Câu chuyện về một người chôn Phích Trung quốc

Nguyễn Quang Thiều   Bây giờ nói đến phích con công Trung Quốc có lẽ chỉ những người ở thế hệ 60 tuổi như tôi trở lên mới biết rõ. Đó là những năm của thập kỷ 50, 60 và 70 của thế kỷ trước, miền Bắc Việt Nam ngập tràn những sản phẩm của Trung Quốc như phích, đài, quạt, xe đạp, chăn, họa báo, tranh dán tường và trước tác của Mao Trạch Đông.   Hồi đó, nhà nào có được cái phích, chiếc đài, cái xe Trung Quốc thì cũng thuộc diện gia đình đặc biệt. Nhưng có một người nông dân làng tôi, ông C. có được một cái phích con công Trung Quốc. Vì sao ông C lại có?   Vì ông có người em làm ở Bộ Ngoại giao. Ông cán bộ Bộ Ngoại giao có đi sứ ở Trung Quốc. Khi hết nhiệm kỳ trở về, ông tặng cho anh mình một cái phích Trung Quốc.   Cái phích là một tài sản lớn của ông C và cũng là niềm tự hào của ông vì có đứa em là một nhà ngoại giao. Phích là để dùng hàng ngày, nhưng ông lại ít khi dùng trừ những dịp đặc biệt trong năm. Khi không dùng đựng nước nóng, ông cho chiếc phích vào tủ kính và khóa chặt lại nhưng cứ đôi ngày lại mang ra lau chùi cẩn thận. Hễ có ai đến chơi, ông lại nói về chiếc phích và câu cuối cùng là: “Phích Trung Quốc là nhất thế giới’’.   Nhưng vào ngày 17 tháng 02 năm 1979, ông đã mất đứa con trai yêu quí của mình tại Lạng Sơn trong cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Ngày đó, làng Chùa của tôi có 5 chàng trai đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống xâm lược Trung Quốc. Khi nghe đài thông báo Trung Quốc đã tấn công toàn biên giới phía bắc, ông đã không tin vào tai mình. Ông chạy khắp làng hỏi mọi người có đúng việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam đốt phá nhà cửa và tàn sát dân thường không.   Khi biết đó là sự thật, ông đã ngã quỵ xuống sân và khóc rống lên. Và đau đớn hơn là khi ông nghe tin con trai ông đã hy sinh trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc. Ông như người tâm thần không ăn, không uống và lang thang trong làng, ngoài cánh đồng và không nói một câu gì.   Rồi đến buổi chiều hơn một tháng sau, người ta thấy ông vác một chiếc mai và tay xách chiếc phích con công Trung Quốc mà ông coi đó như một báu vật lặng lẽ ra cánh đồng. Mọi người nhìn theo ông không biết chuyện gì đang xẩy ra với ông. Đến cuối cánh đồng, ông đào một cái hố rồi ném chiếc phích Trung Quốc xuống. Lấp đất đầy chiếc hố chôn chiếc phích rồi cứ thế dậm chân lên như nèn cho thật chặt để không bao giờ phải nhìn thấy chiếc phích nữa.   Vừa dậm chân, ông vừa gào to:   ’’Tao chôn chúng mày xuống đất. Tao đời đời kiếp kiếp nguyền rủa chúng mày’’.   Mấy ngày sau người em làm cán bộ ngoại giao về thăm ông, ông nói với người em nếu không chôn hết những gì của Trung Quốc có trong nhà thì ông sẽ từ mặt người em và không bao giờ cho người em được đặt chân vào ngôi nhà của tổ tiên, ông bà họ mà ông đang trông giữ.   Tôi không biết người em ông có đủ can đảm chôn hay vứt bỏ hết những hàng hóa mà ông mang từ Trung Quốc về trong thời gian làm việc ở sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc không. Nhưng người làng tôi nói, từ sau những ngày ấy, họ rất ít thấy người em ông C về thăm ông.   Có lần, ngồi uống trà với ông C, tôi hỏi ông:   - Gia đình ông cũng có những người thân hy sinh trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ mà sao ông không mang nỗi hận thù đau đớn như đối với xâm lược Trung Quốc? Ông trợn mắt, nói như quát:   - ‘’Chú cũng học hành mà ngu. Vì sao à? Vì thằng Trung Quốc là đồ phản bội. Miệng nó nói hảo hảo nhưng mưu mô của nó với người Việt Nam độc ác hơn quỉ dữ. Hàng ngàn năm nay nó chưa bao giờ thực lòng với người Việt Nam thế mà tôi cũng ngu vì tin nó. Thà nó cứ rõ ràng như thằng Pháp, thằng Mỹ lại là chuyện khác’’.   Rồi tôi đi làm xa ít có dịp về làng. Chỉ nghe người làng kể lại rằng, thi thoảng ông vẫn ra cuối cánh đồng, nơi chôn phích Trung Quốc rồi cứ dậm chân nèn chặt đất như sợ cái phích trồi lên. Và cho đến khi chết, cứ lúc nào nhìn thấy thứ gì của Trung Quốc là ông lại gầm lên.   Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đã đi qua 40 năm. Nhưng tất cả những gì xẩy ra mới như ngày hôm qua. Không có gì và không có kẻ nào che được lịch sử. Người làng tôi thời đó hầu như đều biết câu chuyện chôn phích Trung Quốc của một người nông dân có tên là C.   Tôi nhận thấy rằng: Khi ông chôn chiếc phích Trung Quốc xuống đất lại là lúc ông mở ra một sự thật. Và tôi chỉ là người chép lại một trong hàng triệu triệu câu chuyện về thái độ của người dân Việt Nam đối với nhà cầm quyền Trung Quốc mà thôi./.
......

17 kinh nghiệm đối nhân xử thế giúp cuộc sống bình thản hơn

Hoan Pham 1. Người tổn thương ta, ta vẫn cứ mỉm cười bởi vì ta không thích so đo cùng người.   2. Người lừa gạt ta, khi ta biết rõ, nếu nhẹ nhàng thì hãy mỉm cười mà bỏ qua, nếu nặng thì ta tự giác rời xa.   3. Người bán đứng ta, hãy bảo trì quy tắc “một lần bất trung, trăm lần bất dụng”.   4. Người yêu thích ta, trong lòng ta luôn ghi nhớ và biết ơn người đã cho ta động lực.   5. Người trách mắng ta, ta cũng nên nhìn lại, nếu không đúng ta cũng đừng vì thế mà phá bỏ hình tượng của mình.   6. Người quan tâm đến ta, ta ghi nhớ hết thảy sự quan tâm này vào tận đáy lòng, có thể cái gì ta cũng không có nhưng tuyệt đối phải có lương tâm.   7. Người từng yêu ta, có đôi khi yêu lại là một loại tổn thương, nhớ kỹ tổn thương không phải là một phương thuốc hay.   8. Người bỏ rơi ta, ta sẽ không vì vậy mà hận họ bởi vì sẽ có ngày họ phát hiện ra người mà họ bỏ rơi là người mà yêu quý họ nhất!   9. Những người coi thường ta, ta không cần lưu tâm cũng không cần giữ lại trong lòng. Đôi khi giả vờ ngốc một chút cũng tốt, tự mình hiểu là được rồi.   10. Dùng tâm thái bình thản, ta sẽ nhìn thấy con người và mọi vật đều bình thản.   11. Người đối với ta luôn tính toán, khôn ngoan xảo trá, không có lương tâm, ta chỉ cần tránh xa là được.   12. Ta có thể bao dung hết thảy sai lầm của bạn bè, đừng nghĩ rằng tội lỗi kia là ta không chấp nhận được, hãy mở lòng ra, kỳ thực lòng bao dung là rất rộng lớn đấy!   13. Bất luận là lời thành tâm nào, ta cũng đều sẵn lòng nghe. Vậy ta cũng sẽ nói lời thành tâm với người để người sẵn lòng nghe ta!   14. Lúc ta buồn, bạn đến bên ta. Lúc ta vui ta muốn chia sẻ cùng bạn. Cho nên khi bạn buồn ta hãy đến bên bạn, khi bạn vui ta chia sẻ cùng bạn.   15. Phụ nữ đừng ỷ lại vào sắc đẹp, phụ nữ có tâm đẹp mới là đẹp nhất!   16. Đừng làm một người “tùy tiện” bởi vì “tùy tiện” là điều kiện tiên quyết để trở thành “thấp hèn”.   17. Đừng thành lập hạnh phúc của mình trên nỗi thống khổ của người khác, bởi vì “hạnh phúc” đó suy cho cùng cũng là một loại “thống khổ” mà bạn chưa nhận ra mà thôi!
......

Rúng động vì bài thơ "Tóc Xưa" của BS Dương Văn Thiệt - nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc

Lâm Ái   Và câu chuyện của :”Tóc xưa” :   Thi sĩ DƯƠNG VĂN THIỆT là một bác sĩ y khoa làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Sài Gòn trước 1975, ngoài chuyên môn anh cũng có tài làm thơ cho vui.   Anh lấy vợ tương đối sớm, vợ anh cũng là Sinh viên Y khoa nhưng theo ngành dược, tên Thọ Chí.   Sau 30/4/1975, anh tiếp tục làm việc trong nhà thương, nhưng phải chịu sự hành hạ của bọn tiếp quản từ miền Bắc vào.   Một thời gian sau, anh chán nản, chịu hết nổi nên tìm đường vượt biên cùng vợ và con nhỏ. May mắn được tàu Anh quốc vớt, gia đình anh được đưa vào định cư tại xứ sở Nữ hoàng năm 1979.   Sau vài năm định cư, cả anh lẫn chị đều lấy lại được bằng hành nghề. Anh chị dọn về ở Bolton, một thành phố nhỏ gần Manchester.   Chồng hành nghề bác sĩ gia đình, vợ thì làm việc cho một dược phòng. Đời sống của họ trôi qua êm đềm hạnh phúc. Các cháu đều học hành giỏi giang, tốt nghiệp đại học và đều có việc làm vững chắc.   Năm 2010 phát hiện vợ bị ung thư, bác sỹ Thiệt đã xin nghỉ việc để chăm sóc vợ và đưa cô đi du lịch nhiều nơi, nhưng bệnh chỉ kéo dài hơn 2 năm, đến giữa năm 2012 thì chị qua đời.   Chị mất đi, tinh thần Th. suy sụp đáng kể. Anh biếng ăn, ngủ không được vì cảm giác hụt hẫng, thiếu vắng hình bóng của người bạn đời đã bốn mươi năm chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau trải qua biết bao nhiêu khổ đau nguy hiểm.   Căn nhà vốn đã vắng vẻ vì các con của anh chị đều đã lớn, rời nhà đi làm xa, nay càng trống trải dễ sợ. Anh cô đơn lủi thủi ra vào, nhìn đâu cũng thấy đầy ắp kỷ niệm của chị. Nỗi đau mất mát tưởng chừng như không bao giờ nguôi. Thuở trước trong khi chị đang phải chữa bệnh ung thư bằng hoá trị và xạ trị, tóc chị rụng nhiều. Ngày nào Th. cũng phải đi vòng vòng nhặt tóc rụng của chị rơi rớt quanh nhà. Anh cũng cất giữ một số tóc rụng đó để làm kỷ niệm. Trong năm 2014 một lần tình cờ thấy được một sợi tóc của người quá cố vẫn còn vương ở lớp trong của gối. Trong cơn xúc động, anh viết một bài lục bát lấy tên là “Tóc Xưa” ..   Ngày nào nhặt tóc quanh đây Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn Sợi dài buộc mối yêu thương Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê Mượt mà một thuở tóc thề Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm .. Sợi nào đánh rớt bên thềm Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng Sợi nào sáng gội chiều hong Gió đưa hương tóc qua song cửa mành Lạc vào ngõ vắng nhà anh Quen người quen cảnh không đành rời xa .. Tóc nào đen óng hôm qua Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày Sợi nào là sợi tóc mai Lòa xòa bên trán làm ai phải lòng Để mà sáng đợi chiều trông Sợi kề bên má sợi hôn môi người.. Sợi nào từ thuở đôi mươi Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau Sợi nhìn ngày tháng qua mau Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay Tóc xưa giờ đã xa bay Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa ..   Lời thơ thật thấm thía, mỗi chữ đọc chậm tưởng như một giọt nước mắt rơi đều xuống tim, lột tả tâm trạng đau đớn của người ở lại nhớ thương người đã ra đi. Hai câu kết nghe bâng khuâng như một tiếng thở dài…   Bài thơ sau sáng tác, bác sỹ Thiệt đã gởi cho một người bạn thân thời cùng học ngành y trước năm 1975, bác sỹ Lê Văn Thu đang sống ở Úc. Vốn trân trọng tình cảm của anh Thiệt đối với người vợ quá cố và cũng rất cảm động về những lời thơ ray rứt nên anh Thu đã mạo muội viết một bức thư gởi cho nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đang sống ở Mỹ.   Thư anh Thu, đề ngày 18/2/2014, có đoạn viết:   “Tôi có một người bạn cùng lớp y khoa, hiện ở bên Anh, mới mất vợ cách đây gần 2 năm. Anh ấy rất thương vợ và đã làm rất nhiều thơ.   Khi chị ấy mất, anh đã chôn hết thơ theo vợ; nhưng mới đây, trong một lần thấy được sợi tóc của vợ sót lại bên gối, anh đã viết được một bài thơ mà chúng tôi khi đọc đều thấy xúc động.   “Biết anh là một nhạc sĩ có tài phổ nhạc – chính những bản nhạc phổ thơ của anh mà mọi người, nhất là giới sinh viên thuở trước, mới biết đến Nguyên Sa – tôi xin mạn phép gởi anh bài thơ “Tóc Xưa” để anh xem. Nếu như bài thơ gợi cho anh chút cảm hứng thì xin anh phổ nhạc giùm. Anh Thiệt không nhờ tôi, nhưng tôi vốn rất thương anh ấy qua tư cách và tình cảm của anh ấy, và đồng thời rất quí trọng Thiệt, mặc dù mới quen – thấy anh chị rất hiền hòa, đôn hậu, khiêm nhượng – nên muốn được làm trung gian để giới thiệu bài thơ đó với anh.”   Đến ngày 5/8/2014 anh Thu nhận được email của Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên với nội dung sau: “Dear anh Thu. Viết vội gửi anh bản chép tay Tóc Xưa tôi phổ từ bài thơ của anh Dương Văn Thiệt. Tiếc là sáng nay mới biết software Encore viết nhạc của tôi bị bịnh, nên không thể gửi bản máy computer viết đẹp hơn nhiều ! Như anh đã biết vì hoàn cảnh riêng, tôi đã không còn sinh hoạt âm nhạc, văn nghệ… Nhưng mến anh chị, cũng như quí tình bạn của hai anh, và nhất là tình nghĩa vợ chồng của anh Thiệt, tôi phổ nhạc bài thơ Tóc Xưa và mong đó là một kỷ niệm đẹp cho anh ấy. Thân, “Bình”(Ngô Quang Bình là tên thật của n/s Ngô Thụy Miên)   Trước nhất là bản viết tay phổ nhạc theo Tóc Xưa viết theo âm giai trưởng gắn điệu Boston. Điều đặc biệt là lời thơ được giữ nguyên văn, không sửa một chữ.   Một tuần sau, anh Thu lại nhận được bản Tóc Xưa thứ hai do Ngô Thụy Miên viết theo cung thứ cùng điệu Slow, cùng lời chú thích .. “Mong rằng khi anh vui hãy nghe version 2, và khi buồn thì nghe version 1. Đó là để cân bằng tâm hồn mình với một kỷ niệm sống mãi với thời gian và không gian…” Khi anh Thu chuyển lại cho tác giả bài thơ, anh Thiệt hai bản phổ nhạc, quá xúc động, anh Thiệt nói sẽ đóng khung bản nhạc và để bên cạnh di ảnh của vợ với hy vọng chị sẽ được an ủi về món quà đầy ý nghĩa này. Sau này, trong thư trao đổi giữa Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và Nhà thơ Dương Văn Thiệt, Ngô Thụy Miên viết:   “Hình như ở tuổi 60-70, người ta thường hay nhắc đến, hoặc dùng chữ “Xưa” như mắt xưa, áo xưa, dáng xưa, người xưa,… để kể lại một câu chuyện, để nhắc lại một ngày tháng nào ? Có phải “Xưa” đó luôn là những kỷ niệm đẹp không hề phai tàn qua năm tháng, là những nỗi nhớ nhung chẳng hề quên lãng qua bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống ?   Có lẽ trong trái tim của tất cả chúng ta, “Xưa” cũng chính là nỗi mất mát, niềm tuyệt vọng nào đó đã thoáng qua nhưng mãi ở lại vĩnh viễn trong ký ức sâu thẳm nhất của đời mình”. Trong tâm tình đó, xin chia sẻ với người nghe hai ca khúc được viết theo cung trưởng và thứ tôi đã phổ từ cùng một bài thơ của nhà thơ Dương Văn Thiệt bên trời Âu (bạn của một đồng môn Nguyễn Trãi, Lê Văn Thu)”. (Ngô Thuỵ Miên, 10/2014)   Ca khúc TÓC XƯA, sáng tác năm 2014 cũng là ca khúc cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Bài hát cùng hai version lần đầu được trình bày bởi tiếng hát của nữ ca sỹ Đoàn Thanh Tuyền, em vợ nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (tức con gái thứ của cố nghệ sĩ Đoàn Châu Mậu). Cô soạn hòa âm, đệm đàn và hát thu. Sau đó TT Thúy Nga đã ghi hình trên sân khấu PBN, bài Mắt Xưa với tiếng hát của nam danh ca Bằng Kiều cùng Version điệu Slow .. Tri ân, tôn vinh nhạc sỹ tình ca tài hoa NGÔ THỤY MIÊN trong bài viết bổ sung, gắn với bài sáng tác cuối cùng trong đời, khi cảm xúc trước TY trân quý của vị bác sỹ ko quen biết tận trời Âu dành cho người vợ quá cố Dương Văn Thiệt, nên ông đã chọn bài thơ đầy cảm xúc của thi sỹ nghiệp dư để phổ nhạc.   Mời các bạn vào đọc bài viết tổng hợp của Kyphan và tác giả Lê Văn Thu, cùng nghe nhạc khúc con tim diễm tuyệt “Tóc Xưa” qua phần trình bày của những chất giọng hay, để hoài nhớ những kỉ niêm về mái tóc người xưa cùng nhạc sỹ tài hoa Ngô Thụy Miên ..   Ca sĩ Bằng kiều : Bằng Kiều: https://youtu.be/iARV3ZYj6rw (tuyệt)
......

Thương nhớ miền Tây: Một chục không phải là 10

Với cây bẹo giới thiệu hàng hóa của chiếc ghe có lẽ là nơi xuất phát một chục có đầu. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) Lê Đại Anh Kiệt CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Khi dư luận xôn xao tin vui sắp khánh thành cầu Mỹ Thuận, nhà văn Sơn Nam viết bài “Vĩnh biệt con phà Mỹ Thuận.” Khi Sài Gòn di dời chợ đầu mối, nhà văn Võ Đắc Danh viết ký “Phiên chợ trăm năm” giã biệt chợ rau Cầu Muối… Theo quy luật cuộc sống, cái này sinh ra thì có cái khác mất đi. Lục tỉnh, miền Tây cũng vậy. Những khu công nghiệp, khu dân cư lấn át cánh đồng, con trâu không còn chỗ đứng, con diều giấy thưa dần trên bầu trời và lối sống, cách mua bán nghĩa tình nồng hậu một chục không phải là mười cũng thành ký ức của một thời.   Miền Tây đâu phải xa xôi. Cách đây hơn 20 năm, từ Sài Gòn đi về lục tỉnh, qua An Lạc, Bình Điền đã cảm nhận hơi hướng miền Tây với màu xanh đồng ruộng bao quanh những vườn xoài cổ thụ. Qua khỏi Bình Chánh đã lọt vào miền Tây đích thực với đồng lúa bạt ngàn cò bay thẳng cánh và những vườn cây xanh lặc lìa trái ngọt. Không bông ô môi, vắng hẳn tiếng chày Ngày nay cũng trên con đường ấy, hình ảnh miền Tây bị những khối nhà bê tông che khuất. Màu xanh đặc trưng của miền Tây bị những trụ khói đen, những nhà máy cấu trúc sắt thép khổng lồ băm nát. Bầu trời giăng giăng dây điện không gian bị ngăn cách nên vắng bóng cánh cò và ngay trẻ con cũng không có nơi để thả lên ước mơ bầu trời qua con diều giấy. Câu hát “Mỗi lần thấy bông ô môi nở hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón Xuân sang, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An” của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn đã trở thành cổ tích. Cây ô môi, cây gòn, cây quao, cây me tây, cây trôm hay còn gọi là lim xẹt… biết bao loại cây thân thuộc của miền Tây đã gần như tuyệt chủng theo đà công nghiệp hóa. Hai bên đường ngang Tân Ngãi đã bị nhà cao tầng che chắn, không còn thấy nhà chợ Trường An như hình ảnh đặc trưng của đất Vãng (*). Tiếng chày quết bánh phồng gõ nhịp hằng đêm cũng tắt lâu rồi. Về đâu mùa nước nổi Thiên nhiên miền Tây ngày xưa có mùa nước nổi nằm vắt ngang giữa hai mùa mưa nắng. Nước từ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ, từ biên giới phía Tây chảy tràn đồng về phía Đông ra biển mang theo bao nhiêu tôm, cá, trăn, rùa và nhiều sản vật khác nào là điên điển, cà na, bông súng, bông hẹ… đặc biệt là hàng vạn hàng triệu tấn phù sa như sữa mẹ vun bồi sức sống trù phú. Nước về chậm rãi, ở đầu nguồn một ngày đêm chỉ lên vài tấc. Người dân miền Tây nồng hậu đón chờ nước về, nước xuống và đặt tên cho nước mùa này rất thân thương là “nước bạc” nôn nao đồn đoán nước nhỏ hay nước lớn. Dọc các triền sông, kinh rạch, những hàng đáy, vó lưới mọc lên đón cá, đồng thời cũng tạo thêm nét đẹp chất thơ cho miền Tây. Từ cuối thập niên 1990 mùa nước nổi hiền hòa ấy lại bị gọi bằng cái tên phản cảm là mùa lũ. Người ta đào kinh, đắp lộ ngăn đường nước suông nên chỗ này bị ninh ngập úng, chỗ kia héo khô thiếu nước. Đến nay Trung Quôc đắp đập chặn dòng ở đầu nguồn, mùa lũ cũng không còn, miền Tây khát khao nước ngọt ngay trong mùa lũ và đang bị chìm dần trong làn sóng thủy triều. Nước biển xâm nhập càng lúc càng sâu và người dân miệt vườn chưa có khái niệm, chưa có ý thức phải thích nghi với hệ sinh thái ngập mặn theo sự chu chuyển của đất trời và của cả con người đã lạm dụng khai thác quá mức lượng nước ngầm trong lòng đất. Họp chợ trên sông. (Hình: Nguyen Vinh Quang/Pixabay) Một thời sông nước Đất đai tươi tốt, cây trái dồi dào thành hàng hóa cho các vùng miền khác, ngược lại ít làng nghề, thiếu các hàng tiểu thủ công nên nhu cầu giao lưu hàng hóa hình thành rất sớm. Con người miền Tây sông nước ngày xưa đi lại vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy là chính, họ quần tụ thành phố thị theo truyền thống trên bến dưới thuyền và cả những chợ nổi trên sông. Nhà vườn bán sỉ thậm chí bán mão, sang từng ghe hàng cho thương lái. Thương lái địa phương cũng len lỏi đến từng vườn để mua hàng. Đường xa, tốc độ đi ghe chậm, trái cây chín dễ hư, con người lại phóng khoáng nên việc mua bán rất nhanh gọn ít kỳ kèo bớt một thêm hai và phương tiện đo lường cũng vậy. Trong bốn cách cân, đo, đong, đếm thì người miệt vườn chuộng nhất là cách đếm. Nó gọn lẹ, không cần công cụ. Ngày xưa nếu có ai hỏi mua ký cam, ký quýt, ký dưa hấu sẽ là chuyện mắc cười. Từ vườn tới chợ, mua bán trái cây không ai cần đến cái cân mà chỉ đếm. Tùy theo từng loại trái, từng mặt hàng, mua sỉ mua lẻ mà có những đơn vị đếm khác nhau. Với những trái to có giá trị như dừa, dưa hấu, bưởi, mua lẻ có đơn vị là một trái, cặp (hai trái) hoặc là một chục. Mua sỉ thì tính theo đơn vị là trăm, thiên (ngàn). Bông súng, đặc sản mùa nước nổi của miền Tây. (Hình: Lê Đại Anh Kiệt) Chỉ đếm, rất hiếm đo, đong, cân Với các loại quả nhỏ như cam, quýt, xoài mua lẻ vẫn đếm bằng đơn vị trái, chục, nhưng mua sỉ thì kết hợp giữa đong và đếm. Đơn vị đong cũng là bao bì cho hàng hóa là cái cần xé (**). Người ta không đong bao nhiêu lít cam hay cân bao nhiêu ký cam mà tính đơn vị bằng cần xé. Trái cây từ vườn hái cho vô cần, đóng gói và tính tiền theo đơn vị cần. Cách này rất tiện dụng cho nhà vườn lẫn thương lái và đến lượt mình các thương lái sang hàng cho chành vựa hoặc các tiểu thương bán lẻ cũng đếm bằng cần. Hiện nay, ở các tỉnh miệt vườn, Vĩnh Long, Bến Tre… nhà vườn vẫn còn duy trì cách bán này. Không chỉ với trái cây mà ngay cả vật nuôi như gà, vịt, trứng, người miền Tây cũng tính theo phương cách đếm. Ngay cả cá con, cá giống, cũng tính theo đơn vị đếm con. Nhưng với các loại cá quá nhỏ như cá tra giống người ta cũng kết hợp giữa đong và đếm. Múc vài vợt cá, đếm mẫu xem mỗi vợt có bao nhiêu cá con và từ đó lấy con số trung bình của vợt làm đơn vị tính. Thí dụ, một vợt quy là 120 con, thì 10 vợt tính thành 1 thiên 2. Với các chế phẩm từ nông sản như bánh tráng, bánh phồng cũng tính bằng cách đếm nhưng đơn vị tính là xấp. Một xấp có thể từ 10, 20, 50 cái tùy theo từng vùng. Rau, cải bán bó. Đồ hàng bông như bắp cải, bông cải thì bán bắp, tức nguyên một cái. Lá chuối tươi, lá chuối khô để gói bánh, gói hàng thì tính theo xấp. Một xấp có bốn tàu, xé ra thành tám tờ. Người bán có lòng thì phân ra các loại lá lớn nhỏ khác nhau để theo từng xấp, vì giá khác nhau. Chuối thì tính quày (buồng), nải. Một quày có nhiều nải. Nếu mua nguyên quày thì khuyến mãi luôn những nải chót có trái nhỏ không ngon bằng các nải ở phía trên. Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/tet-2021-toyota/thuong-nho-mien-tay-mot-chuc-khong-phai-la-10/?fbclid=IwAR2LFBSavyggzgwbhg23ggaqzYWm5bYnQNGDCsEM9_VsOM_lTMlVFr0_G50  
......

Thấy bóng mẹ già mà thương, biết bao giờ bà mới gặp được con?

Mẹ Phạm Đoan Trang Nguyễn Thúy Hạnh   DẤU CHẤM HỎI   Tối mồng hai Tết, chúng tôi rủ nhau đến chúc tết mẹ của Đoan Trang. Những ngày này chắc bà nhớ thương con gái nhiều lắm. Vẫn biết gặp có thể làm phiền bà, nhưng trong lòng thôi thúc chúng tôi vẫn cứ đến dẫu chỉ được nắm tay bà, ôm bà một cái rồi đi ngay cũng mãn nguyện, để bà hiểu rằng Đoan Trang không cô đơn, không bị bỏ rơi.   Trên đường đi chúng tôi gọi cho bà nhiều cuộc điện thoại nhưng ko thấy bà nghe máy. Đành nhắn tin. Lát sau bà nhắn lại rằng bà đang đi chúc tết ko có ở nhà. Chúng tôi gọi lại luôn thì bà nghe máy, chúng tôi bảo sắp đến nơi rồi, chỉ còn khoảng 2km nữa, bà đành đồng ý để chúng tôi đến. (Nhà anh trai Đoan Trang ở xa trung tâm, bà ở với con trai).   Khi chúng tôi đến gần nhà, bỗng thấy bà đang đi trên đường, về phía chúng tôi. Mừng quá chúng tôi dừng xe, và bảo bà rằng ko phải vào nhà nữa, gặp ở đây là được rồi. Bất chợt bà ôm lấy chúng tôi, nức lên và oà khóc. Mẹ Phạm Đoan Trang   Trời lạnh giá, đường khuya không một bóng người, chúng tôi cứ đứng ôm nhau giữa ngã tư trong tiếng nức nở nghẹn ngào của bà mẹ. Bà áy náy, buồn vì không thể tiếp đón chúng tôi ở nhà. Cứ như vậy bà khóc thành tiếng, “Con ơi, các bạn con đến chơi mà mẹ ko tiếp được”, bà thốt lên rồi lại nức nở. Dường như lâu lắm rồi bà mới khóc, nước mắt lặn vào trong hôm nay mới trào ra. Chúng tôi cố kìm nước mắt, động viên bà.   Sợ đứng giữa đường lạnh, chúng tôi giục bà đi vào nhà, dẫu trong lòng bịn rịn chưa muốn chia tay.   Chúng tôi đứng lặng im nhìn theo bà, lưng còng, mỗi bước chân nhấc lên khó nhọc như thể bị gắn vào mặt đường, tiếng nức nở vẫn ko ngớt vọng lại. Rồi bóng bà khuất dần vào đêm chỉ còn mờ mờ một dấu chấm hỏi... Bao giờ trời mới sáng?  
......

Câu chuyện lịch-sử ít ai biết ?

  Vũ Toàn Thắng   Có đến 90% khả năng là bạn chưa biết gì về câu chuyện lịch sử này. Bởi vì...những bậc trí thức, học giả, những nhà nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở VN cũng không biết khi trả lời câu hỏi:   "Trước thế kỷ 20, cuộc xâm lược cuối cùng của Trung Quốc vào Việt Nam là cuộc xâm lược nào? Trong sự kiện ấy, ai là tổng chỉ huy của quân đội Trung Quốc? Ai là người đánh bại đội quân xâm lược đó?   Hầu hết người được hỏi đều trả lời: Đó là cuộc xâm lược của Mãn Thanh thời Hoàng đế Càn Long vào năm 1789, chỉ huy đội quân xâm lược là Tôn Sỹ Nghị, người đánh bại đội quân xâm lược đó là Hoàng đế Quang Trung.   Chỉ có một học giả duy nhất trả lời đúng: Cuộc xâm lược cuối cùng là vào thế kỷ 19, thời Từ Hy thái hậu của Mãn Thanh, chỉ huy đội quân xâm lược là Phùng Tử Tài, còn người đánh bại cuộc xâm lược đó của Trung Quốc là… thực dân Pháp. Tại sao hầu hết những người am tường sách vở ở Việt Nam mà tôi có dịp được hỏi lại hoàn toàn không nhớ gì về cuộc xâm lược trong thế kỷ 19 này của Trung Quốc?   Vì nó hoàn toàn bị xoá khỏi lịch sử. Nó không được dạy trong chương trình sử ở cả bậc đại học lẫn trung học.   Cuối thế kỷ 19, Việt Nam đối diện với hai siêu cường, Pháp và Mãn Thanh, một bên đến từ phương Tây, mang theo nền văn minh của chủ nghĩa tư bản, một bên là thiên triều ngàn năm vẫn đang chìm đắm trong ảo giác mình là trung tâm của thế giới.   Ngay sau khi Pháp lấy Nam Kỳ, Mãn Thanh cũng lập kế hoạch đánh chiếm miền Bắc.   Mãn Thanh quyết tâm đánh chiếm Bắc Kỳ vì Việt Nam đã suy yếu, và nhằm bảo vệ mô hình thiên triều - chư hầu ngàn năm. Pháp thì quyết lấy nốt phần còn lại. Hai bên tất yếu bước vào một cuộc đụng đầu lịch sử, dần dần đi đến chỗ đánh nhau ác liệt ngay trên lãnh thổ Việt Nam, qua một loạt trận đánh như Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang năm 1883.   Mãn Thanh đã quyết tâm đến mức dốc tổng lực đánh bại Pháp trên đất liền, chiếm toàn bộ vùng trung du phía Bắc, áp sát khu vực đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng Pháp phải từ chức. Nhưng quân Pháp lật ngược thế cờ bằng cách mở ra chiến trường trên biển, đánh chiếm đảo Đài Loan và huỷ diệt Bắc Dương hạm đội của Mãn Thanh ở Phúc Châu.   Mãn Thanh ban đầu thấy chỉ khả thi khi đặt mục tiêu giữ lại vùng Bắc Kỳ, nhưng khi phải ký vào Hiệp ước Thiên Tân 1885, Mãn Thanh buộc chấp nhận mất toàn bộ chư hầu Việt Nam.   Hiệp ước Thiên Tân 1885 giữa Pháp và Mãn Thanh đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho cả Mãn Thanh và Việt Nam.   Nếu như việc phải nhượng địa Hong Kong cho nước Anh chỉ khiến Mãn Thanh thức tỉnh về khả năng kỹ thuật của phương Tây nhưng vẫn giữ vững niềm tin vào hệ thống thiên triều - chư hầu, thì đến khi mất chư hầu Việt Nam vào tay Pháp, ý thức hệ và cấu trúc thiên triều - chư hầu của họ bị đánh tận gốc rễ.   Việc Mãn Thanh không thể giữ Việt Nam trong cấu trúc thiên triều - chư hầu đã khiến Nhật Bản, lúc này đã trở thành một cường quốc, quyết định giành lấy một chư hầu khác của Mãn Thanh là Triều Tiên. Mãn Thanh tiếp tục mất Triều Tiên trong cuộc chiến Nhật Thanh 10 năm sau đó.   Từ đó, việc cấu trúc và ý thức hệ thiên triều - chư hầu bị sụp đổ toàn diện trong thế kỷ 19 trở thành một trong những nội dung chủ yếu của ý niệm “thế kỷ ô nhục” trong chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa hiện đại.   Còn ở Việt Nam, do cuộc chiến Pháp - Thanh ảnh hưởng quá lớn đến số phận Việt Nam, nên dù xoá cuộc chiến này khỏi sách giáo khoa sử cho học sinh phổ thông, ngày nay, các sử gia ở Hà Nội vẫn phải dạy học sinh về một số điều liên quan đến cuộc chiến ấy: đội quân Cờ Đen của tướng Mãn Thanh là Lưu Vĩnh Phúc và Hiệp ước Thiên Tân 1885.   Đó là sự kiện không thể không dạy. Quân đội Lưu Vĩnh Phúc của Mãn Thanh đã lập hai chiến công là giết hai chỉ huy của Pháp trong hai trận ở Cầu Giấy, còn Hiệp ước Pháp - Thanh 1885 thì mở ra trang sử mới của Việt Nam.   Nhưng, nói về Lưu Vĩnh Phúc và Hiệp ước Pháp - Thanh mà lại không nói gì về cuộc chiến tranh quyết định quyền kiểm soát Việt Nam của hai nước Pháp - Thanh này, các sử gia của chúng ta đã cho học sinh phổ thông học một bức tranh lịch sử cận đại theo kiểu… Pháp xâm lược Việt Nam, rồi đột nhiên Mãn Thanh xuất hiện ký một hiệp ước quyết định số phận chúng ta.   Lưu Vĩnh Phúc vốn là quân Thái Bình Thiên Quốc, bị triều đình Mãn Thanh đánh bại, chạy sang Việt Nam làm thổ phỉ, gây ra vô số tội ác cho dân chúng. Triều đình Huế không thể đánh dẹp, phải nhờ Mãn Thanh đánh giúp. Nhưng khi triều đình Mãn Thanh cử quân đội vào Việt Nam để đụng đầu với Pháp, quân đội triều đình Mãn Thanh đã thâu nạp luôn đội quân thổ phỉ Lưu Vĩnh Phúc, ban cho phẩm hàm triều đình, thay vì tiêu diệt nó.   Sách giáo khoa sử lớp 7 hiện nay ở Việt Nam dùng khái niệm “quân ta” để gọi Lưu Vĩnh Phúc. Lối giáo dục này bắt đầu từ hơn 70 năm trước, khi sử gia Trần Văn Giàu và Trần Huy Liệu ở Hà Nội bắt đầu xây dựng bức tranh “lịch sử cận đại”. Lưu Vĩnh Phúc có tờ Hịch kêu gọi binh lính của mình đánh Pháp, trong đó, đoạn đầu tiên, ông nói rõ mục đích của cuộc chiến: "Việt Nam là chư hầu của Mãn Thanh, nay Pháp sang chiếm mất chư hầu của ta, ta và Pháp là kẻ thù không đội trời chung".   Sử gia Trần Văn Giàu làm gì khi trích dẫn bài Hịch này vào bộ sử “Bắc kỳ kháng Pháp”? Ông cắt bỏ đoạn mở đầu thể hiện rõ ý thức hệ và mục đích chiến tranh của họ Lưu đó đi. Nhờ thế, sử gia họ Trần dễ dàng gắn huân chương “tình hữu nghị chiến đấu của hai dân tộc Việt Trung” cho Lưu Vĩnh Phúc.   Xoá bỏ cuộc xâm lược của Mãn Thanh và cuộc chiến Pháp-Thanh vào thế kỷ 19, các sử gia miền Bắc xây dựng thế kỷ 19 theo mô hình phân đôi: một bên là thực dân Pháp xâm lược, nhà Nguyễn hèn nhát hàng giặc, một bên là “dân tộc” anh hùng kháng chiến chống ngoại xâm.   Trên cái nền bức tranh phân đôi con người làm hai tuyến, bên trái là “xâm lược phương Tây” và bên phải là “nhân dân anh hùng”, người ta lần lượt điêu khắc các nhân vật lịch sử sao cho "ăn khớp" với bức tranh ấy: Alexandre de Rhodes dĩ nhiên thuộc bên trái bức tranh, phong trào văn thân (vốn không có ý niệm về lòng ái quốc mà chỉ chống người theo đạo Thiên chúa để bảo vệ hệ thống phong kiến nơi họ có thể tìm thấy vị trí xã hội của mình) được xếp vào bên phải.   Vẽ bức tranh thế kỷ 19 theo cách ấy, các sử gia của Viện Sử học ở Hà Nội từ thập niên 1950 dễ dàng tiếp tục vẽ bức tranh của giai đoạn tiếp theo như cách chúng ta thấy trong các giáo trình “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” ngày nay: “nhân dân” tuy anh hùng nhưng không có đường lối đấu tranh đúng đắn, liên tục thất bại cho đến khi Đảng Cộng sản ra đời, mang về Việt Nam vũ khí tối tân là con đường cách mạng vô sản. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân vật trung tâm của bức tranh. Lịch sử quốc gia thế kỷ 20 được đồng nhất với lịch sử Đảng.   Cách học ấy bắt đầu từ giữa thập niên 1950, đến nay đã kéo dài khoảng 4 thế hệ.   Trần Trọng Kim, người cha của sử học hiện đại Việt Nam, 1883-1953   Cuộc chiến Pháp -Thanh và sự thất bại của Việt Nam khi bị kẹt giữa hai siêu cường ấy đã được sử gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam, Trần Trọng Kim, phân tích kỹ lưỡng trong “Việt Nam sử lược”, bộ sách giáo khoa lịch sử đầu tiên của nước Việt Nam, xuất bản vào 1919-1920. Cuốn sách này đã bị cấm ở miền Bắc sau 1954 và toàn quốc sau 1975. Nếu chấp nhận phục hồi ký ức về cuộc xâm lược của Mãn Thanh và cuộc chiến Pháp-Thanh thế kỷ 19, chúng ta sẽ phải chấp nhận bức tranh thế kỷ ấy như người cha của nền sử học Việt Nam đã khắc họa một cách khách quan: Đó là thế kỷ mà Việt Nam bị mắc kẹt vào hai gọng kìm Pháp-Thanh, bị giằng xé giữa hai mô hình “chư hầu của thiên triều phương Bắc” và “thuộc địa của thực dân phương Tây”, bị buộc phải lựa chọn giữa hai con đường “Tây phương hoá” hay “tiếp tục nằm trong vòng ảnh hưởng của vùng văn hoá chữ Hán”.   Điều đó có nghĩa là bức tranh lịch sử từ đầu thế kỷ 20 cũng cần được vẽ lại toàn bộ. Trong bức tranh này, vị trí của các lực lựợng chính trị, các phong trào xã hội, các vấn đề thuộc phạm vi tinh thần như lịch sử tư tưởng, văn hoá, văn học nghệ thuật… cũng sẽ được tái định vị một cách căn bản.   Năm 1987, sử gia Nhật Bản Tsuboi Yoshiharu xuất bản “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa”, phân tích thế kỷ 19, trọng tâm là thời Tự Đức, như là thời đại Việt Nam mắc kẹt giữa hai siêu cường. Cuốn sách được các học giả Nguyễn Đình Đầu, Bùi Trân Phượng, Tăng Văn Hỷ, Vũ Văn Kính dịch ra tiếng Việt và Trần Văn Giàu là người viết lời giới thiệu. Trần Văn Giàu đã đánh giá cách tiếp cận của Tsuboi là “mới mẻ” mà “quên” mất rằng, cách hiểu ấy về thế kỷ 19 đã ra đời ngay từ đầu thế kỷ 20, trước sử gia Nhật Bản ấy đến bảy thập niên, trong “Việt Nam sử lược”, cuốn sách mà chính các sử gia kiêm chính trị gia ở Hà Nội đã cấm đoán từ thập niên 1950 để độc quyền một cách kể chuyện lịch sử duy nhất.   Nhận thức về lịch sử (trả lời câu hỏi “chúng ta đến đây từ đâu và như thế nào?”) và lựa chọn chính trị (trả lời câu hỏi “chúng ta làm gì bây giờ?”) chỉ là hai mặt của một tờ giấy. Hiểu theo cách đó, như ta thấy qua câu chuyện phản đối đặt tên đường cho Alexandre de Rhodes nói trên, những lựa chọn của người Việt Nam hôm nay vẫn chìm đắm trong một màn sương mù của tư duy được đình hình từ giữa thế kỷ trước bởi Ban nghiên cứu Văn Sử Địa.   Lãng quên bài học thất bại khi đối diện yêu cầu lịch sử phải lựa chọn giữa Pháp - Thanh với tư cách là hai mô hình, hai thế giới, Việt Nam ngày nay tiếp tục đối diện câu hỏi ấy một lần nữa.   L’image contient peut-être : 1 personne, texte et gros plan  
......

