Cộng đồng Âu Châu (EU) ngưng các thỏa thuận của bà Merkel với Trung Quốc

TQB lượt dịch Bằng mọi cách muốn đạt được hiệp ước với Trung Quốc: Bà Thủ tướng Angela Merkel (66 tuổi, CDU)   Ngày 4 tháng 5 năm 2021 – Vào lúc  20 giờ 26 phút   Đây là một thất bại lớn đối với bà Thủ tướng Angela Merkel (66 tuổi, CDU)!   Vào tối thứ ba, cộng đồng Âu Châu (EU) đã tạm thời dừng lại dự án lớn của bà Merkel với Trung Quốc: Hiệp ước đầu tư của cộng đồng Âu Châu với đế chế độc tài khổng lồ!   Việc phê chuẩn hiệp ước đang nằm trong trạng thái chờ xử lý. Phó chủ tịch Ủy ban Âu châu là ông Valdis Dombrovskis (49 tuổi) tuyên bố rằng môi trường chính trị “hiện không thuận lợi cho việc phê chuẩn hiệp ước”.   Một trong các thỏa thuận của hiệp ước là nhằm điều chỉnh khả năng tiếp cận thị trường lẫn nhau cũng như cải thiện quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và cộng đồng Âu Châu đã bị các chuyên gia và nghị viện quốc hội Âu Châu chỉ trích nặng, vì: quá thân thiện với Trung Quốc và không xem xét đến các vi phạm nhân quyền của chế độ độc tài cộng sản này.   Chính trị gia đặc trách nhân quyền là bà Margarete Bause (62 tuổi, thuộc đảng xanh) cho biết trên Twitter: “Đây là một quyết định đúng đắn và đáng lý phải xảy ra từ lâu của EU và nó rõ ràng là một thất bại cho chính sách đối Trung của bà Merkel. "   Ủy ban EU đã thông qua hiệp ước vào ngày 30 tháng 12, nhưng giờ đây thì rõ ràng: Nghị viện  sẽ không ủng hộ  hiệp ước này. Trong khi Nguyên thủ Ủy ban Âu Châu là bà Ursula von der Leyen (62 tuổi) đã từng mô tả rằng các thỏa thuận này là một cột mốc quan trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh đã cam kết "sẽ áp dụng các nguyên tắc tham vọng trong các lĩnh vực bền vững, minh bạch và không phân biệt đối xử".   Vào thời điểm đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (57 tuổi) đã chỉ trích hiệp ước này là "yếu kém" và cảnh báo rằng: Các thỏa thuận mà Thủ tướng Merkel đang quảng cáo rầm rộ sẽ "không bảo vệ người lao động châu Âu khỏi cuộc tấn công cướp bóc của đảng Cộng sản Trung Quốc" .   Nguồn https://www.bild.de/politik/ausland/politik-ausland/umstrittenes-investitionsabkommen-eu-bremst-merkels-china-deal-76288768.bild.html  
......

Thảm họa dịch Covid-19 tại Ấn Độ : Narendra Modi trả giá cho sự ngạo nghễ

Minh Anh – RFI Sóng thần Covid Như những cơn sóng thần, làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai đổ ập xuống Ấn Độ gây ra một thảm họa dịch tễ nghiêm trọng. Hơn 200 ngàn người chết, riêng trong ngày Chủ Nhật 02/5 đã có hơn 3.400 người thiệt mạng. Đất nước với gần 1,4 tỷ dân, mỗi ngày ghi nhận có hơn 300 ngàn ca nhiễm mới, và đỉnh kỷ lục hơn 400 ngàn cũng vừa vượt qua. Làn sóng dịch bệnh đang lan rộng khắp cả nước và dần tiến sang các vùng nông thôn. Ấn Độ hỗn loạn như đang trong thời chiến. Không còn tiếng còi xe ô tô inh ỏi giành đường, thay vào đó là tiếng còi hụ xe cứu thương suốt ngày đêm. Bệnh viện và người dân chạy đôn chạy đáo tìm bình dưỡng khí ô-xy, thuốc men… Ngoài phố là những dàn hỏa thiêu lộ thiên sắp thành từng chuỗi, bốc lửa ngày đêm, khói đen nghịt trời do lò thiêu bị quá tải. Đó là những thứ âm thanh, hình ảnh thường nhật tại Ấn Độ lúc này. Thông tín viên Le Monde còn ghi nhận một chi tiết đáng chú ý: Các tờ báo tại Ấn Độ ngày càng mỏng dần. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, khoảng 150 nhà báo đã chết vì Covid-19. Lỗi ở Modi ? Vì đâu nên nỗi ? Trên các trang mạng xã hội, người dân không kiệm lời chỉ trích « sự bất tài tội ác » từ một chính phủ « không phương hướng ». Người dân còn kêu gọi « không có ô-xy, thì không có phiếu bầu » hay « Modi từ chức ». Ông Palaniappan Chidambaram, cựu bộ trưởng Nội Vụ, nghị sĩ Công Đảng, đối thủ chính trị của đảng BJP cầm quyền hiện nay, liệt kê 4 nguyên nhân chính: Thói kiêu ngạo, tập trung quyền lực thái quá, cố vấn tồi và kế hoạch kém. Le Monde nhắc lại, vì quá tự tin sau đợt dịch đầu tiên, Narendra Modi đã có những tuyên bố ngạo nghễ như Ấn Độ có đủ khả năng « sản xuất và cung cấp vac-xin cho nhân loại » (Đại Hội Đồng LHQ ngày 26/9/2020). Tệ hơn nữa tại diễn đàn Davos (tháng Giêng năm 2021) ông còn hùng hồn phát biểu : « Khi đại dịch mới bùng phát, thế giới lo lắng cho Ấn Độ đến mức họ lo ngại một cơn sóng thần lây nhiễm sẽ đổ ập xuống đất nước. Một số chuyên gia còn dự báo là khoảng 700-800 triệu người Ấn Độ sẽ bị nhiễm bệnh và hơn hai triệu người chết vì Covid. Nhưng Ấn Độ không để cho điều đó xảy ra và đã cứu sống cả nhân loại khỏi một thảm họa to lớn. Ngày nay, Ấn Độ gởi vac-xin đến nhiều nước và góp phần phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự thành công một chiến dịch tiêm ngừa, cứu mạng sống công dân nhiều nước khác ». Tham vọng mù quáng Nhưng theo một số nhà phân tích, được Le Monde trích dẫn, một trong những nguyên nhân chính của thảm họa dịch tễ này là do chính những tham vọng cá nhân của thủ tướng Nadrenra Modi. Ham muốn đi vào lịch sử, có thể sánh vai cùng các bậc hiền triết, những gương mặt chính trị tiêu biểu của đất nước đã làm cho ông mù quáng, bỏ qua những lời khuyên can từ giới khoa học. Từ nhiều tháng nay, ông nỗ lực xây dựng cho mình hình bóng của một bậc hiền triết, với bộ râu dài bạc phơ khiến nhiều nhà quan sát liên tưởng đến hình ảnh nhà thơ Rabindranath Tagore nổi tiếng. Lời lẽ phát biểu của ông vượt ngoài khuôn khổ chính trị, mang đậm hơi hướm giáo điều – tôn giáo. Chỉ có điều, hình ảnh của nhà hiền triết, cũng như là một người đầy quyền lực đã không giúp thủ tướng Modi kháng cự được với làn sóng dịch thứ hai, đang tàn phá đất nước từ tháng Ba đến nay, nhấn chìm Ấn Độ trong một tấn bi kịch không hồi kết. Sự việc làm lộ rõ những yếu kém to lớn của Ấn Độ, có nguy cơ phá vỡ những tham vọng chính trị và địa chính trị muốn vươn lên thành siêu cường của đất nước, để cạnh tranh với Trung Quốc. Hệ quả nhãn tiền là thất bại ê chề của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử vùng tại bang Tây Bengali. Mỉa mai thay, Narendra Modi lại đại bại ngay trên chính mảnh đất từng được ví như là « ánh sáng của Ấn Độ », nơi sinh ra những bậc hiền triết, hiền tài của đất nước và nhất là nơi xuất xứ của ông Syama Prasad Mukherjee (1901 – 1953), nhà sáng lập của Bharatiya Jana Sangh, tiền thân của đảng BJP của ông Modi hiện nay./.  
......

Tàu sân bay Anh thăm Nhật, Hàn Quốc trong chuyến hải hành đầu tiên đến Đông Á

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. Reuters Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ dẫn đầu một nhóm chiến hạm của Hải quân Hoàng gia đi qua vùng biển châu Á trong chuyến hải hành đầu tiên đến Nhật Bản và Hàn Quốc, đại sứ quán Anh tại Tokyo cho Reuters biết hôm 26/4. Các chuyến thăm cấp cao, nhằm củng cố quan hệ an ninh ở Đông Á, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực khi Nhật lo ngại về sự gia tăng đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan. Trong tháng này, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một tuyên bố chung đề cập đến sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Washington kể từ khi hai ông trở thành lãnh đạo của đất nước. Cùng với tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và 18 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, là hai khu trục hạm, hai khinh hạm và hai tàu hỗ trợ. Nhóm tàu chiến do tàu sân bay Anh dẫn đầu sẽ phải đi qua vùng Biển Đông đang tranh chấp, nơi có khu vực mà Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cùng tuyên bố chủ quyền, và sau đó nhóm chiến hạm Anh sẽ tiến đến vùng Đông Á. Nhóm tàu này cũng sẽ dừng ở Ấn Độ và Singapore. Tàu HMS Queen Elizabeth. Chính phủ Anh cho biết trong một thông cáo báo chí rằng nhóm tàu Anh sẽ cùng các tàu từ Hoa Kỳ và một tàu khu trục nhỏ của Hà Lan sẽ thực hiện các cuộc tập trận với các lực lượng từ Nhật, Úc, Canada, New Zealand, Pháp, UAE, Đan Mạch, Hy Lạp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ấn Độ, Oman và Hàn Quốc. Các tàu nước ngoài khác hiện đang ở vùng biển châu Á bao gồm một tàu sân bay đổ bộ của Pháp và hai tàu sân bay của hải quân Hoa Kỳ, một trong số đó là tàu USS Ronald Reagan đang neo tại Nhật. Là một đồng minh thân cận của Washington, Nhật là nơi tập trung lực lượng quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ bên ngoài nước Mỹ, bao gồm tàu chiến, máy bay và hàng nghìn lính thủy đánh bộ. Đây là chuyến thăm Nhật mới nhất và đáng chú ý nhất cho đến nay của lực lượng Anh. Trước đó, khi London và Tokyo tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng, Anh đã đưa tàu chiến, máy bay chiến đấu phản lực và quân đội đến tham gia các cuộc tập trận chung với Nhật Bản.
......

Quốc tế dồn dập viện trợ giúp Ấn thoát khủng hoảng COVID

Một nạn nhân tử vong vì COVID được khiêng xác tới lò thiêu ở Jammu, Ấn Độ. Thế giới Các nguồn cung ứng y tế thiết yếu bắt đầu tới Ấn Độ hôm 27/4 trong lúc các bệnh viện quá tải, thiếu oxy, phải từ chối bệnh nhân COVID giữa bối cảnh COVID tăng mạnh đẩy tổng số tử vong lên tới gần 200.000 người. Chuyến hàng từ Anh gồm 100 máy thở và 95 máy tạo oxy, đã tới thủ đô New Delhi, dù một phát ngôn nhân của Thủ tướng Boris Johnson cho biết Anh không có vaccine dư để chia sẻ. Pháp, Ireland, Đức và Úc cũng đang viện trợ máy thở và oxy cho Ấn Độ. Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc phụ trách khu vực Ấn độ Dương-Thái bình Dương, Kurt Campbell, cho biết Tổng thống Joe Biden trong cuộc điện đàm đầu tuần này với Thủ tướng Ấn Narendra Modi đã cam kết: “Hãy cho chúng tôi biết quý vị cần gì, chúng tôi sẽ đáp ứng.” Hai hãng dược của Mỹ gồm Gilead Sciences và Merck cũng ngỏ lời hỗ trợ Ấn thuốc men điều trị COVID. Mỹ đã hứa sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine của AstraZeneca cho các nước và một giới chức cao cấp cho hay Ấn Độ được đảm bảo ưu tiên. Tổ chức Y tế Thế giới loan báo đang xúc tiến chuyển giao 4.000 máy tạo oxy cho Ấn, nơi các biến thể lây nhiễm cao hơn của COVID đang gây nên một đợt dịch thứ nhì. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 323.144 ca nhiễm và thêm 2.771 ca tử vong vì COVID, nâng tổng số người chết lên thành 197.894. Trong dân số 1,3 tỉ của Ấn có tổng cộng 17,64 triệu người nhiễm COVID, theo báo cáo chính thức. Nhà chức trách ở New Delhi phải xây thêm giàn thiêu dã chiến cho các lò thiêu trong lúc đương đầu với làn sóng nạn nhân tử vong vì COVID tăng vọt. Thủ đô Ấn Độ đang vật lộn với số ca nhiễm tăng cao và các lò thiêu trên khắp thành phố thông báo đã hoàn toàn hết chỗ, yêu cầu gia đình các nạn nhân phải chờ đến lượt. Những chiếc xe cứu thương chở thi thể nạn nhân COVID xếp hàng dài bên ngoài các lò thiêu, chờ đợi nhiều giờ đồng hồ trước khi được đưa xác vào hoả thiêu. Ấn Độ đang bị đợt dịch thứ hai hoành hành, cứ 4 phút là có 1 người chết vì COVID tại New Delhi giữa lúc hệ thống y tế nghèo nàn của thủ đô đã hết công suất. (Theo Reuters) https://www.voatiengviet.com/a/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-d%E1%BB%93n-d%E1%BA%ADp-vi%E1%BB%87n-tr%E1%BB%A3-gi%C3%BAp-%E1%BA%A5n-tho%C3%A1t-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-covid/5869116.html
......

Nhiễm rồi vẫn có thể bị tái nhiễm

Nguyen Khan Đó là câu nói được cho là của đại sứ Việt Nam tại New Delhi Phạm Sanh Châu. Ông Châu cho rằng "Ngay cả những ai đã tiêm hai lần vaccine vẫn có thể nhiễm như cựu thủ tướng Momanhant Singh", và rằng "Trong 24 giờ qua Ấn Độ đã có 315.000 ca nhiễm, 2.100 người chết. Cứ 40 giây lại có một người chết vì COVID". Một đại thảm họa dịch vật đang diễn ra tại Ấn Độ, ngành y tế bó tay, nhà nước bó tay, thậm chí các lò hỏa táng cũng bó tay... Giờ đây ai nhiễm bệnh tự chữa, ai chết người nhà tự chôn, ai có tiền thì trốn chạy khỏi nước... Phó thác cuộc sống cho sự rủi may. Một đất nước ngập ngụa lửa khói, khét lẹt mùi xác cháy, một địa ngục đang bủa vây xứ cà ry chưa biết lúc nào dừng. Có thể Ấn Độ chủ quan vì nghĩ số dân bị nhiễm rất lớn, các ca nhiễm đang giảm mạnh, dừng ở mức thấp khá lâu, hơn trăm triệu người được tiêm vacxin và đang tiếp tục được tiêm, cho nên có thể Ấn Độ đã tiệm cận miễn dịch cộng đồng. Hơn nữa Ấn là công xưởng bào chế vaccine với số lượng cực lớn cho thế giới, thừa sức ngăn chặn dịch, nếu... Cho nên Ấn Độ chủ quan mừng đại lễ Kumbh Mela của đạo Hindu (gần như là quốc giáo) theo chu kỳ 12 năm một lần, với hàng chục triệu người tham gia chen chúc... Làm "bung toang"... Na ná như đại yến vạn người làm "bung toang" Vũ Hán. Song vấn đề đặt ra, vaccine có phải là giải pháp ngăn chặn hữu hiệu dịch cúm TC? Mục đích của vaccine là kích thích hệ miễn dịch cơ thể tạo ra kháng thể tiêu diệt Virus. Nghĩa là người được tiêm vaccine, và nếu vaccine ấy tạo được miễn dịch trong cơ thể, thì miễn dịch ấy tương đương với người nhiễm cùng loại virus đã lành bệnh, vì người nhiễm bệnh đã lành bệnh có miễn dịch trong cơ thể còn tốt hơn miễn dịch tạo ra từ vaccine. Như vậy, nếu người nhiễm bệnh cúm TC đã lành bệnh vẫn có thể tái nhiễm thì người tiêm vaccine, và nếu vaccine ấy gây được miễn dịch tốt như người nhiễm bệnh đã lành, cũng sẽ bị tái nhiễm, như trường hợp của cựu thủ tướng Ấn Momanhant Singh bị nhiễm bệnh sau khi đã tiêm đủ hai lần vaccine mà Ông Phạm Sanh Châu đã nói, thì tiêm vaccine cũng như không? Nói cách khác, ngay cả dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, được cho là đã đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng, virus đã trở nên hiền hòa hơn, sống chung với con người gây ra cúm mùa H1N1 hàng năm, song cũng giết chết không ít người. Vì virus không phải là một tế bào sống hoàn thiện như vi khuẩn, nó chỉ là chuỗi gene ARN sống nhờ tế bào vật chủ, nên biến đổi không ngừng, vaccine cúm mùa không có khả năng ngăn chặn hết các dòng cúm biến đổi, dù các nhà bào chế có hàng trăm năm nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển. Huống hồ virus cúm TC, với một thời gian chạy nước rút bào chế vaccine cho kịp ngăn chặn dịch khi dịch biến đổi không ngừng gây bung toang khắp nơi trên thế giới, cùng với thời đại toàn cầu hóa, con người giao lưu như mắc cửi khắp nơi trên thế giới giúp các chủng virus có điều kiện tạp giao gây ra rất nhiều biến chủng có độc lực và độ lây nhiễm mạnh khó lường, khiến các loại vaccine vừa bào chế đã trở nên hạn hẹp, bé nhỏ không đủ uy lực và phổ rộng ngăn chặn bao trùm tất cả các biến chủng của virus. Cách đây ít lâu, khi dịch cúm TC bùng phát lần hai ở Âu Mỹ, người ta nói đến chủng virus Anh dữ dằn, đặc biệt là chủng virus Nam Phi được cho là vô hiệu hóa các loại vaccine. Giờ đây người ta lại nói đến chủng virus kép đang hoành hành tại Ấn Độ được cho là "phối ngẫu" giữa chủng virus Anh và chủng virus Nam Phi. Và thật khó để biết được sẽ còn những chủng biến đổi gì kinh khủng nữa, dù đó là chuyện đương nhiên sẽ đến. Và dĩ nhiên các chủng càng biến đổi về sau càng khiến các loại vaccine thành công cốc. Khi tổng thống Pháp Macron cảnh báo về vaccine TC kém chất lượng có thể khiến virus tạp giao ngay trong cơ thể sinh ra chủng virus mới nguy hiểm. Làm nhiều người giật mình nghĩ về chất lượng vaccine. Bởi sự chạy đua phát triển vaccine khiến các nhà phát triển bỏ bớt những khâu kiểm nghiệm, có thể cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các chủng virus biến chủng độc hại. Câu chuyện đáng suy nghĩ lúc này là, nếu dịch cúm Tây Ban Nha đã từng đạt đến trạng thái miễn dịch cộng đồng khi hơn 70% dân số nhiễm bệnh và hết bệnh tao ra miễn dịch chung... Vậy cúm TC có tạo được miễn dịch cộng đồng không, khi người lành bệnh có thể bị tái nhiễm, và khi vaccine là một liệu pháp chủ động tạo ra miễn dịch cộng đồng, nhưng vaccine tiêm rồi vẫn có thể tái nhiễm, hoặc không có khả năng ngăn chặn chủng virus Nam Phi hay virus chủng kép tại Ấn Độ hiện nay, thì làm sao, và chừng nào mới đạt đến trạng thái miễn dịch cộng đồng? NR rất bi quan, cho rằng rất khó, nếu không muốn nói là vô cùng khó đạt được miễn dịch cộng đồng, và việc phát triển vaccine ngăn chặn virus, và việc virus biến đổi vô hiệu hóa vaccine sẽ xoay lấy nhau, rượt đuổi nhau như đèn cù, xô đẩy tương lai nhân loại vào vô định. Giờ đây, chỉ có thể áp dụng cách phòng dịch theo kiểu Việt Nam để giữ được bình an đến đâu hay đến đấy, chứ không thể phó mặc mạng sống mình vào vaccine. Bởi vaccine không có nhiều tin cậy nhưng có thể làm người ta chủ quan gây ra thảm họa như Ấn Độ./.
......

Phe nổi loạn tan rã sau 48 giờ

Ngô Nhân Dụng - VOA Một cuộc nổi loạn gây chấn động dư luận Âu châu và nhiều thành phố trên thế giới nhưng dân coi đài, đọc báo ở Mỹ chẳng ai chú ý tới, mặc dầu bản tin đầu tiên là do báo The New York Times tiết lộ. Bởi vì đây là chuyện túc cầu, đá banh, bên Anh gọi là football, ở Mỹ gọi là soccer và rất ít khán giả. Tối Chủ Nhật vừa qua mười lăm đội bóng, trong đó có những đội mạnh nhất, rút ra khỏi Liên đoàn Vô Địch, Champions League, thành lập một tổ chức mới mang tên Liên đoàn Siêu Việt, Super League, sẽ có 20 đội banh tham gia. Trong số 12 thành viên sáng lập có những đội nổi tiếng nhất, Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester City, Manchester United và Tottenham ở Anh quốc; Barcelona, Atlético Madrid và Real Madrid ở Tây Ban Nha; AC Milan, Inter Milan và Juventus ở Italy, nước Ý. Công ty tài chánh Mỹ JPMorgan Chase sẽ cung cấp vốn khởi đầu, khoảng $4 tỷ mỹ kim. Tại sao cuộc nổi loạn này bùng lên? Chẳng qua cũng chỉ vì tiền. Các liên đoàn bóng đá ở Âu châu, trong đó Champions League đứng hàng cao nhất, bao gồm các đội banh mạnh yếu khác nhau. Bên trong mỗi liên đoàn, tiền thâu được sẽ được chia cho tất cả các đội. Các đội banh mạnh nhất thấy như thế là bất công. Khán giả mua vé đi coi đá banh, các nhà bảo trợ trả tiền quảng cáo, là nhờ các cầu thủ và các đội banh giỏi nhất. Tại sao họ phải “nuôi” các đội banh yếu mãi như vậy? Ý tưởng ly khai đã nảy ra từ lâu rồi, năm nay mới được thực hiện. Với liên đoàn mới Super League, số tiền thu được sẽ rất lớn, đem chia ra họ được hưởng nhiều hơn. Các đội banh này sẽ không còn lệ thuộc các tổ chức đá bóng quốc gia. Những đội banh muốn được nhận vào Champions League phải qua cửa ải tranh tài với các đội khác trong nước mình. Còn với Super League, 15 đội banh sẽ giữ được chỗ vĩnh viễn, 5 đội được họ thêm vào mỗi năm. Số thu nhập sẽ vừa cao hơn vừa được bảo đảm, bớt rủi ro. Tương lai có vẻ rực rỡ. Nhưng tương lai của các đội banh nhỏ thì đáng lo – hơn 250 đội trong các nước Âu châu. Số tiền thu sẽ tụt xuống nếu không có các đội mạnh nhất tham dự. Các tổ chức đá bóng quốc gia và cho toàn thể Âu châu sẽ thiệt hại tài chánh. Các người lãnh đạo FIFA, bóng tròn thế giới, và UEFA, các hội Âu châu, cố gắng thuyết phục chủ nhân các đội banh nổi loạn hãy bỏ ý định ly khai, cũng vô hiệu. Nhưng sau 48 tiếng đồng hồ, các tay nổi loạn lần lượt bỏ cuộc, bắt đầu là các đội banh Anh quốc. Các đội ở Ý bỏ chạy theo. Ngày Thứ Ba, Super League tuyên bố giải tán. Tại sao cuộc nổi loạn tan rã nhanh như vậy? Vì “sức mạnh của nhân dân” (people power)! Trước hết là “giới mộ điệu,” gọi là “fan,” một chữ người Việt cũng sử dụng trong thể thao, ca nhạc và phim ảnh. Tin Super League ra đời được công bố 11 giờ đêm Chủ Nhật, ngày hôm sau có trận đấu lớn. Buổi chiều, mấy trăm khán giả tụ tập tại cửa vận động trường ở thành phố Leeds, chặn đường chiếc xe buýt chở cầu thủ đội Liverpool. Họ dương cao các biểu ngữ phản đối. Người biểu tình đổi tên Super League thành Super Greed, Siêu Tham. Nhiều người mang biểu ngữ mô tả trò chơi Đá Banh: “Người nghèo sáng tạo ra, người giàu ăn cắp!” (Created by the poor, stolen by the rich). Các fan nổi giận được các cầu thủ và những nhà dìu dắt tiếp tay. Sau trận đấu ở Leeds, những cầu thủ chủ yếu trong đội Liverpool ký tên chung phản đối. James Milner, cầu thủ thâm niên nhất của Liverpool nói với nhà báo rằng các đồng đội của anh không ai được hỏi ý kiến. Gary Neville, từng là thủ quân đội Manchester United, hiện đang đá cho Liverpool, lên án cả hai đội. Cầu thủ Marcus Rashford, đội Manchester United, đưa lên Twitter một thông điệp: “Bóng Đá Không Có Fan là Số Không!” (Football Is Nothing Without Fans). Chủ nhân các đội banh giữ kín các mưu tính của họ không cho nhân viên biết. Michael Edwards, một giám đốc của Liverpool, và Paolo Maldini, của A.C. Milan, nói họ không biết gì về cuộc ly khai này, chỉ có các ông chủ bàn bạc kín với nhau. Họ còn đang lo sợ cho gia đình họ, có thể mất an toàn khi giới mộ điệu nổi giận! Huấn luyện viên Pep Guardiola của Manchester City, phản đối cách tổ chức “khép kín” của tổ chức mới, với 15 đội giữ ghế an toàn không lo mất, “nếu không bao giờ lo bị loại thì không còn là thể thao nữa!” Chủ nhân các đội banh ly khai không hề dự đoán những phản ứng mạnh mẽ của công chúng và các cầu thủ mạnh như thế. Người làm chủ nhiều cổ phần nhất của Liverpool là John Henry, một người Mỹ cũng làm chủ đội bóng chày Boston Red Sox. Ngày Thứ Ba, ông Henry gửi một bức thư cho các fan, giới hâm mộ, các cầu thủ và nhân viên, “Tôi xin lỗi, tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm.” Khi dư luận chống đối lên mạnh, đến lượt các nhà chính trị. Thủ tướng Anh Boris Johnson, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như các đại biểu quốc hội lên án óc vụ lợi của chủ nhân các đội ly khai. Hoàng tử William, người đứng hàng thứ hai có thể nối ngôi nữ hoàng Anh cũng phàn nàn. Cả Đức Giáo Hoàng Francis cũng lên tiếng. Nhưng một mối đe dọa khiến các đội banh nổi loạn thoái lui là các công ty thương mại, như các nhà làm đồng hồ danh tiếng nhất ở Thụy Sĩ, tuyên bố sẽ không quảng cáo với liên đoàn bóng đá mới. Các khán giả fan của Manchester United đã đổ nỗi tức giận lên đầu một chủ nhân, cầu ông ta chết sớm, hô khẩu hiệu “Die, Glazers, die!”Gia đình Glazers, từ Mỹ, cũng làm chủ đội Buccaneers ở Tampa Bay, một vô địch Super Bowl. Chủ nhân của những đội khác, Roman Abramovich đội Chelsea là một tỷ phú người Nga lưu vong ở Anh; một ông hoàng xứ Á Rập Abu Dhabi làm chủ đội Manchester City; Stan Kroenke làm chủ đội Arsenal, một tỷ phú địa ốc người Mỹ cũng làm chủ hàng chục đội banh khác. Người đi tiên phong trong việc thành lập Super League là Florentino Pérez, chủ tịch đội Real Madrid, Tây Ban Nha. Nhưng cách tổ chức của họ phỏng theo phương pháp đã áp dụng trong các môn thể thao Mỹ. Các liên đoàn bóng bầu dục, bóng chày hay bóng rổ ở Mỹ là các hiệp hội đóng kín, chia nhau tiền bán vé cũng như tiền quảng cáo. Theo tạp chí Forbes, trong số 50 đội banh giàu nhất thế giới có 43 đội ở nước Mỹ. Ngược lại, các liên đoàn bóng đá Âu châu đều để mở ngỏ, một đội yếu kém sẽ bị đẩy xuống một liên đoàn thấp, thu được ít tiền hơn. Từ 1992 đến 2014, có 45 đội bóng đá ở Anh đã phá sản, 40 ở Pháp và 30 ở Đức. Bắt chước lối Mỹ, các đội banh mạnh nhất trong Super League sẽ thu được nhiều tiền cho các chủ nhân hơn, và ít rủi ro bị loại hơn. Khác với các đội thể thao ở Mỹ, có thể đổi chủ và đổi từ thành phố này qua thành phố khác, các đội bóng đá lớn ở Âu châu đều có một lịch sử lâu dài hàng thế kỷ, bám rễ vào lịch sử, gắn bó với khán giả địa phương. Họ chia sẻ một quá khứ, và nguồn thu nhập, với các đội banh nhỏ hơn, vì vẫn phải gặp gỡ nhau trong các trận tranh tài cấp quốc gia. Ở Âu châu người ta nhìn các đội banh như những định chế văn hóa chứ không phải chỉ là một xí nghiệp với mục đích sinh doanh lợi. Ở nước Đức, phần lớn các đội banh không có ai là chủ nhân quyết định. Những đội Bayern ở Munich hay Borussia ở Dortmund đều do khán giả chiếm đa số cổ phần, không ai là chủ nhân chính. Trong cuộc nổi loạn vừa rồi, những đội nổi tiếng như Paris Saint-Germain của Pháp và Bayern đều từ chối khi được mời tham gia. Sự thật là các đội banh lớn lên, mạnh hơn, là do các khán giả hâm mộ, các fan, bắt đầu từ nơi nó sinh ra và trưởng thành. Khán giả không phải chỉ là “người tiêu thụ.” Những người dân bình thường đó đầu tư tiền bạc, thời gian và tình cảm để nuôi dưỡng các đội banh. Đó không phải là một quan hệ tuần túy thương mại. Không thể coi các đội banh chỉ là những bộ máy kiếm tiền. Khi các cầu thủ, các huấn luyện viên, ban quản đốc đều không được các chủ nhân hỏi ý kiến trước khi ly khai, người ta thấy ngành đá bóng Âu châu có vẻ bị Mỹ hóa, nhất là có mấy nhà đầu tư Mỹ trong đám nổi loạn. Mục tiêu số một của các xí nghiệp Mỹ là “tối đa hóa giá trị cổ phần,” tức là tài sản của các cổ đông. Nhưng có dấu hiệu cho thấy các công ty Mỹ cũng đang thay đổi. Bởi vì một xí nghiệp không chỉ được xây dựng lên bằng tiền vốn của các chủ nhân. Cần được người tiêu thụ tín nhiệm, cần biết bao nhiêu chuyên gia, nhân viên lớn nhỏ góp sức. Quan trọng nhất, các xí nghiệp kiếm được lời là nhờ họ sử dụng tất cả những hệ thống giao thông, các bến cảng, phi trường, kể cả một hệ thống luật pháp bảo vệ quyền tư hữu. Những hạ tầng cơ sở quốc gia đó được nuôi bằng tiền đóng thuế của tất cả mọi người trong nước. Một xí nghiệp không tự nó, một mình, tạo ra của cải. Giới lãnh đạo các công ty ở Mỹ đã công nhận điều này từ lâu, bây giờ họ không chỉ lo cho tài sản của các cổ đông (shareholders) mà còn chú ý đến quyền lợi của tất cả “những người can dự” (stakeholders). Những công ty lớn ở Mỹ đã phản ứng rất nhanh khi người tiêu thụ, hay nhân viên của họ bày tỏ ý kiến. Họ phải lên tiếng về các vấn đề không liên quan đến nghề nghiệp của họ, như vụ các người gốc Á châu bị đánh, khi súng bắn chết nhiều người quá, hay khi cảnh sát dùng vũ lực bất cẩn. Hàng trăm công ty lớn như Coca Cola, Delta có lợi gì khi phản đối các đạo luật có thể hạn chế quyền bỏ phiếu của một số người dân ở Georgia? Họ đã nghe dư luận của các khách hàng uống nước ngọt và đi máy bay. Họ chỉ nghe các nhân viên của họ nói gì. Họ biết rằng không thể chỉ hoạt động như những bộ máy kiếm tiền; vì làm như vậy thì chính các cổ đông, các chủ nhân của xí nghiệp, sẽ bị thiệt hại khi công ty bị tẩy chay. Họ hành động không khác gì chủ nhân của các đội banh Manchester United, Manchester City, Liverpool, Chelsea, vân vân, khi biết phản ứng của các fan và các cầu thủ./.
......

"Trung Quốc là kẻ gây mất hoà bình ở Biển Đông"

Đó chính là tuyên bố của Liên Minh Châu Âu (EU) chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ đang gây nguy cơ mất hòa bình tại khu vực Biển Đông hôm 24/4   Đồng thời EU thúc giục các bên liên quan tuân hành phán quyết Tòa Trọng Tài Quốc Tế đưa ra năm 2016, trong đó bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc đối với Biển Đông. Bắc Kinh biết trước là mình tham lam ngang ngược, không dựa trên căn bản pháp lý nào nên đã không tham dự phiên tòa và không công nhận phán quyết của tòa.   Cũng trong tuần qua, EU công bố chính sách mới nhằm nâng cao ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hầu đối phó lại sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.   EU thúc giục tất cả các bên liên quan giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng các giải pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế có lợi cho Philippines, trong đó bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Điều này làm dư luận các nước có tranh chấp với TQ ủng hộ mạnh mẽ.   Hôm 23/4, Philippines gửi 2 công hàm phản đối sự hiện diện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Philippines.   Manila lên án hành động hàng trăm tàu dân quân biển Trung Quốc tiếp tục bỏ neo, chằng néo vào nhau, đậu lỳ lại đá Ba Đầu (theo cách gọi của Việt Nam) và các nơi khác trong khu vực mang tính cách “đe dọa” mà Philippines gọi là Julian Felipe Reef, tên quốc tế là Whitsun Reef.   Bắc Kinh cũng đã phản bác lại cáo buộc của Liên minh châu Âu rằng đám tàu của họ đậu lỳ tại đá Ba Đầu, mà họ gọi là Ngưu Ách Tiêu (Niu’E Jiao), là nguy cơ làm tổn hại hòa bình và ổn định tại khu vực. Sứ bộ Trung Quốc tại EU ra một bản tuyên bố hôm Thứ 7 vẫn ngang ngược lập lại rằng Ngưu Ách Tiêu là một phần của quần đảo Nam Sa tức Trường Sa và thuộc chủ quyền Trung Quốc.   Bởi vậy họ chống chế là “hợp lý và hợp pháp” để các tàu Trung Quốc hoạt động ở đó và tránh gió dù đó chỉ là lời chống chế dối trá.   Bản tuyên bố của Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng quyền chủ quyền, chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông được hình thành “theo chiều dài của lịch sử và tương ứng với luật pháp quốc tế”, đồng thời bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa án quốc tế là “vô hiệu lực”. Tuy nhiên bản tuyên bố này bị hầu hết các nước có tranh chấp phản bác lại.   PD
......

Montenegro là một nạn nhân của chính sách ngoại giao tín dụng của Trung Quốc?

Một dự án đường cao tốc đưa Montenegro vào tình thế khốn cùng. Việc hoàn thành bị chậm trễ và các khoản vay cho Trung Quốc đến hạn phải trả. Tài sản của nhà nước Montenegro sẽ rơi vào tay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa?   Đường cao tốc từ Bar chạy dọc theo bờ biển Adriatic đến Boljare nơi biên giới với Serbia là một dự án thanh thế. Nhưng bây giờ đất nước Montenegro nhỏ bé (là quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Âu, tách ra từ Liên bang Serbia và Montenegro) đứng trước một núi nợ - và đường cao tốc chỉ mới hoàn thành 40 km mà thôi.   Mladen Bojanic là Bộ trưởng Montenegro về các khoản đầu tư lớn kể từ khi chính phủ thay đổi cách đây 5 tháng. Theo kế hoạch, đường cao tốc sẽ bắt đầu được sử dụng sau hai năm xây dựng và phí thu được sẽ được dùng để trả khoản vay, ông giải thích: "Bây giờ đã bị trễ hơn hai năm và chúng tôi đang ở trong tình thế phải trả nợ trong khi đường cao tốc chưa hoàn thành".   Nguyên do không phải chỉ vì Corona   Cho dự án này, một khoản vay gần một tỷ euro với một ngân hàng Trung Quốc, các khoản trả nợ đầu tiên sẽ đến hạn vào giữa năm nay. Và chính phủ ở thủ đô Podgorica không có khả năng trả nợ này. Suy thoái kinh tế liên quan đến dịch bệnh Corona đóng một vai trò quan trọng, nhưng sản lượng kinh tế thấp của đất nước nhỏ bé cũng là một lý do.   Christoph Trebesch, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel - Đức, nói rằng đường cao tốc là "một dự án cực kỳ tốn kém và vượt quá khả năng chịu đựng nợ của đất nước". Kết quả là dự án bị "đội vốn với số tiền đáng kể đối với tỷ lệ nợ của đất nước" - và không rõ sẽ lấy nguồn tiền thu nhập ở đâu để trả nợ. Và: "Ngay từ đầu, vấn đề hiệu quả kinh tế của dự án đã được đặt ra", Trebesch nói. "Và bây giờ phải trả giá".   EU phẩy tay   Nước Montenegro là nước đang xin gia nhập EU và sẽ không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ EU trong việc trả khoản vay Trung Quốc. Brussels đã từ chối yêu cầu của chính phủ Montenegro. Giờ đây, người ta nói rằng Montenegro có thể là quốc gia châu Âu đầu tiên trở thành nạn nhân của "chính sách ngoại giao nợ của Trung Quốc". Bởi vì các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc hiện nay cũng là những nhà tài trợ quan trọng, giống như Ngân hàng Thế giới, cho các nước đang phát triển.   Trong dự án nghiên cứu quốc tế này, Trebesch đã phân tích khoảng 100 hợp đồng cho vay như vậy - bao gồm cả hợp đồng với Montenegro. Đáng chú ý là trong đó là những điều khoản nghiêm ngặt về việc giữ bí mật. Nhưng cũng đáng chú ý là các điều khoản cho phép Trung Quốc đơn phương hủy bỏ các hợp đồng cho vay và yêu cầu trả nợ ngay lập tức nếu các điều kiện chính trị ở nước bên vay thay đổi.   Nhà kinh tế này nói rằng có "những điều kiện mà khả năng thực hiện chỉ trong một giới hạn nhất định" đối với một khoản vay "rủi ro cao". Trong mọi trường hợp, các điều khoản này là bất thường, đặc biệt nếu so sánh với các khoản vay của chính phủ các nước thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế): "Trong đó có ít điều khoản như vậy được tìm thấy hơn", ông nói.   Đầu tiên là rủi ro, sau đó là bẫy?   Cũng giống như Trebesch, Dejan Milovac từ NGO MENS tại thủ đô Podgorica không thấy có gì đáng chê trách trên nguyên tắc về việc Trung Quốc tham gia kinh tế vào khu vực. Nhưng Milovac hoài nghi về hợp đồng cho vay - đó là "một rủi ro rất lớn ngay từ đầu". Ông Milovac nói: “Liệu nó có trở thành một cái bẫy hay không sẽ phụ thuộc vào những gì Montenegro sẵn sàng hành động để trả nợ".   Người dân Montenegro đặc biệt lo ngại về Điều 8.1 của hợp đồng: Milovac nói rằng nếu Montenegro không có khả năng trả nợ hoặc Trung Quốc làm các thủ tục tòa án phân xử, thì "bất kỳ tài sản nào ở Montenegro đều có thể bị xem xét để giải quyết các yêu sách đời nợ của Trung Quốc".   Ví dụ, đó có thể là quyền sử dụng cảng lớn nhất nước ở thị trấn ven biển Bar hoặc chính đường cao tốc khi nó hoàn thành. Christoph Trebesch không tin rằng, chỉ dựa vào điều khoản này mà Trung Quốc có thể có được quyền sử dụng đối với tài sản của Montenegro. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng có những thỏa thuận khác chưa được công chúng biết đến.   Trung Quốc cam kết đôi bên cùng có lợi   Trung Quốc nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp với Montenegro và tầm quan trọng của các dự án cơ sở hạ tầng đối với đất nước này. Zhao Lijian, phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc coi trọng việc phát triển quan hệ với Montenegro và hy vọng sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi.   Nhưng nếu Montenegro không trả được nợ thì sao? Trebesch cho biết một kịch bản có thể xảy ra là cắt nợ mà nước này có thể đàm phán với Trung Quốc. Montenegro sau đó có thể nhận được hỗ trợ cho vay từ EU.   Mặt khác, Dejan Milovac hy vọng về việc rút kinh nghiệm lâu dài cho đất nước của mình: "Tôi hy vọng rằng Montenegro sẽ rút ra bài học khi khoản vay đã được trả hết - các dự án với quy mô và tầm quan trọng này phải được lên kế hoạch rất cẩn thận hơn".   Hiếu Bá Linh (Biên dịch)   Nguồn: https://www.tagesschau.de/ausland/europa/montenegro-china-101.html  
......

