Ông Lê Kiến Thành sai ở đâu?

Ảnh ông Lê Kiên Thành,  con trai của  Lê Duẩn TBT/CSVN,

Thái Hạo

 
Bài "Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh” của ông Lê Kiên Thành được nhiều người chia sẻ, trong đó có tôi, và cũng không ít ý kiến trái chiều, phê phán rằng ông ngụy biện, né tránh, quanh co v.v.. Vừa đọc được một bài kiểu ấy, nó có lượt tương tác khá lớn nên tôi muốn nói thêm đôi điều về mấy điểm trong lập luận của những người “phê phán”.
 
1. Bài viết của ông Thành có 2 nội dung chính: Một là, hiện trạng xã hội xấu ác và hai là nguyên nhân của cái hiện trạng ấy. Kết luận là một lời “cầu mong”. Đọc và nắm được nội dung bài viết như vậy là một yêu cầu cơ bản trước khi làm những việc tiếp theo để không sa vào tiểu tiết vụn vặt và xa rời tinh thần của nó.
 
2. Nhiều người nói, đại ý, tình trạng xã hội xấu ác hôm nay chính là do quá khứ (chủ nghĩa cs), mà bố ông Thành (Lê Duẩn) là 1 tác nhân chính. Điều ấy đúng. Nhưng dùng nó để phủ nhận điều ông thành nói về “hiện thực xã hội” ngày nay là một lối ngụy biện. Không thể quy trách nhiệm cái việc bố ông ta làm sang cho ông ta được. Đó là một loại “chủ nghĩa lý lịch mới” trên miệng những người tự xưng “dân chủ”.
 
3. Có quá nhiều những “phản biện” ngây ngô mà tôi sẽ không phân tích ở đây, chỉ muốn tập trung thêm vào một điểm quan trọng nhất mà nhiều người căn cứ vào để phê phán bài viết của ông Thành, đó là hai chữ “chúng ta” mà ông Thành dùng. Nhiều người cho rằng, việc dùng 2 chữ “chúng ta” này là một cách “lập lờ đánh lận con đen” để hòng kéo người dân vào căn nguyên và chạy tội cho Đảng CS và chính quyền. Nhận định như vậy là cảm tính.
 
Tôi đã đọc và thống kê (xin xem phụ lục) thấy 12 lần ông Thành dùng chữ “chúng ta”. Trong đó, 6 lần đầu là gắn với sự mô tả thực trạng về cái xấu ác trong xã hội VN hiện nay; 6 lần sau là gắn với việc đi tìm nguyên nhân của hiện trạng ấy.
 
Những chữ “chúng ta” gắn với thực trạng được dùng cho người Việt nói chung, cả dân và quan chức: người Việt đang xấu ác đi. Đó là một thực tế. Trong trường hợp này, việc dùng chữ “chúng ta” không những không sai mà còn là hoàn toàn chính xác.
 
Những chữ “chúng ta” gắn với việc chỉ ra nguyên nhân thì đều gắn với Đảng CSVN, với nhà nước, với chính quyền. Ông Thành tìm nguyên nhân trong chính trị và quy nguyên nhân về chính trị.
 
Ông thành đã đúng và sòng phẳng khi dùng hai chữ “chúng ta” này. Ông rất rõ ràng, chỉ có chúng ta vì thiên kiến và định kiến mà không muốn thấy điều này.
 
4. Tôi chia sẻ bài viết của ông Thành vì tôi thấy nó có giá trị, đặc biệt là đối với môi trường công (nhà nước), như môi trường giáo dục chẳng hạn. Thứ nhất là những gì bài viết nêu ra là sự thật, tức là giá trị hiện thực của nó. Còn việc đòi hỏi nó phải phản ánh được nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa là một đòi hỏi chính đáng, nhưng việc dùng nó để quy kết người viết là né tránh hay giả dối thì lại có tính chụp mũ và quy kết rất tệ hại. Tri kiến của ông ta tới đâu ông ta viết tới đó, quan trọng là cái ông ta viết có đúng sự thật hay không, thế thôi.
 