Dưới hàng cờ đảng vinh quang- Dân lầm than!

Phạm Minh Vũ     Hôm qua ngày 8, Nguyễn phú trọng đã điện đàm với người thầy của mình là Tập để chúc mừng Tết cổ truyền.   Ngày 1-02 sau khi kết thúc đại hội đảng, ông trọng được mệnh danh là sĩ phu Bắc Kinh tiếp tục ở lại thêm nhiệm kỳ tổng bí thư lần thứ 3, vi phạm điều lệ đảng và sức khỏe hầu như không còn. Người cận kề thành thiên cổ, nhưng ông trọng vẫn cố bám víu cho thoả chí tham lam.   Những năm khi ông trọng lên nắm quyền, hầu như ông ta như một kẻ thừa thải giữa dân tộc. Là con rối cho Bắc kinh sai khiến, Tập muốn thâu tóm đất cho danh chính ngôn thuận thì ông trọng xây dựng dự luật đặc khu, tập muốn xâm lược Việt Nam khi đem giàn khoan HD981 cùng tàu chiến sang thì trọng kêu “nếu có xung đột trên biển làm sao tổ chức đại hội đảng”. Nhưng, khi người dân đóng góp ý kiến góp ý xây dựng đất nước thì ông trọng kêu “phải đấu tranh không khoan nhượng với phần tử cơ hội, phản động”, quả thật nói ông trọng hèn với giặc ác với dân quả không sai.   Lúc khai mạc hội nghị Tw 15, ông trọng khoe thành tích Việt Nam dập dịch thành công, là ý chí toàn đảng, là đảng quang vinh.   Nhưng, bắt đầu trưa nay, Thành hồ được lệnh giãn cách, cấm tụ tập đông người, Quảng Ninh Hải Dương thì nội bất xuất ngoại bất nhập. Và nhiều địa phương khác hầu như đang lo sốt vó vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hải Dương có huyện phải chặt bỏ Đào vì không bán được. Có nơi dân không bán lay- ơn phải cho bò ăn, đau lòng hơn người dân phải ăn chuột trên rừng vì không còn gì ăn.   Và thành hồ hôm nay có lệnh giãn cách đồng nghĩa với việc nông sản, cây, hoa màu mà nông dân ngày đêm chăm bón cả mấy tháng mong gỡ gạc một chút, công sức đó đã bị tan thành mây khói.   Dịch khó khăn là thế, nhưng ông trọng gọi là lãnh đạo, ăn cơm của dân mà có đoái nhìn thấu những hoàn cảnh cơ cực trong mùa Tết này không? Tổ chức đại hội xong ông trọng đã đưa quyết sách gì mang lại lợi ích cho Nhân dân? Hay đại hội xong ông mặc kệ dân ngập chìm trong khốn khổ, trong nợ nần và âu lo vì rồi đây không biết sống ra sao khi nợ chồng nợ.   Ông trọng miệng vẫn nói vinh quang, nhưng nhìn hàng quất của dân đổ sụp trước cơ quan công quyền sừng sững, đổ sụp dưới hàng cờ đảng sao mà nhói đau đến thế, dân chỉ lầm than.   Dù chính phủ ông trọng, đảng ông trọng giỏi tới đâu đi chăng nữa mà để dân lầm than, bao cảnh đau thương như thế thì tất cả chỉ là... ba xạo!   Ngày mai, Dân đón tết nước mắt thay men rượu, đống nợ nần thay cho bánh chưng xanh.
......

Cuộc hội ngộ bên song sắt bệnh xá!

  Ảnh: Luật Sư Trịnh Vĩnh Phúc   Phạm Minh Vũ   Đinh Thị Thu Thủy là một nhà hoạt động xã hội tích cực, , Chị là một người phụ nữ miệt thứ Hậu Giang dáng nhỏ nhắn và xinh đẹp, đẹp cả tâm hồn. Chị Thủy là thạc sĩ nuôi trồng thủy sản, một người mẹ đơn thân. Chị trước đây làm cho một số công ty quốc tế, với khả năng và triển vọng có được về một tương lai tươi sáng phía trước. Thấy vấn nạn ung thư đang ngày một gia tăng bởi nguồn thực phẩm bẩn, chị chấp nhận bỏ về quê nhà để làm nông nghiệp sạch, chủ vườn rau và trái cây nho nhỏ.   Chị Thủy còn mở một homeschool vì yêu trẻ nhỏ, và tự khi nào những hàng xóm ở quê chị hàng ngày đều gửi trẻ nhỏ cho chị giữ miễn phí, Mẹ Thủy không chỉ con của chị gọi, mà những em bé quanh xóm đều gọi chị như thế. Chị là một người hiền lành, chất phác và tốt tính, hàng xóm rất yêu thương vì những việc chị làm. Chị hay tổ chức những buổi dọn vệ sinh môi trường quanh khu vực chị ở cùng con chị và các em nhỏ quanh xóm, chị làm việc đó là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các con.   Ý thức trách nhiệm xã hội cao, chị không phớt lờ những hiện tượng đang xảy ra với chủ quyền đất nước, năm 2018 mùa hè đỏ lửa, cả nước sục sôi vì dự luật Đặc khu hay còn gọi là luật bán nước sắp được Quốc hội thông qua, chị đã cùng những người Dân yêu nước xuống đường phản đối, chị đã bị công an Việt nam đánh đập thậm tệ vì chị đã dám bày tỏ tình yêu quê hương.   Chị cũng hay sử dụng facebook để bày tỏ chính kiến của mình, trên phương diện xây dựng, góp ý để những chính sách công của nhà nước làm cho đúng đắn, thế nhưng, đảng cộng sản cho rằng đó là những hành động và việc làm ‘’tuyên truyền’’ chống lại họ, nên họ bắt giam và mới đây ngày 20-01-2021, phiên tòa chóng vánh ở tòa Hậu Giang đem chị ra xét xử vì tội yêu nước và bày tỏ chính kiến về môi trường cũng như xã hội với mức án 7 năm tù.   Chị Thủy chỉ thực hiện quyền công dân và bày tỏ chính kiến của mình qua mạng xã hội facebook với các bài viết – chia sẻ đều mang nội dung nhã nhặn, mang tính góp ý, xây dựng về môi trường, xã hội và chủ quyền đất Nước, biển đảo. Thủy mong tiếng nói nhỏ nhoi ấy được nhà cầm quyền lắng nghe, mong thay đổi cho quê hương đất Nước tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn và văn minh hơn.   Lâu nay tưởng rằng những ai phản quốc mới bị kết án, thế mà yêu nước lại bị bản án nặng nề, còn những kẻ phản quốc thì lại hô hào đảng vẫn vinh quang và họ gọi nhau là ‘’đồng chí’’.   Hôm nay, theo thông tin Luật Sư Trịnh Vĩnh Phúc cho biết, chị Thuỷ bị ngất xỉu trong phòng giam do bị bệnh và điều kiện sinh hoạt kém. Chị bị bệnh rối loạn tiền đình, hở van tim, thiếu canxi và mất ngủ trầm trọng...và chị đã chuyển đi cấp cứu.   Chiều 3/2, gia đình nhận được tin báo bằng thư của Trại tạm giam sau 4 ngày chị đã nhập viện.   Một cuộc hội ngộ thật cảm động mà thật xót xa, con ôm mẹ không phải trong niềm vui hạnh phúc bởi ngày con hay tin đạt học sinh giỏi, hay ngày lễ nào đó… mà cuộc hội ngộ trong song sắt trên giường bệnh, nơi không hoa càng không có bánh, chỉ nước mắt và sự nghẹn ngào cho cả đôi bên.   Bởi đâu người yêu nước thì lại bị hành hạ, đối xử tàn bạo đến thế? Chị Thủy hiền và đáng thương thế cơ mà?  
......

Xin được quỳ xuống cho các thế hệ sau được đứng thẳng

Martin Luther King quỳ gối - Ảnh tư liệu,  Đó là hành động được chính Martin Luther King thực hiện. Hôm đó, ngày 1-2-1965, khi dẫn một nhóm biểu tình trên đường đến Tòa án Dallas tại Selma (Alabama), King nghe tin hơn 250 người da màu vừa bị bắt. Và ông đã quỳ xuống để cầu nguyện. Hành động này sau đó trở thành hình ảnh có ý nghĩa như là sự cầu nguyện cho bình an…   Khách Huyền Đao|   Sáng nay, tôi bắt gặp trên Twitter cái tweet của một luật sư người Arab, đạo Hồi. Ông ta viết ngắn gọn:   "Năm 2017, đứa con 8 tuổi của tôi hỏi rằng liệu nó có bị đuổi ra khỏi nước Mỹ hay không? Sáng hôm qua, thằng con giờ đã 12 tuồi, hỏi tôi rằng đứa em gái của nó sau này có thể trở thành tổng thống Mỹ hay không?"   Dòng tâm sự này gợi lên trong tôi nhiều thứ và tôi chợt giật mình, khi nhận ra rằng chỉ sau một đêm mà Hoa Kỳ đã thay đổi quá nhiều. Một cảm giác khó tả.   Tuổi của tôi. Tánh khí của tôi. Chắc chắn sẽ không bao giờ có thể làm chánh trị hay nghĩ tới chuyện làm một viên chức của chánh phủ - dù tôi từng là nhân viên (quèn) thuộc liên bang suốt nhiều năm trời. Nhưng đọc xong dòng tweet ấy, tôi không thể không nghĩ tới mấy đứa nhỏ da màu vẫn được cha mẹ dắt đi bộ ngang nhà tôi mỗi ngày .. . Trong đám con nít quen mặt này, vàng, trắng, đen, nâu ... đủ cả. Biết đâu, một ngày nào đó, một đứa trong đám nhóc ấy sẽ trở thành những người mang trọng trách của quốc gia?   Tôi chưa từng viết bài khen ngợi Biden, dù đã phải đọc rất nhiều những comment khích tướng. Hôm qua, lúc cắm cúi chuyển ngữ bài diễn văn nhậm chức, tôi dừng lại thật lâu khi viết đến đoạn ông nói thoáng qua về buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Woodrow Wilson từ 108 năm về trước và câu chuyện đoàn diễu hành đòi quyền bình đẳng bầu cử của Woman Suffrage Procession, để rồi nhấn mạnh đến sự kiện Hoa Kỳ lần đầu tiên có một Phó Tổng thống là phụ nữ, lại còn là người da màu. Ông nhấn mạnh:   "Xin đừng nói với tôi là không thể có đổi thay."   "Đổi thay" đã từng là phương châm của Tổng thống Obama. Joe Biden là một ông già gần 70 tuổi vào lúc ông cùng tranh cử với Obama. Vậy mà ông già đó vẫn có khả năng để thay đổi, để tin vào sự thay đổi. Và niềm tin ấy vẫn nguyên vẹn cho đến 12 năm sau đó, khi tới phiên ông ngồi vào cái ghế quyền lực nhất hành tinh, ông vẫn tin rằng xã hội và con người có khả năng thay đổi cho những điều tốt đẹp hơn.   Tôi cũng là một "ông già", hay ít nhất là cũng đang bắt đầu bước vào tuổi già. Nhưng ngẫm nghĩ để so sánh thì mới thấy là chưa chắc tôi đã có được một tư tưởng cởi mở như ông già gần 80 tuổi Joe Biden. Chỉ buồn cho lớp trẻ ở quê hương của tôi, mới ngoài 30 mà đầu óc đã tự đông cứng, bảo thủ.   Hôm qua, ông già Joe Biden tuyên bố với toàn thế giới rằng "Đừng nói với tôi là không thể thay đổi" và ông ấy chứng minh cho hành động của mình qua việc bổ nhiệm Nội các của ông. Một Nội các có thể nói là đa dạng nhất từ trước tới nay. Đủ màu da, sắc tộc, giới tính.   Hoa Kỳ đang thay đổi. Việc bà Kamala Harris trở thành Phó Tổng thống là một mình chứng, và tôi chắc rằng đêm hôm qua tại Mỹ đã có hàng triệu đứa con nít da màu đi vào giấc ngủ với ước mơ và hình ảnh về một tương lai, về một ngày sẽ tới phiên chúng nó trở thành Tổng thống hay Phó Tổng thống. Trong đám con nít ấy, không thể không có những đứa nhỏ có cùng dòng máu Việt như tôi.   Ước mơ luôn miễn phí. Nhưng để có thể cấy vào tâm hồn con người ta những ước mơ vĩ đại, cao cả ... cần nhiều hơn là một bài diễn văn hay những dòng chữ trống rỗng, không bằng chứng. Cần đến những tấm gương. Cần sự hy sinh, cống hiến.   Diễn văn của Joe Biden được đúc kết bằng máu của những người da đen đã chết như Mục sư King. Bằng sự can đảm của bà Rose Park, không chịu cúi đầu từ bỏ cái ghế ngồi trên xe bus. Bằng hàng trăm, hàng ngàn thí dụ khác về sự đấu tranh bền bỉ của những người da-không-trắng.   Người Việt da vàng là sác dân định cư tại Hoa Kỳ muộn màng nhất trong tất cả các sắc dân đã cùng quần tụ để chung tay bồi đắp thêm cho cái đất nước vĩ đại này. Và chúng ta cũng là một trong các sắc dân ít nếm mùi ngược đãi vì kỳ thị nhất ở đây. Chúng ta là những người may mắn được thụ hưởng thành quả từ sự hy sinh của các sắc dân khác trước đó.   Không phải đổ máu để tranh đấu cho quyền được đối xử bình đẳng. Thì cũng xin đừng nghĩ rằng quyền thụ hưởng là mặc nhiên mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Sẽ đến một ngày, người Việt Nam sẽ cùng nhau hãnh diện khi có một Tổng thống hay Phó Tổng thống Hoa Kỳ là người gốc Việt. Tôi tin chắc như thế. Nhưng trước hết, chúng ta cần phải ghi nhớ rằng nếu không có một Kamala Harris thì sẽ không thể có một Phó Tổng thống Trần, Lê hay Nguyễn .. .. Không có cái chết của Mục sư King thì sẽ không thể có chuyện người Việt Nam được bỏ phiếu như hôm nay.   Lịch sử và quá khứ ngày hôm qua của Hoa Kỳ cũng có hình bóng người Việt Nam trong đó. Chúng ta cũng đã là một phần của lịch sử. Nếu chối bỏ lịch sử, sẽ không thể có tương lai.   Lịch sử của người da màu ở Mỹ, tuy không bắt đầu, nhưng đọng lại ở hành động quỳ gối này.      
......

Tại sao Tổng bí thư Trần Phú lại được an táng tại nghĩa trang Họ Đạo Chợ Quán?

Thao Ngoc|   Trần Phú (1904-1931), là một trong những nhà lãnh đạo tiên khởi của ĐCSVN. Ông bị mật thám Pháp bắt ngày 18/04/1931 tại 66 đường Champane (nay là đường Lý Chính Thắng, Q.3), TP.HCM, sau đó ông bị cầm tù tại bót Catina (nay là đầu đường Đồng Khởi, Q.1). Mấy tháng sau ông được phát hiện bị bệnh lao và được chuyển về chữa trị tại nhà thương Chợ Quán. Cho đến khi một sự kiện bất ngờ xảy ra đã làm sáng tỏ và giải đáp được câu hỏi trên.   Năm 1998, chính quyền TP. HCM có chủ trương di dời các nghĩa trang của các xứ đạo tại cư xá Bắc Hải trên đường CMT8, Q.10 (mỗi xứ đạo có nghĩa trang riêng tại đây). Nghĩa trang các xứ đạo được gọi là Đất Thánh và chôn cất người Công giáo. Trong số những nghĩa trang bị di dời có nghĩa trang của họ đạo Chợ Quán.   Hội đồng giáo xứ (HĐGX) họ đạo Chợ Quán thông báo cho các thân nhân tự di dời hài cốt người thân của mình. Những ngôi mộ không có thân nhân thì HĐGX lo việc cất bốc và mai táng.   Trong quá trình cất bốc các ngôi mộ không có thân nhân, đã phát hiện một ngôi mộ trên tấm bia có ghi Phê-rô Trần Phú. HĐGX báo cáo cho chính quyền sự việc trên. Chính quyền đã làm xét nghiệm AND, và xác định bộ hài cốt này là của Trần Phú, vị TBT đầu tiên của ĐCSVN. Sau đó Trung ương Đảng, UBND TP.HCM, Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức đưa rước hài cốt ông về an táng tại quê nhà: Xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.   Khoảng đầu tháng 12 năm 1998, báo Sài Gòn Giải Phóng (Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ TP. HCM) có bài đăng trên trang nhất với tựa đề :“Tại sao Đồng chí Trần Phú lại được an táng tại nghĩa trang họ đạo Chợ Quán?”   Sau khi báo loan tin khiến độc giả nhiều người thắc mắc, nhưng rồi cũng rơi vào im lặng vì không ai có câu trả lời.   Vào năm 2018, một chuyện tình cờ xảy ra: Một cụ già là lão thành cách mạng ở Trà Vinh, tình cờ phát hiện bài báo nói trên được dùng để gói thuốc bắc. Ông liền tò mò đọc và phát hiện ra sự việc. Ông là người từng hoạt động và từng bị giam cầm cùng nơi với Trần Phú bị giam trước đây. Ông đã được những người bị giam cùng thời với Trần Phú kể lại quá trình Trần Phú bị giam cầm, theo đạo, rửa tội, chết và an táng tại nhà thương Chợ Quán.   Vào ngày 03/7/2018, ông viết thư kể lại toàn bộ sự việc và gửi Cha sở họ đạo Chợ Quán, là Lm Phanxicô Lê Văn Nhạc   Lm Phanxicô Lê Văn Nhạc đã kiểm tra hồ sơ lưu trữ của giáo xứ Chợ Quán giai đoạn 1930-1940, và phát hiện trong sổ rửa tội năm 1931 có ghi tân tòng Phê-rô Trần Phú; Sau đó ông sao chụp hồ sơ lưu sổ rửa tội, bài báo đăng trên SGGP và bức thư của vị lão thành cách mạng Trà Vinh, gửi ba nơi. Một gởi cho Chính quyền TP.HCM, một gửi lên Tòa Tổng Giám mục SG, một lưu tại giáo xứ. Sau đó có người đến nói với Lm Lê Văn Nhạc rằng không được tiết lộ thông tin này. Hiện tài liệu của đảng chỉ viết: “Ngày 6 tháng 9 năm 1931, ông qua đời tại Nhà thương Chợ Quán” mà thôi.   Hiện nay tại bệnh viện Nhiệt Đới (nhà thương Chợ Quán cũ) số 764 Võ Văn Kiệt, P.1, Q.5; trên đường vào, phía tay trái có một công viên nhỏ và tượng đài Đức Mẹ. Đây là nơi các dì phước thời xưa mỗi buổi chiều đến thăm nom, chăm sóc bệnh nhân.   Vào các chiều thứ bảy hàng tuần, các dì tổ chức dạy giáo lý và có các Lm đến giải tội. Ông Trần Phú là một trong những người đã theo đạo và được rửa tội tại đây.   Phía hành lang bên phải, chính quyền đang bảo tồn khu chuồng cọp, nơi giam giữ Trần Phú trước đây. Và người ta dựng một bức tượng của ông tại đó với hàng chữ: Đ/c TRẦN PHÚ (1/5/1904-6/9/1931).   Hiện Lm Lê Văn Nhạc đã 80 tuổi. Ngài đang nghỉ hưu tại GX Hạnh Thông Tây, Gò Vấp,TP.HCM.   Lời bàn: Theo Wikipedia: “Trần Phú (1904 – 1931) là một nhà cách mạng của Việt Nam. Ông là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó có tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) khi mới 26 tuổi. Người tiền nhiệm của ông là Trịnh Đình Cửu, nguyên Phụ trách Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đã có người tiền nhiệm tại sao lại gọi Trần Phú là TBT đầu tiên? Thao Ngoc  
......

Họ là tù nhân lương tâm xin đừng quên họ

  Trần Hoàng Yến Trước giờ mình chỉ hiểu loáng thoáng chữ tù nhân lương tâm (TNLT), cứ nghĩ những người làm chính trị hay sĩ quan trước 75 thì gọi là tù chính trị, còn sau 75 thì những người tranh đấu cho dân chủ gọi là TNLT. Một anh lớn giải thích vì sao mình thường gọi những nhà đấu tranh là TNLT, vì họ hành động đúng theo lương tâm của họ, có nghĩa là mình đòi hỏi quyền con người, quyền tự do ý kiến, quyền lập hội, vv... Tù nhân chính trị có thể hiểu là "làm chính trị”, để ra ứng cử, để lên nắm quyền,... thì ít được sự quan tâm của thế giới bằng đấu tranh cho nhân quyền. Cái quyền con người mà tất cả mọi người trên thế giới đều phải công nhận. Chỉ vì họ yêu quê hương, yêu đất nước mong muốn có một xã hội minh bạch, môi trường trong sạch, không phải dùng thực phẩm bẩn...Họ không nghĩ chỉ vì vậy mà bị bỏ tù, vấn nạn này chỉ có ở những nước CS như VN. . Những năm gần đây mình thấy nhiều người bị chính quyền kết tội và bỏ tù với những bản án nặng nề, từ 7-20 năm tù, những người công dân yêu nước với mong muốn tốt đẹp cho đất nước. Thay vì lắng nghe tiếng nói của người dân thì chính quyền lại dập tiếng nói của họ, bắt bớ và bỏ tù với những tội danh "gây rối trật tự hoặc phản động". Không những bỏ tù những người yêu nước ấy, nhà cầm quyền còn hành hạ cả gia đình bên ngoài của TNLT. Một trong những cách họ hay làm nhất là đưa các TNLT đến những nơi xa nhà nhất cốt tạo khó khăn cho gia đình trong việc thăm nuôi. Và như khi xưa họ cũng từng ngược đãi với những sỹ quan VNCH, những tướng tá trong Nam thì họ đày ra Bắc để cho gia đình không thể đi xa thăm nuôi chồng. Nhiều gia đình vì con còn quá nhỏ người vợ phải lo tảo tần kiếm cơm cho con, đầu tắc mặt tối thì có thời gian đâu để đi thăm nuôi chồng và cũng không thể bỏ con ở nhà, nên những lần thăm nuôi rất ít, nghĩ lại mình cảm thấy thương cho ba mình và những người lính VNCH ngày xưa cùng những TNLT ngày nay. Nhà thơ Trần Đức Thạch ngoài Bắc thì họ đày vô trong Nam. Vợ anh phải đi hơn 4000km và mỗi lần đi là 3-4 ngày, mà khi gặp thì chỉ được nói chuyện 30 -60 phút, nhiều Công An đứng giám sát và nghe điện thoại nếu thấy nói chuyện bên ngoài xã hội nhiều quá thì họ cảnh cáo và bắt ngưng, có khi bị cúp ngang khi mới gặp nhau 10-20 phút. Vì thế mấy chị phải khéo lắm để hy vọng được nói chuyện với chồng 60 phút. Nghe kể thấy thương các chị quá! Lúc xưa họ cũng bắt ba mình đi tù sau 75, mẹ thì đi bán suốt ngày, các chị em mình coi như thiếu tình thương và sự dạy dỗ của cả cha lẫn mẹ nên giờ nhìn thấy cảnh những gia đình TNLT có con còn nhỏ, những đứa trẻ sẽ mất đi tình yêu thương của mẹ hay cha nên mình thấy thương và đồng cảm với họ, nhất là những người phụ nữ đơn thân có con còn rất nhỏ! Ngoài những TNLT nổi tiếng, được nhiều người quan tâm, còn biết bao TNLT cô đơn, không được ai biết đến. Một người bạn kể mình nghe, trong đợt thăm nuôi kỳ trước, cô gặp một nữ TNLT tâm sự rằng cô không được ai thăm nuôi. Nghe câu này mình thấy buồn và rất đau lòng, ai đã làm cha, mẹ thì chắc chắn sẽ hiểu được nổi đau của câu nói đó. Họ cảm thấy đơn độc và bị bỏ rơi hay nói chung là bị lãng quên. Mình nghĩ còn rất nhiều người đấu tranh cho quyền con người cũng có cùng hoàn cảnh như người nữ TNLT cô đơn kia. Mong rằng những người quen biết họ, giới thiệu cho cộng đồng biết những hoàn cảnh như vậy để họ được quan tâm giúp đỡ hơn. Thời gian gân đây vì những chuyện bầu cử của nước Mỹ mà nhiều người quên đi những người đấu tranh trong nước đang bị bắt bớ, tù đày. Họ rất cần sự quan tâm, động viên, những lời an ủi, những giúp đỡ từ các anh, chị, em hải ngoại cũng như trong nước. Họ là những người rất đáng thương và rất đáng được trân trọng, xin đừng quên họ.
......

Công chúa Nguyễn Phúc Phương Mai - con gái đầu của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương qua đời

Công chúa Phương Mai cùng cha là cựu hoàng Bảo Đại tại Giải đua xe công thức 1 ở Monza (Ý) năm 1955 Nhung Cong Ton Nu|   Công chúa Nguyễn Phúc Phương Mai - con gái đầu của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương đã qua đời vào ngày 16/01/2021 tại Louveciennes - ngoại ô Paris Pháp thọ 83 tuổi - Tạp chí Paris Match - Pháp loan tin - Princess Phuong Mai - the first daughter of King Bao Dai and Queen Nam Phương - has died in France on 16 January 2021 with the age of 83 ! Công chúa Nguyễn Phúc Phương Mai   Những ngày cuối đời Bà sống cùng với Em gái của Bà là Công chúa Nguyễn Phúc Phương Dung ở Louveciennes - ngoại ô Paris - Pháp   Tang lễ của Công chúa Phương Mai được Người Thân tổ chức lặng lẽ hôm 21/01/2021 và Cáo phó của Bà được đăng trên Nhật báo Le Figaro của Pháp hôm đó. Trong Bản tin Cáo phó có tên 2 người con của Bà cùng 2 người cháu , ngoài ra còn có tên 2 người Em gái của Bà là Công chúa Nguyễn Phúc Phương Liên và Công chúa Nguyễn Phúc Phương Dung cùng Người Anh trai và Người Em trai (đã qua đời) là Hoàng Thái tử Bảo Long và Hoàng tử Bảo Thắng Từ trái qua: Hoàng hậu Nam Phương, hoàng thái tử Bảo Long, thái hậu Đoan Huy bế cháu gái là công chúa Phương Mai và hoàng đế Bảo Đại. Ảnh: Eurohistory Journal Năm 1947, Hoàng hậu Nam Phương rời Việt Nam cùng với 5 người con của Bà và sống tại Chateau Thorens , ngoại ô của Thành phố Cannes (Pháp) . Vào khoảng giữa năm 1949 - 1953 , Công chúa Phương Mai được học tại Pháp và sau đó trở về Việt Nam học tại Trường Nữ tu Convent des Oiseaux ở Đà Lạt - nơi Vua Bảo Đại đặt là Hoàng triều Cương thổ   Tháng 8 năm 1971, Công chúa Phương Mai kết hôn với Doanh nhân người Ý làm trong ngành may mặc là Pietro Badoglio - Công tước Xứ Addis Abeba thứ nhì và Hầu tước Xứ Sabotino thứ nhì, cháu nội của Pietro Badoglio, Thủ tướng thứ 28 của Nước Ý   Họ đã có 2 con là : Don Flavio Badoglio - Công tước Xứ Addis Abeba thứ ba (sinh tháng 3 năm 1973) và Donna Manuela Badoglio (sinh tháng 6 năm 1979) . Chồng Bà qua đời năm 1992 Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu Hoàng hậu Nam Phương và 5 người con: Hoàng thái tử Bảo Long, công chúa Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung và hoàng tử Bảo Thăng khi mới sang Pháp. Ảnh chụp tại lâu đài Thorenc khoảng 1950. Nguồn: Ảnh tư liệu.    
......

Quỹ 50K: Khi tình thương bị bức tử

Chị Nguyễn Thúy Hạnh: Ai mua bưởi vườn Trịnh Bá Tư nào! Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Tuấn Khanh's Blog| Chỉ trong hai tuần đầu năm 2021, người ta đã chứng kiến rất nhiều điều diễn ra: các án tù cho những nhà báo công dân, người bị tạm giam chết lạ lùng trong đồn công an… nhưng thầm lặng và ít người để ý đến, đó là cái chết của một quỹ từ thiện ở miền Bắc Việt Nam, vốn hoạt động chỉ để giúp cho các tù nhân lương tâm và gia đình khó khăn của họ. Đó là quỹ 50K của chị Nguyễn Thúy Hạnh, một phụ nữ không có mục đích chính trị nào, đảng phái nào… ngoài việc chị muốn chia sẻ những khổ đau và bất công với những người mà chị nhìn thấy. Thế nhưng, công việc tầm thường đó ở Hà Nội đã gặp phải không biết bao nhiêu sự ngăn trở, đe dọa, thậm chí bị chụp mũ như là một kẻ kinh tài cho bọn khủng bố. Cuối năm 2020, chị Nguyễn Thúy Hạnh bị công an Hà Nội triệu tập liên tục, với nhiều lý do khác nhau, căng thẳng đến mức chị suýt đột quỵ. Mục đích của nhà cầm quyền chỉ là muốn chị phải chấm dứt ngay việc nhận giúp đỡ các tù nhân lương tâm. Cuộc trò chuyện dưới đây sẽ làm rõ thêm một số điều, cũng như ghi lại lịch sử về một quỹ từ thiện và tình đồng bào đã bị bức tử như thế nào.     *** Được biết vào cuối năm ngoái, chị đã bị công an triệu tập rất nhiều lần về vấn đề gây quỹ từ thiện 50K? Trên Facebook của mình, chị có nói rằng quỹ 50K đang gặp khó khăn rất nhiều từ phía chính quyền? Quỹ từ thiện 50K thì ngay từ đầu khi hình thành đã bị làm khó dễ mà, chứ không phải riêng lúc này. Suốt thời gian đấy cho đến giờ là luôn luôn bị làm khó dễ. Nhưng công an họ không nói thẳng ra, mà họ lấy đủ các lý do để ép quỹ 50K phải chấm dứt hoạt động. Nhưng đến hiện nay, mới thực sự quá căng thẳng, và tôi phải gọi là tạm ngừng hoạt động. Hồi tháng 12/2020, có lẽ là đỉnh cao của chiến dịch, tôi được biết nhà cầm quyền đến trực tiếp từng nhà của các tù nhân lương tâm để buộc không được nhận tiền giúp đỡ. Họ đe dọa, ngăn cấm các gia đình ấy là không được liên lạc hay nhận tiền từ thiện từ quỹ 50K. Nhưng với chị, họ có yêu cầu chính thức việc ngừng hoạt động quỹ từ thiện này không? À, chính thức thì không, nhưng họ làm các động tác như khủng bố tinh thần. Nghĩa là họ canh gác ở cửa nhà mình suốt. Bắt đầu từ hồi tháng 1/2020, khi xảy ra vụ Đồng Tâm cho đến tận tháng 11 vừa rồi. Họ canh gác ở nhà, có lúc không cho đi ra ngoài, có lúc ra được thì họ đi theo suốt. Tài khoản ngân hàng dùng làm từ thiện thì họ chặn tất cả các đường gửi tiền vào. Nhiều người gửi ủng hộ quỹ 50K cho biết họ được thông báo là tài khoản của quỹ được thông báo tự động là không tồn tại. Những gia đình đó kể lại với chị như vậy? Hầu hết là mọi người đều nói lại với mình, nội dung giống nhau là công an đã đến tận nhà đe dọa, điều tra… Chẳng hạn như gia đình tù nhân Huỳnh Trương Ca vừa bị công an đến. Còn mới nhất là gia đình của hai cha con tù nhân tôn giáo (đạo Hòa Hảo) là Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm, gọi nói là chắc không dám nhận nữa vì bị công an gọi điện hăm dọa liên tục. Chị Dung ở Đồng Nai thì nói công an gọi lên thẩm vấn như tội phạm, hỏi là vì sao được nhận, rồi nhận như thế nào…  Chưa kể đến là họ tổ chức viết nhiều bài để bôi nhọ, nói rằng tôi biển thủ quỹ 50K, ăn xài xa xỉ… nhưng chuyện ấy thì kệ họ đi, không ai quan tâm. Nhưng còn đối với những gia đình không chịu lùi bước, quyết vẫn nhận liên lạc và xin giúp đỡ, thì họ bị công an địa phương hăm dọa là cứ như vậy thì đừng trách người trong tù gặp khó. Chính là vợ của anh Huỳnh Trương Ca đấy, khi quyết vẫn nhận tiền giúp thăm nuôi, thì khi đến trại, trại giam lấy cớ là do phát hiện ở với nhau không hôn thú nên từ giờ không cho chị ấy đi thăm nuôi nữa. Những lần gần đây, công an triệu tập chị và đòi hỏi gì ở quỹ 50K? Họ bắt tôi đến, hỏi về việc tôi trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, mở lại băng ghi âm và bắt tôi nghe lại. Rồi họ hỏi tôi đã hoạt động như thế nào, nhận tiền ở đâu. Nhưng tôi có gì nói nấy, rằng tôi chỉ nhận tiền từ thiện thôi, ai cho thì nhận, chứ không có tổ chức nào tài trợ riêng cho tôi cả. Nhưng với một quỹ từ thiện bình thường, thì phía công an có nói vì sao họ gây khó khăn cho chị như vậy không? Họ chỉ nói là tôi nhận tiền từ nước ngoài, và chính vì vậy, là cách mà bọn phản động chuyển từ nước ngoài về để tài trợ cho những kế hoạch hành động chống phá nhà nước. Tôi có hỏi họ rằng các anh các chị thử trả lời tôi xem là các điều luật nào cấm người ta làm từ thiện? Thế nhưng họ lại không nghe. Công an lại hỏi tôi là vì sao không giúp cho những người bình thường mà chỉ giúp cho những người đã bị nhà nước bỏ tù; tôi có nói là những người này là họ bị kỳ thị, họ bị vu khống, gia đình họ bị khống chế và họ bị cản trở… thậm chí người thân của họ cũng bị cản trở việc làm ăn kinh doanh, cho nên những người đó không được ai giúp đỡ cả. Họ là những trường hợp đặc biệt, nên tôi chỉ tập trung các vấn đề tù nhân lương tâm thôi. Trong những lần làm việc mới đây với công an, có bao giờ chị đặt vấn đề là cái tiền phúng điếu hơn 500 triệu dành cho cụ Lê Đình Kình, vì sao họ giữ mà tới giờ mà vẫn không giải ngân trả lại trong tài khoản cho chị? Họ trả lời loa qua lắm. Họ nói tiền đấy là tiền tài trợ cho khủng bố ở Đồng Tâm. Vừa rồi sau khi Tòa xử xong, không có người nào có tội danh khủng bố cả, thì tôi lại lại viết đơn yêu cầu là phải giải chấp tiền phúng điếu. Thế nhưng ngân hàng vẫn im lặng. Khi tôi hỏi công an thì họ lại vẫn cứ trả lời loanh quanh là tiền cần giữ ở đó, vì nhỡ có khi người gửi phúng điếu, nay đổi ý không thích cụ Kình nữa mà muốn lấy lại. Tôi nói cứ giải ngân, tôi chịu trách nhiệm, họ lại lờ đi. Đầu năm 2021, với những người quan tâm đến quỹ 50K và với cả chị nữa, chị muốn nói gì? Vâng, một năm qua, hậu quả của một năm bị khủng bố tinh thần liên tục, khiến tôi bị trầm cảm nặng quá. Thế nên tôi đành phải tạm dừng lại. Tôi có chính thức thông báo trên Facebook là từ đây là quỹ từ thiện 50K là tạm ngưng, và mọi người tạm đừng gửi tiền – vì gửi họ cũng không cho nhận đâu. Tôi chuyển sang việc khác mà nghĩ là có ích trong lúc này, chẳng hạn, tôi kêu gọi cùng mua giúp cho vườn bưởi của nhà chị Cấn Thị Thêu. Rất vui là mọi người vẫn theo dõi và luôn ủng hộ, nên vừa rồi mặc dù việc buôn bán bưởi khó khăn nói chung nhưng gia đình của chị Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương cũng vượt qua được. Nhiều khi tôi nghĩ đến những gia đình tù nhân lương tâm mà tôi vẫn giúp, nhưng lại không giúp được cho họ lúc này mà lòng đau như cắt. Thật lòng mà nói, có những gia đình mỗi tháng tựa vào vài trăm ngàn của quỹ 50K là cách sống duy nhất của họ mà thôi, Không biết lúc này họ phải xoay sở như thế nào. Tôi cũng muốn nói với những người công an, rằng lòng nhân đạo là thứ cuối cùng không thể bị tước đoạt. Việc giam giữ và chia cắt gia đình của những tù nhân lương tâm đã là một hành động sai trái, nay còn tiến đến việc cắt đứt đường sống của họ nữa, thì đó là một việc làm dã man vô nhân đạo. Chính quyền này muốn tồn tại trong lòng dân thì họ phải thay đổi. Tuấn Khanh (ghi) Nguồn: tuankhanh's blog  
......

Vì sao thuyết âm mưu, fake news tồn tại?

