Schwarze Kinder vertreiben sich die Zeit in Houston, Texas (2017). Der Junge im Vordergrund hat bei einem Unfall einen Fuß verloren. © Alex Webb/Magnum Photos/Agentur Focus
Tác giả: Kerstin Kohlenberg (*)
Người dịch: Phạm Hồng-Lam (**)
Liên Bang Mỹ Châu được coi là cái nôi của nền Dân Chủ tân tiến. Ngày nay xem ra mô mẫu Bình Đẳng và Huynh Đệ này đã thất bại. Vì sao?
Vào một buổi sáng tháng Hai năm 1832 anh thanh niên người Pháp giã từ Liên Bang Châu Mỹ (LBCM, gọi tắt nước Mỹ) sau mười tháng lai vãng. Một quốc gia làm anh ấn tượng đến nỗi, anh đã bỏ ra hai năm sau đó, để viết ra những gì mình đã mục kích về miền đất lạ lùng này. Người thanh niên này lớn lên trong một lâu đài ở Normandie, đã học Triết và Luật, có một đứa con với một nữ gia nhân và làm nghề thẩm phán điều tra tại Versailles.
Điều làm anh thú vị nhất ở đó là sự chung sống giữa người với người. Anh lạ lùng về điểm này. Ở Mỹ chẳng có lâu đài, chẳng có công tước, bá tước hay tử tước. Chẳng có phân biệt giữa người được phép có đất và người không được phép sở hữu đất. Đa số người Mỹ làm việc cho chính họ; họ là ông chủ của mình. Có tự do bầu cử. Quan toà chỉ trách nhiệm với hiến pháp mà thôi.
Mọi người Mỹ đều bình đẳng. Từ lúc mới sinh chẳng ai có giá trị hơn ai.
Sự bình đẳng công dân trên đất nước này mê hoặc anh. Anh nghĩ, sự bình đẳng này làm cho cư dân Mỹ trở nên những con người tốt lành hơn, làm cho họ gặp gỡ nhau trong sự kính trọng.
Tên của người thanh niên trẻ sinh năm 1805 đó là Alexis de Tocqueville, Anh là người lập ra khoa Chính Trị Học Đối Chiếu. Cuốn sách về nước Mỹ của anh mang tên Về Nền Dân Chủ Ở Mỹ. Cho tới hôm nay đây là cuốn sách mô tá đúng nhất về hệ thống chính trị của LBCM, mà mọi giáo sư trên khắp thế giới đều yêu cầu sinh viên mình phải đọc.
Giả như Tocqueville hôm nay, hè 2020, quay lại nước Mỹ sau 200 năm, thì hẳn anh thất vọng.
Anh sẽ thấy hàng trăm ngàn người phẫn nộ, nức nở, vô vọng trên các đường phố. Anh sẽ thấy những chiếc xe bốc cháy cùng những đám khói và bom cay. Anh sẽ thấy những cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát. Và anh thấy một ông tổng thống dọa sẽ cho lính và chó nghiệp vụ xông ra dẹp dân mình.
Và trên các báo anh sẽ thấy những hàng tít như:
„Chúng ta sống trong một đất nước thất bại“, The Atlantic.
“Một cuộc nổi dậy của người Mỹ”, The New Yorker.
“Tôi chưa bao giờ lo sợ cho nước Mỹ như hôm nay”, The Wall Street Journal.
Và anh sẽ ngẩn người trước những đầu đề đó.
Tocqueville viết trong sách mình, chính sự bình đẳng làm cho nước Mỹ mạnh. Cứ như thế, thì Mỹ ngày nay lẽ ra chỉ còn biết phải đối diện quyền lực của mình mà thôi. Lẽ ra họ đã đạt tới một xã hội lành mạnh, vững chắc nhất, mà ta chỉ có thể mường tượng ra được trong trí mà thôi. Là vì trong hai trăm năm vừa qua đất nước này càng ngày càng bình đẳng hơn.
Nền dân chủ xây trên một dối trá
Để hiểu điều gì đã xẩy ra ở Mỹ, cần nhớ lại một ngày tháng Sáu 1776. Nếu không có ngày này, thì nước Mỹ đã không hấp dẫn Tocqueville đến thế.
Ngày đó luật sư và nhà chính trị Thomas Jefferson ngồi ở phòng làm việc trong một căn nhà thuê ở Philadelphia bên một chiếc bàn xếp và đang soạn thảo bản văn tuyên bố nền độc lập của Mỹ tách khỏi vương quốc Đại Britania (“Anh”). Jefferson viết: “Những chân lý sau đây chúng tôi coi là đương nhiên: Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Họ được Thượng Đế trao cho những quyền bất khả nhượng, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền tìm hạnh phúc.”
Bên cạnh Jefferson hôm đó có một cậu con trai 14 tuổi tên là Robert Hemings. Cậu là em cùng cha khác mẹ của bà Martha, vợ của Jefferson, và cùng theo Jefferson từ Virginia lên Philadelphia.
