Tân Phong - Việt Tân
Dư luận Việt Nam rung động trong suốt hơn một tuần qua trước liên tiếp tin tức về vụ bắt giam và khởi tố “bà trùm” Trương Mỹ Lan và hàng loạt những cái chết bí ẩn các CEO tập đoàn Vạn Thịnh Phát chỉ trước và sau khi bị bắt giam ít ngày.
Hai nhân vật quan trọng nắm nhiều bí mật về tập đoàn, đặc biệt trong mảng chứng khoán và thẩm định tài chính là Phó Tổng Giám Đốc Chứng Khoán Tân Việt Nguyễn Tiến Thành và trợ lý của “bà trùm,” Phó Tổng Giám Đốc SCB Nguyễn Phương Hồng, đều đã tử vong mà không rõ nguyên nhân.
Cả hai đều còn trẻ và không có bệnh tật gì. Đáng sợ hơn cả là bà Hồng tử vong ngay trong trại tạm giam chỉ sau 2 ngày bị bắt giam. Ngày 13/10, văn phòng của tập đoàn này bốc cháy.
Tất cả diễn biến đó cùng với những câu chuyện lan truyền lâu nay về thế lực hắc ám Trung Nam Hải đỡ đầu cho tập đoàn này khiến người ta lạnh gáy liên tưởng đến “luật im lặng” trong giới mafia và các cuộc đồ sát tanh mùi máu.
Khách hàng của SCB ồ ạt kéo đến các điểm giao dịch để rút tiền, bỏ ngoài tai lời hứa bảo đảm của Ngân Hàng Nhà Nước. VNindex đã rơi tự do ngay khi tin tức bắt giam Trương Mỹ Lan lan truyền trên mạng xã hội. Có thời điểm Vnindex đã rớt khỏi ngưỡng 1000 điểm. Và để tránh cho một cuộc tháo chạy hoảng loạn có thể sụp đổ thị trường, hơn 21.000 tỷ đồng đã được bơm ra để kéo lại vài chục điểm. Nhưng đó, chỉ là một động tác “đá ném ao bèo” mà thôi.
Việc người dân đổ xô đi rút tiền ở SCB có thể không gây ra ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính vì sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam tốt hơn nhiều so với cách đây 10 năm trước – thời điểm mà hàng loạt các ông trùm ngân hàng như ACB, Oceanbank, Sacombank bị dính vòng lao lý.
Tuy vậy, SCB là ngân hàng tư nhân có khối tài sản lớn nhất chỉ sau “Big 4” nên khủng hoảng của ngân hàng này có thể gây ra những hậu quả lớn hơn về mặt tâm lý xã hội và hệ quả kéo theo rất khó lường trong thời điểm hiện tại, khi mà các rủi ro xã hội chính trị tiềm ẩn lớn hơn là các rủi ro tài chính.
Vạn Thịnh Phát từ gánh hàng xén đến đế chế tỷ đô la
Theo FB Trần Đình Triển thì:
Cô Trương Muội, tên thật của Trương Mỹ Lan, xuất thân từ một cô hàng xén ở chợ An Đông. Cô kết hôn lần đầu năm 16 tuổi nhưng sau đó nhanh chóng “sang ngang” lần thứ 2 với ông Chu Nap Kee Eric – một doanh nhân Hong Kong khi đó vẫn còn đi buôn cặp tóc. Những năm 90s, Trương Muội thành lập công ty Vạn Thịnh Phát chủ yếu kinh doanh nhà hàng, ăn uống. Lợi nhuận đủ sống.
Nhưng bước ngoặt đổi đời của Trương Muội từ khi quen biết bà Hai Liên khi đó là bí thư tỉnh Đồng Nai và bà Linda Tan Woo – Việt kiều Hong Kong. Mối quen biết trở nên thân tình và bà Linda Tan Woo nhờ Trương Muội môi giới cho một thương vụ nhiều triệu đô la. …Nhưng, Trương Muội đã tung chiêu một cú lừa ngoại mục để “nuốt” trắng 6 triệu USD của ông Sioeng Ted, một doanh nhân Hoa kiều làm ăn ở Indonesia và tống người bạn Linda Tan Woo vào tù. (Diễn biến như thế nào xin xem loạt bài của LS Trần Đình Triển đăng trên trang Facebook cá nhân của ông)
Với 6 triệu USD để “start up” hoành tráng, Trương Muội đã mua đứt khu đất vàng đường Trần Hưng Đạo số 193 – 197 là trụ sở cũ của Công Ty Dịch Vụ Thương Mại thuộc Sở Công Thương TP.HCM.
