Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào Tháng Ba, 2018. (Hình: Getty Images)
Phạm Chí Dũng - Người Việt|
Vụ Bãi Tư Chính, xảy ra trong ba năm liên tiếp từ 2017 đến 2019, phải chăng là phép thử của một Trung Quốc tham lam và hiếu chiến không chỉ với Việt Nam mà cả với Mỹ? Và nếu đúng thế, phải chăng mức độ căng thẳng Việt-Trung ở Biển Đông đang và sẽ tỷ lệ thuận với mức độ xung đột trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?
Tuy chưa có thực tế thật rõ ràng để giải đáp cho những câu hỏi trên, nhưng trong quá khứ gần vẫn có một mối dây liên hệ về ý đồ thực sự của Bắc Kinh: Vụ mỏ khí đốt Cá Voi Xanh.
Vì sao ExxonMobil ‘thoát nạn’?
Cá Voi Xanh là dự án khí đốt lớn nhất của Việt Nam, nằm ngoài khơi Quảng Nam-Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối – mà dự kiến khai thác ở mỏ này sẽ đóng góp gần $60 tỷ vào ngân sách Việt Nam, lớn hơn rất nhiều so với con số dự kiến ban đầu là là khoảng $20 tỷ.
Mỏ khí này quan trọng đến mức rất có thể sẽ trở thành một mục, thậm chí tiêu điểm trên bàn nghị sự Donald Trump – Nguyễn Phú Trọng tại Washington trong thời gian tới, nếu chuyến đi Mỹ của ông Trọng không gặp trục trặc gì.
Vào tháng Giêng năm 2017, Tập Đoàn Dầu Khí ExxonMobil của Mỹ đã trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá $10 tỷ để khai thác dầu khí trên Biển Đông với PetroVietnam.
Vài tháng trước Hội Nghị APEC Đà Nẵng 2017, ExxonMobil đã được Hà Nội bật đèn xanh cho việc thông báo chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Khi đó, báo chí nhà nước đã hoan hỉ như thể “sống lại” sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy, 2017 – khi Repsol, công ty liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực này, đã bị vài trăm tàu Trung Quốc bao vây và gây sức ép đến nỗi cuối cùng Repsol phải lặng lẽ rút lui khỏi Bãi Tư Chính, trong lúc toàn thể Bộ Chính Trị lẫn Bộ Quốc Phòng Việt Nam ngậm tăm lẫn ngậm đắng nuốt cay vì “có tiền trong túi mà không lấy được.”
Nhưng tất cả những hoạt động chuẩn bị khai thác đó đã không thoát khỏi cặp mắt soi mói và thèm khát của ‘con sói’ Trung Quốc.
Một biến cố đã xảy ra vào ngày 7 tháng Mười Một, 2017, trùng với thời gian Tổng Thống Trump dự Hội Nghị APEC Đà Nẵng. Khi đó, ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam: Chủ Tịch Liam Mallon của công ty Phát Triển ExxonMobil tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng: “Chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể trước khi triển khai đầu tư chính thức.”
Cũng khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.
Đến tháng Ba, 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ do Bắc Kinh chèn ép, giả thiết trên đã biến thành thực tế và được xác nghiệm một cách sống sượng: vẫn là “đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam” là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.
“Lời đề nghị khiếm nhã” này được nêu ra bởi Ngoại Trưởng Trung Quốc là Vương Nghị ngay tại Hà Nội. Về thực chất, đó là một loại tối hậu thư của Bắc Kinh gửi cho Hà Nội – hành động mang tính bức tử mà đã khiến giới chóp bu Việt Nam, cho dù chẳng chứng tỏ được gì về việc đã thoát khỏi cái mớ bùng nhùng đu dây và còn chẳng dám hé răng phản đối “đảng anh,” cuối cùng cũng đã phải quyết định than thở ngoài hành lang “Trung Quốc dồn Việt Nam vào chân tường rồi!” – như tán thán của một viên tướng quân đội Việt Nam.
Tình hình trên nằm trong bối cảnh Bắc Kinh vừa cho vẽ lại “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà đã “liếm” đến 67 lô dầu khí – một phần rất lớn trong tổng số các địa chỉ dầu mỏ của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó đặc biệt là khu vực Bãi Tư Chính với mỏ Cá Rồng Đỏ tiềm năng, và cả mỏ Lan Đỏ không kém tiềm năng – nơi được liên doanh giữa Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam với Tập Đoàn Dầu Khí Rosneft của Nga.
