mà đã không nhận được tín hiệu nào về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, thậm chí còn bị Trump “đòi nợ” về tình trạng nhập siêu quá nhiều của Mỹ đối với Việt Nam trong lúc Trump lại gần như không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, giới cầm quyền Việt Nam đã bắt bớ đến gần ba chục nhà hoạt động nhân quyền chỉ riêng trong năm 2017, đồng thời đưa ra xử tù cực kỳ nặng nề đối với họ. Trong số những người bất đồng chính kiến bị công an Việt Nam bắt vào năm 2017 và năm 2018 có cả cái tên Nguyễn Bắc Truyển – một nhà hoạt động tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam và đã có mặt tại nhà riêng bà Mary Tarnowka vào buổi tối gặp mặt phái đoàn đối thoại nhân quyền của Hoa Kỳ. Cho tới nay, Truyển vẫn phải nằm tù với mức án đến 11 năm. Virginia Bennett dường như đã không có được một chút may mắn như những người tiền nhiệm là Daniel Baer và Tom Malinowsky. Nếu lấy mốc thời điểm năm 2013 để đánh dấu về việc lần đầu tiên chính thể Việt Nam tiếp cận gần hơn bao giờ hết với TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương) và đặc biệt cần đến hiệp định này như một sự cứu vãn với nền kinh tế bắt đầu chìm ngập trong suy thoái và nền ngân sách bắt đầu lao vào hội chứng hộc rỗng, những cuộc trao đổi của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama và được cụ thể hóa bằng đoàn đối thoại nhân quyền do Daniel Baer và sau đó là Tom Malinowsky dẫn đầu đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do do khá nhiều tù nhân lương tâm trong hai năm 2013 và 2014 như Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Cù Huy Hà Vũ… và cả Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần – tổng cộng khoảng 12 người, Nhưng Virginia Bennett lại đến Hà Nội vào một thời điểm buồn bã và u ám: chỉ vài tháng sau khi nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, Trump đã làm chết đứng giới chóp bu Việt Nam bằng tuyên bố Mỹ rút ra khỏi Hiệp định TPP – mang lại hệ quả lớn lao rằng Việt Nam sẽ không còn là quốc gia được hưởng lợi nhất trong hiệp định này. Không bao lâu sau đó, tư tưởng ‘ăn không được thì đạp đổ’ đã biến chính quyền Việt Nam trở lại bản năng một sinh vật hung hãn và xảo tiện, trút lên giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở đất nước này mối thù vặt và công cuộc trả thù điên dại. Trước tình trạng chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp người bất đồng, có vẻ phía Mỹ đã phải tạm ngưng đàm phán nhân quyền, dù cơ chế đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam được duy trì 2 lần mỗi năm. Vào cuối năm 2017, đã không có đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ nào diễn ra, cho dù giữa năm đó đã đánh dấu một mốc thời điểm quan trọng về hậu quả đu dây té lộn cổ của chính thể Việt Nam: tháng 7 năm 2017, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cấp tốc sang Washington cầu viện, bởi ngay trước đó ‘bạn vàng’ Bắc Kinh đã dùng đến vài trăm tàu hải cảnh vây bọc khu vực Bãi Tư Chính và mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ – một liên doanh giữa Việt Nam với hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha, khiến chính thể Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên ‘vùng biển chủ quyền không thể tranh cãi’ của mình. Tuy nhiên, lý do ngả ngớn về Mỹ một chút như trên chỉ là dầu khí chứ không phải nhân quyền. Hơn nữa, Donald Trump cũng nổi bật không phải là một tổng thống có mối quan tâm đặc biệt đến quyền con người trên thế giới. Mỹ đang nắm đằng chuôi về quân sự và cả về nhân quyền nếu muốn… Sang năm 2018, tình hình vẫn chưa thể khả quan hơn. Cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt thường niên vẫn diễn ra tại Washington nhưng có vẻ vẫn bế tắc. Mặc dù khi đó đã nhận được tín hiệu ‘cho qua cầu’ của Liên minh châu Âu (EU) về EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam), chính quyền Việt Nam vẫn chỉ thả nhỏ giọt vài tù nhân bất đồng chính kiến như luật sư Nguyễn Văn Đài và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Còn vào Đối thoại nhân quyền năm 2019, một lần nữa người Mỹ có vẻ ‘rút kinh nghiệm sâu sắc’ và tỏ ra cứng rắn hơn trước thái độ trơn tuột của những quan chức Việt mặt mũi bóng nhẫy và bụng lầy mỡ. Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc có vẻ Hoa Kỳ đã rút ra một bài học đắt giá: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền. Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, nếu không bị chế tài về lợi ích cá nhân, bản chất sẵn sàng vi phạm nhân quyền của chế độ toàn trị và giới quan chức ở Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi. Khác hẳn với bối cảnh TPP không có Mỹ vào năm 2017, giờ đây Hoa Kỳ đã phần nào lấy lại ưu thế của nó bằng một sự kiện đặc biệt mà nhiều khả năng sẽ diễn ra: tiếp theo cú ngã vỡ mặt vào năm 2017 trước Trung Quốc và sau những chuyến con thoi qua lại lẫn nhau của bộ trưởng quốc phòng hai nước Việt và Mỹ, chính Nguyễn Phú Trọng sẽ công du theo lời mời chính thức của Donald Trump đến Washington – nơi mà ông ta sẽ lần đầu tiên được đón tiếp một cách không phải ‘ngoại lệ’ hay ‘đặc cách’ với vai trò là nguyên thủ quốc gia, chứ không bị coi là tổng bí thư của một đảng cộng sản mà thậm chí ngay tại Việt Nam còn bị xem là ‘hoạt động bất hợp pháp’ (cho tới nay vẫn chẳng có bộ luật nào luật hóa hoạt động của đảng này). Đó sẽ là một cuộc gặp mà Bắc Kinh chẳng thích thú gì mà chắc chắn sẽ tìm cách phá đám – khi Trọng và Trump, không nghi ngờ gì nữa, sẽ bàn nhiều đến vấn đề tiêu điểm là hợp tác quốc phòng Mỹ – Việt và còn có thể dẫn tới một hình thức gần giống như hiệp ước tương trợ quốc phòng mà người Mỹ đã ký với Philippines, trước khi dẫn tới tương lai lớn hơn hẳn là quan hệ đối tác chiến lược Mỹ – Việt. Sau quân sự sẽ là kinh tế, thương mại hai chiều mà đang mang lại cho Việt Nam giá trị xuất siêu đến 35 tỷ USD/năm. Và còn những triển vọng khác nữa… Với điều kiện là từ nay đến đó Nguyễn Phú Trọng kịp phục hồi sức khỏe khỏi cơn tai biến mang tên ‘Kiên Giang 14 tháng Tư’ mà đã suýt bắt ông ta nằm liệt giường. Trong thời gian Trọng phải chịu biến cố trên, cấp dưới trực tiếp của ông ta là ‘Phó tổng bí thư đảng’ Trần Quốc Vượng đã thay Trọng tiếp đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi Thượng nghị sĩ Patrict Leahy, thăm Việt Nam – một trong những động tác làm tiền đề cho cuộc gặp Trump – Trọng sắp tới. Các thượng nghị sĩ trên đã có các cuộc gặp với một số những chóp bu của đảng, chính phủ và Quốc hội Việt Nam và đã đề cập đến một số các trường hợp tù nhân lương tâm bao gồm danh sách 7 tù nhân lương tâm được Đại sứ quán Mỹ chuẩn bị, điển hình là trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang phải chịu án tù 16 năm với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân trong một phiên tòa vào năm 2010. Trường hợp của công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn, người đang bị giam giữ tại Việt Nam để điều tra cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, cũng được đưa ra trong chuyến thăm đó. Ngay sau khi trở về Hoa Kỳ, Thượng Nghị sĩ đảng Dân Chủ Tim Kaine – một trong số thành viên của đoàn thượng nghị sĩ trên – đã nói: “Chúng ta (Hoa Kỳ) phải đưa vấn đề nhân quyền và cải thiện nhân quyền là một cột trụ trong quan hệ hai nước. Tôi rất mừng khi thấy quan hệ hai nước đã có những điểm mạnh. Hoa Kỳ đang cố gắng để giải quyết các vấn đề về di sản của chiến tranh. Chúng ta đã làm đúng và chúng ta có quyền đòi hỏi chiều ngược lại và điều mà chúng ta đòi hỏi đổi lại đó là nhân quyền.” (RFA Việt ngữ). Nếu cuộc gặp Trump – Trọng diễn ra vào mùa hè năm 2019, đó có thể là một phiên bản của quá khứ khi đã diễn ra cuộc gặp Obama – Sang vào tháng 7 năm 2013. Vào lúc đó, Trương Tấn Sang – chủ tịch nước – sang Mỹ điều đình cho Hiệp định TPP, để khoảng ba tuần sau đó thì một tòa án ở Long An đã phải trả tự do ngay tại tòa cho sinh viên bất đồng Nguyễn Phương Uyên, dù trước đó đã xử án sơ thẩm cô đến 6 năm tù. Cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt năm 2019 cũng bởi thế có thể sẽ mang một sắc thái khác hơn và hy vọng hơn so với con số 0 tròn trĩnh hai năm trước đó. Bây giờ là vấn đề Trần Huỳnh Duy Thức và những tù nhân lương tâm khác. Sự thay đổi về số phận con người và quyền con người này có thể hiện ra trước khi Nguyễn Phú Trọng đặt chân đến Washington. Phạm Chí Dũng  
......

An ninh hay côn đồ?

Ảnh: Bên ngoài phiên sơ thẩm Ba Sàm, 23/3/2016. Võ Văn Tạo Tôi, nhà báo Võ Văn Tạo, cực lực phản đối và lên án lực lượng an ninh điều tra bộ Công an đã bắt cóc tôi và hành xử phi pháp, hung bạo chẳng khác côn đồ vào tối 4 và ngày 5/5/2019 vừa qua, tại địa bàn Thủ đô Hà Nội. Cuối chiều 4/5, tôi nhờ bạn cùng lớp ĐH Ng Thương HN với tôi là anh Đàm Đình Vinh chở xe máy đến thăm gia đình blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) ở khu Trung Tự. Sau đó 2 chúng tôi đi thăm gia đình anh Trần Ngọc Hoàng, bạn cùng lớp ĐH, ở phố Đại La. Chia tay vợ chồng anh Hoàng, đang đi trên đường thì bất ngờ có 2 chiếc xe máy (4 thanh niên) áp sát, chèn xe chúng tôi vô lề đường và họ xốc nách tôi lên 1 xe máy, chạy kẹp 3 về trụ sở Trực ban An ninh điều tra Bộ C.A ở số 3, Nguyễn Gia Thiều. Một xe trong bọn chúng chặn anh Đàm Đình Vinh, để anh không thể biết chúng đưa tôi đi đâu. Trên đường chạy xe, gã thanh niên ngồi ôm tôi liên tục hăm dọa rất mất dạy: “Già rồi, xương giòn đấy…”. Về đến số 3 Nguyễn Gia Thiều, mặc cho tôi liên tục phản đối chúng vi phạm trắng trợn quyền tự do đi lại của công dân và bác bỏ yêu cầu “làm việc”, “viết tường trình”, lập và “ký biên bản” của chúng, chúng vẫn giam giữ trái phép tôi đến khuya, bẻ tay tôi để cướp điện thoại và CMND. Đến khuya, chúng cho xe ô tô đưa tôi về nhà anh Đàm Đình Vinh, nói 13h30 hôm sau mới trả đt và CMND tại 3 Ng Gia Thiều. Tôi yêu cầu chúng viết biên lai thu giữ giấy CMND và điện thoại, chúng không viết. 13h30 ngày 5/5, anh Đàm Đình Vinh chở tôi đến lấy lại CMND và điện thoại, thì chúng nói thác đi là người giữ đang canh nhà Vinh Ba Sàm và mỗi lúc cứ lần lữa đến tối, chúng mới trả CMND và điện thoại. Lúc chúng giữ điện thoại, pin còn đầy. Khi trả, hết sạch pin. Trong khi giam giữ tôi trái phép, chúng tuyên bố trắng trợn rằng chúng muốn ngăn cản mọi người đến chúc mừng anh Ba Sàm khi anh ra tù, trở về nhà vào ngày 5/5. Tôi kiên quyết phản bác lập luận sai trái và động thái vô ích ấy, khẳng định yêu mến, chào đón ai là quyền của mỗi người dân. Việc ngăn cản thô bạo là phi pháp và không thể ngăn cản mãi, không thể điều khiển tư tưởng, tình cảm, quan điểm, thái độ chính trị của mọi người có lương tri. Tôi cũng nói thẳng với họ: chức năng của công an là bảo vệ pháp luật, nhưng chính họ đã ngang nhiên chà đạp, ngồi xổm lên pháp luật. Những hành vi xâm phạm nhân quyền thô bỉ như thế này chỉ làm công chúng và quốc tế thấy bộ mặt thể chế này thêm lem luốc mà thôi.  
......

Nhà Nước & Nhà Thổ

Đưa người cửa trước rước người cửa sau. (Kiều) Tưởng Năng Tiến| Tôi không rõ năm sinh hay ngày qua đời của thi sĩ Bùi Giáng nhưng vẫn nhớ hoài hai câu thơ (ngơ ngác) mà ông viết từ cuối thế kỷ trước, sau khi tầu vũ trụ Soyuz 37 được phóng lên không gian, vào hôm 23 tháng 7 năm 1980: Hoan hô đồng chí Phạm Tuân Khi không anh bỗng nhẩy tưng lên trời! Sao mà (khi khổng) khi không được, cha nội? Ðây là một cú “nhẩy” lịch sử, được chuẩn bị rất kỹ càng và chu đáo, chớ bộ – theo như lời của chính phi hành gia Phạm Tuân: “Khi đi tôi mang theo Tuyên ngôn Độc lập, bản Di chúc của Bác Hồ, một nắm đất Ba Đình, một lá cờ Tổ quốc, hai Huy hiệu của Bác Hồ và ảnh của Bác. Tất cả những ảnh, cờ và sách đều được đóng dấu trong vũ trụ. Nắm đất Ba Đình, lá cờ Tổ quốc, Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác và ảnh của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đều thể hiện chủ quyền độc lập dân tộc Việt Nam đưa lên vũ trụ, đóng dấu ở trên vũ trụ cũng là khẳng định người Việt Nam sánh vai cùng với quốc tế và đã có mặt trên vũ trụ.” Cách “thể hiện chủ quyền độc lập dân tộc Việt Nam” của Phạm Tuân, dường như, không được dân Việt tận tình chia sẻ. Họ nhìn vấn đề, ngó bộ, hơi sai: Cơm ăn một gạo hai mì Mày vào vũ trụ làm gì hở Tuân? Đúng là ý kiến của đám đông hàm hồ và thất học, không có căn cứ hay cơ sở gì ráo trọi. Người ta “quá giang” vào vũ trụ, có phải mua vé đâu mà lo tốn kém hay đủ thiếu Tuy tiếng là đi “ké” nhưng lúc về người hùng không gian vẫn được đón rước vô cùng đình đám – theo như tường thuật của báo Công An Nhân Dân:  “Ngày ông trở về Việt Nam, người dân đứng suốt dọc con đường từ sân bay Gia Lâm về Hà Nội với những bức ảnh chân dung Phạm Tuân, cờ hoa, biểu ngữ chào đón. Lúc đó ông thấy một cảm xúc xúc động đến nghẹt thở cứ dâng tràn trong lòng.” Quả là một ngày vui. Đời là vạn ngàu sầu nên những ngày vui bao giờ cũng hiếm. Phải đợi mãi đến hôm 3 tháng 5 năm 2019,  dân Hà Nội mới có dịp trải qua một buổi chiều tưng bừng khác, khi Nhà Nước tổ chức một cuộc chào đón linh đình và trọng thể, dành cho cô Đoàn Thị Hương: – Bộ Ngoại giao Việt Nam đang chuẩn bị đưa Đoàn Thị Hương về nước – Bộ Ngoại giao đang triển khai thủ tục cần thiết để đưa Đoàn Thị Hương về nước – Đã xác định ngày trả tự do cho Đoàn Thị Hương – Bộ Ngoại giao: Đoàn Thị Hương được thả là nỗ lực bảo hộ công dân – Đoàn Thị Hương xuất hiện tại sân bay Nội Bài – Cận cảnh Đoàn Thị Hương trở về Việt Nam tối 3/5 – Đoàn Thị Hương về Việt Nam, được chào đón như diễn viên điện ảnh tại sân bay Nội Bài Thiệt là quá đã, và quá đáng! Không ít kẻ, xem ra, chả thấy hào hứng hay “nồng nhiệt” gì cho lắm: Võ Ngọc Ánh: Lưu manh đang tung hô một kẻ giết người như một minh tinh. Trần Thị Sánh: Mấy hôm nay, tràn ngập các mặt báo hoan hỉ đưa tin Đoàn Thị Hương trở về. Mình đọc cứ thấy nó sượng sượng, dơ dáy thế nào ấy …. Lê Dũng: Càng ngày chúng ta càng thấy, Lý Thông giờ không phải là một mà chúng là cả một đảng, cả một chính quyền. Đảng Lý Thông, chính quyền Lý Thông.  Nghiem Vietanh: Khởi đầu thì nhà sản vệ xem như chuyện của người ta,nên tỏ thái độ thờ ơ,vô trách nhiệm. Sau những diễn biến thực tế,bị dư luận,trong ngoài nước chửi rủa sml, nhà sản vệ mới làm màu, cố tạo ra chút váng…để lợi dụng. Hôm qua cô “sát thủ đầu mưng mủ” được tha tội, cho về cố quốc, cung đình sản vệ cử người đón rước hoành tráng hơn cả siêu sao, khoa trương và lộ liễu, kệch cỡm đến bỉ ổi… Ngô Thanh Tú: Khi những kẻ như Vũ Quang Hùng-người ám sát GS Nguyễn Văn Bông khiến ông chết ngay tại chỗ được tôn vinh như người hùng, thì việc cô Đoàn Thị Hương ám sát thành công Kim Jong Nam được truyền thông tiếp đón như minh tinh thì đâu có gì là lạ. Vì xét trên nhiều mặt cả hai việc làm này đều là khủng bố, giết người như nhau. Do Duy Ngoc: Xã hội hôm nay mọi giá trị đều bị đảo lộn. Đạo lý, đạo đức nháo nhào chẳng còn biết đâu là giá trị thật của cuộc sống. Kẻ bán nước được tôn sùng như thánh nhân. Tên trùm xã hội đen cho vay nặng lãi, đâm thuê chém mướn thành thần tượng của tuổi trẻ. Kẻ giết người được tung hô như một anh hùng. Mai Thy : Cô ấy đã được đào tạo để trở thành một sát thủ Quốc tế, và vừa được trả từ sự giúp đỡ của rất nhiều những người yêu nước mà cộng sản gọi là “phản động”. Và giờ thì được chính Phủ VN chào đón long trọng … Nói nào ngay thì “chính phủ VN” không chỉ “chào đón long trọng” phi hành gia Phạm Tuân hay sát thủ Đoàn Thị Hương. Trong vài thập niên qua, kể từ khi Đảng quyết tâm và dũng cảm đổi mới, vẫn luôn luôn có những cuộc đón rước tưng bừng tương tự: – Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chào đón kiều bàovề quê ăn Tết – Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang gặp gỡ kiều bào vui Xuân quê hương –Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ các đại biểu kiều bào về nước đón Tết – Tổng Bí thư, Chủ tịch nướcNguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng kiều bào từ khắp nơi trên thế giới trở về quê Cha đất Tổ ăn Tết Nói là “nhiệt liệt chào mừng kiều bào từ khắp nơi về quê cha đất tổ ăn Tết” nhưng tưởng cũng cần “chua” thêm cho rõ (để tránh mọi sự hiểu lầm không cần thiết) là cũng có đôi ba trường hợp ngoại lệ: Đám kiều bào ở Miên/Lào (không có, hoặc có rất ít tiền đô) thì khỏi à nha. Đám người Thượng Tây Nguyên, thường được xe tải của Liên Hiệp Quốc chở về bằng đường bộ – qua cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai – cũng thế. Tuy cùng là dân “vượt biên trái phép” hết trơn, và ai cũng ra đi chỉ vì “nghe lời bọn xấu” (chỉ trừ mấy cái cột đèn, vì không có tai nên mới ở lại thôi) nhưng Nhà Nước – rất tiếc – không thể tiếp rước họ được. Sao kỳ vậy, cha nội? Cao Miên cũng là nước ngoài, chớ bộ? Đồng ý là thế nhưng phải xét đến sự dị biệt về phong tục nữa. Thượng Kiều về không đúng lúc, không phải dịp Tết, vậy thôi. Tết mới vui chớ. Ngày thường, ai cũng bận thấy bà luôn, làm sao mà đón người về cho được. Ngoài phong tục còn vấn đề phong thổ nữa. Thượng Kiều chả những về không đúng lúc mà còn không đúng chỗ nữa kìa. (Wrong time and wrong place, too). Thay vì lếch thếch về bằng xe tải, qua ngả biên giới của tỉnh Gia Lai, nếu họ dùng phản lực cơ, đáp cái ào xuống phi trường Tân Sơn Nhất … (với chút đỉnh tiền đô kẹp hờ trong passport) thì chuyện đón tiếp – tất nhiên – đã khác, và rất khác. Ở bình diện quốc gia (at national level) thì việc đưa đón đều phải có lý do, và đúng qui trình mới được. Nhà Nước chớ bộ nhà thổ sao mà bạ ai cũng rước. Đón Phạm Tuân và Đoàn Thị Hương linh đình “để nâng cao vị thế VN trên trường quốc tế.” Đón kiều bào từ Âu Mỹ còn linh đình hơn nữa để nâng cao mức kiều hối hàng năm. Chớ đám Thượng Kiều và Việt Kiều Lào/Miên (gì đó) thì ở bển luôn đi. Còn về làm chi cho má nó khi. Tưởng Năng Tiến
......

Formosa: Thủ phạm đã rành rành, đừng lòng vòng nữa!

Đỗ Đăng Liêu| Bây giờ nhà nước cộng sản Việt Nam không còn có thể lu loa là các “thế lực thù địch” bày điều nói này nói nọ nữa bởi vì chính công an Hà Tĩnh đã lên tiếng tố cáo tội ác của Formosa qua một công văn chính thức mới đây vào ngày 6 Tháng 4, 2019. Công an Hà Tĩnh đã tố cáo Formosa đang thải ra “14 nhóm chất thải với danh mục của hàng nghìn tên chất thải khác nhau … vượt ngưỡng, và Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng theo dõi, quản lý.” Theo văn thư của công an, mỗi năm Formosa thải ra một khối lượng chất thải rắn là gần 4 triệu tấn. Để độc giả dễ hình dung, 4 triệu tấn tương đương với một khối có chiều ngang, dọc là 200 mét (2 lần chiều dài của một sân banh) và cao 100 mét (chiều cao của một toà nhà 33 tầng). Trong 3 năm qua, Formosa đã thải ra ít nhất (vì đó chỉ là báo cáo chính thức, mà sự thật phải nhiều hơn mà người dân không được biết) là 3 khối chất thải khổng lồ như tả ở trên đã đi vào lòng đất và biển ở Hà Tĩnh. Và nạn xả thải vẫn đang tiếp diễn. Thật quá sức khủng khiếp! Cứ đà này thì đất nước ta sẽ ra sao? Sau khi công an CSVN lên tiếng, nhiều người đã đặt câu hỏi trách nhiệm này thuộc về ai. Có người cho rằng đó là lỗi của Võ Kim Cự, người đã ký giấy cấp phép mang Formosa tới Hà Tĩnh, Việt Nam. Có người cho rằng đó là lỗi của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị cho Võ Kim Cự. Có người cho rằng đó là lỗi của Bộ Trưởng Tài Nguyên & Môi Trường Trần Hồng Hà. Có người cho rằng đó là lỗi của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vì đã không thực hiện lời hứa là “Nếu Formosa tái phạm thì sẽ phải đóng cửa!” Sự thật chẳng cần phải tìm đâu xa, cứ nhìn vào cơ cấu lấy quyết định trong guồng máy Đảng Cộng Sản Việt Nam thì thấy ngay. Một thảm họa to lớn khủng khiếp như Formosa mà đứa trẻ con cũng biết thì hẳn nhiên là lãnh đạo các cấp CSVN phải biết, nói gì cấp bộ trưởng, thủ tướng hay cao hơn. Nhưng tại sao họ lại câm như hến và ngồi im bất động. Đơn giản là lệnh “bắt phải im” và “bắt phải câm” đến từ cơ cấu cao nhất là Bộ Chính Trị và cách riêng là Tổng Bí Thư. Đã bắt im, đã bắt câm thì phải im và phải câm thôi! Vì vậy, dù bọn Võ Kim Cự, Trần Hồng Hà, và nguyên cả cái đám kéo nhau xuống biển biểu diễn màn ăn cá không bị ô nhiễm ở Hà Tĩnh sau khi biến cố Formosa nổ ra, … và ngay cả Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, … có đáng tội vì tới giờ này vẫn im và câm thì cũng đừng đòi hỏi hay chờ đợi họ mở miệng vì chân tay, mồm miệng của họ đã bị “khoá” cả rồi! Thủ phạm chính hiện nay là đương kim Bộ Chính Trị và cá nhân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vì quyền quyết định đang nằm trong tay. Câu hỏi kế tiếp và hiển nhiên là “bây giờ phải làm gì?” Câu trả lời là phải làm sao để cái cơ cấu lấy quyết định, tức là Bộ Chính Trị, phải lấy quyết định khác hiện giờ, phải trừng phạt Formosa và tống cổ Formosa ra khỏi Việt Nam. Nhưng Bộ Chính Trị hiện giờ có khả năng lấy quyết định trừng phạt Formosa hay không? Hẳn nhiên là không! Ăn đã ngập miệng, không thể mở mồm ra được! Đã hơn 3 năm rồi, thời gian đã quá đủ để hành động nhưng họ đã không hành động, ngược lại chỉ toàn là những dối trá bịt mắt người dân cả nước. Họ đã bị Formosa, công cụ của Trung Cộng, hoàn toàn khống chế và làm tê liệt. Vậy ai có thể làm gì và làm thế nào? Chỉ còn một cách là xóa bỏ tập đoàn lãnh đạo trong Bộ Chính Trị, hay nói cách khác là xóa bỏ sự cai trị độc quyền, độc ác của Đảng CSVN này đi, và chỉ có khối 97 triệu người dân Việt Nam có thể làm được việc đó. Đảng CSVN còn ngồi đó hay không là quyết định của người dân. Bao giờ thì người dân Việt Nam quyết định dùng quyền của mình? Không nên nói lòng vòng nữa! Đỗ Đăng Liêu Công an Hà Tĩnh ‘bó tay’ với vi phạm xả thải của Formosa  
......

Bùi Chu – Phát Diệm, vì sao là lịch sử?

nhacsituankhanh´sblog| Câu chuyện nhà thờ Bùi Chu đang đứng trước các cuộc tranh cãi là có nên phá bỏ, xây mới, lại rơi vào một thời điểm rất thú vị: kỷ niệm 65 năm những người miền Bắc di cư vào Nam theo tiếng gọi tự do (1954 – 2019). Trong những điều mà người ta bàn tán, và nói Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu, thuộc xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định) là di sản, là lịch sử bởi được xây vào năm 1884, bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận, nhưng thật ra, ẩn sau đó, là một câu chuyện của niềm tin, máu, nước mắt, oan khiên… không chỉ riêng của người Công giáo, mà còn là cả một chặng dài lịch sử người Việt. Người ta vẫn hay kể những câu chuyện kinh hoàng về người ở lại miền Bắc sau 1954, với Cải cách ruộng đất, với các vụ án xét lại chống Đảng, chiến dịch thanh trừng Nhân văn-Giai phẩm… nhưng rất ít có tài liệu nào nói lại rằng những người chọn ở lại, những linh mục, những giáo dân… đã sống thế nào trong những tháng ngày ấy, cho đến 1975. Từ tháng 7-1954, dòng người ngược xuôi khi chia cắt đất nước, dù không thống kê được đầy đủ, nhưng theo sách Ramesh Thakur, Peacemaking in Vietnam, ước tính rằng có khoảng gần một triệu người từ miền Bắc Việt Nam chạy vào Nam vì từ chối sống dưới chế độ cộng sản. Trong khi đó, chỉ có gần 4.500 người từ Nam ra Bắc. Đa phần họ được gọi tên là dân tập kết đời đầu. Tuy nhiên, đó chỉ là con số thống kê cho đến hết tháng 7 năm 1955. Những cuộc đào thoát sau đó, từ Bắc vào Nam là còn chưa kể đến. Trong số những giáo dân vào Nam, có không ít người từ Bùi Chu – Phát Diệm. Vì lẽ, hơn ai hết, từ năm 1945 họ đã hiểu cộng sản là gì. Đức giám mục Lê Hữu Từ (được tấn phong từ tháng 10/1945) đã nhận ra được ẩn đằng sau Mặt trận Việt Minh là bàn tay của Quốc tế Cộng sản. Chính vì vậy, ngài đã sớm hậu thuẫn cho tổ chức Việt Nam Công giáo Cứu Quốc, nhằm tách biệt với hàng ngũ người Cộng sản, đặc biệt trong bối cảnh mọi người Việt Nam đều quyết kháng Pháp để đòi độc lập dân tộc. Đó không phải là suy đoán, vì tài liệu nghiên cứu (2009) nằm trong tàng thư của Tòa tổng giám mục Sài Gòn, được tổ chức bởi Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn từ năm 2007, có ghi lại rằng Đức cha Lê Hữu Từ đã công khai tách bạch giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản với người đứng đầu của chế độ miền Bắc là chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, khi về Phát Diệm để tạo hòa hoãn với Đức cha Lê Hữu Từ, trong vai trò là Giám mục cố vấn chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe trực tiếp lời tuyên bố của Đức cha rằng “Tôi và toàn dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ Cụ trong công cuộc chống thực dân Pháp, giành độc lập cho tổ quốc Việt Nam. Nhưng nếu Cụ là Cộng sản thì tôi chống Cụ, và chống Cụ từ phút này”. Nhưng vào lúc đó, ông Hồ Chí Minh vẫn không nhận mình là Cộng sản. Thậm chí ông còn nói với Đức cha Lê Hữu Từ rằng sẽ có một cuộc phổ thông đầu phiếu “toàn dân sẽ định đoạt, Cụ và tôi khỏi phải lo”. Nhưng cuộc phổ thông đầu phiếu đúng nghĩa ấy, không bao giờ có với người miền Bắc sau 1954 và cả nước, sau 1975. Nằm kề nhau, nên hai giáo phận Bùi Chu và và Phát Diệm có cùng một khuynh hướng về đạo và đời. Đó là chưa nói 2 nơi này có cùng một lãnh tụ tinh thần của người Công giáo miền Bắc từ năm 1954 đến 1967, là ngài Thaddeus Lê Hữu Từ, Giám quản Tông tòa hạt đại diện của cả hai nơi này qua từng thời kỳ. Sự mâu thuẫn giữa tổ chức Việt Nam Công giáo Cứu Quốc và Việt Minh tăng dần, dẫn đến những va chạm bằng vũ khí. Theo tài liệu Gibbs, “Battle of Indo-China”, Đức cha Lê Hữu Từ đã có một đội dân quân kháng Pháp và cũng để bảo vệ giáo dân trước Việt Minh, con số được ước tính trong sách nói có lúc đã lên đến 6.000 người. Ủng hộ và yểm trợ cho ngài về mặt chiến sự, được biết có ông Ngô Cao Tùng, chức danh thiếu tá, có nguồn gốc là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lực lượng vũ trang của ông Tùng được ước tính cũng có khoảng 1.700 người. Đây là một tình cảnh không khác gì với Phật giáo Hòa Hảo ở miền Nam Việt Nam. Một mặt chống Pháp đòi độc lập, nhưng mặt khác người yêu nước phải luôn đề phòng Việt Minh tiêu diệt mình để gồm thâu về một mối cho chủ nghĩa cộng sản. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập đạo Hòa Hảo, đã cho hình thành Lực lượng Vũ Trang Hòa Hảo (1945), mà tiền thân là Đội Bảo An, sau đó có thêm lực lượng Hòa Hảo Dân Xã của tướng Trần Văn Soái (tức Năm Lửa) sát nhập vào nhằm bảo vệ mình, cũng như cho cuộc kháng Pháp. Tháng 10-1949, người Pháp bất ngờ nhảy dù đổ bộ xuống đồng Lưu Phương, sát cạnh khu an toàn Phát Diệm, không ai trở tay kịp vào lúc đó. Và cũng chính vì lý do này mà Việt Minh coi hai vùng Bùi Chu-Phát Diệm là ngầm theo Pháp chống lại Việt Minh. Dĩ nhiên đó âm mưu chính trị, mà sau 1954, người công giáo ở Bùi Chu – Phát Diệm còn ở lại miền Bắc bị rơi vào hoàn cảnh khốn khó hơn hết dưới sự kiểm soát của chính quyền Bắc Việt cộng sản. Theo tài liệu “Thái độ của các Giám Mục miền Bắc đối với Cộng sản từ 1945 đến 1954” do nhà chép sử Công giáo Vũ Sinh Hiên ghi lại cho thấy, dù ở trong vùng Pháp kiểm soát, nhưng suốt trong thời gian đó, Đức cha Lê Hữu Từ vẫn luôn bày tỏ sự bất mãn và chống đối công khai với người Pháp và vua Bảo Đại. Năm 1951, nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh thánh Jean Baptiste de la Salle, Đức cha Lê Hữu Từ đã lấy cớ đó, đọc bài diễn văn nảy lửa, tuyên bố rằng “Người Pháp hãy ở yên tại Paris và Bảo Đại nên về lại Sài Gòn”. Nhưng dù vậy, đến 1954, khi người Pháp ra khỏi Bắc Việt, bắt đầu cuộc chia đôi đất nước, các giáo phận Bùi Chu-Phát Diệm vẫn nằm trong sự thù nghịch của chế độ mới. Tên gọi “những con quạ đen” được truyền thông Nhà nước Marxist đặt tên cho các linh mục và tuyên truyền từ đó. Và rồi, một chương khác đầy khổ nạn đã mở ra. Một chặng lịch sử vừa kiêu hãnh, vừa đau đớn của người Công giáo miền Bắc đã hằn nơi mảnh đất họ sinh sống, hằn nơi tiếng chuông nhà thờ và những phiến đá nham nhở, yếu ớt theo thời gian của các thánh đường, như thánh đường Bùi Chu vậy. Và đó là một phần của câu chuyện dài, để giải thích thêm cho ý nghĩa Bùi Chu – Phát Diệm vì sao là lịch sử. ( Ảnh màu: Nhà thờ Bùi Chu trước khi hạ giải – Ảnh trắng đen, giáo phận Bùi Chu trước năm 1954)  
......

Anh Vinh và anh Thức

Larry De King Anh Nguyễn Hữu Vinh, cha đẻ của trang anhbasam nổi tiếng vừa về nhà hôm qua 5.5.2019, sau 5 năm ngục tù. Anh từng là sĩ quan an ninh thứ dữ, bạn cùng thời với bộ trưởng công an Tô Lâm. Anh xuất thân từ gia đình cách mạng gộc, bố từng là bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá, bộ trưởng Bộ Lao Động, uỷ viên TW đảng. Nói tóm lại anh là 1 thái tử đảng thứ thiệt, thuộc diện cơ cấu lên lãnh đạo cấp cao, quan lộ rất thênh thang. Nhưng anh đã từ bỏ con đường đầy bổng lộc đó, chỉ vì muốn góp phần thay đổi đất nuớc thông qua con đuờng khai dân trí, phá vòng nô lệ. Bạn đọc chắc hẳn còn nhớ hơn 10 năm truớc, khi facebook chưa có mặt, đã xuất hiện trang blog anhbasam rất nổi tiếng vì những bài viết, điểm tin rất hay, đa dạng, chính xác, chinh phục hàng triệu khán giả trong và ngoài nước, bỏ xa toàn bộ 800 tờ báo quốc doanh. Tháng 4.2014 anh bị kết tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” với án 5 năm tù. Đằng sau đó là vì anh quyết liệt chống trung quốc, chống dự án Bô xít Tây Nguyên. Anh Nguyễn Hữu Vinh Trước toà anh tuyên bố mình vô tội, không thèm mặc cả giảm án, và thanh thản nhận 5 năm tù. Ngày hôm qua, hình ảnh của anh thật sự làm ngạc nhiên nhiều người khi anh vui vẻ tươi cuời, đưa 2 ngón tay biểu tượng chiến thắng. Cứ như 5 năm tù chỉ là 1 giấc ngủ trưa. *** Nếu anh Vinh là thái tử đảng với con đường rải đầy hoa hồng đi đến quyền lực thì anh Thức là một kỹ sư doanh nhân thành đạt nhờ vào trí tuệ sáng tạo của mình. Năm 2003 anh đã có 3 công ty viễn thông nổi tiếng có tên One-Connection ở Việt Nam, Singapore và California, cung cấp dịch vụ viễn thông toàn cầu mà thị trường chính là Mỹ, Canada, Úc. Lần đầu tiên có một công ty kỹ thuật Việt Nam nổi lên cạnh tranh với thị trường toàn cầu, One-Connection trở thành 1 hiện tượng gây chú ý giới truyền thông quốc tế. Khi Singapore không ngừng mời mọc trọng đãi anh ở lại Singapore để thu hút nhân tài, anh lại quyết định đưa doanh số ở nước ngoài về VN để tăng ngân sách đóng góp cho quốc gia. Từ đó One-Connection Việt Nam là tổng hành dinh, One-Connection Singapore và Mỹ trở thành 1 tổng đại lý bán hàng cho One-Connection Việt Nam. Đến đây các bạn cần hiểu anh đang là 1 nhà kinh doanh có tầm vóc quốc tế, 1 người Việt Nam duy nhất dám cạnh tranh sòng phẳng với những đại công ty trên thế giới. Tài sản của anh lúc bấy giờ có thể đạt đến con số hàng chục triệu đô. Anh đích thị là một Bill Gates, hay Steve Jobs của Việt Nam. Thức còn là một nhà nghiên cứu kinh tế chính trị thông thái, lỗi lạc. Năm 2008 xuất hiện các bài nghiên cứu phân tích kinh tế rất giá trị gây chấn động giới hàn lâm trong và ngoài nước dưới tên Trần Đông Chấn. Anh viết về tiền tệ Việt nam, về thâu tóm và thôn tính, về bầy thú điện tử, về nhóm lợi ích, về tham nhũng, sức dân và vận mệnh đất nước với cách nhìn khoa học biện chứng, tất cả đều tuân theo quy luật. Lúc ấy cả nước đang còn chưa qua cơn say chứng khoán và nhà đất, anh Thức đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng toàn diện, giống như những gì đang xảy ra hôm nay. Năm 2008 anh bị bắt vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền” chỉ vì những bài viết này, và bị kêu án 16 năm. *** Nếu VN là 1 đất nuớc tự do như Mỹ thì 2 anh phải là những ông chủ bự. Anh Vinh phải là 1 đại gia của giới truyền thông như CNN hay Fox News. Còn anh Thức không kém gì Mark Zuckerberg hay Bill Gates. Cuộc đời các anh là 1 bi kịch lớn, và cũng là bi kịch của đất nước. Cả 2 anh Vinh và anh Thức là những trí thức lớn, có lòng yêu nuớc rực lửa mới dám từ bỏ tất cả sự nghiệp huy hoàng, và chấp nhận lao tù để KHAI DÂN TRÍ – CHẤN DÂN KHÍ – HẬU DÂN SINH như bậc tiền bối Phan Chu Trinh từng phát động. Nếu anh Vinh muốn “phá vòng nô lệ” thì anh Thức “chống cuờng quyền”. Anh Vinh thanh thản nhận 5 năm tù. Anh Thức cũng vậy, năm 2016, sau 7 năm tù, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, nhà cầm quyền buộc phải thả anh, nhưng ra 1 điều kiện: Anh phải sống lưu vong. Anh nhất quyết không chấp nhận sự mặc cả đó, và an nhiên với những năm tù còn lại. Cả 2 anh, dù ở tù vẫn làm việc không mệt mỏi, vẫn cảm thấy không đủ thời gian để viết. Với ý chí phi thuờng, tù tội với các anh duờng như chỉ là một khoảng lặng để trui rèn, chiêm nghiệm thêm trên con đuờng tìm chân lý. Nhân cách lớn của 2 anh còn thể hiện qua phong thái thong dong tự tại trong tù. Đặc biệt các anh không hề than trách hay chửi bới chính quyền, và luôn vững tin vào sự thay đổi tất yếu của vận mệnh đất nước *** Hôm nay anh Vinh đã trở về sau 5 năm, cũng là lúc đánh dấu anh Thức đã 10 năm trong tù. Cho đến nay hiếm có 1 người Việt có kiến thức rộng, tầm nhìn xa và tài giỏi như anh, lại yêu tha thiết đất nước mình. Singapore, Mỹ hay bất cứ nước nào đều rất mong muốn có được 1 công dân tinh tuý như thế, chỉ có quê hương Việt nam là muốn trục xuất anh. Đất nước này lạ quá, lạ đến tê tái cả tâm hồn. Sự hy sinh của các anh không hề uổng phí. Các anh không còn cô đơn như trước. Đã có rất nhiều người lĩnh hội đuợc thông điệp và tiếp bước với lý tưởng phụng sự quốc gia. Xã hội hôm nay đã có nhiều tiếng nói cho tự do và công lý, mặc cho bao nhiêu án tù khắc nghiệt, tàn bạo nhằm răn đe từ chính quyền. Xin gửi đến 2 anh lòng kính trọng chân thành. Cầu cho hồn thiêng sông núi phù hộ anh Thức sớm ra tù để tiếp tục thực hiện lý tưởng CON ĐUỜNG VIỆT NAM. PS: Đây là những bài viết của Trần Đông Chấn năm 2008: https://tranhuynhduythucofficial.wordpress.com/tran-dong-chan-blog/ https://tranfami.wordpress.com/…/bai-vi…/changeweneed-blog/…
......

