Những bất cập khi công bố thành lập tỉnh, thành, phường, xã mới: Lộ rõ “bố trí nhân sự” cho Đại hội 14
03.07.2025
Trần Hùng
Sáng ngày 1/7/2025 toàn bộ các chùa lớn nhỏ trong nước đều gióng chuông đồng loạt báo hiệu một sự kiện “chấn đông non sông” ngàn năm mới có: Công bố thành lập tỉnh, thành, phường, xã mới. Nhưng chính các cán bộ của ĐCSVN ở nhiều địa phương trong nước lại “đón chào” sự kiến ấy bằng cách hối hả tiêu hủy các tài liệu có dấu đỏ của chính quyền…
Cơ sở “rối như canh hẹ,” nhiều dấu hiệu tiêu hủy tài liệu
Trước thời điểm sáp nhập hành chính tại địa phương, người dân phát hiện cán bộ UBND xã Phước Mỹ – TP Quy Nhơn tiến hành đốt hủy tài liệu gồm hàng loạt giấy tờ, trong đó có những đơn thư khiếu nại của người dân cùng các tài liệu, công văn, giấy tờ giải quyết vụ việc có dấu đỏ (1).
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, tại hiện trường, sát UBND Phường Cổ Nhuế, TP Hà Nội, nhiều mảnh giấy đang cháy dở có nội dung liên quan hoạt động kế toán, thu chi ngân sách chủ yếu từ những năm 2020 – 2021. Thậm chí có cả những hóa đơn tài chính tháng 1/2025 (2).
Trong khi Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ Chính trị đang bận “điều phối nhân sự,” thì ở dưới cơ sở – nơi gắn liền trực tiếp với đời sống người dân – đang xảy ra những điều bất thường, thậm chí có nhiều dấu hiệu công khai hủy chứng cứ trước thời điểm chuyển giao.
Những tại liệu bị đốt đều không phải là tài liệu mật, nếu là “Mật!” thì cũng phải đốt theo quy trình. Đằng này ở đây phần lớn là các đơn thư khiếu nại, công văn xử lý vụ việc, và cả tài liệu có đóng dấu đỏ. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng việc sáp nhập có thể đang được lợi dụng để tiêu hủy những hồ sơ “nhạy cảm,” tránh bị kiểm tra, truy trách nhiệm sau khi tổ chức mới được hình thành.
Chắc chắn các địa phương được báo đài “bêu tên” nói trên không phải là những phường, xã duy nhất. Người dân còn phát hiện bao nhiêu đám cháy lớn trong đêm tại trụ sở phường xã? Đáng chú ý, một số nơi hủy tài liệu trong khi đèn làm việc vẫn sáng. Người dân và và một số cựu đại biểu Hội đồng Nhân dân đã thu thập được nhiều mảnh giấy bị đốt dở, có nội dung liên quan đến kế toán, thu chi ngân sách, hóa đơn từ năm 2020 đến đầu 2025, tất cả đều có dấu đỏ.
Sự trùng hợp về thời điểm – ngay trước ngày công bố nghị quyết sáp nhập (30/6) – đặt ra câu hỏi: Phải chăng có một làn sóng tiêu hủy tài liệu diện rộng ở cấp cơ sở? Ai chỉ đạo? Ai được lợi từ việc xóa dấu vết?
“Bộ tứ” tỏa đi bốn phương, gióng chuông và truyền hình trực tiếp…
Trong khi đó, chiều 29/6/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đầu đoàn công tác Trung ương làm việc tại phường Xuân Hòa, TP.HCM, trong bối cảnh chuẩn bị lễ công bố sáp nhập đơn vị hành chính vào ngày 30/6 (3). Chủ tịch nước Lương Cường cũng đã tới phát biểu chỉ đạo công việc sáp nhập tại thủ đô Hà Nội. Lễ công bố ngoài Bắc được truyền hình trực tiếp tại điểm cầu Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và tổ chức trực tuyến tại 126 điểm cầu các xã, phường (4).
Cũng sáng 30/6/2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bay vào TP Cần Thơ để trao quyết định nhân sự chủ chốt của Thành ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và chỉ đạo tại Lễ công bố thành lập “Cần Thơ mới.” Điểm cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính là Hải Phòng, thành phố “Hoa Phượng đỏ” (5).
