"Chỉ xin lưu ý mọi người là tại hầu như tất cả các nước có nền chính trị độc tài, trước khi độc tài sụp đổ, phe đối lập đều rất yếu, chia rẽ, đánh nhau loạn xạ. Thậm chí ở một vài nước Đông Âu trước thời điểm chuyển đổi, lực lượng đối lập gần như không tồn tại."
Cuộc khủng hoảng toàn diện (kinh tế-chính trị-xã hội) ở Venezuela được cho là bắt đầu từ giữa năm 2010 khi Tổng thống lúc đó là Hugo Chavez tuyên bố đất nước rơi vào tình trạng “chiến tranh kinh tế”. Có nghĩa là thực chất, khủng hoảng có thể đã bắt đầu sớm hơn thế.
Biểu tình đã diễn ra liên tục trong suốt những năm qua, có những cuộc biểu tình lên đến hàng vạn người. Vậy mà nhà nước độc tài vẫn yên vị. Điều này được một số nhà phân tích Việt Nam giải thích là do lực lượng đối lập ở Venezuela quá yếu, gần như không thách thức được độc tài, không tập hợp được quần chúng (dù lòng dân đã rất bất mãn). Thế nên dân xuống đường biểu tình đã tới hàng vạn người mà chính quyền vẫn chẳng hề lung lay.
Đầu năm nay, tức là sau gần một thập niên khủng hoảng, Tổng thống Nicolás Maduro bị Quốc hội phế truất và xuất hiện gương mặt đối lập – Tổng thống lâm thời Juan Guiado, thuộc đảng Dân Ý.
Đến lúc này, lại không thấy giới phân tích nói gì về việc “phe đối lập quá yếu” nữa.
Hiện tượng đó gợi cho tôi nhớ đến một câu đùa về nghề bình luận viên bóng đá: Đó là nghề mà trước trận đấu thì khẳng định đội A sẽ thắng đội B vì lý do XYZ, sau trận đấu (với thất bại thuộc về A) thì hùng hồn nhấn mạnh A đã thua chính vì lý do ấy.
* * *
Đùa chút vậy, mong không ai giận.
Chỉ xin lưu ý mọi người là tại hầu như tất cả các nước có nền chính trị độc tài, trước khi độc tài sụp đổ, phe đối lập đều rất yếu, chia rẽ, đánh nhau loạn xạ. Thậm chí ở một vài nước Đông Âu trước thời điểm chuyển đổi, lực lượng đối lập gần như không tồn tại.
Nói như thế tất nhiên không phải để khuyến khích sự chia rẽ, đả phá lẫn nhau trong phong trào dân chủ Việt Nam, mà chỉ để (hy vọng) mọi người có cái nhìn tích cực hơn về thực tế đấu tranh chính trị ở mọi quốc gia. Đó là một công việc rất khó khăn, và đối với người đấu tranh, nhiều khi, vượt qua nỗi sợ không phải là vấn đề, mà vượt qua… nỗi chán mới là vấn đề.