Mục tiêu cốt lõi của công cuộc đấu tranh mà dân tộc Việt Nam đang tiến hành không chỉ để thiết lập một thể chế tự do dân chủ mà còn là để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt chính kiến, góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập và thịnh vượng. Những gì cản trở công cuộc đấu tranh để thực hiện nguyện vọng tự do dân chủ của dân tộc nói trên đều phải được gỡ bỏ. Đối tượng đầu tiên phải bị loại bỏ bằng sức mạnh của đại khối dân tộc đang khát khao tự do dân chủ chính là guồng máy đang khư khư ôm giữ độc quyền thống trị, tạo bè cánh tham ô và trấn áp một cách độc ác đối với những ai nói lên nguyện vọng của toàn dân. Guồng máy này bao gồm tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, cơ chế bạo lực thuộc hạ và đường dây tham ác, nhũng lạm dây chuyền ăn sâu, tỏa rộng trên cùng khắp đất nước và mọi lãnh vực trong đời sống.
Vì là cuộc đấu tranh của đại đa số người dân khát khao tự do dân chủ chống lại một thiểu số độc tài độc đảng và tham quyền cố vị nên đây là cuộc chiến đấu có chính nghĩa.
Tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm Bộ chính trị, Trung ương đảng và các trụ cột quyền lực đang chống đỡ chế độ như công an, quân đội, truyền thông, quốc hội, chính phủ, Mặt trận tổ quốc, công đoàn, Hội nhà giáo, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh… Đây là những bộ máy mà qua đó, lãnh đạo Hà Nội điều phối vào những nhu cầu chính trị của đảng để kiểm soát và đàn áp người dân. Nếu những con người phục vụ trong các trụ cột quyền lực nói trên từ bỏ sự hỗ trợ đối với chế độ độc tài Hà Nội thì toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ. Vì những cá nhân phục vụ trong mỗi trụ cột không đồng đều hay đồng nhất mà là những vòng tròn với vai trò khác nhau, quyền lợi được thụ hưởng từ chế độ khác nhau, do đó mà sự trung thành đối với chế độ cũng khác nhau. Khi những con người phục vụ ở các trụ cột đó bị giao động hay bị khuất phục và trở nên thờ ơ, chễnh mãng hoặc bê tha công việc, guồng máy độc tài sẽ suy yếu và sụp đổ.
Nhận diện và phân tích các trụ cột quan trọng đang chống đỡ chế độ độc tài, đồng thời lôi kéo những con người đang phục vụ trong những trụ cột nói trên từ bỏ hoặc bất hợp tác với chế độ là những bước căn bản của việc áp dụng phương thức đấu tranh bất bạo động. Nói cách khác, khi nào lực lượng dân chủ thuyết phục được một số người đang phục vụ trong các bộ máy mà chế độc tài tựa vào đó để củng cố quyền lực độc tôn, thì sớm muộn gì chế độ độc tài đó cũng sẽ tan rã. Lịch sử thế giới đã chứng minh nhiều lần về giá trị của phương thức đấu tranh bất bạo động này – qua những cuộc tranh đấu thành công tại Đông Âu, Liên Bang Xô Viết hay tại những quốc gia từng xảy ra cuộc cách mạng Màu vào đầu thế kỷ 21.
Chế độ Cộng sản Việt Nam hiện đang tựa trên một số trụ cột quan trọng như Truyền thông, Hành chánh, Pháp lý, Công an, Quân đội, các Tập đoàn kinh tế… Những trụ cột này ngày nay không còn “nhất trí” theo lãnh đạo đảng như dưới thời bao cấp. Những cán bộ phục vụ trong các tập đoàn kinh tế, mậu dịch là giàu có nhất; kế đến là những cán bộ phục vụ trong bộ máy công an, cảnh sát, pháp lý; còn những cán bộ phục vụ trong các trụ cột truyền thông, văn hóa, quân đội thì nghèo đói hơn vì ít có cơ hội móc ngoặc, tham nhũng. Chính sự khác biệt về quyền và lợi do vị trí làm việc trong thời mở cửa nói trên, đã nảy sinh ra những xung đột nội bộ, khiến cho các cơ quan đảng và nước trong những chế độ độc tài mang ba đặc tính “dựa vào nhau để tồn tại, dè chừng nhau để thủ thân, tranh chấp nhau để thủ lợi”.
