GDP tăng trưởng kỷ lục nhưng nền kinh tế chỉ còn cái… vỏ

Ảnh: Internet   Tân Phong - Việt Tân Lại là Ruchir Sharma Hôm 27 tháng Chín, 2022, một bài báo đăng trên Financial Times của tác giả Ruchir Sharma có tiêu đề “The Seven economic wonders in a worried world,” nhận định Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia nổi bật, bên cạnh Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia, Nhật Bản, trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đang suy thoái và lạm phát cao. Tác giả bài báo dành nhiều lời có cánh để khen ngợi sự điều hành hiệu quả của chính phủ Việt Nam “… không quá bất ngờ khi Việt Nam nằm trong danh sách 7 nước có hoạt động kinh tế hiệu quả và coi đây là minh chứng điển hình cho thấy các chính sách của Chính phủ đang phát huy hiệu quả. Nhờ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất xuất khẩu và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đang tăng trưởng xấp xỉ 7%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.” Ruchir Sharma, là chủ tịch quỹ Rockefeller International, đồng thời là cựu chiến lược gia tại Công ty Quản Lý Quỹ Đầu Tư Morgan Stanley. Đúng 2 năm trước, ngày 13 tháng Mười, 2020, vị chiến lược gia này đã có bài viết tương tự với một tựa đề và những lời tán dương không kém phần “hot” “Is Vietnam the next Asian Miracle?” đăng trên tờ New York Times. Khỏi phải nói, bài báo đã khiến giới chức CSVN khi đó lên cơn hứng khởi phê pha, giống như dùng fetamine quá liều. Ông Nguyễn Phú Trọng đã phấn khởi tới mức có một câu phát ngôn bất hủ “Mây đen che phủ thế giới nhưng mặt trời tỏa sáng ở Việt Nam.” Tuy vậy, sau đó vài tháng, khi cơn dịch bệnh Covid-19 làm sụp đổ hệ thống y tế yếu kém của Việt Nam, các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài và xét nghiệm diện rộng để kiếm tìm F0, F1… khiến nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ, gần như sụp đổ. Nền kinh tế gần như đóng băng trong năm 2020, 2021 nhưng chi tiêu cho các hoạt động phòng dịch và đầu tư hạ tầng với rất nhiều sai phạm tham nhũng nghiêm trọng… có lẽ vẫn góp phần “tăng trưởng” GDP với con số 2,91% và 2,58%. Những kết quả này thấp hơn nhiều so với tất cả các dự báo lạc quan trước đó của các “chuyên gia quốc tế” lẫn giới chức cao cấp CSVN. Hai năm trước, để phản bác lại những nhận định phiến diện về nền kinh tế Việt Nam của Ruchir Sharma, người viết đã có một tiểu luận ngắn [1] phân tích các yếu tố nội tại, bản chất của nền kinh tế tư bản thân hữu có cái tên “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” Việt Nam khiến quốc gia này không thể nào cất cánh và trở thành “kỳ tích Châu Á” như các quốc gia Đông Á khác. Thực tế là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa bao giờ đạt được mức tăng trưởng của các quốc gia Đông Á, chưa kể chất lượng tăng trưởng là câu chuyện hoàn toàn khác. Ngoài các lý do mang tính chất thể chế thì yếu điểm cố hữu cản trở sự phát triển lớn nhất là bộ máy quan liêu cồng kềnh, cực kỳ nhũng lạm; Chất lượng giáo dục đào tạo rất thấp dẫn đến thiếu hụt lao động chất lượng cao ở mọi ngành nghề. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở xã hội yếu kém ở các tỉnh thành phía Nam đóng vai trò động lực của nền kinh tế nhưng không được đầu tư đúng mức khiến cho các địa phương này đã rơi vào tình trạng tụt hậu. Điều này, có thể thấy rõ nhất trong đợt dịch bệnh bùng phát trong 2 năm vừa qua. Các hạ tầng xã hội các tỉnh phía Nam quá yếu kém và thiếu thốn đã không thể cáng đáng nổi áp lực khi dịch bệnh bùng phát và sụp đổ nhanh chóng. Một thảm họa môi sinh xã hội [2] đã được báo trước. Trừ phi có sự thay đổi thực sự về thể chế chính trị, cải thiện được hiệu năng của hệ thống dịch vụ công, chất lượng đội ngũ lao động được nâng cao, hạ tầng dân sinh xã hội được cải thiện, giảm thiểu được nạn tham nhũng tràn lan… khi đó hãy nói đến một sự thay đổi tích cực có tính bền vững. Sau 2 năm, Ruchir Sharma tiếp tục với một bài viết có nội dung tương tự, khen ngợi nền kinh tế Việt Nam là “kỳ quan thế giới” và các chính sách điều hành vĩ mô của nhà nước CS hiệu quả, giúp cho “…tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh, tình hình lạm phát vừa phải hoặc thị trường chứng khoán ổn định so với các nước khác.” Cần xem xét lại những nhận định của ông Ruchir Sharma có đúng thực tế hay không và lần này những lời khen có cánh liệu có giống như 2 năm trước đây? Bởi vì những gì thuộc về bản chất và đặc tính của nền kinh tế cần một quá trình thay đổi tương đối dài với một nỗ lực to lớn của nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Những vấn đề của Việt Nam không tự nhiên biến mất, dễ dàng như việc hô khẩu hiệu hay viết vài bài báo PR. “Rác giấu dưới thảm thì sẽ vẫn bốc mùi,” câu nói này luôn đúng. Phía sau những con số tăng trưởng Con số tăng trưởng 13,67% trong quí 3 năm 2022 là một con số ấn tượng. Nhưng cần nhắc lại rằng, đây là con số so sánh với mức tăng trưởng – 6,17% của cùng kỳ năm ngoái. Nếu nhìn vào con số tăng trưởng GDP trung bình khoảng 8% cho năm 2022 thì vẫn có thể coi là một con số khích lệ. Tuy vậy, đằng sau những con số tăng trưởng này bản chất là gì, thì có nhiều vấn đề cần xem xét. Trước hết, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ các hiệp định thương mại (FTA) song phương, đa phương. Việt Nam tham gia vào rất nhiều các sân chơi FTA và hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan trong khi đóng vai trò là nước trung chuyển, tạm nhập tái xuất, đóng mác “Made in Vietnam” để lấy C/O hàng hóa. Thực chất đây là gian lận thương mại để kiếm ít tiền gia công, chênh lệch thuế suất. Có vô số các ví dụ về sự gian lận này. Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm đến Việt Nam để mở công ty chân rết nhằm chuyển hàng hóa sang Việt Nam lấy C/O (xuất xứ hàng hóa) để né thuế suất cao. Người ta có thể thấy mức tăng trưởng theo cấp số lần ở các ngành luyện thép, kim loại màu ở Việt Nam trong thời gian đó. Chủ yếu các nhà máy chỉ làm công đoạn cuối cùng là cán, dập mác và xuất sang thị trường Mỹ. Mới đây nhất, việc gỗ bạch dương của Nga được xuất bán sang Trung Quốc, rồi chở sang Việt Nam để lấy C/O trước khi xuất khẩu sang Mỹ hòng né lệnh cấm vận, đã bị cơ quan điều tra môi trường EIA – một nhóm giám sát phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh phát giác. [3] Luôn lợi dụng các ưu đãi thương mại, luôn tìm kiếm cơ hội để lách luật, gian lận là cách mà các doanh nghiệp Việt Nam làm và được sự thông đồng của cả hệ thống chính trị. Cách làm này là cách có được những báo cáo kinh tế vĩ mô đẹp, nhanh chóng. Người ta có thể thấy mức tăng trưởng chóng mặt tỷ số Tổng giá trị xuất nhập khẩu/GDP, hiện đã gấp hơn 2 lần và không ngừng tăng lên. Tất nhiên, mặt trái của nó thì không ít và về lâu dài thì “chơi dao sẽ có ngày đứt tay.” Hà Nội luôn tự hào mỗi khi đón thêm được “đại bàng” là các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, Google… vào đầu tư vì những đại công ty này có thể làm gia tăng đáng kể con số tăng trưởng GDP. Ví dụ như 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam những năm 2014-2018, trung bình chiếm khoảng 15-20% GDP của Việt Nam. Đương nhiên, các viên chức CSVN sẽ lấy đó làm “thành tựu kinh tế xã hội vượt bậc,” nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của đảng. Tuy nhiên, “lợi thế quốc gia” là lao động giá rẻ và các tiêu chuẩn môi trường dễ dãi không còn là chiếc đũa thần. Thực tế, mặc dù tăng trưởng đầu tư vốn FDI được nói là ở mức 8% nhưng vẫn thấp hơn so với thời điểm dịch bệnh. Tức là vẫn ở đà giảm chứ không tăng. Không những giảm về lượng mà chất lượng và trình độ công nghệ vẫn rất hạn chế. Hoàn toàn không có công nghệ lõi, công nghệ tiên tiến được đầu tư vào Việt Nam trong suốt 3 thập niên “mở cửa.” Tất cả chỉ là gia công lắp ráp đơn giản. Các viên chức cộng sản với tầm nhìn không vượt qua nổi cái bụng bự của họ, chỉ cần những bảng thành tích tăng trưởng GDP trong nhiệm kỳ của mình “đẹp.” Còn chất lượng tăng trưởng và hậu quả của việc tăng trưởng bằng mọi giá như thế nào thì là việc của… nhiệm kỳ sau. Những vị thủ tướng CSVN đều ưa thích sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, tăng chi tiêu công, đầu tư vào hạ tầng… vốn dĩ đã là căn bệnh nghiện khó chữa. Đầu tư công bao gồm rất nhiều tượng đài nghìn tỷ, tuyến đường sắt tỷ đô, chương trình thay sách giáo khoa hàng trăm triệu Mỹ Kim… là những biểu tượng tham nhũng, ăn cắp trắng trợn của hệ thống quan liêu nhũng lạm. Rồi tất cả sẽ được chia đều tính đủ, để tăng thuế, bào mòn túi tiền người dân thông qua hàng trăm thứ thuế phí đánh vào hàng hóa, nhiên liệu thiếu yếu. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước chiếm dụng hầu hết nguồn lực đất đai, tài nguyên và vốn xã hội nhưng để lại những khoản nợ khủng mà không thể giải quyết được. Cần phải biết, 90% nợ nước ngoài thuộc về khối doanh nghiệp nhà nước là các tập đoàn, tổng công ty 91. Khối doanh nghiệp Nhà nước chiếm dụng hầu hết tài nguyên đất đai, vốn và độc quyền trong một số lĩnh vực trọng yếu nhưng luôn luôn là các “lỗ đen không đáy.” Những tập đoàn này sử dụng nguồn vốn ưu đãi, vay nợ chính phủ, vay nợ nước ngoài, phát hành nợ thông qua trái phiếu, cổ phiếu… nhưng luôn làm ăn thua lỗ. NỢ của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương 65 tỷ USD. Có những tập đoàn, như tổng công ty Vạn Xuân có số nợ lớn gấp… 18 lần vốn chủ sở hữu. Tiền của dân thì có thể quỵt được dưới sự bảo kê của công an và quân đội, nhưng tiền nợ vay nước ngoài thì khó. Và khi nợ đến hạn, ngân sách không được mở ra để tiếp tục đào khoét thì các tập đoàn quốc gia Việt Nam đem tài sản quốc gia đi cấn trừ nợ cho “bạn vàng 4 Tốt?” Ngày 1/9/2022 vừa qua, Vietnam Airlines theo thông cáo báo chí là đã ký kết “thỏa thuận hợp tác toàn diện” với China Airlines. Công luận không hề được biết về nội dung của cái “thỏa thuận hợp tác toàn diện” này. Phải chăng đây là một bước “bàn giao bầu trời” cho anh bạn “4 Tốt” trước khi bàn giao biển đảo? Tiếp theo đó, những tổng công ty, tập đoàn nhà nước thua lỗ đã vay tiền Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc từ thủy điện, nhiệt điện, đường sắt, cao tốc, sân bay… sẽ lần lượt được “hợp tác toàn diện” và được điều hành bởi các công ty Trung Quốc? Nợ của một số tập đoàn vốn nhà nước. Hơn 90% nợ của các tập đoàn là nợ nước ngoài và rất nhiều các tổng công ty, tập đoàn có số nợ vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Ảnh: Cafef Thị trường chứng khoán Việt Nam: Chiếu bạc tàn cuộc chơi “7 kỳ quan kinh tế gồm những quốc gia có chung những đặc điểm như: Tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh, tình hình lạm phát vừa phải hoặc thị trường chứng khoán ổn định so với các nước khác,” ông Ruchir Sharma lưu ý. Khi ông Ruchir Sharma đăng bài báo “7 kỳ quan kinh tế trong một thế giới lo lắng” lên thời báo Financial Times thì VNindex đã rơi mất gần 1/3 giá trị vốn hóa. Ngày 7 tháng Mười, 2022, VNindex đang rơi về ngưỡng 1000 điểm và không có một dấu hiệu gì hồi sinh. Chẳng có gì bảo đảm rằng cơn ác mộng của 10 năm trước lại không quay trở lại. Có thể nói không hề ngoa rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 20 năm hình thành và phát triển không hề được cải thiện nhiều về tính minh bạch và các hành lang pháp lý cực kỳ lỏng lẻo. Những câu chuyện về FLC, Tân Hoàng Minh… là phổ biến. Nơi đây, một công ty có vốn chủ sở hữu chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng có thể phù phép thành hàng ngàn tỷ rồi được niêm yết, được phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu, huy động hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu mà không có một sự kiểm soát nào từ phía cơ quan chức năng. Điều đó khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ lâu đã biến thành một chiếu bạc khổng lồ. Nạn nhân cuối cùng là hàng triệu người dân với lòng tham và sự ngờ ngệch thiếu hiểu biết đã trở thành mồi ngon cho đám doanh nghiệp bất lương và viên chức lưu manh tha hồ trục lợi. Sau 15 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn loay hoay ở mức 1100 điểm nhưng mức vốn hóa của HoSE hiện đã gấp 15 lần từ mức 300.000 tỷ tháng Hai, 2007 lên tới hơn 4,5 triệu tỷ tương đương hơn 200 tỷ Mỹ Kim, và gần 80% GDP. Tuy vậy, có một nghịch lý là qui mô vốn hóa tăng nhưng tăng trưởng trung bình của giá cổ phiếu/cổ phần thì không thay đổi là bao. Tức là các công ty “in giấy lấy tiền” thì gom được một khoản vốn khổng lồ nhưng nhà đầu tư thì không. Một điều tồi tệ là có khoảng 30 tỷ USD trái phiếu và cổ phiếu thực sự là giấy lộn (giấy Nợ 3 Không) đã được phát hành và thời gian đáo hạn là cuối năm 2023. Khi các công ty này tuyên bố phá sản sau khi đã tẩu tán hết số tiền lừa đảo được từ thị trường chứng khoán, ai phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ này? Một cuộc khủng hoảng và sụp đổ đã được hẹn giờ. Như vậy, nếu như có một cái nhìn sâu hơn về nền kinh tế Việt Nam, chúng ta có thể thấy được giá trị bài viết của vị chuyên gia Ruchir Sharma cũng giống như một bài viết đặt hàng PR cho chế độ CSVN mà thôi. Những con số tăng trưởng GDP giờ đây hoàn toàn vô nghĩa với một nền kinh tế rỗng chỉ còn lại cái vỏ “Made in Việt Nam.” Tân Phong — Chú thích: [1] Liệu Việt Nam có thể trở thành ‘kỳ tích Châu Á’?, Tân Phong, Việt Tân, 1/11/2020 [2] Miền Nam Việt Nam trước thảm họa môi sinh và xã hội, Tân Phong, Việt Tân, 21/11/2019 [3] Gỗ của Nga lách lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua Việt Nam, Việt Tân, 3/10/2022 (https://viettan.org/go-cua-nga-lach-lenh-trung-phat-cua-my-thong-qua-viet-nam/)  
......

Vụ Trương Mỹ Lan: đại án kinh tế hay động đất chính trị?

Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1 VOA Tiếng Việt  Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra và ‘đốt lò’ các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam. Bà Lan, trùm bất động sản, một trong những người giàu nhất Việt Nam, đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an, khởi tố, bắt tạm giam hôm 8/10 về tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ mà cụ thể là ‘gian lận trong phát hành trái phiếu để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân’, theo thông tin phát đi từ cơ quan này. Vụ bắt giữ bà Lan đã gây xôn xao dư luận vì trước giờ bà Lan được biết đến như là ‘nhân vật không thể đụng đến’. Bất chấp tai tiếng về hối lộ cả triệu đô la cho cố Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, những ồn ào về việc có tên trong hồ sơ Panama hay lùm xùm quanh việc xin thôi quốc tịch Việt Nam, suốt nhiều năm qua bà Lan vẫn bình an vô sự. Do đó, dù vụ án được tuyên bố là án kinh tế, nhưng nhiều người cho rằng mục tiêu thực sự đằng sau việc bắt giữ bà Trương Mỹ Lan là ‘thanh trừng chính trị’. Bà Lan sở hữu nhiều khu đất vàng với vị trí vô cùng đắc địa ở thành phố Hồ Chí Minh mà nhiều nhà người thèm muốn nhưng không rõ làm sao bà thâu tóm được. Thời kỳ Vạn Thịnh Phát của bà phất lên như diều gặp gió cũng là giai đoạn ông Lê Thanh Hải là người có quyền lực bao trùm thành phố lớn nhất nước. ‘Liên hệ lớn’ Một nguồn tin thạo chuyện nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam nói với VOA với điều kiện giấu tên rằng vụ án ‘có liên hệ lớn đến nhiều quan chức chóp bu đã nghỉ hưu lẫn đương chức’ và ‘đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao Bộ trưởng Công an Tô Lâm phải xử lý quyết liệt vụ này’. Nguồn tin này lưu ý vụ bắt giữ xảy ra sau khi ông Trọng cùng với nhiều ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có ông Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, bay vào làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là họp Hội nghị Trung ương 6. Trên mạng xã hội, một tài khoản có tên là ‘Sức mạnh Việt Nam’ chuyên đăng những bài viết ca ngợi Đảng, tung hô chế độ đã đăng bài có tiêu đề ‘Trương Mỹ Lan sa lưới pháp luật’ trong đó đề nghị ‘cơ quan chức năng mở rộng điều tra để xem những khu đất vàng đã thuộc về bà ấy có hợp pháp hay không? Liệu có đại quan nhân nào đứng sau để chống lưng cho Vạn Thịnh Phát hay không?’. “Khi lò cụ Tổng đã đượm than thì củi tươi hay củi khô đều phải cháy… Đã qua rồi cái thời các đại quan nhân một tay che cả bầu trời,” bài đăng này viết và cho rằng ‘nhân dân Việt Nam vui mừng lắm, hả hê lắm’ khi những ‘phát súng chống tham nhũng’ liên tục bắn. Cũng trên Facebook, nhà báo Lưu Trọng Văn ở Tp.HCM nhận định rằng ‘Cái gì đến sẽ phải đến’. “Tai tiếng về các cuộc ngang nhiên cướp đoạt, xí phần, hớt tay trên các tập đoàn khác để chiếm các miếng mồi đất đai, dự án ngon ăn nhất, béo bở nhất của bà trùm cũng không bất cứ ai dám ho he”, nhà báo này lên án bà Trương Mỹ Lan. “Liệu lần này khi bà trùm bị xét xử thì những kẻ trùm cuối - rắn chúa có bị lên đoạn đầu đài không?” ông Văn đặt vấn đề và bày tỏ nghi ngờ rằng ‘nếu cái cơ chế sinh ra rắn chúa không bị hành quyết thì… vẫn chỉ là chuyện nước vẩy đầu vịt… vì rắn chúa khác lại ra đời’. ‘Cánh hẩu của quan chức’ Ông Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến ở Hà Nội, cũng cho rằng vụ bà Trương Mỹ Lan ‘là một vụ án chính trị rất là to’. Ông bày tỏ nghi ngờ về con đường làm giàu cực kỳ nhanh chóng của bà Lan trong điều kiện Việt Nam: “Những người phất nhanh thường đều là cánh hẩu của các quan chức”. (13:15) Theo lập luận của ông, các đại gia ở Việt Nam phất nhanh chắc chắn ‘sau lưng đều có quan chức chống lưng’ và các vụ án thoạt đầu là án kinh tế nhằm vào các đại gia cuối cùng cũng là ‘đụng tới vị quan chức nào đó’. Trong trường hợp bà Lan, ông A cho biết ông đã nghe dư luận lâu nay là bà Lan ‘có quan hệ rất thân thiết với các lãnh đạo trước kia của Tp.HCM’. “Những lời đồn của dân có từ lâu thì khá là chính xác”, ông cho biết. Giải thích tại sao bà Lan có thể tung hoành ở thành phố lớn nhất nước một thời gian dài như vậy, ông A cho rằng ‘do hệ thống bị lỗi’. “Trên cùng là một ông vua, đến các quan bên dưới có quyền lực đối với người dân ở địa phương mà không có thiết chế gì để giám sát các ông ấy cả”, ông A nói. “Lãnh đạo Tp.HCM là một nơi rất to thì quyền hành của ông ấy kinh lắm”. “Chính hệ thống như thế sinh ra chuyện là không cần minh bạch (trong việc thâu tóm đất đai) vì nếu tôi là người quen, tôi là cánh hẩu của ông đó thì có chiếm được đất vàng bằng thủ đoạn đi nữa thì cũng không có báo chí nào dám phanh phui”, ông lý giải. Riêng việc gian lận trong phát hành trái phiếu, ông A chỉ ra không chỉ bà Lan mà các cơ quan như Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán cũng phải có trách nhiệm vì đã phê duyệt cho bà Lan được phát hành trái phiếu để huy động vốn trong dân.
......

Những khó khăn của Nga ở Ukraina : Lời cảnh báo cho Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc chiêu đãi tại Đại Lễ Đường Nhân Dân trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh ở Bắc Kinh, ngày 30/09/2022. AP - Ng Han Guan Thùy Dương - RFI  Những khó khăn đáng kể mà quân đội Nga gặp phải ở Ukraina giống như một lời cảnh báo đối với Tập Cận Bình vài tuần trước Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 ở Bắc Kinh. Phát động cuộc chiến chống Đài Loan sẽ không chỉ là một cuộc phiêu lưu vô cùng mạo hiểm có thể khiến Tập Cận Bình phải trả giá đắt mà còn khiến Trung Quốc bị ruồng bỏ.  Cuộc trao đổi ngày 16/09/2022 của Tập Cận Bình với Vladimir Putin tại Samarkand, Uzbekistan, đã minh họa cho sự bối rối, khó xử của ông Tập. Khác hẳn với lúc cam kết mạnh mẽ đứng về phía nhà độc tài Nga, Tập Cận Bình lần này tỏ ra vô cùng thận trọng, tránh lời hứa viện trợ quân sự cho Nga trong chiến tranh và tránh lặp lại những tuyên bố trước đó về một sự hợp tác « vô bờ bến » với Nga.  Hơn bao giờ hết, sự tàn bạo, nỗi kinh hoàng mà lính Nga gây ra ở Ukraina đã khiến vị thế của Vladimir Putin bị suy yếu trên trường quốc tế, đó là điều mà Tập Cận Bình chắc chắn không muốn vấp phải nếu quyết định khởi động chiến dịch quân sự chống lại Đài Loan, một cuộc chiến chắc chắn sẽ gây nhiều tổn thất về nhân mạng.  Trên đây là nhận định của chuyên gia Pierre-Antoine Donnet. RFI trích dịch và giới thiệu dưới dạng hỏi đáp bài viết « Những khó khăn của Nga ở Ukraina, lời cảnh báo cho Tập Cận Bình », đăng trên trang mạng châu Á The Asialyst ngày 23/09/2022.  Trung Quốc đã chọn nhầm phe ? Những hố chôn tập thể được phát hiện ở Mariupol, rồi ở Izium sau khi quân Nga rời đi, đã làm dấy lên sự phẫn nộ trên thế giới và khiến Nga bị ruồng bỏ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, những tuyên bố đe dọa mới đây của Vladimir Putin về chiến tranh hạt nhân cũng ngay lập tức gây ra làn sóng phẫn nộ trên thế giới, kể cả ở những nước vốn dĩ vẫn giữ thái độ trung lập về chiến tranh Ukraina.  Đáng quan tâm hơn nữa là phản ứng chưa từng có của Trung Quốc : một trong những phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Vương Văn Bân, đã đề nghị rõ ràng các bên tham chiến « ngừng bắn ngay lập tức », phát biểu mà Bắc Kinh cho tới khi đó vẫn cẩn trọng né tránh. Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc còn nhấn mạnh cần tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia và bổ sung rằng « Một số người nói là nếu không cùng Mỹ và các nước Tây phương khác lên án và trừng phạt Nga, tức là Trung Quốc dường như chọn nhầm phe trong lịch sử, nhưng Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập về hòa bình và xác định lập trường của mình căn cứ theo bối cảnh. »  Những tuyên bố nói trên hoàn toàn đi ngược lại với những phát biểu của Tập Cận Bình về nước Nga và về Vladimir Putin, « người bạn tốt nhất ». Dù không được nói ra rõ ràng, nhưng điều đó cho thấy thực tế là hiện nay giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra quy mô, mức độ nguy hiểm mà Trung Quốc có thể gặp phải nếu vẫn kiên quyết không lên án cuộc xâm lược Ukraina và đứng về phía Nga. Hơn nữa, đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, việc Putin cứ đe dọa chiến tranh hạt nhân là cách hành xử vô trách nhiệm và nguy hiểm. Đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn thích sự ổn định hơn là một cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy. Hơn nữa, với quyền lực mềm không còn tốt và hình ảnh trong mắt Tây phương đã ngày càng xấu đi trong những năm gần đây, Trung Quốc có dám ủng hộ các tội ác của quân đội Nga ?  Xâm lăng Đài Loan, Trung Quốc sẽ gặp nhiều nguy cơ hơn so với việc Nga xâm lược Ukraina ? Các lực lượng Ukraina đã được quốc tế viện trợ quân sự đáng kể, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Và chủ tịch Trung Quốc biết rất rõ là nếu xảy ra chiến tranh ở Đài Loan, Washington cũng sẽ có những trợ giúp tương tự, thậm chí là nhiều hơn, để bảo vệ đảo Đài Loan, vốn là một chốt chiến lược quan trọng sống còn cho phép Mỹ tiếp cận Thái Bình Dương. Việc từ bỏ các đồng minh sẽ là một thất bại lớn của Mỹ trước sự kìm kẹp của Trung Quốc trong một khu vực vốn dĩ vừa là nguồn tăng trưởng kinh tế chính của thế giới, vừa là tâm điểm địa chiến lược trong cán cân địa chiến lược toàn cầu.  Mặt khác, đối với Trung Quốc, chinh phục Đài Loan sẽ là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm hơn nhiều so với việc Nga giành quyền kiểm soát Ukraina. Quả thực, Đài Loan là một nhóm các đảo, với đảo chính nằm rất gần Hoa lục, thế nhưng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không những không có kinh nghiệm đổ bộ vào Đài Loan theo đường biển mà còn chưa từng trắc nghiệm các năng lực quân sự trên bộ kể từ sau cuộc xung đột ngắn với Việt Nam hồi năm 1979.  Sự kháng cự của Đài Loan sẽ mạnh hơn và thiệt hại nhân mạng cũng sẽ nhiều hơn ? Hơn nữa, khi tìm cách xâm lược Đài Loan, một mặt, các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt và đầy quyết tâm từ các lực lượng Đài Loan vốn dĩ đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu như vậy từ suốt nhiều năm nay, và còn phải chống lại cả một liên minh quân sự bao gồm Mỹ, Nhật, Úc, chắc chắn là cả Hàn Quốc và có thể là cả Ấn Độ, một kẻ thù truyền kiếp của Trung Quốc.  Trên hết, một cuộc xung đột như vậy không chỉ gây nhiều thiệt hại về nhân mạng, (một số nghiên cứu của Mỹ dự báo sẽ có tới 500.000 người thiệt mạng), mà còn dẫn tới các biện pháp trừng phạt thương mại từ Mỹ và nhiều đồng minh của Washington. Đó sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế Trung Quốc hiện giờ đang trong tình cảnh rất khó khăn, tăng trưởng GDP sụt giảm nghiêm trọng và hàng trăm nhà đầu tư phương Tây đã rời đi.  Tập Cận Bình đã nhiều lần nói rằng việc thống nhất Đài Loan với Hoa lục là một « sứ mệnh thiêng liêng » cần được thế hệ hiện tại thực hiện, kể cả bằng vũ lực, nếu cần. Nhưng theo nhiều nhà phân tích, mục tiêu này ngày càng khó thực hiện. Bởi vì cho dù quân đội Trung Quốc ngày càng hoàn thiện nhưng các quốc gia láng giềng châu Á của Trung Quốc cũng có xu hướng tập hợp lại để đối phó với một Trung Quốc ngày càng trở nên một mối đe dọa lớn hơn.  Tương quan lực lượng Nga - Trung hiện ra sao ? Trên thực tế, việc Nga có nhiều khả năng sẽ thất bại trong cuộc chiến Ukraina có thể khiến Trung Quốc thắng lớn ít nhất tại một điểm : so với Matxcơva, Bắc Kinh hiện đang chiếm thế thượng phong ở châu Á và điều này sẽ còn được duy trì trong một thời gian dài.  Trên tạp chí Mỹ, Foreign Affairs, chuyên gia Nga Alexandre Gabuev về các vấn đề Trung Quốc tại Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức phi chính phủ chuyên về phát triển hợp tác giữa các Nhà nước và thúc đẩy lợi ích của Mỹ trên trường quốc tế, nhận định là để làm hài lòng Trung Quốc, các nhà chức trách Nga « hầu như sẽ không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc phải chấp thuận các điều khoản bất lợi trong các cuộc đàm phán thương mại » với Bắc Kinh và sẽ « buộc phải ủng hộ » Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như ở Liên Hiệp Quốc.  Thậm chí, Matxcơva sẽ buộc phải từ bỏ các ưu thế chính trị và ngoại giao với các nước như Ấn Độ và Việt Nam, những nước từ trước đến nay vẫn làm đối trọng với Trung Quốc. Alexandre Gabuev cho rằng « quan hệ Trung - Nga trên thực tế rất bất bình đẳng, bởi sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc sẽ khiến Nga trở thành một công cụ quý giá cho cuộc chơi lớn của Bắc Kinh trên toàn thế giới, một thắng lợi đáng kể của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. »  Thế nhưng, cũng trên tạp chí này của Mỹ, bà Thái Hà (Cai Xia), từng là giáo sư Trường Đảng Cộng Sản Trung Ương ở Bắc Kinh trước khi sang Mỹ sống lưu vong vì đã chỉ trích thế lực Tập Cận Bình, lại khẳng định rằng quyền lực của ông Tập chưa bao giờ vấp phải nhiều thái độ chống đối như vậy trong giới chóp bu đảng Cộng Sản Trung Quốc. Khi loại bỏ thông lệ lâu năm về quyền lực lãnh đạo tập thể và phạm hàng loạt sai lầm về chính sách, Tập Cận Bình đã khiến những người ủng hộ ông ta thất vọng và trong hậu trường, sự phẫn nộ trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc đang gia tăng.  Giới chức Mỹ nhìn nhận ra sao về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan ? Đối với nhiều chuyên gia Mỹ về Trung Quốc, ông Tập Cận Bình muốn quân đội Trung Quốc có khả năng dùng vũ lực đánh chiếm Đài Loan trước năm 2027. Phó Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ CIA, David Cohen, hồi nửa cuối tháng 9 giải thích : « Chúng tôi đang chăm chú quan sát cách mà Trung Quốc hiểu tình hình Ukraina và hiểu cách hành xử của Nga và Ukraina, cũng như các tác động của vấn đề này tới các kế hoạch riêng của Trung Quốc đối với Đài Loan ».  Gần đây, Colin Kahl, thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ bình luận : « Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn đặt mình vào vị trí như của Nga hiện nay ». Còn hôm 19/09, trong cuộc gặp gỡ giới báo chí, tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh ở khu vực Thái Bình Dương đã thể hiện rõ ràng về mối nghi ngờ là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không thể xâm chiếm Đài Loan trước năm 2027.  Ông Wilsbach tổng kết tình hình : « Vấn đề Nga vấp phải lẽ ra là khá dễ giải quyết : Họ chỉ cần vượt qua biên giới và nắm quyền kiểm soát quốc gia mà vốn dĩ Nga vượt trội về mặt quân sự. Thế nhưng họ đã hứng chịu nhiều thất bại và chắc chắn là đã không đạt được những mục tiêu mà họ đã đề ra ». Tuy nhiên, theo tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, nếu tấn công Đài Loan, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với « một vấn đề khó giải quyết hơn » vì muốn đổ bộ đến đảo Đài Loan thì quân Trung Quốc phải tiến hành chiến dịch thủy lục quân phối hợp vượt qua eo biển Đài Loan với các cuộc không kích « nhắm vào một nơi được phòng vệ và nơi này thì rõ ràng là có ý định phòng thủ ».  Thái độ của Trung Quốc đối với Đài Loan trong những tháng tới sẽ như thế nào ? Một số lời giải đáp cho câu hỏi này chắc chắn sẽ được đưa ra cùng với kết quả được công bố sau Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 vào tháng 10 này. Tuy nhiên, Tập Cận Bình và thái độ trước đây của ông ta, ít nhất cũng là thái độ gần gũi, hòa nhã với đồng nhiệm Nga Putin có thể khiến ông Tập rơi vào tình thế khó khăn khi đối mặt với các kẻ thù trong nội bộ Đảng. Ngay cả khi những nhân vật này vẫn cẩn trọng không công khai thái độ chống đối, nhưng họ vẫn luôn hiện diện và kiên nhẫn chờ đợi ngày mà « ngôi sao » Tập Cận Bình bắt đầu suy yếu nghiêm trọng.  Giờ thì vẫn chưa đến lúc đó. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng vẫn là Tập Cận Bình có thể làm gì nếu như ông ta rơi vào tình huống như Vladimir Putin hiện nay, tức là bị đe dọa mất quyền lực. Nhiều người sợ rằng, khi tuyệt vọng, người ta có thể đưa ra một quyết định có thể dẫn đến ngày tận thế, như nguy cơ xảy ra hiện nay với tổng thống Nga (ý nói tới việc Putin sử dụng vũ khí nguyên tử).   
......

Vladimir Putin và hoàng hôn của chủ nghĩa đế quốc Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin quan sát cuộc tập trận Vostok 2022 tại vùng Viễn Đông, ngày 06/09/2022. AP - Mikhail Klimentyev Thụy My - RFI   Những chiến thắng của Ukraina đã định hình lại cuộc chiến. Giấc mộng bành trướng của Putin sẽ dừng lại nơi đây, trong cuộc chiến tranh thực dân mới mà chính ông ta đã khởi động. Dựa trên bạo lực, mô hình Nga với ý hướng đế quốc có vẻ đã thất bại, mở ra con đường cho sự sụp đổ của Sa hoàng đỏ. Lịch sử sẽ lưu tên Vladimir Putin như người đã chôn vùi hào quang của Stalingrad, dưới những tàn tích của Mariupol. Trang nhất L'Express tuần này đăng chân dung tổng thống Pháp với tựa lớn « Macron trong chiếc bẫy hưu bổng gây chia rẽ », L'Obs nói về cuộc đời và sự nghiệp của nữ thủ tướng Elisabeth Borne, hồ sơ của Courrier International được dành cho kỷ niệm 5 năm phong trào MeToo. Riêng Le Point chạy tựa « Putin, kẻ điên rồ » và đặt câu hỏi, tổng thống Nga liên tục thất bại tại Ukraina, liệu ông ta sẽ còn lôi kéo chúng ta đi tới đâu ? Kremlin mở hội, chiến trường đẫm máu Tuần báo mô tả, bốn ngày sau các vụ nổ đáng ngờ gây rò rỉ hai đường ống Nord Stream 1 và 2, dưới những chùm đèn mạ vàng ở sảnh Saint-Georges của điện Kremlin, những khách mời chờ đợi Vladimir Putin loan báo sáp nhập bốn vùng đất của Ukraina. Sự kiện lẽ ra là lễ hội của nước Nga vĩ đại, nhưng sự lo âu, bồn chồn có thể thấy rõ nơi các quan chức, từ Nicolai Patrouchev, nhà tư tưởng của chế độ; phát ngôn viên Dimitri Peskov cho đến chánh văn phòng Anton Vaino, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dimitri Medvedev. Putin xuất hiện với bài diễn văn siêu thực lên án phương Tây « thực dân mới, ăn bám, cướp bóc toàn thế giới ». Cử tọa « tỉnh giấc » vào lúc ký văn bản, Putin nắm tay bốn đại diện các vùng sáp nhập giơ cao, hô lớn « Nước Nga, Nước Nga, Nước Nga ! » Buổi lễ kết thúc, blogger cực đoan Vladien Tatarsky khẳng định sẽ giết hết tất cả những người Ukraina, trong khi khách mời lặng lẽ giải tán… Tám năm sau khi chiếm Crimée, Vladimir Putin lại dàn dựng lễ nghi long trọng, và lần này thôn tính được 15 % lãnh thổ Ukraina. Có điều ông ta vô cùng vất vả khi muốn chiếm tiếp số còn lại : quân Nga bị đánh thất điên bát đảo ở đông bắc Kharkiv rồi đến Luhansk và Kherson. Tại những vùng đất trên giấy tờ đã biến thành của Nga, các thành phố lần lượt được tái chiếm. Chiến thắng gần đây nhất của Ukraina là thành phố Lyman, giao lộ đường sắt quan trọng của Donbass, nơi 5.500 lính Nga phải tháo chạy chỉ một ngày sau buổi lễ ở Kremlin ; Ukraina cũng siết chặt vòng vây tại Kherson ở miền nam. Le Point nhận thấy « Vladimir Putin bị hạ nhục tại Crimée » khi một vụ nổ hôm thứ Bảy 08/10 đã phá hủy một phần chiếc cầu Kertch nối Nga với bán đảo, ngay sau ngày sinh nhật 70 tuổi của tổng thống Nga ; và trước đó giải Nobel Hòa bình được trao cho ba khôi nguyên có cùng điểm chung là chống lại Kremlin. Một làn sóng vui mừng rộ lên trên mạng xã hội Ukraina. Courrier International cho biết Monobank, ngân hàng thứ nhì Ukraina đã tung ra một thẻ tín dụng có hình chiếc cầu bị gãy, và bưu điện cũng sẽ phát hành tem in hình hiện trạng cầu Kertch. Những chiến thắng của Kiev định hình lại cuộc chiến Những tiếng hô « Nước Nga, Nước Nga ! » hôm 30/09 tại Kremlin cũng khiến The Economist rất ấn tượng. Trong bài « Thành công quân sự của Ukraina đã định hình lại nước Nga và cuộc chiến », tuần báo Anh lưu ý chỉ vài giờ sau khi mở rộng lãnh thổ, nước Nga bắt đầu co lại.  Quân đội Ukraina đột phá vào sườn trái lẫn phải, ở hai cực của một mặt trận kéo dài từ Hắc Hải ở miền nam cho đến Donbass ở miền đông. Tại Donbass, Ukraina đang thắng thế còn tại Kherson chiến thắng lại càng ý nghĩa vì đây là đầu cầu nối với Crimée đồng thời là nguồn nước cho bán đảo này. Putin ra lệnh cho các tướng lãnh phải giữ Kherson bằng mọi giá, nhưng Ukraina đã phá hủy các cầu, dồn quân Nga vào một chiếc rọ không đường rút chạy, khả năng duy nhất là đầu hàng. Tướng Úc về hưu Mick Ryan nhận định : « Chưa bao giờ kể từ chiến dịch Barbarosa hồi Đệ nhị Thế chiến, quân đội Nga bại trận hàng loạt như thế trên chiến trường ». Sau những bế tắc trong mùa hè, cuộc chiến bỗng sôi động trở lại và nay Kiev áp đặt nhịp độ. Các tướng lãnh Ukraina tin rằng có thể lập được nhiều chiến công hơn trong ba, bốn tuần tới, trước khi Nga bổ sung lính mới. Mùa đông sắp tới sẽ gây trở ngại cho cả đôi bên kể từ đầu tháng 11, nhưng dù ngưng tấn công trên bộ, Kiev có thể sử dụng các giàn hỏa tiễn Himars đang gây kinh hoàng cho địch để đánh vào những căn cứ, kho đạn của Nga. Tân binh Nga chỉ là bia đỡ đạn Những video mới đây trên mạng xã hội cho thấy những tân binh Nga run lập cập, đốt lửa trên cánh đồng để sưởi khi nhiệt độ xuống dưới 0°C, một video khác quay cảnh quân dự bị hỏi về tiền lương nhưng các viên chức địa phương nói không có ngân sách. Ngược lại lực lượng Ukraina nhận được trang bị mùa đông từ các nước NATO và những mạnh thường quân trong nước, ngoài ra còn có kính hồng ngoại để nhìn rõ khi ngày ngắn, đêm dài trong mùa lạnh lẽo. Nhiều người nghi ngờ khả năng Matxcơva có thể huấn luyện, trang bị cho hàng trăm ngàn tân binh Nga. Cựu tướng tình báo Phần Lan Pekka Toveri cho biết Matxcơva có lượng dự trữ lớn những thiết bị từ thời Liên Xô, « nhưng may thay, đa số là đồ dỏm ». Hai phần ba số này phơi ra ngoài trời, số còn lại bị rã lấy phụ tùng. Vì vậy theo tướng Ryan, đợt lính mới của Nga chỉ là những tấm khiên người làm chậm lại bước tiến của Ukraina mà thôi. Matxcơva cũng hy vọng làm giảm được số nước phương Tây ủng hộ Kiev. Châu Âu nghi ngờ Nga phá hoại Nord Stream nhằm cảnh cáo có thể tấn công vào những đường ống khác, làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng. Có điều món võ năng lượng hiện thời tỏ ra kém hiệu quả. Các chính phủ châu Âu sẵn sàng chi ra 500 tỉ đô la để tài trợ cho công dân khỏi phải trả tiền khí sưởi quá cao, dự trữ khí đốt hiện trên 89 %, cao hơn mức bình thường, hai cảng dành cho khí hóa lỏng nhập khẩu đã được mở ở Hà Lan và sắp có hai cảng khác ở Đức vào cuối năm. Matxcơva chờ đợi phương Tây mệt mỏi, nhưng dư luận ngày càng ủng hộ Kiev Công luận phương Tây cũng nóng lên. Cuối tháng Chín, 74 % người Đức cho biết muốn tiếp tục ủng hộ Ukraina dù giá dầu khí có tăng, và đa số còn muốn gởi xe tăng sang Kiev dù chính phủ vẫn do dự. Số người Mỹ lo sợ bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Nga từ 49 % hồi tháng Năm xuống còn 32 % trong tháng Chín. Liên Hiệp Châu Âu (EU) chuẩn bị một loạt trừng phạt mới kể cả định mức trần dầu khí, trước đây bị nhiều thành viên phản đối. Vũ khí phương Tây tiếp tục được chuyển sang : Washington viện trợ một đợt mới trong đó có 4 giàn Himars, 16 giàn đại pháo, Pháp khoảng 12 khẩu pháo Caesar... Cuộc chiến đã làm thay đổi sâu sắc cách nhìn của phương Tây về Ukraina, làm giảm hẳn hy vọng gây chia rẽ của Putin. Nếu hồi tháng Hai, Ukraina là một nước thuộc Liên Xô cũ bị tham nhũng hoành hành, trước sau gì cũng bị Nga đánh bại; thì đến tháng Sáu chính thức trở thành ứng cử viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Những chiến công ngoạn mục gần đây cho thấy Ukraina có thể hạ gục Nga trên chiến địa. Số người Đức nghĩ rằng Kiev sẽ chiến thắng từ 26 % vọt lên 42 %, các viên chức NATO nghi ngờ khả năng sử dụng vũ khí viện trợ nay ca ngợi chiến thuật của Kiev. Trong khi đó những tin tức bại trận liên tiếp gây chia rẽ ngay trong vòng thân tín của Putin. L'Express nhận thấy trước mắt những lời chỉ trích không nhắm trực tiếp vào ông chủ điện Kremlin. Carole Grimaud, thuộc Center for Russia and Eastern Europe Research ở Genève cho rằng Putin cần làm giảm bớt lời ong tiếng ve bằng cách tìm ra một con dê tế thần. Bộ trưởng quốc phòng Serguei Shoigu đã bị cảnh cáo, nhưng theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Putin còn đợi càng lâu càng tốt trước khi cách chức Shoigu để tiếp tục đổ lỗi về các thất bại quân sự, và có được sự ủng hộ của các phe phái khác. Nga « viện trợ » vũ khí nhiều nhất cho Ukraina Về vũ khí, L'Express giải thích Nga bất đắc dĩ trở thành « nhà cung cấp » lớn nhất cho Ukraina như thế nào : những cuộc tiến công mới đây của quân đội Ukraina đã buộc nhiều đơn vị Nga phải chạy trối chết, bỏ lại vũ khí, đạn dược. Tại những vùng đất tái chiếm ở miền đông và miền nam Ukraina, những lá cờ xanh vàng không chỉ phấp phới ở lối vào các thành phố, làng mạc, mà còn được cắm trên nóc những chiếc xe tăng Nga bị bỏ lại, vì những người lính phải lo tẩu thoát thật nhanh để toàn mạng. Tối thứ Năm, tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết chỉ từ ngày 01/10 tại Kherson, đã có trên 500 km2 và mấy chục khu dân cư được giải phóng. Quân Nga càng bị đẩy lùi thì số vũ khí, xe tăng còn nguyên vẹn tịch thu được càng nhiều. Hôm thứ Sáu 07/10, bộ Quốc Phòng Anh cho biết « số thiết bị của Nga tịch thu và tái sử dụng nay đã chiếm phần lớn lượng vũ khí của quân đội Ukraina ». Matxcơva trở thành nhà cung cấp vũ khí hạng nặng lớn nhất cho Kiev, nhiều hơn cả Hoa Kỳ hay các đồng minh khác - theo các nhà phân tích tình báo được Wall Street Journal tham khảo. Theo phía Anh, kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina đã tịch thu được 440 xe tăng và 650 xe bọc thép Nga, và hiện nay phân nửa đội xe tăng của Kiev là do kẻ địch bỏ lại. Tổng số chiến lợi phẩm nhiều hơn tất cả vũ khí được phương Tây viện trợ. Chỉ huy quân sự ở Izyum nói vui : « Chúng tôi là một tiểu đoàn bộ binh và nay bỗng trở thành tiểu đoàn cơ giới ». Trang Oryx, chuyên thống kê số thiệt hại của Nga từ những bằng chứng trên mạng xã hội và các phóng sự cho hay, Ukraina cũng tịch thu được 44 hệ thống phóng rốc-kết đa nòng và 92 khẩu pháo tự hành. Con số này thấp hơn nhiều so với thực tế vì không phải vũ khí nào bị tịch thu cũng được quay phim. Một số được tái sử dụng ngay, số khác phải sửa chữa, những xe cộ, đại bác hư hỏng nhiều được rã ra lấy phụ tùng. Jakub Janovsky, một người phụ trách của Oryx nói : « Các thiết bị tịch thu lẫn lộn giữa những vũ khí hiện đại có thể dùng lại một cách hiệu quả, số khác lẽ ra phải cho vào viện bảo tàng ». Riêng về xe tăng, Matxcơva còn gần 8.000 chiếc nhưng trong đó có nhiều xe từ thời Liên Xô, nên không thể được coi là nguồn phụ tùng để sửa chữa những xe đời mới. Đe dọa bom nguyên tử khác hẳn cuộc khủng hoảng Cuba 1962 Putin liên tục dọa dùng đến vũ khí nguyên tử, nhưng The Economist dẫn lời các viên chức NATO nói rằng chẳng thấy động tĩnh gì dù Kherson và Luhansk bị Ukraina tấn công. Libération cuối tuần bi quan hơn, cho rằng sự khác biệt giữa cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962 và hiện nay là rất lớn. Nếu tổng thống Nga, tuyệt vọng trước những vụ bại trận liên tiếp, quyết định cảnh cáo bằng vũ khí hạt nhân, cho dù tấn công vào một địa điểm không người đi nữa, thì sẽ không có đường lui. Trong 13 ngày căng thẳng ở Cuba, cả tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrouchtchev lẫn tổng thống Mỹ John Kennedy đều không muốn leo thang. Nhưng ngày nay ai có thể khẳng định điều này ? Theo nhà nghiên cứu Pierre Grasser, bộ tham mưu Nga đã bố trí một số lượng lớn oanh tạc cơ chiến lược ở căn cứ Olenya thuộc vùng Mourmansk, có thể thả bom nguyên tử xuống các nước phương Tây. Một ảnh vệ tinh do một công ty tư nhân chụp được hôm 25/09 cho thấy sáu phi cơ đang lăn bánh trên phi đạo gồm 3 chiếc Tu-95MS và 3 Tu-160, là loại oanh tạc cơ có khả năng bắn ra các hỏa tiễn hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Một sự tập trung như vậy là hiếm thấy. Matxcơva biết rằng căn cứ này bị giám sát, và đây là lời cảnh báo. Càng đáng lo hơn khi không còn cơ chế như thời chiến tranh lạnh để thắng lại ý hướng điên rồ. Putin và hoàng hôn của chủ nghĩa đế quốc Nga Nhìn chung, trong bài « Vladimir Putin hay hoàng hôn của chủ nghĩa đế quốc Nga », Le Monde cuối tuần nhận định chủ trương hiếu chiến của tổng thống Nga tại Ukraina không có được sự ủng hộ như đã chờ đợi. Mặc cho các bài diễn văn ca ngợi sự vĩ đại của nước Nga, tương lai của ông chủ điện Kremlin mỗi ngày một thêm xám xịt. Tờ báo cho rằng giấc mộng bành trướng của Putin dừng lại nơi đây, trong cuộc chiến thực dân mới với Ukraina mà chính ông ta đã khởi động hôm 24/02. Khoảng 700.000 người đã chạy trốn khỏi đất nước, theo ước tính của tờ Forbes bản tiếng Nga hôm 04/10, và xu hướng này còn tiếp tục. Cuộc di tản chính trị quan trọng nhất kể từ thập niên 20, khi phe Bạch Nga và trí thức chạy ra nước ngoài để tránh cuộc cách mạng bôn-sê-vích, chỉ là phần nổi của băng sơn. Nước Nga nghi ngại, chỉ trừ nhóm « siloviki » của bộ máy an ninh và phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan còn mong tái lập một đế quốc được sơn phết thành « thế giới Nga ». Người ta tự hỏi dân Nga còn ủng hộ Putin được bao lâu nữa, khi hàng ngàn tử thi được đưa về từ chiến trường Ukraina, và liên tiếp có những tin thất trận. Giáo sư Mỹ Timothy Snyder từ ngày 15/05 đã nhấn mạnh, « Cuộc chiến tranh này có thể là sự hấp hối của chủ nghĩa đế quốc Nga ». Matxcơva đi theo con đường trái ngược với Ba Lan – nước láng giềng đã điều chỉnh phương hướng từ sau 1989, dẫn đến việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 2004. Đáng lo hơn cho nước Nga là chiến lược hung hăng của Vladimir Putin đào sâu thêm hố ngăn cách với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Những nước này giờ đây trở thành nơi tị nạn của những người Nga chạy khỏi đất nước, và không hề muốn hướng theo « nền văn minh đặc thù Nga » - theo cách nói của Putin. Cũng không nước nào ra tay hỗ trợ về quân sự cho dù Matxcơva đã kêu gọi. Kyrgyzstan và Uzbekistan thậm chí còn đe dọa truy tố các công dân đang lao động ở Nga gia nhập quân đội đi đánh Ukraina. Ngay cả tổng thống Belarus, Alexandre Loukachenko, người chịu ơn của Putin vì đã gởi lực lượng sang đàn áp phong trào nổi dậy, cũng không động tay. Dựa trên bạo lực và lại không thành công, mô hình Nga nay lại phản ánh ý hướng đế quốc của Vladimir Putin, chừng như đã thất bại. Và mở ra con đường cho sự sụp đổ của Sa hoàng đỏ. Còn theo L’Express, lịch sử sẽ lưu lại rằng Putin là người đã chôn vùi hào quang của Stalingrad, dưới những tàn tích của Mariupol.  
......

