JB Nguyễn Hữu Vinh - nguyenhuuvinh's blog
Người Công giáo và vấn đề chính trị
Theo Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, thì “…Giáo Hội là dấu chỉ và là sự bảo vệ cho tính cách siêu việt của nhân vị con người. Giáo Hội tôn trọng và thăng tiến sự tự do chính trị và trách nhiệm của người công dân.” (GLGHCG -Số 2425)
Thông điệp Niềm Vui Của Tin Mừng EVANGELII GAUDIUM của Đức Thánh Cha Phanxico nói rõ: “Không ai có thể đòi tôn giáo phải bó gọn vào trong nội cung của đời sống cá nhân, không có ảnh hưởng gì tới đời sống xã hội và quốc gia, không quan tâm gì tới sự lành mạnh của các cơ chế dân sự, không có quyền đóng góp ý kiến về các vấn đề ảnh hưởng tới xã hội... Một đức tin chân chinh—không bao giờ dễ chịu hay cá nhân—luôn luôn bao hàm một ước muốn sâu xa là biến đổi thế giới, truyền thông các giá trị, làm cho thế giới này phần nào tốt hơn khi ta gặp nó... Nếu quả thực “việc điều hoà trật tự công bằng của xã hội và nhà nước là một trách nhiệm chính trị”, thi Hội Thánh “không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý”.[150] Mọi Kitô hữu, bao gồm cả các mục tử của họ, được kêu gọi bày tỏ quan tâm đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn… Hội Thánh nối kết “sự dấn thân của chính mình với sự dấn thân trong lãnh vực xã hội của các Hội Thánh và các Cộng Đồng Hội Thánh khác, dù trên bình diện suy tư về học thuyết hay bình diện thực hành”.[151]
Trong sách Docat, lời của Đức Thánh Cha Phanxico có đoạn: “Các con cũng hãy đi vào chính trị nữa, hãy đấu tranh cho công lý và phẩm giá con người, đặc biệt cho những người nghèo nhất trong những người nghèo. Tất cả các con là Giáo Hội. Vậy thì, hãy đoan chắc rằng Giáo Hội này được biến đổi, rằng Giáo Hội vẫn còn đang sống, bởi vì Giáo Hội thừa nhận chính mình bị thách thức bởi những tiếng kêu than của những người bị tước đoạt, bởi tiếng kêu xin của những người khốn cùng, và bởi những người chẳng có ai đoái hoài quan tâm.”
Thomas More, vị Thánh được tuyên phong làm quan thầy của các chính khách và chính trị gia, đã nói rằng “không gì có thể tách con người khỏi Thiên Chúa, cũng như không thể tách chính trị khỏi luân lý được.”
Vì mọi mặt đời sống xã hội đều liên quan đến chính trị. Đặc biệt ở các nước mà chế độ độc tài cai trị dân chúng, việc lên án những hành vi bóp nghẹt, cướp đoạt quyền con người của công dân là điều càng khẩn thiết.
Giáo Hội Công giáo cấm các Giáo sỹ, hàng giáo phẩm tham gia các đảng phái chính trị, nhưng khuyến khích người công giáo tham gia chính trị như một hành động bác ái cần thiết làm cho xã hội thăng tiến bằng cách đóng góp khả năng của mình.
Điều luật mới của Đức Giám mục Giáo phận Vinh?
Điều mà nhiều giáo dân Giáo phận Vinh đã hết sức ngạc nhiên kể từ khi Đức Giám mục Anphongso Nguyễn Hữu Long về cai quản Giáo phận, đó là lần trong dịp Khánh Thành nhà thờ Họ Đồng Bàu, giáo xứ Mỹ Yên, ngài đã thẳng thừng “cấm các linh mục nói chuyện về chính trị, xã hội trên Tòa giảng”.