Chính phủ Úc, hủy bỏ thỏa thuận với Trung Quốc "Vành Đai Một Con Đường"

  Le Anh ·   Hôm 22 Tháng Tư, 2021, theo tờ The Guardian thông tin, Chính phủ liên bang Úc hủy bỏ các thỏa thuận Vành đai và Con đường giữa Victoria và Trung Quốc   Chính phủ Morrison đã sử dụng luật phủ quyết mới của nước ngoài để xóa bỏ các thỏa thuận Vành đai và Con đường của Victoria với Trung Quốc, theo điều mà đại sứ quán Trung Quốc đã tố cáo là “một động thái vô lý và khiêu khích khác”.   Theo Ngoại trưởng Marise Payne cho biết chính phủ Úc sẽ hủy bỏ thỏa thuận đó, vì không phù hợp với chính sách đối ngoại của Australia hoặc bất lợi cho quan hệ đối ngoại.   Sau tuyên bố của bà Ngoại trưởng Úc, Trung Quốc rất tức giận. Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cho biết động thái này cho thấy chính phủ Úc đã “không chân thành trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc-Úc”.   Người phát ngôn của Đại sứ quán cho biết hôm thứ Năm: “Đây là một động thái vô lý và khiêu khích khác mà phía Australia thực hiện chống lại Trung Quốc. "Nó nhất định sẽ gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương, và cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương chính nó."   Nhiều người Úc cho rằng, đây là quyết định đúng đắn, trong đó có Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc hoàn toàn ủng hộ về quyết định này của Chính phủ Úc.   Mối quan hệ của Úc và Trung Quốc ngày càng xấu và căng thẳng hơn, kể từ khi Úc kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch virus corona chủng mới cũng như về cách thức xử lý khủng hoảng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Trung Quốc vào tháng 4 năm ngoái.    
......

Trung Quốc chớp mắt khi các hạm đội Mỹ, Philippines thách thức âm mưu chiếm giữ rạn san hô

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tấn công USS Makin Island gặp nhau ở Biển Đông. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)   David Axe, Forbes - Dịch: Người Mỹ Gốc Việt Chúng xuất hiện lần đầu tiên xung quanh rạn đá ngầm Đá Ba Đầu (Whitsun) vào tháng 12. Một đội tàu Trung Quốc ngày càng tăng, neo thân sát nhân trong vùng nước nông xung quanh rạn đá ngầm hình boomerang, 200 dặm về phía tây của Philippines ở Biển Đông.  Đến tháng 3, có khoảng 220 tàu thuyền Trung Quốc gần bãi đá ngầm đó. Các quan chức ở Manila và Washington dường như cho rằng Bắc Kinh sắp thực hiện một cuộc chiếm đất khác, có khả năng dẫn đến việc thiết lập thêm một tiền đồn quân sự khác của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Vào giữa tháng 4, các thuyền của Trung Quốc bắt đầu phân tán. Những gì đã xảy ra trong tháng giữa là rõ ràng. Hải quân Hoa Kỳ và Philippines đã triển khai các lực lượng hùng hậu tới khu vực trong khi các nhà ngoại giao tuyên bố rõ ràng rằng việc Trung Quốc chiếm đóng một bãi đá ngầm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines có thể đưa đến một phản ứng quân sự. Jerry Hendrix, một sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là tác giả của cuốn Cung cấp và Duy trì Hải quân cho biết: “Người Trung Quốc đã bị chớp mắt. Tất nhiên, vẫn còn phải xem họ sẽ chớp mắt trong bao lâu. Các lực lượng của Bắc Kinh bắt đầu tiến vào Biển Trung Hoa vào giữa những năm 2000, chiếm giữ các đảo mà trong nhiều trường hợp, một số quốc gia Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền. Các hoạt động rất giống nhau. Các tàu của lực lượng dân quân hàng hải thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân — thực chất là các tàu tuần tra cải trang thành tàu đánh cá — đã bao vây một hòn đảo tranh chấp, đuổi tàu của các nước đối thủ phải rời đi. Tiếp theo, tàu nạo vét di chuyển đến, phá hủy các rạn san hô mỏng manh về mặt sinh thái để xây dựng nền móng vững chắc bằng đá và cát. Các đội xây dựng đến xây dựng bến cảng, đường xá, doanh trại và đường băng. Quân đội được chuyển đến. Các thiết bị cảm ứng và vũ khí xuất hiện. Máy bay chiến đấu và tàu chiến bắt đầu ghé thăm. Ngày nay, PLA duy trì 27 tiền đồn đảo lớn ở các vùng biển Đông Trung Hoa và biển Đông, trong đó có một một đặc biệt khiêu khích trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), một trăm dặm về phía tây rạn Đá Ba Đầu. Các tiền đồn củng cố tranh chấp của Bắc Kinh về các nguồn tài nguyên khoáng sản và nghề cá xung quanh. Trong trường hợp có chiến tranh, chúng cũng có thể có chức năng như những căn cứ hỗ trợ cho máy bay chiến đấu của Trung Quốc, giúp họ đi nhảy cóc hàng trăm dặm trên khắp vùng tây Thái Bình Dương.  Việc lấy thêm rạn Đá Ba Đầu sẽ chỉ thắt chặt hơn sự nắm giữ của Trung Quốc đối với khu vực.  Nhưng các quan chức Trung Quốc không biết liệu họ có thể làm được chuyện đó hay không. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vẫn đang ổn định quyền lực tại Nhà Trắng. Hải quân Hoa Kỳ đang phải vật lộn để phát triển đội tàu của mình trong khi vẫn duy trì những con tàu cũ kỹ, không đáng tin cậy. Hendrix nói: “Đây là một thử nghiệm đối với chính quyền Biden.”  Biden rõ ràng đã vượt qua được thử thách. Khi hạm đội dân quân Trung Quốc xung quanh rạn Đá Ba Đầu đạt quy mô tối đa vào tháng trước, hạm đội Mỹ đã tập trung các tàu của họ đang hoạt động ở tây Thái Bình Dương. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tấn công USS Makin Island đã tụ hội vào đầu tháng 4, kết hợp các cánh không quân và các tàu tuần dương, khu trục hạm và tàu ngầm hộ tống của họ.  Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói: “Tín hiệu không ngờ vực là khá rõ ràng đối với ai đó trong chuyện dài về rạn Đá Ba Đầu.” Trong khi đó, giám đốc khu vực châu Á của Biden, ông Kurt Campbell, chắc chắn đã bận rộn trên điện thoại, điều phối phản ứng của Mỹ với phản ứng của Philippines. Bốn tàu chiến của Philippines, trong đó có hai tàu hộ tống tên lửa mới tinh của Manila là Jose Rizal và Antonio Luna, đang tiến về rạn Đá Ba Đầu. Việc sử dụng vũ lực đang được đặt ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo: “Một cuộc tấn công vũ trang chống lại các lực lượng vũ trang, tàu công cộng hoặc máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông, sẽ kích hoạt các nghĩa vụ của chúng ta theo hiệp ước phòng thủ chung. Đám thuyền của Bắc Kinh đã nhổ neo bỏ đi. Ông Hendrix nói: “Người Trung Quốc đã rất ngạc nhiên về mức độ mà sự điều động lực lượng dân quân hải quân của họ đã tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa Hoa Kỳ, các đối tác hiệp ước và các nước khác trong khu vực. Cuối cùng, Trung Quốc nhận ra rằng sự hiện diện tiếp tục của họ chỉ đơn giản làm tăng cường sự kháng cự." Không rõ liệu cuộc xung đột ở rạn Đá Ba Đầu có phải là một bước ngoặt hay không. Bắc Kinh có thể lại cố gắng chiếm rạn san hô một lần nữa - hoặc chỉ đơn giản là chuyển lực lượng của mình đến một đối tượng địa lý khác. Hoa Kỳ và Philippines đã phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ để bảo vệ rạn Đá Ba Đầu, nhưng liệu họ có đáp lại với quyết tâm tương tự trước hành động khiêu khích tiếp theo của Trung Quốc? Hendrix cho biết ông rất lạc quan. “Ở mức độ mà Trung Quốc thực hiện các hoạt động trong vùng xám như thế này, họ đã giúp Hoa Kỳ củng cố sự phản kháng của quốc tế đối với các hành động của họ” David Axe, Forbes Nguồn: China Blinks As American, Philippine Fleets Challenge Possible Reef Seizure Dịch  Người Mỹ Gốc Việt 2020    
......

Afghanistan: Biden bỏ cuộc

Ngô Nhân Dụng Nước Mỹ tham dự Đại Chiến Thứ Nhất vào tháng Tư năm 1917, một năm rưỡi trước khi chiến tranh chấm dứt. Mỹ bước vào Đại Chiến Thứ Hai sau khi chiến tranh bắt đầu hơn hai năm, và ba năm sau đã kết thúc. Tướng George Marshall, Tham mưu trưởng thời đó, đã nói phải tiêu diệt quân địch rất nhanh, vì “một nước dân chủ không thể dự một cuộc chiến tranh dài quá bảy năm.” Quân Mỹ bắt đầu rút khỏi Việt Nam bảy năm sau ngày thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng. Cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài 20 năm. Chi phí tổng cộng tới 2 ngàn tỷ mỹ kim. Nhưng không có một phong trào phản chiến nào cả. Hầu như dân Mỹ đã quên. Có lẽ vì trong 20 năm chỉ có 800.000 người Mỹ đã qua Afghanistan rồi về, chưa bằng một phần tư của một phần trăm dân số. Chỉ có 2.448 người đã tử thương, bằng số người bị bắn chết trong khoảng 6 tuần lễ ở nước Mỹ trong năm 2020 – con số trong cuộc chiến Việt Nam là 58.000 người. Hiện nay, quân đội Mỹ còn lại chỉ có 2.500 người, nhiều nhất là 3.500 người, có lúc lên tới 140.000 trong năm 2011. Chính vì con số 2.500 quân quá nhỏ cho nên phải ngạc nhiên tại sao lại phải rút hết về, ngay trong năm nay? Có địa điểm nào trên thế giới đang cần tăng viện thêm 2.500 quân hay không? Năm ngoái ông Donald Trump đã hẹn rút vào đầu tháng 5, giờ ông Joe Biden triển hạn đến 11 tháng Chín. Nói đến ngày 9/11 mọi người mới nhớ nguyên nhân vì sao Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001. Năm đó dân Mỹ hoan nghênh quyết định đánh của Tổng thống George W. Bush, để truy tầm lãnh tụ nhóm Al Qaeda chủ mưu cuộc tàn sát gần 3.000 người Mỹ ở New York. Các đồng minh trong khối NATO ủng hộ, nhiều nước giờ còn tham dự. Quân Mỹ đã lật đổ Taliban, một đảng cực đoan và tàn bạo nắm chính quyền từ năm 1996 nhờ đắc thắng trong cuộc nội chiến sau khi quân Nga nhục nhã kéo về nước. Mục tiêu đầu tiên đã đạt được. Nhóm Al Qaeda tan tác, mấy năm sau lãnh tụ Osama bin Laden bị biệt kích Mỹ giết chết tại nơi ẩn trú ở Pakistan. Nhưng tại sao lúc đó Mỹ không tuyên bố chiến thắng rồi rút quân về? Bởi vì Tổng thống Bush còn mục tiêu khác. Cuộc hành quân được ông Bush đặt tên là “Enduring Freedom,” Tự Do Lâu Bền. Ông tuyên bố nước Mỹ có bổn phận “không những bảo vệ quyền tự do quý báu của chính mình mà cả quyền tự do của mọi người ở tất cả mọi nơi (everywhere) được sống và nuôi con cái họ mà không sợ hãi.” Hai năm sau, ông còn tấn công Iraq, bắt, giết lãnh tụ Saddam Hussein, cũng trong mục tiêu cao cả đó. Nhưng thực tế cho thấy rất khó thực hiện mục tiêu lý tưởng này. Cuộc cờ chính trị cả vùng Trung Đông và Nam Á đã đảo lộn, chuyển sang các tình huống mà bộ tham mưu của ông Bush không tiên liệu được. Và họ cũng đọc kỹ lịch sử nước Afghanistan, lịch sử chiến tranh nói chung. Trong lịch sử Afghanistan, nhiều đạo quân ngoại quốc đã vào chiếm đóng, kể cả quân Mông Cổ, quân Ba Tư, các hoàng đế Ấn Độ, rồi đến Anh quốc và Nga. Nước này chưa bao giờ sống tự do dân chủ, chỉ có súng đẻ ra chính quyền. Iran bành trướng ảnh hưởng của khối Hồi Giáo Shi A trong cả vùng này sau khi kẻ thù số một của họ là Saddam Hussein theo phái Sun Ni bị treo cổ. Thắng trận nhanh chóng rồi, Mỹ ra lệnh giải ngũ tất cả quân lính Iraq. Hàng trăm ngàn người bỗng dưng mất việc, được các giáo sĩ cực đoan, thuộc khối Hồi Giáo Sun Ni tuyển mộ, gia nhập đạo quân khủng bố ISIS. Họ còn dữ hơn Al Qaeda, có lúc đã chiếm vùng đất bao trùm cả Iraq và Syria. Cuộc nội chiến ở Syria khiến Mỹ phải đem quân vào, nhưng sau cùng Nga được lợi nhất. Hiện giờ Nga và Iran đóng vai cầm chịch quyết định tương lai xứ Syria. Chiếm được Afghanistan, Mỹ tổ chức bầu cử, thành lập một nước Cộng Hòa Hồi Giáo. Đảng Taliban thu thập tàn quân chạy qua Pakistan, rồi quay về tái lập lực lượng, tấn công quân chính phủ, càng ngày càng mạnh hơn. Quân đội Mỹ có thể tiêu diệt những đạo quân chính quy nhưng lúng túng đối phó với những toán quân nổi dậy có nơi trú ẩn dưỡng quân ở bên Pakistan. Chính quyền ở thủ đô Kabul vẫn còn tham nhũng, chia rẽ, bất lực, chưa chinh phục được lòng dân. Bốn đời tổng thống Mỹ bị cầm chân ở Afghanistan. Viễn ảnh lý tưởng của ông Bush chưa thấy đâu cả. Ông Obama đã tính kế rút, ông Trump vẫn tiếp tục. Và bây giờ ông Biden nói dứt khoát sẽ kéo quân về. Nhưng sau khi quân Mỹ ra đi thì Afghanistan sẽ ra sao? Ai cũng nhớ đến quyết định rút khỏi Việt Nam của Tổng thống Richard Nixon. Tổng thống Ashraf Ghani hiện có từ 20 ngàn tới 30 ngàn quân. Họ không liều chết như lính Taliban, cầm cự được là nhờ máy bay Mỹ yểm trợ. Mỹ viện trợ quân sự khoảng $4 tỷ đô la một năm. Sau khi ông Biden công bố ngày hẹn rút quân, ngoại trưởng Mỹ đã bay tới Kabul trong khi đang ở Âu châu. Ông Blinken nói những gì với ông Ghani? Ông hứa hẹn sẽ tiếp tục yểm trợ những gì? Nếu không được Mỹ giúp, không biết họ sẽ cầm cự được bao lâu. Tình báo Mỹ đoán rằng có thể được vài ba năm. Taliban chắc chưa chiếm ngay được Kabul để thiết lập chế độ Hồi Giáo cực đoan, vì ngoài quân chính phủ họ sẽ còn phải chống cự cả những người thiểu số, với những lãnh tụ hùng cứ một phương như trước đây khi họ được Mỹ giúp vũ khí. Trong mấy năm tới, Afghanistan sẽ trở lại tình trạng nội chiến, như thời 1990 sau khi quân Nga bỏ chạy. Chính quyền Ashraf Ghani sẽ cầm cự bao lâu tùy thuộc viện trợ quân sự, kinh tế và được Mỹ chia sẻ tin tức tình báo. Họ có đoàn kết được với nhau trước mối nguy lớn hay không? Quân đội và cảnh sát của chính phủ Afghanistan có cảm thấy mạng sống của chính họ và gia đình họ bị đe dọa nếu Taliban trở về, nên nức lòng chiến đấu hơn không? Dân chúng, nhiều người ra đời sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, có lo sợ sẽ mất hết những quyền tự do mà họ đang hưởng hay không? Những quyền tự do nho nhỏ, như đàn ông có thể cạo râu, lâu lâu được uống rượu bia, muốn chửi nhà nước tha hồ chửi, được đọc sách, báo không do chính phủ in, phụ nữ được đi học, ra đường không phải trùm mặt, về nhà không lo bị chồng dánh đập. Người ta có sẵn sàng liều chết vì những quyền tự do nhỏ nhoi đó hay không? Nhưng đó là chuyện của người Afghanistan. Đối với nước Mỹ, mối lo được nhắc tới nhiều nhất là các nhóm al Qaeda có cơ hội tái xuất hiện và sẽ tổ chức những cuộc khủng bố nhắm vào người Mỹ, nếu không phải vào chính nước Mỹ như 20 năm trước. Hôm Thứ Năm, Tòa Bạch Ốc đã trấn an, nói rằng sau khi rút quân về chính phủ Mỹ dư sức theo dõi các hoạt động của al Qaeda ở Afghanistan. Hy vọng có thể là sự thật, vì hiện nay al Qaeda rất yếu. Nhóm Taliban, đã rút kinh nghiệm, cũng không muốn dung dưỡng những tay khủng bố khác trong nhà mình, vừa cạnh tranh ảnh hưởng mà lại chỉ thêm gây rắc rối. Còn lực lượng ISIS, năm 2019 đã bị đánh bật ra khỏi chiến khu ở miền Đông Afghanistan. Taliban chắc cũng không hoan nghênh những người ngoại quốc gốc từ Iraq và Syria đến xứ mình lộng hành. Nhưng hậu quả của việc rút quân Mỹ không phải chỉ có thế. Trong khi trình bày quyết định rút quân, ông Biden đã nói chính phủ Mỹ cần tập trung vào việc đối phó với Trung Cộng. Nghe có vẻ hợp lý, trừ hai sự kiện. Thứ nhất, Trung Quốc nằm sát Afghanistan còn Mỹ ở rất xa. Thế kỷ thứ 7, Đường Tam Tạng đã đi qua biên giới hai nước trên đường qua Ấn Độ. Trung Cộng sẽ chỉ cho các nước khác trong vùng thấy nước Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy, chỉ nghĩ đến những vấn đề ngắn hạn, bốn năm lại thay đổi chính sách. Đây là một hình ảnh thất bại thê thảm của nước Mỹ. Sự kiện thứ hai là nước Mỹ hiện nay còn đang cạnh tranh với cả Nga và Iran trong vùng Trung Đông. Nếu lãnh đạo các nước này nghĩ rằng nước Mỹ đang trên đường đi xuống, họ sẽ làm ẩu. Quân Mỹ đóng ở đó là một dấu hiệu cảnh cáo, mà không quá tốn kém. Hiện nay chỉ có khoảng 6,000 quân Mỹ đóng tại ba nước Iraq, Afghanistan và Syria. Duy trì một số quân nhỏ, với chi phí không bao nhiêu, là một thứ “bảo hiểm” tránh các tai họa có thể xảy ra – nếu rút hết về. Ông Biden còn nói rằng không thể chờ đến lúc có các điều kiện toàn hảo mới rút quân, vì sẽ phải chờ đợi không biết đến bao giờ. Nhưng mục tiêu của nước Mỹ ở Afghanistan, từ lâu rồi, không còn là “toàn hảo” nữa. Không ai nghĩ sẽ theo đuổi giấc mộng của Tổng thống W. Bush. Không biết ông Joe Biden còn tiếp tục giúp Afghanistan những gì sau khi rút quân. Nhưng ông cần hiểu rằng Afghanistan không phải chỉ là một thử thách về sức mạnh quân sự. Đó là một thử thách chính trị quốc tế, thế giới sẽ đánh giá uy tín của nước Mỹ. Còn ai muốn đóng vai đồng minh của Mỹ hay không?
......

Hungary muốn cho Trung Quốc xây dựng một trường đại học ưu tú giữa EU

Đại học Phúc Đán - Trung Quốc sẽ được xây dựng chi nhánh tại Budapest theo ý muốn của chính phủ Hungary. Quy chế của nó nêu rõ rằng giảng viên và sinh viên có nghĩa vụ tuân theo các mục tiêu giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tôn trọng "các giá trị xã hội chủ nghĩa cơ bản".   Budapest 19-04-2021   Trong một vài năm nữa, thủ đô của Hungary có thể trở thành địa điểm của một trường đại học của Trung Quốc trong nội địa của Liên minh châu Âu (EU). Nếu mọi việc trôi chảy theo ý muốn của Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu Viktor Orbán, Đại học Phúc Đán của Thượng Hải sẽ mở một chi nhánh ở phía nam thủ đô Budapest vào năm 2024 với khoảng 5.000 sinh viên và 500 giảng viên. Chính quyền thành phố Budapest phản đối dự án lớn này.   Trên thực tế, không rõ Hungary và Budapest có lợi thế gì về việc Đại học Phúc Đán mở rộng ra nước ngoài. Chi phí lớn đáng kinh ngạc để xây dựng khu trường đại học là lấy từ tiền thuế của người dân Hungary, ước tính khoảng 540 tỷ forint (1,5 tỷ euro). Nhà nước Hungary đảm nhận chi phí xây dựng này với sự hỗ trợ của khoản vay từ ngân hàng phát triển nhà nước Trung Quốc với các điều kiện thị trường hiện tại. Việc xây dựng được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc, họ mang theo vật liệu xây dựng của chính họ cũng như nhân công. Hungary cung cấp miễn phí khu đất trị giá 800 triệu forint (2,2 triệu euro).   Giảng dạy với những điều cấm kỵ   Đúng là Đại học Phúc Đán, với các ngành học về quan hệ quốc tế và các bộ môn kinh tế, là một đại học có vị thế quốc tế. Nhưng nó không phải là một đại học mà việc giảng dạy và nghiên cứu được hưởng sự tự do. Quy chế của nó nêu rõ rằng giảng viên và sinh viên có nghĩa vụ tuân theo các mục tiêu giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tôn trọng "các giá trị xã hội chủ nghĩa cơ bản".   Các chuyên gia về Trung Quốc ở Hungary không nghĩ rằng chi nhánh Đại học Phúc Đán ở Hungary sẽ góp phần vào việc truyền bá chủ nghĩa Mao, một kiểu chủ nghĩa cộng sản của Trung Quốc. Chắc chắc là Trung Quốc không hướng tới một sự truyền bá kiểu cũ về ý thức hệ, nhưng rõ ràng là Trung Quốc đang cố gắng thành lập một cơ sở đại học có tầm quan trọng không hề nhỏ ở nội địa châu Âu. Cũng rõ ràng là các chủ đề như sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ hay các nhà dân chủ ở Hồng Kông và nhân quyền là điều cấm kỵ ở một trường đại học như vậy. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với khí chất của nhà chuyên chế Orbán. Năm 2019, ông ta đã xua đuổi trường Đại học Trung Âu (Central European University - CEU) rất nổi tiếng đến Vienna - Áo.   Ngăn chặn dự án lớn   Ngoài ra, đại học này sẽ nằm trên một khu đất mà đã được dành để xây dựng các ký túc xá sinh viên - một trong số ít dự án mà chính phủ Orbán đã đạt được thỏa thuận với Hội đồng thành phố Budapest vốn được lãnh đạo bởi phe đối lập kể từ cuối năm 2018.   Nhưng bây giờ có vẻ như khu ký túc xá sinh viên phải nhường chỗ cho trường đại học Trung Quốc. Thị trưởng Budapest là Gergely Karácsony (thuộc Đảng Xanh cảnh tả) tuyên bố phản đối. "Chính phủ Orbán muốn phục vụ lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc để gây tổn hại cho hàng nghìn sinh viên Hungary", ông viết trong một thông báo hôm thứ Bảy 17/7.   Trước đó, cũng vì trường đại học này, Karácsony đã đe dọa ngăn chặn một dự án thanh thế khác của Orbán, xây dựng một sân vận động lớn cho Giải vô địch điền kinh thế giới năm 2023. "Chúng tôi sẽ không giao một mét vuông nào của khu đất dành cho ký túc xá sinh viên", ông khẳng định hôm thứ Bảy.   Hiếu Bá Linh (Biên dịch)   Nguồn: https://www.derstandard.de/story/2000125933115/ungarn-will-china-eine-elite-uni-mitten-in-der-eu  
......

Nga tăng cường tàu chiến trong biển đen

Timothy Trinh Hai tàu chiến của Nga đã đi qua eo biển Bosphorus trên đường đến Biển Đen hôm thứ Bảy và 15 tàu chiến nhỏ hơn từ hạm đội Caspian đã hoàn thành việc chuyển giao trên biển khi Moscow tăng cường hiện diện hải quân vào thời điểm quan hệ căng thẳng với phương Tây và Ukraine. Tàu đổ bộ mang tên Kondopoga, lớp Ropucha, thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga, có khả năng chở xe tăng và binh lính trong các cuộc tấn công ven biển, đã quá cảnh eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, lối vào duy nhất đến Biển Đen vào ngày 17 tháng 4, một phóng viên Reuters ở Istanbul cho biết. Thêm vào đó, lực lượng hải quân tiếp viện của Nga dưới hình thức hai tàu đổ bộ khác, lần này là từ Hạm đội Baltic của Nga, dự kiến sắp quá cảnh eo biển Bosphorus. Sự kiện trên biển diễn ra đồng thời với việc Nga tăng cường lực lượng bộ binh và xe tăng gần biên giới Ukraine, điều mà Moscow gọi là một cuộc tập trận phòng thủ tạm thời, và theo sau sự leo thang trong giao tranh ở khu vực phía đông Donbas giữa phe ly khai do Nga hậu thuẫn và lực lượng chính phủ Ukraine. Moscow cũng đã tạm thời hạn chế việc di chuyển của các tàu chiến nước ngoài và "các tàu của nhà nước khác” gần Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014, một động thái bị cả Washington và Kyiv lên án. Nga tuyên bố đơn phương rằng, "sự hạn chế sẽ có hiệu lực từ ngày 24 tháng 4 cho đến 31 tháng 10." Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Năm cho biết hành động của Nga đóng cửa các khu vực của Biển Đen đối với tàu chiến nước ngoài là bất hợp pháp. Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi Nga dừng hành động quấy rối các tàu trong khu vực và nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng: "Nga có lịch sử thực hiện các hành động gây hấn với các tàu Ukraine và cản trở việc vận chuyển hàng hải quốc tế ở Biển Đen, đặc biệt là gần eo biển Kerch. Đây sẽ là ví dụ mới nhất về chiến dịch đang diễn ra nhằm phá hoại và gây bất ổn cho Ukraine". Trong một dấu hiệu gia tăng căng thẳng trong khu vực, một con tàu chở xe tải hậu cần và thiết bị cho các lực lượng NATO ở Romania đã quá cảnh eo biển Bosphorus vào tối thứ Sáu./. Người Đà Lạt Xưa  
......

Hội đồng quản trị Facebook trì hoãn quyết định cho ông Trump hoạt động trở lại

Ban Giám sát của Facebook đã trì hoãn quyết định có mở lại tài khoản Facebook và Instagram của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không. Ông Trump đã bị cấm sử dụng Facebook vào tháng Giêng sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol. Hội đồng cho biết sự chậm trễ là do cần phải mất thời gian để xem xét hơn 9.000 phản hồi của công chúng. Quyết định ban đầu có hiệu lực cho đến ngày 21/4. Trong một tuyên bố trên Twitter, Hội đồng cho biết họ sẽ đưa ra quyết định "trong những tuần tới". Phán quyết này sẽ là quyết định lớn nhất mà Ban Giám sát phải đưa ra kể từ khi bắt đầu thụ lý các vụ việc vào năm ngoái. Hội đồng được thành lập để đưa ra phán quyết về các quyết định kiểm duyệt khó khăn hoặc gây tranh cãi do Facebook đưa ra. Ủy ban gồm 20 thành viên, do ông chủ Facebook Mark Zuckerberg thành lập, thường được gọi là "Tòa án tối cao của Facebook". Ủy ban bao gồm các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, luật sư và học giả. Ủy ban này đã đưa ra phán quyết về chín trường hợp bao gồm: một nhận xét có vẻ xúc phạm người Hồi giáo - một bài đăng của một người dùng ở Myanmar, đã bị xóa vì vi phạm quy tắc ngôn từ kích động thù địch - sau đó được cho là không mang ý thù ghét người Hồi giáo, khi được đưa vào ngữ cảnh một trích dẫn bị cáo buộc từ Joseph Goebbels - trong một bài đăng cũ được một người dùng ở Hoa Kỳ chia sẻ lại, đã bị xóa do vi phạm chính sách đối với các cá nhân và tổ chức nguy hiểm - cuối cùng được cho là không ủng hộ hệ tư tưởng của Đức Quốc xã khi được đưa vào ngữ cảnh một video về "phương pháp chữa trị" Covid-19, được cho là một nhận xét về chính sách y tế của chính phủ Pháp và không dẫn đến hậu quả là mọi người sẽ tự dùng thuốc Một bài đăng trên Instagram gồm tám bức ảnh về các triệu chứng ung thư vú đáng lẽ không bị xóa - bởi hệ thống kiểm duyệt tự động của Facebook, và sau đó chỉ được khôi phục trước khi có quyết định của hội đồng quản trị - vì vi phạm các quy tắc về ảnh khỏa thân dành cho người lớn Gã khổng lồ công nghệ ban lệnh cấm Trump Không chỉ tài khoản của ông Trump bị cấm. Đầu tháng này, Facebook đã mở rộng lệnh cấm tới các "tiếng nói của Trump" sau khi con dâu của ông, đồng thời là cộng tác viên của Fox News, Laura Trump đăng một video về cuộc phỏng vấn của cô với cựu tổng thống. Một số công ty công nghệ lớn đã ra lệnh cấm sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol khiến 5 người chết và hơn 100 cảnh sát bị thương. Cựu tổng thống bị cáo buộc kích động bạo lực và liên tục phát tán thông tin sai lệch. Ông Trump bị cấm trên YouTube, nhưng giám đốc điều hành Susan Wojcicki cho biết họ có thể dỡ bỏ lệnh cấm khi mối đe dọa về "bạo lực trong thế giới thực" giảm. Trump bị cấm vĩnh viễn trên Twitter. Theo dữ liệu từ CrowdTangle, một số bài đăng trên Facebook của ông Trump nằm trong những bài phổ biến nhất ở Mỹ. Đã vài tháng ông Trump vắng bóng trên mạng xã hội. Với việc sự vắng mặt này có thể là thường trực, ông Trump đã xem xét tạo ra một kênh của riêng mình. Cố vấn của Trump, Jason Miller nói với Fox News vào tháng Ba rằng ông hy vọng cựu tổng thống Đảng Cộng hòa sẽ trở lại với "kênh riêng của mình". Thật khó để đánh giá thấp công dụng của Facebook đối với Donald Trump. Ông Trump và những người ủng hộ cấp cao của mình đã sử dụng nền tảng này một cách thành thạo để thúc đẩy sự ủng hộ. Các bài đăng của ông Trump thường nằm trong số bài được đọc, chia sẻ và nhận xét nhiều nhất trên Facebook. Khả năng của ông Trump tránh né các phương tiện truyền thông truyền thống và nói trực tiếp với công chúng trên mạng xã hội là một kế hoạch quan trọng của Chủ nghĩa Trump. Quyết định này do đó cực kỳ quan trọng đối với tham vọng chính trị trong tương lai của ông Trump. Và nếu bạn nhìn vào các quyết định mà Ban Giám sát của Facebook đưa ra, ông Trump có lý do để lạc quan. Khi đưa ra các quyết định của mình, hội đồng quản trị phải cố gắng cân nhắc giữa quyền tự do ngôn luận với an toàn đối với công chúng. Đối với hầu hết các phán quyết của hội đồng cho đến nay và trong năm nay, họ đã đứng về phía tự do ngôn luận. Không có nền tảng hoạt động - chúng tôi không nghe được nhiều thông tin từ Trump kể từ thất bại trong cuộc bầu cử của ông. Chiếc loa của ông ấy đã bị lấy mất và ông ấy rất muốn lấy lại nó. Ông Trump đã nói về việc tung ra mạng xã hội của riêng mình - nhưng việc xây dựng một mạng xã hội cần có thời gian và không có gì đảm bảo thành công. Một con đường dễ dàng hơn để tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội là Facebook cho phép ông Trump trở lại. Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-56772915
......

CPJ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo Nguyễn Hoài Nam

Nhà báo Nguyễn Hoài Nam  RFA|   Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (CPJ) vào ngày 14 tháng tư phát đi thông cáo kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và xóa bỏ những cáo buộc đối với nhà báo Nguyễn Hoài Nam. Ngoài ra CPJ cũng yêu cầu Chính phủ Hà Nội ngưng bỏ tù các nhà báo dựa theo cáo buộc ngụy tạo chống chính quyền.  Thông cáo báo chí phát đi từ Bangkok của CPJ nhắc lại việc cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bắt giữ nhà báo độc lập Nguyễn Hoài Nam vào ngày ba tháng tư vừa qua. Đến ngày 10 tháng tư, cơ quan chức năng mới thông báo ông Nam bị bắt để điều tra theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Theo CPJ đây là điều luật chống Nhà nước xử phạt việc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam. CPJ cho biết ông Nguyễn Hoài Nam là chủ tài khoản Facebook có chừng 7800 người theo dõi. Trên đó ông viết về tình trạng tham nhũng của chính quyền, những chỉ trích thường xuyên các quan chức Đảng Cộng sản. CPJ không thể xác định những bài viết cụ thể nào mà cơ quan chức năng Việt Nam dựa vào để cáo buộc ông Nguyễn Hoài Nam. Đại diện cấp cao của CPJ tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin, được trích dẫn trong thông cáo rằng nếu Chính phủ Việt Nam muốn được quốc tế xem là một nhà nước có trách nhiệm, thì cần phải chấm dứt đối xử với các nhà báo như tội phạm, phải ngưng sách nhiễu các thành viên của báo giới do công việc của họ. CPJ gửi thư điện tử đến Bộ Công An Việt Nam để hỏi về trường hợp ông Nguyễn Hoài Nam nhưng chưa nhận được trả lời. Nhà báo Nguyễn Hoài Nam từng là phóng viên của một số báo Nhà nước gồm Pháp Luật, Thanh Niên và Đài Tiếng Nói Việt Nam. Ông hiện đang bị giam tại Trại Chí Hòa để điều tra. Thống kê mới nhất của CPJ tính đến ngày 1/12/2020 cho thấy Việt Nam bỏ tù ít nhất 15 nhà báo vì công việc của họ. Như vậy Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc là nước có số nhà báo bị giam tù nhiều nhất Châu Á. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cpj-vietnam-detaines-journalist-nguyen-hoai-nam-for-alledged-anti-state-crimes-04152021090905.html  
......