Đối với Robert, những điều Jefferson viết chẳng có nghĩa gì cả. Vì cậu là một trong sáu đứa con, mà cha của Martha đã có với một trong số các phụ nữ nô lệ da đen của ông. Sau khi cha của Robert mất, mẹ và các anh chị của cậu được chuyển quyền sở hữu sang cho Jefferson. Jefferson chọn Robert làm người phục dịch riêng của mình.
Sự bình đẳng của Mỹ, mà Jefferson công bố sau đó, quả rất hạn chế. Chẳng hạn, nó không được áp dụng cho người da đen. Họ không có quyền sở hữu đất đai. Không được quyền bầu cử. Ngay cả không được quyền giữ cái con của mình. Họ vẫn tiếp tục là sở hữu của những người khác.
Cả phụ nữ Mỹ cũng không được bầu cử, nhưng họ trước sau vẫn được coi là những công dân tự do.
Ngay chính những người đàn ông da trắng, nếu không có đất, cũng kém giá trị hơn những người có đất. Trong những năm đầu, thành phần không có đất đai cũng không có quyền đi bầu.
Sự bình đẳng với đầy đủ quyền và tự do chỉ dành cho đàn ông da trắng, những kẻ có đất và đóng thuế. Tất cả khoảng 10% dân số.
Nền dân chủ của Mỹ được xây dựng trên một sự dối trá.
Có những người Mỹ nhận ra điều đó và không ngừng nỗ lực hành động, để sự bình đẳng được thực sự áp dụng cho mọi người. Một trong số đó là William Lloyd Garrison.
Garrison sinh năm 1805 trong một làng nhỏ gần Boston, có cha là một đại úy và người mẹ rất mực đạo đức. Anh làm nghề xếp chữ, rồi trở thành biên tập cho báo Newburyport Herald. Ông phổ biến những bài báo kêu gọi uống rượu có chừng mực và nhất là đả phá chế độ nô lệ.
Nơi Garrison ở, miền bắc nước Mỹ, vốn có nhiều người chống lại chế độ nô lệ. Đa số nô lệ sống ở miền nam, như Robert Hemings. Họ làm việc trong các nông trường trồng bông vải và thuốc lá. Sức lao động rẻ mạt của họ là nền tảng cho sự giàu có của lớp chủ nhân. Thomas Jefferson cũng có một nông trường như thế. Ông đặt tên cho nông trường mình là Monticello, quả đồi nhỏ.
Mà dù đa số dân miền Bắc không thích chế độ nô lệ, họ cũng chẳng tìm cách ngăn cản các phương pháp làm giàu của dân miền nam. Họ ngại điều đó sẽ tạo thêm bất ổn. Lại nữa các nhà máy phía bắc cần nguyên vật liệu từ miền nam.
Garrison chẳng màng gì tới những chuyện đó. Năm 1831, không lâu trước khi Tocqueville tới Mỹ, anh lập một hội hô hào xoá bỏ chế độ nô lệ.
Garrison muốn nước Mỹ có nhiều bình đẳng hơn, bình đẳng thật sự. Và nhờ lúc này anh có được một tiệm in, anh cho ra một tờ báo riêng, The Liberator. Trong đó anh sát phạt chế độ nô lệ. Nội dung bài báo anh không viết trước ra giấy, nhưng từ trong đầu xếp ngay ra chữ máy in. Có lẽ vì chúng cũng là những í tưởng vụt đến và lồng lộn như nội dung của một số Tweet ngày nay.
Trong số đầu tiên của Liberator Garrison viết: “Tôi sẽ không do dự khi suy nghĩ, viết hay nói (…) Tôi nói thiệt đó. Tôi sẽ không mập mờ. Tôi sẽ không xin lỗi. Tôi sẽ không lùi bước một li nào cả. VÀ NGƯỜI TA CHẮC CHẮN SẼ NGHE TÔI.”
Garrison nhận được nhiều hăm doạ giết. Vì gọi một người buôn bán nô lệ là thằng ăn cướp và giết người, nên anh bị tù giam bảy tuần lễ. Nhưng Garrison không nản. Sau khi được thả, anh viết tiếp, tiếp tục đi thuyết trình và tiếp tục che dấu những nô lệ trốn chủ. Garrison trở thành một trong những người nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Dần dần tình hình nơi miền bắc biến chuyển. Phía chống nô lệ quyết tâm hơn. Sau khi một người trong họ – đảng viên Cộng Hoà Abraham Lincoln – được bầu lên ghế tổng thống vào ngày 6 tháng 11 năm 1860, miền nam sợ chế độ nô lệ sẽ bị bãi bỏ, nên đã tuyên bố tách khỏi miền bắc. Khởi đầu cho cuộc nội chiến.
Số báo Liberator cuối cùng được ra sau ngày miền bắc chiến thắng miền nam và kết thúc cuộc chiến tháng 12 năm 1865. Vài tuần trước đó đạo luật bổ túc thứ 13 đã được Quốc Hội thông qua. Chấm dứt chế độ nô lệ.
