Thao Ngoc
Tôi không được chứng kiến chuyến hành hương của đức chúa Jesus Cristo khi Ngài cùng 5000 người hành hương về thành Jerusalem; tôi cũng không được chứng kiến tăng đoàn 1250 đệ tử của phật Thích ca Mầu ni nhưng ngày nay, điều không thể tin được đầu thế kỷ 21 đã xảy ra. Tôi đã được chứng kiến đoàn hành hương của thầy Minh Tuệ đang diễn ra.
Đây là một hiện tượng xã hội rất kỳ lạ, nhất là lại xảy ra giữa thời hiện đại.
Ban đầu chỉ có mình Thầy âm thầm tu tập đã 6 năm. Thầy đã từng bị chửi, bị đánh, bị đuổi. Thầy một mình đi khất thực đã 4 lần ra bắc vào nam mà không ai biết, không ai quan tâm. Thầy hiền lành, ăn nói thì mộc mạc, thái độ thì lúng túng, chất phác; với ai cũng xưng con, ai cho tiền cũng hết sức từ chối. Thầy chỉ xin một bữa cơm chay buổi sáng dù đó là bún thừa, cơm nguội rắn như đá. Mỗi ngày Thầy chỉ ăn một bữa, đã ăn rồi là thôi, ai cho thức ăn cũng không nhận nữa. Đã 6 năm rồi không ai biết tới thầy, một tu sĩ khất thực nhỏ mọn, có vẻ điên khùng, ngây ngô.
Kệ!
Thầy cứ đi trên con đường tu tập vạn dặm của mình, mặc gió, mặc mưa, mặc người đời. Mùa mưa thầy ở trên núi Sạn (Nha Trang), ở trong một hốc núi như một vị guru (thánh) Ấn độ. Trên con đường hành tập theo hạnh đầu đà của Thầy, ngày đi 30, 40 km, đầu trần, chân đất, áo bá lạp chắp vá từ những mảnh vải nhặt ở bãi rác, tối ngủ ở gốc cây, ở nghĩa địa, ... Thầy đã tu được hạnh ngủ ngồi kiết già (thực ra là thiền định), mặc kệ gió, mặc kệ mưa, mặc kệ ma quỷ, côn trùng, rắn rết vây quanh. Nhờ có mạng xã hội mà người ta biết tới Thầy, người ta choáng váng trước các chi tiết tu tập của Thầy
Mọi người bắt đầu tìm hiểu về Thầy lúc Thầy đang trên đường tới Hà Giang. Từ thầy toát ra vẻ mộc mạc, đơn thuần. Dù ai biết đến hay không biết đến, dù ai làm gì Thầy cũng mặc. Thầy giản dị, thân thiện, hỏi gì cũng nói, biết thì nói, không biết thì bảo không biết. Khi công an hỏi giấy tờ căn cước thì Thầy không có nhưng Thầy lại nói:
- Con đã từ bỏ thế gian rồi; còn cái thân xác này thôi, muốn bắt, muốn giết gì cũng được, cho con sống thì con lại tu tiếp. Nếu con chết, giả dụ ô tô đụng chết, thì cũng không oán hận. Người ta vứt xác cho cá rỉa hay chôn lấp đâu đó cũng được, con không oán trách gì. Con bây giờ không có gì mà nhờ mọi người bảo hộ quyền lợi, nghĩa vụ gì đó nữa, cũng không có tài sản gì phải bảo hiểm hết.
Thầy vẫn cứ đơn thuần, chất phác như vậy trên con đường tu hành vạn dặm; lúc nào cũng tươi cười, hoan hỷ chúc phúc cho mọi người.
