11 tổ chức quốc tế lên tiếng cho Ls. Lê Quốc Quân trước ngày mãn hạn tù

Qua email: webmaster@president.gov.vn Qua telefax: 0084 37 33 52 56 Ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 02 Hùng Vương, Quận Ba Đình Hà NộiViệt Nam Qua email: vpcp@chinhphu.vn Qua telefax: 0084 08 04 41 30 Ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 01 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình Hà NộiViệt Nam Ngày 24 tháng 6, 2015 V/v Ông Lê Quốc Quân mãn hạn bắt giam tùy tiện Thưa quý ông, Chúng tôi, những tổ chức đứng tên lá thư này chào mừng ngày sắp mãn hạn tù của ông Lê Quốc Quân, một nhà đấu tranh nhân quyền và luật sư được nhiều người quý trọng; và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền, phục hồi bằng hành nghề luật sư của ông Quân, cũng như đền bù thiệt hại trong thời gian ông bị giam giữ tùy tiện. Nhà cầm quyền Việt Nam lâu nay đã đàn áp ông Lê Quốc Quân về những hoạt động nhân quyền của ông. Vào năm 2007, sau khi đại diện nhiều nạn nhân của sự chà đạp nhân quyền, ông đã bị tước bằng hành nghề luật sư vì bị nghi ngờ tham gia vào những "hoạt động lật đổ chính quyền". Ông đã bị bắt nhiều lần vì đã tiếp tục hoạt động cổ võ nhân quyền. Vào tháng 8 năm 2012, ông đã bị hành hung bởi những kẻ lạ mặt và phải nhập viện. Vụ hành hung không bao giờ được cảnh sát điều tra. Ông Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27 tháng 12, 2012 và bị cáo buộc tội trốn thuế. Sau khi bị bắt giữ, ông đã bị biệt giam và không được phép gặp luật sư trong hai tháng. Gia đình yêu cầu thăm nuôi nhiều lần đều bị từ chối. Ông Lê Quốc Quân chỉ được gặp người thân tại phiên tòa ngày 2/10/2013; tại phiên tòa này ông đã bị tuyên án 30 tháng tù giam vì tội trốn thuế và bị phạt 1,2 tỉ đồng (tương đương với 59,000 Mỹ kim). Ông sẽ mãn hạn tù vào ngày 27/6/2015; đến lúc đó ông đã chịu nguyên án tù 30 tháng, không hề được giảm. Vào năm 2013, Ủy ban Điều tra về bắt giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã lên án việc ông Lê Quốc Quân bị giam cầm là vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền được xét xử công bằng. [1] Ủy Ban xét thấy là ông Lê Quốc Quân trở thành đích nhắm vì công việc hoạt động và viết blog của ông. Ủy Ban kêu gọi thả ông ngay lập tức hoặc phải để cho một tòa án độc lập, không thiên vị xét lại các cáo buộc ông theo các tiêu chuẩn của ICCPR. Ủy Ban xét thấy rằng ông đã bị biệt giam, không được tiếp xúc với luật sư và không được thả trước phiên xử là vi phạm điều luật về xét xử công bằng của ICCPR. Ủy Ban còn đề nghị Việt Nam phải bồi thường thiệt hại cho ông Lê Quốc Quân vì việc bắt giữ tùy tiện này. Nhà cầm quyền Việt Nam đã không hề phản hồi về phán quyết này. Hồ sơ nhân quyền Việt Nam được duyệt xét tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/2/2014 trong cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát. Trường hợp của ông Lê Quốc Quân đã được nêu đặc biệt như một ví dụ tiêu biểu cho nhiều luật sư bị nhà cầm quyền Việt Nam hăm dọa, cản trợ và sách nhiễu vì tham gia hoạt động bảo vệ và cổ võ nhân quyền. [2] Nhiều quốc gia, trong đó có Anh Quốc, Hòa Lan, Ái Nhỉ Lan và Úc đã kêu gọi Việt Nam ngưng bóp nghẹt tự do ngôn luận. Hoa Kỳ đã yêu cầu thả tất cả các tù nhân lương tâm vô điều kiện, trong đó có ông Lê Quốc Quân. [3] Vào tháng 2 năm 2014, ông Lê Quốc Quân đã tuyệt thực để phản đối việc trại giam không cho ông gặp luật sư, không cho ông nhận sách luật và sách tôn giáo, và cấm ông gặp linh mục cho những hướng dẫn tâm linh trước phiên xử Phúc thẩm. Vào ngày 18/2/2014, Tòa án Tối cao Hà Nội đã duy trì bản án đối với ông Lê Quốc Quân. Phán quyết của Ủy ban Điều tra về Bắt giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã không được lưu tâm tới. Liên Hiệp Âu Châu (EU) công nhận ông Lê Quốc Quân là tù nhân lương tâm và đã chính thức bày tỏ mối quan tâm về tuyên án của Tòa phúc thẩm. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trong một bản lên tiếng ngay sau phiên xử đã kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam thả ông Lê Quốc Quân và các tù nhân chính trị khác. [5] Vào tháng 9 năm 2014, một liên kết bao gồm nhiều NGO đã đệ nạp kiến nghị lên Ủy ban Điều tra về bắt giữ tùy tiện về trường hợp ông Lê Quốc Quân. [6] Kiến nghị này đang được chờ phán quyết của Ủy Ban. Một bản lên tiếng đã được đọc tại cuộc họp kỳ thứ 27 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 16 tháng 9, 2014, đặc biệt đòi hỏi sự quan tâm đến trường hợp của Lê Quốc Quân. [7] Kể từ khi bị bắt vào ngày 27/12/2012, nhiều tổ chức và cá nhân đã nhiều lần lên tiếng về trường hợp của ông Lê Quốc Quân. Nhà cầm quyền Việt Nam chưa bao giờ hồi đáp. Ngày mãn hạn tù của ông Lê Quốc Quân sắp diễn ra. Vào ngày 27/6/2015 ông sẽ được thả sau khi thụ án toàn bộ 30 tháng tù giam. Các tổ chức đồng ký tên dưới đây kêu gọi Chính quyền Việt Nam tôn trọng và bảo vệ các quyền hạn của ông Lê Quốc Quân đã được quốc tế công nhận, cụ thể là: (a) ngưng việc tiếp tục ngược đãi, sách nhiễu và/ hoặc bắt trái phép ông Lê Quốc Quân; (b) phục hồi giấy phép hành nghề luật sư và hủy quyết định truất bằng luật của ông; và (c) đền bù thiệt hại mà ông phải gánh chịu khi bị giam giữ tùy tiện. Xin cám ơn sự quan tâm của quý vị về vấn đề này và mong nhận được hồi âm từ quý vị. Một bản sao của lá thư đã được gởi đến Tổng thống Hoa Kỳ và vị đại diện Liên Hiệp Âu Châu tại Hà Nội. Trân trọng, Amnesty International USA Leila Chacko Gail Davidson Viet Nam Country Specialist Center for International Law (CenterLaw), Philippines Gilbert Andres Trustee of CenterLaw Electronic Frontier Foundation Eva Galperin Sally Blair Global Policy Analyst English PEN Cat Lucas Writers at Risk Programme Manager Front Line Defenders Mary Lawlor Executive Director Lawyers for Lawyers (L4L) Adrie van de Streek Executive Director Lawyers’ Rights Watch Canada (LRWC) Gail Davidson Executive Director Media Legal Defence Initiative (MLDI) Peter Noorlander Chief Executive Officer National Endowment for Democracy (NED) Sally Blair Senior Director, Felloswhip Programs Réseau Avocats Sans Frontières / ASF Network Anne Lutun ASF Network Coordinator World Movement for Democracy Art Kaufman Senior Director --- [1] Opinion adopted by the Working Group on Arbitrary Detention at its sixty-seventh session, 26–30 August 2013, No. 33/2013 (Viet Nam), 12 November 2013, A/HRC/WGAD/2013/ http://www.advocatenvooradvocaten.nl/…/UN-WGAD-decision_Le-… [2] http://www.advocatenvooradvocaten.nl/…/UPR-Vietnam-Joint-Su… [3] The United States recommended Viet Nam to revise vague national security laws that are used to suppress universal rights, and unconditionally release all political prisoners, such as Dr. Cu Huy Ha Vu, Le Quoc Quan, Dieu Cay and Tran Huynh Duy Thuc http://www.upr-info.org/…/session_18_-_jan…/a_hrc_26_6_e.pdf [4] Message from the Delegation of the European Union to Vietnam on lawyer Le Quoc Quan’s appeal trial, Hanoi, 18 February 2014, http://eeas.europa.eu/…/20…/20140218_quan_appealtrial_en.pdf [5] http://www.wsj.com/…/SB100014240527023049067045791109303514… [6] http://www.advocatenvooradvocaten.nl/…/Petition-Le-Quoc-Qua… [7] Petition for Relief Pursuant to Commission on Human Rights Resolutions 1997/50, 2000/36, 2003/31, and Human Rights Council Resolutions 6/4 and 15/1, submitted by Media Legal Defence Initiative on 5 September 2014, http://www.advocatenvooradvocaten.nl/…/Oral-Statement-L4L-H…
......

Ngày kỷ niệm buồn của giới báo cung đình cộng sản

Hôm nay gọi là “ngày báo chí cách mạng VN”, là ngày báo chí “nô bộc” của đảng CSVN như nhà báo Lê Phú Khải nói. Ngày này giới báo chí “công cụ” kỷ niệm có lẽ là buồn nhất so với những ngày trước kia, do làm “công cụ” thời nay cũng khó hơn bao giờ hết. Hôm trước ông Hữu Thọ cỡ “cây đa, cây đề” trong giới đã thốt lên ” 50 năm cầm bút nhưng chưa chưa bao giờ thấy báo chí mất uy tín như bây giờ”! Điều đó là tất nhiên thôi, thưa ông. Bởi vì, báo chí chuyên tuyên truyền cái tốt, thêu dệt thành tích cho đảng, nhưng bản thân đảng lại tha hóa, tham nhũng “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” thì chẳng khác gì bắt anh thợ sơn phải sơn lên bức tượng gỗ đã mục nát. Hơn nữa, dân cầm bút có kẻ ngu dốt, coi đồng tiền, bát gạo hơn phẩm giá, nhân cách, nhưng cũng không ít người thông minh có lương tâm, họ thấy việc viết lên những điều sai bản chất, làm ngơ trước sự thật là một sự sỉ nhục, hổ thẹn, nên cũng không đang tâm làm nô bộc một cách mẫn cán. Làm sao không áy náy khi một lời nói cửa miệng rất bình thường chỉ của ông bộ trưởng Đinh La Thăng (không tính đến lãnh đạo cao hơn) cũng được hàng chục tờ báo nhao nhao đăng trên trang nhất, trong khi cả ngàn bà con dân oan ngày đêm lang thang, khắc khoải khắp các cửa quan ở Hà Nội, Sài Gòn đi khiếu nại đòi công lý, hàng nghìn người xuống đường diễu hành bảo vệ cây xanh, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược cả tuần, cả tháng, cả năm, khi Trung Quốc ngày đêm xâm phạm biển đảo, cướp bóc giết hại dân ta, xây công trình quân sự trên đảo của ta… mà 700 tờ báo không hề “biết”, hãn hữu khi “biết” cũng chỉ dám gọi là “tàu lạ”. Họ biết, họ đang chịu nhục lừa dối dư luận, nhân dân và cả bản thân họ. Do cách đây cỡ hơn chục năm trở về trước nhà cầm quyền chưa nhiều kinh nghiệm khắc chế những tờ báo có “hàm lượng” sự thật “vượt ngưỡng” như Tuổi trẻ, Thanh Niên… nên nghề báo tỏ ra vừa dễ sống, lại có vẻ có quyền hành, hãnh diện, vì vậy một bộ phận lớn sinh viên đổ xô vào học nghề này, làm cho giá các suất vào học viện báo chí nghe nói lên rất cao, và hàng năm xuất ra cả vài trăm nhà báo. Nhưng những năm gần đây, báo chí bị kiểm soát chặt hơn về nội dung. Tất cả những sự thật không có lợi cho đảng CS bị hạn chế. Khi báo chí xa rời sự thật thì nó còn giá trị gì, ai muốn đọc? Vì vậy, dù số đầu báo tăng, nhưng độc giả lại giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy trong số SV báo chí ra trường, phần lớn chỉ “con ông cháu cha” trong làng báo và một số con nhà giàu xin được việc, còn lại về quê làm ruộng, đi công nhân, bán hàng, làm “đầu sai vặt” không công, chuyên xin quảng cáo cho các tờ báo dưới danh nghĩa “thử việc”. Nhiều tay tổng biên tập rất dã man, lợi dụng các cháu phóng viên thử việc “không từ cái gì”. Hiện nay số sinh viên báo chí ra trường thất nghiệp rất lớn. Khi nghề báo còn chút “thơm tho”, một số phóng viên “có máu mặt” ở các báo lớn van nài lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo cơ quan chạy chọt cơ quan chức năng để ra tờ báo, tạp chí, tập san… với phương châm tự nuôi, tự lo kinh phí để làm tổng biên tập, dẫn đến các tạp chí, tập san, trang điện tử mọc lên như nấm, nhưng nay ít độc giả, ít quảng cáo, đời sống cán bộ, phóng viên khó khăn, nhiều tờ “chạy ăn từng bữa”. Nhiều tờ báo lớn không ăn ngân sách đảng buộc phải tiếp cận sự thật để có độc giả trước kia như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Việt Nam net, Đất Việt… nhưng gần đây bị “đì”, bị thay lãnh đạo, nên ngày càng phải xa rời sự thật, dẫn đến số phát hành, số độc giả ngày càng sa sút, tờ báo trở nên tầm thường nên càng khó khăn. Để cầm cự và giữ độc giả, hầu hết các báo “tự nuôi” phải tìm đến các nội dung câu khách như cướp, giết, hiếp, chân dài lộ hàng, váy ngắn, chân kheo… Xã hội lưu manh thì nhà báo cũng là sản phẩm của xã hội ấy. Ngoài săn lùng, đăng tải những thông tin nhơ nhớp, nhiều nhà báo cũng dùng mọi mánh khóe để kiếm tiền như “5 cái bệnh” ông Hữu Thọ nói: “đâm thuê, chém mướn, dọa dẫm cơ quan, doanh nghiệp, trấn lột tiền, bảo kê, rủ nhau “đánh hội đồng”… Những nhà báo này dù có đời sống vật chất cao hơn đồng nghiệp nhưng chất lưu manh của họ trước sau cũng bị lộ tẩy, có thể nhiều kẻ sợ họ nhưng cũng không ít người khinh ghét, ghê tởm… Nhà báo khi bị dân nghi ngờ, không tin tưởng thì không còn ai cung cấp thông tin mặt trái xã hội, nên chỉ còn con đường nô bộc ôm chân kẻ mạnh và tồn tại ngoài nghề nghiệp. Mặc dù xã hội đang băng hoại mọi mặt, nhất là đạo đức, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều nhà báo chân chính, họ biết tôn trọng sự thật, yêu nước, thương nòi, tuy nhiên vì bát cơm manh áo họ phải theo đuổi nghề “nói dối”. Dù vậy, họ không an tâm khi làm ngơ trước sự thật, chỉ nêu một nửa sự thật… nên họ lăn lộn tìm sự thật và lợi dụng mọi cơ hội để nói lên sự thật. Đó là các bài báo tố cáo tiêu cực, tham nhũng, độc ác… ở các quan chức cỡ “được phép”, lách đưa các thông tin có vẻ vô tình nhưng nói lên sự thật phũ phàng mà đảng không muốn, đăng tải trên mạng xã hội, ngầm cung cấp cho các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ khi biết các thế lực đang “chiến” với nhau… Những nhà báo này phải luôn đề phòng, đương đầu với nhiều rủi ro, nguy hiểm. Năm nay kỷ niệm ngày 21/6, giới báo chí phụng sự đảng nhận nhiều sự “đau đớn”. Hàng loạt vụ phóng viên bị đánh, cướp máy ảnh, máy quay khi đang hành nghề. Đặc biệt, chỉ một phần rất nhỏ số vụ được điều tra xử lý hình sự (năm 2014 là 2/16 vụ). Đúng thôi! Nhà báo dù có cái danh “quyền lực thứ 4″ nhưng cũng chỉ là nô bộc, đặc biệt công an không thể ưng nhà báo vì là đó lực lượng gần như duy nhất ít sợ họ, đồng thời tố cáo họ nhiều nhất. Cái buồn nữa của năm nay là chiêu trò “quy hoạch” lại báo chí. Theo ước tính, khoảng 70% số các ấn phẩm đảng khó kiểm soát sẽ bị xóa và hàng nghìn phóng viên, nhà báo cuộc sống vốn đã gieo neo đang bị đẩy ra đường. Ngay từ đầu năm nay và những ngày này nhiều gia đình, phóng viên mất việc đang chạy xô các cửa để xin vào tờ báo này, cơ quan nọ, nhưng số có “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” không nhiều… Từ nay giá vào học viện báo chí tuyên truyền của đảng bị giảm là cái chắc. Tờ tạp chí Hàng không Việt Nam – nơi tôi công tác trước đây – ra đời từ năm 1983, là cơ quan ngôn luận duy nhất của ngành hàng không Việt Nam. Khi chúng tôi còn làm việc, biết dân VN không có kiến thức về hàng không nên số nào cũng có bài tư vấn về máy bay, sử dụng máy bay, đi máy bay… Tờ tạp chí tự nuôi, không tiêu đồng nào của nhà nước, năm nào cũng nộp ngân sách hàng trăm triệu… Thế nhưng khi vừa có chủ trương quy hoạch báo chí, ngày 25/3/2015 bộ Giao thông Vận tải lập tức rút giấy phép khi bài vở maket tháng Tư đã làm xong, tiền quảng cáo đã vào tài khoản… Thế là lập tức cả chục con người bị xáo trộn công tác, nhiều cháu nay bơ vơ, nghe nói đã phải mất khoản tiền lớn để vào đây… Nhận xét về sự vụ này, CTV Thanh Lê nói trên FB: “Đó là anh Thăng muốn ghi điểm với cấp trên…”. Ở bộ GTVT còn 5 tờ báo, tạp chí nữa chung số phận “ghi điểm” và không biết cả nước là bao nhiêu. Bao nhiêu nhà báo, phóng viên nguyện làm nô bộc cho đảng CS mà cũng không xong? 21/6 năm nay quả là kỷ niệm buồn của giới báo chí “cách mạng” của đảng CS. N.Đ.A. Theo boxitvn.blogspot.de
......

Luật sư Lê Quốc Quân và nỗi lo sợ của Cộng Sản Việt Nam

Luật sư Lê Quốc Quân (Ls LQQ), ở tuổi 45, có lẽ là người bất đồng chính kiến tại Việt Nam được biết đến nhiều nhất, đặc biệt là đối với những người không phải là Việt Nam. Bản án 30 tháng tù giam mà CSVN đã áp đặt lên Ls LQQ về tội trốn thuế trong phiên tòa sơ thẩm mồng 2/10/2013, đã tạo nên những phản đối hết sức mạnh mẽ trong mọi giới ở trong nước cũng như tại các quốc gia trên thế giới. Tất cả các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, chính phủ các nước, Liên Hiệp Quốc, người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đều cho rằng đây là một vụ án có động cơ chính trị, hoàn toàn do nhà nước CSVN dàn dựng để lấy cớ giam hãm Luật Sư hầu vô hiệu hoá những hoạt động cổ võ cho dân chủ và nhân quyền của Ông. Từ khi bị giam, ông là một tù nhân lương tâm được cả thế giới quan tâm và theo dõi. Bài viết này xin nêu lên một số những phản ứng đáng lưu ý đến từ các quốc gia trên thế giới liên quan đến việc nhà cầm quyền CSVN bỏ tù Ls LQQ. ****** Vào ngày 13/6/2013, Chủ tịch Trung tâm Công lý và Nhân quyền Robert F. Kennedy (RFK Center) gửi thư cho Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bảo vệ quyền chính đáng cho Ls LQQ đang bị giam cầm. Bức thư đề ngày 13/6 của bà Kerry Kennedy, cháu gái cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, bày tỏ quan ngại về tình trạng của nhà hoạt động Lê Quốc Quân và kêu gọi Việt Nam bảo đảm ông không bị ngược đãi, cho phép ông được tiếp xúc với người nhà cũng như được chăm sóc sức khỏe cần thiết, theo đúng các chuẩn mực nhân quyền trong Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của công dân mà Việt Nam đã tham gia ký kết vào tháng 9 năm 1982. Ngày 27/06/2013, 12 nghị sĩ thuộc cả hai đảng ở Hạ viện Hoa Kỳ gửi thư cho Ô. Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi phóng thích Ls LQQ và cảnh báo tình trạng tiếp diễn vi phạm nhân quyền trầm trọng của Hà Nội sẽ làm phương hại quan hệ Việt-Mỹ. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ nói họ hết sức bất bình về việc giam giữ Ls LQQ, bị bắt đã nửa năm nay mà người thân vẫn chưa được thăm gặp. Ngày 13/9/2013, Dân Biểu Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ là bà Loretta Sanchez chúc sinh nhật Ls LQQ và kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho Luật Sư. Bà Sanchez viết: "Hầu hết chúng ta mừng sinh nhật của mình quây quần với gia đình và bạn bè. Nhưng ngày hôm nay, Ls LQQ, một blogger người Việt, đã qua ngày sinh nhật 42 tuổi của mình cô đơn trong nhà tù." Ngày 18/9/2013, Dân Biểu Canada Wayne Marston chúc mừng sinh nhật Ls LQQ và kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho Luật Sư. Ngày 14/9/2013, Ls LQQ được tờ tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur vinh danh là 1 trong 50 người góp phần làm cho bộ mặt nhân loại thay đổi trong tương lai. 50 người này là những nhà chính trị, kỹ nghệ gia, nhà khoa học và những nhà đấu tranh ở các quốc gia còn bị cai trị bởi những chế độ hà khắc. Ngày 27/9/2013, Dân biểu Úc Luke Simpkins viết thư cho Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thả Ls. LQQ và nói ông Nguyễn Tấn Dũng hãy tôn trọng những cam kết về nhân quyền mà CSVN đã ký kết. Ngày 30/9/2013, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc vì mục đích chính trị đối với Ls LQQ. Ngày 2/10/2013, Hội Ân Xá Quốc Tế chỉ trích bản án đối với Ls LQQ và đòi hỏi nhà nước CSVN trả tự do tức khắc cho Luật Sư. Ngày 2/10/2013, Đại sứ Quán Hoa Kỳ tuyên bố: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam kết tội và tuyên án 30 tháng tù về tội trốn thuế đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân. Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ hoặc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là điều đáng lo ngại. Việc kết án này không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế. Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa." Ngày 4/10/2013, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Rupert Colville bày tỏ quan ngại về bản án đối với Ls Lê Quốc Quân và kêu gọi nhà cầm quyền CSVN xét lại bản án vi phạm các quyền tự do phát biểu tại VN. Ngày 11/10/2013, trong một Thông cáo/Kháng thư phổ biến trên Mạng Lưới Hành Động Khẩn Cấp, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn Bị Cầm Tù lên tiếng phản đối bản án 30 tháng tù giam và số tiền lớn mà tòa sơ thẩm Hà Nội đã tuyên phạt Ls LQQ. Ngày 16/10/2013, 57 Nghị Sĩ Quốc Hội Na Uy gửi thư tới Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trả tự do cho Ls LQQ và trả lại cho Ls LQQ quyền được gặp gia đình Văn Bút Quốc Tế PEN đòi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho Luật Sư Nhân Quyền và tác giả nhựt ký điện tử Lê Quốc Quân. Tờ Wall Street Journal cho rằng bản án này sẽ ảnh hưởng xấu cho quan hệ Mỹ và Việt Nam Ngày 5 tháng 12, 2013, 12 tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận và tự do thông tin kêu gọi thả Ls LQQ sau khi Liên Hiệp Quốc có ý kiến. Đó là các tổ chức Media Legal Defence Initiative, Media Defence-Southeast Asia, Lawyers for Lawyers, Avocats Sans Frontières, Front Line Defenders, Access, English PEN, Reporters Without Borders, the Electronic Frontier Foundation, ARTICLE 19, Index on Censorship và Lawyers’ Rights Watch Canada. 12 tổ chức này kêu gọi CSVN tuân theo quyết định của Nhóm Công Tác và "thả Ls LQQ ngay lập tức". Nhóm này cũng yêu cầu CSVN Nam phải bồi thường cho Ls LQQ vì đã bắt giữ ông tùy tiện. Ngày 5/2/2014, Ls LQQ là 1 trong 4 người được Hoa Kỳ nêu đích danh và muốn Việt Nam trả tự do ngay lập tức tại phiên kiểm điểm nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc hôm 5/2/2014 tại Geneva. Ngày 17/2/2014, một ngày trước phiên xử phúc thẩm luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch (HRW) kêu gọi xóa bỏ bản án đối với Ls LQQ. Thông cáo của HRW cũng chỉ ra rằng Ls LQQ bị bắt hôm 27/12/2012, chỉ hơn một tuần sau khi ông có bài viết chỉ trích Điều 4 Hiến Pháp về quyền lực tối cao của Đảng CSVN trên BBC Tiếng Việt. Mãi tới tháng 10/2013 ông mới được mang ra xét xử tội danh "trốn thuế". Ngày 18/2/2014, Tòa Phúc Thẩm Hà Nội y án 30 tháng tù giam vì "tội trốn thuế" theo Điều 161 Bộ Luật Hình sự đối với Ls LQQ. Phản ứng ngay sau phiên xử hôm 18/2, Văn Phòng người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Mỹ tại Washington là Jen Psaki ra thông cáo viết: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về quyết định của Chính Phủ Việt Nam giữ nguyên mức án 30 tháng tù vì "vì ’tội trốn thuế’ đối với luật sư nhân quyền và blogger Lê Quốc Quân, Việc nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều gây lo ngại. Chúng tôi kêu gọi nhà nước VN hãy thả các tù nhân lương tâm và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa". Cũng ngay sau phiên tòa, Hội Đồng Luật Gia Quốc Tế (ICJ) nhận định rằng việc kết án Ls LQQ, một luật sư bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, đã vi phạm những tiêu chuẩn quốc tế về quyền được xét xử một cách công bằng Cùng lúc, tổ chức Ân Xá Quốc Tế tuyên bố Việt Nam phải lập tức thả ngay vị luật sư và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng bị giam giữ vì những cáo buộc có ẩn ý chính trị. Ngày 19/2/2014, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới - RSF - trụ sở tại Paris, phản đối bản án phúc thẩm đối với Ls LQQ. Tổ chức này một lần nữa kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do cho Ls LQQ. Ngày 20/2/2014, 14 tổ chức phi chính phủ (NGO) cùng lên án việc Tòa Phúc Thẩm Hà Nội giữ nguyên bản án 30 tháng tù với Ls LQQ. Trước đó cả Liên Minh Châu Âu và Hoa Kỳ đều bày tỏ ’quan ngại’ về quyết định của Tòa Án hôm 18/2. Các tổ chức đồng ký tên lên án bản án bao gồm ARTICLE 19, Phóng viên Không Biên giới, Media Legal Defence Initiative, Freedom House, Avocats-sans-Frontières, Lawyers for Lawyers, Lawyer’s Rights Watch Canada, English PEN, PEN American Center, the National Endowment for Democracy, PEN International, Media Defence Southeast Asia, Front Line Defenders, và the World Movement for Democracy. Người đứng đầu các chương trình khu vực của Freedom House, ông Robert Herman được dẫn lời nói: "Chính quyền Việt Nam bắt giữ và kết án ông Quân vì (ông đã) bóc trần những vi phạm nhân quyền và việc làm sai trái mà truyền thông do nhà nước kiểm soát từ lâu đã phớt lờ." Thông báo của 14 tổ chức nói tòa phúc thẩm giữ nguyên cả bản án 30 tháng tù vì "tội trốn thuế" mà các tổ chức nói do chính quyền "ngụy tạo" và khoản tiền phạt 59.000 đô la. Cùng ngày, Liên Hiệp Quốc, qua Ủy Hội Nhân Quyền (UN High Commisssioner For Human Rights) đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về bản án, yêu cầu chính phủ Việt Nam xét lại bản án đối với Ls LQQ và phương thức tố tụng đang tiếp tục đe dọa và hạn chế quyền tự do ngôn luận và lập hội Ngày 26/8/2014, 14 hội đoàn (ARTICLE 19, Electronic Frontier Foundation, Reporters Without Borders, Amnesty International USA, Center for International Law (Centerlaw), Philippines, English PEN, Front Line Defenders, Lawyers for Lawyers (L4L, Lawyers’ Rights Watch Canada (LRWC), Media Defence – Southeast Asia (MDSEA), Media Legal Defence Initiative (MLDI), National Endowment for Democracy (NED), Réseau Avocats Sans Frontières / ASF Network và World Movement for Democracy) lại viết thư cho ông Trương Tấn Sang Chủ Tịch Nước CSVN, cho ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ Tướng CSVN, cho Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, và Đại Diện của EU tại Hà Nội về việc mà họ cho là bắt bớ độc đoán, và đòi thả Ls LQQ, một người mà họ cho là một luật sư nhân quyền và blogger đáng kính trọng. Ông Thomas Hughes, Giám đốc điều hành ARTICLE 19, nói: "Việc Việt Nam tiếp tục trấn áp những người bảo vệ nhân quyền đặt ra những câu hỏi bức bối về tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của họ." Nani Jansen, Media Legal Defence Initiative, nhận định rằng: "Việt Nam đã giả điếc’ trước những lời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Quân." Ngày 7/10/2014, ngay trước thềm chuyến thăm nước Đức của ông Nguyễn Tấn Dũng, Giáo sư Johannes Kals từ thành phố Neustadt thuộc phía Tây nước Đức cùng một nhóm 158 dân biểu liên bang, tiểu bang, dân cử, các học giả, trí thức, nhân sỹ, linh mục, nghệ sỹ, nhà báo .v..v... đã ký tên và gửi thư cho bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel đề nghị Thủ tướng Đức ’cứng rắn và mạnh mẽ’ yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ’tức khắc và vô điều kiện’ cho Ls LQQ. GS Kals đã khởi đầu cuộc vận động với sự ủng hộ của 30 tiến sĩ và giáo sư. Cuộc vận động kéo dài cho đến nay với kết quả đã có 415 chữ ký của giới trí thức Đức. Đầu tháng 6 vừa qua, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, bên cạnh chương trình tiếp xúc và làm việc với đại diện nhà cầm quyền và quốc hội CSVN cùng các hội đoàn xã hội dân sự độc lập, Ông Christoph Strässer, Ủy viên Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo của Chính phủ CHLB Đức cũng đã đến thăm Ls LQQ trong nhà tù. Sau cuộc thăm viếng đầy cảm động này, ông Christoph Strässer đã viết trên Twitter rằng 30 phút gặp gỡ Ls LQQ trong tù là những giây phút đáng ghi nhớ. **** Những phản ứng dồn dập, đa diện và mạnh mẽ đến từ khắp nơi trên thế giới về việc nhà nước CSVN bỏ tù Ls LQQ, mà điểm chung là phản đối việc bắt giam tùy tiện với ý đồ chính trị, đòi hỏi trả tự do tức khắc cho Ls LQQ, cũng như nêu lên quan ngại về tư cách thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc của CSVN và thái độ giả điếc, phớt lờ, hành xử phi pháp coi thường dư luận thế giới của nhà nước CSVN, cho thấy là chưa bao giờ sự quan tâm của thế giới về sự vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt nhắm vào cá nhân một nhà đấu tranh dân chủ, lại mạnh mẽ và cụ thể như bây giờ. Người ta đang chờ đợi xem là vào ngày 27/6/2015 tới đây, ngày Ls LQQ mãn hạn tù, nhà nước CSVN sẽ thể hiện sự lo sợ to lớn đối với người yêu nước Lê Quốc Quân như thế nào. Liệu CSVN có lo sợ đến độ lại một lần nữa bất chấp dư luận thế giới và giở lại mánh khoé đê tiện: chồng án hoặc tống xuất khỏi đất nước, như họ đã từng làm với nhà báo Điếu Cày trước đây hay không./.
......

Biển Đông và những bối rối của Hà Nội hiện nay

http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2015/06/20150621-ctm-... Ông Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì Photo Radio Chân Trời Mới (Thanh Thảo): Từ ngày 17 đến 19 tháng 6 vừa qua, ông Phạm Bình Minh Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao CSVN đã sang Bắc Kinh để tham dự Phiên họp Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, với đại diện bên Trung Quốc là Ủy viên quốc viện Dương Khiết Trì. Tuy đây là cuộc họp thường niên, nhưng sự kiện ông Phạm Bình Minh đến Trung Quốc vào lúc tình hình Biển Đông đang nóng lên đáng để chúng ta lưu tâm, khi Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu xây dựng hạ tầng cơ sở trên các đảo nhân tạo và nhất là ông Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị lên đường viếng thăm Hoa Kỳ từ ngày 5 đến mồng 9 tháng 7 sắp tới. Trong khi đó thì dư luận Việt Nam cũng đang nóng lên với hai sự kiện. Thứ nhất là tàu Trung Quốc đã cướp tất cả những hải sản đánh bắt được của ngư dân Việt Nam. Thứ hai là Bắc Kinh cho loan truyền trên mạng internet một phim hoạt họa nhục mạ Việt Nam, cho người Việt Nam là loài khỉ với bản tính tráo trở và vô ơn. Để tìm hiểu thêm vấn đề này, xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay. Thanh Thảo: Giới quan sát quốc tế cho rằng cuộc họp giữa ông Phạm Bình Minh và ông Dương Khiết Trì không thể không đề cập tới những vấn đề "nóng" đang nảy sinh, sau khi Bắc Kinh thông báo về việc hoàn tất cải tạo các đảo và bắt đầu tiến trình xây dựng hạ tầng cơ sở trên các đảo nhân tạo này. Ông nhận định ra sao về cuộc họp lần này và liệu phía Việt Nam có lên tiếng phản đối mạnh hay không? Lý Thái Hùng: Đây là phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương giữa CSVN và Trung Quốc nhằm thảo luận về những gì mà hai phía đã cam kết thực hiện nên tôi không nghĩ là ông Phạm Bình Minh và Dương Khiết Trì đi sâu vào vấn đề biển Đông. Mặc dù dư luận Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung rất quan tâm đến công bố mới đây vào ngày 16/6 vừa qua của phát ngôn nhân Trung Quốc là việc bồi lấp các đảo, bãi đá "sắp hoàn thành trong thời gian tới" và Trung Quốc sẽ chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các mục đích dân sự và quân sự đã định", nhưng nó sẽ không được đưa vào nghị trình họp vì cả hai đều cố tránh né. Theo như loan tải của báo chí về nội dung cuộc họp giữa ông Phạm Bình Minh và ông Dương Khiết Trì thì hai phía chỉ bàn thảo những gì mà cấp cao của hai bên đã đồng ý từ trước. Liên quan đến biển Đông, hai phía vẫn tiếp tục tránh né tấn công nhau trên bàn hội nghị, núp đàng sau cái gọi là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” hay là luôn luôn nhắc đến điệp khúc “không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, để tạo một hình ảnh giả tạo là quan hệ Việt Trung vẫn tốt đẹp. Nói cách khác là nếu có những chỉ trích lẫn nhau thì Bắc Kinh và Hà Nội để cho cấp cán bộ thừa hành lên tiếng, còn trên thượng tầng từ cấp thứ trưởng trở lên, hai phía đều cố tránh né phê phán. Đây là thủ thuật của Trung Quốc muốn chứng tỏ với dư luận bên ngoài rằng Bắc Kinh vẫn còn khống chế được Hà Nội. Riêng CSVN thì dù có bực mình Trung Cộng về những thủ đoạn bành trướng ở biển Đông gần đây, cũng không dám lên tiếng mạnh mẽ vào lúc này vì Hà Nội biết rất rõ là họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi nếu họ chưa thoát ra khỏi vòng kim cô “16 Vàng, 4 Tốt” mà Bắc Kinh đã tròng lên đầu Hà Nội từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 cho đến nay Thanh Thảo: Theo ông thì lý do gì CSVN đã không có những phản ứng mạnh mẽ như vậy? Lý Thái Hùng: Từ khi xảy ra vụ Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam vào tháng 5/2014, CSVN đã thấy rõ Trung Quốc không những không còn là chỗ dựa an toàn mà còn có thể trở thành “ngòi nổ”, tạo ra sự bùng vỡ trong nội bộ về các hành động bá quyền của Bắc Kinh trên biển Đông. Muốn đi tìm chỗ dựa mới và thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh, Hà Nội chỉ còn có thể tìm đến Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng đại đa số lãnh đạo CSVN không tin Hoa Kỳ và Nhật Bản dù đã mở rộng bang giao từ 20 năm trước đây. Lãnh đạo Hà Nội vẫn còn coi Hoa Kỳ là một quốc gia nguy hiểm, luôn luôn mang “diễn biến hòa bình” để khuynh loát tình hình chính trị tại Việt Nam. Chính vào lúc đang muốn thoát ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh để đến gần hơn với Hoa Kỳ, CSVN càng phải im tiếng công kích nhắm vào Bắc Kinh vì hai nguyên do: Thứ nhất, không muốn tạo thêm sự khó chịu cho Bắc Kinh trong lúc Hà Nội tiến gần với Hoa Kỳ. Trong cuộc hội đàm giữa phái đoàn quân sự Trung Quốc và CSVN nhân tham dự Diễn Đàn đối thoại Shangri-La vào cuối tháng 5 vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói với phái đoàn Bắc Kinh rằng: hai nước là láng giềng với nhau nên Hà Nội không muốn làm điều gì mất mặt Bắc Kinh. Đây là nguyên do quan trọng mà Hà Nội đã hầu như im lặng kể từ khi thế giới công kích việc bồi lấp các đảo, bãi đá để xây dựng những căn cứ quân sự trong quần đảo Trường Sa. Thứ hai, không muốn Bắc Kinh gây khó khăn trong nội bộ đảng trong lúc CSVN chuẩn bị tổ chức đại hội đảng lần thứ 12 dự trù diễn ra vào tháng 1/2016. Do mối quan hệ “răng môi” từ năm 1990 cho đến nay, Bắc Kinh đã không chỉ chi phối nền kinh tế mà còn nắm chặt cả thành phần nhân sự trong guồng máy đảng và nhà nước CSVN. Bắc Kinh sẽ chỉ đạo ngầm những cán bộ “theo Tàu” để lên tiếng công kích lại lãnh đạo nếu có những phản ứng gây bất lợi cho Bắc Kinh về biển Đông. Mặc dù CSVN biết rõ những chính sách bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông sẽ gây nguy hại đến chủ quyền và an ninh lãnh thổ của Việt Nam, nhưng CSVN đã phải im lặng, không dám phản đối Bắc Kinh mạnh mẽ như Phi Luật Tân là vì sự tồn tại của chế độ độc tài. Điều này cho thấy là CSVN đã đặt đảng cộng sản cao hơn quyền lợi tối thượng của đất nước và dân tộc. Thanh Thảo: Nhân đề cập về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 tới đây, ông nhận định như thế nào về cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Obama và ông Nguyễn Phú Trọng. Lý Thái Hùng: Như tôi có đề cập bên trên, biến cố giàn khoan HD 981 vào tháng 5/2014 là thời điểm mà mối quan hệ giữa CSVN và Hoa Kỳ trở nên “nồng ấm”. Hoa Kỳ muốn CSVN ủng hộ hoặc đồng tình với liên minh bao vây Trung Quốc gồm những quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ tại Á Châu Thái Bình Dương. Ngược lại, CSVN cũng muốn tiến gần hơn với Hoa Kỳ để mua một số vũ khí và qua đó dùng các ảnh hưởng của Hoa Kỳ để ngăn chận sự hung hăng quá đáng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Với những quan hệ nói trên, chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ có một số những thảo luận ở cấp cao về hai vấn đề chính là đối tác chiến lược và gia nhập TPP. Vì thế mà phía Hoa Kỳ đã sắp xếp để Tổng Thống Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng khoảng 45 phút tại Tòa Bạch Ốc vào sáng ngày mồng 7 tháng 7 tới đây. T heo tin tức thì chuyên cơ của phái đoàn ông Trọng đến Mỹ vào ngày mồng 5 tháng 7 và sẽ rời Hoa Kỳ vào chiều tối ngày mồng 9 tháng 7. Ngoài cuộc gặp gỡ Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc, ông Trọng và phái đoàn sẽ gặp các lãnh đạo lưỡng đảng trong Quốc Hội và dự buổi tiếp tân trưa tại Bộ Ngoại Giao do Ngoại trưởng John Kerry khoản đãi. Nhìn qua lịch trình tiếp đón, tuy ông Trọng chỉ là Tổng Bí Thư của một đảng, nhưng phía Hoa Kỳ đã dành cho ông Trọng và đảng CSVN nói chung một sự đón tiếp “cao cấp”. Điều này đã thể hiện phần nào sự kiện Hoa Kỳ đang muốn lôi kéo CSVN đi gần với khối các quốc gia đang muốn bao vây Bắc Kinh trên bài toán Biển Đông. Thanh Thảo: Sau khi đón ông Trọng thì trung tuần tháng 9, Tổng thống Obama sẽ đón ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đến Mỹ với tư cách Tổng bí thư và chủ tịch nước. Ông đánh giá ra sao về mối quan hệ Trung Mỹ qua cuộc trao đổi giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Obama? Lý Thái Hùng: Nhìn từ vị trí quyền lực giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama ta thấy là thế lực của ông Tập ngày một lớn mạnh không chỉ ở Trung Quốc, mà còn lan tỏa ra thế giới bên ngoài ít nhất là sau năm 2020 nếu không có chính biến xảy ra, trong khi thế lực của Tổng thống Obama chỉ còn đến cuối năm 2016 là hết nhiệm kỳ Tổng thống. Sự kiện Ngoại trưởng John Kerry đã thất bại trong việc thuyết phục lãnh đạo Bắc Kinh ngưng việc cải tạo các đảo nhân tạo trong cuộc hội đàm vào giữa tháng 5/2015 tại Bắc Kinh đủ thấy là ông Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay quyết đối đầu với Hoa Kỳ về biển Đông. Ngày 16/6 vừa qua, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao trung Quốc tuyên bố việc bồi lấp các đảo, bãi đá "sắp hoàn thành trong thời gian tới" và Trung Quốc sẽ chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các mục đích dân sự và quân sự đã định" là để chuẩn bị cho chuyến đi của họ Tập đến Hoa Kỳ được suông sẻ vào tháng 9 tới đây. Chỉ qua động thái nói trên, chúng ta thấy là Bắc Kinh đã cố tình “dương Đông kích Tây” để tìm cách qua mặt Hoa Kỳ trong lúc mà nhiệm kỳ của Tổng thống Obama sắp hết. Nói cách khác là từ nay cho đến khi Hoa Kỳ có vị Tổng thống mới, tức là non hai năm tới sẽ là thời cơ vàng cho Tập Cận Bình bành trướng ảnh hưởng trên biển Đông gồm quân sự hóa các đảo, công bố vùng nhận dạng phòng không và tung hàng loạt giàn khoan ra cắm dùi trên biển Đông như Tập đoàn dầu khí Trung Quốc đã công bố là họ sẽ khoan 119 giếng dầu ở vùng phía Tây biển Đông từ nay cho đến năm 2030. Những diễn tiến nói trên, quả thật người ta không chờ đợi những gì mới lạ từ cuộc trao đổi giữa ông Tập và ông Obama vào tháng 9 tới. Thanh Thảo: Trước những chuyển biến của tình hình biển Đông hiện nay, theo ông thì đường lối đối ngoại của CSVN sau Đại hội 12 dự trù diễn ra vào tháng 1 năm 2016 sẽ có những thay đổi nào hay không? Lý Thái Hùng: Hiện còn quá sớm để biết rõ chính sách đối ngoại của CSVN đưa ra cho đại hội đảng lần thứ 12. Tuy nhiên, có ba vấn đề sau đây đáng chú ý: Thứ nhất là CSVN phải coi lại chính sách "ba không" bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia, khi mà tình hình biển Đông ngày một căng thẳng trước tình trạng Trung quốc cho quân sự hóa các đảo ở Trường Sa. Thứ hai là CSVN có nên tiếp tục duy trì mối quan hệ “16 Vàng, 4 Tốt” để bị Bắc Kinh nuốt chửng như hiện nay? Sự kiện Bắc Kinh cho làm phim hoạt họa gọi Việt Nam là giống khỉ, mang đặc tính tham lam và tráo trở là một sự xúc phạm trắng trợn đối với dân tộc Việt Nam. Ở mức xúc phạm này mà còn duy trì quan hệ “16 Vàng, 4 Tốt” thì không khác gì tự vẽ lên mặt lãnh đạo CSVN hai chữ PHẢN QUỐC. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 6 vừa qua. Thứ ba là CSVN sẽ nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ như thế nào trong những năm tháng tới. Lần đầu tiên Bộ quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ quốc phòng CSVN cùng ký chung một bản tuyên bố về “tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng” vào ngày 31/5 vừa qua. Tuyên bố bao gồm 5 nội dung: tăng cường tham vấn chính sách; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin; hợp tác gìn giữ hòa bình của LHQ; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ; và hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên. Đây là những nội dung tạo điều kiện để giới quân sự của CSVN và Hoa Kỳ có những cộng tác chặt chẽ trong thời gian tới và chắc chắn sẽ làm cho Trung Quốc khó chịu. Trong tương quan này với Hoa Kỳ, CSVN chắc chắn phải chịu áp lực cải thiện nhân quyền mạnh mẽ tại Việt Nam, nhất là khi khối người Mỹ gốc Việt cùng với đồng bào trong nước sẽ không ngừng khai dụng cơ hội mới để tăng sức ép lên chế độ. Các cuộc điều trần về nhân quyền VN liên tục tại Quốc Hội Canada và Hoa Kỳ trong mấy tuần qua với các nhân chứng từ Quốc Nội cho thấy nỗ lực tranh đấu của người Việt đang gia tăng theo triều sóng biến động tại Biển Đông. Nói tóm lại, nếu muốn đưa ra chính sách đối ngoại mới nhằm đáp ứng tình hình căng thẳng trên biển Đông hiện nay, CSVN phải sửa lại 3 chính sách nói trên nếu không muốn tiếp tục bị khống chế trong quỹ đạo của Bắc Kinh, tay đàn anh xâm lược không còn có thể tin cậy để bảo vệ một hệ thống suy tàn và một chủ thuyết lỗi thời. Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng. Nguồn: Radio Chân Trời Mới
......

Mối lo sợ ’tự diễn biến - tự chuyển hóa’

Bản Hiến pháp gần đây nhất của Việt Nam được ban hành năm 2013 vẫn khẳng định Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy vậy trên các cơ quan báo chí tuyên truyền của Đảng đã xuất hiện những bài bình luận kêu gọi về điều gọi là phòng ngừa, đẩy lùi nguy cơ tự diễn biến, tự chuyển hóa. Kêu gọi phòng ngừa Báo điện tử Quân Đội Nhân Dân ngày 10/6/2015 vừa qua có bài viết mô tả “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” nằm trong chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Tuy không nêu cụ thể những thế lực thù địch đó là ai và ở đâu, nhưng tờ báo diễn giải rằng, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ sẽ tha hóa nhận thức của cán bộ, từ đó dẫn đến những thay đổi về đường lối, chính sách, chuyển hóa chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam sang một quỹ đạo khác. Những bài xã luận như thế trên các công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự đối nghịch với xu hướng mạnh mẽ về cải cách thể chế mà mấy năm gần đây thường xuyên xuất hiện trên nhiều tờ báo khác cũng do nhà nước quản lý. Sự mâu thuẫn rất khó hiểu vừa nêu nên được hiểu như thế nào? TS Nguyễn Quang A nhà phản biện độc lập từ Hà Nội nhận định: “Đây là thể hiện một sự đấu tranh ở trong nội bộ của giới lãnh đạo, có những người có tư tưởng cải cách khá thẳng thắn và một nhóm rất là bảo thủ giữ những cái mà thực sự đã bị nhân loại vứt vào sọt rác rồi. Chuyện như thế này thể hiện trên báo chí chính thống của VN nhiều cơ hôi như thế chỉ không phải mới bây giờ, nhưng có thể nó rộ lên gần đây, sự khác biệt rõ hơn lên. Những hiện tượng như thế tôi cho là lành mạnh. Sở dĩ tôi nói là lành mạnh vì nó bộc lộ ra và trên các phương tiện truyền thông báo chí chính thức nếu dấn thêm một bước nữa là các bên tranh luận với nhau một cách sòng phẳng, không có chuyện mạt sát thì sẽ rất là hay.” Theo TS Nguyễn Quang A, những chuyện tranh luận như thế đã từng xảy ra ở Việt Nam. Trước đây khi bắt đầu có một chút đổi mới trong đường lối, chủ trương về một số chính sách nho nhỏ của Đảng Cộng sản Việt Nam thì cũng có những người lên tiếng rất là mạnh mẽ và từ trước đến nay diễn đàn của phái báo thủ bao giờ cũng là báo Nhân Dân rồi sau đó là báo Quân Đội Nhân Dân. TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh, chuyện này không có gì lạ và chỉ cho thấy sẽ chẳng mấy người muốn đọc những tờ báo này. Trò chuyện với chúng tôi, nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội đã nhận xét về mối lo sợ ảo gọi là diễn biến hòa bình, tự diễn biến và tự chuyển hóa. Ông nói: “Bên tuyên huấn của Đảng không nghĩ ra được trò gì hơn ngoài cái cụm từ vô nghĩa như thế, kể cả biết là sai vô lý như thế nhưng vẫn viết. Hiện nay đại bộ phận các vị lãnh đạo lên diễn thuyết ở Quốc hội vẫn cứ nói Việt Nam phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Họ biết thừa là không bao giờ có chủ nghĩa xã hội cả, thế nhưng họ cứ nói. Tôi nghĩ đó là sự nói dối thâm niên lâu đời rồi, nói khác đi thì không còn Đảng Cộng sản nữa họ không còn là đảng viên. Họ nói chống tự diễn biến-tự chuyển hóa nay mai họ còn sáng tạo nhiều thứ chống nữa. Nhưng nhân dân chúng tôi phải hiểu rằng diễn biến hay chuyển hóa đó là sự tiến bộ trong nhận thức xã hội.” Triệt tiêu mầm mống tự diễn biến - tự chuyển hóa Bài bình luận trên báo Quân Đội Nhân Dân kêu gọi kịp thời phát hiện và triệt tiêu các mầm mống khả năng gây ra tự diễn biến - tự chuyển hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. “Tự diễn biến” “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị là hết sức phức tạp đa dạng… theo tờ báo, biểu hiện cao nhất đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phủ nhận nền tư tưởng, lý luận của Đảng là chủ ngĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đòi Đảng phải từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… Bài bình luận trên báo Quân Đội Nhân Dân kêu gọi kịp thời phát hiện và triệt tiêu các mầm mống khả năng gây ra tự diễn biến - tự chuyển hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Screen capture. “Tự diễn biến - tự chuyển hóa” trong lĩnh vực kinh tế được báo Quân Đội Nhân Dân mô tả bằng biểu hiện phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm mất vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, vai trò quản lý kinh tế của nhà nước XHCN; đòi tư nhân hóa nền kinh tế xóa bỏ chế độ công hữu tư liệu sản xuất để thay thế bằng chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Theo bài viết, nếu sự “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực kinh tế được đào sâu mở rộng thì đến một lúc nhất định, khi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đã giữ vai trò chi phối cơ sở hạ tầng kinh tế, thực chất là chuyển hóa thành kinh tế tư bản chủ nghĩa thì kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa và sẽ đổi màu. Báo Quân Đội Nhân Dân nhấn mạnh, khi đó kinh tế xã hội chủ nghĩa được thay thế bằng chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa. Những lập luận trên báo Quân Đội Nhân Dân cho thấy một sự sợ hãi lớn lao về việc biến mất chế độ chính trị mang tên xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Người đọc báo có thể cảm nhận rõ nét về vấn đề này khi những tư tưởng cải cách dân chủ đã len lỏi vào tận thượng tầng lãnh đạo. Thí dụ báo chí Việt Nam từng đưa tin, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu công khai là làm gì có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà mất công đi tìm. Ông Bộ trưởng đã nói như thế trong bài nói chuyện vào cuối năm 2014 tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Hay mới đây nhóm nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Saigon đề xuất cải cách ba điểm đối với Đảng Cộng sản Việt Nam để kinh tế có thể phục hồi và phát triển cao. Tóm tắt là Đảng cần phải chấp nhận một xã hội cởi mở, rộng cửa cho trí thức phản biện. Tìm nhân sự lãnh đạo có tài qua quá trình lựa chọn dân chủ, cởi mở và cạnh tranh và sau cùng là cần phải luật hóa vai trò lãnh đạo và hoạt động của Đảng. Hoặc hàng loạt ý kiến ghi nhận từ hàng chục các diễn đàn chính thức với lời kêu gọi mạnh mẽ về việc thiết lập nền kinh tế thị trường đúng nghĩa như các quốc gia không theo xã hội chủ nghĩa. Tất cả trào lưu hướng tới cải cách cho dân giàu nước mạnh như vừa nêu, sẽ có thể bị chụp mũ “tự diễn biến-tự chuyển hóa” nếu đọc kỹ các bài xã luận của nhóm bảo thủ trên các tờ báo chính thống như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân. Nhà phản biện xã hội dân sự độc lập TS Nguyễn Quang A nhận định: “Tự diễn biến-tự chuyển hóa là một việc rất tốt, những người mà luôn luôn to tiếng chống lại diễn biến hòa bình thì tôi không hiểu họ muốn gì, hay là họ muốn chiến tranh muốn một cuộc đấu đá bằng vũ lực để dẹp bỏ nhau ở đây. Tôi nghĩ chuyện diễn biến hòa bình tức là có một sự cải cách bằng những phương tiện hòa bình, mà thực sự là phải thay đổi chế độ này. Những người như chúng tôi chẳng hạn thì rất hoan nghênh diễn biến hòa bình và rất mong muốn tìm cách thúc đẩy cho sự tự diễn biến ấy. Bởi vì họ nói những điều ấy ra là chính họ mâu thuẩn với bản thân ông tổ sinh ra lý thuyết mà họ tôn lên bàn thờ, chính cái đấy nó có một điểm cốt lõi là tất cả đều chuyển biến đều thay đổi; bản thân các ông ấy là con người thì cũng phải thay đổi. Cho nên nếu có cuộc tranh luận rộng về diễn biến hòa bình, tự diễn biến - tự chuyển biến thì sẽ rất là thú vị.” Bài xã luận về điều gọi là phòng ngừa, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến-tự chuyển hóa” trên báo điện tử Quân Đội Nhân Dân cũng nêu lên một sự kiện khá lạ thường. Đó là thế lực thù địch luôn đặt trọng tâm thúc đẩy “tự diễn biến-tự chuyển hóa” nhắm vào các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, là nơi hoạch định ra đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển đất nước. Báo Quân Đội Nhân Dân như thường lệ không chỉ ra thế lực thù địch đó là ai mà có khả năng thúc đẩy “tự diễn biến-tự chuyển hóa” ở thượng tầng cấu trúc của chế độ Việt Nam hiện tại. Tuy vậy điều thú vị là báo Quân Đội Nhân Dân nhìn nhận phần lớn quá trình “tự diễn biến-tự chuyển hóa” có nguyên nhân từ bên trong nội bộ của Đảng và Nhà nước và chẳng ai khác chính những con người xã hội chủ nghĩa đã tự quyết định. Nguồn: RFA
......

Những tín hiệu lâm nguy của đảng CSVN

Khi bọn đầy tớ bức xúc - Đại hội đảng XII chỉ còn 6 tháng để chuẩn bị nhưng lãnh đạo của 3 ngành Tuyên giáo, Quân đội và Công an đã mất ăn mất ngủ với cơn ác mộng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên đang đe dọa chôn đảng xuống bùn đen. Nguy cơ này không mới. Đảng đã công khai thừa nhận tại Đại hội XI năm 2011. Hồi ấy đảng viết: “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp”.  (Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng). Nhưng nhắc lại khẩn trương hơn sau bốn năm rưỡi và qua 11 kỳ Hội nghị Trung ương lần nào cũng nói đến công tác xây dựng đảng là chuyện không còn bình thường nữa. Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự - Bộ Quốc phòng đã cảnh giác: “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay thực sự là một vấn đề cấp bách liên quan trực tiếp đến sự sống còn của Đảng và chế độ.” (Trích báo Công an Nhân dân, 09/02/2015). Nhưng tại sao lại đến độ “cấp bách” và phải làm gì để chận đứng nguy cơ này thì không thấy ông Hưởng đề ra sáng kiến mới hơn những điều ai cũng đã “nghe rồi khổ lắm nói mãi”. Đó là chuyện đảng chỉ biết đổ hết lên đầu “các thế lực thù địch” “Không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng”, như ghi trong Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần 4 năm 2012. Nhưng “thế lực thù địch” là ai, hay đảng đã nuôi ong tay áo? Ai đã có thể làm cho cán bộ đảng vên suy thoái tư tưởng, mất đạo đức cách mạng lan nhanh trong nội bộ sau 30 năm đổi mới là câu hỏi đang khiến lãnh đạo điên đầu nhưng dân thì không. Người dân, nạn nhân hàng ngày của quan tham, bất công và của cường quyền, biết rất rõ tại sao đã có “một số không nhỏ cán bộ, đảng viên” không còn tin vào đảng và đang bất mãn với chế độ. Dân đã nghe đảng lên án và kêu gọi chống “chủ nghĩa cá nhân” và “lợi ích nhóm” nhiều lần, nhưng những kẻ có chức có quyền và cầm cân nẩy mực vẫn mũ ni che tai để làm giàu trên mồ hôi nước mắt của dân và đảng viên thấp cổ bé miệng thì ai còn tin đảng? Bằng chứng như khẩu hiệu tuyên truyền “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó có tiêu chí cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, hay “dân là chủ, Đảng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân” đã vô nghĩa trước quốc nạn tham nhũng. Nhưng ông Nguyễn Mạnh Hưởng vẫn mơ hồ coi công tác chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên là chiếc đũa thần có thể cứu đảng thoát cơn hồng thủy tự diệt. Ông nói: “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có khắc phục hiệu quả tình trạng quan liêu, tham nhũng, suy thoái thì mới làm cho đảng viên và cơ thể Đảng được khỏe mạnh hơn, có sức đề kháng cao hơn và điều đó đã là ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành khoá XI đã thất bại với những cam kết đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4. Bằng chứng đảng bó tay trước tham nhũng và suy thoái tư tưởng trong hàng ngũ đảng viên đang đe dọa sống còn của đảng chỉ còn là thời gian. Vì vậy ông Hưởng đã cảnh báo: “Tình hình đã thúc bách chúng ta phải kiên quyết hơn nữa trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.” Nhưng liệu có còn kịp không? Bởi vì chỉ 2 tháng sau ông Nguyễn Mạnh Hưởng, Ban Nội chính Trung ương - cơ quan giúp đảng chống Tham nhũng - đã phổ biến thêm bài viết của Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bá Dương (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng). Ông Dương mở đầu: “Tham nhũng ở nước ta hiện nay rất phức tạp, biểu hiện của nó muôn hình, muôn vẻ với nhiều sắc thái, loại hình khác nhau; mức độ, phạm vi và hậu quả khôn lường. Biểu hiện của tham nhũng tập trung ở các quan chức, công chức trong bộ máy công quyền của Đảng, Nhà nước; thậm chí tham nhũng có cả trong lĩnh vực tư pháp, trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.” Như vậy thì ở Việt Nam có chỗ nào không có tham nhũng? Khi nói đến “quan chức” thì cũng phải hiểu bao gồm cả các Đại biểu Quốc hội vì hầu hết họ là đảng viên có chức có quyền trong hệ thống cai trị từ thành phố về thôn quê. Chưa bao giờ thấy có Đại biểu Quốc hội nào phát giác ra các vụ tham nhũng, hay can đảm đi điều tra tố cáo cán bộ, đảng viên tham nhũng. Tham nhũng sống với đảng Vậy tham nhũng tinh vi ra sao mà Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước không nhìn thấy? Ông Dương vạch ra cho mọi người biết: “Mức độ tham nhũng cũng rất khác nhau, có tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt như sự sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân hoặc cố tình dây dưa, loanh quanh, buộc người dân muốn nhanh, được việc thì phải bỏ tiền ra “nhờ giúp đỡ”. Việc làm này thường là chuyện “bé xé ra to”, bắt bẻ người dân “chưa đủ thủ tục hành chính” kiểu hành dân. Vì vậy, người dân muốn xong việc, đỡ mất công, khỏi phải đi lại nhiều lần, tốn công sức, mệt nhọc thì “cách tốt nhất” là bôi trơn bằng cách đưa “phong bì” cho xong chuyện.” Một người làm việc ở Bộ Quốc phòng mà còn biết rạch ròi các mánh khóe moi tiền của dân như thế mà Ban Chỉ đạo phòng, chống Tham nhũng của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trường ban không dẹp được thì kể cũng lạ! Còn nhớ năm 2013, ông Trọng từng nói với cử tri Hà Nội rằng ông cũng: “Sốt ruột, bức xúc lắm.” Ông bảo: “Không phải bây giờ mà mấy năm trước Đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng... lãng phí cũng ghê gớm, có khi còn hơn tham nhũng, về thời gian, công sức, tiền bạc... Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu.” (theo ViệtnamNet 27/09/2013) Phó Chủ tịch nước, Bà Nguyễn Thị Doan đã có lần nói các quan tham đã "ăn của dân không từ cái gì". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thắc mắc: “Tiền ăn, chơi, chạy không phải từ tham nhũng thì từ đâu?” Như vậy là lãnh đạo đảng cũng biết, nhưng tại sao không hành động mà để cho tham nhũng cứ tự do leo lên đầu đảng thì có Trời mà biết! Ngay cả chuyện chạy chức, chạy quyền trong đảng và nhà nước cũng đã được nói nhiều trong các kỳ Đại hội đảng hay tại các kỳ Hội nghị của Trung ương nhưng chuyện đâu vẫn còn đó. Vì vậy, Đại tá Dương mới nói cho cả nước biết: “Đáng chú ý, các vụ việc tham nhũng xảy ra ở lĩnh vực cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ, thuyên chuyển công tác. Đây là những loại hình rất khó kiểm soát, phát hiện. Hành vi này thường diễn ra “kín đáo” với sự “thông đồng”, ngầm hiểu “tiền nào của ấy”, “được việc người, được việc ta”, trở thành luật bất thành văn, thường được coi là một quy định ngầm, phổ biến diễn ra qua khâu trung gian, có người môi giới, “bắn tin”, “làm cò mồi”, kiểu “rung chà cá nhảy” hoặc trực tiếp giao dịch, thỏa thuận theo nguyên tắc các bên cùng có lợi. Người chạy chức, chạy ghế thường làm khâu “ứng trước” để sau khi có chức vụ thì thu hồi sau.” Các ngón đòn tham nhũng lớn của các phe phái trong đảng, hay còn được gọi là “lợi ích nhóm” đã bộc lộ cao trong mấy năm qua trong nhiều lĩnh vực nhưng khó phanh phui vì các thế lực đã bao che, bảo vệ nhau để cùng có lợi. Ông Dương vạch ra: “Một trong những biểu hiện của tham nhũng lớn là tham nhũng nhóm, lợi ích nhóm với những hành vi trục lợi cực lớn thông qua làm ăn theo kiểu “đánh quả”, “một vốn bốn mươi lời”. Đây là hình thức tham nhũng có tổ chức, có người đứng ra làm “đầu nậu”, chủ mưu, thao túng các tổ chức, một số người có quyền cao, chức trọng và nó thường diễn ra ở các hoạt động dự án, đầu tư, đất đai, tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, xây dựng đô thị, v.v... Đây là điều giải thích tại sao nhiều vụ khiếu kiện tập thể kéo dài, vượt cấp, rất khó điều tra, chưa thể giải quyết dứt điểm.” Biết rất rõ như thế mà ông Dương có làm được gì cho xã hội không? Tất nhiên là không vì cuối cùng, Đại tá Dương cũng chỉ đề ra giải pháp đã thất bại trong nhiều năm. Ông viết: “Một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng, chống Tham nhũng là ngăn chặn, đẩy lùi bệnh cá nhân chủ nghĩa, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, đề cao tự phê bình và phê bình. Muốn vậy, phải duy trì thường xuyên chế độ sinh hoạt Đảng và thực hiện việc nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình, đi đôi với nó là công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Bởi lẽ, cán bộ tốt hay xấu chủ yếu là do công tác giáo dục trong Đảng tạo nên. Giáo dục trong Đảng bao hàm cả giáo dục kiến thức, tri thức, giáo dục đạo đức, nhân cách người cách mạng mà trước hết là giáo dục đạo làm người.” Tất cả những ý kiến của Đại tá Dương đã được đảng thi hành từ khoá đảng VIII thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Từ ông Phiêu sang ông Nông Đức Mạnh và đến ông Trọng là 20 năm mà tham nhũng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” thì phải biết đảng chỉ biết nói mà không làm được gì cho ích quốc lợi dân. Quân đội - công an Chính vì vậy mà không những chí có dân mà bây giờ đến lượt nhiều Bộ đội và lực lượng Công an cũng đã chán đảng, không còn tin vào những lời hứa suông của lãnh đạo nữa. Những bất công xã hội, tình trạng chênh lệch giầu nghèo giữa thành phố và nông thôn mỗi ngày một giãn ra. Nền kinh tế gọi là “thị trường” còn giở hơi theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” tiếp tục hãm dân trong vũng bùn chậm tiến để lạc hậu hơn các nước trong khu vực. Nhân dân, một bộ phận lớn trong Quân đội và Công an cũng đã chán Chủ nghĩa thoái trào Cộng sản Mac-Lênin đến tận mang tai mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cứ bắt mọi người phải “tuyệt đối trung thành” với nó thì dân chưa lôi ông ra giữa chợ mà đôi co là may. Bên cạnh đó còn là tình trạng Đảng cứ để mất dần biển đảo vào tay Trung cộng. Quân đội và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng bất lực để cho các tầu Trung cộng, ngụy trang Hải giám, tự do tấn công, cướp tài sản của thuyền cá Việt Nam đánh bắt ở vùng Hòang Sa, đôi khi cả ở Trường Sa, mà đảng thì cứ cúi đầu vâng theo lời nguyền ”vừa là đồng chí vừa là anh em” thì dân chịu đựng được bao lâu nữa? Đó là những tín hiệu đang làm cho các cấp chỉ huy Quân đội và Công an lo âu nên từ 4 tháng qua đảng đã phát động một chiến dịch chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” ngay trong nội bộ vào thời điểm tổ chức Đại hội đảng địa phương và đơn vị để tiến tới Đại hội đảng vào tháng 01/2016. Tất cả các đơn vị Quân đội và Công an đều được lệnh học tập trung thành, bảo vệ đảng. Các biện pháp chống “diễn biến hòa bình” và học tập ngăn chặn phản tuyên truyền trong các tổ chức đảng tại đơn vị cũng đang ráo riết hoạt động. Quân đội còn ra lệnh theo dõi tư tưởng binh lính và phải phê bình và chỉnh đốn ngay nếu có biến chứng. Đồng thời ra lệnh ngăn chặn bộ đội đọc tin ngoài luồng, chỉ theo dõi và truy cập thông tin chính thống từ báo Quân đội Nhân dân và của nhà nước. Cả hai lực lượng Quân đội và Công an cũng được lệch chống các quan điểm sai trái chống đảng, chống chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tường Hồ Chí Minh. Hai cơ quan Tuyên giáo của đảng và Tổng cục Chính trị quân đội còn phổ biến các bài viết tuyên truyền chống tư nhân hoá kinh tế và chống luôn cả những đòi hỏi dân chủ, tự do, nhất là tự do báo chí và nhân quyền. Các tác giả “dư luận viên” này đã gọi những người trong nước khuyên đảng từ bỏ chế độ Cộng sản là “những kẻ cơ hội”, hùa theo “các thế lực thù địch” ở bên ngoài để thực hiện “diễn biến hòa bình”, làm suy yếu đảng. Vì vậy Thiếu tướng Nguyễn Xuân Nghi, Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã viết một bài báo phổ biến, trong đó ông yêu cầu: “Để phòng, chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá” trong một bộ phận CBĐV quân đội, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự chỉ đạo, quản lý của chỉ huy, chính ủy, chính trị viên đối với vấn đề này. Đây là giải pháp cơ bản nhất, giữ vai trò quyết định đến hiệu quả phòng, chống "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá”. Bởi vì cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên có nhiệm vụ trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện CBĐV thuộc quyền. Trong đơn vị quân đội, nếu cấp ủy, tổ chức đảng và các đối tượng trên phát huy tốt vị trí, vai trò, trách nhiệm trên mọi mặt hoạt động của đơn vị; nắm chắc và dự báo đúng tư tưởng của CBĐV; kịp thời phát hiện, kiên quyết lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt việc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, trái với bản chất, truyền thống quân đội, những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống… của CBĐV thuộc quyền, thì các thế lực thù địch khó có thể lợi dụng để thúc đẩy "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ đơn vị và nội bộ quân đội.” (theo báo diện tử Tỉnh Bắc Giang) Với những diễn biến của tình trạng suy thoái tư tưởng của đảng viên ngày thêm phức tạp, nhất là trong quân đội và công an, được công khai nêu lên trước đại hội đảng XII không chỉ là điều bất thường vì chưa có tiền lệ mà còn là một chỉ dấu xấu cho tương lai chính trị của đảng. 18.06.2015 Phạm Trần _
......