Đoạn video này đã được tung ra cho các Dư luận viên lấy để rêu rao rằng Đức GM Giáo phận đã cấm các linh mục nói chuyện chính trị và các chuyện về tình hình xã hội, đất nước, chỉ chăm mà lo việc rao giảng lời Chúa mà thôi, còn việc đất nước, xã hội dù có mất nước, mất lãnh thổ hoặc tham nhũng, thối nát, hà hiếp dân lành… thì “đã có đảng và nhà nước lo”. Những ai không “vâng lời” thì đó là người chống lại Công giáo. Điều này đã làm cho nhiều giáo dân hoang mang, lo lắng.
Người ta nghĩ rằng, có lẽ khi đó, vì ngài mới về Giáo phận, chưa kịp tìm hiểu về tình hình ở đây. Bởi chính ở Giáo xứ Mỹ Yên này, cách đó mấy năm, nhà cầm quyền CSVN đã dựng lên câu chuyện khởi tố, bắt giáo dân một cách vô luật pháp đồng thời trở mặt như lật bàn tay khi đã có văn bản hứa hẹn thả người vì đã thi hành luật rừng tại đây. Văn bản hứa hẹn của nhà cầm quyền đóng dấu đỏ choét, nhưng chỉ ngày hôm sau, chính nhà cầm quyền đã thể hiện bản chất lưu manh, tráo trở của mình khi dựng chuyện gài bẫy đánh đập và bắt bớ giáo dân tại đây.
Bởi nếu ngài biết câu chuyện ở Mỹ Yên, hẳn ngài sẽ tự hỏi rằng: Những giáo dân nhiệt thành ở đây bị vu cáo, bị lật lọng, bị chính quyền và công an đày đọa một cách rừng rú như vậy mà không có tiếng nói của các giáo dân, của các linh mục thì ai, ai sẽ là người đứng ra bênh vực và bảo vệ họ? Và nếu nói về những chuyện oan khuất, về sự tráo trở của nhà cầm quyền đối với họ thì có gọi là “Nói chính trị” hay không?
Người ta cũng tưởng chỉ có thế, rồi ngài sẽ hiểu ra vấn đề và đó coi như một sự “lỡ lời” nhất thời khi mới về Giáo phận mới.
Nhưng không, lời cấm đó được nhắc đi nhắc lại trong cuộc thường huấn Linh mục đoàn cũng như Tĩnh tâm của Linh mục năm và nhiều dịp khác.
Thế nhưng, Đức Giám mục Anphongso Nguyễn Hữu Long đã không nói rõ cho giáo dân, linh mục biết được việc đó ngài đã nương theo Giáo luật. Pháp luật hay ngài chỉ theo ý riêng mình – nghĩa là Luật riêng của Giám mục Giáo phận?
Và ngài cũng đã không định nghĩa cho các giáo dân và hàng Linh mục trong Giáo phận biết như thế nào được gọi là chính trị, thế nào là nói chuyện chính trị, và thế nào là nói chuyện đời sống, là Kinh thánh, giáo huấn xã hội hay những điều nào được rao giảng còn điều nào thì cấm.
Bởi là một linh mục, cũng như những giáo dân trưởng thành và bất cứ công dân nào cũng đều có thể hiểu rằng: Mọi mặt trong đời sống con người đều liên quan đến chính trị. Từ đồng thuế người dân đóng hàng ngày qua mọi thứ họ đụng đến như điện, đường, trường, trạm, xăng dầu, thóc gạo, từ chuyện môi trường bị ô nhiễm, từ chuyện quan chức tham nhũng, cướp bóc lạm quyền, cho đến ngay cả việc làm từ thiện theo điều răn dạy “Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống” của các linh mục bị nhà cầm quyền ngăn cản…
Nếu Đức Giám mục Giáo phận chưa rõ, xin hãy hỏi vị tiền nhiệm Phaolo Nguyễn Thái Hợp về trường hợp đoàn xe từ thiện của Giáo xứ Song Ngọc đã bị ngăn cản ra sao.
