Lý Thái Hùng - Web Việt Tân|
Mùa Hè năm ngoái (2019), người viết có cơ hội gặp mặt và trò chuyện với một số anh chị em du sinh và công nhân đang học hay làm việc tại một số quốc gia ở khu vực Đông Á. Họ ở nhiều lứa tuổi nhưng đa số là dưới 30 tuổi và họ đến từ nhiều địa phương khác nhau ở Việt Nam. Hỏi thăm về sự quan tâm hiện nay, đối với các bạn du sinh thì đa số muốn sớm ra trường để tìm một công việc nào đó có đồng lương cao hầu giúp gia đình, còn chuyện trở về Việt Nam làm việc thì tính sau. Những anh chị em công nhân thì cố căng sức kiếm tiền thật nhanh, thật nhiều để quay lại Việt Nam sau 3 năm lao động, nhằm trả hết nợ (khoảng từ 7 đến 10 ngàn Mỹ Kim) và sau đó làm lại một cuộc đời mới.
Hỏi về ước mơ gì cho tương lai, các bạn đã chia sẻ những điều rất đơn giản, tựu trung là: Có một cuộc sống không còn những mệnh lệnh chính trị lạc hậu; muốn được trở thành một nhà giáo đúng với lương tâm của người Thầy; muốn được ngẩng đầu hãnh diện mình là người Việt; muốn có một cuộc sống an bình cùng với gia đình ngay trên đất nước để không phải tha phương cầu thực…
Những mong ước nghe qua thì thật là bình dị và không có gì là to lớn mang tính chất đội đá vá trời, nhưng nhìn vào hoàn cảnh của mỗi anh chị em và tình hình Việt Nam dưới sự cai trị độc tài, tham ô nhũng lạm của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) thì phải nói rằng đó đúng là ước mơ. Thật ra mơ ước này không chỉ riêng gì của những anh chị em đang nỗ lực kiếm sống tại Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà có thể nói đó là nỗi niềm chung của hàng triệu người Việt đang sống trên chính quê hương mình.
Câu hỏi đặt ra là tại sao những điều bình dị trong cuộc sống đó đã không đến với người dân Việt Nam sau 45 năm đất nước không còn chiến tranh, Việt Nam đã thu nhận hơn 200 tỷ Mỹ Kim đầu tư ngoại quốc và viện trợ nhân đạo trong nhiều năm qua, nên không còn là nước nghèo nàn, lạc hậu như ba thập niên trước?
Từ năm 1987 đến nay, với chính sách mở cửa, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương. Năm ngoái, Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 tỷ Mỹ Kim của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Kinh tế phát triển, đầu tư ngoại quốc gia tăng, nhưng lại có non 2 triệu thanh niên phải đi làm công tại nhiều quốc gia trên thế giới! Điều này cho thấy là đất nước và xã hội Việt Nam đã không phát triển lành mạnh như các quốc gia bình thường, vì chính bộ máy độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam đã biến Việt Nam thành một xứ tư bản hoang dã, cạnh tranh theo quy luật “mạnh được yếu thua,” và cơ hội thăng tiến quyền, lợi cá nhân được thu tóm vào một thiểu số có sẵn quyền lực hoặc biết móc ngoặc.
Sở dĩ Việt Nam rơi vào tình trạng phát triển bất công và lạc hậu như ngày nay là vì hoàn toàn thiếu vắng ba nền tảng căn bản của phát triển bền vững, bao gồm: 1/Xã hội bình đẳng; 2/Luật pháp công minh; 3/Môi trường trong sạch.
Xã hội bình đẳng
Đó là một xã hội mà mọi người dân đều được tôn trọng như nhau trên cương vị con người, có tư cách pháp lý, cơ hội và nghĩa vụ ngang bằng nhau. Nền tảng chính yếu của xã hội bình đẳng quy định rằng mọi người đều phải có cơ hội như nhau để thăng tiến. Trên tinh thần này, đấu tranh giai cấp, nguồn gốc của sự chia rẽ, hận thù giữa những người trong một nước cũng như mọi hình thức kỳ thị phải được chấm dứt và bị nghiêm cấm.
