Quốc tế hóa Cam Ranh: “Đau đẻ đừng chờ sáng trăng!”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói chuyện với các thuỷ thủ trên tàu chiến của Hải quan Mỹ tại Cảng Cam Ranh hôm 3/6/2012 - Ảnh Reuters RFA Quốc tế hóa Cảng Cam Ranh hay Cảng Đà Nẵng thực ra là câu chuyện không mới. Tính thời sự của bức thư do bảy tổ chức dân sự trong nước đứng tên gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần của chiến dịch tuyên truyền các chính sách về biển của quốc gia vào khi Chính quyền cam kết sẽ khai thác “mọi công cụ pháp lý sẵn có” để bảo vệ lợi ích của mình trong lúc Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động lấn lướt trên Biển Đông. Đau đẻ đừng chờ sáng trăng!  Ngày 22/9/2022 mới đây, trên Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, có một ông tự xưng là PGS-TS, vừa trưng ra một bài viết thể hiện mạch tư duy “cà cuống chết đến đít còn cay” (1). Tuy nhiên, le lói một tý “tranh tối tranh sáng” từ bài viết ấy chính là cái đầu đề: “Phải chăng ‘không liên kết với nước này để chống nước kia’ là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi?” Hỏi là đã có hàm ý trả lời! Mà nếu tác giả đã không đi tới được câu trả lời rốt ráo, tiệm cận được chân lý khách quan, thì mời hãy đọc bức thư đầy tâm huyết của bảy tổ chức dân sự vừa gửi nhà nước Việt Nam: Hãy mạnh dạn mở cửa Cảng Cam Ranh cho tất cả các nước, tạo điều kiện cho Nhật, Mỹ và các nước phương Tây cùng phát triển đầu tư các cơ sở hạ tầng vì các mục đích hòa bình (2).  Khuyến nghị Việt Nam hợp tác với Mỹ và Phương Tây trong trong bức thư công bố ngày 20/09/2022 rất cần được Hội nghị BCHTW lần thứ 6 trong tháng tới lắng nghe và tiếp thụ! Ông Lê Thân, cựu tù Côn Đảo, người thay mặt cho Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ký tên dưới bức thư, cho rằng đến bây giờ mà còn nhai lại luận điệu “không chọn phe”, “không liên minh với một nước để chống nước thứ ba”… thật ra chỉ là một lối nói ngoại giao sáo rỗng. Lối nói ấy không phù hợp trước đòi hỏi thực tế do tình hình bức xúc trong khu vực Biển Đông Nam Á (Biển Đông) cũng như của thế giới hiện nay đang rất cần tập hợp các lực lượng trong và ngoài Việt Nam để bảo vệ quyền lợi quốc gia – dân tộc. Ông Lê Thân nhắc lại, cách đây mấy tháng (ngày 16/6/2022), Chính phủ Việt Nam  vừa phát động một chiến dịch tuyên truyền các chính sách về biển đảo của quốc gia vào khi Đảng Cộng sản cam kết sẽ khai thác “mọi công cụ pháp lý sẵn có” để bảo vệ lợi ích của mình trong lúc Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động lấn lướt ở Biển Đông. Quyết định mới Chính phủ ban hành xác định chậm nhất đến năm 2030, tất cả các cơ quan truyền thông trong nước phải có chuyên mục riêng biệt về chiến lược biển và đại dương của Việt Nam, và toàn bộ đội ngũ biên tập viên phải có kiến thức cần thiết và hiểu về các luật biển trong nước và quốc tế. Chương trình truyền thông về biển và đại dương nếu đã ban hành như vậy thì cần hành động ngay. Sớm ngày nào hay ngày đấy! Đau đẻ có ai chờ phải sáng trăng? (3) Chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ với bức xúc của vị cựu tù Côn Đảo. Thậm chí dư luận còn cho rằng, không chỉ Cam Ranh mà cả Cảng Đà Nẵng, cũng nên được xếp vào danh sách cần được Nhà nước ưu tiên mở cửa cho các đối tác quốc tế. Cảng Đà Nẵng hiện là cũng là một cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (cảng loại I) của VN nằm trong nhóm cảng duyên hải Nam Trung Bộ, song đang được Chính phủ Việt Nam quy hoạch để trở thành một cảng cửa ngõ quốc tế (cảng loại IA) trong tương lai. Hiện nay, cảng Đà Nẵng có ba khu bến: Tiên Sa – Sơn Trà, Liên Chiểu và Thọ Quang. Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 29/7/2016 của Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong một thời gian tương đối dài, các khẩu hiệu như "đa phương hoá, đa dạng hoá" hay "làm bạn với tất cả" đã phản ánh khá đầy đủ đường lối đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, khi đất nước đang "tứ bề thọ địch" như hiện nay, đặc biệt là khi Trung Quốc và Campuchia sẽ khánh thành căn cứ hải quân khủng ở quân cảng Ream, gần Phú Quốc, thì rõ ràng Hà Nội phải cần những khẩu hiệu và những "từ khoá mới" để hành động. Việt Nam sẽ ngày càng phải khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn của mình một cách hiệu quả hơn để có thể bảo vệ và thúc đẩy tốt hơn các lợi ích quốc gia cốt lõi trong một thế giới ngày càng bất định và nguy hiểm. Cảng Cam Ranh hay Cảng Đà Nẵng là những hải cảng chứa đựng các tài nguyên có giá trị như thế! (4) Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt ở cảng Đà Nẵng hôm 5/3/2020. Reuters Tại sao không đề gửi Tổng bí thư?  Bảy tổ chức đứng tên ký thư bao gồm: Lập Quyền Dân, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, Bauxite Việt Nam, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Câu lạc bộ Hoàng Quý. Thư được đề gửi cho ba trong bốn lãnh đạo cao nhất của Việt Nam là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Dũng, người đại diện cho Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, nêu lý do không gửi thư này đến ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: “Mặc dù Hiến pháp ghi là Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo, nhưng là một người dân, không phải là đảng viên, thì chúng tôi chỉ gửi cho những người thay mặt Nhà nước và Chính quyền, còn ý kiến của Đảng thì để các ông ấy nói chuyện với nhau”. (5) Tuy nhiên, một luồng dư luận khác trong nước cho rằng, GS-TS Hoàng Dũng giải thích như thế là để “làm ngoại giao trong nội bộ”. Một thành viên chủ chốt trong Nhóm Lập Quyền Dân không muốn tiết lộ danh tính thì lại cho rằng, trên thực tế, đại bộ phận dân chúng quá thất vọng vào TBT trong vấn đề Biển Đông nói riêng và quan hệ với Trung Quốc nói chung, nên họ không muốn gửi thư tới Tổng chủ. Cho đến tháng 3/2021 mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn còn tuyên bố, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông, quan hệ phía tây, phía tây nam xử lý phải hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo... thì chứng tỏ ngài Tổng chủ, nói nhẹ, thì cũng rất hữu khuynh về Biển Đông, còn thực chất trong hàng chục văn kiện ông đã bí mật ký kết với Trung Quốc từ 2017, thì chả ai biết, nội dung thỏa thuận những gì? (6) Việt Nam nên mạnh dạn mở cửa Cảng Cam Ranh, Cảng Đà Nẵng cho tất cả các nước, tạo điều kiện cho Nhật, Mỹ và các nước phương Tây cùng phát triển đầu tư các cơ sở hạ tầng cho các mục đích hòa bình như cho thuê cảng, tiếp nhận hàng hóa, cung cấp xăng dầu, bảo trì tàu bè và các dịch vụ kèm theo khi có các tàu quân sự ngoại quốc cập bến nghỉ dưỡng v.v… Việc này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, chận đứng mưu đồ thôn tính bằng quân sự của Trung Quốc đối với khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, song song với những mục tiêu khác về phát triển kinh tế. Phát triển nhanh và mạnh mẽ, cụ thể về bề rộng cũng như chiều sâu để nâng quan hệ “đối tác toàn diện” với Mỹ lên “đối tác chiến lược”. Mỹ cũng như các nước đồng minh của Mỹ đều là những quốc gia văn minh tiến bộ có nền dân chủ chín muồi và tiềm lực quân sự, kinh tế vững mạnh, đang chờ đợi câu trả lời dứt khoát của Việt Nam.  Vấn đề này, lâu nay do phải dè chừng Trung Quốc, hoặc do thiếu sự bàn thảo thống nhất trong nội bộ mà chúng ta cứ lần lữa mãi, thì nay đã đến lúc phải quyết định, trước khi quá muộn. Đây cũng là mệnh lệnh của lương tâm và của lòng yêu nước, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của các nhà đương cuộc. Quyết định sáng suốt của nhà cầm quyền chắc chắn sẽ được toàn dân hoan nghênh và ủng hộ. Không phải ngẫu nhiên, bức thư của bảy tổ chức xã hội dân sự được đưa ra trong bối cảnh những diễn tiến của chính trị quốc tế/khu vực từ đầu năm đến nay khiến cho thế giới đang dịch chuyển từ trạng thái đa cực với nhiều cường quốc sang trạng thái tiệm cận lưỡng cực, được chi phối gần như toàn bộ bởi Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự trở lại của cạnh tranh nước lớn đã được xác lập một cách rõ nét với các chiến tuyến chính, thu hẹp đáng kể dư địa cho những chính sách trung dung, khiến việc duy trì thế cân bằng giữa các nước lớn trở nên khó khăn hơn nhiều so với hai thập niên trước đây. __________ Tham khảo: 1. http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/phai-chang-khong-lien-ket-voi-nuoc-nay-de-chong-nuoc-kia-la-tu-troi-buoc-minh-khong-phu-ho/19246.html 2. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/civil-society-recommends-vn-go-with-the-us-due-to-concerns-of-china-in-the-scs-09202022141204.html 3. https://luatvietnam.vn/thong-tin/quyet-dinh-729-qd-ttg-222727-d1.html 4. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-62699486 5. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/civil-society-recommends-vn-go-with-the-us-due-to-concerns-of-china-in-the-scs-09202022141204.html 6. https://thanhnien.vn/chu-tich-nuoc-co-nhung-su-co-o-bien-dong-phai-xu-ly-het-suc-te-nhi-post1049326.html  
......

Tình hình chiến sự Nga - Ukraine

Chu Vĩnh Hải   I- Moscow: Cảnh sát Nga bắt người biểu tình Hôm nay ( thứ Năm, ngày 22/9), Nga bắt tay thực hiện việc bắt quân dịch lớn nhất kể từ Thế chiến II, khiến số đông người đàn ông vội vã chạy ra nước ngoài; trong khi đó, Ukraine yêu cầu phải có "sự trừng phạt công minh" đối với cuộc xâm lược kéo dài 7 tháng gây chấn động thế giới. Lệnh của Tổng thống Vladimir Putin về huy động thêm 300 ngàn người Nga là bước leo thang của một cuộc chiến đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, gây đổ nát ở các thành phố, làm thiệt hại nền kinh tế toàn cầu và hồi sinh cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh.   Việc bắt quân dịch hàng loạt có thể là bước đi đối nội rủi ro nhất trong hai thập kỷ cầm quyền của ông Putin, sau khi Điện Kremlin từng hứa rằng điều đó sẽ không xảy ra và sau một chuỗi những thất bại trên chiến trường ở Ukraine. Trước đó ngày 21-9, một nhóm theo dõi tình hình cho biết các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh đã nổ ra ở 38 thành phố của Nga, trong đó, hơn 1.300 người bị bắt . Một số người đã nhận giấy triệu tập phải có mặt tại các phòng tuyển quân vào ngày hôm nay (22/9) cũng là ngày đầu tiên của lệnh bắt quân dịch.   Giá vé máy bay rời khỏi Moscow tăng vọt lên hơn 5.000 đô la cho các chuyến bay một chiều đến các địa điểm nước ngoài gần nhất, trong những ngày tới hầu hết đã bán hết . Lượng xe cộ cũng tăng vọt tại các cửa khẩu biên giới với Phần Lan và Georgia.   Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi Liên Hiệp Quốc thành lập một tòa án đặc biệt và tước quyền phủ quyết của Moscow trong Hội đồng Bảo an LHQ, cùng lúc một cuộc đối đầu ngoại giao hiện ra hôm nay (22/9) ở New York.   Trước đó Ngày 21/9, Ông Zelensky phát biểu: "Đã xảy ra tội ác giáng xuống Ukraine và chúng tôi yêu cầu phải có sự trừng phạt công minh". Ông Zelenskiy (mặc áo thun quân đội màu xanh lá cây đặc trưng) phát biểu với các nhà lãnh đạo thế giới qua đường truyền video tại Đại hội đồng LHQ thường niên.   Hội đồng Bảo an đã không thể có hành động đáng kể gì về Ukraine vì Nga là thành viên thường trực có quyền phủ quyết, cùng với Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Trung Quốc.   Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ đối mặt với những người đồng nhiệm của Ukraine và phương Tây khi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan họp với hội đồng gồm 15 thành viên vào tối nay (22/9).   Trên chiến trường, Moscow không kiểm soát được toàn bộ nơi nào trong số 4 khu vực mà họ đang tìm cách thôn tính, lực lượng của họ chỉ nắm giữ khoảng 60% Donetsk và 66% Zaporizhzhia.   II- "Đừng chết cho Putin!"   Trước đó, sau bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Putin vào thứ Tư 21-9 về việc huy động một phần những công dân hiện đang trong lực lượng dự bị mới và những người đã từng phục vụ trong lực lượng vũ trang có chuyên môn quân sự phải nhập ngũ,   Phong trào Dân chủ Thanh niên Vesna kêu gọi " Các bạn không cần phải chết thay cho Putin!" Những người thân yêu của các bạn cần các bạn ở lại Nga. Đối với các nhà chức trách, các bạn chỉ là bia đỡ đạn, nơi mạng sống của bạn sẽ bị phung phí mà không có bất kỳ ý nghĩa hay mục đích nào. . Vì vậy chúng tôi kêu gọi quân đội Nga trong các đơn vị và tiền tuyến từ chối tham gia vào ‘chiến dịch đặc biệt này hoặc đầu hàng càng sớm càng tốt,”   Cuộc biểu tình đã diễn ra tại quảng trường ở các thành phố, từ vùng Viễn Đông của Nga đến Urals, các và thị trấn trên khắp nước Nga lúc 7 giờ tối theo giờ địa phương (16 giờ GMT) vào thứ Tư, Có riêng một trang web các hướng dẫn an toàn trong cuộc biểu tình và những việc cần làm trong trường hợp bị bắt giữ.   II- Thiếu quân chiến đấu! Lãnh đạo nhóm đánh thuê Wagner tuyển mộ tù nhân   Theo BBC tiếng Việt- Người sáng lập nhóm lính đánh thuê Wagner bí hiểm của Nga xuất hiện trong đoạn phim bị rò rỉ, chiếu cảnh tuyển mộ tù nhân để chiến đấu ở Ukraine.   Trong các cảnh quay được BBC xác minh, có thể thấy ông Yevgeniy Prigozhin đang phát biểu trước những người bị giam giữ.   Ông Prigozhin nói với các tù nhân rằng bản án của họ sẽ được giảm để đổi lấy việc phục vụ tổ chức của ông.   Đoạn video sẽ xác nhận suy đoán lâu nay rằng Nga hy vọng sẽ tăng cường lực lượng của mình bằng cách tuyển mộ tù nhân.   Trong khi luật pháp Nga không cho phép giảm án tù để đổi lấy dịch vụ lính đánh thuê, ông Prigozhin khẳng định "không ai quay lại tù" nếu họ phục vụ nhóm của ông.   “Nếu bạn phục vụ sáu tháng ở nhóm Wagner, bạn được tự do, Nhưng ông ta cảnh báo "nếu bạn đến Ukraine và đào ngũ, chúng tôi sẽ hành quyết bạn".   Ông ta cũng thông báo cho các tù nhân về các quy tắc của Wagner về cấm rượu, ma túy và "quan hệ tình dục với phụ nữ địa phương, động thực vật, đàn ông - bất cứ thứ gì". Không rõ ai đã quay video, và thời điểm khi nào. Nhưng BBC đã định vị địa lý đoạn phim tới một nhà tù ở Cộng hòa Mariy El, miền trung của Nga. Phần mềm nhận dạng khuôn mặt trả về kết quả phù hợp từ 71% đến 75% với một bức ảnh thực tế của ông Prigozhin. Các nguồn tin xác nhận với đài BBC tiếng Nga rằng người trong video có khả năng là ông Prigozhin. "Đây là giọng nói , ngữ điệu của anh ấy... Tôi chắc chắn 95% rằng đây không phải là bản dựng", một nguồn tin nói với BBC.   Ông Prigozhin - đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin - trước đó đã phủ nhận mối liên hệ với nhóm Wagner, lực lượng đã được triển khai ở Ukraine, Syria và một số cuộc xung đột ở châu Phi. Nhưng trong đoạn video, người đàn ông nói với các tù nhân rằng ông là "đại diện của một công ty chiến tranh tư nhân".   “Có lẽ bạn đã nghe đến cái tên - Tập đoàn Wagner,” ông hỏi nhóm tù nhân.   Ông tiết lộ rằng 40 tân binh đầu tiên từ một trại tù ở St Petersburg đã được triển khai trong một cuộc tấn công vào Nhà máy điện Vuhlehirska ở miền đông Ukraine vào tháng 6 năm ngoái.   Ông cho biết các tù nhân đã xông vào chiến hào Ukraine và tấn công quân của Kyiv bằng dao. Ông Prigozhin cho biết ba trong số những người đàn ông - bao gồm một người đàn ông 52 tuổi đã bị giam giữ hơn 30 năm - đã thiệt mạng. Nguồn gốc của nhóm Wagner không rõ ràng, nhưng được cho là được thành lập bởi một cựu sĩ quan quân đội Nga, Dmitri Utkin.   BBC trước đây đã xác định mối liên hệ giữa tập đoàn này và ông Prigozhin, được gọi là "đầu bếp của Putin" - được gọi như vậy bởi vì ông đã đi lên từ vị trí chủ nhà hàng và người phục vụ cho Điện Kremlin.   Nhóm này được cho là đã được triển khai tới Ukraine từ năm 2014, và kể từ khi Nga xâm lược vào tháng Hai, các lực lượng Ukraine đã tiến hành các cuộc không kích vào những gì họ nói là căn cứ Wagner ở miền đông Ukraine bị chiếm đóng.   Vào tháng Tám năm nay, Mỹ cho biết có tới 80.000 quân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng Hai, và Moscow được cho là đã quay sang Wagner để lấp đầy khoảng trống do thương vong nặng nề để lại. Tháng trước, các phương tiện truyền thông độc lập của Nga đã nói chuyện với các tù nhân bị giam giữ ở các địa điểm khác nhau ở Nga. Họ nói rằng ông Prigozhin đã đích thân đến thăm cơ sở của họ để tuyển mộ các tù nhân tham gia cuộc chiến ở Ukraine.   III- Trao đổi tù nhân Nga và thả một thanh niên gốc Việt   Nga phóng thích hai công dân Hoa Kỳ Alexander Drueke, 39 tuổi, và Andy Huynh, 27 tuổi, trong một cuộc trao đổi tù nhân do Ả Rập Xê Út làm trung gian, một đại diện của gia đình cho biết ngày 21/9.   Cả ông Drueke và ông Huynh đều từ Alabama, bị bắt vào tháng 6 khi đang chiến đấu ở miền đông Ukraine, nơi họ đến để hỗ trợ quân đội Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.   Nga ngày 21/9 phóng thích 10 tù binh chiến tranh người nước ngoài bị bắt ở Ukraine, sau một cuộc hòa giải của Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út cho biết.   Hai ông Drueke và Huynh được cho là những công dân Hoa Kỳ đầu tiên được xác nhận bị lực lượng của Nga bắt giữ ở miền đông Ukraine khi họ được thông báo mất tích vào giữa tháng 6. Vào thời điểm đó, vị hôn thê của ông Huynh, Joy Black, nói với Reuters rằng ông bị thôi thúc phải hỗ trợ Kyiv trong cuộc chiến chống Nga sau khi xem các đoạn phim từ Ukraine trong những tuần đầu tiên sau khi Nga xâm lược. Trong một tuyên bố gửi qua email cho Reuters ngày 21/9, bà Dianna Shaw, dì của ông Drueke và là người phát ngôn của cả hai gia đình, xác nhận rằng hai ông Drueke và Huynh nằm trong số 10 người đã được Nga thả vào ngày 21/9. Không có bình luận chính thức từ Nga về việc phóng thích này.   Ông Drueke ở Tuscaloosa, Alabama, và ông Huynh ở Hartselle, Alabama, đều đã từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.   Sau khi bị quân Nga bắt, cả hai bị giam giữ tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR), một chế độ ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine. Truyền hình nhà nước Nga đã quay các cuộc phỏng vấn với hai người này, trong đó họ nói rằng họ đã thay đổi quan điểm về cuộc chiến kể từ khi được cử ra chiến đấu.   Gia đình họ nói rằng những đoạn phim này rõ ràng là cưỡng ép và được sử dụng cho mục đích tuyên truyền.  
......

Nước Anh và bài học về quyền lực mềm của Nữ hoàng

Nữ hoàng Anh Elizabeth II Nguyễn Duyên Chiều 19/9 (giờ Hà Nội), nước Anh và thế giới đưa tiễn Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị về nơi an nghỉ cuối cùng. Việt Nam chỉ cử cấp Ngoại trưởng, ông Bùi Thanh Sơn tới London để dự quốc tang Nữ hoàng.   Việc Việt Nam không những không cử Chủ tịch nước mà chỉ cho người đại diện, cấp lại khá thấp như vậy, thấp hơn cả Trung Quốc cử Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình, đến dự quốc tang Nữ hoàng khiến tôi và nhiều người khác tiếc nuối.  Sách kiếm hiệp hay dẫn câu: “Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ”, nghĩa là ở đời này có biết bao câu chuyện mà bản thân mình chẳng thể làm chủ được, phải hành động theo “ý chỉ” của bề trên. Khái quát này có thể mô tả và lý giải khá chính xác động thái ngoại giao vừa qua của chính phủ Việt Nam.   Nói thậy là tôi thấy sốc vì nhiều lẽ: Thứ nhất, phải chăng VN đang phụ thuộc ngày càng tăng trong bang giao với Trung Quốc và Liên bang Nga? Hoàng gia Anh không mời Putin sang dự, do cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine. Còn Trung Quốc, tuy được mời mà ông Tập hẳn nhiên cũng chẳng mặn mà gì với Nữ hoàng. Nhưng ít nhất, ông đã cử cấp phó sang đại diện. Có phải vì sợ làm mất lòng “hai đại ca”, Việt Nam “chia sẻ” bằng một ứng xử vụng về, bất chấp sự thật là các nước ASEAN đều cử lãnh đạo cao cấp nhất nhì đi dự tang lễ.   Thứ hai, Việt Nam đánh mất một cơ hội hiếm hoi để có thể đi ra với thế giới văn minh. Trước tang lễ, Tân Vương Charles III long trọng tiếp lãnh đạo 14 nước trong khối Thịnh Vượng Chung. Tân vương cũng tiếp các khách mời của mình, bao gồm Vua Tây Ban Nha, Nữ hoàng Đan Mạch, Hoàng đế và Hoàng hậu Nhật Bản, Thái tử Ả Rập Xê Út, các Tổng thống Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu...Chủ tịch nước Việt Nam đáng ra có chỗ ở đấy nhưng đã chọn ngồi nhà. Có phải các lãnh đạo cao nhất đang tự mình “tách khỏi” cộng đồng văn minh nhân loại?  Thứ ba, Việt Nam nghĩ gì về quy chế “quan hệ đối tác chiến lược”,  ký từ tháng 9/2010 với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Ai đó muốn khái niệm “đối tác chiến lược” trở thành mỉa mai và không hề phản ánh các tiêu chí cũng như bản chất cần có của mối quan hệ?   Thiển nghĩ, sau vụ này, nếu phía chính phủ Anh có quyết định xem xét lại “quan hệ đối tác chiến lược” của họ với Việt Nam thì cũng không có gì làm lạ. Thành kính, vinh danh và ném đá Ngược lại với thái độ thất thố nói trên là tình cảm của thường dân và một số quan chức Việt Nam đối với Nữ hoàng.  Họ thật sự thành kính và vinh danh Bà. Đại sứ Anh tại Hà Nội Iain Frew ghi trong Sổ tang Nữ hoàng: “… Chúng tôi nhận được rất nhiều lời chia buồn ấm áp và cảm động, từ các chính khách cho tới người dân Việt Nam mọi lứa tuổi. Họ đều bày tỏ lòng thành kính và vinh danh những di sản của Bà”.  Nhưng có phải vì vậy mà một số cá nhân... nóng mặt. “Ngạc nhiên đến bất ngờ: Tin tức dày đặc về Nữ hoàng trên truyền thông Việt Nam” kể về một facebooker là Chau Bui bị nhiều người ném đá vì... “sính ngoại, quên lịch sử nước nhà”, do dám gọi Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị là... NGƯỜI! Tuy nhiên, câu chuyện chưa ngừng ở đó. Thay vì chửi đổng, đưa ra những lập luận ngu ngơ khi khi tham gia “hạ bệ” Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, trên trang Facebook có tên là Tifosi có một bài được chuẩn bị khá công phu đã gắn Nữ hoàng của Vương quốc Liên hiệp Anh mới qua đời với việc “gây ra đau thương cho nhân dân Việt Nam”.   Thật tội nghiệp và cũng đáng lo cho một thế hệ luôn được nuỗi dưỡng bằng tâm thức “đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ…” Nhưng đến khi đọc các “tuýt” của những người nhận lương hàng tháng để “chơi” FB thì tôi mới giật mình. Họ viết các “tuýt” truyền bá những dòng trạng thái, đại thể như: Nữ hoàng ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam, dù năm 1858 thì cha của ông chúa Elizabeth Windsor cũng chưa ra đời, và năm 1946, khi Pháp theo chân Đồng minh giải giáp quân Nhật quay lại Đông Dương thì cô công chúa mới 20 tuổi.  Theo họ, đã là Nữ hoàng thì chắc chắn phải “gây ra đau thương cho nhân dân Việt Nam”. Vừa đọc, vừa cảm thấy rùng mình. Quyền lực mềm và danh tiếng quốc tế Những tranh cãi trên làm người Việt Nam, nhất là các lãnh đạo quên đi một bài học rất quan trọng: quyền lực mềm trên trường quốc tế.  Quyền lực mềm của Nữ hoàng đã giúp giữ Vương quốc Anh lại với nhau thành một quốc gia. Khi người Scotland bỏ phiếu đòi tách khỏi Vương quốc vào tháng 9/2014, vai trò của Nữ hoàng đã bị soi xét kỹ lưỡng. Vào thời điểm đó, lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland Alex Salmond, cam kết rằng nếu các cử tri ủng hộ việc tách khỏi Liên hiệp, Elizabeth II sẽ vẫn là “Nữ hoàng Scotland”. Salmond đã đánh giá chính xác tâm trạng phổ biến của thần dân – 52% dân chúng muốn giữ Bà lại.   Nữ hoàng không thuộc một phe nhóm, một địa phương cụ thể nào, không thiên tả hay thiên hữu, trong một chế độ dân chủ vốn được thiết kế với mục đích cho mọi người có cơ hội tự do trong hợp tác và đấu tranh lẫn nhau. Bà là nhân tố đoàn kết, thống nhất, sử dụng quyền lực mềm của mình một cách tế nhị và kín đáo với mục đích duy nhất là gìn giữ Liên hiệp và những dấu tích của Đế chế, Khối thịnh vượng chung, theo một bài trên CNN. Quyền lực mềm của Bà nằm ở khả năng quy tụ. Khả năng của Nữ hoàng trong thấu cảm và và điều hướng sự phức tạp trong mối quan hệ giữa lãnh đạo xứ Scotland với London theo cách mà các chính trị gia Anh – đặc biệt là những người theo Đảng Bảo thủ – hiếm khi nắm bắt được. Bà cũng đóng vai trò xoa dịu nỗi đau khổ cá nhân của cuộc xung đột giữa quyền lực Anh và chủ nghĩa dân tộc Ireland. Đó là những cống hiến của Bà cho sự thống nhất của đất nước. Bài học làm lãnh đạo để hàn gắn các rạn nứt, đau thương trong quá khứ, do các thế hệ trước gây ra, là rất cần thiết cho Anh, cũng như cho Việt Nam. Một cây bút ở Hoa Kỳ, ông Ngô Nhân Dụng viết trên VOA Tiếng Việt rằng Nữ hoàng Anh đóng vai Nguyên thủ quốc gia một cách bình thản lặng lẽ, dùng những lời ái ngữ vừa phải. Mọi cử chỉ, hành vi của Bà đều có chừng mực như thể tất cả đã được quy định trước, nhưng Bà biểu lộ rất thoải mái, tự nhiên, như thể đã được sinh ra để sống đúng theo nền nếp đó. Tôi và không ít người Việt Nam cảm thấy nước Anh may mắn có một người lãnh đạo đứng đầu, trong 70 năm làm biểu tượng vững vàng khi quốc gia trải qua bao sóng gió. Theo tờ “Financial Times” (17/9/2022), khi cả nước Anh, trong niềm tiếc thương Nữ hoàng, chào đón các vị Nguyên thủ quốc gia thế giới, thì đấy chính là cơ hội để thu hẹp khoảng cách giữa các tuyên bố và thực tế đã ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Anh quốc trong một thời gian dài. Vương quốc Anh đang cân nhắc liệu có nên tham dự vào cuộc họp đầu tiên của “Cộng đồng Chính trị châu Âu” sắp được tổ chức ở Prague vào đầu tháng 10/2022 thật đáng khích lệ.  Vương quốc Anh tiếp tục có thể giữ vai trò lãnh đạo quốc tế nếu chính phủ nước này đặt ra các ưu tiên rõ ràng và theo đuổi chúng một cách nhất quán, như thái độ của Anh quốc đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. Nơi tốt nhất để khởi động một chiến dịch nhằm nâng cao vị thế quốc tế của nước Anh chính là Ukraine.  Có một thông điệp quan trọng đằng sau việc hiện nay còn hơn 100 quốc gia, kể cả các cường quốc như Ấn Độ, Nam Phi, Brazil vẫn từ chối trừng phạt Nga.   Nước Anh có đủ khả năng mở ra các cuộc tranh luận với những nước này về hoạt động của hệ thống quốc tế. Anh quốc cũng có thể giúp cải thiện lập trường khá tiêu cực hiện nay của Việt Nam đối với khủng hoảng Ukraine.  Trong nhiều thập kỷ trị vì của Nữ hoàng, nước Anh đạt hiệu quả cao nhất khi sử dụng ảnh hưởng và sức mạnh thuyết phục của họ trong hệ thống đa phương. Tân vương Charles III vừa lên, ngay trong 10 ngày đầu đã tỏ ra có uy tín đáng nể trên thế giới. Ngay cả khi ông cẩn trọng trên chính trường quốc nội, kinh nghiệm quốc tế của ông và tư cách nguyên thủ của 14 nước Commonwealth tự nó là một động lực để phát huy cao độ quyền lực mềm mà Nữ hoàng đã để lại.   Tôi chưa thấy các lãnh đạo Việt Nam hiểu được điều này để đón năm 2023 sắp tới, năm đánh dấu nửa thế kỷ quan hệ ngoại giao London-Hà Nội. Tôi chỉ mong mình sai. Nguyễn Duyên,  BBC News         
......

Nước Nga chưa bao giờ tồi tệ như thế

Đỗ Xuân Cang Sáng sớm 24 tháng 2 nước Nga nổ súng ào ạt tấn công trên khắp đất nước Ukraine. Cả thế giới bàng hoàng và phải mất nhiều ngày để ý thức rằng trật tự thế giới đã bị phá vỡ. Có lẽ những người duy nhất không bất ngờ là kẻ gây chiến và lực lượng tình báo, chính trị gia của các nước lớn. Họ tin nước Nga sẽ nhanh chóng chiến thắng và chấp nhận Putin nuốt chửng Ukraine như Putin đã từng lấy Chechnya, Nam Ossetia, Abkhazia. Dường như đối với họ đó là lựa chọn khôn ngoan để tránh chiến tranh thế giới lần thứ ba. Sự quật cường, anh dũng của quân và dân Ukraine là bất ngờ lớn đối với nhiều chính trị gia phương Tây. Diễn tiến chiến trường đã bắt buộc họ phải xét lại thái độ và tìm sự lựa chọn khác. Nhưng người bất ngờ lớn hơn cả lại là Putin và bè lũ xâm lược. Nhân dân Ukraine không đón quân đội Putin bằng bánh mì và muối, mà bằng những trận chiến ác liệt. Đối với nhiều người Nga sinh sống trên đất Ukraine thì Ukraine cũng là thiêng liêng đối với chính họ. Tám năm chia cắt đã đủ cho họ thấy tham vọng nhơ bẩn và xấu xa của Putin và thuộc hạ. Nước Nga chưa bao giờ tồi tệ như ngày hôm nay, cả thế giới tẩy chay nước Nga. Các đồng cấp tại hội nghị G20 không ai muốn chụp hình chung với Lavrov và cũng không muốn ngồi chung bàn trong đại tiệc, những câu hỏi được ném ra cho Lavrov đó là bao giờ các ông dừng cuộc chiến? Dù lì lợm lão luyện nhà ngoại giao nhiều năm đại diện cho đế chế Putin, Lavrov đã nhiều lần rời phòng họp trước những chất vấn và cuối cùng đã bỏ chạy. Nước Nga không còn khả năng đối thoại. Có thể thấy cả thế giới đứng về phía Ukraine trong cuộc chiến này. Các quốc gia đồng minh và cả “thuộc quốc” như Belarus cũng không nhìn nhận Crimea thuộc Nga. Số ít quốc gia có toan tính gian tham cũng không dám công khai lên tiếng mà chỉ âm thầm lợi dụng tình thế để kiếm lợi ích từ Nga. Putin đã cô lập hóa nước Nga. Putin nã tên lửa siêu thanh vào nên văn minh nhân loại và thách thức thế giới bằng đầu đạn hạt nhân. Khủng bố người dân Ukraine bằng sự tàn bạo. Putin nã tên lửa siêu thanh vào nên văn minh nhân loại và thách thức thế giới bằng đầu đạn hạt nhân. Khủng bố người dân Ukraina bằng sự tàn bạo. Khi quan sát diễn tiến chính trị tại nước Nga, với tư cách cá nhân, tôi đã gọi Putin là kẻ giết người. Putin quả là tên ác quỷ, hắn đã giết hại rất nhiều người bất đồng chính kiến. Putin là tên giết người kinh khủng nhất từ sau khi đế chế Liên Xô sụp đỗ về cả phương pháp lẫn mức độ tàn bạo. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy hàng loạt vụ nổ mìn, khủng bố trong hơn 20 năm qua giết hại người dân Nga, là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến, mà người đặt hàng chính là Putin. Lực lượng thực hiện những vụ này không phải quân khủng bố mà là an ninh Nga. Hàng loạt các vụ chết một cách kỳ lạ và kinh hoàng của các tỷ phú Nga mới đây như là thông điệp của Putin đối với thuộc hạ, chống Putin là chết. Trong quá khứ Putin đã từng đầu độc những người đối lập bằng phóng xạ Novichok (chất độc hóa học thuộc sở hữu của chính quyền Nga mà Nga đã cam kết hủy bỏ và không sử dụng). Với những gì đã và đang xảy ra cần phải nhìn nhận Putin là tên tội phạm chống lại loài người. Chính quyền Nga không chỉ là chính quyền tài trợ cho khủng bố mà chính quyền Nga là một chính quyền khủng bố. Nước Nga là ác mộng với người yêu nước Theo theo lời một sĩ quan tình báo, người đã nhiều lần là nghị sĩ Quốc hội Nga, Gennady Gudkov, ngay sau 24 tháng 2 năm 2022 đã có khoảng 4 triệu người Nga rời đất nước. Theo báo chí phương tây ít nhất 1,5 triệu người trình độ cao học bỏ ra đi. Đa phần những người ra đi là những người chống lại cuộc chiến tranh này. Nhiều người ra đi vì đã bị đàn áp, họ tin chắc nhà cầm sẽ tăng cường đàn áp không để họ sống yên nếu họ không chịu câm nín. Trong đó có nhiều người thành công và sự nghiệp của họ gắn liền với nước Nga, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bỏ nước ra đi là cắt khỏi cuội nguồn sự sáng tạo, cắt khỏi khán thính giả, độc giả. Ra đi là dứt bỏ một đời sống quen thuộc, dứt bỏ ngôi nhà, dứt bỏ những dự định mơ ước và dứt bỏ một đất nước, không bao giờ là một lựa chọn dễ dàng. Đó là sự đau đớn khác gì dứt một phần da thịt của chính mình. Cuộc chiến xâm lược do Putin và bè lũ tiến hành đã là giọt nước tràn ly đã tích đầy qua năm tháng. Tên độc tài phát xít Putin đã biến nước Nga thành đất nước của những bóng ma khi vắt kiệt tình cảm lòng yêu nước của những con người chân chính. Nước Nga không còn là của họ vì Putin và những thây ma. “Zombie” quá đông (ý kiến của nhiều người Nga). Cuộc chiến giả dối Putin mở ra cuộc chiến nhân danh sự giải phóng người Nga khỏi chủ nghĩa phát xít. Không có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ chính quyền của Zelensky có tính phát xít. Ngược lại tất cả những gì Putin đã và đang làm trên đất Ukraine chính là hiện thân của phát xít. Putin không nhìn nhận sự tồn tại của một dân tộc Ukraine và đang cố gắng tiêu diệt nó. Putin muốn xóa bỏ căn cước Ukraine. Đây không phải lần đầu, Putin đã từng đem bom đạn “giải phóng” người Nga tại Chechnya khỏi mái nhà của họ, “giải phóng” họ khỏi cuộc sống. Giờ Putin làm lại điều đó ở Ukraine, 95% nhà của người dân Mariupol đã bị tàn phá. Đất nước của đạo tặc Qua hàng trăm cuộc điện đàm của những người lính Nga trên chiến trường Ukraine với bố mẹ vợ con và người yêu cho thấy đa số họ cho rằng việc lấy đồ của người dân Ukraine thậm chí hãm hiếp phụ nữ là một lẽ hiển nhiên. Thực tế xảy ra ở khắp nơi mà quân Nga từng chiếm đóng là trộm cắp, giết người, hãm hiếp, hành hạ lên tới mức độ kinh hoàng. Thật không thể tưởng tượng được sự xuống dốc về đạo đức của nước Nga dưới thời Putin. Quốc hội Nga đã chính thức hợp pháp hóa việc buôn lậu. Điều đó có nghĩa là tất cả xe, máy, đồ trộm cắp ở Ukraine sẽ được đăng ký sử dụng và buôn bán tự do. Một tài liệu hi hữu do phóng viên nhà báo thu được từ người lính Nga từng có mặt ở làng Andreaka đã thú nhận tất cả tội ác của mình từ giết người dân vô tội đến trộm cướp. Sự trộm cướp của cuộc chiến này không chỉ diễn ra trên phương diện cá nhân. Nước Nga đã đánh cắp tất cả những gì có thể ăn cắp được từ trang thiết bị trường học bệnh viện, sân chơi trẻ em, lúa mì, hoa quả cho đến sắt thép. Hiện tại và tương lai nước Nga Hàng loạt các công ty từ chối hoạt động ở nước Nga. Điều đó không đơn giản là người Nga sẽ không có bigmac của McDonald’s, nước Nga sẽ không có hàng loạt những mặt hàng thiết yếu từ thực phẩm, thuốc men, trang thiết bị đến máy móc. Các hệ điều hành máy tính hết hạn sử dụng sẽ không được update. Thuốc men trang thiết bị y tế và ngay cả cả những thuốc ngoại được sản xuất tại nước Nga cũng có nguy cơ phải dừng lại. Toàn bộ phương tiện vận tải của Nga từ xe 4 bánh, xe lửa, tàu biển đến máy bay đều có yếu tố nước ngoài nếu hỏng hóc sẽ không có linh kiện thay thế. Các hãng bảo hiểm dịch vụ bảo trì và cung cấp chứng chỉ từ chối phục vụ khách hàng Nga, các hãng hàng không Nga và vận tải biển có nguy cơ phá sản. Khó có thể tìm được khách hàng sử dụng dịch vụ của con tàu không được bảo hiểm. Hiện tại hãng hàng không Nga đã phải tháo dỡ máy bay để lấy phụ tùng, và không sử dụng người lái thứ hai với mục đích tiết kiệm. Không thể để Putin dùng công ty khí đốt Gazprom để trói buộc EU. Lộ trình cắt hoàn toàn khí đốt từ Nga đã được thống nhất, Gazprom cũng khó thoát khỏi phá sản. Thế giới văn minh quay lưng lại với nước Nga bằng những lệnh cấm vận. Rất nhiều người Việt chúng ta hiểu sự cấm vận này như là một cuộc chiến. Đó là một sự hiểu lầm. Cần phải hiểu cấm vận là việc khước từ sự tham dự của một cầu thủ bóng đá chỉ thích chơi bằng tay. Sự tan vỡ khó tranh khỏi Cuộc chiến can trường của người dân Ukraine đánh thức niềm tủi nhục công dân hạng hai của nhiều sắc tộc trong liên bang Nga. Sự phi lý không được đối xử một cách công bằng. Người Buryat, Dagestan, Turk chiến đấu vì thế giới Nga trong sự phân biệt đối xử. Hy vọng các quốc gia sẽ thấy được vận mạng của mình. Xin nhắc lại nước Cộng hòa Czech và Cộng hòa Slovakia đã “chia tay” trong hòa bình. Thế giới chúng ta đang sống rất cần đến nhau. Thế giới càng ngày càng đồng thuận, ví dụ chúng ta đồng thuật luật đi đường. Ngày nay thế giới không còn tồn tại độc quyền. Cuộc chiến bất nhân phi nghĩa của Putin và bè lũ gây ra tại Ukraine làm thay đổi toàn bộ thế giới. Chưa nói đến hàng trăm ngàn sinh mạng mất đi vĩnh viễn và hàng triệu người bị tổn thương tâm lý và ảnh hưởng lâu dài của cuộc chiến này suốt cuộc đời họ thì mỗi cá nhân chúng ta dù ở rất xa đều cảm thấy cuộc chiến tranh qua chi tiêu hàng ngày. Nhân loại cần đồng lòng ủng hộ Ukraine kết thúc cuộc chiến. Đỗ Xuân Cang Praha, 21/9/2022 Ảnh: Đàn Chim Việt  
......

Nga tổ chức ‘trưng cầu dân ý’ vùng đất chiếm của Ukraine, Mỹ khó xử

Một tòa nhà bị phá hủy ở Kramatorsk, thuộc vùng Donetsk hôm 18/8/2022, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. Vùng Donetsk sẽ bị Nga sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Ảnh: Juan Barreto/AFP via Getty Images Hiếu Chân - Người Việt Vài hôm trước, những người theo dõi chiến cuộc ở Ukraine đều tự hỏi: Tổng Thống Vladimir Putin của Nga sẽ làm gì khi bị dồn vào chân tường? Câu trả lời đã xuất hiện: Trưng cầu dân ý và sáp nhập vào Nga các vùng lãnh thổ Ukraine đang bị chiếm đóng. Chiến thắng giòn giã của quân Ukraine trong cuộc phản công chiếm lại vùng Đông Bắc chung quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, mầm mống phản chiến nảy nở trong giới thượng lưu Nga, và thái độ lạnh nhạt của cả Trung Quốc và Ấn Độ tại hội nghị Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải ở Uzbekistan cuối tuần trước chứng tỏ ông Putin đã thất bại hoàn toàn cả về quân sự, nội trị và ngoại giao. Trong thế “chó cùng cắn giậu,” chắc chắn ông chủ điện Kremlin sẽ vùng vẫy, nhưng ông ta vẫy như thế nào thì chưa biết. Sang Thứ Ba, 20 Tháng Chín, câu trả lời đã xuất hiện: Putin sẽ nhanh chóng sáp nhập vào lãnh thổ Nga bốn khu vực của Ukraine mà quân Nga đang chiếm đóng toàn bộ hoặc một phần, gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk – hợp thành vùng Donbass – cùng với thành phố Kherson và tỉnh Zaporizhzhia. Một kế hoạch thâu tóm lãnh thổ được dàn dựng chi tiết đã được truyền thông Nga cổ xúy, theo đó các chính quyền bù nhìn do Nga dựng lên ở bốn khu vực này sẽ thực hiện “trưng cầu dân ý” về sáp nhập khu vực của họ vào Nga. Các cuộc “trưng cầu dân ý” sẽ bắt đầu ngay từ Thứ Sáu tuần này và kéo dài năm ngày. Bốn khu vực mà Nga thâu tóm nằm ở phía Đông và Đông Nam Ukraine, giáp biên giới Nga và biển Azov, chiếm khoảng 15% tổng diện tích của Ukraine, tương đương lãnh thổ Hungary. Trước đây các quan chức tay sai của Nga tại các khu vực trên đã lập kế hoạch “trưng cầu dân ý” giả mạo như vậy nhưng không thực hiện được do sự phản đối của người dân và chiến sự. Lần này thì họ sẽ làm gấp dưới sự điều khiển của Điện Kremlin. Thủ đoạn này không mới, chỉ lặp lại kịch bản Nga chiếm đóng, trưng cầu dân ý và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Khi đó, Tây phương phản ứng khá dè dặt, dù không công nhận Crimea thuộc về Nga nhưng cũng không có biện pháp trừng phạt mạnh nào đối với Kremlin. Lần này, ông Putin “bổn cũ soạn lại” nhưng không chỉ chiếm đất mà còn leo thang chiến tranh một bước mới. Những người thân Nga coi các cuộc trưng cầu dân ý này như một tối hậu thư, buộc Tây phương phải chấp nhận việc chiếm đất của Nga hoặc đối mặt với một cuộc chiến tranh tổng lực với một cường quốc nguyên tử. Sau khi thâu tóm, Moscow sẽ tuyên bố những cuộc tấn công vào bốn khu vực này là tấn công nước Nga, sẽ tổng động viên dân Nga hoặc có một hành động trả đũa nguy hiểm nào đó như sử dụng vũ khí hạt nhân chẳng hạn. Nhà báo Margarita Simonyan, chủ biên đài truyền hình RT-TV thân Kremlin, tóm tắt sự việc một cách đơn giản: “Hôm nay trưng cầu dân ý, ngày mai công nhận [bốn khu vực] là một phần Nga, ngày mốt tấn công vào lãnh thổ Nga là chiến tranh toàn diện giữa Ukraine, NATO và Nga.” Ông Dmitry Medvedev, người từng là tổng thống, thủ tướng và bây giờ là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Nga dưới quyền ông Putin, nói việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga sẽ cho phép Moscow sử dụng mọi phương tiện để bảo vệ lãnh thổ và sẽ “thay đổi hoàn toàn” tương lai của nước Nga. “Sau trưng cầu dân ý và các lãnh thổ mới được nhập vào Nga, sự chuyển dịch về địa chính trị của thế giới sẽ trở nên không thể đảo ngược được. Một sự xâm phạm lãnh thổ Nga sẽ là hành động mà chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để tự vệ,” ông Medvedev nói. *** Ông Medvedev nhận định Ukraine và Tây phương lo sợ các cuộc trưng cầu dân ý ở các vùng tạm chiếm và đó là lý do Nga cần phải thực hiện kế hoạch này. Nhưng Bộ Trưởng Ngoại Giao Dmytro Kuleba của Ukraine có cách nhìn khác. “Nga đã và đang tiếp tục là kẻ xâm lược chiếm đóng bất hợp pháp đất đai của chúng tôi. Ukraine có quyền giải phóng các vùng lãnh thổ của mình và đang phản công tái chiếm chúng bất chấp Nga nói gì,” ông Kuleba nói. Nhà phân tích chính trị Volodymyr Fesenko, đứng đầu viện nghiên cứu độc lập Penta Center ở Kyiv, cho rằng kế hoạch của Moscow “thể hiện sự yếu kém chứ không phải sức mạnh của Kremlin” khi ông Putin tìm mọi cách xoay chuyển một tình huống đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Ông Fesenko nhận xét Kremlin hy vọng các cuộc bỏ phiếu và leo thang quân sự của Nga sẽ gia tăng sức ép lên các chính phủ Tây phương và họ sẽ buộc Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine phải đàm phán với Moscow. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cao cấp của Tổng Thống Zelensky, nói chuyện sáp nhập chỉ là để trấn an dân Nga và che giấu những tổn thất của Nga trên chiến trường. Ông cho rằng trưng cầu dân ý cũng không ngăn được “HIMARS và lực lượng vũ trang Ukraine tiêu diệt những kẻ xâm lược đang chiếm đất của chúng tôi.” HIMARS là loại pháo hỏa tiễn bắn hàng loạt do Mỹ viện trợ cho Ukraine, rất hiệu quả trên chiến trường. *** Khác với vụ Crimea năm 2014, lần này Tây phương phản ứng khá nhanh chóng và dứt khoát. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, tuyên bố ngay: “Hoa Kỳ sẽ không bao giờ công nhận yêu sách của Nga tại bất kỳ vùng lãnh thổ nào họ thâu tóm của Ukraine.” Ông thêm rằng, vụ sáp nhập phản ánh thất bại quân sự thê thảm của Nga. Bên lề hội nghị thường niên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Thủ Tướng Olaf Scholz của Đức nói những vụ trưng cầu dân ý này “rõ ràng, rất rõ ràng là giả tạo và không chấp nhận được.” Cả hai tổng thống, Emmanuel Macron của Pháp và Gitanas Nauseda của Lithuania, đều gọi đây là “trò hề” rẻ tiền: “Nga gây chiến tranh, xâm lược, ném bom thường dân, buộc mọi người chạy trốn rồi bây giờ nói những khu vực này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý!” Ngay đến Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, người đang làm trung gian giữa Nga và Ukraine, cũng phản đối. Trả lời phỏng vấn đài PBS tại New York, ông Erdogan nói để có hòa bình ở Ukraine, điều rất quan trọng là Nga phải trả lại những vùng đất đã xâm chiếm. Ông cũng nhắc lại lập trường từ trước đến nay của Thổ Nhĩ Kỳ là bán đảo Crimea bị Nga thâu tóm năm 2014 phải được trả lại cho Ukraine. “Từ năm 2014 chúng tôi đã nói với ông bạn thân Putin như vậy và đó là điều mà hiện chúng tôi vẫn yêu cầu ông thực hiện,” ông Erdogan nói. *** Sự phản đối của Tây phương chắc chắn không làm ông Putin thay đổi kế hoạch thâu tóm các vùng lãnh thổ chiếm được của Ukraine. Ông Putin vốn không đếm xỉa gì tới công luận bên ngoài và sẵn sàng chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế nên chắc chắn ông vẫn sẽ hành động bất chấp hậu quả. Trong khi đó, Ukraine khước từ mọi cuộc đàm phán hòa bình trước khi các vùng lãnh thổ bị Nga xâm chiếm, kể cả bán đảo Crimea, được trả lại cho Kiev. “Giải quyết xung đột cực kỳ đơn giản: Nga phải rút quân ngay lập tức khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine,” ông Podolyak khẳng định. Hoa Kỳ – nước viện trợ nhiều nhất và hiệu quả nhất cho cuộc kháng chiến của quân dân Ukraine – cho tới nay vẫn đứng trước một nan đề: Giúp Ukraine tự vệ và giành lại những vùng đất bị chiếm đóng nhưng không muốn chiến tranh lan rộng, dẫn tới một Thế Chiến Thứ Ba mà hậu quả khốc liệt chưa hình dung được. Tổng Thống Joe Biden đã nhiều lần từ chối cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tân tiến hơn nữa như hệ thống hỏa tiễn chiến thuật bộ binh ATACMs (Army Tactical Missile System) có tầm bắn tới 185 dặm (300 km) vì lo ngại Ukraine sẽ tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga làm xung đột lan rộng, bất chấp những yêu cầu thống thiết và cam kết của Tổng Thống Zelensky. Hành động gây hấn mới nhất của ông Putin chắc chắn làm cho ông Biden khó xử. Nếu ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tấn công một quốc gia NATO đang viện trợ cho Ukraine thì Hoa Kỳ không thể đứng ngoài. Tham gia một cuộc chiến tranh nữa không chỉ làm hao người tốn của mà còn gây gián đoạn công cuộc phục hồi kinh tế của Mỹ sau đại dịch COVID-19, phá hỏng những nỗ lực “xây dựng lại tốt hơn” [Build Back Better] – cốt lõi trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden và của đảng Dân Chủ. Hiếu Chân Nguồn: Người Việt  
......