Chim không đậu ở mãnh đất đầy rẫy cạm bẫy

Chu Vĩnh Hải | Theo thông tin từ báo chí nhà nước, ngày hôm nay, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp gỡ khoảng 1000 chuyên gia để bàn về việc đưa đất nước " cất cánh". Liệu Việt Nam sẽ cất cánh? Các nhà chính trị học đã mạnh mẽ khẳng định: Một đất nước không thể phát triển nếu thiếu thiết chế dân chủ. Và thực tế đã khẳng định, nếu không có tự do sẽ không có sáng tạo- tiền đề để phát triển. Nếu không có thiết chế dân chủ, Việt Nam có mở 1000 hội nghị kiểu này cũng chỉ là đánh trống bỏ dùi. Chim không đậu ở mãnh đất đầy rẫy cạm bẫy Những người đứng đầu nhà nước Việt Nam là những người giàu mơ ước. Họ mơ ước Sài Gòn trở thành Paris, Hà Nội trở thành Singapore, Nha Trang trở thành Hawaii, Cần Thơ trở thành Venise… Và mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mơ ước Việt Nam là bạn “của những người giỏi nhất”. Liệu ước mơ này có trở thành sự thật? "Việt Nam không đặt tham vọng là người giỏi nhất, nhưng muốn là bạn của những người giỏi nhất trong nền kinh tế toàn cầu.", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 ngày 13/9( https://vnexpress.net/…/thu-tuong-viet-nam-muon-lam-ban-voi…). Thủ tướng Phúc đã không đưa ra tiêu chí thế nào là người giỏi nhất khi mà người giỏi trộm cắp, người giỏi lừa đảo, người giỏi cờ bạc, người giỏi đâm chém, người giỏi chém gió....đều được hiểu là người tài giỏi. Nếu xác định “người giỏi nhất” theo tiêu chí là người có tài kinh doanh, người có nhiều ý tưởng, nhà quản trị và điều hành giỏi, chuyên gia giỏi, người có khả năng sáng tạo và phát minh…., liệu nhà nước Việt Nam có trở thành người bạn tốt của “những người giỏi nhất”, hay nói cách khác, có thu hút được nhân tài của thế giới? Hãy ngược dòng lịch sử! Ngay sau khi cướp được chính quyền vào năm 1945, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã dùng nhiều giải pháp để lôi kéo đội ngũ trí thức đứng vào hàng ngũ của mình. Nhiều trí thức người Việt sống ở nước ngoài vốn không hiểu chủ nghĩa cộng sản đã nhanh chóng gia nhập, trong đó có những trí thức lừng danh như Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo. Ngoại trừ kỹ sư chế tạo vũ khí Trần Đại Nghĩa có phần nào phát huy được phẩm chất kỹ thuật, đa phần các trí thức khác đều bị thui chột tài năng, và sống một cuộc sống đầy u uẩn. Triết gia Trần Đức Thảo là một thí dụ điển hình. Nhiều trí thức tài hoa đi theo Việt Minh cũng nhanh chóng bỏ ngũ, mà sự “dinh tê”( về thành phố- về vùng Pháp đóng) của nhạc sĩ Phạm Duy là một ví dụ sinh động. Có thể nói trong giai đoạn 1946-1953, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa không thất bại nhưng cũng chẳng thành công trong việc thu hút nhân tài. Mọi chuyện bắt đầu khác đi, hay nói cách khác, chính quyền Hà Nội kể từ ngày trở thành ông chủ của Hà Nội vào năm 1954 đã nhận thất bại trong việc chiêu dụ và giữ chân nhân tài. Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đã có khoảng 01 triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam, trong đó có gần 310.000 người được đưa đến miền Nam bởi Hải quân Hoa Kỳ, và 500.000 dân được đưa đến miền Nam bởi quân đội Pháp. Trong khi đó 14.000–45.000 cư dân và 100.000 binh sĩ chính quy của Việt Minh từ miền Nam tập kết ra miền Bắc. Sự chênh lệnh về số lượng người lựa chọn di cư chắc chắn phản ánh một điều rằng, có sự chênh lệch về sự lựa chọn di cư của tầng lớp tinh hoa. Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, vào cuối năm 1954, cả miền Bắc có 1800 sinh viên nhưng đã có 1200 sinh viên lựa chọn di cư vào miền Nam. Đa phần các trí thức miền Bắc vốn yêu thích văn hóa Pháp cũng chọn con đường Nam tiến để tìm đến bến bờ mới. Có thể nói, kể từ năm 1955, miền Bắc chỉ có tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa có đặc tính tuân theo, thụ động, không phản biện và không có tư duy sáng tạo. Cũng từ năm 1955 trở đi, trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã có hàng trăm trí thức và văn nghệ sĩ đã bị cầm tù, cải tạo không giam giữ do có những tiếng nói khác với tiếng nói của chính quyền. Trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền, giới trí thức và văn nghệ sĩ đành phải chôn mình vào sự cô đơn như những con ốc mượn hồn. Không có tầng lớp trí thức đúng nghĩa, không có tầng lớp doanh nhân tinh hoa đúng nghĩa, trong suốt hàng chục năm trời miền Bắc đã không cho ra đời một sản phẩm có uy tín. Còn ở miền Nam Việt Nam thì sao? Có thể nói đó là nơi hội tụ tinh hoa Việt để làm nên những giá trị và thành tựu khá rực rỡ. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là minh chứng rõ nét. Vị giáo sư không gian này sinh ra ở Yên Bái nhưng đã lựa chọn miền Nam tự do làm quê hương chính. Ông được cả thế giới khoa học không gian biết đến và ngưỡng mộ khi thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho phi thuyền Apollo của NASA. Những lý thuyết của GS Nguyễn Xuân Vinh đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên được mặt trăng thành công đồng thời được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền Con thoi trở về trái đất an toàn. Có đội ngũ trí thức giỏi, Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm công nghệ cao dù ngập tràn binh lửa. Vào năm 1972, Sài Gòn chế tạo thành công máy bay huấn luyện quân sự hai chỗ ngồi mang tên Tiền Phong 001. Vào năm 1974, Sài Gòn cho xuất xưởng mẫu xe hơi La Dalat. Trước năm 1975, miền Nam có những thương hiệu và nhãn hàng nổi tiếng Châu Á như xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos( sau đó đổi tên thành P/S và đã bán lại cho một hãng Mỹ), dầu gió Nhị Thiên Đường, sơn Đông Á, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, dầu gội Lan Hảo, kem đánh răng Dạ Lan…. Sau biến cố 30-4-1975, Việt Nam được thống nhất. Nhưng các chính sách tàn bạo và sai lầm của Hà Nội như chính sách cải tạo( thực chất là tù không án) đối với quân nhân và viên chức Việt Nam cộng hòa, chính sách cải tạo công thương nghiệp( thực chất là quốc hữu hóa), thay thế các chuyên gia giỏi bằng những người tầm thường trưởng thành từ rừng rú….đã nhanh chóng biến miền Nam thịnh vượng thành một miền Nam tan hoang. Từ năm 1976 đến năm 1989, có khoảng 1,5 triệu người Việt Nam, trong đó có tầng lớp tinh hoa nhất, đã bỏ nước ra đi để tìm đến bến bờ mới dù biết có thể phải bỏ mạng trên biển cả. Cuộc di cư đau đớn nhất trong lịch sử nhân loại đã làm nảy sinh một từ vựng mới đau lòng: thuyền nhân. Trong thời gian đó, ở Việt Nam xuất hiện hai câu thơ khuyết danh tác giả nhói lòng: “Người tài thì đã vượt biên- ở lại một lũ vừa điên vừa khùng”. Sau khi Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế vào năm 1986, Việt Nam cũng thất bại trong việc thu hút nhân tài từ nước ngoài và giữ chân người giỏi trong nước. Cho dù được ưu đãi về các loại thuế và giá thuê đất, không có một hãng công nghệ nào đặt đại bản doanh hoặc cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam. Khu công nghệ cao Hòa Lạc hay khu công nghệ cao quận 9- Sài Gòn vẫn chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp trong nước, và những tay chơi nước ngoài có vị thế làng nhàng. Không có trường đại học danh tiếng nào của thế giới mở cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam, và dĩ nhiên là không có một đội ngũ giáo sư người nước ngoài ở sống, nghiên cứu và giảng dạy chuyên nghiệp ở Việt Nam. Các trí thức Việt kiều cũng không chọn Việt Nam là điểm đến để sống, lao động, sáng tạo và cống hiến. Những giáo sư lừng danh như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn....cũng chọn con đường định cư ở nước ngoài để có điều kiện cống hiến cho khoa học và cho sự tiến bộ của nhân loại. Hiện tại, mỗi năm có hàng chục ngàn du học sinh Việt Nam vẫn chọn con đường ở lại nước ngoài để có cơ hội tốt hơn. 100% người chiến thắng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học ở Úc đã ở lại Úc để làm việc. Họ hiểu, họ chỉ phát huy được năng lực và trí tuệ của mình ở một môi trường khác hẳn Việt Nam. Việt Nam chưa bao giờ thu hút được người giỏi- người tài trong tất cả mọi lĩnh vực. Tại sao lại thế? Có thể người giỏi của thế giới sợ hãi một Việt Nam có giao thông lộn xộn? Có thể họ sợ Việt Nam có môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại? Có thể là thế, nhưng chưa đủ. Điều quan trọng nhất, những người giỏi- người tài cần có tự do tuyệt đối để thể hiện, để khẳng định mình và để sáng tạo. Nhưng ở Việt Nam, tự do là một món hàng xa xỉ. Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do sáng tạo, tự do học thuật, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do xuất bản, tự do biểu diễn....những tiền đề- nền móng cho sáng tạo. Không có sáng tạo, người giỏi- người tài không thể hiện được mình, và họ cùn mòn đi. Và dĩ nhiên, khi không có sáng tạo, đất nước sẽ không theo kịp bước tiến thần tốc của kỷ nguyên số, đất nước mãi mãi rơi vào bế tắc và đói nghèo. Người tài giỏi bao giờ cũng tìm đến những xứ sở tự do, hay nói cách khác, môi trường tự do luôn có sức hấp dẫn với những người tài giỏi. Không phải ngẫu nhiên mà các cường quốc như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada, Úc, New Zealand....luôn luôn là những đích đến của những người thông minh và tài giỏi. Nếu "muốn làm bạn với những người giỏi nhất", Việt Nam phải xây dựng bằng được một thiết chế xã hội thật sự tự do và các khung pháp lý để bảo vệ tự do. Chim bao giờ cũng đến đậu ở những mảnh đất hiền lành, không bao giờ đậu ở những mảnh đất đầy rẫy cạm bẫy và cấm đoán.  
......

Công An Việt Nam: Từ Thẳng Tay Với Người Dân Tới Bó Tay Với Formosa!

Ảnh: lực lượng công quyền bắt bớ người biểu tình ở Saigon hôm 8-5-2016 Phạm Minh Vũ! Mới đây, hôm 06-05 hàng loạt báo chí nhà nước loan tải bài viết có tựa là “Công an Hà Tĩnh bó tay với Formosa” làm tôi không thể không nói lên một chút suy nghĩ. Hôm nay nhân kỷ niệm 3 năm cuộc xuống đường hào hùng tôi ghi ra đôi dòng để nhớ tới nỗi đau mãi còn day dứt, nỗi ám ảnh mang tên Formosa. Từ Thẳng tay với người dân Vào mùa hè năm 2016, dọc bờ biển miền trung 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt và bất thường. Ngay mới thời điểm báo chí lề trái loan tin, nhận thấy sự việc nghiêm trọng vì thế Ông Trọng kéo theo bầy đàn thê tử vào Vũng Áng để thị sát, dân tình đang xôn xao, trong lúc bộ chính trị chưa biết chỉ đạo cho tuyên giáo làm gì thì một làn sóng nổi dậy của người dân đòi đuổi Formosa về. Tình hình ngày càng nóng hơn khi bắt đầu chứng kiến hàng loạt cá chết liên tục, mà cơ quan liên quan không có một câu trả lời nguyên nhân và biện pháp. Thì làn sóng kêu gọi biểu tình diễn ra, cuộc xuống đường lịch sử nổ ra vài nơi như các thành phố lớn HN-SG, Nha Trang, ĐN. Thay vì đứng về phía nhân dân thì công an thẳng tay đàn áp, bắt bớ bỏ tù nhiều người và đánh đập, truy cùng diệt tận người lên tiếng cho Formosa, công an mở cuộc suy sát khốc liệt. Dùng mọi thủ đoạn để ngăn chặn biểu tình nỗ ra, quyết tâm bảo vệ Formosa hủy diệt Việt Nam, khi leo thang căng thẳng ở Nghệ An-Hà Tĩnh tôi không thấy công an bó tay, mà là thẳng tay quất dùi cui vào dân tay không một tấc sắt. Tới Bó Tay Với Formosa Formosa Hà Tĩnh đang thải ra 14 nhóm chất thải với 64 danh mục của hàng nghìn tên chất thải khác nhau. Điều đặc biệt là cơ quan công an Hà Tĩnh cho biết các kết quả phân tích chất độc hại, Formosa Hà Tĩnh không cung cấp cho cơ quan chức năng để theo dõi xử lý hoặc không đánh giá đủ các thành phần nguy hại như chì trong bùn thải của khu công nghiệp nặng này. Quá trình hoạt động của dự án Formosa phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải; tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hằng năm là 3.360.500 tấn. Trong đó, các loại bùn thải, xỉ thép phát sinh và tồn kho với khối lượng rất lớn, cụ thể: Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10.700 tấn; bùn phối trộn tồn kho 28.737 tấn; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70.000 tấn; bùn lò chuyển phát sinh 303 tấn/ngày, từ khi đi vào hoạt động đến nay lượng bùn này phát sinh khoảng 128.000 tấn, xỉ thép phát sinh 2.500 tấn/ngày, lượng xỉ thép đang lưu trữ tại dự án (tồn kho) khoảng 780.000 tấn. Trong quá trình luyện coke-Gang- Thép chỉ vài phút có thể thải hết ra biển hàng tấn chất cực độc như Chlorine, Phosphorous, Ansen, Cyanua, lưu huỳnh... Và còn nhiều chất cực độc mà chúng ta đang còn nghi vấn, vì không có cơ quan nào giám sát độc lập để trung lập đưa ra kết quả khách quan. Thế mà công an lại bó tay khi muốn sử dụng biện pháp nghiệp vụ, điều tra thu thập để đánh giá Formosa có tác động như thế nào tới môi trường hiện tại. Với một công ty gây ô nhiễm truyền thống như vậy, thì đúng ra chính phủ phải có một quy định riêng để tạo điều kiện báo chí thông tin, giám sát khi có dấu hiệu vi phạm chứ chưa nói là cơ quan công quyền có nhiệm vụ xử lý nếu nó sai phạm, đằng này lại bó tay. Điều này Formosa chứng minh cho chúng ta thấy, đó là lãnh thổ riêng bất khả xâm phạm, Formosa chứng minh cho chúng ta thấy Công an chỉ giỏi đàn áp dân đen chứ với công ty nước ngoài thì chúng bó tay. Bó tay với công ty tội ác như Formosa thì dân sống làm sao? Tin ai để bảo vệ đây? Cũng cần nói thêm, theo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, từ tháng 9/2017 – 6/2018 việc tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã phát hiện được 678 ca dị tật với nguy cơ thiếu G6PD , tăng tuyến thượng thận, suy giáp bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa; Xét nghiệm bằng phương pháp chọc ối cho 47 ca và phát hiện 7 ca nhiễm sắc thể, trong đó 4 ca down, 1 ca Klinefelte, 2 ca bất thường vi bất đoạn… Tiến trình thoái hoá giống nòi đang diễn ra? Ngoài Nghệ An còn ở đâu nữa?      
......

Trump-Tập công khai thách đấu

Ngô Nhân Dụng -  Người Việt Ngày Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, Tổng Thống Donald Trump dọa nếu Bắc Kinh không nhượng bộ ông sẽ tăng thuế nhập cảng từ 10% lên 25% trên $200 tỷ hàng hóa mua của Trung Quốc, bắt đầu từ Thứ Sáu. Ông dọa thêm, sẽ còn đánh thuế 25% trên hơn $300 tỷ hàng hóa khác. Trong ngày Thứ Hai, các thị trường chứng khoán bên Tàu tụt xuống, các cổ phiếu mất đến 6% giá trị, số tụt giảm nặng nhất trong ba năm qua. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng xuống, nhưng nhẹ hơn vì nước Mỹ xuất cảng sang Tàu ít hơn Tàu bán sang Mỹ. Trong hai ngày cổ phiếu 500 công ty Mỹ trong chỉ số S&P500 mất tổng cộng $500 tỷ. Ngày Thứ Ba, Chỉ số DJ trên thị trường chứng khoán New York tụt 473 diểm, mất 1,8%, xuống nhiều nhất kể từ đầu Tháng Giêng năm nay. Với gần 100 chữ viết trong thông điệp Twitter, ông Donald Trump đã thách thức ông Tập Cận Bình, trước mắt bàn dân thiên hạ. Trong hai ngày, báo, đài của Trung Cộng không đả động gì đến lời đe dọa của ông Trump. Tới ngày Thứ Ba, ông Tập Cận Bình mới trả lời, qua một bài ý kiến của nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh. Họ viết trên WeChat, một thứ giống như Twitter ở bên Tàu, “Làm việc gì có ích lợi, không ai đòi hỏi chúng tôi cũng làm. Cái gì không thuận lợi, thì dù anh đòi hỏi cách nào, chúng tôi cũng không lùi bước.” Và kết luận bằng giọng điệu thách thức: “Đừng ai nghĩ đến chuyện đó!” Đúng là Trump và Tập đang gườm nhau trên võ đài mậu dịch. Chuyện gì đã gây nên tình trạng căng thẳng này? Donald Trump bắt đầu tăng thuế đánh trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc với mục đích giảm bớt thâm thủng mậu dịch của Mỹ, hàng $400 tỷ mỗi năm đối với nước Tàu. Trung Cộng đã trả đũa, đánh thuế trên hàng do Mỹ xuất cảng sang Tàu. Trong hai năm qua, số khiếm hụt mậu dịch của Mỹ vẫn tăng thêm, không giảm. Kể từ Tháng Mười năm ngoái, các cuộc thương thuyết giữa hai nước diễn ra trên hai vấn đề chính. Trên một mặt trận, Mỹ tiếp tục đòi Bắc Kinh phải nhập cảng hàng của Mỹ nhiều hơn để chấm dứt cuộc đấu võ bằng quan thuế. Mặt trận thứ hai quan trọng hơn. Mỹ yêu cầu Tàu phải thay đổi chính sách kinh tế. Phải mở cửa cho các công ty Mỹ làm ăn dễ dàng hơn, chấm dứt việc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước giúp họ cạnh tranh với các công ty Mỹ, chấm dứt việc lấy trộm các “sản phẩm trí tuệ” như các kỹ thuật tân tiến của xí nghiệp Mỹ. Cuộc thương thuyết gần đây đã tiến bộ trên cả hai mặt đó. Nhưng cho đến cuối tuần qua, hai bên bước đến một vấn đề mấu chốt: Làm cách nào để kiểm chứng các hứa hẹn của chính quyền Trung Cộng, bắt buộc họ phải thi hành nghiêm chỉnh? Phía Mỹ muốn các biện pháp “trừng phạt” nếu Bắc Kinh không giữ lời. Chẳng hạn, nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục vi phạm tác quyền kỹ thuật của Mỹ, hay đối xử bất công với các công ty Mỹ, thì chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế nhập cảng trên hàng mua từ nước Tàu để trừng phạt, mà phía Tàu không được phép đánh thuế trả đũa. Mỹ cũng muốn nước Tàu phải đặt ra những luật lệ mới bảo vệ quyền sở hữu trên các “sản phẩm trí tuệ” thay vì chỉ thi hành các đạo luật đang có, mà Mỹ đòi là không đủ mạnh. Đặc biệt, phía Mỹ yêu cầu phải ghi rõ các điều này trong bản thỏa hiệp hai bên sẽ ký kết. Đến chỗ đó thì Bắc Kinh không nhượng bộ. Theo nhật báo South China Morning Post, ông Tập Cận Bình không chấp nhận yêu cầu của Mỹ, Ông nói rằng: “Tôi sẽ là người gánh tất cả hậu quả!” Khi Phó Thủ Tướng Lưu Hạc báo tin cho các bộ trưởng trong chính phủ Mỹ biết, ông Trump nổi giận. Nếu nhượng bộ, ông Tập Cận Bình lo sẽ có những hậu quả nào? Trước hết, Tập sẽ mất mặt. Người dân nước Tàu sẽ hỏi tại sao nhượng bộ nhiều quá như thế? Trong bản thỏa hiệp, Mỹ chỉ nhượng bộ một điều, là bãi bỏ thuế quan mới đánh. Còn Trung Cộng vừa phải xóa bỏ thuế, lại vừa phải chịu thêm các điều kiện khác! Giấc Mộng Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình vẫn hô làm khẩu hiệu từ dăm năm nay đã kích thích tự ái dân tộc của người Trung Hoa trong lục địa. Người dân đã nuôi dưỡng hình ảnh một Trung Quốc vĩ đại, sắp vượt qua Mỹ quốc đến nơi rồi. Họ không nhìn thấy những yếu kém của kinh tế Trung Quốc. Ngay cả Bộ Chính Trị đảng cũng vậy. Trong phiên họp thường lệ vào Tháng Hai vừa qua, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc không bàn gì đến vấn đề kinh tế, dù cuộc chiến tranh mậu dịch đang tới hồi gay cấn. Người dân cũng không thấy cuộc chạy đua tăng quan thuế với Mỹ ảnh hường đến đời sống hằng ngày của họ như thế nào. Vì các báo, đài không được loan báo tin tức về số xuất cảng sang Mỹ tụt giảm. Ngược lại, ở Mỹ thì ai cũng được nghe tin về hàng mua từ bên Tàu đã lên giá. Tập Cận Bình đang sa chân vào cái bẫy do chính mình dựng lên. Năm 2019 lại là một năm đặc biệt, đánh dấu nhiều biến cố trong lịch sử Trung Quốc. Tháng Năm, ngày bốn là 100 năm Ngũ Tứ Vận Động. Tháng Muời sẽ là lễ hội lớn, 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tình tự dân tộc được khích động, đến ngày 4 Tháng Sáu người ta sẽ nhớ đến cuộc tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989, đúng 30 năm, nếu trong lòng bất mãn với chế độ. Tập Cận Bình không rút chân ra khỏi cái bẫy này được. Đúng lúc đó thì Donald Trump “tuýt” những lời đe dọa “quyết chiến” và đặt ra những điều kiện phũ phàng! Vì vậy Tập Cận Bình càng phải tỏ ra cứng rắn! Cả hai người, Trump và Tập Cận Bình đều được lợi nếu ký kết một “thỏa ước đình chiến” trong cuộc chiến tranh mậu dịch này. Nhưng hai người đang khóa tay khóa chân nhau, đẩy nhau tới bờ vực. Cả hai không thể cho dân chúng thấy mình đã nhượng bộ đối thủ. Cả hai đều được phấn khích về nền kinh tế nước mình, vẫn tăng trưởng dù đang tranh chấp. Cứ như vậy, tại sao phải nhượng bộ, mất mặt. Nếu nhìn thuần túy về kinh tế, Tập Cận Bình cần một thỏa hiệp nhiều hơn Trump. Kinh tế Mỹ có dấu hiệu vẫn vững mạnh. Kinh tế Trung Quốc khá hơn trong mấy tháng vừa qua nhưng trên đường dài thì sẽ bất lợi hơn nếu cuộc chiến tiếp diễn. Nhưng đó là cách nhìn khách quan và trường kỳ. Trong ngắn hạn, câu chuyện có thể khác. Ông Trump sẽ phải tranh cử trong năm tới. Ông Tập Cận Bình thì không. Nếu kinh tế mỗi nước đều xuống, thì dân Mỹ sẽ kêu trời. Còn dân Tàu có muốn kêu cũng không được mở miệng. Tổng Thống Donald Trump rất quan tâm đến thị trường chứng khoán, ông vẫn coi thị trường lên là một thành quả nhờ ông mới có. Nhưng người ta tiên đoán, nếu ông thực sự tăng thuế quan lên 25% như lời đe dọa, chỉ số S&P500 sẽ tụt mất 2%; và nếu chiến tranh mậu dịch tiến đến hơn nữa, S&P500 có thể mất 7% giá trị. Các nhà đầu tư Mỹ sẽ tìm cách can ngăn ông tổng thống. Ngày Thứ Ba nhật báo The Wall Street Journal mới viết trong bài quan điểm, nhắc nhở Tổng Thống Trump: “Ngày Chủ Nhật, tổng thống mới viết trên Twitter rằng đánh thuế quan (trên hàng hóa Trung Quốc) là một lý do khiến kinh tế Mỹ vững mạnh.” Nhưng tờ báo có khuynh hướng Cộng Hòa viết tiếp, “điều này trái ngược với sự thật. Kinh tế vẫn tăng trưởng mặc dù tăng thuế quan, nhưng số công việc làm trong các ngành chế tạo năm nay đã giảm bớt một phần vì kinh tế nước Tàu tiến chậm hơn.” Ngô Nhân Dụng  
......

Blogger Anh Ba Sàm: Tôi phải cám ơn nhà tù!

Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh và vợ, bà Lê Thị Minh Hà, trước Trại giam số 5 ngày 5/5/2019. Diễm Thi, RFA | Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh vừa mãn án tù hôm 5/5/2019 sau 5 năm thụ án. Ông trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do vào ngày 6 tháng 5. Trước hết ông chia sẻ về tình hình sức khỏe bản thân: Ông Nguyễn Hữu Vinh: Tôi xin gửi lời chào đến Ban biên tập Đài Á Châu Tự Do, quý thính giả nghe đài và chào chị. Tôi xin tả một điều rất thú vị, đó là trước ngày mãn án, ngày 4/5 thì cán bộ trại giam đến làm việc và lục soát tài liệu của tôi thì tôi phải xin phép được nằm để làm việc. Đến khi ông phó giám thị đến tôi cũng xin lỗi phải nằm để nói chuyện vì tôi rất mệt. Trong 10 ngày trước đó tôi có những buổi làm việc rất là mệt mỏi với ban lãnh đạo của trại, người bên an ninh…tôi bị bệnh và bác sĩ trại xác định tôi bị rối loạn tiêu hóa, cộng với những bất đồng của tôi với họ và làm việc căng thẳng khiến tôi rất mệt. Thế nhưng rất kỳ lạ là khi ra khỏi trại, được gặp gia đình, chỉ nửa tiếng sau là tôi khác hẳn, cảm thấy như không hề bị bệnh và quên hết những mệt mỏi. Mọi người đến thăm rất đông và gọi điện rất nhiều, tôi rất vui và cả đêm tôi lên mạng cập nhật thông tin mà tôi không hề có cảm giác đau ốm gì. Diễm Thi: Đối với quá trình bị tạm giam, xét xử cũng như thời gian thi hành án, ông có thể chia sẻ những điều gì mà theo ông cần phải nêu ra? Ông Nguyễn Hữu Vinh: Chia làm hai giai đoạn gần bằng nhau về thời gian. Hai năm rưỡi bị tạm giam ở B14 và hai năm rưỡi thi hành án ở Trại 5. Hai giai đoạn đó đều cho tôi những thông tin, kinh nghiệm và trải nghiệm tuyệt vời. Thỉnh thoảng tôi cũng nói với gia đình, với cán bộ trại giam cũng như với ông phó giám thị Trại 5 trước khi tôi ra tù rằng tôi phải cám ơn Cơ quan điều tra và cám ơn trại. Tôi cám ơn cái gì? Tôi cám ơn vì chính họ đã giúp tôi hiểu những hiện tượng sai phạm về pháp luật, vô nguyên tắc và tệ hại trong quá trình tố tụng, tạm giam cũng như giai đọan thi hành án. Tôi được chứng kiến rất là nhiều và tôi phải tranh đấu nhờ vào sự hỗ trợ của gia đình, sức ép trên mạng, các đài, báo chí lề trái, cư dân mạng và quần chúng, cả quốc tế…đã thay đổi khá khá tại Trại giam số 5. Trước hết về thủ tục tố tụng thì họ vi phạm rất nhiều. Trong bản tự bào chữa tại tòa, tôi viết tất cả các vấn đề, trong đó vấn đề đảng tịch của tôi là vấn đề cực kỳ quan trọng, dài 78 trang. Sát ngày xử thì Luật sư Trần Vũ Hải đến Viện kiểm sát đề nghị được tiếp cận những bản tôi viết tay này nhưng họ viện cớ này nọ để không cho. Họ sợ luật sư có những bản này đến độ cả hai phiên tòa họ cho cán bộ đi theo, một hiện tượng chưa từng thấy, tức là cán bộ an ninh trại đi cùng tôi ra tòa. Lần đầu là một đội phó an ninh đội trinh sát của trại B14 cầm bản tự bào chữa đó ngồi sau lưng tôi. Khi tôi nghỉ giữa giờ cũng đi theo tôi và giữ chặt bản đó. Họ có bịt thì chỉ bịt được trong 5 năm, bởi vì tôi ra rồi và tất cả đã ở trong đầu tôi. Cuối thời gian thi hành án thì tôi đã quyết định phải viết lại một phần những cái đơn đó. Tại phiên sơ thẩm thì tôi không kịp khiếu nại, sau đó tôi có khiếu nại nhưng họ lờ hết. Tại phiên phúc thẩm cũng y như vậy với một nữ thiếu tá mặc thường phục giữ những bản đó ngồi sau lưng tôi. Họ rất sợ tôi trao những bản đó cho luật sư dù chúng tôi không vi phạm. Đấy là một ví dụ tóm tắt về một sai phạm trong quá trình tố tụng. Họ có bịt thì chỉ bịt được trong 5 năm, bởi vì tôi ra rồi và tất cả đã ở trong đầu tôi. Cuối thời gian thi hành án thì tôi đã quyết định phải viết lại một phần những cái đơn đó. Khi nào có thời gian tôi sẽ viết lại những nội dung đó vì tôi muốn tất cả những chuyện này nó phải đi vào lịch sử, và nếu thuận lợi thì nó phải sớm được đưa ra công luận để giúp cho những người đấu tranh dân chủ sau này đỡ bị những chuyện mà tôi gọi là họ ‘ăn gian’ theo kiểu đó. Tôi cũng rất muốn sẽ làm việc với các luật sư của tôi trước đây cũng như đọc lại các bài viết của luật sư để xem cần bổ sung những gì để công luận có đầy đủ thông tin. Diễm Thi: Còn thời gian thi hành án thì sao, thưa ông? Blogger Anh Ba Sàm cùng cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy tại tòa án Hà Nội hôm 22/9/2016 . AFP Ông Nguyễn Hữu Vinh: Thời gian thi hành án rất là tuyệt. Theo tôi, nó có đặc thù ở chỗ rất nhiều vụ án về những người đấu tranh cho dân chủ, các cơ quan điều tra, các cơ quan tố tụng làm sai thì ít nhiều cũng đã được luật sư đưa lên; những người khác biết, gia đình biết cũng đã đưa lên mạng rồi. Nhưng tôi hình dung ra, có vẻ như khâu thi hành án cho những người như tôi (theo như bên ngoài thì tạm gọi là tù nhân chính trị) thì dường như chưa hoặc có rất ít những người, những trường hợp đưa ra tất cả rất nhiều hiện tượng mà theo cách dùng từ đơn giản của tôi là “ăn gian” trong khâu thi hành án giữa cơ quan chức năng và người thi hành án. Ăn gian ở đây chính là sai pháp luật, vô nguyên tắc, mập mờ, không minh bạch trong pháp luật. Kế đến là lách luật. Nếu không nhầm, tôi chưa thấy ai làm một cách có hệ thống để vạch ra những chuyện này. Thời gian trong tù, tôi đi từng việc, từng việc để đấu tranh với người ta. Tôi rất thích thú với chuyện ấy và tôi phải cảm ơn vì người ta cho tôi rất nhiều những tư liệu sống để tôi nói với gia đình, cùng với công luận bên ngoài để vừa đấu tranh, để thay đổi, để nhích dần lên cho chính tôi và những người xung quanh đang cùng bị  tuyên án ở đó đỡ phải chịu đựng những phi lý, những nỗi khổ, và dần dần có thể những phạm nhân khác trong các trại khác trên khắp cả nước trong những ngày tháng tới cũng sẽ đỡ các kiểu “ăn gian” như thế. Tôi còn suy nghĩ thêm nữa là phải hướng lên những điều tạm gọi là cao hơn đó là văn bản pháp luật của Quốc hội ban hành thì từ luật thi hành án cho đến bước tiếp theo là văn bản dưới luật làm theo ý định của chính phủ và thông tư của Bộ Công an. Diễm Thi: Một thông tin khiến công luận chú ý là 1000 trang tài liệu của ông bị trại giam thu giữ ngay trước ngày ông được ra trại. Ông có thể cho biết nội dung của 1000 trang tài liệu là gì? Ông Nguyễn Hữu Vinh: Có 3 loại trong hơn 1000 trang này, nằm trong 5 cuốn sổ. Không một ngày nào tôi không viết. Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chi tiết, tôi đều ghi vào. Loại thứ hai là thơ của tôi, thơ mới, thơ cũ. Thơ cũ thì tôi cố gắng nhớ lại. Mấy tháng đầu tôi phải chiến đấu với những sai trái, vô lý ở đây, mình quên mất chuyện phải chép lại thơ. Mấy tháng không luyện đọc lại, không chép nên thất thoát đi cũng khá khá, thế là tôi bắt đầu làm tiếp. Thể loại lần này khác hẳn giai đoạn đầu, bài dài hơn, sâu hơn. Loại tiếp theo là tôi “nháp” tất cả những gì mình suy nghĩ, trong đó lớn nhất là “nháp” những lá đơn khiếu nại về các vấn đề ở trại, đơn đề nghị họ phải thay đổi và tôi phải được làm cái nầy, được làm cái kia. Tôi thấy pháp luật không cấm tôi làm, không cấm tôi nêu lên những đề nghị…. Còn có một số trao đổi của tôi với một số phạm nhân khác và có phạm nhân muốn gởi địa chỉ, số điện thoại để khi về, tôi liên lạc với gia đình họ. Tôi có thể miêu tả hơn 1000 trang tài liệu đó là  bắt đầu từ ngày đầu tiên cho đến hai năm bởi vì hai năm ở bên B14 chúng tôi không được dùng giấy bút gì cả. Khi được một tháng tù thì tôi nghĩ ra 4 câu thơ vì tôi muốn gởi thông điệp ra bên ngoài về suy nghĩ, tinh thần của tôi. Chỉ có 4 câu thôi, tựa bài thơ là “Đầy tháng tù” Bảy năm blog Đóng góp cho đời Bảy năm nghỉ ngơi Tích rèn tri, chí Diễm Thi: Biện pháp thu giữ 1000 trang tài liệu của ông diễn ra như thế nào, thưa ông? Ông Nguyễn Hữu Vinh: Khi về đến Trại 5, theo đề nghị của tôi thì tôi được làm việc với hai người đội trưởng và đội phó về trinh sát và giáo dục của cả Trại 5, trung tâm Trại 5 chứ không phải các phân trại. Có một người nói với tôi rằng trong trại anh có thể ghi chép nhưng lúc nào đó hoặc khi anh ra trại thì chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu cái nào không phù hợp thì chúng tôi phải thu giữ. Tôi hỏi ngay là thế nào là không phù hợp, và việc thu giữ có dựa trên văn bản pháp lý nào không thì họ nói không có, và chỉ trong văn bản nội bộ. Tôi hỏi thẳng là những chuyện đó thì về giá trị pháp lý và khả năng bị kiện có không, thì họ phải công nhận là có thể nhưng không chắc. Hình minh họa. Những người biểu tình ủng hộ Anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh trước tòa án ở Hà Nội hôm 23/3/2016 AFP Những ngày cuối cùng khi tôi sắp trở về thì hai phó giám thị luân phiên đưa ra một cái lệnh miệng rằng tôi phải kiểm kê những cái ghi chép trong thời gian ở Trại 5, tự bỏ vào thùng, tự niêm phong, cùng lâp ba biên bản trong đó có một biên bản cùng với thùng tài liệu sẽ được gửi về Cục An ninh Nội địa A02 để họ duyệt và họ sẽ cho tôi số điện thoại cùng tên nhân viên để khi tôi về tôi liên lạc rồi lên đó cùng mở niêm phong, còn tiếp theo là gì thì họ không nói. Tôi hỏi yêu cầu này dựa trên văn bản pháp lý nào thì ông phó giám thị nói với tôi là không có mà đây là mệnh lệnh của cấp trên. Tôi hỏi tiếp lệnh cấp trên là ông nào cho tôi viết tên và chức vụ thì họ bảo không thể cho tôi biết được. Tôi nói đây là một điều rất phi lý. Tôi đi tù thì tôi chỉ biết Trại 5 này là nơi thi hành bản án tù và tôi là người chấp hành bản án phạt tù, còn trên Trại 5 là Cục C10. Tại sao lại có Cục An ninh Nội địa xen vào đây để kiểm duyệt tài liệu của tôi? Cuối cùng họ có vẻ đuối lý nên chuyển sang kiểu khác, đó là ra lệnh khám xét buồng giam của tôi và ghi trong lệnh khám là những giấy tờ gì mà họ chưa thể đọc và kiểm duyệt ngay tại phòng giam thì họ tạm giữ. Lệnh này không giống như nội dung lệnh mà hai anh giám thị trước đó nói với tôi. Chỉ trong mấy ngày mà họ tự mâu thuẫn với nhau, hình thức bất nhất, mập mờ và vô nguyên tắc, từ lệnh khám xét cho đến biên bản thu giữ của một cơ quan mà tôi tạm gọi là ‘cơ quan nhà nước’. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong hai năm rưỡi tôi phải chứng kiến trong tù. Khi họ thu giữ như vậy thì họ lập hai biên bản: Biên bản thu giữ tài liệu và niêm phong; Biên bản khám xét. Tôi không ký biên bản thu giữ tài liệu và niêm phong, tôi không ký cả vào thùng niêm phong tài liệu bởi tôi phản đối toàn bộ cuộc khám xét và thu giữ này. Cũng giống như khi họ bắt tôi trước đây, tôi cũng không ký vào biên bản niêm phong đồ đạc họ tịch thu của tôi. Sau này khi mất mát hay làm sai lệch nội dung tài liệu cuả tôi thì Trại giam số 5 phải chịu hoàn toàn trách nghiệm. Đấy là nội dung tôi nhận xét vào Biên bản thu giữ. Mà trong biên bản này họ cũng chẳng nói là thu giữ rồi duyệt thế nào, ở đâu, bao nhiêu ngày được nhận… Diễm Thi: Mặc dù mới mãn án, nhưng hẳn nhiên ông cũng có những dự định cho thời gian tới? Ông Nguyễn Hữu Vinh: Trước hết tôi chờ xem họ có công văn gì gửi cho tôi về việc xử lý thùng tài liệu đó không và nó như thế nào rồi tôi mới xem hướng tiếp theo. Bây giờ tôi để đầu óc cho các việc khác, để cập nhật thông tin ở ngoài và trên mạng. Dành thời gian cho bạn bè tới thăm, việc gia đình, con cháu… Diễm Thi: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho RFA. Trước khi tạm biệt, ông Nguyễn Hữu Vinh nói thêm rằng sở dĩ bài thơ ông viết “Bảy năm ...” vì khung hình phạt cao nhất cho tội danh mà ông bị kết án lên đến bảy năm, và ông sẵn sàng cho bản án đó. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rfa-interview-with-political-prisoner-anh-ba-sam-nguyenhuuvinh--dt-05062019132421.html
......

Nguyễn Thiện Nhân hứa với Bộ Chính Trị để làm gì?

