Ngày Hà Nội tuyên án 29 người dân Đồng Tâm cũng là dịp muôn vàn những cảm giác lẫn lộn ập về trong tâm cảm của người Việt Nam.
Đúng, sai, sự dối trá hay độc ác vẫn được bàn bạc không ngớt trên các trang mạng, nhưng quan trọng nhất, nhiều điều bỗng chợt sống lại trong trí nhớ của những người già, lời bàn khiến những người trẻ tò mò giở lại trang sách cũ… Lịch sử đây đó, đã ghi rõ, rành rành. Mọi thứ đột nhiên tươi mới hơn bao giờ hết từ nỗi đau của người dân Đồng Tâm. Tươi mới về cái ác có thật, và cả một chiều dài kiên định của nó.
Gương mặt ngơ ngác của những người nông dân Đồng Tâm ngồi trước phiên tòa được truyền thông nhà nước độc quyền loan đi, cho thấy như khi nhận án tử hình hay chung thân, có người cũng đã không hiểu nổi vì sao họ trở thành kẻ sai phạm. Đất đai đã sống cùng với họ, mồ hôi nước mắt đã cùng cha mẹ, anh em của họ. Rồi một ngày, những người lạ mặt cầm súng đến tuyên bố rằng phải giao nộp đất. Mọi thứ được giải thích lằng nhằng về luật của kẻ mạnh, nhưng toàn cảnh, nó là miền viễn tây Hoa Kỳ thời cướp đất tìm vàng, là bọn thực dân Bồ Đào Nha cầm súng tiến vào đô hộ châu Mỹ, là người Pháp tiến vào chiếm tài nguyên ở châu Phi, và cũng chính là Việt Nam với đồng Nọc Nạn, Bạc Liêu mà căm hờn và nước mắt đã ghi đủ.
Tài đóng kịch và những xảo thuật lừa đảo có tiếng của Hồ Chí Minh dưới mắt học giả Tây phương
Nhưng ở Đồng Tâm, cái ác là một đỉnh điểm, khi sự lật lọng, dối trá, vu cáo và áp bức đã chói lòa trong triều đại của kẻ cầm quyền. Rất nhiều người Việt Nam đã nghĩ rằng cái ác là ngẫu nhiên, là một sai lầm được nhận thức đủ bằng chiếc khăn tay và nước mắt của người đứng đầu Đảng Cộng sản tại Việt Nam sau đợt cải cách ruộng đất kinh hoàng 1953-1956. Ông Hồ Chí Minh đã khóc và xin lỗi những người còn sống. Nhưng sự thật thì những gì thuộc về người đã chết không bao giờ được trả lại, và những người còn sống cũng không bao giờ tìm thấy công bằng. Bà Nguyễn Thị Năm sẽ không bao giờ được làm một ngôi mộ xứng tầm lịch sử cho người dân đến viếng, vì sợ sự nhơ nhuốc của chính quyền còn giữ lại trong tiếng thì thầm. Nhà thơ Hữu Loan muốn sống yên với người vợ, là con một “địa chủ” thoát chết, đã phải lên núi ẩn cư, nhưng mỗi viên đá ông xây nhà đều có ánh mắt dõi theo của nhân viên mật vụ.
Ông Chu Đình Xương đứng sau ông Hồ Chí Minh, đeo kính
Đất đai là thứ trong lịch sử người Cộng sản dễ dàng bôi mặt giết nhau nói riêng, giết cả đồng bào nói chung. Tài liệu mật của ông Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ ghi lại vào tháng 2/1983, cho thấy vì để cướp đất trong cuộc đại Cải cách miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hàng ngàn cán bộ trung thành và sắt máu nhất đã được tập trung bí mật huấn luyện là phải thẳng tay, thậm chí với đồng chí của mình. Trong hồ sơ huấn luyện, Trung Ương còn hà hơi tiếp sức bằng khẳng định “Tất cả những chi bộ ở nông thôn đều là chi bộ của địch”. Trong số hơn 170.000 bị kết tội của cuộc Cải cách ruộng đất, thì có không ít các đảng viên, và đồng chí cũng đã bị xử bắn, hay tự sát… Ghê sợ nhất, là bất chấp thực tế, tất cả các thôn làng đều phải tìm ra cho đủ 5% số địa chủ theo chỉ tiêu từ Trung Ương giao.
Tài liệu của ông Nguyễn Tạo, Vụ trưởng Vụ chấp pháp của Bộ Công an, ghi rằng trải qua cuộc Cải cách, có đến ba vạn đảng viên bị bắn bỏ, ba vạn đảng viên bị đẩy đến chỗ phải tự sát, cuộc cải cách hà khắc đã khiến từ ba đến bốn vạn người dân chết đói…
Cán bộ đảng viên Xô viết Nghệ Tĩnh hình thành theo lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh bị tàn sát gần hết, do bị kết tội là do bọn phản động ngụy tạo nên. Ở Hà Tĩnh, vì chậm cải cách nên có đến 200 trong số 210 bí thư chi bộ của Hà Tĩnh bị bắn; chỉ có 10 người may mắn sống sót là nhờ họ ở vùng núi nên thoát được.
Vậy thì một ông Lê Đình Kình, dù có hơn 50 tuổi đảng, có là gì so với lịch sử ghi lại? Hai người con của ông Lê Đình Kình, cũng có sá gì với kế hoạch tuyệt mật 419A?
Bút mực ghi không xuể.
Máu đã đổ từ đó, đất nước điêu linh từ đó, trải dài từ chiến dịch Xét lại chống đảng, Nhân văn giai phẩm… cho đến năm 1975, từ việc dựng các trại cải tạo, đánh tư sản X1, X2, X3… rồi đến hôm nay: án Đồng Tâm lại một lần nữa, nhắc lại rằng cái ác như truyền đời, vẫn đeo đuổi người Việt với một lời nguyền.
Nhưng cái ác mà chúng ta thấy hôm nay, đã được làm mới, đã hoàn thiện hơn, khi có cả những phiên tòa với chương hồi sử dụng cả nghệ thuật điện ảnh và văn học để trình diễn, có cả những diễn viên ưu tú được tính trước tinh vi cho nỗi buồn và cho những điều không cần thiết.
Cái ác hôm qua, có thể được thực hiện với những kẻ đi chân không, không đủ cả học vấn tiểu học. Cái ác ấy chỉ có thể đơn giản mang theo chiếc khăn tay bên mình, vào giờ phút ngừng giết chóc. Nhưng cái ác hôm nay thì mặc những bộ đồ vest đẹp, mang những đôi giày da đắt tiền, thậm chí thắt lưng có thể lên đến cả ngàn đô la.
Cái ác hôm nay có thể dùng tiền thuế của những người nông dân, để bắn chết người chỉ muốn giữ vẹn những cánh đồng.
————
Ông Chu Đình Xương, nguyên là Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ, người bảo vệ cho ông Hồ Chí Minh. Vốn là một người phản ứng dữ dội với đường lối cách mạng man rợ của Mao Trạch Đông, ông đã gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam vào tháng 2 năm 1983 để trình bày về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản Mao Trạch Đông tại Việt Nam. Ông Chu Đình Xương là thân phụ của giáo sư Chu Hảo./.