PGS.TS Nguyễn Phương Mai| Trong bữa tiệc năm mới, tôi tình cờ nói chuyện với một người bạn tin rằng lịch sử loài người đã và đang bị những sinh vật ngoài hành tinh trông giống như thằn lằn (reptilian humanoid/ lizard people) thống trị. Những sinh vật khổng lồ này tới Trái Đất bằng UFO, hoá thân thành tầng lớp lãnh đạo với mục đích biến loài người thành nô lệ. Những con thằn lằn trá hình này là vô số các vua chúa trong quá khứ, tiếp nối bằng tầng lớp tinh hoa, tư sản, giàu có và quyền lực thời hiện đại như Nữ hoàng Anh, Obama, Madonna, Katy Perry, Justin Bieber, và cựu tổng thống Trump. Bạn tôi không cô đơn. Chỉ trong nội vi nước Mỹ đã có tới 4% dân số, tức là khoảng 12 triệu người, tin chắc như đinh đóng cột rằng thằn lằn đội lốt người đang làm bá chủ thế giới, và 7% dân số còn lưỡng lự và tin rằng điều này hoàn toàn có thể đang xảy ra. Thuyết âm mưu là gì và đặc điểm của nó ra sao? Những thuyết âm mưu như vậy nhiều vô kể, nhưng tựu trung lại đều mang hai đặc điểm: (1) Thuyết nhắm tới các tổ chức/ mạng lưới lớn, hoạt động ngầm, và (2) có dã tâm mang tính quyền lực thống trị. Ví dụ, người Do Thái cấu kết quyền lực ngầm thống trị thế giới; Hình dạng Trái Đất thật ra bẹt như cái đĩa nhưng NASA giả tạo số liệu khiến ta tưởng Trái Đất tròn để dễ bề thống trị luồng thông tin chuyển giao toàn cầu; Vaccin là chất độc gây bệnh nhưng các công ty dược phẩm che giấu để tăng trưởng lợi tức...vv. Gần đây nhất là thuyết âm mưu về Deep State - "Nhà nước ngầm" của giới chính trị và doanh nghiệp cấu kết với nhau thống trị xã hội. Thuyết này bắt nguồn từ một chút sự thực của nền chính trị độc tài Trung Đông. Sau đó ý tưởng này lan sang Mỹ. Bất chấp một chế tài dân chủ có lịch sử lâu đời và hệ thống cân bằng quyền lực chặt chẽ, rất nhiều người tin rằng bỏ phiếu là vô nghĩa vì ai là tổng thống thì Deep State đã lựa chọn trước rồi. Deep State cộng hưởng mạnh mẽ với việc "tát cạn đầm lầy" mà ông Trump đưa ra. Nó cũng là một nguyên nhân nhiều người không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử vưà qua. Thuyết âm mưu và fake news Thuyết âm mưu ngoài hai đặc điểm như nêu trên (mạng luới ngầm + âm mưu thống trị) còn có một đặc điểm thứ ba, đồng thời là yếu tố quan trọng nhất để một "ý tưởng" trở thành một "lý thuyết" và tồn tại cùng thời gian: tin giả. Thuật ngữ "fake news" xuất hiện từ khá lâu, và trở nên phổ biến khi ông Trump dùng nó để chỉ trích giới báo chí. Tin giả bao gồm các nội dung (1) bịa đặt; (2) châm chọc - satire; (3) tiêu đề kích động - click bait - và không khớp với nội dung; (4) nội dung bị cố tình bóp méo; (5) sự kiện có thật nhưng đặt trong hoàn cảnh khác để gây hiểu nhầm. Gần đây, việc không chấp nhận kết quả bầu cử khiến hàng nghìn tin giả lan truyền như vũ bão giữa những người Việt ủng hộ ông Trump. Ví dụ, bà chủ tịch Hạ Viện trốn khỏi Mỹ bị bắt ở biên giới Canada; Cả một mạng lưới đảng Dân Chủ lẫn Giáo Hoàng phạm tội ấu dâm; Quân đội thề trung thành với Trump và sẽ giúp ông đảo chính; Biden đã tống vào tù còn Trump sẽ giả trang Biden tiếp tục lãnh đạo; ông Trump gửi ông Biden một cái thư vỏn vẹn mấy chữ "Ông biết thưà là tôi thắng"... Các báo lớn cũng không tránh được tin giả. Sau khi đăng hàng loạt tin sai lệch về máy chủ Dominion và đối mặt với khả năng bị kiện, American Thinker đã phải chính thức xin lỗi. Những hãng lớn như Fox News và Newsmax cũng phải nhanh chóng đính chính. Tin giả có tốc độ lan truyền nhanh gấp 6 lần các tin thật. Các tin giả về chính trị cũng lan truyền nhanh hơn các tin giả khác. Ví dụ, tin giả "bố ông Trump là thành viên của tổ chức phân biệt chủng tộc KKK" là một trong những tin khủng được đọc tới nhiều triệu lần từ Facebook. Kỳ lạ hơn, trong khi chúng ta thường nhất chí cho rằng các tin tức trên mạng xã hội không đáng tin. Nhưng dù ý thức rõ như vậy, ta vẫn có xu hướng lấy tin trên mạng xã hội và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi mạng xã hội. Điều này hệt như ta biết hút thuốc là có hại, nhưng ta vẫn tiếp tục hút và để cơ thể mang bệnh. Vì sao thuyết âm mưu tồn tại "Hạnh phúc", "ghê tởm", "buồn", "ngạc nhiên" hay "giận dữ" đều là những cảm xúc cơ bản, nhưng về mặt tiến hoá, "sợ hãi" mới chính là thứ cảm xúc khiến bộ não kích hoạt nhanh nhất. Phải biết sợ để không mạo hiểm thiệt đến tính mạng, không làm kẻ khác giận giữ để thiệt thân, không ăn thứ độc hại để mang bệnh. Trong não người, amygdala là một bộ phận đọc cảm xúc, và nó kích hoạt mạnh nhất với nỗi sợ hãi. Người có bộ phận này không kích hoạt thường làm bản thân bị tổn thương tới do không biết sợ là gì. Với nội dung chủ yếu là kích động nỗi sợ hãi về một thế lực ngầm có âm mưu độc ác, thế nên thuyết âm mưu thu hút bộ não như sắt và nam châm vậy. Cơ chế hoạt động của bộ não đảm bảo gần như chắc chắc rằng, thuyết âm mưu luôn chiếm được sự chú ý đầu tiên trước tất cả các tin tức khác. Loài người vì có cơ chế sợ hãi một cách quá nhạy cảm, "giết thừa còn hơn bỏ sót" như vậy nên mới tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, bộ não vốn chỉ được phát triển cho một cuộc sống bộ lạc nhỏ lẻ chừng vài chục người, với một cơ số tín hiệu sợ hãi có giới hạn (ví dụ hổ báo, các bộ lạc đối địch). Xã hội hiện đại với bão lũ thông tin khiến thế giới quan của chúng ta bị sốc. Ta bỗng dưng phải đối mặt với một đại dương thông tin mà tín hiệu sợ hãi phát ra từ khắp nơi, gia đình, công sở, thậm chí từ một đất nước xa xôi ta chưa từng đặt chân tới. Để đối mặt với thực trạng quá tải rối rắm và cấp bách đó, con người có lựa chọn là thay đổi cách nhìn để tìm lời giải đáp và sự yên ổn cho chính mình. Bạn hẳn đã từng nhiều lần ngẩng nhìn bầu trời và thốt lên: "Đám mây kia thật giống con mèo". Người Việt từng xôn xao khi phát hiện ra trên mai cua có hình mặt người, cũng giống như cả thế giới từng xôn xao khi ảnh chụp sao Hoả có hình một cái đầu người nằm lăn trên cát. Bộ não liên kết các thông tin rời rạc và tạo ra một cụm thông tin có ý nghĩa. Nếu nhìn vào ba dấu chấm, bộ não sẽ tự kết nối chúng với nhau và bảo ta đó là hình tam giác. Khi thế giới xung quanh nhiễu loạn, bộ não sẽ tìm các thông tin có thể xâu chuỗi với nhau và hình thành câu trả lời. Khả năng tư duy motif này khiến loài người phát triển tột bậc. Tuy nhiên, các kết nối không phải lúc nào cũng chính xác. Với những người nhìn thế giới với sự dè chừng, nghi ngờ và lo sợ, các kết nối đó lại càng thiếu khách quan do nhiều kết nối là tin giả. Với một người lo sợ, một tiếng động thôi cũng có thể là mối hiểm nguy, kể cả khi tiếng động đó từ một kẻ thích đùa hay cố tình reo rắc sợ hãi. Rất nhiều câu trả lời đến từ các kết nối (giả) đó chính là thuyết âm mưu. Như vậy, thuyết âm mưu về bản chất là do chúng ta vì lo âu trước một thế giới quá phức tạp nên buộc phải đi tìm một câu trả lời đơn giản dựa vào các thông tin tương đối dễ hiểu. Câu trả lời này khiến bộ não tạm hài lòng để có thể tiếp tục dồn năng lượng cho những vấn đề quan trọng khác. Tại sao? Bởi cảm giác yên ổn, làm chủ cuộc sống là mấu chốt của sinh tồn. Tuy nhiên, mặt trái của những câu trả lời đơn giản này là nó không phản ánh thực tế. Hình mặt người trên sao Hoả chẳng hạn, nếu chúng ta thu thập thêm các tấm ảnh sau này của NASA và nhìn tổng thể để phân tích, thì vùng bề mặt đó của sao Hoả rất phức tạp. Tương tự, nguyên nhân sa sút của nước Đức rất phức tạp, nên câu trả lời đơn giản "tại dân Do Thái lũng đoạn xã hội" dễ hiểu hơn nhiều, nhất là khi kẻ có lỗi không phải là chính chúng ta. Với một số người Việt ủng hộ ông Trump, để hiểu được bối cảnh xã hội Mỹ cùng hệ thống luật và bầu cử phức tạp của đất nước này trong một thời gian ngắn là rất khó. Vậy nên dù không đúng thực tế, nhưng thuyết âm mưu "Trung Cộng mua chuộc" khá dễ hiểu, đánh đúng tâm lý, và do vậy, cũng có tác dụng ổn định tâm lý và trấn an hơn rất nhiều. Tân Tổng thống Joe Biden tại lễ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ hôm 20/01/2021 tại Washington D.C TẠI SAO THUYẾT ÂM MƯU BÁM RỄ VÀ SỐNG DAI? Phần một của bài viết này cho ta thấy, về mặt tiến hoá, thuyết âm mưu tồn tại với mục đích đảm bảo sự sinh tồn của loài người. Khi chúng ta phải đối mặt với một thế giới rối rắm phức tạp quá mức chịu đựng, ta đơn giản hoá vấn đề và tạo ra một câu trả lời dễ hiểu nhất để bộ não có thể an tâm với ý niệm rằng ta vẫn đang làm chủ được cuộc sống. Tuy nhiên, thuyết âm mưu cũng có mặt tiêu cực. Nó tốt khi giúp một cá nhân an tâm với câu trả lời đơn giản để rồi tiếp tục sống. Vấn đề xảy ra khi cá nhân đó (1) không update thông tin và (2) chia sẻ lan truyền câu trả lời đơn giản ấy cho cả cộng đồng. Vậy thuyết âm mưu tồn tại trong mỗi cá nhân kiểu gì và di chuyển từ cá nhân ra tới xã hội qua những cơ chế tâm lý nào? Tổng thống Donald Trump ngày 20/1 Cơ chế thứ nhất: Nghe nhiều thành đúng Bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, nhưng nó ngốn tới 20% năng lượng. Vì tốn kém như vậy nên nguyên tắc làm việc của bộ não là "càng ít phải nghĩ càng tốt". Chính vì thế, phần lớn các hoạt động thường ngày của chúng ta được hiệu quả hoá bằng thói quen, auto tự động, làm đôi khi không cần suy xét: từ việc đánh răng cho tới nuôi dạy con hay điều hành đất nước. Ai có khả năng biến cuộc sống của mình thành một tổ hợp của các thói quen có lợi (ví dụ tập thể dục, tiết kiệm tiền, nghĩ kỹ trước khi phát biểu...vv) thì sẽ có nhiều khả năng thành công hơn. Dựa trên cơ chế đó, tất cả những gì khiến ta cảm thấy thân quen đều chui vào đầu nhanh hơn và ở lại lâu hơn, đơn giản vì nó tiết kiệm năng lượng cho não hơn. Đó là lý do ta thích nghe một bài hát cũ, tự dưng cảm mến người cùng quê, thích những người cùng tên hay có lối sống giống với mình. Đó cũng chính là lý do một thông tin dù sai, nếu nhắc đi nhắc lại trở nên thân quen, thì sẽ trở thành một thông tin đúng, thậm chí cắm rễ trở thành đức tin và lý tưởng. Đây là nguyên tắc "tẩy não" cơ bản của văn hoá, giáo dục, tôn giáo, quảng cáo, chính trị độc tài, và tuyên truyền. Thuyết âm mưu tồn tại được trong một cộng đồng vì sự liên tục nhắc đi nhắc lại này. Đôi khi, số người tin vào thuyết âm mưu là số đông như thời Đức Quốc Xã. Số đông cũng có thể sai, cũng có thể bị thuyết âm mưu dắt mũi, nhất là khi họ lo âu và muốn tìm một câu trả lời đơn giản cho cuộc sống phức tạp xung quanh. Trong cuộc bầu cử Mỹ, do sức mạnh của mạng xã hội, "tần số" cộng hưởng cùng "cường độ". Chúng ta không những nghe đi nghe lại tin giả mà còn nghe với số lượng khủng từ nhiều nguồn và nhiều cấp độ. Cơ chế tâm lý kiểu "lấy thịt đè người" này khiến sự thật dù vững chắc đến mấy cũng sẽ có những khoảnh khắc bị lung lay. Cơ chế thứ hai: Thuyết âm mưu bồi đắp danh tính và giá trị cá nhân Danh tính và giá trị cá nhân là cốt lõi cuả một con người. Chúng ta có xu hướng chơi với những người cùng danh tính và giá trị, vì đó là cách để danh tính và giá trị cuả mình có thêm sức nặng và ý nghĩa. Càng nhiều người giống ta thì ta càng tự tin về bản thân mình. Khi tiếp xúc với hệ giá trị khác biệt, nếu không phaỉ người văn minh, một cá nhân sẽ đánh đồng sự khác biệt "Họ không đồng ý với ý kiến cuả mình" với sự đe dọa danh tính "Họ khinh thường cá nhân mình". Khi bị "tấn công" vào hệ giá trị, họ dễ tấn công lại, dễ trở nên lo sợ, và cũng dễ tìm đến các thuyết âm mưu để làm vũ khí bảo vệ bản thân. Trở lại cuộc bầu cử Mỹ vừa qua, "danh tính Việt" và giá trị "ghét Trung Quốc" là một động lực để nhiều người Việt ủng hộ ông Trump. Những gì ông nói và làm đồng thuận với danh tính và giá trị đó. Điều này hoàn toàn dễ hiểu và thực sự đáng được tôn trọng. Tuy nhiên, với một số cực đoan, ai không ủng hộ Trump sẽ trở thành kẻ thù của họ. Anti-Trump không phải là một ý kiến khác biệt kiểu tôi ăn thịt thì bạn ăn cá, mà là cầm dao đâm vào bụng nhau, một cuộc tấn công vào bản chất cốt lõi của chính bản thân cá nhân đó, khiến họ phải cầm dao đâm lại. Các phản biện từ phía những người này thể hiện rất rõ cảm giác bị tổn thương tới "danh tính Việt" và hệ giá trị "ghét Trung Quốc": "Bạn là người Việt sao lại đi ủng hộ Biden?"; "Tôi không muốn phải học tiếng Tàu"; "Mày muốn quỳ gối trước Tàu hay sao?"; "Muốn mất biển đảo hả" ...vv. Vì khá nhiều người Việt tha thiết với "danh tính Việt" và giá trị "ghét Trung Quốc", các thuyết âm mưu phù hợp với việc Trump sẽ lật cờ được họ lan toả nhiều hơn ra ngoài xã hội. Cơ chế thứ ba: Thuyết âm mưu cho ta một cộng đồng sẻ chia Con người là sinh vật bầy đàn, chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu một cộng đồng để tương trợ vỗ về. Thời xa xưa, hình thức trừng phạt khắc nghiệt nhất không phải là cái chết mà là sự ghẻ lạnh và bị bỏ rơi. Kẻ mắc tội thường chết hoặc tự sát vì cô đơn chứ không phải vì thiếu ăn. Trong xã hội hiện đại, thuyết âm mưu với bản chất đổ lỗi, chia thế giới thành hai phe ta địch khiến bất kỳ ai cũng có cảm giác được ở trong một cộng đồng gắn kết chung tay chống lại cái ác. Lên mạng, cảm giác xung quanh mình toàn những người nói giống như mình, nghĩ giống như mình, có kẻ thù hệt như mình là một nguồn năng lượng và trợ giúp vô biên. Thời Đức Quốc Xã, rất nhiều người khi Hitler mới lên cầm quyền không đồng ý với lý tưởng của ông ta. Tuy nhiên, để trở thành một thành viên của cộng đồng, họ đã dần dần thay đổi. Thuyết âm mưu ngày càng nở rộ vì thời nay, niềm tin của ta có thể khác với cộng đồng nơi ta đang sống nhưng luôn có một cộng đồng khác trên mạng giang tay chào đón. Đây cũng chính là một lý do khiến nhiều thanh niên Hồi giáo thế hệ thứ hai trở thành cực đoan và đi theo IS. Một số bạn trẻ nguồn gốc di dân này thiếu sự quan tâm đồng cảm của cha mẹ do gánh nặng mưu sinh, bật khỏi gốc rễ văn hoá và tôn giáo, rối ren về danh tính và giá trị mình là ai. Cộng đồng những tín đồ cực đoan thông qua mạng internet đem lại cho họ một câu trả lời kiểu thuyết âm mưu đơn giản (Phương Tây là kẻ thù) và một vòng tay bằng hữu ấm áp (Anh em Hồi giáo toàn thế giới chung sức phục hưng đức tin nguyên thuỷ). Trở lại cuộc bầu cử tại Mỹ, nhiều tài khoản facebook ủng hộ hoặc anti-Trump trở thành những cộng đồng nho nhỏ để sẻ chia, vỗ về, chấn an tinh thần cho nhau. Các ý kiến trái chiều bị chửi bới thậm tệ hoặc thẳng tay block. Những ốc đảo tâm lý đó là chốn dừng chân yên ổn giữa biển cả sóng lớn. Cũng như một cộng đồng để tin yêu và thuộc về luôn là yếu tố đảm bảo sinh tồn của mỗi con người. Cơ chế thứ tư: Thiên kiến xác nhận đẩy mạnh thuyết âm mưu Chúng ta hãy dùng một ví dụ về bói toán. Có lần, tôi thử cho các SV của mình đọc bản tử vi dựa trên ngày sinh của mỗi bạn. Hầu hết các SV đều cho rằng bản tử vi khá chính xác, bằng cách cung cấp các sự kiện chứng minh như "em mới bỏ người yêu" hay "đúng là hao tiền vì em vừa mua điện thoại". Vấn đề là, tôi đã cho cả lớp đọc một bản tử vi y hệt nhau. Thiên kiến xác nhận (confirmation bias) là xu hướng khi ta tin vào một điều gì đó thì trí óc ta sẽ bị thu hết đến những sự kiện và thông tin phù hợp với niềm tin đó. Ta trở nên thiếu khách quan, và chỉ nhìn thấy những gì mình muốn thấy. Cơ chế tâm lý này rất quan trọng cho sự sinh tồn vì bộ não có thể tiết kiệm năng lượng để tập trung vào những tín hiệu quan trọng. Tuy nhiên, với thuyết âm mưu, những tín hiệu quan trọng chưa chắc đã là những tín hiệu đúng mà chỉ là những tín hiệu dễ tiếp thu nhất và khớp với niềm tin của ta nhất. Ví dụ, một người ủng hộ Trump quan sát thấy các chiến sĩ quân đội đứng quay lưng lại Biden khi ông đi qua trong buổi lễ nhậm chức. Anh cho rằng đó là tín hiệu phản kháng khinh bỉ tổng thống mới. Thực ra, việc đứng quay lưng hướng mặt ra quan sát đám đông là một phương cách để kiểm soát an ninh cho các yếu nhân. Mạng xã hội như facebook và các thuật toán của internet khiến thiên kiến xác nhận tấn công chúng ta một cách tổng lực. Chỉ cần một vài lần tìm kiếm, like, chia sẻ hay comment là những post và nội dung tương tự sẽ ồ ạt kéo đến. Mục tiêu của các nhà cung cấp dịch vụ là tăng tần số tương tác, bất kể đó là tương tác gì. Rất nhanh chóng, trên tường nhà bạn sẽ toàn các nội dung hệt như niềm tin của bạn. Và trong cái bong bóng đó, thế giới có thể diễn ra hệt như bạn mong muốn. Chỉ có điều, đó không phải là thế giới thật. Các cơ chế khác Cũng như thiên kiến tự xác nhận, chúng ta có tới gần 200 thiên kiến (bias) khác nữa và tất cả đều có thể khiến thuyết âm mưu tồn tại dai dẳng. Ví dụ, ta dễ tin thuyết âm mưu hơn khi thiếu kiến thức chuyên môn về vấn đề đó, khi ta có chuyên môn nhưng cần lời giải đáp nhanh chóng, khi ta bị ảnh hưởng bởi cảm xúc yêu ghét vui buồn hay đặc biệt là giận giữ, khi ta đã trót tuyên ngôn rồi đâm lao thì phải theo lao...vv. Thiên kiến là con dao hai lưỡi. Nó như những con đường tắt giúp ta đến đich nhanh hơn. Tuy nhiên, cái đích đến đó có lợi hay có hại lại là một câu hỏi hoàn toàn khác. Mời quý vị đón đọc phần sau của bài, đặt ra Giải pháp cho vấn nạn này. PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Bà nghiên cứu quản trị đa văn hoá bằng phương pháp liên ngành kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bà cũng là tác giả của hai cuốn sách Tôi Là Một Con Lừa và Con Đường Hồi Giáo xuất bản tại Việt Nam. Loạt bài viết, thể hiện quan điểm riêng của tác giả. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55764874  
......

Biden sẽ cho di dân không giấy tờ nhập quốc tịch Mỹ trong 8 năm

WILMINGTON, Delaware (NV) – Tổng Thống đắc cử Joe Biden sẽ công bố dự luật theo đó cấp quyền công dân trong vòng 8 năm cho khoảng 11 triệu di dân không giấy tờ sống tại Mỹ, một chính sách hoàn toàn đảo ngược với chính sách của tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump. Theo AP, dự luật này sẽ được đưa ra trong ngày đầu tiên ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ, đáp ứng lời hứa khi tranh cử với khối cử tri người gốc La Tinh và những cộng đồng di dân thiểu số khác. Kế hoạch này là giải pháp nhanh nhất cho những người đang cư ngụ tại Mỹ mà không có giấy tờ hợp lệ trở thành công dân. Giải quyết tình trạng di trú và nhập tịch của hơn 11 triệu di dân không giấy tờ này là một vấn nạn chính trị bị bế tắc tại Mỹ kể từ khi cố Tổng Thống Ronald Reagan ân xá cho di dân bất hợp pháp cách đây nhiều thập niên. Theo dự luật này của ông Joe Biden, những ai đang sống tại Mỹ, kể từ ngày 1 Tháng Giêng, 2021, mà không có giấy tờ hợp pháp, sau 5 năm sẽ được nộp hồ sơ xin quy chế thường trú nhân hợp pháp (thẻ xanh), sau khi vượt qua việc kiểm tra lý lịch, trả thuế, và đáp ứng những yêu cầu cơ bản khác. Giai đoạn kế tiếp, ba năm sau khi có thẻ xanh, những người này sẽ được thi nhập quốc tịch Mỹ. Còn những người trong nhóm Dreamers, di dân vị thành niên vào Mỹ không giấy tờ, và những công nhân nông nghiệp, cũng như những người đang trong tình trạng được luật pháp Mỹ bảo vệ, có thể đủ điều kiện nhận thẻ xanh ngay lập tức nếu đang làm việc, đang đi học hoặc đáp ứng các điều kiện khác. (MPL) [kn] https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/biden-de-xuat-ke-hoach-8-nam-nhap-tich-cho-di-dan-khong-giay-to/
......

Vì không quan tâm

Ls. Luân Lê   Vì không ai quan tâm đến chính trị nên đất nước ta mới có đến hàng triệu văn bản quy phạm pháp luật được hào phóng đưa ra cho đến nay, trong đó có đến hàng ngàn văn bản trái luật, vi hiến một cách hiển nhiên mà vẫn tồn tại.   Vì không ai quan tâm đến chính trị, nên hôm nay họ ban hành quy định xe máy phải chính chủ khi tham gia giao thông nếu không sẽ bị phạt. Ngày mai họ ra văn bản tăng phí lưu thông đường bộ với đủ các loại chốt, trạm thu phí nhan nhản trên đường. Ngày kia họ lại tính ra chính sách người ngực lép không được đi xe máy hay phụ nữ trên 33 tuổi không được sinh đẻ.   Vì không ai quan tâm đến chính trị nên hàng ngày thực phẩm nhiễm độc nguy hại vẫn được tuồn vào và tiêu thụ bởi những sự móc ngoặc hay làm ngơ của các cơ quan quản lý. Và chúng ta cứ vui tươi sử dụng nó với một bản án tử hình âm thầm mà chẳng có chút mảy may nào về nó.   Vì không ai quan tâm đến chính trị nên năm nay họ bắt con em chúng ta thi chung kỳ thì đại học và tốt nghiệp với nhau. Năm sau họ lại tách ra thi tốt nghiệp riêng và các trường được quyền xét tuyển theo chỉ tiêu của mình. Chỉ có phụ huynh và thí sinh là khổ sở đến chóng mặt và thực sự tốn kém.   Vì không ai quan tâm đến chính trị nên đáng ra chúng ta được sử dụng chiếc ô tô mà nước ngoài chỉ giá 200 triệu thì về nước ta giá của nó được nâng lên đến 300% bởi bị đánh các loại thuế cao ngất ngưởng, nên thành ra việc sở hữu nó chỉ là mơ ước của bao nhiêu người mà thực ra thằng hàng xóm bé xíu và ít dân Campuchia hay Lào nó đã hưởng từ lâu.   Vì không ai quan tâm đến chính trị nên thích thì nó làm nhanh các thủ tục, ngứa mắt hay trông nghèo khó mà nó ghét thì còn lâu nó mới làm cho. Nó hành đủ kiểu trên đời, đến khi lòi phong bì ra nó mới giải quyết.   Vì không quan tâm đến chính trị mà mất cắp, cướp giật, quỵt nợ, tranh giành tài sản hay đánh đấm nhau người ta sợ đến công an hay tòa án giải quyết vì "mất thời gian" và "nhiêu khê" lắm.   Vì không quan tâm đến chính trị nên hôm nay nó bảo phải nộp hồ sơ như thế này để đăng ký thành lập cái doanh nghiệp, ngày mai nó sửa quy định về thuế, hóa đơn thế kia làm mất một đống tiền và rước cả những hệ quả, rủi ro vô cùng lớn cho doanh nghiệp.   Vì không quan tâm đến chính trị nên một loạt nhà máy sản xuất thải ra hàng tấn chất thải một cách trái phép từ bao năm qua gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, bụi và độc tố khiến người dân phải sống chung với những căn bệnh tiềm ẩn như ung thư hay các bệnh nguy hiểm khác.   Vì không quan tâm đến chính trị nên hôm nay nó quyết định xây tượng đài hoành tráng hàng ngàn tỷ, ngày mai nó lại lấp sông nhanh như cắt mà chẳng ai biết hay chặt cây hàng loạt mà chẳng cần bận tâm đến dư luận ra sao. Trong khi đường xá, cầu cống, công trình hạ tầng thấp kém, vừa xây xong đã sạt, sụt, nứt, lún. Dân vẫn nhắm mắt mà đi chứ biết làm sao.   Vì không ai quan tâm đến chính trị nên chẳng ai biết mình có quyền gì khi đứng trước mấy ông cán bộ, công chức hay nhân viên công quyền, trong khi chính mình là người bỏ tiền ra đóng thuế để nuôi mấy ông bà đấy với mục đích để họ phục vụ chúng ta. Vậy mà chúng ta lại phải "quỵ lụy" và "sợ" họ. Lạ lùng đến kỳ dị.   Vì không ai quan tâm đến chính trị nên hôm nay nó ra văn bản tăng giá xăng mặc dù giá dầu thế giới giảm ở mức kỷ lục. Tiêu pha chán chê, ngày mai nó báo cáo kinh doanh điện lỗ lớn, và tăng giá điện lên người dân được lợi. Ngày kia không vui, nó lại ra quy định không nhận mua vàng một chữ số hay nhận gửi đô la phải mất tiền. Đau hơn viêm đại tràng mà cứ phải uống Aspirin cầm cự.   Vì không ai quan tâm đến chính trị nên đi trên đường nơm nớp lo sợ gặp công an giao thông dòm ngó. Có mở cái quán cóc nhỏ để bán hàng vỉa hè, ngõ phố thì như đi ăn cắp vì sợ ông phường vào hỏi thăm và cứ thản nhiên "bê" đồ về trụ sở mà chẳng cần lập bất cứ biên bản nào.   Vì không ai quan tâm đến chính trị nên nó ngồi trên bờ lập danh sách khống mà vẫn báo cáo đi tuần tra biển mất hàng tỷ đồng để lấy tiền tiêu, hay tệ hơn một đám đông hung hãn cứ thế xông vào nhà bắt người chẳng cần lệnh rồi đánh chết con người ta ở trụ sở một cách dã man, tàn bạo.   Vì không ai quan tâm đến chính trị nên đất nước nghèo nàn, lạc hậu, nợ nần chồng chất, giáo dục tụt lùi, môi trường ô nhiễm, xã hội bất an, đạo đức tha hóa, con người vô cảm và người ta cứ chui lủi sống trong sự sợ hãi mà tất cả mọi sự thực chất là nằm trong quyền năng sẵn có của chính mình.   Vì không quan tâm đến chính trị, nên thành ra người ta đã từ chối quyền được sống tôn trọng, an toàn, tốt đẹp và văn minh hơn.  
......

Tết con Trâu, đồng bằng sông Cửu Long còn mặn cỡ nào?

 Hạn hán đồng bằng sông Cửu Long đất nứt nẻ. Vũ Kim Hạnh| TQ cắt nước xả từ đập Cảnh Hồng từ 31/12, gần 1/2 lưu lượng xả làm mực nước sông Me Kong hạ nguồn giảm tới 1m. Bị chú Sam phát hiện nên 6 ngày sau mới thông báo cho hội MRC của mấy thằng em nhà xóm dưới. Dự là cắt tới 20/1/2021. ÁM ẢNH NGẬP MẶN Mực nước sông Mekong sẽ còn giảm đến nửa sau của tháng 1/2021 vì đập Cảnh Hồng của Trung Quốc giảm độ xả nước để thử thiết bị điện. Đập Cảnh Hồng của Trung Quốc Theo một trang chuyên ngành thì “lưu lượng nước bình quân tháng 1/2020 qua trạm Kratie (Campuchia) trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long giảm xuống còn 3.024 m3/giây”. “Ảnh hưởng của việc giảm xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng sẽ về đến biên giới Việt Nam tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) bắt đầu từ ngày 22/1/2020 và ảnh hưởng tới các vùng ven biển kéo dài đến hết ngày 28/1/2020, ngay thời điểm của kỳ triều cường và chuẩn bị đón Tết Canh Tý 2020.” Điều này có thể khiến nạn ngập mặn ở vùng thuộc Việt Nam trở nên nghiêm trọng hơn… CÁI KHÓ NÀO BÓ CÁI KHÔN? Trong 6 nút thắt chủ yếu đối với ĐBSCL: Tài nguyên-đất nước và môi trường; Nhân lực: nhân khẩu học, số và chất lượng lao động; nguồn lực đầu tư hạn chế; Cơ sở hạ tầng thua xa mức độ và tiềm năng phát triển của vùng; Đổi mới khoa học – công nghệ; Tụt hậu về kinh tế. Giải pháp tháo gỡ 6 nút thắt này, quan trọng nhất theo tôi là: đầu tư và cơ sở hạ tầng. Một chuyên gia tên tuổi vừa có bài phân tích về cái mà ông gọi là nỗi ám ảnh nhất từ mảnh đất miền Tây hay ĐBSCL: “Cái khó dường như đang bó cái khôn. Tôi biết một số lãnh đạo địa phương đã rất cố gắng với cách làm sáng tạo mà nếu ở những nơi có lợi thế phát triển thì địa phương đã rất khác rồi. Tuy nhiên, những nỗ lực rất lớn đã chưa thể mang lại những kết quả phát triển kinh tế để có thể ghi nhận. Thành thử, rất khó chọn cột cờ trong bó đũa của các tỉnh miền Tây. Điều này làm cho miền Tây ngày càng vắng bóng hơn trong đội ngũ lãnh đạo quốc gia”. Vâng, miền Tây rồi sẽ còn vắng bóng nhiều hơn trong đội ngũ lãnh đạo quốc gia. Dù có khi việc “phân phát” cho có chỉ tiêu vùng miền, giới tính… để có những lãnh đạo im lặng xuôi chiều mãn tính thì cũng chẳng ích lợi chi! Trong “cái khó bó cái khôn” đó, nhân tai rất nhiều chứ đâu chỉ thiên tai. Một chuyên gia khác nói với tôi, đồng bằng SCL cần làm ăn bài bản hơn, biết trên biết dưới hơn. Trên xa thật xa là ông Trời. Hạn mặn, nước biển dâng, biến đổi khí hậu… Trên gần hơn chút là ông láng giềng TQ luôn ích kỷ và ác độc, ngay từ xử lý nước sông Mê Kông. Gần hơn nữa? Các nhà quản lý đã kêu gọi “Thuận thiên” từ 2017 đến nay, mà lòng người, chính sách đã thuận được bao nhiêu? Nhân tai và thiên tai, câu chuyện còn dài. Thương đồng bằng… Một chữ mặn mà bao nhiêu sắc độ. Mặn mà. Mặn chát. Mặn đắng. Mặn chằng. Mặn hơn nước mắt. Cái Tết mặn năm nay, có biết bao vị muối và bao kiểu mặn cứ dồn hết vô đây, haizz./. #đồngbằngsôngcửulong #hạnmặn  
......

Hy vọng, và dấn tới

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - nhacsituankhanh| Vậy rồi, một chút gì đó về hai nhạc sĩ nhạc trẻ tiền phong Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang cũng đã được tập hợp lại, ra mắt trong đầu năm 2021. Cầm sách trên tay mà thật cảm động. Dự án này, 3 năm trước đã được nhà thơ Lý Đợi đi mời chào với nhiều người. Trong suốt những năm tháng tạm dừng giới thiệu thơ của mình với công chúng, Lý Đợi lặng lẽ tự dựng nên một chuỗi ấn bản của mình về con người và văn hóa riêng của Sài Gòn. Tất cả những gì tản mát và có thể rơi rớt đâu đó, được tập hợp lại, in đẹp, trang trọng ra mắt chờ người đồng cảm với mình. Lần đầu tiên, khi được rủ rê nhập cuộc với cuốn sách này, tôi đã ngần ngại “được không, với cái cách kiểm duyệt của chế độ này?”. Lúc đó, Lý Đợi không dám chắc bất kỳ điều gì, nhưng bản tính lì lợm của một tay Quảng Nam, hắn cứ thúc “cứ làm, cứ dấn từng bước thôi anh”. Ngày cuốn sách ra đời, Lý Đợi gọi và nói với giọng vui mừng rằng “phần viết của anh, chỉ sửa cách gọi, đúng có một chữ”. Tôi nhớ, hình như đó là chữ ‘Cộng sản’, được đổi thành chữ ‘miền Bắc’. Cuộc trường chinh cắt gọt linh hồn chữ nghĩa chưa bao giờ thôi ám ảnh giới văn nghệ Việt Nam, sau nhiều thập niên. Nó không chỉ ám ảnh với người sáng tạo mà với cả một thể chế. Sau 45 năm chơi trò cút bắt, thậm chí là hình sự đối với âm nhạc miền Nam, lệnh tha bổng tương đối đã được ban hành cho bất kỳ ai muốn ca hát và biểu diễn – như một cách để giới kiểm duyệt tạm chấm dứt cuộc săn đuổi đầy mệt mỏi và vô nghĩa của mình sau bấy nhiều năm. Dù phải sửa một tên gọi trong toàn bộ bài viết thôi, ấy cũng có thể coi là một bước tiến vĩ đại của tư duy kiểm duyệt đã từng. Lý Đợi nói đúng, dù như thế nào chúng ta vẫn phải dấn tới. Dù ngột ngạt hay trói buộc thế nào thì kẻ được gọi là trí thức vẫn phải dấn tới về phía tương lai và tự do của mình. Ấn bản Phượng Hoàng cầm trên tay nhắc tôi không biết bao nhiêu điều. Tôi nhớ nụ cười buồn bã của anh Lê Hựu Hà khi nghe những bài hát của anh không được cho phép trình diễn hay phát hành. Nhớ cả tiếng thở dài của nhạc sĩ Thanh Sơn, Trần Quang Lộc, Mặc Thế Nhân… khi phải vật lộn để bảo vệ từng ca từ, nhớ sự tổn thương của họ khi phải chứng minh mình là một nghệ sĩ “trong sạch” trong mắt nhìn của cơ quan kiểm duyệt. Tôi nhớ cả u ám phần mình. Bài hát Dối Trá có ca từ mô tả nhân vật là “người”, bị báo cáo mật từ Sở văn hóa gửi về Cục biểu diễn xin lệnh cấm hoạt động văn nghệ suốt đời, vì cho rằng chữ “người” ấy, là một âm mưu xúc phạm, ám chỉ ông Hồ Chí Minh. Thật may mắn, vì tôi đã chứng kiến được những ngày tháng khắc nghiệt nhất, và những giờ phút những trói buộc đó lơi dần, thậm chí chứng kiến ngôn luận từ hệ thống đó còn tự trách, vì đã quá khắt khe trong suốt một thời gian dài. Chỉ tiếc là những người của thế hệ mà tôi biết, họ đã không được tận hưởng đủ những giờ phút như thế này. Tôi nhớ vào những ngày tháng cam go nhất, vào những lúc có những luật lệ bất thành văn từ các quan lại văn hóa “một album 10 bài hát, chỉ được sử dụng tối đa 3 bài hát của các tác giả của chế độ cũ”, những nhạc sĩ ấy vẫn miệt mài viết, vẫn hát – dù có thể không được duyệt – nhưng họ vẫn tin rằng một ngày nào đó mọi thứ sẽ phải thay đổi, và âm nhạc thật sự sẽ lại lên tiếng. Cuộc sống chỉ có thể tốt hơn, chứ chẳng bao giờ có chuyện tốt nhất. Nhưng sẽ chẳng bao giờ có sự tốt hơn nào, nếu từ chối hy vọng và dấn tới, chấp nhận cam chịu. Cũng vì suy nghĩ này, năm 2007, tôi đã quyết định phủ nhận tất cả mọi sự kiểm duyệt, để bắt đầu như một người tự do hoàn toàn, bằng album Bụi Đường Ca. Mà thật lòng lúc đó không dám nghĩ rằng sẽ có một ngày, mọi thứ không kiểm duyệt trên internet như hôm nay. Đơn giản, tôi chỉ muốn đứng về phía những người đi trước, chia sẻ cùng cảnh ngộ với họ. Cảm ơn, cuốn sách ra đời, như một dịp để nhớ, và tưởng niệm đến tất cả những văn nghệ sĩ của miền Nam đã sống, đã viết, và đã hát với tinh thần tự do trong mọi hoàn cảnh, ở mọi phương trời. Họ là những kẻ bị xô đẩy vào góc tối nhưng vẫn hy vọng và dấn tới. Xã hội âm nhạc hiện hành VN hôm nay là một chứng minh. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những tin nhắn của những người bạn trẻ hỏi là phải làm sao trước thời cuộc hôm nay. Cầm cuốn sách trên tay, đọc về những sự tự do trong văn hóa miền Nam đã từng có, tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta hôm nay, cũng vậy, phải luôn hy vọng và dấn tới trước những barie độc tài, mới có thể tìm thấy những bến bờ khác chờ đón, phía ngoài của ràng buộc ao tù, kiểm duyệt. Dù là giành lại cái đã có, hay tìm đến đường biên mới, đừng bao giờ từ bỏ niềm hy vọng và luôn dấn tới, của mỗi người. Tuấn Khanh Nguồn: nhacsituankhanh.wordpress.com/2021/01/10/hy-vong-va-dan-toi/  
......