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH lên tiếng về vụ bà Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt giam

Việt Nam bắt giam bà Nguyễn Thúy Hạnh một cách tùy tiện và sách nhiễu tư pháp   Ngày 14 tháng 4 năm 2021   Đài quan sát Bảo vệ Nhân Quyền (The Observatory for the Protection of Human Rights Defenders), một đối tác của FIDH và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT), kêu gọi sự can thiệp khẩn cấp của các bạn trong tình huống sau đây ở Việt Nam.   Mô tả tình huống:   Đài Quan Sát đã được thông báo về vụ bắt và giam giữ tùy tiện bà Nguyễn Thúy Hạnh, người sáng lập “quỹ 50K”, một quỹ được thành lập để hỗ trợ gia đình các tù nhân bị giam giữ oan ức trên khắp Việt Nam. Là một nhà vận động nhân quyền nổi tiếng, bà quản lý một tài khoản Facebook nổi tiếng, nơi bà thường xuyên thảo luận về các vấn đề nhân quyền.   Ngày 7 tháng 4 năm 2021, Nguyễn Thúy Hạnh bị Công an bắt và khởi tố theo Điều 117 Bộ luật Hình sự với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm  nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nếu bị kết tội, bà ấy có thể phải đối mặt với án tù từ 5 năm đến 20 năm. Hiện bà đang bị giam tại Trại tạm giam số 2, huyện Thường Tín, Hà Nội.   Nguyễn Thúy Hạnh đã nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu vì các hoạt động của bà với tư cách là một nhà bảo vệ nhân quyền. Bà đã bị quấy rối và đe dọa nhiều lần, sau khi bà tìm cách tranh cử vào Quốc hội năm 2016 với tư cách là một ứng cử viên độc lập ở Hà Nội. Hơn nữa, nhà của bà ấy thường xuyên bị giám sát và các nhân viên cảnh sát thường ngăn cản bà ấy rời khỏi căn hộ của mình.   Vào tháng 6 năm 2018, bà đã bị tạm giữ một thời gian ngắn mà không bị buộc tội khi tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội chống lại Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu kinh tế. Sau khi được thả, bà cho biết mình đã bị cảnh sát đánh đập dã man trong quá trình thẩm vấn, dẫn đến vết thương trên mặt. Công an cũng nhiều lần thẩm vấn bà Nguyễn Thúy Hạnh về việc bà có liên quan đến Quỹ 50K.   Vào tháng 1 năm 2020, khi cảnh sát đột kích vào làng Đồng Tâm, Hà Nội nhằm chấm dứt một cuộc tranh chấp đất đai kéo dài dẫn đến một cuộc đụng độ chết người với người dân, bà đã gây quỹ để hỗ trợ gia đình của một trưởng thôn, người bị cảnh sát giết chết để trả đũa. Tài khoản ngân hàng của bà sau đó đã bị đóng băng, các nhân viên ngân hàng nói rằng công an đã buộc họ phải làm như vậy.   Đài Quan Sát bày tỏ mối quan ngại lớn nhất về việc bắt giữ tùy tiện và sách nhiễu tư pháp đối với Nguyễn Thúy Hạnh, vì dường như nó chỉ nhằm trừng phạt cô vì các hoạt động nhân quyền hợp pháp của bà. Đài Quan Sát kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam hủy bỏ ngay lập tức và vô điều kiện các cáo buộc đối với Nguyễn Thúy Hạnh và chấm dứt mọi hành vi sách nhiễu, kể cả về tư pháp, đối với bà.   Các hành động được đề nghị:   Xin hãy viết thư cho các cơ quan chức năng của Việt Nam, kêu gọi họ:   1. Đảm bảo trong mọi trường hợp sự toàn vẹn về thể chất và sức khỏe tâm lý của Nguyễn Thúy Hạnh và tất cả những người bảo vệ nhân quyền khác tại Việt Nam;   2. Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Nguyễn Thúy Hạnh vì việc giam giữ bà là tùy tiện và chỉ nhằm trừng phạt bà vì các hoạt động nhân quyền của bà;   3. Chấm dứt mọi hành vi sách nhiễu - kể cả về tư pháp - đối với Nguyễn Thúy Hạnh và tất cả những người bảo vệ nhân quyền khác ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo trong mọi trường hợp họ có thể thực hiện các hoạt động hợp pháp và thực hiện các quyền của mình mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào và sợ bị trả thù.   Địa chỉ:   • Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Email: webmaster@president.gov.vn   • Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam; Email: nguoiphatngonchinhphu@chinhphu.vn   • Ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; Email: ttll.mfa@mofa.gov.vn   • Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ; Email: info@vnmission-ge.gov.vn   • Đại sứ quán Việt Nam tại Brussels, Bỉ; Email: vnemb.brussel@skynet.be   Đồng thời, hãy viết thư cho các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước của bạn.   ---------   - Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (International Federation for Human Rights - viết tắt FIDH) là một liên hiệp tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền. FIDH được thành lập vào năm 1922 và là một trong những tổ chức nhân quyền quốc tế thành lập lâu đời nhất trên toàn thế giới và ngày nay đã có 178 tổ chức thành viên tại hơn 100 quốc gia, trụ sở chính đặt ở Paris, Pháp.   - Đài quan sát Bảo vệ Nhân quyền (Đài Quan sát) được thành lập vào năm 1997 bởi FIDH và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT). Mục tiêu của chương trình này là ngăn chặn hoặc khắc phục các tình huống đàn áp đối với những người bảo vệ nhân quyền. FIDH và OMCT đều là thành viên của ProtectDefenders.eu, Cơ chế Bảo vệ Nhân quyền của Liên minh Châu Âu do xã hội dân sự quốc tế thực hiện.   - Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) giữ vai trò điều phối và hỗ trợ các thành viên và liên hệ với các tổ chức liên chính phủ, tổ chức này cũng liên lạc thường xuyên với Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB).   Để liên hệ với Đài Quan Sát, hãy gọi đường dây khẩn cấp: · E-mail: Appeals@fidh-omct.org · Tel. FIDH: +33 (0) 1 43 55 25 18 · ĐT. OMCT: +41 (0) 22 809 49 39   Hiếu Bá Linh (Biên dịch)   Nguồn: https://www.fidh.org/en/issues/human-rights-defenders/vietnam-arbitrary-detention-of-nguyen-thuy-hanh?fbclid=IwAR2yl2VlnmhjntPsRTqPvZZQppXUGaObFu6yOTeQPX2omQXf_POHVT76RFA  
......

ĐSQ Czech kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh

Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh tại một buổi biểu tình năm 2011 phản đối đường "lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông . Đại sứ quán Czech ở Hà Nội vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam thả tự do cho bà. VOA Tiếng Việt Đại sứ quán Séc (Czech) tại Hà Nội vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ gần đây của chính quyền Việt Nam đối với nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh và kêu gọi trả tự do “ngay lập tức” cho người phụ nữ đã lập quỹ hỗ trợ các gia đình tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Bà Hạnh, một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội, bị chính quyền khởi tố bắt tạm giam hôm 7/4 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, với mức án có thể tới 20 năm tù. “Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh và những cáo buộc chống lại bà,” Đại sứ quán Cộng hoà Séc viết trong một tuyên bố đăng trên trang Facebook chính thức tại Hà Nội hôm 12/4. Bà Hạnh từng ứng cử đại biểu Quốc hội với tư cách ứng viên độc lập năm 2016. Ngoài việc sáng lập Quỹ 50K để hỗ trợ đời sống cho gia đình các tù nhân lương tâm, bà Hạnh còn dùng tài khoản ngân hàng của mình để nhận tiền phúng điếu đám tang Cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần làng Đồng Tâm bị sát hại trong cuộc đột kích của công an Hà Nội hồi đầu năm 2020, của người dân khắp nơi gửi về. “Đó là một người đã làm việc không mệt mỏi để hỗ trợ các gia đình của những người bị giam giữ một cách bất công,” cơ quan đại diện ngoại giao của chính phủ Cộng hoà Séc tại Hà Nội nói trong tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi thả bà Nguyễn Thuý Hạnh ngay lập tức và vô điều kiện.” Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, cám ơn Sứ quán Séc đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho vợ ông qua trang Facebook cá nhân. Ông Chênh, người từng có nhiều bài viết mang tính chỉ trích trên trang blog cá nhân và mạng xã hội, cho biết bà Hạnh được đưa về nhà hôm 9/4 để gặp chồng và đưa lại một số vật dụng cá nhân trước khi bị đưa trở lại trại giam. Theo truyền thông trong nước, bà Hạnh bị công an Hà Nội bắt tạm giam vì “hành vi chống phá Nhà nước.” Về việc phong toả tài khoản do bà Hạnh đứng tên quyên góp được hơn 500 triệu tiền “phúng viếng cụ Kình”, Bộ Công an nói rằng đây là một trong những biện pháp “chống khủng bố” mà pháp luật Việt Nam cho phép. Công an Hà Nội bắt giữ bà Hạnh ngay trong tuần nhậm chức của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, người từng có hàng thập niên làm trong ngành công an. Ân xá Quốc tế (Amnesty International) là tổ chức nhân quyền quốc tế đầu tiên lên án việc bắt giữ bà Hạnh. Tổ chức có trụ sở ở London, Anh, cho rằng việc bắt bà Hạnh có “động cơ chính trị” và là hành động “vi phạm nhân quyền trắng trợn” của chính quyền Hà Nội. Theo phó giám đốc phụ trách các chiến dịch vận động của tổ chức này, Ming Yu Hah, bà Hạnh là “một nhà hoạt động truyền cảm hứng, người đã làm việc không mệt mỏi để hỗ trợ những người bị giam giữ bất công ở Việt Nam.” Theo ông Chênh cho biết trong một đăng tải trên Facebook cá nhân, bà Hạnh đã đứng ra kêu gọi quyên góp tiền thuê luật sư cho những người trong hội Anh em Dân chủ bị đưa ra toà xử án và từ đó lập quỹ 50K để hỗ trợ “các gia đình tù nhân lương tâm đang gặp khó khăn.” Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, trong một tuyên bố đưa ra hôm 7/4 ngay sau khi bà Hạnh bị bắt, nói rằng bà Hạnh là một trong những nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền năng động nhất của Việt Nam trong những năm gần đây. Theo tổ chức này, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam “đã thực hiện nhiều biện pháp để đe doạ bà (Hạnh) buộc bà phải dừng hoạt động của Quỹ 50K, bao gồm triệu tập lên đồn công an để tra khảo, canh giữ không cho bà đi ra ngoài trong nhiều sự kiện, và bôi xấu bà trên truyền thông (do nhà nước kiểm soát). Đỉnh điểm của sự đàn áp là việc bắt giữ bà vào sáng (ngày 7/4).” Tổ chức này kêu gọi người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ để “nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chấm dứt việc đàn áp người hoạt động và người bảo vệ nhân quyền.”  
......

Ân Xá Quốc Tế lên án vụ bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh

Bà Nguyễn Thuý Hạnh RFA! Tổ chức Ân xá Quốc Tế (Amnesty International) vào ngày 8/4 ra thông cáo kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Nguyễn Thuý Hạnh, người vừa bị công an bắt giữ hôm 7/4/2021 tại Hà Nội.  Theo Công an thành phố Hà Nội, bà Hạnh (sinh năm 1963) bị bắt giữ về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015. Thông cáo báo chí của Ân Xá Quốc tế dẫn phát biểu của Phó giám đốc khu vực Ming Yu Hah rằng: "Việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nỗ lực trắng trợn, có động cơ chính trị nhằm bị miệng một trong những nhà hoạt động cổ xúy cho nhân quyền được kính trọng nhất tại Việt Nam." Theo Ân Xá Quốc tế, bà Hạnh là một nhà hoạt động truyền cảm hứng do hoạt động không ngừng nghỉ để giúp đỡ những tù nhân lương tâm bị kết án bất công tại Việt Nam. Dù bị sách nhiễu, bà Hạnh vẫn kiên định với công cuộc này. Ân Xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay và vô điều kiện cho bà Nguyễn Thúy Hạnh. Bà Hạnh là người sáng lập quỹ 50 K nhằm quyên góp giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm có điều kiện đi thăm nuôi người thân.  Tài khoản của bà bị ngân hàng Vietcombank phong tỏa hồi năm 2020 sau khi kêu gọi người dân quyên góp hơn 500 triệu đồng để phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm bị cảnh sát cơ động bắn chết trong cuộc đột kích lúc rạng sáng ngày 9/1/2020. Do bị sức ép từ chính quyền, bà Hạnh đã phải tuyên bố đóng tài khoản của Quỹ 50 K vào cuối năm 2020. https://www.amnesty.org/en/latest/news/2021/04/nguyen-thuy-hanh-arrested-and-charged/
......

Corona và cuộc khủng hoảng kinh tế ở Bắc Hàn: Các nhà ngoại giao rời khỏi Bình Nhưỡng

Lưu Thủy Hương TAZ (Die Tageszeitung) là một tờ báo thường có những bài rất hay và sắc sảo về tình hình quốc tế. Họ đưa lên mạng cho người dân đọc chùa và kèm theo lời kêu gọi hãy giúp đỡ kinh phí để những nhà báo tự do, chân chính được làm việc độc lập. Tôi lấy bài của TAZ dịch cho bạn bè đọc chùa, lòng rất áy náy. Cho nên tôi cũng đăng thêm lời kêu gọi: „Xin hãy hỗ trợ các nhà báo của TAZ“. Vậy thôi, chứ biết làm sao hơn. Cảm ơn TAZ. Người Việt chúng tôi rất thiếu thông tin. Giới thiệu với các bạn một bài báo hiếm của TAZ về tình hình ở Bắc Hàn. VTP-LTH * ** https://taz.de/Corona-und-Wirtschaftskrise-in.../!5763974/ Corona và cuộc khủng hoảng kinh tế ở Bắc Hàn: Các nhà ngoại giao rời khỏi Bình Nhưỡng Cạn kiệt thuốc men và hàng hóa: Theo Đại Sứ quán Nga, sự thiếu hụt ở Bắc Hàn đang ở "mức độ nghiêm trọng chưa từng có". Từ những tuần gần đây, số nhân viên ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài rời bỏ Bắc Hàn liên tục tăng lên. Đại Sứ quán Nga cho biết điều này trong một thông báo đăng trên Facebook từ Bình Nhưỡng, hãng tin AP đăng tải lại. Theo đó, điều kiện sống ở quốc gia Đông Bắc Châu Á đang ngày càng trở nên khó khăn đối với những đặc nhiệm người nước ngoài, do sự thiếu hụt nghiêm trọng về thuốc men và mặt hàng tiêu dùng. Tình trạng này sẽ gia tăng do chính sách hạn chế khốc liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Bản tin của Đại Sứ quán Nga hôm thứ Năm cho biết, Bắc Hàn không có khả năng "giải quyết các vấn đề y tế". Cơ quan đại diện của nước Nga, một trong những đại diện có số lượng lớn nhất trên tại Bắc Hàn, dự kiến sẽ có một cuộc "di tản" quy mô của người nước ngoài. Vào ngày 18/3, khoảng 38 người nước ngoài đã rời Bắc Hàn. Họ bị cách ly trong hai tuần tại thị trấn biên giới Đan Đông của Trung Quốc. Đại Sứ quán ước tính có ít hơn 290 người nước ngoài hiện đang ở Bình Nhưỡng. Trong đó có tổng cộng chín đại sứ quán và bốn đại diện doanh nghiệp. Không còn nhân viên LHQ trong nước Hai nhân viên LHQ quốc tế cuối cùng đã rời khỏi xứ này vào tháng Ba. Các tổ chức viện trợ quốc tế hiện không còn nhân viên nước ngoài nào ở lại Bắc Hàn. Người ta có thể thông cảm cho những người rời bỏ thủ đô Bình Nhưỡng, bản tin của Sứ quán cho biết. Không phải ai cũng có thể sống nổi với "tình trạng hạn chế toàn phần, ở mức độ nghiêm trọng chưa từng có". Vào tháng 2, các gia đình ngoại giao Nga đã làm cho cả thế giới xúc động, khi họ đẩy một xe bánh kéo trên đường sắt chở trẻ em và hành lý, một cuộc đào thoát kéo dài hơn 30 giờ từ Bắc Hàn ra đến cầu biên giới. (ND: xem hình bên dưới). Giới lãnh đạo độc tài ở Bình Nhưỡng tuyên bố, Bắc Hàn vốn dĩ là một nước cô lập nên không có corona và một phần của các biện pháp nghiêm ngặt chống đại dịch là phong tỏa biên giới suốt một năm nay. Thông tin của một quốc gia từ trước đến nay luôn khép kín hầu như không bao giờ có thể được xác minh. Chế độ này hiếm khi tự đưa ra các con số, và nếu có, thì chỉ là những con số được sàng lọc rất kỹ lưỡng. Hiện nay người ta không rõ, Bắc Hàn bị ảnh hưởng bởi đại dịch ở mức độ nào. Sự lây lan của Covid-19 ở Bắc Hàn vẫn không rõ ràng Tuyên bố không có corona của chính quyền được xem là không đáng tin cậy. Bởi vì trước khi phong tỏa, họ từng có mối thông thương không chính thức vượt trội với Trung Quốc, nơi đại dịch lây lan trên toàn thế giới. Đài truyền hình Hoa Kỳ, Á Châu Tự Do (RFA) đã đưa tin vào cuối tháng Ba, trích dẫn các nguồn địa phương giấu tên, về hơn 100 trường hợp tử vong và 13.000 ca nghi nhiễm chỉ riêng ở tỉnh miền Bắc, Hamgyong. Theo Daily NK, từng làm việc với người tị nạn Bắc Hàn tại Seoul, có bốn thành phố biên giới đã bị đóng cửa vào tháng Hai và tháng Ba. Như vậy, rõ ràng là những người từ Trung Quốc đã có thể nhập cảnh. Trước đại dịch, Bắc Hàn vẫn có hoạt động buôn lậu rộn ràng qua biên giới với Cộng hòa Nhân dân láng giềng. Tuy nhiên, việc Bắc Hàn thực hiện lockdown khắc nghiệt, đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nguồn cung cấp, dù ban đầu ngăn chặn được số lượng lớn các ca lây nhiễm. Đã vậy, họ thiếu năng lực xét nghiệm. Kết quả của lockdown, làm cho lượng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống khoảng 80%. Đại diện Liên Hợp Quốc: Lockdown dẫn đến nạn đói Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền ở Bắc Hàn, Tomás Ojea Quintana, đã cảnh báo trong một tường trình được công bố vào giữa tháng Ba về tình trạng đói và nghèo đang gia tăng hơn nữa. Đã có trường hợp người chết vì đói. Theo chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới, Bắc Hàn sẽ nhận được 1,7 triệu liều thuốc chủng ngừa từ AstraZeneca. Điều này có nghĩa là gần 900.000 người trong số khoảng 25 triệu dân có thể được tiêm chủng. Bắc Hàn được cho là đã theo chân Nam Hàn trong việc lựa chọn loại thuốc chủng, họ đã giành riêng được tiêu chuẩn với thuốc chủng này – tin từ Daily NK. Nhưng trong khi miền Nam tự sản xuất thuốc chủng theo giấy phép ngay trong nước, thì Bắc Hàn sẽ lấy các lô thuốc chủng của mình từ giấy phép sản xuất của Viện Huyết thanh ở Ấn Độ. Theo Daily NK, chế độ cai trị Bắc Hàn của Kim Jong Un đã thành lập một nhóm tấn công mạng - được gọi là Cục 325 - là một phần của bộ máy gián điệp của họ để lấy cắp thông tin về Covid-19 và thuốc chủng ngừa từ các viện khoa học nước ngoài, cơ quan nghiên cứu nước ngoài, công ty nước ngoài và các chính phủ. Nhóm tấn công mạng này, bao gồm năm đơn vị và được cho là vận hành hai phòng thí nghiệm riêng biệt, trực thuộc Kim Jong Un. Họ đã đạt được thành công là từng đọc qua thông tin của công ty Pfizer - Mỹ, nơi phát triển và sản xuất thuốc chủng Covid 19 cùng với công ty Mainz Biontech. Họ đọc bao nhiêu thì không ai biết. Nhưng Bắc Hàn được cho là đã bắt đầu thử nghiệm thuốc chủng của riêng mình từ đầu tháng Giêng. ** Đọc thêm tin của Spiegel: Theo thông tin từ Nga, văn phòng đại diện của Anh, Venezuela, Brazil, Đức, Ý, Nigeria, Pakistan, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Pháp tại Bắc Hàn đã đóng cửa. https://www.spiegel.de/.../nordkorea-diplomaten-fliehen...  
......

Mỹ chích kỷ lục hơn 4 triệu liều vaccine COVID-19 trong 1 ngày

Tính đến ngày 3 Tháng Tư, Mỹ chích hơn 161 triệu liều vaccine COVID-19. (Hình minh họa: AP Photo/Gerald Herbert)   WASHINGTON, DC (NV) Mỹ chích hơn bốn triệu liều vaccine COVID-19 trong vòng 24 giờ, lập kỷ lục mới và nâng số liều trung bình một ngày trong bảy ngày qua lên hơn ba triệu, Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) loan báo hôm Thứ Bảy, 3 Tháng Tư, theo CNN.   Bác Sĩ Cyrus Shahpar, giám đốc dữ liệu COVID-19 của Tòa Bạch Ốc, gửi tweet chiều Thứ Bảy mừng kỷ lục.   “Ồ, một ngày kỷ lục!! Hơn 4.08 triệu liều được báo cáo đã chích trong ngày qua,” ông Shahpar viết trên Twitter.   “Ngày đầu tiên nhiều hơn bốn triệu. Cũng là lần đầu tiên trung bình hơn ba triệu một ngày trong tuần qua. Hàng triệu người đang đoàn kết để giúp chúng ta nhanh chóng chặn được đại dịch!,” ông viết tiếp.   Nếu mọi người tiếp tục đeo khẩu trang, tránh tụ tập và đi chích ngừa, cuộc sống ở Mỹ sẽ trở lại bình thường nhanh hơn, Bác Sĩ Anthony Fauci, cố vấn COVID-19 chính của Tổng Thống Joe Biden, cho hay.   “Chúng ta đang tiến đến ngày người ta mong muốn, ngày tôi mong muốn, ngày quý vị mong muốn – ngày mà có đủ người được vaccine bảo vệ để chúng ta có thể đi chơi, đi ngắm hoa anh đào, ra ngoài tận hưởng thời tiết ấm áp,” ông Fauci nói với đài CNN hôm Thứ Bảy. “Ngày đó sẽ đến. Nhất định.”   Và một khi tỷ lệ lây nhiễm giảm đủ thấp, CDC sẽ sửa đổi khuyến cáo về những việc mà người đã chích ngừa đủ liều có thể thực hiện an toàn, Bác Sĩ Fauci cho biết.   “Đại dịch này sẽ không kéo dài mãi vì ngày nào cũng có bốn triệu, ba triệu người được chích ngừa thì chúng ta càng tiến gần hơn đến ngày chặn được đại dịch,” ông nói.   Đến nay là khoảng 110 ngày kể từ khi mũi vaccine COVID-19 đầu tiên được chích ở Mỹ, và từ đó đến nay, hơn 104 triệu người được chích ít nhất một liều, theo CDC. Trong số đó, 59 triệu người được chích đủ liều.   Tính đến Thứ Bảy, Mỹ chích hơn 161 triệu liều vaccine COVID-19, theo CDC. (Th.Long) [qd] https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/my-chich-ky-luc-hon-4-trieu-lieu-vaccine-covid-19-trong-1-ngay/  
......

Công ty Đức đình chỉ cung cấp nguyên liệu in tiền cho chế độ quân phiệt Miến Điện

Khoảng 120 người đã biểu tình trước công ty Giesecke & Devrient ở Munich – Đức hôm 27/3. Nguồn ảnh riêng    Hiếu Bá Linh tổng hợp 31-3-2021 Tập đoàn công nghệ quốc tế Giesecke + Devrient (G + D) quyết định đình chỉ ngay lập tức tất cả việc cung cấp nguyên liệu và vật liệu in tiền giấy cho Cơ sở In ấn Bảo mật (Security Print Works) của nhà nước nước Miến Điện. Lý do là vì các cuộc xung đột bạo lực đang diễn ra ở Miến Điện giữa quân đội và dân thường. Hôm nay, ngày 31/3, tập đoàn công nghệ quốc tế G + D có trụ sở chính ở Munich – Đức có thông cáo báo chí, cho biết: “G + D đã theo dõi sự leo thang tại quốc gia Đông Nam Á này với sự lo lắng và đau buồn lớn. Với tình hình hiện tại và sau khi xem xét cẩn thận các mối quan hệ kinh doanh của mình, G + D tạm dừng tất cả việc giao hàng cho công ty in của nhà nước, có hiệu lực ngay lập tức. G + D đang liên hệ với Liên Hiệp Quốc cũng như các cơ quan chức năng và cơ quan ngoại giao của Đức về những diễn biến tiếp theo tại hiện trường”. “Trước khi ngừng giao hàng, các dịch vụ của G + D tại Miến Điện bao gồm cung cấp nguyên liệu và vật tư, cũng như các nhiên liệu để sản xuất tiền giấy bằng đồng nội tệ kyat. Trong vài tuần qua, G + D đã hạn chế các mối quan hệ kinh doanh trong giai đoạn đầu”. Giám đốc điều hành Ralf Wintergerst cho biết, trước đó công ty đã liên hệ và việc dừng giao hàng đã được thống nhất với Liên Hiệp Quốc cũng như với Bộ Ngoại giao Đức và các đại sứ quán, nhưng ông không nói đó là các đại sứ quán của những nước nào. Trong thời gian qua, công ty Giesecke + Devrient (G + D) bị nhiều áp lực của công luận và báo chí Đức. Hôm hứ Bảy, ngày 27/3, đã diễn ra một cuộc biểu tình phản đối trước trụ sở chính của công ty G + D ở Munich – Đức với sự tham gia của khoảng 120 người. Cô Nyein Chan May là người tổ chức cuộc biểu tình và là người đồng sáng lập tổ chức “Đức đoàn kết với Dân chủ Miến Điện“, giải thích với nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung như sau: “Có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội đã bước vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Các thành viên của nội các chính phủ dân sự và phong trào dân chủ không phải là không tìm cách khóa các nguồn tiền chảy về quân đội. Họ kêu gọi các tập đoàn trên thế giới cắt đứt các mối quan hệ kinh doanh hoặc – nếu họ có trụ sở tại Miến Điện – ngừng nộp thuế. Như thế, quân đội chỉ còn cách duy nhất là phải in ấn tiền mới. Tiền giấy, không thể in được nếu không có công ty Giesecke + Devrient, là cơ hội sống còn của quân đội. Chúng tôi yêu cầu công ty G + D ngay lập tức ngừng cung cấp nguyên liệu cho Ngân hàng Trung ương Miến Điện để in tiền giấy“. Süddeutsche Zeitung chính là tờ báo đầu tiên “khui” ra vụ này trước dư luận với bài viết “Công ty G + D ở Munich in tiền cho chế độ độc tài Miến Điện“. Bài báo cho biết, công ty này là một trong những nhà in tiền lớn nhất thế giới, cung ứng cho hơn 100 nước, đã hoạt động ở Miến Điện từ năm 1970 và là nhà cung cấp máy móc, nguyên liệu và vật tư trong chuỗi sản xuất tiền giấy cho Ngân hàng Trung ương Miến Điện. Công ty Đức này có mối quan hệ kinh doanh lâu dài với Cơ sở In ấn Bảo mật (SPW) của nhà nước Miến Điện. Sau khi chính quyền Hoa Kỳ đóng băng nguồn tiền dự trữ tại Hoa Kỳ của Ngân hàng Trung ương Miến Điện, chế độ quân phiệt không còn đủ số lượng tiền giấy để trả lương cho bộ máy nhà nước, trong đó đặc biệt là quân đội, cảnh sát, lực lượng an ninh đang đàn áp dã man các cuộc phản kháng, thậm chí bắn chết người biểu tình. Phong trào bất tuân dân sự ở Miến Điện hiện lo ngại rằng, chính phủ quân sự sẽ in tiền mới để đối phó với tình trạng trên, cũng như việc lãnh vực ngân hàng đang bị đình công và để mua thêm thời gian – với sự hỗ trợ của công ty Đức G + D. Trong giai đoạn dân chủ hóa, sự tham gia của công ty Đức G + D được người dân Miến Điện hoan nghênh, nhưng hiện nay tình hình đã đổi khác. Một kỹ sư tên May, 39 tuổi, cho biết: “Người dân bức xúc nếu công ty tiếp tục cung cấp nguyên liệu cho nhà in“. Phong trào bất tuân dân sự (CDM) của người dân Miến Điện đã làm tê liệt nền kinh tế, các cửa hàng bị đóng cửa, các nhà máy bị ngừng hoạt động. Họ muốn nguồn tiền bị cạn kiệt ở trong nước. Họ sẵn sàng hy sinh to lớn nếu điều đó làm suy yếu quân đội. Họ sẵn sàng đình công để cắt nguồn điện cung cấp cho Cơ sở In ấn Bảo mật (SPW) của nhà nước. Quân đảo chính đã đe dọa các nhân viên của một nhà cung cấp điện liên kết để máy in của SPW không bị tê liệt. Tuy nhiên, khâu sản xuất của SPW vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu và vật tư của công ty Đức G + D. Trong bài báo, tổ chức “Đức đoàn kết với Dân chủ Miến Điện” kêu gọi giám đốc công ty G  +D hãy hành động trước khi những tờ tiền kyat được in bằng vật tư của công ty bị nhuốm máu người Miến Điện. ____ Tóm lược từ các nguồn: https://pr-com.de/company_news/gieseckedevrient-suspends-deliveries-to-state-security-printer-in-myanmar https://www.sueddeutsche.de/muenchen/myanmar-giesecke-devrient-protest-muenchen-1.5251035 https://www.sueddeutsche.de/wirtschaft/myanmar-militaerdiktaktur-giesecke-devrient-notenpresse-geld-1.5241092 https://baotiengdan.com/2021/03/31/cong-ty-duc-dinh-chi-cung-cap-nguyen-lieu-in-tien-cho-che-do-quan-phiet-mien-dien/  
......

Trung Quốc cải tổ bầu cử ở Hong Kong, đòi hỏi lòng trung thành

Reuters Trung Quốc chốt lại việc cải tổ sâu rộng hệ thống bầu cử của Hong Kong hôm thứ Ba 30/3, sẽ làm giảm mạnh tỷ lệ đại diện dân chủ ở thành phố này trong khi chính quyền muốn đảm bảo rằng chỉ có "những người yêu nước" đứng ra cai quản thành phố cũng là một trung tâm tài chính toàn cầu. Các biện pháp này là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố bàn tay kiểm soát ngày càng độc tài của họ đối với thành phố tự do nhất của Trung Quốc sau khi áp đặt luật an ninh quốc gia hồi tháng 6 năm ngoái, vốn đã bị giới chỉ trích xem là công cụ để trấn áp những người bất đồng quan điểm. Những thay đổi về bầu cử sẽ khiến số lượng đại biểu được bầu trực tiếp giảm xuống, trong khi số lượng các quan chức được Bắc Kinh phê chuẩn tăng lên trong một cơ quan lập pháp có đông thành viên hơn, hãng Tân Hoa xã đưa tin. Trong khuôn khổ cuộc cải tổ, một ủy ban thẩm tra mới đầy quyền lực sẽ giám sát các ứng cử viên nhắm đến các chức vụ trong chính quyền, và ủy ban cũng làm việc với các cơ quan an ninh quốc gia để đảm bảo rằng họ trung thành với Bắc Kinh. Các biện pháp này là cuộc cải tổ quan trọng nhất đối với cấu trúc chính trị của Hong Kong kể từ khi thành phố quay trở lại nằm dưới quyền cai trị của Trung Quốc vào năm 1997. Cuộc cải tổ cũng làm thay đổi quy mô và thành phần của cơ quan lập pháp và ủy ban bầu cử theo hướng ủng hộ các nhân vật thân Bắc Kinh. Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu Hong Kong, cho biết những thay đổi sẽ được đệ trình lên Hội đồng Lập pháp của đặc khu vào giữa tháng 4 và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối tháng 5. Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp, đã bị hoãn vào tháng 9 năm ngoái mà chính quyền nói là do có đại dịch virus corona, sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm nay, bà Carrie Lam nói thêm, còn cuộc bầu cử ban lãnh đạo thành phố sẽ được tổ chức vào tháng 3, theo kế hoạch. Tân Hoa Xã cho biết số đại biểu được bầu trực tiếp sẽ giảm từ 35 xuống còn 20, và quy mô của cơ quan lập pháp tăng từ 70 ghế hiện nay lên 90 ghế, trong khi đó, ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm bầu ra trưởng đặc khu sẽ tăng từ 1.200 thành viên lên 1.500. Theo Tân Hoa xã, ủy ban bầu cử sẽ không còn có 117 ủy viên hội đồng cấp quận đại diện cho các cộng đồng nữa, và 6 ghế hội đồng cấp quận trong Hội đồng lập pháp cũng sẽ bị loại bỏ. Các hội đồng cấp quận là định chế dân chủ hoàn toàn duy nhất của thành phố và gần 90% trong số 452 ghế cấp quận thuộc quyền kiểm soát của phe dân chủ sau cuộc bỏ phiếu năm 2019. Họ chủ yếu giải quyết các vấn đề cấp cơ sở như giao thông công cộng và thu gom rác thải. Tân Hoa xã đưa tin rằng việc tái cơ cấu bầu cử đã được thông qua không gặp phản đối nào tại Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc, ở cấp cao nhất của cơ quan lập pháp Trung Quốc./.  
......

Myanmar chống độc tài như chống dịch Virus Tàu

Tịnh Nguyễn Thanh Những tấm hình dưới đây, được cho là ghi lại quang cảnh toàn bộ các thành phố lớn tại Myanmar vào ngày hôm nay (24/3/2021) như Yagon, Mawlamyine, Flan, Pyay... Thoạt nhìn, người ta dễ lầm tưởng là tại các thành phố của Myanmar đang bị phong tỏa để ngăn dịch Virus Tàu bùng phát giống như tại Vũ Hán (TQ) hay một số thành phố ở các quốc gia khác trước đây. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Tại Myanmar, vào ngày hôm nay, người dân cả nước đang hưởng ứng chiến dịch đánh sập nền kinh tế của thế lực quân đội cầm quyền độc tài Myanmar, được cho là có sự ‘hà hơi tiếp sức’ của Tàu Cộng. Và người dân Myanmar đang chống lại thế lực độc tài quân phiệt thân Tàu Cộng đó, giống như cách chống lại đại dịch Virus Tàu đã hoành hành khắp thế giới hơn một năm qua. Từ các đô thị sầm uất cho đến tận các vùng quê hẻo lánh trên cả nước Myanmar, người dân đã đồng loạt đóng cửa và tạm dừng tất cả các hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí... giống như thi hành lệnh phong tỏa ngăn ngừa đại dịch virus Tàu. Ngay cả việc trao đổi mua bán nhu yếu phẩm trong sinh hoạt hàng ngày cũng vậy Có thể nói rằng đây là một động thái thể hiện tinh thần đoàn kết đặc biệt của người dân cả nước Myanmar trong phong trào đấu tranh chống lại chế độ độc tài quân phiệt. Rõ ràng, đây là một “nước cờ” liều lĩnh nhưng không kém phần ngoạn mục của người dân Myanmar. Họ đã chấp nhận hy sinh tất cả quyền lợi kinh tế của mỗi người, mỗi nhà để mong có được nền tự do dân chủ thực sự cho đất nước mình. Thông qua việc trao đổi thông tin trên mạng xã hội (mxh) họ tiến hành việc cùng nhau chia sẻ thức ăn nước uống và các vật dụng sinh hoạt thiết yếu hàng ngày, nhưng không tham gia làm việc. Họ tin rằng việc “bất tuân dân sự” này kéo dài sẽ khiến cho nền kinh tế do thế lực quân phiệt Myanmar điều hành sẽ sớm sụp đổ(?) Trên mxh tại Myanmar suốt ngày hôm nay đang lan truyền một câu nói thể hiện tinh thần quyết liệt của người dân cả nước Myanmar: “Thà cho 10.000 con chó ăn no chứ không cho một tên lính hèn hạ nào trong quân đội ăn một hạt cơm".   Đây là một bước đi ngoạn mục “chiến dịch bất tuân dân sự” không kém phần liều lĩnh của người dân Myanmar, họ bất chấp hy sinh tất cả, ngay cả kinh tế của từng gia đình, từng người để đổi lấy một nền dân chủ thực sự trên đất nước xứ chùa vàng. Chắc chắn người dân Myanmar sẽ thắng trong ván cờ định mệnh này vì trên các trang mạng xã hội cá nhân ở Myanmar hiện tại, họ đã tuyên bố sẵn sàng chia sẻ thức ăn, nước uống và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cho nhau, giúp đỡ nhau đến khi kinh tế do quân đội cầm quyền độc tài Myanmar điều hành sụp đổ.   Không biết là người dân cả nước Myanmar có thể kéo dài “chiến dịch bất tuân dân sự” này đến khi nền kinh tế do thế lực quân phiệt điều hành sụp đổ như mong muốn của họ hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là, với những gì đã diễn ra, họ đã thể hiện một tinh thần đoàn kết thật tuyệt vời trong việc sẵn sàng hy sinh tất cả để giành lấy tự do dân chủ. Và vì vậy, họ hoàn toàn xứng đáng để có được điều đó. Qua đó, họ cũng đã thể hiện được một ‘trình độ dân trí’ khiến cho tất cả chúng ta phải cúi đầu khâm phục và không thể không bày tỏ lòng ngưỡng mộ... ( Ảnh lượm trên net )  
......

