Radio Chân Trời Mới (Thanh Thảo): Trên trang website của Cục Hải sự Quốc gia Trung Quốc cho biết là từ ngày 6 đến 15 tháng 5, Bắc Kinh sẽ đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại biển Đông. Hiện nay giàn khoan HD 981 đang hoạt động tại giếng Lăng Thủy, nằm trong thành phố Tam Á, thủ phủ tỉnh Hải Nam. Theo giới chức Trung Cộng thì sau ngay 15/5 họ sẽ kéo giàn khoan HD 981 vào sâu trong lãnh hải quốc tế nhưng chưa biết đi đâu.
Trong lúc Bắc Kinh cho xuất hiện giàn khoan HD 981 tại biển Đông thì Ủy ban Đối Ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ đã mở cuộc điều trần về “Bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”, với phần trình bày của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông David Shear nay là Trợ Lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Phụ Trách An Ninh Á Châu Thái Bình Dương. Phía CSVN đã lên tiếng hoan nghênh cuộc điều trần.
Một năm trước đây giàn khoan HD 981 đã làm thay đổi cục diện chính trị rất lớn ở biển Đông. Đúng 1 năm sau, giàn khoan HD 981 đang trở lại và sẽ tạo ra những thay đổi gì, xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.
Thanh Thảo: Trước hết, tuần qua có hai sự kiện: Thứ nhất là CSVN hoan nghênh việc Ủy ban Ngoại giao Thượng viện tổ chức điều trần về biển Đông. Thứ hai là ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết là Hoa Kỳ sẽ đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng bằng những nghi thức cao nhất trong chuyến thăm Hoa Kỳ sắp diễn ra vào cuối tháng năm này. Những chỉ dấu tích cực trong quan hệ Việt-Mỹ này mang ý nghĩa gì?
Lý Thái Hùng: Hai sự kiện mà chị vừa đề cập theo tôi là những chỉ dấu tích cực từ phía Hoa Kỳ muốn cho CSVN thấy là Hoa Thịnh Đốn mong muốn mở rộng sự hợp tác với Hà Nội.
Thứ nhất, đây có thể coi như hai món quà mà Hoa Kỳ đã gửi đến CSVN để khích lệ Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn đang chuẩn bị lên đuờng đến Mỹ. Sở dĩ gọi là món quà đặc biệt là vì Tuyên bố của đại sứ Ted Osius đã giúp cho Hà Nội bớt lo âu về nghi thức đưa đón ông Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ.
Thứ hai, chứng tỏ với dư luận quốc tế rằng, Hoa Kỳ đặt sự kỳ vọng vào CSVN rất nhiều và đang muốn kéo CSVN đến gần với Hoa Kỳ như Phi Luật Tân, Nam Dương để mở rộng những hợp tác từ kinh tế, chính trị đến an ninh quốc phòng, nhằm giảm bớt các chi phối từ Trung Quốc.
Thứ ba, Hoa Kỳ hy vọng phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ phải có những đáp lễ mà cụ thể nhất là vấn đề thả một số tù nhân lương tâm đang bị bắt giữ như Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức. CSVN biết rất rõ là dư luận Hoa Kỳ quan tâm về vấn đề này và cần phải đáp lễ.
Nói tóm lại, những sự kiện chính trị xảy ra nói trên, tất cả là để hâm nóng và tạo sự chú ý của dư luận về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng.
Thanh Thảo: Phía CSVN lên tiếng chính thức qua phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Bộ ngoại giao CSVN hôm 14/5 là hoan nghênh Hoa Kỳ trong nỗ lực duy trì hòa bình trên biển Đông. Tại sao Hà Nội lại lên tiếng hoan nghênh về cuộc điều trần này thưa ông?
Lý Thái Hùng: Sau vụ giàn khoan HD 981, Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển Đông. CSVN thấy rõ đây là một nguy cơ nhưng khả năng của chính Hà Nội và nhất là khả năng của Khối ASEAN không thể đối đầu hay thương thảo.
Phái đoàn của ông Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Trung Quốc hôm đầu tháng 4/2015 cũng không giải quyết được gì mặc dù không dám làm điều gì trái ý phương Bắc. Càng ngày, Tập Cận Bình càng lộ rõ ý đồ loại Hoa Kỳ ra khỏi biển Đông, với những hành động bá quyền như cho tập trận trên các bãi đá vừa lấp cát mở rộng thành khu quân sự, hay mới đây tuyên bố sẽ có thể thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông (ADIZ).