Bernie Sanders Phong Trào Cấp Tiến và ảo tưởng "dân chủ xã hội" Mỹ

Trần Trung Đạo Trước khi bàn về quan điểm “dân chủ xã hội”, một hình thái kinh tế xã hội được một số người cổ vũ, có lẽ nên nhắc đến Phong trào Cấp Tiến (Progressive Movement) vì đây là lực cần thiết để thúc đẩy quan điểm “dân chủ xã hội” thuần túy lý thuyết thành hiện thực xã hội. Theo tự điển Oxford, Phong trào Cấp Tiến (Progressive Movement) gồm những người ủng hộ hay biện hộ cho các chính sách cải cách xã hội. Theo tự điển Cambridge, Phong trào Cấp Tiến là một phong trào xã hội hoặc chính trị nhằm đại diện cho lợi ích của người dân bình thường thông qua thay đổi chính trị và hỗ trợ các hoạt động của chính phủ. Theo Kevin Hillstrom trong tác phẩm The Progressive Era, Phong trào Cấp Tiến Mỹ từng có một thời rất thịnh. Kỷ nguyên đó kéo dài từ 1896 đến gần Thế Chiến Thứ Nhất. Nói tới Phong trào Cấp Tiến không thể không nhắc tới Bernie Sanders, Thương Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ, tiểu bang Vermont và là lãnh đạo của phong trào. Dân Biểu Cấp Tiến trong Hạ Viện Mỹ hiện nay gồm những dân biểu thuộc đảng Dân Chủ có khuynh hướng xã hội tả phái. Tại Thượng Viện, duy nhất Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders đại diện cho Phong trào Cấp Tiến. Phong trào Cấp Tiến được khá đông giới trẻ ủng hộ. Lý do rất đơn giản, tuổi trẻ thường sống lý tưởng. Họ nhìn đời một màu xanh. Họ hăng say và nhiệt tình cống hiến công sức cho những mục đích “cao thượng giúp đời”. Nếu Karl Marx gọi giai cấp công nhân là những người “không có gì để mất” thì tuổi trẻ trong Phong Trào Cấp Tiến là thành phần “chưa có gì để mất.” Trong lần ứng cử tổng thống năm 2016, Bernie Sanders tập hợp chung quanh ông ta được một khối người trẻ đông đảo, tự nguyện, có tính tổ chức cao và nhất là được trang bị phương tiện kỹ thuật thông tin nhanh chóng. Khi Bernie Sanders rút khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, khối trẻ này chuyển sang ủng hộ các cuộc chạy đua vào quốc hội. Nhờ đó, trong quốc hội khóa thứ 117, cánh cấp tiến có tới 94 dân biểu và tập trung vào Khối Cấp Tiến (Progressive Caucus). Chủ tịch Khối Cấp Tiến là Dân biểu Pramila Jayapal, đảng Dân Chủ tiểu bang Washington. Mặc dù hiện nay Phong Trào Cấp Tiến là một cánh của đảng Dân Chủ, lịch sử cho thấy phong trào không nhất thiết thuộc hẳn một đảng nào. Tổng thống thứ 26 của Mỹ Theodore Roosevelt thuộc đảng Cộng Hòa là lãnh đạo của Phong Trào Cấp Tiến thời đó. Ông là tác giả của ba chính sách mang nội dung cấp tiến gồm kiểm soát chặt chẽ các công ty, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giới tiêu thụ. Tổng thống Woodrow Wilson, thuộc đảng Dân Chủ sau đó cũng là thành viên của Phong Trào Cấp Tiến. Cuộc cách mạng kỹ nghệ thế kỷ 19 mang giàu có đến cho một số ít người nhưng được trả một giá rất đắt bằng sự hy sinh của nhiều tầng lớp dân chúng khác. Giới lao động làm việc trong ngành làm đường rầy xe lửa, chế biến, sản xuất phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. Họ làm việc trong môi trường khắc nghiệt để làm giàu cho một số nhỏ những chủ công ty, chủ ngân hàng, chủ hầm mỏ. Phong Trào Cấp Tiến vì thế là phản ứng xã hội tự nhiên của cuộc cách mạng kỹ nghệ. “CHỦ NGHĨA XÃ HỘI” và “DÂN CHỦ XÃ HỘI” TẠI MỸ Chủ nghĩa xã hội có một lịch sử khá dài. Trước khi Marx, Engels xuất hiện với Tuyên Ngôn CS và Tư Bản Luận, các quan điểm về chủ nghĩa xã hội đã có rồi. Trong thời Karl Marx chủ nghĩa xã hội được phân cực thành nhiều trường phái bắt đầu với Quốc Tế Thứ Nhất tại Geneva 1864. Là nước của những di dân, Mỹ có hầu hết các trường phái tư tưởng từ khắp nơi trên thế giới trong đó có chủ nghĩa xã hội. Đảng Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ (Socialist Labor Party of America) ra đời năm 1877 và Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ (Socialist Party of America) được thành lập từ năm 1901. Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ đã từng có một đảng viên là Victor Berger được bầu vào Quốc Hội Liên Bang năm 1910. Dù chung một dòng lịch sử trải dài hai thế kỷ, loại “chủ nghĩa xã hội” đang được nhắc hiện nay không liên quan trực tiếp đến “chủ nghĩa xã hội” chuyên chế đã tồn tại tại Liên Xô và Đông Âu từ 1917 đến 1991 cũng như đang tồn tại tại Trung Cộng và Việt Nam. Tại Mỹ cũng có đảng CS Mỹ thuộc CS Quốc Tế III trước đây. Tàn dư của CS loại này vẫn còn tại Mỹ nhưng không còn được nhắc nhở. Lý do hai nhóm chữ “chủ nghĩa xã hội” và “dân chủ xã hội” được nhắc nhiều trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chẳng qua vì một ứng cử viên tổng thống vận động trên nền tảng “dân chủ xã hội Nordic”. Người đó là Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders. Về đối nội Bernie Sanders ủng hộ quyền của giới lao động, y tế miễn phí, học phí miễn phí. Về đối ngoại, ông chủ trương cắt giảm ngân sách quốc phòng, theo đuổi đường lối ngoại giao hợp tác quốc tế. Hình thái “dân chủ xã hội Nordic” mà Bernie Sanders muốn nói đến là các quốc gia vùng Nordic gồm Thụy Điển, Denmark, Norway, Phần Lan và Iceland. Bernie Sanders sai lầm khi nghĩ rằng hình thái kinh tế Nordic có thể áp dụng vào nước Mỹ. Những quốc gia Nordic nhờ đặc tính văn hóa và dân số nên đã thực hiện tương đối thành công một nền kinh tế với hệ thống an sinh xã hội cao, nền giáo dục công lập, hệ thống y tế công cộng. Dân số năm quốc gia vùng Nordic cộng lại chưa bằng tiểu bang Texas của Mỹ. Quan điểm đối ngoại chủ hòa của Bernie Sanders là một nguy cơ cho nền an ninh và vị trí của Mỹ trên thế giới. Không chỉ đảng Cộng Hòa lo mà cả các thành phần thuộc cánh trung tâm (centrist Democrats) và ôn hòa (Moderate Democrats) của đảng Dân Chủ cũng lo. Để thắng, các nhà chiến lược đảng Dân Chủ thay đổi nhiều phương pháp vận động. Nếu theo dõi kỹ chúng ta thấy vào giai đoạn cuối những khẩu hiểu có tính xách động và quá khích như “Defund the police” (tái phân phối ngân sách cảnh sát) hay những câu “xã hội chủ nghĩa”, “phong trào cấp tiến” làm cử tri lo lắng đều không còn được ứng cử viên đảng Dân Chủ dùng. Cơ chế dân chủ Mỹ ngoài hành pháp và lập pháp mà chúng ta nghe hằng ngày còn được bảo vệ bởi một hệ thống tư pháp tiểu bang và liên bang được dựng thành nhiều tầng kiên cố. Riêng cấp liên bang, Mỹ có 94 tòa án liên bang đặt tại các địa phương (District Court) với tổng cộng 670 thẩm phán. Ngoài ra Mỹ còn có 13 Tòa Phúc Thẩm (U.S. Courts of Appeals), mỗi tòa có ba thẩm phán. Các tòa phúc thẩm không có bồi thẩm đoàn. Các thẩm phán liên bang do tổng thống đề cử, Ủy Ban Tư Pháp Định Chế (Senate Judiciary Committee) của Thượng Viện nghiên cứu và đề nghị lên Thượng Viện. Thông thường, các tổng thống Cộng Hòa đề cử các thẩm phán chia sẻ quan điểm Cộng Hòa và tương tự đối với các tổng thống Dân Chủ. Các thẩm phán liên bang Mỹ tại chức suốt đời và chỉ có quốc hội mới có quyền bãi nhiệm nếu thẩm phán nào có hành vi xấu. Tòa cao nhất là Tối Cao Pháp Viện với chín thẩm phán. Theo phúc trình của James C. Duff, Giám Đốc Văn Phòng Điều Hành Tòa Án Mỹ, hiện có 30 ngàn nhân viên chuyên môn phụ giúp cho các thẩm phán tại các tòa. Nước Mỹ không tùy thuộc vào quyết định của một hay vài người như các nước độc tài và các chủ thuyết quan trọng cũng không giới hạn trong một hay hai nhiệm kỳ tổng thống. Nếu chiến lược đối ngoại của Mỹ chỉ giới hạn trong bốn năm hay tám năm thì Liên Xô chẳng những không sụp đổ mà đã đánh bại Mỹ trong thập niên 1960 rồi. TT Harry Truman và Tướng Dwight Eisenhower có nhiều điểm bất đồng nhưng khi đắc cử tổng thống TT Eisenhower (Cộng Hòa) vẫn tiếp tục các chính sách đối ngoại của cựu TT Truman (Dân Chủ). Hai năm nữa, vào ngày 8 tháng 11, 2022, cử tri Mỹ lại sẽ đi bầu. Lần tới dân Mỹ sẽ bầu 34 Thượng Nghị Sĩ, 435 Dân Biểu và 36 Thống Đốc các tiểu bang. Với tỉ lệ đa số do Dân Chủ đang giữ rất sít sao, 50-50 tại Thượng Viện, 222-211 tại Hạ Viện, với xung đột quan điểm chính trị gay gắt và sự phân hóa xã hội sâu xa hiện nay những cuộc bầu cử năm 2022 và năm 2024 sẽ hứa hẹn nhiều gay gấn. Theo lịch sử các cuộc bầu phiếu, cử tri Mỹ vốn rất thụ động. Nhưng thái độ đó đang thay đổi. Cuộc bầu cử vừa qua có tới 157 triệu cử tri (66.3%) đi bầu, cao nhất trong lịch sử và tăng hai phần trăm so với cuộc bầu cử năm 2016. Trong tương lai, con số đó chắc chắn sẽ cao hơn. Trần Trung Đạo Trước khi bàn về quan điểm “dân chủ xã hội”, một hình thái kinh tế xã hội được một số người cổ vũ, có lẽ nên nhắc đến Phong trào Cấp Tiến (Progressive Movement) vì đây là lực cần thiết để thúc đẩy quan điểm “dân chủ xã hội” thuần túy lý thuyết thành hiện thực xã hội. Theo tự điển Oxford, Phong trào Cấp Tiến (Progressive Movement) gồm những người ủng hộ hay biện hộ cho các chính sách cải cách xã hội. Theo tự điển Cambridge, Phong trào Cấp Tiến là một phong trào xã hội hoặc chính trị nhằm đại diện cho lợi ích của người dân bình thường thông qua thay đổi chính trị và hỗ trợ các hoạt động của chính phủ. Theo Kevin Hillstrom trong tác phẩm The Progressive Era, Phong trào Cấp Tiến Mỹ từng có một thời rất thịnh. Kỷ nguyên đó kéo dài từ 1896 đến gần Thế Chiến Thứ Nhất. Nói tới Phong trào Cấp Tiến không thể không nhắc tới Bernie Sanders, Thương Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ, tiểu bang Vermont và là lãnh đạo của phong trào. Dân Biểu Cấp Tiến trong Hạ Viện Mỹ hiện nay gồm những dân biểu thuộc đảng Dân Chủ có khuynh hướng xã hội tả phái. Tại Thượng Viện, duy nhất Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders đại diện cho Phong trào Cấp Tiến. Phong trào Cấp Tiến được khá đông giới trẻ ủng hộ. Lý do rất đơn giản, tuổi trẻ thường sống lý tưởng. Họ nhìn đời một màu xanh. Họ hăng say và nhiệt tình cống hiến công sức cho những mục đích “cao thượng giúp đời”. Nếu Karl Marx gọi giai cấp công nhân là những người “không có gì để mất” thì tuổi trẻ trong Phong Trào Cấp Tiến là thành phần “chưa có gì để mất.” Trong lần ứng cử tổng thống năm 2016, Bernie Sanders tập hợp chung quanh ông ta được một khối người trẻ đông đảo, tự nguyện, có tính tổ chức cao và nhất là được trang bị phương tiện kỹ thuật thông tin nhanh chóng. Khi Bernie Sanders rút khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, khối trẻ này chuyển sang ủng hộ các cuộc chạy đua vào quốc hội. Nhờ đó, trong quốc hội khóa thứ 117, cánh cấp tiến có tới 94 dân biểu và tập trung vào Khối Cấp Tiến (Progressive Caucus). Chủ tịch Khối Cấp Tiến là Dân biểu Pramila Jayapal, đảng Dân Chủ tiểu bang Washington. Mặc dù hiện nay Phong Trào Cấp Tiến là một cánh của đảng Dân Chủ, lịch sử cho thấy phong trào không nhất thiết thuộc hẳn một đảng nào. Tổng thống thứ 26 của Mỹ Theodore Roosevelt thuộc đảng Cộng Hòa là lãnh đạo của Phong Trào Cấp Tiến thời đó. Ông là tác giả của ba chính sách mang nội dung cấp tiến gồm kiểm soát chặt chẽ các công ty, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giới tiêu thụ. Tổng thống Woodrow Wilson, thuộc đảng Dân Chủ sau đó cũng là thành viên của Phong Trào Cấp Tiến. Cuộc cách mạng kỹ nghệ thế kỷ 19 mang giàu có đến cho một số ít người nhưng được trả một giá rất đắt bằng sự hy sinh của nhiều tầng lớp dân chúng khác. Giới lao động làm việc trong ngành làm đường rầy xe lửa, chế biến, sản xuất phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. Họ làm việc trong môi trường khắc nghiệt để làm giàu cho một số nhỏ những chủ công ty, chủ ngân hàng, chủ hầm mỏ. Phong Trào Cấp Tiến vì thế là phản ứng xã hội tự nhiên của cuộc cách mạng kỹ nghệ. “CHỦ NGHĨA XÃ HỘI” và “DÂN CHỦ XÃ HỘI” TẠI MỸ Chủ nghĩa xã hội có một lịch sử khá dài. Trước khi Marx, Engels xuất hiện với Tuyên Ngôn CS và Tư Bản Luận, các quan điểm về chủ nghĩa xã hội đã có rồi. Trong thời Karl Marx chủ nghĩa xã hội được phân cực thành nhiều trường phái bắt đầu với Quốc Tế Thứ Nhất tại Geneva 1864. Là nước của những di dân, Mỹ có hầu hết các trường phái tư tưởng từ khắp nơi trên thế giới trong đó có chủ nghĩa xã hội. Đảng Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ (Socialist Labor Party of America) ra đời năm 1877 và Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ (Socialist Party of America) được thành lập từ năm 1901. Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ đã từng có một đảng viên là Victor Berger được bầu vào Quốc Hội Liên Bang năm 1910. Dù chung một dòng lịch sử trải dài hai thế kỷ, loại “chủ nghĩa xã hội” đang được nhắc hiện nay không liên quan trực tiếp đến “chủ nghĩa xã hội” chuyên chế đã tồn tại tại Liên Xô và Đông Âu từ 1917 đến 1991 cũng như đang tồn tại tại Trung Cộng và Việt Nam. Tại Mỹ cũng có đảng CS Mỹ thuộc CS Quốc Tế III trước đây. Tàn dư của CS loại này vẫn còn tại Mỹ nhưng không còn được nhắc nhở. Lý do hai nhóm chữ “chủ nghĩa xã hội” và “dân chủ xã hội” được nhắc nhiều trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chẳng qua vì một ứng cử viên tổng thống vận động trên nền tảng “dân chủ xã hội Nordic”. Người đó là Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders. Về đối nội Bernie Sanders ủng hộ quyền của giới lao động, y tế miễn phí, học phí miễn phí. Về đối ngoại, ông chủ trương cắt giảm ngân sách quốc phòng, theo đuổi đường lối ngoại giao hợp tác quốc tế. Hình thái “dân chủ xã hội Nordic” mà Bernie Sanders muốn nói đến là các quốc gia vùng Nordic gồm Thụy Điển, Denmark, Norway, Phần Lan và Iceland. Bernie Sanders sai lầm khi nghĩ rằng hình thái kinh tế Nordic có thể áp dụng vào nước Mỹ. Những quốc gia Nordic nhờ đặc tính văn hóa và dân số nên đã thực hiện tương đối thành công một nền kinh tế với hệ thống an sinh xã hội cao, nền giáo dục công lập, hệ thống y tế công cộng. Dân số năm quốc gia vùng Nordic cộng lại chưa bằng tiểu bang Texas của Mỹ. Quan điểm đối ngoại chủ hòa của Bernie Sanders là một nguy cơ cho nền an ninh và vị trí của Mỹ trên thế giới. Không chỉ đảng Cộng Hòa lo mà cả các thành phần thuộc cánh trung tâm (centrist Democrats) và ôn hòa (Moderate Democrats) của đảng Dân Chủ cũng lo. Để thắng, các nhà chiến lược đảng Dân Chủ thay đổi nhiều phương pháp vận động. Nếu theo dõi kỹ chúng ta thấy vào giai đoạn cuối những khẩu hiểu có tính xách động và quá khích như “Defund the police” (tái phân phối ngân sách cảnh sát) hay những câu “xã hội chủ nghĩa”, “phong trào cấp tiến” làm cử tri lo lắng đều không còn được ứng cử viên đảng Dân Chủ dùng. Cơ chế dân chủ Mỹ ngoài hành pháp và lập pháp mà chúng ta nghe hằng ngày còn được bảo vệ bởi một hệ thống tư pháp tiểu bang và liên bang được dựng thành nhiều tầng kiên cố. Riêng cấp liên bang, Mỹ có 94 tòa án liên bang đặt tại các địa phương (District Court) với tổng cộng 670 thẩm phán. Ngoài ra Mỹ còn có 13 Tòa Phúc Thẩm (U.S. Courts of Appeals), mỗi tòa có ba thẩm phán. Các tòa phúc thẩm không có bồi thẩm đoàn. Các thẩm phán liên bang do tổng thống đề cử, Ủy Ban Tư Pháp Định Chế (Senate Judiciary Committee) của Thượng Viện nghiên cứu và đề nghị lên Thượng Viện. Thông thường, các tổng thống Cộng Hòa đề cử các thẩm phán chia sẻ quan điểm Cộng Hòa và tương tự đối với các tổng thống Dân Chủ. Các thẩm phán liên bang Mỹ tại chức suốt đời và chỉ có quốc hội mới có quyền bãi nhiệm nếu thẩm phán nào có hành vi xấu. Tòa cao nhất là Tối Cao Pháp Viện với chín thẩm phán. Theo phúc trình của James C. Duff, Giám Đốc Văn Phòng Điều Hành Tòa Án Mỹ, hiện có 30 ngàn nhân viên chuyên môn phụ giúp cho các thẩm phán tại các tòa. Nước Mỹ không tùy thuộc vào quyết định của một hay vài người như các nước độc tài và các chủ thuyết quan trọng cũng không giới hạn trong một hay hai nhiệm kỳ tổng thống. Nếu chiến lược đối ngoại của Mỹ chỉ giới hạn trong bốn năm hay tám năm thì Liên Xô chẳng những không sụp đổ mà đã đánh bại Mỹ trong thập niên 1960 rồi. TT Harry Truman và Tướng Dwight Eisenhower có nhiều điểm bất đồng nhưng khi đắc cử tổng thống TT Eisenhower (Cộng Hòa) vẫn tiếp tục các chính sách đối ngoại của cựu TT Truman (Dân Chủ). Hai năm nữa, vào ngày 8 tháng 11, 2022, cử tri Mỹ lại sẽ đi bầu. Lần tới dân Mỹ sẽ bầu 34 Thượng Nghị Sĩ, 435 Dân Biểu và 36 Thống Đốc các tiểu bang. Với tỉ lệ đa số do Dân Chủ đang giữ rất sít sao, 50-50 tại Thượng Viện, 222-211 tại Hạ Viện, với xung đột quan điểm chính trị gay gắt và sự phân hóa xã hội sâu xa hiện nay những cuộc bầu cử năm 2022 và năm 2024 sẽ hứa hẹn nhiều gay gấn. Theo lịch sử các cuộc bầu phiếu, cử tri Mỹ vốn rất thụ động. Nhưng thái độ đó đang thay đổi. Cuộc bầu cử vừa qua có tới 157 triệu cử tri (66.3%) đi bầu, cao nhất trong lịch sử và tăng hai phần trăm so với cuộc bầu cử năm 2016. Trong tương lai, con số đó chắc chắn sẽ cao hơn. Trần Trung Đạo Trước khi bàn về quan điểm “dân chủ xã hội”, một hình thái kinh tế xã hội được một số người cổ vũ, có lẽ nên nhắc đến Phong trào Cấp Tiến (Progressive Movement) vì đây là lực cần thiết để thúc đẩy quan điểm “dân chủ xã hội” thuần túy lý thuyết thành hiện thực xã hội. Theo tự điển Oxford, Phong trào Cấp Tiến (Progressive Movement) gồm những người ủng hộ hay biện hộ cho các chính sách cải cách xã hội. Theo tự điển Cambridge, Phong trào Cấp Tiến là một phong trào xã hội hoặc chính trị nhằm đại diện cho lợi ích của người dân bình thường thông qua thay đổi chính trị và hỗ trợ các hoạt động của chính phủ. Theo Kevin Hillstrom trong tác phẩm The Progressive Era, Phong trào Cấp Tiến Mỹ từng có một thời rất thịnh. Kỷ nguyên đó kéo dài từ 1896 đến gần Thế Chiến Thứ Nhất. Nói tới Phong trào Cấp Tiến không thể không nhắc tới Bernie Sanders, Thương Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ, tiểu bang Vermont và là lãnh đạo của phong trào. Dân Biểu Cấp Tiến trong Hạ Viện Mỹ hiện nay gồm những dân biểu thuộc đảng Dân Chủ có khuynh hướng xã hội tả phái. Tại Thượng Viện, duy nhất Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders đại diện cho Phong trào Cấp Tiến. Phong trào Cấp Tiến được khá đông giới trẻ ủng hộ. Lý do rất đơn giản, tuổi trẻ thường sống lý tưởng. Họ nhìn đời một màu xanh. Họ hăng say và nhiệt tình cống hiến công sức cho những mục đích “cao thượng giúp đời”. Nếu Karl Marx gọi giai cấp công nhân là những người “không có gì để mất” thì tuổi trẻ trong Phong Trào Cấp Tiến là thành phần “chưa có gì để mất.” Trong lần ứng cử tổng thống năm 2016, Bernie Sanders tập hợp chung quanh ông ta được một khối người trẻ đông đảo, tự nguyện, có tính tổ chức cao và nhất là được trang bị phương tiện kỹ thuật thông tin nhanh chóng. Khi Bernie Sanders rút khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, khối trẻ này chuyển sang ủng hộ các cuộc chạy đua vào quốc hội. Nhờ đó, trong quốc hội khóa thứ 117, cánh cấp tiến có tới 94 dân biểu và tập trung vào Khối Cấp Tiến (Progressive Caucus). Chủ tịch Khối Cấp Tiến là Dân biểu Pramila Jayapal, đảng Dân Chủ tiểu bang Washington. Mặc dù hiện nay Phong Trào Cấp Tiến là một cánh của đảng Dân Chủ, lịch sử cho thấy phong trào không nhất thiết thuộc hẳn một đảng nào. Tổng thống thứ 26 của Mỹ Theodore Roosevelt thuộc đảng Cộng Hòa là lãnh đạo của Phong Trào Cấp Tiến thời đó. Ông là tác giả của ba chính sách mang nội dung cấp tiến gồm kiểm soát chặt chẽ các công ty, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giới tiêu thụ. Tổng thống Woodrow Wilson, thuộc đảng Dân Chủ sau đó cũng là thành viên của Phong Trào Cấp Tiến. Cuộc cách mạng kỹ nghệ thế kỷ 19 mang giàu có đến cho một số ít người nhưng được trả một giá rất đắt bằng sự hy sinh của nhiều tầng lớp dân chúng khác. Giới lao động làm việc trong ngành làm đường rầy xe lửa, chế biến, sản xuất phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. Họ làm việc trong môi trường khắc nghiệt để làm giàu cho một số nhỏ những chủ công ty, chủ ngân hàng, chủ hầm mỏ. Phong Trào Cấp Tiến vì thế là phản ứng xã hội tự nhiên của cuộc cách mạng kỹ nghệ. “CHỦ NGHĨA XÃ HỘI” và “DÂN CHỦ XÃ HỘI” TẠI MỸ Chủ nghĩa xã hội có một lịch sử khá dài. Trước khi Marx, Engels xuất hiện với Tuyên Ngôn CS và Tư Bản Luận, các quan điểm về chủ nghĩa xã hội đã có rồi. Trong thời Karl Marx chủ nghĩa xã hội được phân cực thành nhiều trường phái bắt đầu với Quốc Tế Thứ Nhất tại Geneva 1864. Là nước của những di dân, Mỹ có hầu hết các trường phái tư tưởng từ khắp nơi trên thế giới trong đó có chủ nghĩa xã hội. Đảng Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ (Socialist Labor Party of America) ra đời năm 1877 và Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ (Socialist Party of America) được thành lập từ năm 1901. Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ đã từng có một đảng viên là Victor Berger được bầu vào Quốc Hội Liên Bang năm 1910. Dù chung một dòng lịch sử trải dài hai thế kỷ, loại “chủ nghĩa xã hội” đang được nhắc hiện nay không liên quan trực tiếp đến “chủ nghĩa xã hội” chuyên chế đã tồn tại tại Liên Xô và Đông Âu từ 1917 đến 1991 cũng như đang tồn tại tại Trung Cộng và Việt Nam. Tại Mỹ cũng có đảng CS Mỹ thuộc CS Quốc Tế III trước đây. Tàn dư của CS loại này vẫn còn tại Mỹ nhưng không còn được nhắc nhở. Lý do hai nhóm chữ “chủ nghĩa xã hội” và “dân chủ xã hội” được nhắc nhiều trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chẳng qua vì một ứng cử viên tổng thống vận động trên nền tảng “dân chủ xã hội Nordic”. Người đó là Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders. Về đối nội Bernie Sanders ủng hộ quyền của giới lao động, y tế miễn phí, học phí miễn phí. Về đối ngoại, ông chủ trương cắt giảm ngân sách quốc phòng, theo đuổi đường lối ngoại giao hợp tác quốc tế. Hình thái “dân chủ xã hội Nordic” mà Bernie Sanders muốn nói đến là các quốc gia vùng Nordic gồm Thụy Điển, Denmark, Norway, Phần Lan và Iceland. Bernie Sanders sai lầm khi nghĩ rằng hình thái kinh tế Nordic có thể áp dụng vào nước Mỹ. Những quốc gia Nordic nhờ đặc tính văn hóa và dân số nên đã thực hiện tương đối thành công một nền kinh tế với hệ thống an sinh xã hội cao, nền giáo dục công lập, hệ thống y tế công cộng. Dân số năm quốc gia vùng Nordic cộng lại chưa bằng tiểu bang Texas của Mỹ. Quan điểm đối ngoại chủ hòa của Bernie Sanders là một nguy cơ cho nền an ninh và vị trí của Mỹ trên thế giới. Không chỉ đảng Cộng Hòa lo mà cả các thành phần thuộc cánh trung tâm (centrist Democrats) và ôn hòa (Moderate Democrats) của đảng Dân Chủ cũng lo. Để thắng, các nhà chiến lược đảng Dân Chủ thay đổi nhiều phương pháp vận động. Nếu theo dõi kỹ chúng ta thấy vào giai đoạn cuối những khẩu hiểu có tính xách động và quá khích như “Defund the police” (tái phân phối ngân sách cảnh sát) hay những câu “xã hội chủ nghĩa”, “phong trào cấp tiến” làm cử tri lo lắng đều không còn được ứng cử viên đảng Dân Chủ dùng. Cơ chế dân chủ Mỹ ngoài hành pháp và lập pháp mà chúng ta nghe hằng ngày còn được bảo vệ bởi một hệ thống tư pháp tiểu bang và liên bang được dựng thành nhiều tầng kiên cố. Riêng cấp liên bang, Mỹ có 94 tòa án liên bang đặt tại các địa phương (District Court) với tổng cộng 670 thẩm phán. Ngoài ra Mỹ còn có 13 Tòa Phúc Thẩm (U.S. Courts of Appeals), mỗi tòa có ba thẩm phán. Các tòa phúc thẩm không có bồi thẩm đoàn. Các thẩm phán liên bang do tổng thống đề cử, Ủy Ban Tư Pháp Định Chế (Senate Judiciary Committee) của Thượng Viện nghiên cứu và đề nghị lên Thượng Viện. Thông thường, các tổng thống Cộng Hòa đề cử các thẩm phán chia sẻ quan điểm Cộng Hòa và tương tự đối với các tổng thống Dân Chủ. Các thẩm phán liên bang Mỹ tại chức suốt đời và chỉ có quốc hội mới có quyền bãi nhiệm nếu thẩm phán nào có hành vi xấu. Tòa cao nhất là Tối Cao Pháp Viện với chín thẩm phán. Theo phúc trình của James C. Duff, Giám Đốc Văn Phòng Điều Hành Tòa Án Mỹ, hiện có 30 ngàn nhân viên chuyên môn phụ giúp cho các thẩm phán tại các tòa. Nước Mỹ không tùy thuộc vào quyết định của một hay vài người như các nước độc tài và các chủ thuyết quan trọng cũng không giới hạn trong một hay hai nhiệm kỳ tổng thống. Nếu chiến lược đối ngoại của Mỹ chỉ giới hạn trong bốn năm hay tám năm thì Liên Xô chẳng những không sụp đổ mà đã đánh bại Mỹ trong thập niên 1960 rồi. TT Harry Truman và Tướng Dwight Eisenhower có nhiều điểm bất đồng nhưng khi đắc cử tổng thống TT Eisenhower (Cộng Hòa) vẫn tiếp tục các chính sách đối ngoại của cựu TT Truman (Dân Chủ). Hai năm nữa, vào ngày 8 tháng 11, 2022, cử tri Mỹ lại sẽ đi bầu. Lần tới dân Mỹ sẽ bầu 34 Thượng Nghị Sĩ, 435 Dân Biểu và 36 Thống Đốc các tiểu bang. Với tỉ lệ đa số do Dân Chủ đang giữ rất sít sao, 50-50 tại Thượng Viện, 222-211 tại Hạ Viện, với xung đột quan điểm chính trị gay gắt và sự phân hóa xã hội sâu xa hiện nay những cuộc bầu cử năm 2022 và năm 2024 sẽ hứa hẹn nhiều gay gấn. Theo lịch sử các cuộc bầu phiếu, cử tri Mỹ vốn rất thụ động. Nhưng thái độ đó đang thay đổi. Cuộc bầu cử vừa qua có tới 157 triệu cử tri (66.3%) đi bầu, cao nhất trong lịch sử và tăng hai phần trăm so với cuộc bầu cử năm 2016. Trong tương lai, con số đó chắc chắn sẽ cao hơn. Trần Trung Đạo Trước khi bàn về quan điểm “dân chủ xã hội”, một hình thái kinh tế xã hội được một số người cổ vũ, có lẽ nên nhắc đến Phong trào Cấp Tiến (Progressive Movement) vì đây là lực cần thiết để thúc đẩy quan điểm “dân chủ xã hội” thuần túy lý thuyết thành hiện thực xã hội. Theo tự điển Oxford, Phong trào Cấp Tiến (Progressive Movement) gồm những người ủng hộ hay biện hộ cho các chính sách cải cách xã hội. Theo tự điển Cambridge, Phong trào Cấp Tiến là một phong trào xã hội hoặc chính trị nhằm đại diện cho lợi ích của người dân bình thường thông qua thay đổi chính trị và hỗ trợ các hoạt động của chính phủ. Theo Kevin Hillstrom trong tác phẩm The Progressive Era, Phong trào Cấp Tiến Mỹ từng có một thời rất thịnh. Kỷ nguyên đó kéo dài từ 1896 đến gần Thế Chiến Thứ Nhất. Nói tới Phong trào Cấp Tiến không thể không nhắc tới Bernie Sanders, Thương Nghị Sĩ thuộc đảng Dân Chủ, tiểu bang Vermont và là lãnh đạo của phong trào. Dân Biểu Cấp Tiến trong Hạ Viện Mỹ hiện nay gồm những dân biểu thuộc đảng Dân Chủ có khuynh hướng xã hội tả phái. Tại Thượng Viện, duy nhất Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders đại diện cho Phong trào Cấp Tiến. Phong trào Cấp Tiến được khá đông giới trẻ ủng hộ. Lý do rất đơn giản, tuổi trẻ thường sống lý tưởng. Họ nhìn đời một màu xanh. Họ hăng say và nhiệt tình cống hiến công sức cho những mục đích “cao thượng giúp đời”. Nếu Karl Marx gọi giai cấp công nhân là những người “không có gì để mất” thì tuổi trẻ trong Phong Trào Cấp Tiến là thành phần “chưa có gì để mất.” Trong lần ứng cử tổng thống năm 2016, Bernie Sanders tập hợp chung quanh ông ta được một khối người trẻ đông đảo, tự nguyện, có tính tổ chức cao và nhất là được trang bị phương tiện kỹ thuật thông tin nhanh chóng. Khi Bernie Sanders rút khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, khối trẻ này chuyển sang ủng hộ các cuộc chạy đua vào quốc hội. Nhờ đó, trong quốc hội khóa thứ 117, cánh cấp tiến có tới 94 dân biểu và tập trung vào Khối Cấp Tiến (Progressive Caucus). Chủ tịch Khối Cấp Tiến là Dân biểu Pramila Jayapal, đảng Dân Chủ tiểu bang Washington. Mặc dù hiện nay Phong Trào Cấp Tiến là một cánh của đảng Dân Chủ, lịch sử cho thấy phong trào không nhất thiết thuộc hẳn một đảng nào. Tổng thống thứ 26 của Mỹ Theodore Roosevelt thuộc đảng Cộng Hòa là lãnh đạo của Phong Trào Cấp Tiến thời đó. Ông là tác giả của ba chính sách mang nội dung cấp tiến gồm kiểm soát chặt chẽ các công ty, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giới tiêu thụ. Tổng thống Woodrow Wilson, thuộc đảng Dân Chủ sau đó cũng là thành viên của Phong Trào Cấp Tiến. Cuộc cách mạng kỹ nghệ thế kỷ 19 mang giàu có đến cho một số ít người nhưng được trả một giá rất đắt bằng sự hy sinh của nhiều tầng lớp dân chúng khác. Giới lao động làm việc trong ngành làm đường rầy xe lửa, chế biến, sản xuất phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. Họ làm việc trong môi trường khắc nghiệt để làm giàu cho một số nhỏ những chủ công ty, chủ ngân hàng, chủ hầm mỏ. Phong Trào Cấp Tiến vì thế là phản ứng xã hội tự nhiên của cuộc cách mạng kỹ nghệ. “CHỦ NGHĨA XÃ HỘI” và “DÂN CHỦ XÃ HỘI” TẠI MỸ Chủ nghĩa xã hội có một lịch sử khá dài. Trước khi Marx, Engels xuất hiện với Tuyên Ngôn CS và Tư Bản Luận, các quan điểm về chủ nghĩa xã hội đã có rồi. Trong thời Karl Marx chủ nghĩa xã hội được phân cực thành nhiều trường phái bắt đầu với Quốc Tế Thứ Nhất tại Geneva 1864. Là nước của những di dân, Mỹ có hầu hết các trường phái tư tưởng từ khắp nơi trên thế giới trong đó có chủ nghĩa xã hội. Đảng Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ (Socialist Labor Party of America) ra đời năm 1877 và Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ (Socialist Party of America) được thành lập từ năm 1901. Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Mỹ đã từng có một đảng viên là Victor Berger được bầu vào Quốc Hội Liên Bang năm 1910. Dù chung một dòng lịch sử trải dài hai thế kỷ, loại “chủ nghĩa xã hội” đang được nhắc hiện nay không liên quan trực tiếp đến “chủ nghĩa xã hội” chuyên chế đã tồn tại tại Liên Xô và Đông Âu từ 1917 đến 1991 cũng như đang tồn tại tại Trung Cộng và Việt Nam. Tại Mỹ cũng có đảng CS Mỹ thuộc CS Quốc Tế III trước đây. Tàn dư của CS loại này vẫn còn tại Mỹ nhưng không còn được nhắc nhở. Lý do hai nhóm chữ “chủ nghĩa xã hội” và “dân chủ xã hội” được nhắc nhiều trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chẳng qua vì một ứng cử viên tổng thống vận động trên nền tảng “dân chủ xã hội Nordic”. Người đó là Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders. Về đối nội Bernie Sanders ủng hộ quyền của giới lao động, y tế miễn phí, học phí miễn phí. Về đối ngoại, ông chủ trương cắt giảm ngân sách quốc phòng, theo đuổi đường lối ngoại giao hợp tác quốc tế. Hình thái “dân chủ xã hội Nordic” mà Bernie Sanders muốn nói đến là các quốc gia vùng Nordic gồm Thụy Điển, Denmark, Norway, Phần Lan và Iceland. Bernie Sanders sai lầm khi nghĩ rằng hình thái kinh tế Nordic có thể áp dụng vào nước Mỹ. Những quốc gia Nordic nhờ đặc tính văn hóa và dân số nên đã thực hiện tương đối thành công một nền kinh tế với hệ thống an sinh xã hội cao, nền giáo dục công lập, hệ thống y tế công cộng. Dân số năm quốc gia vùng Nordic cộng lại chưa bằng tiểu bang Texas của Mỹ. Quan điểm đối ngoại chủ hòa của Bernie Sanders là một nguy cơ cho nền an ninh và vị trí của Mỹ trên thế giới. Không chỉ đảng Cộng Hòa lo mà cả các thành phần thuộc cánh trung tâm (centrist Democrats) và ôn hòa (Moderate Democrats) của đảng Dân Chủ cũng lo. Để thắng, các nhà chiến lược đảng Dân Chủ thay đổi nhiều phương pháp vận động. Nếu theo dõi kỹ chúng ta thấy vào giai đoạn cuối những khẩu hiểu có tính xách động và quá khích như “Defund the police” (tái phân phối ngân sách cảnh sát) hay những câu “xã hội chủ nghĩa”, “phong trào cấp tiến” làm cử tri lo lắng đều không còn được ứng cử viên đảng Dân Chủ dùng. Cơ chế dân chủ Mỹ ngoài hành pháp và lập pháp mà chúng ta nghe hằng ngày còn được bảo vệ bởi một hệ thống tư pháp tiểu bang và liên bang được dựng thành nhiều tầng kiên cố. Riêng cấp liên bang, Mỹ có 94 tòa án liên bang đặt tại các địa phương (District Court) với tổng cộng 670 thẩm phán. Ngoài ra Mỹ còn có 13 Tòa Phúc Thẩm (U.S. Courts of Appeals), mỗi tòa có ba thẩm phán. Các tòa phúc thẩm không có bồi thẩm đoàn. Các thẩm phán liên bang do tổng thống đề cử, Ủy Ban Tư Pháp Định Chế (Senate Judiciary Committee) của Thượng Viện nghiên cứu và đề nghị lên Thượng Viện. Thông thường, các tổng thống Cộng Hòa đề cử các thẩm phán chia sẻ quan điểm Cộng Hòa và tương tự đối với các tổng thống Dân Chủ. Các thẩm phán liên bang Mỹ tại chức suốt đời và chỉ có quốc hội mới có quyền bãi nhiệm nếu thẩm phán nào có hành vi xấu. Tòa cao nhất là Tối Cao Pháp Viện với chín thẩm phán. Theo phúc trình của James C. Duff, Giám Đốc Văn Phòng Điều Hành Tòa Án Mỹ, hiện có 30 ngàn nhân viên chuyên môn phụ giúp cho các thẩm phán tại các tòa. Nước Mỹ không tùy thuộc vào quyết định của một hay vài người như các nước độc tài và các chủ thuyết quan trọng cũng không giới hạn trong một hay hai nhiệm kỳ tổng thống. Nếu chiến lược đối ngoại của Mỹ chỉ giới hạn trong bốn năm hay tám năm thì Liên Xô chẳng những không sụp đổ mà đã đánh bại Mỹ trong thập niên 1960 rồi. TT Harry Truman và Tướng Dwight Eisenhower có nhiều điểm bất đồng nhưng khi đắc cử tổng thống TT Eisenhower (Cộng Hòa) vẫn tiếp tục các chính sách đối ngoại của cựu TT Truman (Dân Chủ). Hai năm nữa, vào ngày 8 tháng 11, 2022, cử tri Mỹ lại sẽ đi bầu. Lần tới dân Mỹ sẽ bầu 34 Thượng Nghị Sĩ, 435 Dân Biểu và 36 Thống Đốc các tiểu bang. Với tỉ lệ đa số do Dân Chủ đang giữ rất sít sao, 50-50 tại Thượng Viện, 222-211 tại Hạ Viện, với xung đột quan điểm chính trị gay gắt và sự phân hóa xã hội sâu xa hiện nay những cuộc bầu cử năm 2022 và năm 2024 sẽ hứa hẹn nhiều gay gấn. Theo lịch sử các cuộc bầu phiếu, cử tri Mỹ vốn rất thụ động. Nhưng thái độ đó đang thay đổi. Cuộc bầu cử vừa qua có tới 157 triệu cử tri (66.3%) đi bầu, cao nhất trong lịch sử và tăng hai phần trăm so với cuộc bầu cử năm 2016. Trong tương lai, con số đó chắc chắn sẽ cao hơn. Trần Trung Đạo
......