Nhưng cuộc đấu tranh cho bình đẳng vẫn còn lâu mới chấm dứt.
1870 hiến pháp Mỹ có thêm một đạo luật bổ túc nữa, cho phép người da đen được đi bầu. Cũng trong năm đó lần đầu tiên một thượng nghị sĩ người da đen được bầu vào Thượng Viện.
1964 việc phân biệt chủng tộc trong các trường học, các rạp chiếu phim, trên các xe bút và trong nhiều cơ quan công cộng bị cấm.
1966 xuất hiện vị bộ trưởng da đen đầu tiên trong chính phủ liên bang.
1990 lần đầu tiên một người da đen được bầu lên ghế thủ hiến tiểu bang.
1999 xuất hiện vị chủ tịch hội đồng điều hành da đen đầu tiên của một trong 500 công ti lớn nhất ở Mỹ.
2008 Barack Obama, người da đen đầu tiên, được bầu làm tổng thống Mỹ.
Giả như ngày nay có ai đó nhận công tác rà soát lại toàn bộ luật lệ, sắc lệnh và chỉ thị mọi cấp từ liên bang tới tận làng xã ở Mỹ từ trước tới nay, người đó sẽ nhận ra rằng, nước Mỹ càng ngày càng bình đẳng hơn.
Ngày nay chẳng tìm ra đâu một điều khoản cho thấy người da đen ít quyền hơn người da trắng. Nạn kỳ thị chủng tộc đã bị loại ra khỏi các tài liệu chính thức của nước này.
Nhưng chỉ còn lại sự phẫn nộ và không hài lòng.
Tại sao như vậy?
Không có bình đẳng cho tất cả mọi người
Cái ngày bắt đầu diễn ra nhiều chuyện, mà lúc này chúng ta thấy tiếp diễn trên các đường phố, là ngày 2 tháng 7 năm 1964. Ngày đó Lyndon B. Johnson, tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, đi ngủ sớm; nhưng ông vẫn trằn trọc lâu, như Bill Moyers, phát ngôn viên chính phủ, cho ta biết trong một cuốn sách của ông sau này.
Johnson đọc tin của các tờ báo lớn, ấn bản chiều tối, viết về ông và về đạo luật mà ông vừa ký ngày hôm nay: “Civil Rights Act” (CRA; Luật Quyền Dân Sự). Đó là đạo luật chấm dứt tất cả những phân biệt chủng tộc, mà miền nam nước Mỹ vẫn tiếp tục thực hành cho tới lúc đó.
Kể từ 18.45 giờ, khi Johnson đặt bút ký lên bộ luật, không còn một người da đen nào nữa bị cấm vào khách sạn, vào nhà hàng ăn hay thậm chí vào một quán ăn bên đường nữa. Không còn phân biệt chủng tộc tại các nhà vệ sinh, tại các bồn nước uống vốn trước đây chỉ dành cho da trắng. Các rạp chiếu phim, các hí viện và xe bút phải dẹp hết các ghế chỉ dành riêng cho người da đen.
“Civil Rights Act” được thông qua bởi một đa số rộng rãi. Không chỉ phần đông dân biểu đảng Dân Chủ của Johnson, mà hầu hết các dân biểu cộng hoà cũng tán đồng. Ở đây cần nên biết rằng, từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong thập niên 1930 hai đảng này hợp tác nhau làm việc. Họ đã cùng nhau đưa ra kế hoạch New Deal, để chống lại sự suy thoái kinh tế và vực được nền kinh tế của Mỹ đứng dậy.
Và chiếu tối ngày 2 tháng 7 năm 1964 hôm đó các báo chí ca ngợi thành quả lịch sử kia và coi tổng thống Johnson như một tổng thống lớn của LBMC. Nhưng Johnson không vui. Ông biết rằng, với chữ ký của mình, ông không những làm xã hội Mỹ tốt hơn, mà còn gây ra cho nó một chấn động rất lớn.
Cho tới lúc đó đảng Dân Chủ là đảng của giới thợ thuyền và của miền nam nghèo. Nó cổ xuý sức mạnh của các nghiệp đoàn và đưa ra những trợ giúp của nhà nước; nó cũng còn tập hợp được những người da trắng vốn muốn giữ lại sự phân biệt chủng tộc.
Giờ đây đảng viên dân chủ ở miền nam chống lại Luật Quyền Dân Sự.
Trái lại Cộng Hoà cho tới lúc đó là đảng của các nhà tư bản và của miềm bắc giàu có. Nó cổ vũ tự do kinh doanh và cả việc bãi bỏ nạn phân biệt chủng tộc.