Báo chí Việt Nam “né” vạch trần tham nhũng chính trị

189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ Sơ Panama. Ảnh: Việt Nam Thời Báo Hồng Dân - Việt Nam Thời Báo Cho đến nay báo chí Việt Nam không có tin tức nào mang tính hưởng ứng điều tra về Hồ sơ Panama “Hồ sơ Panama” mà Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế tung ra hồi đầu tháng 4/2016 gợi cho báo chí Việt Nam câu hỏi vì sao đã không hưởng ứng để vạch trần tình trạng bí mật tài chính và tham nhũng chính trị tại Việt Nam? Các chính phủ trên khắp thế giới hiện đã thu hồi hơn 1,36 tỷ USD tiền thuế và tiền phạt là kết quả trực tiếp của vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, bao gồm 185 triệu USD thu hồi mới được báo cáo trong 3 năm qua. Theo đó, từ 18g ngày 9/5/2016 theo giờ GMT, người dân trên khắp thế giới có thể truy cập trang Offshoreleaks.icij.org để xem dữ liệu về hơn 200.000 tài khoản ngân hàng do các cá nhân, tổ chức lập ở nước ngoài. Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tuyên bố việc công bố các dữ liệu này là vì “lợi ích của công chúng.” 5 năm sau khi ICIJ dẫn đầu một cuộc điều tra trên toàn thế giới phơi bày bí mật của ngành tài chính, 24 quốc gia đã báo cáo truy thu, với hàng trăm quốc gia khác vẫn đang tiến hành. Cụ thể, ICIJ đã kiểm tra hơn 11,5 triệu tài liệu bí mật từ công ty luật Mossack Fonseca của Panama. Kể từ tháng 4 năm 2019, Australia đã bổ sung gần 45 triệu USD vào tổng số tiền thiệt hại, hiện lên đến gần 138 triệu USD. Chính phủ Italy đã báo cáo thu hồi thêm 31,8 triệu USD kể từ năm 2019, gần gấp đôi tổng số tiền tới 65,5 triệu USD. Đầu năm 2021, Cơ quan quản lý thuế Na Uy lần đầu tiên cho biết rằng họ đã có thể thu hồi gần 34 triệu USD. Với những phát hiện mới của mình, Australia trở thành quốc gia thứ năm chính thức báo cáo khoản tiền hơn 100 triệu USD được thu hồi sau vụ Hồ sơ Panama. Vương quốc Anh đã thu hồi được 252,8 triệu USD; Đức đã thu hồi 195,7 triệu USD (12,5 triệu USD kể từ năm 2019); Tây Ban Nha đã thu hồi được 166,5 triệu USD; và Pháp đã thu lại 142,3 triệu USD. Sau Hồ sơ Panama, hơn 80 quốc gia đã công bố các cuộc điều tra có thể dẫn đến thu hồi thuế, các cáo buộc hình sự hoặc nhiều án phạt khác. Việt Nam chưa thấy đưa ra bất kỳ công bố nào liên quan Hồ sơ Panama. Truy cứ kho dữ liệu này thì Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian trong danh sách Hồ sơ Panama. Việc xuất hiện tên trong Hồ sơ Panama, hay việc có công ty offshore không đồng nghĩa với việc phạm pháp. Nhiều công ty và cá nhân có hoạt động thương mại ở nước ngoài có lập các công ty, tài khoản offshore này để thuận lợi cho việc giao dịch. Tuy vậy, những người chỉ trích thì cho rằng việc có công ty offshore có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc trốn thuế hay rửa tiền có từ hối lộ, tham nhũng hay các hành vi sai trái khác. Trong danh sách trên, có nhiều cá nhân là người Việt Nam, như: Bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc điều hành của Ngân hàng ANZ. Theo hồ sơ, bà Thủy có liên quan tới Công ty cho thuê mua tài chính ANZ V-Trac, được mở tại đảo Virgin (thuộc Anh). Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sovico, CEO của hãng hàng không Vietjet Air. Bà Thảo có liên quan với Ariana Hotels & Resort International trụ sở ở thiên đường thuế ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Ariana Hotels & Resort International cũng chính là chủ cũ của Furama Resort – bất động sản mà Sovico đã đầu tư mua lại năm 2005. Ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch Sovico Holdings) cũng chính là chồng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI)… Theo ghi nhận ở thời điểm đó thì Việt Nam xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama với 189 cá nhân, tổ chức cùng 19 công ty đăng ký trụ sở ở các thiên đường thuế. Tuy nhiên đến nay thì báo chí Việt Nam không có tin tức nào mang tính hưởng ứng điều tra về Hồ sơ Panama, mặc dù người đứng đầu đảng luôn ra sức hô hào chống tham nhũng. Hồng Dân Nguồn: Việt Nam Thời Báo  
......

Nhà nước còn độc quyền, dân còn khổ

Các tập đoàn, công ty nhà nước dù được độc quyền kinh doanh nhưng vẫn thua lỗ triền miên. Ảnh: FB Việt Tân Diễm Quỳnh - Việt Tân  Mặc dù là những đơn vị kinh doanh độc quyền các loại hàng hóa đặc biệt là điện, than, xăng dầu, nắm trong tay nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường, được hưởng thụ nhiều chính sách ưu đãi, vậy mà các doanh nghiệp này vẫn kêu lỗ triền miên… Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh nếu trừ đi chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, EVN ghi nhận lỗ 12.767 tỉ đồng và lỗ sau thuế là 16.586 tỉ đồng. Không chỉ kinh doanh điện với thế độc quyền kêu lỗ chưa đủ, EVN còn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các ngành ngân hàng, tài chính, chứng khoán, viễn thông… nhưng không mang lại hiệu quả. Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) báo cáo doanh thu thuần quý 2/2022 lỗ sau thuế gần 141 tỉ đồng. Petrolimex là doanh nghiệp độc quyền nhà nước. Hiện nay, tồn tại quá nhiều doanh nghiệp nhà nước, rất nhiều trong số đó kinh doanh không hiệu quả. Nhà cầm quyền cần tập trung nghiên cứu cải tổ triệt để và quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời có biện pháp hữu hiệu nhằm chống độc quyền của các tập đoàn kinh tế và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Công ty nhà nước không những không giúp nhà nước trong giảm lạm phát mà còn gây khó khăn thêm. Doanh nghiệp nào cũng liên tục kêu lỗ và đòi tăng giá thì nên để cho các doanh nghiệp tư nhân có khả năng làm sẽ tốt hơn. Diễm Quỳnh - Việt Tân   
......

Thất bại cay đắng của Nguyễn Phú Trọng

Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí Thư đảng CSVN Ảnh: VietTimes  Ngô Đồng Phát biểu tại Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội hôm 15 tháng Chín, 2022, Bộ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm thừa nhận về tình trạng bất lực trong công tác chống tham nhũng của đảng Cộng Sản Việt Nam. “Tham nhũng đang ngày càng tinh vi, phức tạp khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi đối phó với tội phạm… Mình cứ ra được cái khiên này thì tội phạm lại có mác khác, luôn luôn có cạnh tranh như vậy nên càng phức tạp,” Đại Tướng Tô Lâm nhấn mạnh. Ông Nguyễn Phú Trọng nắm chức vụ tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam kể từ năm 2011. Suốt thời gian cầm quyền, ông Trọng liên tục tuyên bố về cuộc chiến chống tham nhũng do ông phát động nhằm “chỉnh đốn đảng.” Hàng loạt phát ngôn mạnh miệng được ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Lò đã nóng lên rồi, củi tươi, củi khô cũng cháy,” “chống tham nhũng không có vùng cấm,” v.v. Trong khi đó, truyền thông ra sức ca tụng ông Trọng lên tầm lãnh tụ, như: “sĩ phu Bắc hà,” “người đốt lò vĩ đại,” v.v. Không ngoa khi nói rằng công cuộc “đốt lò” là lý do để phe cánh của ông Trọng giữ cho ông ta bám ghế dù tuổi cao, sức yếu và quá tuổi, quá nhiệm kỳ. Thế nhưng, hiệu quả của việc chống tham nhũng đến đâu thì cần phải được xem xét lại. Không khó để nhận ra việc ông Nguyễn Phú Trọng lợi dụng cuộc chiến chống tham nhũng để củng cố quyền lực và thanh trừng phe nhóm tàn dư của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đơn cử như việc điều tra bắt giữ các đàn em của ông Dũng như Trần Bắc Hà, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,… Trong khi các thanh “củi nhà” như  Phạm Thị ThanhTrà, Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái, Triệu Tài Vinh ở Bắc Giang, Huỳnh Đức Thơ ở Đà Nẵng thì bình an vô sự. Chính vì cuộc chiến chống tham nhũng không thực tâm, không khách quan, cho nên tham nhũng vẫn “tăng trưởng ổn định” chứ không hề giảm đi. Đặc biệt, giữa thời điểm đại dịch nhân dân đói khổ lầm than, hai bộ quan trọng nhất là Bộ Ngoại Giao và Bộ Y Tế ngang nhiên tham nhũng với các đại án: chuyến bay giải cứu và test kit Việt Á. Các đại án ở Bộ Ngoại Giao và Bộ Y Tế với sự cấu kết có hệ thống ở nhiều địa phương, số tiền tham nhũng cực lớn, đã phản ánh chính xác sự mục rỗng của chế độ cộng sản. Các quan chức ăn tiền trắng trợn như chưa từng có cuộc chiến chống tham nhũng nào cả. Điều đó cho thấy, quyền uy của ông Trọng ảnh hưởng đến lớp cán bộ cấp dưới là không nhiều. Cho nên, dù ông ta có bám ghế thêm chục năm nữa thì chẳng có gì bảo đảm rằng tham nhũng sẽ bị tiêu diệt. Cho nên, tham nhũng tràn lan ngày hôm nay là minh chứng rõ nhất phản ánh sự thất bại của Nguyễn Phú Trọng. Để chống được tham nhũng thì cần phải nhận diện nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng. Bộ máy nhà nước độc tài CSVN chính là môi trường tạo ra tham nhũng, bởi lẽ muốn vào công chức phải đút lót, muốn thăng chức phải đút lót, lương thấp không đủ sống nên phải tìm cách vòi vĩnh, nhận hối lộ… Thực trạng này cộng với thể chế độc tài không có sự giám sát của báo chí đã tạo ra không gian lý tưởng để tham nhũng sinh sôi nảy nở. Tóm lại, chừng nào chế độ độc tài còn tồn tại, khi đó không thể chống được tham nhũng! Ngô Đồng https://viettan.org/that-bai-cay-dang-cua-nguyen-phu-trong/  
......

Ukraina đã đánh lừa quân đội Nga như thế nào

Các chiến binh Ukraina chuẩn bị tấn công các vị trí Nga bằng lựu pháo M777 của Mỹ tại Kharkov, ngày 14/07/2022. AP - Evgeniy Maloletka Đức Tâm  - RFI Chính ở phía bắc Ukraina, nhắm theo hướng Kharkiv mà quân đội Ukraina đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ, có thể coi là thắng lợi lớn nhất kể từ đầu cuộc chiến. Bài viết của đặc phái viên Boris Mabillard đăng trên tuần báo Pháp Le Point ngày 11/09/2022, tức là vào lúc quân đội Ukraina phản công, chuẩn bị giành lại được thành phố Izium. Quân đội Ukraina đã chọc thủng hàng phòng thủ Nga ở phía đông Kharkiv, một vùng nằm ở phía bắc Ukraina. Khi đâm mũi giáo vào các tuyến phòng thủ của kẻ thù, quân đội Ukraina đã xuất hiện tại những nơi mà quân Nga không ngờ tới. Cuộc tấn công cộng với yếu tố bất ngờ đã buộc quân đội Nga tháo chạy. Tình trạng vỡ đám trầm trọng đến mức chính quyền Nga, hiếm khi thấy, công khai thừa nhận đã vấp phải những khó khăn. Nhìn theo trục ngang, từ Kharkiv sang phía đông, các khu làng Balakliia, Volokhiv Yar và Borshchivka lần lượt được giải phóng. Hôm thứ Bẩy, 10/09, phát ngôn viên quân đội Ukraina thông báo đã kiểm soát được Koupiansk, một đầu nút giao thông đường sắt và đường bộ trọng yếu. Lực lượng Ukraina hiện nay đã tới cửa ngõ thành phố Izium, thành phố bị Nga chiếm đóng, có vị trí chiến lược giữa Donbass và Kharkiv và phía Ukraina sắp đánh chiếm được thành phố (ngày 11/09, Izium được giải phóng và ngày 14/09, tổng thống Ukraina Zelensky đã bất ngờ tới thăm thành phố này). Ngoài giá trị quân sự và chiến lược của các lãnh thổ vừa giành lại được, những chiến thắng quân sự này đã giúp nâng cao tinh thần binh sĩ Ukraina. Cuộc phản công tại Kherson ở phía nam, từ nay liên quan đến ba mặt trận và sẽ sớm tạo ra một bước ngoặt quyết định. Nhất là trong bối cảnh phía Ukraina vẫn tiếp tục đà tiến quân. Cuộc tấn công theo ba thời điểm Thứ Hai, 29/08, chính quyền Ukraina thông báo tiến hành một cuộc phản công để giải phóng Kherson ở phía nam Ukraina. Cùng lúc, Kiev giữ im lặng tuyệt đối về các chiến dịch quân sự đang diễn ra trên toàn quốc và cấm tuyệt đối các nhà báo ra chiến tuyến. Trong lúc mọi cặp mắt đều hướng về Mikolaiv và Kherson thì quân đội Ukraina đã tiến về phía đông Slovansk ở vùng Donbass. Rồi trong tuần này, quân đội Ukraina đã tấn công ở phía đông của Kharkiv. Cuộc tấn công theo ba thời điểm chủ ý đánh lừa bộ tham mưu Nga. Vì nghĩ rằng mục tiêu chính của quân Ukraina là Kherson, bộ tham mưu Nga dã cho tái triển khai lực lượng ở phía nam, giảm bớt quân ở mặt trận Kharkiv. Ban đầu rất kín đáo, chính quyền Ukraina không thông báo ngay các thắng lợi quân sự mà họ có thể thu được. Thế nhưng, hình ảnh những ngôi làng được giải phóng mà dân làng và binh sĩ Ukraina đăng trên các mạng xã hội của họ đã phá tan sự im lặng mà bộ tham mưu Ukraina rất muốn duy trì. Do vậy, bộ tham mưu Ukraina buộc phải khẳng định những gì đã được đăng tải trên internet nhưng đồng thời vẫn không cho các nhà báo tới vùng này để tự họ nhìn thấy thực tế các tiến bộ về quân sự của Ukraina. Cũng tương tự, bên phía Nga, các blogger đã nói đến những khó khăn mà quân đội Nga vấp phải ở Kharkiv và lo lắng về việc quân đội của họ không có phản ứng gì. Hôm thứ Sáu, 09/09, các kênh truyền hình Nhà nước Nga chiếu hình ảnh điều động lực lượng chi viện và thứ Bẩy, 10/09, bộ tham mưu Nga thừa nhận bị mất Balakliia và thông qua phát ngôn viên bộ Quốc Phòng, Igor Konashenkov, thông báo « một sự chuyển quân có tổ chức đối với các lực lượng đang đóng tại Balakliia và Izium sang vùng Donetsk (nước Cộng hòa tự xưng Donetsk) ». Việc giành lại Izioum, nếu thành công, sẽ là một thắng lợi lớn của Ukraina kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga hồi tháng Hai vừa qua. (Ngày 11/09, Ukraina đã chiếm được Izium). Vũ khí của phương Tây, một trong những yếu tố chủ chốt trong cuộc phản công của Ukraina Việc sử dụng đúng lúc các vũ khí hiện đại mà châu Âu và Hoa Kỳ cung cấp, chắc chắn, giúp đạt được những thành công này. Sau khi vội vã sử dụng các vũ khí quý giá trong các trận đánh mà không tạo ra được sự khác biệt cũng như dễ bị Nga oanh kích, quân đội Ukraina đã học cách sử dụng các loại vũ khí này một cách có ý thức. Hệ thống phóng rốc-két Himars (M142 High Mobility Artillery Rocket System) pháo tầm xa M777 và hệ thống pháo Howitzer Zuzana 155 mm đã giúp dập nát các tuyến tiếp viện và pháo của Nga. Tình báo Ukraina, được sự trợ giúp của các đồng minh ngoại quốc và chắc hẳn là của cả các kháng chiến quân hiện diện tại vùng bị chiếm đóng, đã xác định khu vực nào trên mặt trận cần tấn công và chỉ ra các mục tiêu cho pháo binh. Vào lúc người ta nghĩ rằng không thể đối phó được với chiến thuật rải thảm bom một cách chậm rãi và gây sát thương lớn của Nga nhằm san bằng tất cả rồi sau đó chiến lĩnh lãnh thổ với một nhịp độ không thể ngăn cản được thì phía Ukraina lại áp đặt được nhịp độ chiến sự. Với ba cuộc phản công này, lực lượng Ukraina cho thấy họ có thể chuyển sang tấn công thì tốt hơn là kháng cự. Điều này không chỉ lên tinh thần cho binh sĩ Ukraina và làm suy sụp tinh thần của kẻ thù Nga. Các cuộc tái chiếm này, nếu tiếp tục diễn ra lâu dài, sẽ tạo ra một động lực mà quân đội Ukraina cần có sau những thất bại trong vùng Donbass hồi tháng Sáu và tháng Bẩy. Các cuộc phản công này cũng đưa ra một tín hiệu tích cực cho các đồng minh của Kiev sau khi họ đã cung cấp vũ khí và đang chờ đợi thắng lợi từ phía Ukraina.  
......

Phương Tây dao động về đề xuất của Ukraine thu giữ tài sản của Nga để bồi thường

Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen) khi thuyết phục các lãnh đạo phương Tây ủng hộ cơ chế bồi thường cho Ukraine. Ảnh: EPA   Chu Vĩnh Hải   Độc quyền: Ukraine vận động Liên hợp quốc và các đồng minh tìm ra con đường pháp lý rõ ràng cho việc Nga bồi thường thiệt hại chiến tranh.   Ukraine đang phải đối mặt với một cuộc chiến để thuyết phục các đồng minh phương Tây, bao gồm cả Anh, ủng hộ đề xuất về bất kỳ giải pháp hòa bình nào với Moscow, bao gồm các khoản bồi thường hàng trăm tỷ của Nga, một phần bằng cách sử dụng tài sản của nhà nước và tài phiệt Nga bị tịch thu. Ukraine đang vận động đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết sẽ trở thành cơ sở cho việc tạo ra một cơ chế bồi thường quốc tế có thể dẫn đến việc tịch thu tài sản nhà nước của Nga ở nước ngoài lên tới 300 tỷ USD (260 tỷ bảng Anh). Bộ Tư pháp Mỹ cho biết vào tháng 6, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa 30 tỷ USD tài sản của tài phiệt Nga và 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga được giữ ở nước ngoài.   Thứ trưởng Tư pháp Ukraine, Iryna Mudra, đã có mặt ở London vào tuần trước để thảo luận vấn đề này với Bộ Ngoại giao sau khi vận động hành lang Hội đồng Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu ở Strasbourg cùng với Olena Zelenska, vợ của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy.   Từng là chủ ngân hàng, Mudra đã chỉ đạo các cuộc thảo luận chi tiết về pháp lý và chính trị về bồi thường, tổ chức các cuộc đàm phán ở Đức, Paris và Brussels và với trợ lý thư ký ngân khố Hoa Kỳ, Elizabeth Rosenberg.   Vào cuối cuộc họp cuối cùng ở Strasbourg, các bộ trưởng của Hội đồng châu Âu đã ủng hộ nguyên tắc bồi thường, nhưng đã đưa ra một tuyên bố hơi lấp lửng về các đề xuất cụ thể của Ukraine, nói rằng họ “quan tâm đến các đề xuất của Ukraine nhằm thiết lập một cơ chế bồi thường quốc tế toàn diện, bao gồm, một bước đầu tiên, một đăng ký quốc tế về thiệt hại ”. Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, Janet Yellen, đã nói rằng các khoản bồi thường sẽ là bất hợp pháp theo luật hiện hành của Hoa Kỳ.   Nhưng Ukraine ngày càng trở nên tham vọng rằng bất kỳ định nghĩa nào về một chiến thắng quân sự phải bao gồm thỏa thuận bồi thường của Nga, một yêu cầu mà Moscow sẽ chống lại và làm phức tạp bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào. Vấn đề là riêng biệt với việc thiết lập một cơ chế pháp lý để buộc các nhà lãnh đạo Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh.   Những người gần gũi với các cuộc đàm phán về bồi thường ở London đã ấn tượng rằng sự nhiệt tình của Anh về nguyên tắc đối với kế hoạch này đang bị cân nhắc so với các vấn đề pháp lý và quyền tài sản tiềm ẩn liên quan. Có ý kiến ​​cho rằng nếu tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị chiếm đoạt, thay vì chỉ đơn giản là bị đóng băng như hiện nay, bất kỳ tài sản phương Tây nào được giữ ở nước ngoài cũng có thể trở thành con mồi cho việc tịch thu. Tài sản của nhà nước được bảo vệ ở nước ngoài theo học thuyết về quyền miễn trừ của nhà nước, một nguyên tắc được xác nhận trong các điều luật của Liên hợp quốc năm 2011, quy định này cung cấp cho nhà nước nước ngoài quyền miễn trừ đối với thẩm quyền của các tòa án trong nước, ít nhất là đối với các hoạt động phi thương mại.   Vào tháng 5, kết hợp với trường luật Columbia, Ukraine đã thành lập Dự án Khiếu nại và Bồi thường Quốc tế bao gồm luật sư người Anh Alison Macdonald, cựu cố vấn pháp lý của bộ nhà nước Jeremy Sharpe và hai giáo sư Columbia, Lori Damrosch và Patrick Pearsall.   Họ tuyên bố rằng đã có tiền lệ về việc tịch thu tài sản nhà nước của Nga trong lịch sử, chỉ ra các yêu cầu bồi thường được đưa ra đối với Iraq sau cuộc xâm lược Kuwait, khoản bồi thường mà Iran trả cho Mỹ trong cuộc khủng hoảng con tin ở đại sứ quán và việc Mỹ thu giữ tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan gần đây.   Ukraine chấp nhận rằng hiện tại tài sản nhà nước của Nga ở nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ chủ quyền, nhưng tin rằng điều này có thể được thay đổi thông qua luật pháp quốc gia, như đã xảy ra ở Canada. Nó nói rằng một quy trình thứ hai là cần thiết để thu giữ tài sản của các công ty Nga hoặc các nhà tài phiệt.   Việc Yellen cho rằng Mỹ không có thẩm quyền hợp pháp hiện tại để thu giữ tài sản của Nga một phần là do Mỹ không tham gia vào các cuộc chiến vũ trang với Nga và Mỹ không tranh chấp quyền sở hữu hợp pháp của Nga đối với các tài sản này.   Những người khác nói rằng Mỹ có thể triển khai Đạo luật Giao dịch với kẻ thù hoặc Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế. Các khoản bồi thường đã được ủng hộ trong một tuyên bố chung do các bộ trưởng tài chính của Estonia, Latvia, Litva và Slovakia đưa ra. Bộ trưởng Ngoại giao( nay là thủ tướng Anh) Liz Truss bày tỏ sự ủng hộ về nguyên tắc đối với ý tưởng này, nhưng gần đây đã không nhắc lại đề xuất này.   Luật trừng phạt của Anh và châu Âu cho phép các quốc gia đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga và một số nhà tài phiệt, nhưng không quy định việc thu giữ vĩnh viễn, chưa nói đến việc họ đơn phương chuyển cho quỹ tái thiết Ukraine.   https://www.theguardian.com/.../west-wavers-on-ukraine...  
......

Chống không xuể

  -Đỗ Ngà- - Thế Giới Kpop   Việt Á quả là một cái “máy xay xát” đã nghiền hàng loạt giám đốc CDC và 2 ủy viên Trung ương Đảng là ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long. Ông Chu Ngọc Anh bị bắt vì tội ông gây ra lúc làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Có lẽ “máy xay xát” Việt Á chỉ “nghiền” hai ông Bộ trưởng đấy thôi, sẽ khó có Bộ trưởng nào khác dính đến vụ này.   Mới ngày hôm qua, ông Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị bắt. Ông Phạm Xuân Thăng là Ủy viên Trung ương Đảng, cấp hàm ngang với cấp Bộ trưởng. Lần này lò của ông Trọng đốt tới Bí thư tỉnh thì xem ra rất nhiều Bí thư tỉnh khác cũng bị, bởi các CDC không thể ăn một mình mà phải “nhường sếp phần hơn”, có điều là ông Tô Lâm có điều tra ra tiền hối lội chạy từ các giám đốc CDC đến tay ai.   Khi hình ảnh Bí thư Tỉnh bị tóm, người ta thấy hình ảnh đất nước này nó như một thây thối rữa, bên trong là một rừng giòi tranh nhau đánh chén, ông Nguyễn Phú trọng chỉ khui ra một lỗ thì giòi bọ lúc nhúc lộ ra.   Giòi nhiều bao nhiêu thì cũng có thể diệt, tuy nhiên, nếu không diệt con vật mà sinh ra giòi thì việc “diệt giòi” chỉ là công cốc. Được biết, khi ông Nguyễn Phú Trọng dựng lên cái lò đốt hàng loạt con giòi “ăn xác đồng bào” trong vụ Việt Á thì tại Chính Phủ, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đang bày ra môt chính sách cho các sân sau làm sân bay. Chính sách này nhằm thỏa mãn sự đòi hỏi của các doanh nghiệp thân hữu mà không tính đến lợi ích quốc gia, không tính đến việc phân bổ nguồn vốn xã hội nên gây ra lãng phí rất lớn. Đấy là nơi sinh ra những con giòi chứ đâu?   Trước đây, khi mà ông Nguyễn Tấn Dũng cho lập các tổng công ty và các tập đoàn nhà nước mà ông gọi là “quả đấm thép” thì đấy cũng là cách ông Dũng đẻ ra một đống giòi sau đó, và giờ đây ai đã động được vào ông? Chưa có một cơ chế, một khung luật pháp, hay khung luật đảng nào đủ sức truất phế một đầu nậu tạo giòi lớn đến như vậy.   Ở bên Ban Bí thư có Ủy ban Kiểm tra trung ương và Ban Nội Chính Trung ương có chức năng kiểm tra, giám sát, theo dõi, phát hiện và ngăn cản sai phạm trong Bộ Máy Đảng. Bên Chính phủ có Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ để làm việc tương tự với bộ máy Nhà nước. Rồi tại các địa phương, các cơ quan này cũng được tổ chức theo mô hình tương tự nhưng rồi họ lại không hề phát hiện ra con giòi nào. để rồi chúng nó cứ sinh ra hết lớp này đến lớp khác và tàn phá đất nước.   Còn nhớ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (Hội nghị chống tham nhũng) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4 Tháng Ba 2016, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã nói “Chống tham nhũng có khi chúng tôi còn chết trước”. Điều này cho thấy, Thanh Tra Chính Phủ hoàn toàn không có khả năng chống tham nhũng. Chống sao được khi mà chính ông Thủ tướng lại làm chính sách để sản sinh ra hàng tá giòi cho nền kinh tế mà không ai dám đụng?   Trước đây, khi ông Trần Bắc Hà đang là đàn em thân cận của ông Nguyễn Tấn Dũng thì ông này đã quát một Phó Chủ tịch Tỉnh Bình Định rằng: “Mày không đủ tuổi nói chuyện với tao” chỉ vì ông Phó chủ tịch không đồng ý với ý kiến của ông. Khi vị quan chức kia phản ứng trước thái độ sất láo ấy thì lập tức nhận ngay một cú tát trời giáng, khiến ông này đứng chết lặng giữa đám đông không dám phản ứng gì. Ông Trần Bắc Hà chỉ là quan chức nắm doanh nghiệp, ông Trần Bắc Hà quyền gì hành hung một quan chức của Chính quyền? Đấy là ví dụ rõ ràng nhất cho câu nói “chống tham nhũng có khi chúng tôi chết trước” là thế.   Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng xác định “Chúng ta phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng”. Vậy là sao? Là ông Trọng đã thừa nhận ngay cả cơ quan chống tham nhũng lại trở thành một cơ quan tham nhũng vậy thì chống ai? Chống cái gì? Bất lực.   Thể chế này nó dung dưỡng cho tham nhũng và hóa giải mọi biện pháp, mọi cơ chế chống tham nhũng. Muốn diệt được tham nhũng, chỉ có bể bỏ đi cái thể chế chính trị này./.   -Đỗ Ngà-  
......

Kể tiếp chuyện Mỹ

Ảnh tui đứng hiên ngang giữa khu phố Ý ở trung tâm New York, nơi các bố già, các Luciano, các Corleone, các Al Capone, các trùm cuối mafia đủ loại hoành hành. Nhưng khi tui xuất hiện ở đó thì bọn chúng chết ráo hết rồi. À vẫn còn vài thằng trùm cuối sống sót chạy qua định cư ở VN. Huynh Ngoc Chenh Tui làm báo TN, nên hầu hết người làm ở báo TN cùng thời đương nhiên là bạn bè quen biết. Do vậy qua Mỹ tui gặp và biết nhiều các bạn đã qua đây nên kể ra. Từ đó tạo ra ấn tượng không hay cho báo TN là có quá nhiều cựu nhà báo TN qua định cư ở Mỹ.   Thực tế thì báo quốc doanh nào cũng có cựu phóng viên qua Mỹ định cư, tui không quen không biết và không gặp nên không kể ra thôi, chứ số lượng phóng viên của các báo qua định cư ở Mỹ nhiều ít bao nhiêu có lẽ ban tuyên giáo nắm được hết.   Đồng nghiệp Lưu Trọng Văn báo Lao động và vài người nữa còn cho biết có không ít các cựu tổng biên tập một số báo cũng qua định cư tại Mỹ như cựu tbt báo Lao Động, Phụ Nữ, Văn Hóa Thể Thao, Nông Nghiệp VN … ”còn các trưởng ban của các báo thì vô số”, anh Văn cho biết thêm.   Theo ghi nhận của tui và của nhiều đồng nghiệp thì các cựu nhà báo lớn nhỏ qua Mỹ chủ yếu là các nhà báo ở Miền Nam. Vì sao thì cũng dễ hiểu. Hì hì, rút kinh nghiệm về điều này, có lẽ ban tuyên giáo chỉ nên ưu tiên cho “người Bắc có lý luận” làm báo thôi nhé.   Tuy nhiên cũng có trường hợp cá biệt, em Hồng Beo là tbt, người bắc có lý luận, chống dân chủ đa nguyên đa đảng và chống Mỹ kiên trì nhưng vẫn qua định cư ở Mỹ để thụ hưởng không khí tự do trong sạch do dân chủ đa đảng tạo ra đấy thôi.   Người bắc có lý luận định cư ở Mỹ không có nhiều trong giới nhà báo, thì có nhiều trong giới khác, giới “i bi phây” là giới doanh nghiệp đầu tư qua Mỹ rồi nhập quốc tịch theo diện EB5.   Ở San Jose, anh Huỳnh Văn Hoa đồng hương của tui chỉ tui thấy một khu chợ và khu nhà ở rất sang trọng mới được hình thành, anh nói “của dân gốc Hà Nội qua đầu tư và xây dựng ra đấy”.   Ở Nam Cali, nhiều bạn bè của tui cũng chỉ cho tui thấy những “khu Hà Nội” sang trọng như vậy. Các bạn ấy nói, giá nhà trong các khu ấy từ 3 triệu lên đến 10 triệu đô.   Rất tiếc tui không quen biết ai trong giới đó để xâm nhập vào điều tra rồi báo cáo về cho đồng bào trong nước biết để mừng cho họ.   Tuy vậy, tui lại quen biết khá nhiều EB5 là đồng hương của tui ở Đà Nẵng hoặc bạn bè ở Sài Gòn. Tui gặp họ nhiều ở Huntington, là thành phố có giá nhà đất khá đắt của quận Cam. Nhà ở đây có giá tối thiểu 1 triệu đô trở lên. Họ là những doanh nghiệp thành đạt có tuổi đời từ 30 lên đến 60. Họ bỏ ra một khoản tiền gọi là đầu tư, tùy theo thời điểm từ 500 k đến 1 triệu đô, để mua suất nhập cư hợp pháp cho cả gia đình.   Một người bạn trẻ của tui ở Đà Nẳng, làm ăn khá giả, đã bỏ ra 500.000 đô đầu tư để đưa cả gia đình qua Mỹ gồm hai vợ chồng và ba đứa con vào năm 2018. Hồi mới qua anh mua ngôi nhà sang trọng ở Huntington giá 1 triệu đô, nay đã lên đến 1,5 triệu. Anh nói, riêng tiền học của ba đứa con trong 5 năm qua cũng đã huề với số tiền 500.000 đô anh bỏ ra đầu tư. Nếu là người nước ngoài cho con qua học ở Mỹ học phí rất cao, nhưng người Mỹ thì con cái được học trường công miễn phí lên đến hết lớp 12. Nhà trường còn lo cho ăn uống hai buổi sáng và trưa nữa. Rồi vào đại học, nếu là công dân Mỹ học phí chỉ bằng nửa người ngoài vào Mỹ du học.   Tuy nhiên bạn tui nói, gia đình anh cũng gặp may, ra đi trót lọt trong vòng 3 năm kể từ khi nộp hồ sơ đầu tư qua Mỹ, chứ nhiều trường hợp khác không may bị kéo dài, hoặc bị lừa đảo mất hết tiền. Đồng bào ra đi nên thận trọng. Ấy vậy mà dân EB5 ở quận Cam rất đông. Họ là những chủ doanh nghiệp thành đạt, muốn qua Mỹ để tìm điều kiện giáo dục tốt nhất cho con cái. Có khá nhiều bạn EB5 mà tui biết, tuy đã mua nhà vài triệu đô cho vợ con ở, nhưng vẫn thường xuyên về VN, vì doanh nghiệp của họ vẫn đang hoạt động tốt ở bên nhà. Phần lớn những người định cư theo diện EB5 đều như vậy.   Tuy nhiên tôi lại có một bạn thân ở Sài Gòn, bán hết cơ nghiệp phát một, ôm vài trăm triệu đô qua Mỹ sống luôn. Hắn nói đất nước Mỹ quá tốt cho bốn đứa con trai còn nhỏ của hắn. Hắn học đại học khoa học như tui, sau tui hai lớp, nên rất tốt như tui. Hắn noi gương tui, khi thấy không còn hạnh phúc nữa, chia tay với vợ một cách êm thấm, sản nghiệp to lớn chia hai, phần cho vợ nhỉnh hơn, tên công ty đang làm ăn phát đạt cho vợ nắm. Hắn ra lập công ty mới với tên mới và đưa công ty ấy phát triển lên tột bậc, rồi gặp tình yêu mới, sinh ra bốn đứa con kháu khỉnh, thấy rằng con mình lớn lên và học hành ở VN thì tội nghiệp, đưa đi du học xa thì không ai chăm lo, hơn nữa hắn thấy làm ra tiền đến mức ấy cũng quá nhiều rồi, ở lâu trong nước lắm rủi ro, nên bán quách doanh nghiệp một phát, đưa cả gia đình qua Mỹ định cư. Năm nay hắn đã 68 tuổi, đang có một cuộc sống thú vị, nhàn hạ và vương giả ở quê hương thứ hai. (Tự dưng lại thấy thương cho thằng em đồng hương Vũ Trung Nguyên, cứ lằng nhằng mãi tài sản với vợ khi chia tay để cứ mệt hoài, phải chi hắn biết noi gương đạo đức của tui như thằng kia thì cuộc đời hắn lên tiên mà không cần phải tu hành)   Tui tuyên giáo với thằng bạn học giàu có, đất nước mình tươi đẹp sao mày bỏ ra đi. Hắn nói rất rộng lượng, tui đi để nhường suất tươi đẹp ấy cho anh, anh về nước mà hưởng. Tui vui vẻ hồ hỡi nhận cái suất tươi đẹp của hắn nhường lại nhưng lòng thầm nghĩ phải chi hắn cũng rộng rãi nhường một ít trong cái suất mấy trăm triệu đô của hắn đang có thì đỡ gánh nặng túi cho hắn biết bao nhiêu. Hắn đã rộng lượng giúp mình thì mình cũng sẵn sàng giúp chia sẻ gánh nặng cho hắn.   Nghĩ vậy nhưng tui không dám nói ra vì sợ hắn hiểu lầm động cơ tốt đẹp của tui. Hì hì.   Vì thế hành trang về nước của tui lần này có suất tươi đẹp của hắn, nhờ vậy mà mấy bạn bánh canh thân thiết của tui ở Hà Nội đã làm lơ cho tui qua cửa khẩu trót lọt, không phiền hà gì. Hì hì  
......

Putin có dám sử dụng “vũ khí hạt nhân chiến thuật” không?

Trương Nhân Tuấn Putin ngạo nghễ trả lời phỏng vấn báo chí đại khái về vụ quân Ukraine thắng thế ở mặt trận phía Đông. Putin cười khẩy nói rằng “để rồi coi”. Người ta hiểu ngầm đây là lời đe dọa. Quân Nga sẽ có những cuộc phản công ghê gớm sắp tới. Trên TV các chuyên gia Tây phương “thảo luận bàn tròn” với nhau. Họ đặt vấn đề Putin lấy quân ở đâu mà đánh “phản công”? Có người đưa giả thuyết về khả năng Putin cho sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Người khác nói rằng, nếu làm như vậy (xài bom hạt nhân) thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả việc “tuyên bố chiến tranh” từ các nước NATO. Trên thực tế quân đội Nga đang thiếu quân trầm trọng. Bà con theo dõi chiến sự Ukraine chắc đều có coi clip video của thủ lĩnh đạo quân “đánh mướn” Wagner, lúc ông này đang “thuyết trình” trong sân trại tù để “tuyển quân”. Tôi không nghĩ là với số quân ít ỏi lấy từ các trại tù mà Putin có đủ lực lượng để chuẩn bị cho cuộc chiến khắc khổ mùa đông. Và tôi cũng không nghĩ đạo quân “cầm súng vì tiền” này có đủ tinh thần chiến đấu để khuất phục các chiến binh vệ quốc của Ukraine. Putin còn bỏ rơi lính chính qui (thiếu hụt đủ thứ trên chiến trường) thì đạo quân đánh mướn này chỉ có thể “liều chết” mới cứu được sinh mạng của họ. Nói chi tới vụ chinh phục lại vùng lãnh thổ vừa bị quân Ukraine chiếm được. Vậy còn vụ xài bom nguyên tử “chiến thuật”? Theo tôi, có thể trong đầu các nhà quân sự Ukraine đang tính chuyện đánh vào đất Nga, vào tới Rostov-na-Donu (thậm chí Volvograd) để “chặt” vùng hậu phương miền Nam nước Nga. Họ có thể nghĩ tới chuyện “lấy đất đổi đất”. Đánh chiếm Kherson có thể được nhưng đánh Crimée là khó. Khó hơn đánh vào tới Rostov-na-Dodu hoặc Volvograd. Vấn đề là muốn đánh vào đất Nga phải có lý do. Ta nên biết miền Viễn Đông nước Nga thì bị Trung Quốc và Nhật làm áp lực. Nhưng miền Nam nước Nga, với các quốc gia vốn là cộng hòa cũ của Liên Xô, như Georgia (chủ trương thân EU) và Azerbaijan (thân Thổ Nhĩ Kỳ)… Georgia luôn có ý định lấy lại phần lãnh thổ phải nhượng cho Nga (2008). Cuộc chiến Armenia (thân Nga) và Azerbaijan hiện thời mà phần thắng đang nghiêng về phe Thổ nhĩ kỳ, trong khi Putin phải “ngồi ghế dưới” để nghe tổng thống Thổ Erdogan nói chuyện. Ta phải biết “áp lực” ở miền Nam nước Nga là không đơn giản. Tức là nếu Putin chơi liều đánh bom nguyên tử, nhiều khả năng Mỹ và EU sẽ gia tăng tiếp viện cho quân Ukraine để họ (thừa thắng xông lên) tiến chiếm Rostov-na-Donu (hay Volvograd) để đổi lấy Crimée và các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm, từ 24 tháng 2 năm 2022. Khi bấm nút nguyên tử, chiến thuật hay không thì Putin đã vượt lằn ranh đỏ, không chỉ đối với NATO mà còn ngay cả đối với Trung Quốc. Vượt qua lằn ranh này ta không loại trừ khả năng nước Nga sẽ bị phân liệt. Vũ khí Mỹ và EU “biểu diễn” ở Ukraine cho thấy khoa học quốc phòng của các quốc gia này dư thừa khả năng đánh chặn các hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Bà con chắc đã thấy hệ thống “vòm sắt” của Do Thái hiệu quả ra sao rồi? Một con ruồi bay qua còn không lọt. Trương Nhân Tuấn
......

'Rắn ngậm phong bì' .Logo mới của Bộ Y tế Việt Nam?

Amy Truc Tran   Không biết do vô tình hay cố ý mà cán bộ kỹ thuật của trường Đại Học Y Dược Hà Nội đã đưa hình ảnh “rắn ngậm phong bì” vào chương trình của một cuộc thi do bộ tổ chức vào ngày 10-9-2022 vừa qua. Cụ thể là tại “Lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022”, nhiều người đã nhận ra cái logo “lạ” không giống với logo trước đây của Bộ Y tế. Thay vì hình tượng con rắn quấn quanh cây gậy, logo này lại "để" con rắn “ngậm” một chiếc phong bì to tướng.   Không chỉ vậy, tài liệu hướng dẫn ôn thi môn ngoại ngữ của Bộ Y tế ban hành nội bộ trong kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 này cũng gặp lỗi sai tương tự.   Được biết Bộ Y Tế đã mời Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) điều tra làm rõ và yêu cầu phải “xử lý” người cán bộ đã để xảy ra “sai sót” này.   Sự việc này đã gây xôn xao dư luận và mạng xã hội. Có người cho rằng “logo này phản ánh đúng thực tế xã hội”. Người thì bình luận “logo mới này rất sáng tạo, thâm thúy và cực kỳ chân thực nhưng vẫn thiếu rất nhiều vì ngành nào cũng nhận phong bì, không riêng gì ngành y tế”. Nhiều người khác thì khẳng định “rắn ngậm phong bì mới là biểu tượng chính xác của ngành y tế Việt Nam”.   Amy Truc Tran *** Đệch Con rắn gặm phong bì Đâu có gì là mới Mắc chi phải nghĩ ngợi Thiên hạ đợi điều gì ? Cái "văn hóa phong bì" Đâu chỉ ở ngành y Nó thấm vào suy nghĩ Nó ầm ỉ lâu rồi Phong bì, chuyện nhỏ thôi Đã xa rồi, xưa lắm Bây giờ con rắn gặm Cả vi la, hòm vàng Có việc đến cửa quan Xếp hàng chờ sái cổ Nhờ phong bì sắp chỗ Sẽ đỡ khổ, khỏi chờ Đời không như mình mơ Đừng làm thơ hoang tưởng Nó ăn không tưởng tượng Đừng lý tưởng... thành khờ Cái quan chức tôn thờ Không phải là danh dự Cái mà họ gìn giữ Không phải là lương tâm Con rắn gặm không nhầm Người âm thầm hiểu hết Dưới, trên...tham y hệt Cái đệch gì phạt nhau ! .......18/09/2022.....NQV. Nguyễn Quốc Việt
......

Thanh tra, kiểm tra đã ở đâu trong những vụ án tham nhũng tày trời?

Đặng Đình Mạnh Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương vừa bị bắt giữ đã nối dài thêm danh sách quan chức trong chính quyền lẫn trong CDC cả nước bị tống giam vì liên quan đến vụ tai tiếng Việt Á. Đến mức, trong hệ thống CDC, công chúng không hỏi quan chức nào đã bị bắt, mà họ phải hỏi quan chức nào chưa bị bắt thì có lẽ câu trả lời sẽ nhanh hơn. Chưa hết, trước đó, ông cựu bộ trưởng y tế và ông cựu chủ tịch thủ đô bị tước đảng tịch, bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội, cách chức và tống giam đều là hệ quả từ cuộc điều tra vụ đại án Việt Á. Trong trường hợp này, câu hỏi cần đặt ra rằng: Các thiết chế thanh tra, kiểm tra đã ở đâu? Đã làm gì? Khi xảy ra sự việc vi phạm pháp luật trong cơ quan mà mình có trách nhiệm và thẩm quyền thanh tra, kiểm tra? Đã tê liệt ư? Việc tham nhũng trải qua nhiều giai đoạn và đa phần trường hợp, cơ quan công an chỉ có thể hiện diện ở giai đoạn cuối khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành. Ở các giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc đang phạm tội, thì lẽ ra các thiết chế thanh tra, kiểm tra sẽ có tác dụng như những “cái phanh hãm” việc tham nhũng, nhưng hầu như chúng đều vô tác dụng. Không chỉ cá biệt trong vụ án Việt Á, mà các vụ án liên quan đến các quan chức khác cũng vậy. Các thiết chế thanh tra, kiểm tra nơi có cán bộ tham nhũng hầu như bất động, có cũng như không. Và có bao giờ cán bộ chức năng từ các thiết chế này đã bị truy trách nhiệm? Đương nhiên, Bộ Y Tế, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường nơi làm việc của ông cựu Bộ trưởng Y tế và ông cựu Chủ tịch thủ đô, các CDC và hầu hết tất cả cơ quan công quyền trong cả nước đều có thành lập đầy đủ các thiết chế gồm thanh tra nhà nước từ hệ thống chính quyền và ủy ban kiểm tra từ hệ thống đảng. Nhưng phát hiện ra tội phạm của họ lại không từ các thiết chế thanh tra, kiểm tra mà là từ kết quả điều tra của cơ quan điều tra hình sự thuộc công an.   Nhìn ra thế giới bên ngoài, họ đã làm gì để hạn chế tham nhũng, điều đang trở thành quốc nạn ở nước ta? Câu trả lời thật ra không quá khó: Phân chia quyền lực, đối trọng quyền lực, giám sát quyền lực và cạnh tranh quyền lực… đều chính là “cái lồng nhốt quyền lực” mà người đứng đầu đảng tìm kiếm khi nhận ra quyền lực tha hóa đến mức nào khi thiếu sự kiểm soát, kiềm chế. Rõ là không quá khó khăn tìm giải pháp khắc phục, nhưng vẫn quá khó khăn để giải pháp trở thành chính sách mà vận dụng nếu chưa xác định đúng quan điểm về quản trị quốc gia. Điều thú vị là cơ sở để đưa các giải pháp quản trị quốc gia đã được xác định trong chính Điều lệ Đảng CSVN, phần lời nói đầu với tựa “Ðảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Ðảng”, tại đoạn 4 (phần chữ in lớn dưới đây) định rằng: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, TIẾP THU TINH HOA TRÍ TUỆ CỦA NHÂN LOẠI, NẮM VỮNG QUY LUẬT KHÁCH QUAN, XU THẾ THỜI ĐẠI và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”. Trong đó, đoạn văn thức “tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại” chính là cơ sở để vận dụng các phương pháp quản trị đã giúp nhiều quốc gia trên thế giới trở nên hùng cường, thịnh vượng. Đồng thời với điều đó, đương nhiên, phải ngừng tự tiện chụp cho chúng chiếc mũ “phản động” hoặc “thù địch”. Nếu không, cuộc chiến “đốt lò” sẽ còn tiếp diễn mãi không dứt, xứ sở vẫn bị nạn tham nhũng tàn phá cho tan hoang. Vì lẽ, “đốt lò”, cách ấy chỉ chữa trị triệu chứng đằng ngọn, chúng chưa chạm được phần gốc phát sinh căn bệnh. Các phương cách “hãm phanh” bằng thanh tra, kiểm tra đã kém phát huy chức năng của mình.  
......

Ukraine phụ thuộc vào nhuệ khí và Nga phụ thuộc vào lính đánh thuê. Sự khác biệt này có thể quyết định cuộc chiến.

