Mỹ Thuận - Việt Nam Thời Báo
“Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao lâu, có mấy chặng đường cần tiếp tục làm rõ” là tựa bài viết trên tờ Thanh Niên điện tử, số phát hành ngày 10/6/2020.
Bài báo có đoạn tường thuật: “Có lần nào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, có người hỏi: bao giờ chúng ta có chủ nghĩa xã hội? Tổng bí thư nói chúng ta chưa nghiên cứu tường minh vấn đề này, có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội. Thế thì thời kỳ quá độ (lên chủ nghĩa xã hội) là bao lâu, có mấy chặng đường thì chưa rõ,” ông Phú nói và cho biết, đây là vấn đề sẽ cố gắng tập trung làm rõ trong thời gian tới.” (*)
Đoạn trích tường thuật ở trên là một phần của nội dung trong hội nghị báo cáo viên Trung ương (T.Ư) diễn ra vào sáng 10/6 do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức. Chủ trì hội nghị là phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú, với báo cáo về những điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Phần kết của bài tường thuật trên báo Thanh Niên, là: “Không còn thừa nhận chủ nghĩa Mác – Lênin tức là không thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Các đảng phái sẽ mọc lên như nấm và quốc gia sẽ bước vào thời kỳ thập nhị sứ quân, rối loạn. Đó là lý do quan điểm chỉ đạo của báo cáo chính trị nhấn mạnh số 1 việc vững vàng tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,” ông Phú giải thích.
Có bốn vấn đề tranh biện ở đây với phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú:
Thứ nhất, nếu đã từng nhận định rằng “có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội,” vậy thì vì sao lại cứ buộc phải tìm kiếm con đường đi đến thứ chủ nghĩa này?
Thứ hai, nếu “tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” được khẳng định là nền tảng xuyên suốt cho mọi hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam, thì cần làm rõ vì sao tính từ sự kiện thành lập đảng vào tháng 2/1930, đến nay đã hơn 90 năm rồi mà đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa tìm được lời giải cho thắc mắc, có bao nhiêu chặng đường gọi là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội?
Thứ ba, những căn cứ nào để cho rằng muốn đi đến chủ nghĩa xã hội thì buộc phải có “tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”? Quốc gia nào trên thế giới đang cùng đi trên con đường ‘quá độ’ này như Việt Nam, với cùng nền tảng của “tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”?
Thứ tư, ở những nước vốn từng được xem là theo chủ nghĩa Mác – Lênin, về sau trở thành đa đảng như Nga và các nước Đông Âu, vì sao không hề có tình trạng loạn 12 sứ quân như lo ngại của ông Phùng Hữu Phú, mặc dầu họ đã thực hiện đa đảng ngay khi xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin? Phải chăng vì những quốc gia này thiếu một vế trong học thuyết là “tư tưởng Hồ Chí Minh”?
Cuối cùng, cả bốn thắc mắc nêu ở trên của người viết không nhằm đến đả phá thể chế chính trị hiện hành, mà là muốn góp ý kiến với đảng cộng sản Việt Nam, dựa trên quyền hiến định ở điều 28.1 [Hiến pháp 2013] “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.”
Mỹ Thuận
—
Chú thích:
(*) https://thanhnien.vn/thoi-su/qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bao-lau-co-may-...–ro-1235976.html