Ít tháng sau, trong cuộc bầu cử mùa thu 1964, Barry Goldwater ứng cử cho đảng Cộng Hoà; ông là một trong số ít thượng nghị sĩ chống lại CRA. Ông chê trách luật này đi quá sâu vào thẩm quyền quốc gia. Ông thất cử. Nhưng đây là lần đầu tiên Cộng Hoà thắng trong tất cả những tiểu bang của Deep South, vốn là những tiểu bang xưa nay do Dân Chủ trấn giữ.
Johnson là con của một nông gia nghèo ở Texas. Ông hiểu tầm quan trọng của màu da vẫn còn ngự trị nơi đầu óc của người dân miền nam. Theo cái nhìn của ông, ngay một người da trắng nghèo nhất cũng còn giá trị hơn một người da đen giàu nhất.
Luật của Johnson đã làm thương tổn tới cảm thức trội vượt của những người da trắng vốn tự coi mình có giá hơn người da đen.
1968 nhà đấu tranh dân quyền da đen Luther King jr., vốn là người cộng tác sát cánh với Johnson, bị một cựu quân nhân và là một tay có tiền án nhẹ, 40 tuổi, ám sát chết. Anh này muốn tái lập sự thống trị của người da trắng.
Cái chết của Luther King lúc đó cũng tạo chấn động như cái chết của George Floyd ở Minneapolis cách đây hai tuần, chỉ khác trước đây có nhiều đập phá hơn hôm nay. Người da đen nổi dậy trong hơn 100 thành phố. Có 40 người chết, nhiều trăm người bị thương và hàng ngàn người bị bắt.
Phố xá của Washington D.C. gần như bị đập phá toàn bộ. 1200 căn nhà bị đốt. Ở Chicago có 11 người chết, 500 bị thương, 2150 bị bắt. Ở Baltimore, Kansas City, Detroit, New York đâu đâu cũng diễn ra một cảnh tượng như thế. Đó là cuộc nổi dậy chống đối lớn nhất từ thời nội chiến tới nay.
Tình cảnh sôi sục, vì cuộc sống thực tế của người da đen vẫn không có nhiều tiến bộ, dù có đủ các luật. Chẳng hạn ở Los Angeles người da đen chỉ được sống trong một số khu vực mà thôi. Ở đâu họ nhờ người nộm mua được nhà, ở đó dân da trắng lại đe doạ không cho họ tới ở. Dân da trắng cũng là kẻ ngăn cản việc xây dựng nhà xã hội. Thêm nữa, người da đen bị chận con đường quan trọng nhất trong việc thăng tiến: họ không được vay những khoản tiền hợp lý, để mua nhà.
Sau khi toà án tối cao ở Mỹ phán quyết: để tạo thêm bình đẳng, học sinh da đen cũng được vào các trường của đa số học sinh da trắng và ngược lại, thì dân da trắng nổi lên chống đối. Và rồi khi trẻ con da đen được đi xe bút vào các khu vực da trắng, nhiều người da trắng bỏ đi khỏi các khu ấy và chọn thà rằng ra ở ngoài ngoại ô.
Giờ đây không còn những luật lệ lớn cản ngăn sự bình đẳng giữa đen với trắng nữa. Nhưng những quyết định thông thường hàng ngày lại trở thành rào cản. Quyết định của các nhà buôn bán địa ốc, của những cố vấn ngân hàng, của các cha mẹ học sinh.
Luật CRA trở thành một thí dụ của quyền lực và của sự bất lực chính trị. Cứ mỗi thành công của chính quyền trung ương trong việc tạo bình đẳng đen trắng, thì sự chống đối bên dưới lại gia tăng cường độ. Người da trắng ở Mỹ thường có thái độ giống như một số nhà quý tộc tại Âu Châu: Dân chủ là tốt đẹp, nhưng cũng cần phải có đôi chút khác biệt giữa chúng tôi và người khác.
Vì thế, trong một số thành phố ở Mỹ vẫn tồn tại nạn phân biệt màu da, với hai thế giới sống hoàn toàn khác nhau giữa người da đen và người da trắng. Và nhiều người trong thế giới da trắng vẫn từ trên nhìn xuống dân da đen.
Hệ quả của luật CRA: những cơ quan giáo dục tôn giáo nào không muốn nhận học sinh da đen sẽ không được miễn thuế. Điều này khiến cho các giáo hội tại Mỹ, vốn là chủ nhân nhiều trường trung và đại học, gặp khó khăn. Cuối thập niên 1960, các trường này bị giảm tầm quan trọng. Nhiều sinh viên bỏ trường, vì muốn được tự do tình dục, được tự do phát triển cá nhân, vì muốn đấu tranh cho nữ giới. Và nhà trường lại còn phải đóng thuế.
Các giáo hội đã có thể giải quyết khó khăn đó, nếu họ mở cửa cho da đen. Nhưng đặc biệt các mục sư ở các bang miền nam nhất quyết không chấp nhận bất cứ một hình thức hội nhập nào. Trong tháng Sáu 1964 bổn đạo da trắng ngăn chận không cho những nhà đầu tranh dân quyền da đen tham dự một buổi phụng vụ trong thành phố St. Augustine ở Florida. Người da đen cũng muốn là những Ki-tô hữu như họ, nhưng trong mắt người da trắng họ không phải là đồng tín hữu. Các giáo hội đã kiện thành công cho tới Toà Hiến Pháp. Họ lấy lý do vì quyền tự do tôn giáo.
