Dân sinh xuống cấp – Dân khí suy đồi – Dân phong tan tác
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975, mỗi ngày đã bị đẩy xa thêm vào quá khứ; nhưng không một ai có thể quên hay có thể xóa trong tâm thức.
Cuộc chiến Việt Nam đã ngưng tiếng súng từ 44 năm qua, trên nguyên tắc hòa bình đã vãn hồi và hai miền Nam Bắc đã được thống nhất, nhưng trong thực tế lòng người ở cả hai miền chưa thực sự hàn gắn, vết thương chia cắt quốc – cộng vẫn còn rỉ máu.
Đáng lý ra hàng triệu triệu người vui mừng sau cuộc chiến, cùng nhau chung sức xây dựng đất nước; nhưng những người trong cuộc – Bên Thắng lẫn Bên Thua – đã hơn 4 thập niên rồi vẫn còn đắng cay khi nói đến hai chữ giải phóng.
30 tháng 4, thật sự đã khởi đầu một bi kịch mới.
Vào năm 1975, dân số cả hai miền Nam và Bắc có vào khoảng non 48 triệu người, trong khi đó dân số Thái Lan có vào khoảng 43 triệu người. Lúc đó GDP của Thái Lan là 7,4 tỷ Mỹ Kim, lợi tức bình quân một đầu người là 175 Mỹ Kim; GDP của Việt Nam ước tính 4,2 tỷ Mỹ Kim, lợi tức bình quân một đầu người bằng Miến Điện khoảng 88 Mỹ Kim. Như vậy cách nay 44 năm, lợi tức bình quân của người Thái và Việt không chênh lệch nhau bao nhiêu. Cả hai cùng xuất phát là những quốc gia nghèo, chậm tiến tại Á Châu.
44 năm sau, nhìn lại tình hình phát triển của Thái Lan và Việt Nam đã có sự chênh lệch đáng suy gẫm. Theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới vào tháng 12/2018 thì Thái Lan hiện có khoảng 70 triệu dân, GDP 530 tỷ Mỹ Kim và lợi tức bình quân đầu người là 8.190 Mỹ Kim. Trong khi đó dân số Việt Nam là 96 triệu người, nhưng GDP năm 2018 chỉ đạt 230 tỷ Mỹ Kim và lợi tức bình quân đầu người là 2.587 Mỹ Kim.
Như vậy 44 năm sau phát triển, không những lợi tức bình quân của Thái Lan hơn Việt Nam 3,1 lần, mà chỉ số hạnh phúc của Thái Lan còn vượt xa Việt Nam. Theo bản Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 (2018 World Happiness Report) của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững LHQ, Việt Nam đứng thứ 95 trong khi Thái Lan sắp hạng cao hơn hẳn là 46.
[Chỉ số hạnh phúc của mỗi quốc gia được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như GDP đầu người, tuổi thọ, tự do, sự ủng hộ xã hội, nhận thức về tham nhũng…10 quốc gia có chỉ số cao nhất theo thứ tự là 1/ Phần Lan; 2/ Na Uy, 3/ Đan Mạch; 4/ Iceland; 5/ Thụy Sĩ; 6/ Hà Lan; 7/ Canada; 8/ New Zealand; 9/ Thụy Điển; 10/ Úc].
Người dân Thái Lan đang làm chủ thật sự cuộc sống và bước vào ngưỡng cửa của một quốc gia đang phát triển. Trong khi Việt Nam tuy được đánh giá là nền kinh tế đang có sức thu hút đầu tư ngoại quốc rất cao so với khu vực, nhưng thực tế là người Việt Nam đang làm công cho các xí nghiệp ngoại quốc (chiếm 70% xuất khẩu), còn nền kinh tế nước nhà (gồm quốc doanh và tư doanh) thì èo uột. Hàng trăm ngàn thanh niên ra trường với bằng cử nhân, nhưng lại không tìm được công ăn việc làm ổn định trên đất nước của mình và đã phải “tranh nhau” xin đi làm lao động ở nước ngoài.
