Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|
Đáng lý ra tác giả tính không viết thêm bài nào nữa sau bài về vụ Thủ Thiêm vào những ngày cuối năm 2020. Nhưng phải nói là rất “khó chịu” về những thông tin khi các báo chí lề đảng hôm 30 tháng Mười Hai đồng loạt loan tải rằng “phương án nhân sự tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng được liệt vào hàng ‘danh sách tối mật của quốc gia.” ‘Tại sao?
Nguyên do khởi đầu từ Quyết Định 1722/QĐ-TTg của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 3 tháng Mười Một về việc tối mật ban hành danh mục bí mật nhà nước của đảng. Quyết định gồm 5 điều trong đó có 3 điều đáng chú ý nhất: Điều 1, nói đến những danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật; Điều 2, bí mật nhà nước độ tối mật; Điều 3, bí mật nhà nước độ mật. Đặc biệt trong bí mật độ tuyệt mật Quyết Định 1722 đã đề cập đến:
– Thông tin về kết quả kiểm tra, xác minh vấn đề chính trị của ủy viên Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và nguyên ủy viên Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư chưa công khai.
– Thông tin về quyết định, kết luận của Trung Ương Đảng trong quá trình chuẩn bị phương án nhân sự ủy viên Bộ Chính Trị là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, thường trực Ban Bí Thư chưa công khai.
Nói cách khác, quyết định của ông Phúc cấm loan truyền tin tức tuyệt mật của đảng trước thềm đại hội 13 và ai loan truyền thì bị kết tội. Đây đúng là loại Bí Mật Cuối Năm mà đảng tung ra nhằm ém nhẹm những hoạt động tranh chấp, đấu đá trong nội bộ và những khó khăn trong khi đi tìm sự đồng thuận trong vấn đề nhân sự cấp cao. Qua sự kiện này người ta thấy có mấy điều sau đây.
1. Chuyện sắp xếp nhân sự của đảng CSVN đâu mắc mớ gì đến người dân mà gọi đó là bí mật nhà nước. Rõ ràng đây là sự lạm dụng, cố tình đồng hoá đảng và nhà nước một cách phi lý và vô luật pháp. Đảng hoạt động và tự ý lãnh đạo đất nước thông qua 4 triệu đảng viên thì giữ kín hay công khai là chuyện của mấy ông lãnh đạo, không thể nhập nhằng bằng cách đưa ra một quyết định. Còn 90 triệu dân đen đang vất vả kiếm sống muốn biết thủ tướng hay chủ tịch quốc hội là ai thì phải chờ đến tháng 6/2021, tức sau khi bầu cử quốc hội xong. Tại sao đảng tự chọn người lãnh đạo rồi đưa vô hồ sơ tuyệt mật và bắt dân phải nghe theo?
2. Thông thường, sinh hoạt chính trị của một quốc gia là phải minh bạch và xuyên suốt, đó là nền tảng dân chủ. Không thể nói dân chủ khi chính phủ còn quá nhiều điều giấu dân. Ở đây, 200 người hội họp ngồi trong phòng kín bàn luận rồi chọn ra 4 người và đưa lên chức tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội và nhiều thứ khác. Rồi chính phủ coi đó là bí mật thì rõ ràng là chuyện thiếu minh bạch. Nếu đây là chuyện kín, chuyện riêng của đảng thì đảng cứ họp kín, bàn kín với nhau không cần nói với dân. Trong trường họp ấy, dân đâu cần quan tâm mà đảng phải ra quyết định, để làm quan trọng hoá vấn đề.
3. Nhìn lại từ nhiều đại hội đảng trước đây, không hề có quyết định bí mật nào về phương án nhân sự ai là tổng bí thư ai là chủ tịch nước v.v… Nay trước đại hội XIII, đảng lại tung ra quyết định giữ kín tất cả. Điều này cho thấy vụ sắp xếp nhân sự kéo dài từ hội nghị trung ương 13 đến hội nghị trung ương 14 và sắp tới là trung ương 15, thực sự có vấn đề xung đột dữ dội giữa các phe nhóm trong đảng. Nó tạo ra sự rạn nứt gây choáng váng trong nội bộ, vì vậy đảng phải cố bưng bít chăng?
Xem ra chuyện bí mật cuối năm của đảng chỉ là chuyện tự bịt mắt làm trò cười cho thiên hạ.
Phạm Nhật Bình