Phạm Nhật Bình! Hôm 26 tháng 4, đúng 4 ngày trước khi Thành Hồ tổ chức đốt pháo bông “ăn mừng” lễ kỷ niệm 44 năm ngày chiếm được Miền Nam, Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân đã đến gặp mặt một số tướng về hưu đang sinh sống tại đây. Sau khi khoe một số thành quả về kinh tế-xã hội đạt được năm 2018 nhờ tài lãnh đạo “sáng suốt” của thành uỷ, ông Nhân tuyên bố “Sau tháng 6, 2018, chúng tôi hứa với Bộ Chính Trị, hứa với Chính Phủ là TP.HCM sẽ không có biểu tình. Chúng tôi đã cam kết và đã làm được điều đó”. Lý giải cho điều này Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu TP.HCM để xảy ra biểu tình thì ảnh hưởng đến cả nước. Lối kể công của anh Nhân nghe thật lạ tai, vì Hà Nội, Sài Gòn và cả nước đã từng biểu tình thì chuyện “ảnh hưởng” của ông Nhân chỉ là sự khoác lác. Năm nào sắp đến những ngày 30 tháng 4 hay 2 tháng 9… không riêng gì TP.HCM mà cả nước lại ngột ngạt trong nhiều biện pháp đề phòng khắc nghiệt nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc biểu tình quần chúng có thể xảy ra. Biện pháp thông thường nhất là cho công an mật vụ canh phòng chặt chẽ chung quanh nhà của những người tranh đấu, để họ không thể tham gia trong vai trò dẫn dắt quần chúng nếu các cuộc biểu tình bùng nổ. Công an có thừa người để làm chuyện đáng khinh ấy vì họ có sẵn bộ máy đàn áp hàng trăm ngàn người trên toàn quốc. Nhưng dù vậy, trong nhiều năm qua biểu tình vẫn diễn ra đúng vào thời điểm mà đất nước cần đến bất chấp sự đàn áp của công an, mật vụ. Chẳng hạn trong tháng 5, 2014, trên toàn quốc đã bùng nổ các cuộc biểu tình của người Việt yêu nước chống việc Trung Cộng ngang nhiên lắp đặt giàn khoan dầu HD-981 trong vùng biển Việt Nam. Hay đặc biệt như ngày 10 tháng 6, 2018, ước tính có hàng chục ngàn người đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi xuống đường phản đối Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế và Luật An Ninh Mạng. Đây có thể coi như cuộc biểu dương mạnh mẽ nhất của quần chúng từ trước đến nay chống lại âm mưu bán nước của Đảng CSVN. Người dân Sài Gòn biểu tình phản đối Dự Luật Đặc Khu hôm 10/6/2018. Ảnh: RFA Nhưng năm nay người ta ngạc nhiên không biết anh Nhân muốn lấy lòng Bộ Chính Trị hay có nhu cầu thầm kín nào mà lại lớn giọng hứa với Bộ Chính Trị sẽ không cho biểu tình ở TP.HCM. Thứ nhất, phải chăng ông Nhân đang tự đánh bóng và muốn được trung ương đảng đề cử làm tổng bí thư thay thế ông Trọng đang lâm bệnh nặng? Nếu tính toán như vậy, xem ra ông Nhân còn rất non, vì nhiều nhân vật ngay tại Hà Nội đang ngắm nghé chiếc ghế cao nhất đảng này. Sau khi ông Trọng vắng mặt trong lễ tang Lê Đức Anh, cuộc đấu đá âm thầm trong đảng lập tức diễn ra giữa các thế lực để giành lấy hai chiếc ghế cao nhất nước mà ông Trọng đang nắm. Ông Nhân thì ở xa, dịp này chỉ đánh võ mồm bằng cách hứa hẹn để lôi kéo sự chú ý của mọi người. Bí Thư Thành Hồ cũng có thành tích riêng về sự “vô thưởng vô phạt” để ngoi lên từ Mặt Trận Tổ Quốc. Cho nên ông Nhân cũng le lói chút hy vọng có thể được đưa lên làm một thứ trái độn trong mục đích gìn giữ sự ổn định trong đảng cho đến đại hội 13. Tuy nhiên đến ngày diễn ra đại hội thì ông Nhân đã bước qua trên 65 tuổi, tức sẽ bị loại theo quy định, nên chức tổng bí thư đối với ông Nhân chỉ là giấc mộng phù du. Thứ hai, hoặc ông Nhân muốn được Bộ Chính Trị cấp thêm ngân sách chi tiêu vì Thành Hồ mấy năm nay năm nào cũng than thở cạn tiền. Được biết trong năm 2018, TP.HCM đã tận thu ngân sách được gần 379 ngàn tỷ đồng nên Chủ Tịch Nguyễn Thành Phong vui mừng báo cáo lên trên là thành phố thu ngân sách vượt 100,47 %. Lập tức nhà nước cộng sản giao chỉ tiêu ngân sách năm 2019 cho thầy trò ông Nhân, phải thu cho được 399 ngàn tỷ đồng tức tăng thêm 20 ngàn tỷ . Với dân số 9% so với cả nước, phải thu thêm 20 ngàn tỷ (tương đương gần 1 tỷ USD) thì người dân thành phố này quả là con bò sữa cho Hà Nội tha hồ vắt đến cạn kiệt. Vì thế không ai ngạc nhiên khi Thành Hồ đã hân hạnh đóng góp đến 22% cho GDP và 28% cho ngân sách nhà nước! Thu thì nhiều nhất nước nhờ siết cổ dân đen, nhưng ông Nhân đang thiếu tiền chi tiêu mọi mặt nhất là chi cho đầu tư công. Vì từ nay đến hết năm 2020 TP.HCM chỉ được quyền giữ lại 18% số tiền thu được thay vì 29% trong những năm trước đó, còn bao nhiêu phải cống nộp cho Hà Nội. Giờ đây ông Nhân phóng tin cho Bộ Chính Trị, về mặt an ninh quốc phòng muốn giữ cho Sài Gòn không có biểu tình thì phải có tiền chi ra. Phải chăng đó là lý do mà ông Nhân vịn vào để dám hứa hẹn với Bộ Chính Trị “không để biểu tình xảy ra”. Cuối cùng ông Nhân muốn chứng tỏ thành phố dưới quyền của ông là thành phố không có hay đã hết “phản động”, nghĩa là không còn lực lượng yêu nước nào dám biểu tình. Có lẽ ông Nhân mới về thành uỷ nên không biết ngay từ những năm 2008 trở đi Sài Gòn đã có biểu tình yêu nước chống Trung Cộng. Và sau đó từ năm 2011 đến nay trên đường phố Sài Gòn không bao giờ ngừng bước chân của mọi tầng lớp dân chúng đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và bảo vệ chủ quyền đất nước, từ chống giàn khoan HD-981 đến chống Formosa và gần đây nhất chống Dự Luật Đặc Khu. Để siết chặt và vô hiệu hoá các cuộc biểu tình, Nguyễn Thiện Nhân khoe đã sử dụng công an và quân đội từ sau cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6, 2018 thực hiện bao vây, cô lập khoảng 600 người được cho là dẫn đầu hay có khả năng tổ chức biểu tình để sẵn sàng dập tắt. Nhưng Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân chắc không quên cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6 năm ngoái diễn ra rầm rộ ngay tại Sài Gòn và trên toàn quốc lại hoàn toàn bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng khiến chế độ độc tài phải hoảng sợ, đối phó một cách lúng túng. Do đó dù bằng cách nào đi chăng nữa, đúng là ông Nhân có “học hàm” tiến sĩ, giáo sư nhưng đồng thời cũng có một cái đầu rỗng tuếch. Bí thư thành uỷ một thành phố lớn mà cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những bất công chính trị và xã hội như hang ổ bóc lột BOT, ung nhọt Thủ Thiêm chưa giải quyết xong lại ra tay cướp đất vườn rau Lộc Hưng của dân nghèo. Khi chế độ này tiếp tục phản bội quyền lợi nhân dân và đất nước thì làm sao không có biểu tình, khi người dân ngày càng bực tức trước những cảnh nhiễu nhương đang diễn ra trước mắt. Phạm Nhật Bình Sợ biểu tình: Bệnh đã đến hồi di căn  
......

"CS bây giờ thối nát là do cái đám sau này làm sai, chứ Bác thật chẳng có tội gì"

FB. Thuc Tran| Làm sao người ta có thể vừa hô " Đả đảo cộng sản" lại vừa hô " Hồ Chí Minh muôn năm" cứ như thể ông Hồ không có liên quan gì đến cái hiện tại tối đen hôm nay? Cứ như thể dưới thời trị vì của ông ấy thì miền Bắc đã có tam quyền phân lập vậy? Cứ như thể dưới thời trị vì của ông ấy thì miền Bắc đã có báo chí tư nhân, đã được tự do buôn bán, tự do thờ phượng, tự do ngôn luận...? Cứ như thể dưới thời trị vì của ông ấy thì miền Bắc chưa nằm gọn trong vòng ảnh hưởng của tàu cộng vậy? Hồ Chí Minh & Chu Ân Lai Cứ như thể dưới thời trị vì của ông ấy thì không có hàng triệu người bỏ miền Bắc chạy vào miền Nam để lánh cộng vậy? Cứ như thể dưới thời trị vì của ông ấy thì tòa án được quyền độc lập xét xử chứ không phải mang người ta ra đấu tố man rợ vậy? Cứ như thể ông ấy không bịt mặt, mang râu đứng lẫn trong đám đông để xem bộ hạ của mình xử chết bà Cát Hanh Long, vốn là một người phụ nữ nhân hậu và từng là ân nhân của ông ấy cũng như cái đám bộ hạ của ông ấy vậy? Không biết đó là cái tư duy ngây thơ, hay một chiêu chạy tội cho người mà lẽ ra phải chịu trách nhiệm cao nhất cho tình hình bi đát nơi xứ Việt bây giờ khi mà người ta bảo " CS bây giờ thối nát là do cái đám sau này làm sai, chứ Bác thật chẳng có tội gì" Một công ty ngoại vi lấy thông tin khách hàng từ FB đem bán mà đích thân Mark Zuckerberg phải ra ngồi để người ta tra hỏi hằng tiếng đồng hồ kìa, bởi đơn giản đó là trách nhiệm của người đứng đầu. Cái guồng máy đó, cái cổ xe đó là do ông ấy tạo ra, những người CS của ngày hôm nay là kết quả của cái guồng máy đó mà thành, chẳng phải họ ngày đêm phải sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại đó sao? Cái mô hình đó là cái mô hình ông ấy đã khóc khi lựa chọn, thì nay nó không ra gì lại bảo rằng ông ấy không có trách nhiệm gì là sao? "Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin. Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin. Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc: "Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!" Hình của Đảng lồng trong hình của Nước. Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười..." (Người đi tìm hình của nước-Chế Lan Viên) Trình độ của Bác chỉ tới đó, nhìn cứt lại bảo là cơm lanh chanh mang về bắt ép cả dân tộc ăn và còn phải tấm tắc khen ngon trong suốt cả thế kỷ qua. Ăn riết giờ chịu hết nổi vì nó thối quá, rồi lại bảo Bác không liên can mà lỗi là do "thằng đánh máy". Trời ơi...! cái tư duy đó là tư duy gì?
......

Luật Lao Động: sửa cho có … vì EVFTA!

Đối phó EVFTA: Việt Nam đang ‘sửa’ Bộ luật Lao động ra sao? (*) Phạm Chí Dũng – VOA   Tiếp theo yêu cầu bắt buộc của EVFTA (Hiệp- định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) về sửa Bộ luật Lao động Việt Nam để người lao động được đảm bảo quyền lợi và có quyền thành lập công đoàn độc lập, đã lộ hẳn ra một ‘bí mật’ của giới quan chức Việt trong cung cách sửa bộ luật này. Bí mật gì? Ngay sau khi kết thúc chuyến đi Pháp và Bỉ vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA, Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội Việt Nam – đã chủ trì một phiên họp quốc hội. Được báo Sài Gòn Giải Phóng tường thuật, bà Ngân đã “Tỏ ra rất sốt ruột về việc chưa nhận được hồ sơ trình dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, trong khi chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 đã có dự án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ: “Chúng ta đã cam kết với Nghị viện châu Âu về thời hạn xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động. Đó chính là cơ sở quan trọng để Nghị viện châu Âu xem xét thông qua Hiệp định EVFTA, vậy mà bây giờ các bước cần thiết vẫn chưa được tiến hành. Thay vì trình hồ sơ dự án thì cơ quan trình lại chỉ báo cáo, xin ý kiến của UBTVQH về một số vấn đề, như thế có phải là làm ngược quy trình hay không?!”. ‘Bí mật’ đã lộ hẳn ra: suốt từ cuối năm 2018 – thời điểm tái khởi động quy trình ‘chuẩn bị ký kết và phê chuẩn EVFTA’ cho đến nay, các bộ ngành đã gần như không làm gì cả đối với việc sửa đổi nội dung của Bộ luật Lao động để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA. Nếu tính cả thời gian trước đó liên quan đến việc Việt Nam tham gia vào TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương), và CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thay thế cho TPP mà không có vai trò của Mỹ), Bộ luật Lao động đã chỉ được các bộ ngành và chính phủ Việt Nam lôi ra nhét vào ngăn kéo đầy bụi bặm như một động tác thuần đối phó với cộng đồng quốc tế, chỉ làm cho có, miễn sao gia nhập được hiệp định kinh tế và được ‘ăn sẵn’ lẫn ‘ăn ngay’. Những yêu cầu của EVFTA về sửa đổi Bộ luật Lao động Việt Nam cũng có thể khá tương đồng với yêu cầu trong CPTPP. Vào cuối năm 2018, để được tham gia vào CPTPP, lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc trị của ông ta đã phải nhượng bộ chấp nhận điều kiện về cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau… Việt Nam sửa Bộ luật Lao động chỉ nhằm đối phó EVFTA Theo quy định bắt buộc của EVFTA, nếu chính quyền Việt Nam không chịu sửa Bộ luật Lao động theo đúng yêu cầu của EU (Liên minh châu Âu) thì sẽ không được Nghị viện châu Âu chấp nhận cho tham gia vào hiệp định này. Cuối cùng sau nhiều lần cố tình trì hoãn, vào cuối tháng Tư năm 2019 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phải công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có một số nội dung được điều chỉnh. Theo lộ trình, dự luật này sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5, lấy ý kiến đến ngày 28/6/2019 và thông qua vào kỳ họp tháng 10. Điểm mới nhất trong dự thảo luật này là lần đầu tiên bổ sung các quy định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Theo đó, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gửi hồ sơ đăng ký theo quy của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký… Nhưng cách thức dùng từ ngữ và việc mô tả nội dung điều chỉnh trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lại cho thấy bản dự thảo này còn rất thiếu thiện chí trong việc đáp ứng các yêu cầu của EVFTA. Trong khi cả CPTPP và EVFTA đều dùng cách gọi ‘công đoàn tự do’ dành cho quyền được tự thành lập công đoàn của người lao động, thì dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chỉ dùng cụm từ “tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở” một cách lập lờ và giấu đi thực chất của loại hình công đoàn độc lập. Với cách dùng từ như thế, sẽ có nhiều công nhân tưởng rằng công đoàn tự do (hay công đoàn độc lập) về thực chất vẫn là loại hình công đoàn cơ sở thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, do vậy họ sẽ không quan tâm đến việc tự thành lập công đoàn tự do nữa. Dự thảo trên cũng cũng không mô tả, hoặc mô tả không rõ những quyền của người lao động mà đã được Hiệp định CPTPP quy định như: – Cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động /Công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động VN hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó. – Các tổ chức công đoàn – người lao động này được quyền không kém hơn so với Công đoàn cơ sở; thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động VN. – Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại VN. – Lộ trình: Chậm nhất từ 5 đến 7 năm; kể từ khi CTTPP có hiệu lực; các tổ chức người lao động – Công đoàn có thể gia nhập/ hoặc thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như: cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định. Ngoài ra còn có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam như vấn đề đình công: hiện tại Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp; đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; trong khi đó CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công “phản đối chính sách kinh tế – xã hội”… Dự thảo trên cũng không làm rõ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký” là cơ quan nào. Với quy định quá chung chung và mập mờ như thế, công nhân sẽ không thể biết đâu là cơ quan ‘có trách nhiệm’ để đăng ký thành lập công đoàn độc lập, khiến họ vẫn phải phụ thuộc vào Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bất chấp việc tổ chức này từ lâu đã tự đặt ra một quy định trong Luật Công đoàn để ‘ăn’ đến 3% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp như một hình thức ăn cướp trên xương máu người lao động. Với bản dự thảo quá sơ sài trên, cũng có thể thấy rõ về ý đồ của chính thể độc đảng ở Việt Nam là chỉ đưa ra bản dự thảo này cho có và thông qua để Việt Nam được tham gia vào EVFTA, nhưng trong quá trình thực hiện thì sẽ dựng lên một bức thành thủ tục hành chính cao ngất, theo đúng tinh thần ‘hành là chính’, để người lao động không thể đáp ứng được và do đó hồ sơ đăng ký thành lập công đoàn tự do của họ sẽ tất yếu bị gạt ra.  
......

Dân không ăn mặn nhưng vẫn khát!

Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Việt Nam hạng 117/180 về tệ tham nhũng toàn cầu năm 2018. Trân Văn – VOA Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN vừa công bố thêm hàng loạt kết luận liên quan đến chuyện kỷ luật đảng viên… Lần này, quân đội có thêm Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (cựu Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Hải quân), Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình (cựu Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, cựu Ủy viên Quân ủy Trung ương, cựu Chính ủy Quân chủng Hải quân), Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo (cựu Đảng ủy viên, cựu Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân) bị xác định là cùng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của quân chủng này và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Ngoài ba ông tướng vừa kể, Ban Thường vụ Đảng ủy của Quân chủng Hải quân cũng bị cho là đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, để một số cán bộ, đảng viên trong Quân chủng Hải quân bị xử lý hình sự”. Theo UBKT của BCH TƯ đảng CSVN, ba ông tướng Hải quân mới được xác định cần phải “xem xét, thi hành kỷ luật” và Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã “gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và quân đội” (1). Nói cách khác, sau khi hàng loạt tướng công an, rồi tướng Không quân bị “xem xét, thi hành kỷ luật”, giờ tới phiên hàng loạt ông tướng Hải quân và… giống như lần trước, lần này, các ông tướng Lục quân cũng góp mặt cho “nghiêm minh” thêm phần rôm rả: Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy (Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9) bị “cảnh cáo”, còn Đại tá Trương Thanh Nam, (Đảng ủy viên, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, cưu Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Sư đoàn 8) bị tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng (2). Nguyên nhân cũng y hệt như lý do khiến các ông tướng Không quân, Hải quân và các ông tướng Lục quân khác từng lâm nạn. Song song với việc “xem xét, thi hành kỷ luật” các ông tướng quân đội, UBKT của BCH TƯ đảng CSVN tiếp tục “xem xét, thi hành kỷ luật” các ông quan cộng sản. Dẫn đầu số này là ông Vũ Văn Ninh (cựu Phó Thủ tướng), ông Phạm Viết Muôn (cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), bốn Thứ trưởng và cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT): Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật. Tuy không liên quan đến mất mát công thổ như các ông tướng quân đội nhưng các ông quan cộng sản này bị xác định là phải chịu trách nhiệm về việc thất thoát một lượng lớn công sản khi “thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT (3). Trong đám quan cộng sản bị “xem xét, thi hành kỷ luật” lần này còn có quí tử của ông Nguyễn Bá Thanh là Nguyễn Bá Cảnh (Phó Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng). Cho dù ông Cảnh bị “xem xét, thi hành kỷ luật” vì “vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của BCH TƯ đảng CSVN về những điều đảng viên không được làm và các quy định của đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” nhưng chẳng ai tin ông Cảnh bị “xem xét, thi hành kỷ luật” vì vi phạm “Luật Hôn nhân Gia đình”. Scandal Vũ “Nhôm” đã lột mặt nạ của cha ông Cảnh nhưng không may cho ông Cảnh là cha ông đã quá cố, Nhiều người khẳng định, các đồng chí xử ông là để thu hồi những gì cha ông đã lấy và ông đang thừa kế (4). *** Việt Nam không chỉ có Hiến pháp mà còn có một… rừng luật, kèm theo một hệ thống trải dài từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, chuyên giám sát, bảo vệ, thực thi pháp luật nhưng hệ thống ấy chỉ “tọa sơn” nhìn các ông tướng quân đội, các ông quan cộng sản thi nhau chia chác công thổ, công sản. Giới lãnh đạo đảng CSVN chưa gật đầu, chẳng ai, chẳng cơ quan nào hó hé hay bận tâm. Đảng CSVN cũng có một hệ thống tương tự trải dài từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, chuyên giám sát, bảo vệ, thực thi điều lệ, kỷ luật cả của mình lẫn luật pháp quốc gia nhưng hệ thống ấy cũng mù, câm, điếc, què. Thật khôi hài khi “chỉnh đốn” chỉ “chỉnh” và “đốn” chủ yếu là những đồng chí đã nghỉ hưu hoặc con cái những đồng chí đã thất thế hay tạ thế. Phải hiểu “nghiêm minh” như thế nào khi các ông tướng quân đội, các ông quan cộng sản thi nhau chia chác công thổ, tài nguyên, công sản suốt một thời gian dài nhưng không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan nào ngăn cản? Phải hiểu “nghiêm minh” như thế nào khi hệ thống giám sát, bảo vệ, thực thi pháp luật vẫn chỉ khoanh tay ngồi nhìn tín hiệu từ UBKT của BCH TƯ đảng CSVN để tiến hay không? Phải hiểu “nghiêm minh” như thế nào khi phần lớn các ông tướng công an, quân đội, các ông quan cộng sản “gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và công an, quân đội” vẫn được tha, miễn trách nhiệm hình sự, chỉ bị khiển trách, cảnh cáo trong nội bộ đảng, nặng hơn là… tước bỏ các chức vụ đã từng mang? Đảng “nghiêm” ra sao, “minh” thế nào mà toàn bộ Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì trong hai nhiệm kỳ, suốt từ 2010 đến nay, thản nhiên xếp chỗ cho nhau, đâm đánh nhau để giành giật quyền lực nhằm có thêm cơ hội lũng đoạn công pháp, công thổ mà giờ mới khiển trách, cảnh cáo (5)? Chỉnh đốn có khôi phục lại được môi trường sống, có thu hồi lại được công thổ, công sản đã thất tán không? Có làm tham quan, ô lại chùn tay không? Nếu không thì UBKT của BCH TƯ đảng CSVN nên thôi “xem xét, thi hành kỷ luật” đảng viên, tổ chức đảng. Đến nông nỗi này rồi mà đảng vẫn chưa tỉnh, vẫn nghĩ rằng cứ ê a tụng bài kinh “chỉnh đốn”, thỉnh thoảng gõ vài cái vào… lò là có thể dẫn dụ thiên hạ! Cứ tiếp tục bòn nơi khố rách, đãi quân… cờ hồng như thế, dân không ăn mặn mà vẫn càng ngày càng khát. “Nghiêm minh” chỉ khiến người ta thêm giận. Chú thích (1) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/vi-pham-cua-do-doc-nguyen-van-hien-la-nghiem-trong-den-muc-phai-ky-luat-1411197.tpo (2) https://vnexpress.net/thoi-su/tu-lenh-quan-khu-9-bi-canh-cao-3918836.html (3) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nguyen-pho-thu-tuong-vu-van-ninh-co-khuyet-diem-trong-quyet-dinh-co-phan-hoa-1411199.tpo (4) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/de-nghi-ban-bi-thu-ky-luat-ong-nguyen-ba-canh-1411201.tpo (5) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/canh-cao-khien-trach-nhieu-lanh-dao-huyen-ba-vi-1411203.tpo  
......

Việc phá dỡ nhà thờ chính tòa Bùi Chu

LS Lê Quốc Quân - FB Lê Quốc Quân Kể từ khi báo chí đưa tin về việc Nhà thờ chính toà Bùi Chu sẽ bị dỡ bỏ (dùng từ cổ một cách tôn kính là “hạ giải”) vào ngày 13/5 tới để xây nhà thờ mới, rất nhiều phương tiện truyền thông đã đề cập với nhiều ý kiến trái chiều. Là một người Công giáo, yêu mến hoạt động xã hội và quan tâm đến vấn đề này, nhiều người bạn trong và ngoài công giáo, đã hỏi tôi nhưng tôi chưa có ý kiến vì mình chưa có đủ thông tin. Hôm nay Chúa Nhật ngày 5/5/2019 chúng tôi đã có dịp về thăm nhà thờ chính toà Bùi Chu và một số giáo xứ thuộc Giáo phận Bùi Chu. Khi đến TGM lúc 4h chiều thì một thánh lễ đang diễn ra. Chúng tôi đã tìm hiểu xung quanh nhà thờ, vào trong nhà thờ và đã gặp gỡ một số linh mục, giáo dân cũng như một số khách đang hành hương thăm quan nhà thờ. Ân tượng đầu tiên của tôi là ngôi nhà thờ đầu tiên của giáo phận Bùi Chu được xây dựng từ 1885 rất bề thế. Nhà thờ được xây dựng bởi Đức giám mục Wenceslao Onate Thuận với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m. Giáo xứ được thành lập từ năm 1670. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết Giáo phận Bùi Chu dự tính dỡ bỏ nhà thờ này để xây dựng một nhà thờ mới, với cấu trúc tương tự như thế nhưng to hơn, rộng hơn ngay tại vị trí đất đó. Theo một linh mục cho biết thì nhà thờ hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn tường nứt nẻ, cột lim trong nhà thờ đã bị mục, nền nhà thờ thấp… Nhà thờ có thể sập bất cứ lúc nào và để an toàn cho giáo dân thì nên xây mới. Quyết định này đã được hội đồng linh mục, bàn bạc nhiều lần, bỏ phiếu thông qua, đã chuẩn bị vật tư vật liệu và mô hình nhà thờ mới cũng được thiết kế. Đi sâu hơn tìm hiểu, trực tiếp gặp một số Chủng sinh và một vị linh mục cao trọng mà chúng tôi cho rằng có viễn kiến đang phục vụ trong Toà giám mục Bùi Chu, chúng tôi lại được nghe câu chuyện khác. Theo vị linh mục này thì Nhà thờ là một kiến trúc độc đáo, một bảo vật có giá trị tầm cỡ quốc gia, gắn liền với lịch sử phát triển của cộng đồng dân cư vùng châu thổ Sông Hồng. Ngôi thánh đường này vẫn có kết cấu rất vững chắc, trải qua rất nhiều cơn bão lớn nhưng vẫn đứng vững. Mặc dù hiện tại có những vết nứt nẻ ở các góc tường (nhìn mắt thường thì nhiều năm nay vẫn không dãn ra). Một số cột cũng bị hỏng, mái nhà thờ có kết cấu nặng… tuy nhiên những điều này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu trùng tu. Với kiến thức và hiểu biết sâu rộng cuả mình, vị linh mục này cho biết giờ đây đã có rất nhiều công nghệ trùng tu mới hiện đại, nếu được áp dụng thì có thể kéo dài tuổi thọ nhà thờ, để lại cho thế hệ mai sau một giá trị tuyệt vời của Cha Ông và sẽ tăng dần theo thời gian. Nói chuyện với giáo dân chúng tôi được biết kiến trúc cổ đẹp đẽ này gắn liền với những ngày đầu gian khó, những ký ức thương qua nhiều thời kỳ, với nhiều thế hệ giáo dân. Giáo dân và Linh mục còn nhắc tới ngôi nhà thờ đổ ở Xã Hải Lý, giờ chỉ còn một tháp chuông nhưng vẫn thu hút được nhiều du khách thập phương. Sự yêu thương gắn bó với Giáo hội thường đến từ việc chăm chút gìn giữ theo thời gian chứ không phải “đùng một cái đẻ ra trong từng – triều đại”. Phía trước Nhà thờ hiện tại là Đền Đức Mẹ, kế đó là hai khu đất vuông viên đã được giải toả, có thể tiến hành xây dựng Nhà thờ mới nếu Giáo phận quyết tâm. Ảnh: Facebook Lê Quốc Quân Trả lời cho chúng tôi về giải pháp làm sao để giáo dân tiếp tục có nơi rộng rãi, an toàn để thờ phượng. Vị linh mục đã mở bản đồ chỉ cho chúng tôi thửa đất phía sau đài Đức Mẹ, đối xứng với Nhà thờ hiện tại. Miếng đất này hình chữ nhật có chiều dài tới 200m, chiều rộng gần 100m và đã được đền bù thành “đất sạch”. Như vậy đã có quỹ đất hoàn toàn đáp ứng việc xây dựng một ngôi thánh đường mới. Nếu theo phương án xây mới này thì chúng ta sẽ có một Nhà thờ đủ rộng và an toàn cho toàn bộ cộng đoàn, đồng thời vẫn giữ được ngôi thánh đường lịch sử 134 năm tuổi. Khi hỏi thăm cả linh mục và giáo dân về Quyết định dỡ bỏ và xây dựng, nhiều ý kiến cũng cho biết dù rất nhiều linh mục muốn giữ lại nhưng “có thể vì đức vâng lời” hoặc vì “dĩ hoà vi quý” mà đã chấp nhận hoặc không dám bày tỏ thẳng thắn ý kiến của mình. Mặc dù được biết rằng việc xây mới đã được chuẩn bị công phu nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể lắng nghe thêm các ý kiến và tạm hoãn việc phá dỡ trong những ngày tới để chờ sự đánh giá lại toàn diện của các nhà chuyên môn, của Viện bảo tồn di tích. Đây là một vấn đề rất tế nhị mà tôi nghĩ Nhà nước không thể nhảy vào và căn cứ theo Luật Di sản để can thiệp vì đã từng xảy ra như trường hợp Phát Diệm. Họ cấp chứng nhận di tích và sau đó lại định đặt barrier để thu vé, Giáo hội công giáo không thể chấp nhận chuyện đó, nhà thờ là Nhà chung, cho tất cả mọi người, không thể áp dụng việc quản lý của Nhà nước theo luật di tích. Cá nhân tôi kính đề nghị các Đấng bậc bằng cách nào đó “nghe lại” ý kiến của Linh Mục Đoàn một cách thẳng thắn, dân chủ và tự do, thì bằng trình độ, viễn kiến và lòng yêu mến Giáo Hội các Ngài có thể có một quyết định tốt nhất, phù hợp với hiện tại và mai sau. Theo tôi phương án vẫn giữ lại nhà thờ và xây mới trên mảnh đất đối diện là tốt đẹp nhất. Tại nhiều di tích trên thế giới, bên cạnh những công trình đồ sộ, thường có một ngôi nhà thờ cũ được bảo tồn, và nơi đó, giờ đây lại là điểm thu hút khách và giáo dân đến nhiều hơn. LS Lê Quốc Quân - FB Lê Quốc Quân Hãy cứu Nhà thờ Bùi Chu – một công trình kiến trúc cổ 134 năm tuổi!  
......

Hàng loạt Tướng lĩnh Bộ quốc phòng bị kỷ luật

Le Anh| Theo truyền thông trong nước thông tin liên quan đến vấn đề vi phạm trong việc quản lý sử dụng đất quốc phòng trong đó có liên quan đến tiền và tài sản. Những thành phần liên quan trong vụ này đều là những thành phần lãnh đạo của Bộ Quốc Phòng trong binh chủng Hải Quân như: Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình và Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo. Ngoài ra còn có Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Tư lệnh Quân khu 9, Đại tá Nguyễn Thanh Nam, hiện là Phó Tổng giám đốc tập đoàn viễn thông Viettel thuộc Bộ quốc phòng…không những thế mà còn liên quan đến các cán bộ, đảng viên cấp dưới. Hầu hết các cơ quan truyền thông chỉ nói đến vi phạm là do làm việc buông lỏng, quản lý, thiếu kiểm tra…và cho đó chỉ là những khuyết điểm và chỉ nói chung chung nhưng không đề cập chi tiết cụ thể vi phạm cái gì? Riêng tờ báo điện tử “Báo http://xn--mi-ebt.com/” có đề cập đến sự vi phạm có liên quan đến vấn đề tiền bạc và tài sản. Nếu chỉ là khuyết điểm tại sao cách chức những nhân vật cao cấp như: Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Tư lệnh Quân khu 9, Đại tá Trương Thanh Nam, Phó Tổng giám đốc Viễn Thông Viettel và xử lý hàng loạt cán bộ và đảng viên cấp dưới? Dư luận đang thắc mắc và đặt nghi vấn: - Kỷ luật và xử lý hàng loạt tướng lĩnh và có cả các cán bộ, đảng viên. Đây có phải là một tập đoàn ăn chia từ trên xuống dưới? - Công khai kỷ luật hàng loạt lãnh đạo tướng tá, đặc biệt là các nhân vật trong Quân đội sai phạm là chuyện ít xảy ra đối với đảng, thường thì giải quyết trong nội bộ cho nên quyết định cách chức và kỷ luật các tướng lĩnh cao cấp phải là sự việc rất nghiêm trọng. - Đây có phải là những màn đấu đá trong nội bộ đã đến mức công khai đối đầu giữa các phe cánh với nhau? Được biết Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội được Đảng cho phép làm kinh tế. Quân đội không phải đội quân kinh doanh, thay vì nhiệm vụ chính của Quân đội là chăm lo, chuyên trách công việc quốc phòng, bảo vệ Tổ Quốc. Từ khi Quân đội có quyền làm kinh tế thì cụm từ “Đất quốc phòng” được đề cập thường xuyên, nơi nào quân đội muốn lấy, từ tài sản đất đai của dân, của tôn giáo thì gán cụm từ “đất này thuộc đất quốc phòng.” Thật sự không mấy người hiểu “đất quốc phòng là đất gì”? Và cũng từ khi Quân đội có quyền làm kinh tế thì các lãnh đạo quân đội đề dồn nỗ lực đầu tư để kiếm tiền quên mất đi nhiệm vụ của quân đội, Và cũng kể từ đó, các thành phần lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam muốn giữ được ghế quyền lực để trục lợi thì phải hợp tác với Trung quốc. Điều đáng nói ở đây là những trục lợi đều vào trong túi của các thành phần lãnh đạo của Quân đội chứ những quân nhân cấp dưới hoàn toàn không được hưởng gì cả. Đất nước Việt Nam thật bất hạnh khi có một đội quân với thành phần lãnh đạo hèn nhát! Đất nước Việt Nam thật bất hạnh khi có một thể chế chỉ biết có đảng và không quan tâm đến tiền đồ của đất nước và tương lai của Dân tộc Le Anh
......

Đảng CSVN chính là...Kền kền

Đỗ Văn Ngà| Phải nói rằng, kinh tế Việt Nam đang chìm dần cho dù chỉ số tăng trưởng GDP họ thông báo vẫn khá cao. Về kinh tế, khi chất lượng cuộc sống bị kéo xuống, đồng thời về chính trị, quyền con người bị tước bỏ tự nhiên sẽ có một luồng di cư từ Việt Nam tỏa sang các nước khác có điều kiện kinh tế và chính trị tốt hơn. Với tầng lớp thấp, họ tranh nhau đi xuất khẩu lao động để tìm kiếm thu nhập cải thiện cuộc đời quá thiếu thốn. Tầng lớp này đông vô số kể. Lợi dụng nhu cầu xuất khẩu lao động lớn, và dân Việt ở nơi bưng bít thông tin kém hiểu biết, các đơn vị môi giới có sự tiếp tay của chính quyền đã lấy những khoản tiền dịch vụ với giá cắt cổ. Họ thu tiền cao, tống người lao động qua xứ người rồi vứt đó cho họ tự bơi kiểu sinh con bỏ chợ. Đây là một hình thức buôn nô lệ kiểu mới, kiểu XHCN. Theo thông tin trên RFA, ngày 05/05/2019 công nhân Việt Nam đã biểu tình trước văn phòng Văn Hoá – Kinh tế của Việt Nam ở Đài Bắc . Họ biểu tình vì qua đến nơi, họ mới nhận ra là họ bị bóc lột sức lao động. Những công nhân xuất khẩu lao động ở vùng quê Việt Nam đã đóng phí dịch vụ đến 6 ngàn đô Mỹ để được đi, trong khi những công nhân đến từ Thái Lan, Indonesia và Phillipines chỉ chi từ 1 đến 3 ngàn đô cho môi giới, trong khi đó mức sống các nước kia đều hơn Việt Nam rất nhiều. Trong thị trường rút rỉa túi tiền dân nghèo này, có nhiều những công ty môi giới là sân sau của quan chức nhà nước. Quảng cáo rao bán cô dâư VN Vào thời kỳ người Âu Châu khám phá ra Châu Mỹ, họ tiến hành di cư sang vùng đất mới. Người Âu Châu đến đó làm chủ, họ dùng sức mạnh của họ đến Châu Phi bắt người da đen đem bán cho giới chủ người da trắng tại châu lục mới này để làm nô lệ. Người Châu Phi dốt nát và họ đã bị người da trắng xem là món hàng. Khi đó, nô lệ được dắt ra chợ bán như bán một con gia súc. Tuy bọn buôn nô lệ người da trắng rất ác, nhưng họ chưa bao giờ buôn đồng bào của họ làm nô lệ cả. Ngày nay, tình trạng phụ nữ Việt Nam bị buôn bán làm nô lệ tình dục ở các nước Á Đông rất phổ biến. Chuyện này cứ ngang nhiên diễn ra hết năm này đến năm khác. Kết quả là tại những nước như Trung Quốc Hàn Quốc, Đài Loan họ xem mua vợ Việt Nam như là mua mớ rau con cá với giá rất bèo. Thậm chí trên báo mạng Trung quốc còn quảng cáo rằng “3 vạn tệ (100 triệu VNĐ) mua một cô vợ Việt Nam, chạy 1 cô đền 1 cô”. Sự lộng hành của các công ty môi giới lừa đảo, tình trạng bắt cóc buôn người xảy ra rất phổ biến, trước hết trách nhiệm đó thuộc chính quyền. ở Việt Nam, bao nhiêu người chỉ ra cái sai của chính quyền, họ không phạm tội gì lại bị bắt nhốt tù vô cớ như trường hợp Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh là ví dụ, anh ta chỉ phản biện những sai trái của chính quyền mà bị kết án 5 năm tù, còn tình trạng buôn người, tổ chức lừa đảo đang lộng hành thì chính quyền không quan tâm. Nói cho dễ hiểu, thì chính quyền này vây bắt người có ích cho xã hội và thả cho những kẻ tàn phá xã hội lộng hành. Chính quyền thế thì dân nào sống nổi? Thực ra những gì đang diễn ra ở đất nước Việt khốn khổ này nó không hẳn là yếu kém của ĐCS mà là chính sách hẳn hoi. Họ không thể giúp đất nước phát triển được thì họ cũng tàn phá luôn. Vì trong đầu họ, tàn phá đất nước họ có lợi hơn là xây dựng. Chính vì thế, họ đã không chùn tay tàn phá đất nước để dân chịu không nổi và di cư ra nước ngoài lao động tạo thành một thị trường béo bở để họ tư lợi. Xuất khẩu culi nhiều cũng đồng nghĩa với việc Đảng kiếm nhiều ngoại tệ do chính những lao động này làm gởi về nước. Đất nước mất gì kệ nó, dân mất gì kệ nó, miễn sao Đảng có đô và đảng viên được hưởng vinh hoa phú quý là được. Thật sự, ĐCS và thân hữu của nó là loài kền kền bên xác nhân dân. Tham khảo: – https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-labor-in-taiwan-protest-gov-of-vn-05052019084652.html – https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/trung-quoc-quang-cao-mua-vo-viet-nam-100-trieu-mot-co-148779.html
......

Thấy gì qua cuộc biểu tình của lao động Việt Nam ở Đài Loan?

nguyenanhtuan’s blog| Sáng Chủ Nhật ngày 5/5/2019 hàng chục lao động Việt Nam ở Đài Loan đã tổ chức cuộc biểu tình đòi chấm dứt tình trạng môi giới xuất khẩu lao động đang trục lợi bằng mức phí cao bất hợp lý. Đây không phải là lần đầu tiên lao động Việt Nam biểu tình ở Đài Loan để đòi hỏi quyền lợi của họ, song nếu như trước đây các cuộc biểu tình thường nhắm đến Chính phủ Đài Loan đòi cải thiện các điều kiện làm việc, lương bổng, thì lần này lao động Việt Nam đã tổ chức biểu tình ngay trước Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (tương đương sứ quán Việt Nam) nhằm chỉ đích danh Chính phủ Việt Nam là đối tượng chịu trách nhiệm chính cho tình trạng môi giới bóc lột lao động Việt Nam. [1] https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/1145615005618182?s=100000147078725&v=e&sfns=mo Một người lao động đã thể hiện rõ quan điểm này qua phần phát biểu công khai trong cuộc biểu tình: “Tôi thắc mắc Chính phủ Việt Nam có phải là một chính phủ phục vụ vì dân, phục vụ cho nhân dân hay không? Nếu đúng như vậy thì vì sao những người lao động đến từ các nước như Indo, Thái Lan, hay Philippines chỉ phải trả mức phí từ 1000-3000 USD, còn người Việt Nam chúng ta phải trả mức phí cao ngất ngưỡng như vậy?” [1] Thật trớ trêu khi người Việt đi lao động ở xứ người lại có thể thực hiện các quyền dân sự chính trị dễ dàng hơn người Việt Nam trong nước. Như đang thấy, các bạn lao động Việt Nam có thể dễ dàng đăng ký, tổ chức và tham gia một cuộc biểu tình hợp pháp, ôn hoà nhằm đòi quyền lợi chính đáng cho đoàn thể của mình. Bên cạnh đó, thêm một lần nữa Chính phủ Việt Nam lại bị đem ra so sánh với chính phủ các nước trong vùng về việc bảo vệ quyền lợi cho công dân xa xứ của mình, sau vụ Đoàn Thị Hương. Người Việt đang ngày càng ý thức rõ hơn rằng chính quyền phải lấy việc phục vụ người dân làm lý do tồn tại của mình bởi vì nó sống nhờ vào tiền thuế của người dân. Nguyễn Anh Tuấn Thực trạng và giải pháp cho lao động nữ tại Việt Nam Mất việc ở tuổi 35 tại Việt Nam
......

“Không thể đi theo con đường lao động giá rẻ”

  Phương Thảo - VNTB! Tiền lương không tăng theo tỷ lệ thuận với lạm phát, tiền lương vẫn nằm trong tỷ lệ nghịch với giá điện và xăng. Nhà ở xã hội vẫn nằm trên giấy nhường ưu tiên cho những dự án nhà ở – biệt thự – khu nghỉ dưỡng cao cấp. Môi trường làm việc vẫn không được biết đến ở khía cạnh không có bạo lực thể xác và ngôn ngữ cũng như lạm dụng tình dục. Nhân công giá rẻ – một lợi thế lớn của Việt Nam trong việc lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam từ thị trường Trung Quốc khi mà giá nhân công ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với giá nhân công ở Trung Quốc. Đắng cay đời nữ công nhân may Giá nhân công rẻ đem lại nhiều lợi lộc cho giới đầu tư. Hãy cứ thử nhẩm tính một đôi giày Nike hay một cái quần jeans Levi’s có giá bán lẻ 100 đến 200 euros ở châu Âu (tức 2,7 tới 5,2 triệu đồng Việt Nam) thì giá gia công chỉ từ vài xu cho tới dưới một euro. Chưa kể đến các nhãn hiệu cao cấp khác cũng được sản xuất ở Châu Á với giá bán trên dưới 1000 euro mà giá nhân công vẫn không thay đổi. Đây chính là điều mà những người quan tâm đến nhân quyền và công bằng trong xã hội cho là bóc lột sức lao động của người dân ở các quốc gia thứ ba. Dù lương căn bản ở Việt Nam đã được tăng lên, nhưng mức lương khoảng 5 triệu đồng một tháng của công nhân các nhà máy may khi chưa tăng ca vẫn không đủ sống. Đã có cảnh báo về việc một nửa nữ công nhân may Việt Nam phải đối mặt với bạo lực nơi làm việc sau khi tổ chức Fair Wear Foundation, một đối tác của các thương hiệu quần áo bền vững, phỏng vấn 763 nữ công nhân may Việt Nam. 43% người được phỏng vấn cho hay họ đã bị bạo hành hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong mười hai tháng qua. Nữ công nhân có thể bị quản đốc đánh vô tay bạn hay chủ đòi tình để đổi lấy sự thăng tiến. Hai triệu người hiện đang làm việc trong các nhà máy dệt may tại Việt Nam, 80% trong số đó là phụ nữ. Hầu hết trong số họ là người nông thôn đi lên thành phố để làm việc ở các khu công nghiệp. Hai phần ba nữ công nhân may có con nhỏ và một nửa số các bà mẹ phải bỏ con lại ở quê để lên thành phố làm một trong những công việc được trả lương thấp nhất trong xã hội. Những người phụ nữ gốc nông dân này là nhóm người dễ bị tổn thương hơn vì không có an sinh xã hội. Thực trạng và giải pháp cho lao động nữ tại Việt Nam Thương mại phải đi đôi với kinh doanh có trách nhiệm? Các cuộc phỏng vấn của Fair Wear Foundation được thực hiện bên ngoài nhà máy để tránh bị ảnh hưởng từ phía các nhà quản lý cũng như câu trả lời theo ý muốn của xã hội. Công nhân may tăng ca thường xuyên và hầu như phải làm việc 60 giờ một tuần, cao gấp gần gấp đôi so với mức giờ lao động chuẩn, nhưng không tăng ca thì không đủ sống. Việc đối mặt với bạo hành và quấy rối trong công việc còn đôi khi song hành cả với tiền tăng ca không được thanh toán. Ông giám đốc tổ chức Fair Wear Foundation cho biết cũng đã chuyển nghiên cứu của họ cho Bộ Lao Động của Việt Nam trong đó có nhấn mạnh đến vấn đề tiền lương và quấy rối tình dục nơi làm việc nhằm giúp cho bộ chủ quản và các ban ngành liên quan trong việc sửa đổi Luật Lao động theo tiêu chuẩn ILO. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) sẽ đưa ra quyết định vào tháng 6 năm nay về một hiệp ước chống lại bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Báo cáo cũng cho biết rằng “mặc dù chính quyền Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh rằng nước này đạt chỉ số cao về tham gia lao động của nữ giới và giáo dục công bằng, nhưng quấy rối hoặc lạm dụng tình dục là phổ biến.” Điều đó cũng được chứng minh từ kết quả nghiên cứu bởi vì, ngoài việc quấy rối tại nơi làm việc, một nửa số phụ nữ được phỏng vấn nói rằng họ đã bị quấy rối trên đường về nhà hoặc đi làm. Kết quả nghiên cứu này cũng đã được trình cho Thủ Tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến công du Việt Nam hồi đầu tháng 4 tại Hà Nội nhằm yêu cầu Mark Rutte phải “liên kết quyền lao động với quan hệ thương mại tốt hơn. Thương mại phải đi đôi với kinh doanh có trách nhiệm.” Ai cho tôi công lý nơi làm việc Quyển sách về “Công lý nơi làm việc” ở Việt Nam đã khám phá ra rằng công nhân ở Việt Nam nói riêng và công nhân châu Á nói chung là những người thụ động. “Lực lượng lao động nữ đơn giản (vì không biết gì đến quyền lợi của mình), giá nhân công rẻ, và không bao giờ gây phiền hà. Họ làm việc chăm chỉ và biết tuân phục” là mồi câu được sử dụng để lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài đến để khai thác sức lao động giá rẻ và gia tăng đầu tư trong nước. Công nhân may đã từng có các cuộc đình công lớn tự phát buộc giới chủ phải thoả mãn các yêu cầu về lương bổng nhưng rồi nhanh chóng xẹp xuống. Tuy nhiên họ vẫn là những người thụ động, sợ mất việc làm, chấp nhận bị đối xử tệ và hơn hết không được phép biểu tình vì chính quyền sợ ảnh hưởng đến nhà đầu tư cũng như làm nguy hại đến một hình ảnh một Việt Nam ổn định – an toàn. Công đoàn lại vô tích sự không đóng một vai trò gì trong việc bảo vệ quyền lợi của công nhân. “Không thể đi theo con đường lao động giá rẻ” Ngày 5/5 vừa qua ông Phúc lên tiếng về việc lao động giá rẻ không phải là hướng phát triển lâu dài. Ông thủ tướng hoàn toàn đúng nhưng ông chỉ đề cập đến lực lượng lao động kỹ thuật cao còn những người lao động như các nữ công nhân may lại không được đưa vào chương trình nghị sự. Nên nhớ rằng xuất khẩu dệt may và da giày Việt Nam vẫn chiếm áp đảo so với các ngành nghề khác. Ngay cả công nhân làm việc cho Samsung, có mức đóng góp xấp xỉ 30% thu nhập GDP cho Việt Nam cũng không phải là công nhân kỹ thuật cao và vẫn chỉ là những người công nhân trong dây chuyền lắp rắp. Ông Phúc cũng đề cập đến cải thiện tiền lương đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, nhà ở xã hội, môi trường làm việc cho công nhân. Nhưng tiền lương không tăng theo tỷ lệ thuận với lạm phát, tiền lương vẫn nằm trong tỷ lệ nghịch với giá điện và xăng. Nhà ở xã hội vẫn nằm trên giấy nhường ưu tiên cho những dự án nhà ở – biệt thự – khu nghỉ dưỡng cao cấp. Môi trường làm việc vẫn không được biết đến ở khía cạnh không có bạo lực thể xác và ngôn ngữ cũng như lạm dụng tình dục. Tháng 6 nếu thêm một điều khoản của ILO được đưa ra về vấn đề bạo lực và quấy rối tình dục nơi làm việc, cộng với vấn đề “bạo lực và quấy rối tình dục nơi làm việc” vào chương trình nghị sự ở châu Âu, hi vọng chính quyền độc đảng sẽ học hỏi được cách phát triển bền vững dựa vào từ các giá trị nhân bản đơn giản nhất trở đi. Phương Thảo -  Việt Nam Thời Báo Mất việc ở tuổi 35 tại Việt Nam  
......