Những nữ đại tướng tác chiến của quân lực Hoa Kỳ

Đinh Yên Thảo - VOA| Theo lời đề nghị từ Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin, Tổng thống Joe Biden đã đề cử hai nữ đại tướng Mỹ vào các chức vụ tư lịnh tác chiến của quân lực Hoa Kỳ trong ngày Quốc Tế Phụ Nữ vừa qua. Việc đề cử này còn sẽ được Thượng Viện chuẩn thuận nhưng xem đây là một sự thay đổi lớn lao về vai trò phụ nữ trong nội các tổng thống Joe Biden. Hãy cùng xem qua chân dung hai nữ đại tướng Jacqueline Van Ovost và Laura J. Richardson như thế nào nhân tháng Phụ Nữ Lịch Sử Hoa Kỳ trong tháng Ba này. Đại tướng Jacqueline Van Ovost Lịch sử thường có những trùng hợp thú vị và bất ngờ. Đó là một ngày năm 1983, khi Jacqueline Van Ovost, 17 tuổi đã thức dậy thật sớm để lần đầu tiên được cha cô cho lái chiếc phi cơ Cessna để bay đến Cape Canaveral xem phi thuyền Challenger cất cánh, có mặt Sally Ride là nữ phi hành gia đầu tiên của Hoa Kỳ bay vào không trung. Phi hành gia Sally Ride đã truyền niềm cảm hứng để Jacqueline đi theo con đường bay của mình và rồi trở thành một đại tướng không quân tác chiến bốn sao của Quân lực Hoa Kỳ. Bà vừa được đề cử vào chức vụ Tư Lịnh Vận Chuyển của quân đội Hoa Kỳ USTRANSCOM hồi tuần trước. Sinh năm 1965 tại Illinois, Đại tướng Ovost có cha là một phi công huấn luyện lái máy bay, bà lái phi cơ một mình ngay sinh nhật 16 tuổi và lấy được bằng bay năm 17 tuổi, trước cả khi có được bằng lái xe. Giấc mơ được là một trong những nữ phi công lái chiến đấu cơ đầu tiên đã làm bà nhắm thi vào Học Viện Không Quân Hoa Kỳ. Nhưng giấc mơ và kinh nghiệm chưa phải là điều kiện đủ, bà thi rớt năm đầu vì không đủ thể lực. Gắn các dụng cụ tập thể lực tại nhà, bà bỏ ra một năm trời tập luyện cho quyết tâm thi lại, để rồi được thu nhận năm sau đó. Tốt nghiệp học viện năm 1988 và đánh dấu vào đơn mong muốn được lái với mọi chiến đấu cơ, giấc mơ của bà vẫn chưa thành hiện thực vì không quân Hoa Kỳ chưa cho phép các nữ phi công lái chiến đấu cơ lúc bấy giờ. Bà lái các phi cơ vận tải và đến năm 1993, khi không quân Hoa Kỳ bắt đầu cho phép các nữ phi công lái chiến đấu cơ, bà đã quay lại tái huấn luyện để có thể biến giấc mơ của mình thành sự thật. Bà đã có cơ hội chọn lựa, hoặc lái chiến đấu cơ F-15 hay lái phi cơ chiến đấu thử nghiệm, cơ hội sẽ được lái mọi chiến đấu cơ tân tiến nhất của không quân Hoa Kỳ. Cuối cùng bà đã trở thành một phi công thử nghiệm rồi huấn luyện viên với tổng cộng hơn bốn ngàn giờ bay qua hơn 30 loại phi cơ. Nhưng hơn vậy nữa, nữ trung úy phi công tốt nghiệp học viện Không Quân Hoa Kỳ cũng không ngờ rằng, bên cạnh các chuyên môn về bay, bà từng bước được thăng cấp và nhận lãnh các nhiệm vụ lãnh đạo cao hơn sau khi hoàn tất ba bằng Cao Học về kỹ thuật và quân sự cùng vô số các khoá huấn luyện lãnh đạo và chiến lược trong vài chục năm qua. Hồi tháng Tám năm 2020 vừa qua, bà được thăng chức Đại Tướng Không Quân, tướng bốn sao hiện dịch duy nhất là phụ nữ lúc bấy giờ và người phụ nữ thứ nhì lên chức đại tướng tác chiến trong Quân lực Hoa Kỳ sau 32 năm quân ngũ. Đại tướng Laura J. Richardson Câu chuyện của tướng Laura Richardson cũng là một câu chuyện thú vị khác. Sinh năm 1963 tại Colorado, tướng Richardson từng là tay bơi vô địch tiểu bang và cũng lấy được bằng lái phi cơ vào năm 15 tuổi. Có cha là một bác sĩ nhưng các chị em bà lại đam mê đời binh ngũ khi ba chị em đều gia nhập quân đội, với hai chị em gái khác là bác sĩ quân y và luật sư quân đội. Không bước vào quân trường ngay như tướng Ovost, tướng Richardson theo học và tốt nghiệp cử nhân khoa học tại một đại học của Denver rồi mới nhập ngũ vào năm 1986. Là một tay bơi vô địch từ trung học lên đại học, bà bảo môi trường đầy thử thách và cạnh tranh cao độ là điều bà muốn được thử nghiệm và rồi gắn với nó trong 35 năm qua. Bà được huấn luyện lái trực thăng chiến đấu, loại Black Hawk là một trong những trực thăng dữ dằn của không quân Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp bà đồn trú tại Nam Hàn rồi lần lượt tham gia hai chiến trường Iraq và Afghanistan trong các phi vụ chiến đấu trực tiếp. Bà trở thành huấn luyện viên rồi từng bước được thăng chức, giữ những chức vụ tác chiến quan trọng trong Quân lực Hoa Kỳ. Bà có hai bằng Cao Học tại các học viện quân đội và huấn luyện tướng lĩnh, cùng các khoá huấn luyện chiến lược, lãnh đạo dành cho các sĩ quan cao cấp của Hoa Kỳ. Bà từng là thiếu tướng tùy viên quân sự cho Phó Tổng thống Al Gore, cũng như là sĩ quan mang cặp da chứa mật mã vũ khí hạch tâm cho tổng thống trong hai năm trời, một công việc tuyệt mật, thông thường chỉ dành cho các sĩ quan có cấp bậc tối thiểu là Đại Tá trở lên. Với việc thăng chức trở thành đại tướng bốn sao để đồng thời được đề cử làm Tư Lịnh Lục Quân Miền Nam USSOCOM, bà đứng đầu việc chỉ huy và bảo vệ Hoa Kỳ và khu vực Nam Mỹ trong nhiều lãnh vực quân sự khác nhau. Tướng Laura Richardson bảo rằng một trong những giá trị của người lính Mỹ là sự phục vụ quên mình và cho lý tưởng quốc gia. Câu chuyện trở thành tướng của hai nữ đại tướng Hoa Kỳ không chỉ là con đường sự nghiệp cá nhân của chính họ mà còn là niềm cảm hứng, là tấm gương cho những thế hệ phụ nữ Mỹ chọn đời binh nghiệp làm lý tưởng hay một giới trẻ nói chung nhìn đến những cơ hội mà họ có thể đạt đến bằng những nỗ lực của mình./.  
......

Bản chất Trung quốc trong cuộc đàm phán đầu tiên với chính quyền Biden

Timothy Trinh|   Bản chất của phái đoàn ngoại giao Trung Quốc đã bộc lộ rõ rệt trong cuộc họp kéo dài hai ngày kể từ thứ Năm (18/3) tại Anchorage, Alaska; thêm vào đó, sự yếu kém trong cách đối phó của phía Hoa Kỳ cũng không thể che dấu được.   Địa điểm được chọn tại Anchorage, được xem là nửa đường giữa hai thủ đô Washington và Bắc Kinh. Tất nhiên, phái đoàn Hoa Kỳ của chính quyền Biden không muốn bị nhìn thấy đi đến Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp; nhưng đồng thời Hoa Kỳ cũng không được sự nhượng bộ của Trung Quốc để thương thuyết ở Washington giống như các lịch trình đàm phán thương mại với chính quyền tiền nhiệm. Phái đoàn Trung Quốc được dẫn đầu bởi "cáo già ngoại giao" Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị; về phía Hoa Kỳ gồm có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.   Bản chất của Trung Quốc là vi phạm quy tắc, lỗi không đủ lớn để hủy bỏ cuộc họp nhưng đủ mức độ gian lận để đạt mục tiêu tuyên truyền trong các cuộc đàm phán, khiến cho phía Hoa Kỳ lúng túng trong cách ứng xử.   Theo giao thức đồng ý bởi hai bên, mỗi phái đoàn sẽ phát biểu mở đầu ngắn (hai phút) mỗi người, dành cho hai người trưởng đoàn.   Mở đầu cuộc họp là phía "chủ nhà", Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã có lời mở đầu kéo dài 2 phút 27 giây. Tiếp theo là lời mở đầu của cố vấn Sullivan kéo dài 2 phút 17 giây. Tổng cộng thời giờ mở đầu của phía Hoa Kỳ đã không quá 5 phút, trong đó Hoa Kỳ cho biết "sẽ thảo luận về mối quan ngại sâu sắc đối với các hành động của Trung Quốc, bao gồm ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan; các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ; và cưỡng bức kinh tế của các đồng minh".   Đến lượt Trung Quốc, cáo già Dương Khiết Trì đã phát biểu luôn 16 phút 14 giây (vượt quá 8 lần hơn giới hạn thời giờ phát biểu) để phản biện bằng cách tấn công Hoa Kỳ về đủ mọi mặt kể cả vấn đề kỳ thị người da đen trong phong trào 'Black Lives Matter', cáo buộc Mỹ là đạo đức giả nhân quyền do đối xử tệ với công dân da đen. Điều đáng buồn cười, sau đó một ngày, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã lên án Hoa Kỳ là phân biệt chủng tộc, bài ngoại và phân biệt giới tính vào thứ Sáu trong bài phát biểu tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, nơi bà và Tổng thống Joe Biden đã đến để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng người Mỹ gốc Á.   Sau phần phát biểu của Dương Khiết Trì, đến lượt Vương Nghị nói thêm 4 phút 9 giây. Tổng cộng thời giờ tuyên truyền của phía Trung Quốc hơn 20 phút, không kể phần phiên dịch tiếng Anh.   Theo chương trình, giới truyền thông phải rời khỏi phòng họp ngay sau đó, để cả hai phái đoàn bắt đầu cuộc đàm phán.   Bấy giờ, phái đoàn Hoa Kỳ có lẽ cảm thấy bị thiệt thòi sau khi phía Trung Quốc phá vỡ giao thức để biến phần mở đầu cuộc họp (mà báo chí được phép tham gia để loan tin đến toàn thế giới) trở thành một màn kịch kéo dài cơ hội lên án Hoa Kỳ về đủ mọi mặt.   Cố vấn Sullivan đã phải vẫy tay ra hiệu, kêu gọi các ký giả ở lại phòng họp, và Ngoại trưởng Blinken nói với phía Trung Quốc rằng "vì những nhận xét mở rộng của bạn, hãy để tôi nói thêm một vài nhận xét của riêng tôi."   Blinken cảnh báo, "Đánh cuộc chống lại Mỹ chưa bao giờ là một cuộc cá cược tốt."   Trong phần nói thêm, Sullivan đã biện hộ vấn đề kỳ thị chủng tộc, cho rằng Hoa Kỳ là "một quốc gia tự tin có thể nhìn ra những thiếu sót của chính mình và không ngừng tìm cách cải thiện."   Cách phản pháo cho rằng Mỹ đã cố gắng đối mặt với việc ngược đãi người thiểu số hơn là “cố gắng giả vờ rằng họ không tồn tại”.   Ông nói “Nước sốt bí mật của Mỹ” là sẵn sàng thừa nhận sai sót và nỗ lực cải thiện, ám chỉ Mỹ không ứng xử giống kiểu Trung Quốc.   Một lần nữa, báo chí được mời ra khỏi phòng họp, tuy nhiên Vương Khuất Trì có dấu hiệu tức giận dường như muốn nói thêm; và sau đó, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc lập tức đăng tin cáo buộc Hoa Kỳ từ bỏ dân chủ vì Blinken không cho báo chí được ở lại để nghe phái đoàn Trung Quốc nói tiếp.   Một quan chức chính quyền Biden nhận xét, “Phái đoàn Trung Quốc dường như đã có ý định rất lớn, tập trung vào sân khấu công cộng và kịch tính hơn là thực chất.”   Rõ ràng phái đoàn Trung Quốc đã mượn diễn đàn Alaska của chính quyền Biden để lan truyền một thông điệp chính trị mà Tập Cận Bình muốn gửi đến thế giới, và đặc biệt đến với 1,4 tỷ dân đại lục, rằng nước Mỹ không còn ở thế mạnh để bắt nạt Trung Quốc./.   Người Đà Lạt Xưa  
......

Chấm dứt in tiền cho chế độ độc tài Myanmar

Timothy Trinh Chế độ quân sự tàn bạo ở Myanmar rất cần tiền và đang bật máy để in tiền đến mức tối đa sau khi chính quyền Hoa Kỳ đóng băng nguồn tiền dự trữ của Ngân hàng Trung ương Myanmar. Nhưng muốn in tiền, quân đội cần sự trợ giúp của một công ty Đức đang miễn cưỡng trong việc cắt đứt mối quan hệ kinh doanh.   Giesecke & Devrient (G&D), một tập đoàn quốc tế có trụ sở chính ở München, Đức, là nhà cung cấp nguyên liệu và vật tư trong chuỗi sản xuất tiền giấy cho Ngân hàng Trung ương Myanmar. Tập đoàn này có mối quan hệ kinh doanh lâu dài với công ty in Security Print Works (SPW) của nhà nước Myanmar.   Kyat là đơn vị tiền tệ chính thức của Myanmar. Tiền giấy được lưu hành với các tờ 5, 10, 20, 50, 100, 200, 500, 1000, 5000 và 10.000 kyat. Theo tỷ giá hối đoái hiện nay, một USD có thể đổi được khoảng 1.400 đồng Kyat.   Trong giai đoạn dân chủ hóa, sự tham gia của tập đoàn G&D được người dân Myanmar hoan nghênh, nhưng hiện nay tình hình đã đổi khác. Một kỹ sư tên May, 39 tuổi, cho biết, "Người dân bức xúc nếu công ty tiếp tục cung cấp nguyên liệu cho nhà in"   Phong trào bất tuân dân sự (CDM) của người dân Myanmar đã làm tê liệt nền kinh tế, các cửa hàng bị đóng cửa, các nhà máy bị ngừng hoạt động. Họ muốn nguồn tiền bị cạn kiệt ở trong nước. Họ sẵn sàng hy sinh to lớn nếu điều đó làm suy yếu quân đội. Họ sẵn sàng đình công để cắt nguồn điện cung cấp cho máy in tiền của công ty nhà nước SPW.   Quân đảo chính đã đe dọa tấn công nhân viên của một nhà cung cấp điện liên kết để máy in của SPW không bị tê liệt. Tuy nhiên, khâu sản xuất của SPW vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu và vật tư của G&D.   Tổ chức "Sáng kiến của Đức cho Dân chủ Myanmar" đã kêu gọi giám đốc tập đoàn G&D hãy hành động trước khi những tờ tiền kyat được in bằng vật tư của công ty bị nhuốm máu người Myanmar.   Năm 2008, chính phủ Đức ra lệnh cho G&D ngừng kinh doanh với chế độ Mugabe ở Zimbabwe.   Năm 2021, nếu bạn là công dân Đức, muốn ủng hộ phong trào dân chủ Myanmar, bạn có thể vận động chính phủ Đức và giám đốc tập đoàn Giesecke & Devrient hãy chấm dứt cung cấp nguyên liệu và vật tư cho chế độ quân đội tại Myanmar./.   Người Đà Lạt Xưa  
......

Có phải Chính phủ Biden tiếp tục chính sách cứng rắn với Bắc Kinh ?

Nguyễn Quang Duy| Tuần lễ qua trên thế giới diễn ra hai sự kiện quan trọng: Thứ nhất là vào ngày 12/3/2021 lần đầu tiên Tổng thống Joe Biden họp trực tuyến với thủ tướng ba nước Úc, Ấn và Nhật trong Bộ Tứ An Ninh (the Squad); Và sự kiện thứ hai là nước Anh công bố chuyển hướng Chiến lược ngoại giao, an ninh và quốc phòng từ đặt trọng tâm vào Châu Âu chuyển sang Châu Á Thái Bình Dương. Cả hai sự kiện cho thấy Mỹ, Anh và một số quốc gia khác đang hình thành chiến lược phát triển khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng. Ý tưởng chiến lược Vào tháng 8/2007 tại Bombay, cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đưa ra ý tưởng xây dựng một châu Á trải dài từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương như một vùng biển của tự do và mở rộng cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Ngày 18/11/2016, khi ông Trump vừa đắc cử Tổng thống, ông Abe đã bay sang Mỹ gặp và thuyết phục ông Trump rằng Bắc Hàn chỉ là thách thức ngắn hạn còn về lâu dài Trung cộng mới chính là thách đố chiến lược cho cả hai quốc gia. Còn ông Trump thì rất quan tâm đến Ấn Độ, một quốc gia dân chủ pháp trị, sử dụng tiếng Anh, đông dân, đang cải cách kinh tế và luôn đối đầu với Trung Quốc, nên ngay khi đắc cử chính ông Trump đã gọi điện thoại cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để bàn chuyện quốc tế. Từ những cuộc họp với Nhật, Ấn và Úc đã hình thành Bộ Tứ An Ninh (the Squad) và phát triển thành Khung Chiến Lược Ấn Độ - Thái Bình Dương (U.S. Strategic Framework for the Indo - Pacific). Giải mật Khung Chiến Lược Là tài liệu mật được ghi chú “không dành cho công dân nước ngoài” lẽ ra Khung Chiến Lược sẽ được bảo mật cho đến năm 2043, nhưng Thượng Viện do đảng Cộng Hòa chiếm đa số ngày 5/1/2021 đã cho phép giải mật và công bố một tuần trước ngày Tổng thống Donald Trump mãn nhiệm. Ông Robert O’Brien cố vấn an ninh quốc gia thời đó cho biết việc giải mật là để thể hiện những cam kết chiến lược của Hoa Kỳ đối với các quốc gia đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tập tài liệu gồm 10 trang đánh máy, một vài chỗ chưa được giải mật bị bôi đen, chừng một nửa tài liệu trực tiếp nói về chính sách cho 2 nước Trung Hoa và Ấn Độ, với những mục tiêu (objectives) và hướng dẫn hành động (actions) cụ thể. Đối đầu mang tính hệ thống Theo Khung Chiến Lược này việc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung cộng sẽ tiếp tục tồn tại do hệ thống chính trị và kinh tế của hai nước quá khác biệt cả về bản chất lẫn mục tiêu. Trung cộng đã bất chấp mọi quy tắc và chuẩn mực quốc tế để giành lợi thế thống trị toàn cầu vì vậy Mỹ cần gia tăng ảnh hưởng tại Á châu nhằm ngăn chặn Trung cộng tiếp tục thiết lập những khu vực ảnh hưởng mới. Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Trung cộng nhưng phải hợp tác công bằng và phù hợp với lợi ích của người Mỹ, không phải hợp tác bằng mọi giá như các chính phủ trước đây đã sai lầm vướng phải. Hoa Kỳ tiến hành xây dựng liên minh với các nước đồng minh và đối tác, trên tinh thần tôn trọng và hợp nhất với chiến lược của các quốc gia khác để thành hình một chiến lược chung cho toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng đồng thời các quốc gia đồng minh cũng phải đối xử công bằng và phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, như chia sẻ gánh nặng về quốc phòng với Mỹ và thương lượng lại các Hiệp định thương mại tự do không để người Mỹ quá thiệt thòi. Mục tiêu chính yếu được đề ra trong Khung Chiến Lược là xây dựng kinh tế và quốc phòng Ấn Độ để quốc gia này trở thành một nước cường thịnh đủ khả năng đối đầu với Trung cộng về mọi mặt và về lâu dài. Mục tiêu khác là thúc đẩy và củng cố vai trò trung tâm của Khối ASEAN trong việc giữ gìn an ninh khu vực, và khuyến khích các nước thành viên đạt được đồng thuận về những vấn đề then chốt. Ngay khi Khung Chiến Lược được giải mật, ngày 14/1/2021, bà Lê Thị Thu Hằng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến giúp phát triển Khối ASEAN và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Khác với Việt Nam, Cam Bốt và Miến Điện nay đã ngả về phía Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á còn lại thì sợ bị lôi kéo vào chiến tranh lạnh giữa hai đại cường Mỹ - Trung. Khung Chiến Lược không trực tiếp đề cập đến các quốc gia Âu Châu, nhưng ông Robert O’Brien cho biết các quốc gia như Anh, Đức và Pháp sẽ tham gia vào Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở rộng. Thay đổi nhận thức Nhiệm kỳ Tổng thống Trump là một nhiệm kỳ đầy tranh cãi, nhưng Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương đối đầu với Trung cộng gặp nhiều thuận lợi hơn chống đối. Theo tôi, thành công lớn nhất của Chính phủ Trump là đã thay đổi được một phần nhận thức của người Mỹ và thế giới về sự đối nghịch giữa đảng Cộng sản Trung Hoa và người dân của xứ này. Có nhận thức được rõ ràng khái niệm trên thì mới hiểu rõ được mô hình chính trị và tham vọng bá quyền của đảng Cộng sản Trung Hoa. Từ đó mới có thể đề ra được những chính sách và chiến lược thực tiễn, cụ thể và rõ ràng cho nước Mỹ và thế giới. Ngày nay đa số người Mỹ đã thấy được tham vọng bá quyền của Trung Quốc, các chính trị gia Mỹ cũng thay đổi chính kiến nên hầu hết các Đạo Luật về Tân Cương, Đài Loan và Hồng Kông đều được cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện nhanh chóng thông qua với đa số tuyệt đối. Các quốc gia tự do khác trên thế giới như Anh, Đức và Pháp cũng thay đổi nhận thức và nhìn nhận Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chỉ với một nhiệm kỳ tổng thống 4 năm, ông Trump đã thay đổi được cả tầm nhìn chiến lược của nước Mỹ và thế giới, nhưng đó cũng chỉ là mới bắt đầu và cần được các chính phủ kế nhiệm nhìn nhận và thực hiện. Liệu Chính Phủ Biden còn tiếp tục ? Các chính sách về Trung cộng của Chính Phủ Biden đòi hỏi cả hai viện đồng thuận thông qua, đảng Dân Chủ hiện nắm cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện nhưng với số ghế lại rất bập bênh nên có thể đoán trước sẽ không có nhiều thay đổi. Ngày 3/3/2021, Tổng thống Biden công bố Chính sách an ninh quốc gia tạm thời nhấn mạnh sự cần thiết liên minh với các nước dân chủ và Trung cộng vẫn là đối thủ cạnh tranh về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ. Trong cuộc họp Bộ Tứ An Ninh, ngày 12/3/2021, ông Biden cho biết Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các nước đồng minh và các đối tác nhằm ổn định và phát triển khu vực, bảo đảm khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Với Úc, Điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ông Kurt Campbell tuyên bố: “Mỹ sẽ không để Úc chiến đấu một mình, Bắc Kinh phải ngừng các hành vi đe doạ kinh tế Úc trước khi muốn cải thiện quan hệ với Mỹ.” Chính phủ Biden cũng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm 15 viên chức quân sự để xem xét chính sách đối với Trung cộng đặt trọng tâm vào Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngày 3/3/2021 Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhìn nhận một số giới chức trong chính phủ Mỹ trước đây đã mắc sai lầm khi tin tưởng các thỏa thuận tự do thương mại sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người Mỹ. Ông Blinken cho biết chính sách ngoại thương của Chính Phủ Biden là giành lại công bằng thương mại cho nước Mỹ và bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Mỹ. Ngày 16/3/2021 tại Tokyo Nhật Bản, ông Blinken cho biết những yêu sách về chủ quyền của Trung cộng trên Biển Đông và biển Hoa Đông đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với cả hai nước Mỹ và Nhật, ông cho biết: “Chúng ta sẽ đẩy lùi, nếu cần thiết, khi Trung cộng sử dụng biện pháp cưỡng ép và hung hãn để thực hiện ý đồ của họ”. Vào ngày 18/3/2021 hai phái đoàn Mỹ - Trung gặp nhau tại tiểu bang Alaska, Hoa Kỳ, trước sự hiện diện của truyền thông Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã bắt đầu buổi họp bằng lời tuyên bố: “Chúng tôi không muốn xảy ra xung đột, chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh gay gắt và chúng tôi sẽ luôn đứng lên bảo vệ các nguyên tắc, người dân và bạn bè của chúng tôi.” Ngoại trưởng Blinken thì nhấn mạnh mối quan tâm của Mỹ đến các hành động của Trung cộng ở Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, cũng như các hành vi Trung cộng bắt nạt kinh tế với các nước đồng minh với Mỹ, tấn công mạng nhắm vào Mỹ, ông Blinken cho biết: "Mỗi hành vi nêu trên của Trung cộng đều đe dọa đến trật tự và luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng duy trì ổn định toàn cầu.” Ông Jake Sullivan tiếp lời: “Những hành vi Ngoại trưởng Blinken đã nêu ra không phải là những vấn đề nội bộ (của Trung Quốc), chúng tôi thấy có nghĩa vụ phải nêu ra những vấn đề này ở đây, ngày hôm nay." Bạn vẫn có thể nghi ngờ và cho rằng: đó chỉ là những lời nói đầu môi của các chính trị gia chuyên nghiệp Mỹ, chỉ nhằm gầy dựng niềm tin của cử tri Mỹ và của các nước bạn đồng minh. Nhưng đó là những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Biden sẽ áp dụng Khung Chiến Lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng, với mục tiêu phá vỡ chiến lược “Một vòng đai Một con đường”, bao vây và kềm hãm khả năng bành trướng của cộng sản Bắc Kinh. Nguyễn Quang Duy
......

Trung cộng đại náo trên sân Mỹ

Nguyen Khan| Trái ngược cuộc gặp giữa Dương Khiết Trì và ngoại trưởng Mike Pompeo ở Hawaii năm ngoái, là cuộc gặp mà Dương Khiết Trì hoàn toàn lép vế trước một Mike Pompeo mạnh mẽ, chủ động dẫn dắt họ Dương theo "thế trận" ngoại giao của Mỹ. Cuộc gặp giữa Dương Khiết Trì và ngoại trưởng Antony Blinken của chính phủ Biden tại Alaska vừa rồi có vẻ đã thay bậc đổi ngôi, tuy là nước chủ nhà, song Blinken hoàn toàn lép vế trước một Dương Khiết Trì làm khách mạnh mẽ, chủ động dẫn dắt chủ nhà Blinken theo thế trận ngoại giao của TC. Dư luận đang mỉa mai ngoại trưởng Mỹ Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jack Sulivan đã để họ Dương cao ngạo lên lớp Mỹ ngay trên đất Mỹ như chỗ không người, không có những đối đáp tượng xứng. Ngoại trưởng Blinken lúng túng cảnh báo TC hết sức ngớ ngẩn, rằng TC (Trung Cộng) "tôn trọng trật tự toàn cầu hay muốn đối mặt một thế giới hỗn loạn hơn". Không lẽ chính phủ Biden không biết một thế giới bất ổn là mục tiêu mà một nước ba trợn như TC luôn muốn có để đục nước béo cò, để phá vỡ trật tự của Mỹ hòng xoán ngôi bá chủ ? Lý do TC "đánh" phủ đầu Mỹ: - Dồn chính phủ Mỹ vào thế bị động, tạo áp lực tâm lý cho những lần gặp sau. Lần đầu Mỹ bị lép vế lần sau có thể chạy mặt, thiếu tự tin, TC dễ áp đảo. - Thỏa ấm ức bốn năm bị chính phủ của Ông Trump cho lên bờ xuống ruộng, chạy mặt không đối phó nỗi, lép vế cam chịu... Nay TC trút hết ấm ức ấy lên chính phủ Biden vốn đã bị TC coi thường từ thời Biden làm phó tổng thống cho Obama. TC biết rõ hơn ai việc làm ăn mờ ám của gia đình Biden ở TC và việc Biden đắc cử tổng thống Mỹ bằng cách nào, nên mới dám cao ngạo phách lối. - Lên dây cót cho nhân dân TC, bù lại bốn năm tức tối bị lép vế trước chính phủ Trump. - Nhắn gửi các nước khác chống mắt xem TC coi Mỹ có kilogram nào không? Đừng có lộn xộn với TC. Mọi người đều biết không còn Ông Trump TC chẳng ngán chính phủ Biden, biết vậy song không thể không sững sờ khi thấy họ Dương hiên ngang tạt nước lạnh vào phái đoàn ngoại giao của chính phủ Mỹ ngay trên đất Mỹ. Nhưng nếu tinh tế một chút sẽ biết vì sao... Vì ngay cả tổng thống Obama còn bị TC làm nhục, thì ông phó tổng thống của Obama ngày ấy bây giờ thành tổng thống Mỹ chẳng nghĩa lý gì với TC, nhất là khi thấy cảnh Biden nhớ trước quên sau, ăn nói lấp ba lấp bấp lẹo trước liệu sau, đi té lên té xuống, thì Dương Khiết Trì không phải không có lý khi nói "Mỹ không đủ tư cách nói chuyện với TC". Đúng là "khôn ngoan đối đáp người ngoài", kém cỏi thì phải "khôn nhà dại chợ" thôi. Dẫu bộ trưởng ngoại giao Blinken áp dụng hầu hết chính sách đối ngoại với TC của chính phủ Trump, chỉ khác một điểm căn bản là Ông Trump chủ trương xử lý các mối quan hệ với TC (và các nước khác) trên cơ sở song phương, còn Biden và đảng dân chủ chủ trương liên kết đồng minh đối phó với TC. Chính điểm khác biệt này thể hiện đẳng cấp của Trump, sự yếu kém của Biden và đảng dân chủ Mỹ, cũng là điểm mấu chốt khiến TC coi thường Mỹ. Bởi TC giàu mạnh như hôm nay là nhờ hợp tác chặt chẽ với các nước và các định chế đa phương, là một thành viên nặng cân và quỷ quyệt trong các định chế đa phương chằn chịt, chồng chéo ấy, có thừa mưu mẹo và ảnh hưởng để vô hiệu hóa các vòng vây liên minh của Mỹ, thì việc gì TC phái e sợ Mỹ ? Dẫu theo lý thuyết, Mỹ liên kết nhiều đồng minh sẽ tăng thêm sức mạnh chống TC. Nhưng trên thực tế không hẳn vậy. TC không phải là nền kinh tế và chính trị biệt lập như Liên Xô để Mỹ dễ dàng liên kết đồng minh chống lại... TC có mối quan hệ lợi ích song phương, đa phương và đa chiều với tất cả những nước đồng minh của Mỹ, nên việc Mỹ vận động liên kết đồng minh chống TC sẽ không đi đến đâu, các đồng minh của Mỹ cũng chỉ về hùa với Mỹ trong những chuyện vô thưởng vô phạt, những phát ngôn theo kiểu nhăng cuội cho đẹp lòng Mỹ, còn những chuyện hệ trọng phải chọn bên, đứng về phía Mỹ hay phía TC, thì chẳng đồng minh nào ngu ngốc chọn bên, họ chỉ ỡm ờ để hưởng lợi cả hai bên. Các nước đồng minh Châu Âu của Mỹ đang sử dụng chính sách quan hệ nước đôi giữa Mỹ và TC để hưởng lợi kép, là một trong những ví dụ. Cho nên, chủ trương liên kết đồng minh chống TC của chính phủ Biden và đảng dân chủ Mỹ vô hình chung giúp TC mạnh thêm, như Tào Tháo bị Mạnh Hoạnh đánh không còn manh giáp, chỉ ngồi chờ chết, bỗng vui mừng khi nghe tin Mạnh Hoạch huy động gần chục nước đồng minh kéo đến hợp lực tiêu diệt Tào Tháo. Tào Tháo chết đuối gặp phao, dùng quỷ kế thao túng các nước đồng minh của Mạnh Hoạch khiến các nước ấy vì lợi ích kèn cựa lẫn nhau làm suy yếu liên minh, gián tiếp giúp Tào Tháo chiến thắng. TC là bậc thầy đi đêm, thường giải quyết mọi chuyện "tế nhị" dưới gầm bàn, khả năng lo lót, mua chuộc, thao túng các nước của TC không hề kém Tào Tháo ngày xưa. Đó là lý do Ông Trump không liên kết đồng minh chống TC, vì vừa tốn kém, vừa mất thời gian, vừa phải nhượng bộ lợi ích cho đồng minh... Mà chẳng được tích sự gì. Mỹ mạnh hơn TC, mạnh vượt trội, mạnh toàn diện, thì việc gì không đơn phương trị TC mà phải liên kết đồng minh phức tạp? Ông Trump đã chứng minh điều đó bằng sự lép vế toàn diện của TC trước những "miếng đánh" song phương của ông. Nhờ đó Ông Trump đã làm TC lên bờ xuống ruộng trong vỏn vẹn 4 năm chấp chính. Thời Ông Trump, TC bị Mỹ làm tình làm tội thở không ra hơi, còn hơi sức đâu mà lớn lối lên lớp Mỹ ngay trên đất Mỹ như hiện nay./.  
......

Đụng độ ngoại giao tại hội nghị cấp cao Mỹ-Trung ở Alaska

Hoa Kỳ - VOA| Cuộc họp Mỹ-Trung cấp cao đầu tiên của chính phủ Biden đã có một khởi đầu nảy lửa hôm thứ Năm 18/3, trong bối cảnh hai bên công khai chỉ trích các chính sách của nhau, một cảnh tượng mà hãng tin Reuters cho là hiếm thấy, thể hiện mức độ căng thẳng trong mối quan hệ song phương. Thời gian dẫn tới cuộc hội đàm tại thành phố Anchorage, bang Alaska diễn ra tiếp theo sau chuyến đi của các quan chức Mỹ tới thăm các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, được đánh dấu bằng một loạt động thái của Washington cho thấy lập trường cứng rắn của Mỹ, và những lời lẽ gay gắt của Bắc Kinh. “Chúng tôi sẽ bàn về những quan ngại sâu sắc của chúng tôi về những hành động của Trung Quốc, kể cả ở Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng nhắm vào Hoa Kỳ, hành động cưỡng ép kinh tế đối với các đồng minh của chúng tôi,” Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các đồng cấp Trung Quốc. Ông Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, đã đáp lại bằng một bài diễn văn dài 15 phút, công kích “nền dân chủ đang chật vật phấn đấu” của Mỹ, cách đối xử tồi tệ với các nhóm thiểu số, đồng thời chỉ trích chính sách ngoại giao và chính sách thương mại của Mỹ. “Hoa Kỳ đã dùng sức mạnh quân sự và tài chính của mình làm cánh tay dài để phán xét và đàn áp các nước khác,” ông Dương nói thêm rằng Hoa Kỳ lạm dụng cái gọi là “khái niệm an ninh quốc gia để cản trở các giao dịch thương mại bình thường, và kích động một số nước tấn công Trung Quốc.” Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc là “nặng phần trình diễn” trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc quy lỗi cho các quan chức Mỹ là “nói dông dài và không mến khách.” Cả hai bên tố nhau là “vi phạm quy tắc ngoại giao” khi nói quá dông dài trong phần phát biểu khai mạc trước truyền thông quốc tế. Tuy vậy hai bên mở một phiên họp khác vào chiều tối thứ Năm, một quan chức cấp cao của chính phủ Biden mô tả buổi họp đầu tiên này là “có nội dung, nghiêm túc, và thẳng thắn.” Quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi đã dùng buổi họp này như đã hoạch định, để phác họa những lợi ích và ưu tiên của chúng tôi, và lắng nghe các vị đồng cấp của chúng tôi trình bày những ưu tiên và lợi ích của họ.” Quan chức này cho biết là một buổi họp thứ 3 đã được lên kế hoạch cho sáng thứ Sáu 19/3. Trong khi về phần lớn chính phủ Biden chưa hoàn tất đường hướng chính sách đối với Trung Quốc, kể cả giải quyết như thế nào vấn đề áp thuế lên các sản phẩm Trung Quốc mà chính phủ Trump đã thực thi, chính phủ Biden cho tới nay nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị dân chủ, và những hành động vi phạm nhân quyền mà Trung Quốc bị cáo buộc. Trung Quốc mạnh mẽ chống đối việc Mỹ can thiệp vào “các vấn đề nội bộ” của họ, như vấn đề Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ trông đợi Hoa Kỳ sẽ cho họ biết những gì xảy ra tại các cuộc hội đàm. Những điểm bất đồng Washington nói chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Blinken trước cuộc đối thoại ở Alaska, cũng như việc Mỹ tham khảo với EU, Ấn Độ và các đối tác khác, cho thấy Hoa Kỳ đã củng cố được vị thế để trực diện với Trung Quốc từ khi ông Biden lên nhậm chức vào tháng 1 năm 2021. Nhưng cả hai bên dường như vẫn bất đồng ý kiến về rất nhiều khía cạnh của cuộc hội đàm. Hai bên không đồng thuận với nhau ngay cả về tính chất cuộc gặp gỡ. Trung Quốc nhấn mạnh đây là một cuộc “đối thoại chiến lược,” dựa trên các cơ chế song phương trong quá khứ, trong khi phía Hoa Kỳ bác bỏ quan điểm đó, nói rằng đây chỉ là một lần họp duy nhất để thảo luận các vấn đề. Tại các cuộc thảo luận hôm thứ Năm, Ủy viên Quốc vụ viện và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chất vấn ông Blinken về liệu việc Mỹ loan báo các biện pháp chế tài trước cuộc gặp gỡ, có là hành động cố ý? Washington từng nói rằng họ sẵn sàng làm việc với Trung Quốc khi nào làm như vậy phù hợp với các lợi ích của Mỹ, chẳng hạn chính sách về biến đổi khí hậu, hay ứng phó với đại dịch, chẳng hạn. ông Blinken nói Washington hy vọng thấy Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về các vấn đề Á Châu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – CSIS, nói những tuyên bố cứng rắn của cả hai bên trong thời gian dẫn tới cuộc họp tạo ra một rủi ro khiến cuộc hội đàm trở thành một cuộc đốp chát trong đó hai bên tố cáo lẫn nhau, và đưa ra những đòi hỏi của mình. Bà Glaser nói: “Cả hai, không có bên nào hưởng lợi nếu cuộc hội đàm là một thất bại.”    
......