Ukraine sẵn sàng với trả đũa Nga sau cuộc tấn công vào cây cầu nối Crimea tới Nga

Vào sáng sớm 8.10.2022, cầu Crimean -  là đối tượng uy tín quan trọng nhất của Putin - đã bốc cháy và sập ở một số nơi! Có phải một cuộc tấn công của Ukraine đứng sau vụ cháy? Vẫn chưa rõ ràng, nhưng tất cả đều có thể. Hiện vẫn chưa rõ điều gì đã gây ra vụ nổ. Sau sự cố trên cây cầu Kerch quan trọng về mặt chiến lược, nối liền Crimea và lục địa Nga, Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podoliak đã tweet rằng đây là "sự khởi đầu". Ông không cho rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho vụ việc, nhưng cũng viết: "Mọi thứ bất hợp pháp phải bị tiêu hủy, mọi thứ trộm cắp phải được trả lại cho Ukraine, mọi thứ do Nga chiếm đóng đều phải trục xuất".   Cù Tuấn dịch từ The Economist.   Tóm tắt: Cuộc tấn công vào dự án ưa thích của Vladimir Putin có ý nghĩa về mặt quân sự và biểu tượng.   Cầu Kerch, nối bán đảo Crimea bị chiếm đóng với Nga, được khai trương vào tháng 5 năm 2018 theo một cách siêu hoành tráng. Chi phí xây dựng nó là 3,7 tỷ đô la. Tổng thống Vladimir Putin là khách hàng chính thức đầu tiên của cây cầu, ông lái chiếc xe đi đầu, sau đó là một dãy xe tải màu cam. Vào sáng ngày 8 tháng 10, chỉ một ngày sau sinh nhật lần thứ 70 của tổng thống Nga, tâm điểm chuyển sang một chiếc xe tải khác: một chiếc xe màu trắng, theo các nhà điều tra địa phương, đã chở một quả bom. Nó đã xé toạc ít nhất hai đoạn cầu đường bộ và dường như đã đốt cháy bảy tàu chở dầu và một phần của cây cầu đường sắt song song. Một số tin tức cho thấy ngọn lửa cao hàng mét bốc lên bầu trời. Có thể thấy những toa xe bốc cháy, lòng đường trên đoạn đường bị hư hỏng hàng loạt. Giao thông đã dừng lại. Chính quyền ở Simferopol thông báo rằng một kết nối phà đang được kiểm tra. Theo nhà chức trách Nga, vụ cháy trên cầu Crimea là do vụ nổ của một quả bom ô tô. Theo Ủy ban chống khủng bố quốc gia, vào lúc 6 giờ 7 phút sáng theo giờ địa phương, một chiếc ô tô đã phát nổ trên đường dẫn của cây cầu. Hậu quả là 7 tàu chở dầu của một đoàn tàu chở hàng đã bốc cháy trên đường đến Bán đảo Crimea.   Các thông tin về vụ việc vẫn chưa rõ ràng. Niềm vui sướng ngất ngây ở Ukraine thì lại quá hiển nhiên. Vào giữa trưa, internet nước này nổ tung với các meme kỷ niệm việc phá hủy một phần biểu tượng nổi bật của sự chiếm đóng của Nga. Oleksiy Danilov, người đứng đầu an ninh của Ukraine, đã đăng một video táo bạo về cây cầu bị hư hại, cùng với bài hát "Chúc mừng sinh nhật Tổng thống" của Marilyn Monroe dành cho John Frank Kennedy. Mykhailo Podolyak, một cố vấn của tổng thống Ukraine, cho biết đây chỉ là bước khởi đầu cho tham vọng của Ukraine đối với Crimea: "Mọi thứ bất hợp pháp phải bị tiêu hủy .... tất cả những gì bị đánh cắp phải được trả lại." Ảnh:cố vấn của tổng thống Ukraine Mykhailo Podoliak   Vụ nổ (hoặc có thể là các vụ nổ), xảy ra ngay sau 6 giờ sáng theo giờ địa phương, khiến người dân địa phương giật mình chạy ra khỏi giường của họ. Đoạn phim về vụ việc, do các cơ quan thực thi pháp luật Nga công bố, không có tính thuyết phục: nó cho thấy một chiếc xe tải và một chiếc ô tô trên đoạn đường đó ngay trước khi một vụ nổ bùng lên. Ít nhất một phần của cầu đường bộ hiện đã chìm dưới nước. Cầu đường sắt dường như vẫn được giữ vững, nhưng những hư hỏng mở rộng trên đường ray của nó có khả năng khiến kết nối tiếp tế quan trọng đối với các lực lượng Nga đang chiến đấu ở các mặt trận phía nam Ukraine bị phá vỡ. Các tàu chở dầu đang tiến về phía tây đến Crimea, mang nhiên liệu cho những binh lính đó. Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.   Các quan chức Ukraine từ chối bình luận về vụ việc này. Một sĩ quan cấp cao bật cười khi hỏi ngược lại phóng viên: làm thế nào mà đất nước của anh có thể thực hiện được một cuộc tấn công táo bạo như vậy ở phía sau chiến tuyến của kẻ thù 250 km. “Đó không phải là tôi, đó là Petro, hàng xóm của tôi,” sĩ quan này nói đùa, lặp lại một câu trong bài đồng dao mẫu giáo Ukraine. Nhưng nếu người ta tin tưởng các dịch vụ an ninh của Nga và chiếc xe tải màu trắng trên thực sự chở một quả bom, thì vụ việc này đã cho thấy một sự thất bại lớn về an ninh tại một cây cầu mà Nga nói là bất khả xâm phạm. Năm tháng trước, tờ báo lá cải tuyên truyền Komsomolskaya Pravda khoe rằng bất kỳ kẻ tấn công Ukraine nào cũng cần phải vượt qua 20 hàng rào bảo vệ của cây cầu — bao gồm cả cá heo quân sự. Mọi xe tải đều phải được quét trước khi được phép lên cầu.   Philip Ingram, một cựu đại tá trong lực lượng tình báo quân đội Anh, cho biết ông có một số thông tin hạn chế cho thấy có một thiết bị nổ cải tiến trên xe tải. “Có lẽ bản thân tài xế cũng không ý thức được mình đang chở gì. Có lẽ đó là công việc của các nhóm phá hoại. Có lẽ là cả hai yếu tố trên kết hợp với nhau ”. Các giả thuyết khác hiện sẽ được xem xét để xác định xem liệu Ukraine có một số khả năng chưa được quảng cáo về việc mang được trọng tải nặng đi xa - trên tên lửa tầm xa hoặc máy bay không người lái. Do không có tác động hư hại rõ ràng đối với mặt đường, cả hai giả thuyết này đều có vẻ khó xảy ra. Khả năng thứ tư, rằng trọng tải thuốc nổ hoặc đầu đạn được vận chuyển bằng đường biển thông qua máy bay không người lái hoặc tàu thuyền, sẽ khiến Ukraine phải phá hủy trạm giám sát của Nga, hoặc việc giám sát này là không có tác dụng.   Dù nguyên nhân là gì, hậu quả của vụ việc này là rất sâu rộng. Cây cầu Crimea này rất quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh — tuyến đường sắt của nó là tuyến duy nhất có năng lực cao phục vụ quân đội Nga ở phía nam Ukraine. Bất kỳ sự gián đoạn nào của việc tiếp tế vũ khí sẽ khiến các hoạt động phòng thủ vốn đã khó khăn ở Kherson trở nên căng thẳng hơn. Và cây cầu này còn có ý nghĩa chính trị rất lớn. Đây là dự án cá nhân của ông Putin; biểu tượng cho chiến dịch đặc biệt thành công và táo bạo nhất của ông cho đến nay ở Crimea, mà Nga đã chiếm giữ vào năm 2014. “Việc này giống như là một người Công giáo đến gặp Giáo hoàng và nhổ vào mặt ông ấy”, một nguồn tin quân sự Ukraine cho biết. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhanh chóng thông báo về một "ủy ban" đặc biệt của chính phủ để quyết định về cách ứng phó với vụ việc trên. Những tiếng nói ủng hộ chiến tranh ở Nga, vốn đã mất kiên nhẫn trước màn trình diễn kém cỏi của các lực lượng vũ trang Nga ở Ukraine, đang kêu gọi nhiều hơn nữa. Rybar, một blogger quân sự có ảnh hưởng đã viết: “Mọi người đang đòi trả thù."   Việc Nga tăng cường các cuộc tấn công ở Ukraine trong những ngày tới là hoàn toàn có thể xảy ra— rất có thể Nga sẽ sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất. Nga được cho là đã mua 1.000 chiếc loại này và đang đốt cháy chúng với tốc độ ổn định khoảng ba chục chiếc mỗi ngày. Hầu hết các máy bay không người lái này đều bị đánh chặn, nhưng đôi khi một hoặc hai chiếc vượt qua được, và gây ra hậu quả tàn khốc.   Tương tự, Ukraine hiện có cơ hội để gây sức ép về lợi thế tâm lý trên chiến trường. Quân Nga đang phải ẩn nấp trong các công sự ở bờ phía tây sông Dniepr ở Kherson, và cũng đang đối mặt với cuộc tấn công của Ukraine ở tỉnh Luhansk ở phía đông. Ukraine đã ám chỉ rằng họ có thể cố gắng thực hiện một chiến dịch táo bạo ở Zaporizhia để phá hủy một dự án lớn khác của ông Putin: cây cầu trên bộ nối Nga tới Crimea dọc theo Biển Azov. Nếu điều đó xảy ra, cả Kherson và Crimea sẽ trở nên dễ bị tấn công hơn bao giờ hết. Nguồn tin tình báo quân đội cho biết: “Sẽ có một cuộc tấn công khác trong thời gian sớm nhất. Chỉ là tôi sẽ không cho bạn biết địa điểm của nó." Fb Cù Tuấn dịch từ The Economist. ***** Chỉ 3 tháng trước, Nga đã tuyên bố rằng Cầu Crimea là không thể tấn công. Bởi vì, họ cho biết, cây cầu được bảo vệ với 20 phương thức bảo vệ khác nhau, bao gồm cả cá heo quân sự. Này thì S400 Này thì tất cả các loại hỏa tiễn phòng không khác. Này thì người nhái, cá heo, tàu ngầm. Này thì chiến hạm, tàu tuần… Này thì chiến đấu cơ, trực thăng, vệ tinh , radar…. BOOM …. Xong đời cầu Kẹc. Chắc tại nó dở nên mới đặt tên như vậy cho dễ nhớ  
......

Cảm thương cha Antôn Nguyễn Huyền Đức

Ảnh: cha Antôn Nguyễn Huyền Đức Phêrô Nguyễn Văn Khải   Năm 2012 cha Antôn Nguyễn Huyền Đức từ Pháp sang Roma. Ngài đến tu viện chúng tôi ăn trưa và nói chuyện với chúng tôi cho đến đêm mới ra về. Ngài muốn tìm hiểu vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ để rút ra những bài học cần thiết cho việc bảo vệ Đan viện Thiên An.   Tôi không ngạc nhiên về điều này. Vì từ trước đó cả hàng chục năm các tu sĩ Đan viện Thiên An mà ngài là thành viên đã thuộc số những dân oan điển hình nhất ở Việt Nam. Chẳng năm nào Đức Viện phụ Stêphanô Huỳnh Quang Sanh và một vài đan sĩ của Thiên An không ra Hà Nội, tạm trú tại Thái Hà để khiếu nại chuyện đất đai.   Năm 2014 tôi nhận được tin ngài sẽ phải về Việt Nam dù chưa học xong. Bấy giờ tôi nghe nói Nhà Dòng ngài sắp lập một cơ sở bên Thái Lan, Đức viện phụ Huỳnh Quang Sanh sẽ sang đó và ở Việt Nam cần ngài vì các ơn gọi trẻ ngày một đông lên...   Ngài trở về trong lòng mang đầy ưu tư. Ngài nói với tôi rằng, dù có phải trả giá bằng mạng sống, ngài cũng không bao giờ thỏa hiệp với sự dữ và phản bội anh em. Tôi tin là như vậy. Tôi thấy ngài là típ người có thể thay đổi thế gian bằng chiêm niệm, cầu nguyện và hành động chứ không phải một típ người thỏa hiệp, để cho thế gian biến đổi mình bằng cái bả quyền lực và danh lợi.   Mấy tháng sau tôi được tin ngài đã đảm nhận chức vụ quyền Bề trên Đan viện. Đúng khoảng thời gian ấy, trong cơn khát đất của những cán bộ cộng sản tham tàn, nhà cầm quyền chẳng những không trả lại đất cho Đan Viện mà còn trắng trợn dùng bạo lực cướp thêm để bán cho các công ty tư nhân, trong đó có cả công ty du lịch-giải trí, nhằm phá nát không gian tu hành của các đan sĩ.   Trong tư cách là bề trên, ý thức rằng đối với các đan sĩ, môi trường xung quanh chính là yếu tố cổt thiết của đời sống đan tu, ngài đã cùng các anh em của ngài đã kiên quyết bảo vệ đất đai và rừng thông của Đan Viện một cách hợp pháp và hòa bình, bằng việc gửi đơn thư khiếu nại đến các cấp chính quyền và nhất là bằng lời cầu nguyện và sự hiện diện trên thực địa.   Trong cuộc bảo vệ kéo dài nhiều năm, nhiều đợt, nhiều ngày này, ngài và nhiều cha thầy trong Đan Viện đã bị công an và côn đồ tấn công, trong số đó thầy G.B Trương Vĩnh Hậu bị công an đánh chấn thương sọ não vào tháng 6 năm 2017. Buồn thay bấy giờ ngài và các anh em của ngài trong Đan viện gần như cô độc trong cuộc bảo vệ công lý này. Ở trong nước, trực tiếp trợ giúp ngài khi ấy chỉ có một số cha và một số giáo dân trong Nhóm Truyền thông Tin Mừng cho Người nghèo. Ở Hải ngoại thì có Tổ chức BP SOS và một số cán nhân và tổ chức khác vận động với Ủy ban Quốc tế Tự do Tôn giáo, với Hạ Nghị viện và với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các nước châu Âu.   Nhờ những tiếng nói trên đây và với những hình ảnh công an tấn công Đan Viện cách tàn bạo, nhiều người trong ngoài nước mới biết đến tội ác của nhà cầm quyền Huế và tình cảnh thảm thương của các tu sĩ trong Đan Viện. Nhiều giáo xứ, đặc biệt là các giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh, quê hương của cha Antôn Nguyễn Huyền Đức, đã thắp nến hiệp thông cầu nguyện cho Đan Viện.   Trong khi đó Ủy Ban Quốc tế Tự do tôn giáo và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2018 đã trực tiếp liên tiếng về Trường hợp Đan viện Thiên An. Một số dân biểu và viên chức các tòa đại sứ của các nước cũng bày tỏ thiện cảm với Thiên An. Những điều này khiến nhà cầm quyền phải chùn tay ít nhiều trong việc cướp đất của Đan Viện.   Cay cú vì tham vọng của mình bị cản trở trước sự can trường của các cha các thầy trong Đan Viện mà đứng đầu là cha An tôn Nguyễn Huyền Đức, nhà cầm quyền đã hạ quyết tâm loại trừ ngài.   Trước nhất họ tìm cách giết chết sự sống thể xác của ngài. Lần gặp lại ngài ở Roma cuối năm 2017, tôi thấy sức khỏe ngài suy giảm nhiều. Ngài kể dịp tết năm 2016 có mấy người quen biết đến chúc tết Đan Viện. Họ mang theo trà và cà phê làm quà và họ muốn tự tay pha chế và mời ngài thưởng thức. Ngay khi uống xong ít phút thì ngài bị nhức đầu và rát cổ rồi, sau đó ít ngày bắt đầu đau nhức xương cốt. Vài tháng sau thì tóc rụng và răng mục. Ngài biết là mình đã bị đầu độc. Nhà cầm quyền cũng muốn giết chết danh dự và uy tín của ngài. Ngài kể năm 2017 có một chị bên Canada hứa giúp đỡ Đan Viện. Nhân dịp ngài vào Sài Gòn công vụ thì chị ta hẹn ngài gặp chị ta ở khách sạn. Rồi khi ngài vừa xuất hiện ở đó thì lập tức rất nhiều công an ập vào bắt ngài và chị kia, họ ép ngài chụp hình với phụ nữ kia và quy kết hai người tội mua bán dâm và đưa vụ lên báo chí Việt Nam để làm ngài mất mặt.   Thâm độc hơn nữa, nhà cầm quyền còn dùng đường “vận động và ngoại giao ” để chia rẽ các anh em trong Đan viện với nhau, chia rẽ giữa các cha các thầy trong Đan Viện với hàng giáo sĩ và giáo dân của Giáo Hội địa phương, đồng thời gây áp lực lên Tòa Thánh và lên Hội đồng Quản trị Trung ương của Dòng Biển Đức nhằm cô lập ngài và loại trừ ngài khỏi chức vụ bề trên.   Qua một vài linh mục bên ngoài Dòng nhà cầm quyền tìm cách tiếp cận, vuốt ve và mua chuộc một vài anh em trong Đan Viện, hứa hẹn viễn tượng tốt đẹp cho các anh em này và cho Đan Viện. Họ cũng kêu mấy vị này vận động các anh em khác tẩy chay Cha Bề trên Đức.   Một số linh mục thỏa hiệp làm tay chân cho nhà cầm quyền còn vu khống rằng chính ngai đập phá Thánh Giá rồi đổ tội cho nhà cầm quyền để “ăn vạ!” Họ nói xấu ngài và xuyên tạc các việc làm của ngài và anh em trong Đan Viện. Họ biện minh cho thái độ vô cảm và cầu an của họ bằng cách chụp mũ rằng: Thiên An bất ổn là do cha Antôn Đức và các đan sĩ gốc Vinh trong Đan Viện “hiếu chiến.”   Thâm độc và trắng trợn hơn nữa, nhà cầm quyền còn gửi văn thư cho Tòa Thánh và cho Bề Trên Tổng Quyền Dòng Biển Đức ở Roma. Họ kết án cha Antôn Đức vi phạm luật đất đai và luật xây dựng. Họ quy kết ngài “kích động hận thù và bạo lực” và các hành động của ngài đã phá vỡ mối quan hệ “hài hòa tốt đẹp giữa Giáo Hội và Nhà Nước” vân vân. Họ còn vu cáo ngài có quan hệ bất chính với phụ nữ và, vì những lý do trên đây, đề nghị chấm dứt chức vụ Bề trên Đan viện của ngài.   Trước những việc làm này của nhà cầm quyền, ngài và Cha Bề Trên Tổng Quyền của ngài đã gặp vị đại diện Tòa Thánh để giải trình về vụ việc Thiên An dịp ngài sang châu Âu chữa bệnh năm 2016. Khi ấy ngài viết thư nhờ tôi làm thông dịch cho ngài trong cuộc gặp kia, nhưng chẳng may đúng lúc ấy tôi đang đi giảng bên Hoa Kỳ nên không thể giúp ngài.   Cuối năm 2017 ngài báo cho tôi biết ngài trở lại châu Âu và sẽ sang Roma gặp các đấng bề trên của Dòng Biển Đức. Khi đến Roma, đúng ngày cuối năm, 31/12/2017 ngài gọi điện thoại cho tôi, kêu tôi sang Nhà Mẹ của Dòng để trình bày với các cha trong Hội đồng Quản trị Trung ương về mối quan hệ Nhà Nước và Giáo Hội tại Việt Nam cũng như giúp các ngài hiểu hơn về vụ Thiên An để từ đó có các giải pháp thích hợp.   Ngài bảo tôi đại ý rằng: “Những cái cần nói thì gặp chung gặp riêng con đã nói rồi. Tuy nhiên con tin cha biết cách trình bày súc tích và đầy đủ hơn con, vả lại cha là người ngoài Dòng, cha lại hiểu chuyện Giáo Hội Việt Nam và cũng hiểu vụ Thiên An, nên con nghĩ cha trình bày sẽ khách quan hơn và nhờ thế các đấng bậc ở đây có thể hiểu vấn đề hơn là chỉ nghe mình con...”   Câu chuyện kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ và sau đó còn tiếp tục kéo dài trong bữa ăn trưa. Hôm đấy trong bàn ăn, ngoài cha Đức và tôi, còn có hai thầy H & H, cha H và mấy soeurs gốc Giáo phận Vinh đang học tại Roma. Tuy nhiên, chỉ có cha Đức và tôi tham gia câu chuyện.   Sau khi trình bày và trả lời các câu hỏi các nhau của các cha trong Hội đồng Quản trị của Dòng Biển Đức, tôi kết luận rằng: Xin các ngài đừng tin những gì cộng sản hứa, hãy xem những việc cộng sản làm! Theo con mục đích chủ chốt của họ là loại trừ cha Antôn Đức khỏi chức vụ Bề trên Đan viện Thiên An và hơn nữa tìm cách giữ chân ngài ở lại châu Âu. Nếu nghe theo họ mà làm như vậy thì vô tình các ngài đang làm đúng ý của nhà cầm quyền và đấy sẽ là một sự thiệt hại lớn cho Đan Viện và một sự thất vọng lớn cho hầu hết các đan sĩ Thiên An.   Hơn nữa, các ngài nên biết, đối với cộng sản, các ngài càng nhượng bộ thì họ càng lấn tới, không phải chỉ trong chuyện bổ nhiệm nhân sự mà còn trong các chuyện khác nữa, đặc biệt là trong việc cưỡng chiếm đất đai của Đan Viện. Nếu qua các ngài họ “dẹp” được cha Đức, thì họ sẽ can thiệp mạnh hơn nữa và người lãnh trách nhiệm bề trên thay cha Đức trong tương lai sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn nữa từ nhà cầm quyền...   Mấy cha cố vấn đều đồng ý với quan điểm của tôi. Tuy nhiên, Cha Phó Bề Trên Tổng Quyền, người được giao giải quyết vụ Thiên An lại muốn cha Đức ở lại châu Âu. Lý do ngài nói rằng ngài thương cha Đức và không muốn cha Đức và các anh em khác phải đau khổ hoặc gặp nguy hiểm đến tính mạng. Lý do thực sự bên dưới là gì? Cha Đức đã nói cho tôi biết và tôi thấy chưa tiện nói bây giờ và ở đây!   Khi ấy tôi nói với các đấng bề trên của cha Đức rằng: Tại sao cha Đức và hầu hết các đan sĩ Thiên An sẵn sàng chấp nhận vác thập giá mà các ngài lại sợ thay cho họ? Tôi nói rằng kinh nghiệm của chúng tôi ở Việt Nam là muốn sống phải sẵn sàng chết, chấp nhận chết thì sống, ngược lại nếu nhượng bộ và thỏa hiệp thì chết. Tôi lấy tu viện và giáo xứ Thái Hà và Đa Minh ở Hà Nội làm thí dụ chứng minh.   Tu viện và giáo xứ Thái Hà chúng tôi có nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân bị bắt, bị tù, bị trục xuất và bị giết. Suốt hơn 60 năm qua, không tu viện và giáo xứ nào ở Bắc Việt lại bị bách hại nhiều hơn chúng tôi. Cuối cùng chỉ có một cha sống sót một cách lạ lùng, và cuối cùng, phép lạ Chúa làm, nhờ giám chết với Chúa nên chúng tôi cùng được sống với Ngài: ngày nay Tu viện và Giáo xứ Thái Hà trở thành một trong những tu viện và giáo xứ sinh động tại Bắc Việt.   Trong khi đó, Tu viện và Giáo xứ Đa Minh cũng ở trong thành phố Hà Nội lại biến mất hoàn toàn. Năm 1954, khi các cha Dòng Đa Minh Lyon di cư vào Miền Nam thì hai linh mục “yêu nước” là Vũ Xuân Kỷ và Võ Thành Trinh tiếp quản. Nhà nước tuyên truyền rằng: “Tôn giáo nào đi theo sự lãnh đạo của Đảng thì tôn giáo ấy phát triển, chức sắc tôn giáo nào đi theo sự lãnh đạo của Đảng thì chức sắc ấy được ấm thân.”   Thế nhưng, thực tế là sau khi cha Vũ Xuân Kỷ qua đời năm 1972 và sau khi cha Võ Thành Trinh trở lại Miền Nam năm 1975 thì nhà cầm quyền đã chiếm trọn nhà thờ làm quán nhậu và tu viện Đa Minh trở thành nơi ở của trung đoàn bảo vệ lăng HCM! Một trung tâm mục vụ, tâm linh và văn hóa nổi tiếng một thời giữa trung tâm Hà Nội đã biến mất chỉ vì thái độ thỏa hiệp!   Bất chấp cảnh báo của tôi và mong muốn trở về của cha Antôn Đức, Cha Phó Bề Trên Tổng Quyền vẫn quyết định cha Antôn Đức phải ở lại châu Âu. Tuy nhiên, sau đó thực tế cho thấy không vì sự vắng mặt của cha Antôn Đức mà Thiên An được yên ổn! Trái lại năm 2018, nhà cầm quyền lại gia tăng bạo ngôn và bạo lực để khủng bố các đan sĩ và cướp đất Đan Viện. Nếu khi ấy không có sự phản đối quyết liệt của các cha các thầy liên tục trong nhiều ngày và không có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao và một số dân biểu Hoa Kỳ và châu Âu thì tình có lẽ tình trạng còn thê thảm hơn nữa.   Từ đó Cha Phó Tổng Quyền đã nhận ra việc nhượng bộ nhà cầm quyền không cải thiện gì tình hình an ninh của Đan Viện về mọi phương diện, và mối quan hệ giữa Đan Viện và Nhà Nước cũng không vì thế mà tốt hơn. Hơn nữa, chính lúc này, bất chấp sự kiện cha Antôn Đức đã ở lại châu Âu hơn 2 năm, đầu năm 2019 các đan sĩ Thiên An vẫn bầu ngài làm Đan viện phụ. Vox populi, vox Dei. Có lẽ nhận ra ý dân là ý Trời và rằng giải pháp giữ chân cha Antôn Đức ở lại châu Âu không phải là điều hay cho nên lúc này các đấng bề trên ở Roma đã phê chuẩn tư cách là Đan viện phụ của cha Đức và đồng ý cho ngài trở lại Việt Nam. Thế nhưng tháng 9 năm 2019 khi ngài về tới sân bay Nội Bài, cha Antôn Đức đã bị công an bắt giữ một cách bấp hợp pháp. Vì ngoài quốc tịch Việt Nam, ngài không có quốc tịch nước hoặc giấy cư trú dài hạn tại một quốc gia nào khác nên nhà cầm quyền không thể từ chối ngài nhập cảnh. Tuy nhiên, họ đã khủng bố và đe dọa ngài đủ kiểu, trong khi bệnh ngài đã trở nên nghiêm trọng, tinh thần và sức khỏe ngài suy kiệt nên cuối cùng ngài đành chấp nhận quay lại châu Âu. Từ đó ngài chấp nhận yên phận ở châu Âu, tập trung vào việc cầu nguyện, chữa bệnh và gửi thư từ liên lạc với các cá nhân, tổ chức và chính phủ để vận động cho việc bảo vệ Thiên An. Tòa đại sứ của Đức, của Liên minh châu Âu biết Đan viện Thiên An từ đấy. Tôi tin rằng lời cầu nguyện và những nỗ lực cuối cùng của ngài trong cơn bệnh tật trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc giúp cho Thiên An đứng vững!   Hôm rồi khi được các bạn hữu bên Đức báo cho biết ngài qua đời, tôi không ngạc nhiên vì tôi đã thấy thể trạng của ngài sau khi bị đầu độc. Tôi nghĩ may mà ngài được các bác sĩ ở Đức tận tình cứu chữa chứ nếu ở nước khác có lẽ ngài đã qua đời từ lâu rồi! Dù sao thì tôi biết biết ngài đã chiến đấu đến cùng để duy trì sự sống của mình cũng như bảo vệ sự tồn tại của Đan viện Thiên An mà ngài hằng yêu mến hơn cả tính mạng mình. Ngài là một đan sĩ thực thụ, một con người của cầu nguyện và làm việc như châm ngôn của Thánh Tổ phụ Biển Đức.   Trên hết mọi sự tôi thấy ngài là người đã theo sát Chúa Giêsu và cố gắng trở nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự. Đọc những lời lẽ tha thiết trong chúc thư ngài gửi cho anh em trong Đan Viện và chứng kiến cuộc sống của ngài, tôi thấy ngài đã đón nhận những đau khổ một cách can đảm, bằng một đức tin, một tìn yêu và một tinh thần siêu nhiên phi thường tin. Ngài đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu đóng đinh, trong xác tín rằng “bình an của trời cao là con đường Thập Giá, con đường Hiến Tế, con đường Sự Thật.”   Cuộc sống, ơn gọi va sứ mạng của ngài là một bi kịch. Tôi cảm thương ngài và cảm phục ngài, một nạn nhân điển hình của chế độ cộng sản và là một chứng nhân đích thực của Chúa Kitô trong thời đại chúng ta hôm nay ở Việt Nam. Xin Chúa đón nhận ngài vào hưởng hạnh phúc Thiên Đàng cùng với những người công chính khác./.   Oberhausen, Đức quốc ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi năm 2022. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT    
......

Putin đề bạt "con chó khát máu" Kadyrow – có ý nghĩa gì

  Ảnh: Ramsan Kadyrow, được coi là "con chó khát máu" của Putin, y là tổng thống khét tiếng của Cộng hòa Chechnya thuộc Nga và 3 đứa con vị thành niên.   von Thomas Krause - Nguyễn Xuân Hoài dịch   Trong những tuần qua, Nga đã rơi vào thế phòng thủ quân sự ở Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin đã đề bạt nhà cai trị Chechnya, Ramzan Kadyrov. Các nhà phân tích nói gì về hiện tượng này.   Trước những thất bại về quân sự của Nga, Vladimir Putin đã đề bạt nhà cai trị độc tài của Chechnya, Ramzan Kadyrov, lên hàm thượng tướng. Sắc lệnh về việc bổ nhiệm đã được công bố và Kadyrov đã "vô cùng biết ơn" Putin vì "sự đánh giá cao", Kadyrov viết trên dịch vụ trực tuyến Telegram hôm thứ tư. Thượng tướng là cấp bậc cao thứ ba trong Lực lượng vũ trang Nga, sau Nguyên soái và Đại tướng lục quân.   Kadyrov, kẻ từng được gọi là "con chó săn của Putin", tàn bạo đến mức một lần nữa được chứng minh hôm thứ hai vừa qua. Sau khi bầy tỏ lòng biết ơn đối với Putin gã đàn ông vô luân này đã thông báo, y sẽ cho ba đứa con trai còn ở tuổi vị thành niên của mình tòng quân để tham gia cuộc chiến chống Ukraine. Ba đứa trẻ này là Achmat, Selimchan và Adam tuổi từ 14 đến 16 đã được huấn luyện quân sự và biết sử dụng các kỹ năng chiến đấu trong "chiến dịch quân sự đặc biệt", Kadyrov viết trên Telegram hôm thứ hai. Trước những khó khăn mà quân đội Nga phải đối mặt, y kêu gọi sử dụng "vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp" để chống lại Ukraine. Kadyrov đã lớn tiếng chỉ trích thượng tướng Alexander Lapin và vai trò của ông ta trong cuộc chiến giành lại thành phố Lyman đã bị mất gần đây.   Ramzan Kadyrov không chỉ chỉ trích giới lãnh đạo quân sự Nga   Cuối tháng 9, blogg quân sự Nga-dân tộc chủ nghĩa "Rybar" đã từng viết về nguy cơ Lyman sẽ bị Ukraine tái chiếm: "Nếu giới lãnh đạo quân đội Nga không thực hiện các biện pháp có ý nghĩa quyết định trong vòng 24 giờ, Lyman sẽ hứng chịu số phận như Balaklija, đó là cảnh báo của " Rybar ". Thứ sáu tuần trước, như người ta đã thấy, Nga không thể giữ nổi Lyman và theo công bố chính thức, Nga đã rút quân hồi đầu tháng 10 khỏi khu vực này.   Việc thăng chức của Kadyrov là "đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh tranh cãi gần đây xung quanh Kadyrov và việc ông ta chỉ trích đích danh thượng tướng Aleksander Lapin của Quân khu Trung tâm (CMD)," theo Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ. Putin có thể đã "đưa ra quyết định này [...] nhằm duy trì sự ủng hộ đối với Kadyrov và các lực lượng vũ trang Chechnya, đồng thời đẩy lùi Bộ Quốc phòng Nga và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, người mà Putin có vẻ đang muốn lánh xa."   Putin buộc phải cân bằng giữa các nhóm lợi ích   Theo phân tích của ISW, Putin không còn khả năng cân bằng các đòi hỏi những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, nhóm này ngày càng trở nên hiếu chiến hơn kể từ khi có cuộc động viên từng phần, mặc dù tất cả đều có chung mục tiêu trong cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine. "Cấp bậc mới của Kadyrov có thể là một dấu hiệu cho thấy Putin sẵn sàng nhượng bộ những yêu cầu cấp tiến và mạnh mẽ hơn đối với căn cứ siloviki với cái giá phải trả là thành lập các nhóm quân sự thông thường." ISW mô tả những người có cơ sở quyền lực đáng kể và lực lượng vũ trang của riêng mình là "siloviki" - nói cách khác, ngoài Kadyrov, trước tiên phải nhắc đến Dmitri Valerjewitsch Utkin, người đứng đầu "Nhóm Wagner" và những kẻ ủng hộ chúng. Tân binh sau động viên từng phần Về quân sự, với việc động viên từng phần Putin thăng chức cho Kadyrow còn nhằm giải quyết một số khó khăn, Putin hy vọng qua đó sẽ có thêm binh lính được đào tạo bài bản để tung ra chiến trường, đồng thời góp phần tăng thanh thế cho lực lượng Chechnya hồi giáo. Kadyrov, khét tiếng là một nhà chỉ huy tàn bạo, gã nổi lên như một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine do Nga tiên hành. Y cũng nổi tiếng từ lâu về việc lách luật của Nga mà không để lại hậu quả gì. Nhà cầm quyền Chechnya từ lâu đã bị các tổ chức phi chính phủ quốc tế chỉ trích vì cách điều hành của y với đặc điểm vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.   Trước khi được thăng quân hàm thượng tướng Kadyrov đã ba lần được thăng cấp tướng, trong các lực lượng vũ trang thuộc Bộ nội vụ, cảnh sát và vệ binh quốc gia của Chechnya.   von Thomas Krause - Fb Nguyễn Xuân Hoài dịch   https://www.stern.de/.../ramsan-kadyrow--was-seine...
......

Đâu rồi hào khí cha ông?

Khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam về việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, đại diện Bộ Ngoại giao hôm 6/10 nói Việt Nam “quan tâm, theo dõi chặt chẽ” diễn biến cuộc xung đột Nga – Ukraine. “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.   Lưu Trọng Văn   Người Việt chúng ta phải nhận ra sự thật đáng buồn này, quốc gia chúng ta đang thuộc phe yếu.   Minh chứng ư?   Không cần những con số thứ hạng về dân chủ, nhân quyền, tự do, kinh tế, minh bạch, mà chỉ cần minh chứng ở Tiếng nói và lá phiếu bỏ cho Sự thật và Công lý.   Kẻ yếu luôn phát ngôn mập mờ luẩn quẩn quanh làn ranh Sự thật và Công lý để ai hiểu sao thì hiểu.   Rõ ràng nhất sự kiện đồ tể Putin và bè lũ hiếu chiến của hắn sáp nhập bốn vùng lãnh thổ rành rành của Ukraine vào Nga, các nước nhỏ như Campuchia, Singapore thẳng thừng tuyên bố chống lại.   Thủ tướng Hunsen còn dẫn chứng cụ thể dễ hiểu không chút chơi chữ mập mờ: nếu Siêm Riệp có người cho dân tới rồi trưng cầu dân ý sáp nhập vào nước khác thì dân Campuchia chúng ta có chịu không? Rồi ngay cả các nước ủng hộ Putin và có quyền lợi gắn bó sống còn với Nga như Serbia, Iran, Ấn Độ trước việc quá lố, quá thô bỉ của Putin ăn cướp trắng trợn lãnh thổ của Ukraine cũng tuyên bố chống rõ ràng.   Còn đại diện của nhà nước VN thì sao?   Vẫn cái điệp khúc ấy: chúng tôi kêu gọi các bên đàm phán hoà bình và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác…   Cả thế giới nói rõ chống lại Nga sáp nhập lãnh thổ của Ukraine.   Đại diện nhà nước VN không hề nói rõ làn ranh đỏ kẻ nào là kẻ cướp và ai là người bị hại.   Vì sao?   Vì VN yếu. Chỉ vì yếu nên sợ làm mất lòng những kẻ đang vây bủa chi phối mình. Vì yếu nên đánh mất tự chủ tự cường. Vì yếu nên không khẳng khái công khai tiếng nói bảo vệ Sự thật và Công lý.   Cha ông ta xưa luôn hào khí gọi đúng tên sự việc, vô cùng oanh liệt trước cái ác, cái phi nhân, không hãi sợ bất cứ kẻ thù hùng mạnh, man rợ nào.   Vì sao hôm nay tiếng nói của nhà nước VN lại trở nên yếu như vậy? Ai đã biến VN anh hùng giờ đây rụt rè, thập thò tiếng nói như vậy trước việc đại nghĩa của muôn Dân?   Lý giải: cần uyển chuyển ngoại giao cây tre ư?   Vậy tại sao Gió Nhân loại đang cùng ào ạt một hướng mà cây tre chả rung rinh?  
......

Cái chết của Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức - Bề trên Đan viện Thiên An

Hôm 3/10/2022 sau hơn 05 năm bị đầu độc (nghi ngờ là do chính quyền csvn) Linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức (Nguyễn Huyền Đức) đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Franziskus ở thành phố Osnabruck nước Đức. Trong thời gian trị bệnh tại Đức quốc, linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức đã để lại một lá thư và tâm nguyện của ngài là được công bố trước công luận sau khi ngài qua đời.   Thư và tâm nguyện của linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức Thư gửi cộng đoàn Cha Bề Trên và Cộng Đoàn kính mến, Đầu lá thư, con kính xin gửi lời hỏi thăm sức khỏe Cha Bề Trên và Cộng Đoàn. Con cũng chân thành gửi lời xin lỗi Cha Bề Trên và Cộng Đoàn do sự vắng mặt, im lặng của con trong suốt một thời gian dài vừa qua. Và, con cũng kính xin cám ơn những lời khích lệ, an ủi, sự thương yêu của Cha Bề Trên và Cộng Đoàn thể hiện cách này cách khác, đặc biệt là qua lời cầu nguyện dành cho con trong ngày lễ Mừng Bổn Mạng Thánh Antôn Padova. Trong suốt thời gian vừa qua, sức khỏe của con rơi vào tình trạng suy yếu nghiêm trọng, đau đớn thể xác, cận kề với tử thần vì con đang đối diện với căn bệnh nan y – ung thư phổi giai đoạn cuối. Phổi bên trái của con bị trắng hoàn toàn – nghĩa là phổi bị tổn thương, xơ cứng và mất dần khả năng trao đổi oxy – và có một khối u ác tính lớn. Tế bào ung thư đã di căn vào xương và gan, có nguy cơ di căn tới não. Hiện nay, con đang “sống với” các triệu chứng như: mắt gần như bị mù vì mờ, răng bị mục, tóc rụng thành từng mảng, ho và sốt liên tục, đau tức ngực, khó thở, đau buốt các khớp xương, mệt mỏi… Tại Đức, các bác sĩ đang điều trị cho con, giải thích nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi: yếu tố di truyền (gia đình con không có ai có tiền sử về bệnh nan y này), hoặc hút thuốc (con không hút thuốc), hoặc những sự biến đổi “ngoại di truyền” do tác động bởi các chất hóa học. Lẽ đó, các bác sĩ suy đoán con bị ung thư phổi là do “đột biến gen” – sự biến đổi “ngoại di truyền” do tác động bên ngoài – và họ nghi ngờ con bị “đầu độc”. Qua lá thư này, con muốn xin Cha Bề Trên và Cộng Đoàn cho con có đôi lời thân thương để được bày tỏ, chia sẻ câu chuyện của con như một thành viên của Cộng Đoàn: Con được Cha Chủ Tịch giao trọng trách làm Giám quản tại Thiên An ba năm. Trong thời điểm này, nhiều biến cố thăng trầm, căng thẳng xảy ra khi con trực tiếp giải quyết vấn đề đất đai, tài sản của Đan viện với nhà cầm quyền. Vào dịp tết âm lịch 2016, trong cương vị Bề trên nhà dòng, con tiếp rất nhiều khách khứa tới thăm và chúc tết Đan viện. Có hai vị khách quen ngỏ ý pha cà phê và trà để mời con dùng, con đồng ý và cùng thưởng thức với họ. Ngay sau khi họ ra về, con lập tức cảm thấy rát buốt vùng cổ và đầu, nhức nhối trong xương tủy, cả hàm răng đau buốt và có hiện tượng bị mục, không thể đi lại được. Một người thân tín đã phải đưa con đi châm cứu trong một sự gắng gượng tột cùng. Tuy nhiên, trên đầu của con lại xảy ra hiện tượng tóc bị rụng một mảng lớn (đường kính 3cm). Trước những triệu chứng nguy hiểm này, người thân của con đã đề nghị con ra nước ngoài chữa trị. Sau đó, con đã xin phép Cha Chủ Tịch Bruno đương nhiệm được qua Châu Âu. Tại đây, các bác sĩ dõi theo bệnh tình của con và cũng nghi ngờ con bị “đầu độc”. Con chữa trị khoảng hơn 3 tháng, rồi trở về lại Thiên An. Cuối năm 2017, bệnh tình của con không thuyên giảm và tiếp tục xuất hiện các triệu chứng: mục răng, đau nhức các khớp xương… nên con đành phải quay lại Đức chữa trị bệnh. Thời gian này, con kết thúc trọng trách Bề trên Giám quản tại Thiên An. Theo dự kiến, con sẽ về VN, nhưng vì nhiều lý do bị cản trở/ngăn trở nhạy cảm, con không thể về. Trong thời gian ở lại Châu Âu, con có ý định tiếp tục nghiên cứu kết thúc luận án mà con đã bỏ dở do trở về VN để tiếp quản nhiều công việc khó khăn của Đan viện. Nhưng tình trạng sức khỏe của con suy kiệt vì đau răng, đau nhức khắp người, cảm cúm và sốt liên tục hơn ba tháng liền mặc dù đã được các bác sĩ tận tình chăm sóc. Vào năm 2018, tình trạng sức khỏe của con không được khả quan, các triệu chứng trên vẫn “đeo bám”, tóc trên đầu tiếp tục rụng một mảng lớn. Thế nhưng, con vẫn tìm mọi cách trở về Thiên An và đã mua vé máy bay để bay về VN. Trước khi rời Châu Âu về VN, con bị đau nửa người, bị tai biến và liệt nửa người bên phải, bắt buộc phải dùng nạng để di chuyển và tập vật lý trị liệu. Con buộc phải hủy lịch trình về lại VN. Vào cuối tháng 03/2019, sức khỏe con tiếp tục suy sụp, các bác sĩ yêu cầu con làm các xét nghiệm cần thiết và cho kết quả: Rối loạn toàn bộ đường tiêu hóa từ thực quản đến trực tràng; Rối loạn tuyến thượng thận (chức năng chủ yếu giúp kiểm soát tình huống căng thẳng); Rối loạn niệu quản: bộ phận thuộc hệ tiết niệu dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang (tắc nghẽn, sỏi niệu quản…); Thiếu vitamin và enzyme (men, chất xúc tác sinh học có thành phần cơ bản là protein). Tuy sức khỏe của con yếu kém nhưng con vẫn luôn mong mỏi được trở về VN và về với Cộng Đoàn. Do đó, con đã quyết định về lại VN vào trung tuần tháng 09/2019. Con từ Châu Âu về phi trường Hà Nội. Thầy Gioang và Thầy Cường đã tháp tùng con. Vừa về đến Hà Nội, con phải làm việc với Bộ Công An. Các công an viên cấp cao của Bộ yêu cầu con quay trở lại Châu Âu, vì họ sẽ không bảo đảm an toàn tính mạng của con khi ở VN, và sẽ hết sức bất lợi cho Cộng Đoàn Thiên An nếu như con ở lại Đan viện. Nhưng, con vẫn quyết tâm ở lại VN và về với Cộng Đoàn Thiên An. Tuy nhiên, trong thời gian này, sức khỏe của con kiệt quệ, toàn bộ thân thể mệt mỏi, rã rời, khó thở, đi lại rất khó khăn. Vì thế, con đành qua lại Châu Âu để chữa trị bệnh sau hơn 10 ngày ở Hà Nội. Sau khi trở lại Đức, con bị khó thở, tức ngực, ho hen liên tục, mất ngủ triền miên. Con nhập viện. Các bác sĩ đã cho con làm thêm các xét nghiệm cần thiết như: xét nghiệm máu, xét nghiệm tóc, chụp citi,… Các xét nghiệm cho kết quả, con bị ung thư phổi giai đoạn cuối và nhiều triệu chứng bệnh khác. Phổi bên trái của con bị trắng hoàn toàn và có một khối u ác tính lớn. Tế bào ung thư đã di căn vào xương và gan, có nguy cơ di căn tới não. Mắt con bắt đầu bị mờ như bị mù, không thể nhìn thấy gì cả nên việc đi lại hết sức khó khăn, đêm không thể ngủ được vì các cơn ho kéo dài liên tục và sốt. Các bác sĩ chữa trị cho con theo phác đồ: uống thuốc hằng ngày (250 EUR/1 ngày), 3 tuần thử máu/1 lần, 3 tháng chụp citi/1 lần. Cho đến thời điểm hôm nay, con đã điều trị được ba tháng, chi phí thuốc đặc trị của con lên đến 35.000 EUR, con chưa tính viện phí, phương tiện đi lại… Về vấn đề ăn uống: con uống nước lọc để lọc chất độc theo phương pháp của người Nhật, không ăn thịt, không ăn đường, không ăn mỡ, đi dạo dưỡng sinh 5 tiếng/1 ngày. Tạ ơn Chúa đã thêm sức, ban thêm nghị lực cho con, để con có thể vượt qua cơn đau thể xác do bệnh ung thư hoành hành trong tinh thần lạc quan. Qua biến cố thập tử nhất sinh này, con cảm nhận tình yêu quan phòng của Thiên Chúa vô bờ bến dành cho con quá nhiều hồng ân. Hiện nay con đang dần hồi phục sức khỏe, mắt con đã sáng lại, khối u ung thư bắt đầu nhỏ lại, tuy nhiên các khớp xương và cơ bắp vẫn bị đau buốt do tác dụng phụ của thuốc. Trong thời gian chữa trị bệnh hiểm nghèo, con đã được sự trợ giúp và yểm trợ từ Tòa Giám Mục Osnabrück; Hội Từ Thiện Maltese; Các bác sĩ bệnh viện Hamburg, Steven Niel, Fancicus Osnabrück và một số vị ân nhân. Đứng trước bờ vực của sự chết, con luôn suy gẫm và hồi tưởng biến cố đau thương của Cộng Đoàn xảy ra vào cuối tháng 6/2017. Ngày ấy, chính con chứng kiến, Cây Thánh Giá bị giật sập và bị bẻ cong, Tượng Chúa Chịu Nạn bị đập gãy thành nhiều mảnh, Anh Em trong Cộng Đoàn bị đánh đập vì bảo vệ niềm tin Tôn Giáo. Các sự việc này báo hiệu cuộc đời của con sẽ bị bầm dập, dập nát và nát tương như Ngài. Sống trong những giây phút đớn đau của bệnh tật trên giường bệnh, khi chiêm ngắm Tượng Chúa Chịu Nạn bị vỡ nát không còn đôi mắt giống như đôi mắt của con bị mờ hẳn, không nhìn thấy được gì và gần như mù; Cạnh sườn Chúa bị dập nát giống như con oằn mình gồng gánh bệnh ung thư phổi; Hai cánh tay Chúa bị vỡ vụn và đôi chân Chúa bị vỡ làm đôi giống như con phải dùng nạng để đi lại sau cơn tai biến, liệt nửa người. Tạ ơn Chúa, muôn ngàn đời tạ ơn Chúa đã cho con có “cơ hội vàng” để thánh hóa nội tâm của chính con và “sống trong” mầu nhiệm hai chữ yêu thương “Thiên An”. Thiên An đến nay đã 80 tuổi, đã và đang trải qua những thăng trầm và sẽ tiếp tục lộ trình này trong tương lai. Trong những năm diễm phúc con được làm Bề Trên Thiên An, nhiều lần con tiếp xúc với các cán bộ cao cấp của nhà nước Việt Nam, họ luôn luôn đặt câu hỏi với con: “tại sao các vị không cộng tác, không thỏa hiệp với nhà nước?”; Con trả lời: “Vì chúng tôi là Thiên An, chứ không phải Địa An”. Quả thật, bình an của trời cao là con đường Thập Giá, con đường Hiến Tế, con đường Sự Thật. Con kính cầu chúc Cha Bề Trên và Anh Em “chân cứng đá mềm” để giữ được “ngọn lửa Thiên An” mà Cộng Đoàn đã chọn. Kính xin Cha Bề Trên và Cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho con, để con có thể vui mừng hoan lạc, chấp nhận căn bệnh quái ác này như món quà Thiên Chúa tặng ban cho con cách đặc biệt. Kính đơn Con, Antôn Nguyễn Văn Đức  
......