Ảnh: Một người Ukraine giúp đỡ một đồng đội bị thương dọc đường ở khu vực Kharkiv, nơi Ukraine chiếm lại một vùng lãnh thổ rộng lớn vào tuần trước. Ảnh: Kostiantyn Liberov / AP   Dan Sabbagh  - Chu Vĩnh Hải   Những người lính Ukraine cảm thấy họ đang chiến đấu để giải phóng dân tộc, trong khi người Nga tỏ ra thiếu tình bạn thân thiết. Sự tương phản này là rất quan trọng. Đoạn video của Ukraine bắt đầu với cảnh bãi biển Dunkirk trong bộ phim Atonement, màn biểu diễn khuấy động của những người lính về Chúa và Cha của loài người. Cho đến khi nó chuyển tiếp cho vài trăm quân đội Ukraine, hát quốc ca của đất nước trong không gian rộng rãi, trước cuộc tấn công Kharkiv thành công vào tuần trước.   Cuộc sống có thể đang cố gắng bắt chước nghệ thuật, nhưng trong trường hợp này, không có minh chứng rõ ràng hơn về tinh thần quốc gia Ukraine khi cuộc chiến bắt đầu vào cuối tháng thứ bảy. Cuộc tấn công vô cớ của nước láng giềng lớn hơn của họ đã mở ra một cuộc vận động yêu nước đang có tác động chuyển biến trên chiến trường.   Có một điều trái ngược hoàn toàn với các quân nhân Nga. Đối mặt với một cuộc tấn công chớp nhoáng của Ukraine cắt đứt thành phố chiến lược Izium một tuần trước, một số đã vội vàng chạy trốn, bỏ lại xe tăng và các loại vũ khí khác và tham gia cướp bóc máy phát điện, điện thoại và máy tính mà họ trên danh nghĩa đã rút khỏi chiến tuyến.   Jack Watling, một chuyên gia về tác chiến trên bộ tại viện quân sự của Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute), cho biết: “Tinh thần là yếu tố quan trọng nhất đối với lực lượng mặt đất”.   “Đó không chỉ là về cách những người lính cảm thấy thế nào về triển vọng của họ so với kẻ thù, mà còn về những kinh nghiệm họ đã có gần đây và cách họ dự đoán tương lai.”   Một bên là quân đội - của Ukraine - tự coi mình là người chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau khi đánh bật quân Nga khỏi Kyiv và đẩy lùi họ ở Kharkiv, Ukraine ngày càng tin rằng một ngày nào đó họ sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhờ sự hỗ trợ của tình báo phương Tây, tài chính và hơn hết là pháo và các loại vũ khí mới khác.   Tinh thần không thể tách rời khỏi bối cảnh quân sự và chính trị rộng lớn hơn, nhưng nó cũng là một thành phần quan trọng đối với cả hai. Các báo cáo từ việc thăm các binh sĩ Ukraine bị thương thường nhấn mạnh rằng nhiều người muốn, nếu có thể, quay trở lại chiến tuyến , và nói rằng cuộc chiến chống lại Nga là cần thiết , bất chấp những gì đã xảy ra với họ.   Lấy bối cảnh chống lại họ là những kẻ xâm lược Nga, một hỗn hợp những binh lính tinh nhuệ, những tân binh gần đây và những phần tử ly khai được trang bị vũ khí nhẹ và đôi khi thường miễn cưỡng chiến đấu bên ngoài các tỉnh Donetsk và Luhansk quê hương của họ, nhiều người trong số họ đã kiệt sức vì đã chiến đấu liên tục, không luân chuyển. , trong hơn sáu tháng.   Trong khi Ukraine đã âm thầm huấn luyện một số lượng lớn quân đội ngay từ lần huy động đầu tiên và bổ sung vũ khí cho họ bằng vũ khí do phương Tây cung cấp, thì Nga đã làm ít hơn cho đến nay và Mỹ cho biết hiện đang mua vũ khí từ Triều Tiên . Mùa đông đang đến và việc mỗi bên chuẩn bị tốt như thế nào sẽ rất quan trọng.   “Người Nga có tinh thần kém, tình bạn kém, thiếu niềm tin vào chỉ huy của họ ngay từ đầu. Hầu hết binh lính không được thông báo về một cuộc chiến đang bắt đầu và nhiều điều họ được nói về người Ukraine là sai, ”Watling nói. Kể từ đó, đã có nhiều lần lặp lại những ví dụ về sự miễn cưỡng của một số binh sĩ Nga khi chiến đấu và những khó khăn mà Moscow đang gặp phải trong việc tuyển mộ .   Nga sẽ không phải là cường quốc đầu tiên bị hạ gục trước một đối thủ nhỏ hơn nhưng quyết tâm hơn trong lịch sử gần đây. Cuối cùng, Taliban đã giành lại quyền lực ở Afghanistan vào năm ngoái vì Mỹ không còn hứng thú chiến đấu trong một cuộc chiến dai dẳng chống lại một đối thủ không sẵn sàng nhượng bộ. Chiến tranh có thể xảy ra với bên nào sẵn sàng chịu nhiều thương vong nhất, nếu không thể giành được chiến thắng nhanh chóng.   Tuy nhiên, ngay cả Ukraine và những người ủng hộ phương Tây của họ, đôi khi cũng phải ngạc nhiên trước quyết tâm chiến đấu của quốc gia này. Khi chiến tranh bắt đầu, các quan chức Mỹ lo ngại rằng Kyiv có thể thất thủ trong vòng vài ngày ; ít nhất các quan chức phương Tây cũng tin thành phố sẽ bị bao vây . Các quan chức cấp cao trong chính phủ Ukraine đã thể hiện năng lực đáng ngạc nhiên của họ về cách thức thực hiện các mệnh lệnh một cách siêng năng, và, một người nói với Washington Post rằng kể từ khi Ukraine bị xâm lược, các quan chức Ukraine đã “làm việc hiệu quả hơn bao giờ hết”.   Ý thức hệ, tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc đều giúp chiến thắng các cuộc chiến tranh nhưng ý thức về công lý cũng rất quan trọng. Các báo cáo mới cho rằng hơn 440 thi thể đã được tìm thấy tại một khu chôn cất gần Izium có thể là khởi đầu cho những tiết lộ nghiệt ngã về thực trạng chiếm đóng của Nga - và sẽ đóng vai trò là động lực cho quân đội và những người khác ở Ukraine. Đã có những du khách đến Ukraine được các chính trị gia cho tham quan khu chôn cất tập thể ở Bucha, phía tây bắc Kyiv, để cố gắng thu phục họ cho chính nghĩa của những người bảo vệ tổ quốc.   Ngược lại, một lần nữa, với phía Nga. Tuần này, một video xuất hiện về trùm lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin nói với một nhóm lớn tù nhân, nói với họ "nếu bạn phục vụ sáu tháng" trong nhóm Wagner của ông ta "bạn được tự do", nói rằng cuộc chiến ở Ukraine là "một cuộc chiến khó khăn, thậm chí không kết thúc cho những người như Chechnya ”và cần sự giúp đỡ của họ. Trong khi một số binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện ở những nơi như Vương quốc Anh, thì những tân binh từ phía Nga đến từ nhà tù.   Sự tương phản như vậy giữa động cơ và lính đánh thuê có thể sẽ gia tăng trong năm tới và sẽ đóng vai trò quan trọng khi chiến tranh tiếp diễn, giả sử sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine vẫn tiếp tục. Watling nói: “Tôi tin rằng chúng tôi đang trên đường hướng tới một thất bại của Nga ở Ukraine vào năm tới." Dan Sabbagh    https://www.theguardian.com/.../ukraine-depends-on-morale...  
......

Từ tin tưởng tuyệt đối, người hâm mộ Putin đang chuyển sang hoang mang

    hình ảnh cặp ba chuyên gia "quân sự" "chiến lược" họ Lê: Lê Văn Cương, Lê Thế Mẫu, Lê Ngọc Thống vẫn ngày ngày phun vàng phun ngọc những lời lẽ giáo điều, ngu trung, lạc hậu đến nửa thế kỷ, hàm hồ, chém gió... dẫn dắt các "con chiên" đi vào tư tưởng hèn yếu, sẵn sàng ủng hộ chiến tranh xâm lược, lãng quên sự thật nhãn tiền là Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau nhằm "xây dựng một trật tự thế giới mới" trong đó có Biển Đông thuộc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam  Quang Phan   Tâm trạng hoang mang bao trùm những người hâm mộ Putin ủng hộ Nga tiến quân giải giáp Kyiv. Từ Thiên Lương đến Lê Ngọc Thống và rất nhiều trái tim Việt Nam yêu mến, kính ngưỡng con cháu Hồng quân.   Từ lòng tin tuyệt đối như tiến vào Kyiv là đánh nghi binh, đoàn quân xa dài khoảng 64km là xe bơm hơi, giờ họ đang tự hỏi: chuyện gì xảy ra vậy? Họ cầu xin, vai nài Putin vị tư lệnh của họ "hãy đánh cho nghiêm túc".   Họ hăm doạ rằng Nga sẽ đánh nghiêm túc. Buồn cười hơn, một số người còn đề nghị: Ukraine biết khôn thì nên đàm phán, nếu không sẽ rất thảm.   Thực tế chiến trường đang vả thẳng vào trái tim họ những đòn đau điếng. Họ không cắt nghĩa được vì sao lại thế? Họ không hiểu tại sao những người anh hùng Nga lại chạy như vận động viên điền kinh trước "đám me Tây - tay sai của phương Tây là Ukaraine".   Tại làm sao người hùng chống phương Tây giờ lại chạy nhanh đến nỗi... quân thù chưa kịp nhìn thấy lưng.   Nhưng thua trận là thua thôi. Lính Nga không phải bây giờ mới thua, Nga thua từ khi bắt đầu cái gọi là Chiến dịch đặc biệt. Họ thua từ ngày tung 22BTG tiến chiếm Izium.   Là tự Nga thua trước những nguyên tắc cơ bản của chiến tranh. Nga thua vì chính họ - tư duy của họ chỉ là tàn dư rơi rớt lại từ thời Stalin.   Sự thất bại của nước Nga là tất yếu. Thất bại này đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện và tư duy của một cường quốc công nghệ 3.0.   Trái tim ai cũng có, nhưng tư duy như vậy khác gì cành đào mồng 6 tết. Đẹp mấy thì cũng đến lúc phải vứt đi.      
......

Bốn lý do vì sao Putin và Tập Cận Bình không thể tạo dựng „một trật tự thế giới mới“

Ảnh: Cuộc gặp Putin và Tập Cận Bình hôm 15.9 tại Samarkand, Uzbekistan.   • FOCUS-online-Gastautor Prof. Dr. Dr. Alexander Görlach - Nguyễn Xuân Hoài chuyển dịch   Những tên độc tài không nuôi dưỡng, chăm chút tình bạn. Ngay cả với Putin và Tập, người ta thấy rõ ai là đầu bếp, ai là bồi bàn. Mặc dù Nga và Trung Quốc phục vụ lẫn nhau bằng hàng hóa, nhưng ảnh hưởng của các nhà cầm quyền này trên thế giới vẫn còn hạn chế. Thật may là như thế.   Hồi tháng hai, vài tuần trước khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, người ta đã đề cập đến "tình bạn vô bờ bến" giữa hai nước Nga - Trung. Hai nhà cầm quyền Putin và Tập đã gặp nhau tại Bắc Kinh nhân dịp Thế vận hội mùa đông. Trong văn bản hữu nghị dài 100 trang, hai bên tuyên bố cùng nhau đi đầu trong cuộc chiến vì một trật tự thế giới mới, chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ của nước này. Sáu tháng sau, cả hai lại ngồi cùng nhau tại Samarkand, Uzbekistan.   Không có gì xảy ra theo cách mà hai nhà độc tài mong muốn, đó là một cái may. Chí ít đây thì là cái may, là điều tốt lành đối với thế giới tự do. Putin và Tập, những kẻ căm ghét nền dân chủ thâm căn cố đế không khỏi điên đầu. Cho đến lúc này con đường dẫn đến thống trị thế giới của họ đã bị chặn lại.   Đây là các lý do:   1.Huyền thoại về kẻ chuyên quyền đã bị đập tan. Cả hai nhà cầm quyền đều co cụm lại trước đại dịch corona và trở nên cực đoan trong điều kiện bị cô lập. Cả Tập và Putin đều tin rằng có một thế lực hoặc vận mệnh không xác định đòi hỏi, thôi thúc họ phải khôi phục đất nước của mình huy hoàng như thời xa xưa. Đúng là chuyện nhảm nhí.   Thế giới ngày nay không hoạt động như thế kỷ 19, khi các sa hoàng và hoàng đế có thể tùy tiện xê dịch biên giới theo ý muốn, xâm chiếm và khai thác ở các quốc gia bị chiếm đóng. Các quân sư cảm thấy khó nắm bắt được ý đồ của hai nhà cầm quân, có thông tin cho rằng cả hai đều không chấp nhận bất kỳ ý kiến nào và không muốn nghe bất kỳ lời khuyên nào của bất kỳ ai. Kết quả nhãn tiền là Ukraine, nhà cầm quyền Putin đã phạm sai lầm nghiêm trọng.   Điều tương tự cũng có thể xảy ra nếu ông Tập thực hiện lời đe dọa tấn công nước láng giềng dân chủ Đài Loan. Chiến lược "zero Covid" của ông Tập, mà giới chuyên quyền Trung Quốc đang thực hiện, là một chiến lược bế tắc, chỉ dẫn đến thất bại. Nền kinh tế Trung Quốc bị hủy hoại vì chính sách sai lầm này.   Ảnh hưởng của Putin và Tập Cận Bình là hữu hạn   2. Các vùng ảnh hưởng như Putin đòi cho Nga và Tập đòi cho Trung Quốc nay không còn nữa. Hai nước này cũng nhận thấy điều đó rõ rệt hơn ngay tại cuộc gặp các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Do hai nước này thành lập năm 2001 tổ chức này nhằm mục đích buộc những nước kế cận Nga và Trung Quốc phải thần phúc các ông lớn này. Nhưng trong nhóm này lại có cả Ấn Độ, một đất nước có hàng tỷ dân và là đối tác của Hoa Kỳ.   Có nghĩa là một quốc gia có lợi ích riêng, điều đó dẫn đến tranh chấp biên giới và đổ máu ở vùng biên giáp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các nước Cộng hòa thuộc Liên xô trước đây, trong đó có Usbekistan, đã bị sốc trước cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine và không khỏi lo sợ một ngày nào đó họ cũng có thể bị Nga chiếm đóng một lần nữa. Thế giới kịch liệt bác bỏ ý đồ bành trướng hung hãn của Trung Quốc và Nga.   Bọn độc tài chỉ tranh đấu cho bản thân chúng   3. Giữa bọn độc tài không thể có quan hệ đối tác. Các nước dân chủ hoạt động trên cơ sở pháp lý và tuân theo các nguyên tắc hữu nghị. Mối quan hệ đó vẫn duy trì cho dù người đứng đầu chính phủ bị thay thế bởi một người khác sau một cuộc bầu cử. Những kẻ độc tài chỉ đấu tranh cho chính chúng. Điện Kremlin và Tử Cấm Thành cũng không bằng vai phải lứa với nhau. Trung Quốc đang nhập một lượng dầu khí kỷ lục của Nga. Nhưng với giá rẻ như bèo.   Trung Quốc hăng hái xuất khẩu sang Nga, nhưng chỉ nhằm duy trì nền kinh tế đang gặp khó khăn của mình. Ở Samarkand người ta thấy rõ ai là đầu bếp và ai là bồi bàn: Putin đã phản ứng trước "những câu hỏi và sự ái ngại" của Trung Quốc về nỗ lực chiến tranh thất bại của Nga ở Ukraine. Nếu Putin thua trong cuộc chiến này, ông Tập sẽ rời xa ông ta càng sớm càng tốt. Giữa liên minh và quan hệ đối tác có sự khác nhau rõ rệt. Putin đành chấp nhận ngồi chiếu dưới cùng nhà độc tài Belarus. Trong hki Tổng thống thổ Erdogan ngồi chiếu trên.   „Thế giới tự do“ không phải chỉ có „phương Tây“   4. Để đoạt được sự thống trị thế giới ngoài những yếu tố không thể thực hiện được xuất phát từ bên trong mối quan hệ của những nhà độc tài còn có những yếu tố bên ngoài là vật cản đường, trước hết là các yếu tố sau đây: Chưa bao giời Thế giới tự do có sự đoàn kết, nhất trí như hiện nay. Điều này bộc lộ rõ nhất trong cuộc xung đột với Putin và Tập, ngày nay người ta đã thấy rõ rằng "thế giới tự do" không có nghĩa chỉ là "phương Tây". Đài Loan là một nền dân chủ phát triển mạnh ở Châu Á. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là hai nền dân chủ, Mauritius và Uruguay cũng vậy. Vấn đề với Dân chủ không phải là các hướng trên bầu trời trên la bàn mà là tự do và nhân quyền.   Sự xác nhân của Liên hợp quốc, theo đó Tập Cận Bình và bè lũ của ông ta ở Tân Cương và lũ lính đánh thuê của Putin ở Ukraine đang phạm tội ác nghiêm trọng chống lại loài người, một lần nữa đã cho thấy trật tự thế giới tự do và dân chủ hơn hẳn ảo tưởng toàn năng của những tên độc tài dựa trên áp bức và tước đoạt quyền con người.   Về tác giả: Alexander Görlach từng là Nghiên cứu viên và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard ở Hoa Kỳ và Đại học Cambridge ở Anh. Sau khi làm việc ở Đài Loan và Hồng Kông, ông đã tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và ý nghĩa của nó đối với các nền dân chủ Đông Á nói riêng. Từ năm 2009 đến 2015, Alexander Görlach còn là nhà xuất bản và là tổng biên tập tạp chí tranh luận The European do ông sáng lập. Ngày nay ông là nhà báo và tác giả của các chuyên mục cho nhiều phương tiện truyền thông khác nhau như Neue Zürcher Zeitung và New York Times.   Phân tích của chuyên gia về Trung Quốc Bốn lý do vì sao Putin và Tập Cận Bình không thể tạo dựng „một trật tự thế giới mới“ • FOCUS-online-Gastautor Prof. Dr. Dr. Alexander Görlach - Nguyễn Xuân Hoài (dịch) https://www.focus.de/.../analyse-vom-china-versteher-4...      
......

Kể chuyện Mỹ

Ảnh TNLT Nguyễn Thúy Hạnh và nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh biểu tình chống TQ Huynh Ngoc Chenh   Lần này qua Mỹ với tâm trạng không vui. Món chụp chim là đam mê lắm cũng không còn thấy thích thú nữa. Do vậy rảnh thời giờ, tui quan tâm đến đồng bào mình bên ấy.   Hôm nay không nói chuyện chim nữa, nói chuyện đồng bào thôi.   "Khúc ruột ngàn dặm " mà tui gặp nhiều nhất là đồng bào làm báo. Có các anh nghỉ hưu rồi mới sang, có các anh chị đang làm cũng sang định cư.   Ở Bắc Cali, tui gặp anh Lê Đình Bì, người cùng tui và anh Huỳnh Sơn Phước được Mỹ mời qua làm khách nước Mỹ năm 2001. Anh Bì làm trưởng ban quốc tế báo Thanh Niên, thấy nước mỹ vui quá nên sau khi về nước, vào năm 2004, xin nghỉ việc ở báo, đưa gia đình qua định cư ở Cali theo diện thân nhân bảo lãnh. Do ảnh đi trống chỗ mà lính trẻ của ảnh là Nguyễn Xuân Anh lên chức trưởng ban thay ảnh.   Anh Bì tiếp tui trong một nhà hàng Việt ở San Jose có hai nhà báo nữa là Huỳnh Văn Hoa và Huỳnh Châu Yên tham dự. Huỳnh Văn Hoa làm Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, về hưu được con trai bảo lãnh qua. Huỳnh Châu Yên là phóng viên ban quốc tế báo Thanh Niên, mới theo chồng qua Mỹ theo dạng đầu tư vào Mỹ. Anh Bì hiện là chủ một kênh truyền hình tiếng Việt tại Bắc Mỹ. Anh Hoa đang cộng tác cho hai tờ báo nổi tiếng ở Nam Cali rất siêng viết bài để đóng thuế đều đặn cho Mỹ Quốc.   Ở Bắc Mỹ còn có vợ chồng Kiều Oanh, cả hai đều là phóng viên báo Thanh Niên, nhưng ở chỗ khác nên tui không được gặp dịp này. Ngoài ra còn có anh Nguyễn Công Thắng trưởng ban bạn đọc, Kim Trí trưởng ban kinh tế, chị Nguyễn Yến Mai chánh văn phòng báo TN kiêm giám đốc nhà máy in báo TN, cũng đang ở chỗ khác tui chưa được gặp.   Về Nam Cali thì tui đụng đầu cựu nhà báo hơi bị nhiều. Lừng lẫy nhất là Võ Đắc Danh có loạt bài nổi tiếng về dân oan Thủ Thiêm bị cướp đất khi còn ở VN. Vợ chồng anh tuy mới qua nhưng mở được công ty nhập yến vào Mỹ, bán chính yến của anh sản xuất tại Xẻo Lá. Anh cho biết, công ty anh là công ty đầu tiên của VN, nhập được yến vào Mỹ.   Nam Cali có các tờ báo lớn là Người Việt và Sài Gòn Nhỏ, có đại bản doanh của kênh truyền hình tiếng Việt nổi tiếng SBTN nên các nhà báo Việt Nam, tập trung ở đây khá nhiều. Đó là các anh Mạnh Kim, Nguyễn Tuấn Khanh, Nguyễn Văn Hải (Diếu Cày), Đinh Quang Anh Thái, Huỳnh Ngọc Dân, Uyên Vũ … Cựu phóng viên Tuổi Trẻ thì có Trương Công Khả, Trần Nhật Vy… Thời báo Kinh Tế VN thì có anh Phạm Hùng Nghị. Ba anh này cũng giống Yến Mai và Nguyễn Công Thắng, chỉ qua Mỹ hưởng thụ không khí tự do chứ không làm báo nữa.   Ở Nam Cali còn nhiều nhà báo VN lắm, nhưng tui chưa gặp hoặc tui không biết hết để kể ra đây. Có một nhà báo cũng chơi thân với tui làm ở SGGP, nghe bạn bè bên ni đồn, anh cùng con trai, cũng là nhà báo không biết làm gì có nhiều tiền lắm, qua Cali mua đến mấy căn nhà trên vài triệu đô. Rất tiếc tui không được gặp hai cha con ảnh để xác minh tin đồn và chúc mừng.   Ở Washington, D.C., tui gặp và chơi thân anh Nguyễn Khanh cựu giám đốc tiếng Việt đài RFA. Anh Khanh cùng tuổi nhâm thìn với tui, học đại học ở Sài Gòn ra làm giáo viên, vượt biên qua Mỹ mới làm báo mà nên sự nghiệp, có lẽ anh nhờ “bọn thế lực thù địch” RFA tin cẩn nên được đề bạt lên nhanh. Nhưng khổ thân anh, vì được thế lực ấy tin cẩn nên nhà nước VN không xem anh là khúc ruột ngàn dặm, cấm tiệt anh trở về VN thăm quê dù bây giờ anh đã nghỉ hưu. Hồi đầu thập kỷ 90, lần đầu tiên tồng thống Mỹ là Bill Clinton thăm VN, anh tháp tùng theo đoàn này tưởng rằng sẻ oai dũng vào VN, nhưng không. Đoàn đến Bruney nghỉ lại thì nhận điện của VN gởi qua thông báo sẽ không cho ông Nguyễn Khanh nhập cảnh, hì hì, anh đành để Bill cô độc qua VN, còn anh nằm lại Brunei hưởng thụ. Tui bảo bây giờ tháp tùng tui về VN, tui bảo lãnh là ok, nhưng anh ấy sợ phí tiền máy bay nên không nghe theo. Hơn nữa ảnh nói uy tín của tui không bằng Bill Clinton nên chuyện ảnh sẽ phải bị quay trở lại từ sân bay TSN là tất yếu lịch sử không thể nào thay đổi được. Huỳnh Ngọc Chênh (giữa) trái Nguyễn Khanh cựu và đương kim trưởng ban Việt Ngữ RFA   Ngoài ra tui có quen với anh Mặc Lâm cánh cò ở RFA, nhưng đã nghỉ hưu không còn ở DC nên tui không được gặp, cũng may cho anh ấy.    Ở DC, tui gặp lại Gia Minh là đồng nghiệp cùng dạy học với tui ở trường Hòa Vang Đà Nẵng. Sau đó tui vào SG làm báo TN, Gia Minh cũng bỏ dạy vào SG làm báo Đầu Tư. Đang làm ngon lành thì thân nhân bảo lãnh qua Mỹ. Chàng ta qua Mỹ tiếp tục làm báo, theo bước đàn anh Nguyễn Khanh, bây giờ là giám đốc đài RFA tiếng Việt.   Vì là bạn bè cũ nên Minh gọi điện mời tui đi ăn trưa, trước khi ăn trưa cho tui vào hang ổ thế lực thù địch là cơ quan đài RFA để tham quan xem xét bọn thù địch như thế nào. Tui không thể tự mình vào đài nên nhờ anh Nguyễn Khanh lái xe đưa vào. Khi chúng tui vừa đến nơi, từ tầng hầm để xe lên đến tầng 4, tầng nào cũng có người ùa ra chào đón tay bắt mật mừng rưng rưng cảm động dù là những người không có trong ban Việt Ngữ. Hì hì, không phải chào đón tui, mà chào đón ngài Nguyễn Khanh, cựu sếp của họ. Từ ngày ngài về hưu đến giờ là qua 4 năm, nhưng ngài chưa bao giờ trở lại cơ quan cũ cho đến hôm nay nhờ tháp tùng theo tui mới được về lại đài xưa.   Té ra vào đài vẫn có người quen biết tui, đó là nàng Diễm Thi xinh đẹp đến từ Đà Lạt, Vũ Quốc Ngữ đến từ Hà Nội, vợ chồng Châu Văn Thi đến từ Sài Gòn. Châu Văn Thi là em rễ của nàng Nguyễn Hoang Vi ngang ngạnh cứng đầu nhất Sài Gòn mà ai cũng biết.   Một bữa cơm trưa thân mật đơn sơ nhưng hoành tráng diễn ra ngay giữa thủ đô Oa - Sinh- Tơn- đi- xi. Ngoài các anh chị em của đài có thêm Nguyễn Khanh, tui và Lương Dân Lý nữa. Sau buổi tiệc trưa đó, quân ta chiến thắng oanh liệt. Các phóng viên của đài có dự tiệc hoặc không dự tiệc mà có tiếp xúc với chúng tui đều bị gục ngã vì cúm tàu, chỉ có ba ông già chúng tui là tui, Khanh, Lý không bị hề hấn gì cả, vẫn nhỡn nhơ vui chơi. Không cần CIA điều tra cũng rút ngay ra kết luận là Virus cúm Tàu đó chắc chắn do ba đứa chúng tui mang đến, như vậy tui đã góp phần lập công với đảng và NN là đã đánh gục được thế lực thù địch ngay tại hang ổ chúng, điều mà đàng ta mong muốn lắm nhưng chưa làm được. Ngày mai tui yên tâm về nước mà không sợ bị lôi thôi ở cửa khẩu như các lần trước, tui đoán chắc như vậy.   Hì hì, tuy nhiên cũng chưa biết thế nào, từ đâu năm đến giờ bạn bè tui trong phong trào xã hội dân sự bị bắt rất nhiều dù lâu nay cũng chẳng làm gì như Trần Bang, Trương Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Bùi Tiến Lâm và một số người khác nữa. Đang rộ lên tin đồn chúng tui sẽ lần lượt bị bắt hết không sót ai. Bạn bè trong và ngoài nước đều khuyên tui nên ở lại Mỹ, đừng về nữa. Tui ở lại cũng dễ vì có con gái bảo lãnh. Tuy nhiên tui phải về thôi. Nhớ Nguyễn Thúy Hạnh lắm rồi. Ngày mai tui về mà không bị gì, sẽ viết tiếp về chuyện đồng bào ở Mỹ để hầu đồng bào trong nước. Kể tiếp chuyện Mỹ. https://www.viettin.de/content/k%E1%BB%83-ti%E1%BA%BFp-chuy%E1%BB%87n-m%E1%BB%B9  
......

Những dự án ‘zombie’ ở Việt Nam

Hình minh họa. Blog Trân Văn  - VOA Cách nay khoảng 20 năm, chuyên gia nhiều giới từng cảnh báo, khi khoảng cách giữa nhiều phi cảng quá nhỏ và khi hệ thống giao thông đường bộ đang rút ngắn cả khoảng cách lẫn thời gian di chuyển, đầu tư xây dựng, nâng cấp các phi cảng chính là vứt tiền qua cửa sổ. Có không ít zombie (những xác chết đội mồ đứng dậy, tiến – lui, hành động theo sự điều khiển của các pháp sư, khuấy động thế giới người sống) trong hệ thống chính trị và hệ thống công quyền tại Việt Nam. Việc tìm đủ cách khôi phục những chủ trương, dự án đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông như đường sắt cao tốc, phi cảng,... sau khi tạm lắng bởi các trận bão dư luận chính là ví dụ. *** Giữa năm 2010, sau khi nghe nhiều người, nhiều giới phân tích thiệt – hơn, hay – dở về “Dự án Đường sắt cao tốc” (1) , các Đại biểu Quốc hội khóa 12 (2007 – 2011) đã nhất trí gạt bỏ dự án này (2). Tuy nhiên năm năm sau, chính phủ Việt Nam đã “hà hơi, tiếp sức” để dựng dự án vừa kể đứng dậy bằng cách đổi tên dự án từ “Đường sắt cao tốc” thành “Đường sắt… tốc độ cao” (3). Từ đó đến nay, thỉnh thoảng “Dự án Đường sắt… tốc độ cao” lại khuấy động dư luận vì cứ xẹp xuống một thời gian do có nhiều người, nhiều giới khuyên can lại được dựng dậy, chẳng hạn, hệ thống công quyền đã từng có ý định mang dự án ra trình các ĐBQH khóa 14 hồi 2020 nhưng ngừng lại dường như vì khó được thông qua và tin mới nhất: Chính phủ đang chờ Bộ Chính trị cho... chủ trương trong tháng này (4). Cứ dùng Google để tìm - đối chiếu khuyến cáo của các giới về “Dự án Đường sắt cao tốc”, sau này đổi lại thành “Dự án Đường sắt tốc độ cao” suốt từ 2008 đến nay ắt sẽ thấy, tuy dự án không thuyết phục được công chúng về tính khả thi, không có giải pháp giải quyết hậu quả như nợ nần (sẽ phải vay vài chục... tỉ Mỹ kim), bảo đảm hiệu quả hoạt động (5)... nhưng trong 14 năm qua, hệ thống công quyền Việt Nam dứt khoát không bỏ cuộc (6). Không chỉ có “Dự án Đường sắt tốc độ cao” giống như... “Zombie”. Có rất nhiều chủ trương, kế hoạch, dự án khác, cả của chính phủ lẫn chính quyền các địa phương chẳng khác gì... “Zombie”. Chẳng hạn, tính riêng trong lĩnh vực giao thông, song hành với... “Zombie... đường sắt tốc độ cao” là... “Zombie... Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc”. *** Cách nay khoảng 20 năm, chuyên gia nhiều giới (kinh tế, hàng không,…) từng cảnh báo, khi khoảng cách giữa nhiều phi cảng quá nhỏ (chỉ từ vài chục đến chừng hơn một trăm cây số) và khi hệ thống giao thông đường bộ đang rút ngắn cả khoảng cách lẫn thời gian di chuyển, đầu tư xây dựng, nâng cấp các phi cảng chính là vứt tiền qua cửa sổ. Thậm chí tháng 3 năm 2016, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam từng chính thức thú nhận, trong 22 phi cảng, chỉ Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sinh lợi, 20 phi cảng còn lại đều lỗ nặng. Lượng khách hàng năm của 20 phi cảng đó chỉ dao động trong khoảng từ 8% đến 37% so với qui mô đầu tư. Tuy nhiên với sự ủng hộ... “không mệt mỏi” của chính phủ, Bộ GTVT vẫn hết sức... “kiên nhẫn”, không ngừng chỉnh sửa cho cái gọi là… “Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cho giai đoạn từ 2021 - 2031 và định hướng đến năm 2050”. Kể cả sau khi Trà Nóc được biến thành… phi cảng quốc tế và sau đó, chính quyền thành phố Cần Thơ suýt thực hiện… sáng kiến… dùng công quỹ để… bù lỗ cho các hãng hàng không mở… đường bay đến Trà Nóc (7). Bất kể thực tế là vốn (thuế, tiền vay cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam, tiền lãi) rót vào hệ thống phi cảng không những không sinh lợi còn khiến nợ nần càng ngày càng lớn,… hệ thống công quyền Việt Nam từ trung ương (chính phủ với đại diện là Bộ GTVT) đến địa phương (chính quyền các tỉnh) vẫn… không tỉnh! Tuy “thi đua mở sân bay rồi thi đua bù lỗ” đã được đúc kết cách nay năm năm nhưng “Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cho giai đoạn từ 2021 - 2031 và định hướng đến năm 2050 cứ lắng xuống mỗi khi công chúng sốt ruột rồi lại... trồi lên, trở thành cơ hội để chính quyền các tỉnh thi nhau… xin, còn chính phủ thì nhờ vậy mà có cơ hội… xem xét – phê duyệt! Mới đây, ông Lê Văn Thành – một trong các Phó Thủ tướng - vừa họp với đại diện của “15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cảng hàng không” để “tìm các nhà đầu tư sân bay theo hình thức PPP” (hình thức đối tác công tư: chính quyền giao đất để nhà đầu tư thực hiện – quản lý - vận hành dự án) (8). Cũng vì vậy “Zombie... Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc” lại khuấy động dư luận. Ngay cả những cơ quan truyền thông vốn hết lòng ủng hộ mọi chủ trương, chính sách của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền như Công An Nhân Dân cũng thấy cần phải mở miệng trước những sự kiện như Sơn La xin đầu tư hai phi cảng (9). *** Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn bất động, không đặt định được giải pháp khả thi nào để đưa giáo dục, y tế (vốn là phúc lợi công cộng, bảo đảm an sinh) ra khỏi khủng hoảng vì thiếu đủ thứ từ chủ trương đúng, chính sách hợp lý và khả thi đến nhân lực, hạ tầng, hay tìm cho ra cách thức giải quyết những bế tắc cố hữu trong lĩnh vực việc làm (vốn liên quan để cả kinh tế lẫn dân sinh),... ngoài những chỉ đạo quái gở bởi đã vô duyên còn vô trách nhiệm kiểu như: “Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm” (9)? Vì lẽ gì mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lại trung thành với một số chủ trương, kế hoạch, dự án tới mức biến chúng thành... “Zombie” như đã biết và đang thấy? Ai, cái gì đang để nhiều thành viên từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác có thể vận hành các hệ thống như chỗ bảo trợ và dành hết tâm huyết cho... “Zombie”? Chú thích (1) https://nld.com.vn/xa-hoi/so-sai-du-an-hang-ti-usd-20100512122334196.htm (1) https://vnexpress.net/thoi-su/bac-du-an-duong-sat-cao-toc-la-quyet-dinh-lich-su-2166410.html (3) https://archive.ph/20120721172109/http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Se-co-duong-sat-cao-toc-300kmh-Ha-Noi--TP-HCM/200912/74510.datviet (4) https://laodong.vn/thoi-su/thang-9-se-trinh-bo-chinh-tri-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-1080720.ldo (5) https://vnexpress.net/duong-sat-toc-do-cao-canh-tranh-bang-van-chuyen-hang-hoa-4189145.html (6) https://zingnews.vn/sap-trinh-bo-chinh-tri-van-chua-thong-nhat-thiet-ke-duong-sat-cao-toc-post1345705.html (7) https://thanhnien.vn/kinh-doanh/dua-mo-san-bay-roi-bu-lo-835210.html (8) https://vneconomy.vn/loat-san-bay-dau-tu-theo-hinh-thuc-ppp-dang-rao-riet-tim-nha-dau-tu-de-som-khoi-cong.htm (9) https://cand.com.vn/Giao-thong/xay-dung-san-bay-khong-the-cu-muon-la-de-xuat-i667267/ (10) https://tienphong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-ai-khong-lam-thi-dung-sang-mot-ben-cho-nguoi-khac-lam!-post1469278.tpo  
......

Bơi nhanh, bơi mạnh, bơi vững chắc!

Người dân TPHCM lội nước trên đường sau trận mưa lớn hôm 10/10/2014 Bình luận của Nguyễn Thần Dân - RFA Việt Nam là đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Vì bất cứ lúc nào lên mạng đọc tin là cười bò ra, cười không khép được mỏ, nửa đêm nhớ tới lại nằm cười sằng sặc. Nội tạng được xoa bóp, nếp nhăn không bao giờ xuất hiện, hạnh phúc ngập tràn trong khắp các tế bào. Cả thế giới chẳng có đất nước nào lênh láng à nhầm lai láng niềm vui như thế cả! Ví dụ như cái tin dưới đây. Nó xuất hiện rất nhiều lần trong mùa mưa năm nay, mùa mưa năm trước, năm trước và năm trước nữa. Ở khắp các địa phương: Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Hà Giang, Đà Lạt, Hải Phòng… Nó viết rằng: Triều cường đạt đỉnh, người dân TP HCM bì bõm lội nước về nhà Và do bàn tay kỳ diệu nào đó của các đấng IT vĩ đại, trong một bản tin trên mạng, ngay dưới nó là tin: “Nghiên cứu làm đường dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…” Ủa ủa gì zọ? Ủa gì zọ? Ý mấy anh là làm đường dành riêng cho ghe xuồng trên các đường phố trung tâm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt… mà thằng quánh máy nó quánh lộn phải hông? Cuộc chiến chống ngập lụt tại TP HCM diễn ra suốt nhiều chục năm nay, chính quyền thành phố cứ giật từng bước lùi, năm sau ngập nhiều hơn năm trước. Kể ra cũng mới có 50 năm sống chung với nước cống chứ mấy, đã làm gì mà căng! Theo các đời lãnh đạo TP HCM, ngập lụt ở thành phố này do tại vì bởi các nguyên nhân như sau: Khách quan: -Mưa nhiều. -Mưa đã nhiều lại còn mưa to. -Mưa càng ngày càng nhiều hơn và càng to hơn. -Đang mưa to tự  nhiên triều cường. -Địa hình tự nhiên của thành phố dốc về phía Nam, nên khu vực này ngày càng càng ngập. Chủ quan: -Khi cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở và các công trình xây dựng khác, cơ quan quản lý không quan tâm đến cốt nền xây dựng. Công trình nào có ghi thì lại là lấy bừa cốt nền của công trình hiện hữu bên cạnh cho phải lệ. Một số chủ đầu tư công trình lớn đã tự nâng cốt nền lên hàng mét vì sợ ngập, khó cho kinh doanh. Vì vậy tạo ra thực trạng đô thị này đổ nước vào đô thị kia, các đô thị ngăn cản nhau trong việc thoát nước và “càng đầu tư càng ngập”.  -Nền đất lún sụt do nhiều nguyên nhân tự nhiên, cũng như do con người khai thác nước ngầm, xây dựng quá tải trọng trên nền đất yếu. (Theo TS quy hoạch Phạm Gia Yên, nguyên Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, từng có 37 năm làm việc liên tục trong ngành xây dựng). -Xây dựng bừa bãi không có quy hoạch. Sông ngòi, ao hồ, kênh rạch và các hồ điều tiết nước tự nhiên cũng như nhân tạo trước kia hầu như đã bị lấp hết, khiến nước không có chỗ thoát. -Có chớ, có kế hoạch và phương án hết chớ! Xây kè ngăn triều nè, nạo vét kênh mương nè, xây hồ điều tiết nước nè. Nhưng mà kẹt quá, tụi tui không có tiền. Tụi tui cần 100.000 tỷ lận-lãnh đạo TP HCM nói. Thiệt không có tiền hông? “Dự án chống ngập do triều tại TP HCM được gọi là dự án cấp bách với kinh phí lên tới 10.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều (…) cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Đồng thời, giúp TP chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước (…). Dự án được triển khai vào năm 2016. Qua hơn năm năm, dự án đã phải tạm ngừng ba lần và đang có nguy cơ bị tạm dừng lần thứ tư do UBND TP HCM vẫn chưa thể ký phụ lục hợp đồng BT để gia hạn thời gian thực hiện. Hàng nghìn tỷ đồng thiết bị đang phơi mưa nắng, không thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Tháng 6/2022, chủ đầu tư đã có nhiều văn bản gửi UBND TP HCM, chủ động đề xuất các cuộc họp làm việc để xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ nhận được các phiếu chuyển văn bản từ UBND TP HCM cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó không có bước thực hiện kế tiếp. Một trong những mấu chốt khiến dự án tắc đó là sự im lặng một cách khó hiểu của Sở Kế hoạch và Đầu tư.”  Ngân hàng tài trợ vốn BIDV cũng liên tục có các văn bản đề nghị UBND TP hoàn thiện các báo cáo cho vay thanh toán để BIDV có cơ sở làm việc với Ngân hàng Nhà nước, nhưng dự án vẫn "dậm chân tại chỗ" dù tiến độ đã đạt hơn 90%. (Theo Vũ Phong, Báo Chính phủ ngày 28/7/2022). Ủa vậy tiền không phải là vấn đề hả ta? Ngân hàng nóng ruột muốn cho vay tiền nhưng các anh thờ ơ không thèm đáp lại người ta kia mà? Kể chuyện có tiền, còn phải nhắc tới kế hoạch nhân đạo dùng “siêu máy bơm” để bơm thoát nước ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) mỗi khi mưa xuống. Máy bơm do tư nhân lắp đặt, chính quyền TP HCM thuê, lắp đặt từ tháng 9/2017 và vận hành chính thức vào tháng 10 sau đó.  Ban đầu, siêu máy bơm làm dân TP sướng tỉnh người, báo chí ca ngợi lãnh đạo thành phố không dứt. Ai mà dè chỉ mới tới tháng 7/2018, bên công ty tư nhân cho TP thuê máy bơm đã phải ra tối hậu thư nếu không trả tiền thì tui không bơm nữa.  Lý do là sau vài trận bơm sạch nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ra sông rồi thì lãnh đạo TP HCM bỗng thấy tiền thuê máy mắc quá. Thuê có bảy năm mà bên A đòi giá tới 171 tỷ đồng, tức là 24, 5 tỷ/năm. Trong khi đó mấy anh tư vấn gà nhà nói mình tạm ứng trước hay là cho vay không lãi thì chỉ mất mỗi năm 16 tỷ thôi. Không được, phải kiếm cách thuê rẻ hơn ngay. Nhưng lãnh đạo TP HCM và các ban ngành họp hoài họp hoài, họp tới vẫn không đưa ra được mức giá chốt thuê. Bức tối hậu thư ra đời trong hoàn cảnh đó. Đến gần giữa năm 2019 thì hợp đồng thuê mới được ký kết, mức giá là 14,2 tỷ đồng/năm. Tới tháng 4 năm nay, hai bên lại cơm không lành. Bên thuê nói thôi tui xây hệ thống cống mới gần 500 tỷ, hết ngập rồi nghe cha, khỏi thuê nữa nha. Bên cho thuê nói không được, bữa giờ chưa có mưa lớn (cỡ 120 ml) trong ba tiếng nên chưa biết đá biết vàng, ông đừng tài lanh nói trước nha.   Trong khi đó hệ thống cống thoát cũ của bên cho thuê đã bị trám bít lại nên bây giờ nếu có trận mưa lớn (như ông cho thuê) dự đoán thì cũng không thể chạy máy bơm được nữa. Đường phố TPHCM ngập nước sau trận mưa lớn hôm 10/10/2014. AFP Tụi Tây khờ Cách đây tròn bảy năm, tại một hội nghị tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài (rất quan trọng, rất cấp bách, rất vì dân) về chống ngập do UBND TP HCM tổ chức, sau khi nghe các kế hoạch từ phía Việt Nam như xây dựng hệ thống cống ngăn triều cũng như lời ca thán bất tận về việc không có tiền như đã nói ở trên, chuyên gia Olaf Juettner (Đan Mạch) “nhắc nhẹ” hiện nay không thiếu các giải pháp và công nghệ chống ngập hiện đại (KHÔNG PHẢI TIỀN), mà vấn đề quan trọng là quan điểm giải quyết ngập lụt ra sao.  “Triết lý chống ngập của các nước châu Âu là chấp nhận quy luật tự nhiên và không chống lại nó. Vì vậy giải pháp thông minh là “sống chung với lũ”, tạo không gian tự nhiên cho nước; bởi lẽ nếu xây một con đập, không ai dám chắc nó sẽ an toàn mãi trước thiên tai; hệ thống đê điều, dẫn nước cũng chỉ giải quyết được một phần, trong khi vốn đầu tư lại lớn”, ông nói và đề nghị TP.HCM bên cạnh thực hiện những giải pháp kỹ thuật (kè, van ngăn triều, hồ chứa, cống thoát nước...) cần đặc biệt ưu tiên dành quỹ đất, tạo không gian cho lượng nước thẩm thấu tự nhiên”. Stop! Cái này nghe hay lắm mà làm thì… hổng có được  bậu ơi! Xây là để cất. Bậu kêu qua bớt xây lại thì... lấy gì qua cất? Hơn nữa tấc đất Sài Gòn là tấc vàng, chữ ký phê duyệt xây dựng của qua là chữ ký kim cương. Bậu lại kêu để không đất cho sông ơi chảy đi, ha ha, đúng là tụi Tây khờ! Thiên nhiên này và cả thành phố này nữa có phải của ông nội qua để lại cho qua đâu mà qua phải giữ? Hết nhiệm kỳ này qua qua bển với bậu, hai thằng mình có nhiều thời gian nhậu chơi, thủng thẳng rồi qua nói cho bậu cái chân lý đó, nghe hông? Người dân Hà Nội chèo thuyền về nhà trong lụt do mưa lớn năm 2018. AFP Tới đây thì đã rõ Như chuyên gia Olaf Juettner cảnh báo tế nhị ở phần trên, TP HCM không thiếu tiền (cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải hết sức tán dương các giải pháp của chuyên gia nước ngoài. Sau đó ông không làm gì, rồi đến năm 2020, ông bị cách chức, liên quan đến sự mờ ám trong nhiều dự án bất động sản). Theo (cái ý ngầm của) chuyên gia, cái thiếu của TP HCM trong phương pháp chống ngập là quan điểm giải quyết ngập. Nhưng cái thiếu này thì xung đột với cái đầy (trong tài khoản ngân hàng nước ngoài của các lãnh đạo) quá, như trên đã nói. Nên đọc tới đây mời quý vị độc giả bỏ điện thoại xuống. Mưa rồi! Ai có phao dùng phao, ai có ghe dùng ghe. Ai không có phao thì dùng miếng xốp, cây chuối, hay lẹ nhất là mượn cái bụng bia của quan chức nào cũng được. Chúng ta cùng nhau bơi nhanh, bơi mạnh, bơi vững chắc lên con đường xây dựng TP HCM thành một Venice mới ở Việt Nam! ___________________ Tham khảo: https://vnexpress.net/nuoc-cuon-cuon-tren-duong-trong-mua-lon-o-tp-hcm-4499937.html ( https://qhkt.hochiminhcity.gov.vn/do-thi-xanh/giai-phap-han-che-tinh-trang-ngap-lut-tai-tphcm-va-tinh-hinh-bien-doi-khi-hau-trong-tuong-lai-1031.html https://baochinhphu.vn/du-an-chong-ngap-do-trieu-o-tphcm-hang-nghin-ty-dong-thiet-bi-nam-phoi-mua-nang-102220728083711747.htm https://tuoitre.vn/tp-hcm-mua-toi-troi-chieu-dau-tuan-them-trieu-cuong-dat-dinh-tran-bo-20220103181626013.htm https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-mua-xoi-xa-nhieu-tuyen-duong-ngap-sau-20220906192951536.htm https://thanhnien.vn/lanh-dao-tphcm-nghe-chuyen-gia-nuoc-ngoai-hien-ke-chong-ngap-post505584.html https://laodong.vn/xa-hoi/de-giai-quyet-ngap-tphcm-can-hon-100000-ti-dong-1064008.ldo  
......

Hai vấn đề nan giải sau quyết định ân giảm án cho Đặng Văn Hiến

Tử tù Đặng Văn Hiến Nguyễn Ngọc Chu 1. TIN VUI CHƯA TRỌN VẸN Hôm nay truyền thông đưa tin, Chủ tịch nước ký quyết định ân giảm từ án tử hình xuống án chung thân cho tử tù Đặng Văn Hiến. Sau mấy năm không ngừng kêu oan, với sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức và công luận, cuối cùng Đặng Văn Hiến thoát án tử hình. Thoát án tử hình, là tin vui cho Đặng Văn Hiến và người thân, là “thành tựu” khiêm tốn của những ai tham gia và lên tiếng bảo vệ công lý cho Đặng Văn Hiến. Nhưng đó là một tin vui chưa trọn vẹn, một “thành tựu” mặn chát đắng cay. Toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng. Vì toàn vẹn lãnh thổ mà bao thế hệ người Việt Nam, đời nối đời, phải ngã xuống. Vì toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc Ukraine hiện đang cầm súng để giải phóng đất đai khỏi sự chiếm đóng của kẻ xâm lược. Nhưng muốn có toàn vẹn lãnh thổ quốc gia thì trước hết phải có toàn vẹn lãnh thổ gia đình. Vì toàn vẹn lãnh thổ gia đình mà luật pháp Hoa Kỳ cho phép người dân quyền giữ súng và bắn bỏ bất cứ ai đến xâm chiếm đất đai bất hợp pháp. Quyền bất khả xâm phạm đất đai thiêng liêng đến mức, dù đã có bao nhiêu vụ nổ súng giết người, Luật pháp Mỹ vẫn bảo vệ quyền có súng của người dân. Bảo vệ đất đai là thiêng liêng. Đặng Văn Hiến là người dám bảo vệ đất đai. Đặng Văn Hiến là người dám bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ gia đình. Án chung thân vẫn không công bằng đối với Đặng Văn Hiến. 2. HAI VẤN ĐỀ NAN GIẢI CẦN GIẢI 1. Quyền sở hữu đất đai là thiêng liêng. Từ vụ án Đặng Văn Hiến, Đoàn Văn Vươn, Dương Nội, Thủ Thiêm, Đồng Tâm và hàng vạn vụ tranh chấp đất đai khác cho thấy sự bức thiết phải SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI để đảm bảo quyền TƯ HỮU ĐẤT ĐAI của người dân. 2. Từ các vụ án oan Huỳnh Văn Nesn, Nguyễn Thanh Chấn, Đặng Văn Hiến, Hồ Duy Hải… cùng hàng vạn vụ án oan khác, có tên và không tên, cho thấy sự cấp thiết phải CẢI CÁCH TƯ PHÁP để tiến đến nền TƯ PHÁP ĐỘC LẬP. Chỉ khi có nền TƯ PHÁP ĐỘC LẬP thì các vụ án oán mới thuyên giảm. Không có nền TƯ PHÁP ĐỘC LẬP án oan ngày một gia tăng. TƯ HỮU ĐẤT ĐAI và TƯ PHÁP ĐỘC LẬP là hai vấn đề lớn không dễ giải trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Nhưng muốn cho đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc, thì nhất thiết phải đối mặt với TƯ HỮU ĐẤT ĐAI và TƯ PHÁP ĐỘC LẬP.  
......