Trước bối cảnh như vậy, CSVN đã hoan nghênh việc Ủy Ban Ngoại giao Thượng viện Hoa Kỳ tổ chức cuộc điều trần - tuy dưới chủ đề “Bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”, nhưng có tác động tích cực lên tình hình Việt Nam - vì hai lý do sau đây:
Thứ nhất là qua những nội dung điều trần, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông David Shear đã phân tích về tình trạng bồi lấp, mở rộng đảo, đá của Trung Cộng đang đe dọa an ninh trong vùng. Ông David Shear cho rằng những quốc gia liên hệ tới biển Đông đều có những nỗ lực lấp, bồi đảo theo nhu cầu phòng thủ riêng; nhưng đối với Trung Cộng thì có mục đích xây dựng những căn cứ để kiểm soát biển Đông.
Theo ông David Shear thì từ năm 2014, Trung Cộng đã lấn ra biển ở khu vực Trường Sa đến 2 cây số vuông. Bắc Kinh sẽ kết hợp chủ trương “đường lưỡi bò” cùng với các căn cứ quân sự đang xây dựng trên những vùng biển này để tiến đến việc xác lập quyền kiểm soát biển Đông. Nói cách khác là Hoa Kỳ đã tố cáo Trung Cộng đang bành trướng lãnh thổ ở trên biển.
Thứ hai là nội dung điều trần của ông Daniel Russel, Trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã khẳng định là Hoa Kỳ phải có nhiệm vụ ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc vì quyền lợi của Hoa Kỳ ở khư vực này. Ông Daniel Russel cũng cho rằng, Hoa Kỳ phải thiết lập quan hệ tốt với khối các quốc gia có liên hệ trực tiếp tới Biển Đông ở Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và phối hợp với đồng minh như Nhật, Úc Châu để gìn giữ hòa bình ở khu vực này.
Qua những phát biểu của ông Daniel Russel, Hoa Kỳ đã không hành động một mình mà lôi kéo các nước đồng minh và những quốc gia vùng biển Đông để cùng hợp tác gây áp lực lên Trung Cộng.
Qua hai nội dung nói trên, CSVN không thể không lên tiếng hoan nghênh. Lý do dễ hiểu là đã giúp cho CSVN có chỗ núp an toàn để tiếp tục khẩu hiệu mà ông Nguyễn Tấn Dũng nêu ra vào đầu năm nay trong đối sách với Trung Cộng là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Thanh Thảo: Ngày 15/5 vừa qua, hai Bộ trưởng quốc phỏng CSVN và Trung Cộng đã gặp nhau tại cửa khẩu Lào Cai để tham dự giao lưu về quốc phòng biên giới giữa hai nước. Trong thời gian đó, Cục Hải Sự Quốc Gia Trung Quốc cho kéo giàn khoan HD 981 vào sâu trong biển Đông và có thể trở lại vị trí cũ cách nay 1 năm. Ông nhận định về sự kiện này ra sao thưa ông?
Lý Thái Hùng: Như tôi vừa trình bày chính chủ trương ba phải “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” của lãnh đạo CSVN đối với Trung Cộng, mới sinh ra những sự kiện như chị đề cập.
Nói cách khác là trên mặt ngoại giao, Hà Nội chiến đấu bằng võ mồm. Trên mặt quốc phòng thì tổ chức giao lưu thân hữu để đáp ứng khuôn khổ “16 Vàng, 4 Tốt”.
Những sự kiện nói trên dẫn đến 3 điều nguy hiểm cho Việt Nam.
Thứ nhất là Bắc Kinh đã nắm được yếu điểm của Hà Nội là phe quân đội không dám hành động và sẵn sàng thỏa hiệp. Tức là quân đội CSVN dưới sự lãnh đạo của Phùng Quang Thanh đã tự giải giới. Ông Thanh đã từng tuyên bố vụ HD 981 chỉ là những “xích mích” trong gia đình. Khi quân đội tự giải giới như vậy thì chúng ta không thể trông mong gì họ vào việc bảo vệ biển đảo.