Chuyện gì sẽ xảy ra khi ông Trọng vô năng?

Trung Điền – Web Việt Tân| Sự vô năng của ông Trọng có thể sẽ dẫn đến cuộc chạy đua ghế Tổng bí thư cho nhiệm kỳ 13 (2021-2026) giữa phe ông Trần Quốc Vượng và phe ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Nguyễn Phú Trọng đã không xuất hiện trong tang lễ của ông Lê Đức Anh vào sáng ngày 4 tháng 5 vừa qua tại Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội. Thay vào đó, người ta đưa vòng hoa của ông Nguyễn Phú Trọng đến viếng và xướng danh ông Trọng là người đứng đầu ban tang lễ gồm 39 người. Từ sau vụ đột quỵ ở Kiên Giang hôm 14 tháng 4, sự xuất hiện của ông Nguyễn Phú Trọng trong tang lễ của ông Lê Đức Anh rất quan trọng – không phải chỉ cho riêng cá nhân ông mà còn đối với tập thể Bộ chính trị đảng CSVN. Nếu ông Trọng xuất hiện trong tang lễ, tức chỉ sau ba tuần mà phục hồi nhanh như vậy, sẽ cho thấy là cú “đột quỵ” ở Kiên Giang không đến nỗi nào, ông Trọng vẫn có nhiều tiềm năng cầm chịch hai trách vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Hơn thế nữa, tang lễ của ông Lê Đức Anh có thể coi như là lễ tang cuối cùng đối với thế hệ lãnh đạo trực tiếp cuộc chiến quá khứ. Đáng lý ra, ông Trọng phải hiện diện trong vai trò người lãnh đạo cao nhất hiện nay để nói lời chia tay với thế hệ đàn anh. Nhưng có lẽ “người tính không bằng trời tính”. Sức khỏe đã không cho phép ông Trọng xuất hiện, điều này cho thấy là cú “đột quỵ” của ông Trọng vừa qua không nhẹ tý nào. Nói cách khác là tuy tính mệnh có thể không còn nguy kịch, nhưng sự hồi phục để trở lại bình thường như trước ngày 14 tháng 4 sẽ rất khó và ông Trọng sẽ dần dần rơi vào tình trạng vô năng, không còn có thể hoạt động bình thường chứ đừng nói đến việc đảm đang hai vai trò quan trọng là tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước. Các biến chứng của bệnh đột quỵ nặng thường là mất trí nhớ, không còn khả năng diễn đạt, và có khi liệt tứ chi, nếu không là đi vào hôn mê vĩnh viễn. Trong trường hợp có thể phục hồi cần phải rất nhiều thời gian và nỗ lực điều trị, mà cũng không thể nào trở lại như xưa. Ở lứa tuổi gần 80, việc phục hồi lại càng không phải dễ. Đảng CSVN, dù muốn hay không, cũng sẽ phải tuyên bố việc thay thế ông Trọng mà thôi. Ông Trọng hiện nay đang đảm trách bốn công việc rất quan trọng. Công việc thứ nhất là phụ trách tiểu ban nhân sự đại hội 13. Tức là sắp xếp, chọn lọc khoảng 600 cán bộ để giữ những trách vụ trong Trung ương đảng, Bộ chính trị, Bí thư và cán bộ của 63 Tỉnh, Thành trực thuộc Trung ương, Đại biểu Quốc hội sau đại hội 13. Đây không phải là công việc dễ dàng vì phải đối đầu gay gắt với những đòn phá ngầm của các phe. Công việc thứ hai là phụ trách tiểu ban về đường lối và tài liệu đại hội 13. Tức là soạn thảo đường lối hoạt động của đảng CSVN trong 10 năm tới trong bối cảnh phai nhạt của “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Công việc thứ ba là vai trò của người “đốt lò vĩ đại”, đứng đầu Ban phòng chống tham nhũng nhằm thanh lọc hàng ngũ đảng. Công việc thứ tư là chỉ đạo nhà nước và chính phủ tiến hành chính sách đu dây sao cho hiệu quả trong bối cảnh xung đột ngày một gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, để giữ không làm sứt mẻ “tình hữu nghị” đối với Trung Cộng khi mà sự hợp tác chiến lược giữa CSVN với Hoa Kỳ ngày một gia tăng hiện nay. Đương nhiên, ông Trọng có rất nhiều người phụ tá, nhưng ở vai trò lãnh đạo, ông Trọng phải suy nghĩ để đưa ra những đề xuất và nhất là “cầm chịch” các quyết định quan trọng về nhân sự, vị trí đóng góp của từng phe, từng thành phần. Với tình hình sức khỏe như hiện nay, ông Trọng khó có thể tiếp tục làm tốt bốn công tác quan trọng này. Đó là chưa kể đến những đối thủ của ông Trọng tìm cách gây “áp lực”, tạo ra những căng thẳng trong nội bộ, khiến ông Trọng có thể phải tự buông bỏ nếu muốn bảo toàn tính mạng. Đây là những thủ đoạn thường được các phe nhóm áp dụng tại những quốc gia độc tài. Quả thật là không ai ngờ chuyến đi Kiên Giang hôm 13-14 tháng 4 lại trở thành chuyến đi định mệnh không chỉ đối với ông Trọng mà cho cả tương lai của đảng CSVN. Thứ nhất, trong tình trạng sức khỏe hiện nay, ông Trọng sẽ cần tới sự giúp đỡ của hai nhân vật thân tín, đó là Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính cả về đường lối và chỉ đạo trong nội bộ đảng, đặc biệt là các chuẩn bị về nhân sự, đường lối và tổ chức đại hội 13. Vô hình chung, hai ông Vượng và ông Chính sẽ thao túng quyền lực ở trong đảng với dự kiến là ông Vượng sẽ nắm ghế Tổng bí thư và ông Chính sẽ là thường trực Ban bí thư trong đại hội 13. Ông Trần Quốc Vượng sinh năm 1953 (tuổi về hưu) trong khi ông Phạm Minh Chính sinh năm 1958 cho nên ông Chính sẽ giúp ông Vượng ở lại ghế Tổng bí thư để sau đó giúp ông Chính nắm ghế Tổng bí thư ở đại hội 14. Thứ hai, với vai trò Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng lúc đóng vai trò Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ trong các quan hệ đối ngoại cũng như tham dự các Hội nghị quốc tế. Nói cách khác, khi ông Trọng vô năng, ông Nguyễn Xuân Phúc nghiễm nhiên trở thành nhân vật lãnh đạo có tầm vóc duy nhất trong con mắt của quốc tế. Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954 là tuổi sẽ về hưu vào tháng 1/2021, nhưng với lợi thế bất ngờ hiện nay sẽ giúp cho ông Phúc có thể được Bộ chính trị và Trung ương đảng khóa 12 giới thiệu làm Tổng bí thư của khóa 13. Với kịch bản nói trên, sự vô năng của ông Trọng sẽ dẫn đến cuộc chạy đua ghế Tổng bí thư cho nhiệm kỳ 13 (2021-2026) giữa phe ông Trần Quốc Vượng và phe ông Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc chiến sẽ bùng nổ lớn trong những ngày tháng trước mặt, và sẽ còn gay gắt hơn những gì đã xảy ra giữa hai phe Trọng-Dũng năm 2016.  
......

Những ai sẽ vào ‘tứ trụ’ tại Đại hội Đảng 2021?

Trương Xuân Danh| Đại hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức Năm năm một lần, nó được ví như một ngọn hải đăng của hệ thống chính trị một Đảng tại Việt Nam. Mỗi lần Đại hội, Đảng lại nỗ lực “trình làng” một thế hệ lãnh đạo mới chất lượng mang đậm hàm ý “đổi mới”. Kể từ những ngày đầu năm trước Đại Hội cho đến những Hội nghị Trung ương cuối cùng trước khi “chốt” các nhân vật ở tầng cao nhất, chủ đề nhân sự luôn sôi động, thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Có thể còn quá sớm để đưa ra các nhận định hay dự đoán về giàn lãnh đạo chủ chốt mới tại Đại hội Đảng XIII, (dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021). Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta có thể dựa trên các dữ liệu “cứng” như các quy định “thành văn” được Đảng ban hành về lựa chọn nhân sự, cấu trúc hệ thống lựa chọn từ trên xuống theo truyền thống vẫn còn ổn định, và cuối cùng là các quy ước “bất thành văn” để đưa ra những phân tích, phán đoán cơ bản. Không thể phủ nhận rằng các Đại hội kể từ hai thập niên trở lại đây sự dân chủ trong Đảng đã được gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt đối với vấn đề chuẩn bị nhân sự chủ chốt cho mỗi kì Đại hội. Các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn về các vị trí nhân sự chủ chốt của Đảng được ban hành chi tiết. Các thông tin về nhân sự chủ chốt, quy trình bỏ phiếu đều được công khai tối đa. Đó sẽ là những yếu tố quan trọng để các phân tích và phán đoán trở nên chất lượng hơn. Bộ Chính trị và ba nhóm thế hệ Bộ chính trị Đại hội khóa XII có 19 người nhưng hiện nay chỉ còn 16 Ủy viên làm việc. Theo các quy định về độ tuổi, chúng tôi tạm thời chia làm ba nhóm. Nhóm thứ Nhất là những người quá tuổi tái cử Ủy viên Bộ Chính trị theo quy định, và phải rời vị trí sau Đại hội XIII (trên 65 tuổi vào ngày bầu cử Đại hội), tạm gọi là nhóm “Bộ Tám” bao gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước và 7 người sinh vào những năm 1953, 1954, 1955. Cụ thể, nhóm này gồm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (SN 1944), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (SN 1954), bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội (SN 1954), ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư, (SN 1953), bà Tòng Thị Phóng, phó Chủ tịch thường trực Quốc hội (SN 1954), ông Trương Hòa Bình Phó Thủ tướng thường trực (SN 1955), ông Ngô Xuân Lịch Bộ trưởng Quốc phòng (1954), và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP HCM (SN 1953). Như vậy “Bộ Tám” về nguyên tắc sẽ không tái cử Đại hội khóa XIII (chiếm 50% số lượng Ủy viên Bộ chính trị hiện nay) tương đối phù hợp với nguyên tắc kế cận. Nhóm thứ Hai gồm Sáu Ủy viên Bộ Chính trị, là nhóm theo quy định được cơ cấu tái cử, (dưới 65 tuổi vào ngày bầu cử Đại hội XIII) sinh vào các năm 1957, 1958, 1959 tạm gọi là nhóm “Bộ Sáu”. Cụ thể bao gồm, ông Phạm Minh Chính, trưởng ban Tổ chức TƯ (SN 1958), bà Trương Thị Mai, trưởng ban Dân vận (SN 1958), ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao (SN 1959), ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ (SN 1957), ông Tô Lâm Bộ trưởng Công an (SN 1957), ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội (SN 1959). Nhóm thứ Ba là nhóm sinh từ năm 1961 trở về sau, tạm gọi là “Nhóm 2026”, tức là nhóm không những tái cử ở nhiệm kì Đại hội XIII, mà còn đủ tuổi để tái cử vào nhiệm kì Đại hội XIV (2026), bao gồm hai ông là Võ Văn Thưởng trưởng ban Tuyên giáo TƯ (SN 1970) và ông Nguyễn Văn Bình, (SN 1961) trưởng ban Kinh tế TƯ. Bộ chính trị VC khóa 12 hiện nay Ai sẽ là Tổng Bí thư? Trong trường hợp Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không tái cử Đại hội XIII, chúng ta bắt đầu tiến hành “diễn dịch” của Quy định 90-QĐ/TW về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lí” được ban hành ngày 4.8.2017. Đoạn quy định chức danh Tổng Bí thư ngoài các tiêu chí chung có một điều kiện đặc biệt, ứng cử viên phải “có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Trong các phiên họp của Ban chấp hành TƯ hiện nay ngoài Tổng Bí thư chỉ có Ba chức danh là Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và Thường trực Ban bí thư được phép ngồi Chủ tọa và điều hành phiên họp. Trong lịch sử và theo truyền thống kể từ thời Tổng bí thư Lê Duẩn tại Đại hội VI (1986), các nhân vật phải nắm giữ vị trí từ Thường trực ban bí thư trở lên cho đến các vị trí cao nhất mới có khả năng kế cận trở thành Tổng bí Thư. Cụ thể ở đây, tại Đại hội VI (1986) là ông Nguyễn Văn Linh, trước đó ông là Thường trực Ban bí thư, Đại hội VII (1991) ông Đỗ Mười, trước đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Thủ tướng hiện nay), Đại hội VIII (1996) ông Đỗ Mười tiếp tục tái cử. Tại Hội nghị TƯ tháng 12/1997, Ban Chấp hành T.Ư đã bầu ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư, ông Lê Khả Phiêu lúc đó là Thường Vụ Bộ chính trị, một trong bốn vị trí cao nhất, sau Tổng bí thư Đỗ Mười. Đại hội IX (2001), là ông Nông Đức Mạnh, trước đó ông là Chủ tịch Quốc hội, Đại hội X (2006) ông Nông Đức Mạnh tiếp tục tái cử. Đại hội XI (2011) là ông Nguyễn Phú Trọng, ông lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, Đại hội XII (2016), ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái cử. Với Quy định về chức danh Tổng Bí thư, và theo lịch sử lựa chọn các vị trí quyền lực nhất từ trên xuống được “truyền thống hóa” kể từ thời Tổng bí thư Lê Duẩn, thì hiện nay các ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, và ông Trần Quốc Vượng hiện sẽ có nhiều lợi thế. Tuy nhiên trong ba người, thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân có vẻ như không được truyền thống hay lịch sử “ưu ái”, vì trong lịch sử cũng như theo truyền thống Đảng chưa có Tổng bí thư nào là nữ. Ngoài ra Tổng bí thư qua tất cả các thời kì cũng đều là người miền Trung và miền Bắc. Xét trên nhưng quy ước bất thành văn đó thì hiện nay mọi cặp mắt đang đổ dồn về bộ đôi hai ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Quốc Vượng. Với các tiêu chí, “đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định), cho thấy việc quy định ứng cử viên Tổng Bí thư phải “đi địa phương” hay tham gia trọn một nhiệm kì Bộ Chính trị đã không còn “cứng” như trước. Nhóm “Tứ trụ” và ẩn số “miền Nam” Việc Đảng chưa có chủ tương nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, nên đến Đại hội XIII, khả năng cao chúng ta lại chứng kiến sự quay lại của cấu trúc bốn chức danh chủ chốt (thường gọi là “Tứ trụ”). Vậy những ai có khả năng tiến đến những chiếc ghế còn lại trong “Tứ trụ” bao gồm Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Quy định 90-QĐ/TW đối với chức danh Chủ tịch Nước đều có các tiêu chí chung cụ thể bao gồm uy tín (được hiểu là không bị các kỉ luật về Đảng, hoạc mức độ tín nhiệm cao trong Bộ chính trị đã được bỏ phiếu), năng lực nổi trội, lĩnh vực công tác. Nếu “áp” các tiêu chí chung cho nhóm “Bộ Sáu”, và “nhóm 2026” thì cả 8 vị trí tái của Bộ chính trị đều có cơ hội ngang nhau. Tuy nhiên theo tiêu chí của chức danh này là “kinh qua và nổi trội trong các lĩnh vực công tác an ninh, đối ngoại, tư pháp..,” thì ba ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, ông Tô Lâm Bộ Trưởng Công an, và ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức TƯ sẽ có lợi thế hơn. Đối với chức danh Thủ tướng, ngoài các tiêu chí chung, theo lịch sử và truyền thống tất cả các Thủ tướng hay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (trước đây) kể từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều trưởng thành từ Phó Thủ tướng. Đó là các ông Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc. Điều này thể hiện tiêu chí cho việc chọn lựa nhân sự Thủ tướng đặt yếu tố “kinh nghiệm trong điều hành bộ máy Hành pháp” lên hàng đầu. Như vậy các lợi thế sẽ thuộc về các Phó thủ tướng hiện nay, ông Trương Hòa Bình, ông Phạm Bình Minh, và ông Vương Đình Huệ. Hai ông Trịnh Đình Dũng và ông Vũ Đức Đam không tham gia Bộ Chính trị. Trong Ba Phó thủ tướng thì ông Trương Hòa Bình sinh năm 1955 thì hiện nay không đủ tiêu chuẩn tuổi để tái cử Bộ Chính trị, và về lĩnh vực phụ trách ông cũng chuyên trách về mảng nội chính, tư pháp. Ông Phạm Bình Minh chủ yếu phụ trách lĩnh vực đối ngoại. Ông Vương Đình Huệ, nếu xét về tiêu chí thứ ba trong quy định chức danh Thủ tướng là cần “có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế – xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế,” thì có vẻ như là người có nhiều lợi thế nhất. Cuối cùng là chức danh Chủ tịch Quốc hội, cả hai nhóm “Bộ Sáu” và “nhóm 2026” gồm Tám Ủy viên Bộ Chính trị có thể tái cử đều có cơ hội như nhau để tiến đến chức danh đứng đầu cơ quan Lập pháp này. Tuy nhiên nếu theo tiêu chí của chức danh Chủ tịch Quốc hội như “có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật…” thì bà Trương Thị Mai (SN 1958), Trưởng ban Dân Vận hiện nay đang có lợi thế hơn cả. Bà Mai, từng là Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề của Xã hội của Quốc hội, và cũng là Ủy viên Thường vụ Quốc hội hai khóa liền từ 2007-2016. Bà Mai hiện cũng là một trong Ba người có thâm niên tham gia Ban chấp hành TƯ chính thức lâu nhất (Ba khóa, từ Đại hội X, 2006) trong số “bộ Tám tái cử” cùng với hai người còn lại là ông Hoàng Trung Hải tham gia ban chấp hành TƯ Bốn khóa, từ Đại hội IX (2001) ông Vương Đình Huệ từ Đại hội X (2006). Bà là đại biểu Quốc hội có thâm niên cao nhất trong nhóm “Bộ Tám” Ủy viên Bộ Chính trị có khả năng tái cử hiện nay. Nếu không có gì thay đổi Bà sẽ tham gia làm Đại biểu Quốc hội ít nhất trọn 24 năm (kể từ năm 1997 cho đến Đại hội 2021) là người tham gia sinh hoạt nghị trường hơn hai thập kỉ liên tục. Cuối cùng cần nói thêm một truyền thống “bất thành văn” có tính chất vùng miền khó có thể bỏ qua đó là kể từ sau năm 1975, Bốn vị trí cao nhất chưa bao giờ vắng mặt một nhân vật đến từ Miền Nam. Bộ Chính trị khóa XII hiện nay có Bốn nhân vật đến từ Miền Nam bao gồm bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Bến Tre), ông Nguyễn Thiện Nhân (Trà Vinh), ông Trương Hòa Bình (Long An), ông Võ Văn Thưởng (Vĩnh Long). Tuy nhiên trong Bốn nhân vật trên theo quy định bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Trương Hòa Bình đã quá tuổi tái cử Bộ Chính trị. Nhân vật miền Nam theo quy định đủ tuổi tái cử là ông Võ Văn Thưởng (SN 1970), Trưởng ban Tuyên giáo TƯ trưởng thành khá trẻ, ông sinh năm 1970. Vì vậy việc “Tứ trụ” khóa XIII có “cơ cấu cứng” một nhân vật đến từ Miền Nam hay không vẫn còn là một ẩn số lớn. Nhóm “ngoài Tứ Trụ” Theo nguyên tắc đến hết Khóa này số lượng Ủy viên Bộ Chính trị vẫn có thể được bổ sung để đạt trở lại con số 19 như Đại hội XII đã bầu. Nếu số lượng Ủy viên Bộ Chính trị trở lại con số 19 thì các vị trị “Tứ trụ” được dự kiến cho Đại hội XIII như phân tích ở trên theo chúng tôi không bị ảnh hưởng. Nó chỉ ảnh hưởng đối với vị trí của nhóm ở dưới, nhóm “Bộ Tám” tái cử. Đối với vị trí Thường trực Ban Bí thư, cơ hội cũng chia đều cho nhóm “Bộ Tám” Ủy viên Bộ chính trị tái cử. Tuy nhiên các nhân vật đang điều hành công tác Đảng hiện nay được chú ý hơn bao gồm các ông Phạm Minh Chính, bà Trương Thị Mai, ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Văn Bình. Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, nếu ông Ngô Xuân Lịch không tái cử, theo truyền thống kế cận sẽ là một nhân vật đến từ lực lượng vũ trang là Bộ Quốc phòng. Hiện nay trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư chỉ có ông Lương Cường (SN 1957) Bí thư TƯ Đảng, công tác tại Bộ Quốc phòng, ông là Đại tướng, và là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Những người ủng hộ ông đương nhiên là muốn một kịch bản lặp lại như ở Đại hội XI, lúc đó ông Ngô Xuân Lịch cũng là Bí thư TƯ Đảng và là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Vị trí Bộ trưởng Ngoại giao nếu ông Phạm Bình Minh rời đi để tiến đến một vị trí cao hơn sau hai nhiệm kì chúng ta sẽ có Tân bộ trưởng Ngoại giao. Nhân vật này theo truyền thống Bộ trưởng sẽ là người từ Bộ này, người hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp. Duy nhất trong quá khứ tại Đại hội X (2006), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm từ Chính phủ sang kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, do lúc đó Bộ này khủng hoảng nhân sự (chỉ bầu được một Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương, đó là Thứ trưởng Phạm Bình Minh). Bộ Ngoại giao hiện có hai thứ trưởng là Bùi Thanh Sơn và Lê Hoài Trung đều là Trung ương Ủy viên. Các vị trí còn lại như các Trưởng các ban Đảng bao gồm, Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận, Kinh tế, các Bộ trưởng Công an, Bí thứ Hà Nội, TP HCM theo chúng tôi vẫn còn là ẩn số cho đến khi cấu trúc các vị trí chủ chốt bên trên ổn định. Theo nguyên tắc việc cơ cấu các Ủy viên Bộ chính trị để bầu tại Đại hội thường nhắm vào các chức danh cụ thể, ngược lại các chức danh đó phải được cơ cấu “cứng” là Ủy viên Bộ chính trị nắm. Như vậy hai Bí thư TƯ Đảng hiện nay là ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lí luận TƯ, và ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ hiện nay đang có nhiều lợi thế để “ngồi vào” chiếc ghế Ủy viên Bộ chính trị kế tiếp. Vì thường hai vị trí này theo truyền thống đều được cơ cấu “cứng” phải là Ủy viên Bộ Chính trị nắm. “Khoảng trống 6X” Trong số 23 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư hiện nay, chỉ có ba nhân vật sinh ở thế hệ 6X đó là ông Nguyễn Văn Bình Ủy viên Bộ Chính trị (1961), ông Trần Cẩm Tú, Bí thư TƯ Đảng (1961), và ông Trần Thanh Mẫn Bí thư TƯ Đảng (1962). Điều đặc biệt lưu ý đó là hiện trong Bộ Chính trị chỉ có một nhân vật duy nhất ở thế hệ 6X đó là ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961, điều đó cho thấy đang có một khoảng trống thế hệ cho nhóm lãnh đạo thế hệ 6X, hay sự thiếu vắng những lãnh đạo chủ chốt thế hệ 6X. Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, ông Trần Cẩm Tú, và Trần Thanh Mẫn Điều đó dẫn đến việc Đại hội XIV (2026) một thế hệ lãnh đạo “6X,7X” nhiệm kì Bộ Chính trị Ban Bí thư Khóa này nếu được tái cử chỉ còn Bốn nhân vật là các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, Trần Cẩm Tú và Trần Thanh Mẫn. Đó là một tỉ lệ kế cận 6X khá khiêm tốn. Do vậy chúng tôi nhận định tại Đại hội XIII chủ yếu sẽ là sự bổ sung “thế hệ tuổi từ giữa cho đến cuối 6X” cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư để đảm bảo vững chắc nguyên tắc kế thừa các thế hệ lãnh đạo. Theo như phân tích trên đây cùng với truyền thống thâm niên và kế thừa lãnh đạo nếu không có gì thay đổi, các ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, ông Trần Cẩm Tú, và Trần Thanh Mẫn, sẽ tiến đến những vị trị cao nhất trong hệ thống quyền lực tại Đại hội XIV (2026)./.
......

Chuyện gì sẽ xảy ra khi ông Trọng vô năng?

Trung Điền | Ông Nguyễn Phú Trọng đã không xuất hiện trong tang lễ của ông Lê Đức Anh vào sáng ngày 4 tháng 5 vừa qua tại Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội. Thay vào đó, người ta đưa vòng hoa của ông Nguyễn Phú Trọng đến viếng và xướng danh ông Trọng là người đứng đầu ban tang lễ gồm 39 người. Từ sau vụ đột quỵ ở Kiên Giang hôm 14 tháng 4, sự xuất hiện của ông Nguyễn Phú Trọng trong tang lễ của ông Lê Đức Anh rất quan trọng – không phải chỉ cho riêng cá nhân ông mà còn đối với tập thể Bộ chính trị đảng CSVN. Nếu ông Trọng xuất hiện trong tang lễ, tức chỉ sau ba tuần mà phục hồi nhanh như vậy, sẽ cho thấy là cú “đột quỵ” ở Kiên Giang không đến nỗi nào, ông Trọng vẫn có nhiều tiềm năng cầm chịch hai trách vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Hơn thế nữa, tang lễ của ông Lê Đức Anh có thể coi như là lễ tang cuối cùng đối với thế hệ lãnh đạo trực tiếp cuộc chiến quá khứ. Đáng lý ra, ông Trọng phải hiện diện trong vai trò người lãnh đạo cao nhất hiện nay để nói lời chia tay với thế hệ đàn anh. Nhưng có lẽ “người tính không bằng trời tính”. Sức khỏe đã không cho phép ông Trọng xuất hiện, điều này cho thấy là cú “đột quỵ” của ông Trọng vừa qua không nhẹ tý nào. Nói cách khác là tuy tính mệnh có thể không còn nguy kịch, nhưng sự hồi phục để trở lại bình thường như trước ngày 14 tháng 4 sẽ rất khó và ông Trọng sẽ dần dần rơi vào tình trạng vô năng, không còn có thể hoạt động bình thường chứ đừng nói đến việc đảm đang hai vai trò quan trọng là tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước. Các biến chứng của bệnh đột quỵ nặng thường là mất trí nhớ, không còn khả năng diễn đạt, và có khi liệt tứ chi, nếu không là đi vào hôn mê vĩnh viễn. Trong trường hợp có thể phục hồi cần phải rất nhiều thời gian và nỗ lực điều trị, mà cũng không thể nào trở lại như xưa. Ở lứa tuổi gần 80, việc phục hồi lại càng không phải dễ. Đảng CSVN, dù muốn hay không, cũng sẽ phải tuyên bố việc thay thế ông Trọng mà thôi. Ông Trọng hiện nay đang đảm trách bốn công việc rất quan trọng. Công việc thứ nhất là phụ trách tiểu ban nhân sự đại hội 13. Tức là sắp xếp, chọn lọc khoảng 600 cán bộ để giữ những trách vụ trong Trung ương đảng, Bộ chính trị, Bí thư và cán bộ của 63 Tỉnh, Thành trực thuộc Trung ương, Đại biểu Quốc hội sau đại hội 13. Đây không phải là công việc dễ dàng vì phải đối đầu gay gắt với những đòn phá ngầm của các phe. Công việc thứ hai là phụ trách tiểu ban về đường lối và tài liệu đại hội 13. Tức là soạn thảo đường lối hoạt động của đảng CSVN trong 10 năm tới trong bối cảnh phai nhạt của “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Công việc thứ ba là vai trò của người “đốt lò vĩ đại”, đứng đầu Ban phòng chống tham nhũng nhằm thanh lọc hàng ngũ đảng. Công việc thứ tư là chỉ đạo nhà nước và chính phủ tiến hành chính sách đu dây sao cho hiệu quả trong bối cảnh xung đột ngày một gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, để giữ không làm sứt mẻ “tình hữu nghị” đối với Trung Cộng khi mà sự hợp tác chiến lược giữa CSVN với Hoa Kỳ ngày một gia tăng hiện nay. Đương nhiên, ông Trọng có rất nhiều người phụ tá, nhưng ở vai trò lãnh đạo, ông Trọng phải suy nghĩ để đưa ra những đề xuất và nhất là “cầm chịch” các quyết định quan trọng về nhân sự, vị trí đóng góp của từng phe, từng thành phần. Với tình hình sức khỏe như hiện nay, ông Trọng khó có thể tiếp tục làm tốt bốn công tác quan trọng này. Đó là chưa kể đến những đối thủ của ông Trọng tìm cách gây “áp lực”, tạo ra những căng thẳng trong nội bộ, khiến ông Trọng có thể phải tự buông bỏ nếu muốn bảo toàn tính mạng. Đây là những thủ đoạn thường được các phe nhóm áp dụng tại những quốc gia độc tài. Quả thật là không ai ngờ chuyến đi Kiên Giang hôm 13-14 tháng 4 lại trở thành chuyến đi định mệnh không chỉ đối với ông Trọng mà cho cả tương lai của đảng CSVN. Thứ nhất, trong tình trạng sức khỏe hiện nay, ông Trọng sẽ cần tới sự giúp đỡ của hai nhân vật thân tín, đó là Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính cả về đường lối và chỉ đạo trong nội bộ đảng, đặc biệt là các chuẩn bị về nhân sự, đường lối và tổ chức đại hội 13. Vô hình chung, hai ông Vượng và ông Chính sẽ thao túng quyền lực ở trong đảng với dự kiến là ông Vượng sẽ nắm ghế Tổng bí thư và ông Chính sẽ là thường trực Ban bí thư trong đại hội 13. Ông Trần Quốc Vượng sinh năm 1953 (tuổi về hưu) trong khi ông Phạm Minh Chính sinh năm 1958 cho nên ông Chính sẽ giúp ông Vượng ở lại ghế Tổng bí thư để sau đó giúp ông Chính nắm ghế Tổng bí thư ở đại hội 14. Thứ hai, với vai trò Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng lúc đóng vai trò Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ trong các quan hệ đối ngoại cũng như tham dự các Hội nghị quốc tế. Nói cách khác, khi ông Trọng vô năng, ông Nguyễn Xuân Phúc nghiễm nhiên trở thành nhân vật lãnh đạo có tầm vóc duy nhất trong con mắt của quốc tế. Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954 là tuổi sẽ về hưu vào tháng 1/2021, nhưng với lợi thế bất ngờ hiện nay sẽ giúp cho ông Phúc có thể được Bộ chính trị và Trung ương đảng khóa 12 giới thiệu làm Tổng bí thư của khóa 13. Với kịch bản nói trên, sự vô năng của ông Trọng sẽ dẫn đến cuộc chạy đua ghế Tổng bí thư cho nhiệm kỳ 13 (2021-2026) giữa phe ông Trần Quốc Vượng và phe ông Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc chiến sẽ bùng nổ lớn trong những ngày tháng trước mặt, và sẽ còn gay gắt hơn những gì đã xảy ra giữa hai phe Trọng-Dũng năm 2016./.
......

Trung Quốc bám rễ viễn thông Anh từ khi nào?

Nguyễn Hùng - VOA| Những ngày đầu tháng Năm nước Anh chứng kiến một bộ trưởng quốc phòng mất chức vì cái rễ của hãng viễn thông Trung Quốc Huawei tại đảo quốc này. Ông Gavin Williamson bị Thủ tướng Theresa May sa thải sau cuộc điều tra về chuyện ai để lộ tin Chính phủ Anh có thể sẽ để Huawei tham gia phát triển mạng lưới di động 5G, dù chỉ là tham gia cung cấp thiết bị vòng ngoài, chẳng hạn như hệ thống ăng-ten, chứ không phải cho phần cốt lõi của mạng 5G. Ông Williamson cùng bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng ngoại giao được cho là đã bày tỏ lo ngại về việc để công ty Trung Quốc tham gia phát triển hệ thống 5G. Trước đó Hoa Kỳ đã cảnh báo các đồng minh đừng để Huawei dính vào phát triển công nghệ không dây thế hệ 5. Trong số năm quốc gia có quan hệ mật thiết về chia sẻ tin tức tình báo gồm Anh, Australia, Canada, Hoa Kỳ và New Zealand, ba nước đã quyết định không để Huawei có chân trong hệ thống di động 5G, vốn sẽ tăng tốc độ tải lên và tải xuống từ 10-20 lần so với 4G. Hai nước còn chưa quyết định chính là Anh và Canada. Huawei đã đầu tư chừng 1,65 tỷ đô la Mỹ vào Anh trong vòng năm năm qua, tạo hàng trăm công ăn việc làm. Sau khi bị Hoa Kỳ dội gáo nước lạnh bằng việc cấm bán thiết bị vào Hoa Kỳ bên cạnh việc đòi dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính và con gái ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi, hãng cung cấp thiết bị mạng viễn thông số một thế giới đang có vẻ dồn đầu tư vào Anh. London từ lâu đã mở rộng vòng tay với những xấp tiền từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Thêm nữa, Chính phủ Anh cũng bị cho là thiếu viễn kiến khi chỉ cam kết đầu tư nhỏ giọt chừng hơn 1,5 tỷ đô la cho mạng 5G trong vòng vài năm tới so với hàng trăm tỷ đô la mà Bắc Kinh sẽ bỏ ra. Đây lại là lý do nữa họ muốn dựa vào nguồn đầu tư từ bên ngoài. Thực tế Huawei đã bám rễ trong ngành viễn thông Anh từ năm 2005. Đó là khi họ đưa ra gói thầu có trị giá thấp hơn so với các công ty đối thủ hàng trăm triệu đô la để được chọn tham gia cung cấp thiết bị cho dự án nâng cấp mạng viễn thông trị giá 15 tỷ đô la của hãng viễn thông Anh BT. Tám năm sau các chuyên gia an ninh và tình báo của Anh mới giật mình và lên cơn “sốc” khi không có bộ trưởng nào được thông báo về sự tham gia của Huawei vào quá trình nâng cấp hệ thống viễn thông vào thời điểm ký kết hợp đồng, theo BBC. Các chuyên gia an ninh cũng cảnh báo ngay từ năm 2008 rằng về lý thuyết chính quyền Trung Quốc có thể lợi dụng các sơ hở trong thiết bị của Huawei để thâm nhậm mạng lưới của BT. Tình báo Anh cho rằng BT đã có những biện pháp để xử lý các rủi ro như vậy nhưng chính quyền Anh lại “không có bất kỳ chiến lược” nào để theo dõi hay phản ứng trước các cuộc tấn công có thể xảy ra. Trên thực tế BT cũng xác nhận họ đang tháo bỏ các thiết bị của Huawei trong phần cốt lõi của hệ thống 3G và 4G, đó là các phần có liên quan tới dữ liệu về người dùng và của người dùng cũng như kết nối các cuộc gọi. Dù Huawei luôn khẳng định họ không có liên quan gì tới chính quyền Bắc Kinh, bản thân ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi, 74 tuổi, từng thừa nhận với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng ông đã gia nhập quân đội Trung Quốc từ thời Cách mạng Văn hoá và cũng trở thành đảng viên cộng sản hồi năm 1978, chín năm trước khi ông lập Huawei. Ông Nhậm cũng xác nhận với phóng viên BBC rằng tại Huawei có chi bộ của Đảng Cộng sản dù ông nói mọi công ty hoạt động ở Trung Quốc đều phải có chi bộ theo luật pháp hiện hành. Ông chủ Huawei nói ông thà đóng cửa công ty có doanh số hơn 100 tỷ đô la Mỹ thay vì nghe lệnh chính phủ Trung Quốc làm phương hại tới khách hàng. Nhưng Hoa Kỳ cũng dẫn luật được Trung Quốc thông qua trong năm 2017 mà theo đó các công ty phải “hỗ trợ, hợp tác và trao đổi trong lĩnh vực tình báo quốc gia” để nói rằng các công ty như Huawei “không an toàn và không đáng tin”. Trong khi đó một phóng sự công phu của BBC dẫn lời chuyên gia nói rằng việc loại Huawei ra khỏi các mạng viễn thông ở Hoa Kỳ sẽ khiến nước này tụt hậu về năng lực 5G bởi họ không thể tham gia vào các mạng có sử dụng Huawei ở châu Âu và châu Á. Quyết định của Hoa Kỳ cũng được cho là sẽ tạo ra “tấm màn sắt digital” giữa một bên dùng thiết bị Trung Quốc và một bên không. Anh đang muốn có quyết định làm hài lòng cả Hoa Kỳ và cả Trung Quốc. Trung Quốc có hài lòng không hiện chưa rõ nhưng Hoa Kỳ đã nói rằng không có mức độ tham gia nào của Huawei trong hệ thống 5G là an toàn cả. Số ít nước đã quyết định ngả về với Hoa Kỳ như Australia tin rằng không có lý do gì họ đánh đổi an ninh quốc gia bằng việc dùng thiết bị của công ty vốn không thoát khỏi hệ thống chính trị của Trung Quốc như Huawei. Quyết định của Anh sẽ ảnh hưởng tới quyết định của nhiều nước mà cho tới giờ vẫn chưa ngả về bên nào trong cuộc đua xây dựng mạng lưới 5G.
......

Việt Nam Quốc tang: Ông Trọng ‘‘biến mất’’, ‘‘tranh đoạt quyền lực’’ bắt đầu ?