Chiến tranh Ukraina: Các kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân

Một trái bom nguyên tử gọi là "chiến thuật" có thể gây thảm họa tương đương với vụ Hiroshima 1945. Ảnh minh họa một vụ nổ nguyên tử. Ảnh của U.S. Federal Emergency Management Agency. © Wikimedia Trọng Thành - RFI Cuộc chiến tại Ukraina do Nga phát động bước sang một khúc quanh mới vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022. Sau hàng loạt thất bại nặng, chính quyền Nga quyết định động viên bán phần, khẩn cấp trưng cầu dân ý tại các vùng chiếm đóng để nhanh chóng sáp nhập. Matxcơva đe dọa dùng cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ ‘‘chủ quyền lãnh thổ’’, ngăn chặn đà tiến của quân đội Ukraina.   Từ đầu chiến tranh đến nay, chính quyền Putin đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Cho đến nay điện Kremlin vẫn chỉ dừng ở đe dọa. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, nguy cơ Nga biến đe dọa thành hiện thực lần này cần được xem xét nghiêm túc hơn. Truyền thông phương Tây dường như bắt đầu đề cập nhiều hơn đến các kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân cụ thể của chính quyền Nga trong chiến tranh Ukraina.   Bên cạnh nhóm các chuyên gia đặt trọng tâm và niềm tin vào chiến lược răn đe và hành xử khéo léo của chính quyền Mỹ và các đồng minh, đủ sức cản Nga dùng vũ khí nguyên tử, nhiều chuyên gia khác lại nhấn mạnh đến xác suất tuy thấp, nhưng một khi đã xảy ra, việc Nga dùng vũ khí hạt nhân kiểu gì, các hậu quả để lại đều sẽ có thể là những thảm họa khôn lường mang tính toàn cầu.   ***  Vụ nổ kinh hoàng giữa không trung Đầu tháng 10/2022, tuần báo L’Obs đăng tải bài phỏng vấn chuyên gia Mỹ Joseph Cirincione, người đã 35 năm nay theo dõi vấn đề các hiểm họa hạt nhân quân sự, và dấn thân trong nhiều hoạt động giải trừ hạt nhân. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề ‘‘Putin và vũ khí nguyên tử : bốn kịch bản kinh hoàng theo Joe Cirincione’’, vị chuyên gia nói đến bốn kịch bản.   Thứ nhất, Putin sẽ cho nổ một tên lửa hạt nhân tại Biển Đen, và để gây ấn tượng hơn thì tại một vùng không có người ở tại Ukraina. Có thể là sẽ không có người chết, không có thiệt hại lớn nào. Nhưng đây sẽ là một cú sốc với toàn thế giới. Thế giới sẽ phải sững sờ, bởi chưa bao giờ một vũ khí hạt nhân được sử dụng kể từ Thế chiến Hai, và lần thử bom nguyên tử ngoài không trung cuối cùng là vào năm 1980, tại Trung Quốc (kể từ sau vụ thử này, mọi vụ thử hạt nhân mới đều được thực hiện dưới lòng đất).   Kịch bản thứ nhất này không phải là chuyện giả tưởng bởi đã nằm trong một số phát triển mới của học thuyết hạt nhân Nga, đặc biệt với khái niệm ‘‘Leo thang để buộc đối phương xuống thang’’ (dùng vũ khí nguyên tử gọi là chiến thuật để buộc đối phương chấm dứt một cuộc chiến tranh quy ước, bất lợi cho Nga). Hiện tại, chính quyền Putin để một không khí mơ hồ bao phủ lên khái niệm này.   Vũ khí ‘‘hạt nhân chiến thuật’’ – một Hiroshima thứ hai  Nếu hành động đe dọa này không khiến các nước phương Tây ngừng ủng hộ Ukraina, chính quyền Putin có thể chuyển sang một kịch bản thứ hai.   Đó là sử dụng một vũ khí hạt nhân gọi là có ‘‘sức công phá thấp’’ để nhắm vào một mục tiêu quân sự, hay một nơi tập trung quân, một căn cứ không quân, một quân cảng... Một vũ khí hạt nhân như trên thường được gọi là ‘‘vũ khí hạt nhân chiến thuật’’, có sức nổ dưới 10 kilotonne đến 100 kilotonne. Hiện tại nước Nga sở hữu khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân ‘‘chiến thuật’’ như trên, mà giới chuyên gia nhiều nước châu Âu gọi là vũ khí hạt nhân ‘‘phi chiến lược’’. Hoa Kỳ đã cắt giảm mạnh kho vũ khí này. Hiện nước Mỹ sở hữu khoảng 200 vũ khí hạt nhân có sức nổ từ 0,3 kilotonne đến 170 kilotonne (trong số đó có khoảng 100 bom B61 (sức công phá tương đương với vụ Hiroshima) được bố trí tại năm nước châu Âu, Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay Mỹ và Nga không có hiệp định nào liên quan đến loại vũ khí này. Để so sánh tác giả dẫn ra trường hợp vụ nổ tại Hiroshima (Nhật Bản), năm 1945. Trái bom do Mỹ thả với sức nổ 15 kilotonne, ngay lập tức khiến 70.000 người thiệt mạng, chưa kể người bị thương và chết sau đó do phóng xạ. Một vụ nổ 10 kilotonne giới chuyên môn thường gọi là ‘‘có sức công phá thấp’’, tương đương với 20.000 trái bom B-52 nửa tấn mỗi trái, thả xuống đồng loạt. Như vậy, người chết sẽ rất nhiều, các thiệt hại vật chất là ghê gớm.   Một hành động như vậy của chính quyền Nga cũng chắc chắn sẽ nhận được các trả đũa ghê gớm từ Hoa Kỳ. Nga sẽ ngay lập tức bị cô lập hoàn toàn về chính trị, kinh tế, ngoại giao. Nhiều nước vốn trung lập cho đến nay sẽ phải tỏ thái độ. Ukraina có thể được trợ giúp vũ khí dồn dập. Hoa Kỳ và các đồng minh thậm chí có thể tấn công vào đơn vị quân đội Nga nơi phóng tên lửa hạt nhân.   Kịch bản giả điên Để giành lại thế thượng phong, chính quyền Putin có thể đi tiếp kịch bản thứ ba. Sử dụng các loại bom hạt nhân có sức công phá đến 50 kilotonne, tức mạnh gấp ba hay bốn lần trái bom tại Hiroshima. Hàng trăm nghìn người có thể thiệt mạng. Mức độ hủy diệt là chưa từng có kể từ sau Thế chiến Hai. Kịch bản này được chuyên gia Joseph Cirincione gọi là ‘‘giả điên’’.   Kịch bản thứ ba này hướng đến mục tiêu làm phân hóa hàng ngũ của NATO. Đòn hạt nhân này có thể đánh gục tinh thần chính quyền nhiều nước phương Tây, với suy nghĩ : ‘‘không nên tiếp tục…, Ukraina không đáng để chúng ta phải hy sinh an ninh quốc gia’’. Tất nhiên, nước Mỹ sẽ không nhường bước.   Hoa Kỳ chắc chắn sẽ trả đũa. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, trong những thập niên gần đây, khác với Nga, nước Mỹ đã phát triển rất nhiều hệ thống vũ khí quy ước, chính xác và mạnh, có thể ngay lập tức giáng cho phía Nga những đòn thảm khốc. Vấn đề là chiến tranh còn có thể dừng lại được nữa hay không ?  "Một mô phỏng của Đại học Princeton về cuộc xung đột Mỹ-Nga bắt đầu bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, dự đoán sẽ leo thang nhanh chóng khiến hơn 90 triệu người chết và bị thương" ("What are Tactical Nuclear Weapons?" của Union of Concerned Scientists, đăng ngày 01/06/2022). Kịch bản trực tiếp tấn công NATO Nếu không khuất phục được các nước phương Tây ngừng ủng hộ Ukraina, theo chuyên gia Joseph Cirincione, chính quyền Putin có thể chọn một kịch bản leo thang liều lĩnh khác. Đó là tấn công ngay một nước châu Âu, thành viên NATO. Một quốc gia Trung Âu, cụ thể như Ba Lan có thể là một cái đích. Putin có thể đánh vào một căn cứ không quân Ba Lan, nơi thường xuyên có các chuyến bay vận tải đi Ukraina, với một đầu đạn có sức công chẳng hạn phá gấp ba lần Hiroshima. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, nước Mỹ chắc chắn cũng đã tính sẵn đến các phương án đáp trả với kịch bản này. Đòn trả đũa rất có thể sẽ là hạt nhân.   Vấn đề chủ yếu theo tác giả là, khi đã bước vào cuộc đối đầu bằng vũ khí hạt nhân, hai bên có còn khả năng dừng lại không ? Bước vào vòng xoáy của việc trả đũa hạt nhân là một con đường khó có lối ra. Vị chuyên gia Mỹ dẫn lại câu của cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan, trong Hồi ký, đó là ông không chắc mình sẽ bấm nút trả đũa hạt nhân hay không cho dù nước Mỹ và đồng minh bị tấn công hạt nhân đầu tiên. ‘‘Làm như vậy được lợi gì ?’’, Ronal Reagan đặt câu hỏi. Cá nhân tổng thống Mỹ là người có quyền khởi động cuộc tấn công hạt nhân. Đặt mình vào vị trí của một tổng thống Mỹ, ắt hẳn không ít người cũng đặt câu hỏi như vậy. Bởi đằng sau quyết định đó là số phận của cả nhân loại.   ''Răn đe hạt nhân'' chỉ có nghĩa khi đối thủ biết cân nhắc thiệt hơn Chuyên gia Joseph Cirincione đặc biệt chú ý đến thách thức vô cùng nan giải với phương Tây, đó là xác định đúng lãnh đạo tối cao Nga thuộc loại người nào : một người rất duy lý hay là một kẻ hoang tưởng. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, nếu là người rất duy lý Putin chỉ coi vũ khí hạt nhân như một phương tiện cần thiết, để dùng khi cần thiết, ‘‘nhằm đạt được một ưu thế về quân sự, thậm chí một ưu thế mang tính chiến lược có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh này’’. Theo cách hình dung này, Putin sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc có dùng vũ khí hạt nhân hay không, và dùng như thế nào. Đây là ‘‘một quyết định mà lãnh đạo Nga đã hoàn toàn không coi nhẹ, bằng chứng là bất chấp nhiều thất bại, nhưng ông ta vẫn chưa dùng’’. Nếu tình hình tồi tệ hơn, ông ta có thể tính đến việc sử dụng, nhưng vẫn theo cách tính toán của một con người lý trí.   Trong trường hợp thứ hai, Putin là một người khác hẳn. Tác giả dùng đến các tính từ ‘‘hoang tưởng’’, ‘‘hoang tưởng tự đại’’ để nói về lãnh đạo Nga. Căn cứ vào bài diễn văn nói về việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraina của lãnh đạo Nga, chuyên gia Joseph Cirincione cho rằng rất có thể ‘‘mức độ đoạn tuyệt với hiện thực’’ hay mức độ hoang tưởng của ông Putin đã ở mức rất cao. Joseph Cirincione nhấn mạnh là trong trường hợp này, ‘‘các biện pháp răn đe hạt nhân’’ hay các đe dọa khác của các cường quốc nguyên tử đối với lãnh đạo Nga sẽ không còn có ý nghĩa thực sự. Chính sách răn đe hạt nhân (hay dùng đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt để buộc đối phương không dám xuống tay) dựa trên giả định là đối tác phải là người duy lý, có khả năng cân nhắc thiệt hơn.   Cho đến nay, các tính toán của phương Tây vẫn dựa trên khả năng Putin là một người duy lý. Tuy nhiên, nếu kẻ sở hữu vũ khí nguyên tử không phải là một con người như vậy, thì cần phải dự đoán một cách hành xử hoàn toàn khác.   Vũ khí hạt nhân ''chiến thuật'' đưa nhân loại vào chiến tranh nguyên tử Thông điệp chủ yếu của chuyên gia vũ khí hạt nhân Mỹ là cần phải từ bỏ quan điểm cố hữu về khả năng duy trì vũ khí hạt nhân như một phương tiện ‘‘răn đe’’, để ngăn chặn chiến tranh, nhất là khi chủ nhân của hệ thống vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới có thể là một kẻ ‘‘hoang tưởng’’. Chỉ có giải trừ vũ khí hạt nhân mới là con đường giúp nhân loại giải thoát khỏi nguy cơ hủy diệt lơ lửng.   Cũng như nhiều chuyên gia khác, Joseph Cirincione chỉ trích xu thế coi việc sử dụng các vũ khí hạt nhân gọi là ‘‘chiến thuật’’ trở thành một chuyện tương đối bình thường. Báo chí Mỹ dẫn lời cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, James Mattis (trong một cuộc điều trần năm 2018), đã nhận định : ‘‘Không có cái gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật, mọi vũ khí hạt nhân khi được đưa ra sử dụng đều có thể mang lại thay đổi có ý nghĩa chiến lược’’ (bài ''Putin’s tactical nuclear weapons could pack the same punch as atomic bombs dropped on Japan'', CNN 27/09/2022). Tổ chức Union of Concerned Scientists (UCS) của giới khoa học hàng đầu nước Mỹ, nổi tiếng về các vận động giải trừ hạt nhân từ nhiều thập niên nay, cũng lên án mạnh mẽ khái niệm vũ khí hạt nhân ''chiến thuật'', có nguy cơ đẩy nhân loại vào thảm họa chiến tranh hạt nhân.      
......

Sau những thất bại liên tiếp tại Ukraina, quân đội Nga bị dồn vào chân tường

Tổng thống Putin (trái) trao đổi với tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nga, tướng Valeri Guerassimov. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/12/2021. AFP - SERGEI GUNEYEV Thanh Hà - RFI Việc lính Nga tháo chạy khỏi vùng chiến lược Kherson ở miền nam Ukraina và ngay cả tại các vùng lãnh thổ mà Matxcơva vừa tuyên bố sáp nhập vào Liên Bang Nga, đã làm rộ lên những chỉ trích gay gắt nhắm vào quân đội Nga. Tức nước vỡ bờ : Không chỉ có công luận mà ngay cả trong giới lãnh đạo tại Matxcơva đã công khai bày tỏ phẫn nộ về « chiến dịch quân sự đặc biệt » mà tổng thống Putin phát động để xâm chiếm Ukraina. Cho đến tận tháng 9 vừa qua, các phương tiện truyền thông Nga, các quan chức trong chính quyền, các chuyên gia đều trước sau như một, xem việc Matxcơva điều quân sang Ukraina là một « nghĩa vụ cao cả ». Mọi tiếng nói phản chiến đều bị khép vào tội bôi nhọ quân đội và với tội danh này, bị cáo cơ thể bị xử phạt tù. Nhưng lệnh động viên lính dự bị mà tổng thống Vladimir Putin ban hành hôm 21/09/2022 khiến công luận Nga không còn không còn tránh né từ « chiến tranh ». Tiếp theo đó là hình ảnh dân Nga tìm mọi cách để trốn lệnh động viên và lần đầu tiên trong lịch sử, công dân của một quốc gia đem quân xâm lược một nước khác lại phải ồ ạt đi tị nạn. Những thất bại liên tiếp của quân đội Nga trên chiến trường Ukraina là một bước ngoặt trong cuộc chiến mà Matxcơva đã khai mào. Dấu hiệu gần đây nhất là phát biểu của chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng tại Hạ Viện Nga, tướng Andreï Kartapolov hôm 05/10/2022. Ông cho rằng đã đến lúc quân đội phải « nói thật » với công luận về những thất bại quân sự. Vào lúc quân đội Ukraina đã giải phóng thị trấn Lyman, trong vùng Donetsk, miền đông Ukraina, một mắt xích quan trọng về mặt hậu cần, bộ Quốc Phòng Nga vẫn khẳng định đang « ồ ạt tấn công » và quân đội Nga đang « giáng cho kẻ thù những thiệt hại nặng nề ». Về tình hình tại miền nam Ukraina, bộ Quốc Phòng Nga cũng có giọng điệu tương tự. Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng tại viện Duma đòi bộ Quốc Phòng Nga phải « nói sự thật » với dân khi ông trả lời Vladimir Soloviov, nhà báo nổi tiếng là « một người yêu nước », là cái loa phóng thanh của điện Kremlin. Ngay Soloviov gần đây đã không còn ngần ngại cho rằng quân đội Nga đang « tự bắn vào chân mình », khi để những cho những kẻ « bất tài » chỉ huy chiến dịch Ukraina. Thân trọng hơn, một phóng viên chiến trường của báo chí chính thức là ông Alexandre Kots thì dám tường thuật rằng « không có tin vui từ chiến trường Ukraina trong những ngày sắp tới ». Một nhà quan sát khác trên đài truyền hình nhà nước không ngần ngại lưu ý khán giả « quân đội Nga chỉ tiến được từng thước đất một, nhưng lại tuyên bố chiếm hết tỉnh này đến tỉnh khác » trên lãnh thổ Ukraina. Các phương tiện truyền thông Nga không còn vòng vo khi nêu bật những « khó khăn » quân đội Nga vấp phải trên trận địa và thừa nhận Nga trong tình trạng « thiếu quân » để tiếp tục sứ mệnh « giải phóng Ukraina », như Vladimir Putin đã thông báo hôm 24/02/2022 khi biện minh cho việc đưa quân xâm chiếm nước láng giềng. Trong tuần, lãnh đạo Cộng hòa Tchetchenia Ramzan Kadyrov đã táo bạo chỉ trích luôn cả một số tướng lĩnh Nga. Trước mắt, Kadyrov mới chỉ « đánh ở vòng ngoài », nhắm vào Alexandre Lapine, lãnh đạo các chiến dịch trong vùng Donetsk. Kadyrov xem ông này là một « kẻ ăn hại », thiếu sót trong việc cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, tiếp liệu, đạn dược cho những người lính đang cầm súng ở tại địa điểm chiến lược như Donetsk. Trong mắt của Kadyrov, người vừa được tổng thống Vladimir Putin thăng hàm thượng tướng, với thành tích thảm hại đó, Alexandre Lapine chỉ xứng đáng là « thằng lính quèn ». Ramzan Kadyrov còn cho rằng Nga nên dùng bom nguyên tử loại nhẹ để giải quyết vấn đề Ukraina. Không hiểu rằng, việc tổng thống Putin vừa phong thượng tướng, cấp bậc cao thứ ba trong hàng ngũ quân đội Nga, cho ông Kadyrov có phải là một lời cảnh cáo chủ nhân điện Kremlin gián tiếp gửi đến các tướng lĩnh ở cấp cao nhất trong hàng ngũ quân đội và bên bộ Quốc Phòng Nga ?. Trong trường hợp giả thuyết này được xác nhận thì rõ ràng quân đội Nga, mà đứng đầu là bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigu và tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Valeri Guerassimov đang chịu búa rìu từ tứ phía : công luận, chính giới, tổng thống Putin và phe diều hâu Nga. Vẫn trong kịch bản này, câu hỏi kế tiếp là làn sóng phẫn nộ hiện đang nhắm vào quân đội Nga có dừng lại ở đó, hay sẽ tràn vào tận điện Kremlin ? Một số nhà bình luận và chính trị học tại Matxcơva thiên về giả thuyết Vladimir Putin sẽ bị lật đổ. Đầu tháng trước, hơn một chục chính khách Nga, ở cấp địa phương, đã ký một bản kiến nghị đòi tổng thống Putin từ chức và thậm chí là phải bị xét xử về tội phản bội nước Nga, vì « Vladimir Putin là mối đe dọa chính đối với an ninh của nước Nga » như một nghị viên thành phố Saint-Petersbourg, quê hương của ông Putin, đã ghi nhận. Không ai có thể dự báo về tương lai. Chỉ biết rằng lớp sơn bề ngoài về sức mạnh của quân đội Nga, về quyền lực của chủ nhân điện Kremlin ngày càng để lộ nhiều vết rạn nứt.  *** Quan chức Nga: Quân đội phải ''ngừng lừa dối'' công luận về những thất bại ở Ukraina Phát biểu trên kênh Telegram hôm 05/10/2022, chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng tại Viện Duma (Hạ Viện Nga), tướng Andreï Kartapolov tuyên bố đã đến lúc quân đội Nga phải « ngừng nói dối » công luận về những thất bại quân sự tại Ukraina.  Trong những ngày qua, chính quyền Kiev liên tục thông báo giải phóng nhiều vùng lãnh thổ ở khu vực miền đông và miền nam. Tại miền đông bắc Ukraina, quân đội Nga gặp khó khăn và đã phải tháo chạy khỏi phần lớn khu vực Kharkiv.  Từ thủ đô Matxcơva thông tín viên Anissa El Jabri giải thích thêm về những lời lẽ hết sức cứng rắn của chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện Nga : Andreï Kartapolov nguyên là một sĩ quan trong quân đội và ông hiện đang điều hành Ủy Ban Quốc Phòng tại viện Duma. Nói cách khác, tiếng nói của ông rất có trọng lượng. Tướng Kartapolov đã chọn phát biểu qua kênh Telegram của Vladimir Soloviov, một nhà tuyên truyền với gần 1,3 triệu người theo dõi. Soloviov cũng là một nhân vật nổi tiếng trên đài truyền hình của Nga. Trả lời phỏng vấn trên kênh này, Kartapolov đã không khoan nhượng. Ông tuyên bố : « Việc đầu tiên cần làm là ngừng nói dối. Đất nước của chúng ta lâm nguy. Kẻ thủ đã hiện diện trên lãnh thổ của chúng ta, không chỉ tại các vùng lãnh thổ vừa mới sáp nhập vào nước Nga, mà ngay cả ở biên giới phía tây. Hầu như tất cả các ngôi làng sát đường biên giới, trong vùng Belgorod, đều đã bị phá hủy. Ai cũng có thể biết được những thông tin đó, khi nghe thống đốc Belgorod, hay các phóng viên chiến trường tường thuật trên kênh Telegram. Nhưng bộ Quốc Phòng thì vẫn giữ nguyên giọng điệu trong các bản báo cáo hàng ngày. Điều đó ai cũng có thể biết được ». Chiều qua, tổng thống Vladimir Putin vừa tuyên bố « hy vọng » tình hình sẽ ổn định tại các vùng lãnh thổ vừa sáp nhập vào nước Nga. Lời lẽ này như một mệnh lệnh và cũng là một lời đe dọa. Cùng lúc ông Putin đã thăng hàm thượng tướng cho lãnh đạo Cộng hòa Tchetchenia, Ramzan Kadyrov. Đây là cấp bậc cao thứ ba trong hàng ngũ quân đội Nga sau cấp đại tướng và nguyên soái. Ramzan Kadyrov cũng mới vừa chỉ trích mạnh mẽ Alexandre Lapine, phụ trách chiến dịch quân sự tại khu vực Lyman, vừa bị quân đội Ukraina chiếm lại. Cuối tuần qua, Kadyrov đã mạnh mẽ chỉ trích Alexandre Lapine là « kẻ bất tài ». *** Truyền thông Nhà nước Nga chỉ trích thất bại quân sự tại Ukraina ho đến nay, truyền thông Nhà nước Nga đã im lặng trước các thất bại dồn dập của quân đội Nga và lực lượng ly khai thân Nga, tại miền đông và đông bắc Ukraina, kể cả sau vụ thất thủ tại thành phố chiến lược Lyman thuộc vùng Donbass mà Matxcơva tuyên bố sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, hôm qua, 04/10/2022, nhiều phương tiện truyền thông Nhà nước Nga đã thay đổi giọng điệu.   Nhiều nhà bình luận quân sự Nga đã trực tiếp lên tiếng thừa nhận các thất bại quân sự. Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Anissa el-Jabri ghi nhận thay đổi đáng chú ý này :    ‘‘Vào kỳ nghỉ cuối tuần trước khi quân đội Ukraina giành lại thành phố Lyman, truyền thông Nhà nước Nga đã hoàn toàn im lặng. Tuy nhiên, ngày hôm qua, 04/10, trong một chương trình được người Nga theo dõi rất nhiều, công chúng có thể thấy người dẫn chương trình đã chất vấn một chỉ huy quân sự của lực lượng ly khai thân Nga tỉnh Lugansk : ‘‘Vì sao chúng ta lại chỉ tiến được từng mét một, trong lúc họ lại liên tục chiếm được hết làng này đến làng khác ?’’   Điều đáng quan tâm không phải là nội dung câu trả lời, bởi đối thủ của Nga không phải là Ukraina mà là NATO mà là việc nêu ra câu hỏi. Trên mạng Telegram, các bình luận còn quyết liệt hơn. Sau một loạt các chỉ trích dữ dội rất trực diện của giới dân tộc chủ nghĩa, lên án các chỉ huy quân sự Nga về thất bại tuần trước, chứ không lên án điện Kremlin, quân đội. Lần nay, các nhà báo chuyên về quân sự trên các phương tiện truyền thông Nga, trung thành với điện Kremlin, đã bày tỏ quan điểm dứt khoát trên kênh Telegram, vốn được rất nhiều người theo dõi. Hôm qua, một nhà bình luận rất nổi tiếng được khoảng 800.000 người đăng ký, viết: ‘‘tình hình khó khăn ở miền bắc, căng thẳng ở miền nam’’. Với khoảng 600.000 người đăng ký trên Telegram, một nhà báo rất có uy tín chuyên bình luận về quân sự của tờ Komsomolskaya Pravda, hôm qua, đăng một tin nhắn dài : ‘‘Ở đây có một số người cáo buộc tôi là đã làm mất tinh thần công chúng với những thông tin mà tôi loan tải. Rõ ràng mọi người cần được nghe những thông tin tích cực, nhưng hiện tại tình hình không phải như vậy’’.   Nhà báo này nhấn mạnh: ‘‘Sẽ không có những tin tức tốt lành trong tương lai gần, cả ở mặt trận Kherson, cả ở mặt trận Lugansk. Chúng ta không có đủ lực để giữ được tất cả các vùng đất đã giành được. Vì sao lại như vậy ? Bởi chúng ta không có đủ binh sĩ’’.   Đây dĩ nhiên là một vấn đề quân sự, nhưng cũng còn là một vấn đề mang tính chính trị. Hình ảnh và quan hệ với phương Tây đã không còn là mối quan tâm đối với tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên đối với chế độ Nga, người lãnh đạo không được phép tỏ ra là một kẻ thua cuộc trước con mắt của dân chúng trong nước’’.  Vladimir Putin ký ban hành luật sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraina Hôm nay, 05/10/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật chính thức sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraina, thuộc các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporijjia. Luật được ký sau khi đã được Quốc Hội lưỡng viện Nga phê chuẩn. Theo Reuters, các đòi hỏi về lãnh thổ của Nga chiếm đến 18% diện tích lãnh thổ Ukraina, cho dù đường biên giới cụ thể chưa được xác lập.   Matxcơva biện minh cho quyết định sáp nhập nói trên với ‘‘các cuộc trưng cầu dân ý’’, tổ chức cấp tốc tại bốn tỉnh của Ukraina hồi cuối tháng 9. Các cuộc trưng cầu dân ý Nga tổ chức trên lãnh thổ Ukraina bị nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres lên án hành động ‘‘phi pháp’’, ‘‘không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại’’.   Ngày 30/09, Nga dùng quyền phủ quyết bác bỏ một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án các cuộc trưng cầu dân ý nói trên. Dự thảo nghị quyết nói trên có thể sẽ được chuyển sang bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong những ngày tới.        
......

Khi Thăng Long …đứt long mạch?

Chủ Tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp Đại Sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery hôm 27/9/2022. Ảnh: Fanpage Đại Sứ Quán Pháp tại Việt Nam (trước khi bị thay bằng ảnh khác) Tân Phong - Việt Tân Tràn ngập trên mạng xã hội Việt Nam trong mấy ngày vừa qua là hình ảnh ông cháu ngoại của cựu Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng – Trần Sỹ Thanh, người mới được “bế” vào cái ghế “đô trưởng” thành phố Hà Nội, tiếp đón đại sứ Pháp Quốc với một kiểu cách hết sức hợm hĩnh khi vừa đút tay túi quần, vừa bắt tay ông đại sứ. Khỏi phải nói, nếu mà bỏ ít thời gian lướt qua các trang Facebook, đọc các comment về ông Chủ Tịch Trần Sỹ Thanh, đúng là cám cảnh thay cho “lãnh đạo” nước nhà. Cơ mà được cái, da mặt của các lãnh đạo cộng sản rất dầy, “băm chẳng lỗ, bổ chẳng vào,” “mặt trơ trán bóng” khỏi phải nói. Cứ nhìn những cái mặt quan chức xứ Đông Lào này thì rõ, ông nào ông ấy giống nhau kỳ lạ, mặt cứ phèn phẹt, đầy ứ ự, bóng nhẫy mỡ, chẳng biểu hiệu một chút cảm xúc gì. Khi gặp quan trên thì cắm cúi xu nịnh. Lúc xuống cơ sở thì hách dịch, vênh váo. Hình ảnh ông Chủ Tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đút tay túi quần tiếp đón ông đại sứ Pháp gây nhiều phản cảm về tác phong của quan chức CSVN Bức hình trên được đăng tải trên trang nhà của đại sứ quán Pháp, tự thân nó lột tả sự đối lập tệ hại giữa vẻ lịch thiệp ngoại giao của ông đại sứ và tướng mạo xấu xí, tác phong kệch cỡm của ông chủ tịch thành phố “ngàn năm văn hiến.” Mặc dù có “trát” lên người đủ mọi loại bằng cấp, học vị, chức danh, quyền thế nhưng xem ra cái cốt cách thì không thể cải tạo được. Một Fbker trên mạng đã bình luận một cách sâu cay: “Đúng là cóc nhái lên đĩa! Chẳng hiểu làm sao, cái đất thủ đô, mười mấy năm nay không có nổi một bộ mặt ra hồn …người. Cứ nhìn tướng mạo của mấy “lãnh đạo” nước nhà, thì thấy tương lai đất nước nó đi về đâu rồi…” Người viết có quen một người bạn trên Facebook nghiên cứu tử vi phong thủy đạt tới trình độ thực sự uyên viễn than thở “Hà Nội từ ngày làm cái đại lộ Thăng Long chết tiệt xung phá vào đất thiêng Ba Vì đã phá mất phong thủy thủ đô. Rồi đây tai ương không dứt. Không những người đứng đầu không bao giờ có thể yên vị mà vận nước sẽ suy bại không thể cứu vãn. Chẳng hiểu thằng ngu nào nó tư vấn cho đám lãnh đạo bò… Khó đến thế mà chúng nó cũng làm được…” Tôi thì không hiểu gì vấn đề tâm linh, phong thủy, lý số. Nhưng mà ngẫm lại nhìn tướng tá của bốn vị đô trưởng mới đây của Hà Nội thì đúng là …có vấn đề thật. 4 đời chủ tịch Hà Nội gần đây nhất (từ trái, trên) Nguyễn Thế Thảo (từ 8/2007 – 12/2015), Nguyễn Đức Chung (từ 12/2015 – 9/2020), Chu Ngọc Anh (từ 9/2020 – 6/2022) và Trần Sỹ Thanh (từ 7/2022 – đến nay.) Ảnh do tác giả cung cấp   Chẳng biết ông tân chủ tịch Hà Nội sẽ tại vị bao nhiêu lâu? Nhưng xem ra, với cái thói ăn tàn ăn bạo của đám quan trẻ bây giờ thì thật đáng sợ. Mới về ngồi chưa nóng ghế mà đã duyệt chi 21.000 tỷ đồng chỉ để thay 1100 cái xe buýt điện, Mỗi chiếc vị chi gần cả triệu Mỹ Kim. Chưa kể chi phí bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, depot… vận hành hệ thống. Thật là kinh khiếp làm sao. Câu chuyện về ông chủ tịch Hà Nội, “hạt giống đỏ,” 16 năm kinh qua 11 chức vụ, với đủ mọi học hàm, học vị sáng ngời, đứng đầu một thành phố lớn nhất nước nhưng thể hiện văn hóa thấp kém hẳn nhiên sẽ làm cho đám chóp bu “nóng mặt.” Đám hậu duệ “con em lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc” xem ra thua xa cha anh về nhiều mặt. Phú quí không sinh lễ nghĩa mà ngày thụt lùi nhân cách và văn hóa ở đám hậu nhân. Thực tế rõ ràng minh chứng công tác cán bộ và hệ thống giáo dục XHCN, cùng các phong trào “học tập đạo đức HCM” của người cộng sản đã thất bại hoàn toàn. Nhân tài là nguyên khí quốc gia, người xưa nói vậy. Vậy mà nhìn xem cái “nguyên khí Hà Nội” nó dị hợm, người chẳng ra người toàn giống tướng khỉ, tướng heo, gian manh, độc ác hiện ra mặt… thì biết là Thăng Long rồi sớm thành địa long (giun đất) mà thôi. Đừng nhìn vào thủ đô có bao nhiêu tòa nhà chọc trời, bao nhiêu khách sạn 6 sao, bao nhiêu resort sang trọng, khu nhà ở của dân siêu giàu… Hãy nhìn xem người dân ở đó được chính quyền quan tâm, ứng xử ra làm sao? Con người có được tự do, có được luật pháp bảo vệ và bình đẳng trước pháp luật hay không? Một thủ đô tự vỗ ngực là “phẩm giá và lương tri” nhưng người dân ai cũng có thể bị cướp bóc nhà cửa, đất đai, bị đàn áp khi lên tiếng chống lại bạo quyền. Thủ đô “ngàn năm văn hiến” nhưng người dân không có đủ bệnh viện, trẻ em không có đủ trường học, không có đủ nước sạch… thì cái mong muốn “rồng bay”… còn xa lắm. Nhân buổi nói chuyện phiếm đàm về tử vi lý số phong thủy với người bạn, giông dài liên tưởng đến tương lai của quốc gia chỉ thấy bao điều nặng lòng, chua xót. Người viết nhớ đến một bậc thày trong lĩnh vực này từng nói “Phong thủy lớn nhất của đời người chính là đạo đức, cốt cách, nỗ lực của người đó.” Suy rộng ra, thì phong thủy của một quốc gia, chẳng phải là đạo đức, phẩm giá và sự nỗ lực lao động, học hỏi không ngừng nghỉ của dân nước đó hay sao? Chẳng vì một con đường, một con kênh bị lỗi phong thủy mà một vùng đất bị suy bại mà chẳng qua lòng người đã ly tán, đạo đức đã suy đồi, phẩm giá đã bị bán rẻ mà thôi. Hãy nhìn về nước Nga hôm nay, đó là một minh chứng. Ai có thể tin nổi một đất nước từng vĩ đại, hào hùng, quả cảm. Một đất nước có vô số những tướng lĩnh kiệt xuất, nhà thơ, văn, nhạc sĩ tài danh… đã để lại những dấu ấn trong dòng chảy văn minh nhân loại… Vậy mà, chỉ mấy chục năm bị cai trị bởi một chế độ độc tài, toàn trị, tàn ác, bị đầu độc bởi thứ chủ thuyết vô thần, tôn sùng vật chất CS chủ nghĩa, bị nhồi sọ bởi giáo dục giáo điều và phản động… đã suy bại đến ngỡ ngàng. Chúng ta đang chứng kiến một đất nước, một xã hội đã từng rực rỡ đang lụi tàn. Đó là kết cục bi thảm của một dân tộc khi đã đánh mất đạo đức, phẩm giá. Bị kịch đó của dân tộc Nga cũng chính là bi kịch của chúng ta, của Việt Nam hôm nay. Chỉ có điều khác là Việt Nam vẫn còn cơ hội để người dân tự quyết định về vận mệnh của bản thân và dân tộc bằng cách thay đổi thể chế chính trị độc tài toàn trị, phản động CSVN. Còn với người dân Nga thì không. Và có lẽ, nếu ước mơ đó trở thành sự thực, thì người viết vẫn tin rằng: Long mạch của Việt Nam vẫn chưa đứt. Tân Phong  
......

Nhiều tầng tham nhũng và chiêu trò dân túy của ông Trọng

Đỗ Ngà Sâu mọt đục khoét nền kinh tế đất nước nhiều nhất ai cũng biết là tham nhũng, nhưng ở Việt Nam nó tham nhũng phát triển tầng tầng lớp lớp đến mức người ta phải phân loại nó. Tham nhũng có hai loại, loại biển thủ tiền nhà nước và loại tham nhũng chính sách. Trong thành phần biển thủ có tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Nói chung, tham nhũng Việt Nam được chia làm 3 tầng: Tham nhũng vặt, tham nhũng lớn và tham nhũng chính sách. Có thể tạm gọi tham nhũng chính sách là “tham nhũng khủng” vì sức tàn phá của nó là khôn lường. Không biết ranh giới giữa tham nhũng vặt và tham nhũng lớn là bao nhiêu, tuy nhiên, có một điều chắc chắn tham nhũng vặt số lượng rất đông. Tham nhũng vặt nó len lỏi mọi ngóc ngách của chính quyền. Từ ông trưởng thôn đến ông Bí thư tỉnh đều có thể tham nhũng vặt. Giống như Toyota bán xe bình dân giá rẻ hơn Rolls Royce rất nhiều nhưng tổng doanh thu của hãng Toyota thì lại rất khổng lồ so với hãng Rolls Royce. Cho nên theo ý kiến chủ quan của tôi thì tham nhũng vặt nó gây hại đất nước còn hơn cả tham nhũng lớn. Cái lò của ông Trọng chỉ đánh được loại tham nhũng lớn bỏ sót tham nhũng vặt bỏ luôn mảng tham nhũng chính sách. Mà tham nhũng chính sách lại là cha là mẹ sinh ra tham nhũng lớn. Nó nguy hiểm hơn rất nhiều. Lấy ví dụ như một quyết định thành lập các Tổng công ty và Tập đoàn nhà nước của ông Nguyễn Tấn Dũng thì sau trong đó hàng tá lãnh đạo tổng công ty và tập đoàn trở thành những kẻ tham nhũng lớn. Ông Tổng chỉ cho bắt Vũ Đình Duy – Chủ tịch của Công ty CP Hóa dầu Xơ sợi Dầu khí – PVTex, bắt Trịnh Xuân Thanh – cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam -PVC vv… chứ ông Trọng nào có tóm kẻ ban hành chính sách sinh ra những quan tham trên đâu? Hiện nay sản phẩm của ông Dũng vẫn còn và 12 đại dự án thua lỗ vẫn được Bộ Công thương nuôi sống. Như bài “Lùa gà cho sư tử và linh cẩu đánh chén” tôi đã đưa ra một hình thức tham nhũng chính sách trong việc thao túng giá vàng đã tồn tại 10 năm qua và nay vẫn còn đang tiếp tục. Một chính sách đã làm người dân mất rất nhiều tiền khi mua vàng giá cao, trong khi đó SJC chỉ cần thâu mua giá vàng từ dân về dập lại logo SJC là bán ra kiếm lời đến hơn 13 triệu đồng/lượng trong khi công dập chỉ mất 14 ngàn đồng/lượng. Rồi ai đã xử được kẻ ban hành Nghị Định 24/2012/NĐ-CP? Đâu phải chuyện thao túng giá vàng bằng chính sách? Vụ án Thủ Thiêm có gốc rễ từ Quyết Định 6565 được ông Nguyễn Văn Đua ký ngày 27 Tháng Mười Hai 2005 để phế bỏ Quyết Định 367 do ông Võ Văn Kiệt đã ký ngày 4 Tháng Sáu 1996. Đứng sau chữ ký trên Quyết định của ông Đua là ông Lê Thanh Hải. Từ Quyết định của ông Đua mới có Quyết định của Tất Thành Cang giao cho Đại Quang Minh gói thầu “siêu đắt” với giá 12 ngàn tỷ đồng cho 12 km đường nội bộ. Và với giá đó, thì biết bao nhiêu quan chức giàu “nứt đố đổ vách”? Vụ án Thủ Thiêm giờ đây vẫn chưa thể giải quyết, đã có người phải tự tử vì quá uất ức nhưng ông Trọng đã làm được gì những kẻ ra Quyết định kia? Hiện nay ông Phạm Minh Chính đang ra chính sách quy hoạch sân bay dày đặc để phục vụ cho các nhóm lợi ích theo ông từ nhiều năm nay, mà cụ thể đó là Sungroup, doanh nghiệp mà đã được Phạm Minh Chính giao cho làm Sân bay Vân Đồn trước đây và giờ nó gù ông Chính làm chính sách cho nó. Trong “3 tham” gồm tham nhũng vặt, tham nhũng lớn và tham nhũng chính sách thì tham nhũng lớn dễ thấy nhất, nó tàn phá đất nước kinh khủng nhưng không khủng bằng tham nhũng vặt và tham nhũng chính sách. Ông Nguyễn Phú Trọng chọn tham nhũng lớn mà đốt, nhưng đốt vẫn không xuể. Còn tham nhũng vặt và tham nhũng chính sách thì bỏ ngỏ để nó tàn phá đất nước thế nào thì phá. Có thể nói, cách chống tham nhũng của ông Trọng chỉ là một chiêu trò dân túy, vẫn không thể gãi ngứa được bộ máy tham nhũng khổng lồ và phức tạp ở đất nước này. Đánh tham nhũng, ông Trọng được tiếng thơm rất lớn nhưng đất nước này vẫn không giảm thiệt hại vì tham nhũng./.  
......

Con thuyền Putin đang bị ngấm nước, không biết chìm khi nào

Trương Nhân Tuấn Công cuộc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga xem như hoàn tất, trên phương diện pháp lý của Nga. Tòa Bảo hiến Nga phán rằng các hiệp ước về sáp nhập là “hợp hiến”, đồng thời Quốc hội Nga cũng đã phê chuẩn các hiệp ước và thông qua. Các hiệp ước sáp nhập có hiệu lực từ ngày 3 tháng 10 năm 2022. Trên “nguyên tắc”, 4 vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Zaporijjia và Kherson từ ngày này là “lãnh thổ của nước Nga”. Putin và các cộng sự diều hâu từ đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã nói đi nói lại rằng Nga sử dụng mọi thứ vũ khí hiện có để bảo vệ lãnh thổ của mình. Mọi người đều hiểu lời hăm dọa này bao gồm việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Vấn đề là địa danh Lyman, một cứ điểm quan trọng về chiến lược đối với quân Nga (thuộc Donetsk) đã bị quân Ukraine giải phóng vào ngày 1 tháng 10. Chiến thắng không ai dám nghĩ tới vào đầu năm nay. Trở lại câu hỏi “Lãnh thổ Nga đã bị Ukraine xâm phạm. Putin có dám chơi vũ khí hạt nhân hay không ?” Theo tôi, ở thời điểm này, câu trả lời là “không”. Cán cân lực lượng 1:10 giữa quân Ukraine và quân Nga từ đầu cuộc chiến đến nay có thể là 50:50. Cán cân lực lượng sẽ còn có thể thay đổi. Quân Nga ngày càng mất tinh thần chiến đấu trong khi quân Ukraine thì ngược lại. Quân Nga, ngay cả người dân Nga, không thấy đâu là lợi ích của việc chiếm đất Ukraine. Còn người Ukraine tất cả đều có ý thức rằng “mất nước là mất tất cả”. Vì vậy nhiều khả năng quân Nga sẽ không giữ được lâu dài các vùng đất vừa sáp nhập. Putin mới lên tiếng hôm qua đại khái rằng sẽ “hỏi ý kiến người dân” để biết rõ ranh giới của các vùng đất vừa sáp nhập. Rõ ràng là một chiến thuật luồn lách, câu giờ. Các vùng lãnh thổ vừa sáp nhập, giấy tờ ký chưa ráo mực, có nơi đã bị quân Ukraine chinh phục lại. Putin không dám “bấm nút hạt nhân” trả đũa, mặc dầu địa bàn Lyman là nơi lý tưởng để tiêu diệt quân Ukraine bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật (bom N). Nói rằng ranh giới các vùng này chưa xác định chỉ là một cái cớ. Hoặc là vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga không (hay chưa) sẵn sàng. Hoặc Putin bị Biden hăm dọa (bằng đường dây riêng giữa hai bên) trả đũa. Nhưng ta không thể loại trừ khả năng Putin dành một “không gian đàm phán” với Zelensky. Ta có thể hiểu là biên giới các vùng lãnh thổ này sẽ “co giãn”, Putin có thể nhượng bộ cho đến khi Zelensky chấp nhận một đường biên giới mới. Điều này tôi có nói vài hôm trước, Putin có thể “trả” lại cho Ukraine hai vùng Kherson và Zaporijjia. Ta cũng không thể loại trừ khả năng Putin chấp nhận cho Ukraine gia nhập NATO. Ý chí “bảo vệ lãnh thổ quốc gia” chỉ có thể được thể hiện khi ranh giới lãnh thổ quốc gia được xác định rõ rệt, bằng các hiệp ước phân định biên giới, có hiệu lực pháp lý và được cộng đồng quốc tế nhìn nhận. Điều này đúng với cả hai bên Nga và Ukraine. Khó khăn của Ukraine khi gia nhập NATO, ngoài thái độ chính trị của các quốc gia thành viên, là đường biên giới của Ukraine phải được xác định và biên giới này phải được sự nhìn nhận của quốc tế. Điều cốt lõi của Minh ước Bắc đại tây dương là “bảo toàn lãnh thổ các quốc gia thành viên”. Biên giới Ukraine chưa xác định, trong khi chiến tranh bùng nổ mà nguyên nhân do tranh chấp lãnh thổ. Vì vậy ý kiến của Mỹ là “khoan hãy nói chuyện này vào lúc này”, khi đề cập đến đơn gia nhập NATO của Zelensky. Cho dầu thế nào thì kết quả trên chiến trường sẽ quyết định những gì trên bàn hội nghị (nếu có một hội nghị). Quân Ukraine đang tiến “như chẻ tre”, trong khi Putin có thể bị phiền phức do xáo trộn xã hội vì các quyết định “động viên từng phần”. Chắc gì Zelensky chịu ngồi vào đàm phán ? Và Zelensky có lý khi yêu sách “sẽ đàm phán nhưng không nói chuyện với Putin”. Đây là một đòn “chiến tranh tâm lý” có thể hạ bệ Putin. Không phải người Nga nào cũng đứng về phía Putin, nhứt là vào lúc này, con thuyền Putin đang bị ngấm nước, không biết chìm khi nào.
......

Việt Nam không đủ tiêu chuẩn vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ

Theo báo cáo chung của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, CSVN không đủ tiêu chuẩn vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Ảnh: Việt Tân Một tuần trước khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bầu các thành viên vào Hội Đồng Nhân Quyền, một liên minh các tổ chức nhân quyền phi chính phủ từ Châu Âu, Mỹ và Canada đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không bỏ phiếu cho Afghanistan, Algeria, Sudan, Venezuela và Việt Nam, vì chính phủ các quốc gia này “không đủ tiêu chuẩn” để làm thành viên của cơ quan nhân quyền cao nhất của LHQ. Đánh giá của liên minh các tổ chức nhân quyền được dựa trên hồ sơ nhân quyền cũng như hồ sơ biểu quyết của họ về các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc liên quan đến nhân quyền. Những hành vi vi phạm, lạm dụng của những quốc gia ứng viên này được nêu chi tiết trong một báo cáo chung của UN Watch, Human Rights Foundation (HRF) và the Raoul Wallenberg Center for Human Rights (RWCHR), đã được chuyển tới các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Quốc và được công bố trong cùng ngày họp báo tại New York, ngày 3 tháng Mười, 2022. Tại cuộc họp báo, Tổng Bí Thư Việt Tân ông Hoàng Tứ Duy đã trình bày về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam để kêu gọi các thành viên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc KHÔNG BẦU cho CSVN vào ngày 11 tháng Mười. [Xem phần phát biểu của ông Hoàng Tứ Duy: https://viettan.org/csvn-khong-xung-dang-la-thanh-vien-cua-hoi-dong-nhan-quyen-lhq/] Việt Tân cùng UN Watch đều là thành viên trong liên minh các nhóm bảo vệ nhân quyền tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Geneva hàng năm. Sau đây là Hồ sơ Nhân Quyền và Hồ sơ biểu quyết của Việt Nam được nêu ra trong báo cáo chung của các NGO: HỒ SƠ NHÂN QUYỀN CỦA VIỆT NAM Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm: Các vụ giết người trái pháp luật hoặc tùy tiện; tra tấn; điều kiện giam giữ trong nhà tù khắc nghiệt và nguy hiểm đến tính mạng; bắt giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; các vụ trả thù mang động cơ chính trị chống lại các cá nhân trong một quốc gia khác; sự thiếu tính độc lập của cơ quan tư pháp; can thiệp bất hợp pháp vào quyền riêng tư; hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả việc bắt giữ tùy tiện những người chỉ trích chính phủ, kiểm duyệt và đưa ra các đạo luật hình sự mơ hồ nhắm vào những người bất đồng chính kiến; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hiệp hội; hạn chế quyền tự do đi lại; thiếu bầu cử tự do và công bằng; tham nhũng có hệ thống trong chính phủ; buôn người; và lao động trẻ em. Việt Nam là một nhà nước cộng sản với hệ thống chính trị độc đảng. Các cuộc bầu cử được kiểm soát bởi đảng cộng sản và không được xem là tự do và công bằng. Chính phủ Việt Nam hạn chế khắt khe quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo. Bộ luật hình sự của Việt Nam nghiêm cấm việc chỉ trích chính phủ và nhà nước kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông. Chính phủ chủ trương bắt giam và đàn áp các nhà báo và blogger độc lập. Thêm nữa, luật an ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 hạn chế quyền tự do Internet và vi phạm quyền riêng tư bằng cách yêu cầu các công ty như Google và Facebook phải lưu giữ thông tin về người sử dụng tại Việt Nam và ngăn chặn quyền truy cập vào một số nội dung. Chính phủ cũng tiến hành giám sát các công dân của mình trên mạng. Quân đội có một đơn vị đặc biệt với 10.000 “chiến sĩ không gian mạng” (Lực lượng 47) để thúc đẩy đường lối của đảng và tấn công những người bất đồng chính kiến trên mạng. Theo Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), khoảng 40 nhà báo hiện đang bị giam cầm trong các nhà tù của Việt Nam. Người đứng đầu Văn phòng quản lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của RSF ông Daniel Bastard mô tả Việt Nam là “nhà tù lớn thứ ba trên thế giới dành cho các nhà báo” sau Trung Quốc và Miến Điện. Vào tháng 1 năm 2021, Việt Nam gia tăng đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến ​​ngay trước đại hội đảng Cộng Sản, một cuộc họp lãnh đạo đảng được tổ chức 5 năm một lần. Trong tháng đó, ba thành viên nổi bật của Hiệp Hội Nhà Báo Độc Lập đã bị xét xử và bị tuyên án từ 11 đến 15 năm tù giam. Sau đó trong cùng năm, blogger/nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù giam vì bị cho là đã “tuyên truyền chống nhà nước.” Vào năm 2021, một số nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến ​​khác đã bị khởi tố theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự, trong đó hình sự hóa một số hoạt động bị cho là “nhằm mục đích chống lại nhà nước.” Ngoài ra còn có ít nhất 11 người bị khởi tố theo Điều 331 Bộ Luật Hình Sự vì bị cho là “lạm dụng các quyền tự do và dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.” Còn có nhiều nhà bất đồng chính kiến ​​và nhà hoạt động khác bị tùy tiện giam giữ tại nhà, bị đe dọa và bắt cóc. HỒ SƠ BIỂU QUYẾT CỦA VIỆT NAM: TỒI TỆ Việt Nam là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền từ năm 2014 đến năm 2016. Với tư cách đó, chính phủ Việt Nam đã phản đối các nghị quyết lên tiếng cho các nạn nhân nhân quyền ở Belarus và Iran và đã không ủng hộ các nghị quyết lên tiếng cho các nạn nhân nhân quyền ở Burundi và Syria. Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho các nghị quyết làm suy yếu các quyền con người của cá nhân hoặc can thiệp vào các vấn đề vượt quá quyền hạn của Hội Đồng. Tại Đại Hội Đồng, Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại các nghị quyết lên tiếng cho các nạn nhân nhân quyền ở Iran và Georgia và đã không ủng hộ các nghị quyết lên tiếng cho các nạn nhân nhân quyền ở Crimea và Syria. Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho các nghị quyết làm suy yếu các quyền con người của cá nhân bằng cách nâng cao các quyền mơ hồ và không xác định, chẳng hạn như “quyền phát triển” và “quyền hòa bình,” lên trên các quyền con người cá nhân được thế giới công nhận, bảo vệ những người vi phạm nhân quyền thông qua một nghị quyết bác bỏ quyền xử phạt các chính quyền đàn áp nhân quyền và đã không hỗ trợ một nghị quyết về việc truy cứu trách nhiệm nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng./. XEM THÊM: CSVN không xứng đáng là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ  
......

Cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Rösler, niềm tự hào của Tuyên giáo Việt Nam

Chân dung cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Roesler. Tu Lap Duong Nhân ngày nước Đức (Cộng hòa Liên bang Đức) thống nhất, ngày 3 tháng 10 năm 1990, nói chuyện chưa thống nhất với một cựu Phó Thủ tướng Đức “gốc Việt”, rằng ông ta có phải là người Việt gốc hay không? Nhiều lúc nhìn ảnh chân dung cựu Phó Thủ tướng Đức, ông Philipp Rösler, “gốc Việt”, chúng tôi, những người Việt “original” sinh sống ở Đức thường chạnh lòng thắc mắc, nghi ngờ tự hỏi: Trông ông ta châu Á thì trăm phần trăm rồi. Sóc Trăng, một tỉnh của miền Nam Việt Nam cũng trăm phần trăm luôn. Nhưng chắc gì đã là người Việt, cái bản tính ấy với khuôn mặt này? Thậm chí số nhiều bảo trông hao hao giống Ấn Độ, số ít hơn nói giống Campuchia, số còn lại thì hoài nghi. Nếu cứ đi tìm thông tin về ông ta từ các nguồn, cả báo Đức, nhưng chủ yếu báo chí trong nước thì viết na ná giống nhau. Đại để, có một cặp vợ chồng người lính Đức nhận ông ta từ lúc 9 tháng tuổi ở một trại mồ côi, hay cô nhi viện gì đó tại Sóc Trăng, miền Tây Nam bộ năm 1973, thời khói lửa binh đao Việt Nam Cộng hòa. Rất có thể cha đẻ của đứa nhỏ Philipp Rösler là lính đánh thuê Á châu? Bởi vì lúc ấy lính đánh thuê có gốc châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Úc, New Zealand, Vương quốc Lào, Cộng hòa Khmer sau này là Quốc vương Campuchia, cùng lính châu Âu vào miền Nam nước Việt tham chiến cũng không phải ít. Bố nuôi người Tây Đức của ông ta là một minh chứng. Trừ phụ nữ Việt là dân bản địa thì không nói, nhưng ở vùng Sóc Trăng khi đó còn có phụ nữ Hoa kiều, Khmer, Thái Lan, Lào, Miến Điện… Chắc gì cha của đứa trẻ quan hệ với phụ nữ Việt. Nếu cái điều “chắc gì” đó xẩy ra thật, thì ông Philipp Roesler rất có lý khi không bao giờ ta thấy ông ấy nhận mình là người “gốc Việt” ở bất cứ nơi nào ông được hỏi. Cũng đúng thôi, bởi trong con người ông hoàn toàn không có dòng máu Việt. Chẳng qua ông ta được đưa từ Nam Việt về Đức, trong khi chính mồm ta cứ bù lu bù loa ông ấy “gốc Việt”. Cái trại mồ côi này khi đó không chỉ riêng trẻ Việt mà còn có trẻ Miên, trẻ Lào và trẻ châu Á… Nghĩa là bọn chúng được thu gom từ nhiều nơi gộp lại, được các nữ tu sĩ, bà phước, bà xơ cưu mang chăm bẵm. ợ chồng người lính Đức đưa đứa trẻ 9 tháng tuổi trở về Đức ngay sau khi xin được và tất nhiên đứa bé đã mang tên họ hoàn toàn Đức – Philipp Rösler. Chứ không có kiểu tên họ nửa Tây nửa ta, họ Đức tên Việt hay họ Việt tên Đức. Được dạy dỗ từ ấu thơ trong môi trường ưu việt ở một quốc gia vào bậc nhất nhân loại, tới lúc trưởng thành, rất danh giá. Đó là nỗ lực học tập phấn đấu tự chính bản thân ông ta vươn lên. Phải nói thật đáng khâm phục. Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hannover, một trong những trung tâm y tế đại học hàng đầu thế giới. Trước khi trở thành chính trị gia, ông từng là một bác sĩ phẫu thuật tim. Năm 1999, ông thực tập Y khoa tại Bệnh viện Các lực lượng vũ trang Liên Bang ở Hamburg. Năm 2002, ở tuổi 29 ông làm lễ thành hôn với bà Wiebke Lauterbach, cũng là một bác sĩ. Cùng năm đó, ông nhận bằng tiến sĩ Y khoa tại Đại học Y Hannover. Bốn năm sau ông bà sinh đôi hai cô con gái. Năm 2009, khi 36 tuổi Philipp Roesler lọt vào hàng Bộ trưởng Bộ Y tế, vị Bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử nước Đức hiện đại. Năm 2011, ở độ tuổi 38, ông được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (Freie Demokratische Partei – viết tắt FDP). Đồng thời được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức. Đây là chức vụ cao nhất trong cuộc đời làm chính trị của ông, dẫu thời gian không dài. Tháng 9 năm 2013, Rösler chính thức từ chức Chủ tịch đảng, sau khi đảng (FDP) của ông lần đầu tiên với kỷ lục số phiếu thấp nhất mà lịch sử đảng này chưa từng có. Đồng nghĩa với việc thôi chức vụ Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức. Cũng từ đây ông giã biệt sự nghiệp chính trị ngắn ngủi của mình. Trong các bài viết và phỏng vấn cựu Phó Thủ tướng Đức “gốc Việt” Philipp Roesler, phải lấy tạp chí Spiegel (Tấm gương), một tuần san tin tức nổi tiếng của Đức đã từng phỏng vấn ông ta thì mới thấy ông này luôn khẳng định rằng ông là người Đức gốc Á châu, chứ chưa bao giờ nhận mình là người Việt Nam. Tôi nhắc lại từ “chưa bao giờ”. Ông ta không nói được một chữ tiếng Việt nào chứ đừng nói là một câu. Ông cũng không muốn học tiếng Việt. Chỉ khi vợ ông, bà Wiebke Roesler vận động thuyết phục ông tìm về cội nguồn, thì lúc đó ông mới miễn cưỡng trở về Việt Nam lần đầu tiên năm 2006 ở tuổi 33. Mà lần đầu ấy ông ta cũng không tìm về địa danh Sóc Trăng, thời thơ ấu bất hạnh của mình. Chắc là đi chỉ vì chiều lòng vợ? Khi bị thất sủng, rời chính trường Đức, cùng gia đình đến Thụy Sĩ để bước vào công việc mới thì ông có trở lại Việt Nam khoảng 3-4 lần. Tất nhiên những lần sau này không còn quyền lực chính trị nữa, nghe chừng ông ta có vẻ cởi mở hơn. Đại sứ Lê Linh Lan và Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ Philipp Rosler. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN) Tiến sỹ Philipp Rosler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, vừa được chính thức bổ nhiệm vị trí Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ. Cứ theo báo chí Tuyên giáo của Đảng Cộng sản trong nước đồng loạt đưa tin, viết bài tung hô, tụng ca ầm ĩ, nhức nhĩ đau tai, thì ông Philipp Rösler quả là con người tuyệt vời. Rằng ông đã viện trợ thuốc men y tế, rằng ông nhớ tới cội nguồn, rằng ông yêu quê hương, rằng ông thương đất nước, rằng ông ước non sông… những cái rằng ấy chỉ là viển vông con khỉ tiều. Ông ta là người như thế nào? Tư cách ra sao? Thiết tưởng phải nên hỏi người Việt Nam sống ở nước Đức này chứ sao lại là báo Tuyên giáo Đảng. Đang nói chuyện ông Philipp Rösler “gốc Việt” lòng bỗng vẩn vơ nhớ đến câu chuyện khác. Trường hợp gốc Việt khác, người thực, việc thực là vụ nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, là người đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ 10 năm 1980 tại thủ đô Warszawa (Ba Lan). Cũng lần đầu tiên ấy Sơn, một nghệ sĩ dương cầm Việt Nam tự hào đại diện cho châu Á duy nhất đoạt giải cao tại cuộc thi này. nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, Từ lúc Sơn được thầy giáo dạy nhạc người Nga phát hiện tài năng, đề nghị cho qua Liên Xô học tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky ở Moskva, rồi tới Warszawa, giành giải nhất, không hề có sự bảo trợ giúp đỡ nào của nhà nước Việt Nam, chỉ vì lý do Sơn là con trai nhà thơ Đặng Đình Hưng, là người có “vết nhơ” trong vụ Nhân văn – Giai phẩm năm 1958. Nhưng ngay sau khi nhận được tin Đặng Thái Sơn đoạt giải quốc tế, báo Nhân Dân (Cơ quan ngôn luận của đảng CSVN) đưa tin đầu tiên, bài đăng trên trang nhất liên tiếp trong ba ngày. Đến cả con mèo tam thể trong gầm giường nhà Sơn cũng được moi ra tấm tắc ngợi ca. Nhưng tuyệt nhiên không có một chữ nào về người cha đẻ khốn khổ Đặng Đình Hưng của Sơn! Rồi Ban đây, Bệ kia được lập hội, họp báo rầm rộ, tự hào Việt Nam tôi đấy. Rồi phong danh dự này, tước hiệu nọ, rồi thì là mà bỗng Sơn hóa ra Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn do Đảng phong tự lúc nào không hay. Từ chuyện con mèo tam thể của Sơn đến chuyện mèo mửa này của Tuyên giáo độc đáo làm sao. Sơn ‘nghe giai điệu tổ quốc tôi’ chắc cũng nhàm tai nên chào “gút bai” dọt lẹ sang xứ Canada để ẩn dài dài. *** Ở Đức, nếu hỏi người Việt ông Philipp Rösler là ông nào thì rất ít người biết, ngoại trừ những kẻ lẩm cẩm như chúng tôi hay coi thời sự. Bởi ông ta có bao giờ tỏ thái độ, hay nghĩa cử, lời nói, cũng như hành động, thể hiện rằng mình rất quan tâm đối với cộng đồng gần tám bẩy ngàn năm trăm người Việt (87.500) sống trên nước Đức này, hay ông hằng ngày âm thầm giúp đỡ họ. Quên đi. Mà ở đời nó như thế, “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Anh không nhớ tới tôi thì lẽ nào tôi lại phải đời đời nhớ anh, không có chuyện đó. Tám bẩy ngàn người Việt đâu có ít, họ hiện hữu ở ngay trên quê hương anh mà anh, một người “gốc Việt” ở cương vị cao không quan tâm lại bảo anh để tâm tới người nước Việt cách Đức những gần mười nghìn (9.339) cây số, thì bố ai tin. Đó là chưa nói đến việc ông ta luôn ủng hộ chính phủ Trung Quốc, kẻ thù nước Việt của ông. Ta dễ dàng nhận thấy cảm tình của người dân Tây Berlin hò reo hân hoan, vỗ tay dậy trời vang đất khi Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy tới thăm Tây Đức, trước Tòa thị sảnh Schöneberg, tháng 6 năm 1963 với lời chào ngắn gọn “Ich bin ein Berliner” có nghĩa: “Tôi là một người Berlin”, mặc dù ông là người Mỹ chính hiệu. Các đời Tổng thống Mỹ, dù họ không nói được tiếng Việt nhưng chí ít họ cũng tỏ thái độ thiện cảm bằng tiếng Anh, để dân nước Việt mát lòng như Bill Clinton khi lần đầu đến thăm Việt Nam tháng 11 / 2000 đã lẩy hai câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Sen tàn cúc lại nở hoa Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”. Hoặc như ông Phó Tổng thống Mỹ Joe Binden, tại buổi gặp tháng 7/2015 tiếp lão Bí Tổng Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Mỹ trong Bộ Ngoại giao: “Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Hay như ông Barack Obama tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội tháng 5/2016: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”. Rất biết dù đó chỉ là hình thức ngoại giao nhưng dẫu sao vẫn gây chú ý để lòng ta lâng lâng nao nao cảm động. Bởi có người ngoại quốc lại thuộc văn chương nước mình, tiếng mẹ đẻ của mình. Vậy thì ông cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Rösler người Đức “gốc Việt”, kẻ chưa từng một lần nhận mình là người gốc Việt Nam. Không có một nghĩa cử nào đối với thường dân Việt sinh sống trên đất nước Đức của ông ta, mà ta (báo chí Tuyên giáo Đảng) cứ nhận vơ vào để tự hào đến mức vô liêm sỉ, huyễn hoặc lố bịch viển vông, há cái mặt Việt ta nếu không phải tro thì cũng mặt mo, mặt trấu. Dương Tự Lập    
......

Dân Nga bỏ phiếu bằng chân: Putin đã sai khi gây chống đối từ trong nước

Những đoàn người Nga tiếp tục chạy sang vùng biên giới Verkhny Lars với Gruzia sau khi có lệnh động viên, để tránh bị đưa sang chiến trường Ukraina. Ảnh chụp ngày 28/09/2022. AP - Zurab Tsertsvadze Thụy My - RFI Người Nga tìm đủ mọi cách để chạy trốn lệnh động viên. Putin đã phạm sai lầm là mở ra một « mặt trận bên trong », khi ngưng ngang khế ước xã hội ngầm với người dân. Sa hoàng đỏ bất lực trong việc hình dung ra một lối thoát cho một cuộc chiến đã thấy trước thất bại, bèn chìa ra lá bài tẩy cuối cùng : nguyên tử. Thế thì sự nghiệp của Putin sẽ kết thúc từ đây. Putin ngang nhiên sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraina, bầu cử tổng thống Brazil, cuộc nổi dậy ở Iran, đại hội đảng cộng sản Trung Quốc là những đề tài được các tuần báo kỳ này đề cập nhiều. Courrier International ghi nhận, lệnh động viên của Vladimir Putin, cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu và lời đe dọa dùng vũ khí nguyên tử đánh dấu mức độ không còn có thể quay lui, khiến nhiều người Nga phải chạy trốn khỏi đất nước mình. Bắt lính bừa bãi và trò hề trưng cầu dân ý Tuần báo Pháp dịch bài viết của tờ Lioudi Baikala ở Xibêri kể lại những gì diễn ra ở Cộng hòa Buryatia. Trên mạng xã hội, người Buryat lập tức gọi đêm 21 rạng sáng 22/09 là « Đêm phán xét cuối cùng ». Tối 21, các viên chức và giáo viên đã chuẩn bị các lệnh gọi nhập ngũ để phân phát cho các gia đình. Họ được lệnh buộc những người đàn ông bị động viên ra khỏi giường, đưa lên xe và chở ngay đến quận đội, từ đó tập trung về thủ phủ Ulan-Ude. Khoảng 6.000-7.000 nam giới trên tổng số 980.000 dân Buryatia sẽ phải ra chiến trường Ukraina. Không chỉ dân những vùng đất hẻo lánh bị « ưu tiên » ra trận. Theo The Diplomat, đại sứ quán các nước Trung Á cảnh báo nguy cơ công dân nước mình đang lao động ở Nga - trên 4,5 triệu người Uzbekistan và 1 triệu người Kazakhstan -  có thể bị dẫn dụ gia nhập quân đội Nga bằng lời hứa lương cao và cho nhập tịch. The Economist mỉa mai « Chẳng có gì để ăn mừng ». Tuần báo hình dung ra các cuộc « trưng cầu dân ý » đánh dấu thành công của « chiến dịch quân sự đặc biệt », tại những vùng đất mới chinh phục, người dân rưng rưng lệ vì được giải phóng khỏi « phát-xít », tung những đóa hoa chào mừng. Tại Nga, thần dân tập hợp tung hô Putin như hồi sáp nhập Crimée năm 2014. Quân đội Ukraina tan rã, chính phủ sụp đổ và tổng thống lưu vong ; châu Âu quy phục vì lệ thuộc vào dầu khí Nga. Một bức tranh thật đẹp để mừng sinh nhật 70 tuổi của Vladimir Putin vào ngày 07/10. Thế nhưng thực tế là quân đội Nga thảm bại trước lực lượng Ukraina, dân Nga bỏ chạy bằng mọi cách. Phương Tây quyết tâm hỗ trợ Kiev hơn bao giờ hết, Mỹ gởi thêm các hệ thống hỏa tiễn đã gây kinh hoàng cho lính Nga. Trưng cầu dân ý chỉ là trò cười : có thể « bỏ phiếu » tại những băng ghế nơi công cộng, trong cửa hàng, trụ sở cảnh sát hay như ở Zaporijia, những người vũ trang có mặt tại chỗ để bảo đảm cử tri đánh dấu thuận với việc sáp nhập. Dù vậy họ cũng bỏ ngỏ các chốt kiếm soát để thả cho những người chống đối chạy trốn bớt. The Economist ghi nhận nhờ đó hàng trăm chiếc xe đã thoát khỏi vùng tạm chiếm. Cặp vợ chồng làm giàu nhờ ra sức tuyên truyền cho Kremlin Bộ máy tuyên truyền của Nga phải hoạt động hết công suất đểtô vẽ cho thực tế thảm hại. L'Express chỉ ra hai cái tên chủ chốt « Margarita Simonian và Tigran Keosayan. Hôm 19/09, Simonian, giám đốc mạng lưới kênh truyền hình RT đã thản nhiên đe dọa tuần lễ này « đánh dấu chiến thắng đang đến gần, hoặc là sắp xảy ra chiến tranh nguyên tử ». Vài tuần trước bà ta nhấn mạnh « cần phải nghiền nát những kẻ ‘không phải là người’ cho đến cùng ».  Trên truyền hình nhà nước cũng như trên danh khoản Telegram có 350.000 người theo dõi, lý lẽ của Margarita Simonian không thay đổi : Ukraina là những tên quốc xã, phương Tây cũng không hơn gì. Chẳng hạn trong talk-show hôm 05/09, được hỏi về người Ukraina, Margarita Simonian khẳng định « Đó không phải là con người mà là những tên sát nhân ». Còn Mỹ ? « Họ đã sáng tạo ra phát-xít, thế nên họ ủng hộ Ukraina ». Các khách mời hăng hái vỗ tay. Một chương trình bình thường tại nước Nga của Putin ! Hai ngày trước đó, chồng bà là Tigran Keosayan trong chương trình hàng tuần trên NTV lăng mạ nhà cựu lãnh đạo Mikhail Gorbatchev mới vừa qua đời, vì đã « phá hủy Liên Xô »; gọi người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell là « xác sống », chế giễu người châu Âu sắp chết rét vì không có khí đốt Nga, coi Volodymyr Zelensky là người nghiện cocain. Cả hai sử dụng nhuần nhuyễn món võ của Nga là « ô nhiễm thông tin » : chính Ukraina đã bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia năm 2014, nhà đối lập Alexei Navalny bị tình báo Anh đầu độc... Làm thế nào cặp vợ chồng này leo lên đến đỉnh cao quyền lực? Tháng 9/2004, Margarita Simonian lúc đó 24 tuổi, khi đưa tin về thảm kịch Beslan (gần 1.000 người bị giữ làm con tin ở một trường tiểu học, 330 người chết trong đó có 180 trẻ em) đã cố tình giảm số con tin chỉ còn 1/3, nói láo rằng bọn khủng bố không đưa yêu sách ...Nhờ vậy một nhân vật thân tín của Vladimir Putin là Alexei Gromov đã cất nhắc, giúp Simonian đổi đời : cho đứng đầu hệ thống Russia Today vừa thành lập, tổng biên tập hãng tin Rossia Segodnia (RIA Novosti cũ) và sau đó là Sputnik News. Và một khi đã được nhận vào giới tinh hoa của chế độ thì có đặc quyền tham nhũng. Một cuộc điều tra của Alexei Navalny từ tháng 3/2020 cho biết mỗi chương trình do studio tư nhân của hai vợ chồng làm ra được bán cho kênh NTV với giá 3,5 triệu rúp (60.000 euro), nhưng sử dụng tiền và nhân lực của kênh RT do Margarita Simonian lãnh đạo. Chương trình còn được Aeroflot tài trợ vô cùng hào phóng, giao cho ngân sách quảng cáo khổng lồ. Cặp Simonian-Keosayan sở hữu nhiều lâu đài, căn hộ, xe hơi sang trọng. Những nhà báo Ukraina trụ lại Kiev khi xe tăng Nga tràn sang Ở chiều ngược lại, Le Point phỏng vấn Olga Rudenko, tổng biên tập báo « Kyiv độc lập », người được tạp chí Time của Mỹ đưa lên trang bìa và xếp vào số « các nhà lãnh đạo của thế hệ tương lai ». Nếu Kiev bị tấn công, ai sẽ ở lại ? Đó là câu hỏi mà Rudenko đặt ra cho các phóng viên trong đêm 24 rạng sáng 25/02, khi các xe tăng Nga bắt đầu tiến vào Ukraina. Người lãnh đạo 33 tuổi lo sợ anh em trong tòa soạn sẽ hoảng loạn hay tuyệt vọng, nhưng các nhà báo trẻ tuổi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ dù hầu hết đều có người thân bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi tại Matxcơva các tờ báo độc lập lần lượt bị đóng cửa, Kyiv độc lập tiếp tục thu thập tài liệu và đưa tin về cuộc chiến, chống bóp méo thông tin. Olga Rudenko thổ lộ, năm vừa qua là khó khăn nhất cho Ukraina kể từ nhiều thập niên, nhưng họ học được một điều là khi dân tộc đoàn kết thì sẽ có khả năng hy sinh mọi thứ cho đất nước. Tại Ukraina, người ta đã chứng kiến những điều tồi tệ nhất nhưng cả những gì tốt đẹp nhất của nhân loại. Có những ngày bà tự hỏi phải chăng suốt đời phải viết về những thảm cảnh mà dân tộc mình phải chịu đựng, nhưng rồi lại tự vực dậy, tin tưởng chính nghĩa sẽ thắng. Người Nga bỏ phiếu bằng đôi chân, Sa hoàng trở nên trần trụi Trong bài « Sa hoàng cởi truồng », L'Obs nhận định, từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina cách đây bảy tháng, câu hỏi đặt ra là ngoài giới đối lập, người Nga chấp nhận đến mức nào mưu đồ chinh phục của Vladimir Putin ? Và giờ đây chúng ta đã có được câu trả lời. Khi ông chủ điện Kremlin tuyên bố « động viên từng phần », người Nga đã tìm đủ mọi cách để chạy trốn : họ đã bỏ phiếu bằng đôi chân. Năm 2014, khi Putin dùng vũ lực sáp nhập Crimée, tỉ lệ tín nhiệm của ông ta lên đến mức cao nhất. Nhưng tổng thống Nga đã lầm khi nghĩ rằng sẽ lập lại thành tích khi tấn công toàn bộ nước láng giềng Ukraina. Putin đã làm tất cả những gì cần thiết : nói rằng đó là « chiến dịch quân sự đặc biệt » chứ không phải chiến tranh, chỉ gởi sang Ukraina quân nhân chuyên nghiệp chứ không phải lính quân dịch, hạ thấp ảnh hưởng trừng phạt của phương Tây. Ông ta bịt miệng tất cả báo chí độc lập - như tờ Novaia Gazeta mà tổng biên tập Dimitri Muratov được nhận giải Nobel Hòa bình, cho tuyên truyền ồ ạt trên truyền thông nhà nước luận điệu dân tộc chủ nghĩa, cố tô đậm những vinh quang thời Đệ nhị Thế chiến... Tất cả đều suông sẻ, cho đến đầu tháng Chín, khi cuộc phản công của Ukraina tại Kharkiv thành công rực rỡ, quân Nga bị đánh tan tành không còn manh giáp. Sự thờ ơ của dân Nga biến thành phẫn nộ, chống đối, khi các thanh niên có nguy cơ bị đưa vào chỗ chết trong một cuộc chiến không thấy lối ra. Vladimir Putin đã đưa con virus hoài nghi và phản kháng vào một xã hội mà ông nghĩ rằng đã « nắm chặt ». Sai lầm của Putin : Mở ra mặt trận chống đối trong nước Những khuôn mặt dân tộc chủ nghĩa cực đoan trong những show truyền hình chuyên tuôn ra những lời lẽ hiếu chiến thô bỉ, giờ đây bị hẫng trước làn sóng người Nga trong tuổi động viên chạy trốn sang Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ hay tất cả những nước nào không đòi hỏi visa. Người Gruzia cảm thấy mỉa mai, khi biên giới nước họ bị xe tăng Nga tràn sang năm 2018 và 20 % lãnh thổ vẫn bị quân Nga chiếm đóng, và năm 2022 thì thanh niên Nga ào sang trốn quân dịch. Những hình ảnh từ khắp nước Nga chứ không chỉ ở các thành thị phía tây, chứng tỏ chiến dịch động viên thực chất là bố ráp, bạo lực, hỗn loạn, trái ngược với những chiến binh quả cảm Ukraina chiến đấu bảo vệ tổ quốc họ. Tang lễ tại Kiev của tử sĩ Oleksandr Shapoval, ngôi sao ba lê đã tình nguyện phục vụ trong quân đội như một binh sĩ chuyên ném lựu đạn, cho thấy một công chúng đầy tự hào và xúc động. Khó thể tìm thấy một sự tương phản lớn lao như thế trong một cuộc chiến quy mô tương tự. Putin đã thất bại : chẳng có gì diễn ra như ông ta dự kiến. Ukraina không sụp đổ, phương Tây không nhu nhược, và nhất là quân đội của ông - bị rệu rã từ bên trong vì tham nhũng và tổ chức kém - gánh chịu hết thất bại này đến thất bại khác. Vẫn chưa phải là hồi kết, vì Putin còn khả năng leo thang. Nhưng ông ta đã phạm sai lầm là mở ra một « mặt trận bên trong », khi ngưng ngang khế ước xã hội ngầm với người dân. Sa hoàng đang cởi truồng và bị lên án, cho dù vẫn có thể tỏ ra nguy hiểm tại Nga và với bên ngoài. Bốn bài học cho các nước dân chủ Khẳng định bất kỳ nền dân chủ nào dù mong manh cũng vẫn mạnh hơn một chế độ độc tài tự mãn kiểu Vladimir Putin, L'Express phân tích « Bốn bài học mà Putin mang lại cho chúng ta ». Trước hết là sự quan trọng của cách nhìn thực tiễn về thế giới. Hơn sáu tháng chiến tranh, Putin vẫn đánh giá thấp tinh thần chiến đấu và khả năng trả đũa của Ukraina, không tin vào sức mạnh và những giá trị của phương Tây. Thứ hai, là sự đánh lận con đen về chủ nghĩa dân tộc dựa trên bản sắc. Những hình ảnh Putin tay cầm đèn cầy vinh danh Chính Thống giáo, ca ngợi Pie đại đế, Mẹ tổ quốc tác động đến một số trí thức phương Tây; nhưng thực tế ông ta huy động dân quân Chechnya và tất cả người gốc Á nhập cư (Uzbekistan, Kyrgyzstan...) làm bia đỡ đạn cho cuộc chiến. Thứ ba là lợi ích chiến lược của tính minh bạch dân chủ : từ thời những đế quốc cổ đại đến nay, không có chế độ độc tài nào mà không tham nhũng. Thứ tư, sự hữu dụng của đội quân dự bị. Putin nói rằng chỉ động viên « từng phần », nhưng bắt lính tứ tung trong sự hỗn loạn. Dù có những kháng cự, quần chúng vẫn để cho bị dẫn đến lò sát sinh vì đã bị bóp méo thông tin, tách rời thực tại. Bài học đối với các nước dân chủ là duy trì sự gắn bó giữa ý thức công dân và quốc phòng, người dân sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước. Rốt cuộc Putin sẽ tàn đời vì coi thường phương Tây, nhưng nhất là coi thường chính dân tộc của ông ta. Nguyên tử : Putin không bị điên, chỉ muốn dọa? Tuy nhiên điều làm cả thế giới lo ngại là loại vũ khí khủng khiếp đang trong tay nhà độc tài ở Matxcơva. Le Point kêu gọi « Nói không với săng-ta nguyên tử của Putin ». Giai đoạn tệ hại nhất của cuộc chiến tranh Ukraina dường như sắp đến. Tổng thống Nga tự đặt mình vào một chiếc bẫy bi kịch. Tất cả cho thấy những thất bại ở Ukraina có thể dẫn đến việc Nga bị yếu đi nhiều so với thập niên 90. Quân đội được chỉ đạo tồi, trang bị thảm hại, huấn luyện sơ sài, liên tục bại trận. Kế hoạch A là chiếm thủ đô Kiev tan thành mây khói, kế hoạch B nhằm chiếm thêm lãnh thổ ở lưu vực sông Đông cũng thất bại. Giờ đây Vladimir Putin chuyển sang kế hoạch C : sáp nhập bốn vùng đất Luhansk, Donetsk, Zaporijia, Kherson ; hóa phép thành đất Nga, biến cuộc xâm lăng thành chiến tranh vệ quốc chống lại toàn bộ phương Tây, và không loại trừ khả năng dùng vũ khí hạt nhân. Olga Skabaieva, người dẫn chương trình tranh luận 60 phút trên truyền hình nhà nước Nga hôm 19/09 đe dọa bắn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử sang Luân Đôn lúc nhiều nguyên thủ các nước có mặt để dự tang lễ nữ hoàng Elizabeth II. Matxcơva có khả năng làm điều đó, với trên 6.000 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn tất cả các cường quốc nguyên tử khác cộng lại ; và có thể ra tay « tiên hạ thủ vi cường » thay vì các nước khác chủ trương chỉ trả đũa khi bị tấn công vào các lợi ích cốt lõi. Putin không thể sống sót trước chiến thắng của Ukraina Le Point cho rằng nhất thiết không thể nhượng bộ, vì nếu Kremlin thâu tóm được Donbass như ý muốn sau khi chiếm Crimée 8 năm trước, thì việc gì phải dừng lại ? Các cường quốc như Hoa Kỳ, Pháp phải làm cho Matxcơva hiểu rõ rằng hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Vladimir Putin không điên cũng không muốn tự sát, và ngày càng ít được ủng hộ kể cả Trung Quốc, còn trong nước thì đang bị chống đối. Nếu ông ta leo thang, là với hy vọng làm sợ hãi, gây chia rẽ. Và như vậy hơn lúc nào hết phương Tây cần cấm vận mạnh tay hơn, đồng thời gia tăng ủng hộ Ukraina. Tương tự, trên Le Figaro cuối tuần, nhà văn kiêm nhà điện ảnh Jonathan Littell đánh giá cho đến nay, những đe dọa của Putin chừng như đều mang lại kết quả. Từ sáp nhập Crimée, chiếm Donbass năm 2014, can thiệp vào Syria năm 2015, cho đến đưa lính đánh thuê Wagner đến châu Phi…ông ta khiến phương Tây bối rối. Nhưng nay khi tự tiện sáp nhập các phần lãnh thổ của Ukraina, Nga đã tự trói vào một cuộc chiến miên viễn, vì những vùng đất mà thậm chí mình không kiểm soát được hoàn toàn. Đành rằng phải hết sức thận trọng trước hăm dọa của Matxcơva, nhưng Putin và các tướng lãnh của ông ta đều hiểu NATO mạnh hơn nhiều về quân sự, ngoài ra còn nhiều cách trừng phạt khác. Chẳng hạn đánh vào những nước mua dầu khí của Nga, các công ty hàng hải, bảo hiểm để cắt đứt nguồn thu cuối cùng. Mỹ có thể viện trợ những vũ khí lâu nay vẫn từ chối như phi cơ, hỏa tiễn tầm xa, xe tăng hạng nặng ; NATO dùng hỏa tiễn hành trình và chiến đấu cơ đánh vào những cơ sở hậu cần của Nga trên đất Ukraina. Không chỉ yếu kém về quân sự, Putin còn yếu về chính trị và chiến lược, khi bất lực trong việc hình dung ra một lối thoát cho một cuộc chiến đã thấy trước thất bại. Ông ta chìa ra con bài tẩy cuối cùng : nguyên tử. Thế thì phương Tây sẽ tung những lá bài của mình để bảo đảm chiến thắng của Ukraina, đặt ra những điều kiện cho hòa bình, và sự nghiệp của Putin sẽ kết thúc từ đây. Thụy My - RFI  
......

Putin hiện hoàn toàn đơn độc

Tổng thống Nga Putin Long Xuân Long Xuân   Putin hiện hoàn toàn đơn độc - Tất cả đều chống lại Putin   - Điều thứ nhất đau đớn và bất hạnh nhất cho Tổng thống Nga là chính người dân của ông ta đang quay lưng lại và chống ông ta. Ít nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, và gần đây nhất là khi Liên Xô sụp đổ thì chưa bao giờ có tình trạng người Nga rời bỏ đất nước để chạy trốn khỏi tổng thống của họ nhiều như bây giờ. Tính đến thời điểm này con số người Nga, đa phần là đàn ông chạy trốn khỏi nước Nga lên đến gần 300 nghìn người   - Điều thứ 2 là ngay cả các đồng minh hoặc láng giềng thân hữu của Nga cũng bắt đầu quay lưng lại với Putin   - Điều thứ 3 là nguồn cung, giá dầu mỏ và khí đốt cũng phản lại Putin. Nó được Putin xem và kỳ vọng là “vũ khí tối thượng” của mình nhằm hạ gục châu Âu và thế giới, buộc tất cả, ít nhất là Mỹ và châu Âu phải khuất phục. Nhưng bây giờ thì sao?   - Cả châu Âu đã hoàn thành việc dự trữ khí đốt cho mùa đông. Ác hơn là theo dự báo thì mùa đông năm nay ở châu Âu có vẻ ấm hơn   - Đức và Ba Lan ngoài việc lấp đầy kho dự trữ của mình. Họ còn hoàn tất nguồn cung lớn và ổn định lâu dài cho chính mình. Cụ thể là hôm qua, Thủ tướng Đức đã ký thỏa thuận về khí đốt tự nhiên hóa lỏng với UAE. Đây được xem là gặt hái những thành công bước đầu trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng ở Đức.   Đồng thời, hôm nay Tổng thống cùng Thủ tướng Ba Lan và Đan Mạch đang khánh thành Đường ống Baltic mới vào đúng thời điểm này. Nó sẽ mang 10 tỷ mét khối khí đốt của Na Uy đến Ba Lan mỗi năm. Thật mỉa mai rằng nó đang được mở vào cùng ngày Nord Stream biến mất.   - Giá dầu mỏ trên toàn cầu tuần này lao dốc mạnh. Ngày hôm nay giá dầu còn 80 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 1/2022   - Điều thứ 4 là quốc gia có đủ sức mạnh, tiếng nói trên trường quốc tế mà Nga kỳ vọng sẽ sát cánh bên Nga là Trung Quốc cũng xem như không giúp được gì cho ông Putin, ngoài việc bỏ 2 lá phiếu trắng. Còn lại, Trung Quốc tỏ ra thận trọng trong việc tiếp cận các yêu cầu của Nga và dường như “nghe rồi để đó”. Tình hình có vẻ bất lợi hơn là khi Nga liên tục đe doạ sử dụng vủ khí hạt nhân (VKHN), đã khiến Trung Quốc hôm nay đưa ra tuyên bố mạnh mẽ kêu gọi hãy dẹp bỏ việc đe doạ sử dụng (VKHN) để giải quyết các bất đồng.   - Điều thứ 5 là quân đội Nga không chỉ đang thất bại thảm hại ở Ukraine, tình trạng mất tinh thần chiến đấu và thiếu hụt vũ khí chính xác hiện rất nghiêm trọng   Tất cả đều chống lại Putin, và mùa đông sắp đến sẽ là điều thứ 6 quyết định số phận chính trị của Putin
......

Nếu Putin dùng bom nguyên tử

TT Putin ký sắc lệnh tổng động viên Ngô Nhân Dụng  Nga đang bị cô lập đối với cả thế giới, chỉ còn hai nước đồng minh là Iran và Bắc Hàn. Những nước cố đứng ngoài cuộc chiến Ukraine như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi thái độ. Nhưng Mỹ và các nước Âu châu không cần phải dùng vũ khí nguyên tử để phản công Nga ở Ukraine. Điều mà họ có thể báo trước cho Putin là các nước đồng minh sẽ không thể ép chính phủ Ukraine tự kiềm chế. Vladimir Putin có thể sẽ dùng vũ khí nguyên tử ở Ukraine? Ông ta có khoảng 2,000 “bom nguyên tử chiến thuật,” nhiều gấp 10 lần Mỹ. Tuy coi là “loại nhỏ” nhưng các trái bom này tàn phá mạnh bằng 10 đến 100 ngàn tấn chất nổ (kilotons), và có thể dùng những dàn phóng trên mặt đất hoặc từ biển, bất ngờ tiêu diệt cả đạo quân địch. Trái bom Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945 cũng chỉ mạnh 15 kilotons. Ngoài sức nổ tàn phá, chất phóng xạ nguyên tử sẽ bay xa. Không những quân và dân Ukraine mà cả lính Nga đều có thể bị nhiễm độc. Các nước chung quanh, từ Belarussia, Ba Lan, Đức, đến Hungary cũng sẽ mang họa lâu dài. Chắc Putin không quan tâm đến các hậu quả đó. Ông có thể dùng bom nguyên tử nếu thấy mình đang bị dồn tới đường cùng. Và điều này có vẻ đang diễn ra ngoài mặt trận. Quân Ukraine mở các cuộc tấn công ở miền Bắc, tiến sang phía Đông lấy lại nhiều thành phố đã bị chiếm đóng. Lính Nga buông súng chạy, bỏ lại các chiến cụ, kể cả những xe tăng kiểu mới nhất mà chưa hề được sử dụng. Các đường tiếp vận của Nga bị phong tỏa, quân ở phía Nam đang bị cô lập. Putin ra lệnh động viên, gọi lính trừ bị tái ngũ, để có thêm 300,000 quân sĩ. Phần Lan phải từ chối không cho các thanh niên Nga chạy qua để trốn lính. Vladimir Putin ban bố các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với lính đào ngũ, bất tuân lệnh hoặc nổi loạn, chứng tỏ tinh thần binh sĩ đã sa sút như thế nào. Ví thử Putin sẽ có thêm 300,000 quân, thì cũng không biết lấy súng đạn đâu ra để trang bị, trong khi các cơ xưởng chế tạo vũ khí bị ngưng trệ vì không mua được các chất bán dẫn cho máy chạy. Hai nước thân thiện là Trung Quốc và Ấn Độ đều từ chối không bán các con chíp cho Nga, vì lo sẽ bị Mỹ phong tỏa. Quân Nga đang phải dùng các đại pháo cũ kỹ, mua những vũ khí cũ kỹ của Bắc Hàn, máy bay tự lái (drones) của Iran. Cũng không biết đám 300,000 lính mới này sẽ mất mấy tuần lễ hay mấy tháng để huấn luyện trước khi đưa ra mặt trận. Trong khi đó, quân Ukraine đang cần lấn đất, giành dân ở hai tỉnh phía Đông với tốc độ nhanh hơn trong một tháng sắp tới. Vì họ biết thời cơ thuận lợi sẽ chấm dứt khi tuyết bắt đầu rơi, xe cộ, chiến xa và đại pháo di chuyển khó khăn hơn. Cùng lúc đó,Vladimir Putin đang gặp các khó khăn trong nội bộ. Dân biểu tình phản đối chiến tranh ở 37 thành phố, theo tin Associated Press, nhiều người hô, “Cho Putin xuống dưới hầm!” Các nghị viên thành phố cũng phản đối chiến tranh. Phe chủ chiến thì bất mãn trước cảnh thất trận liên tiếp. Nhiều nhà kinh doanh trong tập đoàn lãnh đạo đã “tự tử” chết ở nước ngoài và trong nước, hoặc rớt xuống từ trên cửa sổ ngôi nhà hơn 40 tầng, hoặc bị té xuống nước khi chơi thuyền. Trong tuần rồi, người đứng đầu Viện Hàng Không Matxcơva, được coi là tay chân thân tín của Putin đã “trượt chân trên nhiều bậc cầu thang”đưa tới thương tích “không thể sống,” theo mô tả trên “Telegram” ở Nga. Vladimir Putin, 70 tuổi, tỏ ra đang bối rối. Ngày Thứ Ba, phủ tổng thống loan báo ông tổng thống sẽ đọc một diễn văn quan trọng vào 8 giờ tối. Các nhà báo, các đài tivi của chính phủ chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng tới 8 giờ, không ai biết Vladimir Putin đang ở đâu. Sáng Thứ Tư, Putin mới xuất hiện, không giải thích tại sao đã vắng mặt. Putin tuyên bố tăng quân số và nói thẳng sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử, “nếu lãnh thổ bị đe dọa.” Putin nhấn mạnh, “Đây không phải là lời đe dọa suông. Những kẻ muốn bắt bí chúng ta bằng vũ khí nguyên tử phải biết rằng gió có thể đổi chiều.” Tình trạng “lãnh thổ bị đe dọa” được Putin chuẩn bị khi cho tổ chức ngay các cuộc trưng cầu dân ý trong các vùng quân Nga đã chiếm đóng của Ukraine, để dân chúng ở Donetsk, Luhansk, và Kherson, Zaporizhzhia bỏ phiếu xin nhập vào nước Nga. Phần lớn người Ukraine yêu nước đã di tản, chạy khỏi những nơi quân Nga chiếm đóng. Dân còn ở lại sẽ bị cưỡng ép bỏ phiếu ưng thuận. Putin sẽ ra lệnh quốc hội chấp nhận các tỉnh này vào nước Nga. Sau đó, khi quân Ukraine tấn công tái chiếm, họ sẽ bị tố cáo là tấn công vào lãnh thổ Nga. Putin có thể dùng bom nguyên tử để ngăn chặn, như đã hứa. Putin có thể dùng lời đe dọa đó để các nước Tây phương lo sợ và thúc đẩy chính phủ Ukraine tìm cách thỏa hiệp ngưng bắn với Nga. Nhưng người Ukraine biết rằng bây giờ là cơ hội tốt nhất và duy nhất để phục hồi lãnh thổ. Chấp nhận ngưng bắn tức là cho Putin thời gian thu thập tàn quân và củng cố lực lượng để chuẩn bị đánh tiếp. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói Ukraine cương quyết giành lại các vùng đất đã bị quân Nga cướp, kể cả bán đảo Crimea chiếm từ năm 2014. Nga đang bị cô lập đối với cả thế giới, chỉ còn hai nước đồng minh là Iran và Bắc Hàn. Những nước cố đứng ngoài cuộc chiến Ukraine như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi thái độ. Trong cuộc họp cùng các nước Trung Á ở Samarkand, Uzbekistan vừa rồi, Tập Cận Bình đã “tỏ ý lo ngại” về chiến tranh Ukraine, Thủ tướng Narendra Modi nói thẳng rằng Ấn Độ muốn chiến tranh chấm dứt. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu Nga ngưng chiến và trả lại các vùng chiếm đóng cho Ukraine, kể cả bán đảo Crimea. Các nước Trung Á, trước thuộc Liên bang Xô Viết, đều phản đối cuộc chiến Ukraine, vì lo chính nước họ cũng có thể bị Putin tấn công. Tổng thống Kyrgyzstan đã để cho Putin phải chờ đợi mình nửa phút trước khi gặp nhau ở Samarkand. Cuối cùng, các nước Mỹ và Âu châu phải đối đầu với mối đe dọa cùng bom nguyên tử của Vladimir Putin. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói thẳng Nga sẽ “chịu hậu quả” nặng nề nếu dùng vũ khí hóa học hay nguyên tử ở Ukraine. Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg nói với hãng tin Reuters rằng sẽ bảo đảm cho Nga hiểu rõ các hậu quả nguy hiểm; ông nói thêm rằng chưa thấy dấu hiệu Nga đang chuẩn bị dùng bom nguyên tử. Bộ ngoại giao Mỹ tiết lộ đang nhờ các nước khác báo cho ông Putin biết sẽ bị trả đũa nặng nề như thế nào. Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, đã nói với nhật báo Guardian rằng chính phủ Ukraine đã yêu cầu các nước Âu châu hãy dùng bom nguyên tử trả đũa, nếu Nga dùng bom nguyên tử. Nhưng Mỹ và các nước Âu châu không cần phải dùng vũ khí nguyên tử để phản công Nga ở Ukraine. Điều mà họ có thể báo trước cho Putin là các nước đồng minh sẽ không thể ép chính phủ Ukraine tự kiềm chế. Quân đội Ukraine có thể sẽ tấn công thẳng vào các căn cứ tập trung quân và các kho vũ khí nằm trong nước Nga, là điều họ đã cam kết sẽ không làm khi được tiếp viện các dàn hỏa tiễn tầm xa từ Mỹ, Đức, Thụy Điển. Chiến tranh sẽ lan rộng qua lãnh thổ Nga, mà các nước Mỹ và Âu châu không còn lý do để ngăn cản. Không những thế, họ sẽ có cớ để giúp Ukraine nhiều hơn, với các hỏa tiễn bắn xa hơn và chính xác hơn, nếu Ukraine bị tấn công bằng bom nguyên tử. Ông Putin có thể nhớ kinh nghiệm của đế quốc Nga thời trước. Chế độ Nga hoàng Czar Nicholas II tan rã khi quân Nga thua trong Đại chiến Thứ Nhất. Nikita Khrushchev bị lật đổ sau khi phải rút hỏa tiễn khỏi Cuba thời 1962. Mikhail Gorbachev mất địa vị khi quân Nga phải thua trận ở Afghanistan năm 1989. Vladimir Putin sẽ lãnh hậu quả của cuộc xâm lăng Ukraine. Blog Ngô Nhân Dụng  
......

Lý Khắc Cường: ‘Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng’

Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải): "Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược." Ảnh: Getty Images/Reuters, đồ họa: Nikkei Nguồn: “In cryptic lingo, Premier Li says rivers only flow forward,” Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, 08/09/2022 Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Việc nhấn mạnh vào cải cách và mở cửa sẽ cản trở các chính sách kinh tế của Tập. Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về việc trao lại sự nghiệp cho thế hệ tiếp theo, hoặc thảo luận về các xu hướng chính sách quan trọng, họ thường sử dụng các phép so sánh với sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Hai con sông lớn nhất của đất nước đã bồi đắp cho nền văn minh Trung Hoa từ thời cổ đại. Các nhà lãnh đạo thường thích lồng ghép cảm xúc cá nhân vào chúng. Sẽ dễ nói về các chủ đề tế nhị hơn nếu ta so sánh chúng với những dòng sông. Và so sánh ẩn dụ cũng thường hàm chứa nhiều thông điệp. “Công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến lên. Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng,” Thủ tướng Lý Khắc Cường đã vui vẻ nói trong khung cảnh bầu trời xanh, khi ông đến thăm một khu cảng trong chuyến thị sát thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, vào ngày 16-17/08. Lý từng đưa ra nhận xét tương tự vào tháng 3, nhưng những bình luận mới nhất của ông đã thu hút sự chú ý hơn nhiều, bởi chúng được đưa ra ngay sau mật nghị Bắc Đới Hà, diễn ra giữa các nhà lãnh đạo đương nhiệm và đã nghỉ hưu tại khu nghỉ mát ven biển cùng tên. Người ta cho rằng cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 8. Các bình luận cũng được đưa ra ngay trước thềm đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc, khai mạc vào ngày 16/10. Niềm tin mà Lý thể hiện khi sử dụng trong phép ẩn dụ hai dòng sông – và việc duy trì chính sách cải cách và mở cửa – dường như đã chấm dứt cuộc tranh luận về chính sách kinh tế tiếp theo. Di sản của Đặng Tiểu Bình vẫn tồn tại, bất chấp việc Chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng chứng tỏ rằng mình đã vượt qua nhà cố lãnh đạo. Có lẽ vì phản ứng quá lớn đối với những lời phát biểu của ông, đoạn video quay cảnh Lý đưa ra bình luận trên đã không còn xem được ở Trung Quốc. Trong khi đó, ở Tạp chí Cầu Thị, ấn phẩm của đảng được phát hành hai tháng một lần, một cuộc thảo luận riêng biệt đang diễn ra. Trong số ra ngày 01/09, một bài báo của Khúc Thanh Sơn (Qu Qingshan), Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn liệu và Lịch sử Đảng của Ban chấp hành Trung ương, giải thích rằng “giai đoạn phát triển mới” mà Tập nói đến “đã được bao hàm trong giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là một giai đoạn tách biệt với giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội.” Bài báo cũng lần đầu tiên giới thiệu một bài phát biểu của Tập hai năm trước, nói về giai đoạn phát triển mới và tầm nhìn dài hạn đến năm 2035. Khúc đã phân tích bài phát biểu này. Cụ thể, “giai đoạn phát triển mới” của Tập dự kiến rằng đến năm 2035, Trung Quốc sẽ cơ bản hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, sau đó sẽ xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, dân chủ, phát triển văn hóa, và hòa hợp vào năm 2049. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, mục tiêu cần đạt được là “sự sung túc.” Còn mục tiêu của Tập trong giai đoạn phát triển mới là theo đuổi “sức mạnh.” Nếu thành công, con đường này sẽ đưa Tập lên trước Đặng trong sử sách. Lý Khắc Cường đã sử dụng một phép ẩn dụ trong chuyến thị sát Thâm Quyến, Quảng Đông hồi tháng 8. Đoạn phim quay lại cảnh này hiện không còn xem được ở Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình từ CCTV Nhưng phân tích của Khúc Thanh Sơn kết luận rằng “giai đoạn phát triển mới” chỉ là một bước trong “giai đoạn sơ khai” của chủ nghĩa xã hội – nền tảng của Lý luận Đặng Tiểu Bình. Do Đặng khởi xướng, lý thuyết về giai đoạn sơ khai đã được giải thích rõ hơn vào năm 1987, trong đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng. Vào thời điểm đó, người ta tin rằng giai đoạn sơ khai sẽ kéo dài cho đến khi quá trình hiện đại hóa được cơ bản thực hiện vào giữa thế kỷ 21. Tại đại hội đảng toàn quốc lần gần nhất, vào năm 2017, Tập đã đẩy mục tiêu hiện đại hóa lên sớm hơn khoảng 15 năm, tức là năm 2035. Đây được dự kiến sẽ là một trong những thành tựu lớn nhất của Tập. Tuy nhiên, theo phân tích của Khúc, giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội sẽ không kết thúc vào năm 2035. “Giai đoạn phát triển mới” của Tập đã được bao gồm trong giai đoạn sơ khai nói chung của Đặng. Dù lời giải thích của Khúc là mạch lạc và hợp lý về mặt lịch sử, nhưng điều thú vị là ông đã nhấn mạnh đến logic này ở thời điểm hiện tại. Điều đó dường như phản ánh các cuộc thảo luận ở Bắc Đới Hà, nơi chắc chắn đã đề cập đến những lo ngại về nền kinh tế đang chậm lại. Tuy nhiên, bằng cách trích dẫn bài phát biểu của chính Tập, bài phân tích đã giúp giữ thể diện cho nhà lãnh đạo. Thông điệp lớn của Khúc là “Trung Quốc đang ở giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, trước tiên cần làm cho chiếc bánh lớn hơn bằng cách tiếp tục cải cách và mở cửa. Không nên vội vàng hiện thực hóa ‘thịnh vượng chung’ bằng cách chia đều miếng bánh. Việc đó sẽ làm ở giai đoạn sau, khi Trung Quốc đã kết thúc giai đoạn sơ khai.” Việc Khúc nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn chưa ra khỏi giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội được coi là một phần trong nỗ lực kiềm hãm sự mở rộng các chính sách kinh tế của Tập một cách vô trật tự. Năm 1988, một năm sau khi lý thuyết về giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội chính thức được giới thiệu, bộ phim tài liệu truyền hình Trung Quốc – Hà Thương – đã gây ra một cơn sóng thần văn hóa. Bộ phim lập luận rằng Trung Quốc nên từ bỏ “nền văn minh sông Hoàng Hà” xưa cũ và tiến đến đại dương xanh, nếu không, họ sẽ sa sút dần và sau cùng sẽ mất đi vai trò ‘công dân toàn cầu’ của mình. Lập luận táo bạo này đã gây ra một làn sóng chấn động và bộ phim đã bị cấm phát lại. Bộ phim kêu gọi mọi người hướng tới cải cách và mở cửa. Bộ phim tài liệu này đã được ủng hộ bởi Lệ Dĩ Ninh (Li Yining), một nhà kinh tế hàng đầu, đồng thời là giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, người cũng từng là cố vấn cho bộ phim. Lệ cũng được biết đến là cố vấn cho Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tập đang tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ với tư cách lãnh đạo đảng tại đại hội toàn quốc sắp tới. Ngay sau khi Thủ tướng Lý nói rằng “sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược,” đã xuất hiện nhiều đồn đoán rằng câu nói này có thể ảnh hưởng đến tương lai quyền lực của Tập và vấn đề thay đổi thế hệ lãnh đạo đảng. Tuy nhiên, một thông báo đã được đưa ra vào ngày 30/08 rằng đại hội toàn quốc lần thứ 20 sẽ khai mạc vào ngày 16/10, theo đó cho thấy việc chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của Tập đang diễn ra tốt đẹp. Dù các chính sách kinh tế của Tập liên tục bị chỉ trích, điều đó vẫn không làm lung lay cơ sở chính trị của ông, chí ít thì không phải ngay lập tức. Tập không nói về bất kỳ kế hoạch kế vị nào. Các tranh luận về người kế nhiệm chủ tịch nước một lần nữa đã bị kiểm soát và bị giữ trong bóng tối. Trước thềm đại hội toàn quốc năm 2017, Tập đã thanh trừng Tôn Chính Tài, khi đó là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, và là cái tên hứa hẹn sẽ trở thành nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo. Bằng cách đó, ông đã chứng tỏ rằng mình sẽ còn nắm quyền thêm một thời gian dài. Nhưng sau mười năm tại vị, Tập khó mà sử dụng lại chiến thuật tương tự. Tập Cận Bình đứng giữa các cựu Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân khi cả ba cùng xem một cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2019. Tập luôn úp mở về cách chuyển giao quyền lực của mình. Ảnh: Kyodo Vậy Tập có quan điểm thế nào về kế nhiệm? Tháng 10 năm ngoái – ngay trước khi “nghị quyết lịch sử lần thứ ba” của đảng được thông qua – Tập đã đưa ra nhận xét về vấn đề thay đổi thế hệ và nó đã thu hút sự chú ý lớn. “Cách tốt nhất để đánh giá hệ thống chính trị của một quốc gia có dân chủ và hiệu quả hay không,” ông nói, “là hãy quan sát xem việc kế nhiệm của các nhà lãnh đạo quốc gia đó có diễn ra trong trật tự hay không.” Ông từng nói những câu tương tự trong quá khứ. Điểm quan trọng là ông chỉ đề cập đến “các nhà lãnh đạo quốc gia,” chứ không đề cập đến đảng hoặc Ban chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, những bình luận như vậy không cho thấy Tập đã sẵn sàng bàn giao mọi thứ ngay lập tức cho người kế nhiệm. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, cựu chủ tịch Giang Trạch Dân từng có một nhận xét thú vị về kế nhiệm cách đây 22 năm. “Ở sông Dương Tử, sóng sau xô sóng trước,” ông nói với các quan chức cấp cao của liên minh cầm quyền Nhật Bản, gồm cả Hiromu Nonaka, khi đó đang là Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do. Cuộc gặp diễn ra vào ngày 30/05/2000, tại khu Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Đó là một câu nói của người Trung Quốc. Nó có nghĩa là giống như dòng chảy của sông Dương Tử, thế giới thay đổi liên tục và thế hệ mới sẽ lên thay thế thế hệ cũ. Trong cuộc gặp với các chính trị gia Nhật Bản, Giang đã đề cập đến tên của phó chủ tịch lúc bấy giờ, Hồ Cẩm Đào, người được cho là sẽ kế nhiệm Giang. Dù rất cởi mở với việc thay đổi thế hệ, Giang đã không dễ dàng nhường lại mọi quyền lực cho Hồ. Tại đại hội toàn quốc lần thứ 16 của đảng vào mùa thu năm 2002, Giang đã trao lại chức vụ Tổng Bí thư cho Hồ nhưng không từ bỏ chức vụ chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông đã giữ lại chức chủ tịch Quân ủy Trung ương, mà về thực chất là một nguồn quyền lực bởi vị trí này có thể huy động quân đội, vì sợ ảnh hưởng của mình sẽ nhanh chóng suy yếu. Mãi đến hai năm sau, vào mùa thu năm 2004, Giang mới chính thức nghỉ hưu khỏi chức vụ đó. Hiếm có nhà lãnh đạo nào lại dễ dàng nhường mọi quyền lực cho những người trẻ hơn. Việc Tập sẽ được bầu lại nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong đại hội toàn quốc vào tháng 10 này dường như là điều chắc chắn. Nhưng chúng ta hoàn toàn không biết ông sẽ chuyển giao quyền lực như thế nào trong tương lai. Tập đã trải qua thời niên thiếu của mình gần Diên An, tỉnh Thiểm Tây, nơi được bao quanh bởi sông Hoàng Hà. Ông tự gọi mình là “người con của đất Hoàng Hà.” Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường là ‘hậu duệ’ của chính sách cải cách và mở cửa được tượng trưng bởi Hà Thương, vốn kêu gọi từ bỏ “nền văn minh sông Hoàng Hà cũ.” Về mặt chính trị, Tập vẫn đang tìm cách tách khỏi các chính sách của Đặng Tiểu Bình. Ông sẽ đối phó ra sao với Lý, người tiếp nối ngọn cờ cải cách và mở cửa của Đặng? Thêm nữa, ông sẽ giải quyết vấn đề bồi dưỡng người kế nhiệm tiềm năng như thế nào? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ có sau một tháng nữa. Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014. Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế  
......

