Chúng ta là nước tiêu thụ rượu bia lớn nhất thế giới với mỗi năm hàng tỷ lít chất lỏng có cồn và men.
Một đất nước ngủ say, say mèm trong sự hoan lạc và vui vầy. Nhưng không phải bằng chất hữu cơ và men Hóa học.
Mà bằng lịch sử và giáo dục tự huyễn.
Lịch sử chúng ta viết hay lắm, tô đẹp một cách rực rỡ, 4.000 năm luôn chiến thắng vang dội khắp năm châu bốn bể, trong những cuộc chiến, dù theo nghĩa bị buộc vào hay được chủ động thỏa hiệp tự do thống nhất nhất thời. Nên các bạn trẻ cứ tự hào mãi những chiến công hiển hách của cha ông, đã từng đánh thắng thực dân, đế quốc hùng mạnh, đã từng quật ngã Mỹ, Nhật hàng đầu, đã từng hàng nghìn năm đánh đuổi giặc Tàu đô hộ.
Nhưng một ngày, Giáo sư Phan Huy Lê đột nhiên kêu gọi trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám liều mình đánh bom kho xăng của địch, rằng đó chỉ là hình ảnh tạo dựng nhằm khích động lòng dân chiến đấu trong sự tàn khốc của chiến tranh.
Cũng rồi một ngày, người ta phát hiện thấy bức ảnh chiến sỹ leo thác nước trong đêm đem đi dự triển lãm quốc tế ở Mỹ đã được chỉnh sửa nhiều chi tiết.
Rồi cũng lắm nhân chứng lịch sử đến tham quan bảo tàng trong buổi triển lãm cải cách ruộng đất những năm 1947 đến 1959 diễn ra mới đây. Và những nhân chứng ấy ngùi ngẫm rầu rĩ cảm thán rằng ở đó có quá ít những chứng tích lịch sử nói lên những sai lầm đã mắc phải khi áp dụng chính sách ấy những năm giữa thế kỷ 20. Người ta còn chờ đợi nhiều hơn thế, những sự kiện lịch sử chân thật và đầy đủ hơn cho những thế hệ sau được tường tận và diện toàn.
Giáo dục của ta vẫn luôn tự hào là nền giáo dục có tri thức về toán học và khoa học vượt cả Mỹ, Úc. Trong khi cả nước ta không có sáng chế nào đáng giá cho khoa học, mà một chuyên gia người Mỹ đã thẳng thắn cho hay: trên bản đồ khoa học thế giới, Việt Nam là con số không. Còn đối với Toán học, Việt Nam là một dấu chấm nhỏ.
Cả đất nước rầm rộ với 24.000 Tiến sỹ, Giáo sư, nhưng không có nổi một bằng sáng chế nào để tự hào, ốc vít vài vòng xoắn còn không làm được. Thế mà mới đây, có một anh trưng bày với cả thế giới chiếc điện thoại tự làm với công nghệ đỉnh cao. Nhưng rồi không hiểu vì đâu, chưa nổi một tháng, mọi sự bẽ bàng và ê chề đều có cả.
Và cuối cùng các bài báo chỉ cố vớt vát lại những tia sáng nhờ vả: người đàn ông gốc Việt hay người đàn bà cũng gốc Việt, thành danh hay có vị trí nào đó đang ở nước ngoài cống hiến. Xướng tên họ lên, và rồi rất đỗi tự hào.
Giáo dục chúng ta lúc nào cũng luôn hãnh tiến về những con người được đào tạo dưới mái trường XHCN, lực lượng sản xuất tân tiến nhất của xã hội loài người. Vậy nhưng các quan chức mỗi khi ban hành chính sách, xây dựng pháp luật lại chỉ có một nguyên do để từ chối và phản biện lại những cái có lợi cho người dân mà đáng ra phải thực thị, mà phải bỏ lại, chỉ vì: dân trí thấp.
Chúng ta cũng vẫn luôn tự hào về một nền giáo dục XHCN tiên tiến mà lại thường xuyên gửi đi những con người ra nước ngoài học hỏi, tu dưỡng. Và hơn thế, mỗi cử nhân tốt nghiệp từ và bởi hơn 400 trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước, nếu có cơ hội ra nước ngoài học tập, họ lại phải đào tạo và học lại từ đầu. Vì thế giới, trong các trường đại học, họ không đào tạo những môn như Triết học Mác Lê Nin, Chủ nghĩa Xã Hội Khoa Học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng HCM hay Kinh tế Chính trị,...suốt mấy năm ròng!
Chúng ta, có lẽ sẽ mãi ngủ trong men say của niềm tự hào mù quáng hoặc được tạo trạng nhấp nhoáng bởi những lớp son màu tầng tầng lớp lớp phủ lấy khiến con người ta không thể nhận ra đâu là sự thật hay chỉ là một góc nhìn tự huyễn phía riêng như câu chuyện Thày Bói Xem Voi của các cụ ta xưa kia đã đúc rút?
Mây mù hay giông bão, tự nó sẽ tan. Nhưng mây mù của câu chữ, ngôn từ ma mị, lại được giáp lên bởi áp lực chính sự thì khi nào có thể vén mây giữa trời hay tan sương đầu ngõ để còn có ngày mai?
Theo FB Ls. Lê Luân