Phạm Chí Dũng - RFI|   Điều gây chú ý nhất trong lễ Quốc tang tướng Lê Đức Anh, nguyên chủ tịch nước Việt Nam, hôm 03/05/2019, là sự vắng mặt của lãnh đạo Việt NamNguyễn Phú Trọng. Sự vắng mặt này có ý nghĩa như thế nào đối với chính trường Việt Nam ? Nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn phân tích. Những điều gì đáng chú ý trong lễ tang ông Lê Đức Anh ? Điểm đáng chú ý nhất trong lễ tang này, đó là không phải sự quan tâm đối với người đã chết, mà là sự hiện diện hay không của người còn sống - ông kiêm hai chức, tổng bí thư và chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng. Điều đặc biệt nhất trong lần này ông Nguyễn Phú Trọng đã không xuất hiện, mặc dù trước đó khoảng một tuần, bộ Ngoại Giao đã chính thức thông báo là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm trưởng ban Tang lễ. Và sau đó, chủ tịch Quốc Hội là Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thông báo là sức khỏe của đồng chí tổng bí thư, chủ tịch Nước đang hồi phục nhanh chóng. Và người ta trông chờ sự xuất hiện của ông Nguyễn Phú Trọng với một sự quan tâm chưa từng có. Tôi nhớ rằng, đã lâu lắm rồi, mà có thể là chưa từng có một lễ tang nào mà người dân – khối cán bộ, công chức lại quan tâm đến mức như thế. Và điểm thứ hai là khi ông Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện, thì trưởng ban Lễ tang lại rơi vào một người khác. Đó là quan chức, phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, cũng là một ủy viên Bộ Chính Trị. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông Trương Hòa Bình, với tư cách trưởng ban Tang lễ tướng Lê Đức Anh dường như có một sự mâu thuẫn rất lớn với một nghị định của chính phủ số 105, quy định phải là tổng bí thư hoặc chủ tịch Nước làm trưởng ban Lễ tang (1). Từ việc ông Nguyễn Phú Trọng không có mặt trong lễ tang có thể suy ra những gì đang hoặc sắp diễn ra trong chính trường Việt Nam ? Trước mắt là vấn đề cá nhân, vấn đề sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Và sau đó vấn đề thứ hai là những người có thể kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng, và những thay đổi có thể dẫn đến đảo lộn trong chính trường Việt Nam trong thời gian tới, có lẽ là không bao lâu nữa. Về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù có những thông tin tích cực về việc điều trị của ông ta. Có những thông tin trước đó một tuần là ông ấy đang phục hồi, rồi tập xe lăn, cũng như tập nói, tập phát âm. Nhưng mà cho tới nay, đã hơn nửa tháng, từ khi ông Trọng bị một biến cố về sức khỏe ở Kiên Giang, nơi được gọi là « căn cứ địa cách mạng » của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng, đã không có bất kỳ hình ảnh nào của ông Trọng. Mặc dù, báo chí, báo Đảng, hệ thống tuyên giáo vẫn ra rả đưa tin về chuyện ông Trọng, hôm nay gửi thư, điện chúc mừng giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ngày mai gửi thư điện mừng đến một số quốc gia khác. Thậm chí là kể cả hình ảnh ông Trọng ngồi trên giường bệnh cũng không có nổi. Điều đó cho thấy là vấn đề sức khỏe của ông Trọng không thể là vấn đề nhỏ, mà là vấn đề rất lớn. Trong khi đó, chúng ta thấy chính trường Việt Nam đã bắt đầu có những xáo trộn ngầm. Dường như mọi chuyện đang ngưng trệ về nhiều mặt, khi ông Nguyễn Phú Trọng phải điều trị. Đang điều trị hay là biến mất khỏi chính trường ? Nếu nói là « biến mất » khỏi chính trường, thì người ta lại cho rằng tôi nói theo « thuyết âm mưu ». Nhưng thực sự là, trong nhiều trường hợp, thuyết âm mưu ở Việt Nam (hay cũng có thể gọi là các suy đoán, hay « tin đồn ») lại khá là gần với thực tế. Nếu kể đến trường hợp của trưởng ban Nội Chính Nguyễn Bá Thanh cuối 2014, đầu 2015, của bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh giữa năm 2015, hay Trần Đại Quang, chủ tịch Nước vào năm 2017, 2018, thì có khá nhiều thuyết âm mưu, các thông tin đồn đoán bên ngoài, liên quan đến thuyết âm mưu đó lại được xác thực sau đó. Cũng cần phải nhắc lại một hoàn cảnh của ông Trần Đại Quang. Trước khi chết chỉ có một, hai ngày ông Trần Đại Quang còn gửi thư, điện đến một số nước, và còn tiếp đoàn Trung Quốc. Sau đó thì ông ta lăn ra chết. Nói như vậy, để cho thấy rằng, ở góc độ nào đó, khách quan mà nói, thuyết âm mưu (hay tin đồn) nó sẽ có tính xác thực, nếu như được thực tế chứng minh là đúng. Trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng, có thể nói rằng, dùng từ ông ta « mất tích » hay « biến mất » khỏi chính trường Việt Nam, trong trường hợp này, vẫn có thể được. Chúng ta có thể so sánh, khi ông Trọng còn bình thường, chưa gặp vấn đề về sức khỏe, ít nhất trên mặt công luận, báo chí, thì tần suất xuất hiện là từ 2 đến 4 ngày, chậm lắm là 5 ngày. Có những giai đoạn, hàng ngày xuất hiện đều đặn. Nhưng từ 14/04/2019, khi xảy ra sự biến Kiến Giang, thì đã hơn nửa tháng rồi. Mà không xuất hiện, thì có thể dùng từ biến mất, hoặc mất tích Xin giải thích rõ hơn về cái gọi là « thuyết âm mưu » ? Với Nguyễn Phú Trọng, hiện nay có hai thuyết âm mưu, hay cũng có thể gọi là « suy đoán ». Một là ông Trọng cố ý, để né tránh việc đi « chầu Thiên tử ở phương Bắc », liên quan đến hội nghị BRI - thượng đỉnh Sáng kiến Một vành đai, Một con đường, do Trung Quốc tổ chức lần thứ hai. Thay vào đó là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đó là thuyết âm mưu thứ nhất. Và thuyết âm mưu nữa là ông Nguyễn Phú Trọng có thể là rơi vào tình trạng bệnh tật chủ ý như vậy, là một thủ đoạn chính trị, mang tên là « giả chết bắt quạ », thường được các triều đại Trung Quốc trong lịch sử sử dụng. Hai suy đoán này có cơ sở không ? Về thuyết âm mưu thứ nhất, để tránh đi hội nghị BRI ở Trung Quốc, có một cơ sở trước đó. Nguyễn Phú Trọng đã có một số động tác giãn Trung, và song song với giãn Trung là ngả về Mỹ. Biểu hiện chứng minh rõ ràng nhất, cho việc ngả về Mỹ, là cuộc gặp tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington sắp tới, nếu ông ta kịp phục hồi sức khỏe. Và trong cuộc gặp đó hai bên sẽ bàn về vấn đề tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quốc phòng, và đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Và kể cả sự hiện diện của một tàu sân bay thứ hai của Mỹ tại Biển Đông, có thể ngay tại cảng Cam Ranh. Và có thể bàn tiếp vấn đề hợp tác cấp chiến lược Việt – Mỹ. Đó là cơ sở cho thuyết âm mưu về việc Nguyễn Phú Trọng tránh đi Trung Quốc. Tuy nhiên, để thuyết âm mưu này đúng, thì nó phải diễn ra một việc khác : Nếu Nguyễn Phú Trọng chủ động tạo ra tình trạng bệnh tật của mình đủ nặng, để khỏi phải đi Trung Quốc, thì ông ta đã phải tìm cách thông tin, bắn tin cho Trung Quốc, đặc biệt cho các cơ quan tình báo Trung Quốc nắm được việc này, tình trạng bệnh tật của ông ta như thế nào. Nếu như vậy, thì ông ta phải thông qua một cái kênh rất ưa thích : báo Đảng. Vấn đề là, làm sao để lý giải được : Vì sao từ ngày 14/04 ở Kiên Giang đến nay, đã không có bất cứ một dòng một chữ nào từ báo Đảng, về tình trạng bệnh tật thực chất của Nguyễn Phú Trọng, mà chỉ nói theo Tuyên giáo, có vấn đề gì đó. Còn dư luận viên thì nói là ông ta chỉ bị choáng nhẹ. Thế thì việc Nguyễn Phú Trọng không sử dụng kênh báo Đảng, cho thấy, cũng giống như các trường hợp đã xảy ra của Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang : Đảng giấu thông tin, bưng bít thông tin, ém nhẹm thông tin, chủ ý là không thông tin ra ngoài. Mà không thông tin ra ngoài, thì làm sao Trung Quốc có thể nắm được ? Mà nếu Trung Quốc không nắm được, thì làm sao có cơ sở để tin là bệnh thật. Chuyện thứ hai là, nếu Nguyễn Phú Trọng chủ ý tạo ra bệnh của mình để « giả chết, bắt quạ », để thanh trừng trong nội bộ Đảng, thì ta lại vướng ngay phải điều mà dân gian gọi là « gậy ông, đập lưng ông ». Cái bẫy mà ông ta giăng ra với các đối thủ chính trị (bị sử dụng ngược lại). Quy định đưa ra năm 2018 : ủy viên Bộ Chính Trị, các ứng cử viên tổng bí thư phải bảo đảm được sức khỏe, có nghĩa là phải được sự xác nhận của ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, hàng tuần, hàng tháng, và thậm chí hàng ngày…. Nếu như người ta nghĩ là ông ta bị bệnh (thật), thì sẽ có những phản ứng thậm chí mạnh mẽ. Vì thế, cả hai thuyết âm mưu đều không đủ cơ sở thuyết phục. Mà giả thuyết thực tế nhất, gần gũi nhất, dễ cảm nhận được nhất, là ông ta ở cái tuổi này, đã bị một căn bệnh hành hạ. Nếu không cẩn thận, thì ông ta sẽ đi theo Trần Đại Quang và tướng Lê Đức Anh. Một số dấu hiệu khác trong lễ tang có thể cho phép nhận định về những gì diễn ra trong chính trường Việt Nam ? Tôi không nghĩ rằng có những dấu hiệu, dù là đặc biệt chăng nữa, trong lễ tang ông Lê Đức Anh lại đủ lớn, đủ sâu, để có thể cho thấy xu hướng, hoặc sự thay đổi lớn trong chính trường Việt Nam, ngoài yếu tố duy nhất như tôi đã nêu. Và nhiều người khác cũng đã biết. Đó là Nguyễn Phú Trọng không thể xuất hiện, và ông ta đang nằm nguyên trong tình trạng khó khăn về sức khỏe. Khi Nguyễn Phú Trọng rơi vào tình trạng sinh, lão, bệnh, tử, như một quy luật không thể bác bỏ, thì ông ta buộc phải để lại một khoảng trống quyền lực rất lớn. Bây giờ có đến hai ghế (bị khuyết), chứ không phải một, là tổng bí thư và chủ tịch Nước. Khoảng trống quyền lực càng lớn thì chỗ trũng càng sâu, và nước chảy càng mạnh. Có nghĩa là sẽ dâng lên một làn sóng, các quan chức cấp dưới của Nguyễn Phú Trọng, nổi lên để tranh đoạt quyền lực với nhau. Đang diễn ra một làn sóng ngầm, phân chia lại quyền lực. Giữa ba khối, khối Đảng, khối hành pháp và khối lập pháp. Trước đây, khối Đảng chỉ huy tất cả, theo nguyên tắc là Đảng lãnh đạo toàn diện. Và gần đây nhất, từ năm 2017 đến nay, xuất hiện một quan điểm rất phổ biến trong nội bộ trong Đảng, là Đảng không làm thay, mà Đảng làm luôn. Vào lúc cơ chế độc tôn, tập trung quyền lực vào tay Nguyễn Phú Trọng suy giảm, thì sẽ kéo theo việc cơ chế tập trung quyền lực về cấp trung ương cũng suy giảm theo. Tôi nghĩ rằng sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là : Khối hành pháp và khối lập pháp sẽ dần dần tách ra khỏi khối Đảng, tăng cường tiếng nói của mình. Một cách độc lập tương đối, hơn là phụ thuộc gần như tuyệt đối vào khối Đảng trước đây. Không biết có phải là ngẫu nhiên hay không, mà trong thời gian ông Trọng bị bệnh, bị « mất tích », thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một đề nghị đáng chú ý với Quốc Hội, là tăng quyền cho thủ tướng, một số quyền không quá quan trọng, nhưng có một động thái như vậy. Tôi cho rằng mọi chuyện bắt đầu, và sắp tới sẽ diễn ra hai khuynh hướng. Khuynh hướng phân chia lại quyền lực giữa ba khối, và khuynh hướng ly tâm giữa khối địa phương với cấp trung ương. Và song song là xu hướng hình thành gần như chắc chắn một số « sứ quân » quyền lực hành chính và một số sứ quân lợi ích riêng, mà chúng ta thường gọi là « nhóm lợi ích ». Nhiều người ghi nhận ông Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí Thư, tức nhân vật số hai của Đảng, trong một số bức ảnh cho thấy đi một mình đến viếng, trong khi hai phái đoàn, của chính phủ và của Đảng, lại đều do thủ tướng đứng đầu. Phải chăng sự phân hóa, như nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định, đã bắt đầu trong chính lễ tang này ? Đúng là ông Trần Quốc Vượng lẻ loi, cô độc. Ông ta không nằm trong một đoàn nào cả, một đám đông nào cả. Tôi đặt câu hỏi là : Phải chăng đã có một sự sắp xếp cố ý ? Tôi cho đó đã là một thủ thuật chính trị, để chơi xấu lẫn nhau. Nếu đúng như vậy, thì đó quả là một sự phân hóa không nhỏ đâu. Sau đám tang Lê Đức Anh, sắp tới vào giữa tháng Năm này sẽ diễn ra hội nghị trung ương 10. Nếu không có Nguyễn Phú Trọng, hoặc có Nguyễn Phú Trọng mà không có những nội dung đặc sắc theo ý của Nguyễn Phú Trọng, thì tôi nghĩ là ngay trong hội nghị đó sẽ diễn ra những phân hóa còn lớn hơn nữa, giữa khối Đảng, hành pháp và lập pháp. Và lúc đó, người ta sẽ chứng kiến vai trò của ông Trần Quốc Vượng, nếu không cẩn thận sẽ trở nên mờ nhạt đáng kể, không kém thua hình ảnh mờ nhạt của ông ta tại lễ tang của tướng Lê Đức Anh. *** 1. Nhà báo Phạm Chí Dũng đã ghi nhận chính xác về việc có một mâu thuẫn « rất lớn » giữa vai trò « trưởng ban Lễ tang » trong Nghị định 105 về « Tổ chức lễ tang với cán bộ, công chức, viên chức » với diễn biến của buổi lễ ngày hôm qua. Trên thực tế, phụ trách Quốc tang có hai chức « trưởng ban ». Trưởng ban Lễ tang Nhà nước phải là nguyên thủ, hoặc tổng bí thư, và trưởng ban Tổ chức Lễ tang là một phó thủ tướng. Có trách nhiệm đọc điếu văn là trưởng ban Lễ tang Nhà nước. Như vậy, người làm thay vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng không phải là phó thủ tướng Trương Hòa Bình, mà là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đọc điếu văn hôm 03/05.    
......

Nghĩ gì khi cô Đoàn Thị Hương trở về được đón tiếp như một anh hùng

Đoàn Thị Hương về đến sân bay Nội Bài tối ngày 3/5/2019. Ảnh: Reuters   Khi kẻ bán nước được tôn vinh như danh nhân. Khi kẻ ngu muội được tôn thờ như một thiên tài. Khi kẻ giết người được tôn sùng như một anh hùng. Khi những tay du đãng hè phố trở thành thần tượng của giới trẻ. Xã hội đó sẽ chẳng còn luật pháp, thể chế đó chẳng còn cần hiến pháp bởi mọi giá trị của xã hội đã bị đảo lộn, mọi đạo lý đã bị chà đạp và những quy tắc đạo đức chỉ còn là miếng giẻ rách. Đỗ Duy Ngọc Xã hội hôm nay mọi giá trị đều bị đảo lộn. Đạo lý, đạo đức nháo nhào chẳng còn biết đâu là giá trị thật của cuộc sống. Kẻ bán nước được tôn sùng như thánh nhân. Tên trùm xã hội đen cho vay nặng lãi, đâm thuê chém mướn thành thần tượng của tuổi trẻ. Kẻ giết người được tung hô như một anh hùng. Những người còn chút lương tri, còn chịu suy nghĩ, ngơ ngác trước những biến đổi khôn lường của một xã hội bát nháo, những lối sống ngàn đời truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, trở thành nếp nhà của một gia đình, đến kỷ cương của một xã hội, giềng mối của một quốc gia chỉ trong một thời gian ngắn bị đảo lộn tất cả, thay đổi tất cả để lộ ra một đống đổ nát không còn cách cứu vãn. Chúng ta đang ngộ nhận về mọi giá trị và từ đó tạo ra một loại người ảo tưởng về giá trị của mình. Cô Đoàn Thị Hương tuy đã bị kết án và được tha trước thời hạn, nhưng cô ấy vẫn là kẻ có tội. Ca ngợi hoặc tôn vinh kẻ phạm tội là hành động nghịch lý và ngu muội. Cô ấy dù cố ý hay vô tình cũng là kẻ tham gia một vụ giết người. Kẻ bị giết không có thù hận với đất nước này, cô ấy giết một người không phải là kẻ thù của dân tộc thì hà cớ gì tung hê cô ấy như là một anh hùng lúc trở về.   Cô ấy được tha tội chết vì lòng nhân đạo, nhờ sự can thiệp của các luật sư, của ngành ngoại giao xứ Việt chứ không phải vì cô ấy vô tội. Xét cho cùng, cô ấy có tham gia tác động vào cái chết của nạn nhân. Chúng ta cám ơn toà án, cám ơn những người bênh vực cô ấy thoát tội tử hình nhưng chúng ta không thể tôn vinh cô ấy được. Chúng ta mừng cho cô ấy thoát chết trở về với gia đình, với quê hương nhưng không thể đề cao cô ấy như một chiến binh trở về sau chiến thắng. Báo chí, truyền thông đã làm một việc vô lý như một trò hề khi xúm vào để biến thành một hiện tượng truyền thông, biến cô ấy thành anh hùng và trở thành một tấm gương như Khả Bảnh, Dương Minh Tuyền để tuổi trẻ làm theo. Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, các học sinh thần tượng những nhân vật này có thể nói là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng. Không chỉ có bạo lực, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ được cổ vũ và coi trọng như hành vi anh hùng. Từ đó các vụ án nghiêm trọng sẽ tăng lên tác động đến xã hội không nhỏ. Từ một cô gái bỏ nhà đi hoang, trôi giạt qua xứ người rồi phạm tội giết người, được tha tội trở về lại được các viên chức nhà nước, liên đoàn luật sư, báo chí tiếp đón như một diễn viên tầm cỡ thế giới. Một đoàn học sinh giỏi đi thi quốc tế mang về một đống huy chương lúc về nước lơ thơ người ra đón, báo chí cũng không thèm đưa tin. Hay là những học sinh giỏi này không giá trị bằng một cô gái phiêu bạt phạm tội. Tởm lợm cho báo chí hiện nay. Chính báo chí tiếp tay cho sự lẫn lộn mọi giá trị hiện nay. Họ cũng là thủ phạm khiến cho xã hội càng ngày càng sa đoạ, đạo đức xuống dốc. Loạn hết cả rồi. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, rất nhiều công dân Việt đang bị tù đày, bị bóc lột, bị ức hiếp nhưng tiếng kêu cứu của họ lạc vào vô vọng và họ chịu nỗi đau cho qua một kiếp người. Không có lãnh đạo nào, tổ chức nào, luật sư nào đoái hoài đến thân phân và kiếp tha hương của họ thì hà cớ gì ca ngợi một kẻ giết người vừa thoát tội. Khi kẻ bán nước được tôn vinh như danh nhân. Khi kẻ ngu muội được tôn thờ như một thiên tài. Khi kẻ giết người được tôn sùng như một anh hùng. Khi những tay du đãng hè phố trở thành thần tượng của giới trẻ. Xã hội đó sẽ chẳng còn luật pháp, thể chế đó chẳng còn cần hiến pháp bởi mọi giá trị của xã hội đã bị đảo lộn, mọi đạo lý đã bị chà đạp và những quy tắc đạo đức chỉ còn là miếng giẻ rách.    
......

Hòa giải và hòa hợp dân tộc: CSVN không thể chỉ kêu gọi suông.

nguyentuongthuy’s blog – RFA| Không có chuyện tránh từ “giải phóng” Hoạt động cuối cùng của đợt “kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” là màn bắn pháo hoa tại 3 điểm ở Sài Gòn vào lúc 9 giờ tối ngày 30/4/2019 với mô tả “mãn nhãn”, “thắp sáng bầu trời tp HCM”. Cụm từ “kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam” tràn ngập trên các trang báo mạng. Nếu gõ câu “kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” vào google có thể tìm thấy ít nhất khoảng 160 tin bài. Chỉ có trang “Nhân dân” của đảng CSVN thêm chữ “hoàn toàn” – giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Dùng chữ “hoàn toàn”, hẳn họ quên mất rằng, ở thời điểm 30/4/1975, quần đảo Hoàng Sa thuộc miền Nam quản lý đã mất vào tay Trung quốc từ hơn 1 năm trước đó, mà những người lãnh đạo của Việt Nam dân chủ cộng hòa khi đó vẫn cứ tin là TQ “giải phóng và giữ hộ” Còn nếu bỏ mấy chữ “giải phóng miền Nam” đi, gõ cụm từ “kỷ niệm 44 năm thống nhất đất nước” vào công cụ tìm kiếm thì chỉ thấy vài tin, nhưng là nói về màn bắn pháo hoa. Như vậy, không có chuyện chính quyền Việt Nam tránh nói từ “giải phóng” trong dịp kỷ niệm 30/4 năm nay như một bài viết của RFA đã đặt dấu hỏi. Đừng khoét thêm vào nỗi đau tháng Tư Việc tuyên truyền, khuếch trương chiến thắng của bên thắng cuộc chỉ khoét sâu thêm vào nỗi đau của bên thua cuộc. Phân tích kỹ thì bên thua cuộc không chỉ là miền Nam mà bao gồm tất cả những người phải chịu tổn thất trong chiến tranh. Với khái niệm này, bên thua cuộc còn bao gồm hàng triệu người lính miền Bắc và dân thường đã ngã xuống trong nỗi đau đớn của gia đình họ. Bên thua cuộc còn bao gồm những người kỳ vọng vào một đất nước thống nhất cường thịnh nhưng lòng tin ấy đã đổ vỡ Tóm lại, bên thua cuộc là nhân dân VN, còn bên thắng cuộc là những người phát động chiến tranh, giành thắng lợi và hưởng lợi từ chiến thắng ấy. Nghĩ cho cùng Mọi cuộc chiến tranh Phe nào thắng thì nhân dân đều bại… (Đá ơi – Thơ Nguyễn Duy) 44 năm đã quá đủ thời gian để nhìn nhận lại cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Người ta ngày càng rõ hơn các vấn đề như bản chất của cuộc chiến tranh, tại sao phe cộng sản thắng? Đất nước thống nhất đem lại cho nhân dân những gì? Có ý kiến đặt ngược vấn đề “ai giải phóng ai?”. Đây là một góc nhìn mới và nghiêm túc. Có lẽ trong hiện thực xã hội mục ruỗng và bế tắc hiện nay, trước tương lai mù mịt của đất nước, phe thắng cuộc không còn gì hơn là bấu víu vào quá khứ mà người ta gọi là ăn mày dĩ vãng. Oái oăm thay, quá khứ ấy càng vén lên, càng đánh thức nó dậy thì càng bất lợi cho họ. Họ phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Chỉ cần đặt ra mấy câu hỏi mà ai cũng trả lời được là sẽ rõ vấn đề: – Bên nào đem quân vượt vĩ tuyến 17 vào miền Nam? – Gọi là chống Mỹ xâm lược, tại sao khi quân đội Mỹ chưa tham chiến hoặc sau khi họ rút quân, chiến tranh vẫn tiếp diễn? – Tại sao miền Nam cần phải giải phóng và giải phóng khỏi cái gì? – Tỉ lệ tử sĩ trong chiến tranh (tạm lấy số liệu của wikipedia) giữa CSVN & đồng minh / VNCH / Mỹ & đồng minh là 13,2/4,7/1 nói lên điều gì? Có phải đấy là cách để làm nên chiến thắng của phe cộng sản? v.v… Việc khuếch trương chiến thắng, sỉ nhục bên bại trận là môt sai lầm mà bên thắng cuộc cố tình không nhận ra do bản chất kiêu ngạo của họ. Nó không có tác dụng gì trong việc nâng cao tầm vóc cho họ mà chỉ làm tổn thương cho phía bên kia, duy trì và khoét sâu sự hận thù. Trong khi luôn miệng kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc thì 44 năm qua, cứ vào dịp 30/4, họ lại tưng bừng kỷ niệm chiến thắng, xoáy vào nỗi đau tháng Tư của đồng bào phải chịu tổn thất trong chiến tranh. Là bên thắng cuộc, họ không những không có lòng khoan dung, cao thượng mà vẫn còn đó sự căm thù chế độ Việt Nam cộng hòa mặc dù nó đã đi vào quá khứ. Xóa sổ một chính thể, hàng triệu đồng bào bỏ chạy khỏi đất nước, hàng trăm nghìn người bỏ xác nơi biển cả, sa vào tay hải tặc, đày đọa hàng trăm nghìn cán binh VNCH trong các trại cải tạo chưa đủ làm họ thỏa mãn sao? Không thể tưởng tượng được, chỉ từ cử chỉ cầm lá cờ Việt Nam bé xíu vẫy của tổng thống Mỹ khi sang thăm Hà Nội mà ông thủ tướng lập tức nghĩ ngay đến “bọn phản động lưu vong người Việt”, và tưởng tượng ra “bọn” này “rã rời chân tay”. Năm 2005, kỷ niệm 60 năm quốc khánh, ông Võ Văn Kiệt phát biểu: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu…” Phát biểu của ông Kiệt được nhắc lại với tần suất rất cao mỗi khi nói về hòa giải và hòa hợp dân tộc. Cho đến nay, không có một lãnh đạo cấp cao nào nói ra được một ý tương tự. Tiếc rằng, vì quan điểm tiến bộ, cởi mở của ông mà sau đó ông bị đồng chí của mình nghi kỵ, cảnh giác. Đã có những ý kiến nghi ngờ rằng cái chết của ông có uẩn khúc. Lối cư xử với bên bại trận ở VN, làm người ta nghĩ đến cách giải quyết trong quan hệ Mỹ – Nhật sau khi Nhật Bản đầu hàng, để có được một nước Nhật ngày nay. Xa hơn nữa là cách giải quyết trong nội bộ nước Mỹ khi Liên bang miền Bắc chiến thắng trong cuộc nội chiến cách đây 1,5 thế kỷ để có một siêu cường Hoa Kỳ ngày nay. Nó khác hẳn với tư duy hẹp hòi, thiển cận và những hành động trả thù hèn hạ sau cuộc nội chiến kéo dài 20 năm ở VN của bên thắng cuộc và dai dẳng đến tận bây giờ Không thể chỉ kêu gọi suông Tác giả và một quân nhân Việt Nam cộng hòa. Ảnh Ngô Chí Thiềng Về vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, trái bóng luôn ở chân nhà nước cộng sản VN, đơn giản vì họ là bên thắng cuộc, ngoài ra họ là bên phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Họ có đủ quyền hành, lực lượng để chủ động trong việc ấy. Để hòa giải và hòa hợp dân tộc, cần phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể chứ không chỉ kêu gọi suông. Người ta nhìn vào hành động để biết nhà cầm quyền có thực tâm hòa giải không. Những hành động cụ thể cần phải làm, trước hết cần dùng một tên gọi chính xác cho cuộc chiến tranh 1955 – 1975. Nếu ngại những từ “nhạy cảm” như “thôn tính”, “cưỡng chiếm”, có thể gọi là cuộc nội chiến hay chiến tranh Nam Bắc, chứ không gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” hay chiến tranh “giải phóng miền Nam”.  Cần loại bỏ vĩnh viễn những cụm từ “giải phóng miền Nam”, “đế quốc Mỹ và tay sai”, “ngụy quân ngụy quyền” ra khỏi đời sống xã hội. Phải bỏ ngày 30/4 ra khỏi ngày nghỉ lễ. Ngày 30/4 là một biến cố lịch sử. Chỉ nên tổ chức những buổi hội thảo tự do không định hướng, không kén chọn thành phần để làm rõ hơn mọi khía cạnh cuộc chiến tranh 1955 – 1975, giai đoạn đau thương và đen tối nhất của lịch sử dân tộc. Cần chấm dứt việc gây khó dễ khi xét lý lịch đi học, đi làm đối với con cháu quân cán binh VNCH. Phải loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với những người có liên quan đến chế độ cũ. Không được gây cản trở mọi hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ những người có liên quan đến chế độ cũ, ví dụ hoạt động tri ân thương phế binh VNCH được nhà thờ Kỳ Đồng tổ chức hàng năm. Các nghĩa trang quân đội VNCH cần được chăm sóc chu đáo như những nghĩa trang liệt sĩ khác. Đừng làm cho nỗi đau của đồng bào miền Nam kéo dài thêm, cứa mãi, đau day dứt, dai dẳng như xẻo thịt bằng con dao cùn và lấy sự đau đớn ấy làm niềm vui, niềm tự hào, kiêu hãnh của mình. Những người được coi là thắng cuộc liệu có biết họ đang thua cuộc. Có trong tay cả một đất nước để rồi không biết làm thế nào cho “đất nước đứng lên”. Họ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng toàn diện với những thách thức về lý luận, về phương pháp, về lòng tin, về sự thối nát của hệ thống chính trị và phải tìm cách thoát khỏi bế tắc. Việc thực tâm hòa giải bằng những việc làm cụ thể cũng là một cách khai thông bế tắc ấy.   2/5/2019 NTT – Cựu chiến binh miền Bắc nguyentuongthuy’s blog
......

Ông Trọng đâu rồi?

Paulus Lê Sơn! Kể từ ngày ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ hôm 14 tháng 4 vừa qua tại tỉnh Kiên Giang, tính đến nay đã hơn 3 tuần lễ. Dư luận hết sức quan tâm đến tình trạng sức khỏe và nhất là mức độ an nguy tính mệnh của người “đốt lò vĩ đại”. Mặc dù vậy, nhà cầm quyền Hà Nội vẫn im lặng trước đòi hỏi công khai hiện tình sức khỏe của ông Trọng. Cho tới hôm 25/4, Bộ Ngoại Giao Việt Nam xác nhận Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng không khỏe, nhưng sẽ “sớm trở lại làm việc bình thường.” Sự đời không ai lường trước được việc gì sẽ xảy ra. Ông Lê Đức Anh – nguyên Chủ tịch nước ra đi ở tuổi 99 hôm 22 tháng 4 cũng là điều dễ hiểu. Báo chí thuộc sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản đồng loạt đưa tin tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh, được tổ chức với nghi thức Quốc tang, diễn ra trong hai ngày 3 và 4 tháng 5, do ông Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban lễ tang. Đây là một sự kiện buộc ông Trọng phải ra mặt sau thời gian bị đồn đoán là “đột qụy”. Theo báo Dân Trí, “quy định về việc tổ chức lễ Quốc tang, Trưởng Ban lễ tang là Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch nước sẽ là người chủ trì lễ viếng, lễ truy điệu. Trưởng ban lễ tang tại lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình bày điếu văn tưởng nhớ vị cán bộ lão thành thế hệ trước.” Tuy vậy, hôm nay tang lễ của ông Lê Đức Anh, được truyền hình trực tiếp, có người viết một cách châm biếm trên Facebook “soi kính lúp tìm cụ Tổng mà không thấy ở đâu.” Có người thì mỉa mai hơn, sâu cay hơn “Dự đám tang mà mặt mày hớn hở, miệng cười nụ cười hoa hát ‘Giờ này anh ở đâu?’ và ‘Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay!’ Thiệt là tinh thần cộng sản thắm thiết!” Trong không khí quốc tang, lẽ thường phải sầu não, tiếc thương người khuất núi. Thế nhưng người dân lại không quan tâm đến kẻ đã chết, chúng sinh không gọi vong hồn vừa lìa khỏi xác của kẻ đã nằm yên trong quan tài. Họ chỉ chăm chăm nhìn, soi, ao ước được ngắm nhìn hình hài, dung nhan của ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, họ thi đua nhau gọi tên Nguyễn Phú Trọng y như gọi hồn ma ám ảnh. Ông Trọng đâu rồi, ông có nghe thấy thiên hạ gọi tên mình? “Có ai thấy Trọng đứng đâu không? nhìn hình cứ tưởng đám ma của Trọng”. Đời thế nó mới đểu. Thiên hạ dường như đang quy hướng về ông Trọng. Sự ‘vắng mặt’ của ông Trọng khiến cho lòng dân “rã rời”. Người dân đặt câu hỏi về sự vắng mặt hay gọi tên ông Trọng không phải là một chỉ dấu cho thấy sự yêu quý của họ đối với ông ta, mà chỉ vì tò mò muốn biết ông Trọng “bây giờ”… ra sao? Họ cũng thể hiện sự mỉa mai và bóc trần sự dối trá trơ trẽn của ông Trọng cùng hệ thống tuyên truyền lừa bịp của Đảng Cộng Sản. Đằng sau sự mập mờ, nhập nhằng về tình hình sức khỏe của ông Trọng là một ván bài chính trị hay cán cân quyền lực chưa được định vị rõ ràng? Dù động cơ, mục đích của nó là gì chăng nữa thì chưa bao giờ lợi ích đạt được thuộc về tay nhân dân. Phải chăng để giải bài toán trong nội bộ Đảng Cộng Sản đang đấu đá, tranh quyền đoạt vị là bài toán chưa bao giờ dễ dàng đối với ông Trọng? Có thể qua lễ tang ông Lê Đức Anh, nhiều người đã có câu trả lời cho riêng mình. Mục đích tính toán của từng cá nhân, phe nhóm sẽ được thi triển trong nay mai. Và cũng có thể, trong bức màn phủ sức khỏe không được tốt của ông Trọng sẽ nhìn thấy những ảo ảnh dần dần tỏ hiện trong cuộc đấu đá thanh trừng đang diễn ra hết sức gây cấn? Trong bối cảnh chính trị 4.0 thời nay, sự giấu diếm về tình trạng sức khỏe của ông Trọng đem đến ích lợi một nhưng thiệt hại gấp cả chục lần. Nếu đó là chiêu trò của ông Trọng cùng phe nhóm để tìm hạ và triệt hạ đối thủ thì người ta sẽ rẻ mạt cái triết lý chính trị của ông ta. Còn nếu thực sự ông Trọng sức kiệt, lực tàn, bại liệt toàn thân nơi giường bệnh mà vẫn cố duy trì quyền lực thì quả là bạc phúc, đại họa cho dân tộc. Sự khôn ngoan chính trị không đến từ não trạng già cỗi, lệ thuộc ngoại bang hay trái tim héo úa của kẻ cầm quyền độc tài sắt máu. Nhưng sự khôn ngoan ấy đến từ lòng tin, tình yêu và nền minh triết của dân tộc, biết tôn trọng và lắng nghe nhân dân, biết gìn giữ, bảo vệ non sông xã tắc trước ngoại bang. Ông Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông ta chọn sự khôn ngoan nào đây? Portland, OR 5/2/2019 Paulus Lê Sơn
......

Hoạt động cho nhân quyền Việt Nam nhân ngày Quốc Tế Lao Động tại Nürnberg - Đức quốc.

Trịnh Đỗ Tôn Vinh| Nürnberg, Đức Quốc, 01.5.2019   Thành phố Nürnberg (Nuernberg) năm nay là nơi Tổng Công Đoàn Đức Quốc tại Bayern chọn tổ chức buổi Biểu Tình và Meeting lớn nhất tiểu bang với chủ đề: „EUROPA: JETZT ABER RICHTIG!“ („CHÂU ÂU. BÂY GIỜ NHƯNG CHO ĐÚNG!“). Ban tổ chức cho biết có khoảng 6.000 người về tham dự.   Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Nürnberg cùng với Liên Hội NVTN tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã tham gia với một quầy thông tin, quầy thực phẩm và một tiết mục văn hóa.   Tại quầy thông tin đông đảo người dân đã đến ký tên ủng hộ chiến dịch đòi trả tự do cho Tù Nhân Lương Tâm Châu Văn Khảm. Ông là công dân Úc, gốc Việt Nam, bị nhà cầm quyền Cộng Sản bắt giam tại Sài Gòn vào giữa tháng giêng 2019, khi ông tìm hiểu tình hình nhân quyền tại đây. Ngoài ra, còn có chiến dịch xin chữ ký yêu cầu Quốc Hội Âu Châu đặt vấn đề Nhân Quyền trước khi ký kết Hiệp Ước Thương Mại Tự Do với Việt Nam (EVFTA).   Ông Stephan Doll trong trách vụ giám đốc công đoàn vùng Mittelfranken đã cùng với các thành viên ban nhạc Adayna tỏ tình liên đới với TNLT Châu Văn Khảm bằng một bức hình chụp chung. Từ trái sang phải: Ông Christian Kopp (Mục sư quản hạt), ông Stephan Doll (Giám đốc Công đoàn vùng Mittelfranken ), cô Denise Brandl (đại diện người trẻ của Công đoàn), ông Tổng đô trưởng Dr. Ulrich Maly và ông Johann Horn (Công đoàn Kim khí Bayern).   Trịnh Đỗ Tôn Vinh
......

‘Trọng bệnh’ và tương quan quyền lực ở Ba Đình

Phạm Chí Dũng/Người Việt| Một thách thức khủng khiếp Cú đổ bệnh đột ngột của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ngay tại vùng ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’ vào ngày 14 Tháng Tư 2019 (trùng với ngày sinh nhật) có thể được xem là một bước ngoặt lớn về thế tương quan quyền lực trong chính trường Việt. Trước cú đổ bệnh đúng quy trình ‘sinh lão bệnh tử’ trên, quyền lực không chỉ được phân bổ theo chế độ trung ương tập quyền vào tay Hà Nội mà còn là cá nhân độc tài – biểu hiện qua chủ trương ‘nhất thể hóa’ từ cấp trung ương xuống các địa phương được đảng cầm quyền rốt ráo triển khai từ năm 2017 mà đã mang lại quyền lực cho ‘đảng không làm thay mà đảng làm luôn.’ Nhưng đặc biệt, ngoạn mục và gây tai tiếng nhất là Nguyễn Phú Trọng đã tự biến ông ta thành nhân vật quyền lực nhất khi ‘nhất thể hóa’ cả hai ghế tổng bí thư và chủ tịch nước ngay sau khi Trần Đại Quang lìa đời. Nhưng cho dù quyền lực có thể được kéo dài vĩnh viễn bằng cách sửa đổi hiến pháp, theo cái cách mà Tập Cận Bình đã áp đặt quốc vụ viện Trung Quốc ‘cải tạo’ hiến pháp để không giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước, mà về thực chất đã cho Tập cái quyền trở thành ‘hoàng đế suốt đời’, chẳng kẻ nào chống lại được quy luật lão hóa, bệnh tật và tử thần nhòm ngó. Cơn bạo bệnh xảy đến với Nguyễn Phú Trọng, đúng vào lúc ông ta đang ở đỉnh cao quyền lực, xứng đáng là một thách thức khủng khiếp đối với ông Trọng là có nên hoặc có buộc phải rời bỏ quyền lực để giữ sinh mạng hay không? ‘Lãnh đạo không được tham vọng quyền lực’ Từ tháng 10 năm 2018, khối lượng công việc của Nguyễn Phú Trọng đã tăng lên gần gấp đôi khi phải điều hành cả hai văn phòng tổng bí thư và văn phòng chủ tịch nước, chưa kể hàng núi vụ việc phát sinh hàng ngày hàng tuần từ chiến dịch ‘đốt lò’ do ông ta khởi tạo. Nhưng trước đó ít tháng và trùng với khoảng thời gian hàng trăm ngàn người dân Sài Gòn đổ xuống đường phản đối ‘Luật bán nước’ (một tục danh mà dân gian đặt cho Luật Đặc khu), đã có những đồn đoán ngoài lề về việc sức khỏe của Tổng bí thư Trọng ‘không được tốt lắm’. Cụ thể hơn là hai bệnh huyết áp và tim mạch. Một quan chức có ‘tham vọng quyền lực’ luôn có thể từ chối lời khuyên hay cảnh báo từ những người đồng nhiệm và giới cận thần về sự cần thiết phải tiết chế công việc nhằm bảo toàn những gì còn lại của thể trạng, nhưng không thể bỏ qua tâm trạng lo lắng và lời can gián từ những người thân ngay trong gia đình mình. Một điều rõ ràng là sau cú bạo bệnh vào Tháng Tư 2019, ông Trọng – người đã sáng tác ra khái niệm ‘lãnh đạo không được tham vọng quyền lực’ – sẽ được gia đình ông ta quyết liệt can ngăn để tránh bớt tình trạng ‘thân này ví xẻ làm đôi’ và không thể kéo dài nhiệm vụ ‘lo cho dân cho nước’. Việc, mà có thể khiến ông ta bị tái đột quỵ bất cứ lúc nào, chắc chắn nặng hơn nhiều và khiến ông ta gần với lòng đất hơn bao giờ hết. Khi đó cũng là bối cảnh của bầu không khí ‘toàn đảng, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 13’. Đại hội này sẽ diễn ra vào năm 2021, mà ngay vào lúc này đã bắt đầu âm thầm nhưng sôi sục một cuộc đua quyết liệt và cả máu lửa cho những chức vị tối cao. ‘Cán bộ cấp chiến lược’ – một khái niệm mới mà những Nguyễn Phú Trọng và Trưởng ban tổ chức trung ương Phạm Minh Chính nghĩ ra, đang là mục tiêu quyến rũ với biết bao ‘đồng chí’ khác. ‘Giả chết bắt quạ’ hay sắp ‘đi’? Phạm Minh Chính lại là một trong những ứng cử viên cho chức tổng bí thư đảng tại đại hội 13, với điều kiện là Trọng chịu nghỉ. Từng là tướng công an và bí thư Quảng Ninh, Chính cũng được biết là tác giả rất nhiệt thành của ‘Luật bán nước’ từ lúc bản thảo của luật này còn phôi thai cho đến khi nó gây ra một phong trào biểu tình không lồ và căm phẫn của dân chúng. Từ khoảng cuối năm 2018, bắt đầu xuất hiện một thông tin ngoài lề đầy gợi cảm và biến động: có một khả năng là Nguyễn Phú Trọng sẽ chuyển giao quyền lực tổng bí thư cho một người thân tín, chẳng hạn như Trần Quốc Vượng, mà chỉ ngồi ghế chủ tịch nước. Và cùng với ‘nhân sự cấp chiến lược Trần Quốc Vượng’, còn một cái tên ‘chiến lược’ khác cũng được nêu ra như một phương án thay thế vị trí thủ tướng hiện thời: Vương Đình Huệ. Nhưng dù gì, thông tin trên vẫn chỉ là một thứ tin đồn mà chẳng có gì bảo đảm là sẽ xảy ra. Cũng không loại trừ cái tin Nguyễn Phú Trọng ‘nghỉ tổng bí thư’ chỉ là một thủ thuật chính trị theo kiểu ‘giả chết bắt quạ’ và bắt chết những tay mơ non choẹt kinh nghiệm nhưng ham hố ghế và háu đá. Còn giờ đây, ai cũng nhìn thấy ‘Cụ tổng’ không còn hồng hào như trước và khó còn có thể đi đây đi đó hô hào về ‘không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện không’, thậm chí ngay cả thói quen tiếp xúc ‘cử tri trung thành’ cũng có thể bị vấn đề sức khỏe của ‘cụ’ khiến cho lơi lỏng không ít. Và ai cũng nhìn thấy trước là ‘sinh lão bệnh tử’ sẽ chẳng chừa ai, cho dù có là ‘hoàng đế’ chăng nữa. Bất cứ một chính trị gia nào một khi bị cơn đột quỵ quật ngã thì quyền lực sẽ tự nhiên biến mất. Thay vào đó là hình ảnh quyền lực bị phân ly, hoặc tản quyền, hoặc một cái tên mỹ miều nào đó nhưng thực chất phải là chia quyền cho những kẻ khác. Hẳn nhiều người đang muốn được thừa kế một mảnh quyền lực, hoặc tham vọng hơn hẳn là thay thế ‘cụ’. Trái tim nóng và cái đầu lạnh toát Nếu đến một lúc nào đó Nguyễn Phú Trọng không chỉ có ý định mà còn buộc phải tự nguyện nhường lại cái ghế tổng bí thư cho người khác, hai ứng cử viên hàng đầu đã hoặc được sắp sẵn, hoặc cố ngoi lên vị trí sắp sẵn đó: Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng ba dấu hiệu mà Trọng phải dần chuyển giao quyền lực cho cấp dưới trong thời gian ông ta bị ‘đột quỵ’ – cho Trần Quốc Vượng điều hành về mặt đảng và tiếp đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, cho Đặng Thị Ngọc Thịnh để thay chủ tịch nước tiếp khách quốc tế, và cho Nguyễn Xuân Phúc thay Trọng đi dự Hội nghị BRI (hội nghị thượng đỉnh sáng kiến một vành đai, một con đường) ở Bắc Kinh – đã cho thấy dù muốn hay không, quyền lực của ‘Tổng tịch’ đang phải tự suy giảm như một quy luật tất yếu. Không biết vô tình hay hữu ý, trong thời gian đó đã xuất hiện một biểu hiện rõ rệt về ‘tăng quyền cho thủ tướng’ – được đề xuất từ khối chính phủ. Cũng trong thời gian đó, phía Quốc hội của Nguyễn Thị Kim Ngân có vẻ vang vọng tiếng nói hơn là thói ‘gật’ trước đây theo ý chỉ của đảng. Một cách không tuyên bố, thế cục bàn cờ chính trị Việt Nam đang lặng lẽ chuyển sang ‘tam quyền phân lập’. Nhưng không phải tam quyền phân lập theo cách của nền dân chủ và kỹ trị phương Tây, một sự phân công quyền lực và giám sát quyền lực lẫn nhau và khoa học giữa ba khối lập pháp, tư pháp và hành pháp. Mà cái được xem là ‘tâm quyền phân lập’ ở Việt Nam sẽ là khuynh hướng giãn cách hóa và khu biệt hóa giữa khối hành pháp, lập pháp với khối đảng. Não trạng và thói hành xử ‘đảng quyết định tất cả’ và sau này là ‘đảng không làm thay mà làm luôn’ sẽ dần bị phản ứng từ kín đáo đến lộ liễu và quyết liệt. Trong trường hợp căn bệnh ‘đột quỵ’ chỉ ở mức nhẹ nhàng và ‘được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ bác sĩ y tá và gia đình,’ Nguyễn Phú Trọng vẫn phải mất tối thiểu vài ba tháng mới có thể quay trở lại điều hành tại vị trí ‘tổng tịch’. Nhưng ngày càng lộ ra rõ hơn nguy cơ cảnh báo chứng xuất huyệt não rất có thể sẽ tái diễn một cách tàn tệ nếu Trọng phải động não quá mức. Có quá nhiều điều kiện tiếp xúc với Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương, hẳn các quan chức còn lại trong ‘tam trụ’ và những ủy viên bộ chính trị khác đều cảm nhận về thời của Nguyễn Phú Trọng đã sang bên kia núi. Bên này núi, cuộc chạy đua máu lửa bắt đầu, cả bề nổi lẫn bề chìm… Ngay cả khi Nguyễn Phú Trọng còn tập quyền cá nhân, vẫn diễn ra những trận sát phạt khá ác liệt cho vị trí ‘lãnh đạo chiến lược’. Còn khi Trọng bắt đầu có dấu hiệu ‘xuôi tay’, chẳng còn gì có thể kềm giữ những trái tim nóng nảy và cái đầu lạnh toát nữa. Ngay trước mắt là thế ‘tam quyền phân lập’, hoặc còn có thể được xem là ‘tam quốc’, trước khi tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào thời loạn ly chính trị, cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương./.  
......