Quốc tế hóa Cam Ranh: “Đau đẻ đừng chờ sáng trăng!”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói chuyện với các thuỷ thủ trên tàu chiến của Hải quan Mỹ tại Cảng Cam Ranh hôm 3/6/2012 - Ảnh Reuters RFA Quốc tế hóa Cảng Cam Ranh hay Cảng Đà Nẵng thực ra là câu chuyện không mới. Tính thời sự của bức thư do bảy tổ chức dân sự trong nước đứng tên gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần của chiến dịch tuyên truyền các chính sách về biển của quốc gia vào khi Chính quyền cam kết sẽ khai thác “mọi công cụ pháp lý sẵn có” để bảo vệ lợi ích của mình trong lúc Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động lấn lướt trên Biển Đông. Đau đẻ đừng chờ sáng trăng!  Ngày 22/9/2022 mới đây, trên Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, có một ông tự xưng là PGS-TS, vừa trưng ra một bài viết thể hiện mạch tư duy “cà cuống chết đến đít còn cay” (1). Tuy nhiên, le lói một tý “tranh tối tranh sáng” từ bài viết ấy chính là cái đầu đề: “Phải chăng ‘không liên kết với nước này để chống nước kia’ là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi?” Hỏi là đã có hàm ý trả lời! Mà nếu tác giả đã không đi tới được câu trả lời rốt ráo, tiệm cận được chân lý khách quan, thì mời hãy đọc bức thư đầy tâm huyết của bảy tổ chức dân sự vừa gửi nhà nước Việt Nam: Hãy mạnh dạn mở cửa Cảng Cam Ranh cho tất cả các nước, tạo điều kiện cho Nhật, Mỹ và các nước phương Tây cùng phát triển đầu tư các cơ sở hạ tầng vì các mục đích hòa bình (2).  Khuyến nghị Việt Nam hợp tác với Mỹ và Phương Tây trong trong bức thư công bố ngày 20/09/2022 rất cần được Hội nghị BCHTW lần thứ 6 trong tháng tới lắng nghe và tiếp thụ! Ông Lê Thân, cựu tù Côn Đảo, người thay mặt cho Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ký tên dưới bức thư, cho rằng đến bây giờ mà còn nhai lại luận điệu “không chọn phe”, “không liên minh với một nước để chống nước thứ ba”… thật ra chỉ là một lối nói ngoại giao sáo rỗng. Lối nói ấy không phù hợp trước đòi hỏi thực tế do tình hình bức xúc trong khu vực Biển Đông Nam Á (Biển Đông) cũng như của thế giới hiện nay đang rất cần tập hợp các lực lượng trong và ngoài Việt Nam để bảo vệ quyền lợi quốc gia – dân tộc. Ông Lê Thân nhắc lại, cách đây mấy tháng (ngày 16/6/2022), Chính phủ Việt Nam  vừa phát động một chiến dịch tuyên truyền các chính sách về biển đảo của quốc gia vào khi Đảng Cộng sản cam kết sẽ khai thác “mọi công cụ pháp lý sẵn có” để bảo vệ lợi ích của mình trong lúc Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động lấn lướt ở Biển Đông. Quyết định mới Chính phủ ban hành xác định chậm nhất đến năm 2030, tất cả các cơ quan truyền thông trong nước phải có chuyên mục riêng biệt về chiến lược biển và đại dương của Việt Nam, và toàn bộ đội ngũ biên tập viên phải có kiến thức cần thiết và hiểu về các luật biển trong nước và quốc tế. Chương trình truyền thông về biển và đại dương nếu đã ban hành như vậy thì cần hành động ngay. Sớm ngày nào hay ngày đấy! Đau đẻ có ai chờ phải sáng trăng? (3) Chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ với bức xúc của vị cựu tù Côn Đảo. Thậm chí dư luận còn cho rằng, không chỉ Cam Ranh mà cả Cảng Đà Nẵng, cũng nên được xếp vào danh sách cần được Nhà nước ưu tiên mở cửa cho các đối tác quốc tế. Cảng Đà Nẵng hiện là cũng là một cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (cảng loại I) của VN nằm trong nhóm cảng duyên hải Nam Trung Bộ, song đang được Chính phủ Việt Nam quy hoạch để trở thành một cảng cửa ngõ quốc tế (cảng loại IA) trong tương lai. Hiện nay, cảng Đà Nẵng có ba khu bến: Tiên Sa – Sơn Trà, Liên Chiểu và Thọ Quang. Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 29/7/2016 của Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong một thời gian tương đối dài, các khẩu hiệu như "đa phương hoá, đa dạng hoá" hay "làm bạn với tất cả" đã phản ánh khá đầy đủ đường lối đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, khi đất nước đang "tứ bề thọ địch" như hiện nay, đặc biệt là khi Trung Quốc và Campuchia sẽ khánh thành căn cứ hải quân khủng ở quân cảng Ream, gần Phú Quốc, thì rõ ràng Hà Nội phải cần những khẩu hiệu và những "từ khoá mới" để hành động. Việt Nam sẽ ngày càng phải khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn của mình một cách hiệu quả hơn để có thể bảo vệ và thúc đẩy tốt hơn các lợi ích quốc gia cốt lõi trong một thế giới ngày càng bất định và nguy hiểm. Cảng Cam Ranh hay Cảng Đà Nẵng là những hải cảng chứa đựng các tài nguyên có giá trị như thế! (4) Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt ở cảng Đà Nẵng hôm 5/3/2020. Reuters Tại sao không đề gửi Tổng bí thư?  Bảy tổ chức đứng tên ký thư bao gồm: Lập Quyền Dân, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, Bauxite Việt Nam, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Câu lạc bộ Hoàng Quý. Thư được đề gửi cho ba trong bốn lãnh đạo cao nhất của Việt Nam là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Dũng, người đại diện cho Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, nêu lý do không gửi thư này đến ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: “Mặc dù Hiến pháp ghi là Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo, nhưng là một người dân, không phải là đảng viên, thì chúng tôi chỉ gửi cho những người thay mặt Nhà nước và Chính quyền, còn ý kiến của Đảng thì để các ông ấy nói chuyện với nhau”. (5) Tuy nhiên, một luồng dư luận khác trong nước cho rằng, GS-TS Hoàng Dũng giải thích như thế là để “làm ngoại giao trong nội bộ”. Một thành viên chủ chốt trong Nhóm Lập Quyền Dân không muốn tiết lộ danh tính thì lại cho rằng, trên thực tế, đại bộ phận dân chúng quá thất vọng vào TBT trong vấn đề Biển Đông nói riêng và quan hệ với Trung Quốc nói chung, nên họ không muốn gửi thư tới Tổng chủ. Cho đến tháng 3/2021 mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn còn tuyên bố, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông, quan hệ phía tây, phía tây nam xử lý phải hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo... thì chứng tỏ ngài Tổng chủ, nói nhẹ, thì cũng rất hữu khuynh về Biển Đông, còn thực chất trong hàng chục văn kiện ông đã bí mật ký kết với Trung Quốc từ 2017, thì chả ai biết, nội dung thỏa thuận những gì? (6) Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa Cảng Cam Ranh, Cảng Đà Nẵng cho tất cả các nước, tạo điều kiện cho Nhật, Mỹ và các nước phương Tây cùng phát triển đầu tư các cơ sở hạ tầng cho các mục đích hòa bình như cho thuê cảng, tiếp nhận hàng hóa, cung cấp xăng dầu, bảo trì tàu bè và các dịch vụ kèm theo khi có các tàu quân sự ngoại quốc cập bến nghỉ dưỡng v.v… Việc này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, chận đứng mưu đồ thôn tính bằng quân sự của Trung Quốc đối với khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, song song với những mục tiêu khác về phát triển kinh tế. Phát triển nhanh và mạnh mẽ, cụ thể về bề rộng cũng như chiều sâu để nâng quan hệ “đối tác toàn diện” với Mỹ lên “đối tác chiến lược”. Mỹ cũng như các nước đồng minh của Mỹ đều là những quốc gia văn minh tiến bộ có nền dân chủ chín muồi và tiềm lực quân sự, kinh tế vững mạnh, đang chờ đợi câu trả lời dứt khoát của Việt Nam.  Vấn đề này, lâu nay do phải dè chừng Trung Quốc, hoặc do thiếu sự bàn thảo thống nhất trong nội bộ mà chúng ta cứ lần lữa mãi, thì nay đã đến lúc phải quyết định, trước khi quá muộn. Đây cũng là mệnh lệnh của lương tâm và của lòng yêu nước, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của các nhà đương cuộc. Quyết định sáng suốt của nhà cầm quyền chắc chắn sẽ được toàn dân hoan nghênh và ủng hộ. Không phải ngẫu nhiên, bức thư của bảy tổ chức xã hội dân sự được đưa ra trong bối cảnh những diễn tiến của chính trị quốc tế/khu vực từ đầu năm đến nay khiến cho thế giới đang dịch chuyển từ trạng thái đa cực với nhiều cường quốc sang trạng thái tiệm cận lưỡng cực, được chi phối gần như toàn bộ bởi Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự trở lại của cạnh tranh nước lớn đã được xác lập một cách rõ nét với các chiến tuyến chính, thu hẹp đáng kể dư địa cho những chính sách trung dung, khiến việc duy trì thế cân bằng giữa các nước lớn trở nên khó khăn hơn nhiều so với hai thập niên trước đây. __________ Tham khảo: 1. http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/phai-chang-khong-lien-ket-voi-nuoc-nay-de-chong-nuoc-kia-la-tu-troi-buoc-minh-khong-phu-ho/19246.html 2. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/civil-society-recommends-vn-go-with-the-us-due-to-concerns-of-china-in-the-scs-09202022141204.html 3. https://luatvietnam.vn/thong-tin/quyet-dinh-729-qd-ttg-222727-d1.html 4. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-62699486 5. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/civil-society-recommends-vn-go-with-the-us-due-to-concerns-of-china-in-the-scs-09202022141204.html 6. https://thanhnien.vn/chu-tich-nuoc-co-nhung-su-co-o-bien-dong-phai-xu-ly-het-suc-te-nhi-post1049326.html  
......

Tình hình chiến sự Nga - Ukraine

Chu Vĩnh Hải   I- Moscow: Cảnh sát Nga bắt người biểu tình Hôm nay ( thứ Năm, ngày 22/9), Nga bắt tay thực hiện việc bắt quân dịch lớn nhất kể từ Thế chiến II, khiến số đông người đàn ông vội vã chạy ra nước ngoài; trong khi đó, Ukraine yêu cầu phải có "sự trừng phạt công minh" đối với cuộc xâm lược kéo dài 7 tháng gây chấn động thế giới. Lệnh của Tổng thống Vladimir Putin về huy động thêm 300 ngàn người Nga là bước leo thang của một cuộc chiến đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, gây đổ nát ở các thành phố, làm thiệt hại nền kinh tế toàn cầu và hồi sinh cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh.   Việc bắt quân dịch hàng loạt có thể là bước đi đối nội rủi ro nhất trong hai thập kỷ cầm quyền của ông Putin, sau khi Điện Kremlin từng hứa rằng điều đó sẽ không xảy ra và sau một chuỗi những thất bại trên chiến trường ở Ukraine. Trước đó ngày 21-9, một nhóm theo dõi tình hình cho biết các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh đã nổ ra ở 38 thành phố của Nga, trong đó, hơn 1.300 người bị bắt . Một số người đã nhận giấy triệu tập phải có mặt tại các phòng tuyển quân vào ngày hôm nay (22/9) cũng là ngày đầu tiên của lệnh bắt quân dịch.   Giá vé máy bay rời khỏi Moscow tăng vọt lên hơn 5.000 đô la cho các chuyến bay một chiều đến các địa điểm nước ngoài gần nhất, trong những ngày tới hầu hết đã bán hết . Lượng xe cộ cũng tăng vọt tại các cửa khẩu biên giới với Phần Lan và Georgia.   Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi Liên Hiệp Quốc thành lập một tòa án đặc biệt và tước quyền phủ quyết của Moscow trong Hội đồng Bảo an LHQ, cùng lúc một cuộc đối đầu ngoại giao hiện ra hôm nay (22/9) ở New York.   Trước đó Ngày 21/9, Ông Zelensky phát biểu: "Đã xảy ra tội ác giáng xuống Ukraine và chúng tôi yêu cầu phải có sự trừng phạt công minh". Ông Zelenskiy (mặc áo thun quân đội màu xanh lá cây đặc trưng) phát biểu với các nhà lãnh đạo thế giới qua đường truyền video tại Đại hội đồng LHQ thường niên.   Hội đồng Bảo an đã không thể có hành động đáng kể gì về Ukraine vì Nga là thành viên thường trực có quyền phủ quyết, cùng với Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Trung Quốc.   Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ đối mặt với những người đồng nhiệm của Ukraine và phương Tây khi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan họp với hội đồng gồm 15 thành viên vào tối nay (22/9).   Trên chiến trường, Moscow không kiểm soát được toàn bộ nơi nào trong số 4 khu vực mà họ đang tìm cách thôn tính, lực lượng của họ chỉ nắm giữ khoảng 60% Donetsk và 66% Zaporizhzhia.   II- "Đừng chết cho Putin!"   Trước đó, sau bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Putin vào thứ Tư 21-9 về việc huy động một phần những công dân hiện đang trong lực lượng dự bị mới và những người đã từng phục vụ trong lực lượng vũ trang có chuyên môn quân sự phải nhập ngũ,   Phong trào Dân chủ Thanh niên Vesna kêu gọi " Các bạn không cần phải chết thay cho Putin!" Những người thân yêu của các bạn cần các bạn ở lại Nga. Đối với các nhà chức trách, các bạn chỉ là bia đỡ đạn, nơi mạng sống của bạn sẽ bị phung phí mà không có bất kỳ ý nghĩa hay mục đích nào. . Vì vậy chúng tôi kêu gọi quân đội Nga trong các đơn vị và tiền tuyến từ chối tham gia vào ‘chiến dịch đặc biệt này hoặc đầu hàng càng sớm càng tốt,”   Cuộc biểu tình đã diễn ra tại quảng trường ở các thành phố, từ vùng Viễn Đông của Nga đến Urals, các và thị trấn trên khắp nước Nga lúc 7 giờ tối theo giờ địa phương (16 giờ GMT) vào thứ Tư, Có riêng một trang web các hướng dẫn an toàn trong cuộc biểu tình và những việc cần làm trong trường hợp bị bắt giữ.   II- Thiếu quân chiến đấu! Lãnh đạo nhóm đánh thuê Wagner tuyển mộ tù nhân   Theo BBC tiếng Việt- Người sáng lập nhóm lính đánh thuê Wagner bí hiểm của Nga xuất hiện trong đoạn phim bị rò rỉ, chiếu cảnh tuyển mộ tù nhân để chiến đấu ở Ukraine.   Trong các cảnh quay được BBC xác minh, có thể thấy ông Yevgeniy Prigozhin đang phát biểu trước những người bị giam giữ.   Ông Prigozhin nói với các tù nhân rằng bản án của họ sẽ được giảm để đổi lấy việc phục vụ tổ chức của ông.   Đoạn video sẽ xác nhận suy đoán lâu nay rằng Nga hy vọng sẽ tăng cường lực lượng của mình bằng cách tuyển mộ tù nhân.   Trong khi luật pháp Nga không cho phép giảm án tù để đổi lấy dịch vụ lính đánh thuê, ông Prigozhin khẳng định "không ai quay lại tù" nếu họ phục vụ nhóm của ông.   “Nếu bạn phục vụ sáu tháng ở nhóm Wagner, bạn được tự do, Nhưng ông ta cảnh báo "nếu bạn đến Ukraine và đào ngũ, chúng tôi sẽ hành quyết bạn".   Ông ta cũng thông báo cho các tù nhân về các quy tắc của Wagner về cấm rượu, ma túy và "quan hệ tình dục với phụ nữ địa phương, động thực vật, đàn ông - bất cứ thứ gì". Không rõ ai đã quay video, và thời điểm khi nào. Nhưng BBC đã định vị địa lý đoạn phim tới một nhà tù ở Cộng hòa Mariy El, miền trung của Nga. Phần mềm nhận dạng khuôn mặt trả về kết quả phù hợp từ 71% đến 75% với một bức ảnh thực tế của ông Prigozhin. Các nguồn tin xác nhận với đài BBC tiếng Nga rằng người trong video có khả năng là ông Prigozhin. "Đây là giọng nói , ngữ điệu của anh ấy... Tôi chắc chắn 95% rằng đây không phải là bản dựng", một nguồn tin nói với BBC.   Ông Prigozhin - đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin - trước đó đã phủ nhận mối liên hệ với nhóm Wagner, lực lượng đã được triển khai ở Ukraine, Syria và một số cuộc xung đột ở châu Phi. Nhưng trong đoạn video, người đàn ông nói với các tù nhân rằng ông là "đại diện của một công ty chiến tranh tư nhân".   “Có lẽ bạn đã nghe đến cái tên - Tập đoàn Wagner,” ông hỏi nhóm tù nhân.   Ông tiết lộ rằng 40 tân binh đầu tiên từ một trại tù ở St Petersburg đã được triển khai trong một cuộc tấn công vào Nhà máy điện Vuhlehirska ở miền đông Ukraine vào tháng 6 năm ngoái.   Ông cho biết các tù nhân đã xông vào chiến hào Ukraine và tấn công quân của Kyiv bằng dao. Ông Prigozhin cho biết ba trong số những người đàn ông - bao gồm một người đàn ông 52 tuổi đã bị giam giữ hơn 30 năm - đã thiệt mạng. Nguồn gốc của nhóm Wagner không rõ ràng, nhưng được cho là được thành lập bởi một cựu sĩ quan quân đội Nga, Dmitri Utkin.   BBC trước đây đã xác định mối liên hệ giữa tập đoàn này và ông Prigozhin, được gọi là "đầu bếp của Putin" - được gọi như vậy bởi vì ông đã đi lên từ vị trí chủ nhà hàng và người phục vụ cho Điện Kremlin.   Nhóm này được cho là đã được triển khai tới Ukraine từ năm 2014, và kể từ khi Nga xâm lược vào tháng Hai, các lực lượng Ukraine đã tiến hành các cuộc không kích vào những gì họ nói là căn cứ Wagner ở miền đông Ukraine bị chiếm đóng.   Vào tháng Tám năm nay, Mỹ cho biết có tới 80.000 quân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng Hai, và Moscow được cho là đã quay sang Wagner để lấp đầy khoảng trống do thương vong nặng nề để lại. Tháng trước, các phương tiện truyền thông độc lập của Nga đã nói chuyện với các tù nhân bị giam giữ ở các địa điểm khác nhau ở Nga. Họ nói rằng ông Prigozhin đã đích thân đến thăm cơ sở của họ để tuyển mộ các tù nhân tham gia cuộc chiến ở Ukraine.   III- Trao đổi tù nhân Nga và thả một thanh niên gốc Việt   Nga phóng thích hai công dân Hoa Kỳ Alexander Drueke, 39 tuổi, và Andy Huynh, 27 tuổi, trong một cuộc trao đổi tù nhân do Ả Rập Xê Út làm trung gian, một đại diện của gia đình cho biết ngày 21/9.   Cả ông Drueke và ông Huynh đều từ Alabama, bị bắt vào tháng 6 khi đang chiến đấu ở miền đông Ukraine, nơi họ đến để hỗ trợ quân đội Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.   Nga ngày 21/9 phóng thích 10 tù binh chiến tranh người nước ngoài bị bắt ở Ukraine, sau một cuộc hòa giải của Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út cho biết.   Hai ông Drueke và Huynh được cho là những công dân Hoa Kỳ đầu tiên được xác nhận bị lực lượng của Nga bắt giữ ở miền đông Ukraine khi họ được thông báo mất tích vào giữa tháng 6. Vào thời điểm đó, vị hôn thê của ông Huynh, Joy Black, nói với Reuters rằng ông bị thôi thúc phải hỗ trợ Kyiv trong cuộc chiến chống Nga sau khi xem các đoạn phim từ Ukraine trong những tuần đầu tiên sau khi Nga xâm lược. Trong một tuyên bố gửi qua email cho Reuters ngày 21/9, bà Dianna Shaw, dì của ông Drueke và là người phát ngôn của cả hai gia đình, xác nhận rằng hai ông Drueke và Huynh nằm trong số 10 người đã được Nga thả vào ngày 21/9. Không có bình luận chính thức từ Nga về việc phóng thích này.   Ông Drueke ở Tuscaloosa, Alabama, và ông Huynh ở Hartselle, Alabama, đều đã từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.   Sau khi bị quân Nga bắt, cả hai bị giam giữ tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR), một chế độ ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine. Truyền hình nhà nước Nga đã quay các cuộc phỏng vấn với hai người này, trong đó họ nói rằng họ đã thay đổi quan điểm về cuộc chiến kể từ khi được cử ra chiến đấu.   Gia đình họ nói rằng những đoạn phim này rõ ràng là cưỡng ép và được sử dụng cho mục đích tuyên truyền.  
......

Nước Anh và bài học về quyền lực mềm của Nữ hoàng

Nữ hoàng Anh Elizabeth II Nguyễn Duyên Chiều 19/9 (giờ Hà Nội), nước Anh và thế giới đưa tiễn Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị về nơi an nghỉ cuối cùng. Việt Nam chỉ cử cấp Ngoại trưởng, ông Bùi Thanh Sơn tới London để dự quốc tang Nữ hoàng.   Việc Việt Nam không những không cử Chủ tịch nước mà chỉ cho người đại diện, cấp lại khá thấp như vậy, thấp hơn cả Trung Quốc cử Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình, đến dự quốc tang Nữ hoàng khiến tôi và nhiều người khác tiếc nuối.  Sách kiếm hiệp hay dẫn câu: “Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ”, nghĩa là ở đời này có biết bao câu chuyện mà bản thân mình chẳng thể làm chủ được, phải hành động theo “ý chỉ” của bề trên. Khái quát này có thể mô tả và lý giải khá chính xác động thái ngoại giao vừa qua của chính phủ Việt Nam.   Nói thậy là tôi thấy sốc vì nhiều lẽ: Thứ nhất, phải chăng VN đang phụ thuộc ngày càng tăng trong bang giao với Trung Quốc và Liên bang Nga? Hoàng gia Anh không mời Putin sang dự, do cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine. Còn Trung Quốc, tuy được mời mà ông Tập hẳn nhiên cũng chẳng mặn mà gì với Nữ hoàng. Nhưng ít nhất, ông đã cử cấp phó sang đại diện. Có phải vì sợ làm mất lòng “hai đại ca”, Việt Nam “chia sẻ” bằng một ứng xử vụng về, bất chấp sự thật là các nước ASEAN đều cử lãnh đạo cao cấp nhất nhì đi dự tang lễ.   Thứ hai, Việt Nam đánh mất một cơ hội hiếm hoi để có thể đi ra với thế giới văn minh. Trước tang lễ, Tân Vương Charles III long trọng tiếp lãnh đạo 14 nước trong khối Thịnh Vượng Chung. Tân vương cũng tiếp các khách mời của mình, bao gồm Vua Tây Ban Nha, Nữ hoàng Đan Mạch, Hoàng đế và Hoàng hậu Nhật Bản, Thái tử Ả Rập Xê Út, các Tổng thống Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu...Chủ tịch nước Việt Nam đáng ra có chỗ ở đấy nhưng đã chọn ngồi nhà. Có phải các lãnh đạo cao nhất đang tự mình “tách khỏi” cộng đồng văn minh nhân loại?  Thứ ba, Việt Nam nghĩ gì về quy chế “quan hệ đối tác chiến lược”,  ký từ tháng 9/2010 với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Ai đó muốn khái niệm “đối tác chiến lược” trở thành mỉa mai và không hề phản ánh các tiêu chí cũng như bản chất cần có của mối quan hệ?   Thiển nghĩ, sau vụ này, nếu phía chính phủ Anh có quyết định xem xét lại “quan hệ đối tác chiến lược” của họ với Việt Nam thì cũng không có gì làm lạ. Thành kính, vinh danh và ném đá Ngược lại với thái độ thất thố nói trên là tình cảm của thường dân và một số quan chức Việt Nam đối với Nữ hoàng.  Họ thật sự thành kính và vinh danh Bà. Đại sứ Anh tại Hà Nội Iain Frew ghi trong Sổ tang Nữ hoàng: “… Chúng tôi nhận được rất nhiều lời chia buồn ấm áp và cảm động, từ các chính khách cho tới người dân Việt Nam mọi lứa tuổi. Họ đều bày tỏ lòng thành kính và vinh danh những di sản của Bà”.  Nhưng có phải vì vậy mà một số cá nhân... nóng mặt. “Ngạc nhiên đến bất ngờ: Tin tức dày đặc về Nữ hoàng trên truyền thông Việt Nam” kể về một facebooker là Chau Bui bị nhiều người ném đá vì... “sính ngoại, quên lịch sử nước nhà”, do dám gọi Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị là... NGƯỜI! Tuy nhiên, câu chuyện chưa ngừng ở đó. Thay vì chửi đổng, đưa ra những lập luận ngu ngơ khi khi tham gia “hạ bệ” Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, trên trang Facebook có tên là Tifosi có một bài được chuẩn bị khá công phu đã gắn Nữ hoàng của Vương quốc Liên hiệp Anh mới qua đời với việc “gây ra đau thương cho nhân dân Việt Nam”.   Thật tội nghiệp và cũng đáng lo cho một thế hệ luôn được nuỗi dưỡng bằng tâm thức “đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ…” Nhưng đến khi đọc các “tuýt” của những người nhận lương hàng tháng để “chơi” FB thì tôi mới giật mình. Họ viết các “tuýt” truyền bá những dòng trạng thái, đại thể như: Nữ hoàng ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam, dù năm 1858 thì cha của ông chúa Elizabeth Windsor cũng chưa ra đời, và năm 1946, khi Pháp theo chân Đồng minh giải giáp quân Nhật quay lại Đông Dương thì cô công chúa mới 20 tuổi.  Theo họ, đã là Nữ hoàng thì chắc chắn phải “gây ra đau thương cho nhân dân Việt Nam”. Vừa đọc, vừa cảm thấy rùng mình. Quyền lực mềm và danh tiếng quốc tế Những tranh cãi trên làm người Việt Nam, nhất là các lãnh đạo quên đi một bài học rất quan trọng: quyền lực mềm trên trường quốc tế.  Quyền lực mềm của Nữ hoàng đã giúp giữ Vương quốc Anh lại với nhau thành một quốc gia. Khi người Scotland bỏ phiếu đòi tách khỏi Vương quốc vào tháng 9/2014, vai trò của Nữ hoàng đã bị soi xét kỹ lưỡng. Vào thời điểm đó, lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland Alex Salmond, cam kết rằng nếu các cử tri ủng hộ việc tách khỏi Liên hiệp, Elizabeth II sẽ vẫn là “Nữ hoàng Scotland”. Salmond đã đánh giá chính xác tâm trạng phổ biến của thần dân – 52% dân chúng muốn giữ Bà lại.   Nữ hoàng không thuộc một phe nhóm, một địa phương cụ thể nào, không thiên tả hay thiên hữu, trong một chế độ dân chủ vốn được thiết kế với mục đích cho mọi người có cơ hội tự do trong hợp tác và đấu tranh lẫn nhau. Bà là nhân tố đoàn kết, thống nhất, sử dụng quyền lực mềm của mình một cách tế nhị và kín đáo với mục đích duy nhất là gìn giữ Liên hiệp và những dấu tích của Đế chế, Khối thịnh vượng chung, theo một bài trên CNN. Quyền lực mềm của Bà nằm ở khả năng quy tụ. Khả năng của Nữ hoàng trong thấu cảm và và điều hướng sự phức tạp trong mối quan hệ giữa lãnh đạo xứ Scotland với London theo cách mà các chính trị gia Anh – đặc biệt là những người theo Đảng Bảo thủ – hiếm khi nắm bắt được. Bà cũng đóng vai trò xoa dịu nỗi đau khổ cá nhân của cuộc xung đột giữa quyền lực Anh và chủ nghĩa dân tộc Ireland. Đó là những cống hiến của Bà cho sự thống nhất của đất nước. Bài học làm lãnh đạo để hàn gắn các rạn nứt, đau thương trong quá khứ, do các thế hệ trước gây ra, là rất cần thiết cho Anh, cũng như cho Việt Nam. Một cây bút ở Hoa Kỳ, ông Ngô Nhân Dụng viết trên VOA Tiếng Việt rằng Nữ hoàng Anh đóng vai Nguyên thủ quốc gia một cách bình thản lặng lẽ, dùng những lời ái ngữ vừa phải. Mọi cử chỉ, hành vi của Bà đều có chừng mực như thể tất cả đã được quy định trước, nhưng Bà biểu lộ rất thoải mái, tự nhiên, như thể đã được sinh ra để sống đúng theo nền nếp đó. Tôi và không ít người Việt Nam cảm thấy nước Anh may mắn có một người lãnh đạo đứng đầu, trong 70 năm làm biểu tượng vững vàng khi quốc gia trải qua bao sóng gió. Theo tờ “Financial Times” (17/9/2022), khi cả nước Anh, trong niềm tiếc thương Nữ hoàng, chào đón các vị Nguyên thủ quốc gia thế giới, thì đấy chính là cơ hội để thu hẹp khoảng cách giữa các tuyên bố và thực tế đã ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Anh quốc trong một thời gian dài. Vương quốc Anh đang cân nhắc liệu có nên tham dự vào cuộc họp đầu tiên của “Cộng đồng Chính trị châu Âu” sắp được tổ chức ở Prague vào đầu tháng 10/2022 thật đáng khích lệ.  Vương quốc Anh tiếp tục có thể giữ vai trò lãnh đạo quốc tế nếu chính phủ nước này đặt ra các ưu tiên rõ ràng và theo đuổi chúng một cách nhất quán, như thái độ của Anh quốc đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. Nơi tốt nhất để khởi động một chiến dịch nhằm nâng cao vị thế quốc tế của nước Anh chính là Ukraine.  Có một thông điệp quan trọng đằng sau việc hiện nay còn hơn 100 quốc gia, kể cả các cường quốc như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil vẫn từ chối trừng phạt Nga.   Nước Anh có đủ khả năng mở ra các cuộc tranh luận với những nước này về hoạt động của hệ thống quốc tế. Anh quốc cũng có thể giúp cải thiện lập trường khá tiêu cực hiện nay của Việt Nam đối với khủng hoảng Ukraine.  Trong nhiều thập kỷ trị vì của Nữ hoàng, nước Anh đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng ảnh hưởng và sức mạnh thuyết phục của họ trong hệ thống đa phương. Tân vương Charles III vừa lên, ngay trong 10 ngày đầu đã tỏ ra có uy tín đáng nể trên thế giới. Ngay cả khi ông cẩn trọng trên chính trường quốc nội, kinh nghiệm quốc tế của ông và tư cách nguyên thủ của 14 nước Commonwealth tự nó là một động lực để phát huy cao độ quyền lực mềm mà Nữ hoàng đã để lại.   Tôi chưa thấy các lãnh đạo Việt Nam hiểu được điều này để đón năm 2023 sắp tới, năm đánh dấu nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao London-Hà Nội. Tôi chỉ mong mình sai. Nguyễn Duyên,  BBC News         
......

Nước Nga chưa bao giờ tồi tệ như thế

Đỗ Xuân Cang Sáng sớm 24 tháng 2 nước Nga nổ súng ào ạt tấn công trên khắp đất nước Ukraine. Cả thế giới bàng hoàng và phải mất nhiều ngày để ý thức rằng trật tự thế giới đã bị phá vỡ. Có lẽ những người duy nhất không bất ngờ là kẻ gây chiến và lực lượng tình báo, chính trị gia của các nước lớn. Họ tin nước Nga sẽ nhanh chóng chiến thắng và chấp nhận Putin nuốt chửng Ukraine như Putin đã từng lấy Chechnya, Nam Ossetia, Abkhazia. Dường như đối với họ đó là lựa chọn khôn ngoan để tránh chiến tranh thế giới lần thứ ba. Sự quật cường, anh dũng của quân và dân Ukraine là bất ngờ lớn đối với nhiều chính trị gia phương Tây. Diễn tiến chiến trường đã bắt buộc họ phải xét lại thái độ và tìm sự lựa chọn khác. Nhưng người bất ngờ lớn hơn cả lại là Putin và bè lũ xâm lược. Nhân dân Ukraine không đón quân đội Putin bằng bánh mì và muối, mà bằng những trận chiến ác liệt. Đối với nhiều người Nga sinh sống trên đất Ukraine thì Ukraine cũng là thiêng liêng đối với chính họ. Tám năm chia cắt đã đủ cho họ thấy tham vọng nhơ bẩn và xấu xa của Putin và thuộc hạ. Nước Nga chưa bao giờ tồi tệ như ngày hôm nay, cả thế giới tẩy chay nước Nga. Các đồng cấp tại hội nghị G20 không ai muốn chụp hình chung với Lavrov và cũng không muốn ngồi chung bàn trong đại tiệc, những câu hỏi được ném ra cho Lavrov đó là bao giờ các ông dừng cuộc chiến? Dù lì lợm lão luyện nhà ngoại giao nhiều năm đại diện cho đế chế Putin, Lavrov đã nhiều lần rời phòng họp trước những chất vấn và cuối cùng đã bỏ chạy. Nước Nga không còn khả năng đối thoại. Có thể thấy cả thế giới đứng về phía Ukraine trong cuộc chiến này. Các quốc gia đồng minh và cả “thuộc quốc” như Belarus cũng không nhìn nhận Crimea thuộc Nga. Số ít quốc gia có toan tính gian tham cũng không dám công khai lên tiếng mà chỉ âm thầm lợi dụng tình thế để kiếm lợi ích từ Nga. Putin đã cô lập hóa nước Nga. Putin nã tên lửa siêu thanh vào nên văn minh nhân loại và thách thức thế giới bằng đầu đạn hạt nhân. Khủng bố người dân Ukraine bằng sự tàn bạo. Putin nã tên lửa siêu thanh vào nên văn minh nhân loại và thách thức thế giới bằng đầu đạn hạt nhân. Khủng bố người dân Ukraina bằng sự tàn bạo. Khi quan sát diễn tiến chính trị tại nước Nga, với tư cách cá nhân, tôi đã gọi Putin là kẻ giết người. Putin quả là tên ác quỷ, hắn đã giết hại rất nhiều người bất đồng chính kiến. Putin là tên giết người kinh khủng nhất từ sau khi đế chế Liên Xô sụp đỗ về cả phương pháp lẫn mức độ tàn bạo. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy hàng loạt vụ nổ mìn, khủng bố trong hơn 20 năm qua giết hại người dân Nga, là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến, mà người đặt hàng chính là Putin. Lực lượng thực hiện những vụ này không phải quân khủng bố mà là an ninh Nga. Hàng loạt các vụ chết một cách kỳ lạ và kinh hoàng của các tỷ phú Nga mới đây như là thông điệp của Putin đối với thuộc hạ, chống Putin là chết. Trong quá khứ Putin đã từng đầu độc những người đối lập bằng phóng xạ Novichok (chất độc hóa học thuộc sở hữu của chính quyền Nga mà Nga đã cam kết hủy bỏ và không sử dụng). Với những gì đã và đang xảy ra cần phải nhìn nhận Putin là tên tội phạm chống lại loài người. Chính quyền Nga không chỉ là chính quyền tài trợ cho khủng bố mà chính quyền Nga là một chính quyền khủng bố. Nước Nga là ác mộng với người yêu nước Theo theo lời một sĩ quan tình báo, người đã nhiều lần là nghị sĩ Quốc hội Nga, Gennady Gudkov, ngay sau 24 tháng 2 năm 2022 đã có khoảng 4 triệu người Nga rời đất nước. Theo báo chí phương tây ít nhất 1,5 triệu người trình độ cao học bỏ ra đi. Đa phần những người ra đi là những người chống lại cuộc chiến tranh này. Nhiều người ra đi vì đã bị đàn áp, họ tin chắc nhà cầm sẽ tăng cường đàn áp không để họ sống yên nếu họ không chịu câm nín. Trong đó có nhiều người thành công và sự nghiệp của họ gắn liền với nước Nga, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bỏ nước ra đi là cắt khỏi cuội nguồn sự sáng tạo, cắt khỏi khán thính giả, độc giả. Ra đi là dứt bỏ một đời sống quen thuộc, dứt bỏ ngôi nhà, dứt bỏ những dự định mơ ước và dứt bỏ một đất nước, không bao giờ là một lựa chọn dễ dàng. Đó là sự đau đớn khác gì dứt một phần da thịt của chính mình. Cuộc chiến xâm lược do Putin và bè lũ tiến hành đã là giọt nước tràn ly đã tích đầy qua năm tháng. Tên độc tài phát xít Putin đã biến nước Nga thành đất nước của những bóng ma khi vắt kiệt tình cảm lòng yêu nước của những con người chân chính. Nước Nga không còn là của họ vì Putin và những thây ma. “Zombie” quá đông (ý kiến của nhiều người Nga). Cuộc chiến giả dối Putin mở ra cuộc chiến nhân danh sự giải phóng người Nga khỏi chủ nghĩa phát xít. Không có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ chính quyền của Zelensky có tính phát xít. Ngược lại tất cả những gì Putin đã và đang làm trên đất Ukraine chính là hiện thân của phát xít. Putin không nhìn nhận sự tồn tại của một dân tộc Ukraine và đang cố gắng tiêu diệt nó. Putin muốn xóa bỏ căn cước Ukraine. Đây không phải lần đầu, Putin đã từng đem bom đạn “giải phóng” người Nga tại Chechnya khỏi mái nhà của họ, “giải phóng” họ khỏi cuộc sống. Giờ Putin làm lại điều đó ở Ukraine, 95% nhà của người dân Mariupol đã bị tàn phá. Đất nước của đạo tặc Qua hàng trăm cuộc điện đàm của những người lính Nga trên chiến trường Ukraine với bố mẹ vợ con và người yêu cho thấy đa số họ cho rằng việc lấy đồ của người dân Ukraine thậm chí hãm hiếp phụ nữ là một lẽ hiển nhiên. Thực tế xảy ra ở khắp nơi mà quân Nga từng chiếm đóng là trộm cắp, giết người, hãm hiếp, hành hạ lên tới mức độ kinh hoàng. Thật không thể tưởng tượng được sự xuống dốc về đạo đức của nước Nga dưới thời Putin. Quốc hội Nga đã chính thức hợp pháp hóa việc buôn lậu. Điều đó có nghĩa là tất cả xe, máy, đồ trộm cắp ở Ukraine sẽ được đăng ký sử dụng và buôn bán tự do. Một tài liệu hi hữu do phóng viên nhà báo thu được từ người lính Nga từng có mặt ở làng Andreaka đã thú nhận tất cả tội ác của mình từ giết người dân vô tội đến trộm cướp. Sự trộm cướp của cuộc chiến này không chỉ diễn ra trên phương diện cá nhân. Nước Nga đã đánh cắp tất cả những gì có thể ăn cắp được từ trang thiết bị trường học bệnh viện, sân chơi trẻ em, lúa mì, hoa quả cho đến sắt thép. Hiện tại và tương lai nước Nga Hàng loạt các công ty từ chối hoạt động ở nước Nga. Điều đó không đơn giản là người Nga sẽ không có bigmac của McDonald’s, nước Nga sẽ không có hàng loạt những mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm, thuốc men, trang thiết bị đến máy móc. Các hệ điều hành máy tính hết hạn sử dụng sẽ không được update. Thuốc men trang thiết bị y tế và ngay cả cả những thuốc ngoại được sản xuất tại nước Nga cũng có nguy cơ phải dừng lại. Toàn bộ phương tiện vận tải của Nga từ xe 4 bánh, xe lửa, tàu biển đến máy bay đều có yếu tố nước ngoài nếu hỏng hóc sẽ không có linh kiện thay thế. Các hãng bảo hiểm dịch vụ bảo trì và cung cấp chứng chỉ từ chối phục vụ khách hàng Nga, các hãng hàng không Nga và vận tải biển có nguy cơ phá sản. Khó có thể tìm được khách hàng sử dụng dịch vụ của con tàu không được bảo hiểm. Hiện tại hãng hàng không Nga đã phải tháo dỡ máy bay để lấy phụ tùng, và không sử dụng người lái thứ hai với mục đích tiết kiệm. Không thể để Putin dùng công ty khí đốt Gazprom để trói buộc EU. Lộ trình cắt hoàn toàn khí đốt từ Nga đã được thống nhất, Gazprom cũng khó thoát khỏi phá sản. Thế giới văn minh quay lưng lại với nước Nga bằng những lệnh cấm vận. Rất nhiều người Việt chúng ta hiểu sự cấm vận này như là một cuộc chiến. Đó là một sự hiểu lầm. Cần phải hiểu cấm vận là việc khước từ sự tham dự của một cầu thủ bóng đá chỉ thích chơi bằng tay. Sự tan vỡ khó tranh khỏi Cuộc chiến can trường của người dân Ukraine đánh thức niềm tủi nhục công dân hạng hai của nhiều sắc tộc trong liên bang Nga. Sự phi lý không được đối xử một cách công bằng. Người Buryat, Dagestan, Turk chiến đấu vì thế giới Nga trong sự phân biệt đối xử. Hy vọng các quốc gia sẽ thấy được vận mạng của mình. Xin nhắc lại nước Cộng hòa Czech và Cộng hòa Slovakia đã “chia tay” trong hòa bình. Thế giới chúng ta đang sống rất cần đến nhau. Thế giới càng ngày càng đồng thuận, ví dụ chúng ta đồng thuật luật đi đường. Ngày nay thế giới không còn tồn tại độc quyền. Cuộc chiến bất nhân phi nghĩa của Putin và bè lũ gây ra tại Ukraine làm thay đổi toàn bộ thế giới. Chưa nói đến hàng trăm ngàn sinh mạng mất đi vĩnh viễn và hàng triệu người bị tổn thương tâm lý và ảnh hưởng lâu dài của cuộc chiến này suốt cuộc đời họ thì mỗi cá nhân chúng ta dù ở rất xa đều cảm thấy cuộc chiến tranh qua chi tiêu hàng ngày. Nhân loại cần đồng lòng ủng hộ Ukraine kết thúc cuộc chiến. Đỗ Xuân Cang Praha, 21/9/2022 Ảnh: Đàn Chim Việt  
......

Nga tổ chức ‘trưng cầu dân ý’ vùng đất chiếm của Ukraine, Mỹ khó xử

Một tòa nhà bị phá hủy ở Kramatorsk, thuộc vùng Donetsk hôm 18/8/2022, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. Vùng Donetsk sẽ bị Nga sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Ảnh: Juan Barreto/AFP via Getty Images Hiếu Chân - Người Việt Vài hôm trước, những người theo dõi chiến cuộc ở Ukraine đều tự hỏi: Tổng Thống Vladimir Putin của Nga sẽ làm gì khi bị dồn vào chân tường? Câu trả lời đã xuất hiện: Trưng cầu dân ý và sáp nhập vào Nga các vùng lãnh thổ Ukraine đang bị chiếm đóng. Chiến thắng giòn giã của quân Ukraine trong cuộc phản công chiếm lại vùng Đông Bắc chung quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, mầm mống phản chiến nảy nở trong giới thượng lưu Nga, và thái độ lạnh nhạt của cả Trung Quốc và Ấn Độ tại hội nghị Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải ở Uzbekistan cuối tuần trước chứng tỏ ông Putin đã thất bại hoàn toàn cả về quân sự, nội trị và ngoại giao. Trong thế “chó cùng cắn giậu,” chắc chắn ông chủ điện Kremlin sẽ vùng vẫy, nhưng ông ta vẫy như thế nào thì chưa biết. Sang Thứ Ba, 20 Tháng Chín, câu trả lời đã xuất hiện: Putin sẽ nhanh chóng sáp nhập vào lãnh thổ Nga bốn khu vực của Ukraine mà quân Nga đang chiếm đóng toàn bộ hoặc một phần, gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk – hợp thành vùng Donbass – cùng với thành phố Kherson và tỉnh Zaporizhzhia. Một kế hoạch thâu tóm lãnh thổ được dàn dựng chi tiết đã được truyền thông Nga cổ xúy, theo đó các chính quyền bù nhìn do Nga dựng lên ở bốn khu vực này sẽ thực hiện “trưng cầu dân ý” về sáp nhập khu vực của họ vào Nga. Các cuộc “trưng cầu dân ý” sẽ bắt đầu ngay từ Thứ Sáu tuần này và kéo dài năm ngày. Bốn khu vực mà Nga thâu tóm nằm ở phía Đông và Đông Nam Ukraine, giáp biên giới Nga và biển Azov, chiếm khoảng 15% tổng diện tích của Ukraine, tương đương lãnh thổ Hungary. Trước đây các quan chức tay sai của Nga tại các khu vực trên đã lập kế hoạch “trưng cầu dân ý” giả mạo như vậy nhưng không thực hiện được do sự phản đối của người dân và chiến sự. Lần này thì họ sẽ làm gấp dưới sự điều khiển của Điện Kremlin. Thủ đoạn này không mới, chỉ lặp lại kịch bản Nga chiếm đóng, trưng cầu dân ý và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Khi đó, Tây phương phản ứng khá dè dặt, dù không công nhận Crimea thuộc về Nga nhưng cũng không có biện pháp trừng phạt mạnh nào đối với Kremlin. Lần này, ông Putin “bổn cũ soạn lại” nhưng không chỉ chiếm đất mà còn leo thang chiến tranh một bước mới. Những người thân Nga coi các cuộc trưng cầu dân ý này như một tối hậu thư, buộc Tây phương phải chấp nhận việc chiếm đất của Nga hoặc đối mặt với một cuộc chiến tranh tổng lực với một cường quốc nguyên tử. Sau khi thâu tóm, Moscow sẽ tuyên bố những cuộc tấn công vào bốn khu vực này là tấn công nước Nga, sẽ tổng động viên dân Nga hoặc có một hành động trả đũa nguy hiểm nào đó như sử dụng vũ khí hạt nhân chẳng hạn. Nhà báo Margarita Simonyan, chủ biên đài truyền hình RT-TV thân Kremlin, tóm tắt sự việc một cách đơn giản: “Hôm nay trưng cầu dân ý, ngày mai công nhận [bốn khu vực] là một phần Nga, ngày mốt tấn công vào lãnh thổ Nga là chiến tranh toàn diện giữa Ukraine, NATO và Nga.” Ông Dmitry Medvedev, người từng là tổng thống, thủ tướng và bây giờ là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Nga dưới quyền ông Putin, nói việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga sẽ cho phép Moscow sử dụng mọi phương tiện để bảo vệ lãnh thổ và sẽ “thay đổi hoàn toàn” tương lai của nước Nga. “Sau trưng cầu dân ý và các lãnh thổ mới được nhập vào Nga, sự chuyển dịch về địa chính trị của thế giới sẽ trở nên không thể đảo ngược được. Một sự xâm phạm lãnh thổ Nga sẽ là hành động mà chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để tự vệ,” ông Medvedev nói. *** Ông Medvedev nhận định Ukraine và Tây phương lo sợ các cuộc trưng cầu dân ý ở các vùng tạm chiếm và đó là lý do Nga cần phải thực hiện kế hoạch này. Nhưng Bộ Trưởng Ngoại Giao Dmytro Kuleba của Ukraine có cách nhìn khác. “Nga đã và đang tiếp tục là kẻ xâm lược chiếm đóng bất hợp pháp đất đai của chúng tôi. Ukraine có quyền giải phóng các vùng lãnh thổ của mình và đang phản công tái chiếm chúng bất chấp Nga nói gì,” ông Kuleba nói. Nhà phân tích chính trị Volodymyr Fesenko, đứng đầu viện nghiên cứu độc lập Penta Center ở Kyiv, cho rằng kế hoạch của Moscow “thể hiện sự yếu kém chứ không phải sức mạnh của Kremlin” khi ông Putin tìm mọi cách xoay chuyển một tình huống đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Ông Fesenko nhận xét Kremlin hy vọng các cuộc bỏ phiếu và leo thang quân sự của Nga sẽ gia tăng sức ép lên các chính phủ Tây phương và họ sẽ buộc Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine phải đàm phán với Moscow. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cao cấp của Tổng Thống Zelensky, nói chuyện sáp nhập chỉ là để trấn an dân Nga và che giấu những tổn thất của Nga trên chiến trường. Ông cho rằng trưng cầu dân ý cũng không ngăn được “HIMARS và lực lượng vũ trang Ukraine tiêu diệt những kẻ xâm lược đang chiếm đất của chúng tôi.” HIMARS là loại pháo hỏa tiễn bắn hàng loạt do Mỹ viện trợ cho Ukraine, rất hiệu quả trên chiến trường. *** Khác với vụ Crimea năm 2014, lần này Tây phương phản ứng khá nhanh chóng và dứt khoát. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, tuyên bố ngay: “Hoa Kỳ sẽ không bao giờ công nhận yêu sách của Nga tại bất kỳ vùng lãnh thổ nào họ thâu tóm của Ukraine.” Ông thêm rằng, vụ sáp nhập phản ánh thất bại quân sự thê thảm của Nga. Bên lề hội nghị thường niên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Thủ Tướng Olaf Scholz của Đức nói những vụ trưng cầu dân ý này “rõ ràng, rất rõ ràng là giả tạo và không chấp nhận được.” Cả hai tổng thống, Emmanuel Macron của Pháp và Gitanas Nauseda của Lithuania, đều gọi đây là “trò hề” rẻ tiền: “Nga gây chiến tranh, xâm lược, ném bom thường dân, buộc mọi người chạy trốn rồi bây giờ nói những khu vực này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý!” Ngay đến Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, người đang làm trung gian giữa Nga và Ukraine, cũng phản đối. Trả lời phỏng vấn đài PBS tại New York, ông Erdogan nói để có hòa bình ở Ukraine, điều rất quan trọng là Nga phải trả lại những vùng đất đã xâm chiếm. Ông cũng nhắc lại lập trường từ trước đến nay của Thổ Nhĩ Kỳ là bán đảo Crimea bị Nga thâu tóm năm 2014 phải được trả lại cho Ukraine. “Từ năm 2014 chúng tôi đã nói với ông bạn thân Putin như vậy và đó là điều mà hiện chúng tôi vẫn yêu cầu ông thực hiện,” ông Erdogan nói. *** Sự phản đối của Tây phương chắc chắn không làm ông Putin thay đổi kế hoạch thâu tóm các vùng lãnh thổ chiếm được của Ukraine. Ông Putin vốn không đếm xỉa gì tới công luận bên ngoài và sẵn sàng chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế nên chắc chắn ông vẫn sẽ hành động bất chấp hậu quả. Trong khi đó, Ukraine khước từ mọi cuộc đàm phán hòa bình trước khi các vùng lãnh thổ bị Nga xâm chiếm, kể cả bán đảo Crimea, được trả lại cho Kiev. “Giải quyết xung đột cực kỳ đơn giản: Nga phải rút quân ngay lập tức khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine,” ông Podolyak khẳng định. Hoa Kỳ – nước viện trợ nhiều nhất và hiệu quả nhất cho cuộc kháng chiến của quân dân Ukraine – cho tới nay vẫn đứng trước một nan đề: Giúp Ukraine tự vệ và giành lại những vùng đất bị chiếm đóng nhưng không muốn chiến tranh lan rộng, dẫn tới một Thế Chiến Thứ Ba mà hậu quả khốc liệt chưa hình dung được. Tổng Thống Joe Biden đã nhiều lần từ chối cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tân tiến hơn nữa như hệ thống hỏa tiễn chiến thuật bộ binh ATACMs (Army Tactical Missile System) có tầm bắn tới 185 dặm (300 km) vì lo ngại Ukraine sẽ tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga làm xung đột lan rộng, bất chấp những yêu cầu thống thiết và cam kết của Tổng Thống Zelensky. Hành động gây hấn mới nhất của ông Putin chắc chắn làm cho ông Biden khó xử. Nếu ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tấn công một quốc gia NATO đang viện trợ cho Ukraine thì Hoa Kỳ không thể đứng ngoài. Tham gia một cuộc chiến tranh nữa không chỉ làm hao người tốn của mà còn gây gián đoạn công cuộc phục hồi kinh tế của Mỹ sau đại dịch COVID-19, phá hỏng những nỗ lực “xây dựng lại tốt hơn” [Build Back Better] – cốt lõi trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden và của đảng Dân Chủ. Hiếu Chân Nguồn: Người Việt  
......