Nhìn lại Covid-19: Tác hại và những bài học

Trần Diệu Chân - Việt Tân| Đại dịch coronavirus chủng mới phát xuất từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019 vẫn tiếp tục hoành hành khắp thế giới cho tới những ngày đầu năm 2021, với hơn 80 triệu người bị lây nhiễm và hơn 1.8 triệu người thiệt mạng. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Theo các chuyên gia, con số bệnh nhân còn cao hơn gấp bội trên thực tế vì thiếu sót thử nghiệm, trong khi đó có những người bị nhiễm virus mà không có triệu chứng, và có những chính phủ ém nhẹm con số thực. Tia hy vọng cuối đường hầm là nhiều loại vaccines đã được phát minh và tiến trình chủng ngừa vừa được bắt đầu ở một số nơi trong tháng qua. Nhưng những ảnh hưởng kinh hoàng của đại dịch này đã được đánh giá là kinh khủng nhất trong thế kỷ qua về mọi lãnh vực. Bài viết này nhằm tổng hợp ngắn gọn những tác hại của đại dịch và những bài học rút tỉa cho tương lai của thế giới loài người. A. Những tác hại từ đại dịch Covid-19 I- Về mặt kinh tế Chưa một diễn biến nào có tác hại lớn và đồng bộ lên nền kinh tế toàn cầu như đại dịch 2020 vì hầu hết mọi quốc gia và xã hội phải đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, do đó đã giảm thiểu các hoạt động kinh tế tối đa, từ sản xuất tới tiêu thụ và đầu tư, khiến tổng sản lượng mọi quốc gia bị co cụm và hoạt động thương giao giữa các nước cũng sụt giảm nặng nề.  Kết quả là: 1/ Lợi tức suy giảm khiến hàng triệu công ty bị phá sản, số người thất nghiệp gia tăng, tiền lương và lợi tức bình quân đầu người giảm, kéo theo thảm họa đói nghèo và nguy cơ bất ổn trong xã hội. Trong chiều hướng chung này, quốc gia nghèo chịu ảnh hưởng nặng hơn, và những người nghèo trong một quốc gia bị thiệt thòi hơn, đa số là thành phần phụ nữ, trẻ em, di dân và thiểu số trong xã hội. 2/ Sự chênh lệch giầu nghèo gia tăng do điểm 1 nêu trên, nhưng cũng có những ngành nghề lại phát triển hay không bị ảnh hưởng xấu của đại dịch, như ngành công nghệ cao IT, AI, buôn bán trên mạng v…v… khiến có những công ty đã giầu lại tiếp tục kiếm bộn tiền trong năm qua. Sự chênh lệch giầu nghèo gia tăng giữa các quốc gia, giữa nhiều thành phần trong một xã hội, giữa các kỹ nghệ và ngành nghề khiến nhiều công ty nhỏ bị triệt tiêu khi không thể mở cửa buôn bán, càng gia tăng cơ nguy của bất công và bất ổn xã hội. 3/ Nợ công gia tăng vì kinh tế sụt giảm và chính phủ phải đưa ra các gói kích cầu kinh tế cũng như cứu trợ người dân. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro tài chính lớn trên toàn cầu. II- Về sức khỏe thể chất, tâm thần và dịch vụ y tế Các ảnh hưởng tiêu cực bao gồm: 1/ Ngoài khả năng giết hại hàng triệu người trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 còn để lại các di sản tàn phá trong thân thể của nhiều nạn nhân mà hệ quả đường dài chưa thể đánh giá. 2/ Covid-19 cũng đã giết hại nhiều chuyên viên y tế – các bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế và nhân viên, tức các chiến sĩ tuyến đầu trong trận chiến cứu người. 3/ Dịch bệnh này còn tạo ra những tác hại tâm lý/tinh thần như gây ra sự sợ hãi, lo lắng, căng thẳng về căn bệnh; những xáo trộn trong đời sống thường nhật, và sự cách ly để ngăn ngừa lây nhiễm đã tạo ra tâm bệnh rộng khắp trong xã hội, nhất là đối với những ngưòi lớn tuổi, đơn độc, và trẻ em (do các em không được đến trường, phải xa rời bạn bè và cảm nhận bị tù túng khi phải ở trong nhà). 4/ Gia đình các bệnh nhân phải chịu đựng sự căng thẳng tinh thần từ việc chăm sóc người thân, lo cách ly phòng ngừa bệnh, lại không được ở gần người thân tại bệnh viện hay phút lâm chung. Nhân viên y tế cũng đau buồn lây trước hoàn cảnh đau thương của bênh nhân. 5/ Mọi hoạt động tang ma, hôn lễ hay tụ tập đông người đều bị giới hạn tối đa để ngăn ngừa bệnh. Mọi hoạt động xã hội bị đảo lộn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, và tạo hệ quả nghiêm trọng lên tinh thần của nhiều người. III- Về giáo dục Để ngăn ngừa dịch bệnh, trường học các cấp đã phải đóng cửa và lớp học được mở ra online. Hiệu năng học hỏi bị suy giảm, nhất là các môn học cần thực nghiệm hoặc cần nỗ lực chung của một đội ngũ. Trường học online cũng tạo căng thẳng cho con trẻ, giáo chức và cha mẹ, và có những gia đình nghèo không đủ phương tiện tham gia online. Ngoài ra, những sinh viên du học các nước đôi khi phải trở về nguyên quán trong giai đoạn trường học đóng cửa, tạo ra khá nhiều khó khăn và tốn kém cho họ. IV- Khủng hoảng nhân quyền và dân chủ Vào tháng Mười, 2020 ông Michael J. Abramowitz, chủ tịch của Freedom House (FH), cho biết họ đã nghiên cứu 192 quốc gia và nhận thấy điều kiện dân chủ/nhân quyền tại 80 nước đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Covid-19 lan truyền. Chính quyền các quốc gia này đã lợi dụng sự phòng chống dịch để siết chặt guồng máy kiểm soát thông tin, gia tăng bắt bớ và đàn áp các nhà hoạt động dân chủ, nhất là trong sự thờ ơ của thế giới vì đang bận rộn chống đỡ đại dịch. Có 64% những chuyên gia được khảo sát đồng ý rằng, ảnh hưởng này sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm tới. Đặc biệt là những hành xử phản dân chủ của Trung Quốc có thể trở thành một chuẩn mực cai trị của những thể chế độc tài trong tương lai, bao gồm tăng cường chủ nghĩa dân tộc, dập tắt những kêu gọi về tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm, gia tăng bưng bít thông tin và giới hạn quyền tụ họp, ngôn luận. Trong bối cảnh này, các hoạt động của những đoàn thể xã hội dân sự, những tiếng nói phản biện hoặc quyền lên tiếng chống lại bạo lực nhà nước bị khống chế. Tại Việt Nam hai vụ án điển hình cho sự khống chế bạo lực của nhà cầm quyền CSVN trong thời Covid-19 là cuộc thảm sát và xử án Đồng Tâm và việc bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang. V- Xáo trộn đời sống bình thường và đảo lộn trật tự thế giới Các chuyên gia thế giới thẩm định rằng cuộc sống bình thường tiền Covid nếu không trở thành những điều của quá khứ thì cũng khó trở lại toàn vẹn như trước. Chúng ta thấy đại dịch đã đặt ra một thứ tự ưu tiên cho mọi quốc gia về vấn đề cải thiện hệ thống y tế để có thể đối phó nhanh chóng với những căn bệnh truyền nhiễm, các quốc gia có khả năng nghiên cứu cũng cần phát huy kiến thức về virus, cách truyền bệnh từ vật sang người, các biến thể, thuốc chủng ngừa và các biện pháp ngăn ngừa. Quốc gia nào có khả năng chống dịch mạnh có thể tạo được vị trí chính trị và kinh tế tốt hơn. Ngược lại, quốc gia dân chủ phát triển nào mà có lãnh đạo giỏi cũng có khả năng kềm chế đại dịch tốt hơn, lấy thí dụ các nước phát triển như Nauy và Đan Mạch rất thành công về kềm chế dịch, trái lại Thụy Điển thì lại có con số tử vong cao nhất trong vùng. Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu về tiền bạc và khả năng chống dịch trong nhiều thập niên qua, nhưng hiện đang dẫn đầu thế giới về con số lây nhiễm và tử vong vì Covid-19: hơn 20 triệu người nhiễm và hơn 350.000 người chết, với hơn 3.000 người thiệt mạng mỗi ngày trong tháng 12/2020, tức cứ mỗi 30 giây lại có một người chết. Dân số Mỹ chỉ chiếm 4% trên thế giới, nhưng tỷ lệ nhiễm Covid-19 lên tới 24% và tử vong 19.4% trên tổng số bệnh nhân toàn cầu. B. Những bài học rút tỉa từ đại dịch 1/ Tầm quan trọng của hợp tác và phối hợp quốc tế trong chiến lược phòng bệnh và chữa bệnh. So sánh với hoàn cảnh của các dịch bệnh trước đây trong nhiều thập niên qua như cúm châu Á (1957-1958), cúm Hong Kong (1968-1970), cúm Nga (1977-1978), SARS (2002-2005), cúm lợn (2009-2010), MERS-CoV (tháng 6, 2012), Ebola (tháng 2, 2014) …, các chuyên gia nhận định chưa có dịch nào diễn ra đồng loạt trên phạm vi toàn cầu như lần này (không kể cúm Tây Ban Nha vì xảy tra trên một thế kỷ, từ 1918-1920). Và họ kết luận là sự hợp tác quốc tế quá chậm chạp và kém cỏi lần này chính là nguyên nhân biến một dịch bệnh địa phương thành đại dịch thế giới với số lượng thiệt mạng lên tới hàng triệu người như vậy. Vai trò lãnh đạo và phối hợp nỗ lực toàn cầu của các cường quốc như Hoa Kỳ, khối EU, các định chế quốc tế như WHO … rất cần thiết và cần được cải thiện để đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như các trường hợp tương lai. 2/ Toàn cầu hóa có vấn đề. Nếu toàn cầu hóa giúp cho nhân loại chan hòa sản xuất và mở rộng thương mại trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì chính hai lợi ích này đã bị đại dịch làm tê liệt. Thứ nhất là việc khai dụng sức mạnh cá biệt của từng quốc gia để hữu hiệu hóa sản xuất và giảm giá thành nhờ vào nhân công rẻ và tài nguyên đặc thù ở một số quốc gia đã đưa tới việc chuyên biệt hóa. Nhưng khi các quốc gia đóng cửa giao thông và giao thương để ngăn ngừa đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ, nhất là khi sàn sản xuất tập trung vào một nơi như hiện nay là Trung Quốc. Một quốc gia có ảnh hưởng lớn về kinh tế như vậy lại là một nước độc tài với tham vọng xâm lược thì sẽ rất nguy hiểm tới sự ổn định và thịnh vượng chung; họ có thể tạo áp lực “con tin” lên thế giới cho mục tiêu chính trị và lợi nhuận. Thứ hai là giao thương giữa các nước, cả hàng hóa lẫn dịch vụ, đòi hỏi sự chuyển vận và tiếp xúc gia tăng trên thế giới khiến dịch bệnh dễ lan tỏa rộng khắp. Sự phân tích này không có nghĩa là toàn cầu hóa không còn giá trị nâng cao kinh tế và đời sống con người, nhất là giúp cho các quốc gia chậm phát triển được thăng tiến. Tuy nhiên, các nước cần đa dạng hóa nền kinh tế quốc gia để khỏi phụ thuộc quá mức vào một nước khác, đồng thời thế giới phải đa dạng hóa nguồn cung ứng để khỏi bị lệ thuộc vào một hay vài quốc gia, đặc biệt những nước có thành tích bất hảo về nhân quyền. 3/ Cần cải thiện hệ thống thông tin để ngăn ngừa tin giả, thuyết âm mưu và hiện tượng “chính trị hóa” đại dịch. Hệ thống Internet tuy đã trở thành một phương tiện truyền thông quan trọng và bổ ích, giúp truyền đạt nhiều điều hữu ích và gia tăng kiến thức cho nhân loại. Nhưng trong vài năm trở lại đây, đã trở thành một công cụ “tấn công sự thật” hữu hiệu và rộng khắp, khiến thế giới bị chia hẳn thành hai phía: một bên tin vào các cơ quan truyền thông chính thống, chuyên nghiệp; bên kia tin vào các nguồn “ngoài luồng” với tin tức, dữ kiện bịa đặt hoặc không kiểm chứng được. Hai thế giới tin tức khác hẳn và đối chọi, cho thấy một bên là thế giới thật và một bên là thế giới ảo. Nguy cơ của thế giới ảo là tấn công và bôi đen mọi nỗ lực truyền thống qua những thông điệp tuyên truyền hoàn toàn dựng đứng hoặc thêu dệt từ một dữ kiện nhỏ có thật, nhưng toàn bộ là tin thất thiệt. Nỗ lực này đã reo rắc nghi ngờ và hoang mang cho những người nằm trong quỹ đạo ảo. Dù với mục tiêu gì đi chăng nữa – vì quyền lực chính trị hay thống trị, lợi ích cá nhân hay phe nhóm, lợi nhuận kinh tế, kể cả những mục tiêu bệnh hoạn muốn trả thù hay phá hoại, thì hệ quả là các tin tức về Covid-19 và vaccines đã bị xuyên tạc trầm trọng, khiến cho các nỗ lực ngăn chặn đại dịch bị vô hiệu hóa và đưa đến nhiều trường hợp tử vong. Một thí dụ về “chính trị hóa” đại dịch bất kể nguy cơ cho xã hội và tác hại ngay lên chính bản thân và gia đình họ, đó là nhiều chính trị gia Mỹ đã cho rằng Covid-19 là âm mưu gian tà, bịa đặt của các đối thủ chính trị, và đã không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Cuối cùng có người đã mắc bệnh hoặc tử vong vì Covid-19. Trong hoàn cảnh phải cách ly xã hội để ngăn chặn đại dịch, các sinh hoạt online gia tăng. Do đó, cần phải có sự hợp tác của các công ty mạng để bài trừ tệ nạn tin giả, xuyên tạc và thuyết âm mưu; đồng thời các quốc gia phải ban hành luật lệ để ngăn chặn hiện tượng lợi dụng tự do ngôn luận/tự do báo chí trên mạng cũng như ngoài đời để đưa tin thất thiệt. Ngược lại,  các định chế giám sát cần theo dõi để các lãnh đạo độc tài không nhân cơ hội này siết chặt tự do phát biểu của người dân. Việc thông tin và giáo dục đại chúng để nhận thức và phân biệt tin giả với tin thật cũng là điều tối quan trọng.  4/ Chăm sóc y tế là ưu tiên và phải bao gồm cả lãnh vực sức khỏe tâm lý và tinh thần. Trong đời sống bất ổn hiện nay, con người cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện, không chỉ yếu tố thể chất mà còn phải bao gồm cả lãnh vực tâm lý, tinh thần và tâm linh để đem lại an bình, hạnh phúc bền vững cho cá nhân và tập thể.  Quyền được chăm sóc y tế phải được xem là một quyền căn bản, mở rộng cho mọi thành phần xã hội một cách bình đẳng thì mới mong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh được phân bổ đều khắp và hữu hiệu. 5/ Môi trường được cải thiện nhanh chóng khi con người bớt dùng động cơ Đại dịch Covid-19 giúp giảm khí thải, ô nhiễm  khi con người hạn chế di chuyển bằng xe hơi, máy bay và giảm sản xuất. Từ đó, các chuyên gia cho biết không khí đã trở nên trong lành khác thường, nước sông hồ ở một số nơi có độ ô nhiễm nặng trước đây như Trung Quốc và Ý đã trở nên trong hơn. Nồng độ nitro dioxide, khí thải carbon dioxide, methane, carbon monoxide, các hạt nhỏ ở Mỹ và các nước kỹ nghệ đã giảm thấp thấy rõ. Tuy nhiên, vấn đề mua đồ ăn “to go” đã khiến rác thải gia tăng và cần phải sử dụng các vật liệu có thể tái chế.  Trung Quốc cũng đang ngập ngụa trong chất thải y tế từ các bệnh viện. Tại thành phố Vũ Hán, chất thải y tế tăng gấp bốn lần, lên hơn 200 tấn mỗi ngày. Từ những bài học trong đại dịch, con người cần có những thay đổi lớn trong xã hội về vấn đề vệ sinh và bảo vệ môi sinh để tránh một tai họa khổng lồ từ hệ quả thay đổi khí hậu toàn cầu mà đại dịch đã minh chứng là chúng ta có thể cải thiện.  Kết luận Thảm họa Covid-19 đã cho thấy xã hội văn minh loài người hiện nay vẫn còn rất nhiều những thiếu sót cần điều chỉnh để ngăn ngừa và đối phó hữu hiệu với những vấn nạn mà đôi khi do chính con người tạo ra và phát tác. Nguy cơ và khổ nạn cũng đã giúp con người phát huy được khả năng tiềm tàng trong mỗi cá nhân và quốc gia để giúp cho nhân loại thoát hiểm. Chưa bao giờ mà vaccines chống Covid lại được phát minh ở vận tốc nhanh chóng như hiện nay. Đó là nhờ nỗ lực phối hợp giữa các khoa học gia và các công ty, cũng như từ thành quả nghiên cứu của các đợt dịch những năm trước. Tuy nhiên đã thiếu sự hợp tác và lãnh đạo từ Mỹ trong nỗ lực chống dịch năm 2020, khiến dịch bệnh bộc phát và Mỹ trở thành trung tâm dịch lớn nhất thế giới. Tầm quan trọng của sự hợp tác, nối kết các nỗ lực và sự hình thành các định chế quốc tế để phối hợp các nỗ lực chung cần phải đặt ưu tiên trong hoàn cảnh hiện nay. Tổ Chức Y Tế Thế Giới cần được giúp đỡ và cải thiện, chứ không phải dẹp bỏ, để giúp các nước nghèo được trợ giá vaccine và phân bổ thuốc cũng như các nhu yếu phẩm y tế cần thiết tới mọi nơi. Thế giới là ngôi nhà chung và sẽ không an toàn khi một điểm nóng của virus vẫn còn tồn tại. Nhu cầu coi trọng quyền căn bản của người dân như được thông tin trung thực, quyền tự do đòi hỏi sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm từ chính quyền, quyền được chăm sóc y tế và cứu trợ bình đẳng  v…v… đều là những yếu tố căn bản trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Nếu Trung Quốc coi trọng sinh mạng của người dân và tôn trọng lời cảnh báo của Bác sĩ Li Wenliang vào cuối năm 2019, thay vì đe dọa, bịt miệng ông và che đậy đại dịch khi bùng nổ ở Vũ Hán, thì thế giới đã kịp trở tay sớm hơn để ngăn chặn Covid-19 lan tỏa và tác hại. Một chính quyền dân chủ, nhân bản và trách nhiệm cũng giúp cho tiến trình hợp tác quốc tế để đối phó với đại dịch hữu hiệu hơn. Tác giả Trần Diệu Chân: Tiến Sĩ Kinh tế và là nhà hoạt động về Nhân quyền, Truyền thông lâu năm trong cộng đồng người Việt. https://viettan.org/nhin-lai-covid-19-tac-hai-va-nhung-bai-hoc/  
......

Tôi Và Sài Gòn

Do Duy Ngoc   Tôi vốn không phải là dân Sài Gòn. Tôi là thằng con trai miền Trung vô Sài Gòn kiếm cái chữ từ những năm cuối của thập niên sáu mươi, đầu bảy mươi của thế kỷ trước. Là thằng sinh viên nghèo tự lập chẳng ai nuôi nên tôi chỉ quanh quẩn ở những xóm lao động của Sài Gòn hoa lệ thời ấy.   Để tiện việc học hành, và vì lúc đấy cũng chẳng có phương tiện di chuyển, tôi bám trụ khu Trương Minh Giảng suốt quãng đời đi học. Cho đến khi đi làm mua nhà, tôi vẫn quanh quẩn khu vực ấy. Thế nên Sài Gòn trong tôi là những xóm nghèo, Sài Gòn với tôi là những người lao động nghèo, những căn nhà nho nhỏ, lụp xụp bên bờ kinh Nhiêu Lộc mà bây giờ không còn nữa. Ngay đống rác ngay chân cầu Trương Minh Giảng thuở xưa cũng là nơi ghi dấu nhiều ký ức cùa tôi một thời đã đi qua không trở lại.   Lúc mới vào Sài Gòn, tôi mê những hàng cây. Những cây me đường Nguyễn Du với những quán cà phê ven vỉa hè. Tôi và bè bạn rong chơi ở đấy suốt đời sinh viên để ngắm những hàng me, để đón những lá me nhỏ xíu rớt trên vai mình, để nhìn những hạt mưa bay bay trên những vòm lá xanh biếc màu ngọc bích và để yêu một thành phố.   Tôi cũng mê những buổi chiều đi lang thang sau giờ học ở Đại học Văn khoa, đến cuối đường Gia Long, ở gần nhà thương Grall để ngắm hai hàng cây giao nhau và cuối con đường là chủng viện Công giáo với tường màu gạch đỏ.   Cảnh đó giống như một tác phẩm nghệ thuật và lúc đó tôi nghĩ đây là con đường đẹp nhất Sài Gòn. Đi thêm một đoạn nữa, ta ngỡ ngàng với hàng cây cổ thụ vươn cao từ khu Ba Son chạy ra Đinh Tiên Hoàng, những hàng cây thẳng tắp luôn khiến con đường nhiều bóng mát điểm những bóng nắng loang lổ như một bức ảnh đẹp được chụp bởi một tay máy nghệ sĩ.   Tôi cũng thích bách bộ lang thang đến đường Đoàn Thị Điểm(bây giờ là Trương Định) để ngắm những ngôi nhà sang trọng nhưng rất thanh lịch thấp thoáng sau hàng rào đầy hoa và con đường nhiều bóng râm.   Nhiều lần đi kiếm cơm ăn ké bạn bè ở Đại học xá Minh Mạng, tôi cũng ngắm nhìn những hàng cây cao vút cạnh ngôi nhà thờ màu đỏ như gợi nhớ một bức tranh nào đó đầy màu sắc của hoạ sĩ Đinh Cường.   Có nhiều đêm, đi qua ngôi nhà lớn ở đầu đường Trương Minh Giảng tôi nghe tiếng dế gáy ở bụi cỏ và hương ngọc lan thơm ngát từ ngững cây ngọc lan cổ thụ trong sân toà nhà dưới ánh đèn đường mờ đục.   Tiếng dế và hương thơm ngọc lan vẫn nằm trong ký ức của tôi đến tận bây giờ bởi con đường đó gắn với tôi biết bao kỷ niệm không thể quên.   Kể nhiều vòm cây khóm lá để thấy ấn tượng đầu tiên của một chàng học trò tỉnh lẻ đến Sài Gòn chính là những con đường với những hàng cây rợp bóng.   Đến bây giờ, tôi đã ở Sài Gòn được gần nửa thế kỷ. Chưa bao giờ có ai hỏi tôi là người gốc Sài Gòn hay là dân Sài Gòn xịn, dù đã ở lâu xứ này, tôi vẫn nói giọng Quảng dù đã nhẹ hơn người chánh gốc Quảng. Ở đất này, ai đã đến và sinh sống ở đây đều là người Sài Gòn. Sài Gòn có nhiều người Bắc di cư năm 1954.   Sài Gòn cũng có nhiều người miền Trung từ Quảng Nam, Ngãi, Quy nhơn, Bình Định. Sài Gòn còn có rất nhiều người miền Tây lên, từ miền Đông Nam bộ đến. Nhưng dù họ đến từ đâu, họ ở đây đã là dân Sài Gòn, chẳng có ai phân biệt, chẳng có ai thắc mắc. Và đó cũng là đặc điểm đặc biệt của người Sài Gòn khác với Hà Nội.   Đêm đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi ngủ trên ghế đá chỗ vườn hoa Tao Đàn. Nửa đêm tôi bị đánh thức bởi hai người cảnh sát. Bởi thời đó thiết quân luật từ nửa đêm, không ai được ra đường. Sau khi đưa giấy tờ và kể lể hoàn cảnh vừa mới từ miền Trung vào đi học, chưa kiếm được người quen. Một anh cảnh sát bảo: Miền Trung à? Ái chà chà, mấy ông sinh viên quê ngoài ấy khoái theo Việt cộng lắm.   Tui chẳng biết nói sao đành chịu bị giải về cái bót cảnh sát ở ngay góc chợ Bến Thành. Tui nằm ở đó một đêm, sáng ra có một ông sĩ quan cảnh sát đến, bảo tôi đi học thì gắng mà học hành, đừng nghe lới mấy tay Việt Cộng mà tiêu đời. Ông ta móc bóp, cho tôi tiền ăn sáng và uống cà phê. Đó là cái tình của người Sài Gòn đầu tiên trong đời tôi và gây cho tôi ấn tượng về con người ở xứ này.   Trong những ngày đói rách, khó khăn của cuộc đời, những người Sài Gòn, những người nghèo Sài Gòn đã bảo bọc, giúp đỡ tôi qua cơn khốn khó. Tôi không quên được cô gái bán cơm ở chợ Trương Minh Giảng.   Thuở đó, tôi thất nghiệp, chẳng kiếm ra tiền, chắt bóp, vơ vét túi chỉ đủ gọi dĩa cơm trắng rồi xin miếng xì dầu ăn qua bữa. Ăn được ba hôm như thế thì cô bán cơm hỏi sao không thấy anh ăn thức ăn, đành nói dối tôi ăn chay. Cô ấy chỉ cười, không nói. Nhưng mấy hôm sau, dĩa cơm xì đâu của tôi luôn có dưới lớp cơm trắng khi thì miếng đậu hủ, lúc thì miếng thịt hoặc cái hột vịt kho. Được mấy hôm, tôi mắc cỡ, không dám ra ăn nữa.   Sau đó lại kiếm được việc bán báo ở tận đường Phạm Ngũ Lão, tôi không ăn cơm ở đó. Thời gian sau tìm lại thì quán đã đổi chủ rồi, tôi chẳng tìm được lại cô gái bán cơm có nụ cười rất tươi và tấm lòng nhân hậu.   Ăn uống thiếu thốn lại tạng người không khoẻ, tôi hay bệnh vặt. Chính những người hàng xóm rất nghèo của tôi đã giúp tôi qua được những cơn bệnh, giúp tôi có chén cháo, viên thuốc. Cái tình đó tôi làm sao quên.   Sau này ở lâu, tôi mới hiểu ra đó là bản chất của người Sài Gòn. Là cái tính ưa giúp người hoạn nạn, giúp kẻ sa cơ, tính ưa làm việc thiện của người Sài Gòn.   Mỗi lần đi xa rời Sài Gòn lâu, nhớ về Sài Gòn tôi chỉ nhớ những hàng cây và những người Sài Gòn tôi đã gặp, đã sống chung với họ một quãng đời. Người ta hay khen Sài Gòn với những cao ốc, những dinh thự, những khu ăn chơi bốc trời, những hàng quán xa hoa, những chiếc xe đắt tiền, những thú vui hoan lạc.   Riêng tôi, trong tôi, Sài Gòn là vòm cây xanh lá, là những ngôi nhà bên dòng nước đen và ở đó tôi tìm thấy tình người.   Bây giờ, Sài Gòn đã đổi tên. Thế nhưng tôi vẫn gọi là Sài Gòn như một thói quen, cái tên của ký ức không thể nhạt phai. Người ta đang tìm đủ cách để thành phố này không còn ký ức của Sài Gòn. Nhưng với người Sài Gòn, Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn mà không có một cái tên nào khác có thể thay thế được.   Đỗ Duy Ngọc  
......

Năm mới, ‘cam kết đầu năm’ cùng triết lý Kaizen

Kaizen. (Hình: Majo statt Senf, https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Kaizen-2.svg) Bạn đọc làm báo - Đinh Yên Thảo| Khi bước vào năm mới, nhiều người luôn thầm nguyện sẽ thực hiện hay thay đổi một đôi điều tích cực gì đó qua “New Year Resolution” - cam kết đầu năm của mình. Có thể đó là sự chăm sóc cho sức khoẻ cá nhân, giảm cân, sống tử tế tốt lành hơn, kiểm soát sự giận dữ, dành thời gian cho gia đình hay du lịch nhiều hơn. Là gì, sẽ thực hiện như thế nào, được bao lâu là chuyện riêng của mỗi người. Nhưng nếu muốn thực tâm thực hiện những cam kết của mình, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về triết lý Kaizen của người Nhật. Các nghiên cứu tâm lý và khảo sát cho thấy những người sống thọ, sống vui khoẻ thường là những người có một triết lý sống và mục đích để đeo đuổi. Mục đích đó có thể lớn hay nhỏ, nhắm chuyện đại sự hay chỉ trong gia đình, vì tha nhân hay cho con cái, nhưng thiếu đi mục đích, đời sống sẽ trở nên mất ý nghĩa và vô vị. Có thể xem những "cam kết đầu năm" là một phần của mục đích ngắn hạn trong đời sống. Nhưng việc thực hiện nó đôi khi là một thách thức không dễ dàng vì không phải ai cũng có đủ nghị lực đeo đuổi, dù chỉ là một đôi điều nhỏ nhặt. Các số liệu cho thấy chỉ hơn 40% cá nhân thực hiện được cam kết của mình, còn lại là bỏ cuộc đâu đó giữa chừng, có khi ngay trong tháng đầu tiên của năm mới. Với những ai đã ít nhiều thực hiện được phần nào những mục tiêu đó, thì đó quả là một niềm vui và phấn khích khi nhìn lại một năm đã đi qua. Cái thói quen và truyền thống cam kết đầu năm này đã thu hút nhiều nghiên cứu tâm lý để đưa ra các lời khuyên hay cố vấn về cách thực hiện nó. Phần lớn là những điều như chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi từng bước, đặt ra mục tiêu có ý nghĩa và động lực cho chính mình thay vì do áp lực tâm lý từ gia đình hay người chung quanh, giới hạn một số điều cụ thể nằm trong khả năng có thể thực hiện, chia nhỏ mục tiêu, viết ra giấy và theo dõi thường xuyên những điều này, và quan trọng hơn là khi lơ là hay có ý định bỏ cuộc thì cần quay lại với chúng ở mức nhanh nhất. Triết lý hay khái niệm Kaizen của người Nhật có nhiều điều tương đồng với những cố vấn trên, nhưng nó mang tính tự giác và kỷ luật hơn. Thật ra nó đã được áp dụng trong kỹ nghệ sản xuất, quản trị và thương mại của người Nhật rất thành công. Nó cũng đã được nhiều nhà sản xuất và tập đoàn thương mại phương Tây học hỏi để bắt chước. Kaizen ra đời sau Ðệ Nhị Thế Chiến, mang ý nghĩa là “sự thay đổi tốt hơn” hay “sự hoàn thiện” (change for better, improvement), được tập đoàn xe Toyota đưa vào trong triết lý sản xuất của mình. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến thì các nhà chế tạo xe hơi Hoa Kỳ đã sang thăm Toyota để tìm hiểu tại sao Toyota có thể sản xuất xe nhanh và phẩm chất cao đến mức ngạc nhiên, và họ đã phát hiện ra không phải Toyota có máy móc thiết bị hay dây chuyền tân tiến hơn Mỹ, mà họ áp dụng một triết lý nhân sinh – “The Toyota Way”, áp dụng hai nguyên tắc chính yếu là “sự liên tục hoàn thiện” và “tôn trọng con người” vào trong hoạt động và quản trị của công ty. Nó hướng dẫn sự phát triển của hãng và giúp cho nhân viên luôn có động lực tìm cách thay đổi quá trình làm việc, dây chuyền sản xuất, và chính bản thân họ tốt hơn. Ví dụ như trước những lỗi lầm, sai sót kỹ thuật của nhân viên, thay vì khiển trách họ thì Toyota khuyến khích nhân viên được ngừng công việc sản xuất để xem xét lý do, tìm ý tưởng hoặc phương pháp khắc phục, hoặc đề nghị lên cấp trên cách cải thiện để tránh lặp lại những lỗi tương tự. Nhờ đó mà những lỗi kỹ thuật bớt xảy ra hay không tái diễn, từ đó dây chuyền sản xuất được “liên tục hoàn thiện.” "The Toyota Way"- phương pháp Toyota, đã dẫn đến sự hùng mạnh và thành công vượt bực của tập đoàn Toyota ngày hôm nay. Ðó là một triết lý kinh doanh hữu hiệu và nó cũng thích hợp cho cả những nhà sản xuất nhỏ, các tiểu thương, các cơ sở thương mại và dịch vụ tư nhân khác. Ðối với bất cứ chủ doanh nghiệp nào, một khi sản phẩm hay dịch vụ của mình được thay đổi tốt hơn — và khi nhân viên, khách hàng, người hợp tác được tôn trọng và đối xử một cách đúng mực hơn, thì thương nghiệp của mình cũng sẽ phát triển theo chiều hướng tốt hơn. Với Kaizen, dù đó là phương pháp được dùng cho sản xuất và quản trị như đã nói ở trên, nhưng Kaizen vẫn có thể được áp dụng cho đời sống cá nhân, nói chung, và cho "cam kết đầu năm" nói riêng. Bởi như tên gọi và triết lý, Kaizen hàm ý thay đổi từng bước và liên tục để đạt sự hoàn thiện. Kaizen không mang tính hình thức, nó hàm chứa những lối suy nghĩ và giá trị nội tại cần thiết để thay đổi đời sống cá nhân. Kaizen chấp nhận những sai sót hay lỗi lầm có thể xảy ra trong quá trình thực hiện, đồng thời khuyến khích tinh thần học hỏi để con người trở nên tốt hơn. Kaizen có những nguyên tắc, chuẩn mực và căn bản của nó, nhưng Kaizen cũng có thể được ứng dụng vào những lãnh vực khác hay vào đời sống cá nhân. Nếu như Kaizen cần tiêu chuẩn hóa một quy trình sản xuất nào đó để có thể tái lập và ít lỗi hơn, thì "cam kết đầu năm" cũng có thể được “tiêu-chuẩn-hoá” để loại bỏ những thói quen có hại và để cho những thay đổi tích cực được tái diễn một cách quy củ hơn. Kaizen chú trọng đến việc đo lường và đánh giá quá trình thực hiện để điều chỉnh kịp thời. Theo nguyên tắc đó, mỗi cá nhân cũng cần xem xét và theo dõi việc thực hiện mục tiêu của mình hay dở ra sao. Chẳng hạn nếu bạn muốn giảm cân một số kí-lô nào đó, nhưng sau đôi ba tháng vẫn chưa thấy xuống cân thì tất nhiên bạn cần điều chỉnh việc tập luyện hoặc cách ăn uống của mình. Kaizen khuyên ta nên tìm phương pháp mới mẻ và hiệu quả hơn để đạt kết quả. Nếu "cam kết đầu năm" của bạn là muốn du lịch đến đôi ba nơi mới trong năm nhưng e không đủ ngân sách, thì bạn có thể tìm cách thay đổi phương tiện di chuyển, ăn ở tiết kiệm hơn để vẫn thực hiện được mục tiêu ban đầu. Một trong những nguyên tắc chính của Kaizen là giảm thiểu sự thất thoát, phung phí thời gian và sức lực để cho việc sản xuất có hiệu quả hơn. Chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc đó vào vấn đề tài chính và chi tiêu của mình sao cho hợp lý hơn. Kaizen đề ra từng bước nhỏ để thay đổi. Theo đó ta cũng nên giới hạn mục tiêu của mình và kiên nhẫn hoàn tất từng bước một, thay vì đặt ra những mục tiêu quá lớn lao, khó lòng thực hiện rồi bỏ cuộc nửa chừng. Không phải bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể thực hiện qua đêm hay thành công tức thời. "Cam kết đầu năm" luôn là sự thách thức cho mỗi cá nhân để vượt qua chính mình. Nếu chưa thành công thì Kaizen có thể là một biện pháp hữu hiệu hơn để đối phó với sự thất vọng hay cảm giác thất bại khi chúng ta không đạt được những mục tiêu mình tự đề ra cho năm mới.  
......

Biến thể / chủng mới virus Sars-Cov-2 (VUI 202012/01 - B117) ảnh hưởng thế nào đến vaccine Covid-19?

Huynh Wynn Tran Nhiều quý vị hỏi tôi về biến thể/chủng mới virus Sars-Cov-2 và quan ngại về hiệu quả của vaccine Covid-19 (Pfizer/BioNTech và Moderna) với chủng mới này.   Tôi viết bài này cập nhật các dữ kiện mới về chủng virus Sars-Cov-2 mới và hiệu quả của vaccine Covid-19   # Virus Sars-Cov-2 thay đổi liên tục, nên có chủng virus mới là đều đã dự đoán trước   - Virus gây bệnh Covid-19 là virus họ Coronavirus, tên là Sars-Cov-2, là loại virus + RNA (Positive-sense RNA), đây là họ virus có kích cỡ to (kích cỡ 30kb), bên trong chứa một chuỗi gene di truyền (chuỗi đơn) RNA gồm mũ 5' và đuôi 3' (A tail). Khi vào bên trong tế bào, virus Sars-Cov-2 dùng chuỗi gene RNA này kết hợp với các protein trong tế bào chủ (replicase) để sản sinh ra protein mới (vỏ virus mới, S spike protein mới, vv...) và tiếp tục nhân bản.   - Chính vì là chuỗi di truyền đơn RNA nên cấu trúc virus Sars-Cov-2 không ổn định, rất dễ bị thay đổi sau nhiều tỉ lần copy và nhân bản qua hàng triệu tế bào. Vì vậy, sự dị biến của các virus họ RNA thường được dự đoán sẽ xảy ra. Hồi tháng 7, tôi có viết bài phân tích chủng mới D416G của virus Sars-Cov-2, lúc đó dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, Việt Nam # Chủng mới virus B117 (VUI 202012/01) nguy hiểm gì so với các chủng cũ?   - Các phân tích từ Viện Mã gene Covid-19 của Anh Quốc (1)(2) cho thấy chủng virus này có những điểm nổi bật khác là có sự thay đổi ở 23 mã gene, dẫn đến cấu trúc 4 protein thay đổi trong cấu tạo virus. Điểm nguy hiểm là lần này, có sự thay đổi diễn ra ở protein cầu gai, do 8 trong số 23 mã gene có liên quan đến dịch ra protein ở vùng nay.   - Do cầu gai là điểm kết nối để virus Sars-Cov-2 bám vào bề mặt tế bào nên thay đổi cấu trúc này có thể ảnh hưởng đến khả năng xâm lấn vào cơ thể, và khả năng lây nhiễm virus.   - Trong trường hợp này, chủng virus có thể xâm lấn tế bào nhanh hơn, và dẫn đến lây nhiễm mạnh hơn. Có một số bài ước tính tỉ lệ lây nhiễm lên đến 70% nhưng thực tế khó mà ước lượng cụ thể. Chỉ có tần suất xuất hiện của chủng mới (B117) này là nhiều hơn chủng cũ, như cách mà chủng D416G từng xuất hiện   - TS Maria Van Kerkhove từ WHO ước đoán chủng B117 sẽ khiến người mắc virus có thể lây đến 1.5 người khác trong khi người nhiễm virus chủng cũ có thể lây nhiễm 1.1 người (3)   # Chưa có bằng chứng cho thấy chủng virus mới B117 gây bệnh nặng hơn các chủng cũ   - Độc lực của virus (virus virulence) thường dựa vào nhiều 4 yếu tố là (4):   + khả năng nhân đôi của virus   + khả năng ảnh hưởng đến phản ứng của hệ miễn dịch với virus   + khả năng phát tán virus khắp cơ thể và lây lan (là chủng virus B117 mới)   + khả năng tạo ra chất độc toxic ảnh hưởng đến cơ thể   - Cho đến nay các nhà nghiên cứu từ Anh cũng chỉ ra chủng virus mới này chưa gây bệnh khác hay gây ra bệnh nặng hơn khi bệnh nhân mắc Covid-19 do nhiễm virus chủng mới.   # Các Vaccine Covid-19 có hiệu quả đến chủng mới này?   - Cho đến nay, chưa có bằng chứng là các vaccine Covid-19 (loại mRNA) không hiệu quả lên chủng virus mới vì chúng ta chưa có đủ dữ liệu. Tuy nhiên, dựa vào những thay đổi ở cầu gai của protein thì chủng virus mới có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.   - Mặc dù vậy, TS Ugur Sahin, CEO của BioNTech cho rằng vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ vẫn hiệu quả vì chủng virus mới B117 có protein cầu gai giống đến 99% của protein chủng virus hiện tại (5)   - Vì vậy, chúng ta cần phải tiêm vaccine nhiều và nhanh hơn trước khi chủng B117 chiếm phần lớn lây nhiễm toàn cầu, như chủng D416G đã từng phát triển trước đó.   - Ở góc độ khác, nếu chủng virus mới này tiếp tục phát triển và chiếm một phần quan trọng trong tỉ lệ virus Sars-cov-2 toàn cầu thì các nhà sản xuất vaccine có thể dùng các gene của chủng virus mới để tạo ra ra vaccine mới phù hợp. Đây là điểm hay của vaccine mRNA khi chúng ta có thể thay đổi cấu trúc gen để phù hợp với loại virus.   # Mỹ chích vaccine Covid-19 ít và chậm hơn dự kiến, chỉ được 2M vào hôm nay   - Cho đến hôm nay, chỉ mới gần 2 triệu người Mỹ chích Vaccine Covid-19, theo dữ liệu từ CDC (6). Đây là con số thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là chích 20 triệu người. Các lý do là gồm hệ thống phân phối và điều tiết vaccine phức tạp.   - Hy vọng những ngày đến, chúng ta sẽ chích vaccine nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn trước sự phát tán của chủng virus mới B117   BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ   Tham khảo 1. https://virological.org/.../preliminary-genomic.../563 2. https://www.cogconsortium.uk/data/ 3. https://www.usnews.com/.../who-says-new-coronavirus... 4. https://www.sciencedirect.com/.../medicin.../virus-virulence 5. https://www.bloomberg.com/.../biontech-ceo-confident... 6. https://covid.cdc.gov/covid-data-tracker/#vaccinations   #Coronavirusbiếnthể  
......