Nhìn Lại Vụ Án Của Luật Sư Lê Quốc Quân

Trong quá trình đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, Luật sư Lê Quốc Quân đã có ba lần bị CSVN bắt giữ một cách phi lý. Lần bị bắt thứ nhất xảy ra vào ngày 8 tháng 3 năm 2007, khi anh và gia đình từ Hoa Kỳ trở về sau chuyến nghiên cứu về dân chủ, do tổ chức National Endownment for Democracy của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. CSVN đã bắt giữ Luật sư Lê Quốc Quân ba tháng và phải trả tự do cho anh trước những áp lực quốc tế rất mạnh mẽ như từ ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ John McCain và bà Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Madeline Albright vào lúc đó. Lần bị bắt thứ hai xảy ra vào ngày 10 tháng 4 năm 2011 khi anh cùng với Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đến tham dự phiên xử án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Cả hai người bị giữ với lý do là "phá hoại trật tự công cộng". Trước áp lực mạnh mẽ của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền thế giới, công an CSVN đã phải thả hai người một cách vô điều kiện sau 3 ngày giam giữ trái phép. Lần bị bắt thứ ba xảy ra vào ngày 28 tháng 12 năm 2012 khi đang trên đường đưa con đi học, vì bị cáo buộc tội trốn thuế. Trước đó vào tháng 8/2012, Luật sư Lê Quân bị công an giả làm côn đồ tấn công nhiều lần trên đường trở về nhà vì những hoạt động chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải qua vụ cắt cáp Tàu Bình Minh 02. Trong tù, Luật sư Lê Quốc Quân đã tuyệt thực để phản đối việc bị bắt giam trái pháp luật. Ngày 2 tháng 10 năm 2013, CSVN đưa Luật sư Lê Quốc Quân ra tòa kết án anh 30 tháng tù giam và y án trong phiên tòa phúc thẩm vào ngày 18 tháng 2 năm 2014. Trong ba lần bị bắt giữ nói trên, việc Cộng sản Việt Nam đã dựng lên cái gọi là “tội trốn thuế” để cầm tù Luật sư Quân vào năm 2012 là sự kiện lố bịch nhất và ai cũng thấy rõ đây là đòn triệt hạ những người yêu nước một cách thô bỉ nhất của Hà Nội. Chính vì sự thô bỉ này mà Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki đã lên tiếng chỉ trích Hà Nội ngay sau khi phiên tòa kết thúc: “Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều không thể chấp nhận được”. Ngoài ra, trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, hàng trăm bà con từ Nghệ An, nơi sinh ra của Luật sư Quân, cùng với các nhà dân chủ và đồng bào thủ đô đã tụ họp để theo dõi và phản đối phiên tòa. Lo sợ phiên tòa có thể gặp trở ngại, CSVN đã huy động lực lượng cảnh sát cơ động ngăn chận không cho bà con đến gần, nên đã tạo ra tình trạng tắc nghẽn giao thông cả buổi sáng lúc diễn ra phiên tòa. Ngày 27 tháng 6 năm 2015 tới đây là ngày mãn hạn 30 tháng tù giam về “tội trốn thuế” và Luật sư Quân sẽ bước từ nhà tù nhỏ sang nhà tù lớn để tiếp tục đấu tranh cho đến khi Việt Nam có tự do dân chủ thật sự. Tuy phải chịu đựng bản án nghiệt ngã và phi lý, nhưng sự kiện CSVN áp đặt 30 tháng tù giam đối với Luật sư Lê Quốc Quân đã không chỉ khiến cho CSVN bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ mà còn tạo cho cộng đồng thế giới chú ý đến các nỗ lực tranh đấu của Luật sư Quân nói riêng và của phong trào dân chủ tại Việt Nam nói chung. Đã có hơn 25 tổ chức quốc tế lên tiếng phản đối bản án mà Hà Nội đã áp đặt lên Luật sư Lê Quốc Quân trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Những tổ chức quốc tế này như Article 19, Phóng viên không biên giới, Media Legal Denfence Initiative, Freedom House, Avocats-sans-Frotières, Lawyers for Lawyers, Lawyer’s Right Watch Canada, English PEN, PEN American Center, The National the World Movement for Democracy, Human Right Watch, Văn Bút Quốc Tế, Access, the Electronic Frontier Foundation, Index on Censorship… đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ tiếng nói dân chủ tại Việt Nam. Trong các lá thư lên tiếng, bà Nani Jansen thuộc tổ chức Media Legal Defence Initiative đã phát biểu: “Việt Nam đã giả điếc trước những lời kêu gọi tự do ngay lập tức cho ông Quân”. Hai tuần sau phiên tòa sơ thẩm, 57 Nghị sĩ Quốc Hội Na Uy đã viết thư gửi ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trả tự do cho Luật sư Lê Quốc Quân. Trong khi đó, giáo sư Johannes Kals, một trí thức người Đức đã cùng với 31 người bạn Đức và Việt Nam khởi xướng một lá thư gửi ông Nguyễn Tấn Dũng và lá thư này hiện đã có hơn 400 trí thức Đức và Âu Châu ký tên. (http://www.ttdq.de/node/1163) Trong số này có những nhân vật nổi tiếng ở Âu Châu đã tham gia cuộc vận động cho Luật sư Lê Quốc Quân như bà Vera Lengsfeld, Nhà hoạt động dân quyền tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức (DDR), Cựu thành viên Quốc hội Liên Bang Đức, từng nhận lãnh huy chương cao quý của quốc gia (Bundesverdienstkreuz); và ông Ingo Röthlingshöfer, Thị trưởng thành phố Neustadt an der Weinerstr, Bí thư đảng bộ đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức (CDU) thành phố Neustadt. Tuần báo Pháp nổi tiếng “Le Nouvel Observateur” (Người Quan Sát Mới) đã công bố một hồ sơ đặc biệt giới thiệu Luật sư Lê Quốc Quân là một trong 50 nhân vật đang và sẽ làm thay đổi thế giới” trong số báo ra ngày 12/9/2013. 50 khuôn mặt mà Tuần Báo Le Nouvel Ovservateur giới thiệu đều ở khắp 5 châu và đa số là những người trẻ tuổi, hy sinh bản thân, vận động đấu tranh từ quyền làm người đến bảo vệ môi trường. Việc chọn lựa và giới thiệu Luật sư Lê Quốc Quân như một người trẻ đang góp phần thay đổi nguyên trạng chính trị tại Việt Nam của Tuần báo Pháp nói trên, không chỉ là sự khích lệ tinh thần đối với anh Quân mà còn là niềm hãnh diện chung cho giới trẻ dấn thân đấu tranh hiện nay. Sau cùng, một tuần sau khi Luật sư Lê Quốc Quân ra khỏi nhà tù nhỏ, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn một phái đoàn viếng thăm Hoa Kỳ từ ngày mồng 5 đến mồng 9 tháng 7 sắp tới. Đây là dịp rất hy hữu để Luật sư Lê Quốc Quân lên tiếng chính thức trước công luận Hoa Kỳ về tình trạng vi phạm nhân quyền (bắt giữ tùy tiện những người yêu nước) và tình trạng đối xử bất công, tồi tệ với tù nhân lương tâm ở trong tù, để không cho CSVN khỏa lấp vấn đề nhân quyền trong những cuộc mặc cả về TPP hay mua vũ khí sát thương. Với những ghi nhận và quan tâm của thế giới về quá trình đấu tranh của Luật sư Lê Quốc Quân trong những năm tháng vừa qua, những bước chân kế tiếp của anh sau khi bước ra khỏi nhà tù nhỏ để tiếp tục dấn thân trên con đường đấu tranh chấm dứt độc tài và đem lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc chắc chắn sẽ được đồng bào và thế giới ủng hộ. Ngọn đuốc Lê Quốc Quân, như bao tù nhân lương tâm khác, sẽ tỏa sáng hơn sau những trù dập, đe dọa của chế độ. Bạo lực đã trở nên bất lực trước tấm lòng vì đại nghĩa của những người yêu nước. Lý Thái Hùng Ngày 19/6/2015
......

Muốn chống lại Trung Quốc, Việt Nam cần phải làm gì?

Trong bài “Ba kịch bản trên Biển Đông” http://www.voatiengviet.com/content/ba-kich-ban-tren-bien-dong/2817326.html, tôi nêu lên ba tình huống chính có thể xảy ra trong những năm sắp tới: Một, chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ; hai, chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam; và ba, Trung Quốc bất chiến tự nhiên thành, nghĩa là, họ cứ tiếp tục theo đuổi chính sách tằm ăn dâu trên Biển Đông và Việt Nam cứ tiếp tục nhịn nhục, cho đến một lúc nào đó, họ có được tất cả những gì họ muốn mà không cần gây chiến tranh với ai cả. Cả ba tình huống ấy đều là những bi kịch, đặc biệt đối với phận một nước nhỏ và yếu như Việt Nam. Vậy, có cách gì Việt Nam thoát khỏi những bi kịch ấy? Theo tôi, có. Có nhiều biện pháp. Nhưng biện pháp đầu tiên sẽ phải là: dân chủ hoá. Chính quyền Việt Nam lúc nào cũng cố tìm cách trì hoãn quá trình dân chủ hoá với ba lý do chính: Một là do dân trí còn thấp, dân chúng không biết cách hành xử thích hợp khi được tự do; hai là cần giữ sự ổn định về chính trị để kinh tế được phát triển; và ba, chính trị trong nước cần ổn định và mạnh mẽ để đối phó với hiểm hoạ xâm lược từ Trung Quốc. Ở đây, tôi chỉ tập trung vào lý do thứ ba vừa kể. Theo tôi, đó chỉ là một nguỵ biện. Sự thật không phải độc tài mà chính dân chủ mới bảo đảm độc lập và chủ quyền của Việt Nam trong thế trận đối đầu với Trung Quốc. Khẳng định như thế, tôi có bốn lý do chính: Thứ nhất, chỉ có dân chủ và cùng với nó, sự minh bạch của chính phủ cũng như sự tự do, trước hết là tự do ngôn luận, của dân chúng, mới bảo đảm tránh được những chính sách sai lầm của nhà cầm quyền. Chúng ta dễ dàng thấy rõ điều này trong các chính sách kinh tế, xã hội, môi trường và giáo dục tại Việt Nam: Nhà nước cứ lẳng lặng làm, đến khi dân chúng phản đối, mới thú nhận là…sai sót. Trong lãnh vực quốc phòng cũng vậy. Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng như các cam kết khác của Việt Nam và Trung Quốc mà biểu hiện cụ thể nhất là các phương châm “4 tốt” và “16 chữ vàng” là những sai lầm tai hại, nhầm thù là bạn và gây nên sự mất cảnh giác không những của dân chúng mà còn của cán bộ các cấp trước những âm mưu xâm lấn hiểm độc của Trung Quốc. Ngay chính sách “ba không” (không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự; không tham gia liên minh; không liên minh với nước này để chống lại hay phá hoại nước khác) cũng là một chính sách dại dột bởi vì trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay không có nước nào thực sự cô lập, một nước nhỏ và yếu đang bị uy hiếp bởi một quốc gia giàu, lớn và mạnh hơn mình cả mấy chục lần lại càng không thể nào chọn thái độ tự cô lập, không liên minh với các quốc gia khác. Tuyên bố như thế chả khác gì đầu hàng hay tự trói tay mình trước trận đấu. Nếu Việt Nam có dân chủ và dân chúng có quyền góp ý, những sai lầm dại dột và tai hại ấy sẽ dễ dàng tránh khỏi. Thứ hai, có dân chủ mới thực sự có sự thống nhất thực sự giữa chính quyền và nhân dân. Những sự thống nhất dưới một chế độ độc tài khi mọi người dân đều bị bịt miệng chỉ là một sự thống nhất giả. Cách đây mấy tháng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thấy dân chúng ai cũng ghét Trung Quốc, ông “lo quá”. Cái “lo” ấy rõ ràng phản ánh sự khác biệt to lớn giữa lãnh đạo và quần chúng. Sự khác biệt ấy cho thấy hai điều: Một, về phía giới lãnh đạo, họ không hiểu dân hoặc hiểu, nhưng làm ngơ và tiếp tục hô những khẩu hiệu hoang đường về mối quan hệ môi hở răng lạnh với Trung Quốc; và hai, về phía dân chúng, họ nhìn giới lãnh đạo như những kẻ nhu nhược, bất lực, thậm chí, bán nước, và hậu quả là, người ta đồng loạt quay lưng lại chính quyền. Đến lúc chiến tranh bùng nổ thật, sự quay lưng ấy là một tai hoạ. Ngày xưa, đối diện với nguy cơ xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly hỏi ý kiến con trai về phương sách đánh giặc. Con trai ông, Hồ Nguyên Trừng, đáp: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Khi dân không theo chính quyền, cái gọi là thống nhất trong những vấn đề liên quan đến Trung Quốc chỉ là một ảo tưởng. Mà không chỉ có tình cảm của dân chúng đối với Trung Quốc. Trong vô số các vấn đề khác, kể cả vấn để then chốt nhất là sự lãnh đạo mặc nhiên và độc tôn của đảng Cộng sản, dân chúng cũng bất đồng với giới lãnh đạo. Chỉ có dân chủ mới cho phép dân chúng nói lên sự thật và cũng buộc giới lãnh đạo nói sự thật: Trên căn bản của những sự thật như thế, người ta mới có thể nói đến sự đồng tâm và thống nhất. Thứ ba, chỉ có dân chủ mới giúp Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới. Ai cũng biết một sự thật đơn giản: trong trận đối đầu với một nước lớn và mạnh như Trung Quốc, Việt Nam cần phải nhận được sự hỗ trợ của càng nhiều quốc gia trên thế giới bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhưng trong thời đại ngày nay, không có một quốc gia dân chủ nào lại muốn hỗ trợ một chế độ độc tài. Không ai có thể phủ nhận được thực tế là hình ảnh của Việt Nam trên thế giới rất xấu với những vụ đàn áp nhân quyền thường xuyên xuất hiện trên các cơ quan truyền thông quốc tế. Thứ tư, còn độc tài, Việt Nam càng không thể tạo thành liên minh với các quốc gia Tây phương, đứng đầu là Mỹ. Muốn liên minh, người ta phải có những điểm chung. Cái chung về các quyền lợi trên Biển Đông chỉ là một. Người ta cần một điểm chung sâu sắc và căn bản hơn: điểm chung của các bảng giá trị. Đó chính là quyền làm người. Trước đây, Lý Quang Diệu từng biện minh cho các chính sách độc tài của ông tại Singapore bằng cách đề cao những bảng “giá trị Á châu” vốn được xem là khác biệt hẳn với các bảng giá trị ở Tây phương. Càng ngày người ta càng thấy đó chỉ là một sự nguỵ biện. Hiện nay, người ta xem nhân quyền và việc tôn trọng nhân quyền là những giá trị phổ quát của nhân loại. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong các cuộc đối thoại với Việt Nam, Mỹ cũng như các quốc gia Tây phương luôn luôn đề cập đến vấn đề nhân quyền. Họ xem việc tôn trọng nhân quyền là một điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại. Đối với việc liên minh về quốc phòng, điều kiện ấy lại càng cần thiết hơn. Có thể khẳng định: Sẽ không có nước nào sẵn sàng chung vai sát cánh với Việt Nam để đương đầu với Trung Quốc nếu Việt Nam cứ độc tài mãi. Theo voatiengviet.com
......

Nỗi bẽ bàng của ông Vua không ngai họ Tập

Đầu tháng 6 vừa qua, mối quan hệ Mỹ-Trung bỗng nổi cơn sóng gió, gây xôn xao dư luận quốc tế. Nhân vật nổi bật trong sự kiện thời sự chấn động này là ông Vương Kỳ Sơn, đương kim Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng CS Trung Quốc gồm 7 người, trên chóp bu của Bộ Chính trị có 25 người, là cơ quan lãnh đạo cao nhất , nhóm Vua tập thể của Đảng CSTQ. Vương Kỳ Sơn là ai? Theo giới báo chí Hồng Kông, tuy ông Vương đứng hàng thứ 6 trong số 7 Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, nhưng trên thực tế ông là nhân vật số 2, chỉ đứng sau Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Tập Cận Bình. Hiện ông là Bí thư Ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung ương Đảng CSTQ, là cánh tay phải của ông Tập trong chiến dịch «diệt hổ đập ruồi» truy lùng tham nhũng ở Trung Quốc. Đã hơn 2 năm nay ông Vương lãnh đạo cơ quan có quyền lực không hạn chế nói trên. Cơ quan này có thể xông vào mọi nơi, bắt giam mọi công dân, xem xét mọi hồ sơ, điều tra và truy tố mọi nghi can, bất kể người đó là ai, «không có một ngoại lệ nào», ngụ ý là kể cả ông Giang Trạch Dân, từng là nhân vật số 1 của Đảng CS và được coi là bất khả xâm phạm trong hơn 10 năm trước đây. Báo Hồng Kông kể rằng ông Vương đã sờ gáy hơn 20 vạn đảng viên quan chức, tất cả đều điêu đứng, đến độ có người kêu lên rằng «thà gặp con quỷ còn hơn là phải gặp lão Vương!». Ông Chu Vĩnh Khang, một cựu Ủy viên Thường Vụ Bộ Chính trị, trùm sỏ ngành dầu khí, rồi trùm sỏ ngành an ninh, hét ra lửa một thời, vừa bị kết án tù chung thân trong một phiên xử kín ở Thiên Tân. Từ tháng 5, theo lệnh của ông Tập, đại sứ quán TQ ở Washington đặt vấn đề để ông Vương sẽ đến làm việc chính thức tại Hoa Kỳ với danh nghĩa là ‘’phái viên đặc biệt của Chủ tịch Nước’’ trong tháng 7 tới, để giải quyết một loạt vấn đề quan trọng trong quan hệ 2 nước, cũng là chuẩn bị tốt cho chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của ông Tập đã được ấn định vào tháng 9 năm nay. Phía TQ dự trù những gì cho chuyến làm việc của ông Vương với phía Hoa Kỳ? Có nhiều vấn đề cực kỳ hệ trọng. Theo dự đoán của giới báo chí Anh và Pháp, ông Vương sẽ yêu cầu phía Mỹ hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch «diệt hổ, đập ruồi và săn cáo» đang được mở rộng để truy lùng số viên chức đảng viên CSTQ hiện đang trốn tránh với tài sản cực lớn trên đất Hoa Kỳ. Về chuyện này phía TQ đã trao cho phía Hoa Kỳ danh sách đen có 1.000 ngàn tên. Phía TQ hy vọng các cơ quan an ninh tình báo CIA, FBI, các cơ quan tư pháp, các ngân hàng Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung ương Đảng CSTQ của ông Vương để truy lùng tội phạm, bổ sung hồ sơ, cung cấp và trao đổi tài liệu, thu hồi đến mức cao nhất tài sản bị thất thoát bởi các quan chức tham nhũng và thân nhân, bộ hạ của họ. Được biết số nghi phạm trốn chạy khỏi TQ đông đảo nhất là sang Hoa Kỳ, rồi đến Canada và Úc, tiếp nữa mới đến Tây Âu, Thụy Sỹ và Nga. Phía Trung Quốc hy vọng chuyến đi của ông Vương sẽ dẫn đến việc ký kết Thỏa thuận hợp tác dẫn độ các nghi phạm hình sự giữa 2 nước, thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký với 21 nước chủ yếu là các nước châu Á, nhưng chưa ký với Hoa Kỳ, Canada, Úc và các nước châu Âu. Trong chiến dịch «săn cáo» 6 tháng qua, đã có 500 nghi phạm bị giải về Trung Quốc với tài sản trên 3 tỷ đô la – đây chỉ là một con số nhỏ so với thực tế. Phía Trung Quốc còn hy vọng rằng qua chuyến đi của ông Vương và qua chuyến đi của ông Tập sau đó, mối quan hệ giữa các cơ quan tình báo, an ninh, tòa án của 2 nước sẽ được cải tiến rõ rệt, giúp Trung Quốc nâng cao vị thế quốc tế của mình và có được nhiều nguồn thông tin quý hiếm và chuẩn xác mà Trung Quốc đang cần và Hoa Kỳ có thể đang biết rõ. Mọi người đều biết tháng 2 năm 2912, trùm công an Trùng Khánh là Vương Lập Quân đã chạy vào lãnh sự quán Hoa Kỳ xin cư trú chính trị, mang theo vô số tài liệu tuyệt mật và khai báo không biết bao nhiêu điều cơ mật cho phía Hoa Kỳ, đặc biệt là những tin tức về thâm cung bí sử Bắc Kinh trong 20 năm qua, liên qua đến các phe nhóm của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Tăng Khánh Hồng, Từ Tài Hậu, Giang Trạch Dân. Vương bị phía Hoa Kỳ trao cho TQ. Theo báo Anh Financial Times (2/6), chính Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã giao tận tay Tập Cận Bình một số tài liệu do Vương Lập Quân nộp tại lãnh sự quán Hoa Kỳ. Theo dư luận Hồng Kông, chắc phía Hoa Kỳ còn giữ lại một số tài liệu hê trọng, vì mối quan hệ Mỹ - Trung chưa đạt đến độ thân hữu. Báo Hồng Kông Phượng Hoàng (7/6) còn nêu lên tên một nhân vật bí hiểm hiện nay mà ông Vương đang truy lùng, đó là Lệnh Hoàn Thành, em ruột của Lệnh Kế Hoạch nguyên Chánh Văn phòng của TƯ Đảng CS TQ, tay chân thân tín nhất của cánh Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Giang Trạch Dân. Lệnh Kế Hoạch đã bị bắt. Lệnh Hoàn Thành được biết hiện đã thay tên đổi họ, trốn tránh ở đâu đó trên đất Hoa Kỳ, với rất nhiều tài liệu chính trị tuyêt mật, tài sản khủng, vô giá. Có nhiều khả năng phía Hoa Kỳ không thể thả lỏng cho nhân vật này, nhưng hiện họ chỉ nói rằng «không biết gì về nhân vật này có còn trên đất Mỹ hay không». Đùng một cái, đầu tháng 6, các báo Anh và Hồng Kông vừa kể cũng như báo Pháp le Monde (4/6) và Want China Times (8/6) của Đài Loan cùng cho biết chuyến đi làm việc ở Hoa Kỳ của ông Vương ‘’không thành, bị hoãn không thời hạn, có thể bị hủy bỏ’’. Bắc Kinh cố làm ra vẻ không có gì quan trọng, nhưng các báo quốc tế đều lên tiếng bình luận. Báo Pháp le Monde cho rằng phía Mỹ đã có nhiều phản ứng bất lợi cho chuyến đi Hoa Kỳ của ông Vương Kỳ Sơn. Trước hết ông Vương không có một chức vụ gì trong chính quyền nhà nước. Phía Mỹ không có một quan chức nào tương đương để tiếp và làm việc đúng nghi thức và luật pháp. Ông ta chỉ đại diện cho Đảng CS, một đảng độc quyền chính trị, phản dân chủ. Hơn nữa những chiến dịch chống tham nhũng không có cơ sở luật pháp nghiêm minh, dân chủ, chỉ là phe cánh đấu đá tranh quyền, dưới chiêu bài «chống tham nhũng». Các cuộc điều tra, truy tố, xử án đều mù mờ, không có luật sư, không có báo chí tự do, không có quan sát quốc tế. Cái gọi là Ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung ương Đảng CSTQ chỉ là một tổ chức ‘’đảng trị’’, mang tính chất cưỡng bức, độc đoán, đứng trên luật pháp, không phản ánh lòng dân và cán cân công lý. Ngay việc xử ông Chu Vĩnh Khang cũng không công khai, không luật sư bào chữa, không một nhà báo quốc tế nào tham dự, với lời kết tội đã cùng bộ hạ tham nhũng 14 tỷ đô la, cũng khó tin được là chuẩn xác. Ông Tập Cận Bình bị một cú bẽ bàng quốc tế, bị nhận diện là một ông Vua CS không ngai, tự cho mình và cánh tay phải họ Vương có quyền sinh sát tùy tiện mọi thần dân trong một triều đình lạc lõng. Chiến dịch chống tham nhũng ầm ỹ được quảng cáo om sòm, bị một đòn quốc tế khá đau. Báo Anh và báo Pháp còn cho rằng những nhân vật mang bản chất ‘’đảng trị’’ như ông Vương, hoặc như các quan chức cầm đầu các cơ quan đàn áp khác của Đảng CSTQ như Ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án TƯ, Bộ trưởng Tư pháp do Đảng CS cử ra trong bộ máy toàn trị đều là những người chà đạp luật pháp, đàn áp người lương thiện, phải bị coi là những «nhân vật không được hoan ngênh» (persona non grata), có tên trong danh sách đen, phải bị tẩy chay không cho nhập cảnh vào các nước dân chủ - pháp quyền. Đó là những bàn tay nhuốm máu người dân lương thiện, nhuốm máu những chiến sỹ dân chủ trong nước, thế giới dân chủ không thể bắt tay họ, kết bạn, hợp tác với họ. Nhân câu chuyện ông Vương Kỳ Sơn bị lỡ chuyến tàu bay đi Washington và ông Tập Cận Bình bị một cú bẽ bàng tủi hổ này, cũng xin nhắn về Hà Nội để các ông Trưởng ban Kiểm tra TƯ Đảng Ngô Văn Dụ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, hay cả Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh- nhân vật nhà báo đi đầu trong công tác chống tự do ngôn luận, xin quý ông chớ tính chuyện đi sang thăm hay làm việc tại các nước dân chủ, vì tên các vị có thể đã nằm trong danh sách đen những nhân vật «nổi tiếng về đảng quyền», chống nhân quyền và dân quyền, những bàn tay không sạch sẽ, ở Pháp người ta gọi là «les gens sans foi - ni loi» - những kẻ vô đạo đứng ngoài luật pháp, lưu manh chính trị, không ai trong thế giới dân chủ muốn bắt tay, kết bạn. Cộng đồng người Việt biết rõ những bàn tay nhơ bẩn ấy. Nỗi bẽ bàng của 2 ông Vương và Tập rất đáng để các ông trên đây suy ngẫm. Theo voatiengviet.com
......

Bao giờ thì đồng tiền nguyên trở thành ngoại tệ mạnh?

Kể từ khi Trung quốc được coi như một nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới căn cứ vào GDP thì Bắc Kinh có tham vọng muốn đẩy mạnh tiến trình đưa đồng tiền nguyên của mình (đồng nhân dân tệ) trở thành một trong những ngoại tệ mạnh của thế giới. Các quan chức cao cấp trong lãnh vực tài chánh của Trung quốc đã mấy lần yêu cầu G7 và IMF công nhận đồng tiền nguyên là một ngoại tệ mạnh như Mỹ Kim, đồng Euro, Anh Kim, đồng Yen nhưng bị từ chối vì IMF đánh giá đồng tiền nguyên chưa hội đủ một số điều kiện để trở thành một ngoại tệ mạnh của thế giới. Ngày 26/05/2015, Phó Giám đốc IMF là ông David Lipton khi sang Trung quốc công tác, Bắc Kinh đã một lần nữa yêu cầu IMF công nhận đồng tiền nguyên là ngoại tệ mạnh. Trong cuộc họp báo trước khi rời Trung quốc, ông David Lipton nói rằng: Trong thời gian qua Trung quốc đã có những nỗ lực cải thiện nên IMF không đánh giá thấp đồng tiền nguyên, nhưng việc công nhận một đồng tiền nào đó trở thành ngoại tệ mạnh của thế giới không phải chỉ có IMF quyết định mà còn thêm những định chế tài chánh quốc tế khác. Nếu Trung quốc tiếp tục cải thiện hệ thống tài chánh theo tiêu chuẩn quốc tế thì đồng tiền nguyên sẽ trở thành ngoại tệ mạnh. Về phía Hoa Kỳ thì cho rằng hối suất đồng nguyên không lên xuống theo quy luật thị trưòng mà do chính phủ Trung quốc kiểm soát, đó là lý do chính không thể công nhận đồng nguyên trở thành ngoại tệ mạnh của thế giới. Hơn nữa kinh tế của Trung quốc đang giảm tốc khiến lượng tiền nguyên lưu hành yếu dần cũng là một nguyên nhân khác. Trước đó vào ngày 29/05/2015, trong cuộc họp báo ở Anh quốc, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ là ông Jacob Joseph đã nêu một nghi vấn với các ký giả rằng: Trung quốc có chấp nhận để cho hối suất đồng nguyên thay đổi theo quy luật của thị trường hay không? Vì với tình trạng kinh tế hiện nay, Bắc Kinh sẽ không cho hối suất đồng nguyên cao hơn. Đáp lại, Thống đốc ngân hàng Nhân dân Trung quốc là ông Chu Tiểu Xuyên phát biểu rằng một trong những điều kiện để đồng tiền nguyên trở thành ngoại tệ mạnh là cho phép các nhà đầu tư được tự do gởi hay rút tiền ở ngân hàng Trung quốc. Họ Chu cho biết là đang chuẩn bị một loạt cải cách để nâng cao việc kiểm định tư bản đồng tiền nguyên (tức là việc sử dụng đồng tiền nguyên trong việc trao đổi mậu dịch giữa các nước), cho phép cá nhân rút tiền ra để đi đầu tư ở nước ngoài. Cứ 5 năm một lần, IMF duyệt xét lại xem đồng ngoại tệ mạnh nào còn hội đủ điều kiện hoặc đánh giá thêm đồng tiền của quốc gia nào đáng trở thành ngoại tệ mạnh. Năm nay là năm mà IMF duyệt xét lại chuyện này, nhưng qua cuộc họp báo của ông David Lipton, phó giám đốc IMF không hề nhắc đến đồng nguyên của Trung Quốc nên ít nhất cũng phải thêm 5 năm nữa may ra đồng tiền nguyên mới trở thành ngoại tệ mạnh với điều kiện chính phủ Trung quốc phải thật sự cải thiện hệ thống hành chánh mà ai nhìn vào cũng thấy. Hiện nay hối suất lên xuống của đồng tiền nguyên do ngân hàng Nhân dân Trung quốc quyết định hay nói đúng ra là chính quyền quyết định, ngân hàng Trung ương thi hành nên cho dù Trung quốc có quảng cáo việc cải cách chính sách ngân hàng bao nhiêu cũng chưa thuyết phục được ai hơn; nữa mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị. Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia ngân hàng, kinh tế thế giới. Theo các chuyên gia này thì trước khi một đồng tiền nguyên muốn trở thành một ngoại tệ mạnh thì phải qua giai đoạn SDR (Special Drawing Rights) tức là Quyền rút vốn đặc biệt do IMF lập ra vào năm 1969. SDR là tài sản dự trữ có tính cách quốc tế nhằm bổ sung cho tài sản của Trung quốc, phải bảo đảm bằng dự trữ vàng hay các ngoại tệ mạnh khác để có thể sử dụng nó mua vào nội tệ (tức là đồng tiền nguyên) khi cần thiết nhằm duy trì trị giá hối đoái theo quy luật thị trường tiền tệ. Hiện tại thì đồng tiền nguyên chưa có tư cách bước vào giai đoạn SDR vì ngân hàng Trung ương Trung quốc, hay nói cho đúng hơn là chính quyền Trung quốc mỗi khi thấy đồng mỹ kim tăng thì cũng phát hành thêm đồng tiền nguyên nhằm đối kháng lại. Mỗi khi Hoa Kỳ in thêm tiền đều phải giải thích lý do cho mọi người biết, nếu lý do không chính đáng thì đồng mỹ kim sẽ mất dần giá trị của nó, đều mà không một Tổng thống Hoa Kỳ nào dám làm, trong khi lãnh đạo Trung quốc thì in là vì muốn đối kháng lại với đồng mỹ kim. Vì Bắc Kinh muốn đồng tiền nguyên thành ngoại tệ mạnh nên Hiệp hội Doanh nghiệp Trung quốc đã gởi kiến nghị đến văn phòng ông Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cho thanh toán mọi việc giao dịch thương mại bằng nhân dân tệ tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo rằng không thể chấp nhận chuyện này vì rất nguy hiểm khi mà đồng tiền nguyên chưa phải là ngoại tệ mạnh được thế giới công nhận, đó là chưa nói đến chuyện chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh thật sự muốn CSVN chấp nhận đồng nguyên là ngoại tệ mạnh thì sẽ “hối lộ” cấp lãnh đạo một khoản tiền lớn như đã từng đưa cho gia đình 150 triệu Mỹ Kim để cho ông Dũng chấp nhận hợp tác với Bắc Kinh khai thác Bauxite tại Tây Nguyên vào năm 2007 mà trước đó ông Dũng thuộc phe chống đối dự án này rất quyết liệt.
......

Quân đội trung thành với Tổ Quốc hay trung thành với đảng?

Từ khi nắm chính quyền Đảng Cộng SảnViệt Nam (ĐCSVN) luôn giữ chặt con đường độc tài toàn trị mà chủ nghĩa Mác-Lê vạch ra. Họ tự phong là được lịch sử giao cho sứ mệnh là đảng cầm quyền để lãnh đạo đất nước và xã hội. Khi người dân vận dụng hiến pháp (cũ) để đòi đa nguyên đa đảng thì họ sửa hiến pháp (2013), thêm vào hai chữ “duy nhất” trong tư cách lãnh đạo của đảng để họ trở thành “đảng cầm quyền và lãnh đạo” duy nhất. Xã hội tự nó đã mang tính đa nguyên. Do đó quan điểm độc tôn lỗi thời này vừa trái với tự nhiên vừa trái với sinh hoạt dân chủ thông thường và khó được ai chấp nhận. Nó dẫn đến tình trạng đảng coi như mình tạo ra tất cả và đứng trên tất cả, toàn quyền khuyên răn dạy bảo dân chúng như dạy bảo con cháu trong nhà. Vì thế, cứ mỗi khi sắp diễn ra một sự kiện chính trị nào đó liên quan đến sinh mệnh của đảng như đại hội đảng XII sắp tới, các cây bút của Ban tuyên giáo trung ương lại được huy động hết công suất để “dạy dỗ” cả nước. Họ vẽ vời, thêu dệt đủ loại âm mưu phá hoại, xuyên tạc của các “thế lực thù địch” trong và ngoài nước. Khiến cho người dân Việt phải tự hỏi, sao đảng lại có nhiều kẻ thù đến thế? Để có thể tồn tại như một loài chùm gởi trên cơ thể đất nước bao lâu nay, bản thân đảng CSVN phải dựa vào hai cột trụ nòng cốt của chế độ độc tài: quân đội và công an. Điều dễ nhận thấy ở Việt Nam, trong khi công an được nuông chiều, tin tưởng như “lá chắn và thanh bảo kiếm” bởi lời thề vô tiền khoáng hậu “còn đảng còn mình”; quân đội lúc nào cũng bị nghi ngờ, bị dè chừng, bị nhắc nhở thường xuyên bởi những cụm từ đầy đe dọa nào là “chống diễn biến hòa bình” rồi “tự diễn biến” hay “phi chính trị hóa quân đội”. Chính vì vậy mà bài của tác giả Phúc Nội trên báo Quân Đội Nhân Dân mới đây tuy lập lại những điệp khúc cũ, nhưng sự hốt hoảng thì nâng một mức độ mới trong việc “Cảnh giác với những âm mưu phá hoại trước thềm đại hội Đảng các cấp”. Tác giả cáo buộc lẩn quẩn, mơ hồ các “thế lực thù địch, phản động ở ngoài nước” cấu kết với các “phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong nước”, “ra sức chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, nham hiểm”. Đây là những luận điệu không có gì mới của bộ máy tuyên truyền Hà Nội, mà khi người ta đọc qua đoạn đầu sẽ biết trước đoạn sau. Đối với đảng thêm một lần nữa, đảng đang thừa nhận các “thế lực thù địch” và “các phần tử bất mãn trong nước” ấy đang tồn tại và càng ngày càng lớn mạnh. Theo tác giả Phúc Nội, lực lượng này có mặt khắp nơi, nhất là trong lực lượng quân đội để sẵn sàng xuyên tạc, nói xấu đảng. Bài báo cố giấu giếm một điều quan trọng mà trước bất cứ một đại hội đảng nào cũng diễn ra. Đó là những đấu đá quyết liệt trong nội bộ đảng. Nếu những đại hội đảng trước đây những đấu đá này được giấu kín trong nội bộ đảng thì ngày nay đã bộc lộ ra trước mắt quần chúng. Nhiều bài viết đánh phá nhau một cách dữ dội đã được các phe nhóm tung ra trên internet cho thiên hạ biết. Chính họ chứ không ai khác, trở thành những “thế lực thù địch” (của nhau) triệt hạ lẫn nhau công khai, nhưng ngoài mặt vẫn là tình đồng chí. Ngay cả trong các kỳ họp trung ương, có lần tổng bí thư đảng phải mếu máo trên truyền hình khi thất bại trước “đồng chí X”. Chuyện đó chắc chắn không phải là do một thế lực thù địch nào gây ra, nhưng ông Phúc Nội lờ đi không nhắc đến! Gần đây, nhiều sự thật được phơi bày về số tài sản bất minh khổng lồ, những dinh cơ, biệt thự sang trọng ở nước ngoài của lãnh đạo đầu sỏ đảng làm dư luận xôn xao. Trong nước, việc “con cháu các cụ” sở hữu những lô đất vàng chiếm đoạt của nông dân không còn là chuyện lạ…Cứ nhìn vào số dân oan trên cả nước tăng lên hàng ngày, mọi người đều biết vì sao trái núi tài sản của đảng ngày càng cao. Không ai có thể “cắt dán” hay ngụy tạo những sự thật ấy được như lời tác giả bài báo cáo buộc. Nếu biết được kết quả thăm dò mới đây do hãng khảo sát quốc tế Gallup thực hiện, theo đó đa số người dân Việt Nam hiện nay tin tưởng các trang mạng cá nhân hơn truyền thông nhà nước, thì báo QĐND nghĩ sao? Khác với lực lượng công an, quân đội bao giờ cũng là đích nhắm để đảng cảnh báo với hàng loạt dạy dỗ như: “quân đội cần phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền” hay “chỉ huy các cấp cần tăng cường công tác quản lý chính trị nội bộ”…Điều này cho thấy một lần nữa chế độ độc tài dù đã nắm quân đội qua hệ thống xuyên suốt của các chính ủy, vẫn không ngớt lo sợ một ngày nào đó quân đội sẽ thoát ra vòng kềm tỏa của đảng. Chuyện này sẽ trở thành hiện thực khi nhận thức của người quân nhân thay đổi trước tình hình đất nước. Quân đội sẽ tự hỏi tại sao dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, đất đai, biển đảo lại ngày càng teo tóp lại? Đất nước lại bước vào vòng nô lệ phương bắc trong đủ mọi lãnh vực? Trước mắt họ, biển đảo đất liền đang bị Trung Cộng gặm nhắm từng phần trước sự cố tình làm ngơ của lãnh đạo đảng. Và họ bị trói tay để chia xẻ sự hèn nhục với đảng. Ở bất cứ quốc gia nào, bất cứ thể chế nào, quân đội cũng từ nhân dân mà ra. Nhưng đảng Cộng sản do bản chất độc quyền, muốn quân nhân và mọi người hiểu ngược lại: đó là lực lượng do đảng sinh ra, đảng nuôi dưỡng vì vậy phải nghe theo lời giáo huấn của đảng để bảo vệ đảng. Không lúc nào hơn lúc này, đảng CSVN đang đứng trước nguy cơ đe dọa sự tồn vong của mình: sự thức tỉnh của các tầng lớp nhân dân yêu nước và thái độ quỵ lụy quá mức trước kẻ thù truyền kiếp tác động mạnh mẽ đến nhận thức của quân đội nhất là thành phần sĩ quan trẻ. Thật nực cười khi ngòi bút cùn của báo Quân Đội Nhân Dân ra sức phản biện lại chính những điều họ bịa đặt ra, nào là “tin đồn thất thiệt” hay “bôi nhọ lãnh đạo cao cấp” mà vô tình họ cũng thú nhận là “tác hại hết sức khôn lường”. Không phải bây giờ đảng mới kêu gọi “quân đội luôn trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa xã hội, trung thành với Đảng” mà đã từ lâu sự kêu gào ấy thỉnh thoảng cứ được lập lại trên trang báo QĐND dưới các khẩu hiệu: “làm thất bại diễn biến hòa bình” hay “chống tự diễn biến nội bộ”. Đặc biệt khi mà đảng nghi ngời lòng trung thành của giới quân đội đang bị lung lay dữ dội. Điều này đi ngược lại với những nguyên tắc phổ biến thông thường của tất cả quân đội các quốc gia trên thế giới: quân đội lập ra chỉ với mục đích cao cả bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Quân đội Việt Nam ngày nay cũng vậy, không cần trung thành với bất cứ đảng phái nào, kể cả đảng Cộng sản. Ngay như 4 chữ “Quân đội Nhân dân” cũng đủ nói lên ý nghĩa thiết yếu đó. Rõ ra, tờ báo mang tên QĐND chỉ muốn một điều duy nhất: trong bất cứ tình huống nào, quân đội cũng phải “mũ ni che tai” như những con rối vừa mù vừa câm, vừa đui vừa điếc, chỉ biết chờ lệnh cấp trên. Quân đội không có quyền nghe, không có quyền nói, ngay cả không được bàn tán chuyện nội bộ của đảng, của quân đội, dù đó là những chuyện đã bị vạch trần. Thêm nữa người quân nhân cũng được đảng răn dạy không phát tán các bài viết, tài liệu trên các trang mạng xã hội vì làm như thế là “sa vào bẫy của kẻ thù”! Thủ đoạn bịt kín mọi đường của đảng đối với quân đội cho thấy đảng vô cùng lo sợ mạng xã hội tác động đến tinh thần quân đội, làm cho người lính phân tâm hay thay đổi nhận thức theo chiều hướng thoát khỏi sự ràng buộc của các cấp ủy đảng. Từ trước đến nay đảng muốn quân đội chỉ lo làm sao giữ đảng, bảo vệ đảng cho thật chắc, tránh cho đảng khỏi sự sụp đổ. Một sự sụp đổ tất yếu mà người ta đã cảm nhận được càng lúc càng đến gần. Còn việc lên tiếng chống Trung Cộng xâm lăng hay phải có hành động cương quyết bảo vệ Biển Đông thì quân đội không nên đá động đến vì đó là chuyện riêng của đảng với quan thầy Bắc Kinh. Đối với đảng lâu nay, thái độ ngậm miệng ăn tiền là chủ trương lớn, bất chấp những hành động hung hăng của Bắc Kinh. Phải chăng nguy cơ lớn nhất của đảng là “phi chính trị hóa quân đội”, là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đưa đến “sụp đổ từ bên trong”, nên báo QĐND nay lại phải cho tác giả Phúc Nội thay mặt răn đe Quân Đội Nhân Dân?
......

Mỹ phải thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

US Must Challenge China in South China Sea (The Diplomat 10-6-15) http://thediplomat.com/2015/06/us-must-challenge-china-in-south-china-sea/ Yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tới Trung Quốc và các quốc gia xung quanh Biển Đông để kết thúc xây dựng cơ sở đảo sẽ như nói với kẻ điếc vì hai lý do. Đầu tiên, vì lợi ích của mình Trung Quốc tạo ra sự đã rồi trên biển để thiết lập tuyên bố chủ quyền, và thứ hai, bởi vì không ai có thể ngăn chặn chúng. Hoa Kỳ tuyên bố một cách rõ ràng rằng họ không đứng về bên nào trong các hoạt động có liên quan đến tuyên bố chủ quyền; Washington chỉ đơn giản là muốn đảm bảo thuyền bè và máy bay được tự do di chuyển ở vùng biển và vùng trời quốc tế. Thật không may cho Washington và Bắc Kinh là hai điều này - tự do hàng hải và xây dựng căn cứ trên biển - đang đụng nhau. Sớm hay muộn sẽ có đối đầu. Va chạm nhỏ sẽ nảy sinh các đụng độ tiếp theo. Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã đòi Hoa Kỳ rút lui trước khi quá muộn, rằng Trung Quốc có sứ mệnh hiện diện ở Tây Thái Bình Dương và việc họ chiếm ưu thế là không thể tránh khỏi. Mỹ nên đáp lại thách thức của Trung Quốc càng sớm càng tốt. Nếu Trung Quốc thực sự tìm cách thống trị Tây Thái Bình Dương, thì Hoa Kỳ nên đấu tranh với các tuyên bố của Bắc Kinh ngay bây giờ trong khi Trung Quốc khá yếu về hải quân và Hoa Kỳ có lợi thế tương đối. Hoa Kỳ cần phải sử dụng một biến thể của các "chiến lược biển" được sử dụng chống lại Liên Xô trong thập niên tám mươi để chống lại Trung Quốc ngày nay. Khi đó, tàu của Hải quân Mỹ đã đi vào cái gọi là vị trí cố thủ của hải quân Xô Viết ngoài Murmansk và Biển Okhotsk để đáp trả hải quân Xô Viết nếu có xung đột. Đó là những gì Hải quân Mỹ phải làm hôm nay đối với Trung Quốc. Rõ ràng là các căn cứ trên biển của Trung Quốc không có lợi thế gì trong xung đột. Chúng chỉ hữu dụng để biểu dương hỏa lực nhằm chiếm các đảo san hô vô chủ không có người ở. Có lẽ chúng nên được đáp trả bằng biểu dương hỏa lực của tên lửa từ tàu chiến. Mục tiêu là làm cho công chúng rõ những yếu kém mà Trung Quốc tìm cách che giấu bằng những tuyên truyền ồn ào. Đồng thời phải chứng minh rằng các tuyên bố chính trị của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông không có cơ sở lịch sử. Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa đưa ra những chứng minh này và điều đó tạo ấn tượng rằng tuyên bố của Trung Quốc là đúng nhưng sự thật không phải vậy. Không một tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc là đúng cả. Bắc Kinh tuyên bố rằng Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc nhưng sự thật không phải vậy. Nếu chủ quyền được định nghĩa là chinh phục, cai trị, và kiểm soát, thì trong lịch sử năm ngàn năm của mình, Trung Quốc đại lục chưa bao giờ thoả mãn được các điều kiện chủ quyền về Đài Loan. Thật vậy, bản thân Trung Quốc được cai trị bởi một loạt các dân tộc ngoại Hán trong hầu hết lịch sử của nó và chỉ đạt được chủ quyền không chính thức với Đài Loan dưới thời nhà Thanh, một triều đại của người Mãn Châu chứ không phải người Hán. Nhà Thanh tuyên bố Đài Loan là một khu vực hành chính, nhưng không bao giờ kiểm soát hòn đảo này. Thời gian tuyên bố của nhà Thanh cũng chỉ kéo dài mười năm, 1885-1895, cho đến khi Nhật chiếm hữu hòn đảo này như là một phần trong việc giải quyết hậu quả cuộc chiến Trung-Nhật. Nhật Bản chinh phục, xâm chiếm và kiểm soát Đài Loan và cai trị xứ này với đa số dân không thuộc sắc tộc Hán trong năm mươi năm tiếp theo cho đến khi kết thúc Thế chiến II. Bắc Kinh tuyên bố rằng quần đảo Senkaku là của Trung Quốc nhưng sự thực không phải vậy. Quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư Đài, thuộc về vương quốc Lưu Cầu, trong đó bao gồm các nhóm đảo nhiều trải dài từ Senakakus đến Okinawa. Vương quốc này tồn tại từ thế kỷ mười bốn đến thế kỷ mười chín trước khi bị sát nhập bởi gia tộc Satsuma ở miền nam Nhật Bản. Đồng thời, Lưu Cầu khi đó còn là chư hầu của nhà Minh. Vì vậy, như một nước chư hầu kép, mỗi năm người Lưu Cầu cử hàng trăm đoàn thương mại và triều cống đến cả Trung Hoa và Nhật Bản, đi qua các quần đảo Senkaku trên đường đến Trung Quốc. Thật vậy, Vương quốc Lưu Cầu từng là một trung chuyển thương mại giữa Nhật Bản và Trung Quốc (Nhà Ming cấm giao thương trực tiếp với Nhật Bản). Nhật Bản chiếm quyền kiểm soát quần đảo Senkaku sau khi cuộc chiến tranh Trung-Nhật nhưng việc này không liên quan đến cuộc xung đột đó. Trên thực tế Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã thừa nhận rằng quần đảo Senkaku là của Nhật Bản cho đến gần đây. Sau Thế chiến II Hoa Kỳ quản lý các quần đảo Senkaku, Okinawa và các đảo khác trước đây Nhật Bản kiểm soát như là một phần của hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Chỉ đến năm 1968, khi Hoa Kỳ bắt đầu thảo luận với Nhật Bản để đưa các đảo này trở về Nhật Bản thì Bắc Kinh mới thấy đây là một cơ hội yêu cầu chủ quyền. Sự thật là động thái này của Trung Quốc đưa ra để thách thức sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, vì các đảo này vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, trong đó Washington cam kết bảo vệ lãnh thổ của Nhật Bản. Quần đảo Hoàng Sa ngoài khơi bờ biển Việt Nam là một trường hợp nguồn gốc không chắc chắn và Trung Quốc cũng không hề có chủ quyền. Người Pháp đã chiếm và nhập các đảo này vào Việt Nam như một phần trong thuộc địa Đông Dương của họ và người Nhật đã tiếp nhận chúng từ Pháp trong Thế chiến II. Trung Quốc là kẻ đến muộn, Cộng sản Trung Quốc chỉ chiếm đảo lớn nhất của Hoàng Sa, đảo Phú Lâm, vào năm 1950 và chiếm phần còn lại trong tháng một năm 1974 khi Việt Nam bị chia cắt bởi chiến tranh và không thể chống lại. Quần đảo Hoàng Sa nằm tương đối gần với đảo Hải Nam và do đó tranh chấp của Trung Quốc với Việt Nam là điều dễ hiểu, mặc dù là tranh chấp phi pháp. Nhưng quần đảo Trường Sa là một khối vô số đảo nhỏ với các bãi đá và cát ngầm nằm cách lãnh thổ Trung Quốc những trên một ngàn dặm. Hành động của Trung Quốc ở đây là chiếm đoạt lãnh thổ trắng trợn và hành động này là không chấp nhận được. Nếu Trung Quốc được phép giữ vùng lãnh thổ cách nước họ hơn một ngàn dặm thì nước nào sẽ an toàn trước họa xâm lăng? Trung Quốc hành động ngang ngược như vậy vì nước duy nhất đủ mạnh để có thể ngăn chặn những hành động đó là Hoa Kỳ đã không làm gì. Washington nên đáp trả các tuyên bố của Trung Quốc, cả trên thực tế và lịch sử. Ít nhất, Washington nên thách thức cơ sở lịch sử cho vô số các tuyên bố của Trung Quốc và chứng minh rằng, theo như sử sách thì Trung Quốc chỉ là một con hổ giấy. Richard C. Thornton là giáo sư Lịch sử và hệ quốc tế tại Đại học George Washington *Đính chính: bản trước của bài viết này cho rằng nhà Minh không phải gốc Trung Quốc, điều này là không chính xác và các tài liệu tham khảo này đã được gỡ bỏ. Nguồn: http://viet-studies.info/
......

Biển Đông: Cái khó của lãnh đạo CSVN

Chuyện Biển Đông 2014 Năm 2014, ngay sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines vào cuối tháng Tư, ngày 2/5/2014 Bắc Kinh đã mang giàn khoan HD 981 cùng hơn 80 tàu bảo vệ ra Biển Đông, trong vùng biển chủ quyền Việt Nam. Đây không chỉ là một hành động riêng rẽ nhằm thách thức phản ứng của Việt Nam mà còn là một thông điệp nhắm vào các nước đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương mới được tổng thống Mỹ trấn an. Nó cũng có thể coi như một cuộc hành quân thăm dò nhắm trực diện vào chiến lược xoay trục về Á Châu mà Hoa Kỳ đang ráo riết thực hiện. Trót đặt tin tưởng vào Bắc Kinh qua nhiều thập kỷ trong quan hệ chư hầu, sự kiện HD 981 gây cho Hà Nội một sự ngỡ ngàng. Nó cũng tạo ra một tình trạng chia rẽ trầm trọng trong nội bộ đảng trước nay chưa từng có. Liên tiếp những vụ đối đầu chung quanh HD 981 khiến ban lãnh đạo Việt Nam càng ngày càng tỏ ra lúng túng, không đưa ra được một đường lối nhất quán nào trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Ngày 23/6/2014, sau khi Việt Nam công bố một video mới, cáo buộc các tàu của Trung Quốc bao vây và đâm nát một tàu kiểm ngư của mình, dư luận trong nước càng thêm sôi sục, kêu gọi đảng và nhà nước phải phản ứng mạnh mẽ trước hành động khiêu khích này. Nhiều cuộc biểu tình của người dân yêu nước ở Hà Nội đã bùng nổ nhưng cuối cùng bị chính quyền dập tắt. Các lãnh đạo cao cấp nhất trong bộ máy cầm quyền lúc ấy đều lặng thinh, ngoại trừ lời tuyên bố ngoài lề chuyến viếng thăm Philippines của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”. Cũng như khi trả lời báo chí, ông cũng nói gần xa rằng Hà Nội có thể xem xét hành động pháp lý chống lại Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, đó chỉ là một phương pháp trấn an và làm dịu bớt dư luận đang chỉ trích chính quyền hèn yếu trước ngọai xâm. Bên cạnh đó, dù đang trong kỳ họp của quốc hội, cơ quan lập pháp của Việt Nam chỉ ra một “thông cáo” về tình hình biển Đông, thay vì một nghị quyết như theo đề nghị của một số đại biểu. Như trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa ở Sài Gòn đã nói rằng “nhân dân sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang” nếu “Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông”. Giải thích việc này chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Các đại biểu quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của Trung Quốc, đã thảo luận sâu sắc, đã ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam”. Ý ông nói như thế là đã quá đủ cho quốc hội! Trong khi quốc hội Việt Nam không có phản ứng nào thì ngược lại, vào ngày 10/7/2014 Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết S. RES.412 về Biển Đông, trong đó yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vị trí hiện tại. Đó là chuyện của năm 2014. Cuối cùng, giàn khoan HD 981 cũng rút đi nhưng nó đã đục thủng một lỗ lớn trong cơ cấu quyền lực của đảng Cộng Sản. Trước con mắt của người dân Việt, hơn bao giờ hết đảng đã để lộ chân tướng là một nhóm người chỉ biết đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi dân tộc. Chuyện Biển Đông 2015 Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, chưa bao giờ Trung Cộng dừng chân trong ý đồ thu hồi những vùng đất gọi là phiên thuộc phía Nam, ngay cả những nơi mà họ chưa từng đặt chân tới. Ngày nay muốn tranh cường, nhất thiết họ phải từng bước chiếm lấy biển Đông làm bàn đạp để về lâu dài thôn tính lân bang. Năm 2015, Trung Cộng không ngần ngại tiến thêm một bước quan trọng trong mục tiêu xé nát chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ và đặt các nước Á Châu trước một thách thức mới. Song song với việc huy động tiềm lực lớn lao vào công cuộc bồi đắp các bãi cạn ở Trường Sa, Trung Cộng ngang nhiên tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo này, biến chúng thành những căn cứ hỏa lực để từ đó có thể tung lực lượng của mình ra ngăn chận, chiếm lấy hải lộ quan trọng nhất Châu Á khi cần. Làm điều này, rõ ràng Trung Cộng để ngõ cho một cuộc xung đột cục bộ tương lai. Trong lúc đó, so với năm 2014, các kỳ họp của quốc hội Việt Nam khóa XIII chỉ thảo luận sôi nổi với dự án phi trường Long Thành trong chiều hướng “Bộ chính trị đã quyết, quốc hội tán thành”. Còn mối đe dọa của Trung Cộng ở Biển Đông, những vấn đề liên quan với sự tồn vong của đất nước, theo con đường năm ngoái, quốc hội vẫn bình chân như vại. Trong khi đó tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tiếp tục bị quấy nhiễu, thậm chí việc cứu nạn cũng bị tàu Trung Cộng ngăn cản. Ngày 5/6/2015 quốc hội ấy dành ra đúng 1 giờ cho một phiên họp kín về Biển Đông. Đem một sự kiện đang diễn ra công khai để bàn theo thủ tục kín thì quả trên thế giới chỉ có quốc hội Việt Nam. Nó cũng cho thấy chế độ đã khinh thường người dân Việt đến mức nào khi đóng lại cánh cửa mà họ tự hào là “đại biểu của nhân dân”! Dù sao cũng có những người như đại biểu Dương Trung Quốc vẫn hy vọng và “chờ đợi một hành động cứng rắn từ Quốc hội”. Hay nói như ông Trần Công Trục “người dân mong lắm Quốc hội lên tiếng về Biển Đông”! Nhưng cuối cùng đó chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc. Thái độ câm lặng của “cơ quan quyền lực cao nhất nước” ấy nói lên điều gì trong tình hình dầu sôi lửa bỏng hiện nay? Phải chăng đó là truyền thống của nó? Thật ra chỉ có thể giải thích, để lừa bịp người dân về tính chất dân chủ, chung quanh cơ cấu quyền lực của đảng cầm quyền, lúc nào cũng luôn có những vòng cây kiểng bao quanh. Quốc hội được đảng tạo ra chỉ là một chậu kiểng để tô điểm thêm cho bộ mặt của chế độ vốn đã có nhiều vết sẹo phản dân chủ. Không khác hồi năm 2014, chậu kiểng “vô duyên” ấy dĩ nhiên chưa dám hó hé nửa lời. Vì biết thân phận chỉ là vật trang trí mang màu sắc dân chủ, khi đảng chưa “quyết” thì quốc hội cứ ngậm miệng ăn tiền, dù cho có bị dư luận phỉ nhổ là “cuốc hội”! Năm 2016 sẽ là năm diễn ra hai sự kiện quan trọng nhất của đảng CSVN. Đại hội đảng bầu lại ê-kíp lãnh đạo đảng mới và Bầu cử quốc hội khóa mới. Ngay từ bây giờ, cơ cấu quyền lực của đảng sẽ thay đổi và thay đổi theo chiều hướng nào là điều đang được sắp xếp trong nhóm thượng tầng. Đương nhiên vì đảng chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng của Bắc Kinh nên yếu tố xếp đặt nhân sự tương lai không thể thiếu ảnh hưởng của thiên triều, mà lắm khi đó lại là yếu tố quyết định nhất. Một nghị quyết liên quan đến tình hình Biển Đông dù với bất cứ thái độ hòa dịu đến đâu, quốc hội Việt Nam cũng phải lên án ý đồ của Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam và vi phạm các thỏa thuận quốc tế. Do đó trong trường hợp đảng còn đang rụt rè tránh né, chuyện quốc hội phải ăn nói thế nào cho nhân dân ít phẫn nộ và nhất là cố gắng làm đẹp lòng Bắc Kinh như lâu nay quả là một chuyện khó. Vì thế chọn thái độ câm lặng cố đấm ăn xôi có vẻ là thái độ “trí tuệ” nhất dù là quốc hội hay “cuốc hội”. Trong khi trí thức, nhân dân mong chờ một thái độ cứng rắn của đảng và quốc hội thì quốc hội đang ngậm miệng chờ đảng như vị cứu tinh trong tinh thần mà Đại biểu Dương Trung Quốc đã nói “đảng quyết rồi thì quốc hội bàn làm chi nữa”. Nhưng chuyện khó của quốc hội ngày nay - lỡ được đảng phong cho là cơ quan quyền lực cao nhất - suy ra cũng là chuyện khó của đảng, làm sao tránh được hai chữ “hảo nô” mà không làm cho “hảo chủ” nổi giận. Phạm Nhật Bình
......