Nổi danh từ phi vụ đình đám nhất nước khi đó, có tiền, có đất đai, trụ sở hoành tráng, có quan hệ, Cô “hàng xén” Trương Mỹ Lan đã một bước hóa “phượng hoàng” kể từ vụ lừa đảo thế kỷ ngoạn mục và dần dần từng bước xây dựng lên đế chế tỷ đô la.
Đọc về profile của gia tộc họ Trương và khối tài sản khổng lồ của họ, có lẽ ai cũng phải choáng váng.
Chỉ riêng với cá nhân bà Trương Mỹ Lan, người nắm giữ 80% cổ phần của Vạn Thịnh Phát, sở hữu khối tài sản bất động sản hàng chục tỷ Mỹ Kim như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, khách sạn thương mại An Đông, khu dân cư Bonville Land, khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza…
Vạn Thịnh Phát là một tập đoàn tài chính, bảo hiểm và bất động sản hùng mạnh và có căn cơ “sâu rễ bền gốc” nhất Việt Nam trước khi xuất hiện những tỷ phú Đông Âu như Phạm Nhật Vượng hay Lê Viết Lam, Nguyễn Đăng Quang… SCB là ngân hàng tư nhân có khối tài sản lớn nhất chỉ sau 4 ngân hàng thuộc nhóm Big 4 của nhà nước.
Thế lực đằng sau thực sự là ai?
Theo FB Đỗ Ngà mới đây cho biết:
“…Các dự án bất động sản của Vạn Thịnh Phát đều có dấu ấn của một công ty kiến trúc tại Hong Kong, quê của ngài Chu Nap Kee Eric. Đó là công ty Kent Lui. Công ty này thiết kế hầu hết các đại dự án của Vạn Thịnh Phát như Saigon Penisula, Saigon Times Square, Sunny World ở Vân Đồn, đặc khu kinh tế Vân Phong… với những đại dự án hàng chục tỷ Mỹ Kim.
Kent Lui có trụ sở chính ở Hong Kong và chi nhánh tại VTP Building 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1, TP.HCM. Điều đặc biệt là công ty này từng thiết kế cho tuyến Metro Olympic Bắc Kinh – một đại dự án tầm cỡ quốc gia như vậy thì thế lực chính trị của Kent Lui ở tầm như thế nào? Kent Lui cũng là công ty thiết kế Thủ Thiêm, Cảng Saigon, Cảng Bạch Đằng, đặc khu kinh tế Vân Đồn, đặc khu kinh tế Vân Phong. Chỉ cần nhắc đến những cái tên này đã có thể biết đến thế lực chính trị khủng của Vạn Thịnh Phát…
Sự lớn mạnh của Vạn Thịnh Phát gắn liền với cái tên Lê Thanh Hải từ khi ông này còn làm bí thư Quận 5. Thế lực của Vạn Thịnh Phát càng phát triển thì quan lộ của Lê Thanh Hải càng rộng mở, thẳng tiến vào Bộ Chính Trị và là bí thư Thành Hồ.”
Theo FB Đỗ Ngà thì năm 2008 Chu Vĩnh Khang có vào thăm TP.HCM và gặp Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua mà không gặp người đồng cấp. Có thể thông tin này chưa đầy đủ.
Chuyến thăm của Chu Vĩnh Khang khi đó trên cương vị là trưởng ban Chính Pháp tức chủ tịch quốc hội Trung Quốc, Chu đã gặp hầu hết các “nô tài” của ông ta ở Việt Nam từ Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang… cho đến Lê Thanh Hải.
Năm 2008 là thời điểm nguy hiểm của Việt Nam khi nền kinh tế hoàn toàn bị Trung Quốc kiểm soát với hơn 90% các dự án trọng điểm đều nằm trong tay nhà thầu Trung Quốc. Tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước Việt Nam đều ăn tiền và phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Chuyến đi của Chu Vĩnh Khang để “chốt” những dự án tỷ đô la mà cho đến nay là những khối u nhức nhối cho Việt Nam như đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Bauxite Tây Nguyên, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Gang thép Lào Cai.
Nhưng mục đích chính của Chu nhằm tăng cường áp lực để giới chóp bu CSVN nhượng bộ trong lĩnh vực khai thác dầu khí, dần dần loại bỏ thế lực “Bảy chị em” là các công ty dầu khí quốc tế đang có các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam như ExxonMobil, Chevron, BHP Billiton, công ty Dầu Khí Hàn Quốc (KNOC), Total & ONGC (Ấ n Độ), Malaysia Petronas, Nippon (Nhật Bản), Talisman& 6 PTTEP (Thái Lan), Premier Oil, SOCO International, ConocoPhillips và Neon Energy… để tiến tới việc các công ty dầu khí Trung Quốc sẽ độc quyền “liên danh khai thác” với Việt Nam.