Đức Giám mục Anphongso Nguyễn Hữu Long
Vậy những điều nào được nói đến và điều nào không được rao giảng? Thiết nghĩ rằng, nếu cấm nói đến vấn đề chính trị, thì hẳn Đức Giám mục phải biên soạn ra một cuốn từ điển những từ húy kỵ mà linh mục tuyệt đối không được nói đến để lưu hành trong Giáo phận.
Và nếu xét một cách đơn giản nhất, thông thường nhất, chúng ta thấy rằng Mười điều răn Thiên Chúa và Sáu điều răn của Hội Thánh cũng đều phải cấm tuyệt đối trên Tòa giảng.
Bởi vì khi đó, nếu các linh mục giảng “Phải thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự” thì đã không đúng chủ trương của Đảng và nhà nước. Bởi ở Việt Nam, người dân chỉ được “tin tưởng hoàn toàn, tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng”. Mà tin vào sự lãnh đạo của đảng, nghĩa là tin vào chủ nghĩa vô thần, không có Chúa, Mẹ nào hết. Do vậy linh mục nào rao giảng Điều răn thứ nhất sẽ bị quy vào “nói chuyện chính trị”.
Khi đó, nếu các linh mục giảng rằng “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” hẳn nhiên đã là nói chuyện chính trị. Bởi ở Việt Nam, chỉ không được phép kêu tên Đảng và bác Hồ của đảng vô cớ mà thôi. Còn trong văn học, báo chí và sách vở thì kêu tên Chúa Trời là chuyện nhỏ, chuyện vặt.
Khi đó, nếu các linh mục giảng rằng: “Chớ làm sự dâm dục, chớ lấy của người, chớ làm chứng dối…” hẳn là đã “nói chuyện chính trị, vì khi nói đến điều đó, phản đối những điều đó, có nghĩa là đã phản đối, cạnh khóe, ám chỉ đến quan chức cộng sản là những kẻ ăn chơi trác táng, tham nhũng, cướp bóc của dân như cơm bữa, dối trá từ trên xuống dưới cả hệ thống đã trở thành bản năng.
Và nếu các linh mục rao giảng “Chớ giết người:, thì hẳn là đã “nói chuyện chính trị” bởi như vậy là phản đối ngay cả chính sách dân số của đảng và nhà nước. Bởi chuyện phá thai mà đảng và nhà nước đang chủ trương công khai và ngày càng phát triển trên mọi miền đất nước.
Nói đến điều này, có thể có người sẽ cho rằng nói như vậy là quá, là không thực tế…
Nhưng không, hẳn là Đức Giám mục Anphongso Nguyễn Hữu Long đã có thời làm Giám mục Phụ tá tại Hưng Hóa, nếu có để ý đến lịch sử Giáo phận này, thì sẽ đọc được những cuốn sách kinh của Giáo phận thời Đức Giám mục Giuse Nguyễn Phụng Hiểu (1990-1992) đã xuất bản tại đây với Kinh Phúc Thật chỉ có… 7 mối.
Chỉ vì, để xin phép được in sách Kinh là điều hết sức khó khăn trong chính sách chèn ép và tiêu diệt Công giáo bằng mọi hình thức. Cuốn bản sách Kinh được gửi đi hết tháng nọ đến năm kia không được duyệt in. Đến khi được duyệt cho in một số lượng hạn chế, thì Kinh "Phúc thật Tám mối" bị loại bỏ luôn điều thứ 8. "Thứ tám, ai chịu khốn nạn vì đạo ngay ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa trời là của mình vậy".
Khi kiểm duyệt đến câu này, nhân viên kiểm duyệt sợ hãi cái "chịu khốn nạn vì đạo ngay" và "Nước Trời" nên cắt luôn cho gọn. Thế là Kinh này cả thế giới có 8 mối, riêng ở đó nhà nước CSVN chỉ có có 7 mối thôi.
Trước tình hình cần thiết, Giáo phận đồng ý để in. Sau đó báo hại các cha, các thầy ngồi dùng bút mực viết thêm vào đó điều thứ 8 trong Kinh này.
