Phạm Minh Hoàng - Web Việt Tân|
Vào những ngày tháng kỷ niệm 45 năm chủ nghĩa cộng sản thống trị trên toàn cõi đất nước, nếu phải chọn một chủ đề để nói về những thất bại của họ, chắc chắn chủ đề đó phải là giáo dục, và những ai còn nghĩ về tương lai của dân tộc, chắc chắn sẽ phải đặt những câu hỏi: Đảng CSVN đã tàn phá nền giáo dục như thế nào? và đến bao giờ đất nước mới thoát ra khỏi cảnh u tối của ngày hôm nay?
Để có một cái nhìn từ cội rễ vấn đề, trước tiên chúng ta phải căn cứ vào những văn bản, những chủ trương chính thống của hai thể chế. Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Việt Nam Cộng Sản.
Trong chế độ VNCH, ta có thể tóm tắt các chủ trương giáo dục vào 3 triết lý chính:
− Nhân bản: Chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế giới; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời làm căn bản; xem con người như một động lực của sự phát triển chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ;
− Dân tộc: Giáo dục phải biểu hiện, bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác;
− Khai phóng: Giáo dục phải không ngừng hướng tới sự tiến bộ, tôn trọng tinh thần khoa học, mở rộng tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, tinh hoa văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội.
Cả 3 triết lý này được ghi vào Hiến Pháp, và là kim chỉ nam cho mọi chủ trương về giáo dục trước năm 1975.
Riêng về phía chế độ Cộng sản ở miền Bắc và ngày nay trên toàn thể đất nước, Luật Giáo Dục 2005 đã quy định:
Điều 2. Mục tiêu: Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;
Điều 3.1. Tính chất, nguyên lý giáo dục: Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
Điều 27. Mục tiêu của giáo dục phổ thông: Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Điều 40. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục đại học: Nội dung giáo dục đại học phải có tính hiện đại và phát triển, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa kiến thức khoa học cơ bản, ngoại ngữ và công nghệ thông tin với kiến thức chuyên môn và các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhận xét đầu tiên mà ai cũng có thể thấy đó là phía VNCH đề cao những giá trị phổ quát của nhân loại. Ngược lại, phía CS nhấn mạnh đến một chủ nghĩa chính trị (cộng sản) đi kèm theo tư tưởng của những con người đi theo lý tưởng này (Mác, Lênin, Hồ Chí Minh). Có lẽ đây là đặc thù chung của các nước độc tài.
Và 45 năm sau ngày thống trị toàn thể đất nước, ngay cả những người cầm quyền cũng như báo chí chính thống và các nhà giáo cũng đều phải nhận ra được rằng họ đã đưa cả một nền giáo dục đến một tình trạng suy đồi và không hề thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.
Vụ gian lận thi cử ở Hội đồng thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) tại Trường Đồi Ngô (Bắc Giang) khi có tới 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên dính líu gây chấn động dư luận và được báo Thanh Niên mô tả là “chưa từng có trong lịch sử loài người.” Nhưng “cái lịch sử” ấy lại được lặp lại 6 năm sau với vụ gian lận trong công tác tổ chức, chấm thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Lần này vụ việc được báo điện tử Vietnamnet đánh giá là “chưa từng có trong các kỳ thi quốc gia.”
Song song với gian lận trong thi học hành, thi cử, tình trạng bạo lực học đường cũng diễn ra với một mức độ chưa từng có: Học sinh lớp 8 mắng chửi và bóp cổ cô giáo; phụ huynh bênh con xông vào trường đánh gẫy sống mũi thầy giáo; cô giáo ra lệnh cho học sinh tát một bạn trong lớp 231 cái vì nói chuyện trong giờ học; học sinh đánh nhau, lột quần áo, hạ nhục nhau công khai… Tất cả đều trở nên những chuyện thường ngày và dư luận thì chỉ biết thở dài ngao ngán!
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đương nhiên, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GD&ĐT) phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu quy tất cả trách nhiệm cho ngành giáo dục thì hoàn toàn không khách quan và không công bằng. Lý do là giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, còn Bộ GD&ĐT là cơ quan phải thực thi theo đúng chủ trương đã được hoạch định. Và chủ trương thì đã được ghi rõ trong Luật Giáo Dục như đã đề cập ở trên.
Khách quan mà nói, trong nhiểu năm qua, nhiều đời bộ trưởng, trưởng các ngành giáo dục đã lập nhiều ủy ban, đưa nhiều đợt cán bộ, công chức để cố gắng tìm tòi, tham khảo nhiều mô hình giáo dục của các quốc gia tiên tiến áp dụng vào Việt Nam nhưng hoàn toàn bế tắc và chỉ phung phí tiền bạc vô ích. Nguyên nhân một phần là tiếp thu chắp vá, nhưng phần chính là do cơ chế giáo dục Việt Nam không có môi trường cho các mô hình giáo dục tiên tiến vận hành để mang lại hiệu quả.