Chính sách “thực dân kiểu mới” của Trung Quốc được che đậy bởi những mỹ từ “Con đường tơ lụa,” “Một vành đai, một con đường” được các ông chủ Trung Nam Hải giao nhiệm vụ cho đám nô tài như Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải… thực thi.
Và giờ đây người ta có thấy sự phá hoại khủng khiếp của những dự án như đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Bauxite Tây Nguyên, Gang thép Lào Cai đối với nền kinh tế quốc gia… cũng như sự nhượng bộ của Hà Nội tại Biển Đông ra sao. Những người CSVN đã đút đầu vào chiếc thòng lọng Nợ của người anh em 4 Tốt và rất khó có thể rút đầu ra. Tất cả là một lộ trình bán nước…
Thế lực hậu thuẫn của Vạn Thịnh Phát đương nhiên không chỉ có một mình Lê Thanh Hải. Nó ở tầm vóc cao hơn nhiều khi hầu hết các dự án mà Vạn Thịnh Phát thâu tóm đều là những dự án trọng điểm và cực kỳ nhạy cảm, liên quan đến vấn đề an ninh quân sự quốc phòng, an ninh kinh tế quốc gia như đặc khu Vân Phong, đặc khu Vân Đồn, Cảng Saigon, Cảnh Bạch Đằng, Thủ Thiêm…
Từ bao giờ, “khủng long” hóa cừu?
Hàng loạt những cái chết mờ ám ghê rợn liên tiếp xảy ra với các CEO của Vạn Thịnh Phát và SCB không khỏi làm người ta nhớ đến cái chết của ông Tướng Phạm Quý Ngọ nhiều năm trước. Ông Ngọ khi đó là thứ trưởng Bộ Công An và đang có tương lai lên bộ trưởng công an chứ không phải ông Tô Lâm. Nhưng chỉ một lời khai của Dương Chí Dũng làm “lộ bí mật quốc gia,” ông Ngọ đã chết chỉ sau đó ít lâu, khi đang rất khỏe mạnh sung sức.
Câu hỏi rất nhiều người nghĩ đến là ai là kẻ có khả năng ra tay với từng đó người và hoàn toàn “vô hình” trước đội ngũ an ninh đông đảo và “giỏi nhất thế giới” là Bộ Công An Việt Nam?
Vốn dĩ trước nay, gia tộc hùng mạnh này được bao bọc quanh bởi rất nhiều câu chuyện truyền kỳ ghê gớm về khả năng thao túng thị trường lẫn chính trường. “Nước sông Saigon có thể cạn nhưng tiền họ Trương thì không bao giờ hết.”
Người ta đồn rằng thế lực đằng sau họ là tình báo Hoa Nam và cả những mối quan hệ với các “lão đại” Trung Quốc như Chu Vĩnh Khang. Thậm chí những quan chức ủy viên Bộ Chính Trị CSVN như Lê Thanh Hải cũng chỉ là quân cờ của họ mà thôi.
Cái tên Vạn Thịnh Phát dường như là một thế lực bất khả xâm phạm, một con khủng long bạo chúa mà việc “đụng tới” thậm chí là điều giới chức CSVN vô cùng e ngại.
Nhưng có một chi tiết rất đáng chú ý là vào giữa năm 2014, 9 người trong gia tộc họ Trương này đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để định cư một nước khác, nhưng sau đó bằng cách nào đó CSVN đã trấn an được gia tộc này ở lại để tránh một cuộc sụp đổ về tài chính khi đó.
Năm 2014 cũng là năm mà ông “trùm mật vụ,” “trùm tham nhũng” Chu Vĩnh Khang ngã ngựa. Tài sản của Chu và gia tộc, đồng phạm liên quan khi bị tịch thu là 16 tỷ USD theo như báo chí Trung Quốc đưa tin. Chu bị kết án chung thân vào cuối năm 2014 nhưng thông tin Chu bị bắt giam để phục vụ điều tra thì vào thời điểm giữa năm 2014. Phải chăng, hai sự kiện này có liên quan? Và phải chăng Chu Vĩnh Khang – ông trùm mật vụ, người đứng đằng sau nhiều đế chế tỷ đô la có liên quan tới gia tộc Trương?