Thứ hai là những tiếp cận của lãnh đạo CSVN với Hoa Kỳ để mua vũ khí sát thương, hay những cộng tác cứu hộ trên biển đều không nhằm phục vụ lợi ích cho người dân và đất nước Việt Nam mà chỉ là cơ hội để bòn rút tiền bạc của công thành của tư. Khi không có ý chí chống Trung Quốc, việc tân trang vũ khí sát thương cho quân đội chỉ để làm kiểng mà thôi.
Thứ ba là người dân và thành phần chống xâm lược Trung Quốc trong nội bộ CSVN sẽ không ngồi yên mà sẽ hành động theo đà bành trướng của Bắc Kinh. Do sức ép của Trung Cộng, Hà Nội sẽ gia tăng đàn áp, khống chế bạo lực để không cho phong trào chống Trung Cộng bùng nổ. Đây là những diễn biến tiêu cực, gây ra những khó khăn cho phong trào dân chủ bây giờ và tương lai.
Nói tóm lại, hai sự kiện trái nghịch mà chị đề cập bên trên, là những điều mà lực lượng dân chủ phải quan tâm rọi đèn càng sớm, càng nhanh càng tốt để ngăn chận những biến thái nguy hiểm cho công cuộc đấu tranh.
Thanh Thảo: Dựa trên những phân tích mà ông vừa chia xẻ thì nhìn lại một năm qua, giàn khoan HD 981 đã có những tác động chính trị ra sao lên tình hình Việt Nam?
Lý Thái Hùng: Theo tôi, vụ giàn khoan HD 981 đã làm thay đổi tình hình chính trị tại Việt Nam trên ba phương diện chính sau đây.
Thứ nhất là lãnh đạo CSVN không còn coi Trung Cộng là chỗ dựa an toàn. Tuy họ đưa ra chủ trương ba phải “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” mang tính câu giờ vì chưa biết chọn lựa như thế nào nhưng chính điều này đã làm cho thượng tầng không còn là khối thống nhất. Từ đó đã phát sinh ra hai khuynh huớng bám Trung và thoát Trung tranh giành nhau ảnh hưởng trong nội bộ. Vì sự đấu đá chưa phân thắng bại nên cả nhóm chấp nhận khẩu hiệu “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” là vì vậy.
Thứ hai là người dân và các đảng viên đảng CSVN hơn bao giờ hết đã nhìn thấy rõ lãnh đạo CSVN là một tập đoàn hèn nhát và nô lệ. Những bài viết, phát biểu được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội, các kiến nghị và cả những tờ rơi đuợc rải ở nhiều nơi tại Việt Nam cho thấy quảng đại quần chúng đã thấy rõ bản chất yếu hèn của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội.
Thứ ba là Cộng sản Việt Nam trở thành một mắc xích quan trọng trong liên minh mà Hoa Kỳ và những đồng minh của Hoa Kỳ gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Úc Châu hình thành để ngăn chận sự trổi dậy của Trung Cộng. Vì thế mà CSVN ở vào thế đu dây và sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong giai đoạn trước mặt.
Thanh Thảo: Với những viễn cảnh chính trị phức tạp như vậy, theo ông đường lối ngoại giao đu dây cùa Hà Nội sẽ ra sao trong thời gian tới?
Lý Thái Hùng: Khó ai có thể biết được tương lai của đường lối ngoại giao này vì hai lý do:
1/ Lãnh đạo CSVN với đường lối ba phải “vừa đấu tranh vừa hợp tác” với Trung Quốc cho thấy là họ vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ phía Bắc Kinh. Cách đu dây của Hà Nội trong thực tế mới chỉ là những dọ dẫm phản ứng của Bắc Kinh.
2/ Hoa Kỳ và cả Nhật Bản không dễ dàng chấp nhận để cho CSVN chơi trò bắt cá hai tay khi mà Hoa Kỳ đang muốn gia tăng áp lực để ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng ở biển Đông. Trong thời gian qua, Hoa Kỳ và Nhật Bản chưa quan tâm mấy về thái độ của Hà Nội đối với Bắc Kinh; nhưng trong thời gian tới khi mà Bắc Kinh thành lập xong các căn cứ quân sự và tung ra vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông thì Hoa Kỳ sẽ buộc CSVN chọn một trong hai.
Với những viễn cảnh nói trên tôi nghĩ rằng CSVN khó thành công trong chính sách đu dây và họ sẽ phải trả một giá rất đắt cho những bước đi thủ lợi khập khễnh này.
Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.
Nguồn: RadioCTM