Ngoại giao kiểu “Cô gái vót chông”

Nguyễn Huy Cường

Kiểu ngoại giao lấy cây tre đem vót chông thọc vào lòng tự trọng của một đối tác toàn diện nhưng không chừa ra cái “diện” là thể diện cho Mỹ.

Có vài câu chuyện hầu các bạn trong ngày này. Thứ nhất: Năm 1964-1966 Liên Xô, Trung Quốc dàn quân oánh nhau chí tử bên bờ sông Ô-Tô-Lý sát biên giới Xô – Trung. Hồi đó ở Việt Nam lưu hành những cuốn Hoạ báo bề thế như hoạ báo Liên Xô, Trung Quốc, Poland… rất đẹp. Giấy bóng láng, dầy, ảnh đẹp.

Hoạ báo Liên Xô chửi Trung Quốc thậm tệ. Hoạ báo Trung Quốc tổng sỉ vả Liên Xô không còn lời nào tệ hơn. Sự thiệt thòi của cuộc chửi nhau này là nguồn vũ khí Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đi qua Trung Quốc về Việt Nam rất khó khăn. Xong ta thực hiện cú “lách luật” đầu tiên trong lịch sử là ghi trên xe pháo của Liên Xô dòng chữ bằng tiếng Việt là “sản xuất tại Liên Xô” thì thông quan được. Ta giải thích cho anh hai là cái này của Việt Nam, Việt Nam làm, nhờ bên Liên Xô để về “oánh Mỹ”.

Sau 4-5 năm hai ông anh chửi nhau quyết liệt, khoảng năm 1972 bỗng dưng… tịt. Im ắng lạ thường.

Khi ấy tôi có người bạn cực thân sống bên Hợp Phì – Trung Quốc, nhờ tìm hiểu thì biết: Hai nước đã ký một Hiệp định “Không công kích nhau”. Năm mươi năm nay họ chung sống hoà bình và cùng phát triển.

Thứ hai: Năm 1978, nước ta dành hẳn một tháng nồng nhiệt kỷ niệm quốc khánh Liên Xô, ở ngã tư phố huyện cũng có những băng-rôn nhiệt liệt chúc mừng quốc khánh Liên Xô như những nơi này là một xã của Liên Xô vậy. Cùng trong năm này tôi theo dõi rất kỹ quốc khánh Trung Quốc thì thấy… không có gì.

Sát ngày quốc khánh trên báo Nhân Dân chỉ có một bản tin ngắn vài chục chữ “Nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức chiếu phim mừng quốc khánh Trung Quốc, đến dự buổi chiếu gồm có đồng chí A, B, C”. Là xong.

Tôi đem chuyện này nói với bác Chúc, là bố bạn Tước cùng học phổ thông, bác hơn tuổi bố tôi nhưng yêu mến tôi lắm, bác nghe chăm chú và ngẫm nghĩ khá lâu rồi nói, lời nói như không phải trả lời tôi mà như buột mồm ra: “Chết đấy cháu ạ!”

Một năm sau, mà là cả mười năm sau, cho đến 1989 câu tự thán của bác Chúc “Chết đấy cháu ạ!” thành sự thật. Toàn vòng cung biên giới phía Bắc tan hoang, bom mìn dày đặc, hàng ngàn thanh niên hy sinh…

Thứ ba: Cô gái vót chông. Đã có một cô gái đẹp Việt Nam tham dự một sinh hoạt gì đó có Việt, có Mỹ cô ta chơi bài “Cô gái vót chông” làm quà. Vì Việt-Mỹ chưa ký hiệp định “ngừng công kích” để Việt Nam ngừng công kích Mỹ như đã có thời gian dài ngừng bặt công kích Trung Quốc nhưng phía Mỹ bỏ qua, miễn chấp dù bị gọi là “giặc Mỹ cọp beo”.

Theo cái đà đấy “ta” cứ vống lên những bài ca, những áng văn, những bộ phim lung linh lộng lẫy của ta và mô tả cái tả tơi rơi dụng, tàn ác của Mỹ. Việc này xem ra… lành tính và không thấy Mỹ chấp nê gì.

Vậy là kiểu ngoại giao lấy cây tre đem vót chông thọc vào lòng tự trọng của một siêu cường cứ tà tà diễn. Chửi cứ chửi, buôn bán cứ buôn bán, xuất khẩu cứ xuất khẩu, đối tác cứ toàn diện nhưng không chừa ra cái “diện” là thể diện cho Mỹ, quất cho bằng thích để thế giới biết Mỹ là kẻ bại trận, thua trắng bụng ở Việt Nam.

Tình hình này đã sang trang khác. Ngày 20/4/2025 Tổng thống Mỹ đã lệnh cho thuộc cấp không sang Sài Gòn nghe hát “cô gái vót chông” nữa, ở nhà làm việc khác. Có lẽ kiểu ngoại giao cây tre và cắm chông không thích hợp nữa giữa thời đại văn minh này, bắt đầu từ hôm nay các bác ạ./.