Việt Nam, "công xưởng mới của thế giới"?

Thanh Phương - rfi.fr|           Nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và cũng nhờ đại dịch toàn cầu Covid-19, mà Việt Nam có vẻ như đang tiến nhanh hơn trên con đường trở thành “công xưởng của thế giới”, cụm từ cho tới nay vẫn được dành cho Trung Quốc. Do coi như đã thành công trong việc khống chế dịch virus corona, Việt Nam nay càng được xem là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều công ty muốn tránh các biện pháp trừng phạt thuế quan của Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Trong bài báo đăng ngày 09/12/2020, trang mạng Financial Review của Úc ghi nhận là xu hướng di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã bắt đầu từ vài năm qua, khi giá nhân công ở nước láng giềng phương bắc bắt đầu tăng cao. Tờ báo trích lời nhà phân tích Rob Subbaraman, thuộc tập đoàn tài chính Nomura của Nhật, nhận định là tiến trình này đã tăng tốc sau khi tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 làm chao đảo nền kinh tế thế giới trong suốt năm nay càng khiến cho các công ty đa quốc gia thấy cần phải đa dạng hóa dây chuyền sản xuất. Nhà phân tích Rob Subbaraman nhấn mạnh: “ Đây là một chuyển đổi về cấu trúc mà chúng tôi dự báo là sẽ tiếp diễn. Trong những năm tới, sẽ có một dòng vốn đầu tư lớn hơn chuyển từ bắc Á xuống nam Á”. Theo ghi nhận của ông Subbaraman, tại vùng bắc Á ( bao gồm cả Nhật Bản, Đài Loan lẫn Trung Quốc ), dân số đang già đi, quỹ hưu trí ngày càng tăng và khi các nước này trở nên giàu hơn, thì mức lương cũng tăng theo, cho nên các nước ASEAN và Ấn Độ sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn. Nhà phân tích của Nomura đưa ra các nhận định như trên vào lúc chính phủ Việt Nam vừa thông báo là công ty Pegatron của Đài Loan, chuyên sản xuất thiết bị cho các tập đoàn công nghệ như Microsoft, Apple hay Sony, xác nhận đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ đôla để xây dựng một cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp Nam Định Vũ, gần Hải Phòng. Kế hoạch mở rộng hoạt động của Pegatron tại Việt Nam (bao gồm cả việc chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển từ Trung Quốc sang Việt Nam) được công bố vào lúc có tin là Foxconn, một tập đoàn lớn khác của Đài Loan, cũng sẽ chuyển dây chuyền sản xuất các sản phẩm của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam.  Hãng tin Reuters vào tháng trước loan tin là Foxconn sẽ mở rộng nhà máy của tập đoàn này ở tỉnh Bắc Giang để xây dựng các dây chuyền lắp ráp mới. Theo Financial Review, một số nước khác ở Đông Nam Á, như Indonesia, cũng đang tìm cách thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia đang muốn dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhưng chiến lược của Việt Nam có vẻ thành công hơn cả, qua trường hợp của Apple. Trả lời RFI qua điện thoại từ Sài Gòn ngày 14/12/2020, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn nhận định về lợi thế của Việt Nam: “Trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài từ năm 2018 đến nay, các chuyên gia trên thế giới đều đánh giá rằng quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất chính là Việt Nam, vì khi các công ty ở Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế rất nặng, rất nhiều lãnh đạo các công ty đó muốn né tránh chính sách thuế nặng của chính phủ Mỹ, bằng cách chuyển những hoạt động của họ sang các nước khác, trong đó Việt Nam, mà họ xem là một điểm đến rất tốt. Cũng vì lý do đó, không chỉ có các công ty của Mỹ, Nhật, hay của quốc gia khác, mà ngay cả các công ty của Trung Quốc cũng có ý định chuyển sang hoạt động ở Việt Nam để tránh chính sách áp thuế nặng nề của chính phủ Donald Trump. Có thể nói là trong thời gian đó thì đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng khá là nhanh và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng rất nhanh. Cũng có những trường hợp mà Việt Nam bị chính phủ Mỹ tố cáo là đã để cho các công ty Trung Quốc lợi dụng để tránh né chính sách áp thuế của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, phải nói là kinh tế Việt Nam trong thời gian đó cũng có một sức đẩy tốt, xuất khẩu tăng, cũng như là những điều kiện về hạ tầng, những chính sách phát triển nguồn nhân lực cũng được chính phủ Việt Nam lưu tâm để đẩy mạnh. Tôi cho đó là những yếu tố rất tích cực đối với Việt Nam trong việc tranh thủ lợi thế trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Chiến tranh này chắc chắn sẽ còn kéo dài, ngay cả khi mà chính quyền Donald Trump mãn nhiệm và chính quyền Joe Biden tiếp nối. Cuộc chiến thương mại này có thể sẽ là dưới một hình thức nào khác, tuy nhiên nó sẽ không chấm dứt được. Do đó, xu hướng của các nhà máy của các quốc gia phương Tây hoạt động tại Trung Quốc sẽ vẫn là chuyển sang các nước khác, mà trong đó Việt Nam được họ cho là điểm đến ưu tiên.” Các kinh tế gia của tập đoàn tài chính Nomura ghi nhận là hiện nay các tập đoàn đa quốc gia nay còn tính đến những khác biệt về cách đối phó với đại dịch Covid-19. Châu Á nói chung được xem là đã kềm chế dịch bệnh tốt hơn là các quốc gia phương Tây. Theo nhà phân tích Subbaraman, như vậy châu Á sẽ là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại vào năm tới, một khi virus corona không còn hoành hành nữa. Ông dự báo châu Á sẽ thu hút phần lớn nhất trong các dòng vốn vào năm tới, vì các công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư. Trong bối cảnh này, Việt Nam được xem là điểm đến an toàn hơn các nước khác, vì kể từ đầu mùa dịch cho đến nay, Việt Nam có chưa tới 1.400 ca nhiễm và chỉ có 35 ca tử vong. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là liệu các cơ sở hạ tầng, cũng như nguồn nhân lực của Việt Nam có đủ khả năng để tiếp nhận các dòng vốn đầu tư mới của ngoại quốc hay không? Về điểm này, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn nhận định: “ Thật ra việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện nguồn nhân lực của Việt Nam để phục vụ cho sự phát triển đầu tư nước ngoài đã được lưu ý nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, có thể nói là việc chuẩn bị đó chưa theo kịp nhu cầu gia tăng nhanh của đầu tư nước ngoài. Do đó, có trường hợp là một số công ty lớn của Mỹ như Apple đã phải có kế hoạch làm chậm tiến trình đầu tư tại Việt Nam, vì lý do thiếu nguồn nhân lực. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong thời gian sắp tới, cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện nguồn nhân lực sẽ là ưu tiên của chính phủ Việt Nam. Thật ra, đó cũng không phải là hai yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài, mà chính môi trường đầu tư, chính sách thuế, cũng như là thái độ thân thiện, cởi mở của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài mới quan trọng hơn, đặc biệt là vấn đề cải cách hành chính để tránh tham nhũng, tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hơn, để giúp nhà đầu tư nước ngoài đẩy nhanh việc thực hiện dự án của họ ở Việt Nam. Đó là những yếu tố mà tôi cho là cũng quan trọng không kém so với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện nguồn nhân lực chuyên môn.” Thu hút nhiều đầu tư ngoại quốc dĩ nhiên là rất tốt, nhưng nhìn xa hơn về phát triển trong tương tương lai, Việt Nam không thể mãi mãi chỉ là một “công xưởng của thế giới”, chỉ là nơi để các tập đoàn quốc tế đặt cơ sở sản xuất, mà phải đưa nền kinh tế lên một trình độ cao hơn, tức là nâng cao giá trị của chuỗi sản xuất, như ý kiến của chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn: “Đó là một sự chọn lựa. Tôi nghĩ là Việt Nam nằm ở một vị trí địa chính trị rất quan trọng, là một nước ven Biển Đông, nơi tập trung một khối lượng giao thương rất lớn của thế giới. Trong mấy chục năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã theo đuổi một chính sách hội nhập kinh tế rất là sâu rộng đối với thế giới. Có thể nói Việt Nam hiện nay là một trong những nước ký thỏa ước thương mại song phuơng với rất nhiều quốc gia, cũng như thỏa ước đa phương với nhiều khối như Liên Âu, ASEAN, khối Đông Bắc Á. Cho nên, Việt Nam, với vị thế của mình và với chính sách mở cửa mạnh mẽ, chắc chắn sẽ trở thành nơi mà các nhà đầu tư chọn lựa. Như vậy, cái gọi là “công xưởng của thế giới », cụm từ mà trước đây chúng ta hay gọi Trung Quốc, cũng là viễn cảnh của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, điều đó sẽ đặt Việt Nam trước một sự chọn lựa, tức là ta không thể chỉ là một công xưởng, tức là nơi sản xuất, mà phải biết chọn lựa nên sản xuất cái gì, trong ngành nào cho phù hợp với sự phát triển trong tương lai của cả thế giới, chẳng hạn như là không gây ô nhiễm môi trường, hướng về công nghệ cao, tức là hướng về giá trị cao trong chuỗi cung ứng của toàn cầu. Đặc biệt là phải bảo đảm quyền lợi của người lao động, cũng như bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên của Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một sự chọn lựa, vì từ đây đến 5,10 năm nữa, Việt Nam sẽ là điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới, do đó nước chủ nhà phải có một thái độ bình tĩnh, để chọn lựa được những dự án đầu tư nào, những nhà máy nào phù hợp với lợi ích phát triển lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.” https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20201221-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%B4ng-x%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi  
......

21 Câu hỏi & trả lời về Covid-19 vaccine từ BS Wynn Tran

Huynh Wynn Tran Ngày 12/14/2020 là một ngày lịch sử trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 khi những mũi vaccine đầu tiên đã được tiêm cho các nhân viên y tế khắp nước Mỹ. Tôi viết bài này trả lời 20 câu hỏi thường gặp về vaccine Covid-19 dựa trên các khuyến cáo về vaccine gần đây nhất của CDC và bài nghiên cứu đăng trên trên NEJM. Lưu ý là các khuyến cáo này có thể thay đổi.   1. Vaccine là gì? Vaccine mRNA của Pfizer là gì? - Là cách chúng ta tập cho hệ miễn dịch của chúng ta quen với virus/vi khuẩn một cách nhân tạo. Khi virus hay vi khuẩn thật xuất hiện thì chúng ta đã có kháng thể đặc hiệu để giảm tổn thương do các virus hay vi khuẩn gây ra. - Vaccine Covid-19 mRNA Pfizer là vaccine dùng công nghệ mới, lấy một phần nhỏ mã di truyền (mRNA) của virus Sars-Cov-2, để chích vào cơ thể người (1). Phần mã này chịu trách nhiệm tạo ra cầu gai ở bề mặt virus giúp bám vào tế bào người. Khi chích vào cơ thể, các tế bào kháng thể sẽ tạo ra các protein giống cầu gai virus, từ đó tạo ra kháng thể đặc hiệu vào các cầu gai này. - Khi virus Sars-cov-2 thật xuất hiện, các kháng thể đặc hiệu sẽ bám vào, trung hòa virus và giảm thiểu khả năng nhân đôi, từ đó giảm bệnh nặng Covid-19. - Vaccine mRNA của Pfizer cần 2 lần chích cách nhau 3 tuần để phát huy tác dụng tối đa. 2. Chích vaccine mRNA có làm thay đổi gene DNA của bệnh nhân? - Không. Đây là một phần rất nhỏ gen trích từ virus và sẽ bị đào thải sau tế bào miển dịch dùng để tạo ra proten cầu gai. Việc chích vào không ảnh hưởng đến DNA (2). 3. Làm sao phân biệt giữa nhiễm virus Sars-Cov-2 và mắc bệnh Covid-19? - Phần lớn bệnh nhân nhiễm virus sẽ tự phục hồi, chỉ một số ít có triệu chứng nặng phải nhập viện, và số ít trong số đó tử vong. Do vậy, nhiễm virus Sars-Cov-2 không nghĩa là có bệnh Covid-19, được định nghĩa là có các triệu chứng về hô hấp, mệt mỏi, đau nhức hoặc nặng hơn cần phải nhập viện 4. Vaccine Covid-19 có giảm rủi ro mắc bệnh Covid-19? - Có. Nghiên cứu lâm sàng chỉ ra chích ngừa vaccine mRNA giảm rủi ro bị bệnh nặng, chứ không nghiên cứu giảm rủi ro bị nhiễm virus hay phát lán lây nhiễm. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi chích liều đầu tiên thì bệnh nhân đã có thể phát triển kháng thể đặc hiệu, giảm trên 50% rủi ro phát triển bệnh và đến giảm đến 95% rủi ro mắc bệnh sau khi chích liều thứ hai. - Tuy nhiên, nghiên cứu không chỉ ra giảm rủi ro bị nhiễm virus Sars-cov-2 hay giảm rủi ro lây truyền virus cho người khác. Dù vậy, ở góc độ miễn dịch học, khi cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu chống virus thì khả năng bị nhiễm virus và lây lan cho người khác có thể sẽ giảm theo do mật độ virus giảm hẳn. 5. Vaccine mRNA có an toàn? - Có. Dựa trên dữ liệu giai đoạn 3 gần 40,000 người tham dự, FDA đã cho phép sử dụng vaccine này trong tình huống khẩn cấp. 6. Ai nên chích? - Theo FDA khuyến cáo thì tất cả mọi người trên 16 tuổi nên chích. Hiện nay, do lượng cung cấp vaccine giới hạn nên vaccine dành cho nhân viên y tế và người lớn tuổi tại các viện dưỡng lão. Trong vài tuần tới, sẽ có thêm vaccine cung cấp cho nhiều người tại văn phòng BS, tiệm thuốc, bệnh viện, và các nơi khác. Mục tiêu là tất cả mọi người sẽ được chích vaccine. 7. Các triệu chứng nào có thể gặp sau khi chích vaccine? - Đau nhức chỗ chích hay cảm giác như bị cảm, sốt nhẹ, đau nhức. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang học cách phản ứng với các protein cầu gai được tạo ra. 8. Chích vaccine rồi vẫn có thể lây bệnh cho người khác? - Có thể vì như tôi giải thích ở trên, vaccine chỉ ngăn ngừa việc nhiễm virus Sars-cov-2 phát triển thành bệnh Covid-19 chứ không hẳn là giảm khả năng lây lan hay nhiễm virus mặc dù khả năng lây nhiễm sẽ thấp hơn sau khi chích vaccine. 9. Chích vaccine rồi có nên giữ khoảng cách, rửa tay, và đeo khẩu trang? - Có. Vẫn phải làm cho đến khi đại dịch kiểm soát hoàn toàn, khi chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng. 10. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú có nên chích không? - Có. Trong khi nghiên cứu của Pfizer không thử nghiệm vaccine trên phụ nữ mang thai và cho con bú, Hội BS sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) vừa ra khuyến cáo đồng ý phụ nữ có thai và đang cho con bú chích vaccine (3). 11. Đang bị bệnh Covid-19 thì có nên chích vaccine hay không? - Không. Bệnh nhân nên đợi hết các triệu chứng của Covid-19 rồi chích vaccine (5). Các nghiên cứu chỉ ra khả năng tái nhiễm rất thấp trong vòng 90 ngày sau khi nhiễm bệnh Covid-19 nên bệnh nhân có thể đợi hết 90 ngày rồi chích vaccine, mặc dù thực tế bệnh nhân có thể chích ngay khi hết bệnh Covid-19 (không còn bằng chứng virus qua test PCR). 12. Đã khỏi bệnh Covid-19 có nên chích không? - Có. Vì khả năng tái nhiễm là có thể và khả năng phát triển bệnh nặng hơn có thể giảm bằng vaccine nên CDC vẫn khuyên người đã khỏi bệnh Covid-19 vẫn nên chích (2). 13. Chích vaccine sẽ bảo vệ trong bao lâu? có cần chích lần nữa vào năm sau? - Hiện nay nghiên cứu chỉ ra ít nhất là hai tháng mặc dù thực tế có thể kéo dài lâu hơn. Hãng Pfizer đang tiếp tục theo dõi khả năng miễn dịch của các bệnh nhân sau khi chích. 14. Có cần phải chích cả mũi 2 vaccine? - Có. Để có hiệu quả tốt nhất 15. Bị dị ứng có nên chích vaccine? - Có. Trừ khi bệnh nhân bị dị ứng nặng như đã có tiền sử sốc phản vệ, phải mang theo "bút" chống phản vệ Epipen thì bệnh nhân nên thảo luận với BS để quyết định có nên chích hay không. Hiện nay CDC vẫn khuyến cáo chích vaccine với người bị dị ứng nặng (6) và cần theo dõi kỹ hơn sau khi chích (30 phút so với 15 người ở người bình thường) 16. Bị méo mặt (Bell's palsy) có phải do chích vaccine? - 4 người tham gia vaccine bị méo mặt trong khoảng 3 đến 48 ngày sau khi chích. Tỉ lệ này là tương đương với tỉ lệ thường bị Bell's palsy trong dân số và FDA cho rằng vaccine không phải là nguyên nhân gây ra. 17. 6 người tử vong trong khi thử nghiệm Covid-19 do đâu? - Theo báo cáo thì có 4 người tử vong trong nhóm giả dược, không chích thuốc, và 2 người tử vong trong nhóm chích thuốc, do đột quỵ và đau tim. Tỉ lệ là 2/18,000. Hiện nay tỉ lệ tử vong do đột quỵ và bệnh tim mạch trong dân số Mỹ là 45/100,000 người (thống kê từ CDC), tức khoảng 8/18,000 người. Do đó, tỉ lệ tử vong 2 người trên 18,000 người tham gia nghiên cứu còn thấp hơn tỉ lệ tử vong do đột quỵ/bệnh tim ở ngoài. - Nói cách khác, tử vong khi tham gia thử nghiệm không liên quan đến tiêm vaccine. 18. Có phải Vaccine sẽ kết thúc đại dịch? -Vaccine chỉ là một phần quan trọng trong việc chống đại dịch. Chúng ta cần làm nhiều thứ chung để cùng nhau chống dại dịch này như giảm lây lan, giữa khoảng cách, rửa tay, đeo khẩu trang, và quan trọng nhất là tạo ra hệ miễn dịch tốt. 19. Khi nào dịch Covid-19 sẽ hết tại Mỹ? - Sẽ mất thêm một thời gian, ít nhất là đến hè năm sau khi chúng ta có miễn dịch cộng đồng (khoảng 75% dân số đã có kháng thể với virus) thì virus sẽ không thể lây lan. Vì vậy, chích ngừa vaccine là một trong những cách hữu hiệu nhất để mau chóng xây miễn dịch cộng đồng. 20. Xét nghiệm sau khi chích vaccine sẽ như thế nào? - Sẽ thấy sự có mặt của kháng thể IgM/IgG cho thấy cơ thể đã có miễn dịch với virus Sars-Cov-2. Lưu ý là xét nghiệm tìm virus PCR sẽ không bị ảnh hưởng sau khi chích vaccine vì bệnh nhân vẫn có thể bị nhiễm virus, nhưng ít khả năng phát triển thành bệnh nặng. 21. Chích vaccine có tốn tiền không? - Vaccine Covid-19 được tạo ra từ tiền thuế của người dân Hoa Kỳ nên công dân Hoa Kỳ không phải trả tiền. Nơi chích quý vị có thể tính một chi phí nhỏ cho tiền nhân công chích.   BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ Photo Credits NEJM and Assoc Press Tham khảo: 1. https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2034577?query=RP 2. https://www.cdc.gov/.../vaccines/vaccine-benefits/facts.html 3. https://www.acog.org/.../vaccinating-Pregnant-and... 4. https://www.cdc.gov/coro.../2019-ncov/vaccines/8-things.html 5. https://www.cdc.gov/.../slides-12-12/COVID-03-Mbaeyi.pdf 6. https://www.statnews.com/.../cdc-says-people-with.../  
......

Giới chức y tế Anh: Người bị dị ứng trầm trọng không nên chích thuốc vaccine

Chích vaccine ngừa COVID-19 ở Anh. (Hình: Hugh Hastings/Getty Images) LONDON, Anh (NV) – Hai trong số những người đầu tiên ở Anh được chích vaccine ngừa COVID-19, bằng thuốc của Pfizer Inc.-BioNTech SE, đã gặp phản ứng mạnh do dị ứng, khiến Bộ Y Tế Anh phải đưa ra các hướng dẫn mới, nhằm khuyến cáo những người từng có các trường hợp dị ứng tương tự hãy đừng nên chích thuốc. Theo bản tin của tờ Wall Street Journal hôm Thứ Tư, 9 Tháng Mười Hai, thì các giới chức y tế Anh cho hay hai người này đang trong tiến trình hồi phục. Nguồn tin trên cho biết thêm rằng hai người này là nhân viên y tế, ở trong số thành phần “tuyến đầu” và được chọn để cho chích ngừa trước tiên. Cả hai đều mắc bệnh dị ứng và luôn phải mang thuốc trị trong người. Nguồn tin trên cho biết thêm rằng hai người này là nhân viên y tế, ở trong số thành phần “tuyến đầu” và được chọn để cho chích ngừa trước tiên. Cả hai đều mắc bệnh dị ứng và luôn phải mang thuốc trị trong người. Anh là quốc gia Tây Phương đầu tiên chấp thuận cho sử dụng thuốc vaccine chống COVID-19 và hôm Thứ Ba đã khởi sự chương trình chích ngừa cho những người được ưu tiên, gồm nhân viên y tế, người cao niên hơn 80 tuổi, cùng là những người sống trong nhà dưỡng lão và nhân viên làm việc nơi đây. Người đứng đầu cơ quan thanh tra y tế Anh, và cũng là nơi tuần qua cấp phép cho dùng vaccine do Pfizer-BioNTech chế tạo, hôm Thứ Tư nói với quốc hội Anh rằng tối hôm Thứ Ba đã xảy ra hai vụ bị phản ứng thuốc sau khi chích vaccine, vốn là điều không thấy trong thời gian thử nghiệm trước đây. Bác Sĩ June Raine nói rằng nay do đã biết về nguy hiểm cho giới bị dị ứng, họ sẽ loan báo rộng rãi điều này. Cơ quan y tế Anh cũng nhắc nhở rằng việc chích ngừa chỉ nên được tiến hành trong các nơi có máy móc hồi sức. Công ty dược phẩm Pfizer nói họ và công ty BioNTech đang trợ giúp cuộc điều tra. (V.Giang) https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/gioi-chuc-y-te-anh-nguoi-bi-di-ung-tram-trong-khong-nen-chich-thuoc-vaccine/ *** Cơ quan quản lý dược phẩm MHRA của Vương quốc Anh đã nêu rõ cảnh báo của mình về vắc xin Pfizer / Biontech cho những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng. “Những người có tiền sử sốc phản vệ do tiêm chủng, thuốc uống hoặc thực phẩm không nên chủng ngừa bằng vắc-xin của Pfizer / Biontech. Không nên tiêm liều thứ hai cho bất kỳ ai đã bị sốc phản vệ sau khi tiêm liều đầu tiên của loại vắc-xin này", June Raine, giám đốc điều hành của MHRA cho biết vào tối thứ Năm. Cảnh báo được đưa ra hôm thứ Tư sau khi hai trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng xảy ra sau những lần tiêm vắc xin đầu tiên tại Vương quốc Anh. Trong một cuộc tấn công mạng nhằm vào Cơ quan Dược phẩm Châu Âu Ema ở Amsterdam, dữ liệu từ các công ty dược phẩm Pfizer và BioNTech đã bị tiếp cận. Hai công ty đã thông báo điều này trong một tuyên bố chung sau khi họ được thông báo về vụ tấn công từ Ema.
......

Martin Luther King quỳ gối

Martin Luther King quỳ gối - Ảnh tư liệu,  Đó là hành động được chính Martin Luther King thực hiện. Hôm đó, ngày 1-2-1965, khi dẫn một nhóm biểu tình trên đường đến Tòa án Dallas tại Selma (Alabama), King nghe tin hơn 250 người da màu vừa bị bắt. Và ông đã quỳ xuống để cầu nguyện. Hành động này sau đó trở thành hình ảnh có ý nghĩa như là sự cầu nguyện cho bình an… Lâm Bình Duy Nhiên “Những ngày này, từ Anh đến Đan Mạch, từ Canada đến Thụy Sĩ hay từ Pháp đến Nhật, hàng ngàn người đã cùng nhau quỳ gối như Martin Luther King, cách đây 55 năm, để cầu nguyện cho một thế giới không còn bạo hành và xung đột chủng tộc”. Không ít người lên tiếng chê bai kiểu “quỳ gối” mà nhiều người thực hiện trong các cuộc biểu tình tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Họ cho rằng đó là một hành động quá đáng khi phải tôn vinh một “tên tội phạm” như George Floyd. Sự thật thì việc những người biểu tình khi tưởng niệm Floyd quỳ gối như thế không phải để “phong thánh” hay tôn thờ anh. Đó là một cách bày tỏ sự mong muốn chấm dứt bạo hành cảnh sát, cũng như sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc. Người đầu tiên quỳ gối như thế chính là... ông Martin Luther King. Trong một cuộc tuần hành ôn hòa cho quyền công dân và quyền đi bầu của người Mỹ đen, ông đã quỳ gối bên đường, cùng vài cộng sự thân tín, để cầu nguyện nhằm làm thức tỉnh lương tri của người Mỹ trắng trước hiện trạng của người Mỹ gốc Phi.   Đó là vào ngày 1-2-1965 tại Selma (Alabama). Chỉ vài ngày sau, Martin Luther King bị cảnh sát bắt. Quỳ gối để đồng cảm và phản đối bạo hành cảnh sát - Ảnh: Matt Rourke (MTI) Kể từ đó, cử chỉ quỳ gối trên đã trở thành một biểu tượng ôn hòa trong các cuộc đấu tranh vì công bằng chủng tộc tại nhiều nơi trên thế giới. Và những ngày này, từ Anh đến Đan Mạch, từ Canada đến Thụy Sĩ hay từ Pháp đến Nhật, hàng ngàn người đã cùng nhau quỳ gối như Martin Luther King, cách đây 55 năm, để cầu nguyện cho một thế giới không còn bạo hành và xung đột chủng tộc. Một hành động ôn hòa và vị tha, mang lại nhiều cảm xúc khó tả. Lâm Bình Duy Nhiên Lausanne (Thụy Sĩ)  
......

Câu chuyện vắc xin của Curevac

 hình Với luận án tiến sĩ của mình, nhà sinh học Ingmar Hoerr đã đặt nền móng quan trọng cho một thể loại vắc xin mới. Phan Ba|   Hai loại vắc xin nhiều hứa hẹn nhất chống lại virus Sars-CoV-2, của Biontech và Pfizer và của công ty Moderna, hoạt động với công nghệ mRNA (chữ "m" là viết tắt của messenger). Sản phẩm Biontech vừa được phê duyệt tại Vương quốc Anh. Đối với Hoa Kỳ và EU, Biontech / Pfizer và Moderna cũng mong đợi điều tương tự trong những ngày tới, chậm nhất là vào đầu tháng 1.   Ngược lại, Curevac, công ty của nhà tiên phong về công nghệ mRNA, Ingmar Hoerr, muốn bắt đầu một loạt thử nghiệm cuối cùng lớn "trong thời gian sắp tới" với khoảng 35.000 đối tượng thử nghiệm ở Mỹ Latinh và Châu Âu. Đơn xin phê duyệt được dự kiến mãi đến giữa năm 2021.   Trước nhu cầu trên toàn thế giới về vắc xin, ước tính khoảng 14 tỷ liều, việc Curevac tụt lại phía sau Biontech và Moderna có thể sẽ không làm giảm triển vọng tài chính của công ty này nhiều cho lắm.   Curevac cho rằng họ sở hữu những bằng sáng chế tốt nhất về công nghệ vắc xin mRNA và do đó có thể sản xuất vắc xin này với giá rẻ hơn. Ngoài ra, việc hợp tác với một công ty con tại Đức của ông chủ Tesla, Elon Musk, hứa hẹn sẽ đơn giản hóa quá trình sản xuất.   Đơn đặt hàng trước cũng cho thấy rằng vắc xin từ Curevac chỉ kém Biontech một chút chứ không bị từ chối hoàn toàn. Ủy ban Châu Âu đã bảo đảm cho mình 225 triệu liều, cũng như lựa chọn mua thêm 180 triệu liều nữa. Ông Hoerr nói rằng "sự chậm trễ" này cũng liên quan đến việc "chúng tôi đã làm xong bài tập về nhà của mình".   Ý của Hoerr là vấn đề của dây chuyền làm lạnh. Trong khi BNT162b2, vắc xin của Biontech và Pfizer, rõ ràng phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C cho đến trước khi sử dụng, thì sản phẩm CVnCoV của Curevac được cho là dễ sử dụng hơn rất nhiều. Nhiệt độ lưu trữ khi xuất xưởng phải là âm 80 độ, nhưng nhiệt độ từ hai đến tám độ dương là đã đủ cho ba tháng tiếp theo và lâu hơn thế nữa. Vắc xin của Curevac vẫn ổn định trong gần 24 giờ ngay cả ở nhiệt độ phòng bình thường.   Việc Curevac có thể đã đầu tư nghiên cứu nhiều hơn những công ty khác để giải quyết vấn đề bảo quản dường như có liên quan đến một đối tác hợp tác khá khắt khe: Quỹ Bill & Melinda Gates. Cụ thể, Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ cho công việc của Curevac một cách chọn lọc, chẳng hạn như cho một dự án về vắc-xin mRNA chống lại một nhóm virus gây ra nhiều vấn đề, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo hơn ở phương nam địa cầu. Với các tỷ phú Microsoft và những nhà tài trợ từ thiện lớn, người ta không có cơ hội với một loại vắc-xin có yêu cầu phải được bảo quản siêu lạnh. Một sản phẩm như vậy sẽ không có giá trị gì đối với nhiều quốc gia là mục tiêu cung cấp.   "Có thể là với vắc-xin của chúng tôi, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm chính cho cái được gọi là Thế giới thứ ba." Bản thân Hoerr đã nghiên cứu về bệnh phong khi còn là một sinh viên ở Ấn Độ. Công xưởng siêu nhỏ "in ra" vắc-xin   Cả liều lượng của hoạt chất, đủ để tạo miễn dịch, cũng đặc biệt nhỏ ở sản phầm của Curevac, từ hai đến mười hai microgam (một microgam là một phần triệu gam). Ngoài các cơ sở ở Tübingen tại Đức, các cơ sở của công ty Đức Wacker Chemie ở Amsterdam cũng có sẵn để sản xuất. Công ty Wacker Chemie đã sản xuất vắc xin ở đó khá lâu rồi.   Nhưng mối liên hệ đặc biệt nhất là liên kết với Elon Musk, tỷ phú PayPal và ông chủ Tesla. Vào năm 2017, Musk đã mua lại công ty chế tạo máy Grohmann Engineering tại Prüm ở bang Rheinland-Pfalz (Đức) để làm nhà cung cấp cho ô tô điện của ông - và qua đó bất ngờ đã trở thành người chơi trong trận đấu chống lại đại dịch virus. Bởi vì Grohmann cũng sản xuất những nhà máy siêu nhỏ, những thiết bị có kích thước bằng một thùng rác, có khả năng sản xuất hàng trăm nghìn liều vắc xin mRNA trong vòng vài tuần.   Elon Musk đổi ý   "Chúng tôi đã phát triển thiết bị này cùng với Grohmann", Hoerr thuật lại. Rồi Musk đến và muốn dừng tất cả các lĩnh vực không liên quan đến ô tô của ông ấy. "Vì vậy mà chúng tôi đã bay sang California và thuyết phục ông ấy tiếp tục dự án này." Musk ân xá cho chiếc "máy in RNA", như Hoerr gọi cái cỗ máy có nhiều truyền thuyết bao phủ này. Và cuối cùng ông ấy cũng đã thể hiện sự đoàn kết đến mức đã đến thăm Tübingen và Curevac hồi tháng 9.   "Tôi có ấn tượng rằng giờ đây ông ấy coi vắc-xin cũng quan trọng như chương trình vũ trụ của ông ấy", Hoerr nói. Sự so sánh thật táo bạo. Musk dự định sẽ sử dụng tên lửa SpaceX của ông ấy để vận chuyển hàng hóa lên sao Hỏa ngay từ năm 2022, vài năm sau đó là đến vận chuyển con người.   Tuy nhiên, doanh nhân nổi tiếng trên thế giới này hiện đang cam kết sẽ cung cấp cho một công ty 500 nhân viên ở Tübingen. Biontech, Moderna và sắp tới là Curevac: các công ty khởi nghiệp trước đây, nhỏ bé giống như virus, hiện đang trở nên quan trọng trên toàn cầu. Phan Ba, theo Focus Online    
......

Vắc xin ngừa cúm tàu: cuộc giành giật để phân phối trên toàn cầu

Phan Ba| Việc tiêm chủng ngừa cúm tàu có thể bắt đầu ở Đức và các nước EU khác chỉ trong vài tuần nữa. Tuy nhiên, nhiều quốc gia nghèo hơn có thể sẽ trắng tay trong thời điểm hiện tại. Sáng kiến ​​vắc xin COVAX muốn khắc phục điều này. Các nhà chức trách ở châu Âu có thể phê duyệt một loại vắc xin chống virus cúm tàu vào cuối năm nay. Ba công ty dược phẩm đã nộp đơn đăng ký. Các phê duyệt khẩn cấp cũng đang được tiến hành ở Hoa Kỳ. Và các hợp đồng đã được ký kết từ lâu trước khi các nhà chức trách bật đèn xanh: Mỹ và các nước châu Âu đã bảo đảm hàng tỷ liều vắc xin cho họ, bao gồm từ Pfizer / BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson và Johnson, CureVac và SanofiGSK. Nếu tất cả các công ty này đều nhận được sự chấp thuận, EU sẽ có đủ vắc xin để chủng ngừa cho người dân - ngay cả khi phải tiêm nhiều liều cho mỗi người. Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở phương nam, chẳng hạn như Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh, thiếu tiền để ký hợp đồng trực tiếp với các công ty dược phẩm. Họ sẽ phải dựa vào sáng kiến ​​vắc xin COVAX. COVAX là một chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, liên minh tiêm chủng toàn cầu Gavi và liên minh vì đổi mới trong phòng chống dịch CEPI. Mục tiêu của họ: tiếp cận công bằng với vắc xin ngừa cúm tàu cho người dân ở các nước nghèo hơn. Không có Nga, không có Mỹ Một số quốc gia và tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ COVAX bằng các cam kết tài chính. COVAX cho biết số tiền tương đương hai tỷ đô la Mỹ đã được thu về cho việc mua và phân phối vắc xin. Liên minh châu Âu đã cam kết 500 triệu euro. Mỹ và Nga cho tới nay vẫn chưa tham gia. COVAX đặt mục tiêu cung cấp một tỷ liều vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp đến trung bình vào cuối năm 2021. Điều này có thể tạo miễn dịch cho khoảng 1/5 dân số của họ. "Biến điều này thành hiện thực sẽ là một nỗ lực lịch sử," Phó Giám đốc CEPI Tiến sĩ Frederik Kristensen nói trong một cuộc phỏng vấn với DW [Deutsche Welle – Làn Sóng Đức]. WHO đã thông báo rằng họ sẽ ưu tiên cho một số quốc gia thể theo những hướng dẫn của họ về phân phối công bằng. Tức là, những quốc gia có nguy cơ COVID-19 cao hơn những quốc gia khác thì có thể được cung cấp vắc xin trước. Nhiệt độ lạnh là điều cốt yếu Pfizer và Moderna có các cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ và một số ở Châu Âu. Việc bảo quản và vận chuyển vắc xin đến các nước xa hơn sẽ là một thách thức lớn. Vắc xin của Pfizer sẽ yêu cầu nhiệt độ bảo quản cực kỳ lạnh là âm 80 độ C. Điều này đòi hỏi các hệ thống làm lạnh đặc biệt mà hiện nay nhiều nơi ở Châu Phi và Châu Á chưa có. Nhưng cả việc phân phối vắc xin không yêu cầu nhiệt độ bảo quản cực lạnh cũng gắn liền với nỗ lực lớn về tiếp vận. Theo một nghiên cứu của tập đoàn tiếp vận Đức DHL, để vận chuyển vắc xin ngừa cúm tàu đến mọi nơi trên thế giới có khả năng cần 15.000 máy bay chở hàng. Một số nước Mỹ Latinh dựa hoàn toàn vào vắc xin của Trung Quốc và Nga. Ví dụ, vắc xin Sputnik V của Nga đã được thử nghiệm trên các tình nguyện viên ở Brazil và Argentina. Đổi lại, chính phủ của các quốc gia này đã đảm bảo cho mình là sẽ nhận được vắc-xin Sputnik V. Ấn Độ, cường quốc vắc xin Công ty AstraZeneca của Anh-Thụy Điển có thể mang lại sự đột phá cho COVAX. Vắc xin của họ, được phát triển cùng với Đại học Oxford, sẽ dễ sản xuất, rẻ tiền và có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường. Tuy nhiên, những nghi ngờ về hiệu quả của nó gần đây đã nảy sinh do có những sai sót trong các cuộc thử nghiệm. Nếu các thử nghiệm tiếp theo xác nhận hiệu quả của nó, thì vắc xin này có thể báo hiệu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại COVID-19, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. AstraZeneca muốn để cho nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, Serum Institute of India [Viện Huyết thanh của Ấn Độ], sản xuất một tỷ liều vắc xin ngừa cúm tàu. Khả năng sản xuất ở các nơi khác nhau trên thế giới được coi là yếu tố quyết định trong việc đảm bảo phân phối vắc xin một cách công bằng. "Giải quyết các vấn đề cơ bản" Đây cũng là trọng tâm của các nỗ lực cho chương trình COVAX: "Một phần trong kế hoạch của chúng tôi là mọi loại vắc-xin đều được sản xuất tại ít nhất hai quốc gia", Kristensen nói. "Tức vấn đề chính không chỉ là việc mở rộng khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Mà còn là việc có thể chuyển việc sản xuất từ ​​địa điểm này sang địa điểm khác để đến gần nơi cần vắc xin hơn." Rasmus Bech Hansen là giám đốc điều hành của Airfinity, chuyên đánh giá dữ liệu về năng lực sản xuất của các công ty dược phẩm. Ông coi đại dịch cúm tàu là một thử nghiệm quan trọng cho tương lai. "Bây giờ chúng ta nên nghĩ về việc làm thế nào để có thể mở rộng khả năng sản xuất vắc-xin hơn, và là trên toàn thế giới", ông nói với DW. "Chúng ta nên nhờ đại dịch này để giải quyết các vấn đề cơ bản về phân phối vắc xin." Phan Ba dịch từ Làn Sóng Đức  
......

