Đền bù cho thời tiết giá buốt năm trước, cuộc biểu tình kỷ niệm 39 năm ngày mất miền Nam vào tay cộng sản năm nay đã diễn vào ngày 26.04.2014 trước tòa lãnh sự Cộng Sản Việt Nam tại thành phố Frankfurt dưới ánh nắng xuân ấm áp do Hội Người Việt Tị Nạn tại Frankfurt và Vùng Phụ Cận phối hợp với Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại CHLB Đức tổ chức.
Tham dự cuộc biểu tình ngoài số đồng bào tại Frankfurt và vùng phụ cận còn có đông đảo đồng bào đến từ các tiểu bang trên khắp nước Đức và đại diện các hội đoàn, tổ chức, đảng phái như Hội NVTNCS Hamburg, Bremen, Krefeld, Köln, Mönchengladbach, München, Nürnberg, Odenwald, Stuttgart, Neustadt, Witten, Hội Thanh niên vùng Rheinruhr, Tổ chức Sinh Hoạt NVTNtại CHLB Đức, Ủy Ban điều Hợp Công Tác, đảng Thăng Tiến, đảng Dân Tộc, đảng Việt Tân,…
Chương trình bắt đầu vào lúc 12 giờ 30 bằng nghi thức chào cờ Đức - Việt và mặc niệm tưởng nhớ đến hàng triệu nạn nhân của chế độ CSVN. Ông Võ Hùng Sơn, Hội trưởng Hội NVTNCS tại Frankfurt đã khai mạc bằng bài diễn văn ngắn nhắc lại biến cố đau thương cho cả nước đúng 39 năm trước, khi miền Nam tự do mất vào tay khối cộng sản. ĐCSVN sau đó đã tiến hành những chính sách trả thù miền Nam và đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Họ đã biến một miền Nam Việt Nam trù phú thành thành một nơi đói nghèo như Bắc Hàn. Chính sách ngu dốt đó đã đẩy hàng triệu người ra khỏi đất nước khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ thây nơi rừng sâu, trên biển cả. Nhưng điều đáng nói hơn cả là thái độ khiếp nhược của lãnh đạo ĐCSVN trước tham vọng sát nhập Việt Nam vào đất Tàu của nhà cầm quyền TC. Họ đã để TC ngang nhiên xâm phạm hải phận Việt Nam ở biển Đông như vào chỗ không người, để TC khai thác bauxite ở Tây Nguyên, rừng đầu nguồn và nhiều nơi khác gây nguy hại trầm trọng đến an ninh quốc gia. ĐCSVN cũng đã cắt nhượng nhiều phần lãnh thổ Việt Nam cho TC để đổi lấy sự đỡ đầu, giữ chặt quyền lực.
Ngoài ra, sự can đảm đứng lên và chấp nhận hy sinh của những người dân tại quốc nội trong những năm qua đã được mọi người tuyên dương.
Tiếp theo diễn văn khai mạc là những phát biểu của đại diện các hội đoàn, đoàn thể nội dung xoay quanh việc tưởng niệm nạn nhân của chế độ độc tài cộng sản và tố cáo tội ác của họ. Hầu hết biểu ngữ nói lên khát vọng tự do dân chủ cho đất nước, tố cáo tội ác của ĐCSVN, đòi trả tự do cho những người yêu nước đang bị giam cầm và tham vọng bành trước của Bắc Kinh.
Bác sĩ Trần Văn Tích, chủ tịch Liên Hội NVTN tại CHLB Đức đã tỏ ra lạc quan khi nói rằng chúng ta sẽ không còn nhiều lần để đi biểu tình tưởng niệm 30 tháng 4 nữa vì chế độ CSVN đã sắp đến hồi cáo chung.
Sau những bài phát biểu là những tiếng hô „Đả đảo ĐCSVN buôn dân bán nước!", „Tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam" và những bài hát cộng đồng vang dội một góc phố.
Anh Trịnh Đỗ Tôn Vinh đã đảm nhận phần tiếng Đức. Anh nói cho người Đức hiểu rõ mục đích của buổi biểu tình. Anh kể rằng lãnh sự quán CSVN đã yêu cầu cảnh sát không cho người biểu tình đứng trước LSQ chụp hình. Và anh đã đáp lại cảnh sát, rằng các công dân Đức có quyền tự do đi lại trong một quốc gia tự do như Đức. Anh cũng chỉ mọi người xem trang nhất một tờ báo địa phương Kreuznacher Rundschau đã đăng nguyên lá cờ vàng với dòng chữ: „Chúng tôi còn sống đây!“. Phần phát biểu và điều hợp của anh Vinh đã được nhiều tràng pháo tay tán thưởng như ca sĩ Thu Sương.