Có lẽ ông Mẫn là người đưa ra được một tuyên bố thuộc loại “có cánh nhất.” Ông Chủ tịch Quốc hội tỏ ra “bán tín bán nghi”: “Người dân sẽ theo dõi việc sáp nhập có hiệu quả không và câu trả lời lớn nhất chính là việc có giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn hay không?” (6).
Các buổi truyền hình trực tuyến tại cùng một thời điểm giữa những hồi chuông chùa lớn nhỏ, nhất loạt gióng lên trong nước báo hiệu một sự kiện “chấn động non sông” ngàn năm mới có, liệu ai nghe, ai đừng?
Tiếng chuông không chỉ là thanh âm từ chốn thiền môn, dường như là lời cảnh tỉnh vọng về thể chế, tổ chức, và những điều bất ổn đang ẩn giấu phía sau màn “hí kịch hành chính.” Sự kiện sáp nhập hàng loạt tỉnh, thành, xã phường trong cả nước – tưởng như chỉ là một công việc kỹ thuật về địa giới – nay bỗng hóa thành một cuộc đại phẫu về chính trị, hành chính, và cả quyền lực.
Mở đầu bằng các vụ đốt tài liệu, hủy tang chứng và trước đó là sự phản đối công khai của các luật sư về việc, bắt đầu từ ngày 1/7, chủ tịch UBND tỉnh sẽ nắm trọn quyền sinh sát đối với giới luật sư – một bước ngoặt lớn trong quản lý ngành luật. Điểm đáng chú ý là nghị định này trao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh (mới sáp nhập) quyền cấp chứng chỉ, thu hồi chứng chỉ, và cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư. Điều mà trước nay vốn thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp (7).
Sáp nhập không theo bất cứ quy định nào…
Điểm then chốt trong làn sóng sáp nhập lần này chính là vai trò của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo nhiều nguồn tin và các phân tích chính trị độc lập, cuộc sáp nhập hành chính lần này không theo bất cứ một quy định nào về đảng và nhà nước. Đơn thuần đây là sắp xếp lại bộ máy địa phương, như một chiến dịch bố trí nhân sự có tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị cho Đại hội đảng lần thứ 14 sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.
Ngay trong đợt sáp nhập mới nhất, 23/34 tỉnh và thành phố được công bố là đã “hợp nhất” hoặc “tái tổ chức.” Trong đó, các quyết định thành lập tỉnh, thành mới, đồng thời đi kèm với các quyết định chỉ định nhân sự chủ chốt: Bí thư, phó bí thư, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy – tất cả đều được ban hành trong cùng ngày 30/6, do Bộ Chính trị quyết định.
Đáng nói là, gần như tất cả các nhân sự được bố trí trong các đoàn đại biểu tham dự Đại hội 14 tại những địa phương mới sáp nhập đều được cho là thuộc phe cánh Công an hoặc có gốc gác với TBT Tô Lâm. Rõ ràng, đây là cuộc “đại điều động” không cần dấu diếm và khá quyết liệt – không chỉ dừng ở việc tổ chức hành chính, mà đi thẳng vào cốt lõi của quyền lực đảng: tổ chức đảng bộ địa phương và đại biểu đi dự đại hội.
Điều này đặt ra câu hỏi lớn: Nếu mục tiêu chính là cải cách hành chính, tại sao việc chỉ định nhân sự lại được tiến hành gấp rút, đồng loạt, bỏ qua bầu cử ở địa phương và vai trò người dân? Và tại sao các nhân sự được đưa lên đều có quan hệ mật thiết với một cá nhân đứng đầu Bộ Chính trị? (giám đốc công an các thành phố lớn trong Nam ngoài Bắc đều người Hưng Yên có phải là do ngẫu nhiên!)
Quốc hội chưa có luật tổ chức mới: Địa phương rơi vào trạng thái hỗn loạn
Một bất cập nghiêm trọng hiện nay là: cuộc sáp nhập diễn ra khi chưa có luật mới về tổ chức chính quyền địa phương. Quốc hội mới chỉ ban hành chủ trương sáp nhập, chứ chưa thông qua luật điều chỉnh tổ chức chính quyền sau sáp nhập. Kết quả là nhiều địa phương sau khi hợp nhất, đã rơi vào trạng thái hỗn loạn.
Tại một số xã, số lượng lãnh đạo cũ tồn tại song song – có nơi tới 5–7 phó chủ tịch ngồi nhìn nhau, không rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể. Ai ký văn bản? Ai chịu trách nhiệm? Không ai biết rõ. Các bộ phận chuyên môn cũng không được hướng dẫn hợp nhất rõ ràng, dẫn đến trì trệ trong công việc, hồ sơ chồng chất nhưng không ai dám giải quyết.