Báo chí Việt Nam “né” vạch trần tham nhũng chính trị

189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ Sơ Panama. Ảnh: Việt Nam Thời Báo Hồng Dân - Việt Nam Thời Báo Cho đến nay báo chí Việt Nam không có tin tức nào mang tính hưởng ứng điều tra về Hồ sơ Panama “Hồ sơ Panama” mà Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế tung ra hồi đầu tháng 4/2016 gợi cho báo chí Việt Nam câu hỏi vì sao đã không hưởng ứng để vạch trần tình trạng bí mật tài chính và tham nhũng chính trị tại Việt Nam? Các chính phủ trên khắp thế giới hiện đã thu hồi hơn 1,36 tỷ USD tiền thuế và tiền phạt là kết quả trực tiếp của vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, bao gồm 185 triệu USD thu hồi mới được báo cáo trong 3 năm qua. Theo đó, từ 18g ngày 9/5/2016 theo giờ GMT, người dân trên khắp thế giới có thể truy cập trang Offshoreleaks.icij.org để xem dữ liệu về hơn 200.000 tài khoản ngân hàng do các cá nhân, tổ chức lập ở nước ngoài. Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tuyên bố việc công bố các dữ liệu này là vì “lợi ích của công chúng.” 5 năm sau khi ICIJ dẫn đầu một cuộc điều tra trên toàn thế giới phơi bày bí mật của ngành tài chính, 24 quốc gia đã báo cáo truy thu, với hàng trăm quốc gia khác vẫn đang tiến hành. Cụ thể, ICIJ đã kiểm tra hơn 11,5 triệu tài liệu bí mật từ công ty luật Mossack Fonseca của Panama. Kể từ tháng 4 năm 2019, Australia đã bổ sung gần 45 triệu USD vào tổng số tiền thiệt hại, hiện lên đến gần 138 triệu USD. Chính phủ Italy đã báo cáo thu hồi thêm 31,8 triệu USD kể từ năm 2019, gần gấp đôi tổng số tiền tới 65,5 triệu USD. Đầu năm 2021, Cơ quan quản lý thuế Na Uy lần đầu tiên cho biết rằng họ đã có thể thu hồi gần 34 triệu USD. Với những phát hiện mới của mình, Australia trở thành quốc gia thứ năm chính thức báo cáo khoản tiền hơn 100 triệu USD được thu hồi sau vụ Hồ sơ Panama. Vương quốc Anh đã thu hồi được 252,8 triệu USD; Đức đã thu hồi 195,7 triệu USD (12,5 triệu USD kể từ năm 2019); Tây Ban Nha đã thu hồi được 166,5 triệu USD; và Pháp đã thu lại 142,3 triệu USD. Sau Hồ sơ Panama, hơn 80 quốc gia đã công bố các cuộc điều tra có thể dẫn đến thu hồi thuế, các cáo buộc hình sự hoặc nhiều án phạt khác. Việt Nam chưa thấy đưa ra bất kỳ công bố nào liên quan Hồ sơ Panama. Truy cứ kho dữ liệu này thì Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian trong danh sách Hồ sơ Panama. Việc xuất hiện tên trong Hồ sơ Panama, hay việc có công ty offshore không đồng nghĩa với việc phạm pháp. Nhiều công ty và cá nhân có hoạt động thương mại ở nước ngoài có lập các công ty, tài khoản offshore này để thuận lợi cho việc giao dịch. Tuy vậy, những người chỉ trích thì cho rằng việc có công ty offshore có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc trốn thuế hay rửa tiền có từ hối lộ, tham nhũng hay các hành vi sai trái khác. Trong danh sách trên, có nhiều cá nhân là người Việt Nam, như: Bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc điều hành của Ngân hàng ANZ. Theo hồ sơ, bà Thủy có liên quan tới Công ty cho thuê mua tài chính ANZ V-Trac, được mở tại đảo Virgin (thuộc Anh). Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sovico, CEO của hãng hàng không Vietjet Air. Bà Thảo có liên quan với Ariana Hotels & Resort International trụ sở ở thiên đường thuế ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Ariana Hotels & Resort International cũng chính là chủ cũ của Furama Resort – bất động sản mà Sovico đã đầu tư mua lại năm 2005. Ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch Sovico Holdings) cũng chính là chồng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI)… Theo ghi nhận ở thời điểm đó thì Việt Nam xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama với 189 cá nhân, tổ chức cùng 19 công ty đăng ký trụ sở ở các thiên đường thuế. Tuy nhiên đến nay thì báo chí Việt Nam không có tin tức nào mang tính hưởng ứng điều tra về Hồ sơ Panama, mặc dù người đứng đầu đảng luôn ra sức hô hào chống tham nhũng. Hồng Dân Nguồn: Việt Nam Thời Báo  
......

Nhà nước còn độc quyền, dân còn khổ

Các tập đoàn, công ty nhà nước dù được độc quyền kinh doanh nhưng vẫn thua lỗ triền miên. Ảnh: FB Việt Tân Diễm Quỳnh - Việt Tân  Mặc dù là những đơn vị kinh doanh độc quyền các loại hàng hóa đặc biệt là điện, than, xăng dầu, nắm trong tay nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường, được hưởng thụ nhiều chính sách ưu đãi, vậy mà các doanh nghiệp này vẫn kêu lỗ triền miên… Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh nếu trừ đi chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, EVN ghi nhận lỗ 12.767 tỉ đồng và lỗ sau thuế là 16.586 tỉ đồng. Không chỉ kinh doanh điện với thế độc quyền kêu lỗ chưa đủ, EVN còn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các ngành ngân hàng, tài chính, chứng khoán, viễn thông… nhưng không mang lại hiệu quả. Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) báo cáo doanh thu thuần quý 2/2022 lỗ sau thuế gần 141 tỉ đồng. Petrolimex là doanh nghiệp độc quyền nhà nước. Hiện nay, tồn tại quá nhiều doanh nghiệp nhà nước, rất nhiều trong số đó kinh doanh không hiệu quả. Nhà cầm quyền cần tập trung nghiên cứu cải tổ triệt để và quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời có biện pháp hữu hiệu nhằm chống độc quyền của các tập đoàn kinh tế và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Công ty nhà nước không những không giúp nhà nước trong giảm lạm phát mà còn gây khó khăn thêm. Doanh nghiệp nào cũng liên tục kêu lỗ và đòi tăng giá thì nên để cho các doanh nghiệp tư nhân có khả năng làm sẽ tốt hơn. Diễm Quỳnh - Việt Tân   
......

Thất bại cay đắng của Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí Thư đảng CSVN Ảnh: VietTimes  Ngô Đồng Phát biểu tại Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội hôm 15 tháng Chín, 2022, Bộ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm thừa nhận về tình trạng bất lực trong công tác chống tham nhũng của đảng Cộng Sản Việt Nam. “Tham nhũng đang ngày càng tinh vi, phức tạp khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi đối phó với tội phạm… Mình cứ ra được cái khiên này thì tội phạm lại có mác khác, luôn luôn có cạnh tranh như vậy nên càng phức tạp,” Đại Tướng Tô Lâm nhấn mạnh. Ông Nguyễn Phú Trọng nắm chức vụ tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam kể từ năm 2011. Suốt thời gian cầm quyền, ông Trọng liên tục tuyên bố về cuộc chiến chống tham nhũng do ông phát động nhằm “chỉnh đốn đảng.” Hàng loạt phát ngôn mạnh miệng được ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Lò đã nóng lên rồi, củi tươi, củi khô cũng cháy,” “chống tham nhũng không có vùng cấm,” v.v. Trong khi đó, truyền thông ra sức ca tụng ông Trọng lên tầm lãnh tụ, như: “sĩ phu Bắc hà,” “người đốt lò vĩ đại,” v.v. Không ngoa khi nói rằng công cuộc “đốt lò” là lý do để phe cánh của ông Trọng giữ cho ông ta bám ghế dù tuổi cao, sức yếu và quá tuổi, quá nhiệm kỳ. Thế nhưng, hiệu quả của việc chống tham nhũng đến đâu thì cần phải được xem xét lại. Không khó để nhận ra việc ông Nguyễn Phú Trọng lợi dụng cuộc chiến chống tham nhũng để củng cố quyền lực và thanh trừng phe nhóm tàn dư của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đơn cử như việc điều tra bắt giữ các đàn em của ông Dũng như Trần Bắc Hà, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,… Trong khi các thanh “củi nhà” như  Phạm Thị ThanhTrà, Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái, Triệu Tài Vinh ở Bắc Giang, Huỳnh Đức Thơ ở Đà Nẵng thì bình an vô sự. Chính vì cuộc chiến chống tham nhũng không thực tâm, không khách quan, cho nên tham nhũng vẫn “tăng trưởng ổn định” chứ không hề giảm đi. Đặc biệt, giữa thời điểm đại dịch nhân dân đói khổ lầm than, hai bộ quan trọng nhất là Bộ Ngoại Giao và Bộ Y Tế ngang nhiên tham nhũng với các đại án: chuyến bay giải cứu và test kit Việt Á. Các đại án ở Bộ Ngoại Giao và Bộ Y Tế với sự cấu kết có hệ thống ở nhiều địa phương, số tiền tham nhũng cực lớn, đã phản ánh chính xác sự mục rỗng của chế độ cộng sản. Các quan chức ăn tiền trắng trợn như chưa từng có cuộc chiến chống tham nhũng nào cả. Điều đó cho thấy, quyền uy của ông Trọng ảnh hưởng đến lớp cán bộ cấp dưới là không nhiều. Cho nên, dù ông ta có bám ghế thêm chục năm nữa thì chẳng có gì bảo đảm rằng tham nhũng sẽ bị tiêu diệt. Cho nên, tham nhũng tràn lan ngày hôm nay là minh chứng rõ nhất phản ánh sự thất bại của Nguyễn Phú Trọng. Để chống được tham nhũng thì cần phải nhận diện nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng. Bộ máy nhà nước độc tài CSVN chính là môi trường tạo ra tham nhũng, bởi lẽ muốn vào công chức phải đút lót, muốn thăng chức phải đút lót, lương thấp không đủ sống nên phải tìm cách vòi vĩnh, nhận hối lộ… Thực trạng này cộng với thể chế độc tài không có sự giám sát của báo chí đã tạo ra không gian lý tưởng để tham nhũng sinh sôi nảy nở. Tóm lại, chừng nào chế độ độc tài còn tồn tại, khi đó không thể chống được tham nhũng! Ngô Đồng https://viettan.org/that-bai-cay-dang-cua-nguyen-phu-trong/  
......

Ukraina đã đánh lừa quân đội Nga như thế nào

Các chiến binh Ukraina chuẩn bị tấn công các vị trí Nga bằng lựu pháo M777 của Mỹ tại Kharkov, ngày 14/07/2022. AP - Evgeniy Maloletka Đức Tâm  - RFI Chính ở phía bắc Ukraina, nhắm theo hướng Kharkiv mà quân đội Ukraina đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ, có thể coi là thắng lợi lớn nhất kể từ đầu cuộc chiến. Bài viết của đặc phái viên Boris Mabillard đăng trên tuần báo Pháp Le Point ngày 11/09/2022, tức là vào lúc quân đội Ukraina phản công, chuẩn bị giành lại được thành phố Izium. Quân đội Ukraina đã chọc thủng hàng phòng thủ Nga ở phía đông Kharkiv, một vùng nằm ở phía bắc Ukraina. Khi đâm mũi giáo vào các tuyến phòng thủ của kẻ thù, quân đội Ukraina đã xuất hiện tại những nơi mà quân Nga không ngờ tới. Cuộc tấn công cộng với yếu tố bất ngờ đã buộc quân đội Nga tháo chạy. Tình trạng vỡ đám trầm trọng đến mức chính quyền Nga, hiếm khi thấy, công khai thừa nhận đã vấp phải những khó khăn. Nhìn theo trục ngang, từ Kharkiv sang phía đông, các khu làng Balakliia, Volokhiv Yar và Borshchivka lần lượt được giải phóng. Hôm thứ Bẩy, 10/09, phát ngôn viên quân đội Ukraina thông báo đã kiểm soát được Koupiansk, một đầu nút giao thông đường sắt và đường bộ trọng yếu. Lực lượng Ukraina hiện nay đã tới cửa ngõ thành phố Izium, thành phố bị Nga chiếm đóng, có vị trí chiến lược giữa Donbass và Kharkiv và phía Ukraina sắp đánh chiếm được thành phố (ngày 11/09, Izium được giải phóng và ngày 14/09, tổng thống Ukraina Zelensky đã bất ngờ tới thăm thành phố này). Ngoài giá trị quân sự và chiến lược của các lãnh thổ vừa giành lại được, những chiến thắng quân sự này đã giúp nâng cao tinh thần binh sĩ Ukraina. Cuộc phản công tại Kherson ở phía nam, từ nay liên quan đến ba mặt trận và sẽ sớm tạo ra một bước ngoặt quyết định. Nhất là trong bối cảnh phía Ukraina vẫn tiếp tục đà tiến quân. Cuộc tấn công theo ba thời điểm Thứ Hai, 29/08, chính quyền Ukraina thông báo tiến hành một cuộc phản công để giải phóng Kherson ở phía nam Ukraina. Cùng lúc, Kiev giữ im lặng tuyệt đối về các chiến dịch quân sự đang diễn ra trên toàn quốc và cấm tuyệt đối các nhà báo ra chiến tuyến. Trong lúc mọi cặp mắt đều hướng về Mikolaiv và Kherson thì quân đội Ukraina đã tiến về phía đông Slovansk ở vùng Donbass. Rồi trong tuần này, quân đội Ukraina đã tấn công ở phía đông của Kharkiv. Cuộc tấn công theo ba thời điểm chủ ý đánh lừa bộ tham mưu Nga. Vì nghĩ rằng mục tiêu chính của quân Ukraina là Kherson, bộ tham mưu Nga dã cho tái triển khai lực lượng ở phía nam, giảm bớt quân ở mặt trận Kharkiv. Ban đầu rất kín đáo, chính quyền Ukraina không thông báo ngay các thắng lợi quân sự mà họ có thể thu được. Thế nhưng, hình ảnh những ngôi làng được giải phóng mà dân làng và binh sĩ Ukraina đăng trên các mạng xã hội của họ đã phá tan sự im lặng mà bộ tham mưu Ukraina rất muốn duy trì. Do vậy, bộ tham mưu Ukraina buộc phải khẳng định những gì đã được đăng tải trên internet nhưng đồng thời vẫn không cho các nhà báo tới vùng này để tự họ nhìn thấy thực tế các tiến bộ về quân sự của Ukraina. Cũng tương tự, bên phía Nga, các blogger đã nói đến những khó khăn mà quân đội Nga vấp phải ở Kharkiv và lo lắng về việc quân đội của họ không có phản ứng gì. Hôm thứ Sáu, 09/09, các kênh truyền hình Nhà nước Nga chiếu hình ảnh điều động lực lượng chi viện và thứ Bẩy, 10/09, bộ tham mưu Nga thừa nhận bị mất Balakliia và thông qua phát ngôn viên bộ Quốc Phòng, Igor Konashenkov, thông báo « một sự chuyển quân có tổ chức đối với các lực lượng đang đóng tại Balakliia và Izium sang vùng Donetsk (nước Cộng hòa tự xưng Donetsk) ». Việc giành lại Izioum, nếu thành công, sẽ là một thắng lợi lớn của Ukraina kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga hồi tháng Hai vừa qua. (Ngày 11/09, Ukraina đã chiếm được Izium). Vũ khí của phương Tây, một trong những yếu tố chủ chốt trong cuộc phản công của Ukraina Việc sử dụng đúng lúc các vũ khí hiện đại mà châu Âu và Hoa Kỳ cung cấp, chắc chắn, giúp đạt được những thành công này. Sau khi vội vã sử dụng các vũ khí quý giá trong các trận đánh mà không tạo ra được sự khác biệt cũng như dễ bị Nga oanh kích, quân đội Ukraina đã học cách sử dụng các loại vũ khí này một cách có ý thức. Hệ thống phóng rốc-két Himars (M142 High Mobility Artillery Rocket System) pháo tầm xa M777 và hệ thống pháo Howitzer Zuzana 155 mm đã giúp dập nát các tuyến tiếp viện và pháo của Nga. Tình báo Ukraina, được sự trợ giúp của các đồng minh ngoại quốc và chắc hẳn là của cả các kháng chiến quân hiện diện tại vùng bị chiếm đóng, đã xác định khu vực nào trên mặt trận cần tấn công và chỉ ra các mục tiêu cho pháo binh. Vào lúc người ta nghĩ rằng không thể đối phó được với chiến thuật rải thảm bom một cách chậm rãi và gây sát thương lớn của Nga nhằm san bằng tất cả rồi sau đó chiến lĩnh lãnh thổ với một nhịp độ không thể ngăn cản được thì phía Ukraina lại áp đặt được nhịp độ chiến sự. Với ba cuộc phản công này, lực lượng Ukraina cho thấy họ có thể chuyển sang tấn công thì tốt hơn là kháng cự. Điều này không chỉ lên tinh thần cho binh sĩ Ukraina và làm suy sụp tinh thần của kẻ thù Nga. Các cuộc tái chiếm này, nếu tiếp tục diễn ra lâu dài, sẽ tạo ra một động lực mà quân đội Ukraina cần có sau những thất bại trong vùng Donbass hồi tháng Sáu và tháng Bẩy. Các cuộc phản công này cũng đưa ra một tín hiệu tích cực cho các đồng minh của Kiev sau khi họ đã cung cấp vũ khí và đang chờ đợi thắng lợi từ phía Ukraina.  
......

Phương Tây dao động về đề xuất của Ukraine thu giữ tài sản của Nga để bồi thường

Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen) khi thuyết phục các lãnh đạo phương Tây ủng hộ cơ chế bồi thường cho Ukraine. Ảnh: EPA   Chu Vĩnh Hải   Độc quyền: Ukraine vận động Liên hợp quốc và các đồng minh tìm ra con đường pháp lý rõ ràng cho việc Nga bồi thường thiệt hại chiến tranh.   Ukraine đang phải đối mặt với một cuộc chiến để thuyết phục các đồng minh phương Tây, bao gồm cả Anh, ủng hộ đề xuất về bất kỳ giải pháp hòa bình nào với Moscow, bao gồm các khoản bồi thường hàng trăm tỷ của Nga, một phần bằng cách sử dụng tài sản của nhà nước và tài phiệt Nga bị tịch thu. Ukraine đang vận động đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết sẽ trở thành cơ sở cho việc tạo ra một cơ chế bồi thường quốc tế có thể dẫn đến việc tịch thu tài sản nhà nước của Nga ở nước ngoài lên tới 300 tỷ USD (260 tỷ bảng Anh). Bộ Tư pháp Mỹ cho biết vào tháng 6, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa 30 tỷ USD tài sản của tài phiệt Nga và 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga được giữ ở nước ngoài.   Thứ trưởng Tư pháp Ukraine, Iryna Mudra, đã có mặt ở London vào tuần trước để thảo luận vấn đề này với Bộ Ngoại giao sau khi vận động hành lang Hội đồng Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu ở Strasbourg cùng với Olena Zelenska, vợ của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy.   Từng là chủ ngân hàng, Mudra đã chỉ đạo các cuộc thảo luận chi tiết về pháp lý và chính trị về bồi thường, tổ chức các cuộc đàm phán ở Đức, Paris và Brussels và với trợ lý thư ký ngân khố Hoa Kỳ, Elizabeth Rosenberg.   Vào cuối cuộc họp cuối cùng ở Strasbourg, các bộ trưởng của Hội đồng châu Âu đã ủng hộ nguyên tắc bồi thường, nhưng đã đưa ra một tuyên bố hơi lấp lửng về các đề xuất cụ thể của Ukraine, nói rằng họ “quan tâm đến các đề xuất của Ukraine nhằm thiết lập một cơ chế bồi thường quốc tế toàn diện, bao gồm, một bước đầu tiên, một đăng ký quốc tế về thiệt hại ”. Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, Janet Yellen, đã nói rằng các khoản bồi thường sẽ là bất hợp pháp theo luật hiện hành của Hoa Kỳ.   Nhưng Ukraine ngày càng trở nên tham vọng rằng bất kỳ định nghĩa nào về một chiến thắng quân sự phải bao gồm thỏa thuận bồi thường của Nga, một yêu cầu mà Moscow sẽ chống lại và làm phức tạp bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào. Vấn đề là riêng biệt với việc thiết lập một cơ chế pháp lý để buộc các nhà lãnh đạo Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh.   Những người gần gũi với các cuộc đàm phán về bồi thường ở London đã ấn tượng rằng sự nhiệt tình của Anh về nguyên tắc đối với kế hoạch này đang bị cân nhắc so với các vấn đề pháp lý và quyền tài sản tiềm ẩn liên quan. Có ý kiến ​​cho rằng nếu tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị chiếm đoạt, thay vì chỉ đơn giản là bị đóng băng như hiện nay, bất kỳ tài sản phương Tây nào được giữ ở nước ngoài cũng có thể trở thành con mồi cho việc tịch thu. Tài sản của nhà nước được bảo vệ ở nước ngoài theo học thuyết về quyền miễn trừ của nhà nước, một nguyên tắc được xác nhận trong các điều luật của Liên hợp quốc năm 2011, quy định này cung cấp cho nhà nước nước ngoài quyền miễn trừ đối với thẩm quyền của các tòa án trong nước, ít nhất là đối với các hoạt động phi thương mại.   Vào tháng 5, kết hợp với trường luật Columbia, Ukraine đã thành lập Dự án Khiếu nại và Bồi thường Quốc tế bao gồm luật sư người Anh Alison Macdonald, cựu cố vấn pháp lý của bộ nhà nước Jeremy Sharpe và hai giáo sư Columbia, Lori Damrosch và Patrick Pearsall.   Họ tuyên bố rằng đã có tiền lệ về việc tịch thu tài sản nhà nước của Nga trong lịch sử, chỉ ra các yêu cầu bồi thường được đưa ra đối với Iraq sau cuộc xâm lược Kuwait, khoản bồi thường mà Iran trả cho Mỹ trong cuộc khủng hoảng con tin ở đại sứ quán và việc Mỹ thu giữ tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan gần đây.   Ukraine chấp nhận rằng hiện tại tài sản nhà nước của Nga ở nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ chủ quyền, nhưng tin rằng điều này có thể được thay đổi thông qua luật pháp quốc gia, như đã xảy ra ở Canada. Nó nói rằng một quy trình thứ hai là cần thiết để thu giữ tài sản của các công ty Nga hoặc các nhà tài phiệt.   Việc Yellen cho rằng Mỹ không có thẩm quyền hợp pháp hiện tại để thu giữ tài sản của Nga một phần là do Mỹ không tham gia vào các cuộc chiến vũ trang với Nga và Mỹ không tranh chấp quyền sở hữu hợp pháp của Nga đối với các tài sản này.   Những người khác nói rằng Mỹ có thể triển khai Đạo luật Giao dịch với kẻ thù hoặc Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế. Các khoản bồi thường đã được ủng hộ trong một tuyên bố chung do các bộ trưởng tài chính của Estonia, Latvia, Litva và Slovakia đưa ra. Bộ trưởng Ngoại giao( nay là thủ tướng Anh) Liz Truss bày tỏ sự ủng hộ về nguyên tắc đối với ý tưởng này, nhưng gần đây đã không nhắc lại đề xuất này.   Luật trừng phạt của Anh và châu Âu cho phép các quốc gia đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga và một số nhà tài phiệt, nhưng không quy định việc thu giữ vĩnh viễn, chưa nói đến việc họ đơn phương chuyển cho quỹ tái thiết Ukraine.   https://www.theguardian.com/.../west-wavers-on-ukraine...  
......

Chống không xuể

  -Đỗ Ngà- - Thế Giới Kpop   Việt Á quả là một cái “máy xay xát” đã nghiền hàng loạt giám đốc CDC và 2 ủy viên Trung ương Đảng là ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long. Ông Chu Ngọc Anh bị bắt vì tội ông gây ra lúc làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Có lẽ “máy xay xát” Việt Á chỉ “nghiền” hai ông Bộ trưởng đấy thôi, sẽ khó có Bộ trưởng nào khác dính đến vụ này.   Mới ngày hôm qua, ông Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị bắt. Ông Phạm Xuân Thăng là Ủy viên Trung ương Đảng, cấp hàm ngang với cấp Bộ trưởng. Lần này lò của ông Trọng đốt tới Bí thư tỉnh thì xem ra rất nhiều Bí thư tỉnh khác cũng bị, bởi các CDC không thể ăn một mình mà phải “nhường sếp phần hơn”, có điều là ông Tô Lâm có điều tra ra tiền hối lội chạy từ các giám đốc CDC đến tay ai.   Khi hình ảnh Bí thư Tỉnh bị tóm, người ta thấy hình ảnh đất nước này nó như một thây thối rữa, bên trong là một rừng giòi tranh nhau đánh chén, ông Nguyễn Phú trọng chỉ khui ra một lỗ thì giòi bọ lúc nhúc lộ ra.   Giòi nhiều bao nhiêu thì cũng có thể diệt, tuy nhiên, nếu không diệt con vật mà sinh ra giòi thì việc “diệt giòi” chỉ là công cốc. Được biết, khi ông Nguyễn Phú Trọng dựng lên cái lò đốt hàng loạt con giòi “ăn xác đồng bào” trong vụ Việt Á thì tại Chính Phủ, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đang bày ra môt chính sách cho các sân sau làm sân bay. Chính sách này nhằm thỏa mãn sự đòi hỏi của các doanh nghiệp thân hữu mà không tính đến lợi ích quốc gia, không tính đến việc phân bổ nguồn vốn xã hội nên gây ra lãng phí rất lớn. Đấy là nơi sinh ra những con giòi chứ đâu?   Trước đây, khi mà ông Nguyễn Tấn Dũng cho lập các tổng công ty và các tập đoàn nhà nước mà ông gọi là “quả đấm thép” thì đấy cũng là cách ông Dũng đẻ ra một đống giòi sau đó, và giờ đây ai đã động được vào ông? Chưa có một cơ chế, một khung luật pháp, hay khung luật đảng nào đủ sức truất phế một đầu nậu tạo giòi lớn đến như vậy.   Ở bên Ban Bí thư có Ủy ban Kiểm tra trung ương và Ban Nội Chính Trung ương có chức năng kiểm tra, giám sát, theo dõi, phát hiện và ngăn cản sai phạm trong Bộ Máy Đảng. Bên Chính phủ có Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ để làm việc tương tự với bộ máy Nhà nước. Rồi tại các địa phương, các cơ quan này cũng được tổ chức theo mô hình tương tự nhưng rồi họ lại không hề phát hiện ra con giòi nào. để rồi chúng nó cứ sinh ra hết lớp này đến lớp khác và tàn phá đất nước.   Còn nhớ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (Hội nghị chống tham nhũng) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4 Tháng Ba 2016, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã nói “Chống tham nhũng có khi chúng tôi còn chết trước”. Điều này cho thấy, Thanh Tra Chính Phủ hoàn toàn không có khả năng chống tham nhũng. Chống sao được khi mà chính ông Thủ tướng lại làm chính sách để sản sinh ra hàng tá giòi cho nền kinh tế mà không ai dám đụng?   Trước đây, khi ông Trần Bắc Hà đang là đàn em thân cận của ông Nguyễn Tấn Dũng thì ông này đã quát một Phó Chủ tịch Tỉnh Bình Định rằng: “Mày không đủ tuổi nói chuyện với tao” chỉ vì ông Phó chủ tịch không đồng ý với ý kiến của ông. Khi vị quan chức kia phản ứng trước thái độ sất láo ấy thì lập tức nhận ngay một cú tát trời giáng, khiến ông này đứng chết lặng giữa đám đông không dám phản ứng gì. Ông Trần Bắc Hà chỉ là quan chức nắm doanh nghiệp, ông Trần Bắc Hà quyền gì hành hung một quan chức của Chính quyền? Đấy là ví dụ rõ ràng nhất cho câu nói “chống tham nhũng có khi chúng tôi chết trước” là thế.   Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng xác định “Chúng ta phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng”. Vậy là sao? Là ông Trọng đã thừa nhận ngay cả cơ quan chống tham nhũng lại trở thành một cơ quan tham nhũng vậy thì chống ai? Chống cái gì? Bất lực.   Thể chế này nó dung dưỡng cho tham nhũng và hóa giải mọi biện pháp, mọi cơ chế chống tham nhũng. Muốn diệt được tham nhũng, chỉ có bể bỏ đi cái thể chế chính trị này./.   -Đỗ Ngà-  
......

Kể tiếp chuyện Mỹ

Ảnh tui đứng hiên ngang giữa khu phố Ý ở trung tâm New York, nơi các bố già, các Luciano, các Corleone, các Al Capone, các trùm cuối mafia đủ loại hoành hành. Nhưng khi tui xuất hiện ở đó thì bọn chúng chết ráo hết rồi. À vẫn còn vài thằng trùm cuối sống sót chạy qua định cư ở VN. Huynh Ngoc Chenh Tui làm báo TN, nên hầu hết người làm ở báo TN cùng thời đương nhiên là bạn bè quen biết. Do vậy qua Mỹ tui gặp và biết nhiều các bạn đã qua đây nên kể ra. Từ đó tạo ra ấn tượng không hay cho báo TN là có quá nhiều cựu nhà báo TN qua định cư ở Mỹ.   Thực tế thì báo quốc doanh nào cũng có cựu phóng viên qua Mỹ định cư, tui không quen không biết và không gặp nên không kể ra thôi, chứ số lượng phóng viên của các báo qua định cư ở Mỹ nhiều ít bao nhiêu có lẽ ban tuyên giáo nắm được hết.   Đồng nghiệp Lưu Trọng Văn báo Lao động và vài người nữa còn cho biết có không ít các cựu tổng biên tập một số báo cũng qua định cư tại Mỹ như cựu tbt báo Lao Động, Phụ Nữ, Văn Hóa Thể Thao, Nông Nghiệp VN … ”còn các trưởng ban của các báo thì vô số”, anh Văn cho biết thêm.   Theo ghi nhận của tui và của nhiều đồng nghiệp thì các cựu nhà báo lớn nhỏ qua Mỹ chủ yếu là các nhà báo ở Miền Nam. Vì sao thì cũng dễ hiểu. Hì hì, rút kinh nghiệm về điều này, có lẽ ban tuyên giáo chỉ nên ưu tiên cho “người Bắc có lý luận” làm báo thôi nhé.   Tuy nhiên cũng có trường hợp cá biệt, em Hồng Beo là tbt, người bắc có lý luận, chống dân chủ đa nguyên đa đảng và chống Mỹ kiên trì nhưng vẫn qua định cư ở Mỹ để thụ hưởng không khí tự do trong sạch do dân chủ đa đảng tạo ra đấy thôi.   Người bắc có lý luận định cư ở Mỹ không có nhiều trong giới nhà báo, thì có nhiều trong giới khác, giới “i bi phây” là giới doanh nghiệp đầu tư qua Mỹ rồi nhập quốc tịch theo diện EB5.   Ở San Jose, anh Huỳnh Văn Hoa đồng hương của tui chỉ tui thấy một khu chợ và khu nhà ở rất sang trọng mới được hình thành, anh nói “của dân gốc Hà Nội qua đầu tư và xây dựng ra đấy”.   Ở Nam Cali, nhiều bạn bè của tui cũng chỉ cho tui thấy những “khu Hà Nội” sang trọng như vậy. Các bạn ấy nói, giá nhà trong các khu ấy từ 3 triệu lên đến 10 triệu đô.   Rất tiếc tui không quen biết ai trong giới đó để xâm nhập vào điều tra rồi báo cáo về cho đồng bào trong nước biết để mừng cho họ.   Tuy vậy, tui lại quen biết khá nhiều EB5 là đồng hương của tui ở Đà Nẵng hoặc bạn bè ở Sài Gòn. Tui gặp họ nhiều ở Huntington, là thành phố có giá nhà đất khá đắt của quận Cam. Nhà ở đây có giá tối thiểu 1 triệu đô trở lên. Họ là những doanh nghiệp thành đạt có tuổi đời từ 30 lên đến 60. Họ bỏ ra một khoản tiền gọi là đầu tư, tùy theo thời điểm từ 500 k đến 1 triệu đô, để mua suất nhập cư hợp pháp cho cả gia đình.   Một người bạn trẻ của tui ở Đà Nẳng, làm ăn khá giả, đã bỏ ra 500.000 đô đầu tư để đưa cả gia đình qua Mỹ gồm hai vợ chồng và ba đứa con vào năm 2018. Hồi mới qua anh mua ngôi nhà sang trọng ở Huntington giá 1 triệu đô, nay đã lên đến 1,5 triệu. Anh nói, riêng tiền học của ba đứa con trong 5 năm qua cũng đã huề với số tiền 500.000 đô anh bỏ ra đầu tư. Nếu là người nước ngoài cho con qua học ở Mỹ học phí rất cao, nhưng người Mỹ thì con cái được học trường công miễn phí lên đến hết lớp 12. Nhà trường còn lo cho ăn uống hai buổi sáng và trưa nữa. Rồi vào đại học, nếu là công dân Mỹ học phí chỉ bằng nửa người ngoài vào Mỹ du học.   Tuy nhiên bạn tui nói, gia đình anh cũng gặp may, ra đi trót lọt trong vòng 3 năm kể từ khi nộp hồ sơ đầu tư qua Mỹ, chứ nhiều trường hợp khác không may bị kéo dài, hoặc bị lừa đảo mất hết tiền. Đồng bào ra đi nên thận trọng. Ấy vậy mà dân EB5 ở quận Cam rất đông. Họ là những chủ doanh nghiệp thành đạt, muốn qua Mỹ để tìm điều kiện giáo dục tốt nhất cho con cái. Có khá nhiều bạn EB5 mà tui biết, tuy đã mua nhà vài triệu đô cho vợ con ở, nhưng vẫn thường xuyên về VN, vì doanh nghiệp của họ vẫn đang hoạt động tốt ở bên nhà. Phần lớn những người định cư theo diện EB5 đều như vậy.   Tuy nhiên tôi lại có một bạn thân ở Sài Gòn, bán hết cơ nghiệp phát một, ôm vài trăm triệu đô qua Mỹ sống luôn. Hắn nói đất nước Mỹ quá tốt cho bốn đứa con trai còn nhỏ của hắn. Hắn học đại học khoa học như tui, sau tui hai lớp, nên rất tốt như tui. Hắn noi gương tui, khi thấy không còn hạnh phúc nữa, chia tay với vợ một cách êm thấm, sản nghiệp to lớn chia hai, phần cho vợ nhỉnh hơn, tên công ty đang làm ăn phát đạt cho vợ nắm. Hắn ra lập công ty mới với tên mới và đưa công ty ấy phát triển lên tột bậc, rồi gặp tình yêu mới, sinh ra bốn đứa con kháu khỉnh, thấy rằng con mình lớn lên và học hành ở VN thì tội nghiệp, đưa đi du học xa thì không ai chăm lo, hơn nữa hắn thấy làm ra tiền đến mức ấy cũng quá nhiều rồi, ở lâu trong nước lắm rủi ro, nên bán quách doanh nghiệp một phát, đưa cả gia đình qua Mỹ định cư. Năm nay hắn đã 68 tuổi, đang có một cuộc sống thú vị, nhàn hạ và vương giả ở quê hương thứ hai. (Tự dưng lại thấy thương cho thằng em đồng hương Vũ Trung Nguyên, cứ lằng nhằng mãi tài sản với vợ khi chia tay để cứ mệt hoài, phải chi hắn biết noi gương đạo đức của tui như thằng kia thì cuộc đời hắn lên tiên mà không cần phải tu hành)   Tui tuyên giáo với thằng bạn học giàu có, đất nước mình tươi đẹp sao mày bỏ ra đi. Hắn nói rất rộng lượng, tui đi để nhường suất tươi đẹp ấy cho anh, anh về nước mà hưởng. Tui vui vẻ hồ hỡi nhận cái suất tươi đẹp của hắn nhường lại nhưng lòng thầm nghĩ phải chi hắn cũng rộng rãi nhường một ít trong cái suất mấy trăm triệu đô của hắn đang có thì đỡ gánh nặng túi cho hắn biết bao nhiêu. Hắn đã rộng lượng giúp mình thì mình cũng sẵn sàng giúp chia sẻ gánh nặng cho hắn.   Nghĩ vậy nhưng tui không dám nói ra vì sợ hắn hiểu lầm động cơ tốt đẹp của tui. Hì hì.   Vì thế hành trang về nước của tui lần này có suất tươi đẹp của hắn, nhờ vậy mà mấy bạn bánh canh thân thiết của tui ở Hà Nội đã làm lơ cho tui qua cửa khẩu trót lọt, không phiền hà gì. Hì hì  
......

Putin có dám sử dụng “vũ khí hạt nhân chiến thuật” không?

Trương Nhân Tuấn Putin ngạo nghễ trả lời phỏng vấn báo chí đại khái về vụ quân Ukraine thắng thế ở mặt trận phía Đông. Putin cười khẩy nói rằng “để rồi coi”. Người ta hiểu ngầm đây là lời đe dọa. Quân Nga sẽ có những cuộc phản công ghê gớm sắp tới. Trên TV các chuyên gia Tây phương “thảo luận bàn tròn” với nhau. Họ đặt vấn đề Putin lấy quân ở đâu mà đánh “phản công”? Có người đưa giả thuyết về khả năng Putin cho sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Người khác nói rằng, nếu làm như vậy (xài bom hạt nhân) thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả việc “tuyên bố chiến tranh” từ các nước NATO. Trên thực tế quân đội Nga đang thiếu quân trầm trọng. Bà con theo dõi chiến sự Ukraine chắc đều có coi clip video của thủ lĩnh đạo quân “đánh mướn” Wagner, lúc ông này đang “thuyết trình” trong sân trại tù để “tuyển quân”. Tôi không nghĩ là với số quân ít ỏi lấy từ các trại tù mà Putin có đủ lực lượng để chuẩn bị cho cuộc chiến khắc khổ mùa đông. Và tôi cũng không nghĩ đạo quân “cầm súng vì tiền” này có đủ tinh thần chiến đấu để khuất phục các chiến binh vệ quốc của Ukraine. Putin còn bỏ rơi lính chính qui (thiếu hụt đủ thứ trên chiến trường) thì đạo quân đánh mướn này chỉ có thể “liều chết” mới cứu được sinh mạng của họ. Nói chi tới vụ chinh phục lại vùng lãnh thổ vừa bị quân Ukraine chiếm được. Vậy còn vụ xài bom nguyên tử “chiến thuật”? Theo tôi, có thể trong đầu các nhà quân sự Ukraine đang tính chuyện đánh vào đất Nga, vào tới Rostov-na-Donu (thậm chí Volvograd) để “chặt” vùng hậu phương miền Nam nước Nga. Họ có thể nghĩ tới chuyện “lấy đất đổi đất”. Đánh chiếm Kherson có thể được nhưng đánh Crimée là khó. Khó hơn đánh vào tới Rostov-na-Dodu hoặc Volvograd. Vấn đề là muốn đánh vào đất Nga phải có lý do. Ta nên biết miền Viễn Đông nước Nga thì bị Trung Quốc và Nhật làm áp lực. Nhưng miền Nam nước Nga, với các quốc gia vốn là cộng hòa cũ của Liên Xô, như Georgia (chủ trương thân EU) và Azerbaijan (thân Thổ Nhĩ Kỳ)… Georgia luôn có ý định lấy lại phần lãnh thổ phải nhượng cho Nga (2008). Cuộc chiến Armenia (thân Nga) và Azerbaijan hiện thời mà phần thắng đang nghiêng về phe Thổ nhĩ kỳ, trong khi Putin phải “ngồi ghế dưới” để nghe tổng thống Thổ Erdogan nói chuyện. Ta phải biết “áp lực” ở miền Nam nước Nga là không đơn giản. Tức là nếu Putin chơi liều đánh bom nguyên tử, nhiều khả năng Mỹ và EU sẽ gia tăng tiếp viện cho quân Ukraine để họ (thừa thắng xông lên) tiến chiếm Rostov-na-Donu (hay Volvograd) để đổi lấy Crimée và các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm, từ 24 tháng 2 năm 2022. Khi bấm nút nguyên tử, chiến thuật hay không thì Putin đã vượt lằn ranh đỏ, không chỉ đối với NATO mà còn ngay cả đối với Trung Quốc. Vượt qua lằn ranh này ta không loại trừ khả năng nước Nga sẽ bị phân liệt. Vũ khí Mỹ và EU “biểu diễn” ở Ukraine cho thấy khoa học quốc phòng của các quốc gia này dư thừa khả năng đánh chặn các hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Bà con chắc đã thấy hệ thống “vòm sắt” của Do Thái hiệu quả ra sao rồi? Một con ruồi bay qua còn không lọt. Trương Nhân Tuấn
......

'Rắn ngậm phong bì' .Logo mới của Bộ Y tế Việt Nam?

Amy Truc Tran   Không biết do vô tình hay cố ý mà cán bộ kỹ thuật của trường Đại Học Y Dược Hà Nội đã đưa hình ảnh “rắn ngậm phong bì” vào chương trình của một cuộc thi do bộ tổ chức vào ngày 10-9-2022 vừa qua. Cụ thể là tại “Lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022”, nhiều người đã nhận ra cái logo “lạ” không giống với logo trước đây của Bộ Y tế. Thay vì hình tượng con rắn quấn quanh cây gậy, logo này lại "để" con rắn “ngậm” một chiếc phong bì to tướng.   Không chỉ vậy, tài liệu hướng dẫn ôn thi môn ngoại ngữ của Bộ Y tế ban hành nội bộ trong kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 này cũng gặp lỗi sai tương tự.   Được biết Bộ Y Tế đã mời Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) điều tra làm rõ và yêu cầu phải “xử lý” người cán bộ đã để xảy ra “sai sót” này.   Sự việc này đã gây xôn xao dư luận và mạng xã hội. Có người cho rằng “logo này phản ánh đúng thực tế xã hội”. Người thì bình luận “logo mới này rất sáng tạo, thâm thúy và cực kỳ chân thực nhưng vẫn thiếu rất nhiều vì ngành nào cũng nhận phong bì, không riêng gì ngành y tế”. Nhiều người khác thì khẳng định “rắn ngậm phong bì mới là biểu tượng chính xác của ngành y tế Việt Nam”.   Amy Truc Tran *** Đệch Con rắn gặm phong bì Đâu có gì là mới Mắc chi phải nghĩ ngợi Thiên hạ đợi điều gì ? Cái "văn hóa phong bì" Đâu chỉ ở ngành y Nó thấm vào suy nghĩ Nó ầm ỉ lâu rồi Phong bì, chuyện nhỏ thôi Đã xa rồi, xưa lắm Bây giờ con rắn gặm Cả vi la, hòm vàng Có việc đến cửa quan Xếp hàng chờ sái cổ Nhờ phong bì sắp chỗ Sẽ đỡ khổ, khỏi chờ Đời không như mình mơ Đừng làm thơ hoang tưởng Nó ăn không tưởng tượng Đừng lý tưởng... thành khờ Cái quan chức tôn thờ Không phải là danh dự Cái mà họ gìn giữ Không phải là lương tâm Con rắn gặm không nhầm Người âm thầm hiểu hết Dưới, trên...tham y hệt Cái đệch gì phạt nhau ! .......18/09/2022.....NQV. Nguyễn Quốc Việt
......

Thanh tra, kiểm tra đã ở đâu trong những vụ án tham nhũng tày trời?

Đặng Đình Mạnh Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương vừa bị bắt giữ đã nối dài thêm danh sách quan chức trong chính quyền lẫn trong CDC cả nước bị tống giam vì liên quan đến vụ tai tiếng Việt Á. Đến mức, trong hệ thống CDC, công chúng không hỏi quan chức nào đã bị bắt, mà họ phải hỏi quan chức nào chưa bị bắt thì có lẽ câu trả lời sẽ nhanh hơn. Chưa hết, trước đó, ông cựu bộ trưởng y tế và ông cựu chủ tịch thủ đô bị tước đảng tịch, bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội, cách chức và tống giam đều là hệ quả từ cuộc điều tra vụ đại án Việt Á. Trong trường hợp này, câu hỏi cần đặt ra rằng: Các thiết chế thanh tra, kiểm tra đã ở đâu? Đã làm gì? Khi xảy ra sự việc vi phạm pháp luật trong cơ quan mà mình có trách nhiệm và thẩm quyền thanh tra, kiểm tra? Đã tê liệt ư? Việc tham nhũng trải qua nhiều giai đoạn và đa phần trường hợp, cơ quan công an chỉ có thể hiện diện ở giai đoạn cuối khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành. Ở các giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc đang phạm tội, thì lẽ ra các thiết chế thanh tra, kiểm tra sẽ có tác dụng như những “cái phanh hãm” việc tham nhũng, nhưng hầu như chúng đều vô tác dụng. Không chỉ cá biệt trong vụ án Việt Á, mà các vụ án liên quan đến các quan chức khác cũng vậy. Các thiết chế thanh tra, kiểm tra nơi có cán bộ tham nhũng hầu như bất động, có cũng như không. Và có bao giờ cán bộ chức năng từ các thiết chế này đã bị truy trách nhiệm? Đương nhiên, Bộ Y Tế, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường nơi làm việc của ông cựu Bộ trưởng Y tế và ông cựu Chủ tịch thủ đô, các CDC và hầu hết tất cả cơ quan công quyền trong cả nước đều có thành lập đầy đủ các thiết chế gồm thanh tra nhà nước từ hệ thống chính quyền và ủy ban kiểm tra từ hệ thống đảng. Nhưng phát hiện ra tội phạm của họ lại không từ các thiết chế thanh tra, kiểm tra mà là từ kết quả điều tra của cơ quan điều tra hình sự thuộc công an.   Nhìn ra thế giới bên ngoài, họ đã làm gì để hạn chế tham nhũng, điều đang trở thành quốc nạn ở nước ta? Câu trả lời thật ra không quá khó: Phân chia quyền lực, đối trọng quyền lực, giám sát quyền lực và cạnh tranh quyền lực… đều chính là “cái lồng nhốt quyền lực” mà người đứng đầu đảng tìm kiếm khi nhận ra quyền lực tha hóa đến mức nào khi thiếu sự kiểm soát, kiềm chế. Rõ là không quá khó khăn tìm giải pháp khắc phục, nhưng vẫn quá khó khăn để giải pháp trở thành chính sách mà vận dụng nếu chưa xác định đúng quan điểm về quản trị quốc gia. Điều thú vị là cơ sở để đưa các giải pháp quản trị quốc gia đã được xác định trong chính Điều lệ Đảng CSVN, phần lời nói đầu với tựa “Ðảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Ðảng”, tại đoạn 4 (phần chữ in lớn dưới đây) định rằng: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, TIẾP THU TINH HOA TRÍ TUỆ CỦA NHÂN LOẠI, NẮM VỮNG QUY LUẬT KHÁCH QUAN, XU THẾ THỜI ĐẠI và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”. Trong đó, đoạn văn thức “tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại” chính là cơ sở để vận dụng các phương pháp quản trị đã giúp nhiều quốc gia trên thế giới trở nên hùng cường, thịnh vượng. Đồng thời với điều đó, đương nhiên, phải ngừng tự tiện chụp cho chúng chiếc mũ “phản động” hoặc “thù địch”. Nếu không, cuộc chiến “đốt lò” sẽ còn tiếp diễn mãi không dứt, xứ sở vẫn bị nạn tham nhũng tàn phá cho tan hoang. Vì lẽ, “đốt lò”, cách ấy chỉ chữa trị triệu chứng đằng ngọn, chúng chưa chạm được phần gốc phát sinh căn bệnh. Các phương cách “hãm phanh” bằng thanh tra, kiểm tra đã kém phát huy chức năng của mình.  
......

Ukraine phụ thuộc vào nhuệ khí và Nga phụ thuộc vào lính đánh thuê. Sự khác biệt này có thể quyết định cuộc chiến.