RSF ‘kinh hoàng’ về bản án 5 năm tù Việt Nam tuyên cho nhà báo độc lập Lê Anh Hùng

Nhà báo độc lập Lê Anh Hùng cầm tấm biển tố cáo ông Hoàng Trung Hải, cựu phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Công nghiệp, trước khi bị bắt và kết án 5 năm tù.   VOA Tiếng Việt Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hôm 13/9 lên tiếng chỉ trích bản án 5 năm tù mà nhà cầm quyền Việt Nam mới tuyên cho nhà báo độc lập Lê Anh Hùng, người bị kết án hôm 30/8 trong một phiên tòa không được công bố cho gia đình và công chúng. Ông Hùng, 49 tuổi, bị kết tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và “xâm phạm lợi ích của nhà nước” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam. “Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kinh hoàng trước bản án tù 5 năm mà nhà chức trách Việt Nam âm thầm áp đặt đối với nhà báo độc lập Lê Anh Hùng sau khi giam giữ ông trong 4 năm trong điều kiện vô nhân đạo,” tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp, viết trong một thông cáo đưa ra hôm 13/9. RSF, tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên thúc đẩy cho quyền tự do thông tin, chỉ trích sự “tàn ác và chuyên chế” của chính quyền Việt Nam khi “cưỡng bức” ông Hùng cũng như cấm ông không được gặp gia đình trước khi tuyên án ông “trong một sự im lặng đáng sợ.” Việt Nam chưa đưa ra phản ứng gì trước tuyên bố của RSF. Bà Trần Thị Niêm, mẹ của ông Hùng, hôm 6/9 cho VOA biết bà không được thông báo về phiên xử của ông Hùng và chỉ được biết về việc ông Hùng đã bị kết án khi bà gọi điện đến trại giam để hỏi tin tức về con bà một tuần sau đó. Bà Niêm còn cho biết rằng bà không được gặp con bà trong 3 năm qua. Với 4 năm bị tạm giam chờ xét xử, ông Hùng được xem là nhà báo bị giam cầm lâu nhất ở Việt Nam trước khi có án. Trong thời gian bị giam giữ, ông Hùng đã bị đưa đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương và, theo bà Niêm cho biết, tại đó ông bị “trói chân, trói tay, bắt phải uống thuốc.” Trước khi bị bắt vào ngày 5/7/2018, ông Hùng là một cộng tác viên thường xuyên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Các bài viết của ông tố cáo tham nhũng và sự thống trị của đảng cầm quyền, thường nhắm vào ông Hoàng Trung Hải, cựu phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Công nghiệp. Ông Hùng cáo buộc ông Hải tham nhũng, lạm dụng quyền lực và làm gián điệp cho Trung Quốc. Ông Hải sau đó bị cách hết các chức vụ sau khi bị Bộ Chính trị cảnh cáo vì vi phạm liên quan đến “sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.” Ba ngày trước khi bị bắt, ông Hùng đã đăng một bức thư ngỏ trên trang Facebook cá nhân, trong đó chỉ trích các chính sách của chính phủ và kêu gọi sửa đổi Dự luật Đặc khu Kinh tế, lúc đó đang bị công chúng chỉ trích và thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình ở nhiều nơi trong nước. Theo RSF, ông Hùng cũng là một thành viên tích cực của các nhóm bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, gồm Hội Nhà báo Độc lập và Hội Anh em Dân chủ. Hai tổ chức này đã bị chính quyền cấm hoạt động và một số thành viên đã bị bắt giam hoặc bỏ tù ở Việt Nam. Cơ quan Truyền thông Quốc tế Hoa Kỳ (USAGM), nơi quản lý (VOA), đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Hùng và các cộng tác viên khác đang bị giam cầm, như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Văn Hóa, Trương Duy Nhất và Nguyễn Tường Thụy. Thống kê từ phong vũ biểu tự do báo chí của RSF cho biết có 38 nhà báo hiện đang bị giam cầm ở Việt Nam, nơi được tổ chức này cho là một trong những quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới. RSF nói rằng các nhà chức trách Việt Nam “tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt các bản án khắc nghiện với mục đích loại bỏ mọi chỉ trích của các nhà báo.” Việt Nam đã nhiều lần phản bác các báo cáo của các tổ chức quốc tế, trong đó có RSF, về sự thiếu tự do báo chí ở quốc gia Đông Nam Á. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng từng nói rằng Việt Nam có tự do báo chí và điều này thể hiện qua “sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dụng của báo chí Việt Nam” cũng như việc “hơn 70% dân Việt Nam sử dụng mạng Internet và mạng xã hội quốc tế và trong nước.”  
......

Chỉnh đốn – chủ trương hay… theo kịch bản?

Ông Phùng Xuân Nhạ thời còn tại chức. Ảnh trên mạng Blog VOA - Trân Văn  “Chỉnh đốn” kiểu gì mà BCH TƯ đảng khóa 12 vẫn giới thiệu một người như đồng chí Phùng Xuân Nhạ tham gia BCH TƯ đảng khóa 13 và trở thành một trong hai người được BCH TƯ khóa cũ giới thiệu tái ứng cử song thất cử. Thêm một lần nữa, nỗ lực… “chỉnh đốn đảng” lại được trình bày như lớp mới nhất của vở kịch… “chỉnh đốn đảng”. Chưa biết bao giờ vở kịch này mới hết nhưng các lớp của vở kịch này trên sân khấu chính trị càng ngày càng dở… Ở Kỳ họp 19 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng diễn ra từ 6/9/2022 đến 8/9/2022, cơ quan này kết luận: Ban Cán sự đảng của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) nhiệm kỳ 2016 – 2021 và đồng chí Phùng Xuân Nhạ có vi phạm, khuyết điểm tạo ra nguy cơ gây thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của nhà nước, nguồn lực của xã hội, gây bức xúc trong nhân dân… đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật (1). Cho dù kết luận ấy khiến nhiều người “hả lòng, hả dạ” nhưng xét cho đến cùng, kết luận ấy cho thấy UBKT của BCH TƯ đảng nói riêng và giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nói chung có vấn đề cả về “thấy” và “nghe”! Nếu không hạn chế về “thấy”, những viên chức hữu trách và những tổ chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hẳn đã nhận ra trách nhiệm của đồng chí Phùng Xuân Nhạ và của Ban Cán sự đảng ở Bộ GDĐT nhiệm kỳ 2016 – 2021 từ lâu. Tương tự, nếu không hạn chế về thính lực, họ ắt đã nghe các chuyên gia, dân chúng nói gì từ lâu, chứ không phải đến bây giờ mời nhận ra “vi phạm, khuyết điểm”… “Chỉnh đốn” kiểu gì mà BCH TƯ đảng khóa 12 vẫn giới thiệu một người như đồng chí Phùng Xuân Nhạ tham gia BCH TƯ đảng khóa 13 và trở thành một trong hai người được BCH TƯ khóa cũ giới thiệu tái ứng cử song thất cử. Không phải tự nhiên mà các đại biểu tham dự Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 (1/2021) nhất trí “bứng” hai ứng cử viên được BCH TƯ đảng khóa 12 giới thiệu tham gia BCH TƯ đảng khóa 13. Nói cách khác, ngay cả các đồng chí đồng đảng vốn cùng nhóm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” cũng không tiêu hóa được ông Nhạ và ông Triệu Tài Vinh – cựu Bí thư tỉnh Hà Giang, Phó Ban Kinh tế của BCH TƯ đảng (2). Kết quả bầu chọn Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13 – loại bỏ ông Nhạ, ông Vinh, bất kể cả hai được BCH TƯ đảng khóa 12 giới thiệu tái ứng cử, cho thấy “chỉnh đốn”… nghiêm túc đến mức nào. Tại sao mức độ… nghiêm túc như thế mà dám gọi là… “chủ trương”? Một yếu tố khác cho thấy “chỉnh đốn” không phải “chủ trương”, chỉ là “kịch bản” chính là chuyện sau khi bị các đại biểu đại diện cho các tổ chức đảng trên toàn quốc nhất trí loại bỏ khỏi BCH TƯ đảng khóa 13, thay vì phải… “đi chỗ khác chơi”, ông Nhạ lại được các viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị nhất trí điều động sang… Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng khóa 13 làm… Phó ban đặc trách mảng khoa học, giáo dục (3)! Chưa rõ vì lẽ gì mà UBKT của BCH TƯ đảng lại lôi ông Phùng Xuân Nhạ – cựu Bộ trưởng GDĐT và các thành viên trong Ban Cán sự đảng của Bộ GDĐT nhiệm kỳ 2016 – 2021 ra xem xét trách nhiệm vào lúc này rồi xác định có… “vi phạm, khuyết điểm”, tuy nhiên có thể khẳng định dứt khoát đó không phải là “nghiêm minh”, không phải thành quả của… công cuộc… “chỉnh đốn đảng”. Làm gì có chuyện “nghiêm minh” song hành với “chỉnh đốn” theo kiểu xử lý những viên chức cao cấp, không còn có thể che đậy được tai tiếng nữa bằng cách điều chuyển về một số ban thuộc BCH TƯ đảng (như Kinh tế, Tuyên giáo) – vốn là những cơ quan tham mưu cho giới lãnh đạo đảng hoạch định đường lối, ban hành chủ trương – rồi mới xem xét đề nghị xử lý kỷ luật và kỷ luật? Chẳng lẽ dứt khoát phải như thế, luôn luôn như thế vì các “đồng chí” nghĩ rằng nhờ vậy sẽ nâng cao kịch tính của vở… “chỉnh đốn đảng”? Chú thích (1) https://vietnamnet.vn/ong-phung-xuan-nha-vi-pham-den-muc-bi-xem-xet-ky-luat-2046274.html (2) https://vnexpress.net/hai-uy-vien-trung-uong-khoa-xii-khong-trung-cu-khoa-moi-4229099.html (3) https://laodong.vn/thoi-su/tan-pho-truong-ban-tuyen-giao-phung-xuan-nha-phu-trach-mang-khoa-giao-902937.ldo  
......

Putin phá hoại nước Nga như thế nào?

-Đỗ Ngà- - Thế Giới Kpop   Vũ khí cạn phải chạy vạy mua của Iran và Bắc Hàn, binh lính thì đào ngũ, thanh niên từ chối nhập ngũ. Đã xuất hiện một số nhà lập pháp địa phương kêu gọi quốc hội Nga truy loại bỏ Putin. Đấy là những vết rạn từ bên trong bắt đầu lộ lên. Nhiệm vụ của Putin là phải vá nó. Mà để vá được, Putin phải ác hơn nữa, nhẫn tâm hơn nữa và bất chấp hơn nữa.   Trước đây, khi quân Nga còn đang khá mạnh mẽ tại Ucraina thì họ phùng mang trợn mắt đe dọa Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên đến nay thì nội lực gấu Nga đã bị giảm sút nghiêm trọng, đến nỗi khả năng trụ lại chiến trường Ucraina còn khó thì nói gì đến việc hăm dọa ai? Đấy là dấu hiệu bị đuối về mặt quân sự.   Về kinh tế, vũ khí của Nga là năng lượng. Sau hơn 6 tháng chiến tranh, giá dầu thế giới đang trở lại với sự ổn định vốn có của nó trước chiến tranh. Vũ khí kinh tế duy nhất mà Nga còn có thể tác động ít nhiều đến EU là khí đốt. Tuy nhiên, hiện nay nước tiêu thụ khí đốt nhiều nhất tại EU là đang có dấu hiệu cho thấy họ đã cai nghiện thành công.   Mới đây, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức có thể đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và sẵn sàng đối phó với nguy cơ ngừng nhận hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga. Ông nói "Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn... Nhưng chúng ta đã sẵn sàng. Ví dụ, sẵn sàng cho việc Nga cắt phần lớn khí đốt...". Đức là nước giàu, họ có thể chi nhiều tiền để có khí đốt dù cho giá có cao đi nữa.   Đánh giá về trường hợp khủng hoảng khí đốt tại Đức, Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechaev khẳng định rằng Moscow trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Nga Izvestia ngày 12 Tháng Chín rằng, Đức không có đủ năng lực cần thiết để tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nước khác, do đó, nước này không thể chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong thời gian tới. Tuy nhiên ông đại sứ này vẫn nói thòng một câu rằng, nhà cung cấp khí đốt Gazprom sẵn sàng đưa đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 vào hoạt động ngay trong ngày mai trong trường hợp Berlin thay đổi quan điểm về vấn đề này, bất chấp sự phản đối của Ukraine.   Việc Phía Nga đề xuất nối lại đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 nếu phía Đức cần thì điều đó cho thấy phía Nga đang cầu khẩn Đức hãy mua khí đốt của họ, mặc dù ngoài miệng vẫn cứ nói cứng. Như vậy là vũ khí khí đốt Nga đang mất dần tác dụng với EU.   Nội lực nước Nga mất, khả năng đe dọa láng giềng mất, khả năng trả đũa cũng mất. Vậy thì nước Nga đang là gì? Nước Nga đang là “con bệnh ở Châu Âu” đang kiệt sức từ từ. Đây sẽ là hiểm họa cho nước Nga nếu vẫn để tình trạng này diễn ra. Khi gấu nga thành con bệnh thì kẻ hưởng lợi lớn nhất và Trung Quốc.   Kinh tế Nga khủng hoảng không nguy hiểm bằng Nga bị Mỹ và EU cấm vận. Việc EU và Mỹ cấm vận đẩy nền kinh tế Nga phụ thuộc vào Tàu nhiều hơn. Hiện nay hàng hóa Trung Quốc đang lấp lỗ trống mà hàng hóa và dịch vụ của Mỹ và EU rút đi. Khi đó nền kinh tế Nga sẽ là con nghiện phụ thuộc vào hàng hóa và dịch vụ của Tàu.   Về quân sự, hiện nay Nga có thể thiếu vũ khí nhưng sau đó có thể làm đầy kho trở lại. Tuy nhiên, Nga bị cấm vận trong khi đó công nghiệp sản xuất chip của Nga lại quá lạc hậu nên vũ khí Nga sẽ dậm chân tại chỗ ở mức như hiện nay. Nước Tàu tuy bị cấm vận chip, nhưng Tàu có công nghệ chip cao hơn Nga và điều đó có nghĩa là vũ khí Tàu sẽ phát triển theo hướng chính xác còn Nga thì vẫn trung thành với những công nghệ “đồng nát” mà họ đang có.   Khi kinh tế phụ thuộc Tàu, vũ khí lạc hậu hơn Tàu, thì ắt cán cân tương quan giữa Nga và Tàu khác đi. Là láng giềng với Nga và có nhiều “ân oán” về những lần giành đất với Nga trong quá khứ, Tàu sẽ không bỏ lỡ cơ hội “lấy lại những gì đã mất” nếu họ thấy đủ khả năng. Nếu không giải quyết được Putin và di sản của ông này thì nước Nga sẽ phải trả giá đắt.   -Đỗ Ngà-   Tham khảo: https://vietnamfinance.vn/nga-tuyen-bo-san-sang-van-hanh... https://cafebiz.vn/duc-noi-da-chuan-bi-san-sang-neu-nga...  
......

Lại nói về hộ chiếu tím

Nguyễn Thông  Nhắc lần này nữa thôi, rồi không nhắc nữa bởi… chán. Chẳng phải chán cái màu tím Huế ấy, mà chán những kẻ có quyền cứ quanh co lằng nhằng. Hôm qua 12.9, mãi tới tận tối, công an, mà đại diện là ông Tô Ân Xô (chỉ là người phát ngôn của một bộ nhưng hàm trung tướng, sao mà cấp tướng rẻ thế, chuyện này nhà nước cần xem lại kẻo anh em khác tâm tư) lập ngôn rằng kể từ ngày 15.9 bộ sẽ cho in thông tin “nơi sinh” vào phần bị chú trong hộ chiếu, “cơ quan chức năng sẽ miễn lệ phí cho người dân”, tức là người có hộ chiếu sẽ không phải trả tiền (lệ phí) cho cái đuôi lòng thòng này. Kiểu như Bá Kiến, đập bàn đập ghế đòi cho được 5 đồng nhưng thí lại cho 5 hào vì thương anh túng quá. Họ tự ý bỏ mục nơi sinh khiến cuốn hộ chiếu bị thành thứ phẩm, gây bao nhiêu tai tiếng trước quốc tế, bao nhiêu phiền hà cho dân, bao nhiêu khủng hoảng cho cuộc sống, vậy nhưng vẫn kẻ cả, cao ngạo, bề trên, quen thói ban phát, không coi ai ra gì. Cũng chả phải họ dễ dàng chịu lùi thế đâu. Từ hôm trước nữa họ vẫn bắt người có hộ chiếu tím nếu muốn được bổ sung thông tin về nơi sinh thì phải xin (làm đơn xin nếu đã được cấp, hoặc xin bổ sung nơi sinh khi khai báo trong tờ khai). Rồi họ vẫn khăng khăng đổ cái sai cho khách quan, nào là đã theo luật về xuất nhập cảnh được quốc hội thông qua (dám liều đổ cho cả quốc hội), theo tổ chức hàng không quốc tế-ICAO (đổ cho thế giới), nào là nhiều nước cũng không có mục nơi sinh trong hộ chiếu (kiểu như: đau mắt bởi tại hướng đình/cả làng đều thế phải mình em đâu), sẽ tìm cách bổ sung nếu ai có nhu cầu (thực ra chả ai có nhu cầu cả, mà do thế giới đòi hỏi), vẫn ngạo nghễ tuyên bố tiếp tục cấp bản thứ phẩm màu tím này và “sẽ nghiên cứu sửa chữa, bổ sung”… Nghĩa là họ không hề nhận lỗi, nhận sai, không một chút lắng nghe, cầu thị. Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta. Nhưng tới khi người Mỹ “làm khó dễ” thì những trùm bảo thủ ấy mới chịu vặn vẹo trở mình. Hôm qua, người Mỹ tuyên bố dứt khoát “kể từ ngày 3.10, tất cả các đương đơn xin thị thực có hộ chiếu mới xanh tím than phải có bị chú về nơi sinh trước buổi phỏng vấn. Các đương đơn không có bị chú trong hộ chiếu bìa màu xanh tím than sẽ không được phép phỏng vấn, và phải đặt lại lịch hẹn khác. Nếu hộ chiếu mới của đương đơn không có bị chú, cần mang theo bản gốc giấy khai sinh đến buổi phỏng vấn. Nếu đương đơn không có giấy khai sinh nhưng có hộ chiếu cũ bìa xanh lá cây có thông tin nơi sinh, cần mang theo cả hộ chiếu cũ cùng với hộ chiếu mới”… Nghĩa là trăm dâu đổ đầu tằm, trăm sự khó sự khổ đổ lên đầu dân, chỉ do cái lỗi công an gây ra. Đừng trách người Mỹ, cũng như Đức, Tây Ban Nha, Czech, Phần Lan… bởi người ta cần sự minh bạch, rõ ràng, chứ không mưu mẹo, lằng nhằng như mình. Chỉ có điều, với những nước vừa kể kia, công an ta phớt tất, nói gì cũng kệ, nhưng nay thấy Mỹ tỏ thái độ dứt khoát thì hiểu không diễn chuyện như đùa được nữa. Sự thay đổi, quay ngoắt thái độ có lý do của nó chứ chả phải họ đã nhận ra cái sai và thực sự cầu thị, thành tâm. Ảnh: Hộ chiếu cải lùi thiếu mục nơi sinh  Như đã nói về hộ chiếu tím, đang yên đang lành lại giở giói ra dự án cải cách này nọ, cải tiến cải lùi, lợn lành thành lợn què, khiến cả xã hội nhọc mệt vất vả. Điều thấy rõ nhất là bộ máy cai trị không chỉ mang tiếng về cách làm ăn và thái độ sửa sai, mà còn ném vào đó một cục tiền khủng (lớn bao nhiêu có trời biết) để tạo ra món đồ thứ phẩm, kém chất lượng. Sai thì sửa, dở thì bỏ, làm lại từ đầu (chả riêng gì chuyện hộ chiếu), chịu tốn kém vất vả một lần, chứ không thể cứ lòng vòng, chữa cháy, chắp vá, bịt chỗ xì, đổ thừa, trốn tránh, nói lấy được, bưng bít, quẩn quanh như họ đã làm thời gian qua. Người chậm hiểu nhất cũng thấy, cho tới lúc này, mẫu hộ chiếu mới do không có mục nơi sinh đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập không đáng có. Đã thế, Bộ Công an, cụ thể là Cục Xuất nhập cảnh của bộ này đã không thực sự cầu thị, không chịu sửa sai, trút hết cả cái sai lên đầu dân, khiến lòng dân bất bình, uy tín của ngành cũng như của chế độ (nếu có) bị giảm sút. Thời nay đã khác xưa nhiều, không thể dấm dúi giấu diếm, mọi thứ đều lộ lộ ra rõ như ban ngày, chối cũng chẳng được. Đề nghị tứ trụ, thậm chí ngũ trụ, bộ chính trị, ban bí thư, những người, những bộ phận được coi là lãnh đạo cao nhất, quyền lực nhất của đảng nắm quyền lãnh đạo tối cao toàn diện hãy lên tiếng, có ý kiến cụ thể, dứt khoát về vụ hộ chiếu, không thể để ông Tô Lâm và Bộ Công an cứ mãi nói sao thì nói, làm sao thì làm. Cái gọi là quyền làm chủ tập thể, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên thực tế chỉ là thứ bánh vẽ, màu mè hình thức trang trí cho thể chế bởi trong vụ hộ chiếu tím này dân kêu khan cổ rồi, nói mỏi miệng rồi, có ai thèm nghe. Dân ứ nói nữa, giờ đến lượt các ông phải mở mồm. Nếu cứ lơ đi, không phát ra lời nào, có khác gì tự nhận cùng hội cùng thuyền với đám làm sai, bao che, ngậm miệng ăn tiền. Không chịu ra tay xử lý ung nhọt, chịu đau một tí, kể cả vùng cấm vùng kiếc, rồi có ngày “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”, hối không kịp, chứ không phải chỉ nghiêm khắc kiểm điểm, tống củi vào lò như lâu nay. Không nói đâu xa, nếu cả triều đình bận rộn thì đích thân thủ tướng họp một phát với trăm quan, công khai ra phán quyết bỏ hẳn cuốn hộ chiếu tím sai sót thiếu mục nơi sinh đó đi, hủy hẳn đi, ném hết vào máy nghiền, buộc công an phải nghiêm túc chỉnh lại, đưa mục “nơi sinh” vào phần nhân thân (phần chứa thông tin chính của hộ chiếu, ngay sát trang đầu, mặt tiền), kiểm tra lại cho kỹ rồi mới ban hành. Không thực hiện ghi bị chú bị chiếc nơi sinh gì sất. Xin nhớ rằng phần bị chú trong cuốn hộ chiếu là phần phụ, chỉ để ghi những thông tin có tính bổ sung, làm rõ hơn vấn đề gì đó về chủ hộ chiếu, chứ không phải để ghi thông tin chính. Chỉ có ở xứ ta, nhà chức việc mới thực hiện ẩm ương như vậy. Thủ tướng cần kiên quyết chỉ đạo Bộ Công an, đối với với những ai đã bị cấp (thực ra là mua, trả bằng tiền, giá khá cao, chứ không có chuyện cấp, cho không) món hộ chiếu tím than sai sót, khiếm khuyết đó thì phải đổi cho họ bản đầy đủ, đã chỉnh sửa, xin lỗi người ta, và tuyệt đối không được vòi thêm tiền, phí này phí nọ. Nhà nước phải chấp nhận chi phí bởi cái sai là do người nhà nước gây ra chứ không phải do dân. Đừng vì tiếc tiền mà bắt dân phải dùng thứ của nợ. Cần chỉnh ngay cái thói hành dân và bao che cho kẻ làm sai. Hãy đặt mình vào địa vị của người dân khi họ bị hành bởi cuốn hộ chiếu tím than gây rất nhiều bực mình phiền toái, để liệu mà xử sự. Mà không hiểu 3 loại hộ chiếu: Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông (màu tím), 2 loại kia có bị cải lùi mất mục nơi sinh như tím không nhỉ, hay chỉ cán bộ mới có nơi sinh, còn dân thì “thiếu quê hương”. Và điều này có lẽ cũng cần nói nhỏ với thủ tướng, dường như vụ hộ chiếu tím than cũng có mùi kiểu Việt Á, chỉ có điều thủ tướng có nhận thấy hay không, chứ Bộ Công an thì đương nhiên chả thấy, chẳng ai lại tự cầm dao chặt chân mình.  
......

Một biện pháp cho thấy Moscow đã đánh giá đúng về sự thất bại

Ảnh: Xe tăng của quân Nga bị vứt bỏ trên đường tháo chạy Von Pavel Lokshin - Nguyễn Xuân Hoài dịch| Cuộc phản công đầy thắng lợi của Kiev đã khiến Điện Kremlin há miệng mắc quai, không biết phaỉ giải thích như thế nào. Mặc dù các phương tiện truyền thông nhà nước vẫn đẩy mạnh tuyên truyền, tuy nhiên cho đến lúc này không có một câu trả lời nhất quán nào về những thất bại của quân đội Nga.  Hình Quân Ukrain chiếm lại thành phố Izyum.   Cuộc tấn công bất ngờ của các lực lượng Ukraine ở phía đông bắc đất nước đã thành công. Trên thực tế, Nga đã rút lui hoàn toàn khỏi khu vực mà quân Nga đã chiếm đóng trước đó ở Kharkiv . Hiện tại Ukraine đã kiểm soát khu vực biên giới Nga-Ukraine. Đối với tiến trình của cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine, đây có lẽ là tin tức quan trọng nhất trong những ngày qua và là một sự ô nhục đối với Nga. Tù binh Nga bị Ukrine bắt   Tuy nhiên hãng thông tấn Nga „Wremja” hầu như không đề cập tới những tiến triển gần đây nhất ở mặt trận. Thống nhất với Bộ Quốc phòng các cơ quan tuyên truyền của Nga chỉ đưa tin về “sự bố trí, sắp xếp lại” các đơn vị quân đội.   Tờ „Iswetija” trung thành với Điệm Kremlin thậm chí số ra mới đây coi sự rút lui của quân Nga là một sự thành công và đưa ra những tổn thất to lớn về quân số của Ukraine . Báo „Iswetija“ coi chiến dịch này là một cuộc "nhập thành" nhằm tập trung lực lượng hơn nữa vào Donbass. Một chuyên gia quân sự nhấn mạnh đến „tầm quan trọng“ của sự chuyển quân này. Không có báo cáo nào đề cập đến cuộc tháo chạy của các đơn vị quân đội Nga và bỏ lại trên đường hàng loạt xe tăng, xe bọc thép và các khẩu pháp.   Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev hoàn toàn phớt lờ trận thua của Nga trên kênh Telegram của mình. Thay vào đó, ông ta đe dọa tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy với việc "chế độ Ukraine phải đầu hàng và theo các điều kiện của Nga."   Điện Kremlin dường như có thể đánh giá khá rõ ý nghĩa thực sự của cuộc phản công của Ukraine mặc dù không công khai thừa nhận. Hiện nay, Nga dường như muốn hoãn lại cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Ukraine.   Ngay từ mùa xuân, nhiều đại diện khác nhau của nhà nước Nga và các cơ quan chiếm đóng đã hứa sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, nhưng chưa đưa ra thời điểm chính xác . Gần đây nhất dự định tiến hành nhân "ngày bầu cử thống nhất" ở Nga, nơi diễn ra các cuộc bầu cử địa phương và khu vực.   Theo trang tin "Meduza", các cuộc trưng cầu dân ý hiện lại phải hoãn vì các cuộc phản công thắng lợi của Ukraine . Các nhân vật ủng hộ Điện Kremlin ở các vùng tạm chiếm đã ba chân bốn cẳng tháo chạy khỏi Kharkiv và Zaporizhia. Bọn tay sai này chỉ còn hoạt động ở vùng Cherson.   Mới đây nhất, Tổng bí thư đảng "Nước Nga thống nhất" Andrei Turchak đã lên tiếng ủng hộ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 4/11, "Ngày thống nhất các dân tộc" Nga. Ông cũng là quan chức cấp cao nhất của Nga đưa ra bình luận về ngày bầu cử có thể xảy ra, được cho là dưới áp lực của Vladimir Putin, người muốn thực hiện việc thôn tính càng nhanh càng tốt.   Nhưng ngay cả lịch biểu trong tháng 11 dường như cũng không chắc chắn, người ta cũng không còn nhắc đến cái ngày này. Điện Kremlin không có sự rõ ràng về thời điểm có thể thảo luận về một lịch biểu mới, điều này phụ thuộc vào sự phát triển của các cuộc phản công Ukraine. *** lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov Ảnh: - / dpa   "Chó săn máu" Kadyrov của Putin đe dọa các nhà hoạch định quân sự của Moscow   Kể từ khi xâm lược Ukraine, nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov (45 tuổi) là người ủng hộ cuồng tín nhất của Vladimir Putin (69 tuổi). Ông tuyên truyền chiến tranh hàng ngày, thề trung thành với ông chủ Điện Kremlin Putin và báo cáo những thành công mới (thường được phát minh). Bây giờ con chó săn điên cuồng! Bởi vì quân đội Ukraine đã thực hiện thành công một cuộc phản công ngoạn mục và mặt trận của Nga đang sụp đổ, Kadyrov đã viết một thông điệp âm thanh chi tiết cho những người ủng hộ ông - và đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng chống lại ban lãnh đạo Điện Kremlin! Nhà lãnh đạo Hồi giáo của Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, Ramzan Kadyrov Fb Nguyễn Xuân Hoài  
......

Bao giờ quân Nga đầu hàng?

Quân đội Ukraine đã chuyển lực lượng xuống phía Nam từ giữa tháng Tám, mở đầu một giai đoạn mới trong chiến cuộc với mục tiêu chiếm lại tỉnh Kherson. Ảnh: AP Ngô Nhân Dụng - VOA Tướng McCaffrey tiên đoán trong vòng ba tháng quân Ukraine sẽ “đóng rọ” (bag) một số lớn quân Nga trong vòng đai của sông Dnieper. Quân đội Ukraine đã chuyển lực lượng xuống phía Nam từ giữa tháng Tám, mở đầu một giai đoạn mới trong chiến cuộc với mục tiêu giải phóng tỉnh Kherson. Họ sử dụng những đại pháo và hỏa tiễn tầm xa, lực lượng đặc biệt, và các toán dân quân đánh du kích đằng sau phòng tuyến quân địch. Ngày 7 tháng Chín, quân Ukraine lại mở cuộc tấn công mới từ thành phố Kharkiv ở biên giới phía Bắc tiến về hướng Đông để chặn đường tiếp tế của quân Nga cho mặt trận phía Nam, theo tin của các bloggers Nga theo dõi chiến cuộc. Cuộc tiến quân này cũng đe dọa quân Nga ở thành phố Izyum, một cứ điểm then chốt trong hệ thống chuyển quân và tiếp vận. Ở phía Nam, cuối tuần qua quân Ukraine đã vượt qua sông Inhulets. Nhiều video cho thấy quốc kỳ Ukraine đã được treo lên tại nhiều thị xã chỉ cách thành phố Kherson 60 km hoặc 100 km. Hai hướng tấn công, về phía Đông và ở phía Nam, cho thấy Ukraine đang làm chủ chiến trường. Quân Ukraine tấn công khi nào và ở địa điểm nào họ thấy chắc thắng, nếu cần thì rút nhanh, trong khi quân Nga chỉ lo phòng ngự. Ukraine đã phá hủy những cây cầu chính khiến quân Nga phải dùng cầu phao, tiếp tế khó khăn. Nhiều binh sĩ tử trận, vũ khí, chiến cụ bị tiêu hủy, tinh thần quân Nga xuống thấp. Quân đội Ukraine dùng những hỏa tiễn “tinh khôn” do Mỹ, Anh, Đức và Thụy Điển viện trợ nhắm vào các kho vũ khí và các căn cứ ở sau lưng quân địch hơn 50 cây số. Hệ thống vệ tinh nhân tạo của Anh, Mỹ, và của cả các công ty tư nhân cung cấp tọa độ chính xác, chỉ sai chừng 5, 10 mét. Những máy bay không người lái, giá rẻ 3.000 Mỹ kim, có thể bay thấp, quan sát và gửi tọa độ cho pháo binh và hỏa tiễn, đánh trúng mục tiêu trong vòng 20 giây đồng hồ, theo báo Wall Street Journal. Nhiều thanh niên Ukraine thông thạo tin học đã dùng “mỹ nhân kế” để dụ cho quân Nga tiết lộ vị trí của họ. Nikita Knysh, 30 tuổi, một chuyên gia tin học, nói với nhật báo The Financial Times rằng ngay khi quân Nga tấn công, anh và một số 30 người bạn sống ở nhiều nơi, đã nghĩ cách sử dụng tài xâm nhập máy vi tính (hacking) của địch để giúp nước, lập ra một nhóm tên là Hackyourmom. Nhóm này bịa ra những “địa chỉ ma” trên mạng lưới xã hội, kể cả Telegram, dùng hình ảnh các phụ nữ hấp dẫn, tìm gây quan hệ với các binh sĩ Nga. Sau nhiều lần trao đổi, các “cô gái ảo” này bảo lính Nga gửi hình ảnh cho các cô coi. “Họ là những anh lính đang khát tình,” Knysh nói với Financial Times, họ đã gửi ngay những bức hình chứng tỏ họ đang ở ngoài mặt trận.” Tháng trước, các “hackers” căn cứ vào các bức hình như vậy đã tìm ra “địa chỉ” mấy người lính Nga này, ở một căn cứ gần thành phố Melitopol ở miền Nam Ukraine. Họ gửi tọa độ cho quân đội, và mấy ngày sau căn cứ Nga lãnh đạn pháo kích và hỏa tiễn. Một thành viên của nhóm Hackyourmom, anh Maxim, nói, “Tôi chợt nghĩ ra rằng mình có thể truy tầm những căn cứ quân sự khác, không nghỉ.” Trong khi tinh thần chiến đấu của dân Ukraine lên cao như vậy thì quân Nga đang lâm cảnh bế tắc. Tướng hồi hưu Mark Hertling người Mỹ tiên đoán quân Nga ở Kherson sẽ phải đầu hàng khi Ukraine thắt chặt vòng vây, theo Newsweek ngày 5 tháng Chín. Vùng Kherson nằm bên bờ Hắc Hải, bị Nga chiếm đóng ngay trong tháng Ba năm 2022. Theo Tướng Hertling phân tích trên Twitter, có nhiều dấu hiệu quân Nga ở Kherson “cực kỳ vô kỷ luật,” “huấn luyện và khả năng chiến đấu tồi tệ, tinh thần xuống thấp, và rất dễ bị bịnh.” Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, Institute for the Study of War) ghi nhận quân Nga đã rút khỏi một vùng chiếm đóng rộng bằng nước Đan Mạch, 43 ngàn cây số vuông, sau khi ngưng tấn công thủ đô Kyiv. Quân Ukraine pháo kích và bắn hỏa tiễn liên tục vào hậu cứ quân địch, phá hủy các kho đạn dược và hỏa tiễn, các kho xăng dầu, và các bộ chỉ huy, kể cả đầu não của đội lính đánh thuê Wagner được chuyển từ Syria qua Ukraine tiếp viện. Tướng Barry McCaffrey trả lời đài MSNBC, cũng tiên đoán Vladimir Putin đang bị đẩy vào “trong cái rọ” (in a box), theo Newsweek. Quân Nga say rượu, tàn bạo, tướng lãnh không cung cấp hiệu lệnh đầy đủ, hệ thống chỉ huy cấp dưới lỏng lẻo. Khoảng 15 ngàn quân bị kẹt trong thành phố Kherson với con sông Dnieper chạy vòng ở phía Đông và phía Nam. Ngày 5 tháng Chín, chính quyền do Nga dựng lên ở Kherson phải hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý nhắm chứng tỏ dân chúng muốn sáp nhập vào nước Nga. Cũng theo Newsweek ngày 5 tháng Chín, quân Nga thuộc lữ đoàn 127 đã từ chối không hành quân vì không được tiếp tế đủ, kể cả nước uống. Những binh sĩ “nổi loạn” bị phạt, rút ra khỏi đơn vị. Trước đó vào tháng Bảy, Lữ đoàn 109, ở phía Tây Bắc Kherson đã đầu hàng ngay khi bị tấn công. Trong đơn vị này có cả những lính tình nguyện đã ký hợp đồng với quân Nga, 17 binh sĩ đã bị bắt để trừng phạt. Các lữ đoàn này gồm các thanh niên sống trong vùng quân Nga chiếm đóng ở hai tỉnh phía Đông, Donetsk và Luhansk và bị bắt lính để đánh lại chính phủ Ukraine của họ; họ thiếu kinh nghiệm chiến trường và cũng không muốn chiến đấu. Vladimir Putin không dám đưa những thanh niên đang làm nghĩa vụ quân sự qua Ukraine vì biết không ai muốn đi vào chỗ chết. Quân Nga đã tuyển mộ lính tình nguyện trong các nhà tù và từ một bệnh viện tâm thần ở thành phố St. Petersburg. Các tù nhân được hứa hẹn giảm án hoặc xóa án, và cũng như các bệnh nhân, sẽ được cho một số tiền thưởng, lãnh lương cao hơn mức bình thường, được phát nhà ở và học bổng sau khi hết hợp đồng. Nhưng bây giờ nhiều lính tình nguyện cũng từ chối không chiến đấu, theo Newsweek. Trong khi đang bế tắc ngoài mặt trận, Vladimir Putin còn lo kho vũ khí đạn dược cạn dần mà sản xuất không kịp. Guồng máy chế tạo vũ khí cũng bị ảnh hưởng vì lệnh cấm vận của Âu, Mỹ; đặc biệt là cấm bán các chất bán dẫn cho Nga. Cả hệ thống công nghiệp, dân sự và quân sự, đều bị ngưng trệ vì thiếu “chíp.” Các công ty Trung Cộng cũng không dám bán chip cũng như các vũ khí hoặc bộ phận cho Nga. Bà Gina Raimondo, bộ trưởng Thương mại Mỹ đã nhiều lần cảnh báo các công ty chế tạo chíp của Trung Cộng không được vi phạm lệnh cấm vận; nếu không chính họ sẽ bị cấm không được mua chip và các khí cụ tin học của Mỹ. Vladimir Putin phải đặt mua các máy bay không người lái của Iran, nhiều chiếc bị hư ngay khi sử dụng. Putin cũng đang mua đạn súng đại bác và hỏa tiễn của Bắc Hàn. Tin tình báo Mỹ tiết lộ rằng những đạn 152 ly và hỏa tiễn kiểu Katyusha là những vũ khí cũ rích, theo báo New York Times ngày 5 tháng Chín. Tướng Hertling ca ngợi cuộc phản công trong vùng Kherson là một “chiến lược thần tình!” Quân đội Nga ở trong thành phố sẽ bị cô lập, sau lưng là con sông Dnieper (Dnipro) với hai cây cầu bị phá hủy vì pháo kích liên tiếp, cầu phao dựng lên cũng vẫn lãnh đạn. Tướng McCaffrey tiên đoán trong vòng ba tháng quân Ukraine sẽ “đóng rọ” (bag) một số lớn quân Nga trong vòng đai của sông Dnieper. Quân Ukraine đang tiến chiếm các làng, cắt quân Nga thành từng mảnh nhỏ. Trong khi đó,ông Vladimir Putin mới nói rằng trong cuộc “hành quân đặc biệt” ở Ukraine, Nga vẫn vững mạnh, “không mất gì cả!” Hơn 50.000 quân sĩ chết mà coi như không mất gì cả! Nói trắng trợn như vậy không biết có phải là con người hay không! Ngô Nhân Dụng -: VOA  
......

Elizabeth II, con người phẩm cách

Ngô Nhân Dụng   Elizabeth II suốt đời hết sức làm bổn phận, không bị lôi cuốn bởi những thứ nằm ngoài phận sự, lúc nào cũng biết mình đang làm gì, vững chãi và thảnh thơi.   Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, mới qua đời, là hình ảnh một con người có Phẩm Cách (Dignity). Nước Anh may mắn có một người đóng vai trò lãnh đạo, trong 70 năm làm biểu tượng vững vàng khi quốc gia trải qua bao sóng gió.   Nghe tin bà qua đời, nhật báo The Wall Street Journal đã trích lại một ý kiến của ký giả Walter Bagehot trong cuốn “Hiến Pháp Anh Quốc” viết năm 1867. Vị chủ bút báo The Economist nhận thấy chế độ quân chủ hiệu quả nhất để gây dựng phẩm cách: “tạo ra và giữ gìn niềm kính trọng của dân chúng.”   Chế độ Cộng Hòa khi cai trị dân cũng dựa trên niềm kính trọng, nhưng các đại biểu dân cử không gây được niềm tin vào phẩm cách đáng kính như thế. Năm 2012, sau 60 năm trị vì, nữ hoàng vẫn được 90 phần trăm dân chúng ngưỡng mộ. Uy tín các vị tổng thống Mỹ thì trồi sụt bất thường, có khi xuống dưới 40%. Lòng tin tưởng vào Quốc hội, và bây giờ đến Tối cao Pháp viện, còn tệ hơn nữa.   Nhưng phẩm cách đáng kính của Nữ hoàng Elizabeth II không do chế độ tạo ra mà do chính con người và hành động của bà. Có thể nói, chính bà đã cứu vãn chế độ quân chủ trong lúc chỉ hết sức làm bổn phận của mình. Khi gửi lời phân ưu, Giáo hoàng Phan Xi Cô ca ngợi nữ hoàng “là tấm gương của một người chu toàn bổn phận.”   Chu toàn bổn phận có nghĩa là làm đúng vai trò được giao phó: Làm một nữ hoàng. Đài BBC mới nhắc lại một bài diễn văn đọc năm 1947, bà đã phát lời thề: “cả cuộc đời tôi, dài hay ngắn không biết, sẽ để phụng sự quý vị…” Năm 1977, kỷ niệm 25 năm trị vì, bà nhắc lại lời thệ nguyện đó: “Mặc dù được phát biểu trong lúc tuổi còn quá trẻ, nhưng khi trưởng thành hơn, tôi không tiếc đã nói như thế và không muốn thay đổi một lời nào cả.” Bà làm việc với 15 vị thủ tướng Anh, người sau cùng được bà chỉ định hai ngày trước khi qua đời. Bà đã đi thăm hơn 50 quốc gia cựu thuộc địa trong Khối Thịnh Vượng Chung, trừ Cameroon, mới gia nhập năm 1995, và Rwanda năm 2009. Bà đến thăm Canada 20 lần, Australia 16, New Zealand 10 và Jamaica sáu lần. Năm 85 tuổi, bà vẫn làm phận sự, tham dự 325 sinh hoạt công cộng trong một năm, gần như mỗi ngày một lần!   Đóng đúng vai trò nữ hoàng, không phô bày con người riêng tư, khó nhất là phải ít nói. Không ai biết ý kiến của nữ hoàng trước những biến cố đảo lộn cả nước Anh, như cuộc đổ bộ chiếm kinh đào Suez thất bại năm 1956, cuộc chiến tranh với Argentina ở đảo Falkland; cả khi nước Anh rút khỏi Liên hiệp Âu châu. Khi dân Bắc Ái Nhĩ Lan bỏ phiếu hay khi dân Scotland trưng cầu ý kiến xem có muốn ly khai khỏi Vương quốc Hiệp nhất (United Kingdom) hay không, bà giữ im lặng. Như hiến pháp bất thành văn quy định, Nữ hoàng không bao giờ nêu ý kiến về các xung đột chính trị, đảng phái, nếu không được mời. Và các vị thủ tướng cũng tôn trọng hiến pháp, không bao giờ mời.   Một cuộc xung đột nội bộ đẫm máu trong triều đại Elizabeth II diễn ra ở Bắc Ái Nhĩ Lan. IRA (Quân Giải Phóng Ái Nhĩ Lan) muốn vùng này được nhập vào nước Ireland; lực lượng Sinn Féin đã gây nhiều cuộc bạo động, ám sát, cho đến khi chịu hòa giải và không bị kết tội. Năm 2011 nữ hoàng là vị quốc trưởng Anh đến thăm Cộng Hòa Ireland từ khi nước này tách khỏi vương quốc UK. Năm 2012 nữ hoàng bắt tay Martin McGuinnes, một lãnh tụ Sinn Féin đã trở thành phó thủ tướng Bắc Ái Nhĩ Lan. Ai cũng biết chính nhóm Sinn Féin, năm 1979, đã giết Lord Mountbatten, một người anh họ rất thân thiết với bà.   Bà đóng vai nguyên thủ quốc gia một cách bình thản lặng lẽ; dùng những lời ái ngữ vừa phải; mọi cử chỉ, hành vi đều có chừng mực như thể tất cả đã được quy định trước; nhưng bà biểu lộ rất thoải mái, tự nhiên, như thể đã được sinh ra để sống đúng theo nền nếp đó. Trước mắt dân chúng, bà không bao giờ tự biểu lộ cá tính, ngoài thú vui yêu chó và ngựa đua. Ông chồng bà, Hoàng tế Philips nhiều khi tuyên bố những câu gây phản ứng ồn ào, các con bà cũng hay ăn nói quá tự do; bà thì không bao giờ. Là một phụ nữ giàu nhất thế giới nhờ di sản nhiều đời, bà không cần dùng địa vị để sinh lợi. Đọc báo thấy những lời than phiền rằng công quỹ phải chi nhiều quá để nuôi một hoàng gia, bà tình nguyện đóng thuế. Bà không bày tỏ ý kiến về cả các xung đột trong gia đình, không trở thành đề tài cho những tờ báo lá cải như các con, các cháu.   Lối sống, ngôn ngữ và hành vi của nữ hoàng trở thành một “điểm cố định tĩnh lặng trong một thế giới chuyển vần,” (the still point in the turning world) như lời thơ của Thomas Stearns Eliot (1888 –1965), một thi sĩ gốc Mỹ đã xin làm công dân Anh quốc năm 39 tuổi. Điểm tĩnh lặng mang danh hiệu Elizabeth II là nền tảng của một vương quốc bao gồm những sắc dân khác biệt gốc English, Scots, Welsh, Irish, và bây giờ thêm hàng trăm sắc dân khắp thế giới đến cư ngụ. Hai bộ trưởng quan trọng trong chính phủ mới từ nhiệm, một gốc Ấn Độ, một gốc Pakistan, đều hy vọng có ngày sẽ làm thủ tướng. Nữ hoàng là một biểu tượng tạo thành mối đoàn kết quốc gia, tiêu biểu cho một truyền thống văn hóa cổ truyền nhưng chấp nhận thay đổi.   Bà không thuộc một phe nhóm, một địa phương nào, không thiên tả hay thiên hữu, trong một chế độ dân chủ vốn được dựng lên với mục đích cho mọi người có cơ hội tự do đả kích, đấu tranh, giành giựt lẫn nhau.   Dân Anh có khi bầu cho đảng Bảo Thủ chiếm đa số ở Viện Dân Biểu, có khi chọn đảng Lao Động. Mỗi lần thay đổi, việc đầu tiên của người lãnh đạo đảng là đi triều kiến nữ hoàng, để được bà mời đứng ra lập chính phủ mới. Hình ảnh đó cho thấy hai đảng, dù luôn luôn tranh giành quyền lực, nhưng vẫn theo cùng một mục đích, phục vụ cùng một quốc gia. Mỗi lần bà đến đọc diễn văn trước quốc hội, những đại biểu ồn ào quá khích nhất cũng phải đóng vai các thần dân ngoan ngoãn.   Nhật báo Financial Times ghi nhận trong lịch sử Anh quốc ba vị nữ hoàng đều đánh dấu các biến chuyển lớn. Elizabeth I trị vì từ 1558 đến 1603 đã mở rộng ảnh hưởng đế quốc ở Âu châu, các nước Hồi Giáo và sang châu Mỹ; Victoria, ngự trị từ 1837 đến 1901 là thời đế quốc Anh bành trướng khắp thế giới.   Nữ hoàng Elizabeth II chứng kiến tình trạng đế quốc tan rã, các thuộc địa giành độc lập, nhưng cuối cùng vẫn giữ được mối liên hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa.   Năm 1922, trước khi bà ra đời, Ireland đã giành độc lập, một nhân vật trong tiểu thuyết “Ulysses” của James Joyce nói, “Nước Anh cổ lỗ đang chết dần.” Triều đại 70 năm của Nữ hoàng Elizabeth II cho thấy lời tiên đoán đó “hơi quá đáng.” Có thể nhờ phẩm cách vững chãi thảnh thơi của bà mà Vương quốc Hiệp nhất, UK, vẫn tồn tại. Bà đã sống qua 14 đời tổng thống Mỹ, từ Harry Truman đến Joe Biden. Nước Mỹ hiện đang chia rẽ cùng cực không biết bao giờ mới hàn gắn được. Dân chúng cả nước Anh đang cùng nhau tưởng niệm một người lãnh đạo biết giữ phẩm cách.   Mười năm trước, trong một buổi lễ kỷ niệm ở nhà thờ St. Paul, tổng giám mục Rowan Williams lúc đó đã coi 60 năm trị vì của nữ hoàng là “một tấm gương sống, chứng tỏ rằng người ta vẫn có thể ‘phụng sự công ích;” và trong khi phục vụ họ tìm thấy hạnh phúc.” Elizabeth II suốt đời hết sức làm bổn phận, không bị lôi cuốn bởi những thứ nằm ngoài phận sự, lúc nào cũng biết mình đang làm gì, vững chãi và thảnh thơi. Có thể đoán Nữ hoàng đã sống một cuộc đời hạnh phúc./.
......

Chúc mừng Phùng Xuân Nhạ chuẩn bị gia nhập đội Juventus?

Thao Ngoc   Từ ngày 6 đến 8/9, UBKTTƯ họp kỳ thứ 19 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm UBKTTƯ. UBKTTƯ đã kết luận loạt sai phạm ở Bộ Giáo dục thời ông Phùng Xuân Nhạ làm bộ trưởng giáo dục. Nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ Giáo dục đã để xảy ra nhiều sai phạm trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, 2021. Những sai phạm còn xảy ra trong việc xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; thực hiện một số dự án đầu tư công; trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 và năm 2021. Việc này khiến một số cán bộ, đảng viên trong ngành bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự.   Để xảy ra những sai phạm này người chịu trách nhiệm chính là ông Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng” https://zingnews.vn/uy-ban-kiem-tra-trung-uong-ket-luan...   Có thể nói nền giáo dục VN đã xuống cấp trầm trọng từ lâu. Nhưng phải đến thời kỳ Phùng Xuân Nhạ làm tư lệnh ngành thì nó đạt đến tận cùng của sự thối nát mà mục rữa. Đầu tiên là tầm bằng tiến sĩ của Nhạ ngọng .   Năm 2018, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, đã gửi một báo cáo đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của VN, đưa ra bằng chứng là bộ trưởng giáo dục và đào tạo đương nhiệm “tự đạo văn”.   Bản báo cáo 10 trang được GS Dũng gửi hôm 18/2/2018 tới tổng thư ký của hội đồng, GS Trần Văn Nhung, nói về “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. GS Dũng dẫn các bằng chứng trong hai bài báo bằng tiếng Anh của ông Nhạ, công bố năm 2013 và 2014, để nhận định ông Nhạ đã tự đạo văn.   Một điều bất thường nữa mà vị giáo sư tại ĐH Toulouse chỉ ra là 2 bài báo của ông Phùng Xuân Nhạ được cho là đã công bố quốc tế thực ra lại đăng trên một tạp chí “giả khoa học”.   Với các bằng chứng thu thập được, báo cáo gửi đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước khẳng định ông Phùng Xuân Nhạ “vừa thiếu đạo đức vừa kém về trình độ” và “hoàn toàn không xứng đáng” với chức danh giáo sư mà ông được phong năm 2016. GS Nhung cho biết đã nhận được báo cáo này nhưng không hồi âm.   Năm 2016, một số giáo viên tại thị xã Hồng Lĩnh(Hà Tĩnh) bị điều đi phục vụ lễ tân cho Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh, tới một nhà hàng ở thị xã ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò. Khi được báo chí báo chí hỏi về vân đề này. Ông Nhạ nói chỉ là vui vẻ một tí thôi mà.   Vụ gian lận thi cử 2018 ở Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2018. Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn và Hòa Bình.   Gian lận thi cử ở Sơn La: Giá nâng điểm mỗi trường hợp trung bình 1 tỉ đồng!   Gian lận thi cử tại Hòa Bình: Bị can khai đã nhận hơn 1 tỉ để sửa bài nâng điểm. Có 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm.   Con số 330 bài thi của 114 thí sinh bị chỉnh sửa điểm khiến nhiều người bàng hoàng và sốc. Trong số đó, không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm thật.   Phùng Xuân Nhạ, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, không thể không chịu trách nhiệm về các sai phạm này, và ông được nhận bao nhiêu cho những phi vụ này… Nâng giá sách giáo khoa:   Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 3/11/2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận giá SGK mới cao gấp đôi, nhưng lại biện minh rằng do chất lượng tốt hơn. Đúng là bậc thầy của sự lưu manh và lươn lẹo. Điều lạ lùng là với những sai phạm ngút trời như thế, nhưng tại đại hội đảng khóa 13, ông Nhạ vẫn được đề cử vào BCHTƯ, nhưng cũng như Triệu Tài Vinh, Nhạ ngọng bị trượt vỏ chuối. Thế mà Nhạ lại nhảy sang làm phó ban tuyên giáo TƯ, thế mới tài.   Không biết những người mất tư cách và đạo đức như Nhạ thì vào ban tuyên giáo để giáo dục ai và giáo dục những gì?   Nếu Nhạ được vào nhà tù sẽ mang kinh nghiệm và kiến thức của mình để đào tạo cho nhiều đồng chí khác trong tù đạt trình độ cao về lý luận cao cấp và nghệ thuật hút máu dân qua việc nâng sách giáo khoa, đầu tư công . (Nhạ khóc vì bị rớt ở ĐH13, không còn cơ hội hút máu dân)   Thao Ngoc 9/9  
......