Phương thức đấu tranh bất bạo động mà đảng Việt Tân tiến hành chính là vận động sự bất mãn của quần chúng, tạo áp lực để xé to những mầm mâu thuẫn trong lòng chế độ nảy sinh từ ba đặc tính nói trên. Phương thức đấu tranh này không dùng tới súng đạn hay các phương tiện giết người mà hoàn toàn dựa trên lòng căm phẫn, ý chí can đảm và khát vọng dân chủ của người dân để tạo áp lực thay đổi. Điều ta cần lưu ý là các chế độc độc tài không bao giờ tự ý thay đổi. Ngay cả khi bị áp lực phải thay đổi, lãnh đạo Hà Nội cũng tìm cách câu giờ để không tiến hành ngay hoặc cho thi hành một cách lấy lệ. Do đó, tuy phương pháp đấu tranh là bất bạo động (non-violence) nhưng các hành động phản kháng phải triệt để, dứt khoát và kiên quyết, dựa trên ba nguyên lý căn bản: 1/ Lôi kéo và tách lìa đối phương hơn là tấn công; 2/ Nếu phải chọn biện pháp tấn công thì chỉ nên chọn mục tiêu nhỏ và cụ thể, tránh tấn công vào cả cột trụ; 3/ Chọn những hình thức tấn công luôn luôn đẩy chế độ độc tài ở vào thế Tiến Thoái Lưỡng Nan. Trong ba nguyên lý nói trên, đặt chế độ độc tài ở vào tình thế khó xử – chọn giải pháp giải quyết ra sao cũng đều gặp những khó khăn, thiệt hại không thể tránh được – là thế phản kháng quan trọng của đấu tranh bất bạo động.
Đảng Việt Tân đã áp dụng phương thức đấu tranh bất bạo động từ những ngày thành lập vào năm 1982. Lúc đó, đảng Việt Tân gọi là đấu tranh vận dụng mà nỗ lực chính là vận động và hỗ trợ người dân bất hợp tác hoặc chống phá ngầm mọi kế hoạch thống trị của chế độ độc tài. Kể từ khi biến cố Đông Âu xảy ra, đảng Việt Tân đã rút tỉa thêm những kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động thành công tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Serbia, Georgia… góp phần với các lực lượng khác tấn công một số trụ cột tiêu biểu đang chống đỡ chế độ Hà Nội.
Thứ nhất là tấn công vào những trụ cột luật pháp; pháp lý qua việc hỗ trợ và giúp đỡ những cuộc đấu tranh của bà con dân oan khiếu kiện hay công nhân đình công và nhất là đối với những vụ đàn áp phi lý đối với các nhà dân chủ, các tổ chức tôn giáo, đảng phái. Mục tiêu chính yếu là cho dư luận thấy rõ xã hội Việt Nam không có công lý. Tất cả vận hành theo những quyết định tùy tiện của một thiểu số lãnh đạo. Mặc dù Hà Nội đã cố cải sửa hệ thống pháp lý dưới áp lực của thế giới, nhưng cho đến nay, mọi luật lệ quy định đều nhằm bảo vệ sự độc tôn của đảng mà thôi; vì thế mà Hà Nội đã bị nhiều áp lực của thế giới về trụ cột này.
Thứ hai là tấn công vào trụ cột truyền thông để phá vỡ bưng bít thông tin và truyền đạt những tin tức đấu tranh đến mọi người dân. Nhờ sự bùng nổ của mạng Internet đã giúp cho sự xuất hiện ào ạt của phong trào dân báo dưới dạng Blog, Facebook, E-Mail đã khiến cho Hà Nội không còn khả năng kiểm soát thông tin một cách chặt chẽ như vài năm trước đây. Theo sự thú nhận của Trương Tấn Sang trong Hội nghị Hội nhà báo vào tháng 4 năm 2010 thì Hà Nội chỉ còn có thể ảnh hưởng khoảng 50% nội dung thông tin trên cả nước.
Thứ ba là tấn công vào hệ thống hành chánh và cơ chế thống trị của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Những bài báo tố cáo hệ thống tham nhũng, tư cách vô đạo đức của cán bộ, bản chất tay sai Trung Quốc của một số lãnh đạo… đã được nhiều người cho phổ biến công khai trong công luận. Nhờ những bài viết này mà hàng ngũ đảng Cộng sản Việt Nam đã bị lung lạc, khiến cho lãnh đạo Hà Nội đã phải thú nhận về sự phân hóa trầm trọng trong nội bộ qua nhóm từ “tự diễn biến nội bộ”. Tức là niềm tin của cán bộ và đảng viên vào lãnh đạo đảng cũng như vào con đường đi của đảng đã bị suy thoái trầm trọng.
Ngoài việc góp phần với các lực lượng dân chủ tấn công các trụ cột tiêu biểu nói trên, đảng viên đảng Việt Tân còn tham gia tích cực vào việc chống khai thác Bauxite tại Tây Nguyên và phong trào bảo vệ biển đảo đang bị Trung Quốc lấn chiếm. Những nỗ lực đấu tranh của đảng Việt Tân và tất cả những lực lượng đấu tranh mà đảng Việt Tân đang hợp tác hiện nay đều đáp ứng nguyện vọng chung của dân tộc Việt Nam. Chỉ có thiểu số lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đang đi ngược lại nguyện vọng tự do dân chủ của dân tộc mới chụp mũ đảng Việt Tân là khủng bố, phá hoại. Đây là thủ đoạn gian ác của những chế độ toàn trị khi bị đẩy vào bước đường cùng trước khi tan rã.
Trung Điền
https://viettan.org/dang-viet-tan-va-dau-tranh-bat-bao-dong/