Pham Doan Trang|
Bốn cuốn sách của tôi, “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù” và “Politics of A Police State” (tiếng Anh) hiện đã có mặt tại châu Âu, do Nhà xuất bản Tự Do phát hành với sự trợ giúp của một số cô bác, anh chị em người Việt ở đây.
Trong thông báo mới nhất (hôm 10/9), Nhà xuất bản Tự Do cho biết họ “vô cùng cảm động trước sự tin tưởng và ủng hộ của quý độc giả và các cô bác, anh chị trong thời gian vừa qua”.
Về phần mình, tôi cũng vô cùng cảm động và chân thành biết ơn cả Nhà xuất bản Tự Do và hàng nghìn độc giả trong nước. Nhân đây, tôi cũng xin có đôi lời tâm sự đến bà con người Việt hải ngoại.
Là một người viết, tôi hiểu độc giả của mình, và tôi biết rằng cộng đồng người Việt hải ngoại không có nhu cầu đọc những cuốn sách như “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, hay “Cẩm nang nuôi tù”, vì sự thực là người Việt mình bên đó đâu cần phải hiểu về chính trị hay các quyền tự do (như người dân ở xứ độc tài phải hiểu), đâu cần học cách phản kháng, chống lại chính quyền công an trị hà khắc, và càng không cần phải… nuôi tù.
Chính vì lẽ đó, việc bà con cô bác bỏ tiền mua sách thực chất là một cách bày tỏ sự ủng hộ đối với tác giả và rộng hơn nữa, với phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Tôi rất hiểu, và vô cùng cảm kích vì điều đó.
Nhưng tôi còn mong cộng đồng người Việt hải ngoại nhận thấy một điều còn quan trọng hơn thế nữa: Việc tôi – một tác giả – cố công viết sách và một nhà xuất bản độc lập (hoàn toàn không phải của tôi hay của bất kỳ cá nhân/ tổ chức nào) cố công phát hành sách đến tay hàng ngàn độc giả, bất chấp mọi hiểm nguy, không phải chỉ nhằm nhận được sự ủng hộ về tài chính, mà còn xa hơn thế: Chúng tôi muốn thể hiện tinh thần phản kháng của mình trước chế độ độc tài ở Việt Nam.
* * *
Chúng tôi (tức là Nhà xuất bản Tự Do và tôi) từng nghe nhiều người khuyên: Sao không bán sách online cho đơn giản, an toàn? Sao không tung bản điện tử lên mạng cho gọn nhẹ, việc gì phải bày trò in ấn, phát hành cho rủi ro, phiền phức?
Đó là những suy nghĩ mà theo chúng tôi là đi đúng vào hướng chính quyền cộng sản mong muốn. Mà chúng tôi thì không chấp nhận đi theo hướng ấy. Chúng tôi làm sách (viết, in ấn, phát hành), bởi chúng tôi muốn thể hiện tinh thần phản kháng của mình trước chế độ độc tài ở Việt Nam.
- Nhà nước này ngăn cản người dân quan tâm đến chính trị, nói rằng chính trị “bẩn thỉu lắm” (hoặc là cao xa lắm, dân đen không phận sự, miễn tham gia) thì chúng tôi sẽ chứng minh rằng chính trị đẹp đẽ và gần gũi lắm, và làm sách, đọc sách chính là hành động chính trị hay ít nhất cũng là sự thể hiện thái độ chính trị của mình.
- Nhà nước này cấm tự do tư tưởng, cấm người dân đào sâu suy nghĩ, phản biện, truyền bá tư tưởng, chính kiến, thì chúng tôi sẽ viết và quảng bá sách.
- Nhà nước này cấm tự do học thuật, thì chúng tôi sẽ nghiên cứu và phổ biến nghiên cứu của mình.
- Nhà nước này cấm sáng tạo, thì chúng tôi sẽ sáng tạo và khuyến khích mọi người cùng sáng tạo.
- Nhà nước này cấm người dân ghi chép sử, nhất là sử "ngoài luồng", sử của phong trào đấu tranh dân chủ, thì chúng tôi sẽ ghi chép và phổ biến.
- Nhà nước này cấm ngặt sự ghi nhận lực lượng đối lập, cấm ngặt vinh danh người bất đồng chính kiến, thì chúng tôi sẽ làm cả hai việc đó để chính danh hoá họ.
- Đơn giản nhất, nhà nước này cấm “xuất bản sách chính trị ngoài luồng”, quản lý chặt báo chí-xuất bản, thì chúng tôi sẽ phá rào.
Chúng tôi cần các bạn thấu hiểu, ủng hộ và cổ vũ chúng tôi làm tất cả những điều ấy. Chứ đương nhiên, chúng tôi không làm sách để "cho vui", "cho có trải nghiệm", hay đơn giản là để kiếm sống.
Chúng tôi cũng rất hiểu rằng công an hoàn toàn ý thức được những gì chúng tôi "âm mưu". Đôi khi, thật buồn là lực lượng công an thì hiểu (và vì thế, đàn áp thẳng tay), nhưng chính những người mà chúng tôi mong đợi sự ủng hộ của họ nhất, thì lại không hiểu điều chúng tôi muốn làm.
Rất mong độc giả trong và ngoài nước, rất mong bà con trong cộng đồng người Việt hải ngoại chia sẻ những tâm sự này.