Bao giờ Nguyễn Phú Trọng biết rút lui để "Làm Người Tử Tế“?

Âu Dương Thệ Độc quyền lâu nên Nguyễn Phú Trọng tự ý nắn bóp Điều lệ Đảng và luật pháp XHCN theo lợi ích riêng của mình và phe nhóm như một quả chuối.  Chọn đúng vào dịp kỉ niệm 77 năm "Cách mạng Tháng 8“ , Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư (TBT) và Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngay sau khi trảm hai Bộ trưởng đã vội vàng tổ chức Hội nghị của Ban này ngày 17.8.2022  vỗ ngực coi đó là rất nghiêm túc trong vụ chống tham nhũng có hệ thống từ trung ương tới địa phương(1); nhưng thực tâm là cố tình phủi sạch trách nhiệm của chính mình và tam trụ. Vì thế dịp này Nguyễn Phú Trọng đã cao ngạo tuyên bố hùng hổ rằng, trong việc chống tham nhũng, tiêu cực chế độ do ông dựng lên “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.(2) Giữa khi đại dịch Covid-19 bùng nổ đe dọa mạng sống của hàng triệu người, nhưng suốt trên hai năm Nguyễn Phú Trọng sử dụng các quỉ kế để tập trung lực lượng xây dựng vây cánh nhằm chiếm ghế TBT lần thứ ba. Vì thế Nguyễn Phú Trọng và bộ máy cai trị độc tài đã hoàn toàn lơ là việc ngăn chặn bệnh dịch, thậm chí không lo kịp thời thuốc chủng ngăn ngừa bệnh đại dịch. Chẵng những thế đến khi đại dịch bùng nổ trên toàn quốc ông còn dửng dưng trước những tố cáo có dẫn chứng của nhân dân thuộc mọi tầng lớp, đặc biệt của nhiều báo điện tử của Xã hội Dân sự về các biện pháp vừa sai lầm vừa hốt hoảng, đồng thời còn để bọn tham quan tự do tham nhũng tàn bạo liên quan tới mạng sống của hàng triệu bệnh nhân Covid và công nhân phải chạy khỏi các thành phố để tránh dịch và nạn đói khát trong các năm 2020-2021(3). Mãi tới sau khi củng cố lại được quyền lực Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu chế độ đã phải nhìn nhận đây là một vụ tham nhũng có hệ thống công khai và trắng trợn nhất từ trước tới nay. Nó liên quan trực tiếp tới nhiều Bộ trong chính phủ, nhiều Ban trong Đảng, chạy vào cả Bộ chính trị và lên tới Tứ trụ! Nhưng tại Hội nghị ngày 17.8.2022 Nguyễn Phú Trọng lại tự đề cao và hô hoán: :„Có thể nói là chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua, có đúng không? Nhất là việc xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, dứt điểm giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với 2 trường hợp Ủy viên Trung ương là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng trong vụ Việt Á gần đây đã thể hiện nhất quán quan điểm: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.“(4) Có thực như vậy không? Cố tình nổ lớn như vậy Nguyễn Phú Trọng muốn đạt mục tiêu gì? Để hiểu rõ sự thực cần phải lật lại vụ Việt-Á từ đầu 2020 tới kết quả xét xử vụ án động trời này như thế nào vài tháng trước. Tóm lược diễn tiến các đại quan đỏ tiếp tay trong vụ Việt-Á Giữa khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên thế giới và tràn tới VN, đe dọa sinh mạng và cuộc sống của nhiều triệu người, các cơ quan Đảng và Chính phủ đã hành động như thế nào?: –30.1.2020 (6. Tế Canh Tý): Bộ Khoa học & công nghệ "họp khẩn“ bàn tìm cách sớm chữa Covid. Ngay sau đó bộ trưởng Chu Ngọc Anh kí quyết định trích quĩ ngân sách quốc gia gần 19 tỉ đồng cho công ti Việt-Á lo "nghiên cứu“ kit test. Mặc dầu công ti này chỉ có căn phòng làm việc không quá 10m² và không có các phương tiện nghiên cứu khoa học. –3.3.2020: Một công trình khoa học mà chỉ cần vài tuần đã được “Hội đồng Khoa học-công nghệ cấp Quốc gia do Bộ trưởng bộ Khoa học-công nghệ thành lập, đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kít real-time RT-PCR one step và tất cả các thành viên đã nhất trí thông qua và nhất trí đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kít real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.” –4.3.2020: Rồi chỉ một ngày sau Bộ Y tế công nhận ngay Kít test nhanh xét nghiệm virus corona của Việt Á và cho phép sản suất đại trà. Nhờ thế nên công ti này đã đút lót cho các người đứng đầu các cơ quan y tế trên 63 tỉnh-thành phố toàn quốc để bán nhanh và bắt hàng triệu nhân dân phải xét nghiệm. –24.4.2020: Bộ Khoa học-công nghệ còn cả gan nói dối là, "Bộ kít xét nghiệm covid-19 của VN được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) công nhận. Từ đây Ban Tuyên giáo Trung ương lùa toàn bộ hệ thống báo chí chế độ toàn trị tô hồng cho kít xét nghiệm Việt Á! –20.10.2020: WHO ra thông báo chính thức, kết quả thẩm định về bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là: "Not Accepted- Không được chấp nhận.“ –10.3.2021: Nhưng thật hết sức kinh ngạc việc Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vẫn kí Quyết định số 264/QĐ-CTN (10.03.2021) "tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Công ti Việt Á có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.“(5) Xét về mặt luật pháp thì việc "tặng thưởng Huân chương Lao động“ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước (CTN) là một quyết định quan trọng, nên  nó phải trải qua nhiều bước, nhiều cấp và nhiều ngành có thẩm quyền, theo dõi trung thực, công khai và cuối cùng trước khi đăt bút kí thì CTN phải nghiêm túc kiểm tra lại. Vì theo luật pháp, việc "tặng thưởng Huân chương“ là hành động có trách nhiệm cao của người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhằm cổ vũ công khai cho hoạt động được coi là chính đáng phục vụ lợi ích nhân dân. Nhưng căn cứ vào các hoạt động công khai của các cơ quan Đảng và Nhà nước liên quan tới việc giao cho Học viện Quân y và công ti Việt Á nghiên cứu để sáng chế thuốc thử nhanh nhận diện bệnh Covid-19 từ khi khởi đầu ngày 31. 1. 2020 tới ngày 24.4.2020 khi loan tin "Bộ kít xét nghiệm covid-19 của VN được WHO công nhận“ là hoàn toàn dối trá, cố tình lừa dối toàn Đảng và đánh lừa Nhân dân  VN và cả thế giới. Không những thế các cơ quan Đảng và Nhà nước đã cố tình im lặng, giấu diếm, không dám công khai thông báo của WHO ngày 20.10.2020 không công nhận giá trị khoa học của "Bộ kít xét nghiệm covid-19 của công ti Việt-Á." Nhưng tại sao gần nửa năm sau mặc dầu WHO đã thông báo chính thức cho  chính quyền CSVN không công nhận giá trị khoa học của "Bộ kít xét nghiệm covid-19 của công ti Việt-Á“,  Nguyễn Phú Trọng với tư cách là CTN lại vẫn kí Quyết định số 264/QĐ-CTN (10.03.2021) "tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Công ti Việt Á có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19“ ? Như vậy là suốt trong thời gian hơn một năm (từ 30.1.2020 tới 10.3.2021) Nguyễn Phú Trọng, trong tư cách CTN và TBT,  đã hoàn toàn mù tịt về các hành động gian dối, tham nhũng trong việc sử dụng "Bộ kít xét nghiệm covid-19 của công ti Việt-Á“ để khám bệnh cho hàng triệu người trong việc chống đại dịch Covid-19 của các Bộ trong chính phủ và các Ban trong Đảng. Tuy vậy Nguyễn Phú Trọng lại vẫn kí Quyết định "tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Công ti Việt Á“ và còn khẳng đính là công ti này "có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19“!!! Như vậy khi tự mình kí vào Quyết định trên Nguyễn Phú Trọng đã không chỉ hợp pháp hóa mà còn cổ động công khai cho "Bộ kít xét nghiệm covid-19 của công ti Việt-Á“ đã bị WHO phủ nhận giá trị khoa học trong việc ép khám bệnh cho hàng triệu người ở VN!!!  Tức là Nguyễn Phú Trọng – xét cả trên mặt luật pháp về trách nhiệm và lương tâm đạo đức của người đứng đầu Đảng và Nhà nước- qua hành động nói trên với tư cách TBT và CTN Nguyễn Phú Trọng là hoàn toàn vô trách nhiệm và vô lương tâm!!! Vì xét về mặt tổ chức của chế độ toàn trị CSVN thì TBT là người đứng đầu chỉ huy toàn bộ công việc Đảng và Nhà nước; có thể ví như một kiến trúc sư trưởng vẽ họa đồ cho cả ngôi nhà, các thợ xây (các Ban đảng, các Bộ trong chính phủ…) chỉ thi hành xây theo họa đồ của kiến trúc sư. Như thế có thể nói, trong vụ tham nhũng, tiêu cực Việt-Á có hệ thống từ trên xuống dưới, từ trung ương tới các địa phương, Nguyễn Phú Trọng nếu không phải là thủ phạm thì ít nhất cũng là tòng phạm chính !!! Tòng phạm đóng vai chánh án xét xử! –30.12.21: Mãi hai năm sau khi tình hình đã bị đổ bể hoàn toàn Nguyễn Phú Trọng mới giao cho cơ quan điều tra của Bộ Công an  vào cuộc. –31.3.22: Ủy ban Kiểm tra trung ương tố cáo một số tổ chức và cá nhân liên quan tới vụ Việt Á. –6.6.22: Cao điểm là Nguyễn Phú Trọng đã cho triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường để khai trừ ra khỏi Đảng Chu Ngọc Anh (khi đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà nội) và Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) và sau đó để cho Quốc hội (QH) thông qua bãi nhiệm ông Long và Hội đồng Nhân dân thành phố Hà nội bãi nhiệm ông Anh.(6) Như thế cho thấy Nguyễn Phú Trọng đã phải tìm cách thanh toán nhanh vụ Việt Á bằng cách kéo cả Trung ương đảng, QH và Hội đồng nhân dân thành phố Hà nội để hợp pháp hóa hành động của mình, để từ đó không một cơ quan nào của Đảng và Nhà nước dám động tới lông chân ông. Vì Nguyễn Phú Trọng sợ rằng, nểu để vụ tham nhũng và tiêu cực động trời trên -trong đó có cả chữ kí của Nguyễn Phú Trọng-  kéo dài thêm có thể đưa tới tình trạng rối loạn và bất bình lớn trong Đảng và ngoài xã hội, gây nguy hiểm ngay tới số phận chính trị của Nguyễn Phú Trọng. Có hiểu được như thế mới thấy rõ tâm địa của Nguyễn Phú Trọng khi phải vội vã hô hoán: :"Có thể nói là chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua“. Và còn hô hoán rằng, ông đã dám ra quyết định "xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, dứt điểm giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với 2 trường hợp Ủy viên Trung ương là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng trong vụ Việt Á“. Từ đó Nguyễn Phú Trọng tự vỗ ngực và hô hoán trước nhân dân là, như thế ông đã giữ lời hứa: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.“  Với câu kết luận hàm chứa cả đe dọa trên, Nguyễn Phú Trọng muốn nói với dư luận trong Đảng và ngoài xã hội rằng, vụ án tham nhũng tiêu cực động trời này đã xử xong rồi, không còn nhân vật nào cao hơn dính líu vào nữa!!! Nhưng đối chiếu với thực tế thì cho tới nay ai cũng thấy, việc Nguyễn Phú Trọng kí Quyết định số 264/QĐ-CTN (10.03.2021) là hành động cực kì phi pháp, vô trách nhiệm và mất đạo đức. Nhưng trong suốt thời gian dài từ sau khi vụ án tham nhũng động trời có hệ thống này bị bùng nổ công khai thì chưa lần nào Nguyễn Phú Trọng dám công khai nhận trách nhiệm cá nhân trước Trung ương Đảng, QH và cũng không dám công khai xin lỗi trước nhân dân, đặc biệt là hàng triệu nạn nhân Covid và công nhân phải trốn chạy khỏi các thành phố và các trung tâm, đặc biệt cả hàng chục ngàn người đã bị chết do xét nghiệm Kit Test sai. Nghĩa là trước sau Nguyễn Phú Trọng vẫn tự giành quyền cho mình là thuộc "Trường hợp đặc biệt“, không cho phép Đảng và Nhà nước dám đụng tới và không cho phép nhân dân công khai phê bình. Như thế rất rõ ràng là, trong thực tế Nguyễn Phú Trọng đã tự giành VÙNG CẤM và NGOẠI LỆ chỉ cho riêng mình!!! *** Thái độ độc tài và tham lam để bảo vệ quyền lợi ích kỉ này không có gì mới, không có gì lạ với Nguyễn Phú Trọng. Từ khi nắm ghế TBT từ Đại hội 11 (2011) tới nay, Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần tự ý độc quyền đưa ra các quyết định đạp lên cả Điều lệ Đảng nếu nó thích hợp cho việc củng cố quyền lực cá nhân của ông, và sẵn sàng húy bỏ quyết định, kể các nghị quyết của Đảng, nếu thấy nó có thể trái với chủ trương cực kì bảo thủ hoặc nguy hại tới sự độc quyền của ông.(7) Suốt trong 5 năm giữa hai Đại hội 12-13 (2016-2021) Nguyễn Phú Trọng đã dùng đủ mọi thủ đoạn và mánh lới để hạ dối thủ chính trị nguy hiểm là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cuối cùng ông Dũng phải bỏ cuộc để Nguyễn Phú Trọng giành được xếp vào "Trường hợp đặc biệt“ để nắm tiếp độc quyền ghế TBT và kiêm nhiệm cả CTN. Trước khi rút lui Nguyễn Tấn Dũng đã nhắn nhủ và gởi lời chào từ biệt với các đồng nghiệp để ông trở về học "làm người tử tế“.(8) Qua đó Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận rằng, dưới chế độ độc tài toàn trị theo mô hình Dân chủ XHCN và Pháp chế XHCN chừng nào còn nắm quyền thì không thể trở thành người tử tế được, mà phải và chỉ biết dối trá, quỉ quyệt; trong chế độ đó không có chỗ đứng cho lương tâm, đạo đức và lòng tự trọng!!! Nhìn vào chế độ toàn trị thời Nguyễn Phú Trọng trên 12 năm qua trong mọi lãnh vực ngày càng thấy pháp chế XHCN càng bị vo tròn bóp méo theo ý riêng của ông Tổng Trọng. Điển hình như vụ Việt-Á mới đây, hay trong dịp kỉ niệm Cách mạng Tháng 8 ngay báo chí của Đảng cũng đã phải rút bài viết về tài sản đang bốc khói của đại gia đỏ giầu nhất VN Phạm Nhật Vượng.(9) Đây là những báo biệu rõ ràng nhất về tình trạng càng suy đồi của chế độ toàn trị. Không chỉ độc tài, nay họ còn cấu kết và bao che cho các đại gia để cùng nhau thực hiện mục tiêu của các nhóm lợi ích giữa những phần tử có quyền và những đại tư bản đỏ nhiều tiền, biến Đảng và Nhà nước chỉ còn là bung xung, bù nhìn phục vụ quyền lợi ích kỉ của các nhóm lợi ích!!! Cũng  vào dịp 77 năm Cách mạng Tháng 8  Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu toàn trị đã ngạo mạn thách thức dư luận trong nước và các nước dân chủ tiến bộ đưa nhiều người dân chủ được nhân dân trọng nể và các nước Dân chủ Đa nguyên kính nể ra tòa; mặc dầu nhiều người dân chủ trong nước và nhiều chính quyền cũng như các tổ chức nhân quyền trên thế giới đòi trả tự do ngay cho những người dân chủ VN. Những người dân chủ này, trong đó có rất nhiều người còn trẻ tuổi, nhưng biết  sống theo lương tâm, dám nói thẳng nói thực về những tội ác của chế độ toàn trị. Tiêu biểu như Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Lê Văn Dũng… (10) Việc này trả lời thẳng cho lời rao giảng cực kì dối trá của Nguyễn Phú Trọng, ở VN „dân chủ đến thế là cùng“ như thế nào!!!   Gần 13 năm cầm đầu chế độ toàn trị Nguyễn Phú Trọng đã xây dựng và củng cố các chính sách độc tài bạo ngược, nói có thành không, độc tài lại bảo đó là dân chủ.  Độc quyền lâu nên Nguyễn Phú Trọng tự ý nắn bóp Điều lệ Đảng và luật pháp XHCN theo lợi ích riêng của mình và phe nhóm như một quả chuối. Vì thế người ta đã gọi chế độ của Nguyễn Phú Trọng là Cộng Hòa Chuối!  Những hành động cực kì sai trái trong dịp 77 năm Cách mạng Tháng 8 càng cho thấy, nay Nguyễn Phú Trọng vẫn chỉ biết bám vào quá khứ, tôn thờ chủ nghĩa Marx-Lenin cực kì sai lầm nên đã phá sản, như chính cố TBT CS Liên xô Gorbatschow đã kết án. (11) Có lẽ vì thế ông Trọng đã không gởi lời chia buồn.  Liệu có bao giờ Nguyễn Phú Trọng mới tỉnh ngộ để dám trở về học „làm người tử tế“???
......

Vì sao Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bước ra nhận Phật sự, lại được ủng hộ?

tuankhanh's blog Trong ngày cuối tháng 8-2022, ở Việt Nam xôn xao tin tức về sự ra mắt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chính thức vào chức vụ Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Bậc minh sư lâu nay ẩn danh đột nhiên xuất hiện ở lễ nhận di chúc, ấn tín, và khai ấn từ Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ khiến những người yêu Phật giáo chân chính và tự do của Việt Nam đều vui mừng. Tuy nhiên, có không ít người nhầm lẫn vị trí hiện nay của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một Tăng thống mới, tức vị trí của người lãnh đạo toàn diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Trên thực tế, khi phụng thừa ủy thác tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào năm 2020, ngài Tuệ Sỹ đã thông báo rằng sau giai đoạn sắp xếp lại nhân sự, nội bộ lãnh đạo của GHPGVNTN, khi “điều kiện thuận duyên”, ngài cùng Giáo hội sẽ tổ chức đại hội để suy cử Đệ Lục Tăng Thống, người lãnh đạo tối cao tiếp nối của Giáo hội. Hiện tại, nói nôm na, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ có vai trò như quyền tổng quản. Bất kỳ ai theo dõi tiến trình tồn tại và tranh đấu cho sự tồn tại của GHPGVNTN từ sau năm 1975 đến nay, đều hiểu rõ cụm từ “điều kiện thuận duyên” là như thế nào. Ngay cả việc Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm lễ nhận chức vụ Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống và lễ nhận Di chúc, ấn tín, và khai ấn… cũng đã phải lặng lẽ thực hiện, và chỉ công bố sau một tuần. Mục đích của sự lặng lẽ và bất ngờ, thông báo trễ, cũng chỉ để tránh những sự quấy phá rất quen thuộc từ bao nhiêu năm nay. Trong  giai đoạn đau yếu cuối đời, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã nhận ra được sự rối loạn trong nội bộ bởi nhiều nhánh của GHPGVNTN đang có những chủ trương khác nhau. Trong đó có hai nhánh chính khiến nội bộ bất đồng: Một là dùng mượn nhân lực Giáo hội để chuyên đấu tranh chính trị; Hai là muốn thỏa hiệp với chính quyền, thông qua một số nhân vật trong nội bộ đã suy đồi. Lợi dụng lúc Hòa Thượng Thích Quảng Độ đau yếu, những nhân vật muốn thao túng nội bộ GHPGVNTN đã làm giả những Giáo chỉ, phát đi, gây mâu thuẫn không ít trong các các vị lãnh đạo của Hội đồng Giáo phẩm trong và ngoài nước. Thoạt đầu, tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Độ là trao quyền Đệ Lục Tăng thống cho ngài Tuệ Sỹ, nhưng vì muốn mọi chuyện minh bạch và tạo sự đoàn kết nội bộ, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã xin chỉ nhận quyền tạm thừa hành, để chờ thời điểm bầu chọn Đệ Lục Tăng Thống mới. Sự ra đi của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào tháng 2-2020, đã tạo ra một một loạt các cơn sóng ngầm. Phía những người muốn thủ tiêu GHPGVNTN, đã coi đây là cơ hội để dứt điểm cái gai trong mắt. Trong tang lễ của Hòa thượng Thích Quảng Độ, người ta chứng kiến các sư của phía Nhà nước tìm cách cướp tro cốt của ngài, đem về chùa của Nhà nước lưu giữ và thờ, như một thủ đoạn nhằm thống nhất toàn bộ Phật giáo Việt Nam trong vòng tay của thế quyền. Ngay sau đó, cũng đã có một cuộc bầu chọn chớp nhoáng Đệ Lục Tăng Thống diễn ra tại Bình Định, nhằm cướp quyền lãnh đạo. May thay, dù GHPGVNTN bị dày vò từ muôn hướng nhưng quý thầy và đệ tử vẫn giữ được sự kiên định trung thành theo Di chúc. Mọi âm mưu ấy, đã mau chóng tàn phai. Nói về những sự bất thường đó, Hòa Thượng Thích Không Tánh từng tóm tắt bằng câu nói “Chính quyền muốn quốc doanh hóa đám tang của Hòa thượng Thích Quảng Độ”. Phải kể lại như vậy, mới thấy rằng GHPGVNTN dù bị bôi xóa, phủ nhận như thế nào, nhưng khi người lãnh đạo cao nhất của Giáo hội viên tịch, hầu hết các tờ báo lớn của nhà nước vẫn nhận được lệnh hối hả lên các bài viết mạ lị và bôi nhọ như để tự trấn an nhau. Điều đó cũng dễ hiểu, vì bởi trong lễ tang, ngoài các sư thầy của GHPGVNTN quy tụ về, còn có không ít các sư thầy ở các chùa mang bảng hiệu Giáo hội nhà nước lập nên, lặng lẽ đến cung kính lễ bái. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nhận trọng trách trong bối cảnh đó. Có một câu hỏi được đặt ra với những người kính trọng GHPGVNTN - Giáo hội Phật giáo tự do và chính danh của Việt Nam trước 1975 - đã bị nhà nước đẩy ra như là một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật, thì sự có mặt của thầy Thích Tuệ Sỹ có thể làm được gì? Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính là ngọn đuốc thắp sáng đức vô úy của những Phật tử và những người hướng Phật trong một thế giới chập choạng không còn rõ lằn ranh Ma-Phật. Nó là điểm tựa của tư duy Phật giáo trong lành trong thời pháp nạn. Ngài là hiện thân của tín ngưỡng, đạo pháp sống và chết vì quê hương và dân tộc. Ít nhất, ngài đang là điểm tựa của những người tỉnh thức. Tháng 4-1975, dòng tiến quân của miền Bắc vào Nam để lại phía sau vô số thương bệnh binh, những người bệnh bình thường không còn người chăm sóc. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là người đứng ra tổ chức các tăng ni trong vùng ở lại để chăm sóc, cứu thương cho dân chúng đang kêu khóc. Nhiều người khuyên thầy phải đi lánh nạn ngay vì những tin tức dội về từ các vùng khác cho thấy các chùa và sư thầy đang gặp chuyện khó lường. Nhưng bài diễn văn ngắn của ngài đã chặn đứng mọi âu lo, ý thức trách nhiệm con dân Việt dội về “Tôi vẫn còn đây, thì anh em cũng phải ở đây, quê hương và đất nước này còn cần đến anh em nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể trốn chạy khi dân tộc, đạo pháp đang gặp cảnh điêu linh”. Năm 1981, Nhà nước thành lập Giáo hội Phật giáo mới, nằm dưới quyền kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc và ra chiến dịch triệt hạ những nhân sĩ, tu sĩ Phật giáo có tinh thần phản kháng việc chính trị hóa tôn giáo này. Năm 1984, công an tổ chức chiến dịch, đồng loạt đột nhập Viện Phật học Vạn Hạnh và chùa Già Lam, Sài Gòn. Hai nơi này chỗ trú ngụ của nhiều cao tăng và nhân sĩ Phật giáo lúc bây giờ. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị bắt mang đi, lúc đó hai ngài đang dang dở công trình Bách khoa Phật học Đại Từ Điển. Tháng 4-1984, cả hai thầy bị kết án tử hình với lý do “tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Cộng sản”. Phiên tòa không có luật sư và khán giả là công an. Mọi thứ là một dòng chảy dài, định mệnh, cay đắng như chính số phận của Việt Nam. Cuối cùng, với sự vận động của quốc tế, thì cả hai thầy được trả tự do, nhiều năm sau đó. Cũng như những người Tây Tạng có một điều an ủi thầm kín và lớn lao, khi nhìn về sự có mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong thời đại của mình. Có rất nhiều người Việt Nam cũng mang niềm kiêu hãnh trong trái tim đã chọn tín ngưỡng là tự do của mình, là cùng với hình ảnh của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Vượt lên những huấn dụ tầm thường, để biến con người trở thành mê muội của Phật Giáo Nhà nước hôm nay như sống chỉ để cúng dường, sống để dòm ngó, hãm hại người khác… Hòa thượng Thích Tuệ sỹ hay GHPGVNTN dẫn lối đến đạo pháp và dân tộc, bằng lẽ phải và sự thật, với uy vũ bất năng khuất “Sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia”, (Thư gửi các Tăng sinh) Với những đền đài ma chướng, lễ hội ngụy trá Phật hôm nay, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tỏa sáng những khác biệt, vượt lên khỏi những rền rĩ nhảy múa từ các chùa tháp “Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng”, (Thư gửi các Tăng sinh) Chưa lúc nào như lúc này, Phật giáo trong sự dẫn dắt của tăng ni, chùa tháp dưới quyền nhà nước không dắt tay chúng sinh đi vào cõi an nhiên, mà xô đẩy vào bóng tối, cạm bẫy và thao túng để phục vụ thế quyền. Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ sỹ cùng GHPGVNTN tựa như tiếng chuông để thức tỉnh, nhắc lại giá trị khôn cùng của người hướng Phật “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào; duy chỉ một định hướng duy nhất: Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn; một cứu cánh duy nhất là giải thoát”. (Công bố tháng 9-2022 của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất - Viện Tăng Thống) tuankhanh's blog
......

Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo: Tiếng vọng của suối từ

Trần Trung Đạo   Giới thiệu: Bài viết dài từ góc nhìn của một đoàn viên Gia Đình Phật Tử này được viết 19 năm trước sau khi đọc lá thư của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ gởi tăng sinh Huế ngày 28 tháng 10, 2003. Thời gian đó hòa thượng là Thượng Tọa Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN và Cố Đại Lão HT Thích Quảng Độ là Hòa Thượng Viện Trưởng. Người viết giữ nguyên nội dung kể cả cách xưng hô để phản ảnh lòng thân kính của một đoàn viên GĐPTVN đối với một bậc thầy trong giai đoạn đáng nhớ của Phật Giáo Việt Nam. ------ Đó là câu kết luận trong lá thư Thượng Tọa Tuệ Sỹ gởi các tăng sinh Huế. Mặc dù thầy viết riêng cho các tăng sĩ trẻ còn đang tu học trong nước, lá thư đã làm xúc động hàng triệu trái tim người con Phật ở mọi nơi, mọi giới, trong đó có tôi. Không một người Phật Tử nào, đọc xong những lời nhắn nhủ thiết tha như những lời trối trăn thống thiết của Thượng Tọa Tuệ Sỹ mà không cảm thấy xót xa thương mến. Xót xa thương mến thầy, xót xa thương mến cho số phận của Dân Tộc và Đạo Pháp. Vẫn biết rằng mai đây “ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát” như thi hào Vũ Hoàng Chương đã viết trong Lửa Từ Bi, nhưng tôi tin, những lời nhắn nhủ từ trái tim của một bậc thầy đáng kính sẽ mãi mãi như giòng suối Từ, dài vô tận, rộng bao la, đã chảy hơn hai ngàn năm lịch sử và sẽ chảy qua nhiều thế hệ Phật Tử Việt Nam. Cũng bên dòng suối Từ ngọt ngào đó, chúng tôi, những đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam, đã gặp nhau, đã từng chia nhau từng ngụm nước trong lành của tình thương và trí tuệ. Và vì thế, những cảm nhận được ghi lại ở đây, là những cảm nhận của một đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Tôi đến với đạo Phật từ năm bảy tuổi qua ngưỡng cửa của Gia Đình Phật Tử. Tôi đến với đạo Phật không phải vì đặc tính huyền bí linh thiêng tôn giáo nhưng đơn giản vì đạo Phật đem lại cho tôi những món ăn tinh thần mà tôi cần từ thuở chào đời: tình thương và lòng tha thứ. Tôi kính yêu Đức Phật bởi vì ngài bắt đầu hành trình giải thoát như một con người. Ngài đã từ chối cuộc sống cao sang, bỏ lại sau lưng cung vàng điện ngọc, mang chiếc bình bát đựng đầy ắp tình thương đi vào thế giới khổ đau của nhân loại trong một chiếc áo vàng và đôi chân đất. Nhiều nhà khoa học, kể cả Albert Enstein, đến với đạo Phật không phải vì đức Phật là đấng giác ngộ siêu nhiên nhưng vì ngài là nhà khoa học, nhà giáo dục, là người thầy đạo đức của con người. Đạo Phật không ban cho con người cứu cánh nhưng giúp cho con người những phương tiện cần thiết để tự đạt tới cứu cánh an lạc cho chính mình. Tôi cũng yêu Gia Đình Phật Tử, tổ chức hướng dẫn thanh thiếu niên tu học theo tinh thần Phật Giáo. Gia Đình Phật Tử thắp lên trong hồn tôi ngọn lửa tin yêu để đời tôi không còn lạnh lùng, không còn cô đơn và không còn sợ hãi. Tôi có anh, có chị, có em. Gia đình tôi không còn heo hút dưới rặng tre già hiu quạnh, nhưng đã đông vui, nhộn nhịp hẳn lên. Tôi cảm nhận được rằng tình thương không phải nằm trong lời rao giảng suông nhưng là một điều có thật. Tôi được dạy để thương yêu nhân loại và chúng sinh như thương yêu chính bản thân mình. Gia Đình Phật Tử dạy tôi cách sống hòa mình vào tập thể, cho tôi thấy được sự quan trọng và trách nhiệm của một con người trong cộng đồng xã hội, biết sống cho mình và sống cho người khác. Tôi học cách mở mang sự hiểu biết trong tinh thần Phật Giáo khoa học, khai phóng và dung hợp. Gia Đình Phật Tử không những dạy tôi làm người phải sống cho một mục đích hướng thiện và nhân bản nhưng cũng can đảm chấp nhận những khó khăn để đạt tới mục đích tốt đẹp đó. Ngày tôi rời làng quê ở xứ Quảng ra đi, hành trang trí thức của tôi không có gì ngoài Bi Trí Dũng. Thế hệ của tôi, từ đó lớn lên trong mùa bão lửa ngút ngàn của quê hương với bao nhiêu khó khăn vất vả. Nhưng càng vất vả bao nhiêu tôi càng biết cám ơn hạt giống Bi Trí Dũng do Gia Đình Phật Tử gieo trồng trong tâm hồn thơ ấu của tôi. Năm 1981, tôi rời tổ quốc ra đi theo tiếng gọi tự do. Nước biển Đông mênh mông, rừng phương Tây bát ngát, nhưng trong những đêm khuya, như con nai lạc nhớ về đoàn, về đội, tôi vẫn lắng tai nghe tiếng hú thân quen vọng về từ ký ức. Ký ức của tôi về Gia Đình Phật Tử từ khi bảy tuổi cho đến ngày nay thì rất nhiều. Chuyện vui và chuyện buồn. Chuyện để mỉm cười và những chuyện đã làm tôi rơi nước mắt trong mỗi lần nhớ lại. Tuy nhiên, hình ảnh làm tôi nhớ và cảm động nhất vẫn là buổi chiều Chủ Nhật đầu năm 1977 khi tôi đến chùa Ấn Quang để thăm bổn sư tôi khi nghe tin thầy từ Hội An vào dự đại hội lần thứ bảy của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tôi vừa không có tư cách đại biểu và vừa ngại công an dòm ngó, nên chỉ biết ngồi trong quán Café bên kia đường Sư Vạn Hạnh để chờ thầy họp xong. Thầy tôi không vào tham dự đại hội nhưng tôi không biết nên vẫn cứ chờ mãi từ buổi trưa cho đến lúc trời chiều. Chùa Ấn Quang, cách đó hai năm là trung tâm điều hành Phật sự của Phật Giáo Việt Nam, hằng ngày tấp nập kẻ đến người đi, giờ đây là một ngôi chùa vắng vẻ. Trong đại hội trước, chùa Ấn Quang với những ống kính truyền hình, tiếng phóng viên trực tiếp truyền thanh của các hãng tin quốc tế, nhộn nhịp bao nhiêu, đại hội lần này diễn ra trong im lặng bấy nhiêu. Các “cư sĩ Phật Tử”, các “đệ tử trung thành”, các “chính trị gia Phật Giáo”, các “người hùng cách mạng”, v.v. đã không còn trở lại. Ngọn gió công danh đã thổi họ về hướng khác. Nhiều trong số họ đã sang Mỹ, sang Pháp, sang Anh. Một số khác còn ở lại và đang tiếp tục kiếm sống bằng nghề cũ, nhưng đã thay lời rao “dân tộc và đạo pháp”, bằng lời ca tụng “dân tộc và chủ nghĩa xã hội” để thích hợp hơn với xu hướng chính trị của thời đại mới. Trong lúc tôi đang miên man suy nghĩ về thế thái nhân tình trong quán Café bên đường Sư Vạn Hạnh, thì một Gia Đình Phật Tử khoảng 20 em, vài em ngành thanh, một số ngành thiếu và khá đông ngành oanh vũ bước vào chùa. Họ chở nhau bằng xe đạp. Các em lớn, chắc để tránh dòm ngó, đã mặc thêm bộ đồ thường, khi bước vào chùa mới cởi áo ngoài ra. Tôi không biết họ thuộc đơn vị nào vì tôi không nhớ chùa Ấn Quang có Gia Đình Phật Tử riêng. Không giống như ngoài Trung, mỗi chùa thường có một Gia Đình Phật Tử, và ngoại trừ những ngày lễ lớn, các gia đình sinh hoạt cố định trong sân chùa hay trong đoàn quán mình, các Gia Đình Phật Tử Sài Gòn Gia Định, có khi sinh hoạt luân lưu ở các chùa trong thành phố. Tiếng còi quen thuộc lại được thổi lên. Cả đoàn nghiêm chỉnh bắt ấn Tam Muội, hát bài Sen Trắng để chào đoàn kỳ, trước khi lắng nghe anh huynh trưởng dặn dò đôi điều cần thiết. Tôi ngồi khá xa, không nghe anh nói gì nhưng qua khuôn mặt nghiêm trang đượm một màu buồn, tôi thầm nghĩ, chắc anh không có gì vui để gởi gắm cho các em ngoài tình thương và niềm hy vọng. Gần một giờ sau, cả đoàn sắp thành một vòng tròn nhỏ, cầm chéo tay nhau và hát bài Dây Thân Ái trước khi tan hàng. Tôi nghe lòng mình cũng hát: “Dây Thân Ái lan rộng muôn nhà. Tay sắp xa nhưng tim không xa. Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng. Ca hát vang không gian đơm hoa. Đường tuy xa nhưng tình bao la. Tiến bước theo hương thơm nhà lưu truyền. Dù cách xa ngàn dặm nhưng gần. Gan thép ta chia tay đừng buồn.” Nhìn các em đi ra khỏi chùa, lòng tôi chợt dâng lên một niềm đau xót như chính mình đang trong cuộc chia ly. Tôi nhìn theo bóng các em khuất dần phía cuối con đường. Những con nai tơ tội nghiệp kia vẫn vô tình reo vui bên bờ suối mà không biết phía sau lưng bầy sói dữ đang chờ. Tôi tự hỏi, họ cầm tay nhau hôm nay, không biết tuần sau có còn được cầm tay nhau nữa hay không. Họ gặp nhau hôm nay, tuần sau có còn gặp lại nhau đông đủ như thế nữa hay không. Không ai có thể trả lời khi cả nước đang bị quay cuồng trong cơn lốc. Các công trình thủy lợi, chính sách kinh tế mới, các buổi mít-tinh thức chờ trắng mắt, các chiến dịch lượm lon, lượm giấy, các kế hoạch nhỏ, các buổi học tập “Năm điều Bác Hồ Dạy” sẽ một ngày không xa, cuốn hút tâm hồn chân thiện mỹ của các em vào quỹ đạo của lọc lừa và dối trá. Tôi lo cho các em, lo cho số phận của tổ chức đã hun đúc tôi nên người, lo cho tương lai của Phật Giáo Việt Nam, và tương lai của quê hương Việt Nam mà tôi yêu tha thiết. Tương lai đất nước Việt Nam sẽ ra sao khi một đứa bé mới lớn lên mỗi ngày phải học thuộc lòng những câu đầy sắc máu: “Hạnh phúc tính theo đầu người, là anh giết được bao nhiêu giặc Mỹ. Như cây yêu đời sinh được mấy muôn hoa. Giết chúng đi, chỉ còn một đường thôi : giết chúng. Ôi hôm nay lòng ta như họng súng.” (Suy Nghĩ 1966, thơ Chế Lan Viên). ”Ôi hôm nay lòng ta như họng súng”!, nếu trước 1975, có ai bảo tôi đó là thơ Chế Lan Viên, tác giả của Điêu Tàn với những câu thơ rất dể thương “Có một người nghèo không biết Tết. Mang lì chiếc áo độ thu tàn. Có đứa trẻ thơ không biết khóc. Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran” mà tôi thuộc nằm lòng từ ngày biết đọc văn thơ, tôi chắc chắn không tin. Tôi cũng vô cùng kính phục tinh thần can đảm của anh huynh trưởng mà tôi chưa có dịp biết tên anh. Thật ra, lúc đó tôi cũng không có ý định tìm hiểu tên anh, bởi vì, ngay giữa tâm hồn tôi, anh đã có một cái tên rất đẹp: Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Anh như con chim đầu đàn đang bay ngược chiều cơn bão lớn, cố giương đôi cánh tả tơi để che chở cho đám chim non. Tôi đau xót nghĩ đến bao nhiêu sự bức chế mà các cấp huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã phải chịu đựng từ sau 1975. Tôi vẫn nhớ lời Hòa Thượng Thích Long Trí nói với tôi trong dịp về Hội An thăm ngài vào năm 1976: “Công việc chính của thầy bây giờ là đi thăm nuôi.” Ý thầy muốn nhắc đến việc nhà cầm quyền lần lượt bắt giam hay gây khó dể các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng sau 1975. Không một đại lễ Phật Đản, Vu Lan, Phật Thành Đạo nào mà không có cảnh bắt bớ, tự phê, tự kiểm theo sau. Những trấn áp, đe dọa đó đã làm các huynh trưởng Hạnh Minh Hồ Tấn Anh, Hứa Văn Xuân của Gia Đình Phật Tử Quảng Nam, không còn chọn lựa nào khác hơn là thắp lên ngọn đuốc để đánh thức lương tri nhân loại, bằng chính nhục thể của mình. Tôi nhớ lại cảnh Hòa Thượng Thích Trí Độ, lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật Giáo miền Bắc, trong chiếc áo sơ-mi trắng ngắn tay, già nua run rẩy trên khán đài đưa tay hoan hô đả đảo theo đám thiếu nhi quàng khăn đỏ trong buổi “diễu binh mừng chiến thắng” trước dinh Độc Lập mấy ngày sau 30-4-1975, tôi cảm thấy đau xót và xấu hổ. Hòa Thượng Thích Trí Độ, bổn sư của nhiều cao tăng Phật Giáo mà tôi từng nghe ca ngợi là cụ già mặc áo sơ-mi trắng đó hay sao?. Đâu là uy nghiêm của một bậc tôn sư? Đâu là danh dự của một tôn giáo có lịch sử dài hai mươi thế kỷ? Một chiếc áo tràng nâu ngài cũng không được mặc đừng nói gì là giáo hội, là tiền đồ đạo pháp. Sau này, có dịp hỏi thăm một giáo sư từ miền Bắc vào tiếp quản trường Luật về tình hình Phật Giáo miền Bắc, tôi biết Phật Giáo miền Bắc gần như không còn gì cả. Những ngôi chùa nổi tiếng như Trấn Quốc, chùa Thầy, chùa Đậu, chùa Dâu, chùa Tây Phương, chùa Hương Tích, v.v… chỉ là những di tích lịch sử của một thời phong kiến xa xưa còn để lại. Phật giáo Việt Nam, nếu may mắn được nhắc đến, chỉ là Phật Giáo của đời Lý, đời Trần, Phật Giáo của Lý Công Uẩn, của Trần Thái Tông, chứ không phải Phật Giáo của thời ngài Tố Liên, ngài Vĩnh Nghiêm, ngài Tuệ Tạng. Đảng và nhà nước Cộng Sản nghiên cứu Phật Giáo Lý Trần chỉ để chứng minh tính thời đại, tính lịch sử đã qua của Phật Giáo như một món đồ cổ văn hóa, dấu vết của một thời vang bóng chứ không nhằm khai triển và phát huy các tinh hoa vượt thời gian và vượt không gian của Phật Giáo. Trong suốt mấy mươi năm, Phật giáo miền Bắc không được phép xây thêm một ngôi chùa nào, không được phép xây dựng một Phật Học Viện nào, không được phép tổ chức một Giới Đàn nào và dĩ nhiên cũng không đào tạo được thế hệ tăng ni nào cả. Sau 28 năm, mặc dù văn minh thế giới và trào lưu tư tưởng con người đã đạt rất nhiều tiến bộ, cơn bão vô thần càn quét suốt 28 dài trên đất nước Việt Nam đầy bất hạnh vẫn chưa dừng. Nhân loại đã bước vào kỹ nguyên dân chủ đa nguyên. Năm 1974, chỉ có 41 nước trong số 150 quốc gia trên thế giới theo chế độ dân chủ, phần lớn là các quốc gia kỹ nghệ tân tiến Châu Âu. Năm 1990, ba phần năm tổng số quốc gia trên thế giới theo chế độ dân chủ. Từ anh chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ cho đến người thợ mỏ Nam Phi đều đã có quyền chọn lựa người lãnh đạo cho đất nước mình. Dân chủ đã trở thành một hiện tượng toàn cầu (a global phenomenon). Thế nhưng Việt Nam thì không hay ít nhất thì chưa. Dân chủ tại Việt Nam vẫn là con đường một chiều dành riêng cho các lãnh tụ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam. Dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục sống như một đàn chim trong chiếc lồng sắt, không hay biết gì về thế giới bên kia. Thật đúng như chị Vũ Thúy Hà, vợ của bác sĩ tù nhân Phạm Hồng Sơn, phát biểu trong bài phỏng vấn ký giả Evan Williams trên đài ABC Úc mới đây: “Chúng tôi thường nghe đến dân chủ nhưng thú thực chưa bao giờ biết nó là cái gì cả.” Sau 28 năm, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đại diện của truyền thống hai ngàn năm Phật Giáo Việt Nam, vẫn tiếp tục bị đàn áp. Những chùa chiền, thiền viện, tự viện không chịu tuân phục chỉ thị của đảng, không chịu khép mình vào bộ máy lãnh đạo của đảng, đã bị ức chế trăm điều. Đảng Cộng Sản Việt Nam không những chỉ xúc phạm đến Phật Giáo Việt Nam nhưng còn xúc phạm truyền thống đạo đức, vốn là một phần quan trọng của nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam. Lá thư của thầy Tuệ Sỹ cũng nhắc đến bao gương hy sinh cao quý mà nhiều thế hệ tăng ni đã phải hy sinh cho đạo pháp và dân tộc. Thầy viết: “Di sản được tích lũy ròng rã hằng thế kỷ, bằng bao tâm tư qua bao khổ lụy đau thương, bằng máu và nước mắt của biết bao Tăng Ni, Phật tử; mà những người gầy dựng nên di sản đó bằng bi nguyện và hùng lực của mình, có vị bị bức tử bởi bạo quyền, có vị suốt năm tháng dài chịu tù đày, bị lăng nhục. Nhưng sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.” Thầy Tuệ Sỹ không viết danh hiệu các bậc tôn đức tăng ni tử đạo hay đang mang gánh nặng dân tộc và đạo pháp trên vai, nhưng là người Phật Tử Việt Nam, làm sao chúng ta có thể quên, trên mỗi bước chân chúng ta đi hôm nay vẫn còn nghe vọng lại niềm đau nhức của bao nhiêu bậc tôn sư và tiền nhân đi trước. Lịch sử Phật Giáo Việt Nam sẽ mãi mãi ghi đậm hình ảnh các tăng ni và đồng bào Phật tử các giới đã hy sinh trong mùa pháp nạn 1975. Hình ảnh các tăng ni đã tự thiêu tập thể tại chùa Dược Sư Cần Thơ cuối năm 1975. Hình ảnh của cố Hòa Thượng Thiện Minh bi hỏi cung, hành hạ đến chết và xác bị đem ra chôn ngoài bìa rừng Hàm Tân năm 1978. Hình ảnh ngài Quảng Độ cùng với bà mẹ già 80 tuổi bị đày ra một ngôi chùa hẻo lánh, sống trong khó khăn, đói khát ở Thái Bình từ năm 1982. Hình ảnh Hòa Thượng Huyền Quang, lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật Giáo Việt Nam, bị công khai sỉ nhục trên đài truyền hình năm 1980. Hình ảnh cố huynh trưởng Hạnh Minh Hồ Tấn Anh tự thiêu trong ngày 2 tháng 9 năm 2001. Hình ảnh thân xác cháy đen của huynh trưởng Hứa Văn Xuân tự thiêu ở chùa Lan Hương tỉnh Quảng Nam tháng 10 năm 2001. Và bao nhiêu sự hy sinh âm thầm của những bậc bồ tát, các thánh tử đạo khác đã vì an lạc của đồng bào và tương lai của đạo pháp mà phát tâm hoàn thành đại nguyện. Trong khoảnh khắc ngậm ngùi lo lắng cho quê hương và đạo pháp, lá thư của thầy đã vực tôi về lại với con đường chánh: “Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại; một đức tính dũng mãnh vô úy; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng.” Thưa vâng. Giống như hình ảnh vô úy của anh huynh trưởng đứng trong sân chùa Ấn Quang năm 1977, tôi dặn lòng hãy giữ lấy niềm tin vào chánh pháp và trung thành với lý tưởng của một đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Đạo Phật là đạo của tình thương và tình thương chính là kỳ quan tinh thần vĩ đại nhất của văn minh nhân loại. Vó ngựa của đạo quân Hồi Giáo đã san bằng trung tâm văn hóa Phật Giáo Nalanda, tàn sát hàng triệu Phật Tử Ấn Độ nhưng đạo Phật vẫn tồn tại và phát triễn. Lời Phật dạy sau hơn hai ngàn sáu trăm năm vẫn còn được nghe từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cho đến tận vùng băng tuyết xa xôi của xứ Siberia, Tây Á. Những lời kinh Phật được tụng từ tu viện đơn sơ ở cố đô Anuradhapura, Tích Lan, còn vang vọng đến giãng đường hiện đại của đại học Harvard, nước Mỹ. Cây Bồ Đề đầu tiên nơi đức bổn sư thành đạo bị đốn ngã nhưng hàng trăm triệu hạt giống bồ đề khác đã mọc và lớn lên tươi tốt khắp thế gian. Niềm tin và chân lý bao giờ cũng mạnh hơn cường quyền và bạo lực. Một đoạn thư khác của thầy Tuệ Sỹ:  “Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại; đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy, mà ngay có người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội.” Đây là một nhắc nhỡ vô cùng quan trọng dành cho mọi người Phật Tử. Thầy cảnh giác các hiện tượng thỏa hiệp, đầu hàng, tiêu cực, sợ hãi đang còn phổ biến trong sinh hoạt Phật Giáo trong nước, cũng như thái độ xa lánh, thờ ơ ở ngoài nước. Xây chùa lớn, chùa đẹp để làm gì trong khi cả một dân tộc đang trầm luân trong độc tài, nghèo nàn, lạc hậu? Đức Phật chẳng đã từng bảo đệ tử dọn cơm cho người ăn mày đói khát được ăn no trước khi nghe pháp hay sao? Thân không an thì làm sao Tâm an được. Dân Tộc và Đạo Pháp không phải là khẩu hiệu đấu tranh chính trị nhằm lật đổ một chính quyền như một số người đang bôi nhọ mục đích đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hiện nay, nhưng là một thực thể gắn liền từ trong máu huyết của mỗi người Phật Tử Việt Nam. Trong suốt dòng lịch sử, sinh mệnh Phật Giáo Việt Nam bao giờ cũng gắn liền với sinh mệnh dân tộc, cùng vui với niềm vui của đất nước và cùng chia một nổi đau chung của đất nước. Phật giáo không chủ trương độc tôn thống trị và cũng chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, đã đóng một vai trò như thế. Trong thời đại Lý Trần, thời đại vàng son của Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư đã tham gia trực tiếp vào việc trị nước chăn dân, và hầu hết vua chúa không những đều là Phật tử mà còn là tổ của các Thiền tông lớn, nhưng không phải vì thế mà Phật giáo trở thành lực lượng thống trị xã hội. Trái lại, các tôn giáo khác tại Việt Nam vẫn tồn tại và có ảnh hưởng quan trọng trong mọi sinh hoạt văn hóa xã hội, thương yêu và gắn bó với nhau. Các nhà vua thời Lý, thời Trần với quyền hạn tuyệt đối, nhưng thay vì xây dựng những đền chùa nguy nga bằng mồ hôi nước mắt của nhân dân, các ngài đã để lại cho chúng ta ngày ngay những tổ đình uy nghiêm, tôn kính nhưng với một kiến trúc vô cùng khiêm nhượng. Tại sao? Đơn giản bởi vì các ngài là những vì vua nhân từ, lãnh đạo một đất nước vừa nghèo khó, vừa phải lo chống đở các triều đại Bắc phương không ngừng xâm lấn. Các ngài đã biết đặt sự an lạc của dân tộc lên trên sự hưng thịnh riêng của tôn giáo mình. Nước và sữa còn có thể phân ly nhưng Đạo Phật Việt Nam và Dân Tộc Việt Nam không thể nào và cũng không ai có thể làm phân ly được. Câu thơ của Hòa Thượng Mãn Giác “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” mang ý nghĩa vô cùng thân thương và tha thiết như thế đấy. Khi đọc lần nữa câu kết luận của thầy: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình”, tôi chợt nhớ đến các em ngành thiếu, ngành oanh vũ trong sân chùa Ấn Quang buổi chiều năm 1977. Hai mươi sáu năm rồi, các em oanh vũ ngày xưa đã lớn. Và các em đoàn viên Gia Đình Phật Tử, nếu sinh ra ở hải ngoại trong cùng thời điểm, thì nay cũng đã trưởng thành. Thế hệ của các em lớn lên trong thời bình, không phải trải qua những ngày khốn khó. Nhiều trong số các em đang là những chuyên gia lỗi lạc trong nhiều ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội ở nước ngoài. Nhưng trong tâm hồn các em, dòng suối Từ vẫn chảy, và trái tim của các em vẫn hướng về nơi có bóng Từ Quang tỏa sáng. Các em, chứ không ai khác, phải có trách nhiệm xây dựng lại đoàn, đội của mình một cách thích hợp với môi trường mà các em đang sống. Đừng sợ mất bởi vì mất để còn hơn là cố bám víu nhưng biết rằng sẽ mất vĩnh viễn. Các em, chứ không ai khác, phải biết tự làm vở chiếc vỏ dày bảo thủ trong tâm thức, trong tổ chức của các em, để những mầm xanh Bi Trí Dũng được có cơ hội lớn lên trên nền đất mới. Các em, chứ không ai khác, phải biết bay qua những ao tù nước đọng của quá khứ hoài nghi và định kiến, để phát huy tinh thần Bi Trí Dũng bằng thái độ khai phóng và dung hợp trong thời đại toàn cầu. Được như thế, tôi tin, một ngày không xa, các em sẽ cùng với hàng trăm ngàn đoàn viên Gia Đình Phật Tử trong nước mang ngọn lửa tình thương, tin yêu và hy vọng thắp sáng bầu trời đất mẹ Việt Nam. Đêm tối sẽ qua đi. Bình minh sẽ đến. Trong sân chùa Trấn Quốc, Từ Đàm, Viên Giác, Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi … những con chim oanh vũ lại cất cao tiếng hát. Sau lưng các em sẽ không còn đàn sói già rình rập nhưng là tiếng suối Từ róc rách, tiếng chuông chùa nhè nhẹ êm đưa. Các em sẽ hãnh diện và sung sướng bạch với Hòa Thượng Viện Trưởng: “Vâng, chúng con không còn sợ hãi nữa thầy ơi”. Cám ơn thầy. Boston 2003 Trần Trung Ðạo - Trần Trung Đạo  
......