Kết cục nào cho độc tài Maduro?

Tran Hung| Trước áp lực của nhân dân Venezuela dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Guaido và cộng đồng quốc tế, độc tài bịnh hoạn Maduro chỉ có 2 sự lựa chọn: Buông bỏ, chuyển giao quyền lực cho nhân dân Venezuela mà đại diện là chánh phủ lâm thời của Guaido trong hòa bình để được xem xét lưu vong, tị nạn chờ ngày phán xét của nhân dân Venezuela; Quyết chống trả đến cùng bằng cách nổ súng bắn vào nhân dân Venezuela. Trước những diễn biến tại Venezuela vào những ngày qua cho thấy độc tài Maduro đang có hơi hướng thiên về sự lựa chọn số 1. Bởi vì quân đội Mỹ và các nước láng giềng của Venezuela đang sẵn sàng chờ lịnh của chỉ huy tối cao để tấn công lực lượng trung thành với độc tài Maduro nếu y ra lịnh nổ súng bắn vào dân của mình. Trong bối cảnh hiện tại, khi các tướng tá trong quân đội của Venezuela đang lần lượt đào ngũ quay về với nhân dân thì việc độc tài Maduro quyết tử thủ là thất sách. Bởi nếu điều này xảy ra thì phe trung thành với độc tài Maduro khó lòng trụ vững trước thực trạng bị “nội công – ngoại kích”. Nga, Tàu cộng không thể kịp thời điều binh can thiệp và cũng không dám quyết định điều này. Vì lẽ đó nên độc tài Maduro đã bắt đầu hoảng loạn và bộc bạch “Vào thứ Bẩy ngày 4/5 và Chúa nhựt ngày 5/5 tới, tui sẽ tuyên bố một ngày đối thoại, hành động và các đề xuất từ tất cả các chi nhánh của cơ quan công quyền, cho phép họ nói với chánh phủ Bolivar và Nicolas Maduro những gì cần thay đổi vì lợi ích của kế hoạch thay đổi lớn trong cuộc cách mạng Bolivar. Tui muốn áp dụng một kế hoạch thay đổi mọi thứ, cải thiện mọi thứ và sửa chữa sai lầm”. Xét về mặt tâm lý và chiến lược thì lời bộc bạch trên của độc tài Maduro là một nước cờ “trì hoãn – cầu hòa”. Tuy nhiên, nhân dân Venezuela và lực lượng đối lập do Tổng Thống Guaido lãnh đạo sẽ chẳng cho phép Maduro được chọn nước cờ hòa vì họ thừa biết đây chỉ là một kế hoạch hoãn binh để chờ đợi sự tiếp ứng của Nga nô, Tàu cộng để sau đó hồi mả thương, phản công. Nếu không võ đoán thì sau ngày Chúa nhựt tới đây, Maduro sẽ “chuồn” khỏi Venezuela để lưu vong, tị nạn. Bởi chắc chắn một điều khi đối thoại với Maduro vào 2 ngày 04 và 05/5 tới đây, hầu hết các chi nhánh của cơ quan công quyền tại Venezuela sẽ yêu cầu độc tài Maduro phải từ chức để tiến hành một cuộc tổng tuyển cử tự do theo đúng ý nguyện của nhân dân Venezuela và cộng đồng quốc tế. Hai buổi đối thoại sắp tới mà độc tài Maduro tổ chức chỉ mang ý nghĩa “trưng cầu” của độc tài Maduro, bởi độc tài Maduro hy vọng cuối cùng rằng nếu có quá bán ý kiến tức các cơ quan công quyền chấp nhận kế hoạch “sửa chữa sai lầm” của y thì y sẽ vẫn tiếp tục giữ ghế tổng thống. Tuy nhiên độc tài Maduro sẽ không đạt được hy vọng cuối cùng của mình bởi sẽ không nhận được sự đồng thuận quá bán. Mặc khác, trong con mắt của nhân dân Venezuela thì các cơ quan công quyền tại Venezuela hiện nay đều là “cá mè một lứa” với độc tài Maduro, chúng được hưởng ân sủng từ độc tài Maduro, từng hùa theo độc tài Maduro để hút máu dân làm của kho vô hạn, những đồng thuận của chúng đều phi pháp, không có giá trị pháp lý mà chỉ có lòng dân Venezuela mới quyết định vận mệnh của Venezuela trong lúc này. Tóm lại, sau khi “đối thoại” với dân vào thứ Bẩy và Chúa nhựt này, Maduro sẽ biến mất khỏi đất nước Venezuela là điều rất khả dĩ. Cầu mong cho nhân dân Venezuela xóa sổ cnxh quái thai trong hòa bình. Nếu điều này xảy ra sớm, hi vọng nó sẽ truyền lửa đến tất cả các nơi đang bị độc tài – cnxh quái thai cai trị mà Việt Nam là khát vọng lớn lao không của riêng ai ngoại trừ những tên Việt cộng và lũ bưng bô đã không còn dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản./. https://chantroimoimedia.com/2019/05/03/ket-cuc-nao-cho-doc-tai-maduro/
......

Tháng Tư – nhìn người, nhìn lại mình

Nhật Bản vươn lên từ đống tro tàn sau khi bại trận tháng 9/1945 bằng nỗ lực của cả dân tộc, đã trải qua cuộc cải cách vĩ đại, kể cả chấp nhận sự giúp đỡ từ cựu thù là Mỹ và phe đồng minh. Song Chi -  RFA! Trên thế giới, có nhiều dân tộc mà tôi nể phục, trong số đó có người Đức, người Nhật và người Do Thái. Chỉ tính riêng trong thế kỷ XX, người Đức đã từng là một trong những dân tộc bị ghét nhất dưới thời Hitler. Nước Đức dưới thời Hitler là thủ phạm gây ra chiến tranh thế giới thứ hai, đã giết chết từ 50 đến 85 triệu người bao gồm các vụ thảm sát, diệt chủng của Holocaust, ném bom chiến lược, chết vì đói và bệnh tật, và sử dụng vũ khí hạt nhân. Hàng triệu người Do Thái và các dân tộc khác đã bị cầm tù, bị sát hại trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã và các trại hủy diệt, hoặc bị bắn vì bị nhà nước phát xít Đức xem là không thuần chủng, “không được mong muốn”. Mặt khác, người Đức cũng trải qua hai “kiếp nạn” lớn nhất trong lịch sử nhân loại là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, cũng đã từng chịu cảnh chia đôi đất nước. Nhưng họ đã đi qua cả hai “kiếp nạn” đó, đã thống nhất đất nước trong êm đẹp, đã dũng cảm nhìn lại và không chối bỏ những sai lầm, những tội ác của cha ông trong quá khứ. Người Nhật cũng từng gây nhiều tội ác với các dân tộc khác như Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc, Miến Điện, Philippines… trong giai đoạn phát xít, và họ đã có rất nhiều hành động chuộc lỗi chẳng hạn thông qua các nguồn viện trợ hào phóng, xét xử những tội phạm chiến tranh… Mặt khác, là nước đại bại trong chiến tranh thế giới thứ hai nhưng họ đã nhanh chóng vươn lên từ đống tro tàn, đã trải qua cuộc cải cách vĩ đại nhất được ghi nhận trong lịch sử hiện đại bằng nỗ lực của cả dân tộc, kể cả chấp nhận sự giúp đỡ từ “kẻ thù” là Mỹ và phe đồng minh. Không có mấy dân tộc nào phải chịu cảnh lưu vong hàng ngàn năm như dân Do Thái, nhưng trải qua hàng ngàn năm lưu vong đó họ vẫn giữ được ngôn ngữ, bản sắc văn hóa, tôn giáo của mình, đoàn kết hỗ trợ nhau ở xứ người, và dù sống ở đâu họ cũng thành đạt, đa phần làm thầy chứ không làm tớ thiên hạ. Đến khi có điều kiện lập quốc, một số lượng lớn người Do Thái đã trở về xây dựng đất nước, những ai không trở về thì cũng gửi tiền hoặc tìm cách này cách khác để đóng góp cho quê hương. Và mặc dù là một quốc gia nhỏ bé lọt thỏm giữa khối Ả Rập chung quanh, đất nước Israel của dân Do Thái đã không bị các nước Ả Rập nuốt chửng mà ngược lại, vững vàng, mạnh mẽ về kinh tế cho tới quân sự, quốc phòng. Đức, Nhật, Do Thái ngày nay đều là những quốc gia giàu mạnh, tự do, dân chủ. Người Đức, người Nhật, người Do Thái đều là những dân tộc thành công. Nếu như số phận của một con người phụ thuộc rất nhiều vào tính cách của người đó thì số phận của một dân tộc cũng vậy. Cả ba dân tộc Đức, Nhật, Do Thái đều có những điểm chung làm nên số phận của mình. Có thể kể ra khá nhiều nhưng có lẽ 3 điểm chung lớn nhất là: Có tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc rất lớn. Biết học những bài học từ những sai lầm trong lịch sử. Có khát vọng xây dựng đất nước thành một quốc gia độc lập, hùng cường, có vị thế, được kính trọng trên thế giới. Nhìn lại Việt Nam, trong thế kỷ XX, chiến thắng của Đảng Cộng Sản vào ngày 30/4/1975 đã mở ra một chương sai lầm nhất, bi kịch nhất, oái ăm nhất trong lịch sử Việt Nam. Không có gì có thể bào chữa cho tội ác của Đảng Cộng Sản đối với đất nước, dân tộc. Song việc một đảng cầm quyền bất tài, bất lực, phản dân hại nước như vậy vẫn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay thì điều đó không thể đổ lỗi cho số phận hay chỉ là trách nhiệm của riêng Đảng Cộng Sản nữa, mà chính toàn thể người Việt Nam, trong và ngoài nước, phải cùng gánh trách nhiệm này. Câu trả lời cho việc bao giờ thì người Việt có thể bước qua một trang sử mới và không còn phải dằn vặt khi nhìn lại sự kiện ngày 30/4/1975, nằm trong tay người dân Việt.    
......

Phái đoàn Việt Tân & LS Nguyễn Văn Đài hội kiến BNG Hòa Lan để đệ nạp “Báo Cáo Vi Phạm Nhân Quyền 2019 của Công An CSVN”

Vào lúc 11g00 sáng ngày 25 tháng 4 năm 2019, một phái đoàn Việt Nam đã đến Bộ Ngoại Giao Hoà-Lan ở thành phố Den Haag để nêu lên vấn đề vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng tại Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam gồm luật sư Nguyễn Văn Ðài, cựu tù nhân lương tâm đang lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ và 2 vị đại diện đảng Việt Tân tại Hoà-Lan là bà Nguyễn Thị Thu Vân và ông Nguyễn Ðắc Trung đã được bà Marriet Schuurman, đai sứ nhân quyền bộ Ngoại Giao Hòa Lan đón tiếp với sự hiện diện của bà Judith Hoevenaars, chuyên viên về chính sách bảo vệ nhân quyền và ông Arnold van der Zanden, chuyên viên về chính sách Á Châu Vụ thuộc bô Ngoại Giao Hòa Lan. Luật sư Nguyễn Văn Ðài & bà Nguyễn Thị Thu Vân Trong lời mở đầu, luật sư Nguyễn Văn Ðài đã ngỏ lời cảm ơn đến sự quan tâm của chính phủ Hoà- Lan và các chính phủ khác đã can thiệp cho ông, khiến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam buộc lòng phải trả tự do trước thời hạn và để ông đến Ðức Quốc định cư.   Luật sư Ðài đã nêu lên một số vi phạm về nhân quyền trong các nhà tù cộng sản mà bản thân ông đã trải nghiệm như :   1.    Phân biệt đối xử giữa các tù nhân lương tâm và thường phạm 2.    Dùng các hình thức tra tấn cả tinh thần lẫn vật chất như giam giữ ông trong các phòng đặc biệt với vách và mái làm bằng những hợp chất kim loại, nhiệt độ ban ngày lên đến trên 40 độ C, ban đêm lại tiếp tục toả hơi nóng khiến người tù càng thêm khổ sở. 3.    Có khi họ dùng thức ăn bằng gạo sống cũng như nước uống có pha chế những mùi vị không thể dùng được để trừng phạt người tù. 4.    Tù nhân bị giam giữ thật xa nhà như đưa tù nhân ở miền bắc vào miền nam  hoặc ngược lại để gây khó khăn cho việc thăm viếng của gia đình. 5.    Một việc khác mà nhà cầm quyền cộng sản thường áp dụng là không thông báo cho gia đình của người tù biết nơi giam giữ và không cho luật sư bảo vệ người tù sau khi giam giữ, một điều mà chính nhà cầm quyền cộng sản xác nhận tôn trọng trong luật pháp của họ.   Một số trường hợp điển hình được nêu lên gần đây nhất là việc bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất tại Thái Lan và ông Châu Văn Khảm, một đảng viên Việt Tân về từ Úc và ông Nguyễn Văn Viễn, thành viên trong hội Anh Em Dân Chủ, người nhà các vị này đều không được thông báo khi công an bắt giữ họ và họ không có quyền được luật sư bảo vệ trong thời gian công an giam giữ để điều tra kéo dài nhiều tháng. Luật Sư Ðài kêu gọi chính phủ Hoà-Lan dùng những ảnh hưởng của họ để yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tôn trọng quyền của những tù nhân đã được ấn định trong luật pháp Việt Nam và luật quốc tế. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi chính phủ Hoà-Lan có thể nhờ đại sứ Hoà-Lan ở Việt Nam tiếp xúc với những người đang tranh đấu hoặc thân nhân của những tù nhân lương tâm để có thể biết thêm tình trạng vi phạm nhân quyền tại  Việt Nam. Bà Thu Vân, đại diện đảng Việt Tân đã trao đến các vị đại diện chính phủ Hoà-Lan một phúc trình về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam (Human Rights Violation Petition Report 2019)  dầy 744 trang nêu lên 500 trường hợp về các hành vi thô bạo của công an trong việc bắt cóc, tra tấn đánh đập và sát hại tù nhân từ năm 2007 đến năm 2019, có tên là “HR Violation Petition Report On Police Brutality In Murders, Tortures & Kidnaps Against Common Civilians From 2007 To 2019 In VIETNAM”. Phúc trình này do các tổ chức sau đây thực hiện với sự bảo trợ của đảng Việt Tân:        - Uỷ Ban Thuỵ Sĩ Việt Nam (COSUNAM) - Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Ðức - Cộng Ðồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà-Lan (AVVN) - Hội Phụ Nữ tại Houston Hoa Kỳ          - Hội Ðền Hùng tại San Diego Hoa Kỳ - Ðài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi tại Houston Hoa Kỳ - Phong Trào Dân Quyền tại Anh Quốc - Hội Thân Hữu Việt Tân UK - Hội Anh Em Thanh Niên Công Giáo tại Anh Quốc Phúc trình này đã nêu rõ từng chi tiết về các nạn nhân và nêu ra các biện pháp chế tài đối với các cán bộ công an cộng sản Việt Nam có trách nhiệm trong các vụ giết người và thực hiện hành vi tra tấn tại Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2019 .   Hơn 150 tướng tá Công An CSVN và các viên chức CSVN tại trung ương và và cấp tỉnh & thành phố đã trực tiếp hoặc ra lịnh giết gần 500 thường dân vô tội bên trong đồn công an đều có tên tuổi và hình ảnh được nêu ra chính xác trong bản phúc trình trao cho bộ Ngoại Giao Hòa Lan ngày hôm nay.   Đặc biệt là đại tướng công an TÔ LÂM và trung tướng công an ĐƯỜNG MINH HƯNG là hai vị chỉ huy bắt cóc xuyên quốc gia tại CHLB Đức hồi năm 2017 cũng có tên trong bản phúc trình nầy.   Ngoài ra, Bà Thu Vân cũng nêu lên việc thúc đẩy thực hiện các luật tương tự như luật Magnitsky tại Âu Châu, luật này đang được thực hiện tại Hoa Kỳ và Canada để trừng phạt các viên chức vi phạm nhân quyền hoặc tham ô bằng cách đóng băng tài sản của họ tại nước ngoài hoặc không cấp chiếu khán nhập cảnh cho họ.   Óng Nguyễn Ðắc Trung đã nêu lên một số trường hợp khủng bố tinh thần của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với thân nhân của những người sinh sống ở Hoà-Lan đang hoạt động đấu tranh cho nhân quyền và tự do dân chủ cho Việt Nam. Phái đoàn Hoà-Lan đã chăm chú lắng nghe và ghi nhận phần tuờng trình và ý kiến của phái đoàn Việt Nam. Bà đại sứ nhân quyền Marriet Schuurman cám ơn  về những thông tin và những dữ kiện . Bà cũng cho biết đề tài nhân quyền luôn được chính phủ Hoà-Lan quan tâm và đang làm việc với các quốc gia khác trong liên hiệp chung Ấu Châu để tìm cách cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.   Buổi hội kiến của 2 phái đoàn kéo dài khoảng 1 giờ, sau đó phái đoàn Việt Nam và phía bộ Ngoại Giao Hoà-Lan đã cùng chụp hình chung trước khi chia tay. Trước khi ra về ông Arnold van der Zanden cho biết sẽ tiếp tục liên lạc với bà Thu Vân đại diện đảng Việt Tân trong thời gian tới.   Video cuộc hội kiến tại Bộ Ngoại Giao Hòa Lan ngày 25/04/2019: Cơ Sở Việt Tân Hòa Lan Gặp BỘ NGOẠI GIAO HÒA LAN   https://www.youtube.com/watch?v=NtK41ylj2jc   Thế Truyền tường thuật từ Hòa Lan.    
......

Tưởng niệm 30/4: Cộng đồng người Việt tại Hoà-Lan biểu tình phản đối CSVN

Nhằm tưởng niệm ngày quốc hận 30 tháng 4 và phản đối nhà cầm quyền CSVN đã gây nên bao thảm cảnh cho dân tộc, Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoà-Lan đã tổ chức một cuộc biểu tình vào trưa ngày 28-4-2019 trước Toà đại sứ CSVN tại thành phố Den Haag với sự tham dự của đồng bào từ  khắp nơi trên vương quốc Hoà-Lan. Ông Lưu Phát Tấn , Phó chủ tịch nội vụ Cộng Ðồng đã mở đầu chương trình qua phần chào Quốc kỳ, hát Quốc ca và tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc và đồng bào đã bỏ mình trên đường tìm tự do. Tiếp theo, ba vị đại diện cộng đồng và đoàn thể đã lên bàn thờ thắp hương. Ông Nguyễn Quang Kế, Chủ tịch cộng đồng đã nêu lên những tội ác mà CSVN đã gây ra sau khi thôn tính toàn lãnh thổ Việt Nam vào ngày 30 tháng 4, 1975 và ca ngợi tinh thần đấu tranh của đồng bào tại Hoà-Lan, luôn sát cánh cùng người Việt khắp nơi trên thế giới và trong nước đấu tranh cho một Việt Nam tự do, dân chủ. Chương trình được tiếp nối với những bài ca đấu tranh do mọi người cùng hát. Với sự hướng dẫn thật linh hoạt của ông Nguyễn Hữu Phước, mọi người cùng hô vang những khẩu hiệu bằng tiếng Việt, Anh và Hoà-Lan: “Tự Do cho Việt Nam”, “Dân Chủ cho Việt Nam”, “Nhân Quyền cho Việt Nam”. Tiếng hô nói lên khát vọng của người Việt Nam đã vang dội cả khu phố trước Toà đại sứ CSVN cửa đóng kín mít. Một số vị đại diện đoàn thể và đồng hương tham dự cuộc biểu tình được mời phát biểu gồm các ông Trần Văn Thắng (Gia Ðình Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hoà tại Hoà-Lan); ông Ðinh Ngọc Hiển (Đảng Việt Tân); ông Ngô Thuỵ Chương (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoà-Lan); và cô Uyên, một đồng hương đến từ thành phố Nijmegen. Các vị này đã nói lên những hành vi bán nước của nhà cầm quyền CSVN, hèn với giặc tàu và ác với dân. Cuộc biểu tình đã diễn ra trong không khí thật sôi động và chấm dứt lúc 14g00 cùng ngày. Mọi người chia tay và hẹn gặp lại trong những công tác đấu tranh trong thời gian tới. Ðược biết trước đó, ngày 25-4-2019, một phái đoàn đại diện Đảng Việt Tân cùng Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, một cựu tù nhân lương tâm đã đến Bộ Ngoại Giao Hoà-Lan để tố cáo về việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cũng như trao cho Đại sứ nhân quyền và Bộ Ngoại Giao một hồ sơ vi phạm nhân quyền từ năm 2007 đến năm 2019 dầy 774 trang; trong đó nêu lên chi tiết hàng trăm trường hợp bị bắt bớ, tra tấn, giết hại trong các trại tù và đồn công an, đồng thời nêu danh những thủ phạm trách nhiệm trong các vụ án này. Thế Truyền tường thuật từ Den Haag
......

Bài học hòa hợp hòa giải dân tộc, tại sao cs không thể học được ?

Đỗ Văn Ngà| Nội chiến Mỹ xảy ra từ 1861 đến 1865 giữa 2 nhiệm kỳ của Tổng Thống Abraham Lincoln. Nguyên nhân là do giữa Miền Bắc và Miền Nam không thống nhất nhau về chấm dứt hay không chấm dứt chế độ nô lệ trên toàn liên bang. 21 bang miền bắc muốn xóa bỏ chế độ nô lệ còn 11 bang miền nam thì không muốn, vì những bang Miền Nam cần nô lệ cho ngành nông nghiệp. Nguyên nhân nổ ra cuộc nội chiến Mỹ không phải là ý thức hệ của 2 hệ thống chính trị mà nó chỉ là bất đồng một vấn đề cần phải luật hóa gây ảnh hưởng đến kinh tế trang trại của các bang Miền Nam mà thôi. Không có vấn đề này, nước Mỹ sẽ không chia rẽ đến thế. Giải phóng nô lệ là xu thế tất yếu, vì xã hội văn minh thì phải xem con người là người chứ không thể xem người là súc vật. Rất nhiều dân Miền Nam cũng ủng hộ giải phóng nô lệ, chỉ có giới chủ đồn điền đang sở hữu sức lao động miễn phí của người da đen mới giật dây các chính quyền bang của miền Nam ly khai. Dân số cả 11 bang Miền Nam chỉ có 13 triệu dân mà trong đó đến 4 triệu nô lệ da đen – một nguồn lao động miễn phí vô cùng lớn. Kết quả, ngày 09/04/1865 quân Miền Nam đầu hàng và ngày 06/12/1865 nội dung Tuyên ngôn giải phóng nô lệ trở thành Tu Chính Án thứ 13 trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Mà một khi đã được ghi vào Hiến Pháp thì nó thành một thứ luật tối cao buộc luật pháp phải hủy nếu trái với nó. Đó là cái được của nước Mỹ sau nội chiến, xu hướng tiến bộ đã thắng. Nhưng cái được còn lớn hơn là cách hành xử của người chiến thắng trong cuộc nội chiến đó. Họ đã hành xử đúng chất người quân tử. Người có cách hành xử tuyệt vời đó là tướng Ulysses S. Grant mà sau này là tổng thống thứ 19 Hoa Kỳ. Ông đã cho quân Miền Bắc nghiêm trang chào đón tướng bại trận Robert Lee. Không những thế, ông có một quyết định vô cùng nhân văn là dù căn cứ theo quy luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải giới, nghĩa là phải thu toàn bộ ngựa chiến, nhưng ông vẫn đông ý đề nghị của tướng Robert Lee cho lính Miền Nam mang ngựa về dùng trong sản xuất nông nghiệp. Đấy là cách hành xử của kẻ thắng trận trong cuộc nội chiến tàn khốc chia đôi nước Mỹ. Trong mắt tướng Ulysses S. Grant, ông ta xem người miền nam bại trận cũng là người Mỹ, mà người Mỹ thì không thể xỉ nhục người Mỹ chỉ vì mình là kẻ thắng trận, người ta là kẻ thua trận. Đây là bài học sâu sắc về cách hòa hợp hòa giải dân tộc của kẻ chiến thắng. Phải quân tử, phải bao dung, và không phân biệt đối xử, không miệt thị và hành hạ đồng bào mình chỉ vì họ là kẻ thua trận. Kết quả, sau nội chiến, nước Mỹ tiến như vũ bão, lần lượt vượt rất nhiều nước lớn Âu Châu để rồi sang thế kỷ 20 họ soán ngôi Anh Quốc trở thành cường quốc số 1 thế giới. Sau trăm năm tại Việt Nam cũng xảy ra cuộc chiến, nguyên nhân là ở sự chia rẽ về ý thức hệ. Một bên theo tự do dân chủ, một bên theo Cộng Sản. Một phía chấp nhận người Việt khác biệt tư tưởng sống chung, một bên là tẩy sạch những tư tưởng khác và chỉ muốn tất cả người Việt chỉ tôn thờ duy nhất một thứ – đó là chủ nghĩa Cộng Sản. Xin nhấn mạnh lại một lần nữa là một phía chấp nhận đứng chung với kẻ khác mình, một phía chỉ muốn loại trừ kẻ khác mình, vậy thì ai bao dung hơn ai, ai quân tử ai tiểu nhân thì có lẽ không cần giải thích thì mọi người cũng thấy rất rõ rồi. Thế nhưng bất hạnh là phía tiểu nhân chiến thắng. Kết quả sau chiến thắng là cuộc thanh trừng đúng chất tiểu nhân, có thể liệt kê ra như sau: Thứ nhất, kẻ thắng cuộc đã gọi người Việt bại trận bằng thứ ngôn từ miệt thị là “ngụy quân ngụy quyền”. Ở đây là họ gọi chính thống trong sách giáo khoa chứ không phải những người CS chỉ nói cho thỏa cơn tức. Mãi đến 43 năm mới sửa lại từ Việt Nam Cộng Hòa trong sách sử. Chỉ một từ miệt thị mà mất 43 năm mới thay đổi cách gọi thì nó thể hiện bản chất quá bỉ ổi của kẻ thắng. Gọi thế chẳng được gì cả, chỉ là chia rẽ hận thù thôi. Thứ nhì, sau cuộc chiến, những người thắng cuộc cướp sạch tài sản công sức người dân Miền Nam đã lao động mới có được. Họ gọi là “đánh tư sản mại bản”. Tư sản? Tư sản là tài sản riêng, họ làm ra bởi công sức trí tuệ thì họ sở hữu mới đúng, chứ sao các anh đến cướp của họ rồi vu co họ cái tội là “tư sản”? Họ đâu có cướp như các anh, sao các anh vô tội còn họ lại có tội? Chưa hết, kẻ thắng cuộc đã cướp sạch mọi thứ của nạn nhân rồi đẩy họ lên rừng thiên nước độc sống, cái mà kẻ thắng cuộc gọi là “đi kinh tế mới”. Thứ 3, sau khi người ta bại trận, kẻ thắng cuộc dụ những người thua cuộc là “học tập cải tạo 3 tháng” nhưng có người ở tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu và nhiều người khác nữa. Đó là những cách hành xử điển hình trong suốt 44 năm qua của kẻ thắng cuộc tại đất nước hình chữ S này. Nguyên nhân do đâu? Nguyên nhân là ở chủ thuyết Cộng Sản. Chính chủ thuyết này có chủ trương loại trừ sự khác biệt nên nó đưa đến một mối nguy sẽ tồn tại mãi theo ĐCS mà không thể nào xóa bỏ được. Một khi kẻ đó luôn muốn loại trừ sự khác biệt, xem sự khác biệt là kẻ thù thì hòa hợp hòa giải với ai? Ngay cả quyền lợi đất nước khác biệt với quyền lợi Cộng Sản Tàu thì ĐCSVN vẫn loại bỏ quyền lợi đất nước kia mà? Thế thì lấy gì hòa hợp hào giải dân tộc đây? Cái đáng sợ nhất ở đây là chủ thuyết Cộng Sản nó biến con người Cộng Sản thành những kẻ phản bội tổ quốc, không chịu dung nạp đồng bào mình chỉ vì họ không theo Cộng Sản. Nhiệm vụ hòa hợp hòa giải dân tộc không thể đặt trên vai ĐCS được, vì đơn giản, yêu cầu như thế chẳng khác nào bảo hổ báo phải từ bỏ săn mồi để ăn cỏ. Với CS, chuyện đối xử văn minh với kẻ bại trận như người Mỹ trong nội chiến của họ là không thể. Bài học nước Mỹ, kẻ hậu CS mới làm được, còn CS thì không. Xin khẳng định là không, và mãi mãi là không./.  
......

30/4 - 44 Năm Nhìn Lại - Sự đa dạng của Cộng đồng người Việt hải ngoại

Đặc trưng của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại các nước Tây phương là chống chế độ CSVN, yêu chuộng tự do dân chủ, luôn hỗ trợ công cuộc tranh đấu dân chủ của đồng bào ở quê nhà. Từ trái theo chiều kim đồng hồ: Các Cộng đồng Úc, Hoa Kỳ, Anh và Canada.   Trong lúc chiến cuộc tại miền Nam Việt Nam đang hấp hối, có khoảng 200.000 người Việt đã di tản khỏi đất nước, đi tỵ nạn cộng sản. Đa số những người này đã đến tỵ nạn tại Hoa Kỳ, một số rất ít sang Pháp. Nói chung đây là lực lượng nòng cốt đầu tiên đã cùng với một số du học sinh Viên Nam đi du học từ miền Nam trước năm 1975, tạo dựng ra Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại hải ngoại. Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nhiều người dân miền Nam còn ở lại hy vọng rằng, những người cộng sản thắng cuộc còn chút lương tâm sẽ sáng suốt hòa giải dân tộc và họ sẵn sàng bắt tay với chế độ CSVN để cùng xây dựng lại một đất nước trong hòa bình, thống nhất. Nhưng dần dần người ta vỡ mộng vì sự cai trị độc tài tàn bạo cùng với chính sách trả thù của chế độ, nên hàng triệu người buộc phải bỏ nước ra đi tỵ nạn bằng mọi cách. Cao điểm của làn sóng tỵ nạn trải dài từ những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước và cũng từ đó trong tự điển thế giới có thêm 2 chữ “boat people“. Người Việt tỵ nạn cộng sản hầu hết được đón nhận định cư và sinh sống tại Hoa Kỳ, Úc Châu, Canada, Tây Âu Châu và Nhật Bản… Với tính hợp quần và có cùng một mẫu số chung là tỵ nạn cộng sản, nên người Việt di tản, vượt biên, vượt biển tại những nơi đây thường có khuynh hướng tập họp với nhau và dần dần mở rộng việc tạo dựng Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn CS, với nền tảng chung là ái hữu và chống cộng sản. Theo năm tháng Cộng Đồng ngày càng phát triển vì đón nhận thêm những đợt người Việt ra đi theo diện H.O. hoặc đoàn tụ gia đình, thân nhân O.D.P. Cuối thập niên 80 thế kỷ 20 khi Liên Xô và khối cộng sản các nước Đông Âu như Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Bulgary,… có dấu hiệu lung lay trước khi sụp đổ, thì tại đây một số trong tổng số khoảng 300.000 người Việt – phần lớn là thành phần du học sinh và xuất khẩu lao động do nhà nước CSVN gởi đi sau năm 1975 đã quyết định vượt sang các nước Tây Âu xin tỵ nạn cộng sản. Số còn lại không trở về Việt Nam mà quyết bám trụ ở lại các nước Đông Âu. Họ liên tục chứng kiến những đổi thay trên đất nước sở tại khi các nước này chuyển mình từ độc tài cộng sản sang tự do dân chủ. Họ cũng đã chịu không ít khó khăn cho cuộc sống từ sự chuyển mình lịch sử này của các nước Đông Âu. Tuy nhiên dù sao đối với họ thì các nước Đông Âu thời gian đó vẫn có cuộc sống tốt hơn là Việt Nam nhiều lần và nhiều mặt. Không như những người Việt tỵ nạn cộng sản định cư tại các nước Tây phương, người Việt tại Đông Âu ngoài các vất vả về mưu sinh cuộc sống, họ còn phải lo âu về tình trạng cư trú và chịu nhiều lệ thuộc gánh nặng hành chính do chính các Tòa Đại Sứ CSVN gây ra. Tuy ít nhiều nhận thức được bộ mặt thật độc tài đảng trị của chế độ CSVN nhưng vì còn bị nhiều ràng buộc với quê nhà nên họ không như những người Việt tại phía Tây mà chỉ chú tâm làm kinh tế. Với tính hợp quần và có mẫu số chung là chỉ làm kinh tế nên dần dần những người Việt tại đây cũng đã tạo nên một chỗ đứng cho mình với những đặc thù của một xã hội Việt Nam thu nhỏ. Đây có thể xem như bước đầu hình thành Cộng Đồng Người Việt Đông Âu. Khi tình trạng kinh tế tại Việt Nam ngày càng tồi tệ mặc dù chế độ đã chấp nhận, “đổi mới” và áp dụng nền kinh tế thị trường nhưng vẫn gắn thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa thì số lượng người Việt tìm mọi cách đến các nước Đông Âu để mong được đổi đời ngày càng đông đảo mà phần lớn bằng con đường bất hợp pháp. Cho đến năm 2000, khi nói đến Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại thì người ta thấy có hai hình thái cộng đồng khác nhau, thứ nhất là Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở các quốc gia Tây Âu, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản và thứ hai là Cộng Đồng Người Việt ở Đông Âu. Với một lực lượng hàng triệu người của Cộng Đồng NVTNCS tại Tây Âu và Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu có tiềm lực dồi dào về kinh tế, chính trị, kiến thức, kinh nghiệm, và ý chí chống cộng mạnh mẽ như vậy, thì đương nhiên CSVN tìm cách xâm nhập để chiêu dụ và lũng đoạn là chuyện họ phải làm. Và để nâng lên thành một chính sách nên vào ngày 26 tháng 3 năm 2004, Bộ Chính Trị CSVN đã ban hành Nghị Quyết số 36 gọi là “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” một mặt nhằm chiêu dụ người Việt hải ngoại đem tiền bạc, chất xám về để “xây dựng đất nước” dưới sự lãnh đạo của CSVN, mặt khác là xâm nhập, lũng đoạn, phá hoại các đoàn thể, tổ chức, các cơ quan truyền thông có uy tín trong khối người tỵ nạn đang sống ở hầu hết các quốc gia Hoa Kỳ, Úc Châu, Canada và Tây Âu… để triệt tiêu sức đề kháng cộng sản của Cộng Đồng. Tuy nhiên cho tới hôm nay có thể nói Nghị quyết 36 hoàn toàn thất bại vì 2 yếu tố chính đó là vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam và lá cờ vàng 3 sọc đỏ biểu tượng tự do của người Việt hải ngoại. Đó cũng là mẫu số chung của người Việt hải ngoại mà CS dù có dùng nhiều tiền bạc để mua chuộc, lũng đoạn… nhưng cũng không thể vượt qua được. Trước xu thế toàn cầu hóa ngày càng thúc bách đòi hỏi chế độ CSVN buộc phải mở cửa hội nhập với thế giới để sống còn. Điều này đã tạo cơ hội cho người Việt đi ra bên ngoài dưới nhiều dạng thức khác nhau mà không còn thuần tuý tỵ nạn cộng sản như những người ra đi vào những năm cuối thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước. Ngày hôm nay (2019) Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại bao gồm nhiều thành phần như tỵ nạn cộng sản, lao động hợp tác, du học sinh, di dân theo diện đầu tư kinh tế, thân nhân của cán bộ bỏ trốn ra nước ngoài… mà con số theo ước tính có thể lên đến khoảng 3 triệu người và đang sinh sống ở gần 90 nước trên thế giới. Sự chan hòa người Việt hải ngoại với nhiều sắc thái và khuynh hướng khác nhau nhưng tựu chung có thể: – Không hài lòng về tình hình Việt Nam với những thảm kịch xã hội xuống cấp; – Không hài lòng sự lệ thuộc của chế độ vào Trung Cộng khiến nguy cơ mất nước gần kề; – Mong muốn đất nước thay đổi với thể chế tự do dân chủ. Mặc dù âm mưu tìm cách xâm nhập, chiêu dụ, lũng đoạn Cộng Đồng trước và sau cái gọi là Nghị Quyết 36 của CSVN thất bại, nhưng đến nay họ vẫn chưa chịu từ bỏ. Nhưng với ý chí tranh đấu cho tự do và hỗ trợ phong trào dân chủ còn rất mạnh mẽ của khối người Việt yêu chuộng tự do dân chủ nên cho đến hôm nay thành phần cộng sản và cờ đỏ sao vàng chưa dám xuất hiện công khai trong Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Hải Ngoại. Đây là điểm son của người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại sau 44 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư. Nguyễn Thanh Văn https://viettan.org/su-da-dang-cua-cong-dong-nguoi-viet-hai-ngoai/  
......