Ảnh minh họa (RFA)
Chính đường lối phát triển tạp nhạp của quái thai “kinh tế thị trường” và “xã hội chủ nghĩa” trong 44 năm qua, đã phát sinh ra một giai cấp mới. Đó là giai cấp tài phiệt đỏ, cấu kết nhau tham nhũng, buôn lậu… để giàu lên một cách bất chính; trong khi đó đại đa số dân chúng thì sống trong bần cùng, nghèo đói.
Nói cách khác, chính hệ thống chính trị độc tài, độc tôn của đảng CSVN đã tạo ra một xã hội bất công và đầy dẫy những tệ nạn: ấu dâm, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn bán phụ nữ và trẻ em, làm ăn bất chính như cung cấp thực phẩm độc hại ra thị trường… Những hiện tượng tiêu cực này đã dần dần biến thành nét đặc thù của xã hội Việt Nam qua hình ảnh: Dân sinh xuống cấp, Dân khí suy đồi, Dân phong tan tác ngày nay.
DÂN SINH XUỐNG CẤP, được biểu hiện rõ ràng nhất chính là chất lượng cuộc sống của người Việt Nam ngày nay bị đe dọa bởi nạn ung thư gia tăng nhanh chóng và thực phẩm không an toàn tràn lan trong xã hội.
Theo tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), năm 2018 số ca mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 165.000 ca. Ung thư đang là một trong những thách thức sức khoẻ cộng đồng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Khoảng 40% trường hợp ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bao gồm cách ăn uống, dinh dưỡng, hoạt động thể chất. Tuy nhiên, do môi trường sống – bao gồm nước uống, khí thở và đất đai canh tác bị ô nhiễm, thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá, kiến thức vệ sinh và y tế… khiến cho tỷ lệ mắc ung thư ngày càng cao và đáng báo động.
Theo báo cáo của tổ chức IQAir AirVisual, Hà Nội chỉ đứng sau Jakarta ( Indonesia) về mức độ ô nhiễm không khí tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: TheLeader
Theo thông tin trên báo Đại Đoàn Kết, vấn đề ô nhiễm các chất độc hại trong quá trình nuôi, trồng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc để bảo quản hoa quả, rau trái được lâu, thuốc tạo nạc, các chất hóa học cho thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm, từ rau quả, thực phẩm, thịt đến sữa, đồ dùng, đồ chơi… đều là những nguyên ủy làm gia tăng ung thư, các bệnh lý và cắt giảm tuổi thọ.
Những năm gần đây trường hợp một gia đình có đến 3-4 người chết vì ung thư không còn là chuyện hiếm. Nhiều thôn, xóm có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao gấp nhiều lần so với mức trung bình cả nước. Ước tính, cả nước có ít là khoảng 37 làng có nguồn nước sinh hoạt và ăn uống bị ô nhiễm nặng. Trong vòng từ 5 năm đến 20 năm trở lại đây tại các xã của 37 “làng ung thư” này có tới hơn 1.100 người chết vì các bệnh ung thư và 380 người ở các xã lân cận cũng tử vong với cùng nguyên nhân.
DÂN KHÍ SUY ĐỒI, được biểu hiện rõ nhất qua lối sống vô cảm, makeno, giả dối, con người không còn có sự gắn bó, cảm nhận được danh dự, lòng tự trọng hay ý thức trách nhiệm để sẵn sàng hy sinh cho nhau.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, xảy ra khoảng 16 vụ học sinh đánh nhau, trong đó có một số vụ có tính chất nghiêm trọng như nam học sinh bóp cổ cô giáo, học sinh đâm trọng thương thầy giáo chủ nhiệm. Năm học 2017-2018, có 23 vụ giáo viên vi phạm đạo đức và 6 vụ giáo viên bị xúc phạm… Mới đây bùng nổ vụ nâng điểm thi trung học phổ thông của con em cán bộ cao cấp tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã khiến cho dư luận ngao ngán.