Nhúm sáng từ đốm lửa tàn

Thái Hạo Người đàn ông gầy gò - nhỏ thó này là bậc long tượng hiếm hoi trong Phật giáo Việt Nam đương thời. Thích Tuệ Sỹ, một hành giả - dịch giả - thi sĩ, một trí tuệ uyên bác, một phẩm cách trí thức mẫu mực mang tinh thần vô úy, người từng bị chính quyền kết án tử hình, vừa được Hội đồng trưởng lão của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suy tôn làm người lãnh đạo cao nhất của giáo hội này. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một tổ chức Phật giáo không được chính quyền thừa nhận, nhưng bằng phẩm hạnh của mình, những người đứng đầu Giáo hội và tăng chúng vẫn giữ cho Phật giáo chân chính thường trụ giữa bạo tàn và sa đọa bủa vây. Những cái đầu thiển cận không bao giờ hiểu được rằng việc tôn trọng và bảo vệ quyền lập hội chính là bảo vệ cho tự do và phẩm giá của chính mình. Xin được tri ân và đảnh lễ Thầy! *** Nguoiu Anhuu   Sau khi chiến thắng năm 75,tiêu diệt tôn giáo là chính sách hàng đầu mà những người đội nón cối,mang dép râu đã kiên quyết thực thi tại miền Nam.   Hành trình nửa thế kỷ: Từ san bằng, đóng của, biến thành nhà kho ,bỏ tù các tăng ni phật từ, bắt hoàn tục đến cho mở lại chùa khang trang,các lớp phật học mở tràn lan rộng khắp cả nước, địa phương nào cũng đầy chùa, nhung nhúc người học đạo,theo đạo. Tất cả là đều nằm trong mưu tính của chính quyền mà mục đích cuối cùng đó là "dẹp" đạo !   Trong không khí khủng bố tôn giáo,đáng lưu y là năm 1984 đã có bản 2 án tử hình đưa ra cho 2 tu sĩ phật giáo là Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu nhằm gây kinh sợ cho những ai vẫn còn giữ đạo.   Nhờ "đảng từ bi " hay nhờ trời không để đạo diệt mà 2 bản án từ tử hình xuống chung thân,giảm dần và 2 vị còn tại thế tới ngày nay.   Cần biết:Phật giáo tại miền Nam trước 1975 được lãnh đạo bởi "Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất" khác với" Giáo hội Phật Giáo Việt Nam" hiện đang lãnh đạo Phật giáo tại Việt Nam ngày nay. Tất cả các cơ sở tôn giáo,chùa mà chúng ta thấy ở miền Nam hiện tại đại đa số đều "qui thuận" hệ thống phật giáo mới.Còn chùa,cơ sở tôn giáo nào không theo hệ thống nầy thì bằng cách nầy hay cách khác phải chịu cảnh "ngóc đầu không nổi" ,bị xem là bất hợp pháp ,cũng phải bị diệt (trường hợp mới nhất là Thiền Am bên bờ Vũ Trụ). Ngày 21 và 22 tháng 8, 2022, Phật lịch 2566 tại Chùa Phật Ân, xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai,Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm lễ được suy cử "Chánh Thư Ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống" tức là người có chức vụ lãnh đạo cao nhất của" Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất" -Tổ chức tại miền Nam trước năm 1975. (Chùa Phật Ân do thiền sư Thích Khinh An tức Hòa thượng Minh Tâm lập thành.Thầy từng dạy học tại trường Bồ Đề Tuy Hòa,Bồ Đề Phan Thiết,Thầy là quản sự Đại Học Vạn Hạnh ,sau năm 1975 từng ở tù tại trại 1 Phan Thiết và trại Sông Cái Phan Rang).   Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, tục danh Phạm Văn Thương,sinh năm 1943 quê tại Quảng Bình, Việt Nam ,quy y Phật tu lúc 7 tuổi ,là một học giả uyên bác về Phật giáo, là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn từ năm 1970, thông thạo tiếng Trung Hoa, Anh, Pháp, Pali, Phạn ,Nhật.Có thể nói Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là cao tăng có trình độ Phật học cao nhất tại Việt Nam.   Lễ Quốc Khánh 2 tháng 9 năm 1998,tại trại Ba Sao–Nam Hà, Bắc Việt ,trại yêu cầu Thích Tuệ Sĩ ký vào lá đơn xin khoan hồng ,gửi lên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để được ân xá. Thích Tuệ Sĩ trả lời: “không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Cán bộ trại nói: Không viết đơn thì không thả, Thích Tuệ Sỹ không viết và tuyệt thực. Trại đã phải phóng thích ông sau 10 ngày tuyệt thực.   Đáng kính trọng , tôn bái là :Mọi suy nghĩ của Thích Tuệ Sỹ đều hướng về cội nguồn dân tộc.   Trong bản văn phát đi với chức danh chính thức là "Chánh Thư Ký, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống", Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ khẳng định: "Không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyển lực thế tục,không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị ,của bất cứ tổ chức thế tục nào.Không hành đạo,hoành pháp theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào....." Vậy ,những ngày sắp tới, hoạt động của "Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất " sẽ như thế nào ? Chính quyền có để yên không ? Chờ xem viễn kiến của chính quyền.   Tuy nhiên, nói theo quan niệm "NHÂN-QUẢ" của nhà phật thì: Phật giáo bị VC hành bầm dập nửa thế kỷ thì cũng là do cái QUẢ của NHÂN mà chính các ông gây ra ở miền Nam trước kia! Được miễn quân địch,được tự do tu hành,có cơ hội thuận lợi nhất để giác ngộ chánh tà,mấy ông không tiếp tay với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà quảng bá,thuyết giảng người dân đâu là thiện,đâu là ác,đâu là tai ương cho dân tộc.Mấy ông lại xúi phật tử "quậy" tanh bành chính quyền miền Nam! Để sau đó Việt cộng "quậy" lại mấy ông còn tàn khốc hơn !   Ngày 30 tháng Tư 75, 500 phật tử Ấn Quang mitting "chào mừng chiến thắng của quân cách mạng" .Ban quân quản kêu "dẹp".Mấy ông cụt hứng ,"quê xệ".Việt cộng đâu có ghi công mấy ông. Nhân và quả: Cảm thụ thì mơ hồ ,xa sâu nhưng thật ra rất cụ thể và rõ ràng !   Nhúm sáng từ đám lửa tàn sau nửa thế kỷ loá lên...  
......

Về một người cộng sản có nhân tính

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Tuấn Khanh's Blog Ngày ông Mikhail Gorbachev (1931-2022), cựu tổng bí thư cộng sản cuối cùng của Liên Xô qua đời, ông nhận được nhiều lời bình từ hai phía ca tụng và căm ghét. Những người chống cộng thì nhìn ông như một con người dũng cảm đã hy sinh xé toang bức màn đen của thế giới song cực. Còn những người yêu cộng sản thì căm hận ông vì đã mang tội làm sụp đổ thành trì cách mạng vĩ đại của phía Đông thế giới. Đứng giữa những điều đó, Gorbachev còn hiện ra với tính cách của một nhà cách mạng của thế giới cộng sản nhưng đầy chất lãng mạn của người nông dân vùng Privolnoye, miền Nam của nước Nga. Điều đáng ca ngợi ở Gorbachev là nhân tính. Ông nhìn mọi sự kiện quanh mình bằng con mắt của một người cộng sản trung thành, nhưng ở bên dưới là những lời chất vấn thầm lặng của một con người có nhân tính. Tháng 11-1969, ý thức về một hệ thống độc tài cộng sản đang hủy diệt con người bắt đầu đến với ông, trong chuyến thăm đến Tiệp Khắc. Một năm sau cuộc nổi dậy ở đất nước này, vì không muốn chịu ách cai trị của cộng sản Nga, Gorbachev kể ông bị choáng váng khi đến Bratislava, thành phố cổ kính vẫn còn y nguyên những vết đạn pháo và những bức vẽ graffiti khẩu hiệu và hình ảnh chống cộng sản và Nga. Đoàn đi thăm của Gorbachev phải tổ chức thêm cận vệ thường phục để phòng trường hợp bị tấn công. Theo truyền thống, phái đoàn của Nga đến thăm Sbrojevka, một nhà máy lớn của Tiệp. Thế nhưng khi được đưa vào một vị trí tốt để phát biểu và mở lời chào, Gorbachev nhận ra rằng những người thuộc giai cấp công nhân ấy đã tìm cách quay mặt đi và không nhìn đoàn của Nga. “Đó là một cảm giác khủng khiếp”, Gorbachev nhớ lại điều mà ông nhận ra rằng trong hệ thống cộng sản, ngay cả ở vị trí cao, ông vẫn được tuyên truyền rằng mọi dân tộc của giai cấp vô sản luôn là tình đoàn kết hữu nghị nồng ấm không thể tách rời. Nhiều năm sau nhắc lại về “cú sốc đầu đời” này, Gorbachev nói rằng ý nghĩa “bức màn sắt” mà phương Tây nói về sự ngăn cách hai thế giới cộng sản và tự do là có thật, nhưng bức màn sắt nó còn nằm ở ngay trong nội bộ của chính quyền cộng sản, để bịt mắt lẫn nhau. Phía căm ghét ông Gorbachev, nói ông là kẻ muốn đốt đền- tự tay tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản ngay ở đất nước mình – để lưu danh lịch sử. Nhưng thực ra, theo dõi cuộc đời của ông Gorbachev từ ban đầu mới hiểu rằng việc day dứt muốn làm điều đúng và khát khao thay đổi, để được làm điều đúng, là suy nghĩ của ông, có từ đầu những năm 1970. Kể trong cuốn hồi ký của mình, Gorbachev nói ông giật mình nhận ra rằng vào lúc loài người đã đi đến mặt trăng thì Liên Xô vẫn sử dụng những phương thức nông nghiệp giống như ở thế kỷ 19. Vào lúc đó, hàng năm Liên Xô sử dụng 100 đến 110 triệu tấn làm thức ăn gia súc, trong khi các quốc gia châu Âu chỉ dùng hết gần 74 triệu tấn. Ông tự mình tìm hiểu và thấy rằng ở phương Tây thù địch, ngoài thức ăn chính, họ cộng thêm 30% phụ gia protein, dẫn đến chuyện gia súc cân bằng dinh dưỡng, tăng trọng nhanh và các đợt nuôi gia súc nhiều hơn trong một năm. Có nghĩa là trên con đường đi tới tương lai, phương Tây luôn tìm và cải cách những điều bình thường nhất, trong khi đó ở Liên Xô, tất cả những suy nghĩ và của cải làm ra, đều được dành cho chính sách xây dựng sự lớn mạnh của công an và quân đội. Bên cạnh đó, tham nhũng là từ ngữ mà Gorbachev không nói thẳng ra, nhưng trong phần ông ghi lại cuộc trao đổi với bí thư Trung Ương Đảng Fyodor Kulakov vào năm 1977, nhấn mạnh rằng giá thu mua nông sản của nông dân luôn là rẻ mạt, trong khi đó, những giá ngũ cốc nhập khẩu từ nước ngoài vào thì lại cao gấp 2-3 lần. Những con số chênh lệch bí ẩn đó đi đâu? Ông Gorbachev giải thích bằng một chuyện cười phổ biến ở nước Nga vào thời điểm đó là, tổng bí thư Leonid Brezhnev trong một chuyến đi chơi với mẹ, giới thiệu một căn hộ lớn của mình tại Moskva, rồi sau đó là một căn khác Zarechye. Kế đến là về khu nghỉ dưỡng riêng tại Zavidovo, cùng đi săn. Rồi sau đó, lại nghỉ ở một cơ ngơi bí mật ở Krym. Tổng bí thư Brezhnev hỏi mẹ ông nghĩ gì về những thứ ông đang có. Bà nói “Mọi thứ tuyệt lắm Leonid, nhưng mẹ không biết con sẽ làm gì với tất cả những thứ tài sản đó khi cộng sản quay lại nắm quyền”. Nhân tính của Gorbachev là nhìn thấy nỗi đau của con người, nhìn thấy ánh mắt căm giận của kẻ bị trị, và nhìn thấy tài sản quốc gia đang biến thành cơ ngơi, tiền của những lãnh đạo cao cấp mà luật pháp bảo vệ họ đến mức không ai dám lên tiếng. Và đó là những gì dồn đến, dẫn đến chuyện Gorbachev nói với người vợ của ông, bà Raisa rằng “Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này”. Nhưng một góc khác của Gorbachev cũng cần phải được nhìn thấy rõ, đó là ông vẫn mang nặng tư duy chủ nghĩa Mác-Lê. Với một tinh thần cải cách đầy tính lãng mạn, Gorbachev vẫn muốn tồn tại một Liên Xô dân chủ hơn và nhân bản hơn, một tập hợp nhất thiết không nên để đổ vỡ. Một tập hợp với mơ ước có dân chủ và không độc tài trên nền khối xã hội chủ nghĩa cũ. Tháng 11-1991, Gorbachev vẫn còn hy vọng khi tham gia soạn thảo “Hiệp ước của các liên bang các nước cộng hòa có chủ quyền – một nhà nước dân chủ liên bang” Nhằm xây dựng một Liên bang Xô viết khác, không theo hình thái cũ. Dự thảo này được công bố vào ngày 27 tháng 11 năm 1991. Một số quốc gia trong Liên bang Xô Viết cũ đã quyết định tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định còn tiếp tục tham gia Liên Minh này nữa hay không, hay sẽ là chọn con đường quốc gia độc lập. Cuộc trưng cầu dân ý quan trọng nhất và gây tác động đến tất cả những quốc gia trong liên bang đó là ở Ukraine. Thay vì trưng cầu dân ý là có nên tham gia liên minh không, chính quyền và người dân Ukraine đã bỏ phiếu cho câu hỏi “Có nên xóa bỏ chế độ Cộng sản Liên xô hay không?”. Đi xa hơn nữa, Ukraine và Belarus còn chuẩn bị cho ra một văn bản tuyên bố hủy bỏ những nền tảng chính trị pháp lý của sự tồn tại của Liên Xô và tuyên bố xóa bỏ sự tồn tại, vốn được ngụy trang dưới sự kêu gọi hình thành Cộng đồng các quốc gia độc lập. Lịch sử có những cung đường kỳ lạ của nó, trong bối cảnh đó, lại xuất hiện một nhân vật khác là Boris Yelstin, người được coi là va chạm gay gắt với Gorbachev cho con đường để thay đổi, nhưng đồng thời cũng hợp nhất vào công việc tạo ra một nước Nga mới. Gorbachev là người tạo ra sóng ngầm, làm chuyển động và sụp đổ tất cả những gì đang mục rữa trong lòng gã độc tài già nua. Nhưng Boris Yeltsin chính là người cưỡi trên ngọn sóng đó, tạo niềm cảm hứng và dẫn đến những cột mốc chấm dứt chủ nghĩa cộng sản trên nước Nga. Dù hai nhân vật này là những người bất đồng với nhau. Nhưng họ đã có những sự phối hợp đầy kỳ lạ để đi đến một kết cục mới. Nếu theo dõi hồi ký của cả Boris Yeltsin lẫn Mikhail Gorbachev, có thể nhìn thấy rằng cuộc cách mạng đầu thập niên 1990 đó, nếu chỉ có một người, thì cả Gorbachev lẫn Yeltsin đều có thể bị các thế lực bảo thủ ở Nga thủ tiêu vào một lúc nào đó. Điều mà người Việt cần nhớ về Mikhail Gorbachev, đó là một nhà chính trị chân thành. Một nhà Chính trị cộng sản mang gương mặt con người. Từ lúc bước vào con đường chính trị đến lúc ra đi, ông trung thành với chủ trương “glasnost” đã đề ra, bạch hóa tất cả những gì nhân dân muốn biết. Chuyện chủ trương công khai thảm họa Chernobyl là một trong những điều mà ông làm thế giới phương Tây phải ngạc nhiên về tính cách của một lãnh đạo cộng sản. Nói trong cuộc họp với Bộ Chính Trị ngày 3 tháng 7 năm 1986, Gorbachev làm lay động cả một bộ máy quen sống trong giả dối và che đậy “Không thể chấp nhận được suy nghĩ rằng chúng ta có thể bị hạn chế trong những biện pháp nửa vời hay lẩn tránh vấn đề. Cần có thông tin toàn diện về sự cố này. Chính sách hèn nhát là một chính sách nhục nhã”. Gorbachev cũng là người đã đưa ra sự thật ở rừng Katyn và chính thức là người xin lỗi thay cho hành động tàn bạo của Stalin.Ngày 25 tháng 11, quốc hội Liên bang Nga bỏ phiếu thông qua nghị quyết thừa nhận vụ cảnh sát Nga sát hại 22.000 sĩ quan và công dân Ba Lan ở rừng Katyn, phía tây nước Nga, năm 1940 do nhà lãnh đạo Josef Stalin ra lệnh. Báo The Moscow News cho biết với tỉ lệ ủng hộ 342/450, Hạ viện Nga đã thông qua nghị quyết dựa trên tài liệu mật thu được từ đầu thập niên 1990. Con số phiếu thuận cho thấy vào thời điểm đó, việc chấp nhận sự thật của các quan chức Liên Xô cũ chỉ mới có được ở mức quá bán mà thôi. Hơn hết, Gorbachev là một người thanh bạch. Ông bước vào chính trường từ tư cách là một người nông dân và bước ra khỏi nó cũng không đem theo mình bất kỳ của cải hay lợi lộc gì. thậm chí lương hưu của ông còn bị cắt xén trong sự ghét bỏ của các quan chức cộng sản còn quyền. Vào thời gian cải cách và những sự thay đổi đầy tính con người nhưng vô cùng kỳ lạ với bộ máy Cộng sản Nga Sô, một cánh bảo thủ đã chi đến 5 triệu đôla, để nhờ một công ty ở phương tây điều tra xem Gorbachev có phải gián điệp của phương Tây hay không, và có những ngân khoản bí mật nào ngoài Liên Xô không? Về sau khi biết được điều này, Gorbachev đã gửi đơn tố cáo đến Viện Công tố, nhưng cơ quan này hoàn toàn im lặng và làm lơ. Những chi tiết này có thể tìm thấy trong “Mikhail Gorbachev- Đời tôi”, phát hành bản tiếng Việt năm 2018. Hôm nay khi ông Gorbachev ra đi, bối cảnh thế giới phức tạp hơn rất nhiều những gì ông đã trải qua. Cộng sản hôm nay tinh ranh và không còn ra vẻ Cộng sản như ngày xưa. Tư bản thực dụng hơn và sẵn sàng thỏa hiệp với tất cả những gì có lợi cho mình. Thế giới đang hòa trộn vào nhau với tất cả những sự hỗn loạn và bất dung của nó. Để nghĩ về một Mikhail Gorbachev, người đã tạo nên bước chuyển của thế giới, nên là ghi nhớ và trân trọng những điều tốt đẹp nhất ông đã làm được. Có lẽ không nên ca ngợi ông như một thần tượng, hoặc căm thù cho đến tận thế hệ sau. Mỗi nhân vật trên trường chính trị đều có những phần đời đúng và sai của mình. Hãy ghi nhớ những điều không thể quay lại. Và cũng cần ghi nhớ không có nhân vật nào có thể bị gán buộc sống mãi trong đời chúng ta, với những tình cảm không có sự thật.  
......

‘Ruồi, muỗi’ chết, còn ‘trâu, bò’ thì sao?

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa bị công an khởi tố thêm về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Trân Văn - VOA Cũng đã có những người chết theo cả nghĩa đen như ông Trần Bắc Hà. Sự “thành đạt” rồi “chết” dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng của những “doanh nhân” dạng này luôn gắn liền với... Những sự kiện mới nhất liên quan đến một số “doanh nhân” nổi tiếng vì có thể “chọc trời, khuấy nước” mà trở thành cực kỳ giàu có, từng khiến công chúng đi từ ngạc nhiên tới ngỡ ngàng rồi đột ngột... rụng cánh làm tiểu nhân liên tưởng đến điều mà xưa giờ thiên hạ thường ví von... “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Đã có không ít doanh nhân “một thời vang bóng” vì “muốn gì được đó” bất kể luật pháp qui định thế nào, thiên hạ bình phẩm ra sao, giờ vừa “thân bại, danh liệt”, vừa rũ tù như Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm),... và đang có những doanh nhân mà số phận sẽ chẳng khác gì, ví dụ như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT AIC), ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT FLC),... Sở dĩ tiểu nhân chỉ đề cập đến hai nhân vật này vì họ là ví dụ mới nhất, minh họa cho kiểu ví von... “ruồi muỗi chết”. Bà Nhàn vừa bị công an khởi tố thêm về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh (1), sau khi đã bị khởi tố về tội danh tương tự vì những sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. May cho bà Nhàn là bà đào tẩu kịp thời nên vẫn còn ngoài vòng pháp luật (2). Ông Quyết cũng vừa bị khởi tố để điều tra thêm về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sau khi bị tống giam cách nay chừng bốn tháng để điều tra về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”. Cứ như những gì cơ quan điều tra chủ động... loan báo rộng rãi dù... vẫn còn đang điều tra, ông Quyết khó mà tránh hình phạt... “tù chung thân” (3)! *** Ai cũng biết sự nghiệp của bà Nhàn, ông Quyết không phải... “tự nhiên” mà trở thành... “đồ sộ”. Không cần giải thích thì ai cũng hiểu tại sao bà Nhàn, ông Quyết có thể dẫn dắt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đi theo để làm... “tiền hô, hậu ủng”. Không có những đối tượng đặc biệt tự nguyện làm “tiền hô, hậu ủng”, AIC của bà Nhàn sẽ không như một... “đế chế” (4). ông Quyết cũng không thể “chỉ đâu” thì nơi đó thành... “dự án” của FLC (5), thổi nhẹ một hơi là giá trị tài sản tăng thêm vài ngàn tỉ. Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn truy nã. Vụ này bị Nguyễn Phú Trọng đưa vào tầm ngắm đặc biệt. Tháng 11 năm 2020, lúc bà Nhàn còn... “hô mưa, gọi gió” trên thương trường, thiên hạ đã kháo nhau bà chính là “người gây sóng gió chính trường trước đại hội 13 của đảng CSVN”, người ta nêu đích danh những ai, đang giữ vị trí nào đã được bà Nhàn móc nối và sử dụng để thắng đủ loại dự án (6), đồng thời kể tên hàng loạt dự án có suất đầu tư cao quá mức bình thường nhưng không khả thi và phần lớn dự án liên quan đến việc cung cấp phúc lợi công công (giáo dục, y tế, bảo vệ môi sinh – môi trường,...) (7). Thế rồi bà Nhàn... “rụng cánh”, hai dự án mà công an nhảy vào điều tra, xác định bà là “bị can” đều dính tới việc sử dụng công quỹ để “bảo đảm... an sinh xã hội”! Cứ như những gì đã biết, có thể bà Nhàn sẽ trở thành bị can của nhiều vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra ở nhiều nơi, nhiều ngành khác nữa... Cứ so sánh những thông tin trước – sau về bà Nhàn, rất dễ thấy, các “thế lực thù địch, phản động”, những “phần tử bất mãn, cơ hội chính trị” thỏa mãn quyền được biết của công chúng Việt Nam tốt hơn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vì loan báo sớm tới vài năm và rõ ràng hơn. Đáng lưu ý, chẳng riêng các “thế lực thù địch, phản động” và những “phần tử bất mãn, cơ hội chính trị”, truyền thông ngoại quốc cũng nhận định bà Nhàn... “rụng cánh” không thật sự vì... vi phạm pháp luật mà vì chuyện... tranh giành quyền lực trong các hệ thống. Hạ tuần tháng 4/2022, ngay sau khi có lệnh truy nã bà Nhàn, Haaretz – một cơ quan truyền thông của Israel - tiết lộ, bà Nhàn giữ vai trò rất quan trọng trong các thương vụ mua bán trang bị, thiết bị quốc phòng giữa Việt Nam và Israel. Theo Haaretz, những thương vụ vừa đề cập đang được lôi ra dùng như vũ khí trong cuộc chiến giành quyền lực giữa các phe, nhóm đã thề… cùng đảng CSVN “phục vụ tổ quốc, nhân dân”, đồng thanh... “bảo vệ sự đoàn kết trong đảng”. Sự nghiệp của bà Nhàn đột nhiên tan tành và bà Nhàn - “doanh nhân” có đủ thứ danh hiệu, phần thưởng cao quý - bị “đập” như đập... “ruồi muỗi” vì thân cận với ông Phạm Minh Chính mà ông Chính thì đang... giao đấu với cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Bộ trưởng Công an (8)... Mới đây, song song với việc Công an Việt Nam loan báo bà Nhàn tiếp tục trở thành bị can của vụ án thứ hai, Intelligence Online – một tờ báo điện tử chuyên cung cấp thông tin hậu trường về hoạt động đối nội, đối ngoại của chính phủ các quốc gia, các thương vụ quan trọng có thể tác động đến cả khu vực công lẫn tư trên toàn cầu (9) – cho rằng, dường như ông Chính (cựu Bí thư Quảng Ninh) có dính líu đến AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và ông Nguyễn Phú Trọng đang “quan tâm đặc biệt” đến điều đó (10). Rất khó xác định mức độ khả tín của thông tin do các cá nhân bị xếp vào những nhóm thuộc các “thế lực thù địch, phản động” hay “bất mãn, cơ hội chính trị” công bố từ năm 2020, cũng như Haaretz, Intelligence Online công bố gần đây vì các “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đồng Nai, rồi Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh đều đã xảy ra cách nay... hàng chục năm. Tuy đã cung cấp không ít thông tin nhưng công an không giải thích vì sao bây giờ mới... “phát hiện” và... “bươi”! Giữa trận bão về tin đồn liên quan đến ông Chính ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, mới đây, UBKT của BCH TƯ đảng CSVN đột nhiên tuyên bố: Bốn lãnh đạo đương nhiệm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai (Phó Bí thư kiêm Chủ tịch, Ủy viên Thường vụ - kiêm Phó Chủ tịch Thường trực, hai Tỉnh ủy viên kiêm Phó Chủ tịch), một cựu Tỉnh ủy viên kiêm Phó Chủ tịch, rồi giám đốc ba sở (Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn)... có vi phạm “đến mức phải kỷ luật” (11). Vi phạm vừa đề cập liên quan đến việc hỗ trợ FLC biến “rừng thông Đắk Đoa” thành “Sân Golf Đắk Đoa”. Ít nhất, công chúng, các chuyên gia, báo giới, thậm chí có cả một số cơ quan hữu trách đã từng luận bàn về Dự án “Sân Golf Đắc Đoa” của FLC suốt năm 2020 (12) nhưng không cản được việc phê duyệt - cho phép FLC thực hiện dự án. Tại sao mấy năm vừa qua, cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không nhìn ra, không thấy rằng, việc cho phép xóa sổ “rừng thông Đắk Đoa” để xây dựng “Sân Golf Đắk Đoa” là “gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, tiền, tài sản của nhà nước, lãng phí lớn nguồn lực đầu tư, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương”?   Tại sao bây giờ, UBKT của BCH TƯ đảng CSVN mới “ngộ” ra rồi “phán” y hệt như thiên hạ từng can gián cách nay hai năm? Tại sao yêu cầu thu hồi quyết định cho phép FLC đầu tư vào “rừng thông Đắk Đoa” chỉ được nêu ra khi ông Trịnh Văn Quyết đã... “rụng cánh” và dù vô tình hay cố ý thì UBKT của BCH TƯ cũng đã tiếp tay, minh họa cho “luận điệu”: Thủ tướng đương nhiệm, Tổng Bí thư đương nhiệm, Chủ tịch Nhà nước đương nhiệm, Bộ trưởng Công an đương nhiệm đang đấu với nhau? Rõ ràng, “đập” FLC và “đập” hàng loạt viên chức lãnh đạo đảng, chính quyền ở Gia Lai bằng nhận định như UBKT BCH TƯ đã nêu trong “Thông báo về kết quả kỳ họp thứ 17” chẳng khác gì “đập”... Chủ tịch Nhà nước? Đầu tháng 4/2021, vào ngày cuối cùng trên cương vị Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phóng bút phê duyệt “chủ trương đầu tư Dự án Sân Golf Đắk Đoa”, nhờ vậy, FLC có thể bắt tay vào việc “chuyển mục đích sử dụng 156 héc ta rừng ở huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai sang mục đích khác” (13). *** Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ông Trịnh Văn Quyết coi như đã... “chết” theo nghĩa bóng. Họ là những nạn nhân tiếp theo của nhóm doanh nhân “một thời vang bóng” vì “muốn gì được đó”, nhờ tự do “chọc trời, khuấy nước” mà trở thành cực kỳ giàu có rồi bỗng nhiên bị hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam lôi ra “đập” cho “chết” như thiên hạ đập... “ruồi muỗi”. Cũng đã có những người chết theo cả nghĩa đen như ông Trần Bắc Hà. Sự “thành đạt” rồi “chết” dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng của những “doanh nhân” dạng này luôn gắn liền với sự thăng - giáng của một nhân vật “hét ra lửa, mửa ra khói”. Có lẽ chỉ Việt Nam mới có những “đại gia” bỗng nhiên trở thành chủ sở hữu khối tài sản kếch xù tới mức “nứt đố, đổ vách” nhưng hóa ra thân phận thật sự chẳng khác gì... “ruồi muỗi”! Chú thích (1) https://tuoitre.vn/cuu-chu-tich-cong-ty-aic-nguyen-thi-thanh-nhan-tiep-tuc-bi-khoi-to-2022081809263779.htm (2) https://thanhnien.vn/truy-na-dac-biet-doanh-nhan-nguyen-thi-thanh-nhan-post1454320.html (3) https://dantri.com.vn/ban-doc/bi-khoi-to-them-toi-danh-ong-trinh-van-quyet-doi-dien-muc-an-nao-20220826084016320.htm (4) https://tuoitre.vn/de-che-aic-group-cua-ba-nguyen-thi-thanh-nhan-lam-an-the-nao-2022043010303425.htm (5) https://kinhtemoitruong.vn/flc-va-nhung-lum-xum-xin-dat-rung-lam-du-an-52007.html (6) https://baotiengdan.com/2020/11/15/nguyen-thi-thanh-nhan-nguoi-gay-song-gio-chinh-truong-truoc-dai-hoi-xiii-phan-1/ (7) https://baotiengdan.com/2020/11/17/nguyen-thi-thanh-nhan-nguoi-gay-song-gio-chinh-truong-truoc-dai-hoi-xiii-phan-cuoi/ (8) https://www.haaretz.com/israel-news/.premium.HIGHLIGHT-israel-vietnam-arms-deals-at-risk-after-arrest-warrant-against-key-middlewoman-1.10772845 (9) https://www.intelligenceonline.com/info/aboutus (10) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pm-pham-minh-chinh-gets-embroiled-in-aic-group-corruption-case-08302022084100.html (11) https://thanhnien.vn/sai-pham-cua-chu-tich-ubnd-tinh-gia-lai-vo-ngoc-thanh-den-muc-ky-luat-post1478577.html (12) https://tuoitre.vn/rung-dak-doa-174ha-thong-co-thu-dep-nhu-mo-co-nen-bien-thanh-san-golf-20201218082339472.htm (13) https://vietnamfinance.vn/news-20180504224251473.htm  
......

Nhìn lại con người và di sản của Mikhail Gorbachev

Ông Mikhail Gorbachev, người chấm dứt Chiến tranh lạnh không cần đổ máu nhưng không ngăn được sự sụp đổ của Liên Xô, qua đời ngày 30/8 ở tuổi 91. Nguồn: “Mikhail Gorbachev has died,” The Economist, 30/08/2022. Người dịch: Đỗ Đặng Nhat Huy Mikhail Gorbachev có hai người hùng trong suy nghĩ, đều là những nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa của thế kỷ 19: Alexander Herzen và Vissarion Belinsky. Các tác phẩm của hai ông tập trung vào phẩm giá cá nhân, và Gorbachev hầu như thuộc lòng tất cả những cuốn sách của họ. Khi chúng được chuyển thể lên sân khấu Nga trong vở kịch ba phần “The Coast of Utopia” [Bờ biển xứ Không tưởng] của Tom Stoppard vào năm 2002, đích thân ông đã đến xem. Và khi buổi diễn kết thúc, ông được mời lên sân khấu để nhận một tràng pháo tay nhiệt liệt, từ những khán giả mà có lẽ vẫn chưa ra đời khi ông nhậm chức tổng bí thư cuối cùng của Liên Xô vào năm 1985. Perestroika (cải tổ) do ông khởi xướng đã không bao giờ đi đến cái đích như ông muốn, về một chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhân đạo – có lẽ vì đích đến đó là một điều Không tưởng. Đối với giới tinh hoa Nga hiện đại, ông là một kẻ kỳ quặc nếu không muốn nói là kẻ phản bội: một kẻ ngu ngốc đã khiến Liên Xô sụp đổ, nhưng lại không tranh thủ kiếm chác từ quá trình đó. Có quyền lực, một cuộc sống thoải mái và số phận của hàng trăm triệu người trong tay, nhưng Gorbachev đã buông tất cả khi từ chức tổng thống Liên Xô vào ngày 25 tháng 12 năm 1991. Trước đó, Gorbachev đã họp suốt tám giờ với Boris Yeltsin, tổng thống Nga và đối thủ truyền kiếp của mình, về quá trình chuyển giao quyền lực. Sau cuộc gặp, ông nằm nghỉ trong văn phòng – một lần cuối cùng. Khi đồng nghiệp thân cận Alexander Yakovlev bước vào, ông ta thấy Gorbachev nhỏ nước mắt. “Anh thấy đấy, Sasha, đó là cách mọi chuyện diễn ra,” Gorbachev nói. Rõ ràng ông không muốn nhìn Liên Xô chết như vậy. Người đàn ông đã kết thúc Chiến tranh Lạnh, người đã thay đổi tiến trình lịch sử thế kỷ 20, không phải là nhà bất đồng chính kiến ​​hay nhà cách mạng. Ý định ngay từ đầu của ông là cải tổ Liên Xô, chứ không phải phá hủy nó. Nhưng thái độ ác cảm với bạo lực và niềm tin của ông vào sự Khai sáng là đủ để kéo sập một hệ thống mà bản thân nó được tạo nên bởi đàn áp và dối trá. Gorbachev sinh năm 1931, ngay sau khi Stalin tập trung quyền lực và phát động phong trào tập thể hóa nhằm xóa bỏ giai cấp nông dân. Ông lớn lên ở miền nam nước Nga, một vùng nông nghiệp trù phú vốn là nơi sinh sống của những người Cossack chưa từng biết đến chế độ nông nô, trong một ngôi làng mang tên Privolnoye, có nghĩa là “tự do.” Ông có hai người ông: một người thích treo các biểu tượng Chính thống giáo; người còn lại treo ảnh chân dung của Marx và Lenin. Như nhiều người thuộc thế hệ của mình, Gorbachev có cái hiểu đời, cẩn trọng và bảo thủ của một người nông dân. Ông cũng có thể lực của một người đã đi làm nông trường từ ​​thuở nhỏ. Chính sự nhạy cảm và bản năng con người đó nhiều năm sau đã cho phép Ronald Reagan thấy ở Gorbachev không chỉ một nhân vật Mác-Lê, mà còn là một người có rất nhiều điểm chung với ông. Cả hai đều tự thân đi lên từ các cộng đồng nông dân nhỏ, đều tin vào sự đứng đắn, và đều mang trong mình cái lạc quan và tự tin của những năm hậu Thế chiến 2. Động lực đưa Chiến tranh Lạnh đi đến hồi kết tới từ cả mối quan hệ giữa hai người đàn ông này lẫn sự kém cỏi của nền kinh tế Liên Xô. Gorbachev, người quan tâm đến việc cải thiện điều kiện sống của người dân hơn là vị thế siêu cường mà ông cho là đương nhiên, không thấy cần thiết phải tiếp tục chạy đua vũ trang. Đó là kết luận hợp lý sau một hành trình dài khởi đầu từ cái chết của Stalin. Khi Nikita Khrushchev xé bỏ chủ nghĩa sùng bái cá nhân Stalin vào năm 1956, Gorbachev chính là một trong những lãnh đạo đảng trẻ tuổi có nhiệm vụ truyền bá thông điệp mới xuống các cấp chi bộ. Từ đó, tách bạch chủ nghĩa Stalin khỏi chủ nghĩa xã hội đã trở thành công việc cả đời của ông. Và khi lên nắm quyền mà không có kế hoạch hay chương trình cải cách nào trong tay, Gorbachev chỉ mang trong mình niềm tin đơn giản rằng, sau 18 năm trì trệ, “Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này.” Ông mang đến cho Liên Xô sức trẻ, năng lượng và – quan trọng nhất – nhân tính. Thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra chỉ một năm sau đó. Vụ tai nạn, mà chính phủ tìm cách che đậy, cho thấy sự rối loạn chức năng, kiêu ngạo và coi thường mạng sống con người của hệ thống Liên Xô. Gorbachev lập tức nắm lấy cơ hội của mình và lên án một hệ thống “bị suy đồi bởi bọn nịnh bợ, đàn áp những người có suy nghĩ khác biệt, chủ nghĩa hình thức, quan hệ cá nhân và gia tộc.” Thay vào đó, ông đề xuất “glasnost,” hay công khai hóa. Ông nói với đảng của mình rằng đây mới là chủ nghĩa xã hội đích thực. Trên tinh thần đó, vào năm 1989 ông tuyên bố cuộc bầu cử cạnh tranh đầu tiên vào Xô Viết Tối cao. Ông cũng đồng ý nên truyền hình trực tiếp cuộc bầu cử. Hàng triệu người đã được thấy Andrei Sakharov, nhà vật lý bất đồng chính kiến ​​được Gorbachev cho phép quay về nước, công khai thách thức vị tổng bí thư. Những ngày đó làm cho độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản sụp đổ, cùng với sự bí ẩn về quyền lực của nó. Đây cũng là tín hiệu cho tất cả các nước cộng hòa thấy rằng Liên Xô đang tan rã. Đến đầu năm 1991, trong nỗ lực tuyệt vọng để giữ lại liên bang, Gorbachev đã liều mình liên kết với các lực lượng đàn áp và đưa xe tăng Liên Xô vào Litva. Để rồi chỉ vài tháng sau, chính lực lượng do KGB lãnh đạo này tổ chức đảo chính và quản thúc ông tại Crimea. Khi cuộc đảo chính sụp đổ và ông trở lại Moscow, Gorbachev chọn về nhà để chăm sóc cho người vợ Raisa vừa bị đột quỵ, thay vì làm một chính trị gia của công chúng. Khi dành tình cảm không giấu giếm cho vợ, Gorbachev đã vi phạm quy tắc bất thành văn yêu cầu các lãnh đạo Nga cắt bỏ hoàn toàn cuộc sống riêng tư. Nhưng một lần nữa, đặt cuộc sống riêng tư lên trên lợi ích phù du của nhà nước là quan điểm chính của ông. Rời khỏi chức vụ không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời ông, cũng như hầu hết những người tiền nhiệm trước. Nhưng không như những người kế vị mình, Gorbachev không có gì phải sợ hãi, và không có của cải để che giấu. Trong những năm đầu tiên sau khi từ chức, ông đã đóng quảng cáo cho Pizza Hut để kiếm tiền. Theo tiêu chuẩn của giới thượng lưu Nga ngày nay, Gorbachev là một kẻ nghèo. Số tiền từ giải Nobel hòa bình năm 1990 của ông đã được dùng để thành lập Novaya Gazeta, một tờ báo tự do của Nga. Khi Raisa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu, Gorbachev đưa bà đến một phòng khám ở Đức và ôm bà trong vòng tay còn nguyên chất nông dân của mình. Sau khi chôn cất Raisa, ông đã đến dự một bữa tiệc hậu trường tại Nhà hát Nghệ thuật Moscow. Ngẫu hứng, một diễn viên đứng lên kêu gọi cựu tổng thống đọc hoặc hát một cái gì đó. Tất cả mọi người đều sững sờ vì xấu hổ, ngoại trừ Gorbachev. Đám đông tản ra tạo không gian cho ông, và Gorbachev đã ngâm bài thơ của Lermontov, “Tôi một mình lên đường. Con đường bạc màu lấp lánh trong sương mờ”. Xem thêm: Gorbachev: Anh hùng bất đắc dĩ Di sản của Mikhail Gorbachev sau 35 năm nhìn lại Gorbachev trở thành nhà cải cách cấp tiến như thế nào? Mikhail Gorbachev: Phản bội trên đỉnh Olympus  
......

Vụ Phạm Đoan Trang – xin chia buồn trước với Đảng Cộng sản Việt Nam!

Hà Sĩ Phu Tiếp xúc với Phạm Đoan Trang tôi thấy cô chỉ là cô gái hiền thục, vui tươi, yêu đời, không hề thấy dấu hiệu của sự đa mưu túc kế hay tính mãnh liệt của một người làm chính trị, nhất là lúc cô say sưa gảy đàn guitare đệm hát. Nhưng những việc làm thông minh và tài năng, xuất phát từ cái Tâm trong sáng và chính trực như viết cuốn Chính trị Bình dân hay tóm tắt hồ sơ Vụ thảm sát Đồng Tâm bằng song ngữ Anh Việt… thì hiệu quả lại rất “chính trị”, khiến cho các nhà chính trị chân chính phải nể phục và kẻ chính trị tà tâm phải hoảng sợ. Vì thế mà cô đã phải chịu cái án 9 năm tù…, bị cắt đứt hoàn toàn tuổi thanh xuân của một đời phụ nữ. Còn nhớ, trong đồn Công an, khi một cậu công an buông lời thóa mạ “Con đĩ vừa xấu lại vừa vô duyên, tao chỉ muốn đái vào mặt”, nói xong toan bỏ đi liền bị Đoan Trang quát lại “Thằng kia quay lại, đứng lên bàn này đái cho bà xem!”. Cậu công an xấu hổ bỏ đi. Phản ứng xuất thần của một cô gái hiền lành chưa chồng quá bất ngờ, chỉ vì trong máu Đoan Trang đã có sẵn cái gien của Bà Trưng Bà Triệu! “Quân tử kiến cơ nhi tác”, bản lĩnh đã cừ khôi thì gặp tình huống nhất định sẽ bật ra hành động cừ khôi. Chỉ lên tiếng nói, không cần cầm đầu một cuộc biểu tình hay một tổ chức chống đối, mà cô dám tin cả một triều đại độc tài, vũ trang đông đặc như quân Nguyên, nhất định rồi sẽ phải sụp đổ nên cô mới quyết chống nó. Xử phúc thẩm, cô bị y án tù 9 năm! LS Trịnh Vĩnh Phúc đã nói: "Nếu nỗ lực bào chữa của các luật sư, sự lên tiếng của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chưa làm thay đổi được quan điểm của quý vị, thì cứ kết án cô ấy. Lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!". Lịch sử của Dân tộc tử tế này chẳng những sẽ xóa án cho cô ấy, mà sẽ còn vinh danh. Bà Trưng Bà Triệu là những Anh thư trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Phạm Đoan Trang vừa dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chống ngoại xâm lại vừa nâng cao Dân trí để đất nước thoát khỏi nạn độc tài cố hữu, thì có phần còn khó khăn hơn. Lịch sử sẽ đi nhanh chậm ra sao chưa thể tiên đoán, nhưng triều đại nào rồi cũng qua đi, nếu nước Việt ta còn thì những Anh hùng cứu quốc quý hóa của giai đoạn này nhất định sẽ phải được vinh danh. Tôi tưởng tượng, nếu bên cạnh phố Bà Triệu, đại lộ Hai Bà Trưng ở Hà Nội mà rồi cũng sẽ có một con phố hay một Đại lộ Phạm Đoan Trang thì sao? Lúc ấy những hậu duệ của tàn dư Cộng sản sẽ lấy làm tiếc rằng tiền bối của họ đã vội vã đang tâm hành hạ một Anh hùng nữ lưu, mà nếu khôn ngoan hơn một chút thì họ đã có thể tránh được điều nhục nhã ấy trước Lịch sử. Hành hạ một người rất tử tế, rất vinh quang của đất nước, lại đã được nhiều tổ chức quốc tế vinh danh, chỉ để giữ yên cái ghế cai trị của mình thì họ đã LỖ VỐN, vì chẳng những không đạt mục đích mà còn mang tiếng xấu đáng hổ thẹn đến muôn đời. H.S.P. (25/8/2022)
......

Mừng quốc khánh Ukraina

Nguyen Khan Nếu biết việc đánh chiếm Ukraina có thể kéo dài hàng tháng, thì có mọc sừng Putler cũng không dám tấn công… Nếu biết sau đúng 6 tháng phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina, quân Nga không chỉ không tạo được bất cứ một bước ngoặt quân sự đáng kể nào, trái lại, còn có nguy cơ tháo chạy… Bởi hiện không còn nơi nào bình yên cho quân Nga trên đất Ukraina, gồm cả bán đảo Crimea…. Nếu biết thế này có cho kẹo Putler cũng không dám tấn công Ukraina. Sở dĩ Putler như kẻ điếc không sợ súng khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina cách đây đúng 6 tháng (24/2-24/8) là vì : - Putler cứ nghĩ Kyiv 2022 là phiên bản Crimea 2014, quân Ukraina sẽ buông vũ khí đầu hàng quân Nga chóng vánh trong vài ngày. - Putler tin báo cáo láo của cơ quan tình báo Nga, rằng nhân dân Ukraina sẽ mang hoa và trải thảm đỏ đón quân Nga vào giải phóng. - Putler tin Nga đang nắm quyền sinh sát năng lượng (than đá, dầu thô, khí đốt) sẽ bắt chẹt EU tạo ra những phản ứng ngược với những quyết định trừng phạt của EU… - Putler tin chẳng nước nào ngu ngốc hi sinh giúp đỡ chính phủ yếu kém Ukraina. Cùng lắm chỉ là những phản ứng trừng phạt chiếu lệ như năm 2014. - Putler tin “thằng hề” Zelensky khó lòng địch nổi Sa hoàng Nga Putler… - Putler tin sức mạnh quân sự Nga có thể ngang ngửa với siêu cường Mỹ, Ukraina chỉ là nước tí hon nhằm nhò gì với Nga. Vì những thông tin sai lệch ấy, cùng với tính tự phụ thái quá của một kẻ gian hùng ngạo mạng, đã đẩy Putler vào hầm đinh Ukraina. Sau đúng 6 tháng nướng không biết bao nhiêu quân, chụm không biết bao nhiêu vũ khí khí tài, làm vơi kho vũ khí khổng lồ thời sô viết, sử dụng tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất, gồm cả vũ khí siêu vượt âm… Nhưng quân Nga chẳng làm nên trò trống gì đáng kể ở Ukraina. Giờ chỉ còn vũ khí nguyên tử là Putler chưa dám sử dụng, chỉ lâu lâu thấy buồn, thấy xấu hổ… đem nguyên tử hù dọa cho đỡ ngượng, nhất là khi chưa biết cách nào vô hiệu hoá được pháo phản lực phóng loạt tầm xa cơ động nhanh HIMARS. Hôm nay, Chính phủ, quân đội và nhân dân Ukraina, dù vẫn đang gồng mình vệ quốc, song cũng đang tự hào mừng ngày sinh Nhật của đất nước… Thì Putler cũng đang đau buồn nhìn lại ngày này cách đây đúng 6 tháng, quân Nga xua quân xâm lược Ukraina gây biết bao đau thương mất mát cho nhân dân và đất nước Ukraina, và cũng đã bị trả giá thích đáng cho tội ác xâm lược ấy. Để giờ đây, những tháng ngày kế tiếp, quân Nga sẽ tiếp tục trả giá khôn lường cho cuộc chiến xâm lược đã trải qua 6 tháng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Càng kéo dài cuộc chiến, cái giá Putler phải trả càng lớn hơn… Xin chúc mừng Quốc Khánh Ukraina. Chúc các bạn sớm đánh đuổi hết giặc thù, xây dựng lại tổ quốc đẹp giàu và an bình ! NK  
......

