Ai là “Phật” – ai là “ma”

Dân Trần

Ai đi tu mà không gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì sẽ bị chụp mũ là “tà đạo”, nhưng Giáo hội càng ngày càng tỏ ra là một ổ ma tăng…

Trong lịch sử Phật giáo, chưa từng có thời đại nào mà người ta phải hỏi lại một câu tưởng như đơn giản: “Ai mới là người tu thật sự?” Nhưng ở Việt Nam hôm nay, giữa một nền Phật giáo vốn dĩ nên là chốn nương tựa tâm linh, đang nổi lên nghịch lý: kẻ tu hành khổ hạnh, sống đời giản dị thì bị vùi dập; còn những người ngồi ghế cao, học vị đầy mình, giảng pháp trên YouTube hàng triệu lượt xem, lại cư xử như quan chức – thậm chí còn tệ hơn thế.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), xét trên phương diện pháp lý, là tổ chức tôn giáo duy nhất được nhà nước CSVN công nhận. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là: Tổ chức ấy hiện đang phụng sự đạo pháp, hay đang quản lý đạo pháp? Người dân thấy rõ rằng họ đang hành xử không khác gì một cơ quan nhà nước mang dáng dấp tôn giáo, với hệ thống hành chính chặt chẽ, ban bệ đủ kiểu, công văn đi công văn về như thể họ là một bộ ngành nào đó – chứ không còn là cộng đồng những người tu học.

Tiêu biểu cho lối hành xử đầy quyền lực ấy là những nhân vật như Thích Nhật Từ và Thích Chân Quang – hai vị “thượng tọa” nổi danh trên mạng xã hội với những bài giảng triết lý, ngôn từ hoa mỹ, học hàm học vị hoành tráng, nhưng lại thiếu vắng một thứ căn bản nhất: tinh thần từ bi, vô ngã và bao dung mà Đức Phật Thích Ca đã dạy.

Trong khi Phật dạy “lấy từ bi làm gốc, lấy trí tuệ làm nghiệp”, thì hai vị này lại hành xử theo kiểu “ai không giống ta là tà đạo”. Họ không chấp nhận sự khác biệt. Họ không đối thoại với tinh thần bình đẳng và chân lý. Họ độc quyền quản lý phật tử, độc đoán truyền bá tư tưởng như thể mình là người phát minh ra Phật pháp. Và khi không thể tranh luận bằng lý lẽ hay đạo lý, họ chọn cách sử dụng quyền lực tổ chức để đàn áp, triệt tiêu.

Một minh chứng rõ rệt và đau lòng là trường hợp của Ngài Minh Tuệ – một người không tự xưng là sư, không thuộc biên chế GHPGVN, không giảng đạo bằng micro, không ở chùa lớn hay xe sang, mà chọn con đường khổ hạnh – đi bộ khắp ba miền đất nước, sống nhờ cơm bố thí, ngủ nhờ mái hiên dân nghèo. Ngài không hô hào đạo lý, mà để đạo lý tự thấm qua từng bước chân, từng cách hành xử. Ngài không cần giảng về vô ngã, bởi Ngài chính là hiện thân của sự vô ngã. Và chính vì sự chân thực, giản dị, từ tốn ấy mà Ngài đã lay động hàng vạn trái tim – những người dân bình thường, không học triết lý cao siêu, nhưng biết phân biệt đâu là người tu thật.

Ấy vậy mà Ngài lại bị chính những người mang danh “thượng tọa” công kích thậm tệ. Thích Chân Quang từng công khai chỉ trích Ngài Minh Tuệ là “tà đạo”, là “gây loạn”, mà không cần bất kỳ sự đối thoại hay kiểm chứng nào. Một cách kết luận thiếu đạo lý, thiếu cả tinh thần pháp lý. Còn Thích Nhật Từ thì đi xa hơn, gửi hẳn một văn bản ngoại giao đến tận Sri Lanka – yêu cầu trục xuất đoàn hành hương của Ngài Minh Tuệ. Một lá thư mà nếu xóa tên người gửi đi, chẳng ai nghĩ đó là thư của một nhà sư. Bởi nó chẳng hề mang mùi từ bi, mà toàn ngôn ngữ hành chính, khô cứng, lạnh lùng, loại trừ – thậm chí sặc mùi chính trị.

Một nhà sư thật sự sẽ không gửi công văn để loại bỏ người khác. Một nhà sư thật sự sẽ không “tố cáo” ai ra nước ngoài. Một nhà sư thật sự sẽ hỏi: “Người ấy đang hại ai? Người ấy có gieo ác nghiệp gì chưa? Hay chỉ đơn giản là họ đi con đường khác mình?” Nếu ngay cả một người sống khổ hạnh, yên bình, không tham vọng gì cũng bị quy chụp, vậy thì Phật giáo sẽ còn gì là chốn an trú cho những tâm hồn lạc lối?

Câu chuyện về Ngài Minh Tuệ và cách GHPGVN đối xử với Ngài, không chỉ là câu chuyện của một cá nhân – mà là sự cảnh tỉnh cho toàn bộ hệ thống đang ngày càng rời xa bản chất ban đầu của Phật giáo. Khi chiếc áo cà sa trở thành công cụ quyền lực. Khi pháp tòa trở thành bục diễn thuyết để tôn vinh bản ngã. Khi người ta giảng về vô thường, nhưng bám víu chức danh đến hơi thở cuối cùng. Khi người ta nói về từ bi, nhưng lại trừng phạt kẻ yếu hơn bằng mọi giá.

Người ta thường nói: “Đạo cao một thước, ma cao một trượng”. Nhưng cũng có câu khác sâu sắc hơn: “Chân lý bị vùi lấp, vẫn là chân lý.” Ngài Minh Tuệ không cần phải lên tiếng phản biện, vì từng bước chân của Ngài đã là câu trả lời lớn nhất. Ngài không cần phải chứng minh đạo hạnh, vì từng hành động đã tự chứng minh. Còn những người nhân danh đạo pháp để loại trừ, để thao túng, để triệt tiêu cái khác – thì sớm muộn gì cũng phải đối diện với “Luật nhân quả”.

VNTB