Với các tỉnh, thành mới sáp nhập, bộ máy tổ chức cũng rối loạn không kém. Các phòng ban, sở ngành cũ bị dồn lại, ghép tên, nhưng chưa có quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ. Nhân sự dôi dư không biết sắp xếp thế nào, còn người dân thì không biết đến đâu để giải quyết thủ tục hành chính. Đây không chỉ là sự lúng túng về mặt kỹ thuật, mà còn là biểu hiện của việc làm chính sách thiếu chuẩn bị, nóng vội và đầy rủi ro.
Sáp nhập hay “cưỡng bức hóa” quyền lực cá nhân?
Rõ ràng, với cách triển khai như hiện nay, việc sáp nhập đơn vị hành chính đang diễn ra vì mục tiêu chính trị nhiều hơn là vì hiệu quả quản lý. Một loạt quyết định bổ nhiệm, chỉ định cán bộ được thực hiện đồng loạt trong ngày 30/6 – không thông qua bầu cử, không có quá trình phản biện tại địa phương, càng cho thấy đây là một chiến dịch mang tính tập trung quyền lực theo kiểu “trên áp xuống”.
Dù có thể biện minh rằng đây là “tình huống đặc biệt,” nhưng nếu không có sự giám sát độc lập từ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và nhất là người dân, thì sáp nhập rất dễ trở thành một vỏ bọc hợp pháp để cá nhân hóa quyền lực, làm lệch hướng cải cách tổ chức bộ máy nhà nước.
Khi số các địa phương giảm từ 63 về 34, số lượng các bí thư tỉnh ủy, bí thư thành ủy thành phố trực thuộc trung ương cũng giảm tương ứng.
Điều đó đồng nghĩa với việc 29 bí thư và 29 chủ tịch UBND của các tỉnh thành sáp nhập sẽ chuyển sang ngồi những chiếc ghế khác, hoặc về hưu. Nhân sự chủ chốt của 23 tỉnh thành mới sau sáp nhập không phải do địa phương bầu lên mà Trung ương chỉ định, bổ nhiệm để lộ nhiều bất cập (8). Danh sách đó bao gồm các bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND.
Nếu cải cách thật sự, cần minh bạch và có lộ trình pháp lý
Việc tổ chức lại đơn vị hành chính không phải là vấn đề tiêu cực. Nhưng nó chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu được tiến hành một cách minh bạch, đúng pháp luật, và có giám sát từ xã hội. Nếu chỉ coi đây là công cụ để chuẩn bị nhân sự, củng cố ảnh hưởng chính trị cho một vài cá nhân, thì cái giá phải trả không chỉ là rối loạn hành chính tạm thời, mà còn là sự xói mòn niềm tin vào thể chế và vào chính những cải cách thật sự cần thiết.
Hiện tại, người dân cần một câu trả lời rõ ràng và then chốt: Cuộc đại sáp nhập này là vì dân, hay vì phe cánh? Chưa ai biết, người dân lại càng không biết, biến cố này sẽ dẫn đến điều gì trong tương lai?
—
Những đường links tham khảo:
(1) https://vtv.vn/giay-to-co-dau-do-bi-dot-gan-ubnd-phuong-khong-phai-tai-lieu-mat-100250627152753544.htm
(2) https://thanhtra.com.vn/phap-luat-B2DDDF86E/binh-dinh-huy-tai-lieu-trong-dem-truoc-luc-sap-nhap-tai-ubnd-xa-phuoc-my-5ae86bf71.html
(3) https://www.sggp.org.vn/thong-diep-cua-tong-bi-thu-to-lam-gui-nhan-dan-ca-nuoc-post801886.html
(4) https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-quoc-hoi-nguoi-dan-se-theo-doi-viec-sap-nhap-co-hieu-qua-khong-20250630153954861.htm
(5) https://nhandan.vn/le-cong-bo-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-sap-nhap-tinh-thanh-pho-post890579.html
(6) https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-quoc-hoi-nguoi-dan-se-theo-doi-viec-sap-nhap-co-hieu-qua-khong-20250630153954861.htm
(7) https://www.rfa.org/vietnamese/trong-nuoc/2025/06/16/the-luat-su-chu-tich-tinh-phan-doi/
(8) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4gedpzpwpeo
......
⤑