Lý do thứ hai là, vì những thứ ngoài văn bản. Với một nội dung như bài viết đề cập thì không thể công khai trong môi trường công mà không bị quy chụp và cấm đoán nếu người viết không phải là người có một thân thế đặc biệt kiểu ông Thành. Việc “lợi dụng” cái cơ hội ấy để sử dụng nó nhằm “khai trí” cho học sinh và giáo viên (và người nhà nước nói chung) là rất cần thiết. Cũng nội dung ấy, nhưng nếu tác giả là tôi chẳng hạn thì sẽ chẳng có mấy tác động; nhưng nó là của một “thái tử đỏ” như ông Thành thì sẽ buộc người nghe phải suy nghĩ và đặt vấn đề một cách nghiêm túc hơn, nhất là đối với những người đang “vừa hồng vừa chuyên”.
 
Nhiều người thuộc phe “bất đồng chính kiến” không thể hình dung được sự trì trệ và nỗi sợ hãi ở những môi trường “chính thống” nó khủng khiếp đến thế nào đâu. Tôi nhìn thấy điều ấy, và trân trọng những bài viết kiểu này như nhặt gạo trong đống sạn giữa ngày đói.
 
5. Từ chỗ đọc hiểu cẩu thả cộng với định kiến cố hữu, nhiều người sẽ làm méo mó quan điểm của người khác, từ đó đẩy những người đang muốn xích gần lại với mình ra xa hơn. Cách làm việc và thái độ ấy không thể hiện tinh thần “dân chủ” và thiếu sự chân thành. Dường như “ẩn ức chính trị” đã khiến nhiều người muốn “xả van” hơn là thật sự hành động cho sự thay đổi hệ trọng đang rất cần được diễn ra của bối cảnh XHVN hiện nay. Thay vì kéo người khác lại gần thì ta lại đẩy ra, ngay cả khi người ấy đang muốn đến gần ta.
Qua sự việc này (phản ứng của “giới bất đồng” với bài viết của ông LKT) tôi có cảm giác rằng nó rất giống với những gì đã diễn ra trong quá khứ - cái quá khứ đã tạo ra cái thể chế hiện hành.
 
Cuối cùng, tôi không biết gì về ông Thành này cả, ngay cả cái tên, cho đến cách đây 3 ngày khi đọc được bài viết này của ông ta. Xin khỏi mắc công nghĩ ngợi. Nếu có cái sai nào trong bài viết này thì chỉ là do tôi dốt mà thôi.
 
------------------
 
Phụ lục:
1. "Điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác đến với chúng ta bình thản như thế này.
2. Có những người trong chúng ta hôm nay dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn.
3. Chúng ta không nghèo như ngày xưa, không đói như ngày xưa,
4. Tại sao chúng ta lại ác hơn ngày xưa?
5. Những quan chức phạm hàng loạt tội ác mà chúng ta thấy trong những năm qua, họ đâu phải là những người bần cùng?
6. Chúng ta có thể dùng từ gì khác ngoài từ “dã man” khi mà một con người có thể cứa cổ một đứa bé 8 tháng tuổi,
7. Tại sao những cái đã tạo ra sức mạnh phi thường cho chúng ta trong quá khứ thì giờ đây chúng ta lại đang phá vỡ nó?
8. Khi góp ý cho Đại hội Đảng, tôi từng nói một điều rất đau khổ là bản thân chúng ta chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính Đảng của mình.
9. Có lẽ, những điều mà chúng ta đã từng vì nó mà chiến đấu ngày xưa, thì giờ chúng ta đang phản bội nó, đi ngược lại nó, xa rời nó.
10. Ngày xưa chúng ta chiến đấu để bảo vệ nhân dân, để giải thoát nhân dân khỏi những bất công, bóc lột, thì bây giờ sự bất công đang quay trở lại trong sự phân chia lợi ích giữa những người có chức có quyền với những người dân thường, giữa những người giàu với những người nghèo.
11. Nhưng để đến lúc họ quay lưng lại, thì sự quay lưng ấy cũng có thể sẽ khủng khiếp hơn cả những gì mà chúng ta có thể hình dung.
12. Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh sớm để vẫn giữ gìn được bản chất tốt đẹp của dân tộc này!".
Thái Hạo
*****

“Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh…”

Đêm qua Sài Gòn đột nhiên ào mưa. Cơn mưa làm dở dang bao giấc mộng dữ và lành.
Ác và thiện luôn bình đẳng chia ngôi nhau vô thức trong giấc chiêm bao.

