“Xã hội hình sự”

Khi Bộ Luật Hình Sự (BLHS) và Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) được sửa đổi và đưa vào sử dụng, nhiều người dân khấp khởi mừng vui, bởi nội dung cả 2 bộ luật có vẻ tiếp cận dần theo tiêu chuẩn văn minh của quốc tế.
 
Dù vậy, bên cạnh những điều luật khiến người dân ngỡ như có thể tin tưởng, như: Điều 160 quy định “Tội xâm phạm quyền của công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân” hoặc Điều 167 quy định “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” v.v… BLHS vẫn quy định các tội danh mơ hồ, như:  Điều 109 quy định “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hoặc Điều 117 quy định “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” v.v…
 
Các loại tội danh mơ hồ như thượng dẫn, vốn được kế thừa từ BLHS cũ mà dư luận trong, ngoài nước đã chỉ ra những điểm phản khoa học trong cách soạn luật và sử dụng trong đời sống. Dư luận gọi nó là “mơ hồ”, bởi lẽ: Tội hình sự phải nhìn thấy được hậu quả từ hành vi gây ra.
 
Ví dụ, trường hợp của phạm nhân Dương Tấn Hậu vừa bị xử hình sự với mức án 2 năm tù treo và 4 năm thử thách. Theo phán xử của phiên tòa, ông Hậu có hành vi mang virus Covid-19 trong người và lây lan cho nhiều người khác, gây ra hậu quả cụ thể: “… toàn bộ thiệt hại vật chất trong vụ này là hơn 4,4 tỉ đồng. Ngoài ra, CQĐT xác định vụ án còn có thiệt hại do nam tiếp viên hàng không VNA gây ra còn là thiệt hại phi vật chất là việc cách ly đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người dân trên địa bàn TP.HCM, gồm 861 người cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nhà” như báo Thanh Niên [1] cho biết ngày 02 tháng Ba năm 2021.
 
Như vậy, tội trạng của ông Hậu xuất phát từ hành vi rõ ràng và mang lại hậu quả cụ thể (tức là tính được và nhìn thấy được) theo đúng nguyên lý Khoa học hình sự dựa trên cặp phàm trù Triết Học ” Nguyên nhân – Kết quả”.
 
Dễ dàng nhận thấy, quan hệ Nguyên nhân – Kết quả của các điều luật 109, 117 v.v… không chỉ là mơ hồ mà hoàn toàn  không tính toán được về mặt vật chất và không nhìn thấy được về mặt phi vật chất.

Trong khi điều 243 (BLTTHS) cho biết, bản cáo trạng phải ghi rõ: “… thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra…”

Vì vậy, khi truy tố theo tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia”, Viện Kiểm Sát phải chứng minh điều quan trọng nhất: MỨC ĐỘ THIỆT HẠI DO HÀNH VI GÂY RAHành vi là gì? Theo từ điển tiếng Việt, hành vi là toàn bộ những phản ứng, cách cư xử biểu hiện ra ngoài của một người trong một hoàn cảnh cụ thể. Trong khi đó, chữ viết và lời nói không một ai gọi đó là HÀNH VI. Trong các tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia”, có thêm khoản “Người chuẩn bị phạm tội”, điều này có nghĩa, phía Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh người phạm tội đã chuẩn bị những gì, tức là những hành vi.

Theo bà Đỗ Thị Thu (vợ ông Trịnh Bá Phương), vì chồng mình không nhìn điều tra viên và không trả lời bất cứ câu hỏi nào được đặt ra và bà nói rõ với RFA: “Tháng 12 năm 2020, anh Phương cũng nhờ một người gọi điện ra cho em và người đó bảo rằng anh Phương sẽ giữ quyền im lặng CHO ĐẾN KHI gặp được luật sư và cũng nhắc nhở gia đình không phải nói gì hết bởi vì mình có quyền im lặng” nên ngày 01 tháng Ba năm 2021, ông Trịnh Bá Phương bị phía an ninh điều tra đưa vào bịnh viện tâm thần [2].

Ba chữ viết in “CHO ĐẾN KHI” như dẫn giải trên, đủ xác định ông Trịnh Bá Phương có đầu óc hoàn toàn bình thường.

Luật Giám Định Tư Pháp (LGĐTP) gồm 8 Chương và 46 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Trong luật này, không có bất kỳ một điều nào quy định phải “giám định tư tưởng”.

Như vậy, phía công an điều tra cố tình phớt lờ căn cứ rất quan trọng, tức là “CHO ĐẾN KHI gặp được luật sư” ông Trịnh Bá Phương sẽ hợp tác trong việc điều tra với cáo buộc từ điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trước ông Trịnh Bá Phương, ông Lê Anh Hùng và ông Phạm Thành cũng bị đưa vào viện tâm thần, sau khi bị cáo buộc tội danh từ điều 117.

Trong khi đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho ông Trịnh Bá Phương cho biết quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” đã được Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ.

Khi chuyển những người dân vô tội vào bịnh viện tâm thần, cùng với cáo buộc loại tội danh vô căn cứ như phân tích trên, đồng thời buộc họ phải NÓI ra những hành vi vốn dĩ họ không hề hành động, tức là nhà cầm quyền CSVN chuyển thông điệp đến toàn xã hội:

– Khi bị ghép vào các tội danh vô căn cứ, không có hành vi phạm tội, không xác định được thiệt hại về vật chất và không nhìn thấy được thiệt hại về phi vật chất, tức là người dân chỉ có hai con đường: Hoặc là chấp nhận ở tù hoặc là chấp nhận ở nhà thương điên.

– BLHS và BLTTHS phản khoa học và chúng chỉ mang tính thành kiến và tính tùy tiện.

Tại nước CHXHCNVN, hầu như không thiếu bất cứ luật và bộ luật nào nhưng tình hình kinh tế – chính trị – xã hội ngày càng rối ren và bát nháo. Hiện trạng xã hội Việt Nam như vậy, khiến người dân chỉ nhìn thấy một “xã hội hình sự” tràn ngập trong mọi lĩnh vực mà người đời gọi tên nó – một chế độ “Công An Trị”.