Tưởng rằng, việc đó chỉ có ở thời chính quyền cộng sản mông muội, nhưng không hẳn vậy.
Nếu ngày nay, Đức Giám mục Anphongso Nguyễn Hữu Long ra luật mới cấm các linh mục “nói về chính trị” thì chưa rõ các ngài sẽ rao giảng điều gì?
Nếu điều luật mới này của Đức Giám mục Anphongso được áp dụng để hài lòng nhà cầm quyền Nghệ An, thì có lẽ Mười Điều răn Đức Chúa Trời cũng như Sáu Điều răn Hội Thánh cũng cần kiểm duyệt và bỏ bớt đi một số điều “nhạy cảm, chính trị”.
Nghĩa là điều duy nhất mà các linh mục có thể làm trên các Tòa giảng để không phạm vào tội “Nói chuyện chính trị” mà Đức cha cấm, là chỉ câm lặng hoàn toàn.
Mà nếu vậy, thì xin nêu sáng kiến như sau: Trong quá trình đào tạo linh mục, Giáo phận trước hết nên tổ chức cho Bệnh viện Xã Đoài tiến hành phẫu thuật, cắt lưỡi tất cả chủng sinh cho yên tâm.
Trở lại đoạn video trên, Ngài đã nói rằng chỉ được rao giảng yêu thương, không được rao giảng, cấm nói chuyện chính trị, xã hội… là những điều làm buồn lòng anh chị em của ngài? Không được nói những điều xúc phạm đến Chúa, đến nhau, không được nói những gì làm buồn lòng Chúa. Ngài sợ điều đã xảy ra ở Đền Thờ Gierusalem, khi Đức Chúa Giesu đã có hành động để trả lại sự thánh thiện cho đền thờ của Chúa.
Những giáo dân phía dưới ngơ ngác không hiểu Đức Cha muốn nói “Chúa” của ngài ở đây là ai khi các linh mục giảng về những vấn đề chính trị xã hội? Bởi điều ai cũng biết dù giảng về điều gì thì chẳng bao giờ các linh mục xúc phạm đến Thiên Chúa. Ở đó, những lời có thể coi là “xúc phạm” khi nói đến chính trị xã hội chỉ có là chính quyền Cộng sản thối nát và tàn bạo, dối trá. Vậy phải chăng, “Chúa” của ngài ở đây chính là nhà cầm quyền Cộng sản?
Ngài cũng cấm không được nói về những bất công, nạn nặn bóp người dân qua chuyện đóng góp, tiền bạc… Chẳng lẽ ngài muốn tiếp tay cho nạn lạm thu học đường và tìm cách ngăn chặn theo ý nhà cầm quyền khi các linh mục Giáo phận Vinh đang dẫn đầu bài trừ tệ nạn này?
Đức cha Anphongso Nguyễn Hữu Long cũng nói rằng ở đó chỉ nói những điều tốt đẹp, để xây dựng đức tin, đức mến, cộng đoàn, hòa thuận… nhưng quên mất rằng làm sao có thể hòa thuận, làm sao có thể xây dựng được đức tin, đức mến khi bất công đang tràn ngập xã hội và len lỏi mọi ngõ ngách đời sống?
Và ngài cũng quên rằng, chính ở nơi đền thờ đó, Đức Chúa Giesu đã phải hô lên: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”. Còn ở đây, nhà cầm quyền Cộng sản đã không chỉ biến mỗi ngôi nhà thờ, mà cả đất nước này đã thành hang trộm cướp thì làm sao có thể chỉ giữ cho mỗi ngôi nhà thờ của mình?
Ngài sợ rằng nếu nói vậy sẽ mất đi sự thánh thiện ở nơi nhà thờ của ngài. Nhưng ngài đã quên rằng có những ngôi nhà thờ cần sự thánh thiện hơn, đó là tâm hồn những người tín hữu.
Ngày 21/6/2020
JB Nguyễn Hữu Vinh
https://www.rfavietnam.com/node/6297