“Công nghiệp văn hóa”

Phạm Nhật Bình - Việt Tân 

Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 20, nhược điểm của nền sản xuất dựa trên lao động chân tay không còn đáp ứng được sự phát triển trong giao thương hàng hóa giữa các nước Tây phương với nhau và giữa Tây phương với phần còn lại của thế giới. Phương thức sản xuất thay đổi và cuộc cách mạng công nghiệp ra đời đưa kinh tế thế giới lên một mức phát triển mới.

Từ đó khi nghe đến hai chữ công nghiệp, người ta lập tức liên tưởng đến tư bản, máy móc, dây chuyền sản xuất tự động hóa, năng suất lao động và các phát minh khoa học, kỹ thuật do sáng tạo của con người.

Những năm gần đây, khi thế giới tiến tới trình độ công nghệ cao, kỹ thuật số, hai chữ công nghiệp hay công nghiệp hóa thông thường được đề cập tới như mục tiêu phát triển của tất cả các nước. Tuy nhiên, ít ai nghe nói đến công nghiệp văn hóa như con đường mà những người cầm quyền tại Việt Nam sử dụng như một công cụ phát triển đất nước. Đề cương chính trị của đại hội XIII đề cập đến công nghiệp văn hóa như một phát kiến mới mẽ từ “trí tuệ” của đảng CSVN.

Mới đây tại một cuộc tọa đàm do thành ủy Hà Nội tổ chức, lần đầu tiên nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025 đã được sáng chế, bàn thảo trong giới lãnh đạo địa phương. Mục đích là để biến thành phố Hà Nội thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa mà thủ đô Hà Nội là “thành phố sáng tạo” trong thời gian trước mắt.

Công nghiệp văn hóa ở đây được thành ủy định nghĩa là phát triển 13 lãnh vực bao gồm: Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Quảng cáo, Thủ công Mỹ nghệ, Phần mềm các trò chơi giải trí, Truyền hình và Phát thanh, Thời trang, Du lịch văn hóa, Thiết kế, Xuất bản, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Không gian sáng tạo của 13 lãnh vực này theo những gì mà buổi tọa đàm thảo luận là nhằm biến nó trở thành những ngành nghề mũi nhọn trong chiến lược phát triển thủ đô Hà Nội trong 5 năm tới.

Không ai không ngạc nhiên trước sự bao la hiếm có của 13 đề mục quan trọng được nhốt trong một cái túi thần mang tên cũng mới mẻ không kém: Công nghiệp văn hóa. Các thành viên của cuộc tọa đàm hào hứng tin tưởng rằng nếu thành ủy Hà Nội mở được cái túi thần này, chắc chắn thủ đô Việt Nam sẽ là một trong những thành phố hàng đầu trên thế giới. Và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa không còn là con đường chẳng biết “đã hoàn thiện ở cuối thế kỷ này hay chưa,” như nhận định của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cách đây nhiều năm.

Trong thực tế, khi nhìn qua 13 lãnh vực nêu trên hầu hết liên quan đến nghệ thuật và sáng tạo, tức đặt nặng trên sự phát triển tư duy của con người. Hay nói khác đi nó thuộc lãnh vực tinh thần và trí tuệ con người quyết định sự thành công. Như thế phải chú trọng đến việc khuyến khích tài năng của từng con người tham gia sáng tạo mà tư tưởng không bị gò bó, mới có thể tạo ra những nét độc đáo thu hút sự chú ý của cộng đồng. Đó là trường hợp những nhạc  sĩ hay nhà văn sáng tác một ca khúc hay tác phẩm văn chương giá trị vượt thời gian. Chế độ hiện nay được đánh giá là kiên định với chủ nghĩa Mác-Lê, do đó tư duy sáng tạo của con người chỉ được quyền phát triển trong khuôn khổ một chiếc lồng hẹp mà thôi.

Nay người cầm quyền muốn biến văn hóa thành một ngành công nghiệp sản xuất theo kiểu dây chuyền máy móc, theo một khuôn mẫu định sẵn. Chính điều này đã giết chết sự sáng tạo toàn thiện của con người và khi ấy nghệ thuật tạo ra chỉ nhằm phục vụ cho guồng máy đảng thay vì cho con người và xã hội.

Ba đặc tính tạo nên bộ máy hành chánh quan liêu dưới chế độ độc tài là “xin-cho”, “bệnh thành tích” và “cát cứ theo từng lãnh chúa” đã làm cho sinh hoạt chung của xã hội bị thui chột nhất là trong lãnh vực tư tưởng nghệ thuật. Sẽ không có ai dám phá rào theo những sáng tạo đột phá của nghệ thuật, do đó sự đóng góp cho xã hội sẽ rất ít và đối với thế giới lại càng ít hơn. Chính Ban Tuyên Giáo các cấp là nơi siết chặt các gọng kềm tư tưởng, hủy diệt tư duy sáng tạo của con người trong các bộ môn nghệ thuật, khoa học để cuối cùng chỉ là làm theo đơn đặt hàng của đảng.

Sự kiện Ban Tuyên Giáo thành ủy Hà Nội đề xướng và thảo luận nghị quyết xây dựng nền công nghiệp văn hóa thủ đô, chẳng khác nào biến các lãnh vực liên quan đến văn hóa tư tưởng thành những công xưởng nghệ thuật, trong đó con người ngang hàng với cổ máy vô tri. Đây là nơi sẽ sản xuất theo kiểu đầu ra đầu vào như các dây chuyền của một đại xí nghiệp công nghiệp theo kiểu “làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa,” nhưng đã từng thất bại nặng nề.

Nếu thực tâm xây dựng đất nước, Hà Nội nên dẹp bỏ ngay ý tưởng “công nghiệp văn hóa” kỳ quái này!

Phạm Nhật Bình

XEM THÊM:

  •