Đại sứ EU đồng ý các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

JACOPO BARIGAZZI – (VNTB) – Đây là một phần của gói trừng phạt mới cũng sẽ áp dụng trừng phạt Nga vì các cáo buộc lạm dụng quyền của người đồng tính Các đại sứ EU hôm thứ Tư đã đồng ý với một gói trừng phạt mới đối với bốn cá nhân và một thực thể Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thiểu số, theo nhiều nhà ngoại giao. Các hình phạt này là một phần của gói trừng phạt mới sẽ trừng phạt một số quốc gia vì vi phạm nhân quyền. Danh sách tổng thể bao gồm 11 cá nhân và bốn thực thể ở sáu quốc gia. Trong số những người phải đối mặt với các hình phạt có hai cá nhân Nga liên quan đến các vi phạm quyền của người đồng tính ở Chechnya, theo một trong các nhà ngoại giao. Các lệnh trừng phạt khác sẽ đánh vào các cá nhân và thực thể ở Eritrea, Libya, Triều Tiên và Nam Sudan. Các biện pháp trừng phạt như đóng băng tài sản và cấm đi lại, đang được thực hiện theo một khuôn khổ mới được giới thiệu vào tháng 12 năm ngoái, được gọi là “Đạo luật Magnitsky của Liên minh Châu Âu.” Đạo luật dự kiến sẽ được chính thức thông qua tại cuộc họp của ngoại trưởng EU vào thứ Hai. Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc liên quan đến việc chính phủ Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực phía tây Tân Cương. Các nhà hoạt động và Các chuyên gia nhân quyền của LHQ nói ít nhất 1.000.000 người Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại trong khu vực. Các nhà hoạt động này và một số chính trị gia phương Tây đã cáo buộc các quan chức Trung Quốc trong khu vực tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản cưỡng . Hoa Kỳ đã gắn nhãn “diệt chủng” cho tình trạng này và nghị viện Hà Lan cũng có động thái tương tự sau đó. Trung Quốc liên tục bác bỏ cáo buộc, đồng thời cho biết nước này đang nỗ lực chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Đại sứ Trung Quốc tại EU, Zhang Ming, nói hôm thứ Ba rằng “các trung tâm cải tạo” của đất nước ông dành cho người Hồi giáo ở Tân Cương “không hoàn toàn khác” so với những trung tâm ở Anh, Pháp và Mỹ. cảnh báo rằng “các biện pháp trừng phạt dựa trên sự dối trá có thể được hiểu là một cuộc tấn công có chủ ý vào an ninh và sự phát triển của Trung Quốc”. Một bài xã luận trên tờ China Daily cho rằng “Các biện pháp trừng phạt thể hiện sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đó là điều mà Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận” Các hình phạt sẽ áp dụng cùng với các lệnh trừng phạt khác của EU nhắm vào Trung Quốc. EU đã trừng phạt Trung Quốc vào năm ngoái vì các hoạt động không gian mạng, trừng phạt một công ty Trung Quốc và hai cá nhân Trung Quốc bị cáo buộc đã hỗ trợ một cuộc tấn công mạng, được đặt tên là Chiến dịch Cloud Hopper nhằm lấy cắp dữ liệu thương mại nhạy cảm từ các công ty trên toàn thế giới. Các hình phạt nằm trong một gói các biện pháp trừng phạt cũng ảnh hưởng đến Nga và Triều Tiên về các cuộc tấn công mạng bị cáo buộc. Nhưng các biện pháp trừng phạt mới này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi EU thông qua một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, một thỏa thuận đã mất hơn bảy năm đàm phán và vẫn được phê chuẩn. Bắc Kinh đang bị cáo buộc nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trong đó có đàn áp nền dân chủ ở Hồng Kông. Bắc Kinh đã thiết lập một luật mới làm suy yếu hệ thống dân chủ của Hồng Kông và rời khỏi nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” mà nước này đã đồng ý vào năm 1997, khi Anh trao lại quyền kiểm soát lãnh thổ cho Trung Quốc. Mùa hè năm ngoái, EU đã thông qua một số hình phạt nhẹ đối với Trung Quốc, vì các thỏa thuận dẫn độ, và  đàn áp ở Hồng Kông. Và trong một tuyên bố vào tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, nhấn mạnh rằng EU “sẽ xem xét thực hiện các bước bổ sung. Tuy nhiên, không rõ những bước đó có thể là gì. Một số nhà ngoại giao không muốn loại trừ các biện pháp trừng phạt khác, nhưng những người khác nhấn mạnh rằng EU trước tiên phải “điều chỉnh” mối quan hệ của mình với Trung Quốc, tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa các biện pháp trừng phạt và đầu tư.. Nguồn: Politico  
......

Có phải một “Mùa Xuân Đông Á” đang diễn ra?

Tagesspiegel| Tác giả:Nina Breher và Maria Kotsev Hiếu Bá Linh, chuyển ngữ Các cuộc biểu tình ở Myanmar học hỏi từ phong trào dân chủ ở Hồng Kông như thế nào? Sau cuộc đảo chính ở Myanmar, người dân đang tạo ra tiếng nói của mình một cách sáng tạo. Nhưng chính quyền phản ứng bằng sự tàn bạo – trên đường phố cũng như trên mạng internet. Một khoảnh khắc trước khi chết, cô Kyal Sin, 19 tuổi, đang cúi rạp người ẩn nấp trên mặt đường. “Chúng ta sẽ không bỏ chạy“, cô ấy hô lên trong một video đang lan truyền trên mạng xã hội. “Không để máu của người dân chúng ta nhỏ xuống đất“. Cô Kyal Sin nấp dưới đất. Cùng ngày, cô bị quân đội Myanmar bắn chết. Ảnh: Reuters/ Stringer Một lúc sau, chính là máu của cô ấy đang nhỏ xuống các đường phố của Mandalay. Một viên đạn của quân lính đã găm vào đầu Kyal Sin vào ngày 3 tháng Ba. Trên áo phông của cô ấy có hàng chữ “Everything will be OK” – “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”. Cuộc đảo chính cách đây một tháng rưỡi mà quân đội thực hiện vào lúc nửa đêm, bắt giữ các chính trị gia đương nhiệm, phế truất bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước và như thế coi như nắm quyền. Đó là điều không mấy “tốt“: Kể từ đó, đất nước này ở trong tình trạng khẩn cấp. Các cuộc biểu tình và đình công ủng hộ dân chủ đang tiếp tục diễn ra kể từ ngày 1 tháng 2, cũng như bạo lực mà quân đội đã đối phó với họ. Theo tổ chức giúp đỡ tù nhân chính trị, cho đến nay đã có 126 người chết và ít nhất 1.800 người bị bắt giam. Quân đội phong tỏa các khu vực lân cận và bắn đạn thật. Ở một số khu vực của đất nước, vài ngày sau khi tiếp quản, chính quyền quân sự đã áp đặt thiết quân luật. Vào tối Chủ nhật 13/3, có thêm hai quận của thành phố lớn nhất Yangon bị áp đặt thiết quân luật. Cuộc biểu tình đầy màu sắc: Chặn đường phố bằng quần áo phụ nữ Người dân phản ứng lại sự tàn bạo của chính quyền quân sự bằng sự phản đối kiên quyết và đôi khi là những phương cách sáng tạo. Cô gái bị sát hại với chiếc áo “Mọi thứ rồi sẽ ổn” đã trở thành một nhân vật biểu tượng: Các bức tranh, hình ảnh và video về cô ấy được lan truyền trên mạng xã hội và hàng ngàn nhà hoạt động đã đến dự đám tang của cô. Trên đường phố, cuộc biểu tình – dù bị đáp trả tàn bạo đến đâu – cũng đầy sáng tạo và nhiều màu sắc. Để ngăn cảnh sát vượt qua rào chắn của những người biểu tình, họ treo quần áo truyền thống của phụ nữ trên dây phơi, trên những con phố bị chặn. Theo mê tín của nước này, bất cứ ai đi dưới nó sẽ bị xui xẻo. Jason Franz làm việc tại Viện Nghiên cứu Xung đột Quốc tế Heidelberg – Đức, quan sát các cuộc biểu tình ở Miến Điện. Ông nhìn thấy một “phong trào phản đối rộng rãi bao gồm nhiều tầng lớp và ngành nghề khác nhau“. Giáo viên, nhân viên bệnh viện và phần lớn công chức đã tham gia đình công, các khu dân cư và cộng đồng dựa trên tinh thần đoàn kết cho đến nay đã tranh thủ sự bãi bỏ cơ cấu nhà nước để thành lập các tổ chức của riêng họ thay thế một số Hội đồng địa phương do chính quyền quân sự dựng lên. Theo tường thuật, các công chức hành chánh địa phương và cảnh sát đã đào ngũ, chạy sang hàng ngũ những người biểu tình và chống lại chính quyền quân sự. Franz cho biết, những người biểu tình nhận được sự ủng hộ to lớn của dân chúng. Niềm hy vọng lớn nhất của họ trước sức mạnh áp đảo của nhà nước: “Làm cho lực lượng an ninh đào ngũ”. Tuy nhiên theo tường thuật, cho đến nay chỉ mới có một phần của cảnh sát chạy sang hàng ngũ người biểu tình. Sự tương đồng với Hồng Kông và Thái Lan Nhiều thứ có thể nhìn thấy, gợi nhớ đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và phong trào dân chủ trẻ trung ở Thái Lan, xuống đường chống lại sự kiểm soát giới đối lập: Các hình thức phản đối như Flashmob [huy động chớp nhoáng để tụ hợp một đám đông nơi công cộng], các cuộc tụ họp tự phát được tổ chức phi tập trung, nhưng cũng có những biểu tượng chẳng hạn như những chiếc ô (dù) đều thấy ở tất cả ba nước. Mũ bảo hiểm màu vàng và kính trượt tuyết chống hơi cay cũng là một phần trong những “tiết mục” biểu tình của các nhà hoạt động từ Đặc khu hành chính Hồng Kông. Người biểu tình lập rào chắn đường phố ở Causeway Bay, Hồng Kông vào ngày 11 tháng 11 năm 2019. Ảnh: REUTERS / Thomas Peter Sự tương đồng giữa phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông và các cuộc biểu tình ở Myanmar không phải ngẫu nhiên. “Những cuốn sách hướng dẫn về biểu tình ở Hồng Kông đang được lưu hành bằng tiếng Miến Điện“, nhà nghiên cứu xung đột Franz cho biết. Và chào ba ngón tay từ Thái Lan đã được những người biểu tình tại Myanmar áp dụng từ lâu – một cử chỉ đưa ba ngón tay lên trời mà những người biểu tình Thái Lan thích làm trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Nguyên thủy nó xuất phát từ bộ phim “The Hunger Games“. Cuối tháng 2 vừa qua, chào bằng ba ngón tay thậm chí đã lọt vào Đại hội đồng LHQ: Đại diện Myanmar kết thúc bài phát biểu của mình với ba ngón tay giơ cao.   Có phải một “Mùa Xuân Đông Á” đang diễn ra? Hồng Kông, Thái Lan và bây giờ là Myanmar: Các cuộc biểu tình đang gia tăng ở Đông Á, một số người thậm chí còn nói về một “Mùa Xuân Đông Á”, ít nhất là hashtag #EastAsianSpring đang lan truyền trên mạng xã hội. Tại thời điểm này, nó có thể là một biểu hiện của hy vọng. [Hashtag là một từ hoặc một chuỗi các kí tự viết liền nhau được bắt đầu bằng dấu thăng (#) để kết nối được với nhiều người hơn trên mạng xã hội]. Tuy nhiên, thời gian gần nhau của các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Philippines và bây giờ là ở Myanmar không phải là ngẫu nhiên. “Làn sóng phản đối này cũng có thể được hiểu là một phản ứng đối với làn sóng chuyên quyền hóa [phản nghĩa của dân chủ hóa] trước đây trong khu vực”, Franz nói. Liên minh trà sữa có chiều kích xuyên quốc gia. Ảnh chụp màn hình Twitter Chuyên gia này giải thích rằng, các chế độ hành động “trong nhiều trường hợp theo cùng một khuôn mẫu chuyên quyền“. Về phía những người nắm quyền, “tha hóa ở cấp cao nhất được thực hiện một cách trơ trẽn và vô tâm ngày càng tăng” đã xuất hiện trong những năm gần đây, đồng thời xung đột kinh tế – xã hội ở các nước ngày càng trầm trọng. Những cuộc biểu tình cũng có chiều kích xuyên quốc gia. Ví dụ, gần đây, công nhân nhập cư Myanmar đã biểu tình cùng với người biểu tình Thái Lan trước đại sứ quán Myanmar ở Bangkok. “Những người biểu tình ở Myanmar phải cẩn thận hơn” Mặc dù có sự trùng khớp, sự bắt chước và thể hiện sự đoàn kết, nhưng cũng có những điểm khác biệt. Franz giải thích, một mặt, phong trào ở Myanmar rộng lớn hơn Hồng Kông chẳng hạn, phong trào ở Hồng Kông chủ yếu do sinh viên thúc đẩy. Mặt khác, “những người biểu tình ở Hồng Kông nói chung có thể dựa vào việc đối thủ của họ không bắn đạn thật“. Đó không phải là trường hợp ở Myanmar, rốt cuộc chính quyền quân sự đã sử dụng bạo lực chết người đối với các nhà hoạt động kể từ đầu tháng Ba. “Những người biểu tình ở Myanmar phải cẩn thận hơn“. Bởi vậy phong trào dân chủ ở Myanmar đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và gần đây là Twitter, cũng như các dịch vụ nhắn tin như Whatsapp và Signal, để thu hút sự chú ý của quốc tế. Những người biểu tình tải lên trên các nền tảng hình ảnh bạo lực của cảnh sát và các vụ bắt giữ dã man: Trên một đoạn video, một nữ tu quỳ xuống trước các sĩ quan cảnh sát có vũ trang, yêu cầu họ tha cho những nhà hoạt động mà cô ấy muốn bảo vệ, đề nghị các sĩ quan cảnh sát bắn cô ta thay vì những người trẻ tuổi. Hai trong số các nhân viên cảnh sát sau đó quỳ xuống trước mặt cô ấy. “Tôi đã tuyệt vọng“, một người sau đó nói với kênh tin tức BBC của Anh. Xem video clip tại đây: https://twitter.com/Reuters/status/1369251619578200070?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1369251619578200070%7Ctwgr%5E%7Ctwcon%5Es1_&ref_url=https%3A%2F%2Fwww.tagesspiegel.de%2Fpolitik%2Ffindet-gerade-ein-ostasiatischer-fruehling-statt-myanmar-lernt-von-der-demokratiebewegung-in-hongkong%2F27004422.html Mặc dù vậy, một thời gian ngắn sau đó, cảnh sát vẫn nổ súng và một người biểu tình trẻ tuổi đã bị bắn chết. Các clip như thế này hoặc những cảnh vỗ tay phản đối, chẳng hạn như trong một xưởng may ở thành phố Yangon, đã lan truyền nhanh chóng qua Twitter. Chiến lược này đã phát huy tác dụng: Ngay sau khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào đầu tháng 2, các nhà hoạt động mạng từ Hồng Kông đã thể hiện sự đoàn kết của họ với phong trào ở Myanmar qua hashtag “#MilkTeaAlliance” (Liên minh trà sữa). Nó thật sự bắt nguồn từ mùa xuân năm 2020, để đối phó với số lượng ngày càng tăng nhanh chóng của những kẻ troll (kẻ thích chơi khăm, khiêu khích) trên mạng internet Trung Quốc, và đã phát triển thành một phong trào phản đối trực tuyến toàn châu Á, vượt qua biên giới Hồng Kông, Thái Lan và Đài Loan. Điểm chung của cả ba quốc gia này là niềm đam mê trà xanh với sữa – hay ở Đức còn gọi là trà sữa trân châu. Giờ đây, cộng đồng biểu tình trực tuyến ở Myanmar cũng đã được chấp nhận vào liên minh này. Kiểm duyệt và đàn áp: Cách quân đội chặn Internet Nhà nghiên cứu xung đột Franz cho biết, hành động đoàn kết xuyên quốc gia cũng chỉ có ý nghĩa biểu tượng – không nên đánh giá quá cao nó. Liên minh trà sữa “chủ yếu là một liên kết trực tuyến“. Theo Franz, các cuộc đình công trên diện rộng, kéo dài ở Myanmar có tính chất quyết định hơn nhiều so với các cuộc biểu tình, ngay cả khi nó bị coi như “thụ động” nên ít thu hút sự chú ý của báo chí truyền thông. Internet không phải là cơ sở để tổ chức biểu tình ở Myanmar như ở Hồng Kông, nơi Internet hầu như không thể nào bị tắt. Ngược lại, ở Myanmar, nhà cầm quyền có thể dễ dàng tắt nó đi. Việc tắt Internet đã xảy ra vào đêm đảo chính. Kể từ giữa tháng Hai cho đến nay, chính quyền đã làm gián đoạn kết nối Internet của đất nước này trong 28 đêm liên tiếp. Việc này được thể hiện qua dữ liệu từ hai cơ quan giám sát Internet “Netblocks” và “Open Observatory of Network Interference” (OONI). Ở Hồng Kông, việc này đơn giản không thể thực hiện được. Nếu chính phủ ở đó kiểm duyệt Internet trên quy mô lớn, thì vai trò của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế và địa điểm công nghệ sẽ bị đe dọa. Trái lại, ngay sau cuộc đảo chính, chính quyền quân sự Myanmar đã tạo cơ sở kỹ thuật và pháp lý cho việc kiểm duyệt Internet: Họ yêu cầu các nhà cung cấp Internet ở Myanmar chặn Facebook, Twitter và Instagram. Và họ đã tuân theo – điều này đã khiến các nhà hoạt động phải di chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác kể từ đó. [Viettel, Tập đoàn Công nghệ – Viễn thông Quân đội Việt Nam, là một nhà cung cấp Internet ở Myanmar]. Nhưng các trang mạng dường như không bị chặn hoàn toàn, như dữ liệu OONI cho thấy. Vào một số ngày – chẳng hạn như ngày 24 và 25 tháng 2 – các dịch vụ Whatsapp và Facebook đã có thể sử dụng một phần. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và nhiều trang tin tức cũng bị ảnh hưởng bởi việc chặn. Phổ biến “tin giả” trở thành tội hình sự Ngoài ra, hai tuần sau khi lên nắm quyền, giới lãnh đạo đã mở rộng “Luật Giao dịch điện tử” của Myanmar và việc phổ biến “tin giả” trên mạng Internet trở thành tội hình sự. Có thể bị kết án lên đến ba năm tù giam. Việc trấn áp các cuộc biểu tình và ý kiến trái chiều bằng cách này không phải là mới trên thế giới: Kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình lớn ở Nga vào năm 2012, Tổng thống Vladimir Putin đã ngày càng hạn chế quyền tự do ngôn luận trên Internet bằng một loạt những luật lệ. Tổng thống Ai Cập Abd al-Fattah al-Sissi đã thông qua một đạo luật tương tự như ở Myanmar vào năm 2018. Thổ Nhĩ Kỳ mới thắt chặt kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội vào mùa hè năm 2020. Zayar Hlaing, tổng biên tập của tạp chí điều tra độc lập đầu tiên ở Myanmar, “Mawkun“, cho biết: “Chúng ta đang quay trở lại thời kỳ đen tối“. Bởi vì từ nay, đâu là thông tin sai sự thật và đâu là sự thật là tùy theo cách giải thích của chế độ. Điều quan trọng hơn hết đối với sự thành công của phong trào dân chủ Myanmar là cuộc phản kháng được “nối mạng” không phải chủ yếu bằng Internet mà bằng con người với nhau trong từng khu dân cư. “Dân chúng hỗ trợ lẫn nhau, hàng xóm ngăn chặn các cuộc bắt giữ, họ tự tổ chức với nhau – Thật là ấn tượng“, nhà nghiên cứu về xung đột Franz giải thích. “Sự bất tuân dân sự trên diện rộng của người dân sau cuộc đảo chính là nguyên nhân tạo ra hy vọng mới cho quá trình dân chủ hóa Myanmar – bất chấp những vấn đề to lớn còn phải vượt qua, kể cả khi nhìn về các cuộc xung đột sắc dân thiểu số trong nước”. Dân chủ hóa đang diễn ra “từ bên dưới và không còn từ bên trên, dưới sự giám hộ của quân đội”. Nhưng kinh nghiệm cho thấy: Cũng như nhiều phong trào biểu tình đòi dân chủ khác trên thế giới, phong trào có thể bị đàn áp đến mức không còn đáng kể. Liệu rằng “mọi thứ rồi sẽ ổn” hay không, vẫn còn phải chờ xem./.  
......

Bao giờ “vạc dầu Biển Đông” bùng cháy?

Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh (trong ảnh) sẽ tham gia vào chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông từ tháng Năm năm nay. Sự góp mặt của lực lượng hải quân Anh ở vùng Biển Đông sẽ gia tăng đáng kể áp lực đối với Bắc Kinh. Ảnh: Naval News Tân Phong – Việt Tân| “Igitur qui desiderat pacem, praeparet bellum – Nếu bạn muốn Hòa Bình thì hãy chuẩn bị Chiến Tranh.” – Publius Flavius Vegetius Renatus Những “kỳ thủ” mới trên bàn cờ địa chính trị quân sự Biển Đông Sự xuất hiện những “kỳ thủ” mới trên bàn cờ địa chính trị quân sự ở Biển Đông khiến cho vùng biển đang chực chờ những cơn bão lớn thêm phần căng thẳng, náo động. Ba nước Đức, Anh, Pháp đã tham gia cuộc chơi và gửi đến đây những chiến hạm mang biểu tượng sức mạnh quân sự lớn nhất của mình. Hàng không mẫu hạm đắt đỏ của người Anh HMS Queen Elizabeth được hộ tống bởi nhóm tàu gồm khu trục hạm Type 45 và hộ tống hạm Type 23, một tàu ngầm hạt nhân và tàu tiếp liệu lớp Tide, tàu hậu cần RFA Fort Victoria đã có mặt ở Thái Bình Dương. HMS Queen Elizabeth sẽ tham gia vào chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông từ tháng Năm năm nay. Nhóm tàu tác chiến hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth. Trong quá khứ người Anh vốn dĩ không có duyên nợ với Biển Đông; nhưng vương quốc “mặt trời không bao giờ lặn” lại có “những đứa con ngoài giá thú” trong lịch sử thuộc địa của mình ở Châu Á như Hong Kong và Myanmar. Nước Anh có những ràng buộc và cả lợi ích hiện tại lẫn tương lai lâu dài ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Với tư cách là cựu đế quốc hùng mạnh và hiển nhiên vẫn là sức mạnh hải quân đáng gườm nhất ở Châu Âu. Việc “vuốt mặt không nể mũi” của Trung Quốc khi xé bỏ thỏa ước Trung – Anh trong vấn đề Hong Kong, cũng như hậu thuẫn đảo chính quân sự ở Myanmar,… khiến “sư tử Anh” khó lòng nuốt nhục làm ngơ. Là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ trong hầu hết các chính sách liên quan đến việc duy trì sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của hai cường quốc, Anh sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh suốt 300 năm qua. Chính nhờ sức mạnh về hải quân vượt trội, nước Anh đã từng là cường quốc biển số 1 và những lý thuyết địa chính trị quân sự của Alfred Thayer Mahan từ hơn 100 năm trước vẫn đang là sách gối đầu giường cho các tướng lĩnh hải quân Trung Quốc. Sự góp mặt của lực lượng hải quân Anh ở vùng Biển Đông sẽ gia tăng đáng kể áp lực đối với Bắc Kinh. Người Pháp đang trở lại Đông Nam Á sau 7 thập kỷ lu mờ ở Châu Á dù vẫn còn những vùng lãnh thổ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Macron – vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử đương đại của nước Pháp – đã khẳng định được tài trí tuyệt vời của mình vượt qua những biến động bất ổn chính trị và xã hội trong nước ở nhiệm kỳ đầu tiên đầy sóng gió và đang hướng đến việc tái lập lại tầm vóc toàn cầu cho xứ Gaulois. Tham vọng đó đang được giới tinh hoa dõi theo những động thái của người được kỳ vọng là một Napoléon mới. Pháp đã “góp vui” cùng với “Bộ Tứ Kim Cương” những chiến hạm hiện đại và mạnh mẽ. Tàu sân bay trực thăng Tonnerre và hộ vệ hạm Surcouf sẽ cùng tham gia diễn tập quân sự bên cạnh lực lượng của Mỹ – Úc – Nhật Bản và Ấn Độ. Trước đó, tàu ngầm hạt nhân tấn công SNA Emeraude tới Biển Đông đầu tháng Hai năm nay. Tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude của Pháp đến Biển Đông, tháng 2/2021. Trong số những “kỳ thủ” đến từ Châu Âu thì Đức là nhân tố mới và “lạ” nhất. Đức không có thuộc địa ở Châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Là quốc gia từng bị ám ảnh bởi các học thuyết của Mackinder, Karl Haushofer, người Đức chưa bao giờ quan tâm tới Đông Nam Á. Đồng thời, có thể nói Đức là đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc ở Châu Âu. Các tập đoàn công nghệ của Đức được săn đón, rải thảm đỏ để đầu tư vào Trung Quốc. Trong 3 nhiệm kỳ của mình, Thủ Tướng Angela Merkel đã đưa nước Đức trở thành thế lực kinh tế trụ cột, khuynh loát ở Châu Âu già cỗi bằng chính sách kinh tế – ngoại giao mềm dẻo nhưng cũng đầy thủ đoạn thao túng. Mối quan hệ của Đức – Trung một thời gian dài dưới triều đại Merkel vẫn luôn là “tuần trăng mật.” Nhưng quan điểm địa chính trị của nước Đức thì không như Bắc Kinh mong muốn. Còn nhớ, năm 2014, Merkel đã tặng cho Tập Cận Bình bức bản đồ cổ “Trung Hoa đích thực” được vẽ bởi nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville và một nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735. Trong tấm bản đồ đó, không những “Trung Hoa đích thực” không có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà cũng không có cả Tân Cương, Mãn Châu, Hải Nam, Đài Loan. Đó là thông điệp ẩn ý của người Đức trước những yêu sách ngang ngược về lãnh thổ của Trung Quốc khi đưa ra bản đồ “lưỡi bò.”  Đức cũng không muốn Trung Quốc vươn ảnh hưởng thao túng tới Châu Âu thông qua “nhất đới, nhất lộ,” xâm nhập, phá hoại khối Liên Minh Châu Âu bằng những “con ngựa thành Troy” như Hy Lạp, Rumani, Hungary. Tấm bản đồ cổ “Trung Hoa đích thực” không bao gồm các vùng lãnh thổ Tân Cương, Mãn Thanh, Đài Loan và Hoàng – Trường Sa mà Thủ Tướng Đức Merkel tặng Tập Cận Bình năm 2014. Là cựu thành viên của Phong Trào Thanh Niên Tự Do Đức (Đông Đức), Angela Merkel chắc hẳn hiểu rõ thuật “vừa đánh vừa đàm” của Mao Trạch Đông, những thủ đoạn thâm độc và tham vọng của Trung Quốc. Nhưng việc lợi dụng được nhau tới lúc nào thì vẫn lợi dụng. Người phụ nữ sánh ngang với chính trị gia huyền thoại Margaret Thatcher này đã làm cho nước Đức hồi sinh mạnh mẽ, trở lại vị thế số 1 ở Châu Âu, gần như không còn bị ràng buộc bởi những chính sách hạn chế phát triển lực lượng quân sự sau Thế Chiến 2 và đang khẳng định vai trò quốc tế, tham gia vào các hoạt động duy trì hòa bình và trật tự thế giới. Đức sẽ không đóng vai trò nào trực tiếp trong cuộc đối đầu quân sự ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhưng sức mạnh tình báo, kinh tế và công nghệ quân sự của người Đức là vô cùng đáng gườm. Việc Đức cử chiến hạm đến Biển Đông là một thông điệp chung bảo vệ về tự do hàng hải, không mất lòng Hoa Kỳ và đồng minh trong khối Nato nhưng sẽ tiếp tục duy trì đường lối ngoại giao mềm mỏng để vẫn làm ăn với Trung Quốc. Bao giờ “vạc dầu Biển Đông” bùng cháy? Có vẻ như dưới thời kỳ mới của chính quyền Tổng Thống Joe Biden, chiến lược chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có được sự ủng hộ đông đảo của những cường quốc Châu Âu. Sự góp mặt các lực lượng quân sự của Đức – Anh – Pháp cùng với “bộ tứ kim cương” sẽ tạo ra một sức mạnh áp đảo so với lực lượng hải quân Trung Quốc dù đang lớn mạnh nhanh chóng về qui mô, được hiện đại hóa nhanh nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật quân sự cũng như trình độ tác chiến thực tế. Sự răn đe sức mạnh quân sự rất quan trọng trước sự hung hăng và “chiến thuật vùng xám” của Bắc Kinh. Một liên minh vững chắc của các cường quốc Phương Tây chia sẻ chung các lợi ích và giá trị xã hội nền tảng Tự Do – Dân chủ có ý nghĩa quyết định vì đây không là một cuộc đối đầu Trung – Mỹ riêng lẻ. Đây là một cuộc chiến tranh giữa hai luồng ý thức hệ và những giá trị cốt lõi giữa hai thế giới Tự Do và Toàn trị. Các quốc gia Dân chủ trên thế giới không chỉ đối mặt với một con rồng đỏ Trung Hoa hung bạo đang trỗi dậy mạnh mẽ, mà bên cạnh đó phải luôn dè chừng với một “Sa hoàng Nga” Putin đầy thủ đoạn, luôn khao khát quyền lực, ôm ấp mộng phục hồi đế chế Liên Xô trước đây. Sự kết hợp giữa hai thế lực Nga – Trung, dù bất cứ thời điểm nào, cũng trở thành một đe dọa mang tính hủy diệt thế giới hiện nay. Tháng Ba, 2021, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ (USINDOPACOM) đã trình kế hoạch đầu tư cho tài khóa 2020-2027 lên Quốc Hội Mỹ. Theo đó tài khóa 2022, được đề nghị ngân sách 4,7 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với 2,2 tỷ USD tài khóa 2021 và gần bằng khoản ngân sách 5 tỷ USD mà Mỹ chi hàng năm để đối phó với Nga. Khoản tiền 27,4 tỷ USD trong 6 năm tới cũng tăng 36% so với khoảng thời gian trước đó. Một hệ thống phòng thủ tên lửa chính xác được xây dựng dọc theo chuỗi đảo thứ nhất gồm Đài Loan, Okinawa, Philippines để bảo vệ các đồng minh và duy trì áp lực quân sự mạnh mẽ trong khu vực. Đây là một trong những chi tiêu đắt đỏ nhất cho hệ thống phòng thủ tên lửa sau chiến tranh lạnh. Vấn để mà nhiều người muốn biết là tất cả những cuộc phô diễn sức mạnh quân sự đầy tốn kém này rồi sẽ kết thúc như thế nào? Rất nhiều người vẫn tin rằng, chiến tranh ở một thế giới mà tất cả các quốc gia đều bị ràng buộc trong một thế giới phức tạp, đa chiều và những phụ thuộc về kinh tế khăng khít là không thể. Những suy nghĩ như thế cũng chiếm đa số khi nhận định về khả năng bùng nổ chiến tranh Thế Giới Thứ Hai khi Đức gia tăng sức mạnh quân sự và tấn công Ba Lan, Tiệp Khắc. Loài người có đặc tính là mau quên trong khi bánh xe lịch sử thì thường lặp lại những vòng quay nghiệt ngã. Điều đáng tiếc là văn minh của loài người luôn gắn chặt với các cuộc chiến tranh tàn khốc. Giới phân tích đang nhắc nhiều tới “Bẫy Thucydides” và nguy cơ chiến tranh tăng cao ở Ấn Độ -Thái Bình Dương. Thực ra, thế giới Tây Phương đã thua dài Trung Quốc nhiều thập kỷ qua về mọi mặt từ kinh tế và chính trị. Những nền tảng của thế giới Tây Phương đã và đang bị bào mòn và hủy hoại nhanh chóng bởi những sách lược thâm độc của những học trò Tôn Tử. Kể từ khi được tháo bỏ gông cùm từ 1979, Trung Quốc với chính sách của họ Đặng đã vươn lên mạnh mẽ và xây dựng một hệ thống toàn cầu khổng lồ chống lại Phương Tây dựa trên những đặc tính chủng tộc và tư tưởng thù hận của chủ nghĩa cộng sản. Trung Quốc khiến cả thế giới phụ thuộc vào năng lực sản xuất và khả năng thương mại tuyệt vời trong khi dùng tiền và công nghệ của Tây Phương để xây dựng quân đội và phá hoại xã hội Tây Phương bằng nhiều phương thức khác nhau. Trong cuốn sách “The coming China’s Wars” của Peter Navarro đều liệt kê những thủ đoạn tàn độc của Trung Quốc đã tiến hành để hủy hoại xã hội Hoa Kỳ, suy giảm sức mạnh kinh tế, xã hội và lũng đoạn truyền thông, chính trị. Nhưng có lẽ, điều tệ hại hơn cả là một cuộc phá hoại ngấm ngầm, tha hóa các giá trị nền tảng xã hội của thế giới Tự Do mà Trung Quốc đã tiến hành nhiều thập kỷ mà các nước Phương Tây vẫn còn rất mơ hồ. Dù sao, lời cảnh báo và các hành động mạnh mẽ của Hoa Kỳ kể từ nhiệm kỳ của Donald Trump rất hữu ích, nó đã làm cho Phương Tây không còn ảo tưởng về mối quan hệ với Trung Quốc. Đó là sự thức tỉnh muộn màng nhưng “có còn hơn không.” Và giờ đây, không phải Trung Quốc mà là chính thế giới Phương Tây và Hoa Kỳ cũng nhìn thấy “khả năng” bùng phát một cuộc chiến tranh giới hạn tại Biển Đông để ngã ngũ và chấm dứt cuộc chiến tranh ngầm dai dẳng, thâm độc mà Trung Quốc đã tiến hành từ nhiều thập kỷ qua chống lại thế giới Tây Phương. Nếu không, với một sức mạnh chủng tộc vượt trội, những chính sách thâm độc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan kết hợp với những tư tưởng đầy thù hận cộng sản, trong tương lai không xa, con rồng Trung Hoa sẽ dẫm nát thế giới hôm nay. Những cuộc phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông sẽ không dừng lại những hành động hù dọa, răn đe. Đó là cuộc chiến tranh Định Mệnh và thời điểm tuyệt vời cho điều đó bắt đầu sẽ xảy ra ngay trước khi Trung Quốc bước vào cuộc chiến quyền lực ở Trung Nam Hải tại đại hội đảng CS Trung Quốc tiếp tới. Đó chính là thời điểm tốt nhất để vạc dầu Biển Đông bùng cháy. Dù con người không mong muốn nhưng Chiến Tranh và Hòa Bình cũng giống như Bóng đêm và Ban ngày và thế giới không chỉ có mỗi Hòa Bình hay ánh sáng, như  câu nói của nhà sử học La Mã Publius Flavius Vegetius Renatus đã trở thành chân lý “Igitur qui desiderat pacem, praeparet bellum – Nếu bạn muốn Hòa Bình thì hãy chuẩn bị Chiến Tranh.” Tân Phong XEM THÊM: Biển Đông: Quốc tế tăng áp lực để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc Bộ Tứ họp bàn về trật tự thế giới hậu Covid và chiến lược đối phó Bắc Kinh  
......

Nga cáo buộc Mỹ lợi dụng công nghệ thông tin cạnh tranh không công bằng

Reuters - VOA|   Nga ngày thứ Bảy cáo buộc Mỹ lợi dụng các các cơ hội về công nghệ thông tin nhằm cạnh tranh không công bằng và rằng các nền tảng mạng xã hội kiểm duyệt nội dung một cách tùy tiện và bừa bãi. Tuần này Nga cho biết họ đang làm chậm tốc độ của Twitter để trả đũa điều mà họ mô tả là mạng xã hội này không chịu gỡ bỏ nội dung bị cấm. Nga đe dọa sẽ chặn hoàn toàn Twitter, một bước leo thang căng thẳng giữa Moscow và các công ty mạng xã hội của Mỹ. Twitter hiện dán nhãn một số cơ quan truyền thông Nga là “cơ quan truyền thông có liên hệ với nhà nước,” một hành động bị Moscow chỉ trích. Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 12 đã kí luật cho Nga những quyền hạn mới để hạn chế các nền tảng mạng xã hội của Mỹ. “Về nguyên tắc, [các nền tảng] không có các tiêu chuẩn thống nhất để tự quản lý. Đây là một bế tắc về ngữ nghĩa và công nghệ,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Facebook ngày thứ Bảy. “Nội dung kĩ thuật số bị một số người kiểm duyệt nhất định kiểm duyệt tùy tiện và bừa bãi mà không có quyết định của tòa án hoặc nhà chức trách hữu quan.” Twitter ngày thứ Ba cho biết họ hết sức lo ngại về những nỗ lực gia tăng nhằm ngăn chặn và bóp nghẹt các cuộc bàn luận công khai trực tuyến và họ lo lắng về tác động đối với quyền tự do ngôn luận xuất phát từ hành động giảm tốc độ dịch vụ của Nga. “Mục tiêu của Washington là rõ ràng - sử dụng các cơ hội về công nghệ thông tin để cạnh tranh không công bằng trong mọi lĩnh vực,” bà Zakharova nói.  
......