Một hệ quả khác của CRA là các đại học phải dành một số chỗ cho sinh viên da đen và các sắc dân khác. Bởi vì, theo lập luận của tổng thống Johnson, việc được nhận vào các đại học danh tiếng nhất vốn là một thứ chạy đua, trong đó có một số lực sĩ bị thua thiệt. Trong nhiều trường hợp các cha mẹ của sinh viên da đen quá nghèo và trình độ học vấn của họ thấp, nên con cái họ đã không có cơ hội để thăng tiến. Do đó phải có một quy luật mới.
Nhưng quy luật đó chỉ có giá trị trong vài năm. Một sinh viên da trắng kiện lên toà án tối cao, vì cậu đã không có được một chỗ học y khoa trong Đại Học California ở Davis. Và cậu đã thắng. Toà phán quyết, đại học không được đưa ra một tỉ lệ phần chỗ cho sinh viên da đen và các sắc dân thiểu số khác. Tuy nhiên đại học có thể lấy yếu tố sắc dân thiểu số làm điểm thêm cho đơn xin nhận học. Sau phán quyết đó còn có thêm những phán quyết khác nữa hạn chế các biện pháp tạo bình đẳng.
Từ đó, theo một nghiên cứu của New York Times, tỉ số sinh viên da đen trong các đại học ưu tuyển ở Mỹ không còn tăng nữa. Họ vẫn chỉ có 6% trong số các sinh viên mới nhập học. Trong khi họ chiếm tỉ lệ 15% trong tổng số dân ở tuổi sinh viên.
Nhưng khi Barak Obama, một cựu sinh viên của Đại Học Columbia ở NY và của Đại Học Havard ở Cambridge, bước vào Nhà Trắng ngày 20 tháng 1 năm 2009, ta có cảm tưởng là nạn phân biệt chủng tộc đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Đã có người da đen làm cảnh sát, giáo chức, thẩm phán, nhà báo rồi mà! Họ đã có nhiều người được vinh danh trong địa hạt nghệ thuật và truyền thông rồi mà! Xem ra như cuộc chạy đua đường trường của người da đen qua các định chế đã chấm dứt, như thể những xung đột giữa trắng và đen đã hết và những kẻ chủ trương bài chủng tộc đã thua.
Thật ra đây là một mặt trận mà người da đen đã thua, một mặt trận trong toàn cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn. Cuộc chiến này ít sắt máu hơn xưa. Một trận chiến được thể hiện phần nào qua việc những người Mỹ da đen bị cảnh sát giết, qua những bạo động trên đường phố trong những tuần qua. Con số những người da đen bị giết vì thù hận, bị tổ chức Ku-Klux-Klan giết vẩn tiếp tục giảm từ nhiều chục năm nay. Nhưng giờ đây một mặt trận mới lại mở ra trong đền thánh nền Dân Chủ: nơi phòng phiếu.
Màu da là yếu tố quyết định nơi thùng phiếu
Ở Mỹ có 140 triệu cử tri, có lẽ cũng là 140 triệu lý do khác nhau để bầu cho đảng này hoặc đảng kia. Mỗi cử tri có những ưu tiên riêng của mình. Người này muốn đồng lương tăng, dễ dãi hơn trong việc dùng chất gây nghiện, người kia muốn thắt chặt hơn về luật phá thai hay hạ mức thuế. Cứ thế mà điều chỉnh quyết định bầu phiếu của mình.
Đối với những người thợ lương thấp ngày nay có thể họ sẽ bầu cho Dân Chủ, vì từ nhiều năm nay đảng này luôn chủ trương nâng mức lương tối thiểu. Đối với một tín hữu ky-tô giáo bảo thủ thì đảng Cộng Hoà nhiều cơ hội được phiếu hơn, vì nhiều chính trị gia hàng đầu của đảng này chủ trương chống phá thai và chống hôn nhân đồng phái tính.
Dù vậy ngày nay có nhiều triệu người thợ lương thấp không bầu cho Dân Chủ. Hoặc là không bầu cho Dân Chủ nữa. Họ quay sang Cộng Hoà. Không phải vì đảng này bỗng nhiên giờ đây có một chính sách mặn mà hơn với giới thợ thuyền. Mà nhất là vì giới này không còn coi mình là công nhân nữa; họ giờ đây tự coi mình là dân da trắng. Đó là những người không có đủ tiền để tới bác sĩ, nếu họ bị gãy tay hay gẫy chân. Lẽ ra họ phải cám ơn một nhà nước mạnh, sẵn sàng cưu mang họ để có được bảo hiểm sức khoẻ. Đây chính là kế hoạch quan trọng nhất của tổng thống Obama trong hai năm chấp chánh đầu.