Vậy thì mô hình nào mới đem lại kết quả?
Trước tiên phải nói đến khối lượng và cách phân bổ kiến thức. Theo Giáo Sư Hoàng Xuân Sính, lối học nhồi nhét của Việt Nam ngày nay rất lạc hậu và đi ngược lại sự phát triển trí tuệ của học sinh. Để dễ hiểu, chúng ta có thể ví việc học như một cuộc chạy trường lực. Vào những năm tháng trung, tiểu học, các em chỉ cần học thông, viết thạo, biết tính toán và đặc biệt là để định hình bản thân và chung sống với người khác. Ngoài kiến thức hàn lâm nhà trường còn chú trọng đến việc rèn luyện thể chất và các kỹ năng sống. Tất cả như để chuẩn bị các bước chạy xa trên đại học.
Thứ hai, về nội dung kiến thức. Tại các nước phát triển, nhà nước tạo cơ chế mở và quyền tự chủ, thông thoáng cho các nhà trường. Nhờ vậy, họ phát huy được tối đa tính chủ động, năng lực sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong tự do học thuật cũng như trong xây dựng chiến lược phát triển nhà trường. Trong không gian giáo dục như vậy, người thầy không phải là nhà truyền giáo, áp đặt một chiều kiến thức có sẵn, mà là người bạn đồng hành của học sinh trong quá trình tìm tòi, khám phá tìm ra chân lý.
Chính vì thế nền giáo dục không bị xơ cứng, thoái hóa, lạc hậu với thời gian mà ngược lại luôn sống động tạo ra các sản phẩm là những con người có tư tưởng khai phóng, có tư duy độc lập; có năng lực phản biện và dám phản biện bảo vệ chân lý; luôn chủ động, sáng tạo trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày của bản thân và trong đời sống xã hội. Trên đây là ý kiến của một độc giả đã được đang trên báo điện tử Vietnamnet.
Thứ ba, trả lương xứng đáng cho các thầy cô. Hiện nay, hai ngành có mức lương thấp nhất trong xã hội là sư phạm và nông nghiệp, ngược lại, ngành có mức lương cao nhất là an ninh. Theo một công bố của Bộ GD&ĐT, thì lương khởi điểm của giáo viên trung bình khỏng 3,5 triệu. Sau 18 năm thâm niên, lương tăng 2,4 lần, nghĩa là chỉ bằng lương của một công nhân nhà máy Samsung. Với mức lương bèo bọt này thì các thầy cô khó chu toàn trách nhiệm và dễ dẫn tới các tiêu cực. Hiện có khoảng 1 triệu giáo viên trung, tiểu học. Nếu đồng loạt tăng mỗi người 50 USD/tháng thì tốn 600 triệu USD/năm, nghĩa là chỉ bằng 6% ngân sách giáo dục.
Ba điều trên đây không phải là chướng ngại khó, nhưng sao mãi chúng ta không thể vượt qua? Quả đúng như thế! Rất dễ, nhưng ở Việt Nam thì rất khó, vì:
− Giảm tải cho học sinh ư? Nếu thế thì sách giáo khoa in ra hàng triệu cuốn ai mua? Cho đến nay đã thay sách giáo khoa 3 lần. Có lần Bộ GD&ĐT đã xin một ngân khoản 70 ngàn tỉ, tương đương với 3 tỉ USD chỉ để thay sách! Một con số chóng mặt.
− Loại bỏ các môn vô bổ như “Lịch sử Đảng, Chủ nghĩa xã hội, Kinh tế học Mác Lê, Tư tưởng Hồ chí Minh” và thay vào các môn Đào tạo nhân cách, Khái niệm về Quyền Con Người, Tư duy phản biện… ư ? Người nào đề nghị chắc phải thực sự can đảm hoặc chán sống!
− Loại bỏ các giáo viên yếu, vô kỷ luật ư? Có mà anh bị loại trước không chừng? Chúng là dạng 5C (con cháu các cụ cả).
− Cho đại học quyền tự chủ ư? Được! nhưng cơ sở đảng vẫn phải duy trì và nội dung vẫn do đảng kiểm soát.
Đến đây thì mọi người có lẽ đã hiểu thế nào là sự khác biệt giữa hai nền giáo dục của VNCH và Việt Nam Cộng Sản.
Đến đây thì mọi người có lẽ đã hiểu tại sao Bộ Luật Giáo Dục 2005 nó chi phối đến cuộc sống và chính sách giáo dục của Việt Nam hiện nay.
Đến đây thì mọi người có lẽ đã hiểu rằng chỉ có một cách để cải tổ sâu rộng nền giáo dục nước nhà và đưa đất nước vào một kỷ nguyên mới đó là, xóa bỏ chế độ độc tài để xây dựng một xã hội thực sự nhân bản.
Phạm Minh Hoàng