Bóng Tối không nhốt được Ánh Sáng

Từ màn đêm mênh mông này chúng tôi đứng dậy Đứng dậy trên cái bóng cô đơn của mẹ VN (Chúng tôi đưa mặt trời lên quê mẹ - Hương Giang) Khi thực dân Pháp xử tử 13 chí sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên Bái, người Pháp đã rúng động trước sự dũng cảm và tinh thần ái quốc của tuổi trẻ Việt Nam. Mười ba người anh hùng trở thành bất tử ngay phút giây tiếng hô “Việt Nam vạn tuế” của họ vang lên dưới lưỡi máy chém của kẻ xâm lược. Khi CSVN ra lịnh bắt cóc và tống giam một loạt 14 thanh niên yêu nước, dù ngỡ ngàng tôi vẫn nhìn thấy ánh sáng của hy vọng từ những người trẻ này trong cái màn đêm mênh mông của đất nước mình! Chắc chắn con số 14 chỉ là con số chúng ta nhìn thấy được. Tôi vẫn tin rằng người ta khó có thể giam nhốt được ánh sáng. Quả vậy, từ ấy đến nay nó vẫn toả ra từ song sắt các trại tù, từ thái độ và cách hành xử của các thanh niên ấy, điển hình là các anh Trần Minh Nhật, Trần Hữu Đức, Paulus Lê Sơn v.v… Việt Nam không khác các thể chế độc tài khác, đã từ lâu khủng bố bao trùm lên tâm trí con người, lên toàn xã hội. Nó được áp giải bởi những bản án phủ xuống đầu những người lương thiện và vô tội. Năm 2013, mười bốn thanh niên ưu tú của đất nước đã phải gánh chịu một bản án được coi là “vụ án lật đổ chính quyền” lớn nhất vào thời điểm đó. Trong bài viết này, tôi đặc biệt muốn nhắc đến ba thanh niên bị lãnh án nặng nhất. Nguyễn Đặng Minh Mẫn là một thiếu nữ trong ba người ấy. Nếu sự can trường của nàng chủ Thánh Thiên ngày xưa đã khiến cho hào kiệt ba xứ Hải Đông phải tìm về quy phục, thì chúng ta cũng tìm thấy sự can trường ấy ở Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Là một thiếu nữ nhỏ nhắn, nhưng cô đã khiến cho quản giáo và bạn tù suốt nhiều dãy phòng của trại giam B34 phải nể phục. Sau 40 năm, nhiều người Việt Nam đã quên mất rằng mình đang đứng trên cái di sản bất khuất của lịch sử. Nguyễn Đặng Minh Mẫn không quên điều đó, và chính điều này đã khiến cô trở thành “một người khổng lồ” để những người khác có thể dựa vai. Từ tháng 9/2013 đến nay, biết bao nhiêu lần bị biệt giam vẫn không khuất phục nổi người thiếu nữ nhỏ nhắn, nhu mì, nhưng bất khuất đó. Học làm nghề thẩm mỹ, nhưng Minh Mẫn còn là một ký giả nhiếp ảnh cổ võ cho công bằng xã hội và nhân quyền. Cô đã đi đến tận những nơi có bất ổn xã hội, hay những cuộc biểu tình chống Trung Cộng để chụp hình đăng tải trên mạng, tạo chú ý cho các sự kiện này. Gia đình tổng cộng có 4 người thì hết cả ba đã bị bắt và bị kết tội với điều 79 bộ luật hình sự “âm mưu lật đổ chính quyền”: bản thân cô, anh trai và người mẹ. Thoạt nghe đến vụ án, tôi nghĩ ngay đến hai người phụ nữ Việt Nam trong gia đình ấy. Chắc hẳn ngày xưa, trong những câu ru của người mẹ không đơn thuần chỉ có những cánh cò cánh vạc. Một lần, quản giáo trại giam bắt được hàng chữ cô viết cho mẹ trên cái bo cơm. Biết mẹ đang bị giam trên lầu, và với cái ước mong - một lần nào đó cái bo cơm sẽ mang được nỗi thương nhớ đến mẹ, cô viết : “Bé Ty nhớ má wá” (bé Ty là tên ở nhà của cô). Minh Mẫn bị lệnh biệt giam 15 ngày. Hết hạn, quản giáo buộc cô phải viết đơn xin tha. Minh Mẫn không đồng ý vì cho rằng họ tuỳ tiện bắt giam thì phải tự ý thả, cô nhất quyết không làm đơn xin. Lần lữa đến hết một tháng ròng, quản giáo cuối cùng đành phải thả cô ra. Án của người thiếu nữ kiên cường này là 8 năm tù giam và ba năm quản chế. Cô hiện đang bị buộc phải lao động cực nhọc tại Trại Số 5, Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Vào ngày 13 tháng 4 vừa qua, theo gia đình cô cho biết Minh Mẫn lại bị kỷ luật, không được nhận thăm nuôi và thăm gặp gia đình. Cô bị biệt giam một lần nữa vì đã phản kháng lại các cán bộ trại giam. Người thứ hai là anh Phero Hồ Đức Hòa, một người con thuộc Giáo xứ Yên Hòa – hạt Thuận Nghĩa – Giáo phận Vinh. Anh bị bắt và bị khép tội là một trong những người cầm đầu. Những ai biết đến Hồ Đức Hoà đều rất mực quý mến và tôn trọng nhân cách của anh. Đó là một người sống cho tha nhân, người hiểu được khổ nạn và hạnh phúc khi vác thập tự trên đôi vai của mình. Là một cử nhân quản trị doanh nghiệp, cử nhân tài chính, kế toán, anh sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp và là giám đốc công ty chứng khoán Trần Đình. Ngày Hồ Đức Hoà sống ở Giáo xứ Yên Đại – Giáo hạt Cầu Rầm - Giáo phận Vinh, tệ nạn hút chích tràn lan mà chính quyền sở tại gần như phải bó tay. Anh đã không ngại nguy nan, không màng dị nghị, không phân biệt sang hèn, anh lao vào giúp đỡ những thanh niên cơ nhỡ cai nghiện. Anh đứng ra tự lực tìm cách đưa các thanh niên này về quê để cách ly họ khỏi môi trường cám dỗ gây tái nghiện. Đặc biệt đối với Trung tâm Khuyết Tật 19-3, anh đã cống hiến hết khả năng, công sức, để gây quỹ xây dựng mới cơ sở, gây quỹ học bổng và quỹ ẩm thực cho các em khuyết tật tại Trung tâm được ăn học như các em khác ở bên ngoài. Ngay khi còn là sinh viên, anh tự nguyện dạy kèm miễn phí cho các em học sinh cấp 2 và cấp 3 ở gần nơi anh trọ học. Vào những kỳ hè anh đứng ra sắp xếp, kêu gọi các anh chị em sinh viên cùng về quê dạy hè. Giúp các em học sinh ở quê hệ thống lại kiến thức văn hóa; đồng thời, ôn tập các bài học giáo lý và đạo đức sống với một tinh thần cộng đồng trong sáng và lành mạnh. Anh đã từng tham vấn và trực tiếp hoạt động trong các đề án Andervar cho các vùng nông thôn sâu xa, đặc biệt về các kế hoạch dự án nước sạch. Với tổ chức Hữu nghị Công Giáo Việt Nam -Tây Ban Nha, anh đã tận tụy hỗ trợ nhiều địa phương thực hiện các hệ thống điện-đường-trường-trạm. Anh còn là người đồng sáng lập ra “quỹ phát triển con người” để giúp đỡ các em sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, và phát xe lăn cho những người bị tật nguyền. Dù đã gần 40 tuổi, Hồ Đức Hoà vẫn còn độc thân, khi những em sinh viên hỏi đùa anh về chuyện lập gia đình, anh tâm sự: “Giáo hội và xã hội đang cần anh, sao anh bỏ mà đi lập gia đình được, lập gia đình rồi sẽ khó làm việc hơn đó các em ạ”. Hồ Đức Hoà là một người anh lớn, một tấm gương sáng cho cộng đồng và các thế hệ tương lai. Trong một bài viết về anh, một em ở Trung Tâm Khuyết Tật 19-3 đã viết như sau: “Anh Hòa ơi, chúng em đang cần anh, và trong lúc đợi anh về thì đang nhắc nhau về những tấm gương sáng của anh cho cả nhóm”. Vào 16 giờ chiều ngày 9/1/2013, toà án Nghệ An đã tuyên án anh và anh Đặng Xuân Diệu hai bản án nặng nhất: 13 năm tù giam và 5 năm quản chế. Anh Phanxico Xavie Đặng Xuân Diệu là một kỹ sư xây dựng, tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng. Là một giáo dân thuần thành của giáo phận Vinh, Đặng Xuân Diệu còn là thành viên và phó nhóm Bảo Vệ Sự Sống Jean Paul II. Anh tham gia ký tên chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên, biểu tình kêu gọi thả Ts Cù Huy Hà Vũ, biểu tình chống TQ xâm lược… Anh cũng góp sức rất nhiều vào những công tác xã hội như vận động cứu trợ nạn nhân bão lụt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, vận động giúp xe lăn cho những bà con khuyết tật, vận động học bổng cho các em học sinh nghèo… Tháng 9/2014 gia đình và bạn bè đã bàng hoàng khi nhận được tin do những đấu tranh quyết liệt trong tù, Đặng Xuân Diệu đã bị bạo hành và ngược đãi tàn tệ đến nỗi sợ mình không vượt qua được; anh đã gởi lời trăn trối đến người mẹ già thân yêu đang mòn mỏi đợi chờ. Theo người bạn tù Trương Minh Tam, điều làm anh khâm phục nhất là ý chí kiên cường đấu tranh vì quyền lợi cho các tù nhân khác của anh Diệu. Khi anh Diệu vào buồng giam kỷ luật, tù nhân không được đánh răng, rửa mặt, … Đi vệ sinh không có giấy vệ sinh để lau chùi, toàn bộ chất thải của họ để sát bên cạnh và họ phải sống chung với nó suốt mười ngày. Họ hít thở trong một bầu không khí ô nhiễm. Trong đó, họ không được đọc báo, không được xem tivi, không được thăm gặp gia đình. Hằng ngày, cán bộ trại giam đưa thức ăn và chút nước rất bẩn thỉu để uống. Khi biết điều này, anh Diệu đã tuyệt thực 10 ngày dù phải ở trong điều kiện khắc khổ của buồng kỷ luật. Anh đã làm đơn yêu cầu trại giam phải bỏ ngay những biện pháp đối xử với con người không bằng một con vật. Sau đó, trại giam đã chấp nhận ý kiến đề xuất của anh và nới lỏng cho anh em tù trong một số vấn đề như: mỗi ngày anh em được đánh răng và rửa mặt; vào mùa hè khi nóng quá có thể lấy khăn mặt lau qua người và làm như vậy hai lần trong một ngày. Đặng Xuân Diệu không cho mình là một tù nhân, ngay từ ngày nhập trại anh đã không chịu mặc áo tù. Anh cương quyết đấu tranh cho lẽ phải dù có bị nhục mạ, đánh đập. Những điều anh nhắn với mẹ già qua anh Trương Minh Tam đã tỏ rõ ý chí của anh: “Con xin lỗi Mẹ, là người con út trong nhà, Cha mất sớm, hơn 30 năm nay, Mẹ mang trọng bệnh, gia cảnh thì không có gì, đáng ra con phải chu toàn nghĩa vụ làm con, nhưng Đất nước còn lắm nhiễu nhương, Con đã chọn con đường dấn thân cho Dân Tộc cho Tổ Quốc và bị cầm tù vì đi ngược với quan điểm của nhà cầm quyền. Con tin rằng một ngày không xa nữa con sẽ được về cùng Mẹ, Mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe, chờ tin vui, cầu nguyện cho Con nhiều, Con cũng luôn cầu nguyện cho Mẹ và chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau Mẹ nhé”. Anh cùng với anh Hồ Đức Hoà bị khép tội là những người cầm đầu. Quả thật, các anh xứng đáng là con chim đầu đàn của thế hệ hôm nay. Sự quyết tâm chấp nhận đớn đau, tủi nhục và thậm chí là mất cả mạng sống để đất nước và các thế hệ tương lai có cơ hội được làm Người. Các anh chính là điều mà lãnh đạo cộng sản e sợ. Họ sợ thứ ánh sáng lan toả từ những thanh niên bất khuất này nên giam nhốt và đày đoạ họ bằng những năm dài tù tội; với chủ đích đánh xập tinh thần bất khuất của cả người trong lẫn người ngoài tù !? Tuy nhiên tiếp nối họ, người ta nhìn thấy những người trẻ đang góp mặt càng ngày càng đông trong những cuộc xuống đường đòi quyền bảo vệ lãnh thổ, đòi tự do, nhân quyền; bất chấp những đánh đập tàn bạo càng lúc càng gia tăng. Nhìn Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang Tuyến… chúng ta có quyền tin rằng ngoài kia đang có hàng ngàn những bước chân đồng đội của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Đức Hoà và Đặng Xuân Diệu.
......

Đặc ủy nhân quyền Đức gặp tín đồ PGHH Miền Tây

GNsP (10.06.2015) – Sài Gòn – “Chúng tôi đã gởi cho phái đoàn [Đức] hồ sơ các tù nhân lương tâm (TNLT) là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) đang còn bị giam giữ, cùng các hồ sơ vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền và những tài liệu này rất hữu ích cho phái đoàn hiểu thêm về hoàn cảnh của PGHH”. Ông Nguyễn Bắc Truyển cho biết như vậy sau khi gặp ông Christoph Strasser, Đặc ủy Nhân quyền Liên bang Đức tiếp tại Tổng lãnh sự quán Đức ở Sài Gòn. Cùng tiếp phái đoàn PGHH Miền Tây còn có bà Stefanie Seedig, phụ trách vùng Đông Nam Á thuộc bộ Ngoại giao Đức, và ba nhân viên khác thuộc bộ Ngoại giao Đức. Phái đoàn PGHH Miền Tây có ông Nguyễn Bắc Truyển (điều phối viên Hội Ái hữu tù nhân tôn giáo và chính trị), cùng vợ là bà Bùi Thị Kim Phượng, bà Mai Thị Dung (TNLT) và ông Võ Văn Bửu, chồng bà Dung. Để đến được với cuộc gặp này, đoàn PGHH Miền Tây đã phải có rất nhiều cố gắng thoát qua sự canh phòng và ngăn cản của công an VN. Ông Truyển kể: “Từ sáng ngày 08.06, tôi và Phượng đã rời khỏi nhà từ rất sớm, nên mặc dù bị mật vụ canh nơi ở trọ hai ngày 8 và 9 tháng 6, nhưng tôi và Phượng vẫn đến nơi hẹn an toàn vào lúc 14:00 ngày 09.06. Ngoài ra, còn có Dung và Bửu cũng thoát được sự canh gát của mật vụ lên Sài Gòn tham dự buổi gặp”. Như vậy chỉ quanh quẩn trong Sài Gòn, nhưng hai phái đoàn phải mất 36 tiếng di chuyển mới có thể đến được nơi gặp cách an toàn. Về nội dung và diễn tiến buổi làm việc, ông Truyển cho biết: “Ông Đặc ủy đã hỏi thăm về hoàn cảnh của các tín đồ là tù nhân lương tâm sau khi rời nhà tù. Việc đàn áp của chính quyền đối với các tín đồ PGHH độc lập. Hỏi thăm sức khỏe của Dung. Chúng tôi trình bày với phái đoàn về trường hợp của Dung, Bửu, gia đình Phượng, vụ án chị Bùi Thị Minh Hằng, Minh và Thúy Quỳnh, và gởi nhiều tài liệu, hồ sơ liên quan đến các vụ đàn áp tín đồ PGHH và tù nhân lương tâm. Chúng tôi cũng cám ơn bộ Ngoại giao Đức, ông Frank Heinrich – Dân biểu LB Đức, VETO (Đức quốc) đã can thiệp hữu hiệu cho Mai Thị Dung, giúp Dung được rời nhà tù trước 16 tháng. Ông Đặc ủy cũng cho biết là ông có biết chuyến thăm của ông báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo của LHQ vào tháng 07.2014 đã gặp nhiều khó khăn do sự cản trở của nhà cầm quyền. Ông cũng đặt nhiều câu hỏi, trong đó có câu hỏi vì sao nhà cầm quyền công nhận PGHH mà lại đàn áp các tín đồ PGHH? Chúng tôi đã gởi cho phái đoàn hồ sơ các TNLT là tín đồ PGHH đang còn bị giam giữ, Hồ sơ vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền, Bản lập trường của tín đồ PGHH về tình hình của đạo PGHH trong 40 năm qua, Bản tuyên bố của tín đồ PGHH về dự thảo luật Tôn giáo, Hồ sơ vụ án chị Hằng… và những tài liệu này rất hữu ích cho phái đoàn hiểu thêm về hoàn cảnh của PGHH. Đoàn Đức đề nghị được sử dụng hình ảnh của buổi gặp cho truyền thông, chúng tôi đồng ý”. Được biết trong hai năm 2008-2009, Bộ Phát triển Đức viện trợ mới cho Việt Nam 117 triệu euro. Đức sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực xử lý nước và rác thải tại các đô thị tăng trưởng nhanh và giúp đỡ những dự án bảo vệ rừng. Trong những năm gần đây, Đức đã quan tâm hơn đến những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, và đã trực tiếplên tiếng bảo vệ những nhà hoạt động và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam. Cùng sự kiện, chiều ngày 09.06, anh Phạm Bá Hải, Điều phối viên Hội cựu tù nhân lương tâm cùng được mời gặp ông Christoph Strasser, Đặc ủy Nhân quyền Liên bang Đức tiếp tại Tổng lãnh sự quán Đức ở Sài Gòn, nhưng khi rời khỏi nhà để đến cuộc hẹn thì một nhóm công an an ninh bốn cấp (Bộ công an, TpHCM, huyện Hóc Môn và khu vực) canh giữ trước cửa nhà, đã đuổi theo ép anh Phạm Bá Hải quay về nhà. Trước đó một ngày, an ninh đã vào nhà gặp anh Phạm Bá Hải, thông báo rằng sẽ cấm không cho đi gặp ông Cao ủy trưởng Nhân quyền của Đức. Được biết, ông Christoph Strasser đã đến Việt Nam từ 03 đến 09.06, vừa đển làm việc chính thức với nhà cầm quyền Hà Nội vừa để gặp trực tiếp các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Ông Christoph Strasser đã tiếp xúc với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm, thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam – MLBVN) ngay sau ngày blogger Phạm Thanh Nghiên và các thành viên MLBVN bị hành hung ở Hải Phòng. Cũng tại Hà Nội ông Christoph Strasser đã gặp anh Nguyễn Chí Tuyến (blogger Anh Chí, người bị an ninh giả côn đồ đánh giữa Hà Nội), luật sư Nguyễn Văn Đài (TNLT) và tiến sĩ Nguyễn Quang A. GNsP
......

Khủng bố mất hiệu quả: Trường hợp 14 Thanh Niên Yêu Nước

Trên các trang mạng xã hội gần đây có một số bài viết về hai vấn đề khác nhau. Vấn đề thứ nhất là tính cách bất hợp pháp của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) được luật sư Lê Công Định chứng minh trong một bài viết ngắn nhưng rõ ràng và súc tích (1). Vấn đề thứ hai là cái đảng bất hợp pháp đó lại hạnh hoẹ công dân Việt Nam về việc họ tiếp xúc với một đảng chính trị khác (2). Nói rõ hơn là, an ninh CSVN hoạnh hoẹ một số các nhà hoạt động xã hội, sau khi họ tham dự khóa học về công cụ truyền thông “Story Maker” do Đài Á Châu Tự do, Tổ Chức Hiến Chương 19 và đảng Việt Tân đồng tổ chức. Cũng tham dự khoá huấn luyện, cũng do đảng Việt Tân (đồng) tổ chức; chuyện này khiến người ta nhớ lại cuộc đàn áp, khủng bố của CSVN kéo dài suốt từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2011 trên khắp ba miền đất nước sau khoá huấn luyện “Đấu Tranh Bất Bạo Động” (do Việt Tân tổ chức), và trở thành một tin nóng (vụ án14 thanh niên Công Giáo) tràn ngập trên khắp các cơ quan truyền thông Việt ngữ cũng như thế giới. Nếu dùng công cụ tìm kiếm Google với từ khoá rõ ràng, không lẫn lộn, chẳng hạn như “vụ án 14 thanh niên công giáo” kết quả sẽ là 1,500,000 (0.40 seconds), hoặc bằng tiếng Anh với từ khoá “vietnam prison sentences of 14 activists” sẽ ra kết quả 1,370,000 (0.41 seconds), cho thấy vấn đề này “nóng” và được sự quan tâm của người Việt cũng như thế giới như thế nào! 14 thanh niên này bị bắt theo kiểu bắt cóc của quân khủng bố, sau đó bị kết án tổng cộng 83 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự, vì các hoạt động ôn hòa cổ xúy cho dân chủ, chống lại bất công xã hội, và phản đối Trung Quốc xâm lược. Ba người bị án tù nặng nhất là:     Ông Đặng Xuân Diệu: blogger và kỹ sư xây dựng cầu đường (13 năm tù giam và 5 năm quản chế)     Anh Hồ Đức Hoà: tốt nghiệp Đại học Ngoại Ngữ khoa tiếng Anh, là một blogger, một doanh nhân, hoạt động cộng đồng và xã hội (bị kết án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế)     Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn là một ký giả nhiếp ảnh. Với chức năng ký giả, cô ghi lại và chuyển tải hình ảnh trung thực của những biến cố xã hội đáng quan tâm, điển hình như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc (cô bị kết án 9 năm tù giam và 3 tháng quản chế). Trong một bài viết trên báo New York Times ngày 9/1/2013 (3), ký giả Seth Mydens đã nhận định rằng, đây là cuộc khủng bố lớn nhất của CSVN trong những năm vừa qua nhắm vào các blogger và những nhà hoạt động xã hội. Khủng bố và tuyên truyền ngu dân vốn vẫn là hai vũ khí song hành và đắc dụng của các nhà cầm quyền cộng sản để trị dân. Từ khi internet thịnh hành thì tuyên truyền ngu dân không những ngày càng mất tác dụng mà còn tạo phản ứng ngược. Thế nhưng, với các công cụ bạo lực trong tay, từ hệ thống luật pháp đến công an, toà án, nhà tù, liệu rằng “vũ khí” khủng bố của CSVN còn tác dụng không? Vụ án 14 thanh niên yêu nước có lẽ là một “case study” để khảo sát điều này, khi người ta kiểm điểm lại phản ứng của cộng đồng Việt Nam (trong và ngoài nước), của gia đình các đương sự, của chính các đương sự và của thế giới. Phản ứng của cộng đồng Phản ứng này được thấy rõ ràng nhất trong những ngày xử án và tiếp diễn sôi nổi suốt mấy tháng sau đó cho đến tận nay. Hàng trăm đồng bào, người từ miền Nam ra, kẻ từ miền Bắc vào, người từ miền Trung đến,.... vượt qua đủ loại ngăn chặn dọc đường của công an để dự phiên toà được gọi là “công khai”, nhưng tất cả đều bị hàng rào an ninh dày đặc chặn ở phía trước toà án. Hình ảnh hơn 700 đồng bào đứng dưới mưa cầu nguyện trước toà án, có lẽ đã quá đủ để cho thấy sự ủng hộ của quần chúng đối với những thanh niên yêu nước, chuộng công bằng, công lý như thế nào rồi. Tiếp theo là những buổi thắp nến cầu nguyện liên tiếp diễn ra ở nhiều cộng đồng trong cũng như ngoài nước, kéo dài suốt mấy tháng. Song song là những cuộc vận động mang tính cách ngoại vận tại những sứ quán các quốc gia có ảnh hưởng ở trong nước, cũng như vận động chính giới, dân biểu, nghị sĩ, của cộng đồng hải ngoại. Đã có 28,400 người ký tên vào Bản Lên Tiếng đòi hỏi CSVN phải thả vô điều kiện cho họ. Trong số này có chữ ký của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Đức Giám Mục Cao Đình Thuyên, Hòa Thượng Thích Không Tánh, Cụ Lê Quang Liêm, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng… và rất đông các vị Linh Mục thuộc Giáo phận Nghệ An cũng như các nhà đấu tranh dân chủ. Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc giáo phận Vinh cũng đã ra bản tuyên bố lên án việc bắt giữ nhóm thanh niên này là trái với luật lệ và Hiến pháp hiện hành của Việt Nam. Bản tuyên bố cũng lên án việc chính quyền không cho phép người thân của các thanh niên trên được gặp mặt thân nhân của họ. Phản ứng của gia đình Thời gian nhà cầm quyền CS có thể bóp chặt nhân dân trong bàn tay sắt máu của họ đã có những chuyện đau lòng như bố mẹ, thân nhân của những người trốn nghĩa vụ quân sự phải đi tố cáo nhà cầm quyền con em của họ, để không bị mất sổ gạo. Trong những năm gần đây, từ khi bùng nổ những cuộc đấu tranh yêu nước chống Trung Quốc xâm lược, chống bách hại tôn giáo, chống cưỡng chế dân oan,... thân nhân của những nạn nhân bị nhà cầm quyền bắt bớ, giam cầm, hầu hết đều đứng về chính nghĩa với con em của họ. Thân nhân của thanh niên yêu nước trong vụ án này cũng vậy. Họ không những không còn sợ sự khủng bố của đảng, mà còn tự hào về những việc làm của con em mình. Chẳng hạn như ông Trần Đức Trường, cha của anh Trần Hữu Đức, một trong số các thanh niên bị kết án, đã có cơ hội nói với đài RFA rằng: «Gia đình nói thật rất tự hào về việc làm của con mình, hành động con cái là hoàn toàn đúng. Hành động con cái đã nói lên được tiếng nói từ lương tâm, tức là đã làm được những việc có ích cho xã hội.». Hay như anh Hồ Văn Lực, người nhà của anh Hồ Đức Hòa, sau cuộc vận động tại tòa đại sứ Canada đã cho biết rằng, đại diện các gia đình đã trình bày việc 14 anh em bị nhà cầm quyền bắt giữ là trái phép, cũng như đã nhắc tới việc được nhiều người yêu công lý-sự thật trong và ngoài nước ký tên ủng hộ trong Bản Lên Tiếng yêu cầu thả 14 thanh niên Công Giáo. Phản ứng của chính các đương sự     Phiên xử phúc thẩm các Thanh niên Yêu nước Do sự ngăn cản của công an không cho thân nhân các bị cáo vào toà án, nên sự ghi nhận về phản ứng của các thanh niên yêu nước trong vụ án có thể không được đầy đủ. Tuy nhiên, người ta biết anh Trần Minh Nhật đã tỏ thái độ khí khái ngay trong phiên toà qua câu nói: “Tôi không có tội nên nhà cầm quyền Việt Nam muốn bỏ tù hay làm gì thì cứ tùy thích.” Tương tự, anh Đặng Xuân Diệu đã nói trước toà rằng: “Tôi không làm bất cứ điều gì trái với lương tâm nên dù nhà cầm quyền có dùng nhục hình và bản án nặng nề để hại tôi thì chính quyền đang dẫm đạp lên đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam và đó là chuyện của họ, họ phải tự chịu trách nhiệm.” Thanh niên yêu nước Thái Văn Dung cũng mạnh mẽ lên tiếng “Nếu Việt Nam có dân chủ thì tôi phải được trả tự do ngay bây giờ”. Phản ứng của thế giới Sau phiên toà phi pháp xử các thanh niên yêu nước, một làn sóng phản đối nhà cầm quyền CSVN đã dâng tràn khắp thế giới. Đặc biệt là các tổ chức quốc tế đấu tranh cho nhân quyền, nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO), chính giới, dân biểu, nghị sĩ tại các quốc gia dân chủ.     Bản tin ngày 09/1/2013 của hãng thông tấn Reuters đăng bản thông cáo của tổ chức Human Rights Watch về vụ án 14 thanh niên yêu nước với khá nhiều chi tiết về điều bị nhà cầm quyền cộng sản coi là “tội” của của mỗi nạn nhân. Chẳng hạn như ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hoà cùng với Paulus Lê Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, bị cáo buộc là đã tham gia viết trang mạng “Báo Không Lề” để cung cấp tin tức và bình luận về những điều bị cấm đề cập đến trên báo chí nhà nước. Hay như Bà Đặng Ngọc Minh và con là cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn “có tội” đã viết những chữ “HS – TS – VN” (Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam) để đánh động tinh thần yêu nước của quần chúng trước sự xâm lăng biển đảo của Trung Quốc. v.v...     Ngay sau phiên toà đầu tiên xử 14 thanh niên yêu nước, trong một bản thông báo ra ngày 11/9/2011, Văn Phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lo ngại trước bản án dành cho 14 nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam. (4)     Hơn một năm sau, ngày 27/08/2012, 12 tổ chức quốc tế đã gởi thư ngỏ đến Thủ tướng CSVN yêu cầu thả tức khắc cho 17 thanh niên yêu nước, đồng thời xóa bỏ mọi cáo buộc đối với 17 bloggers và nhà hoạt động xã hội bị công an bắt giữ tùy tiện từ tháng 07/2011. Trong số các tổ chức NGO đó có: Human Rights Watch, ACAT France, Access Now, Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Media Legal Defense Initiative, International Freedom Of Expression, Electronic Frontier Foundation, Front Line Defenders, Southeast Asian Press Alliance SEAPA, v.v…     Trước đó, vào hôm 12/03/2012, 9 tổ chức phi chính phủ cũng đã gởi cho Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng một bức thư ngỏ với mục đích tương tự, yêu cầu Việt Nam thả và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với 5 trong số 17 người bị bắt là Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh và Paulus Lê Sơn.     Ngày 12/3, dân biểu Quốc hội Canada, ông Wayne Marston, đã gửi thư cho Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi phóng thích 14 thanh niên yêu nước cùng những nhà bất đồng chính kiến khác tại Việt Nam. Trong thư, dân biểu Marston nhắc nhở Việt Nam trách nhiệm phải thực thi các cam kết tôn trọng nhân quyền với quốc tế và đồng thời khuyến cáo rằng thế giới đang theo dõi thành tích nhân quyền của Hà Nội. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam giờ đây không còn có thể che mắt quốc tế về các vi phạm nhân quyền được nữa.     Ngày 25 /7/2012, Giáo sư Allen Weiner, đồng giám đốc Chương trình Stanford luật quốc tế và luật đối chiếu thuộc luật khoa Đại học Stanford, đã đệ trình lên Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về bắt giữ tùy tiện UNGWAD, thay cho các thanh niên yêu nước đang bị giam cầm.     Chương trình phát thanh ngày 28/8/2012, đài Á Châu Tư Do đã phát đi bài viết của Thanh Trúc, tường trình từ Thái Lan, cho biết, bên cạnh những tổ chức NGO đã lên tiếng đòi lại công lý cho 14 thanh niên yêu nước như đã nêu ở trên, bà Nani Jansen, cố vấn pháp lý của tổ chức Media Legal Defense Initiative, cũng đã yêu cầu thả những thành viên bloggers mà theo quan điểm của bà thì họ bị bắt một cách bất hợp pháp vì đã sử dụng quyền tự do ngôn luận.     Từ Bangkok, bà Gayathry Venkisteswaran, Giám đốc điều hành SEAPA, tức Southeast Asian Press Alliance – tức Liên minh Báo chí Đông Nam Á cũng gửi một thư ngỏ đến nhà cầm quyền CSVN bày tỏ sự quan ngại là: “Việt Nam đã áp dụng những điều luật mơ hồ, nếu không muốn nói là hồ đồ, để làm cái cớ bắt giữ và bịt miệng những người không nói không nghĩ theo mình. Đó là phạm luật, là chà đạp quyền và lợi ích của công dân.”     Từ Dublin, Ireland, giám đốc Phòng Báo Chí và Liên Lạc của Front Line Defenders, ông Jim Loughran, cho rằng đàn áp và bạo lực là điều thường xảy ra đối với những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam mà “Điển hình của chuyện này là nhóm 17 người đã bị bắt và đang bị cầm tù, họ là bloggers, là công dân làm báo, là những nhà hoạt động trong cộng đồng”.     Logo của một số tổ chức nhân quyền lên tiếng đòi thả các Thanh niên Yêu nước Kết luận Trong “Đèn Cù”, nhà văn Trần Đĩnh viết khá nhiều về không khí khủng bố gờn gợn bao trùm khắp nước với nhiều hành vi đàn áp, bắt bớ trong suốt những thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước, trong nhiều chiến dịch khủng bố của nhà cầm quyền việt cộng. Lúc đó chưa có Human Rights Watch, chưa có các tổ chức phi chính phủ của thế giới chú ý đến Việt Nam, chưa có internet,v.v... nên các nạn nhân không còn cách nào hơn là chịu sự trù dập tàn tệ, hay tù ngục không biết bao giờ ra. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, với sự bắt buộc phải hội nhập vào thế giới bên ngoài, CSVN không còn có thể tự tung tự tác được nữa. Tuy rằng các nạn nhân của chế độ vẫn nhất thời bị giam cầm, tù ngục, nhưng họ không bị cô đơn như những nạn nhân của chế độ, được nhà văn Trần Đĩnh lột tả trong tác phẩm của ông. Sự ủng hộ của thân nhân, của gia đình, của cộng đồng trong và ngoài nước đối với 14 thanh niên yêu nước, được đưa ra trong bài này, là một “case study”, để thấy rằng, “vũ khí” khủng bố của nhà cầm quyền Hà Nội nay đã giảm tác dụng rất nhiều. Những ủng hộ của gia đình các nạn nhân, của đồng bào trong nước và cả ở bên kia bờ đại dương, của thế giới, đã tạo nên một thế liên hoàn, vừa có tác động giữ vũng tinh thần của các nạn nhân (đặc biệt là đã phá vỡ thế bao vây kinh tế gia đình các nạn nhân của chế độ), vừa có tác động tạo nên sức ép nặng nề lên chế độ. Trường hợp của 14 thanh niên yêu nước diễn ra gần như cùng lúc với sự đối kháng của những người trẻ khác như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh Hạnh,... lại càng trở nên quan trọng, vì nó tiêu biểu cho sự đối kháng của thế hệ trẻ đối với chế độ. Xin mượn 4 câu thơ của blogger Vũ Bất Khuất nói về sự khí khái của giới trẻ đấu tranh để kết thúc bài viết này. “Bắt thì bắt, không sợ. Tù thì tù, đã sao. Tôi nói vì yêu nước, Yêu quốc dân, đồng bào.” - - - Ghi chú: 1. https://www.facebook.com/viettan 2. https://www.facebook.com/tao.vovan.1?fref=ts 3. http://www.nytimes.com/2013/01/10/world/asia/activists-convicted-in-viet... 4. http://danluan.wordpress.com/2013/01/11/van-phong-cao-uy-nhan-quyen-lien...
......

Nhật Bản và G7 trong vụ Biển Đông

Liên tiếp trong hai năm 2014 và 2015, bảy cường quốc có nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Ý, Nhật Bản, Gia Nã Đại đã họp thượng đỉnh G8 đã không có sự tham dự của Nga. Nói cách khác là Nga đã và đang bị “cô lập” vì vấn đề Ukraine. Hội nghị G7 năm nay, họp tại thành phố Kruen, miền Nam Đức vào hai ngày 7 và 8 tháng 6. Tại hội nghị các Ngoại trưởng G7 vào tháng 4/2015 nhằm chuẩn bị cho Thượng Đỉnh Kruen 2015 tại Lubeck, Đức, Ngoại trưởng Kishida của Nhật yêu cầu đưa vấn đề Trung quốc muốn thay đổi hiện trạng ở biển Đông bằng sức mạnh quân sự vào nghị trình Thượng đỉnh G7. Ngoại trưởng các quốc gia Âu châu trong nhóm G7, tuy lên tiếng chỉ trích những hành động gây ra cuộc khủng hoảng biển Đông của Trung quốc, nhưng không muốn đưa vào nghị trình vì địa lý biển Đông ở quá xa đối với Âu Châu. Hơn nữa mang vấn đề biển Đông ra thảo luận ở Thượng Đỉnh Kruen sẽ không có lợi trong việc mậu dịch với Trung Quốc. Từ thái độ tiêu cực đó các chuyên gia về biển Đông cho rằng khó mà đem vấn đề này vào nghị trình của G7 nói chi đến chuyện ra Nghị quyết chung lên án Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tin là như thế. Tại Thượng đỉnh G7 Kruen, Thủ tướng Nhật, ông Abe, đã tích cực đề nghị thảo luận ba vấn đề: 1/ Tình hình biển Đông trước sự bành trướng quân sự của Trung quốc; 2/ Tìm sự thống nhất của G7 đối với ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung quốc đứng ra thành lập và 3/ G7 sẽ hỗ trợ như thế nào cho Ukraine. Trước khi đến dự Thượng đỉnh G7 Kruen, Thủ tướng Abe đã viếng thăm Ukraine. Tại đây ông Abe đã viện trợ cho Ukraine 1,5 tỷ Mỹ Kim để tái thiết đất nước và hứa sẽ đem vấn đề Ukraine vào nghị trình Thượng đỉnh G7. Thủ tướng Abe làm như vậy để chứng tỏ với Cộng đồng Âu Châu là dù ở Á Châu, Nhật Bản vẫn quan tâm trước tình trạng Ukraine đang bị Nga ức hiếp, không thể viện cớ vì địa lý xa xôi mà làm ngơ trước chuyện ỷ mạnh hiếp yếu của nước lớn. Những việc làm và phát ngôn của Thủ tướng Abe về Ukraine đã làm cho Nga tức giận và có thể gặp trở ngại trong việc đòi lại 4 hòn đảo của Nhật ở phía bắc đang bị Nga chiếm đóng. Thủ tướng Abe chấp nhận cái giá này để làm sao đưa được vấn đề biển Đông ra thảo luận trong Thượng đỉnh G7 2015 tại Kruen. Thủ tướng Abe đã làm theo tính toán của mình và được sự hiệp tác tích cực của Tổng thống Obama Hoa Kỳ nên toàn thể Thượng đỉnh G7 đồng ý đưa vào Nghị trình thảo luận về những sai trái của Bắc Kinh trong việc gia tăng các hoạt động nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông. Trong thông cáo chung, G7 đã ghi rõ quan điểm như sau: “Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, bày tỏ quan ngại đối với bất cứ hành vi đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng tình hình căng thẳng tương tự như việc lấn biển xây đảo quy mô lớn.” Lẽ dĩ nhiên, Bắc Kinh đã lên tiếng phản bác lại những chỉ trích của G7 bằng một giọng điệu cố hữu rằng đó là lãnh hải và lãnh đảo bất khả phân của Trung quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh không coi các nước Âu Châu trong G7 là đối thủ nguy hiểm trong vụ tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông vì những ràng buộc thương mại và mậu dịch với Bắc Kinh, các quốc gia Âu Châu sẽ chỉ lên tiếng chừng mực. Bắc Kinh coi Nhật Bản và Hoa Kỳ mới là đối thủ, trong đó Nhật Bản là đối thủ nguy hiểm của Trung Quốc vì hai lý do: 1/ Nhật Bản sẽ sát cánh với Hoa Kỳ để tìm cách ngăn chận sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang tìm cách bành trướng trong toàn vùng Á Châu - Thái Bình Dương. 2/ Nhật Bản sẽ là con thoi giúp Hoa Kỳ vận động và liên kết các quốc gia nhằm hình thành một liên minh chống Trung Quốc. Với sự vận động thành công trong việc G7 đưa vấn đề biển Đông vào thông cáo chung cho thấy là khả năng vận động và lôi kéo của ông Abe đáng cho Bắc Kinh quan tâm. Hiện nay Bắc Kinh đang cho bộ máy tuyên truyền ào ạt dấy lên phong trào bài Nhật trong mấy ngày vừa qua. Như vậy, trận chiến biển Đông sẽ không chỉ tạo ra những nguy cơ bùng vỡ ở trên biển mà còn có thể gây ra những va chạm trong mặt trận ngoại giao giữa Bắc Kinh và một số quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ.
......

Độc tài kiểu mới

Hiện nay, không ai có thể chối cãi chính quyền Việt Nam là một chế độ độc tài. Tính chất độc tài ấy có ba biểu hiện chính: Thứ nhất, đó không phải chính quyền do dân bầu lên nên không thực sự là “do dân” hay “của dân”, và trên thực tế, nó cũng chẳng bao giờ “vì dân”; thứ hai, mặc dù Việt Nam tự xưng là một “nhà nước pháp quyền”, ở đó, có đầy đủ hiến pháp và luật pháp nhưng tất cả đều chỉ được sử dụng để trấn áp dân chúng, còn nhà cầm quyền thì ở ngoài và ở trên pháp luật; và cuối cùng, thứ ba, chính quyền Việt Nam tìm mọi cách để bóp nghẹt các quyền tự do căn bản của con người, từ tự do ngôn luận đến tự do biểu tình và tự do tham gia các hoạt động thuộc xã hội dân sự cũng như các hoạt động chính trị nằm ngoài khuôn khổ của chế độ. Có điều, chế độ độc tài ở Việt Nam có một số đặc điểm nổi bật cần được nhận diện. Thứ nhất, đó là một chế độ độc tài không có nhà độc tài, hoặc nếu có, diện mạo của các nhà độc tài ấy cũng rất mờ nhạt, không rõ nét. Xin lưu ý là trên thế giới có ba loại độc tài chính: độc tài quân chủ, độc tài quân phiệt và độc tài đảng trị. Đằng sau cả ba loại độc tài ấy bao giờ cũng là một cái gì có tính chất tập thể: hoặc dòng dõi (loại đầu tiên) hoặc quân đội (loại thứ hai) hoặc đảng phái (loại thứ ba). Tuy nhiên, trên cái nền tập thể ấy thỉnh thoảng hiện lên những cá nhân thâu tóm toàn bộ quyền lực và hiện hình như những bạo chúa: Hitler ở Đức, Stalin ở Liên Xô, Augusto Pinochet ở Chile, Francisco Franco ở Tây Ban Nha, Saddam Hussein ở Iraq, Muammar Gaddafi ở Libya, v.v… Với độc tài đảng trị của cộng sản, cũng có những cá nhân nổi bật như vậy: Lenin và Stalin ở Nga, Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, Pol Pot ở Campuchia, anh em Castro ở Cuba và dòng họ Kim ở Bắc Hàn. Riêng ở Việt Nam, trước đây, Lê Duẩn cũng có thể được/bị xem là một nhà độc tài. Tuy nhiên, sau Lê Duẩn thì khác. Quyền lực của các tổng bí thư, từ Trường Chinh đến Nông Đức Mạnh, càng ngày càng giảm sút. Đến Nguyễn Phú Trọng lại càng giảm. Trong khi đó, quyền lực của thủ tướng, đặc biệt của Nguyễn Tấn Dũng, càng lúc càng tăng. Nhưng tăng đến mấy thì vẫn không lấn át hẳn được tổng bí thư. Cho nên có thể nói, trong ba người ở đỉnh cao quyền lực hiện nay, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng, không ai xứng đáng với danh hiệu độc tài cả. Lý do là quyền lực của họ bị chia sẻ, mỗi người một ít, không có ai thực sự có toàn quyền để có thể tác oai tác quái. Bởi vậy có thể nói chế độ ở Việt Nam là một nền độc tài nhưng không có nhà độc tài (dictatorship without dictator). Đó chỉ là một guồng máy chứ không có mặt người. Thứ hai, guồng máy độc tài ấy khá “mềm”. Chữ “mềm” ở đây tôi mượn từ bài “The New Dictators Rule by Velvet Fist” của Sergei Guriev và Daniel Treismanmay. Trong bài viết, hai tác giả này nêu lên hai luận điểm chính: Thứ nhất, trên thế giới hiện nay vẫn còn một số chế độ độc tài khát máu như ở Syria và Bắc Triều Tiên nhưng số lượng các nền độc tài tàn bạo như vậy càng lúc càng hiếm. Theo thống kê, vào năm 1982, 27% các quốc gia độc tài có dính líu đến các vụ giết người hàng loạt; năm 2012, con số ấy chỉ còn 6%. Thứ hai, hầu hết các nhà độc tài được chú ý lâu nay như Vladimir Putin ở Nga, Alberto Fujimori ở Peru, Recep Tayyip Erdogan ở Turkey, Mahathir Mohamad ở Malaysia, Hugo Chávez ở Venezuela, v.v… đều có bàn tay bọc nhung (velvet fist). Guriev và Treismanmay gọi đó là những nhà độc tài mềm (soft dictators). Trong bài “Nhà nước khủng bố”, tôi nêu lên hiện tượng công an Việt Nam thường xuyên sử dụng nhục hình trong các cuộc điều tra dẫn đến chết người như một hình thức khủng bố nhằm làm tê liệt tinh thần phản kháng của dân chúng. Sự kiện ấy có thật và rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu so với trước đây, với cảnh hàng chục ngàn người bị giết chết trong các cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào giữa thập niên 1950 cũng như hình thức trại cải tạo - nơi giam giữ hàng trăm ngàn người sau năm 1975, những sự khủng bố trong các trại tạm giam và tạm giữ hiện nay, tuy vẫn tàn bạo nhưng thành thực mà nói, thưa thớt và nhẹ nhàng hơn nhiều. Biểu hiện và mức độ khác nhau, nhưng bản chất của chế độ thì vẫn là một: độc tài. Một thứ độc tài “mềm”. Cả độc tài “cứng” lẫn độc tài “mềm” đều sử dụng hai biện pháp chính để duy trì quyền lực: khủng bố và dối trá. Sự khác biệt căn bản giữa độc tài “cứng” và độc tài “mềm” nằm ở chỗ: với độc tài “cứng”, khủng bố là biện pháp chính; với độc tài “mềm”, dối trá là biện pháp chính. Xin lưu ý: ở đây chỉ có vấn đề chính hay phụ chứ không phải có cái này thì không có cái kia. Tính chất khủng bố tại Việt Nam hiện nay có ba biểu hiện chính: Thứ nhất là tra tấn đến chết trong các đồn công an; thứ hai là dùng côn đồ hoặc công an giả dạng côn đồ để hành hung những người chống đối, thậm chí, những người chỉ chống đối… Trung Quốc và thứ ba, mang ra toà kết án tù với những lý do vu vơ kiểu trốn thuế hay lợi dụng tự do dân chủ. Tính chất dối trá của các nhà độc tài “mềm” được thể hiện bằng hai biện pháp chính: Thứ nhất là đánh tráo khái niệm. Tất cả các chế độ độc tài, trong đó có chế độ hiện hành tại Việt Nam, đều tự xưng là dân chủ. Để chứng minh nền dân chủ giả vờ ấy, người ta cũng tổ chức bầu cử và cũng đề cao luật pháp. Nhưng bầu cử lại không gắn liền với quyền tự do ứng cử và vận động tranh cử. Hơn nữa, người dân chỉ được quyền bầu cử Quốc hội trong khi Quốc hội lại chỉ là bù nhìn, không có quyền lực gì độc lập cả. Còn cái gọi là “pháp quyền” (rule of law) thực chất chỉ là pháp trị (rule by law), ở đó, pháp luật được sử dụng như một thứ công cụ để trấn áp dân chúng và để lừa dối thế giới. Thứ hai là độc quyền tuyên truyền. Từ thời đổi mới đến nay, chính quyền Việt Nam ít nhiều nới lỏng sự kềm kẹp, cho tư nhân hoá trong khá nhiều lãnh vực, nhưng về truyền thông, họ nhất định không nhượng bộ. Tất cả đều nằm trong tay nhà nước. Để dân chúng chỉ được tiếp nhận một nguồn tin duy nhất, một cách diễn dịch tin tức duy nhất. Ngay trong hệ thống truyền thông nằm trong tay họ, họ cũng áp dụng một chế độ kiểm duyệt rất khắc nghiệt. Những bài vở khác với chủ trương của họ bị cấm đoán. Những người họ xem là phản kháng hay có tinh thần phản biện mạnh mẽ, cho dù viết vu vơ, vẫn bị cấm đoán. Để kết luận, chúng ta có thể nói độc tài “cứng” hay độc tài ”mềm”, độc tài có nhà độc tài hay không có nhà độc tài đều là độc tài. Tự bản chất, chúng không có gì khác nhau cả. Tất cả đều là độc tài. Theo voatiengviet.com
......

Hợp tác quốc phòng giữa CSVN và Hoa Kỳ

Nhằm khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông, chỉ trong vòng một thời gian ngắn Trung Cộng đã dồn mọi nỗ lực bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo. Việc nhanh chóng biến Trường Sa thành những căn cứ không - hải cho thấy là Bắc Kinh không giấu giếm ý đồ khống chế hải lộ này bằng vũ lực, đặt thế giới trước một sự đã rồi. Cách hành xử sai lầm ấy gây ra tình trạng căng thẳng chẳng những trong khu vực mà còn buộc một cường quốc biển từng hiện diện nơi đây suốt 70 năm qua phải hành động. Hoa Kỳ đã lên tiếng và hành động mạnh mẽ, công khai liên kết với các quốc gia trong vùng đẩy mạnh chiến lược xoay trục về Á Châu, nơi mà ngày nay họ thường xuyên bị thách thức. Trong bối cảnh đầy bất trắc, các quốc gia trong vùng đều tìm thấy những phương cách riêng của mình trước hết để phòng thủ và bảo vệ đất nước, sau nữa là đi tìm thế liên minh với các nước khác để tồn tại trước chủ nghĩa bá quyền Trung Cộng. Việt Nam tuy có bờ biển trải dài hàng nghìn cây số nhưng chưa bao giờ chú trọng đúng mức tới lợi thế thiên nhiên của mình về hướng đông. Ngày nay, với sự bành trướng và o ép của người bạn láng giềng “đồng thời là đồng chí anh em trong nhà” sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981, CSVN bắt đầu nhìn thấy con đường “hữu nghị” không những không còn an toàn mà có thể đe dọa sự tồn tại của chế độ từ bên trong. Trong bối cảnh đó, chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ trong hai ngày sau khi dự Diễn Đàn Đối Thoại Shangri-La hôm đầu tháng 6 vừa qua là một diễn biến, đã làm tăng độ lệch về phía CSVN với Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Nói cách khác, chuyến đi của Bộ trưởng quốc phòng Carter đã thúc đẩy CSVN tiếp cận nhiều hơn với Hoa Kỳ. Sự kiện hai bộ trưởng quốc phòng của hai nước ký kết bản tuyên bố “Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ” bao gồm 5 điểm đã mở ra một chân trời mới về những hợp tác cụ thể giữa hai nước trong tương lai. Với vị trí đặc biệt của mình trong bàn cờ chiến lược, sự xích lại gần hơn với Hoa Kỳ chẳng những tạo cho Việt Nam một thế đứng mới trước áp lực Trung Cộng mà còn mở ra ba viễn cảnh quan trọng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thứ nhất, sự hợp tác về quân sự vốn đã có từ nhiều năm qua nay sẽ được củng cố chặt chẽ hơn qua các chương trình như tìm kiếm quân nhân mất tích, tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn. Những chương trình này tuy cũ nhưng vừa được nhắc lại trong tuyên bố chung. Khi tiếp tục cùng nhau làm việc trong những chương trình này, sẽ là cơ hội tìm hiểu và tăng thêm sự gắn bó giữa quân đội hai nước trong tương lai. Trước mắt khi tới thăm Bộ Tư Lệnh Hải quân và Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ông Carter cam kết sẽ cung cấp 18 triệu đô-la để giúp Việt Nam mua tàu tuần tra tối tân của Mỹ hầu cải thiện khả năng phòng vệ biển của Hà Nội. Tại Cảng Hải Phòng, ông Carter cũng khẳng định thêm: “Chúng ta phải hiện đại hoá quan hệ đối tác song phương. Sau 20 năm bình thường hóa bang giao, có rất nhiều điều mà hai nước có thể hợp tác để làm việc với nhau.” Món quà đầu tiên 18 triệu đô-la tuy không phải là lớn so với hơn 400 triệu mà Thượng nghị sĩ McCain hứa vận động viện trợ cho các nước Đông Nam Á gia tăng phòng thủ, nhưng đó cũng là khúc dạo đầu đầy hấp dẫn để tiến tới tương lai. Thứ hai, từ khi Trung Cộng ngang nhiên kéo giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam, Hà Nội sau đó đã hoàn toàn ý thức được rằng lực lượng hải quân của họ sẽ không làm được gì hơn trước Hạm đội Nam Hải hùng mạnh trong vùng. Nay những cuộc diễn tập hàng năm trên biển Đông đầy hứa hẹn với hải quân Hoa Kỳ và hải quân các nước khác, chắc chắn sẽ làm tăng khả năng tác chiến trên biển của hải quân Việt Nam. Từ đó cải thiện khả năng chỉ huy, kỹ thuật hành quân để bảo vệ lãnh hải một khi trong tương lai xảy ra sự đối đầu với Trung Cộng. Thứ ba, sự hợp tác này cũng mở ra một chân trời mới cho CSVN trong việc tham gia vào các chương trình hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Trong khuôn khổ các nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc phòng giữa hai nước, ông Ashton Carter loan báo Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam thành lập một trung tâm huấn luyện binh sĩ để tham gia các chiến dịch gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, Hoa Kỳ sẽ đưa một chuyên gia về công tác gìn giữ hoà bình tới làm việc ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Từ sự trợ giúp này, trong tương lai Việt Nam có khả năng tham gia vào đội quân gìn giữ hòa bình tại những quốc gia có sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, điều mà Việt Nam đang mong muốn. * Với những viễn cảnh nói trên, rõ ràng quân đội CSVN buộc phải càng ngày càng đi gần hơn với Hoa Kỳ. Không chỉ riêng trong lãnh vực quốc phòng, Việt Nam còn có thể mở rộng giao tiếp sang nhiều lãnh vực khác, nhất là về kinh tế, xã hội, giáo dục... sau khi CSVN chính thức gia nhập TPP. Những diễn tiến này ít nhiều đã trở thành động lực đủ để CSVN giảm thiểu vào sự lệ thuộc Bắc Kinh. Tuy nhiên đối với CSVN, mọi chuyện đang còn ở phía trước do hệ thống quyền lực của đảng đang sắp xếp thay đổi đầy bất trắc trước đại hội 12 vào tháng 1/2016. Phạm Nhật Bình 5/6/2015.
......

Bàn về hai chữ: Giác ngộ (gửi các đảng viên CS, các đồng chí cũ)

Tôi từng ở trong Đảng CS từ tuổi 20, ở trong Đảng 44 năm, 65 tuổi mới thoát Đảng, trở thành người tự do 25 năm nay. Có người bảo là quá chậm, còn chê vui là "sao mà ngu lâu thế !", nhưng tôi chỉ mỉm cười, tự nhủ mình ngu lâu thật, nhưng vẫn còn sớm hơn hàng triệu đảng viên hiện còn mang thẻ đảng viên CS cuối mùa. Nghĩ mà tội nghiệp cho các đồng chí cũ của tôi quá, sao lại có thể ngu mê, ngủ mê lâu đến vậy. Năm nay tôi tự làm "cuộc kỷ niệm" độc đáo, về thời điểm cuộc đời tôi, đến năm nay 2015, tính ra đã đạt một nửa đời (20 năm đầu đời cộng với 25 năm ở nước ngoài ) là 45 năm không có dính dáng gì đến đảng CS. Tôi đã lãng phí gần nửa đời người - gần 45 năm cho những hoạt động lầm lỡ, sai trái, tệ hại vì hoàn cảnh khắc nghiệt của lịch sử, cũng do sự u mê, ngu lâu của bản thân mình. Nhân kỷ niệm riêng độc đáo này, tôi nghĩ đến vô vàn đồng chí CS cũ của tôi, và viết bài này gửi đến các bạn như một buổi nói chuyện cởi mở, tâm huyết, mong được trao đổi rộng rãi với các bạn cũng như với các bạn trẻ trong Đoàn Thanh niên CS mang tên ông Hồ Chí Minh. Câu chuyện sẽ xoay quanh hai chữ: Giác ngộ. Giác ngộ là hai chữ tôi nghe rất nhiều lần khi được tuyên truyền về Đảng CS , về chủ nghĩa CS. Các vị đàn anh giải thích con người tốt phải là con người giác ngộ. Giác ngộ có nghĩa là nhận ra lý tưởng cho cuộc đời minh. Tuổi trẻ cần có lý tưởng, hiểu rõ con đường cần chọn, hiểu rõ tổ chức cần tham gia, không bỏ phí cuộc đời minh. Đó là con đường Cộng Sản, dẫn đến độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho toàn dân, họ rao giảng triền miên như thế, chúng tôi cũng cả tin là thế thật. Theo học các chương trinh và lớp học cho đảng viên mới, cho cán bộ sơ cấp, trung cấp, cao cấp của đảng, bao giờ giảng viên cũng nhắc đến hai chữ giác ngộ. Học, học nữa, học mãi để nâng cao không ngừng trình độ giác ngộ của mỗi người. Đảng viên phải có trình độ giác ngộ cao hơn quần chúng ngoài đảng. Đảng viên mới luôn được học kỹ tấm gương của anh thanh niên Lý Tự Trọng, với nét nổi bật nhất là giác ngộ CS từ tuổi thiếu niên, rồi biết bao tấm gương của những chiến sỹ CS ưu tú, bất khuất trong các nhà tù thực dân ở Côn Đảo, Sơn La, Lao Bảo, Kon Tum...giác ngộ cách mang cao, nhà tù, máy chém không nao núng, biến nhà tù thành trường học nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, bất khuất, kiên cường. Trong các bản khai lý lịch cá nhân, mỗi đảng viên thường kể lại bản thân mình được giác ngộ ra sao, được ai giác ngộ, giác ngộ đến mức nào, và luôn kết luận với lời hứa không ngừng học tập, tu luyện, tự phê bình và phê bình để không ngừng nâng cao trinh độ giác ngộ của bản thân. Tôi kể ra như thế để thấy hai chữ giác ngộ có tác dụng sâu sắc ra sao đối với mỗi đảng viên CS. Hai mươi nhăm năm nay, tôi hồi tưởng lại quãng đời 44 năm là đảng viên CS, theo dõi chặt chẽ thời cuộc hằng ngày trong nước và thế giới, tôi không khỏi cảm thấy chua chát và cay đắng về hai chữ giác ngộ. Giác ngộ hình như là một chữ Đảng CS mượn của Đạo Phật. “Giác” là nhận thấy, cảm nhận, thấy rõ, “ngộ” là tỉnh ra, nhận ra lẽ phải, chân lý để làm theo. Sau khi là con người tự do, là nhà báo tự do, kết thân với nhiều nhà báo tự do của thế giới, các nhà báo tự do Pháp, Đức, Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Hoa, Ba Lan, Tiệp ..., tôi tìm đọc các kho tư liệu lưu trữ quý ở Paris, Moscow, London, Washington… rồi suy nghĩ bằng cái đầu tỉnh táo của mình, của riêng mình, không sùng bái bất cứ một người hay một học thuyết nào. Từ đó tôi giác ngộ không biết bao nhiêu điều mới mẻ, và lần này tôi thật sự có cảm giác sâu sắc về hạnh phúc tinh thần tiếp cận được ngày càng nhiều sự thật, lẽ phải, chân lý. Tôi đã tự giác ngộ mình. Nhìn lại 44 năm quá khứ CS của mình, tôi nhận rõ có không ít điều tôi giác ngộ, cho là đúng, thì khốn thay, hầu hết đều là lầm lẫn, ngộ nhận, ảo tưởng, sai lầm và cả tội ác. Như chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản kiểu mác-xít đều là những học thuyết chủ quan, lầm lẫn, hoàn toàn nguy hại trong thực tế, cổ xuý đấu tranh giai cấp cực đoan và bạo lực, đi đến chiến tranh, khủng bố, đổ máu, hận thù. Giữa thủ đô Washington, tôi cùng anh Cù Huy Hà Vũ đã viếng Tượng đài Kỷ niệm hơn 100 triệu nạn nhân bi thảm của chủ nghĩa CS hiện thực, trong đó có hàng triệu nạn nhân đồng bào Việt ta. Tượng đài nhắn nhủ toàn nhân loại hay cảnh giác với chủ nghĩa CS, tai họa của toàn thế giới. Tháng 5/2015, Tổng thống Ukraine, một nước cộng sản cũ, đã ký Luật cấm tuyên truyền về chủ nghĩa Mác Lênin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản như trong thời kỳ trong Liên bang Xô Viết từ 1917 đến 1991, coi đó là thời kỳ bi thảm, sai lầm và Tội Ác. Các tượng đài, di tích thời kỳ ấy đều bị phá bỏ. Các sự kiện ấy giúp tôi khẳng định việc thoát đảng CS của tôi là chuẩn xác và giúp tôi thấy Dự thảo văn kiện sẽ đưa ra Đại hội XII sắp đến là lạc hậu, lẩm cẩm và cực kỳ nguy hại cho đất nước, cho nhân dân, cho chính Đảng CS ra sao. Tôi không thể hiểu vì sao, sau khi Giáo sư Trần Phương, từng là Phó Thủ tướng, là uỷ viên Trung ương Đảng, đã chứng minh rành mạch rằng chủ nghĩa Mác, Lênin, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa CS đều là ảo tưởng sai lầm, nguy hại, hay vì sao sau khi đương kim Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã công khai cho rằng :" Cái chủ nghĩa Xã hội và cái định hướng Xã hội chủ nghĩa làm gì có trong thực tế mà đi tim cho mất công ! ", vậy mà Bộ Chính trị vẫn cứ khẳng định trong văn kiện Đại hội XII rằng " kiên định chủ nghĩa Mác, Lênin, kiên định chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa CS là lập trường không thể thay đổi ", một thái độ ngoan cố, cổ hủ, tối tăm, buộc toàn đảng phải đi theo sự lẩm cẩm dai đẳng nguy hại của minh. Ngay đối với thần tượng Hồ Chí Minh, tuy tôi biết rằng đây là bình phong cố thủ lợi hại của thế lực bảo thủ trong đảng CS do tệ sùng bái cá nhân ăn quá sâu trong quần chúng, tôi vẫn thấy cần và có thể thuyết phục ngày càng đông đảo bà con ta nhận ra sự thật. Sự thật là ông HCM không phải là thánh thần. Ông là con người với những tốt xấu, mạnh yếu, đúng sai của minh. Ông đã lầm lẫn khi chọn con đường CS, khi lao quá sâu rồi không dám quay lại nữa. Ông đã xa rời lập trường dân tộc, thực hiện lập trường giai cấp cực đoan, đặt ảo tưởng vào giai cấp vô sản quốc tế, và mù quáng đặt niềm tin ở 2 ông Anh lớn Stalin và Mao, 2 con Quỷ Đỏ mà ông cho là “không bao giờ có thể sai”. Mới đây, có 2 sự kiện minh họa rõ thêm bản chất con người thật HCM. Nhà báo Trần Đĩnh từng gần gũi ông Hồ kể lại ông từng cho rằng không thể giết bà Năm - Cát Hanh Long để mở đầu cuộc Cải cách Ruộng đất, bà lại là ân nhân của đảng CS, - ông còn văn hoa nói: "Không nên đánh phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa". Vậy mà theo Trần Đĩnh, chính ông Hồ đã viết bản Cáo trạng kết án Bà Năm:"Địa chủ ác ghê", ký tên CB (của Bác- Bác Hồ) trên báo Nhân Dân của Đảng. Cũng theo Trần Đĩnh, ông Hồ đã cải trang, mang kính râm đích thân đến dự cuộc xử bắn bà Năm. Vậy ông Hồ là con người thế nào? Nói một đằng làm một nẻo, lá mặt lá trái, tử tế hay không tử tế? đạo đức hay vô đạo đức? Nhà triết học uyên bác bậc nhất nước ta Trần Đức Thảo trước khi từ giã cõi trần đã kể trong cuốn Những lời trăng trối (do nhà báo Tri Vũ Phan Ngọc Khuê ghi âm) rằng ông đã gặp ông Hồ, quan sát, nghiên cứu sâu về tư tưởng, hành vi, đạo đức của ông Hồ, và đi đến kết luận vững chắc rằng ông Hồ là "con Người muôn mặt, lắm mưu mô, nhiều tham vọng quyền lực, nhiều điều bí hiểm, lắm tên nhiều họ, ẩn hiện khôn lường, lắm vợ, nhiều con, rất phức tạp", là một "Tào Tháo của muôn đời". Ông Trần Đức Thảo cho rằng đảng CS kêu gọi cả nước học tập đạo đức HCM, vậy là muốn biến cả nước thành Tào Tháo hết cả ư! Thế thật thì nguy cho dân tộc ta quá ! Ý kiến của nhà triết học này thật thỏa đáng. Tôi có nhiều lý do để quí trọng ông Hồ. Tôi từng gặp ông khá nhiều lần, khi là phóng viên thời sự quốc tế, vào Dinh Chủ tịch dự chiêu đãi ông Lưu Thiếu Kỳ, ông Alexei Kosigyn hay các nhà báo Pháp, Nga, Trung Quốc. Năm 1957 khi ông vào Vinh thăm bộ đội Quân khu IV tôi được giao chuẩn bị bài nói chuyện của ông trước cán bộ quân khu, khen ngợi thành tích giúp dân gặt lúa, chống bão, lụt và diễn tập ở giới tuyến, ông liếc qua bản viết, khen đãi bôi :" Chú văn hay chữ tốt nhỉ !" rồi đút vào túi. Hơn nữa, cha tôi có quan hệ mật thiết với ông Hồ. Ông từng ngỏ lời mời cha tôi ra tham chính từ những ngày đầu Cách mang tháng Tám. Cha tôi lưỡng lự, do quan niệm Nho giáo "Trung thần không theo hai Vua", nhưng ông Hồ vẫn cử ông Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh, rồi ông Vũ Đình Huỳnh mang thư riêng đến. Chính ông Hồ đề cử cha tôi thay Cụ Nguyễn Văn Tố làm nhiệm vụ Chủ tịch Quốc hội sau khi Cụ Tố bị lính Pháp bắn chết. Nhưng tôi không thể vì những chuyện riêng tư ấy mà làm sai lạc sự đánh giá công bằng, khách quan, chuẩn xác của chính mình. Không một học thuyết nào, không một cá nhân lãnh tụ nào có thể được đặt trên dân tộc và nhân dân. Do yêu nước thật lòng, thương đồng bào Việt mình thật lòng nên sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi đi đến kết luận dứt khoát, sòng phẳng rằng ông HCM là một nhân vật tiêu cực trong lịch sử VN. Ông có phần trách nhiệm lớn làm cho đất nước lâm vào chiến tranh, do ông chọn con đường CS của Đệ Tam Quốc tế nên mới bị thế giới Dân chủ sớm đặt VN ta trong Chiến lược Be bờ ngăn chặn CNCS (Containment of Communism Strategy). Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do ông dựng lên thật ra không phải là chế độ dân chủ, mà còn là chế độ độc đoán toàn trị do đảng CS độc quyền cai trị, đến nay vẫn chưa có tự do ngôn luận, tự do ứng cử và bầu cử, tự do xuất nhập cảnh, tự do tôn giáo, không thực hiện chế độ pháp quyền nghiêm minh, đảng CS nắm trọn cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, còn thêm quyền thứ tư là ngôn quyền. Các tổ chức xã hội dân sự tự phát đang lớn mạnh cùng các nhà dân chủ từ lão thành đến trẻ tuổi đang cùng các cựu đảng viên CS đã thoát đảng tự đặt cho mình nghĩa vụ trước Dân tộc và Lịch Sử chung sức mở ra Kỷ Nguyên Dân chủ và Tự Do cho nước Việt Nam ta. Tôi tha thiết kêu gọi tất cả các đảng viên CS nhân các cuộc họp Đại hội Đảng các cấp từ chi bộ, đảng bộ cơ sở đến Đại Hội toàn quốc hãy thắp sáng lên ngọn đèn Giác ngộ mới mẻ, manh dạn xoá bỏ những điều giác ngộ cũ kỹ, lạc hậu, giáo điều, lẩm cẩm, mê muội rất có hại, như kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin, chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản mác-xít, sùng bái nhân vật HCM, kiên trì chế độ toàn trị độc đảng lạc lõng, tệ hại. Đó chính là sự giác ngộ cần thiết cấp bách hiện nay. Trong các cuộc họp bàn, góp ý vào các văn kiện dự thảo, chớ bị lừa dối khi nghe lãnh đạo tuyên truyền rằng các văn kiện đã tiếp thu hàng triệu ý kiến xây dựng, đã được nhất trí cao, không cần bổ sung, sửa chữa gì nhiêu, "do kẻ xấu và bọn phản động xúi giục". Cần nhận rõ nội dung các văn kiện mới là điều kiện sinh tử của đảng, quan trọng hơn vấn đề nhân sự nhiều, vì vận mệnh đất nước, quyền lợi của toàn dân phụ thuộc vào học thuyết chính trị, vào đường lối đối nội, đối ngoại, vào các quốc sách chính trị, kinh tế tài chính, đối ngoại, xã hội và văn hoá đạo đức. Kiên quyết từ bỏ, gột rửa những điều giác ngộ cũ, nhận rõ đó chỉ là những học thuyết sai lầm tệ hại trong thực tế cuộc sống, những tà thuyết đã bị thế giới nhận diện, lên án, loại bỏ, ta không có một lý do nào để gắn bó, quyến luyến, tiếc thương. Xin các bạn chớ sợ mình đơn độc, thiểu số trong các cuộc họp. Chân lý ban đầu bao giờ cũng là thế. Các bạn chính là những hạt kim cương trong khối quặng đen. Hãy dũng cảm thắp lên ngọn đèn giác ngộ mới, tiên tiến. Các bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc sâu lắng khi dần dần chính kiến của bạn được lan tỏa trở thành chân lý, sự giác ngộ của số đông. Buổi tâm sự về hai chữ giác ngộ xin tạm ngừng ở đây, mong có ích trong khêu gợi những ý kiến mới mẻ trong tư duy của các bạn về hiện tình đất nước, về con đường cần chọn cho dân tộc, cho Quê hương, để đất nước phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho mỗi công dân, mỗi gia đình chung hưởng. Theo voatiengviet.com
......