Những con bệnh Stockholm

Ảnh minh họa Pham Doan Trang Cách đây hai năm, vào tháng 4/2017 khi đông đảo làng báo Việt Nam hân hoan, cảm kích… vì Chủ tịch Hà Nội đi xe “xuống” địa bàn đối thoại với dân Đồng Tâm, tôi từng viết rằng: “Đa số nhà báo Việt Nam, nhất là trong mảng nội chính, có biểu hiện của hội chứng Stockholm ở thể nhẹ. Xin nhấn mạnh là “thể nhẹ”, bởi vì (…) tâm lý phổ biến của họ chỉ mới ở mức thông cảm với chính quyền, với các quan chức, cán bộ Đảng và Nhà nước mà họ thường xuyên tiếp xúc do yêu cầu công việc”. Đến nay, tôi phải đau lòng mà nhận ra rằng tôi viết như thế vẫn sai. Rất đông nhà báo Việt Nam mắc chứng Stockholm nặng đến nỗi họ không chỉ dừng ở mức thông cảm với chính quyền, với các quan chức, cán bộ, mà họ đi xa hơn: Họ thậm chí đã coi mình đứng cùng hàng ngũ với chính quyền, quan chức, cán bộ lãnh đạo, trở thành một người trong số “các đồng chí” ấy, một vị trí quan trọng trong bộ máy ấy. KHI BỆNH Ở THỂ NHẸ Tác nghiệp trong mảng nội chính (chính trị trong nước – pháp luật – xã hội), các nhà báo “có điều kiện” gặp gỡ thường xuyên, gần gũi, tiếp xúc trực tiếp với bộ máy quan chức của Đảng và Nhà nước. (Trong ngôn ngữ tuyên giáo, cụm từ “có điều kiện” nghĩa là “có cơ hội”, “có đặc ân”). Khi đó, khác hẳn với “dân” (tức những người không ở trong giới báo chí), nhà báo được chứng kiến những gì lãnh đạo làm, nghe những lời lãnh đạo nói, tận mắt nhìn nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của lãnh đạo. Thế là từ đó, nhà báo Việt Nam bắt đầu thấy và suy nghĩ những điều khác dân. Ví dụ như họ thấy Nguyễn Phú Trọng không phải “đảng trưởng”, “tổng bí lú”, mà chỉ còn là một ông giáo tóc bạc kính trắng, một trí thức hiền lành nho nhã, một cán bộ cao cấp mà trong sạch, không tham nhũng. Tiếp xúc sâu hơn nữa, nhà báo xúc động thấy những giây phút các nhà lãnh đạo căng thẳng lo “đàm phán với Trung Quốc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước”, ngặt nỗi “Trung Quốc mạnh quá, rắn quá, mà chúng ta thì nội lực yếu”, “muốn chống Trung Quốc thì phải có nội lực vững mạnh, phải chống tham nhũng, kinh tế-chính trị phải ổn định”, mà nếu như thế thì phải dập tắt ngay ba cái chuyện gây rối, phá phách của các thế lực thù địch, phản động… Và rồi nhà báo sẽ thấy khinh ghét đám phản động hằn học, bất mãn, không có thông tin, chẳng biết gì, chỉ chửi đổng là giỏi. HỘI CHỨNG STOCKHOLM THỂ NẶNG Giờ thì nhiều nhà báo Việt Nam mắc chứng Stockholm ở dạng nặng lắm rồi. Nghĩa là, họ không chỉ thông cảm với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nữa, họ còn tin rằng chính mình cũng giữ một cương vị quan trọng trong hàng ngũ ấy, ngang hàng với các đồng chí lãnh đạo và giữ một nhiệm vụ rất quan trọng, ấy là nhiệm vụ tuyên truyền, giải thích đường lối của Đảng và Nhà nước cho dân. Dân chưa hiểu thì phải giải thích cho họ chứ. Tiếp xúc với lãnh đạo nhiều, có nhiều thông tin, nhất là những chuyện “cung đình”, “thâm cung bí sử”, nhà báo ta bỗng thấy mình cao hẳn lên, sang hẳn lên, quan trọng hẳn lên, ít nhất là vượt hẳn khỏi đám quần chúng dốt nát, “không có thông tin”. Tôi từng (nhiều lần) nhìn thấy vẻ mặt khinh khỉnh của những viên công an đi trấn áp biểu tình chống Tàu. Luận điệu ưa thích của chúng để hạ nhục những người bị bắt về đồn luôn là: “Đảng và Nhà nước vẫn đang xử lý vấn đề chủ quyền biển đảo, quan hệ với Trung Quốc hết sức linh hoạt, khéo léo. Các anh các chị không có thông tin nên cứ phá phách lung tung, đi biểu tình gây rối trật tự công cộng, chẳng được việc gì, khéo lại còn hại thêm nước mình”. Có công an còn bịa thêm chuyện “sinh viên Việt Nam mình du học bên Trung Quốc đến khổ vì các anh các chị đi biểu tình ở đây, hơi một tí là bị dân Trung Quốc đốt cờ”. Tôi vặn lại: Sinh viên nào, học ở đâu, chính tôi từng gặp du học sinh Việt Nam ở Trung Quốc và cả đồng nghiệp báo chí Trung Quốc đây, tôi chưa bao giờ nghe chuyện đó. Viên công an bơ đi rồi bảo tôi nghe “thông tin sai sự thật”. Cách xử lý của nhà nước công an trị với dân là như vậy đó, nhất quán từ trên xuống dưới: Chúng bưng bít, giữ dân trong tình trạng không có thông tin; và khi dân đưa thông tin ra thì chúng rống lên là “sai sự thật”, “xuyên tạc”. Cái nhà nước ấy tất yếu đẻ ra, và tồn tại nhờ một đám cán bộ công an, quân đội, nhà báo… nghiễm nhiên coi mình cao hơn dân, mình có thông tin, mình có tầm nhìn xa, có chiến lược này nọ. Công an và quân đội vốn là hai cột trụ bạo lực của đảng Cộng sản bạo lực, khủng bố, nên cách hành xử khệnh khạng, ở trên dân, của hai lực lượng này không có gì lạ. Thế nhưng, nhà báo vốn dĩ là nạn nhân của chế độ độc tài mà lại có thể đồng nhất mình với thủ phạm, thì là một điều hơi lạ, hay nói đúng hơn, một sự bệnh hoạn. * * * Tôi cũng là nhà báo. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa tôi và nhiều nhà báo khác (không phải tất cả báo giới) là: Khi chứng kiến lãnh đạo họp hành, công du, ra chủ trương này quyết sách kia, họ sẽ thành kính chiêm ngưỡng và lặng lẽ suy tư, chiêm nghiệm, tất nhiên sẽ không bao giờ tiết lộ bừa bãi thông tin mà “chỉ nói cho người cần được biết”, hoặc đôi khi khề khà nơi quán nhậu, cùng lắm là bóng gió đôi câu trên facebook. Còn tôi thì chỉ thích tầm thường hoá bọn người ấy thôi, đánh tụt đám ấy xuống thay vì nâng chúng lên bàn thờ, và làm cho ai ai cũng biết về bộ mặt thật của chúng. Chẳng hề sang trọng, cao quý, bậc nhân kiệt... gì như người ta tưởng. Tôi sẽ reo ầm lên: “Ối giời ơi, bà con ra mà xem bọn ngu lãnh đạo đất nước này”, “sao chúng ta lại phải làm dân cho cái lũ này lãnh đạo?”.
......

30/4 - 44 Năm Nhìn Lại - Nguy cơ mất nước

Đối với đại đa số người miền Nam ngày 30 Tháng 4, 1975 là ngày mất nước. Không chỉ mất miền Nam mà cả toàn thể đất nước ở hai miền Nam và Bắc vào tay những người Cộng Sản. Có nhiều người đã không đồng ý và cho rằng đất nước vẫn còn đó, vẫn do người Việt làm chủ, chỉ khác là do những người Cộng Sản thống trị bằng những quy luật mới của kẻ chiến thắng. Những cảm nhận nói trên, đa số xuất phát từ những cảm nhận chủ quan. Trong thực tế, người dân cảm nhận sự “mất nước” khi chính họ không còn bất cứ quyền gì trên phần đất mà họ đã sống. Mọi sự vận hành của xã hội và ngay cả tương lai của chính họ và gia đình đang nằm trong tay của một thiểu số đang phục vụ cho quyền lợi của ngoại bang chứ không phải quyền lợi của dân tộc. Do đó, ý nghĩa của sự “mất nước” không đến từ thái độ chính trị – Cộng Sản hay Quốc Gia – mà chính là quyền lực của nhân dân đối với chủ quyền quốc gia. Trong 4.000 năm dựng nước, dân tộc Việt đã bị mất nước 5 lần: 4 lần vào tay người Tàu và 1 lần vào tay người Pháp mà chúng ta gọi là các thời kỳ Bắc thuộc và Pháp thuộc. Thế thì ngày nay, điều gì đã khiến cho dân tộc ta có cảm nhận rằng tập đoàn lãnh đạo CSVN không còn là người Việt Nam nữa? Ông Hồ Chí Minh mê say chủ nghiã cộng sản quốc tế, đã đem chủ nghĩa này vào Việt Nam vào năm 1930, và từ đó tới năm 1975, chủ nghĩa cộng sản đã được áp dụng tại miền Bắc Việt Nam, và từ năm 1975 thì trên toàn đất nước. Ngược với “quốc gia”, cộng sản là “quốc tế”. Giấc mơ của người cộng sản là một “thế giới đại đồng”. Ông Hồ, từ khởi thủy, và những hậu duệ của ông ta về sau này, luôn là những con người “quốc tế”, sẵn sàng vứt bỏ quyền lợi của người dân và đất nước, chỉ mê say một chủ nghĩa, một thế giới cộng sản ảo tưởng mà họ điên cuồng xây dựng với bất cứ giá nào, bất kể xương máu của người dân. Câu nói của Tổng Bí Thư Đảng CSVN Lê Duẩn khi gây chiến tranh hao tổn xương máu của bao triệu người Việt ở cả hai miền Nam và Bắc: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta”, là một biểu hiện rõ rệt nhất của tinh thần “quốc tế” của những người CSVN từ thời ông Hồ cho đến tận ngày hôm nay. Trong suốt quá trình của Đảng CSVN, mặc dù đôi lần có những xung đột, cá nhân ông Hồ và Đảng CSVN của ông ta luôn giữ vai “học trò”, với tư cách cá nhân, và “chư hầu”, với tư cách quốc gia, đối với các nhà lãnh đạo như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, … Tập Cận Bình và Trung Cộng, và luôn coi nhẹ sinh mạng của người Việt và đất nước Việt Nam. Điều nghịch lý của những người lãnh đạo CSVN là trong khi lý tưởng cộng sản, ngày càng phai nhạt đến độ gần như triệt tiêu không còn gì (được thể hiện qua câu nói của Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng “… xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa …”), thì vì quyền và lợi cá nhân, sự lệ thuộc của những lãnh đạo CSVN vào những lãnh đạo cộng sản Trung Cộng ngày một gia tăng tới mức hèn hạ, nhục nhã (một lần nữa được biểu hiện qua câu phát biểu nịnh bợ trơ trẽn của Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình “Trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc.”) Nước Việt ta đã từng có những kẻ lãnh đạo vì sợ hãi sức mạnh của giặc phương Bắc, nhất là vào thời gian mà thế giới còn biệt lập, nước mạnh dễ dàng bắt nạt nước yếu, sự can thiệp bênh vực của thế giới chưa hề được biết đến. Nhưng những người CSVN sống ở thế kỷ 20 và 21, khi thế giới đã trở thành một “ngôi làng nhỏ”, những nước nhỏ và yếu đã biết kết thành một khối và các nước mạnh không còn có thể tự tung tự tác ăn hiếp họ như nhiều trăm hay ngàn năm về trước, lại không biết sống theo thời đại để tự bảo vệ mình mà chỉ vì quyền và lợi riêng tư, đem đồng bào và đất nước bán cho giặc. Kể từ cái gọi là Mật Ước Thành Đô mà các lãnh đạo CSVN ký kết với Trung Cộng vào năm 1990, khi thì âm thầm, khi thì lộ liễu, các đời lãnh đạo Đảng CSVN kiên trì xúc tiến thực hiện điều họ đã cam kết là biến nước Việt Nam thành một tỉnh lỵ của Trung Cộng vào năm 2020. Cách nay 592 năm, kể từ khi bị Vua Lê Thái Tổ đánh đuổi ra khỏi Việt Nam vào năm 1427, nước Tàu chưa bao giờ từ bỏ ý định xâm lăng nước ta một lần nữa. Ý thức rằng việc đánh chiếm Việt Nam bằng vũ lực quân sự là khó khăn và tốn kém nên Trung Cộng lần này đã chủ định chiếm Việt Nam qua một kế hoạch và tiến trình tiệm tiến tinh vi với sự tiếp tay tận tình và đắc lực của đám lãnh đạo CSVN hèn nhược tham lam. Trước tiên là kế hoạch cài người, cài quân và dân vào Việt Nam, qua các kế hoạch trá hình như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, kế hoạch mua rừng đầu nguồn, xây dựng các nhà máy điện, vô số các công ty sản xuất, cho phép “du khách” người Hoa đi vào Việt Nam dễ dàng, … và khủng khiếp hơn cả là các dự án đặc khu cho thuê đất tới 99 năm tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Cho tới giờ phút này không ai có thể biết được Trung Cộng đã cài bao nhiêu binh lính và vũ khí vào Việt Nam vì chính giới chức trách CSVN cũng không được phép bén mảng tới các đặc khu đó. Trung Cộng cũng sửa soạn đánh Việt Nam về nhiều lãnh vực và khía cạnh khác, mà quan trọng nhất, qua sự tiếp tay của Đảng CSVN, là hủy diệt khả năng chống trả của người dân khi biến Việt Nam thành một xã hội suy đồi về đạo đức, đánh mất tinh thần và niềm tự hào dân tộc, nghèo về kinh tế, hỗn loạn về chính trị, yếu nhược về quân sự, bưng bít với thế giới bên ngoài … Và để hỗ trợ cho sức mạnh và hiệu quả quân sự, gần đây nhất, Trung Cộng đã ép CSVN xúc tiến thực hiện dự án đường cao tốc Bắc Nam, chạy dọc từ Bắc xuống Nam nước Việt, mà một khi hoàn tất thì việc chuyển và điều động quân của Trung Cộng tại Việt Nam sẽ cực kỳ dễ dàng, và nếu xung đột có xảy ra thì quân đội Việt Nam không còn cách nào chống đỡ. Làm tất cả những điều kể trên cho Trung Cộng, chẳng khác nào các lãnh đạo Đảng CSVN đã trói tay Quân Đội và toàn dân Việt Nam để tùy tiện quỳ hai gối hai tay dâng đất nước của Tổ Tiên cho giặc. Họ thực sự là những kẻ tội đồ đáng ghê tởm nhất trong lịch sử dân tộc. Ngày lãnh đạo CSVN sẽ “giao hàng” cho Trung Cộng, theo Mật Ước Thành Đô, là năm 2020, nghĩa là chỉ còn không đầy một năm nữa. Để cứu đất nước Tổ Tiên khỏi rơi vào tay giặc, chỉ còn một giải pháp duy nhất là loại bỏ tức khắc Đảng CSVN và chế độ bán nước. Thời giờ còn rất ít nhưng việc cứu nước không bao giờ quá muộn. Nếu thờ ơ không hành động thì đất nước chúng ta sẽ thật sự mất, và lần này thì không chỉ là mất riêng đối với những người Quốc Gia mà là mất đối với tất cả mọi người Việt Nam, kể cả những người lãnh đạo CSVN bán nước, là những người mà giặc Trung Cộng sẽ loại bỏ đầu tiên! Đỗ Đăng Liêu Bầy ngựa thành Troie của Đảng Cộng Sản Việt Nam Cao Tốc Bắc Nam và kế Giả Đồ Diệt Quắc Ác mộng xây cao tốc Bắc – Nam  
......

30/4 - 44 Năm Nhìn Lại - Niềm tin

Đã 44 năm trôi qua kể từ sau ngày 30 tháng 4, 1975, cộng sản Hà Nội tiến chiếm miền Nam, và đặt sự cai trị độc tài man rợ của mình trên toàn cõi Việt Nam. Ngày nay đất nước này có những gì? Có đạt được như lời mị dân của Hồ Chí Minh năm 1969 “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”? Và trong niềm tin mơ hồ đó, hàng triệu người dân miền Bắc đã tham gia cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Trước 1975, miền Nam Việt Nam là một Quốc gia dân chủ, thịnh vượng đến nỗi mà nhiều nhà lãnh đạo của thế giới phải trầm trồ thán phục và ao ước đất nước của họ cũng được phát triển như vậy. Ông Lý Quang Diệu, Tổng thống Singapore từng ví von Sài Gòn như Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhiều người dân xứ Hàn, Thái Lan, Philippines phải sang Việt Nam làm thuê vào thời đó. Ngày nay, sau 44 năm đổi đời từ ngày 30 tháng 4, nhìn vào trật tự xã hội đang diễn ra trong đất nước Việt Nam, ta thấy có một sự mâu thuẫn vô cùng lớn lao giữa lời nói, ý chí và hành động của người cộng sản. Đó là những gì? Việt Nam có một nền kinh tế đi xin viện trợ, đi vay vốn ODA của nước ngoài và khai thác, bán sạch tài nguyên khoáng sản từ trên rừng cho đến ngoài biển khơi. Mặt khác, hệ thống kinh tế Việt Nam bị dẫn dắt, điều khiển bởi các tập đoàn lợi ích nhóm do các phe phái trong nội bộ đảng cộng sản thao túng. Thế nên, người cộng sản dễ dàng tham nhũng với những khối tài sản khổng lồ của quốc gia một cách vô tội vạ. Kết quả thì người dân phải lãnh nhận hậu quả, nợ công tăng cao. Số liệu cũ của Bộ Tài chính cho biết vào ngày 17 tháng 8 năm 2017 thì “Mỗi người dân Việt Nam phải gánh 35 triệu đồng nợ công quốc gia vì các dự án thua lỗ, và hàng loạt các dự án vay vốn ODA bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với ban đầu”. Nhiều người đưa ra lý do biện minh cho đất nước vẫn còn nghèo như “mới trải qua chiến tranh… gần nửa thế kỷ”, hay Việt Nam cũng có khá lên nhờ kinh tế thị trường với đầu tư ngoại quốc gia tăng. Tuy nhiên, chúng ta đã tụt hậu so với Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… từ vài chục năm cho đến cả một thế kỷ. Dường như những năm gần đây là giai đoạn bùng phát của căn bệnh không thuốc chữa trong hệ thống Giáo dục mà nó đã âm ỉ hàng mấy thập kỷ qua. Bạo lực học đường mỗi ngày gia tăng và trầm kha hơn. Những cảnh nam, nữ học sinh đánh đập hội đồng, thậm chí chém giết lẫn nhau hết sức đau lòng tái diễn khắp hang cùng ngõ ngách. Diễn biến một xã hội đảo điên được trình diễn với nạn mua bán bằng cấp, đổi tình lấy điểm, lạm dụng tình dục, chạy chức chạy quyền lan tràn mọi miền đất nước. Sinh viên sau khi được đào tạo đại học thì làm cu ly hay đi làm công nhân, hoặc chạy ra nước ngoài tìm cơ hội mới. Chưa có thời đại nào rực rỡ hơn dưới triều đại của cộng sản khi người dân xứ mình phải lũ lượt đi làm cu ly nơi xứ người. Hàng trăm ngàn người phụ nữ chấp nhận như một món hàng trao đổi để được làm vợ ngoại quốc, và xót xa hơn nữa có hàng ngàn phụ nữ tìm kiếm cuộc sống tốt hơn bằng nghề bán thân trên khắp thế giới. Thực trạng đau lòng của hệ thống y tế tại Việt Nam hiện nay đều quá tải, chất lượng khám chữa bệnh rất thấp. Mối quan hệ giữa y bác sĩ và bệnh nhân nằm trong trạng thái căng thẳng, đó là chưa nói đến vấn đề đầu tiên – tiền đâu. Nếu người bệnh không có tiền thì sự thờ ơ, vô cảm thấy rõ nơi bệnh viện. Ngày hôm nay ung thư trở thành căn bệnh mang tầm mức quốc gia, giết chết hàng chục ngàn người mỗi năm. Thật ra, niềm tin vào cộng sản đã từng bước bị mất mát, hụt hơi ngay trong lòng những người lính Bắc Việt khi tràn vô Sài Gòn. “Thật sai lầm khi giải phóng miền Nam” có lẽ là câu nói được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong không chỉ trong quân lính mà ngay cả lãnh đạo cộng sản. Nhiều câu chuyện truyền tai hay trong hồi ký của họ viết đại ý như thế này “Sai lầm lớn nhất của miền Bắc chúng tôi là đi giải phóng miền Nam. Bởi sau cái ngày 30/4 có quá nhiều những thay đổi ngoài dự kiến của chúng tôi đã xảy ra tại miền Bắc. Bởi khi đoàn quân miền Bắc kéo về mang theo lỉnh kỉnh toàn hàng tiêu dùng của miền Nam làm dân Bắc chúng tôi sững sờ”. Thực tế, đảng cộng sản đã hoàn toàn bị mất niềm tin từ nhân dân ngày càng rõ nét. Tùy từng mức độ khác nhau, từ mất niềm tin tuyệt đối này thì có nhiều bộ phận người khác nhau có thái độ chán ghét chế độ, thậm chí chế độ trở thành mối thù của nhiều tầng lớp dân oan. Hoặc muốn thay đổi chế độ như các thành phần trí thức cộng sản, sinh viên, công nhân, nông dân. Niềm tin của nhân dân là bệ vững chắc cho mọi chế độ tồn tại, ngược lại khi niềm tin đã hết thì sự sụp đổ ắt sẽ đến dù chế độ đó có dùng nhà tù, súng đạn, đàn áp để chống đỡ, để tồn tại. Portland 28/4/2019 Paulus Lê Sơn
......

Có "Đảng" là có tất cả

Nguyễn Việt Nam |   Báo chí cộng sản tung hô thắng lợi tùm lum của đảng cộng sản làm người đọc không khỏi phì cười. Nhiều cái công nhận là cũng đúng. Ví dụ như mấy chục năm nhân dân phải ăn cơm độn, bo bo, cháo loãng...nay có miếng ăn đầy đủ dù ở nhiều nơi còn phải chịu cảnh đói rét như nhiều tỉnh vẫn phải trợ cấp lúa gạo, quần áo, thực phẩm vào mùa giáp hạt, mùa đông hay mùa thiên tai bão lũ. Tuy nhiên báo chí cộng sản không hề mảy may đề cập đến một số thực tiễn như sau. Kể từ khi có " đảng" : +) Là có cải cách ruộng đất, là đấu tố, là đâm cha chém chú, bóp vú chị dâu...là chạy trốn khỏi quê hương vào Miền Nam lánh nạn. Là hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng để rồi cuối cùng đất đai, nông cụ, sức người, sức của về tay đảng hết sau cú lừa cải cách ruộng đất ngoạn mục này. +) Có đảng là lại có tiếp cảnh nồi da xáo thịt. Trước đây Nam- Bắc phân tranh mãi thời phong kiến. Sau này có đảng thì còn đánh nhau to hơn, máu chảy nhiều hơn với cái lý do" giải phóng" vì Miền Nam khổ lắm, lãnh đạo trong đó tàn ác lắm...Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Khác đến nỗi quân giải phóng thi nhau rửa chân, rửa mặt ở đài phun nước tròn Sài Gòn, khác đến nỗi quân giải phóng lạ lẫm lắm với những vật dụng, xe hơi, xe gắn máy, đồ gia dụng... +) Có đảng là có nợ nần đầm đìa đổ lên đầu nhân dân ngay. Từ đó sinh ra sưu cao thuế nặng, giá cả tăng vọt mà thu nhập thì không thấm vào đâu. +) Có đảng là mất đi nhiều nhân quyền. Nhân dân không được nói, được làm những điều mà người dân ở các nước tự do bình thường được làm như biểu tình, tham gia phản đối những sai trái của nhà cầm quyền, bỏ phiếu(bỏ cũng như không vì chúng nó cơ cấu hết rồi). Ai phản đối, chống đảng là có công an lao ra sẵn sàng đàn áp, bắt bớ, xử tù... +) Có đảng là có cướp bóc mạnh tay. Cướp từ đường đến chợ. Cướp từ nhà đến đất. Cướp từ thuế đến phí. Cướp từ tự do cho đến nhân quyền... +) Có đảng là nước cứ mất dần vào tay giặc Tàu. Mất thế nào chúng ta đều biết rồi đấy. +) Có đảng là hiến pháp và pháp luật chỉ như tờ giấy chùi đít. Tiền, quyền lực bẻ cong, bóp méo cả hiến pháp và pháp luật. Và người bẻ cong nó không ai khác ngoài đảng và đảng viên, lãnh đạo, cán bộ cộng sản. +) Có đảng là giang sơn tan nát. Đào hết, bán hết, buôn lậu hết, thâu tóm hết. Tất cả chỉ vì một chữ " Tiền". +) Có đảng là có nhục quốc thể. Từ lãnh đạo buôn lậu, ngáo ngơ, gật gù, xạo ke cho đến người dân dưới thời cộng sản với những tai tiếng ở trường quốc tế. +) Có đảng là có oan ức ngút trời, bao trùm khắp mọi miền tổ quốc. Dân oan bị cướp đất, án oan hình sự, khiếu kiện... +) Có đảng là nhân dân được sống với những bánh vẽ, những giấc mơ. Bánh vẽ XHCN, bánh vẽ mục tiêu, nghị quyết...mà cuối cùng chẳng cái nào vào cái nào và đi đến đâu cả. Người dân cày mãi, kéo mãi với những giấc mơ quá đỗi bình thường ở các nước tư bản giãy chết như xe máy, xe hơi, tủ lạnh, điều hòa... +) Có đảng là có những hàng triệu culi, kave, trộm cắp, lưu manh, côn đồ được xuất khẩu đi khắp năm châu bốn biển. Ôi còn nhiều thứ nữa có lắm kể từ khi có đảng. Có đảng là có tất cả. Có luôn cả một nồi cám heo mang tên "Việt Nam "./.  
......

Danke Deutschland für 40 Jahre Aufnahme Vietnamesischer Boat – People !

Grußworte der Bundesregierung, des Landes Hessen und der Stadt Frankfurt am Main zur Dankfeier in der Christuskirche in Frankfurt am Main. ------------------------------------------------------------------------------- Lời chào mừng của Giáo Sư Tiến Sĩ Günter Krings, Nghị Viên QH Đức Quốc và là Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ Liên Bang, nhân ngày Kỷ Niệm 40 năm Thuyền Nhân Việt đến nước Đức do Liên Hội NVTN tại CHLB Đức tổ chức ngày 27.04.2019.   Kính thưa quý vị,   Trốn chạy và bị trục xuất ra khỏi quê hương  là một thực trạng trên thế giới. Trên toàn cầu hiện tại, theo báo cáo của Cơ Quan trợ giúp người Tỵ Nạn thuộc Liên Hiệp Quốc, có đến 69 triệu người đang trên đường lánh nạn. Năm ngoái, làn sóng tỵ nạn từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Syrien khiến việc thâu nhận những người tìm kiếm sự bảo vệ đã trở thành một tâm điểm trong các cuộc thảo luận chính trị. Nước Đức đã đứng ra nhận trách nhiệm nhân đạo và đã thâu nhận những con người cần được bảo vệ. Vào cuối thập niên 1970 Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng đã không làm ngơ trước trước những thống khổ và đau thương của 38 ngàn thuyền nhân Việt, họ đã được nước Đức che chở. Thảm họa tỵ nạn ngày đó, cũng giống như  thảm họa năm 2015 mà chúng ta đã trải qua, đã đưa đến một làn sóng tương trợ trong xã hội  tại Cộng Hòa Liên Bang Đức.   Trước đây 40 năm, vào tháng 12 năm 1978 đã có 163 thuyền nhân Việt được đưa bằng đường hàng không đến Đức, các bạn là những người tỵ nạn đầu tiên đến từ quốc gia nằm ngoài Âu Châu. Những người tỵ nạn, bị chấn thương tinh thần và thể xác qua chiến tranh và khủng bố, các bạn đã  không nói được tiếng Đức và xuất thân từ một nền văn hóa khác. Nhưng nếu bây giờ có ai bảo rằng những yếu tố này làm  cản trở sự hội nhập thì chính các bạn  và con cháu đã chứng minh điều ngược lai. Các bạn đã trở thành  những nhân tố tích cực trong xã hội chúng ta, các bạn  siêng năng làm việc và tự tạo nên thành công tại nước Đức.   Theo dữ liệu của Phòng Thống Kê Liên Bang  năm 2017 có cả thảy 168 ngàn người  Việt và người Đức có nguồn gốc di dân từ Việt Nam sống tại Đức Quốc. Cộng đồng người Việt hải ngoại được hình thành từ nhiều lý do và nhiều con đường di dân. Có một điều chung ở họ là sự thành công đặc biệt về hội nhập trong trường học và trong nghề nghiệp. Những con số chứng minh cho điều này là: 48% người có nguồn gốc di cư từ Việt Nam lấy được bằng Tú Tài tại Đức hay tại Việt Nam và 34% những người  có bằng tốt nghiệp là những người có trình độ Đại Học. Trong số đó giới trẻ - 37% người Việt hải ngoại được sanh ra tại nước Đức thành công vượt bực. 60% con cái của người có nguồn gốc di cư từ Việt Nam học tại trường Trung Học chính thống (2008): nhiều hơn con cái của các nhóm người di dân khác và cũng nhiều hơn con cái cùa người Đức. Quỹ Học Bổng START, quỹ khuyến học đặc biệt cho học sinh giỏi có nguồn gốc di dân, cho biết có một số lượng lớn học sinh nhận học bổng  có nguồn gốc Việt Nam. Người Việt nhập cư mới cũng có nguyện vọng học hỏi cao. Ngày nay Việt Nam thuộc về 20 nước quan trọng nhất có Sinh Viên theo học tại nước Đức; con số người Việt trình luận án Tiến Sĩ ngày càng nhiều.   Đó là những thành công lớn và các bạn có thể làm gương cho các nhóm người nhập cư khác. Hội nhập thành công là kết quả của nhiều yếu tố, nhưng trước nhất vẫn là sự tự thân cố gắng. Chính sách hội nhập tại Đức Quốc làm theo nguyên tắc „ Nhu cầu và khuyến khích „. Chúng tôi mở khóa học ngôn ngữ, thực hiện chương trình hội nhập thị trường việc làm  và hội nhập xã hội là những phương tiện giúp đỡ của chính phủ cho người nhập cư. Vào những thập niên1970 và 1980 cũng đã có những chương trình thành công về khuyến học ngôn ngữ, về học nghề và tu nghiệp, về chăm sóc và tư vấn xã hội cho các thuyền nhân. Các bạn đã trải qua các khóa học này và đạt thành công trong xã hội nước Đức.   Ngày nay các bạn cám ơn nước Đức về sự tiếp nhận, về quê hương yên bình  và về cơ hội để tham gia góp phần. Sự việc đó là trách nhiệm nhân đạo của chúng tôi và nhìn theo chiều hướng hội nhập thành công thì đó cũng là một quyết định làm xã hội nước Đức thêm mạnh mẽ. Chúng tôi cũng xin cám ơn các bạn.   Nhưng vào một ngày như ngày hôm nay không chỉ để đo lường sự thành công và nói lên lời cám ơn. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tưởng niệm những người bỏ mình trên con đường trốn chạy ra khỏi Việt Nam. Chúng ta không biết vào thời điểm đó có bao nhiêu người thiệt mạng vì tàu thuyền hư hỏng, vì thiếu lương thực và vì cướp biển. Cùng với thân nhân của họ đang sống tại nước Đức tôi xin được chia buồn với họ. Sự ghi nhớ về thảm họa chiến tranh và hành trình lưu vong, như các bạn đã từng trải nghiệm, là những  chứng minh về ý nghĩa và sự may mắn của hòa bình trên toàn cõi Âu Châu.   Giáo Sư Tiến Sĩ Günter Krings -------------------------------------- Lời chúc mừng nhân dịp Lễ tạ ơn 40 năm của thuyền nhân người Việt Kính thưa Quý quan khách, Thân gửi ông Trịnh-Đỗ Tôn-Vinh, xin chân thành cảm ơn lời mời tham dự sự kiện đặc biệt này. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu như hôm nay có thể tham gia Lễ tạ ơn 40 năm của thuyền nhân người Việt tại tiểu bang Hessen. Thật đáng tiếc là tôi không thể đến được vì một cuộc hẹn khác. Tuy vậy nhưng tôi vẫn được phép gửi đến cho Qúy vị một lời chúc mừng, tôi rất hạnh phúc vì chuyện này. Với phi trường Frankfurt chúng ta có một cánh cửa bước ra thế giới. Mỗi ngày có hàng ngàn du khách từ Đức và thế giới sử dụng sân bay này để đến hay đi. Bốn mươi năm trước, cho Qúy vị phi trường này cũng là một cánh cửa để đi vào một thế giới mới lạ. Từ Đông Nam Á đi vào một Châu Âu xa xôi. Việt Nam vào thời điểm đó đã trải qua vài thập kỷ chiến tranh. Thoạt nhìn thì có thể suy ra là lịch sử của hai nước chúng ta không giống khác nhau mấy. Mặc dù hai nước Đức và Việt Nam có khoảng cách nhiều ngàn cây số, nhưng xuyên qua lịch sử, chúng ta lại có rất nhiều điểm tương đồng. Những tương đồng này không phải lúc nào cũng tích cực, không ít giai đoạn cũng hiện hữu đau thương. Nhưng chính nó đã kết nối chúng ta. Giống như Đức, Việt Nam bị tách ra sau Đệ Nhị Thế Chiến. Sự chia rẽ đất nước thành một miền Bắc Việt Nam có định hướng Chủ Nghĩa Cộng sản và một miền Nam Việt Nam với ý tưởng tự do Tây phương. Và tại Đức, chuyện đó cũng diễn ra với Cộng hòa Liên bang Đức (BRD) và Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR). Việt Nam trở thành một đấu trường cho chiến tranh lạnh. Khi nghĩ về chiến tranh Việt Nam, trước mắt tôi hiện ra  hình ảnh của bé gái Kim Phúc đang khóc, em thoát khỏi lần dội bom với những vết phỏng nặng. Hình ảnh này, do nhiếp ảnh gia Nick Uts tình cờ chụp được, đã lan đi khắp thế giới và cho đến ngày hôm nay nó không những tác động nên những cảm xúc mạnh mẽ, mà còn nhắc nhở chúng ta rằng chuyện giống như vậy không bao giờ được phép  xảy ra nữa. Hôm nay Quý vị ở đây tại Frankfurt và cùng nhau tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm Thuyền nhân ở tại tiều bang Hessen. Đây là một thời gian dài. Trong bốn mươi năm qua Quý vị đã tìm được công việc, đã mang theo hay tự thành lập gia đình. Tôi thực sự rất vui mừng là nhiều người nhập cư gốc Việt đã bén rễ ở Frankfurt và Quý vị đã xác định Tiểu bang Hessen là quê hương thứ hai của Quý vị. Ngày nay chúng ta lại có những người lên thuyền, họ cố gắng trốn chạy những hoàn cảnh thảm khốc ở đất nước của họ. Các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ chưa từng có đối với chúng ta ngày hôm nay cũng vẫn nên xem là mẫu mực. Việc  mà nhiều thành phần của xã hội ngày nay  bắt đầu tranh luận về tính hợp pháp của giải cứu hàng hải một lần nữa cho chúng ta thấy rằng chúng ta phải luôn nhắc nhở bản thân mình là tất cả chúng ta có thể sống cùng nhau trong một thế giới cởi mở và khoan dung. Lịch sử của  Quý vị là ví dụ tốt nhất. Chuyện mà những thuyền nhân của bốn mươi năm trước hôm nay cùng chung tổ chức  Lễ kỷ niệm ở Frankfurt cho thấy trong nhiều thập kỷ qua chúng ta đã cùng nhau phát triển thành một cộng đồng. Tại đây tôi đặc biệt chân thành cảm ơn Quý vị trong những năm qua đã vì hiệp hội mà cũng là vì công đồng của chúng ta, đã đầu tư  tất cả bao nhiêu công sức. Tôi chúc Quý vị tối nay có một buổi Lễ tạ ơn với diễn tiến thành công và chúc cho bản thân cũng như những công việc trong tương lai của Quý vị mọi điều tốt đẹp! ---------------------------------- Lời chào mừng của thủ hiến tiểu bang Hessen Volker Bouffier Buổi lễ Tri Ân của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức Quốc „ 40 năm Cứu Giúp, Che Chở và cho Quê Hương“ Kính thưa quý vị, nhiều người ở tiểu bang Hessen biết rằng, thế nào là phải rời bỏ quê quán, phải trốn chạy và bị xua đuổi ra khỏi quê hương. Đó là những trải nghiệm mà họ cùng chia xẻ với vô số sinh linh trên thế giới. Khi hội nhập vào một môi trường mới mọi người đều phải có những nỗ lực lớn lao, người dân mới cũng như những người đã sống ở đây. Trong quá trình này những hội đoàn như Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức Quốc đóng một vai trò quan trọng nâng đỡ những đồng hương, mà hôm nay chúng ta nhìn lại lịch sử 40 năm Đức Quốc cưu mang người Việt tỵ nạn. Kính chào thân ái Volker Bouffier Thủ hiến tiểu bang Hessen --------------------------------------- Kính thưa quý vị,   Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Cộng Hòa Liên Bang Đức ngõ lời mời đến tham dự buổi cầu nguyện liên tôn và  tri ân vì nhiều ngườ i Việt tỵ  nạ n (Boat-People) đã được tiểu bang Hessen cũng như thành phố Frankfurt am Main tiếp nhận cách đây 40 năm.   Vì lý do chính trị ng ười việt nam đã trốn bằng đường biển, vượt đại dương bằng những chiếc ghe đánh cá hầu đến được bờ của của xứ ngoài. Những người sống sót của những cuộc  vượt biển này đã được đưa vào các trại tỵ nạn tại các nước châu Á l ân cận. Tại đó, họ đã chờ để được đưa đến các nước định cư thứ ba qua chương trình cứu giúp của Cao Ủy Tỵ Nạn (UNHCR). Dựa trên điều luật đã được ban hành cho các hoạt động về mặt nhân đạo vào năm 1980, theo tỷ lệ phân phối, một số người trong những trại tỵ nạn đã được nhận vào Cộng Hòa Liên Bang Đức. Những người vượt biển (Boat-People) khác đã được các thuyền chuyên biệt cứu vớt trên biển và đưa thẳng về Đức. Cap Anamur là một trong những chiếc thuyền đi cứu quan trọng nhất vào thời đó.   Tính cho đến năm 1990, Cộng Hòa Liên Bang Đức đã đón nhận 45.779 người việt tỵ nạn và thân nhân trong khuôn khổ  Đoàn Tụ Gia Đình. Nhiều người trong con số đó đã đến Frankfurt và đã ở lại thành phố này cho đến ngày hôm nay.   Hôm nay, quý vị đã tề tựu về nhà thờ “Christuskirche” tại Frankfurt để cầu nguyện liên tôn. Riêng sự việc này đã biểu hiện rất rõ sự hội nhập thành công của quý vị trong những năm qua. Trong cương vị Thị Trưởng của thành phố Frankfurt, tôi rất hãnh diện, khi quý vị cảm thấy thoải mái khi sống ở đây.   Hôm nay, quý vị muốn tri ân những người làm việc vô vị lợi đã giúp đỡ và sát cánh với quý vị. Cho đến hôm nay, quý vị vẫn còn giữ được liên lạc với rất nhiều người đó.   Nhân dịp này, tôi muốn cảm ơn quý vị đã cho thành phố Frankfurt am Main, tiểu bang Hessen và nước Đức cơ hội để trở thành quê hương của quý vị. Đất nước này ngày xưa rất xa lạ đối với quý vị, và đại đa số trong quý vị muốn đến một nước tiếp nhận khác. Mặc dù vậy, một khi đã đến tiểu bang Hessen, quý vị đã hội nhập một cách tuyệt hảo. Quý vị là một tấm gương lý tưởng cho sự hội nhập tốt.   Peter Feldmann Thị Trưởng Thành Phố Frankfurt am Main
......

Đức quốc: Người Việt sinh hoạt tưởng niệm Quốc Hận lần thứ 44

Ngày thứ Bảy, 27/4/2019, mặc dù thời tiết xấu hầu như trên toàn nước Đức, nhưng cũng không làm sờn lòng người Việt từ các nơi trên nước Đức như Bremen, Hamburg, Essen, Krefeld, Mannheim, Mönchengladbach, Köln, München, Odenwald, Damstadt, Wiesbaden,…kéo về trước Tổng lãnh sự quán Việt cộng tại thành phố Frankfurt am Main, trung tâm tài chánh của CHLB Đức để tham dự buổi biểu tình và tuần hành nhân ngày Quốc Hận lần thứ 44 do Hội NVTNCS tại Frankfurt & vùng phụ cận tổ chức. Vào lúc 13 giờ chiều, sau nghi thức chào cờ và mặc niệm để mở đầu buổi biểu tình, ông Võ Hùng Sơn, Hội trưởng Hội NVTNCS tại Frankfurt&vpc đã ngỏ lời chào mừng đến đồng hương tham dự cũng như nói lên mục đích và ý nghĩa của cuộc biểu tình. Ông đã mạnh mẽ vạch trần tội ác của nhà cầm quyền VC và kêu gọi mọi người đoàn kết cùng đứng lên lật đổ bạo quyền Việt Cộng. Ông Võ Hùng Sơn Tiếp theo sau là những phát biểu của các đại diện các hội đoàn, tổ chức tại Đức như Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại München, Hội NVTN tại Wiesbaden, Hội Văn Hóa Phụ Nữ Tự Do VN, Ban Văn Vũ Điểm Sáng, Đảng Việt Tân, Liên Hội NVTN tại CHLB Đức,… Xen kẽ những phát biểu là những khẩu hiệu tự do, nhân quyền cho VN, đả đảo CSVN buôn dân, bán nước và những bài hát rực lửa đấu tranh. Ông Đào Văn Bất, Hội NVTNCS tại Köln      Đại diện Cộng Đồng NVTD tại München Bà Phương Thị Phi Nga, Hội Văn Hóa Phụ Nữ Tự Do VN     Một đại diện Ban Văn Vũ Điểm Sáng Ông Nguyễn Thanh Văn, Đại diện Đảng Việt Tân tại Đức. Một tham dự viên đến từ Pháp quốc Ông Nguyễn Văn Rị, Phó chủ tịch Liên Hội NVTN tại CHLB Đức. Buổi biểu tình trước Tổng lãnh sự VC chấm dứt vào lúc 15 giờ. Mọi người bắt đầu tuần hành vô phố chính của Frankfurt. Trời mưa càng lúc càng nặng hột và cộng thêm từng cơn gió rít  khiến cho nhiều bà con vừa ướt vừa lạnh. Tuy nhiên mọi người vẫn kiên trì tuần hành trong mưa gió đến Konstabler Hauptwache, địa điểm mít tinh trong phố chính Frankfurt và vừa đi vừa hô vang những khẩu hiệu Tự do cho VN (Freiheit für VN), Dân chủ cho VN (Demokratie für VN), Nhân quyền cho VN (Menschenrechte für VN). Tại Hauptwache, Ban tổ chức đã thực hiện một cuộc mít tinh ngắn bằng Đức ngữ để nói cho người bản xứ biết về ý nghĩa ngày Quốc hận 30 Tháng Tư của người Việt Nam. Buổi biểu tình và tuần hành chấm dứt vào lúc 16g30. Sau đò bà con di chuyễn về hội trường nhà thờ Christuskirche tại Merianplatz 13- 60316 Frankfurt dùng bửa cơm chiều để chuẩn bị tham dự buổi cầu nguyện liên tôn, Tri Ân 40 năm nước Đức cứu giúp thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam, hội thảo và văn nghệ do Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức tổ chức. Vào lúc 18 giờ, sau nghi thức chào cờ khai mạc các đồng bào Phật Tử, Công Giáo và Tinh Lành đã cầu nguyện cho quê hương và dân tộc theo nghi thức tôn giáo của mình trong bầu không khí linh thiêng và trang trọng. Kế đến BS Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn đã ngỏ lời chào mừng đồng bào cũng như Mục sư chánh xứ ông Uwe Saßnowski và Mục sư Nguyễn Chí Mỹ. Trong phần trình bày của mình, BS. Mỹ Lâm đã nói về tình trạng về tự do báo chí tại VN được thế giới sắp hạng gần chót 176/180; tình trạng xâm lăng của Trung cộng qua nhiều hình thức cũng như vấn đề vận động quốc hội Âu Châu lưu tâm đến nhân quyền VN khi duyệt xét thông qua Hiệp Định Tự Do Thương Mai giửa EU và VN (EVFTA),.... Trong lời đáp từ, MS. Saßnowski đã chia xẻ rằng, Đức Ki-tô đã đến để giải thoát con người hầu sống trong Tự Do. Vì thế, mỗi người đều có thể dùng Tự Do đó mà giải thoát tha nhân chúng ta đang sống trong gông cùm của bạo lực. Đại diện Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, Mục Sư Nguyễn Hoàng Hoa, cũng gửi lời chào mừng chia xẻ đến BCH Liên Hội qua tin ngắn thâu thanh. Trong buổi sinh hoạt còn có sự hiện diện và chia xẻ tâm tình của Linh Mục Đinh Xuân Minh. Từ bên phải qua: Mục sư Nguyễn Chí Mỹ, Mục sư Uwe Saßnowski và Bs. Mỹ Lâm Linh Mục Đinh Xuân Minh Đại diện chính phủ Đức qua ông Prof. Dr. Günther Krings, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ đã gửi văn thư chào mừng cũng như bà Karin Müller, Phó chủ tịch Quốc Hội tiểu bang Hessen; ông Volker Bouffier, Thủ hiến tiểu bang Hessen và ông Peter Feldmann, Tổng đô trưởng thành phố Frankfurt (xin xem bên link). Kế đến là phần hội thảo đặc sắc với nhà văn Võ Thị Hảo đến từ Berlin. Chị đã nói chuyện thân mật với đồng bào về bản chất thâm độc của chế độ Cộng Sản Việt Nam, đang đầu độc giới trẻ qua „xì ke ma túy“ loại cực mạnh và tinh vi, biến họ thành những thân xác vô hồn. Nhà văn Võ Thị Hảo Họa sĩ Lê Đức Lập trao tặng bức tranh cho Mục sư chánh xứ ông Saßnowski. Sau cùng là phần văn nghệ đấu tranh rực lửa với các anh chị tràn đầy tâm huyết cho quê hương như Vĩnh Điệp, Ngọc Nhung, Thụy Uyển, Cao Thìn, Thiên Nga, Ngọc Duy, Ngọc Sĩ và KiềuThu. Họa sĩ Lê Đức Lập đã để lại một hình ảnh tuyệt đẹp của người Việt Nam nơi giáo xứ Christuskirche bằng một bức tranh mà anh đã thực hiện ngay tại chỗ trong vòng một tiếng đồng hồ, và đã nhờ Ban chấp Hành Liên Hội trao tặng cho Mục sư chánh xứ ông Saßnowski trong tâm tình ghi ân./. Minh Hoài ghi lại Hình ảnh: Thành Phan  
......