Bạch tuột đã hiện nguyên hình

Nguyen Khan| Khi quân đội Myanmar đảo chính chính phủ dân sự nửa vời của bà cố vấn Aung San Suu Kyi với lý do gian lận bầu cử, là lúc không ít người đang cay cú vụ gian lận bầu cử bên Mỹ, thất vọng vì tổng thống Trump không ban hành thiết quân luật trừng trị bọn gian lận, nhất thời có thiện cảm với quân phiệt Myanmar, chưa soi đến khía cạnh chính phủ dân sự Myanmar là chính phủ nửa vời bị giới quân nhân khống chế thì làm gì có đủ thực quyền để gian lận. Có vẻ như bà Aung San Suu Kyi không đáp ứng yêu cầu của quyền lực ngầm Toàn cầu hóa nên bị báo chí cánh tả phương Tây đánh phá dữ dội, lên án bà không ngăn chặn, thậm chí còn bao che cho hành vi đàn áp người Rohingya tại Myanmar làm nhiều người cuốn theo, nhất thời không có thiện cảm với chính phủ dân sự và bà cố vấn Aung San Suu Kyi, chưa để ý đến khía cạnh nếu bà có thực quyền đầy đủ thì đã làm tổng thống chứ có đâu núp bóng dưới danh nghĩa cố vấn để điều hành chính phủ, và với vai trò nửa vời như vậy thì làm gì cản được phe quân đội đàn áp dân thiểu số Hồi giáo Rohingya.   Nhưng cộng đồng mạng Việt Nam rất tỉnh táo, sau giai đoạn nhất thời lúng túng chưa có cái nhìn thấu cáy về tình hình Myanmar vì bị bóng đen gian lận bầu cử Mỹ che phủ, sau đó, nhìn vào thực tế sự phản kháng đảo chính mang tính sống còn của nhân dân Myanmar, cộng đồng mạng đã nhanh chóng nhận ra vụ đảo chính quân sự tại Myanmar thực chất là do bạch tuộc TC (Trung Cộng) giật dây quân phiệt Myanmar vì lợi ích địa chính trị và lợi ích kinh tế của chúng, gian lận bầu cử được thổi phồng làm cớ cho bọn chúng thực hiện mưu ma chước quỷ.   Bởi chẳng ai còn lạ gì trong quá khứ TC là nước bảo kê cho chế độ quân phiệt độc tài tàn bạo Myanmar tồn tại từ năm 1962 đến năm 2015 là năm bọn chúng phải miễn cưỡng chia quyền cho chính phủ dân sự trước sức đấu tranh kiên trì và dũng mãnh của nhân dân Myanmar dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, không biết bao nhiêu người đã ngã xuống, bao nhiêu người bị khủng bố đàn áp khủng khiếp, bao nhiêu máu đã tuông ra, bao nhiêu tù tội, thương tật... Mà nhân dân Myanmar đã đánh đổi để giành lại một chính phủ dân sự nửa vời.   Bởi trước đó đã một lần tổng tuyển cử, liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng tuyệt đối nhưng bị bọn quân phiệt lật kèo phủi bỏ, bắt bớ tù tội nhiều người, giam lỏng bà Aung San Suu tại gia nhiều năm liền.   Năm 2015,rút kinh nghiệm lần tổng tuyển cử thảm bại trước, bọn quân phiệt xây dựng bản hiến pháp khống chế số ghế đại biểu Quốc Hội dân sự, để nếu phe dân sự có thắng tuyệt đối bầu cử Quốc Hội như lần trước vẫn không đủ ghế sửa đổi hiến pháp, không đủ ghế vô hiệu hóa quyền mặc định phe quân đội nắm giữ mấy bộ chủ chốt trong nội các.   Như vậy sự cấu kết lợi ích giữa TC và quân phiệt Myanmar không chỉ diễn ra trong vụ đảo chính lần này, sự tàn ác dã man của chúng cũng không chỉ mới xảy ra hôm nay, mà đã xảy ra hơn nửa thế kỷ, hơn nửa thế kỷ nhân dân Myanmar đánh đổi bằng máu mới giành lại chính phủ dân sự nửa vời trong 5 năm, để rồi cũng như lần trước, bọn chúng lại lật kèo bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và nhiêu quan chức chính phủ dân sự.   Bởi bọn quân phiệt xem việc chia quyền cho chính phủ dân sự chỉ là một thủ đoạn hạ nhiệt tạm thời sức nóng đấu tranh của nhân dân, hạ nhiệt sự lên án của cộng đồng quốc tế, rảnh tay cũng cố quyền lực đang bị sói mòn vì máu của nhân dân Myanmar đổ ra quá nhiều trong các cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ. Nay mọi chuyện tạm ổn, được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của bạch tuộc TC đang lúc rất cần Myanmar đóng vai trò quan trọng trên bàn cờ địa chính trị dang hồi sốt nóng, nên bọn chúng cấu kết dựng chuyện gian lận bầu cử để đoạt lại phần quyền mà chúng đã miễn cưỡng chia cho chính phủ dân sự Myanmar 5 năm trước.   Hơn nửa thế kỷ qua, kể sao xiết tội ác TC qua bàn tay "thái thú" của bọn quân phiệt gây ra cho nhân dân và đất nước Myanmar giàu tài nguyên và đất hiếm. Bao nhiêu tài nguyên đã bị bọn quân phiệt bán rẻ cho TC, bao nhiêu dự án giao cho TC, đẩy đất nước và nhân dân Myanmar vào thảm cảnh nghèo khổ, khánh kiệt.   Cuộc đảo chính lần này, như nói ở phần trên, là lúc bọn tướng lĩnh nối lại chế độ quân phiệt nguyên vẹn như trước, thủ đoạn hạ nhiệt bằng chính phủ dân sự nửa vời không còn cần thiết, bọn quân phiệt phải thu lại quyền lực của chính phủ dân sự để độc tôn lãnh đạo đất nước, độc tài lợi ích, độc quyền quan hệ chặt chẽ và mờ ám với TC, chứ không phải cải tổ chính phủ do gian lận bầu cử như chúng lu loa. Bởi đây là thời điểm TC có thời cơ bức phá loại bỏ Mỹ và Phương Tây khỏi Ấn Độ Thái Bình Dương khi tổng thống khắc tinh của TC là Donald Trump bị phơi áo, nên TC đang rất cần quân phiệt Myanmar cho kế hoạch bành trướng.   Bắc Kinh đang gia tăng áp lực quân sự lên Biển Đông, liên tục tập trận, đang có những chuẩn bị kỹ lưỡng và cấp tập cho chiến tranh, thì đường ống dẫn dầu của TC từ Ấn Độ Dương xuyên qua lãnh thổ Myanmar vào TC rất quan trọng với TC nếu chẳng may chiến tranh tắt đường vận chuyển dầu qua eo biển Malacca. Hơn nữa, vũ khí duy nhất TC đang độc quyền sở hữu chống lại cuộc chiến công nghệ với Mỹ, Nhật, Hàn và các nước Phương Tây là đất hiếm. Myanmar có trữ lượng đất hiếm khá nhiều, nếu không kiểm soát được nguồn đất hiếm tại Myanmar thì lực ép nguồn cung đất hiếm của TC sẽ không hiệu quả.   Nay mọi chuyện đã hai năm rõ mười:   • Đặc phái viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã chứng minh tội ác dã man của quân phiệt Myanmar dùng súng máy và đạn thật sát thương người biểu tình ôn hòa, đã kết luận không loại trừ khả năng tập đoàn quân sự "phạm tội ác chống nhân loại", là tội mà Hitler, Polpot... Đã phạm. Sự tàn ác của quân phiệt Myanmar đã được khẳng định.   • TC làm đầu têu ngăn cản quyết liệt Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, không cho thông qua nghị quyết lên án quân phiệt Myanmar. Vai trò giật dây chống lưng cho quân phiệt Myanmar đảo chính của TC đã được xác định.   • Hai quan chức bộ ngoại giao Myanmar bị quân phiệt bắt giữ vì cáo buộc để lộ bí mật nhà nước, tiết lộ nội dung cuộc họp khẩn giữa đại diện chính quyền TC và nhà cầm quyền quân phiệt về việc phía TC yêu cầu quân phiệt bảo vệ các doanh nghiệp và công ty TC tại Myanmar, bảo vệ hai đường ống dẫn dầu và khí đốt v.v... Quan hệ chặt chẽ và mờ ám giữa TC và quân phiệt Myanmar đã được khẳng định.   Như vậy, không còn nghi ngờ vai trò của TC trong vụ đảo chính Myanmar. Con bạch tuộc TC đã hiện nguyên hình./.
......

Mỹ sẽ triển khai tên lửa chống Trung Quốc dọc theo chuỗi đảo thứ nhất

Tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords phóng tên lửa tấn công trong cuộc tập trận Pacific Griffin ở Biển Philippines. NSM là vũ khí tấn công chính xác, tầm xa được thiết kế để tìm và tiêu diệt tàu địch. (Ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp) Ryo Nakamura, Nikkei staff writer - Phan Nguyên biên dịch  Mỹ sẽ tăng cường khả năng răn đe bằng vũ khí thông thường chống lại Trung Quốc bằng cách thiết lập một mạng lưới tên lửa tấn công chính xác dọc theo cái gọi là "chuỗi đảo thứ nhất" như một phần của khoản chi 27,4 tỷ USD sẽ được xem xét cho chiến trường Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong sáu năm tới. Các khoản chi này sẽ là thành phần chính trong đề xuất thành lập Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương mà Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã đệ trình lên Quốc hội. "Mối nguy lớn nhất đối với tương lai của Hoa Kỳ tiếp tục là sự xói mòn khả năng răn đe thông thường", tài liệu cho biết. "Nếu không có biện pháp răn đe thông thường hiệu quả và mang tính thuyết phục, Trung Quốc sẽ càng được khuyến khích hành động tại khu vực và trên toàn cầu để lật đổ lợi ích của Mỹ. Khi cán cân quân sự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên bất lợi hơn, Mỹ sẽ gánh thêm nhiều rủi ro có thể khiến các đối thủ tự tin đơn phương cố gắng thay đổi nguyên trạng". Cụ thể, Sáng kiến kêu gọi "triển khai lực lượng tích hợp đa thành phần với các mạng lưới tên lửa tấn công chính xác ở phía tây Đường Chuyển ngày Quốc tế dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, hệ thống tên lửa phòng không tích hợp ở chuỗi đảo thứ hai và một thế trận lực lượng phân tán mang lại khả năng duy trì sự ổn định, và nếu cần, phân phối và duy trì các hoạt động chiến đấu trong thời gian dài".  Chuỗi đảo thứ nhất bao gồm một nhóm các đảo bao gồm Đài Loan, Okinawa và Philippines, được Trung Quốc coi là tuyến phòng thủ đầu tiên. Chiến lược "chống tiếp cận/chống xâm nhập" của Bắc Kinh tìm cách đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi Biển Đông và Biển Hoa Đông vốn nằm trong chuỗi đảo thứ nhất. Trung Quốc cũng tìm cách ngăn không cho lực lượng Hoa Kỳ tiếp cận "chuỗi đảo thứ hai" ở Tây Thái Bình Dương, trải dài từ đông nam Nhật Bản đến đảo Guam và Indonesia ở phía Nam. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã đệ trình kế hoạch đầu tư cho năm tài khóa 2022 đến năm tài khóa 2027 lên Quốc hội trong tháng này. Đối với năm tài khóa 2022, họ đã yêu cầu 4,7 tỷ đô la, cao hơn gấp đôi so với 2,2 tỷ đô la dành cho khu vực trong năm tài khóa 2021 và gần với khoảng 5 tỷ đô la mà Washington đã chi hàng năm để đối phó với Nga.  Tổng chi 27,4 tỷ đô la trong sáu năm tương đương mức tăng 36% so với chi tiêu được lên kế hoạch cho cùng giai đoạn tính đến năm tài khóa 2020, phản ánh sự báo động ngày càng tăng về hoạt động của Trung Quốc xung quanh Đài Loan và ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong một bài phát biểu tại Viện American Enterprise có trụ sở tại Washington hôm thứ Năm, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho biết có những lo ngại về việc 6 năm tới là thời kỳ mà Trung Quốc có thể tìm cách thay đổi nguyên trạng khu vực, chẳng hạn như với Đài Loan.  Ông nói rằng có "một nhận thức cơ bản là giai đoạn từ nay đến năm 2026, trong thập niên này, là khoảng thời gian mà Trung Quốc đạt được sự vượt trội về năng lực, và khi Bắc Kinh có thể, họ sẽ chọn thay đổi hiện trạng khu vực bằng vũ lực". "Và tôi sẽ nói rằng sự thay đổi hiện trạng đó có thể trở thành vĩnh viễn", ông nói. Theo tài liệu, kế hoạch được cấu trúc để "tập trung nguồn lực vào các khả năng quân sự quan trọng nhằm răn đe Trung Quốc". "Các yêu cầu được nêu trong báo cáo này được thiết kế đặc biệt để thuyết phục các đối thủ tiềm tàng rằng bất kỳ hành động quân sự phủ đầu nào cũng sẽ quá tốn kém và có khả năng thất bại do (Mỹ) triển khai sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy vào thời điểm khủng hoảng". Đề xuất sẽ được theo sau bởi các cuộc thảo luận với các nhà lập pháp và với các quốc gia sẽ tham gia vào việc thực hiện đề xuất này. Trước đây, Trung Quốc đã phản đối nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập lá chắn tên lửa ở các nước đồng minh, đặc biệt là ở Hàn Quốc.  Hai trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra của Thủy quân lục chiến Mỹ bay qua Căn cứ Không quân Clark ở Philippines. Philippines là một phần của cái gọi là chuỗi đảo đầu tiên. (Ảnh do Bộ Quốc phòng cung cấp) Mỹ có khoảng 132.000 quân đóng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo sách trắng quốc phòng Nhật Bản. Kế hoạch đầu tư lấy "mạng lưới tấn công chính xác, có khả năng sống sót cao dọc theo chuỗi đảo thứ nhất" làm yếu tố trung tâm. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ mở rộng sử dụng các khẩu đội tên lửa thông thường trên đất liền vì quân đội Mỹ đã loại trừ việc sử dụng đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa tầm ngắn và tầm trung như vậy. Chiến hạm USS Chafee phóng Block V Tomahawk tại Thái Bình Dương. (Photo courtesy of the U.S. Navy) Chiến lược Trung Quốc của Mỹ từ lâu đã xoay quanh lực lượng hải quân và không quân. Trong cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1996, Hoa Kỳ đã điều động hàng không mẫu hạm tới thể hiện sức mạnh quân sự áp đảo như một biện pháp răn đe. Trung Quốc hiện nắm giữ một kho tên lửa đa dạng với mục tiêu ngăn chặn bước tiến quân sự của Hoa Kỳ trong chuỗi đảo thứ hai. Điều này đã làm cho chiến lược xoay quanh hải quân và không quân của Hoa Kỳ trở nên kém khả thi hơn.  Trung Quốc mạnh về tên lửa tầm trung, đặt trên đất liền. Theo Lầu Năm Góc, trong khi Trung Quốc nắm giữ một kho vũ khí gồm 1.250 tên lửa như vậy, Mỹ lại không có. Khoảng cách này là do Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), Hiệp ước cấm phát triển các tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Hiệp ước này hết hạn vào năm 2019. "Hiệp ước INF đã bó buộc Hoa Kỳ một cách không cần thiết", Thượng nghị sĩ Jim Risch, thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nói với Nikkei trong một cuộc trả lời phỏng vấn bằng văn bản. Risch cho biết việc triển khai các tên lửa tầm trung ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương "là một lĩnh vực đàm phán lớn và ngày càng cần thiết đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản". Một mạng lưới tên lửa đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương "sẽ là một điểm cộng cho Nhật Bản", một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản cho biết. Quan chức này cũng nói Tokyo chưa thảo luận về một động thái như vậy với Washington. Phi cơ F/A-18F Super Hornet thực hiện phi vụ trên núi Phú Sĩ Nhật Bản. Số lượng 55,000 quân đống tại Nhật Bản là con số quân đội đồn trú lớn nhất của Hoa Kỳ tại hải ngoại (Photo courtesy of the U.S. Navy) Các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không của Mỹ đồn trú tại Nhật Bản theo hiệp ước an ninh song phương của hai nước, buộc Washington phải bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị tấn công. Hiện có khoảng 55.000 lính Mỹ đóng tại Nhật Bản, là đội quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.  Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản hiện không duy trì các tên lửa có thể vươn tới Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã và đang xây dựng năng lực tên lửa tầm xa của riêng mình ở quần đảo Nansei, bao gồm cả đảo Okinawa. Nhưng việc đặt tên lửa của Mỹ trên đất Nhật Bản sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì một động thái như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phân chia vai trò giữa quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Tokyo và Washington sẽ cần thảo luận chi tiết về bất kỳ việc triển khai nào được đề xuất, bao gồm cả vị trí và tầm bắn của tên lửa. Cơ hội có thể sẽ đến trong các cuộc đàm phán về hỗ trợ của Nhật cho lực lượng đồn trú của Mỹ từ năm tài khóa 2022 trở đi. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết "việc triển khai tên lửa có thể được thảo luận khi chúng ta nói về tiến trình của liên minh Nhật-Mỹ".  Việc Nhật Bản quyết định cho phép Mỹ triển khai tên lửa chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận, làm phức tạp thêm quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng vốn phụ thuộc nhau về kinh tế. Và Tokyo có thể sẽ vấp phải sự phản đối của địa phương nơi có các địa điểm triển khai tên lửa tiềm năng, bao gồm cả ở Okinawa, nơi tập trung khoảng 70% lực lượng Mỹ ở Nhật. Các vấn đề về ngân sách cũng có thể phát sinh. Washington "có thể yêu cầu chúng tôi gánh vác việc bảo trì và các chi phí khác liên quan đến các tên lửa được triển khai ở Nhật Bản", một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết. Ryo Nakamura, Nikkei staff writer Nguồn: US to build anti-China missile network along first island chain Phan Nguyên biên dịch  Nguồn:nghiencuuquocte.org/2021/03/05/my-se-trien-khai-ten-lua-chong-trung-quoc-doc-theo-chuoi-dao-thu-nhat/ Merken  
......

Một tháng kinh hoàng ở Myanmar: Chuyện gì đã xảy ra, tương lai sẽ thế nào?

Vì sao đảo chính xảy ra? Aung San Suu Kyi giờ ra sao? Tương lai nào cho cuộc khủng hoảng?   By Lee Nguyen - Luật Khoa Tạp Chí|   Sáng ngày 01/02/2021, quân đội Myanmar (Tatmadaw) đảo chính. Họ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các lãnh đạo khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy – NLD) trong một loạt các cuộc truy quét.   Quân đội sau đó thông báo sẽ thay thế nội các của bà Aung San Suu Kyi, bãi chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng. Họ ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm.   Các ngân hàng bị đóng cửa. Lệnh giới nghiêm vào ban đêm được áp dụng. Sóng điện thoại và mạng Internet bị gián đoạn.   Myanmar một lần nữa bị đặt dưới sự cai trị của quân đội, sau khoảng bảy thập niên dân chủ hóa nhiều bấp bênh.   Hơn một tháng đã trôi qua. Cuộc chính biến đã trở thành thảm sát đẫm máu.   Vì sao Tatmadaw đảo chính?   Tin đồn về một cuộc đảo chính đã bắt đầu lan truyền từ nhiều tuần trước đó, khi căng thẳng gia tăng giữa chính phủ dân sự và giới quân sự. Vào ngày 26/01/2021, người phát ngôn của quân đội, Thiếu tướng Zaw Min Tun đã cảnh báo rằng họ sẽ “hành động” nếu tranh chấp bầu cử không được giải quyết.   Trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020, Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng áp đảo so với Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development Party – USDP) do quân đội hậu thuẫn. NLD giành được 396/498 ghế có thể cạnh tranh trong lưỡng viện Quốc hội, vượt xa so với chỉ tiêu 322 ghế cần đạt để có thể thành lập nội các. Trong khi đó, USDP chỉ giành được 33 ghế, ít hơn 8 ghế so với bầu cử năm 2015.   Nhưng USDP cáo buộc cuộc bầu cử xảy ra “gian lận trên diện rộng”, mặc dù họ không đưa ra được bằng chứng. Trong cuộc họp báo ngày 11/11/2020, USDP cho biết họ không công nhận kết quả bầu cử và yêu cầu phải có một “cuộc bầu cử tự do, công bằng, không thiên vị và không có vận động tranh cử gian lận”.   Ủy ban Bầu cử Liên minh (Union Election Commission) của nước này bác bỏ các cáo buộc của quân đội, từ chối yêu cầu bầu cử lại. Họ khẳng định cuộc bầu cử đã được tổ chức “một cách công bằng, tự do”, và “không thể minh bạch hơn”.   Một thông tin đáng lưu ý là Tổng tư lệnh quân đội, Thống tướng Min Aung Hlaing sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 6/2021, và theo quy định, phải rời khỏi vị trí của mình. Tài sản khổng lồ cũng như các công ty gia đình của ông có thể bị tổn hại khi ông không còn nắm quyền.   Việc đảo chính vì vậy được các nhà quan sát cho là một nỗ lực của Min Aung Hlaing để níu kéo quyền lực. Theo dự đoán, với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm, ông có thể sẽ tìm ra giải pháp để kéo dài nhiệm kỳ. Ai đang nắm quyền lực? Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar hiện đã lên nắm quyền.   Min Aung Hlaing, 64 tuổi, từng theo học ngành luật tại Đại học Yangon (Yangon University) và sau đó gia nhập Học viện Dịch vụ Quốc phòng (Defence Services Academy – DSA) – trường đại học quân sự hàng đầu của đất nước.   Min Aung Hlaing tiếp quản quân đội Myanmar vào năm 2011, khi đất nước bắt đầu quá trình dân chủ hóa. Các nhà ngoại giao ở Yangon cho biết, kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của bà Suu Kyi vào năm 2016, Min Aung Hlaing đã chuyển từ một người lính lầm lì thành một chính trị gia của công chúng.   Ông sử dụng Facebook để công khai các hoạt động chính trị, các cuộc gặp với các chức sắc tôn giáo và các chuyến viếng thăm tu viện. Min Aung Hlaing đã nghiên cứu quá trình chuyển đổi chính trị ở các nước. Ông nhận thấy cần phải tránh sự hỗn loạn như ở Libya và các nước Trung Đông sau khi Myanmar thay đổi chế độ vào năm 2011.   Trong những bình luận công khai đầu tiên sau cuộc đảo chính, Tướng Hlaing đã tìm cách biện minh cho việc tiếp quản quyền lực. Ông nói rằng quân đội đứng về phía người dân và sẽ xây dựng một “nền dân chủ thực thụ và có kỷ luật”. Quân đội cũng cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc bầu cử “tự do và công bằng” khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.   Quân đội đã luôn có một vị trí quan trọng ở Myanmar, bất kể họ có nắm quyền chính thức hay không. Họ là kiến trúc sư của bản Hiến pháp năm 2008, trong đó thừa nhận vai trò và quyền lực của giới quân đội trong hệ thống chính trị Myanmar.   Tatmadaw được Hiến pháp trao cho một hạn ngạch (không qua bầu cử) 25% số ghế trong lưỡng viện Quốc hội. Tổng tư lệnh của quân đội còn có quyền bổ nhiệm ba vị trí bộ trưởng trong chính phủ, phụ trách các vấn đề quốc phòng, nội vụ và biên giới.   Aung San Suu Kyi giờ ra sao? Bà Aung San Suu Kyi bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa bí mật vào ngày 16/2. Luật sư của bà không được thông báo. Ông Win Myint, vị tổng thống bị phế truất của Myanmar cũng bị xét xử trong phiên tòa này. Họ đối mặt với các bản án lần lượt là sáu năm và ba năm tù giam.   Các tội danh không liên quan đến gian lận bầu cử. Bà Suu Kyi bị khép vào tội nhập khẩu bộ đàm – một mặt hàng nằm trong danh sách cấm nhập khẩu ở Myanmar. Bằng chứng buộc tội được đưa ra là ít nhất 10 chiếc bộ đàm cùng các thiết bị ngoại quốc khác mà cảnh sát tìm thấy trong dinh thự của bà.   Ngoài ra, bà cũng bị kết tội vi phạm luật về quản lý xã hội trong tình trạng thiên tai, khi đã tiếp xúc với một đám đông trong đại dịch COVID-19. Ông Win Myint cũng bị khép vào tội danh này.   Theo nhận định của New York Times, phiên tòa có thể kéo dài đến một năm. Đây là cái cớ để quân đội tiếp tục giam giữ bà Suu Kyi – người lãnh đạo phong trào dân quyền ở Myanmar. Vấn đề người Rohingya thì thế nào? Bà Aung San Suu Kyi là một biểu tượng dân chủ ở Myanmar. Tuy vậy, hình tượng người hùng đổ sập vào năm 2017 khi bà bảo vệ các chiến dịch đẫm máu của quân đội ở bang Rakhine. Cuộc đàn áp đó đã khiến 700.000 người Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh.   Những người Rohingya tị nạn ở Bangladesh đã lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, nhưng nói rằng họ không “cảm thấy tiếc” về việc nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi bị tước đi quyền lực.   Bà Christina Fink, một giáo sư tại Đại học George Washington (Mỹ), người nghiên cứu về Myanmar cũng cho biết, bà Suu Kyi và NLD đã đối xử bất bình đẳng với các sắc tộc thiểu số ở đất nước.   Chẳng hạn, ở tiểu bang Rakhine, NLD đã bổ nhiệm người của mình làm thủ hiến, mặc dù một đảng địa phương đại diện cho sắc tộc Arakan sống ở đó chiếm đa số trong cơ quan lập pháp của bang.   Bà Suu Kyi và NLD cũng đã để quân đội đặt ra phần lớn chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán hòa bình với các phiến quân và thậm chí tán thành cuộc chiến giữa Tatmadaw với quân đội Arakan. Fink nói: “Rất nhiều đảng phái sắc tộc cảm thấy rằng họ bị gạt ra ngoài lề và NLD chỉ theo đuổi những thứ của riêng họ”.   Cho đến nay, nhiều người biểu tình chống quân đội cảm thấy hối hận vì đã im lặng trước các hành động diệt chủng của Tatmadaw đối với người Rohingya trên đất nước.   Trong nhiều thập niên qua, công chúng tin vào những lời tuyên truyền của quân đội, rằng những hành vi thanh trừng sắc tộc ở bang Rakhine chỉ là một cuộc phản kích chống lại các tay súng Rohingya.   Họ tin rằng người Rohingya là dân nhập cư đến từ Bangladesh. Họ gọi những người tị nạn Rohingya là “chuyên gia gây chú ý” (drama queens) và “kẻ nói dối”, cho rằng người Rohingya đã thêu dệt nên những câu chuyện kinh hoàng để nhận tiền và viện trợ quốc tế.   Sau cuộc đảo chính, nhiều người Myanmar đã bắt đầu nghi ngờ những lời tuyên truyền của quân đội và thay đổi định kiến cố hữu về người Rohingya.   Sự thay đổi này là một tín hiệu tích cực và có ý nghĩa sâu sắc ở một đất nước mà chỉ vài năm trước, việc nhắc đến từ “Rohingya” có thể gây ra phản ứng giận dữ từ đám đông.   Một số người Rohingya thậm chí còn đang tham gia các cuộc biểu tình ở Yangon, dù họ có nguy cơ bị bắt hoặc bị ngược đãi trong một xã hội phủ nhận các quyền công dân cơ bản của họ. Các cuộc biểu tình đang diễn ra như thế nào? Trong suốt nhiều tuần lễ, người dân Myanmar xuống đường biểu tình ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và phản đối cuộc đảo chính của quân đội.   Những ngày sau cuộc đảo chính, không khí sợ hãi bao trùm đường phố Myanmar. Người dân biết quá rõ quân đội sẽ sử dụng vũ lực như thế nào, và lúc đầu họ đã do dự. Một nhà lãnh đạo của một tổ chức xã hội dân sự Hồi giáo có trụ sở tại Yangon nói trên tờ Southeast Asia Globe: “Nếu chúng tôi đáp trả bằng các cuộc biểu tình, [quân đội] sẽ bắt giữ rất nhiều người. Hiện giờ chúng tôi không làm gì cả, ngoại trừ đăng bài trên Facebook.”   Rất nhanh sau đó, những hội nhóm hình thành trên mạng xã hội. Cư dân mạng lên Facebook chuyển ảnh đại diện của họ thành màu đen trong sự phản đối lặng lẽ, trong khi các bác sĩ đeo ruy băng đen lên ngực áo của họ để thể hiện quan điểm phản kháng. Trong khi đó, một nhóm bác sĩ tại các bệnh viện quốc doanh bắt đầu đình công để phản đối cuộc đảo chính và yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi. Tranh cổ động: Xoong chảo của chúng tôi đang nói gì? Phản đối đảo chính quân sự! Thả các nhà lãnh đạo của chúng tôi! Chúng tôi muốn công lý! Tôn trọng lá phiếu của chúng tôi! Cứu lấy nền dân chủ! Ảnh: Ye Yint Maung. Khi đêm đến, người dân bắt đầu đổ ra đường gõ xoong nồi như một hình thức phản kháng. Đây là một phong tục truyền thống của Myanmar để xua đuổi ma quỷ. Họ muốn dùng nó để xua đuổi những kẻ đeo bám quyền lực dai dẳng trên đất nước này. Các nhóm thanh niên và sinh viên cũng kêu gọi các chiến dịch bất tuân dân sự. Trang fanpage của chiến dịch trên Facebook có hơn 300.000 lượt yêu thích.   Các cuộc biểu tình ôn hòa bị quân đội đàn áp đẫm máu. Hai người biểu tình bị lực lượng an ninh giết chết ở Mandalay vào ngày 20/2.   Vào ngày 22/02, hàng triệu người trên khắp đất nước tổ chức một cuộc tổng đình công, với sự tham gia của công chức nhà nước, nhân viên ngân hàng, bác sĩ và những người lao động trong các ngành nghề khác. Cuộc tẩy chay trên toàn quốc đã thúc đẩy một phong trào bất tuân dân sự, làm tê liệt hệ thống ngân hàng và khiến quân đội gặp khó khăn.   Quân đội đã dựng các rào chắn, triển khai các đội lính bắn tỉa trên mái nhà, dùng đạn cao su, vòi rồng, hơi cay và đạn thật để chống người biểu tình. Tuần này qua tuần khác, các lực lượng vũ trang đã gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào những người biểu tình. Cho đến tuần đầu tiên của tháng Ba, đã có hơn 60 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 38 người bị giết chỉ trong ngày 3/3. Tương lai nào cho cuộc khủng hoảng? Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã nhanh chóng lên án cuộc đảo chính, yêu cầu thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo khác, đồng thời kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử.   Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa sẽ khôi phục các lệnh trừng phạt lên giới quân sự Myanmar. Ông nói rằng quân đội không nên “chống lại ý muốn của người dân”. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố các sự kiện ở Myanmar là một cuộc đảo chính.   Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết cuộc đảo chính “giáng một đòn nghiêm trọng vào các cải cách dân chủ ở Myanmar”. Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong một bài đăng trên Twitter rằng “lá phiếu của người dân phải được tôn trọng và các nhà lãnh đạo dân sự nên được thả”.   Nhiều quốc gia phương Tây khác cũng đã thi hành hoặc đang cân nhắc các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, tổ chức quan trọng nhất trong khu vực ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), do Brunei làm chủ tịch nhiệm kỳ 2021, lại không đưa ra động thái nào. Trong khi đó, Trung Quốc phản ứng một cách thận trọng vì họ đang có quan hệ tốt với cả chính phủ của bà Aung San Suu Kyi và giới quân đội Myanmar./.   Các nguồn tổng hợp chính New York Times, What is happening in Myanmar? Coup, protest and more news BBC, Myanmar coup: What is happening and why? South East Asia Globe, Myanmar’s military coup: Why now, and where do we go from here? Reuters, Explainer: All eyes on Myanmar army chief Min Aung Hlaing as military seizes power  
......

Điều gì có thể dẫn tới chiến tranh Mỹ – Trung?

Joseph Nye, Trần Hùng( biên dịch) Khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gần đây kêu gọi cài đặt lại quan hệ song phương với Hoa Kỳ, một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã trả lời rằng Hoa Kỳ coi quan hệ Mỹ – Trung là một trong những cuộc cạnh tranh mạnh mẽ đòi hỏi vị thế của sức mạnh. Rõ ràng là chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã không đảo ngược các chính sách của Trump đối với Trung Quốc. Một số nhà phân tích, dẫn nhận định của Thucydides cho rằng Chiến tranh Peloponnese xuất phát từ nỗi sợ hãi của Sparta về một Athens đang trỗi dậy, tin rằng quan hệ Mỹ – Trung đang bước vào thời kỳ xung đột giữa một bá quyền cũ với một quốc gia thách thức ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Tôi không bi quan như vậy. Theo tôi, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và sinh thái làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh lạnh thực sự, chứ đừng nói đến chiến tranh nóng, bởi cả hai nước đều có động lực để hợp tác với nhau trong một số lĩnh vực. Đồng thời, tính toán sai lầm luôn có thể xảy ra, và một số người đã nhận thấy nguy cơ hai kẻ “mộng du” cùng nhau bước vào thảm họa, như đã từng xảy ra với Thế chiến I. Lịch sử đầy rẫy những trường hợp ngộ nhận về sự thay đổi cân bằng quyền lực. Ví dụ, khi Tổng thống Richard Nixon đến thăm Trung Quốc vào năm 1972, ông muốn cân bằng lại những gì ông coi là mối đe dọa ngày càng tăng của Liên Xô đối với một nước Mỹ đang suy tàn. Nhưng điều mà Nixon nhận thức là sự suy tàn thực ra lại là sự trở lại trạng thái bình thường của Mỹ trong việc chiếm tỷ trọng GDP toàn cầu cao sau Thế chiến II. Nixon tuyên bố một thế giới đa cực, nhưng những gì xảy ra tiếp theo là sự tan rã của Liên Xô và sự xuất hiện “khoảnh khắc đơn cực” của Mỹ hai thập niên sau đó. Ngày nay, một số nhà phân tích người Trung Quốc đánh giá thấp khả năng phục hồi của Mỹ và dự đoán sự thống trị cho Trung Quốc, nhưng điều này cũng có thể trở thành một tính toán sai lầm nguy hiểm. Việc Mỹ đánh giá quá cao hoặc quá thấp sức mạnh của Trung Quốc cũng nguy hiểm không kém, và ở Mỹ tồn tại các nhóm có động cơ kinh tế và chính trị để làm cả hai việc này. Nếu tính bằng đô la, nền kinh tế Trung Quốc có quy mô bằng 2/3 nền kinh tế Mỹ, nhưng nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào những năm 2030, tùy thuộc vào những gì người ta giả định về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Mỹ. Liệu các nhà lãnh đạo Mỹ có thừa nhận sự thay đổi này theo cách cho phép hình thành một mối quan hệ mang tính xây dựng, hay họ sẽ khuất phục trước nỗi sợ hãi? Liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có chấp nhận rủi ro nhiều hơn, hay người Trung Quốc và người Mỹ sẽ học cách hợp tác để mang lại các hàng hóa công toàn cầu dưới một cơ cấu phân bổ quyền lực đang thay đổi? Hãy nhớ lại rằng Thucydides cho rằng cuộc chiến đã chia cắt thế giới Hy Lạp cổ đại là do hai nguyên nhân: sự trỗi dậy của một thế lực mới và nỗi sợ hãi mà điều này tạo ra đối với cường quốc cũ. Nguyên nhân thứ hai cũng quan trọng không kém nguyên nhân thứ nhất. Mỹ và Trung Quốc phải tránh những lo ngại bị phóng đại có thể tạo ra một cuộc chiến tranh nóng hoặc lạnh mới. Ngay cả khi Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, thu nhập quốc dân không phải là thước đo duy nhất cho sức mạnh địa chính trị. Trung Quốc xếp sau Mỹ khá xa về quyền lực mềm và chi tiêu quân sự của Mỹ gần gấp 4 lần Trung Quốc. Dù năng lực quân sự của Trung Quốc đang gia tăng trong những năm gần đây, các nhà phân tích xem xét kỹ cán cân quân sự sẽ kết luận rằng Trung Quốc sẽ không thể đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương. Mặt khác, Hoa Kỳ đã từng là nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất thế giới và là quốc gia cho vay song phương lớn nhất. Ngày nay, gần 100 quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ, so với 57 của Mỹ. Trung Quốc có kế hoạch cho vay hơn 1 nghìn tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến ​​Vành đai vàCon đường trong thập niên tới, trong khi Mỹ đã cắt giảm viện trợ. Trung Quốc sẽ có được sức mạnh kinh tế từ quy mô thị trường trong nước cũng như các khoản đầu tư và hỗ trợ phát triển ở nước ngoài. Sức mạnh tổng thể của Trung Quốc so với Mỹ có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, sự cân bằng quyền lực rất khó đánh giá. Mỹ sẽ duy trì một số lợi thế quyền lực lâu dài, tương phản với các khu vực dễ bị tổn thương của Trung Quốc. Một là địa lý. Hoa Kỳ được bao quanh bởi các đại dương và các nước láng giềng có khả năng vẫn thân thiện. Trung Quốc có biên giới với 14 quốc gia, và các tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam đặt ra các giới hạn về quyền lực cứng và mềm của họ. Năng lượng là một lĩnh vực khác mà Mỹ có lợi thế. Một thập niên trước, Mỹ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, nhưng cuộc cách mạng đá phiến đã biến Bắc Mỹ từ một nơi nhập khẩu thành bên xuất khẩu năng lượng. Đồng thời, Trung Quốc trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu dầu từ Trung Đông, vốn phải được vận chuyển dọc theo các tuyến đường biển bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ trắc trở của họ với Ấn Độ. Mỹ cũng có lợi thế về nhân khẩu học. Đây là quốc gia phát triển lớn duy nhất được dự đoán sẽ duy trì thứ hạng toàn cầu (thứ ba) về dân số. Mặc dù tốc độ tăng dân số của Hoa Kỳ đã chậm lại trong những năm gần đây, nhưng tỉ lệ này sẽ không chuyển sang mức âm như ở Nga, Châu Âu và Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc đang lo sợ sẽ “già trước khi giàu”. Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất, trong khi quy mô lực lượng lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2015. Mỹ cũng vẫn đi đầu trong các ngành công nghệ quan trọng (sinh học, nano, thông tin) vốn là trọng tâm của tăng trưởng kinh tế thế kỷ 21. Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời cạnh tranh tốt trong một số lĩnh vực. Nhưng 15 trong số 20 trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới là ở Hoa Kỳ; không có trường nào ở Trung Quốc. Những người tuyên bố sự xuất hiện “Nền hòa bình kiểu Trung Hoa” (Pax Sinica) và sự suy tàn của Mỹ đã không tính đủ các nguồn tạo ra sức mạnh. Sự ngạo mạn của người Mỹ luôn là điều nguy hiểm, nhưng nguy hiểm không kém là nỗi sợ hãi quá mức có thể dẫn đến phản ứng thái quá. Cũng nguy hiểm không kém là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, kết hợp với niềm tin vào sự suy tàn của Mỹ, điều khiến Trung Quốc sẽ chấp nhận rủi ro lớn hơn. Cả hai bên phải cẩn thận trước các tính toán sai lầm. Rốt cuộc, thường thì rủi ro lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt chính là khả năng tính toán sai lầm của chính chúng ta. Joseph S. Nye * Joseph S. Nye, Jr. là giáo sư tại Đại học Harvard và là tác giả của cuốn “Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump”. Nguồn: Joseph S. Nye, Jr., “What Could Cause a US-China War?”, Project Syndicate, 02/03/2021. Biên dịch: Trần Hùng      
......

