230 năm chiến thắng Đống Đa

- Việt Tân

XUÂN ĐẾN! NHỚ LẠI MÙA XUÂN KỶ DẬU ĐẠI THẮNG QUÂN THANH CỦA VUA QUANG TRUNG!!!

Cách đây đúng 230 năm, mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã lãnh đạo quân Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Thanh tại Ngọc Hồi – Đống Đa và giải phóng kinh thành Thăng Long. Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là chiến công oanh liệt nhất, có ý nghĩa to lớn trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Với chiến thuật thần tốc, chớp nhoáng, chỉ trong 5 ngày, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ, đã bất ngờ tiến về kinh thành Thăng Long. Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn tấn công đồn Ngọc Hồi với thế trận mạnh như vũ bão, đánh tan quân Thanh, phá hủy toàn bộ chiến lũy, trận địa phía Nam và biến đồn Ngọc Hồi thành mồ chôn đại quân Thanh. Theo sử sách ghi lại thì “xương chất thành núi, máu chảy thành sông.”

Khi đó, tiếp tục thế tiến công, quân Tây Sơn đã nhanh chóng giải phóng kinh thành Thăng Long. Thái thú Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự vẫn, còn tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy lên phía Bắc, tàn quân nghe tin chủ tướng bỏ chạy cũng tan rã chạy theo, tranh nhau qua cầu. Cầu sập, tàn quân Thanh rớt xuống sông chết đuối làm tắc nghẽn cả dòng sông.

Trận Ngọc Hồi – Đống Đa đã khẳng định nghệ thuật quân sự lỗi lạc của Hoàng đế Quang Trung. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc, nghệ thuật xây dựng nhanh lực lượng, mưu lược trong đánh trận, tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân sĩ…

Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa mãi là niềm tự hào dân tộc, là một chiến công oanh liệt vô tiền khoáng hậu, là biểu tượng lừng lẫy nhất trong lịch sử bảo vệ tổ quốc trước các thế lực xâm lược từ phương Bắc. Đồng thời, khẳng định truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường và sức sống bền bỉ ngàn đời của dân tộc ta. Chiến thắng này càng hiển hách khi đúng dịp đầu xuân và đúng vào thời thịnh trị của Càn Long.

Mặc dù hơn hai thế kỷ đã trôi qua, nhưng trang sử về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vẫn mang ý nghĩa biểu dương lòng yêu nước, ý chí chiến đấu phi thường vì nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Sau chiến thắng vang dội đó, ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm trở thành ngày kỷ niệm của người dân Việt Nam, tưởng nhớ người anh hùng Nguyễn Huệ. Ông được coi như là một biểu tượng kiệt xuất của tinh thần dân tộc Việt Nam.

Bước vào xuân Kỷ Hợi 2019, một năm đặc biệt với nhiều dấu mốc quan trọng của lịch sử, 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, và 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc. Đây là dịp người dân Việt Nam tưởng nhớ, khắc ghi công ơn của các bậc tiền nhân đã không tiếc máu xương để giữ gìn non sông gấm vóc. Cho đến nay, những cuộc chiến trong quá khứ này vẫn chứa đựng phần nào không khí thời sự.

Những năm gần đây, Trung Quốc không ngại ngần xâm lấn, cưỡng chiếm trên đất liền cũng như trên biển, bồi đắp và xây dựng các căn cứ quân sự trên các bãi đảo đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Đưa tên lửa, ra đa và các loại vũ khí đến thành những pháo đài quân sự, đặc biệt có cả sân bay. Với chiến lược cắt lát Salami họ cứ gặm nhấm dần dần chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, Trung Quốc lợi dụng nền chính trị độc tài mục nát được cai trị bởi đảng cộng sản Việt Nam để dùng các tập đoàn kinh tế bình phong cấu kết với các quan chức cộng sản tán tận lương tâm mua bán đất tại khu vực trọng yếu dưới danh nghĩa dự án kinh tế để nhằm mục đích dùng kinh tế mở đường cho chính trị.

Những hậu quả của chiến lược này có thể kể đến như hàng loạt các dự án: Formosa (Hà Tĩnh), dự án giấy Lee & Man (Hậu Giang), dự án nhiệt điện Vĩnh Tân tràn ngập người Trung Quốc. Đồng thời nhiều vị trí phòng thủ chiến lược dọc bờ biển tại các tỉnh Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận… đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện và chiếm cứ.

Nguy hiểm hơn, trong bối cảnh lợi ích kinh tế và chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng, nhà cầm quyền Việt Nam dự định mở ba đặc khu kinh tế tại các địa điểm hiểm yếu đang tạo cơ hội cho các “tô giới của Trung Quốc” công khai mọc trên đất Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc còn xâm lược Việt Nam bằng những thủ đoạn kiểu mới như tuồn hàng giả, hàng độc hại, hóa chất gây ung thư, thực phẩm bẩn… nhằm hủy hoại sức khỏe và suy thoái giống nòi tương lai của người Việt. Đồng thời, các gian thương Trung Quốc còn có mặt tại khắp các tỉnh thành, dưới danh nghĩa thu mua nông sản “lạ” để phá hoại kinh tế Việt Nam.

Tóm lại, mỗi trận chiến trong lịch sử giữ nước của cha ông là một bài học quý giá. Người dân Việt Nam, nhất là lớp người trẻ cần phải thức tỉnh lòng yêu nước và luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước một mối đại họa mang tên Trung Quốc. Bởi dã tâm thôn tính Việt Nam của Trung Quốc từ ngàn đời nay vẫn không đổi. Và các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của của dân tộc này luôn quyết thực hiện cho bằng được.