Bảo vệ Chủ quyền Dân tộc trên Biển Đông: Về mặt quốc phòng và công pháp quốc tế

I- Tầm Quan Trọng Của Biển Đông: Biển Đông (tiếng Anh South China Sea) là một vùng biển rộng khoảng 3,5 triệu cây số vuông của Thái Bình Dương. Bao bọc bởi phía Tây là Phi Luật Tân, phía Nam là Mã Lai, Brunei, Nam Dương, Tân Gia Ba. Phía Đông là Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan. Phía Bắc là Đảo Hải Nam, Macao, Hong Kong, Trung Quốc (TQ), và phía Đông Bắc Đài Loan. Đây là một vùng biển có nhiều tầu bè đi qua lại nhiều nhất thế giới với 55 tỷ tấn hàng hóa lưu chuyển qua đây mỗi năm. Bề ngang Biển Đông dài khoảng 1.400 cây số từ Việt Nam đến Phi Luật Tân, bề dọc từ Macao tới Brunei là 2.000 cây số. Các quần đảo và đảo gồm: quần đảo Đông Sa, bãi ngầm Macclesfiled, quần đảo Batanes và Babuyan, quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough, quần đảo Trường Sa, quần đảo Natuna, cụm bãi cạn Luconia, đảo Ko Samui, đảo Ko Chang, đảo Koh Kong, quần đảo Anambas, đảo Phú Quốc, Côn Đảo. Chung quanh Biển Đông, có 8 hải cảng của Trung Quốc đứng đầu thế giới về lưu lượng hàng hóa, thứ nhất là Thượng Hải.   Tổng số lượng dự trữ dầu thô ở Biển Đông lên đến 11 tỷ thùng theo ước lượng năm 2013 của Cơ Quan Năng Lực Hoa Kỳ, về khí thiên nhiên 7.500 tỷ mét khối. Dân số các quốc gia ven biển gồm Việt Nam 92 triệu dân, Phi Luật Tân 107 triệu, Mã Lai 30 triệu, Tân Gia Ba 5,6 triệu, Nam Dương 253 triệu, tổng cộng gần 500 triệu, so với Trung Quốc 1,35 tỷ. Các quốc gia trực tiếp liên hệ đến Biển Đông có một dân số 500 triệu (1/3 dân số TQ) và một TSLNĐ 2600 tỷ MK (22% TSLNĐ TQ). Tổng số xuất nhập cảng giữa ASEAN và TQ lên đến 1900 tỷ MK/năm. Việt Nam có hơn 3.440 cây số bờ biển, tức có một vùng đặc quyền khai thác kinh tế khoảng 1.270.000 cây số vuông. Nếu cộng thêm các vùng Đặc Quyền Khai Thác Kinh Tế (EEZ Exclusive Economic Zone) chung quanh các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền VN khoảng 860.000 cây số vuông, dân tộc Việt Nam có tổng cộng một vùng đặc quyền khai thác kinh tế lên đến hơn 2,1 triệu cây số vuông, có nghĩa là gấp 6 lần diện tích trên đất liền là 332.000 cây số vuông. Về mặt giao thương, đây là tuyến đường chiến lược, đường hàng hải vận chuyển dầu hỏa, khí đốt, hàng hóa xuất nhập cảng nguyên liệu, nhất là về dầu hỏa (80%) của nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới, TQ (1,35 Tỷ dân, TSLNĐ 11200 Tỷ MK), Nhật Bản (127 triệu, 4110 Tỷ MK), Đại Hàn (50 triệu, 1485 tỷ MK), Đài Loan (23 triệu, 528 tỷ MK), ASEAN (500 triệu, 2600 Tỷ MK), tất cả gồm 2 tỷ dân và một TSL gộp lại gần 20.000 tỷ MK (30% TSL thế giới). Về mặt quân sự, nếu khống chế được hải lưu và không lưu trên Biển Đông, việc này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến mặt an ninh quốc gia, phát triển kinh tế của nhiều nền kinh tế lớn như TQ, Nhật Bản, Úc, Đại Hàn và gây ảnh hưởng dây chuyền suy thoái trên toàn thế giới. Hiện nay với âm mưu xây cất các hải đảo nhân tạo để chứa phi trường quân sự, quân cảng tiếp liệu cho các chiến hạm tuần tiễu, tuyên bố vùng nhận diện phòng không (Air Defense Identification Zone ADIZ), TQ đang âm mưu khống chế toàn Biển Đông. Biển Đông là một vùng biển chiến lược và sinh tử đối với Việt Nam. Những biến động ở đây sẽ có ảnh hưởng trên toàn thế giới, khi có tranh chấp hay có đụng độ quân sự, hậu quả sẽ dẫn đến các biện pháp phong tỏa kinh tế, cắt giảm các quan hệ song phương, về giao thương, du lịch. Biển Đông còn là một lợi điểm vô cùng chiến lược cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam, vì ngày nay với kỹ thuật tiền tiến về xây cất, biến chế năng lực từ biển, máy turbin tạo ra năng lượng từ sự chuyển động của nước biển người ta có khả năng xây cất những hòn đảo nhân tạo vài cây số vuông, nổi trên mặt biển để chứa nhà máy điện, công xưởng kỹ nghệ, trại chăn nuôi ngư sản gần ngay trong thềm lục địa trong vùng EEZ của Việt Nam rộng hơn 2 triệu cây số vuông. Do đó, để có tài nguyên để canh tân, giữ được vị trí xung yếu để bảo vệ đất nước, người dân VN phải hiểu tầm quan trọng và nỗ lực bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. II- Cán cân quân sự tại Biển Đông: Hiện nay, hải quân TQ vượt trội hơn về mặt số lượng, kỹ thuật tất cả hải quân các quốc gia ASEAN ven Biển Đông cộng lại, đứng hàng thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ (300.000 lính hải quân/324.0000 Hoa Kỳ, 490 tầu chiến/300) và trong vòng khoảng 10-15 năm nữa có khả năng bắt kịp hải quân Hoa Kỳ, nếu hải quân Hoa Kỳ không duy trì được ưu thế về mặt kỹ thuật (khả năng kiểm báo, phát giác mục tiêu, hỏa tiễn chống hỏa tiễn tầm xa, mức tinh nhuệ, mức sẵn sàng ứng chiến (operational readiness),...). Theo Bản Tường Trình 2015 của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, TQ hiện có 1 Hàng Không Mẫu Hạm, 21 khu trục hạm loại lớn (6000-9000 tấn), 52 khu trục hạm loại nhỏ (3000-4000 tấn), 57 tầu chiến loại đổ bộ, 53 tầu ngầm diesel, 5 tầu ngầm chạy bằng nguyên tử. Hàng không mẫu hạm của Trung Quốc TQ đã có rada loại điện tử phased array, hỏa tiễn chống phi cơ, chống tiềm thủy đĩnh, với mức tối tân về lý thuyết không thua kém các khu trục hạm mới loại 6000 tấn của Anh (T45), Pháp (FREMM). Theo một chuyên viên về tình bào hải quân của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, hải quân TQ sẽ tiếp tục gia tăng về phẩm và lượng trong vòng 15 năm tới. Họ sẽ có khả năng bảo vệ trong vùng biển cận duyên, gia tăng các hoạt động hải quân ngoài vùng EEZ, hải quân TQ sẽ tăng lên 99 tầu ngầm (+43), 102 khu trục hạm (+29), 73 tầu đổ bộ (+16), 4 HKMH (+3). Khu trục hạm tối tân loại Luyang III, 7500 tấn, khá giống khu trục hạm Arleigh Burke của Hoa Kỳ (10000 tấn). Trung Quốc hạ thủy loại Luyang III năm 2014, trong lúc Hoa Kỳ đã chế tạo chiếc đầu tiên Arleigh Burke vào thập niên 1990. Loại tầu ngầm TQ Yuang (2006 3600 tấn), Song (2250 tấn), Kilo (4000 tấn), Ming nhỏ hơn 2 tới 3 lần loại tầu ngầm nguyên tử tấn công mới nhất của Hoa Kỳ như Virginia, Seawolf. Nhằm đối phó lại, Việt Nam đã mua 6 tầu ngầm Kilo loại mới của Nga, cùng 12 tầu hộ tống nhỏ (corvette), Nam Dương mua 20 khu trục hạm do Hòa Lan chế tạo. Mã Lai, Tân Gia Ba, Phi, Việt Nam, Nam Dương đều nỗ lực tân trang hải quân từ các khuế ước mua tầu chiến từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hòa Lan, Nhật, Đại Hàn. Hiện nay, hải quân CSVN (45.000 lính, 66 tầu chiến), là tương đối có khả năng nhất để cầm cự và gây tổn thất cho hải quân TQ, với 6 tầu ngầm loại Kilo (3+3 cho tới 2016), 7 khu trục hạm (loại Guepard 2+2), Sigma của Hòa Lan (+2 2011). Nam Dương (74000) có tầu ngầm (2+2), khu trục hạm (6), tương đối có khả năng chống trả. Mã lai (15000) có 2 tầu ngầm Scorpene của Pháp, 6 khu trục hạm (2 La Fayette Pháp). Tân Gia Ba có 4 tầu ngầm, 6 khu trục hạm. Cán cân quân sự trên Biển Đông hiện nay hoàn toàn nghiêng về phía Trung Quốc, nếu không có sự hiện diện có tính cách gián chỉ (deterrent) của Hải Quân Hoa Kỳ với các nhóm đặc nhiệm của Đệ Thất Hạm Đội. III- Phản Ứng Các Quốc Gia Đối Với Âm Mưu Của Trung Quốc: KHỐI ASEAN: Cho đến nay, ASEAN chỉ thể hiện thái độ cứng rắn trên mặt lý thuyết nhưng không có hành động cụ thể nhằm ngăn chặn các âm mưu bành trướng của TQ. Thái độ gần nhất của Nam Dương cho thấy họ muốn đối phó lại hiểm họa Trung Quốc qua việc tăng cường hải quân, phòng thủ quần đảo Natuna và Anambas và việc cho nổ một tầu đánh cá lậu TQ mà Nam Dương đã bắt giữ từ năm ngoái. Phi Luật Tân có thái độ cứng rắn nhất khi khởi đơn kiện TQ ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực vào đầu năm 2013 về đường Lưỡi Bò 9 điểm. Phi cổ võ cho sự hiện diện nhiều hơn của hải quân, không quân Hoa Kỳ, sẵn sàng cho Hoa Kỳ xử dụng căn cứ hải quân Subic Bay. Ngoài ra chính phủ Phi đã ra lệnh cho quân đội Phi bám trụ tại các đảo thuộc chủ quyền của họ trên Biển Tây Philippines. Tuy nhiên hiện nay, ngoài thái độ cứng rắn, Phi không có phương tiện về quân sự đáng kể để đối đầu với TQ, nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp từ Hoa Kỳ. Mã Lai và Tân Gia Ba đều muốn giữ một thái độ hòa hoãn, nhưng cũng đã gia tăng tân trang hải quân với các tầu ngầm, khu trục hạm do Pháp chế tạo, khu trục hạm loại tàng hình hiện đại với hỏa tiễn chống chiến hạm (anti surface missile). Nói chung ASEAN không có thái độ đồng nhất nhằm đối phó với TQ. Nội dung CoC Code Of Conduct (Cách thức ứng xử) cũng không được áp dụng vì TQ chỉ muốn đàm phán song phương nhằm lấy sức mạnh uy hiếp từng các quốc gia trong ASEAN yếu hơn so với họ nhiều. CỘNG SẢN VIỆT NAM: Về phía Việt Nam, cho đến nay chỉ có những lời tuyên bố mà chưa có hành động cụ thể nào trên bình diện quốc gia. Ngoại trừ một vài phản ứng địa phương tại các tỉnh quản trị Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh đạo CSVN không dám chọc giận đàn anh TQ qua việc ra lệnh cho quân đội Nhân Dân sẵn sàng đương đầu với mọi âm mưu xâm lấn của TQ trên Biển Đông. Tuy nhiên với việc CSVN tân trang hải quân với việc mua 6 tầu ngầm loại Kilo mới, có khà năng bắn loại hỏa tiễn thiểm du (cruise missile) chống chiến hạm, cho thấy có một bộ phận đáng kể trong guồng máy muốn có khả năng để chống trả lại TQ khi cần. Hiện đang có một số tiếp xúc với Hoa Kỳ nhằm mua các hệ thống kiểm báo hải dương như phi cơ loại P3 Orion (đời trước của phi cơ tuần thám P8 Poseidon). Dựa trên bối cảnh nội bộ đảng CSVN, thái độ của lãnh đạo CSVN sẽ không thay đổi trong một tương lai ngắn hạn khi các thành phần dân tộc dân chủ chưa có khả năng để huy động một khối lượng quần chúng đông đảo hơn lên đến hàng chục ngàn trong các cuộc xuống đường bảo vệ chủ quyền, hay các thành phần tiến bộ trong nội bộ đảng chưa có đủ quyết tâm và ảnh hưởng để phản đối công khai thái độ ươn hèn, bán nước của lãnh đạo CSVN. Có xác xuất cao là lãnh đạo CSVN sẽ tạm lùi bước trước các cuộc phản kháng mạnh của người dân khi TQ đưa giàn khoan thứ nhì, hay khai thác dầu hỏa, khí đốt ngay tại các đảo họ chiếm đoạt trái phép tại Trường Sa, hay ngang nhiên đem giàn khoan vào vịnh Bắc Việt thuộc chủ quyền VN để thăm dò dầu hỏa. Sau đó, họ sẽ ra lệnh bắt nguội, đàn áp sau đó khi khí thế xẹp xuống. Tuy nhiên những sự việc phản kháng này trước đây thường không được dư luận báo chí thế giới quan tâm loan tải, ngày nay với liên hệ đến biến cố Biển Đông và cuộc tranh chấp Trung Quốc – Hoa Kỳ, các cuộc phản kháng này sẽ dễ dàng được loan tải rộng rãi và góp phần phơi bày bộ mặt bán nước, tay sai của CSVN. NAM HÀN - NHẬT BẢN – HOA KỲ Hiện nay, Nhật Bản, Nam Hàn cương quyết chống lại mọi âm mưu gặm nhấm lãnh hải của TQ trên Đông Hải và Hoàng Hải, đồng thời gia tăng sức mạnh hải quân của họ, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Các phản ứng của 2 bên chung quanh đảo Điếu Ngư cho thấy TQ chủ trương hù dọa nhưng không dám đổ quân lên đảo, hay phong toả vì biết kỹ thuật, khả năng tác chiến của hải quân Nhật vẫn còn vượt trội so với hải quân TQ, dù ít chiến hạm hơn. Máy bay Lực lượng Phòng thủ Nhật Bản tuần tra không phận quần đảo Điếu Ngư Riêng Nhật Bản, chính phủ Nhật thái độ luôn cứng rắn nhằm đối đầu với TQ chung quanh Điếu Ngư qua việc cho tầu chiến, phi cơ chiến đấu tuần tiễu, cũng như gia tăng ngân sách quốc phòng. Mới đây Nhật đã cùng Phi hợp tác quân sự và các tham gia tập trận ngay trên Biển Đông. Vị chỉ huy trường hạm đội Thái bình Dương Hoa Kỳ Harry Harris gốc Nhất cũng đã lên tiếng đề nghị Nhật cho tầu chiến đi tuần, cùng với Hoa Kỳ, Úc. Sự cứng rắn của Nhật còn thể hiện qua lãnh vực kinh tế, thông tin, văn hóa. Hiện hải quân Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế về mặt kỹ thuật và võ khí tiền tiến. Qua nhiều lời tuyên bố của các nhân vật cao cấp của hành pháp như Bộ Trưởng Quốc Phòng Carter, Tân Chỉ Huy Trưởng Thái bình Dương, Harry Harris, và Tổng Thống Obama, Hoa Kỳ cho thấy ý chí sẵn sàng đối đầu lại với TQ khi TQ ngang ngược tuyên bố chủ quyền của họ trên toàn Biển Đông. Hoa Kỳ đã góp sức tân trang cho hải quân Nam Hàn, Nhật Bản với các khu trục hạm tối tân nhất hiện đại loại Arleigh Burke, có khả năng hỏa tiễn chống hỏa tiễn (anti missile SM3 và M6) để phòng chống lại các vọng động của Bắc Hàn, cũng như để giằn mặt TQ. Hoa Kỳ cũng đưa chiến hạm LCS (Littoral Combat Ship) loại mới đến đóng tại Tân Gia Ba, gởi 2500 thủy quân lục chiến đến đóng tại Úc. Sau khi giữ một vai trò lu mờ trong vụ tranh chấp Biển Đông, nay trước âm mưu bành trướng rất rõ nét của TQ qua việc xây hải cảng, phi trường nhân tạo trên một số đảo họ chiếm được, Hoa Kỳ đã thay đổi hẳn thái độ, sẵn sàng chấp nhận đối đầu, điển hình qua vụ gởi phi cơ tuần thám hải dương P8 Poseidon bay trên không phận của đảo Đá Vành Khăn. Gần đây, Hoa Kỳ cho thêm khu trục hạm loại Arleigh Burke đến đóng tại Yokohama, Nhật và ra lệnh cho đội hàng không mẫu hạm nguyên tử George Washington với lực lượng hộ tống đi từ VN qua Phi xuyên qua Biển Đông cách đây 10 ngày mà không gặp một phản kháng nào từ TQ. Tình hình Biển Đông vẫn ở một mức độ căng thẳng cao, bất cứ một đụng độ quân sự nhỏ nào cũng có thể châm ngòi cho một cuộc tranh chấp lớn hơn. Đảo nhân tạo Đá Thập (Fiery Cross Reef) qua không ảnh chụp tháng 8/2014 và tháng 1/2015 (Hình: CSIS) IV- Hậu Quả Các Đụng Độ Về Quân Sự Trên Biển Đông: Trong trường hợp có xảy ra đụng độ về quân sự, nhất là giữa các siêu cường như Trung Quốc với Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Hậu quả sẽ rất lớn trên toàn vùng Đông Á và khó lường trước một cách chính xác. Ở mức thấp nhất, tình hình căng thẳng sẽ kéo dài trong một thời gian khá dài, ảnh hưởng nặng nề về mặt kinh tế (đầu tư), du lịch, các hiệp ước song phương. Ở mức độ cao hơn, còn tuỳ thuộc vào diễn tiến của sự việc, nếu TQ ngang nhiên bắn hạ hay làm hư hại phi cơ hay tầu chiến, Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể sẽ có phản ứng tự vệ bằng cách tiêu hủy tầu TQ bắn ra hay phá hủy trạm radar trên đảo. Tuy nhiên, xác xuất xảy ra một cuộc chiến toàn diện rất thấp, vì lãnh đạo TQ không ngu dại để đối đầu với hải quân Hoa Kỳ, mạnh nhất thế giới hiện nay. Với 60% hải lực, 6/10 đội hàng không mẫu hạm tấn công (Carrier strike group), hiện lực lượng Thái Bình Dương Hoa Kỳ có đủ sức một mình để làm cho TQ thiệt hại nặng nề, nếu hải quân TQ vọng động. Hiện nay dù có lượng về tầu chiến nhiều hơn tại hạm đội Nam Hải (South Sea Fleet) đóng ở Hải Nam, nhưng hải quân TQ vẫn còn thua Hoa Kỳ khá xa về mặt kỹ thuật cũng như về kinh nghiệm chiến đấu. Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington của Hoa Kỳ
......

5 cách để chận đứng Trung Quốc ở Biển Đông

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ đã có những phản ứng mạnh mẽ đối với sự kiện Trung Quốc đã cải tạo một số đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa. Hoa Kỳ đã một mặt kêu gọi Trung Quốc ngưng việc bồi lấp một số đảo, mặt khác đã cho tàu chiến và máy bay qua lại và đến gần các đảo nhân tạo này. Những việc làm nói trên của Hoa Kỳ, tưởng là áp lực và buộc Bắc Kinh phải ngưng mọi âm mưu khống chế Biển Đông, nhưng trong thực tế, Hoa Kỳ càng chỉ trích thì Trung Quốc càng hung hăng đối đầu. Để ngăn chận sự hung hăng bành trướng của Bắc Kinh trong tình hình hiện nay, Giáo sư James Holmes, thuộc Naval War College, đồng tác giả tập sách “Sao Đỏ trên Thái Bình Dương” đã đưa ra một số đề nghị. Những đề nghị này được tóm lược trong một tiểu luận có tựa đề là: “5 Ways to Foil China in the South China Sea” (5 cách đối phó Trung Cộng trên Biển Đông). 1/ Dùng tàu chiến Littoral Combat Ship (LCS). Đây là các tàu chiến loại nhỏ, mới, trang bị vũ khí nhẹ, có thể hoạt động độc lập từng chiếc nhưng đủ mạnh để buộc Bắc Kinh phải e dè và gởi tàu chiến của Hải quân đến ứng phó. Lúc đó, thử đoán xem ai sẽ là kẻ bị coi là thành phần xấu khua gậy lớn gây hấn trước? 2/ Gởi cảnh sát biên phòng. Mục tiêu chính là để giám sát lãnh hải và vùng đặc quyền, nhưng lực lượng biên phòng cũng là một cánh tay vươn dài trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Lực lượng này có nhiệm vụ bắt kẻ buôn lậu trong thời bình, nhưng có thể sát nhập với Hải quân Hoa Kỳ trong thời chiến để cùng tác chiến. Cần gia tăng sự hiện diện của lính biên phòng Mỹ trên những tàu tuần duyên vùng Đông Nam Á. 3/ Quay video. Nỗ lực tuyên truyền chống Trung Quốc của các nước ASEAN quá yếu kém và thụ động. Không cần chờ New York Times quảng bá mà chính các nhà ngoại giao, các tổ chức dân sự tại Phillipines, Việt Nam có thể cung cấp những đoạn video quay lại cận cảnh các hành vi hung hăng của tàu chiến Trung Quốc ở Scarborough Shoal, ở Gạc Ma hay những chiến tàu của ngư dân bị tàu hải giám Trung Quốc tấn công. Đáng lẽ những hình ảnh này phải được phổ biến rộng rãi trên các kênh thông tin. Hãy để dư luận tự chọn lựa giữa cái loa tuyên truyền của Trung Quốc và những điều mà mắt họ trông thấy. 4/ Biết luật và phản ứng nhanh. Nếu có chuyện gì xảy ra, ngay lập tức phát ngôn viên của Trung Quốc luôn luôn chỉ biết khẳng định: Trung Quốc đúng và Hoa Kỳ hay các nước sai. Bắc Kinh còn tung ra những dữ kiện ngụy tạo hay bóp méo để biện minh. Hải quân Hoa Kỳ và các nước với tinh thần thượng tôn pháp luật, phải mất thời gian để nghiên cứu các sự kiện và đưa ra những giải thích hợp pháp. Trong thời gian đó, Bắc Kinh đã xoay hướng câu chuyện về phía mình. Hãy nhớ rằng: đây là một cuộc chiến đối với Trung Quốc, không phải là một cuộc tranh luận tỉnh táo về những chi tiết pháp lý chính đáng. Biết nghĩ như vậy thì các nước mới ứng phó hiệu quả. Phải nắm vững luật lệ và nhất là phải nhanh chóng phản ứng hơn hoặc ngang tầm với Bắc Kinh thì mới đè bẹp những luận điệu áp đảo của Trung Quốc. Tốc độ có khả năng tiêu diệt đối thủ. 5/ Vung gậy lớn. Trung Quốc hiểu rằng họ phải hỗ trợ chiến thuật “ngoại giao gậy nhỏ” bằng cây gậy lớn của lực lượng quân sự. Những đối thủ kém hơn biết rất rõ rằng, ngay cả khi họ làm cho chiến thuật “ngoại giao gậy nhỏ” của Trung Quốc bị lúng túng, Bắc Kinh vẫn còn có một cây gậy lớn dự trữ, đó là lực lượng hải quân, phi đội máy bay, và các hỏa tiễn phòng không. Vô hiệu hóa sức mạnh quân sự không cân xứng này là điều tối quan trọng trong chiến lược ngăn chặn. Muốn như vậy Hoa Kỳ và các quốc gia trong vùng Biển Đông phải nằm trong thế liên minh chặt chẽ và đủ mạnh để bao vây Bắc Kinh. 5 cách đối phó mà Giáo sư James Holmes đề nghị phần lớn là nhằm vào chính quyền Hoa Kỳ. Tuy nhiên những cách đối phó này chỉ có thể thực hiện khi lãnh đạo Hoa Kỳ là một khối thuần nhất và các quốc gia ASEAN cùng thấy rõ nguy cơ bành trướng của Bắc Kinh. Hiện nay, trong thành phần lãnh đạo Hoa Kỳ chia làm 2 khuynh hướng. Một khuynh hướng chủ trương gia tăng các áp lực quân sự để buộc Trung Quốc phải ngưng bành trướng ở Biển Đông. Đa số giới quân sự trong Bộ Tham Mưu Á Châu - Thái Bình Dương nằm trong khuynh hướng này vì hàng ngày chứng kiến thái độ hung hăng mang tính thách đố của lực lượng Trung Quốc. Một khuynh hướng khác thì cho rằng không nên dồn Bắc Kinh vào chân tường, khi đưa máy bay và tàu chiến vào sâu trong vùng đảo nhân tạo vì chỉ tạo thêm căng thẳng và sự đối đầu của Bắc Kinh. Một số tướng lãnh và một vài chính giới ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn nằm trong khuynh hướng này. Những người này còn cho rằng sự kiện Bắc Kinh cho cải tạo đảo nhân tạo là đúng luật vì Đài Loan, Việt Nam và Phi Luật cũng làm tương tự. Khi chính nội bộ giới lãnh đạo Hoa Kỳ có những suy nghĩ và phản ứng khác biệt về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông như vậy, ta mới thấy là Hoa Kỳ tuy nói mạnh qua những tuyên bố trên bề nổi; nhưng vẫn còn rất e dè trong hành động. Do đó mà giáo sư James Holmes mới hiến kế bằng 5 cách đối phó để áp đảo Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ cho Hoa Kỳ mà cho cả những quốc gia quanh khu vực Biển Đông. Trung Điền 2/6/2015
......

Về Diễn Đàn An Ninh Shangri-La 14

Từ năm 2002 đến nay, Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies có tên viết tắt là IISS) của Anh quốc đã đứng ra tổ chức một diễn đàn an ninh hàng năm tại khách sạn Shangri-La ở Singapore. Từ đó người ta hay quen gọi là Diễn đàn An ninh Shangri-La. Mục tiêu chính yếu của Diễn đàn là tạo cơ hội cho giới chức quốc phòng, tướng lãnh quân đội, các chuyên gia về lập pháp, khoa học... các nước đến đó đối thoại về tình hình An ninh khu vực Á châu theo quan điểm của quốc gia mình mà không bị ràng buộc phải có Tuyên bố hay Thông cáo chung. Diễn giả đa số là giới chức quốc phòng cao cấp của các quốc gia nên Điễn đàn Shangri-La còn được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á. Khởi thủy, Diễn đàn Đối thoại Shangri-La không được thế giới chú ý. Nhưng kể từ khi Trung quốc bành trướng sức mạnh quân sự ở biển Đông trước sự phản đối của các quốc gia trong vùng thì Đối thoại Shangri-La nóng bỏng khác thường so với các diễn đàn đối thoại khác. ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA 13: Năm 2014, Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 đã trở nên nóng bỏng do việc Bắc Kinh kéo dàn khoan HD-981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, lấn chiếm rạng đảo san-hô Mischief Reef (Đá Vành khăn) của Philippines và xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản trong ý đồ chiếm quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát mà Bắc Kinh nói đó là quần đảo Điếu Ngư của mình. Các chiến lược gia thế giới chú mục vào Shangri-La 13 để xem Nhật Bản, Philippines và đặc biệt là CSVN phản ứng như thế nào trước hành động của Trung quốc gây bất ổn ở biển Đông và biển Hoa đông. Với tư cách là một diễn giả chính tại lễ khai mạc Shangri-La 13, Thủ tướng Nhật, ông Abe, đã không ngần ngại bày tỏ ý định của Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, chủ động nhiều hơn trong việc bảo đảm nền hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực và cam kết hiệp tác với các quốc gia Đông Nam Á để bảo vệ lãnh hải, lãnh đảo. Trong bài diễn văn, Thủ tướng Abe đã ba lần nhấn mạnh sự cần thiết các nước phải tuân thủ luật Hàng hải quốc tế và luật Biển của Liên Hiệp Quốc chứ không thể tự ý sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng. Philippines cũng đã tích cực lên tiếng ám chỉ những hành động của Trung quốc gây bất ổn ở biển Đông, xâm chiếm biển đảo của Philippines và chính thức cho biết đã nạp đơn kiện Trung quốc ở Tòa án Tối cao Liên Hiệp Quốc về chủ trương đường lưỡi bò chín đoạn. CSVN là nước bị Trung quốc xâm chiếm biển đảo nhiều nhất và đang trực diện vấn đề với Trung Quốc nên vì thế mà dư luận quan tâm muốn biết quan điểm của Hà Nội tại Diễn đàn Shangri-La 13. Nhưng qua bài phát biểu của Bộ Trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng vụ giàn khoan HD-981 chỉ là một xung đột rất nhỏ giữa hai nhà hàng xóm, khiến cho phái đoàn quân sự của Nhật, Philippines và đặc biệt là người dân Việt Nam hết sức thất vọng khi ông Thanh nói rằng tình hình hữu nghị hai nước Việt-Trung vẫn tốt đẹp, chuyện biển Đông chỉ là một chút xích mích giữa anh em trong nhà với nhau. ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA 14: Diễn đàn Shangri-La lần thứ 14 năm 2015 được thế giới quan tâm nhiều hơn một phần là do tình hình bất ổn ở biển Đông qua việc Trung quốc bồi lấp xây dựng các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa; nhưng phần chính là để xem thái độ của Hoa Kỳ như thế nào đối với những việc làm như thế của Trung quốc mà trước đó Washingtong đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh phải ngưng. Các bình luận gia gọi Đối thoại Shangri-La 14 là cuộc đối đầu trực diện giữa hai nước Mỹ-Trung, xem Washington có dám làm theo những gì mình nói hay chỉ làm nửa vời như nhiều chuyện trước đây. Trong ngày đầu khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ là ông Ashton Carter đã không tránh né khi nói thẳng rằng Trung quốc đã vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp Quốc tế và tạo ra tình trạng bất ổn, gây rối loạn trật tự, có thể đe dọa nền hòa bình, ổn định trong vùng. Ngoài ra, ông Carter cũng kêu gọi các quốc gia ngưng việc cải tạo các đảo trong vùng tranh chấp, cùng nỗ lực để gìn giữ hòa bình và tự do hàng hải. Riêng Hoa Kỳ, ông Carter nhấn mạnh rằng sẽ cho không quân tiếp tục các phi vụ quan sát, cách các đảo nhân tạo đó 12 hải lý mà luật pháp Quốc tế cho phép. Ông Ashton Carter đã phát biểu với cử tọa rằng: “Với hành động của mình ở biển Đông, Trung Quốc đã vượt khỏi khuôn khổ luật lệ quốc tế vốn làm nền cho kiến trúc an ninh Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như quan điểm đồng thuận trong khu vực là nghiêng về ngoại giao mà chống ép buộc bằng sức mạnh”. Phát biểu tại Diễn Đàn Shangri-La 14, đại diện Trung Quốc là Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nhân dân Trung quốc đã ngang ngược khẳng định rằng các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là lãnh đảo của Trung quốc nên họ có toàn quyền muốn xây gì thì xây, những phi vụ quan sát đó của Hoa Kỳ xâm phạm không phận của Trung quốc. Đô đốc Tôn Kiến Hoa còn tuyên bố rằng việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông là việc của Trung Quốc và sẽ tiến hành khi có nhu cầu. Nói chung, quan điểm của đại diện Trung quốc vẫn là tiếp tục theo kiểu “mũ nĩ che tai” cho rằng việc cải tạo các đảo hoàn toàn đúng luật, cần thiết và không đe dọa gì hòa bình và tự do hàng hải hiện nay trên biển Đông. Sau hai phát biểu của đại diện Hoa Kỳ và Trung Quốc, đa số những phát biểu còn lại của đại diện giới quân sự Nhật Bản, CSVN, Philippines… đều có cùng quan điểm như Hoa Kỳ là yêu cầu Bắc Kinh ngưng toàn bộ những kế hoạch cải tạo các đảo trong khu vực Trường Sa. Đặc biệt là vài ngày trước khi Diễn Đàn Đối Thoại Shangri-La khai mạc, những tin tức loan tải liên quan đến việc Trung quốc đã cho mang vũ khí đặt ở các đảo nhân tạo, tức là Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo, không như tuyên bố trước đây là để sử dụng cho những hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, ngư trường, đo khí tượng, khiến cho dư luận rất quan ngại. Vì thế sau phát biểu của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, nhiều câu hỏi của cử tọa đã nêu ra rất nhiều cho phái đoàn Trung Quốc nhưng hầu hết không được trả lời. Chính thái độ im lặng trước những thông tin rất nhạy cảm về tình hình biển Đông, đa số cử tọa tham dự Diễn Đàn Đối Thoại lần này đều có chung nhận xét là Trung Quốc đã cố tình tránh né trả lời, từ đó dẫn đến hai nghi vấn: Thứ nhất là Trung Quốc đang thực hiện âm mưu quân sự hóa các đảo cải tạo và chuẩn bị tuyên bố chủ trương kiểm soát biển Đông nên đã không trả lời bất cứ điều gì. Thứ hai là trước sức ép của dư luận, nhất là sự chỉ trích mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể gây ra những xung đột khó tránh, Trung Quốc muốn tỏ ra mềm mỏng để mua thời gian nên đã chọn thái độ im lặng. Nhưng dù chọn lựa nào, việc Trung Quốc im lặng và không trả lời thỏa đáng những câu hỏi xoay quanh việc cải tạo và quân sự hóa các đảo, cho thấy là Bắc Kinh đã không thành công tại Diễn Đàn Đối Thoại Shangri-La 14 và sẽ đối diện nhiều chỉ trích khác trong những ngày tới.
......

StoryMaker: Tại sao Hà Nội lại lồng lộn đả kích?

Trong ba ngày từ 15 đến 17/5/2015 vừa qua tại Singapore, hơn 30 người đến từ Việt Nam và một số quốc gia khác đã tham dự một sinh hoạt công khai nhằm huấn luyện về việc sử dụng một công cụ truyền thông mới có tên là StoryMaker. Công cụ này nhằm giúp cho mọi người - với smartphone - có thể thực hiện một bản tin, một phóng sự rất dễ dàng và nhanh chóng. Sự kiện này được dư luận quan tâm theo dõi và hoan nghênh vì nó thực sự đem lại nhiều lợi ích trong việc phổ biến tin tức nhanh chóng và trung thực mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trong tình hình hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà khắp mọi nơi. Thế nhưng khóa huấn luyện này lại làm cho Ban tuyên giáo trung ương đảng CSVN lo ngại và đã chỉ thị cho báo Nhân Dân phản ứng bằng bài viết: “Phải chăng họ muốn đi ngược lại các nguyên tắc đã cam kết?”. Nội dung bài viết tập trung tấn công Đài Á Châu Tự Do, Đài truyền hình SBTN, Tổ chức Article 19, RSF vì đã cộng tác với đảng Việt Tân tổ chức sinh hoạt này. Võ Hợp Lân, tác giả bài viết đăng trên báo Nhân Dân đã viết: “Sự kiện này cho thấy RFA, SBTN, RSF,... đã không chỉ ngang nhiên thách thức dư luận, mà còn công khai bắt tay với tổ chức khủng bố "Việt tân" tổ chức các hoạt động chống phá Việt Nam.” Những cáo buộc mang tính hồ đồ của Võ Hợp Lân và Ban tuyên giáo trung ương CSVN chỉ nói lên sự lúng túng của chế độ, qua một số điểm như sau: Thứ nhất, bài báo đã vô hình chung tự thú những gì mà CSVN đã liên tục vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn trong nhiều năm qua. Điển hình như “Phúc trình năm 2015 của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ” (USCIRF) công bố ngày 30/4/2015, khuyến cáo Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách "các nước đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo" (CPC); hay nhân Ngày tự do báo chí thế giới, ngày 1/5 Tổng thống Obama tiếp ba nhà báo đến từ ba nước vi phạm tự do báo chí trầm trọng nhất, trong đó có blogger Điếu Cày một nhà báo tự do đã từng bị kết án 12 năm tù. Họ tiếp tục tự thú rằng ngày 30/4/2015, dân biểu Chris Smith của Ủy ban Ðối ngoại - Hạ viện Mỹ đệ trình Dự luật nhân quyền Việt Nam" (HR. 2140), và ngày 14-5, Tiểu ban nhân quyền đã thông qua dự luật, tiếp tục trình Ủy ban Ðối ngoại. Tác giả tỏ ra căm tức dự luật HR. 2140 và cho rằng dự luật này đã đưa ra một số đòi hỏi “vô lý và phản nhân quyền” như coi nhân quyền là một điều kiện để Mỹ bán thiết bị quân sự cho Việt Nam hay Việt Nam cần được coi là một nước phải đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo... Thái độ vừa giận dữ vừa tự thú tội của CSVN cho thấy hiện nay, một mặt sức ép về nhân quyền đang đè nặng lên chính sách đối ngoại, một mặt sức ép của các phong trào đấu tranh và các tổ chức xã hội dân sự đòi hỏi CSVN phải có những cải cách sâu rộng trong bối cảnh Việt Nam đang chạy đua vào hiệp định TPP. Như một võ sĩ đang “tứ bề thọ địch” đối phó loạn chiêu, tưởng rằng có thể cáo buộc người khác nhưng chính ra đã làm lộ ra bộ mặt giả nhân giả nghĩa của chế độ trước dư luận quần chúng. Thứ hai, bài báo cũng đã tự thú về những thất bại liên tục khi sử dụng những luận điệu cũ rích khi kết án đảng Việt Tân là “khủng bố”, là “phản động”! Nhưng khổ thay, ai cũng thấy được ngoài khóa huấn luyện về phần mềm ứng dụng StoryMaker mới đây, hoạt động của Việt Tân từ trước đến nay lại còn nhiều lần kết hợp làm việc với những cơ quan, tổ chức quốc tế có uy tín khác. Ngày nay không thể chối cãi đảng Việt Tân luôn đi đầu trong việc tố giác các hành động vi phạm nhân quyền tại Viêt Nam. Đó cũng là một trong nhiều lý do khiến CSVN tức tối các hoạt động của đảng Việt Tân nhưng không làm gì được ngoài những cáo buộc vu vơ quen thuộc. Hà Nội luôn ra sức xoay trở mọi hướng để bôi nhọ Việt Tân mỗi khi có dịp nhưng không bao giờ đưa ra được các bằng cớ nào. Thậm chí họ còn ngụy tạo một cách trẻ con, trong khi Việt Tân là một đảng chính trị hoạt động công khai tại các quốc gia trên khắp thế giới, thường xuyên hợp tác làm với chính giới, các tổ chức nhân quyền quốc tế có uy tín. Những cuộc gặp gỡ như gặp nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ hay Bộ trưởng ngoại giao Úc và viên chức quốc hội các nước, phải chăng đó là những hoạt động làm cho CSVN vô cùng căm tức? Phải chăng những cuộc điều trần về nhân quyền trước quốc hội các nước hay tham gia hoạt động Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là những hoạt động “khủng bố” chống Việt Nam như Hà Nội hàm hồ kết án? Thứ ba, bài báo đã tự thú về sự cay cú khi thấy những nỗ lực của Việt Tân trong việc hỗ trợ tự do Internet và sự phát triển mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay. Ngón nghề của chế độ lâu nay là bưng bít dư luận và tô son trét phấn lên bộ mặt đã quá lem luốc của đảng độc tài. Càng bưng bít được nhiều bao nhiêu càng lừa bịp nhân dân được nhiều bấy nhiêu để kéo dài sự tồn tại bất nhân của đảng. Giữ chặt nhân dân trong bức màn đen tối của ao tù là chủ trương lớn của đảng. Không ai quên trong nhiều năm liền Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) xếp Việt Nam là “kẻ thù internet” và là một trong 5 nước kiểm soát báo chí gắt gao nhất thế giới. Chính những nỗ lực của Việt Tân trong việc giới thiệu, huấn luyện phần mềm StoryMaker hay giúp cư dân mạng vượt tường lửa đã góp phần vào việc việc phá tan bức màn bưng bít của CSVN. Nó cũng khiến cho CSVN không chỉ mất dần khả năng khống chế xã hội Việt Nam mà còn có thể dẫn đến tình trạng đột biến xã hội với hiện tượng tức nước vỡ bờ. Những cuộc biểu tình dai dẳng của dân oan cả nước đã khiến chế độ lúc nào cũng ở trong thế đối nghịch với nhân dân và bùng nổ bất cứ lúc nào. Ngày nay quả thực dù với sự độc quyền của hơn 800 báo đài trong tay tuyên giáo và công an, họ cũng không còn có thể tự tung tự tác, vo tròn bóp méo để lừa bịp dư luận được nữa! Họ chỉ còn lại những bài báo kết tội người khác một cách hàm hồ giống như một cuộn băng đã nhão chẳng còn ai muốn nghe! Thứ tư, bài báo còn nêu lên một sự tự thú mang tính ngớ ngẩn của Vũ Hợp Lân khi nhắc lại Tuyên bố chung Hoa Kỳ-Việt Nam trong chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang năm 2013, trong đó hai bên “cam kết tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau" và tự hỏi “dường như một bộ phận trong chính giới Mỹ đang muốn đi ngược lại các nguyên tắc đã cam kết?” Không khó để khẳng định ai là kẻ đã đi ngược lại với những cam kết khi nhìn lại thực tế tại Việt Nam chỉ trong hai năm vừa qua kể từ khi CSVN thay đổi hiến pháp 2013. Không ai khác hơn chính nhà cầm quyền Việt Nam đang đi ngược lại những cam kết với nhân dân mình trên giấy trắng mực đen. Họ đã tự tố cáo những điều sai phạm của chế độ là đi ngược lại các nguyên tắc đã cam kết trong bản hiến pháp 2013. Hiến pháp này ghi rõ các điều khoản tôn trọng quyền con người, tôn trọng các quyền tự do căn bản như quyền biểu tình, lập hội, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do cư trú, đi lại. Nhưng tất cả những điều tốt đẹp trên giấy ấy họ lại không bao giờ có trên thực tế. Người biểu tình yêu nước vẫn bị đàn áp, người bất đồng chính kiến ôn hòa vẫn bị đánh đập công khai ngoài đường phố, blogger sử dụng quyền tự do báo chí bị bắt bớ và tống vô tù. Công dân xuất cảnh hợp pháp bị ngăn chận tịch thu hộ chiếu bất hợp pháp, hoặc lúc trở về bị bắt giữ tra hỏi cả ngày ở sân bay. Có chính quyền nào luôn rêu rao “có tự do nhân quyền hơn nhiều nước khác” lại hành xử theo kiểu côn đồ như thế? Và mới đây, sự kiện quốc hội khóa 12 trì hoãn việc bàn thảo thông qua dự luật về biểu tình sang khóa họp năm 2016 càng cho người dân Việt thấy bản chất tráo trở của chính quyền. Và hiến pháp thực sự là một văn bàn vô tích sự; hiến pháp nói một đường, quốc hội làm một nẻo. Nói tóm lại, người dân Việt Nam đã nghe quá nhiều lời cam kết, những hứa hẹn tốt đẹp từ chế độ; nhưng với những điều tự thú nói trên, CSVN tưởng là để cho Vũ Hợp Lân có thể biện minh dùm cho chế độ, nhưng không ngờ lại vạch trần những tội ác của chế độ trước công luận. Xem ra, càng lồng lộn tố cáo người khác, Hà Nội càng thắt chặt sợi dây thòng lọng chà đạp nhân quyền quanh cổ mình!
......