Mạng xã hội đã phát hiện ra Thầy, phát hiện ra hành tung và đạo hạnh không tầm thường của Thầy và cả xã hội, phật tử, giới tu sỹ, đã chú ý tới Thầy. Thôi thì khen chê đủ cả nhưng không ai có thể bắt bẻ được Thầy vì ngay từ đầu Thầy đã nói:
- Con không phải là sư, là thầy gì cả. Con chỉ là một công dân VN đang trên đường học tập theo giới hạnh của phật Sakya Munni và đi theo con đường của Phật. Con không có học trò, cũng không thuyết pháp vì bản thân con học chưa xong. Chỉ khi nào con thành tựu chánh đẳng, chánh giác thì lúc đó con mới dám hoá độ cho mọi người. Con không mời ai đi theo con mà cũng không xua đuổi ai cả, ai đi cùng là việc của họ mà không đi tiếp cũng là việc của họ!
Hạ mình, diệt ngã, xả ly như Thầy xưa nay chưa từng có.
Đã có những người đầu tiên đến với Thầy. Đại Đức Thích Minh Tạng và sa di (người mới tu học) Minh Trí đã bỏ chùa đi theo Thầy và coi Thầy là sư phụ nhưng Thầy chỉ dám nhận là huynh đệ cùng tu. Cả hai vị này đã phát nguyện theo Thầy đến hết đời. Lục tục có những tu sỹ, người mộ đạo khác đến theo Thầy. Có người đến rồi không chịu nổi gian khổ rồi lại về, có người đi được dăm ba ngày, có người được vài tuần. Đến đi cùng Thầy cũng hoan hỷ mà chia tay Thầy cũng hoan hỷ.
Phật tử theo thầy lúc đầu có vài người tò mò, vài người thích selfies, vài youtubers, tiktokers đi theo làm tin mạng. Dần dần đoàn người ngày một đông thêm, người đi theo vì tò mò, người đi theo vì niềm tin chân thành vào Phật, người thì theo vì mê tín, người thì theo để chữa bệnh ..
Sư Thích Trí Trung đã nói rất đúng: - Chướng ngại của Thầy đã bắt đầu!
Hoàn toàn đúng!
Làm một vị Phật sống không dễ! Người ta tôn vinh Thầy, tán thán Thầy, phục tùng Thầy thì đạo hạnh của Thầy phải ngày một tinh tấn, giới luật của Thầy phải ngày một nghiêm mật. Nhận lấy cái thiêng liêng của một vị phật thì phải gánh lấy cái cao cả của vị phật ấy, không thể khác! Chỉ có một lòng vì chúng sinh, xả ly, tuyệt dục, vô ngã, từ bi ... mới gánh được cái trách nhiệm chánh đẳng chánh giác này.
Những câu hỏi kiểu như:
- Đi thế thì giúp ích gì cho xã hội?!
- Nếu ai cũng đi thế thì xã hội sẽ ra sao ?!
- Tự đoạ đày thế là không nên ... ?
Rồi chúa Jesus dạy thế này, Phật dạy thế kia, ông này nói thế này, ông bà kia nói thế kia ... Học nhiều mà để kiến thức sách vở che lấp đến lú lẫn thì cũng không hơn gì người vô học. Ngồi đấy mà chê bai người ta. Thử làm theo người ta một hai ngày xem sao?!. Nói đạo lý thì dẻo quẹo nhưng thử bỏ ra một hai chục triệu xem có đau như lấy dao cứa vào da thịt ấy chứ!
Vậy nên, nói thì dễ mà làm mới khó
Vậy nên sư Pháp Hoà đã dự báo :
- Người nói pháp là đáng quý nhưng không quý bằng người nghe pháp, người nghe pháp đã quý nhưng không quý bằng người biết pháp, người biết pháp đã quý nhưng không quý bằng người hiểu pháp nhưng nói, nghe, biết, hiểu pháp không quý bằng người hành pháp
Đời sống xã hội loài người đi cùng với cái thiện, cái ác. Khi nào cái thiện, điều tử tế, được tôn vinh thì xã hội ổn định
Mong Thầy đủ nghị lực để tiếp tục làm vị phật sống trong đời đem hào quang đạo đức hướng thiện lan toả đến muôn nơi!