Ảnh: Một người Ukraine giúp đỡ một đồng đội bị thương dọc đường ở khu vực Kharkiv, nơi Ukraine chiếm lại một vùng lãnh thổ rộng lớn vào tuần trước. Ảnh: Kostiantyn Liberov / AP   Dan Sabbagh  - Chu Vĩnh Hải   Những người lính Ukraine cảm thấy họ đang chiến đấu để giải phóng dân tộc, trong khi người Nga tỏ ra thiếu tình bạn thân thiết. Sự tương phản này là rất quan trọng. Đoạn video của Ukraine bắt đầu với cảnh bãi biển Dunkirk trong bộ phim Atonement, màn biểu diễn khuấy động của những người lính về Chúa và Cha của loài người. Cho đến khi nó chuyển tiếp cho vài trăm quân đội Ukraine, hát quốc ca của đất nước trong không gian rộng rãi, trước cuộc tấn công Kharkiv thành công vào tuần trước.   Cuộc sống có thể đang cố gắng bắt chước nghệ thuật, nhưng trong trường hợp này, không có minh chứng rõ ràng hơn về tinh thần quốc gia Ukraine khi cuộc chiến bắt đầu vào cuối tháng thứ bảy. Cuộc tấn công vô cớ của nước láng giềng lớn hơn của họ đã mở ra một cuộc vận động yêu nước đang có tác động chuyển biến trên chiến trường.   Có một điều trái ngược hoàn toàn với các quân nhân Nga. Đối mặt với một cuộc tấn công chớp nhoáng của Ukraine cắt đứt thành phố chiến lược Izium một tuần trước, một số đã vội vàng chạy trốn, bỏ lại xe tăng và các loại vũ khí khác và tham gia cướp bóc máy phát điện, điện thoại và máy tính mà họ trên danh nghĩa đã rút khỏi chiến tuyến.   Jack Watling, một chuyên gia về tác chiến trên bộ tại viện quân sự của Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute), cho biết: “Tinh thần là yếu tố quan trọng nhất đối với lực lượng mặt đất”.   “Đó không chỉ là về cách những người lính cảm thấy thế nào về triển vọng của họ so với kẻ thù, mà còn về những kinh nghiệm họ đã có gần đây và cách họ dự đoán tương lai.”   Một bên là quân đội - của Ukraine - tự coi mình là người chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau khi đánh bật quân Nga khỏi Kyiv và đẩy lùi họ ở Kharkiv, Ukraine ngày càng tin rằng một ngày nào đó họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhờ sự hỗ trợ của tình báo phương Tây, tài chính và hơn hết là pháo và các loại vũ khí mới khác.   Tinh thần không thể tách rời khỏi bối cảnh quân sự và chính trị rộng lớn hơn, nhưng nó cũng là một thành phần quan trọng đối với cả hai. Các báo cáo từ việc thăm các binh sĩ Ukraine bị thương thường nhấn mạnh rằng nhiều người muốn, nếu có thể, quay trở lại chiến tuyến , và nói rằng cuộc chiến chống lại Nga là cần thiết , bất chấp những gì đã xảy ra với họ.   Lấy bối cảnh chống lại họ là những kẻ xâm lược Nga, một hỗn hợp những binh lính tinh nhuệ, những tân binh gần đây và những phần tử ly khai được trang bị vũ khí nhẹ và đôi khi thường miễn cưỡng chiến đấu bên ngoài các tỉnh Donetsk và Luhansk quê hương của họ, nhiều người trong số họ đã kiệt sức vì đã chiến đấu liên tục, không luân chuyển. , trong hơn sáu tháng.   Trong khi Ukraine đã âm thầm huấn luyện một số lượng lớn quân đội ngay từ lần huy động đầu tiên và bổ sung vũ khí cho họ bằng vũ khí do phương Tây cung cấp, thì Nga đã làm ít hơn cho đến nay và Mỹ cho biết hiện đang mua vũ khí từ Triều Tiên . Mùa đông đang đến và việc mỗi bên chuẩn bị tốt như thế nào sẽ rất quan trọng.   “Người Nga có tinh thần kém, tình bạn kém, thiếu niềm tin vào chỉ huy của họ ngay từ đầu. Hầu hết binh lính không được thông báo về một cuộc chiến đang bắt đầu và nhiều điều họ được nói về người Ukraine là sai, ”Watling nói. Kể từ đó, đã có nhiều lần lặp lại những ví dụ về sự miễn cưỡng của một số binh sĩ Nga khi chiến đấu và những khó khăn mà Moscow đang gặp phải trong việc tuyển mộ .   Nga sẽ không phải là cường quốc đầu tiên bị hạ gục trước một đối thủ nhỏ hơn nhưng quyết tâm hơn trong lịch sử gần đây. Cuối cùng, Taliban đã giành lại quyền lực ở Afghanistan vào năm ngoái vì Mỹ không còn hứng thú chiến đấu trong một cuộc chiến dai dẳng chống lại một đối thủ không sẵn sàng nhượng bộ. Chiến tranh có thể xảy ra với bên nào sẵn sàng chịu nhiều thương vong nhất, nếu không thể giành được chiến thắng nhanh chóng.   Tuy nhiên, ngay cả Ukraine và những người ủng hộ phương Tây của họ, đôi khi cũng phải ngạc nhiên trước quyết tâm chiến đấu của quốc gia này. Khi chiến tranh bắt đầu, các quan chức Mỹ lo ngại rằng Kyiv có thể thất thủ trong vòng vài ngày ; ít nhất các quan chức phương Tây cũng tin thành phố sẽ bị bao vây . Các quan chức cấp cao trong chính phủ Ukraine đã thể hiện năng lực đáng ngạc nhiên của họ về cách thức thực hiện các mệnh lệnh một cách siêng năng, và, một người nói với Washington Post rằng kể từ khi Ukraine bị xâm lược, các quan chức Ukraine đã “làm việc hiệu quả hơn bao giờ hết”.   Ý thức hệ, tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc đều giúp chiến thắng các cuộc chiến tranh nhưng ý thức về công lý cũng rất quan trọng. Các báo cáo mới cho rằng hơn 440 thi thể đã được tìm thấy tại một khu chôn cất gần Izium có thể là khởi đầu cho những tiết lộ nghiệt ngã về thực trạng chiếm đóng của Nga - và sẽ đóng vai trò là động lực cho quân đội và những người khác ở Ukraine. Đã có những du khách đến Ukraine được các chính trị gia cho tham quan khu chôn cất tập thể ở Bucha, phía tây bắc Kyiv, để cố gắng thu phục họ cho chính nghĩa của những người bảo vệ tổ quốc.   Ngược lại, một lần nữa, với phía Nga. Tuần này, một video xuất hiện về trùm lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin nói với một nhóm lớn tù nhân, nói với họ "nếu bạn phục vụ sáu tháng" trong nhóm Wagner của ông ta "bạn được tự do", nói rằng cuộc chiến ở Ukraine là "một cuộc chiến khó khăn, thậm chí không kết thúc cho những người như Chechnya ”và cần sự giúp đỡ của họ. Trong khi một số binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện ở những nơi như Vương quốc Anh, thì những tân binh từ phía Nga đến từ nhà tù.   Sự tương phản như vậy giữa động cơ và lính đánh thuê có thể sẽ gia tăng trong năm tới và sẽ đóng vai trò quan trọng khi chiến tranh tiếp diễn, giả sử sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine vẫn tiếp tục. Watling nói: “Tôi tin rằng chúng tôi đang trên đường hướng tới một thất bại của Nga ở Ukraine vào năm tới." Dan Sabbagh    https://www.theguardian.com/.../ukraine-depends-on-morale...  
......

Từ tin tưởng tuyệt đối, người hâm mộ Putin đang chuyển sang hoang mang

    hình ảnh cặp ba chuyên gia "quân sự" "chiến lược" họ Lê: Lê Văn Cương, Lê Thế Mẫu, Lê Ngọc Thống vẫn ngày ngày phun vàng phun ngọc những lời lẽ giáo điều, ngu trung, lạc hậu đến nửa thế kỷ, hàm hồ, chém gió... dẫn dắt các "con chiên" đi vào tư tưởng hèn yếu, sẵn sàng ủng hộ chiến tranh xâm lược, lãng quên sự thật nhãn tiền là Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau nhằm "xây dựng một trật tự thế giới mới" trong đó có Biển Đông thuộc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam  Quang Phan   Tâm trạng hoang mang bao trùm những người hâm mộ Putin ủng hộ Nga tiến quân giải giáp Kyiv. Từ Thiên Lương đến Lê Ngọc Thống và rất nhiều trái tim Việt Nam yêu mến, kính ngưỡng con cháu Hồng quân.   Từ lòng tin tuyệt đối như tiến vào Kyiv là đánh nghi binh, đoàn quân xa dài khoảng 64km là xe bơm hơi, giờ họ đang tự hỏi: chuyện gì xảy ra vậy? Họ cầu xin, vai nài Putin vị tư lệnh của họ "hãy đánh cho nghiêm túc".   Họ hăm doạ rằng Nga sẽ đánh nghiêm túc. Buồn cười hơn, một số người còn đề nghị: Ukraine biết khôn thì nên đàm phán, nếu không sẽ rất thảm.   Thực tế chiến trường đang vả thẳng vào trái tim họ những đòn đau điếng. Họ không cắt nghĩa được vì sao lại thế? Họ không hiểu tại sao những người anh hùng Nga lại chạy như vận động viên điền kinh trước "đám me Tây - tay sai của phương Tây là Ukaraine".   Tại làm sao người hùng chống phương Tây giờ lại chạy nhanh đến nỗi... quân thù chưa kịp nhìn thấy lưng.   Nhưng thua trận là thua thôi. Lính Nga không phải bây giờ mới thua, Nga thua từ khi bắt đầu cái gọi là Chiến dịch đặc biệt. Họ thua từ ngày tung 22BTG tiến chiếm Izium.   Là tự Nga thua trước những nguyên tắc cơ bản của chiến tranh. Nga thua vì chính họ - tư duy của họ chỉ là tàn dư rơi rớt lại từ thời Stalin.   Sự thất bại của nước Nga là tất yếu. Thất bại này đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện và tư duy của một cường quốc công nghệ 3.0.   Trái tim ai cũng có, nhưng tư duy như vậy khác gì cành đào mồng 6 tết. Đẹp mấy thì cũng đến lúc phải vứt đi.      
......

Bốn lý do vì sao Putin và Tập Cận Bình không thể tạo dựng „một trật tự thế giới mới“

Ảnh: Cuộc gặp Putin và Tập Cận Bình hôm 15.9 tại Samarkand, Uzbekistan.   • FOCUS-online-Gastautor Prof. Dr. Dr. Alexander Görlach - Nguyễn Xuân Hoài chuyển dịch   Những tên độc tài không nuôi dưỡng, chăm chút tình bạn. Ngay cả với Putin và Tập, người ta thấy rõ ai là đầu bếp, ai là bồi bàn. Mặc dù Nga và Trung Quốc phục vụ lẫn nhau bằng hàng hóa, nhưng ảnh hưởng của các nhà cầm quyền này trên thế giới vẫn còn hạn chế. Thật may là như thế.   Hồi tháng hai, vài tuần trước khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, người ta đã đề cập đến "tình bạn vô bờ bến" giữa hai nước Nga - Trung. Hai nhà cầm quyền Putin và Tập đã gặp nhau tại Bắc Kinh nhân dịp Thế vận hội mùa đông. Trong văn bản hữu nghị dài 100 trang, hai bên tuyên bố cùng nhau đi đầu trong cuộc chiến vì một trật tự thế giới mới, chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ của nước này. Sáu tháng sau, cả hai lại ngồi cùng nhau tại Samarkand, Uzbekistan.   Không có gì xảy ra theo cách mà hai nhà độc tài mong muốn, đó là một cái may. Chí ít đây thì là cái may, là điều tốt lành đối với thế giới tự do. Putin và Tập, những kẻ căm ghét nền dân chủ thâm căn cố đế không khỏi điên đầu. Cho đến lúc này con đường dẫn đến thống trị thế giới của họ đã bị chặn lại.   Đây là các lý do:   1.Huyền thoại về kẻ chuyên quyền đã bị đập tan. Cả hai nhà cầm quyền đều co cụm lại trước đại dịch corona và trở nên cực đoan trong điều kiện bị cô lập. Cả Tập và Putin đều tin rằng có một thế lực hoặc vận mệnh không xác định đòi hỏi, thôi thúc họ phải khôi phục đất nước của mình huy hoàng như thời xa xưa. Đúng là chuyện nhảm nhí.   Thế giới ngày nay không hoạt động như thế kỷ 19, khi các sa hoàng và hoàng đế có thể tùy tiện xê dịch biên giới theo ý muốn, xâm chiếm và khai thác ở các quốc gia bị chiếm đóng. Các quân sư cảm thấy khó nắm bắt được ý đồ của hai nhà cầm quân, có thông tin cho rằng cả hai đều không chấp nhận bất kỳ ý kiến nào và không muốn nghe bất kỳ lời khuyên nào của bất kỳ ai. Kết quả nhãn tiền là Ukraine, nhà cầm quyền Putin đã phạm sai lầm nghiêm trọng.   Điều tương tự cũng có thể xảy ra nếu ông Tập thực hiện lời đe dọa tấn công nước láng giềng dân chủ Đài Loan. Chiến lược "zero Covid" của ông Tập, mà giới chuyên quyền Trung Quốc đang thực hiện, là một chiến lược bế tắc, chỉ dẫn đến thất bại. Nền kinh tế Trung Quốc bị hủy hoại vì chính sách sai lầm này.   Ảnh hưởng của Putin và Tập Cận Bình là hữu hạn   2. Các vùng ảnh hưởng như Putin đòi cho Nga và Tập đòi cho Trung Quốc nay không còn nữa. Hai nước này cũng nhận thấy điều đó rõ rệt hơn ngay tại cuộc gặp các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Do hai nước này thành lập năm 2001 tổ chức này nhằm mục đích buộc những nước kế cận Nga và Trung Quốc phải thần phúc các ông lớn này. Nhưng trong nhóm này lại có cả Ấn Độ, một đất nước có hàng tỷ dân và là đối tác của Hoa Kỳ.   Có nghĩa là một quốc gia có lợi ích riêng, điều đó dẫn đến tranh chấp biên giới và đổ máu ở vùng biên giáp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các nước Cộng hòa thuộc Liên xô trước đây, trong đó có Usbekistan, đã bị sốc trước cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine và không khỏi lo sợ một ngày nào đó họ cũng có thể bị Nga chiếm đóng một lần nữa. Thế giới kịch liệt bác bỏ ý đồ bành trướng hung hãn của Trung Quốc và Nga.   Bọn độc tài chỉ tranh đấu cho bản thân chúng   3. Giữa bọn độc tài không thể có quan hệ đối tác. Các nước dân chủ hoạt động trên cơ sở pháp lý và tuân theo các nguyên tắc hữu nghị. Mối quan hệ đó vẫn duy trì cho dù người đứng đầu chính phủ bị thay thế bởi một người khác sau một cuộc bầu cử. Những kẻ độc tài chỉ đấu tranh cho chính chúng. Điện Kremlin và Tử Cấm Thành cũng không bằng vai phải lứa với nhau. Trung Quốc đang nhập một lượng dầu khí kỷ lục của Nga. Nhưng với giá rẻ như bèo.   Trung Quốc hăng hái xuất khẩu sang Nga, nhưng chỉ nhằm duy trì nền kinh tế đang gặp khó khăn của mình. Ở Samarkand người ta thấy rõ ai là đầu bếp và ai là bồi bàn: Putin đã phản ứng trước "những câu hỏi và sự ái ngại" của Trung Quốc về nỗ lực chiến tranh thất bại của Nga ở Ukraine. Nếu Putin thua trong cuộc chiến này, ông Tập sẽ rời xa ông ta càng sớm càng tốt. Giữa liên minh và quan hệ đối tác có sự khác nhau rõ rệt. Putin đành chấp nhận ngồi chiếu dưới cùng nhà độc tài Belarus. Trong hki Tổng thống thổ Erdogan ngồi chiếu trên.   „Thế giới tự do“ không phải chỉ có „phương Tây“   4. Để đoạt được sự thống trị thế giới ngoài những yếu tố không thể thực hiện được xuất phát từ bên trong mối quan hệ của những nhà độc tài còn có những yếu tố bên ngoài là vật cản đường, trước hết là các yếu tố sau đây: Chưa bao giời Thế giới tự do có sự đoàn kết, nhất trí như hiện nay. Điều này bộc lộ rõ nhất trong cuộc xung đột với Putin và Tập, ngày nay người ta đã thấy rõ rằng "thế giới tự do" không có nghĩa chỉ là "phương Tây". Đài Loan là một nền dân chủ phát triển mạnh ở Châu Á. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là hai nền dân chủ, Mauritius và Uruguay cũng vậy. Vấn đề với Dân chủ không phải là các hướng trên bầu trời trên la bàn mà là tự do và nhân quyền.   Sự xác nhân của Liên hợp quốc, theo đó Tập Cận Bình và bè lũ của ông ta ở Tân Cương và lũ lính đánh thuê của Putin ở Ukraine đang phạm tội ác nghiêm trọng chống lại loài người, một lần nữa đã cho thấy trật tự thế giới tự do và dân chủ hơn hẳn ảo tưởng toàn năng của những tên độc tài dựa trên áp bức và tước đoạt quyền con người.   Về tác giả: Alexander Görlach từng là Nghiên cứu viên và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard ở Hoa Kỳ và Đại học Cambridge ở Anh. Sau khi làm việc ở Đài Loan và Hồng Kông, ông đã tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và ý nghĩa của nó đối với các nền dân chủ Đông Á nói riêng. Từ năm 2009 đến 2015, Alexander Görlach còn là nhà xuất bản và là tổng biên tập tạp chí tranh luận The European do ông sáng lập. Ngày nay ông là nhà báo và tác giả của các chuyên mục cho nhiều phương tiện truyền thông khác nhau như Neue Zürcher Zeitung và New York Times.   Phân tích của chuyên gia về Trung Quốc Bốn lý do vì sao Putin và Tập Cận Bình không thể tạo dựng „một trật tự thế giới mới“ • FOCUS-online-Gastautor Prof. Dr. Dr. Alexander Görlach - Nguyễn Xuân Hoài (dịch) https://www.focus.de/.../analyse-vom-china-versteher-4...      
......

Kể chuyện Mỹ

Ảnh TNLT Nguyễn Thúy Hạnh và nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh biểu tình chống TQ Huynh Ngoc Chenh   Lần này qua Mỹ với tâm trạng không vui. Món chụp chim là đam mê lắm cũng không còn thấy thích thú nữa. Do vậy rảnh thời giờ, tui quan tâm đến đồng bào mình bên ấy.   Hôm nay không nói chuyện chim nữa, nói chuyện đồng bào thôi.   "Khúc ruột ngàn dặm " mà tui gặp nhiều nhất là đồng bào làm báo. Có các anh nghỉ hưu rồi mới sang, có các anh chị đang làm cũng sang định cư.   Ở Bắc Cali, tui gặp anh Lê Đình Bì, người cùng tui và anh Huỳnh Sơn Phước được Mỹ mời qua làm khách nước Mỹ năm 2001. Anh Bì làm trưởng ban quốc tế báo Thanh Niên, thấy nước mỹ vui quá nên sau khi về nước, vào năm 2004, xin nghỉ việc ở báo, đưa gia đình qua định cư ở Cali theo diện thân nhân bảo lãnh. Do ảnh đi trống chỗ mà lính trẻ của ảnh là Nguyễn Xuân Anh lên chức trưởng ban thay ảnh.   Anh Bì tiếp tui trong một nhà hàng Việt ở San Jose có hai nhà báo nữa là Huỳnh Văn Hoa và Huỳnh Châu Yên tham dự. Huỳnh Văn Hoa làm Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, về hưu được con trai bảo lãnh qua. Huỳnh Châu Yên là phóng viên ban quốc tế báo Thanh Niên, mới theo chồng qua Mỹ theo dạng đầu tư vào Mỹ. Anh Bì hiện là chủ một kênh truyền hình tiếng Việt tại Bắc Mỹ. Anh Hoa đang cộng tác cho hai tờ báo nổi tiếng ở Nam Cali rất siêng viết bài để đóng thuế đều đặn cho Mỹ Quốc.   Ở Bắc Mỹ còn có vợ chồng Kiều Oanh, cả hai đều là phóng viên báo Thanh Niên, nhưng ở chỗ khác nên tui không được gặp dịp này. Ngoài ra còn có anh Nguyễn Công Thắng trưởng ban bạn đọc, Kim Trí trưởng ban kinh tế, chị Nguyễn Yến Mai chánh văn phòng báo TN kiêm giám đốc nhà máy in báo TN, cũng đang ở chỗ khác tui chưa được gặp.   Về Nam Cali thì tui đụng đầu cựu nhà báo hơi bị nhiều. Lừng lẫy nhất là Võ Đắc Danh có loạt bài nổi tiếng về dân oan Thủ Thiêm bị cướp đất khi còn ở VN. Vợ chồng anh tuy mới qua nhưng mở được công ty nhập yến vào Mỹ, bán chính yến của anh sản xuất tại Xẻo Lá. Anh cho biết, công ty anh là công ty đầu tiên của VN, nhập được yến vào Mỹ.   Nam Cali có các tờ báo lớn là Người Việt và Sài Gòn Nhỏ, có đại bản doanh của kênh truyền hình tiếng Việt nổi tiếng SBTN nên các nhà báo Việt Nam, tập trung ở đây khá nhiều. Đó là các anh Mạnh Kim, Nguyễn Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Hải (Diếu Cày), Đinh Quang Anh Thái, Huỳnh Ngọc Dân, Uyên Vũ … Cựu phóng viên Tuổi Trẻ thì có Trương Công Khả, Trần Nhật Vy… Thời báo Kinh Tế VN thì có anh Phạm Hùng Nghị. Ba anh này cũng giống Yến Mai và Nguyễn Công Thắng, chỉ qua Mỹ hưởng thụ không khí tự do chứ không làm báo nữa.   Ở Nam Cali còn nhiều nhà báo VN lắm, nhưng tui chưa gặp hoặc tui không biết hết để kể ra đây. Có một nhà báo cũng chơi thân với tui làm ở SGGP, nghe bạn bè bên ni đồn, anh cùng con trai, cũng là nhà báo không biết làm gì có nhiều tiền lắm, qua Cali mua đến mấy căn nhà trên vài triệu đô. Rất tiếc tui không được gặp hai cha con ảnh để xác minh tin đồn và chúc mừng.   Ở Washington, D.C., tui gặp và chơi thân anh Nguyễn Khanh cựu giám đốc tiếng Việt đài RFA. Anh Khanh cùng tuổi nhâm thìn với tui, học đại học ở Sài Gòn ra làm giáo viên, vượt biên qua Mỹ mới làm báo mà nên sự nghiệp, có lẽ anh nhờ “bọn thế lực thù địch” RFA tin cẩn nên được đề bạt lên nhanh. Nhưng khổ thân anh, vì được thế lực ấy tin cẩn nên nhà nước VN không xem anh là khúc ruột ngàn dặm, cấm tiệt anh trở về VN thăm quê dù bây giờ anh đã nghỉ hưu. Hồi đầu thập kỷ 90, lần đầu tiên tồng thống Mỹ là Bill Clinton thăm VN, anh tháp tùng theo đoàn này tưởng rằng sẻ oai dũng vào VN, nhưng không. Đoàn đến Bruney nghỉ lại thì nhận điện của VN gởi qua thông báo sẽ không cho ông Nguyễn Khanh nhập cảnh, hì hì, anh đành để Bill cô độc qua VN, còn anh nằm lại Brunei hưởng thụ. Tui bảo bây giờ tháp tùng tui về VN, tui bảo lãnh là ok, nhưng anh ấy sợ phí tiền máy bay nên không nghe theo. Hơn nữa ảnh nói uy tín của tui không bằng Bill Clinton nên chuyện ảnh sẽ phải bị quay trở lại từ sân bay TSN là tất yếu lịch sử không thể nào thay đổi được. Huỳnh Ngọc Chênh (giữa) trái Nguyễn Khanh cựu và đương kim trưởng ban Việt Ngữ RFA   Ngoài ra tui có quen với anh Mặc Lâm cánh cò ở RFA, nhưng đã nghỉ hưu không còn ở DC nên tui không được gặp, cũng may cho anh ấy.    Ở DC, tui gặp lại Gia Minh là đồng nghiệp cùng dạy học với tui ở trường Hòa Vang Đà Nẵng. Sau đó tui vào SG làm báo TN, Gia Minh cũng bỏ dạy vào SG làm báo Đầu Tư. Đang làm ngon lành thì thân nhân bảo lãnh qua Mỹ. Chàng ta qua Mỹ tiếp tục làm báo, theo bước đàn anh Nguyễn Khanh, bây giờ là giám đốc đài RFA tiếng Việt.   Vì là bạn bè cũ nên Minh gọi điện mời tui đi ăn trưa, trước khi ăn trưa cho tui vào hang ổ thế lực thù địch là cơ quan đài RFA để tham quan xem xét bọn thù địch như thế nào. Tui không thể tự mình vào đài nên nhờ anh Nguyễn Khanh lái xe đưa vào. Khi chúng tui vừa đến nơi, từ tầng hầm để xe lên đến tầng 4, tầng nào cũng có người ùa ra chào đón tay bắt mật mừng rưng rưng cảm động dù là những người không có trong ban Việt Ngữ. Hì hì, không phải chào đón tui, mà chào đón ngài Nguyễn Khanh, cựu sếp của họ. Từ ngày ngài về hưu đến giờ là qua 4 năm, nhưng ngài chưa bao giờ trở lại cơ quan cũ cho đến hôm nay nhờ tháp tùng theo tui mới được về lại đài xưa.   Té ra vào đài vẫn có người quen biết tui, đó là nàng Diễm Thi xinh đẹp đến từ Đà Lạt, Vũ Quốc Ngữ đến từ Hà Nội, vợ chồng Châu Văn Thi đến từ Sài Gòn. Châu Văn Thi là em rễ của nàng Nguyễn Hoang Vi ngang ngạnh cứng đầu nhất Sài Gòn mà ai cũng biết.   Một bữa cơm trưa thân mật đơn sơ nhưng hoành tráng diễn ra ngay giữa thủ đô Oa - Sinh- Tơn- đi- xi. Ngoài các anh chị em của đài có thêm Nguyễn Khanh, tui và Lương Dân Lý nữa. Sau buổi tiệc trưa đó, quân ta chiến thắng oanh liệt. Các phóng viên của đài có dự tiệc hoặc không dự tiệc mà có tiếp xúc với chúng tui đều bị gục ngã vì cúm tàu, chỉ có ba ông già chúng tui là tui, Khanh, Lý không bị hề hấn gì cả, vẫn nhỡn nhơ vui chơi. Không cần CIA điều tra cũng rút ngay ra kết luận là Virus cúm Tàu đó chắc chắn do ba đứa chúng tui mang đến, như vậy tui đã góp phần lập công với đảng và NN là đã đánh gục được thế lực thù địch ngay tại hang ổ chúng, điều mà đàng ta mong muốn lắm nhưng chưa làm được. Ngày mai tui yên tâm về nước mà không sợ bị lôi thôi ở cửa khẩu như các lần trước, tui đoán chắc như vậy.   Hì hì, tuy nhiên cũng chưa biết thế nào, từ đâu năm đến giờ bạn bè tui trong phong trào xã hội dân sự bị bắt rất nhiều dù lâu nay cũng chẳng làm gì như Trần Bang, Trương Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Bùi Tiến Lâm và một số người khác nữa. Đang rộ lên tin đồn chúng tui sẽ lần lượt bị bắt hết không sót ai. Bạn bè trong và ngoài nước đều khuyên tui nên ở lại Mỹ, đừng về nữa. Tui ở lại cũng dễ vì có con gái bảo lãnh. Tuy nhiên tui phải về thôi. Nhớ Nguyễn Thúy Hạnh lắm rồi. Ngày mai tui về mà không bị gì, sẽ viết tiếp về chuyện đồng bào ở Mỹ để hầu đồng bào trong nước. Kể tiếp chuyện Mỹ. https://www.viettin.de/content/k%E1%BB%83-ti%E1%BA%BFp-chuy%E1%BB%87n-m%E1%BB%B9  
......

Những dự án ‘zombie’ ở Việt Nam

Hình minh họa. Blog Trân Văn  - VOA Cách nay khoảng 20 năm, chuyên gia nhiều giới từng cảnh báo, khi khoảng cách giữa nhiều phi cảng quá nhỏ và khi hệ thống giao thông đường bộ đang rút ngắn cả khoảng cách lẫn thời gian di chuyển, đầu tư xây dựng, nâng cấp các phi cảng chính là vứt tiền qua cửa sổ. Có không ít zombie (những xác chết đội mồ đứng dậy, tiến – lui, hành động theo sự điều khiển của các pháp sư, khuấy động thế giới người sống) trong hệ thống chính trị và hệ thống công quyền tại Việt Nam. Việc tìm đủ cách khôi phục những chủ trương, dự án đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông như đường sắt cao tốc, phi cảng,... sau khi tạm lắng bởi các trận bão dư luận chính là ví dụ. *** Giữa năm 2010, sau khi nghe nhiều người, nhiều giới phân tích thiệt – hơn, hay – dở về “Dự án Đường sắt cao tốc” (1) , các Đại biểu Quốc hội khóa 12 (2007 – 2011) đã nhất trí gạt bỏ dự án này (2). Tuy nhiên năm năm sau, chính phủ Việt Nam đã “hà hơi, tiếp sức” để dựng dự án vừa kể đứng dậy bằng cách đổi tên dự án từ “Đường sắt cao tốc” thành “Đường sắt… tốc độ cao” (3). Từ đó đến nay, thỉnh thoảng “Dự án Đường sắt… tốc độ cao” lại khuấy động dư luận vì cứ xẹp xuống một thời gian do có nhiều người, nhiều giới khuyên can lại được dựng dậy, chẳng hạn, hệ thống công quyền đã từng có ý định mang dự án ra trình các ĐBQH khóa 14 hồi 2020 nhưng ngừng lại dường như vì khó được thông qua và tin mới nhất: Chính phủ đang chờ Bộ Chính trị cho... chủ trương trong tháng này (4). Cứ dùng Google để tìm - đối chiếu khuyến cáo của các giới về “Dự án Đường sắt cao tốc”, sau này đổi lại thành “Dự án Đường sắt tốc độ cao” suốt từ 2008 đến nay ắt sẽ thấy, tuy dự án không thuyết phục được công chúng về tính khả thi, không có giải pháp giải quyết hậu quả như nợ nần (sẽ phải vay vài chục... tỉ Mỹ kim), bảo đảm hiệu quả hoạt động (5)... nhưng trong 14 năm qua, hệ thống công quyền Việt Nam dứt khoát không bỏ cuộc (6). Không chỉ có “Dự án Đường sắt tốc độ cao” giống như... “Zombie”. Có rất nhiều chủ trương, kế hoạch, dự án khác, cả của chính phủ lẫn chính quyền các địa phương chẳng khác gì... “Zombie”. Chẳng hạn, tính riêng trong lĩnh vực giao thông, song hành với... “Zombie... đường sắt tốc độ cao” là... “Zombie... Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc”. *** Cách nay khoảng 20 năm, chuyên gia nhiều giới (kinh tế, hàng không,…) từng cảnh báo, khi khoảng cách giữa nhiều phi cảng quá nhỏ (chỉ từ vài chục đến chừng hơn một trăm cây số) và khi hệ thống giao thông đường bộ đang rút ngắn cả khoảng cách lẫn thời gian di chuyển, đầu tư xây dựng, nâng cấp các phi cảng chính là vứt tiền qua cửa sổ. Thậm chí tháng 3 năm 2016, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam từng chính thức thú nhận, trong 22 phi cảng, chỉ Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sinh lợi, 20 phi cảng còn lại đều lỗ nặng. Lượng khách hàng năm của 20 phi cảng đó chỉ dao động trong khoảng từ 8% đến 37% so với qui mô đầu tư. Tuy nhiên với sự ủng hộ... “không mệt mỏi” của chính phủ, Bộ GTVT vẫn hết sức... “kiên nhẫn”, không ngừng chỉnh sửa cho cái gọi là… “Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cho giai đoạn từ 2021 - 2031 và định hướng đến năm 2050”. Kể cả sau khi Trà Nóc được biến thành… phi cảng quốc tế và sau đó, chính quyền thành phố Cần Thơ suýt thực hiện… sáng kiến… dùng công quỹ để… bù lỗ cho các hãng hàng không mở… đường bay đến Trà Nóc (7). Bất kể thực tế là vốn (thuế, tiền vay cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam, tiền lãi) rót vào hệ thống phi cảng không những không sinh lợi còn khiến nợ nần càng ngày càng lớn,… hệ thống công quyền Việt Nam từ trung ương (chính phủ với đại diện là Bộ GTVT) đến địa phương (chính quyền các tỉnh) vẫn… không tỉnh! Tuy “thi đua mở sân bay rồi thi đua bù lỗ” đã được đúc kết cách nay năm năm nhưng “Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cho giai đoạn từ 2021 - 2031 và định hướng đến năm 2050 cứ lắng xuống mỗi khi công chúng sốt ruột rồi lại... trồi lên, trở thành cơ hội để chính quyền các tỉnh thi nhau… xin, còn chính phủ thì nhờ vậy mà có cơ hội… xem xét – phê duyệt! Mới đây, ông Lê Văn Thành – một trong các Phó Thủ tướng - vừa họp với đại diện của “15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cảng hàng không” để “tìm các nhà đầu tư sân bay theo hình thức PPP” (hình thức đối tác công tư: chính quyền giao đất để nhà đầu tư thực hiện – quản lý - vận hành dự án) (8). Cũng vì vậy “Zombie... Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc” lại khuấy động dư luận. Ngay cả những cơ quan truyền thông vốn hết lòng ủng hộ mọi chủ trương, chính sách của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền như Công An Nhân Dân cũng thấy cần phải mở miệng trước những sự kiện như Sơn La xin đầu tư hai phi cảng (9). *** Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn bất động, không đặt định được giải pháp khả thi nào để đưa giáo dục, y tế (vốn là phúc lợi công cộng, bảo đảm an sinh) ra khỏi khủng hoảng vì thiếu đủ thứ từ chủ trương đúng, chính sách hợp lý và khả thi đến nhân lực, hạ tầng, hay tìm cho ra cách thức giải quyết những bế tắc cố hữu trong lĩnh vực việc làm (vốn liên quan để cả kinh tế lẫn dân sinh),... ngoài những chỉ đạo quái gở bởi đã vô duyên còn vô trách nhiệm kiểu như: “Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm” (9)? Vì lẽ gì mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lại trung thành với một số chủ trương, kế hoạch, dự án tới mức biến chúng thành... “Zombie” như đã biết và đang thấy? Ai, cái gì đang để nhiều thành viên từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác có thể vận hành các hệ thống như chỗ bảo trợ và dành hết tâm huyết cho... “Zombie”? Chú thích (1) https://nld.com.vn/xa-hoi/so-sai-du-an-hang-ti-usd-20100512122334196.htm (1) https://vnexpress.net/thoi-su/bac-du-an-duong-sat-cao-toc-la-quyet-dinh-lich-su-2166410.html (3) https://archive.ph/20120721172109/http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Se-co-duong-sat-cao-toc-300kmh-Ha-Noi--TP-HCM/200912/74510.datviet (4) https://laodong.vn/thoi-su/thang-9-se-trinh-bo-chinh-tri-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-1080720.ldo (5) https://vnexpress.net/duong-sat-toc-do-cao-canh-tranh-bang-van-chuyen-hang-hoa-4189145.html (6) https://zingnews.vn/sap-trinh-bo-chinh-tri-van-chua-thong-nhat-thiet-ke-duong-sat-cao-toc-post1345705.html (7) https://thanhnien.vn/kinh-doanh/dua-mo-san-bay-roi-bu-lo-835210.html (8) https://vneconomy.vn/loat-san-bay-dau-tu-theo-hinh-thuc-ppp-dang-rao-riet-tim-nha-dau-tu-de-som-khoi-cong.htm (9) https://cand.com.vn/Giao-thong/xay-dung-san-bay-khong-the-cu-muon-la-de-xuat-i667267/ (10) https://tienphong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-ai-khong-lam-thi-dung-sang-mot-ben-cho-nguoi-khac-lam!-post1469278.tpo  
......

Bơi nhanh, bơi mạnh, bơi vững chắc!

Người dân TPHCM lội nước trên đường sau trận mưa lớn hôm 10/10/2014 Bình luận của Nguyễn Thần Dân - RFA Việt Nam là đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Vì bất cứ lúc nào lên mạng đọc tin là cười bò ra, cười không khép được mỏ, nửa đêm nhớ tới lại nằm cười sằng sặc. Nội tạng được xoa bóp, nếp nhăn không bao giờ xuất hiện, hạnh phúc ngập tràn trong khắp các tế bào. Cả thế giới chẳng có đất nước nào lênh láng à nhầm lai láng niềm vui như thế cả! Ví dụ như cái tin dưới đây. Nó xuất hiện rất nhiều lần trong mùa mưa năm nay, mùa mưa năm trước, năm trước và năm trước nữa. Ở khắp các địa phương: Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Hà Giang, Đà Lạt, Hải Phòng… Nó viết rằng: Triều cường đạt đỉnh, người dân TP HCM bì bõm lội nước về nhà Và do bàn tay kỳ diệu nào đó của các đấng IT vĩ đại, trong một bản tin trên mạng, ngay dưới nó là tin: “Nghiên cứu làm đường dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…” Ủa ủa gì zọ? Ủa gì zọ? Ý mấy anh là làm đường dành riêng cho ghe xuồng trên các đường phố trung tâm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt… mà thằng quánh máy nó quánh lộn phải hông? Cuộc chiến chống ngập lụt tại TP HCM diễn ra suốt nhiều chục năm nay, chính quyền thành phố cứ giật từng bước lùi, năm sau ngập nhiều hơn năm trước. Kể ra cũng mới có 50 năm sống chung với nước cống chứ mấy, đã làm gì mà căng! Theo các đời lãnh đạo TP HCM, ngập lụt ở thành phố này do tại vì bởi các nguyên nhân như sau: Khách quan: -Mưa nhiều. -Mưa đã nhiều lại còn mưa to. -Mưa càng ngày càng nhiều hơn và càng to hơn. -Đang mưa to tự  nhiên triều cường. -Địa hình tự nhiên của thành phố dốc về phía Nam, nên khu vực này ngày càng càng ngập. Chủ quan: -Khi cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở và các công trình xây dựng khác, cơ quan quản lý không quan tâm đến cốt nền xây dựng. Công trình nào có ghi thì lại là lấy bừa cốt nền của công trình hiện hữu bên cạnh cho phải lệ. Một số chủ đầu tư công trình lớn đã tự nâng cốt nền lên hàng mét vì sợ ngập, khó cho kinh doanh. Vì vậy tạo ra thực trạng đô thị này đổ nước vào đô thị kia, các đô thị ngăn cản nhau trong việc thoát nước và “càng đầu tư càng ngập”.  -Nền đất lún sụt do nhiều nguyên nhân tự nhiên, cũng như do con người khai thác nước ngầm, xây dựng quá tải trọng trên nền đất yếu. (Theo TS quy hoạch Phạm Gia Yên, nguyên Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, từng có 37 năm làm việc liên tục trong ngành xây dựng). -Xây dựng bừa bãi không có quy hoạch. Sông ngòi, ao hồ, kênh rạch và các hồ điều tiết nước tự nhiên cũng như nhân tạo trước kia hầu như đã bị lấp hết, khiến nước không có chỗ thoát. -Có chớ, có kế hoạch và phương án hết chớ! Xây kè ngăn triều nè, nạo vét kênh mương nè, xây hồ điều tiết nước nè. Nhưng mà kẹt quá, tụi tui không có tiền. Tụi tui cần 100.000 tỷ lận-lãnh đạo TP HCM nói. Thiệt không có tiền hông? “Dự án chống ngập do triều tại TP HCM được gọi là dự án cấp bách với kinh phí lên tới 10.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều (…) cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Đồng thời, giúp TP chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước (…). Dự án được triển khai vào năm 2016. Qua hơn năm năm, dự án đã phải tạm ngừng ba lần và đang có nguy cơ bị tạm dừng lần thứ tư do UBND TP HCM vẫn chưa thể ký phụ lục hợp đồng BT để gia hạn thời gian thực hiện. Hàng nghìn tỷ đồng thiết bị đang phơi mưa nắng, không thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Tháng 6/2022, chủ đầu tư đã có nhiều văn bản gửi UBND TP HCM, chủ động đề xuất các cuộc họp làm việc để xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ nhận được các phiếu chuyển văn bản từ UBND TP HCM cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó không có bước thực hiện kế tiếp. Một trong những mấu chốt khiến dự án tắc đó là sự im lặng một cách khó hiểu của Sở Kế hoạch và Đầu tư.”  Ngân hàng tài trợ vốn BIDV cũng liên tục có các văn bản đề nghị UBND TP hoàn thiện các báo cáo cho vay thanh toán để BIDV có cơ sở làm việc với Ngân hàng Nhà nước, nhưng dự án vẫn "dậm chân tại chỗ" dù tiến độ đã đạt hơn 90%. (Theo Vũ Phong, Báo Chính phủ ngày 28/7/2022). Ủa vậy tiền không phải là vấn đề hả ta? Ngân hàng nóng ruột muốn cho vay tiền nhưng các anh thờ ơ không thèm đáp lại người ta kia mà? Kể chuyện có tiền, còn phải nhắc tới kế hoạch nhân đạo dùng “siêu máy bơm” để bơm thoát nước ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) mỗi khi mưa xuống. Máy bơm do tư nhân lắp đặt, chính quyền TP HCM thuê, lắp đặt từ tháng 9/2017 và vận hành chính thức vào tháng 10 sau đó.  Ban đầu, siêu máy bơm làm dân TP sướng tỉnh người, báo chí ca ngợi lãnh đạo thành phố không dứt. Ai mà dè chỉ mới tới tháng 7/2018, bên công ty tư nhân cho TP thuê máy bơm đã phải ra tối hậu thư nếu không trả tiền thì tui không bơm nữa.  Lý do là sau vài trận bơm sạch nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ra sông rồi thì lãnh đạo TP HCM bỗng thấy tiền thuê máy mắc quá. Thuê có bảy năm mà bên A đòi giá tới 171 tỷ đồng, tức là 24, 5 tỷ/năm. Trong khi đó mấy anh tư vấn gà nhà nói mình tạm ứng trước hay là cho vay không lãi thì chỉ mất mỗi năm 16 tỷ thôi. Không được, phải kiếm cách thuê rẻ hơn ngay. Nhưng lãnh đạo TP HCM và các ban ngành họp hoài họp hoài, họp tới vẫn không đưa ra được mức giá chốt thuê. Bức tối hậu thư ra đời trong hoàn cảnh đó. Đến gần giữa năm 2019 thì hợp đồng thuê mới được ký kết, mức giá là 14,2 tỷ đồng/năm. Tới tháng 4 năm nay, hai bên lại cơm không lành. Bên thuê nói thôi tui xây hệ thống cống mới gần 500 tỷ, hết ngập rồi nghe cha, khỏi thuê nữa nha. Bên cho thuê nói không được, bữa giờ chưa có mưa lớn (cỡ 120 ml) trong ba tiếng nên chưa biết đá biết vàng, ông đừng tài lanh nói trước nha.   Trong khi đó hệ thống cống thoát cũ của bên cho thuê đã bị trám bít lại nên bây giờ nếu có trận mưa lớn (như ông cho thuê) dự đoán thì cũng không thể chạy máy bơm được nữa. Đường phố TPHCM ngập nước sau trận mưa lớn hôm 10/10/2014. AFP Tụi Tây khờ Cách đây tròn bảy năm, tại một hội nghị tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài (rất quan trọng, rất cấp bách, rất vì dân) về chống ngập do UBND TP HCM tổ chức, sau khi nghe các kế hoạch từ phía Việt Nam như xây dựng hệ thống cống ngăn triều cũng như lời ca thán bất tận về việc không có tiền như đã nói ở trên, chuyên gia Olaf Juettner (Đan Mạch) “nhắc nhẹ” hiện nay không thiếu các giải pháp và công nghệ chống ngập hiện đại (KHÔNG PHẢI TIỀN), mà vấn đề quan trọng là quan điểm giải quyết ngập lụt ra sao.  “Triết lý chống ngập của các nước châu Âu là chấp nhận quy luật tự nhiên và không chống lại nó. Vì vậy giải pháp thông minh là “sống chung với lũ”, tạo không gian tự nhiên cho nước; bởi lẽ nếu xây một con đập, không ai dám chắc nó sẽ an toàn mãi trước thiên tai; hệ thống đê điều, dẫn nước cũng chỉ giải quyết được một phần, trong khi vốn đầu tư lại lớn”, ông nói và đề nghị TP.HCM bên cạnh thực hiện những giải pháp kỹ thuật (kè, van ngăn triều, hồ chứa, cống thoát nước...) cần đặc biệt ưu tiên dành quỹ đất, tạo không gian cho lượng nước thẩm thấu tự nhiên”. Stop! Cái này nghe hay lắm mà làm thì… hổng có được  bậu ơi! Xây là để cất. Bậu kêu qua bớt xây lại thì... lấy gì qua cất? Hơn nữa tấc đất Sài Gòn là tấc vàng, chữ ký phê duyệt xây dựng của qua là chữ ký kim cương. Bậu lại kêu để không đất cho sông ơi chảy đi, ha ha, đúng là tụi Tây khờ! Thiên nhiên này và cả thành phố này nữa có phải của ông nội qua để lại cho qua đâu mà qua phải giữ? Hết nhiệm kỳ này qua qua bển với bậu, hai thằng mình có nhiều thời gian nhậu chơi, thủng thẳng rồi qua nói cho bậu cái chân lý đó, nghe hông? Người dân Hà Nội chèo thuyền về nhà trong lụt do mưa lớn năm 2018. AFP Tới đây thì đã rõ Như chuyên gia Olaf Juettner cảnh báo tế nhị ở phần trên, TP HCM không thiếu tiền (cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải hết sức tán dương các giải pháp của chuyên gia nước ngoài. Sau đó ông không làm gì, rồi đến năm 2020, ông bị cách chức, liên quan đến sự mờ ám trong nhiều dự án bất động sản). Theo (cái ý ngầm của) chuyên gia, cái thiếu của TP HCM trong phương pháp chống ngập là quan điểm giải quyết ngập. Nhưng cái thiếu này thì xung đột với cái đầy (trong tài khoản ngân hàng nước ngoài của các lãnh đạo) quá, như trên đã nói. Nên đọc tới đây mời quý vị độc giả bỏ điện thoại xuống. Mưa rồi! Ai có phao dùng phao, ai có ghe dùng ghe. Ai không có phao thì dùng miếng xốp, cây chuối, hay lẹ nhất là mượn cái bụng bia của quan chức nào cũng được. Chúng ta cùng nhau bơi nhanh, bơi mạnh, bơi vững chắc lên con đường xây dựng TP HCM thành một Venice mới ở Việt Nam! ___________________ Tham khảo: https://vnexpress.net/nuoc-cuon-cuon-tren-duong-trong-mua-lon-o-tp-hcm-4499937.html ( https://qhkt.hochiminhcity.gov.vn/do-thi-xanh/giai-phap-han-che-tinh-trang-ngap-lut-tai-tphcm-va-tinh-hinh-bien-doi-khi-hau-trong-tuong-lai-1031.html https://baochinhphu.vn/du-an-chong-ngap-do-trieu-o-tphcm-hang-nghin-ty-dong-thiet-bi-nam-phoi-mua-nang-102220728083711747.htm https://tuoitre.vn/tp-hcm-mua-toi-troi-chieu-dau-tuan-them-trieu-cuong-dat-dinh-tran-bo-20220103181626013.htm https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-mua-xoi-xa-nhieu-tuyen-duong-ngap-sau-20220906192951536.htm https://thanhnien.vn/lanh-dao-tphcm-nghe-chuyen-gia-nuoc-ngoai-hien-ke-chong-ngap-post505584.html https://laodong.vn/xa-hoi/de-giai-quyet-ngap-tphcm-can-hon-100000-ti-dong-1064008.ldo  
......

Hai vấn đề nan giải sau quyết định ân giảm án cho Đặng Văn Hiến

Tử tù Đặng Văn Hiến Nguyễn Ngọc Chu 1. TIN VUI CHƯA TRỌN VẸN Hôm nay truyền thông đưa tin, Chủ tịch nước ký quyết định ân giảm từ án tử hình xuống án chung thân cho tử tù Đặng Văn Hiến. Sau mấy năm không ngừng kêu oan, với sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức và công luận, cuối cùng Đặng Văn Hiến thoát án tử hình. Thoát án tử hình, là tin vui cho Đặng Văn Hiến và người thân, là “thành tựu” khiêm tốn của những ai tham gia và lên tiếng bảo vệ công lý cho Đặng Văn Hiến. Nhưng đó là một tin vui chưa trọn vẹn, một “thành tựu” mặn chát đắng cay. Toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng. Vì toàn vẹn lãnh thổ mà bao thế hệ người Việt Nam, đời nối đời, phải ngã xuống. Vì toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc Ukraine hiện đang cầm súng để giải phóng đất đai khỏi sự chiếm đóng của kẻ xâm lược. Nhưng muốn có toàn vẹn lãnh thổ quốc gia thì trước hết phải có toàn vẹn lãnh thổ gia đình. Vì toàn vẹn lãnh thổ gia đình mà luật pháp Hoa Kỳ cho phép người dân quyền giữ súng và bắn bỏ bất cứ ai đến xâm chiếm đất đai bất hợp pháp. Quyền bất khả xâm phạm đất đai thiêng liêng đến mức, dù đã có bao nhiêu vụ nổ súng giết người, Luật pháp Mỹ vẫn bảo vệ quyền có súng của người dân. Bảo vệ đất đai là thiêng liêng. Đặng Văn Hiến là người dám bảo vệ đất đai. Đặng Văn Hiến là người dám bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ gia đình. Án chung thân vẫn không công bằng đối với Đặng Văn Hiến. 2. HAI VẤN ĐỀ NAN GIẢI CẦN GIẢI 1. Quyền sở hữu đất đai là thiêng liêng. Từ vụ án Đặng Văn Hiến, Đoàn Văn Vươn, Dương Nội, Thủ Thiêm, Đồng Tâm và hàng vạn vụ tranh chấp đất đai khác cho thấy sự bức thiết phải SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI để đảm bảo quyền TƯ HỮU ĐẤT ĐAI của người dân. 2. Từ các vụ án oan Huỳnh Văn Nesn, Nguyễn Thanh Chấn, Đặng Văn Hiến, Hồ Duy Hải… cùng hàng vạn vụ án oan khác, có tên và không tên, cho thấy sự cấp thiết phải CẢI CÁCH TƯ PHÁP để tiến đến nền TƯ PHÁP ĐỘC LẬP. Chỉ khi có nền TƯ PHÁP ĐỘC LẬP thì các vụ án oán mới thuyên giảm. Không có nền TƯ PHÁP ĐỘC LẬP án oan ngày một gia tăng. TƯ HỮU ĐẤT ĐAI và TƯ PHÁP ĐỘC LẬP là hai vấn đề lớn không dễ giải trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Nhưng muốn cho đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc, thì nhất thiết phải đối mặt với TƯ HỮU ĐẤT ĐAI và TƯ PHÁP ĐỘC LẬP.  
......