Nhưng, khi tuồn lọt ra đời thì, giời, cái ác hùng dũng ào ào đông đảo dàn quân đi trước, còn cái thiện lác đác, lơ đễnh tụt sau.

Giời. Chỉ con đường này duy nhất đến Tương lai.
Sớm lướt Facebook bạn bè, gã dừng lại ở Facebook của Lê Kiên Thành - con trai ông trùm cộng sản Lê Duẩn với tít bài: "Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh".

Lê Kiên Thành cầu mong chúng ta ấy thức tỉnh cái gì?

Thức tỉnh trước cái ác.

Tại sao một con ruột của đảng, của chế độ lại phải da diết cầu mong mọi người thức tỉnh trước cái ác?

Chẳng qua vì cái ác đã chễm chệ ngất ngưởng ngôi cao, đòi vung vương quyền định đoạt Tương lai của Dân tộc.

Hãy đọc lời cầu mong ấy và thức tỉnh.
"Điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác đến với chúng ta bình thản như thế này.
Người ta nhìn nó thản nhiên, như là điều tất yếu.

Đó là buổi sáng, khi tôi đọc tin về một cậu thanh niên cứa cổ đứa bé 8 tháng tuổi. Đó là khi tôi đọc tin về những người dân cùng xông vào đánh chết một kẻ trộm chó… Có những người trong chúng ta hôm nay dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn. Việc một tên cướp bị tuyên án tử hình vì chém đứt tay một người và trước đó đã chém 14 người, nhưng bà mẹ đẻ ra thằng bé đó không hề mảy may ân hận. Đó là hình ảnh đáng sợ nhất: Một người mẹ biết quý con mà không còn coi sự sống của người khác ra gì.

Có thể con người Việt Nam hôm nay dường như đang gặp phải một sai lầm nào đó trong tổ chức cuộc sống, khiến cho tình cảm, lòng thương người, sự vị tha đang bị biến dạng một cách ghê gớm. Đó là điều quá lạ lùng với xã hội này.

Có lẽ chưa từng có một giai đoạn nào trong quá khứ mà người Việt Nam phải trải qua tình cảnh như ngày hôm nay. Người Việt từng sống dưới ách nô lệ cả nghìn năm của các triều đại phương Bắc, từng bị đế quốc, thực dân đô hộ, chịu đựng đủ sự tàn ác, bóc lột từ ngoại bang.

Nhưng chưa bao giờ tôi nghe được về chuyện người Việt tàn ác với chính đồng bào của mình. Chưa bao giờ người Việt đối xử với nhau hằn học đến thế, man rợ đến thế. Chúng ta không nghèo như ngày xưa, không đói như ngày xưa, tại sao chúng ta lại ác hơn ngày xưa?

Những gì đang diễn ra ở đất nước ta hôm nay, có lẽ cần phải được suy nghĩ cho thật kỹ. Ví dụ, tại sao nhiều người có tiền mà vẫn tham nhũng khủng khiếp như vậy? Có lẽ đó không phải văn hóa.

Người ta hay nói “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng nhìn vào xã hội mình. Đúng là đạo tặc có một phần từ bần cùng đi lên, nhưng một phần rất đông đạo tặc lại sinh ra bởi những người không bần cùng. Những quan chức phạm hàng loạt tội ác mà chúng ta thấy trong những năm qua, họ đâu phải là những người bần cùng?