Học để làm gì

Nhạc sĩ Tuấn Khanh Câu hỏi đó chắc vẫn vang lên, vô thanh trong suy nghĩ nhiều người, khi trải qua các chặng cứu trợ hay từ thiện, nơi vô số các em nhỏ hay thanh niên nhọc nhằn với cuộc sống hàng ngày của mình, vật lộn với miếng ăn và tai ương ở miền Trung Việt Nam. Khi ghé qua hỏi han về gia cảnh, nhiều người đã bối rối thú nhận rằng con cái của họ đã bỏ học từ lớp 4 hay lớp 5. Lý do là để phụ giúp gia đình, hoặc nghỉ học vì đến trường, có chữ thêm, không biết để làm gì. “Phụ giúp”, là kiếm ít củi, trông em, sai vặt… nếu giỏi hơn thì có thể nhận việc ở đâu đó, kiếm được chút tiền cho bữa cơm chiều. Con đường dẫn ra các vùng Bắc Trung Bộ xa xôi, được biết chuyện có nơi nhiều em nhỏ xin nhận giỏ đeo gạch đi bằng lối mòn đến nơi đang xây dựng trên cao, dài có khi đến 2-3 cây số, để nhận 10.000 đồng một chuyến. Nhưng kinh khủng hơn, ở Đồng Văn, Hà Giang, có chuyện những em cõng hơn 30kg gạch đi vài cây số, chỉ được 2000 đồng/chuyến. Sức chịu các em như vậy, mỗi ngày đi được 3 chuyến. Nói chuyện với một bà cụ ở làng Húc, Quảng Trị, bà kể cho biết hầu hết cuộc sống của những người trong vùng đều là tự cung tự cấp. Do đó, trẻ con phải tham gia giúp gia đình là đương nhiên. Việc buộc gia đình phải chu cấp cho mình một chút tiền đi học là một điều quá xa xỉ ở những nơi như vậy. “Như năm nay bão lụt liên tục thì mình làm sao để sống?” – bà cụ nói – “thì mình đi mượn gạo để ăn rồi năm sau ráng làm để trả lại”. Nhưng, không hề có nghĩa là năm sau, họ có thể dư dả và trả được, nên khi những món nợ sống còn như vậy chồng chất, 100 ngàn đồng (khoảng 4 USD) để chi phí tiền học cho một năm trở thành điều quá lớn đối với một đứa bé ở đây. Vậy nên, mỗi khi có chuyến cứu trợ hay từ thiện nào về, giống như ngày hội. Thức ăn, quần áo là niềm vui, những thứ để được tiếp tục học hành lại càng lớn lao hơn. Có những nơi, trẻ em đi cùng người lớn từ 4-5 giờ sáng, háo hức đến chờ nhận chút quà, mà giá chỉ bằng một bữa nhậu con ở đô thị. Một gia đình nghèo khó ở Quảng Bình, ở nơi chịu các trận bão lụt vừa rồi, có lúc nước dâng cao đến 4 mét, được mọi người trong vùng giới thiệu, kể rằng đó là một gia cảnh nghèo khó nhất: nhà chỉ 3 mẹ con, bà mẹ bị tai biến, hai đứa con gái thì còn nhỏ, đang đi học. Nghe hướng dẫn của cán bộ trong làng, họ đi xin trợ cấp hộ nghèo, nhưng rồi sau 3 năm, việc giúp đỡ hộ nghèo cũng bị cắt, bởi cán bộ xác định là gia đình này “vẫn cứ nghèo hoài”, nên không được giúp nữa. Khi hỏi thêm mới hay, nguồn trợ cấp này bị xà xẻo theo kiểu nào đó, mà mỗi năm, họ chỉ nhận được có 200 ngàn đồng vào dịp tết âm lịch. Đứa con gái lớn, nhận được giấy báo trúng tuyển 2 trường đại học, nhưng rồi phải từ bỏ ước mơ và nghĩ đến chuyện đi làm công kiếm sống. Chắc rằng, tôi hay các bạn, ai cũng sẽ trĩu nặng những suy nghĩ riêng, khi đối diện với những câu chuyện như vậy, mặc dù vẫn phải cười. Những hình ảnh và video của anh chị em trong nhóm thiện nguyên Có Mặt Cho Nhau góp gửi về, cho thấy người đi đến nơi trao thật khó nhọc, nhưng để đi đến nhận lấy, cũng không kém. Có những đứa trẻ vừa nhận được phần của mình, đã mở vội những những quyển tập và quà trong chương trình Triệu Quyển Tập Cho Em, xuýt xoa với giấy trắng mà thương. Con đường dài từ Huế đến Quảng Trị, Quảng Bình… là những dữ liệu dồn nén cho câu hỏi những đứa trẻ Việt Nam học để làm gì? Ngay cả ở những giáo xứ Công giáo tử tế, trẻ em được khuyến khích học đến hết cấp 2 hoặc cấp 3, mọi thứ lại tiếp tục bế tắc ở mức độ cao hơn: chúng làm gì có đủ tiền để ra thành phố lớn học đại học? Ở các thành phố lớn, nơi con cái của những gia đình đầy đủ vẫn phải đang kêu gào và vật vã về chuyện sách giáo dục cứ đầy đoạ tinh thần trẻ em, thì vạn nơi khó khăn tiếp cận với con chữ như vậy, những đứa trẻ khác sẽ học như thế nào? Dĩ nhiên, hỏi chỉ là một cách để tự vấn lương tâm về sự bất lực của những đứa trẻ và của chính bản thân mình trước một thế giới đẹp đẽ nhưng đầy ảo ảnh. Chắc rồi ai cũng sẽ có câu trả lời riêng cho bản thân mình. Nhất là khi nhìn vào thế giới sống của chúng ta – nơi đầy những câu chuyện như quan chức dùng tiền bằng cả những ngôi trường lớn hay khu nhà cứu nạn để mua quốc tịch nước ngoài cho bản thân mình – họ im lặng đào thoát khỏi một quê hương nghèo khó, nơi bị giới cầm quyền – bạn bè của họ – rất ung dung chi xài sai, thâm lạm đến hơn 55 ngàn tỷ đồng/năm từ tiền thuế. Và ngay cả những người dù không ra đi nhưng nhà cao cửa rộng bất thường, dù được trang trí với nhiều bằng cấp hay chức vụ, nhưng trong những giờ phút riêng tư, chắc họ cũng mỉm cười và nói với nhau rằng “học để làm gì”.  
......

Phần lớn thế giới đang hy vọng vào vắc xin của Astrazeneca

Phan Ba| Các nhà tiên phong về công nghệ sinh học Biontech và Moderna đã thống trị các tiêu đề trên báo với vắc xin của họ. Những loại thuốc này có lẽ sẽ chủ yếu đến các nước công nghiệp phát triển giàu có. Hy vọng của các nước nghèo được đặt nhiều hơn vào Astrazeneca và Đại học Oxford. Thoạt nhìn, hiệu quả của vắc-xin ngừa cúm tàu thứ ba, hiện đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng, dường như kém hơn một chút so với hai hoạt chất đầu tiên. Đối với việc chống lại đại dịch trên toàn cầu, sản phẩm AZD1222 của công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển Astrazeneca có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn vắc-xin từ các đối thủ cạnh tranh Biontech và Pfizer cũng như Moderna. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn ngành y tế Airfinity, Astrazeneca đã nhận được đơn đặt hàng cho 3,2 tỷ liều vắc-xin. Phần lớn trong số này được dành cho các quốc gia bên ngoài Châu Âu và Bắc Mỹ. Pfizer và Biontech có đơn đặt hàng khoảng 1,1 tỷ liều và Moderna 777 triệu. Hầu hết các đơn hàng này đến từ các nước Châu Âu và Mỹ. Tất cả các công ty vẫn đang đàm phán với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cho những đợt cung cấp bổ sung thêm bổ sung. Sự phân chia thị trường và các quy mô khác nhau trong những đơn đặt hàng có thể được giải thích bằng cách tiếp cận khác nhau một cách cơ bản trong việc phát triển và sản xuất vắc xin. Biontech của Đức, đã hợp tác với Pfizer để sản xuất vắc-xin ngừa cúm tàu, và đối thủ cạnh tranh Moderna đang làm việc với một quy trình công nghệ sinh học mới chưa từng được đưa ra thị trường trước đây. Theo những gì được biết cho đến nay, giá là từ 20 đến 40 đô la cho mỗi một liều tiêm chủng. "Những giá cả này có nguy cơ khiến cho một phần lớn nhân loại không thể tiếp cận được với vắc-xin", nữ chuyên gia y tế của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, Margaret Wurth, cảnh báo. Theo các hợp đồng được biết cho đến nay, việc cung cấp các vắc-xin công nghệ cao này, ít nhất là trong vài tháng đầu tiên, sẽ chủ yếu cho các nước công nghiệp phát triển giàu có ở châu Âu và Mỹ. Ngược lại, Astrazeneca đã phát triển AZD1222 cùng với Đại học Oxford trên cơ sở công nghệ vectơ, sử dụng vắc xin cúm thông thường làm cơ sở. Điều này mang lại lợi thế lớn về kinh tế và vận chuyển. Nhà máy của các công ty dược phẩm trên toàn thế giới đều có thể được sử dụng để sản xuất. Nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh của Ấn Độ, thậm chí đã bắt đầu sản xuất ở Ấn Độ. Hơn 100 triệu liều sẽ có sẵn sàng ngay trong năm nay. AZD1222 cũng sẽ được sản xuất tại Brazil. Tùy thuộc vào nơi sản xuất, thuốc sẽ được bán từ ba đến chín đô la một liều. Astrazeneca đã cam kết là sẽ bán vắc xin với giá vốn trong thời gian đại dịch trên toàn cầu. Astrazeneca muốn chuyển giao một phần sản xuất của mình cho Covax, một sáng kiến ​​của Tổ chức Y tế Thế giới và liên minh tiêm chủng Gavi, cùng với những tổ chức khác, được cho là nhằm đảm bảo rằng các quốc gia nghèo hơn cũng được cung cấp vắc xin corona. Covax hiện đã thu được khoảng hai tỷ đô la từ các nhà tài trợ quốc tế. Moderna và Pfizer cũng đang đàm phán với sáng kiến ​​này, mà họ cho rằng sẽ cần ít nhất 5 tỷ đô la để mua đủ vắc-xin chỉ riêng cho năm tới đây. Trái ngược với vắc xin của Pfizer cộng tác với Biontech và của Moderna, sản phẩm của Astrazeneca cũng không yêu cầu làm lạnh quá mức. Lưu trữ, vận chuyển và phân phối hàng triệu liều ở nhiệt độ âm 70 độ là một thách thức ngay cả đối với các nước công nghiệp phát triển cao. Nhiều quốc gia nghèo hơn, vốn thiếu cơ sở hạ tầng cho việc này, vì vậy cũng dựa vào các sản phẩm như AZD1222, có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh. Phan Ba  
......

Cỗ máy thời gian

Số Đỏ| Vợ hắn chết cách đây gần chục năm do bị một mảng bê tông trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang thi công rơi trúng đầu. Để tang vợ xong, hắn lấy vợ hai, và từ đó bắt đầu xuất hiện sự lạ: bình thường không sao nhưng cứ mỗi lần hắn và vợ hai định “giao ban” là vợ cả lại hiện về thò tay bóp chặt dái hắn rồi xoắn như mì vằn thắn. Hắn đi xem, thầy bảo vợ hắn chết oan, hồn không siêu thoát, giờ muốn siêu thoát phải chờ đến ngày tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, thầy sẽ cúng và rước vong vợ hắn lên tàu đi dạo một vòng, lúc ấy oan hồn vợ hắn mới yên lòng ngậm cười nơi chín suối. Vậy nghĩa là hắn và vợ hai sẽ tiếp tục phải chịu cái cảnh hằng đêm oan hồn vợ cả hiện về quấy phá mà chưa biết đến khi nào mới được buông tha, giống như một tù nhân không biết ngày nào sẽ được thả. “Chờ đợi không đáng sợ, đáng sợ là không biết mình phải chờ đợi đến bao giờ”. Hơn ai hết, hắn mong chờ và khao khát muốn biết chính xác cái ngày tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ấy đi vào hoạt động. Bởi thế, khi nghe tin một nhà khoa học người Mỹ vừa phát minh ra một cỗ máy thời gian có thể đưa người ta tới tương lai, hắn vô cùng phấn khởi, lập tức bay sang tìm gặp nhà khoa học. Sau khi nghe hắn đặt vấn đề, nhà khoa học đồng ý giúp. Ông ta bê ra một hộp đựng những viên đá rất lạ, nói: “Đây là đá vô cực khoái - năng lượng cho cỗ máy thời gian hoạt động. Mỗi viên có giá 1 nghìn tỷ tương ứng với 1 năm dịch chuyển đến tương lai”. Hắn ngẫm ngợi, rồi nghĩ đến cảnh dái bị xoắn lại thì hắn gật đầu chấp thuận, bước vào trong cỗ máy và bỏ một viên đá vô cực khoái vào buồng năng lượng, chọn tọa độ muốn tới rồi bấm nút: “Roẹt! Roẹt!!!” - Cỗ máy khẽ rung rung. Hắn thấy người bẫng lên như lúc máy bay cất cánh. Không gian xung quanh tối đen. Cỗ máy lao đi hun hút hệt như đang chơi trò ống trượt ở công viên nước… Rồi “Bùm!!!” - ánh sáng chiếu chói lòa, cửa mở, hắn bước xuống và nhận ra mình đang đứng ở đường Nguyễn Trãi gần ngã tư Khuất Duy Tiến. Hắn tiến lại phía quán trà đá của một chị gái đang mang bầu nhưng ngực lép kẹp. Liếc qua cuốn sổ lô đề trên tay chị, thấy ghi: ngày 10 tháng 7 năm 2020, hắn thở phào, chỉ lên cái công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngồn ngộn trên đầu, hỏi: “Cái tàu này nó đi vào hoạt động chưa chị?”. Chị trà đá vừa ghi đề cho khách vừa đáp lạnh nhạt: “Sắp rồi em nhé!”. Sắp cũng có nghĩa là “chưa”. Hắn hậm hực quay trở vào cỗ máy thời gian. Lần này để chắc ăn, hắn vốc một nắm đá vô cực khoái bỏ vào buồng năng lượng, chọn tọa độ rồi bấm nút: “Roẹt! Roẹt!!!” - lại không gian tối đen, lao đi hun hút… Rồi lại “Bùm!!!” - ánh sáng chiếu chói lòa, cửa mở, hắn bước xuống và nhận ra mình lại đang đứng ở đường Nguyễn Trãi gần ngã tư Khuất Duy Tiến. Hắn tiến lại phía quán trà đá vẫn của chị gái mang bầu, giọng không giấu nổi ngạc nhiên: “Uây! Ngực chị hôm nay to thế!”. Chị trà đá gườm gườm nhìn hắn với vẻ không thân thiện cho lắm. Hắn liếc qua cuốn sổ lô đề trên tay chị, thấy ghi: ngày 10 tháng 7 năm 2050. “Ôi ĐM! Nhầm rồi! Đây là con gái chị trà đá lần trước. Thì ra bệnh ngực lép không di truyền” - hắn nghĩ thầm rồi chỉ lên cái công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngồn ngộn trên đầu, hỏi: “Cái tàu này nó đi vào hoạt động chưa chị?”. Chị trà đá vừa ghi đề cho khách vừa đáp lạnh nhạt: “Sắp rồi em nhé!”. Sắp cũng có nghĩa là “chưa”. Hắn bực bội quay trở vào cỗ máy thời gian. Lần này không vốc tay nữa mà hắn bê cả cái hộp đá vô cực khoái đổ thẳng vào buồng năng lượng. “Roẹt! Roẹt!!!”... “Bùm!!!” - ánh sáng chiếu chói lòa, cửa mở, hắn bước xuống, vẫn là đường Nguyễn Trãi gần ngã tư Khuất Duy Tiến. Kia rồi, vẫn quán trà đá của một chị gái mang bầu có ngực lép kẹp. Khả năng đây là cháu ngoại của cái chị bán trà đá mà hắn đã gặp lần đầu tiên. Thì ra bệnh ngực lép có di truyền, nhưng là di truyền cho đời thứ ba. Hắn đang định tới hỏi chị xem cái tàu đi vào hoạt động chưa thì bỗng nghe tiếng “Xình xịch… Xình Xịch” trên cao. Hắn ngẩng lên và há mồm ngỡ ngàng: một con tàu xanh như con bọ nẹt chuối đang ngoằn ngoèo trườn đi trên cái công trình ngồn ngộn trên đầu… “Yeahh! Cuối cùng cũng hoạt động rồi!” - Hắn nhảy cẫng và reo lên đầy phấn khích, rồi khi chân hắn vừa chạm đất thì nghe văng vẳng tiếng loa bên tai: “Kính thưa bà con. Buổi chạy thử của tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã thành công tốt đẹp. Chúng tôi đang đề xuất vay thêm vài nghìn tỉ nữa để đưa con tàu vào hoạt động chính thức trong thời gian sớm nhất. Sắp rồi! Bà con tiếp tục đợi nhé!”. Hắn thất thểu quay trở vào cỗ máy thời gian, cầm cái hộp đựng đá cực khoái giờ đã trống không mà nấc lên chua chát: “ĐM! Toi vài chục nghìn tỷ rồi, thế mà vẫn đéo thể biết khi nào cái công trình nghiệt oan này mới đi vào hoạt động”. Hắn thấy đau… Đau hơn cả lúc bị vợ hiện về thò tay bóp dái… * #VõTòngĐánhMèo  
......

Những điều cần biết về vắc xin Covid-19 Pfizer - BioNTech

Khánh An biên dịch  Các nhà sản xuất thuốc Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức)­ cho biết vắc xin thử nghiệm của họ có thể có hiệu quả 90% trong việc ngăn chặn Covid-19. Thông báo hôm thứ Hai đã khiến thị trường chứng khoán tăng vọt với những kỷ lục mới và các nhà lãnh đạo chính trị hoan nghênh kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối – ngay cả khi các nhà khoa học và bác sĩ cảnh báo nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời và cảnh báo không nên ăn mừng quá sớm. Những gì đã được công bố? Các nhà sản xuất thuốc đã thử nghiệm thuốc trên khoảng 44.000 người ở sáu quốc gia, một nửa trong số đó đã được tiêm vắc xin, trong khi nửa còn lại được sử dụng giả dược. Dữ liệu hôm thứ Hai là từ một phân tích tạm thời được thực hiện sau khi 94 người tham gia trong thử nghiệm tiếp tục phát triển Covid-19. Chưa đến 9 người mắc bệnh trong số họ đã được tiêm vắc xin. Để xác nhận tỷ lệ hiệu quả, Pfizer cho biết họ sẽ tiếp tục thử nghiệm cho đến khi có 164 ca nhiễm Covid-19 trong số các tình nguyện viên, một con số mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã đồng ý là đủ để cho biết vắc-xin hoạt động tốt như thế nào. Pfizer cho biết họ sẽ cho bình duyệt dữ liệu và công bố trên tạp chí y khoa khi có kết quả từ toàn bộ quá trình thử nghiệm. Các chuyên gia bên ngoài cho biết các chi tiết chính của dữ liệu cần được phân tích và cảnh báo rằng vẫn còn nhiều câu hỏi, như liệu vắc-xin có thể ngăn ngừa bệnh nặng hoặc biến chứng hay không, chống lại nhiễm trùng trong bao lâu và sẽ hoạt động hiệu quả như thế nào ở người cao tuổi. Vắc xin hoạt động ra sao? Khi chủng ngừa là một phần vi rút đã suy yếu hoặc đã chết, hoặc vi khuẩn gây bệnh sẽ được tiêm vào cơ thể. Vắc-xin không khiến cơ thể bị nhiễm bệnh nhưng giúp cơ thể nhận ra yếu tố lạ và tạo ra phản ứng miễn dịch. Điều này có nghĩa là khi cơ thể bạn bắt gặp virus thực sự gây bệnh thì cơ thể nó sẽ sẵn sàng tấn công virus đó ngay lập tức. Cách thức hoạt động của loại vắc-xin mới này được gọi là mRNA, nghĩa là bạn không thực sự được tiêm vi rút hoặc một dạng suy yếu của nó, mà chỉ một phần mã di truyền của virus corona. Điều này buộc cơ thể sản xuất một số protein của virus để hệ thống miễn dịch sau đó phát hiện ra những protein này và bắt đầu tạo ra phản ứng phòng thủ với chúng. Phản ứng Các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu ngân hàng, hãng hàng không và các công ty nhạy cảm về kinh tế khác đã bị vùi dập bởi các đợt đóng cửa và cấm đi lại do Covid-19 trong nhiều tháng, đẩy các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ lên mức cao kỷ lục mới. Cổ phiếu của Pfizer đã tăng hơn 6% ở New York, trong khi cổ phiếu của BioNTech tại Mỹ tăng 18%. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết kết quả rất khả quan, nhưng cảnh báo rằng thiếu khoản tài trợ 4,5 tỷ USD có thể làm chậm khả năng tiếp cận các xét nghiệm, thuốc và vắc xin ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Các chuyên gia cũng cảnh báo có thể có những thách thức lớn trong việc phân phối vắc-xin, đặc biệt là ở các nước nghèo hơn, nơi nguồn cung cấp điện không đủ, vì thuốc phải được bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh công nghiệp để có tác dụng. Tiếp theo là gì? Pfizer và BioNTech cho biết họ có kế hoạch nộp đơn lên FDA để được chấp thuận khẩn cấp cho phép sử dụng vắc xin này vào cuối tháng, khi họ sẽ có dữ liệu an toàn trong hai tháng của khoảng một nửa số người tham gia thử nghiệm. Có khả năng sẽ có quyết định trong tháng 12 . Để tiết kiệm thời gian, các công ty đã bắt đầu sản xuất vắc-xin này trước khi họ biết liệu nó có hiệu quả hay không. Hiện họ dự kiến ​​sẽ sản xuất tới 50 triệu liều, hoặc đủ để bảo vệ 25 triệu người, trong năm nay. Pfizer cho biết họ dự kiến ​​sẽ sản xuất tới 1,3 tỷ liều vắc xin vào năm 2021. Ai đang xếp hàng mua vắc-xin? Pfizer và BioNTech có hợp đồng trị giá 1,95 tỷ USD với chính phủ Hoa Kỳ để cung cấp 100 triệu liều vắc xin bắt đầu từ năm nay. Họ cũng đã đạt được các thỏa thuận cung cấp với Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản./. Nguồn: VNTB
......

Tôi đã gặp

Đoan Trang trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam vào ngày Chủ Nhật 5/6/2011. Ảnh: Lân Thắng. Đồ họa: Luật Khoa Thái Thanh – Luật Khoa Tạp Chí I. Tôi sẽ kể bạn nghe về ngày Chủ Nhật u ám. Người lạ lướt qua nhau nhìn nhau như đã hẹn nhau ra. Một người đàn ông ngồi ghế đá bị bắt. Những người bạn của tôi vừa hô “cá cần nước sạch…” đã bị công an bao vây. Tất cả bị đẩy lên xe buýt, đi về nơi không ai biết. Mọi người bình thản dạo Hồ Gươm. Tôi sẽ kể bạn nghe về những người bị bắt. Những người ấy trong số bạn bè tôi, bước giữa đường phố như bước giữa nhà tù, bước giữa nhà tù như bước giữa tự do. Đổi máu và nước mắt, tương lai và danh vọng, cầm nắm không buông một lẽ sống, muốn được nói như ngày mới chào đời, muốn được nhìn mọi người thôi đau khổ. Những người ấy trong số chúng ta thôi, đeo hoa hồng lên hàng rào kẽm gai, một lần vùng dậy để không còn sợ hãi, một lần vùng dậy để thành người tự do, để căm giận phải bật ra thành tiếng. Sau phút chốc lại trở về nô lệ, đồng bào đánh đập đồng bào, sân vận động thành lò mổ nhân quyền, tiếng giày-đinh, tiếng xé-áo, tiếng đấm-đá-thình-thịch vào lưng, chúng cướp sạch chẳng còn gì máu đầm đìa trên mặt. II. Vì những xiềng xích vô hình,  những người đáng lý sẽ tạo ra hạnh phúc lại đang gieo rắc nỗi bất hạnh. Tôi sẽ kể bạn nghe những người đã bắt bạn bè tôi, tôi đã gặp họ trên những chiếc xe bít bùng, cũng là những con người nhưng với đầy vũ khí, họ chẳng nói gì ngoài những từ tục tĩu. Tôi chẳng còn thấy đôi cánh tay của họ, vì người cộng sản đã mua đứt chúng rồi. Tôi sẽ kể bạn nghe những người tôi đã gặp, ngồi trên bục giảng nhưng không có quyền giảng dạy, ngồi trong tivi nhưng không nói được tiếng lòng, ngồi oai vệ trên tòa án nhưng không biết xét xử. Sau khi họ chết, mọi người sẽ nói: “Ôi, những người con người chưa từng làm chủ đời mình”. Tôi đã gặp họ hàng ngày và hàng ngày,             đi chung con đường, cùng dừng đèn đỏ. Nhưng họ làm việc trong nhưng tòa nhà cướp được, coi tự do là kẻ thù, coi nhân dân là vật để cai trị. Họ chẳng dám nhìn thẳng vào mắt ai, ngay trong mơ họ còn không được nói. Để bất tử họ diệt trừ điều lo sợ, nhưng ác mộng cũng là thứ bất tử, ôm ấp họ không buông. III. Tiếng nói từ hàng rào kẽm gai vọng lại. Tôi đã bước qua chúng hàng ngày. Nhưng hôm nay tôi đã nghe thấy chúng. Tôi gặp tôi ở khắp nơi nơi ngoài phố, bước qua hàng kẽm gai dựng đứng, như bước qua một thứ vô hình, như ở đấy chưa hề đổ máu. Tôi đã gặp tôi sau cánh cổng trường học, đưa tay chào dưới màu cờ đỏ, hô rất to nhưng chẳng hiểu gì: “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Tôi đã gặp tôi trong tuổi thơ êm đềm, học lịch sử bằng những trang sách dối,  để buộc lên mình những thù hận của chúng, rồi thù hằn chính cha anh của mình. Tôi gặp tôi trong ám ảnh tột cùng, không làm gì sai nhưng chẳng làm gì đúng.
......

Lễ tưởng niệm 57 năm ngày mất cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

CS GÂY KHÓ KHĂN THĂM VIẾNG MỘ TT NGÔ ĐÌNH DIỆM TRONG LỄ GIỖ CỦA NGÀI - Lê Văn Sơn - Hôm nay 2/11/2020 đã diễn ra Thánh lễ giỗ lần thứ 57 Cố TT Ngô Đình Diệm tại phần mộ nghĩa trang Lái Thiêu. Tuy nhiên, Thánh lễ Giỗ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ vẫn trong vòng kiềm kẹp của nhà cầm quyền cộng sản. Năm nay chỉ có linh mục PX. Nguyễn Văn Nhứt dòng Đa Minh, linh mục Phao lô Lê Xuân Lộc, DCCT và khoảng 50 anh chị em giáo dân hiệp thông cầu nguyện cho cố Tổng thống. Theo thông tin của Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh cho biết: "hôm nay không được đông, vì Ban quản lý nghĩa trang buộc những ai vào nghĩa trang phải ghi khai báo nhân thân và tương quan với hai Cụ mới được cho vào dự lễ" "Phía ngoài, ngay khoảng mộ phần hai Cụ, họ trồng nhiều lớp cây loại leo cao che khuất tầm nhìn vào làm rào chắn, để ở ngoài không thể nhìn vào hiệp thông với bên trong, liền đó là đặt tôn sắt như hình dưới". "Còn có người đi chụp từng bảng số xe của người tham dự, không biết để làm gì. Đây có thể xem đó như là những hành vi khủng bố tâm linh người sống và người chết". Bà Đinh Nga, một giáo dân tại Sài Gòn cho chúng tôi biết, mặc dù có nhiều khó khăn, vì Thánh lễ vào ngày thứ Hai nên phải tổ chức sớm, tuy vậy vẫn có nhiều người tìm đến để tưởng nhớ cụ Diệm dù không kịp tham dự Thánh lễ. Gần một thập niên qua, Thánh lễ tưởng nhớ cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ đã được cử hành hàng năm ngay tại phần mộ của hai ông. Lòng yêu mến của người dân dành cho cố Tổng thống Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm được thể hiện qua những hình ảnh cụ thể ngay trên phần mộ, hay những bài viết, quan điểm mạnh mẽ rõ ràng trên mạng xã hội. Điều đó khiến cộng sản Hà Nội cảm thấy bất an.
......

Tôi đi bỏ phiếu (3.11.2020 bầu Tổng Thống Hoa Kỳ)

Trần Trung Đạo| Tuần rồi tôi đi bỏ phiếu bầu tổng thống, thượng nghị sĩ, một số thành viên quốc hội và viên chức tiểu bang nơi tôi ở. Bầu xong cảm thấy nhẹ nhàng vì cuộc nội chiến về nhận thức trong con người tôi cũng vừa chấm dứt. Trong con người công dân Mỹ của tôi có ít nhất ba hay bốn con người. Tôi là người thuộc một trong hai đảng chính trị lớn của Mỹ. Tôi ủng hộ mức thuế thấp, bộ máy hành chánh công quyền không cồng kềnh, chính sách an sinh xã hội cân đối, hệ thống giáo dục tôn trọng quyền tự do chọn lựa, nền quốc phòng vững mạnh, hệ thống an ninh chặt chẽ, xã hội ổn định và nhiều lãnh vực khác có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình và tương lai của con cháu chúng tôi. Tôi là người Mỹ gốc Việt ủng hộ chính sách bang giao quốc tế cứng rắn nhất là đối với Trung Cộng. Vì vị trí “trái độn” của Việt Nam, tôi ủng hộ các biện pháp nhằm kìm chân, bao vây, cô lập Trung Cộng và không rơi vào chiếc bẫy “sống chung hòa bình” (Tập gọi là “thế giới hài hòa”) của Trung Cộng giống như trường hợp Jawaharlal Nehru đã từng bị Mao lừa. Tôi ý thức cuộc “Chiến tranh Lạnh” đối với Trung Cộng ngày nay là một cuộc đối đầu toàn diện, không riêng quân sự, kinh tế, tài chánh mà cả khoa học kỹ thuật và văn hóa giáo dục. Tôi không ảo tưởng Trung Cộng sẽ sụp đổ trong vài năm hay thậm chí vài chục năm. Nếu không có những đột biến ngoài ý muốn của các bên, cuộc đối đầu sẽ còn rất dài và rất khó khăn. Truman Doctrine bắt đầu năm 1947 nhưng mãi tới 1990 sau 9 đời tổng thống Mỹ Liên Xô mới sụp đổ. Đó là trong điều kiện Mỹ và Liên Xô gần như không có quan hệ thương mại gì đáng kể. Ngày nay, hãng gà chiên KFC của Mỹ bán tại Trung Cộng nhiều hơn bán cho dân Mỹ. Hãng xe GM năm 2019 bán 3.6 triệu chiếc xe cho dân Trung Cộng, nhiều hơn bán cho dân Mỹ. Giới trung lưu Trung Cộng, 400 triệu người, đông hơn tổng dân số Mỹ và đó là nguồn lợi tức khổng lồ cho các công ty Starbucks, Nike, Ford v.v… Dù lâu bao nhiêu đi nữa, có bắt đầu sẽ có kết thúc. Tôi là một người da màu định cư tại nước Mỹ với tất cả những khó khăn mà tôi và gia đình phải trải qua để vươn lên gần 40 năm. Tôi được dạy từ khi còn rất nhỏ đạo đức và tư cách chứ không phải màu da, sắc tộc làm nên giá trị một con người. Từ nền tảng đó, tôi chống tệ nạn kỳ thị chủng tộc dù kỳ thị cá nhân hay kỳ thị có tính hệ thống (systemic racism). Tôi đọc đủ để biết ngoài một số nhỏ người Mỹ bản xứ, đất nước này được dựng lên từ bàn tay và khối óc của di dân, tính cả di dân cưỡng bách dưới hình thức nô lệ. Nhưng không phải mọi di dân đều được đối xử giống nhau như đã ghi trong hiến pháp. Thomas Jefferson viết “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” nhưng “người” trong nhận thức của Thomas Jefferson là người da trắng. Trong đời ông, Thomas Jefferson sở hữu khoảng 600 nô lệ. Phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống bén rể từ một lịch sử còn dài hơn cả lịch sử Mỹ, và vì thế, để thay đổi cũng cần một nỗ lực lâu dài. Con đường duy nhất để thay đổi một người hay một xã hội không phải là bạo động mà là giáo dục. Nhưng giáo dục không phải là một món quà được ai ban phát mà là một nỗ lực bắt đầu từ mỗi cá nhân. Tôi thường im lặng trước các cuộc cãi vã không dẫn tới một hứa hẹn nào nhưng im lặng không có nghĩa là cầu an mà là kiên nhẫn. Tôi luôn tìm cách chuyển tải quan điểm của mình và hướng dẫn các em, các cháu nhưng cố tránh để không xúc phạm đến tự ái cá nhân của họ. Tình gì cũng vậy, dù giận hờn mà ở lại với nhau mới là quan trọng vì một khi đã muốn chia tay thì lý do gì đi nữa cũng chỉ là cách chối từ. Nhận thức là một chiếc thang mà một người muốn lên cao phải bước từng bước một. Một ví dụ từ chính mình. Những ngày còn nhỏ tôi thích coi loại phim cao bồi viễn tây trong đó có những cảnh bắn nhau giữa những tay súng Mỹ cừ khôi với những “mọi da đỏ” hung dữ và tàn bạo. Hình ảnh những tay súng cao bồi đại diện cho chính nghĩa, cho khí phách anh hùng, cho văn minh thời đại. Ngược lại, những “mọi da đỏ” là những kẻ phi nghĩa, xấu xa, hung ác và lạc hậu. Tôi gọi những người ở trần, có nước da màu nâu đậm, đội mủ lông chim, mặc chiếc khố ngắn là “mọi” một cách tự nhiên, không cảm thấy ngượng ngùng dường như họ không phải là người. Khi trưởng thành nhìn lại thời trẻ dại tôi biết mình sai nhiều thứ trong đó một điểm sai quan trọng là đã từng gọi những người chiến đấu trong tuyệt vọng để bảo vệ đất đai, bảo vệ các giá trị văn hóa thiêng liêng của họ là mọi. Không phải những điều tôi viết, những con số tôi đưa ra đều đúng nhưng tôi luôn làm hết sức để kiểm nhận tính chính xác của sự kiện trước khi viết. Nhiều người đã chỉ ra những những sơ sót của tôi, tôi luôn cám ơn và sửa đổi. Ba con người trong tôi như vừa kể trên không phải lúc nào cũng hòa thuận và có cùng quan điểm về một vấn đề nào đó. Anh "di dân" thường hay tranh luận với anh "chống Trung Cộng" và anh "người Mỹ gốc Việt" nhiều lần không đồng ý với anh "di dân". Cứ thế cuộc nội chiến về nhận thức kéo dài cho tới khi tôi cầm lá phiếu bỏ vào thùng. Bỏ phiếu xong tôi đi bộ ra hồ nước ngồi trên chiếc ghế dài quen thuộc. Lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Mùa thu ở ngoại ô Boston rất đẹp. Buổi trưa vắng vẻ. Bên bờ hồ một con vịt đang soi bóng trên dòng nước, và tôi soi bóng tôi để nhìn lại chính mình. Trần Trung Đạo
......

Vắc-xin COVID-19 có thể giết chết nửa triệu con cá mập

Phan Anh Trong bối cảnh các công ty dược đang chạy đua với thời gian nhằm điều chế vắc-xin COVID-19, có khoảng nửa triệu con cá mập sẽ bị thiệt mạng, bởi chúng sở hữu thành phần quan trọng để sản xuất ra vắc-xin. Không rõ hiệu quả điều trị ra sao, tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Cụ thể, các chuyên gia cho biết squalene, một hợp chất hữu cơ tự nhiên có trong dầu gan cá mập, đang được xem xét sử dụng nhằm sản xuất vắc-xin điều trị COVID-19. Chất này được dùng như một tá dược, để tăng tính hiệu quả của vắc-xin bằng cách tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Để chiết xuất 1 tấn squalene, thì cần khoảng 2.500 đến 3.000 con cá mập. Theo Shark Allies, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên vận động bảo tồn loài cá mập, nếu tất cả người dân trên thế giới được tiêm 1 liều vắc-xin, thì có khoảng 250.000 con cá mập sẽ bị giết chết. Như vậy, nếu mỗi người trung bình cần 2 liều vắc-xin thì nửa triệu con sẽ thiệt mạng. Trên thực tế, squalene từ dầu gan cá mập được dùng phổ biến bởi nó rẻ, dễ kiếm, nhưng đây không phải là nguồn squalene duy nhất. Shark Allies lo ngại rằng việc cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 con cá mập có thể gây ra những tổn thất không thể phục hồi đối với hệ sinh thái. Thay vào đó, họ đã đề xuất việc sử dụng các chất thay thế có nguồn gốc từ thực vật (như dầu ô-liu, men…) hoặc các nguồn bền vững khác. “Chúng tôi không cố gắng cản trở hoặc làm chậm sự phát triển của vắc-xin COVID-19 hoặc bất kỳ phương pháp điều trị quan trọng nào khác để bảo vệ con người khỏi bệnh tật,” bà Stefanie Brendl, người sáng lập và giám đốc điều hành của Shark Allies cho hay. “Chúng tôi đang kêu gọi tìm kiếm squalene có nguồn gốc bền vững được sử dụng trong tất cả các ứng dụng không quan trọng mà ở đó giải pháp thay thế cũng hiệu quả như squalene có trong cá mập. Thu hoạch thứ gì đó từ động vật hoang dã sẽ không bao giờ là giải pháp bền vững, nhất là khi đó là động vật ăn thịt không sinh sản với số lượng lớn. Có rất nhiều ẩn số về mức độ lây lan cũng như đại dịch sẽ kéo dài đến bao giờ. Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng cá mập, thì số lượng cá mập được lấy cho vắc-xin là rất cao, tính theo hàng năm và hết năm này qua năm khác.” Theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), các quần thể cá mập trên khắp thế giới đang suy giảm nhanh chóng. Cá mập phát triển tương đối chậm, mất nhiều năm để trưởng thành và sinh ra tương đối ít con. Chúng cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu vây cá mập ngày càng lớn và sự thiếu quản lý chung về đánh bắt cá mập. Các quần thể mới không thể bổ sung kịp với tốc độ đánh bắt để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Theo ước tính của các nhà hoạt động môi trường, có khoảng 3 triệu con cá mập bị giết chết mỗi năm để lấy squalene, bởi ngoài ứng dụng trong y học, chất này còn được dùng trong lĩnh vực mỹ phẩm và dầu máy. Sản xuất squalene hàng loạt đòi hỏi phải dựa vào một quần thể động vật hoang dã với số lượng lớn. Vậy nên, việc khai thác gan cá mập có thể dẫn đến thảm họa lớn cho cá mập, khiến cho loài săn mồi này lâm vào bờ vực tuyệt chủng trước nhu cầu sản xuất vắc-xin COVID-19 ngày một gia tăng. Phan Anh (tổng hợp) Nguồn: Tri thức VN  
......

Người Việt "Ngạo Nghễ"

Phạm Nguyễn 1. Đến phi trường Singapore, làm thủ tục nhập cảnh, các bạn nữ bị săm soi, hỏi han đủ điều, bị đưa vô phòng an ninh cách ly để thẩm vấn, thậm chí sau đó bị trục xuất về nước. 2. Đến phi trường nước Đức, làm thủ tục nhập cảnh, xuất trình cuốn passport bìa xanh chữ vàng "socialist republic...", lập tức sẽ được hỏi "Đến nước Đức làm gì?", "Ở bao lâu? Khi nào về?", "Mang theo bao nhiêu tiền?"... 3. Đi du lịch Thái Lan, vô nhà hàng buffet ăn trưa thì đập ngay vào mắt là bảng thông báo chỉ viết bằng tiếng Việt: "Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 bath đến 500 bath. Xin cảm ơn." 4. Đi du học Nhật Bản, bạn thấy những tờ giấy thông báo dán trên xe bus "Không được vứt rác, hút thuốc bừa bãi trên xe bus", những tờ giấy cảnh báo dán khắp các siêu thị, shop bán hàng "Ăn cắp là pham tội... Camera đang hoạt động". Tất cả viết bằng hai thứ tiếng Nhật, Việt. 5. Đi du lịch Hàn Quốc, thỉnh thoảng bạn đọc được cảnh báo bằng song ngữ Hàn-Việt "Không xả rác bừa bãi..... Nếu không sẽ bị phạt tiền.. Phạt tiền dưới 1 triệu won". 6. Đi lao động Đài Loan, bạn bắt gặp những cảnh báo răn đe tội ăn cắp vặt bằng song ngữ Trung-Việt ở khắp nơi. 7. Ngồi trong một quán cafe lãng mạn ở Rome (Ý), trong không gian ngập tràn ánh nến và những tiếng nói cười thì thầm, bỗng nghe rú lên tiếng cười hoang dại từ bàn bên vọng lại: "Ối giời ơi! Thế á? Cái Hà nó khoe mua cái túi này ở Milan những 5 nghìn đô cơ đấy!" 8. Đang xếp hàng mua vé vào tham quan bảo tàng Louvre (Paris, Pháp), bỗng một cô gái châu Á tóc đen chen vào trước bạn, nở một nụ cười cầu tài: "Em đang vội. Merci bố ku ". 9. Lang thang trên đường phố Barcelona (Tây Ban Nha), thả hồn theo buổi hoàng hôn nắng nhẹ, mơ màng theo các cô gái tóc vàng gợi cảm, bỗng nghe đâu đây "một câu hò Nghệ Tĩnh": "Đ*t mẹ! Con nhỏ đang dắt chó đó, vú to vãi luôn mày ạ!" 10. Đi đã rồi, về đến phi trường Tân Sơn Nhất, làm thủ tục nhập cảnh, anh hải quan cứ cầm cái passport đưa lên đưa xuống, lật qua lật lại, hỏi vặn vẹo đến hơn 10 phút "Đi đâu về?", "Đi làm gì?"... Đến lúc lấy hành lý thì bị bẻ khóa, rạch ngăn kéo... C B
......

