Bản tin tổng hợp về biến cố Afghanistan

A Phú Hãn thất thủ, Tổng Thống Ghani bỏ trốn, Taliban chiếm dinh tổng thống, TT Biden điều thêm 7.000 quân để bảo vệ cuộc di tản vào giờ phút cuối cùng

Thứ Hai 16/08/2021

Sự sụp đổ bất ngờ và nhanh chóng của chính quyền Afghanistan (A Phú Hãn) đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Chỉ trong vòng vài ngày, các vùng đất quanh thủ đô Kabul đã lần lượt rơi vào tay Taliban. Đúng 20 năm sau ngày lực lượng này bị quân đội Mỹ đánh đuổi vì đã tiếp tay cho khủng bố Al-Qaeda ẩn náu và thực hiện cuộc tấn công đẫm máu vào Mỹ ngày 11/9/2001, Taliban đã tái chiếm A Phú Hãn một cách dễ dàng trong mấy ngày qua.

Trước sự tiến quân thần tốc của lực lượng Taliban - hiện đã chiếm đóng phủ tổng thống A Phú Hãn từ tối ngày hôm qua (15/8), Tổng thống Mohammad Ashraf Ghani Ahmadzai của A Phú Hãn đã đột ngột đào thoát hôm 15/8 dù mới hôm trước còn phủ dụ người dân yên tâm vì các lực lượng an ninh đã được điều phối để bảo vệ thủ đô. Không ai biết ông hiện đang ở đâu, nhưng đã đưa ra một thông báo giải thích lý do tại sao ông không ở lại, là vì muốn tránh cho quốc gia một cuộc đổ máu. Bà đại sứ của A Phú Hãn tại Mỹ cho biết ông bị áp lực phải từ nhiệm của Taliban.

Trước đột biến của tình hình, Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu ra lệnh gởi thêm 3000 quân tới hỗ trợ cho cuộc di tản, hôm sau thứ Bảy (14/8) tăng thành 5.000 quân, Chủ nhật tăng thành 6,000 quân và thứ Hai thành 7000 quân để bảo vệ người Mỹ và những cộng sự viên A Phú Hãn rời Kabul. Hàng ngàn quân Mỹ hiện đã có mặt tại phi trường Kabul nơi hàng ngàn những khuôn mặt lo âu đang dồn về để mong được di tản tới vùng trời bình yên, nhiều người A Phú Hãn đã rủ nhau chạy bộ tới phi trường. Tình trạng hỗn loạn khiến quân đội Mỹ đã phải bắn súng chỉ thiên để vãn hồi trật tự. Đã có tin một số người thiệt mạng tại phi trường.

Chính quyền Biden bị chỉ trích mạnh mẽ trước cuộc triệt thoái hoảng loạn

Dư luận và truyền thông đã lên tiếng phê bình gắt gao cuộc tháo chạy đáng xấu hổ của một cường quốc. Ngay cả những người ủng hộ ông Biden cũng chê trách và đặt câu hỏi: tại sao chính phủ Mỹ lại có thể để cho tình trạng “nước rút” xảy ra hỗn loạn như vậy, một sự thất bại về tổ chức, tình báo hay quân sự?

Tướng Lục quân về hưu David Petraeus hôm 13/8 đã gọi tình hình tại Afghanistan là “bước lùi an ninh quốc gia to lớn”.

“Những người đã đưa ra quyết định đó phải chịu trách nhiệm về nó và những hậu quả của nó”, ông Petraeus nói với đài phát thanh WABC về kế hoạch rút lính Mỹ của Tổng thống Biden. Ông nói thêm rằng tình hình tại Afghanistan là “thảm kịch và đáng tiếc”.

Cựu Tổng thống George W. Bush cũng đã lên tiếng chỉ trích các chính sách về Afghanistan của chính quyền Biden.