Rostock-Lichtenhagen 1992: Một cuộc thảm sát được báo trước

Franka Maubach, ZEIT 22-8-2022 Người dịch: Nguyễn Nhật Lệ DĐKP giới thiệu: Cách đây đúng 30 năm, một cuộc bạo động mang tính kỳ thị chủng tộc ở Rostock-Lichtenhagen vốn có thể đã làm nhiều người Việt Nam thiệt mạng. Xin giới thiệu bài phân tích của GS Franka Maubach, người thử truy tìm nguồn gốc của nạn kỳ thị chủng tộc ở Đức. Bài phân tích rất hữu ích cho người Việt Nam đang sinh sống ở Đức, khi quan tâm đến tâm lý xã hội của người bản xứ. May mắn là không ai chết, nhưng tác giả gọi đó là cuộc thảm sát vì như tác giả nhận xét, “Sự leo thang về các tin đồn và định kiến, bản chất cực đoan và thời gian của bạo lực, sự tham gia của người dân, khoảng trống quyền lực bi thảm và sự bất động chính trị cho phép người ta gọi đó một cuộc thảm sát”. Cách đây 30 năm, đối với những người xin tị nạn và lao động theo hợp đồng Việt Nam, bạo lực đã leo thang ở Rostock-Lichtenhagen. Đằng sau điều này là một lịch sử lâu dài về phân biệt chủng tộc, và lan dần qua Cộng hòa Liên bang cũ [Tây Đức]. Từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 8 năm 1992, nhóm bạo lực cánh hữu đã tấn công “Ngôi nhà Hoa Hướng Dương” ở Rostock-Lichtenhagen, chính xác hơn là: tấn công những người sống trong đó. Họ đập vỡ vỉa hè để dùng làm hung khí, ném chúng vào cửa sổ, ném cocktail Molotov và các cây đuốc, cho đến khi tòa nhà bốc cháy. Sau khi trung tâm tiếp nhận những người xin tị nạn ở đó được sơ tán, nơi những người tị nạn chủ yếu từ Đông Âu sinh sống, các cuộc tấn công nhắm vào hơn 100 người Việt Nam trong ký túc xá bên cạnh. Họ chỉ có thể chui qua qua nóc tòa nhà để tự cứu mình. Những người chứng kiến, hàng nghìn người từ khu vực đó, đã cổ vũ cho những tên tội phạm hung hãn và vỗ tay reo hò. Đó là một đám đông nhóm Quốc xã và những người hàng xóm đã hoành hành trước “Ngôi nhà Hoa hướng dương”. Không ai giúp đỡ. Có lúc, cảnh sát đã rút lui, các chính trị gia đầu hàng bằng cách đưa các nạn nhân ra khỏi Lichtenhagen, có nghĩa là nhượng bộ những yêu cầu thô lỗ: “Người nước ngoài, cút đi!”. Sự leo thang về các tin đồn và định kiến, bản chất cực đoan và thời gian của bạo lực, sự tham gia của người dân, khoảng trống quyền lực bi thảm và sự bất động chính trị cho phép người ta gọi đó một cuộc thảm sát. Hình ảnh của bốn ngày đó đã bám chặt trong ký ức cộng đồng. Chúng thường xuyên được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Những năm kỷ niệm tròn nói riêng cho chúng ta một tình thế khó xử: một mặt, chúng gợi nhớ lại những sự kiện lịch sử có nguy cơ bị xóa mờ qua những sự kiện hiện tại. Mặt khác, những hình ảnh quen thuộc thường được liên kết với những cách diễn giải khuôn mẫu đã được tạo ra vào thời điểm đó và từ đó đã trở nên củng cố. Những chuyện ấy ngày nay vẫn phải được xem xét lại. Thay vì chỉ nhìn vào bạo lực bùng phát và các sự kiện trước “ngôi nhà hoa hướng dương”, chúng ta phải đặt các sự kiện trong bối cảnh lịch sử, chẳng hạn phân loại chúng theo lịch sử của thành phố hoặc đối chiếu chúng với các hình thức bạo lực phân biệt chủng tộc, vốn dĩ hơn hẳn và vượt xa các sự kiện lớn ở Hoyerswerda, Rostock-Lichtenhagen, Mölln, Solingen, cũng rất phổ biến. Thay vì tường thuật những gì đã xảy ra theo quan điểm về phía thủ phạm và hành động của họ, chúng ta nên phân tích dựa trên quan điểm của các nạn nhân. Và thay vì chỉ hiểu Lichtenhagen như là lịch sử Đông Đức, chúng ta nên theo dõi các dòng sự kiện liên tục không chỉ liên quan đến CHDC Đức mà còn dẫn đến Cộng hòa Liên bang cũ. Bởi vì diễn ngôn về Đông Đức như là một nước Đức đen tối đã đưa ra và hiện vẫn còn đưa ra một lý do thuận tiện để không phải đối diện với tình trạng phân biệt chủng tộc cụ thể của Tây Đức, vốn đã trở nên đặc biệt độc hại vào những năm 1980. Với sự thống nhất, sự phân biệt chủng tộc ở Đông Đức và Tây Đức sau đó cùng nhau phát triển, củng cố lẫn nhau và gây ra một động lực bạo lực bao trùm cả hai vùng của nước Đức thống nhất và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Các cuộc bạo động phân biệt chủng tộc tại “Ngôi nhà Hoa Hướng Dương” ở Lichtenhagen, khu được xem là kiểu mẫu từ những năm 1970 trước khi trở thành khu nhà ở tiền chế, là một sự kiện đặc biệt bi thảm, nhưng không phải là một sự kiện cá biệt. Lichtenhagen được nhớ đến không ít bởi vì nó đã được ghi nhận và phổ biến gần như tức thời trên các phương tiện truyền thông, trong khi vô số vụ bạo lực khác vẫn không hề được nói đến. Các phương tiện truyền thông đã dựng Rostock-Lichtenhagen như một sân khấu để trình diễn; đôi khi thậm chí còn được tiền cho một màn chào Hitler được ghi vào máy ảnh. [ND: hình ảnh lôi kéo khán giả để câu view hoặc làm quảng cáo]. Trước đây đã từng xảy ra các cuộc biểu tình và bạo loạn trước ký túc xá của các cựu công nhân nước ngoài đến từ Việt Nam hoặc Mozambique: không chỉ ở Hoyerswerda vào tháng 9 năm 1991, mà còn ở nhiều nơi khác. Định kiến ​​đối với lao động hợp đồng đã phổ biến trong thời kỳ CHDC Đức. Họ được tuyển dụng vào khoảng năm 1980 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, để bù đắp cho tình trạng tụt hậu của hiện đại hóa và thiếu lao động, và thường là lao động chân tay nặng nhọc trong các công ty quốc doanh. Mặc dù họ đã được hứa đào tạo về tinh thần “đoàn kết quốc tế”, nhưng thực tế tại chỗ thì khác hẳn – như ở Rostock, nơi nhiều người Việt Nam làm việc khuân vác tại cảng biển, dùng lưng và sức người để mang hàng từ tàu vào bờ. Nhưng lý do gì sinh ra sự phẫn nộ đối với nhóm người này? Ở Đông Đức, người Việt Nam được coi là có đặc quyền Trái ngược với thực tế, người dân Đông Đức coi lao động nước ngoài là đặc quyền. Người ta cho rằng họ có khả năng tiếp cận đặc biệt với ngoại tệ và hàng hóa khan hiếm mà họ sẽ tích trữ trong ký túc xá để buôn bán. Trên thực tế, họ đã gửi một phần tiền lương về nước dưới dạng hàng hóa, qua đó hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, bởi vì báo chí chính thức của đảng cộng sản không đưa ra bất kỳ thông tin nào về lao động nhập cư ngoài khía cạnh ý thức hệ, nên đã sinh ra một mạng lưới tin đồn dày đặc và có tác dụng mạnh mẽ. Bức tranh về “người xin tị nạn giả hiệu” Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt sau khi thống nhất nước Đức, những người lao động nhập cư thường là những người đầu tiên bị sa thải khỏi công ty của họ, thậm chí có người đã bị sa thải vào năm cuối cùng của CHDC Đức. Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao ở Rostock, nơi mà sau năm 1945, một khu vực công nghiệp hàng hải mới đã phát triển, một xã hội công nhân bến cảng bây giờ đang tan rã. Đối với những người lao động hợp đồng trước đây, tự kinh doanh là cách duy nhất để có được quyền ở lại lâu dài. Nhiều người kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ, bán đồ gia dụng, sản phẩm điện tử hoặc thuốc lá. Họ đã phải đấu tranh với nỗi sợ hãi cơ bản về sự sinh tồn cũng như sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử hàng ngày. Cách đây vài năm, nhà báo Christian Bangel của ZEIT đã sử dụng hashtag #Baseballschlägerjahre để lưu hành một thuật ngữ thu hút sự chú ý về bạo lực trong cuộc sống hàng ngày. Trong bộ phim tài liệu truyền hình cùng tên, tâm điểm là các nạn nhân. Ví dụ Nguyễn Đình Khôi, người sống ở Rostock vào thời điểm của cuộc thảm sát. Trước khi thống nhất, anh đã làm việc ở Karl-Marx-Stadt, bị sa thải vào mùa hè năm 1990 và sau đó chuyển đến Rostock để bán hàng tại chợ ở đó. Quầy hàng của anh thường xuyên bị phá dỡ bởi những người phát xít mới. Ngay từ tháng 12 năm 1990, chỉ hai tháng sau khi thống nhất, một bài báo về sự phá hủy quầy hàng của anh đã xuất hiện trên Ostsee-Zeitung. Sau cuộc tấn công này, Nguyễn Đình Khôi cũng tự trang bị vũ khí, với những thanh kim loại và bất cứ thứ gì tiện dụng ở quầy hàng, luôn luôn sẵn sàng phòng thủ. Bởi vì anh ấy đã có kinh nghiệm bản thân về nạn phân biệt chủng tộc, nên ban đầu anh ấy không ngạc nhiên về tình trạng bạo lực ở Lichtenhagen. Anh nói trong bộ phim tài liệu, điều khiến anh kinh hãi là mức độ của nó và sự kiện số đông người dân đã tham gia: “Rất nhiều người! Hàng nghìn người! Họ xem và vỗ tay!” Trong khi lịch sử phân biệt đối xử trong cộng đồng Việt Nam có thể bắt nguồn từ CHDC Đức, sự phẫn nộ đối với những người xin tị nạn chỉ thực sự phát triển từ sau năm 1990. Vào thời điểm đó, quy chế tị nạn của Tây Đức được áp dụng Đông Đức – một sự chuyển giao cơ cấu và thủ tục, điều vẫn chưa được khảo sát một cách thấu đáo trên quan điểm lịch sử đương đại. Nhưng các sự kiện của Rostock-Lichtenhagen cho thấy quá trình chuyển giao này thực sự có vấn đề. Nếu bạn nhìn xa hơn bốn ngày bạo động của tháng 8, bạn có thể thấy rằng tình hình trên thực tế đã trở nên tồi tệ trong nhiều tháng trước – và chính các chính trị gia có trách nhiệm đã làm cho nó leo thang. Trung tâm tiếp nhận dành cho những người xin tị nạn, mở cửa vào tháng 12 năm 1990 trong một phần của tòa nhà ngay bên cạnh khu chung cư của người Việt, nhưng không được chuẩn bị cho một số lượng lớn người tị nạn, trong đó có nhiều Romnja Đông Âu. Suốt ngày họ ở trước “Ngôi nhà Hoa hướng dương”, ăn và ngủ ở đó. Các hộ gia đình lân cận đã phản đối từ rất sớm với những lá thư gửi thành phố: không chỉ chống lại “những người xin tị nạn”, mà còn chống lại những thanh niên Đức hung hãn, mà như họ đã nói trong một bức thư từ tháng 6 năm 1991 là “bẩn thỉu, thối tha, đập phá về đêm” và phản đối “tiếng ồn ào trên đường”. Họ kêu gọi phải thành lập “nhà ở cho người xin tị nạn” ở bên ngoài khu dân cư và lập lại rõ ràng rằng: “Chúng tôi hoàn toàn không bài ngoại!”. Ở Cộng hòa Liên bang, nổi lên hình ảnh “người xin tị nạn giả hiệu” Lời nói và việc làm đã làm chứng cho điều ngược lại. Những định kiến ​​cổ hủ được lưu truyền từ thời CHDC Đức đã bùng phát và trộn lẫn với hình ảnh “người xin tị nạn giả hiệu” vốn đã hiện diện và có ảnh hưởng rất lớn ở Cộng hòa Liên bang [Tây Đức] những năm 1980. “Con thuyền đầy người” [ND: ý nói Boat People] đã được in trên trang bìa của Der Spiegel và đã phục vụ cho đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử. Lúc đó, các phương tiện truyền thông lá cải như SuperIllu, được đọc hàng trăm nghìn lần, đã đưa cuộc tranh luận về vấn đề tị nạn sôi nổi sang phía Đông. Không lâu sau vụ Lichtenhagen, tạp chí này đã xuất bản một phóng sự có tựa đề “Dân chúng phẫn nộ người tỵ nạn” về một ngôi làng ở Sachsen: 200 cư dân, 84 người xin tị nạn. Trong một tổng hợp phức tạp văn bản và hình ảnh, chủ nghĩa chống người Zi-gan và diễn ngôn về tị nạn đã được kết hợp một cách ấn tượng và trộn lẫn với nhau theo một cách độc hại. Hình ảnh một con mèo chết được cho là xác nhận trực quan rằng, “người Zi-gan”, như nó vẫn được gọi ở khắp mọi nơi vào thời điểm đó, đã ăn động vật (trong báo chí địa phương Rostock, con vật đó là mòng biển thay vì con mèo). Những đêm bạo lực Vào thời điểm đó, một số tờ báo đã phát triển để trở thành một phương tiện xã hội trước khi thuật ngữ này thậm chí tồn tại: Những thư độc giả tức giận gởi cho các biên tập viên kêu gọi các chính trị gia giải quyết vấn đề. Ở Rostock, họ thậm chí còn đe dọa bạo lực. Đó là một cuộc thảm sát được thông báo trước: “Trong đêm từ thứ bảy đến chủ nhật, chúng tôi sẽ dọn dẹp ở Lichtenhagen. Đó sẽ là một đêm nóng”, theo Rostocker Anzeiger ngày 19 tháng 8. Nhiều đêm bạo lực diễn ra. Đối với phe cực hữu, họ đã thành công hoàn toàn: Dưới tác động của các sự kiện đó, quyền tị nạn cơ bản đã bị bãi bỏ vào tháng 5 năm 1993. Nhưng không chỉ có cuộc tranh luận về quyền tị nạn đã được nhập khẩu. Chuyên gia về chủ nghĩa cực hữu Anton Maegerle gần đây đã chỉ ra điều đó và cách những người theo chủ nghĩa tân phát xít Tây Đức tiếp tục châm ngòi cho ngọn lửa Đông Đức. Michael Andrejewski, chẳng hạn, đã thành lập “Danh sách Hamburg cho việc cấm người nước ngoài” vào năm 1982 – cùng một năm khi nhà thơ kiêm công nhân Semra Ertan tự thiêu ở Hamburg để phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở Cộng hòa Liên bang. Mười năm sau, Andrejewski đến Rostock để tiếp tục thổi bùng sự tức giận của người dân ở Lichtenhagen bằng những tờ quảng cáo. Các sáng kiến ​​về “cấm người nước ngoài” đã được thành lập ở nhiều thành phố của Đức vào những năm 1980. Nhưng bầu không khí không những chống lại những người xin tị nạn, mà còn chống lại những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ – và chống lại việc định cư lâu dài của họ. Một chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhập cư điên cuồng đã nảy sinh ở mọi cấp độ xã hội, một vũ trụ của riêng với “lòng căm ghét Thổ Nhĩ Kỳ”, như đôi khi người ta vẫn gọi nó. Lúc đó, những ngôi nhà sinh sống của các gia đình gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phóng hỏa vào năm 1984 ở Duisburg-Wanheimerort vùng Tây Bắc và năm 1987 ở Schwandorf thuộc Bavaria. Trong các sự kiện liên tục này xảy ra các cuộc tấn công đốt phá ở Mölln và Solingen vào năm 1992 và 1993, trong đó một số thành viên của gia đình Arslan và Genç thiệt mạng. Chúng không phải là hệ quả của những cuộc tàn sát ở Đông Đức, mà có nguồn gốc riêng, tính cách riêng và nỗi kinh hoàng của riêng chúng. Thực tế là lịch sử bạo lực phân biệt chủng tộc khoảng năm 1990 hiện đang được xử lý chủ yếu không phải nhờ có nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, những người bị ảnh hưởng nhất quyết yêu cầu được làm rõ. Ở Rostock, Hội Diên Hồng là một trong số đó, là hội những người sống sót được thành lập ngay sau cuộc thảm sát, ban đầu chủ yếu để hỗ trợ cộng đồng trong những vấn đề rất thiết thực như tìm việc làm và quyền ở lại. “Hội đồng Di cư” của thành phố, như nó được gọi ngày nay, cũng được thành lập vào tháng 9 năm 1992. Tiếng nói mạnh mẽ của Rostock, như Nguyễn Đỗ Thịnh, người đã ở trong nhà trong lúc bị tấn công và sau đó là một thời gian dài chèo lái vận mạng của Diên Hông cùng với Mai Phương Kollath, đã được củng cố trong những năm gần đây bởi thế hệ trẻ. Dan Thy Nguyen, chẳng hạn, một người thế hệ hai của thuyền nhân Tây Đức, đã phỏng vấn những cư dân của “Ngôi nhà Hoa Hướng Dương” và sáng tác thành một vở kịch và một buổi phát sóng trên đài phát thanh. Với anh, họ không xuất hiện như những nạn nhân thụ động, mà là những người sống sót với kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam, những người biết cách tổ chức bản thân trong trường hợp khẩn cấp và tự thoát thân từ mái nhà. Giống như anh, nhà xã hội học Teresa Koloma Beck, trong một văn bản với tiêu đề khiêu khích “Tôi là người chiến thắng, không phải nạn nhân!”, đã yêu cầu phải đưa ra ánh sáng hành động của những người bị bạo lực, dù nhỏ đến đâu. Nhìn chung, có quá ít thông tin về câu chuyện tự tổ chức của người di cư, đặc biệt lúc nhìn về Đông Đức. Hiểu Lichtenhagen từ nhiều khía cạnh và trên hết là từ quan điểm của những người sống sót sẽ giúp chúng ta mô tả các hình thức phân biệt đối xử và các hành vi bạo lực chính xác hơn và phân biệt rõ hơn giữa chúng với nhau. Một mặt, điều này là cần thiết vì khoa học lịch sử luôn phải được chọn lọc, đặc biệt là hiện nay thuật ngữ phân biệt chủng tộc thường được sử dụng một cách bừa bãi cho các hiện tượng rất khác nhau. Mặt khác, như nhà công luận Carolin Emcke đã viết, “quan sát chính xác, không chỉ phân biệt hời hợt” cũng là một phương thuốc chống lại sự thù hận. Bởi vì chính lòng căm thù đã khái quát hóa mọi thứ. Mặt khác, quan sát cẩn thận có thể tách bạch các nạn nhân với những người khác. Nguồn: https://www.zeit.de/2022/34/rostock-lichtenhagen-1992-pogrom-rechtsextremismus-rassismus/komplettansicht Về diễn tiến, quý vị có thể vào Youtube.com, cho từ khóa Rostock-Lichtenhagen sẽ có nhiều video để xem. Xin quý vị hãy chọn các đài đứng đắn, tránh bị rơi vào Fake News của các phe quá khích, hữu cũng như tả. (Người dịch xin bỏ bớt vài hình cho gọn nhẹ.) FRANK MAUBACH: Giáo sư sử học về lịch sử cận đại và đương đại tại Đại học Wuppertal.
......

Đồng chí Thích Ba Vàng thuộc chi bộ nào?

Trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh làm lễ Cúng Dường hôm 7/8/2022 Bình luận của blogger Gió Bấc - RFA Trận cúng vong năm 2019, đồng chí Nhặt Tiền ghi điểm làm đồng chí Ba Vàng mất chức, nhưng lần tái đấu này e rằng Nhặt Tiền thua trắng mắt. Ngay Hòa Thượng cấp trên Nhặt Tiền còn bối rối không dám nói Ba Vàng thuộc chi bộ nào thì tầm vóc trí tuệ khôn hơn bò của Nhặt Tiền làm sao thắng được! Cuộc chiến Nam Nhặt Tiền thọc gậy Bắc Ba Vàng tuần qua gây bão trên mạng internet lấn lướt cả những vụ nổ bí hiểm trên đảo Crimea và những sân bay, kho đạn nằm trên đất Nga. Công phu kinh tài tâm linh của hai sự đều thâm hậu. Nhặt Tiền có doanh nghiệp Đạo Phật Ngày Nay thì Thích Ba Vàng cũng có công ty Ba Vàng với dự án du lịch tâm linh ở Quảng Nam. Trong đại dịch, Ba Vàng dám liều mạng chơi lớn tổ chức tụ tập cả ngàn người cúng hóa giải nạn dịch cúm vi-rút corona không xin phép nhà nước địa phương.(1) Thích Nhặt Tiền tổ chức cho Tăng đoàn chùa Giác Ngộ làm lễ cầu nguyện cho vắc-xin Nanocovax được lưu hành. (2) May mà Phật Tổ Như lai không chứng đắc, nếu không chưa biết giờ này dân số Việt Nam còn lại bao nhiêu. Chiêu thức khác nhau nhưng cùng pháp môn, chung tổ đường gom nhặt nên biết nhau quá rõ hiểu thấu tận tâm can. Ấy vậy mà năm 2019, Ba Vàng đang triển khai dự án cúng dường giải oan gia trái chung ngon trớn kiếm hàng tỷ đồng mỗi này, bị báo chí phanh phui, Nhặt Tiền cũng đã một lần chọc gậy bánh xe. Ba Vàng mới thu vài trăm tỷ đã phải ngưng, còn bị lột lon cách chức, chịu quê độ ngồi sám hối 49 ngày. Lần này nhân Vu Lan, Ba Vàng mở hội doanh thu cúng dường sớt bát lấy tiền, cũng bị Nhặt Tiền đâm chọt là làm “không phù hợp”. Tuy dưới cơ về phẩm trật, lại vừa mới bị lột lon chức sắc cấp trung ương, địa phương đủ cỡ, Ba Vàng nhất định không chịu thua. Ba Vàng lên Facebook nêu đích danh Nhặt Tiền, vạch áo cho giang hồ mạng xem lưng nào là các chùa nơi Nhặt Tiền làm Phó Trưởng ban Ban Trị sự, “cũng tổ chức khất thực với sự tham gia của nhiều chư Tôn đức Tăng Ni từ Trung ương Giáo hội đến Ban Trị sự các cấp, trực tiếp nhận tiềп cúng dường của Phật tử như chùa Chăntarăngsây (quận 3) ngày 12-2-2013, tổ đình Vạn Thọ (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) ngày 11-8-2013, chùa Kiều Đàm (TP. Thủ Đức) ngày 12-6-2022, chùa Bửu Quang (TP. Thủ Đức) nhân đại lễ Phật đản PL.2566 - DL.2022…(3) Phong cách khẩu chiến từ bi hỷ xả của các đồng chí sư quốc doanh quả thật hấp dẫn thu hút chúng sinh vào cuộc. Nhà giáo Chu Mộng Long đã sáng tác mẫu biếm luận theo phong cách kiếm hiệp của Kim Dung với tựa đề ĐẠI CHIẾN CAO TĂNG về cuộc quyết đấu của hai cao tăng Thích Nhặt Tiền và Thích Thái Vong đặc tả bản chất của cuộc khẩu chiến ganh ăn tức ở mà nguyên nhân khởi đầu như sau: “Chuẩn bị cho Đại lễ Vu Lan, triều đình ra mật chỉ, giao phó cho Giáo hội Thiếu Lâm thu gom tiền vàng trong dân. Tiền vàng trong dân còn rất nhiều, mặc dù đại dịch cuốn phăng 30 ngàn người về Âm phủ. Triều đình bất lực khi đã để sai nha nhổ lông vịt nhổ cả nắm gây hiệu ứng kêu la. Thiếu Lâm tự nhận trách nhiệm nhổ cách nào vịt không kêu mà còn thích nhổ lông. Giáo hội sai Thích Nhặt Tiền vào nam trụ trì Nam Thiếu Lâm. Lại sai Thích Thái Vong tiếp tục củng cố Bắc Thiếu Lâm. Cả hai đều là cao tăng danh bất hư truyền. Người đời truyền tụng: Bắc Thái Vong, Nam Nhặt Tiền. Mỗi bên hùng cứ một phương. Thích Thái Vong bắc loa kêu gọi dân: "Càng nghèo càng phải cúng dường thì mới hết nghèo". Thích Nhặt Tiền cũng bắc loa kêu gọi đại gia: "Càng làm ăn bất chính càng phải cúng dường mới thành chánh quả"….. (4) Kèm theo bài viết còn có cả ảnh minh hoa do cộng đồng mạng chế tác. Cuộc đấu càng sôi nổi, trung ương giáo hội quốc doanh sau 10 ngày im hơi lặng tiếng không còn ngậm miệng ăn tiền mãi được mà phải ú ớ chấn chỉnh cho ra vẻ nghiêm trang. Ngày 19-8, báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin: Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cho biết cúng dường ở chùa Ba Vàng những ngày qua là chưa chuẩn. Hoà thượng Thích Gia Quang lý giải rất lủng củng là “Phật giáo ở Việt Nam gần như không có việc khất thực này, việc khất thực thường có ở dòng Phật giáo Nam Tông. Ngày xưa có vấn nạn giả sư thì họ mới đi khất thực. Còn việc cúng dường, thường thì ai biết tới chùa thì họ mang đến tùy tâm thôi, chứ không đi khất thực rồi nhận tiền. Xã hội bây giờ nhiều việc mà thực ra Đức Phật của chúng ta đã dự đoán được trước. Đó là vấn nạn tín ngưỡng bị biến dạng, biến tướng.” Không bàn đến việc lôm côm phật pháp của các đồng chí sư quốc doanh. Vấn đề quan trọng là đồng chí Hoà thượng Thích Gia Quang đã tiết lột một bí mật tày trời ”chùa Ba Vàng không thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà trực tiếp chính quyền địa phương quản lý”. Khi Báo VietNamNet đặt vấn đề: Một ngôi chùa không thuộc quản lý của tổ chức tôn giáo nào có không đúng với Hiến chương của Giáo hội? Hòa thượng Thích Gia Quang giải thích rõ thêm: “Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định, trước năm 1975 tất cả các chùa đều thuộc Giáo hội, sau năm 1975 thì cũng chỉ khuyến khích các chùa tham gia vào Giáo hội, gia nhập vào danh bạ của Giáo hội. Tuy nhiên, việc không vào các tổ chức tôn giáo như của Ba Vàng thì rất hãn hữu, hàng nghìn chùa mới có một chùa như thế, ở Việt Nam rất ít”. (5) Đây là điều cực kỳ bí mật bất ngờ vì bấy lâu nay, ngay cổng tam quan đồ sộ của chùa Ba Vàng đã ghi rõ dòng chữ “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Quảng Ninh- Chùa Ba Vàng”. Lẽ nào đây là bảng giả hoặc ghi sai. Ai cũng biết rằng dưới chính quyền nhà sản thì mọi tôn giáo chỉ có thể hoạt động với vai trò một tổ chức ngoại vi của Đảng. Về danh nghĩa là Giáo Hội quốc doanh trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc, về mặt nhà nước có Ban Tôn Giáo quản lý nhưng quyền lực giám sát trực tiếp là cơ quan an ninh tôn giáo. Những chùa không gia nhập giáo hội sẽ bị san bằng như chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, Thầy Thích Không Tánh và bao Hòa Thượng, Thượng tọa, cao tăng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không gia nhập giáo hội quốc doanh đã bị tù đày như Hòa Thượng Huyền Quang, Quảng Độ. Gần đây nhất là cụ ông Lê Tùng Vân chỉ vì tu tại gia, không đăng ký với giáo hội quốc doanh mà bị hàm oan, bị kết án oan về những nguyên cớ không đâu. Nếu không thuộc giáo hội quốc doanh, không có sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Ba Vàng không có cục đất chọi chim chứ đừng mơ chuyện đạt nhiều kỷ lục về chùa to nhà rộng và tự tung tự tác vẽ chuyện thu tiền. Hơn thế nữa, ngược dòng thời gian, tháng 7 năm 2019, sau vụ kỷ luật Đại đức Thích Trúc Thái Minh, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng TƯGHPGVN, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết: "Tại cuộc họp của TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), tôi đã báo cáo về tình hình và nhận trách nhiệm trước Giáo hội về sự việc chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, trước đó năm 2015, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã nhiều lần nhắc nhở, có công văn gửi lên TƯ GHPGVN, các cơ quan quản lý Nhà nước. Tôi nhận thấy, lẽ ra phải xử lý kiên quyết hơn nữa để các cơ quan vào cuộc, nhưng để xảy ra sự việc này, tôi xin chịu trách nhiệm"….(6) Như vậy, phải chăng thời điểm 2019, chùa Ba Vàng vẫn còn thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và chịu sự quản lý trực tiếp của Giáo Hội Tỉnh Quảng Ninh và đến nay lại ly khai? Một tình tiết khác cho thấy câu nói “chùa Ba Vàng không thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà trực tiếp chính quyền địa phương quản lý” không hợp lý. Năm 2019, báo chí nhà nước từng đăng ý kiến ông ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết: “Chùa Ba Vàng xây dựng hoành tráng với kinh phí bao nhiêu, họ không báo cáo chính quyền địa phương. Toàn bộ việc sử dụng đất, xây dựng… theo quy định, chính quyền địa phương không thu khoản thuế nào. Nguồn tiền đổ vào chùa gồm các khoản như: Công đức, cúng dường, giọt dầu… những điều này chỉ những người trong chùa mới biết.”. (7) Chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh. Hình: Chùa Ba Vàng Công trình chùa Ba Vàng hoành tráng rộng hàng chục hécta, kinh phí xây dựng hàng trăm tỉ, nguồn thu hàng năm hàng trăm tỷ. Nếu chùa Ba Vàng do chính quyền địa phương quản lý thì tại sao Chủ Tịch TP Uông Bí lại không nắm được những chuyện rất cơ bản này? Bên cạnh những bí hiểm bất ngờ đó lại nổi lên vấn đề rất rõ là uy lực, quyền lực của Thích Thái Trúc Minh và chùa Ba Vàng rất lớn mà tầm mức vượt lên ngoài chức trách của giáo hội quốc doanh. Con đường tu tập và thăng tiến của đồng chí trụ trì chùa Ba Vàng rất thần tốc. Mới quy y năm 2007, chỉ một thời gian ngắn đã ghế trên ngồi tót sỗ sàng cùng lúc nhiều chức vụ từ trung ương đến nhiều địa phương khác nhau, những chức vụ mà rất rất nhiều vị cao tăng tu tập cả đời vẫn chưa có được.  Cũng trong thời điểm ấy, Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ với báo chí một bí mật khác về việc bổ nhiệm chức trụ trì cho Đại đức Thái Minh là theo diện ưu tiên. Bởi, Quảng Ninh là tỉnh có vùng biên, vùng núi, hải đảo, theo đó, GHPGVN rất quan tâm tạo điều kiện cho các chức sắc vùng biên giới, hải đảo. Một số điểm ưu tiên, ví dụ: một vị chức sắc đứng đầu tỉnh có vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa lên Thượng tọa sẽ được lên chức trước ba năm, kể cả những đàn giới, không yêu cầu về số lượng… “ (8) Người tu mà được xét phong chức ưu tiên theo địa bàn biên giới hải đảo nghe sao có mùi chính trị giống như bố trí cán bộ quân đội công an. Cộng đồng mạng có thông tin cho rằng đồng chí Thích Ba Vàng mang hàm đại tá. Ngay trong vụ cúng vong đình đám năm 2019, cách xử lý kỷ luật cũng rất bất thường. Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra nghị quyết nhất trí bãi nhiệm tất cả chức vụ của đại đức Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội, bao gồm: Ủy viên dự khuyết Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban Thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lai Châu; Ủy viên thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, Thích Trúc Thái Minh vẫn đảm nhiệm chức vụ trụ trì chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh. Chức vụ để xảy ra sai phạm ở ngay nơi diễn ra sai phạm vẫn được giữ nguyên. Ngay lần này cũng vậy. Việc đồng chí Ba Vàng tu theo pháp môn Thiền Lâm Yên Tử của Đại Thừa mà lại hành lễ khất thực theo Nam Tông đã là sai pháp, khất thực mà thu tiền lại càng sai. Cái sai này là tiếp nối của việc cúng vong thu tiền ba năm trước, nói nghiêm túc là tái phạm. Hành vi ấy gây bão dư luận nhơ nhuốc cho giáo hội quốc doanh. Nếu nghiêm túc theo pháp giới thì giáo hội phải cho Sư Ba Vàng làm lễ Tần Suất hoàn tục về đời phát triển sự nghiệp kinh doanh Ấy vậy mà ngay cả tiến sĩ Nhặt Tiền cũng chỉ mới dám khều nhẹ là “làm không đúng”. Đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chỉ dám nói là chưa chuẩn.    Về mặt xã hội đây là vụ lợi dụng tôn giáo trục lợi đình đám tầm cỡ quốc gia nhưng ông Phạm Tuấn Đạt - Chủ tịch UBND TP Uông Bí chỉ cử đoàn kiểm tra của TP đã kiểm tra hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa Ba Vàng, đi kiểm tra thường niên. Đoàn đề nghị chùa Ba Vàng rút kinh nghiệm trong việc đưa các video lên mạng xã hội gây ảnh hưởng không tốt. Ngoài ra, đoàn cũng đề nghị nhà chùa gỡ bỏ video về lễ sớt bát cúng dường trong ngày lễ Vu lan tổ chức ngày 7-8 (tức 10-7 âm lịch) trên mạng xã hội. (9) Rõ là lần xáp chiến này Nhặt Tiền thua trắng mắt dù cho sai phạm lợi dụng tôn giáo để trục lợi với hơn 10.000 người của Ba Vàng là có thật chứ không phải là vụ “bắt quả tang” ấm ớ không vật chứng nhân chứng như vụ Tịnh Thất Bồng Lai. Lời mắng chửi kẻ vạch của Thích Ba Vàng nặng gấp triệu lần mấy chữ như con bò. Không phải công an Uông Bí, Quảng Ninh non nghiệp vụ, hoặc kém nhiệt tình hơn công an Đức Hòa. Vấn đề là đồng chí Nhặt Tiền tuổi hạ tuy cao nhưng tuổi đảng chưa chắc đã bằng, chức đạo đã lên đến Thượng Tọa nhưng cấp hàm chưa chắc bằng đại tá Ba Vàng. Cùng làm nhiệm vụ lừa đám dân mê tín gom tiền nhưng sứ mạng đồng chí Ba Vàng quan trọng hơn, trấn nhậm biên giới hải đảo. Ngay đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn ú ớ không biết Ba Vàng trực thuộc chi bộ nào. Chủ tịch TP Uông Bí khóa trước còn không biết thùng tiền Ba Vàng lớn nhỏ. Chủ Tịch TP Uông Bí đương nhiệm chỉ dám thỏ thẻ yêu cầu rút kinh nghiệm. Chứng tỏ uy thế Ba Vàng là rất lớn, nhiệm vụ Ba Vàng là quan trọng. Cấp trên chống lưng cho Ba Vàng càng quan trọng hơn. Nhặt Tiền càng cố đấm ăn xôi càng dễ bị quy tội làm mất đoàn kết nội bộ. Với đảng, mất đoàn kết nội bộ rất dễ vô lò! _____________ Tham khảo: 1-https://zingnews.vn/chua-ba-vang-to-chuc-cung-virus-corona-chua-xin-phep... 2-http://www.vsam1040.com/vi-vn/tin-tuc/tin-viet-nam/%E2%80%98su-quoc-doan... 3-https://www.facebook.com/ThayThichTrucThaiMinh/posts/pfbid0deEFVYf83GVCe... 4-https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid0oeTku5vcdP5UwPH4uMGQ3Qm... 5-https://lifehub.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-len-tieng-vu-cung-duong-o-chua-ba-vang-136108 6-hhttps://vnexpress.net/tru-tri-chua-ba-vang-bi-bai-nhiem-het-chuc-vu-o-gi... 7-https://www.baogiaothong.vn/nhung-su-that-bat-ngo-tu-chua-ba-vang-d41522... 8-https://vietnamnet.vn/tt-thich-thanh-quyet-toi-rat-buon-xin-nhan-trach-nhiem-vu-chua-ba-vang-516581.html 9-https://soha.vn/chua-ba-vang-go-bo-video-chu-tang-ni-nhan-tien-trong-le-vu-lan-20220816151125494.htm  
......

Có ít đồ ngon dâng người khác xơi

Đỗ Ngà   - Thế Giới Kpop Nếu anh là người tạo ra việc làm nhiều hơn số người trong dòng họ của anh, thì rõ ràng anh mang đẳng cấp doanh nhân. Và rất nhiều người sẽ xếp hàng chờ anh gật đầu để họ được vào làm việc để làm giàu cho anh. Còn nếu anh không kiếm nổi việc làm cho bản thân, thì anh mang bản chất của môt anh nhà nghèo. Đó là ranh giới phân biệt đẳng cấp của kẻ giàu và người nghèo. Đối với Nhà nước cũng vậy, Nhà nước nào mà tạo ra số việc làm nhiều hơn nguồn lao động của quốc gia đang có thì đấy là đẳng cấp của một Chính quyền, Chính quyền ấy được sinh ra để làm giàu cho đất nước. Còn nếu Chính quyền nào để dân phải đi tản mát làm culi khắp thế giới thì đấy là bản chất của một Chính quyền ăn hại, Chính quyền này được sinh ra để làm nghèo đất nước. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Canada v.v… là những Nhà nước được sinh ra để làm cho quốc gia cường thịnh. Còn Chính quyền Cộng Sản Việt Nam là loại chính quyền được sinh ra để phá hoại đất nước. Nhật, Hàn, Đài chủ yếu thiếu người cho việc làm nặng nhọc và rủi ro, nhưng Úc và Canada thì thiếu người cho cả những công việc cần được đào tạo với trình độ cao và họ có chính sách nhập cư cho những lao động như vậy. Đây là cơ hội lớn cho các du học sinh muốn “tị nạn kinh tế” sau khi đã “tị nạn giáo dục”. Để được định cư theo diện đầu tư vào Úc hay Canada, thông thường nhà đầu tư phải mất từ 20 đến 50 tỷ đồng mà chưa chắc gì thành công. Cho nên, người ta dùng số tiền hàng triệu đô ấy đầu tư cho con cái đi du học rồi sau đó tìm kiếm cơ hội định cư là một giải pháp không tồi chút nào. Được làm công dân của Úc, Canada là một đặc ân cho cuộc đời của con người nên người ra không ngại đầu tư tiền lớn để có được nó. Hiện nay trên các diễn đàn của các du học sinh, người ta tư vấn nhau về việc nên học ngành nào để có thể dễ dàng nộp hồ sơ xin visa định cư vào Úc, vào Canada. Điều này cho thấy, thị trường tị nạn kinh tế thông qua con đường du học đã hình thành từ lâu. Như nước chảy vào chỗ trũng, làn sóng di cư từ Việt Nam đến những quốc gia này là không thể ngăn được. Nó hình thành một cách tự nhiên vì sự khác biệt về xã hội, về mức sống, về môi trường v.v… Với khoảng 2 tỷ đồng/năm, phụ huynh có thể đầu tư cho con học hết đại học mà chỉ mất có 8 tỷ đồng. Sau khi học, nếu có việc làm thì con cái của họ đã tự túc về tài chính và tự lo về thủ tục xin visa nhập cư. Như vậy, với khoảng 24 tỷ đồng (tương đương 1 triệu đô la) thì một gia đình có thể lo cho 3 đứa con đi du học nước ngoài và tìm kiếm cơ hội định cư sau đó. Cách đầu tư du học cho con để tìm kiếm cơ hội định cư là cách đầu tư nhất cử lưỡng tiện, con cái vừa nhận được một nền tảng giáo dục chất lượng, vừa có cơ hội định cư một nơi đáng sống để thoát khỏi “địa ngục” đầy lừa lọc hại nhau như ở Việt Nam. Ở phía ngược lại, các quốc gia phát triển họ hút được nguồn lao động chất lượng đóng góp cho sự phát triển đất nước mà không phải tốn tiền đào tạo (tiền đào tạo do du học sinh tự trả). Chính quyền Cộng sản đang bỏ phế giáo dục rất rõ ràng. Với ngân sách cho giáo dục chỉ bằng 1/14 ngân sách cho Công an thì đủ thấy chính quyền Cộng sản coi nhẹ việc trồng người như thế nào. Để có giáo dục tốt thì phải có triết lý giáo dục đúng, quản trị ngành tốt, và đầu tư ngân sách lớn. Thiếu một trong ba thì giáo dục đã là thất bại chứ đừng nói thiếu cả ba như nền giáo dục Việt Nam. Nền giáo dục Việt Nam đang là đống đổ nát, nhân lực nó tạo ra đa phần là kém chất lượng, trong đó kém về tri thức và kém về phẩm chất con người. Trong số nhân lực nó tạo ra ấy, cũng có số ít có chất lượng. Số có chất lượng ấy, đa phần tìm cách này hay cách khác cống hiến cho đất nước khác để tìm kiếm cơ hội định cư. Phần còn lại là để dành cho đất nước. Với bản chất công an trị, Chính quyền Cộng sản thà đem tiền đổ vào công an chứ không đầu tư giáo dục, thì mãi mãi không thể nào phá vỡ được thị trường tị nạn giáo dục như hiện nay. Còn Cộng sản thì còn hiện tượng đem chất xám “dâng hai tay” cho nước ngoài, vẫn cứ diễn ra ngày một nghiêm trọng mà thôi.  
......

Tiệc xác người

Tân Phong - Việt Tân Một năm trước đây, người Saigòn chứng kiến những đoàn xe cứu thương, xe tải chất đầy những xác người quấn chặt trong băng nylon, túi xác, những quan tài gỗ tạp xếp hàng dài hàng km trước lò thiêu Bình Hưng Hòa. Một năm trước, hàng triệu người lao động tha hương đã tháo chạy khỏi các thành phố phía Nam, bất chấp sự cấm cản và đe dọa của giới chức CS. Một năm trước, những cánh tay đói khát vươn ra ngoài hàng rào khu tập trung cách ly kêu xin những gói mì tôm, chai nước. Một năm trước, hàng vạn gia đình con mất cha, vợ mất chồng, tang tóc phủ kín trời… Cơn ác mộng vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh khủng khiếp khi cơn ôn dịch Cúm Tàu tràn vào những đô thị Miền Nam   Đúng một năm trước đây, có thể coi là đỉnh điểm ghê rợn nhất của trận đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán bên Tàu, sức tàn phá hủy hoại của nó được tiếp sức bởi các chính sách ngu dốt của CSVN đã cướp đi sinh mạng hàng vạn người. Khi đó, những cảnh báo và khuyến cáo khoa học của giới chuyên môn cũng như của Việt Tân vạch trần chính sách phòng dịch phản khoa học, duy ý chí và khẩu hiệu của Hà Nội sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng bất chấp, lãnh đạo Hà Nội xua đám sai nha, côn an đi bắt hốt, truy vết và nhốt hàng trăm ngàn người dân vào các trại tập trung không có hỗ trợ y tế, phong tỏa các thành phố khi không đảm bảo về hậu cần và hỗ trợ an sinh. Thay vì chuẩn bị nguồn vaccine để chủ động tiêm phòng, giới cầm quyền trong suốt thời gian dài từ tháng Hai, 2020 đến giữa năm 2021 vẫn chỉ tập trung vào truy vết, phong tỏa, xét nghiệm bằng những kit thử Việt Á độc quyền nhập Tàu dán nhãn “made in Vietnam” để chia nhau lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ. Chúng đã kiếm ăn, làm tiền bằng sinh mạng của hàng vạn người dân và giờ đây chúng còn ngang nhiên mở tiệc xa hoa ăn mừng khi “hạ cánh an toàn.” (Cảnh báo này của Việt Tân thậm chí “được” VTV1 dành hẳn một phóng sự cảnh báo “Phòng chống tin giả, luận điệu xuyên tạc, chống phá chính sách phòng dịch đúng đắn của Việt Nam.” Nhưng chỉ 2 tháng sau đó, những gì diễn ra là một thảm họa nhân đạo khủng khiếp ở các tỉnh thành phía Nam.) Thời gian đó, người viết có việc về ngoài Bắc rồi bị kẹt lại do không có phương tiện để quay về Nam khi các chuyến bay, xe khách, tàu hỏa đều không còn hoạt động. Cơn đại dịch ở ngoài Bắc thì đỡ khủng khiếp hơn trong Nam. Vì công việc mưu sinh nên tôi phải đi lại qua nhiều tỉnh. Cứ 3 ngày lại phải đi xét nghiệm một lần, chầu chực xếp hàng ngoáy mũi ở các bệnh viện, cơ sở y tế, chờ đợi kết quả trở thành ám ảnh khủng khiếp. Lúc đầu thì hơn 700k cho một lần xét nghiệm PCR, rồi sau lấy mẫu ghép cùng với mấy anh chị đi chợ rau, mỗi lần xét nghiệm hết hơn 300k tùy theo qui định của CDC các tỉnh. Tính ra, mỗi tháng hết đến 4,5 triệu tiền ngoáy mũi, chưa kể phải đi lại, xăng cộ, chờ đợi khổ sở. Ròng rã gần 1 năm trời, cái mũi bị hành hạ đến mất cả thính giác, kiệt quệ cả tài chính lẫn sức khỏe. Nhưng tình cảnh đó còn may mắn hơn nhiều những anh chị em làm công nhân ở Bình Dương, Saigòn nằm trong phòng trọ nhịn đói, hoảng loạn tột độ khi nghe tin những người bạn trong xóm trọ lần lượt ra đi trong cơn đau đớn. Có những gia đình cả ông bà, cha mẹ đều chết vì Covid-19 để lại những đứa trẻ mồ côi bơ vơ. Chỉ riêng Saigòn có đến hàng vạn trẻ mồ côi sau cơn ôn dịch đi qua. Nếu như không có cuộc chiến tranh quyền đoạt vị trong nội bộ đảng CSVN, vụ án Việt Á với sự tiếp tay, thông đồng của Bộ Y Tế, Bộ Quốc Phòng, Học Viện Quân Y, hệ thống CDC của 63 tỉnh thành phố, hệ thống chính trị chính quyền các cấp… liên quan đến “tội ác thế kỷ,” trục lợi từ dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ không bao giờ được mang ra ánh sáng. Trong vụ việc này, người viết ghi nhận sự quyết đoán và tinh thần “không có vùng cấm, bất kể đó là ai” của phe “đốt lò” và ngài Bộ Trưởng Tô Lâm. Cho đến nay, mặc dù kết quả điều tra vẫn là “bí mật” nhưng gần một trăm viên chức liên quan tới vụ Việt Á đã đi tù, bị tam giam, chờ điều tra. Đó là lời khẳng định về những thông tin cảnh báo, những phóng sự và phân tích dự báo chính xác của Việt Tân đã liên tục đăng tải từ khi xuất hiện dịch Covid-19. Sự trục lợi của bầy” kền kền Đỏ” là rõ ràng. Chính sách ngu xuẩn của đám lãnh tụ là rõ ràng. Vấn đề bây giờ là người dân cần yêu cầu nhà cầm quyền có trách nhiệm đền bù tổn thất cả về kinh tế lẫn tinh thần cho hàng triệu nạn nhân. Hàng vạn người đã chết vì chính sách vô nhân và ngu xuẩn của Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính. Những tổn hại to lớn về nhân mạng, cho đến sự suy kiệt của nền kinh tế. Ai phải chịu trách nhiệm cho những quyết định ngu dốt và sự trục lợi của những tập đoàn ma quỉ ăn xác người như Bộ Y Tế, Học Viện Quân Y, những kẻ đứng sau Việt Á…? Thế mà, giờ đây, những kẻ như giám đốc CDC Quảng Ninh và “CLB CDC miền Bắc” ngang nhiên tổ chức những bữa tiệc xa hoa mừng nhau “hạ cánh an toàn.” Vậy thì, cái khẩu hiệu “không có vùng cấm, bất kể đó là ai” của ông Tổng tịch liệu còn có giá trị hay không? Chỉ là một viên chức nhàng nhàng như giám đốc CDC các tỉnh, tiền đâu để tổ chức một buổi tiệc hàng tỷ đồng như thế? CDC Hải Phòng và Quảng Ninh là những cái tên lẽ ra phải đứng đầu trong danh sách điều tra của Bộ Công An. Đặc biệt là CDC Hải Phòng ngay từ đầu đã bị phát hiện sai phạm trong việc mua sắm máy móc xét nghiệm… Hay những thành phần trong “CLB giám đốc các CDC miền Bắc” đã có được một sự bảo kê ngầm to lớn để nằm ngoài sự trừng phạt pháp luật và công cuộc “đốt lò” của ông Trọng? Mới đây, ông Chánh Án Viện Kiểm Sát Tối Cao Lê Minh Trí đề nghị dự luật cho phép tội phạm tham nhũng nộp lại tiền tham nhũng gọi là “khắc phục hậu quả” để được tha bổng và không bị truy tố hình sự. Có thể nói, đây là một “bước tiến” dài tiến lên… chế độ, nhà nước thổ phỉ. Lời đề nghị trắng trợn của Lê Minh Trí khiến dư luận bất bình. Ngay cả những kênh thông tin “lề phải” trên mạng xã hội có tiếng là “yêu đảng, yêu bác Trọng” như ChangchangTV cũng phải lên tiếng phản bác và bày tỏ sự thất vọng trước xu hướng chính trị cực kỳ đáng ngại này. Giả thuyết đặt ra là nếu như tội phạm tham nhũng 1.000 tỷ bị phát hiện phải nộp lại 200 tỷ “khắc phục hậu quả,” 200 tỷ để chạy án vẫn còn 600 tỷ để tha hồ hưởng lạc mấy đời. Công thức “làm giàu không khó” theo tinh thần “hy sinh đời bố, củng cố đời con” này đang là công thức chung cho cán bộ đảng viên CSVN có chức có quyền. Chính vì thế mà “lò” ông Trọng càng “đốt” thì càng lắm “củi” và “củi” ngày một nhiều. Trong tội ác thế kỷ liên quan đến Việt Á, Vingroup, AIC, Bộ Y Tế, Học Viện Quân Y, hệ thống CDC và ủy ban nhân dân các tỉnh thành… không thể đơn thuần là một vụ án tham nhũng bởi nó đã gây ra một thảm họa quốc gia, làm hàng vạn người chết, nền kinh tế bị hủy hoại… tổn thất to lớn không thể đo đếm hết. Nếu như ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ Công An CSVN thỏa hiệp với các phe phái, băng đảng đứng sau tội ác tày trời này, thì uy tín và tính chính danh của đảng cầm quyền, chính thể chính trị hiện thời hoàn toàn không còn một mảnh vụn. Mong rằng, sau những phản ánh của mạng xã hội, việc điều tra và xử lý vi phạm của “CLB giám đốc các CDC miền Bắc” và ông cựu giám đốc CDC Quảng Ninh sẽ được thực hiện, đảm bảo được tính thượng tôn luật pháp và cam kết “không có vùng cấm, không có ngoại lệ dù bất kỳ đó là ai.” Tân Phong
......