Cảnh một nhóm học sinh đánh một nữ sinh. Ảnh: Internet
Khi những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục xảy ra liên tục như vậy, cho thấy là nền móng xã hội đã lung lay đến tận gốc vì giáo dục là khuôn thước để tạo dựng lên dân khí. Thật vậy, bạo lực, bạo hành hiện nay không chỉ diễn ra ở học đường mà đã lan tỏa trong nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Bệnh nhân tấn công bác sĩ, y tá vì cho là không chữa trị theo ý mình. Anh chị em đánh nhau, giết nhau chỉ vì cho rằng sự phân chia không công bằng tài sản để lại của cha mẹ… Bạo lực đang hình thành ở không ít gia đình nơi mà lâu nay vẫn được xem là tế bào bình yên nhất của xã hội.
DÂN PHONG TAN TÁC, được biểu hiện rõ nhất qua sự biến dạng và suy đồi của các phong cách sinh hoạt cao đẹp mang tính nề nếp, tập quán lâu đời của dân tộc Việt.
Xã hội Việt Nam nói chung còn rất nghèo và lạc hậu, vậy mà triền miên những ngày sau Tết toàn là những lễ hội. Đập vào mắt mọi người là những bộ lễ phục diêm dúa, khoa trương hở hang tại những nơi thờ phượng trang nghiêm. Đó là chưa kể những lễ vật và những lời cầu xin của khách thập phương khấn cầu các Thần Thánh, Thần Linh đầy màu sắc vụ lợi và mê tín dị đoan nào là cầu “chạy việc”, “chạy chức”, “chạy án”, “tạ ơn”… tại các Chùa, các Đền. Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ đã xây rất nhiều chùa giả, điện thờ giả với mục đích thu tiền công đức của du khách.
Cảnh chen lấn xô đẩy tại Lễ hội Đền Gióng.
Số người đến Chùa, Đền quá đông đã gây nên tình trạng quá tải, làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường, tàn phá di tích và phát sinh các hành vi tiêu cực, phạm pháp như buôn bán, giữ xe theo kiểu móc túi, chặt chém, rồi trộm cắp, giả dạng ăn xin hoành hành. Hậu quả nguy hại nhất là đã làm gia tăng tình trạng mê tín dị đoan, lối suy nghĩ và cách hành xử tiêu cực, chạy theo các giá trị vật chất hiện sinh, cách ứng xử gian dối, phủ nhận khoa học v.v… Nói cách khác là ngày nay, con người ta đến chùa chiền, lễ hội chỉ cầu lộc, cầu tài, cầu may mắn, cầu thăng quan tiến chức, bán đắt buôn may, trúng dự án, tránh thanh tra… không mấy ai cầu Trí, cầu Nhân, cầu Dũng, cầu Liêm. Giả sử có người cầu thế, không khéo sẽ bị đám đông chê cười là “không bình thường.”
Tóm lại, sự hỗn loạn của xã hội Việt Nam như đã mô tả ở trên chính là do mâu thuẫn lợi ích mà đảng CSVN đã đặt ách thống trị lên toàn thể đất nước trong 44 năm qua. Giai cấp lãnh đạo xâm phạm lợi ích chính đáng của dân đen, và lợi ích của dân tộc. Chính cách hành xử duy lợi ích này của đảng độc tài cũng tạo ra một bộ phận không nhỏ trong xã hội Việt Nam sẵn sàng làm mọi chuyện vì những món lợi cỏn con, bất chấp tính mạng người khác, bất chấp luân thường đạo lý… theo đúng ngụ ngôn mai mỉa ngàn xưa “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.”
Việt Nam đang mất hướng đi, không biết sẽ tới đâu, tới nơi nào trong bản đồ văn minh của thế giới loài người. Một đất nước mà người ta gọi chính quyền không những tham lam, độc ác mà còn bệnh hoạn, khốn nạn; người dân không chỉ bị xem là dân trí thấp mà còn bị gọi là vô cảm, thờ ơ trước vận mệnh dân tộc và ngay cả vận mệnh của chính mình cũng như con cháu.
Một xã hội như thế đúng là Dân sinh xuống cấp – Dân khí suy đồi – Dân phong tan tác
Ban Biên Tập Web Việt Tân
https://viettan.org/44-nam-nhin-lai-30-thang-4-1975-2019/