Chúng ta có thể dùng từ gì khác ngoài từ “dã man” khi mà một con người có thể cứa cổ một đứa bé 8 tháng tuổi, khi mà một cậu thanh niên còn đang đi học có thể giết chết cả một gia đình để cướp của, hay một chàng trai trẻ mặt mũi sáng ngời có thể giết cả gia đình bạn gái để trả thù.

Mà sự tàn ác không chỉ xuất hiện ở đó. Tôi nhìn thấy sự tàn ác cả ở những vụ án tham ô, tham nhũng, cướp đất dân nghèo của những người có quyền lực. Tôi nhìn thấy sự tàn ác trong những vụ án oan mà những người đại diện pháp luật bằng sự lạnh lùng, vô tình, vô trách nhiệm của họ, đã vội vã đưa ra những kết luận điều tra vô lý nhất mà không cần quan tâm đến việc họ có thể đẩy một con người vô tội vào con đường chết.

Không biết các nhà lãnh đạo đất nước có bao giờ ra đường nhìn những người nông dân đi biểu tình không. Nhưng tôi cứ nhìn những bà già trùm khăn ngồi bên vệ đường trong đoàn biểu tình, càng nhìn càng không tin nổi họ đang làm gì xấu hay đang cố giành về cho mình những thứ không phải của mình.

Nếu bản chất họ thế thì sẽ không có việc họ đi theo cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến. Họ sẽ không hiến cả nhà cửa của mình, gia sản của mình, con cái của mình cho cách mạng. Vậy mà chúng ta đã làm gì để khiến họ thành ra như thế? Tại sao những cái đã tạo ra sức mạnh phi thường cho chúng ta trong quá khứ thì giờ đây chúng ta lại đang phá vỡ nó?

Khi góp ý cho Đại hội Đảng, tôi từng nói một điều rất đau khổ là bản thân chúng ta chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính Đảng của mình. Và khi chưa thể làm được điều đó, ta khó lòng tạo ra sự dân chủ cho cả xã hội. Và sự mất dân chủ này sẽ làm biến dạng ghê gớm, biến dạng sâu sắc Đảng. Sự biến dạng này nó sẽ gây ra những sự biến dạng trong các vấn đề khác: vấn đề về kinh tế, về xây dựng, về giáo dục, về con người… Mà sự biến dạng đó sẽ vô cùng nguy hiểm!

Việc những người Việt sẵn sàng trói và đánh đến chết một kẻ trộm chó không đúng với bản chất của dân tộc này. Việc 5 người công an cùng đánh một nghi can của vụ án đến chết cũng không đúng với những gì tôi biết về dân tộc này. Tôi không tin một người có thể cứa cổ đứa trẻ 8 tháng tuổi có thể chết vì dân tộc mình. Những người không biết động lòng, không biết xót xa trước sự đau khổ của người khác thì không thể nào chờ đợi tình yêu đất nước từ họ.

Có lẽ, những điều mà chúng ta đã từng vì nó mà chiến đấu ngày xưa, thì giờ chúng ta đang phản bội nó, đi ngược lại nó, xa rời nó.

Ngày xưa chúng ta chiến đấu để bảo vệ nhân dân, để giải thoát nhân dân khỏi những bất công, bóc lột, thì bây giờ sự bất công đang quay trở lại trong sự phân chia lợi ích giữa những người có chức có quyền với những người dân thường, giữa những người giàu với những người nghèo.

Khi người dân yêu ta, họ sẽ yêu đến tận cùng. Nhưng để đến lúc họ quay lưng lại, thì sự quay lưng ấy cũng có thể sẽ khủng khiếp hơn cả những gì mà chúng ta có thể hình dung. Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh sớm để vẫn giữ gìn được bản chất tốt đẹp của dân tộc này!".

***

Quốc hội đang họp. Nếu lời cầu mong của một trí thức con nhà nòi cộng sản, từng tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng không được chọn, được phát cho các đại biểu đã được chọn, gã hy vọng sẽ có thế rúng động lương tri các vị để các vị tại Quốc hội cùng lên án cái ác, ngăn chặn cái ác.

Lưu Trọng Văn - 03.04.2021