RSF ‘kinh hoàng’ về bản án 5 năm tù Việt Nam tuyên cho nhà báo độc lập Lê Anh Hùng

Nhà báo độc lập Lê Anh Hùng cầm tấm biển tố cáo ông Hoàng Trung Hải, cựu phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Công nghiệp, trước khi bị bắt và kết án 5 năm tù.   VOA Tiếng Việt Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hôm 13/9 lên tiếng chỉ trích bản án 5 năm tù mà nhà cầm quyền Việt Nam mới tuyên cho nhà báo độc lập Lê Anh Hùng, người bị kết án hôm 30/8 trong một phiên tòa không được công bố cho gia đình và công chúng. Ông Hùng, 49 tuổi, bị kết tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và “xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam. “Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kinh hoàng trước bản án tù 5 năm mà nhà chức trách Việt Nam âm thầm áp đặt đối với nhà báo độc lập Lê Anh Hùng sau khi giam giữ ông trong 4 năm trong điều kiện vô nhân đạo,” tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp, viết trong một thông cáo đưa ra hôm 13/9. RSF, tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên thúc đẩy cho quyền tự do thông tin, chỉ trích sự “tàn ác và chuyên chế” của chính quyền Việt Nam khi “cưỡng bức” ông Hùng cũng như cấm ông không được gặp gia đình trước khi tuyên án ông “trong một sự im lặng đáng sợ.” Việt Nam chưa đưa ra phản ứng gì trước tuyên bố của RSF. Bà Trần Thị Niêm, mẹ của ông Hùng, hôm 6/9 cho VOA biết bà không được thông báo về phiên xử của ông Hùng và chỉ được biết về việc ông Hùng đã bị kết án khi bà gọi điện đến trại giam để hỏi tin tức về con bà một tuần sau đó. Bà Niêm còn cho biết rằng bà không được gặp con bà trong 3 năm qua. Với 4 năm bị tạm giam chờ xét xử, ông Hùng được xem là nhà báo bị giam cầm lâu nhất ở Việt Nam trước khi có án. Trong thời gian bị giam giữ, ông Hùng đã bị đưa đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương và, theo bà Niêm cho biết, tại đó ông bị “trói chân, trói tay, bắt phải uống thuốc.” Trước khi bị bắt vào ngày 5/7/2018, ông Hùng là một cộng tác viên thường xuyên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Các bài viết của ông tố cáo tham nhũng và sự thống trị của đảng cầm quyền, thường nhắm vào ông Hoàng Trung Hải, cựu phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Công nghiệp. Ông Hùng cáo buộc ông Hải tham nhũng, lạm dụng quyền lực và làm gián điệp cho Trung Quốc. Ông Hải sau đó bị cách hết các chức vụ sau khi bị Bộ Chính trị cảnh cáo vì vi phạm liên quan đến “sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.” Ba ngày trước khi bị bắt, ông Hùng đã đăng một bức thư ngỏ trên trang Facebook cá nhân, trong đó chỉ trích các chính sách của chính phủ và kêu gọi sửa đổi Dự luật Đặc khu Kinh tế, lúc đó đang bị công chúng chỉ trích và thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình ở nhiều nơi trong nước. Theo RSF, ông Hùng cũng là một thành viên tích cực của các nhóm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, gồm Hội Nhà báo Độc lập và Hội Anh em Dân chủ. Hai tổ chức này đã bị chính quyền cấm hoạt động và một số thành viên đã bị bắt giam hoặc bỏ tù ở Việt Nam. Cơ quan Truyền thông Quốc tế Hoa Kỳ (USAGM), nơi quản lý (VOA), đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Hùng và các cộng tác viên khác đang bị giam cầm, như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Văn Hóa, Trương Duy Nhất và Nguyễn Tường Thụy. Thống kê từ phong vũ biểu tự do báo chí của RSF cho biết có 38 nhà báo hiện đang bị giam cầm ở Việt Nam, nơi được tổ chức này cho là một trong những quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới. RSF nói rằng các nhà chức trách Việt Nam “tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt các bản án khắc nghiện với mục đích loại bỏ mọi chỉ trích của các nhà báo.” Việt Nam đã nhiều lần phản bác các báo cáo của các tổ chức quốc tế, trong đó có RSF, về sự thiếu tự do báo chí ở quốc gia Đông Nam Á. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng từng nói rằng Việt Nam có tự do báo chí và điều này thể hiện qua “sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dụng của báo chí Việt Nam” cũng như việc “hơn 70% dân Việt Nam sử dụng mạng Internet và mạng xã hội quốc tế và trong nước.”  
......

Chỉnh đốn – chủ trương hay… theo kịch bản?

Ông Phùng Xuân Nhạ thời còn tại chức. Ảnh trên mạng Blog VOA - Trân Văn  “Chỉnh đốn” kiểu gì mà BCH TƯ đảng khóa 12 vẫn giới thiệu một người như đồng chí Phùng Xuân Nhạ tham gia BCH TƯ đảng khóa 13 và trở thành một trong hai người được BCH TƯ khóa cũ giới thiệu tái ứng cử song thất cử. Thêm một lần nữa, nỗ lực… “chỉnh đốn đảng” lại được trình bày như lớp mới nhất của vở kịch… “chỉnh đốn đảng”. Chưa biết bao giờ vở kịch này mới hết nhưng các lớp của vở kịch này trên sân khấu chính trị càng ngày càng dở… Ở Kỳ họp 19 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng diễn ra từ 6/9/2022 đến 8/9/2022, cơ quan này kết luận: Ban Cán sự đảng của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) nhiệm kỳ 2016 – 2021 và đồng chí Phùng Xuân Nhạ có vi phạm, khuyết điểm tạo ra nguy cơ gây thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của nhà nước, nguồn lực của xã hội, gây bức xúc trong nhân dân… đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật (1). Cho dù kết luận ấy khiến nhiều người “hả lòng, hả dạ” nhưng xét cho đến cùng, kết luận ấy cho thấy UBKT của BCH TƯ đảng nói riêng và giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nói chung có vấn đề cả về “thấy” và “nghe”! Nếu không hạn chế về “thấy”, những viên chức hữu trách và những tổ chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hẳn đã nhận ra trách nhiệm của đồng chí Phùng Xuân Nhạ và của Ban Cán sự đảng ở Bộ GDĐT nhiệm kỳ 2016 – 2021 từ lâu. Tương tự, nếu không hạn chế về thính lực, họ ắt đã nghe các chuyên gia, dân chúng nói gì từ lâu, chứ không phải đến bây giờ mời nhận ra “vi phạm, khuyết điểm”… “Chỉnh đốn” kiểu gì mà BCH TƯ đảng khóa 12 vẫn giới thiệu một người như đồng chí Phùng Xuân Nhạ tham gia BCH TƯ đảng khóa 13 và trở thành một trong hai người được BCH TƯ khóa cũ giới thiệu tái ứng cử song thất cử. Không phải tự nhiên mà các đại biểu tham dự Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 (1/2021) nhất trí “bứng” hai ứng cử viên được BCH TƯ đảng khóa 12 giới thiệu tham gia BCH TƯ đảng khóa 13. Nói cách khác, ngay cả các đồng chí đồng đảng vốn cùng nhóm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” cũng không tiêu hóa được ông Nhạ và ông Triệu Tài Vinh – cựu Bí thư tỉnh Hà Giang, Phó Ban Kinh tế của BCH TƯ đảng (2). Kết quả bầu chọn Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 – loại bỏ ông Nhạ, ông Vinh, bất kể cả hai được BCH TƯ đảng khóa 12 giới thiệu tái ứng cử, cho thấy “chỉnh đốn”… nghiêm túc đến mức nào. Tại sao mức độ… nghiêm túc như thế mà dám gọi là… “chủ trương”? Một yếu tố khác cho thấy “chỉnh đốn” không phải “chủ trương”, chỉ là “kịch bản” chính là chuyện sau khi bị các đại biểu đại diện cho các tổ chức đảng trên toàn quốc nhất trí loại bỏ khỏi BCH TƯ đảng khóa 13, thay vì phải… “đi chỗ khác chơi”, ông Nhạ lại được các viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị nhất trí điều động sang… Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng khóa 13 làm… Phó ban đặc trách mảng khoa học, giáo dục (3)! Chưa rõ vì lẽ gì mà UBKT của BCH TƯ đảng lại lôi ông Phùng Xuân Nhạ – cựu Bộ trưởng GDĐT và các thành viên trong Ban Cán sự đảng của Bộ GDĐT nhiệm kỳ 2016 – 2021 ra xem xét trách nhiệm vào lúc này rồi xác định có… “vi phạm, khuyết điểm”, tuy nhiên có thể khẳng định dứt khoát đó không phải là “nghiêm minh”, không phải thành quả của… công cuộc… “chỉnh đốn đảng”. Làm gì có chuyện “nghiêm minh” song hành với “chỉnh đốn” theo kiểu xử lý những viên chức cao cấp, không còn có thể che đậy được tai tiếng nữa bằng cách điều chuyển về một số ban thuộc BCH TƯ đảng (như Kinh tế, Tuyên giáo) – vốn là những cơ quan tham mưu cho giới lãnh đạo đảng hoạch định đường lối, ban hành chủ trương – rồi mới xem xét đề nghị xử lý kỷ luật và kỷ luật? Chẳng lẽ dứt khoát phải như thế, luôn luôn như thế vì các “đồng chí” nghĩ rằng nhờ vậy sẽ nâng cao kịch tính của vở… “chỉnh đốn đảng”? Chú thích (1) https://vietnamnet.vn/ong-phung-xuan-nha-vi-pham-den-muc-bi-xem-xet-ky-luat-2046274.html (2) https://vnexpress.net/hai-uy-vien-trung-uong-khoa-xii-khong-trung-cu-khoa-moi-4229099.html (3) https://laodong.vn/thoi-su/tan-pho-truong-ban-tuyen-giao-phung-xuan-nha-phu-trach-mang-khoa-giao-902937.ldo  
......

Putin phá hoại nước Nga như thế nào?

-Đỗ Ngà- - Thế Giới Kpop   Vũ khí cạn phải chạy vạy mua của Iran và Bắc Hàn, binh lính thì đào ngũ, thanh niên từ chối nhập ngũ. Đã xuất hiện một số nhà lập pháp địa phương kêu gọi quốc hội Nga truy loại bỏ Putin. Đấy là những vết rạn từ bên trong bắt đầu lộ lên. Nhiệm vụ của Putin là phải vá nó. Mà để vá được, Putin phải ác hơn nữa, nhẫn tâm hơn nữa và bất chấp hơn nữa.   Trước đây, khi quân Nga còn đang khá mạnh mẽ tại Ucraina thì họ phùng mang trợn mắt đe dọa Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên đến nay thì nội lực gấu Nga đã bị giảm sút nghiêm trọng, đến nỗi khả năng trụ lại chiến trường Ucraina còn khó thì nói gì đến việc hăm dọa ai? Đấy là dấu hiệu bị đuối về mặt quân sự.   Về kinh tế, vũ khí của Nga là năng lượng. Sau hơn 6 tháng chiến tranh, giá dầu thế giới đang trở lại với sự ổn định vốn có của nó trước chiến tranh. Vũ khí kinh tế duy nhất mà Nga còn có thể tác động ít nhiều đến EU là khí đốt. Tuy nhiên, hiện nay nước tiêu thụ khí đốt nhiều nhất tại EU là đang có dấu hiệu cho thấy họ đã cai nghiện thành công.   Mới đây, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức có thể đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và sẵn sàng đối phó với nguy cơ ngừng nhận hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga. Ông nói "Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn... Nhưng chúng ta đã sẵn sàng. Ví dụ, sẵn sàng cho việc Nga cắt phần lớn khí đốt...". Đức là nước giàu, họ có thể chi nhiều tiền để có khí đốt dù cho giá có cao đi nữa.   Đánh giá về trường hợp khủng hoảng khí đốt tại Đức, Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechaev khẳng định rằng Moscow trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Nga Izvestia ngày 12 Tháng Chín rằng, Đức không có đủ năng lực cần thiết để tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nước khác, do đó, nước này không thể chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong thời gian tới. Tuy nhiên ông đại sứ này vẫn nói thòng một câu rằng, nhà cung cấp khí đốt Gazprom sẵn sàng đưa đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 vào hoạt động ngay trong ngày mai trong trường hợp Berlin thay đổi quan điểm về vấn đề này, bất chấp sự phản đối của Ukraine.   Việc Phía Nga đề xuất nối lại đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 nếu phía Đức cần thì điều đó cho thấy phía Nga đang cầu khẩn Đức hãy mua khí đốt của họ, mặc dù ngoài miệng vẫn cứ nói cứng. Như vậy là vũ khí khí đốt Nga đang mất dần tác dụng với EU.   Nội lực nước Nga mất, khả năng đe dọa láng giềng mất, khả năng trả đũa cũng mất. Vậy thì nước Nga đang là gì? Nước Nga đang là “con bệnh ở Châu Âu” đang kiệt sức từ từ. Đây sẽ là hiểm họa cho nước Nga nếu vẫn để tình trạng này diễn ra. Khi gấu nga thành con bệnh thì kẻ hưởng lợi lớn nhất và Trung Quốc.   Kinh tế Nga khủng hoảng không nguy hiểm bằng Nga bị Mỹ và EU cấm vận. Việc EU và Mỹ cấm vận đẩy nền kinh tế Nga phụ thuộc vào Tàu nhiều hơn. Hiện nay hàng hóa Trung Quốc đang lấp lỗ trống mà hàng hóa và dịch vụ của Mỹ và EU rút đi. Khi đó nền kinh tế Nga sẽ là con nghiện phụ thuộc vào hàng hóa và dịch vụ của Tàu.   Về quân sự, hiện nay Nga có thể thiếu vũ khí nhưng sau đó có thể làm đầy kho trở lại. Tuy nhiên, Nga bị cấm vận trong khi đó công nghiệp sản xuất chip của Nga lại quá lạc hậu nên vũ khí Nga sẽ dậm chân tại chỗ ở mức như hiện nay. Nước Tàu tuy bị cấm vận chip, nhưng Tàu có công nghệ chip cao hơn Nga và điều đó có nghĩa là vũ khí Tàu sẽ phát triển theo hướng chính xác còn Nga thì vẫn trung thành với những công nghệ “đồng nát” mà họ đang có.   Khi kinh tế phụ thuộc Tàu, vũ khí lạc hậu hơn Tàu, thì ắt cán cân tương quan giữa Nga và Tàu khác đi. Là láng giềng với Nga và có nhiều “ân oán” về những lần giành đất với Nga trong quá khứ, Tàu sẽ không bỏ lỡ cơ hội “lấy lại những gì đã mất” nếu họ thấy đủ khả năng. Nếu không giải quyết được Putin và di sản của ông này thì nước Nga sẽ phải trả giá đắt.   -Đỗ Ngà-   Tham khảo: https://vietnamfinance.vn/nga-tuyen-bo-san-sang-van-hanh... https://cafebiz.vn/duc-noi-da-chuan-bi-san-sang-neu-nga...  
......

Lại nói về hộ chiếu tím

Nguyễn Thông  Nhắc lần này nữa thôi, rồi không nhắc nữa bởi… chán. Chẳng phải chán cái màu tím Huế ấy, mà chán những kẻ có quyền cứ quanh co lằng nhằng. Hôm qua 12.9, mãi tới tận tối, công an, mà đại diện là ông Tô Ân Xô (chỉ là người phát ngôn của một bộ nhưng hàm trung tướng, sao mà cấp tướng rẻ thế, chuyện này nhà nước cần xem lại kẻo anh em khác tâm tư) lập ngôn rằng kể từ ngày 15.9 bộ sẽ cho in thông tin “nơi sinh” vào phần bị chú trong hộ chiếu, “cơ quan chức năng sẽ miễn lệ phí cho người dân”, tức là người có hộ chiếu sẽ không phải trả tiền (lệ phí) cho cái đuôi lòng thòng này. Kiểu như Bá Kiến, đập bàn đập ghế đòi cho được 5 đồng nhưng thí lại cho 5 hào vì thương anh túng quá. Họ tự ý bỏ mục nơi sinh khiến cuốn hộ chiếu bị thành thứ phẩm, gây bao nhiêu tai tiếng trước quốc tế, bao nhiêu phiền hà cho dân, bao nhiêu khủng hoảng cho cuộc sống, vậy nhưng vẫn kẻ cả, cao ngạo, bề trên, quen thói ban phát, không coi ai ra gì. Cũng chả phải họ dễ dàng chịu lùi thế đâu. Từ hôm trước nữa họ vẫn bắt người có hộ chiếu tím nếu muốn được bổ sung thông tin về nơi sinh thì phải xin (làm đơn xin nếu đã được cấp, hoặc xin bổ sung nơi sinh khi khai báo trong tờ khai). Rồi họ vẫn khăng khăng đổ cái sai cho khách quan, nào là đã theo luật về xuất nhập cảnh được quốc hội thông qua (dám liều đổ cho cả quốc hội), theo tổ chức hàng không quốc tế-ICAO (đổ cho thế giới), nào là nhiều nước cũng không có mục nơi sinh trong hộ chiếu (kiểu như: đau mắt bởi tại hướng đình/cả làng đều thế phải mình em đâu), sẽ tìm cách bổ sung nếu ai có nhu cầu (thực ra chả ai có nhu cầu cả, mà do thế giới đòi hỏi), vẫn ngạo nghễ tuyên bố tiếp tục cấp bản thứ phẩm màu tím này và “sẽ nghiên cứu sửa chữa, bổ sung”… Nghĩa là họ không hề nhận lỗi, nhận sai, không một chút lắng nghe, cầu thị. Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta. Nhưng tới khi người Mỹ “làm khó dễ” thì những trùm bảo thủ ấy mới chịu vặn vẹo trở mình. Hôm qua, người Mỹ tuyên bố dứt khoát “kể từ ngày 3.10, tất cả các đương đơn xin thị thực có hộ chiếu mới xanh tím than phải có bị chú về nơi sinh trước buổi phỏng vấn. Các đương đơn không có bị chú trong hộ chiếu bìa màu xanh tím than sẽ không được phép phỏng vấn, và phải đặt lại lịch hẹn khác. Nếu hộ chiếu mới của đương đơn không có bị chú, cần mang theo bản gốc giấy khai sinh đến buổi phỏng vấn. Nếu đương đơn không có giấy khai sinh nhưng có hộ chiếu cũ bìa xanh lá cây có thông tin nơi sinh, cần mang theo cả hộ chiếu cũ cùng với hộ chiếu mới”… Nghĩa là trăm dâu đổ đầu tằm, trăm sự khó sự khổ đổ lên đầu dân, chỉ do cái lỗi công an gây ra. Đừng trách người Mỹ, cũng như Đức, Tây Ban Nha, Czech, Phần Lan… bởi người ta cần sự minh bạch, rõ ràng, chứ không mưu mẹo, lằng nhằng như mình. Chỉ có điều, với những nước vừa kể kia, công an ta phớt tất, nói gì cũng kệ, nhưng nay thấy Mỹ tỏ thái độ dứt khoát thì hiểu không diễn chuyện như đùa được nữa. Sự thay đổi, quay ngoắt thái độ có lý do của nó chứ chả phải họ đã nhận ra cái sai và thực sự cầu thị, thành tâm. Ảnh: Hộ chiếu cải lùi thiếu mục nơi sinh  Như đã nói về hộ chiếu tím, đang yên đang lành lại giở giói ra dự án cải cách này nọ, cải tiến cải lùi, lợn lành thành lợn què, khiến cả xã hội nhọc mệt vất vả. Điều thấy rõ nhất là bộ máy cai trị không chỉ mang tiếng về cách làm ăn và thái độ sửa sai, mà còn ném vào đó một cục tiền khủng (lớn bao nhiêu có trời biết) để tạo ra món đồ thứ phẩm, kém chất lượng. Sai thì sửa, dở thì bỏ, làm lại từ đầu (chả riêng gì chuyện hộ chiếu), chịu tốn kém vất vả một lần, chứ không thể cứ lòng vòng, chữa cháy, chắp vá, bịt chỗ xì, đổ thừa, trốn tránh, nói lấy được, bưng bít, quẩn quanh như họ đã làm thời gian qua. Người chậm hiểu nhất cũng thấy, cho tới lúc này, mẫu hộ chiếu mới do không có mục nơi sinh đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập không đáng có. Đã thế, Bộ Công an, cụ thể là Cục Xuất nhập cảnh của bộ này đã không thực sự cầu thị, không chịu sửa sai, trút hết cả cái sai lên đầu dân, khiến lòng dân bất bình, uy tín của ngành cũng như của chế độ (nếu có) bị giảm sút. Thời nay đã khác xưa nhiều, không thể dấm dúi giấu diếm, mọi thứ đều lộ lộ ra rõ như ban ngày, chối cũng chẳng được. Đề nghị tứ trụ, thậm chí ngũ trụ, bộ chính trị, ban bí thư, những người, những bộ phận được coi là lãnh đạo cao nhất, quyền lực nhất của đảng nắm quyền lãnh đạo tối cao toàn diện hãy lên tiếng, có ý kiến cụ thể, dứt khoát về vụ hộ chiếu, không thể để ông Tô Lâm và Bộ Công an cứ mãi nói sao thì nói, làm sao thì làm. Cái gọi là quyền làm chủ tập thể, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên thực tế chỉ là thứ bánh vẽ, màu mè hình thức trang trí cho thể chế bởi trong vụ hộ chiếu tím này dân kêu khan cổ rồi, nói mỏi miệng rồi, có ai thèm nghe. Dân ứ nói nữa, giờ đến lượt các ông phải mở mồm. Nếu cứ lơ đi, không phát ra lời nào, có khác gì tự nhận cùng hội cùng thuyền với đám làm sai, bao che, ngậm miệng ăn tiền. Không chịu ra tay xử lý ung nhọt, chịu đau một tí, kể cả vùng cấm vùng kiếc, rồi có ngày “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”, hối không kịp, chứ không phải chỉ nghiêm khắc kiểm điểm, tống củi vào lò như lâu nay. Không nói đâu xa, nếu cả triều đình bận rộn thì đích thân thủ tướng họp một phát với trăm quan, công khai ra phán quyết bỏ hẳn cuốn hộ chiếu tím sai sót thiếu mục nơi sinh đó đi, hủy hẳn đi, ném hết vào máy nghiền, buộc công an phải nghiêm túc chỉnh lại, đưa mục “nơi sinh” vào phần nhân thân (phần chứa thông tin chính của hộ chiếu, ngay sát trang đầu, mặt tiền), kiểm tra lại cho kỹ rồi mới ban hành. Không thực hiện ghi bị chú bị chiếc nơi sinh gì sất. Xin nhớ rằng phần bị chú trong cuốn hộ chiếu là phần phụ, chỉ để ghi những thông tin có tính bổ sung, làm rõ hơn vấn đề gì đó về chủ hộ chiếu, chứ không phải để ghi thông tin chính. Chỉ có ở xứ ta, nhà chức việc mới thực hiện ẩm ương như vậy. Thủ tướng cần kiên quyết chỉ đạo Bộ Công an, đối với với những ai đã bị cấp (thực ra là mua, trả bằng tiền, giá khá cao, chứ không có chuyện cấp, cho không) món hộ chiếu tím than sai sót, khiếm khuyết đó thì phải đổi cho họ bản đầy đủ, đã chỉnh sửa, xin lỗi người ta, và tuyệt đối không được vòi thêm tiền, phí này phí nọ. Nhà nước phải chấp nhận chi phí bởi cái sai là do người nhà nước gây ra chứ không phải do dân. Đừng vì tiếc tiền mà bắt dân phải dùng thứ của nợ. Cần chỉnh ngay cái thói hành dân và bao che cho kẻ làm sai. Hãy đặt mình vào địa vị của người dân khi họ bị hành bởi cuốn hộ chiếu tím than gây rất nhiều bực mình phiền toái, để liệu mà xử sự. Mà không hiểu 3 loại hộ chiếu: Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông (màu tím), 2 loại kia có bị cải lùi mất mục nơi sinh như tím không nhỉ, hay chỉ cán bộ mới có nơi sinh, còn dân thì “thiếu quê hương”. Và điều này có lẽ cũng cần nói nhỏ với thủ tướng, dường như vụ hộ chiếu tím than cũng có mùi kiểu Việt Á, chỉ có điều thủ tướng có nhận thấy hay không, chứ Bộ Công an thì đương nhiên chả thấy, chẳng ai lại tự cầm dao chặt chân mình.  
......

Một biện pháp cho thấy Moscow đã đánh giá đúng về sự thất bại

Ảnh: Xe tăng của quân Nga bị vứt bỏ trên đường tháo chạy Von Pavel Lokshin - Nguyễn Xuân Hoài dịch| Cuộc phản công đầy thắng lợi của Kiev đã khiến Điện Kremlin há miệng mắc quai, không biết phaỉ giải thích như thế nào. Mặc dù các phương tiện truyền thông nhà nước vẫn đẩy mạnh tuyên truyền, tuy nhiên cho đến lúc này không có một câu trả lời nhất quán nào về những thất bại của quân đội Nga.  Hình Quân Ukrain chiếm lại thành phố Izyum.   Cuộc tấn công bất ngờ của các lực lượng Ukraine ở phía đông bắc đất nước đã thành công. Trên thực tế, Nga đã rút lui hoàn toàn khỏi khu vực mà quân Nga đã chiếm đóng trước đó ở Kharkiv . Hiện tại Ukraine đã kiểm soát khu vực biên giới Nga-Ukraine. Đối với tiến trình của cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine, đây có lẽ là tin tức quan trọng nhất trong những ngày qua và là một sự ô nhục đối với Nga. Tù binh Nga bị Ukrine bắt   Tuy nhiên hãng thông tấn Nga „Wremja” hầu như không đề cập tới những tiến triển gần đây nhất ở mặt trận. Thống nhất với Bộ Quốc phòng các cơ quan tuyên truyền của Nga chỉ đưa tin về “sự bố trí, sắp xếp lại” các đơn vị quân đội.   Tờ „Iswetija” trung thành với Điệm Kremlin thậm chí số ra mới đây coi sự rút lui của quân Nga là một sự thành công và đưa ra những tổn thất to lớn về quân số của Ukraine . Báo „Iswetija“ coi chiến dịch này là một cuộc "nhập thành" nhằm tập trung lực lượng hơn nữa vào Donbass. Một chuyên gia quân sự nhấn mạnh đến „tầm quan trọng“ của sự chuyển quân này. Không có báo cáo nào đề cập đến cuộc tháo chạy của các đơn vị quân đội Nga và bỏ lại trên đường hàng loạt xe tăng, xe bọc thép và các khẩu pháp.   Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev hoàn toàn phớt lờ trận thua của Nga trên kênh Telegram của mình. Thay vào đó, ông ta đe dọa tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy với việc "chế độ Ukraine phải đầu hàng và theo các điều kiện của Nga."   Điện Kremlin dường như có thể đánh giá khá rõ ý nghĩa thực sự của cuộc phản công của Ukraine mặc dù không công khai thừa nhận. Hiện nay, Nga dường như muốn hoãn lại cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Ukraine.   Ngay từ mùa xuân, nhiều đại diện khác nhau của nhà nước Nga và các cơ quan chiếm đóng đã hứa sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, nhưng chưa đưa ra thời điểm chính xác . Gần đây nhất dự định tiến hành nhân "ngày bầu cử thống nhất" ở Nga, nơi diễn ra các cuộc bầu cử địa phương và khu vực.   Theo trang tin "Meduza", các cuộc trưng cầu dân ý hiện lại phải hoãn vì các cuộc phản công thắng lợi của Ukraine . Các nhân vật ủng hộ Điện Kremlin ở các vùng tạm chiếm đã ba chân bốn cẳng tháo chạy khỏi Kharkiv và Zaporizhia. Bọn tay sai này chỉ còn hoạt động ở vùng Cherson.   Mới đây nhất, Tổng bí thư đảng "Nước Nga thống nhất" Andrei Turchak đã lên tiếng ủng hộ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 4/11, "Ngày thống nhất các dân tộc" Nga. Ông cũng là quan chức cấp cao nhất của Nga đưa ra bình luận về ngày bầu cử có thể xảy ra, được cho là dưới áp lực của Vladimir Putin, người muốn thực hiện việc thôn tính càng nhanh càng tốt.   Nhưng ngay cả lịch biểu trong tháng 11 dường như cũng không chắc chắn, người ta cũng không còn nhắc đến cái ngày này. Điện Kremlin không có sự rõ ràng về thời điểm có thể thảo luận về một lịch biểu mới, điều này phụ thuộc vào sự phát triển của các cuộc phản công Ukraine. *** lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov Ảnh: - / dpa   "Chó săn máu" Kadyrov của Putin đe dọa các nhà hoạch định quân sự của Moscow   Kể từ khi xâm lược Ukraine, nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov (45 tuổi) là người ủng hộ cuồng tín nhất của Vladimir Putin (69 tuổi). Ông tuyên truyền chiến tranh hàng ngày, thề trung thành với ông chủ Điện Kremlin Putin và báo cáo những thành công mới (thường được phát minh). Bây giờ con chó săn điên cuồng! Bởi vì quân đội Ukraine đã thực hiện thành công một cuộc phản công ngoạn mục và mặt trận của Nga đang sụp đổ, Kadyrov đã viết một thông điệp âm thanh chi tiết cho những người ủng hộ ông - và đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng chống lại ban lãnh đạo Điện Kremlin! Nhà lãnh đạo Hồi giáo của Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, Ramzan Kadyrov Fb Nguyễn Xuân Hoài  
......

Bao giờ quân Nga đầu hàng?

Quân đội Ukraine đã chuyển lực lượng xuống phía Nam từ giữa tháng Tám, mở đầu một giai đoạn mới trong chiến cuộc với mục tiêu chiếm lại tỉnh Kherson. Ảnh: AP Ngô Nhân Dụng - VOA Tướng McCaffrey tiên đoán trong vòng ba tháng quân Ukraine sẽ “đóng rọ” (bag) một số lớn quân Nga trong vòng đai của sông Dnieper. Quân đội Ukraine đã chuyển lực lượng xuống phía Nam từ giữa tháng Tám, mở đầu một giai đoạn mới trong chiến cuộc với mục tiêu giải phóng tỉnh Kherson. Họ sử dụng những đại pháo và hỏa tiễn tầm xa, lực lượng đặc biệt, và các toán dân quân đánh du kích đằng sau phòng tuyến quân địch. Ngày 7 tháng Chín, quân Ukraine lại mở cuộc tấn công mới từ thành phố Kharkiv ở biên giới phía Bắc tiến về hướng Đông để chặn đường tiếp tế của quân Nga cho mặt trận phía Nam, theo tin của các bloggers Nga theo dõi chiến cuộc. Cuộc tiến quân này cũng đe dọa quân Nga ở thành phố Izyum, một cứ điểm then chốt trong hệ thống chuyển quân và tiếp vận. Ở phía Nam, cuối tuần qua quân Ukraine đã vượt qua sông Inhulets. Nhiều video cho thấy quốc kỳ Ukraine đã được treo lên tại nhiều thị xã chỉ cách thành phố Kherson 60 km hoặc 100 km. Hai hướng tấn công, về phía Đông và ở phía Nam, cho thấy Ukraine đang làm chủ chiến trường. Quân Ukraine tấn công khi nào và ở địa điểm nào họ thấy chắc thắng, nếu cần thì rút nhanh, trong khi quân Nga chỉ lo phòng ngự. Ukraine đã phá hủy những cây cầu chính khiến quân Nga phải dùng cầu phao, tiếp tế khó khăn. Nhiều binh sĩ tử trận, vũ khí, chiến cụ bị tiêu hủy, tinh thần quân Nga xuống thấp. Quân đội Ukraine dùng những hỏa tiễn “tinh khôn” do Mỹ, Anh, Đức và Thụy Điển viện trợ nhắm vào các kho vũ khí và các căn cứ ở sau lưng quân địch hơn 50 cây số. Hệ thống vệ tinh nhân tạo của Anh, Mỹ, và của cả các công ty tư nhân cung cấp tọa độ chính xác, chỉ sai chừng 5, 10 mét. Những máy bay không người lái, giá rẻ 3.000 Mỹ kim, có thể bay thấp, quan sát và gửi tọa độ cho pháo binh và hỏa tiễn, đánh trúng mục tiêu trong vòng 20 giây đồng hồ, theo báo Wall Street Journal. Nhiều thanh niên Ukraine thông thạo tin học đã dùng “mỹ nhân kế” để dụ cho quân Nga tiết lộ vị trí của họ. Nikita Knysh, 30 tuổi, một chuyên gia tin học, nói với nhật báo The Financial Times rằng ngay khi quân Nga tấn công, anh và một số 30 người bạn sống ở nhiều nơi, đã nghĩ cách sử dụng tài xâm nhập máy vi tính (hacking) của địch để giúp nước, lập ra một nhóm tên là Hackyourmom. Nhóm này bịa ra những “địa chỉ ma” trên mạng lưới xã hội, kể cả Telegram, dùng hình ảnh các phụ nữ hấp dẫn, tìm gây quan hệ với các binh sĩ Nga. Sau nhiều lần trao đổi, các “cô gái ảo” này bảo lính Nga gửi hình ảnh cho các cô coi. “Họ là những anh lính đang khát tình,” Knysh nói với Financial Times, họ đã gửi ngay những bức hình chứng tỏ họ đang ở ngoài mặt trận.” Tháng trước, các “hackers” căn cứ vào các bức hình như vậy đã tìm ra “địa chỉ” mấy người lính Nga này, ở một căn cứ gần thành phố Melitopol ở miền Nam Ukraine. Họ gửi tọa độ cho quân đội, và mấy ngày sau căn cứ Nga lãnh đạn pháo kích và hỏa tiễn. Một thành viên của nhóm Hackyourmom, anh Maxim, nói, “Tôi chợt nghĩ ra rằng mình có thể truy tầm những căn cứ quân sự khác, không nghỉ.” Trong khi tinh thần chiến đấu của dân Ukraine lên cao như vậy thì quân Nga đang lâm cảnh bế tắc. Tướng hồi hưu Mark Hertling người Mỹ tiên đoán quân Nga ở Kherson sẽ phải đầu hàng khi Ukraine thắt chặt vòng vây, theo Newsweek ngày 5 tháng Chín. Vùng Kherson nằm bên bờ Hắc Hải, bị Nga chiếm đóng ngay trong tháng Ba năm 2022. Theo Tướng Hertling phân tích trên Twitter, có nhiều dấu hiệu quân Nga ở Kherson “cực kỳ vô kỷ luật,” “huấn luyện và khả năng chiến đấu tồi tệ, tinh thần xuống thấp, và rất dễ bị bịnh.” Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Institute for the Study of War) ghi nhận quân Nga đã rút khỏi một vùng chiếm đóng rộng bằng nước Đan Mạch, 43 ngàn cây số vuông, sau khi ngưng tấn công thủ đô Kyiv. Quân Ukraine pháo kích và bắn hỏa tiễn liên tục vào hậu cứ quân địch, phá hủy các kho đạn dược và hỏa tiễn, các kho xăng dầu, và các bộ chỉ huy, kể cả đầu não của đội lính đánh thuê Wagner được chuyển từ Syria qua Ukraine tiếp viện. Tướng Barry McCaffrey trả lời đài MSNBC, cũng tiên đoán Vladimir Putin đang bị đẩy vào “trong cái rọ” (in a box), theo Newsweek. Quân Nga say rượu, tàn bạo, tướng lãnh không cung cấp hiệu lệnh đầy đủ, hệ thống chỉ huy cấp dưới lỏng lẻo. Khoảng 15 ngàn quân bị kẹt trong thành phố Kherson với con sông Dnieper chạy vòng ở phía Đông và phía Nam. Ngày 5 tháng Chín, chính quyền do Nga dựng lên ở Kherson phải hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý nhắm chứng tỏ dân chúng muốn sáp nhập vào nước Nga. Cũng theo Newsweek ngày 5 tháng Chín, quân Nga thuộc lữ đoàn 127 đã từ chối không hành quân vì không được tiếp tế đủ, kể cả nước uống. Những binh sĩ “nổi loạn” bị phạt, rút ra khỏi đơn vị. Trước đó vào tháng Bảy, Lữ đoàn 109, ở phía Tây Bắc Kherson đã đầu hàng ngay khi bị tấn công. Trong đơn vị này có cả những lính tình nguyện đã ký hợp đồng với quân Nga, 17 binh sĩ đã bị bắt để trừng phạt. Các lữ đoàn này gồm các thanh niên sống trong vùng quân Nga chiếm đóng ở hai tỉnh phía Đông, Donetsk và Luhansk và bị bắt lính để đánh lại chính phủ Ukraine của họ; họ thiếu kinh nghiệm chiến trường và cũng không muốn chiến đấu. Vladimir Putin không dám đưa những thanh niên đang làm nghĩa vụ quân sự qua Ukraine vì biết không ai muốn đi vào chỗ chết. Quân Nga đã tuyển mộ lính tình nguyện trong các nhà tù và từ một bệnh viện tâm thần ở thành phố St. Petersburg. Các tù nhân được hứa hẹn giảm án hoặc xóa án, và cũng như các bệnh nhân, sẽ được cho một số tiền thưởng, lãnh lương cao hơn mức bình thường, được phát nhà ở và học bổng sau khi hết hợp đồng. Nhưng bây giờ nhiều lính tình nguyện cũng từ chối không chiến đấu, theo Newsweek. Trong khi đang bế tắc ngoài mặt trận, Vladimir Putin còn lo kho vũ khí đạn dược cạn dần mà sản xuất không kịp. Guồng máy chế tạo vũ khí cũng bị ảnh hưởng vì lệnh cấm vận của Âu, Mỹ; đặc biệt là cấm bán các chất bán dẫn cho Nga. Cả hệ thống công nghiệp, dân sự và quân sự, đều bị ngưng trệ vì thiếu “chíp.” Các công ty Trung Cộng cũng không dám bán chip cũng như các vũ khí hoặc bộ phận cho Nga. Bà Gina Raimondo, bộ trưởng Thương mại Mỹ đã nhiều lần cảnh báo các công ty chế tạo chíp của Trung Cộng không được vi phạm lệnh cấm vận; nếu không chính họ sẽ bị cấm không được mua chip và các khí cụ tin học của Mỹ. Vladimir Putin phải đặt mua các máy bay không người lái của Iran, nhiều chiếc bị hư ngay khi sử dụng. Putin cũng đang mua đạn súng đại bác và hỏa tiễn của Bắc Hàn. Tin tình báo Mỹ tiết lộ rằng những đạn 152 ly và hỏa tiễn kiểu Katyusha là những vũ khí cũ rích, theo báo New York Times ngày 5 tháng Chín. Tướng Hertling ca ngợi cuộc phản công trong vùng Kherson là một “chiến lược thần tình!” Quân đội Nga ở trong thành phố sẽ bị cô lập, sau lưng là con sông Dnieper (Dnipro) với hai cây cầu bị phá hủy vì pháo kích liên tiếp, cầu phao dựng lên cũng vẫn lãnh đạn. Tướng McCaffrey tiên đoán trong vòng ba tháng quân Ukraine sẽ “đóng rọ” (bag) một số lớn quân Nga trong vòng đai của sông Dnieper. Quân Ukraine đang tiến chiếm các làng, cắt quân Nga thành từng mảnh nhỏ. Trong khi đó,ông Vladimir Putin mới nói rằng trong cuộc “hành quân đặc biệt” ở Ukraine, Nga vẫn vững mạnh, “không mất gì cả!” Hơn 50.000 quân sĩ chết mà coi như không mất gì cả! Nói trắng trợn như vậy không biết có phải là con người hay không! Ngô Nhân Dụng -: VOA  
......

Elizabeth II, con người phẩm cách

Ngô Nhân Dụng   Elizabeth II suốt đời hết sức làm bổn phận, không bị lôi cuốn bởi những thứ nằm ngoài phận sự, lúc nào cũng biết mình đang làm gì, vững chãi và thảnh thơi.   Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, mới qua đời, là hình ảnh một con người có Phẩm Cách (Dignity). Nước Anh may mắn có một người đóng vai trò lãnh đạo, trong 70 năm làm biểu tượng vững vàng khi quốc gia trải qua bao sóng gió.   Nghe tin bà qua đời, nhật báo The Wall Street Journal đã trích lại một ý kiến của ký giả Walter Bagehot trong cuốn “Hiến Pháp Anh Quốc” viết năm 1867. Vị chủ bút báo The Economist nhận thấy chế độ quân chủ hiệu quả nhất để gây dựng phẩm cách: “tạo ra và giữ gìn niềm kính trọng của dân chúng.”   Chế độ Cộng Hòa khi cai trị dân cũng dựa trên niềm kính trọng, nhưng các đại biểu dân cử không gây được niềm tin vào phẩm cách đáng kính như thế. Năm 2012, sau 60 năm trị vì, nữ hoàng vẫn được 90 phần trăm dân chúng ngưỡng mộ. Uy tín các vị tổng thống Mỹ thì trồi sụt bất thường, có khi xuống dưới 40%. Lòng tin tưởng vào Quốc hội, và bây giờ đến Tối cao Pháp viện, còn tệ hơn nữa.   Nhưng phẩm cách đáng kính của Nữ hoàng Elizabeth II không do chế độ tạo ra mà do chính con người và hành động của bà. Có thể nói, chính bà đã cứu vãn chế độ quân chủ trong lúc chỉ hết sức làm bổn phận của mình. Khi gửi lời phân ưu, Giáo hoàng Phan Xi Cô ca ngợi nữ hoàng “là tấm gương của một người chu toàn bổn phận.”   Chu toàn bổn phận có nghĩa là làm đúng vai trò được giao phó: Làm một nữ hoàng. Đài BBC mới nhắc lại một bài diễn văn đọc năm 1947, bà đã phát lời thề: “cả cuộc đời tôi, dài hay ngắn không biết, sẽ để phụng sự quý vị…” Năm 1977, kỷ niệm 25 năm trị vì, bà nhắc lại lời thệ nguyện đó: “Mặc dù được phát biểu trong lúc tuổi còn quá trẻ, nhưng khi trưởng thành hơn, tôi không tiếc đã nói như thế và không muốn thay đổi một lời nào cả.” Bà làm việc với 15 vị thủ tướng Anh, người sau cùng được bà chỉ định hai ngày trước khi qua đời. Bà đã đi thăm hơn 50 quốc gia cựu thuộc địa trong Khối Thịnh Vượng Chung, trừ Cameroon, mới gia nhập năm 1995, và Rwanda năm 2009. Bà đến thăm Canada 20 lần, Australia 16, New Zealand 10 và Jamaica sáu lần. Năm 85 tuổi, bà vẫn làm phận sự, tham dự 325 sinh hoạt công cộng trong một năm, gần như mỗi ngày một lần!   Đóng đúng vai trò nữ hoàng, không phô bày con người riêng tư, khó nhất là phải ít nói. Không ai biết ý kiến của nữ hoàng trước những biến cố đảo lộn cả nước Anh, như cuộc đổ bộ chiếm kinh đào Suez thất bại năm 1956, cuộc chiến tranh với Argentina ở đảo Falkland; cả khi nước Anh rút khỏi Liên hiệp Âu châu. Khi dân Bắc Ái Nhĩ Lan bỏ phiếu hay khi dân Scotland trưng cầu ý kiến xem có muốn ly khai khỏi Vương quốc Hiệp nhất (United Kingdom) hay không, bà giữ im lặng. Như hiến pháp bất thành văn quy định, Nữ hoàng không bao giờ nêu ý kiến về các xung đột chính trị, đảng phái, nếu không được mời. Và các vị thủ tướng cũng tôn trọng hiến pháp, không bao giờ mời.   Một cuộc xung đột nội bộ đẫm máu trong triều đại Elizabeth II diễn ra ở Bắc Ái Nhĩ Lan. IRA (Quân Giải Phóng Ái Nhĩ Lan) muốn vùng này được nhập vào nước Ireland; lực lượng Sinn Féin đã gây nhiều cuộc bạo động, ám sát, cho đến khi chịu hòa giải và không bị kết tội. Năm 2011 nữ hoàng là vị quốc trưởng Anh đến thăm Cộng Hòa Ireland từ khi nước này tách khỏi vương quốc UK. Năm 2012 nữ hoàng bắt tay Martin McGuinnes, một lãnh tụ Sinn Féin đã trở thành phó thủ tướng Bắc Ái Nhĩ Lan. Ai cũng biết chính nhóm Sinn Féin, năm 1979, đã giết Lord Mountbatten, một người anh họ rất thân thiết với bà.   Bà đóng vai nguyên thủ quốc gia một cách bình thản lặng lẽ; dùng những lời ái ngữ vừa phải; mọi cử chỉ, hành vi đều có chừng mực như thể tất cả đã được quy định trước; nhưng bà biểu lộ rất thoải mái, tự nhiên, như thể đã được sinh ra để sống đúng theo nền nếp đó. Trước mắt dân chúng, bà không bao giờ tự biểu lộ cá tính, ngoài thú vui yêu chó và ngựa đua. Ông chồng bà, Hoàng tế Philips nhiều khi tuyên bố những câu gây phản ứng ồn ào, các con bà cũng hay ăn nói quá tự do; bà thì không bao giờ. Là một phụ nữ giàu nhất thế giới nhờ di sản nhiều đời, bà không cần dùng địa vị để sinh lợi. Đọc báo thấy những lời than phiền rằng công quỹ phải chi nhiều quá để nuôi một hoàng gia, bà tình nguyện đóng thuế. Bà không bày tỏ ý kiến về cả các xung đột trong gia đình, không trở thành đề tài cho những tờ báo lá cải như các con, các cháu.   Lối sống, ngôn ngữ và hành vi của nữ hoàng trở thành một “điểm cố định tĩnh lặng trong một thế giới chuyển vần,” (the still point in the turning world) như lời thơ của Thomas Stearns Eliot (1888 –1965), một thi sĩ gốc Mỹ đã xin làm công dân Anh quốc năm 39 tuổi. Điểm tĩnh lặng mang danh hiệu Elizabeth II là nền tảng của một vương quốc bao gồm những sắc dân khác biệt gốc English, Scots, Welsh, Irish, và bây giờ thêm hàng trăm sắc dân khắp thế giới đến cư ngụ. Hai bộ trưởng quan trọng trong chính phủ mới từ nhiệm, một gốc Ấn Độ, một gốc Pakistan, đều hy vọng có ngày sẽ làm thủ tướng. Nữ hoàng là một biểu tượng tạo thành mối đoàn kết quốc gia, tiêu biểu cho một truyền thống văn hóa cổ truyền nhưng chấp nhận thay đổi.   Bà không thuộc một phe nhóm, một địa phương nào, không thiên tả hay thiên hữu, trong một chế độ dân chủ vốn được dựng lên với mục đích cho mọi người có cơ hội tự do đả kích, đấu tranh, giành giựt lẫn nhau.   Dân Anh có khi bầu cho đảng Bảo Thủ chiếm đa số ở Viện Dân Biểu, có khi chọn đảng Lao Động. Mỗi lần thay đổi, việc đầu tiên của người lãnh đạo đảng là đi triều kiến nữ hoàng, để được bà mời đứng ra lập chính phủ mới. Hình ảnh đó cho thấy hai đảng, dù luôn luôn tranh giành quyền lực, nhưng vẫn theo cùng một mục đích, phục vụ cùng một quốc gia. Mỗi lần bà đến đọc diễn văn trước quốc hội, những đại biểu ồn ào quá khích nhất cũng phải đóng vai các thần dân ngoan ngoãn.   Nhật báo Financial Times ghi nhận trong lịch sử Anh quốc ba vị nữ hoàng đều đánh dấu các biến chuyển lớn. Elizabeth I trị vì từ 1558 đến 1603 đã mở rộng ảnh hưởng đế quốc ở Âu châu, các nước Hồi Giáo và sang châu Mỹ; Victoria, ngự trị từ 1837 đến 1901 là thời đế quốc Anh bành trướng khắp thế giới.   Nữ hoàng Elizabeth II chứng kiến tình trạng đế quốc tan rã, các thuộc địa giành độc lập, nhưng cuối cùng vẫn giữ được mối liên hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa.   Năm 1922, trước khi bà ra đời, Ireland đã giành độc lập, một nhân vật trong tiểu thuyết “Ulysses” của James Joyce nói, “Nước Anh cổ lỗ đang chết dần.” Triều đại 70 năm của Nữ hoàng Elizabeth II cho thấy lời tiên đoán đó “hơi quá đáng.” Có thể nhờ phẩm cách vững chãi thảnh thơi của bà mà Vương quốc Hiệp nhất, UK, vẫn tồn tại. Bà đã sống qua 14 đời tổng thống Mỹ, từ Harry Truman đến Joe Biden. Nước Mỹ hiện đang chia rẽ cùng cực không biết bao giờ mới hàn gắn được. Dân chúng cả nước Anh đang cùng nhau tưởng niệm một người lãnh đạo biết giữ phẩm cách.   Mười năm trước, trong một buổi lễ kỷ niệm ở nhà thờ St. Paul, tổng giám mục Rowan Williams lúc đó đã coi 60 năm trị vì của nữ hoàng là “một tấm gương sống, chứng tỏ rằng người ta vẫn có thể ‘phụng sự công ích;” và trong khi phục vụ họ tìm thấy hạnh phúc.” Elizabeth II suốt đời hết sức làm bổn phận, không bị lôi cuốn bởi những thứ nằm ngoài phận sự, lúc nào cũng biết mình đang làm gì, vững chãi và thảnh thơi. Có thể đoán Nữ hoàng đã sống một cuộc đời hạnh phúc./.
......

Chúc mừng Phùng Xuân Nhạ chuẩn bị gia nhập đội Juventus?

Thao Ngoc   Từ ngày 6 đến 8/9, UBKTTƯ họp kỳ thứ 19 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm UBKTTƯ. UBKTTƯ đã kết luận loạt sai phạm ở Bộ Giáo dục thời ông Phùng Xuân Nhạ làm bộ trưởng giáo dục. Nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ Giáo dục đã để xảy ra nhiều sai phạm trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, 2021. Những sai phạm còn xảy ra trong việc xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; thực hiện một số dự án đầu tư công; trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 và năm 2021. Việc này khiến một số cán bộ, đảng viên trong ngành bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự.   Để xảy ra những sai phạm này người chịu trách nhiệm chính là ông Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng” https://zingnews.vn/uy-ban-kiem-tra-trung-uong-ket-luan...   Có thể nói nền giáo dục VN đã xuống cấp trầm trọng từ lâu. Nhưng phải đến thời kỳ Phùng Xuân Nhạ làm tư lệnh ngành thì nó đạt đến tận cùng của sự thối nát mà mục rữa. Đầu tiên là tầm bằng tiến sĩ của Nhạ ngọng .   Năm 2018, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, đã gửi một báo cáo đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của VN, đưa ra bằng chứng là bộ trưởng giáo dục và đào tạo đương nhiệm “tự đạo văn”.   Bản báo cáo 10 trang được GS Dũng gửi hôm 18/2/2018 tới tổng thư ký của hội đồng, GS Trần Văn Nhung, nói về “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. GS Dũng dẫn các bằng chứng trong hai bài báo bằng tiếng Anh của ông Nhạ, công bố năm 2013 và 2014, để nhận định ông Nhạ đã tự đạo văn.   Một điều bất thường nữa mà vị giáo sư tại ĐH Toulouse chỉ ra là 2 bài báo của ông Phùng Xuân Nhạ được cho là đã công bố quốc tế thực ra lại đăng trên một tạp chí “giả khoa học”.   Với các bằng chứng thu thập được, báo cáo gửi đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước khẳng định ông Phùng Xuân Nhạ “vừa thiếu đạo đức vừa kém về trình độ” và “hoàn toàn không xứng đáng” với chức danh giáo sư mà ông được phong năm 2016. GS Nhung cho biết đã nhận được báo cáo này nhưng không hồi âm.   Năm 2016, một số giáo viên tại thị xã Hồng Lĩnh(Hà Tĩnh) bị điều đi phục vụ lễ tân cho Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh, tới một nhà hàng ở thị xã ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò. Khi được báo chí báo chí hỏi về vân đề này. Ông Nhạ nói chỉ là vui vẻ một tí thôi mà.   Vụ gian lận thi cử 2018 ở Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2018. Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn và Hòa Bình.   Gian lận thi cử ở Sơn La: Giá nâng điểm mỗi trường hợp trung bình 1 tỉ đồng!   Gian lận thi cử tại Hòa Bình: Bị can khai đã nhận hơn 1 tỉ để sửa bài nâng điểm. Có 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm.   Con số 330 bài thi của 114 thí sinh bị chỉnh sửa điểm khiến nhiều người bàng hoàng và sốc. Trong số đó, không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm thật.   Phùng Xuân Nhạ, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, không thể không chịu trách nhiệm về các sai phạm này, và ông được nhận bao nhiêu cho những phi vụ này… Nâng giá sách giáo khoa:   Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 3/11/2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận giá SGK mới cao gấp đôi, nhưng lại biện minh rằng do chất lượng tốt hơn. Đúng là bậc thầy của sự lưu manh và lươn lẹo. Điều lạ lùng là với những sai phạm ngút trời như thế, nhưng tại đại hội đảng khóa 13, ông Nhạ vẫn được đề cử vào BCHTƯ, nhưng cũng như Triệu Tài Vinh, Nhạ ngọng bị trượt vỏ chuối. Thế mà Nhạ lại nhảy sang làm phó ban tuyên giáo TƯ, thế mới tài.   Không biết những người mất tư cách và đạo đức như Nhạ thì vào ban tuyên giáo để giáo dục ai và giáo dục những gì?   Nếu Nhạ được vào nhà tù sẽ mang kinh nghiệm và kiến thức của mình để đào tạo cho nhiều đồng chí khác trong tù đạt trình độ cao về lý luận cao cấp và nghệ thuật hút máu dân qua việc nâng sách giáo khoa, đầu tư công . (Nhạ khóc vì bị rớt ở ĐH13, không còn cơ hội hút máu dân)   Thao Ngoc 9/9  
......

Pages