Nước Đức vừa trải qua một đợt thiên tai nặng nề. Mưa kéo dài với lượng nước xấp xỉ 200l/m² đã khiến nhiều vùng bị ngập lụt nặng nề. Các con sông con suối bổng trở thành các thác nước càn quét các làng mạc đô thị chúng chảy qua. Hiện nay đã xác định được 133 người chết, đa số bị nước cuốn và đất vùi. Con số này sẽ còn tăng vì còn có hàng trăm người mất tích.
Nước Đức cũng từng ô nhiễm nặng nề trong thời kỳ phát triển công nghiêp những năm 1950-1970. Ngày đó không con cá nào sống nổi trong sông Rhein. Rồi toàn cầu hóa xuất hiện, công nghiệp xả khói và thải nước độc dần rời khỏi nước Đức. Sông Rhein lại trong vắt, đầy cá. Người ta hạnh phúc sống trong cảnh quan thiên nhiên đẹp như mơ.
Nhưng các nguồn ô nhiễm đó không biến mất, chúng chỉ chạy sang các nước nghèo hơn và tiếp tục tàn phá thiên nhiên ở đó. Các sản phẩm rẻ như bùn được làm ra ở các nhà máy không tốn tiền cho bảo vệ môi trường đã giúp các cô, các bà đứng trước những tủ quần áo và giầy dép giá 10 Euro, không biết nên dùng cái gì hôm nay. Các ông chồng lắp trong mỗi phòng 1 cái TV LED và các hệ thống HIFI giá chỉ bằng 1/10 tháng lương. Mỗi khi xài những thứ đó, người ta chặc lưỡi: Dù sao thì dân nghèo ở các khu ổ chuột kia cũng nhờ bán sức lao động rẻ tiền cho mình mà sống sót.
Giờ đây người ta mới thấy, khi thiên nhiên trừng phạt thì sống ở các xứ giàu có như Đức hay Mỹ cũng không hơn gì ở Bangladesh. Biến đổi khí hậu không có biên giới.
Bệnh dịch cũng vậy. Chẳng có ích gì khi các nước giàu tiêm chủng tới 80% dân chúng, nhưng lại bị vây quanh bởi các nước nghèo đang ngập trong virus. Những đại dịch toàn cầu cũng là hậu quả của con người vô trách nhiệm, không Corona thì sẽ là dịch khác.
Vậy mà vẫn còn có người tin rằng: Corona chỉ là hoax (trò nhảm), rằng “Biến đổi khí hậu chỉ là tuyên truyền của thế lực ngầm”./.