Georgia cũng đã chuyển xanh, coi như con đuờng trở lại vương quyền của Trump cũng khó như con đường trở về của Tào Tháo qua Hoa Dung Đạo.
Cơn đại dịch đã tước đi tất cả bao nhiêu súng ống đạn dược Trump dành dụm được trong 4 năm qua để đến khi bước vào cuộc đấu Trump phải lấy tay không che đạn. Không có một nền kinh tế mạnh để chống lưng cộng với một thành tích chống dịch tệ hại, một xã hội nóng hừng hực với những vụ cảnh sát bắn người cùng biểu tình bạo loạn cướp bóc đốt phá, một tương lai còn mờ mịt cho nền kinh tế khi chưa biết khi nào mới có thể làm ăn một cách bình thường. Toàn những điều khiến Trump phải đứng ở thế phải chống đỡ trong khi đối thủ thì dư dả đạn dược để bắn.
Có ý kiến cho rằng người Mỹ đã không đi bầu vì yêu Biden nhưng đi bầu vì quá ghét Trump, điều đó có thể đúng. Cứ coi tiểu bang Arizona vốn bao đời nay bầu cho cộng hòa vậy mà lần này đã bầu cho dân chủ thì biết lòng người đã đổi.
Mỗi một công dân khi đi bầu mang một ước nguyện riêng. Người thì mong chính phủ giảm thuế, nới lỏng quy định để dễ làm ăn, kẻ mong chính phủ rộng lượng trong vấn đề an sinh xã hội, trợ cấp, bảo hiểm sức khoẻ...vv chẳng hạn như người Mỹ gốc Việt mình thì mong muốn một nước Mỹ mạnh tay với Trung Cộng đặng nó bớt chèn ép dân mình nhưng người Mỹ gốc Tàu thì hẳn nhiên mong muốn điều ngược lại. Người Mỹ trắng bản xứ không muốn Mỹ tiếp tục mở rộng vòng tay với người dưng kẻ lạ nhưng với những người Mỹ gốc Nam Mỹ thì lại muốn hàng rào được dỡ bỏ để gia đình họ có thể gặp nhau.
Bầu cử luôn là một cuộc chơi không hoàn hảo bởi cho dù kết quả có thế nào thì cũng có gần một nửa đất nước cảm thấy thất vọng. Nhưng biết làm sao khi đó lại là cách thức tốt nhất hiện nay mà con người có thể nghĩ ra để tìm kiếm người lãnh đạo cho mình. Năm 2016 tôi đã nằm trong số những người thất vọng và có lẽ lần này lại tiếp tục nằm trong số đó. Thằng bạn thân hôm qua chọc ghẹo bảo rằng muốn biết người nào thất cử thì chỉ cần hỏi thằng Thức nó bầu cho ai là biết liền. Dĩ nhiên khi người mình lựa chọn không trúng cử thì cũng hơi "buồn năm phút" nhưng tôi vốn là người thích quan tâm nhiều hơn đến những gì lâu dài. Tôi quan tâm đến một nền dân chủ đã 244 năm và dĩ nhiên trong 244 năm đó, Clinton, Trump hay bất cứ vị tổng thống Mỹ nào khác nữa cũng chỉ là một trong rất đông những người xuất chúng được lựa chọn nhờ vào cái nền móng dân chủ đã 244 năm này.
Cái nền các bạn à, cái khung, cái sườn, cái sân chơi mới là thứ quan trọng hơn nhiều. Tạo dựng được một sân chơi công bằng mới là thứ cần để tâm đến bởi một khi ta có được một một cái nền dân chủ vững chắc thì lo gì nhân tài không xuất hiện, không người này thì cũng người khác thôi.
Mang cái suy nghĩ đó nên năm 2016 khi ông Trump thắng cử dù có người tuyên bố "ông ấy không phải là tổng thống của tôi" thì tôi vẫn xem ông ấy là tổng thống của tôi dù tôi đã không bầu cho ông ấy. Lần này hẳn nhiên cũng sẽ không ngoại lệ, ai được tuyên bố thắng cử thì người đó sẽ là vị tổng thống của tôi.
Biết chấp nhận kết quả dù nó có trái ý mình cũng là một phần của luật chơi. Bởi sẽ không có một nền dân chủ nào có thể được tạo dựng bởi những con người lúc nào cũng muốn người thắng phải là mình, càng không có một nền dân chủ nào có thể được tạo dựng bởi những người cứ hùng hục lao vào chửi rủa nhục mạ những ai khác ý mình bằng những ngôn từ khó nghe nhất.
Vậy đi, nước Mỹ sẽ vẫn là nước Mỹ bất kể người nào thắng trận này.
Hẹn 4 năm sau chơi tiếp, giờ bắt tay nhau đi là vừa bởi phiếu cũng đã đếm gần xong.