TT OBAMA ĐẶT TẬP CẬN BÌNH LÊN LƯNG CỌP

NHỮNG GÓT CHÂN ACHILLES CỦA TRUNG CỘNG: Gót chân Achilles là một truyền thuyết nói về “TỬ HUYỆT” của mỗi con người. Truyền thuyết rằng, khi Achilles được sinh ra đã được nhà tiên tri cho biết là chàng sẽ chết trong chiến trận. Để giúp sự trường sinh của con, Thetis đã dốc ngược người cậu bé, hai tay giữ bằng gót chân, rồi nhúng cả người cậu bé vào nước sông Styx, vậy cả người Achilles là mình đồng da sắt, chỉ có gót chân là yếu nhất vì không được nhúng vào nước sông Styx; vì vậy, cuối cùng trong trận chiến tranh thành Troie, Achilles đã bị hoàng tử Paris dùng tên bắn xuyên qua gót chân khiến Achilles tử trận. Theo tác giả Vikram J. Singh cho rằng, Bắc Kinh cứng rắn nhưng thiếu khôn ngoan. Có 2 lý do khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh một mực lấn tới trên Biển Đông: Bắc Kinh muốn dạy cho các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á nên nghe lời hơn là chống lại. Bắc Kinh biết rõ “đường 9 đoạn” căn cứ quan trọng nhất mà nước nầy dựa vào trên Biển Đông không có cơ sở vững chắc theo Luật pháp Quốc tế, nên muốn ra tay trước bằng biện pháp cưỡng bách và đe dọa. Ông Singh nhấn mạnh: “ Chiến lược nầy cứng rắn nhưng không khôn ngoan. Các hành động của Bắc Kinh tiềm ẩn mối nguy cơ lớn, gây xung đột giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chính Trung Cộng. Bắc Kinh tưởng lửa sẽ chỉ thiêu cháy đối thủ của họ. Nhưng họ đã lầm”. Theo ông Alexay Fenenko, phó GS tại Học viện Ngoại giao Nga, nhấn mạnh thêm nguy cơ đối với TrungQuoc, ông nói: “Bắc Kinh không hề có một láng giềng tốt đúng nghĩa, bởi với nước nào Bắc Kinh cũng có xung đột lãnh thổ, vòng từ trái qua phải, lần lượt là Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam. Rõ ràng, khi có vấn đề với tất cả láng giềng thì Bắc Kinh phải xem lại mình,” ông nhận định. “Vấn đề Biển Đông không phải khó giải quyết nhưng vướng mắc cơ bản là ở lập trường “tất cả thuộc về TC”, các nước láng giềng xung quanh không có gì. Trong trường hợp TC không rút Giàn khoan HD-981, trước hết Mỹ sẽ ủng hộ VN, Nga, Nhật, Philippines và cộng đồng Quốc tế cũng có tiếng nói đồng thuận với Mỹ.” Theo ông Anton Svetov, chuyên viên Điều phối các Chương trình Nghiên cứu ĐNÁ của Hội đồng Đối Ngoại Nga, nhận định: “Một mặt, Bắc Kinh phải giữ thể diện của một cường quốc có khả năng áp chế các nước láng giềng; song mặt khác, khó có quốc gia nào trên thế giới ủng hộ hành động nầy của Bắc Kinh. Nói cách khác, thuyết “TRỖI DẬY HÒA BÌNH” sớm muộn gì cũng phá sản, kéo theo các hậu quả tiêu cực cho chính Bắc Kinh là sẽ bị thế giới cô lập.” Giáo sư Robert Sutter của Đại học George Washington mới đây đã có bài viết phân tách sự ngang ngược của Bắc Kinh cũng như những tử huyệt của Trung Cộng mà Mỹ có thể tấn công vào. Trong bài viết: “Cách giải quyết vấn đề Trung Cộng: Hãy đánh vào tử huyệt của Bắc Kinh” được đăng tải ngày 21/7/2014 trên trang web của “Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế & Chiến lược (CSIS) cho rằng, Hoa Kỳ hiện vẫn là quốc gia dẫn đầu và có ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực Châu Á-TBD”. NHỮNG TỬ HUYỆT CỦA TRUNG CỘNG NẰM Ở ĐÂU ? [1] ĐẬP THỦY ĐIỆN “TAM HIỆP” TRÊN SÔNG DƯƠNG TỬ: Dương Tử Giang (Yangtze River) là con sông dài nhất Hoa Lục, đứng vào hàng thứ 3 trên thế giới chiều dài khoảng 6380 km, bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng chảy ngang qua các tỉnh lớn như Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô rồi đổ ra Biển Đông. Sông Dương Tử có tầm ảnh hưởng to lớn về kinh tế và đời sống xã hội. Nó còn là con sông huyết mạch nối liền nội địa với miền viễn đông mà thành phố trọng yếu nhất phiá hạ nguồn là thủ phủ kinh tế và kỷ nghệ THƯỢNG HẢI. Dương Tử Giang là con đường thủy mà người Tàu dùng để chuyên chở hàng hóa lương thực, thực phẩm cung cấp cho cư dân sống dọc theo bờ biển phía Đông nước Tàu và Thượng Hải. Dương Tử Giang quan trọng và to lớn như vậy, nhưng vẫn thường gây ra thiên tai lũ lụt, tàn phá mùa màng. Trong thế kỷ 20, đã xảy ra nhiều trận lụt vào mùa mưa gây nhiều thiệt hại kinh tế và nhân mạng: năm 1954: 30.000 người – năm 1935: 142.000 người – năm 1931: 145.000 người – năm 1911: 100.000 người. Vì vậy, ý tưởng xây đập chia dòng Dương Tử Giang không phải là đề tài mới lạ. Một con đập được thiết kế đúng cách, có thể giúp điều tiết được triều cường để cho nông dân sống dọc hai bên bờ sông Dương Tử tránh được cảnh lụt lội hoặc hạn hán mỗi năm, giúp tàu bè xuôi ngược dòng sông được thuận buồm xuôi gió, giúp nền kinh tế Hoa Lục phát triển thêm nữa, tạo nhiều công ăn việc làm cho dân chúng. Ngay từ đầu năm 1932, Tưởng Giới Thạch đã có bước chuẩn bị khảo sát địa thế xây dựng đập. Xây dựng dự án nhà máy thủy điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới nầy, Bắc Kinh muốn trị thủy, chấm dứt tình trạng lụt lội dọc theo lưu vực sông Dương Tử, đồng thời cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đang bùng nổ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang đau đầu với tác hại môi trường của đập thủy điện khổng lồ Tam Hiệp với hồ chứa nước dài đến 660 km, trị giá 23 tỷ USD và di dời hơn 1,4 triệu dân cư. Con đập trữ nước vào ngày 15/9/2009 đạt mức cao nhất 175m và đến đầu tháng 11 có đủ khả năng phát điện ở mức cao nhất. Nhưng đến cuối tháng đó, mực nước cao nhất chỉ đạt được 171m rồi phải dừng lại; vì lý do, lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Dương Tử ít hơn năm trước đến 34 % và do những báo cáo khẩn cấp báo nguy cơ sạt lở đất. Những vệt nứt cũ sẽ nứt lại khi đất xung quanh còn đẫm nước thì thành hồ sẽ yếu đi, đất sẽ dịch chuyển. Trước kia, trên thượng nguồn sông Dương Tử chỉ có 150 vụ sạt lở đất thì ngày nay có tới 1.200 tai nạn nhiều hơn gắp 10 lần. Những vấn nạn nầy làm hàng trăm cây số đất đai dọc bờ sông chờ sụp đổ hoàn toàn, khiến ngày càng nhiều nông dân phải bỏ ra đi, gây xáo trộn xã hội. Theo RFI gần 20 năm qua, từ sau ngày khởi công xây đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử, chính quyền Trung Cộng ngày càng đau đầu trong việc giải quyết tác hại của con đập khổng lồ nầy. Tháng 7 năm 2010, các đợt mưa to gió lớn trên khắp Hoa Lục đã gây nhiều khốn đốn cho dân chúng dọc theo sông Dương Tử, số người thiệt mạng và mất tích lên đến hàng ngàn người trong cơn bão lũ tràn qua gần 30 địa phương. Thiên tai tàn phá khoảng 670.000 căn nhà, khiến 120 triệu người phải chạy lánh nạn, mức thiệt hại lên đến hàng tỷ USD. Ngày nay, với đập Tam Hiệp, hàng triệu tấn phù sa dồn ứ trong lòng đập, gây hậu quả là các vùng duyên hải ngày càng chìm lún, bị nhiễm phèn nặng do nước biển lấn vào. Nếu tiếp tục đà nầy, sẽ đến lúc dòng sông Dương Tử cạn kiệt không còn chảy kịp ra biển. Đập Tam Hiệp làm lưu lượng sông Dương Tử chảy chậm lại thành cái hố khổng lồ chưá các loại rác rưởi, lớp chìm dưới đáy sông, lớp nổi trên mặt nước, lớp thấm vào mạch nước ngầm. Dọc bờ sông Dương Tử, nhiều thành phố, có nhiều cơ xưởng công kỷ nghệ, làm gia công các mặt hàng cho tư bản Nhật, Hàn và các quốc gia Tây phương cũng vô tư đua nhau thải hoá chất và đủ các loại rác độc hại xuống dòng sông, ước tính khoảng 25 tỷ tấn mỗi năm đe dọa cuộc sống hàng trăm triệu nguời. Các nhà khoa học đã cảnh báo, tình trạng ô nhiễm đã trở nên rất nghiêm trọng nếu chính quyền không tiến nhanh các biện pháp cần thiết để làm sạch con sông nầy thì trong vòng 5 tới 10 năm nữa, 70% lượng nước của sông Dương Tử sẽ bị xếp loại dưới cấp 3, tức là phần lớn thực vật và động vật sẽ chết và có thể làm cho 186 thành phố dọc theo sông Dương Tử sẽ đối mặt với nạn khan hiếm nguồn nước sạch. [2] THÀNH PHỐ THƯỢNG HẢI: Thành phố Thượng Hải, trung tâm kinh tế của Trung Cộng, ví như một New York của Tàu, sắp phải đối phó với thách thức về nguồn nước sạch để cung cấp cho 20 triệu dân. Ngoài ra, thành phố còn phải đối mặt thường xuyên với 452 hoả tiển Tomahawk, đó là loại bom biết bay với tầm bắn hơn 1.500 km có khả năng tự điều khiển, tầm bay thấp tránh hoa tiễn địch phá hủy. Mỗi chiếc Tomahawk trị giá 600.000 USD được 3 tàu ngầm thuộc loại USS Ohio Class của Mỹ mang đến phối trí tại 3 hải cảng vùng Á Châu trong kế hoạch tăng cường Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đang hoạt động tại Thái Bình Dương, Vịnh Subic ở Phi Luật Tân và Pusan ở Nam Hàn và đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Dãy kinh tế duyên hải Hoa Lục rất yếu, có thể bị Hải quân Mỹ tấn công dễ dàng. Những “lỗ hổng” dọc theo duyên hải của Trung Cộng sẽ cho phép lực lượng Không quân Mỹ tiêu diệt các Trung tâm chỉ huy & kiểm soát radar và tên lửa “đất đối không” chủ yếu của Bắc Kinh, Mỹ phải tiêu diệt những điểm chốt này trước khi muốn tiếp tục tấn công nhằm vào các mối đe dọa quân sự khác của Trung Cộng nằm sâu trong nội địa. [3] NHỮNG ĐẬP NƯỚC TRÊN THƯỢNG NGUỒN SÔNG MEKONG: Theo tài liệu chính thức của Tỉnh ủy Vân Nam năm 1995, Bắc Kinh đã xây dựng hoàn tất một chuỗi 14 con đập thềm Vân Nam trên dòng chính sông Mekong bắt đầu từ thượng nguồn. Chính những con đập nầy đe dọa nghiêm trọng đời sống cả trăm triệu nông dân và ngư dân vùng Đông Nam Á. Những đập nước trên sông Mekong quan trọng như cột sống của con rồng đỏ Trung Cộng, đánh gẫy cột sống nầy con rồng đỏ sẽ tê liệt ngay. Chắc chắn nó sẽ không tồn tại vĩnh viễn để TC tiếp tục gây thảm họa cho nhân loại nói chung và những quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong nói riêng, phần đông là những ngư dân và nông dân nghèo khổ sống lam lũ nhờ vào nguồn tôm cá, nước ngọt phù sa để trồng lúa và hoa màu, số cư dân nầy sẽ tăng lên tới 100 triệu người. Những hệ thống con đập thủy điện trên sông Mekong nếu bị đánh sập, nó sẽ gây ra đại thảm họa cho chính Bắc Kinh vì những lý do sau đây: Đập thủy điện Zipingpu thuộc tỉnh Tứ Xuyên được đưa vào hoạt động từ năm 2006 cho đến khi xảy ra trận động đất ngày 12/5/2008 với cường độ 8.0 ở Vấn Xuyên (Wenchu) gây ra tử vong cho 69.000 người và 11 triệu người vô gia cư. Các nhà khoa học và các chuyên gia về môi sinh nghi ngờ sự an toàn của các đập nước trong vùng phía Tây Nam Hoa Lục là nơi có tình trạng địa chấn bất ổn và đặt câu hỏi với chính phủ:     Xây hồ chứa lớn và đập nước cao trong vùng cung “đại địa chấn” có thích hợp hay không? Đặc biệt là phía Đông đồng bằng Thanh Hải – Tây Tạng (Quinhai – Tibatan) và vùng núi đồi, khe đá Đông – Bắc tỉnh Vân Nam, nơi có cấu trúc địa chất phức tạp và nằm trong vùng ảnh hưởng của lớp địa chất di chuyển. Vì thế, 2 tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam là nơi thường xảy ra nhiều trận động đất nhất, có cường độ cao nhất Hoa Lục.     Đã có sai lầm khi thẩm định cường độ địa chấn khi soạn thảo các phương án xây dựng các đập thủy điện trên vùng địa chấn bất ổn phía Tây Nam hay không? Sau trận động đất ở Wenchu chứng tỏ đã có những tính toán sai lầm trong việc nghiên cứu, thẩm định nguy cơ của địa chấn khi xây những đập nước trong vùng nầy. Đập Zipingpu lớn nhất trên thượng du sông Mân Giang nằm 9 km trên thượng nguồn Dujiangian dung tích chứa 1.1 tỷ thước khối nước, cao 156 thước và chỉ nằm cách tâm điểm địa chấn 17 km. Đây là dự án khổng lồ, hồ chứa nước nầy giống như một vạc nước khổng lồ đã treo trên đầu hàng triệu dân cư Chengdu (Thành Đô) và vùng phụ cận. Có thể sau khi xây hồ xong và lúc mực nước hồ lên cao đỉnh rất có thể là nguyên nhân đã gây ra trận động đất đó. Theo Flight Global, Không quân Mỹ đang phát triển loại bom xuyên boongke trọng lượng nhẹ cho tiềm kích tấn công JSF F-35 trong chương trình HVPW, nó nặng khoảng 907 kg đủ để xóa sổ các đảo nhân tạo của TC trên Biển Đông. Còn các loại bom xuyên boogke khủng, siêu hạng nặng GPU-57 MOP (Massive Ordnance Penetration) có trọng lượng tới 13 tấn dùng để phá hủy các mục tiêu kiên cố như hầm ngầm, công sự, các công trình xây dựng nằm sâu dưới lòng đất, đập thuỷ điện khổng lồ như đập Tam Hiệp hoặc hệ thống đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong chẳng hạn… [4] TỬ HUYỆT ĐƯỜNG LƯỠI BÒ: Tờ Đa Chiều của Hoa Kiều hải ngoại, số ra ngày 4/7/2014 bình luận, việc Philippines khởi kiện đường lưỡi bò mà Bắc Kinh yêu sách ở Biển Đông ra Toà án LHQ về Luật Biển là giáng một đòn chí mạng và đường lưỡi bò sẽ trở nên vô dụng. Ngày 6/5, Toà án Quốc Tế về Luật Biển đã ra thông báo, yêu cầu Bắc Kinh trong vòng 6 tháng phải nộp bản thuyết trình lập luận của mình trước Toà án về đơn kiện của Philippines, trong vụ kiện yêu sách đường lưỡi bò hoàn toàn trái với Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nếu trước ngày 12/5 Tòa án không nhận được phản hồi của Bắc Kinh, họ sẽ tiến hành xử vụ kiện mà không cần sự có mặt của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tờ Đa chiều cho rằng, Bắc Kinh khó có thể làm ngơ với vụ kiện này. Một số nhà phân tích nhận định; mặc dù, Bắc Kinh đã bảo lưu quyền từ chối xử lý tranh chấp lãnh thổ và vùng biển chồng lấn thông qua cơ quan tài phán, nhưng điều mà Philippines khởi kiện lại không phải tranh chấp vùng biển chồng lấn, càng không phải là tranh chấp lãnh thổ hay quy thuộc các đảo mà tất cả chỉ nhằm vào bản chất hiệu lực pháp lý của hoạt động phân giới các vùng biển. Vấn đề cốt lõi đầu tiên trong vụ kiện của Philippines là tính hợp pháp của đường lưỡi bò hay đường chữ U mà Bắc Kinh yêu sách tới 80% diện tích Biển Đông. Vậy, một khi toà án tuyên bố đường lưỡi bò Bắc Kinh yêu sàch ở Biển Đông là vô giá trị sẽ gây ra hậu quả nào đối với Trung Cộng? Nếu như Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của Toà án Quốc tế thì Trung Cộng tự đặt mình ngoài vòng luật pháp quốc tế như bọn cướp biển Somalia. [5] EO BIỂN MALACCA : Bắc Kinh xem eo biển Malacca là yết hầu tử lộ của Trung Cộng. Bắc Kinh dù có được 80% Biển Đông thì cũng chỉ mới tạo ra được một bàn đạp quân sự, chiếm lĩnh một ít tài nguyên chưa được đánh giá chính xác, nhưng tử huyệt chính là eo biển Malacca mà chưa được giải quyết, coi như chưa giải quyết vần đề then chốt. Các quốc gia ven eo biển Malacca đã và đang án ngữ tử lộ của Bắc Kinh. Đó là các quốc gia thân và đồng minh với Mỹ ven eo biển Malacca gồm: Malaysia, Indonesia, Brunei, Singapore, Australia và Ấn Độ cũng muốn nhập cuộc phong tỏa tử lộ nầy của Bắc Kinh. Theo báo cáo của Ngũ Giác Đài, Bắc Kinh nhập cảng ít nhất 51% lượng dầu từ Trung Đông. Khoảng 43% lượng dầu phải đi qua eo biển Hormuz, trong khi 82% lượng dầu nhập cảng phải đi qua eo biển Malacca (khoảng 440.000 thùng dầu mỗi ngày từ Trung Đông & Châu Phi). Ngũ Giác Đài đã vạch rõ chiến lược phức tạp, khó khăn của Bắc Kinh trong việc bảo vệ nguồn năng lượng nhập cảng, eo biển Malacca là gót chân Achilles của người khổng lồ chân đất sét. OBAMA ĐẶT TẬP CẬN BÌNH LÊN LƯNG CỌP: Trong cuộc họp báo ở Washington ngày 22/5/2015, Trợ lý Ngoại Trưởng phụ trách Đông Nam Á – TBD ông Daniel Russel cảnh báo Bắc Kinh đừng nên thách thức Hải quân Mỹ ở Biển Đông: “Không ai có suy nghĩ bình thường lại dám thử cản trở hoạt động của Hải quân Mỹ. Đó không phải là một bước đi đúng đắn,” ông khẳng định. “Các chuyến bay tuần thám của Hải quân Mỹ ở Biển Đông là phù hợp, bởi nó diễn ra trong không phận quốc tế, Mỹ sẽ tìm cách duy trì khả năng thực hiện quyền tự do lưu thông trên biển và trên không của mọi quốc gia”. Cùng ngày, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng bài xã luận nói rằng, những hành động “khiêu khích” của Mỹ không ngăn chận được kế hoạch xây đảo của TQ ở Truờng Sa. “TQ cần chuẩn bị tăng cường hành động đối phó theo mức độ khiêu khích từ Mỹ. Washington nên nhớ rằng, sức mạnh tàu chiến và chiến đấu cơ của họ ít có khả năng giành chiến thắng trước sự khôn ngoan từ hàng thế kỷ của TQ”. (sic!) Bắc Kinh đừng quên rằng, hoạt động bồi đấp phi pháp của TrungCong ở quần đảo Trường Sa, không chỉ gây phản đối từ các bên liên quan mà còn gây quan ngại cho cả những quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông. Trong bài bình luận trên báo The Age, Bonnie S. Glasser tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy (Úc) cảnh báo những hành động của TC ở Biển Đông đang gây bất ổn cho an ninh khu vực và trong một số trường hợp vi phạm Công Ước LHQ về Luật biển. Bà Glasser nhận định: “Cho đến nay, những phản ứng của Cộng Đồng Quốc Tế vẫn không ngăn được việc Bắc Kinh dùng vũ lực đối với các nước láng giềng”. Để ngăn chận tình trạng nầy, bà cho rằng: “Úc cần phối hợp với Mỹ thực hiện chiến lược gây áp lực nhằm thay đổi những toan tính và hành vi của Bắc Kinh”. Chuyên gia Glasser còn nhấn mạnh cần phải có “phản ứng toàn cầu” để buộc Bắc Kinh hành xử theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế.” Ngày 18/5/2015, ông Peter Jennings – người đứng đầu cố vấn của Chính phủ Australia Tony Abbott – về sách trắng đã đề xuất Australia điều động chiến đấu cơ và tàu quân sự tới Biển Đông nhằm ngăn chận nguy cơ TC kiểm soát tuyến đường biển cực kỳ quan trọng của thế giới. Bước kế tiếp, khẳng định quan điểm của chúng ta là điều tàu chiến và chiến đấu cơ tới vùng trời và vùng biển ở Biển Đông. Nói nghiêm túc thì chúng ta sẽ phải làm điều nầy. Tập Cận Bình với bản chất kiêu căng, ngạo mạn đã lên tới tột đỉnh không dễ gì chịu xuống thang ở Biển Đông; mặc dù, biết rằng Hải quân TQ chưa đủ khả năng đối đầu và tranh thắng với Nhật Bản, Ấn Độ hoặc Australia đừng nói chi 3 nước nầy liên minh với Mỹ thì tham vọng muốn làm bá chủ Châu Á-TBD là hoàn toàn bất khả thi. Bắc Kinh chưa học thuộc bài học của Tôn Tử: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Tập Cận Bình đã hiểu được bao nhiêu sức mạnh quân sự của Nhật Bản? Khoan nói tới sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Nhật Bản có 5 loại vũ khí sát thương lợi hại để đối đầu với PLA: Tàu chở trực thăng IZUMO, lượng giãn nước tiêu chuẩn gần 20.000 tấn, có thể chở 470 thủy thủ và 14 chiếc trực thăng, có thể chở 12 chiến đấu cơ F-35B cất cánh thẳng đứng. Tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu tiên tiến nhất thế giới. Hiện nay, Nhật Bản sở hữu 8 chiếc tàu ngầm loại nầy, có thể trở thành mối đe dọa, khắc tinh của Hải quân TC. Tàu khu trục lớp Atago là tàu khu trục có năng lực tác chiến mạnh nhất của Nhật Bản, có lượng giãn nước tối đa gần 10.000 tấn. Máy bay V-22 Osprey có năng lực rất lớn, không vận chiến thuật. Một chiếc Osprey có thể vận chuyển binh sĩ lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đến đảo Senkaku trong vòng nửa tiếng mà không cần tiếp dầu trên không. Nó còn có thể cất cánh, hạ cánh trên các tàu chiến của Nhật Bản như tàu khu trục.  Máy bay chiến đấu F-35 được trang bị các tên lửa đối không AIM9X, AIM120C, bom dẫn đường vệ tinh JDAM, bom dẫn đường laser GBU12. Ngoài ra, dự kiến trong mùa Hè nầy, chiến đấu cơ tàng hình rất được chờ đợi F-3 do Nhật Bản tự thiết kế và chế tạo chứ không phải là sản phẩm nhái như Tàu Cộng và nó sẽ được xuất xưởng đưa ra bay thử ngiệm, đánh dấu bước đột phá của nước nầy về công nghệ tàng hình và động cơ công suất cao. Máy bay có trọng lượng nhẹ và sẵn sàng tác chiến đa nhiệm và đa năng. Hai nước Nhật Bản và Mỹ được cho là đã đạt được đồng thuận về vấn đề tuần tra và giám sát chung ở Biển Đông. Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng BQP Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani vào ngày 8/4/2015. Chính phủ Nhật Bản cho biết, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và lực lượng vũ trang Mỹ nhắm đến việc bảo đảm sự ổn định của các tuyến đường biển quan trọng đối với hoạt động nhập cảng dầu thô của Nhật Bản. Động thái nầy được cho là nhằm mục tiêu gây sức ép buộc TC từ bỏ lập trường gây hấn của nước nầy trong khu vực. Bên cạnh đó, Tokyo cũng yêu cầu Washington nêu rõ trong bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng Nhật – Mỹ rằng, các lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ các hòn đảo xa nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản trong trường hợp các đảo nầy bị tấn công. Trong khi đó, phát biểu tại Jakarta, Đại tướng Moeldoko, Tư lệnh Quân Đội Indonesia, ngày 20/4/2015 đưa ra nhận định: “Hoà bình và ổn định trên Biển Đông đã có những thay đổi đáng kể. Các nước đều khẳng định rằng, Trung Quốc là một mối đe dọa chung đối với các nước láng giềng. Chính vì vậy, Châu Á cần một sự cân bằng quyền lực mới,” tướng Moeldoko nói. “Khu vực Biển Đông đang ngày một căng thẳng, nhất là khi TC đẩy mạnh tiến độ xây dựng“trường thành cát” tại các bãi đá trên Biển Đông. Trước những động thái của Bắc Kinh, Indonesia đã lên kế hoạch nâng cấp lực lượng quân sự của mình ở Natuna và Tanjung Datu ở phiá Nam Biển Đông…” Rõ ràng, Bắc Kinh đang bị thế giới bao vây và cô lập. Nhưng, với bản chất kiêu căng ngạo mạn, Tập Cận Bình vẫn cứng giọng vì đã lỡ cỡi lên lưng cọp, tiến thoái lưỡng nan…nếu nhượng bộ Hoa Kỳ thì còn đâu là danh tiếng của một siêu cường? Còn xuống lưng cọp vì tiêu tan hết uy tín làm sao đủ tư cách lãnh đạo Đảng CSTQ? Bắc Kinh đang lâm vào tình trạng bị bao vây và cô lập, Tập Cận Bình chỉ trông cậy vào việc thành lập liên minh với Nga để chống lại Hoa Kỳ và đồng minh. Nhưng, Putin là con cáo già không dễ gì bị Tập Cận Bình dụ dỗ, lôi kéo vào trận đồ chống Mỹ ở Biển Đông. Tập Cận Bình thừa biết biết rằng, lực lượng vũ trang QĐNDTQ chỉ là con cọp giấy: “Theo báo cáo của Hou Minjun, Chỉ huy trưởng của một đơn vị thiết giáp thuộc tập đoàn quân “số 27” của Quân đội Trung Quốc chua xót tiết lộ, đơn vị của Hou Mijun đã mất hơn một nửa lực lượng chưa kịp tham chiến trong một cuộc tập trận kéo dài 9 ngày ở khu vực Nội Mông. Theo đó, trong cuộc tập trận mang tên Bắc Kiếm 1405 diễn ra vào năm 2013, chỉ trong 48 giờ đầu tiên, tiểu đoàn tăng thiết giáp đã mất 40 xe tăng do gặp phải các “sự cố” kỹ thuật và hầu như không thể hoạt động được. Chỉ có 15 chiếc trong số đó có thể sửa chữa và tiếp tục cuộc hành quân kéo dài hơn 230 km tiến tới mục tiêu”. Theo The National Interest của Mỹ đưa tin, một quan chức cấp cao Không quân Mỹ cho rằng, nếu máy bay chiến đấu tàng hình F-22 gặp phải mối đe dọa “không đối không” tỉ lệ sát thương của F-22 đối với máy bay chiến đấu J-11 hàng nhái của không quân TC là 30 so với 1 (30:1) BẮC KINH CÓ DÁM ĐỐI ĐẦU VỚI MỸ Ở BIỂN ĐÔNG ? Trước sự việc, không thể thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo với TC, đã khiến các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần với Hoa Kỳ. Như vậy có thể thấy rằng, việc Bắc Kinh hành động hung hăng ngang ngược, nhằm độc chiếm Biển Đông giống như hành động “tự lấy dây thắt họng mình”. Bắc Kinh đã khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới đồng loạt lên tiếng chỉ trích và các nước nhỏ bị họ bắt nạt, chèn ép thì trở nên gắn bó với với Mỹ chống lại lại ý đồ bành trướng bá quyền của họ ở Biển Đông. Washington cũng có nhiều hành động khác nhằm cô lập Bắc Kinh. Mới đây, các chỉ huy quân sự của 20 quốc gia Châu Á – TBD đã được Mỹ mời tham dự một hội nghị về an ninh Châu Á tại Hawaii, nhưng Bắc Kinh không được mời. Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên đề các lãnh đạo lực lượng PACCOM, được tổ chức nhằm mục đích đặt nền tảng cho việc Hoa Kỳ liên kết các chiến dịch đổ bộ với các quốc gia khác. Đây chỉ là một cuộc diễn tập quân sự, song nó cho thấy sự hợp tác và điều hợp giữa các lực lượng đổ bộ Châu Á – TBD. Cho dù Bắc Kinh có hung hăng ngang ngược tới đâu, cũng chỉ dám bắt nạt, hù dọa, chèn ép các nước nhỏ. Nhưng, còn lâu mới dám đối đầu với thách thức của Mỹ ở Biển Đông. Bằng chứng là ngày 21/5/2015, kênh CNN đã phát đi đoạn video quay từ máy bay do thám P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ trên vùng trời phía trên đảo nhân tạo, mà TC xây dựng trái phép. Video có đoạn TC yêu cầu máy bay Mỹ phải rời khu vực nói trên. TC đã dùng sóng thông báo: “Đây là hải quân Trung Quốc…các người hãy đi đi…để tránh hiểu lầm”. Phi công Mỹ đã trả lời: “Đây là không phận Quốc tế”. Rõ ràng, đây là hành động khiêu khích của Hải quân Mỹ muốn tạo cớ để trừng phạt Bắc Kinh vì hành động xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Với vị thế hàng đầu về sức mạnh quân sự, Mỹ cương quyết không để Bắc Kinh bắt nạt các nước nhỏ và biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Washington sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh và sắp tới đây, Mỹ sẽ điều động thêm tàu chiến và chiến đấu cơ tới khu vực TC đang bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành động thách thức cần thiết để Bắc Kinh hiểu rõ quyết tâm của Washinton đối với an ninh khu vực nầy.Chỉ cần Hải quân Trung Cộng khai hỏa trước, bắn trúng một chiến hạm hoặc chiến đấu cơ nào của Hoa Kỳ là sẽ bị trả đũa khốc liệt. Hải quân Hoa Kỳ chỉ cần điều động chiếc tàu ngầm tên lửa USS Michigan lớp Ohio có khả năng xoá sổ các đảo nhân tạo trong chớp mắt và đồng loạt mở các cuộc tấn công vào những tử huyệt của Trung Cộng là đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử và hệ thống đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, nó sẽ trở thành mục tiêu cố định vô phương bảo vệ, thành phố Thượng Hải sẽ chìm trong biển lửa và việc phong tỏa eo biển Malacca sẽ được khẩn trương tiến hành… Muốn giết một con rồng thì trước hết phải đập đầu và đập gẫy cột sống là nó sẽ bị tê liệt ngay, hết phương vùng vẫy ! KẾT LUẬN: Thái độ ngang ngược hung hăng, kiêu căng ngạo mạn của những người lãnh đạo Bắc Kinh đã giúp cho Hoa Kỳ nhanh chóng phục hồi uy tín và ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Châu Á-TBD nhờ vào đường lối ôn hoà, bình đẳng, tôn trọng và bênh vực lợi ích của các nước nhỏ. TT Obama đã khôn khéo khai thác sự kiêu căng, tự phụ và ngạo mạn của Tập Cận Bình lên đến tột đỉnh, bất chấp luật pháp quốc tế để đặt họ Tập vào thế cỡi lưng cọp. Nó đã giúp cho Hoa Kỳ liên minh được Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và các quốc gia Đông Nam Á trong chiến lược bao vây và cô lập Bắc Kinh. Ngũ Giác Đài đang xem xét điều động phi cơ chiến đấu, tàu chiến đến thẳng khu vực Bắc Kinh đang tiếp tục xây dựng cải tạo các đảo nhân tạo, một động thái thách thức “tuyên bố đòi chủ quyền” ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tờ báo Wall Street Journal cho biết, Bộ trưởng BQP Mỹ Ashton Carter đang nghiên cứu khả năng, Hoa Kỳ cần bao nhiêu chiến đấu cơ, máy bay do thám và tàu chiến Hải quân Mỹ đưa đến thẳng khu vực nằm trong vòng 12 hải lý từ các bãi đá, bãi cạn nơi mà Bắc Kinh đang tăng tốc xây dựng để thực hiện ý đồ “đòi chủ quyền của mình” tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giới chức Mỹ cho biết, Toà Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài có những động thái cho thấy, cả hai cơ quan tối cao nầy đang tình toán thực hiện những bước đi chắc chắn để đưa ra thông điệp với Bắc Kinh rằng, việc tăng tốc xây dựng các đảo nhân tạo của họ phải chấm dứt ngay lập tức, vì nơi nầy thuộc vùng biển và vùng trời của Quốc tế. Chúng ta hãy chờ xem phản ứng của Bắc Kinh có dám đối đầu bằng vũ lực với Mỹ, Nhật, Ấn, Australia hay không? Theo tôi dự đoán, bản chất của bọn Tàu Khựa là “xỏ lá” chỉ dám bắt nạt, chèn ép các nước nhỏ như Việt Nam, Philippines, Indonesia còn như đụng phải địch thủ hùng mạnh như Hoa Kỳ thì sẽ cuốn gói chạy dài… NGUYỄN VĨNH LONG HỒ
......

Nỗi sợ hãi đang chuyển động

Những hình ảnh với gương mặt bê bết máu của các nhà hoạt động gần đây cho thấy sự đàn áp của công an nhắm vào họ đang gia tăng cuồng nộ! Tuy nhiên khác với trước đó, thái độ bình tĩnh, ý thức, sẵn sàng đối đầu của hầu hết các nạn nhân đã khiến người ta thấy rõ nỗi sợ hãi đang chuyển động. Nó đang chuyển dần từ những người bị hành hung, từ những người dân thấp cổ bé miệng sang những kẻ cầm quyền. Nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến bị công an giả dạng côn đồ hành hung. Photo *** Dù cảm thấy vô cùng bất nhẫn, tôi vẫn muốn minh hoạ sự chuyển động đó bằng một hình ảnh tươi đẹp và chợt nhớ đến những bước chân của em bé Ruby Bridges trên đường đến lớp năm 1960. Bố mẹ của Ruby đã ghi danh cho em học tại một trường tiểu học gần nhà dành cho các em da trắng. Khi ấy tại New Orleans sự kỳ thị màu da vẫn chưa được gỡ bỏ ở các trường học; và để phản đối sự có mặt của em, các giáo viên đã từ chối đứng lớp ngoại trừ một cô giáo trẻ. Và cũng chỉ mình cô duy nhất, là cô giáo của em suốt năm học đó. Hàng ngày đến lớp, Ruby phải đi ngang qua những bức tường đầy vết cà chua và những dòng chữ thoá mạ. Ruby có thể chuyển về nơi các bạn da đen của em đang học thay vì phải chịu đựng nỗi sợ hãi trước một đám đông cha mẹ giận dữ, gào thét trước cổng trường. Để bảo vệ em, hàng ngày có đến bốn cảnh sát liên bang đi cùng em, và họ đã nói về cô bé như sau: "Ruby không khóc. Em cũng không thút thít. Em chỉ xốc bước đi cùng, như một người lính bé nhỏ. Tất cả chúng tôi đều rất tự hào về em." Phải một năm sau đó, sinh hoạt ở ngôi trường ấy mới trở lại bình thường. Các trẻ em da trắng được cha mẹ cho trở lại trường và ngoài Ruby, lại có thêm một vài học sinh da đen khác. Cô bé 6 tuổi này đã giúp xoá bỏ sự kỳ thị màu da không những chỉ tại các ngôi trường thuộc tiểu bang New Orleans. Và sự kiên định của cha mẹ em, những người da đen bình thường, vô danh là những yếu tố quan trọng giúp cho sự chuyển đổi này. Bậc cha mẹ đáng kính đó đã cho con gái họ một hành trang vô cùng quý báu để bước vào đời! Trong bối cảnh VN hiện nay, sự kiên định và thái độ của những nhà hoạt động trước những bạo hành của công an cũng đang tạo nên một luồng sinh khí mới. Ý thức về dân chủ và quyền con người đã khiến mọi người cùng đứng sát vào nhau – ít nhất là về ý tưởng và thái độ - sẵn sàng tranh đấu để thực hiện cho bằng được ước vọng chính đáng của mình. Tôi nhớ đến thi sĩ Chế Lan Viên và cái khát vọng cuối đời của ông. Ông ước ao rằng ở thế kỷ sau, người ta không phải sống như ông chỉ vì để nuôi nấng xác thân đã phải đem làm thịt linh hồn mình. Chế Lan Viên mất năm 1989, hai mươi lăm năm sau, những con người của một thế kỷ mới đang bắt đầu xuất hiện. Công an, theo trách vụ được quy định là để ổn định trật tự xã hội và bảo vệ người dân. Nhưng hiện nay nhiệm vụ này trở nên đối nghịch; công an ngày nay chủ yếu tham nhũng, sách nhiễu và tàn ác với dân nên tạo ra nhiều bất ổn xã hội. Lãnh đạo cộng sản đã biến lực lượng công an nhân dân trở thành công cụ nhằm để bảo vệ đảng và chế độ. Thông điệp ở trên đưa xuống rất rõ ràng “chỉ biết còn đảng còn mình” (sic). Đây đơn thuần là mối quan hệ chủ tớ, công an ngày nay chỉ cần biết một điều duy nhất - ngày nào còn đảng là còn lương ăn và sổ hưu - mọi chuyện khác đều phải coi nhỏ kể cả biển Đông và biên giới !!! Vì bảo vệ đảng và chế độ là quan trọng, do đó nhiệm vụ của công an cũng thay đổi theo thời gian và nhất là tùy theo khả năng kiểm soát của kẻ cầm quyền. Ngày trước, khi chế độ còn mạnh và kiểm soát mọi thứ, công an không cần phải ra tay đàn áp, chỉ cần ra mệnh lệnh là người dân nghe răm rắp. Nỗi sợ hãi ám ảnh toàn xã hội, từ dân thường cho đến cán bộ. Không phải chỉ giới văn học như Chế Lan Viên hay Nguyễn Tuân mới biết sợ, trong cuốn “Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội” nhà văn Nguyễn văn Trấn kể rằng có lần hỏi ông Tôn Đức Thắng tại sao để cho cải cách ruộng đất giết dân như vậy. Đang ngồi, ông Thắng bật dậy khỏi ghế vừa đi vừa văng tục: “ ĐM, tao cũng sợ nó, mày biểu tao còn dám nói cái gì?”. Ngày nay, mặc dù sự khủng bố vẫn còn nguyên đó, nhưng ý thức được “quyền lợi và quyền hạn” của mình đã giúp cho nhiều người VN đẩy lùi được nỗi sợ hãi. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã không ngừng dùng bạo lực tấn công những nhà bất đồng chính kiến. Có đến 9 vụ tấn công liên tiếp vào các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền, gần đây nhất là vụ tấn công anh Đinh Quang Tuyến vào lúc 7 giờ sáng ngày 19/5 vừa qua. Theo lời anh Tuyến thuật lại, khi thấy anh rời khỏi nhà một công an mật vụ vẫn thường theo dõi anh đã dùng điện thoại để báo tin. Sau đó có hai công an mặc thường phục đã chạy theo xe đạp của anh. Khi anh dừng lại thì họ chạy lên ngang xe với anh và đấm thẳng vào mặt anh. Cuộc bạo hành đã khiến anh Tuyến bị nứt xương mũi, máu chảy lênh láng trên mặt. Dù biết chắc kẻ đánh mình chính là công an mật vụ, nhưng anh Tuyến cho biết là anh không hề thù oán họ, vì cho rằng họ chỉ là công cụ, chỉ làm theo lịnh trên. Và anh khẳng quyết: "Nếu đánh tôi để dằn mặt, thì họ đã không thể đạt được mục đích". Sau đó anh còn tâm sự rằng: “Tôi bị lũ quỉ hồ quang đánh lén, ngay lập tức anh em dân chủ vây quanh chăm sóc tôi như các thiên thần, thân xác đau đớn nhưng tâm hồn thật hạnh phúc, cảm ơn trời cảm ơn mọi người!” Nghe những chia sẻ của anh Đinh Quang Tuyến, khi vết thương trên mặt của anh còn sưng tấy và đau đớn có người ngạc nhiên bảo “y như chuyện cổ tích”. Và chuyện y như cổ tích đó không chỉ dừng ở một người. Anh Trịnh Anh Tuấn, admin của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh cũng đã bị những kẻ lạ mặt tấn công trên đường đi mua sữa cho con. Dù bị nhiều thương tích ở đầu và tay, anh Tuấn vẫn khẳng định anh sẽ không lùi bước. Anh bảo không có lý gì người lương thiện, làm việc tốt lại phải sợ kẻ sai, kẻ xấu. Nhóm bạn của anh cũng đồng lòng, anh Phan Xéng góp lời: “có thể nhiều người nữa sẽ gặp phải vài phiền nhiễu nhỏ nhoi này, theo tôi vào thời điểm này, đó là cái giá quá rẻ để bày tỏ ý kiến chính đáng”. Những câu nói trên của ba người tuy khác nhau nhưng có một điểm rất chung: họ tin rằng cái đúng và cái đẹp sẽ luôn luôn chiến thắng. Sống và hành động với niềm tin đó đã khiến họ cảm thấy hạnh phúc và lạc quan ngay cả lúc thân xác đau đớn nhất, lúc mất mát nhiều nhất. *** Rõ ràng nhiều người dân VN đã đẩy lùi được nỗi Sợ Hãi. Vậy nỗi Sợ Hãi ấy đã đi đâu? Theo tôi, nó đang chiếm lĩnh tâm tư của tầng lớp lãnh đạo nhiều quyền nhiều lợi. Chế độ đang mất dần khả năng kiểm soát xã hội, và sự đàn áp của công an càng gia tăng dữ dội chứng tỏ nỗi lo sợ của lãnh đạo CS càng ngày càng lớn. Câu hỏi còn lại là liệu những kẻ thừa hành đang hành hung các nhà hoạt động sẽ nghĩ gì và sẽ chọn đứng ở điểm nào để nhận được sự bình an trong tâm hồn? Cuộc xuống đường gần đây của người dân tỉnh Bình Thuận đã cho thấy rõ cơn nộ khí xung thiên của người dân đối với lực lượng công an. Gieo gió ắt gặt bão! Nhưng những kẻ lãnh đạo, những kẻ gieo gió sẽ có thừa phương tiện để cao chạy xa bay cùng vợ con và tài sản của họ, thử hỏi lúc ấy cơn bão này những ai sẽ gặt trước tiên? Hôm nay còn đảng còn mình, ngày mai đảng chạy thân mình ra sao?
......

CSVN: Bộ Chính Trị kêu gọi người Việt ở nước ngoài xóa bỏ mặc cảm, định kiến

Ngày 19/5/2015, Bộ Chính Trị (BCT) ra Chỉ thị số 45 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài. Họ kêu gọi người VN ở nước ngoài “xoá bỏ mặc cảm, định kiến”. Câu hỏi được đặt ra là ai, bên nào, mới thực sự là còn mang “mặc cảm” của bạo lực khủng bố và “định kiến” rằng ta là kẻ chiến thắng nên chính nghĩa thuộc về ta. Sau 40 năm ta vẫn muốn ăn mày dĩ vãng, bởi vì ta tuy có sức mạnh tức thời của bạo lực nhưng không có sức mạnh nội lực lâu dài của văn minh nhân loại. Cho nên kẻ cần “xoá bỏ mặc cảm, định kiến” là lãnh đạo và đảng viên của đảng CSVN, chứ không phải người Việt hải ngoại, vì họ đã rất thành công và được đất nước mới của họ trân trọng, đến độ Tổng Thống Obama hồi tháng Sáu năm 2013 khi cùng ông Chủ Tịch Nuớc CSVN Truơng Tấn Sang công khai gặp gỡ báo chí đã khuyên ông Sang nên liên hệ tốt với người Mỹ gốc Việt nếu muốn quan hệ hai nước tiến lên tầm cao chiến lược. CSVN nói rằng “…mọi người Việt Nam… mong muốn góp phần… đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.” Cho đến hôm nay, CSVN vẫn chưa có một lãnh tụ nào, hay một chính sách nào có chủ trương HOÀ GIẢI (ngồi ngang tầm trong một môi trường hoàn toàn tự do, không ràng buộc, để đối diện với sự thật lịch sử mà nói chuyện phải quấy, trước khi đi xa hơn để có thể nói hay giải quyết những bế tắc của đất nước) với bên phía thua cuộc, tức người Việt trong nước và ngoài nước của phía Việt Nam Cộng Hoà. CSVN mang mặc cảm bất an và cao ngạo, họ chỉ chủ trương HOÀ HỢP, ĐẠI ĐOÀN KẾT, tức muốn người ta chung vào cái rọ độc tài, chim có hót thì hót trong chiếc lồng sắt của chế độ CS. Có lẽ ông Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng sắp đi Mỹ (dư luận là tháng Sáu 2015) nên CS có nhu cầu xoa dịu theo lối cha chú và trịch thượng với người Việt hải ngoại, BCT viết “BCT cũng khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời… Mọi người VN ở nước ngoài đều được khuyến khích… Các vấn đề còn tồn đọng sẽ được giải quyết  trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai…” Ai là kẻ không khép lại quá khứ mà tối ngày cứ đi ăn mày dĩ vãng, nào chống Mỹ cứu nuớc, nào chị du kích bắn rớt máy bay, nào chiến thắng Nguỵ nơi này nơi kia, nào ca ngợi và lãi nhãi các hành động bạo lực, khủng bố, ám sát, đấp mô, ném bom vào dân chúng…? Nguời CS dối trá trong thế kỷ 20 thì bùa này của họ có linh do thiếu thông tin đa chiều và đại chúng lúc bấy giờ, ngày nay là thế kỷ 21 của Thời Đại Thông Tin rồi, bùa tuyên truyền và dối trá không còn linh thiêng nữa đâu, tiếc là CS không có khả năng thay đổi qua chân thật, cho nên là sinh vật sắp tuyệt chủng vì không tự điều chỉnh được qua môi trường sống hoàn toàn mới và khác xưa. BCT viết “Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước có người Việt Nam sinh sống nhằm hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, bảo đảm cuộc sống lâu dài ở nơi cư trú…” Câu này thật khôi hài, ai cần CS “hỗ trợ”? Người Việt hải ngoại nhìn về VN với những nạn nhân của CS mặt đầy máu me, chân bị đánh gãy… những khúc ruột trong lòng đất nước mà còn như vậy thì những khúc ruột ngàn dặm có ý nghĩa gì, ngoài việc không thể tránh được, khi CS muốn làm thân với các chính quyền trên đất nước mới của người Việt hải ngoại. Người CS chỉ muốn đi tắt với chính quyền Mỹ và các nước dân chủ tự do, nhưng khổ nỗi là KHÔNG THỂ ĐƯỢC vì trong các nước dân chủ, chính quyền không thể bỏ dân hay khinh dân như trong các nước CS. TT W Bush thắng ông Al Gore ở Florida chỉ khoảng 200 phiếu, người Mỹ gốc Việt đóng góp khoảng một triệu phiếu cho các kỳ bầu cử, tuy không phải là sức mạnh đa số, nhưng là sức mạnh của quả lắc, có thể làm thay đổi kết quả bầu cử. Con đường CS đi đến Hoa Thịnh Đốn nó bắt buộc phải đi ngang qua cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Trong khi đó, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã quá đầy đủ trong sự bảo vệ của chính quyền Mỹ, họ không cần gì từ CSVN cả, điều họ cần là những người dân cùng giòng máu của họ đang ở VN cũng có được những điều kiện và môi trường sống tương tự như họ. Cuối cùng rồi thì CSVN phải đối diện với chính người dân trong nước. CS chối bỏ cái thực tế này thì tức là họ chọn tiến trình tự huỷ. Nghị Quyết 36 chỉ có tác dụng nuôi dưỡng tham nhũng trong đảng qua “các kênh phát thanh, truyền hình phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài, phát thanh, truyền hình đối ngoại, truyền hình qua mạng IPTV hoặc hệ thống truyền hình của nước sở tại…” vì qua hơn 10 năm nghị quyết này chẳng có tác dụng gì, hải ngoại vẫn càng ngày càng nhiệt tình hỗ trợ nhân quyền dân chủ trong nước hơn, các lãnh tụ CS khi qua Mỹ vẫn giữ bí mật thời gian và địa điểm, vẫn đi cửa sau, trốn chạy cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Nghị Quyết 36 là một thất bại thảm hại dù cho nó có răng (có ngân sách). BCT làm như Mỹ và các nuớc tây phuơng là VN khi viết “nghiên cứu thí điểm công nhận các chi hội người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam…” CS lấy hệ thống giá trị độc tài của mình để phán các môi trường hoàn toàn tự do, thật duy ý chí! Ở Mỹ và các nước tự do dân chủ, quyền tự do lập hội được triệt để tôn trọng, hoạt động không cần đăng ký, nếu hội nào muốn có tư cách pháp nhân để mở trương mục ngân hàng v.v.. thì đăng ký, các hội đoàn tư được khuyến khích hoạt động và hoàn toàn độc lập, không có kiểu chính quyền tìm cách kiểm soát và khống chế như ở VN. Để kết luận, CS nên dẹp Nghị Quyết 36 vì nó tốn tiền thuế của dân để nuôi tham nhũng, chẳng có tác dụng thu phục gì với người Việt hải ngoại cả. CS nên hiểu rằng họ không thể đi tắt/short cut cộng đồng người Mỹ gốc Việt trên con đường tiến đến Washington ở tầm chiến luợc cao hơn. Để không đi tắt, CS nên HOÀ GIẢI với những người dân chủ ôn hoà trong nước trước, thả họ ra, tôn trọng họ, xem họ là lực lượng đối lập ngang tầm. Vì lợi ích của chính những người CS, họ nên hiểu là thời thế đã đổi thay. Lê Minh Nguyên Theo GNsP
......

Về Bạch thư Quốc phòng 2015 của Trung Cộng

Ngày 26/5 vừa qua, Dương Vũ Quân, phát ngôn nhân Bộ quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp báo công bố tập Bạch Thư Quốc Phòng 2015, dưới tiêu đề “Chiến lược Quân sự của Trung Quốc” gồm có 6 chương, tổng cộng 9.000 chữ, đề cập đến 4 lãnh vực: Biển, Vũ trụ, Nguyên tử, Mạng Internet. Bắt đầu từ năm 1998 và cứ 2 năm một lần, Bắc Kinh đã công bố Bạch Thư Quốc Phòng, trình bày một số quan điểm chiến lược về an ninh quốc phòng. Tính cho đến lần công bố này, Trung Quốc đã có đến 9 tập Bạch Thư. Riêng dưới triều đại Tập Cận Bình thì có 2 tập Bạch Thư được phổ biến vào năm 2013 và 2015. Khác với những tập Bạch Thư Quốc Phòng trước đây, Bạch Thư 2015 được phổ biến trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ trên biển Đông và biển Hoa Đông nên nội dung đã có nhiều điểm mới, mang tính chất “sẵn sàng đối đầu” nếu “quyền lợi cốt lõi” của Bắc Kinh trên biển bị đe dọa. Tập Bạch Thư nêu ra một số điểm như sau: Thứ nhất, sứ mệnh của quân đội Trung Cộng trong tình hình hiện nay là thực hiện sứ mệnh lịch sử mới nhằm bảo vệ đảng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhất là bảo vệ “lợi ích đặc biệt về biển”. Thứ hai, phương châm phòng thủ của quân đội là chuyển từ phòng thủ sang cả tấn công, một cách quyết liệt hơn, cứng rắn hơn. Lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ tập trung hơn nữa vào các hoạt động ngoài vùng biển khơi, thay vì chỉ bảo vệ lãnh hải gần bờ biển. Lực lượng không quân Trung Quốc sẽ chuyển hướng từ phòng thủ bầu trời sang hình thức cả phòng thủ lẫn tấn công. Thứ ba, quân đội Trung Quốc có nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống vũ khí nguyên tử để không chỉ làm thất bại những tấn công chính xác tầm trung và tầm xa mà còn chống lại việc các quốc gia khác sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Bạch Thư Quốc Phòng Trung Quốc nhận định rằng nguy cơ Thế Chiến Thứ 3 chưa có dấu hiệu bùng nổ trong một tương lai gần; nhưng những xung đột cục bộ có nhiều xác xuất xảy ra. Trung Quốc đã công khai chỉ trích đích danh Hoa Kỳ và hệ thống liên minh quân sự với Hoa Kỳ sẽ là đầu mối gây ra những xung đột cục bộ. Bắc Kinh cũng cho rằng sự thay đổi chính sách quân sự của Nhật Bản gần đây như sửa đổi Hiệp ước an ninh với Mỹ - Nhật, tăng cường hoạt động hải quân Nhật ở Biển Đông và nhất là những động thái quân sự của một số quốc gia có đường biên giới biển với Trung Quốc đang có hành động khiêu khích và đe dọa an ninh của Trung Quốc. Qua những nội dung nói trên, rõ ràng là Bắc Kinh đang tự đặt chính họ vào hai cái lo: Lo thứ nhất là họ đang ở vào thế chuẩn bị đối đầu với Hoa Kỳ, nếu tiếp tục ngoan cố mở rộng lãnh thổ trên các quần đảo Trường Sa đã xâm chiếm trái phép của Việt Nam và Phi Luật Tân. Lo thứ hai là Bắc Kinh cũng đang sợ tứ bề thọ địch khi các đồng minh của Hoa Kỳ bao vây và cô lập Bắc Kinh vì những ý đồ bành trướng ra biển. Chính những lo ngại này, trong Bạch Thư Quốc Phòng 2015, Bắc Kinh đã không ngần ngại tuyên bố việc tăng cường lực lượng hải quân và chuẩn bị chiến tranh quân sự trên biển. Cũng trong ngày công bố Bạch Thư Quốc Phòng, Bắc Kinh cho biết sẽ xây dựng hai ngọn hải đăng cao 50 mét trên bãi đá Châu Viên (Cuateron Reef) và đảo Gạc Ma (Johnson South Reef). Đây là hai bãi đá mà Trung Cộng đã chiếm của Phi Luật Tân và Việt Nam. Bạch Thư Quốc Phòng của Trung Quốc đưa ra đúng vào lúc nguy cơ xung đột quân sự trên vùng biển Trường Sa có thể xảy ra cùng với giọng điệu “chuẩn bị chiến tranh”, rõ ràng là Bắc Kinh đã có sự tính toán. Đó là Bắc Kinh đã dùng Bạch Thư không chỉ thách thức Hoa Kỳ mà còn làm phép thử thái độ của CSVN trước khi Nguyễn Phú Trọng lên đường đi Mỹ vào cuối tháng 5/2015. Riêng Phi Luật Tân thì Bộ trưởng Quốc Phòng Phi Voltaire Gazmin đã tức khắc bay sang Hoa Kỳ để có cuộc gặp gỡ với giới quân sự Hoa Kỳ vào ngày 27/5 tại Hawaii, bàn về chiến lược đối phó nếu xảy ra xung đột như Bắc Kinh cảnh báo. Trung Điền Ngày 26/5/2015
......

Lệnh cấm đánh bắt cá: Món quà thứ hai cho Phùng đại tướng

Ngày 15.5.2015, sau cái bắt tay hữu nghị giữa hai Bộ trưởng quốc phòng Việt cộng Phùng Quang Thanh và Trung cộng Thường Vạn Toàn trên cầu Hồ Kiều tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (tỉnh Lào Cai), biên giới Việt-Trung, ông tướng Ta được ông tướng Tàu tặng một món quà, là một chiếc bình gốm đặc trưng phong cách Trung Hoa. Báo chí đăng tin, ông Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã nhận món quà với sự trọng thị, vui vẻ và cảm ơn chân thành. Sau hôm nhận món quà nói trên, trong nỗi vui mừng được đón Thượng tướng Thường Vạn Toàn và Đoàn đại biểu Quân Giải phóng nhân dân Trung cộng sang dự Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ hai còn tràn trề, ông Phùng Quang Thanh lại được Bắc Kinh tặng thêm một món quà thứ hai, đó là Lệnh cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc lên đến hết vùng biển tỉnh Quảng Đông, bao gồm khu vực đánh cá chung thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ theo hiệp định hợp tác nghề cá mà hai bên Việt-Trung đã ký kết năm 2000 và phê chuẩn năm 2004. Bản tin ngày 17/5 của đài VOA cho biết (*): “Trong cuộc gặp gỡ báo chí, ông Phùng Quang Thanh nói đây là một cuộc gặp lịch sử và ông bày tỏ lạc quan rằng qua cuộc giao lưu này, quân đội hai nước đã gửi ’những tín hiệu hết sức đáng mừng’ tới nhân dân hai nước. Phát biểu ngay trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói hai nước đã ‘giải quyết tốt vấn đề trên biển’, và rằng hai nước có “’đủ trí tuệ và khả năng để thành công trong việc xử lý các vấn đề hàng hải’”. Thế nhưng, khi nhìn vào bản đồ vùng cấm đánh bắt cá mà Bắc Kinh ngang ngược đưa ra, thì vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo luật biển quốc tế không còn là của Ta nữa mà là của Tàu. Như vậy người ta phải hiểu như thế nào về lời tuyên bố nêu trên của tướng Thường Vạn Toàn (hai nước đã giải quyết tốt vấn đề trên biển) và tướng Phùng Quang Thanh xem đó là “tín hiệu hết sức đáng mừng? “Đã giải quyết tốt” và “đáng mừng” vì Việt Nam đã giao gần hết biển cho Tàu một cách êm thắm chăng? Bắc Kinh còn tuyên bố rằng trong thời gian 2 tháng rưỡi áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, sẽ tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm. Tuy nhiên tàu thuyền "có giấy phép" (của Trung Quốc) vẫn được tới đánh bắt ở khu vực này. Đây không phải lần đầu tiênTrung cộng đưa ra lệnh cấm như vậy, mà đã bắt đầu từ năm 1999. Và cứ mỗi lần như thế thì nhà nước CSVN lại cho người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao lên tiếng phản đối. Và cứ sau mỗi lần phản đối mang tính truyền thống như vậy thì nhà nước lại hô hào ngư dân ta cứ tiếp tục bám biển để rồi tàu cá thì bị tàu hải giám Trung cộng đâm hỏng, tài sản bị tịch thu, bị đánh đập, thậm chí có người còn mất cả mạng sống. Những lúc như thế này thì ngư dân rất cần sự bảo vệ nhưng chẳng thấy bóng dáng của lực lượng Hải quân Việt Nam đâu cả. Chỉ khi chiếc tàu cá rách bươm với đám ngư dân khốn khổ lết về gần tới bến thì mới gặp tàu Hải quân Việt Nam. Tất cả họ “bận“ vì đã được lệnh bám bờ để tránh “gây tình hình thêm phức tạp”. Trung cộng không chỉ đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm mà còn bắt ngư dân Việt phải đóng lệ phí mới được phép đánh bắt. Đây là cách Bắc Kinh xác lập chủ quyền của họ trên vùng biển này, mà ngư dân Việt Nam không còn cách nào khác là phải đóng lệ phí để kiếm sống, coi như mặc nhiên thừa nhận chủ quyền vừa kể của Trung Quốc. Đối với ngư dân ta, dẫu vẫn biết làm như vậy là vô lý, vì đó là ngư trường truyền thống bao đời của mình, cũng như biết rõ sự ngang ngược của bá quyền Trung cộng, nhưng vì không có ai bao vệ và vì muốn yên tâm, yên thân bám biển nên phải mua giấy ‘thông hành hải’ giá 40 triệu đồng cho thời hạn một năm do Trung cộng phát hành để việc đánh bắt cá mới được Trung cộng xem là hợp lệ. Cứ mỗi lần Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông thì nhà nước CSVN lại cho chạy đi chạy lại cuộn băng rè đã xử dụng qua bao nhiêu nhiệm kỳ người phát ngôn từ Lê Dũng, Nguyễn Phương Nga, Phạm Thu Hằng, Lương Thanh Nghị và ngày nay là ông Lê Hải Bình. "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982". "Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982". Nhà nước CSVN luôn khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và luôn hành xử đúng luật quốc tế, còn Trung cộng làm bậy làm càn, sai luật quốc tế,....Nhưng tuyệt nhiên không dám chính thức kiện Trung cộng ra toà án quốc tế như Philippine đã làm. Điều này làm nổi lên câu hỏi, khi dựa trên luật quốc tế để làm cơ sở tranh biện với Trung cộng, nhưng không những không có kết quả nào, ngược lại cứ bị thua thiệt mãi trên thực địa, thì tại sao lại không đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền để giải quyết mà chỉ dám phản đối lấy lệ? Những tuyên bố của lãnh đạo CSVN như “không đánh đổi chủ quyền để lấy tình hữu nghị viễn vong“ hoặc “Trung Quốc làm vậy, sao giữ được hòa hiếu?“, hoặc khuyến khích ngư dân bám biển, v.v... chỉ cốt để cho người dân nghe mà ngỡ rằng, lãnh đạo đảng cũng “yêu nước” đấy! Chứ hoàn toàn không giải quyết được điều gì như thực tế đã cho thấy, và chắc chắn lãnh đạo đảng cũng biết như vậy. Thế nhưng tại sao đảng vẫn cự tuyệt đa phương hoá, quốc tế hoá vấn đề Biển Đông đúng như luật biển đã quy định đó là vùng biển quốc tế? Mà cứ bám vào chủ trương “giải quyết song phương” của Trung Cộng đưa ra? Dù ai cũng biết đó là cách Trung cộng dễ bắt nạt các nước nhỏ yếu hơn, để dần dần chiếm trọn vùng biển lưỡi bò. Điều này khiến người ta không khỏi nêu lên câu hỏi khác. Phải chăng có sự khuất tất của CSVN trong vấn đề này? Bao lâu nay những điều thâm cung bí sử của đảng CSVN, những điều mà đảng CSVN cho là bí mật và luôn muốn giấu người dân, như chuyện đời tư của Hồ Chí Minh, chuyện Công hàm Phạm Văn Đồng 1958, cho đến Mật nghị Thành Đô… Thế nhưng kể từ khi Trung cộng lộ rõ bản chất bá quyền và có những hành động xâm lăng biển đảo của Việt Nam, vấp phải sự chống đối của người dân Việt, thì Bắc Kinh bắt đầu tiết lộ một số những điều bí mật mà hai bên đã từng giữ kín từ lâu nay, trong mục tiêu biện minh cho các hành động xâm lược của họ. Phải chăng lãnh đạo CSVN không dám kiện Trung cộng ra toà án quốc tế vì lo sợ Bắc Kinh sẽ tiết lộ thêm những bí mật khác khiến cho đảng khó ăn khó nói, khó chống đỡ? Như họ đã từng làm khi đưa ra Công hàm Phạm Văn Đồng, sách giáo khoa, bản đồ (của CSVN) v.v.. như là những “bằng chứng không thể chối cãi” rằng, CSVN đã chính thức thừa nhận vùng Biển Đông là thuộc về Trung Quốc? Món quà thứ 2 Bắc Kinh tặng Phùng Quang Thanh Hiện tượng quân đội không bảo vệ chủ quyền đất nước mà lại giao lưu với giặc, như được đề cập ở trên, chỉ là một trong rất nhiều điều đã từng diễn ra, củng cố cho nghi vấn về những sự khuất tất của đảng CSVN. Việt Nam mất nước là vì vậy. (*) http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-phan-doi-lenh-cam-danh-ca-cu...  
......

Mỹ nợ tiền Trung Cộng, có sao không?

Sau vụ Mỹ và Trung Cộng đối đáp nhau ở Biển Ðông, Bắc Kinh đã hùng dũng tuyên bố “Quân ta đã đuổi máy bay Mỹ” ra khỏi không phận. Ai cũng biết đây là ba hoa nói khoác. Vì sau khi bay qua trên không phận đảo Chữ Thập và đảo Gạc Ma của nước ta (đang bị quân Tàu chiếm đóng), xong việc rồi, thế nào các phi công Mỹ cũng đưa đoàn chuyên viên đi quay phim bay về nhà ăn cơm! Mục tiêu của chuyến bay là xác định nước Mỹ không công nhận nước Tàu là chủ nhân của các hòn đảo chiếm đóng bất hợp pháp. Quân Tàu tám lần đòi Mỹ bay đi chỗ khác, phi công Mỹ được dịp xác định lại tám lần: Các ông không phải là chủ nhân, thế cũng đủ rồi. Chính phủ Tàu nói chỉ cốt cho dân Tàu nghe sướng tai, cả thế giới biết như vậy. Nhưng lại có người Việt Nam muốn tuyên truyền thêm cho Trung Cộng. Một người viết điện thư cho báo Người Việt Online đưa ra con số chính phủ Mỹ nợ Trung Cộng hàng ngàn tỷ đô la, và “thay mặt Bắc Kinh” dọa rằng nếu Tàu không cho vay thì Mỹ sẽ chết đói! Người viết bức thư trên chắc không cố ý tiếp tục truyền thống nịnh nọt Tàu (theo lối “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ) từ năm 1950. Vì đường lối xu nịnh đó đã bị dân Việt Nam chửi từ mấy chục năm nay rồi. Chắc ai viết bức thư đó cũng không được Bắc Kinh trực tiếp trả công. Ðảng Cộng Sản Việt Nam lo việc lương bổng và tính công điểm cho các “dư luận viên” mỗi ngày ghi sổ. Chủ ý của Ðảng khi sai bồi bút viết bức thư trên là để dọa dân Việt Nam. Bằng cách gieo vào đầu óc mọi người một mối sợ hãi ngàn đời: Sợ Tàu. Ðừng ai phản đối chủ trương lệ thuộc Tàu của đảng nữa vì Tàu là chủ nợ, cả Mỹ cũng sợ! “Ðây nhé, Mỹ vẫn phải vay nợ Tàu mới sống được! Ðừng tính chuyện châu chấu đá xe nữa nhé!” Họ muốn làm nhụt ý chí của những người Việt chống xâm lược. Ðảng Cộng Sản chỉ dọa nạt được những người không hiểu biết về kinh tế. Sự thật về những món nợ khổng lồ của chính phủ Mỹ ra sao? Trước hết, xin báo tin buồn cho các bồi bút nịnh Tàu biết: Chủ nợ lớn nhất của Mỹ không phải là Trung Quốc nữa, mà là Nhật Bản. Ngày 15 Tháng Tư năm 2015, Mỹ đang nợ Nhật $1.2244 ngàn tỉ (trillion) đô la, chỉ nợ Trung Cộng $1.2237 ngàn tỉ. Chênh lệch nhau chỉ có $700 triệu thôi, nhưng hiện giờ Nhật Bản mới là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ. Các con số trên cũng không quan trọng, hai nước có thể thay đổi thứ hạng mỗi ngày. Trong năm 2014, Trung Quốc đã giảm bớt $49.2 tỉ đô la trong số Công trái Mỹ họ đang giữ; còn Nhật Bản đã tăng thêm 13.6 tỉ. Khác với hệ thống kinh tế chỉ huy ở Bắc Kinh, không riêng chính phủ Nhật cho Mỹ vay. Nước Mỹ nợ các công ty và ngân hàng tư nhân sẵn tiền ở Nhật. Nhật tham dự vào mạng lưới tài chánh, thế giới từ nửa thế kỷ nay rồi, họ sử dụng mạng lưới đó nhiều hơn người Trung Hoa. Cho nên nói chung chắc nước Nhật cho Mỹ vay nhiều hơn chính phủ Tàu. Những con số trên cũng chưa nói hết sự thật, vì còn những món hai nước này không trực tiếp cho Mỹ vay mà đi qua mạng lưới các tổ chức tài chánh quốc tế, con số không thể đếm chính xác được. Chính phủ Mỹ mang hiện nợ hơn $12 ngàn tỉ đô la qua việc phát hành công trái. Người ngoại quốc là chủ nhân 34% số “giấy nợ” đó; riêng Tàu và Nhật mỗi nước nắm trong tay khoảng 10%. Ðứng hàng thứ ba là nước Bỉ, cho Mỹ vay khoảng 400 tỷ, kế đến các ngân hàng tư ở quần đảo Caribeans, rồi tới Brazil đứng thứ năm. Nhưng các quốc gia này vẫn chưa phải là những chủ nợ nặng ký nhất. Công chúng Mỹ làm chủ 14% số công trái, ngân hàng trung ương (Quỹ Dự trữ Liên bang) hiện cho chính phủ Mỹ vay 2,500 tỉ, làm chủ 13%, tiền dư chưa dùng của các cơ quan chính quyền Mỹ chiếm 28%, còn lại là các chủ nợ linh tinh khác. Người Việt Nam đời xưa coi việc đi vay nợ là bất đắc dĩ. Ở nước Mỹ, ai cũng biết người nợ nhiều nhất thường là người giầu nhất. Nếu không có khả năng kiếm ra tiền thì khó đi vay. Những kẻ kiếm tiền khỏe nhất thường mượn vốn của người khác mà làm ăn. Nếu anh có 100 đồng để đầu tư mà sinh lời 10% thì anh kiếm được 10 đồng mỗi năm. Nếu anh vay thêm được 100 đồng nữa với lãi suất 5% thì số vốn sẽ lên 200 đồng. Dù mức lời chỉ còn 9%, sau một năm, với số vốn 200 đồng anh sinh lợi được 18 đồng, trả lãi rồi anh vẫn còn 13 đồng bỏ túi. Nếu còn có người cho vay tại sao không vay thêm? Ðó là phép lạ của đòn bẩy vay nợ trong kinh tế thị trường. Tại sao người ta cho chính phủ Mỹ vay nợ? Vì công trái do nước Mỹ phát hành được coi là món đầu tư an toàn nhất thế giới. Nhiều người quản lý hàng tỷ đô la do thân chủ đóng góp, nắm số tiền vốn đó trong tay với điều kiện chỉ được đầu tư vào những món nào an toàn mà thôi. Thí dụ, các hãng bảo hiểm, các quỹ hưu bổng, họ không được phép bỏ tiền vào những nơi nhiều rủi ro. Có những công ty hay ngân hàng đang dư tiền chưa biết dùng làm gì trong ba tháng, bảy tháng, chỗ này vài tỉ, chỗ kia mươi tỉ. Họ muốn đầu tư sinh lợi cho khỏi phí, với điều kiện là món đầu tư đó có thể đem ra bán bất cứ lúc nào trong thị trường cũng có người mua. Công trái Mỹ là thứ hàng rất dễ bán, trong tài chánh học gọi là có tính “lưu hoạt.” Hai đặc tính, không rủi ro và rất lưu hoạt khiến cho công trái của chính phủ Mỹ không bao giờ ế; nghĩa là họ lúc nào muốn vay tiền cũng vay được. Chính phủ Bắc Kinh mua công trái Mỹ không phải vì thương yêu dân Mỹ. Lý do chính là họ có đô la chất đầy nhà. Những món đô la đó không phải tự trên trời rớt xuống, mà do tiền thu vào khi xuất cảng hàng hóa. Ðô la kiếm được là nhờ công nhân Trung Quốc đổ mồ hôi làm việc; nhưng dân không được hưởng bao nhiêu, hầu hết bị “lãnh đạo” ở Bắc Kinh cất giữ. Những món đô la nhờ bán hàng cũng không chỉ thu về nhờ bán hàng cho dân Mỹ được xài đồ rẻ. Vì hầu hết các nước khác, khi mua bán với nhau cũng thanh toán bằng đô la Mỹ, dù họ ở Phi Châu, Á Châu hay Châu Mỹ La Tinh. Bắc Kinh muốn tìm một nơi an toàn nhờ người giữ hộ số đô la đó, thì họ mua công trái Mỹ, dù mức lời thường chỉ một hai phần trăm mỗi năm. Nếu các quỹ hưu bổng của Singapore hay các công ty bảo hiểm của Nhật Bản biết mua công trái Mỹ là an toàn thì các ông Ðặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Ðào hay Tập Cận Bình cũng không ngu dại gì mà không làm theo. Trung Cộng còn có thêm một số đô la dư không dùng nữa là do chính sách giữ hối suất đồng nhân dân tệ rất thấp, để giá hàng xuất cảng cũng thấp. Làm cách nào ghìm giá đồng nguyên của họ xuống trên thị trường? Mỗi khi thấy đồng nguyên tăng giá, họ in tiền, đem tiền đi mua đô la Mỹ. Mua thêm đô la, lại phải đem chúng đi đầu tư. Tại sao họ không ghìm hối suất đồng nguyên bằng cách mua đồng euro, đồng yen Nhật Bản hay tiền Thụy Sĩ; rồi đem cho các nước đó vay nợ? Bởi vì ngoảnh đi ngoảnh lại, vẫn thấy thị trường công trái Mỹ rộng lớn nhất, ít rủi ro mà lại lưu hoạt, dễ bán lại nhất. Nếu Bắc Kinh đem tiền gửi vào ngân hàng Anh Quốc, ngân hàng Bỉ hay ngân hàng Thụy Sĩ, những nước này cuối cùng cũng lại đem phần lớn số tiền đó đi mua công trái Mỹ. Ðầu năm 2014, lo mức hàng xuất cảng không lên, các xí nghiệp đình đốn, công nhân thất nghiệp, Bắc Kinh đã cố gắng ghìm hối suất đồng nguyên, bỏ tiền ra mua rất nhiều đô la. Họ lại dư đô la, thế là trong năm tháng đầu đã mua thêm hơn $107 tỉ công trái Mỹ. Món hàng nào mà nhiều người muốn mua thì càng được giá. Nhờ thế, chính phủ Mỹ bán được công trái với giá cao hơn, tiền lãi thực thụ họ phải trả đã tụt từ 3% vào cuối năm 2013, xuống chỉ còn 2.54%. Chính phủ Mỹ luôn luôn tạo áp lực yêu cầu Bắc Kinh phải cho đồng nguyên lên giá tự nhiên. Mỗi lần Bắc Kinh làm theo ý Mỹ, họ bớt đem nhân dân tệ đi mua đô la, lúc đó số tiền hoa mua công trái Mỹ cũng giảm; giá xuống thấp, lãi suất Mỹ phải trả cũng tăng. Chính quyền Mỹ họ vẫn tiếp tục làm áp lực, vì mất chỗ này lại được hưởng chỗ khác. Mỗi lần Bắc Kinh giảm bớt số công trái họ đang mua, chính phủ Mỹ phải trả lãi suất cao hơn; nhưng hàng hóa Mỹ lại dễ bán sang Tàu hơn, các xí nghiệp Mỹ có lời sẽ đóng thêm thuế cho Chú Sam. Nhưng liệu Mỹ có lo Trung Cộng “chơi đòn tài chánh,” đem hàng ngàn tỉ đô la công trái Mỹ đi bán hay không? Trong thị trường, con số đó lớn thật nhưng không đủ để gây chấn động. Hơn nữa, Trung Cộng khó thi thố được thủ đoạn này, vì chính họ sẽ bị thiệt hại trước hết. Khi họ đem bán công trái Mỹ, đến một mức nào đó nếu giá công trái Mỹ bị giảm giá 3% thì chính họ bị mất 3% số tiền trị giá của các công trái mà họ còn đang giữ. Nếu số công trái họ đem bán lên cao nữa, gây khủng hoảng tài chánh cho kinh tế thế giới, thì họ còn bán được hàng hóa rẻ tiền cho ai? Làm sao đối phó với hàng trăm triệu công nhân thất nghiệp? Khi đã hiểu rõ lý do tại sao Trung Cộng cứ phải đi mua công trái Mỹ, tức là cho chính phủ Mỹ vay nợ hoài hoài, thì chúng ta thấy những luận điệu nói Mỹ lệ thuộc tiền Tàu cho vay là rất ngu, không biết gì về thị trường tài chánh quốc tế. Luận điệu đó chỉ cốt hù họa, làm cho dân Việt Nam sợ Tàu hơn mà thôi. Theo nguoi-viet.com
......

