Đảng cộng sản Việt Nam đã hết thời

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước đã viết một bài phân tích về tình hình của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, dưới tiêu đề “một vài suy nghĩ về xây dựng Đảng” đăng trên tờ Nhân Dân hôm mồng 3 tháng 1 vừa qua.

Tuy bài viết rất ngắn khoảng 1000 chữ, nhưng bà Bình đã mô tả tình hình đất nước rất chính xác qua 5 thực trạng: đầu tư kém hiệu quả, tốc độ phát triển kinh tế chậm, sức cạnh tranh thấp, ngân sách thiếu hụt, nợ công cao.

Sau khi nêu lên một loạt ưu tư: Làm sao ngăn chặn những tệ nạn trầm kha như tham nhũng, làm việc gì cũng phải “lót tay”, không thấy trách nhiệm chỉ thấy “quyền lợi”? Làm sao giảm bớt, làm gọn một bộ máy phình to như hiện nay? Làm sao loại những cán bộ hư hỏng, suy thoái về tư tưởng phẩm chất chính trị, đạo đức… bà Nguyễn Thị Bình chỉ ra rằng nguyên nhân của các nguyên nhân chính là phương thức lãnh đạo của đảng CSVN.

Bà Bình đặt vấn đề rằng chính phương thức “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã trở thành bi kịch lớn khiến cho những chủ trương của đảng không được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Từ đó bà Bình cho rằng chính vì thiếu những quy định rõ ràng về sự phân công trách nhiệm qua phương thức lãnh đạo nói trên, nên có những lỗ hổng, không xác định được ai là người chịu trách nhiệm để có biện pháp khắc phục.

Nói cách khác, vì thiếu những văn kiện quy định rõ ràng về quyền hạn và phạm vi trách nhiệm dựa trên nền tảng luật pháp rõ ràng nên theo bà Nguyễn Thị Bình, đã tạo ra hiện tượng xé rào ở các cơ chế.

Vì thế, bà Nguyễn Thị Bình đã gửi gắm lời tâm huyết hay nói đúng hơn là một ước mơ: “cần tháo gỡ trước hết là chấn chỉnh bộ máy Nhà nước và thể chế của nó phù hợp với yêu cầu của tình hình để hoạt động có hiệu lực hơn, quan tâm thật sự đến lợi ích của nhân dân.”

Những suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Bình tuy là điều tâm huyết nhưng chỉ nhìn thấy căn bệnh ngoài da của đảng, nên tiếng nói của bà Nguyễn Thị Bình rồi cũng sẽ như nhiều đảng viên lão thành khác trở thành “tiếng vọng từ đáy vực.”

Đảng CSVN đã có rất nhiều cơ hội để thay đổi đường lối, chính sách để có thể thực hiện những điều tâm huyết như bà Nguyễn Thị Bình nêu ra; nhưng những kế hoạch thay đổi đều không vượt qua nổi hàng rào cố thủ của lô cốt Mác - Lênin. Rốt cuộc là lãnh đạo CSVN từ thời ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt cho đến ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng đều loay hoay giữa thực tế và ước mơ trên con đường cải cách.


Phương thức “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã trở thành bi kịch lớn khiến cho những chủ trương của đảng không được quán triệt và thực hiện nghiêm túc.

Ví dụ, cho đến nay sau hơn 30 năm đổi mới, lãnh đạo đảng CSVN vẫn tiếp tục phương thức chỉ đạo “phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, trong khi ai cũng thấy rõ là không bao giờ đạt được “xã hội chủ nghĩa” – dù cho đến hết thế kỷ 21 hay nhiều thế kỷ sau đó.

Biết rất rõ “đường đi không đến” mà vẫn cố bám lấy nó như một định hướng, rõ ràng là lãnh đạo CSVN đã rơi vào hai tâm trạng.

Một là trót theo “xã hội chủ nghĩa” nên sẵn sàng đánh đổi tất cả để đi cho đến cùng.

Hai là bám lấy “xã hội chủ nghĩa” vì nó cho phép lãnh đạo đảng đứng trên tất cả.

Cả hai trạng thái nói trên đều là tâm lý chung của hàng ngũ lãnh đạo lẫn cán bộ hiện nay và vì thế họ không có nhu cầu phải thể chế hóa vai trò lãnh đạo đảng, mà ngược lại luôn luôn hành xử tùy tiện để dễ bề thao túng quyền lực theo nhu cầu cộng sinh.

Thể chế hóa như bà Nguyễn Thị Bình kêu gọi chẳng khác nào loại bỏ quyền lực độc tôn của đảng trong một cơ chế tam quyền phân lập, có giám sát, phối hợp rõ ràng như tại các quốc gia dân chủ. Tức là không theo lối phân công tùy tiện giữa ba bộ phận chính phủ, quốc hội, nhà nước nằm dưới sự chỉ đạo của đảng CSVN như hiện nay.

