Kỹ thuật mới (mà các chính quyền độc tài lo sợ) HÃY CHIA SẺ, chuẩn bị cho ngày mai.
FireChat: Ứng dụng chuyển tin nóng bỏng tại Hồng Kông
Cuối tháng 9 năm 2014, sinh viên học sinh Hồng Kông tràn xuống đường để phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh áp đặt luật lệ bầu cử năm 2017, không cho người dân tự chọn các ứng viên họ muốn mà chỉ được bỏ phiếu cho các ứng viên đã được Bắc Kinh cho phép.
Có hai sự kiện nổi bật trong các cuộc xuống đường này hình ảnh các cây dù chống cảnh sát xịt hơi ngạt và hơi cay và chữ “FireChat”, một ứng dụng tin nhắn nhanh không cần internet.
Khi cuộc biểu tình diễn ra, chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt mọi thông tin liên hệ đến biểu tình trên mạng xã hội Weibo. Rồi sau đó chặn luôn dịch vụ chia sẻ hình Instagram. Với thông tin, hình ảnh bị chặn như thế, giới sinh viên e ngại rằng sớm muộn Trung Quốc và giới chức trách Hồng Kông sẽ có thể tắt luôn internet và hệ thống điện thoại di động. Nhưng rồi họ tìm được một đồng minh về thông tin là ứng dụng FireChat chạy trên smartphone.
Tuy trên thị trường có rất nhiều loại ứng dụng tin nhắn nhanh, điểm đặc thù của FireChat so với các ứng dụng chat khác là không cần internet, cũng không cần sóng điện thoại luôn. Do đó nếu giới chức trách có tắt Internet hay cúp hệ thống điện thoại thì đoàn người biểu tình vẫn có thể thông tin với nhau qua FireChat.
Để hiểu tại sao FireChat không cần đến internet hay sóng điện thoại, chúng ta cần biết là hầu hết các smartphone hiện nay ngoài bộ phận phát sóng, còn có các bộ phận liên lạc khác là Bluetooth và Wi-Fi. FireChat sử dụng Bluetooth và Wi-Fi để thông tin trực tiếp đến các smartphone ở gần đó nếu các smartphone đó cũng có cài đặt FireChat. Khoảng cách hoạt động của FireChat vào khoảng từ 40 đến 70 thước (tức 131 đến 220 feet). Trong khoảng cách đó thông tin được chuyền đi từ một smartphone qua các smartphone lân cận. Rồi các smartphone kia lại chuyển tiếp thông tin đi qua các smartphone gần đó. Rồi cứ thế mà tiếp tay lan truyền đi. Trong đám đông càng có nhiều người dùng smartphone có FireChat thì thông tin sẽ lan rộng ra. Với cách hoạt động như thế, nỗ lực dập tắt thông tin của nhà cầm quyền bị vô hiệu hóa.
Mô hình liên lạc như trên có tên gọi là “mesh network” – mạng mắt lưới vì nó chằng chịt như một mắt lưới.
FireChat đã được dùng trước đây tại I-rắc và Đài Loan nhưng mãi đến cuộc biểu tình của sinh viên học sinh đòi dân chủ tại Hồng Kông FireChat mới tạo được chú ý và chắc chắn nó sẽ là một trong nhiều công cụ hoạt động của giới dân chủ khắp nơi.