44 năm nhìn lại 30 tháng 4 (1975-2019)

Dân sinh xuống cấp – Dân khí suy đồi – Dân phong tan tác Biến cố 30 tháng 4 năm 1975, mỗi ngày đã bị đẩy xa thêm vào quá khứ; nhưng không một ai có thể quên hay có thể xóa trong tâm thức. Cuộc chiến Việt Nam đã ngưng tiếng súng từ 44 năm qua, trên nguyên tắc hòa bình đã vãn hồi và hai miền Nam Bắc đã được thống nhất, nhưng trong thực tế lòng người ở cả hai miền chưa thực sự hàn gắn, vết thương chia cắt quốc – cộng vẫn còn rỉ máu. Đáng lý ra hàng triệu triệu người vui mừng sau cuộc chiến, cùng nhau chung sức xây dựng đất nước; nhưng những người trong cuộc – Bên Thắng lẫn Bên Thua – đã hơn 4 thập niên rồi vẫn còn đắng cay khi nói đến hai chữ giải phóng. 30 tháng 4, thật sự đã khởi đầu một bi kịch mới. Vào năm 1975, dân số cả hai miền Nam và Bắc có vào khoảng non 48 triệu người, trong khi đó dân số Thái Lan có vào khoảng 43 triệu người. Lúc đó GDP của Thái Lan là 7,4 tỷ Mỹ Kim, lợi tức bình quân một đầu người là 175 Mỹ Kim; GDP của Việt Nam ước tính 4,2 tỷ Mỹ Kim, lợi tức bình quân một đầu người bằng Miến Điện khoảng 88 Mỹ Kim. Như vậy cách nay 44 năm, lợi tức bình quân của người Thái và Việt không chênh lệch nhau bao nhiêu. Cả hai cùng xuất phát là những quốc gia nghèo, chậm tiến tại Á Châu. 44 năm sau, nhìn lại tình hình phát triển của Thái Lan và Việt Nam đã có sự chênh lệch đáng suy gẫm. Theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới vào tháng 12/2018 thì Thái Lan hiện có khoảng 70 triệu dân, GDP 530 tỷ Mỹ Kim và lợi tức bình quân đầu người là 8.190 Mỹ Kim. Trong khi đó dân số Việt Nam là 96 triệu người, nhưng GDP năm 2018 chỉ đạt 230 tỷ Mỹ Kim và lợi tức bình quân đầu người là 2.587 Mỹ Kim. Như vậy 44 năm sau phát triển, không những lợi tức bình quân của Thái Lan hơn Việt Nam 3,1 lần, mà chỉ số hạnh phúc của Thái Lan còn vượt xa Việt Nam. Theo bản Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 (2018 World Happiness Report) của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững LHQ, Việt Nam đứng thứ 95 trong khi Thái Lan sắp hạng cao hơn hẳn là 46. [Chỉ số hạnh phúc của mỗi quốc gia được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như GDP đầu người, tuổi thọ, tự do, sự ủng hộ xã hội, nhận thức về tham nhũng…10 quốc gia có chỉ số cao nhất theo thứ tự là 1/ Phần Lan; 2/ Na Uy, 3/ Đan Mạch; 4/ Iceland; 5/ Thụy Sĩ; 6/ Hà Lan; 7/ Canada; 8/ New Zealand; 9/ Thụy Điển; 10/ Úc]. Người dân Thái Lan đang làm chủ thật sự cuộc sống và bước vào ngưỡng cửa của một quốc gia đang phát triển. Trong khi Việt Nam tuy được đánh giá là nền kinh tế đang có sức thu hút đầu tư ngoại quốc rất cao so với khu vực, nhưng thực tế là người Việt Nam đang làm công cho các xí nghiệp ngoại quốc (chiếm 70% xuất khẩu), còn nền kinh tế nước nhà (gồm quốc doanh và tư doanh) thì èo uột. Hàng trăm ngàn thanh niên ra trường với bằng cử nhân, nhưng lại không tìm được công ăn việc làm ổn định trên đất nước của mình và đã phải “tranh nhau” xin đi làm lao động ở nước ngoài. Ảnh minh họa (RFA) Chính đường lối phát triển tạp nhạp của quái thai “kinh tế thị trường” và “xã hội chủ nghĩa” trong 44 năm qua, đã phát sinh ra một giai cấp mới. Đó là giai cấp tài phiệt đỏ, cấu kết nhau tham nhũng, buôn lậu… để giàu lên một cách bất chính; trong khi đó đại đa số dân chúng thì sống trong bần cùng, nghèo đói. Nói cách khác, chính hệ thống chính trị độc tài, độc tôn của đảng CSVN đã tạo ra một xã hội bất công và đầy dẫy những tệ nạn: ấu dâm, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn bán phụ nữ và trẻ em, làm ăn bất chính như cung cấp thực phẩm độc hại ra thị trường… Những hiện tượng tiêu cực này đã dần dần biến thành nét đặc thù của xã hội Việt Nam qua hình ảnh: Dân sinh xuống cấp, Dân khí suy đồi, Dân phong tan tác ngày nay. DÂN SINH XUỐNG CẤP, được biểu hiện rõ ràng nhất chính là chất lượng cuộc sống của người Việt Nam ngày nay bị đe dọa bởi nạn ung thư gia tăng nhanh chóng và thực phẩm không an toàn tràn lan trong xã hội. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), năm 2018 số ca mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 165.000 ca. Ung thư đang là một trong những thách thức sức khoẻ cộng đồng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Khoảng 40% trường hợp ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bao gồm cách ăn uống, dinh dưỡng, hoạt động thể chất. Tuy nhiên, do môi trường sống – bao gồm nước uống, khí thở và đất đai canh tác bị ô nhiễm, thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá, kiến thức vệ sinh và y tế… khiến cho tỷ lệ mắc ung thư ngày càng cao và đáng báo động. Theo báo cáo của tổ chức IQAir AirVisual, Hà Nội chỉ đứng sau Jakarta ( Indonesia) về mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: TheLeader Theo thông tin trên báo Đại Đoàn Kết, vấn đề ô nhiễm các chất độc hại trong quá trình nuôi, trồng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc để bảo quản hoa quả, rau trái được lâu, thuốc tạo nạc, các chất hóa học cho thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, từ rau quả, thực phẩm, thịt đến sữa, đồ dùng, đồ chơi… đều là những nguyên ủy làm gia tăng ung thư, các bệnh lý và cắt giảm tuổi thọ. Những năm gần đây trường hợp một gia đình có đến 3-4 người chết vì ung thư không còn là chuyện hiếm. Nhiều thôn, xóm có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao gấp nhiều lần so với mức trung bình cả nước. Ước tính, cả nước có ít là khoảng 37 làng có nguồn nước sinh hoạt và ăn uống bị ô nhiễm nặng. Trong vòng từ 5 năm đến 20 năm trở lại đây tại các xã của 37 “làng ung thư” này có tới hơn 1.100 người chết vì các bệnh ung thư và 380 người ở các xã lân cận cũng tử vong với cùng nguyên nhân. DÂN KHÍ SUY ĐỒI, được biểu hiện rõ nhất qua lối sống vô cảm, makeno, giả dối, con người không còn có sự gắn bó, cảm nhận được danh dự, lòng tự trọng hay ý thức trách nhiệm để sẵn sàng hy sinh cho nhau. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, xảy ra khoảng 16 vụ học sinh đánh nhau, trong đó có một số vụ có tính chất nghiêm trọng như nam học sinh bóp cổ cô giáo, học sinh đâm trọng thương thầy giáo chủ nhiệm. Năm học 2017-2018, có 23 vụ giáo viên vi phạm đạo đức và 6 vụ giáo viên bị xúc phạm… Mới đây bùng nổ vụ nâng điểm thi trung học phổ thông của con em cán bộ cao cấp tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã khiến cho dư luận ngao ngán. Cảnh một nhóm học sinh đánh một nữ sinh. Ảnh: Internet Khi những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục xảy ra liên tục như vậy, cho thấy là nền móng xã hội đã lung lay đến tận gốc vì giáo dục là khuôn thước để tạo dựng lên dân khí. Thật vậy, bạo lực, bạo hành hiện nay không chỉ diễn ra ở học đường mà đã lan tỏa trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Bệnh nhân tấn công bác sĩ, y tá vì cho là không chữa trị theo ý mình. Anh chị em đánh nhau, giết nhau chỉ vì cho rằng sự phân chia không công bằng tài sản để lại của cha mẹ… Bạo lực đang hình thành ở không ít gia đình nơi mà lâu nay vẫn được xem là tế bào bình yên nhất của xã hội. DÂN PHONG TAN TÁC, được biểu hiện rõ nhất qua sự biến dạng và suy đồi của các phong cách sinh hoạt cao đẹp mang tính nề nếp, tập quán lâu đời của dân tộc Việt. Xã hội Việt Nam nói chung còn rất nghèo và lạc hậu, vậy mà triền miên những ngày sau Tết toàn là những lễ hội. Đập vào mắt mọi người là những bộ lễ phục diêm dúa, khoa trương hở hang tại những nơi thờ phượng trang nghiêm. Đó là chưa kể những lễ vật và những lời cầu xin của khách thập phương khấn cầu các Thần Thánh, Thần Linh đầy màu sắc vụ lợi và mê tín dị đoan nào là cầu “chạy việc”, “chạy chức”, “chạy án”, “tạ ơn”… tại các Chùa, các Đền. Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ đã xây rất nhiều chùa giả, điện thờ giả với mục đích thu tiền công đức của du khách. Cảnh chen lấn xô đẩy tại Lễ hội Đền Gióng. Số người đến Chùa, Đền quá đông đã gây nên tình trạng quá tải, làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường, tàn phá di tích và phát sinh các hành vi tiêu cực, phạm pháp như buôn bán, giữ xe theo kiểu móc túi, chặt chém, rồi trộm cắp, giả dạng ăn xin hoành hành. Hậu quả nguy hại nhất là đã làm gia tăng tình trạng mê tín dị đoan, lối suy nghĩ và cách hành xử tiêu cực, chạy theo các giá trị vật chất hiện sinh, cách ứng xử gian dối, phủ nhận khoa học v.v… Nói cách khác là ngày nay, con người ta đến chùa chiền, lễ hội chỉ cầu lộc, cầu tài, cầu may mắn, cầu thăng quan tiến chức, bán đắt buôn may, trúng dự án, tránh thanh tra… không mấy ai cầu Trí, cầu Nhân, cầu Dũng, cầu Liêm. Giả sử có người cầu thế, không khéo sẽ bị đám đông chê cười là “không bình thường.” Tóm lại, sự hỗn loạn của xã hội Việt Nam như đã mô tả ở trên chính là do mâu thuẫn lợi ích mà đảng CSVN đã đặt ách thống trị lên toàn thể đất nước trong 44 năm qua. Giai cấp lãnh đạo xâm phạm lợi ích chính đáng của dân đen, và lợi ích của dân tộc. Chính cách hành xử duy lợi ích này của đảng độc tài cũng tạo ra một bộ phận không nhỏ trong xã hội Việt Nam sẵn sàng làm mọi chuyện vì những món lợi cỏn con, bất chấp tính mạng người khác, bất chấp luân thường đạo lý… theo đúng ngụ ngôn mai mỉa ngàn xưa “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.” Việt Nam đang mất hướng đi, không biết sẽ tới đâu, tới nơi nào trong bản đồ văn minh của thế giới loài người. Một đất nước mà người ta gọi chính quyền không những tham lam, độc ác mà còn bệnh hoạn, khốn nạn; người dân không chỉ bị xem là dân trí thấp mà còn bị gọi là vô cảm, thờ ơ trước vận mệnh dân tộc và ngay cả vận mệnh của chính mình cũng như con cháu. Một xã hội như thế đúng là Dân sinh xuống cấp – Dân khí suy đồi – Dân phong tan tác Ban Biên Tập Web Việt Tân https://viettan.org/44-nam-nhin-lai-30-thang-4-1975-2019/  
......

Hơn 2000 người Việt biểu tình tưởng niệm 30/4 tại Úc

Mai Huỳnh tường thuật! Hơn 2.000 người Việt từ khắp các tiểu bang Úc Châu đã tập trung trước Tòa Đại Sứ Việt Cộng tại thủ đô Canberra để tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/4 và lên án những sai trái của nhà cầm quyền CSVN hôm Thứ Bảy, 27 Tháng Tư, 2019. Chương trình được chính thức bắt đầu lúc 11 giờ sáng, giờ địa phương với phần nghi thức chào cờ Úc – Việt và phút mặc niệm. Ngay sau đó là phần phát biểu của ông Nguyễn Văn Bon, Chủ Tịch Cộng Đồng Ngưởi Việt Tự Do Úc Châu. Ông mạnh mẽ lên án và vạch trần tội ác của nhà cầm quyền CSVN. Kế đến là chia sẻ của các vị Chủ Tịch Cộng Đồng các tiểu bang và các vị khách mời. Đặc biệt, phần phát biểu của 2 em hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa đã nhận được sự nhiệt liệt hoan nghênh của đồng hương. Các em đã hiểu và nhận thức được những sai trái của nhà cầm quyền CSVN và thể hiện quyết tâm sẽ tiếp bước cha ông trong công cuộc đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Những khẩu hiệu “Đả đảo cộng sản Việt Nam”, “Đả đảo cộng sản hèn với giặc, ác với dân”… liên tục được hô vang ngay trước Tòa Đại Sứ Việt cộng. Ngoài ra, những nhạc phẩm ý nghĩa “Con Đường Việt Nam”, “Sài Gòn Quật Khởi” cũng góp phần làm cho chương trình thêm phần sôi nổi. Cuộc biểu tình kéo dài suốt 3 giờ đồng hồ và kết thúc tốt đẹp lúc 1 giờ chiều cùng ngày. Sau đó đoàn biểu tình đã di chuyển về Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong Úc – Việt tại Canberra để đặt vòng hoa tưởng niệm. Buổi lễ đã chấm dứt lúc 3 giờ chiều cùng ngày. Một số hình ảnh của cuộc biểu tình: https://viettan.org/uc-chau-bieu-tinh-quoc-han-30-4/
......

DẤU ẤN CHIẾC XE TĂNG 30/4 SAU 44 NĂM

Manh Kim | “Kỷ niệm” 44 năm sau ngày chiếc xe tăng húc sập cổng Dinh Độc lập, mọi thứ đều tăng. Giá xăng tăng, giá điện tăng, học phí tăng, viện phí tăng, tỷ lệ người xếp hàng xin visa nước ngoài tăng, tỷ lệ đảng viên cộng sản “bỏ của chạy lấy người” tăng… Chưa kể chùa chiền tăng, tỷ lệ mê tín dị đoan tăng, tỷ lệ hiếp dâm trẻ em tăng, tỷ lệ học sinh đánh nhau tăng, tỷ lệ trộm cắp giết người tăng, tỷ lệ tai nạn giao thông tăng, tỷ lệ nữ vị thành niên phá thai tăng… Chưa kể tỷ lệ viên chức phát biểu nhảm nhí tăng, tỷ lệ cướp đất tăng, tỷ lệ phá rừng tăng, tỷ lệ phá biển tăng... Có những thứ “tăng” kỳ lạ nữa. Tỷ lệ bỉ ổi tăng, tỷ lệ trơ trẽn tăng, tỷ lệ mặt dày tăng, tỷ lệ bất lương tăng, tỷ lệ ngụy quân tử tăng… Còn nữa, tình trạng báo chí bị bịt miệng tăng, tỷ lệ tù nhân lương tâm tăng, tỷ lệ người chết trong đồn công an tăng… Chưa hết, tỷ lệ “gia đình trị” cũng tăng! Chiếc xe tăng 30-4 đã thực hiện một “nhiệm vụ lịch sử” không thể nào kinh khủng hơn. Nó đã húc không chỉ sập một cánh cổng. Nó đã phá tan một quốc gia. Nó đã nghiền vụn một nền văn hóa. Và bánh xích của nó, vẫn đang kêu ken két, còn tiếp tục nghiến nát những thứ vốn đã bị nó nghiến banh từng mảnh! Sau 44 năm, nó vẫn cho thấy nó chỉ là cái bánh xích sét gỉ với một sức mạnh thô lỗ. Nó không có trí tuệ. Đến lúc nào đó nhiệm vụ lịch sử của nó sẽ phải khép lại. Nó - không phải hình ảnh đại diện của sự "giải phóng" mà là biểu tượng của sự hủy diệt - phải bị vứt đi. Chỉ sự biến mất vĩnh viễn của nó mới đem lại mùa xuân mới trên quê hương này.  
......

Miền Nam còn giúp miền Bắc

Sài Gòn thanh bình, tự do, dân chủ và nhân quyền trước năm 1975. (Hình: Flickr manhhai) Ngô Nhân Dụng – Người Việt Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, nhiều đồng bào miền Bắc thương họ hàng ruột thịt trong Nam đói khổ, đã đem cả thúng gạo cùng mấy cái bát, đĩa vào cứu giúp. Đến nơi mới thấy dân miền Nam, khá giả giàu có hơn mình nhiều. Có người, như nhà văn Dương Thu Hương, thì ngạc nhiên thấy đời sống trí thức ở miền Nam quá tự do. Trong tiệm bày bán cả những sách về chủ nghĩa Marx! Đó là chưa kể trong đại học Văn Khoa có những lớp dạy triết học cũng giảng tư tưởng của Karl Marx! Từ năm 1975 đến nay, cuộc sống của đồng bào miền Nam và miền Bắc ảnh hưởng lẫn nhau nhiều hơn. Chế độ cai trị từ Hà Nội đè lên trên Sài Gòn hết cục cựa; nhưng quần áo, thức ăn, ca nhạc, cho đến cách cư xử của người miền Nam có cơ hội Bắc tiến. Trên báo chí, lớp ký giả miền Bắc vào tràn ngập trong Nam đem theo những ngôn ngữ và lối viết của báo Nhân Dân, nhưng trong dân gian thì tiếng nói miền Nam cũng lan ra Bắc. Có người đã nhận xét dân miền Nam được học miền Bắc những tiếng như “thu phí,” “bao cấp,” “trấn lột”; còn người Bắc bây giờ cũng thích nói những tiếng đặc miền Nam như “hổng sao!” “hổng biết!” và “dễ thương!” Nhưng đồng bào miền Bắc chỉ nhìn thấy đời sống của người miền Nam bây giờ, chớ không biết trước năm 1975 nó như thế nào. Gần đây, người ta hay so sánh cách sống của miền Nam bây giờ khác với trước năm 1975, có lẽ bà con miền Bắc nên biết. Thí dụ, dân miền Nam trọng tình người, ăn ở tử tế với nhau, vì may mắn không phải “học tập căm thù,” căm thù cả đồng bào mình. Nhà văn Tưởng Năng Tiến mới nhắc lại câu chuyện của Lữ Phương, một người Sài Gòn đã trốn “vào bưng” theo Việt Cộng, lên tới chức thứ trưởng. Ông Lữ Phương kể, trong một bút ký đã in, rằng trong khi ông vào trong rừng chống chế độ Cộng Hòa, thì vợ con ở trong thành phố của “Ngụy” vẫn không bị trấn áp. Ông viết, “Vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh nữa. Những người quen biết đều… hết lòng giúp đỡ, che chở (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn).” Ông giải thích, “chẳng phải vì lý do … là ở đây người ta chưa có thói quen ‘chính trị hóa’ mọi quan hệ xã hội.” Câu chuyện của Lê Hiếu Đằng, kể vào lúc cuối đời sau khi đã từ bỏ đảng Cộng Sản, còn đáng suy ngẫm hơn nữa. Hồi trẻ, ông Lê Hiếu Đằng hoạt động cho Cộng Sản, bị cảnh sát Cộng Hòa bắt. Trong khi ở tù, Đằng vẫn được đem theo sách để tự học. Đến kỳ thi “Tú Tài,” tức là tốt nghiệp trung học, Lê Hiếu Đằng, và một “đồng chí”cùng bị bắt, vẫn nộp đơn xin thi. Và trong ngày thi, cả hai “tù chính trị” được cảnh sát đưa tới trường thi, làm bài, và thi đậu! Trước khi nhắm mắt lìa đời, chính Lê Hiếu Đằng công nhận rằng chế độ Cộng Hòa đối xử với “người bất đồng chính kiến” nhân đạo hơn chế độ Cộng Sản rất nhiều! Nếu đồng bào miền Bắc đọc những câu chuyện của hai người trên mà kết luận rằng ai cũng nên sống theo tinh thần “nhân đạo” của người miền Nam thì rất tốt. Nhưng nhân đạo đó chỉ là một mặt của cuộc sống miền Nam, mặt đạo đức. Mặt thứ hai cần nhìn ra, là một lối sống tôn trọng luật pháp. Bà vợ ông Lữ Phương vẫn làm việc, làm cho tòa án của nhà nước Cộng Hòa; các con ông vẫn đi học, vì luật pháp không cho ai xâm phạm những quyền tự do căn bản của họ; khi chính họ không phạm luật. Ông Lê Hiếu Đằng vẫn có quyền đi thi Tú Tài vì mới chỉ bị bắt để điều tra, chưa có tòa án nào kết tội. Lê Hiếu Đằng theo Cộng Sản, ai cũng biết, nhưng chưa bị kết án thì vẫn còn đầy đủ các quyền công dân. Tinh thần trọng pháp, đó là một điều bà con miền Bắc đáng học hỏi từ cuộc sống miền Nam. Lý do đơn giản, vì từ khi Cộng Sản cướp chính quyền, họ không cai trị mà không cần luật pháp. Trong Nam có những trường đại học luật khoa ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt và Cần Thơ cũng chuẩn bị. Trường Luật ở Hà Nội bị đóng cửa từ năm 1954. Chế độ độc tài toàn trị không dùng đến luật pháp. Năm 1956 ông Nguyễn Mạnh Tường đã giải thích cuộc cải cách Ruộng Đất của đảng Cộng Sản vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Công Lý; nhưng các lãnh tụ Cộng Sản nghe như vịt nghe sấm! Bây giờ, đảng Cộng Sản đã “đổi mới,” có trường dậy luật, có cả luật sư đoàn, nhưng cách làm việc vẫn theo lối độc tài chuyên chế! Điều quan trọng nhất là người dân ở miền Bắc vẫn chưa tạo được thói quen đòi người cầm quyền phải tôn trọng luật pháp. Dân miền Nam đã có một thời gian sống trong chế độ dân chủ tự do và nhiễm tinh thần trọng pháp cho nên bây giờ hay lên tiếng trước những cảnh bất công hơn đồng bào miền Bắc. Nhà báo Tuấn Khanh trên mạng mới kể chuyện ba phụ nữ ở Quận Thủ Đức, Sài Gòn, năm 2017 đã tố cáo vụ quan chức Cộng Sản xâm phạm một em bé gái. Nhưng “hàng chục an ninh thường phục, dân phòng, cả cảnh sát địa phương và giao thông đã chặn bắt và hành hung dã man” ba người này. Điều bi đát nhất trong câu chuyện trên không phải là cảnh một bà bị thương đầu phải đi cấp cứu, mà là câu hỏi của công an: “Đâu phải người thân của mày đâu mà mày phản ứng?” Ông công an nào hỏi câu đó chắc đã được giáo dục hoàn toàn theo lối “xã hội chủ nghĩa!” Chỉ biết sống cho mình thôi! Phải nhắm mắt trước cảnh đau khổ, bất công mà người khác gánh chịu! Sống trong một chế độ chuyên chế không biết bao nhiêu năm thì con người được đào luyện cái thói quen đó? Sau năm 1975, một người bạn tôi từ Sài Gòn về thăm làng cũ ở Thanh Hóa. Khi trở về, anh viết thư kể khi trò chuyện với họ hàng, người trong làng anh, anh thấy hầu như mọi người không ai phán đoán hành động của mình theo tiêu chuẩn “thiện, ác” nữa. Họ mất thói quen dùng các khái niệm trừu tượng này rồi. Vậy họ dùng tiêu chuẩn nào trong cuộc sống? Anh thấy họ chỉ quan tâm đến câu hỏi “Liệu có bị công an hỏi đến hay không?” “Đâu phải người thân của mày đâu mà mày phản ứng?” Đó là một quy tắc luân lý mới của chế độ công an, nhiều người quen sống như vậy dù không bị ai nhồi vào đầu! Ở miền Nam vẫn còn những người giữ thói quen “gánh giữa đàng đem quàng vào cổ.” Như ông Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Ông Đỗ Hồng Ngọc mới so sánh các nhà thương thí ở miền Nam trước 1975 với các bệnh viện trên cả nước bây giờ, sau khi chính quyền Cộng Sản bắt những người đi săn sóc bệnh nhân cũng phải đóng tiền nộp cho bộ y tế. Chắc cả thế giới không nơi nào có thể “lệ phí” như vậy! Đỗ Hồng Ngọc viết, “Ngày xưa ở miền Nam tự do, các bệnh viện công còn gọi là nhà thương thí, ở đó bệnh nhân được chữa trị không mất tiền, còn được nuôi ăn. Người nuôi bệnh có chỗ còn được cung cấp các bữa ăn, do các tổ chức xã hội phân phát… Đó là cách đối xử… nhân đạo giữa con người với nhau.” “Còn bây giờ chúng ta hành xử với nhau như thế nào?” Ông bác sĩ viết tiếp, “Đến các bệnh viện nhà nước mà xem, đa số bệnh nhân đều là người nghèo đến từ các tỉnh, có người không đủ tiền mua thuốc, và người đi nuôi bệnh thường là sống nhờ cơm từ thiện… Họ nghèo lắm, nghèo đến xác xơ… Các ngài cứ nghĩ việc tận thu, càng nhiều càng tốt, sống chết mặc bay…” Khi các ông Cộng Sản cầm đầu Bộ Y Tế bắt bệnh nhân vào “nhà thương thí” phải đóng tiền, người dân miền Nam đã ngạc nhiên. Những người như Lữ Phương, Lê Hiếu Đằng chắc ngạc nhiên nhất. Nhưng đến khi họ bắt ai đi thăm nuôi bệnh người bệnh cũng phải đóng tiền thì ai cũng phải phẫn nộ! Mấy ông Cộng Sản này là cái giống người gì đây không biết? Họ gia nhập đảng Cộng Sản vì những đặc quyền lợi ưu tiên, ưu đãi, quyền ra lệnh cho đám dân đen đóng tiền, quyền được ngồi trên pháp luật. Nếu không thì vào đảng làm cái gì? Như Tuấn Khanh kể, năm 2018 có viên quan chức ở Vũng Tàu phạm tội xâm phạm một em gái, bị tố cáo rồi lãnh mấy năm tù. Tuy tòa án Cộng Sản đã ưu đãi chỉ “giơ cao đánh khẽ,’ nhưng “thủ phạm đã tức giận đến mức đốt thẻ đảng của mình.” Anh ta tưởng đã có cái thẻ đảng làm bùa thì hiếp đáp dân lành chỉ là chuyện nhỏ! Đồng bào miền Bắc đã quen nếp sống trong chế độ như vậy lâu quá rồi. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, bà con đã dần dần thấy một cách sống khác, có vẻ giống lối sống của ông bà, tổ tiên chúng ta đời trước hơn. Và giống với trào lưu tự do dân chủ của loài người hơn. Sẽ tới lúc người ta thấy thói quen phản kháng, “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha” khiến con người cảm thấy đáng sống hơn, vì chính mình có giá trị hơn. Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc lên án chính sách tận thu của đảng Cộng Sản là “tàn nhẫn vô nhân đạo.” Nó “đẩy người bệnh đã nghèo càng khổ thêm… Họ lại phải nhịn ăn, bán thêm ruộng vườn để đáp ứng việc tận thu của các ngài. Khốn nạn thật!” Và ông đặt câu hỏi một chính phủ như thế “có còn nên tồn tại không?” Cái chính phủ đó vẫn còn tồn tại, cho đến khi nào người dân cả nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam thấy cần phải thay đổi. Có thay đổi thì chúng ta mới sống “cho ra cái giống người” như cụ Tản Đà mong ước vào đầu thế kỷ 20! Ngô Nhân Dụng Nguồn: Người Việt  
......

Bốn mươi bốn năm trước ở Sài Gòn cứ vài hôm là có xuống đường…

Trúc Giang - (VNTB)| “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM hứa với Bộ Chính trị sẽ không có biểu tình” là tít của bài viết đăng trên báo Thanh Niên điện tử phát hành vào cuối giờ chiều ngày 26-4-2019, và chỉ non tiếng đồng hồ, tít tựa này được thay đổi là “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Nỗ lực làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng”. Câu trích được chọn trình bày là điểm nhấn: “Chúng ta cần phải làm vì TP.HCM có biểu tình thì ảnh hưởng đến cả nước”, sau đó cũng được bài viết trên báo Thanh Niên ‘tháo bỏ’. Sơ sẩy của biên tập viên báo Thanh Niên, hay là…? Đoạn tường thuật sau đây cũng bị rút lại: “Từ đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành ủy, UBND TP.HCM yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM xây dựng phương án chống biểu tình, trong đó có phương án chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về TP.HCM biểu tình... Theo ông Nguyễn Thiện Nhân để biểu tình không thể diễn ra, thì chính quyền cần có phương án sẵn sàng ứng phó, truyền thông tiếp cận tuyên truyền người dân không tham gia biểu tình, tách những người dẫn dắt biểu tình và biện pháp xử lý...”. (Hãng Thông tấn của Nga Sputnik, phiên bản Việt ngữ, đã kịp lấy lại toàn văn bản tin trên báo Thanh Niên vụ ‘sẽ không có biểu tình’ đó https://vn.sputniknews.com/politics/201904267434753-bi-thu-nguyen-thien-nhan-tphcm-hua-voi-bo-chinh-tri-se-khong-co-bieu-tinh/). Lời hứa “sẽ không có biểu tình” này được ông Nhân nói với lãnh đạo Quân khu 7 cùng hơn 70 vị tướng đại diện cho 112 vị tướng nghỉ hưu và đang sinh sống ở TP.HCM trong họp mặt vào chiều ngày 26-4-2019 trong chuỗi sự kiện được gọi là ‘mừng chiến thắng 30 tháng tư’. Cam kết nói trên cho thấy đã ngang nhiên vi phạm Hiến pháp, cụ thể ở Điều 25. “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Ở vế “pháp luật quy định” của Điều 25 nói trên, thì “tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” được thể hiện tại Điều 167 của Bộ luật hình sự 2015. Điều 167 quy định: Người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân (nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều khác của bộ luật này) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm; Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm; Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ một năm đến năm năm. Sợ biểu tình là phủ nhận thành quả đấu tranh cách mạng (!?) Tạm gác qua những viện dẫn trong chuyện ông bí thư Nguyễn Thiện Nhân đang dẫm đạp lên pháp luật, ở góc nhìn khác, cho thấy quả thực nếu cam kết đó là để làm đẹp lòng Bộ Chính trị như lời của ông Nhân, thì có lẽ cả ông Nguyễn Thiện Nhân lẫn ông Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu trong bộ chính trị, đã phủ nhận những giá trị truyền thống cách mạng có được từ những cuộc biểu tình trong lịch sử; đặc biệt là ở giai đoạn từ tháng 5-1975 đến đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Sách giáo khoa hiện đang giảng dạy ở trường trung học có lược thuật, vào ngày 15-5-1975, trên toàn miền Nam đã diễn ra các cuộc mít tinh, diễu hành mừng chiến thắng. Ở Sài Gòn, hàng triệu nhân dân đã xuống đường và tham dự cuộc mít tinh lịch sử… Khi ấy, ‘hàng triệu nhân dân đã xuống đường’ ủng hộ cách mạng, thế thì cớ gì 44 năm sau, tháng tư 2019, những người cộng sản lại sợ hãi biểu tình đến mức Bộ Chính trị buộc các địa phương phải cam kết “sẽ không có biểu tình”? Tháng tư năm 1975, tôi chỉ là đứa học trò trung học. Từng nghe kể chuyện các anh, chị của mình tham gia bãi khóa, xuống đường phản đối chiến tranh diễn ra hà rầm ở Sài Gòn trước năm 1975, tôi đã mang cảm giác tò mò và háo hức đó vào những lần mà nhà trường tổ chức cho học trò cầm biểu ngữ, cờ rồi hô khẩu hiệu ủng hộ chính quyền cách mạng, ủng hộ đất nước thống nhất. Tôi còn nhớ những bận xuống đường như vậy, các thầy cô dẫn đám học trò đi một vòng lớn từ đường Ngô Tùng Châu đến Phan Văn Trị rồi xuôi Nguyễn Văn Học của quận Bình Hòa về lại khu ngã tư Xóm Gà. Những đứa bạn có cha, anh bị bắt đi học tập cải tạo, tụi nó cũng hồ hỡi trong đoàn người xuống đường ấy. Chỉ đến khi nhà trường bắt đầu tổ chức những buổi xuống đường gọi là “Bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy” thì cả thầy và trò chúng tôi linh cảm có gì đó không ổn rồi đây. Tủ sách Tuổi Hoa, từ hoa đỏ cho tới hoa tím của gia đình tôi đều bị những tốp thanh niên mang băng đỏ ở cánh tay áo vào tận nhà để xét và tuyên bố tịch thu sách vở của gia đình tôi. Tôi bắt đầu sống trong cảm giác bị khủng bố từ đó. Những lần buộc phải tham gia xuống đường ủng hộ cách mạng, không còn chút thú vị nào nữa; mà đi vì sợ… Đánh tư sản Hoa kiều Chợ Lớn cùng với những đoàn người xuống đường rầm rộ, đầy vẻ đe dọa đã khiến lứa học trò chúng tôi thời đó bắt đầu oán ghét cụm từ ‘mít tinh’ (meeting), ‘xuống đường’ của chính quyền mới ở Sài Gòn, mà giờ đây đã mang tên là Hồ Chí Minh… Rồi năm tháng đi qua. Lớn lên, được dịp tìm hiểu, tôi nhận ra dường như những lần xuống đường, những cuộc tuần hành trên đường phố sau buổi lễ ‘mít tinh’ mà bọn trẻ ngày ấy của chúng tôi tham gia, đó chỉ là theo kịch bản nhằm phục vụ mục đích của nhà cầm quyền, chứ không phải là từ nhu cầu chính trị, an sinh cần lên tiếng của cộng đồng. Và giờ, sau bốn mươi bốn năm, khi chúng tôi cần thực thi quyền biểu tình, thì đến lượt nhà cầm quyền lại hãi sợ và ra sức cấm đoán, kể cả chuyện đe nẹt trấn áp, bỏ tù bằng mọi giá như tuyên bố của ông Nguyễn Thiện Nhân hôm chiều 26-4-2019.  Như vậy, khi mà  những người đang khoác áo cộng sản còn phủ nhận những thành quả có được từ biết bao cuộc xuống đường của chính họ trong lịch sử, thì liệu họ có tự tin để quản trị đất nước đủ sức ‘sánh vai cùng các cường quốc năm châu’, mà một thời gian dài từng là khẩu hiệu treo đầy ở các lớp học?
......

Có phải sức khỏe của TBT Nguyễn Phú Trọng khiến lễ tang ông Lê Đức Anh giản dị?

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ảnh minh họa chụp năm 1995 Trung Khang, RFA! Ông Lê Mạnh Hà, con trai của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, hôm 26 tháng 4 năm 2019 có chia sẻ với báo chí trong nước, nguyện vọng của gia đình tổ chức tang lễ cho đại tướng Lê Đức Anh đơn giản, chỉ gói gọn trong một ngày, không ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Theo Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, sau thời gian lâm bệnh, đã từ trần hồi 20 giờ 10 phút ngày 22 tháng 4 năm 2019 tại Hà Nội. Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1 tháng 12 năm 1920 ở Thừa Thiên – Huế, Ông giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 1992 đến 1997. Trước đó Ông cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội.v.v…   Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 26/4, từ Sài Gòn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định: “Như vậy là tốt, tổ chức rình rang làm gián đoạn nhiều việc lắm, mà quốc tang ở Việt Nam không phải là hiếm, một năm có thể có 2 hay 3 quốc tang, mỗi quốc tang diễn ra 3, 4 ngày, có thể đình đốn lại sản xuất, vui chơi giản trí của người dân và nói chung là không cần thiết. Cho nên cũng có đề nghị là quốc tang nên làm hết sức giản dị để tiết kiệm cho ngân sách, mà ngân sách cũng là tiền của dân, không việc gì phải xài lãng phí vào quốc tang.”   Từ Nha Trang, Nhà báo Võ Văn Tạo cũng đồng quan điểm, ông cho rằng theo tập quán hiện nay của Việt Nam thì nhiều quốc tang quá. Ngoài ra theo ông, nên dùng chữ quốc tang cho những vụ việc cần thiết hơn, đó là những vụ tai nạn, thiên tai, mà có nhiều đồng bào thiệt mạng. Những sự kiện như thế nhà nước nên tuyên bố quốc tang hợp lý hơn khi cả nước rất buồn. Ông nói tiếp: “Chứ còn mấy ông tứ trụ, mấy ông lãnh đạo chết, thì ít người buồn lắm, chỉ có gia đình họ buồn, người dân chả ai buồn, bản thân tôi chả buồn gì cả.” Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng, gia đình ông Lê Đức Anh ngỏ ý muốn tổ chức lễ tang giản dị khiến công chúng chưng hửng: “Nó không thuận với tính cách không hề giản dị của ông ấy khi còn sinh thời. Tuy không sống ở TP.HCM, nhưng bản thân ông Lê Đức Anh vẫn được cấp sở hữu một dinh cơ to ngất ngưởng ở đấy. Chưa đủ, ở Hà Nội, ông vẫn chiếm một ngôi biệt thự công vụ làm nhà ở cho đến tận cuối đời. Các con ông đều được cấp nhà đất khang trang.   Trả lời chúng tôi từ Đà Nẵng, Chị Huỳnh Hằng đưa ra nhận xét liên quan tang lễ của ông Lê Đức Anh: “Tôi nghĩ, các con của Ông ấy có lẽ biết điều rồi, trong khi cách đây mấy ngày bị chửi te tua, khi đăng tin Ông mất… Nhưng hãy chờ xem lễ tang giản dị như thế nào đã. Tổ chức quốc tang vào ngày 3 tháng 5 tránh ngày lễ, để khỏi ảnh hưởng đến các ngày nghỉ của người dân, là họ hiểu Ông Lê Đức Anh không có chỗ đứng trong lòng dân, có lẽ khi Ông Lê Đức Anh ra đi thì các hạt giống đỏ của Ông ấy mới biết Ông ta là tội đồ.”   Sau khi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời, dù được hàng loạt báo chí do nhà nước kiểm soát đăng bài ca ngợi công lao và sự nghiệp của ông, nhưng các Bloggers và các trang mạng không thuộc nhà nước đã chỉ trích ông Lê Đức Anh là người khiến 64 chiến sĩ hải quân phải hy sinh khi bảo vệ Gạc Ma trong trận hải chiến với Trung Quốc hồi năm 1988. Một số nhân chứng nói rằng ông Lê Đức Anh là người đã ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng khi quân Trung Quốc chiếm đảo do Việt Nam kiểm soát ở Trường Sa năm đó.   Nghệ sĩ Kim Chi cho biết, bà gần như không quan tâm đến ông Lê Đức Anh, vì những việc ông ấy làm trong quá khứ khiến cho bà không kính trọng: “Tôi nghe người ta nói nhiều về những chuyện ổng đã làm, một trong những chuyện mà tôi bức xúc nhất là ổng ra lệnh không được chống trả trong vụ Gạc Ma. Cho đến nay, chuyện đó vẫn làm cho tôi đau lòng. Ông ấy không bình thường, kẻ thù đến thì phải chống trả, chứ sao lại để yên để người ta giết mình. Từ chuyện đó tôi coi ổng là người có tội đối với đất nước.” Ngoài ra, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, lời ngỏ ý làm lễ tang giản dị của gia đình ông Lê Đức Anh không đơn giản, mà có vẻ như một sự phản ứng của gia đình ông đối với sự chậm trễ công bố lễ tang cho ông Lê Đức Anh, do đang gặp khó khăn về việc cử trưởng ban lễ tang mà theo quy định, nhiệm vụ nghi thức ấy thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng, người đang gặp vấn đề về sức khỏe.   Từ ngày 14/4/2019, trên mạng xã hội lan truyền thông tin ông Nguyễn Phú Trọng phải nhập viện khẩn cấp khi đang làm việc ở Kiên Giang. Các thông tin từ các facebook chuyên đưa tin về chính trường Việt Nam cho biết ông bị chảy máu não. Tuy nhiên, báo chí nhà nước khi đó không có bất cứ thông tin gì khẳng định hay phản bác tin này. Mãi đến ngày 25 tháng 4, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới chính thức thừa nhận Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không được khỏe. Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định: “Có thể hiểu ngầm với nhau như thế này, tổ chức tang lễ một cách giản dị cũng có nghĩa là không nhất thiết phải có một ban lễ tang hoành tráng theo nghị định của chính phủ. Cũng không nhất thiết là trưởng ban lễ tang phải là tổng bí thư, chủ tịch nước, mà có thể là một người khác. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay là tổng bí thư chủ tịch nước đang có rất nhiều thông tin là không chỉ bệnh một cách bình thường mà có thể bị tai biến, bị đột quỵ và có thể đang nằm liệt tại chỗ, không thể làm trưởng ban lễ tang được.   Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng, việc tổ chức tang lễ một cách giản dị để tránh cho ông Nguyễn Phú Trọng khỏi phải chường mặt ra, để cho người dân biết bệnh tình của ông ấy như thế nào.
......

Pages