Đầu năm nói chuyện tịch điền

 
Ảnh chủ tịch nước cày cấy diễn hài

Việt Tân 

Lễ Tịch điền là hoạt động có từ thời nhà Tiền Lê, do vua Lê Đại Hành khởi xướng bằng việc đích thân vua cày ruộng ngày đầu năm mới. Mục đích của lễ hội là thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo đối với nền nông nghiệp và cổ vũ người dân sản xuất.

Liên quan đến lễ Tịch Điền, trong những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh kỳ cục về con trâu - cái cày của ông Nguyễn Xuân Phúc. Bỏ qua những yếu tố hài hước trong buổi lễ, ở một góc nhìn khác, có vẻ như cách thức thực hiện nghi lễ của ông Nguyễn Xuân Phúc đang phản ánh đúng sự lạc hậu cố hữu của nền nông nghiệp Việt Nam: “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.
 
Thế giới đã bước vào giai đoạn phát triển 4.0, nhưng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn cứ như lạc lõng ở thế kỷ 19. Những vấn đề yếu kém của ngành nông nghiệp: số dân làm nông còn quá cao, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, chất lượng thấp, tập quán sản xuất thô sơ,...
 
Tụt hậu so với láng giềng
 
Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đa số nông sản của Việt Nam lại xuất khẩu dưới dạng thô và hầu hết là chưa có thương hiệu nên giá trị thấp.
 
Ví dụ rõ nhất là câu chuyện Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tuy nhiên thương hiệu gạo Việt Nam kém xa Thái Lan và đang tụt hạng so với Campuchia do chạy theo số lượng. Campuchia cũng như Thái Lan không cần khối lượng mà chỉ cần chất lượng. Việt Nam đang mất các hợp đồng ở các thị trường truyền thống, trong khi gạo Thái Lan vẫn ở đẳng cấp cao và gạo Campuchia thì ngày càng tiến lên khẳng định vị thế.
 
Thống kê cho thấy năng suất lao động của nông dân Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất châu Á. Nguyên nhân quan trọng là do chi phí sản xuất vẫn còn cao, nền nông nghiệp chưa được công nghiệp hóa mà vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sức lao động của nông dân, quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, kênh phân phối và chuỗi giá trị trong nền nông nghiệp cũng yếu,…
 
Nông nghiệp Việt Nam đang lạc hậu và dựa quá nhiều vào đất đai, tài nguyên nước, phân bón và phát triển thiếu bền vững. Sự tăng trưởng chậm đang kéo GDP tăng trưởng chậm lại. Nếu không có những cải cách và đột phá, nông nghiệp sẽ tụt hậu, làm cho cả nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp 4.0 diễn ra chậm chạp và không thật sự được nhà nước chú trọng đầu tư.
 
Nông sản trông chờ vào giải cứu thay vì giải pháp
 
Trong nhiều năm qua, mỗi lần Trung Quốc đóng cửa biên giới là một lần nông sản Việt Nam “sóng gió". Ngoài ra, vấn nạn thương lái Trung Quốc vào tận vườn ép giá hoặc lừa nông dân Việt Nam trồng cây với diện tích lớn sau đó bỏ trốn,... cũng cực kỳ phổ biến.
 
Năm nào cũng vậy, bài ca “được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản” hết cây này sang con khác cứ mãi lặp lại là minh chứng của một nền sản xuất manh mún, thiếu bền vững và ổn định. Và bao giờ cũng vậy, sự thua thiệt luôn rơi vào đầu người nông dân.
 
Những vấn nạn nói trên, cho thấy nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều. Nông dân làm theo phong trào, không kí kết hợp đồng với doanh nghiệp. Đa số nông sản của Việt Nam lại xuất khẩu dưới dạng thô vì vậy mà giá cả và chất lượng nông sản không có tính cạnh tranh trong thị trường khu vực và trên thế giới.
 
Nhà nước đang thiếu một chiến lược nông nghiệp bền vững
 
Thực tế nền nông nghiệp Việt Nam chưa bền vững, rủi ro cao, giá cả của đầu ra nông sản bấp bênh, lạc hậu, chưa có nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nên chậm trễ ứng phó với biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Bên cạnh đó, nông sản Việt Nam khó cạnh tranh với nông sản các nước khác cả về chất lượng cũng như uy tín là điều không thể phủ nhận. Chính vì vậy, hàng nông sản Việt Nam cần có giải pháp lâu dài, bền vững chứ không phải chờ hằng năm "giải cứu".
 
Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, nhưng thời kỳ này đang qua đi nhanh, Nhà Nước hầu như chưa chuẩn bị gì để đón nhận thời kỳ quý giá này cho nông nghiệp, nên lao động nông nghiệp Việt Nam đa số vẫn còn ở trình độ thấp. Đơn cử như chuyện có khoảng 70% số lao động chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo chuyên môn nào. Do ít được đào tạo, nên lao động nông nghiệp thiếu kiến thức khoa học, thiếu kiến thức quản trị đồng ruộng, quản trị trang trại.
 
Ngoài ra, Nhà Nước và hàng nghìn tiến sĩ tại Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu nào định hình được chân dung kinh tế hộ gia đình trong thời đại công nghiệp 4.0. Thực tiễn, kinh tế hộ vẫn và sẽ mãi là hạt nhân của kinh tế nông thôn. Để thúc đẩy đổi mới nông hộ nhỏ theo hướng tăng quy mô, không nên duy trì các quy định về hạn điền và thời gian được sử dụng đất của nông dân, sẽ thúc đẩy việc cho thuê và thuê đất nông nghiệp để tăng quy mô nông hộ.
 
Hiện nay, quá trình tích tụ và tập trung đất nông nghiệp tại Việt Nam khó khăn và chậm chạp. Mô hình kinh tế hợp tác còn thiếu đồng bộ trong triển khai luật, chính sách, thiếu vốn và trang thiết bị. Liên kết ngang trong sản xuất kinh doanh giữa nông dân với nông dân để nâng cao lợi thế chưa được phát huy. Ví dụ như mô hình hợp tác xã dù đã rất thành công ở nhiều quốc gia cường quốc về nông nghiệp trên thế giới, nhưng tại Việt Nam các hợp tác xã là kiểu cũ, được khoác cái áo ‘kiểu mới’, bị đánh giá là kém hiệu quả nên không hấp dẫn các hộ nông dân.
 
Kết luận
 
Điều Nhà Nước cần làm ngay là đưa chính sách nông nghiệp lên một tầm cao mới, một vị thế mới chứ không phải là những gì nông dân đã có từ thời sau Đổi Mới 1986. Trong đó, các trụ đỡ của một nền nông nghiệp phát triển sẽ phải bao gồm: công nghệ - khoa học kỹ thuật - thị trường - người nông dân. Nhà Nước cần có chính sách phù hợp để sự kết nối cung cầu về nông nghiệp 4.0 được gặp nhau dễ dàng, đơn giản, thông qua kiểm tra giám sát, để thị trường nông sản phát triển bền vững hơn. Đó không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn tránh được tổn thất rớt giá, mang đến tâm lý chán nản cho người nông dân
 
Israel là một nước có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, hơn 70% lãnh thổ là sa mạc, khô cằn, thiếu nước ngọt, nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng lực lượng lao động của cả nước, nhưng lại có một nền nông nghiệp thuộc loại hàng đầu thế giới. Sự thành công này chỉ gói gọn trong tầm nhìn của bộ máy quản lý và chính sách của Nhà Nước.