Dù vậy, nhiều người thợ vẫn thù ghét ông. Dù ông có chính sách nào đi nữa, thì ông vẫn là một người da đen. Đa số thợ thuyền ngày nay bầu cho Cộng Hoà, bởi vì đó là đảng của da trắng.
Ngày nay cũng có hàng triệu người Mỹ đạo đức cho rằng, việc giết thai nhi và tình yêu đồng tính không phải là ý Chúa – dù vậy họ vẫn bầu cho Dân Chủ. Lý do: họ là người Mỹ gốc Phi Châu. Quan điểm chính trị của họ trong các chính sách xã hội trùng hợp ở nhiều điểm với niềm tin của những người ky-tô hữu bảo thủ da trắng, theo phái Phúc Âm (Evangelikaler). Nhưng họ bầu cho Dân Chủ, vì điểm quan trọng trong quyết định lá phiếu của họ không phải là niềm tin tôn giáo, mà là màu da.
Hàng chục năm nay màu da là một trong các tiêu chuẩn để chọn ưu tiên cho lá phiếu. Giờ đây nó trở thành tiêu chuẩn quan trọng nhất. Luật pháp và sắc lệnh càng làm cho da trắng da đen bớt xa nhau, thì hai thành phần này lại càng phân hoá về mặt chính trị.
Cộng Hoà vẫn tiếp tục là đảng của các nhà kỹ nghệ và thương mại; giờ đây nó còn thêm là đảng của ky-tô hữu phái Phúc Âm, đảng của đàn ông, của dân nông thôn. Nhưng trên hết là đảng của người da trắng.
Dân Chủ trái lại là đảng của thị dân, của phái nữ, của các nhóm dân thiểu số. Nhưng trên hết là đảng của dân da đen và của tất cả những ai vốn mang tâm trạng ngờ vực.
Biến cố Donald Trump được bầu trong tháng 11 năm 2016 được coi như một bất thường chính trị, một cuộc bầu vì phẫn nộ. Theo lối nhìn này, thì Trump đã không ngờ vận động được thành phần đàn ông da trắng. Nhưng lối giả thích này sai. Sự phẫn nộ của dân da trắng đã có từ lâu trước khi Trump xuất hiện. Trump chỉ là người đẩy một chiều hướng có sẵn tiếp tục đi tới. Đa số người da trắng vẫn bầu cho Cộng Hoà. Mitt Romney, ứng cử viên tổng thống cộng hoà chống lại Obama vào năm 2012, đã có nhiều phiếu của cử tri da trắng nhiều hơn Trump.
Trong nhiều chục năm vừa qua nước Mỹ thường được coi như một quốc gia bị phân rẽ. Phân rẽ trước hết về sự bất bình đẳng vật chất, giữa thành phần bên trên và thành phần bên dưới. Trên thực tế đường ranh phân rẽ quả thật là giữa trắng với đen, chứ không phải trên hay dưới.
Ta có thể quan sát điều này, chẳng hạn, ở New York: Harlem, Bronx, một số khu vực của Brooklyn hầu hết là nơi cư ngụ của da đen, phần còn lại là nơi hoặc trắng nhiều hoặc đen nhiều hơn. Trong các thành phố lớn: cũng một hình ảnh như thế, chỉ có khác về tên gọi của các khu vực mà thôi. Chỉ có sự chung hoà màu da ở những nơi thỉnh thoảng một số dân da trắng với những căn nhà khang trang chen vào trong khu vực bên cạnh láng giềng da đen mà thôi. Hầu hết các trường học cũng vẫn là nơi phân cách theo màu da.
Hơn 2,3 triệu người da đen hiện đang ngồi tù. Gấp năm lần dân da trắng, nếu tính theo tỉ lệ dân số. Chỉ có nước Nam Phi thời còn nạn kỳ thị chủng tộc (Apartheid) mới có số tỉ lệ cao hơn mà thôi. Số dân da trắng dùng các chất ma tuý cũng ngang với số da đen. Nhưng da đen bị bắt ngồi tù vì có giữ chất gây nghiện trong người gấp sáu lần nhiều hơn da trắng. Trong nhiều tiểu bang, sau khi ra khỏi nhà giam, cựu tù nhân không còn được quyền bỏ phiếu. Cũng như chẳng còn được phép nhận một số trợ cấp xã hội, như phiếu ăn chẳng hạn.
Không phải chỉ có cái chết của George Floyd tạo nên những cuộc xuống đường và bất ổn kéo dài từ nhiều tuần nay, mà trước hết là vì sự phẫn nộ chất chứa trước thực tế này của cuộc sống.