Tương lai của Việt Nam và nền giáo dục băng hoại không thể cứu vãn

Ông Hiệu Trưởng Nguyễn Trúc Lê cầm trượng vàng, đeo "xích," mặc áo thụng choàng đỏ như một vị giáo chủ trong buổi lễ tốt nghiệp Trường Kinh Tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Ảnh: Kênh Tuyển Sinh Tân Phong - Việt Tân “…Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia…” – Nelson Mandela Trích đoạn trên trong một bài phát biểu nổi tiếng của cố Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela – người được coi là biểu tượng hòa bình và người chiến sĩ đấu tranh vì nhân quyền không mệt mỏi, giải thưởng Nobel Hòa Bình… một chính trị gia kiên định với đường lối đấu tranh “bất bạo động” và chủ nghĩa lý tưởng của những tư tưởng gia vĩ đại như John Locke, John Dewey… Trong phiên thảo luận quốc hội ngày 31 tháng Mười, 2019, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, đại biểu của tỉnh Khánh Hòa đã dẫn lại trích đoạn này khi nói về những thực trạng đáng buồn trong ngành giáo dục Việt Nam. Không chỉ có bà Thu mà nhiều phát biểu thẳng thắn khác của bà Nguyễn Thị Minh Hiền, đại biểu Phú Yên cũng nhận được rất nhiều tình cảm và tin tưởng của người dân. Tuy vậy, những góp ý thẳng thắn và trí thức đó, giữa một nghị trường không có bóng Nhân Dân, đã rơi tõm vào hư không. Những kỳ họp quốc hội sau này, ngày càng thưa vắng những gương mặt và tiếng nói ít nhiều có thể truyền tải các vấn đề của cuộc sống dù vẫn biết vai trò của những vị đại biểu quốc hội chỉ là thứ trang trí lòe loẹt cho một thể chế chính trị đã bị hoại tử lương tri. Bộ Giáo Dục vừa công bố tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2022 là 99,16%. Một FBker mỉa mai “tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục Việt Nam đã đạt tới tỷ lệ phân kim – một tỷ lệ gần tuyệt đối. Chỉ có chưa đầy 1% không đạt. Với một ‘chất lượng vàng’ như thế thì cần gì phải tổ chức một cuộc thi tốn kém hàng trăm tỷ đồng ngân sách và vất vả cho cả thày trò như vậy?” Còn nhớ, năm 2007, thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm bộ trưởng Bộ Giáo Dục, từng khởi xướng phong trào chống tiêu cực trong thi cử và làm nghiêm công tác thanh tra kỳ thi phổ thông trung học. Tỷ lệ tốt nghiệp khi đó đã rớt xuống chỉ còn 67,5%, tức 1/3 thí sinh không đạt tiêu chuẩn và qua được kỳ thi tốt nghiệp. Kết quả đó khiến Bộ Giáo Dục choáng váng, xã hội choáng váng khi có những trường tỷ lệ tốt nghiệp đạt dưới 50% và rất nhiều học sinh giỏi suốt cả 12 năm phổ thông nhưng lại trượt tốt nghiệp. Chỉ 1 kỳ thi làm nghiêm công tác thanh kiểm tra và chống tiêu cực đã làm lộ ra cả một nền giáo dục quốc dân giả dối, yếu kém. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, dưới áp lực trong ngành và hệ thống chính trị đã khiến cho ngài bộ trưởng từ chối là một “Thiện Nhân.” Đồng thời cái công cuộc chống tiêu cực trong thi cử do ông ta khởi xướng bị ném vào sọt rác. Những giáo viên từng tích cực chống tiêu cực trong ngành sau đó bị trù dập, bị ép ra khỏi ngành và thậm chí bị đe dọa hành hung, bôi nhọ… Giờ thì không có giáo viên nào dám đứng lên chống tiêu cực nữa. Và nhờ đó, rất nhanh chóng, thành tích thi cử của nền giáo dục nước nhà lại “nhất tất cả,” thành tích năm sau cao hơn năm trước. Với đà này, chẳng mấy chốc, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học ở Việt Nam sẽ đạt 100% và giáo dục Việt Nam tiến tới phổ cập cử nhân, thạc sĩ. Được biết, 100% công chức cấp quận huyện thành phố Hà Nội hiện nay có bằng thạc sĩ trở lên và bằng cao cấp lý luận chính trị hoặc một bằng luật. Cả nước có hơn 60.000 tiến sĩ, thạc sĩ là công chức cấp huyện, xã. Thế nhưng trái với những tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông ở mức chất lượng “phân kim,” trái với số lượng kỷ lục mỗi năm có nửa triệu cử nhân, kỹ sư ra trường và hàng chục ngàn thạc sĩ, tiến sĩ ra lò…Cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước lẫn doanh nghiệp FDI luôn than phiền với chất lượng đào tạo của đội ngũ lao động có bằng cấp cao nhưng không đảm bảo cả về kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc và kỷ luật kém. Chưa kể đến lao động Việt Nam rất thiếu khả năng làm việc nhóm, sức khỏe yếu và ngoại ngữ luôn là yếu điểm chưa bao giờ được cải thiện. So sánh chất lượng của lực lao động Việt Nam với các nước trong khu vực, trong một cuộc phỏng vấn của báo vneconomy.vn với bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng Ban Ban Nghiên Cứu Kinh Tế Ngành và Lĩnh Vực (CIEM), cho biết mặc dù thị trường lao động Việt Nam đã có nhiều chuyển biến nhưng chất lượng nguồn lao động còn thấp. Việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, chiếm 75,3% năm 2019, cao đẳng và trung cấp chỉ 24,7%. “Như vậy, chúng ta chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020,” bà Quỳnh cho biết. Điều đáng nói là trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.” Người viết có một cô em làm giáo viên tiếng Anh ở một trường điểm trong Nam. Từng là du học sinh, tốt nghiệp cử nhân văn chương bên Úc Châu, Vân có trình độ và văn hóa cao. Nhưng khi trở về nước, để được nhận vào dạy hợp đồng ở một trường phổ thông cơ sở ở Biên Hòa, cô vẫn phải “chạy” một khoản tiền kha khá và nhờ đến quan hệ của chồng là một viên chức hải quan. Sau 5 năm đua chen, Vân tỏ ra cực kỳ thất vọng và bất mãn, cô thường kể cho người viết về những vấn nạn học đường. Từ chuyện phải nâng điểm cho những học sinh cá biệt dưới sức ép của giáo viên chủ nhiệm, phó hiệu trưởng chuyên môn để thành tích lớp luôn có tỷ lệ giỏi, tiên tiến ở mức cao ngất ngưởng, áp lực từ việc phải bảo đảm giáo trình dạy học, thi đua, bình chọn… sự suy đồi của một “bộ phận không nhỏ” thày cô giáo đến tình trạng học sinh ngày một hư hỗn, những hoạt động vô bổ, hình thức khiến cho không chỉ học sinh mà giáo viên luôn ở tình trạng quá tải, kiệt sức. Cô thường đặt câu hỏi như “học những cái đó để làm gì? Tại sao lại có những qui định quái gở như thế?”… Tháng trước, Vân thông báo đã nghỉ dạy học ở ngôi trường mà cô đã mất hàng trăm triệu để chạy vào và đang chuẩn bị mở một kênh dạy tiếng Anh online. Có thể nói, giáo dục Việt Nam hiện tại là hình ảnh và hệ thống phản ánh trung thực hiện trạng xã hội và thể chế chính trị Việt Nam. Nó hình thức, nặng nề, lạc hậu, đầy áp lực và tệ nạn giả dối, tham nhũng, băng hoại đạo đức. Nó sản xuất ra mỗi năm hàng triệu những sản phẩm hư lỗi về trí năng, èo uột méo mó về đức dục lẫn thể chất. Tính dối trá được huấn luyện từ nhỏ, tất cả phải chạy theo thành tích bằng cấp trong một guồng máy quan liêu và độc đoán, phô trương tới dị hợm. Hình ảnh mới đây của một ông hiệu trưởng Trường Kinh Tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội trong buổi lễ phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên trông giống như một “giáo chủ” khi tay cầm trượng, đeo xích vàng, mặc áo thụng đỏ và bộ mặt như một mâm thịt không dấu nổi sự hãnh tiến và ngạo mạn. “Chiếc áo không làm nên thày tu,” chất lượng của một trường đại học, một nền giáo dục không thể hiện ở tỷ lệ tốt nghiệp cao, số lượng tiến sĩ, thạc sĩ nhiều mà thể hiện ở chất lượng tay nghề của lực lượng lao động, trình độ chuyên môn của đội ngũ kỹ sư, ở những sản phẩm khoa học, công nghệ, phát minh cũng như ý thức luật pháp, đức tin và phẩm hạnh của quốc dân. Cái thói “học để làm quan” ăn sâu vào não tủy của dân tộc này. Mục đích học không phải để trở thành một người có lương tri, đạo đức, năng lực và trí thức thực sự mà học để có bằng cấp cao, để leo trên quan trường, để tìm kiếm cơ hội “vinh thân phì gia,” “ăn trên ngồi trốc.” Giờ đây, căn bệnh thâm căn này của người Việt lại càng được mặc sức nảy nở bởi một thể chế chính trị dung dưỡng sự xảo trá, lưu manh, tôn sùng quyền uy, kim tiền, coi rẻ đạo đức và thực tài. Trí thức là đối tượng thành phần xã hội đầu tiên mà những người Cộng Sản thanh trừng “đào tận gốc, trốc tận rễ” khi họ nắm quyền. Cho đến ngày hôm nay họ chưa hề thay đổi. “Hồng hơn chuyên,” “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, tam hậu duệ”… đó là thang tiêu chuẩn để lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ trong bộ máy công quyền. Nó không có chỗ cho những người có thực tài và nhân phẩm. Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền nước CHXHCNVN Lý Đức Trung trình quốc thư lên Tổng Thống Israel Isaac Herzog. Ảnh: Dân Tộc & Phát Triển Mới đây, đọc bài “Cán bộ nguồn” của Loc Duong trên tờ Chân Trời Mới Media mà tí sặc cơm. Rồi lại được chiêm ngưỡng dung nhan của ông đại sứ Việt Nam trong một bộ “áo dài khăn vấn” đi trình quốc thư với tổng thống Isarel mà không khỏi bàng hoàng tưởng rằng Việt Nam đã quay lại cái thời Bắc thuộc. Vâng, tất cả những trò lố, dị hợm, người ngợm khả ố này nó cũng đều là kết quả của nền giáo dục định hướng của một thể chế chính trị đồi bại và phản động tạo ra có tên là XHCN. Chừng nào thể chế chính trị và nền giáo dục này còn tồn tại thì tương lai của quốc gia này sẽ là “ngàn năm tăm tối” – đúng như lời tiên tri của Ronald Reagan. Tân Phong Pháp sư cúng tháng cô hồn Hay là đại sứ trình làng quốc thư ?    
......

Những điều không bình thường của một cái chết?

Thao Ngoc Liên quan vụ nam cán bộ đột quỵ chết tại tư gia nữ Bí thư Tỉnh uỷ, trong khi chồng không có nhà hôm Chủ nhật, 7 Tháng Tám, 2022. Dư luận lại phát hiện thêm tai tiếng của vị lãnh đạo tỉnh này. Cụ thể, Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc từng gây tranh cãi hồi năm ngoái với vụ bổ nhiệm thần tốc con gái Trần Huyền Trang, 31 tuổi, vào ghế phó giám đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh này. Tuổi trẻ như Trần Huyền Trang thì nếu là con của dân đen dù tài có cao chắc cũng phải vài chục năm nữa mới leo được lên chức phó Giám đốc Sở! *** Ngày hôm qua(10/8), báo Dân Trí đưa tin về trường hợp một cán bộ đang công tác tại UBND huyện Vĩnh Yên(Vĩnh Phúc) nhân ngày nghỉ cuối tuần vừa qua, đi thăm nhà nữ bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc -Hoàng Thị Thúy Lan, bỗng nhiên bị đột quỵ, được đưa vào bệnh viện Lạc Việt cấp cứu ,và đã chết sau đó vài giờ.   Nội dung này sau đó cũng được một số báo đưa tin. Và những điều bất thường quanh vụ việc này:   Bản tin ban đầu của báo DânTrí tuy không nêu tên bà Lan, nhưng cho hay sự việc xảy ra tại “nhà bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc,” nhưng mau chóng bị sửa lại thành “tại nhà một lãnh đạo Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc.” Bản tin này dẫn lời một nguồn tin ẩn danh: “Anh ấy [ông H.] là nhân viên bình thường, không có chức vụ gì ở Phòng Kinh Tế. Do cùng quê, nên gia đình anh ấy rất thân thiết và thường xuyên qua lại với gia đình bí thư. Thời điểm ông H. tới chơi nhà, bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc đang đi vắng.” Sau đó cả ba bài trên báo Dân Trí và những báo khác như VOV;Pháp luật .v.v. chỉ tồn tại vài giờ sau, tất cả bản tin này trên hầu hết các trang mạng đều bị “bay màu”!   Tên nạn nhân được viết là ông H,52 tuổi, quê Nghệ An, là đồng hương chùng chồng bà Hoàng Thị Thúy Lan. Nhưng không báo nào ghi rõ họ tên, và không đưa hình ảnh ông H này, gia đình nạn nhân từ chối việc giải phẩu tử thi. Ngay lập tức trong ngày, Báo Công an nhân dân có bài: “ Nhân viên Phòng Kinh tế UBND TP Vĩnh Yên đột quỵ” Báo này khẳng định rằng: Công an  Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trước dư luận râm ran nhiều thông tin không đúng.   Theo đó: công an thành phố  Vĩnh Yên đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, trích xuất camera và lấy ý kiến của các bên liên quan. Ông H. có tiền sử bệnh lý về tim mạch. Sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc này, nhiều thành viên trong gia đình ông H. đã ký vào văn bản từ chối phẫu thuật khám nghiệm tử thi của cơ quan Công an. (https://cand.com.vn/.../nhan-vien-phong-kinh-te-ubnd-tp.../) Chưa có thời gian điều tra làm rõ, không phẫu thuật khám nghiệm tử thi, chỉ vài giờ sau mà đã biết dư luận nghi ngờ về cái chết bất thường là không đúng?   Về cái chết đột quỵ tại cơ quan hay tại nhà là việc bình thường. Các báo khi đưa tin này đều nói rõ danh tính và địa điểm mà không có gì phải giấu giếm. Vì vậy việc các báo đưa tin tuy không nêu rõ danh tính, và sau đó đồng loạt bị gỡ bài, điều này làm dân mạng dấy lên nghi ngờ có điều gì đó giữa ông H. và bà Thúy Lan cần phải giữ bí mật, chẳng hạn như “quan hệ không trong sáng”, nên những bài báo này bị nhanh chóng gỡ xuống.   Việc CA TP Vĩnh Yên đã tiến hành trích xuất camera và lấy ý kiến của các bên liên quan, càng làm tăng thêm mối nghi ngờ, rằng CA cần biết những gì đã xảy ra tại hiện trường trước, trong và sau khi ông H bị đột quỵ. Chính việc gia đình nạn nhân từ chối khám nghiệm tử thi ông H., dư luận càng đặt nhiều nghi vấn về mối quan hệ giữa ông H. và vợ chồng bà Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan.   Người ta nói nếu bà bí thư (và chồng bà) đi vắng thì ông H. đến đó… chơi với ai đến nỗi bị chết bất đắc kỳ tử như thế?   Trước đó, tên tuổi bà Hoàng Thị Thúy Lan được biết đến như một “nữ chính trị gia có năng lực”. Tuy nhiên, năm 2015 bà đã bị phê phán vì những vi phạm, khuyết điểm như: Quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với một số cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện “cục bộ”, “không bình thường”;… và hàng loạt sai phạm khác.   Đến năm 2021, bà Thúy Lan tiếp tục bị kiểm điểm về công tác tổ chức, trong đó có chuyện con gái bà là bà Trần Huyền Trang, chỉ mới 31 tuổi, đã được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư. Quyết định này sau đó bị hủy bỏ dù bà Thúy Lan khẳng định việc bổ nhiệm con bà đã được thực hiện đúng quy trình.   Mặc dù thế, trong năm 2021, bà Thúy Lan vẫn tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy, và Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVI với phiếu bầu đạt 100%.   Một đặc điểm nữa là bà Hoàng Thị Thúy Lan rất đẹp gái. Tuy không có gì nổi trội, xuất thân chỉ là một giáo viên Trung học cơ sở, nhưng lại đươc thăng quan tiến chức dù dù, đến nay gần như là tột đỉnh. Rất có thể với đà thăng tiền này, rồi đây bà Lan là một ứng viên sáng giá trong việc giành ghế Tứ trụ.   Thế mới biết bà Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cũng không phải… dạng vừa đâu. Và dù cho ông H có chết kiểu gì, chết như thế nào, thì rồi đây những mối nghi ngờ về cái chết của ông ấy sẽ theo ông xuống mồ.   Và mọi người sẽ biết rằng, ông H chết là vì ông ấy không thể sống được nữa.. Amen.   Thao Ngoc 11/8  
......

Tại sao lúc nào cũng lảm nhàm " thế lực thù địch"?

Tổng thống Vladimir Putin - cựu Tổng thống Israel Shimon Peres Nguyễn Xuân Nghĩa Cựu Tổng thống Israel nói 1 câu khiến tổng thống Putin lặng người Nội dung cuộc nói chuyện tại buổi gặp mặt cuối cùng giữa cựu Tổng thống Israel Shimon Peres và Vladimir Putin gần đây đã được công bố. Ông Peres đã chân thành giải thích cho Putin, rằng tất cả sẽ mất hết và không còn gì có thể cứu vãn được, vì tất cả các nỗ lực hiện nay của ông Putin đang trở nên vô ích vì sẽ không thể đạt được bất cứ điều gì. Ông Peres nói với ông Putin: “Anh đang ở độ tuổi 63, còn tôi đã 93 rồi, thế anh muốn đạt được điều gì trong 30 năm tới? Anh đang đấu tranh vì điều gì? Vì dân tộc anh hay vì muốn là kẻ thù của người Mỹ chăng?” Ông Putin nói: “Không phải”. Ông Peres nói tiếp: “Nước Mỹ muốn chiếm một phần nước Nga chăng? Không, giữa anh và Obama có những vấn đề không hiểu nhau chăng?” Ông Putin hỏi lại: “Tại sao ông lại nói vậy?” Ông Peres trả lời: “Hãy nghe tôi đi, tôi không phải là gián điệp, anh có thể tâm sự với tôi về tất cả”. Ông Putin hỏi tiếp: “Thế ông nghĩ sao?” Và ông Peres liền trả lời: “Hoàn toàn không phụ thuộc vào những gì anh gây ra, nước Mỹ sẽ vẫn chiến thắng”. Ông Putin hỏi: “Tại sao?” Ông Peres trả lời: “Vì họ là những người hạnh phúc, còn anh thì không”. Ông Putin [cười] Và ông Peres nói tiếp: “Khi một người Mỹ tỉnh dậy vào buổi sáng, anh ta nhìn thấy gì? Đất nước Mexico ở miền Nam, và họ đón nhận những người Mexico ở đất nước mình. Nước Canada ở miền Bắc, người Canada chẳng phải là những người bạn tốt nhất trong thế giới này”. “Vậy thì Obama còn phải lo lắng gì nữa?” “Còn anh, khi anh thức dậy vào buổi sáng, anh có biết rằng ai là hàng xóm của anh không?” “Trung quốc, Afganistan, Nhật Bản? Lạy Chúa! Họ biết rõ rằng anh có rất nhiều đất đai, và anh không chia cho họ một tấc nào. Anh sở hữu tới 20% nước ngọt, nhưng lại không cho ai một giọt nào. Bởi vậy, khi tuyết tan ở vùng Siberia, điều đầu tiên mà anh sẽ nhìn thấy đó là những người Trung Quốc. Bởi vì hiện ở Viễn đông họ có mặt rất nhiều nhưng lại có rất ít người Nga”. Ông Peres cũng đề cập vấn đề thứ hai với ông Putin: “Nước Mỹ là đất nước có sự phân bổ hợp lý nhất giữa diện tích đất đai và dân số. Ở nước Nga sự phân bổ đó là tồi nhất. Hai mươi triệu cây số vuông. Ôi, lạy Chúa!” “Nhưng đất nước của anh không có đủ ngần ấy người. Người Nga sẽ chết dần. Đừng ảo tưởng trước những điều nịnh nọt và tán dương. Không ai không tha thứ cho anh đâu. Tại sao người Nga chỉ sống có 62 năm, trong khi người Mỹ thọ đến 82 tuổi?” Ông Peres lạnh lùng nói tiếp: “Anh hành xử như một vị Sa Hoàng”. “Các vị Sa Hoàng đã làm gì? Họ đã xây dựng hai thành phố, St. Petersburg và Moscow, như một cái tủ kính trưng bày. Dù anh muốn hay không, anh sẽ thấy điều đó. Những phần còn lại của Nga chẳng khác nào đất nước Nigeria, nhưng phủ đầy tuyết. Những người dân đang hấp hối. Anh không cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh có nghĩ rằng họ liệu sẽ tha thứ chăng?” Ông Peres ngưng lại rồi hỏi: “Tại sao nước Mỹ tươi đẹp?” Ông Putin trả lời: “Bởi vì họ là những người hay viện trợ”. Ông Peres lại hỏi tiếp: “Tại sao Châu Âu có nhiều vấn đề?” Ông Putin trả lời: “Bởi vì họ thủ cựu” Ông Peres tiếp tục giải thích: Nước Mỹ hay đem cho, mọi người nghĩ rằng đó là vì họ hào phóng. Tôi nghĩ rằng đó là bởi vì họ là những người khôn ngoan. Nếu anh hay đem cho, anh tạo ra bạn bè. Việc đầu tư hữu ích nhất đó là gây dựng nhiều bạn bè. Người Mỹ có can đảm chấp nhận kế hoạch Marshall, đem một lượng lớn GDP của họ để cho một Châu Âu đang hấp hối. Và như vậy, họ đã chỉ ra rằng đó là sự đầu tư tốt nhất trên thế giới. Không có một quốc gia Châu Âu nào mà không trải qua thời kỳ đế chế, Sa Hoàng. Người Pháp và người Anh, người Bồ Đào Nha… và tất cả. Và điều gì đã xảy ra? Họ đã bị ném ra ngoài và không còn gì. Nước Anh, một đế quốc lớn nhất, nơi mà mặt trời từng chưa bao giờ lặn, có tất cả các đại dương, và rồi người thổ dân da đỏ tốt bụng đã đuổi họ đi và không để lại gì cho họ, ngoài ba hòn đảo nhỏ, để rồi người Anh không biết phải làm gì. Cuối cùng ông Peres chốt hạ một câu khiến ông Putin lặng người: “Tin tôi đi, kẻ thù và hận thù là tổn thất lớn nhất trong cuộc đời. Anh đang đầu tư vào sự ngu ngốc”.
......

Cần ủng hộ việc Hà Nội khôi phục loa phường?

Thao Ngoc   Vừa qua tân chủ tịch Hà nội Trần Sĩ Thanh đã có “ chiếu chỉ” sẽ khôi phục hệ thống loa phường mà lãnh đạo Hà Nội trước đây đã bãi bỏ.   Điều này đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Nào là các cụ già không được yên lúc nghỉ trưa, trẻ em mất tập trung vào việc học, nào là đám ma người ta đang khóc than thảm thiết nỗi đau thì loa hát bài Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Nào là thời đại 4.0, thông tin loan truyền nhanh như chớp và đến tận cùng…hang hóc của các bà, thì cần gì loa phường? Bọn thù địch còn cho rằng, đây là hành vi vi phạm hiến pháp, pháp luật, một hình thức khủng bố, tra tấn tinh thần, xâm phạm quyền được sống trong môi trường không bị ô nhiễm âm thanh của công dân. Thôi thì đủ thứ hầm bà lằng.   Nói loa phường đã bị khải từ là không đúng.   Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương khẳng định, Hà Nội chưa bao giờ "khai tử" hệ thống loa phường mà chỉ điều chỉnh cách vận hành, nội dung thông tin. Do đó, thông tin thành phố "khôi phục lại" hệ thống loa phường là chưa chính xác. (https://cand.com.vn/.../thong-tin-ha-noi-khoi-phuc-lai.../) Nghĩa là cái loa phường chưa tắt thở, cái thân xác của nó chưa hề thối rữa và chưa bị phân hủy như bọn thế lực thù địch rêu rao. Đừng “nằm mơ bắt con tưởng bở” nhé. Điều này xét về khoa học là rất đúng. Vì “ Mọi vật không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác khác mà thôi”.   Sau đây là những lợi ích to lớn của cái loa phường .   1.Về vai trò lịch sử của loa công cộng đối với đời sống tinh thần xã hội chủ nghĩa. Nhờ loa công cộng mà miền Bắc VN từ năm 1960 đã xây dựng HTX nông nghiệp. Trâu bò ruộng đất và của cải của dân đều phải bỏ vào HTX, để “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”.Từ năm 1961, Tố Hữu đã gọi miền Bắc là thiên đường rồi(Miền Bắc thiên đường của các con tôi-Bài ca xuân 61). Nhờ vậy mà hiện nay VN được gọi là xứ thiên đường. Vì vậy mà dù “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”   2.Đợt dịch vừa rồi, cán bộ ta phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để gặp gỡ, tuyên tuyền, thậm chí phải huy động lực lượng vũ trang xốc nách, gô cổ các cá nhân hoặc chống đối, hoặc mù thông tin tham gia vào công việc chung. Vì vậy loa công cộng sẽ thay cho việc làm nói trên.   Nhờ đó mà"Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"   Tốn kém ư? . Cột điện có sẵn của nhà nước. Hệ thống dây loa đài cũng của nhà nước. Về nhân lực thì hiện nay khối người đang thất nghiệp, thì đây là dịp để thêm việc làm. Còn tiền bạc thì vô biên, thiếu tiền thì cứ in ra,in ra, như ý kiến của TBT Lê Duẩn trước đây.Tư bản nó mới sợ lạm phát chứ ta là chuyên chính vô sản việc gì phải sợ?   Ngày nay cũng không sợ kẻ phá hoại cắt dây, vì dùng loa không dây. Còn chặt cột điện thì không ai dám. Thiếu cột điện thì đã có cột điện bên Mỹ đang ào ạt xin visa nhập cảnh vào VN. Đến vong phương Tây vì đói mà cũng đang xin visa vào VN(ý của ma tăng Thích Chân Quang) huống chi cột điện.   Chẳng những là cần củng cố và xây dựng hệ thống loa phường kịp thời và rộng khắp. Mà đề nghi ông bộ trưởng 4 T Nguyễn Mạnh Hùng trong khi còn “Phải khởi động nghiên cứu 6G trong năm 2022 và đưa Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về công nghệ 6G”; Thì ông Hùng cần nghiên cứu để cài con chip điện tử trong đầu mỗi người(như con chip trong CCCD vậy), để từ đó người dân chỉ tiếp thu thông tin do TG và lính ông Hùng đưa ra. Để kiểm soát được những ý nghĩ bất hảo trong đầu bọn phản động, nhằm tránh hậu họa của những kẻ đang âm mưu lật đổ nhà nước CHXHCN VN.   Để kiểm soát gái mại dâm và chống thất thu, có người đề xuất gắn con chip nơi háng các em cave để mỗi khi “phịch phịch” là biết nhắm tính số lần để thu thuế.   Vậy thì con chip gắn vào đầu người việc gì mà không làm được?   Nhưng cái mục đích chính của loa phường là trừng trị những kẻ ngang đầu cứng cổ, không chịu tiếp thu thông tin chính thống được hàng trăm hệ thống truyền hình trung ương và địa phương phát ra hàng ngày, cùng với hơn 800 tờ báo các loại phát hành đều đặn, nếu không ai mua thì cấp cho các địa phương. Vì dân chúng khi mở tivi, họ chỉ thích xem cái muốn xem, muốn nghe. Còn cái nhà nước muốn tuyên truyền họ sẽ chuyển kênh, không muốn nghe. Nay với cái loa phường oang oang hàng ngày là buộc họ phải nghe những điều nhà nước muốn tuyên truyền.   Nhà thơ Thuận Hữu, nguyên TBT báo Nhân Dân từng nói rằng: “Có lẽ không có nước nào như VN, mở máy ra thấy chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai, chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay”.   Thì nay cái loa phường là thuốc đặc trị hữu hiệu nhất nhằm át những tiếng chửi ấy.   Cần hưởng ứng khôi phục lại loa phường để tuyên truyền CNXH. Để trấn áp các thế lực thù địch, phản động. Để những người già hồi xuân, về lại với thiên đường đã bị đánh mất. Để cho những kẻ hay chửi như Thuận Hữu nói thì rất cần loa với tiếng hát át tiếng chửi.   Loa phường sống mãi trong sự nghiệp xây dựng XHCN của chúng ta muôn năm (Bốn Lần).   Thao Ngoc 5/8
......

Tàu đang bị một “bà già gân” dồn vào thế bí

Đỗ Ngà Sau hơn 6 tháng khai chiến quân Nga đang đuối sức trước vũ khí Mỹ tại Ukraine. Cho đến nay, giá dầu thế giới đang giảm chứng tỏ vũ khí năng lượng của Nga đang dần bị vô hiệu hóa. Về khí đốt, EU vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào Nga, tuy nhiên vào giữa năm 2023 thì các nước EU, đặc biệt là Đức cũng sẽ tìm nguồn cung khí đốt thay thế.   Như vậy, cường quốc quân sự số hai thế giới xem như bị hạ bệ, cả uy tín và uy lực của Nga đều bị bóc mẽ. Nga trở thành cường quốc tầm thường trong mắt thế giới. Xem như Mỹ và Phương Tây đã thành công hạ bệ một gã côn đồ nguy hiểm. Sự hạ bệ này không phải bởi Mỹ và Phương Tây chủ động mà phía chủ động là Putin. Putin ảo tưởng sức mạnh nên tự lột truồng nước Nga cho thế giới thấy khả năng thực sự của họ.   Tình hình Đài Loan và Trung Quốc khá giống Nga và Ukraine. Trung Quốc đang nổi lên là cường quốc cả quân sự lẫn kinh tế. Về quân sự, Trung Quốc đang đầu tư số lượng vũ khí và số quân áp đảo. Tuy nhiên, với chiến tranh hiện đại thì vấn đề ở chất lượng chứ không phải số lượng. Hầu hết vũ khí Tàu đều do Tàu sản xuất tương tự vũ khí Nga cũng do Nga sản xuất. Cả Nga và Tàu đều chủ yếu là PR bằng những thông tin dạng bài viết hoặc clip quảng cáo chứ chưa được kiểm chứng thực tế. Về công nghệ quốc phòng, Trung Quốc chỉ đang tiệm cận Nga chứ thể chưa với tới tầm như Mỹ và Phương Tây.   Hôm qua, ngày 1 Tháng Tám, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ đã tiêu diệt được thủ lĩnh Al Qaeda Ayman Al-Zawahiri bằng máy bay không người lái khi ông này đang đứng ở ban công căn nhà được cho là cực kỳ an toàn của ông tại Afghanistan. Điều đáng nói là lãnh thổ Afghanistan hiện nay thuộc quyền cai trị của Taliban nhưng Mỹ vào đây ám sát thủ lĩnh Al Qaeda như vào chốn không người. Điều đặc biệt là máy bay không người lái đã ám sát đúng đối tượng cần ám sát mà không gây thiệt hại đến người khác. Đây là chiêu “nhá hàng” của Mỹ trước Trung Quốc.   Ban đầu, khi thông báo trên Twiter, bà Nancy Polosi không đề cập đến Đài Loan trong Tweet, tuy nhiên khi bà lên đường thì phía Nhà Trắng cho biết bà Polosi sẽ đến Đài Loan. Đây là hành động lấn tới của Mỹ khá rõ ràng. Niềm kiêu hãnh của cường quốc kinh tế số hai thế giới, cường quốc quân sự thứ ba thế giới bị Mỹ phớt lờ, đấy là nỗi nhục không thể nào nuốt trôi. Trung Quốc “phùng mang trợn mắt” là điều đương nhiên. Dù đang ở chiếu dưới cũng phải to mồm chứ nếu câm họng là chấp nhận “thua non”. Vậy nên Trung Quốc làm dữ là điều không có gì khó đoán.   Phía Trung Quốc dàn trận xem ra rất ghê gớm, tuy nhiên, phía Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng bảo vệ chuyến đi của bà Polosi đến Đài Loan. Phía Mỹ gần như họ vẫn làm những gì họ muốn làm và phớt lờ lời đe dọa từ Trung Quốc, dù cho đó là lời nói từ miệng ông Tập. Điều dễ thấy là phía Mỹ chỉ có làm mà không nói, còn phía Trung Quốc thì đang làm mình làm mẩy trông có vẻ dữ dằn lắm, nhưng thực ra họ đang bị dồn vào thế buộc phải lộ nguyên hình thực lực như Nga.   Phía Trung Quốc đã từng đem 1,4 tỷ dân ra dọa Mỹ, tuy nhiên, Mỹ biết Trung Quốc chỉ có 2,5 triệu người cầm súng. Trong khi đó Mỹ đang có ưu thế công nghệ để thay thế con người nên 2,5 triệu quân của Tàu không phải là ưu thế làm cho Mỹ phải sợ. Và nếu vì chuyến đi của bà Nancy Polosi mà xảy ra chiến tranh hạt nhân thì e là không có khả năng này. Còn nếu Trung Quốc muốn chơi thì đấy lại là một Ukraine thứ nhì, cơ hội để Mỹ lột mặt nạ con hổ Tàu như đã lột mặt nạ gấu Nga trong mấy tháng qua.   Việc lớn mạnh của Tàu thì tất sẽ dẫn tới cuộc tranh hùng như hôm nay mà thôi. Nếu Tàu nổ súng, Tàu sẽ bị lột mặt nạ, nếu Tàu không nổ súng mà chỉ đấu võ mồm thì xem như khôn ngoan. Thế trận hôm nay là cửa thua dành cho Tàu, đó là Tàu chọn cách thua như thế nào mà thôi. Nên thua mà không mất hay thua mà phải ôm đầu máu như Nga tại Ukraine? Đấy là do ông Tập chọn.   Tàu là con hổ đang lên, nếu để nó lớn hơn nữa mới tranh hùng thì thiệt hại còn kinh khủng hơn. Mỹ lựa lúc này để đè đầu Trung Quốc sau khi đã lột truồng Nga là thích hợp.   Chuyến đi này của Polosi thực chất là sứ mệnh lột mặt nạ Tàu. Đó mới là mục đích chính. Bà Nancy Polosi không chỉ là chính trị gia lão luyện trên chính trường Mỹ mà bà còn có tầm nhìn chiến lược cho nước Mỹ trên trường quốc tế. Thực tế nước Tàu đang bị một bà già gân ép phải hiện nguyên hình là hổ thật hay hổ giấy. Điểm 10+ cho người đàn bà thép này./.  
......

‘Người Nga không có gì tương đương’: HIMARS giúp Ukraina như thế nào

Hệ thống do Mỹ sản xuất đã đánh bật bước tiến của Nga và là vũ khí được lựa chọn ở sườn phía đông của NATO. John Psaropoulos 26 tháng bảy 2022 Biên dịch: GaD M142 HIMARS, Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao do Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraina, đã trở thành biểu tượng cho tình trạng dễ bị tổn thương của Nga. Tại khu vực phía nam Kherson bị chiếm đóng, các áp phích đã xuất hiện vào tháng Bảy với hình ảnh hệ thống HIMARS và những lời đe dọa trừng phạt người Nga vì tội “cướp bóc, giết người, hãm hiếp, hủy diệt”. Giờ đây, các nước Đông Âu lo lắng nhất về một cuộc tấn công trong tương lai của Nga, đang tự trang bị vũ khí. Ba Lan và các nước Baltic đã rút ra bài học rằng họ là một trong những vũ khí hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn bước tiến của Nga ở Ukraina, và đang đặt hàng hàng trăm hệ thống phóng với chi phí hàng trăm triệu USD. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak hôm 26/5 thông báo rằng ông đã yêu cầu 500 bệ phóng HIMARS cùng với đạn dược – một con số khổng lồ mà ông cho biết sẽ liên quan đến việc hợp tác sản xuất rộng rãi. Estonia sẽ mua sáu bệ phóng và đạn dược trị giá 500 triệu đô la, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết vào ngày 15 tháng Bảy, Latvia đã công khai yêu cầu 300 triệu đô la cho các bệ phóng và tên lửa một tuần sau đó. Và Lithuania dự kiến ​​sẽ làm theo. “Thỏa thuận bỏ chặn Odesa sẽ không thể thực hiện được nếu không có HIMARS. Hiện tại rất rõ ràng rằng chiến tranh sẽ kết thúc sớm hơn nếu chúng tôi vũ trang cho Ukraina nhanh hơn”, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho biết vào ngày 22 tháng Bảy, đề cập đến thỏa thuận của Nga cho phép các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraina qua Biển Đen. Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Kusti Salm cho biết: “Vùng Baltic sẽ trở thành một sân khấu chiến tranh duy nhất đối với Nga, giải thích về sự phối hợp trong khu vực về mua sắm quốc phòng. Latvia và Estonia đã thảo luận về việc mua ATACM (Tên lửa Chiến thuật Lục quân) 300km mới nhất, cho các bệ phóng của họ. Từ biên giới Estonia, chúng có thể dễ dàng tấn công St Petersburg. Từ Latvia, họ có thể tiến được nửa đường tới Moskva, cản trở bất kỳ lực lượng xâm lược nào rất lâu trước khi nó đến biên giới. Từ biên giới Ba Lan và Litva, họ có thể tấn công hầu hết mọi nơi trên lãnh thổ Belarus, đồng minh khu vực duy nhất của Moskva, có lãnh thổ được sử dụng làm bãi tập kết để tấn công Kiyv. “Chúng ta sẽ buộc kẻ thù của chúng ta phải trả giá bằng sự xâm lược. Nếu họ biết chúng tôi có thể tiêu diệt một số loại mục tiêu, họ sẽ phải bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế. Tuy nhiên, chúng đắt hơn đáng kể. Ông Salm cho biết việc tấn công Estonia, các nước Baltic và NATO sẽ trở nên phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều. Các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ sẽ đưa một tên lửa phóng từ HIMARS thậm chí tiên tiến hơn, Tên lửa tấn công chính xác (PrSM), với tầm bắn 500 km (310 dặm), vào thực địa vào năm tới. Nếu nó được cung cấp cho các đồng minh trong khu vực, họ sẽ có thể tấn công ở khu vực phụ cận Moskva. Điều gì làm cho HIMARS hiệu quả như vậy? Ukraina được cho là đã làm hư hại kho đạn, sở chỉ huy và hệ thống phòng không của Nga khi chỉ sử dụng 8 bệ phóng HIMARS, mỗi bệ có 6 ống phóng được trang bị tên lửa GMLRS thông thường (Hệ thống tên lửa phóng nhiều hướng dẫn) với cự ly 80 đến 120km (50 đến 75 dặm). Những bệ phóng này đi vào hoạt động tại Ukraina vào ngày 25 tháng Sáu. Đến ngày 16/7, Bộ Quốc phòng Ukraina cho biết Kyiv đã phá hủy ít nhất 30 trung tâm hậu cần nằm sâu sau chiến tuyến của kẻ thù. Một tuần sau, các nguồn tin Lầu Năm Góc của Mỹ nói về 100 mục tiêu giá trị cao đã bị tấn công. Các cuộc tấn công đã làm hỏng chiến lược của Nga. Các lợi ích lãnh thổ chính của Moskva ở các khu vực phía đông Luhansk và Donetsk là nhờ vào sự tập trung của hỏa lực có ưu thế vượt trội. Quân đội Ukraina sống sót sau cuộc rút lui chiến thuật trên các mặt trận đó nói về việc không thể làm gì khác ngoài việc ẩn nấp. Tấn công vào các trung tâm hậu cần của Nga đã cho phép Ukraina làm suy yếu nguồn sức mạnh của Nga. Về phần mình, các quan chức Kreml bác bỏ tuyên bố của Kyiv, phản bác rằng các lực lượng Nga đã tấn công kho đạn HIMARS ở Ukraina. Thiếu tướng Australia đã nghỉ hưu Mick Ryan tin rằng HIMARS đã “thay đổi tính toán chiến trường trong cuộc chiến vì Ukraina”, cho phép người Ukraina theo đuổi cái mà ông gọi là “chiến lược ăn mòn” khả năng và tinh thần của Nga, điều này đã mang lại chiến thắng cho họ trong trận chiến giành Kyiv. Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling đã gọi HIMARS là “kẻ thay đổi cuộc chơi”, giúp Ukraina giành được lợi thế. Điều làm cho HIMARS trở nên lý tưởng cho công việc này là độ chính xác của hệ thống. Konstantinos Grivas, người dạy các hệ thống vũ khí tiên tiến tại Học viện Quân đội Hy Lạp, cho biết: “HIMARS, cùng với GMLR, đạt được độ chính xác đáng kể khi tấn công. “Người Nga không có gì tương đương vì những hệ thống này được người Mỹ phát triển như một loại pháo bắn tỉa để sử dụng trong những môi trường khó khăn như Fallujah [ở Iraq], nơi bạn phải bắn trúng mục tiêu chính xác vì nó bị bao vây bởi dân thường. “Nếu có một tòa nhà mà bạn nhận được hỏa lực từ bên trong môi trường đô thị, bạn nhắm vào tòa nhà đó cách xa tới 80 km (50 dặm) và trong vòng vài phút sau khi nhận được hỏa lực, bạn sẽ phóng một tên lửa vào tòa nhà được đề cập.” Bí mật về độ chính xác của tên lửa là một hệ thống dẫn đường quán tính – một tập hợp các con quay hồi chuyển và gia tốc kế – cho tên lửa biết vị trí chính xác của nó so với mục tiêu của nó, cho phép đạt độ chính xác từ ba đến năm mét (10-16 feet) ở khoảng cách lớn nhất. Các chuyên gia cho biết quan trọng không kém là mạng lưới tình báo cung cấp tọa độ cho xạ thủ, và các quan chức quân đội Mỹ cho biết họ đã chia sẻ thông tin tình báo đó với Ukraina. Hệ thống có hiệu quả cao về chi phí. Các tên lửa GMLRS riêng lẻ có giá khoảng 100.000 USD. Các khẩu đội phòng không S300 và kho đạn mà họ đã phá hủy ở Ukraina trị giá hàng triệu đô la, và ảnh hưởng tâm lý khi binh sĩ Nga biết rằng họ có thể bị tấn công ở phía sau trận tuyến, là khôn lường. Nga đã phản ứng với HIMARS bằng cách đưa một số dịch vụ hậu cần của mình đến gần các trung tâm đô thị. Ví dụ, tình báo quân sự Ukraina báo cáo rằng lực lượng chiếm đóng của Nga đã chuyển những xe tải chở đạn pháo để lưu trữ tại nhà hát thành phố Kherson vào đêm 11/7. Grivas tin rằng việc sử dụng các thành phố làm lá chắn “sẽ không ảnh hưởng đến HIMARS vì nó được thiết kế cho chiến tranh đô thị như vậy”. Ryan gần đây đã viết, “Bởi vì nó là một hệ thống di động, HIMARS cũng có thể dừng lại, bắn và sau đó di chuyển nhanh chóng. Điều này đảm bảo rằng nó là một hệ thống vũ khí có khả năng sống sót cao trong thời đại mà thời gian từ lúc phát hiện và tiêu diệt có thể chỉ là vài phút ”. Theo Tổng tư lệnh Ukraina Valery Zaluzhny, một yếu tố quan trọng góp phần vào việc duy trì các tuyến phòng thủ và vị trí là “sự xuất hiện kịp thời của M142 HIMARS, thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích vào các sở chỉ huy, kho đạn và nhiên liệu của kẻ thù”. Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ đã mô tả HIMARS là “cái gai đối với phía Nga… có ảnh hưởng rất đáng kể đến khả năng của người Nga trong việc thực hiện các chiến dịch tấn công… khả năng bắn, di chuyển và sống sót của những người pháo thủ này là rất đặc biệt. ” Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley mới đây cũng ca ngợi nhân tố con người Ukraina. “Việc người Ukraina có thể nhanh chóng triển khai các hệ thống này nói lên khả năng, sự khéo léo, khả năng pháo binh, khả năng xạ thủ, quyết tâm và ý chí chiến đấu của họ,” Milley nói. Chiến thắng sẽ yêu cầu bao nhiêu hệ thống? Các chỉ huy quân sự đã cảnh báo rằng, với số lượng nhỏ các hệ thống đang hoạt động, HIMARS không phải là một viên đạn bạc. Vào ngày 20 tháng Bảy, Mỹ cho biết họ sẽ gửi thêm 4 bệ phóng nữa, nâng tổng số lên 16, với mục tiêu rõ ràng là đạt tới 20. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina, Oleksiy Reznikov, gần đây cho biết Ukraina cần 100 bệ phóng HIMARS để đẩy lùi tham vọng lãnh thổ của Nga. Định nghĩa chiến thắng của Ukraina là việc loại bỏ hoàn toàn các lực lượng Nga khỏi Crimea và khu vực Donbas, vốn đã tan rã vào năm 2014, cũng như lãnh thổ bị chiếm giữ kể từ ngày 24 tháng Hai năm nay. Về mặt công khai, Mỹ, NATO và G7 cũng nói như vậy, nhưng rõ ràng là trong NATO, một số bên ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn. Với việc sử dụng hiệu quả HIMARS, một số người đã đặt câu hỏi tại sao Ukraina không nhận được nhiều hơn. “Chúng tôi đang cố gắng chịu trách nhiệm,” một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ gần đây đã nói với một phóng viên. “Chúng tôi cũng xem xét… rằng chúng tôi cân bằng sự sẵn sàng của mình,” bởi vì các hệ thống HIMARS được gửi đến Ukraina được lấy từ nguồn dự trữ của Hoa Kỳ. Nhưng dường như cũng có cảm giác rằng Mỹ đang cố gắng không khiêu khích Nga bằng cách cung cấp cho Ukraina phương tiện để gây ra một thất bại nhục nhã. Vương quốc Anh đã thông báo rằng họ đang gửi một số lượng không xác định các Hệ thống Tên lửa Phóng Nhiều Lần M270 tới Ukraina, mỗi hệ thống tương đương một cặp HIMARS. Quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết: “Chúng tôi không phải là những người duy nhất cung cấp loại khả năng này.“ Sẽ có sức mạnh tổng hợp của những tác động đó,” đề cập đến nguồn cung cấp của các quốc gia khác, và gợi ý rằng có lẽ có một giới hạn trên cho những gì Mỹ muốn đạt được. Nghiên Cứu Lịch Sử NGUỒN : AL JAZEERA https://www.aljazeera.com/news/2022/7/26/the-russians-have-nothing-equivalent-how-himars-help-Ukraina  
......

Ủng hộ loa phường

Loc Duong Vừa đọc được tin Hà Nội sẽ thiết lập lại loa phường, hắn sướng quá. Một cái sướng đê mê chảy tràn trong huyết quản. Thế là đã có người trả thù giùm hắn rồi. Giờ đây thằng hàng xóm, kẻ thù của hắn, sẽ biết thế nào là sự tra tấn của tiếng ồn. Đã từ lâu rồi, kể từ ngày nó mua cái loa kẹo kéo về, ngày nào chúng nó cũng tụ tập hát hò với nhau. Loa mở hết volume, lại chĩa về hướng nhà hắn, gây bao nhiêu đau khổ, hổn loạn trong sinh hoạt của gia đình hắn. Có mỗi một cuộc tình mà nó đắp mộ ngày này qua tháng khác vẫn chưa xong. Sinh nhật vợ hắn thì bên nhà nó lại gào lên “Đồi thông hai mộ” với lại “Nỗi buồn hoa phượng”. Có lần em bé nhà hắn bịnh, nằm thở hổn hển bằng miệng, hắn nuốt giận, qua nói ngọt ngào van vỉ thằng hàng xóm điều chỉnh âm thanh nhỏ lại thôi, vậy mà chúng nó mấy thằng xông ra hỏi “ ông thích gì?” Thế là hắn đành rút lui về nhà “ ngậm một mối căm hờn trong cũi sắt....” Nay nhờ ơn đảng, ơn Trần Sĩ Thanh, thù này sẽ được trả. Thằng hàng xóm này sẽ bỏ mẹ. Bởi vì cái loa sắt gắn trên cột điện trước nay vẫn chĩa thẳng vào cửa chính nhà nó có công suất mạnh gấp 10 lần loa kẹo kéo. Dạo bao cấp, lúc đó nó còn nhỏ, mỗi khi loa phường hoạt động, nhà nó là chịu khổ nhục nặng nhất trong xóm. Cứ đến giờ phát thanh là cả gia đình nó phải bịt chặt tai chờ mong cho mau tới giờ loa ngưng phát. Nhưng cũng có hôm ông trực đài ngủ quên, thế là mẹ nó phải gù lưng đạp xe lên phường, đánh thức ông trực đài dậy để còn mong được một chút bình yên mà sống. Hay như cái hôm bố nó chết. Cả nhà đang khóc như mưa bên quan tài thì loa lại the thé tiếng nhạc “ Như có bác hồ trong ngày vui đại thắng” khiến cho cả nhà nó đều ngơ ngác và đồng loạt cất tiếng chửi bố cái thằng đã nghĩ ra chuyện gắn loa phường xâm chiếm vào cuộc sống riêng tư của mỗi gia đình. Dạo đó hắn cũng rất khinh bỉ cái công cụ truyền thông lạc hậu và phiền nhiễu cho toàn xã hội này, nhưng giờ đây vì thù riêng, hắn sẳng sàng ủng hộ loa phường. Bố thằng hàng xóm tên Cọp, mẹ nó tên Beo, thì hắn sẽ viết thư cho chương trình phát thanh nhạc yêu cầu bài “Cô gái vót chông”. Hàng ngày loa sẽ oang oang vào nhà nó “Còn giặc Mỹ cọp beo, còn giặc Mỹ cọp beo, em chưa ngừng tay vót chông rào buôn rẫy.....” Cho mày chết, cho mày giỏi mày “đắp mộ cuộc tình” nữa tao xem. Cái viễn cảnh sẽ trả thù được thằng hàng xóm làm hắn tăng thêm sức khoẻ. Hắn ngồi bật dậy lôi hình Trần Sĩ Thanh, thần tượng của hắn ra chiêm ngưỡng. Nhìn kìa : Ông có khuôn mặt của Hàn Mặc Tử, không phải cùi hủi, mà là “lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Ông có vầng trán cao chứa đầy những tư tưởng tích lũy được từ thời bao cấp. Ông có cái miệng xinh xinh như hàm cá mập với bộ răng cực chuẩn, với bộ răng này thì thôi rồi, đất cát, xi măng, đường cao tốc...nhai được tuốt. Ông còn có đôi mắt linh động như biết nói, nếu nói chắc nó sẽ nói : Hà Nội đang ô nhiễm tiếng ồn, ta chơi thêm trò loa phường làm khổ chúng mày đấy, thằng nào làm gì được ta ? Trong bộ Luật Hình sự cũng chẳng có điều khoản nào kết tội “làm khổ nhân dân” cả. Đúng, hắn ủng hộ ông. Dù sao ông cũng là cháu của nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, lại được chính tay cụ Tổng lựa chọn cất nhắc vào ghế chủ tịch Hà Nội thì đố đứa nào dám đụng tới ông. Ông cứ chơi tới đi. Cùng lắm dân Hà Nội chịu không nổi tiếng ồn, đồng loạt chửi bố ông lên, thì đã có hắn lên tiếng bênh vực ông. Và cũng giống như thời ông còn bên dầu khí, có thằng làm thơ nịnh thối ông “ Trần Sỹ Thanh người cộng sản kiên cường, tiếng anh nói như lời cha vang vọng, xin một lần được hôn gót chân anh...” Thì bây giờ, nếu ông có thể làm cho thằng hàng xóm của hắn khóc ròng mà đập bỏ loa kẹo kéo, hắn cũng sẳn sàng làm thơ nịnh ông :“ Trần Sỹ Thanh đệ tử ruột của loa phường, xin bốn lần được hôn gót chân ông...” Loc Duong
......

Pages