Ảnh: ông bạn Nguyễn Công Hùng, người bạn tôi bị khuyết tật, lúc ở Việt Nam
Người Buôn Gió|
Hôm qua học đến bài về người khuyết tật, mới biết ở Đức có đến 1/3 dân số họ tham gia tình nguyện giúp đỡ những người khuyết tật. Trung bình một tháng mỗi người bỏ ra 16 giờ đồng hồ để giúp đỡ những người khuyết tật, trại dưỡng lão. Họ trò chuyện với người lớn, chơi với trẻ em, dạy trẻ em vẽ, nấu ăn.
Những người tình nguyện làm việc không lương ở Đức đã bỏ ra 46 triệu giờ một năm, họ vẫn đang cần các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị đồng hành và định hướng giúp các nhóm tình nguyện nhỏ. Ở Mainz nhiều sinh viên nghiên cứu về tình nguyên viên và họ nhận được chứng chỉ khi tham gia thực tế tối thiểu 50 giờ, còn ở Nuenberg người ta còn có trao tặng danh hiệu cho tình nguyện viên.
Khi các sinh viên đi làm, việc trong lý lịch của họ có dấu ấn đã từng làm tình nguyện viên giúp đỡ những người khuyết tật, người già, đấy sẽ là một yếu tố rất quan trọng để người ta đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực của họ.
Đến phần giáo viên hỏi về quê hương của bạn, người khuyết tật họ sống thế nào?
Câu hỏi thật khó trả lời, ở Việt Nam mình chỉ biết mỗi trường câm điếc Xã Đàn, hay những hội người mù dạy nghề tẩm quất, vót tăm. Còn đâu thì đầy đường là những người khuyết tật đi bán hàng rong. Thực sự thì ngay cái hội người mù ở Việt Nam cũng có vấn đề, muốn ăn ở học nghề cũng phải có tiền lo lót, ví dụ tiêu chuẩn mỗi địa phương chỉ được hai người học miễn phí, muốn đi học nghề phải chi ngầm cho xã, huyện.
Nói thì bảo nói xấu chế độ nước nhà, bỡ đợ phương Tây.
Thực tình thì tình nguyện viên của Đoàn đi làm phong trào quét đường, trồng cây xanh hay này nọ toàn mục đích quảng cáo chính trị cho đảng. Còn chăm sóc người khuyết tật thì có mấy ai. Lạ hơn nữa là đầy người khoe nhau lên chùa làm công quả, quét chùa, dọn dẹp, trông xe, bán hàng... nhà chùa như một cơ sở kinh doanh, nhưng lại khối người sẵn sàng khoác cái áo nâu hay màu ghi đến xin làm công quả. Một ông sư trụ trì có đến hàng trăm đệ tử sẵn sàng phục dịch từ đi lại, ăn uống đến giấc ngủ. Ngay cả sở thích của ông sư về món đồ hàng hiệu cũng được người ta săn lùng mua hộ hay mua để tặng. Cả một lũ trí thức, phóng viên, nhà báo tự hào khoe nhau hôm nay vừa tháp tùng thầy đi chỗ này, chỗ kia.
Lúc ấy trả lời trước cả lớp là Việt Nam nghèo, người khuyết tật hầu như đều do gia đình chăm sóc hoặc tự chăm sóc bản thân. Xã hội có rất ít tổ chức chăm lo cho người khuyết tật, ở Việt Nam có nhiều người cũng có lòng muốn giúp đỡ những người khuyết tật, tuy nhiên vì ít có trung tâm cho người khuyết tật, nên những người giúp cũng khó có điều kiện để tiếp xúc. Một số họ thì đến nhà người khuyết tật chăm sóc tuỳ theo theo gian họ có, trường hợp này đa phần là như tình cảm bạn bè.
Nói đến đấy mình nghĩ luôn đến ông bạn Nguyễn Công Hùng, mình lôi mớ ảnh mình đi cùng cậu ấy, nói đây là người bạn tôi bị khuyết tật, lúc ở Việt Nam có thời gian rảnh, tôi hay chở con tôi đến chỗ cậu ấy chơi, hai bố con tôi trò chuyện và đưa cậu ấy đi chơi. Những lần như thế cậu ấy rất hạnh phúc. Cậu ấy mở một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, có chỗ ăn, chỗ ở... tôi hàng tuần thường xuyên đến đó xem có việc gì hỗ trợ giúp cho họ. Chẳng hạn như lái xe đưa đi nơi này, nơi kia, đẩy xe lăn, bế bồng... trung bình một tháng tôi đến chỗ những người khuyết tật này 2 ngày, có lúc ngủ lại luôn ở đấy.
Hình ảnh thật, người thật, việc thật bằng vạn lời nói, khi mình đưa ảnh cho cả lớp xem. Mọi người đều nhìn mình bằng con mắt thán phục. Đang học bài như thế, có người thực như thế luôn, làm gì chả ấn tượng.
Tan giờ học, mình ra về, bước chân trên bậc cầu thang, chợt nhìn cái lối đi cho người xe lăn, chạnh lòng bỗng nhớ ở Việt Nam, chẳng biết giờ thế nào, chứ hồi mình còn ở nhà, chưa nhìn thấy toà nhà nào có lối đi như thế cho người khuyết tật ngồi xe lăn.
Người Buôn Gió - nguoibuongio1972.blogspot.com