Trong sách của mình Tocqueville cũng bàn đến câu hỏi, liệu dân da trắng và da đen ở Mỹ có bao giờ có thể chung sống bình đẳng bên nhau không. Tocqueville tiên đoán, chế độ nô lệ sẽ không kéo dài. Theo ông, sự khai sáng cũng như nền dân chủ một lúc nào đó rồi sẽ xoá bỏ nạn kỳ thị này. Nhưng ông đồng thời nhìn ra nhiều vật cản lớn chống lại một cuộc bình đẳng thật sự.
Ở miền bắc Mỹ, nơi chế độ nô lệ đã được bãi bỏ trước khi khi Tocqueville tới Mỹ, Tocqueville nhận thấy có nhiều tiên kiến và thói quen khác nhau gây trở ngại cho việc sống chung giữa đen và trắng. Thời đó luật pháp đã cho phép người da đen bỏ phiếu và cho phép hôn nhân hỗn hợp. Nhưng trong thực tế, theo nhận xét của Tocqueville, một người da đen có thể mất mạng, nếu người đó thật sự quyết chí tranh đấu cho quyền của mình. Và người da trắng lấy vợ hay chống da đen, sẽ bị xã hội trừng trị bằng sự khinh bỉ. Những tiên kiến này, Tocqueville kết luận, sẽ chẳng bao giờ cho phép người da trắng và người da đen chung sống một cách bình đẳng bên nhau. Nhưng điểm này, vì ông cũng là con đẻ của thời đại, ông không cho là điều tệ hại.
175 năm sau, 2008, mấy ngày trước cuộc chiến thắng bầu cử của Obama, trong sân trường Đại Học Kentucky người ta treo một hình nộm lớn như người trên cành cây, như thể là một nạn nhân bị treo cổ trên cây trước đây. Hình nộm biểu trưng cho Obama.
Trước cuộc bầu, Obama đã bị những tay da trắng chủ trương kỳ thị hăm doạ giết, và an ninh đặc biệt đã phải bảo vệ ông.
Năm 2014, sáu năm sau, lúc này Obama đã được giải Nobel hoà bình và đã được bầu lần thứ hai năm 2012, một thành viên của uỷ ban cảnh sát của bang New Hamshire gọi ông là “thằng nhọ” (Nigger) và nhất quyết không chịu xin lỗi về câu nói đó. Nhân viên của một thành phố thuộc bang West Virginia viết trên Facebook: mụ Michelle Obama là con khỉ cái đi guốc cao gót. Ông tỉnh trưởng viết lời bàn về câu nói của nhân viên mình: “Chị đã cho tôi một ngày sống thật tuyệt.”
Có thể cho đó là những hành vi trật đường rầy, những việc làm đơn lẻ. Chỉ tội là những hành vi đơn lẻ này quá nhiều, khiến ta phải nói: Chủ trương kỳ thị chủng tộc ở Mỹ vẫn còn sống mãi, mãi sau 55 năm có luật CRA.
Nhưng chẳng còn bao lâu nữa.
Đó là tiên đoán của một cuốn sách xuất bản năm 2001, có tựa là The Emerging Democratic Majority. Tác giả của nó là nhà chính trị học Ruy Teixeira và nhà báo John Judis. Họ cho biết các thành phần thiểu số ở Mỹ sẽ trở thành đa số. Đó là những thành phần người da đen, người châu Mỹ la-tinh, người á châu và tất cả những nhóm di dân khác đã tới Mỹ từ khi có luật di dân váo năm 1965. Ngoài ra đó cũng là thành phần nữ giới, và những người trẻ đã bỏ miền quê vào thành phố học tập và không quay trở về nữa. Đay hẳn là những thành phần vốn bỏ phiếu cho Dân Chủ.
Theo hai tác giả, tới năm 2044 người da trắng lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ sẽ là thành phần thiểu số. Và vì Cộng Hoà chưa bao giờ thành công trong việc huy động mọi người da trắng về phe mình, như vậy thời đại thống trị của Dân Chủ đã được báo trước.
Nhưng Cộng Hoà lại thắng trong năm 2016.
Teixeira và Judis đã tiên đoán sai về khả năng vẫn còn thắng thế của người da trắng. Điều này nằm nơi hệ thống bầu cử của Mỹ. Các lá phiếu từ miền quê, nơi có đa số là da trắng, có giá trị hơn những lá phiếu từ các thành thị đông đúc và đa sắc dân. Là vì ở Mỹ ứng viên thắng cử không do lượng phiếu bầu của toàn dân, mà do có được đa số đại biểu cử tri. Và những bang miền quê ít người so theo tỉ lệ dân lại có được nhiều đại biểu hơn là các bang thành phố đông dân.
Nói khác đi: phiếu của dân da đen ít giá trị hơn phiếu của dân da trắng.
Khi Tocqueville năm 1831 đi xe ngựa tới Washington, thủ đô non trẻ này xuất hiện như là một cái làng đối với anh. Anh chỉ ngạc nhiên trước toà nhà được xây cho Quốc Hội. Nơi đây các đại diện của dân nhóm họp.