Ba tháng đầu năm 2018 cũng là khoảng thời gian bắt đầu manh nha chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, để một thời gian ngắn sau đó cuộc chiến này bùng nổ và gây chao đảo nền kinh tế Trung Quốc, khiến đảo lộn chiến lược phát triển kinh tế của chế độ này và càng làm Tập Cận Bình cay cú trước hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.
Nhưng trái với sức ép của Bắc Kinh, hiệu ứng phản ứng ngược chiều đã xảy ra: Bộ Chính Trị Việt Nam – dù vẫn bị xem là “văn dốt võ dát,” từ đầu năm 2018 đã vội vã nhích sang phía Tây, thay cho thế bị cột chặt vào phương Bắc. Cơ chế “giao lưu quốc phòng” Việt-Mỹ được đẩy mạnh hơn hẳn – công khai và không công khai.
Lần đầu tiên từ năm 1975, một hàng không mẫu hạm có tên USS Carl Vinson được giới tướng lĩnh Mỹ-Việt đồng ý cho hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng Ba, 2018 – như một thông điệp bảo vệ cho ExxonMobil và tương lai khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Cùng lúc, cố vấn an ninh của Tổng Thống Trump là John Bolton lên tiếng cứng rắn “Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không.”
Những hành động công khai trên, cùng với những hoạt động mang tính thống nhất giữa Mỹ và Việt Nam nhưng không công khai, đã dẫn tới kết quả là ExxonMobil có một số phận tươi hồng hơn hẳn thân phận hẩm hiu của đối tác Repsol, Tây Ban Nha. Cho tới nay, ExxonMobil vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch vừa thăm dò dầu khí vừa chuẩn bị khai thác tại mỏ Cá Voi Xanh dưới sự bảo trợ của lực lượng hải quân Mỹ.
Những dĩ nhiên, thái độ thản nhiên và thách thức đó càng khiến Trung Quốc cay cú và muốn trả đũa.
Phép thử Bãi Tư Chính
Hành động trả đũa của Trung Quốc đối với Mỹ là điều chắc chắn, đã được nhiều chuyên gia phân tích quốc tế dự đoán, đã trở thành hiện thực không chỉ trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ mà còn ở khu vực xung quanh cuộc chiến này, trong đó Bãi Tư Chính là một tiêu điểm và cũng là một phép thử mà Trung Quốc muốn tung ra để xem phản ứng của Washington đến mức nào.
Bởi thế, có thể cho rằng mức độ căng thẳng Việt-Trung ở Biển Đông đang và sẽ tỷ lệ thuận với mức độ xung đột trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Cần chú ý về sự trùng hợp của các thời điểm: cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã thất bại vào tháng Năm, 2019, và ngay sau đó Tổng Thống Trump lần đầu tiên ra đòn choáng váng khi quyết định tăng thuế lên $300 tỷ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Vài tuần lễ sau đó – đầu tháng Sáu , 2019, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch gây hấn tại mỏ Lan Đỏ, và đến đầu tháng Bảy thì chiến dịch này lan mạnh sang Bãi Tư Chính, đồng thời trả đũa Mỹ bằng cách tăng thuế lên hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, và lần đầu tiên trong một thập niên đánh tuột giá trị của đồng Nhân dân tệ xuống dưới 7 NDT đổi được $1.
Đến lúc này, đã có thể xác định rằng với chiến dịch gây sức ép lên Bãi Tư Chính, Trung Quốc bộc lộ ý đồ không chỉ buộc Việt Nam phải chia đôi tài sản dầu khí khai thác được, không chỉ gây áp lực buộc “Tổng Tịch” Nguyễn Phú Trọng phải nhượng bộ những yêu sách về chính trị và dầu khí trước hoặc trong chuyến đi Washington – có thể diễn ra vào tháng Mười, 2019, mà còn muốn gián tiếp trả đũa Mỹ về cuộc chiến thương mại và “nắn gân” Mỹ về thái độ và hành động hỗ trợ Việt Nam tại Bãi Tư Chính, cùng đe dọa cả dự án Cá Voi Xanh mà Bắc Kinh còn lâu mới lãng quên.