Thời cơ chính là lúc này

Chưa bao giờ tình hình Biển Đông căng thẳng như lúc này. Báo chí phương Tây cho rằng cuộc khủng hoảng Nam Hải - Biển Đông lúc này có thể gần như cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba hồi năm 1962, một đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, khi chiến tranh Hoa Kỳ - Liên Xô có nguy cơ bùng nổ. Thế rồi nhân nhượng, thỏa hiệp đã diễn ra, tránh được một cuộc đối đầu kinh khủng. Máy bay trinh sát P8 Poseidon của Mỹ chụp được các hình ảnh cho thấy hành động 'lấp biển lấy đất' của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ngày 21/5/2015. Photo Gần đây Hoa Kỳ công khai tố cáo Trung Quốc đã có hành động phi pháp trắng trợn ở Biển Đông, trong vùng biển thông thương hàng hải quốc tế, biển nhiều đảo và bãi đá ngầm thành những căn cứ quân sự, với doanh trại, bến tàu, sân bay có đường băng dài từ 1.500 đến 2.000 mét, đe dọa an ninh đường hàng hải quốc tế. Hoa Kỳ đã cho nhiều máy bay do thám P8 Poseidon bay vào vùng này để quan sát và chụp ảnh. Một nhóm nhà báo hãng CNN cũng được đi theo để quay phim và trình chiếu cho công chúng, tạo nên phản ứng mạnh mẽ trong chính giới cũng như công luận Hoa Kỳ, khi họ nhìn thấy quang cảnh Trung Cộng đã bồi đắp đến 8km vuông trên 7 hòn đảo nhỏ trong vùng biển này, với tốc độ rất cao, diện tích nói trên đã nhân đôi trong nửa năm qua. Trung Quốc đã phản ứng khá mạnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Kinh Hồng Lỗi "phản đối các chuyến bay của máy bay Hoa Kỳ vào vùng trời Trung Quốc, xâm phạm an ninh quốc gia Trung Quốc ". Ngoại trưởng Vương Nghị cao giọng khẳng định đây là vùng chủ quyền bất khả xâm phạm của nước ông, và sẽ thiết lập tại đây vùng Nhận diện Phòng không ADIZ để "bảo đảm an ninh hàng không hàng hải và tránh tai nạn hàng hải". Hệ thống phòng không TQ đã 8 lần phát tín hiệu cảnh báo máy bay Hoa Kỳ xâm phạm vùng này, nhưng máy bay Hoa Kỳ đều trả lời là "Hoa Kỳ có quyền hoạt động trong không phận và hải phận quốc tế". Theo báo Pháp le Monde (20/5), các nước Philippines, Malaysia, Singapore và cả Indonesia đều lên tiếng ủng hộ Hoa Kỳ về thái độ ngăn chặn sự ngang ngược của Trung Cộng, bảo vệ an ninh hàng hải trong vùng biển cực kỳ hệ trọng này của thế giới. Riêng Việt Nam là nước bị Trung Quốc lấn chiếm nhiều đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại có phản ứng yếu ớt, nhu nhược. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố (theo báo Nhân Dân ngày 21/5/2015) :"Chúng tôi mong các nước liên quan đóng góp có trách nhiệm tích cực, duy trì hoà binh an ninh hàng hải, hàng không trong vùng Biển Đông". Viên chức này tránh cả việc nêu tên của Trung Quốc là nước đã gây ra cuộc khủng hoảng. Trong khi đó Hoa Kỳ đã tỏ ra rất kiên quyết ngăn chặn hành động bành trướng phi pháp của Trumg Quốc trong vùng biển Đông. Theo Reuters (ngày 21/5), Hoa Kỳ đang tính đưa tàu hải quân vào vùng Biển Đông đến giáp vùng 12 hải lý của các hải đảo nhằm duy trì tự do thông thương trên đường hàng hải quốc tế và máy bay Hoa Kỳ vẫn bay quan sát trên vùng biển này. Giữa cuộc khủng khoảng trên đây, một sự kiện quân sự mang nhiều ý nghĩa vừa diễn ra được dư luận bàn tán rộng rãi. Theo tin AP, ngày 20/5/2015 Hải quân Hoa Kỳ lần đầu tiên thực hiện một cuộc diễn tập đổ bộ lớn tại đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương, tham dự có tàu tấn công đổ bộ hiện đại USS ESEX và nhiều tàu đổ bộ khác, với hàng chục ngàn binh sỹ, sỹ quan thủy quân lục chiến và hải quân Hoa Kỳ tham gia. Cuộc trình diễn lớn mang tên PALS được các đoàn đại biểu quân sự của 23 nước đồng minh và thân hữu toàn thế giới chứng kiến. Ngoài các nước Liên Âu, ở Châu Á có các đoàn quân sự Nhật Bản và Philippines, đồng minh của Hoa Kỳ, và các nước bạn Malaysia, Singapore và Việt Nam. Trung Quốc bị Hoa Kỳ cố tình không mời tham gia cuộc diễn tập quy mô quốc tế này. Nhân dịp này, 23 đoàn đại biểu quân sự quốc tế còn được mời đến thăm căn cứ không quân lớn Hickam Field gần Honolulu. Qua các sự kiện này, việc Hoa Kỳ chuyển trục sang châu Á - Thái Bình Dương là một chiến lược thực tế trong hành động, với ý đồ ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Theo bình luận của Reuters đây là phản ứng kịp thời đối với mưu đồ xây dựng Con Đường Tơ lụa trên biển của ông Tập Cận Bình nhằm chiếm lĩnh con đường vận chuyển quốc tế trên các đại dương, nhưng xem ra hải quân Trung Quốc còn lạc hậu đến khoảng 15 năm so với hải quân Hoa Kỳ, giấc mộng Tơ lụa trên biển cũng như trên đất liền của TQ quả thật lực bất tòng tâm, còn xa vời, lắm trở ngại, gian truân. Các chiến sĩ dân chủ và nhân dân Việt Nam đang nhận rõ thời cơ đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống bành trướng TQ, lực lượng nguy hiểm nhất đe dọa nền độc lập dân tộc và cuộc sống an bình của nhân dân Việt Nam. Hoa Kỳ, nhiều nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Ấn Độ là những nước không có một tham vọng nào đối với nước ta, đang ra sức ngăn chặn sự trỗi dậy nguy hiểm của Trung Quốc đầy tham vọng ngông cuồng. Hơn lúc nào hết, Bộ Chính trị và lãnh đạo Nhà nước Việt Nam cần nhận rõ mọi biến chuyển của thời cuộc, biết cầm lái và bẻ lái con tàu Dân tộc, liên minh với các lực lượng chân thực đáng tin cậy, giữ hoà khí với nước láng giềng phương Bắc, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và cuộc sống an bình của toàn dân. Đây là lúc thử thách cao nhất xem Bộ Chính trị và lãnh đạo Nhà nước có thật lấy nhân dân làm mục tiêu phục vụ, hay vẫn chỉ là những cán bộ cộng sản Hai Đê - Đất và Đôla - mà nhân dân đã nhận diện không ít ở khắp nơi. Thời cơ cầm cân bẻ lái cực hiếm là đây. Bộ Chính trị cần thảo luận cho ra lẽ và định hướng rõ ràng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chủ trương chuẩn xác về chinh sách đối ngoại của nước ta trong cuộc công du Hoa Kỳ sắp tới để gặp Tổng thống Barack Obama. Bỏ qua thời cơ cực hiếm này là một tội lớn đối với dân tộc, đối với lịch sử. Theo tin từ Hoa Kỳ (CNN ngày 24/5), sắp đến Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và đoàn Thượng nghị sĩ gồm các Ông John McCain, lãnh đạo Ủy ban Quân vụ Thượng viện, và Ông Jack Reed, sẽ đến Hà Nội gặp các lãnh đạo Nhà nước Việt Nam. Đây lại thêm một dịp để Việt Nam tỏ rõ sự bén nhạy của mình đối với thời cơ thuận lợi và hiếm có, vì lợi ích sống còn của dân tộc và nhân dân. Theo voatiengviet.com
......

Tin về trại giam Gia Trung và tình hình tuyệt thực của tù nhân Bùi Thị Minh Hằng Hằng

Theo nguồn tin mà Dân Luận nhận được, chị Bùi Thị Minh Hằng vẫn tiếp tục tuyệt thực bởi vì trại giam Gia Trung chưa có bất kỳ động thái nào đáp ứng các yêu cầu hợp pháp của chị về điều kiện giam giữ. Như vậy, tính từ ngày 2/4/2015 tới nay, nữ tù nhân lương tâm này đã bước sang ngày tuyệt thực thứ 52. Bùi Trung Nhân và anh Thịnh tại bến xe tỉnh Gia Lai, trên đường thăm nuôi chị Bùi Thị Minh Hằng. Ảnh: Facebook Nguyễn Bắc Truyển. Chị Bùi Thị Minh Hằng hiện đang bị thụ án 3 năm tù giam vì "gây rối trật tự công cộng" theo điều 245 Bộ Luật Hình Sự, một vụ án mà nhiều nhân chứng cho biết chính công an là người chặn đường, đánh đập nhóm người đi cùng chị Bùi Thị Minh Hằng và dàn dựng câu chuyện "gây rối trật tự công cộng". Nữ tù nhân lương tâm này hiện đang bị giam giữ tại phân trại K2 thuộc trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), Bộ Công An. Các nữ tù thuộc phân trại K2 cho biết họ hết sức khâm phục trước tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của chị Bùi Hằng với trại giam. Ngoài đấu tranh trực tiếp với trại, chị cũng thường xuyên trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống của mình với các nữ tù nhân khác, qua đó giúp họ ngày một ý thức hơn về quyền con người của mình. Trước nguy cơ nói trên, trại giam đã tiến hành cách li và cưỡng bức một số biện pháp y tế đối với chị Bùi Hằng. Trần Bùi Nhân, con trai của chị Bùi Hằng, cũng vừa đi thăm nuôi mẹ ngày hôm nay nhưng không được gặp: Qua lời của cảnh sát trại giam (CSTG) vì chị Hằng không mặc áo tù, vi phạm nội quy nên không được ra gặp gia đình. Nhân có hỏi về quyết định kỷ luật thì CSTG nói không có. CSTG cũng cho biết là chị Hằng đã dừng tuyệt thực và đang ăn cháo, tuy nhiên do chị Hằng chưa điện thoại về cho gia đình trong tháng 5 nên thông tin này chưa kiểm chứng được. Vào ngày 21/4/2015, chị Hằng có gọi điện về cho Nhân và báo tin đã tuyệt thực từ ngày 2/4/2015. Theo Trần Bùi Trung, con trai chị Hằng đang ở Phi-Luật-Tân cho biết sẽ viết thư đến hai bà dân biểu, bà Nancy Pelosi và bà Zoe Lofgren; các phái bộ ngoại giao tại Hà Nội để kêu cứu cho Mẹ. Được biết, bà Nancy Pelosi và bà Zoe Lofgren đã gặp Quỳnh Anh, con gái chị Hằng vào cuối tháng 4/2015 tại Hà Nội. Qua quá trình trao đổi và thâm nhập trại giam, nguồn tin nói trên còn cho Dân Luận biết trại giam Gia Trung còn có nhiều việc làm tùy tiện vi phạm pháp luật và quyền của tù nhân cũng như thân nhân của họ như sau: - Trại giam vô cớ cắt quyền tự do thăm gặp các ngày trong tuần của thân nhân đối với tù nhân đã được luật hoá mà ép thân nhân của tù chỉ được phép đến trại vào các ngày thứ bảy và Chủ Nhật, gây nên tình trạng ùn ứ, khó khăn bất tiện cho thân nhân. - Tuy xây dựng nhà chờ cạnh đường rất to đẹp nhưng trại giam không cung cấp các dịch vụ đi kèm mà ép thân nhân tù phải mang xe vào gửi có phí trong trại giam. - Cung cấp dịch vụ vận chuyển đi lại trong tù với một giá vô cùng kinh dị mang tính chất bắt chẹt: 30,000đ/5km trong khi giá thị trường rẻ hơn 5 lần. - Các tù nhân trong trại vẫn bị nạn trấn cướp đồ dùng, vẫn bị o ép các nhu cầu vệ sinh tối thiểu cho con người (3 ngày được tắm 1 lần với 200ml nước, tức là cỡ một cốc nước!) nếu không có phí bôi trơn cán bộ quản trại... Những thực trạng tồi tệ nêu trên xảy ra là do ý thức chủ quan của những cán bộ trại giam Gia Trung, là sự biểu hiện nhà nước Việt Nam không tôn trọng và đảm bảo các giá trị cơ bản của Quyền Con Người mà Việt Nam đã tham gia kí các công ước quốc tế về quyền này. Rất mong dư luận trong và ngoài nước quan tâm đến vấn đề này để tạo sức ép cần thiết buộc trại giam Gia Trung nói riêng và các trại giam khác trên khắp cả nước phải tuân thủ pháp luật và đảm bảo quyền làm người cho các tù nhân. Nguồn: Dân Luận
......

12 tiếng câu lưu ở Tân Sơn Nhất

"Đối với dân, phải kính trọng, lễ phép" Tối 18-5-2015, kết thúc khóa học về công cụ truyền thông Story Maker (quay, biên tập, post video clip bằng điện thoại Android - do Đài Á châu tự do, Tổ chức Hiến chương 19 và đảng Việt Tân đồng tổ chức) chúng tôi rời Singapore về VN. Cầm hộ chiếu tôi, nữ sĩ quan an ninh XNC ở sân bay Tân Sơn Nhất liên tục liếc màn hình máy tính, rồi đảo mắt vô trông ngóng ai đó. Một người ra cầm hộ chiếu của tôi, rồi lệnh nhóm người mặc thường phục đứng gần đó áp giải tôi vào khu vực an ninh sân bay để "kiểm tra hồ sơ".     Bốn người bị câu lưu khi về tới VN ( Uyên Thảo Trần Lê, Khổng Hy Thiêm, Tao Vo Van, Dũng Mai ) và cô Judy - đại dện Tổ chức Hiến chương 19 (Điều 19 - Công ước LHQ về các quyền chính trị, dân sự). Khổng Hy Thiêm, Uyên Thảo Trần Lê và tôi lập tức bị cô lập từng người. Tại phòng tôi, một chú non choẹt nói giọng Huế hất hàm: - Sao, chuyến bay thế nào? - Xin lỗi, tôi đang tiếp xúc với những ai thế này? - An ninh của Bộ Công an. - Cháu còn trẻ hơn cả con bác, nên xưng hô, ăn nói với dân cho có lễ độ, thưa gửi đàng hoàng, đừng trống không, cộc lốc như vậy. Tên tôi trong hộ chiếu, tôi chưa biết tên các anh, cũng chẳng biết lý do phải vào đây. - Chúng tôi đang làm việc, xưng hô có nguyên tắc. - Phải, cháu ạ. Cứ "anh", "tôi" cũng được. Nhưng đừng cộc lốc như thế cháu ạ. Khi tiếp xúc, làm việc, phải làm sao thể hiện mình là người có học, có văn hóa, nói năng lịch sự, thưa gửi đàng hoàng, người dân mới tôn trọng mình và có thái độ thân thiện, hợp tác. Luật chẳng bắt buộc như thế, nhưng xưng hô, ăn nói cũng nên nghĩ đến thể diện ngành, quốc gia, các bạn ạ... Cậu non choẹt hơi khựng (chẳng biết có phải chợt nhớ lời ông Cụ: "Đối với dân, phải kính trọng, lễ phép"?), nhưng vẫn cố lên gân giữ đôi mắt hình viên đạn. - Đó là các anh nói, tôi chẳng thấy sắc phục an ninh, quân hàm quân hiệu, họ tên, số hiệu sĩ quan, thẻ an ninh, giấy giới thiệu công tác... làm sao tin? Tôi phản đối kiểu "làm việc" thiếu minh bạch như bắt cóc thế này. Ngáo ộp Việt Tân Một chú cỡ 45 tuổi, dường như sếp nhóm an ninh, nói chúng tôi bị câu lưu, thẩm vấn tại an ninh cửa khẩu Tân Sơn Nhất là vì chúng tôi nhận lời mời của ban tổ chức lớp học về Story Maker và qua Singapore tham dự khóa học, mà trong ban tổ chức có thành phần quan trọng là đảng Việt Tân. Anh ta bảo Việt Tân là tổ chức phản động, tiền thân là Mặt trận của ông Hoàng Cơ Minh, từng thực hiện kế hoạch chuyển lửa về quê nhà, theo con đường bạo lực vũ trang... Cho nên, việc chúng tôi dự lớp học do Việt Tân tổ chức là nguy hại cho an ninh quốc gia, phải điều tra, xét hỏi. Tôi bảo tôi có biết sơ qua về Việt Tân từ thông tin báo chí nhà nước và trên mạng, chưa thấy luật pháp VN có điều khoản nào cấm công dân VN tiếp xúc với thành viên Việt Tân, vì vậy chúng tôi không vi phạm pháp luật VN. Anh ta công nhận chúng tôi chưa vi phạm đến mức phải xử lý hình sự, nhưng Việt Tân phản động như thế, sao chúng tôi lại giao lưu với họ? Tôi bảo lâu nay nghe công an mô tả Việt Tân ghê gớm lắm, dữ dằn, nguy hiểm lắm, bây giờ họ mời mình đi Singapore dự khóa giới thiệu ứng dụng phần mềm Story Maker, cũng muốn tận mắt nhìn xem mặt họ tròn hay méo, dữ dằn cỡ nào...? Hơn nữa, cũng đi cho biết cái xứ sở quốc đảo Singapore mà vào thập niên 1960 - khi mới tách ra từ Malaysia, ông Lý Quang Diệu từng ao ước: "Biết bao giờ mới bằng Sài Gòn", bây giờ nó "giãy chết" đến đâu rồi. Tôi kể cho anh ta nghe về những người xưng danh là người của Việt Tân đều rất dễ thương, tử tế, tận tụy công việc, chu đáo ân cần với chúng tôi. Mấy cô được bố trí đi đón học viên tại phi trường Changi đều làm việc cật lực từ sáng đến khuya, mệt lả người, nhưng vẫn nụ cười thường trực ấm áp trên khuôn mặt sáng láng thông minh. Họ chỉ ngồi vào bàn ăn khi thu xếp xong cho học viên và giảng viên. Các anh tham gia điều hành và giảng dạy trên lớp cũng vậy, họ coi học viên như người nhà hay bạn hữu tâm đắc lâu năm. Anh ta bảo họ muốn lấy lòng chúng tôi nên cố tỏ thái độ như thế, nhưng thực chất là lợi dụng chúng tôi vào mục đích của họ: bạo loạn, lật đổ chế độ hiện hành ở Việt Nam. Tôi bảo, trên lớp, đại diện Việt Tân cũng giới thiệu sơ qua về họ, nhưng không thấy nói đến khái niệm bạo loạn, lật đổ, mà chỉ là nỗ lực phấn đấu cho một nước Việt Nam mới, tự do, dân chủ, tiến bộ xã hội, cường thịnh... bằng phương pháp ôn hòa. Việt Tân là một đảng chính trị, có đăng ký hợp pháp ở Hoa Kỳ, và luật pháp Hoa Kỳ không bảo hộ hoạt động bạo loạn, lật đổ. Tôi bảo với cậu an ninh, tôi tán thành và ủng hộ mục tiêu và đường lối canh tân Việt Nam của Việt Tân như họ tuyên bố. Nếu trong tương lai họ làm khác đi, tôi phản đối. Nhưng tôi tin Việt Tân thật lòng mong muốn Việt Nam nhanh tiến bộ, thoát khỏi tình trạng độc tài hủ bại, ngày càng tụt hậu với khu vực và thế giới như hiên nay. Chú an ninh này cứ lặp lại nhiều lần câu hỏi Việt Tân có giao nhiệm vụ gì cho ai không. Tôi bảo chúng tôi đâu phải thành viên của họ, để họ có quyền giao nhiệm vụ? Họ không thô thiển, ngu lâu đến vậy. Anh ta hỏi thế thì họ bỏ tiền khá lớn chi phí cho lớp học để làm gì? Tôi bảo có lẽ họ quan sát trên mạng, thấy các bài chúng tôi viết, tin rằng chúng tôi cũng có mong muốn Việt Nam ngày càng tiến bộ, nên muốn hỗ trợ chúng tôi về truyền thông, để nâng cao dân trí. Anh ta cũng lặp đi lặp lại câu hỏi Việt Tân cho cho các học viên tiền bạc gì không? Tôi bảo tuyệt nhiên không có 1 xu. Mọi sinh hoạt, họ đều trực tiếp chi trả. Và tôi biết, Việt Tân cũng đủ thông minh để không đưa tiền cho học viên, vì họ biết rõ công an Việt Nam thường chăm chăm chuyện này, để xuyên tạc mục tiêu tranh đấu. Trao đổi "nhạy cảm" bên lề thẩm vấn Tội nghiệp! Có vẻ như việc đấu lý với tôi vượt quá khả năng của chú sếp an ninh cùng mấy chú tùy tùng. Chú sếp hỏi, các bài viết trên lề dân của tôi nhằm mục đích gì? Tôi bảo không vì mục đích gì ngoài mong muốn dân giàu, nước mạnh, Việt Nam không xa lạ, dị hợm với thế giới văn minh. Tôi đã tham chiến 14 tháng trong Mùa Hè đỏ lửa - Quảng Trị 1972 - trong đội hình Sư đoàn 304 QĐNDVN, chứng kiến hàng vạn đồng đội mười tám đôi mươi mãi mãi không trở về. Hồi đó, chúng tôi cứ ngỡ mình đi giải phóng cho nhân dân miền Nam, để đưa cả nước lên thiên đàng CNXH. Nào ngờ... Cái thể chế mà chúng tôi từng cầm súng, chiến đấu và hy sinh ấy bây giờ lại ra nông nỗi này. Tôi cảm thấy mắc nợ đồng đội đã nằm lại Quảng Trị hơn bốn mươi năm còn sống trên cõi đời. Chú ta nhìn nhận VN còn nhiều vấn đề phải khắc phục và vẫn đang tiếp tục khắc phục, nhưng khẳng định đời sống kinh tế đã khá hơn nhiều so với trước đây. Tôi đồng ý, so mức sống, tiện nghi... rõ ràng có phần hơn, nhưng nguyên nhân cơ bản là nhờ "hưởng sái" tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại trong bối cảnh VN có giao thương quốc tế, chứ ta đâu đã chế nổi chiếc xe gắn máy? Tuy nhiên, cùng thời gian, thiên hạ tiến hàng chục bước, VN mới nhích một bước. Vì vậy, VN ta ngày càng tụt hậu so với khu vực và thế giới, càng bất lợi trong giao thương quốc tế, trong khi về lợi thế nhiều mặt, VN ăn đứt Singapore. Chủ động lái cuộc tranh luận sang quốc nạn tham nhũng, tiêu cực, làm nhân dân mất niềm tin, tôi hỏi họ có biết vụ cái ảnh cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp khách chúc Xuân vừa rồi tại tư gia? Họ đều nói có biết. Tôi bảo: đó là ảnh trên báo Tiền Phong của Trung ương đoàn đấy, nếu không lại chụp cho cái mũ "thế lực thù địch" photoshop bịa đặt. Khi cộng đồng mạng và báo chí quốc tế xôn xao, báo Tiền Phong lập cập bóc xuống. Cái ảnh ấy nói lên điều gì? Tham nhũng là cái chắc! Xa hoa, phô trương hợm của, kệch cỡm, lố bịch là cái chắc! Cứ so với cái ghế Tổng thống Obama tiếp khách, mới thấy khôi hài làm sao! Ông Mạnh xuất thân trung cấp nông lâm, công nhân trồng rừng, hẳn phải biết để có bộ salon tư dinh ông bài trí, lá phổi nhân loại bị cắt đi một phần. Có lần, cô ca sĩ nhạc POP Madonna nông nổi mặc chiếc áo khoác giả lông báo, bị công chúng lên án kịch liệt, phải xin lỗi. Vậy mà ông Mạnh nghiễm nhiên xài salon gỗ quý, chạm trổ rồng phượng, nhà ông Lê Khả Phiêu ngông nghênh cặp ngà voi... Ngoài tính chất tham nhũng, tôi cho đó là biểu hiện văn hóa lùn, vô học, trọc phú hợm của, cực kỳ ngu xuẩn. Tôi hỏi họ có biết mấy lá đơn con gái ông Mạnh gửi các cơ quan trung ương, tố cáo bà nghị Tâm lấy ông Mạnh chỉ vì tham vọng tài sản? Có biết bà Tâm mấy lần đó từng cặp bồ con trai ông Mạnh là ông Nông Quốc Tuấn? Có biết sau vụ ông Mạnh tái giá với bà Tâm khi chưa kịp giỗ đầu bà vợ đầu xấu số, ông từ con, con từ ông? Họ ậm ừ, kẻ biết, người không. Tôi thủng thẳng buông câu nhận xét: một kẻ đạo đức tư cách bê tha, đầu óc ngu xuẩn, văn hóa lùn cỡ vậy, mà "đảng ta" vẫn tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội liên tiếp 2 nhiệm kỳ và tiếp đó bầu làm Tổng Bí thư đảng liên tiếp 2 nhiệm kỳ. Thử hỏi "đảng ta" sáng suốt, anh minh (như đảng, bác vẫn tuyên truyền) ở chỗ nào? Đến cái đoạn này thì mấy chú im như thóc, chẳng thể phản bác dù chỉ một câu. Đôi điều về làm việc với an ninh Nhiều bạn thôi thúc mình kể vụ câu lưu 12 tiếng ở Tân Sơn Nhất, ngõ hầu nắm chút kinh nghiệm khi lâm tình huống tương tự. Đó là một nhu cầu thực tế của những bạn chưa lần nào tiếp xúc, làm việc với an ninh. Mình nghĩ, mỗi người mỗi hoàn cảnh, vị thế, tình huống, cho nên, khó có được bài học kinh nghiệm hoàn hảo cho tất cả ACE trong mọi tình huống. Tuy nhiên, có những điểm chung cơ bản nên lưu ý: - Mỗi chúng ta cần hiểu quyền cơ bản (tự do ngôn luận, tự do truyền bá, biểu đạt bằng mọi phương tiên, tự do đi lại, tự do thân thể...) của mình theo quy định luật pháp VN và các điều ước quốc tế mà VN ký kết tham gia, đặc biệt là Công ước về các quyền dân sự, chính trị của Liên Hiệp Quốc, mà VN là 1 thành viên. Ngay từ lúc các cán bộ, nhân viên an ninh chặn mình lại tại quầy ở sân bay, yêu cầu theo họ về phòng để "kiểm tra hồ sơ", mình rất bình thản đi theo. Về phòng xét hỏi, việc đầu tiên là mình dõng dạc tuyên bố phản đối hành vi cưỡng bức trái pháp luật của họ, vì đã xâm phạm quyền tự do đi lại của công dân. Mình bảo mình đi nước ngoài hợp pháp, có hộ chiếu đàng hoàng, không vi phạm pháp luật VN. Họ công nhận mình không vi phạm đến mức phải xử lý hình sự, nhưng nói rằng chuyến đi theo lời mời của ban tổ chức có Việt Tân tham gia, nên cần thẩm vấn. Mình khẳng định, luật pháp hình sự hiện hành không có điều khoản nào ghi công dân Việt Nam tiếp xúc với thành viên Việt Tân là có tội. Họ thừa nhận điều đó. Ngay từ đầu, trong khi họ cố gây không khí căng thẳng, quan trọng, mình luôn giữ thái độ bình thản, tự nhiên và giữ đầu óc tỉnh táo, thái độ thanh thản, ôn hòa, không nổi nóng, không khiêu khích, nhưng rất tỉnh táo, kiên quyết. Mình phê phán lối làm việc không minh bạch của họ: không sắc phục, không có lệnh giữ người, không tự giới thiệu tên và xuất trình thẻ an ninh. Họ nói họ là an ninh, và việc mình dự lớp học do Việt Tân - một tổ chức có mục tiêu lật đổ thể chế hiện hành ở VN - tổ chức, là vấn đề an ninh quốc gia, nên họ không mặc sắc phục, không nói tên và xuất trình thẻ an ninh, Mình bảo, nói để họ biết thôi, nhưng lẽ ra phải chấn chỉnh Bộ Công an về quy tắc làm việc. Ngay FBI Hoa Kỳ khi bắt bọn khủng bố, quả tang vũ khí, chất nổ... không thể không thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, vẫn xuất trình thẻ FBI. Thế là họ đuối lý, mất thế thượng phong mong đạt được. - Vừa ngồi xuống ghế, nghe cậu an ninh non choẹt nói năng cộc lốc, trống không với người đáng tuổi gọi bằng bác, mình nhắc nhở, phê phán ngay, với thái độ xây dựng: các bạn nên giữ thể diện cho lực lượng công an nhân dân, cho quốc gia, khi tiếp xúc, làm việc với người dân hoặc người nước ngoài, nên thể hiện là người có văn hóa, lịch sự, lễ độ, phải thực hiện phương châm: "đối với dân, phải kính trọng, lễ phép" (cậu non choẹt sau đó có xin lỗi mình và xưng hô chú cháu một cách lễ độ, thân thiện). Ngay từ đầu, mình tuyên bố mình hoàn toàn có quyền im lặng. Cậu sếp an ninh thừa nhận mình có quyền đó. Tuy nhiên, do mình xác định mình không phạm pháp, nên rất bình tĩnh. Vả lại, thấy họ không tỏ thái độ càn rỡ, hung hăng, thô bạo, vũ lực, mình nói thẳng với họ là mình biết họ cần hồ sơ thủ tục nộp cấp trên để "hoàn thành nhiệm vụ", thấy thái độ họ không đến nỗi nào, mình sẵn lòng giúp họ điều ấy (vả lại, mình cũng muốn xem trình độ nhận thức, lập luận của họ đến đâu? và tranh thủ "làm công tác côn an vận"). - Trong khi họ thẩm vấn, mình xác nhận những nội dung mà mình biết rằng, họ đã thừa biết qua bản tin của Việt Tân đã đăng công khai. Những chi tiết theo mình chẳng giá trị và ý nghĩa quan trọng gì, khi họ muốn biết, mình cũng sẵn sàng cho biết: ví dụ, xuất phát đi bằng phương tiện gì, đến SG mấy giờ, đi Singapore theo chuyến bay số mấy, của hãng nào, mấy giờ khởi hành... - Để họ hiểu mục đích chuyến đi và các bài viết của mình, mình thẳng thắn bộc bạch: lâu ngay chỉ nghe công an Việt Nam nói về Việt Tân, chứ chưa tiếp xúc, nên cũng tò mò tiếp xúc thử xem Việt Tân thế nào. Thấy Việt Tân tuyên bố muốn Việt Nam chuyển biến tích cực theo hướng dân chủ, tiến bộ xã hội, văn minh và cường thịnh, phù hợp với xu hướng của đa số nhân loại tiến bộ, đấu tranh theo phương pháp ôn hòa... mình đồng cảm và ủng hộ mục tiêu, phương pháp ấy. Các bài viết trên lề dân của mình cũng không ngoài mục đích ấy, và viết lách, đăng tải là phương pháp ôn hòa, phù hợp với sở trường của mình cũng như nhiều trí thức tâm huyết và dấn thân khác. "Đánh bài ngửa" như vậy, con át chủ bài bí mật của họ mất tác dụng. Họ nói việc mình có liên hệ với Việt Tân, sẽ ảnh hưởng đến vợ, con (đều là đảng viên), mình bảo mình không tin đảng và nhà nước lại ti tiện đến mức ghét mình, lại đi trù dập vợ, con mình. Và mình chốt vấn đề: một khi buộc phải lựa chọn giữa lợi ích thiêng liêng, lâu dài của nhân dân và đất nước với lợi ích trước mắt của gia đình, mình không thể không chọn nhân dân, đất nước. Thấy mình quả quyết như vậy, với cặp mắt nhìn thẳng chân tình, họ biết họ không thể lung lạc, lại có phần thêm thiện cảm, nể trọng. - Qua trò chuyện bên lề, biết tất cả họ đã tốt nghiệp đại học an ninh Thủ Đức, mình biết họ bị nhiễm tuyên truyền một chiều khá nặng, lại thiếu thông tin khách quan đa chiều, nên mình không dụng công tranh luận lý thuyết chính trị, triết học, xã hội học... với họ, mà khéo léo vạch trần bản chất xấu xa, ti tiện của chóp bu hiện thời và hiện trạng bi đát của đất nước, của nhân dân, bằng những ví dụ rất sinh động và thực tế, không thể bác bỏ, để họ hiểu bức xúc chính đáng của mình cũng là của đại đa số nhân dân (và đôi khi cũng là tâm tư của họ), từ đó để họ hiểu thiện chí của mình, tăng thiện cảm với mình. Hết sức tránh miệt thị họ (vì thực ra, xét cho cùng, họ cũng chỉ vì miếng cơm manh áo thường tình, và trong chừng mực nào đó, họ cũng là nạn nhân, bị lừa bịp, lợi dụng). Với phương châm ấy, cuộc "làm việc" kết thúc trong không khí nhẹ nhàng, ôn hòa, lịch sự, thân thiện. Mấy chú còn bày tỏ mong có dịp được gặp lại mình ở Nha Trang (công tác hoặc nghỉ phép cùng gia đình), bên ly cafe hoặc bia thanh bình và trong không khí vui vẻ, chân tình, thoải mái, ấm áp tình người, chứ không khô cứng, nguyên tắc như công vụ thẩm vấn này. Mình nghĩ, ai cũng là con người, nên khơi dậy lương tri trong họ. Bốn người bị câu lưu khi về tới VN ( Uyên Thảo Trần Lê, Khổng Hy Thiêm, Tao Vo Van, Dũng Mai ) và cô Judy - đại dện Tổ chức Hiến chương 19 (Điều 19 - Công ước LHQ về các quyền chính trị, dân sự). Nguồn: FB Võ Văn Tạo
......

Biển Đông – Việt Nam, Trung Quốc và tàu tuần tra Mỹ

Trong vài ngày lại đây, những chiến hạm của hải quân Mỹ tiến vào tuần tra Biển Đông đã kích động các buổi thảo luận, bàn tán từ chốn công quyền tới bàn cà phê hè phố… 1. Mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong lịch sử và hiện nay Từ khi Ngô Quyền dựng lại nền độc lập cho nước Việt năm 940, trong hơn một ngàn năm qua, Trung Quốc đã tiến đánh chúng ta chín lần. Trong chín lần đó, có một lần, vào cuối đời nhà Trần, Việt Nam thất bại và bị Trung Quốc đô hộ hai mươi năm. Chú ý rằng đời nhà Trần là thời Việt Nam nổi tiếng nhất về binh lực, ba lần đánh bại quân Nguyên hùng mạnh. Từ khi chiếm toàn bộ Trung Hoa đại lục cuối thập niên 50 thế kỉ trước, Trung Cộng luôn có ý đồ lợi dụng Việt Nam làm tiền đồn ngăn chặn phía Nam cho họ, đồng thời làm suy yếu Việt Nam. Tất cả đều nhằm một mục tiêu xa về sau: khống chế và nô thuộc Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc đang đắc thế, tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Việt Nam đang trong thế mạnh yếu rất chênh lệch. Do đó, Trung Quốc không còn ngần ngại hay e dè khi tiến công Việt Nam trên các mặt trận. Quân sự: họ tiến công trên bộ giết trên trăm ngàn dân quân Việt Nam, họ tiến công biển đảo và ngang ngược chiếm đóng lãnh thổ đảo và biển Việt Nam, họ mang các tàu chấp pháp tuần tra vùng biển Việt Nam... Về chính trị: họ ngang ngược sỉ nhục chính quyền Việt Nam. Khi không muốn thì họ không thèm tiếp kiến mặc cho người đứng đầu nước Việt Nam xin được gặp mặt. Trung Quốc, trong vòng 60 năm nay, thực sự là mối đe dọa trực tiếp và liên tục đối với chủ quyền lãnh thổ, nền độc lập và sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Lòng dân Việt Nam rất rõ rệt: mong muốn thoát khỏi các ảnh hưởng tai hại của Trung Quốc bành trướng. Để thoát Trung, Việt Nam cần thoát Cộng. Thoát Cộng, thoát Trung, Việt Nam sẽ dân chủ, giàu mạnh, văn minh. Chính quyền Việt Nam hiện nay là chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong vị thế hoàn toàn ngược lòng dân và cô lập với dân chúng, trong não trạng bám giữ quyền hành bằng mọi giá, nhóm chóp bu có quyền lực nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương thần phục Đảng Cộng sản Trung Quốc, chọn Trung Quốc làm đồng minh chí cốt (về chính quyền và đảng phái) bất chấp việc Trung Quốc đang xâm lăng tổ quốc. Tuy nhiên phần lớn đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam không đồng tình với chính sách quá tai hại cho quyền lợi dân tộc. Thậm chí, có một số không nhỏ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phản đối chính thể độc đảng và toàn trị. Việt Nam cũng cần xác lập vị thế chính trị rõ ràng rằng Việt Nam không chống Trung Quốc nói chung, mà chống Trung Quốc bành trướng. Bành trướng, chà đạp lên luật pháp quốc tế, mưu đồ chiếm cứ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước khác là không văn minh. Thời đại hôm nay, con người qui tụ dưới mái nhà chung Trái Đất, hội nhập, hợp tác và cạnh tranh lẫn nhau trong tinh thần Cùng Có Lợi (Win-Win) trên cơ sở tri thức. Việt Nam chống và cũng không để bị lôi kéo vào vòng tranh chấp không văn mình này do Trung Quốc phát động. 2. Mỹ đưa tàu tuần tra tới Biển Đông Thái độ và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay được thế giới đánh giá là ngang ngược, không tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc ứng xử chung. Việc này hiện đang gây thiệt hại rất lớn cho Việt Nam, và đe dọa chủ quyền và nền độc lập của Việt Nam trong tương lai không xa. Trước tình hình con đường hàng hải chung của thế giới – Biển Đông – có nguy cơ bị kiểm soát bởi một quốc gia là Trung Quốc, trước tình hình luật pháp và nguyên tắc ứng xử chung bị ngang nhiên chà đạp, Mỹ đưa lực lượng hải quân vào tuần tra Biển Đông. Tàu chiến Mỹ đang rẽ sóng vùng biển và máy bay hải quân Mỹ đang bay ngang vùng trời mà Mỹ và thế giới cho rằng Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không. Dư luận chính trị Mỹ đoàn kết ủng hộ động thái này. Nhiều nhà hoạt động và quan sát chính trị tin rằng Trung Quốc không dám tiến công lực lượng Mỹ. 3. Phóng tầm mắt tới tương lai 3.1. Bối cảnh của sự kiện tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông nếu được đặt trong bối cảnh các sự kiện khác, quan trọng và có liên quan, diễn ra dồn dập trong thời gian gần đây, có thể cho ta một cái nhìn và dự đoán rộng và xa hơn về sự kiện này. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa mới sang chầu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Ta dùng chữ “chầu”, bởi vì chuyến đi này không được chuẩn bị trước đó đủ lâu một cách xứng đáng với tầm vóc thượng đỉnh. Nó chỉ là một cuộc “gọi qua gặp mặt” khi Trung Quốc thấy không an tâm về chuyến đi Mỹ của ông Trọng vào tháng Sáu năm nay. Sau chuyến đi là một kí kết và cam kết “16 chữ vàng” và “4 tốt”, với các điều ràng buộc Việt Nam vào Trung Quốc hơn, và nhìn thấy là bất lợi cho Việt Nam hơn. Mỹ Nhật vừa họp thượng đỉnh cuối tháng 4/2015, tuyên bố siết chặt liên minh quân sự hai nước, đồng thời mở rộng tầm và quyền hoạt động của lực lượng quân sự Nhật. Ở châu Á, lực lượng hải quân Nhật là đối trọng ngang tầm, và được các chuyên gia quân sự đánh giá là tinh nhuệ hơn, so với lực lượng hải quân Trung Quốc. Lực lượng hải quân Nhật, từ nay, có thể hỗ trợ các đồng minh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Lập Pháp Mỹ vừa chấp nhận trao quyền đàm phán nhanh TPA cho tổng thống Obama. TPP rất có lợi cho Việt Nam. Hiện nay kinh tế Việt Nam suy giảm. Mức gia tăng sản xuất và xuất khẩu chậm lại. Trình độ cạnh tranh của công nghệ sản xuất Việt Nam nằm ở mức độ thảm hại, còn tham nhũng và bất công xã hội thì cao chót vót. Quốc khố, theo các biểu hiện, cho thấy trống rỗng. Các biểu hiện là: Tiền của dân chúng bị tận thu: thuế, giá cả các mặt hàng mà nhà nước độc quyền (xăng dầu, điện…) tăng một cách rất vô lí và quá sức chịu đựng của dân chúng và doanh nghiệp tư nhân; các ngân hàng bị sáp nhập với giá trị bằng không; vay nước ngoài trả nợ công; chính phủ vay dự trữ ngoại hối… Gia nhập TPP giúp Việt Nam, một nước có nền kinh tế hướng xuất khẩu, mở rộng một cách có ý nghĩa thị trường xuất khẩu. Gia nhập TPP cũng giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, một sự phụ thuộc hết sức nguy hiểm cho nền tự chủ, và từ đó, cho nền độc lập của Việt Nam. Mỹ, Nhật, hai quốc gia chủ chốt của TPP rất muốn Việt Nam gia nhập TPP. Chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, sẽ được thực hiện trong những ngày sắp tới. Đây lả chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một ngưởi đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, được sắp xếp trong hoàn cảnh tranh chấp Mỹ - Trung tại Biển Đông ngày càng căng thẳng. TPP có thể được kí kết vào cuối tháng 6 sắp tới. Nếu Việt Nam tham gia TPP, phe Dân chủ - Tự do trên thế giới có hi vọng lôi kéo Việt Nam xa dần vòng ảnh hưởng của Trung Quốc Cộng sản. 3.2. Vài nhận định về tình hình Việc hải quân Mỹ tuần tra Biển Đông đem lại thế cân bằng lực lượng tại Đông Nam Á, rất có lợi cho Phi Luật Tân và Việt Nam. Phải nói rằng Việt Nam có lợi nhất, vì đang bị Trung Quốc lấn ép nhất. Dù Trung Quốc lên giọng cứng rắn, và có hành động quấy phá hải quân Mỹ, thì chắc chắn, Trung Quốc không thể thực thi các chính sách hay hành động ngang ngược như trước đây nữa. Tình trạng nhùng nhằng này sẽ kéo dài, áp lực trên Việt Nam sẽ giảm, và nếu biết tận dụng, Việt Nam sẽ có thêm vài năm tích cực chuẩn bị cho phát triển. Chiến tranh khó thể xảy ra, vì Mỹ và Trung Quốc đều biết cách kiềm chế. Cả hai đều hiểu rằng chiến tranh sẽ phá hoại các hợp tác rất có lợi của nhau trong hòa bình. Trung Quốc không thể gây chiến hay chiếm thêm đảo của Việt Nam, trong cục diện hiện nay là: a) Ý đồ bành trướng bằng họng súng chà đạp lên luật pháp quốc tế và chiến thuật ngang ngược đặt thế giới trước các việc đã rồi của Trung Quốc đã bị thế giới nhìn thấy, lên án và cảnh giác. Việc này khiến thế giới đồng tâm hơn và có quyết tâm chính trị hơn trong việc ủng hộ Việt Nam b) Hải quân Mỹ hiện diện tại Biển Đông kiềm hãm sự hung hãn của Trung Quốc, và được tiếp sức bởi tinh thần đoàn kết tương trợ của Nhật c) Dù yếu hơn Trung Quốc, hải quân Việt Nam cũng đã mạnh hơn rất nhiều và đang được chuẩn bị đối phó với các loại tiến công. Lực lượng này sẽ không cho Trung Quốc chiếm nhanh các mục tiêu như thời họ tiến đánh Gạc-Ma năm 1988. Nếu Việt Nam vẫn giữ thái độ hữu hảo chừng mực với Trung Quốc, thì Trung Quốc không thể, và cũng không đủ lực, xen vào các động thái ngoại giao và giao thương quốc tế của Việt Nam. 3.3. Việt Nam sẽ đặt mục tiêu chiến lược gì trong việc tận dụng thời cơ sắp tới? Tận dụng thời cơ hải quân Mỹ có mặt tại Biển Đông, Việt Nam nên đặt các mục tiêu nâng cao sức mạnh kinh tế và xây dựng tiềm lực phát triển lâu dài. Các mục tiêu có thể là: Gia nhập TPP, tổ chức sẽ giúp Việt Nam tăng vài mươi phần trăm kim ngạch xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản xuất, tái cấu trúc nền kinh tế và, rất quan trọng, dần dần thoát khỏi hoàn cảnh phụ thuộc kinh tế cực kì nguy hiểm vào Trung Quốc. Tăng nhanh dự trữ ngoại tệ. Xây dựng các cơ sở hạ tầng có mục tiêu kép, kinh tế và quốc phòng. Và quan trọng nhất, tiến hành Dân chủ hóa đất nước: công đoàn độc lập, báo chí tư nhân, tam quyền phân lập… theo một lộ trình được sự ủng hộ của dân chúng. Đạt được các mục tiêu trên, chắc chắn Việt Nam sẽ giàu, mạnh và văn minh. Đầy hi vọng rằng Việt Nam sẽ gia nhập hàng ngũ các nước phát triển nhanh, để rồi sau đó mười năm tích lũy đủ nội lực cho một nền kinh tế phát triển bền vững. Lúc đó, tổ quốc ta mới vững vàng, dân tộc ta mới ấm no, thoát khỏi cái vòng phập phều tăng trưởng kinh tế và suy thoái, thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình, khỏi cái vòng lẩn quẩn độc tài và cách mạng… Dân chủ - Tự do, ở mức độ thích hợp với trình độ dân trí, tạo môi trường khai phóng thúc đẩy phát triển công nghệ và kinh tế, và đóng góp rất lớn cho tính bền vững của nền kinh tế và chính trị. Bởi vì một xã hội tự do, dân chủ luôn luôn mở, mềm dẽo và thích nghi rất tốt với các yêu cầu đổi mới của dân chúng, người chủ đích thật của đất nước. Một Việt Nam như vậy, có thể chế chính trị - xã hội đồng nhất với đại đa số các nước khác trên thế giới, chắc chắn được chào đón bởi Mỹ, Nhật, Tây Âu, ASEAN cùng các nước muốn sống trong một thế giới ổn định với luật pháp được tôn trọng. Một Việt Nam như vậy có lẽ là điều lo ngại nhất cho tham vọng bành trướng với các đòi hỏi lãnh thổ và lãnh hải vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Hơn nữa, với các mâu thuẫn tích tụ từ lâu trong lòng xã hội độc tài, độc đảng của Trung Quốc, một Việt nam chuyển mình sang Tự do - Dân chủ có thể làm mồi cho sự thay đổi tiếp theo của Trung Quốc. Một Trung Quốc Dân chủ - Tự do sẽ phối hợp với các nước Dân chủ - Tự do trong ASEAN hữu hiệu hơn, do đó, Biển Đông ít có nguy cơ xung đột hơn. Một Việt Nam như vậy, chắc chắn sẽ được đa số dân chúng ủng hộ, là nơi đoàn kết các thành phần, lực lượng của dân tộc cùng góp sức xây dựng tổ quốc và cùng hưởng thành quả chung. Viễn cảnh này rất khả thi và công bằng cho toàn dân tộc. Bởi công bằng nên càng khả thi. Chẳng phải là khả thi và công bằng hơn cái tương lai Xã Hội Chủ Nghĩa mịt mờ, vô vọng hay sao? Bức tranh tương lai của dân tộc to và đẹp dường nào. Nước Việt Nam hoàn toàn có thể dùng các nguồn lực do thời cơ thế giới tạo ra để vẽ nên bức tranh đó. Dân chúng đang sẵn sàng cho vận hội mới. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lẽ nào không thấy lợi ích của mình trong một nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh và ổn định như thế? Nếu gạt bỏ các ham muốn ích kỉ vì quyền lợi cá nhân, vì sự thống trị của phe phái, hẳn nhiên mỗi người dân Việt đều thấy rõ con đường đất nước cần đi. T. Q. C. Theo boxitvn.blogspot.de
......

Chính quyền thả nhà báo Trương Duy Nhất một cách lén lút

DL - Hôm nay ngày 26/5/2015, nhà báo Trương Duy Nhất mãn hạn tù sau hai năm thụ án vì điều 258 BLHS, do anh đã đăng tải những bài viết "trái" với quan điểm của chính quyền Việt Nam. Bạn bè và người thân của Trương Duy Nhất đón anh ở cổng trại, tuy nhiên phía công an trại giam đã chở anh ra đường Hồ Chí Minh cách cổng trại khoảng bốn cây số và bỏ anh xuống, theo nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho biết. Ảnh Duy Nhất đang phản ứng với cách thả anh. Nguồn: Nhà văn Phạm Xuân Nguyên Theo những hình ảnh từ Facebook nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho thấy Trương Duy Nhất vẫn mặc chiếc áo mà đúng 2 năm trước khi bị bắt giữ anh đã mặc, còn chiếc quần có đóng dấu "Phạm Nhân". Sau khi bị thả ra một cách lén lút, anh Nhất đã phản ứng gay gắt trước việc làm này. Nhà báo Trương Duy Nhất nguyên là phóng viên Báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng từ năm 1987 đến 1995; từ năm 1995 đến 2011 là phóng viên Báo Đại đoàn kết. Từ 2011 đến ngày bị bắt nghỉ làm báo và viết Blog (www.truongduynhat.vn)với slogan là Góc Nhìn Khác. Ngày 26/5/2013, Trương Duy Nhất bị bắt vì đã cho đăng tải các bài viết mà chính quyền cho rằng "nội dung không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lồi chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước". Trong phiên toà 5 tiếng đồng hồ diễn ra vào ngày 4/3/2014 tại Đà Nẵng, Trương Duy Nhất bị kết án 2 năm tù giam. Đại sứ quán Hoa Kỳ và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã kêu gọi trả tự do cho nhà báo, blogger Trương Duy Nhất nhưng đáp lại là sự im lặng của chính quyền Việt Nam. Hiện nay, theo nhà văn Phạm Xuân Nguyên, anh Nhất đang cùng vợ con về lại thành phố Vinh và sẽ bay chuyến 11h về Đà Nẵng, cho kịp chịu tang bà nội bên vợ. Một số hình ảnh về Trương Duy Nhất:   Gia đình và bạn bè anh ngồi chờ trước cổng trại. Nguồn: Nhà văn Phạm Xuân Nguyên Những giờ phút tự do đầu tiên của Trương Duy Nhất sau 2 năm ngồi tù. Anh mặc chiếc quần đóng dấu phạm nhân. Nguồn: Nhà văn Phạm Xuân Nguyên   Trương Duy Nhất ngày bị bắt và dẫn giải. Ngồn: báo Tuổi Trẻ https://www.danluan.org/tin-tuc/20150525/chinh-quyen-tha-nha-bao-truong-...
......

12 tiếng câu lưu ở Tân Sơn Nhất

"Đối với dân, phải kính trọng, lễ phép" Tối 18-5-2015, kết thúc khóa học về công cụ truyền thông Story Maker (quay, biên tập, post video clip bằng điện thoại Android - do Đài Á châu tự do, Tổ chức Hiến chương 19 và đảng Việt Tân đồng tổ chức) chúng tôi rời Singapore về VN. Cầm hộ chiếu tôi, nữ sĩ quan an ninh XNC ở sân bay Tân Sơn Nhất liên tục liếc màn hình máy tính, rồi đảo mắt vô trông ngóng ai đó. Một người ra cầm hộ chiếu của tôi, rồi lệnh nhóm người mặc thường phục đứng gần đó áp giải tôi vào khu vực an ninh sân bay để "kiểm tra hồ sơ". Khổng Hy Thiêm, Uyên Thảo Trần Lê và tôi lập tức bị cô lập từng người. Tại phòng tôi, một chú non choẹt nói giọng Huế hất hàm: - Sao, chuyến bay thế nào? - Xin lỗi, tôi đang tiếp xúc với những ai thế này? - An ninh của Bộ Công an. - Cháu còn trẻ hơn cả con bác, nên xưng hô, ăn nói với dân cho có lễ độ, thưa gửi đàng hoàng, đừng trống không, cộc lốc như vậy. Tên tôi trong hộ chiếu, tôi chưa biết tên các anh, cũng chẳng biết lý do phải vào đây. - Chúng tôi đang làm việc, xưng hô có nguyên tắc. - Phải, cháu ạ. Cứ "anh", "tôi" cũng được. Nhưng đừng cộc lốc như thế cháu ạ. Khi tiếp xúc, làm việc, phải làm sao thể hiện mình là người có học, có văn hóa, nói năng lịch sự, thưa gửi đàng hoàng, người dân mới tôn trọng mình và có thái độ thân thiện, hợp tác. Luật chẳng bắt buộc như thế, nhưng xưng hô, ăn nói cũng nên nghĩ đến thể diện ngành, quốc gia, các bạn ạ... Cậu non choẹt hơi khựng (chẳng biết có phải chợt nhớ lời ông Cụ: "Đối với dân, phải kính trọng, lễ phép"?), nhưng vẫn cố lên gân giữ đôi mắt hình viên đạn. - Đó là các anh nói, tôi chẳng thấy sắc phục an ninh, quân hàm quân hiệu, họ tên, số hiệu sĩ quan, thẻ an ninh, giấy giới thiệu công tác... làm sao tin? Tôi phản đối kiểu "làm việc" thiếu minh bạch như bắt cóc thế này. Ngáo ộp Việt Tân Một chú cỡ 45 tuổi, dường như sếp nhóm an ninh, nói chúng tôi bị câu lưu, thẩm vấn tại an ninh cửa khẩu Tân Sơn Nhất là vì chúng tôi nhận lời mời của ban tổ chức lớp học về Story Maker và qua Singapore tham dự khóa học, mà trong ban tổ chức có thành phần quan trọng là đảng Việt Tân. Anh ta bảo Việt Tân là tổ chức phản động, tiền thân là Mặt trận của ông Hoàng Cơ Minh, từng thực hiện kế hoạch chuyển lửa về quê nhà, theo con đường bạo lực vũ trang... Cho nên, việc chúng tôi dự lớp học do Việt Tân tổ chức là nguy hại cho an ninh quốc gia, phải điều tra, xét hỏi. Tôi bảo tôi có biết sơ qua về Việt Tân từ thông tin báo chí nhà nước và trên mạng, chưa thấy luật pháp VN có điều khoản nào cấm công dân VN tiếp xúc với thành viên Việt Tân, vì vậy chúng tôi không vi phạm pháp luật VN. Anh ta công nhận chúng tôi chưa vi phạm đến mức phải xử lý hình sự, nhưng Việt Tân phản động như thế, sao chúng tôi lại giao lưu với họ? Tôi bảo lâu nay nghe công an mô tả Việt Tân ghê gớm lắm, dữ dằn, nguy hiểm lắm, bây giờ họ mời mình đi Singapore dự khóa giới thiệu ứng dụng phần mềm Story Maker, cũng muốn tận mắt nhìn xem mặt họ tròn hay méo, dữ dằn cỡ nào...? Hơn nữa, cũng đi cho biết cái xứ sở quốc đảo Singapore mà vào thập niên 1960 - khi mới tách ra từ Malaysia, ông Lý Quang Diệu từng ao ước: "Biết bao giờ mới bằng Sài Gòn", bây giờ nó "giãy chết" đến đâu rồi. Tôi kể cho anh ta nghe về những người xưng danh là người của Việt Tân đều rất dễ thương, tử tế, tận tụy công việc, chu đáo ân cần với chúng tôi. Mấy cô được bố trí đi đón học viên tại phi trường Changi đều làm việc cật lực từ sáng đến khuya, mệt lả người, nhưng vẫn nụ cười thường trực ấm áp trên khuôn mặt sáng láng thông minh. Họ chỉ ngồi vào bàn ăn khi thu xếp xong cho học viên và giảng viên. Các anh tham gia điều hành và giảng dạy trên lớp cũng vậy, họ coi học viên như người nhà hay bạn hữu tâm đắc lâu năm. Anh ta bảo họ muốn lấy lòng chúng tôi nên cố tỏ thái độ như thế, nhưng thực chất là lợi dụng chúng tôi vào mục đích của họ: bạo loạn, lật đổ chế độ hiện hành ở Việt Nam. Tôi bảo, trên lớp, đại diện Việt Tân cũng giới thiệu sơ qua về họ, nhưng không thấy nói đến khái niệm bạo loạn, lật đổ, mà chỉ là nỗ lực phấn đấu cho một nước Việt Nam mới, tự do, dân chủ, tiến bộ xã hội, cường thịnh... bằng phương pháp ôn hòa. Việt Tân là một đảng chính trị, có đăng ký hợp pháp ở Hoa Kỳ, và luật pháp Hoa Kỳ không bảo hộ hoạt động bạo loạn, lật đổ. Tôi bảo với cậu an ninh, tôi tán thành và ủng hộ mục tiêu và đường lối canh tân Việt Nam của Việt Tân như họ tuyên bố. Nếu trong tương lai họ làm khác đi, tôi phản đối. Nhưng tôi tin Việt Tân thật lòng mong muốn Việt Nam nhanh tiến bộ, thoát khỏi tình trạng độc tài hủ bại, ngày càng tụt hậu với khu vực và thế giới như hiên nay. Chú an ninh này cứ lặp lại nhiều lần câu hỏi Việt Tân có giao nhiệm vụ gì cho ai không. Tôi bảo chúng tôi đâu phải thành viên của họ, để họ có quyền giao nhiệm vụ? Họ không thô thiển, ngu lâu đến vậy. Anh ta hỏi thế thì họ bỏ tiền khá lớn chi phí cho lớp học để làm gì? Tôi bảo có lẽ họ quan sát trên mạng, thấy các bài chúng tôi viết, tin rằng chúng tôi cũng có mong muốn Việt Nam ngày càng tiến bộ, nên muốn hỗ trợ chúng tôi về truyền thông, để nâng cao dân trí. Anh ta cũng lặp đi lặp lại câu hỏi Việt Tân cho cho các học viên tiền bạc gì không? Tôi bảo tuyệt nhiên không có 1 xu. Mọi sinh hoạt, họ đều trực tiếp chi trả. Và tôi biết, Việt Tân cũng đủ thông minh để không đưa tiền cho học viên, vì họ biết rõ công an Việt Nam thường chăm chăm chuyện này, để xuyên tạc mục tiêu tranh đấu. Trao đổi "nhạy cảm" bên lề thẩm vấn Tội nghiệp! Có vẻ như việc đấu lý với tôi vượt quá khả năng của chú sếp an ninh cùng mấy chú tùy tùng. Chú sếp hỏi, các bài viết trên lề dân của tôi nhằm mục đích gì? Tôi bảo không vì mục đích gì ngoài mong muốn dân giàu, nước mạnh, Việt Nam không xa lạ, dị hợm với thế giới văn minh. Tôi đã tham chiến 14 tháng trong Mùa Hè đỏ lửa - Quảng Trị 1972 - trong đội hình Sư đoàn 304 QĐNDVN, chứng kiến hàng vạn đồng đội mười tám đôi mươi mãi mãi không trở về. Hồi đó, chúng tôi cứ ngỡ mình đi giải phóng cho nhân dân miền Nam, để đưa cả nước lên thiên đàng CNXH. Nào ngờ... Cái thể chế mà chúng tôi từng cầm súng, chiến đấu và hy sinh ấy bây giờ lại ra nông nỗi này. Tôi cảm thấy mắc nợ đồng đội đã nằm lại Quảng Trị hơn bốn mươi năm còn sống trên cõi đời. Chú ta nhìn nhận VN còn nhiều vấn đề phải khắc phục và vẫn đang tiếp tục khắc phục, nhưng khẳng định đời sống kinh tế đã khá hơn nhiều so với trước đây. Tôi đồng ý, so mức sống, tiện nghi... rõ ràng có phần hơn, nhưng nguyên nhân cơ bản là nhờ "hưởng sái" tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại trong bối cảnh VN có giao thương quốc tế, chứ ta đâu đã chế nổi chiếc xe gắn máy? Tuy nhiên, cùng thời gian, thiên hạ tiến hàng chục bước, VN mới nhích một bước. Vì vậy, VN ta ngày càng tụt hậu so với khu vực và thế giới, càng bất lợi trong giao thương quốc tế, trong khi về lợi thế nhiều mặt, VN ăn đứt Singapore. Chủ động lái cuộc tranh luận sang quốc nạn tham nhũng, tiêu cực, làm nhân dân mất niềm tin, tôi hỏi họ có biết vụ cái ảnh cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp khách chúc Xuân vừa rồi tại tư gia? Họ đều nói có biết. Tôi bảo: đó là ảnh trên báo Tiền Phong của Trung ương đoàn đấy, nếu không lại chụp cho cái mũ "thế lực thù địch" photoshop bịa đặt. Khi cộng đồng mạng và báo chí quốc tế xôn xao, báo Tiền Phong lập cập bóc xuống. Cái ảnh ấy nói lên điều gì? Tham nhũng là cái chắc! Xa hoa, phô trương hợm của, kệch cỡm, lố bịch là cái chắc! Cứ so với cái ghế Tổng thống Obama tiếp khách, mới thấy khôi hài làm sao! Ông Mạnh xuất thân trung cấp nông lâm, công nhân trồng rừng, hẳn phải biết để có bộ salon tư dinh ông bài trí, lá phổi nhân loại bị cắt đi một phần. Có lần, cô ca sĩ nhạc POP Madonna nông nổi mặc chiếc áo khoác giả lông báo, bị công chúng lên án kịch liệt, phải xin lỗi. Vậy mà ông Mạnh nghiễm nhiên xài salon gỗ quý, chạm trổ rồng phượng, nhà ông Lê Khả Phiêu ngông nghênh cặp ngà voi... Ngoài tính chất tham nhũng, tôi cho đó là biểu hiện văn hóa lùn, vô học, trọc phú hợm của, cực kỳ ngu xuẩn. Tôi hỏi họ có biết mấy lá đơn con gái ông Mạnh gửi các cơ quan trung ương, tố cáo bà nghị Tâm lấy ông Mạnh chỉ vì tham vọng tài sản? Có biết bà Tâm mấy lần đó từng cặp bồ con trai ông Mạnh là ông Nông Quốc Tuấn? Có biết sau vụ ông Mạnh tái giá với bà Tâm khi chưa kịp giỗ đầu bà vợ đầu xấu số, ông từ con, con từ ông? Họ ậm ừ, kẻ biết, người không. Tôi thủng thẳng buông câu nhận xét: một kẻ đạo đức tư cách bê tha, đầu óc ngu xuẩn, văn hóa lùn cỡ vậy, mà "đảng ta" vẫn tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội liên tiếp 2 nhiệm kỳ và tiếp đó bầu làm Tổng Bí thư đảng liên tiếp 2 nhiệm kỳ. Thử hỏi "đảng ta" sáng suốt, anh minh (như đảng, bác vẫn tuyên truyền) ở chỗ nào? Đến cái đoạn này thì mấy chú im như thóc, chẳng thể phản bác dù chỉ một câu. Đôi điều về làm việc với an ninh Nhiều bạn thôi thúc mình kể vụ câu lưu 12 tiếng ở Tân Sơn Nhất, ngõ hầu nắm chút kinh nghiệm khi lâm tình huống tương tự. Đó là một nhu cầu thực tế của những bạn chưa lần nào tiếp xúc, làm việc với an ninh. Mình nghĩ, mỗi người mỗi hoàn cảnh, vị thế, tình huống, cho nên, khó có được bài học kinh nghiệm hoàn hảo cho tất cả ACE trong mọi tình huống. Tuy nhiên, có những điểm chung cơ bản nên lưu ý: - Mỗi chúng ta cần hiểu quyền cơ bản (tự do ngôn luận, tự do truyền bá, biểu đạt bằng mọi phương tiên, tự do đi lại, tự do thân thể...) của mình theo quy định luật pháp VN và các điều ước quốc tế mà VN ký kết tham gia, đặc biệt là Công ước về các quyền dân sự, chính trị của Liên Hiệp Quốc, mà VN là 1 thành viên. Ngay từ lúc các cán bộ, nhân viên an ninh chặn mình lại tại quầy ở sân bay, yêu cầu theo họ về phòng để "kiểm tra hồ sơ", mình rất bình thản đi theo. Về phòng xét hỏi, việc đầu tiên là mình dõng dạc tuyên bố phản đối hành vi cưỡng bức trái pháp luật của họ, vì đã xâm phạm quyền tự do đi lại của công dân. Mình bảo mình đi nước ngoài hợp pháp, có hộ chiếu đàng hoàng, không vi phạm pháp luật VN. Họ công nhận mình không vi phạm đến mức phải xử lý hình sự, nhưng nói rằng chuyến đi theo lời mời của ban tổ chức có Việt Tân tham gia, nên cần thẩm vấn. Mình khẳng định, luật pháp hình sự hiện hành không có điều khoản nào ghi công dân Việt Nam tiếp xúc với thành viên Việt Tân là có tội. Họ thừa nhận điều đó. Ngay từ đầu, trong khi họ cố gây không khí căng thẳng, quan trọng, mình luôn giữ thái độ bình thản, tự nhiên và giữ đầu óc tỉnh táo, thái độ thanh thản, ôn hòa, không nổi nóng, không khiêu khích, nhưng rất tỉnh táo, kiên quyết. Mình phê phán lối làm việc không minh bạch của họ: không sắc phục, không có lệnh giữ người, không tự giới thiệu tên và xuất trình thẻ an ninh. Họ nói họ là an ninh, và việc mình dự lớp học do Việt Tân - một tổ chức có mục tiêu lật đổ thể chế hiện hành ở VN - tổ chức, là vấn đề an ninh quốc gia, nên họ không mặc sắc phục, không nói tên và xuất trình thẻ an ninh, Mình bảo, nói để họ biết thôi, nhưng lẽ ra phải chấn chỉnh Bộ Công an về quy tắc làm việc. Ngay FBI Hoa Kỳ khi bắt bọn khủng bố, quả tang vũ khí, chất nổ... không thể không thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, vẫn xuất trình thẻ FBI. Thế là họ đuối lý, mất thế thượng phong mong đạt được. - Vừa ngồi xuống ghế, nghe cậu an ninh non choẹt nói năng cộc lốc, trống không với người đáng tuổi gọi bằng bác, mình nhắc nhở, phê phán ngay, với thái độ xây dựng: các bạn nên giữ thể diện cho lực lượng công an nhân dân, cho quốc gia, khi tiếp xúc, làm việc với người dân hoặc người nước ngoài, nên thể hiện là người có văn hóa, lịch sự, lễ độ, phải thực hiện phương châm: "đối với dân, phải kính trọng, lễ phép" (cậu non choẹt sau đó có xin lỗi mình và xưng hô chú cháu một cách lễ độ, thân thiện). Ngay từ đầu, mình tuyên bố mình hoàn toàn có quyền im lặng. Cậu sếp an ninh thừa nhận mình có quyền đó. Tuy nhiên, do mình xác định mình không phạm pháp, nên rất bình tĩnh. Vả lại, thấy họ không tỏ thái độ càn rỡ, hung hăng, thô bạo, vũ lực, mình nói thẳng với họ là mình biết họ cần hồ sơ thủ tục nộp cấp trên để "hoàn thành nhiệm vụ", thấy thái độ họ không đến nỗi nào, mình sẵn lòng giúp họ điều ấy (vả lại, mình cũng muốn xem trình độ nhận thức, lập luận của họ đến đâu? và tranh thủ "làm công tác côn an vận"). - Trong khi họ thẩm vấn, mình xác nhận những nội dung mà mình biết rằng, họ đã thừa biết qua bản tin của Việt Tân đã đăng công khai. Những chi tiết theo mình chẳng giá trị và ý nghĩa quan trọng gì, khi họ muốn biết, mình cũng sẵn sàng cho biết: ví dụ, xuất phát đi bằng phương tiện gì, đến SG mấy giờ, đi Singapore theo chuyến bay số mấy, của hãng nào, mấy giờ khởi hành... - Để họ hiểu mục đích chuyến đi và các bài viết của mình, mình thẳng thắn bộc bạch: lâu ngay chỉ nghe công an Việt Nam nói về Việt Tân, chứ chưa tiếp xúc, nên cũng tò mò tiếp xúc thử xem Việt Tân thế nào. Thấy Việt Tân tuyên bố muốn Việt Nam chuyển biến tích cực theo hướng dân chủ, tiến bộ xã hội, văn minh và cường thịnh, phù hợp với xu hướng của đa số nhân loại tiến bộ, đấu tranh theo phương pháp ôn hòa... mình đồng cảm và ủng hộ mục tiêu, phương pháp ấy. Các bài viết trên lề dân của mình cũng không ngoài mục đích ấy, và viết lách, đăng tải là phương pháp ôn hòa, phù hợp với sở trường của mình cũng như nhiều trí thức tâm huyết và dấn thân khác. "Đánh bài ngửa" như vậy, con át chủ bài bí mật của họ mất tác dụng. Họ nói việc mình có liên hệ với Việt Tân, sẽ ảnh hưởng đến vợ, con (đều là đảng viên), mình bảo mình không tin đảng và nhà nước lại ti tiện đến mức ghét mình, lại đi trù dập vợ, con mình. Và mình chốt vấn đề: một khi buộc phải lựa chọn giữa lợi ích thiêng liêng, lâu dài của nhân dân và đất nước với lợi ích trước mắt của gia đình, mình không thể không chọn nhân dân, đất nước. Thấy mình quả quyết như vậy, với cặp mắt nhìn thẳng chân tình, họ biết họ không thể lung lạc, lại có phần thêm thiện cảm, nể trọng. - Qua trò chuyện bên lề, biết tất cả họ đã tốt nghiệp đại học an ninh Thủ Đức, mình biết họ bị nhiễm tuyên truyền một chiều khá nặng, lại thiếu thông tin khách quan đa chiều, nên mình không dụng công tranh luận lý thuyết chính trị, triết học, xã hội học... với họ, mà khéo léo vạch trần bản chất xấu xa, ti tiện của chóp bu hiện thời và hiện trạng bi đát của đất nước, của nhân dân, bằng những ví dụ rất sinh động và thực tế, không thể bác bỏ, để họ hiểu bức xúc chính đáng của mình cũng là của đại đa số nhân dân (và đôi khi cũng là tâm tư của họ), từ đó để họ hiểu thiện chí của mình, tăng thiện cảm với mình. Hết sức tránh miệt thị họ (vì thực ra, xét cho cùng, họ cũng chỉ vì miếng cơm manh áo thường tình, và trong chừng mực nào đó, họ cũng là nạn nhân, bị lừa bịp, lợi dụng). Với phương châm ấy, cuộc "làm việc" kết thúc trong không khí nhẹ nhàng, ôn hòa, lịch sự, thân thiện. Mấy chú còn bày tỏ mong có dịp được gặp lại mình ở Nha Trang (công tác hoặc nghỉ phép cùng gia đình), bên ly cafe hoặc bia thanh bình và trong không khí vui vẻ, chân tình, thoải mái, ấm áp tình người, chứ không khô cứng, nguyên tắc như công vụ thẩm vấn này. Mình nghĩ, ai cũng là con người, nên khơi dậy lương tri trong họ. Bốn người bị câu lưu khi về tới VN ( Uyên Thảo Trần Lê, Khổng Hy Thiêm, Tao Vo Van, Dũng Mai ) và cô Judy - đại dện Tổ chức Hiến chương 19 (Điều 19 - Công ước LHQ về các quyền chính trị, dân sự). Nguồn: FB Võ Văn Tạo  
......