Mặc dù hiện nay, nhà cầm quyền CSVN không còn đề cập đến đấu tranh giai cấp như quá khứ, nhưng trong thực tế, với hệ thống đảng, đoàn, mặt trận tổ quốc được tổ chức chằng chịt trong xã hội, đã phát sinh ra một đám cường hào ác bá không khác gì thời phong kiến, vừa bóc lột người dân, vừa cấu kết chiếm đoạt tài sản đất nước làm của riêng. Từ đó bất bình đẳng xã hội càng ngày càng lớn dần, theo đà giàu có của những nhóm tư bản đỏ.
Vào năm 2017, Ngân Hàng Thế Giới đã công bố hồ sơ điều tra về thu nhập của người Việt Nam từ ngày đổi mới kinh tế vào năm 1987, cho thấy là bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam tăng trong hai mươi năm qua và đáng chú ý hơn là số người giàu đang chiếm phần thu nhập quá lớn. Khoảng cách về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và các nhóm khác đang gia tăng từ năm 2004, và số người siêu giàu cũng tăng.
Theo tính toán của tổ chức Oxfam (liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức tìm giải pháp cho vấn đề nghèo đói và bất công toàn cầu) cho thấy mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam như sau: Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người Việt Nam nghèo nhất trong 10 năm, và tài sản của người giàu nhất này lớn tới mức có thể tiêu một triệu Mỹ Kim mỗi ngày trong sáu năm mới hết. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có mức thu nhập cao hơn gần 5.000 lần số tiền mà nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu.
Luật pháp công minh
Đó là nền luật pháp dựa trên hai nền tảng công lý và minh bạch. Công lý biểu hiện lẽ phải, sự thật, đạo đức, công bằng để giải quyết những tranh chấp, xung đột trong xã hội. Minh bạch biểu hiện cho sự rõ ràng, không che dấu. Nói cách khác, luật pháp công minh là nền luật pháp dễ hiểu, công khai, dựa trên sự thật, lẽ phải để xét xử hay giải quyết các tranh tụng một cách công bằng.
Tình trạng luật pháp tại Việt Nam được người dân ví von rằng: “Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng khi tòa án xét xử thì dựa theo luật rừng.” Thật vậy, luật pháp tại Việt Nam không nhằm bảo vệ công lý cho người dân mà là để phục vụ cho quyền lợi của đảng và những kẻ liên hệ. Vì thế mà các bản án thường được quyết định trước khi phiên tòa bắt đầu, và phiên tòa chỉ là màn kịch với một số cán bộ đóng vai chánh án, công tố để diễn trò công lý mà thôi.
Quan trọng hơn, luật pháp dưới chế độ CSVN còn được sử dụng cho thủ đoạn trấn áp tất cả những ai có hành động thách thức lại sự cầm quyền hay lãnh đạo của đảng và nhà nước. Họ dùng luật để qua đó gán ghép những hành động hay phát biểu của những người mà họ cho là nguy hiểm đối với chế độ bằng những bản án khắc nghiệt trong các phiên tòa kangaroo.
Trong một báo cáo vào năm 2018 của Ban Dân Nguyện trực thuộc Quốc Hội CSVN cho biết là qua kiểm tra văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành trong năm 2017, có tới 5.639 văn bản trái pháp luật. Trung bình một ngày có hơn 15 văn bản trái pháp luật được ban hành.
Theo thống kê trong giai đoạn 10 năm từ năm 1995 đến 2015, Cục kiểm tra của Bộ Tư Pháp kiểm tra 3,6 triệu văn bản phát hiện hơn 90.000 văn bản trái pháp luật được ban hành. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì các cơ quan tùy tiện viện dẫn luật theo quyền lợi chủ quan của mỗi cơ quan, và quan trọng hơn là do sự cấu kết với những lợi ích nhóm ở trong bộ máy đảng và nhà nước.