Gã bị bắt giam...

Lưu Trọng Văn| Gã vừa nhận tin nhắn của một người tên là Phan Ngọc Lanh. "Tôi nhớ không nhầm thì vào cuối năm 1979 hay đầu năm 1980 gì đó, anh Lưu Trọng Văn đang chụp ảnh tại bia tưởng niệm nhà báo Ta-Ka No tại Thị xã Lạng Sơn thì bị Công an Lạng Sơn tạm giữ vì lý do thấy có người lạ mặt đến chụp ảnh. Lúc đó tôi và thiếu úy Nguyễn Ngọc Trang mới tốt nghiệp Học viện An ninh nên chỉ được phép ngồi xem thiếu úy Nguyễn Đức Rừng cán bộ phòng Bảo vệ Chính trị nội bộ ghi lời khai của LTV mà không dám tham gia gì. Giờ vào mạng XH thỉnh thoảng đọc bài của LTV thấy hay và thấy tiếc là hồi đó còn non quá không được phép làm việc với LTV. Sau này thiếu úy Nguyễn Ngọc Trang về HN, trước khi nghỉ hưu là thiếu tướng, cục trưởng cục Bảo vệ Chính trị nội bộ, Bộ Công an. Còn tôi là công nhân ngành Điện, một trong Fan hâm mộ nhà văn, nhà báo LTV vì có nhiều bài viết hay trên mạng XH”. Thật xúc động có một sĩ quan an ninh nhắc lại kỷ niệm của gã. Mùa đông 1979 gã từ mặt trận CPC về tự mình ra mặt trận Lạng Sơn phía Bắc cho đủ bộ sưu tập chống Tàu cộng. Thế quái nào đi tìm hiểu các nơi chiến địa ở Lạng Sơn thì bị công an theo dõi. Đêm gã không vào nhà khách của tỉnh ngủ mà mắc võng ở ngôi nhà do Trung Quốc giật mìn đổ nát, đánh giấc. Đang đu đưa võng thì một chiếc comangca nhà binh ập tới. Đèn pin sáng quắc chộp thẳng mắt gã, mấy công an vũ trang cầm súng AK chĩa vào gã. Gã chỉ còn nhớ trong đó có một nàng. Chà giờ mà tìm được nàng ấy thì hay quá. Gã bị áp giải vào trại giam bên con suối đục ngầu. Sau khi bị hỏi cung, kể hành trình đến Lạng Sơn thế nào, đi những đâu mà gã thú thật do đèn điện quá lờ mờ nên không thể nhớ mặt ba chàng sĩ quan an ninh hỏi cung gã nữa, gã bị nhốt lại trong căn phòng nhỏ. Kệ, đêm làm tù nhân đó gã ngáy khò khò. Ồi, cám ơn bạn Lanh quá, giờ mới biết tên người hỏi cung gã là đồng chí Nguyễn Đức Rừng và hai đồng chí ngồi theo dõi, hì, thực chất là ngồi canh chăng, tên Phan Ngọc Lanh và Nguyễn Ngọc Trang. Gã nhắn tin lại cho anh Lanh: Ước gì gặp lại anh và anh Trang, anh Rừng để ôn lại lần bị hỏi cung do nghi tôi có âm mưu phá hoại gì đó khi đi đến vùng chiến địa này. Thật cảm động khi nhận tin nhắn này của anh sau 41 năm. Tôi ra HN sẽ kiếm gặp anh. Anh Lanh nhắn lại: "Tôi , Trang, Phạm Xuân Cần, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), và Tô Lâm (bộ trưởng CA) là đồng môn D6 - HVAN khoá 74-79 đấy ngày 9.10 này sẽ họp nhóm”. Gã nhắn: Tôi có quen Paul Nguyễn Hoàng Đức sau này bỏ ngành an ninh để viết triết học và văn chương. Tôi rất quý Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Cha mẹ tôi là bạn chiến khu thân thiết với ông Nguyễn Hữu Khiếu trùm an ninh khu Tư, bố của Ba Sàm. Anh cho tôi gửi lời thăm các anh Đức, Trang, Ba Sàm nhé. Hẹn gặp!  
......

Bài học về tình nguyện viên.

Ảnh: ông bạn Nguyễn Công Hùng, người bạn tôi bị khuyết tật, lúc ở Việt Nam Người Buôn Gió| Hôm qua học đến bài về người khuyết tật, mới biết ở Đức có đến 1/3 dân số họ tham gia tình nguyện giúp đỡ những người khuyết tật. Trung bình một tháng mỗi người bỏ ra 16 giờ đồng hồ để giúp đỡ những người khuyết tật, trại dưỡng lão. Họ trò chuyện với người lớn, chơi với trẻ em, dạy trẻ em vẽ, nấu ăn. Những người tình nguyện làm việc không lương ở Đức đã bỏ ra 46 triệu giờ một năm, họ vẫn đang cần các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị đồng hành và định hướng giúp các nhóm tình nguyện nhỏ. Ở Mainz nhiều sinh viên nghiên cứu về tình nguyên viên và họ nhận được chứng chỉ khi tham gia thực tế tối thiểu 50 giờ, còn ở Nuenberg người ta còn có trao tặng danh hiệu cho tình nguyện viên. Khi các sinh viên đi làm, việc trong lý lịch của họ có dấu ấn đã từng làm tình nguyện viên giúp đỡ những người khuyết tật, người già, đấy sẽ là một yếu tố rất quan trọng để người ta đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực của họ. Đến phần giáo viên hỏi về quê hương của bạn, người khuyết tật họ sống thế nào? Câu hỏi thật khó trả lời, ở Việt Nam mình chỉ biết mỗi trường câm điếc Xã Đàn, hay những hội người mù dạy nghề tẩm quất, vót tăm. Còn đâu thì đầy đường là những người khuyết tật đi bán hàng rong. Thực sự thì ngay cái hội người mù ở Việt Nam cũng có vấn đề, muốn ăn ở học nghề cũng phải có tiền lo lót, ví dụ tiêu chuẩn mỗi địa phương chỉ được hai người học miễn phí, muốn đi học nghề phải chi ngầm cho xã, huyện. Nói thì bảo nói xấu chế độ nước nhà, bỡ đợ phương Tây. Thực tình thì tình nguyện viên của Đoàn đi làm phong trào quét đường, trồng cây xanh  hay này nọ toàn mục đích quảng cáo chính trị cho đảng. Còn chăm sóc người khuyết tật thì có mấy ai. Lạ hơn nữa là đầy người khoe nhau lên chùa làm công quả, quét chùa, dọn dẹp, trông xe, bán hàng... nhà chùa như một cơ sở kinh doanh, nhưng lại khối người sẵn sàng khoác cái áo nâu hay màu ghi đến xin làm công quả. Một ông sư trụ trì có đến hàng trăm đệ tử sẵn sàng phục dịch từ đi lại, ăn uống đến giấc ngủ. Ngay cả sở thích của ông sư về món đồ hàng hiệu cũng được người ta săn lùng mua hộ hay mua để tặng. Cả một lũ trí thức, phóng viên, nhà báo tự hào khoe nhau hôm nay vừa tháp tùng thầy đi chỗ này, chỗ kia. Lúc ấy trả lời trước cả lớp là Việt Nam nghèo, người khuyết tật hầu như đều do gia đình chăm sóc hoặc tự chăm sóc bản thân. Xã hội có rất ít tổ chức chăm lo cho người khuyết tật, ở Việt Nam có nhiều người cũng có lòng muốn giúp đỡ những người khuyết tật, tuy nhiên vì ít có trung tâm cho người khuyết tật, nên những người giúp cũng khó có điều kiện để tiếp xúc. Một số họ thì đến nhà người khuyết tật chăm sóc tuỳ theo theo gian họ có, trường hợp này đa phần là như tình cảm bạn bè. Nói đến đấy mình nghĩ luôn đến ông bạn Nguyễn Công Hùng, mình lôi mớ ảnh mình đi cùng cậu ấy, nói đây là người bạn tôi bị khuyết tật, lúc ở Việt Nam có thời gian rảnh, tôi hay chở con tôi đến chỗ cậu ấy chơi, hai bố con tôi trò chuyện và đưa cậu ấy đi chơi. Những lần như thế cậu ấy rất hạnh phúc. Cậu ấy mở một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, có chỗ ăn, chỗ ở... tôi hàng tuần thường xuyên đến đó xem có việc gì hỗ trợ giúp cho họ. Chẳng hạn như lái xe đưa đi nơi này, nơi kia, đẩy xe lăn, bế bồng... trung bình một tháng tôi đến chỗ những người khuyết tật này 2 ngày, có lúc ngủ lại luôn ở đấy. Hình ảnh thật, người thật, việc thật bằng vạn lời nói, khi mình đưa ảnh cho cả lớp xem. Mọi người đều nhìn mình bằng con mắt thán phục. Đang học bài như thế, có người thực như thế luôn, làm gì chả ấn tượng. Tan giờ học, mình ra về, bước chân trên bậc cầu thang, chợt nhìn cái lối đi cho người xe lăn, chạnh lòng bỗng nhớ ở Việt Nam, chẳng biết giờ thế nào, chứ hồi mình còn ở nhà, chưa nhìn thấy toà nhà nào có lối đi như thế cho người khuyết tật ngồi xe lăn. Người Buôn Gió -  nguoibuongio1972.blogspot.com  
......

Lo COVID-19 trong Mùa Đông tới

Ngô Nhân Dụng Dù ai đắc cử tổng thống đầu tháng 11 này thì đến đầu năm 2001 dân Mỹ cũng vẫn phải tiếp tục đối đầu với Covid-19. Nếu có thuốc chủng người trong tháng Mười thì từ đó đến cuối năm cũng chỉ có thể cung cấp cho những người dễ bị virus tấn công nhất: người già yếu, người có bệnh sẵn, và nhất là các người đứng “tuyến đầu” đang lo chăm sóc bệnh nhân. Những người khác phải tự lo bảo vệ trước khi đến lượt chích vaccine! Bởi vì Coronavirus có thật. Những người đã chết đều có thật! Ngày Thứ Ba 29 tháng 9, trên thế giới đã có 33,194,377 trường hợp bị bệnh và số người chết sắp hơn một triệu. Trong chín tháng, Covid-19 giết nhiều người hơn HIV/AIDS (954,000 người trong năm 2017), bệnh sốt rét (620,000) hay tự tử (794,000). Riêng nước Mỹ, chiếm 4 phần trăm dân số toàn cầu, số người bệnh lên tới hơn bẩy triệu (7,142,076) và205,000 người chết, đều vào khoảng 20% của cả thế giới. Nhưng các con số chính thức chắc chắn còn thấp so với sự thật. Nhiều người bịnh nhưng không biết, nhiều người ở các nước nghào chết âm thầm không được đưa vào nhà thương. Số người mắc bệnh, theo nhiều tổ chức y tế, có thể tới từ 500 triệu tới 700 triệu, thay vì 33 triệu. Tìm ra sai lệch trong số người chết vì Covid-19 giản dị hơn. Các quốc gia đều có số thống kê số người chết mỗi năm, từ đó có thể tiên đoán số người sẽ chết trong năm sau. Nếu thấy số người chết năm nay lên cao hơn con số được tiên đoán một cách bất thường, thì có thể kết luận số chênh lệch do Covid-19 gây ra. Người ta đã thấy trong sáu tháng, từ đầu tháng Ba đến hết tháng Tám, số người chết vì Covid cao hơn các con số được công bố khoảng 30%. Riêng ở nước Nga thì cao gấp 8 đến 10 lần. Mùa Đông sắp tới, bắt đầu cuối tháng 12, 2020, có thể nguy hiểm hơn. Người ta sẽ sinh hoạt trong nhà nhiều hơn ở bên ngoài, tức là dễ truyền vi khuẩn cho nhau hơn. Bệnh dịch lên theo cấp số nhân. Nếu một người mang virus trong mình có thể truyền cho một người khác thì số bệnh nhân sẽ tăng gấp đôi, cứ thế tiếp tục. Từ 1 tăng thành 2, rồi thành 4, rồi là 8, 16, 32 … trong mấy ngày sẽ có 256, 512, rồi 1,024 … người mắc bệnh. Vì vậy muốn ngăn chặn bệnh dịch phải giảm bớt số người bị lây. Nhưng có rất nhiều người mang virus trong mình mà không biết. Có người thấy triệu chứng đã đi thử test nhưng chưa biết kết quả. Họ đều có thể vô tình truyền bệnh cho người chung quanh. Chỉ số một người có thể truyền vi khuẩn cho mấy người, viết tắt là R, càng xuống thấp thì bệnh dịch càng bị hạn chế. Vì vậy, tất cả các nước đều có những biện pháp ngăn ngừa ngay khi Covid 19 xuất hiện để giảm bớt nạn lan truyền. Thứ nhất là ra lệnh “cấm cung” hạn chế tối đa các việc tiếp xúc, để chỉ số R xuống thấp. Thứ nhì, là nếu người ta bắt buộc phải gặp gỡ nhau thì phải đứng xa cách nhau 2 mét; mọi người đều đeo mạng che miệng vì không ai biết chắc người nào đã nhiễm vi khuẩn; hai cách đó cũng giảm bớt không cho bệnh lan truyền. Thứ ba, những người đã mắc vi khuẩn rồi phải được cô lập. Nhưng làm sao biết ai đã mắc bệnh? Cần phải thử nghiệm, làm test càng nhiều người càng tốt. Khi biết ai đã mắc vi khuẩn rồi thì phải tìm ra, theo dõi những người đã tiếp xúc gần với họ để thử nghiệm coi đã bị lây chưa. Tất cả các biện pháp trên đã được thi hành và thành công ở nhiều quốc gia. Các nước như Canada, Đức quốc, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, đã thực hiện việc thử nghiệm cho rất nhiều người, theo dõi những người có thể bị lây để thử nghiệm tiếp, vân vân. Nam Hàn, Đài Loan đều đã ra lệnh cấm cung toàn diện ngay khi bệnh mới chớm xuất hiện nên có đủ thời gian để chuẩn bị các hành động đối phó khác: thử nghiệm (test), theo dõi (tracing) và các phương pháp trị liệu. Đài Loan, với dân số gần bằng một phần 10 nước Mỹ, chỉ có hơn 500 người mắc bệnh và dưới 10 người chết vì Covid-19. Ngược lại, Israel đã thành công bước đầu như Đài Loan, nhưng lại thất bại trong các bước sau. Chính phủ Netanyahu đã ra lệnh cấm cung toàn diện ngay; nhưng để phí thời giờ không chuẩn bị các công tác thử nghiệm và theo dõi. Dân Israel không thi hành lệnh đeo mạng và tránh tụ họp đông người. Các đám tang tại nhà thờ bảo thủ của người Do Thái cũng như các đám cưới của người Á Rập trong nước Israel đã tạo cơ hội cho vi khuẩn truyền lan nhanh và rộng. Ngay tại nước Mỹ, một hội nghị đông người ở Boston vào tháng Ba, do một công ty dược phẩm tổ chức, đã cho thấy virus lan truyền nhanh và rộng thế nào. Sau cuộc tập họp, hầu hết 100 người tham dự mắc bệnh, dù chỉ có vài người đến dự họp đã mang sẵn vi khuẩn. Vì không làm test và theo dõi ngay lập tức, cho nên cuối cùng đã có tới 20,000 người bị lây cũng mắc Covid-19, bắt nguồn từ cuộc họp ở Boston. Miền Đông Bắc nước Mỹ là nơi diễn ra đợt bệnh dịch đầu tiên. Từ giữa Tháng Ba đến đầu tháng Tư, mỗi ngày nước Mỹ có 32 ngàn ca bệnh mới – cứ 100 ngàn người có 10 người bệnh. Thành phố New York phải làm lều để cho bệnh nhân nằm; các nhà xác hết chỗ phải thuê xe phòng lạnh chứa, để ngoài đường. Sau đó, đợt sóng bệnh thứ nhì trào tới các tiểu bang miền Nam và miền Tây. California đã thành công với hành động cấm cung ngay giữa tháng Ba, đến tháng Năm đã nới lỏng các hạn chế tiếp xúc, cho mở cửa cả các quán rượu. Từ giữa tháng Sáu số người bệnh tăng lên từ tháng Sáu, từ California đến Florida, Texas, Arizona, vân vân. Giữa tháng Bảy, số người mới bị bệnh tăng lên tới 67 ngàn ca một ngày, gấp đôi con số tháng Tư. Đợt sóng truyền bệnh thứ nhì vẫn tiếp tục, trong tuần qua có 26 tiểu bang trong nước Mỹ vẫn thấy số người mắc bệnh tăng lên. Các tiểu bang miền Trung Tây chịu nặng nhất, từ Wisconsin và Minnesota đến Nam và Bắc Dakotas, xuống tới Utah và Wyoming. Covid 19 cũng bắt đầu tấn công các vùng thưa dân, ở nông thôn thay vì tấn công các khu đô thị đông người trong đợt đầu. Nếu chia nước Mỹ làm ba vùng tùy theo mật độ dân số, thì trong đợt đầu, trước giữa tháng Tám, trong một phần ba dân Mỹ sống ở các đô thị, số người bị bệnh cao hơn cả hai phần ba còn lại. Bây giờ thì ngược lại. Một phần ba dân số Mỹ, những người sống ở các vùng thưa dân bị bệnh nhiều hơn các người ở khu đông đúc. Điều đáng lo là những vùng thôn quê nhiều người già hơn, hay bị bệnh hơn, và số nhà thương tốt, số bác sĩ ít hơn ở thành phố. Cho nên, nhiều người đang lo khi Covid tấn công vào đợt thứ ba, mùa Đông năm tới, thì tình trạng sẽ trầm trọng hơn. Đợt truyền bệnh mới đã diễn ra ở Âu châu. Từ Pháp qua Tây Ban Nha, số người mới nhiễm bệnh tăng lên, còn cao hơn đợt đầu. Một điều phải lo lắng trước, là tất cả mọi người đều đã “mỏi mệt và chán ngán” đối với các biện pháp phòng bệnh. Bà thủ tướng Đức mới tuyên bố ngày Thứ Ba, 29 tháng Chín, rằng dù bệnh có lan truyền mạnh hơn, chính phủ cũng không ra lệnh cấm cung toàn diện, mà chỉ cấm cung từng địa phương một theo nhu cầu. Điều đáng mừng là những phương pháp trị bệnh đã được cải thiện rất nhiều. Có nhiều loại thuốc, tấn công vào các hoạt động khác nhau của loài coronavirus đã được đem thử và thấy hiệu nghiệm. Các bác sĩ cũng biết loài virus này nguy hiểm cho các bộ phận khác chứ không riêng buồng phổi, và biết cách trị liệu thích hợp ngay từ khi chớm bệnh. Nhưng chúng ta vẫn phải lo chống đỡ với coronavirus trong mùa Đông sắp tới.Đã rút kinh nghiệm thành công và thất bại trên cả thế giới trong chín tháng vừa qua, hy vọng sẽ không lập lại những sai lầm có thể tránh được. Đối với mỗi người thì tốt nhất vẫn nên giữ các thói quen tập được trong bẩy, tám tháng vừa qua. Luôn luôn rửa tay và tránh đụng tay vào mắt, mũi, miệng. Đi ra ngoài, gặp người lạ thì đeo mạng che miệng. Tránh không đến gần ai dưới 2 mét nếu không có gì ngăn giữa hai người. Cầu mong mọi người bình an trong mùa Đông nguy hiểm này!  
......

Luật sư Lê Hòa bỏ đảng - " tôi là kẻ lội ngược dòng" ?

Ls Lê Hòa| "KẺ LỘI NGƯỢC DÒNG" là biệt hiệu mà người ta gán cho tôi, được rỉ tai nhau trong nội bộ Ban Nội chính Trung ương + Văn phòng Trung ương kể từ ngày tôi tuyên bố rời đảng đầu năm 2017. Điều này càng được họ làm mạnh khi tôi làm luật sư bào chữa cho một số bị cáo bị xét xử về tội xâm phạm an ninh quốc gia (trong đó có thanh niên Trần Hoàng Phúc và cựu chiến binh Nguyễn Văn Túc-người chửi "Địt mẹ Tòa" tại phiên tòa phúc thẩm năm 2017). Đặc biệt, khi tôi tham gia bào chữa cho một số bị cáo "đầu vụ" trong vụ án Đồng Tâm thì họ coi tôi là kẻ phản bội Đảng thực sự. Kể từ ngày Mẹ tôi mất đến nay đã tròn 10 ngày, không có một vòng hoa tang, đến cả một tin nhắn hay cuộc điện thoại chia buồn của bất cứ ai có trách nhiệm trong Ban Nội chính Trung ương (mặc dù tôi đã nhắn tin, sau đó là gọi điện thoại cho ông Nghĩa (Vụ trưởng Tổ chức) và ông Hải (Phó Ban)-cả 2 vị này đều nằm trong Đảng ủy Ban NCTW, thông báo việc Mẹ tôi mất. Nói lên điều này đâu phải tôi ham hố, tự hào gì về nghĩa tình của cơ quan cũ (nếu họ gửi phúng một vòng hoa). Bởi không có vòng hoa của họ, lễ tang Mẹ tôi đã nhận được không dưới 40 vòng hoa của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân bạn bè của các thành viên trong gia đình tôi, ngoài ra, riêng tôi đã nhận được hàng nghìn tin nhắn, cuộc gọi điện thoại chia buồn của bạn bè gần xa, kể cả ở nước ngoài - đó mới là Tình Người đáng tự hào và trân trọng nhất! Có lẽ, vì tôi là "KẺ LỘI NGƯỢC DÒNG" nên gia đình tôi không được nhận "DIỄM PHÚC" chia buồn của Ban Nội chính Trung ương, cho dù tôi đã từng giữ hàm Vụ trưởng của cơ quan này; đặc biệt tôi đã gắn bó với nó suốt 22 năm trước khi nghỉ hưu, và tôi có thể khẳng định: Những kết quả chống tham nhũng, bảo vệ DÂN OAN mà tôi đã làm được trong thời gian tôi công tác tại Ban Nội chính Trung ương thì khó có ai có thể lặp lại được. Quá trình "LỘI NGƯỢC DÒNG" và "PHẢN BỘI ĐẢNG" của tôi diễn ra như sau: ĐƠN XIN RA KHỎI ĐẢNG Kính gửi: Chi bộ Vụ 4 và Đảng ủy Ban Nội chính Trung ương Tên tôi là: Lê Văn Hòa, sinh năm 1956 (nghỉ hưu từ 1/7/2016), nguyên Chuyên viên Cao cấp bậc 5/6, hàm Vụ trưởng Vụ 4-Ban Nội chính Trung ương (BNCTW). Ngày vào Đảng: 16/11/1982; chức vụ Đảng cao nhất đã đảm nhiệm: Đảng ủy viên-Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Đảng ủy BNCTW. Ngày tự ra khỏi Đảng: 1/7/2016; ngày trả Thẻ đảng viên cho Đảng bộ BNCTW: 8/2/2017. Lý do ra khỏi Đảng: 1. Do tôi mất niềm tin vào sự vô cảm của Lãnh đạo BNCTW trước nỗi oan trái của người dân; tôi phản đối sự can thiệp, chỉ đạo án (Án bỏ túi) của BNCTW đối với “Vụ án Thái Lương Trí”. - Nhiều năm qua, tôi liên tục kiến nghị với Lãnh đạo BNCTW (cũng như với Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, cùng các ban, bộ ngành chức năng của TW) cần kiểm tra làm rõ vụ án Thái Lương Trí (vì liên quan đến trách nhiệm của nhiều cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý). Nhưng không một cá nhân, cơ quan nào kiểm tra xem xét, đến việc trả lời tôi theo quy định của pháp luật cũng không cơ quan nào thực hiện. - Lãnh đạo BNCTW đã tin, nghe ông Tạ Văn Hồ, Phó vụ trưởng Vụ I (người đã từng bị Đoàn Kiểm tra UBKTTW kiến nghị Cảnh cáo về hành vi gian dối trong kê khai tài sản nhằm trục lợi trong năm 2007; năm 2015 tiếp tục bị tố cáo nhận hối lộ 1 tỷ đồng và bị ông Dương Minh Hải, bị cáo trong vụ án Thái Lương Trí tố cáo có hành vi tiêu cực trong tham mưu xử lý vụ án Thái Lương Trí). - Lãnh đạo BNCTW không những không tin mà còn tỏ thái độ dè bỉu, cho rằng tôi không am hiểu về tố tụng, và nói rằng: Vụ án Thái Lương Trí chưa kết thúc lại kiến nghị lung tung, hãy để cho các cơ quan chức năng làm, chỉ sau khi bản án có hiệu lực được tuyên mà có đơn kêu oan thì BNCTW mới kiểm tra, nghiên cứu, đề xuất… Nhưng thực tế Lãnh đạo BNCTW lại làm ngược lại, chỉ đạo Tạ Văn Hồ tham dự, phát biểu trong các cuộc họp Liên ngành Tư pháp Trung ương trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử là việc khởi tố, truy tố, xét xử ông Thái Lương Trí và ông Dương Minh Hải là đúng người đúng tội, không oan sai (việc phát biểu chỉ đạo này là sai chức năng, nhiệm vụ, vi phạm pháp luật nghiêm trọng và là nguyên nhân số 1 làm cho vụ án oan sai, kéo dài đến nay hơn 8 năm không kết thúc được). Ông Trí, ông Hải bị xử tù oan sai tổng cộng gần 40 năm, bị bắt tạm giam oan gần 8 năm; còn hai kẻ cướp mỏ (Đoàn Văn Huấn, Chu Thị Thành) được BNCTW cùng cấp sơ thẩm coi là bị hại, được “Giúp đỡ” tối đa nên đã cướp trắng mỏ Huội Chừn (Lào) trị giá nhiều triệu USD của Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An do ông Thái Lương Trí làm Giám đốc. (Ngoài việc không lắng nghe kiến nghị về vụ án Thái Lương Trí nêu trên, Lãnh đạo BNCTW còn không tiếp thu kiến nghị của tôi về việc tôi khẳng định tử tù Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án oan sai. Nghiêm trọng hơn, đại diện Ban NCTW còn tham gia họp với Liên ngành tư pháp Trung ương (5/2015) và phát biểu Hàn Đức Long không oan! Đó là sự quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm cần bị lên án). 2- Lý do thứ 2 tôi ra khỏi Đảng: Tôi phản đối việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) và BNCTW không xử lý dứt điểm vụ tham ô đặc biệt nghiêm trọng tại BNCTW trong giai đoạn 2004-2007: Tham ô tập thể gần 1 tỷ đồng của Dự án “Nghiên cứu đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Vụ tham ô này do mình tôi phát hiện, kiên quyết đấu tranh với Lãnh đạo BNCTW và UBKTTW trong gần 2 năm mới được làm rõ. Nhưng Lãnh đạo UBKTTW và BNCTW đã cố tình bao che cho gần 10 đối tượng tham ô, không kỷ luật một ai dù chỉ ở mức Cảnh cáo như kiến nghị của Tổ Kiểm tra. Nghiêm trọng hơn, chỉ thời gian ngắn sau, tất cả số đối tượng này đều được bổ nhiệm chức vụ cao hơn (điển hình là Lê Văn Lân, kẻ chủ mưu vụ tham ô còn được bổ nhiệm Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng; nay là Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc). 3- Lý do thứ 3 tôi ra khỏi Đảng: Tôi bất bình vì sự coi thường đảng viên của Tổng Bí thư cùng Bộ Chính trị, đã không một lần nào kiểm tra, xem xét kiến nghị của tôi về “Vụ án Thái Lương Trí” và “Vụ tham ô tập thể gần 1 tỷ đồng tại BNCTW” mà liên tục từ năm 2008 đến nay tôi đã gửi hàng chục lượt với hàng trăm bản Kiến nghị. Nghiêm trọng hơn, Bản kiến nghị của tôi đề ngày 25/12/2012 đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo kiểm tra ngăn chặn oan sai của vụ án Thái Lương Trí đã bị đánh cắp rồi bán cho đối tượng xấu Đoàn Văn Huấn, đối tượng Huấn đã in sao hàng trăm bản gửi kèm theo đơn vu khống tôi đi khắp nơi, đặc biệt gửi cho cả những cá nhân trực tiếp thụ lý vụ án mà đã bị các nạn nhân tố cáo có hành vi tiêu cực, không khách quan trong thi hành nhiệm vụ (ngày 8/12/2016, tôi đã có đơn gửi Tổng Bí thư, Lãnh đạo BNCTW cùng nhiều vị lãnh đạo liên quan khác đề nghị quan tâm, giám sát việc tôi Tố cáo-đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra-Công an TP Hà Nội khởi tố 2 đối tượng Đoàn Văn Huấn, Chu Thị Thành về 4 tội danh: “Làm lộ bí mật tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Vu khống”; “Hối lộ”; “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Nhưng đến nay tôi vẫn không nhận được bất cứ công văn trả lời của Tổng Bí thư, của Lãnh đạo BNCTW và những cơ quan chức năng khác. Tôi đề nghị: Khi ra quyết định về việc tôi xin ra khỏi đảng thì cấp có thẩm quyền cần ghi rõ lý do tôi đề cập ở trên. Trân trọng cảm ơn! Hà Nội, ngày 8-2-2017 Ký tên Lê Văn Hòa  
......

Tư duy đói khác

Lê Hoài Anh| Thương hiệu quốc gia, về cơ bản được xây dựng trên nền tảng văn hóa, đạo đức của dân tộc ấy và đó chính là những đặc trưng nhận diện cơ bản của một quốc gia. Trung Quốc và Việt nam là các nước xã hội chủ nghĩa (hay còn được thế giới gọi là Cộng Sản). Chủ nghĩa Duy vật biện chứng, thứ được xây dựng trên tư duy “vật chất quyết định ý thức” chính là đặc sản của chủ nghĩa Cộng Sản. Người ta xây dựng một xã hội mà nơi đó chỉ có những gì cầm nắm sờ mó được, có thể trao đổi mua đi bán lại, có thể hưởng thụ bằng dục lạc được thì mới có giá trị, đó chính là xã hội kim tiền trần trụi, một dạng xã hội vô thiên vô pháp, một xã hội không cần đến đức tin không cần đến đạo đức hay tinh thần… Người ta đã nhồi nhét tẩy não con dân từ thế hệ này qua thế hệ khác rằng vật chất sẽ "chui" vào trong đầu óc con người để đẻ ra ý thức. Có nghĩa kim tiền là quyền lực tối thượng, là thước đo cho mọi giá trị trong xã hội, còn ý thức chẳng qua chỉ là nô lệ cho kim tiền, có hay không đâu có gì quan trọng. Trung Quốc ôm giấc mộng Trung Hoa, còn Việt Nam thì khát khao trở thành quốc gia khởi nghiệp nhưng do tụt hậu sâu quá nên cổ suý chiến lược "ĐI TẮT ĐÓN ĐẦU” làm kim chỉ nam trong vệc xây dựng thương hiệu quốc gia. Có nghĩa là chẳng cần phải học hành nghiên cứu mày mò gì cho vất vả và mất thời gian, chỉ cần cho những tinh hoa xã hội đi rình mò chờ cho thiên hạ đổ mồ hôi sôi nước mắt tạo ra thứ gì đó hay ho rồi tìm mọi cách để chôm chỉa, chụp giựt… rồi “đánh lận con đen” coi nó là thứ của mình, cổ súy và tưởng thưởng cho toàn thể con dân “vươn lên làm giàu nhanh chóng” bằng cách ấy. Riết rồi “lộng giả thành chân”. Đời vốn chả ai cho không ai cái gì, miếng phomai miễn phí chỉ có trong bẫy chuột, huống chi đó là đồ đi ăn cắp, học đòi mà có được. Nước Việt có người tài không? Có người tử tế không? Rất nhiều... Nhưng thử hỏi, sinh ra làm người ai không quý mạng sống?! Liệu ai từng bước chân ra thế giới văn minh mà không hiểu được trót sinh ra ở những đất nước tôn vinh lý thuyết “vật chất quyết định ý thức” ấy bị kỳ thị và khinh bỉ đến mức nào. Chỉ bởi vì họ là sản phẩm của loại xã hội đầy nghi kỵ, gấp gáp mà lại mục ruỗng... Bởi các giá trị chân chính như chân thực, nhẫn nại, thiện lương trong xã hội ấy đều được quyết định mua bán đổi trao bằng kim tiền. Ai muốn chơi với một “loại người” chỉ rình mò tìm đường ăn cắp, lừa đảo niềm tin bất chấp thủ đoạn?! Sinh ra làm người ai không mưu cầu quyền được sống, quyền tự do, quyền hạnh phúc?! Nhưng với những đất nước "duy vật biện chứng" "đi tắt đón đầu" thì chỉ một số ít người biết mưu cầu quyền được tự trọng và tôn trọng! Chẳng lẽ thương hiệu quốc gia của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mãi chỉ là PHỞ và MẮM ?! Trump rồi đã dạy cho TQ và VN bài học "vỡ lòng" về lòng chân thực để bớt cái thói tiểu xảo khôn lỏi. Chẳng lẽ lại xin cảm ơn Donald Trump?!  
......

Lấp cả dòng sông để phân lô bán nền

Lạc Việt Một dòng sông êm ả chạy qua làng. Một cảnh quê hương tuyệt đẹp như thế này đã biến mất, mất sạch, bởi lòng tham của đám quan lại. Đó là dòng sông Cổ Cò chảy qua Khuê Đông, Hòa Quý, Đà Nẵng. Họ đã lấp sông để phân lô, bán nền bất kể hậu quả. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã đau xót thốt lên: “Sông Cổ Cò tuyệt đẹp quê tui. Nay đã không còn chút bóng dáng. Sông Cổ Cò, đã thành dĩ vãng rồi!” Thật đáng buồn về mặt cảnh quan, nhưng đáng lo ngại hơn là vấn đề môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, dẫn đến nhiều nhân tai khó lường và khó thể phục hồi. Ai cũng biết tình trạng ngập úng mỗi khi có cơn mưa ở các thành phố lớn hiện nay là do kết quả của sự phát triển đô thị một cách bừa bãi. Để có thêm diện tích đất đầu tư, họ sẵn sàng lấn biển, lấp ao hồ, nay đến lấp cả một giòng sông, thì không biết đến bao giờ lòng tham của đám quan lại mới chịu dừng! Ai cũng biết nhưng ai sẽ ngăn chặn bọn tham quan tiếp tục hủy hoại môi trường sống của dân, nếu mỗi người dân đều im lặng? Hãy cùng nhau lên tiếng cho lợi ích của mình nếu bạn không muốn hễ cứ mưa là phải dắt xe lội trong vũng nước! (Ảnh gốc: Huỳnh Ngọc Chênh)  
......

Bảo hiểm của ta " nhân văn - nhân đạo - ưu việt" đến thế là cùng !

Nguyễn Đình Trọng| Bảo hiểm y tế nắm tiền, rồi phân bổ xuống các bệnh viện. Khi bệnh tật tăng lên, số bệnh nhân tăng lên các bệnh viện tỉnh, huyện ngân sách cũng hết. Nếu họ khám và điều trị cho bệnh nhân thì bảo hiểm không thanh toán (xuất toán). Bệnh viện không có tiền bù, không có tiền di trì hoạt động, không có tiền trả lương và thù lao thủ thuật cho cán bộ y yế nên bệnh viện không dám điều trị bệnh cho bệnh nhân nữa. Rồi các bệnh viện ở tỉnh, tuyến huyện lại ép chuyển viện cho bệnh nhân dồn về tỉnh lớn như Sài Gòn, Hà Nội....Các bệnh viện tuyến này cũng quá tải, cũng hết tiền ngân sách bảo hiểm đã giao. Nếu họ chấp nhận khám chữa bệnh cho bệnh nhân thì bị bảo hiểm không thanh toán, gây khó khăn, họ cũng không có tiền trả lương và thù lao cho cán bộ y tế ở các bệnh viện lớn này. Rồi bệnh viện này chuyển qua bệnh viện kia. Họ đang biến bệnh nhân thành cái banh và đá qua đá lại. Đôi khi bệnh nhân không phải chết vì bệnh mà chết vì di chuyển và phải làm cái banh để họ đá đấy. Mình ghi nhận tại một bệnh viện mà "tiếp sức ước mơ" có tới giúp một số bệnh nhân. Khi thấy một số bệnh nhân bệnh còn nặng mà phải xuất viện thì Trọng hỏi: "bệnh còn thế này sao phải xuất viện". Bệnh nhân trả lời: "Do bệnh nằm cả tháng chưa khỏi nhưng bệnh viện bảo nằm nữa vượt tiền quy định của bảo hiểm cho phép. Nên bệnh viện phải cho xuất viện về quê. Sau đó đi khám ở huyện, chuyển lên tỉnh, rồi xin giấy chuyển viện lên Sài Gòn, rồi lên đây nhập viện lại để điều trị tiếp???". Nghe mà cười khóc ra nước mắt. Không biết bảo hiểm y tế làm việc kiểu gì đây! Hành hạ và giết bệnh nhân thì có! Phải nói công nhận Bảo Hiểm Y tế ở ta rất "nhân văn, ưu việt, nhân đạo" đến thế là cùng! Thân mến! P/s: Nguồn hình và thông tin có lược trích ở link: https://m.thanhnien.vn/…/benh-vien-so-om-benh-boi-chi-12820…  
......

Cuộc thi tìm kiếm nhân tài tương lai cho Việt Nam

Các em học sinh có biết: Cô gái Thu Hằng,  Kim Sơn-Ninh Bình trở thành Quán quân thứ 20 của Đường Lên Đỉnh Olympia... Bao giờ thì em bay sang Úc ??? Sao chẳng ai về sống với cộng sản nhỉ ??? Duc Ha Đây là cuộc thi được cho là tìm kiếm nhân tài tương lai cho Việt Nam, thế nhưng trải qua 19 cuộc thi đã tìm ra 19 quán quân xuất sắc, hầu như tất cả đều không về. Nước Úc “ác” ghê. Oái ăm... Đây là cuộc thi được cho là tìm kiếm nhân tài tương lai cho Việt Nam, thế nhưng trải qua 19 cuộc thi đã tìm ra 19 quán quân xuất sắc, nhưng hầu như tất cả đều đang phục vụ cho các công ty tại nước ngoài: 1 . Trần Ngọc Minh là nhà vô địch đầu tiên của “Đường lên đỉnh Olympia” vào năm 2000. Hiện nay cô là giám đốc tiếp thị cho tổ chức từ thiện "Open Your Hearts" ở Australia 2. Phan Mạnh Tân Hiện tại anh đang làm việc tại công ty IBM, Melbourne, Australia 3. Lương Phương Thảo -- Sinh sống ở Australia 4. Võ Văn Dũng – làm việc trong lĩnh vực kiểm toán tại Melbourne, Australia. 5. Đỗ Lâm Hoàng -- làm việc tại Sở Giáo dục tiểu bang Victoria , Australia 6. Lê Vũ Hoàng – giám đốc công nghệ của VIoT, Austalia 7. Lê Viết Hà -- đang ở VN nhưng làm việc cho một công ty lớn ở Sydney, Australia. 8. Huỳnh Anh Vũ -- đã lập gia đình và sống tại Australia. 9. Hồ Ngọc Hân đang học tiến sĩ tại Sydney, Australia 10. Phan Minh Đức -- lấy học hàm tiến sĩ ở Australia 11. Phạm Thị Ngọc Oanh -- làm việc ở Melbourne, Australia. 12. Đặng Thái Hoàng -- Kỹ sư dân dụng ở Canada. 13. Hoàng Thế Anh -- sinh sống cùng gia đình ở Australia 14. Nguyễn Trọng Nhân – sinh sống ở Australia 15. Văn Viết Đức -- sinh sống Australia 16. Hồ Đắc Thanh Chương -- sinh sống Australia. 17. Phan Đăng Nhật Minh -- đang học tập ở Australia 18. Nguyễn Hoàng Cường -- đang học Đại học Kỹ thuật Swinburne , Australia 19. Trần Thế Trung- hiện đang học tập tại Australia Và 20. Nguyễn Thị Thu Hằng, cô gái Ninh Bình thành quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020. Bao giờ thì em bay ?!  
......

Pages