Vụ án Đồng Tâm: chính phủ Việt Nam sát hại công dân của mình

  Pascale Berry-Wavre - Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam COSUNAM Luy Nguyen Tang| Không chỉ ở Miến Điện (Myanmar) mới có một chế độc tài chà đạp thô bạo các quyền con người   Ngày 08 tháng 3 sắp tới đây, nền tư pháp Việt Nam sẽ xét xử phúc thẩm sáu người trên 29 người đã bị kết án hôm 14/9/2020 vì những hành động kháng cự nhà cầm quyền. Trong những người này, có hai người bị kết án tử hình. Số phận của những người này sẽ ra sao ? Họ là những người vào đầu năm 2020 đã tranh đấu chống chính quyền tịch thu ruộng đất của làng họ.   Ngày nay Việt Nam vẫn là một trong những chế độ độc tài tồi tệ nhất. Những tham vọng phát triển về du lịch và kinh tế dẫn đến tình trạng nhà nước cướp đoạt đất đai của người dân mà không có đền bù thích đáng, sự nô lệ hóa một phần lớn dân chúng với một tác động thảm khốc cho môi trường. Sự việc được gọi là « Vụ Đồng Tâm » làm nổi bật những tệ nạn này. Năm 1980, ngôi làng ở cách Hà Nội khoảng chừng 50 cây số đã thỏa thuận với chính quyền trung ương về việc trưng dụng 47 hecta đất cho sân bay quân sự. Như thế, dân làng chỉ còn giữ lại 59 để trồng trọt.   Nhưng 40 năm sau, phi trường vẫn chưa được xây. Đất đai vẫn không được sử dụng. Nhưng đâu phải chỉ có thế: năm 2017, chính phủ muốn lấy luôn 59 hecta còn lại, cho một dự án đô thị hóa lớn. Chính quyền đề nghị với dân làng một cái giá không nghĩa lý gì để bồi hoàn cho sự mất đất canh tác, đẩy họ vào cuộc sống khốn cùng. Những tranh tụng, với nhiều khúc mắc, kéo dài cho đến khi công an, vào rạng sáng ngày 9/01/2020, đã ập vào tấn công làng Đồng Tâm, gây ra nhiều nạn nhân, đặc biệt trong đó có người trưởng làng, 85 tuổi, đã bị bắn chết.   29 người bị kết án hôm 14/9 đều là dân làng Đồng Tâm, những người đã cố gắng bảo vệ gia đình họ chống lại cuộc tấn công này. Bản chất phiên tòa này là một trò giả dối, với người chứng bị đe dọa, các luật sư bị răn đe và các bị cáo bị tra khảo bức cung. Không có bảo đảm nào là các quyền căn bản nhất đã được tôn trọng cho các bị cáo, họ đã bị tuyên phạt với những bản án khắc nghiệt tối đa: hai người trong họ bị kết án tử hình : ông Lê Đình Chức và ông Lê Đình Công, hai người con trai của ông trưởng làng.   Sự kiện Đồng Tâm dấy lên nhiều phản ứng. Nhờ vào sự đấu tranh của cộng đồng người Việt hải ngoại, các thủ tướng chính phủ của nhiều quốc gia, Liên Minh Âu Châu và Thụy Sĩ đã được báo động và đã quan tâm đến trường hợp này. Đối với những người đấu tranh cho nhân quyền, những áp lực quốc tế là hy vọng duy nhất để tòa án của Việt Nam có thể thay đổi thái độ trong hồ sơ này.   Lần sau mà Quý Vị mua hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, hay coi đây là nơi đi nghỉ dưỡng, xin Quý Vị hãy nghĩ về câu chuyện này. Có nhiều xác suất những người nông dân hay ngư dân đơn sơ là những người đã bị đầy đọa, thậm chí bị sát hại để cho phép thiết lập một nhà máy hay một khách sạn. Biết bao luật sư đã bị bắt bớ, bị giam cầm chỉ vì dám biện hộ các nạn nhân này. Biết bao gia đình đã phải chịu tang tóc hay bị đe dọa.   Phiên tòa tái thẩm sẽ diễn ra trong những ngày gần đây và sẽ cho thấy tình trạng của đất nước này về mặt vận hành tư pháp và xem chính phủ Việt Nam có sẵn sàng cải thiện những cơ chế chính trị, như lời cam kết của ông Thủ Tướng Việt Nam vào ngày 19/02 tại Hà Nội trong khuôn khổ của sách lược đầy tham vọng về phát triển ngành du lịch từ nay đến năm 2030.  
......

Sự hy sinh của một cô gái 20 tuổi có ý nghĩa

Lê Ánh|   Cô bé tên Ma Kyal Sin, 20 tuổi đã bị lính bắn tỉa bắn chết trong cuộc biểu tình tuần hành chống đảo chính ở Myanmar.   Áo sơ mi của cô ấy ghi hàng chữ "Mọi thứ sẽ ổn thôi". Chai Coca Cola trên tay cô là để giúp đỡ những người bị trúng hơi cay.   Cô gái trẻ này đã để lại một bức thư với nội dung "Tôi thuộc nhóm máu A. Nếu tôi có mất mạng, xin hãy quyên góp giác mạc và nội tạng của tôi cho những người cần nó." Cô bị bắn vào đầu và chết ở Mandalay Cô ấy đã hy sinh cho hành trình đấu tranh cho tự do, dân chủ của dân tộc Miến điện. Sự hy sinh của cô bé 20 tuổi không oan uổng Cô đã trở thành biểu tượng đấu tranh cho giới trẻ Miến điện tiếp nối.   Được biết Myanmar hiện đang ở trong tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, sau khi quân đội chiếm quyền sau cuộc tổng tuyển cử chứng kiến Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội. Quân đội cho rằng kết quả bầu cử là gian lận, và yêu cầu tổ chức lại cuộc bỏ phiếu.   Bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia. Những người biểu tình đang kêu gọi thả bà, cùng với việc thả các thành viên NLD khác.   Có thể nói những cuộc biểu tình trong mấy ngày qua tại Myanmar là những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc Cách mạng Nghệ tây năm 2007.  
......

Biển Đông dậy sóng các quốc gia Tây Phương vào cuộc.

Le Anh   Theo News.com.au, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông trong năm qua. Họ đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông thông qua cái gọi là "đường chín đoạn", yêu sách không được cộng đồng quốc tế công nhận.   Kể từ đầu năm 2021, ngoài Mỹ, Ấn độ, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc còn có hàng loạt các quốc gia tây phương vào cuộc trước sự bành trướng và lộng hành của Trung Quốc tại Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Biển Đông. Các quốc gia này đều có kế hoạch điều tàu chiến tới các điểm nóng, đặc biệt là tại Biển Đông.   Theo News.com.au, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Canada… trong năm nay đều đang lên kế hoạch đưa chiến hạm tới Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông nhằm phát đi thông điệp “cảnh báo” các hành động bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.   ANH: Bộ Quốc phòng Anh cho biết tàu sân bay 65.000 tấn HMS Queen Elizabeth sẽ đến Đông Nam Á trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.   PHÁP: Đưa tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân qua Biển Đông trong tháng này. Hiện thời, họ đang tiếp tục điều tàu tấn công đổ bộ 21.000 tấn FS Tonnere và một tàu khu trục nhỏ qua khu vực này trong những tuần tới.   HÀ LAN: Tuyên bố sẽ điều tàu chiến hộ tống hàng không mẫu hạm của Anh tới khu vực.   ĐỨC: Đức chuẩn bị đưa các khu trục đến Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Đức Thomas Silberhorn nói: "Chúng tôi muốn nâng cao quan hệ với các đối tác trong nhóm các quốc gia dân chủ",   CANADA: Cuối tháng trước, tàu khu trục Winnipeg của Hải quân Hoàng gia Canada đã đi qua eo biển Đài Loan để phát đi thông điệp về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".,,   Qua những động thái của các quốc gia tây phương đã "khẳng định các quyền tự do hàng hải", đồng thời thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh, cho cái gọi là "đường chín đoạn", đã làm cho Trung Quốc không hài lòng. Tờ Nhân dân Nhật báo, cho rằng các quốc gia tây phương đang có những hành động không tốt đẹp và có thể dẫn đến “khủng hoảng khu vực”   Một số chuyên gia quan sát nhận định, trước những động thái ‘liên minh’ của các quốc gia tây phương buộc Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức chưa hề xảy ra trong quá khứ, có thể dẫn đến cuộc “ xung đột” ngày càng gay gắt hơn tại Biển Đông giữa Bắc Kinh và các quốc gia tây phương?   Lê Ánh  
......

Đức tin tỏa sáng giữa bóng tối tại Myanmar

Người dân Myanmar khi tham gia tuần hành phản đối quân sự tại thành phố Yangon, Myanmar trong tối 21-2-2021 (Ảnh: REUTERS) Nguyễn Ngọc Nam Phong|   Khi các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự tiếp tục diễn ra ở Myanmar, các Nữ tu đã đồng hành cùng người dân của họ trong cuộc “đấu tranh và phản đối để chấm dứt chế độ độc tài quân sự, giành lại công lý và hòa bình”.   Khi các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự tiếp tục diễn ra ở Myanmar, các Nữ tu đã đồng hành cùng người dân của họ trong cuộc “đấu tranh và phản đối để chấm dứt chế độ độc tài quân sự, giành lại công lý và hòa bình”. Ba tuần lễ sau khi quân đội Myanmar chấm dứt một cách hiệu quả nền dân chủ non trẻ 10 năm tuổi của Myanmar, những người biểu tình lại cùng nhau quy tụ hôm thứ Tư vừa qua tại Yangon. Đây là ngày thứ 19 mọi người tụ tập kể từ cuộc biểu tình lớn đầu tiên nổ ra vào ngày 6 tháng Hai. Các Giám mục Myanmar đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại của họ hôm Chúa nhật vừa qua, một ngày sau khi một thiếu niên 16 tuổi bị giết hại ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai ở Myanmar. “Những cảnh tượng đau lòng về những thanh thiếu niên nằm chết trên đường phố khiến lương tâm của cả một dân tộc không khỏi đau đớn… Cần phải chấm dứt ngay nỗi đau buồn của những người đầu bạc đưa tiễn kẻ đầu xanh. Nước mắt của những người mẹ không bao giờ là điều may mắn cho bất kỳ quốc gia nào”. Sự chữa lành, các Giám mục Myanmar nhấn mạnh, có thể bắt đầu “với việc trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị giam giữ”. Các công dân Myanmar được đồng hành bởi các Nữ tu “đấu tranh và phản đối để chấm dứt chế độ độc tài quân sự, giành công lý và hòa bình”. Một trong những Nữ tu này, một Nữ tu thuộc Dòng Thánh Giuse Hiển Hiện (Sister of St Joseph of the Apparition), người muốn giấu tên, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình với Vatican News. “Vào một ngày đầu tháng Hai, sau những buổi cầu nguyện ban sáng, chúng tôi nhận được tin buồn rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã bị bắt giữ. Một số chị em trong chúng tôi đã khóc và tất cả chúng tôi đều rất đau buồn. Ngay sau khi chúng tôi hoàn thành bữa sáng, chúng tôi bắt đầu thực hiện các buổi Chầu Mình Thánh cho đến nửa đêm”. Ngày tháng trôi qua, các Nữ tu bắt đầu nhận thức sứ mạng của mình theo cách khác, nhưng luôn luôn nằm trong khuôn mẫu đặc sủng của họ. “Đặc sủng của Hội dòng của chúng tôi là ‘Tình yêu’. Nhiệm vụ của chúng tôi là thể hiện Tình yêu thương trong các công việc từ thiện bác ái khác nhau. Hiến pháp của chúng tôi nói đến việc ‘…chiến đấu theo tinh thần Phúc Âm chống lại chế độ và mọi hình thức bất công …’” Các Nữ tu Dòng Thánh Giuse Hiển Hiện chuẩn bị thức ăn cho những người biểu tình vào ngày 21 tháng 2 Lúc đầu, các Nữ tu bắt đầu cung cấp “đồ ăn nhẹ, cà phê, nước trái cây” cho những người đang xuống đường. Vị Nữ tu thú nhận họ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tài chính để tiếp tục cung cấp dịch vụ này. “Một số nhà tài trợ đã bắt đầu giúp đỡ chúng tôi khi họ nhìn thấy những điều chúng tôi đang làm trên Facebook”, Vị Nữ tu cho biết. “Ngay cả những nụ cười của chúng tôi cũng là sự ủng hộ tuyệt vời cho những người biểu tình”. Các Nữ tu cũng đã tham gia hai cuộc biểu tình ở Yangon, cùng sát cánh và đi bên cạnh anh chị em đồng bào của họ. “Chúng tôi chắc chắn hiểu rằng nếu không biểu tình, chế độ độc tài quân sự sẽ không bao giờ chấm dứt. Đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ những người biểu tình hết sức có thể”. Các tín hữu Công giáo tham gia biểu tình ôn hòa ở Myanmar vào ngày 22 tháng 2 Vị Nữ tu miêu tả tình hình của đất nước theo cả khía cạnh tích cực và tiêu cực. Vị Nữ tu này viết rằng một khía cạnh tích cực là mặc dù Thế hệ Z chưa bao giờ trực tiếp trải qua chế độ độc tài quân sự, nhưng giờ đây họ đang dần nhận ra rằng “họ là những người đi đầu trong cuộc cách mạng này. Họ đầy tinh thần nhiệt huyết và sáng tạo”. Vị Nữ tu nói với chúng tôi rằng những người trẻ tuổi “đã kiệt sức” nhưng họ sẽ không dừng lại cho đến khi “quân đội từ bỏ quyền lực của họ, bởi vì sức mạnh quân sự của Myanmar đã tàn phá đất nước của chúng tôi trong hơn 60 năm rồi”. Tuy nhiên, Sơ nhấn mạnh, họ cam kết với Phong trào Bất tuân dân sự (CDM). Viết về khía cạnh tiêu cực, vị Nữ tu này nói, “Chúng tôi sợ hãi, lo lắng, bất an và đôi khi tuyệt vọng. Vào ban đêm, chúng tôi sợ hãi vì cảnh sát và binh lính tấn công các nhà hoạt động, các nhà lãnh đạo biểu tình, các sĩ quan thuộc phong trào CDM và những người có ảnh hưởng trong đêm. Hơn 20.000 tù nhân đã được thả và quân đội đã trả tiền và yêu cầu họ phóng hỏa các khu nhà. Người dân các khu dân cư chọn cách chia nhau canh giữ để truy bắt và ngăn chặn các hình thức khủng bố ban đêm”. Vào ngày 23 tháng 2, các Nữ tu tới thăm và an ủi bà ngoại của cậu thiếu niên 16 tuổi bị đánh đập trong các cuộc biểu tình gần đây ở Mandalay Các Nữ tu quyết tâm tiếp tục ủng hộ chính nghĩa này dù có thể xảy ra những hậu quả không lường trước được. “Ban ngày ở đâu cũng có cảnh sát. Mặc dù họ không gây hại cho chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn bị theo dõi và chúng tôi luôn đề cao tinh thần cảnh giác vào ban đêm. Không có người ủng hộ hoặc nhà hoạt động nào được sống yên ổn trong thời gian này. Họ truy đuổi và bắt người vào ban đêm ở khắp mọi nơi trên đất nước”. Tất cả mọi hình ảnh, được cung cấp bởi trang Facebook của các Nữ tu Dòng Thánh Giuse Hiển Hiện. Được sử dụng với sự cho phép của các Nữ tu. Thiên Ân (theo Vatican News)      
......

Giáo hội Myanmar đồng hành cùng dân tộc

Nguyễn Ngọc Nam Phong   Hôm 28/2/2021, lực lượng cảnh sát thuộc phe quân đội Miến Điện đã nổ súng vào đoàn biểu tình khiến cho 9 người dân vô tội thiệt mạng. Giữa cảnh súng đạn, bạo lực và chết chóc, một nữ tu Công giáo đã quỳ xuống xin lực lượng cảnh sát hạ vũ khí, đứng về phía nhân dân để bảo vệ người dân và đất nước khỏi chìm vào biển máu. SỨ GIẢ HOÀ BÌNH! Ảnh: đài truyền hình Kachin     Những ngày này, khi đất nước rơi vào khủng hoảng do quân đội đảo chính, Giáo Hội Myanmar đã cùng người dân đất nước đứng lên mạnh mẽ lên án cuộc đảo chính, bảo vệ những giá trị dân chủ mà họ mới giành được vài năm gần đây. Giáo hội Myanmar hiện có hoảng 659.000 tín hữu, trên tổng số 51.790.000 dân, chiếm 1,27% dân số. Mặc dù chỉ là thiểu số trong một đất nước chọn Phật giáo làm quốc giáo, nhưng Giáo hội, cách riêng các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Myanmar luôn đi đầu trong công cuộc hoà giải, hoà hợp dân tộc, âm thầm ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, ngay từ năm 1988, trong cuộc đấu tranh xây dựng xã hội dân chủ.   Những ngày này, khi đất nước Myanmar tiếp tục bị xâu xé do đảo chính, một lần nữa, dưới sự dẫn dắt của Đức Hồng y Charles Bo - Chủ tịch liên Hội đồng Giám mục Á Châu, Giáo hội Myanmar từ các đức giám mục, các linh mục, nam nữ tu sĩ và cộng đồng tín hữu lại sát cánh cùng người dân cả nước xuống đường bảo vệ nền dân chủ non trẻ, bằng những việc làm thiết thực, như kêu gọi các tín hữu sống tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện, đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình của đất nước trong giai đoạn khó khăn và cấp thiết hiện nay. Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Yangon, Myanmar,  Bo kêu gọi 10 điểm Dân chủ cho Quốc dân Myanmar https://www.youtube.com/watch?v=XExZwYAn3r0&feature=emb_imp_woyt   Bên cạnh đó, trong một thông cáo của tổng giáo phận Yangon, Đức Hồng y Charles Bo, tổng giám mục, đã kêu gọi Dân Chúa thận trọng và tỉnh thức, đồng thời đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho mọi thành phần Dân Chúa. Theo đó, ngài kêu gọi các linh mục "vì lý do an ninh, hãy cảnh giác và kiểm soát những người vào cơ sở của Giáo hội" và "để duy trì sự hiệp nhất và đồng nhất trong thông tin, ngài yêu cầu các linh mục, tu sĩ và cha xứ “không đưa ra các tuyên bố cá nhân” để tránh những điều mâu thuẫn, tạo thêm sự bất an và bối rối."   Ngoài ra, ý thức được tình hình chính trị có thể trở nên khó khăn hơn, Đức Hồng y cũng yêu cầu lưu trữ lương thực để tránh thiếu hụt, dự trữ thuốc men để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Cuối cùng, cộng đoàn Giáo hội được khuyên liên lạc với Đức cha phụ tá trong mọi tình huống báo động hay khẩn cấp.
......

Kỷ luật và trật tự xứ Đức – không phải câu chuyện đùa

Lưu Thủy Hương   Tuyên bố thẳng thừng của bà Merkel “Tôi sẽ tiêm chủng, khi đến lượt mình” đã mở đường cho truyền thông tiếp tục luận tội các chính trị gia tiêm chủng trước thời hạn. Những trường hợp tiêm chủng để làm gương (diễn tuồng), tiêm chủng vì tiếc vaccine còn thừa (lượm mót) đều bị lôi ra công luận. Người ta lên án, đó là hành động vô đạo đức, cần khép tội hình sự. Có thực sự như vậy không? Có phải chính trị gia nào vượt lên bảng danh sách đối tượng ưu tiên để chủng ngừa trước đều là tội phạm? Giới thiệu với các bạn hai thông tin, để lên án hay là cảm thông. Tùy bạn.   ***   https://www.tagesschau.de/.../nordrh.../wdr-story-38877.html Hai thành viên hạ viện tiểu bang Nordrhein-Westfalen đã tiêm phòng cho mình và vợ Theo thông tin từ đài truyền thanh WDR, hai nghị sĩ đã được tiêm vaccine là: Ralph Bombis (FDP) 49 tuổi và Markus Wagner (AfD) 56 tuổi. Cả hai đều đang điều hành các tổ chức xã hội. Một nghị sĩ đã biện minh cho việc tiêm vaccine sớm, là vì công việc của anh với tư cách là giám đốc điều hành và người đứng đầu ba viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc ở Rösrath, Bergisch Gladbach và Cologne. Bombis nói với WDR rằng quyết định của anh đã được đưa ra "sau khi cân nhắc kỹ lưỡng". Vì công việc, anh luôn có mặt „tại chỗ" và cũng có tiếp xúc với người trong trung tâm chăm sóc. Vợ anh là người quản lý các cơ sở đó. Anh quyết định tiêm chủng vì nhận thấy các nhân viên điều dưỡng ở cơ sở có sự ngần ngại khi tiêm chủng. Bởi vậy mà anh ta muốn làm gương cho họ. Sắc lệnh tiêm chủng của Liên bang quy định các thứ tự ưu tiên, theo thứ tự này việc tiêm chủng được lần lượt thực hiện. Người được ưu tiên cao nhất bao gồm những người làm công việc điều trị, điều dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi và người cần chăm sóc”. Ngay cả chủ tịch đảng AfD cũng đã được tiêm phòng Theo thông tin từ WDR, chủ tịch AfD Markus Wagner và vợ đã được nhận vaccine. Wagner điều hành một chương trình trợ giúp hòa nhập cho người bệnh tâm thần ở quận Minden-Lübbecke. Wagner cho biết, cả anh và vợ đều là người quản lý hợp đồng ủy quyền cơ sở, có quan hệ mật thiết với nhân viên cũng như người sống trong trung tâm. Cũng giống như Bombis, anh muốn trở thành một tấm gương. Hội bảo vệ người bệnh kêu gọi hình phạt cho những người chen lấn tiêm chủng Theo Eugen Brysch, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ Người bệnh của Đức, sắc lệnh tiêm chủng không cho phép tất cả những người làm việc trong viện dưỡng lão được ưu tiên tiêm chủng. Ông nói với WDR rằng "công việc gần gũi với các đối tượng yếu kém" không liên quan gì đến các hoạt động hành chính, kế toán hoặc nhà bếp. Brysch yêu cầu, việc biển thủ vaccine cần bị trừng trị, vì nó tước đi cơ hội được bảo vệ khỏi Covid-19 của những người đang cần gấp. Đó là điều rất tồi tệ về mặt đạo đức. Vậy mà, lấy cắp vaccine lại bị phạt nhẹ hơn đậu xe sai quy định trước trung tâm tiêm chủng. Brysch thậm chí còn muốn xếp tội biển thủ vaccine vào loại tội phạm hình sự. ****** https://www.swr.de/.../zwei-landraete-aus-region-trier... Hai nghị sĩ vùng Trier đã được chủng ngừa virus corona. Ít nhất một trong số họ không thuộc nhóm được ưu tiên tiêm chủng hàng đầu. Sau khi Thomas Schmitt (CDU), người đứng đầu bộ phận quản lý của Trier, phải từ chức do tiêm vaccine corona trái phép vào tuần trước, các nhân viên hành chính hàng đầu khác cũng lộ diện là những người đã tự tiện tiêm chủng vacinne. "Trierische Volksfreund" là tờ báo đầu tiên đăng tải thông tin này, Gregor Eibes (CDU), nghị sĩ vùng Bernkastel-Wittlich, và Heinz-Peter Thiel (độc lập) nghị sĩ vùng Vulkaneifel, đã được tiêm vaccine corona. Cả hai đều xác nhận điều này với SWR. Nghị sĩ vùng Bernkastel-Wittlich tiêm vaccine thừa Chính quyền vùng Bernkastel-Wittlich thông báo rằng, vào đầu tháng Giêng Gregor Eibes đã được tiêm vaccine từ liều lượng còn sót lại. Vào thời điểm đó, vẫn chưa có chuyện thiếu vaccine và trên hết, người ta vẫn chưa rõ ràng rằng: từ một lọ vaccine BioNTech/Pfizer có thể rút ra sáu liều thay vì chỉ năm liều. Eibes dẫn giải, từ chuyện này mà buổi tối có một số vaccine còn thừa ra. Hay từ chuyện, một số người trong danh sách chủng ngừa hủy lịch tiêm chủng qua điện thoại vào buổi chiều hôm trước. Mặc dù Eibes không thược diện ưu tiên số một, anh vẫn sẵn sàng nhận phần vaccine thừa. Trả lời đài truyền thanh SWR, chính quyền địa phương cũng cho biết, 5 người trong trong đội cứu trợ thiên tai cũng đã được tiêm chủng vì những lý do tương đương - mặc dù họ không thuộc nhóm 1. Theo thông tin, Eibes không muốn gây ra bất kỳ hậu quả chính trị nào từ việc tiêm phòng sớm. Anh đã thông báo cho lãnh đạo địa phương và các chính trị gia chủ chốt về vấn đề này. Anh nói với SWR: “Ngay từ ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng, tiêu chí trên toàn quốc là sẽ không để vaccine bị loại bỏ“. Với tư cách là nghị sĩ và người đứng đầu chính quyền quận, nơi đã chống chọi với đại dịch trong gần một năm, anh thấy việc tiêu hủy vaccine mới là vô đạo đức./.  
......

Phẫn nộ về việc các chính trị gia chen lên phía trước tiêm chủng

Thị trưởng của Halle, Bernd Wiegand Deutsche Welle (Võ Thu Phương dịch)   Lãnh đạo ngành y tế của Đức đang kêu gọi hình phạt đối với hàng trăm chính trị gia địa phương, cảnh sát và nhân viên hành chính đã được tiêm sớm vaccine chống corona, những người này nằm ngoài danh sách ưu tiên được ban hành. Bà Angela Merkel đã tỏ ra rất thận trọng. “Tôi cũng sẽ tiêm chủng,” bà nói trong bài phát biểu vào dịp đầu năm của mình. “Khi tôi đến lượt.” Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ Liên bang mong muốn tạo ra một hình ảnh tốt đẹp theo đúng trình tự tiêm chủng vaccine do Hội đồng Cố vấn Luân lý của nước Đức đưa ra. Theo đó, đối tượng được tiêm chủng hàng đầu là: các cụ già trên 80 tuổi cũng như nhân viên điều dưỡng, nhân viên bệnh viện, nhân viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 hoặc nhân viên chăm sóc những người đặc biệt bị đe dọa bởi căn bệnh này. Trong kế hoạch tiêm chủng của Hội đồng Cố vấn Luân lý, thủ tướng và các bộ trưởng được chỉ định đứng vào vị trí thứ ba – còn sau cả những người tị nạn sống trong trại tập trung. Như vậy, “những người có vị trí đặc biệt trong nội các chính phủ” là nhóm ưu tiên sau chót được nhận vaccine, cùng với những đối tượng khác là cảnh sát và lính cứu hỏa. Mỗi một quốc gia có một kiểu làm gương riêng Các chính phủ ở những nơi khác nhau trên thế giới có những cách cư xử khác nhau. Chẳng hạn như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công khai chuyện tiêm vaccine trước ống kính – cũng là một phương thức để trở thành tấm gương cho người dân. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã được tiêm chủng. Ngay cả các thành viên của chính phủ ở Thụy Sĩ, từng được biết đến với đức tính khiêm nhường và gần gũi với dân chúng, cũng đã nhận vaccine – họ làm việc đó sau những cánh cửa đóng kín với một chút xấu hổ và một chút che giấu hơn là phô diễn công khai. Vậy mà, nhiều chính trị gia cấp địa phương của Đức (thuộc các đảng phái khác nhau) đã gây ra sự phẫn nộ vì họ không tuân theo tấm gương của chính phủ liên bang. Họ lợi dụng những sơ hở trong quy trình tiêm chủng để nhận vaccine sớm hơn dự định. Ví dụ, thị trưởng của Halle, Bernd Wiegand: Ông đã nhận được vaccine nhờ vào một “tình huống ngẫu nhiên”, như chính Wiegand giải thích. Thật “ngẫu nhiên” khi ông ấy và mười thành viên trong hội đồng thành phố đã được tiêm phòng không đúng theo thứ tự quy định. Der Augsburger Bischof Bertram Meier hat bereits seine zweite Corona-Impfung erhalten (Giám mục Augsburger Bertram Meier đã được chích 2 mũi vaccine) Ngay cả giám mục xứ Augsburg và người thừa hành của ông, hàng trăm cảnh sát, hàng chục nhân viên hành chính trong bệnh viện, lính cứu hỏa, thậm chí cả thực tập sinh tại các tòa thị chính – tất cả những người này đều nhận được liều thuốc quý giá trong khi hàng triệu người ở Đức đang tuyệt vọng chờ đến phiên của họ. Chen lấn lên phía trước là phá hủy niềm tin Sabine Dittmar, phát ngôn viên chính sách y tế của đảng SPD tại hạ viện, cho đài truyền thanh DW biết: “Phải trừng phạt và đưa ra một tín hiệu răn đe đối với những kẻ chích xong rồi còn thoải mái nhún vai. Đây là vấn đề cần cật lực lên án về mặt đạo đức“. Dittmar là bác sĩ và cũng đang làm việc ở trung tâm tiêm chủng và xét nghiệm vùng Tây – Bắc bang Bayern. “Tôi không có một chút xíu cảm thông nào“. Chính trị gia Erwin Rüddel của đảng CDU cũng tin rằng những kẻ giành giựt vaccine nên bị trừng phạt. Chủ tịch ủy ban y tế tại hạ viện cho DW biết: “Có thể chúng ta phải thực sự can thiệp vào lề thói này. Kiểu chụp giựt như vậy khiến cho người dân vô cùng tức giận và niềm tin cần thiết sẽ bị hủy diệt. Tôi nhận thấy cách cư xử của những người này, đặc biệt các nhân viên chính ngạch, là vô cùng lỗ mãng“. Lý do phổ biến nhất nhằm biện minh cho việc tiêm chủng ngoài luồng là, các trung tâm tiêm chủng thường có những liều vaccine dư vào cuối ngày. Thực vậy, không phải tất cả những người được mời đi tiêm chủng đều đến. Một số người từ chối vì lý do y tế, chẳng hạn như bị cảm lạnh. Dittmar nói: “Tất nhiên người ta không muốn chất lỏng quý giá này bị lãng phí. Vậy thì họ phải lên một danh sách dự bị gồm những người có thể nhanh chóng liên lạc và phù hợp với thứ tự ưu tiên“. Trừng phạt “vị giám mục vô liêm sỉ” Nghị sĩ hạ viện Andrew Ullmann cũng nhìn nhận như vậy. Trả lời phỏng vấn DW, chuyên gia y tế thuộc đảng FDP nhấn mạnh: “Đây là một sai lầm trong khâu quản lý. Người ta có thể lập một danh sách dự phòng bao gồm nhân viên y tế, hoặc thành viên của các đơn vị cứu nạn chẳng hạn“. Ông Ullmann xem “hành vi sai trái trong xã hội” này là “vô liêm sỉ”, người giáo sư bác sĩ về bệnh truyền nhiễm phát biểu. “Tôi nói luôn cả các giám mục, những người đã chen lên phía trước. Đối với tôi, đó là hành vi phi tín ngưỡng“. Viện dẫn lý do những liều vaccine còn thừa sẽ hết hạn là “đạo đức giả”. Ngoài giám mục vùng Augsburg, Bertram Meier và người thừa hành của ông là Harald Heinrich – giám mục phụ tá vùng Osnabrück, Johannes Wübbe, cũng đã được tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đã thông báo rằng ông sẽ xem xét các hình phạt đối với những vi phạm luật ưu tiên. Alina Buyx, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Luân lý của nước Đức, cũng đồng ý với quyết định này. “Sắc lệnh tiêm chủng là luật hiện hành trong Quốc gia. Và nếu nó bị xâm phạm một cách trắng trợn, thì cũng nên nghĩ đến các biện pháp trừng phạt“, bà Buyx nói trên đài truyền hình ZDF. Những người chen lấn giành giật sẽ phá hủy “sự tin cậy trong toàn bộ chiến dịch“. ______ Chú thích của người dịch: * Hội đồng Cố vấn Luân lý nước Đức (Ethikrat): là một hội đồng độc lập gồm các chuyên gia giám sát các vấn đề đạo đức, xã hội, khoa học, y tế và pháp luật cũng như các hậu quả phát sinh có thể xảy ra đối với các cá nhân và xã hội. Họ gồm 26 thành viên, hoạt động độc lập dựa trên nền tảng pháp lý “cấm các thành viên trong quốc hội và chính phủ tham gia vào Hội đồng”, và dựa vào nguyên tắc “mọi quan điểm đạo đức khác nhau và những ý kiến đa chiều đều cần được quan tâm”. * Ủy ban Tiêm chủng Thường trực (STIKO), có tên đầy đủ là Ủy ban Tiêm chủng Thường trực tại Viện Robert Koch: là một nhóm chuyên gia tự nguyện, mỗi năm họp hai lần để giải quyết các câu hỏi về các phương án chính trị quan trọng trong ngành y tế về vấn đề tiêm chủng, các bệnh truyền nhiễm trong nghiên cứu và thực hành – từ đó đưa ra các khuyến nghị tương ứng. Các khuyến cáo STIKO, thường được xuất bản hàng năm trong Bản tin Dịch tễ học của viện Robert Koch, nhằm phục vụ toàn liên bang như một khuôn mẫu cho các khuyến nghị tiêm chủng toàn dân./.  
......

Dịch và cơ hội quan sát, ngẫm nghĩ về ‘phận công bộc’

Trân Văn | Bà Angela D. Merkel vừa khẳng định rằng bà sẽ “xếp hàng”, chờ đến lượt để được chích vaccine ngừa COVID-19. Cuộc trò chuyện giữa phóng viên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) với bà Merkel (1) đã được cô Võ Thu Phương lược dịch sang tiếng Việt để người Việt không rành tiếng Đức tham khảo (2).   Tuy đã 67 tuổi nhưng theo qui định của Ủy ban đặc trách Tiêm chủng ở Đức, bà Merkel không nằm trong nhóm được ưu tiên chích ngừa. Đức bắt đầu tổ chức chích ngừa từ cuối tháng 12 năm ngoái nhưng do không đủ vaccine, đến giờ, chỉ có những người đang làm các công việc thiết yếu như nhân viên y tế hoặc đã trên 80 mới được chích ngừa (3)…   Theo bà Merkel, quyết định của Ủy ban đặc trách Tiêm chủng ở Đức – tổ chức chích ngừa cho những người dễ bị tổn thương vì tính chất công việc khiến họ không thể duy trì khoảng cách an toàn – là hoàn toàn đúng đắn. Dù là Thủ tướng nhưng Merkel vẫn “xếp hàng” vì giáo viên (mẫu giáo, tiểu học,…) cần được ưu tiên hơn những người như bà!   *** Dẫu đa số người Đức xem lựa chọn “xếp hàng” của bà Merkel là đương nhiên nhưng lựa chọn ấy lại làm nhiều người Việt ngậm ngùi vì rõ ràng “công bộc” Đức khác xa “công bộc” Việt Nam. Cùng phục vụ công chúng nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Đức không dành cho “công bộc” Đức bất kỳ đặc quyền, đặc lợi nào, còn “công bộc” Đức thì không tìm cách giành, giữ tư thế “ăn trên, ngồi trước”…   Chính quyền Đức do bà Merkel lãnh đạo không ban hành bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào hay dùng công quỹ thiết lập một hệ thống riêng nhằm bảo vệ từ uy tín tới sức khỏe của… Ban Chấp hành Trung ương Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) – đảng cầm quyền ở Đức – mà trước nay, bà Merkel vẫn là một trong các thủ lĩnh.   Cho dù đảm nhận trọng trách quản trị – điều hành nước Đức nhưng Merkel nói riêng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Đức nói chung luôn tôn trọng hiểu biết, khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ. “Công bộc” Đức giữ đúng… phận, không đưa ra bất kỳ… chỉ đạo nào cho những cơ quan thuần túy chuyên môn như Ủy ban đặc trách Tiêm chủng! *** Tuần trước, Reuters công bố một video clip khiến nhiều người bật cười bởi được thấy bà Merkel cuống quít do nhận ra đã quên khẩu trang ở bục phát biểu. Sau khi quay về chỗ của mình và đã ngồi xuống, Thủ tướng Đức mới nhận ra điều đó, bà vội vàng đứng dậy, chạy đến bục phát biểu xin nhận lại khẩu trang và mang vào ngay lập tức (3).   Đức là một trong những quốc gia ráo riết thực thi các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn và phòng ngừa COVID – 19 lây lan. Trước nay, Merkel là một trong những người luôn chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc thực thi các yêu cầu phòng – chống COVID 19 như phải mang khẩu trang ở những nơi công cộng nhằm bảo vệ cả bà lẫn cộng đồng.   Đức không phải là quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. CDU tuy là đảng cầm quyền nhưng không nuôi tham vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội để trở thành tổ chức chính trị duy nhất vĩnh viễn cầm quyền tại Đức, thành ra Đức không thực thi dân chủ XHCN như Việt Nam.   Cũng vì vậy bà Merkel – tuy được đa số dân Đức tin yêu – vẫn không dám “nói một đằng, làm một nẻo”. Hệ thống công quyền Đức buộc toàn dân phải mang khẩu trang khi hiện diện ở nơi công cộng thì Thủ tướng – thủ lĩnh đảng cầm quyền – cũng phải như thế. Nếu không thì khó mà yên thân với dân Đức.   Từ khi đợt dịch thứ ba bùng lên ở Đức hồi tháng 11 năm ngoái, để ngăn ngừa lây lan, các tiệm cắt tóc của Đức bị buộc phải tạm ngưng hoạt động. Thế rồi một số người Đức nhận ra và nêu thắc mắc: Tại sao tóc của Merkel vẫn ngắn và gọn? Phải chăng Thủ tướng Đức đã đến tiệm cắt tóc nào đó, vi phạm lệnh cấm của hệ thống công quyền Đức?   Đức không xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN nên lực lượng an ninh Đức không săn tìm, hệ thống tư pháp Đức không truy tố, đưa ra xét xử – quyết định tống giam những người thắc mắc vì… chống chính quyền nhân dân. Hệ thống truyền thông của Đức không những không lên án những người nêu thắc mắc là… tự diễn biến, tự chuyển hóa, bị các thế lực thù địch, phản động tác động mà còn giới thiệu rộng rãi những thắc mắc ấy. Cũng vì vậy, Thư ký báo chí của Merkel phải soạn – phát hành một thông cáo báo chí nhấn mạnh: Merkel không vi phạm các khuyến cáo của Viện Robert Koch – cơ quan nghiên cứu và tư vấn cho hệ thống công quyền Đức về phòng, chống COVID 19 (5).   Chú thích (1) https://www.tagesschau.de/inland/merkel-impfung-corona-101.html (2) https://baotiengdan.com/2021/02/25/thu-tuong-merkel-toi-se-tiem-chung-khi-den-luot-minh/ (3) https://www.dw.com/en/covid-no-special-freedoms-for-the-vaccinated-in-germany/a-56454942 (4) https://www.youtube.com/watch?v=IEqKO0inTB8 (5) https://thegreatminute.com/merkel-told-who-cuts-her-hair-in-quarantine.html #CTMMedia #covid-19 #angelamerkel #côngbộ  
......