Môi trường trong sạch
Đó chính là môi trường sống của con người bao gồm nước, đất và không khí phải luôn luôn được bảo vệ để tránh sự ô nhiễm. Sau hơn 2 thập niên đẩy mạnh công nghiệp hóa, môi trường sống tại Việt Nam đang bị đe dọa trầm trọng.
Hàng năm, cả nước xử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất; phát sinh ra hơn 23 triệu tấn rác thải, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và hơn 600.000 tấn chất thải nguy hại trong khi việc xử lý chất thải, nước thải còn rất hạn chế. Trong khi đó các công ty đầu tư ngoại quốc (FDI) tuy đóng góp một phần rất lớn kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam (70% hàng năm); nhưng đa số các công ty FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân sự trong các ngành như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất bột giầy… gây ra nhiều hậu quả về môi trường. Một số dự án FDI gây ô nhiễm nổi tiếng như công ty Vedan, Midwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men, v.v.
Nhưng trong tất cả những loại ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam, đối với thực phẩm và nước, người ta có thể lựa chọn và làm sạch; còn đối với không khí thì đây là mối đe dọa sinh tử, đặc biệt là bụi mịn, trong đó siêu bụi mịn PM2.5 có thể đi sâu vào phế nang gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở những người bị bệnh phổi và tim mà hai chứng bệnh này phổ thông tại Việt Nam. Hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội bị siêu bụi mịn nặng nề nhất phát sinh từ khí thải của các xe chạy bằng dầu, ở các nhà máy nhiệt điện, các công trình xây dựng, các nhà máy công nghiệp.
*
Những vấn nạn nói trên là hệ quả tất nhiên của đường lối phát triển kinh tế – xã hội dựa vào mô hình mở cửa thị trường, thu hút đầu tư ngoại quốc để gia tăng tổng sản lượng nội địa (GDP) nhằm tuyên truyền về thành tích đổi mới, hầu tiếp tục biện minh cho chủ trương “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.” Nếu lãnh đạo CSVN coi việc nâng cao phúc lợi toàn dân là mục tiêu theo đuổi, thì Việt Nam đã có một tương lai hoàn toàn khác từ năm 1975 khi kết thúc cuộc chiến cách nay 45 năm, hoặc từ năm 1986 khi áp dụng chính sách đổi mới lúc khối Liên Xô và Đông Âu sụp đổ.
Thật vậy, nước Nhật chỉ mất 30 năm (1945 – 1975) để trở thành một cường quốc kinh tế Á Châu, Nam Hàn mất 26 năm (1961-1987) và Đài Loan mất 25 năm (1970-1995) để trở thành những con Hổ tại Á Châu, trong khi Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới vẫn còn loay hoay ở mức quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Sự khác biệt này, đến từ một điểm cơ bản là chính quyền phải coi ước mơ bình dị của từng người dân là chính, và có bổn phận tạo điều kiện cũng như cơ hội để cho người dân được quyền tham gia vào việc thực hiện ước mơ này một cách tự do, bình đẳng bằng chính sức lực và nhu cầu của mỗi người.
Đã đến lúc câu khẩu hiệu “đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý” cần phải được dẹp bỏ vì “đảng” (CSVN) không những không hề được các chủ nhân là nhân dân cho phép lãnh đạo, mà còn chứng minh quá kém cỏi trong vai trò tự phong này sau 45 năm quản lý đất nước theo đà giật lùi so với nhân loại, qua chính cái “nhà nước” mà đảng nặn ra.
Đã đến lúc dân tộc Việt Nam cần lấy lại quyền làm chủ, để chung tay xây dựng ước mơ Việt Nam cho toàn thể mọi người, chứ không chỉ riêng một đảng hay một nhóm đặc quyền nào. Có như vậy, tiềm năng to lớn của đất nước mới được khai dụng đúng mức và hiệu quả; người Việt Nam mới được sống bình đẳng, ấm no, hạnh phúc.
Lý Thái Hùng