Ngày nay ai đến Washington, họ sẽ bị ấn tượng trước những tượng đài to lớn của các vị tổng thống lớn. Này là cái cột bia cao được dựng lên để tưởng nhớ George Washington. Kia là tượng Abraham Lincoln đang ngồi. Nọ là các tượng đài của Thomas Jefferson và Franklin D. Roosevelt trong công viên phía tây sông Potomac.
Tocqueville tin rằng, sự bình đẳng sẽ đưa người Mỹ lại gần với nhau, gần đến nỗi, rồi đây họ sẽ cùng nhau bầu lên một thứ chính quyền hợp nhất. Giống một chút như kiểu trong thời New Deal.
Nhưng thay vì như thế, ta thấy ngày nay hai đảng giống như hai tử thù trong một cuộc chiến biểu kiến giữa da đen với da trắng.
Không dễ gì để kết thúc bài này trong niềm hy vọng. Nhưng ta có lẽ sẽ có được hy vọng này, khi kể lại câu truyện của Bill O´Reilly.
Ông già O´Reilly 70 tuổi vốn làm việc cho kênh truyền hình bảo thủ Fox News. Ông là một trong những nhà bình luận được trả lương cao nhất của đài, cho tới cách đây ba năm bị tố tội xách nhiễu tình dục và bị sa thải.
Trong một lần phát hình, O´Reilly cảnh báo thính giả của mình về nguy cơ biến chuyển dân số: “Nước Mỹ không còn là nước Mỹ truyền thống nữa. Định chế của da trắng giờ đây đã trở thành thiểu số rồi.” Nghe ra như ông đang lo cho số phận của một nhóm, mà ông tự coi mình cũng ở trong đó.
O´Reilly là ngưới Ái-nhĩ-lan (Ireland) và ông rất hãnh diện về điều này. Trong một xô truyền hình, ông kể về lai lịch của những người nổi tiếng. Ông cố của ông rời Ireland vào những năm cuối thế kỷ 19. vì nạn đói lớn thời đó và tới New York lúc 16 tuổi. Rất nhiều người Ái đã di cư sang Mỹ vào thời này, và rất nhiều người Mỹ đã chẳng hài lòng gì về sắc dân mới này. Người Ái uống rượu nhiều và hay đánh nhau quá, nhất là họ lại là người công giáo. Đa số dân Mỹ theo Tin Lành; họ cho rằng, ngưới Ái chỉ biết vâng lời giáo tông của họ ở Roma mà thôi, chứ chẳng trung thành gì với Mỹ.
Ban đầu những người Ái cùng sống trong những khu của người da đen. Ở Philadelphia, trong cuộc kiểm tra dân số, họ được coi là nhóm dân “lai da đen” (Mulaten). Dân Mỹ gọi họ là những người “dân nhọ (Nigger) đã chuyển đổi màu da”.
Người Ái thời đó còn được xếp đứng dưới người da đen. Những người da đen tự do được coi là những người thợ tốt lành hơn. Nơi cửa của nhiều tư sở tìm người làm có treo tấm bảng: “Ở đây không nhận đơn xin việc của người Ái”.
Ngày nay trái lại chẳng ai ngạc nhiên khi nghe O´Reilly tự coi ông như là dân da trắng, chứ không phải như một dân lai.
Những người Ái thời đó khởi đi từ đáy tầng xã hội. Họ bán sức lao động trong các hầm mỏ than và mỏ đá. Họ đắp đường xe lửa; họ nhận những công việc tồi với đồng lương mạt nhất. Dù vậy, họ vẫn không được xem là người Mỹ. Rồi họ trở thành cảnh sát, lính chữa lửa. Nhưng rồi một thế hệ trẻ ngưới Mỹ lớn lên; họ không còn quan tâm tới những thiên kiến của các thế hệ cha ông tin lành của họ nữa. Đấy là thời điểm dân Ái trở thành dân da trắng. Cũng như về sau dân Tàu, dân Italia, dân Ba-lan, dân Do-thái, và có lẽ với hy vọng một lúc nào đó cả dân da đen nữa, vốn là dân không tự tìm tới Mỹ để sống, cũng trở thành dân da trắng như người Ái.
Màu da của một người không thay đổi được. Nhưng việc ai được thuộc vào một xã hội hay không là do mỗi thế hệ mới lớn lên quyết định.
(*) Kerstin Kohlenberg là một nhà báo Đức, từng làm việc cho đài truyền hình Đức ZDF và nhật báo Tagesspiegel. Bà hiện là phóng viên quốc tế của tuần báo Đức Die Zeit tại Washington DC, Mỹ.
(**) Nguồn: Die Amerikanische Lüge, Kerstin Kohlenberg, Die Zeit Nr. 25/2020, 10. Juni 2020, tựa tiếng Việt của người dịch
https://sites.google.com/site/forumvietnam21/tiengviet/cths/bct20200719-maudacuamotnguoikhongthethaydoi
https://www.zeit.de/2020/25/usa-demokratie-thomas-jefferson-alexis-de-tocqueville