Họ loay hoay chống tham nhũng hết năm nay qua năm kia, ngăn cấm nạn chè chén, phong bì, nghiêm trị một vài cán bộ biển thủ vân, vân… chỉ là để xoa dịu những phẫn nộ của người dân. Nhưng rồi mọi thứ đều trở lại như cũ bởi giới lãnh đạo CSVN cho là người dân phải chấp nhận và coi sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng như một định mệnh.

Định mệnh này đến từ nỗi sợ to lớn nhất của lãnh đạo chính là những thay đổi dẫn đến sự mất độc quyền lãnh đạo của đảng CSVN.

Nói cách khác, đảng CSVN sợ mất quyền lực độc tôn hơn là những tha hóa của cán bộ đảng viên hay sự suy thoái của đất nước.

Tình hình đảng CSVN theo mô tả của bà Nguyễn Thị Bình nói trên không phải là trường hợp cách riêng của Việt Nam mà nó là hoàn cảnh chung của các đảng độc tài khi ở vào thời kỳ cuối cùng. Nói cách khác đó là dấu hiệu của tiến trình cáo chung không thể cưỡng lại được, khi họ cố bám lấy quyền lực độc tôn.

Tiến trình cáo chung này có thể nhìn thấy qua 3 hiện tượng đã xảy ra trong thời gian gần đây.

Thứ nhất, vụ kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến những buôn bán chức vụ ở Bộ công thương, với lý do khó tin là chưa có luật nào xử một cán bộ đã về hưu cho thấy là tình hình chống tham nhũng đã đến hồi “bó tay”.

Tổng bí thư thì ra lệnh Quốc hội phải truy cứu, Quốc hội thì cho là chưa có luật nào quy định việc kỷ luật một Bộ trưởng đã về hưu. Điều này cho thấy là đảng tuy đứng trên tất cả, nhưng đụng đến quyền lợi của từng phe nhóm, đảng cũng đành bó tay và đó chính là nguyên nhân mà bà Nguyễn Thị Bình cho rằng “toàn đảng không thấy trách nhiệm mà chỉ thấy quyền lợi”. Khi cán bộ các cấp chỉ còn thấy quyền lợi trước mắt để thủ thân, đảng trở thành nơi duy nhất để tẩu tán tài sản và sẵn sàng bỏ trốn khi có biến động.

Thứ hai, tình hình thiếu hụt tài chánh hiện đang ở mức báo động. Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ, khiến chính quyền CSVN đã phải đi vay và vì thế tiếp tục tác động đến nợ công và thâm hụt ngân sách trầm trọng. Riêng trong năm 2016, CSVN đã phải ký kết 34 hiệp định vay ODA khoảng 5,2 tỉ Mỹ Kim, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Tình trạng bất cập, thiếu hụt về ngân sách hiện nay được dồn lại từ nhiều năm trước, khiến Trung ương đã phải liên tục cắt giảm ngân sách các địa phương, dẫn đến việc lạm thu các khoản đóng góp từ người dân, đang tạo ra những ngòi nổ bất mãn rất lớn trong xã hội. Nhiều chuyên gia về tài chánh đã lên tiếng cảnh báo rằng: “nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài chánh quốc gia là không thể tránh khỏi trong hai năm tới.”

Thứ ba, chưa bao giờ sự bất mãn của người dân trước các biến động xã hội bùng phát mạnh mẽ và lan tỏa một cách rộng rãi như hiện nay. Từ vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, công an đánh chết người ở nhiều nơi, vụ cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung cho đến vụ xả lũ của các hồ đập trữ nước và các đập thủy điện gần đây, đã như nung nấu sự bức xức của người dân, chờ ngày bộc phát trên toàn quốc.

Lãnh đạo CSVN nhìn thấy rõ là họ đã đánh mất lòng tin của người dân và cố tìm cách xoa dịu. Nhưng tất cả mọi nỗ lực lấy lòng dân từ trung ương xuống địa phương đều đi theo một khuôn mẫu: hứa hẹn suông và đổ trách nhiệm lẫn nhau. Đây là bối cảnh xảy ra vào lúc chế độ độc tài bước vào thời kỳ cáo chung, với hiện tượng tháo chạy của cán bộ.

Nói tóm lại, lãnh đạo đảng CSVN biết rất rõ những yếu kém và suy nhược của bộ máy cai trị. Nhưng họ không dám đụng vào gốc rễ của vấn đề. Đó là sự cai trị độc tôn của đảng.

Càng ôm chặt sự độc tôn, đảng CSVN càng suy thoái và chắc chắn sẽ bị cáo chung trong một tương lai rất gần trước sự phẫn nộ của người dân và cả những người đảng viên cộng sản thức tỉnh.

Lý Thái Hùng
11/1/2017