TUYÊN BỐ CHUNG kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam, Trần Huỳnh Duy Thức

TUYÊN BỐ CHUNG kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam, Trần Huỳnh Duy Thức Ngày 24 tháng 5 năm 2015 Ngày 24 tháng 5 năm 2009, ông Trần Huỳnh Duy Thức - một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời là một blogger – đã bị bắt và khởi tố ban đầu với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam chỉ vì ông đã thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa. Nhưng vào ngày 20 tháng 1 năm 2010, trong một phiên tòa diễn ra chỉ duy nhất một ngày, Trần Huỳnh Duy Thức và ba người cùng bị truy tố với ông trong vụ án, gồm các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long, bị đưa ra xét xử với tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự. Ông Thức nhận án 16 năm tù kèm 5 năm quản chế, trong khi các ông Định, Trung và Long theo thứ tự lần lượt nhận các mức án 5 năm, 7 năm và 5 năm tù kèm 3 năm quản chế.   Trái ngược với án tuyên tội hoạt động nhằm “lật đổ” chính quyền, các hoạt động bị đưa ra truy tố của ông Thức và những người bị kết án cùng ông thực chất chỉ là viết blog kêu gọi cải cách chính trị và tôn trọng quyền con người (một bài viết ví dụ của ông Thức: https://tranfami.wordpress.com/…/hewing_quest_for_democrac…/). Các bị cáo đã không được đưa ra xét xử trong một phiên tòa công bằng, khi mà thân nhân của họ cũng như các ký giả nước ngoài không được cho vào phòng xử án. Hơn nữa, micro của các bị cáo thường xuyên ngưng hoạt động mỗi khi đến lượt trình bày của luật sư bào chữa cho ông Thức hay khi ông Long có ý định công khai trước tòa việc ông cùng các bị cáo khác đã bị bức cung để khai nhận tội. Theo các nhân chứng có mặt tại phiên xét xử, các thẩm phán chỉ dành ra 15 phút nghị án trong khi lại mất đến 45 phút đọc bản tuyên án, qua đó cho thấy khả năng bản án đã được chuẩn bị trước thời điểm phiên tòa diễn ra.   Vào ngày 23 tháng 11 năm 2012, Nhóm Làm việc chống Giam giữ Tùy tiện của Liên hiệp Quốc (gọi tắt là WGAD) đã kết luận việc cầm tù ông Thức cùng những người bị đồng tuyên án với ông đã vi phạm quyền tự do tư tưởng và biểu đạt vốn được đảm bảo tại Điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (gọi tắt là ICCPR). Theo đó, WGAD yêu cầu nhà nước Việt Nam trả tự do đồng thời bồi thường thiệt hại cho những người trên nhằm tuân thủ đúng các nghĩa vụ quốc tế của nước này. Tuy Việt Nam đã chấp nhận 31 khuyến nghị kêu gọi tôn trọng và bảo vệ tự do biểu đạt trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp Quốc vào năm 2014, cho đến nay nhà nước Việt Nam vẫn chưa giải quyết thỏa đáng trường hợp của ông Thức.   Hôm nay, ngày 24 tháng 5 năm 2015, đánh dấu 6 năm ngày ông Thức bị đẩy vào vòng lao lý. Hiện tại, ông Thức vẫn còn trong nhà tù cho dù ba người bạn còn lại của ông đã được trả tự do trước đó. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi nhà nước Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế lẫn trong nước của mình bằng cách trả tự dongay lập tức cho ông Thức. Chỉ khi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành những bước đi cần thiết để hủy bỏ bản án của ông, lúc đó công lý mới được trả lại cho ông. Cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền sẽ quan sát các diễn biến tiếp theo.   ĐỒNG KÝ TÊN:   1. Amnesty International – Anh 2. Civil Rights Defenders – Thụy Điển 3. Freedom House – Hoa Kỳ 4. International Commission of Jurists – Thụy Sỹ 5. Bà Janet Nguyễn, Thượng nghị sỹ bang California, Quận 34 – Hoa Kỳ 6. Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA) – Thái Lan 7. Asian Human Rights Commission – Hong Kong 8. Assistance Association for Political Prisoners – Miến Điện 9. Burma Partnership – Miến Điện 10. Centre for Human Rights Education – Miến Điện 11. Citizens for Justice and Peace - Ấn Độ 12. Impersial – Indonesia 13. Justice and Peace Netherlands, The Hague – Hà Lan 14. Network of Chinese Human Rights Defenders – Hong Kong 15. OT Watch Mongolia – Mông Cổ 16. Taiwan Association for Human Rights – Đài Loan 17. Commission for the Disappeared and Victims of Violence (KontraS) - Indonesia 18. Triangle Women’s Support Group – Miến Điện 19. Văn Lang – Cộng hòa Czech 20. Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment (VOICE) – Philippines 21. Hội Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo – Việt Nam 22. Hội Ái hữu tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam – Việt Nam 23. Bạch Đằng Giang Foundation – Việt Nam 24. Hội Bầu Bí Tương Thân – Việt Nam 25. Thanh niên Canada Vì Nhân Quyền cho Việt Nam – Việt Nam 26. Diễn đàn Xã hội Dân sự - Việt Nam 27. Hội thánh Tin lành Chuồng Bò – Việt Nam 28. Giáo Hội Liên Hữu LuTheran Việt Nam và Hoa Kỳ - Việt Nam 29. Hội Cựu Tù nhân Lương tâm – Việt Nam 30. Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – Việt Nam 31. No – U Miền Trung – Việt Nam 32. REM Defenders – Việt Nam 33. Con Đường Việt Nam – Việt Nam 34. Mạng lưới Blogger Việt Nam – Việt Nam 35. Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – Việt Nam 36. Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền – Việt Nam
......

Thư ngỏ của các Tổ chức Xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam gởi Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang

Thư ngỏ của các Tổ chức Xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam gởi Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang Kính gởi: Đại tướng Trần Đại Quang, bộ trưởng Công an nước CHXHCN Việt Nam. Đồng kính gởi: Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế.           Thưa ông Bộ trưởng  Kể từ khi lên chức Bộ trưởng bộ Công an khoảng giữa năm 2011 đến nay, quả thật ông đã để lại dấu ấn lớn lao trên sự an sinh của Đồng bào và đặc biệt trên những con người bị ông lẫn ngành công an coi là “xâm phạm an ninh quốc gia”, “gây rối trật tự xã hội”. Hôm nay, nhân vụ các anh Nguyễn Chí Tuyến và Đinh Quang Tuyến, hai người đấu tranh dân chủ ôn hòa bị nhiều thuộc hạ của ông, giả dạng côn đồ, hành hung tàn bạo tại Hà Nội sáng ngày 11-05-2015 (anh Chí Tuyến) và tại Sài Gòn sáng ngày 19-05-2015 (anh Quang Tuyến), chúng tôi thấy cần gởi đến ông thư ngỏ này, trước là để cảnh tỉnh ông, sau là để cho toàn thể đồng bào và thế giới thấy được phong cách lãnh đạo công an cảnh sát, đường lối “bảo đảm an ninh đất nước” của ông và kiểu cách thực thi vai trò “giữ gìn trật tự xã hội” của thuộc hạ ông. 1- Duy trì khẩu hiệu “Chỉ biết còn Đảng thì còn mình”. Cùng với lời thề công an “trung thành tuyệt đối với đảng Cộng sản”, với danh xưng công an là “thanh gươm, lá chắn” của đảng, khẩu hiệu trên đây, có từ thời Trần Quốc Hoàn, là một sự vô ơn trắng trợn đối với nhân dân, tập thể cao quý sản sinh và nuôi dưỡng công an, đồng thời là sự phỉ báng tàn tệ đối với chức năng và danh dự của ngành là chỉ phụng sự Tổ quốc và Nhân dân (như ở mọi quốc gia văn minh dân chủ). Khẩu hiệu có tính nguyên tắc ấy ngoài ra còn giết chết lương tâm của những con người đang làm một nghề tự bản chất là cao quý lẫn cần thiết, và do đó mở đường cho bao thái độ kiêu căng hống hách, tham nhũng tống tiền, ứng xử vô luật (sử dụng côn đồ), hành động ám muội (giả dạng côn đồ), tàn bạo đối với nhân dân. 2- Chà đạp văn hóa đạo đức Dân tộc:           Đó là phá đám tang của các đảng viên phản tỉnh như Trần Độ, Lê Hiếu Đằng, Trần Lâm, Hoàng Thị Ái Hoát…, thậm chí đám tang dân thường như của bà Hồ Nhu (Đặng Thị Tân) tại giáo xứ Cồn Dầu năm 2010. Công an cũng nhiều lần đốt phá nhà tang lễ của Đồng bào H’Mông tại Cao Bằng (tháng 3-2013, 10-2014, 2-2015). Đạo lý truyền thống “nghĩa tử là nghĩa tận” lần đầu tiên trong lịch sử Dân tộc, đã bị lực lượng này ngang nhiên phá nát. Ngoài ra, công an còn nhiều lần xâm phạm lễ tưởng niệm các liệt sĩ chống Trung Quốc, tổ chức tại Hà Nội chẳng hạn, bằng cách tự mình hay dùng tay sai cản phá buổi lễ, chửi bới hành hung những người đi tưởng niệm. Những cuộc cướp bóc hỗn loạn tại các lễ hội như Khai ấn Đền Trần ở Nam Định năm 2014, Tưởng niệm Thánh Gióng ở Hà Nội năm 2015 (toàn những anh hùng chống Trung Quốc)… đã không thể xảy ra nếu không có sự dung túng của công an. 3- Đàn áp nhân dân đứng lên đòi quyền sống.           Các cuộc biểu tình đòi đất đai ruộng vườn của dân oan từ bắc chí nam như Văn Giang, Bắc Giang, Dương Nội, Tiên Lãng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thủ Thiêm, Thủ Đức, Long An… đã mau chóng bị dẹp tan trong máu và nước mắt, trong đánh đập và bỏ tù nhờ bàn tay của những công an cảnh sát dân phòng lạnh lùng tàn nhẫn, mù quáng tuân theo lệnh trên hay mờ mắt vì món tiền thưởng. Cuộc xuống đường của hàng ngàn dân Bình Thuận tháng 4-2015 phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gây ô nhiễm môi trường đã bị cảnh sát cơ động đối phó bằng dùi cui, súng chỉ thiên và lựu đạn cay. Những ai hỗ trợ công nhân đình công đòi quyền lợi cũng bị giam cầm, xử án như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh (10-2010). Ngay những thiện nguyện viên cứu giúp dân oan như hai ông Hà Thanh và Tiến Sơn cũng bị hành hung (03-2015). Người dân Hà Nội biểu tình bảo vệ cây xanh bị thóa mạ, tống lên xe đưa về đồn tra hỏi (04-2015). Nhiều biểu tình viên như Tiến Sơn, Trịnh Anh Tuấn, Nguyễn Chí Tuyến còn bị công an giả dạng côn đồ hành hung thô bạo. Thậm chí trong những cuộc xuống đường chống quân xâm lăng, đòi quyền sống cho dân tộc, công an cũng không để yên cho người dân thể hiện lòng yêu nước. 4- Tra tấn, giết chết người bị tạm giam. Từ nhiều năm nay, công an và đồn công an trở thành nỗi kinh hoàng khiếp đảm của dân lành. Theo báo cáo của chính Quốc hội ngày 10-04-2015, trong 3 năm qua, đã có hơn 260 người chết (thực tế hẳn cao hơn nhiều, trong đó có cả học sinh trung học) đang khi bị công an tạm giữ. Phần lớn họ bị bắt vào đồn vì những vi phạm nhỏ nhặt, nhưng rồi đã bị tra tấn đến chết để lấy khẩu cung. Điều đáng nói là nhiều người bị vu khống tự tử và ít có viên công an nào phải chịu trách nhiệm và bị xử lý đúng pháp luật. 5- Bạo hành đối với những người hoạt động nhân quyền:           Trước hết, đó là hăm dọa, cấm hành nghề hoặc áp lực đuổi khỏi ngành những luật sư bênh vực nhân quyền như Lê Trần Luật, Huỳnh Văn Đông, Võ An Đôn, Nguyễn Thanh Lương… Thứ đến, gây rối cuộc sống những ai hoạt động nhân quyền, như đối với bà Dương Thị Tân, anh Huỳnh Trọng Hiếu, không cho họ xuất cảnh (như linh mục Lê Ngọc Thanh, cô Huyền Trang, nhà báo Phạm Chí Dũng, giáo sư Nguyễn Huệ Chi)… Tiếp nữa, khóa cổng chặn đường những công dân muốn tham dự các cuộc gặp gỡ, hội họp về nhân quyền, thậm chí do chính khách hay tổ chức quốc tế tổ chức; rồi bao vây, hành hung, cướp giật điện thoại, máy ảnh của những ai đến tham dự các phiên tòa chính trị như vụ Lấp Vò, Đồng Tháp (8-2014), hay đến thăm các tù nhân lương tâm, như bạn bè ông Phạm Văn Trội (01-2014), ông Trần Anh Kim (01-2015). Ngang nhiên và tàn bạo hơn nữa là truy sát, đánh trọng thương như trường hợp các ông JB Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Trương Văn Dũng, Hoàng Dũng, Nguyễn Văn Thạnh, các bà Trần Thị Nga, Nguyễn Hoàng Vi, gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn…. Phục kích để bắt giam vô cớ rồi xử án vô luật như đối với Bùi Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Phạm Minh Vũ, Đỗ Nam Trung, Lê Thị Phương Anh… Các nhà hoạt động cho quyền tôn giáo cũng bị công an và tay chân côn đồ chặn đường gây sự như Hội đồng Liên tôn VN, nhiều chức sắc và tín đồ Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài, Hòa Hảo. Đặc biệt công an kết hợp với côn đồ nhiều lần bạo hành đối với cộng đoàn Mennonite Bình Dương (2014-2015) hay các Hội thánh Tin lành tại gia. Những nhà báo viết bài tố cáo công an tham nhũng, hối lộ, bạo hành, mua quan bán chức… rốt cục đã phải nếm cảnh lao tù như phóng viên Hoàng Khương và mới đây là chủ bút Kim Quốc Hoa báo Người Cao Tuổi. 6- Hành hạ các tù nhân lương tâm. Thái độ đầu tiên của công an khi thẩm vấn dạng tù nhân này là dùng những biện pháp hèn hạ như lường gạt, tra tấn thể xác và bức bách tinh thần để họ phải nhận tội (chứng từ của Ls Lê Công Định và bà Lê Thị Phương Anh mới đây). Hai trường hợp bức cung nổi tiếng nhất là buộc Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vào tội giết người để nay bị tuyên án tử. Một khi họ đã thụ án, công an tiếp tục cưỡng buộc nhận tội những tù nhân bất khuất, bằng nhiều biện pháp bất nhân bẩn thỉu như bỏ đói (Đặng Xuân Diệu), nhờ tù nhân hình sự đánh đập (Hồ Thị Bích Khương), biệt giam kỷ luật (Nguyễn Đặng Minh Mẫn), cắt thăm nuôi (Đinh Nguyên Kha), không chăm sóc y tế đầy đủ (Nguyễn Xuân Nghĩa), đày đi thật xa gia đình (Mai Thị Dung, Tạ Phong Tần). Đặc biệt là đầu độc cho chết trong tù (như Huỳnh Anh Trí, Đinh Đăng Định).  Công an trại tù còn bóc lột tù nhân (chính trị lẫn hình sự) bằng cách bán hàng cantine với giá cắt cổ, đòi hối lộ để được chút thoải mái, nhất là cưỡng bức lao động khổ sai đến kiệt lực. Thành viên các trại cai nghiện, “trung tâm giáo dục” và “trường phục hồi nhân phẩm” cũng không thoát khỏi số phận bi thảm này.           Thưa ông bộ trưởng Trên đây chỉ là liệt kê một số “thành tích” của ông và của ngành công an Cộng sản. Sự gia tăng con số khổng lồ của họ -trong đó phải kể đến sự gia tăng nhanh chóng số tướng công an trong thời bình và sự phân bổ các tướng lãnh này vào nhiều bộ ngành và địa phương- điều đó tạo một áp lực thường xuyên và khủng khiếp lên bộ máy nhà nước, lên cuộc sống người dân vốn không thể an bình để làm việc, đóng góp xây dựng xã hội. Việc dùng công an để “đối thoại” bằng nắm đấm, dùi cui, nhà tạm giữ, đòn tra khảo với những người khác chính kiến và tiên thiên coi họ như kẻ thù chỉ làm suy giảm nguyên khí quốc gia, gây chán nản cho những công dân thiện chí, và dĩ nhiên chẳng thể nào làm Đất nước phát triển. Rõ ràng ông đang bôi tro trét trấu vào mặt chế độ mà ông phục vụ, đồng thời cho thấy công an chính là kẻ thù tàn hại Tổ quốc Dân tộc. Tụt hậu toàn diện của đất nước, thất bại mọi mặt của các chính sách, sai lầm đủ thứ của nhà cầm quyền, tội ác tràn lan trong dân chúng và bất ổn triền miên trong xã hội, ông bộ trưởng và ngành công an gánh trách nhiệm không phải nhỏ về thảm trạng và tệ nạn đó. Gieo gió gặt bão! Nhân nào quả ấy. Ông đừng tưởng bạo lực và dối trá có thể bình định được lòng dân đang phẫn uất và củng cố được chế độ đang suy tàn. Hãy nghĩ đến biết bao kẻ bá đạo trong lịch sử đã phải trả giá như thế nào để tự răn mình và dạy dỗ các thuộc cấp của ông. Bằng không thì thư ngỏ này sẽ trở thành một trong những bản cáo trạng cho chính ông! Viết tại Việt Nam ngày 22 tháng 05 năm 2015. Các tổ chức xã hội dân sự độc lập đồng ký tên: 1- Bạch Đằng Giang Foundation. Đại diện: Thạc sĩ Phạm Bá Hải. 2- Con Đường Việt Nam. Đại diện: Ông Nguyễn Công Huân 3- Diễn đàn Xã hội dân sự. Đại diện: Ts Nguyễn Quang A 4- Giáo hội Liên hữu Lutheran VN-HK. Đại diện: Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa 5- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Đại diện: Hội trưởng Lê Quang Liêm. 6- Giáo hội Tin lành Mennonite VN Độc lập. Đại diện: MS. Nguyễn Hồng Quang. 7- Hội Ái hữu tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam. Nguyễn Bắc Truyển 8- Hội Anh em Dân chủ. Đại diện: Kỹ sư Phạm Văn Trội. 9- Hội Bảo vệ Quyền Tự do tôn giáo. Đại diện: Cô Hà Thị Vân 10- Hội Bầu bí Tương thân. Đại diện: Nhà báo Nguyễn Tường Thụy 11- Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Đại diện: Bác sĩ Nguyến Đan Quế. 12- Hội Nhà báo độc lập VN. Đại diện: Tiến sĩ Phạm Chí Dũng 13- Hội Phụ nữ Nhân quyền. Đại diện: Bà Trần Thị Nga 14- Hội thánh Tin lành Chuồng Bò. Đại diện: Ms. Nguyễn Mạnh Hùng. 15- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa 16- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Linh mục Phan Văn Lợi. 17- Phong trào Dân oan Liên kết đấu tranh. Đại diện: Bà Trần Ngọc Anh. 18- Phòng Công lý Hòa bình Dòng Chúa Cứu Thế. Đại diện: Lm Đinh Hữu Thoại. 19- Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất. Đại diện: HT Thích Không Tánh.
......

Những làn gió lành trên đất Ukraine

Ukraine là nước xã hội chủ nghĩa cũ từng nằm trong Liên bang Xô Viết, được hoàn toàn độc lập và dân chủ từ năm 1990, hiện đang bị một số dân thân Nga nổi dậy ly khai ở phía đông, được một số đơn vị quân đội Nga ủng hộ và tiếp sức. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.Photo Ukraine đang đứng trước nguy cơ nội chiến do sự can thiệp của Nga dưới quyền của Tổng thống Putin - một người mà các nhà dân chủ Nga cho là mang tư chất "nửa Stalin, nửa Sa hoàng" (mi Staline mi Tsar" do tham vọng khôi phục hai đế chế cũ - Nga hoàng và Cộng sản - đã thuộc về quá khứ. Nhân dân Ukraine đứng trước sự lựa chọn: theo xu hướng thân Nga để đất nước bị chia rẽ, chia cắt, hay theo con đường độc lập, dân chủ, gắn bó với các nước dân chủ phương Tây trong khối Liên Âu, như ba nước vùng Baltic cũng láng giềng với nước Nga, cũng bị Nga lôi kéo nhưng đã chọn con đường sẽ gia nhập khối Liên Âu. Gần đây, theo báo Pháp le Monde, có những sự kiện đáng mừng cho nhân dân Ukraine. Nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký Luật cấm mọi luận điệu tuyên truyền của chế độ cộng sản từ năm 1917 đến năm 1990, coi đó là thời kỳ đen tối của tội ác, phản nhân dân. Đây là một quyết định chính trị cực kỳ hệ trọng, có giá trị trên toàn lãnh thổ Ukraine, tác động đến sách báo, ngôn luận, nội dung truyền thanh, truyền hình, tranh ảnh tượng đài, và đời sống tinh thần của mọi công dân. Mọi tài liệu ca ngợi Mác, Lênin, Stalin, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm, coi như phạm pháp; các tượng đài của thời kỳ 1917 - 1990 đều bị xoá bỏ, phá huỷ. Các chiến sỹ Ukraine trước đây tham gia chiến đấu chống phát xít vẫn được vinh danh. Các chiến sỹ dân chủ bị chế độ Xô viết đàn áp, tù đầy đều được phục hồi danh dự. Cũng trong dịp này, theo báo Pháp le Monde (4/5/2015) trên báo chí và truyền hình Ukraine đưa tin và ảnh nhân viên công an và cảnh sát ở thành phố Lviv cúi đầu xin lỗi nhân dân và các giáo sỹ Công giáo về hành động đàn áp trước đây của họ trong một cuộc biểu tình đòi tự do được giáo hội yểm trợ. Nếp sống dân chủ, gắn bó với nhân dân đang đi vào cuộc sống. Ngày 16/5/2015 vừa qua, theo tin AP, Thượng nghị sỹ John McCain, trưởng ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ đã thỏa thuận viện trợ quân sự có giá trị 300 triệu US đôla về vũ khí sát thương Ukraine đang rất cần để chiến đấu tự vệ ở phía Đông của đất nước. Cũng theo báo le Monde, trong tháng 5 này, công luận Ukraine và thủ đô Kiev rất phấn chấn. Sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng như của các nước phương Tây có hiệu quả. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị vấn đề can thiệp lén lút vào Miền Đông Ukraine tuy đã có nhiều bằng chứng hiển nhiên nhưng vẫn một mực chối cãi làm cho uy tín bị sa sút nặng nề, ở ngoài nước cũng như trong nước Nga. Báo chí Ukraine cho rằng một nhà lãnh đạo tầm cỡ thế giới không cần phải lái xe đua tốc độ cao, biết phi ngựa chiến, lái máy bay, lái tàu ngầm...mà điều quan trong hơn cả là lòng trung thực ngay thật trước toàn thế giới. Rõ ràng trong vấn đề Ukraine, nước Nga của ông Putin được lợi thì ít mà thiệt hại nhiều hơn và to lớn hơn. Những làn gió lành đang thổi qua đất nước Ukraine. Đạo Luật đặt chủ nghĩa Cộng sản hiện thực do Đảng CS Liên Xô áp đặt một thời gian dài là một bước ngoặt chính trị sáng suốt, quả đoán, hợp thời. Đây là một tấm gương về sự lựa chọn đồng minh, liên minh với các nước độc đảng đã bị lịch sử lên án và phế bỏ, đang bị thế giới dân chủ cô lập, hay tìm kiếm liên minh với các nước dân chủ đang chiếm thế thượng phong do bản chất tiến bộ, văn minh và hướng vững chắc đến tương lai. Bùi Tín Theo voatiengviet.com
......

Phái đoàn Nhân quyền Hoa Kỳ tiếp xúc Hội Đồng Liên Tôn VN

(Trái qua: Trợ lý Đặc biệt của Đại sứ Victoria Thoman, ông Lê Văn Sóc, HT Thích Không Tánh, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ David Saperstein, CTS Hứa Phi, MS Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Chính trị TLSQ Hoa Kỳ Charles Sellers, ông Lê Quang Hiển)   Vào lúc 15 giờ chiều ngày 12/05/2015, Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ David Saperstein dẫn đầu cùng phái đoàn Nhân quyền Hoa Kỳ đã có cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với Hội đồng Liên tôn Việt Nam (HĐLTVN) tại Dòng Chúa cứu thế (DCCT) số 38 Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn. Phái đoàn Hoa Kỳ gồm có: Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ David Saperstein, Trợ lý đặc biệt của Đại sứ Victoria Thoman, Trưởng phòng Chính trị Tổng LSQ Hoa Kỳ Charles Sellers. Phái đoàn HĐLTVN gồm có: Hòa thượng Thích Không Tánh đại diện Tăng đoàn GHPGVNTN, Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng đại diện hệ phái Tin lành tư gia độc lập, Chánh trị sự (CTS) Hứa Phi đại diện đạo Cao Đài chân truyền, Ông Lê Văn Sóc và ông Lê Quang Hiển đại diện Giáo hội Hòa Hảo thuần túy (PGHHTT). Mở đầu cuộc tiếp xúc, ngài Saperstein giới thiệu các thành viên trong đoàn và nói rõ mục đích của buổi tiếp xúc là tìm hiểu về quyền tự do sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam và đặc biệt là các tôn giáo không được nhà nước công nhận. Sau đó các chức sắc tôn giáo tự giới thiệu về mình và trao đổi về tình hình sinh hoạt của tôn giáo mình với đoàn. Hòa thượng (HT) Thích Không Tánh cảm ơn ngài Đại sứ lưu động và phái đoàn đã dành thời gian để tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của các tôn giáo độc lập tại VN. HT cũng bày tỏ rất tiếc là dịp này vì các Linh mục DCCT bận tĩnh tâm nên Công giáo vắng mặt mà chỉ có 4 tôn giáo tham gia tiếp xúc. HT thông báo các tôn giáo độc lập nói chung và GHPGVNTN nói riêng từ sau 30/4/1975 đến nay đều bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tước đoạt pháp lý, tài sản, đất đai, các cơ sở thờ tự của các tôn giáo thuần túy và lập ra các tổ chức tôn giáo “quốc doanh”. Cụ thể như GHPGVNTN bị tước đoạt gần hết các cơ sở thờ tự, hiện nay chỉ còn một số chùa và lượng phật tử thuần túy còn lại rất ít. Chùa Liên Trì luôn luôn bị an ninh canh gác, cô lập và ngăn cản gây khó khăn khi phát quà cứu tế cho quý anh em TPB/VNCH, các bệnh nhi ung bướu và dân oan. Việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cam kết để được vào TPP là đánh lừa quốc tế. Thực tế họ cũng đã cam kết để được vào WTO và mới đây được làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhưng sau khi được vào họ vẫn tiếp tục đàn áp các tôn giáo độc lập, các tổ chức và những cá nhân đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Việc đàn áp càng ngày càng tàn nhẫn và tinh vi hơn như dùng côn đồ đập phá một số cơ sở thờ tự của giáo hội Mennonite độc lập và hành hung chức sắc tôn giáo, những nhà hoạt động dân chủ. Mới đây, chính quyền quận 2 đã đưa cho chùa Liên Trì quyết định và một thông báo nhằm cưỡng chiếm nhà, giải tỏa chùa Liên Trì. Họ báo cho phật tử biết sau khi Việt Nam được vào TPP thì sẽ cưỡng chế giải tỏa chùa. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, cám ơn ngài Đại sứ Cố vấn đặc biệt cho TT Obama và phái đoàn đã quan tâm tới tình trạng nhân quyền Việt Nam và bớt chút thời gian tiếp xúc với HĐLTVN. MS trình bày về việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đặt ra những văn bản pháp luật trái với các Công ước quốc tế, vi phạm nghiêm trọng quyền con người nhằm bóp nghẹt và triệt tiêu các tôn giáo chân truyền độc lập. MS cũng trình bày chi tiết về các vụ việc công an và chính quyền địa phương dùng côn đồ tấn công, đập phá tan hoang hội thánh Mennonite Bến Cát, Bình Dương và hội thánh Chuồng Bò. Họ bắt bớ, hành hung, đánh đập các MS, có trường hợp phải nhập viện cấp cứu như MS Nguyễn Hồng Quang. Ngài Đại sứ rất quan tâm tới các trường hợp này và hỏi có bằng chứng gì chứng tỏ có sự hiện diện của công an không? Sau khi MS Hùng phân tích các chứng cứ và CTS Hứa Phi đưa ra hình ảnh chứng minh thì ngài Đại sứ chấp nhận và tỏ ra rất quan tâm. MS Hùng cũng trình bày về trường hợp MS Nguyễn Công Chính và MS Dương Kim Khải còn đang bị cầm tù và đặc biệt MS Chính bị phân biệt đối xử, bị hành hạ dã man trong tù cũng như đã bị kết án mấy năm rồi mà đến nay vẫn chưa được nhận bản án để kêu oan. CTS Hứa Phi trình bày về việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dùng các văn bản pháp luật như Pháp lệnh Tín ngưỡng, Nghị định số 92 để áp đặt nhằm hạn chế quyền tự do tôn giáo. Nhà cầm quyền Cộng sảnVN đã thường xuyên trấn áp hội thánh Cao Đài từ năm 1979 đến nay. Ở An Khê, mỗi khi đồng đạo cúng lễ theo nghi thức tôn giáo chân truyền thì nhà cầm quyền cho công an đến canh giữ, hành hung. Tại huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi mỗi khi đồng đạo làm lễ thượng tượng thờ Đức Chí tôn tại tư gia và sinh hoạt đạo sự thì công an đến giải tán. Ngày 07/5/2015, Hội đồng Liên tôn họp tại Đức Trọng, Lâm Đồng cũng bị công an đến cấm cản thô bạo. Đặc biệt mới đây, chính quyền tỉnh Phú Yên kết hợp với Cao Đài “quốc doanh” lấy cớ giải tỏa mở rộng quốc lộ 1A để san bằng và cưỡng chiếm thánh thất Tuy An, tỉnh Phú Yên của các tín đồ chân truyền mà không đền bù, tái bố trí định cư. Ông Lê Văn Sóc đại diện PGHHTT trình bày về việc công an, an ninh thường xuyên gây khó khăn, ngăn cản trong những ngày cúng giỗ của các tín đồ thuần túy. Đặc biệt là trong những dịp kỷ niệm ngày mất tích của Đức Huỳnh Giáo chủ thì tại nơi thờ phượng cũng như nhà riêng của các tín đồ đều bị công an, an ninh canh giữ cấm không cho ai ra vào trong nhiều ngày. Ngài David Saperstein thay mặt phái đoàn cám ơn các chức sắc HĐLTVN đã dành thời gian cung cấp cho đoàn những thông tin rất quý giá. Ngài Saperstein cho biết các thông tin này sẽ được đưa vào nội dung cuộc đàm phán thương uớc xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam. Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sẽ trả tự do cho một số tù nhân luơng tâm trong nay mai. TPP có thể đem lại cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam trong khi Hoa Kỳ muốn thúc đẩy Hà nội cũng phải cải tiến các điều kiện nhân quyền trong nước. Sau đó ngài khẳng định: “Nếu Việt Nam được chấp thuận vào TPP thì sẽ có một hiệp định, với những cam kết cụ thể về cải thiện nhân quyền, đặc biệt về vấn đề quyền lao động và quyền lập hội. Tôi có thể khẳng định là chúng tôi sẽ giám sát việc Việt Nam thực thi các cam kết sau khi vào TPP, nếu hiệp định kia được ký kết. Nếu Việt Nam không thực hiện thì chính phủ Hoa Kỳ sẽ có biện pháp trừng phạt”. Trước khi chia tay, ngài Saperstein đề nghị các chức sắc HĐLTVN cùng ra phía trước Văn phòng Công lý và Hòa bình chụp hình lưu niệm. MS. N.M.H. Nguồn: Bauxite Việt Nam
......

Liệu xảy ra xung đột trên Biển Đông?

Ngày 20 tháng 5 vừa qua, đài truyền hình CNN đã loan tải một đoạn phim liên quan đến việc hải quân Trung Cộng đã tám lần yêu cầu phi cơ tuần tra của Hoa Kỳ rời khỏi không phận của các bãi đá chìm mà Bắc Kinh đã cho lấp, bồi cát để xây dựng những căn cứ quân sự từ cuối năm 2014 cho đến nay. Không ảnh cho thấy Trung Quốc bồi đắp Đá Vành Khăn (Mischief Reef), quần đảo Trường Sa. Hình chụp của Ritchie B. Tongo, AP Đây là hình ảnh đầu tiên được một cơ quan truyền thông tư nhân phổ biến khi một số phóng viên quốc tế được phép tham gia vào một phi tuần trên chiếc P8-A - máy bay giám sát tối tân của Hoa Kỳ - hiện đang đưa vào hoạt động trên biển Đông vào cuối tháng 3/2015 thuộc hạm đội 7.   Theo phóng viên CNN cho biết là khi phi cơ giám sát Hoa Kỳ bay qua không phận các bãi đá bồi cát, lệnh xua đuổi của hải quân Trung Quốc phát ra từ một radar đặt trên bãi đá Chữ Thập, một trong 6 bãi đá mà Bắc Kinh đang xây dựng các căn cứ quân sự. Đặc biệt căn cứ quân sự trên bãi đá Chữ Thập lớn nhất, có phi đạo dài 3 cây số là trung tâm điểm kiểm soát toàn bộ không phận trên quần đảo Trường Sa. Vụ đuổi máy bay tuần tra của Hoa Kỳ không chỉ mới xảy ra lần đầu mà đã lập lại nhiều lần trong thời gian vừa qua, nhất là từ khi Hoa Kỳ quyết định đưa tàu chiến và máy bay đến sát các đảo lấp, bồi cát của Trung Cộng. Ngoài ra, việc hải quân Trung Cộng xua đuổi các phi cơ tuần tra của Hoa Kỳ trên không phận của quần đảo Trường Sa cho thấy là Ngoại trưởng John Kerry của Mỹ hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục Bắc Kinh ngưng xây dựng các đảo nhân tạo trong chuyến viếng thăm Trung Quốc hôm 16 và 17 tháng 5 vừa qua. Chính sự thất bại này mà Hoa Kỳ đã gia tăng các phi vụ tuần tra trên không phận Trường Sa để dằn mặt Bắc Kinh. Những diễn biến này cho thấy là tình hình biển Đông đang nóng lên kể từ sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981 từ ngày 3/5 đến 15/7 năm 2014. Tuy nhiên khác với sự xung đột giàn khoan HD 981, tập trung giữa CSVN với Trung Cộng, lần này sự xung đột nếu xảy ra sẽ ở tầm mức cao hơn, liên hệ đến nhiều quốc gia vì có những quyền lợi trực tiếp đến sự giao thương trên biển Đông. Nói cách khác, từ trước đến nay khu vực quần đảo Trường Sa thuộc vùng biển Quốc tế, chi phối đến 80% lượng hàng hóa, dầu khí của nhiều quốc gia. Nay Trung Cộng xây xong khu quân sự và thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển này là một thách đố lớn cho Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ. Trước thách đố này, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ không im lặng. Thứ nhất là Hoa Kỳ sẽ gia tăng tàu chiến và máy bay để tuần tra quanh khu vực Trường Sa và sẵn sàng ứng chiến nếu máy bay của Trung Cộng uy hiếp những chiếc tàu chở dầu khí, hàng hóa của các quốc gia đi qua khu vực này. Thứ hai là Nhật Bản cũng sẽ đưa tàu chiến vào quanh khu vực Trường Sa để bảo vệ các tàu chở hàng hóa, dầu khí của Nhật Bản và sẵn sàn ứng chiến nếu bị hải quân Trung Quốc uy hiếp. Khi tình hình ngày một căng thẳng như nói trên, những va chạm nhỏ giữa các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và Nhật Bản với hải quân Trung Cộng trong lúc tuần tra khó tránh khỏi. Những va chạm nhỏ nếu lập lại nhiều lần và các bên không có khả năng kiềm chế, thì sẽ bùng nổ tạo thành xung đột quân sự. Hiện nay Hoa Kỳ không còn có thể ngăn chận hay thuyết phục Bắc Kinh ngưng tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự. Vì thế xung đột quân sự sẽ xảy ra tùy thuộc vào thái độ của Bắc Kinh: Một là Bắc Kinh dùng các căn cứ quân sự xây dựng trên các bãi đá chìm ở Trường Sa để tung ra những phi vụ tuần tra các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở phía Tây Thái Bình Dương, trong khu vực đảo Guam. Hai là Bắc Kinh chính thức tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không quanh khu vực Trường sa, đòi hỏi các tàu bè, máy bay của Hoa Kỳ và các quốc gia phải xin phép khi qua lại biển Đông. Với tham vọng khống chế biển Đông qua chủ trương đường lưỡi bò chín đoạn, Bắc Kinh sẽ khó dừng lại ở các căn cứ quân sự đang xây dựng hiện nay rồi thôi mà sẽ ra mặt đối đầu với Hoa Kỳ qua hai thái độ nói trên. Trong tình thế căng thẳng này, xung đột trên biển Đông giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc rất khó tránh trong những ngày tới. Trung Điền Ngày 20/5/2015. Theo viettan.org
......

Thư của Trần Huỳnh Duy Thức gửi ra cho con gái từ trại Xuyên Mộc

Công Lý (Thư 38A) Xuyên Mộc, 1/3/2015 Các con, cháu thương! Ăn Tết xong rồi, chúng ta lại trở về với những bài học nha. Lần này chúng ta sẽ nói về đề tài công lý. Lâu nay có những định nghĩa cho rằng Công lý là pháp luật, làm nhiều người nhầm lẫn Công lý là chốn công đường, là những người cầm cân nẩy mực. Cũng có những người, những chế độ tự nhận mình là đại diện của Công lý để mang lại sự công bằng cho người khác. Những sai lầm như vậy làm cho con người không còn tin vào công lý hoặc tin rằng công lý thuộc về kẻ mạnh, xã hội suy đồi từ những niềm tin như vậy. Trong thư 24 cậu đã định nghĩa: ”Công lý là lẽ phải, đồng thời cũng là quy luật dẫn tới sự thừa nhận lẽ phải”. Lẽ phải ở đây chính là LẼ PHẢI TUYỆT ĐỐI. LẼ PHẢI CƠ BẢN và LẼ PHẢI THỎA ƯỚC mà chúng ta đã bàn đến nhiều lần. Pháp luật, chốn công đường (tòa án) không phải là công lý. Một cách chính nghĩa, chúng là những công cụ để bảo vệ công lý. Vì vậy trong một xã hội tiến bộ, nếu chúng không hòan thành trách nhiệm này thì sẽ bị thay đổi. Trong những xã hội suy thoái, Lẽ phải không được tôn trọng và bị đánh đồng thành sự phán xét của quyền lực, của đồng tiền. Khi đó thì giả chân lý, phi lý và phi pháp ngự trị, làm suy thoái nhân cách của con người và đạo đức của xã hội. Tức là sự cường quyền lên ngôi và bóp nghẹt chân lý, đạo lý và pháp lý. Lúc đó người ta thường nói rằng xã hội không còn công lý nữa nên, một cách rất tự nhiên, họ cũng không tin rằng có công lý. Nhưng thực ra công lý luôn tồn tại, nhất là chân lý, tức Lẽ phải tuyệt đối (quy luật và sự thật). Loài người càng tiến bộ thì công lý càng ngự trị trong xã hội. Và ngược lại, công lý càng ngự trị thì xã hội càng tiến bộ. Đây là chu trình hợp quy luật để thúc đẩy sự phát triển xã hội loài người càng văn minh. — - 2/3/2015 Công lý luôn tồn tại nhưng có ngự trị được hay không là do sự vận động của con người. Ngay trong xã hội đã văn minh, mọi người vẫn phải luôn vận động để bảo vệ công lý và làm cho xã hội tiến càng gần đến điều lý tưởng là “không ai còn phải đi tìm công lý”. Nói công lý ngự trị, có nghĩa là đa số mọi người tin vào công lý và hành động hướng về công lý. Ngược lại thì sự phản công lý sẽ ngự trị. Vì vậy mà các chế độ cường quyền (độc tài toàn trị…) luôn cố gắng làm cho con người sợ hãi, không dám tin vào công lý mà chỉ còn biết nghe theo sự sai khiến của kẻ cường quyền. Ở những chế độ này, toà án được lập ra để trừng trị những người dân dám tin và bảo vệ công lý. Nhưng sự đàn áp có tàn bạo đến thế nào đi nữa thì vẫn không thể giết được công lý. Đó là nhờ vào những người dũng cảm chấp nhận thiệt thòi, thậm chí là thiệt mạng để bảo vệ công lý. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi danh Bruno, Copecnics, Galileo, Newton,… đã đấu tranh bảo vệ chân lý Nhật tâm bất chấp các tòa án dị giáo luôn sẵn sàng đưa họ lên giàn hỏa. Nelson Mandela được cả thế giới kính trọng vì độ bền bỉ đấu tranh cho chân lý “Quyền con người là bình đẳng, không phân biệt màu da” bất chấp bản án tù chung thân mà chế độ phân biệt chủng tộc “tặng” cho. 27 năm khắc nghiệt trong tù không thể làm suy suyển niềm tin của ông vào chân lý đó. Khi đã có những con người bền bỉ, có niềm tin sắt đá vào công lý một cách khoa học như thế thì công lý sẽ ngự trị. Tự tin là kẻ thù của sợ hãi, cũng là kẻ thù của những kẻ và chế độ cường quyền. Cho dù chúng có thể làm cho số đông sợ hãi nhưng không bao giờ làm được với tất cả mọi người. Số ít những người tự tin cho dù phải nằm xuống dưới đao phủ của cường quyền thì niềm tin của họ vẫn được lan truyền còn mạnh mẽ hơn nữa đến những người khác, đến thế hệ sau. Bruno bị thiêu chết trên giàn hỏa nhưng niềm tin nhật tâm của ông vì thế lại càng được biết đến rộng rãi và được phát triển ngày càng vững chắc. Copecnics, Galileo và cuối cùng là Newton – người đã chứng minh một cách khoa học Thuyết Nhật Tâm. Không còn có thể bác bỏ được nữa, những kẻ “địa tâm” chỉ còn biết cúi đầu trước chân lý khoa học, trước công lý của dư luận – tức sự lên án bằng đạo lý của loài người, mãi bị ô danh trong lịch sử. Mọi quyền lực cao nhất của chủ nghĩa thần quyền cùng với mọi sức mạnh đàn áp tàn bạo nhất của nó đã được dùng để bảo vệ cho giả chân lý địa tâm trong suốt mấy thế kỷ. Nhưng cuối cùng cái thuyết sai trái ấy vẫn sụp đổ nhục nhã. Bảo vệ cho nó chẳng khác gì xịt dầu thơm cho những cái xác chết đang thối rửa dần. Những câu chuyện thời Stalin ở Liên Xô cậu đã kể cho tụi con cũng tương tự như vậy đó. Sau Hitler thời Thế chiến II, sự tàn bạo của Stalin là không có đối thủ. Bất kỳ ai nói khác với ông ta thì đều có thể bị đàn áp đến chết. Những lới nói của ông ta đều có thể biến thành chân lý, đạo lý và pháp lý tuyệt đối của cả xã hội. Có đến hàng trăm ngàn (có số liệu cho là đến hàng triệu) người đã bị đày ải đến mức phải bỏ mạng vì dám nói khác với ông ta. Nhưng không vì vậy là LX không còn người dám nói ra và bảo vệ sự thật. Họ đã bằng mọi cách, kể cả trốn ra nước ngoài hoặc ở lại để giữ gìn sự thật, bằng chứng của sự thật để chờ ngày thích hợp. Stalin lúc còn sống tự xây dựng hình ảnh của mình như một vị thánh sống cả về trí tuệ lẫn đạo đức. Khi ông ta chết, hình ảnh ấy được đẩy lên thành một bậc thánh hiền của nhân loại”, đáng được kính trọng hơn cả cha mẹ, ông bà. Nhưng chỉ vài chục năm sau, khi LX sụp đổ, sự thất đã được phơi bày. Những bằng chứng không thể chối cãi đã đưa ông ta trở vể đúng với vị trí của mình – một kẻ đao phủ đáng ô nhục bậc nhất của thế kỷ 20. Giờ đây, không có bất kỳ sự cuồng tín, mê muội nào cứu được hình ảnh của ông ta nữa. Nó chết đầy ô nhục cùng với các chủ thuyết sai trái của ông ta từng được áp đặt là công lý của xã hội. Sự vận động tự do của con người càng mạnh mẽ thì sự ngự trị của các cái phải công lý càng mau kết thúc. Nhưng tụi con cần lưu ý rằng sự vận động đó phải là sự vận động một cách khoa học hướng đến chân lý. Nếu không nó sẽ chỉ dẫn đến sự thay thế của giả chân lý này bằng giả chân lỳ khác, sự phản công lý này bằng sự phản công lý khác mà thôi. Cậu đã đưa ra nhiều ví dụ về những trường hợp như thế trong các thư 24, 27B. Đó chính là sự thay thế bè phái này bằng bè phái khác mà không hề có sự tôn trọng chân lý khoa học, chỉ là sự thay đổi quan điểm chủ quan khác nhau mà thôi. Vì vậy mà cậu đã từng viết rằng: “Hướng đến chân lý tức là tin vào Công lý”. Chân lý là Lẽ phải tuyệt đối – là nền tảng của công lý bao gồm cả Lẽ phải cơ bản và Lẽ phải Thỏa ước. Một khi mà sự thật và quy luật – tức chân lý mà không được tôn trọng thì không thể tồn tại đạo lý và pháp lý chính đáng, mà thay vào đó là phi lý và phi pháp. Do đó trong một xã hội suy đồi bị cường quyền áp đặt thì cuộc đấu tranh của những người bảo vệ công lý thường tập trung vào việc làm sáng tỏ sự thật và quy luật một cách khoa học. Những cuộc đấu tranh thay đổi các đạo lý của Nho giáo gần như vô hiệu trong suốt mấy ngàn năm. ĐCSTQ sau khi nắm quyền đã dùng hết quyền lực nhằm xóa sổ Nho giáo. Việc này diễn ra hơn 30 năm nhưng Nho giáo vẫn tồn tại đến mức mà sau đó chính quyền TQ nhận ra rằng phải lợi dụng nó để cài cắm tư tưởng của mình vào lòng dân. Cuộc đấu tranh của ĐCSTQ không phải nhằm mục đích làm sáng tỏ chân lý mà thực chất cũng chỉ là nhằm áp đặt các chủ thuyết của mình trái với chân lý. Vì vậy mà ĐCSTQ đã phá tất cả những gì khác với mình, trong đó có cả các đạo lý của Nho giáo. Sự thật và quy luật khách quan không hề được làm sáng tỏ mà còn bị tiếp tục bóp méo, che lấp. Vì thế mà không thể thắng được đạo lý của Nho giáo bất chấp việc pháp lý đã được dùng để đặt Nho giáo ra ngoài vòng pháp luật. Do đó xã hội TQ vẫn thiếu vắng công lý nghiêm trọng. Còn ở Nhật, cuộc Duy tân Minh trị và những cuộc cách mạng xã hội khác sau đó, không hề nhắm đến mục đích chính là đả phá Nho giáo nhưng cuối cùng thì những đạo lý cổ hủ giáo điều của nó vẫn bị bứng tận gốc. Đó là vì đấy là những cuộc cách mạng suy tưởng hướng đến quy luật: “Quyền con ngườiphải được bảo vệ trên hết” để làm cho con người vận động tự do trong xã hội. Như chúng ta đã phân tích trong đề tài Cơ chế xã hội khoa học, khi xã hội có vận động tự do thì những cái gì không còn phù hợp sẽ tự động bị đào thải nhanh chóng. Đạo lý Nho giáo không thể tránh khỏi sự đào thải này cho dù nó đã ăn sâu vào con người và xã hội Nhật hàng ngàn năm. — - 3/3/2015 Chân lý còn là sự thật – tức là sự chân xác cả xã hội. Xã hội không thể tốt đẹp nếu được xây dựng dựa trên những niềm tin được tạo nên từ sự dối trá và giả tạo, cũng không thể tốt đẹp nếu có quá nhiều người bị kết tội bởi sự bóp méo sự thật, hoặc quá nhiều người thành công nhờ vào khả năng giả dối. Đó cũng chính là những xã hội thiếu vắng công lý. Từ ngàn xưa con người đã có ước vọng về sự trung thực, công khai và minh bạch. Nhưng đó vẫn còn là giấc mơ xa vời của đa số dân tộc trên thế giới cho đến tận ngày nay. Sống trung thực là một thử thách nghiệt ngã mà hầu hết đều phải trả giá trong những xã hội mà sự thật chưa ngự trị. Cái giá đó có thể là sự thiệt thòi để giữ lương tâm hoặc bị cắn rứt lương tâm để không bị thiệt thòi. Nhưng điều tệ hại nhất là những kẻ không còn lương tâm lại được khen thưởng trong xã hội như vậy. Tụi con có nhớ một câu được cho là của Abraham Lincoln viết cho thầy của con mình không: “Hãy dạy cho con tôi luôn dám đứng thẳng người để nói lên và bảo vệ sự thật cho dù mọi người đang chạy theo cỗ xe bè phái”. Lần đầu tiên cậu đọc được câu này lúc đã hơn 30 tuổi và bị tác động rất mạnh. Cậu xấu hổ nhìn lại mình đã từng im lặng trước những hoàn cảnh mà rất đông người đang cùng nhau nói dối, thậm chí đã từng làm ngơ trước những sai trái làm oan uổng những người vô tội. Tâm lý đám đông khiến người ta cùng hè nhau nói và làm giống nhau những điều đang trở thành xu thế mạnh, chứ không hẳn là họ hành động vì một quyền lợi gì đó cụ thể cho mình. Chỉ có những kẻ láu cá biết lợi dụng tâm lý đó để trục lợi cho mình bất chấp lợi ích của người khác. Cậu hiểu tâm lý ấy nên cũng hiểu rõ sự rủi ro của những người dám chấp nhận rủi ro như tinh thần của Lincoln. Nhưng nếu không có những con người như vậy thì xã hội sẽ mãi chìm ngập trong sự giả dối được biến thành những niềm tin giáo điều, bè phái và được che đậy dưới danh nghĩa lợi ích chung. Tệ nạn này có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào có con người sinh sống thành xã hội, không phân biệtmàu sắc về chủng tộc hay chế độ, bất chấp thời của chủ nghĩa phong kiến, tư bản hay cộng sản,… Nó chỉ có thể được cải thgiện khi con người có đủ quyền tự do được bảo vệ một cách vững chắc để nói lên và hành động suy nghĩ của chính mình mà không bì quyền lực hoặc sức mạnh của đám đông bức hại. Vì vậy mà “QCN đượic bảo vệ trên hết” cũng chính là cách duy nhấtvà hiệu quả để bảo vệ sự thật – bảo vệ công lý. Cậu đã đưa ra nhiều ví dụ minh chứng cho khẳng định này trong nhiều thư trước. Tụi con xem lại nha! Đó cũng chính là những nguyên tắc để giữ thái độ cân bằng/khoa học mà cậu muốn tụi con cố gắng tạo cho mình. Nếu ai cũng cho rằng xã hội đang bè phái, chưa có tự do nên tự biện minh cho mình được ủng hộ hoặc im lặng trước sự giả đối và sai trái thì chính mình sẽ nhận lãnh hậu quả của chúng, kể cả những kẻ sẵn sàng bán mình cho quỷ. Sự chuyển động của thế giới ngày nay đang ngày càng nhanh theo hướng văn minh, không đợi đến sau khi chết thì những sự dối trá mới bị đưa ra ánh sáng. Mà ngay cả chết rồi mà bị báng bổ vẫn là một điều nhục nhã cà con cháu phải gánh chịu. Cậu không ủng hộ cho sự báng bổ cũng như việc làm cho người khác bị sỉ nhục chỉ vì người thân của họ gây ra sai trái. Nhưng bia miệng thế gian thì chẳng ai kiểm soát nổi. Phải có những người dám chấp nhận rủi ro để bảo vệ sự thật thì sự thật mới dần ngự trị trong xã hội. Nhưng đó cũng phải là những người biết quản trị rủi ro, có thái độ cân bằng và biết dùng khoa học để chứng minh bảo vệ sự thật. Đó còn phải là những người độc lập, không bị quyền lực hoặc sức mạnh của bè phái chi phối, kể cả các bè phái đó là chính đảng. Khó quá phải không ? Nhưng như cậu đã viết từ đầu: Công lý còn là quy luật dẫn tới sự thừa nhận lẽ phải. Khi hiểu được quy luật này thì những con người đó, dù là số ít nhưng vẫn có thể quy tụ được những nguồn năng lượng từ vũ trụ, từ chân lý, từ những người yêu chuộng sự thật khắp nơi trên thế giới để bảo vệ công lý và đưa công lý lên ngôi. Cậu sẽ viết tiếp về quy luật này trong thư sau nha. Mấy hôm nay cậu “say mê” ký âm mấy bài hát để gửi về theo đợt thư này, làm quà cho cả nhà vui. Cái này gọi là “ham chơi” phải không? Bye bye tụi con. Cậu Tám. Nguồn: Blog Trần Huỳnh Duy Thức
......