Việt Tân cùng hơn 130 Tổ Chức gửi thư kêu gọi Hội Đồng Bảo An LHQ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar

Việt Tân & các NGOs| Việt Tân cùng hơn 130 Tổ Chức gửi thư đến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar 137 tổ chức phi chính phủ đến từ 31 quốc gia đã cùng ký tên trong một kiến nghị thư kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khẩn cấp áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar để đối phó với cuộc đảo chính quân sự và để ngăn chặn chính quyền tiếp tục hành vi đàn áp những người biểu tình. Việt Tân và các tổ chức đối tác cùng ký tên cũng đã kêu gọi các chính phủ cho phép chuyển giao vũ khí cho Myanmar – bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Bắc Hàn, Philippines, Nga và Ukraine – nên ngừng cung cấp ngay lập tức bất kỳ vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự. Sau đây là nội dung kiến nghị thư gửi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. *** KÊU GỌI THẾ GIỚI ÁP ĐẶT LỆNH CẤM VẬN VŨ KHÍ ĐỐI VỚI MYANMAR Chúng tôi, các tổ chức cùng ký tên dưới đây, kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc phối hợp khẩn cấp tiến hành một lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar để đối phó với cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng Hai, 2021, đã lấy đi của người dân Myanmar quyền dân chủ bầu chọn chính phủ của họ. Mối lo ngại của chúng tôi càng tăng cao bởi những vi phạm liên tục về nhân quyền và lịch sử lạm dụng bạo lực nghiêm trọng của lực lượng an ninh chống lại những người phản đối chế độ quân sự một cách ôn hòa, cũng như chống lại người Rohingya và các nhóm dân tộc thiểu số khác. Dưới sự chỉ huy của Tổng Tư Lệnh, Tướng Min Aung Hlaing, quân đội Myanmar đã bắt giữ các lãnh đạo dân sự đã được người dân bầu chọn, vô hiệu hóa kết quả của cuộc bầu cử dân chủ vào tháng Mười Một, 2020, đặt quốc gia trong “tình trạng khẩn cấp” giả tạo và thành lập một chính quyền quân phiệt mang tên Hội Đồng Hành Chính Nhà Nước. Kể từ ngày 1 tháng Hai, chính quyền quân phiệt đã ngày càng gia tăng việc sử dụng vũ lực quá mức và đôi khi sử dụng vũ khí gây chết người tại các cuộc biểu tình; các nhà hoạt động, nhà báo, sinh viên và công chức bị đe dọa và bị bắt giữ tùy tiện; và áp đặt việc cúp Internet liên tục khiến tính mạng người dân gặp nguy hiểm. Vài ngày sau cuộc đảo chính, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc António Guterres tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm mọi cách để huy động tất cả các thành phần chủ chốt và cộng đồng quốc tế gây đủ áp lực lên Myanmar để bảo đảm rằng cuộc đảo chính này sẽ thất bại.” Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Myanmar đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc đưa ra các lệnh trừng phạt nhắm mục tiêu vào quân đội và lệnh cấm vận vũ khí, trong khi phó chủ tịch Cao Ủy Nhân Quyền lên tiếng ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với các lãnh đạo cuộc đảo chính. Trên tinh thần đó, chúng tôi kêu gọi Hội Đồng Bảo An áp đặt ngay lập tức một lệnh cấm vận vũ khí toàn diện đối với Myanmar. Biện pháp này sẽ ngăn chặn việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao trực tiếp và gián tiếp tất cả vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác, bao gồm cả hàng hóa lưỡng dụng như phương tiện giao thông, thiết bị liên lạc và giám sát, cũng như việc cung cấp đào tạo, thông tin tình báo và hỗ trợ quân sự khác. Lệnh cấm vận nên đi kèm với các cơ chế giám sát và thực thi mạnh mẽ. Mọi thương vụ hoặc chuyển giao các thiết bị liên quan đến quân sự cho Myanmar đều có thể cung cấp các phương tiện để đàn áp thêm nữa người dân Myanmar, vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế. Cho đến khi Hội Đồng có hành động, từng quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên áp dụng các biện pháp ở cấp quốc gia và khu vực để ngăn chặn việc mua bán và chuyển giao vũ khí và vật liệu khác cho Myanmar, với mục tiêu mở rộng lệnh cấm vận vũ khí càng gần tới quy mô toàn cầu càng tốt. Trong nhiều thập niên qua, phản ứng của Hội Đồng Bảo An đối với các tội ác của lực lượng an ninh Myanmar đã không thích đáng, điều này khuyến khích quân đội tiếp tục có hành vi vi phạm mà không sợ hậu quả nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng hiện tại đòi hỏi một sự thay đổi trong cách ứng xử. Vào ngày 4 tháng Hai, Hội Đồng Bảo An đã lên tiếng yêu cầu trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ tùy tiện và bảo vệ các thể chế dân chủ của đất nước. Các thành viên Hội Đồng nên sử dụng sự đồng thuận mới đạt được để có hành động nhanh chóng và thực chất. Lệnh cấm vận vũ khí nên là trọng tâm của nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ người dân Myanmar tránh phải quay trở lại cuộc sống dưới một chế độ cai trị chuyên quyền và bạo lực. Đã tới lúc phải hành động. Đồng ký kết 1. Access Now 2. Advocacy Forum-Nepal 3. AFL-CIO 4. All Arakan Students’ and Youths’ Congress 5. Arakan Information Center 6. Arakan Rivers Network 7. Arakan Rohingya Society for Peace and Human Rights 8. ARTICLE 19 9. ASEAN Parliamentarians for Human Rights 10. Asia and Pacific Alliance of YMCAs 11. Asia Democracy Network 12. Asia Justice and Rights (AJAR) 13. Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA) 14. Asian Human Rights Commission 15. Asian Migrant Centre 16. Asian Network for Free Elections (ANFREL) 17. Asian Resource Foundation 18. Association of Human Rights Defenders and Promoters 19. Association of Women for Awareness and Motivation (AWAM) 20. Australian Centre for International Justice 21. Australian Lawyers for Human Rights 22. BALAOD Mindanaw 23. Bir Duino Kyrgyzstan 24. Brotherhood For Democracy (BFD) 25. Burma Campaign UK 26. Burma Human Rights Network (BHRN) 27. Burmese Rohingya Association in Japan 28. Burmese Rohingya Community in Australia 29. Bytes For All 30. Cambodian Center for Human Rights (CCHR) 31. Cambodian Food And Service Workers Federation (CFSWF) 32. Cambodian Human Rights and Development Association (ADHOC) 33. Cambodian League for the Promotion and Defense of Human Rights (LICADHO) 34. Canadian Rohingya Development Initiative 35. Center for Alliance of Labor and Human Rights (CENTRAL) 36. Center for Peace Education, Miriam College 37. Center for Social Integrity 38. Centre for Human Rights and Development 39. Centre for Peace and Justice, Brac University 40. CIVICUS: World Alliance for Citizen Participation 41. Climate Change Working Group-Myanmar 42. Colorful Girls 43. Community Resource Centre Foundation (CRC) 44. Cross Cultural Foundation 45. CSW 46. Dawei Pro Bono Lawyer Network 47. Democracy, Peace and Women Organization 48. DHEWA (Development for Health, Education, Work, and Awareness) Welfare Society 49. Equality Myanmar 50. Equitable Cambodia 51. European Rohingya Council 52. Federal Association of Vietnamese Refugees in the Federal Republic of Germany 53. Fortify Rights 54. Free Rohingya Coalition 55. Global Centre for the Responsibility to Protect 56. Global Justice Center 57. Global Witness 58. Htoi Gender and Development Foundation 59. Human Rights First 60. Human Rights Foundation of Monland 61. Human Rights Law Centre 62. Human Rights Office-Sri Lanka 63. Human Rights Watch 64. Human Rights Without Frontiers 65. Info Birmanie 66. Innovation for Change Network 67. Institute for Asian Democracy 68. Institute on Statelessness and Inclusion 69. International Campaign for the Rohingya 70. International Movement of Catholic Students (IMCS), Asia Pacific 71. International NGO Forum on Indonesian Development (INFID) 72. International Rehabilitation Council for Torture Victims (IRCT) 73. Jewish Alliance of Concern Over Burma 74. Jubilee Australia 75. Justice for All/Burma Task Force 76. Justice for Myanmar 77. Kachin State Women’s Network 78. Karapatan Alliance Philippines 79. Karen Human Rights Group 80. KontraS Aceh 81. Loka Ahlinn Social Development Organization 82. Maldivian Democracy Network (MDN) 83. MAP Foundation 84. Medical Association for Prevention of War (Australia) 85. Mekong Migration Network 86. Mennonite Central Committee 87. MeSheWe 88. Mother Nature Cambodia 89. Myanmar Human Rights Alliances Network (MHRAN) 90. National Campaign for Sustainable Development Nepal 91. Never Again Coalition 92. New School for Democracy 93. No Business With Genocide 94. Nonviolence International 95. Odhikar 96. Olof Palme International Center 97. OutRight Action International 98. PAX 99. Pax Christi Aotearoa New Zealand 100. Pax Christi Australia 101. Pax Christi International 102. Pax Christi Korea 103. Pax Christi Philippines 104. People’s Empowerment Foundation 105. People’s Watch 106. Philippines Alliance of Human Rights Advocates (PAHRA) 107. Progressive Voice 108. Prosecute; don’t perpetrate 109. Public Association “Dignity” 110. Pusat KOMAS 111. Refugees International 112. Restless Beings 113. Robert F. Kennedy Human Rights 114. Rohingya Association of Canada 115. Rohingya Human Rights Initiative 116. Rohingya Today 117. Rohingya Women Education Initiative 118. Rohingya Youth for Legal Action 119. Smile Myanmar 120. Swedish Burma Committee 121. Taiwan Association for Human Rights 122. Taiwan Forever Association (台灣永社) 123. Tampadipa Institute 124. The Arakan Project 125. The May 18 Memorial Foundation 126. The PLAN: Public Legal Aid Network 127. The Swedish Rohingya Association 128. Uniting Church in Australia, Synod of Victoria and Tasmania 129. US Campaign for Burma 130. Viet Tan 131. Vietnamese Women for Human Rights 132. Voice of Rohingya 133. Win Without War 134. World Federalist Movement/Institute for Global Policy 135. World Organisation Against Torture (OMCT) 136. YMCA Mandalay 137. Youth Resource Development Program (YRDP) Nguồn: https://viettan.org/viet-tan-cung-hon-130-to-chuc-gui-thu-keu-goi-hoi-dong-bao-an-lhq-ap-dat-lenh-cam-van-vu-khi-doi-voi-myanmar/?fbclid=IwAR0oMw-VDoAtuE1Gc3hiQEpKHjg0cSeBvbXLCVs7W2wi2dLZmcBfwy06USw
......

Bảo tố xứ chùa vàng Myanmar

Nguyen Khan| Hôm 22/2 vừa rồi, hàng trăm ngàn người Myanmar đã tràn ngập đường phố phản đối cuộc đảo chính của quân đội, yêu cầu quân đội trả lại quyền lực cho chính phủ dân sự, trả tự do cho bà cố vấn Aung San Suu Kyi và các quan chức chính phủ dân sự bị quân đội bắt giữ.   Bão tố lần này còn tăng thêm năng lượng từ cái chết của cô gái đôi mươi bị quân phiệt Myanmar đàn áp bắn chết trong cuộc biểu tình trước đó làm nước tràn ly.   Đoàn người biểu tình tập trung phản đối rất đông trước đại sứ quán TC (Trung Cộng) vì cho là TC đã "Chương bổn cũ soạn lại" giật dây quân đội Myanmar đảo chính chính phủ dân sự để trở lại chính phủ quân phiệt ngày xưa do TC che đỡ vì lợi ích của chúng.   Có thể giờ này TC và một số nước độc tài trong khu vực đang lo ngại khi thấy sự phản kháng quá dữ dội của nhân dân Myanmar. Bởi nếu lần này người Myanmar áp lực thành công, buộc quân phiệt trao trả hết quyền lực cho chính phủ dân sự chứ không phải trao trả quyền lực nửa vời như chính phủ dân sự vừa bị quân phiệt đảo chính... Thì có thể kích thích một xu hướng mới trong khu vực như cuộc cách mạng Hoa Lài cuối năm 2015?   Bởi khi ấy, chàng thanh niên bán hoa quả Mohammed Bouazizi đã tự thiêu vì phẫn uất nhà cầm quyền độc tài Ben Ali triệt đường sống của anh. Cái chết thương tâm ấy như nước tràn ly, không chỉ làm bùng lên những cuộc biểu tình dữ dội phản đối nhà cầm quyền khiến tổng thống Ben Ali phải "bỏ của chạy lấy người" qua nước khác tị nạn, mà còn cuốn phăng các nhà độc tài Yemen, Ai CẬP, Libya, làm tổng thống độc tài Bashar Al Assad của Syria "lên bờ xuống ruộng" cho đến nay.   Chẳng ai lường được "Cái sảy nảy cái ung". Ai ngờ cái chết tự thiêu của một chàng trai bán hoa quả vô danh tiểu tốt lại có thể tạo ra cuộc cách mạng Hoa Lài long trời lỡ đất khắp cả một khu vực rộng lớn Bắc Phi Trung Đông.   Thì cái chết của cô gái Myanmar trên đường biểu tình càng dễ trở thành kịch tính. Nếu nói một ngày trên cõi đời này có hàng vạn cái chết không lẽ lúc nào thế giới cũng hình thành bão tố? Quả đúng là như vậy.   Song nếu hiểu rằng cô gái đôi mươi xinh đẹp này chết:   - Trong bối cảnh đất nước Myanmar của cô đang sục sôi căm phẫn vì bọn quân phiệt cấu kết với TC tước đoạt quyền lực của chính phủ dân sự, cô đã chết như một người anh hùng.   - Trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đang âm ỉ phản đối chính quyền của họ bị TC thao túng.   - Trong bối cảnh Hồng kong, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông... Và cả những người Hán, đang bất mãn bọn cầm quyền độc tài Bắc Kinh.   Thì cái chết ấy có xác suất tạo ra kịch tính như cái chết của Mohammed Bouazizi là không hề nhỏ.   Đó là lý do TC chẳng khác gì kẻ đang "đùa với dao", chuyên dùng mưu ma chước quỷ bành trướng, nay đang lo bị cắt bằng chính con dao của mình, bởi Tây Tạng rất gần với tâm bão Chùa Vàng Myanmar./.  
......

Alexei Navalny: Kẻ thù số một của Putin

Alexei Navalny. Ảnh: Pavel Golovkin/ AP Huỳnh Minh Triết| Chân dung nhân vật đối lập gây nhiều tiếng vang nhất tại Nga trong những năm gần đây. Ngày 20/8/2020, các trang báo quốc tế đồng loạt đưa tin về một sự kiện đậm màu sắc của các phim điệp viên thời chiến tranh: Alexei Navalny, đối thủ chính trị lớn nhất của Vladimir Putin, nghi bị đầu độc và rơi vào trạng thái hôn mê. Chuyến bay chở ông lập tức được hạ cánh khẩn cấp. Navalny được đưa vào một bệnh viện ở Siberia. Sinh mạng của ông như mành chỉ treo chuông. Hai ngày sau, nhờ sự vận động của một tổ chức từ thiện Đức, Navalny được chuyển đến một bệnh viện tại Berlin. Tại đây, các bác sĩ xác định ông bị nhiễm Novichok, một loại chất độc thần kinh đã từng xuất hiện nhiều lần trong các vụ ám sát những nhân vật đối lập với chính quyền Nga. Navalny được cứu sống, và ngay lập tức quay lại đối đầu không khoan nhượng với Putin. Rốt cuộc thì nhân vật này là ai mà dám chống lại một trong những người quyền lực nhất hành tinh? Báo chí phương Tây gọi Navalny là người mà Putin sợ nhất. Nhưng ngay cả trong phe đối lập tại Nga, không ít ý kiến cho rằng Navalny chỉ là một phiên bản khác của Putin. Những phác họa cơ bản Alexei Navalny sinh ngày 4/6/1976 tại một ngôi làng phía Tây Moscow. Ông thông thạo cả tiếng Ukraina và tiếng Nga. Navalny tốt nghiệp Đại học Hữu nghị Nhân dân Moscow năm 1998 và trở thành một luật sư. Năm 2010, ông sang Mỹ du học một năm theo chương trình World Fellow của Đại học Yale. Navalny sinh sống ở Moscow cùng vợ, bà Yulia. Họ có hai con – con gái Daria đang học ở Mỹ và con trai tên Zakhar. Navalny cùng vợ và hai con. Ảnh: AP. Navalny hiện là lãnh đạo của Đảng Tương lai nước Nga. Ông cũng sáng lập ra Tổ chức Chống Tham nhũng (FBK), chuyên vạch trần các thông tin tham nhũng của quan chức chính quyền. Ông nổi tiếng trên mạng xã hội với các video điều tra công phu về các nhân vật chóp bu trong chính quyền Nga như Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev. Kênh Youtube và trang Twitter của ông có hàng triệu người theo dõi.  Tổng thống Putin thường tránh nhắc đến tên Navalny. Các kênh truyền thông chính thống Nga rất ít đưa tin về ông.  “Khởi nghiệp” bằng viết blog Navalny bước chân vào chính trị từ đầu những năm 2000 với các nhóm thanh niên và những đảng theo chủ nghĩa dân tộc. Tới năm 2008, ông bắt đầu được chú ý với việc viết blog tố cáo tham nhũng. Navalny thu thập dữ liệu bằng việc mua cổ phiếu của các công ty dầu khí Nga như Rosneft và Gazprom. Theo luật Nga, cổ đông được phép tiếp cận những thông tin tài chính bí mật mà công chúng không được biết. Tháng 11/2010, ông công khai trên blog báo cáo kiểm toán của công ty Transneft. Navalny cáo buộc lãnh đạo công ty này đã biển thủ 4 tỷ USD trong dự án xây đường ống Tây Siberia. Tháng 8/2011, ông công bố tài liệu điều tra cáo buộc hoạt động rửa tiền và tham nhũng giữa quan chức Nga và chính phủ Hungary. Ba quan chức Hungary liên quan đến vụ này đã bị bắt giam. Không có quan chức nào của Nga bị xử lý. Tháng 5/2012, ông đăng các tài liệu cáo buộc Phó Thủ tướng Igor Shuvalov nhận hối lộ hàng triệu USD từ các đại gia Nga.  Tháng 3/2017, Navalny gây rúng động nước Nga khi công bố một video điều tra cáo buộc Thủ tướng Dmitry Medvedev tham nhũng. Navalny trong bộ phim tài liệu do ông sản xuất, cáo buộc thủ tướng Nga tham nhũng. Ảnh chụp từ video. Cũng trong thời gian này, Navalny tổ chức các cuộc biểu tình chống tham nhũng trên khắp đất nước. Cảnh sát cho hay 500 người tham gia biểu tình bị bắt. Nhưng theo tổ chức nhân quyền OVD-Info, ít nhất 1.000 người ở riêng Moscow bị bắt, bao gồm cả Navalny. Ông bị phạt 350 USD và giam 15 ngày vì tội tổ chức biểu tình trái phép và chống cự khi bị bắt. Tháng 8/2018, ông cáo buộc Tướng Viktor Zolotov, Giám đốc Cảnh vệ Nga, có hành vi tham nhũng. Zolotov phản hồi qua một video, thách Navalny đấu tay đôi. Ông này dọa sẽ nghiền nát Navalny thành món thịt băm. Tổ chức biểu tình Năm 2000, Vladimir Putin trở thành tổng thống Nga. Trong suốt mười năm kể từ đó, không mấy ai có thể chống lại Putin. Nền kinh tế Nga tăng trưởng mạnh, tiêu chuẩn sống nâng cao, những tiếng nói đòi dân chủ và nhân quyền chìm nghỉm. Theo Alex Ward, phóng viên của Vox, các chuyên gia về Nga đồng ý rằng có một luật bất thành văn là chừng nào mà Putin còn đảm bảo cho nước Nga một nền kinh tế phát triển và một vỏ bọc dân chủ thì người Nga còn chấp nhận sự thống trị của ông. Nhưng đến năm 2011, hai sự kiện đã khiến đế chế của Putin lung lay. Thứ nhất là việc Putin tuyên bố quay lại vị trí tổng thống sau một nhiệm kỳ làm thủ tướng. Thứ hai là cuộc bầu cử năm 2011 có đầy lỗ hổng và bằng chứng gian lận. Những hành động xé toạc bộ mặt của nền dân chủ Nga trở thành chất xúc tác cho phe đối lập nổi lên. Alexei Navalny là một trong số đó. Hàng chục ngàn người biểu tình tại Moscow vào tháng 12/2011 phản đối cuộc bầu cử Quốc hội mà họ cáo buộc là gian lận. Ảnh: Anton Golubev/ Reuters. Các bài viết vạch trần tham nhũng trên blog giúp Navalny có được nhiều sự ủng hộ. Năm 2011, ông là một trong những lãnh đạo chủ chốt tổ chức cuộc biểu tình được coi là mạnh mẽ nhất từ khi Putin cầm quyền. Chỉ riêng tại thủ đô Moscow, khoảng 50.000 người đã đổ xuống đường để phản đối cuộc bầu cử Quốc hội được cho là dàn dựng.  Navalny gọi Đảng Nước nga Thống nhất của Putin là “quân lừa đảo và ăn cướp” – cụm từ trở nên quen thuộc trong các cuộc biểu tình. Ông chỉ đích danh Putin là người hút máu nước Nga, thông qua “nhà nước phong kiến” để tập trung quyền lực ở Điện Kremlin. Navalny bị bắt và phạt tù 15 ngày tội chống người thi hành công vụ. Nhưng đây có lẽ là sai lầm của Moscow. Alexei Venediktov, Tổng biên tập đài phát thanh Tiếng vọng Moscow (Echo Moskvy) nói việc bắt giữ Navalny là “một sai lầm chính trị”. Venediktov nhận định quyết định tống giam Navalny đã biến ông “từ một thủ lãnh trên mạng trở thành một lãnh đạo ngoài đời thực”. Tranh cử thị trưởng Moscow Cuộc bầu cử thị trưởng Moscow năm 2013 là một sự kiện kỳ lạ. Vào hôm 18/7, chỉ một ngày sau khi đăng ký tranh cử, Navalny bị tuyên án 5 năm tù vì tội lừa đảo và tham ô. Ông tuyên bố rút khỏi cuộc đua và kêu gọi tẩy chay bầu cử. Tuy nhiên, cuối ngày hôm đó, Phòng Công tố lại rút án, và đề nghị tòa cho ông tại ngoại kèm yêu cầu hạn chế đi lại. Navalny phục hồi tư cách tranh cử. Việc thả Navalny vào giờ chót, theo bài viết trên Washington Post, là nhằm làm cho cuộc bầu cử này trông có vẻ chính danh hơn. Navalny cùng những người ủng hộ tại Moscow vào tháng 7/2013. Ảnh: Sergei Karpukhin/ Reuters. Chiến dịch của Navalny dựa trên nền tảng chủ nghĩa dân tộc không khoan nhượng. Ông gây tranh cãi với việc cổ xúy các chính sách chống người nhập cư Hồi giáo, người Trung Á và ủng hộ cuộc chiến của Nga tại Georgia năm 2008.  Tuy vậy, khâu vận động tranh cử và gây quỹ của Navalny lại được coi như “một phép màu”. Gần như bị truyền thông cấm đoán, chiến dịch của ông sử dụng 20.000 tình nguyện viên đi phát tờ rơi và treo băng rôn khắp thành phố, kèm theo các buổi nói chuyện trực tiếp của Navaly với công chúng. Cuối cùng Navalny giành được 27% số phiếu bầu, đứng thứ hai sau Sergei Sobyanin, nhân vật thân cận với Putin. Dù thất bại, kết quả này vượt xa các dự đoán, kể cả của ban vận động cho ông. Giới quan sát quốc tế đánh giá đây là cuộc bầu cử tương đối minh bạch. Dù tồn tại một số bất thường nhưng không có dấu hiệu gian lận rõ ràng như cuộc bầu cử năm 2011. Dẫu thất bại, sự ủng hộ mạnh mẽ giúp Navalny có đủ cơ sở để tiếp tục mở rộng các hoạt động đối lập của mình. Làm youtuber khi Putin trở lại “vô đối” Năm 2014, vị thế của Putin tăng mạnh trở lại trong lòng người Nga với việc xâm chiếm bán đảo Crimea. Bằng cách đánh vào chủ nghĩa dân tộc, tổng thống Nga nhận được tỷ lệ ủng hộ tăng vọt, từ hơn 60% năm 2013 lên đến gần 90% năm 2015.  Kịch bản này giống như những năm 2000, và các tiếng nói đối lập chống Putin tại Nga bắt đầu chìm nghỉm. Trong năm 2014, Navalny lại bị giam lỏng tại nhà sau khi quan tòa phán ông tội biển thủ và lừa đảo. Nhưng ông không im lặng. Navalny tìm ra cách để tiếp cận đến nhiều người ủng hộ hơn thông qua Youtube. Kênh Youtube của ông đến nay có hơn 6,3 triệu người theo dõi. Ông thường xuyên đăng các video bình luận về chủ đề tham nhũng ở Nga. Ngoài ra, Navalny và các đồng sự còn lập ra một mạng lưới các chính trị gia đối lập toàn quốc. Mục tiêu của mạng lưới kết nối là làm suy yếu quyền lực của Đảng Nước nga Thống nhất của Putin. Đội ngũ của Navalny giúp đỡ chiến lược và tài chính cho những ứng viên thuộc mạng lưới này để đánh bại người của Putin trong các cuộc bầu cử địa phương. “Không nhân vật đối lập nào ở Nga có được mạng lưới như Navalny đang có”. Đó là nhận định của Timothy Frye, giáo sư Đại học Columbia, tác giả của cuốn “Weak Strongman: The Limits of Power in Putin’s Russia”. Navalny bị ném thuốc nhuộm xanh lên mặt khiến ảnh hưởng đến thị lực mắt phải. Ảnh: Trang Instagram của Navalny. Với sự ủng hộ ngày càng gia tăng, vào năm 2016, Navalny tuyên bố ra tranh cử tổng thống Nga. Tất nhiên, việc thách thức Putin không thể đảm bảo cho ông một số phận yên bình. Năm 2017, ông bị ném thuốc nhuộm màu xanh lên mặt khi đang đứng ở ngoài văn phòng ở Moscow. “Trông buồn cười nhưng mà đau lắm”, Navalny ghi trên trang Twitter cá nhân. Ông cho biết mắt phải của mình đã bị mất 80% thị lực. Sau đó, Ủy ban bầu cử Nga tuyên bố Navalny không đủ tư cách tranh cử vì từng bị truy tố tội hình sự từ nhiều năm trước. Năm 2019, Navalny bị bắt vì tội tổ chức biểu tình trái phép. Trong tù, ông có dấu hiệu dị ứng da nghiêm trọng và phải vào viện chữa trị. Navalny cho rằng ông đã bị đầu độc. Một Putin thứ hai? Dù được ủng hộ với các hoạt động chống tham nhũng trong chính quyền, thái độ bài ngoại và chủ chương dân tộc cực đoan của Navalny khiến cả những người trong phe đối lập dè chừng. “Tôi coi Alexei Navalny là người nguy hiểm nhất ở Nga. Bạn không cần phải là thiên tài để hiểu rằng điều kinh khủng nhất có thể xảy ra ở đất nước này là để cho những người dân tộc chủ nghĩa cầm quyền”. Đó là nhận xét của Engelina Tareyeva, người từng làm việc với Navalny ở Đảng Yabloko, một đảng theo đường lối tự do (liberal). Navalny là thành viên của Yabloko từ năm 2000 cho đến năm 2007, khi ông bị đẩy ra khỏi đảng.  Navalny bác bỏ nhận định của Tareyeva. Ông cũng phản đối quan điểm cho rằng thảo luận về các vấn đề quan trọng đối với người sắc tộc Nga (ethnic Russian) sẽ dẫn đến chủ nghĩa tân phát xít. Alexei Navalny (trái) và Vladimir Putin. Ảnh: indianexpress.com. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004, Navalny được hỏi về việc Putin sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Ông nói mặc dù việc này vi phạm luật pháp quốc tế, “trên thực tế Crimea giờ là một phần của nước Nga. Crimea là của chúng tôi”. Năm 2008, Navalny ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Georgia, thậm chí còn chỉ trích chính phủ quá mềm mỏng. Ông cũng ủng hộ lực lượng ly khai ở Moldova, đồng thời hoan nghênh việc Abkhazia và Nam Ossetia tách khỏi Georgia – những lập trường giống hệt Putin và trái ngược hoàn toàn với phương Tây.  Navalny từng nói rằng điều tốt nhất mà các nước phương Tây có thể làm vì công lý cho nước Nga là ngăn chặn “tiền bẩn”. “Tôi muốn những người dính líu tới tham nhũng và đàn áp các nhà hoạt động bị cấm tới những nước này, bị từ chối cấp visa”, ông nói với BBC. Quá trình vận động tranh cử tổng thống của Navalny lộ ra nhiều lỗ hổng, cho thấy sự thiếu chuẩn bị về mặt chính sách. Những người thuộc nhóm cấp tiến thậm chí còn cảnh báo hiện tượng sùng bái cá nhân sẽ có nguy cơ biến Navalny trở thành một Putin thứ hai.  Navalny đưa ra những cam kết chung chung: khôi phục tự do báo chí, bầu cử công bằng, tư pháp độc lập, tái phân phối thu nhập, công bằng cho người nghèo… Trong những tờ rơi của chiến dịch tranh cử, người ta đọc được những khẩu hiệu như “xây bệnh viện và đường thay vì cung điện cho chính phủ” hay “nhân phẩm cho tất cả chứ không chỉ 0,1% người giàu”. Đề xuất chính sách cụ thể nhất của ông là tăng thuế cho người giàu, đảm bảo lương tối thiểu 415 USD/ tháng, và cho vay trợ cấp mua nhà. Tuy nhiên, ông lại lúng túng khi trình bày con số cụ thể và chỉ ước chừng thuế từ “40-80%”. “Các chuyên gia sẽ phải tính toán lại”, ông nói thêm. “Tôi không hề thấy ông ta có thể giải quyết một vấn đề nào ở đất nước này cả. Tôi nghĩ ông ấy chẳng khá hơn Putin”. Igor Yakovenko, nhà xã hội học từng cộng tác với Navalny trong phong trào biểu tình chống Putin năm 2011-2012 nhận xét. “Tôi ủng hộ Navalny trong việc chống lại chế độ Putin hiện tại. Nhưng tôi không thể ủng hộ ông ấy làm ứng viên tổng thống”, Yakovenko nói. Suýt chết vì đầu độc Trong chuyến bay từ Siberia tới Moscow tháng 8/2020, Navalny suýt chết. Ông nói với tiếp viên hàng không rằng mình đã bị đầu độc và sắp chết, rồi đổ gục xuống chân tiếp viên. Một video của hành khách quay được cảnh Navalny rên rỉ đau đớn. Phi công bẻ lái hạ cánh khẩn cấp xuống Omsk. Navalny giữ được mạng sống nhưng rơi vào hôn mê. Một tổ chức từ thiện của Đức thuyết phục chính quyền Nga cho phép đưa Navalny sang Đức để cứu chữa. Navalny và gia đình tại một bệnh viện ở Berlin, Đức ngày 15/9/2020. Ảnh: Trang Instagram của Navalny. Ngày 2/9/2020, chính phủ Đức tiết lộ Navalny bị dính chất độc thần kinh Novichok, một thứ không lạ với những người mà Điện Kremlin coi là kẻ thù. Hồi đầu năm 2018, Novichok đã suýt giết chết cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái khi hai người đang trú ẩn ở Anh. Sau nhiều tuần liền rơi vào trạng thái hôn mê, Navalny bắt đầu hồi phục vào ngày 7/9/2020. Ông cáo buộc Tổng thống Putin là người trực tiếp hạ lệnh ám sát mình. Putin bác bỏ cáo buộc này, tuy thừa nhận chính phủ có giám sát Navalny vì ông có liên quan đến gián điệp Mỹ. “Nhưng việc đó hoàn toàn không có nghĩa là phải đầu độc ông ta”, Putin nói. “Ai cần ông ta chứ? Nếu có người muốn đầu độc thì ông ta đã chết chắc rồi”. Tháng 10/2020, Liên minh Châu Âu trừng phạt sáu quan chức Nga và chế tài một trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa học của Nga với cáo buộc liên quan trực tiếp đến vụ đầu độc Navalny. Nga cũng áp chế tài trả đũa EU, đồng thời đưa Navalny vào danh sách truy nã. Sau khi bình phục, Navalny tuyên bố sẽ quay lại Nga, bất chấp nguy cơ bị bắt. Chuyến đi trở về của ông là một cơn bão được dự tính trước. Vừa về nước, lại tiếp tục đi tù Ngày 17/1/2021, Navalny trở về Moscow và bị bắt ngay ở cửa ra máy bay. Tòa xử ông 30 ngày tạm giam do vi phạm lệnh cấm rời khỏi Nga. Phong trào của Navalny phản công. Các đồng sự của ông cho công bố video “Cung điện của Putin”, cáo buộc tổng thống Nga sở hữu một lâu đài xa hoa. Video này tới nay đã được hơn 100 triệu lượt xem. Putin bác bỏ các cáo buộc trong video, trong khi vẫn không nhắc đến tên Navalny. Hơn 3.000 người, gồm cả vợ của ông, đã bị bắt khi biểu tình đòi thả tự do cho Navalny. Hàng chục nghìn người đổ ra đường biểu tình trên khắp 40 thị trấn và thành phố cả nước Nga. Người biểu tình tuần hành tại Saint Petersburg vào cuối tháng 1/2021, phản đối việc bắt giữ Navalny. Ảnh: Anton Vaganov/ Reuters. Ngày 2/2/2021, tòa án Moscow tuyên án Navalny 3,5 năm tù vì vi phạm quy định tại ngoại. Ông bị cáo buộc đã không báo cáo thường xuyên cho chính quyền khi đang chữa bệnh tại Đức – một điều bất khả thi vào thời điểm đó khi Navalny đang hôn mê. Trừ đi thời gian bị giam lỏng ở nhà, ông còn phải ngồi tù hai năm tám tháng.  Navalny gọi đây là một vụ trả thù chính trị. Với phong cách trào phúng quen thuộc, ông gọi Putin là “kẻ đầu độc quần lót”, ám chỉ đến cáo buộc những sát thủ Nga đã bôi chất độc vào quần lót của Navalny theo lệnh của Putin.  “Cho dù có giả vờ là một chuyên gia địa chính trị giỏi giang cỡ nào, ông ta sẽ đi vào lịch sử như một kẻ đầu độc. Chúng ta có Nhà giải phóng Alexander, Nhà thông thái Yaroslav và Kẻ đầu độc quần lót Putin”, Navalny nói. Trong phòng xử án, Navalny vẫn cười và vẽ hình trái tim lên kính gửi cho vợ mình. “Các ông không thể làm chúng tôi sợ hãi”, ông nói.  “Chúng tôi là đa số. Hàng chục triệu người đã bị những kẻ cầm quyền như các ông cướp đoạt. Các ông không thể dọa dẫm chúng tôi. Ngày càng có nhiều người hiểu rằng pháp luật đứng về phía chúng tôi, sự thật đứng về phía chúng tôi. Và chúng tôi sẽ không cho phép một bọn vô lại cưỡi lên đầu lên cổ mình”. Huỳnh Minh Triết    
......

Miến Điện: Biểu tình chống quân sự đảo chính trên internet

Song song với các cuộc biểu tình liên tiếp từ 14 ngày qua tại các thành phố lớn trên khắp đất nước Miến Điện, cuộc đấu tranh phản đối đảo chính còn diễn ra trên mạng internet. Chính quyền quân sự cắt internet, những người phản kháng đáp trả bằng cách tấn công vào các trang mạng của chính Hôm nay, 18/02/2021, các tin tặc đã tấn công vào các trang internet của chính phủ do giới quân nhân quản lý. Trong số đó có các trang của Ngân hàng Trung ương, trang tuyên truyền của quân đối, kênh truyền hình Nhà nước MRTV và nhiều cơ quan quản lý của chính phủ khác. Trên Facebook, một nhóm tin tặc thề "chiến đấu vì công lý cho Miến Điện" và coi hành động của họ là cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự trên mạng bên cạnh các cuộc xuống đường của hàng trăm nghìn người dân. Những ngày qua nỗi phẫn nộ của người dân Miến Điện quay sang Trung Quốc, tố cáo nước này đã giúp chính quyền quân sự cắt mạng internet. Qua kênh ngoại giao, Bắc Kinh đã phủ nhận hoàn toàn không can dự vào cuộc chính biến tại Miến Điện.   Những người biểu tình ở Myanmar tập hợp hôm thứ Tư 17/2 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay để phản đối việc quân đội tiếm quyền bằng cuộc đảo chính hôm 1/2. Ngoài Yangon ra, các cuộc biểu tình mới cũng diễn ra ở thành phố lớn thứ hai của Myanmar là Mandalay và thủ đô Naypyitaw, bất chấp lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên. Đến tối 17/2, chưa có tin tức nào cho thấy có bạo lực lớn xảy ra hay không. Lượng người đổ xuống đường biểu tình hôm 17/2 ở Yangon dường như là một trong những cuộc tập hợp lớn nhất cho đến nay ở thành phố. Những người biểu tình áp dụng chiến thuật chặn đường của lực lượng an ninh bằng cách mở nắp ca-pô xe và đỗ ở giữa đường với lý do hỏng máy. Tại Naypyitaw, hàng nghìn người, bao gồm cả nhân viên ngân hàng tư nhân và kỹ sư, đã tuần hành trên các đại lộ rộng lớn, hô hào đòi thả bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint. Người biểu tình cũng đổ ra đường phố của Mandalay. Cảnh sát vừa đưa ra cáo buộc mới đối với bà Suu Kyi, luật sư của bà cho biết hôm 16/2, một động thái có khả năng buộc bà bị quản thúc tại gia và càng làm cho công chúng tức giận hơn. Trước đó, bà Suu Kyi đã phải đối mặt với cáo buộc về sở hữu trái phép máy bộ đàm. Luật sư Khin Maung Zaw nói với các phóng viên sau cuộc gặp với một thẩm phán rằng cáo buộc mới liên quan đến một đạo luật được áp dụng để truy tố những người vi phạm các quy định về phòng chống dịch virus corona. Theo luật này, hình phạt tối đa là ba năm tù. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án mạnh mẽ hành động pháp lý nhằm vào bà Suu Kyi. “Các cáo buộc mới do quân đội Myanmar bịa đặt ra nhằm vào bà Aung San Suu Kyi là sự vi phạm rõ ràng đối với nhân quyền của bà”, ông Johnson viết trên Twitter. "Chúng tôi sát cánh với người dân Myanmar và sẽ đảm bảo là những người đứng sau cuộc đảo chính đó sẽ phải chịu trách nhiệm", ông khẳng định. Trung Quốc cho đến nay chưa lên án cuộc tiếm quyền. Một số người biểu tình Myanmar cáo buộc rằng Bắc Kinh chống lưng cho chính quyền Myanmar. Trung Quốc lâu nay là nhà cung cấp vũ khí chính cho Myanmar và có các khoản đầu tư lớn vào nước này. Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, Chen Hai, cho biết Bắc Kinh mong muốn những người biểu tình và quân đội Myanmar có thể giải quyết những khác biệt của họ thông qua đối thoại, theo nội dung của một cuộc phỏng vấn được đăng trên trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc hôm 16/2. Ông nói: “Những diễn biến hiện tại ở Myanmar hoàn toàn không phải là những gì Trung Quốc muốn thấy”. Ông Chen cũng phủ nhận chuyện Trung Quốc đang giúp Myanmar kiểm soát việc truy cập internet và chuyện binh lính Trung Quốc đang xuất hiện trên đường phố Myanmar.  
......

Pages