Ông Mathias Hüser, một nhà đấu tranh chống cộng sản người Đức từ nhiều thập niên đã góp mặt cùng buổi biểu tình. Ông bày tỏ sự đồng tình với những đòi hỏi xác đáng của cộng đồng người Việt tại Đức liên quan đến nhân quyền và dân chủ. Ông kể rằng đã từng tham gia nhiều lần tương tự như thế với cộng đồng người Tây Tạng.
Đặc biệt, người nữ ca sĩ Thu Sương từ Paris sang đã góp mặt với những bài ca thiết tha và rực lửa đấu tranh của Việt Khang, Nguyệt Ánh. Chỉ cũng đã góp phần điều hợp buổi biểu tình và hướng dẫn mọi người giơ cao tay, nắm tay nhau và hô khẩu hiệu thật to.
Ban tổ chức đã chu đáo trong việc cung cấp những ổ bánh mì thịt ngon miệng và nước uống.
Buổi biểu tình cũng đã được trực tiếp truyền thanh vào các diễn đàn trên internet như Paltalk.
******
14 giờ 30 phần một chấm dứt, mọi người đã sắp thành hàng dưới sự hướng dẫn của BTC và dẫn đường của cảnh sát để tuần hành trên đoạn đường gần 2 cây số để đến quảng trường Hauptwache trong phố chính.
Rừng cờ vàng và biểu ngữ, cộng thêm những tiếng hô khẩu hiệu đã nhận được nhiều cảm tình của người đi đường, biểu hiện bằng những tiếng còi xe, những ngón tay cái giơ lên và vui vẻ nhận những tờ thông tin về mục đích buổi biểu tình do BTC phát.
***********
Đến Hauptwache, đoàn đã dựng cờ, biểu ngữ cho người đi đường hiểu rõ tình trạng tồi tệ của Việt Nam sau gần 40 năm sống dưới chế độ cộng sản.
Đoàn Bremen đã diễn lại cảnh công an đàn áp dân lành hiện đang xảy ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước và đang gây căm phẫn tột độ cho mọi thành phần dân chúng. Nhờ Internet và đặc biệt là Facebook, những vụ „dân tự tử trong đồn công an“ đã được nhanh chóng phác giác và đã đẩy công an vào tình trạng bị dân càng ngày càng khinh thường và oán ghét.
Màn hoạt cảnh „Tàu lạ bắn giết ngư dân Việt Nam trên biển Đông“ đã được các thanh niên quanh nhóm „Điểm Sáng“ ở vùng Darmstadt chuẩn bị khá công công phu với hình ảnh biển Đông, lưới cá, thuyền đánh cá, biểu ngữ màu đen bằng tiếng Đức kêu cứu „Nguồn sống ngư dân Việt Nam đã bị tước mất“, bảng SOS, cảnh ngư dân nằm chết… đã gây sự chú ý đặc biệt cho khán giả.
Vào phần cuối, ca sĩ Thu Sương đã mang đến cho khán giả Đức một sự ngạc nhiên lý thú khi chị trình bày bài „Anh là ai?“ của nhạc sĩ Việt Khang bằng tiếng Đức. Dĩ nhiên với giọng ca điêu luyện, truyền cảm và ánh mắt thiết tha cố hữu của chị.
**********
Khoảng 18giờ, phần mít tinh tại Hauptwache chấm dứt, đoàn biểu tình di chuyển về hội trường nhà thờ Lioba cách đó khoảng 20 phút lái xe để dùng bửa cơm chiều do Hội NVTNCS tại Frankfurt chuẩn bị để sau đó là phần hội thảo và văn nghệ đấu tranh.
Cơm nóng với thịt kho tàu, dưa chua, trà nóng, cà phê và nước uống được mời miễn phí tùy lòng hảo tâm đóng góp. Các loại chè, bánh bao, bánh tét, bánh xu xê,… với giá ủng hộ.
Buổi sinh hoạt chấm dứt khoảng 22 giờ cùng ngày.
Nguyễn Phan
Photo by Nguyễn Phan & Trungduong Tnguyen