Và khi thế lực chống lưng bị đổ, gia tộc Trương đã tính đến nước tẩu vi thượng sách bởi CSVN là tay chân của Trung Quốc Cộng Sản đảng. Việc thanh trừng “đả hổ, diệt ruồi” của Tập sẽ không chỉ dừng lại ở Chu Vĩnh Khang mà tất cả tay chân, sân sau cũng sẽ bị sờ tới. Tập Cận Bình chỉ cần cho phép hoặc chỉ đạo, Hà Nội sẽ ngay lập tức thực hiện.
Xem ra việc bắt tạm giam hàng loạt nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát không đơn giản là những sai phạm kinh tế mà còn những lý do chính trị rất lớn. Nó rất khác với những động thái chính trị từ trước tới nay của giới chức CSVN.
Dường như đã có một quyết định thay đổi quan trọng được đưa ra từ thượng tầng chính trị Việt Nam. Đánh sập thế lực Vạn Thịnh Phát không đơn giản là một tập đoàn kinh tế lớn có nhiều sai phạm nghiêm trọng mà nó là một sợi dây câu đã mắc vào cổ họng những viên chức cao cấp CSVN từ rất lâu.
Một đòn “hồi mã thương” cực kỳ bất ngờ. Thế lực chống lưng cho Vạn Thịnh Phát từ các “lão đại” ở Trung Nam Hải có thể đã suy yếu kể từ khi Chu Vĩnh Khang bị thất sủng và tay chân, phe cánh bị chặt đứt. Vạn Thịnh Phát giờ chỉ như con cừu béo trong mắt đàn sói đói ở Bộ Công An Việt Nam. Và mối quan hệ làm ăn của Vạn Thịnh Phát gắn bó rất chặt chẽ với các nhân vật trong tầm ngắm của ngài tổng bí thư. Nên thực sự đây là một việc “nhất tiễn hạ song điêu” vừa thâu tóm khối tài sản phi pháp khổng lồ của Vạn Thịnh Phát, vừa được tiếng “đốt lò” không có vùng cấm.
Đại gia thành cừu béo nhưng đàn vịt cái lông cũng không còn
Hàng triệu những người dân đã mua cổ phiếu, trái phiếu của Vạn Thịnh Phát sẽ đối diện với nguy cơ trắng tay. Giới chức CSVN hoàn toàn phủi tay và tuyên bố xanh rờn “Nhà phát hành cổ phiếu, trái phiếu có trách nhiệm trả tiền cho nhà đầu tư.” Nhưng trong khi đó gia sản của họ Trương và Vạn Thịnh Phát giờ đây là một bữa tiệc buffet miễn phí cho các quan chức chóp bu và Bộ Công An Việt Nam. Một mẻ lưới quá đậm!
Hãy nhìn lại tất cả những tấm gương từ Tăng Minh Phụng, Nguyễn Văn Mười Hai, Hải Đồ Cổ, Bầu Kiên, Hà Văn Thắm, Trầm Bê, Diệp Bạch Dương, Trần Bắc Hà… và xa hơn nữa trong lịch sử chế độ này, các tư sản địa chủ yêu nước như bà Cát Hanh Long… Tất cả họ đều không có kết cục tốt đẹp.
Tất nhiên ở đây cần phân biệt các tư bản Đỏ và những doanh nhân chân chính. Các tư bản Đỏ là những kẻ làm giàu từ cơ chế ăn cướp của đảng CSVN, họ làm giàu nhanh chóng từ những kẽ hở luật pháp, từ mối quan hệ thân hữu và dễ dàng chiếm hữu công sản, tài nguyên thành của riêng. Nhưng chính họ lại trở thành nạn nhân của chế độ, của cuộc chiến phe nhóm, băng đảng.
Nhưng hãy thật tỉnh táo ở đây. Bởi không chỉ các doanh nhân vi phạm pháp luật mới là tội đồ. Hệ thống luật pháp này tạo ra những sản phẩm đó. Quan chức dung túng cho doanh nhân để lừa đảo, cướp đất đai, tài nguyên, lừa gạt công chúng phát hành hàng tỷ đô la giấy Nợ 3 Không, để nâng khống tài sản… thực hiện mọi thủ đoạn để lừa gạt.
Và khi đám con buôn đã no căng, thì lúc đó nhà nước sẽ đóng vai “công chính, pháp luật” để xẻ thịt như con cừu béo. Nhưng tiền của đám đông thì “một đi sẽ không bao giờ trở lại.” Đó mới là toàn cảnh của bức tranh.
Cuối cùng, những con cừu được chế độ này nuôi béo để xén lông và làm thịt và đàn vịt gầy trơ xương chẳng còn đến cái lông. Tất cả để vinh quang đảng 4 lần!
Tân Phong