Bắc Kinh lại đưa giàn khoan HD 981 trở lại Biển Đông

Radio Chân Trời Mới (Thanh Thảo): Trên trang website của Cục Hải sự Quốc gia Trung Quốc cho biết là từ ngày 6 đến 15 tháng 5, Bắc Kinh sẽ đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại biển Đông. Hiện nay giàn khoan HD 981 đang hoạt động tại giếng Lăng Thủy, nằm trong thành phố Tam Á, thủ phủ tỉnh Hải Nam. Theo giới chức Trung Cộng thì sau ngay 15/5 họ sẽ kéo giàn khoan HD 981 vào sâu trong lãnh hải quốc tế nhưng chưa biết đi đâu. Trong lúc Bắc Kinh cho xuất hiện giàn khoan HD 981 tại biển Đông thì Ủy ban Đối Ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ đã mở cuộc điều trần về “Bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”, với phần trình bày của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông David Shear nay là Trợ Lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Phụ Trách An Ninh Á Châu Thái Bình Dương. Phía CSVN đã lên tiếng hoan nghênh cuộc điều trần. Một năm trước đây giàn khoan HD 981 đã làm thay đổi cục diện chính trị rất lớn ở biển Đông. Đúng 1 năm sau, giàn khoan HD 981 đang trở lại và sẽ tạo ra những thay đổi gì, xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay. Thanh Thảo: Trước hết, tuần qua có hai sự kiện: Thứ nhất là CSVN hoan nghênh việc Ủy ban Ngoại giao Thượng viện tổ chức điều trần về biển Đông. Thứ hai là ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết là Hoa Kỳ sẽ đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng bằng những nghi thức cao nhất trong chuyến thăm Hoa Kỳ sắp diễn ra vào cuối tháng năm này. Những chỉ dấu tích cực trong quan hệ Việt-Mỹ này mang ý nghĩa gì? Lý Thái Hùng: Hai sự kiện mà chị vừa đề cập theo tôi là những chỉ dấu tích cực từ phía Hoa Kỳ muốn cho CSVN thấy là Hoa Thịnh Đốn mong muốn mở rộng sự hợp tác với Hà Nội. Thứ nhất, đây có thể coi như hai món quà mà Hoa Kỳ đã gửi đến CSVN để khích lệ Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn đang chuẩn bị lên đuờng đến Mỹ. Sở dĩ gọi là món quà đặc biệt là vì Tuyên bố của đại sứ Ted Osius đã giúp cho Hà Nội bớt lo âu về nghi thức đưa đón ông Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ. Thứ hai, chứng tỏ với dư luận quốc tế rằng, Hoa Kỳ đặt sự kỳ vọng vào CSVN rất nhiều và đang muốn kéo CSVN đến gần với Hoa Kỳ như Phi Luật Tân, Nam Dương để mở rộng những hợp tác từ kinh tế, chính trị đến an ninh quốc phòng, nhằm giảm bớt các chi phối từ Trung Quốc. Thứ ba, Hoa Kỳ hy vọng phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ phải có những đáp lễ mà cụ thể nhất là vấn đề thả một số tù nhân lương tâm đang bị bắt giữ như Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức. CSVN biết rất rõ là dư luận Hoa Kỳ quan tâm về vấn đề này và cần phải đáp lễ. Nói tóm lại, những sự kiện chính trị xảy ra nói trên, tất cả là để hâm nóng và tạo sự chú ý của dư luận về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng. Thanh Thảo: Phía CSVN lên tiếng chính thức qua phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Bộ ngoại giao CSVN hôm 14/5 là hoan nghênh Hoa Kỳ trong nỗ lực duy trì hòa bình trên biển Đông. Tại sao Hà Nội lại lên tiếng hoan nghênh về cuộc điều trần này thưa ông? Lý Thái Hùng: Sau vụ giàn khoan HD 981, Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển Đông. CSVN thấy rõ đây là một nguy cơ nhưng khả năng của chính Hà Nội và nhất là khả năng của Khối ASEAN không thể đối đầu hay thương thảo. Phái đoàn của ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Trung Quốc hôm đầu tháng 4/2015 cũng không giải quyết được gì mặc dù không dám làm điều gì trái ý phương Bắc. Càng ngày, Tập Cận Bình càng lộ rõ ý đồ loại Hoa Kỳ ra khỏi biển Đông, với những hành động bá quyền như cho tập trận trên các bãi đá vừa lấp cát mở rộng thành khu quân sự, hay mới đây tuyên bố sẽ có thể thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông (ADIZ). Trước bối cảnh như vậy, CSVN đã hoan nghênh việc Ủy Ban Ngoại giao Thượng viện Hoa Kỳ tổ chức cuộc điều trần - tuy dưới chủ đề “Bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”, nhưng có tác động tích cực lên tình hình Việt Nam - vì hai lý do sau đây: Thứ nhất là qua những nội dung điều trần, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông David Shear đã phân tích về tình trạng bồi lấp, mở rộng đảo, đá của Trung Cộng đang đe dọa an ninh trong vùng. Ông David Shear cho rằng những quốc gia liên hệ tới biển Đông đều có những nỗ lực lấp, bồi đảo theo nhu cầu phòng thủ riêng; nhưng đối với Trung Cộng thì có mục đích xây dựng những căn cứ để kiểm soát biển Đông. Theo ông David Shear thì từ năm 2014, Trung Cộng đã lấn ra biển ở khu vực Trường Sa đến 2 cây số vuông. Bắc Kinh sẽ kết hợp chủ trương “đường lưỡi bò” cùng với các căn cứ quân sự đang xây dựng trên những vùng biển này để tiến đến việc xác lập quyền kiểm soát biển Đông. Nói cách khác là Hoa Kỳ đã tố cáo Trung Cộng đang bành trướng lãnh thổ ở trên biển. Thứ hai là nội dung điều trần của ông Daniel Russel, Trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã khẳng định là Hoa Kỳ phải có nhiệm vụ ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc vì quyền lợi của Hoa Kỳ ở khư vực này. Ông Daniel Russel cũng cho rằng, Hoa Kỳ phải thiết lập quan hệ tốt với khối các quốc gia có liên hệ trực tiếp tới Biển Đông ở Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và phối hợp với đồng minh như Nhật, Úc Châu để gìn giữ hòa bình ở khu vực này. Qua những phát biểu của ông Daniel Russel, Hoa Kỳ đã không hành động một mình mà lôi kéo các nước đồng minh và những quốc gia vùng biển Đông để cùng hợp tác gây áp lực lên Trung Cộng. Qua hai nội dung nói trên, CSVN không thể không lên tiếng hoan nghênh. Lý do dễ hiểu là đã giúp cho CSVN có chỗ núp an toàn để tiếp tục khẩu hiệu mà ông Nguyễn Tấn Dũng nêu ra vào đầu năm nay trong đối sách với Trung Cộng là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Thanh Thảo: Ngày 15/5 vừa qua, hai Bộ trưởng quốc phỏng CSVN và Trung Cộng đã gặp nhau tại cửa khẩu Lào Cai để tham dự giao lưu về quốc phòng biên giới giữa hai nước. Trong thời gian đó, Cục Hải Sự Quốc Gia Trung Quốc cho kéo giàn khoan HD 981 vào sâu trong biển Đông và có thể trở lại vị trí cũ cách nay 1 năm. Ông nhận định về sự kiện này ra sao thưa ông? Lý Thái Hùng: Như tôi vừa trình bày chính chủ trương ba phải “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” của lãnh đạo CSVN đối với Trung Cộng, mới sinh ra những sự kiện như chị đề cập. Nói cách khác là trên mặt ngoại giao, Hà Nội chiến đấu bằng võ mồm. Trên mặt quốc phòng thì tổ chức giao lưu thân hữu để đáp ứng khuôn khổ “16 Vàng, 4 Tốt”. Những sự kiện nói trên dẫn đến 3 điều nguy hiểm cho Việt Nam. Thứ nhất là Bắc Kinh đã nắm được yếu điểm của Hà Nội là phe quân đội không dám hành động và sẵn sàng thỏa hiệp. Tức là quân đội CSVN dưới sự lãnh đạo của Phùng Quang Thanh đã tự giải giới. Ông Thanh đã từng tuyên bố vụ HD 981 chỉ là những “xích mích” trong gia đình. Khi quân đội tự giải giới như vậy thì chúng ta không thể trông mong gì họ vào việc bảo vệ biển đảo. Thứ hai là những tiếp cận của lãnh đạo CSVN với Hoa Kỳ để mua vũ khí sát thương, hay những cộng tác cứu hộ trên biển đều không nhằm phục vụ lợi ích cho người dân và đất nước Việt Nam mà chỉ là cơ hội để bòn rút tiền bạc của công thành của tư. Khi không có ý chí chống Trung Quốc, việc tân trang vũ khí sát thương cho quân đội chỉ để làm kiểng mà thôi. Thứ ba là người dân và thành phần chống xâm lược Trung Quốc trong nội bộ CSVN sẽ không ngồi yên mà sẽ hành động theo đà bành trướng của Bắc Kinh. Do sức ép của Trung Cộng, Hà Nội sẽ gia tăng đàn áp, khống chế bạo lực để không cho phong trào chống Trung Cộng bùng nổ. Đây là những diễn biến tiêu cực, gây ra những khó khăn cho phong trào dân chủ bây giờ và tương lai. Nói tóm lại, hai sự kiện trái nghịch mà chị đề cập bên trên, là những điều mà lực lượng dân chủ phải quan tâm rọi đèn càng sớm, càng nhanh càng tốt để ngăn chận những biến thái nguy hiểm cho công cuộc đấu tranh. Thanh Thảo: Dựa trên những phân tích mà ông vừa chia xẻ thì nhìn lại một năm qua, giàn khoan HD 981 đã có những tác động chính trị ra sao lên tình hình Việt Nam? Lý Thái Hùng: Theo tôi, vụ giàn khoan HD 981 đã làm thay đổi tình hình chính trị tại Việt Nam trên ba phương diện chính sau đây. Thứ nhất là lãnh đạo CSVN không còn coi Trung Cộng là chỗ dựa an toàn. Tuy họ đưa ra chủ trương ba phải “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” mang tính câu giờ vì chưa biết chọn lựa như thế nào nhưng chính điều này đã làm cho thượng tầng không còn là khối thống nhất. Từ đó đã phát sinh ra hai khuynh huớng bám Trung và thoát Trung tranh giành nhau ảnh hưởng trong nội bộ. Vì sự đấu đá chưa phân thắng bại nên cả nhóm chấp nhận khẩu hiệu “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” là vì vậy. Thứ hai là người dân và các đảng viên đảng CSVN hơn bao giờ hết đã nhìn thấy rõ lãnh đạo CSVN là một tập đoàn hèn nhát và nô lệ. Những bài viết, phát biểu được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội, các kiến nghị và cả những tờ rơi đuợc rải ở nhiều nơi tại Việt Nam cho thấy quảng đại quần chúng đã thấy rõ bản chất yếu hèn của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội. Thứ ba là Cộng sản Việt Nam trở thành một mắc xích quan trọng trong liên minh mà Hoa Kỳ và những đồng minh của Hoa Kỳ gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Úc Châu hình thành để ngăn chận sự trổi dậy của Trung Cộng. Vì thế mà CSVN ở vào thế đu dây và sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong giai đoạn trước mặt. Thanh Thảo: Với những viễn cảnh chính trị phức tạp như vậy, theo ông đường lối ngoại giao đu dây cùa Hà Nội sẽ ra sao trong thời gian tới? Lý Thái Hùng: Khó ai có thể biết được tương lai của đường lối ngoại giao này vì hai lý do: 1/ Lãnh đạo CSVN với đường lối ba phải “vừa đấu tranh vừa hợp tác” với Trung Quốc cho thấy là họ vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ phía Bắc Kinh. Cách đu dây của Hà Nội trong thực tế mới chỉ là những dọ dẫm phản ứng của Bắc Kinh. 2/ Hoa Kỳ và cả Nhật Bản không dễ dàng chấp nhận để cho CSVN chơi trò bắt cá hai tay khi mà Hoa Kỳ đang muốn gia tăng áp lực để ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng ở biển Đông. Trong thời gian qua, Hoa Kỳ và Nhật Bản chưa quan tâm mấy về thái độ của Hà Nội đối với Bắc Kinh; nhưng trong thời gian tới khi mà Bắc Kinh thành lập xong các căn cứ quân sự và tung ra vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông thì Hoa Kỳ sẽ buộc CSVN chọn một trong hai. Với những viễn cảnh nói trên tôi nghĩ rằng CSVN khó thành công trong chính sách đu dây và họ sẽ phải trả một giá rất đắt cho những bước đi thủ lợi khập khễnh này. Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng. Nguồn: RadioCTM
......

Sự thật về sân bay quốc tế Long Thành

Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành được mô tả là sân bay lớn nhất Việt Nam sử dụng 5.000 mẫu đất của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cách Thành phố Sài Gòn khoảng 40 km về hướng Đông Bắc. Dự án này sẽ có vốn đầu tư khoảng 18,7 tỷ Mỹ Kim trải qua 3 giai đoạn thi công, đón 100 triệu lượt du khách/ năm sau khi hoàn thành. Lý do chính phải thực hiện đại công trình này là vì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải trong những năm sắp tới. Dự án sân bay quốc tế Long Thành đã được bàn thảo trong nhiều năm qua, với hai khuynh hướng: Ủng hộ và phản đối. Phía ủng hộ thì cho rằng nếu sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng sẽ trở thành sân bay “trung chuyển” lớn nhất ở vùng Đông Nam Á và góp phần gia tăng lượng khách du lịch đến Việt Nam. Phe phản đối thì cho rằng với nền kinh tế bị khủng hoảng liên tục, ngân sách bội chi, nợ công gia tăng lấy ở đâu ra 18,7 tỷ Mỹ Kim để đầu tư cho dự án quá lớn mà Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm. Tiền Ở Đâu Ra? Với một dự án mà tổng số vốn đầu tư lên đến 18,7 tỷ Mỹ Kim và chỉ riêng trong giai đoạn 1 sẽ ngốn hết 7,8 tỷ Mỹ Kim đã là đề tài gây tranh cãi nhiều nhất trong dư luận. Vấn đề là kiếm tiền ở đâu ra? Tại buổi tọa đàm "Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và Thách thức" ngày 17/10/2014, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết, vốn đầu tư được huy động từ nhiều nguồn. Cụ thể là từ Quỹ đầu tư phát triển của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ, cổ phần và đầu tư nước ngoài. Cũng theo ông Phạm Quý Tiêu, nguồn vốn dành cho dự án đã có sự cam kết và đã được trình bày trong báo cáo gửi chính phủ. Trong đó, một tập đoàn của Pháp cam kết tài trợ số vốn 2 tỷ Mỹ Kim cho dự án sân bay Long Thành theo hình thức vay thương mại. Phía Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ đầu tư phát triển cho dự án nhưng chưa đưa ra con số cụ thể. Như vậy cam kết tài trợ chỉ được hiểu như một lời hứa hẹn không có gì chắc chắn. Thực tế lâu nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ chạy trước những dự án lớn của Việt Nam vì tính cách bấp bênh trong cách tính toán hoàn vốn. Điều này cho thấy đầu tư nước ngoài chỉ dừng lại ở những lời cam kết bình thường, phần lớn còn lại hy vọng vào trái phiếu chính phủ. Phát hành trái phiếu đồng nghĩa với đi vay nợ và phải trả nợ khi đáo hạn, trong khi Việt Nam đang vất vả vay nợ sau trả nợ trước, đưa đến tình trạng nợ công mỗi năm một tăng cao. Nợ công theo cách tính chung của quốc tế được hiểu là nợ của chính phủ cộng thêm nợ do chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương và nợ của doanh nghiệp nhà nước. Nhưng CSVN thì không coi nợ của doanh nghiệp nhà nước là một phần của nợ công, do đó không bao giờ vượt mức trần 65% mà Quốc hội CSVN cho phép. Và cũng vì vậy các dự án nhà nước thi nhau vay nợ một cách thoải mái, thi nhau chia chác còn việc trả nợ tính sau. Đối với Quỹ đầu tư phát triển của chính phủ, việc đầu tư từ ngân sách rất bấp bênh. Quy mô thu ngân sách của CSVN hiện nay quá lớn nhưng lại phụ thuộc nhiều vào những nguồn thu không bền vững. Trong trường hợp phải chi tiêu cho đầu tư gia tăng, sẽ góp phần gây áp lực đến tình trạng thâm hụt thêm ngân sách vốn đã mất cân bằng. Do đó khi dự án Long Thành được giải trình trước các phiên họp quốc hội thì gặp rất nhiều phản ứng chống đối. Để làm “an lòng” các đại biểu, CSVN bắt phải hạ thấp vốn đầu tư khoảng 2,6 Tỷ Mỹ Kim xuống còn 5,236 tỷ Mỹ Kim trong tổng số 7,8 tỷ Mỹ Kim so với dự toán trình quốc hội trước đây. Nhưng sự băn khoăn về vốn đầu tư đến nay vẫn còn âm ỉ bởi lãnh đạo Hà Nội tỏ ra cương quyết xây dựng sân bay Long Thành cho bằng được, bất chấp hiệu quả đầu tư hay trở ngại tài chính mà một số chuyên gia kinh tế đưa ra. Những nguồn vốn chính phủ nói là sẽ huy động, cho tới nay vẫn là những con số mập mờ tính toán trên bàn giấy nhưng được coi như bài toán tài chánh đã giải quyết xong. Phe Nào Được Lợi? Gần đây nhất, một sự kiện diễn ra cũng làm dư luận rất quan tâm vì tính cách bất thường của nó. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị trung ương 11, ông Nguyễn Phú Trọng đã xếp dự án sân bay Long Thành vào một trong 4 vấn đề quan trọng mà trung ương đảng cần cho ý kiến, ngang hàng với 3 vấn đề trọng đại khác của hội nghị, đó là về phương hướng công tác tổ chức nhân sự; về số lượng và việc phân bổ đại biểu; và vấn đề mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Sau đó trong phát biểu bế mạc hội nghị ngày 7/5/2015, ông Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng “Cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành”. Ông Trọng và Trung ương CSVN coi đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nói cách khác, đây là “chủ trương lớn” của đảng, tương tự dự án bauxite Tây Nguyên và nhà máy lọc dầu Dung Quốc ở Quảng Ngãi trong những năm trước đây. Vì Dự án xây dựng này đã được Bộ Chính trị thông qua nên có thể coi đây là một dự án được đảng thống nhất lãnh đạo và chỉ đạo cả khâu thực hiện. Tại sao dự án Long Thành phải đưa vào Hội nghị Trung ương? Thứ nhất, đây là dự án quá lớn với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ Mỹ Kim, tương đương với dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi cách nay 2 thập niên. Chẳng riêng dự án Dung Quất mà vụ đường dây tải điện 500Kv Bắc-Nam vào năm 1992 cũng phải đưa ra Trung Ương Đảng biểu quyết thông qua. Phải chăng đây là cách mà đảng CSVN muốn mọi người phải chịu một phần “trách nhiệm” một khi dự án Long Thành thất bại? Thứ hai, có nhiều phe nhóm can dự vào việc chia chác quyền lợi rất lớn sau khi dự án được quyết định thi công. Do đó các phe muốn Trung ương thông qua trước khi nhiệm kỳ 11 chấm dứt vào cuối năm nay. Chắc chắn nếu dự án chờ sang năm 2016, nó sẽ lâm vào tình trạng bị kéo dài. Nhiều phần, dự án Long Thành sẽ thất bại như Dung Quất và bauxite Tây Nguyên và chẳng ai trong đảng muốn dính vào sự thất bại có thể thấy trước mắt vì nó vượt quá khả năng của Việt Nam trong tình trạng hiện nay. Thứ ba, giống như nhiều dự án lên đến “tiền tỷ” Mỹ Kim, các phe nhóm không dám ăn một mình, sự ăn chia của các nhóm lợi ích diễn ra ráo riết như một trận chiến mà ai cũng muốn tranh phần thắng. Dự án xây dựng sân bay Long Thành đã gây ra một sự tranh cãi chung quanh một sân bay khác ở Sài Gòn đã tồn tại từ trước năm 1975. Nhiều chuyên gia hàng không đã đặt vấn đề: tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có sẵn trong tầm tay thay vì đi xây dựng một dự án tiêu tốn quá nhiều tiền nhưng ngoài khả năng tài chính của mình? Tại Sao Phải Là Long Thanh? Phi trường Tân Sơn Nhất, theo cách gọi trước đây, với diện tích đủ để nâng cấp thỏa mãn nhu cầu khi hành khách quá cảnh vượt qua con số 25 triệu/năm trong những năm sắp tới. Sau năm 2020, nói đến việc xây một sân bay đón 100 triệu hành khách/năm cũng chưa phải là muộn. Điều khả thi nhất này bị Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng và những người cùng phe cánh bác bỏ thẳng thừng. Ông Thăng đã khẳng định rằng xây dựng một sân bay mới thay thế cho Tân Sơn Nhất là lựa chọn gần như duy nhất của Việt Nam. Những lý do ông đưa ra là mở rộng Tân Sơn Nhất sẽ làm tăng lưu lượng giao thông, ô nhiễm và rủi ro tai nạn hàng không trong khi cần giải tỏa đến 140 ngàn gia đình sống trên 541 mẫu bị chiếm dụng quanh sân bay. Những con số bi quan này do lãnh đạo thành phố Sài Gòn đưa ra để hỗ trợ việc thực hiện dự án Long Thành nhưng họ còn giấu giếm một điều quan trọng. Đó là sự xung đột giữa lợi ích của quân đội và lợi ích phe nhóm khác vì những vùng đất trống chung quanh Tân Sơn Nhất đang đặt dưới sự quản lý của quân đội, gọi là “đất quốc phòng”. Họ không dễ dàng gì buông ra những khu vực béo bở ấy cho bất cứ ai, dù dưới danh nghĩa mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cho mục đích công cộng. Điển hình nhất, những thế lực kinh doanh của quân đội đã từng sử dụng đến 157 mẫu trong quỹ đất dư thừa để xây dựng sân golf và một chuỗi các nhà hàng khách sạn sang trọng. Cho đến nay, ngoài những con số lạc quan mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, không ai biết rõ tương lai của dự án ra sao, nhất là hiệu quả kinh tế, xã hội mà nó mang lại. Nhưng với số tiền vay mượn lên đến trên 15 tỷ mỹ kim sau khi điều chỉnh, đây quả là một món béo bỡ sẽ được ăn chia từ trung ương tới địa phương. Mặt khác, cũng như hầu hết những dự án lớn đã thấy, với chứng bệnh duy ý chí cố hữu, lãnh đạo CSVN lúc nào cũng muốn thực hiện những công trình “vĩ đại” nhất để lấy tiếng và lừa bịp người dân. Dự án Long Thành hiện nằm trong tay Ban Cán Sự Đảng và Ban này đang cấu kết với Bộ giao thông Vận tải, Tỉnh uỷ Bỉnh Dương. Khi dự án đã được quyết định ở Hội nghị Trung ương 11 thì việc đưa ra Quốc Hội biểu quyết trong kỳ họp sắp tới chỉ còn là hình thức. Do đó việc chọn Long Thành để xây dựng sân bay là một thành công lớn của Tỉnh ủy Đồng Nai. Ngay trong lúc này, các cơ quan, đoàn thể từ quân đội tới công an, công đoàn, mặt trận của thành phố Sài Gòn và Đồng Nai chuẩn bị “nộp đơn” xin hàng trăm mẫu đất rìa sân bay mới để kiếm chác trong tương lai. Kết Luận: Trong những quốc gia dân chủ, khi chính quyền muốn tiến hành một dự án lớn cấp quốc gia, ngoài việc nghiên cứu và lập kế hoạch về nguồn vốn, tính khả thi và môi trường, còn phải tổ chức trưng cầu dân ý để lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân. Tại Việt Nam, khi dự án cấp quốc gia có nhiều giới tham gia phản biện, nhất là thành phần chuyên gia thì CSVN lại làm chuyện ngược đời là mang ra cho Trung ưong đảng biểu quyết thay vì hỏi ý kiến dân. Cách giải quyết những dự án mang nhiều sự tranh cãi như vậy cho thấy là CSVN chỉ ngày tạo thêm những sự căm phẫn trong quần chúng mà thôi.
......

Hội CTNLT VN phản đối hành động hãm hại người bảo vệ nhân quyền

CHÚNG TÔI LÊN ÁN VÀ PHẢN ĐỐI HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC HÃM HẠI NGƯỜI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN, THÁNG 5/2015 Trong năm 2014, lực lượng an ninh công an đã tổ chức tấn công 31 vụ, trực tiếp uy hiếp hàng trăm người bất đồng chính kiến. Không đầy năm tháng đầu năm 2015, chính quyền độc tài CSVN đã không ngừng dùng bạo lực tấn công người bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền, với 9 vụ tấn công hành hung nhằm vào ít nhất 17 người. Người bảo vệ nhân quyền Đinh Quang Tuyến (phải) và cựu TNLT Phạm Bá Hải (trái) 1. Sáng hôm 1 /1/2015, một nhóm dân oan tới công viên trước dinh Độc lập trương biểu ngữ đòi quyền công dân, quyền con người, đòi nhà nước cộng sản VN trả lại ruộng đất, tài sản đã tước đoạt của họ. Trong khi mọi người đang chụp hình lưu niệm thì bất ngờ có mấy xe cảnh sát ập tới. Công an, mật vụ và dân phòng xông tới kẻ siết tay, người nắm chân, túm tóc đẩy tất cả nhóm 9 chị em dân oan lên các xe đưa về trụ sở công an phường của quận 1, Sài Gòn. Tại đây công an thay phiên nhau tra khảo, đánh đập chị em dân oan rất dã man. Bà Lư Thị Thu Vân bị đánh bầm mắt. 2. Sáng mùng 1/1/2015, hội Thánh Mennonite tụ tập tại nhà Mục sư Nguyễn Hồng Quang để cùng cầu nguyện. Nhà cầm quyền địa phương đã huy động rất đông công an và dân phòng, đóng chốt ở hai đầu ngõ dẫn vào nhà Mục sư Quang. Họ ngăn cản tất cả các tín đồ không cho ai vào. Nhiều tín đồ đến liền bị bắt về phường để khủng bố, đánh đập. Ngay cả Mục sư Quang khi ra công an phường để can thiệp, yêu cầu họ cho biết tại sao lại bắt và đánh đập tín đồ của ông. Khi ra về, ông cũng bị côn đồ đón đánh rách áo. 3. Khoảng 4 giờ 30 phút, chiều ngày 18/11/2015, Mục sư Huỳnh Thúc Khải đến viếng thăm mục sư quản nhiệm là Nguyễn Hồng Quang. Khi Ms Quang tiễn Ms Khải đi về được gần 100m, thì Ms Khải bị hai thanh niên bịt mặt tấn công từ phía sau khiến ông ngã từ trên xe máy xuống đường. Chúng xông vào đánh liên tiếp vào bụng, vào mặt. Thấy Ms Khải – một người khuyết tật bị hành hung, Ms Quang xông vào ứng cứu. Khoảng chưa đầy 3 phút sau, hai tên thanh niên côn đồ bịt mặt lúc nãy quay trở lại cùng với 5 người khác, tất cả đều bịt mặt, cầm gạch đá xông vào hành hung hai mục sư. 4. Đoàn Hội Bầu Bí Tương Thân và bạn đồng hành bị công an Thái Bình hành hung sau khi ra khỏi nhà của tù nhân lương tâm Trần Anh Kim vào 21/1/2015. Khoảng 2h chiều khi mọi người vừa ra khỏi nhà ông Kim, công an và côn đồ đã bao vây chiếc xe 16 chỗ chở mọi người. Chúng lao vào xe hành hung dã man mọi người đang ngồi trong xe. Sau đó đưa toàn bộ 14 người về đồn công an phường Trần Hưng Đạo thành phố Thái Bình và tiếp tục lôi mọi người xuống xe đánh tiếp ngay tại sân đồn công an. Mỗi người bị 3,4 tên công an côn đồ xông vào vây đánh. Cô nghệ sỹ Kim Chi đã hơn 70 tuổi cũng bị hành hung đến gãy cả kính lão đang đeo trên mặt. Hai anh Nguyễn Hữu Vinh và Trương Dũng bị hành hung nặng nhất. 5. Lúc 9h sáng 17/2/2015 tức 29 Tết . Năm bà dân oan Bắc Giang đến cổng nhà ông chủ tịch tỉnh Bắc Giang đề nghị đối thoại ôn hoà về việc họ khiếu kiện nhiều năm nay về đất đai của gia đình họ. Ông chủ tịch tỉnh gọi công an đến đàn áp, bắt các bà về công an phường Hoàng Văn Thụ, Tp Bắc Giang. Từ đồn công an ra, bà Suốt và bà Luyến chở nhau bằng xe máy để về nhà thì bị 4 người đàn ông mặc áo mưa trùm kín mặt dùng gậy đánh tới tấp vào người, tay, chân và ngực. Bà Nhượng một mình đi bộ ra khỏi khu vực cổng công an phường liền bị mấy chục người dân phòng, công an, côn đồ vây đánh, họ tát vào mặt bà làm chảy máu mồm. Bà chạy toán loạn kêu cứu thì gặp một xe ô tô của công an bắt bà đưa về lại đồn công an phường Hoàng Văn Thụ. Tại đây bà lại tiếp tục bị đánh đập, bà đã bỏ chạy được vào nhà dân ở đối diện cổng công an phường để lánh nạn. Anh Trịnh Anh Tuấn bị côn đồ dùng viên gạch đập vào đầu, tay. 6. Anh Tiến Sơn và anh Hà Thanh, thành viên nhóm Cứu Lấy Dân Oan, bị 4 tên côn đồ dùng hung khí đánh trọng thương ngày 18/3/2015 sau khi các anh đi trao 80 suất học bổng cho học sinh khó khăn con của bà con dân oan Dương Nội. 7. Sáng 22/4, anh Trịnh Anh Tuấn (Gió Lang Thang) rời nhà để đi chợ mua sữa cho con nhỏ. Khi anh đến đoạn đường vắng của quận Long Biên, Hà Nội, thì anh bị ba thanh niên đi xe máy phóng đến đạp mạnh vào tay lái làm anh văng khỏi xe, ngã xuống mặt đường. Cả ba xông đến đấm đá, giẫm đạp túi bụi vào anh Tuấn. Họ dùng viên gạch đập vào đầu, tay. 8. Sáng 7 giờ rưỡi ngày 11/5, anh Nguyễn Chí Tuyến đưa con đi học. Khi quay trở về nhà để chuẩn bị đi làm thì có 5 người thanh niên đi trên hai xe máy, một xe chở ba, một xe chở hai, chặn xe anh Tuyến. Họ nhảy xuống xe và lao vào dùng tuýp sắt đánh anh. Một vết thương trên đầu dài 6cm. Côn an đã dùng tuýp sắt đánh vào mặt và đầu anh Nguyễn Chí Tuyến. 9. Lúc 7:15’ sáng ngày 19/5/2015, anh Đinh Quang Tuyến (Tuyến Xích Lô), dắt xe đạp ra khỏi nhà để tập thể dục thì thấy bóng dáng CA khu vực canh gác bên kia đường hẻm lấy điện thoại gọi đi. Chạy được một đoạn ngắn, anh dừng xe quan sát. Lúc này, 2 kẻ bịt mặt đi xe máy lập tức lao đến tung cú đấm cực mạnh vào ngay giữa mặt anh, làm vỡ sống mũi. Giả dạng côn đồ tấn công vì lý do mâu thuẫn cá nhân, lực lượng an ninh công an VN che đậy chủ trương bẩn thỉu dùng vũ lực làm nhục chí người bảo vệ nhân quyền. Phương cách này “an toàn” đối với chính quyền vì các nước quan tâm nhân quyền tại VN đã không lưu ý nhiều so với các vụ bắt giam. Anh Trinh Quang Tuyến bị vỡ sóng mũi khi côn an lao đến đấm vào mặt anh. Hội CTNLT cực lực lên án và phản đối sử dụng bạo lực đàn áp hãm hại người bất đồng chính kiến. Nghiêm trọng hơn vì số nạn nhân ngày càng tăng. Các cá nhân an ninh giả dạng côn đồ thi hành mệnh lệnh hành hung người bảo vệ nhân quyền sẽ phải bị đưa ra xét xử vì công lý, hạnh phúc và an toàn của xã hội. Các sĩ quan ra lệnh dùng bạo lực sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã gây ra cho người hoạt động nhân quyền và thân nhân gia đình họ. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ dân chủ và ngoại giao đoàn tại Hà Nội, các tổ chức nhân quyền quốc tế hãy giúp sức lên tiếng bảo vệ các nạn nhân bị tấn công. Hãy yêu cầu chính quyền VN chấm dứt bạo lực như một điều kiện trong việc ký các hiệp ước kinh tế. Bạo lực đàn áp mà chính quyền công an trị của CSVN đang áp dụng sẽ không bao giờ dừng lại nếu tiếng nói lương tâm không được cất lên đúng lúc. Việt Nam, ngày 20/5/2015, Ban Điều Hành Hội CTNLTVN Nguồn: Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm VN
......

Liệu Trung Quốc kiểm soát Biển Đông?

Trước những phản ứng gay gắt của các quốc gia liên quan đến Biển Đông về việc gần đây Trung Quốc (TQ) gia tăng tốc độ bồi đắp – tôn tạo 6 hòn đảo nhỏ trong khu vực Quần đảo Trường Sa để biến thành các căn cứ quân sự, hôm 8/3/2015 ngoại trưởng Trung Quốc, ông Vương Nghị đã tuyên bố rằng: "Trung Quốc đang xây dựng trên đất đai của mình và có toàn quyền để làm như vậy. Đó là công việc hợp lệ và công bằng, và không nhằm chống lại các nước thứ ba." Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong việc này, nhưng không thấy Hà Nội có phản ứng nào về lời tuyên bố vừa kể. Đến ngày 9/4, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn đang ở trên đất TQ trong cuộc viếng thăm đầu tháng Tư vừa qua, trong một cuộc họp báo công bố kế hoạch sử dụng các đảo TQ đang xây dựng tại Biển Đông, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc là bà Hoa Xuân Oánh một lần nữa lập lại những điều ngoại trưởng Vương Nghị đã tuyên bố. Bà Hoa Xuân Oánh nói rằng: “Những hoạt động xây dựng này diễn ra tại khu vực hoàn toàn thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Đây là hoạt động hợp lý, tuân thủ đúng pháp luật, không gây ảnh hưởng hay nhằm chống lại bất kể quốc gia nào. Hoạt động này không thể bị chỉ trích". Một tuần sau, bộ ngoại giao Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lên tiếng phản đối theo cách chiếu lệ như người ta vẫn thấy. Những tuyên bố của các quan chức TQ xác nhận chủ quyền của nước này trên Biển Đông như vừa kể, thường gây nên phản ứng, đôi khi rất kịch liệt, của các nước liên hệ. Nhưng với CSVN thì có lẽ do sự “tế nhị” trong mối quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản, lại chỉ mang tính cách cho có lệ. Thậm chí có khi lại “đồng thuận” với TQ. Chẳng hạn như, đại tuớng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng, việc TQ xây dựng trên các đảo (của VN) là chuyện.... bình thường, hay các “va chạm” với TQ trên Biển Đông chỉ là “chuyện gia đình”, hoặc ông khẳng định “xu thế ghét Trung Quốc - của người Việt Nam - nguy hiểm cho dân tộc” [Việt Nam] v.v..... Đối với người dân VN thì các phản ứng của Hà Nội trước các hành vi xâm lăng của TQ trên Biển Đông không những vừa gây kinh ngạc vừa cây căm phẫn, mà còn được coi là “nối giáo cho giặc”. Phản ứng này của người dân VN không có gì đáng ngạc nhiên nếu người ta nhìn kỹ lại thái độ của hai chính quyền cộng sản anh em đối với vấn đề Biển Đông từ trước đến nay, cũng từ đó có thể hiểu được thực chất phía sau các phản ứng của Hà Nội, cũng như dự đoán được ý đồ của TQ trong vấn đề này. Nhìn lại thái độ của VN và TQ đối với vấn đề Biển Đông từ 65 năm qua a/ Giai đoạn hậu bán thế kỷ trước Không kể những tuyên bố đơn phương của các chính quyền TQ trong tiền bán thế kỷ 20 về chủ quyền của họ trên Biển Đông, vốn không tạo được nhiều chú ý trong khung cảnh của thế giới và của TQ lúc đó; kể từ khi hai đảng cộng sản lên nắm quyền ở VN và TQ, hai bên bắt đầu có những thái độ rất rõ rệt về vấn đề này, và mỗi động thái của CSVN đều được TQ coi như là nền tảng cho việc họ đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông cho đến nay. Trước hết, ngày 15/8/1951 ông Chu Ân Lai (lúc đó còn là ngoại trưởng TQ) lần đầu tiên lên tiếng đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ. Lập trường này được ngoại trưởng Liên Xô thay mặt TQ đưa ra hội nghị San Francisco năm 1951 nhưng đã bị hội nghị bác bỏ. Một điều đáng chú ý trong vấn đề này là, qua các thoả thuận đa phương, cộng đồng quốc tế đã mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (HS - TS) thuộc về VN, và chính phủ Quốc Gia Việt Nam (cũng như chính phủ Việt Nam Cộng Hoà sau đó) đã tiến hành những việc làm xác lập chủ quyền của mình như được quốc tế công nhận. Ngược lại, từ trước đến nay cộng đồng quốc tế chưa bao giờ thừa nhận hai quần đảo đó thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, điều trớ trêu là, chính nhà nước CSVN lại tuần tự có những tuyên bố và việc làm “xác nhận dùm” chủ quyền của TQ trên hai quần đảo đó, ít nhất là cho đến năm 1975. Việc đầu tiên là ngày 15/6/1956 thứ trưởng ngoại giao CSVN, ông Ung Văn Khiêm, trong khi tiếp Lý Chí Dân, đại diện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đã nói rằng: “Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.” Hai năm sau đó, Thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng đã ký công hàm ngày 14/9/1958 hoàn toàn tán thành 4 điểm trong bản công bố 10 ngày trước đó của TQ. Trong công bố ngày 4/9/58 của TQ có điểm khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa và một số đảo khác thuộc chủ quyền TQ. Sau này, vào năm 1997 ông Phạm Văn Đồng đổi ý và giải thích rằng, ông đưa ra công hàm vào thời điểm đó là do các nhu cầu chiến tranh. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1958 chưa có chiến tranh. Đến thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, CSVN dần dà “củng cố” thêm chủ quyền dùm cho TQ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua những bài viết trên báo Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của đảng CSVN), qua tuyên bố năm 1965 về vùng chiến sự của Mỹ, qua sách giáo khoa, hay các bản đồ mà Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa sử dụng trong các năm 60, 72, 74. Cuốn sách “Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (1) của ông Lưu Văn Lợi (nguyên Trưởng Ban Biên Giới), do Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội phát hành năm 1995, và một số bài viết sau này của ông Lưu Văn Lợi, xác nhận tất cả những hành động mang tính “tự nguyện” của CSVN vừa nêu ở trên đều có thực. Đến tháng Giêng năm 1974, khi TQ cưỡng chiếm Hoàng Sa, thì lãnh đạo đảng CSVN mừng rỡ vì cho rằng TQ đã “giải phóng” dùm. Điều này được Phó giáo sư sử học Vũ Quang Hiển xác nhận trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC gần đây (2). Ngoài ra phía CSVN (kể cả chính phủ Cách mạng lâm thời của Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đã không có một phản đối nào trước sự xâm lăng của TQ lúc đó. Trong cuốn sách nêu trên, ở trang 134 ông Lưu Văn Lợi còn nhấn mạnh rằng: “Chính phủ Cách mạng lâm thời ở vị thế khó lên án Trung Quốc, vì lúc đó là đồng minh chính trị của họ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ”. Điều này trái ngược với một tuyên bố của thủ tướng Nguyễn tấn Dũng trước quốc hội rằng, vào thời điểm năm 1974 chính phủ cách mạng lâm thời đã lên tiếng phản đối sự xâm lăng của TQ. Sau khi cưỡng chiến Hoàng Sa, đến năm 1988 TQ chiếm thêm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đến nay, tuy hiệu lực pháp lý của công hàm Phạm Văn Đồng còn là vấn đề tranh cãi, nhưng TQ vẫn coi đó là căn bản cho việc họ đòi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 20 tháng 5 năm ngoái, khi giàn khoan HD 981 của TQ đang ở trong vùng biển đặc quyền kinh tế của VN, ông Lưu Hồng Dương, đại diện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở Indonesia có bài đăng trên báo Indonesia Jakarta Post, nhắc lại công hàm Phạm Văn Đồng để biện hộ cho việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 đến khu vực Hoàng Sa. Trong những năm gần đây, các quan chức CSVN ra sức vô hiệu hoá công hàm Phạm Văn Đồng bằng những luận điểm như: công hàm không nhắc đến tên HS – TS, hoặc chỉ thừa nhận lãnh hải 12 hải lý của TQ (xung quanh hai quần đảo này), hay HS – TS lúc đó do VNCH quản lý. Tuy nhiên, đó chỉ là những luận điểm ấu trĩ, vì: 1/ Trong bản công bố ngày 4/9/58 TQ xác định rõ chủ quyền và quyền tài phán của họ trên một số đảo, trong đó có cả HS và TS. Công hàm Phạm Văn Đồng “hoàn toàn tán thành” bản công bố đó. 2/ Định nghĩa về lãnh hải xác định vùng biển tiếp giáp với đất liền liên hệ. Do đó, khi thừa nhận chủ quyền lãnh hải của TQ ở HS – TS, thì cũng đương nhiên thừa nhận vùng đất tiếp giáp với lãnh hải tương ứng thuộc về TQ. 3/ Ngoài ra, điều 2 hiến pháp năm 1946 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (có hiệu lực vào thời điểm đưa ra công hàm Phạm Văn Đồng) xác định “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”. Vì vậy không thể bảo rằng, lúc đó HS – TS do VNCH quản lý nên phía CSVN ở miền bắc không dính dáng đến. b/ Giai đoạn từ năm 2000 đến nay Sau khi ký hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vào cuối năm 2000, trong đó phía VN phải nhượng cho TQ trên 10 ngàn km vuông, TQ lúc đó đã phần nào gia tăng và hiện đại hoá lực lượng hải quân và các lực lượng bán quân sự trên biển của họ và bắt đầu kế hoạch chiếm lĩnh Biển Đông mà họ xác định bằng những đoạn tự ý vẽ trên hải đồ (vùng Biển Lưỡi Bò) không theo một quy ước quốc tế nào, bằng cách: 1/ Biến những vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp; 2/ Cự tuyệt đa phương hoá Biển Đông, chỉ đàm phán song phương để dễ bắt nạt các cuốc gia liên hệ nhỏ yếu hơn, dù rằng có nhiều quốc gia cùng đỏi hỏi chủ quyền trên một phần của vùng biển đó. Ngoài ra, đây còn là vùng biển trọng yếu của con đường chuyển vận, giao thương quốc tế, liên quan mật thiết đến an ninh trong khu vực; 3/ Lũng đoạn khối Asian hầu chia cắt và giảm thiểu sự đối kháng; 4/ Dần dần thôn tính. Tiến hành kế hoạch vừa kể, người ta thấy TQ đã tuần tự tiến hành: 1/ Xác định Đường Lưỡi Bò (2003-2005; 2/ Thành lập bộ chỉ huy quân sự Tam Sa (2009); 3/ Đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của VN (2014); 4/ Tăng tốc bồi đắp, tôn tạo những đảo, đá nhỏ, xây dựng căn cứ quân sự trên 6 trong số 7 đảo họ chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa từ mấy tháng cuối năm ngoái cho đến nay. Với tiến trình lấn chiếm như vậy, một số vùng biển đảo của VN đã lọt vào tay TQ, kèm theo là những thiệt hại to lớn về tài nguyên, về quyền tài phán. Trong khi đó, ngoại trừ sự sôi sục căm phẫn của người dân VN, phía nhà nước CSVN không có một phản ứng nào đáng kể. Điều này khiến người ta phải tự hỏi: Tại sao vậy? Thực chất thái độ của CSVN và TQ trên Biển Đông Qua những động thái “tự nguyện” hiến dâng của CSVN trong thế kỷ trước và những bước bành trướng của TQ trên Biển Đông cùng thái độ đáp ứng của CSVN từ đầu thế kỷ 21 đến nay, so với những tuyên bố chung của hai phía về vấn đề Biển Đông trong mấy năm gần đây, người ta có thể thấy được phần nào thực chất trong các thái độ tương ứng của họ. Trong những tuyên bố chung sau mỗi chuyến viếng thăm Bắc Kinh của lãnh đạo Hà Nội (4) người ta thấy, ngoài khẩu hiệu hữu nghị 4 tốt 16 chữ vàng, thì được lặp đi lặp lại nhiều nhất và đáng chú ý nhất là các cụm từ: “duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung”, “tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện, “thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, “không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh”. Ngoài giới lãnh đạo của hai đảng Cộng Sản VN và TQ, không ai biết ý nghĩa thực sự của các nhóm từ nêu trên là gì. Với cái thế phải dựa vào TQ để duy trì quyền lực, CSVN đã ký nhiều mật ước với TQ trên đầu trên cổ dân tộc VN. Nội dung các mật ước đó chứa đựng những gì không ai biết, nhưng cứ mỗi khi không bằng lòng với Hà Nội TQ lại xì ra một chút khiến Hà Nội bối rối, phải đưa ra những giải thích bị coi là lấp liếm đối với người dân VN. Điều rõ ràng nhất mà ai cũng thấy là, các thông cáo chung đều ghi rõ: “không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp”, nhưng chính TQ lại liên tục có những hành vi bành trướng làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; rồi lại quay sang mắng mỏ Hà Nội một cách trịch thượng là đã tạo nên những tranh chấp đó. Còn CSVN chỉ phản ứng chừng mực, thể hiện thái độ đàn em của mình. Điều này khiến người ta không thể không liên tưởng đến giả thuyết, phải chăng cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội vẫn đang từng bước thực hiện các mật ước giữa hai bên? Những phản ứng của Hà Nội chỉ là sự đóng kịch cho đến khi mọi chuyện trở thành chuyện đã rồi, không thể thay đổi được nữa? Điều đáng chú ý và rất quan trọng đối với Việt Nam là, các Tuyên bố chung nêu trên đều không đề cập đến nghĩa vụ tôn trọng Luật pháp Quốc tế, cụ thể là Luật Biển, mà cả TQ và VN đều là thành viên. Hệ quả của việc TQ bành trướng trên Biển Đông Trong thời gian thực hiện những bước vừa kể, TQ cũng đồng thời gia tăng sự kiểm soát và thực hiện “quyền làm chủ” của họ trên Biển Đông qua việc cấm đánh cá 2 tháng rưỡi trên vùng biển này hàng năm, từ ngày 15/5 trở đi; qua việc thường xuyên bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt Nam; qua việc cho tàu của họ áp sát bờ biển Việt Nam; thậm chí cắt cáp tàu thăm dò của VN trong lãnh hải VN. Phản ứng của CSVN trước mỗi bước nhấn thêm của TQ là chỉ lập đi lập lại những lời phản đối suông giống nhau từ vụ này qua vụ khác. Đến nỗi dư luận gọi đó chỉ là đoạn băng ghi âm nhão. Phản ứng nổi bật nhất của nhà cầm quyền CSVN suốt tiến trình lấn chiếm của TQ là đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước hoặc những ai lên tiếng chống lại sự xâm lược của TQ. Tuy rằng Hà Nội cũng mua sắm một số vũ khí được cho là để đối phó với TQ trên Biển Đông, nhưng người ta đều biết những chi tiêu đó chẳng thấm tháp vào đâu trước lực lượng của TQ. Đặc biệt là những khí tài CSVN mua sắm hầu hết đều cùng loại với những thứ mà TQ đã thủ đắc từ lâu với số lượng lớn hơn và thế hệ mới hơn. Trong khi đó, những biện pháp thiết thực để tạo thêm nội lực đều bị Hà Nội cự tuyệt. Chẳng hạn như dân chủ hoá để tạo đoàn kết và quyết tâm chống ngoại xâm trong toàn dân, từ đó con đường trở thành đồng minh của Hoa Kỳ (quốc gia duy nhất có thể đối đầu hoặc trên chân TQ) sẽ bớt gập ghềnh; hoặc đa phương hoá Biển Đông để tạo thế liên kết đối đầu với TQ; hay sử dụng luật pháp cùng toà án quốc tế để giải quyết vấn đề, đồng thời tạo nền tảng pháp lý vững vàng cho chủ quyền của VN trên vùng biển này. Đối với người dân VN, thỉnh thoảng CSVN cũng lên “dây cót” bằng chiến thuật hoang tưởng “chiến tranh nhân dân trên biển”. Thực ra những nội dung của “học thuyết Chiến tranh nhân dân trong thời hiện đại” (3) cùng “mục tiêu tiến hành” và “các biện pháp cụ thể” của học thuyết này chỉ có giá trị khẩu hiệu của thời chiến tranh lạnh, chẳng có tác dụng gì trên biển. Trong một cuộc chiến trên biển, lực lượng hải quân và hải quân không chiến, cùng với những phương tiện khoa học kỹ thuật được trang bị sẽ quyết định chiến trường. Ngay cả nếu có chiến thuật “chiến tranh nhân dân” trên biển, thì TQ vẫn là bậc thầy của CSVN trong lãnh vực này, như họ đã từng dạy “chiến tranh nhân dân” cho CSVN. Thuần tuý về quân sự thì những căn cứ của TQ vừa thành lập trong vùng Trường Sa đã triệt tiêu ưu thế về không quân của Việt Nam trong vùng Biển Đông. Trước đây Biển Đông hoàn toàn nằm trong vùng khống chế của không quân Việt Nam khi mà TQ chưa có nổi một hàng không mẫu hạm khả dụng trong khi các căn cứ không quân ở đảo Hải Nam lại ở quá xa. Từ các căn cứ mới này, TQ dễ dàng cắt đứt hải đạo tiếp vận, cô lập và tấn công phủ đầu những đảo trong khu vực Trường Sa hiện do Việt Nam kiểm soát. Ngoài ra, với khoảng 400 cây số, máy bay của TQ xuất phát từ các căn cứ này còn có khả năng tấn công các vị trí dọc bờ biển miền trung của Việt Nam cũng như uy hiếp Philippines. Tại sao lại là Biển Đông? Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, trên các lục địa Mao Trạch Đông chủ trương “thiên hạ đại loạn TQ được nhờ”, nên xúi bẩy các phong trào đàn em quấy phá khắp nơi. Còn ngoài biển, TQ đòi hỏi lãnh hải rộng đến nửa Thái Bình Dương và bao trùm cả vùng biển Đông Nam Á. Sau khi Mao Trạch Đông chết, thì chủ trương hoang tưởng vừa kể của họ Mao cũng chết theo. Đặng Tiểu Bình “tứ hiện đại hoá TQ” và nhận ra rằng, những đường hàng hải xung quanh TQ từ eo biển Đối Mã (giữa Nam Hàn và Nhật Bản) chạy về hướng nam qua các mắt xích Okinawa, Đài Loan đều dễ dàng bị khoá chặt khi có biến sự lớn hoặc chiến tranh nổ ra. Từ đó Đặng Tiểu Bình và những người kế vị bắt đầu chú trọng vào việc gia tăng tiềm lực và hiện đại hoá quân đội, đặc biệt là hải quân, để đưa lực lượng chỉ có khả năng cận duyên của TQ lúc đó trở thành lực lượng viễn dương. Tháng 11/2013, TQ lần đầu tiên “thử lửa” trong vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư qua việc tuyên bố thành lập vùng “nhận dạng phòng không” trên một vùng rộng lớn ngoài biển Hoa Đông. Lần “thử lửa” này lập tức gặp phản ứng mãnh liệt của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan. Tất cả đều là cường quốc hoặc quân sự hoặc kinh tế và đều là đồng minh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Nhật Bản điều động máy bay và tàu chiến đến, mặc nhiên vô hiệu hoá vùng “nhận dạng phòng không” này của TQ. Là cường quốc số một trên thế giới, ngay từ sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã lần lượt xây dựng những căn cứ bảo trì, sửa chữa, tiếp liệu, đặc biệt là cho hải và không quân, rải rác trên khắp thế giới. Đồng thời Hoa Kỳ cũng thành lập những liên minh quân sự và tạo dựng mối liên hệ đồng minh với nhiều quốc gia (kể cả kinh tế lẫn quân sự - hiện nay Hoa Kỳ có 56 quốc gia đồng minh). Đây là những yếu tố của sức mạnh toàn cầu mà TQ hoàn toàn không có, hoặc chỉ mới bắt đầu chập chững xây dựng ở vài ba nơi. Việc tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Mã Lai được xem là mất tích ở phía Nam Ấn Độ Dương vào tháng 3 năm ngoái đã bộc lộ khả năng vô cùng yếu kém của hải quân TQ. Nhận biết được sự yếu kém này, sau lần lập vùng nhận dạng phòng không để “thử lửa” thất bại nêu trên, TQ tập trung vào khâu yếu nhất trong các vùng biển tiếp giáp. Biển Đông của VN chính là khâu yếu nhất này. Nó yếu nhất là vì, nếu không có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc hỗ trợ, lực lượng quân sự tổng hợp của những quốc gia liên hệ cũng chưa chắc đủ khả năng đương đầu với TQ. Nhưng, còn một lý do quan trọng hơn là, quốc gia nằm ở vị trí chiến lược trong vùng và bị TQ ức hiếp nhiều nhất là Việt Nam thì lại không dám chống lại sự xâm lược của TQ vì nhiều lý do, nhất là quan hệ đàn anh đàn em giữa hai đảng cộng sản, trong đó CSVN phải dựa dẫm TQ để bám giữ được quyền lực. Đối với TQ thì với kinh nghiệm cai trị cả tỷ dân của mình, TQ cho rằng sau mấy chục năm cầm quyền đảng CSVN đã tiêu diệt được hầu hết ý chí quật cường cũng như đã làm tê liệt được sức đề kháng của dân tộc VN. Trong khi đó thì nhà cầm quyền Hà Nội cũng ra sức chứng tỏ là họ đã làm được như vậy, ngoài ra sẽ không có phản ứng nào để bị xem là “manh động” đối với TQ. Bởi vậy, tháng 5 năm ngoái, khi TQ đưa giàn khoan HD 981đến Hoàng Sa, đảng CSVN đang họp Hội nghị trung ương 9, nhưng không để bàn về tình trạng dầu sôi lửa bỏng đó, mà bàn về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Quốc hội thì không dám đưa ra một nghị quyết phản đối TQ. Với tình trạng đó, người ta có thể thấy rõ được bước sắp tới của TQ là thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, rồi tiến sang độc chiếm Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian. Ngày 8/5 vừa qua, phát ngôn nhân bộ ngoại giao TQ, bà Hoa Xuân Oánh đã đưa ra lời tuyên bố về ý định này. Kết luận Tóm lại, ngay từ nguyên thuỷ, CSVN là tác nhân tạo nên những thua thiệt trên Biển Đông ngày nay với văn bản nhượng biển nhượng đảo. Cuộc nội chiến núi xương sông máu kéo dài 20 năm do CSVN phát động cùng những chính sách cai trị sai lầm đã làm cho VN cạn kiệt sinh lực, trở thành miếng mồi ngon cho tham vọng bành trướng của TQ. Chính sách đu dây hiện nay, dựa vào các đối tác chiến lược toàn diện để làm đối trọng với TQ không thể là giải pháp ở Biển Đông cho VN; vì rõ ràng Nga (cùng với TQ) là đối tác chiến lược toàn diện với CSVN nhưng Nga đã hoàn toàn dửng dưng trước vụ khủng hoảng giàn khoan HD 981. Các nước khác cũng sẽ không muốn gây rủi ra cho mối quan hệ của họ với TQ chỉ để ủng hộ VN, ngoại trừ khi có một quyền lợi khác lớn hơn đi kèm. Với TQ thì trên cơ sở những gì họ đã được CSVN nhượng đứt trên giấy trắng mực đen ngay từ lúc đầu, từ đó họ lợi dụng sự quỵ luỵ của CSVN để tiến hành xâm thực từng bước. Cứ thế, được đằng chân lân đằng đầu. Để tránh sự lên án của thế giới, TQ đã ma mãnh dùng chiêu bài chia sẻ quyền sử dụng các căn cứ tân lập trên khu vực Trường Sa. Tuy chiêu bài này chưa ăn khách vì còn có những e ngại đối với tình hình căng thẳng và dễ bùng nổ tại đây. Nhưng, nếu các nước trong vùng và thế giới không phản ứng đúng mức thì không thể loại trừ trường hợp có những nước vì quyền lợi của mình mà tán thành chiêu bài “sử dụng chung” của TQ, mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của TQ tại đó. Đối với thế giới thì, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, tuy không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, nhưng họ lo ngại cho tình hình an ninh ở Biển Đông sẽ bị đe doạ nghiêm trọng khi TQ độc chiếm vùng này. Đặc biệt là trước việc TQ tự ý thay đổi các quy ước quốc tế đã được thế giới chấp nhận từ sau thế chiến thứ hai đến nay để áp đặt luật lệ do TQ đặt ra trong vùng, tạo nên đe doạ đối với quyền tự do giao thương, qua lại tại khu vực đó. Vì vậy, một cách tự nhiên các nước vừa kể đang đứng về phía VN. Ngoài ra, Philippines, một nạn nhân khác của TQ, và Ấn Độ, nước đang tranh giành ảnh hưởng với TQ, cũng trở thành đồng minh tự nhiên của VN. Với tình hình như vậy, việc TQ có kiểm soát được toàn bộ Biển Đông hay không sẽ tuỳ thuộc vào sự xuống thang, lên thang của cả hai phía. Điều chắc chắn là chẳng bên nào muốn “già néo đứt dây”. — - Chú thích: (1) http://namkyluctinh.org/a-sachsuvn/Gendreau-HoangSaTruongSa%5B1%5D.pdf (2) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/04/140430_vn_textbook_30april (3) http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_nh%C3%A2n_d%C3%A2n (4) Các tuyên bố chung: - Tuyên bố chung năm 2011 giữa Hồ Cẩm Đào và Nguyễn Phú Trọng - Tuyên bố chung năm 2013 giữa Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang - Tuyên bố chung năm 2013 giữa Nguyễn Tấn Dũng và Lý Khắc Cường - Tuyên bố chung năm 2015 giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng Theo viettan.org  
......

TNLT Lê Thị Phương Anh: Cán bộ điều tra dùng nhục hình trong quá trình lấy cung

TNLT Lê Thị Phương Anh -vừa mãn hạn tù vào ngày 15.05.2015- tố cáo, trong quá trình điều tra lấy cung, điều tra viên đã dùng nhục hình như đánh đập, lăng mạ, chửi bới… bà. “Đối với mình trại giam cứ như là một địa ngục vậy, nó áp bức tinh thần mình kinh lắm. Họ [cán bộ] đối xử với mình như một con xúc vật, con chó vậy. Họ đánh đập chửi bới mình, họ dùng tù nhân để đánh đập mình, chèn ép mình trong tù”, bà Phương Anh nói. Sau khi bị bắt giam vào ngày 14.05.2014, bà Phương Anh đã tuyệt thực 15 ngày phản đối hành vi đánh người và bắt giam người trái pháp luật. Bà Lê Thị Phương Anh khi mới ra tù. Ảnh FB Quynh Mai Cán bộ điều tra dùng nhục hình trong quá trình lấy cung Trong khi bà Phương Anh bị tạm giữ, tạm giam để điều tra xét hỏi thì bà đã bị các công an, gồm ba người mặc sắc phục là ông Hoàng Thái Thi, ông Hoàng Liên Sơn, bà Phạm Minh Hà và một người không mặc sắc phục tên là Nam khủng bố tinh thần, dùng nhục hình trong quá trình lấy cung. Bà Phương Anh nhớ lại và kể cho GNsP: “Họ thẩm vấn tôi suốt hai tháng liên tục từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối, buổi trưa họ cho nghỉ một chút. Thời gian bị giam trong trại giam B5 đối với Phương Anh rất kinh khủng, bị khủng hoảng tinh thần, nó ép cung mình, nó ép mình ký, đánh đập mình, tra hỏi mình. Trong khi lấy lời khai, Phương Anh mà không chịu khai thì có một người đàn ông tên là Nam mặc thường phục xông vào đánh Phương Anh, ông ta dùng tay đánh, cầm đầu mình dụi xuống bàn làm việc liên tục, lấy tay tát vào mặt mình liên tục, còn chửi bới, lăng mạ Phương Anh là kẻ phản động. Trong quá trình lấy cung, họ thường xưng mày tao với mình, mày là con phản động, con đĩ… nhục mạ mình ghê gớm lắm. Phương Anh có ghi bản tự khai nhưng họ không đồng ý, mà họ ép Phương Anh phải ký vào các lời khai cũng như các biên bản do họ bịa đặt. Phương Anh kiên quyết không ký thì họ hứa rằng sẽ cho Phương Anh gặp mẹ và các con của mình nếu như đồng ý ký. Phương Anh bị khủng hoảng quá nên phải ký vào những gì họ muốn.” Trong lúc trao đổi với phóng viên GNsP, bà Phương Anh ngậm ngùi, mắt đỏ hoe, bật khóc nức nở và kể tiếp trong nỗi uất hận: “Đến thời gian mẹ và con mình đi thăm nuôi thì họ lại không cho mình gặp gia đình như họ đã hứa. Thế nhưng hôm đó, họ cho Phương Anh đứng ở trên lầu nhìn xuống thấy mẹ và con, đang đứng đợi mình ở dưới sân của trại giam đang gào khóc gọi mình. Hôm đó, đối với Phương Anh là một nỗi đau không thể nào tả xiết được. Bởi vì, mẹ mình cứ gọi ‘Con ơi, mẹ đây… Con ơi, mẹ đây… Con ơi! Con ơi!…”. Con của mình thì cứ khóc thét lên “Mẹ ơi!… Mẹ ơi!… Mẹ ơi!…” Lúc đó, Phương Anh không thể làm gì được, không thể ôm mẹ và con vào lòng được, không thể nói với mẹ và con một lời nào được… Lúc ấy, mình quyết nhảy xuống lầu để ôm mẹ và con vào lòng dù có chết, nhưng 7-8 công an đã giữ chặt lấy mình và kéo mình lại, nên mình không thể làm gì được. Lúc đó, họ nói với mình rằng, ‘mẹ chị hứa đi vào trại giam một mình nhưng lại đi chung với một nhóm người phản động, nên chúng tôi không cho chị thăm gặp gia đình’. Phương Anh biết rằng, đây là cái mưu mô xảo quyệt của bọn chúng để hà hiếp gây khủng hoảng tinh thần cho mình. Một đứa con nít đã phải vượt hơn 2000 cây số vào thăm mẹ nhưng bọn chúng lại không cho. Mẹ nó đã chấp nhận ký vào hai tờ khai của bọn chúng để được gặp và ôm con vào lòng, nhưng bọn chúng lại đối xử ác với mình như vậy. Mình rất hận!”. “Thứ mày chỉ có chết đi, xin thuốc làm gì?…” Bà Phương Anh cũng cho biết, trong suốt một năm bị giam cầm, các công an đã xâm phạm, chà đạp đến quyền con người của các tù nhân. Bà Phương Anh nói: “Trong thời gian bị giam cầm, họ giam mình trong một phòng nhỏ lắm nhưng lại có ba người [hai người khác cùng giam chung với bà Phương Anh], mà những người này luôn tìm cách đánh đập mình. Trong thời gian đó, Phương Anh bị ốm liên tục do bị bệnh tim, bệnh xoang và viêm bao tử. Mỗi lần ốm, mình xin thuốc uống thì họ nói là ‘thứ mày chỉ có chết đi, xin thuốc làm gì?…’ Đồ ăn thức uống của trại giam cứ như là cho một con heo ăn vậy: cơm lúc có lúc không; rau muống họ luộc vẫn còn rễ, còn đất, trứng ốc bám đầy trên cọng rau… Lâu lâu họ cho ăn thịt heo nhưng không phải là thịt mà là cái mũi của con heo nái bị bầm dập, bầm tím, nấu không chín nên không thể ăn nổi… Căn- tin của trại giam bán đồ rất đắt, cắt cổ, bình nước uống khoảng 20 lít với giá 75 ngàn, một con cá nhỏ bằng ngón tay cái với giá 30 nghìn một con…” “Chính cách đối xử của họ đã giúp mình thoát được nỗi sợ hãi, lì lợm hơn và chai sạn hơn. Mình sẽ tiếp tục cùng với chồng mình đấu tranh cho đến cùng.” Trong những lúc bị đối xử đớn đau tột cùng về thể xác và tinh thần mà không có ai bên cạnh đỡ nâng, bà Lê Thị Phương Anh đã nhiều lần có ý định tự tử trong trại giam. Bà Phương Anh cho biết: “Nhiều khi mình cứ nghĩ quẩn và muốn tử tự trong tù luôn cho rồi bởi vì mình bất mãn quá, mệt mỏi quá rồi. Nhưng mình nghĩ đến ba đứa con và chồng mình đã chịu nhiều thiệt thòi cho mình nên mình lấy lại tinh thần để sống. Điều quan trọng nhất mà Phương Anh học được trong chốn lao tù đó là, chính cách đối xử của họ đã giúp mình thoát được nỗi sợ hãi, lì lợm hơn và chai sạn hơn. Mình sẽ tiếp tục cùng với chồng mình đấu tranh cho đến cùng. Nếu như mình có bị bắt thêm một lần nữa thì mình cũng không sợ nữa.” Bà Phương Anh cũng cho biết thêm, chính đời sống tâm linh đã giúp bà có sự bình an trong tâm hồn, sự mạnh mẽ được khơi dậy trong chính nội lực của bản thân bà để thoát khỏi những đắng cay, tủi nhục trong chốn ngục tù. Bà Phương Anh cho hay: “Mình là con nhà Phật nên thường xuyên niệm Phật trong trại giam. Trong khi bị giam, mình giam chung với một tù nhân đạo Công Giáo. Cô ấy thường đọc kinh và hát về Đức Mẹ. Mình nghe những bài hát của cô ấy tự nhiên cảm thấy bình an, mạnh mẽ hơn rất là nhiều nên mình đã nhờ cô ấy tập hát cho mình. Cô ấy tập cho mình bài hát Xin Vâng, Kinh Hòa Bình và Năm Xưa Trên Cây Sồi. Mỗi lần có tù nhân nào mà muốn hành hung mình thì mình liền hát những bài hát này và họ không đánh mình nữa. Sau này, họ còn quý mến mình nữa.” Được biết, sau khi ra khỏi trại giam, bà Lê Thị Phương Anh cùng với gia đình và một số người bạn của bà đã đến hang đá Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, dâng lên lời tạ ơn. Bà Phương Anh chia sẻ: “Khi mà mình đứng trước hang đá Đức Mẹ Maria, mình đã cảm ơn Mẹ đã che chở cho mình ở trong tù. Mình xin Mẹ dẫn đường chỉ lối cho mình biết phải làm gì.” Bà Phương Anh gửi lời cám ơn tất cả những người bạn của bà ở gần xa đã quan tâm đến bà và gia đình trong suốt thời gian vừa qua. Vào ngày 12.05.2015, bà Lê Thị Phương Anh cùng với hai người bạn của bà là anh Đỗ Nam Trung và anh Phạm Minh Vũ bị Tòa án Nhân dân Tỉnh Đồng Nai quy kết vào điều 258 BLHS “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’. Bà cùng với hai người bạn bị bắt vào ngày 15.05.2014 tại Biên Hòa – Đồng Nai, khi đang tìm hiểu thực tế về các vụ biểu tình bạo động của công nhân Đồng Nai, làm việc trong các công ty Đài Loan và Trung Quốc chống lại dàn khoan HD 981 vào trung tuần tháng 5.2014. Bà Lê Thị Phương Anh là một trong những người có tiếng nói khác với nhà cầm quyền, tích cực tham gia các cuộc xuống đường chống Hoa lục trước sự xâm chiếm biển đảo của VN, tham gia các phiên tòa xét xử của những người yêu nước, tham dự các buổi tưởng niệm… Chia sẻ của bà, sau khi ra tù: “… chính cách đối xử của họ đã giúp mình thoát được nỗi sợ hãi, lì lợm hơn và chai sạn hơn. Mình sẽ tiếp tục cùng với chồng mình đấu tranh cho đến cùng. Nếu như mình có bị bắt thêm một lần nữa thì mình cũng không sợ nữa” tiếp thêm sức mạnh cho những người đấu tranh vì nhân quyền, là “cái tát” thẳng vào mặt những kẻ vong nô, “hèn với giặc- ác với dân”. Pv.GNsP
......

Nhà hoạt động Lê Thị Phương Anh vừa ra khỏi nhà tù nhỏ

Sáng ngày 15/5/2015, nhà hoạt động nhân quyền Lê Thị Phương Anh vừa ra khỏi trại giam B5 công an tỉnh Đồng Nai và được sự chào đón của những người thân, bạn bè đến đón chị. Lê Thị Phương Anh vừa mãn án 12 tháng tù giam vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ..." khi đang tìm hiểu tình hình biểu tình của những công nhân Biên Hoà, Đồng Nai. Đến đón chị ở cổng trại giam B5 có anh Anthony Le, Paulus Thanh Hoàng và những người khác đã tặng chị một bó hoa tươi thăm thay lời chúc mừng. Hiện chị Phương Anh đang về lại Sài Gòn để đoàn tụ cùng chồng là anh Lê Anh Hùng. Chị Lê Thị Phương Anh khi vừa ra khỏi trại giam B5. Ảnh: Paulus Thanh Hoàng Chị Lê Thị Phương Anh là thành viên của hội Anh em dân chủ bị bắt hồi ngày 12/5/2014 khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân trên khắp cả nước nổ ra. Chị bị bắt khi cùng hai người bạn là Phạm Minh Vũ và Đỗ Nam Trung xuống Biên Hoà, Đồng Nai để tìm hiểu tình hình biểu tình của công nhân ở đây. Chị Lê Thị Phương Anh cùng chồng, con và mẹ. Ảnh: Anthony Le Lúc bị bắt, công an bắt Phương Anh phải xoá những hình ảnh đã chụp cảnh biểu tình, sau đó họ tạm giam chị ở trại giam B5. Trong phiên toà ngày 12/2/2015 , chị bị kết án 12 tháng tù giam, Đỗ Nam Trung 14 tháng và Phạm Minh Vũ 18 tháng vì điều 258, tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".   Nguồn: Dân Luận  
......

Pages