“Tôi lo ngại những phụ nữ và bé gái tại Afghanistan sẽ phải chịu tổn hại khôn xiết” sau khi lính Mỹ rời Afghanistan, cựu tổng thống của Đảng Cộng hòa nói vào tháng trước. “Thật không thể tin được xã hội đó sẽ thay đổi ra sao từ sự tàn bạo của Taliban”.

Một loạt các cựu quan chức thời Obama hôm thứ Năm 12/8 đã lên tiếng chỉ trích rằng Tổng thống Biden đã quay lưng lại với chính phủ Afghanistan, làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới và tặng không Afghanistan cho Taliban.

Biện hộ

Trước làn sóng chỉ trích, TT Biden đã lên tiếng qua một thông báo, đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump đã giúp Taliban mạnh lên. Ông tuyên bố động thái điều quân thêm là cần thiết sau khi ông phải thừa hưởng một tình huống mong manh từ chính quyền trước vì ông Trump đã ký thỏa thuận với Taliban năm 2019, giúp lực lượng này có được vị thế quân sự mạnh mẽ, và làm giảm nhuệ khí chiến đấu của quân đội A Phú Hãn.

“Ông ta đã mời Taliban đến Trại David để họp bàn ngay trước đêm tưởng niệm biến cố 11/9, điều đó đã giúp cho Taliban có được vị thế quân sự mạnh mẽ nhất kể từ năm 2001 và ông ta đã đặt ra hạn chót rút lính Mỹ vào ngày 1/5/2021. Ngay trước khi rời nhiệm sở, ông [Trump] cũng đã giảm sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Afghanistan xuống con số rất thấp - 2.500 quân”, ông Biden nói trong tuyên bố.

“Khi tôi trở thành Tổng thống, tôi đã phải đối mặt với sự lựa chọn: tuân thủ thỏa thuận [với Taliban] hoặc tăng cường sự hiện diện của chúng ta [tại Afghanistan], điều thêm lính Mỹ tới tiếp tục chiến đấu trong một cuộc nội chiến… Tôi là Tổng thống thứ tư chỉ huy đội quân Mỹ tại Afghanistan, gồm 2 tổng thống Đảng Cộng hòa và 2 tổng thống Đảng Dân chủ. Tôi không muốn và sẽ không chuyển tiếp cuộc chiến này cho vị tổng thống thứ năm”.

Cựu Tổng thống Trump không im lặng

Cựu Tổng thống Trump hôm 13/8 đã phát đi tuyên bố nói rằng “Tôi chắc hẳn sẽ thực hiện rút quân với nhiều khác biệt và thành công hơn, và Taliban đã hiểu điều đó hơn ai hết.”

Ông chỉ trích các quyết định của Tổng thống Biden về Afghanistan, cho rằng tổng thống Mỹ đương nhiệm yếu kém và không thể thể hiện được sức mạnh trước các lãnh đạo Taliban.

Dân biểu Cộng Hòa Liz Chenny đã lên tiếng cho rằng cả hai ông Trump và Biden đều phải chịu trách nhiệm về cuộc rút lui thất bại này.

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Afghanistan Ryan Crocker do cựu TT Bush bổ nhiệm đã cáo buộc ông Trump tạo ra tình cảnh hiện nay

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm 12/8 trên CNN, ông Crocker đã đổ lỗi cho cựu Tổng thống Trump giúp gia tăng sức mạnh của Taliban, đồng thời làm yếu đi chính phủ của TT Ghani.

Ông Trump đã lên kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo Taliban và tổng thống A Phú Hãn tại Trại David vào năm 2019, ngay trước thềm tưởng niệm biến cố 9/11. Bị chống đối mạnh, ông Trump đã hủy cuộc họp ở Camp David, sau đó cho người đại diện Mỹ gặp Taliban ở Qatar vào tháng 2/2020 để ký thỏa thuận. Cuộc họp không những không có đại diện từ chính phủ Afghanistan, mà còn buộc chính phủ Ghani phải có một số nhượng bộ nhất định đối với Taliban. Ông Crocker tin rằng chính thỏa thuận này đã đẻ ra tình hình hiện nay.

"Theo quan điểm của tôi, chúng ta chịu trách nhiệm lớn về việc này. Bắt đầu dưới thời Tổng thống Trump khi ông cho phép các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban mà không có chính phủ Afghanistan trong phòng họp. Đó là một đòi hỏi quan trọng của Taliban. Chúng ta đã tham gia đồng thuận, và đó là một yếu tố làm mất tinh thần rất lớn đối với chính phủ Afghanistan và lực lượng an ninh của họ", ông Crocker nói.

"Chúng ta đã áp lực chính phủ A Phú Hãn phải thả 5.000 tù nhân Taliban. Cuối cùng họ đã làm điều đó, và chứng kiến bọn người này quay về chống lại những người đã thả họ ra. Đây là một năm rưỡi của sự mất tinh thần."

Trong một phát biểu về A Phú Hãn vào năm ngoái, ông Trump cho rằng Taliban chỉ còn chưa tới 200 quân. Việc thả 5000 tù nhân theo yêu cầu của Taliban là một hành động dựng lại sức mạnh cho lực lượng này.

Cựu Đại sứ Crocker tin rằng Việc Mỹ rút quân khỏi A Phú Hãn theo thỏa thuận năm 2020 với Taliban, có nghĩa là chấm dứt các lực lượng Afghanistan.

"Bây giờ sự rút lui đột ngột này từ phía chúng ta, càng củng cố thỏa thuận với Taliban.” Ông Crocker kết luận: “Giống như bất kỳ một sự việc phức tạp nào, có một số lý do cho sự sụp đổ của các lực lượng Afghanistan, nhưng chúng ta không thể bỏ qua rằng chúng ta đóng vai trò chính trong việc xóa đi quyền lực chính thống của chính phủ và quân đội của họ".

Khi Taliban tiếp tục chiếm được các thành phố lớn với dường như ít hoặc không có sự kháng cự nào, ông Crocker nhắc lại rằng thất bại có thể truy nguồn từ thỏa thuận hòa bình với Taliban.

"Tất nhiên, chúng ta là nguồn chống lưng lớn của chính phủ A Phú Hãn và lực lượng an ninh. Biểu tượng rất đáng kể, và hình ảnh rút quân hoàn toàn của quân đội Mỹ tác hại vô cùng", ông Crocker nói. "Chuyện này không xảy ra qua đêm. Quá trình mất tinh thần này, bắt đầu ngay ngày đầu tiên chúng ta ngồi xuống với Taliban và loại trừ chính phủ Afghanistan".

Trong một cuộc phỏng vấn của CNN ngày 15/8, bà Adela Raz , đại sứ của chính quyền Ghani tại Mỹ, đã chia sẻ nhận định tương tự về cuộc sụp đổ tưởng như quá bất ngờ và nhanh chóng của chính quyền A Phú Hãn, nhưng thực chất là từ khi Mỹ bỏ rơi họ với cuộc thương lượng và ký kết thỏa thuận với Taliban đã khiến chính phủ và quân đội A Phú Hãn mất tinh thần. Bà cũng trách cứ ông Biden đã rút quân quá nhanh mà không có một biện pháp hỗ trợ cho một cuộc chuyển giao hòa bình có điều kiện, bắt Taliban cam kết không tạo ra đổ máu, không giết hại phụ nữ và con trẻ.

Cuộc chiến dài nhất của Mỹ sau 20 năm, với hơn 2 ngàn tỷ Mỹ kim, 2.448 quân nhân và 3.846 cộng sự viên thiệt mạng đã kết thúc trong thảm bại và hỗn loạn, khiến hình ảnh vốn đã xấu đi của Mỹ trên trường quốc tế càng trở nên tồi tệ và ảnh hưởng không ít tới niềm tin của thế giới vào đồng minh Hoa Kỳ./.

TDC